Sự ngạc nhiên tốt đẹp: cha Lombardi bình luận cuốn sách mới về ĐGH Biển đức XVI

Sự ngạc nhiên tốt đẹp: cha Lombardi bình luận cuốn sách mới về ĐGH Biển đức XVI

Nguyên GH Biển đức XVI

Ngày hôm nay, cuốn sách “Biển đức XVI. Những cuộc trò chuyện cuối cùng” sẽ được phát hành bằng tiếng Ý trên toàn thế giới.

Cuốn sách thuật lại các cuộc phỏng vấn của ký giả người Đức Peter Seewald với Đức Giáo hoàng danh dự, bao gồm những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của ngài, từ thời niên thiếu dưới chế độ Đức quốc xã, việc khám phá ơn gọi, những năm khó khăn trong chiến tranh, phục vụ ở Vatican và mối liên kết chặt chẽ với thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cho đến cuộc bầu Giáo hoàng và quyết định từ nhiệm. Đức Giáo hoàng danh dự cũng nói về Đức Giáo hoàng Phanxicô, bày tỏ sự ngạc nhiên và rồi vui mừng vì việc bầu Đức Phanxicô chứng tỏ rằng Giáo hội sống động, linh hoạt và không cứng nhắc trong những chương trình và điều này đáng khen ngợi và khuyến khích.

Cha Federico Lombardi, nguyên là Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh và đương kim chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ Joseph Ratzinger-Benedetto XVI của Vatican đã nhận định:  cuốn sách mới thuật lại cuộc phỏng vấn với Đức Biển đức XVI, được phát hành bằng các thứ tiếng khác nhau, chắc chắn đối với nhiều người là một ngạc nhiên, nhưng chúng ta có thể nói đó là một sự ngạc nhiên tốt đẹp.”

Cha Lombardi phân tích: “Một ngạc nhiên theo nghĩa là, Đức Biển đức đã đưa ra một chọn lựa rõ ràng là dành đời mình cho cuộc sống cầu nguyện và suy tư. Có lẽ chúng ta không chờ đợi việc xuất bản một cuộc trò chuyện mới, dài, với một ký giả. Một ngạc nhiên tốt đẹp, vì, vượt qua sự ngạc nhiên ban đầu, việc đọc cuốn sách cách thong thả giúp chúng ta nhận ra những viên ngọc rất quý giá và có giá trị lớn lao, những viên ngọc hữu ích và thú vị. Những viên ngọc quý giá, theo tôi, có 2 điều, nằm trong phần I và chương cuối của phần III của cuốn sách”. Theo cha, hai điều quan trọng là: chứng tá của Đức Biển đức trong giai đoạn cuối đời và lý do ngài từ chức.

Cha Lombardi nhận định: “Điều đầu tiên và chính yếu là kinh nghiệm thiêng liêng cảm động của vị Giáo hoàng danh dự cao tuổi “trong hành trình đạt đến sự hiện diện của Thiên Chúa. Tóm lại, Đức Biển đức XVI nói cách bình thản về việc ngài đang sống thế nào trong chiêm niệm và cầu nguyện giai đoạn cuối cùng của cuộc sống. Thánh Gioan Phaolô II đã cho chúng ta chứng tá quý giá về cách ngài chịu đựng trong đức tin sự đau đớn nặng nề của bệnh tật. Đức Biển đức XVI cho chúng ta chứng tá của con người của Thiên Chúa, tuổi già chuẩn bị cho cái chết. Ngài nói với cung giọng khiêm nhường và của con người trong nhận biết sự yếu đuối thể lý làm cho ngài khó mà luôn luôn ở mãi được, như ngài mong muốn, trong “đỉnh cao của tinh thần”. Ngài nói với chúng ta về mầu nhiệm lớn lao của Thiên Chúa, về những câu hỏi lớn đã theo ngài trong đời sống thiêng liêng và tiếp tục theo ngài, và có thể là ngày càng trở nên lớn hơn, giống như sự hiện diện của sự dữ trong thế giới. Ngài nói với chúng ta đặc biệt về Chúa Giêsu Kitô, tâm điểm thật sự của cuộc đời của ngài mà ngài “thấy ngay trước mặt” ngài, “luôn luôn vĩ đại và mầu nhiệm”, và sự thật là bây giờ ngài tìm thấy “rất nhiều lời của Tin Mừng, vì sự cao cả và nghiêm trọng của các lời này, khó khăn hơn ngài nhận thấy trong quá khứ”.

Đức Giáo hoàng già yếu sống sự tiếp cận với ngưỡng cửa của mầu nhiệm “không rời bỏ sự chắc chắn của nền tảng của đức tin và lưu lại, và như thế nói là “đắm mình trong đức tin”. “Chúng ta nhận ra rằng cần phải khiêm tốn, nhận ra là nếu người ta không hiểu lời Kinh thánh, người ta phải chờ đợi cho đến khi Thiên Chúa mở ra cho chúng ta hiểu biết.

Đức Biển đức nói cách thanh thản về cái nhìn về cuộc sống quá khứ của ngài và “gánh nặng tội lỗi”, về hối tiếc đã không làm đủ cho người khác, nhưng cả sự tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa, về thực tế là vào giây phút gặp gỡ “ngài sẽ cầu nguyện xin được Thiên Chúa khoan dung với sự đau khổ của ngài” và với sự xác tín rằng trong cuộc sống vĩnh cửu “ngài sẽ thật sự được về nhà””.

Cha Lombardi nói về khía cạnh quan trọng thứ hai: “Bên cạnh viên ngọc thật sự nền tảng này, từ một cấp độ khác – thấp hơn nhưng nổi bật – được đánh giá cao, đó là câu trả lời rõ ràng và bình thản cho tất cả những suy đoán vô căn cứ về lý do ngài từ chức vụ Giáo hoàng, giống như là do gặp phải những khó khăn từ các bê bối và các âm mưu. Được những câu hỏi của ký giả Seewald gợi lên, chính Đức Biển đức XVI đã quyết định làm rõ vấn đề, theo cách chúng ta hy vọng dứt khoát, ngài nói về hành trình phân định mà qua nó ngài đến trước Thiên Chúa với quyết định, và với sự thanh thản ngài đã thông báo và thực hiện mà không có sự phân vân và không bao giờ hối tiếc. Ngài khẳng định là quyết định được đưa ra không phải do áp lực của các vấn đề bức xúc, nhưng đúng hơn, chỉ khi những vấn đề này đã được khắc phục về cơ bản. “Tôi đã có thể phải từ chức chính vì những vấn đề đó đã trở lại bình an”. Đây không phải là một cuộc rút lui dưới áp lực của những sự kiện hay một cuộc trốn chạy vì không đủ khả năng đối phó với nó”.

Theo cha Lombardi, những lời của Đức Biển đức vừa trả lời cho những đồn thôi vô căn cứ về quyết định của ngài, vừa cho thấy tính hợp lý và thuyết phục của nó. Khi ngài thấy không còn thích hơp cho việc thi hành trách nhiêm điều hành Giáo hội vì những lý do thể lý và tâm lý thì việc từ chức là nghĩa vụ và bình thường. Cha cũng nhận xét, có thể việc biện phân của Đức Biển đức trong trường hợp này sẽ giúp cho các vị kế nhiệm một khả năng chọn lựa  dễ dàng theo.

Cha Lombardi cũng đưa ra một số đề tài thú vị khác như: suy tư của Đức Biển đức về việc tham dự Công đồng Vatican II, việc cộng tác với thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, suy tư thần học, vv.

Cha Lombardi kết luận: Ngay cả cái nhìn về triều đại Giáo hoàng, trong những điểm sáng và giới hạn của ngài, sáng suốt và thanh thản, giống như thích hợp với những ai “đếm tháng ngày của mình” đã học được cách nhìn vào các sự kiện của thế giới này với “sự khôn ngoan của trái tim” (x. Tv 90), và có thể phó thác cuộc đời và hoạt động cho Thiên Chúa với sự tin tưởng”. (RV 09/09/2016)

Đức Giáo hoàng mời 1500 người nghèo dùng bữa pizza

Đức Giáo hoàng mời 1500 người nghèo dùng bữa pizza

Pope invited 1500 poor people to eat pizza 1

Vatican – Hôm qua, ngày 4/9, nhân lễ tôn phong hiển thánh cho mẹ Têrêsa Calcutta, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã quyết định mời 1500 người nghèo khổ dùng bữa trưa với món chính là pizza Napoletana, một loại pizza xuất phát từ thành phố Napoli (Naples).

Theo một thông cáo từ Vatican, các thực khách là “những người nghèo khổ, đặc biệt là những người trú ngụ tại các nhà của các nữ tu Thừa sai Bác ái của Mẹ Têrêsa; họ đến từ khắp nước Ý, gồm các nhà ở Milan, Florence, Naples và tất cả các nhà ở Roma. Họ đã di chuyển trên nhiều xe bus suốt đêm về Roma để dự lễ phong thánh Mẹ Têrêsa Calcutta. Trong Thánh lễ họ ngồi ở phần dành riêng cho họ, gần tượng Thánh Phêrô, nghĩa là phần trên của quảng trường Thánh Phêrô, thường được gọi là “Reparto San Pietro” (khu vực Thánh Phêrô).

Sau Thánh lễ, các vị khách này đã đi vào đại thính đường Phaolô VI tại Vatican để dùng bữa trưa, chủ yếu là pizza theo kiểu thành phố Naples. 250 nữ tu cùng với 50 tu huynh Thừa sai Bác ái của Mẹ Têrêsa, cùng với một số người tình nguyện đã phục vụ bữa ăn. Một đội ngũ gồm 20 đầu bếp đã chuẩn bị phần pizza với 3 lò nướng lớn. (RV 4/9/2016)

Hồng Thủy

Tài khoản Instagram của ĐGH đạt 3 triệu người theo dõi

Tài khoản Instagram của ĐGH đạt 3 triệu người theo dõi

Tài khoản Instagram của ĐGH trên một điện thoại di động

Sau 20 tuần sử dụng với 143 “post”, bao gồm các video, tài khoản Instagram của Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đạt đến con số hơn 3 triệu người theo dõi (followers).

Trong khi tài khoản Twitter của Đức Giáo hoàng được đăng bằng 9 ngôn ngữ khác nhau, tài khoản Instagram chỉ có một, nhưng mỗi “post” có phụ đề bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Các followers của tài khoản @franciscus có thể theo dõi các hoạt động của Đức Thánh Cha nhờ các hình chụp các sự kiện chính thức do các thợ chụp hình của báo Osservatore Romano thực hiện.

Vào đầu năm nay, khi tài khoản Twitter của Đức Thánh Cha bắt đầu hoạt động, Đức ông Dario Viganò, Bộ trưởng bộ Truyền thông cho biết: quyết định mở một tài khoản Instagram xuất phát từ việc Đức Giáo hoàng chắc chắn là các hình chụp có thể bày tỏ nhiều điều mà ngôn ngữ không thể làm được. Mục đích của tài khoản Instagram của Đức Giáo hoàng là kể về lịch sử triều đại Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô qua các hình ảnh. (RV 8/8/2016)

Hồng Thủy Op

Hành hương đi bộ từ Roma đến Cracovia dự đại hội Giới trẻ

Hành hương đi bộ từ Roma đến Cracovia dự đại hội Giới trẻ

Map from Rome to Krackow Poland

Philadelphia – Chỉ mất 9 giờ đồng hồ để bay từ Philadelphia đến phi trường Gioan Phaolô II ở Cracovia để tham dự Đại hội Giới trẻ Quốc tế diễn ra từ 26-31 tháng 7 ở thành phố này. Nhưng có một số người đã chọn những cách di chuyển khác để có những cảm nghiệm riêng. Andrew Dierkes, 23 tuổi, thuộc Giáo xứ thánh Agata và thánh Giacôbê đã chọn bay từ Philadelphia đến Roma và từ Roma, anh đã cùng với một nhóm 4 người khác làm một cuộc hành hương đi bộ đến Ba Lan.

Vào ngày 21 tháng 5, sau Thánh lễ tại nhà nguyện hầm mộ Ba Lan tại vatican, Dierkes cùng với 4 du khách có cùng suy nghĩ, khởi hành đi bộ cho “Năm Hành hương Lòng Thương xót” đến Cracovia. Họ đi bộ khoảng 20 đến 25 dặm mỗi ngày (34 – 42 km một ngày). Trong cuộc hành trình họ theo tinh thần khất thực thời Trung cổ, dựa vào sự tiếp đón của người khác; họ thường qua đêm tại các đan viện và các cơ sở của các giáo xứ.

Đứng đầu nhóm là Ricardo Simmonds, 35 tuổi, nguyên giám đốc của trung tâm Newman của Đại học Pensylvania và sáng lập nhóm Denver-based Creatio, một nhóm tổ chức các cuộc truyền giáo cho giới trẻ. Cố vấn của nhóm là Ann Sieben, 52, nguyên là kỹ sư nguyên tử, cũng là người đã sống tinh thần khất thực, đã 9 năm hành hương như một hành khất đến các đền thánh. 2 người khác là Rafael Maturo, 23 tuổi, đến từ Peru và Nick Zimmerman, 22 tuổi, từ Denver. Các chàng thanh niên này đều đang suy nghĩ về ơn gọi tu trì.

Trước đây Dierkes đã nghĩ đến việc hành hương đi bộ từ Pháp đến Tây ban nha theo “Con đường của Thánh Giacôbê” nhưng đã không thực hiện được. Trong một email gửi trong cuộc hành trình anh viết: “Thành thật là tôi không hiểu tại sao, nhưng tôi tin Chúa đã gọi tôi làm cuộc hành hương đi bộ này. Ao ước làm điều này đã được đặt trong lòng tôi từ lâu trước khi cơ hội đến, và thời cơ và cơ hội đã làm cho nó thành hiện thực. Hành trình của nhóm đi qua các thành phố và làng mạc của Italia, Đức, Áo, Cộng hòa Czech và cuối cùng là Ba Lan. Dự tính là họ sẽ đến Đền Thánh Lòng Chúa Thương Xót ở Cracovia vào khoảng ngày 25 tháng 7. Khoảng cách từ Roma đến Cracovia là gần 1700 km nhưng họ phải đi vòng nên sẽ trải qua khoảng 2000 km.

Dù họ không phải chi trả cho việc cư trú nhưng họ phải mua thức ăn cho mình trừ khi được các chủ nhà cung cấp. Dierkes cho biết là bản tính của anh không thích làm phiền người khác nên anh rất để ý đến những cố gắng của các chủ nhà để giúp họ. Nhưng cũng nhờ thế anh nhận ra sự sẵn lòng đón tiếp các anh. Đối với một số người, sự hiện diện của nhóm là một món quà. Dierkes cũng chia sẻ, từ khía cạnh thiêng liêng, “cuộc hành trình này là một cuộc khảo sát nhỏ của Giáo hội và là một cuộc gặp gỡ với các Kitô hữu sống Tin Mừng. Họ nhận ra Chúa Kitô trong những người bé nhỏ nhất của anh chị em họ và vui lòng, ngay cả khiêm nhường, cung cấp cho nhu cầu của họ”.

Một phần thiết yếu của cuộc hành hương đó là cầu nguyện, và nó đã là thử thách cho Dierkes lúc đầu khi đặt nó vào nhịp sống hàng ngày và cân bằng giữa những khía cạnh thiêng liêng và vật chất của cuộc hành hương. Thánh lễ Chúa nhật là bắt buộc, nhưng cả Thánh lễ hàng ngày bất cứ khi nào nhóm ngừng lại ở nơi có Thánh lễ. Và họ cũng tham dự các giờ kinh phụng vụ khi nghỉ tại các đan viện.

Kinh nghiệm của cuộc hành hương này sẽ thay đổi cuộc sống của Dierkes thế nào, theo anh thật khó nói.  Nhưng anh tưởng tượng có những hạt giống được gieo trồng trong cuộc hành hương này và sẽ trưởng thành theo thời gian. Sau này, khi nhìn lại, anh có thể đánh giá cao chuyến hành hương này hơn là hiện tại bây giờ. (CNS 22/7/2016)

Hồng Thủy Op

Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, tân GM Phụ Tá Sàigòn

Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, tân GM Phụ Tá Sàigòn

Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, tân GM Phụ Tá Sàigòn

VATICAN. Ngày 25-6-2016, Phòng Báo Chí Tòa Thánh thông báo: ĐTC Phanxicô đã bổ nhiệm Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng làm tân Giám Mục Phụ Tá Tổng giáo phận Sàigòn.

Đức Cha Đỗ Mạnh Hùng năm nay 58 tuổi, sinh ngày 15-9-1957 tại Sàigòn (từ năm 1975 là Hồ Chí Minh City). Từ 1968 đến 1976 theo học tại tiểu chủng viện thánh Giuse, Sàigòn, và từ 1976 đến 1982 học tại Đại chủng viện Thánh Giuse cũng thuộc tổng giáo phận Sàigòn. Từ 1993 đến 1998, học thần học tại Học viện Công Giáo Paris, Pháp, và đậu tiến sĩ.

Sau khi thụ phong linh mục ngày 30-8-1990, Cha Giuse Hùng đảm nhận các trách vụ sau đây: phó xứ và giáo sư Đại chủng viện (1990-1993); linh hướng và giáo sư tại Đại chủng viện (1998-2011); Phó Giám đốc Đại chủng viện (2011-2014); từ năm 2001: Bề trên hiệp hội linh mục Prado; từ 2005: thư ký Ủy ban GM về giáo sĩ và chủng sinh; từ năm 2014: chưởng ấn tòa GM và bí thư của Đức TGM. (SD 25-6-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Tòa Thánh lên tiếng về vụ Đức Cha Mã Đạt Khâm

Tòa Thánh lên tiếng về vụ Đức Cha Mã Đạt Khâm

Tòa Thánh lên tiếng về vụ Đức Cha Mã Đạt Khâm

VATICAN. Cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh lên tiếng về vụ Đức Cha Mã Đạt  Khâm, GM Phụ Tá giáo phận Thượng Hải.

Hôm 12-6-2016, Đức Cha Mã Đạt  Khâm (Ma Daqin) đã viết trên blog tuyên bố rút lại quyết định ra khỏi Hội Công Giáo yêu nước mà ngài đưa ra vào cuối buổi lễ thụ phong Giám Mục. Hành động này đã gây hoang mang và xôn xao lớn nơi các tín hữu Công Giáo Trung Quốc.

Đức Cha năm nay 48 tuổi (1968), thụ phong GM ngày 7-7-2012. Sau khi tuyên bố rút khỏi Hội Công Giáo yêu nước, ngài bị nhà nước Trung Quốc quản thúc tại Đại chủng viện Xà Sơn, gần Thượng Hải và không được thi hành các nhiệm vụ Giám Mục.

Được yêu cầu lên tiếng về vụ này, hôm 23-6-2016, Cha Lombardi SJ ra thông cáo nói rằng:

1. Về những lời tuyên bố gần đây nói là của Đức Cha Taddeo Mã Đạt Khâm, GM Phụ Tá Thượng Hải, Tòa Thánh được biết điều này qua blog của Đức Cha và các hãng tin. Về vấn đề này, hiện nay Tòa Thánh không có tin tức trực tiếp.

2. Mọi giả thuyết về vai trò của Tòa Thánh trong vụ này là điều không đúng chỗ.

3. Sự việc bản thân và giáo hội của Đức Cha Mã Đạt  Khâm, cũng như của tất cả các tín hữu Công Giáo Trung Quốc, được ĐTC đặc biệt quan tâm và ân cần theo dõi, Ngài cầu nguyện hằng ngày cho họ. (SD 23-6-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Một phụ nữ Kitô giáo bị đánh đòn theo luật Hồi giáo

Một phụ nữ Kitô giáo bị đánh đòn theo luật Hồi giáo

Bị đánh đòn theo luật sharia Hồi giáo

Banda Aceh, Indonesia – Lần đầu tiên một phụ nữ người Indonesia không phải Hồi giáo bị phạt đánh đòn theo những điều luật của luật Hồi giáo sharia, ở tỉnh Aceh, miền bắc của đảo Sumatra.

Remita Sinaga, một phụ nữ 60 tuổi, theo đạo Tin lành, đã bị phạt đánh đòn ở thành phố Takengon thuộc tỉnh Aceh. Phụ nữ này đã bị buộc tội bởi một tòa án Hồi giáo vì bán rượu, sau khi cảnh sát tịch thu 50 chai rượu từ cửa hàng của bà. Sinaga đã bị đánh đòn 30 roi.

Ở Aceh, luật sharia áp dụng cho các tín hữu Hồi giáo nhưng những người không phải Hồi giáo có thể chọn theo luật này. Một số quan chức địa phương cho biết người phụ nữ này đã tình nguyện chọn bị đánh đòn vì cô nghĩ hình phạt khác sẽ nặng hơn như bị giam tù một thời gian. Vào năm 2015, chính quyền Indonesia đã cấm các cửa tiệm nhỏ bán rượu.

Vào năm 2002, để xoa dịu sự nổi dậy của những người đòi độc lập chính quyền trung ương đã cho phép tỉnh Aceh, nơi phần lớn trong tổng số 4.7 triệu cư dân là Hồi giáo, một chế độ "tự trị đặc biệt”. Bộ luật Hồi giáo mới được tỉnh này chuẩn y vào năm 2014 và áp dụng vào tháng 10/ 2015. Bộ luật phạt những ai có quan hệ tính dục ngoài hôn nhân, những người uống hay bán rượu, cờ bạc. Theo tổ chức phi chính phủ “Kontras”, một tổ chức bảo vệ và phát triển nhân quyền, “việc đánh đòn là một hình phạt phi nhân và là một hình thức bạo hành mà không nên được cho phép ở Indonesia (Agenzia Fides 2/6/2016)

Hồng Thủy OP

Ngày Năm Thánh của các Phó tế vĩnh viễn

Ngày Năm Thánh của các Phó tế vĩnh viễn

Deacon Bill Reichmuth offers communion at the Carmel Mission Basilica in California

VATICAN: Hàng ngàn phó tế vĩnh viễn và gia đình đã từ nhiều nước trên thế giới tuốn về Roma để cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót trong các ngày 27-29 tháng 5.

Đề tài của ba ngày hành hương là “Phó tế, gương mặt của Lòng Thương Xót cho việc thăng tiến công tác truyền giáo mới”. Các phó tế và gia đình thân nhân cùng nhau cầu nguyện, nghe diễn thuyết, thảo luận và chia sẻ tại nhiều nhà thờ theo các ngôn ngữ khác nhau hay với phần dịch thuật tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Đề tài ngày thứ hai là “Phó tế. Được kêu gọi là người phân phát của tình bác ái trong cộng đoàn kitô”. Các phó tế cũng có dịp lãnh bí tích Hoà Giải, bước qua Cửa Thánh. Cuộc hành hương cử hành Năm Thánh của các Phó tế sẽ kết thúc với thánh lễ do ĐTC Phanxicô cử hành sáng Chúa Nhật hôm nay lúc 10 giờ rưỡi trước thềm đền thờ Thánh Phêrô.

Cuộc hành hương được tổ chức nhân dịp mừng 50 năm Công Đồng Chung Vaticăng II tái lập chức Phó tễ vĩnh viễn trong Giáo Hội như được nói tới trong Hiến chế về Giáo Hội Ánh sáng muôn dân số 29. Theo thống kê năm 2013 tổng số các Phó tế trên thế giới là hơn 43,000, tức gia tăng 29% so với năm 2005. Âu châu có 14,000, Mỹ châu 28,000, tức chiếm 97,6% tổng số Phó tế trên thế giới.  Trong các Giáo Hội khác các Phó tế chưa được hiểu biết và đánh giá đúng đắn. Vì thế đậy là dịp giúp đào sâu tầm quan trọng của các Phó tế trong cuộc sống và các sinh hoạt đa diện của Giáo Hội (SD 27-5-2016)

Linh Tiến Khải

Giám Mục phải hỏi ý kiến Tòa Thánh trước khi lập dòng

Giám Mục phải hỏi ý kiến Tòa Thánh trước khi lập dòng

ĐHY Parolin - Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh

VATICAN. ĐTC Phanxicô qui định từ nay, GM giáo phận buộc phải xin ý kiến của Tòa Thánh trước khi lập dòng giáo phận, nếu không sắc lệnh thành lập sẽ vô hiệu.

Theo khoản giáo luật số 579 hiện hành, GM giáo phận có thể lập dòng trong lãnh thổ của mình, miễn là tham khảo ý kiến Tòa Thánh trước đó. Trong thực tế có nhiều Giám Mục không hỏi ý kiến Tòa Thánh và vẫn lập dòng thành sự. Nay ĐTC xác định rõ hơn tính chất bó buộc của khoản luật này.

Phúc chiếu công bố hôm 20-5-2016, với chữ ký của ĐHY Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, khẳng định rằng:

”Bộ các Hội dòng đời sống thánh hiến và các tu đoàn tông đồ, ý thức rằng mỗi dòng tu mới, dù được khai sinh và phát triển trong một Giáo Hội địa phương, đều là một hồng ân cho toàn thể Giáo Hội, nhưng Bộ thấy cần phải tránh thành lập các dòng mới ở cấp giáo phận mà không có sự phân định đầy đủ, xác định tính chất đặc sắc của đoàn sủng, ấn định những nét đặc thù có đặc tính thánh hiến trong các dòng tu ấy qua việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm và ấn định các khả thể phát triển thực sự, Bộ thấy nên xác định rõ hơn sự cần thiết phải xin ý kiến của Bộ, theo giáo luật số 579, trước khi tiến hành việc thiết lập một hội dòng giáo phận mới.   Vì thế, theo ý kiến của Hội đồng Tòa Thánh về các văn bản luật, ĐTC Phanxicô, trong buổi tiếp kiến ngày 4-4-2016 dành cho Quốc vụ khanh Tòa Thánh ký tên dưới đây, qui định rằng việc hỏi ý kiến Tòa Thánh phải hiểu là cần thiết để thành lập hữu hiệu (ad validitatem) một dòng tu giáo phận, nếu không thì sắc lệnh thành lập dòng ấy sẽ vô hiệu lực.

Phúc chiếu này sẽ được công bố qua việc đăng trên báo Osservatore Romano, Quan sát viên Roma, và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-6-2016, rồi được đăng trên Công báo của Tòa Thánh (Acta Apostolicae Sedis).

Vatican ngày 11 tháng 5 năm 2016.

 Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh

 G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha khích lệ canh tân hàng giáo sĩ

Đức Thánh Cha khích lệ canh tân hàng giáo sĩ

Đức Thánh Cha khích lệ canh tân hàng giáo sĩ

VATICAN. ĐTC Phanxicô khích lệ nỗ lực của HĐGM Italia trong việc canh tân hàng giáo sĩ qua việc thường huấn.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây chiều ngày 16-5-2016, trong diễn văn khai mạc Đại hội thường niên lần thứ 69 của HĐGM Italia nhóm tại Vatican từ ngày 16 đến 19-5 này.

ĐTC đã trình bày một mẫu Linh Mục lý tưởng dựa theo ba câu hỏi: điều gì làm cho cuộc sống của Linh Mục ấy có hương vị? Việc dấn thân phục vụ của linh mục là cho ai và để làm gì? Đâu là lý do tối hậu sự hiến thân của linh mục?

ĐTC khẳng định rằng: ”Linh Mục ý thức chính mình cũng là một người người bất toại được chữa lành, nên không có thái độ lạnh lùng của một người chỉ tuân giữ luật một cách ngặt nghèo.. Trái lại linh mục chấp nhận người khác, lãnh nhận trách nhiệm về họ, cảm thấy mình tham phần và có trách nhiệm về vận mạng của tha nhân.”

”Linh mục của chúng ta không phải là một người bàn giấy hoặc một công chức vô danh của một cơ chế; linh mục không được thánh hiến để thi hành vai trò của một nhân viên, và cũng không bị thúc đẩy theo những tiêu chuẩn hiệu năng. Linh Mục không tìm kiếm những bảo đảm trần thế hoặc những tước hiệu danh dự làm cho Linh Mục tín thác nơi con người; trong sứ vụ Linh Mục không đòi hỏi cho mình điều gì ngoài nhu cầu thực sự cần thiết, và cũng chẳng bận tâm liên kết mình với những người được ủy thác cho mình. Lối sống của linh mục đơn sơ và thiết yếu, luôn sẵn sàng, khiến Linh Mục là người đáng tín nhiệm trước mặt dân chúng”.

 ĐTC đề cao cố gắng của Linh Mục trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, đó là bí quyết sống và hành động của Linh Mục. Linh Mục sẵn sàng ra đi truyền giáo, không bám víu vào một nhiệm sở cứng nhắc.

”Đối với một Linh Mục, điều sinh tử là trở lại nhà tiệc ly của Linh Mục đoàn.. Kinh nghiệm này giải thoát Linh Mục khỏi thái độ tự yêu mình và những thứ ghen tương của giáo sĩ, tạo điều kiện cho sự hiệp thông đích thực giữa các Linh Mục với nhau.

ĐTC cũng phê bình thái độ của những người tính toán, so đo, sợ mất mát. Trái lại Linh Mục cần biết dấn thân trọn vẹn, nhưng không, khiêm tốn và vui tươi, cả khi không có ai nhận thấy điều đó.

Hôm 17-5-2016, các GM thuộc 228 giáo phận Italia tiếp tục nhóm họp dưới quyền chủ tọa của ĐHY Chủ tịch Angelo Bagnasco, TGM Genova. Ngoài việc canh tân hàng giáo sĩ, các GM còn bàn về một số đường hướng quản trị kinh tế, duyệt lại các qui luật về tòa án của Giáo Hội, và một loại những biện pháp khác có tính chất pháp lý và hành chánh.

Chiều thứ tư 18-5-2016, các GM sẽ đồng tế thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô nhân dịp mừng 50 năm Linh Mục của ĐHY Bagnasco.

Ngày 19-05, ban lãnh đạo HĐGM Italia sẽ mở cuộc họp báo về kết quả khóa họp hiện nay của HĐGM nước này (SD 16-5-2016)

 G. Trần Đức Anh OP 

Đức Cha Đinh Đức Đạo, tân Giám Mục chính tòa Xuân Lộc

Đức Cha Đinh Đức Đạo, tân Giám Mục chính tòa Xuân Lộc

Đức Cha Đinh Đức Đạo, tân Giám Mục chính tòa Xuân Lộc

VATICAN. Hôm 7-5-2016, Phòng Báo chí Tòa Thánh thông báo:

”ĐTC đã nhận đơn từ chức GM giáo phận Xuân Lộc của Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, theo khoản giáo luật số 401 triệt 1. Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám Mục Phó, lên kế nhiệm”.

Đức Cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh năm nay 76 tuổi, sinh ngày 20-3 năm 1940 tại Phú Nhai, Bùi Chu, thụ phong linh mục năm 1966 tại Sàigòn. Năm 2000 ngài làm Tổng đại diện Giáo Phận Xuân Lộc và 4 năm sau đó, ngày 30-9 năm 2004, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm GM chính tòa Xuân Lộc, kế nhiệm Đức Cha Phaolô Nguyễn Minh Nhật.

Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo năm nay 71 tuổi, sinh ngày 2-3 năm 1945 tại Thức Hóa, Bùi Chu. Thụ Phong linh mục tại Roma năm 1971, làm Phó Giám Đốc Trung Tâm linh hoạt truyền giáo ở Roma trong 31 năm trời, rồi làm Giám đốc trung tâm này năm 2007. Ngài cũng làm giáo sư rồi làm khoa trưởng phân khoa truyền giáo học tại Đại học Giáo Hoàng Urbaniana của Bộ truyền giáo. Về nước, Cha Đinh Đức Đạo làm Giám đốc Đại chủng viện thánh Giuse Xuân Lộc từ năm 2009 đến 2013 là năm ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá Xuân Lộc.

Ngày 4 tháng 6 năm ngoái, Đức Cha Giuse Đạo được ĐTC Phanxicô bổ nhiệm làm GM Phó với quyền kế vị của Giáo Phận Xuân Lộc. Theo niên giám năm 2016 của Tòa Thánh, Giáo phận này có đông tín hữu Công Giáo nhất tại Việt Nam, với 940.080 tín hữu, trên tổng số 3 triệu 205 ngàn dân cư, 248 giáo xứ, 545 linh mục triều và dòng, 145 đại chủng sinh, và hơn 1.800 nữ tu (SD 7-5-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Vệ Binh Thụy Sĩ

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Vệ Binh Thụy Sĩ

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Vệ Binh Thụy Sĩ

VATICAN. Sáng 7-5-2016, ĐTC đã tiếp kiến và cám ơn các vệ binh Thụy Sĩ, đặc biệt là 23 tân vệ binh vừa làm lễ tuyên thệ chiều ngày 6-5 trước đó. Hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có đại diện chính quyền Thụy Sĩ và thân nhân của các tân vệ binh.

Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC nhắn nh các vệ binh hãy tăng trưởng trong đức tin, coi công việc của mình như một sứ mạng được Chúa ủy thác, tận dụng thời gian ở Roma như một cơ hội để đào sâu bình bạn với Chúa Giêsu, vì thế cần nuôi dưỡng tinh thần của mình bằng kinh nguyện, lắng nghe Lời Chúa, sốt sắng tham dự thánh lễ và vun trồng tình con thảo đối với Mẹ Maria.

ĐTC cũng nhắc đến cơ hội của các vệ binh Thụy sĩ được cảm nghiệm đặc tính hoàn vũ của Giáo Hội, qua sự hiện diện của các tín hữu từ các nơi về Roma hành hương. Sau cùng ngài đặc biệt nhắn nhủ các vệ binh hãy cảm nghiệm đời sống huynh đệ, quan tâm và nâng đỡ nhau trong công việc thường nhật, biết đề cao đời sống chung, chia sẻ những lui vui mừng và những khó khăn, để ý đến những người lân cận, nhiều khi chỉ cần một cử chỉ khích lệ, một nụ cười và tình thân hữu. Ngài nói: ”Khi có những thái đọ như thế, anh em sẽ được nâng đỡ để chuyên cần và kiên trì chu toàn những công tác lớn nhỏ trong việc phục vụ hằng ngày, chứng tỏ lòng tử tế và tinh thần hiếu khách, vị tha và nhân bản đối với tất cả mọi người”.

23 tân vệ binh Thụy Sĩ đã tuyên thệ sẵn sàng bảo vệ ĐTC, dù có phải hy sinh tính mạng, trong buổi lễ do Đức TGM Angelo Becciu, Phụ tá quốc vụ khanh Tòa Thánh chủ tọa tại sân Damaso trong nội thành Vatican, và trong số các quan khách hiện diện cũng có tổng thống Liên bang Thụy Sĩ.

Trước đó, vào ban sáng cùng ngày 6-5-2016, các vệ binh Thụy Sĩ đã tham dự thánh lễ do ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, chủ sự tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Trong bài giảng, ĐHY nhắc nhở các vệ binh rằng ”Ơn gọi của mỗi tín hữu được chịu phép rửa là sống như chứng nhân của Chúa Kitô mỗi ngày, trong cuộc sống cụ thể.. Các bạn là những chứng nhân của Chúa Kitô tại Roma này, cũng như tại quê hương Thụy Sĩ và tại bất kỳ nơi nào các bạn đi tới, và trong một thế giới mong ước ánh sáng và sự sống, nhưng nhiều khi người ta không có can đảm đón nhận. Các bạn hãy làm chứng nhân cho Chúa giữa những người đồng lứa tuổi, họ khao khát ý nghĩa và sự sung mãn. Các bạn hãy nói với họ rằng thật là bõ công khi theo đuổi những điều cao cả và tươi đẹp, dù có phải dấn thân vất vả”.

ĐHY Quốc vụ khanh cũng nhắc đến biến cố ngày 6-5 năm 1527, trong vụ Roma bị cướp phá, 147 vệ binh Thụy Sĩ đã hy sinh tính bảng để bảo vệ Đấng Kế Vị Thánh Phêrô. ”Họ thực là những anh hùng cần noi theo không chút do dự”.

Và ĐHY Parolin kết luận rằng: ”Các vệ binh thân mến, các bạn đừng chờ đợi, hãy bắt đầu ngay từ hôm nay, làm chứng tá, qua sự trung thành phục vụ ĐTC, với tình huynh đệ và quan hệ tốt đẹp giữa các bạn với nhau, và với gương sống đức tín của các bạn, trong niềm xác tín Chúa hằng sống và cảm thương, Chúa gần gủi con người và muốn ban cho họ an bình, vui tươi và sự sung mãn đích thực để chữa lành mọi vết thương”.

Đoàn vệ binh Thụy Sĩ ở Vatican có 110 người, các vệ binh thường đăng ký phục vụ 2 năm. (RG 6,7-5-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Trao tặng giải thưởng Carlo Magno cho Đức Thánh Cha

Trao tặng giải thưởng Carlo Magno cho Đức Thánh Cha

Trao tặng giải thưởng Carlo Magno cho Đức Thánh Cha

VATICAN. ĐTC Phanxicô kêu gọi Âu Châu nhớ lại dự phóng của các tiền nhân và kiến tạo một Âu Châu hiệp nhất, vượt lên trên những cám dỗ xây dựng những bức tường chia cách, thay vì bắc những nhịp cầu liên đới.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây sáng hôm qua, 6-5, nhân dịp nhận giải thưởng Carlo Magno (Charlemagne) trong một buổi lễ tại Vatican trước sự hiện diện của hàng trăm vị lãnh đạo chính trị và đại biểu nghị viện Âu Châu.

Giải thưởng này chỉ trị giá 5 ngàn Euro và kèm theo một mề đai, một mặt có hình Carlo Magno, hoàng đế của người Franc hồi thế kỷ thứ 8 và được coi là ”người cha của Âu Châu”. Tuy nhiên, giải này được coi là rất quan trọng về mặt ảnh hưởng và uy tín. Cha Lombardi Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết thông thường ĐTC từ chối không nhận các giải thưởng, nhưng ngài nhận giải này để khích lệ vai trò của Âu Châu đối với nền hòa bình trên thế giới.

Trong diễn văn nhân dịp này, ĐTC nhắc đến những dự phóng của những người thành lập Âu Châu trong thế kỷ 20 sau những biến cố đụng độ đau thương qua các cuộc thế chiến. Nhưng ngày nay, ước muốn xây dựng Âu Châu dường như đang tắt lịm, và chúng ta, những người con của giấc mơ hiệp nhất ấy đang bị cám dỗ chiều theo những ích kỷ của mình, nhìn tư lợi và nghĩ đến việc xây dựng những tường thành riêng. Nhưng tôi xác tín rằng thái độ cam chịu và mệt mỏi ấy không phải là điều thuộc về tâm hồn Âu Châu và đàng khác những khó khăn có thể trở thành những động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự hiệp nhất”.

ĐTC cũng cổ võ công trình tiếp tục xây dựng Âu Châu, một công trình dài hạn, qua những thực hiện cụ thể, kiến tạo tình liên đới thực tiễn và cụ thể. Ngài nói: ”Chính lúc này, trong thế giới chúng ta đang bị xâu xé và thương tổn, cần trở lại với tình liên đới thực tiễn, lòng quảng đại cụ thể tiếp theo sau thế chiến thứ hai, vì hòa bình thế giới không thể cứu vẫn nếu không có những nỗ lực trong tinh thần sáng tạo, tương ứng với những nguy hiểm đang đe dọa hòa bình. Những dự phóng của các vị sáng lập Âu Châu, là những sứ giả hòa bình và tiên báo tương lai, vẫn không bị lỗi thời: ngày nay hơn bao giờ hết, những dự phóng ấy vẫn còn gợi hứng, để xây dựng những cây cầu và phá đổ các bức tường. Những dự phóng ấy dường như nói lên một lời mời gọi tha thiết đừng hài lòng với những sửa chữa bề ngoài, hoặc những thỏa hiệp quanh quéo để sửa chữa vài hiệp định, nhưng là can đảm đặt những nền tảng mới, ăn rễ sâu vững chắc, như Alcide De Gasperi đã nói, ”Tất cả mọi người đều được linh hoạt nhờ mối quan tâm đối với công ích của các tổ quốc chúng ta ở Âu Châu, Tổ Quốc Âu Châu chung của chúng ta, không sợ bắt đầu lại công việc xây dựng đang đòi hỏi những cố gắng kiên nhẫn cộng tác dài hạn của chúng ta”.

Nhân buổi trao giải thưởng cho ĐTC, chiều thứ năm, 5-5 vừa qua, đã có một cuộc hội thảo ở Roma với nhiều nhân vật như Chủ tịch Hội đồng Âu Châu ông Donald Tusk, người Ba Lan, Chủ tịch Nghị viên Âu Châu ông Martin Schultz, người Đức, Chủ tịch Ủy ban hành pháp Âu Châu, ông Jean-Claude Juncker, người Luxembourg. Ngoài ra cũng có sự tham dự của thủ tướng Đức và thủ tướng Italia.

Sáng ngày, 6-5-2016, ĐHY Walter Kasper người Đức, đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô cho các tham dự viên. Và ban trưa các đại diện Âu Châu đã họp mặt tại Sảnh đường Regia ở dinh tông tòa để dự buổi trao giải thưởng. (SD 6-5-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Ki-tô hữu Hồng Kông tuần hành chống phá hủy Thánh giá

Ki-tô hữu Hồng Kông tuần hành chống phá hủy Thánh giá

Đức Hồng Y Trần Nhật Quân

Hồng Kông – Một nhóm Ki-tô hữu do Đức Hồng Y Trần Nhật Quân dẫn đầu đã yêu cầu chính quyền Trung quốc ngừng việc phá hủy các Thánh giá ở lục địa Trung hoa và thả các lãnh đạo tôn giáo đang bị cầm tù.

Cuộc tuần hành phản đối do Học viện Công giáo Hồng Kông, Ủy ban Công lý Hòa bình của Hội đồng Giám mục  Vùng và các Ki-tô hữu tổ chức đã diễn ra trước Văn phòng đại diện của chính quyền Trung quốc ở Hồng Kông. Những người tham gia đã hô vang “tôn trọng tự do tôn giáo” trong khi đặt hoa để tưởng niệm những người đã chết để khẳng định quyền tự do này ở Trung Hoa.

Nhóm tuần hành đã nhắc cho những người hiện diện là từ cuối năm 2013, khi chiến dịch này bắt đầu bởi lãnh đạo đảng ở Chiết giang chống lại các biểu tượng Ki-tô giáo, đã có 2000 Thánh giá bị tháo bỏ hoặc phá hủy. Bên cạnh đó, đoàn biểu tình cũng yêu cầu chính quyền trung ương Bắc Kinh thả tự do cho các mục sư và các Linh mục bị cầm tù vì đã chống lại việc phá hủy Thánh giá.

Đức Hồng Y nguyên Giám mục Hồng Kông bày tỏ lo lắng là chiến dịch này có thể sẽ lan đến Hồng Kông. Ngài nói: “Sự tự do chúng ta có ở đây ngày càng ít hơn. Chúng ta cần phải nói, phải tố cáo những gì đang xảy ra vì có thể cả chúng ta cũng có thể phải chịu các chiến dịch chống Kitô giáo lây lan từ Trung Hoa đại lục.” Theo ngài, việc tố cáo sự thiếu tự do tôn giáo cũng là một nghĩa vụ luân lý.

Cuộc tuần hành của Hồng Kông xảy ra một ngày sau cuộc gặp giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và một đại diện của Mặt trận thống nhất (quy tụ tất cả các nhóm xã hội “không Cộng sản” của Trung Quốc hiện đại). Trong cuộc thảo luận, ông Tập nhấn mạnh các nhóm tôn giáo phải vâng theo Đảng: “Họ phải gắn bó với quyền lãnh đạo của Đảng. Đồng thời các đảng viên phải vô thần và theo chủ nghĩa Mác-xít: các đảng viên phải là những người canh giữ chống lại các sự xâm nhập từ nước ngoài, có thể đến qua các con đường tôn giáo, chống lại sự lãnh đạo của đảng.” (Asia News 25/4/2016)

Hồng Thủy OP

Đức Thánh Cha chủ sự kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng: 17-4-2016

Đức Thánh Cha chủ sự kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng: 17-4-2016

Đức Thánh Cha chủ sự kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng 17-4-2016

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương với hàng chục ngàn tín hữu trưa chúa nhật 17-4-2016, ĐTC chia buồn với các nạn nhân bị động đất tại Ecuador và Nhật Bản.

Sau khi thánh lễ truyền chức LM cho 11 phó tế tại Đền thờ Thánh Phêrô, lúc 12 giờ trưa, ĐTC đã xuất hiện tại một cửa sổ của căn hộ Giáo Hoàng trong dinh tông tòa để chủ sự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương thiên đàng với hàng chục ngàn tín hữu tụ tập ở Quảng trường Thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ ngắn nhân dịp này, ĐTC quảng diễn ý nghĩa bài Tin Mừng theo thánh Gioan (Ga 10,27-30) trong thánh lễ chúa nhật thứ 4 mùa Phục Sinh về Chúa Giêsu vị mục tử nhân lành.

Huấn dụ của ĐTC

”Tin Mừng hôm nay (Ga 10,27-30) cống hiến cho chúng ta một số kiểu nói của Chúa Giêsu trong lễ cung hiến Đền Thờ Jerusalem, được cử hành vào cuối tháng 12. Ngài ở trong khu vực Đền thờ, và có lẽ khu vực thánh có tường vây quanh ấy gợi lên cho chúng ta hình ảnh chuồng chiên và người mục tử. Chúa Giêsu tự trình bày như Mục Tử nhân lành và nói: ”Chiên của Tôi thì nghe tiếng Tôi và Tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống vĩnh cửu và chúng sẽ không bị hư mất đời và không ai tước họ khỏi tay tôi” (vv.27-28). Những lời này giúp chúng ta hiểu không ai có thể nói mình là môn đệ Chúa Giêsu nếu không lắng nghe tiếng Người. Và sự lắng nghe này không được hiểu theo nghĩa hời hợt, nhưng đòi sự can dự dấn thân, đến độ làm cho hai bên thực sự biết nhau, từ đó có thể nảy sinh một sự theo Chúa một cách quảng đại, được biểu lộ qua những lời ”Và họ theo tôi” (v. 27). Đây là một sự lắng nghe không phải bằng tai, nhưng bằng tâm hồn!

Vì thế hình ảnh người mục tử và đoàn chiên nói lên quan hệ chặt chẽ mà Chúa Giêsu muốn thiết lập với mỗi người chúng ta. Ngài là vị hướng đạo, là thầy, là bạn, là mẫu gương, và nhất là vị Cứu Vớt chúng ta. Thực vậy, câu kế tiếp trong đoạn Tin Mừng khẳng định: ”Tôi ban cho họ sự sống vĩnh cửu và chúng sẽ không bị hư mất đời đời và không ai có thể tước bỏ chúng khỏi tay tôi” (v.28). Ai có thể nói như thế? Chỉ có Chúa Giêsu, vì ”bàn tay” của Chúa là một với ”bàn tay” của Chúa Cha, và Chúa Cha là Đấng ”cao cả hơn tất cả” (v.29)

Những lời này thông truyền cho chúng ta một cảm thức tuyệt đối an toàn và dịu dàng vô biên. Cuộc sống của chúng ta hoàn toàn an toàn trong tay Chúa Giêsu và Chúa Cha, cả hai là một: một tình yêu duy nhất, một lòng thương xót duy nhất, được biểu lộ một lần cho tất cả trong hy tế thập giá. Để cứu vớt đoàn chiên bị lạc là chúng ta, vị Mục Tử đã trở nên chiên con và để cho mình bị sát tế để mang lấy và xóa bỏ tội trần gian. Qua cách thức đó, Chúa ban sự sống cho chúng ta, sự sống dồi dào (Xc Ga 10,10)! Mầu nhiệm này được tái diễn, trong sự khiêm tốn luôn làm ngạc nghiên, trên bàn tiệc Thánh Thể. Chính tại đó mà các con chiên tụ họp lại để được nuôi dưỡng; chính tại đó chúng trở nên một, giữa chúng và với vị Mục Tử Nhân Lành.

Vì thế, chúng ta không sợ hãi nữa: cuộc sống của chúng ta từ nay được cứu thoát khỏi sự hư mất. Không gì và không ai có thể tước bỏ chúng ta ra khỏi bàn tay Chúa Giêsu, vì không điều gì và không ai có thể thắng tình yêu của Chúa. Ma quỉ, đại kẻ thù của Thiên Chúa và các thụ tạo của Ngài, toan tính bằng nhiều cách để tước bỏ sự sống đời đời của chúng ta. Nhưng quĩ không thể làm gì nếu chúng ta không mở cửa tâm hồn cho nó, không chiều theo những lời du nịnh lừa dối của hắn.

Đức Trinh Nữ Maria luôn lắng nghe và ngoan ngoãn tuân theo tiếng nói của vị Mục Tử Nhân Lành. Xin Mẹ giúp chúng ta vui mừng đón nhận lời mờ của Chúa Giêsu để trở thành môn đệ của Người và luôn sống trong niềm xác tín mình ở trong bàn tay hiền phụ của Thiên Chúa.

Chào thăm, thông báo và chia buồn

Sau phép lành, ĐTC đã cám ơn tất cả những người đã tháp tùng ngài trong chuyến viếng thăm hôm thứ bẩy 16-4 vừa qua tại đảo Lesvos bên Hy Lạp. Ngài nói: ”Tôi đã mang tình liên đới của Giáo hội cho những người tị nạn và nhân dân Hy Lạp. Cùng với tôi có Đức Thượng Phụ chung Bartolomaios và Đức TGM Ieronimo của Hy Lạp, nói lên sự hiệp nhất trong tình bác ái của mọi môn đệ của Chúa.

ĐTC cũng ứng khẩu kể lại sự cảm động của ngài trong cuộc viếng thăm, đặc biệt là tình cảnh một thanh niên Hồi giáo 40 tuổi, kết hôn với một thiếu nữ Kitô và hai người có con cái. Cô đã bị những chiến binh Hồi giáo chém đầu vì không chịu bỏ đạo. ĐTC nói: đây thực là một cuộc tử đạo.

ĐTC cũng chia buồn với nhân dân Ecuador vì trận động đất dữ dội trong đêm 16-4 vừa qua, gây ra nhiều nạn nhân và thiệt hại lớn lao. Ngài nói: ”Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhân dân Ecuador và cả nhân dân Nhật Bản cũng bị động đất trong những ngày này. Ước gì sự trợ giúp của Chúa và của anh chị em mang lại cho họ sức mạnh và nâng đỡ”.

Trận động đất ở mức độ 7.8 theo thước Richter, nặng nhất kể từ năm 1979, đã làm cho 77 người chết và 588 người bị thương theo kết toán sơ khởi. Nhiều người vẫn còn bị kẹt dưới các tòa nhà bị sụp.

Phó Tổng thống Jorge Glas cho biết các nạn nhân bị thiệt mạng nhiều nhất ở các thành phố Manta, Poroviejo và Guayaquil. (SD 17-4-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha chuẩn bị viếng thăm người tị nạn

Đức Thánh Cha chuẩn bị viếng thăm người tị nạn

Đức Thánh Cha chuẩn bị viếng thăm người tị nạn

ROMA. Lúc 7 giờ chiều tối ngày 14-4-2016, ĐTC Phanxicô đã đến cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân Roma tại Đền Thờ Đức Bà Cả, để cầu xin ở phù trợ của Đức Mẹ trước cuộc viếng thăm của ngài tại đảo Lesvos (Lesbo), Hy Lạp, trong ngày thứ bẩy 16-4-2016.

ĐTC đã dâng kính Đức Mẹ bó hoa hồng mầu trắng và xanh dương là mầu cờ của Hy Lạp.

Theo thói quen từ đầu triều đại Giáo Hoàng, trước và sau mỗi chuyến viếng thăm ở nước ngoài cũng như trước các biến cố quan trọng, ĐTC đều đến Đền Thờ Đức Bà Cả để cầu nguyện.

Trong cuộc họp báo hôm thứ năm, 14-4-2016, Cha Lombardi Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, đã kêu gọi giới báo chí và dư luận đừng nhìn chuyến viếng thăm của ĐTC tại trại tị nạn ở Lesvos dưới khía cạnh chính trị, và đây không phải là một sự phê bình việc xử lý của Liên hiệp Âu Châu về những người tị nạn và di dân. Cha Lombardi giải thích rằng ”Cuộc viếng thăm này có tính chất hoàn toàn là nhân đạo và đại kết, theo nghĩa cuộc viếng thăm này cùng được ĐTC, Đức Thượng Phụ chung của Chính Thống giáo và Đức TGM Chính Thống Athènes và toàn Hy Lạp thực hiện.”

Theo LM giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cuộc viếng thăm tại trại tị nạn Lescos này sinh từ mối quan tâm lo lắng của ĐTC trước tình trạng những người di dân và tị nạn. Đây cũng là quan tâm của Đức Thượng Phụ Bartolomaios và Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp là quốc gia đang trải qua tình trạng rất trầm trọng như chúng ta biết”. (RG 14-4-2016)

Tổng thư ký Comece

Mặt khác, LM Patrick Daly, Tổng thư ký Ủy ban GM Liên hiệp Âu Châu gọi tắt là Comece, chào mừng cuộc viếng thăm của ĐTC tại đảo Lesvos và khẳng định rằng ”Đây là lúc quyết định cho câu trả lời của Âu Châu đối với cuộc khủng hoảng tị nạn. Ngay từ đầu triều đại Giáo Hoàng, qua cuộc viếng thăm tại đảo Lampedusa, cực nam Italia, ĐTC Phanxicô cho biết số phận của người tị nạn là điều rất quan trọng đối với ngài.

Cha Daly kêu gọi các quốc gia thành viên Liên hiệp Âu Châu hãy xử lý cuộc khủng hoảng tị nạn trong tinh thần liên đới: ”Lối thoát duy nhất cho cuộc khủng hoảng này là một sự tiến hành có phối hợp giữa mọi chính phủ thuộc Liên hiệp Âu Châu”.

Cha Daly cũng đặc biệt đề cao khía cạnh đại kết trong cuộc viếng thăm của ĐTC cùng với hai vị lãnh đạo của Chính Thống Constantinople bên Thỗ Nhĩ Kỳ và Chính Thống giáo tại Hy Lạp. Chiều kích này thật là quan trọng đối với công việc của tổ chức Comece (KNA 14-4-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Các tiến sĩ luật đã đóng kín tâm hồn trước Lời Chúa và trước cuộc sống của tha nhân

Các tiến sĩ luật đã đóng kín tâm hồn trước Lời Chúa và trước cuộc sống của tha nhân

VATICAN. Các tiến sĩ luật kết án người khác đã chống lại Lời Thiên Chúa. Họ khép kín tâm hồn trước những lời loan báo của các ngôn sứ. Đối với họ, cuộc sống của tha nhân chẳng có gì đáng phải bận tâm, chỉ có khuôn khổ của lề luật và những phép tắc mới là điều quan trọng. Đây chính là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ hai, ngày 11 tháng 04, tại nguyện đường Thánh Marta.  

Trọng tâm bài giảng được Đức Thánh Cha triển khai từ bài đọc một trích sách Công vụ Tông Đồ, thuật lại việc các tiến sĩ luật kết án ông Tê-pha-nô bằng những lời phỉ báng, vì họ không địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông. Bấy giờ, họ mới xui mấy người phao lên rằng: “Chúng tôi đã nghe hắn nói lộng ngôn xúc phạm đến ông Mô-sê và Thiên Chúa.” Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Tâm hồn họ đã đóng kín trước chân lý của Thiên Chúa và chỉ bám lấy sự đúng sai theo lề luật. Nhưng khi chỉ biết đến sự chính xác của lề luật, của những con chữ, họ không tìm được lối đi nào khác ngoài sự dối trá, dựng lên chứng gian và giết chết người khác. Có lần, Đức Giêsu đã từng khiển trách họ bởi thái độ này, vì ‘cha ông họ đã giết các ngôn sứ’, còn chính họ lại là những người xây lăng cho các ngôn sứ ấy. Nhưng các vị tiến sĩ của lề luật, của chữ nghĩa này thật ra là những người hoài nghi hơn là đạo đức giả: ‘Nếu chúng tôi được sống vào thời cha ông chúng tôi, chắc chắn chúng tôi sẽ không làm việc đó.’ Và như thế, họ đã phủi sạch tay mình và tự xét mình là những người trong sạch. Nhưng tâm hồn họ lại đóng kín trước Lời Chúa, trước chân lý và trước sứ giả của Thiên Chúa, là những người thông truyền lời loan báo đến Dân Người.

Tôi cảm thấy đau buồn khi đọc một đoạn nhỏ trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, thuật lại việc Giuđa hối hận, đến gặp các thượng tế và nói rằng: ‘Tôi đã phạm tội nộp người vô tội.’ Và Giuđa muốn trả lại tiền. Nhưng các thượng tế đáp: ‘Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh!’ Trái tim họ đã thật sự khép kín trước người đàn ông đáng thương này. Giuđa đã ăn năn hối hận nhưng không biết phải làm gì để chuộc lỗi. Và điều mà anh nhận được là một câu nói lạnh nhạt: ‘Mặc xác anh!’ Giuđa đã ném số bạc vào Đền Thờ và ra đi thắt cổ. Các thượng tế đã làm gì khi Giuđa thắt cổ? Phải chăng họ đã nói: ‘Ôi, tôi nghiệp anh quá’? Không. Họ không tỏ ra thương xót nhưng ngay lập tức đề cấp đến số bạc Giuđa đã bỏ lại: ‘Không được phép bỏ vào quỹ Đền Thờ, vì đây là giá máu.’… Theo luật thì chúng ta phải làm như thế này, như thế nọ, như thế kia…. Ôi, những vị tiến sĩ của chữ nghĩa!  

Đối với các vị tiến sĩ ấy, mạng sống của một con người chẳng có nghĩa lý gì, sự ăn năn hối hận của Giuđa chẳng hề quan trọng. Điều duy nhất quan trọng với họ là khuôn khổ của lề luật, là những từ ngữ, chữ nghĩa và tất cả những gì mà họ đã xây đắp lên. Đây chính là sự chai cứng trong tâm hồn họ. Nhưng những người có con tim chai đá và mù tối ấy đã không thắng nổi chân lý mà Tê-pha-nô đang nói. Vì thế, họ tìm những nhân chứng giả để có thể kết án ông.

Kết cục của Tê-pha-nô cũng giống như bao vị ngôn sứ khác, và cũng giống như Đức Giêsu. Và đây cũng chính là điều không ngừng được lặp lại trong lịch sử của Giáo hội. Lịch sử ấy nói với chúng ta về bao nhiêu người đã bị giết hại, bị kết án cho dẫu là hoàn toàn vô tội: bị kết án với lời của Thiên Chúa, vì bị cho rằng đã chống lại Lời Thiên Chúa. Chúng ta hãy nghĩ đến việc săn phù thủy hay nghĩ đến thánh Gioana thành Arc (Jeanne d'Arc) của nước Pháp, nghĩ đến rất nhiều người khác đã bị đưa lên dàn hỏa thiêu. Họ bị xử tử vì, theo các thẩm phán, không hành xử đúng với Lời Chúa. Gương của Đức Giêsu vẫn còn đó. Khi Ngài một mực trung tín và vâng phục Lời của Cha, Ngài đã phải chết treo nhục nhã trên thập giá. Với tất cả sự dịu dàng, từ tốn, Đức Giêsu đã nói với hai môn đệ trên đường Emmaus: ‘Ôi kẻ khờ dại, chậm tin các điều các Ngôn Sứ đã nói!’ Phần chúng ta, ngày hôm nay, chúng ta cũng hãy nài xin Thiên Chúa, với cùng một sự dịu dàng, từ tốn ấy, đoái xem đến những ngu muội lớn cũng như nhỏ trong tâm hồn chúng ta. Xin Chúa chăm nom, vỗ về chúng ta và nói với chúng ta rằng: ‘Ôi, kẻ khờ dại và chậm tin’ và sau đó, xin Chúa bắt đầu giải thích mọi sự cho chúng ta.”

Vũ Đức Anh Phương, SJ

 

Một cộng đoàn Phanxicô mới được thành lập ở Smyrna

Một cộng đoàn Phanxicô mới được thành lập ở Smyrna

Cha M. Perry dòng Phanxicô

Istanbul –  “Làm chứng cho Tin Mừng bằng cách thúc đẩy đối thoại đại kết và liên tôn và đối thoại văn hóa theo phương pháp và tấm gương của thánh Phanxicô thành Assisi”, là tinh thần mà các tu sĩ Phanxicô dõi theo khi thành lập một cộng đoàn mới ở Smyrna, thuộc trung đông của Thổ nhĩ kỳ. Ban tổng cố vấn của dòng Anh em Hèn mọn, thường được gọi là Phanxicô, đã cho hãng tin Fides biết là Bề trên Tổng quyền, cha Michael A. Perry và Ban tổng cố vấn đã quyết định thành lập một cộng đoàn mới ở Smyrna để đồng hành với cộng đoàn hiện tại ở Istanbul. Cộng đoàn mới này là một cộng đoàn  quốc tế, bao gồm các tu sĩ đến từ mọi ngõ ngách của thế giới.

Ý tưởng thành lập cộng đoàn quốc tế này của cha Hermann Schalück, cựu Bề trên Tổng quyền của Dòng, đã xuất hiện trong chuyến viếng thăm Đức Bartholomew I. Vài năm sau, một cộng đoàn đầu tiên hoạt động cho đối thoại đại kết và liên tôn được xây dựng ở Istanbul. Nó làm chứng cho một cách sống loan báo Tin mừng, thúc đẩy đối thoại đại kết và liên tôn, hiệp thông với Giáo hội địa phương và cung cấp một hoạt động huấn luyện trường kỳ cho Dòng. 12 năm đã qua và bây giờ một cộng đoàn thứ hai xuất hiện.

Các tu sĩ Phanxicô ở Istanbul giải thích là “chiều kích rao giảng Tin mừng được sống chính yếu trong việc phát triển đối thoại đại kết và liên tôn. Những hoạt động thường niên bao gồm tuần cầu nguyện cho hiệp nhất, trao đổi và viếng thăm các anh em Hồi giáo trong tháng Ramadan, một khóa thường huấn về đối thoại đại kết và liên tôn đã được tổ chức 12 lần, một buổi họp mặt cầu nguyện theo tinh thần Assisi, cũng như các hoạt động khác tại Giáo hội địa phương. (Agenzia Fides 06/04/2016)

Hồng Thủy OP

 

Truyền thống cám ơn các Linh mục trong Tuần Thánh

Truyền thống cám ơn các Linh mục trong Tuần Thánh

Cám ơn các Linh mục trong Tuần Thánh

“Khi chúng tôi thấy một cuộc biểu tình đòi phong chức Linh mục cho phụ nữ, chúng tôi biết mình phải cho họ một câu trả lời”, đó là lời của Joanna Bogle, một phụ nữ Công giáo nhiều năm tham gia vào phong trào “cám ơn Linh mục”. Bà cho biết nhóm của bà hiện diện trong các lễ Truyền Dầu ở Luân Đôn, hoặc ở Westminster hay Southwark, mang theo biểu ngữ “cám ơn các Linh mục của chúng ta” và các thiệp cám ơn. Các Linh mục đã xem họ như một phần của cuộc rước.

Phong trào này bắt đầu ở Southwark cách đây vài năm do sáng kiến của một nhóm nhỏ, trong đó có bà Joanna Bogle. Họ đã buồn đau khi chứng kiến những gì xảy ra ở nhà thờ chánh tòa thánh George. Đó là nhóm đấu tranh cho việc phong chức Linh mục cho phụ nữ. Bà nói: “Thật là không đúng khi các Linh mục họp lai để lặp lai lời hứa phục vụ Giáo hội và nhận dầu thánh thì họ lại phải chứng kiến những cuộc vận động như thế này.”

Thay vì tổ chức một nhóm đối địch lại cuộc vận động này, họ đã quyết định lợi dụng cơ hội này để nói “thank you” – cám ơn các Linh mục. Tấm biểu ngữ đầu tiên với lời cám ơn được làm bằng tay, với lòng nhiệt tình, nhưng có lẽ trông không đẹp lắm. Bà nói: “chúng tôi giơ cao tấm bảng và xúc động khi nhận thấy những phản ứng của các Linh mục; họ nhận những tấm ảnh nhỏ với lòng biết ơn và dường như thật sự tán dương việc làm này.”

Một vài năm sau, chương trình này được “hiệp hội các phụ nữ Công giáo” đảm nhận. Lần này ở nhà thờ chánh tòa Westminster, khi họ đến quảng trường của nhà thờ chánh tòa thì một nhóm trẻ của giáo xứ thánh Patrick ở Soho cũng nhập chung với họ. Nhóm này cũng mang theo các tấm thiệp do họ tự làm ở nhà để ủng hộ.

Hiện nay nhóm đã có một chuyên viên làm các biểu ngữ, đó là một phụ nữ trẻ vì bận công việc và con nhỏ nên không thể nhập nhóm nhưng muốn giúp phong trào. Mỗi năm, “hiệp hội các phụ nữ Công giáo” thiết kế và in các thẻ “cám ơn” nhỏ, chọn những câu Thánh kinh phù hợp, các lời cầu nguyện hay các hình ảnh tôn giáo. Vào năm 2014, kỷ niệm việc phong thánh của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, những câu trích dẫn các lời giảng dạy về Thánh Thể của ngài được chọn in trên các tấm thiệp. Trong các năm khác thì các tấm thiệp in những lời cầu nguyện trong nghi thức truyền chức, hay lễ Truyền Dầu, còn các hình ảnh thì thay đổi từ hình Đức Mẹ đến các chủ đề về Thánh Thể. Bà Joanna Bogle cho biết, cho đến nay, không có ai từ chối nhận các tấm thiệp này, chỉ có một sự phàn nàn đáng cảm động từ phía các phó tế với câu hỏi “còn chúng tôi thì sao?”, họ tự hỏi họ có thể nhận một tấm thiệp không.

Mỗi năm khi đông đảo giáo dân đến tham dự lễ Truyền Dầu nhóm này cũng nhận được những sự hỗ trợ và khuyến khích của họ. Bà Joanna Bogle kể: “Khi đi ngang qua chúng tôi, họ nói: “tốt cho bạn”, hay “vâng, tôi đồng hành với bạn”.” Bà cũng kể là các bà chỉ vào nhà thờ khi đoàn rước đã đi qua, vui mừng dù chen chúc ở cuối nhà thờ. Bà thú nhận: “Thật sự, cho đến khi ý tưởng “cám ơn” xuất hiện trong đầu, tôi chưa bao giờ tham dự lễ Truyền Dầu, và tôi nhận thấy đó là một mạc khải.”

Theo bà, điều điên khùng duy nhất đó là mang tấm biển trên các xe buýt. Có lần người tài xế cười hỏi các bà: “Họ đã trả cho các bà bao nhiêu?” các bà bảo đảm với ông ta: tất cả là free. Các bá nói: “ Thông điệp là của chúng tôi và chúng tôi muôn nói điêu này”.” (Catholic Herald 22/03/2016)

 

Hồng Thủy OP.

 

Khao khát lòng thương xót là dấu chỉ ao ước tình yêu Thiên Chúa

Khao khát lòng thương xót là dấu chỉ ao ước tình yêu Thiên Chúa

Nguyên Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI và Đức Giáo Hoàng đương nhiệm

Mặc dù đang sống tương đối ẩn dật trong một dinh thự trong vườn Vatican, nhưng Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI vẫn tiếp tục nghiên cứu các vấn đề thần học hiện đại, và thỉnh thoảng ngài còn trình bày ý kiến về các vấn đề này cách công khai trong các buổi phỏng vấn. Trong một cuộc phỏng vấn vào trung tuần tháng 3 năm ngoái dành cho cha Jacques Servais, dòng Tên người Bỉ, học trò và nhà nghiên cứu tư tưởng của thần học gia Hans Urs von Balthasar, ngài nói với cha rằng, sự quan tâm của Đức Giáo hoàng Phanxicô và nhiều tín hữu về đề tài lòng thương xót của Thiên chúa là một dấu hiệu của các thời đại; nó chứng tỏ rằng con người vẫn kinh nghiệm một cách sâu xa rằng họ cần đến Thiên Chúa. Ngài nhận định rằng: “Lòng thương xót đưa chúng ta đến với Thiên Chúa, còn sự công chính làm cho chúng ta run sợ trước nhan Thiên Chúa.”

Trước đó, vào tháng 10, trong một hội thảo về tín điều sự công chính hóa và kinh nghiệm về Thiên Chúa, Đức Tổng Giám mục Georg Ganswein, thư ký riêng của Đức giáo hoàng Biển Đức đã đọc bản văn bằng tiếng Đức của ngài. Tín điêu về sự công chính hóa – con người được trở nên công chính trước mặt Thiên chúa và được cứu bởi Chúa Giê su như thế nào – đã là tâm điểm của cuộc cải cách của Giáo hội Tin lành, sự kiện sẽ được kỷ niệm 500 năm vào năm 2017 tới đây

Trong cuộc phỏng vấn này, Đức giáo hoàng Biển Đức nói: “Đối với con người ngày nay, không giống như những người thời của Luther hay những người theo quan niệm cổ điển của đức tin Kitô giáo, nhiều điều đã thay đổi ngược lại theo một nghĩa nào đó; hay đúng hơn, con người không còn nghĩ là mình cần được công chính hóa trước nhan Thiên Chúa nhưng trái lại theo họ, Thiên Chúa mới phải bào chữa cho chính mình về những điều kinh khủng hiện diện trên thế giới và trước các đau khổ của con người, tất cả những điều cuối cùng lệ thuộc vào Người”. Sự tổng hợp cực đoan của cảm giác như thế, theo ngài, có thể được trình bày thế này: ‘Chúa Kitô không chịu đau khổ cho tội của con người nhưng là để xóa đi những sai lầm của Thiên Chúa.’” Đức giáo hoàng Biển Đức nói tiếp: “Ngay cả nếu hôm nay, phần lớn Kitô hữu không chấp nhận về sự đảo lộn lớn lao của đức tin của chúng ta, anh chị em cũng có thể nói rằng những điều này trình bày một khuynh hướng căn bản của thời đại chúng ta” Ngài nói về một dấu hiệu khác của sự thay đổi mạnh mẽ nữa là “con người ngày nay có chung ý nghĩ rằng Thiên Chúa không thể dễ dàng chấp nhận sự hư mất của phần lớn nhân loại.”

Theo Đức giáo hoàng Biển Đức, dù vậy, vẫn còn tồn tại, theo một cách khác, ý thức về việc chúng ta cần ân sủng và được tha thứ. Đó là một trong các dấu hiệu của các thời đại về sự thật là ý tưởng về sự thương xót của Thiên Chúa đang dần trở nên trung tâm và thống trị trong tư tưởng Kitô giáo, bắt đầu từ thánh Faustina Kowalska vào đầu những năm 1900. Tư tưởng này thấm sâu trong con người Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô, dù không luôn luôn rõ ràng. Nhờ kinh nghiệm của một người trẻ chứng kiến những bạo tàn mà con người có thể thực hiện, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô đã xác định rằng: ‘lòng thương xót là phản ứng trung thực duy nhất và hiệu quả cuối cùng chống lại quyền lực sự dữ. Đức giáo hoàng Biển Đức cũng nói: “Chỉ những nơi có lòng thương xót thì mới không còn sự độc ác, chỉ nơi đó, sự dữ và bạo lực mới kết thúc’”. Và theo ngài, Đức Giáo hoàng Phanxicô hoàn toàn đi theo đường hướng này; hoạt động mục vụ của ngài được diễn tả cách chính xác qua việc ngài không ngừng nói về lòng thương xót của Thiên Chúa.

Qua sự kiện nhiều người lắng nghe sứ điệp lòng thương xót, Đức Giáo hoàng Biển Đức nói:  điều này cho thấy là dưới lớp gỗ bóng loáng của sự tự bảo và tin chắc về sự tự công chính, con người ngày nay đang che dấu ý thức rõ ràng của mình về những vết thương và sự bất xứng của mình trước Thiên Chúa. Họ đang chờ đợi lòng thương xót.” Theo ngài, sự công chính hóa nhờ đức tin được diễn tả theo một cách thức khác trong chủ đề lòng thương xót.

Nói về vai trò của việc tuyên xưng rõ ràng đức tin vào Chúa Giêsu, Đức Giáo hoàng Biển Đức cho biết đã có những thay đổi sâu rộng về vấn đề này. Ngài nói: “Trong hậu bán của thế kỷ cuối cùng, có thể nhận thấy xuất hiện một ý thức về việc Thiên Chúa không thể cho phép sự diệt vong của những người không được rửa tội. Nếu như những vị truyền giáo vĩ đại của thế kỷ 16 tin rằng người không lãnh bí tich rửa tội không được cứu độ và điều này giải thích cho sự dán thân của họ, thì xác tín này hoàn toàn bị loại bỏ trong Giáo hội Công giáo sau Công đồng Vatican II. Điều này dẫn đến một cuộc khủng hoảng kép. Một đàng nó đánh mất động lực truyền giáo, vì tại sao phải thuyết phục người ta chấp nhận đức tin Kitô khi mà họ vẫn được cứu độ mà không cần tin. Đàng khác đòi hỏi sống đức tin đối với các Kitô hữu dường như không chắc chắn, vì nếu có những người được cứu độ theo các cách thế khác, tại sao các Kitô hữu bị bó buộc sống bởi đức tin và luân lý Kitô giáo.” Đức Giáo hoàng nhận định về cố gắng của các thần học gia đang cố gắng thực hiện các giải thích đầy đủ và giá trị, xác nhận là niềm tin Kitô giáo về ơn cứu độ đến từ Đức Kitô trong khi không nhấn mạnh về phép rửa, và việc tuyên xưng công khai đức tin vào Chúa Kitô là cần thiết. Đồng thời, Giáo hội – toàn bộ cộng đoàn Kitô hữu – rõ ràng là thân mình của Đức Kitô và thân mình đó phải vươn ra giúp đỡ, chữa lành và mời gọi một mối liên hệ mật thiết hơn với Thiên Chúa.

Như Đức Giáo hoàng Phanxicô, Đức giáo hoàng Biển Đức cũng mời gọi trở lại với bí tích hòa giải: “Chỉ có tình yêu thần linh nhập thể của Đức Giêsu Kitô, tình yêu lớn hơn bất cứ quyền lực khả thể của sự dữ, có thể đối đầu với sự thống trị của sự dữ. Nhưng chúng ta phải gắn mình vào với lời đáp trả mà Thiên Chúa ban qua Đức Giêsu Kitô. Ngay cả nếu một cá nhân trả lời với một mảnh của sự dữ thôi thì cũng trở thành tòng phạm của nó, tuy nhiên, cùng với Đức Kitô, ‘người đó có thể bổ khuyết những điều còn thiếu xót trong cuộc thương khó của Người’ (x. Col 1,24). Bí tích hòa giải chắc chắn có một vai trò quan trọng trong lãnh vực này. Nó có nghĩa là chúng ta để mình được nhào nặn và biến đổi bởi Đức Kitô và không ngừng bước đi từ phía những kẻ bị diệt vong đến nơi của những người được cứu chuộc.” (CNS 16/03/2016)”

Hồng Thủy OP