ĐTC TIẾP KIẾN CÁC BỘ TRƯỞNG MÔI SINH LIÊN HIỆP ÂU CHÂU

ĐTC TIẾP KIẾN CÁC BỘ TRƯỞNG MÔI SINH LIÊN HIỆP ÂU CHÂU

ĐTC tiếp kiến các bộ trưởng môi sinh

VATICAN: Sáng ngày 16 tháng 9 ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến các Bộ trưởng môi sinh của các nước Liên Hiệp Âu châu. Ngài kêu gọi thực thi ba nguyên tắc: liên đới, công bằng và chia sẻ.

ĐTC khẳng định rằng môi sinh là thiện ích chung và là gia tài của toàn nhân loại. Vì thế mọi người đều có nhiệm vụ cộng tác với nhau để bảo vệ và gìn giữ nó cho thiện ích chung. Nhưng trước các tai ương môi sinh người nghèo phải đau khổ nhất, vì các hậu quả to lớn của chúng.

Tình liên đới đòi buộc phải sử dụng các dụng cụ hữu hiệu, có khả năng hiệp nhất việc chống lại nạn môi sinh đồi tệ với cuộc chiến chống nạn nghèo đói: bằng cách phát triển và di chuyển các kỹ thuật thích hợp, có khả năng sử dụng các tài nguyên nhân bản và thiên nhiên, xã hội và kinh tế, tới các địa phương. Sự công bằng đỏi hỏi các nước giầu miền bắc bán cầu trả “món nợ môi sinh” cho các nước nghèo miền nam bán cầu, đặc biệt vài nước đã khai thác các tài nguyên thiên nhiên quá độ tạo ra các mất thăng bằng thương mại, để lại các hệ lụy tiêu cực trên môi sinh. Các nước giầu được mời gọi góp phần giải quyết món nợ đó và làm gương hạn chế việc tiêu thụ năng lượng không thể canh tân, đem tài nguyên tới các nước cần được trợ giúp để thăng tiến các đường lối chính trị và chương trình phát triển có thể chịu đựng được, sử dụng các hệ thống quản trị liên quan tới rừng, việc vận chuyển, rác, hiện tượng phung phí thực phẩm, hầu cải tiến kinh tế và khích lệ người dân có các cung cách sống khác có trach nhiệm hơn. Sau cùng là việc tham dự của tất cả các phần tử liên hệ, nhất là những người đã không hề có tiếng nói trong các quyết định liên quan tới thiện ích chung (SD 16-9-2015)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐHY Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền Gíáo viếng thăm Bangladesh

ĐHY Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền Gíáo viếng thăm Bangladesh

ĐHY Fernando Filoni

RAJSHAHI: Trong các ngày 9-13 tháng 9 ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưỏng Bộ Truyền Giáo viếng thăm mục vụ Bangladesh, nhân dịp giáo phận Rajshahi mừng 25 năm thành lập.

Giáo phận Rajshahi được thành lập ngày 21 tháng 5 năm 1990. Linh Mục Dilip Costa, giám đốc Hiệp hội truyền giáo quốc gia cho biết giáo phận có 64 ngàn tín hữu trên tổng số 18 triệu dân, 65% thuộc chủng tộc Adivasi, đa số sống bên lề xã hội và tại các vùng quê, 35% thuộc chủng tộc Bengala. ĐHY sẽ chủ sự các thánh lễ và gặp gỡ các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh cũng như giáo dân.

Cha Costa cũng cho biết công tác truyền giáo tại đây đã do các thừa sai Hội truyền giáo nước ngoài Milano, gọi tắt là PIME, bắt đầu hồi đầu thế kỷ XX. Rajshahi là thành phố lớn thứ tư sau Dhaka, Chittagong và Khulna. Cách đây 40 năm nữ tu Silvia Gallina, bề trên các nữ tu dòng Đức Maria Bé Thơ từ Andharkhota đã đến Rajshahi để phân phát phẩm vật cứu trợ và săn sóc người bệnh. Sau đó chị cùng hai nữ tu khác ở lại luôn trong vùng. Cộng đoàn kitô từ từ thành hình từ đó. Hiện nay giáo phận có 16 giáo xứ, mỗi giáo xứ đều có trường tiểu học, và các trường trung học thu nhận học sinh thuộc mọi tôn giáo không phân biệt ai. Giáo dục và phát triển nhân bản thuộc công cuộc rao truyền Tin Mừng và là một ưu tiên trong hoạt động của giáo phận. Các sáng kiến phát triển khác trong lãnh vực kinh tế, nông nghiệp và chăn nuôi do các dòng tu, hiệp hội và tổ chức công giáo đảm trách qua các dự án cho vay vốn nhỏ (FIDES 8-9-2015)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đức Thánh Cha kêu gọi: Đừng bao giờ chiến tranh nữa!

Đức Thánh Cha kêu gọi: Đừng bao giờ chiến tranh nữa!

VATICAN. Nhân kỷ niệm 70 năm chấm dứt thế chiến thứ hai tại Á Châu, ĐTC tái khẩn cầu Thiên Chúa ban hòa bình cho nhân loại trước những cuộc chiến tranh đẫm máu ngày nay.

Ngỏ lời với các tín hữu vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng hôm qua 2-9 tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC nói:

”Trong những ngày này, ở Viễn Đông cũng kỷ niệm kết thúc Thế Chiến thứ hai. Tôi tái dâng lên vị Chúa Tể của tất cả mọi người lời khẩn nguyện sốt sắng để, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, thế giới ngày nay không còn phải trải qua những kinh khiếp và đau khổ kinh khủng vì những thảm trạng như thế nữa. Nhưng thế giới đang trải qua những đau khổ ấy! Đây cũng là khát vọng trường kỳ của các dân tộc, nhất là những dân tộc đang là nạn nhân của các cuộc xung đột đẫm máu. Các nhóm thiểu số bị bách hại, các Kitô hữu bị bách hại, sự phá hủy điên rồ, và rồi những kẻ chế tạo và buôn bán võ khí, các võ khí đẫm máu của bao nhiêu người vô tội. Không bao giờ chiến tranh nữa! Đó là tiếng kêu thống thiết từ tâm hồn chúng ta và tâm hồn của tất cả mọi người nam nữ thiện chí lên tới Vị Vua Hòa Bình”.

Thế chiến thứ 2 kéo dài 5 năm, bắt đầu từ ngày 1-9 năm 1939 và kết thúc tại Âu Châu ngày 8-5-1945 với sự đầu hàng của Đức, và tại Á châu ngày 2 tháng 9 cùng năm 1945 với sự đầu hàng của Nhật Bản. Đây là cuộc chiến lớn nhất trong lịch sử nhân loại với tổng cộng từ 55 đến 60 triệu người chết, trong số này có 50 triệu người thuộc khối đồng minh và 12 triệu người thuộc khối trục gồm Đức, Nhật và Italia. Khối đồng minh có 17 triệu quân nhân bị thiệt mạng và khối trục có 8 triệu binh sĩ tử thương (SD 2-9-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Ký kết hiệp định giữa Tòa Thánh và Đông Timor

Ký kết hiệp định giữa Tòa Thánh và Đông Timor

Ký hiệp định giữa Tòa Thánh và Đông Timor

DILI. Hôm 14-8-2015, Tòa Thánh và Cộng hòa Dân Chủ Đông Timor đã ký hiệp định với nhau.

ĐHY Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh kiêm Đặc sứ của ĐTC, và Thủ tướng Rui Maria de Araújo của Đông Timor đã ký vào văn bản hiệp định.

Hiện diện tại buổi lễ ở Dinh Chính Phủ Đông Timor, về phía Tòa Thánh có Đức Sứ Thần tại địa phương Đức TGM Joseph Marino, Đức Cha Baslilio do Nasciemento, GM Baucau, Chủ tịch HĐGM Đông Timor, Đức GM Norberto de Amaral, GM Mariana, Đức TGM Leopoldo Girelli, Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore và ASEAN, Đức Ông Phanxicô Cao Minh Dung, Tham thán Sứ Thần tại Bộ ngoại giao Tòa Thánh, Đức ông Ionut Paul Strejac, Tham tán Sứ Thần tại Đông Timor.

Về phía Đông Timor có nhiều quan chức chính phủ như các vị Bộ trưởng tại phủ thủ tướng, Bộ trưởng giáo dục, kinh tế, canh nông và ngư nghiệp, Bộ trưởng ngoại giao và tài chánh, v.v..

Hiệp định nhìn nhận vai trò lịch sử của Giáo Hội Công Giáo trong đời sống quốc gia Đông Timor và sự phát triển con người, đồng thời xác định và bảo đảm qui chế pháp lý của Giáo Hội Công Giáo, đề ra những qui luật điều hành các lãnh vực khác nhau, từ hôn nhân theo phép đạo, đến các nơi thờ phượng, các cơ sở giáo dục của Công Giáo, việc dạy môn tôn giáo tại học đường, hoạt động từ thiện bác ái của Giáo hội, tuyên úy quân đội, nhà tù, nhà thương và chế độ thuế khóa và tài sản.

Hiệp định gồm một Lời Tựa và 26 điều khoản, sẽ bắt đầu có giá trị với việc trao đổi văn kiện phê chuẩn.

Trong diễn văn tại buổi ký hiệp định, trước sự hiện diện của Tổng thống Taur Matan Ruak của Đông Timor và các quan chức chính phủ nước này, cùng với chủ tịch quốc hội và ngoại giao đoàn, ĐHY Parolin khẳng định rằng toàn thể hiệp định nhắm đến một mục tiêu cơ bản là làm sao trợ giúp nhân dân Đông Timor, đẩy mạnh sự phát triển toàn diện về mặt vật chất và tinh thần.

Cả Giáo Hội lẫn Nhà Nước hiện diện là để phục vụ dân chúng, và qua Hiệp định này hai bên quyết tâm ”cộng tác với nhau cho sự phát triển toàn diện của nhân dân trong công lý, hòa bình và công ích”, như điều 1 khẳng định.

”Kinh nghiệm luôn cho thấy con người được phục vụ tốt đẹp nhất khi có sự cộng tác và đối thoại giữa mọi thành phần xã hội và khi một nền văn hóa gặp gỡ được thiết lập vững chãi nơi những người lãnh đạo”.

ĐHY Quốc vụ khanh Parolin cũng khẳng định rằng ”việc ký kết hiệp định này hôm nay mở ra một chương mới trong lịch sử dài quan hệ giữa Giáo Hội và Nhà nước. Thực vậy, trong khuôn khổ quốc tế này nhiều khả thể mới được mở ra trong đó quan hệ này sẽ được đào sâu và củng cố để mưu ích cho nhân dân Timor”. (SD 14-8-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

TOÀ THÁNH KÊU GỌI GIỚI LÃNH ĐẠO CHÍNH TRỊ, KINH TẾ, KHOA HỌC VÀ TÔN GIÁO GÓP PHẦN THĂNG TIẾN HÒA BÌNH VÀ AN NINH CHO CÁC NƯÓC NHỎ ĐANG PHÁT TRIỂN

TOÀ THÁNH KÊU GỌI GIỚI LÃNH ĐẠO CHÍNH TRỊ, KINH TẾ, KHOA HỌC VÀ TÔN GIÁO GÓP PHẦN THĂNG TIẾN HÒA BÌNH VÀ AN NINH CHO CÁC NƯÓC NHỎ ĐANG PHÁT TRIỂN

NEW YORK: Tòa Thánh kêu gọi các giới lãnh đạo chính trị, kinh tế và tôn giáo quốc gia và quốc tế góp phần thăng tiến hoà bình và an ninh cho các nước nhỏ đang phát triển.

ĐTGM Bernarrdito Auza, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc, đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong diễn văn đọc trước phiên họp của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc về đề tài “Hoà bình và an ninh cho các nước nhỏ đang phát triển”. ĐC Auza khẳng định rằng một trong các đe dọa đối với các nước này là sự kiện khí hậu thay đổi, khiến mực nước biển dâng cao, tạo ra các trận bão nhiệt đới và ngoài nhiệt đới, nhiệt độ không khí và biển gia tăng và thay đổi các kiểu mưa. Đây không phải chỉ là vấn đề môi sinh mà cũng liên quan tới sự phát triển nữa. Nó là một đe dọa sự sống. Các thay đổi khí hậu sẽ gây ra các hệ lụy tiêu cực trên đất đai và nguồn tài nguyên vốn đã nghèo của các nước này. Vì vậy điều cấp thiết nhất là lám sao ngăn chặn khí hậu thay đổi. Để đối phó với mọi hậu quả của nó cần phải huy động mọi lực lượng chính trị, kinh tế, khoa học, và truyền thống tôn giáo. Thay đổi khí hậu liên quan tới sự phát triển con người, như ĐTC Phanxicô đã khẳng định. Ngài đề nghị môi sinh toàn vẹn như mô thức phối hợp hài hòa các tương quan đa chiều kích, bởi vì chúng ta đang phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng vừa môi sinh vừa xã hội. Nếu chúng ta đánh mất đi ý thức chúng ta với môi sinh là một, thì thái độ của chúng ta sẽ là thái độ của những chủ nhân, người tiêu thụ và khai thác không có khả năng đưa ra các hạn chế cho các nhu cầu của mình. Săn sóc môi sinh là một thái độ xã hội. Tất cả mọi người đều có bổn phận đóng góp cho việc tìm ra một giải pháp toàn vẹn.

Vị đại diện Tòa Thánh đưa ra ba đề nghị. Thứ nhất, đạt một thỏa hiệp trong hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tại Paris vào tháng 12 năm nay để chiến đấu với nạn khí hậu thay đổi.  Hàng lãnh đạo thế giới phải can đảm có tâm trí nhìn xa thấy rộng chứ không thiển cận nhắm tới các lợi nhuận nhất thời đang thống trị các đường lối chính trị và kinh tế thế giới. Thứ hai,  bỏ ra các nguồn tài chánh đầy đủ để ngăn chặn nạn khí hậu thay dổi. Thứ ba, gia tăng khả thể có được loại năng lượng có thể canh tân. Hàng tỷ người trên thế giới cần năng lượng để ra khòi nghèo túng. Hàng tỷ người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ gái,  đau khổ vì phải nấu nướng vời dầu hỏa. Đa số sống trong các vùng không được nối liền với hệ thống cung cấp năng lượng có thể canh tân. Các nước giầu phải trợ giúp các nước kém mở mang có được các kỹ thuật và nguồn tài  chánh để sản xuất năng lưọng ít làm ô nhiễm môi sinh (SD 31-7-2015)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐTGM MELKÍT ALEPPO KÊU GỌI YỂM TRỢ VẬT CHẤT TINH THẦN CHO CÁC KITÔ HỮU SIRIA

ĐTGM MELKÍT ALEPPO KÊU GỌI YỂM TRỢ VẬT CHẤT TINH THẦN CHO CÁC KITÔ HỮU SIRIA

ALEPPO: ĐC Jean Clément Jeanbart, TGM Melkít Aleppo, kêu gọi cộng đồng quốc tế trợ giúp vật chất và tinh thần để các kitô hữu Siria có thể ở lại trên quê hương của họ.

ĐTGM Aleppo đã đưa ra lời kêu gọi trên đây hôm 27 tháng 7 vừa qua. ĐC cho biết việc yểm trợ cụ thể nhất là giúp các kitô hữu ở lại trên quê hương của họ. Giáo phận của ĐC đang đề ra một chương trình phát triển trợ giúp tài chánh cho các xí nghiệp nhỏ và các hãng xưởng thủ công nghệ tạo công ăn việc làm và tái thiết nhà cửa bị hư hại vì chiến tranh. Để thực hiện dự án này ĐC đã cho thành lập phong trào “Xây dựng để ở lại” với mục đích quy tụ tất cả các kitô hữu ý thức tầm quan trọng sự hiện diện tiếp tục của họ trên đất nước Siria. Chúng tôi làm tất cả những gì có thể để cho phép anh chị em tín hữu kitô sống đức tin trong các thử thách vô cũng khó khăn này. Theo ĐC cho tới nay cuộc nội chiến tại Siria đã khiến cho 230,000 người thiệt mạng, khoảng phân nửa trên hơn 12 triệu dân phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn, hơn 4 triệu người đã chạy trốn sang các nước láng giềng như Thổ Nhĩ Kỹ, Libăng và Giordania. Chúng tôi tìm trao ban can đảm cho những người ở lại. Chúng ta không đuợc quên rằng thánh Phaolô xưa kia đã được ơn hoán cải trên đường đến thành Damasco, đã được Giáo Hội Damasco rửa tội, thêm sức, truyền chức linh mục và gửi đi truyền giáo trên thế giới. Giáo Hội Siria đã có biết bao nhiêu vị tử đạo. Vì thế nó đáng được trợ giúp và nâng đỡ để tiếp tục cuộc du hành dài 2,000 năm trên con đường lòng tin kitô. Vì vậy nếu thế giới muốn trợ giúp chúng tôi, thì phải cầu nguyện với chúng tôi để đem lại hoà bình cho đất nước này. Nếu quý vị muốn trợ giúp các anh chị em kitô đã quyết định ở lại đây để bảo đảm cho sự hiện diện của Kitô giáo tại Siria, thi hãy nâng đỡ họ. Nếu quý vị  muốn trợ giúp chúng tôi, thì hãy nâng đỡ chúng tôi đồng hành với các tín hữu này để “xây dựng và ở lại” (SD 27-7-2015)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

 

NHỊP SỐNG KITÔ HỮU

NHỊP SỐNG KITÔ HỮU

Trời có lúc mưa lúc nắng. Mưa để tưới cho cây lúa mọc nhanh. Nắng để cho hạt lúa vào mẩy chín vàng. Thời gian có ngày có đêm. Ngày để con người làm việc. Đêm để con người nghỉ ngơi phục hồi sức lực. Con người có đời sống riêng tư những cũng có đời sống xã hội. Có lúc phải ra ngoài góp mặt với đời. Có lúc phải rút lui vào chốn riêng tư để sống cho mình. Nhịp hai chi phối đời sống con người ấy cũng chi phối những hoạt động thiêng liêng của người môn đệ Chúa. Trong bài Tin Mừng Chủ nhật tuần trước, ta đã thấy Đức Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, hoạt động cứu độ con người. Hôm nay, khi các ông về tường trình lại những việc đã làm. Người bảo các ông tìm chỗ vắng vẻ mà nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi trong cầu nguyện. Sống riêng tư thân mật với Chúa. Hoạt động và cầu nguyện, đó là nhịp sống của người môn đệ Chúa.

Hoạt động và cầu nguyện đó là hai nhu cầu của con người. Vì con người có thể xác nhưng cũng có linh hồn. Vì đời sống trong xã hội, con người có bổn phận đối với làng xóm, với đất nước. Để thăng tiến bản thân, gia đình và đất nước, ta phải học hành, lao động hết sức vất vả. Đó là nhiệm vụ bắt buộc. Một người có tinh thần trách nhiệm không thể nào xao lãng những nhiệm vụ đó. Tuy nhiên sẽ là thiếu sót rất lớn nếu con người chỉ biết có đời sống thể xác mà quên đi đời sống tâm linh. Thật vậy, con người không chỉ có thể xác mà còn có linh hồn. Đời sống tâm linh cũng cần phải được nuôi dưỡng bồi bổ để phát triển. Sẽ là khập khiễng, lệch lạc, què quặt nếu chỉ lo phát triển đời sống vật lý mà quên đời sống tâm linh. Đời sống tâm linh được nuôi dưỡng bồi bổ ở bên Chúa. Chính Chúa là nguồn mạch đời sống thiêng liêng. Vì thế những giờ phút riêng tư thân mật bên Chúa sẽ giúp cho đời sống tâm linh phát triển. Chính nhờ những giờ phút cầu nguyện mà con người được phát triển quân bình, song song cả hồn lẫn xác.

Hơn thế nữa việc cầu nguyện sẽ hỗ trợ hoạt động bên ngoài. Nếu chỉ hoạt động bên ngoài, con người sẽ không khác gì máy móc. Nếu chỉ biết phát triển đời sống thân xác, con người sẽ trở thành nô lệ cho vật chất. Nếu chỉ quan tâm tới những nhu cầu vật chất, con người sẽ dễ bị tha hoá, đuổi theo tiền bạc, chức quyền. Một xã hội chỉ phát triển về vật chất mà không phát triển về đạo đức sẽ khó tồn tại. Cầu nguyện giúp nâng tâm hồn lên khỏi nô lệ vật chất. Những giây phút yên lặng bên Chúa giúp ta định hướng cuộc đời, ánh sáng Lời Chúa giúp ta nhìn rõ tâm hồn mình, biết rõ những sai sót của mình mà sửa lỗi. Những lời chỉ dạy của Chúa là những chuẩn mực đạo đức giúp ta sống ngay thẳng thật thà, lương thiện. Ơn Chúa ban sẽ cho ta sức mạnh để hoạt động tích cực hữu hiệu hơn, để hăng hái dấn thân hơn nữa trên đường phục vụ anh em.

Riêng trong lãnh vực tông đồ, cầu nguyện tuyệt đối cần thiết. Thật vậy, việc tông đồ bắt nguồn từ nơi Chúa. Làm việc tông đồ là làm việc của Chúa. Làm việc của Chúa mà không kết hiệp mật thiết với Chúa thì không những không thể có kết quả tốt đẹp mà còn có nguy cơ đi sai đường, làm hỏng công việc của Chúa. Không cầu nguyện ta sẽ dễ chú ý tới những hoạt động thuần tuý phô trương bề ngoài. Không cầu nguyện ta sẽ dễ biến việc của Chúa thành của riêng ta và vì thế sinh ra tự phụ, kiêu hãnh. Không cầu nguyện, việc tông đồ sẽ chỉ là một hoạt động xã hội từ thiện không hơn không kém. Vì thế, cầu nguyện rất cần thiết. Cần cầu nguyện đế biết rõ ý Chúa, biết việc phải làm. Cần cầu nguyện để múc lấy sức mạnh của Chúa giúp chu toàn công việc. Cần cầu nguyện để biết khiêm nhường luôn coi mình là dụng cụ trong bàn tay Thiên Chúa. Chỉ khi làm việc trong Chúa, với Chúa và vì Chúa, việc tông đồ mới có kết quả tốt đẹp theo ý Chúa muốn.

Hoạt động và cầu nguyện. Đó là hai nhịp trong đời sống Kitô hữu. Nhưng có lẽ ta thường chú trọng tới hoạt động mà quên cầu nguyện. Hôm nay, Chúa dạy ta phải biết giữ quân bình giữa hai nhịp của đời sống. Có hoạt động nhưng cũng phải có cầu nguyện. Hoạt động phải là kết quả của những giờ suy nghĩ và cầu nguyện. Cầu nguyện để tổng kết lượng giá những hoạt động cũ và định hướng những hoạt động mới. Hoạt động là bề mặt. Cầu nguyện là bề sâu. Giữ được quân bình giữa hai nhịp sống, con người mới phát triển toàn diện. Duy trì sự ổn định của hai nhịp sống mọi hoạt động của con người mới có nền tảng và bền vững.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1- Một ngày kết thúc mà bạn chưa cầu nguyện, bạn có cảm thấy như thế là thiếu sót như thể bạn chưa ăn gì trong ngày hôm ấy không?

2- Trước khi đi làm việc tông đồ, bạn có cầu nguyện không?

3- Hai nhịp trong đời sống bạn đã hài hoà chưa? Bạn sẽ làm gì để chỉnh đốn lại những lệch lạc trong nhịp sống?

4- Gia đình bạn có cầu nguyện chúng với nhau trước khi đi ngủ không?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Ngân Sách năm 2014 của Tòa Thánh bị hụt 25,6 triệu Euro

Ngân Sách năm 2014 của Tòa Thánh bị hụt 25,6 triệu Euro

VATICAN. Trong năm 2014, ngân sách của Tòa Thánh bị thiếu hụt 25 triệu 600 ngàn Euro.

Theo thông cáo do Hội đồng Hồng Y về kinh tế công bố hôm 16-7-2015, con số thiếu hụt trên đây gần với số thiếu hụt trong năm 2013 trước đó, là 24 triệu 400 ngàn Euro.

Số tiền do các giáo phận và dòng tu đóng góp cho Tòa Thánh trong năm 2014 là 21 triệu Euro và Viện Giáo Vụ quen gọi là ngân hàng Vatican góp 50 triệu Euro.

Phần lớn số chi trong ngân sách Tòa Thánh là để trả lương cho 2.880 nhân viên thuộc 64 cơ quan khác nhau, với 126 triệu 600 ngàn Euro.

Trong năm 2015, ngân sách của Phủ Thống đốc quốc gia thành Vatican dư được 63 triệu 519 ngàn Euro, tức là nhiều hơn gần 30 triệu Euro so với số dư của phủ này trong năm 2013 là 33 triệu 42 ngàn Euro. Phủ Thống quốc quốc gia thành Vatican có 1.930 nhân viên, và phần lớn số thu đến từ bảo tàn viện Vatican và số tiền đầu tư thuận lợi.

Thông cáo của Hội đồng Hồng Y cho biết trong năm 2015, ngân sách của Tòa Thánh tiếp tục sẽ thiếu hụt.

Ngoài ra, Hội đồng cho biết gia sản của Tòa Thánh tăng lên 939 triệu Euro nhờ sự điều chỉnh bằng cách bao gồm rất cả các hoạt động và tiền thiếu hụt khi kết toán ngân sách 2014. Trước đây có những khoản tiền dự trữ của các cơ quan Tòa Thánh không được ghi trong ngân sách.

Kết toán của Tòa Thánh từ nay được thi hành theo các nguyên tắc quốc tế. (SD 16-7-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp kiến đoàn Hiệp sĩ Lao động Italia

Đức Thánh Cha tiếp kiến đoàn Hiệp sĩ Lao động Italia

Pope tiếp kiến đoàn Hiệp Sĩ Lao Động

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng 20-6-2015 dành cho 150 thành viên Liên đoàn quốc gia các Hiệp sĩ Lao Động Italia, ĐTC tái lên án nạn thất nghiệp giới trẻ.

Hiệp sĩ Lao động là những người nổi bật trong giới chủ xí nghiệp và kinh tế, được Tổng thống Italia tưởng thưởng Huân công quốc gia vì đã góp phần kiến tạo công ăn việc làm và làm tăng trưởng giá trị các sản phẩm Italia trên thế giới.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC nói đến tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay trong một bối cảnh xã hội với những chênh lệch và nạn thất nhiệp, nhất là nơi người trẻ. Ngài gọi tình trạng thất nghiệp này của người trẻ là một triệu chứng cho thấy có những gì bất ổn trầm trọng, mà người ta không thể chỉ qui trách cho những nguyên nhân trên bình diện hoàn cầu và quốc tế.

ĐTC nhắc lại một điều mà giáo huấn xã hội Công Giáo liên tục nhấn mạnh đó là tiêu chuẩn căn bản, theo đó con người ở trung tâm sự phát triển, và bao lâu còn có những người nam nữ thụ động hoặc ở ngoài lề, thì công ích không thể được coi là đã hoàn toàn đạt được.

ĐTC ca ngợi sáng kiến mà Liên đoàn toàn quốc các Hiệp sĩ lao động Italia đang làm nổi bật, đó là ngoài vai trò xã hội của lao động, còn có chiều kích luân lý đạo đức nữa. Thực vậy, chỉ khi nào ăn rễ trong công lý và tôn trọng luật pháp thì nền kinh tế mới góp phần vào sự phát triển đích thực, không gạt cá nhân và các dân tộc ra ngoài lề, tránh được nạn tham ô và bất lương, cũng như không lơ là với việc bảo vệ môi trường tự nhiên (SD 20-6-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Hạt giống, hạt cải

Hạt giống, hạt cải

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hạt giống và hạt cải làm ví dụ để nói về Nước Thiên Chúa.

Nước Thiên Chúa được thiết lập giống hệt như một tiến trình gieo gặt trọn vẹn: từ hạt giống, hạt nẩy sinh thành cây, rồi thành bông lúc. Như người dân Palestina, sau khi gieo hạt giống, họ âm thầm chờ đợi lúa chín để gặt hái, chứ không hề biết hạt giống được gieo xuống đất đã phát triển như thế nào: Chúa Giêsu cũng gieo hạt giống Nước Trời nơi tấm lòng con người, cùng với ơn Chúa, Nước đó âm thầm phát triển lan rộng khắp thế giới, tạo nên mùa gặt các linh hồn. Chúa Giêsu chỉ đích thân có mặt trong mùa gieo giống và mùa gặt hái. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian chờ đợi, Ngài vẫn tiếp tục hoạt động một cách vô hình, qua Chúa Thánh Thần và Giáo Hội. Khi Nước Thiên Chúa đã phát triển đến mức tối đo, Ngài sẽ trở lại trong vinh quang, thu hoạch mùa gặt của Ngài.

Dụ ngôn hạt cải là dụ ngôn cuối cùng trong năm dụ ngôn về Nước Thiên Chúa. Cũng như các dụ ngôn trước, dụ ngôn này được rút ra từ đời sống thôn dã. Nó đưa ra một nét tương phản hấp dẫn: hạt cải nhỏ xíu trở thành một cây to lớn. Nước Thiên Chúa cũng mang nơi mình một nghịch lý tương tự: Dưới cái nhìn của thánh Marcô, dụ ngôn hạt cải chứa đựng cách diễn tả tuyệt vời về bí mật Mêsia. Cho đến lúc này, hành vi của Chúa Giêsu có thể bị coi là vô nghĩa và Nước Thiên Chúa vẫn chỉ là một thực tế khiêm tốn. Dù vậy, các dân ngoại đang nhìn thấy sự tăng trưởng dị thường của nó như các Kitô hữu ở Rôma đã kinh nghiệm được điều này. Chính Giáo Hội tiên khởi, dù yếu đuối, vẫn ý thức được mình đang tham dự vào sự thành công của một công trình đã sẵn tiềm tàng nguồn sinh lực vô biên, công trình này sẽ đạt tới mức hoàn vũ vào cuối giai đoạn phát triển của nó.

Hạt giống đã trải qua một quá trình phát triển âm thầm trước khi tới mùa gặt; hạt cải được trồng dưới đất cũng phải trải qua một quá trình cho đến khi trở thành một cây lớn. Trong những bổn phận dù âm thầm hằng ngày, chúng ta hãy tin tưởng phó thác cho quyền năng yêu thương của Chúa, chính Ngài sẽ làm cho công việc chúng ta thực hiện theo ý Chúa đạt tới kết quả vượt quá sức tưởng tượng của chúng ta, và như vậy chúng ta sẽ làm ích cho chính bản thân, cho tha nhân và cho Nước Chúa.

Xin Chúa củng cố chúng ta trong niềm xác tín đó.

Veritas Radio

 

Nhà của Vatican tại cuộc triển lãm quốc tế: Expo 2015 Milano

Nhà của Vatican tại cuộc triển lãm quốc tế: Expo 2015 Milano

MILANO. Nhà của Tòa Thánh tại cuộc triển lãm quốc tế 2015 ở Milano, Bắc Italia, bắt đầu thu hút khách viếng thăm.

Cuộc triển lãm này đã được thủ tướng Matteo Renzi của Italia khai mạc hôm 1-5-2015 với sự tham dự của 200 ngàn người, và có chủ đề là ”Nuôi dưỡng trái đất, năng lực cho cuộc sống”. Tòa Thánh là 1 trong 140 quốc gia tham dự cuộc triển lãm hoàn cầu này, từ 1-5 đến 31-10 năm nay. Khu vực triển lãm rộng 110 hécta cách trung tâm thành phố Milano 16 cây số về hướng tây bắc. Ban tổ chức hy vọng sẽ có hơn 20 triệu khách đến viếng thăm.

Nhà triển lãm của Tòa Thánh rộng 70 mét vuông, có chủ đề là ”Không phải chỉ sống bằng bánh”, trong đó có những tiểu đề như ”mảnh vườn cần giữ gìn, lương thực cần chia sẻ, bữa ăn giáo dục, bánh làm cho Thiên Chúa hiện diện trong thế giới”.

Nhà triển lãm của Tòa Thánh do Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa tổ chức với kinh phí 3 triệu Euro, với sự cộng tác và đóng góp của HĐGM Italia và Tổng giáo phận Milano sở tại. Đại Học Công Giáo Thánh Tâm và Bệnh viện Nhi đồng Chúa Hài đồng Giêsu của Tòa Thánh ở Roma cũng cộng tác về phương diện khoa học.

ĐHY Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa cho biết chủ đề lương thực cũng là cơ hội để suy tư và giáo dục về đức tin, công lý, hòa bình, tương quan giữa các dân tộc, kinh tế, môi sinh. ĐHY nhắc lại rằng thế giới ngày nay đang bị chia làm hai loại người: những người đói và những người phải ăn kiêng, vì quá nhiều lương thực và không được sử dụng tốt.

Trong thời gian triển lãm, tại Nhà của Tòa Thánh cũng có những cuộc thảo  luận, diễn đàn và chiếu phim về nạn đói trên thế giới, lương thực dài hạn, săn sóc môi sinh, ăn kiêng và dinh dưỡng. Ngoài ra có một cuộc nói chuyện về tương quan giữa lương thực và nhân loại.

Cuộc triển lãm quốc tế được tổ chức 5 năm một lần. Cho đến nay, từ thời Đức Chân phước Giáo hoàng Piô 9, Tòa Thánh vẫn luôn tham gia các cuộc triển làm này để chứng tỏ ước muốn của Giáo Hội mong cho tiếng nói của mình được lắng nghe, và nêu chứng từ đề những đề tại tế nhị, quan trọng, liên quan đến tương lai.

Một số nhà triển lãm của Tòa Thánh trong quá khứ gần đây thương nhấn mạnh đến nghệ thuật thánh và hầu như là một bảo tàng viện Vatican lưu động, với một nhà nguyện nhỏ.

ĐHY Ravasi cho biết so với khu nhà triển lãm của Tòa Thánh hồi năm 1964 tại New York, lần này khu nhà của Tòa Thánh đơn sơ hơn, hợp với đường hướng của ĐTC Phanxicô.

Nhà triển lãm của Tòa Thánh ở Milano không được trang trí bằng những biểu tượng Kitô công khai, nhưng cũng có hàng chữ ”Xin ban cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”, bằng 13 thứ tiếng.

Sứ điệp của ĐTC

Trong sứ điệp Video truyền đi trưa ngày 1-5 vừa qua trong buổi khai mạc cuộc triển lãm ở Milano, ĐTC nói với các quan chức của các nước trên thế giới rằng: dân chúng đang cần chấm dứt sự phá hoại trái đất, cần tìm ra những phương thế để bảo tồn và chia sẻ các tài nguyên của trái đất, nhất là để cung cấp lương thực cho người đói.

ĐTC cũng mời gọi các khách viếng thăm và ban tổ chức cuộc triển lãm chứng tỏ mối quan tâm thực sự đối với người nghèo và thực hiện những cố gắng cụ thể để thăng tiếng tình liên đới. Chẳng vậy – ĐTC nói – cuộc triển lãm quốc tế có thể là thành phần của một sự ”nghịch lý về sự sung túc” mà thánh Gioan Phaolô 2 Giáo Hoàng đã tố giác khi Ngừơi nhận xét rằng một thiểu số người trên thế giới thừa thãi những gì họ cần để sống, trong khi nhiều người dân khác đang chết đói”.

ĐTC cũng kêu gọi làm sao để chủ đề của cuộc triển lãm quốc tế này không phải chỉ là một đề tài mà thôi, cần làm sao để những người viếng thăm cuộc triển lãm 2015 này thực sự cố gắng giữ trong tâm trí ”khuôn mặt những người nam nữ đang bị đói và những người đau yếu hoặc thiệt mạng vì quá nghèo hoặc vì thiếu dinh dưỡng” (CNS 1-5-2015).

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Sinh nhiều hoa trái

Sinh nhiều hoa trái

Ai trồng cây cũng mong được ăn quả. Muốn có quả, cũng phải lắm công phu. Không phải cứ xanh tốt lớn mạnh là có quả. Có những ruộng lúa xanh tốt, nhưng chỉ tốt lá, nên chỉ cho những bông lúa lép. Có những cây xum xuê cành lá, nhưng đến mùa chẳng thấy quả nào. Xanh tốt như thế không phải là thành công, nhưng là thất bại. Cành lá chỉ là phụ, hoa quả mới là chính. Được điều phụ mất điều chính, đó là thất bại. Đức Giêsu quan sát cây nho và thấy rằng một cây nho muốn có nhiều hoa quả cần phải có hai điều kiện sau đây:

Điều kiện thứ nhất: Cành phải liên kết với cây. Cành không liên kết với cây, không thể sinh hoa kết quả. Cành không liên kết với cây khi dòng nhựa nuôi dưỡng thân cây bị tắc nghẽn không luân lưu sang cành. Có những con sâu con bọ đục khoét làm cho cành cây bị thương tổn, không còn tiếp nhận được nguồn nhựa sống của thân cây truyền sang. Chỉ khi cành kết hiệp chặt chẽ với cây, dòng nhựa từ cây mới truyền sang cành, cho cành trổ sinh hoa trái.

Điều kiện thứ hai: Cành lá phải được cắt tỉa. Ai đã trồng nho thì biết: Nếu cứ để cành lá phát triển tự do, cây sẽ xanh tươi coi rất đẹp mắt nhưng không có hoa trái. Muốn cây có quả, phải tỉa bớt cành lá. Việc cắt tỉa làm cho dòng nhựa không bị phân tán, nhưng tập trung vào những cành chính, dồn vào cho hoa sung sức, cho quả đầy đặn.

Đức Giêsu muốn dùng hình ảnh cây nho để nói về đời sống đạo của ta. Đời sống của ta được sánh ví như đời sống của cây nho.

Cũng như người trồng nho muốn cho vườn nho của mình không bị tàn lụi, nhưng phát triển, sinh hoa kết quả, Đức Chúa Cha đã tạo dựng nên con người không phải để con người tàn lụi đi, nhưng để con người phát triển, sinh hoa kết quả và tồn tại.

Để được phát triển, con người cũng cần những điều kiện.

Điều kiện thứ nhất: Phải kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu. Như cành nho phải liên kết với thân nho mới sinh hoa kết quả, ta phải liên kết mật thiết với Đức Giêsu. Người là nguồn cội sự sống của ta. Tách lìa Người, ta không thể sống, càng không thể phát triển được. Người là dòng sông ân sủng. Khi ta kết hiệp với Người, ân sủng tuôn đổ vào linh hồn, làm cho ta được sống và sống sung mãn. Ân sủng thấm nhập nội tâm, uốn nắn tình cảm, củng cố ý chí, sinh ra những hoa trái thiêng liêng trong tư tưởng, lời nói, việc làm. Sự kết hiệp mật thiết với Chúa làm cho ta sống sự sống của Người, nói lời nói của Người, hành động theo gương của Người, phán đoán theo chuẩn mực của Người, nhìn con người và sự việc bằng cặp mắt của Người, yêu thương bằng trái tim của Người. Khi sự kết hiệp đã đến mức hoàn hảo, chính Người hành động qua ta và vì thế, những hoa trái sẽ vô cùng phong phú.

Điều kiện thứ hai: Phải chịu cắt tỉa. Cành nho muốn sai trái phải chịu tỉa bớt những cành lá rườm ra. Cũng thế, linh hồn phải để Chúa cắt tỉa nhưng gì dư thừa cản trở ơn thánh sinh hoa kết quả. Phải cắt tỉa những ý muốn riêng tư để chuyên tâm tìm thánh ý Thiên Chúa. Phải cắt tỉa những hình thức bề ngoài để chìm vào nội tâm sâu lắng. Phải cắt tỉa những phô trương quyền lực để mặc lấy tâm tình đơn sơ khiêm nhuờng. Chúa cắt tỉa ta bằng những thất bại ta gặp phải. Chúa huấn luyện ta bằng những lời phê bình chỉ trích của những người chung quanh. Chúa mãi dũa ta bằng những nghi kỵ hiểu lầm của người khác. Chúa đào tạo ta trong những phản bội của người thân tín. Việc cắt tỉa làm cho ta đau đớn, nhưng đem lại những lợi ích vô cùng phong phú.

Chính Đức Giêsu đã làm gương cho ta khi Người sống kết hiệp mật thiết với Đức Chúa Cha. Sự kết hiệp ấy được diễn tả qua việc Người chuyên tâm cầu nguyện và luôn luôn làm theo ý Chúa Cha. Người đã để cho Chúa Cha cắt tỉa khi Người từ bỏ ý riêng, nhận uống chén đắng, nhận vác thập giá, nhận lấy cái chết tủi nhục. Chính vì thế, Người đã sinh hoa trái dồi dào nuôi sống tất cả chúng ta. Chính vì thế, Người đã trở nên gốc nho sung mãn sự sống để chuyển thông cho chúng ta.

Lạy Đức Giêsu là Cây Nho Thật, xin cho con biết kết hiệp mật thiết với Chúa. Xin hãy cắt tỉa những gì vô ích trong con để con sinh nhiều hoa trái thiêng liêng như Chúa mong ước. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1- Còn những gì trong bạn ngăn cản bạn kết hiệp với Chúa?

2- Trong bạn còn những gì phải cắt tỉa?

3- Bạn có sẵn sàng để Chúa cắt tỉa không

4- Những thất bại, những đau khổ bạn gặp phải có ích gì cho bạn không?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Cuộc triển lãm quốc tế Milano là dịp toàn cầu hóa tình liên đới

Cuộc triển lãm quốc tế Milano là dịp toàn cầu hóa tình liên đới

VATICAN: Cuộc triển lãm quốc tế tại Milano là một dịp thuận tiện để toàn cầu hóa tình liên đới. Chúng ta hãy tìm đừng phung phí nó, nhưng làm cho nó có giá trị tràn đầy.

ĐTC Phanxicô đã khích lệ như trên trong sứ điệp truyền hình trực tiếp lễ khai mạc cuộc triển lãm quốc tế 2015 tại Milano bắc Italia lúc 12 giờ rưỡi trưa hôm qua mùng 1 tháng 5 lễ Lao động quốc tế. Ngài kêu gọi mọi người thay đổi tâm thức và đừng nghĩ rằng các hành động thường ngày của mình, trên mọi mức độ trách nhiệm, không gây ra hậu quả đối với biết bao nhiêu người nghèo đói, đau yếu và phải chết vì thiếu ăn trên thế giới.

ĐTC biết ơn ban tổ chức vì đã cho ngài có dịp hợp tiếng với tất cả những ai tham dự buổi lễ khánh thành này. Đây là tiếng nói của Giám Mục Roma, lên tiếng nhân danh dân Thiên Chúa lữ hành trên toàn thế giới; là tiếng nói của biết bao nhiêu người nghèo, thành phần của dân Chúa với phẩm giá tìm của ăn nuôi thân bằng mồ hôi trán của mình. ĐTC nói: Tôi muốn là tiếng nói của các anh chị em, kitô cũng như không kitô, mà Thiên Chúa yêu thương như con cái và đã trao ban sự sống cho họ, đã ban phát cho họ bánh là thịt của Người Con làm người. Ngài là Đấng đã dậy chúng ta xin Thiên Chúa Cha “Xin ban cho chúng con lương thực hằng ngày”.

ĐTC ghi nhận rằng đề tài của cuộc triển lãm quốc tế “Nuôi sống hành tinh, năng lực cho sự sống” thật là quan trọng và nòng cốt, miễn là nó không phải chỉ là một đề tài, nhưng luôn được đi kèm bởi ý thức về các gương mặt: gương mặt của hàng triệu người ngày nay đang đói, ngày nay không thể ăn uống xứng đáng như con người. Tôi ước mong rằng, bắt đầu từ ngày hôm nay, mỗi một người ghé thăm cuộc triển lãm quốc tế Milano khi đi ngang qua các khu triển lãm tuyệt vời ấy, có thể nhận ra sự hiện diện của các gương mặt này. Một sự hiện diện dấu ẩn, nhưng trong thực tại phải là tác nhân đích thật của biến cố: các gương mặt của những người nam nữ đói khát, đau yếu và chết vì thiếu thực phẩm hay  vì thực phẩm độc hại.

“Cái mâu thuẫn của sự dồi dào” mà Đức Gioan Phaolô II nói tới trong diễn văn đọc trước tổ chức Lương Nông Quốc Tế FAO trong hội nghị về dinh dưỡng lần thứ I năm 1992, vẫn tồn tại mặc dù đã có các nỗ lực và vài kết quả tốt. Trong vài khiá cạnh, cuộc triển lãm quốc tế Milano cũng là phần “cái mẫu thuẫn của sự phong phú” đó, nếu nó chỉ tuân phục nền văn hóa gạt bỏ, và không góp phần vào một mô thức phát triển công bằng và có thể chịu đựng nổi. Vì thế chúng ta hãy làm sao để cuộc triển lãm này là dịp thay đổi não trạng, giúp mọi người ý thức rằng các hành động của chúng ta trên mọi bình diện trách nhiệm đều có hậu quả trên cuộc sống của những người gần xa đang đói. Tôi nghĩ tới biết bao nhiêu người nam nữ đang bị đói, đặc biệt là đông đảo các trẻ em đang chết đói trên thế giới.

Tiếp đến ĐTC đã nhắc đến các gương mặt có vai trò quan trọng trong cuộc triển lãm này: gương mặt của các nhân viên và các nhà nghiên cứu trong lãnh vực lương thực. Ngài xin  Chúa ban cho từng người sự khôn ngoan và lòng can đảm, vì trách nhiệm của họ rất lớn lao. ĐTC cầu mong rằng kinh nghiệm này cho phép các nhà thầu, các doanh thương, các nhà nghiên cứu, cảm thấy được lôi cuốn vào một dự án vĩ đại của tình liên đới: là dự án nuôi sống hành tinh trong sự tôn trọng mọi người và tôn trọng môi trường thiên nhiên. Đây là một thách đố lớn mà Thiên Chúa kêu mời nhân lọai của thế kỷ 21: thôi lạm dụng ngôi vườn Thiên Chúa đã tín thác cho chúng ta, để tất cả có thể ăn các hoa trái của ngôi vườn ấy. Lãnh nhận dự án lớn lao đó trao ban phẩm giá tràn đầy cho công việc làm của người sản xuất và người nghiên cứu trong lãnh vực thực phẩm.

ĐTC cũng không quên gương mặt của tất cả các công nhân đã tận tụy làm việc cho cuộc triển lãm quốc tế này, cách riêng những gương mặt vô danh, của những người ẩn khuất nhất, nhờ cuộc triễn lãm mà có cơm bánh cho gia đình. Ước chi đừng có ai bị lấy mất đi phẩm giá. Và ước chi đừng có chiếc bánh nào là kết qủa của một công việc bất xứng với con người!

Và ĐTC kết thúc sứ điệp trực tiếp truyền hình như sau: Xin Chúa giúp chúng ta đón nhận dịp may lớn lao này với tinh thần trách nhiệm. Xin Ngài là Tinh Yêu ban cho chúng ta “năng lực cho sự sống”: tình yêu để chia sẻ cơm bánh, “lương thực hằng ngày”, trong an bình và tình huynh đệ. Và ước chi đừng có người nam nữ nào thiếu cơm bánh, phẩm giá và công ăn việc làm.

 Linh Tiến Khải – Vatacan Radio

 

Công Giáo Italia gửi 3 triệu Euro giúp nạn nhân ở Népal

Công Giáo Italia gửi 3 triệu Euro giúp nạn nhân ở Népal

ROMA. Giáo Hội Công Giáo tại Italia đã dành 3 triệu Euro để góp phần cứu trợ khẩn cấp cho các nạn nhân động đất ở Népal.

Hôm 27-4-2015, Văn phòng toàn quốc về truyền thông xã hội thuộc HĐGM Italia, ra thông cáo nói rằng ”Tại Népal đất tiếp tục rung chuyển, làm cho con số các nạn nhân ngày càng cao, từ sau trận động đất đầu tiên hôm thứ bẩy 25-4-2015 kể cả tại Ấn độ, Tây Tạng và Bangladesh. Hàng ngàn người chết, hàng chục ngàn người bị thương và hàng trăm ngàn người đang cần được cứu trợ khẩn cấp.

ĐGH Phanxicô đã bày tỏ ”sự gần gũi với dân chúng bị nạn”, ngài cầu nguyện cho các nạn nhân, những người bị thương và tất cả những người đang chịu đau khổ vì thiên tai này”, và ngài cũng kêu gọi động viên cộng đồng quốc tế để nâng đỡ trong tinh thần liên đới huynh đệ.

Với tinh thần đó, hôm 27-4-2015, Đoàn chủ tịch HĐGM Italia đã mau lẹ quyết định dành 3 triệu Euro rút từ ngân quỹ 8 phần ngàn, – tiền các tín hữu đóng góp cho Giáo Hội – để cứu trợ cấp thời, qua trung gian Đức TGM Salvator Pennacchio, Sứ thần Tòa Thánh tại Ấn độ và Népal.

Trận động đất nặng nhất ở độ 7.9 theo thước Richter đã làm cho hơn 3,700 người chết và 6,515 người bị thương tại Népal theo thống kê sơ khởi tính đến sáng ngày 27-4-2015. Tại Ấn độ có 56 người chết và tại Trung Quốc có 20 người thiệt mạng vì động đất (SD 27-4-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Công bố niêm giám 2015 của Tòa Thánh

Công bố niêm giám 2015 của Tòa Thánh

Niên giám Tòa Tháng 2015

VATICAN. Sáng ngày 16-4-2015, Niên giám mới của Tòa Thánh, 2015, đã được đệ trình ĐTC.

Hiện diện trong buổi đệ trình có các chức sắc thuộc Văn phòng thống kê trung ương của Tòa Thánh, và 3 vị lãnh đạo thuộc dòng Don Bosco đặc trách nhà in Vatican, trong đó có thầy Đaminh Nguyễn Đức Nam, giám đốc kỹ thuật của cơ sở ấn loát này.

Thông cáo của Văn phòng thống kê của Tòa Thánh cho biết trong khoảng thời gian từ ngày 22-2 năm 2014 đến 14-2 năm 2015, Giáo Hội Công Giáo đã có thêm 3 tổng giáo phận 4 giáo phận và 2 đơn vị hành chánh khác.

Số tín hữu Công Giáo trong Giáo Hội từ năm 2005 đến 2013 tăng 12% tức là từ 1 tỷ 115 triệu lên 1 tỷ 254 triệu, tức thêm có thêm 139 triệu tín hữu, và hiện nay chiếm 17.7% trên tổng số 7 tỷ 94 triệu người trên thế giới. Sự tăng trưởng số tín hữu Công Giáo mạnh nhất là tại Phi châu, tăng 34%, tức là tù 153 triệu hồi năm 2005 lên 206 triệu trong năm 2013. Dân Công Giáo tại Mỹ châu tăng 10.5% và tại Á châu tăng 17.4% trong cùng thời gian vừa nói.

Tổng số nhân viên mục vụ của Giáo Hội gồm các GM, LM, Phó tế, tu sĩ nam nữ và thừa sai giáo dân tính đến cuối năm 2013 là 4 triệu 762 ngàn 458 người, tức là tăng thêm gần 300 ngàn người so với năm 2005. Trong số các nhân viên này có 5,173 giám mục (tăng thêm 40 vị so với năm 2012. Số linh mục là 415.348 vị. (SD 16-4-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Thổ nhĩ kỳ phản đối Tòa Thánh

Thổ nhĩ kỳ phản đối Tòa Thánh

ANKARA. Chiều ngày 12-4-2015, chính phủ Thổ nhĩ kỳ đã triệu hồi đại sứ cạnh Tòa Thánh để ”tham khảo ý kiến” cũng là để phản đối việc ĐTC dùng từ ”diệt chủng” để gọi cuộc tàn sát gần 1 triệu rưỡi người Arméni do Đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ kỳ gây ra cách đây 100 năm.

 

Đầu thánh lễ sáng chúa nhật 12-4-2015 tại Đền thờ Thánh Phêrô để tưởng niệm 100 năm cuộc tàn sát người Arméni, ĐTC Phanxicô đã lấy lại thành ngữ của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 trong tuyên ngôn chung năm 2001 với Đức Thượng Phụ Karekin II của Giáo Hội Arméni Tông Truyền, gọi vụ sát hại mà dân tộc Arméni phải chịu cách đây 100 năm là ”cuộc diệt chủng đầu tiên trong thế kỷ 20”, tiếp đến là các dân tộc khác: Do thái, Kampuchia, Ruanda, Burundi, Bosnia và nhiều nước khác.”

 

Sau việc này, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu Đức Sứ Thần Tòa Thánh tại Ankara, là Đức TGM Antonio Lucibello, đến để phản đối và bày tỏ sự phẫn nộ của chính phủ Thổ. Tiếp đến vào ban chiều, chính phủ nước này đã triệu hồi đại sứ Thổ cạnh Tòa Thánh là ông Kenan Gursoy.

 

Thủ tướng Ahmed Davutoglu của Thổ cho rằng với những lời tuyên bố về diệt chủng, ĐGH ”củng cố trào lưu kỳ thị chủng tộc ở Âu châu”, khích động sự oán thù nơi người Arméni”.

 

Từ lâu chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã dùng mọi phương thức ngoại giao để ngăn cản các nước khác gọi cuộc thảm sát người Arméni là một ”cuộc diệt chủng”.

 

Hồi năm ngoái, chính phủ Thổ cũng đã triệu hồi đại sứ tại Paris sau khi Pháp tuyên bố nhìn nhận cuộc diệt chủng Arméni. Nhưng ít lâu sau đó vụ này lại êm đi và Đại sứ Thổ trở lại nhiệm sở ở Paris.

 

Nguồn tin từ Tòa Thánh cho biết sự việc đã rõ ràng và không có thông cáo chính thức nào của Tòa Thánh về vấn đề này và hy vọng tình hình sẽ lắng dịu đi. Hồi năm 2001, chính phủ Thổ cũng đã mạnh mẽ phản đối tuyên ngôn chung của ĐGH Gioan Phaolô 2 và Đức Thượng Phụ Karekin II nói đến cuộc diệt chủng (Tổng hợp 12-4-2015)

 

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Công bố thống kê mới nhất của Giáo Hội Công Giáo

Công bố thống kê mới nhất của Giáo Hội Công Giáo

VATICAN. Số tín hữu Công Giáo, LM và Phó tế vĩnh viễn gia tăng trong Giáo Hội, nhưng số tu sĩ nam nữ tiếp tục giảm sút.

Trên đây là nội dung Niên Giám Thống kê của Giáo Hội hoàn cầu được hoàn tất trong tháng 2 và được Tòa Thánh công bố trong tháng 3 này, trình bày tình trạng Giáo Hội Công Giáo tính đến ngày 31-12-2013.

Theo đó, trên toàn thế giới có 1 tỷ 253 triệu người Công Giáo tức là tăng thêm 25 triệu, nghĩa là tăng 2% so với năm trước đó. Sự tăng trưởng của các tín hữu Công Giáo có phần nhiều hơn so với tỷ lệ gia tăng dân số thế giới và hiện chiếm 1.7% dân số hoàn cầu.

Cũng như những năm trước đây, Niên Giám Mới của Giáo Hội Công Giáo ước lượng có khoảng 4 triệu 800 ngàn tín hữu Công Giáo không được ghi trong thống kê vì họ ở những quốc gia không thể cung cấp các con số chính xác cho Tòa Thánh, ví dụ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

Theo thống kê mới, người Công Giáo đông nhất vẫn là ở Mỹ châu, chiếm 63.3% dân số đại lục này, tiếp đến là Âu Châu chiếm 39.9% và dân Công Giáo tại Á châu có tỷ lệ thấp nhất, chỉ chiếm 3.%.

Số GM trong toàn Giáo Hội là 5,173 vị, tăng 40 vị so với năm 2012 (ĐTC Phanxicô mới cho biết có 1,400 GM về hưu). Trong cùng thời gian đó, số LM triều và dòng tăng thêm 1,035 vị, và hiện có 415,348 vị: số LM giáo phận liên tục gia tăng tại Phi châu, Á châu và Mỹ châu nhưng tiếp tục giảm tại Âu Châu.

Số phó tế vĩnh viễn là 43,195 thầy, tức là tăng thêm 1 ngàn so với năm 2012 trước đó.

Số tu huynh giảm mất 60 thầy và hiện có 55,253 thầy tính đến cuối năm 2013. Số nữ tu tiếp tục đi xuống và còn 639,575 chị, tức là giảm 1.2% so với năm trước đó, và giảm 6.1% so với tình trạng năm 2008. Bắc Mỹ có số nữ tu giảm nhiều nhất: 16.6% trong vòng 5 năm qua, tiếp đến là Âu Châu: giảm 12.6% trong cùng khoảng thời gian đó.

Số đại chủng sinh triều và dòng trên thế giới liên tục giảm sút trong 2 năm qua, và còn 118,251 thầy tính đến cuối năm 2013, tức là giảm mất 2,365 thầy kể từ cuối năm 2011. (CNS 24-3-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Hồng Y Parolin kết thúc viếng thăm Bạch Nga

Đức Hồng Y Parolin kết thúc viếng thăm Bạch Nga

ROMA. Hôm 16-3-2015, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã trở về Roma, sau 4 ngày viếng thăm tại Cộng hòa Bạch Nga (Belarus). Trước đó, hôm chúa nhật 15-3-2015, ĐHY đã chủ sự thánh lễ cho các tín hữu tại Nhà thờ chính tòa giáo phận thủ đô Minsk.

Trong bài giảng, ĐHY Parolin cho biết ”ĐTC Phanxicô muốn đến đây giữa anh chị em, nhưng hoàn cảnh không cho phép ước muốn này được thực hiện. Vì thế, ngài ủy thác cho tôi nhiệm vụ chuyển đến anh chị em tất cả lòng quí mến của ngài đối với dân tộc Bạch Nga, và đặc biệt là các anh chị em Công Giáo. ĐGH biết rõ anh chị em đã trải qua những thời điểm thực sự khó khăn.”

ĐHY nói: Cả trong thời kỳ gần đây, ”các linh mục đã bị phát lưu, các nhà thờ bị phá hủy, các cộng đoàn bị phân tán, trong khi một chiến dịch tuyên truyền có tổ chức qui mô được phát động nhắm xóa bỏ hình ảnh Thiên Chúa ra khỏi tâm hồn các tín hữu. Tai ương mà anh chị em phải chịu thật là bao la.. ĐTC cúi mừng trước lịch sử đau thương ấy”.

ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh nói thêm rằng ”Bao nhiêu tăm tối vây quanh chúng ta, nhưng những ngày này, tôi đã nghe những tường thuật và gặp gỡ những người đã củng cố tôi trong đức tin.. Những người đã phản đối, đã nổi lên phản kháng, đứng trước những lạm dụng và bạo lực.. Ngày nay, cuộc chiến đấu chống lại những thần tượng nhỏ muốn chiếm chỗ của Thiên Chúa, chống lại những ảo tưởng làm giàu dễ dàng, sự đánh mất ý thức về điều thiện và điều ác, và cả sự dửng dưng.. Anh chị em thân mến, ĐGH ủy cho tôi nói với anh chị em rằng, qua những đau khổ anh chị em đã chịu nhân danh đức tin, anh chị em là những hoa đẹp nhất trong vườn Giáo Hội và chúng tôi đang cần anh chị em. Chúng tôi không thể mất anh chị em và không để anh chị em lẻ loi”.

Trong những ngày viếng thăm Bạch Nga, ĐHY Parolin đã gặp tổng thống Aleksander Lukaschenko hôm 13-3-2015 cũng như các đại diện chính quyền và các GM nước này. Ngoài ra ngài đã đặt viên đá đầu tiên xây tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại thủ đô Minsk, và hội kiến với vị thủ lãnh Giáo Hội Chính Thống tại Bạch Nga là Đức TGM Pawel.

Trong số 10 triệu dân tại Bạch Nga, có khoảng 1 triệu 500 ngàn tín hữu Công Giáo và là tôn giáo lớn thứ hai tại nước này sau Giáo Hội Chính Thống. Bạch Nga đang bị Liên hiệp Âu Châu và Hoa kỳ cô lập vì họ không chấp nhận chính sách của tổng thống Lukaschenko và coi ông là ”nhà độc tài cuối cùng ở Âu Châu”.

Hồi năm 2008, tổng thống Lukaschenko đã thỏa thuận với ĐHY Quốc vụ khanh bấy giờ là ĐHY Tarcisio Bertone về các cuộc thương thảo để tiến tới một hiệp định giữa Bạch Nga và Tòa Thánh. Nhưng các cuộc thương thảo bị khựng lại vì sự chống đối của Giáo hội Chính Thống chiếm đa số dân tại nước này. (Apic 15-3-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Phúc trình chi thu lạc quyên giúp Thánh Địa

Phúc trình chi thu lạc quyên giúp Thánh Địa

VATICAN. Trong năm 2014, hơn 7 triệu rưỡi Mỹ kim đã được dùng để trợ giúp các hoạt động của Giáo Hội Công Giáo tại Thánh Địa và giúp người tị nạn Siria và Irak.

 Theo thông cáo do Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, công bố hôm 10-3-2015, trong số ngân khoản do các giáo phận trên thế giới lạc quyên trong Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2014, có 2,5 triệu mỹ kim được dùng để cứu trợ cấp thời cho dân chúng tại Irak và Siria, hơn 2 triệu 600 ngàn mỹ kim được dành để hỗ trợ nền giáo dục Công Giáo các cấp và 2 triệu 400 ngàn mỹ kim khác được dùng để tài trợ các dự án nhỏ, kể cả việc hỗ trợ Hội đồng các vị Bản quyền Công Giáo tại Thánh Địa.

 Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương đã công bố danh sách các dự án được tài trợ nhân dịp phổ biến thư gửi các GM giáo phận trên thế giới mời gọi các vị cho tổ chức các cuộc lạc quyên theo ý ĐTC để giúp Thánh Địa.

 65% ngân khoản quyên góp được Bộ trao cho Dòng Phanxicô tại Thánh Địa là đơn vị của dòng đặc trách hầu hết các nơi thánh liên hệ tới cuộc đời Chúa Giêsu và săn sóc mục vụ cho các tín hữu trong vùng, đảm trách các trường Công Giáo, các tổ chức bác ái, đào tạo LM và tu sĩ. 35% ngân khoản còn lại được sử dụng để tài trợ các dự án được Bộ Đông phương chọn tại các nơi khác ở Thánh Địa, đạo Cipro, Siria, Liban, Ai Cập, Ethiopia, Eritrea, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Irak.

 Không đồng nào được dùng để giúp Trung ương dòng Phanxicô đang bị thiếu hụt ngân sách. Một tu sĩ Phanxicô ở Thánh Địa cho biết sau khi nhận được số tiền lạc quyên từ các giáo phận, Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương gửi thẳng tiền cho Dòng Phanxicô tại Thánh Địa để chi cho các dự án được chấp thuận. Trung ương dòng Phanxicô không liên hệ gì tới tiến trình này.

 Trong số các dự án được chấp thuận cho Thánh Địa có việc trợ giúp các tín hữu Kitô thiểu số trong vùng, bảo trì các địa điểm khảo cổ và Đền thánh Kitô, cũng như tạo cơ hội cho các tín hữu hành hương kính viếng các nơi này như Vườn Giệtsimani, Đền thờ Mộ Thánh, nhà Tiệc Ly, Vương cung thánh đường Truyền Tin ở Nazareth, khu khảo cổ ở Magdala, Capharnaum, Núi Tabor, Cana, Núi Nebo bên Giordani, trợ giúp học bổng cho 295 sinh viên đại học, mua dụng cụ cho 10 xưởng tiểu thủ công, tu bổ một số nhà ở của các gia đình nghèo nhất ở cổ thành Jerusalem, Beit Hanina, Bethlehem.. (CNS 10-3-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám Mục Bắc Phi về Roma thăm Tòa Thánh

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám Mục Bắc Phi về Roma thăm Tòa Thánh

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến 10 GM thuộc các nước Bắc Phi sáng hôm qua, 2-3, ĐTC nhiệt liệt khích lệ các Giáo Hội địa phương tăng cường đối thoại liên tôn và các hoạt động bác ái.

Các GM thuộc HĐGM Bắc Phi, gọi tắt là Cerna, về Roma hành hương, viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh. Giáo Hội Công Giáo tại 4 nước ở miền bắc Phi châu chỉ là một đoàn chiên rất bé nhỏ, toàn là người nước ngoài, giữa đại đa số dân theo Hồi giáo.

Trong bài huấn dụ trao cho các GM tại buổi tiếp kiến, ĐTC nhận xét rằng: ”Đối thoại liên tôn là một phần quan trọng trong đời sống các giáo phận của anh em. Cả trong lãnh vực này, đức bác ái với tinh thần sáng tạo biết mở ra vô số những con đường để mang tinh thần của Tin Mừng vào trong các nền văn hóa và cac môi trường xã hội rất khác nhau. Anh em biết rõ sự ngộ nhận nhau là nguồn mạch gây ra bao nhiêu hiểu làm và nhiều khi đưa đến xung đột.”

ĐTC Phanxicô nhắc lại lời ĐGH Biển Đức 16 trong Tông huấn ”Africae Munus”, các nghĩa vụ của Phi Châu, rằng ”Nếu tất cả chúng ta, những người tin nơi Thiên Chúa, ước muốn phục vụ hòa giải, công lý và hòa bình, chúng ta phải cùng nhau hoạt động để bài trừ mọi hình thức kỳ thị, bất bao dung, tôn giáo cực đoan” (n.94). Liều thuốc hữu hiệu nhất chốn glại mọi hình thức bạo lực chính là giáo dục về sự khám phá và chấp nhận sự khác biệt như một sự phong phú và mang lại nhiều thành quả. Vì thế, điều quan trọng là trong các giáo phận của anh em, các LM, nữ tu và giáo dân được huấn luyện về lãnh vực này.”

ĐTC ca ngợi Giáo Hội tại các nước Bắc Phi, mặc dù nghèo về nhân sự và phương tiện nhưng vẫn muốn phục vụ tất cả mọi người không phân biệt ai. ”Với những phương tiện nhiều khi ít ỏi, anh em biểu lộ tình thương của Chúa Kitô và Giáo Hội cho những người nghèo khổ nhất, các bệnh nhân, người già, phụ nữ trong hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu, hoặc các tù nhân. Tôi nồng nhiệt cám ơn anh em vì đã giúp đỡ nhiều người di dân, gốc Phi châu, tìm kiếm nơi các đất nước anh em một nơi chuyển tiếp hoặc sự tiếp đón”

Tình hình Giáo Hội tại 4 nước Bắc Phi

Đứng đầu danh sách Giáo Hội tại 4 nước Bắc Phi là Algéri rộng gần 2 triệu 400 ngàn cây số vuông với 37 triệu 500 ngàn dân, trong số này chỉ có 9 ngàn tín hữu Công Giáo gồm 4 giáo phận, họp thành một giáo tỉnh Algéri.

Tiếp đến là Libia, rộng 1 triệu 700 ngàn cây số vuông, nhưng chỉ có 6 triệu 500 ngàn dân cư, trong số này hiện nay chỉ còn lại từ 2 đến 3 ngàn tín hữu Công Giáo, họp thành 2 giáo phận đại diện Tông Tòa Tripoli và Bengasi. Dưới thời nhà độc tài Ghedafi, tại đây có 150 ngàn tín hữu, hầu hết là các công nhân di dân. Trong buổi gặp gỡ hôm qua (2-3), ĐTC đặc biệt cám ơn hai vị GM và một vài LM nhất quyết ở lại nước này, mặc dù tình hình khó khăn và đầy nguy hiểm.

Thứ ba là Vương quốc Maroc, rộng 460 ngàn cây số vuông với 32 triệu rưỡi dân cư, trong số này có khoảng 30 ngàn tín hữu Công Giáo, tất cả là người ngoại quốc, họp thành 2 tổng giáo phận Rabat và Tangeri.

Sau cùng là nước Tunisi rộng 163 ngàn cây số vuông với 9 triệu dân cư, trong đó có 25 ngàn tín hữu Công Giáo họp thành 1 giáo phận là Tunis.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican, Đức Cha Vencent Landel, TGM giáo phận Rabat, Maroc, Chủ tịch HĐGM Bắc Phi, cho biết thách đố chính của Giáo Hội Công Giáo tại miền này là đối thoại với Hồi giáo. Ngài nói: ”Chúng tôi sống yên hàn và thanh thản với người Hồi giáo tại Maroc, Algéri và Tunisi… Tuy nhiên tình hình tại Libia thật là bi thảm sau những biến cố gần đây, hầu hết các tín hữu Kitô, như người Philippines hoặc Trung Đông đã phải ra đi. Tại thủ đô Tripoli chỉ còn lại Đức Cha Martinelli và một nhóm nhỏ người Philippines. Toàn nước Libia chỉ còn lại 4, 5 Linh mục. (SD 28-2-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio