Hơn 300,000 người nước ngoài đăng ký dự Ngày Quốc Tế giới trẻ tại Ba Lan

Hơn 300,000 người nước ngoài đăng ký dự Ngày Quốc Tế giới trẻ tại Ba Lan

CRACOVIA. Cho đến nay đã có hơn 300 ngàn người từ nước ngoài đăng ký tham dự Ngày Quốc Tế giới trẻ sẽ tiến hành tại Cracovia, ở miền nam Ba Lan, vào tháng 7 năm 2016.

Tuyên bố hôm 25-2-2015 với giới báo chí, ĐHY Stanislaw Dziwisz, TGM Cracovia, cho biết trong con số vừa nói có 200 ngàn người từ Italia và 80 ngàn từ Pháp, 16 ngàn từ Đức. Thêm vào đó có hơn 10 ngàn người từ Ucraina, Slovak và Hoa Kỳ.

ĐHY Dziwisz cũng nói rằng ngoại trưởng Ba Lan, Ông Grzegorz Schetyna, cho biết sẽ đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực nhập cảnh (visa) cho các bạn trẻ đến tham dự Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 23 tại Cracovia từ 25 đến 31-7-2016.

ĐHY cũng xác nhận lễ khai mạc và cuộc gặp gỡ đầu tiên của ĐTC Phanxicô với các bạn trẻ sẽ diễn ra tại công viên Blonia, rộng 48 hécta, trong khi buổi canh thức và thánh lễ bế mạc sẽ diễn ra tại khu vực Brzegi cácH trung tâm thành phố Cracovia 15 cây số. Khu này rộng 200 hécta, đủ để đón tiếp hơn 1 triệu người tham dự thánh lễ. Tuy nhiên chưa có quyết định chung kết về vấn đề này.

Đây là lần thứ hai Ba Lan đón tiếp Ngày Quốc Tế giới trẻ. Lần đầu vào năm 1991 tại Tổng giáo phận Czestochowa, nơi có Đền thánh Đức Mẹ Đen, Nữ Vương Ba Lan.

Ngày Quốc Tế giới trẻ, cấp hoàn vũ, liền trước đây, được cử hành tại thành phố Rio de Janeiro hồi tháng 7-2014 với sự tham dự của 3 triệu 700 ngàn bạn trẻ cùng với ĐTC Phanxicô (KNA 26-2-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

30 triệu Mỹ Kim cho Đại Hội gia đình Công Giáo thế giới

30 triệu Mỹ Kim cho Đại Hội gia đình Công Giáo thế giới

PHILADELPHIA. Ban tổ chức Đại hội các gia đình Công Giáo thế giới tại Philadelphia Hoa Kỳ cho biết đã quyên góp được 30 triệu mỹ kim tiền mặt và hiện vật để hỗ trợ biến cố này.

Đại hội kỳ 8 các gia đình Công Giáo thế giới sẽ tiến hành từ ngày 22 đến 25-9 năm nay với sự hiện diện của ĐTC Phanxicô vào những ngày kết thúc.

Đại hội sẽ đón tiếp các diễn giả và tham dự viên, Công Giáo cũng như không Công Giáo, đến từ Hoa kỳ và các nước trên thế giới, để thảo luận về những phương thức củng cố và nâng đỡ các gia đình, giúp họ đương đầu với những thách đố ngày nay.

Số tiền 30 triệu mỹ kim quyên góp được tương ứng với 67% trong tổng số ngân sách dự chi cho Đại Hội là 45 triệu mỹ kim. Chi phí cho Đại hội bao gồm cả các biện pháp an ninh, kỹ thuật, chuyên chở, lao động và tăng cường các cơ cấu hạ tầng, hệ thống viễn thông, và những hàng rào kiểm soát người đi bộ.

Ban tổ chức Đại Hội sẽ xác định rõ hơn con số dự chi, có lẽ vào mùa hè tới đây, sau khi được thông báo lộ trình chính thức cuộc viếng thăm của ĐTC.

Đức Cha Charles Chaput, TGM giáo phận Philadelphia sở tại, chào mừng tin về cuộc lạc quyên và nói rằng: ”Lòng quảng đại tuyệt vời và lòng hăng say đối với Đại hội các gia đình Công Giáo thế giới cũng như đối với ĐGH Phanxicô là những đặc tính nỗ lực quyên góp khởi đầu của chúng ta.. Chúng tôi thường nghe những người ủng hộ biến cố này nói về tầm quan trọng cơ bản của gia đình trong việc củng cố các cộng đoàn của chúng ta nói chung, và – bất phân biệt tín ngưỡng – tất cả đều bày tỏ ước muốn nâng đỡ định chế gia đình, vốn là nền tảng xã hội chúng ta”.

Đức TGM cũng cho biết dân chúng rất phấn khởi vì cuộc viếng thăm của ĐGH Phanxicô và sự hiện diện của Người tại Philadelphia vào tháng 9 tới đây thu hút dân chúng thuộc mọi tín ngưỡng cùng nhau nói chuyện, phục vụ, và xét cho cùng, là cùng nhau yêu thương”.

Văn phòng về hội nghị và du khách ở Philadelphia ước lượng ảnh hưởng kinh tế trong miền của Đại hội này và cuộc viếng thăm của ĐGH sẽ ở mức độ hơn 418 triệu mỹ kim (CNS 23-2-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Đức Thánh Cha khai mạc công nghị Hồng Y

Đức Thánh Cha khai mạc công nghị Hồng Y

VATICAN. Lúc 9 giờ sáng 12-2-2015, ĐTC đã khai mạc công nghị ngoại thường của Hồng Y đoàn và đề cao mục đích cuộc cải tổ các cơ quan trung ương Tòa Thánh.

Trong số 165 vị hiện diện tại Công nghị ở Hội trường Thượng HĐGM ở Nội thành Vatican cũng có 20 tiến chức Hồng Y sẽ được bổ nhiệm thứ bẩy ngày 14-2-2015, trong đó có ĐHY Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, TGM Hà Nội.

Trong lời mở đầu sau kinh giờ Ba, ĐHY niên trưởng Angelo Sodano đã chào mừng Đức Thánh Cha và cho biết các Hồng y cộng tác với ngài trong việc cải tổ Giáo triều Roma. Ngài cũng nói là có 25 HY xin kiếu không đến dự công nghị vì lý do già yếu.

Tiếp lời, ĐTC đã chào mừng 20 vị HY tân cử và cám ơn các HY khác đã đến tham dự. Đặc biệt ngài cám ơn Hội đồng 9 Hồng y cố vấn cũng như Đức Cha Marcello Semeraro GM giáo phận Albano, Tổng thư ký của Hội đồng 9 Hồng y cố vấn, đồng thời cũng là vị trình bày tổng hợp tiến trình làm việc trong những tháng qua của Hội đồng HY này nhắm đạt tới một dự thảo Tông hiến mới cải tổ giáo triều Roma. ĐTC nói:

”Mục đích cần đạt tới vẫn luôn là tạo điều kiện để có sự hòa hợp nhiều hơn trong hoạt động của các cơ quan Trung ương Tòa Thánh, để thực hiện một sự cộng tác hữu hiệu hơn trong sự minh bạch tuyệt đối, kiến tạo công nghị tính và đoàn thể tính chân thực.”

ĐTC minh xác rằng: Cuộc cải tổ tự nó không là một mục tiêu, nhưng là một phương thế để làm chứng tá Kitô mạnh mẽ hơn, để đạt tới sự loan báo Tin Mừng hữu hiệu hơn, để thăng tiến tinh thần đại kết phong phú hơn, để khích lệ một cuộc đối thoại xây dựng hơn với mọi người. Cuộc cải tổ này, vốn được đại đa số các hồng y nồng nhiệt mong ước trong các phiên họp trước mật nghị bầu giáo hoàng, phải củng cố hơn nữa căn tính của Giáo triều Roma, nghĩa là phụ giúp Người Kế Vị Thánh Phêrô trong việc thi hành nhiệm vụ mục tử tối cao hầu mưu ích và phục vụ Giáo hội hoàn vũ và các Giáo hội địa phương. Nhờ sứ vụ này, sự hiệp nhất đức tin, tình hiệp thông của Dân Chúa được củng cố và sứ mạng của Giáo Hội trên thế giới được củng cố.

ĐTC nhìn nhận rằng: ”Chắc chắn đạt tới mục tiêu ấy không phải là điều dễ dàng, nó đòi phải có thời gian, sự quyết tâm, và nhất là sự cộng tác của tất cả mọi người. Nhưng để thực hiện điều này, trước tiên chúng ta phải tín thác nơi Chúa Thánh Linh, là Đấng thực sự hướng dẫn Giáo Hội, và khẩn cầu Chúa ban ơn phân đích chân thực.”
Trong phiên họp, ĐHY Rodriguez Maradiaga, SDB, Điều hợp viên nhóm 9 Hồng Y cố vấn, đã gợi lại tiến trình lịch sử của Hội đồng này, rồi Đức Cha Semeraro đã trình bày cho Hồng y đoàn công việc và các ý kiến của Hội đồng Hồng y cố vấn, trước khi các Hồng Y góp ý kiến. Có 12 vị lên tiếng phát biểu.

Phiên phiên họp đầu tiên kết thúc lúc 12 giờ rưỡi. ĐTC đã tiếp kiến bà Sgahindokht, Phó Tổng Tổng cộng hòa Hồi giáo Iran, trước khi bà hội kiến với ĐHY Quốc vụ khanh Parolin.
Ban chiều, các Hồng y tái nhóm từ lúc 5 giờ đến 7 giờ chiều.

Họp báo của Cha Lombardi

Về vấn đề cải tổ Giáo triều Roma, trong cuộc họp báo hôm 11-2-2015 Cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, nhấn mạnh rằng chưa hề có dự thảo Tông hiến mới về giáo triều Roma, với danh sách tất cả các cơ quan trung ương Tòa Thánh và trách nhiệm của các cơ quan này. Nhưng dường như đề nghị gộp một số Hội đồng Tòa Thánh lại trở nên cụ thể và có chi tiết nhiều hơn. Theo đó 2 Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân và gia đình sẽ được gộp với Hàn lâm viên Tòa Thánh về sự sống thành một cơ quan mới, và 3 Hội đồng về công lý hòa bình, Hội đồng bác ái Cor Unum, Mục vụ di dân và du lịch sẽ được gộp thành một cơ quan khác. Trong cuộc họp báo trưa ngày 12-2-2015, cha Lombardi nhấn mạnh nhiều hơn về việc thành lập hai cơ quan mới mà cha gọi là ”Bộ” (Congregazioni). Dầu sao tiến trình cải tổ giáo triều là một con đường dài.. Tôi thấy hình như không có nhiều ý tưởng cụ thể khác để sẵn sàng được toàn thể Hồng y đoàn thảo luận trong dịp này.”

Trong 2 ngày Công nghị ngoại thường này, ĐHY George Pell, người Úc, Chủ tịch Văn phòng kinh tế của Tòa Thánh, tường trình cho các Hồng Y công việc của Văn phòng này và tiến trình chuẩn bị Quy chế chính thức của cơ quan này. Ngoài ra, ĐHY Sean O'Malley, dòng Capuchino, TGM Boston, Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ vị thành niên, cũng giải thích cho Hồng y đoàn về công việc của Ủy ban.

Theo cha Lombardi, không có dấu hiệu gì cho thấy Hồng y đoàn sẽ chính thức thảo luận về bài của ĐHY Gerhard Mueller, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, đăng trên báo Quan sát viên Roma, số ra ngày 8-2 vừa qua, với tựa đề “Các tiêu chuẩn thần học để cải tổ Giáo Hội và Giáo triều Roma”. Trong bài này, ĐHY Mueller khẳng định rằng: ”Giáo triều Roma không phải chỉ là một cơ cấu hành chánh, nhưng nòng cốt là một tổ chức tinh thần ăn rễ trong sứ mạng đặc thù của Giáo Hội Roma, được thánh hóa bằng cuộc tử đạo của Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ… Giáo triều Roma làm cố vấn và giúp ngài thi hành sứ mạng thủ lãnh Giáo Hội hoàn vũ”. ĐHY cũng khẳng định rằng ”Thượng HĐGM, các HĐGM cũng như Liên hiệp các Giáo Hội địa phương thuộc về một phân loại thần học khác với Giáo triều Roma”.

Đức Cha Marcello Semerano nói rằng mình không biết cần thời gian bao lâu để thi hành các cuộc cải tổ, tuy nhiên, Cha Lombardi cho biết Hội đồng 9 HY cố vấn sẽ tái nhóm khóa họp thứ 9 từ ngày 13 đến 15-4 tới đây.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

CHÚA QUYỀN NĂNG, VÌ CHÚA LÀ ĐẤNG THÁNH

 CHÚA QUYỀN NĂNG, VÌ CHÚA LÀ ĐẤNG THÁNH

Nếu như Chúa nhật III Thường niên, Đức Giêsu đã kêu gọi người ta theo Chúa, hoán cải vì Nước Trời gần đến (x. Mc 1, 14-20). Bước sang Chúa nhật IV, Sứ vụ Thiên sai tiếp tục được thi hành. Người chữa lành những người bị quỉ ám, nhưng Lời Người là Chân lý, nên được lan truyền khắp mọi nơi một cách nhanh chóng, khiến cho những người mù sáng mắt, người què đi được, người điếc nghe được, nói chung là vui mừng sung sướng ; mọi người đều …thán phục Người; các thần ô uế phải vâng lệnh (x. Mc 1, 21-28).

Chiêu mộ các môn đệ xong, Chúa Giêsu cùng với các ông tới Capharnaum. Tại hội đường, nơi cộng đoàn tụ họp để lắng nghe Lời Chúa và phổ biến Luật cũng như lời các Tiên tri, lần đầu tiên các môn đệ được nghe Chúa Giêsu giảng dạy (x. Mc 1, 21-22).

Hơn cả luật sĩ
 
Lúc ấy Chúa Giêsu giảng dạy như Đấng có quyền, mọi ánh mắt của những người có mặt ở đó đổ dồn vào Người, còn thần ô uế thì buộc phải vâng lệnh và xuất ra khỏi người nó ám. Giáo huấn của Chúa Giêsu tương phản với lời giảng dạy của các thầy thông luật, dù họ chuyên về Kinh Thánh (Mc 1, 22).

Điều gì mới chăng? Thưa không, Người không dạy điều gì mới mẻ hoặc trái với giáo lý, cũng không mang đến một giáo lý mới. Chính uy nguyền và phong cảnh giảng dạy làm người ta khám phá ra cái mới. Đồng thời, mới, là vì uy quyền của Người trên các thần ô uế: "Chúng vâng lệnh Người "(x. Mc 1, 25-26). Chúa Giêsu không tiếp chuyện, hay tranh luận với thần ô uế. Người đoạn tuyệt đối thoại với chúng. Và ta sẽ thấy câu trả lời vào cuối trình thuật cám dỗ trong hoang địa. Chúa Giêsu khẳng định: "Người là Chân Lý".

Hơn một Tiên tri
 
Bài đọc I trích sách Đệ Nhị Luật (Đnl 18, 15-20), chúng ta thấy Môsê được coi là vị ngôn sứ vĩ đại nhất trong số các ngôn sứ; ông là trung gian giữa Thiên Chúa với loài người. Ông trung gian cần thiết, vì dân chúng sợ mặc khải trực tiếp từ Thiên Chúa nên họ nói: "Tôi không muốn thấy ngọn lửa vĩ đại này nữa, kẻo tôi phải chết " (Đnl 18, 16).

Và đây là những điều Môsê được biết và công bố. Chúa phán: "Ta sẽ gầy dựng giữa anh em của họ một tiên tri như ngươi " (Đnl 18, 15); Chúa sẽ đặt vào miệng vị đó những lời của Chúa, vị ấy sẽ nói cho dân lệnh Chúa truyền. Và nếu kẻ nào không nghe lời của Chúa qua miệng người ấy sẽ nói nhân danh Chúa, kẻ ấy sẽ chuốc lấy hậu quả thích đáng, như Chúa quả quyết: "chính Ta, Ta sẽ tính số với nó" (Đnl 18, 19). Từ chối Môsê hay một tiên tri là từ chối chính Chúa.

Dân sẽ mượn miệng ông, giọng nói của ông, để thân thưa với Thiên Chúa. Một cách nào đó, người ấy không thể nói điều gì khác hơn là Lời Thiên Chúa. Cuộc sống của ông là một cuộc sống hoàn toàn tùy thuộc vào Thiên Chúa.

Qua đoạn sách Đệ Nhị Luật, phụng vụ giúp chúng ta đọc lời nói đầu thể hiện sứ vụ công khai của Chúa Giêsu, Người hơn cả hơn Môsê: " Người giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền " (Mc 1,22), Người là "Đấng Thánh của Thiên Chúa" (Mc 1, 24).

Cuộc chiến giữa Chúa Giêsu và thần ô uế
 
Tiếng thét của người bị thần ô uế ám và dằn vặt, nay được Chúa trừ là tiếng thét hư vô, không có nguồn gốc và không có Thiên Chúa. Chúa Giêsu không chạm vào người này, Người cũng không thuyết phục hắn. Người nói chuyện trực tiếp với hắn lúc Lời Chúa bị mắc kẹt trong sa mạc bởi sự dữ, bạo lực và tà thần, mỗi người chúng ta phải thường xuyên kiên trì chiến đấu.

Điều thần ô uế nói trong hội đường như thể nó tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa. Nhưng nó bị Chúa Giêsu quát và bảo: "Hãy im đi!" (Mc 1, 25). Như sách Đệ Nhị Luật đã nói (18, 19) chúng ta phải biết nghe lời Chúa, trong hành động của đức tin, đức cậy để lời ấy có thể triển nở trong ta, đụng chạm đến chúng ta, biến đổi chúng ta và hiệp nhất chúng ta …

Sự im lặng bắt buộc này có nghĩa là không còn thời gian nữa. Sự viễn mãn tràn đầy thánh thiện và ơn cứu độ mà Chúa Giêsu mang đến nhờ sự chết và phục sinh. Vì Người là " Đấng thánh của Thiên Chúa " (Mc 1, 24).

Đấng Thánh của Thiên Chúa
 
Việc trục xuất thần ô uế ra khỏi người bị nó ám được coi như cuộc chiến giữa Chúa Giêsu và thần dữ. Thần dữ cố gắng ngăn chặn nguy hiểm: "Có chuyện gì giữa chúng tôi và ông?" (Mc 1, 25) Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: "Hãy im đi và ra khỏi người này!" (Mc 1, 25) Cuộc chiến vẫn tiếp tục trong cơn co giật của bệnh nhân đang bị dằn vặt dữ dội và kêu lớn tiếng. Sức mạnh của Chúa Giêsu làm chủ sự dữ là những cái con người đang bị nắm giữ với lo âu sợ hãi và tự hỏi, "Điều này có nghĩa là gì? " (Mc 1, 27).

Giờ đây, bức màn che dậy được vén lên, mầu nhiệm của Chúa Giêsu và "bí mật" của Người hé mở: Đây là một giáo lý mới! Có thể đây là thời thiên sai mới chăng? Chúa Giêsu có thật là Đấng Mêsia không? Người truyền cho các thần ô uế và chúng vâng theo; chứng tỏ Người mạnh hơn Sự dữ. Nhưng chính ma quỉ nhập nhằng khi tỏ lộ về thân thế Chúa Giêsu: Người là Đấng Thánh, Đấng Thánh của Thiên Chúa ! (Mc 1, 24) Thánh là thuộc tính của chính Thiên Chúa. Chúa bắt nó: "Im đi ! " (Mc 1, 25). Còn đám đông dân chúng thì vẫn chưa sẵn sàng tiếp nhận, nên kinh ngạc.

Chúng ta cũng thế, khi ta hoang mang về sự sinh tồn của mỗi chúng ta, và thấy các cuộc chiến giữa Sự Thiện và Sự Ác xảy quanh ta và trong chúng ta, chúng ta tự đặt câu hỏi: Chúa Giêsu là ai đối với cá nhân tôi và toàn thể nhân loại?

Đời sống người Kitô hữu là một cuộc chiến không ngừng chống lại cám dỗ và loại trừ sự dữ. Sống theo Chúa Giêsu, con người sẽ không bao giờ nô lệ cho bản năng và ma quỉ. Để được như thế, chúng ta thành tâm nguyện xin mỗi ngày: "Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng xin cứu chúng con khỏi sự dữ" (Kinh Lạy Cha). Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Đức hồng y Tauran được bổ nhiệm làm Hồng y Nhiếp chính

Đức hồng y Tauran được bổ nhiệm làm Hồng y Nhiếp chính

Cardinal Tauran

Hôm qua thứ Bảy 20-12-2014, Đức hồng y Jean-Louis Tauran đã được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm “Hồng y Nhiếp chính của Giáo hội Rôma”.

Chức vụ thuộc lĩnh vực quản trị này rất quan trọng trong thời gian Tòa Thánh “trống toà”, khi vị giáo hoàng đương nhiệm qua đời hay từ chức.
 
Khi ấy vị Hồng y Nhiếp chính có nhiệm vụ quản trị tài sản của Toà Thánh, với sự giúp đỡ của các vị Hồng y cho đến khi bầu được vị tân Giáo hoàng.
 
Chính vị Hồng y Nhiếp chính xác nhận và thông báo cái chết của Đức giáo hoàng, ấn định ngày cử hành tang lễ và triệu tập Công nghị Hồng y.
 
Vị Hồng y Nhiếp chính tiền nhiệm (từ năm 2007) là Đức hồng y Tarcisio Bertone. Đức hồng y Bertone, cựu Quốc vụ khanh Toà Thánh, vừa mừng sinh nhật lần thứ 80 của mình vào ngày 2-12 vừa qua và không còn trong danh sách hồng y cử tri nữa.
 
Đức hồng y Jean-Louis Tauran năm nay 71 tuổi, đã từng là “Bộ trưởng Ngoại giao” vào thời Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II từ năm 1990 đến 2003. Từ năm 2007, ngài là Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn.
 
Đức hồng y Tauran cũng là Hồng y trưởng đẳng phó tế, và do đó, ngày 13-03-2013 ngài đã công bố danh tính Đức tân Giáo hoàng (Đức giáo hoàng Phanxicô) sau khi có kết quả bầu giáo hoàng, với công thức Habemus Papam. Đức hồng y Tauran được Đức giáo hoàng bổ nhiệm vào đẳng “hồng y linh mục” ngày 12-06 vừa qua. Và Đức hồng y Renato Raffaele Martino trở thành Hồng y trưởng đẳng phó tế.
 
Cùng ngày 20-12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm một Phó Nhiếp chính là Đức Tổng giám mục Giampiero Gloder, 55 tuổi, người gốc Padua. Từ tháng 9 năm 2013, Đức Tổng giám mục Gloder đã được bổ nhiệm làm Giám đốc Trường Ngoại giao Toà Thánh, trường dành riêng để đào tạo các linh mục sẽ phục vụ trong ngành ngoại giao của Toà Thánh.
 
Minh Đức

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám Mục Sénégal, Mauritanie, Guinea, và Capo Verde

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám Mục Sénégal, Mauritanie, Guinea, và Capo Verde

VATICAN. Sáng 10-11-2014, ĐTC đã tiếp kiến 12 GM thuộc HĐGM 4 nước ở miền Tây Phi châu là Sénégal, Mauritanie, Guinea Bissau và Quần đảo Capo Verde. Ngài khuyến khích các vị gia tăng tình hiệp thông, huấn luyện giáo dân, gần gũi các LM, đẩy mạnh việc mục vụ gia đình, đối thoại với Hồi giáo.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến có ĐHY Robert Sarr, TGM giáo phận Dakar, thủ đô Sénégal.

Trong bài huấn dụ trao cho các GM, ĐTC khẳng định rằng điều quan trọng là anh em có thể biểu lộ tình hiệp thông với nhau trong sự khác biệt. Tình hiệp thông này tự nó là một chứng tá đích thực về Chúa Kitô phục sinh, trong một thế giới có quá nhiều xung đột chia rẽ các dân tộc, vì sự loan báo hòa bình chính là xác tín theo đó, sự hiệp nhất của Thánh Linh hòa hợp mọi khác biệt và vượt lên trên mọi xung đột, trong một tổng hợp mới mẻ và đầy triển vọng (Evang. gaudium, 230).

ĐTC cũng nhắc nhủ rằng ”điều thích hợp là các giáo dân được huấn luyện vững chắc về đạo lý và đời sống thiêng liêng, đó là một trợ lực trường kỳ để họ có thể làm chứng về Chúa Kitô trong những môi trường của cuộc sống, làm cho xã hội được thấm nhiễm lậu dài các nguyên tắc của Phúc Âm, đồng thời để đức tin khỏi bị gạt ra ngoài lề đời sống công cộng”.

Trong số 4 nước có các GM được ĐTC tiếp kiến, đứng đầu là Sénégal có hơn 13 triệu rưỡi dân cư, trong đó hơn 90% theo Hồi giáo, và Công Giáo chỉ có 5,3% họp thành một giáo tỉnh với 7 giáo phận. Tiếp đến là nước Mauritanie rộng hơn 1 triệu cây số vuông nhưng chỉ có 3 triệu 600 ngàn dân cư, hầu hết theo Hồi giáo, và chỉ có 4 ngàn tín hữu Công Giáo, đa số là người nước ngoài, họp thành một giáo phận.

Có hai nước nói tiếng Bồ đào nha là Guinea Bissau, rộng hơn 36 ngàn cây số vuông với hơn 1 triệu rưỡi dân cư, trong đó 12% là tín hữu Công Giáo họp thành 2 giáo phận. Sau cùng là Quần đảo Capo Verde gồm 560 ngàn dân cư, trong đó 93% là tín hữu Công Giáo, họp thành 2 giáo phận. Người Capo Verde ở nước ngoài lên tới 1 triệu 500 ngàn người.

Trong bài huấn dụ, ĐTC khuyến khích các GM Sénégal và Mauritanie giúp các giáo sĩ, ngay từ chủng viện, được huấn luyện có hệ thống hơkn để có thể phát triển tại chỗ một cuộc đối thoại xây dựng với người Hồi giáo, cuộc đối thoại này ngày càng trở nên cần thiết để sống chung hòa bình với các tín hữu Hồi giáo. (SD 10-11-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha Phanxicô cám ơn sự đóng góp của Đức Biển Đức 16

Đức Thánh Cha Phanxicô cám ơn sự đóng góp của Đức Biển Đức 16

VATICAN. ĐTC Phanxicô nhiệt liệt ca ngợi và cám ơn sự đóng góp của ĐGH Biển Đức 16 cho thần học và khoa học, qua các giáo huấn, tấm gương và hoạt động của Người.

ĐTC bày tỏ lập trường trên đây sáng ngày 27-10-2014 tại trụ sở Hàn lâm viện Tòa Thánh về các khoa học ở nội thành Vatican, nhân dịp khánh thành bức tượng bán thân bằng đồng của Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 tại đây. Hiện diện tại buổi lễ có các HY, GM, LM và cũng như các thành viên Hàn lâm viện Tòa Thánh. ĐTC nói:

”Pho tượng bán thân này của Đức Biển Đức 16 gợi lại trước mắt mọi người con người và khuôn mặt của ĐGH Ratzinger yêu quí. Tượng cũng gợi lại tinh thần của Người: tinh thần các giáo huấn, tấm gương, công trình, lòng tận tụy của Người đối với Giáo Hội, và cuộc sống ”đan tu” của Người hiện nay. Tinh thần này không phai mờ với thời gian, trái lại sẽ trở nên lớn lao và mạnh mẽ từ đời này sang đời khác. Biển Đức 16: một vị Đại Giáo Hoàng. Vĩ đại vì sức mạnh và trí thông minh thấu triệt của Người, thấu triệt vì sự đóng góp quan trọng của Người cho nền thần học, vĩ đại vì lòng yêu mến của Người đối với Giáo Hội và con người, vĩ đại vì nhân đức và lòng đạo đức của Người. Như anh chị em biết, lòng yêu mến của Người đối với sự thật không chỉ giới hạn vào thần học và triết học, nhưng còn cởi mở đối với các khoa học. Lòng yêu mến của Người đối với khoa được được biểu lộ qua sự quan tâm đối với các nhà khoa học, không phân biệt chủng tộc, quốc tịch, nền văn minh và tôn giáo”.

ĐTC cũng nhắc lại sự kiện lần đầu tiên ĐGH Biển Đức 16 đã mời một vị Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh về các khoa học tham dự Thượng HĐGM thế giới về việc tái truyền giáo (10-2012), với ý thức về tầm quan trọng của khoa học trong nền văn hóa hiện đại.

ĐTC mời gọi mọi người cảm tạ Thiên Chúa vì món quà Chúa ban cho Giáo Hội và thế giới qua triều đại của ĐGH Biển Đức.

Cũng trong diễn văn, ĐTC đề cập đến đề tài khóa họp vừa kết thúc của Hàn lâm viện Tòa Thánh về các khoa học về sự tiến hóa của ý niệm thiên nhiên. Ngài nhấn mạnh rằng Thiên Chúa và Chúa Kitô đang đồng hành với chúng ta và hiện diện cả trong thiên nhiên, như thánh Phaolô Tông đồ đã quả quyết trong diễn văn tại Diễn trường ở thành Athènes Hy Lạp: “Thực vậy chúng ta sống trong Thiên Chúa, chúng ta cử động và hiện hữu trong Chúa” (Cv 17,28).

ĐTC cũng nhận xét rằng khi đọc trong sách Sáng thế trình thuật về việc sáng tạo, chúng ta có nguy cơ tưởng tượng Thiên Chúa như một pháp sư, với chiếc đũa thần, làm mọi sự. Nhưng không phải như vậy. Thiên Chúa đã tạo dựng các sinh vật và để cho chúng phát triển theo các qui luật nội tại mà Chúa ban cho mỗi loại, để chúng phát triển, để đạt tới mức độ viên mãn. Chúa ban cho các sinh vật của vũ trụ sự tự trị đồng thời nơi chúng, Chúa đảm bảo sự hiện diện liên tục của Ngài, mang lại sự hiện hữu cho mỗi thực tại”.

Theo chiều hướng đó, ĐTC khẳng định rằng Big-Bang, vụ nổ vĩ đại mà ngày nay người ta coi là ở nơi nguồn gốc thế giới, không hề mâu thuẫn với sự can thiệp sáng tạo của Thiên Chúa nhưng đòi phải có sự kiện ấy. Sự tiến hóa trong thiên nhiên không tương phản với ý niệm sáng tạo, vì sự tiến hóa giả thiết có sự sáng tạo các hữu thể tiến hóa” (SD 27-10-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp Thủ tướng Việt Nam

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp Thủ tướng Việt Nam

VATICAN. Trưa thứ bẩy, 18-10-2014, ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam.
Toàn văn Thông cáo báo chí của Tòa Thánh nói rằng:

”Hôm nay ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến Thủ Tướng Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng. Sau đó Thủ tướng đã gặp ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, có Đức TGM ngoại trưởng Dominique Mamberti tháp tùng.

”Trong các cuộc hội kiến thân mật, các vị bày tỏ sự hài lòng về cuộc gặp gỡ hôm nay, đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong tiến trình củng cố những quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt Nam, vì đây là lần thứ hai, Thủ Tướng Dũng thực hiện cuộc viếng thăm tại Vatican sau cuộc viếng thăm hồi năm 2007. Trong cuộc hội kiến có nêu bật sự dấn thân của Giáo Hội đóng góp vào việc phát triển đất nước, nhờ sự hiện diện của Giáo Hội trong nhiều lãnh vực để mưu ích cho toàn thể xã hội. Trong bối cảnh đó có tái khẳng định sự đánh giá cao đối với sự nâng đỡ của Chính Quyền dành cho Cộng đồng Công Giáo trong khuôn khổ những phát triển được Hiến Pháp năm 2013 khẳng định liên quan đến chính sách tôn giáo, cũng như về sự trợ giúp cho Vị Đại Diện Tòa Thánh không thường trú ở Việt Nam trong việc thi hành sứ mạng của Ngài, nhắm thăng tiến quan hệ giữa Giáo Hội và Nhà Nước, hướng tới mục tiêu chung là các quan hệ ngoại giao. Rồi cũng đề cập tới một vài vấn đề mà hai bên cầu mong sẽ được đào sâu và giải quyết qua các kênh đối thoại hiện có.

Sau cùng, hai bên trao đổi ý kiến về một vài đề tài thời sự trong miền và quốc tế, đặc biệt là những sáng kiến nhắm thăng tiến hòa bình và sự ổn định tại Á châu”. (SD 18-10-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

CÂU CHUYỆN VƯỜN NHO – CÂU CHUYỆN ĐỜI TA

 CÂU CHUYỆN VƯỜN NHO – CÂU CHUYỆN ĐỜI TA

Vườn nho là một hình ảnh quen thuộc đối với người Do Thái. Chúa đã dùng hình ảnh quen thuộc này để thính giả dễ hiểu điều Chúa nói về Nước Trời. Ý nghĩa dụ ngôn này như sau. Thiên Chúa là chủ vườn nho. Vườn nho thoạt tiên được dùng để chỉ dân Do Thái. Dân Do Thái được Chúa chọn là dân riêng. Lịch sử dân Do Thái là lịch sử tình yêu thương của Chúa. Vì yêu thương Chúa đã giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập. Vì yêu thương Chúa đã dành sẵn cho họ một đất nước. Vì yêu thương Chúa bảo vệ họ khỏi sự quấy phá của các nước lân bang. Vì yêu thương Chúa đã sai khiến các tiên tri đến dạy dỗ họ. Quả thật dân Do Thái là một vườn nho được Chúa trồng, chăm sóc từng li từng tí. Từ rào dậu chung quanh đến xây tháp canh giữ. Từ xây bồn ép nho đến tưới bón cắt tỉa. Nhưng sự thương yêu của Chúa được đáp lại bằng sự phản bội. Người Do Thái không công nhận quyền làm chủ của Chúa. Họ giết các tiên tri được sai đến dạy dỗ họ. Họ còn giết cả Chúa Giêsu là Con Một Thiên Chúa để chiếm lấy vườn nho làm của riêng họ. Nhưng họ có biết đâu rằng nếu để Chúa là chủ thì vườn nho còn được bảo vệ, được chăm sóc và họ còn được hưởng hoa lợi. Nhưng từ chối quyền làm chủ của Chúa, vườn nho rơi vào cảnh hoang tàn, đổ nát, không còn hoa trái. Và vì thế cuộc đời họ cũng bị diệt vong.

Câu chuyện vườn nho không chỉ nói với người Do Thái mà còn nói với tất cả chúng ta, đặc biệt các sinh viên học sinh nhân dịp đầu năm học mới. Sinh viên học sinh là những cây nho được Chúa ưu ái trồng trong vườn nho của Chúa. Vườn nho đó là Nước Chúa, là Giáo Hội, là gia đình, là trường học. Các cháu thiếu nhi, các bạn thanh niên, học sinh, sinh viên trẻ trung là những cây nho non mơn mởn được Chúa chăm sóc tưới bón trong tình thương bao la của cha mẹ, trong sự tận tâm của thày cô giáo, trong sự nhiệt thành quên mình của các linh mục, tu sĩ nam nữ. Chúa đặt lương tâm như tháp canh để cảnh báo những nguy cơ đe dọa tàn phá vườn nho. Để ngăn chặn thú dữ tàn phá, trẻ con nghịch ngơm, kẻ thù quấy phá, Chúa cẩn thận rào dậu vườn nho. Rào dậu là đặt ra những quy tắc luật lệ. Kỷ luật là phên dậu vững chắc bảo vệ những cây nho còn non yếu, bảo vệ hoa lợi khỏi kẻ thù đến phá hoại. Kỷ luật giúp bảo vệ cuộc đời của các con. Không chỉ bảo vệ sự sống mà còn tất cả những hoa trái tốt đẹp của sự sống. Bảo vệ tương lai của các con. Chúa xây bồn ép nho. Bồn ép nho là nơi làm việc. Quả nho phải trải qua quá trình ép, lọc, ủ mới lên men thành thứ rượu nho thơm lừng làm đẹp cho xã hội. Cũng vậy các con phải lao động vất vả qua nhiều công đoạn mới trở nên hữu ích cho Giáo Hội và cho xã hội. Có thể nói cuộc đời của mỗi người các con là một kỳ quan về tình yêu thương của Chúa. Chúa tạo dựng nên các con để các con được hạnh phúc. Chúa đã định sẵn cho các con một định mệnh tốt đẹp cao quý trong thánh ý Chúa.

Tiếc là có nhiều người không hiểu được điều đó, nên đã chối bỏ quyền Chúa làm chủ đời mình. Vì xua đuổi Chúa nên ma quỷ đã xâm nhập cuộc đời họ. Có nhiều người đã bỏ tháp canh lương tâm nên không còn tỉnh thức trước những nguy cơ đe dọa tàn phá sự sống. Có nhiều người đã phá đổ những phên dậu kỷ luật, biến vườn nho tâm hồn thành bãi đất hoang mặc cho mọi người chà đạp, tàn phá. Có nhiều người đã bỏ quên bồn ép nho, không chịu làm việc, chỉ rong chơi ngày tháng nên cả cuộc đời tiêu tốn biết bao sự thương yêu, tiền bạc, công sức của cha mẹ, thày cô giáo, các bề trên trong Giáo Hội mà không sinh được hoa trái gì cho cuộc đời.

Các con, sinh viên học sinh thân mến,

Đầu năm học mới là dịp các con chỉnh đốn lại vườn nho tâm hồn các con. Hãy để Chúa làm chủ cuộc đời các con. Hãy tin tưởng định mệnh Chúa dành cho các con là định mệnh tốt đẹp nhất. Tương lai Chúa dọn sẵn cho các con là tương lai tươi sáng không gì có thể so sánh được. Hãy đón nhận tình yêu thương của cha mẹ, thày cô giáo, và các bề trên trong Giáo Hội. Tình yêu thương chăm sóc của các ngài là nước mát tưới cho cây đời các con xanh tươi. Hãy tuân theo sự hướng dẫn của tháp canh lương tâm để các con biết phân biệt thật giả, trắng đen, thiện ác giữa lúc vàng thau lẫn lộn, biết chọn lựa con đường tốt đẹp cho tương lai. Hãy sống theo sự hướng dẫn của luật lệ, luật xã hội, luật học đường, luật sự sống, luật Giáo Hội. Đó chính là cách tự bảo vệ trước những lực lượng xấu, trước những cơn cám dỗ ngọt ngào đang rình chờ trói chặt những cuộc đời ẻo lả, mềm yếu, buông tuồng. Hãy làm việc trong bồn ép nho. Sự siêng năng chăm chỉ, lòng say mê học tập chính là chìa khóa của sự thành công.

Năm học mới là một ân huệ nhưng cũng là một trách nhiệm. Các con được ban nhiều, các con sẽ bị đòi hỏi nhiều. Năm học mới được ban tặng để các con sinh lợi. Sinh lợi để xứng đáng với tình thương của Chúa. Sinh lợi để xứng đáng với xã hội, quê hương đất nước. Sinh lợi chính là thăng tiến bản thân, làm lợi cho chính các con trước hết.

Xin Chúa ban phúc lành cho năm học mới để các thày cô giáo, các học sinh sinh viên thu lượm được nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần thăng tiến bản thân, gia đình, Giáo Hội và xã hội. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Chúa đã ban cho bạn sự sống và còn đặt biết bao người, biết bao phương tiện, hoàn cảnh để nuôi dưỡng và phát triển sự sống đó. Bạn có nhận biết điều này không?

2) Bạn có nhìn nhận Chúa làm chủ đời mình và có thái độ xứng hợp không?

3) Phát triển là một trách nhiệm. Bạn có chu toàn trách nhiệm đó không?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Thế giới học được gì từ hai thế chiến?

Thế giới học được gì từ hai thế chiến?

Sáng thứ bẩy 13 tháng 9 Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong tại Redipuglia và cử hành thánh lễ tại nghĩa trang các tử sĩ nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Đệ Nhất Thế Chiến bùng nổ.

Redipuglia là nghĩa trang quân đội lớn nhất tại Italia với mộ của hơn 100 ngàn tử sĩ của Thế chiến thứ nhất, trong đó có 30 ngàn chiến sĩ vô danh. Nghĩa trang này chỉ cách biên giới nước Slovenia vài cây số, và được khánh thành ngày 13 tháng 9 năm 1938. Sau khi viếng thăm nghĩa trang Áo-Hung, đặt vòng hoa trước đài tưởng niệm, vào lúc 10 giờ Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ đồng tế tại đài tưởng niệm với các vị Giám Mục đặc trách các giáo hạt quân đội Italia và các nước cùng nhiều Giám Mục khác. Cuối thánh lễ Đức Thánh Cha đọc kinh cầu cho các binh sĩ tử trận và các nạn nhân chiến tranh. Ngài cũng trao cho mỗi Giám Mục hiện diện một ngọn đèn để thắp sáng trong các lễ tưởng niệm Đệ Nhất Thế Chiến tại các giáo phận liên hệ.

Đệ Nhất Thế Chiến đã bùng nổ ngày 28 tháng 7 năm 1914, và chấm dứt ngày 11 tháng 11 năm 1918. Các cuộc đụng độ diễn ra tai Âu châu, Trung Đông, nhiều đảo Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Ấn Độ, theo các phản ứng liên minh dây chuyền giữa các nước. Đã có hơn 70 triệu người bị động viên, trong số này có 60 triệu tại các nước Âu châu, và hơn 9 triệu binh sĩ ngã gục tại chiến trường, không kể khoảng 7 triệu thường dân bị thiệt mạng.

Mặt khác trong các ngày 31 tháng 8 đến mùng 2 tháng 9 vừa qua, các Giám Mục Đức và Ba Lan đã cùng cử hành các lễ nghi tưởng niệm 75 năm Đệ Nhị Thế Chiến bùng nổ.

Thế Chiến Thứ II bắt đầu ngày mùng 1 tháng 9 năm 1939, khi quân đội Đức Quốc Xã tấn công Ba Lan, và chiến tranh đã kéo dài 6 năm khiến cho 62 triệu người chết, trong đó có 25 triệu binh sĩ: 17 triệu người thuộc khối đồng minh và 8 triệu người thuộc khối Trục gồm Đức, Ý và Nhật Bản. Khối đồng minh có 33 triệu thường dân bị chết, trong khi khối Trục có 4 triệu thường dân thiệt mạng.

Hai thế chiến đã khiến cho gần 80 triệu người chết, hàng chục triệu người khác bị thương hay tàn phế, và bao nhiêu triệu người phải sống trong cảnh nghèo túng, đói khát, bệnh tật, khốn khổ, vì các quốc gia lâm chiến đã dốc đổ tài lực và sát tế nhân lực cho thần chiến tranh và tàn phá. Hàng trăm thành phố làng mạc đã bị bỏ bom bình địa, tan hoang. Biết bao nhiêu hy sinh, mồ hôi, máu và nước mắt của hàng bao thế kỷ xây dựng, vun trồng, với bom đạn của chiến tranh chỉ trong chớp nhoáng đã biến thành tro bụi. Nam giới bị động viên, đất đai bị bỏ hoang không người canh tác, phụ nữ và trẻ em phải nai lưng làm việc trong các hãng chế tạo khí giới hay canh tác cầm chừng không đủ thực phẩm cung cấp cho gia đình. Toàn dân phải thắt lưng buộc bụng hy sinh cho chiến tranh.

Nhìn vào lịch sử nhận loại người ta thấy đã không có thế kỷ nào nhiều chiến tranh và xung khắc như thế kỷ 20 với hơn 180 cuộc chiến lớn nhỏ, trong đó hàng chục chiến cuộc vẫn còn tiếp diễn trong thế kỷ 21 hiện nay. Từ vài tháng qua với sự kiện các lực lượng hồi cuồng tín thành lập Nhà Nước Hồi bên Siria và Irak cũng như bên Nigeria, thi hành chiến sách diệt chủng tôn giáo và bộ tộc với các cuộc tàn sát tập thể dã man, xử bắn hàng ngàn binh sĩ, chặt đầu cắt cổ cả trẻ thơ, tước đoạt nhá cửa, ruộng vườn và tài sản của các kitô hữu vá các nhóm hồi thiểu số, và đuổi họ ra đi với hai bàn tay trắng. Các lực lượng ISIS ước mơ tài lập đế quốc Ottoman đã bị hủy bỏ năm 1920, để tiến tới chỗ hồi giáo hóa và thống trị toàn thế giới. Các đe dọa và khiêu khích của Nhà nước Hồi đã khiến cho Hoa Kỳ, Anh, Pháp Đức, Ba Lan, Italia và các quốc gia Arập Bắc Phi thành lập liên minh chống các lực lượng ISIS.

Bên cạnh đó lại còn thêm cuộc khủng hoảng tại Ucraina với chiến tranh ly khai và cuộc xâm lăng của quân đội Nga tại Crimea. Tuy Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu châu đã đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế, nhưng xem ra nước Nga không nao núng, vì biết rằng chính quyền của tổng thống Barack Obama không ở trong thế mạnh do nhiều vấn đề khác nhau, và các quốc gia trong Liên Hiệp Âu châu vẫn còn kiệt quệ, chưa ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế tài chành trầm trọng kéo dài từ năm 2008 tới nay. Khi xua quân xâm lăng Ucraina ông Vladimir Putin cũng đã tính toán các nước cờ nhằm thực hiện giấc mộng tái lập đế quốc ”Nga vĩ đại”. và giành lại vai trò lãnh đạo đã mất trên bàn cờ chính trị thế giới, sau khi đế quốc cộng sản Liên Xô sụp đổ. Và Ucraina, quốc gia thành viên cựu khối Varsava, là con cờ thăm dò đầu tiên. Tổng thống Putin qúa biết các nước trong Liên Hiệp Âu châu rất cần dầu hỏa và khí đốt của Nga, đặc biệt mỗi khi mùa đông tới, nên việc sáp nhập Crimea vào Nga sẽ mở màn cho chiến dịch tái chiếm các vùng có người Nga sinh sống trong các nước vùng Baltic. Và để thoát vòng kiềm tỏa kinh tế của Hoa Kỳ và các nước khối G7, hồi hạ tuần tháng 5 vừa qua trong chuyến ông Putin viếng thăm Thượng Hải Nga và Trung Quốc đã ký hợp đồng thương mại lên tới 400 tỷ mỹ kim. Bắt đầu từ năm 2018 Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc mỗi năm 38 tỷ mết khối khí đốt trong vòng 30 năm. Số lượng đầu hỏa và khí đốt này sẽ được chuyển tới miền Đông Trung Quốc do một ống dẫn dài 2.200 cậy số. Đo đó Nga không sợ các trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ và các nước G7. Sau bài diễn văn của tổng thống Back Obama hôm thứ tư vừa qua, tuyền bố thành lập và điều khiển liên minh chống Nhà nước Hồi, và có thể bỏ bom bất cứ nơi đâu có các lực lượng này kể cả Siria, tổng thống Putin phản đối và chỉ trích Hoa Kỳ hành động trái với luật lệ quốc tế.

Liệu các căng thẳng giữa các cường quốc liên quan tới Ucraina và tình hình nóng bỏng tại Trung Đông có đột ngột gia tăng và châm ngòi cho một Đệ Tam Thế Chiến hay không, không ai biết được. Nhưng thực ra Thế Chiến thứ ba đã bắt đầu, từng mảng một, và rất có thể đưa tới việc sử dụng các vũ khí nguyên tử. Nếu xảy ra như vậy, thỉ gia đình nhâm loại vẫn phải tiếp tục sống dưới quyền điều khiển của thiểu số lãnh đạo có đầu óc điên loạn, khát khao quyền lực, mê say danh vọng vô độ. Và như vậy thế giới đã không học được gì từ hai thế chiến trong thế kỷ 20.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Thông cáo về việc gặp gỡ giữa phái đoàn Tòa Thánh và Việt Nam

Thông cáo về việc gặp gỡ giữa phái đoàn Tòa Thánh và Việt Nam

VATICAN. Trưa ngày 11-9-2014, Phòng Báo chí Tòa Thánh đã công bố thông cáo chung về cuộc gặp gỡ lần thứ 5 của Nhóm Làm Việc chung giữa Việt Nam và Tòa Thánh tại Hà Nội.

Nguyên văn thông cáo chung như sau:

Để thi hành những thỏa thuận đã đạt được trong cuộc gặp gỡ lần thứ 4 của Nhóm Làm Việc chung giữa Tòa Thánh và Việt Nam, diễn ra tại Vatican hồi tháng 6 năm 2013, cuộc gặp gỡ thứ 5 của Nhóm Làm Việc Chung đã diễn ra tại Hà Nội ngày 10 và 11 tháng 9 năm 2014. Hai vị đồng chủ tọa cuộc gặp gỡ là Thứ trưởng ngoại giao Việt Nam, Ông Bùi Thanh Sơn, Trưởng Phái Đoàn Việt Nam, và Thứ Trưởng ngoại giao Tòa Thánh, Đức Ông Antoine Camilleri, Trưởng Phái Đoàn Tòa Thánh.

Phái Đoàn Tòa Thánh đã đánh giá cao sự nâng đỡ của các giới chức chính quyền có thẩm quyền ở mọi cấp độ dành cho Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam để thi hành sứ mạng của mình. Đoàn cũng ghi nhận những tiến triển trong chính sách tôn giáo của Việt Nam, được phản ánh trong Hiến Pháp tu chính năm 2013. Nhà Nước Việt Nam đã tạo điều kiện dễ dàng cho các cuộc viếng thăm công tác của Đức TGM Leopoldo Girelli, Đại diện Không Thường Trú của Tòa Thánh tại Việt Nam. Phái Đoàn Tòa Thánh tái khẳng định mình coi trọng việc phát triển quan hệ với Việt Nam nói riêng, và với Á châu nói chung, như cuộc viếng thăm mới đây và các cuộc viếng thăm sắp tới của Đức Giáo Hoàng tại Đại lục này làm nổi bật. Tòa Thánh tái khẳng định sự dấn thân tiến tới mục tiêu thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, và cùng với Giáo Hội Công Giáo tại nước này, Tòa Thánh muốn góp phần tích cực hơn nữa vào việc phát triển đất nước trong các lãnh vực mà Giáo Hội Công Giáo có những điểm mạnh, như trong lãnh vực y tế, giáo dục, từ thiện và các hoạt động nhân đạo. Phía Việt Nam tái khẳng định chính sách trước sau như một của Nhà Nước và Đảng trong việc tôn trọng tự do tôn giáo và tín ngưỡng của mọi người, và trong việc hỗ trợ Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam tích cực tham gia vào việc phát triển đất nước về mặt xã hội và kinh tế.

Hai bên cũng nêu bật những nguyên tắc cơ bản ”sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc” và ”người công giáo tốt là người công dân tốt”. Phái Đoàn Tòa Thánh nhấn mạnh rằng Đức Thánh Cha Phanxicô quan tâm theo dõi những tiến triển gần đây trong quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt Nam và Ngài khích lệ cộng đồng Công Giáo tại Việt Nam tiếp tục góp phần đẩy mạnh các mục tiêu chính của đất nước.

Hai bên hài lòng ghi nhận những phát triển tích cực trong quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt Nam được biểu lộ qua sự gia tăng những trao đổi và tiếp xúc ở mọi cấp độ, từ những cuộc gặp gỡ của Nhóm Làm Việc chung cho tới các cuộc viếng thăm công tác của vị Đại diện Không Thường Trú của Tòa Thánh tại Việt Nam. Hai bên thỏa thuận tiếp tục đối thoại và tiếp xúc, đồng thời tạo những điều kiện thuận lợi cho sứ vụ của Vị Đại diện Tòa Thánh, vì ngài giúp Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam thi hành giáo huấn của Đức Giáo Hoàng.

Cuộc gặp gỡ đã diễn ra trong bầu không khí thẳng thắn, chân thành và tôn trọng lẫn nhau.

Hại bên đã đồng ý thực hiện cuộc gặp gỡ thứ 6 của Nhóm Làm Việc chung giữa Tòa Thánh và Việt Nam tại Vatican. Thời điểm cuộc gặp gỡ sẽ được thiết lập qua đường ngoại giao.

Trong dịp này, Phái đoàn Tòa Thánh đã viếng thăm Phó Thủ trướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao, Ông Phạm Bình Minh, và gặp Thứ Trưởng Nội vụ kiêm Trưởng Ban tôn giáo của chính phủ, Ông Phạm Dũng. Đoàn cũng nhân cơ hội này viếng thăm vài tổ chức Công Giáo ở Hà Nội và Thành Phố HCM. (SD 11-9-2014)

G. Trần Đức Anh OP chuyển ý

 

Đức Thánh Cha tiếp kiến 31 Giám Mục Cameroon

Đức Thánh Cha tiếp kiến 31 Giám Mục Cameroon

VATICAN. ĐTC Phanxicô mời gọi các GM Cameroon đặc biệt quan tâm săn sóc các gia đình, và ngài kêu gọi cảnh giác trong việc phân định và tháp tùng các ơn gọi LM.

ĐTC đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 6-9-2014, dành cho 31 GM thuộc 25 giáo phận ở Cameroon, nhân dịp các vị về Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh.

Ngài nói: ”Gia đình phải tiếp tục được anh em quan tâm săn sóc, nhất là vì ngày nay gia đình đang phải chịu cơ cực nặng nề, nghèo đói, phải tản cư, thiếu an ninh, cám dỗ muốn trở lại những thói tục cổ truyền không thể dung hợp với đức tin Kitô, hoặc những lối sống mới do thế giới bị tục hóa”.

Về hàng giáo sĩ, ĐTC khẳng định rằng: ”Điều cốt yếu là hàng giáo sĩ làm chứng tá về một cuộc sống có Chúa ngự trị trong đó, phù hợp với những đòi hỏi và các nguyên tắc của Tin Mừng. Tôi muốn cám ơn tất cả các linh mục vì lòng nhiệt thành tông đồ, thường trong những hoàn cảnh khó khăn và bấp bênh, tôi hứa gần gũi với họ trong kinh nguyện. Nhưng cũng nên cảnh giác trong việc phân định và tháp tùng các ơn gọi linh mục đông đảo ở Cameroon. Và cũng cần hỗ trợ việc thường huấn cũng như đời sống thiêng liêng của các linh mục, giữa lúc có nhiều cám dỗ của thế gian, nhất là những cám dỗ quyền bính, danh vọng và tiền bạc. Đặc biệt về điểm này, những gương mù có thể xảy ra vì sự quản lý xấu các của cải, làm giàu cho cá nhân mình, hoặc phung phí, đó là những gương mù, nhất là trong một vùng có nhiều người còn thiếu thốn những điều tối thiểu.”

ĐTC không quên nhắc nhở hàng giáo sĩ Cameroon gia tăng tình đoàn kết với nhau và hiệp nhất với các GM. Cần kiến tạo sự hiệp nhất trong linh mục đoàn, vượt lên trên mọi thành kiến, nhất là những thành kiến chủng tộc.

Trước đó, trong phần đầu bài huấn dụ, ĐTC nhắc đến hiệp định cơ bản đã được ký kết giữa Tòa Thánh và Cộng hòa Cameroon. Ngài mời gọi các GM thi hành hiệp định này một cách cụ thể, vì sự nhìn nhận pháp lý nhiều tổ chức của Giáo Hội sẽ giúp cho các tổ chức này triển ở hơn, mưu ích không những cho Giáo Hội nhưng còn cho toàn thể xã hội Cameroon.

Cameroon hiện có gần 20 triệu rưỡi dân sống trên diện tích 475 ngàn cây số vuông. Các tín hữu Kitô chiếm khoảng 1 nửa dân số trong số này 27% tức là 5 triệu 530 ngàn người là tín hữu Công Giáo. Ngoài ra có 30% dân số theo các tôn giáo cổ truyền Phi châu và khoảng 4 triệu người là tín hữu Hồi giáo, tương đương với 21% dân số. (SD 6-9-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha mở lại các cuộc tiếp kiến

Đức Thánh Cha mở lại các cuộc tiếp kiến

VATICAN. Sáng ngày 1-9-2014, ĐTC Phanxicô mở lại các cuộc tiếp kiến, đặc biệt ngài gặp gỡ hơn 15 GM nước Camerun bên Phi châu, nhân dịp các vị về Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh.

Camerun hiện có gần 20 triệu rưỡi dân sống trên diện tích 475 ngàn cây số vuông. Các tín hữu Kitô chiếm khoảng 1 nửa dân số trong số này 27% tức là 5 triệu 530 ngàn người là tín hữu Công Giáo. Ngoài ra có 30% dân số theo các tôn giáo cổ truyền Phi châu và khoảng 4 triệu người là tín hữu Hồi giáo, tương đương với 21% dân số. Giáo Hội Công Giáo tại Camerun gồm 5 giáo tỉnh và 20 giáo phận với hơn 30 GM.

Gặp giới thể thao

Lúc 4 giờ chiều cùng ngày 1-9-2014, tại Đại thính đường Phaolô 6 ở nội thành Vatican, ĐTC đã tiếp kiến 250 người gồm các nhà thể thao, các cầu thủ bóng đá thuộc các tôn giáo khác nhau và những người tổ chức cuộc đấu bóng liên tôn vì hòa bình, diễn ra lúc 8 giờ 40 tối qua tại sân bóng đá Olimpic ở Roma. Hiện diện tại buổi tiếp kiến có nhiều cầu thủ quốc tế trên buổi. Chính ĐTC là người đã khởi xướng ý tưởng tổ chức trận bóng đá này, qua tổ chức giáo dục Công Giáo tên là ”Scholas Occurrentes, cùng với hiệp hội ”Pupi onlus” do cựu cầu thủ bóng đá Javier Zanetti người Argentina thành lập”.

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, ĐTC đã nhiệt liệt cám ơn mọi người đã mau lẹ đón nhận đề nghị của ngài về trận đấu bóng liên tôn, thuộc nhiều nước khác nhau, để nói lên tình huynh đệ và thân hữu. Ngài nói:

”Trận đấu bóng tối nay chắc chắn cũng là dịp quyên góp để hỗ trợ các dự án liên đới, nhưng nhất là để suy tư về những giá trị phổ quát mà bóng đá và thể thao nói chung có thể tạo điều kiện dễ dàng để phát triển, đó là sự lương thiện, chia sẻ, hiếu khách, đối thoại, tín nhiệm người khác. Đó là những giá trị mà mỗi người đều có thể có bất luận thuộc chủng tộc, văn hóa và tín ngưỡng nào. Đúng hơn, biến cố thể thao tối nay là một cử chỉ tượng trưng cao độ để giúp hiễu rằng có thể kiến tạo một nền văn hóa gặp gỡ và một thế giới hòa bình, trong đó tín đồ các tôn giáo khác nhau, có thể sống trong hòa hợp và tôn trọng nhau, và vẫn bảo tồn căn tính của mình.”

ĐTC đặc biệt nói với các cầu thủ bóng đá, thường được nhiều người, nhất là người trẻ ngưỡng mộ vì khả năng thể thao: ”Điều quan trọng là nêu gương tốt ở sân banh cũng như ở ngoài. Trong các cuộc tranh tài thể thao, anh em được kêu gọi chứng tỏ rằng thể thao là niềm vui sống, là trò chơi, là lễ hội và với tư cách đó, thể thao phải được đề cao giá trị qua việc phục hồi tính chất nhưng không của nó, khả năng tạo nhữngmối thân hữu và cởi mở đối với tha nhân. Và cả với những thái độ thường nhật, đầu đức tin và linh đạo, đầy tình người và vị tha, anh em có thể làm chứng về những lý tưởng sống chung hóa bình dân sự và xã hội, để kiến tạo một nền văn minh dựa trên tình thương, tình liên đới và hòa bình”.

Sau bài diễn văn, ĐTC còn dừng lại rất lâu để bắt tay chào thăm các cầu thủ và nhiều người.

Thánh lễ ban sáng

Ngoài các cuộc tiếp kiến, ĐTC cũng mở lại thánh lễ lúc 7 giờ sáng 1-9-2014 tại nguyện đường Nhà Trọ thánh Martha ở nội thành Vatican, với sự tham dự của các tín hữu thuộc 1 giáo xứ ở Roma và một số người khác.

Trong bài giảng, ĐTC quảng diễn việc Chúa Giêsu giảng ở Hội đường Nazareth. Ban đầu dân chúng lắng nghe và ngưỡng mộ, nhưng rồi sau đó họ giận giữ và tìm cách giết Chúa. Họ đổi thái độ như thế vì Lời Chúa khác, so với lời con người. Thiên Chúa nói với chúng ta trong Con của Ngài, nghĩa là Lời Thiên Chúa chính là Chúa Giêsu và Chúa Giêsu là cớ vấp phạm đối với những người Do thái ấy. Thập giá Chúa Kitô gây vấp phạm..

ĐTC đặc biệt mời gọi các tín hữu đón nhận Lời Chúa với con tim mở rộng, với lòng khiêm tốn, với thần thần của các mối phúc thật. Vì Chúa Giêsu đến với chúng ta trong sự khiêm tốn, trong sự nghèo hèn!

ĐTC tái khuyên nhủ các tín hữu siêng năng đọc và suy gẫm Lời Chúa, mua một cuốn sách Phúc Âm, mang trong túi, trong sắc, để đọc trong ngày, để tìm được Chúa Giêsu trong đó. (SD 1-9-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio