Đức Hồng Y kết thúc cuộc viếng thăm Liên bang Nga

Đức Hồng Y kết thúc cuộc viếng thăm Liên bang Nga

ROMA. Hôm 24-8-2017, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã về đến Roma bằng an, kết thúc tốt đẹp chuyến viếng thăm chính thức 3 ngày tại Liên bang Nga.

Hôm 23-8 trước đó, ĐHY đã gặp gỡ Tổng thống Vladimir Putin tại dinh Tổng thống ở thành phố Sochi, bên Biển Đen, cách Mascơva hơn 1,350 cây số về hướng nam. Đây là lần đầu tiên từ 29 năm nay, một vị Quốc vụ khanh Tòa Thánh viếng thăm và gặp một vị lãnh tụ của Nga, sau cuộc viếng thăm lịch sử của ĐHY Agostino Casaroli, nhân dịp kỷ niệm 1 ngàn năm nước Nga được rửa tội.

Thông báo của Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết cuộc gặp gỡ kéo dài 1 tiếng đồng hồ và diễn ra trong bầu không khí tích cực, thân mật, tôn trọng và lắng nghe nhau, trao đổi quan điểm một cách cởi mở về nhiều vấn đề quốc tế và những tương quan song phương.

Cuối buổi hội kiến, ĐHY Quốc vụ khanh đã tặng Tổng thống Putin hình cánh lá Oliu bằng đồng, biểu tượng hòa bình, và Tổng thống đã tặng cho ĐHY một loạt các đồng tiền sưu tập về Thế vận Olimpic năm 2014 tại Sochi. (Rei 23-8-2017)

Giới báo chí ghi nhận rằng Tổng thống Putin đã chào mừng cuộc đối thoại tiếp tục giữa Tòa Thánh và Giáo Hội Chính Thống Nga, và nhận xét rằng những giá trị nhân đạo phổ quát là nền tảng cho quan hệ giữa Nga và tòa Thánh, cũng như tương quan giữa hai Giáo Hội.

Tổng thống Putin cũng cám ơn Tòa Thánh vì đã cho đưa Hài cốt thánh Nicola sang Nga trong mùa hè này để các tín hữu kính viếng. Ông cũng chào mừng việc Bảo tàng viện Vatican triển lãm các bức họa của Nga và cho biết năm tới, đến lượt Nga sẽ đón tiếp một cuộc triển lãm của Vatican.

Trong cuộc trưng bày hài cốt thánh Nicola ở Mascơva và thành phố San Pietroburgo có hơn 2 triệu 300 ngàn tín hữu Nga đến kính viếng, kể cả Tổng Thống Vladimir Putin.

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Thánh Cha nhắn nhủ các Hiệp Sĩ Colombus

Đức Thánh Cha nhắn nhủ các Hiệp Sĩ Colombus

Knight Columbus leaders

SAINT-LOUIS. ĐTC Phanxicô kêu gọi các Hiệp sĩ Colombus xác tín nơi sức mạnh tình thương vô biên của Thiên Chúa và chống lại bất công và bạo lực.

Lời kêu gọi của ĐTC được trình bày trong sứ điệp của ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nhân danh ĐTC gửi Đại hội thường niên lần thứ 135 của Hội đồng lãnh đạo Hội Hiệp Sĩ Colombus, nhóm tại thành phố Saint Louis Hoa Kỳ, từ ngày 1 đến 3-8-2017, về chủ đề ”Xác tín về tình thương và sức mạnh của Thiên Chúa”.

Sứ điệp của ĐHY Parolin có đoạn viết: ”Nếu Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, thì ai có thể chống lại chúng ta?” (Rm 8,31). Câu hỏi này của thánh Phaolô gửi các tín hữu Roma biểu lộ xác tín mạnh mẽ của thánh nhân về sức mạnh vô biên của tình yêu Thiên Chúa, được biểu lộ qua thập giá của Chúa Kitô, vượt thắng mọi hình thức của sự ác trên trần thế. ĐTC thường nhận xét rằng ngày nay, một cuộc thế chiến mới đang diễn ra từng mạnh, trong lúc sự khao khát quyền lực và thống trị về mặt kinh tế, chính trị hoặc quân sự, trái ngược với ý Chúa, đang dẫn tới bạo lực khôn tả, bất công và đau khổ trong gia đình nhân loại chúng ta. ĐTC kêu gọi các tín hữu Kitô khắp nơi, hãy thực sự xác tín về quyền năng vô biên của tình yêu Thiên Chúa, hãy loại bỏ não trạng vừa nói và chiến đấu bài trừ sự lan tràn nền văn hóa dửng dưng trên thế giới, thứ văn hóa loại bỏ những anh chị em yếu thế nhất của chúng ta”.

Trong sứ điệp, ĐHY Parolin cũng cho biết ĐTC ca ngợi sự dấn thân của các hiệp sĩ Colombus bênh vực và thăng tiến sự thánh thiêng của hôn nhân và phẩm giá cũng như vẻ đẹp của đời sống gia đình.

ĐHY nói thêm rằng: ĐTC Phanxicô đặc biệt bày tỏ lòng biết ơn đối với Hội hiệp sĩ Colombus vì sự dấn thân giúp đỡ các anh chị em Kitô ở Trung Đông trong chứng tá trung thành của họ đối với Chúa, thường phải trả giá bằng những hy sinh bản thân lớn lao. ”Không ai trong chúng ta có thể giả mù không thấy đau khổ của những người mà bạo lực huynh đệ tương tàn và sự cuồng tín tôn giáo khiến họ không còn gia cư hoặc buộc lòng phải rời bỏ quê cha đất tổ đi lánh nạn”.

Hội Hiệp Sĩ Colombo giúp các tín hữu Kitô Iraq

Trong bối cảnh này, trong buổi khai mạc Đại Hội hôm 1-8-2017, thủ lãnh Hội hiệp sĩ Colombus, Ông Carl Anderson, cho biết Hội sẽ giúp 2 triệu mỹ kim để góp phần giúp dân chúng tại thành Karamdes bên Iraq tái thiết gia cư của họ bị phá hủy hoặc hư hại.

Thành Karamdes ở vùng bình nguyên Ninive, có đa số dân là tín hữu Kitô, đã bị lực lượng nhà nước Hồi giáo IS chiếm hồi mùa hè năm 2014 và hàng trăm gia đình tại đây đã phải tị nạn tới Erbil ở miền Kurdistan. Nay họ hồi thương sau khi thành của họ được giải phóng.

Ông Carl Anderson tuyên bố hội sẽ quyên góp 2 triệu Mỹ kim để giúp các gia đình hồi hương và tái thiết gia cư của họ bị hư hại. Ông nói: ”Những kẻ khủng bố đã xúc phạm các thánh đường, các nghĩa trang, cũng như cướp phá các gia cư. Nay chúng ta giúp đỡ hàng trăm gia đình Kitô đã phải di tản được trở về hai thành Karamdes và Karemlash, đảm bảo một tương lai đa nguyên cho Iraq”.

Hội Hiệp sĩ Colombo là một hội nam giới Công Giáo được thành lập tại Hoa Kỳ và hiện có gần 2 triệu thành viên. Hội này cũng theo gương chính phủ Hungary mới đây đã gửi 2 triệu Mỹ kim tới tổng giáo phận Erbil ở Iraq, nhắm giúp tái thiết một cộng đoàn Kitô gần thành phố Mossul, cũng ở Iraq. Phí tổn giúp mỗi gia đình tái định cư là 2 ngàn mỹ kim.

Với ý hướng trên đây, ban lãnh đạo trung ương Hội hiệp sĩ Colombus khuyến khích các chi hội ở các giáo xứ và các cá nhân hiệp sĩ đóng góp để giúp các cộng đoàn Kitô ở Iraq. Cho đến nay Hội hiệp sĩ Colombus đã trợ giúp 13 triệu Mỹ kim cho các tín hữu Kitô ở Iraq, Syria và vùng phụ cận (CNS 1-8-2017, REI 2-8-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Toà Thánh đề cao phần đóng góp tích cực của người di cư

Toà Thánh đề cao phần đóng góp tích cực của người di cư

NEW YORK: Toà Thánh đề cao phần đóng góp tích cực của người di cư cho mọi chiều kích  phát triển xã hội tiếp đón và trợ giúp họ.

Linh Mục Michael Czerny dòng Tên, Phó thư ký Bộ Phát triển nhân bản toàn vẹn, đã khẳng định như trên trong bài phát biểu tại phiên họp thứ tư của Liên Hiệp Quốc về đề tài “Sự đóng góp của người di cư và hải ngoại cho mọi chiều kích của sự phát triền có thể thực hiện được, bao gồm cả việc gửi và chuyển các lợi tức kiếm được về quê”, nhóm tại New York trong hai ngày 23-24 tháng 7. Vị đại diện Toà Thánh đã nhắc đến nhiều lý do khiến cho hàng chục triệu người phải di cư trên thế giới ngày nay như: nạn nghèo đói, bạo lực, công việc làm không thích hợp, môi sinh tồi tệ, hạn hán, các cơ cấu yếu kém và nạn gian tham hối lộ, cùng nhiều lý do khác được nêu ra trong lịch trình hành động phát triển năm 2030. Nhưng trước hết cần tái minh xác quyền của từng người được sống trong quê hương đất nước của họ trong phẩm giá, hoà bình và an ninh. Phải làm sao để không ai bị bắt buộc phải rời bỏ quê hương của mình vì thiếu phát triển hay hoà bình.

Cộng đoàn quốc tế phải cố gắng thế nào để thăng tiến phát triển trong đất nước của họ và cho phép họ trở thành các tác nhân sự phát triển của chính họ. Không thể phủ nhận sự mất mát trên bình diện xã hội, kinh tế và văn hoá mà nạn di cư gây ra cho các quốc gia này, khi công dân của chúng cảm thấy bị bó buộc phải bỏ nước ra đi. Chính nạn nghèo đói đã khiến cho nhiều cá nhân và gia đình tìm đường để sống còn tại các nước xa xôi. Họ thường là các thành phần ưu tú nhất như người trẻ, người có tài, can đảm và hy vọng. Họ liều mạng vượt Địa Trung Hải hay các đại dương khác để tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn.  Điều này có là lợi lộc cho họ, cho gia đình hay đất nước họ đi đến, hay một ngày kia có lẽ cho quê hương của họ hay không đều tuỳ thuộc việc họ có được đón tiếp, che chở, thăng tiến và hội nhập hay không. Điều quan trọng là biết tận dụng nền giáo dục, các tài khéo, các tham vọng, kinh nghiệm, sư khôn ngoan họ có, và tất cả những gì có thể giúp gia tăng việc học hiểu và tập tành cho việc phát triển xã hội. Chính vì các lợi ích hai chiều đó cần phải tiếp nhận và đối xử với người di cư như các bản vị con người có phẩm giá và tôn trọng các quyền lợi của họ, bảo vệ họ khỏi mọi hình thức khai thác bóc lột hay xua đuổi trên bình diện xã hội, kinh tế hay pháp luật. Các cộng đoàn tiếp nhận họ phải cung cấp cho họ sự trợ giúp thích đáng và hội nhập làm sao để họ không bỏ quê hương nghèo túng của họ. Một trong các cách thúc giúp thực hiện điều này là các đường lối chính trị dành ngân khoản cho việc cải tiến các cơ cấu hạ tầng cho các xã hội địa phương bị thiệt thòi. Đàng khác các người di cư cũng có trách nhiệm tôn trọng các giá trị, truyền thống và luật lệ của các cộng đoàn tiếp đón họ. Như thế việc hội nhập sẽ là một cơ may cho việc hiểu biết nhau, mở rộng các chân trời và giúp phát triển lớn hơn cho tất cả mọi người. Như ĐTC Phanxicô đã nói: Sự hiện diện của các anh chị em di cư là một cơ may cho sự trưởng thành nhân bản, cho sự gặp gỡ , đối thoại giữa các nền văn hóa nhằm thăng tiến hoà bình và tình huynh đệ giữa các dân tộc (REI 24-7-2017).

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha góp tượng trưng 25 ngàn Euro để chống đói

Đức Thánh Cha góp tượng trưng 25 ngàn Euro để chống đói

VATICAN. ĐTC đã đóng góp tượng trưng 25 ngàn Euro cho tổ chức Lương Nông Quốc Tế, gọi tắt là FAO, để góp phần trợ giúp dân chúng tại miền Đông Phi châu đang bị nạn đói và hạn hán đe dọa.

Trong sứ điệp gửi Ông Tổng thư ký tổ chức FAO hôm 3-7-2017, nhân dịp khai mạc khóa họp thứ 40 hiện nay, ĐTC viết: ”Với mục đích khuyến khích các chính phủ, tôi muốn góp phần vào chương trình của FAO để cung cấp hạt giống cho các gia đình nông thôn đang sống trong những vùng phải chịu những hậu quả của xung đột và hạn hán. Cử chỉ này, cùng với công việc mà Giáo Hội đang thi hành theo ơn gọi của mình là đứng cạnh những người nghèo trên thế giới và đồng hành với sự dấn thân thực sự của mọi người để giúp đỡ họ”.

Thông cáo của tổ chức FAO cho biết tình trạng trầm trọng tại Nam Sudan, với vẫn còn 6 triệu người phải chiến đấu mỗi ngày để tìm được đủ lương thực để sống con. Số người cần được trợ giúp tại 5 nước khác ở vùng Đông Phi châu là Somalia, Etiopia, Kenya, Tanzania và Uganda, hiện nay được ước lượng vào khoảng 16 triệu người, tức là tăng thêm 16% tính từ cuối năm ngoái” (REI 21-7-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Sứ điệp ĐTC Phanxicô gửi Đại hội Laudato Si bên Rio de Janeiro

Sứ điệp ĐTC Phanxicô gửi Đại hội Laudato Si bên Rio de Janeiro

VATICAN: ĐTC khích lệ mọi người biết tôn trọng thụ tạo, có tinh thần trách nhiệm đối với thiên nhiên và vun trồng củng cố các tương quan trong xã hội đa văn hoá.

Ngài đã đưa ra lời khích lệ trên đây trong sứ điệp gửi hội nghị triệu tập tại Rio de Janeiro trong các ngày từ 13 tới 15 tháng 7 về đề tài “Laudato si và các thành phố lớn”. Hội nghị có mục đích thực thi nội dung Thông điệp của ĐTC và gây ý thức cho mọi người liên quan tới các đòi buộc luân lý đạo đức phải cấp thiết tìm ra một giải pháp cho vấn đề thay đổi khí hậu. ĐHY Peter Turkson, Tổng trưởng Bộ phát triển toàn diện, đã đọc diễn văn khai mạc đại hội.

Trong sứ điệp bằng tiếng Tây Ban Nha ĐTC khẳng đinh rằng Thông điệp quy chiếu nhiều nhu cầu của con người sống trong các thành phố lớn trên thế giới ngày nay. Để được hữu hiệu cần chú ý tới ba từ bắt đầu bằng chữ R là Respeto, Responsabilidad và Relación: nghĩa là sự tôn trọng, tinh thần trách nhiệm và tương quan. Mọi người phải tôn trọng thụ tạo là ơn  Thiên Chúa ban cho thế giới,  trong đó có nước là suối nguồn sự sống. Trong Bài ca tạo vật thánh Phanxicô thành Assisi cảm tạ Thiên Chúa vì “chị nước rất ích lợi và khiêm tốn, quý báu và thanh sạch”. Cũng như các yếu tố khác nước uống trong lành diễn tả tình yêu quan phòng của Thiên Chúa đối với mọi tạo vật. Khi không biết chú ý và giữ gìn nước trong lành, là chúng ta khiến cho cuộc sống của hàng triệu người gặp nguy hiểm. Vì thế cần tạo ra ý thức cao độ đối với môi trường bao quanh chúng ta, vì nó là thiện ích cho chúng ta và cho các thế hệ tương lai.

Sự tôn trọng này đòi buộc chúng ta phải có tinh thần trách nhiệm cao, làm tất cả những gì có thể để duy trì môi sinh lành mạnh, khí quyển trong lành, môi trường sạch sẽ, không khai thác thiên nhiên bữa bãi vô độ và giải quyết vấn để thải rác. Các chính quyền có bổn phận tìm ra các phương thế hữu hiệu để săn sóc  căn nhà chung ngày càng có thể ở được và lành mạnh hơn.

Sau cùng cần vun trồng và củng cố tương quan giữa mọi giai tầng trong một xã hội ngày càng đa văn hoá và đa chủng tộc, và sống yêu thương, cởi mở liên đới với nhau. Thật là quan trọng việc xã hội cùng nhau làm việc trong lãnh vực chính trị, giáo dục và tôn giáo để tạo ra các tương quan nhân bản có phẩm chất cao triệt hạ các bức tường ngăn cách, cô lập và gạt bỏ tha nhân. Điều này có thể thực hiện được qua các nhóm, các trường học và giáo xứ có khả năng xây dựng một mạng lưới hiệp thông và tuỳ thuộc giúp chung sống và thắng vượt các khó khăn (REI 13-7-2017)

Linh Tiến Khải

 

Năm 2016 Caritas Áo dành 900 triệu Euros cho các hoạt động bác ái

Năm 2016 Caritas Áo dành 900 triệu Euros cho các hoạt động bác ái

VIENNE: Trong năm 2016 Caritas Áo đã bỏ ra ngân khoản 900 triệu Euros cho các sinh hoạt bác ái đủ loại kể cả việc tiếp đón và trợ giúp người di cư.

Trong số đó có 190 triệu được dành cho việc trợ giúp người tàn tật, và các sinh hoạt đồng hành với các bệnh nhân cuối đời; 193 triệu dành cho các nhà trẻ, người di cư và việc hội nhập với 142 dự án xã hội, 247 vườn trẻ và 36 trung tâm cố vấn cho người di cư.

ĐC Michael Lindao chủ tịch Caritas Áo nói: “Tôi xác tín rằng chúng ta có thể có được nhiều hơn nữa. Lòng can đảm mạnh hơn sự sợ hãi, tình yêu lớn hơn thù hận. Người dân Áo sẵn sàng sống tình liên đới. Bác ái và liên đới hiệp nhất chúng tôi và tạo thành cộng đoàn”.

Trong số hàng trăm sinh hoạt phải kể tới 703 chương trình trợ cấp xã hội do nhánh Young Caritas đảm trách liên quan tới gần 87,000 trẻ em và người trẻ, với 2,000 người trẻ thiện nguyện viên dấn thân. Cũng có 73.5 triệu Euro dành cho việc cố vấn xã hội, người tỵ nạn và vô gia cư, 10 nhà cho các bà mẹ trẻ có con thơ với 155 chỗ ở, các nhà hội nhập xã hội và 19 cơ cấu và trạm xá khám bênh, trợ giúp thuốc men và phục vụ sức khoẻ. Sau cùng có 35 triệu Euros được dùng cho các dự án nước ngoài.

Caritas Áo hoạt động nhờ có 40,000 thiên nguyện viên phục vụ trong nhiều lãnh vực khác nhau và hơn 15,600 nhân viên làm việc toàn thời. (REI 11-7-2017)

Linh Tiến Khải

 

ĐHY Peter Turkson kêu gọi bảo vệ và thăng tiến quyền lợi của các công nhân biển

ĐHY Peter Turkson kêu gọi bảo vệ và thăng tiến quyền lợi của các công nhân biển

VATICAN: Trong sứ điệp gửi nhân Ngày Chúa Nhật của Biển mùng 9 tháng 7, ĐHY Peter Turkson, Tổng trưởng Bộ phục vụ phát triển con người toàn diện, kêu gọi bảo vệ quyền lợi và thăng tiến cuộc sống của những người sống về nghề biển.

ĐHY viết trong sứ điệp gửi các linh mục tuyên uý, các thiện nguyện viên, thân hữu và những người ủng hộ Tông Đồ Biển như sau: Chúa Nhật của Biển mời gọi chúng ta thừa nhận và bầy tỏ lòng biết ơn của chúng ta đối với lực lượng to lớn gồm 1,5 triệu công nhân làm việc trong lãnh vực này, đa số thuộc các nước đang trên đường phát triển. Nhờ công việc nặng nhọc cam go và các hy sinh của họ cuộc sống của chúng ta được tiện nghi hơn. Vì họ chuyên chở 90% mọi loại hàng hoá và sản phẩm từ nước này sang nước khác. Mặc dù phần đóng góp nòng cốt của họ cho nền kinh tế thế giới, các công nhân này gặp nhiều khó khăn và phải đương đầu với các thách đố ảnh hưởng nghiêm trọng trên cuộc sống của họ và gia đình họ.

Tuy có nhiều tiến bộ kỹ thuật giúp cải tiến sự thông truyền giữa các công nhân nghề biển, nhưng họ phải sống xa gia đình nhiều tháng trời. Đây là hy sinh thường âm hưởng trên cuộc sống gia đình của họ. Các bà mẹ phải sống và giáo dục dưỡng nuôi con cái một mình, vì người cha luôn luôn vắng mặt. Trong công tác mục vụ chúng ta phải đặc biệt chú ý tới các gia đình của các công nhân này và hỗ trợ họ bằng cách thành lập các nhóm các bà vợ để họ nâng đỡ trợ giúp nhau.

** Việc sử dụng các phương tiện truyền thông tân tiến giúp các công nhân nghề biển liên lạc với bạn bè khắp nơi trên thế giới, nhưng giữa họ với nhau lại có nguy cơ cô đơn, mỗi người sống trong thế giới ảo của mình. Nhiệm vụ của các tông đồ biển khi thăm viếng họ trên tầu là tìm tạo ra sự kết nối nhân bản, củng cố truyền thông nhân bản để tránh sự cô lập, đơn độc và trầm cảm, là các lý do dẫn đến chỗ tự tử của các công nhân.

Ngoài ra nạn khủng bố đe dọa khắp nơi đòi hỏi phải có các biện pháp an ninh giới hạn không cho các thuỷ thủ lên đất liền tại các hải cảng. Phải làm sao bảo đảm cho các công nhân không bị kỳ thị vì bất cứ lý do chủng tộc tôn giáo nào. Cần bảo đảm cho họ được săn sóc sức khoẻ trên đất liền. Tuy có các luật lệ quốc tế bắt đầu có hiệu lục từ tháng 8 năm 2013 vẫn còn có nhiều công nhân bị lừa đảo tiền lương, bị khai thác bóc lột  và lạm dụng tại nơi làm việc, bị kỳ thị và kết tội một cách bất công vì các tại nạn biển và bị bỏ rơi trong các hải cảng xa lạ. ĐHY Turkson yêu cầu các giới chức hữu trách chú ý tới thực tại này để phòng ngừa hay sửa chữa các bất công đó.

Ngoài ra còn có nạn cướp biển vũ trang hoành hành khiến cho mạng sống của các công nhân gặp nguy hiểm. Cần gia tăng các biện pháp bảo vệ an ninh cho họ.

Sứ điệp đặc biệt nhắc tới các ngư phủ, là những người cũng sống ngoài biển nhiều tháng trời. Nghề đánh cá là một trong các nghề nguy hiểm nhất, nhưng lương của các ngư phủ thường thấp hơn lương của các thuỷ thủ. Lãnh vực đánh cá cũng bị ảnh hưởng vì các vụ buôn người và lao động cưỡng bách, hay đánh cá bất hợp pháp. Tất cả các vấn để của họ sẽ được thảo luận trong đại hội  quốc tế lần thứ 24 nhóm tại Cao Hùng bên Đài Loan vào tháng 10 tới đây. ĐHY Turkson mời các chuyên viên, các linh mục tuyên uý và thiện nguyện viên tham dự đại hội và góp phần cải tiến cuộc sống của các công nhân biển và các ngư phủ. Trong dịp này Bộ cũng sẽ củng cố sự cộng tác giữa tổ chức Tông đồ Biển của các quốc gia, góp chung các kinh nghiệm cụ thể và các tài lực nhằm phát triển các chuyên môn đặc biệc trong lãnh vực đánh cá (REI 9-7-29017)

Linh Tiến Khải

 

Đức Thánh Cha tiếp Hội nghị ‘Năm thứ 100’

Đức Thánh Cha tiếp Hội nghị 'Năm thứ 100'

VATICAN. ĐTC khuyến khích mọi cố gắng nhắm giải quyết nạn thất nghiệp đang gia tăng nhiều tại các nước phát triển cũng như các nước đang trên đường phát triển.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 20-5-2017, dành cho 250 tham dự viên Hội nghị do Quỹ Centesimus Annus, Năm Thứ 100 – Phò Giáo Hoàng, tổ chức.

Ngỏ lời trong dịp này ĐTC ca ngợi chủ trương của Ngân Quỹ này là tìm kiếm những cách thức khác để hiểu về nên kinh tế, sự phát triển và thương mại, để đáp ứng những thách đố luân lý đạo đức do những kiểu mẫu và hình thức mới xuất phát từ kỹ thuật, từ nền văn hóa phí phạm và lối sống không biết tới người nghèo và coi rẻ người yếu thế gây ra. ”Ngân quỹ của quí vị cũng đóng góp quí giá trong việc cứu xét các hoạt động thương mại và tài chánh dưới ánh sáng truyền thống phong phú giáo huấn xã hội của Hội Thánh và sự tìm kiếm những phương thức khác để xây dựng”.

ĐTC đặc biệt bày tỏ hài lòng vì trong những ngày họp lần này, các tham dự viên Hội nghị của Ngân Quỹ năm thứ 100 bàn về vấn đề chủ yếu là kiến tạo công ăn việc làm trong bối cảnh cuộc cách mạng mới về kỹ thuật hiện nay. ĐTC nói: ”Làm sao chúng ta có thể không lo âu vì vấn đề trầm trọng là nạn thất nghiệp của người trẻ và người lớn không có các phương thế để thăng tiến bản thân. Đó là một vấn đề đang gia tăng tới mức độ bi thảm tại các nước đã phát triển và các nước đang trên đường phát triển và đòi phải được giải quyết với cảm thức về công lý giữa cac thế hệ và ý thức trách nhiệm đối với tương lai” (SD 20-5-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Xin ơn phân định để biết đón nhận điều bất ngờ từ Thiên Chúa

Xin ơn phân định để biết đón nhận điều bất ngờ từ Thiên Chúa

Hãy tỉnh thức để khỏi vướng vào đàng tội lỗi. Hãy luôn sẵn sàng mở rộng cõi lòng để đón chờ những bất ngờ của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Thiên Chúa luôn làm cho ta ngạc nhiên

Thiên Chúa luôn có những ngạc nhiên cho chúng ta vì Ngài là Thiên Chúa hằng sống luôn đồng hành cùng chúng ta. Chúa Thánh Thần là quà tặng quý giá từ Chúa Cha. Ngài là Thiên Chúa của những bất ngờ, vì Ngài đang sống trong chúng ta, Ngài đi vào trái tim chúng ta. Ngài đồng hành với chúng ta trong lòng Hội Thánh. Thiên Chúa đã sáng tạo vũ trụ, và mỗi ngày Ngài tiếp tục sáng tạo những điều mới mẻ và làm cho chúng ta phải ngạc nhiên.

Trong bài đọc trích sách Tông Đồ Công Vụ hôm nay, giữa các tông đồ đã gặp phải điều khó khăn và mới mẻ. Đó là họ nhận thấy rằng: dân ngoại cũng được đón nhận Lời Thiên Chúa. Trước hết Phêrô đã nhận ra sự hướng dẫn của Chúa. Còn những người khác, thoạt tiên thì phàn nàn về Phêrô vì cho rằng ông đã đi quá xa trong vấn đề này. Họ nói với Phêrô rằng: Này ông Phêrô, đá tảng của Hội Thánh, ông đưa chúng tôi đi đâu đấy?

Đừng đi ngược lại Chúa Thánh Thần

Trước những trách móc và than phiền của người ta, Phêrô đã kể lại thị kiến mà ông nhận được, cũng như dấu chỉ mà ông nhận thấy từ Thiên Chúa, và rồi ông can đảm đưa ra quyết định. Phêrô đón nhận bất ngờ của Thiên Chúa, và các Tông Đồ đã gặp nhau cùng thảo luận, để có thể có những bước tiến mà Thiên Chúa muốn.

Thế nhưng, từ thời các ngôn sứ đến nay, có một tội gọi là tội chống lại Chúa Thánh Thần. Đây là tội mà thánh Têphanô nói với các thành viên của Hội đồng. Thánh nhân nói với họ: các ông và tổ tiên các ông đã luôn chống lại Chúa Thánh Thần. Họ luôn nói là: “Không. Luôn luôn phải thế này, và phải làm như thế này, đừng bao giờ thêm điều gì mới mẻ hết. Đừng lo lắng chi. Hãy uống thuốc an thần. Cứ bình tĩnh.” Khi làm như thế là đang đóng cửa trước tiếng nói của Thiên Chúa. Chúa đã nói với dân Ngài trong Thánh Vịnh rằng: Đừng cứng lòng như tổ tiên các ngươi.

Xin ơn nhận định để có thể phân biệt tốt xấu

Khi đóng cửa lòng và ngăn cản Chúa Thánh Thần, bạn sẽ giết chết tự do, giết chết niềm vui và sự tín trung mà Chúa Thánh Thần ban tặng để dẫn dắt Hội Thánh. Nhưng làm thế nào để tôi có thể biết được, điều gì đến từ Chúa Thánh Thần và điều gì là của thế gian, điều gì đến từ Thiên Chúa và điều gì đến từ ma quỷ. Bằng cách nào tôi có thể biết? Hãy xin ơn sủng của Thiên Chúa, ơn phân định, để biết trong từng hoàn cảnh ta phải làm gì. Đó cũng là điều mà các Tông Đồ đã làm. Các ông gặp gỡ nhau, nói chuyện với nhau để có thể nhìn thấy con đường của Chúa Thánh Thần. Nhưng với những ai không có ơn phân định hoặc không xin ơn phân định, thì họ sẽ bị bế tắc.

Chúng ta là các Kitô hữu, chúng ta cần biết giữa những điều mới mẻ, điều gì là rượu mới đến từ Thiên Chúa, và điều gì mới lạ đến từ tinh thần thế gian. Đức tin thì không đổi thay nhưng là một đức tin sống động tăng trưởng và phát triển. Thánh Vincenzo di Lerino đã nói: chân lý của Giáo Hội luôn tiến triển, đó là chân lý được hợp nhất và phát triển theo thời gian, đó là chân lý trở nên sâu sắc hơn theo năm tháng, đó là chân lý ngày càng trở nên vững mạnh cùng với tuổi đời của Giáo Hội. Chúng ta hãy nài xin Chúa ban ơn nhận định, để chúng ta biết phân định phải trái tốt xấu, để chúng ta không lầm đường lạc lối, để chúng ta không bị rơi vào ù lì cứng nhắc, không bị đóng cửa cõi lòng.

Tứ Quyết SJ

Tân Giám Mục Phụ Tá Xuân Lộc: Đức Cha Gioan Đỗ Văn Ngân

Tân Giám Mục Phụ Tá Xuân Lộc: Đức Cha Gioan Đỗ Văn Ngân

TIN VIỆT NAM. Hôm 2-5-2017, Phòng báo chí Tòa Thánh thông báo: ĐTC đã bổ nhiệm cha Gioan Đỗ Văn Ngân làm GM Phụ tá giáo phận Xuân Lộc.

Đức Cha Gioan Đỗ Văn Ngân năm nay 64 tuổi, sinh ngày 6 tháng 7 năm 1953 tại Ninh Bình, giáo phận Phát Diệm. Theo học tại tiểu chủng viện thánh Giuse, Sàigòn, từ năm 1965 đến 1973, rồi tại Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô 10 Đà lạt trong 4 năm từ năm 1973 đến 1977.

Thụ Phong linh mục ngày 14-1 năm 1992 thuộc Giáo phận Xuân Lộc.

Năm 1998, cha Đỗ Văn Ngân đậu cử nhân văn chương Việt Nam tại Đại Học Khoa học xã hội và nhân văn ở Thành phố HCM. Từ năm 2006 đến năm 2010, cha học chuyên môn tại Đại Học Santo Tomas tại Manila, Philippines, và đậu cử nhân triết học.

Sau khi thụ phong linh mục năm 1992, Cha Gioan Ngân lần lượt đảm nhận các trách vụ Phó Xứ Ninh Phát (1992-1994), rồi cha xứ tại đây (1994-2005). Cha làm công chứng viên (notaio) ở tòa án hôn phối giáo phận Xuân Lộc. Gia làm giáo sư Đại chủng viện Xuân Lộc 1 năm, trước khi du học tại Philippines. Trở về nước năm 2010, cha tiếp tục làm giáo sư triết học rồi làm Phó giám đốc và đặc trách phân ban triết học tại đại chủng viện Xuân Lộc.

Từ năm 2016, Cha Đỗ Văn Ngân được Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, GM chính tòa Xuân Lộc, bổ nhiệm làm Tổng đại diện giáo phận này.

Theo niên giám năm nay (2017), của Tòa Thánh, Xuân Lộc là giáo phận đông tín hữu Công Giáo nhất tại Việt Nam, với 961,186 người, thuộc 248 giáo xứ, 411 linh mục giáo phận và 151 linh mục dòng, 257 đại chủng sinh và 1.742 nữ tu (SD 2-5-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha lên đường viếng thăm Ai Cập

Đức Thánh Cha lên đường viếng thăm Ai Cập

CAIRO. Sáng ngày 28-4-2017, ĐTC Phanxicô đã khởi đầu chuyến viếng thăm tại thủ đô Cairo của Ai Cập trong vòng 27 tiếng đồng hồ để thăng tiến hòa bình, tăng cường quan hệ với Hồi giáo và quan hệ đại kết với Giáo Hội Chính Thống Copte.

Đây là chuyến tông du thứ 18 của ĐTC Phanxicô tại nước ngoài và có khẩu hiệu là ”Vị Giáo Hoàng của hòa bình tại Ai Cập an bình”.

Vài nét về Ai Cập

Ai cập, quốc gia ĐTC đến thăm, rộng hơn 1 triệu cây số vuông trong đó khu vực có dân cư sinh sống không vượt quá 6% diện tích toàn quốc. Phần lớn dân chúng sống ở vùng bình nguyên sông Nilo, con sông dài nhất thế giới với 6.671 cây số. 82% lãnh thổ còn lại của Ai Cập là sa mạc.

Trong số 90 triệu dân nước này, khoảng 90% theo Hồi giáo Sunnit, 10% là tín hữu Chính Thống Copte, và có 270 ngàn tín hữu Công Giáo Copte, tương đương với 0,31% dân số, một Giáo Hội được thành lập khi một số tín hữu Chính Thống xin trở về hiệp nhất với Tòa Thánh hồi thế kỷ 18.

Giáo Hội Chính Thống Copte thuộc vào số các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương, là những Giáo Hội ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo la tinh và Chính Thống Hy Lạp vì họ không chấp nhận Công đồng chung Calcedonia năm 451. Cùng thuộc nhóm này có Giáo Hội Arméni Tông truyền, Chính Thống Siriac, và Chính Thống Etiopi, Chính Thống Syro bên Ấn Độ. Các Giáo Hội này cũng được gọi là các Giáo Hội tiền Công đồng Calcedonia.

Giáo Hội Công Giáo tại Ai Cập, ngoài các tín hữu theo nghi lễ Copte chiếm đa số, còn có 6 nghi lễ khác là la tinh, Arméni, Maronite, Công Giáo Siriac, Canđê và Hy lạp Melkite. Từ năm 1969, các GM và các bề trên cấp cao của các dòng tu họp thành Hội đồng giáo phẩm Công Giáo Ai Cập, và được Tòa Thánh phê chuẩn qui chế hồi năm 1992. Chủ tịch Hội đồng này hiện nay là Đức Ibrahim Isaac Sedrak, 62 tuổi Thượng Phụ thành Alessandria của Công Giáo Copte.

Chương trình

Sau khi đến Phi trường thủ đô Cairo, ĐTC tới phủ tổng thống Ai Cập, tại đây diễn ra nghi thức đón tiếp, rồi ngài hội kiến riêng với tổng thống, trước khi đến Đại học Hồi giáo Al Azhar, chào thăm Đại Imam Ahmed Al Tayyeb, trước khi đến thính đường Đại học nơi đang diễn ra Hội nghị quốc tế về hòa bình do Đại học này tổ chức từ thứ tư, 27-4-2017. Sau diễn văn của vị đại Imam và bài diễn văn của ĐTC.

 Cuộc viếng thăm của ngài được tiếp tục với cuộc gặp gỡ 800 người thuộc chính quyền, ngoại giao đoàn và các tổ chức của xã hội Ai Cập.

Phần cuối cùng trong các sinh hoạt của ĐTC chiều hôm qua và cuộc viếng thăm Đức Thượng Phụ Tawadros II, hay cũng gọi là Teodoro II, Giáo Chủ Chính Thống Copte Ai Cập, và tham dự buổi cầu nguyện đại kết với đại diện các Giáo Hội Kitô khác.

Cám ơn các ký giả

Trên chuyến bay, ĐTC đã chào thăm các ký giả đi cùng và nói: ”Đây là một cuộc viếng thăm hiệp nhất, huynh đệ. Tôi cám ơn anh chị em vì hoạt động trong hai ngày khẩn trương này. Đây là một cuộc công du có một mong đợi đặc biệt, vì được thực hiện với lời mời của Tổng thống Ai Cập, của Đức thượng phụ Tawadros, Đức Thượng Phụ Công Giáo Alessandria và Đại Iman ở viện Al Azhar. Cám ơn sự đồng hành của anh chị em, vì giúp dân chúng hiểu cuộc viếng thăm này, bao nhiêu người muốn theo dõi”.

Đến Cairo

Sau 3 giờ 15 phút bay từ Roma, vượt qua 2.350 cây số, máy bay chở ĐTC và đoàn tùy tùng đã đáp xuống phi trường quốc tế của thủ đô Cairo lúc 2 giờ chiều, giờ địa phương. Đây là một thành phố cổ kính có từ thế kỷ thứ 10 và đông dân nhất tại Phi châu với 10 triệu dân cư, và nếu kể cả vùng ngoại ô thì lên tới 15 triệu người. Cairo cũng được coi là thành phố đẹp nhất thế giới về nghệ thuật Hồi giáo và hãnh diện vì chiếm kỷ lục về số các văn sĩ, thi sĩ, ký giả, nghệ sĩ, và điện ảnh viên trong thế giới Hồi giáo.

Từ trên máy bay bước xuống, ĐTC đã được bộ trưởng đặc ủy của Tổng thống, cùng với Đức Thượng Phụ Ibrahim Isaac Sedrak, Chủ tịch Hội đồng Giáo phẩm Công Giáo Ai Cập và Đức Sứ Thần Tòa Thánh Jan Thomas Limchua, cùng với một số chức sắc Công Giáo tiếp đón và hướng dẫn về dinh Tổng thống ở Heliopolis cách đó 9 cây số. Hiện diện tại phi trường cũng có một phái đoàn hơn 100 đại biểu Kitô và Hồi giáo đón tiếp ĐTC, trong đó có bà Evelin Matta, một tín hữu Kitô. Bà cám ơn ngài vì đã quyết định giữ nguyên chương trình viếng thăm Ai Cập sau vụ khủng bố tại hai thánh đường Chính thống Copte 9 ngày trước khi ngài lên đường.

Tại dinh Tổng thống đã diễn ra nghi thức chính thức tiếp đón ĐTC với quốc thiều và hàng quân danh dự. Tiếp đến ngài hội kiến riêng tới Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi tại phòng khánh tiết. Ông năm nay 63 tuổi (1954), nguyên là cựu sinh viên ở đại học Al Azhar và tốt nghiệp quân trường Ai Cập năm 1977 rồi dần dần tiến thân trong binh nghiệp, cho đến khi được tổng thống Mohamed Morsi bổ nhiệm làm Tổng tham mưu trưởng quân đội Ai Cập vào năm 2012. Một năm sau đó, tổng thống Morsi bị ông hạ bệ trong một cuộc đảo chánh và năm 2014, Ông được bầu làm tổng thống.

Cuộc hội kiến giữa ĐTC và tổng thống Ai Cập kết thúc với phần trao đổi quà tặng và chụp hình lưu niệm.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh, Tân Giám Mục Phó Đàlạt

Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh, Tân Giám Mục Phó Đàlạt

VATICAN. Ngày 8-4-2017, Phòng báo chí Tòa Thánh thông báo: ĐTC đã bổ nhiệm cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh làm Giám Mục Phó với quyền kế vị tại Giáo Phận Đà Lạt.

Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh năm nay 62 tuổi, sinh ngày 12-8 năm 1955 tại Cần Thơ, theo học tại Tiểu chủng viện Simon Hòa Đà Lạt từ năm 1973 đến 1977, rồi học triết và thần học tại Giáo Hoàng Học Viện thánh Piô 10 Đà Lạt, thụ phong linh mục ngày 29-5 năm 1994 thuộc giáo phận Đà Lạt.

Sau 9 năm làm cha phó tại xứ Tân Hóa, Bảo Lọc, Cha Nguyễn Văn Mạnh du học Roma từ 2003 đến 2009 và đậu tiến sĩ giáo luật tại Giáo Hoàng Đại học Urbaniana của Bộ truyền giáo. Trở về nước năm 2009, cha Đaminh Mạnh làm Đại diện tư pháp tại giáo phận Đà Lạt.

Giáo phận này hiện có 377,500 tín hữu Công Giáo trên tổng số gần 1 triệu 250 ngàn dân cư, với 96 giáo xứ, 290 linh mục (166 triều và 124 dòng), 275 tu huynh và 932 nữ tu. Ngoài ra, giáo phận có 76 đại chủng sinh.

Trong nhiệm vụ mới, Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh phụ giúp Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, 72 tuổi, và đương nhiên kế nhiệm ngài khi giáo phận trống tòa (SD 8-4-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Hội nghị 50 năm Thông Điệp Phát triển các dân tộc

Hội nghị 50 năm Thông Điệp Phát triển các dân tộc

VATICAN. Sáng 4-4-2017, ĐTC đã tiếp kiến 300 tham dự viên Hội nghị kỷ niệm 50 năm thông điệp ”Phát triển các dân tộc” (Populorum progressio) của Đức Chân Phước Phaolô 6 ban hành.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC đặc biệt khai triển ý nghĩa của thành ngữ ”phát triển nhân bản toàn diện” mà Thông Điệp của Đức Phaolô 6 cổ võ và đó cũng là danh xưng của Bộ phục vụ phát triển nhân bản toàn diện mới được thành lập.

Trước tiên đó là ”hội nhập các dân tộc khác nhau trên thế giới.” ĐTC nói: ”Nghĩa vụ liên đới buộc chúng ta phải tìm kiếm những thể thức đúng đắn để chia sẻ, để tránh thảm trạng phân chia lệch lạc: người thì có nhiều quá, kẻ thì không có gì, người gạt bỏ và kẻ bị gạt bỏ. Chỉ có con đường hội nhập giữa các dân tộc mới giúp nhân loại có được một tương lai hòa bình và hy vọng”.

ĐTC nhấn mạnh rằng vấn đề ở đây là đưa vào việc phát triển tất cả những yếu tố làm cho sự phát triển thực sự là phát triển, nghĩa là bao gồm các hệ thống khác nhau: kinh tế, tài chánh, lao công, văn hóa, đời sống gia đình, tôn giáo, tất cả đều không thể từ bỏ được trong tiến trình tăng trưởng.

Trong sự phát triển toàn diện ấy, cần có sự hội nhập các chiều kích cá nhân và cộng đoàn, thể xác và linh hồn. ĐTC đặc biệt lưu ý về ”ý niệm nhân vị, một ý niệm nảy sinh và tăng trưởng trong Kitô giáo, giúp theo đuổi một sự phát triển hoàn toàn là nhân bản. Vì nhân vị luôn nói lên chiều kích tương quan, chứ không phải cá nhân chủ nghĩa, khẳng định sự hội nhập, chứ không phải là sự loại trừ, phẩm giá duy nhất và bất khả xâm phạm, chứ không phải sự bóc lột, tự do chứ không phải sự cưỡng bách.

Hội nghị

Buổi tiếp kiến của ĐTC dành cho các tham dự viên nằm trong chương trình 2 ngày của Hội nghị kỷ niệm 50 năm Thông điệp Phát Triển các dân tộc.

Lên tiếng trong buổi khai mạc Hội nghị hôm 3-4-2017, ĐHY Gerhard Mueller, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, và ĐHY Peter Turkson, Bộ trưởng Bộ phục vụ phát triển nhân bản toàn diện, xác quyết rằng sự quyết tâm của Giáo Hội Công Giáo thăng tiến công lý, bảo vệ phẩm giá con người, xây dựng hòa bình và cổ võ phát triển là một câu trả lời theo vũ trụ quan Kitô giáo và nhắm mục tiêu tối hậu là giúp con người đạt đến hạnh phúc với Thiên Chúa.

ĐHY Mueller nói: ”Chính trong thế giới này mà chúng ta có thể cảm nhận tình thương của Thiên Chúa đối với chúng ta, và chính trong trần thế này, những người nam nữ được kêu gọi học biết, yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa, phục vụ Chúa và anh chị em mình. Vì thế, ta không thể tách rời mối quan tâm đối với những sự thuộc về Thiên Chúa, ra khỏi quan tâm đối với công trình sáng tạo của Chúa, đặc biệt là con người”.

ĐHY Mueller cũng nhận xét rằng khi thiếu chiều kích đức tin và không chú tâm đến mục tiêu siêu việt của cuộc sống con người, thì các ý niệm ý thức hệ và chính trị về sự phát triển sẽ thất bại, cho dù chúng có một vài thành công ban đầu.. Có những quan điểm không Kitô về sự phát triển, trong đó có cả chủ trương của cộng sản kiến tạo thiên đường trần thế, hoặc quan niệm duy thực dụng tìm kiếm mức độ hạnh phúc cao nhất cho đại đa số nhân loại, hoặc quan niệm của Darwin hay đế quốc về sự sống còn và phát triển của những gì là mạnh nhất, và quan niệm tư bản với sự khai thác thế giới và lao công là những phương thế vi phạm phẩm giá con người”.

Về phần ĐHY Turkson, ngài nhắc lại rằng tên của Bộ Phục vụ phát triển nhân bản được rút trực tiếp tự giáo huấn của Đức Phaolô 6 trong thông điệp ”Phát triển các dân tộc”, trong đó có khẳng định rằng quan niệm thịnh hành về sự phát triển, đặc biệt khi nói về những cố gắng của quốc tế giúp đỡ những nước nghèo trên thế giới, quá hạn hẹp vì người ta chỉ chú tâm đến các vấn đề kinh tế thay vì chú trọng đến các dân tộc.

Sự phát triển nhân bản toàn diện qui trọng tâm vào trọn con người và mọi dân tộc, nhìn nhận họ là những tác nhân đầu tiên trong việc phát triển và tiến bộ của họ. Giáo Hội Công Giáo định nghĩa sự phát triển là tiến từ một hoàn cảnh sống khiến phẩm giá con người dễ bị thương tổn để đi tới một cuộc sống củng cố nhân phẩm: ”Tình thương trở thành yếu tố thúc đẩy sự phát triển. Sự phát triển nhân bản toàn diện, qua sự nhìn nhận tình thương của Thiên Chúa và ước muốn chia sẻ tình thương ấy, chứng tỏ mối quan tâm đối với những người di dân và tị nạn, người yếu đau, các nạn nhân chiến tranh và tất cả những người bị đe dọa gạt ra ngoài lề vì nghèo đói hoặc vì lý do chủng tộc” (CNS 3-4-2017, SD 4-4-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Tóm lược phần đầu của Thông điệp Populorum progressio

Tóm lược phần đầu của Thông điệp Populorum progressio

Cách đây 50 năm ngày 26 tháng 3 năm 1967 ĐGH Phaolô VI đã công bố Thông điệp “Populorum progressio – Tiến bộ các dân tộc”, đề ra các đường hướng mới cho xã hội, trong đó có tình liên đới như dụng cụ cai trị các dân nước. Thông điệp đã ghi dấu một cuộc cách mạng thường được gọi là “cuộc cách mạng Montini”. Ngay từ năm 1963 Đức Phaolô VI đã bắt đầu thu thập các tài liệu rộng rãi liên quan tới “Sự phát triển kinh tế, xã hội, luân lý. Chất liệu nghiên cứu cho một thông điệp về các nguyên tắc luân lý của sự phát triển”. Việc soạn thảo Thông điệp như thế đã kéo dài nhiều năm, và sử dụng tất cả các bản tường trình của các vị Sứ Thần Tòa Thánh, các thư từ và tài liệu của các Giám Mục, phần đóng góp của các thần học gia, kinh tế gia và chính trị gia. Tài liệu  đã được soạn thảo 7 lần liên tiếp, lần đầu tiên vào tháng 9 năm 1964 cho tới văn bản chung kết vào tháng 2 năm 1967, và được công bố ngày 26 tháng 3 cùng năm.

Thông điệp gồm 87 số từ phần dẫn nhập cho tới lời kêu gọi kết thúc. Phần nhập đề khẳng định rằng “vấn đề xã hội là vấn đề luân lý”. Phần I của Thông điệp đề cập tới mục đích thông điệp nhắm tới là thăng tiến một sự phát triển toàn diện cho con người, tại khắp nơi trên thế giới này. Nó duyệt qua một số các dữ kiện giải thích tại sao lại cần phát triển con người toàn diện. Tiếp đến là tương quan giữa Giáo Hội và sự phát triển, và công việc cần thực hiện trong các lãnh vực cụ thể của cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội. Sau đây là một vài nét chính yếu.

Trong phần dẫn nhập Đức Phaolô VI ghi nhận rằng sau Công Đồng Chung Vatican II Giáo Hội ý thức rõ ràng hơn về các đòi buộc của Tin Mừng trong việc phục vụ con người, đặc biệt các dân tộc từ bao lâu nay đang phải sống dưới gánh nặng của nghèo đói, bần cùng, tật bệnh và dốt nát mà không được hưởng các hoa trái của nền văn minh nhân loại. Vấn đề xã hội có chiều kích luân lý sâu rộng, và các dân tộc nghèo đói gọi hỏi các dân tộc sung túc. Đây đã là lý do khiến cho Tòa Thánh thành lập Hội Đồng Công Lý và Hòa bình để thăng tiến sự phát triển của các dân tộc nghèo nhất. Dưới ánh sáng Tin Mừng Giáo Hội đề xướng một sự phát triển toàn diện cho con người, cho mọi người tại khắp nơi trên trái đất này. Thật thế, con người sống tại bất cứ đâu trên trái đất này cũng đều khát khao có được một cuộc sống bảo đảm, có công ăn việc làm ổn định, được giáo dục, được săn sóc sức khỏe, có các quyền tự do phát biểu, tự do tín ngưỡng, được góp phần tràn đầy vào các trách nhiệm lo cho công ích, thoát khỏi mọi hoàn cảnh bần cùng, bị áp bức bất công và có được các điều kiện sống xứng đáng với con người hơn. Một số các tình trạng này đã có thể là hậu quả của các chế độ thực dân, hay của các cơ cấu xã hội thối nát.

** Tuy chúng có các hậu quả xấu xa, nhưng một số các cơ cấu các chế độ thực dân để lại cũng hữu ích cho các dân tộc địa phương, nhất là việc chống lại mù chữ dốt nát, bệnh tật, cũng như trong lãnh vực thông thương và cải tiến các điều kiện sống. Tuy nhiên, thực tại kinh tế tân tiến cũng tạo ra tình trạng mất quân bình, và hố sâu cách biệt giữa người giầu và người nghèo ngày càng gia tăng. Tại các quốc gia nghèo, giới nông dân ngày càng ý thức được các bất công họ phải gánh chịu. Tiến trình độc lập quốc gia khiến cho dân chúng muốn sống kinh nghiệm các quyền từ do cá nhân, chính trị, xã hội, kinh tế.

Ngoài ra còn có sự va chạm giữa các nền văn minh truyền thống và nền văn minh kỹ nghệ tân tiến. Các thế hệ già vẫn bám víu vào các giá trị truyền thống, trong khi các thế hệ trẻ hướng tới các mới mẻ và coi chúng là chướng ngại vô ích cần loại bỏ. Nguy cơ chạy theo các chủ trương cứu thế hứa hẹn ảo tưởng, các phản ứng bạo động và nổi dậy có thể đẩy đưa các dân tộc rơi vào các ý thức hệ độc tài là một vấn đề nghiêm trọng.

Thật ra, ngay từ lúc khởi đầu Giáo Hội  đã luôn luôn lưu tâm tới việc phát triển toàn diện cho con người, noi gương Chúa Giêsu Kitô, là Đấng đến để phục vụ. Đó cũng là điều được hàng hàng lớp lớp các thế hệ thừa sai thực thi khắp nơi trên thế giới, đặc biệt trong lãnh vực phát triển văn hóa. Tuy hai lãnh vực đạo đời khác nhau, nhưng Giáo Hội ước mong trợ giúp con người và mọi dân tộc đáp ứng các khát vọng chính đáng của họ bằng cách cống hiến cho các dân tộc một quan niệm toàn cầu về con người và về nhân loại. Vì thế sự phát triển phải bao gồm mọi chiều kích cuộc sống con người, chứ không phải chỉ trên bình diện kinh tế. Thiên Chúa tạo dựng con người có trí thông minh và sự tự do, vì thế con người có trách nhiệm đối với sự phát triển cũng như ơn cứu rỗi và sự thành công hay thất bại của chính mình. Con người có bổn phận phát triển mọi tài năng và khả thể của mình để là người hơn theo ý định của Đấng Tạo Hoá. Tuy nhiên, toàn cộng đoàn xã hội và nhân loại trong đó con người sống cũng có bổn phận tạo mọi thuận tiện cho sự phát triển này với các cơ cấu cần thiết thích hợp. Tình liên đới đại đồng cũng là một bổn phận. Tuy nhiên, việc chiếm hữu các của cải có thể dẫn đưa con người tới sự ham hố, bị cám dỗ ngày càng muốn có nhiều của cải và quyền lực hơn. Tính hà tiện của các cá nhân và các quốc gia có thể lây sang các người có ít của cải cũng như người giầu, và dấy lên một chủ trương duy vật bóp nghẹt con người. Khi đó tâm trí con người trở thành chai cứng, khép kín và con người không còn gặp nhau trong tình bạn nữa, nhưng chia rẽ và chống đối nhau vì lợi lộc. Hà tiện là hình thái hiển nhiên nhất của tình trạng kém mở mang luân lý.

Việc phát triển đòi buộc phải có thêm nhiều chuyên viên kỹ thuật, nhưng cũng cần có nhiều tư tưởng gia có khả năng suy tư để tìm ra một nền nhân bản mới, cho phép con người tìm lại chính mình và tiếp nhận các gia trị cao hơn của tình yêu thương, tình bạn, của lời cầu nguyện và việc chiêm niệm, là những giá trị giúp con người đạt các điều kiện nhân bản hơn. Do đó cần làm sao để loại bỏ tất cả những gì khiến cho con người ít là người hơn như: sự thiếu thốn các điều kiện vật chất tối thiểu cho cuộc sống, các cơ cấu đàn áp, lạm dụng quyền bính, khai thác bóc lột nhân công, và mọi hình thức bất công xã hội khác. Phải thăng tiến các điều kiện giúp cuộc sống con người được nhân bản hơn như chiến thắng các tai ương xã hội, thăng tiến sự hiểu biết, văn hóa giáo dục và tôn trọng nhân phẩm, cộng tác lo cho công ích, phát huy hoà bình và thừa nhận các giá trị siêu việt, Thiên Chúa và niềm tin.

** Trong số các công tác phải làm để thực hiện việc phát triển toàn diện cho con người có ý thức tài nguyên thiên nhiên được ban cho tất cả mọi người. Cần sử dụng chúng thế nào để cung cấp cho mọi người các phương tiện sinh sống. Mọi nguời và mọi dân tộc đều phải được hưởng các lợi ích của chúng theo các luật lệ công bằng. Tư sản là một quyền, nhưng nó không được gây thiệt hại cho công ích. Công ích đôi khi cũng đòi buộc việc truất hữu, cấm chuyển vốn ra ngoài từ những người có lợi tức cao phát xuất từ các nguồn lợi và sinh hoạt quốc gia, vì chuyển vốn như thế là gây thiệt hại cho đất nước.

Việc kỹ nghệ hoá cần thiết cho sức tăng trưởng kinh tế là dấu chỉ của sự phát triển. Nó thúc đẩy con người khám phá, tìm tòi, sáng chế. Nhưng các điều kiện mới của xã hội làm nảy sinh ra một hệ thống coi lợi nhuận như động lực nòng cốt của việc phát triển kinh tế, dẫn đưa tới chủ thuyết tự do không kìm hãm và chế độ độc tài, mà Đức Piô XI gọi là “đế quốc quốc tế của tiền bạc”, là nguồn gốc của biết bao nhiêu khổ đau và bất công, cũng như các cuộc chiến huynh đệ tương tàn trên thế giới này.

Công việc làm trong mọi hình thái khác nhau của nó khiến cho con người cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, hiệp nhất các ý chí, và làm cho các tâm hồn xích lại gần nhau. Nhưng nó cũng có thể biến con người thành nô lệ, vì hứa bẹn tiền bạc, thụ hưởng và quyền lực mời gọi ích kỷ hay nổi loạn. Vì thế cần cấp bách trả lại phẩm giá cho người lao động, và tái lập thế quân bình giữa các tầng lớp xã hội với các cuộc cải cách nông nghiệp và kỹ nghệ được chuẩn bị kỹ lưỡng để đừng tạo ra các đau khổ và bần cùng mới.

Trong những trường hợp bất công, trong đó toàn dân phải sống trong các điều kiện tuỳ thuộc không thể thăng tiến văn hoá và tham gia vào đời sống xã hội chính trị, thì cám dỗ dùng bạo lực để thay đổi rất lớn. Ngoại trừ trường hợp của một chế độ độc tài hiển nhiên kéo dài chà đạp các quyền nền tảng của con người và gây thiệt hại cho đất nước, cách mạnh bạo lực là nguồn gốc của các bất công, các mất quân bình và các đổ vỡ  mới. Cần phải can đảm dẹp bỏ và chiến thắng các bất công. Việc  phát triển đòi hỏi các thay đổi bạo dạn, các canh tân sâu rộng và các chương trình khích lệ, kích thích, phối hợp, trợ giúp, và hội nhập hoạt động của các cá nhân và các tổ chức trung gian làm sao để tránh nguy cơ của việc tập thể hoá toàn diện chối bỏ các quyền tự do của con người. Mọi chương trình đều phải nhắm phục vụ con người, giảm bất công, chống lại kỳ thị, giải thoát con người khỏi cảnh nô lệ, và thăng tiến vật chất, tinh thần, luân lý, tiến bộ xã hội và tăng trưởng kinh tế. Phát triển kinh tế và kỹ thuật chỉ có ý nghĩa khi chúng phục vụ và thăng tiến con người toàn diện. Cần phải tránh các sai lầm của chủ thuyết tự do và của các nước kỹ nghệ phát triển trong quá khứ.

** Vì sư tăng trưởng kinh tế gắn liền với sự phát triển xã hội nên cần phát huy giáo dục, chống nạn mù chữ dốt nát, đào tạo các chuyên viên cho mọi ngành nghề và lãnh vực cuộc sống xã hội. Tiếp đến phải thăng tiến gia đình là môi trường xã hội đầu tiên giúp con người phát triển toàn diện và quân bình. Cần cải tổ các cơ cấu xã hội cũ rích và cứng nhắc tại các quốc gia nghèo đang trên đường phát triển. Gia đình tự nhiên một vợ một chồng ổn định theo chương trình của Thiên Chúa và được Kitô giáo thánh hóa phải là nơi gặp gỡ của các thế hệ trợ giúp  nhau có được sự khôn ngoan lớn hơn và hài hoà các quyền của các bản vị với các đòi buộc của cuộc sống xã hội.

Việc dân số gia tăng nhanh chóng tạo ra các khó khăn mới cho sự phát triển, vì thế người ta bị cám dỗ ngăn chặn dân số gia tăng với các biện pháp triệt để. Các giới hữu trách xã hội phải lựa chọn các biện pháp phù hợp với các đòi hỏi luân lý, và các cha mẹ là những người có quyền quyết định số con họ muốn cho chào đời, theo lương tâm của họ.

Bên cạnh cơ cấu gia đình việc phát triển cũng cần tới các tổ chức chuyên môn giúp giáo dục, đào tạo, gia tăng ý thức về công ích và các bổn phận của từng thành phần xã hội. Một đa nguyên tổ chức hoạt động xã hội chuyên nghiệp và nghiệp đoàn có thể chấp nhận được, khi nó bảo vệ tự do và các quyền con người, Kitô hữu không thể chấp nhận triết thuyết duy vật vô thần không tôn trọng tôn giáo, tự do và phẩm giá con người.

Ngoài các tổ chức nghề nghiệp cũng cần có các cơ cấu văn hoá. Tương lai thế giới sẽ gặp nguy hiểm, nếu xã hội không có các người khôn ngoan. Các tổ chức văn hoá bảo đảm cho cuộc sống con người có các biểu lộ  cao hơn trong các lãnh vực nghệ thuật , trí thức và tôn giáo của cuộc sống tinh thần.

Các dân tộc nghèo phải đề phòng kiểu mẫu phát triển mà các nước kỹ nghệ giầu đề nghị chỉ nhằm chiếm hữu sự sung túc vật chất. Cần biết lựa chọn các thiện ích đích thật. Để có thể phát triển đích thực cần thăng tiến một nền nhân bản toàn cầu giúp phát triển con người toàn vẹn và thăng tiến tất cả mọi người, rộng mở cho Đấng Tuyệt Đối. Vì con người chỉ thực hiện chính mình, khi siêu thăng chính mình.

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha kêu gọi từ bỏ võ khí hạt nhân

Đức Thánh Cha kêu gọi từ bỏ võ khí hạt nhân

VATICAN. ĐTC kêu gọi cộng đồng thế giới từ bỏ võ khí hạt nhân, xây dựng hòa bình trên công lý, phát triển nhân bản toàn diện và trên sự tôn trọng các quyền căn bản của con người.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong Sứ điệp các nước tham dự Hội nghị của LHQ đang tiến hành tại New York từ ngày 27 đến 31-3-2017, nhắm thương lượng về một văn kiện pháp lý, có tính chất bó buộc, về sự cấm các võ khí hạt nhân, để đi tới sự hoàn toàn loại trừ thứ võ khí này.

Sứ điệp của ĐTC đã được Đức Ông Antoine Camilleri, người Malta, Thứ trưởng ngoại giao, Trưởng đoàn Tòa Thánh tại Hội nghị tuyên đọc, trong đó ĐTC khẳng định rằng ”một thứ luân lý và luật pháp dựa trên sự đe dọa phá hủy lẫn nhau, và có thể hủy diệt toàn thể nhân loại, là điều tương phản với chính tinh thần của LHQ. Vì thế, chúng ta phải dấn thân cho một thế giới không còn võ khí hạt nhân và hoàn toàn áp dụng Hiệp ước về sự không lan tràn thứ võ khí này”.

ĐTC cũng nhận xét rằng chủ trương trang bị võ khí hạt nhân để đối phương nể sợ mà không dám tấn công, đó là điều không thích hợp, vì nó không đáp ứng hữu hiệu những thách đố và những đe dọa chính đối với nền hòa bình và an ninh của thế giới trong thế kỷ 21 này như nạn khủng bố, các cuộc xung đột không đối xứng (conflitti asimetrici), an ninh tin học, các vấn đề môi trường, nghèo đói. Ngoài ra, việc sử dụng võ khí hạt nhân còn gây nên những hậu quả thê thảm về nhân mạng và môi trường, với những hậu quả tàn phá bừa bãi trong thời gian và không gian. Thêm vào đó, việc trang bị võ khí hạt nhân còn đưa tới sự phí phạm tài nguyên, lẽ ra được sử dụng cho những ưu tiên quan trọng hơn, như thăng tiến hòa bình và phát triển nhân bản toàn diện, chiến đấu chống nghèo đói và thực hiện chương trình hành động 2030 do LHQ đề ra để phát triển dài hạn”.

Cũng trong sứ điệp, ĐTC nhấn mạnh rằng: ”Hòa bình và sự ổn định quốc tế không thể dựa trên một cảm thức giả tạo về an ninh, trên sự đe dọa phá hủy nhau hoặc hoàn toàn tiêu diệt nhau, trên sự duy trì quân bình thế lực. Trái lại hòa bình phải được xây dựng trên công lý, phát triển nhân bản toàn diện, trên sự tôn trọng các quyền căn bản của con người, trên việc bảo tồn thiên nhiên, sự tham gia của tất cả mọi người vào đời sống công cộng, trên sự tín nhiệm giữa các dân tộc, thăng tiến các tổ chức hòa bình, trên sự được hưởng giáo dục và sức khỏe, đối thoại và liên đới.

Theo ĐTC, ”trong viễn tượng này, cộng đồng quốc tế được kêu gọi đi xa hơn chủ trương trang bị võ khí để làm cho đối phương nể sợ: cần chấp nhận những chiến lượng nhìn xa trông rộng để thăng tiến đối tượng hòa bình và sự ổn định, và tránh những đường lối tiếp cận thiển cận về những vấn đề an ninh quốc gia và quốc tế” (SD 28-3-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Ai Cập ngày 28 và 29-4-2017

Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Ai Cập ngày 28 và 29-4-2017

VATICAN. ĐTC Phanxicô sẽ viếng thăm Ai Cập từ ngày 28 đến 29-4-2017 tới đây.

Trong thông cáo hôm 18-3-2017, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, thông báo:

”Nhận lời mời của Tổng Thống, các Giám Mục Công Giáo và Đức Thượng Phụ Tawadros II và Đại Iman Đền thờ Hồi giáo Al Azhar, Cheik Ahmed Mohamed el-Tayyib, ĐTC Phanxicô sẽ thực hiện chuyến Tông Đu tại Cộng hòa Arập Ai Cập từ ngày 28 đến 29-4-2017, viếng thăm thành phố Cairo. Chương trình sẽ được công bố trong thời gian tới đây.”

Đây sẽ là chuyến viếng thăm đầu tiên của ĐTC tại nước ngoài trong năm nay.

Ai Cập rộng 1 triệu 10 ngàn cây số vuông với 83 triệu dân cư, đa số là tín hữu Hồi giáo Sunnit, và Giáo Hội Chính Thống Copte do Đức Thượng Phụ Tawadros II làm Ciáo chủ chiếm 10% dân số. Các tín hữu Công Giáo Copte có 200 ngàn tín hữu.

Đền thờ và Đại học Al Azhar được coi là có uy tín nhất đối với Hồi giáo Sunnit trên thế giới (SD 18-3-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Vấn đề phát thanh qua sóng ngắn của Đài Vatican

Vấn đề phát thanh qua sóng ngắn của Đài Vatican

VATICAN. Đài Vatican dần dần sẽ bỏ hoàn toàn việc phát thanh qua sóng ngắn và thay vào đó, các chương trình được phát qua Internet.

Hôm 10-3-2017, hãng tin Fides của Bộ Truyền giáo đưa tin: ”Ban thường vụ Liên HĐGM Phi châu và Madagacar, gọi tắt là Secam, chuyên phối hợp sự cộng tác của 57 HĐGM tại đại lục này, đã lên tiếng kêu gọi ban lãnh đạo đài Vatican tái lập việc phát thanh qua sóng ngắn.

Từ năm 2012, việc phát thanh của nhiều chương trình Âu Mỹ qua sóng ngắn và sóng trung bình của Đài Vatican đã được thay thế bằng Internet, nhưng vẫn còn được duy trì cho các chương trình phát về Phi châu, Á châu và Trung Đông.

Năm nay, Ban lãnh đạo Bộ Truyền thông đã quyết định sẽ ngưng hoàn toàn việc phát thanh qua sóng ngắn, trễ nhất là vào năm 2019 và thay vào đó, sẽ phát qua Internet cho vùng Phi châu và Á châu.

Trước tin này, Ban thường vụ Liên HĐHM Phi châu và Madagascar, trong phiên nhóm tại Accra, thủ đô nước Ghana, đã gửi thư chính thức đến ban lãnh đạo mới của Đài Vatican để bày tỏ lo âu vì quyết định ngưng phát thanh qua sóng ngắn. Các GM nói rằng các chương trình phát qua sóng ngắn bảo đảm cho hàng triệu người dân Phi châu được nghe ĐTC và chia sẻ những quan tâm cũng như sứ vụ của Giáo Hội. Các GM chính thức yêu cầu tái lập việc phát thanh qua sóng ngắn.

Thư của các GM có đoạn viết: ”Trong khi chúng tôi nhìn nhận rằng các chương trình của Đài Vatican có thể nghe được qua Internet, nhưng sự kiện nhiều người dân Phi châu không có các phương tiện hoặc kỹ thuật để nghe các chương trình qua Internet.”

Liên HĐGM Phi châu và Madagascar bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và đánh giá cao vai trò của Đài Vatican từ nhiều thập niên qua, đã đóng góp vào công việc loan báo Tin Mừng cho Phi châu, huấn giáo và phát triển tinh thần cho người dân tại đại lục này”.

Và các GM Secam kết luận rằng ”Đài Vatican vẫn luôn là một nguồn tin đáng tin cậy về Giáo Hội hoàn cầu và là một kênh mau lẹ để chia sẻ tin tức về Phi châu với các nơi khác trên thế giới” (Fides 10-3-2017)

Chưa có phản ứng nào của Bộ truyền thông Vatican về lời yêu cầu trên đây của các GM Phi châu. Sau đây, chúng tôi xin gửi đến quí vị một số dữ kiện về những về Đài Vatican, và những biến chuyển gần đây.

Diễn tiến lịch sử

Đài Phát Thanh Vatican được ĐGH Piô 11 thành lập cách đây 86 năm, ngày 12-3 năm 1931 và có 40 chương trình với hơn 40 thứ tiếng, với số nhân viên hiện nay còn gần 350 người. Đài luôn được cập nhật về kỹ thuật để đáp những đòi hỏi của thời đại mới.

Trong kế hoạch cải tổ các cơ quan Tòa Thánh, ngày 27-6 năm 2015, ĐTC Phanxicô đã ban hành tự sắc gộp 9 cơ quan thông tin của Tòa Thánh thành Bộ Truyền thông, đó là Hội đồng Tòa Thánh truyền thông xã hội, Phòng báo chí Tòa Thánh, dịch vụ Internet Vatican, Đài phát thanh Vatican, Trung Tâm Truyền hình Vatican, Báo Quan sát viên Roma, Nhà in Vatican, dịch vụ hình ảnh, Nhà xuất bản Vatican.

Ngài cũng bổ nhiệm Đức ông Dario Viganò, nguyên là Tổng giám đốc Trung Tâm Truyền hình Vatican, làm Bộ trưởng của bộ mới lập, và Đức Ông Lucio Adrian Ruiz, người Argentina, làm Tổng thư ký của Bộ này.

Ngày 6 tháng 9 năm 2016, ĐTC ban hành qui chế của Bộ Truyền thông, theo đó Bộ này gồm có 5 phân bộ là: Tổng vụ, biên tập, Phòng báo chí Tòa Thánh, kỹ thuật, và sau cùng là thần học mục vụ.

Từ đó, các vị lãnh đạo của Bộ xúc tiến việc gộp 9 cơ quan lại và đề ra đường hướng cũng như những qui tắc chi tiết cho các hoạt động của Bộ. Tổng số các nhân viên của Bộ Truyền thông vào khoảng 700 người, trong đó một nửa là nhân viên của Đài Vatican.

Từ ngày 1-1 năm nay, 2017, danh xưng ”Radio Vaticana”, Đài Phát Thanh Vatican, không còn giá trị pháp lý nữa.

Từ ngày 1-12 năm 2016, Đài Vatican ngưng phát qua các làn sóng trung bình và cả một số chương trình ngưng phát qua các làn sóng ngắn. Các sóng ngắn này còn được sử dụng để phát các chương trình hướng về Phi châu và Á châu, trong đó có chương trình tiếng Việt, nhưng theo dự kiến, việc phát sóng ngắn còn lại này cũng sẽ chấm dứt trễ nhất là trước năm 2019 tới đây. Các chương trình của đài sẽ còn chỉ được phát qua Internet.

Đức Ông Bộ Trưởng Dario Viganò loan báo đã có một hợp đồng với Facebook, qua đó 44 nước Phi châu có thể nhận được các sứ điệp của Đức Giáo Hoàng qua điện thoại di động thông minh, nhờ một Apps, một thảo chương thích hợp.

Vẫn theo Đức Ông Viganò, Trung tâm phát tuyến Santa Maria di Galeria, một khu vực rộng 440 hecta, tức là rộng gấp 10 lần lãnh thổ Quốc gia thành Vatican, cách Roma 18 cây số, sắp bị đóng cửa, vì các ăng ten và máy phát tuyến ở đây sẽ không còn hoạt động nữa. 30 nhân viên kỹ thuật đã và đang được chuyển về các cơ sở của Đài Vatican và các phân bộ khác thuộc Bộ truyền thông.

Ngoài ra, ban lãnh đạo Bộ truyền thông sẽ nhường làn sóng FM 93,3 megaxich ở vùng Roma cho đài RTL, Phát thanh và truyền hình Luxemburg, và thay vào đó, sẽ sử dụng Radio Digital, kỹ thuật số, để phát trên toàn lãnh thổ Italia, dù rằng phương tiện truyền thông mới mẻ này chưa được thông dụng lắm ở nước này.

Đài Vatican có chi phí là 26 triệu Euro, và việc bỏ phát chương trình trên sóng ngắn chắc chắn sẽ giúp tiết kiệm một phần ngân khoản này, nhưng cũng cần để ý rằng 70% ngân sách của đài Vatican là để trả lương cho các nhân viên. Các ban ngành trong Bộ đều nhận được lệnh phải giảm chi và tiết kiệm tối đa.

Trong số các chương trình bị cắt giảm hoặc hủy bỏ trong kế hoạch giảm chi có hai nhật báo truyền thanh bằng tiếng Ý hằng ngày lúc 12 giờ trưa và 17 giờ chiều, và được thay thế bằng những ấn bản “chớp nhoáng” nhập khẩu từ mạng công giáo Italia InBlu. Tạp chí truyền thanh lúc 21 giờ 30 bằng tiếng Pháp mỗi ngày cũng bị hủy bỏ.

Để huấn luyện các nhân viên về kỹ thuật đa phương tiện, Đức Ông Viganò đã đăng ký cho 50 nhân viên theo học khóa tu nghiệp tại Trường doanh nghiệp của đại học LUISS ở Roma, thuộc Liên đoàn công nghệ Italia.

Nhận xét và giải thích của cha Lombardi SJ

Để hiểu rõ hơn những thay đổi trên đây, cũng nên để ý đến nhận xét của Cha Federico Lombardi, dòng Tên, đã từng làm Giám đốc các chương trình, rồi làm Tổng Giám đốc của Đài Vatican trong 25 năm, tức là cho đến năm 2015.

Trong thư gửi ký giả Sandro Magister truyền đi ngày 7-3-2017 (magister.blogautore.espresso.repubblica.it), Cha cho biết trong những năm gần đây, có khoảng 1 ngàn đài phát thanh, lớn nhỏ khác nhau, trên thế giới, phát lại các chương trình của đài Vatican tại 80 quốc gia năm châu. Dĩ nhiên điều này không xảy ra tại các nước không có đài phát thanh Công Giáo hoặc đài tư nhân. Vì thế phần lớn các chương trình của Đài Vatican được các đài khác tiếp sóng và truyền đi, ví dụ tại Brazil, Ba Lan, Pháp, và tại Tiệp khắc, Slovak, Slovenia, v.v.

Chương trình phát thanh của Đài Vatican qua Internet bắt đầu và lan rộng từ thập niên 1990. Phương thức này liên hệ tới tất cả các chương trình của đài và ngày càng được coi là con đường ưu tiên để phát thanh, đến độ những năm gần đây có nhiều đài khác muốn tải từ internet các chương trình của Đài Vatican xuống và phát lại, thay vì nhận các chương trình đó từ vệ tinh. Chính vì thế từ vài năm nay, Đài Vatican không còn dùng vệ tinh trên Ấn độ dương nữa, vì không còn cần thiết.

Internet dĩ nhiên có lợi điểm là nghe tuy theo nhu cầu những chương trình đã thu và phát, tùy theo thời gian thuận tiện của mình, mà không cần phải nghe trực tiếp vào lúc chương trình được phát đi. Trên Internet, đài cũng khai triển một trang mạng thông tin quan trọng với các văn bản bằng 40 thứ tiếng thuộc 13 mẫu tự khác nhau.

Trong bối cảnh liên tục tiến triển của ngành truyền thông những năm qua, việc sử dụng sóng ngắn và sóng trung bình dần dần mất đi tầm quan trọng, nhất là tại những nơi có thể tiếp sóng và truyền lại các chương trình qua một đài khác. Vì thế, đến lúc nào đó, tại một số miền, việc phát thanh qua sóng điện trở nên thừa thãi và có thể không dùng phương thế này nữa.

Đó là trường hợp các chương trình phát qua sóng ngắn hướng về Âu Châu, Mỹ châu và Úc châu, nghĩa là giảm bớt 50% hoạt động của trung tâm phát tuyến Santa Maria di Galeria.

Trái lại, Đài thấy rằng nên giữ các chương trình phát qua sóng ngắn hướng về một số miền khác trên thế giới, nhất là Á châu, Trung Đông và Phi châu, kể cả Cuba, nơi mà các đài địa phương không thể phát lại, ví dụ như tại Trung Quốc, Ấn độ, Việt Nam, Trung Đông, các nước Hồi giáo, vùng Sừng ở Phi châu, Nigeria, v.v. hoặc tiếp tục phát sóng ngắn về những vùng vẫn còn ít sử dụng Internet hoặc đài phát thanh địa phương quá yếu không thể phát cho những vùng rộng lớn.

Hướng đi trên đây không phải của riêng đài Vatican mà thôi, nhưng nhiều đài phát thanh lớn khác trên thế giới cũng hành động tương tự đối với các chương trình phát sóng ngắn. Khi quyết định như thế, – Cha Lombardi nói – chúng tôi cũng để ý tới sự kiện các thính giả ở trong tình trạng khó khăn, tuy họ không đông đảo, nhưng họ gặp khó khăn vì nghèo túng, vì tự do bị giới hạn hoặc lý do khác, nên đáng cho chúng tôi dấn thân.

Sứ mạng của Đài Vatican là thông truyền sứ điệp Tin Mừng và phục vụ Đức Thánh Cha trong sứ vụ hoàn cầu của ngài. Để được vậy, cần phải sử dụng những phương thế thích hợp, những phương thế này chắc chắn là thay đổi với thời gian. Nếu sóng ngắn hữu ích cho một số vùng địa lý, để ý tới tình trạng Giáo hội hoặc chính trị, thì nên tiếp tục sử dụng chúng, nếu chúng ta có thể đạt tới mục đích bằng cách sử dụng phương thế khác, thì chúng ta bỏ sóng ngắn. Đó là điều được trình bày cho Hội đồng 15 Hồng Y.

Cha Lombardi cũng cho biết các đài lớn trên thế giới đã nghiên cứu phát thanh Digital, kỹ thuật này có chất lượng cao hơn, nhưng các nhà sản xuất máy thu thanh không tin tưởng nơi phương thế này, vì cho đến nay đài Digital không thành công nhiều trên bình diện quốc tế, vì thiếu phương thế để nghe với giá cả phải chăng. Tuy rằng những nước lớn như Trung Quốc, đã tiếp tục phát triển đài cho thị trường địa phương của họ.

Nhận xét của ký giả Sandro Magister

Sau cùng, cũng nên nói đến nhận xét của Ông Sandro Magister, một ký giả kỳ cựu tại phòng báo chí Tòa Thánh.

Trong một blog truyền đi ngày 3-3-2017, Ông cho biết trong khi Đài Vatican chấm dứt việc phát các chương trình qua sóng ngắn, thì Trung Quốc đang làm cho không gian tràn ngập các chương trình phát thanh sóng ngắn bằng mọi thứ tiếng.

Và Đài BBC tiếng Anh được chính phủ tài trợ thêm 85 triệu bảng Anh để tăng cường các chương trình phát sóng ngắn, đi tới hàng triệu thính giả khác, vượt qua con số 65 triệu thính giả hiện nay, nhất là tại Nga, Bắc Triều Tiên, Trung Đông và Phi châu.

Về phần đài phát thanh NHK của Nhật bản, ban lãnh đạo đài này đã xin Vatican cho sử dụng Trung tâm phát tuyến Santa Maria di Galeria để tăng cường các chương phát phát sóng ngắn của Đài này hướng về Phi châu, lý do vì trung tâm phát của đài này ở Đảo Madagascar được sử dụng từ trước đến nay, nay đã quá tải rồi.

Trung Tâm Santa Maria di Galeria có chất lượng cao được thế giới nhìn nhận và Đài Vatican có thể cho Đài NHK của Nhật thuê để có thêm tài chánh.

G. Trần Đức Anh OP 

Kỷ niệm 90 năm thành lập giáo phận Bình Nhưỡng (Bắc hàn)

Kỷ niệm 90 năm thành lập giáo phận Bình Nhưỡng (Bắc Hàn)

Seoul – Năm 2017 này, giáo phận Công giáo Bình Nhưỡng (Bắc Hàn) sẽ kỷ niệm 90 năm thành lập. Nhân dịp này, tổng giáo phận Seoul đã tổ chức các sáng kiến như Thánh lễ đặc biệt và một cuộc triển lãm các hình chụp.

Thánh lễ sẽ được tổ chức tại nhà thờ chánh tòa Seul vào ngày 18/03 tới đây và được dâng với ý chỉ cầu cho tất cả tín hữu Công giáo ở Bắc Hàn, đặc biệt những người đã sống trong 90 năm này ở Bình Nhưỡng và những người đã hy sinh mạng sống vì đức tin.

Thánh lễ sẽ do Đức Hồng y Andrew Yeom Soo-jung, Tổng giám mục Seoul và giám quản tông tòa của Bình Nhưỡng, chủ sự; cũng có sự hiện diện của Đức Tổng giám mục

Victor Yoon-hee Gong, sinh tại Bình nhưỡng; Đức Tổng giám mục Osvaldo Padilla, sứ thần Tòa Thánh tại Hàn quốc, cha Matthew Hwang In-Guk, đại diện Giám mục của Bình Nhưỡng và cha Gerard Hammond, thừa sai thuộc Hội Maryknoll, vẫn còn tham gia vào các hoạt động hợp tác với Bắc Hàn

Ngoài các tín hữu tham dự Thánh lễ, có thể có sự tham dự của các Hội đoàn và dòng tu đã trợ giúp giáo phận Bình nhưỡng như Hộ thừa sai Paris, các cha Maryknoll, các nữ tu dòng thánh Phaolô thành Chartres và các nữ tu dòng Đức Mẹ Hằng Cứu giúp.

Trong Thánh lễ, một bức tranh vẽ 24 vị tử đạo của Bình nhưỡng do cha Jerome Chang Keung-sole vẽ sẽ được đặt trước bàn thờ. Cha Chang Keung-sole cũng là thư ký điều hành của nhóm các linh mục sinh tại Bình Nhưỡng và là cựu giám đốc của Ủy ban hòa giải dân tộc Hàn quốc.

Trong số 24 vị tử đạo, có đức cha Francesco Borgia Hong Yong-ho, nạn nhân của chế độ Bắc Hàn vào năm 1949, hiện nay được gộp vào nhóm các vị tân tử đạo Hàn Quốc (tất cả 214 vị, gồm có Giám mục, Linh mục và giáo dân) đang trong tiến trình phong chân phước.

Cuộc triển lãm các hình chụp trưng bày hình ảnh đời sống của giáo xứ Bình Nhưỡng được chụp giữa các năm 1920 và 1950. Chủ đề của cuộc triển lãm là: “Anh em hãy đứng lên, chúng ta đi Mt 26,46)”. Trong lời giới thiệu cuộc triển lãm, Đức Hồng Y Yeom nói: “Thời gian trôi qua, những kỷ niệm của chúng ta về các tín hữu Công giáo đã sống ở Bắc hàn có khuynh hướng mất đi. Những gì chúng ta thấy nơi các tấm hình này ngày nay không còn có ở Bắc Hàn nữa. Cử hành kỷ niệm 90 năm thành lập giáo phận quan trọng đối với chúng ta để làm sống lại ký ức và không quên những anh em đã được rửa tội ở Bình nhưỡng, những người đã chiến đấu cho đến cùng để gìn giữ đức tin Công giáo của họ.” 

 

Năm 2015 của Tòa Thánh năm bị thiếu hụt 12.4 triệu Euro

Năm 2015 của Tòa Thánh năm bị thiếu hụt 12.4 triệu Euro

VATICAN. Kết toán chi thu của Tòa Thánh trong năm 2015 bị thiếu hụt 12,4 triệu Euro, tức là giảm được hơn 1 nửa so với số thiếu hụt 25,8 triệu Euro trong năm 2014 trước đó.

Năm 2013, Tòa Thánh bị thiếu hụt 24,4 triệu Euro.

Thông cáo do Bộ Kinh tế của Tòa Thánh công bố hôm 4-3-2017 cho biết số thu của Tòa thánh đến từ việc đầu tư và có 24 triệu Euro do các giáo phận và dòng tu đóng góp theo khoản giáo luật số 1271. Ngoài ra có 50 triệu Euro do Viện Giáo Vụ, quen gọi là Ngân hàng Vatican đóng góp.

Giống như những năm trước đây, phần lớn số chi của Tòa Thánh là để trả lương cho các nhân viên.

Ngoài ra, trong năm 2015, kết toán chi thu của Phủ Thống đốc Quốc gia thành Vatican dư được gần 60 triệu Euro (59,9), phần lớn từ Bảo tàng viện Vatican.

Kết toán chi thu của Tòa Thánh nay bắt đầu được thực hiện theo các nguyên tắc kế toán quốc tế, và cần vài năm nữa để hoàn thành tiến trình, với điểm lợi là chất lượng được cải tiến và minh bạch hơn trong việc thông tin tài chánh và gia tăng sự nghiêm túc trong thủ tục phúc trình và kiểm soát tài chánh. (SD 4-3-2017)

G.Trần Đức Anh OP

Thiên Chúa mang lấy những thương tích của chúng ta

Thiên Chúa mang lấy những thương tích của chúng ta

Chiếc la bàn định hướng của người Kitô hữu chính là việc bước theo Đức Kitô chịu đóng đinh. Ngài là Thiên Chúa đã trở nên người phàm và mang lấy những thương tích của chúng ta. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Mở đầu mùa chay với tiếng vang gọi mời sám hối, chúng ta được mời gọi nhìn vào thực tại với ba nét: thứ nhất là con người, thứ hai là Thiên Chúa, thứ ba là con đường.

Thực tại về con người

Thực tại là con người phải lựa chọn giữa thiện và ác. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta tự do, và chúng ta phải thực hiện việc chọn lựa. Thế nhưng, Chúa không bỏ mặc chúng ta một mình, Ngài ban cho chúng ta các điều răn để dẫn đường chỉ lối. Tiếp đến, thực tại về Thiên Chúa là điều rất khó hiểu đối với các môn đệ. Các ông không hiểu được con đường thập giá của Chúa Giêsu. Bởi lẽ Chúa Giêsu là Thiên Chúa đã mang lấy trọn vẹn thân phận phàm nhân chỉ trừ tội lỗi. Nếu không có Thiên Chúa thì đã không có Chúa Kitô. Nếu tin vào Thiên Chúa mà không tin vào Đức Kitô, thì vị Chúa ấy không thực.

Thực tại về Thiên Chúa

Thực tại về Thiên Chúa, chính là Thiên Chúa làm người, Thiên Chúa nơi Đức Kitô, vì chúng ta và để cứu độ chúng ta. Khi chúng ta quay lưng lại với thực tại này, chúng ta cũng quay lưng lại Thập giá Chúa Kitô, và khi đó chúng ta đi ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, đi ra khỏi con đường cứu độ của Thiên Chúa. Con đường của Thiên Chúa là thế này: Ngài đã đến với chúng ta, đến bên chúng ta để cứu chúng ta, và chết vì chúng ta. Đó là thực tại về Thiên Chúa.

Có một cuộc đối thoại giữa một người theo thuyết bất khả tri và một tín hữu. Người theo thuyết bất khả tri với thiện ý, đã hỏi người tín hữu rằng: “Đối với tôi, bằng cách nào mà có thể… Vấn đề là bằng cách nào mà Đức Kitô là Thiên Chúa, điều này tôi không hiểu. Đức Kitô là Thiên Chúa hay sao?”. Người tín hữu đáp lại: “Vâng, với tôi, đây không phải là vấn đề. Vấn đề là làm sao Thiên Chúa lại không là Đức Kitô”.

Thực tại về Thiên Chúa là: Đức Kitô chính là Thiên Chúa, Thiên Chúa đã trở nên người phàm, và đây là nền tảng để thực thi lòng thương xót. Các thương tích của anh chị em chúng ta cũng là những thương tích của Chúa Kitô. Chúng ta đều biết rằng, không thể sống mùa chay mà không sống thực tại này. Tất cả chúng ta cần thay đổi bản thân, không phải với một Đức Kitô kiểu trừu tượng mông lung, nhưng là với một Đức Kitô cụ thể bằng xương bằng thịt, Đấng là Thiên Chúa làm người.

Thực tại về con đường

Thực tại thứ ba là con đường. Chúa Giêsu nói: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”.

Con đường ấy chính là con đường của Chúa Kitô, là bước theo Đức Kitô để thực thi ý muốn của Chúa Cha như Đức Kitô đã làm, là từ bỏ chính mình và vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa Kitô. Không làm những gì mình muốn, nhưng là làm những gì Đức Kitô muốn, đó là theo Đức Kitô. Ngài đã nói về con đường từ bỏ, con đường liều mất mạng sống để rồi được lại sự sống. Đó là con đường hy sinh mạng sống, hy sinh những gì mình muốn, hy sinh những tiện nghi, để phục vụ tha nhân, để phụng thờ Thiên Chúa. Đó là con đường của Chúa Giêsu. Đó là con đường phải lẽ.

Như thế, chỉ có một con đường chắc chắn, là bước theo Chúa Giêsu chịu đóng đinh, con đường thập giá. Đó là thực tại với ba nét đặc thù: thực tại về con người, thực tại về Thiên Chúa, thực tại về con đường. Đó là chiếc la bàn giúp người Kitô hữu không bị lạc lối.

Tứ Quyết SJ