Tài khoản Twitter của Đức Thánh Cha đạt 40 triêụ người theo dõi

Tài khoản Twitter của Đức Thánh Cha đạt 40 triêụ người theo dõi

Tài khoản Twitter của Đức Thánh Cha Phanxicô @Pontifex bằng 9 ngôn ngữ đã vượt quá 40 triệu người theo dõi (follower) sau 5 năm đăng ký. Ngày 12/12/2012, Đức nguyên giáo hoàng Biển đức đã muốn mở một tài khoản của Giáo hoàng trên mạng xã hội Twitter.

Mỗi ngày, qua các “tweet” của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đến gần với dân chúng trong thế giới truyền thông xã hội. Thỉnh thoảng ngài đăng một suy tư thiêng liêng, hay nhắc nhớ đến vị thánh đước kính nhớ trong ngày, hoặc chia sẻ với những người theo dõi các suy tư về các biến cố quan trọng trên thế giới.

Trong 12 tháng qua, số follower đã tăng thêm hơn 9 triệu; điều này cho thấy sự quan tâm liên tục của dân chúng đến các “tweet” của Đức Thánh Cha, trong đó có người bình dân, các Kitô hữu và người ngoài Kitô giáo, các lãnh đạo chính trị, những nhân vật nổi tiếng về văn hóa.

Bên cạnh số đông follower trên tài khoản Twitter, tài khoản Instagram của Đức Thánh Cha @Franciscus cũng gần đạt 5 triệu follower. Tài khoản Instagram được bắt đầu từ ngày 19/03/2015 với tin: “Tôi bắt đầu một hành trình mới để đồng hành với anh chị em trên con đường của lòng thương xót và dịu dàng của Thiên Chúa.”

Một điều thật ý nghĩa là phần lớn những người theo dõi tài khoản Instagram của Đức Thánh Cha nằm trong độ tuổi 25-34 và Braxin và Hoa kỳ là nơi có nhiều follower nhất.

Theo Đức ông Dario Edoardo Viganò, Bộ trưởng Bộ Truyền thông của Vatican, con số 40 triệu không chỉ có ý nghĩa về con số thống kê, nhưng quan trọng hơn hết là Đức Thánh Cha Phanxicô, cũng như vị tiền nhiệm của ngài, cho thấy sự hiện diện của các chứng tá Kitô giáo trong “thế giới kỹ thuật số” và đặc biệt là trong các phương tiện truyền thông xã hội. 40 triệu người theo dõi là 40 triệu người, 40 triệu trái tim, trí tuệ và tình cảm. Đó là một thế giới, một mối liên hệ, một cộng đồng.

Đức ông Viganò cũng nhận định rằng Đức Thánh Cha rất quan tâm đến các tài khoản xã hôi của ngài; ngài kiểm tra kỹ lưỡng các tweet được đăng trên tài khoản. Điều này chứng tỏ sự quan tâm của ngài với mối liên hệ với các follower và bất kỳ mối liên hệ nào cũng cần được chăm sóc, sưởi ấm trái tim, ngay cả chỉ bằng một ít từ ngữ. Đối với Đức Thánh Cha, "Internet là một là một nơi đầy nhân tính, là  mạng lưới của con người chứ không phải của các dây dợ." (REI 11/10/2017)

Hồng Thủy

 

Giáo hội Syro-Malankara thành lập giáo phận mới

Giáo hội Syro-Malankara thành lập giáo phận mới

Trung tâm Công giáo của Giáo hội Công giáo Syro-Malankara, có trụ sở ở Thiruvananthapuram, thủ phủ của bang Kerala, miền nam Ấn Độ.

Thượng Hội đồng Giám mục Giáo hội Syro-Malankara, sau khi tham khảo ý kiến Tòa Thánh và được Đức Thánh cha phê chuẩn, đã thành lập giáo phận mới Parassala ở miền nam Ấn Độ.

Parassala được tách ra từ tổng giáo phận Trivandrum có trụ sở ở Thiruvananthapuram, thủ phủ bang Kerala, miền nam Ấn Độ.

Đứng đầu giáo phận mới là Đức Giám mục Eusebios Naickamparambil, được thuyên chuyển từ giáo phận Đức Mẹ Nữ Vương Hòa Bình ở Mỹ và Canada, news.va đưa tin.

Trong Giáo hội theo nghi lễ Latinh Đức Thánh cha trực tiếp bổ nhiệm giám mục, trong khi đó các thượng hội đồng của các Giáo hội Công giáo theo nghi lễ Đông Phương có quyền tự bổ nhiệm giám mục và được Đức Thánh cha phê chuẩn.

Đức Giám mục Naickamparambil sinh tại Mylapra thuộc tổng giáo phận Trivandrum năm 1961. Ngài chịu chức linh mục năm 1986. Ngài thành thạo tiếng Malayalam, Anh, Đức, Hindi và Ý, và còn biết tiếng Syriac, Hy Lạp và Pháp.

Giáo hội Syro-Malankara ra đời năm 1930 sau khi một nhóm thuộc Giáo hội Jacobite gia nhập Công giáo trong khi vẫn giữ các nghi lễ phụng vụ của họ.

Giáo hội Công giáo ở Ấn Độ bao gồm nghi lễ Latinh và 2 nghi lễ Đông Phương được gọi là Syro-Malabar và Syro-Malankara.

Nghi lễ Latinh theo phụng vụ Rôma do các thừa sai châu Âu truyền bá vào thế kỷ 15, trong khi 2 nghi lễ Đông Phương đều có trụ sở ở Kerala theo các truyền thống Giáo hội Syria và bắt nguồn từ Thánh Tôma Tông Đồ.

UCANEWS

Các nghệ sĩ cử hành Ngày nghệ thuật thánh Phanxicô

Các nghệ sĩ cử hành Ngày nghệ thuật thánh Phanxicô

ASSISI: Mùng 2 tháng 8 hôm nay là Ngày toàn xá Porziuncola, hàng trăm nghệ sĩ vùng Umbria, Lazio, Emilia Romagna và Nga tụ họp nhau tại Assisi để cử hành ngày nghệ thuật kính thánh Phanxicô.

Sáng kiến này đã do nhiều hiệp hội khác nhau tổ chức theo gợi ý của ĐTC Phanxicô nhân dịp mừng kỷ niệm 800 năm Ngày toàn xá ĐGH Onorio III ban theo lời xin của thánh Phanxicô năm 1217. Chuyên kể rằng một đêm năm 1216 trong khi thánh Phanxicô chìm đắm trong lời cầu nguyện thì thánh nhân thấy có một ánh sáng rất mạnh lọt vào nhà nguyện Porziuncola và thánh nhân trông thấy hiện ra trên bàn thờ Chúa  Kitô có Đức Mẹ đứng bên phải và các thiên thần. Các vị hỏi thánh nhân mong ước gi cho sự cứu rỗi các linh hồn thánh Phanxicô trả lời ngay: “Lậy Cha chí thánh mặc dù con là kẻ tội lỗi, con xin Cha ban ơn tha thứ rộng rãi và quảng đại”. Chúa nhận lời xin của thánh nhân. Và sau khi được ĐGH Onorio III cho phép lễ Toàn Xá Porziuncola bắt đầu được cử hành vào ngày mùng 2 tháng 8 năm 1217. Từ trưa ngày mùng 1 cho tới 12 giờ đêm ngày mùng 2 tháng 8 hàng năm những ai viếng nhà thờ Đức Maria của các Thiên Thần bên trong có nhà nguyện Poziuncola, hay tất cả các nhà thờ giáo xứ do các cha dòng Phanxicô trông coi trên toàn thế giới đều được ơn toàn xá, nghĩa là được tha mọi tội lỗi, miễn là họ xưng tội rước lễ, và đọc một Kinh Tin Kính một Kinh Lạy Cha cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng.

Trong các sinh hoạt của Ngày nghệ thuật có video ý chỉ tháng 8 của ĐTC cầu nguyện cho các nghệ sĩ trên toàn thế giới, để họ ý thức được sứ mệnh cao quý của họ là diễn tả vẻ đẹp qua các tác phẩm nghệ thuật hầu giúp con người gặp gỡ Thiên Chúa là Chân Thiện Mỹ.

Số tiền bán các tác phẩm do các nghệ sĩ trưng bầy và trình diễn sẽ được dùng để làm việc từ thiện. Đó là trường hợp của nữ họa sĩ Natalia Tsarkova với tác phẩm “Mục Tử Thương Xót” của Năm Thánh Lòng Thương Xót, và cuốn sách ngụ ngôn tựa đề “Mầu nhiệm của cái ao nhỏ”, lấy hứng từ buổi lần hạt Mân Côi của ĐTC Biển Đức trước tượng Đức Mẹ đặt giữa một ao cá trong vườn dinh thự nghỉ hè Castel Gandolfo. Tiền bán cuốn sách này sẽ được dùng để giúp các trẻ em mù.

Nữ họa sĩ Francesca Capitini sẽ trình bầy bức tranh “Thánh Phanxicô giảng cho chim”.

Ngoài ra cũng sẽ được giới thiệu cuốn sách tựa đề “Đức Biển Đức XVI. Nghệ thuật là một cánh cửa hướng về Vô Tận. Thần học nghệ thuật cho một Phục Hưng mới” (REI 1-8-2017)

Linh Tiến Khải

 

Đức Hồng Y Quốc vụ khanh liên đới với ĐHY Sabino, Venezuela

Đức Hồng Y Quốc vụ khanh liên đới với ĐHY Sabino, Venezuela

VATICAN. ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã gửi điện liên đới với ĐHY Jorge Urosa Sabino, TGM Caracas thủ đô Venezuela, nạn nhân của bạo lực.

Chúa nhật 16-7-2017, những người tham dự cuộc trưng cầu dân ý ở Caracas đã bị một nhóm dân quân theo phe tổng thống Nicola Maduro tấn công và họ phải chạy vào tị nạn trong một thánh đường nơi ĐHY Savino đang cử hành thánh lễ. Cuộc tấn công đã làm cho 1 người chết và nhiều người bị thương.

Sau vụ đó, Tổng thống Maduro tố cáo các ”GM là làm tôi cho tư bản và sự đồi bại trên thế giới, cũng như làm cho bạo lực gia tăng”. Hồi tháng 4 năm nay, một thánh lễ do ĐHY Urosa Sabino cử hành cũng bị những thành phần ủng hộ tổng thống Maduro phá rối.

Điện văn của ĐHY Parolin hôm 17-7-2017 gửi ĐHY có đoạn viết: ”Tôi muốn bày tỏ sự gần gũi với ĐHY, với các LM, phó tế và toàn thể giáo dân đã bị tấn công tại Nhà thờ Đức Mẹ Camêlo di Catia, và quyết liệt lên án cuộc bao vây và hành hung tại đây. Ngày 16-7, tôi đã cầu nguyện thật nhiều xin Đức Mẹ Camêlô, rất được tôn kính tại Venezuela, xin Chúa Con của Mẹ một giải pháp hòa bình và dân chủ cho đất nước này, và để chính quyền lắng nghe tiếng kêu của dân chúng đang đòi tự do, hòa giải, hòa bình và an sinh vật chất cũng như tinh thần cho tất cả mọi người, nhất là những người nghèo khổ nhất và bị gạt ra ngoài lề”.

Hôm 18-7-2017, trang thông tin trực tuyến 2001.com.ve ở Venezuela khẳng định rằng tổng thống Maduro đã cam đoan là ”Venezuela sẽ không theo lệnh của ĐHY Parolin”.

Ăn chay cầu nguyện

Mặt khác, thứ sáu 21-7-2017, các tín hữu Công Giáo và những người thiện chí ở Venezuela cử hành ngày ăn chay và cầu nguyện theo lời mời gọi HĐGM nước này đưa ra hôm 12-7 vừa qua, sau khi kết thúc khóa họp khoáng đại.

Các GM kêu gọi mọi người ”cầu xin Chúa chúc lành cho mọi nỗ lực của nhân dân Venezuela để đạt được tự do, công lý và hòa bình, và được Thánh Linh soi sáng, cũng như nhờ sự bảo vệ hiền mẫu của Đức Mẹ Coromoto bổn mạng đất nước, họ tiếp tục xây dựng hòa bình và sự sống chung huynh đệ tại đất nước này”.

HĐGM Venezuela tuyên bố hỗ trợ ”tiếng kêu của những người đang bị đói, không được những bảo đảm về săn sóc sức khỏe, không tìm được thuốc men và phải chịu tình trạng bất an trong mọi lãnh vực”. Các vị kêu gọi tôn trọng ước muốn của nhân dân, chiếu theo luật pháp và hiến pháp quốc gia, để nhân dân Venezuela được sống trong hòa hợp, an bình, tự do và phát triển nhân bản”.

Sáng kiến trên đây của HĐGM Venezuela đã từng được thực hiện ngày 2-8 năm ngoái và ngày 21-5 năm nay. Ngoài ra, tại mỗi giáo phận, từ nhiều tháng nay, hàng ngàn tín hữu đã biểu lộ đức tin của các cuộc rước, các buổi canh thức và các buổi lễ khác để xin ơn phù trợ của Chúa trong giai đoạn quan trọng đất nước Venezuela đang trải qua. (imedia 19-7-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Bài giảng của Đức Thánh Cha lễ làm phép Pallium: 29-6-2017

Bài giảng của Đức Thánh Cha lễ làm phép Pallium: 29-6-2017

Đức Thánh Cha nói:

”Phụng vụ hôm nay cống hiến cho chúng ta 3 lời thiết yếu đối với đời sống của vị Tông Đồ: tuyên xưng, bách hại, cầu nguyện.

1. Tuyên xưng là lời của thánh Phêrô trong Tin Mừng, khi câu hỏi của Chúa từ tổng quát trở nên đặc thù. Thực vậy, trước hết Chúa Giêsu hỏi: ”Dân chúng nói Con Người là ai?” (Mt 16,13). Từ sự ”thăm dò” đó từ nhiều phía người ta thấy dân chúng coi Chúa Giêsu là một vị ngôn sứ. Bấy giờ Thầy mới hỏi các môn đệ câu hỏi thực là quyết định: ”Nhưng các con, các con nói Thầy là ai?” (v.15). Bấy giờ một mình Phêrô nói: ”Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (v.16). Đó là một sự tuyên xưng nhìn nhận Chúa Giêsu là Đức Messia đang được mong đợi, Thiên Chúa hằng sống, là Chúa tể của chính đời sống của ông”.

Câu hỏi sinh tử này ngày nay Chúa Giêsu cũng gửi đến chúng ta, tất cả chúng ta, đặc biệt là các vị Mục Tử. Đó là câu hỏi quyết định, và những câu trả lời qua đường không có giá trị trước câu hỏi đó, vì có liên hệ tới chính cuộc sống: và câu hỏi về cuộc sống này đòi phải có câu trả lời bằng chính cuộc sống. Lý do vì nếu chỉ biết các tín điều đức tin thì chẳng hữu ích bao nhiêu nếu ta không tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa bằng chính cuộc sống của mình. Ngày hôm nay Chúa nhìn tận mắt chúng ta và hỏi: ”Thầy là ai đối với con?”, như thể Ngài nói: ”Thầy có là Chúa tể đời sống của con, là hướng đi của tâm hồncon, là lý do hy vọng, là niềm tín thác không lay chuyển của con hay không?”.

Với thánh Phêrô và cả chúng ta, ngày hôm nay chúng ta hãy canh tân sự chọn lựa cuộc sống của chúng ta như môn đệ và tông đồ; chúng ta tiến từ câu hỏi thứ I sáng câu hỏi thứ hai của Chúa Giêsu, để trở thành những người của Chúa không những bằng lời nói, nhưng còn bằng việc làm và cuộc sống.

”Chúng ta hãy tự hỏi xem chúng ta có phải là những Kitô hữu ”phòng trà”, nói chuyện tầm phào về những sự việc diễn tiến thế nào trong Giáo Hội và thế giới, hoặc chúng ta là những tông đồ đang tiến bước, tuyên xưng Chúa Giêsu bằng cuộc sống vì chúng ta có ngài ở trong tâm hồn. Ai tuyên xưng Chúa Giêsu thì biết rằng mình không phải chỉ buộc phải cho ý kiến, nhưng còn hiến mạng sống, họ biết rằng mình không thể tin một cách nguội lạnh, nhưng được kêu gọi nồng cháy vì tình yêu; biết rằng trong cuộc sống mình không thể trôi nổi hoặc an tọa trong thoải mái, nhưng phải liều ra khơi, mỗi ngày tái lao mình trong sự hiến thân. Ai tuyên xưng Chúa Giêsu thì làm như thánh Phêrô và Phaolô: theo Chúa cho đến cùng; không phải đến một điểm nào đó, nhưng là cho đến tận cùng, và theo Chúa trên con đường của Ngài, chứ không theo những con đường của chúng ta. Con đường của Chúa là con đường đời sống mới, vui mừng và phục sinh, con đường cũng tiến qua thập giá và bách hại.

2. Bước qua lời thứ hai là những bách hại. ĐTC nói: Không những thánh Phêrô và Phaolô đã đổ máu vì Chúa Kitô, nhưng toàn thể cộng đoàn nguyên thủy cũng bị bách hại, như sách Tông đồ công vụ nhắc nhở chúng ta (Xc 12,1). Cả ngày nay, tại nhiều nơi trên thế giới, nhiều khi trong bầu không khí thinh lặng, đôi khi trong thinh lặng đồng lõa, bao nhiêu tín hữu Kitô bị gạt ra ngoài lề, bị vu khống, kỳ thị, bị bạo lực nhiều khi bị giết chết, nhiều khi không có sự dấn thân của những người có nhiệm vụ bảo vệ những quyền thánh thiêng của họ.

”Nhưng nhất là tôi muốn nhấn mạnh điều mà thánh Phaolô Tông Đồ quả quyết trước khi ”đổ máu làm hy lễ” (2 Tm 4,6) như Ngài đã viết. Đối với Thánh Nhân, sống là Chúa Kitô (Xc Pl 1,21) và Chúa Kitô chịu đóng đanh (Xc 1 Cr 2,1), Đấng đã hiến mạng sống vì Người (Xc Gl 2,20). Thế là, trong tư cách là môn đệ trung tín, thánh Phaolô đã theo Thầy bằng cách hiến mạng sống mình. Không có thập giá thì không có Chúa Kitô, nhưng không có thập giá thì cũng chẳng có Kitô hữu. Thực vậy, ”đặc điểm của nhân đức Kitô là không phải chỉ làm điều thiện, nhưng cũng còn là biết chịu đựng những bất hạnh” (Agostino, Disc. 46,13), như Chúa Giêsu. Chịu đựng bất hạnh không những là kiên nhẫn và bước đi trong thái độ cam chịu; chịu đựng là noi gương Chúa Giêsu: là mang gánh nặng, mang gánh ấy trên vai vì Chúa và vì tha nhân. Là chấp nhận thập giá, tiến bước trong tín thác vì chúng ta không lẻ loi: Chúa chịu đóng đanh và sống lại ở với chúng ta. Và như thế, với thánh Phaolo chúng ta có thể nói rằng ”trong mọi sự chúng ta đã chịu đau khổ, nhưng không bị đè bẹp, bị đảo lộn nhưng không thất vọng; bị bách hại nhưng không bị bỏ rơi” (2 Cr 4,8-9).

”Chịu đựng là biết chiến thắng với Chúa Giêsu theo cách thức của Ngài, chứ không phải theo cách thế của thế gian. Vì thế, Thánh Phaolo, như chúng ta đã nghe, coi mình là người chiến thắng sắp được lãnh triều thiên (Xc 2 Tm 4,8) và Ngài viết: ”Tôi đã chiến đấu một trận chiến cam go, tôi đã kết thúc cuộc chạy, tôi đã bảo tồn đức tin” (v.7). Cách cư xử duy nhất trong cuộc chiến cam go của thánh nhân là sống cho, không phải cho mình, nhưng cho Chúa Giêsu và tha nhân. Ngài đã sống bằng cách chạy, nghĩa là không tránh mệt mỏi, nhưng xả thân. Nói mình đã bảo tồn: không phải sức khỏe, nhưng bảo tồn đức tin, nghĩa là tuyên xưng Chúa Kitô. Vì yêu Chúa, Ngài đã chịu những thử thách, tủi nhục và đau khổ, những điều ngài không bao giờ tìm kiếm, nhưng chấp nhận. Và như thế, trong mầu nhiệm khổ đau dâng hiến vì tình yêu, trong mầu nhiệm mà bao nhiêu anh chị em bị bách hại, nghèo khổ và bệnh tật đang thể hiện ngày nay, sức mạnh cứu độ của Thập Giá Chúa Kitô chiếu tỏ rạng ngời.

3. Lời thứ ba là cầu nguyện. Đời sống của tông đồ trào dâng từ sự tuyên xưng và biểu lộ trong sự dâng hiến, diễn ra mỗi ngày trong kinh nguyện. Kinh nguyện là nước không thể thiếu được, nuôi dưỡng hy vọng và làm tăng trưởng lòng tín thác. Kinh nguyện làm cho chúng ta cảm thấy được yêu mến và giúp chúng ta yêu mến. Kinh nguyện làm cho chúng ta tiến bước trong những lúc tối tăm, vì thắp lên ánh sáng của Thiên Chúa. Trong Giáo Hội kinh nguyện nâng đỡ tất cả chúng ta và làm cho chúng ta vượt thắng những thử thách. Chúng ta còn thấy điều đó trong bài đọc thứ I: ”Trong khi Phêrô bị cầm tù, Giáo Hội không ngừng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện cho thánh nhân' (Cv 12,5). Một Giáo Hội cầu nguyện thì được Chúa giữ gìn và tiến bước trong sự đồng hành của Chúa. Cầu nguyện là phó thách cho Chúa con đường để Ngài chăm sóc. Kinh nguyện là sức mạnh liên kết và nâng đỡ chúng ta, là liều thuốc chống lại sự lẻ loi và tự mãn dẫn tới cái chết tinh thần. Vì Thánh Thần sự sống không thổi nếu ta không cầu nguyện và không có cầu nguyện những nhà tù nội tâm cầm tù chúng ta sẽ không được mở ra.

Trong phần kết của bài giảng, ĐTC nói:

”Xin các thánh Tông Đồ cầu cho chúng ta được một con tim như các vị, vất vả và an bình nhờ kinh nguyện: vất vả vì cầu xin, gõ cửa và chuyển cầu, chịu trách nhiệm về bao nhiêu người và những hoàn cảnh cần ủy thác; nhưng đồng thời được an bình, vì Thánh Thần mang lại sự an ủi và can cảm khi ta cầu nguyện. Thật là điều cấp thiết phải có những bậc thầy cầu nguyện trong Giáo Hội,nhưng trước tiên là những người nam nữ cầu nguyện, sống kinh nguyện!

”Chúa can thiệp khi chúng ta cầu nguyện, Chúa là Đấng trung tín với tình yêu mà chúng ta tuyên xưng với ngài và ở cạnh chúng ta trong những thử thách. Chúa đã đồng hành trên những nẻo đường của các Tông Đồ và ngài cũng sẽ đồng hành với anh em, các Hồng Y thân mến, tụ họp nơi đây trong tình bách ái của các Tông Đồ đã tuyên xưng đức tin bằng máu. Chúa cũng sẽ gần gũi anh em là những vị TGM, sau khi nhận giây Pallium, anh em sẽ được củng cố sống cho đoàn chiên, noi gương vị Mục Tử nhân lành, Đấng nâng đỡ anh em, vác anh em trên vai. Chúa cũng nồng nhiệt mong ước được thất đoàn chiên của Ngài được hiệp nhất, xin Chúa chúc lành và gìn giữ cả Phái đoàn của Tòa Thượng Phụ chung, và người anh em yêu quí của tôi là Bartolomeo, Người đã gửi phái đoàn đến đây trong dấu chỉ hiệp nhất tông đồ”.

G. Trần Đức Anh OP dịch

Đức Thánh Cha cảnh giác chống cám dỗ giáo sĩ tìm địa vị xã hội

Đức Thánh Cha cảnh giác chống cám dỗ giáo sĩ tìm địa vị xã hội

VATICAN. ĐTC cảnh giác chống lại cám dỗ tìm kiếm địa vị và sự kính trọng của xã hội trong bậc giáo sĩ.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 22-6-2017, dành cho 100 tham dự viên khóa họp toàn thể thứ 90 các cơ quan bác ái trợ giúp các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, gọi tắt là ROACO, tiến hành tại Vatican từ ngày 19 đến 22-6-2017.

Trong khóa họp vừa qua, ngoài đề tài tình hình Giáo hội tại Thánh Địa và việc đào tạo LM tại đây, các tham dự viên cũng bàn về tình trạng khó khăn của các Giáo Hội tại Ai Cập, Siria và Irak. Các vị Sứ thần Tòa Thánh tại ba nước vừa nói cùng với Đức TGM ngoại trưởng Paul Gallagher cũng hiện diện tại khóa họp và tường trình về tình hình các Giáo Hội liên hệ.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC sau khi nói đến những đau khổ mà nhiều Giáo Hội Công Giáo Đông phương đã và đang phải trải qua, ngài nhắc đến tầm quan trọng của việc huấn luyện chủng sinh và thường huấn cho các linh mục được bàn tới trong Đại hội. ĐTC đề cao tấm gương của nhiều LM quyết liệt chọn lựa và tận tụy phục vụ nơi cộng đoàn của các vị nhiều khi bị thử thách nặng nề. Nhưng, ngài nói, ”chúng ta cũng phải ý thức về những cám dỗ có thể gặp phải, như tìm kiếm một địa vị xã hội dành cho giáo sĩ tu sĩ tại một số miền địa lý, hoặc cám dỗ thi hành vai trò lãnh đạo theo những tiêu chuẩn phàm nhân hoặc theo khuôn mẫu văn hóa và môi trường liên hệ”.

”Cố gắng mà Bộ Các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương và các cơ quan từ thiện phải tiếp tục thực hiện là nâng đỡ các sáng kiến xây dựng cuộc sống Giáo hội một cách chân thực. Điều cơ bản là luôn nuôi dưỡng lối sống theo tinh thần gần gũi của Tin Mừng: nơi các GM, để các vị sống gần gũi với các linh mục của mình, để các LM làm cho các tín hữu thuộc quyền cảm thấy sự dịu dàng của Chúa…”

Tổ chức ROACO được Tòa Thánh thành lập năm 1968 với mục đích trợ giúp các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương. 1 phần 3 các tham dự viên đến từ các tổ chức bác ái Công Giáo ở Đức như Missio, Misereor, Renovabis, Caritas, Hiệp Hội Đức trợ giúp Thánh Địa như Tổng giáo phận Koeln, Hội giáo hoàng Nhi đồng truyền giáo, v.v. (SD 22-6-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Xin ơn để không bị rơi vào thói đạo đức giả

Xin ơn để không bị rơi vào thói đạo đức giả

Thói đạo đức giả không phải là loại ngôn ngữ của người Kitô, và thói đạo đức giả có thể giết chết cộng đoàn. Tiếng nói của Kitô hữu phải đúng sự thật theo gương Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Thói đạo đức giả bắt đầu bằng sự tâng bốc

Các luật sĩ nói năng và phán đoán một đàng nhưng thực ra họ đang âm mưu một nẻo. Họ nói không thật lòng. Họ sống theo thói đạo đức giả.

Thói đạo đức giả không phải là ngôn ngữ của Kitô hữu. Một Kitô hữu không thể là một kẻ đạo đức giả và một kẻ đạo đức giả không thể là một Kitô hữu. Điều ấy thật rõ ràng. Chúa Giêsu đã nói điều ấy cho nhiều người. Nhiều lần Chúa nói: Đồ giả hình, chúng ta hãy nhìn xem những gì họ làm. Những kẻ đạo đức giả chỉ ưa nịnh hót, dù ít hay nhiều, nhưng nói chung đều là nịnh hót và tâng bốc nhau. Họ không nói sự thật nhưng tìm cách thổi phồng và gia tăng sự hư ảo.

Sau khi tâng bốc sẽ là gài bẫy

Những kẻ đạo đức giả đi tâng bốc người khác vì họ nhắm đến mục đích xấu xa. Trong bài Tin Mừng hôm nay, các luật sĩ bắt đầu bằng cách tâng bốc Chúa Giêsu để rồi họ tìm cách gài bẫy Chúa bằng câu hỏi: Có nên nộp thuế cho Xêda không? Có hay không?

Thế đó, thói đạo đức giả là cách sống hai mặt. Chúa Giêsu biết thói giả hình của những kẻ đang thử mình, nên Chúa nói với họ: Tại sao các người lại thử tôi? Đem một quan tiền cho tôi coi! Chúa Giêsu luôn luôn đáp lại sự giả hình bằng điều chân thật. Sự thật là sự thật, chứ không phải là thứ đạo đức giả, cũng không phải là ý thức hệ. Khi họ đưa cho Chúa đồng tiền, Chúa hỏi: Hình và danh hiệu này là của ai đây? Họ đáp: Của Xêda. Chúa nói: Của Xêda, trả cho Xêda; của Thiên Chúa, trả cho Thiên Chúa.

Xin ơn để không bị rơi vào thói đạo đức giả

Ngôn ngữ của thói đạo đức giả là tiếng nói dối lừa. Đó là tiếng nói của con rắn đi lừa dối bà Eva. Khi bắt đầu, con rắn cũng lên tiếng tâng bốc con người, và rồi nó nhắm đến hủy diệt con người, thậm chí con rắn cắn xé và phá hủy nhân cách và tâm hồn con người. Điều ấy còn phá hoại cả cộng đồng. Khi thói giả hình len lỏi vào trong cộng đoàn, thì đó là mối nguy hiểm lớn, là điều tồi tệ. Chúa Giêsu đã nói rằng: Có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt điều gì là do ác quỷ.

Thói đạo đức giả có thể giết chết cộng đoàn. Bởi vì họ nói thì rất ngọt nhưng lại xét đoán xấu xa về tha nhân. Thói đạo đức giả tựa như một thứ giết hại. Hãy nhớ điều này: khi nó bắt đầu nịnh bợ, thì hãy đáp lại bằng điều chân thực. Bởi vì cùng với một cái lưỡi mà thần dữ gieo rắc sự phá hoại vào trong cộng đoàn. Chúng ta hãy cầu xin Chúa canh giữ chúng ta, để chúng ta không bị rơi vào thói đạo đức giả: Xin Chúa ban cho con ơn ấy. Xin cho con đừng bao giờ trở thành kẻ đạo đức giả. Xin cho con chỉ biết nói sự thật, và khi con không thể nói sự thật, xin cho con biết lặng thinh, chứ không bao giờ, không bao giờ trở thành kẻ đạo đức giả.

Tứ Quyết SJ

Radio Pakistan: thế giới cần sứ điệp hy vọng của Đức Giáo hoàng

Radio Pakistan: thế giới cần sứ điệp hy vọng của Đức Giáo hoàng

Lahore, Pakistan – Giám đốc kênh radio của Pakistan, Syed Khalid Waqar, một người Hồi giáo, khen ngợi Đức Giáo hoàng Phanxicô và khẳng định rằng mọi người cần phải đi theo sứ điệp hy vọng và tin tưởng của Đức Giáo hoàng Phanxicô.

Ông Waqar nói với hãng tin Á châu: “Tất cả chúng ta phải hành động theo sứ điệp này. Bức ảnh tinh thần đã tỏ cho chúng ta thấy ánh sáng. Sự khôn ngoan hoàn vũ này có thể lấp đầy những trỗng rỗng của truyền thông hôm nay và loan truyền sự tích cự cho đại chúng. Cả Hồi giáo và Đức Giáo hoàng đều nói cùng những điều; cả hai cùng lên án sự giết hại.”

Ông Waqar nói tiếp: “Nhưng trong xã hội chúng ta, các tin tức về khủng bố được đưa lên hàng đầu. Không có nhiều tin tức về sự phát triển hay những điều tích cực được đăng tải. Các tổ chức truyền thông tư nhân nhìn mọi sự dưới cái nhìn kinh doanh và đã kiếm được nhiều lơi nhuận khi đăng tải về các cuộc bỏ bom gần đây tại nước này. Loại báo chí giật gân này đã phá hủy các giá trị xã hội, sự tiêu cực đã làm tổn thương tâm lý của con người thời đại chúng ta.”

Ông Waqar đã chia sẻ trong chương trinh của ngày thế giới truyền thông được tổ chức ở Lahore hôm 25/05. Có hơn 100 nữ tu và chủng sinh tham dự sự kiện được ủy ban Công giáo quốc gia về truyền thông xã hội tổ chức. Các nữ tu nhà tập của dòng thánh Phaolô đã trình diễn các vở kích về đức tin, hy vọng và tình yêu. Một cuộc hội thảo nhóm được tổ chức về đề tài: việc sử dụng các phương tiện truyền thông và các cơ hội mà các phương tiện này trình bày cho sứ vụ của Giáo Hội trong một quốc gia có đa số người Hồi giáo.

Cha Qaiser Feeroz, dòng Cappuccino, giám đốc trung tâm truyền thông và các chương trình tiếng Urdu của đài phát thanh chân lý Á châu, đã trình bày bản dịch tiếng Urdu sứ điệp của Đức giáo hoàng nhân ngày thế giới truyền thông lần thứ 51.

Theo cha Qaiser, “Đức Giáo hoàng Phanxicô là nhà vô địch của hy vọng. Trong khi các lãnh đạo thế giới dường như không có khả năng chống lại chủ nghĩa khủng bố, thì Đức Giáo hoàng vẫn tiếp tục khuyến khích và truyền cảm hứng cho mọi người thuộc mọi tôn giáo. Hơn một nửa số thính giả của chúng tôi là người Hồi giáo và họ đón nhận và ngưỡng mộ các sứ điệp của ngài trong các chương trình của chúng tôi.” (Asia News 29/05/2017)

Hồng Thủy
(Thi Thuy le)

Tòa Thánh bênh vực thường dân trong chiến tranh

Tòa Thánh bênh vực thường dân trong chiến tranh

NEW YORK. Đại diện Tòa Thánh tại LHQ ở New York, Đức TGM Bernardito Auza, kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường việc bảo vệ cho các thường dân trong các cuộc xung đột võ trang.

Đức TGM Auza đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài tham luận hôm 25-5-2017, tại cuộc thảo luận mở của Hội đồng bảo an LHQ về đề tài ”Bảo vệ các thường dân và săn sóc sức khỏe trong các cuộc xung đột võ trang”.

Vị đại diện Tòa Thánh nhận xét rằng một xu hướng trong các cuộc xung đột võ trang hiện nay là các thường dân không những ngày càng ít được bảo vệ khỏi các cuộc xung đột ấy, nhưng còn trở thành các mục tiêu nữa. Việc sử dụng thường dân như võ khí chiến tranh là một lối hành xử đáng lên án nhất.. Bạo lực khôn tả bị cố tình gây ra cho các thường dân và những vụ trắng trợn vi phạm công pháp quốc tế về nhân đạo ngày càng trở thành điều thông thường”.

Đức TGM Auza cũng tố giác sự kiện với sự tối tân hóa các võ khí sự phân biệt giữa các võ khí tàn sát tập thể với các các võ khí quy ước tân thời ngày càng lu mờ, vì cả hai thứ võ khí này đều giống nhau trong việc tàn sát các thường dân và phá hủy những vùng rộng lớn, cùng với các dân cư trong đó. Bất kỳ võ khí nào có ảnh hưởng tàn phá như thế trên các thường dân đều là điều trái ngược với công pháp quốc tế về nhân đạo và mọi lý tưởng văn minh, đáng bị lên án quyết liệt, không chút do dự”.

Trong bài tham luận, Đức TGM Auza cũng lên án sự cố ý tàn phá các hạ tầng cơ cấu quan trọng đối với sự sống còn của các thường dân, như trường học, nhà thương và các hệ thống cung cấp nước. Chủ trương này đã trở thành một chiến lược được chọn lựa và thi hành trong các cuộc xung đột hiện nay tại Trung Đông.. Cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ, theo hiến chương LHQ, phải bảo vệ các thường dân và các cơ cấu hạ tầng của họ chống lại sự tàn bạo dã man.

Đức TGM Auza nhắc lại nhân xét của ĐTC Phanxicô đối với sự mâu thuẫn của nhiều chính phủ: ”Chúng ta nói 'Không bao giờ chiến tranh nữa', nhưng chúng ta tiếp tục sản xuất và bán khí giới cho những người đang giao chiến với nhau.” Quốc tế thảo luận nhiều về việc chấm dứt bạo lực và xung đột hầu như vô ích nếu đồng thời vô số các võ khí tiếp tục được sản xuất, được bán và tặng cho các chế độ độc tài, các nhóm khủng bố và các tổ chức tội phạm. Những người sản xuất, buôn bán võ khí phải ý thức rằng họ trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ các tội ác tàn sát tập thể, giúp những kẻ vi phạm các nhân quyền căn bản và quay lưng lại đối với sự phát triển của toàn bộ các dân tộc hoặc các quốc gia. Vì thế cần củng cố các luật pháp và hiệp ước liên hệ trên bình diện đa phương, song phương và bình diện quốc gia, như một bước tiến theo chiều hướng đúng để bảo vệ các thường dân bị kẹt trong các cuộc xung đột võ trang.

Và Đức TGM Auza nói rằng: ”Tòa Thánh tái kêu gọi các hãng và quốc gia sản xuất võ khí hãy hạn chế việc chế tạo, bán và tặng các võ khí kinh khủng sau đó được sử dụng để gây kinh hoàng cho các thường dân hoặc tàn phá các cơ cấu hạ tầng dân sự”. (SD 26-5-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Hòm đựng thánh tích “Thánh Nhan” ở Alicante, Tây ban nha bị xâm phạm

Hòm đựng thánh tích “Thánh Nhan” ở Alicante, Tây ban nha bị xâm phạm

Madrid – Cảnh sát Tây ban nha đang điều tra một trường hợp phá hoại một hòm có chứa tấm khăn được tin là bà Veronia đã dùng để lau mặt Chúa Giêsu.

Sự việc xảy ra hôm 7/5, tại đan viện Thánh Nhan ở Alicante. Linh mục sở tại đã tìm thấy số 666 và một thánh giá chéo ngược trên hòm kiếng bảo vệ thánh tích; hòm này  đã bị đập vỡ. Một số thánh giá loại này cũng được tìm thấy ở các chặng đàng Thánh giá.

Từ năm 536, đan viện này đã là nơi hành hương ngày Chúa nhật thứ hai sau Tuần Thánh. Theo lưu truyền, Thánh Nhan là tấm khăn mà bà Veronica đã lau mặt Chúa Giêsu trong cuộc thương khó. 

Theo báo El Mundo (thế giới), các camera an ninh cho thấy thủ phạm là một phụ nữ trẻ, đã trốn trong nhà thờ vào đêm thứ 7, 6/5 trước đó. Nghi phạm đã được xác định và cảnh sát sẽ sớm bắt nghi phạm. Thủ phạm đã phá vỡ hòm kiếng bằng một vật nhọn và khắc số 666 trên đó.

Đức cha Jesús Murgui của giáo phận và cha tổng đại diện đã đến thăm đan viện sau khi vụ trộm xảy ra và gặp các nữ đan sĩ. Các tu sĩ này bị sốc vì sự việc này.

Thông cáo của giáo phận cho biết sẽ gia tăng các biện pháp an ninh ở đan viện và đang cầu nguyện cho người đã gây ra sự thiệt hại này. Đồng thời giáo phận cũng mời gọi các giáo dân của Alicante đừng để những trường hợp đáng trách này làm thương tổn tình yêu và lòng sùng kính của họ đối với thánh tích Thánh Nhan lâu đời này. (CNA 09/05/2017)

Hồng Thủy 

 

Đức Thánh Cha nhận đơn từ chức của Đức Cha Nguyễn Văn Trâm

Đức Thánh Cha nhận đơn từ chức của Đức Cha Nguyễn Văn Trâm

VATICAN. Hôm 6-5-2017, Phòng báo chí Tòa Thánh loan báo: ĐTC đã nhận đơn từ chức GM chính tòa giáo phận Bà Rịa của Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm.

Đức GM Phó Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn đương nhiên lên kế nhiệm theo giáo luật.

Hôm 6-5-2017, cũng là ngày Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm mừng kỷ niệm 25 năm thụ phong Giám Mục. Thánh Lễ tạ ơn đã được ngài cử hành lúc 9 giờ 30 tại nhà thờ chính tòa Bà Rịa. Đồng tế thánh lễ có ĐHY Nguyễn Văn Nhơn, TGM Hà Nội, Đức TGM Leopoldo Girelli, Đại Diện Tòa Thánh tại Việt Nam, Đức TGM Huế Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, và 16 Giám mục khác, cùng với đông đảo LM. Cuối lễ Đức TGM Girelli cũng thông báo quyết định của ĐTC nhận đơn từ chức vì lý do tuổi tác của Đức Cha Tôma Trâm.

Đức Cha Nguyễn Văn Trâm sinh cách đây 75 năm tại Phước Tuy ngày 9-1 năm 1942, thụ phong linh mục năm 1969. Ngài du học Roma và đậu tiến sĩ giáo luật. Ngày 6-5 năm 1992, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ tá Giáo phận Xuân Lộc. Cách đây 12 năm, ngày 22-11 năm 2005, khi Tòa Thánh thành lập Giáo phận Bà Rịa, Đức Cha được bổ nhiệm làm GM tiên khởi của giáo phận này, một địa phận hiện có hơn 261.535 ngàn tín hữu Công Giáo theo niên giám năm nay của Tòa Thánh, với 84 giáo xứ và 190 LM.

Sau khi Đức Cha Vũ Duy Thống ở Phan Thiết qua đời ngày 1-3-2017, Đức Cha Tôma Trâm được Tòa Thánh cử kiêm nhiệm chức vụ Giám quản Giáo phận Phan Thiết.

– Đức Tân GM chính tòa Bà Rịa, Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, năm nay 65 tuổi, sinh ngày 2-1 năm 1952 tại Bình Trước, Giáo phận Xuân Lộc, thụ phong linh mục năm 1980. Sau đó ngài lần lượt làm Cha sở giáo xứ Bình Sơn trong 10 năm (1981-1991), rồi 10 năm làm cha sở Giáo xứ Phước lễ (1991-2001), đồng thời làm Quản hạt Bà Rịa trong 4 năm (1994-2001).

Năm 2001, cha sang Pháp du học trong 5 năm, và đậu cao học thần học tín lý tại Đại Học Công Giáo Paris. Trở về nước năm 2006, Cha Nguyễn Hồng Sơn làm giám đốc tiểu chủng viện thánh Tôma ở Bà rịa, ba năm sau, 2009, Cha làm Tổng thư ký Hội đồng linh mục giáo phận Bà Rịa và năm 2011 được bổ làm Tổng đại diện của giáo phận này.

Ngày 27-11 năm 2015, cha được Tòa Thánh bổ nhiệm làm GM Phó tại Bà Rịa.

Trong buổi lễ hôm qua (6-5) tại Nhà Thờ chính tòa Bà Rịa, Đức TGM Girelli Đại diện Tòa Thánh, cũng loan báo sự kế nhiệm của Đức Cha Nguyễn Hồng Sơn và cầu chúc giáo phận luôn hăng say, tươi trẻ, như một giáo phận trẻ nhất của Giáo Hội tại Việt Nam.

Đức Cha Nguyễn Văn Trâm đã trao gậy mục tử cho Đức GM kế vị và dẫn đến ghế GM tại Nhà Thờ chính tòa. (PN, HT 6-5-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha tiếp Đại chủng viện miền Campana

Đức Thánh Cha tiếp Đại chủng viện miền Campana

VATICAN. ĐTC nhắn nhủ các vị giảng huấn tại Giáo Hoàng chủng viện miền Campano di Posillipo nam Italia huấn luyện các chủng sinh về tương quan tình bạn với Chúa Giêsu và học cách phân định, nhận ra tiếng Chúa.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 6-5-2017, dành cho 120 LM và chủng sinh thuộc chủng viện vừa nói. Chủng viện này được thánh Piô 10 thành lập năm 1912 dành cho nhiều giáo phận ở miền nam Italia và hiện là chủng viện duy nhất ở Italia do các cha dòng Tên điều khiển. 22 giáo phận hiện có chủng sinh theo học tại đây.

Trong bài huấn dụ, ĐTC nói với ban giảng huấn rằng Huấn luyện về linh đạo cho các LM giáo phận theo phương pháp sư phạm Linh Thao của thánh Ignatio là một trách vụ cam go, nhưng đồng thời đầy phấn khởi. Trong chiều hướng này, ngài khuyến khích các vị đặt ở vị trí trung tâm tương quan bản thân của các chủng sinh với Chúa Kitô, được tỏ lộ ưu tiên qua tình yêu thương đối với người nghèo; tiếp đến là giáo dục về sự phân định, giúp những người trẻ nhận ra tiếng Chúa giữa bao nhiêu tiếng nói vang dội và nhiều khi tràn vào tai và tâm hồn con người. Việc tập luyện phân định phải trở thành một nghệ thuật giáo dục thực sự, để linh mục trở thành một người phân định đích thực.

ĐTC nói: ”Để được như vậy, cần phải quen thuộc với việc lắng nghe Lời Chúa, nhưng đồng thờ cũng phải gia tăng ý thức về bản thân, về thế giới nội tâm của mình, với những tình cảm và lo sợ”.

Sau cùng huấn luyện linh mục theo linh đạo Ignatio là ngày càng tỏ ra cởi mở hơn đối với chiều kích của Nước Thiên Chúa, vun trồng ước muốn ”ngày càng hơn nữa”, ngày càng quảng đại hơn trong sự hiến thân cho Chúa và tha nhân, cũng như cho người ở trước mặt. Tìm kiếm nước Chúa có nghĩa là từ chối tiêu chuẩn tầm thường.

Trong chiều hướng đó, năm nay, đại chủng viện Campano di Posilippo này chọn đề tài: ”Tìm kiếm trước tiên Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài” (Mt 6,36). Điều này giúp các vị giảng huấn mở rộng chân trời đào tạo, không hài lòng với việc đạt tới một vai trò, không thỏa mãn với những gì đạt được và an nghỉ trong thành công, nhưng ngày càng vun trồng ước muốn phục vụ trước tiên Chúa nơi anh em” (SD 6-5-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Một Kitô hữu Pakistan bị án tù chung thân vì bị vu cáo báng bổ Hồi giáo

Một Kitô hữu Pakistan bị án tù chung thân vì bị vu cáo báng bổ Hồi giáo

Lahore – Zafar Bhatti, một Kitô hữu, đã bị vu cáo xúc phạm Hồi giáo vào năm 2012, đã bị tòa án Rawalpindi kết án tù chung thân hôm 03/05.

Bhatti bị kết án đã gửi các tin nhắn bằng điện thoại di động, có nội dung xúc phạm đến Hồi giáo. Anh đã phủ nhận các lời cáo buộc và giải thích với quan tòa rằng số điện thoại đó không phải do anh đứng tên.

Năm 2012, Bhatti bị bắt và bị giam ở nhà tù Rawalpindi. Vì những đe dọa nguy hiểm cho mạng sống của Bhatti nên phiên tòa được xử tại nhà tù. Buổi xét xử cuối cùng diễn ra hôm 24/04 và ngày 03/05 vừa qua, quan tòa đã kết án anh bị tù chung thân.

Theo các luật sư Kitô giáo, các tòa án Pakistan thường kết án tử những người bị tố cáo vi phạm luật 295 c (một trong những điều tạo nên cái gọi là Luật phạm thượng), nhưng vì họ không có chứng cứ phạm tội rõ ràng của Bhatti nên anh chỉ bị xử tù chung thân. Các luật sư bào chữa cho Bhatti cũng bị đe dọa, do đó buổi hầu tòa đã được chuyển đến Lahore, cũng là nơi gia đình của Bhatti đang sinh sống. Theo các luật sư, Bhatti lẽ ra phải được trắng án vì thiếu bằng chứng, nhưng anh bị xử chung thân do áp lực của các tín đồ Hồi giáo.

Luật chống phạm thượng ở Pakistan tiếp tục được dùng như công cụ để trả thù những đối thủ.

Mới đây, Quốc hội Pakistan đã phê chuẩn một giải pháp yêu cầu những chuẩn mực để ngăn chặn các lam dụng và đưa ra một số điều luật hướng dẫn. Tuy nhiên các yêu cầu đó đã gặp phải sự chống đối mạnh mẽ bởi các phong trào và các đảng phái Hồi giáo. (Agenzia Fides 5/5/2017)

Hồng Thủy

Tân Giám Mục Phụ Tá Xuân Lộc: Đức Cha Gioan Đỗ Văn Ngân

Tân Giám Mục Phụ Tá Xuân Lộc: Đức Cha Gioan Đỗ Văn Ngân

TIN VIỆT NAM. Hôm 2-5-2017, Phòng báo chí Tòa Thánh thông báo: ĐTC đã bổ nhiệm cha Gioan Đỗ Văn Ngân làm GM Phụ tá giáo phận Xuân Lộc.

Đức Cha Gioan Đỗ Văn Ngân năm nay 64 tuổi, sinh ngày 6 tháng 7 năm 1953 tại Ninh Bình, giáo phận Phát Diệm. Theo học tại tiểu chủng viện thánh Giuse, Sàigòn, từ năm 1965 đến 1973, rồi tại Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô 10 Đà lạt trong 4 năm từ năm 1973 đến 1977.

Thụ Phong linh mục ngày 14-1 năm 1992 thuộc Giáo phận Xuân Lộc.

Năm 1998, cha Đỗ Văn Ngân đậu cử nhân văn chương Việt Nam tại Đại Học Khoa học xã hội và nhân văn ở Thành phố HCM. Từ năm 2006 đến năm 2010, cha học chuyên môn tại Đại Học Santo Tomas tại Manila, Philippines, và đậu cử nhân triết học.

Sau khi thụ phong linh mục năm 1992, Cha Gioan Ngân lần lượt đảm nhận các trách vụ Phó Xứ Ninh Phát (1992-1994), rồi cha xứ tại đây (1994-2005). Cha làm công chứng viên (notaio) ở tòa án hôn phối giáo phận Xuân Lộc. Gia làm giáo sư Đại chủng viện Xuân Lộc 1 năm, trước khi du học tại Philippines. Trở về nước năm 2010, cha tiếp tục làm giáo sư triết học rồi làm Phó giám đốc và đặc trách phân ban triết học tại đại chủng viện Xuân Lộc.

Từ năm 2016, Cha Đỗ Văn Ngân được Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, GM chính tòa Xuân Lộc, bổ nhiệm làm Tổng đại diện giáo phận này.

Theo niên giám năm nay (2017), của Tòa Thánh, Xuân Lộc là giáo phận đông tín hữu Công Giáo nhất tại Việt Nam, với 961,186 người, thuộc 248 giáo xứ, 411 linh mục giáo phận và 151 linh mục dòng, 257 đại chủng sinh và 1.742 nữ tu (SD 2-5-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Giáo hoàng đóng góp vào dự án bãi biển cho người khuyết tật

Đức Giáo hoàng đóng góp vào dự án bãi biển cho người khuyết tật

Vatican – Một tổ chức bác ái ở Ý, điều hành và bảo trì một bãi biển Roma cho các người khuyết tật, đã nhận được đóng góp bất ngờ của Đức Giáo hoàng Phanxicô.

Trong thông cáo ngày 25/04, tổ chức bác ái “Hoạt động của Tình yêu”, đã bày tỏ sự hân hoan và ngạc nhiên khi nhận được đóng góp nhân danh Đức Giáo hoàng Phanxicô của Đức tổng giám mục Konrad Krajewski, chánh sở từ thiện của Đức Giáo hoàng.

Tổ chức bác ái này điều hành bãi biển "La Madonnina", gần phi trường Fiumicino, cách Roma hơn 17 dặm về hướng tây nam. Bãi biển này được thiết kế đặc biệt cho người khuyết tật và được trang bị các đường đi bộ thuận tiện cho việc đến bãi biển và xung quanh khu vực.

Theo trang web của tổ chức, các tình nguyện viên và các nhân viên y tế từ liên đoàn bơi lội người khuyết tật Italia sẵn sàng để bảo đảm cho các du khách được vui vẻ và an toàn.

Tổ chức cũng cho biết, kèm theo món quà đóng góp, Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng ban phép lành của ngài cho các tình nguyện viên và cách đặc biệt, cho những người khuyết tật đến bãi biển này và gia đình của họ. Theo tổ chức bác ái, ý hướng của dự án này là tạo nên một  bãi biển, nơi cho moi người có thể tận hưởng biển cả với những ích lợi của nó.

Tổ chức cho biết số tiền đóng góp của Đức Giáo hoàng chi trả tiền thuê bãi biển cho cả năm. (CNS 25/04/2017)

Hồng Thủy

 

Một Linh mục dòng Tên bị bắt cóc ở miền nam Nigeria

Một Linh mục dòng Tên bị bắt cóc ở miền nam Nigeria

Abuja – Cha Samuel Okwuidegbe, dòng Tên, 50 tuổi, bị bắt cóc hôm 18/04, trên đường từ thành phố Benin đến Onitsha.

Theo tin của báo La Croix, cha Okwuidegbe đang đi đến nơi giảng tĩnh tâm, cách trung tâm tĩnh tâm nơi cha điều hành và sống với 3 tu sĩ dòng Tên khác 150 cây số. Chiếc xe của cha được cảnh sát tim thấy khi họ đi tìm cha.

Cha Rigobert Kyungu Musenge, Tổng thư ký dòng Tên vùng châu Phi và Madagasca cũng cho biết là có 2 người khác bị bắt cóc cùng với cha Okwuidegbe và theo cha, đây là lần đầu tiền một linh mục dòng Tên là nạn nhân của vụ bắt cóc ở trong vùng. Cha không nghĩ là cha Okwuidegbe bị bắt cóc vì là linh mục.

Năm 2016, một số linh mục Công giáo bị bắt cóc tại các vùng khác nhau ở Nigeria, đặc biệt là ở khu vực phía nam.

Cha Sylvester Onmoke, chủ tịch hội linh mục giáo phận của Nigeria đã mô tả “làn sóng bắt cóc các linh mục và tu sĩ gần đây như một cuộc tấn công vào Giáo Hội”. (Agenzia Fides 21/4/2017)

Hồng Thủy

Tiền đường một nhà thờ Công giáo ở Nepal bị đốt

Tiền đường một nhà thờ Công giáo ở Nepal bị đốt

Kathmandu, Nepal – Một số kẻ tấn công đã nổi lửa đốt nhà thờ chánh tòa Đức Mẹ Lên trời, nơi thờ phượng đầu tiên của Công giáo tại nơi công cộng ở Nepal, một đất nước có đa số dân theo Ấn giáo.

Theo hãng tin Ucan, cha Ignatius Rai, cha xứ của giáo xứ nhà thờ chánh tòa, cho biết là một số kẻ lạ mặt xâm nhập vào khu vực nhà thờ vào khoảng lúc 3 giờ sáng ngày 18/04. Họ đã nổi lửa đốt làm thiệt hại một phần nhà xứ và phần phía tây của nhà thờ. Một xe hơi và hai xe gắn máy cũng bị đốt. Không có báo cáo về thương vong. Cha cho biết điều này gây sốc và cộng đoàn Kitô địa phương đang sống trong lo sợ.

Đây là lần thứ hai nhà thờ là mục tiêu tấn công. Vào năm 2009, một quả bom đã phát nổ, giết hại 3 người, trong đó có một nữ sinh, và làm bị thương 15 người. Năm 2010, chỉ huy trưởng của quân đội phòng thủ Nepal – một nhóm Ấn giáo cực đoan ít được biết – đã bị bắt vì có liên quan đến biến cố trên.

Giáo xứ Đức Mẹ Lên trời đã lên án vụ tấn công và yêu cầu một cuộc điều tra minh bạch. Thông cáo của giáo xứ viết: “Nhà thờ Công giáo tham gia vào hoạt động xã hội từ gần một thập kỷ và sẽ tiếp tục công việc của chúng tôi dù cho những cuộc tấn công thường xuyên”. Thông cáo cũng thêm rằng đừng ai để cho ccuộc tấn công hủy hoại sự hòa hợp tôn giáo tại quốc gia này.

Nhà thờ chánh tòa Đức Mẹ Lên trời có 1000 chỗ ngồi, được xây dựng sau khi hiến pháp mới, được công bố năm 1991, cho phép dân Nepal tự do thực hành tôn giáo ở nơi công cộng, miễn là không có những vụ cải đạo người khác. Trước đó, các cử hành của Công giáo chỉ được tổ chức ở các nhà nguyện của các trường Công giáo, các tu viện và trung tâm xã hội.

Niên giám Công giáo cho biết có khoảng 8000 tín hữu Công giáo ở Nepal, phần lớn ở miền đông nơi các giáo xứ được thành lập vào năm 1999. Nepal có khoảng 28 triệu dân, trong đó 80% theo Ấn giáo. (CNS 18/04/2017)

Hồng Thủy

Quyền từ chối tham gia phá thai của các nữ hộ sinh

Quyền từ chối tham gia phá thai của các nữ hộ sinh

Stockholm, Sweden – “Ước muốn bảo vệ sự sống là điều hướng dẫn nhiều nữ hộ sinh và y tá theo ngành y. Thay vì buộc những nữ hộ sinh đang cần thiết cho ngành y từ bỏ nghề của họ, các chính phủ nên bảo vệ những xác tín luân lý đạo đức của nhân viên y tế.” Đó là nhận định của ông Robert Clarke, chủ tịch phân bộ luật sư châu Âu của liên minh bảo vệ tự do quốc tế.

Các luật sư bảo vệ tự do  tôn giáo nói rằng các nữ hộ sinh – những chuyên viên về thai nghén và sinh sản – thường chọn nghề của họ bởi vì họ muốn mang những sự sống mới vào trong thế giới và họ không nên bị cưỡng ép kết liễu sự sống ngược lại với niềm tin của họ.Nữ hộ sinh Ellinor Grimmark đã tố cáo 3 cơ sở y tế khác nhau ở quận Joenkoeping, miền nam Thụy điển, từ chối nhận bà làm việc vì bà chống lại việc trợ giúp cho các ca phá thai.

Vào năm 2015, tòa án quận phán rằng quyền tự do ý kiến và diễn tả của Ellinor Grimmark không bị xâm phạm và bà bị yêu cầu trả gần 106 ngàn đô la tiền án phí cho chính quyền địa phương. Hôm 12/04, một tòa án lao động cũng đồng ý với tòa án địa phương và phán xử chống lại Ellinor Grimmark.

Ellinor Grimmark đang dự định kháng án lên tòa án nhân quyền châu Âu. Hiệp hội bảo vệ tự do quốc tế đã đệ trình một bản tóm tắt để ủng hộ bà.

Theo ông Clarke, Thụy điển là một thành viên của Hội đồng châu Âu và phải tôn trọng Hội đồng của Nghị viện. Nghị viện nói rằng không có ai bị ép buộc hay đối xử phân biệt chống lại “bằng bất cứ cách thức nào vì từ chối thực hiện, cung cấp, hỗ trợ phá thai.”

Ông Clarke nói thêm: “Tham gia phá thai không nên là một yêu cầu để được thuê muốn như một nhân viên y tế. Theo luật quốc tế, tòa án nên bảo vệ quyền căn bản về tự do lương tâm của Ellinor Grimmark.

Theo tin của BBC, dựa trên số liệu của Liên hiệp quốc, Thụy điển là quốc gia có tỷ lệ phá thai cao nhất ở châu Âu, với 20,8 vụ trên 1000 phụ nữ vào năm 2011. (CAN 18/04/2017)

Hồng Thủy

 

Tòa Thánh và Huynh Đoàn thánh Piô 10 xích lại gần nhau

Tòa Thánh và Huynh Đoàn thánh Piô 10 xích lại gần nhau

VATICAN. Thêm một bước tiến xích lại gần nhau giữa Huynh Đoàn thánh Piô 10 và Tòa Thánh: ĐTC Phanxicô cho các vị bản quyền địa phương được cho phép các LM giáo phận chủ sự lễ nghi hôn phối cho các tín hữu theo Huynh đoàn này, dù tình trạng giáo luật của Huynh đoàn chưa được giải quyết.

Quyết định trên đây của ĐTC được trình bày trong thư của vị Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin kiêm chủ tịch Ủy ban Ecclesia Dei, Giáo Hội của Thiên Chúa, là ĐHY Gerhard Mueller, gửi các GM thuộc Huynh đoàn thánh Piô 10, là nhóm đã ly khai với Giáo Hội Công Giáo từ cuối tháng 6 năm 1988 sau khi vị sáng lập Huynh đoàn là Đức TGM Marcel Lefebvre truyền chức cho 4 GM mà không có phép của ĐGH.

ĐGH Biển Đức 16 đã giải vạ tuyệt thông cho các GM thuộc Huynh đoàn thánh Piô 10 để tạo điều kiện cho sự thương thuyết tái lập sự hiệp nhất và xác định vị thế giáo luật của Huynh đoàn trong Giáo Hội.

 rong Năm Thánh Lòng Thương Xót, ĐTC Phanxicô đã cho phép các LM của Huynh đoàn thánh Piô 10 được giải tội thành sự cho các tín hữu. Nay ĐHY Mueller cho biết ĐTC quyết định cho phép các vị Bản quyền địa phương (Giám Mục, Tổng Đại diện, Đại diện Giám Mục) được cho phép cử hành hôn phối cho các tín hữu theo hoạt động mục vụ của Huynh đoàn thánh Piô 10 theo thể thức như sau:

Phép đó có thể ban cho một LM thuộc giáo phận, hoặc một LM hoàn toàn hợp lệ, cử hành hôn phối theo nghi thức bí tích vào đầu thánh lễ, trong phụng vụ cũ, tiếp theo đó, một linh mục của Huynh đoàn cử hành thánh lễ.

Nơi nào không có LM giáo phận có thể chủ sự nghi thức hôn phối cho hai bên, thì vị Bản quyền có thể trực tiếp ban năng quyền cần thiết như thế cho linh muc của Huynh đoàn cử hành thánh lễ theo nghi thức cũ, và yêu cầu vị ấy gửi đến tòa GM sớm hết sức chứng chỉ và tài liệu về viẹc cử hành bí tích hôn phối như thế” (SD 4-4-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Bạn có muốn được chữa lành không?

Bạn có muốn được chữa lành không?

Tin vào Chúa Giêsu là đón nhận cuộc sống, là tiến bước trong niềm vui một cách không trễ nải, và không bị tê liệt bởi những tội lỗi và tật xấu. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Dễ than phiền

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chữa lành cho người bị đau liệt đã 38 năm bên bờ hồ Betdatha. Nhìn thấy anh và biết anh đã đau từ lâu, Chúa liền hỏi: “Anh có muốn được lành bệnh không?”.

Thật là đẹp! Chúa Giêsu luôn hỏi mỗi người chúng ta câu hỏi ấy: Con có muốn lành bệnh không? Con có muốn vui tươi hạnh phúc không? Con có muốn cải thiện đời sống không? Con có muốn tràn đầy Chúa Thánh Thần không?… Đó là những lời mà Chúa muốn nói. Có lẽ tất cả những người ốm đau, mù lòa, què quặt ở bên bờ hồ sẽ nói: “Vâng, lạy Thầy, chúng con muốn!” Thế nhưng, ở đây, anh bại liệt trả lời một cách lạ lùng. Anh than vãn với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, chẳng có ai đưa tôi xuống hồ khi nước khuấy động”. Có lẽ anh muốn than phiền rằng: Thầy coi, thật là xấu xa, thật là bất công quá, vì người ta có thể đi lại được và được chữa lành, còn tôi đây đã 38 năm, và nay tôi vẫn cố gắng nhưng…

Dễ đổ lỗi

Anh ta tựa như cây trồng bên bờ suối theo như lời Thánh Vịnh. Cây trồng bên suối nhưng rễ lại chết khô vì rễ không chạm được tới nước, vì rễ không thể bắt tới nước.

Thái độ của anh không chỉ là than phiền, mà còn cố gắng đổ lỗi cho người khác. Anh nói: Khi tôi lết tới, thì đã có những người khác xuống trước tôi, và thế là tôi ở đây suốt 38 năm… Việc đổ lỗi như thế là một tật xấu, một sự lười biếng. Anh bị đau liệt, nhưng tệ hại hơn, chính trái tim anh cũng bị tê liệt, vì không còn muốn tiến về phía trước, không còn muốn làm điều gì đó cho cuộc sống, không còn tìm thấy niềm vui. Anh không còn biết đến niềm vui. Điều ấy thật trầm trọng. Điều anh nói tựa như: Coi người ta sung sướng kìa, còn tôi thì thế này đây… Cuộc sống chẳng công bằng với tôi chút nào. Khi ấy, chỉ còn thấy sự oán giận và cay đắng trong tâm hồn.

Hãy đứng dậy!

Chúa Giêsu không trách mắng anh, nhưng nói: Hãy đứng dậy, vác chõng của anh mà đi. Người bại liệt đứng dậy và được chữa lành. Nhưng hôm đó lại là ngày sabat, các luật sĩ cho rằng, ngày sa bát không được phép vác chõng, và họ còn cho rằng: những ai đi ngược với khoản luật này, thì không phải là người của Thiên Chúa. Người bị bại liệt được chữa lành, nhưng không thấy anh nói lời cám ơn Thầy Giêsu, thậm chí anh cũng không hỏi tên Thầy. Thế đó, người ta dễ sống theo kiểu cái gì cũng miễn phí, và người ta quên đi tầm quan trọng của khí thở. Người ta dễ sống chỉ chú tâm rằng người khác hạnh phúc hơn tôi và rồi buồn tủi. Sống như thế là quên đi niềm vui, sống như thế là đánh mất niềm vui. Và thật là xấu hổ khi chúng ta sống trong tê liệt như thế. Tất cả chúng ta đều phạm tội, đều là những tội nhân, nhưng ngay cả ngày nay nữa, Chúa vẫn tiếp tục nhìn mỗi người chúng ta mà nói: Hãy trỗi dậy!

Hôm nay Chúa nói với từng người rằng: Hãy trỗi dậy! Hãy đứng lên, hãy sống một cuộc sống cho dù nó tươi đẹp hoặc u tối, và hãy tiến bước. Đừng sợ, vác chõng của bạn đi. Có thể đó là cái chõng xấu xa, nhưng hãy cứ vững bước. Và đây là cuộc sống của bạn, là niềm vui của bạn. Bạn có muốn được chữa lành không? Đó là câu đầu tiên Chúa hỏi hôm nay. Ước chi chúng ta đáp lại: Vâng, lạy Chúa, con muốn được lành. Xin giúp con thức tỉnh, giúp con đứng lên, giúp con biết thế nào là niềm vui ơn Ngài cứu độ.

Tứ Quyết SJ