Ánh sáng mới – Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, CN IV Mùa Chay

Ánh sáng mới – Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, CN IV Mùa Chay

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu và du khách hành hương trưa Chúa Nhật thứ tư Mùa Chay 26.03.2017 tại quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha quảng diễn ý nghĩa câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành anh mù từ thủa mới sinh. Anh mù không chỉ được sáng mắt mà còn nhận được ánh sáng mới là ánh sáng đức tin. Đức Thánh Cha cũng cám ơn mọi người thuộc Tổng Giáo Phận Milano vì đã tiếp đón Ngài trong ngày thứ bảy với tất cả tấm lòng.

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến!

Trung tâm của Tin Mừng Chúa nhật thứ tư Mùa Chay hôm nay là Chúa Giêsu và anh mù từ thủa mới sinh (Ga 9:1-41). Chúa Kitô đã chữa lành và phục hồi đôi mắt cho anh. Chúa thực hiện phép lạ này với cách thức mang đầy tính biểu tượng: trước hết Chúa trộn nước miếng cùng với đất rồi xoa vào mắt anh, sau đó Chúa bảo anh đến hồ Silôê mà rửa. Anh đã đi, rửa, và được sáng mắt. Anh ấy là người mù từ bẩm sinh. Với phép lạ này, Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta thấy, Ngài là ánh sáng thế gian, và mỗi người chúng ta cũng mù từ khi mới sinh, vì cho dù chúng ta được dựng nên để nhận biết Thiên Chúa, nhưng vì tội lỗi nên chúng ta cũng mù lòa, và chúng ta cần một thứ ánh sáng mới, đó là ánh đức tin, là ánh sáng mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta. Thực tế, câu chuyện về người mù trong Tin Mừng, còn mở ra mầu nhiệm Chúa Kitô. Chúa Giêsu hỏi: “Anh có tin vào Con Người không?” Anh ta đáp lại: “Thưa Thầy, nhưng Người là ai để tôi có thể tin vào Người?”. Chúa Giêsu nói tiếp: “Anh đã thấy Người và Người đang nói với anh.” Anh thưa lại: “Lạy Ngài, con tin” và anh sấp mình thờ lạy Chúa Giêsu.

Những điều ấy làm cho chúng ta phải suy nghĩ về đức tin của chúng ta, đức tin của chúng ta nơi Chúa Kitô, nơi Con Thiên Chúa. Và đây cũng là lúc thích hợp để nói về bí tích rửa tội, bí tích đầu tiên của đức tin, bí tích đem lại cho chúng ta ánh sáng nhờ nước và Chúa Thánh Thần. Điều ấy cũng đã xảy ra với anh mù. Anh được mở mắt sau khi anh đi rửa ở hồ Silôê. Anh mù được chữa lành khi anh nhận ra rằng Chúa Giêsu là ánh sáng, ánh sáng thế gian. Người là ánh sáng khi chúng ta dò dẫm trong bóng tối để kiếm tìm. Chúng ta cũng đã được Chúa Kitô soi sáng nhờ bí tích rửa tội, và chúng ta được gọi mời hành xử như con cái của sự sáng. Để sống như con các của sự sáng, chúng ta cần thay đổi cách nghĩ, cần có khả năng nhận định về con người và sự vật theo một thang giá trị khác, một thang giá trị đến từ Thiên Chúa. Thực vậy, bí tích rửa tội đòi hỏi phải lựa chọn sống như con cái ánh sáng và bước đi trong ánh sáng. Bây giờ các bạn có thể hỏi rằng: “Bạn có tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa không? Bạn có tin rằng chỉ có Ngài mới có thể thay đổi tâm hồn bạn? Bạn có nghĩ là có thể nhìn nhận thực tại giống như Chúa nhìn không, hay là chúng ta lại không thấy? Bạn có tin rằng Chúa là ánh sáng và Ngài sẽ ban cho chúng ta ánh sáng chân thực không? Bạn sẽ trả lời gì đây?” Trong lòng mỗi người hãy tự trả lời.

Thế nhưng, ánh sáng chân thực nghĩa là gì? Và bước đi trong ánh sáng nghĩa là gì? Trước hết, điều ấy có nghĩa là hãy bỏ đi những ánh sáng giả dối: thứ ánh sáng lạnh lùng gây tổn thương cho người khác, bởi những thành kiến bóp méo thực tế, bởi những hận thù xét đoán người khác cách không thương xót, bởi những kết án không căn cứ. Nó giống như thức ăn hàng ngày! Khi nói về người khác như thế, bạn đã không bước đi trong ánh sáng, mà chỉ bước đi trong những bóng mờ. Có thứ ánh sáng giả dối khác, nó quyến rũ và mơ hồ, nó dựa vào lợi ích cá nhân. Nếu chúng ta đánh giá sự vật và con người theo tiêu chí lợi nhuận của cá nhân chúng ta, theo sở thích của chúng ta, theo uy tín của chúng ta, thì chúng ta không sống theo sự thật trong các mối tương quan và các bối cảnh cụ thể. Nếu chúng ta đi theo con đường chỉ biết tìm lợi ích cá nhân, thì chúng ta đang đi trong bóng tối.

Lạy Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ là người đầu tiên đón nhận Chúa Giêsu, ánh sáng trần gian, xin nhậm lời chúng con cầu nguyện, để chúng con nhận được ơn sủng, là đón Mùa Chay này với ánh sáng của đức tin, và tìm lại được món quà vô giá của bí tích rửa rội mà chúng con đã lãnh nhận. Xin cho ánh sáng mới này, biến đổi thái độ và hành vi của chúng con, khởi đi từ những gì nghèo hèn bé nhỏ của chúng con, để chúng con có thể mang lấy những tia sáng của Chúa Kitô.

Đức Thánh Cha đọc kinh Truyền Tin và ban Phép Lành Toà Thánh cho mọi người.

Sau kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha chào thăm mọi người

Anh chị em thân mến!

Hôm qua tại Almería (Tây Ban Nha) đã có lễ phong chân phước José Álvarez-Benavides y de la Torre và 114 vị tử đạo. Các ngài là những linh mục, tu sĩ và giáo dân, đã anh hùng làm chứng cho Chúa Kitô, làm chứng về sứ mạng hòa bình và hòa giải huynh đệ. Nhờ lời chuyển cầu của các ngài, xin cho Giáo Hội luôn hiệp nhất trong việc xây dựng nền văn minh tình thương.

Cha chào tất cả anh chị em đến từ Roma, Italia và các quốc gia khác, đặc biệt là anh chị em hành hương từ Córdoba (Tây Ban Nha), các bạn trẻ đến từ trường Saint-Jean de Passy di Parigi, các tín hữu từ Loreto, từ Quartu Sant’Elena, Rende, Maiori, Poggiomarino, và các thanh thiếu niên đến từ “Romana-Vittoria” ở Milano.

Về Milano, cha muốn nói lời cám ơn với Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Milano và tất cả mọi người đã đón tiếp cha cách nồng nhiệt ngày hôm qua. Thực sự, cha cảm thấy là như đang ở nhà mình, khi ở giữa mọi người, dù là tín hữu hay chưa là tín hữu. Cám ơn các bạn rất nhiều, xin chào những con người Milano yêu mến, và cha sẽ nói điều này, rằng cha đã biết được câu người ta nói là đúng sự thật, đó là: Người Milano tiếp đón với tất cả tấm lòng!

Chúc anh chị em ngày Chúa nhật tốt lành! Xin đừng quên cầu nguyện cho cha!

Tứ Quyết SJ

Năm 2015 của Tòa Thánh năm bị thiếu hụt 12.4 triệu Euro

Năm 2015 của Tòa Thánh năm bị thiếu hụt 12.4 triệu Euro

VATICAN. Kết toán chi thu của Tòa Thánh trong năm 2015 bị thiếu hụt 12,4 triệu Euro, tức là giảm được hơn 1 nửa so với số thiếu hụt 25,8 triệu Euro trong năm 2014 trước đó.

Năm 2013, Tòa Thánh bị thiếu hụt 24,4 triệu Euro.

Thông cáo do Bộ Kinh tế của Tòa Thánh công bố hôm 4-3-2017 cho biết số thu của Tòa thánh đến từ việc đầu tư và có 24 triệu Euro do các giáo phận và dòng tu đóng góp theo khoản giáo luật số 1271. Ngoài ra có 50 triệu Euro do Viện Giáo Vụ, quen gọi là Ngân hàng Vatican đóng góp.

Giống như những năm trước đây, phần lớn số chi của Tòa Thánh là để trả lương cho các nhân viên.

Ngoài ra, trong năm 2015, kết toán chi thu của Phủ Thống đốc Quốc gia thành Vatican dư được gần 60 triệu Euro (59,9), phần lớn từ Bảo tàng viện Vatican.

Kết toán chi thu của Tòa Thánh nay bắt đầu được thực hiện theo các nguyên tắc kế toán quốc tế, và cần vài năm nữa để hoàn thành tiến trình, với điểm lợi là chất lượng được cải tiến và minh bạch hơn trong việc thông tin tài chánh và gia tăng sự nghiêm túc trong thủ tục phúc trình và kiểm soát tài chánh. (SD 4-3-2017)

G.Trần Đức Anh OP

Thiên Chúa mang lấy những thương tích của chúng ta

Thiên Chúa mang lấy những thương tích của chúng ta

Chiếc la bàn định hướng của người Kitô hữu chính là việc bước theo Đức Kitô chịu đóng đinh. Ngài là Thiên Chúa đã trở nên người phàm và mang lấy những thương tích của chúng ta. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Mở đầu mùa chay với tiếng vang gọi mời sám hối, chúng ta được mời gọi nhìn vào thực tại với ba nét: thứ nhất là con người, thứ hai là Thiên Chúa, thứ ba là con đường.

Thực tại về con người

Thực tại là con người phải lựa chọn giữa thiện và ác. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta tự do, và chúng ta phải thực hiện việc chọn lựa. Thế nhưng, Chúa không bỏ mặc chúng ta một mình, Ngài ban cho chúng ta các điều răn để dẫn đường chỉ lối. Tiếp đến, thực tại về Thiên Chúa là điều rất khó hiểu đối với các môn đệ. Các ông không hiểu được con đường thập giá của Chúa Giêsu. Bởi lẽ Chúa Giêsu là Thiên Chúa đã mang lấy trọn vẹn thân phận phàm nhân chỉ trừ tội lỗi. Nếu không có Thiên Chúa thì đã không có Chúa Kitô. Nếu tin vào Thiên Chúa mà không tin vào Đức Kitô, thì vị Chúa ấy không thực.

Thực tại về Thiên Chúa

Thực tại về Thiên Chúa, chính là Thiên Chúa làm người, Thiên Chúa nơi Đức Kitô, vì chúng ta và để cứu độ chúng ta. Khi chúng ta quay lưng lại với thực tại này, chúng ta cũng quay lưng lại Thập giá Chúa Kitô, và khi đó chúng ta đi ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, đi ra khỏi con đường cứu độ của Thiên Chúa. Con đường của Thiên Chúa là thế này: Ngài đã đến với chúng ta, đến bên chúng ta để cứu chúng ta, và chết vì chúng ta. Đó là thực tại về Thiên Chúa.

Có một cuộc đối thoại giữa một người theo thuyết bất khả tri và một tín hữu. Người theo thuyết bất khả tri với thiện ý, đã hỏi người tín hữu rằng: “Đối với tôi, bằng cách nào mà có thể… Vấn đề là bằng cách nào mà Đức Kitô là Thiên Chúa, điều này tôi không hiểu. Đức Kitô là Thiên Chúa hay sao?”. Người tín hữu đáp lại: “Vâng, với tôi, đây không phải là vấn đề. Vấn đề là làm sao Thiên Chúa lại không là Đức Kitô”.

Thực tại về Thiên Chúa là: Đức Kitô chính là Thiên Chúa, Thiên Chúa đã trở nên người phàm, và đây là nền tảng để thực thi lòng thương xót. Các thương tích của anh chị em chúng ta cũng là những thương tích của Chúa Kitô. Chúng ta đều biết rằng, không thể sống mùa chay mà không sống thực tại này. Tất cả chúng ta cần thay đổi bản thân, không phải với một Đức Kitô kiểu trừu tượng mông lung, nhưng là với một Đức Kitô cụ thể bằng xương bằng thịt, Đấng là Thiên Chúa làm người.

Thực tại về con đường

Thực tại thứ ba là con đường. Chúa Giêsu nói: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”.

Con đường ấy chính là con đường của Chúa Kitô, là bước theo Đức Kitô để thực thi ý muốn của Chúa Cha như Đức Kitô đã làm, là từ bỏ chính mình và vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa Kitô. Không làm những gì mình muốn, nhưng là làm những gì Đức Kitô muốn, đó là theo Đức Kitô. Ngài đã nói về con đường từ bỏ, con đường liều mất mạng sống để rồi được lại sự sống. Đó là con đường hy sinh mạng sống, hy sinh những gì mình muốn, hy sinh những tiện nghi, để phục vụ tha nhân, để phụng thờ Thiên Chúa. Đó là con đường của Chúa Giêsu. Đó là con đường phải lẽ.

Như thế, chỉ có một con đường chắc chắn, là bước theo Chúa Giêsu chịu đóng đinh, con đường thập giá. Đó là thực tại với ba nét đặc thù: thực tại về con người, thực tại về Thiên Chúa, thực tại về con đường. Đó là chiếc la bàn giúp người Kitô hữu không bị lạc lối.

Tứ Quyết SJ

Loan báo Lời Chúa với sự can đảm, với đời cầu nguyện và lòng khiêm nhường

Loan báo Lời Chúa với sự can đảm, với đời cầu nguyện và lòng khiêm nhường

Can đảm, cầu nguyện và khiêm nhường, là ba đặc tính của vị sứ giả Tin Mừng tuyệt vời. Nhờ đó, người sứ giả có thể giúp gầy dựng và phát triển dân Chúa trong thế giới và góp phần vào sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta, lễ kính thánh Cirillo và Metodio.

Can đảm: Lời Chúa không chỉ là điều gì đó tốt đẹp

Lời của Thiên Chúa không thể được loan báo theo kiểu đề xuất như: “nhưng, nếu bạn thích thì… nhưng, bạn có thể sống thế này…” Những đề xuất như thế tựa như một ý kiến, hoặc điều gì đó tốt, hoặc triết lý gì đó, hoặc điều nào đó về luân lý. Không. Lời Chúa có gì đó khác hơn. Lời Chúa được loan báo cách thẳng thắn cùng với sức mạnh của Lời ấy, như chính thánh Phaolô loan báo. Thánh nhân đã để cho Lời Chúa thấm nhập vào mình đến tận xương tủy. Lời Chúa phải được công bố với sự mạnh dạn và can đảm như thánh nhân đã làm.

Có những người không có đủ dũng cảm để công bố Lời Chúa, bởi lẽ họ không có đủ sự dũng cảm thiêng liêng, vì họ chưa có sự can đảm trong tâm hồn, vì họ chưa có lòng dũng cảm xuất phát từ tình yêu mến của Thầy Giêsu. Không. Không phải là chỉ nói về điều gì đó thú vị hấp dẫn, điều gì đó tốt lành, điều gì đó cần phải làm tốt, không chỉ thế, mà còn cần nói về Lời Chúa. Và Lời Chúa chính là năng lực, là lời lẽ để tạo thành dân Chúa, để gầy dựng dân Chúa. Lời Chúa được loan báo cách chân thực thẳng thắn cùng với lòng can đảm, như thế dân Chúa được thành hình.

Cầu nguyện: Loan báo Lời Chúa cần đi đôi với cầu nguyện

Lời Chúa phải được công bố cùng với đời cầu nguyện, thành tâm cầu nguyện. Luôn luôn như thế. Nếu không cầu nguyện, thì bạn chỉ có thể tạo nên một hội nghị tốt đẹp, một nền giáo dục tốt đẹp. Điều đó tốt, tốt! Nhưng như thế chưa phải là Lời Chúa. Hãy cầu nguyện, vì Chúa đã gieo vãi hạt giống là Lời, vì Chúa đã tưới nước để hạt giống có thể nảy mầm và Lời ấy trổ sinh. Lời Chúa phải được công bố cùng với đời sống cầu nguyện. Đó là lời cầu nguyện của người loan báo Lời Chúa.

Khiêm nhường: Nhà truyền giáo như chiên con giữa bầy sói

Một nhà truyền giáo đích thực, là người biết rằng mình yếu đuối, và người ấy cũng biết rằng mình không thể tự bảo vệ cho bản thân. Khi sai các môn đệ đi loan báo Lời Chúa, Thầy Giêsu đã nói: “Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.” Các môn đệ có thể thưa lại: “Nhưng, lạy Thầy, lỡ chúng ăn thịt con thì sao?” Có lẽ Thầy Giêsu nói tiếp: “Anh em cứ đi đi! Đó là con đường.”

Tôi nhớ rằng, có một vị thánh đã suy gẫm rất thâm sâu câu Lời Chúa này, và vị thánh ấy nói: “Nhưng nếu con không đi như chiên con, mà lại đi như con sói giữa bầy sói, thì Chúa lại không bảo vệ con, và như thế chỉ mình con chống đỡ sao nổi”. Khi nhà truyền giáo quá tự tin vào sức riêng của mình, vào sự thông minh của mình, khi những người có trách nhiệm loan báo Lời Chúa mà lại loan báo theo kiểu khôn khéo, thì có vẻ tốt đấy, nhưng kết quả là tồi tệ. Có những thứ trái với Lời Chúa, ví như dựa vào quyền lực hoặc dựa vào tự hào kiêu hãnh…v.v

Lạy Chúa, thánh Cirillo và Metodio đã gieo vãi Lời Chúa và giúp phát triển Giáo Hội giữa lòng thế giới. Các ngài là những con người dũng cảm với đời sống cầu nguyện và lòng khiêm tốn. Nhờ lời chuyển cầu của hai thánh, xin cho chúng con chúng biết loan báo Lời Chúa theo cung cách mà các ngài đã làm.

Tứ Quyết SJ

Ngay lập tức ngừng lại những bất bình dù là nhỏ

Ngay lập tức ngừng lại những bất bình dù là nhỏ

Sự chia rẽ trong gia đình và sự sụp đổ của dân tộc, bắt đầu bằng những ghen ghét nhỏ nhen. Thế nên, bạn phải dừng lại ngay lập tức những bất bình dù là nhỏ mọn, vì những bực bội ấy sẽ phá hủy tình anh em. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Tình anh em bị phá hoại bởi điều nhỏ nhen

Bài đọc trích sách Sáng Thế kể về chuyện anh em Cain và Abel. Đây là lần đầu tiên trong Kinh Thánh nói về từ ngữ anh em. Câu chuyện về tình anh em này, bắt đầu, phát triển, tốt đẹp, nhưng rồi kết thúc tồi tệ. Bởi vì Cain đã bắt đầu với một chút ghen tỵ. Cain tức giận vì của lễ anh dâng không làm đẹp lòng Thiên Chúa. Cái cảm giác tức giận ấy nhen nhúm và bắt đầu kiểm soát anh ta.

Cain ưa thích bản năng, Cain nuôi dưỡng cảm xúc bực bội và ghen ghét ấy, rồi anh để cho cái cảm giác ấy được phóng đại lên. Anh để cho cái ghen tức tiếp tục phát triển. Và rồi những hành vi tội lỗi đến sau đó. Chúng ta cũng thế, sự xung đột xung khắc giữa chúng ta, đã bắt đầu với điều nhỏ nhặt, với sự ghen ghét đố kỵ. Tiếp theo, những cái tệ hại đó được chúng ta nuôi dưỡng và lớn mạnh. Khi cuộc sống của chúng ta bị những loại cảm xúc ấy chi phối và điều khiển, thì tình huynh đệ giữa chúng ta bị phá hủy.

Người Kitô hữu không nuôi dưỡng bực bội

Những bất bình nhỏ nhặt cứ thế lớn lên, lớn mạnh thành những thù nghịch, và rồi kết cục thật tồi tệ. Luôn luôn như thế. Khi ấy, tôi không còn nhìn người trước mặt tôi là anh em nữa, tôi coi đó không phải là anh em tôi, nhưng lại coi đó là kẻ thù cần phải tiêu diệt và loại trừ… và thế là con người tiêu diệt lẫn nhau, và thế là sự thù nghịch phá hủy gia đình và tiêu diệt tất cả!

Có một nỗi ám ảnh và Cain là người bị ám ảnh ấy. Cái ám ảnh ấy làm anh ta băn khoăn xao động với những lời lẽ như: chỉ có tôi thôi, còn nó không phải là anh em tôi. Cái ám ảnh ấy làm anh ta cay đắng. Còn chúng ta, chúng ta hãy ngay lập tức ngưng lại quá trình tồi tệ này. Một Kitô hữu thì không bao giờ cay đắng. Kitô hữu không giữ trong mình những bất bình. Người Kitô hữu có đau đớn, nhưng không cay đắng; có cực khổ, nhưng không oán giận. Vì cứ có bao nhiêu thù hằn, thì sẽ có bấy nhiêu chia rẽ.

Máu của nhiều người kêu thấu đến trời cao

Ngay giữa các linh mục và trong hàng giám mục, cũng có những rạn nứt bắt đầu như thế. Bắt đầu với những vết nứt nhỏ nhen, và rồi tình huynh đệ bị phá hủy. Thiên Chúa hỏi Cain: “Abel em của ngươi ở đâu?” Cain trả lời cách mỉa mai: “Tôi không biết. Tôi đâu phải là người giữ em tôi”. Chúa nói: “Tiếng máu em ngươi từ đất kêu thấu đến Ta”. Còn mỗi người chúng ta, chúng ta có thể nói rằng, tôi chưa bao giờ giết người, nhưng nếu chúng ta giận ghét anh em mình, thì chúng ta đã giết người anh em trong tâm hồn mình. Việc giết hại là một tiến trình khởi đi từ những gì rất nhỏ nhen.

Hãy thử nghĩ đến chuyện bắn phá của bom đạn. Đó thực sự không phải là tình anh em. Làm thế nào chúng ta có thể nói mạnh mẽ điều này với thế giới. Người ta quan tâm đến mảnh đất này đến vùng đất nọ. Nếu một trái bom có dội xuống và giết chết 200 trẻ em, thì người ta nói: đó không phải lỗi của tôi mà là do trái bom, và điều tôi quan tâm chỉ là đất đai. Thế đấy, tất cả cái ác tồi tệ đã bắt đầu với những đổ vỡ rất nhỏ, cái đổ vỡ rất nhỏ ấy nói cho tôi rằng: đó không phải là anh em tôi. Chiến tranh cứ thế tiếp diễn. Máu của biết bao người vẫn tiếp tục kêu thấu tới Thiên Chúa.

Giờ đây chúng ta hãy lặp lại câu hỏi của Chúa: “Em ngươi đâu?” Nguyện xin Chúa giúp chúng con suy nghĩ về những thứ ngôn ngữ gây hủy diệt, suy nghĩ về những cách đối xử không theo tình huynh đệ, bởi vì nhiều khi người ta coi trọng mảnh đất hơn là tình anh em.  

Tứ Quyết SJ

Đài Vatican ngưng phát tiếng Việt trên làn sóng FM 103.8 MHz ở Roma

Đài Vatican ngưng phát tiếng Việt trên làn sóng FM 103.8 MHz ở Roma

Kính thưa quý vị thính giả!

Theo chương trình cải tổ của Bộ Truyền Thông Vatican, từ ngày 15-02-2017, làn sóng FM 103,8 MHz không còn dùng để phát chương trình tiếng Việt cho vùng Roma nữa (14h15 và 00h15 theo giờ Roma).

– Nếu quý vị có loại Radio digital (DAB) thì có thể nghe Đài Vatican tiếng Việt và các ngôn ngữ khác trên toàn lãnh thổ Italia: Canale streaming live 02 trên Radio DAB Radio Vaticana.

– Quý vị có thể nghe Chương trình Việt Ngữ Vatican qua Internet: vào Youtube hoặc vào mạng chính thức của Đài như chỉ dẫn sau đây:

1. Nghe trên trang Youtube “Vatican Tiếng Việt” của Đài theo địa chỉ:

https://www.youtube.com/playlist?list=PLMlHvsfpJYRc-RveUbyhZgUsJBXHNp0sw

Quý vị có thể nghe chương trình của Đài ngày hôm nay cũng như của các ngày trước đó. Ví dụ, quý vị chọn ngày hôm nay thứ sáu 10.02.2017:

Vatican Radio

Ước mơ của cô gái trẻ mắc hội chứng down syndrome có tài nướng bánh

Ước mơ của cô gái trẻ mắc hội chứng down syndrome có tài nướng bánh

Boston, Massachusett –  Collette Divitto là một cô gái bị hội chứng Down syndrome, nhưng là một thợ nướng bánh trẻ có tài ở vùng Boston. Từ năm 2011, Collette đã làm các bánh cookies từ chính công thức của cô.

Dù cho Collette có niềm đam mê với bánh cookies và tài năng nướng bánh, nhưng cô vẫn không thể tìm được việc làm. Sau nhiều lần nộp đơn xin việc và bị từ chối với lý do là có tài năng nhưng không thích hợp, Collette đã quyết định tự kinh doanh. Cô mở một cửa hiệu làm bánh ở Boston với các chiếc cookies do chính cô làm và nướng. Trong 10 ngày đầu tiên, đã có 50 ngàn chiếc bánh được đặt làm. Collette cũng nhận được hơn 65 ngàn thư từ các người hâm mộ khắp thế giới, với hơn 100 người tình nguyện muốn giúp cô trong công việc.

Cửa hàng của Collette cũng có trang web nhận đặt hàng, gửi hàng và giao hàng với một ghi chú của chính cô. Hiện tại, mỗi ngày, cơ sở của cô ở Boston làm khoảng 4000 cookies được đặt hàng.

 

Nhưng ước mơ của Collette còn hơn thế nữa. Cô muốn phát triển cơ sở khắp các tiểu bang của Hoa kỳ để qua đó có thể giúp việc làm cho các người khuyết tật gặp khó khăn tìm việc làm. Đàng sau mỗi chiếc cookies là ước mơ thuê người tàn tật làm việc của  Collette. Theo trang web của cô, 76% cộng đồng khuyết tật thất nghiệp và cô đang làm để thay đổi điều này. (CAN 27/01/2017)

Hồng Thủy

 

Dù giận Thiên Chúa nhưng vẫn cầu nguyện

Dù giận Thiên Chúa nhưng vẫn cầu nguyện

Làm theo ý muốn của Thiên Chúa không có nghĩa là chúng ta không càm ràm hoặc giận Ngài, điều quan trọng là chúng ta phải sống thực – không giả dối, và rồi cuối cùng chúng ta thưa với Chúa: “Này con đây!”. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Câu chuyện của lời thân thưa “Này con đây!”

Theo bài đọc trích thư gửi tín hữu Do thái, khi đến thế gian, Chúa Kitô nói: “Lạy Cha, của lễ hy tế, của lễ hiến dâng, của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội, Ngài không muốn. Thì này con đây, con đến để thi hành thánh ý Cha”. Lịch sử cứu độ chính là câu chuyện về lời thưa “Này con đây!”. Sau khi Adam lẩn trốn vì sợ hãi Thiên Chúa, Chúa đã bắt đầu gọi mời và lắng nghe những lời đáp lại “Này con đây! Con sẵn lòng. Con sẵn sàng.” Những lời ấy được vang lên trong dòng lịch sử qua lời thưa của Abraham, của Mose, Elia, Isaia, Gieremia, cho tới lời thưa xin vâng tuyệt hảo của Mẹ Maria, và chóp đỉnh là lời thưa xin vâng của chính Chúa Giêsu. Lịch sử của lời thưa “Này con đây!” không phải theo kiểu tự động, bởi vì Thiên Chúa ngỏ lời với những ai Ngài mời gọi.

Thiên Chúa luôn luôn trong cuộc đối thoại với những ai mà Ngài ngỏ lời trên con đường này, con đường của tiếng thưa “Này con đây!”. Thiên Chúa hết sức kiên nhẫn. Khi đọc sách ông Gióp, chúng ta thấy tất cả những lời than vãn, những điều không hiểu, những phản ứng, và Chúa đã nói với ông, Chúa sửa đổi tâm hồn ông… và cuối cùng, ông thú nhận: “Vâng. Lạy Chúa, Chúa thật phải lẽ. Lâu nay con chỉ biết Chúa dựa vào những tiếng đồn thổi. Giờ đây mắt con đã nhìn thấy Ngài”. Đó là lời thưa xin vâng, và đời sống Kitô hữu là thế, là thân thưa: Này con đây, con đến để thực thi ý Chúa. Hết lần này đến lần khác… Thật là tuyệt khi đọc Kinh Thánh, vì ở đó chúng ta tìm thấy những lời thân thưa của dân đối với Chúa, đó là những câu trả lời và điều ấy quá đẹp: “Này con đây, con đến để làm theo ý Ngài”.

Đừng bao giờ sống giả vờ trước Thiên Chúa

Làm thế nào để tôi có thể thưa lên lời xin vâng “Này con đây!” đối với Thiên Chúa? Có lẽ tôi giống như Adam, tức là chạy trốn, ẩn núp và không đáp lại. Hoặc là khi Chúa gọi tôi, thay vì thưa lên “Này con đây!” thì tôi lại nói “Chúa muốn gì ở con chứ?”. Hoặc là tôi trốn chạy giống như Giona, ông không muốn làm điều Chúa nói với ông. Hoặc là tôi chỉ giả bộ làm theo ý Chúa, tức là chỉ sống kiểu bề ngoài thôi, giống như các kinh sư và luật sĩ, và Chúa Giêsu đã mắng cho những người như thế là kẻ đạo đức giả. Hoặc là chúng ta sống kiểu “”chọn đường khác mà đi” giống như các thầy Levi và thầy tư tế trong câu chuyện người Samari nhân hậu. Vì thầy Levi và thầy tư tế trong câu chuyện ấy đã bỏ mặc nạn nhân nửa sống nửa chết trên đường, và tránh qua một bên mà đi. Chúng ta đáp lại Thiên Chúa trong cách thức nào?

Dù giận Thiên Chúa thì hãy cứ cầu nguyện

Thiên Chúa thích nói chuyện với chúng ta. Một số người nói với tôi rằng: “Nhưng thưa Cha, nhiều lần khi con đi cầu nguyện, con tức giận với Chúa…” Tôi đáp lại: Đúng thế, nhưng hãy cứ tiếp tục cầu nguyện! Thiên Chúa thích những điều ấy, ngay cả khi bạn giận Ngài, và Ngài sẽ nói về những gì mà bạn đang cảm nhận, được diễn tả trên gương mặt bạn. Ngài yêu mến bạn bởi vì Ngài là Người Cha. Còn bạn, bạn sẽ thân thưa “Này con đây!” Hay là bạn ẩn núp? Hoặc là chạy trốn? Hoặc là sống giả vờ? Hoặc là chọn con đường khác? Mỗi người chúng ta có thể tự đưa ra câu trả lời. Nguyện xin Chúa Thánh Thần thương ban ân sủng để chúng ta tìm thấy lời đáp của chính mình.

Tứ Quyết SJ

Đức Thánh Cha tố giác chế độ kinh tế gạt bỏ con người

Đức Thánh Cha tố giác chế độ kinh tế gạt bỏ con người

VATICAN. ĐTC Phanxicô mạnh mẽ tố giác chế độ kinh tế gạt bỏ con người vì họ không còn hữu ích theo các tiêu chuẩn lợi nhuận của các xí nghiệp.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 14-1-2017 dành cho 85 tham dự viên quốc tế ”cuộc thảo luận bàn tròn” do Ngân Quỹ hoàn cầu (Globl Foundation) tổ chức tại Roma trong hai ngày 13 và 14-1 vừa qua. Trong số các tham dự viên cũng có ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, sau khi đề cao khẩu hiệu của Ngân Quỹ Hoàn cầu là ”Cùng nhau chúng ta dấn thân cho công ích của hoàn cầu”, ĐTC khẳng định rằng: ”Thật là điều không thể chấp nhận được, vì vô nhân đạo, một chế độ kinh tế thế giới gạt bỏ người nam, người nữ và trẻ em, vì những người này dường như không còn hữu ích theo các tiêu chuẩn lợi nhận của các xí nghiệp và các tổ chức khác. Chính sự gạt bỏ con người như thế là một sự thoái hóa và làm cho bất kỳ chế độ chính trị và kinh tế nào trở nên vô nhân đạo: những người gây ra hoặc cho phép sự gạt bỏ tha nhân – những người tị nạn, các trẻ em bị lạm dụng hoặc bị biến thành nô lệ, những người nghèo chết trên đường vì trời lạnh – thì chính những kẻ ấy trở thành như những chiếc máy vô hồn, họ ngầm chấp nhận nguyên tắc theo đó chính họ, sớm muộn gì cũng sẽ bị gạt bỏ, khi họ không còn hữu ích cho một xã hội đặt thần tiền bạc ở trung tâm”.

ĐTC Phanxicô nhắc lại lập trường của thánh Gioan Phaolô 2 Giáo Hoàng đã từng cảnh giác chống lại nguy cơ lan tràn khắp nơi ý thức hệ duy tư bản, không để ý gì đến hiện tượng gạt con người ra ngoài lề, bóc lột, tha hóa con người, làm ngơ không biết đến bao nhiêu người còn sống trong tình trạng lầm than về vật chất và tinh thần..

Trong bối cảnh đó, ĐTC cũng đề cao bao nhiêu nỗ lực của các cá nhân và các tổ chức tìm cách chữa lành những tai ương do sự hoàn cầu hóa vô trách nhiệm gây ra. Thánh Têrêsa Calcutta là biểu tượng những cố gắng như thế. Mẹ cúi mình trên những người kiệt lực, bị bỏ mặc cho chết trên vỉa hè, nhìn nhận nơi họ phẩm giá Chúa ban… Mẹ đã lên tiếng nói với những kẻ cường quyền trên trái đất để họ nhìn nhận các tội ác nghèo đói do họ gây ra.

ĐTC nhận xét rằng ”đó là thái độ đầu tiên có thể đưa tới sự hoàn cầu hóa tình liên đới và sự sộng tác. Trước tiên, mỗi người đừng dửng dưng đối với những vết thương của người nghèo, nhưng học cách cảm thông với những người đang chịu đau khổ vì bách hại, cô đơn, cưỡng bách di tản hoặc vì gia đình bị phân rẽ, cảm thông với những người không được săn sóc sức khỏe, những người chịu đói, lạnh hoặc nóng”.

Ngân Quỹ hoàn cầu (The Global Foundation) được khởi xướng năm 1998 ở Australia, và lan rộng trên thế giới, trẻ thành một diễn đàn đặc biệt trong đó những người thiện chí và có phương thế họp nhau, trao đổi và giúp đáp ứng những thách đố lớn trên thế giới ngày nay, cổ võ một nền kinh tế thịnh vượng chung.. (SD 14-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới XV

Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới XV

VATICAN. Sáng 13-1-2017, tài liệu chuẩn bị Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 15 đã được công bố trong cuộc họp báo tại Phòng báo chí Tòa Thánh.

Công Nghị GM thế giới này sẽ tiến hành vào tháng 10 năm 2018 về chủ đề ”Người trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi”.

Chủ tọa cuộc họp báo là ĐHY Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng HĐGM thế giới và vị phụ tá là Đức Cha Fabio Fabene. Ngoài ra cũng có 2 bạn trẻ nam nữ thuộc giáo xứ thánh Thomas More ở Roma.

Tài liệu dài 26 trang, sau phần nhập đề, lần lượt bàn tới trong 3 chương:

– Thứ I là tình trạng giới trẻ trên thế giới ngày nay, một thế giới đang thay đổi mau lẹ. Văn kiện nói về những thế hệ trẻ: họ thuộc về các nhóm nào, những điểm tham chiếu về nhân sự và tổ chức, và người ta đang tiến tới một thế hệ gắn liền với các kỹ thuật truyền thông tân tiến (iperconnessa). Sau cùng Tài liệu nói đề những người trẻ và những chọn lựa.

– Phần thứ II bàn đến đức tin, sự phân định và ơn gọi. Ơn phân định giúp nhận diện, giải thích và chọn lựa. Tiếp đến là những con đường ơn gọi và sứ mạng, sau cùng là sự đồng hành người trẻ.

– Phần thứ III trình bày hoạt động mục vụ: cụ thể là đồng hành với người trẻ theo 3 hành động: đi ra ngoài, nhìn xem, kêu gọi; kế đến là đối tượng nhắm tới: tức là tất cả mọi người trẻ, không trừ một ai, rồi cộng đoàn trách nhiệm, và những nhân vật người trẻ tham chiếu. Rồi tài liệu bàn đến những môi trường người trẻ: đời sống thường nhật, các lãnh vực chuyên biệt mục vụ, thế giới kỹ thuật số. Tài liệu cũng nói về các phương tiện như các ngôn ngữ mục vụ, việc chăm sóc giới dục và những hành trình loan báo Tin Mừng; sự thinh lặng, chiêm niệm và cầu nguyện.

Phần 3 cũng có một thiên bàn về vai trò của Mẹ Maria.

Tài liệu chuẩn bị kết thúc với một bản câu hỏi dài 4 trang được phân thành 3 tiểu đề: thu thập các dữ kiện, đọc tình trạng, và sau cùng là chia sẻ các đường lối thực hành.

Văn kiện này được gửi tới các HĐGM, các Thượng Hội đồng của các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, các cơ quan trung ương Tòa Thánh và một số cơ quan khác như Hiệp hội các Bề trên Tổng Quyền dòng nam, để tham khảo ý kiến, dựa theo bản câu hỏi đính kèm. Ngoài ra các bạn trẻ cũng được hỏi ý kiến qua một mạng Internet về những mong đợi và cuộc sống của họ. Các bản trả lời góp ý sẽ được dùng để soạn tài liệu làm việc cho Công nghị của các GM thế giới.

Trong cuộc họp báo, ĐHY Baldisseri giải thích rằng danh từ ”giới trẻ” hay ”người trẻ” trong văn kiện này được hiểu là những người từ 16 đến 29 tuổi, tuy cũng co giãn tùy theo môi trường văn hóa và xã hội. Ngoài ra từ ”ơn gọi” trong văn kiện chuẩn bị, không phải chỉ nói về ơn gọi linh mục hoặc đời sống thánh hiến, nhưng nói về ơn gọi nói chung của người trẻ, ơn gọi yêu thương.

Tài liệu chuẩn bị này không phải là một văn kiện giáo huấn, nhưng chỉ là những dữ kiện gợi ý suy tư, để thu thập ý kiến của các thành phần dân Chúa.

Những câu hỏi dành cho tất cả mọi người, kể cả những người không thuộc Kitô giáo, hoặc không tín ngưỡng, mục đích là để thu thập các ý kiến. (SD 13-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Chúa Giêsu giảng dạy như Đấng có thẩm quyền

Chúa Giêsu giảng dạy như Đấng có thẩm quyền

Chúa Giêsu giảng dạy như Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư, vì Chúa sống như người phục vụ, vì Chúa gần gũi và thương mến mọi người, vì Chúa nói và làm nhất quán. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Có thẩm quyền là nhờ phục vụ mọi người

Chúa Giêsu phục vụ mọi người. Chúa đến để phục vụ. Và điều ấy người dân hiểu rất rõ. Chúa mang lấy tâm tình và thái độ của người phục vụ, và việc phục vụ ấy cho thấy Người là Đấng có uy quyền. Nhưng đối với các tiến sĩ luật thì lại khác. Dân chúng nghe họ nói, tôn trọng họ, nhưng chẳng cảm thấy chút gì là thẩm quyền, là quyền uy từ những lời các vị tiến sĩ luật cả. Bởi lẽ, các tiến sĩ luật nói: chúng tôi là những bậc thầy, chúng tôi có các quy luật, và chúng tôi sẽ dạy các quy luật ấy cho anh em. Chúng tôi ra lệnh và anh em vâng theo. Như thế, chẳng có gì là phục vụ cả. Chúa Giêsu không bao giờ làm ra vẻ như một hoàng tử, nhưng Chúa luôn luôn là người phục vụ mọi người. Và chính từ việc phục vụ này, Chúa trao ban quyền uy của Chúa.

Có thẩm quyền là nhờ gần gũi người dân

Các luật sĩ xa cách người dân, các luật sĩ chẳng thân thiện gì. Chúa Giêsu rất gần gũi người dân, và từ sự gần gũi đó diễn tả uy quyền của Chúa. Có những luật sĩ sống tách biệt, và họ giảng dạy với thẩm quyền giáo sĩ, với tâm thức họ có quyền của một người giáo sĩ, ngay cả theo kiểu tâm thức giáo sĩ trị.

Tôi rất thích đọc về sự gần gũi mà Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô VI viết trong số 48 của Tông huấn Loan Báo Tin Mừng. Ngài viết: Bạn nhìn thấy sự gần gũi của tâm hồn người chăn chiên: đó chính là uy quyền của vị Giáo Hoàng, sự gần gũi. Trước tiên, cần là người tôi tớ của những tôi tớ trong khiêm tốn: người làm đầu phải là người phục vụ, phục vụ mọi người. Đó là một sự đảo lộn. Thay vì chỉ đạo mọi người thì Chúa Giêsu đã sống như người phục vụ. Thứ nhất chính là phục vụ và thứ hai là sự gần gũi.

Có thẩm quyền là nhờ lời nói đi đôi với việc làm

Có những người không nhất quán, không trước sau như một và tâm tính của họ bị phân mảnh. Họ nói mà chẳng làm, họ nói thế này rồi làm thế khác. Đó là sự mâu thuẫn. Có nhiều lần Chúa Giêsu trách mắng những người như thế là quân đạo đức giả, là kẻ giả hình. Anh em đã hiểu rằng, có những người luôn cảm thấy mình là ông hoàng, luôn mang lấy nơi mình thái độ giáo sĩ trị, và đó chính là thói đạo đức giả, và những điều ấy chẳng có chút gì là thẩm quyền. Còn Chúa Giêsu, Chúa đã phục vụ, đã gần gũi mọi người, không coi thường một ai trong dân, Chúa nói và làm đồng nhất, những điều ấy chính là thẩm quyền là quyền uy của Chúa. Đây chính là thẩm quyền mà dân của Thiên Chúa lắng nghe và cảm thấy.

Tứ Quyết SJ

Kinh Truyền tin với Đức Thánh Cha lễ Hiển Linh

Kinh Truyền tin với Đức Thánh Cha lễ Hiển Linh

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin với 30 ngàn tín hữu trưa ngày 6-1-2016, lễ Chúa Hiển Linh, ĐTC mời gọi mọi người hãy bước theo ánh sáng của Chúa Giêsu và mặc lấy ánh sáng của Người.

Lúc 12 giờ trưa, ĐTC xuất hiện tại một cửa sổ ở dinh Tông Tòa và ngỏ lời với các tín hữu ở Quảng trường Thánh Phêrô qua bài huấn dụ ngắn. Ngài giải thích ý nghĩa lễ Chúa Hiển Linh, nhất là sự kiện 3 Đạo sĩ được ngôi sao dẫn đường đến Bêlem thờ lạy Chúa Hài Đồng. Ngài nói:

”Trong đời sống chúng ta cũng có nhiều ngôi sao khác nhau, những ánh sáng chiếu sáng và hướng dẫn, chúng ta có nhiệm vụ chọn lựa và đi theo. Có những ánh sáng nhấp nháy, đến rồi đi, như những thỏa mãn nhỏ trong cuộc sống: chúng không đủ, vì chỉ kéo dài trong chốc lát và không để lại an bình mà chúng ta tìm kiếm. Rồi có những ánh sáng chóa mắt như đèn chiếu, của tiền bạc và thành công, hứa tất cả và tức khắc: những ánh sáng ấy thu hút, nhưng với sức mạnh của chúng, chúng chỉ làm mù và đưa những giấc mơ vinh quang tiến vào tối tăm dầy đặc. Trái lại, các Đạo Sĩ mời gọi chúng ta bước theo ánh sáng bền vững và dịu dàng, không tàn lụi vì không thuộc về thế gian này: nhưng đến từ trời và chiếu sáng trong tâm hồn. Ánh sáng chân thật này là ánh sáng của Chúa, hay đúng hơn, là chính Chúa Giêsu. Ngài là ánh sáng của chúng ta, ánh sáng không làm chóa mắt, nhưng đồng hành và mang lại niềm vui có một không hai. Ánh sáng này dành cho tất cả mọi người và kêu gọi mỗi người. Như thế chúng ta có thể nghe lời mời gọi của ngôn sứ Isaia gửi đến chúng ta hôm nay: Hãy trỗi dậy, hãy mặc lấy ánh sáng” (60,1). Vào mỗi đầu ngày, chúng ta có thể đón nhận lời mời gọi này: Hãy trỗi dậy, hãy mặc lấy ánh sáng”, hãy bước theo ngôi sao sáng của Chúa Giêsu, giữa bao nhiêu sao băng của trần thế!

ĐTC cũng giải thích rằng ”Ai muốn ánh sáng thì đi ra khỏi mình và tìm kiếm: không ở lại trong tình trạng khép kín, nhưng dấn thân.. Đời sống Kitô là một hành trình liên lỷ, gồm ánh sáng và tìm kiếm; một hành trình giống như hành trình của các Đạo Sĩ, tiếp tục tiến bước cả khi ngôi sao nhất thời biến mất. Trong hành trình ấy cũng có những cạm bẫy cần phải tránh, những chuyện tầm phào hời hợt, và theo tinh thần thế tục, cản bước tiến: những tính khí thay đổi ích kỷ làm tê liệt, những ổ gà bi quan, bóp nghẹt hy vọng. Những chướng ngại ngăn chặn những thầy thông luật như Phúc Âm hôm nay nói đến. Họ biết ánh sáng ở đâu, nhưng không lên đường. Kiến thức của họ là vô ích; biết rằng Thiên Chúa đã sinh ra thì vẫn chưa đủ, nếu không cùng với Ngài thực hiện Giáng Sinh trong tâm hồn”.

Trong phần chào thăm các tín hữu, ĐTC đặc biệt chúc mừng các cộng đoàn Giáo Hội Đông phương, mừng lễ Giáng Sinh ngày 7-1 theo lịch Giuliano. Ngài cũng nhắc đến đoàn tuần hành mặc y phục như Ba Đạo Sĩ và những người tháp tùng. Năm nay, đoàn tuần hành này được dành cho miền nam Umbria và nhắm phổ biến các giá trị liên đới và huynh đệ”. (SD 6-1-2017)

 G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tiếp các thiếu nhi Công Giáo tiến hành Italia

Đức Thánh Cha tiếp các thiếu nhi Công Giáo tiến hành Italia

duc-thanh-cha-tiep-cac-thieu-nhi-cong-giao-tien-hanh-italia

VATICAN. Sáng ngày 19-12-2016, ĐTC đã tiếp kiến 70 thiếu nhi Công Giáo tiến hành Italia và ngài trao cho các em nhiệm vụ 'nói và nghe các ông bà nội ngoại của các em'.

70 thiếu nhi đại diện cho phong trào Công Giáo tiến hành Italia thuộc các giáo phận toàn quốc, đến chúc mừng ĐTC nhân dịp lễ giáng sinh, theo một thông lệ hằng năm.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nhắc đến niềm vui mà mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh mang lại cho nhân loại. Ngài nói: ”Đó thực là một điều tuyệt diệu! Khi chúng ta cảm thấy buồn, có cảm tưởng mọi sự đều không ổn, khi một người bạn làm chúng ta thấy vọng, hay đúng hơn, khi chúng ta thất vọng về chính mình, chúng ta hãy nghĩ: ”Thiên Chúa yêu thương tôi, Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi tôi!”. Đúng vậy, Chúa là Cha chúng ta luôn luôn trung tín với chúng ta và không có giây phút nào mà Ngài không yêu thương chúng ta, theo các bước chân và Ngài còn chạy đuổi theo khi chúng ta xa lìa Ngài”.

ĐTC cũng nhận xét rằng niềm vui gia tăng khi ta chia sẻ niềm vui ấy. Và ngài ”ra bài tập” cho các em khi trở về nhà: ”Niềm vui hay lây này cần phải được chia sẻ với mọi người, đặc biệt là với các ông bà nội ngoại. Các con hãy thường xuyên nói chuyện với các ông bà, các ngài cũng có niềm vui hay lây ấy. Các con hãy hỏi các ông bà nhiều điều và lắng nghe các ngài. Các ông bà có ký ức về lịch sử, có kinh nghiệm về cuộc sống, và đó là một món quà lớn giúp các con trên đường đời. Cả các ông bà cũng cần nghe các con, hiểu những khát mong và hy vọng của các con”.

ĐTC nói thêm rằng: ”Cả sự dấn thân của các con cho hòa bình cũng hay lây. Năm nay các con đã muốn liên kết từ ”hòa bình” với từ liên đới, qua một sáng kiến trợ giúp các bạn trẻ đồng lứa ở một khu phố nghèo tại thành Napoli. Đó là một cử chỉ tốt đẹp, cho thấy đường lối các con muốn dùng để loan báo tôn nhan của Thiên Chúa là tình thương. Xin Chúa chúc lành cho dự án làm điều thiện ấy của các con”.

Hiện diện trong buổi tiếp kiến cũng có các vị thuộc ban giáo dục, linh hướng và các vị lãnh đạo toàn quốc của Phong trào Công Giáo tiến hành Italia. ĐTC cám ơn họ vì sự dấn thân tận tụy giáo dục các em theo tinh thần Kitô”.

Công giáo tiến hành Italia là hội đoàn giáo dân kỳ cựu và rộng lớn nhất tại nước này, được thành lập năm 1867 và hiện có hơn 400 ngàn thành viên, thuộc các ngành khác nhau. Và mỗi năm có hơn 1 triệu người tín hữu Công Giáo tham gia các hoạt động của hiệp hội này (SD 19-12-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Sa hỏa ngục đời đời có nghĩa là mãi mãi xa cách Thiên Chúa

Sa hỏa ngục đời đời có nghĩa là mãi mãi xa cách Thiên Chúa

thanh-le-tai-nha-nguyen-marta-25-11-2016

Khi chọn lựa rời xa Thiên Chúa mãi mãi, thì có nghĩa là sa hỏa ngục đời đời. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta. Đức Thánh Cha cảnh báo: đừng bao giờ nói chuyện với ma quỷ vì nó chuyên lừa dối con người, nhưng hãy để lòng khiêm tốn mà chuẩn bị gặp Chúa trong ngày Phán Xét.

Trong hai ngày cuối của Năm Phụng Vụ, Hội Thánh tiếp tục mời gọi các tín hữu suy tư về ngày cánh chung. Đức Thánh Cha diễn giải khởi đi từ bài đọc trích sách Khải Huyền. Cuộc Phán Xét sẽ như thế nào? Chúng ta muốn gặp Chúa Giêsu trong ngày ấy như thế nào?

Thần dữ luôn quyến rũ bạn để phá hoại cuộc đời bạn, đừng bao giờ nói chuyện với nó

Kẻ đầu tiên bị phán xét là “con rồng” được nói tới trong sách Khải Huyền, tức là ma quỷ. Thiên thần từ trời xuống, bắt lấy nó, trói nó lại và ném xuống vực thẳm, vì nó chuyên lừa dối người ta, vì nó là kẻ lừa dối. Nó còn là cha của sự dối trá. Nó tạo ra những gian dối. Nó làm cho bạn tin rằng, nếu ăn trái táo này thì sẽ nên giống Thiên Chúa. Nhưng kì thực, nó hủy hoại cuộc sống của bạn. “Nhưng, lạy Cha, làm thế nào để chúng con không bị ma quỷ lừa gạt?” Chúa Giêsu dạy chúng ta: không bao giờ nói chuyện với ma quỷ. Chúa Giêsu làm gì với ma quỷ? Người đuổi nó đi, hỏi tên nó nhưng không nói chuyện với nó.

Ngay cả trong sa mạc, khi bị cám dỗ, Chúa Giêsu không tự dựa vào lời của riêng bản thân mình vì Người ý thức về những hiểm nguy. Trong ba câu trả lời, Chúa Giêsu đều nại tới Lời Thiên Chúa, Lời Kinh Thánh. Vì tên cám dỗ đang tìm cách tiêu diệt chúng ta.

Bài đọc trích sách Khải Huyền kể tiếp về những linh hồn các vị tử đạo. Đó là những người khiêm nhường và làm chứng cho Chúa Giêsu. Họ không chiều theo tên cám dỗ và những kẻ ăn theo, không thờ lạy nó để được tiền bạc, danh vọng xã hội, phù vân và những gì mà cuộc sống ấy mang lại.

Sa hỏa ngục có nghĩa là xa cách Thiên Chúa mãi mãi

Chúa sẽ phán xét kẻ lớn cũng như người nhỏ, và những ai đáng bị nguyền rủa sẽ bị ném vào hồ lửa. Đây là cái chết lần hai. Trầm luân đời đời, không có nghĩa là tra tấn, mà có nghĩa là mãi mãi xa cách Thiên Chúa. Những người bị kết án như thế, là người không được nhận vào Nước Thiên Chúa, vì họ không đến gần Thiên Chúa. Họ luôn đi trên con đường riêng của họ. Họ luôn ở xa đường lối Thiên Chúa. Họ khuất mặt Thiên Chúa và đi khỏi ánh sáng để vào trong tối tăm.

Sa hỏa ngục đời đời, có nghĩa là tiếp tục rời xa Thiên Chúa, có nghĩa là vĩnh viễn xa cách Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng ban hạnh phúc, là Đấng yêu thương chúng ta quá nhiều. Thế mà, khi phải xa cách Ngài mãi mãi, thì đó chính là hình phạt đời đời. Thế nhưng, hình ảnh cuối trong bài đọc trích sách Khải Huyền mở ra niềm hy vọng.

Hãy khiêm tốn mở tâm hồn đón Chúa Giêsu vì Người sẽ ban ơn cứu độ

Nếu chúng ta mở rộng cõi lòng, như Chúa Giêsu mời gọi, nếu chúng ta không còn đi theo đường lối của riêng mình, thì chúng ta sẽ có niềm vui ơn cứu độ. Đó là trời mới đất mới mà sách Khải Huyền nói tới. Không kiêu căng nhưng với đầy hy vọng, bạn hãy đón nhận sự quan tâm và ơn tha thứ từ Chúa Giêsu.

Niềm hy vọng mở rộng tâm hồn để gặp gỡ Chúa Giêsu. Đây là điều chúng ta chờ đợi: Gặp gỡ Chúa Giêsu. Điều này thật đẹp, rất đẹp! Người chỉ cần chúng ta khiêm tốn nói: “Chúa ơi!” Người chỉ cần ngần ấy thôi, phần còn lại Người sẽ làm.

Tứ Quyết SJ

Thánh lễ tại nhà nguyện Marta, 10 tháng 11-2016

Thánh lễ tại nhà nguyện Marta, 10 tháng 11-2016

thanh-le-tai-nha-nguyen-marta-10-11-2016

Chúng ta phải vượt qua cám dỗ về một thứ tôn giáo theo kiểu biểu diễn luôn tiết lộ những điều mới lạ. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta. Ngài nói: Nước Thiên Chúa sẽ lớn mạnh nếu chúng ta biết giữ vững niềm hy vọng trong từng ngày sống.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu trả lời cho những người Pharisêu khi họ hiếu kỳ hỏi: Khi nào Nước Thiên Chúa đến? Chúa Giêsu nói: Nước Thiên Chúa đã đến và ở giữa chúng ta. Nước Trời tựa như hạt giống nhỏ bé được gieo xuống và lớn lên theo thời gian. Chính Thiên Chúa làm cho hạt giống ấy phát triển, nhưng không gây sự chú ý.

Nước Trời không phải là thứ tôn giáo kiểu biểu diễn

Nước Thiên Chúa không phải là thứ tôn giáo theo kiểu những cuộc biểu diễn luôn tiết lộ cái gì đó mới lạ hoặc săn tin này nọ… Thiên Chúa đã nói nơi Chúa Giêsu: Chúa Giêsu là Lời của Thiên Chúa. Có những lời khác, ba hoa theo kiểu pháo bông, chỉ lóe sáng một lát, rồi sau đó còn lại gì? Ngay lập tức chẳng còn gì cả. Chẳng có sức sống, chẳng có sức tăng trưởng, không còn ánh sáng. Thế mà nhiều lần chúng ta bị cám dỗ bởi thứ tôn giáo theo kiểu này, để tìm những gì bên ngoài mặc khải. Không phải là niềm hy vọng, khi chúng ta muốn sở hữu cái gì đó trong tầm tay.

Ơn cứu độ của chúng ta mang lại cho chúng ta niềm hy vọng, niềm hy vọng mà người gieo hạt giống và người làm bánh mong chờ: mong cho hạt giống nảy mầm, mong cho bột dậy men. Còn ánh sáng nhân tạo của pháo hoa, nó chỉ lóe lên được giây lát rồi vụt tắt. Thứ ánh sáng này không dùng để thắp sáng cho ngôi nhà, mà chỉ là để biểu diễn.

Vững tâm bền chí đợi chờ Nước Thiên Chúa hiển trị

Kiên trung và bền chí. Kiên vững trong hành động, trong đau khổ… Kiên nhẫn như người gieo hạt đợi hạt giống nảy mầm, và biết bảo vệ hạt giống khỏi cỏ dại, để hạt giống có thể phát triển. Hy vọng sức sống nảy sinh. Đây là câu hỏi dành cho chúng ta hôm nay: Nếu Nước Thiên Chúa ở giữa chúng ta, ở trong chúng ta, nếu chúng ta có hạt giống ngay trong lòng mình, chúng ta có Chúa Thánh Thần trong mình, thì chúng ta có gìn giữ hay không? Làm thế nào để phân biệt thóc mẩy và vỏ trấu? Nước Thiên Chúa đang phát triển, và chúng ta làm gì? Giữ vững. Lớn mạnh trong hy vọng. Giữ vững niềm hy vọng. Niềm hy vọng là chủ đề xuyên suốt của lịch sử cứu độ. Đó là hy vọng được gặp gỡ Thiên Chúa.

Nước Thiên Chúa trở nên lớn mạnh trong niềm hy vọng

Chúng ta tự hỏi: Tôi có hy vọng không? Hoặc câu hỏi gần gũi hơn, là tôi có biết phân biệt tốt xấu không, có phân biệt được hạt thóc với vỏ trấu, có phân biệt được ánh sáng dịu hiền của Chúa Thánh Thần với ánh sáng nhân tạo giả dối không? Chúng ta cần hỏi chính mình về niềm hy vọng của chúng ta, về hạt giống trong chúng ta, và làm thế nào để duy trì niềm hy vọng này. Nước Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta, nhưng chúng ta cần làm việc và nghỉ ngơi, sáng suốt và kiên nhẫn, để hạt giống niềm hy vọng của Nước Trời có thể mọc lên, phát triển và sẽ đến lúc mọi sự được biến đổi. Sẽ tới thời tất cả được biến đổi với Người và trong Người.

Tứ Quyết SJ

Nước Trời lớn lên giống như hạt cải, không theo kiểu biểu đồ

Nước Trời lớn lên giống như hạt cải, không theo kiểu biểu đồ

thanh-le-tai-nha-nguyen-marta-25-10-2016

Để Nước Thiên Chúa có thể lớn lên, Chúa cần tất cả chúng ta phải hiền lành và nhu mì. Đây là điều Đức Thánh Cha chia sẻ trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện thánh Marta. Ngài lưu ý rằng, đừng quá tập trung vào những cơ cấu và sơ đồ tổ chức, Nước Trời không theo kiểu các khung biểu đồ.

Phúc cho ai bước theo luật Chúa. Đây là luật không phải để học cho biết, mà là để thực hành, để sống, để bước theo.

Nước Thiên Chúa không phải là cơ cấu bị đóng khung, nhưng luôn sống động

Luật là vì sự sống, luật là để giúp xây dựng Nước Trời, để kiến tạo sức sống. Hôm nay, Chúa dạy chúng ta về Nước Trời. Phải ví Nước Trời với cái gì đây? Có lẽ Nước Thiên Chúa là một toàn thể được thiết kế tuyệt vời, mọi sự có trật tự, với cơ cấu tổ chức tốt… và không ai vào đó, đây không phải là Nước Thiên Chúa. Không. Điều xảy ra với Nước Trời cũng giống như xảy ra với luật: vừa vững chắc lại vừa thích ứng… Luật này là luật để sống, và Nước Trời đang đến. Không có điểm dừng. Hơn thế nữa: Nước Trời thấm nhập và tiến triển “từng ngày”.

Chúa Giêsu kể dụ ngôn về “những thứ biến đổi từng ngày”. Tấm men không còn là tấm men, vì men được bỏ vào trong bột, và thế là có tiến trình trở thành bánh. Hạt giống không còn là hạt giống, vì nó chết đi và trao tặng sức sống cho cây mới nảy sinh. Nắm men và hạt giống đang trong một hành trình làm điều gì đó, nhưng để làm điều ấy thì phải “chết đi”. Vấn đề không ở chỗ: cái gì là bé nhỏ hoặc lớn lao. Điều quan trọng ở chỗ “bước đi” và sự biến đổi diễn ra trên hành trình.

Để Nước Thiên Chúa lớn lên, chúng ta phải ngoan ngoãn với Chúa Thánh Thần     

Ai biết luật mà không sống, thì đó là người có thái độ bảo thủ và cứng nhắc. Chúa muốn chúng ta có thái độ nào để Nước Trời có thể lớn lên, để bột có thể trở thành bánh? Đó là ngoan ngoãn. Nước Trời lớn lên khi chúng ta ngoan ngoãn nghe theo Chúa Thánh Thần. Bột không còn là bột mà trở thành bánh, khi bột nhẹ nhàng để cho sức mạnh của men tác động, để cho men được nhào trong bột… Tôi không biết, bột có cảm giác không, nhưng khi bạn nhào bột, bột có đau không? Sau đó, bạn nấu nướng, bột có đau không? Tất cả những việc ấy đều tốt, và rồi bột trở thành bánh trong bữa ăn cho mọi người. Nước Trời cũng thế.

Bột ngoan ngoãn đối với men, Nước Trời cũng phát triển như thế. Khi những người nam nữ ngoan ngoãn trước tác động của Chúa Thánh Thần, thì họ đang lớn mạnh và trở thành quà tặng cho tất cả mọi người. Hạt giống ngoan ngoãn để nảy sinh, để mất đi những gì là kích thước của hạt giống, để trở thành cái gì đó khác, để trở thành cây lớn hơn hạt giống gấp bội. Hạt giống trở thành cây. Nước Thiên Chúa cũng thế, cũng trên hành trình “trở thành”, hành trình hướng tới niềm hy vọng, hành trình hướng tới sự viên mãn.

Kẻ hà khắc chỉ có thể có chủ mà không có cha

Nước Thiên Chúa là điều mà bạn thực hành hằng ngày khi ngoan ngoãn với Chúa Thánh Thần, để kết hợp những đấu bột bé nhỏ, những hạt giống bé nhỏ của bạn, với với sức mạnh, để chúng được lớn lên. Nếu chúng ta không bước đi, không sống như thế, chúng ta sẽ khô héo và tự làm cho chính mình thành kẻ mồ côi, thành kẻ có chủ mà không có Cha.

Nước Trời giống như người mẹ trao tặng chính bản thân mình, vì những đứa con, để lo cho con. Khi làm như thế, người mẹ sống theo gương của Chúa. Hôm nay là ngày cầu nguyện xin ơn ngoan hiền trước sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Đã bao nhiêu lần chúng ta phán đoán theo ý riêng: “Nhưng, tôi làm điều tôi muốn…” Khi ấy, Nước Trời không thể phát triển, chính chúng ta cũng không thể lớn lên. Khi ngoan hiền với Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ lớn lên và được biến đổi giống như hạt giống và nắm bột. Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ơn ngoan ngoãn với Chúa Thánh Thần.

Tứ Quyết SJ

Sống nghiêm ngặt luật Chúa, nhưng chưa có tự do của con cái Thiên Chúa

Sống nghiêm ngặt luật Chúa, nhưng chưa có tự do của con cái Thiên Chúa

thanh-le-tai-nha-nguyen-marta-24-10-2016

Đằng sau những gì gọi là nghiêm ngặt khắt khe, có cái gì đó ẩn giấu, một đời sống nước đôi, một đời sống nghiêm khắc mà mất tự do, vì họ làm nô lệ cho luật. Còn Thiên Chúa, Ngài ban cho chúng ta tự do, sự hiền lành, lòng nhân từ. Đó là điều Đức Thánh Cha chia sẻ trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện thánh Marta.

Nơi bài Tin Mừng hôm nay, Thầy Giêsu chữa lành người phụ nữ trong ngày Sabat, trước sự tức giận của ông trưởng hội đường, bởi vì ông nói là luật Chúa đã bị vi phạm. Thực sự, sống theo luật Chúa thì không hề đơn giản, đó là ơn sủng mà chúng ta cần cầu xin. Phản ứng lại ông ta, Thầy Giêsu gọi ông là kẻ đạo đức giả. Đã nhiều lần, Thầy Giêsu gọi những người như thế là đạo đức giả, vì họ chỉ biết tuân thủ nghiêm ngặt lề luật mà không có sự tự do của những người con, họ bị nô lệ bởi luật. Luật được làm ra là để giúp chúng ta có tự do, tự do của con cái Thiên Chúa, chứ không phải: luật làm ra để chúng ta làm nô lệ cho luật.

Đằng sau những gì là khắt khe, luôn có điều gì đó khác, điều đó Thầy Giêsu gọi là đạo đức giả. Đằng sau cái khắt khe, có điều gì đó ẩn giấu trong cuộc sống của con người. Sự hà khắc không phải là quà tặng của Thiên Chúa. Sự dịu hiền, vâng; sự tốt lành, vâng; lòng nhân từ, vâng; sự tha thứ, vâng. Sự khắt khe cứng nhắc thì không. Đằng sau sự khắt khe ấy, thường có cái gì đó ẩn giấu, thường thì đó là lối sống hai mặt, nhưng cũng có cái gì đó là đau bệnh. Khi chân thành họ nhận ra rằng, họ đang đau khổ! Vì họ chưa có tự do của con cái Thiên Chúa. Họ không biết làm thế nào để sống theo luật Chúa, họ chưa được chúc phúc. Họ đau khổ rất nhiều! Xem ra họ có vẻ tốt, vì họ sống theo lề luật, nhưng đằng sau có điều gì đó chẳng lành, có điều gì đó xấu, họ đang giả hình hoặc bị đau bệnh. Họ đau khổ!

Trong dụ ngôn người cha nhân hậu, người anh cả đã luôn sống tốt và làm theo lệnh cha, nhưng anh ta lại bất bình và tức giận với cha khi người cha vui mừng đón nhận người con thứ đi hoang trở về hối lỗi. Như thế, đằng sau đời sống tốt lành của người anh, có một sự tự hào tự kiêu.

Đằng sau việc làm tốt lành của anh ta, có một sự kiêu ngạo. Anh ta biết anh có một người cha, và trong những giây phút đen tối nhất cuộc đời, anh chạy đến với cha. Chỉ mình người cha mới có thể nói rằng chính anh cũng là ông chủ cùng với cha vì tất cả những gì của cha đều là của anh. Thế nhưng, chưa bao giờ anh có thể cùng cảm nghĩ như cha. Thế đấy, thật là khó khăn: anh chỉ làm cứng nhắc theo luật theo lệnh. Còn người con thứ, anh bỏ luật sang một bên, anh sống không cần luật lệ gì cả, sống chống lại luật, và đến một lúc, anh nghĩ về người cha rồi quay trở về. Anh được tha thứ. Thật là không dễ chút nào để đi theo luật Chúa mà lại không rơi vào sự nghiêm khắc.

Chúng ta hãy cầu cùng Thiên Chúa, hãy cầu nguyện cho anh chị em của chúng ta là những người tin rằng sống theo luật Chúa là trở nên khắt khe. Xin Chúa làm cho họ cảm thấy Ngài là Cha chúng ta, Ngài yêu thích sự dịu hiền, nhu mì, và khiêm nhường. Xin Ngài dạy tất cả chúng ta bước theo luật Chúa với thái độ hiền lành và khiêm nhường.

Tứ Quyết SJ

 

Không có “lối sống đạo kiểu ngụy trang” chỉ trọng vẻ bề ngoài

Không có “lối sống đạo kiểu ngụy trang” chỉ trọng vẻ bề ngoài

thanh-le-tai-nha-nguyen-marta-11-10-2016

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta làm việc thiện với lòng khiêm tốn, tránh lối phô trương hình thức. Đó là điều Đức Thánh Cha nhấn mạnh trong bài giảng sáng nay tại nhà nguyện thánh Marta. Đức Thánh Cha cảnh báo lối sống đạo kiểu ngụy trang ngụy tạo. Ngài nói rằng con đường của Thiên Chúa là con đường của khiêm nhường.

Tự do của người Kitô hữu đến từ Chúa Giêsu, chứ không đến từ những việc chúng ta làm. Đức Thánh Cha khai triển bài giảng của Ngài từ bài đọc trích thư của thánh Phaolô, sau đó Ngài hướng sự tập trung vào bài đọc Tin Mừng.

Hôm nay Chúa Giêsu trách người biệt phái vì họ chỉ tập trung vào cái bề ngoài mà quên mất đức tin. Chúa Giêsu kêu mời chúng ta chấp nhận sự công bình đến từ Thiên Chúa. Lúc ấy, người biệt phái trách Chúa vì Chúa chưa rửa tay trước khi ăn.

Đáp lại họ, Chúa Giêsu nói rất mạnh: các ông chỉ làm sạch bên ngoài chén đĩa, còn trong lòng các ông thì đầy tham lam gian ác. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu lặp đi lặp lại rất nhiều lần: nội tâm các ông đầy bất công và bị nô lệ. Họ bị nô lệ vì họ không đón nhận công bình đến từ Thiên Chúa, thứ công bình mà Chúa Giêsu trao ban.

Nơi khác của Tin Mừng, Chúa Giêsu còn mời gọi chúng ta cầu nguyện nơi kín đáo để không phô trương. Có những người ăn chay với vẻ mặt phiền não. Những người sống bề ngoài như thế, họ đã cầu nguyện và chay tịnh để được người ta khen tặng. Tuy nhiên, Chúa chỉ cho chúng ta con đường của khiêm nhường.

Không có lối sống đạo kiểu ngụy tạo. Điều quan trọng là chính tự do mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta từ sự cứu chuộc của Người, từ tình yêu và niềm vui mà Người trao cho chúng ta từ nơi Chúa Cha.

Đó là tự do nội tâm. Với tự do ấy bạn làm việc tốt cách kín đáo, không khua chiêng đánh trống cho người ta biết. Con đường đích thực của Chúa Giêsu là thế: khiêm nhường và chịu sỉ nhục. Thánh Phaolô nói với các tín hữu Philipphê về gương khiêm nhường của Chúa Giêsu: Người đã tự hạ mình và từ bỏ chính mình. Đó là cách duy nhất để chúng ta ra khỏi sự ích kỷ, tham lam, ngạo mạn, hư danh, gian manh. Thế nhưng, có những người sống đạo kiểu tô vẽ kiểu ngụy tạo: bên ngoài thì có vẻ thế này mà bên trong lại thế khác. Chúa Giêsu dùng một hình ảnh rất mạnh: các ông giống như những cái mộ tô vôi, bên ngoài thì đẹp đẽ mà bên trong đầy xương người chết và hôi hám.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa để chúng ta không sống đạo theo kiểu giả hình, mà sống đạo theo con đường khiêm nhường của Chúa. Chúng ta có thể làm nhiều điều tốt đẹp, nhưng nếu chúng ta không khiêm tốn, chúng ta không sống theo lời Chúa Giêsu dạy và những điều tốt ấy không phải là để phục vụ, những điều tốt ấy không có giá trị cứu độ mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta. Con đường cứu độ, con đường cứu chuộc của Chúa là con đường của khiêm nhường và chịu sỉ nhục, vì bạn không bao giờ có được sự khiêm nhường mà lại không phải chịu biết bao nhục nhã. Chúng ta thấy Chúa Giêsu chịu sỉ nhục trên thánh giá.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa để chúng ta không sống đạo kiểu giả hình… để chúng ta sống tốt lành cách khiêm tốn, để chúng ta trao tặng cách nhưng không những gì chúng ta đã lãnh nhận nhưng không, đó là tự do nội tâm. Nguyện xin Người gìn giữ tự do nội tâm của mỗi người chúng ta. Chúng ta cùng cầu xin ơn ấy.

Tứ Quyết SJ

Địa Lý Nước Việt Nam

Địa Lý Tự Nhiên -TómTắt


Vị trí

Đông Nam Châu Á
phía đông bán đảo Đông Dương
Hình chữ S
khoảng cách từ bắc tới nam (theo đường chim bay) 1.648 km
khoảng cách hẹp nhất theo chiều đông sang tây50 km
bờ biển dài 3.260 km không kể các đảo
cực Bắc: Lũng Cú (Long Sơn, núi Rồng)
cựcnamtrênđấtliền: mũiRạchTàu(CàMau)
quần đảoHoàngSa vàTrường Sa
Diện tích331213 km²
đất liền 324480 km²
đảoPhúQuốc589 km²

Địa Hình

miền núi và trung du
đồngbằngsôngHồng
dãyTrường Sơn
đồngbằngduyênhảimiềnTrung
đồngbằngsôngCửuLong
nội thuỷ hơn 4200 km²

dia-ly-nuoc-viet-nam

Tòa Thánh tham gia Hiệp Ước chống tham nhũng

Tòa Thánh tham gia Hiệp Ước chống tham nhũng

Tòa Thánh tham gia Hiệp Ước chống tham nhũng

Hôm 19-9-2016, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã chính thức trao văn kiện tham gia Hiệp ước này, đã được Đại hội đồng LHQ thông qua ngày 31-10 năm 2003.

Khi bày tỏ sự tham gia Hiệp ước, nhân danh Tòa Thánh và cả Quốc gia Thành Vatican, Tòa Thánh bày tỏ 2 sự dè dặt và 3 tuyên ngôn giải thích được coi là thành phần của Văn kiện tham gia.

Vì thế, chiếu theo khoản số 68 triệt 2 của Hiệp ước, qui định việc chấp nhận cả những biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa và chống lại các tội tham nhũng trong lãnh vực công quyền, Hiệp ước này bắt đầu có hiệu lực đối với Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican từ ngày 19-10 tới đây.

Trong một bài đăng trên báo Quan sát viên Roma của Tòa Thánh, Đức TGM ngoại trưởng Paul Gallagher nhắc lại trong trong Tông Sắc ”Tôn nhan Thương Xót” (Misericordiae Vultus) ngày 11-4 năm 2015 để ấn định Năm Thánh đặc biệt về Lòng thương xót, ĐTC Phanxicô đã tố giác nạm tham nhũng như tai ương của xã hội và kêu tích cực bài trừ tệ nạn này.

Hiệp Ước của LHQ chống tham nhũng có đối tượng là thăng tiến và củng cố các biện pháp phòng ngừa và bài trừ nạn tham những, tạo điều kiện dễ dàng cho sự cộng tác và trợ giúp chuyên môn trong lãnh vực quốc tế, cũng như tịch thu các tài sản đã thủ đắc bất hợp pháp. Theo một nghĩa rộng lớn hơn, hiệp ước nhắm thắng tiến sự thanh liêm, trách nhiệm và ý ngay chính trong việc quản trụ công vụ.

Đặc biệt các quốc gia phê chuẩn Hiệp ước chống tham nhũng bó buộc phải truy tố và trừng phạt sự tham nhũng tích cực và thụ động của các nhân viên công quyền thuộc quốc gia của mình và cả những nhân viên công quyền ngoại quốc, cũng như sự tham nhũng trong lãnh vực tư nhân. Ngoài ra các nước phải tuyên bố có thể truy tố theo luật sự chiếm hữu bất hợp pháp, lạm dụng chức vụ, tẩy tiền và làm chứng gian. (SD 23-9-2016)

G. Trần Đức Anh OP