Đức Hồng Y Parolin viếng thăm Macedonia và Bulgari

Đức Hồng Y Parolin viếng thăm Macedonia và Bulgari

Đức Hồng Y Parolin

VATICAN. ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, sẽ viếng thăm chính thức tại Cộng hòa Macedonia và Bulgari từ ngày mai, 18 đến 22-3-2016, theo lời mời của chính quyền và giáo quyền Công Giáo tại hai nước liên hệ.

Theo hãng tin SIR của HĐGM Italia, chặng dừng đầu tiên của ĐHY Parolin là thành phố Skopjie, thủ đô Macedonia. Ngài sẽ gặp chính quyền và cử hành thánh lễ đầu tiên tại Nhà thờ chính tòa Thánh Tâm. Skopjie cũng là nơi sinh của Mẹ Têrêsa Calcutta.

Sau thánh lễ, ĐHY Parolin sẽ tham dự buổi giới thiệu cuốn sách phỏng vấn ĐGH Phanxicô ”Tên của Thiên Chúa là lòng thương xót” được dịch ra tiếng Macedonia, rồi ngài khánh thành tòa GM mới ở Skopjie, gặp gỡ hàng giáo sĩ, tu sĩ của giáo phận. Sau cùng ĐH sẽ viếng thăm cộng đoàn Công Giáo tại thành phố Strumica, là trụ sở của các tín hữu Công Giáo nghi lễ đông phương Bizantine ở Macedonia.

Sáng chúa nhật 20-3, ĐHY Quốc vụ khanh sẽ đến viếng thăm nước Bulgari, thánh hiến nhà thờ Đức Mẹ An Nghỉ ở thủ đô Sofia mới được tu bổ. Đây là trung tâm của giáo phận Công Giáo Đông phương ở Bulgari.

Ban chiều cùng ngày, ĐHY sẽ viếng thăm Đồng Nhà Thờ chính tòa Công Giáo Đông phương, được dâng kính thánh Gioan 23. Ngài sẽ viếng Đan viện các nữ tu Thánh Thể cạnh đó và trung tâm y tế ”Gioan Phaolô 2” do các nữ tu đảm trách, chuyên săn sóc các bệnh nhân nghèo và người tị nạn.

Tối 20-3, ĐHY Quốc vụ khanh sẽ cử hành thánh lễ Chúa Nhật lễ lá tại Đồng Nhà chính tòa Thánh Giuse của Công Giáo La-tinh, trước khi gặp hàng giáo sĩ, tu sĩ Công Giáo Bulgari.

Sau cùng ngày 21-3, ĐHY Parolin sẽ gặp Đức Thượng Phụ Neofit và một số vị trong thánh Hội đồng Chính Thống Bulgari, trước khi gặp tổng thống Rossen Plevneliev, thủ tướng Boyko Borissov và đại giáo trưởng Hồi giáo Mustafa Hadzi. (ADN 15-3-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Giáo hội Nam Hàn mở Cửa Thánh tôn vinh các vị tử đạo

Giáo hội Nam Hàn mở Cửa Thánh tôn vinh các vị tử đạo

Nhà thờ Công giáo ở Yakhyeon

Tổng Giáo phận Seoul mở Cửa Thánh tại 3 thánh địa dành kính các vị tử đạo trước đây của Giáo hội Công giáo Nam Hàn nhân kỷ niệm 150 năm đánh dấu ngày khởi đầu cuộc bách hại Kitô hữu ở Byeong.

Hoạt động này trong năm dành tưởng nhớ các vị tử đạo được Đức Hồng y Andrew Yeom Soo-jung của Seoul tuyên bố, theo hãng tin Fides của Vatican.

Các cửa thánh được mở tại ba thánh địa nơi các vị tử đạo bị giết hại, gồm thánh địa Jeoldusan; thánh địa ở Saenamteo, và nhà thờ Công giáo ở Yakhyeon.

Sau khi cuộc bách hại đạo bắt đầu năm 1866, khoảng 9000, gần phân nửa số người Công giáo ở Nam Hàn lúc đó, bị giết chết vì đức tin.

UCANEWS-VN

Cha Lombardi phê bình một số phản ứng về phim Spotlight

Cha Lombardi phê bình một số phản ứng về phim Spotlight

Phát ngôn viên Tòa Thánh phê bình một số phản ứng về phim Spotlight

VATICAN. Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, phê bình phản ứng của một số người về cuốn phim Spotlight (Đèn Chiếu), ”có trí nhớ cụt lủn” và họ đòi Giáo Hội Công Giáo “phải bắt đầu phải có biện pháp chống nạn lạm dụng trẻ em, nhất là từ phía giáo sĩ”.

 Trong thông cáo dài công bố ngày 4-3-2016, Cha Lombardi nói: ”Những điều trần của ĐHY Pell trước Ủy ban hoàng gia điều tra được nối trực tiếp giữa Australia và Roma, và việc trao tặng đồng thời giải Oscar cho cuốn phim hay nhất ”Spotlight” về vai trò của báo Boston Globe trong việc tố cáo việc che đậy những tội ác của nhiều linh mục ấu dâm ở Boston (nhất là trong những năm từ 1960-1980), đã lôi kéo theo một làn sóng mới những quan tâm của các cơ quan truyền thông và dư luận quần chúng về vấn đề thê thảm lạm dụng tính dục trẻ vị thành niêm, đặc biệt từ phía thành viên hàng giáo sĩ.

 Sự trình bày ”giật gân” về hai biến cố đó đã làm cho phần lớn dân chúng – nhất là những người không am tường hoặc có trí nhớ cụt lủn – nghĩ rằng trong Giáo Hội người ta không làm gì cả hoặc làm rất ít để đáp lại những thảm trạng kinh khủng ấy và cần phải bắt đầu lại từ đầu. Một sự cứu xét khách quan chứng tỏ không phải như vậy. Vị TGM trước đây của giáo phận Boston đã từ nhiệm năm 2002 sau những vụ mà phim Spotlight đã nói tới (và sau cuộc họp nổi tiếng của các Hồng Y Hoa kỳ được ĐGH Gioan Phaolô 2 triệu tập tại Roma hồi tháng 4-2002) và từ năm 2003 (tức là từ 13 năm nay), Tổng giáo phận Boston do ĐHY Sean O'Malley cai quản, ngài được mọi người biết đến vì sự nghiêm ngặt và khôn ngoan trong việc đương đầu với những vấn đề lạm dụng tính dục, đến độ đã được ĐTC bổ nhiệm vào số các cố vấn của ngài và làm Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh do ĐGH thành lập để bảo vệ các trẻ vị thành niên.

 Cả những biến cố bi thảm lạm dụng tính dục ở Australlia cũng là đối tượng các vụ điều tra và thủ tục pháp lý và giáo luật từ nhiều năm nay. Khi ĐGH Biển Đức 16 ở Sydney nhân dịp Ngày Quốc Tế giới trẻ năm 2008 (tức là đã 8 năm rồi), ngài gặp một nhóm nhỏ các nạn nhân ngay tại tòa TGM giáo phận do ĐHY Pell cai quản, xét vì vụ này bấy giờ có tính chất thời sự rộng rãi và Đức TGM thấy rằng một cuộc gặp gỡ như vậy rất thích hợp. Để cho thấy những vấn đề này được quan tâm theo dõi, chỉ cần nhắc đến sự kiện nguyên phần dành cho vấn đề ”Lạm dụng trẻ vị thành niên. Câu trả lời của Giáo Hội” trên mạng internet của Vatican, đã được khởi sự cách đây 10 năm, và chứa đựng 60 văn kiện hoặc những biện pháp can thiệp của Giáo Hội.

 Sự dấn thân can đảm của các vị Giáo Hoàng để đương đầu với các cuộc khủng hoảng xảy ra sau đó tại nhiều nước và những hoàn cảnh khác – như Hoa Kỳ, Ai Len, Đức, Bỉ, Hòa Lan, dòng Đạo binh Chúa Kitô – không phải là nhỏ và cũng không phải là dửng dưng. Các thủ tục xét xử và các khoản giáo luật phổ quát đã được canh tân; những đường hướng chỉ đạo được yêu cầu và được soạn thảo từ phía các HĐGM, không những để xử lý những vụ lạm dụng đã xảy ra, nhưng con để phòng ngừa chúng một cách thích hợp; các cuộc thanh tra tông tòa để can thiệp trong những tình cảng trầm trọng nhất; sự cải tổ sâu rộng dòng Đạo binh Chúa Kitô, đó là những hành động nhắm đáp lại một cách sâu rộng và với sự sáng suốt đối với một tai ương được biểu lộ một cách trầm trọng lạ thường và tai hại, nhất là trong một số miền và trong một số thời kỳ. Lá thư của ĐGH Biển Đức 16 gửi các tín hữu Ailen hồi tháng 3 năm 2010 có lẽ vẫn còn là văn kiện tham chiếu hùng hồn nhất, vượt ra ngoài nước Ailen, để hiểu thái độ và câu trả lời pháp lý, mục vụ và tinh thần của các vị Giáo Hoàng cho những thảm trạng ấy của Giáo Hội thời nay: nhìn nhận những sai lầm đã phạm và thực thi công lý cho các nạn nhân, hoán cải và thanh tẩy, dấn thân phòng ngưà và canh tân việc huấn luyện về mặt nhân bản và tinh thần.

 Những cuộc gặp gỡ của ĐGH Biển Đức và Phanxicô với những nhóm nạn nhân đã tháp tùng con đường dài với gương về sự lắng nghe, xin lỗi, an ủi và với sự đích thân can dự của các vị Giáo Hoàng.

 Tại nhiều quốc gia, các kết quả sự dấn thân đổi mới thật là khả quan, những vụ lạm dụng trở nên rất họa hiếm và vì thế, phần lớn những vụ mà ngày nay người ta còn xử lý và tiếp tục được đưa ra ánh sáng thuộc về một quá khứ tương đối xa vài chục năm. Tại các nước khác, thường vì lý do tình cảnh văn hóa rất khác và vẫn còn có tính chất im lặng, còn nhiều điều phải làm và không thiếu những kháng cự và khó khăn, nhưng con đường phải theo đã trở nên rõ ràng hơn.

 Việc thành lập Ủy ban bảo vệ trẻ vị thành niên được ĐGH Phanxicô loan báo hồi tháng 12-2013, gồm các thành viên đến từ mọi lục địa, cho thấy sự trưởng thành trong hành trình của Giáo Hội Công Giáo. Sau khi ấn định và phát triển trong nội bộ một câu trả lời quyết liệt đối với những vấn đề lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên (từ phía các linh mục hoặc các nhân viên khác của Giáo Hội), người ta nhất loạt đặt vấn đề không những làm sao đáp ứng một cách thích hợp vấn đề mọi mỗi nơi trong Giáo Hội, nhưng còn phải làm sao giúp xã hội rộng lớn hơn trong đó Giáo Hội đang sống, đối phó với các vấn đề lạm dụng và vi phạm các trẻ vị thành niên, xét vì – như tất cả đều phải biết, tuy rằng nhiều khi người ta dè dặt không muốn nhìn nhận – ở mọi nơi trên thế giới phần lớn những vụ lạm dụng không xảy ra trong các lãnh vực Giáo Hội, nhưng ở bên ngoài các lãnh vực này (ở Á châu người ta có thể nói về hàng chục hàng chục triệu trẻ vị thành niên bị lạm dụng, chắc chắn là không phải trong lãnh vực Công Giáo…).

 Tóm lại, Giáo hội bị thương tổn và tủi nhục vì tai ương lạm dụng, muốn phản ứng không những để thanh tẩy chính mình, nhưng cũng để dành kinh nghiệm cam go của mình trong lãnh vực này, để làm cho việc phục vụ giáo dục và mục vụ dành cho toàn thể xã hội được phong phú hơn, xã hội nói chung còn một con đường dài phải đi để ý thức sự trầm trọng của các vấn đề và để đương đầu với chúng”.

 Trong viễn tượng ấy, những biến cố ở Roma trong những ngày qua, rốt cuộc có thể được đọc trong một viễn tượng tích cực. Người ta phải ghi nhận ĐHY Pell đã trình bày chứng từ bản thân một cách xứng đáng và phù hợp (khoảng 20 tiếng đồng hồ đối thoại với Ủy ban hoàng gia!) từ đó một lần nữa có một khung cảnh khách quan và sáng suốt hơn về những sai lầm đã xảy ra trong nhiều lãnh vực của Giáo Hội (trong trường hợp này là Australia) trong những thập niên quá khứ. Và đây là một sự thủ đắc không phải là vô ích trong viễn tượng ”cùng thanh tẩy ký ức”.

 Người ta cũng phải nhìn nhận nhiều thành viên của nhóm các nạn nhân đến từ Australia để chứng tỏ sự sẵn sàng thiết lập một cuộc đối thoại xây dựng với chính ĐHY và với đại diện của Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ vị thành niên – cha Hans Zollner SJ, thuộc Đại học Giáo Hoàng Gregoriana, – với cha, các nạn nhân ấy đã đào sâu những viễn tượng dấn thân hữu hiệu để phòng ngừa những lạm dụng.

 Vì thế, nếu những lời kêu gọi tiếp theo sau phim Spotlight và sự động viên của các nạn nhân và của các tổ chức nhân dịp các cuộc điều trần của ĐHY Pell sẽ góp phần hỗ trợ và tăng cường hành trình dài chống lại những lạm dụng trên trẻ vị thành niên trong Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ và trên thế giới ngày nay (nơi mà chiều kích các thảm trạng này thật là vô biên), thì cũng cần được chào đón.

 G. Trần Đức Anh OP chuyển ý

Báo chí giải thích sai lời Đức Thánh Cha về ông Trump

Báo chí giải thích sai lời Đức Thánh Cha về ông Trump

ĐTC trả lời phỏng vấn trên máy bay

VATICAN. Báo chí giải thích không đúng lời ĐTC về ứng cử viên tổng thống Donald Trump của đảng cộng hòa ở Mỹ.

Rất nhiều báo chí ồ ạt đăng tin: trong cuộc họp báo hôm 18-2-2016 trên chuyến bay từ Mêhicô về Roma, ”ĐTC tấn công ông Trump và kết án ông không phải là Kitô hữu”. Phản ứng lại tin này, Ông Trump cho rằng thật là điều không xứng đáng khi một vị lãnh đạo tôn giáo ”kết án người khác như vậy”, và ông cho rằng mình là ”Kitô hữu tốt”! và cả Vatican cũng có những bức tường cao!

Sự kiện là: Ký giả Phil Pulella, thuộc hãng tin Reuters của Anh quốc, hỏi nhận định của ĐTC về lời tuyên bố của Ông Donald Trump nói: nếu đắc cử tổng thống, Ông muốn xây bức tường dài 2.500 cây số dọc theo biên giới Mêhicô và muốn trục xuất 11 triệu người di dân bất hợp pháp, và như thế là phân rẽ các gia đình.

ĐTC đáp: ”Một người chỉ nghĩ đến việc xây dựng những bức tường, bất luận ở đâu, mà không nghĩ đến việc bắc những nhịp cầu, thì không phải là Kitô hữu. Hành động ấy không có trong Tin Mừng”.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican, hôm 19-2-2016, Cha Lombardi TGM đài Vatican và cũng là Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh nói:

”ĐTC nói điều mà chúng ta đều biết rõ, khi theo dõi giáo huấn và lập trường của ngài: nghĩa là không cần kiến tạo những bức tường, nhưng là những cây cầu. Đó là điều mà ngài vẫn luôn nói, liên tục, và ngài cũng nói điều đó về những vấn đề di dân ở Âu Châu, rất nhiều lần. Vì thế, đây không hề là một vấn đề đặc thù, giới hạn vào trường hợp này. Đó là thái độ chung của ngài, rất phù hợp với điều này là can đảm sống theo những chỉ dẫn của Tin Mừng về sự đón tiếp và liên đới. Rồi người ta thổi lên và truyền đi câu nói của ĐTC. Đó không phải là điều ngài muốn nói, ngài không muốn đó là một cuộc tấn công cá nhân, và cũng không phải là một chỉ dẫn về việc bỏ phiếu. ĐGH đã nói rõ là ngài không xen vào vấn đề bỏ phiếu trong chiến dịch tuyển cử ở Hoa kỳ, và ngài cũng nói rõ: không rõ người ta có tường thuật đúng điều mà ông Trump nói hay không vì vì thế, trong trường hợp này, ngài tỏ ra nghi ngờ về điều báo chí thuật lại những lời tuyên bố của ứng cử viên đảng cộng hòa Mỹ”. Tóm lại, diễn văn nổi tiếng về việc đón tiếp, về việc bắc cầu hơn là xây tường chính là một đặc điểm của triều đại Giáo Hoàng này. Cần phải giải thích và hiểu theo nghĩa đó” (SD 1922-16)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Cha Lombardi phê bình sức ép của báo chí trên Đức Giáo Hoàng

Cha Lombardi phê bình sức ép của báo chí trên Đức Giáo Hoàng

Cha Lombardi phê bình sức ép của báo chí trên Đức Giáo Hoàng

Mexico.- Cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh phê bình sức ép của một số báo chí đòi ĐGH Phanxicô phải gặp riêng cha mẹ của 43 học viên mất tích tại Iguala.

43 học viên này theo học tại trường huấn nghệ Raul Isidro Burgos, bị mất tích hồi tháng 9 năm 2014 và có thể là đã bị giết. Cho đến nay nhà chức trách Mêhicô vẫn chưa làm sáng tỏ được vụ này. Từ năm 2006 đến nay đã có hơn 70 ngàn người ở Mêhicô bị các băng đảng ma túy giết chết, bắt cức và hàng chục ngàn người mất tích.

Theo báo Milenio và Jornada số ra ngày 16-2-2016 ở Mêhicô, cha Lombardi chống lại toan tính tạo sức ép đòi ĐGH phải gặp cha mẹ của 43 học viên mất tích, nhân dịp ngài đến thăm thành phố Ciudad Juárez để cử hành thánh lễ chiều ngày 17-2 kết thúc cuộc viếng thăm Mêhicô.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican, truyền đi hôm 16-2-2016, Cha Lombardi nói: ”Tham dự thánh lễ của ĐTC tại Ciudad Juárez sẽ có rất nhiều người có liên hệ cách này hay cách khác với các vấn đề bạo lực khác nhau ở Mexico. Chúng ta biết rằng có 27 ngàn người mất tích, trong những năm gần đây: vì thế tôi không có tin ĐGH sẽ gặp riêng nhóm này hay nhóm kia. Ngài muốn tỏ cho tất cả mọi người sự gần gũi của ngài, sự hiện diện của ngài: ngài cầu nguyện cho tất cả mọi người và gần gũi tất cả”.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Thay đổi qui luật về việc chọn những người được rửa chân

Thay đổi qui luật về việc chọn những người được rửa chân

Pope Francis washes the feet of a boy at a correctional facility for minors on Holy Thursday

Hôm 21-1-2016, Phòng báo chí Tòa Thánh đã phổ biến thư của ĐTC Phanxicô gửi ĐHY Robert Sarah, Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và kỷ luật bí tích, để thông báo quyết định về vấn đề này, và Sắc lệnh của Bộ Phụng tự thay đổi qui luật trong sách lễ theo cùng chiều hướng trên đây.

Thư của ĐTC gửi ĐHY Sarah ký ngày 20-12-2014 có đoạn viết: ”Sau khi suy nghĩ chín chắn, tôi đi đến quyết định du nhập một sự thay đổi trong qui luật của Sách Lễ Roma. Vì thế, tôi qui định thay đổi qui luật theo đó những người được chọn để được rửa chân phải là đàn ông hoặc trẻ nam. Từ nay các vị mục tử của Giáo Hội có thể chọn những người tham dự nghi thức rửa chân trong số tất cả các thành phần dân Chúa. Ngoài ra, nên giải nghĩa thích đáng cho những người được chọn về ý nghĩa nghi thức rửa chân”.

Trong Sắc Lệnh ký ngày 6-1-2016, ĐHY Sarah và Đức TGM Tổng thư ký Arthur Roch của Bộ nhắc lại rằng cuộc cải tổ nghi thức Tuần Thánh với Sắc lệnh ”Maxima Redemptionis nostrae mysteria” (Các Mầu nhiệm quan trọng nhất của ơn cứu chuộc chúng ta, ngày 30-11-1955) cho phép cử hành nghi thức rửa chân cho 12 người đàn ông trong Thánh Lễ kỷ niệm Chúa lập phép Thánh Thể.. Khi cử hành nghi thức ấy, các GM và LM được mời gọi trở nên đồng hình dạng trong tâm hồn với Chúa Kitô, ”Đấng đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ” (Mt 20,28), và được tình yêu 'đến cùng' (Ga 13,1) thúc đẩy, hiến thân cho phần rỗi của toàn thể nhân loại.

Sắc lệnh nhắc đến quyết định của ĐTC Phanxicô thay đổi qui luật đó và qui định rằng ”Các mục tử có thể chọn một nhóm nhủ các tín hữu đại diện mỗi thành phần dân Chúa. Nhóm nhỏ ấy có thể gồm cả đàn ông lẫn phụ nữ, người trẻ, người già, người lành mạnh và bệnh nhân, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân”.

Do năng quyền ĐTC ban, Bộ Phụng Tự và kỷ luật bí tích du nhập sự đổi mới này vào trong các sách phụng vụ và nhắc nhớ các vị mục tử về nghĩa vụ giáo huấn thích hợp cho các tín hữu được chọn (rửa chân) cũng như cho những người khác, để họ tham gia nghi thức này một cách ý thức, tích cực và nhiều thành quả”.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha: các công việc bác ái là trọng tâm đức tin

Đức Thánh Cha: các công việc bác ái là trọng tâm đức tin

Đức Thánh Cha nhắc nhở  các công việc bác ái là trọng tâm đức tin

VATICAN. ĐTC Phanxicô nhắc nhở các tín hữu rằng các công việc từ bi bác ái là trọng tâm đức tin, là tiêu chuẩn phân biệt chân giả trong hành trình đức tin của chúng ta.

Trên đây là nội dung bài giảng thánh lễ sáng thứ năm, 7-1-2016, ĐTC cử hành tại nguyện đường Nhà Trọ Thánh Marta ở Nội thành Vatican. Việc cử hành thánh lễ tại đây được ĐTC mở lại, sau một thời gian tạm nhưng trong dịp lễ giáng sinh. Ngài diễn giải bài đọc thứ I trích từ thư thứ I của thánh Gioan Tông Đồ, trong đó thánh nhân nhắn nhủ các tín hữu ”hãy ở lại trong Chúa.. Người ở lại trong Chúa là người có Chúa Thánh Linh và để cho mình được Chúa hướng dẫn”. Thánh Gioan cũng cảnh giác các tín hữu đừng nghe theo bất kỳ tinh thần nào, hãy kiểm chứng chúng để xem chúng có từ Thiên Chúa hay không.

Từ giáo huấn trên đây của Thánh Gioan, ĐTC nhắc nhở mọi người hãy tập phân định những gì xảy ra trong tâm hồn mình, loại từ tinh thần thế tục làm cho chúng ta xa Chúa. Cần thực thi sự phân định ấy theo tiêu chuẩn mà thánh Gioan nêu lên: ”Tinh thần nào nhìn nhận Chúa Giêsu Kitô đã đến trong xác thể thì bởi Thiên Chúa, và tinh thần nào không nhìn nhận Chúa Giêsu thì không phải bởi Thiên Chúa”.

ĐTC nói: “Nếu chúng ta cảm thấy bao nhiêu ý tưởng, tâm tình tốt trong tâm hồn, nhưng nếu những thứ đó không đưa ta đến cùng Chúa là Đấng đã nhập thể làm người, nếu chúng không đưa ta đến gần tha nhân, đến người anh em, thì chúng không phải bởi Thiên Chúa. Vì thế thánh Gioan bắt đầu đoạn thư này bằng câu: ”Đây là giới răn của Thiên Chúa: chúng ta hãy tin nơi danh của Con Ngài là Đức Giêsu Kitô và chúng ta hãy yêu thương nhau… Chúng ta có thể để ra bao niêu kế hoạch mục vụ, sáng chế ra các phương pháp mới để đến gần dân, nhưng nếu chúng ta không theo con đường của Thiên Chúa nhập thể để đồng hành với chúng ta, thì chúng ta không đi đúng đường, đó là thái độ chống Kitô, là tinh thần thế gian.. Cụ thể là: những công việc từ bi bác ái chính là sự tuyên xưng cụ thể của chúng ta nơi Con Thiên Chúa nhập thể làm người: những công việc đó là viếng thăm người bệnh, cho kẻ đói ăn, săn sóc những người bị gạt bỏ.. Tại sao vậy? Thưa vì mỗi người anh em mà chúng ta phải yêu mến chính là thân thể của Chúa Kitô. Thiên Chúa đã nhập thể để đồng hóa với chúng ta. Người đau khổ chính là Chúa Kitô chịu khổ đau”. (SD 7-1-2016)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Phúc Chiếu của Đức Thánh Cha về thi hành luật giải hôn phối

Phúc Chiếu của Đức Thánh Cha về thi hành luật giải hôn phối

Đức Thánh Cha

VATICAN. Ngày 11-12-2015, Phòng báo chí Tòa Thánh đã phổ biến Phúc chiếu (Rescritto) của ĐTC Phanxicô về việc thi hành và tuân giữ qui luật mới ngài ban hành việc thủ tục giải hôn phối.

Phúc chiếu được ĐTC ký ngày 7-12-2015 (Rescritto ex audientia) nhắm tạo nên hòa hợp giữa thủ tục mới giải hôn phối với các qui luật riêng của Tòa Thượng Thẩm Rota ở Roma, trong khi chờ đợi cải tổ tòa án này.

Việc hòa hợp này trở nên cần thiết sau khi ĐTC ban hành hai Tự Sắc ”Chúa Giêsu là Thẩm Phán hiền lành (Mitis Iudex Dominus Iesus) và ”Chúa Giêsu hiền lành và thương xót” (Mitis et Misericors Iesus) ngày 15-8 năm nay để đơn giản và mau lẹ hóa thủ tục cứu xét để tuyên bố hôn nhân vô hiệu. Hai tự sắc này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 8-12-2015.

Một trong những quyết định của ĐTC là: ”Các luật cải tổ thủ tục giải hôn phối nói trên bãi bỏ hoàn toàn mọi luật lệ trái ngược với luật vừa bắt đầu có hiệu lực, luật chung cũng như luật riêng cho địa phương, hay luật đặc biệt, kể cả những luật đã được phê chuẩn dưới hình thức đặc biệt.

Trong một khoản khác, ĐTC qui định rằng Tòa Thượng Thẩm Rota hãy cứu xét các án xin giải hôn phối theo tinh thần nhưng không theo Tin Mừng, nghĩa là không bắt phải trả án phí luật sư, nhưng vẫn giữ nguyên nghĩa vụ luân lý của các tín hữu giàu có đóng góp theo công lý để giúp đỡ các án nghèo”.

Trong Phúc Chiếu, ĐTC cũng khẳng định rằng các luật vừa bắt đầu có hiệu lực muốn biểu lộ sự gần gũi của các gia đình bị thương tổn, và mong muốn rằng nhiều người đang phải sống trong thảm trạng hôn phối thất bại được hưởng hoạt động chữa lành của Chúa Kitô, qua các cơ cấu Giáo Hội, với mong ước họ sẽ trở thành các thừa sai mới của lòng Chúa Thương Xót đối với các anh chị em khác, mưu ích cho định chế gia đình”.

Bình luận của Đức Ông Pinto

Trong một bài bình luận ngắn đăng trên báo Quan sát viên Roma của Tòa Thánh, số ra chiều ngày 11–12-2015, Đức Ông Pio Vito Pinto, niên trưởng tòa Thượng Thẩm Rota (và là chủ tịch Ủy ban 9 người giúp ĐTC đi tới quyết định ban hành 2 tự sắc nói trên), nhận xét rằng Phúc chiếu gồm 2 phần:

– Trong phần thứ I: vì mỗi luật có tầm mức quan trọng như luật cải tổ thủ tục giải hôn phối, đều gặp sự chống đối, đó là điều dễ hiểu, nên ĐTC muốn tái khẳng định rằng luật mới nay đã ban hành thì đòi phải tuân giữ. (Như hồi ĐGH Gioan Phaolô 2 ban hành bộ giáo luật năm 1983 cũng có sự chống đối. Phúc chiếu hôm nay của ĐTC Phanxicô, cũng như hồi ĐGH Gioan Phaolô 2 công bố bộ giáo luật, vâng theo qui luật tối hậu là phần rỗi các linh hồn, và Người Kế Nhiệm thánh Phêrô là thầy đầu tiên và cũng là người phục vụ qui luật ấy.

– Phần thứ hai liên hệ tới Tòa Thượng Thẩm Rota là tòa án tông tòa, luôn nổi bật về sự khôn ngoan trong các quyết định xử án. (SD 11-12-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha trả lời thư của các trẻ em

Đức Thánh Cha trả lời thư của các trẻ em

Pope present image

VATICAN. ĐTC trả lời thư của các trẻ em viết cho ngài, và thư được gộp thành một cuốn sách sẽ được xuất bản.

 

31 lá thư viết tay có kèm theo hình vẽ do các trẻ em, từ 6 đến 13 tuổi, từ nhiều nước, gửi đến ĐTC và được ngài trả lời. Thư của các em và các thư trả lời của ĐTC được Cha Antonio Spadaaro dòng Tên và Ông Tom Grath thuộc nhà xuất bản Loyola Press ở Mỹ gộp thành một cuốn sách duy nhất với tựa đề ”Đức Giáo Hoàng Phanxicô thân mến, con muốn được một bữa ăn nhẹ với ngài” (Caro Papa Francesco, vorrei fare merenda con te), sẽ được Nhà xuất bản Loyola ấn hành vào tháng 3 năm tới, 2016, tại Mỹ bằng tiếng Anh và Tây ban nha.

 

Sách được ấn hành đồng thời tại Italia, Tây Ban Nha, Mêhicô, Ba Lan, Philippines và Ấn độ.

 

Sách này có nội dung đại diện cho 6 đại lục và 26 quốc gia, kể cả Albani, Siria, Trung Quốc, Kenya và Hoa Kỳ, mỗi miền có sự nhạy cảm khác nhau; cuốn sách nói lên nhiều đề tài và quan tâm chung, như lòng yêu mến sâu đậm đối với ĐGH Phanxicô, sự tò mò về đời sống của ngài, lo lắng về đời sau, một cảm thức mạnh mẽ về mặt xã hội cũng như dưới khía cạnh thân học, tầm quan trọng của gia đình, ước muốn được thấy và lắng nghe.

 

Các thư trả lời của ĐTC cho thấy xác tín của ngài theo đó các trẻ em chính là tương lai và cần lắng nghe tiếng nói của các em (SD 24-11-2015)

 

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha phê bình quan niệm duy lợi ích về con người

Đức Thánh Cha phê bình quan niệm duy lợi ích về con người

ĐTC 11-19-2015

VATICAN. ĐTC kêu gọi vượt thắng thứ văn hóa tiêu cực, chủ trương đón nhận hay loại bỏ con người theo tiêu chuẩn lợi ích.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 19-11-2015, dành cho 550 tham dự viên Hội nghị quốc tế lần thứ 30 do Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế tổ chức tại Vatican với chủ đề ”Nền văn hóa sức khỏe và đón tiếp phục vụ con người và trái đất”.

Hội nghị trùng vào dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Hội đồng này của Tòa Thánh và 20 năm công bố Thông điệp ”Tin Mừng Sự Sống” (Evangelium Vitae) của ĐTC Gioan Phaolô 2.

ĐTC nhận xét rằng ”Trong thông điệp này, chúng ta có thể tìm thấy những yếu tố cấu thành nền văn hóa sức khỏe, đó là: sự đón tiếp, thương xót, cảm thông và tha thứ. Đó là những thái độ Chúa Giêsu vẫn có đối với nhiều người túng quẫn đến gần Chúa mỗi ngày như các bệnh nhân nói chung, những người tội lỗi công khai, người bị quỷ á, bị gạt ra ngoài lề, người nghèo và ngoại kiều …

ĐTC cũng đề cao thái độ gần gũi tha nhân, vượt thắng mọi hàng rào quốc tịch, giai tầng xã hội, tôn giáo, như người Samaritano nhân lành trong dụ ngôn Phúc Âm dạy chúng ta. ”Sự gần gũi đó cũng vượt thắng thứ văn hóa theo nghĩa tiêu cực, tại các nước giàu cũng như nước nghèo, chủ trương rằng con người chỉ được tiếp nhận hay phủ nhận theo các tiêu chuẩn duy lợi ích, đặc biệt là tùy theo họ có lợi ích về mặt xã hội hoặc kinh tế hay không.. Não trạng này giống như cái gọi là ”y khoa theo ước muốn”: đây là một phong tục ngày càng phổ biến tại các nước giàu, theo đó người ta tìm cách kiện toàn thể lý bằng mọi giá, với ảo tưởng mãi mãi trẻ trung; đây là một phong tục đưa tới sự loại bỏ hoặc gạt ra ngoài lề những ai không có hiệu năng, những người bị coi là gánh nặng và gây phiền toái cho người khác” (SD 19-11-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha duy trì chương trình thăm Phi châu

Đức Thánh Cha duy trì chương trình thăm Phi châu

ĐHY Parolin Quốc vụ Khanh

VATICAN. Hôm 16-12-2015, ĐHY Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, xác nhận chương trình viếng thăm của ĐTC tại Phi châu vẫn được tiến hành như đã dự định, mặc dù có vụ khủng bố xảy ra tại Paris.

Riêng về chặng chót là Cộng hòa Trung Phi, nơi vẫn còn nhiều căng thẳng. ĐHY Quốc vụ khanh cho biết quyết định chung kết sẽ được đề ra tùy theo hoàn cảnh tại chỗ lúc ấy. ĐHY tuyên bố như trên trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Công Giáo ”Tương Lai” ở Roma.

ĐTC Phanxicô sẽ thăm 3 nước Phi châu: Kenya, Uganda và Trung Phi, từ ngày 25 đến 30-11 sắp tới.

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cũng nói với giới báo chí rằng: ”Chúng tôi đang sống trong một thế giới phức tạp, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục đi theo chiều hướng diễn ra cuộc viếng thăm của ĐTC như đã dự định và như ĐTC mong muốn.. Thứ năm ngày mai, 19-11, sẽ có một cuộc họp báo tại Phòng báo chí Tòa Thánh về cuộc viếng thăm này.”

LM giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh nói thêm rằng: Chúng ta phải can đảm, liên lỷ và khôn ngoan, nhưng cũng phải tiếp tục con đường của chúng ta với các nguyên tắc của mình. Từ lâu chúng tôi vẫn biết cuộc đối thoại và yêu thương là điều khó khăn và bị thử thách trong bối cảnh con người và lịch sử, nhưng nay là lúc làm chứng về điều ấy, ĐGH hướng dẫn chúng tôi trong vấn đề này, và chúng tôi sẽ làm”.

Cộng hòa Trung Phi là quốc gia đầu tiên và chính yếu ĐTC Phanxicô muốn viếng thăm. Cha Lombardi nói:

”ĐGH Phanxicô muốn nói về lòng thương xót và tình thương của Thiên Chúa, kể cả đối với các dân tộc Phi châu và những người bị thử thách nhiều nhất. Từ đó mới nảy sinh ý tưởng bắt đầu Năm Thánh tại Phi châu, không kể tại Roma. Việc mở Năm Thánh được khởi sự trước đối với một đại lục rất cần biến cố này (AGI 16-11-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Lớp Sáu (2015-2016): Bài Học 07

Lớp Sáu (2015-2016): Bài Học 07

Kể Chuyện theo Tranh

 

Kể chuyện theo tranh là một hình thức học ngôn ngữ rất thông dụng cho trẻ em từ Lớp Vỡ Lòng.  Qua hình ảnh, các em được hướng dẫn để kể những câu chuyện theo trí tưởng tượng.  Các em hãy xem ví dụ đầu tiên về một bức tranh sơn mài – “Dắt Trâu Trở Về” sau đây.

DatTrauTroVe

 

Phương Pháp:

Đây là các bước yêu cầu mà các em cần làm:

1) Quan sát tranh vẽ và liệt kê các danh từ, động từ, cụm danh từ hay cụm động từ có thể về bức tranh.

2) Nối tất cả các danh từ, động từ, cụm danh từ hay cụm động từ thành những họa đồ có ý nghĩa qua trí tưởng tượng của em.

3) Viết lại một đoạn văn hoàn chỉnh dựa trên những họa đồ mà em đã vẽ.

Lớp Sáu (2015-2016): Bài Học 06

Lớp Sáu (2015-2016): Bài Học 06

Nhà Thờ Saint Boniface

 

Đạo Công Giáo đã đến Orange County vào năm 1776, được truyền bá bởi Cha Thừa Sai Junipero Serra, Mission San Juan Capistrano.  Ngài vừa được phong hiển thánh năm 2015 do có nhiều đóng góp trong việc rao giảng Lời Chúa cho những thổ dân địa phương vào Thế Kỷ 18. Ngài có công thiết lập 21 Thánh Đường Truyền Giáo đặc sắc với phong cách Tây-Ban-Nha rất nổi tiếng dọc theo bờ biển California và còn tồn tại cho đến ngày nay.

 

VanHoaVietKhongBiTanBien

Dấu chỉ thời đại

Dấu chỉ thời đại

Thánh lễ tại nhà nguyện Martha 23 tháng 10 2015

Giảng trong thánh lễ sáng hôm nay (23-10) tại nhà nguyện thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ: “Thời đại đổi thay, mỗi Kitô hữu cũng phải không ngừng đổi mới. Điều này mời gọi mỗi người chúng ta – với một sự tự do và khồng hề sợ hãi – hãy vượt thoái khỏi một thứ chủ nghĩa an tâm (cho rằng chỉ cần làm theo những gì luật dạy là đủ) và một định kiến (chỉ biết kiên vững tin tưởng vào Đức Giêsu và chân lý của Tin Mừng), để biết uyển chuyển không ngừng mà nhận xét những dấu chỉ của thời đại.

Đức Thánh Cha bắt đầu bài giảng với những suy tư về các bài đọc, đặc biệt là bài trích thư Rôma. Đức Thánh Cha nói: “Thánh Phao-lô đã rao giảng cách rất hùng hồn rằng chúng ta đã được nhận lãnh ân sủng của sự tự do nơi Đức Giêsu. Đó là ân sủng được giải thoát khỏi tội lỗi, được tự do, được trở nên con cái của Thiên Chúa như Đức Giêsu. Chính ân sủng của sự tự do này khiến chúng ta có thể thân thưa với Thiên Chúa: ‘Cha ơi!’ Vì có tự do nên chúng ta phải mở lòng ra trước quyền năng của Thánh Thần và phải thấu hiểu những gì đang xảy ra trong nội tâm cũng như xung quanh bên ngoài chúng ta. Nếu như trước đây, chúng ta đã ‘nhìn vào trong’ để phân định những chuyển động nội tâm như: đâu là thần lành và điều gì đến từ sự thôi thúc của vị thần lành ấy; ngày hôm nay với đoạn Tin Mừng theo thánh Luca, chúng ta được mời gọi hãy ‘nhìn ra ngoài’ để biết nhận xét những gì đang diễn ra xung quanh chúng ta.”

Đức Thánh Cha tiếp tục bài giảng: “Mỗi người chúng ta đều có tự do để phân định. Nhưng để có thể phân định được, chúng ta phải biết rõ điều gì đang diễn ra.” Rồi ngài đặt vấn đề: “Vậy chúng ta có thể thực hiện việc phân định này như thế nào? Chúng ta có thể phân định điều mà Giáo Hội gọi là ‘nhận biết những dấu chỉ thời đại’ ra sao? Quả thật, thời đại thực sự đang đổi thay. Và một Kitô hữu khôn ngoan là người biết nhận xét những thay đổi này, biết nhận ra những khác biệt của thời đại và biết đọc ý nghĩa của những dấu chỉ trong thời đại ấy. Điều này có nghĩa là gì, hàm ý của điều kia thật sự ra sao? Chúng ta hãy luôn phân định như thế với một sự tự do, chứ đừng sợ hãi, run rẩy.”

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha cũng ý thức rằng đây không phải là một chuyện dễ dàng, vì có quá nhiêu yếu tố ngoại cảnh tác động và thậm chí những yếu tố ấy đã đưa lối khiến nhiều người rơi vào trạng thái dễ dãi, chấp nhận, không muốn phân định. Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta thường có thói quen bằng lòng với những điều người ta nói; với những điều mà ta đã nghe, đã đọc… Chúng ta cảm thấy thỏa mãn và dừng lại với những điều ấy. Tuy nhiên, chúng ta có tự do. Chúng ta có quyền để nhận xét, để phận định. Chúng ta phải hỏi chính mình rằng: Đâu là sự thật? Đâu mới là thông điệp mà Thiên Chúa muốn nói với chúng ta ngang qua những dấu chỉ của thời đại này?

Với những câu hỏi ấy, Đức Thánh Cha cũng đề xuất một gợi ý rất thực tế: “Để hiểu những dấu chỉ thời đại, điều cần thiết trước hết là phải biết thinh lặng: hãy thinh lặng và quan sát. Sau đó, hãy suy tư và phản tỉnh. Ví dụ, tại sao ngày hôm nay chiến tranh lại xảy ra liên miên như vậy? Đâu là lý do khiến một điều gì đó diễn ra? Tiếp đến, chúng ta hãy cầu nguyện. Như vậy, có ba bước trong việc phân định: tĩnh lặng, suy tư phản tỉnh và cầu nguyện. Chỉ khi làm như thế, chúng ta mới có thể hiểu được những dấu chỉ của thời đại. Dấu chỉ đó cũng chính là điều mà Đức Giêsu muốn ngỏ cùng chúng ta.

Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể sẽ bị cám dỗ mà lí luận rằng: ‘Làm sao tôi có thể phân định được, vì tôi đâu có được học hành nhiều. Tôi đâu có được đến trường, đâu có được học đại học…’ Nhưng việc phân định hay hiểu ý nghĩa của những dấu chỉ thời đại không phải là công việc dành riêng cho những người ưu tuyển hay những người học cao biết rộng. Không hề có một ngoại lệ nào cả. Thật vậy, Đức Giêsu đã không nói: ‘Kìa, hãy nhìn xem những sinh viên đại học, những tiến sỹ, những bậc trí thức đang phân định như thế nào mà học tập’. Nhưng trái lại, Ngài nói: ‘Hãy xem những người nông dân chân chất. Tuy họ đơn sơ mộc mạc nhưng lại có thể biết khi nào mưa đến, khi nào cây mọc. Họ có thể phân biệt được cỏ dại với lúa đồng’. Như vậy, với sự đơn sơ, chân thành cộng với việc thinh lặng, suy tư phản tỉnh và cầu nguyện; chúng ta có thể hiểu ý nghĩa của những dấu chỉ thời đại. Thời đại thay đổi và chúng ta, những Kitô hữu, cũng phải không ngừng đổi mới. Chúng ta đừng chỉ mãi nhắc lại điệp khúc “phải kiên vững vào niềm tin nơi Đức Giêsu, phải xác tín vào chân lý Tin Mừng’ nhưng chúng ta còn phải có đôi mắt rộng mở và một thái độ luôn biết uyển chuyển theo những dấu chỉ của thời đại. Nói khác đi, chúng ta đừng lấy lý do là phải ‘tin tưởng vào Đức Giêsu và phải xác tín vào chân lý Tin Mừng’ mà quên đi việc nhận xét, phân định những biến chuyển của thời đại.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha lập lại ý tưởng mà ngài đã triển khai lúc ban đầu: “Chúng ta tự do. Chúng ta tự do vì chính Đức Giêsu đã trao ban cho chúng ta ân sủng của sự tự do. Bởi thế, chúng ta không chỉ nhìn xem xét những chuyển động bên trong chúng ta. Chúng ta không chỉ phân định những suy nghĩ, tình cảm nội tâm nhưng còn biết phân định tất cả những gì đang diễn ra xung quanh, biết phân định cả những dấu chỉ của thời đại. Chúng ta có thể làm được điều đó bằng sự thinh lặng, suy tư phản tỉnh và cầu nguyện” (SD 23-10-2015).

Vũ Đức Anh Phương

Có ít nghị phụ kêu gọi cho người ly dị tái hôn rước lễ

Có ít nghị phụ kêu gọi cho người ly dị tái hôn rước lễ

Thượng Hội Đồng Giám Mục về vấn đề gia đình ly dị tái hôn

VATICAN. Trong cuộc họp báo hôm 19-10-2015 tại Phòng báo chí Tòa Thánh, Đức Cha Mark Benedict Coleridge, cho biết có ít nghị phụ ủng hộ cho người ly dị tái hôn rước lễ nói chung.

 Đức Cha Coleridge là TGM giáo phận Brisbane, Australia. Ngài nói: ”Tôi không nhớ có bài phát biểu nào trong đó một nghị phụ minh thị yêu cầu Giáo Hội cho những người ly dị tái hôn được rước lễ, nhưng có một số nghị phụ thỉnh cầu ĐTC có một cử chỉ thương xót trong Năm Thánh”.

 Đức TGM Coleridge cũng thú nhận rằng ngài biết có bao nhiêu phần trăm các nghị phụ ủng hộ hay chống việc cho các cặp ly dị tái hôn rước lễ, nhưng ý tưởng chấp nhận tổng quát cho các cặp này rước lễ có lẽ đang suy giảm, trái lại nảy sinh đề nghị xin ĐTC can thiệp về vấn đề này trong Năm Thánh”.

 Trong khi đó, hôm 19-10-2015, ĐHY Walter Kasper, người Đức, nguyên chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, tuyên bố rằng ”Tôi hy vọng một sự cởi mở của đa số các nghị phụ ủng hộ việc cho các cặp ly dị tái hôn được rước lễ, kèm theo một tiến trình hội nhập trong các giáo xứ và Giáo Hội”.

 Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Sir của HĐGM Italia, ĐHY nói: ”Những người ly dị tái hôn cũng là con cái Thiên Chúa, họ cũng cần được bánh sự sống.. Thánh Thể không phải dành cho những người tuyệt hảo, nhưng là cho người có tội và tất cả chúng ta đều là người tội lỗi” (Apic 19-10-2015)

 Mặt khác, ĐHY George Pell, Chủ tịch sở kinh tế của Tòa Thánh, chống lại chủ trương để cho mỗi HĐGM quyết định về việc cho những cặp ly dị tái hôn được rước lễ.

 Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Le Figaro (Người thợ cạo) số ra ngày 19-10-2015 tại Pháp, ĐHY Pell người Australia nói: ”Giáo Hội không thể nói với 2 người ở trong cùng một hoàn cảnh: với người ở Ba Lan thì nói rằng người ly dị tái hôn mà rước lễ thì mắc tội phạm thánh, còn với người ở Đức thì nói: rước lễ như thế là một nguồn ơn thánh. Nước Đức và Ba Lan là hai nước láng giềng”. Quả thực có 2 thứ thần học khác nhau, nhưng chỉ có một đạo lý duy nhất.

 Nhiều nghị phụ tại Thượng HĐGM hiện nay kêu gọi dành cho HĐGM địa phương nhiều thẩm quyền hơn và ĐTC Phanxicô cũng tuyên bố theo chiều hướng này hôm thứ bẩy 17-10-2015 trong buổi lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng HĐGM. Tuy nhiên, biện pháp cụ thể trong vấn đề này thế nào, người ta không biết.

 Trong cuộc phỏng vấn, ĐHY Pell cũng cho biết đề nghị cho người ly dị tái hôn được rước lễ trong từng trường hợp cũng không được đa số các nghị phụ ủng hộ. Trong số 248 nghị phụ đăng ký phát biểu trong Thượng HĐGM, chỉ có 20 vị ủng hộ giải pháp vừa nói.

 Ngoài ra, ĐHY Pell hy vọng từ Thượng HĐGM sẽ có một sự minh bạch hơn về thần học. Ngài nói: ”Chúng tôi chứng kiến một khuynh hướng thần học thứ 3 giữa hai chiều hướng của các vị người Đức: một quan điểm theo ĐHY Kasper, và một quan điểm theo Đức Ratzinger. Tôi hy vọng vào cuối Thượng HĐGM này sẽ có một sự minh bạch hơn (KNA 19-10-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Thượng Hội Đồng Giám Mục và vấn đề những người ly dị tái hôn

Thượng Hội Đồng Giám Mục và vấn đề những người ly dị tái hôn

Thượng Hội Đồng Giám Mục về vấn đề gia đình ly dị tái hôn

VATICAN. Trong các phiên khoáng đại vừa qua của Thượng HĐGM thứ 14 về gia đình, vấn đề cho những người ly dị tái hôn lãnh nhận các bí tích chiếm một phần lớn các bài phát biểu của các nghị phụ.

 Ví dụ trong phiên khoáng đại thứ 9, chiều ngày 14-10-2015, có những nghị phụ nói rằng trong một số trường hợp có thể cho những người ly dị tái hôn được lãnh các bí tích, cụ thể là xưng tội rước lễ, nếu họ ý thức mình sống trong tội lỗi và có ý chí không phạm tội nữa. Nhưng điều này có thể tiến hành theo 3 tiêu chuẩn: trước tiên là phân định từng trường hợp, thứ hai là cặp ly dị tái hôn phải có cung cách hành xử gương mẫu; sau cùng là chỉ lãnh nhận các bí tích trong những buổi cử hành đặc biệt quan trọng.

 Một số nghị phụ khác tái khẳng định rằng Giáo Hội không loại trừ một ai và Chúa Kitô không đến để chữa người lành, nhưng là người bệnh: vì thế những người ly dị tái hôn cần được tháp tùng, yêu thương và tha thứ, vì họ là thành phần của Giáo Hội và chi thể của Chúa Kitô, vì thế hậu quả dĩ nhiên là họ có thể lãnh nhận Thánh Thể.

 Một số vị khác đề nghị đừng giải thích giáo luật một cách cứng nhắc thái quá, đồng thời yêu cầu những người ly dị tái hôn đừng gây gương mù gương xấu. Vì nhiều khi người ta quên rằng ”Thánh Thể trước tiên có giá trị cứu độ cho linh hồn con người”. Từ đó các nghị phụ mong ước có một nền mục vụ thích hợp, có khả năng củng cố chứ không làm suy yếu đạo lý, khởi hành từ tiền đề chân lý là cuộc gặp gỡ với Con người Chúa Kitô và nếu nói về các bí tích như phương tiện duy nhất để lãnh nhận ân thánh thì sẽ khó đến gần những người đã cảm nghiệm một sự thất bại hoặc với người không tin. Nhưng điều quan trọng là Giáo Hội đừng tạo nên những ảo tưởng.

 Trong cuộc họp báo trưa ngày 15-10-2015, Cha Manuel Dorantes, cộng tác viên tiếng Tây Ban Nha, của cha Lombardi, Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, kể lại một sự kiện cảm động: một em bé lên rước lễ lần đầu, đã cầm Mình Thánh Chúa bẻ ra làm đôi và chia cho ba của em, lý do vì ông không được rước lễ vì là người ly dị tái hôn.

 Đức TGM Stanislaw Gadecki, TGM giáo phận Poznan, Chủ tịch HĐGM Ba Lan, nói rằng HĐGM Ba Lan tái khẳng định giả thuyết cho những người ly dị tái hôn dân sự được rước lễ, nếu họ tiếp tục sống trong tình trạng này, chiếu theo tông huấn Familiaris consortio về gia đình do Đức Gioan Phaolô 2 ban hành năm 1984. Đức TGM nói rằng ”Những người ly dị tái khôn không bị vạ tuyệt thông, và có nhiều cách thức tham gia vào đời sống Giáo hội. Ngài nhìn nhận rằng nhiều khi họ là những người có ước muốn được rước lễ, mạnh hơn những ai có thể rước lễ”.

 Về phần một nghị phụ người Mêhicô, ngài cho biết Thượng HĐGM không bao giờ có ý đi tới những quyết định về vấn đề cho những người ly dị tái hôn được rước lễ, nhưng chỉ đệ trình ĐTC những suy tư và quan điểm của mình để ngài quyết định.

 Các vấn đề khác

 Có những nghị phụ nói về sự cần thiết phải chuẩn bị hôn nhân một cách thích hợp cho những người trẻ, đặc biệt để ý tới đức tin của họ, vì sự thiếu đức tin cho thế làm cho hôn phối vô hiệu. Sự huấn luyện thích hợp về hôn phối sẽ tránh được nạn ly dị đang thịnh hành.

 Trong phiên họp khoáng đại thứ 8 vào ban sáng ngày 14-10-2015, trước sự hiện diện của 264 nghị phụ, một vài vị cũng đã đề cập đến sự thiếu đức tin có thể là nguyên nhân làm cho việc kết hôn bất thành.

 Có nghị phụ yêu cầu rằng trong việc tháp tùng những người trẻ chuẩn bị kết hôn, cần tránh những ngôn ngữ học đường như ”những khóa học tiền hôn nhân”. Nên thay tế bằng một sự đồng hành liên tục trong thời gian, theo dõi các gia đình trong mỗi giai đoạn, kể cả sau khi đã kết hôn.

 Trong bối cảnh này, các nghị phụ cũng nói về sự dòn mỏng của các gia đình, nhất là những gia đình bị sức ép chứ không tự ý chọn lựa. Ngoài ra không nên chỉ nói về sự phù hợp với đạo lý nhưng tháp tùng các gia đình bị thương hướng về tương lai, không nghiêm khắc phán đoán nhưng gì đã xảy ra trong quá khứ. Trong thực hành, cần có cái nhìn của người Samaritano nhân dành, trông thấy, đón tiếp, chữa lành và hội nhập, tiến hành không phải bằng cách áp đặt, nhưng bằng sự thu hút, nghĩa là qua chứng tá một cuộc sống khiêm tốn, đơn sơ, với kinh nguyện. Xét cho cùng, viễn tượng dịu dàng có thể là giải pháp cho bao nhiêu tình trạng lo âu.

 Giáo dục người trẻ

 Trong phiên khoáng đại thứ 11, chiều thứ năm, 15-10-2015, có sự hiện diện của ĐTC và 249 nghị phụ.

 Các bài phát biểu trong dịp này đề cập đến sự chuẩn bị thích hợp cho những người sắp kết hôn, hiểu như một hành trình đức tin dẫn đến cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Tiến trình này cũng phải bao gồm việc giáo dục về tính dục, ngày nay có nhiều thiếu sót. Thực vậy, tại các trường công lập, trong việc giáo dục về tình dục có hiện tượng tầm thường hóa các hoạt động này, và thu hẹp vào việc sử dụng các phương tiện ngừa thai.

 Theo các nghị phụ, nền giáo dục tính dục tại nhiều nơi thiếu một quan niệm Kitô về tính dục và tình yêu, và không sợ nói về sự khiết tịnh và giá trị của đức tính này.

 Một số bài phát biểu khác đề cập đến việc nhận con nuôi và nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ phẩm giá của trẻ vị thành niên và các quyền của cha mẹ tự nhiên, đồng thời khích lệ nền văn hóa tiếp đón và hội nhập.

 Về vấn đề sinh sản, các nghị phụ lưu ý về những thuốc phá thai và những nguy hiểm của chúng, nhiều khi ít được biết đến, cũng như những kỹ năng thụ thai nhân tạo, thường được đề nghị với mục đích kinh tế hơn là trị liệu. Trong lãnh vực này có nhiều sự thông tin sai trái không những cho các cặp vợ chồng nhưng cả nơi các linh mục. Vì thế Giáo Hội cần trở thành điểm tham chiếu vững chắc về luân lý, và có thể nhờ sự trợ giúp của các chuyên gia đa ngành, biết rõ vấn đề son sẻ của các đôi vợ chồng theo luân lý Công Giáo. (SD 16-10-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình tại Trung Đông

Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình tại Trung Đông

ĐTC họp Thượng HĐGM kêu ọi cầu nguyện cho hòa bình Trung Đông

VATICAN. ĐTC Phanxicô tái kêu gọi hòa bình cho Trung Đông trước tình trạng bạo lực ngày càng leo thang tại miền này.

Lên tiếng vào đầu phiên họp khoáng đại thứ 4 sáng hôm qua, 9-10-2015, của Thượng HĐGM thế giới, ĐTC nói:

”Khi tái nhóm họp khoáng đại sáng nay trong Thượng HĐGM, tôi muốn mời gọi anh chị em dành Kinh Giờ Ba này để cầu nguyện cho sự hòa giải và hòa bình tại Trung Đông. Chúng ta xúc động đau lòng và rất lo âu theo dõi những gì đang xảy ra tại Siria, Irak, Jerusalem và miền Cisjordani, nơi chúng ta đang chứng kiến bạo lực leo thang, gây hại cho các thường dân, những người vô tội và tiếp tục nuôi dưỡng cuộc khủng hoảng nhân đạo của rất nhiều người dân. Chiến tranh đưa tới tàn phá và gia tăng đau khổ cho dân chúng. Hy vọng và tiến bộ chỉ đến từ những chọn lựa hòa bình. Vì thế, chúng ta hãy hiệp nhau sốt sáng và tín thác cầu xin Chúa, một kinh nguyện đồng thời cũng muốn bày tỏ sự gần gũi với tất cả những người đang ở vùng Trung Đông.

Đồng thời, cùng với Thượng HĐGM, tôi tha thiết kêu gọi cộng đồng quốc tế, hãy tìm ra cách thức giúp đỡ hữu hiệu cho các phe liên hệ mở rộng chân trời, vượt lên trên những lợi lộc nhất thời và sử dụng các phương tiện của công pháp quốc tế, ngoại giao, để giải quyết các xung đột hiện nay”.

Sau cùng tôi cũng muốn chúng ta hiệp nguyện cho các vùng ở Phi châu đang sống những tình trạng xung đột tương tự. Xin Mẹ Maria, Nữ Vương Hòa Bình, và là người Mẹ yêu thương các con cái, chuyển cầu cho tất cả”.

Đức Thượng Phụ Youssif III Younan

Hôm 8-10-2015, trong cuộc gặp gỡ giới báo chí bên lề Thượng HĐGM, Đức Thượng Phụ Youssif III Younan, Giáo Chủ Công Giáo Siriac có trụ sở ở Liban, than phiền rằng: “Chúng tôi bị các nước Tây phương lãng quên và thậm chí bị phản bội. Dường như các nước ấy, Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu Châu, theo chính sách xu thời về kinh tế, đang lãng quên các nhóm dân thiểu số, nơi các nảy sinh đức tin và nền văn hóa Kitô”.

Trước đó, trong một cuộc họp báo, Đức Thượng Phụ Younan cho biết ”Khác với Phi châu, tại Trung Đông chúng tôi Kitô giáo đang giảm sút. Và quí vị biết rất rõ tại sao. Chúng tôi thực sự rất lo lắng và báo động vì tình trạng cộng đồng Kitô ở Cận Đông và Trung Động, và nhất là vì những thử thách kinh khủng các gia đình chúng tôi đang phải đương đầu. Họ bị phân rẽ và đang làm tất cả những gì có thể, để ra khỏi những tình trạng đó, nhất là tại Irak và Siria.

Đức Thượng Phụ cũng nói rằng: ”Chắc chắn chúng tôi, các GM, LM và Thượng Phụ, có nhiệm vụ giúp đỡ và mang lại niềm tín thác cho các tín hữu. Nhưng chúng tôi thực sự bất lực trước những tình trạng thực sự là thê thảm như vậy. Nhất là chúng tôi lấy làm tiếc vì không thành công trong việc thuyết phục những người trẻ của chúng tôi, các thế hệ trẻ, để họ ở lại quê hương, nơi sinh của Kitô giáo” (SD 8-10-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha chủ tọa phiên họp đầu tiên của Thượng HĐGM 14

Đức Thánh Cha chủ tọa phiên họp đầu tiên của Thượng HĐGM 14

ĐTC trong buổi họp đầu tiên Thượng HĐGM tại Vatican

VATICAN. Sáng thứ hai, 5-10, ĐTC Phanxicô đã khai mạc phiên khoáng đại đầu tiên của Thượng HĐGM thế giới 14 về ”ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo hội và trong thế giới ngày nay”.

Phiên họp bắt đầu với kinh giờ ba trước sự hiện diện của 258 nghị phụ. Trên bàn chủ tọa, ngồi quanh ĐTC còn có 4 vị HY Chủ tịch thừa ủy, ĐHY Tổng thư ký, ĐHY Tổng tường trình viên, và Đức TGM Tổng thư ký đặc biệt.

Thay mặt ĐTC điều hành phiên họp là ĐHY André Vingt-Trois, TGM Paris bên Pháp.

Huấn dụ của ĐTC

Trong lời khai mạc phiên họp, ĐTC nói: ”Như chúng ta biết, Thượng HĐGM là một sự đồng hành trong tinh thần đoàn thể và công nghị, can đảm chấp nhận sự biểu lộ chân lý trong tự do (parresía), lòng nhiệt mục vụ và đạo lý, sự khôn ngoan, thẳng thắn, luôn nghĩ đến thiện ích của Giáo Hội, của các gia đình, và qui luật tối thượng là phần rỗi các linh hồn.”

”Tôi muốn nhắc nhở rằng Thượng HĐGM không phải là một hội nghị, một phòng để nói, hay là một quốc hội, một nghị viện, nơi mà người ta thỏa thuận với nhau. Trái lại, Thượng HĐGM là một sự biểu hiện Giáo Hội, nghĩa là Giáo Hội đồng hành để đọc thực tại với con mắt đức tin, và với con tim của Thiên Chúa; Thượng HĐGM là Giáo Hội tự hỏi mình về sự trung thành với kho tàng đức tin, kho tàng này, đối với Giáo Hội, không phải là một bảo tàng viện để xem và càng không phải là một bảo tàng viện cần bảo tồn, nhưng là một nguồn mạch sinh động nơi mà Giáo Hội giải khát, và soi sáng kho tàng sự sống.”

”Thượng HĐGM nhất thiết phải tiến hành trong lòng Giáo Hội và trong dân thánh của Thiên Chúa, mà chúng ta là thành phần, trong tư cách là mục tử, tức là người phục vụ. Ngoài ra Thượng HĐGM là một không gian được bảo vệ, trong đó Giáo Hội cảm nghiệm hoạt động của Chúa Thánh Linh. Trong Thượng HĐGM, Chúa Thánh Linh nói qua ngôn ngữ của tất cả những người để cho Thiên Chúa hướng dẫn, Đấng luôn gây ngạc nhiên, vị Thiên Chúa tỏ mình ra cho những người bé mọn những điều mà Ngài giấu kín đối với những kẻ khôn ngoan và trí thức; vị Thiên Chúa đã lập nên luật lệ và ngày thứ bẩy vì con người chứ không ngược lại; Người bỏ 99 con chiên để tìm con chiên lạc; Ngời luôn luôn lớn hơn những tiêu chuẩn luận lý và những tính toán của chúng ta”.

ĐTC nói tiếp: ”Nhưng chúng ta cũng hãy nhớ rằng Thượng HĐGM chỉ có thể là một không gian hoạt động của Chúa Thánh Linh nếu chúng ta những than dự viên có lòng can đảm tông đồ, lòng khiêm tốn theo tinh thần Tin Mừng và cầu nguyện tín thác: lòng can đảm tông đồ không để cho mình sợ hãi đứng trước những cám dỗ của thế giới, không dập tắt nơi tâm hồn con người ánh sáng chân lý, thay thế nó bằng những tia sáng bé nhỏ và nhất thời, và cáng không sợ hãi đứng trước con tim chai đá của một số người, tuy có thiện ý, nhưng làm cho người người xa lìa Thiên Chúa; lòng can đảm tông đồ mang sự sống và không biết cuộc sống Kitô của chúng ta thành một bảo tàng viện những kỷ niệm; lòng khiêm tốn theo tinh thần Tin Mừng biết từ bỏ những hiệp ước riêng và những thành kiến, để lắng nghe các anh em giám mục và làm cho mình được đầy tràn Thiên Chúa, lòng khiêm tốn đưa tới sự chỉ tay không phải chống người khác, để xét đoán họ, nhưng để giơ ta ra với họ, nâng họ trỗi dây và không bao giờ cảm thấy mình ở trên họ”.

”Sự cầu nguyện tín thác là hoạt động của tâm hồn khi ta cởi mở đối với Thiên Chúa, khi ta làm cho tất cả những tiếng đồn của chúng ta im bặt để lắng nghe tiếng nói dịu dàng của Thiên Chúa, Đấng nói trong thinh lặng. Nếu không lắng nghe Thiên Chúa, thì những lời của chúng ta chỉ là những lời không làm mãn nguyện và vô ích. Nếu không để cho mình được Thánh Linh hướng dẫn, thì tất cả những quyết định của chúng ta chỉ là những đồ trang trí thay vì tuyên dương Tin Mừng thì lại che đậy và giấu kín Tin Mừng.”

ĐTC kết luận rằng: ”Anh em thân mến, như tôi đã nói, Thượng HĐGM không phải là một nghị viện nơi mà để đạt tới sự đồng thuận hoặc thỏa hiệp chung, người ta thương thuyết, kết ước với nhau hoặc nhượng bộ nhau, nhưng phương pháp duy nhất của Thượng HĐGM là cởi mở đối với Chúa Thánh Linh với lòng can đảm tông đồ, với lòng khiêm tốn theo tinh thần Phúc Âm, và với lời cầu nguyện tín thác, để chính Chúa hướng dẫn chúng ta, soi sáng và đặt trước mắt chúng ta, không phải những ý kiến cá nhân, nhưng là niềm tin nơi Thiên Chúa, lòng trung thành với Huấn quyền Hội Thánh, thiện ích của Giáo Hội và phần rỗi các linh hồn.”

ĐTC không quên cám ơn ĐHY Tổng thư ký và tất cả các chức sắc, các cộng tác viên của Thượng HĐGM,các nghị phụ, các đại biểu anh em, và mọi thành phần khác. Sau cùng ngài đặc biệt cám ơn các ký giả hiện diện cũng như các ký giả theo dõi từ xa vì sự tham gia và quan tâm.

Phát biểu của ĐHY Tổng thư ký

Tiếp đến ĐHY Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng HĐGM, lên tiếng. Ngài cám ơn ĐTC vì đã muốn ủy thác cho Thượng HĐGM một đề tài quan trọng, là gia đình, không những có liên quan tới các tín hữu Công Giáo mà thôi, nhưng tất cả các tín hữu Kitô và toàn thể nhân loại, chính vì thế gia đình ở trung tâm sứ mạng mục vụ của Giáo Hội.

ĐHY chào thăm tất cả các tham dự viên và cho biết tổng cộng Thượng HĐGM lần này có 270 nghị phụ chia làm 3 thành phần gồm 42 nghị phụ tham dự do chức vụ, 183 vị được bầu lên 45 vị do ĐTC bổ nhiệm. Các nghị phụ do chức vụ gồm 15 vị thủ lãnh các công nghị của các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, 25 vị đứng đầu các cơ quan trung ương Tòa Thánh, tiếp đến là vị Tổng thư ký và Phó Tổng thư ký của Thượng HĐGM. Ngoài ra có 14 đại biểu của các Giáo hội Kitô Anh em, như Chính Thống, Tin Lành, Anh giáo.

Xét về chức vụ của các nghị phụ có 74 Hồng Y, 6 Thượng Phụ, 1 TGM trưởng, 72 TGM, 102 GM, 2 cha sở và 13 cha dòng.

Thêm vào đó có 24 chuyên gia và 51 dự thính viên. Có 18 đôi vợ chồng tham dự công nghị này.

Tổng số những người có quyền lên tiếng trong Thượng HĐGM lần này là 318 người gồm các nghị phụ, các Đại biểu các Giáo Hội Kitô anh em và các dự thính viên.

ĐHY Baldisseri cũng nhắc lại rằng: Vì Thượng HĐGM hành động ”với Phêrô và dưới Phêrô” (cum Petro et sub Petro), là thủ lãnh và là người canh giữ đoàn chiên duy nhất của Chúa Kitô, nên công nghị GM này cũng là một sự biểu lộ đặc thù sự hiệp nhất của Giáo Hội Công Giáo được xây dựng trên nền tảng của các tông đồ, trong đó Simon Phêrô là đá tảng (Xc Mt 16,18), môn đệ được Thầy tuyển chọn để ”củng cố các anh em trong đức tin duy nhất” (Xc Lc 22,32).

ĐHY Tổng thư ký cũng nói đến hành trình dài của Thượng HĐGM về gia đình từ khóa họp đặc biệt hồi năm ngoái đến khóa họp thường lệ hiện nay. Mục đích chúng ta theo đuổi là ”Loan báo với niềm vui và lòng xác tín 'tin mừng” về gia đình'.

ĐHY Baldisseri gợi lại các giai đoạn mà Thượng HĐGM về gia đình đã trải qua, từ việc quyết định đề tài, đến việc soạn tài liệu đề cương để chuẩn bị, tham khảo ý kiến và soạn tài liệu làm việc. Trước đó là việc bổ nhiệm các chức sắc cho công nghị GM thế giới này. ĐTC đã quyết định bổ nhiệm thêm một vị Chủ tịch thừa ủy thứ tư là ĐHY Wilfried Napier, dòng Phanxicô, TGM giáo phận Durban ở Nam Phi.

Về phương pháp tiến hành khóa họp hiện nay, ĐHY Baldisseri cho biết Thượng HĐGM tiến hành theo 3 giai đoạn dựa theo 3 phần của tài liệu làm việc. Việc phát biểu của các nghị phụ cũng diễn ra theo sự phân chia như thế và tổng cộng có 18 phiên họp khoáng đại, 13 phiên họp nhóm được phân chia theo các ngôn ngữ, Ngoài ra, khi không có phiên họp nhóm. mỗi ngày từ 6 đến 7 giờ chiều có phần phát biểu tự do.

Sở dĩ có thay đổi trên đây vì các nghị phụ đã yêu cầu đề cao giá trị của các cuộc thảo luận nhóm, trong có có sự tham dự tích cực hơn vào cuộc trao đổi, sự đối chiếu trực tiếp và tức thời giữa các nghị phụ cùng một ngôn ngữ, và trong các phiên họp nhóm, các dự thính viên và đại biểu các Giáo Hội Kitô Anh em có thể lên tiếng.

Về Ủy ban soạn bản tường trình chung kết, ĐHY Baldisseri cho biết ĐTC đã bổ nhiệm một Ủy ban soạn Bản tường trình chung kết của Thượng HĐGM, đứng đầu là ĐHY Peter Erdoe, TGM Esztergom-Budapest bên Hungari, Tổng tường trình viên của Công nghị GM này và có 9 thành viên, đứng đầu là Đức Cha Bruno Forte, TGM Chieti-Vasto (Italia), Tổng thư ký đặc biệt của Thượng HĐGM thứ 14.

Ủy ban theo dõi và đúc kết mỗi phần của khóa họp. Bản tường trình chung kết sẽ được bỏ phiếu vào sáng thứ bẩy 24-10 rồi đệ lên ĐTC để tùy ngài quyết định.

Bản tường trình các cuộc hội thảo nhóm về 3 phần của công nghị sẽ được công bố và trong 3 tuần lễ nhóm họp, sẽ có những cuộc họp báo ngắn để tường trình cho giới báo chí về Thượng HĐGM. Có một số nghị phụ sẽ tham dự các cuộc họp báo này. Các nghị phụ được tự do thông tin cho giới báo chí theo sự suy xét và trách nhiệm của mình.

ĐHY Baldisseri nhắc lại điều ĐTC nhiều lần nhấn mạnh, theo đó Thượng HĐGM phải là một ”không gian được bảo vệ để Chúa Thánh Linh có thể hoạt động trong đó, và để các nghị phụ được tự do bày tỏ ý kiến một cách thẳng thắn và tự do”.

Phát biểu của ĐHY Tổng tường trình viên

Bài tường trình của ĐHY Baldisseri kết thúc lúc 10 giờ rưỡi. ĐTC và các nghị phụ được 30 phút giải lao và tái nhóm lúc 11 giờ, để nghe ĐHY Peter Erdoe, TGM Esztergom- Budapest, Hungari, Tổng tường trình viên, đã đọc một bản tường trình dẫn nhập, dựa trên 3 phần của tài liệu làm việc, cũng là 3 đề tài cho 3 giai đoạn thảo luận trong Thượng HĐGM lần này là:

Thứ 1. Lắng nghe những thách đố về gia đình (Tài liệu làm việc, nn.6-36)

Thứ 2. Phân định ơn gọi gia đình (Tài liệu làm việc, nn.37-38)

và sau cùng là Sứ mạng của gia đình ngày nay (Tài liệu làm việc, nn.69-147).

ĐHY lần lượt quảng diễn nội chung của ba phần trên đây, dựa theo đó, các nghị phụ và các dự thính viên, các đại biểu anh em sẽ trình bày ý kiến, trong các phiên khoáng đại cũng như trong các cuộc thảo luận nhóm được phân chia tùy theo ngôn ngữ.

Sau bài của ĐHY Erdoe, các nghị phụ đã nghe một dự thính viên phát biểu, trước khi đến lượt các nghị phụ lên tiếng cho đến khi phiên họp thứ I kết thúc lúc 12 giờ rưỡi.

Các nghị phụ tiếp tục phát biểu cả trong phiên khoáng đại thứ hai vào ban chiều từ lúc 4 giờ rưỡi đến 7 giờ. Trong phiên này, có phần phát biểu tự do từ lúc 6 đến 7 giờ tối.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Tòa Thánh đình chỉ chức vụ Đức Ông đồng tính

Tòa Thánh đình chỉ chức vụ Đức Ông đồng tính

Theo tin từ thông tấn xã AP từ Vatican cho biết, hôm ngày thứ bảy 3 tháng 10 năm 2015, tòa thánh đã đình chỉ chức vụ của Đức Ông Krzysztof Charamsa, đã tuyên bố là người đồng tính ngay trong đêm buổi họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới để bàn thảo các vấn đề về đồng tính, những người ly dị, và gia đình công giáo truyền thống.

Tòa Thánh đã có hành động ngay, sau khi cựu Đức Ông Krzysztof Charamsa trả lời phỏng vấn với nhà báo là ông rất hãnh diện là linh mục đồng tính và hiện đang có quan hệ tình cảm với một người bạn trai của ông.

Theo lời Đức Ông Federico Lombardi cho biết, Những lời tuyên bố quyết định trên trong đêm đại hội thật là nghiêm trọng và vô trách nhiệm, vì nhắm tới mục đích của đại hội dưới áp lực của các cơ quan truyền thông.

Kết quả theo sau đó là Charamsa không còn giữ chức vụ nào tại Vatican và trường đại học Giáo Hoàng. Tạm thời vẫn còn là một linh mục nhưng sẽ có những biện pháp mạnh hơn đối với Charamsa sau đó.

Charamsa, 43 tuổi, ban đầu dự một cuộc họp báo ở phía trước của Tòa Thánh Vatican, Bộ Giáo Lý Đức Tin của văn phòng, nhưng sau đó Vatican đã chuyển ông đến trung tâm Rome. Ông đã cùng đi với người bạn trai của mình, đó là Eduard.

Thái Trọng

Họp báo của ĐHY Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục

Họp báo của ĐHY Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục

Họp báo của ĐHY tổng thư ký thượng hội đồng giám mục

VATICAN. Trong Thượng HĐGM thế giới bắt đầu từ ngày 4-10-2015, mỗi nghị phụ được chỉ phát biểu tối đa 3 phút trong phiên khoáng đại, nhưng có quyền nói nhiều hơn trong các cuộc hội thảo nhóm và trao đổi tự do.

Trên đây là một trong những điểm mới mẻ trong phương pháp tiến hành Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 14 về gia đình, sẽ khai diễn chúa nhật ngày 4-10-2015, với thánh lễ trọng thể do ĐTC chủ sự lúc 10 giờ sáng tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Thành phần tham dự

Trong cuộc họp báo sáng ngày 2-10-2015 tại Vatican, ĐHY Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng HĐGM, cho biết có 270 người tham dự Công nghị GM thế giới lần này, chia làm 3 thành phần gồm 42 nghị phụ tham dự do chức vụ, 183 vị được bầu lên (trong đó có Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch HĐGM Việt Nam và Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, GM Phó Xuân Lộc. Hai vị được các GM VN bầu lên), 45 vị do ĐTC bổ nhiệm. Các nghị phụ do chức vụ gồm 15 vị thủ lãnh các công nghị của các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, 25 vị đứng đầu các cơ quan trung ương Tòa Thánh, tiếp đến là vị Tổng thư ký và Phó Tổng thư ký của Thượng HĐGM. Ngoài ra có 14 đại biểu của các Giáo hội Kitô Anh em, như Chính Thống, Tin Lành, Anh giáo.

Xét về chức vụ của các nghị phụ có 74 Hồng Y, 6 Thượng Phụ, 1 TGM trưởng, 72 TGM, 102 GM, 2 cha sở và 13 cha dòng.

Thêm vào đó có 24 chuyên gia và 51 dự thính viên. Có 18 đôi vợ chồng tham dự công nghị này.

Tổng số những người có quyền lên tiếng trong Thượng HĐGM lần này là 318 người gồm các nghị phụ, các Đại biểu các Giáo Hội Kitô anh em và các dự thính viên.

Phương pháp tiến hành

ĐHY Baldisseri cho biết Thượng HĐGM tiến hành theo 3 giai đoạn dựa theo 3 phần của tài liệu làm việc. Việc phát biểu của các nghị phụ cũng diễn ra theo sự phân chia như thế và tổng cộng có 18 phiên họp khoáng đại, 13 phiên họp nhóm được phân chia theo các ngôn ngữ, Ngoài ra, mỗi ngày từ 6 đến 7 giờ chiều có phần phát biểu tự do.

Sở dĩ có thay đổi trên đây vì các nghị phụ đã yêu cầu đề cao giá trị của các cuộc thảo luận nhóm, trong có có sự tham dự tích cực hơn vào cuộc trao đổi, sự đối chiếu trực tiếp và tức thời giữa các nghị phụ cùng một ngôn ngữ, và trong các phiên họp nhóm, các dự thính viên và đại biểu các Giáo Hội Kitô Anh em có thể lên tiếng.

 3 đề tài cho 3 giai đoạn thảo luận trong Thượng HĐGM lần này là:

 1. Lắng nghe những thách đố về gia đình (Tài liệu làm việc, nn.6-36)

 2. Phân định ơn gọi gia đình (Tài liệu làm việc, nn.37-38)

 3. Sứ mạng của gia đình ngày nay (Tài liệu làm việc, nn.69-147).

 Ủy ban soạn bản tường trình chung kết

 ĐTC đã bổ nhiệm một Ủy ban soạn Bản tường trình chung kết của Thượng HĐGM, đứng đầu là ĐHY Peter Erdoe, TGM Esztergom-Budapest bên Hungari, Tổng tường trình viên của Công nghị GM này và có 9 thành viên, đứng đầu là Đức Cha Bruno Forte, TGM Chieti-Vasto (Italia), Tổng thư ký đặc biệt của Thượng HĐGM thứ 14.

Ủy ban theo dõi và đúc kết mỗi phần của khóa họp. Bản tường trình chung kết sẽ được bỏ phiếu vào sáng thứ bẩy 24-10 rồi đệ lên ĐTC để tùy ngài quyết định.

Bản tường trình các cuộc hội thảo nhóm về 3 phần của công nghị sẽ được công bố và trong 3 tuần lễ nhóm họp, sẽ có những cuộc họp báo ngắn để tường trình cho giới báo chí về Thượng HĐGM. Có một số nghị phụ sẽ tham dự các cuộc họp báo này. Các nghị phụ được tự do thông tin cho giới báo chí theo sự suy xét và trách nhiệm của mình.

ĐHY Baldisseri nhắc lại điều ĐTC nhiều lần nhấn mạnh, theo đó Thượng HĐGM phải là một ”không gian được bảo vệ để Chúa Thánh Linh có thể hoạt động trong đó, và để các nghị phụ được tự do bày tỏ ý kiến một cách thẳng thắn và tự do”.

Sau cùng, chiều tối thứ bẩy 3-10 này, ĐTC sẽ chủ sự buổi canh thức tại Quảng trường Thánh Phêrô để cầu nguyện cho Thượng HĐGM về gia đình. Hiện diện tại buổi cầu nguyện có các nghị phụ, các tham dự viên khác của công nghị GM thế giới nà, và các tín hữu, theo sáng kiến của HĐGM Italia là cơ quan mời các gia đình, các phong vào và hội đoàn của Giáo Hội đến dự. (SD 2-10-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio