Đức Thánh Cha gặp gỡ 35 ngàn bác sĩ chuyên về bệnh tim

Đức Thánh Cha gặp gỡ 35 ngàn bác sĩ chuyên về bệnh tim

Đức Thánh Cha gặp gỡ 35 ngàn bác sĩ chuyên về bệnh tim

ROMA. Trưa ngày 31-8-2016, ĐTC Phanxicô đã đến chào thăm và gặp gỡ 35 ngàn bác sĩ, đến từ 140 quốc gia, tham dự Hội nghị thế giới về bệnh tim, nhóm tại khu vực Hội chợ ở Roma, gần phi trường Fiumicino.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC cho biết ”Giáo Hội đồng hành với các nhà khoa học trong con đường cam go là nghiên cứu về sự sống và sức khỏe con người, đồng thời cổ võ và nâng đỡ họ, vì Giáo Hội biết rằng điều gì góp phần vào thiện ích thực sự của con người, cũng là một hành động đến từ Thiên Chúa.”

ĐTC cũng nhận xét rằng ”nguyên khoa học thiên nhiên và vật lý mà thôi không đủ để hiểu mầu nhiệm mà mỗi người hàm chứa trong mình. Nếu ta nhìn con người toàn diện, ta có thể có một cái nhìn đặc biệt khẩn trương đối với những người nghèo khổ nhất, những người kém may mắn và bị gạt ra ngoài lề, để họ cũng được săn sóc, được quan tâm và giúp đỡ qua các cơ cấu y tế công và tư nhân”.   Sau cùng, ĐTC cầu mong rằng điều quan trọng là nhà khoa học, trong khi cứu xét mầu nhiệm cao cả về cuộc sống con người, không để cho mình bị đè bẹp vì cám dỗ muốn bóp nghẹt sự thật (Xc Rm 1,18).

G. Trần Đức Anh OP

Giáo Hội cần các thừa sai đam mê nhiệt thành

Giáo Hội cần các thừa sai đam mê nhiệt thành

ĐTC Phanxicô chào tín hữu và du khách hanh hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 14-8-2016

Giáo Hội không cần các chuyên viên bàn giấy rườm rà và các công chức mẫn cán, nhưng cần các thừa sai đam mê, bị dầy vò bởi lòng hăng say đem tới cho tất cả mọi người lời ủi an của Chúa Giêsu và ơn thánh của Ngài.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hôm qua. Mở đầu bài huấn dụ sau khi chào mọi người, ĐTC nói: Tin Mừng Chúa Nhật này (Lc 12,49-53) thuộc phần giáo huấn Chúa Giêsu nói vói các môn đệ trên đường lên Giêrusalem, nơi cái chết thập giá chờ đợi Ngài. Để chỉ cho thấy mục đích sứ mệnh của Ngài Chúa dùng ba hình ảnh: lửa, phép rửa và sự chia rẽ. Hôm nay tôi muốn đề cập tới hình ảnh thứ nhất là hình ảnh của lửa.

Chúa Giêsu diễn tả nó với các lời này: “Thầy đã tới ném lửa trên trái đất, và Thầy ước ao nó bùng cháy lên chừng nào!” (c. 49). ĐTC giải thích ý nghĩa lửa như sau:

Lửa mà Chúa Giêsu nói tới là lửa của Chúa Thánh Thần, là sự hiện diện sinh động và hoạt động trong chúng ta từ ngày chúng ta được rửa tội. Nó là một sức mạnh sáng tạo thanh tẩy và canh tân thiêu đốt mọi bần cùng của con người, mọi ích kỷ, moi tội lỗi, biến đổi chúng ta từ bên trong, tái sinh chúng ta, và khiến cho chúng ta có khả năng yêu mến. Chúa Giêsu ước mong rằng Chúa Thánh Thần thiêu đốt như lửa trong con tim chúng ta, bởi vì chỉ khi khởi hành từ con tim việc đốt cháy của tình yêu Thiên Chúa mới có thể phát triển và khiến cho Nước Thiên Chúa tiến triển. Nó không khởi hành từ cái đầu, nhưng khởi hành từ con tim. Chính vì thế Chúa Giêsu muốn rằng lửa đi vào trong tim chúng ta.

Nếu chúng ta hoàn toàn rộng mở cho hoạt động của lửa này là Chúa Thánh Thần, Ngài sẽ ban cho chúng ta sự liều lĩnh và lòng hăng say loan báo cho tất cả mọi người Chúa Giêsu và sứ điệp ủi an của lòng thương xót và ơn cứu độ của Ngài, bằng cách hải hành giữa biển rộng, không sợ hãi. Nhưng lửa bắt đầu trong trái tim.

Trong việc hoàn thành sứ mệnh của mình trong thế giới Giáo Hội – nghiã là tất cả chúng ta Giáo Hội –  cần sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần để không để cho mình bị kìm hãm lại vì sợ hãi hay tính toán, để đừng quen với việc bước đi trong các biên giới an ninh. Hai thái độ này đem Giáo Hội tới chỗ là một Giáo Hội hoạt động hữu hiệu, không bao giờ liều lĩnh. Trái lại,  lòng can đảm tông đồ là Chúa Thánh Thần thắp lên trong chúng ta như một ngọn lửa giúp chúng ta thắng vượt các bức tường và các hàng rào, khiến  cho chúng ta có óc sáng tạo và thúc giục chúng ta bước đi, cả trên những con đường đã không được khám phá và không thoải mái, bằng cách cống hiến hy vọng cho những người chúng ta gặp gỡ. Với lửa này của Chúa Thánh thần, chúng ta được mời gọi ngày càng luôn trở thành cộng đoàn của những người được hướng dẫn và biến đổi, tràn đầy sự cảm thông, những con người có con tim nở rộng và gương mặt tuơi vui. ĐTC nhấn mạnh như sau:

Hơn bao giờ hết ngày nay cần có các linh mục, những người thánh hiến và tín hữu giáo dân, với cái nhỉn chú ý của người tông đồ, để cảm thương và dừng lại trước các khó khăn và nghèo nàn vật chất và tinh thần, và như thế trao ban tính cách cho con đường loan báo Tin Mừng và sứ mệnh với tiết nhịp chữa lành của sự gần gũi.

Có lửa của Chúa Thánh Thần đưa chúng ta tới chỗ sống gần gũi các người khác: những người đau khổ, những người cần được giúp đỡ, biết bao nhiêu bần cùng nhân loại, biết bao nhiêu vấn đề, những người tỵ nạn, di cư, những người đau khổ. Lửa đến từ trái tim. Lửa.

Trong lúc này đây với sự cảm phục tôi cũng nghĩ tới nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân trên toàn thế giới tận hiến cho việc loan báo Tin Mừng với tình yêu thương và lòng trung thành lớn lao, và đôi khi với cả mạng sống nữa. Chứng tá gương mẫu của các vị nhắc cho chúng ta biết rằng Giáo Hội không cần các chuyên viên bàn giấy rườm rà và các công chức mẫn cán, nhưng cần các thừa sai đam mê, bị dầy vò bởi lòng hăng say đem tới cho tất cả mọi người lời ủi an của Chúa Giêsu và ơn thánh của Ngài. Đó là lửa của Chúa Thánh Thần. Nếu Giáo Hội không nhận được lửa này hay không để cho nó vào trong chính mình, thì trở thành một Giáo Hội lạnh lẽo hay chỉ hâm hẩm, không có khả năng trao ban sự sống. Hôm nay thật là tốt nếu chúng ta để ra năm phút để tự hỏi: “Trái tim tôi ra sao? Nó lạnh lẽo? Nó hâm hẩm? Nó có khả năng nhận lửa này không?” Chúng ta hãy dành ra năm phút cho việc này. Nó sẽ tốt cho chúng ta tất cả.

Và chúng ta hãy xin Đức Trinh Nữ Maria cầu xin Thiên  Chúa Cha trên trời với chúng ta và cho chúng ta, để Ngài đổ đầy trên tất cả mọi tín hữu Chúa Thánh Thần, là lửa của Thiên Chúa, là Đấng suởi ấm con tim và giúp chúng ta liên đới với các niềm vui và khổ đau của các anh chị em của chúng ta. Xin thánh Massimiliano Kolbe, tử đạo vì yêu thương, mà chúng ta mừng lễ hôm nay, nâng đỡ chúng ta trên con đường cuộc sống: xin ngài dậy cho chúng ta sống bằng ngọn lửa tình yêu đối với Thiên  Chúa và đối với người thân cận.

Tiếp đến ĐTC đã cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã chào tín hữu và du khách hành hương, đặc biệt các hướng đạo sinh đến từ Paris, các bạn trẻ hành hương đi bộ hay đi xe đạp về Roma từ các tỉnh Bisucchio, Treviso, Solarolo, Macherio, Sovico, Val Alta de Bergamo và các chủng sinh Tiểu chủng viện Bergamo. ĐTC đã lập lại đề tài của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Cracovia “Phúc cho ai có lòng thương xót, vì sẽ được xót thương” và nói: Các bạn hãy cố gắng luôn luôn tha thứ, và hãy có một con tim biết cảm thương. ĐTC chúc mọi người một ngày Chúa Nhật tốt lành và xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Linh Tiến Khải

Cửa Năm Thánh dẫn vào kho tàng vô tận lòng thương xót của Thiên Chúa

Cửa Năm Thánh dẫn vào kho tàng vô tận lòng thương xót của Thiên Chúa

ĐTC Phanxicô chào một nhóm tĩn hữu Phi châu trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư 9-8-2016

Trên Cửa Năm Thánh có khắc ghi kho tàng vô tận của lòng thương xót Chúa đối với từng người. Đó là Cửa cuộc gặp gỡ giữa nỗi khổ đau của nhân loại với sự cảm thương của Thiên Chúa. Khi bước qua ngưỡng cửa ấy là chúng ta thực hiện cuộc hành hương trong lòng thương xót của Thiên Chúa là Đấng nói với chúng ta tất cả: “Ta nói với con, hãy chỗi dậy”, như đã nói với chàng thanh niên con bà goá thành Nain.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 8.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần trong đại thính đường Phaolô VI. Vì số chỗ có hạn nên hàng ngàn người khác đã phải đứng ngoài quảng trường thánh Phêrô theo dõi buổi tiếp kiến trên màn truyền hình.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã giải thích ý nghĩa phép lạ vĩ đại Chúa Giêsu làm khi cho chàng thanh niên con một bà goá thành Nain sống lại, như thánh sử Luca kể trong chương 7. Ngài nói:

Tuy nhiên, trọng tâm của trình thuật này không phải là phép lạ, mà là sự hiền dịu của Chúa Giêsu đối với bà mẹ của chàng thanh niên ấy. Lòng thương xót ở đây có tên gọi là sự cảm thương lớn đối với một phụ nữ đã mất chồng giờ đây đang tiễn người con trai duy nhất ra nghĩa trang. Chính nỗi khổ đau lớn lao này của một bà mẹ khiến cho Chúa Giêsu cảm thương và khiêu khích Ngài làm phép lạ cho anh ta sống lại.

Trong phần dẫn nhập vào câu chuyện thánh sử Luca dừng lại trên nhiều chi tiết. Ở cửa thành Nain có hai nhóm đông người đến từ hai hướng đối nghịch nhau, không có gì chung với nhau. Chúa Giêsu có các môn đệ và đám đông đi theo đang đi vào,  trong khi đoàn đám táng đi theo một người chết với bà mẹ và đông người đi ra. Gần cửa thành hai nhóm chỉ phớt ngang qua nhau, mỗi nhóm theo con đường của mình, nhưng chính lúc đó thánh Luca ghi nhận tâm tình của Chúa Giêsu: “Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: "Bà đừng khóc nữa! " Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại.” Sự cảm thương lớn lao hướng dẫn các hành động của Chúa Giêsu: chính Ngài dừng đám táng lại, bằng cách sờ vào quan tài và bị thúc đẩy bởi lòng thương xót sâu xa đối với bà mẹ, Ngài quyết định đối đầu với cái chết, mặt giáp mặt. Và Ngài sẽ đương dầu với nó, mặt giáp mặt trên thập giá.

** Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Trong Năm Thánh này thật là điều tốt, khi bước qua Cửa Thánh, Cửa của Lòng Thương Xót, các tín hữu hành hương nhớ tới giai thoại này của Phúc Âm, đã xảy ra tại cửa thành Nain. Khi Chúa Giêsu trông thấy bà mẹ đang khóc ấy, bà đã đi vào con tim của Ngài! Ở Cửa Thánh mỗi người trong chúng ta đến đem theo cuộc sống của mình với các niềm vui và khổ đau, các đự định  và thất bại, các nghi ngờ và sợ hãi để dâng lên lòng thương xót của Chúa. Chúng ta chắc chằn rằng bên cạnh Cửa Thánh Chúa đến gần gặp gỡ từng người trong  chúng ta để đem tới và cống hiến cho chúng ta lời an ủi quyền năng của Ngài: “Đừng khóc nữa!” (c. 13). Đó là Cửa của cuộc gặp gỡ giữa nổi khổ đau của nhân loại và sự cảm thương của Thiên Chúa. Và chúng ta hãy nghĩ tới điều này: một cuộc gặp gỡ giữa nỗi khổ đau của nhân loại và sự cảm thương của Thiên Chúa.

Khi bước qua ngưỡng Cửa Thánh chúng ta thực thi cuộc hành hương bên trong lòng thương xót của Thiên Chúa, là Đấng lập lại với tất cả mọi người, như Ngài đã nói với chàng thanh niên đã chết: “Ta bảo con, hãy chỗi dậy!” (c. 14). Với từng người trong chúng ta Chúa nói: “Hãy chỗi dậy!” Thiên Chúa muốn chúng ta đứng lên. Ngài đã tạo dựng nên chúng ta để chúng ta đứng: vì thế sự cảm thương của Chúa Giêsu đưa tới cử chì chữa lành này, chữa lành chúng ta. Và từ chìa khóa là “Hãy chỗi dậy! Hãy đứng lên, như Thiên Chúa đã tạo dựng con!” Đứng lên. “Nhưng mà thưa cha chúng con ngã biết bao lần” “Tiến lên, đứng dậy!” Đó luôn luôn là lời của Chúa Giêsu. Khi bước qua ngưỡng Cửa Năm Thánh chúng tay hãy tìm cảm thấy trong tim chúng ta lời này: “Hãy chỗi dậy!”

ĐTC khẳng định như sau:

Lời quyền năng của Chúa Giêsu có thể làm cho chúng ta đứng dậy và cũng thực hiện nơi chúng ta sự vượt qua từ cái chết sang sự sống. Lời của Ngài làm cho chúng ta sống lại, trao ban hy vọng, giải khát con tim mệt mỏi của chúng ta, mở ra một quan điểm về thế giới và cuộc sống, vượt xa hơn khổ đau và cái chết. Trên Cửa Thánh có khắc ghi kho tàng vô tận lòng thương xót của Thiên Chúa đối với từng người.

Được lời Chúa đụng tới “người chết chỗi dậy và bắt đầu nói. Và Ngài trả chàng lại cho bà mẹ” (v. 15). Câu này thật là đẹp: nó chỉ cho thấy sự dịu hiền của Chúa Giêsu: “Ngài trao trả anh cho bà mẹ”. Bà mẹ tìm lại được đứa con. Khi nhận anh ta lại từ tay Chúa Giêsu, bà trở thành mẹ lần thứ hai. Nhưng người con mà giờ đây được trao trả lại cho bà đã  không nhận được sự sống từ bà. Mẹ và con như thế nhận được căn tính riêng nhờ lời quyền năng của Chúa Giêsu và cử chỉ yêu thương của Ngài. Như thế, đặc biệt trong Năm Thánh, Mẹ Giáo Hội tiếp nhận các con cái mình, bằng cách nhận ra nơi chúng sự sống đã được ơn thánh Chúa trao ban. Chính trong sức mạnh của ơn thánh đó, ơn thành của bí tích Rửa Tội mà Giáo Hội trở thành mẹ, và từng người trong chúng ta trở thành con của Giáo Hội.

Trước chàng thanh niên đã sống lại và được trao trả cho bà me, mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa và nói rằng: “Một ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta” và “Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”. Điều Chúa Giêsu đã làm không chỉ là một hành động cứu độ dành cho bà goá và con của bà, hay một cử chỉ của lòng tốt hạn chế trong thành đó. Trong sự trợ giúp xót thuơng của Chúa Giêsu Thiên Chúa đến gặp gỡ dân Ngài. Nơi Ngài tất cả ơn thánh của Thiên Chúa xuất hiện và sẽ tiếp tục xuất hiện cho nhân loại. Khi cử hành Năm Thánh này tôi đã muốn nó được sống trong tất cả các Giáo Hội địa phương,  nghĩa là trong toàn Giáo Hội trên thế giới, chứ không phải chỉ ở Roma mà thôi. Nó như là toàn thể Giáo Hội rải rác trên thế giới hiệp nhất trong tiếng ca duy nhât chúc tụng Chúa.  Cả ngày nay nữa Giáo Hội thừa nhận đã được Thiên Chúa viếng thăm. Vì vậy, khi chúng ta tiến tới gần Cửa Thánh Lòng Thương Xót, mỗi người biết mình tiến tới cửa con tim thương xót của Chúa Giêsu: thật thế, chính Ngài là Cửa thật dẫn tới ơn cứu độ và trao trả lại cho chúng ta sự sống mới. Lòng thương xót, nơi Chúa Giêsu cũng như nơi chúng ta, là một lộ trình khởi hành tử con tim để đi tới đôi tay… Điều này có nghĩa là gì? Chúa Giêsu nhìn bạn, chữa lành bạn với lòng thương xót của Ngài, Ngài nói với bạn: “Hãy chỗi dậy!” và con tim của bạn được nên mới mẻ. Nhưng điều này của lộ trình từ con tim tới đôi tay… Vâng, và tôi làm gì bây giờ? Với con tim mới, với con tim được Chúa Giêsu chữa lành, tôi làm các việc của lòng thương xót với đôi tay, và tìm trợ giúp, săn sóc biết bao người cần được trợ giúp và săn sóc. Lòng thương xót là một lộ trình khởi hành từ con tim để tới đôi tay, nghĩa là tới các công việc của lòng thương xót.  

 ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương khác nhau. Bằng tiếng Pháp ngài đặc biệt chào đoàn hành hương đến tử đảo Maurice. Ngài cũng chào các đoàn hành hương nói tiếng Anh đến từ các nước  Anh, đảo Malta, Indonesia và Hoa Kỳ. Khi đến gần Cửa Thánh là chúng ta đến gần lòng thương xót của Chúa Giêsu với lòng trông cậy. Ngài cảm thương từng người trong chúng ta, và canh tân con tim của chúng ta.

Chào các đoàn hành hương nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ĐTC nói lòng thương xót nơi mỗi người phải khởi hành từ con tim để tới đôi tay và trở thành các công việc của lòng thương xót.

Trong số các nhóm hành hương Italia ngài chào các thành viên hiệp hội Thánh Tâm, các nữ tu Vô nhiễm và các nữ tỳ Thánh Tâm đang họp tổng tu nghị. Ngài khuyên các chị luôn trung thành với đặc sủng của các vị sáng lập và làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa Cha. ĐTC cũng chào giới trẻ thành viên của tổ chức Giorgio La Pira Firenze, đến từ nhiều nước trên thế giới và khích lệ họ thăng tiến nền văn hoá gặp gỡ, nhìn nhận sự hiện diện của Chúa đặc biệt nơi người nghèo và những người cần được trợ giúp.

Chào giới trẻ, các anh chị em đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắc tới thánh Đa Minh, sáng lập dòng Anh em Thuyết giáo,  mà Giáo Hội kính nhớ hôm thứ hai vừa qua, nhân kỷ niệm 800 năm thành lập. Ngài mong lời soi sáng của thánh nhân thúc đầy giới trẻ biết lắng nghe và sống các giáo huấn của Chúa Giêsu; sức mạnh nội tâm của thánh nhân nâng đỡ các người đau yếu trong những lúc khổ đau; và sự tận tụy tông đồ của ngài nhắc nhở các đôi tân hôn chú ý tới tầm quan trọng của việc giáo dục trong gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Thiên Chúa hoàn toàn rộng mở con tim cho người khiêm nhường

Thiên Chúa hoàn toàn rộng mở con tim cho người khiêm nhường

ĐTC chào nữ văn sĩ Veronica Cantero Buroni, người Argentina, trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 1-6-2016

Kiêu căng làm hỏng mọi hành động tốt, khiến cho lời cầu nguyện thành trống rỗng và làm cho chúng ta xa cách với Thiên Chúa và với tha nhân. Trong khi khiêm nhường là điều kiện cần thiết để được Chúa nâng lên và sống kinh nghiệm lòng thương xót đổ đầy vào con tim chúng ta. Thiên Chúa hoàn toàn rộng mở con tim Ngài cho ngưòi khiêm nhường.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với tín hữu và du khách hành hương trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư hôm qua. Mở đầu bài huấn dụ ngài nói:

Thứ tư trước chúng ta đã lắng nghe dụ ngôn ông thẩm phán và bà goá liên quan tới sự cần thiết phải kiên trì cầu nguyện. Hôm nay, với một dụ ngôn khác, Chúa Giêsu muốn dậy cho chúng ta biết đâu là thái độ đúng đắn để cầu nguyện và khẩn nài lòng thương xót của Thiên Chúa Cha: phải cầu nguyện như thế nào. Một thái độ đúng đắn giúp cầu nguyện. Đó là dụ ngôn người pharisêu và người thu thuế.

Cả hai nhân vật lên đền thờ cầu nguyện, nhưng hành động trong các cách thức rất khác nhau và được các hiệu quả khác nhau. Ông pharisêu đứng cầu nguyện (c.11) và dùng nhiều lời. Lời cầu nguyện của ông đúng là một lời cầu nguyện tạ ơn hướng tới Thiên Chúa, nhưng trong thực tế là một khoe khoang công đức của ông, với ý thức sự cao vượt đối với các người khác, bị coi như “trộm cướp, bất công, ngoại tình”, và ông cho biết người khác ở đó là “tên thu thuế” (c.11). Nhưng vấn đề chính là ở đây: ông pharisêu cầu nguyện với Thiên Chúa, nhưng thật ra là ông nhìn vào chính mình. Ông cầu nguyện với chính ông.” Thay vì có Chúa trước mắt thì ông có một tấm gương. Tuy ở trong đền thờ, ông không cảm thấy cần phủ phục trước sự oai nghiêm của Thiên Chúa. Ông đứng và cảm thấy chắc chắn, làm như thể ông là chủ nhân của đền thờ! Ông liệt kê các việc tốt lành đã làm được: ông là người không thể trách cứ vào đâu được, tuân giữ Lề Luật hơn điều cần thiết, “ăn chay tuần hai lần” và trả thuế thập phân cho tất cả những gì ông có.

Sau cùng, hơn là cầu nguyện ông pharisêu hài lòng với việc tuân giữ các điều luật. Thế nhưng thái độ và các lời nói của ông xa cung cách nói năng và hành xử của Thiên Chúa, là Đấng yêu thương tất cả mọi người và không khinh rẻ các người tội lỗi. Ông này khinh rẻ các người tội lỗi, cả khi ông ghi nhận người khác ở đó. Sau cùng, ông pharisêu tự coi mình là công chính, lại lơ là với giới răn quan trọng nhất là tình yêu thương đối Thiên Chúa và tha nhân.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC giải thích:

Như vậy tự hỏi chúng ta cầu nguyện bao nhiêu chưa đủ, cũng phải tự vấn xem chúng ta cầu nguyện ra sao, hay tốt hơn con tim của chúng ta như thế nào: thật quan trọng duyệt xét nó, để lượng định các tư tưởng, các tâm tình và nhổ tận gốc rễ sự kiêu căng và giả hình. Nhưng tôi xin hỏi: Có thể cầu nguyện với sự kiêu căng không? Không. Có thể cầu nguyện với sự giả hình không? Không. Chúng ta chỉ phải cầu nguyện trước Thiên Chúa như chúng ta là mà thôi. Nhưng ông này đã cầu nguyện với sự kiêu căng và giả hình.

Chúng ta tất cả đều bị tóm giữ bởi nhịp sống  quay cuồng, thường bị thống trị bởi các cảm xúc, các ồn ào và lẫn lộn. Cần phải học tìm lại con đường hướng về con tim, tái chiếm giá trị của sự thân tình và thinh lặng, bởi vì chính ở đó Thiên Chúa gặp gỡ và nói với chúng ta. Chỉ từ đó, tới phiên mình chúng ta mới có thể gặp gỡ tha nhân và nói chuyện với họ. Ông pharisêu  đã tiến tới đền thờ, tự tin, nhưng lại không nhận ra là ông đã lạc mất con đường của trái tim.

Người thu thuế trái lại – kẻ khác – tự trình diện trong đền thờ, nhưng cũng không dám hướng mắt lên trời, mà đấm ngực” (c. 13), Lời cầu của ông rất ngắn gọn: nó không dài như lời cầu của ông pharisêu: “Ôi, lậy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Không có gì hơn. “Ôi, lậy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Lời nguyện thật đẹp. Chúng ta có thể lập lại ba lần, tất cả cùng nhau nhé? Nào hãy nói: “Ôi lậy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. “Ôi lậy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”, “Ôi lậy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”.

Thật ra, các người thu thuế được gọi như thế, bị coi như  những người ô uế, tùng phục các kẻ  thống trị ngoại quốc, bị dân chúng coi là xấu xa, và thường bị xếp hạng với những người tội lỗi. Dụ ngôn dậy rằng người ta công chính hay tội lỗi không bởi sụ tuỳ thuộc xã hội, nhưng do kiểu tương quan với Thiên Chúa và kiểu tương quan với các anh em khác. Các cử chỉ sám hối và ít lời đơn sơ của ông thu thuế chứng minh cho ý thức của ông liên quan tới tình trạng khốn cùng của ông. Lời cầu của ông nòng cốt. Ông hành động như người khiêm tốn, chỉ chắc chắn mình là một kẻ có tội cần sự thương hại. Nếu ông pharisêu không xin gì, bởi vì ông có tất cả, thì ông thu thuế chỉ có thể ăn mày lòng thương xót của Thiên Chúa mà thôi. Điều này đẹp phải không? Ăn mày lòng thương xót của Thiên  Chúa.

Khi trình diện với “đôi bàn tay trắng”, với con tim trần trụi và nhận mình là kẻ tội lỗi, người thu thuế cho tất cả chúng ta thấy điều kiện cần thiết để nhận được ơn tha thứ của Chúa. Sau cùng chính ông, bị khinh rẻ như vậy, lại trở thành hình ảnh của tín hữu đích thật.

Chúa Giêsu kết luận dụ ngôn với một phán quyết: “Tôi bảo anh em: người này nghĩa là ông thu thuế – khác với ông kia, trở về nhà mình được nên công chính, bời vì ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.” (c. 14). Trong hai người này ai là người thối nát? Ông pharisêu. Ông pharisêu chính là hình ảnh của người thối nát giả bộ cầu nguyện, nhưng chỉ thành công trong việc khoe khoang chính mình trước một tấm gương. Ông là người thối nát nhưng giả vờ cầu nguyện. Như thế trong cuộc sống ai tin mình công chính, phán xét các người khác và khinh rẻ họ, là người thối nát, và là người giả hình. Sự kiêu căng làm hỏng mọi hành động tốt, khiến cho lời cầu nguyện thành trống rỗng và làm cho chúng ta xa cách với Thiên Chúa và với tha nhân.

Nếu Thiên Chúa ưa thích sự khiêm nhường thì không phải là để hạ nhục chúng ta: sự khiêm nhường là điều kiện cần thiết để được Chúa nâng lên và sống kinh nghiệm lòng thương xót đổ đầy vào con tim trống rỗng của chúng ta. Nếu lời cầu nguyện của kẻ kiêu căng không đạt tới trái tim của Thiên Chúa, thì sự khiêm nhường của kẻ bần cùng mở toang nó ra. Thiên Chúa có một sự yếu đuối: đó là sự yếu đuối đối với những kẻ khiêm nhường. Trước một con tim khiêm nhường,  Thiên Chúa mở rộng con tim Ngài một cách hoàn toàn. Và sự khiêm hạ này Đức Trinh Nữ Maria diễn tả trong bài thánh thi Magnificat: “Người đã nhìn đến phận hèn của nữ tỳ Người … đời nọ sang đời kia lòng thương xót Người đối với những kẻ kính sợ Người” (Lc 1,48-50. Xin Mẹ giúp chúng ta cầu nguyện với con tim khiêm tốn. Chúng ta hãy lập lại ba lần nữa lời cầu hay đẹp này: “Ôi lậy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” Ba lần: “Ôi lậy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” “Ôi lậy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” “Ôi lậy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”

ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương trong số 60.000 tín hữu và du khách hiện diện, đặc biệt các tín hữu đến từ nhiều giáo phận Pháp, như tín hữu giáo phận Bayonne do ĐGM sở tại hướng dẫn. Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ các nước Anh, Ailen, Ecốt, Na Uy, Thụy Điển, Việt Nam, Tung Quốc, Indonesia, Philippines, Nigeria, Canada và Hoa Kỳ. Ngài cầu chúc Năm Thánh là thời điểm ơn thánh và canh tân tinh thần cho từng người và từng gia đình.

Trong số các đoàn hành hương nói tiếng Đức ngài chào các linh mục giáo phận Wuerzburg do ĐGM sở tại hướng dẫn.

Trong các nhóm nói tiếng Bồ Đào Nha ĐTC chào  học sinh và giáo viên trường Eça de Queiros, tín hữu giáo xứ Lapa và và tín hữu giáo phận Paraná bên Brasil. Ngài nhắc cho mọi nguời biết lời cầu nguyệnn rộng mở của con tim cho Thiên Chúa và mời gọi chúng ta đi ra ngoài gặp gỡ tha nhân, đặc biệt các anh chị em đang chiu thử thách và đem đến cho họ sự ủi an, ánh sáng và niềm hy vọng.

Trong các nhóm nói tiếng A Rập ĐTC chào một nhóm tín hữu Maronit đến từ Hoa Kỳ. Với các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC nói  ngài hiệp ý với giới trẻ họp nhau tại Lednica trong tinh thần tín thác cuộc sống cho Chúa, với đúc tin mà cha ông họ đã lãnh nhân cách đây 1050 năm. Ngài cầu chúc họ luôn biết lập lại mỗi ngày tiếng Amen với Chúa.

Với các đoàn hành hương nói tiếng Ý ĐTC đặc biệt chào các nhóm đến từ nhiều giáo phận khác nhau, cũng như nhóm các tham dự viên khóa học do Bộ Phong Thánh tổ chức. Ngài khích lệ mọi người sống khiêm tốn, phổ biến lòng thương xót Chúa cho những người chung quanh và thăng tiến trong các giáo phận và dòng tu các án phong chân phước và phong thánh, lòng hăng say sống đức tin và tình thần truyền giáo và nên thánh.

Thứ sáu tới đây là lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, đặc biệt nhân dịp tĩnh tâm Năm Thánh của các linh mục và chủng sinh, ĐTC mời gọi mọi người cầu nguyện trong suốt tháng này và nâng đỡ gần gũi các linh mục để các vị là hình ảnh Thánh Tâm thương xót của Chúa. Ngài khích lệ giới trẻ biết kín múc nơi Thánh Tâm Chúa lương thực cho cuộc sống thiêng liêng. Với anh chị em đau yếu ngài xin họ kết hiệp các khổ đau của họ với các khô đau của Chúa. Ngài cũng nhắn nhủ các đôi tân hôn năng đến với Thánh Thể để cho cuộc sống gia đình được tình yêu của Thánh Tâm Chúa đánh động.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Là chứng nhân của Chúa Ki-tô sẽ chiếm được trái tim nhiều người

Là chứng nhân của Chúa Ki-tô sẽ chiếm được trái tim nhiều người

Đức Tân giám mục Shorot Francis Gomes

Dhaka, Bangladesh – Hôm qua, 22/4, Tổng giáo phận Dhaka đã tổ chức Thánh lễ tấn phong Giám mục cho Đức cha Shorot Francis Gomes, được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục phụ tá của Tổng giáo phận vào tháng 2. Thánh lễ có sự tham dự của 2 Tổng giám mục, 6 Giám mục, 100 Linh mục và khoảng 6000 giáo dân. Đức Tổng giám mục của Tổng giáo phận Dhaka đã khẳng định trong bài giảng: “Thiên Chúa toàn năng đã chọn Đức cha làm Giám mục của Dhaka. Sứ vụ của Đức Cha là rao giảng Tin Mừng và chăm sóc cộng đoàn của Đức Cha. Bây giờ Đức cha có thẩm quyền nhưng không phải là người thống trị dân chúng.”

Đức Tân giám mục 51 tuổi. Ngài sinh tại Hasnabad, thuộc tổng giáo phận Dhaka, trong một gia đinh đạo đức. Cha mẹ ngài tham dự Thánh lễ mỗi ngày và đọc kinh Mân Côi mỗi chiều. Gương đưc tin của cha mẹ đã ảnh hưởng tốt trên các con cái: Đức cha và 2 người chị em gái đã dâng mình cho Chúa. Trước đó ngài là tổng đại diện của giáo phận Sylhet và đã làm việc 7 năm với các gia đình trong tư cách là thành viên Giáo hội của phong trào “Hội ngộ hôn nhân thế giới” Bangladesh (Worldwide Marriage Encounter Bangladesh). Đức cha nói với hãng tin Á châu là kinh nghiệm đã có trong những năm này giúp ngài lắng nghe các vấn đề của gia đình, các câu hỏi liên quan đến đời sống hôn nhân và sự cần thiết đối với các đôi hôn nhân để tạo nên những quan hệ lành mạnh và sống một cuộc sống hạnh phúc.”

Đức cha nói thêm rằng: cách duy nhất để sống thanh bình là loại bỏ tất cả những sự thiếu hiểu biết đưa đến tranh chấp. Ngài cũng muốn áp dụng điều này trong mối liên hệ với đại đa số người Hồi giáo tại Bangladesh: “Cộng đồng Công giáo chỉ chiếm 0,4% dân số. Chúng tôi biết là chúng tôi phải tôn trọng tất cả các tôn giáo và các nhóm chủng tộc đông đảo ở Bangladesh. Chúng tôi có có cơ hội lớn để loan truyền Tin Mừng cho họ. Chúng tôi phải là những tấm gương yêu thương cho những người có niềm tin khác với chúng tôi, bởi vì tình yêu cho những người xung quang thì đang bị giảm sút trong khi sức mạnh sự ác đang gia tăng.” Đức cha nhận định: “nếu chúng ta là chứng nhân của Chúa Ki-tô bằng cách sống hàng ngày, bằng công việc và lòng thương xót của chúng ta, chúng ta có thể chiếm được nhiều trái tim của người Banglasdesh”

Đức cha cũng sẽ giúp ích cho Tổng giáo phận với kinh nghiêm của vị giám đốc tiểu chủng viện, nơi Đức cha đã dạy giáo lý, cầu nguyện và các giá trị luân lý, đã giúp biện phân ơn gọi tu trì và hiểu biết về trách nhiệm và công việc của Linh mục. (Asia News 22/04/2016)

Hồng Thủy OP

 

Những Ki-Tô hữu “Mồ côi”

Những Kitô hữu "mồ côi"

Thánh lễ sáng thứ ba, 19.04, tại nguyện đường Thánh Marta

VATICAN. “Một Kitô hữu không để Thiên Chúa Cha kéo mình đến gần với Giêsu là một Kitô hữu sống trong cảnh mồ côi.” Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ ba, 19.04, tại nguyện đường Thánh Marta. Một trái tim rộng mở với Thiên Chúa chính là khả năng biết chấp nhận những điều mới mẻ mà Thần Khí mang đến.

Khi thấy những phép lạ, điềm thiêng và những lời nói chưa được nghe đến bao giờ, người Do-thái đã nghi ngờ: ‘Ông có phải là Đấng Kitô không?’ Như thế, Đức Thánh Cha đã bắt đầu bài giảng khởi đi từ sự hoài nghi không có gì lay chuyển được của người Do-thái đối với Đức Giêsu.

Thiên Chúa Cha lôi cuốn những tâm hồn

 ‘Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Kitô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết.’ Đây là câu hỏi mà các kinh sư và người Pha-ri-sêu đặt ra nhiều lần và trong những cách thức khác nhau, vì họ có con tim mù tối. Một sự mù tối của đức tin là điều mà Đức Giêsu sẽ cắt nghĩa cho những kẻ đang lắng nghe: ‘Các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi.’ Thuộc về đoàn chiên của Thiên Chúa là một ơn huệ trọng đại, nhưng điều ấy cần một trái tim luôn biết sẵn sàng và ứng trực.

‘Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi.’ Phải chăng những con chiên này đã học biết cách theo Đức Giêsu và sau đó chúng đã tin vào Ngài? Xin thưa là không. Nhưng ‘Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả.’ Như vậy, không phải tự sức những con chiên nhưng chính Thiên Chúa Cha đã ban đàn chiên cho Vị Mục Tử. Và chính Chúa Cha đã thu hút, lôi cuốn con tim của những con chiên ấy đến với Đức Giêsu.

Trẻ mồ côi

Sự chai đá nơi tâm hồn của các kinh sư và người Pha-ri-sêu, những người đã xem thấy những việc Đức Giêsu đã làm nhưng lại từ chối nhận Ngài là Đấng Mesia, là một tấn kịch kéo dài cho đến tận đồi Canve. Nhưng chuyện còn tiếp tục tiếp diễn cho đến khi Chúa phục sinh, lúc những người lính canh mồ bị ép buộc phải thừa nhận rằng các môn đệ đã đến trộm xác Chúa trong khi họ ngủ thiếp đi. Lời chứng của những người đã được xem thấy Chúa Phục Sinh không làm lay chuyển được tâm hồn những người khăng khăng chối từ tin tưởng. Và điều này dẫn đến hệ quả là: họ giống như những trẻ mồ côi vì họ đã chối từ chính Cha của họ.

Những vị tiến sĩ luật và người Pha-ri-sêu có một trái tim khép kín. Họ nhận thấy rằng họ là Cha của chính mình. Nhưng nếu như vậy, hóa ra họ là những trẻ mồ côi, vì đã chối từ và không có bất kỳ một tương quan nào với Chúa Cha. Mặc dù họ có nhắc tới những người cha: Áp-ra-ham và các tổ phụ, nhưng chỉ như là những hình ảnh thuộc quá khứ xa xôi; còn thực tế tự đáy lòng, họ là những trẻ mồ côi, sống trong tình trạng côi cút và không để tâm hồn mình được lôi cuốn bởi Chúa Cha. Đây chính là nỗi bi kịch của những người có tâm hồn khép kín.

Hãy để mình được lôi cuốn đến với Giêsu

Tin tức đã lan đến Giê-ru-sa-lem là có rất nhiều người ngoại đã mở lòng mình ra với đức tin nhờ lời rao giảng của các môn đệ, ở tận những nơi xa xôi như miền Phê-ni-xi, đảo Sýp và thành An-ti-ô-khi-a. Tin ấy đã khiến các môn đệ lo lắng, nhưng điều ấy cũng có nghĩa là người ta đã có một trái tim rộng mở với Thiên Chúa. Trái tim rộng mở ấy giống như của Ba-na-ba khi ông được sai đến An-ti-ô-khi-a để chứng thực những tin đồn đại. Ông đã mừng rỡ vì có nhiều người đã tin và trở lại cùng Chúa, trong số đó có rất nhiều dân ngoại. Với con tim rộng mở, Ba-na-ba đã dám chấp nhận những điều mới mẻ, đã biết mở lòng ra để Thiên Chúa Cha kéo mình đến gần với Đức Giêsu.

Đức Giêsu mời gọi chúng ra trở nên những môn đệ của Ngài. Nhưng để được như thế, chúng ta phải để cho Thiên Chúa hấp dẫn và lôi cuốn mình.  Lời nguyện xin khiêm tốn của một người con mà chúng ta có thể thân thưa với Chúa: ‘Lạy Cha, xin kéo con đến gần với Giêsu. Xin giúp con hiểu biết về Đức Giêsu hơn.’ Và như thế, Thiên Chúa Cha sẽ gởi Thần Khí đến giúp mở rộng tâm hồn chúng ta và mang chúng ta đến với Giêsu. Một Kitô hữu không để cho Thiên Chúa Cha kéo mình đến gần với Giêsu là một Kitô hữu sống trong tình cảnh mồ côi. Phần chúng ta, chúng ta có một Người Cha, nên chúng ta không hề côi cút.”

Vũ Đức Anh Phương, SJ

Đức Thánh Cha tiếp Hàn Lâm Viện Tòa Thánh bảo vệ sự sống

Đức Thánh Cha tiếp Hàn Lâm Viện Tòa Thánh bảo vệ sự sống

Đức Thánh Cha tiếp Hàn Lâm Viện Tòa Thánh bảo vệ sự sống

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 3-3-2016, dành cho 120 tham dự viên khóa họp toàn thể lần thứ 22 của Hàn Lâm viện Tòa Thánh bảo vệ sự sống, ĐTC đề cao tầm quan trọng của các nhân đức trong đời sống con người.

Khóa họp này kéo dài 3 ngày và có chủ đề: ”Các nhân đức trong luân lý đạo đức của đời sống”.

ĐTC khẳng định rằng ”điều thiện mà con người thực hiện không phải chỉ là kết quả của những tính toán hoặc chiến lược, và cũng chẳng phải là sản phẩm của những hệ di truyền hoặc những điều kiện xã hội, nhưng là hoa trái của một con tim luôn sẵn sàng, của sự chọn lựa tự do hướng đến điều thiện chân thực. Khoa học và kỹ thuật không đủ, vì để làm điều thiện, còn cần phải có sự khôn ngoan của tâm hồn nữa”.

Từ tiền đề trên đây, ĐTC xác quyết rằng: ”nhân đức không phải chỉ là một tập quán nhưng là một thái độ liên tục được đổi mới trong việc chọn lựa điều thiện. Nhân đức không phải là một cảm xúc, cũng không phải là một sự khéo léo ta đạt được nhờ một khóa học canh tân, để dần dần trở thành một cơ chế sinh hóa (meccanismo biochimico), nhưng là một biểu hiện cao cả nhất của tự do con người. Nhân đức là điều tốt đẹp nhất mà trái tim con người có thể trao tặng. Khi con tim xa lìa sự thiện và chân lý chứa đựng trong Lời Chúa, thì sẽ gặp bao nhiêu nguy hiểm, thiếu định hướng và có nguy cơ gọi điều ác là điều thiện, và gọi thiện là ác; lúc ấy các nhân đức sẽ mất đi, và tội lỗi dễ dàng thay thế, rồi đến tật xấu. Ai đi xuống dốc nguy hiểm ấy, thì sẽ rơi vào sai lầm luân lý và ngày càng bị lo âu của cuộc sống đè nén”.

Cũng trong bài huấn dụ, ĐTC tố giác hiện tượng: ”Ngày nay không thiếu những kiến thức khoa học và những dụng cụ kỹ thuật có thể nâng đỡ đời sống con người trong những hoàn cảnh cuộc sống ấy bị suy yếu, nhưng nhiều khi cũng thiếu tình người, thiếu nhân tính. Hành động tốt không phải chỉ là sự áp dụng đúng đắn kiến thức luân lý đạo đức, nhưng nó còn đòi phải có một sự quan tâm thực sự đối với người mong manh yếu đuối. Các bác sĩ và mọi nhân viên y tế không bao giờ được lơ là trong việc liên kết khoa học, kỹ thuật và tình người với nhau”.

Sau cùng, ĐTC phê bình sự kiện này: con người thường là nạn nhân của tình trạng thiếu chắc chắn về luân lý, khiến họ không bảo vệ sự sống một cách hiệu quả. Và nhiều khi dưới danh nghĩa nhân đức, người ta che đậy những tật xấu tỏ tường. Vì thế, không những cần để cho các nhân đức thực sự hình thành tư tưởng và hành động của con người, nhưng còn cần phải vun trồng các nhân đức qua sự liên tục phân định và các nhân đức ấy phải ăn rễ trong Thiên Chúa là nguồn mạch mọi nhân đức” (SD 3-3-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Kitô hữu là người có trái tim rộng mở để đón nhận tất cả mọi người

Kitô hữu là người có trái tim rộng mở để đón nhận tất cả mọi người

Thánh lễ sáng thứ năm, 28.01, tại nguyện đường thánh Marta

VATICAN. “Kitô hữu là người có trái tim rộng mở, vì anh là con của một người Cha có tâm hồn cao thượng và lúc nào cũng dang rộng vòng tay để đón nhận mọi người với lòng bao dung, quảng đại.” Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ năm, 28.01, tại nguyện đường thánh Marta, nhân ngày Giáo hội mừng kính thánh Tôma Aquinô. Hiện diện trong thánh lễ hôm nay có các linh mục kỷ niệm 50 năm ngày được truyền chức của mình.

Kitô hữu là một chứng tá về ánh sáng của Thiên Chúa

Tin Mừng theo thánh Mác-cô hôm nay nói về ánh sáng. Đèn được đốt lên không phải để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường, nhưng là đặt trên đế để chiếu tỏa ánh sáng. Được gợi hứng từ những điều ấy, Đức Thánh Cha đã chia sẻ rằng: “Mầu nhiệm của Thiên Chúa là ánh sáng. Một trong những đặc tính của Kitô hữu khi được rửa tội là lãnh nhận ánh sáng của Thiên Chúa và phải truyền trao ánh sáng ấy cho người khác. Nói khác đi, Kitô hữu là một chứng nhân. Đây là đặc nét của Kitô hữu. Kitô hữu mang lấy ánh sáng và phải bày tỏ ánh sáng ấy ra cho mọi người thấy, vì anh là một chứng nhân. Khi một Kitô hữu không muốn thấy ánh sáng của Thiên Chúa nhưng lại ưa thích bóng tối, thì chính bóng tối sẽ đi vào tâm hồn của anh, vì anh ta đã sợ ánh sáng mà lại yêu thích các ngẫu tượng là đêm tối. Như vậy, anh không còn là một Kitô hữu đúng nghĩa nữa. Kitô hữu phải là một chứng nhân, phải làm chứng về Đức Giêsu Kitô là ánh sáng của Thiên Chúa. Kitô hữu phải đặt ánh sáng Đức Kitô lên đế cao để soi sáng cho cuộc đời.”

Kitô hữu là người sẵn sàng chịu thiệt thòi để được lợi là Đức Kitô

“Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: ‘Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa.’ Một đặc nét khác của Kitô hữu là tấm lòng cao thượng và quảng đại, vì anh là con của một người Cha hào hiệp.

Con tim của người Kitô phải rộng rãi, thênh thang, chứ không phải là một con tim lúc nào cũng đóng kín với cái tôi chủ nghĩa. Khi anh chị em đi vào ánh sáng của Đức Giêsu, đi vào tình bằng hữu với Ngài, khi anh chị em để cho Thánh Thần hướng dẫn; con tim của anh chị em sẽ trở nên rộng mở và bao dung. Kitô hữu không đi tìm sự thua kém, thiệt thòi; nhưng lại sẵn sàng chịu thiệt để đạt được một điều khác, đó chính là Đức Giêsu. Kitô hữu sẵn sàng chịu thiệt trước mặt người đời để được trở nên chứng nhân của Đức Giêsu.”

Linh mục là người trao truyền ánh sáng

Cuối cùng, Đức Thánh Cha ngỏ lời với các linh mục, vì đang hiện trong thánh lễ hôm nay, có những vị kỷ niệm 50 năm linh mục của mình.

“Tôi rất vui vì được cử hành thánh lễ giữa anh em, nhân kỷ niệm 50 năm linh mục của anh em. 50 năm linh mục chính là 50 năm bước đi trên con đường của ánh sáng và của chứng nhân. 50 năm cố gắng để trở nên tốt hơn, 50 năm nỗ lực mang ánh sáng để đặt trên đế. Có những khi vấp té, nhưng chúng ta hãy tiếp tục đứng dậy và lại sẵn sàng ra đi truyền trao ánh sáng của Đức Kitô cho người khác với sự quảng đại và một con tim rộng mở. Chỉ có Thiên Chúa và trí nhớ của anh em mới biết là đã có bao nhiêu người được lãnh nhận ánh sáng ấy; đã có bao nhiêu người mang trong mình bóng tối nhưng được anh em chiếu dãi ánh sáng của Đức Kitô. Cám ơn anh em! Cám ơn vì tất cả những gì anh em đã làm trong Giáo hội, cho Giáo hội và cho Đức Giêsu.

Xin Thiên Chúa ban cho anh em niềm vui, niềm vui hoan hỷ của việc gieo trồng những hạt mầm thánh thiện, của việc truyền trao ánh sáng và của việc có một vòng tay rộng mở để đón nhận tất cả mọi người với tấm lòng quảng đại, bao dung.”

Vũ Đức Anh Phương, SJ

Ghen ghét và đố kỵ – lời nói có thể giết người

Ghen ghét và đố kỵ – lời nói có thể giết người

Thánh lễ sáng ngày 21.01.2016

VATICAN. Sáng thứ 5, ngày 21.01, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nguyện đường thánh Marta. Phụng vụ Giáo hội dành ngày hôm nay để kính nhớ thánh Anê, trinh nữ tử đạo. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã chia sẻ về sự ghen ghét và đố kỵ. Người ta có thể dùng lời nói mà giết hại lẫn nhau. Nhưng Thiên Chúa sẽ bảo vệ chúng ta khỏi những tội lỗi xấu xa này.

“Bài đọc một trích sách Sa-mu-en thuật lại sự đố kỵ của Sa-un, vua Ít-ra-en, với Đa-vít. Sau chiến thắng vẻ vang trước người Phi-li-tinh, các phụ nữ từ khắp mọi thành của Ít-ra-en kéo ra múa nhảy và ca hát rằng: ‘Vua Sa-un hạ được hàng ngàn, ông Đa-vít hàng vạn.’ Từ ngày đó trở về sau, vua Sa-un nhìn Đa-vít với con mắt ghen tỵ và hoài nghi. Vua nghi ngờ sau này Đa-vít sẽ phản bội, và vì thế, vua nảy sinh ý định giết Đa-vít. Nhưng sau đó, vua Sa-un đã nghe lời khuyên của người con trai mà suy nghĩ lại, không thực hiện ý đồ xấu xa của mình nữa. Ghen ghét là một căn bệnh sẽ dẫn đến sự đố kỵ

Lòng đố kỵ thật xấu xa! Đó là một thái độ xấu. Sự ghen ghét và lòng đố kỵ phát triển trong lòng người ta như cỏ dại. Nó phát triển và không để cho bất kỳ thứ thảo mộc tốt lành nào có thể mọc lên được nữa. Thứ cỏ dại ấy sẽ khiến tâm hồn người ta ra tối tăm, bệnh hoạn. Nó không để cho con người được bình an nhưng khiến con tim luôn dằn vặt, đau đớn. Một con tim đố kỵ rất có thể dẫn đến mưu sát và chết chóc. Kinh Thánh đã nói rất rõ: Lòng ghen tị tội lỗi đã mang sự chết vào trần gian.

Lòng đố kỵ dẫn đến việc ‘giết’ những người có điều mà mình không có. Nhưng người ấy sẽ luôn đau khổ, vì một con tim ghen ghét và đố kỵ sẽ luôn khổ đau, một sự khổ đau muốn người khác phải chết. Chúng ta không phải đi đâu xa mới có thể thấy những điều này. Rất nhiều lần, trong cộng đoàn của chúng ta, vì ghen ghét, người ta đã giết hại nhau bằng miệng lưỡi và ngôn từ của mình. Khi không thích hay ghen ghét một điều gì đó, người ta bắt đầu xì xầm, bàn tán. Và chính những lời bàn tán đó sẽ giết chết người khác.

Tôi đã suy nghĩ và tự phản tỉnh nhiều về những điều này khi cầu nguyện với đoạn kinh thánh ngày hôm nay. Tôi nhận thấy mình được mời gọi và chắc chắn mọi người cũng được mời gọi phải nhận ra những gì là ghen ghét, đố kỵ trong tâm hồn hình, vì chúng luôn dẫn tới đau khổ và chết chóc, không làm cho người ta vui mừng, hạnh phúc được. Người có lòng ghen ghét, đố kỵ luôn nghĩ rằng những điều tốt lành mà người khác có chống lại họ. Và đó là khởi đầu của bao nhiêu tội lỗi, gian ác khác. Chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa giúp chúng ta đừng bao giở mở con tim mình ra cho những ghen ghét, đố kỵ đi vào, vì chúng chỉ dẫn tới đau khổ và chết chóc mà thôi.

Tổng trấn Phi-la-tô thật thông minh và nhạy bén vì biết rằng chỉ vì ghen tỵ mà các thượng tế nộp Đức Giêsu. Lòng ghen tỵ – theo cách giải thích của Phi-la-tô, một người thông minh nhưng lại không đủ can đảm – chính là điều dẫn đến cái chết của Đức Giêsu. Các thượng tế trao nộp Ngài vì ghen tỵ. Bởi vậy, chúng ta hãy tha thiết xin Chúa giúp chúng ta đừng vì ghen ghét, đố kỵ mà ra tay ‘trao nộp’ những người anh chị em của chúng ta trong cùng một xứ đạo, một cộng đoàn, một xóm làng, khiến họ phải đau khổ và phải chết. Ai cũng có những tội lỗi và thiếu sót, nhưng ai cũng có những nhân đức riêng của mình. Tội lỗi và nhân đức đều có nơi mỗi người. Chúng ta hãy để ý đến nhân đức và đừng giết chết người khác bằng những lời xì xầm bàn tán chỉ vì ghen tương và đố kỵ.”   

Vũ Đức Anh Phương, SJ

 

Ý nghĩa Giáng Sinh trong Năm Thánh Lòng Thương Xót

Ý nghĩa Giáng Sinh trong Năm Thánh Lòng Thương Xót

Phỏng vấn ĐGM Sanchez Sorondo, Chưỏng ấn các Hàn lâm viện Khoa Học và Khoa Học Xã Hội, về ý nghĩa Giáng Sinh trong Năm Thánh Lòng Thương Xót

Lễ Giáng Sinh năm vừa qua có mầu sắc đặc biệt vì được cử hành trong bầu khí Năm Thánh ngoại thương Lòng Thương Xót. Trong tư tưởng phóng lên mạng Tweeter hôm trước ngày Giáng Sinh, ĐTC Phanxicô lại đề cập đến biến cố Thiên Chúa tự “trở thành bé nhỏ” như một hài nhi để biểu lộ cho chúng ta thấy tất cả tình yêu thương Ngài dành cho nhân loại và từng ngưởi trong chúng ta.

Trong sứ điệp Giáng Sinh ĐTC đã duyệt qua một số vùng không có hoà bình trên thế giới và tha thiết mời gọi mọi người sống thương xót như Thiên  Chúa, để cho Chúa Giêsu Kitô Cứu Thế sinh ra trong tâm lòng và cuộc sống hầu có sự bình an, niềm hy vọng  và lòng thương xót, loại bỏ mọi thù hận, chiến tranh xung khắc, bất công, và tìm lại được phẩm giá là người và là con cái Chúa của mình.

Ngài nói: “Chúng ta hãy mở rộng con tim để nhận lấy ơn thánh của ngày này, là chính Ngài: Chúa Giêsu là “ngày” sáng đã mọc lên ở chân trời của nhân loại. Ngày của lòng thương xót, trong đó Thiên Chúa Cha đã vén mở cho nhân loại sự dịu hiền mênh mông của Ngài. Ngày của ánh sáng đánh tan đêm tối của sợ hãi và âu lo. Ngày của hoà bình, trong đó có thể gặp gỡ nhau, đối thoại, hoà giải với nhau. Ngày của niềm vui: một “niềm vui lớn lao” cho người bé nhỏ và khiêm tốn và cho toàn dân (x. Lc 2,10).

Trong ngày này Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế đã được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria. Hang đá cho chúng ta thấy “dấu chỉ” mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta: “một trẻ sơ cuốn trong tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12). Giống như các mục đồng của Bếtlêhem chúng ta cũng đi xem dấu chỉ này, biến cố này canh tân hằng năm trong Giáo Hội. Giáng Sinh là một biến cố được canh tân hằng năm trong mỗi gia đình, trong mỗi giáo xứ, trong mỗi cộng đoàn tiếp nhận tình yêu của Thiên Chúa nhập thể nơi Đức Giêsu Kitô. Như Mẹ Maria, Giáo Hội chỉ cho tất cả mọi người “dấu chỉ” của Thiên Chúa: Trẻ Thơ mà Mẹ đã mang trong lòng và đã cho chào đời, nhưng là Con Đấng Tối Cao, bởi vì Ngài “đến từ Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20). Vì thế Ngài là Đấng Cứu Thế, bởi vì Ngài là Chiên Con của Thiên Chúa gánh lấy tội trần gian (x. Ga 1,29). Cùng với các mục đồng chúng ta hãy phủ phục trước Chiên Con, chúng ta hãy thờ lậy Lòng Lành của Thiên Chúa nhập thể và chúng ta hãy để cho nước mắt sám hối trần đầy đôi mắt và rửa sạch con tim chúng ta. Tất cả chúng ta đều cần điều đó.

Chỉ có Ngài, chỉ có Ngài có thể cứu chúng ta. Chỉ có Lòng Thương Xót của Thiên Chúa có thể giải thoát nhân loại khỏi biết bao hình thức sự dữ, đôi khi quái gở, mà tính ích kỷ gây ra nơi nó. Ơn thánh của Thiên Chúa có thể hoán cải các con tim và mở ra các con đường ra khỏi các tình trạng không thể giải quyết được trên bình diện nhân loại. “

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị một số suy tư của ĐGM Sanchez Sorondo, Chưởng ấn các Hàn lâm viện khoa học và khoa xã hội học của Toà Thánh, về đề tài này.

Hỏi: Thưa ĐC Sorondo, Giáng Sinh là lễ cử hành biến cố Con Thiên Chúa nhập thể làm người, mặc lấy hình hài của một trẻ thơ bé nhỏ, yếu đuối, không được bệnh đỡ như bất cử trẻ thơ nào khác trên trần gian này. ĐC có cảm nghĩ nào?

Đáp: Thật rõ ràng “trở nên bé nhỏ” có nghĩa là Giáng Sinh, bởi vì Thiên Chúa tự trở thành một Hài Nhi: Ngài không chỉ nhập thể mà thôi! Ngôi Lời Thiên  Chúa làm điều đó một cách tự nhiên với tất cả mọi điều kiện của bản tính nhân loại, và như thế với việc sinh ra. Tất cả mọi người đã khâm phục khi ĐTC nói: “Ngài trở nên bé nhỏ”: Ngài là một trẻ thơ, hoàn toàn yếu đuối… Lập tức nó làm nảy sinh ra nơi chúng ta tâm tình của sự săn sóc, của trách nhiệm, của việc làm cái gì đó cho Chúa.

Hỏi: Thưa ĐC, cuộc cách mạng của Chúa Giêsu là “cuộc cách mạng của sự dịu hiền”, chúng ta trông thấy điều đó đặc biệt trong lễ Giáng Sinh, và nó là một cái gì mà ĐTC Phanxicô lập đi lập lại biết bao nhiêu lần. Chúng ta biết đây là một sứ điệp không dễ thực thi và không dễ hiểu trong xã hội của chúng ta ngày nay. Phải khởi hành từ đâu, ngày tại Vaticăng này, cả trong công việc phục vụ Người Kế Vị Thánh Phêrô?

Đáp: Tư tưởng này của ĐTC rất là mạnh mẽ và tự nó là tư tưởng của Thánh Kinh và của chính Chúa Kitô. Ta có thể làm gì? Điều đầu tiên là tìm đi theo ĐTC và không có sự lưỡng lự nào, bởi vì ta đang cho thấy một cách thực thụ tính cách triệt để của Tinh Mừng. Ngài không phải là của cánh tả cũng không phải của cánh hữu, ngài không ở trên cũng không ở dưới: một cách đơn sơ ngài chỉ muốn áp dụng các Mối Phúc Thật! Và Chúa hứa gì với những người công chính và với những người hiền dịu, với những người yêu công lý và hoạt động cho hoà bình và có con tim trong sạch? Chúa hứa: “Họ sẽ được gọi là con cái của Thiên Chúa và sẽ trông thấy Thiên Chúa”. Đó là các lời hứa mà Chúa làm cho những người sống phù hợp với các Mối Phúc Thật. Và quý vị hãy coi, đó là chương trình của Chúa, chương trình của Tin Mừng đấy! Không có một chương trình khác! Như vậy ĐTC không làm gì khác hơn là thực hiện chương trình này. Vì thế điều đầu tiên đối với chúng tôi là đi theo ĐTC, hiểu chương trình ấy một cách rõ ràng, tìm cách hiểu nó trong ý nghĩa sâu xa của điều ĐTC muốn thực hiện, nhất là trong sự rộng mở này của nó để ám chỉ bản chất của chính Thiên Chúa, là Lòng Thương Xót, trong Năm Thánh. Như vậy có nghĩa là cộng tác với ĐTC.

Hỏi: Việc mở Cửa Thánh tại thủ đô Bangui của Cộng hòa Trung Phi  và Cửa Lòng Bác Ái của Trung tâm Caritas Roma là những cử chỉ nói lên và đã nói lên với kitô hữu rất nhiều điều, và không phải chỉ với các tín hữu mà thôi. Làm sao để tiếp tục các cử chỉ ấy trong cuộc sống thường ngày thưa ĐC?

Đáp: Nó là một chỉ dẫn: cần bắt đầu từ đó, cần bắt đầu từ nơi có các loại trừ, từ nơi có việc gạt bỏ bên lề, từ nơi có đói khát. ĐTC đã nói biết bao lần rằng chương trình của ngài là thực hành các Mối Phúc Thật của Chúa. Một trong các mối phúc thật là: “Phúc cho những ai đói khát sự công chính”. Và ĐTC muốn tập trung vào điều này.

Hỏi: Trong năm 2015 chúng ta đã trông thấy một dấn thân lớn của ĐTC không phải chỉ cho các thụ tạo, mà cả việc bảo vệ thụ tạo nữa. Với Thông điệp Laudato si’, và cả việc trực tiếp rõ ràng ủng hộ một hiệp định tại Hội nghị về khí hậu triệu tập ở Paris nữa. Có người ngạc nhiên cho rằng một Giáo Hoàng không nên lo lắng cho các vấn đề này, cho môi sinh… Riêng ĐC thì ĐC nghĩ sao?

Đáp: Tôi tin rằng những người ngạc nhiên – và chúng ta biết họ là những ai – họ đã ngạc nhiên, bởi vì họ bênh vực các lợi lộc riêng tư của họ. ĐTC tên là Phanxicô và thánh Phanxicô thành Assisi có nghĩa là việc thực hiện cụ thể sự kiện tất cả mọi sự vật là do Thiên Chúa tạo ra và có một trật tự quy về Thiên Chúa. Trong đại chủng viện chúng tôi học Khảo luận Tạo Dựng và Thánh Toma đưa việc Tạo Dựng vào đề tài Thiên Chúa: tất cả mọi vật đều có một tương quan với Thiên Chúa trong nghĩa chúng được Thiên Chúa tạo thành và hướng về Thiên Chúa. Joseph Ratzinger đã nói rằng một trong các khảo luận cần phải tuy tư lại chính là Khảo Luận về việc Tạo Dựng. Thật là điều tuyệt diệu, khi ĐTC trong Thông điệp Laudato si’ đã nói tới việc “hoán cải môi sinh”. Nói cho cùng, Thông điệp của ngài cũng có một ý nghĩa của công lý: điều rõ ràng đó là việc đối xử tàn tệ với Thụ tạo, việc không tôn trọng các luật lệ sản xuất ra một khí giới boomerang sẽ quật trở lại chống con người. Điều này gây ra nhiều nghèo đói hơn, gây ra nạn di cư, tạo ra các hình thái gạt bỏ ngoài lề triệt để hơn nữa. Đó là tất cả những điều đang xảy ra trong cái mà ĐTC gọi là “việc toàn cầu hóa sự dửng dưng”. ĐTC muốn rằng tất cả mọi người  được thừa nhận phẩm giá và sự tự do. Và ngài đặc biệt lo lắng trước các hình thức nô lệ mới ngày nay.

(SD 24-12-2015)

Linh Tiến Khải

Cửa Năm Thánh mở là dấu chỉ sự hiệp thông đại đồng và tình yêu của Thiên Chúa

Cửa Năm Thánh mở là dấu chỉ sự hiệp thông đại đồng và tình yêu của Thiên Chúa

ĐTC Phanxicô chào nhạc sĩ Teddy Reno 12-16-2015

Cửa Năm Thánh mở trên toàn thế giới là dấu chỉ hữu hình sự hiệp thông dại dồng và tình yêu của Thiên Chúa

Cửa Thánh Lòng Thương Xót được mở đồng loạt khắp nơi tại các nhà thờ chính toà trên toàn thế giới Chúa Nhật vừa qua  là dấu chỉ hữu hình của sự hiệp thông đại đồng, khiến cho Giáo Hội là dấu chỉ tình yêu của Thiên  Chúa Cha. Yêu thương tha thứ là dấu chỉ cụ thể và hữu hình cho thấy đức tin đã biến đổi con tim chúng ta, và cho phép chúng ta diễn tả nơi mình chính sự sống của Thiên Chúa.

 ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư hàng tuần hôm qua. Trong bài huấn dụ ĐTC đã nhắc tới biến cố mở Cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót tại Vương cung thánh đường Gioan Laterano, là nhà thờ chính tòa của giáo phận Roma, cũng như tại các nhà thờ chính toà của từng giáo phận trên toàn thế giới, cả các trung tâm hành hương cũng như các nơi được các Giám Mục chỉ định. Năm Thánh là trên toàn thế giới chứ không phải chỉ ở Roma mà thôi.

Chính ngài đã muốn rằng dấu chỉ của Cửa Thánh hiện diện trong mọi Giáo Hội địa phương, để Năm Thánh Lòng Thương Xót có thể trở thành một kinh nghiệm được mọi người chia sẻ. ĐTC giải thích thêm như sau:

Trong cách thế này, Năm Thánh đã bắt đầu trong toàn Giáo Hội và được cử hành trong mọi giáo phận cũng như ở Roma. Cả Cửa Thánh đầu tiên đã được mở tại trung tâm Phi châu. Và Roma, đó là dấu chỉ hữu hình của sự hiệp thông đại đồng. Ước chi sự hiệp thông giáo hội này ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, để Giáo Hội là dấu chỉ sống động tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa Cha trong thế giới. Nghĩa là ước chi Giáo Hội là dấu chỉ của tình yêu và lòng thương xót.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Ngày mùng 8 tháng 12 cũng đã muốn nhấn mạnh đòi buộc này, bằng cách gắn liền việc bắt đầu Năm Thánh với việc kết thúc Công Đồng Chung Vaticăng cách đây 50 năm. Thật thế, Công Đồng đã chiêm ngưỡng và trình bầy Giáo Hội dưới ánh sáng mầu nhiệm của sự hiệp thông. Rải rác trên toàn thế giới và được chia thành biết bao nhiêu Giáo Hội địa phương, nhưng vẫn luôn luôn và chỉ là Giáo Hội duy nhất của Chúa Giêsu Kitô, Giáo Hội mà Ngài đã muốn và đã hiến chính mình cho. Giáo Hội là “một”, sống chính sự hiệp thông của Thiên Chúa. Mầu nhiệm hiệp thông này khiến cho Giáo Hội trở thành dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa Cha, lớn lên và chín mùi trong tim chúng ta, khi tình yêu mà chúng ta nhận ra nơi Thập Giá Chúa Kitô và trong đó chúng ta dìm mình, khiến cho chúng ta yêu thương như chính chúng ta được Ngài yêu thương. Đây là một Tinh Yêu vô cùng, có gương mặt của sự tha thứ và lòng thương xót.

Tuy nhiên, lòng thương xót và sự tha thứ không được chỉ là các lời nói, nhưng phải được thực hiện trong cuộc sống thường ngày. ĐTC nhấn mạnh việc sống Năm Thánh một cách cụ thể như sau:

Yêu thương và tha thứ là dấu chỉ cụ thể và hữu hình rằng đức tin đã biến đổi con tim chúng ta, và cho phép chúng ta diễn tả nơi mình chính sự sống của Thiên Chúa. Yêu thương và tha thứ như Thiên Chúa yêu thương và tha thứ cho chúng ta. Đó là chương trình sống không thể biết tới các ngưng nghỉ hay luật trừ, nhưng thúc đẩy chúng ta luôn đi xa hơn mà không bao giờ mệt mỏi, với xác tín được nâng đỡ bởi sự hiện diện hiền phụ của Thiên  Chúa.

Thế rồi, dấu chỉ lớn lao này của cuộc sống kitô biến thành biết bao nhiêu dấu chỉ khác, là các đặc tính của Năm Thánh. Tôi nghĩ tới những người bước qua một trong các Cửa Thánh, mà trong năm nay chúng là các Cửa của Lòng Thương Xót. Các Cửa của Lòng Thương Xót.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: Cửa ám chỉ chính Chúa Giêsu, là Đấng đã nói: “Tôi là cửa: nếu một người vào qua tôi, sẽ được cứu rỗi: họ sẽ vào, sẽ ra và tìm được đồng cỏ” (Ga 10,9). Anh chị em hãy để ý nhé! Coi chừng để đừng có ai hơi nhanh nhảu hay quá mưu mô nói anh chị em phải trả tiền: Không! Ơn cứu rỗi không phải trả tiền. Ơn cứu rỗi không phải mua. Cửa là Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu thì không mất tiền! Chính Ngài là Cửa, chúng ta đã nghe Ngài nói về những kẻ không vào như phải vào, và Ngài nói một cách đơn sơ rằng họ là kẻ trộm và kẻ cướp. Lần nữa, anh chị em hãy coi chừng: ơn cứu rỗi không mất tiền nhé!

Bước qua Cửa Thánh là dấu chỉ sự tin tưởng của chúng ta nơi Chúa Giêsu, là Đấng không đến để phán xử, nhưng để cứu rỗi (x. Ga 12,47). Đó là dấu chỉ của một sự hoán cải con tim mình. Khi chúng ta đi qua Cửa đó, thật là tốt nhớ rằng chúng ta cũng phải để mở toang cánh cửa con tim của mình. Tôi đứng trước Cửa Thánh và tôi xin: “Lậy Chúa, xin giúp con mở toang cánh cửa tim con”. Năm Thánh sẽ không có nhiều hiệu quả, nếu cánh cửa con tim chúng ta không để cho Chúa Kitô đi qua, là Đấng thúc đẩy chúng ta đi tới với người khác, để đem Chúa và tình yêu của Ngài đến cho họ. Như vậy, Cửa Thánh rộng mở, vì nó là dấu chỉ của sự tiếp đón, mà chính Thiên Chúa dành để cho chúng ta. Như thế, cửa của chúng ta, cửa của con tim chúng ta, cũng hãy luôn mở rộng để không loại trừ ai hết. Kể cả ông đó, bà đó, gây phiền hà cho tôi: không loại trừ ai hết.

Đề cập tới sự cần thiết phải xưng tội ĐTC nói: Một dấu chỉ quan trọng của Năm Thánh cũng là việc xưng tội. Đến với bí tích, qua đó chúng ta được hoà giải với Thiên Chúa, đồng nghĩa với việc trực tiếp sống kinh nghiệm lòng thương xót của Người. Đó là kiếm tìm Cha, là Đấng tha thứ: Thiên  Chúa tha hết. Thiên Chúa hiểu chúng ta trong cả các hạn hẹp của chúng ta. Ngài hiểu chúng ta trong cả các mâu thuẫn của chúng ta nữa. Không chỉ có thế, với tình yêu thương của Ngài, Ngài nói với chúng ta rằng chính khi chúng ta nhìn nhận tội lỗi chúng ta, Ngài còn gần gũi chúng ta hơn và thúc đẩy chúng ta nhìn về phía trước. Ngài còn nói hơn nữa: rằng khi chúng ta thừa nhận tội lỗi của mình và xin tha thứ, thì có lễ mừng trên Trời: Chúa Giêsu mừng lễ. Đó là lòng thương xót của Ngài: chúng ta đừng ngã lòng! Hãy tiến lên, hãy tiến lên với điều này!

Biết bao lần tôi đã nghe nói: “Thưa cha, con không tha thứ được”. Ông bên cạnh, ông bạn cùng làm việc, bà bên cạnh, bà mẹ chồng, bà chị dâu… Mọi người chúng ta đều đã nghe điều ấy. “Tôi không tha thứ được.”  Nhưng làm sao chúng ta có thể xin Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta, nếu chúng ta không có khả năng tha thứ? Và tha thứ cũng là một điều lớn lao. Tha thứ không dễ, bởi vì con tim của chúng ta nghèo nàn, và với các sức lực của riêng mình, chúng ta không làm được. Nhưng nếu chúng ta rộng mở con tim để đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta, thì đến lượt mình chúng ta cũng có khả năng tha thứ.

Và có biết bao lần tôi đã nghe nói: “Nhưng con không thể nhìn  người đó được: con ghét họ. Nhưng một ngày kia con đến gần Chúa, và con đã xin Ngài tha thứ tội lỗi cho con, và con cũng đã tha cho người ấy”. Đây là những điều xảy ra mỗi ngày. Và chúng ta có bên mình khả năng này.

Vì vậy hãy can đảm lên! Chúng ta hãy sống Năm Thánh bằng cách bắt đầu với các dấu chỉ  bao gồm một sức mạnh lớn lao này của tình yêu. Chúa sẽ đồng hành với chúng ta để dẫn đưa chúng ta tới chỗ sống kinh nghiệm của các dấu chỉ khác quan trọng cho cuộc sống chúng ta. Hãy can đảm và tiến lên!

ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Đức, Áo, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, cũng như từ các nước Châu Mỹ Latinh và từ xa như đoàn hành hương Caledonia và Indonesia. Ngài cầu chúc mọi người lễ Giáng Sinh tươi vui và Năm Thánh Lòng Thương Xót nhiều hoa trái thiêng liêng, cầu xin ơn tha thứ cho tha nhân và khả năng hoà giải với họ.

Trong các nhóm nói tiếng Ý ĐTC đặc biệt chào nhóm các tân linh mục thuộc dòng Đạo Binh Chúa Kitô và gia đình; các binh sĩ thuộc trung tâm huấn luyện không quân và lực lượng phòng vệ Italia. ĐTC khích lệ mọi người gia tăng lời cầu nguyện và các việc lành phúc đức để cuộc gặp gỡ với Con Thiên  Chúa nhập thể khiến cho con tim được tràn đầy niềm vui.

Chào giời trẻ, các người đau yếu và các đôi tân hôn ngài cầu chúc các bạn trẻ biết sống lễ Giáng Sinh với đức tin của Đức Mẹ khi được thiên thần truyền tin. ĐTC khuyến khích các người đau yếu có được niềm an bình mà Chúa Giêsu đã đem đến trần gian. Ngài nhắn nhủ các đôi tân hôn biết noi gương Mẹ Chúa Giêsu với lời cầu nguyện và sống các nhân đức.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Thiên Chúa muốn các vị sứ giả của Ngài phải có lòng thương xót

Thiên Chúa muốn các vị sứ giả của Ngài phải có lòng thương xót

ĐTC tại nhà nguyện Martha

Chúng ta hãy cảnh giác đừng để trái tim ra chai đá, vì như thế tình thương xót của Thiên Chúa không để đi vào. Đây là điều được Đức Thánh Cha nói đến trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện thánh Marta, trước khi ngài tham dự Thượng Hội Đồng nhóm họp tại Hội Trường Thượng Hội Đồng Giám Mục Vatican. Đức Thánh Cha cũng nói thêm đừng cưỡng lại lòng thương xót của Thiên Chúa, vì lòng thương xót ấy quan trọng hơn những suy nghĩ của chúng ta, quan trọng hơn hàng tá điều răn mà chúng ta phải tuân giữ.

Đức Thánh Cha đã triển khai bài giảng của ngài từ Bài Đọc Một, trích sách Giô-na. Tiên tri Giô-na đã cưỡng lại ý muốn của Thiên Chúa, nhưng cuối cùng ông đã học để biết thế nào là vâng phục. Ni-ni-vê là một thành phố cực kỳ rộng lớn và dân chúng trong thành đã biết hoán cải nhờ lời công bố của Giô-na. Đức Thánh Cha nói: “Thực sự đã có một phép lạ xảy ra, vì Giô-na đã từ bỏ được sự cứng lòng và vâng phục ý Chúa. Ông đi và thực hiện điều Thiên Chúa đã truyền dạy cho ông.”

Dân thành Ni-ni-vê cũng đã ăn năn hoán cải. Nhưng đứng trước sự hoán cải này, Giô-na – người “không ngoan ngoãn vâng nghe Thần Khí” – đã nổi giận: “Ông  Giô-na bực mình, bực lắm và ông nổi giận.” Đức Thánh Cha nói: “Thậm chí, ông còn trách mắng Thiên Chúa.”

Lòng thương xót của Thiên Chúa không thể đi vào một con tim chai đá

Đức Thánh Cha nói, chuyện xảy giữa tiên tri Giô-na và thành Ni-ni-vê được chia thành ba phần. Phần một, tiên tri Giô-na chống lại sứ mạng Thiên Chúa ủy thác cho ông. Phần hai là sự vâng phục, và khi ông vâng phục, phép lạ xảy ra: dân thành Ni-ni-vê đã hoán cải. Trong phần ba, tiên tri Giô-na, một lần nữa, cưỡng lại lòng thương xót của Thiên Chúa. Ông đã nói với Thiên Chúa rằng: “Ôi, lạy Đức Chúa, đó chẳng phải là điều con đã nói khi còn ở quê nhà sao? Con đã làm tất cả những gì có thể để công bố cho dân thành Ni-ni-vê lời tuyên cáo của Chúa. Con đã hoàn thành việc đó thật tốt đẹp. Nhưng tại sao Ngài lại là một Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương? Tại sao Ngài lại hối tiếc và tha thứ cho thành ấy?” Như vậy, tiên tri Giô-na thực sự không thấu hiểu được lòng thương xót của chúa. Đức Thánh Cha nói, một trái tim với sự cứng cỏi, chai đá như thế sẽ không để cho lòng thương xót của Thiên Chúa đi vào.

Người ta cũng không hiểu được lòng thương xót của Đức Giêsu

Những Tiến Sỹ Luật khổng hiểu tại sao Đức Giêsu lại bênh vực người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình và không để chị bị ném đá cho đến chết. Họ cũng không hiểu tại sao Ngài lại đến dùng bữa với những người thu thuế và quân tội lỗi. Họ không hiểu được. Nói khác đi, họ thật sự không thể hiểu được lòng thương xót: “Ngài là Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương”. Đức Thánh Cha nói thêm: “Thánh Vịnh mà chúng ta đã cùng cầu nguyện với nhau ngày hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta hãy kiễn nhẫn chờ đợi Thiên Chúa vì Ngài là Đấng giàu lòng thương xót, nơi Ngài luôn chứa chan hồng ân cứu độ.”

Không hề có những sứ giả cứng đầu, bướng bỉnh; Thiên Chúa mời gọi chúng ta biết xót thương

Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Ở đâu có Thiên Chúa, ở đấy có tình xót thương”. Và thánh Ambrogio nói thêm: ‘Ở đâu có những sứ giả, ở đó có sự cứng đầu, bướng bỉnh.’ Chính sự bướng bỉnh này dẫn tới việc không vâng lời trong sứ mạng, và vì thế thách thức lòng thương xót.  

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhắn nhủ: “Năm Thánh Kính Lòng Thương Xót Chúa đã gần kề, chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa giúp chúng ta thấu hiểu được trái tim của Chúa và ý nghĩa của “lòng xót thương” là gì. Đặc biệt, Thiên Chúa có ý gì khi nói: ‘Ta muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế.’ Trong lời nguyện Nhập Lễ, chúng ta đã cầu nguyện nhiều với một câu rất đẹp: ‘Xin tuôn đổ trên chúng con lòng thương xót của Chúa.’ Như thế, chúng ta chỉ hiểu lòng thương xót của Thiên Chúa một khi lòng thương xót ấy tuôn đổ tràn trề trên chúng ta, trên tội lỗi của chúng ta và trên những đau khổ của chúng ta…” (SD 06-10-2015).

Anh Phương – Vatican Radio

NIỀM VUI CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỨC MẠNH CỦA CHÚNG TA

NIỀM VUI CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỨC MẠNH CỦA CHÚNG TA

ĐTC tại nhà nguyện Martha

 “Niềm vui của Thiên Chúa là sức mạnh của chúng ta, nơi Ngài chúng ta tìm thấy được căn tính của mình.” Đây là điểm quan trọng mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói đến trong bài giảng lễ thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giêsu vào sáng thứ năm ngày 01-10-2015, tại nhà Nguyện Thánh Martha. Là một Kitô hữu, chúng ta không bao giờ được để ngọn lửa khao khát Thiên Chúa lịm tắt. Nếu không, tâm hồn chúng ta chẳng thể vui mừng nhảy múa như trong ngày lễ hội.

 

Khởi đi từ Bài Đọc Một trích sách Nơ-khe-mi-a, Đức Thánh Cha suy từ về dân tộc Israel, một dân tộc sau những năm tháng dài bị lưu đày, cuối cùng đã được quay trở về Giê-ru-sa-lem. Những năm tháng còn ở Babylon, dân tộc Ít-ra-en vẫn nhớ về quê cha đất tổ. Sau rất nhiều năm trời, cuối cùng cũng đến ngày trở về để xây dựng lại Giê-ru-sa-lem. Trong bối cảnh đó, Nơ-khe-mi-a đã xin kinh sư Ét-ra đọc Sách Luật cho toàn dân nghe và họ đã vô cùng hạnh phúc. Họ đã khóc trong vui sướng và cảm nghiệm được Lời của Thiên Chúa.

 

Niềm vui của Thiên Chúa là sức mạnh của chúng ta

 

Chúng ta có thể hiểu điều này như thế nào? Đức Thánh Cha giải thích: Dân tộc Israel vẫn chưa nhìn thấy được thành trì quê hương của họ, nơi mà họ được sinh ra và cũng là thành đô của Đức Chúa. Nhưng khi lắng nghe Sách Luật, họ đã nhận ra căn tính của mình. Vì thế, họ vui mừng và khóc.

 

Họ đã khóc vì vui mừng, vì đã gặp được căn tính đích thực của mình. Trong những năm tháng bị lưu đày, cách này cách khác, căn tính ấy đã phai mờ đi. Nơ-khe-mi-a nói: “Anh em đừng sầu thương khóc lóc vì niềm vui của Đức Chúa là thành trì bảo vệ anh em.” Đây chính là sức mạnh Thiên Chúa ban tặng khi chúng ta khám phá ra mình thực sự là ai, căn tính của mình là gì. Chúng ta đã đánh mất căn tính trong cuộc hành trình dài hoặc khi bị lưu đầy như dân tộc Israel. Chúng ta cũng đánh mất căn tính của mình khi tự lưu đày bản thân bằng cách xây cho mình những “cái tổ” ở chỗ này chỗ kia chứ không chịu cư ngụ trong nhà của Đức Chúa, nơi chúng ta có thể tìm thấy căn tính đích thực của mình.

 

Chỉ trong Thiên Chúa, ta mới biết mình thật sự là ai

 

Nhưng làm sao chúng ta có thể tìm thấy căn tính đích thực của mình? Đức Thánh Cha nói, khi bạn đánh mất cái đã thuộc về bạn, chẳng hạn như một mái ấm gia đình; bạn sẽ có một khao khát cháy bỏng muốn quay trở về nơi đó. Nói khác đi, chính lòng khao khát sẽ đưa bạn về nhà. Dân tộc Israel, với một niềm khao khát cháy bỏng, đã nhận thấy rằng họ từng rất hạnh phúc, và họ khóc cho hạnh phúc này. Họ khao khát muốn quay về nhà. Cuối cùng, khao khát ấy đã giúp họ tìm thấy nhà của họ. Đó thực sự là một hồng ân của Thiên Chúa.

 

Nếu đã được no đầy của ăn, chúng ta sẽ không cảm thấy đói. Nếu đang sống êm ấm, tiện nghi; chúng ta không cảm thấy cần phải đi đâu nữa. Bởi thế, thật hữu ích nếu ngày hôm nay, mỗi người chúng ta cũng hỏi chính mình, một cách thiêng liêng, rằng: Phải chăng tôi cũng đang yên ổn, hạnh phúc và không cần thêm bất cứ một điều gì nữa nơi tâm hồn của tôi? Phải chăng lòng khao khát của tôi đã tắt rồi? Chúng ta hãy nhìn xem dân tộc Israel hạnh phúc như thế nào. Họ là những người đã khóc lóc và vui mừng. Từ đó, ta nhận thấy rằng một trái tim không còn khao khát sẽ không biết đến niềm vui. Niềm vui thực sự là sức mạnh của chúng ta: niềm vui của Thiên Chúa. Một trái tim không biết khao khát là gì sẽ chẳng bao giờ biết hoan hỷ vui mừng.

 

Đừng để lòng khát khao Thiên Chúa tắt lịm nơi con tim của chúng ta

 

Dân tộc Israel hoan hỷ vì họ đã hiểu những lời được công bố cho họ. Họ nhận thấy rằng lòng khao khát nơi trái tim của họ thúc đẩy họ tiến về phía trước. Chúng ta cũng hãy dừng lại trong thinh lặng để hỏi mình rằng: Chúng ta có thật sự hài lòng, có thật sự hạnh phúc như chúng ta muốn không? Hằng ngày, chúng có luôn khao khát để tiến về phía trước không? Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ân huệ này: đó là đừng bao giờ để lòng khao khát Thiên Chúa nơi con tim của chúng ta lịm tắt. (SD 1-10-2015)

 

 Anh Phương

 

Cần hoán cải con tim để thực sự trong sạch

Cần hoán cải con tim để thực sự trong sạch

Cần hoán cải con tim để thực sự trong sạch

Việc tuân giữ từng chữ các điều luật là một cái gì vô bổ, nếu nó không biến đổi trái tim và không diễn tả ra bằng các thái độ cụ thể: rộng mở cho cuộc gặp gỡ với Thiên  Chúa và Lời Ngài, tìm kiếm công lý và hòa bình, cứu giúp người nghèo, người yếu đuối và bị áp bức.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 40,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi đọc Kiinh  Truyền Tin trưa Chúa Nhật 30-8-2015

Mở đầu bài huấn dụ ĐTC nói: Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay kể lại một cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và vài người Pharisêu và ký lục, liên quan tới giá trị “truyền thống của người xưa” (Mc 7,3) mà Giêsu, trích lời ngôn sứ Isaia, định nghĩa là “luật của loài người” (c.7) và chúng không đuợc chiếm chỗ “giới răn của Thiên  Chúa” (c. 8). Các điều luật cũ ở đây không chỉ bao gồm các điều luật Thiên  Chúa mạc khải cho ông Môshê, mà cũng là một chuỗi các câu nói minh giải các chỉ dẫn của luật lệ Môshê nữa. Các người đối thoại áp dụng các điều lệ ấy một cách khá chi li, và trình bầy chúng như là các diễn tả lòng đạo dức đích thật. Chính vì thế họ quở trách Chúa Giêsu và các môn đệ Người là vi phạm chúng, đặc biệt là các điều luật liên quan tới việc thanh tẩy bề ngoài của thân xác. Câu trả lời của Chúa Giêsu có sức mạnh của một lời ngôn sứ: “Các ông tuân giữ truyền thống của người phàm mà lại lơ là giới răn của Thiên Chúa” (Mc 7,8). Chúng là các lời khiến cho chúng ta khâm phục vị Thầy của chúng ta: chúng ta cảm thấy rằng nơi Người có chân lý và sự khôn ngoan giải thoát chúng ta khỏi các thành kiến. Nhưng ĐTC cảnh cáo tín hữu như sau:

Nhưng hãy coi chừng! Với các lời này Chúa Giêsu muôn cảnh báo cả chúng ta ngày nay nữa, đừng cho rằng việc tuân giữ luật lệ bề ngoài là đủ để là các kitô hữu tốt. Cũng như xưa kia đối với người Pharisêu, ngày nay đối với chúng ta cũng có nguy cơ cho mình là yên ổn rồi, hay tệ hơn nữa, coi mình là tốt lành hơn những người khác, chỉ vì tuân giữ các luật lệ, các thói quen, cả khi chúng ta không yêu tha nhân, có trái tim cứng cỏi, vênh váo và kiêu căng. Việc tuân giữ từng chữ các điều luật là một cái gì vô bổ, nếu nó không biến đổi trái tim và không diễn tả ra bằng các thái độ cụ thể: rộng mở cho cuộc gặp gỡ với Thiên  Chúa và Lời Ngài trong việc cầu nguyện, tìm kiếm công lý và hòa bình, cứu giúp người nghèo khổ, người yếu đuối và bị áp bức. Chúng ta tất cả đều biết, trong các cộng đoàn, các giáo xứ, các khu phố của chúng ta, họ làm hại biết bao cho Giáo Hội và gây gương mù gương xấu, những người nói rằng họ là tin hữu rất công giáo và thường đi nhà thờ, nhưng sáu đó trong cuộc sống thường ngày họ lơ là với gia đình, nói xấu các người khác vv… Đó là điều Chúa Giêsu lên án, bởi vì nó là một phản chứng kitô.

Tiếp tục lời khích lệ của ngài, Chúa Giêsu tập trung chú ý trên một khiá cạnh sâu xa hơn và khẳng định: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được. Nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế” (c. 15). Trong cách đó Người nhấn mạnh quyền tối thượng của nội tâm, nghĩa là quyền tối thượng của con tim; không phải những gì ở bên ngoài khiến cho chúng ta thánh hay không thánh, nhưng chính con tim diễn tả các ý hướng, các lựa chọn của chúng ta và uớc muốn làm tất cả mọi sự vì tình yêu Chúa. Các thái độ bề ngoài là là hậu quả của những gì chúng ta đã quyết định trong tim, chứ không phải điều ngược lại: với thái độ bề ngoài nếu trái tim không thay đổi, thì chúng ta không phải là các kitô hữu đích thực.  ĐTC quảng diễm thêm điểm này như sau:

Ranh giới của thiện ác không đi qua bên ngoài chúng ta nhưng đúng hơn là đi qua bên trong lương tâm của chúng ta. Chúng ta có thể tự hỏi: con tim của tôi ở đâu? Chúa Giêsu nói: “Kho tàng của con ở đâu, thì trái tim của con ở đó” Kho tàng của tôi là gì? Có phải là Chúa Giêsu và giáo lý của Ngài không? Khi đó con tim tốt. Hay kho tàng là một cái gì khác?

Vì thế chính con tim phải được thanh tẩy và hoán cải. Khi không có một con tim được thanh tẩy, thì cũng không thể có các bàn tay thực sự sạch sẽ và miệng lưỡi nói lên các lời chân thành của tình yêu – mọi sự đều hai mặt, một cuộc sống hai mặt – miệng lưỡi nói lên các lời của lòng thương xót và tha thứ. Điều này chỉ có con tim chân thành và được thanh tẩy mới làm được thôi.

Chúng ta hãy xin Chúa, qua lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Thánh, ban cho chúng ta một con tim trong sạch, tự do khỏi mọi giả hình. Đó là tính từ Chúa Giêsu nói với các người Pharisêu: “giả hình”, bởi vì họ nói một điều nhưng làm một điều khác. Một con tim tự do khỏi sự giả hình, như thế chúng ta có thể sống theo tinh thần của luật lệ và đạt tới mục đích của nó là tình yêu.

Tiếp đến ĐTC đã cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Sau kinh Truyền Tin ĐTC đã kêu tái kêu gọi cầu nguyện cho các kitô hữu Trung Đông và xin các giới hữu trách quốc tế tìm giải pháp chấm dứt các bách hại chống kitô hữu. Ngài nói: Hôm qua tại Harissa bên Libăng, Giám Mục công giáo siro Flaviano Michele Melki, tử đạo đã được công bố là chân phước. Trong bối cảnh của một cuộc bách hại kinh khủng chống lại các kitô hữu, Đức Cha đã là người không mỏi mệt bảo vệ các quyền của dân tộc người, bằng cách khích lệ tất cả kiên vững trong đức tin. Cả ngày nay nữa, anh chị em thân mến, bên Trung Đông và tại nhiều nơi khác trên thế giới các kitô hữu cũng bị bách hại. Có nhiều người tử đạo hơn trong các thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo. Ước chi việc phong chân phước cho vị Giám Mục tử đạo đổ tràn đầy trên họ sự an ủi, lòng can đảm và niềm hy vọng, nhưng cũng là sự khích lệ cho các nhà lập pháp và các người cầm quyền để cho tự do tôn giáo được tôn trọng ở bất cứ đâu. Và tôi yêu cầu cộng đồng quốc tế làm cái gì đó để chấm dứt các bạo lực và đàn áp.

Rất tiếc trong những ngày qua có nhiều người di cư đã mất mạng sống trong các cuộc du hành kinh khủng. Tôi cầu nguyện cho tất cả các anh chị em đó và tôi mời anh chị em cầu nguyện cho họ. Cách riêng tôi hiệp ý với ĐHY Schoenborn hôm nay hiện diện ở đây và toàn thể Giáo Hội tại Áo, cầu nguyện cho 71 nạn nhân, trong đó có 4 trẻ em, bị chết trong một chiếc xe chở hàng trên xa lộ Budapest Vienne.  Chúng ta hãy phó thác từng nạn nhân một cho lòng thương xót của Thiên Chúa và xin Ngài trợ giúp chúng ta cộng tác hữu hiệu để ngăn cản các tội phạm này xúc phạm đến toàn gia đình nhân loại. Chúng ta hãy cầu nguyện trong thinh lặng cho tất cả các người di cư và những người đã thiệt mạng.

Tiếp đến ĐTC đã chào nhiều nhóm hành hương khác nhau, đặc biệt là các tín hữu Croazia, các hướng đạo sinh Bồ Đào Nha, giới trẻ giáo phận Vicenza, Rovato và trẻ em hai tỉnh Salzano và Arconate. Ngài chúc tất cả ngày Chúa Nhật an lành và xin mọi người đừng quên ngài trong lời cầu nguyện.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐTC kêu gọi loại trừ vũ khi hạt nhân, tạo dựng hoà bình và sống chung huynh đệ

ĐTC kêu gọi loại trừ vũ khi hạt nhân, tạo dựng hoà bình và sống chung huynh đệ

ĐTC Phanxicô kêu gọi toàn thế giới cầu nguyện và dấn thân cho hòa bình, phổ biến trên thế giới một nền luân lý  của tình huynh đệ và một bầu khí chung sống thanh thản giữa các dân tộc.

ĐTC đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu trưa Chúa Nhật hôm qua. Ngài nói:

Cách đây 70 năm ngày mùng 6 và mùng 9 tháng 8 năm 1945 đã xảy ra các vụ bỏ bom nguyên tử kinh khủng trên hai thành phố Hiroshima và Nagasaki. Sau bao nhiêu năm biến cố thê thảm này vẫn còn dấy lên sự kinh hoàng và nhờm gớm. Nó đã trở thành biểu tượng của quyền lực tàn phá vô độ của con người, khi con người sử dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật một cách sai lạc, và nó là một lời cảnh cáo trường kỳ cho nhân loại, để nhân loại luôn luôn  khước từ và bài trừ các vũ khí nguyên tử và mọi vũ khí tàn phá hàng loạt. Dịp kỷ niệm buồn thương này mời gọi chúng ta cầu nguyện và dấn thân cho hòa bình, để phổ biến trên thế giới một nền luân lý của tình huynh đệ và một bầu khí của sự sống chung thanh thản giữa các dân tộc. Ước chi từ mọi miền đều dấy lên một tiếng nói duy nhất: “Không” với chiến tranh và bạo lực và “có” với đối thoại, “có” với hòa bình.

Với chiến tranh người ta luôn luôn mất mát. Cách duy nhất để chiến thắng một cuộc chiến là đừng gây chiến tranh.

ĐTC cũng đã bầy tỏ lo âu trước các tin đến từ El Salvador nơi trong thời gian qua dân chúng đã phải chịu nhiều khó khăn vì đói kém, khủng hoảng kinh tế và các xung khắc xã hội và bạo lực gia tăng, Ngài khích lệ người dân El Salvador kiên trì hiệp nhất trong hy vọng và khuyên nhủ mọi người cầu nguyện để công lý và hòa bình nở hoa trên quê hương của chân phước Oscar Romero.

Trước đó trong bài huấn dụ ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa Phúc Âm Chúa Nhật ngài nói: Trong Chúa Nhật này tiếp tục bài đọc chương 6 Phúc Âm thánh Gioan, trong đó Chúa Giêsu, sau khi đã làm phép lạ cả thể hóa bánh ra nhiều, giải thích cho dân chúng ý nghĩa của “dấu chỉ” ấy.

Như Ngài đã làm trước đó với người đàn bà xứ Samaria, khởi hành tử kinh nghiệm khát và từ dấu chỉ của nước, ở đây Chúa Giêsu bắt đầu từ kinh nghiệm đói và dấu chỉ của bánh, để vén mở cho thấy Chính Ngài và mời gọi tin nơi Ngài.

Dân chúng tìm Chúa và lắng nghe Ngài, bởi vì họ hứng khởi vì phép lạ. Họ muốn tôn Ngài làm vua. Nhưng khi Chúa Giêsu khẳng định rằng bánh thật mà Thiên Chúa ban cho là chính Ngài, nhiều người coi đó là gương mù gương xấu và bắt đầu lẩm bẩm với nhau: “Cha mẹ ông chúng ta lại không biết hay sao? Vậy làm sao ông ấy lại có thể nói: “Tôi là bánh từ trời xuống được?” (Ga 6,42). Khi đó Chúa Giêsu trả lời: “Không ai có thể đến với tôi, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy”, và Ngài thêm: “Ai tin thì có sự sống đời đời” (vv. 44..47). ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ:

Lời này của Chúa khiến cho chúng ta kinh ngạc, và làm cho chúng ta suy nghĩ. “Không ai có thể đến với tôi, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy”.  Nó khiến cho chúng ta suy nghĩ. Lời này dẫn đưa chúng ta vào trong cái năng dộng của đức tin, là một tương quan: tương quan giữa bản vị con người – chúng ta tất cả – và Con Người của Chúa Giêsu, nơi Ngài Thiên Chúa Cha có một vai trò định đoạt, và dĩ nhiên cả Chúa Thánh Thần nữa, đuợc hiểu ngầm. Gặp gỡ Chúa Giêsu để tin nơi Ngài không đủ; đọc Thánh Kinh, đọc Tin Mừng không đủ, điều này quan trọng nhưng không đủ; cả việc chứng kiến một phép lạ, như phép lạ hóa bánh ra nhiều cũng không đủ… Có biết bao nhiêu người đã tiếp xúc chặt chẽ với Chúa Giêsu và đã không tin nơi Ngài, trái lại, họ đã khinh rẻ  và lên án Chúa. Và tôi tự hỏi: tại sao vậy? Họ không được Thiên Chúa Cha lôi kéo hay sao? Không: điều này xảy ra, bởi vì trái tim của họ đã khép kín với hoạt động của Thần Khí của Thiên Chúa. Và nếu bạn có con tim khép kín, thì niềm tin không vào được. Thiên Chúa Cha luôn luôn lôi kéo chúng ta về với Chúa Giêsu: chính chúng ta mở hay đóng kín con tim mình. Trái lại, đức tin giống như một hạt giống gieo sâu trong con tim, nẩy nở, khi chúng ta để cho Thiên Chúa Cha lôi kéo  đến với Chúa Giêsu và đi tới với Ngài với tâm hồn rộng mở, với con tim rộng mở, không thành kiến: Khi đó chúng ta nhận ra nơi gương mặt của Ngài Gương Mặt của Thiên Chúa và trong các lời nói của Ngài Lời của Thiên Chúa, bởi vì Chúa Thánh Thần đã làm cho chúng ta bước vào trong tương quan tình yêu và sự sống hiện hữu giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa Cha. Và ở đó chúng ta nhận được ơn, món quà của đức tin.

Khi đó với thái độ này của đức tin, chúng ta cũng có thể hiểu ý nghĩa “Bánh sự sống” mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta, và Ngài diễn tả như thế này: “Tôi là bánh hằng sống, từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời và bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi để cho thế gian được sống” (Ga 6,51). ĐTC giải thích thêm như sau:

Nơi Chúa Giêsu, trong “thịt” cùa Ngài – nghĩa là trong bản tính nhân loại cụ thể của Ngài – hiện diện tất cả tình yêu của Thiên Chúa, là Chúa Thánh Thần. Ai để cho mình bị lôi cuốn bởi tình yêu này, thì đi đến với Chúa Giêsu với dức tin và nhận đuợc từ Ngài sự sống, sự sống đời đời.

Đấng đã sống kinh nghiệm này một cách gương mẫu là Đức Maria, Trinh Nữ thành Nagiarét là người đầu tiên đã tin nơi Thiên Chúa, bằng cách tiếp nhận thịt xác của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy học nơi Người, là Mẹ chúng ta, niềm vui và lòng biết ơn đối với ơn đức tin. Một món qùa không phải lả “của riêng”, nhưng là một món quà cần chia sẻ: nó là món qùa “cho sự sống của thế giới”!

Tiếp đến ĐTC đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho tất cả mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã chào nhiều nhóm khác nhau, đặc biệt là nhóm các người đi mô tô vùng San Zeno Brescia, dấn thân cho các trẻ em đang được điều trị tại Nhà Thương Nhi Đồng Chúa Giêsu ở Roma. Ngài đã chúc mọi người một ngày Chúa Nhật tươi vui an lành và xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Lịch sử ngắn gọn lòng sùng kính Trái Tim Đức Mẹ

Lịch sử ngắn gọn lòng sùng kính Trái Tim Đức Mẹ

Để hiểu rõ hơn bản chất, việc thực hành và nền tu đức lòng sùng kính Mẹ Maria, việc tìm hiểu lịch sử lòng sùng mộ, cả khi ngắn gọn, là điều cần thiết.

Trước hết là lòng sùng mộ theo Thánh Kinh. Trong Thánh Kinh rõ ràng là từ “trái tim” – “cor” trong tiếng Latinh; “leb, lebab” trong tiếng Do thái, “kardia” trong tiếng Hy lạp – là nền tảng của tất cả tương quan tôn giáo-luân lý của con người với Thiên Chúa. Trái tim là trung tâm của toàn cuộc sống tâm lý, luân lý và tôn giáo. Nó là nơi các thái độ tốt hay xấu của con người thành hình. Nó là trung tâm cuộc sống luân lý, như là nguyên lý và nguồn gốc của tinh thần trách nhiệm, hiểu như là lương tâm. Trái tim cũng là trung tâm của cuộc sống hiểu biết, và như thế diễn tả nội tâm con người và sự thân tình sâu thẳm. Do đó nền nhân chủng học kinh thánh cựu ước coi trái tim như trung tâm của tất cả cuộc sống tinh thần của con người. Trái tim là nguyên lý sự sống, là ký ức, là tư tưởng, là ý chí, là tính nội tại của con người. Áp dụng cho Mẹ Maria trong kiểu nói “trái tim của Đức Maria” từ “tim” chiếm hữu được một năng động mạnh mẽ có khả năng phát triển các năng lực tinh thần khác, Các văn  bản cứu thế chúc tụng (Tv 44), các văn bản đề cập đến “con tim mới“ (Ed 36,24-28) và nhiều văn bản khác của Thánh Kinh Cựu Ước coi trái tim như là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa.

 Nổi tiếng nhất là văn bản của ngôn sứ Edêkiel chương 36, trong đó Thiên Chúa hứa quy tụ dân Israel từ khắp nơi về, thanh tẩy dân Israel khỏi mọi tà thần và ban cho họ một con tim mới. Văn bản viết: “Ta sẽ ban tặng các ngươi một qủa tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi qủa tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một qủa tim bằng thịt” (Ed 36,26).

Trong Thánh Kinh Tân Ước từ “trái tim” duy trì giá trị từ vựng của Thánh Kinh Cựu Ước. Chúa Giêsu mời gọi mọi người hãy học nơi Người vì Người hiền dịu và khiêm nhường trong tim (Mt 11,29). Tranh luận về truyền thống liên quan tới luật thanh sạch và ô uế, Chúa Giêsu khẳng định rằng những gì ở ngoài đi vào trong con người không khiến cho họ ra ô uế. Ăn mà không rửa tay không khiến cho con người ra ô uế. Chính những cái từ miệng phát xuất ra, là phát xuất từ trái tim con người, những thứ đó làm cho con người ra ô uế. Vì từ con tim phát xuất ra những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống. Đó mới là những cái làm cho con người ra ô uế (Mt 11,18-20). Trả lời câu hỏi điều răn nào quan trọng nhất, Chúa Giêsu nói: “Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết con tim, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi”. Đó là điều răn quan trọng nhất (Mt 22,37). Chương 6 Phúc Âm thánh Luca ghi lại giáo huấn của Chúa Giêsu xem qủa thì biết cây “Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng lòng tốt của mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì tim có đầy, miệng mới nói ra” (Lc 6,45) (Lc 9,47; 24,25; Ga 12,40; 16,22). Tả cảnh kitô hữu thời Giáo Hội khai sinh hiệp nhất yêu thương nhau sách Công Vụ viết trong chương 4 câu 32: “Các tín hữu thời bấy  giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung”. Kể lại lời Phó tế Stephanô tố cáo giới lãnh đạo Do thái, chương 7 sách Công Vụ viết: “Hỡi những người cứng đầu cứng cổ, tim và tai không cắt bì, các ông luôn luôn chống lại Thánh Thần. Cha ông các ngươi thế nào thì các ngươi cũng vậy” (Cv 7, 51). Trong thư gửi tín hữu Roma thánh Phaolô khẳng định với tín hữu rằng nhờ đức tin họ trở nên công chính và không thất vọng “Vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào con tim chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Trong chương 3 thư thứ II gửi tín hữu Côrintô thánh nhân nói ngài và các cộng sự viên không cần thư giới thiệu, vì tín hữu chính là thư giới thiệu của ngài. Thư ấy được viết trong tim ngài, mọi người đều biết và đã đọc. Tín hữu là bức thư Đức Kitô giao cho thánh nhân và các cộng sự viên chăm sóc, được viết trên thịt tức là trái tim con người (2 Cr 3,2-3) (Ep 3,17; 4,18; Cl 3,15-16; Dt 8,10, 10,16).

Lòng sùng kính trái tim Đức Maria được ưu tiên đặc biệt vì dựa trên ba văn bản chìa khóa của Thánh Kinh Tân Ước, là nền tảng của tất cả truyền thống sau này. Cả ba văn bản nằm trong trình thuật cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu. Trước hết là biến cố Giáng Sinh. Phúc Âm thánh Luca viết trong chương 2 câu 18-19: “Nghe các mục đồng thuật chuyện ai cũng ngạc nhiên. Về phần mình Đức Maria gìn giữ mọi điều này và suy đi nghĩ lại trong tim” (kardía).  Thuật lại biến cố dâng Chúa Hài Nhi trong Đền Thờ Giêrusalem thánh sử Luca ghi lại lời tiên tri của cụ già Simeon: “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu con tim bà” (kardía) (Lc 2,35). Trong biến cố Chúa Giêsu lên 12 tuổi cùng cha mẹ lên Giêsuralem mừng lễ Vượt Qua, ở lại trong Đền Thờ và đối đáp với các bậc thầy Do thái, sau khi tìm thấy Người Mẹ Maria trách: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!”. Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con làm gì? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà Cha con sao?”. Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói. Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nagiarét và hằng vâng phục các ngài. Còn riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong hồn” (psiché) (Lc 2, 48-52).

Hai văn bản đầu tiên đã được giải thích nhiều cách khác nhau, nhất là trong chìa khóa lịch sử, khải huyền và khôn ngoan. Nhiều nhà chú giải cho rằng thánh sử Luca, hay tác giả mà thánh sử tùy thuộc, đã muốn ám chỉ một cách tế nhị rằng nguồn gốc các tin tức của thánh nhân là chính Đức Trinh Nữ Maria. Nhiều nhà chú giải tân tiến khác thì nghĩ rằng hai văn bản Lc 2,19 và Lc 2, 51 diễn tả một hình thái văn chương riêng của loại văn chương khải huyền , được soạn giả dùng để lôi kéo sự chú ý của độc giả trên tầm quan trọng của điều được kể. Cũng giống như trong sách Daniel. Daniel sau thị kiến về “Con người” nói rằng: “Tôi, Daniel, tôi rất bối rối trong tư tưởng, mầu mặt tôi thay đổi và tôi giữ gìn tất cả những điều ấy trong tim” (Dn 7,28).

Chắc chắn đây là một hình thái văn chương thuộc loại khải huyền, được dùng để  ám chỉ không phải nguồn gốc lịch sử, mà tác giả tùy thuộc, cho bằng sự kiện Đức Maria được đặt ở trung tâm của suy tư kitô về các mầu nhiệm cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu. Điều này rất quan trọng đối với nền tu đức sùng mộ Khiết Tâm Đức Mẹ, bởi vì trái tim Đức Mẹ, theo các nguồn tin mừng, được coi như là chiếc nôi của toàn suy niệm kitô về các mầu nhiệm của Chúa Kitô. Và điều này ban cho lòng sùng kính Trái tim Đức Mẹ một nền tảng tài liệu viết không thể so sánh được. Tuy nhiên, cũng cần chú ý tới truyền thống truyền khẩu rất quan trọng và thường khá trung thực nơi các dân tộc vùng Trung Đông, trong đó có dân Do thái. Chắc chắn Đức Mẹ đã kể lại nhiều điều về thời thơ ấu của Chúa Giêsu, trong đó có các biến cố được các Phúc Âm nhắc tới trên đây.

Ngoài ra cũng không nên lơ là với viễn tượng khôn ngoan được học giả A. Serra nêu bật. Theo học giả Serra “suy niệm trong tim” là đặc tính của người khôn ngoan, giữ gìn trong ký ức các sự kiện để thời sự hóa nội dung của chúng. Cũng thật là hay, khi ghi nhận rằng từ “suy gẫm” (sunbálllein) nhắc lại sinh hoạt biểu tượng, qua đó người ta đặt các thực tại cổ xưa với các thực tại mới để hiểu rõ chúng hơn.

Văn bản thứ hai tả lại cảnh dâng Chúa Hài Nhi trong Đền Thờ Giêrusalem cũng rất hay trên bình diện thánh mẫu học, bởi vì trong văn bản này việc kết hiệp nội tại của Đức Maria với toàn công trình cứu độ của Con mẹ lộ hiện một cách sâu xa bất ngờ. Tất cả những gì được thành toàn trong thân thể khổ đau của Con thì cũng thành toàn trong tâm hồn và trong con tim của Mẹ Người.

Đó là lý do giải thích tại sao hai yếu tố nòng cốt này giúp hiểu kiểu nói “trái tim Đức Maria” bắt đầu từ Thánh Kinh.Mother of tears in syracuse - 1

Linh Tiến Khải

 

Đức Thánh Cha tiếp kiến các vị đào tạo thuộc các dòng tu

Đức Thánh Cha tiếp kiến các vị đào tạo thuộc các dòng tu

VATICAN. ĐTC nhắn nhủ các vị đào tạo trong các dòng tu trước tiên hãy trở thành những chứng nhân về sự theo Chúa Kitô.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 11-4-2015, dành cho 1300 vị đặc trách đào tạo trong các dòng tu và tu đoàn từ các nơi về Roma tham dự Hội nghị quốc tế từ ngày 7 đến 11-4 do Bộ các dòng tu tổ chức về chủ đế ”Sống trong Chúa Kitô theo hình thức cuộc sống Tin Mừng”. Tham dự Hội nghị có một số chị giáo người Việt thuộc các dòng như dòng thánh Phaolô thành Chartres, dòng Con Đức Bà Phù Hộ, dòng Nữ Tỳ Thánh Tâm, v.v..

Trong bài huấn dụ, ĐTC nhắc đến cuộc khủng hoảng thiếu ơn gọi ở nhiều nơi, và ngài nói: ”Tôi xác tín rằng không có khủng hoảng ơn gọi tại những nơi có những tu sĩ có khả năng thông truyền vẻ đẹp của đời thánh hiến bằng chính chứng tá của mình… Anh chị em được kêu gọi thi hành sứ vụ đó.. Anh chị em không phải chỉ là thày dạy, nhưng nhất là anh chị em là những chứng nhân về sự theo Chúa Kitô trong đoàn sủng của anh chị em.. Từ đó, anh chị em cũng phải quan tâm đến sự huấn luyện chính bản thân mình, đi từ tình bạn mật thiết với Thầy duy nhất của chúng ta”.

ĐTC cũng nhắn nhủ các vị đào tạo trong các dòng tu hãy có một trong các phẩm tính, đó là một trái tim quảng đại đối với người trẻ, để hình thành nơi họ những trái tim quảng đại, có khả năng đón nhận mọi người, những trái tim đầy lòng từ bi thương xót, đầy dịu dàng. “Anh chị em không những là bạn hữu và là người đồng hành trong đời sống thánh hiến với những người được ủy thác cho anh chịem, nhưng còn là người cha, người mẹ đích thực của họ, có khả năng yêu cầu và trao ban cho họ những điều lớn lao nhất. Điều này chỉ có thể nhờ tình yêu, tình yêu của người cha ngừơi mẹ”.

ĐTC cũng xác quyết rằng ”Là nhà đào tạo, thật là điều tốt lành vì đó là một đặc ân được tham dự vào hoạt động của Chúa Cha, Đấng hình thành trái tim của Chúa Con nơi những người mà Chúa Thánh Linh kêu gọi. Đôi khi người ta cảm thấy việc phục vụ này như một gánh nặng, như thể người ta lấy mất của chúng ta một cái gì quan trọng hơn. Nhưng cảm tưởng như thế là một sự đánh lừa, một cám dỗ. Sứ vụ là điều quan trọng, nhưng huấn luyện để thi hành sứ vụ, để hăng say loan báo, ra đi khắp nơi, nơi mỗi môi trường ngoại biên, để nói với mọi người về tình thương của Chúa Giêsu Kitô, nhất là với những người ở xa, nói về tình thương của Chúa với những người bé mọn và nghèo hèn, và để được họ loan báo Tin Mừng cho, đó cũng là điều quan trọng”. (SD 11-4-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Tình yêu của Thiên Chúa nhưng không và vô hạn

Tình yêu của Thiên Chúa nhưng không và vô hạn

Thiên Chúa yêu thương chúng ta với tình yêu nhưng không và vô hạn. Thập giá Chúa Kitô là bằng chứng tột đỉnh tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta, và dấu chỉ thánh thiện và hữu hiệu nhất của tình yêu đó là bí tích Thánh Thể.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hôm qua tại quảng trường thánh Phêrô.

Mở đầu bài huấn dụ ngài nói: Phúc Âm hôm nay tái đề nghị với chúng ta các lời Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3,16). Khi nghe các lời này, chúng ta hướng cái nhìn của con tim lên Chúa Giêsu Chịu Đóng Đanh và cảm thấy trong chúng ta  rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta, yêu thương chúng ta thật sự và yêu thương chúng ta biết bao! ĐTC nói:

Đó là kiểu diễn tả đơn sơ nhất tóm gọn toàn Tin Mừng, toàn đức tin, toàn thần học: Thiên Chúa yêu thương chúng ta với tình yêu nhưng không và vô hạn. Tình yêu ấy Thiên Chúa chứng minh nó trước hết trong việc tạo dựng, như phụng vụ loan báo trong kinh nguyện Thánh Thể 4: “Cha đã tác thành vũ trụ để đổ tình thương của Cha xuống trên tất cả mọi tạo vật và khiến chúng vui hưởng ánh sáng huy hoàng của Cha”. Ở nguồn gốc thế giới chỉ có tình yêu tự do và nhưng không của Thiên Chúa Cha. Thánh Ireneo viết rằng: “Thiên Chúa đã không tạo dựng nên Ađam vì Ngài cần đến con người, nhưng để có ai đó mà ban các ơn phúc” (Adversus haereses, IV 14,1). Và Kinh nguyện Thánh Thể 4 viết tiếp: “Và khi, vì bất phục tùng, con người đã mất tình nghĩa với Cha, Cha đã không bỏ mặc con người trong quyền lực sự chết, nhưng trong lòng thương xót Cha đã đến gặp gỡ mọi người”. Như trong việc tạo dựng cả trong các chặng tiếp theo của lịch sử cứu độ nổi bật lên tình yêu nhưng không của Thiên Chúa: Chúa chọn dân Người không phải vì họ xứng đáng, nhưng chính vì họ là dân bé nhỏ nhất trong tất cả mọi dân tộc. Và khi đến thời viên mãn, mặc dầu con người đã nhiều lần bẻ gẫy giao ước , Thiên Chúa, thay vì bỏ rơi họ, đã ký kết với họ một dây cột buộc mới, trong máu Chúa Giêsu – mối dây của giao ước mới vĩnh cửu – mà không có gì có thể bẻ gẫy được. Thánh Phaolô nhắc cho chúng ta nhớ: “Thiên Chúa giầu lòng thương xót và rất mực yêu thương chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì tội lỗi chúng ta, Người cũng đã cho chúng ta được sống lại với Đức Kitô” (Ep 2, 4). Đức Thánh Cha giải thích thêm điểm này như sau:

Thập giá Chúa Kitô là bằng chứng tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta: Đức Giêsu đã yêu thương chúng ta cho tới cùng” (Ga 13,1), nghĩa là không phải chỉ cho tới phút cuối cùng của cuộc sống trần gian, nhưng cho tới mức tột đỉnh của tình yêu. Nếu trong việc tạo dựng Thiên Chúa Cha đã trao ban bằng chứng tình yêu vô biên của Người bằng cách ban cho chúng ta sự sống, thì trong cuộc khổ nạn của Con Ngài Ngài đã ban cho chúng ta bằng chứng của các bằng chứng: Người đã đến để đau khổ và chết cho chúng ta. Sau cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu thánh Phaolô nói “tình yêu của Thiên Chúa đã được đổ trên con tim chúng ta qua Chúa Thánh Thần đã được ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo Hội và qua Giáo Hội bảo đảm ký ức sống động của Chúa Kitô và Người hoạt dộng khắp mọi nơi, cả ngoài Giáo Hội nữa, bằng cách làm cho các giá trị nhân bản đích thực lớn lên. Thần Khi của tình yêu làm cho chúng ta có khả năng yêu mến Thiên  Chúa và các anh chị em khác. Dấu chỉ thánh thiện và hữu hiệu nhất của tình yêu này là bí tích Thánh Thể, tưởng niệm lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu: mỗi khi chúng ta cử hành nó, là chúng ta sống lại biến cố Núi Sọ, tột đỉnh lịch sử tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại.

Xin Mẹ Maria là Mẹ của lòng thương xót, đặt để trong con tim chúng ta xác tín rằng chúng ta được Thiên Chúa yêu thương. Xin Mẹ gần gũi chúng ta trong những lúc khó khăn và ban cho chúng ta các tâm tình của Con Mẹ, để cho lộ trình mùa chay của chúng ta là kinh nghiệm của ơn tha thứ, sự tiếp đón và tình bác ái.

Tiếp đến ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã bầy tỏ sự gần gũi của ngài với người dân đảo Vanuatu trong Thái Bình Dương bị bão lớn. Ngài nói: Tôi cầu nguyện cho những người đã chết, cho những người bị thương và không nhà cửa. Tôi xin cám ơn những ai đã lập tức phát động việc cứu trợ các nạn nhân.

Ngài đã đặc biệt chào các nhóm tín hữu đến từ  Granada Tây Ban Nha, cũng như từ Mannheim Đức, và các đoàn hành hương các giáo phận Perugia, Pordenone, Pavia, giáo xứ thánh Giuse Roma, và từ giáo phận Piacenza Bobbio. ĐTC cũng chào các bạn trẻ Serravalle Scrivia, Rosolina và Verdellino Zingonia đang chuẩn bị lãnh bí tích Thêm Sức, cũng như các bạn trẻ giáo phận Lodi và người trẻ thuộc hạt Romana Vittoria Milano về Roma cử hành nghi thức hứa theo Chúa Giêsu. Ngài cũng chào các bạn trẻ giúp lễ tỉnh  Besana vùng Brianza và các nhóm thiện nguyện tham dự cuộc biểu tình “Cùng nhau cho công ích”. Ngài chúc mọi người một ngày Chúa Nhật an lành và xin tất cả đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha kêu gọi toàn thể Giáo Hội vượt thắng sự dửng dưng

Đức Thánh Cha kêu gọi toàn thể Giáo Hội vượt thắng sự dửng dưng

VATICAN. ĐTC Phanxicô kêu gọi mọi thành phần Giáo Hội vượt thắng hiện tượng ”hoàn cầu hóa sự dửng dưng” đối với những người nghèo khổ.

Đây là ý tưởng được ĐTC nhấn mạnh và khai triển nhiều nhất trong Sứ điệp Mùa Chay bắt đầu từ ngày 18-2 tới đây. Sứ điệp được Đức Ông Giampietro Dal Toso, Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum (Đồng Tâm), cùng vị phụ tá và ông Michel Roy, Tổng thư ký Caritas quốc tế, giới thiệu với giới báo chí trong cuộc họp báo sáng ngày 27-1-2015, tại Phòng Báo chí Tòa Thánh.

Sứ điệp của ĐTC có chủ đề là một câu trích từ thư thánh Giacôbê ”Anh chị em hãy củng cố tâm hồn” (Gc 5,8). Sau khi nhắc lại sự kiện Thiên Chúa ”không dửng dưng đối với chúng ta, ĐTC nhấn mạnh rằng:

”Chúa quan tâm đến mỗi người chúng ta, Chúa biết đích danh chúng ta, chăm sóc và tìm kiếm chúng ta khi chúng ta bỏ Chúa. Chúa chú ý đến mỗi người chúng ta.. Nhưng xảy ra là khi chúng ta an mạnh và cảm thấy thoải mái, thì thường chúng ta quên những người khác, không quan tâm đến những vấn đề của người khác, những đau khổ và bất công họ đang chịu.”

ĐTC nhận xét rằng sự dửng dưng vừa nói có chiều kích hoàn vũ và người ta có thể nói ngày nay đang có một thứ ”hoàn cầu hóa sự dửng dưng”. Để giúp các tín hữu khắc phục tệ nạn này, ĐTC mời gọi toàn thể Giáo Hội ý thức rằng ”Nếu một chi thể đau, thì tất cả các chi thể khác cũng đau” (1 Cr 12,26)

ĐTC cũng kêu gọi vượt thắng sự dửng dưng trong đời sống của các giáo xứ và cộng đoàn. Để được vậy, các tín hữu cần ý thức mình là chi thể của một thân mình, một chi thể đau thì toàn thể thân mình cũng chịu đau. Ngài khẳng định rằng: ”mỗi cộng đoàn Kitô được kêu gọi hãy vượt qua ngưỡng cửa nối kết họ với xã hội xung quanh, với những người nghèo và những người xa xăm. Giáo Hội tự bản chất là thừa sai, không co cụm vào mình, nhưng được sai tới tất cả mọi người. Sứ mạng của Giáo Hội là kiên nhẫn làm chứng về Đấng muốn mang tất cả thực tại và mỗi người về cùng Chúa Cha… Anh chị em thân mến, tôi nồng nhiệt mong ước sao cho các nơi mà Giáo Hội hiện diện, – đặc biệt là các giáo xứ và cộng đoàn của chúng ta, – trở thành những hải đảo từ bi giữa lòng biển cả dửng dưng!”

ĐTC mời gọi các tín hữu ”đừng coi nhẹ sức mạnh kinh nguyện của bao nhiêu người hiệp nhau!” Trong ý hướng đó ngài cầu mong toàn thể Giáo Hội tham gia sáng kiến ”24 giờ cho Chúa”, sẽ được cử hành trong toàn thể Giáo Hội, kể cả ở cấp độ giáo phận, trong những ngày 13 và 14-3 tới đây”

Ngài cũng khuyến khích các tín hữu thực hiện những việc bác ái, đối với những người ở gần cũng như những người ở xa, nhờ bao nhiêu tổ chức bác ái của Giáo Hội. ”Mùa Chay là mùa thuận tiện để chứng tỏ sự quan tâm tới tha nhân qua một cử chỉ, dù là nhỏ bé nhưng cụ thể, nói lên sự tham dự của chúng ta vào nhân loại chung.”
Và ĐTC kết luận rằng:

”Để khắc phục sự dửng dưng và sự tự phụ toàn năng của chúng ta, tôi muốn xin tất cả mọi người hãy sống Mùa Chay này như một hành trình huấn luyện tâm hồn, như ĐGH Biển Đức 16 đã nói (Thông điệp Deus caritas est, 31). Có một con tim từ bi không có nghĩa là có một tâm hồn yếu đuối. Ai muốn từ bi thì cần một con tim mạnh mẽ, kiên vững, khép kín đối với kẻ cám dỗ, nhưng cởi mở đối với Thiên Chúa”. (SD 27-1-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican  Radio