Tòa Thánh tham gia Hiệp Ước chống tham nhũng

Tòa Thánh tham gia Hiệp Ước chống tham nhũng

Tòa Thánh tham gia Hiệp Ước chống tham nhũng

Hôm 19-9-2016, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã chính thức trao văn kiện tham gia Hiệp ước này, đã được Đại hội đồng LHQ thông qua ngày 31-10 năm 2003.

Khi bày tỏ sự tham gia Hiệp ước, nhân danh Tòa Thánh và cả Quốc gia Thành Vatican, Tòa Thánh bày tỏ 2 sự dè dặt và 3 tuyên ngôn giải thích được coi là thành phần của Văn kiện tham gia.

Vì thế, chiếu theo khoản số 68 triệt 2 của Hiệp ước, qui định việc chấp nhận cả những biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa và chống lại các tội tham nhũng trong lãnh vực công quyền, Hiệp ước này bắt đầu có hiệu lực đối với Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican từ ngày 19-10 tới đây.

Trong một bài đăng trên báo Quan sát viên Roma của Tòa Thánh, Đức TGM ngoại trưởng Paul Gallagher nhắc lại trong trong Tông Sắc ”Tôn nhan Thương Xót” (Misericordiae Vultus) ngày 11-4 năm 2015 để ấn định Năm Thánh đặc biệt về Lòng thương xót, ĐTC Phanxicô đã tố giác nạm tham nhũng như tai ương của xã hội và kêu tích cực bài trừ tệ nạn này.

Hiệp Ước của LHQ chống tham nhũng có đối tượng là thăng tiến và củng cố các biện pháp phòng ngừa và bài trừ nạn tham những, tạo điều kiện dễ dàng cho sự cộng tác và trợ giúp chuyên môn trong lãnh vực quốc tế, cũng như tịch thu các tài sản đã thủ đắc bất hợp pháp. Theo một nghĩa rộng lớn hơn, hiệp ước nhắm thắng tiến sự thanh liêm, trách nhiệm và ý ngay chính trong việc quản trụ công vụ.

Đặc biệt các quốc gia phê chuẩn Hiệp ước chống tham nhũng bó buộc phải truy tố và trừng phạt sự tham nhũng tích cực và thụ động của các nhân viên công quyền thuộc quốc gia của mình và cả những nhân viên công quyền ngoại quốc, cũng như sự tham nhũng trong lãnh vực tư nhân. Ngoài ra các nước phải tuyên bố có thể truy tố theo luật sự chiếm hữu bất hợp pháp, lạm dụng chức vụ, tẩy tiền và làm chứng gian. (SD 23-9-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Tình yêu thương xót tha thứ và trao ban diễn tả sự toàn thiện của Thiên Chúa

Tình yêu thương xót tha thứ và trao ban diễn tả sự toàn thiện của Thiên Chúa

ĐTC Phanxicô hôn một em bé trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 21-9-2016

Sự toàn thiện của Thiên Chúa là ở nơi tình yêu thương xót. Tình yêu thương xót đó được diễn tả ra bằng việc tha thứ và cho đi, là hai cột trụ của Kitô giáo. Không phán xét lên án, nhưng tìm phục hồi phẩm giá là con Thiên Chúa cho người anh em làm lỗi và quảng đại giúp đỡ họ trong mức độ có thể.

Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 40 ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hôm qua.

Trong bài huấn dụ ngài đã giải thích ý nghĩa đoạn trích chương 6 Phúc Âm thánh Luca: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy." (Lc 6,36-38).

ĐTC nói: Chúng ta vừa nghe đoạn Phúc Âm thánh Gioan từ đó đuợc rút ra khẩu hiệu của Năm Thánh ngoại thường này: “Hãy thương xót như Thiên Chúa Cha”. Câu đầy đủ là: “Các con hãy thương xót như Cha các con là Đấng xót thương” (c. 36).  Đây không phải là một khẩu hiệu quảng cáo nhằm gây hiệu quả, nhưng là một dấn thân của cuộc sống. Để hiểu rõ kiểu nói này chúng ta phải đối chiếu với kiểu nói song song trong Phúc Âm thánh Mátthêu, trong đó Chúa Giêsu nói: “Vì vậy các con hãy toàn thiện như Cha các con ở trên Trời là Đấng toàn thiện” (Mt 5,48). Trong bài giảng trên núi, mở đầu với các Mối Phúc Thật, Chúa dậy chúng ta rằng sự hoàn thiện hệ tại tình yêu, là việc thành toàn mọi điều khoản của Luật Lệ. Trong viễn tượng này thánh sử Luca nói rõ rằng sự toàn thiện là tình yêu thương xót: là hoàn thiện có nghĩa là thương xót. Một người không thương xót có toàn thiện không? Không! Một người không thương xót có tốt không? Không! Lòng tốt và sự toàn thiện đâm rễ nơi lòng thương xót. Dĩ nhiên, Thiên Chúa hoàn thiện. Tuy nhiên, nếu chúng ta coi Ngài như thế, thì đối với con người sẽ không thể nào hướng tới sự hoàn thiện tuyệt đối ấy được. Trái lại, có Thiên Chúa trước mắt như Đấng thương xót cho phép chúng ta hiểu tốt hơn sự hoàn thiện của Thiên Chúa hệ tại điều gì và thúc đẩy chúng ta sống tràn đầy tình yêu, sự thương cảm và lòng thương xót giống như Ngài. Nhưng tôi tự hỏi: các lời của Chúa Giêsu có thực tế không? Có đúng thật là có thể yêu như Thiên Chúa yêu và thương xót như Ngài không? ĐTC trả lời:

Nếu chúng ta nhìn lịch sử cứu độ, chúng ta thấy rằng tất cả sự mạc khải của Thiên Chúa là một tình yêu liên lỉ không mệt mỏi đối với con người; Thiên Chúa như một người cha và như một người mẹ yêu thương bằng một tình yêu không dò thấu được, và Ngài đổ tràn tình yêu ấy trên mọi thụ tạo. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là tột đỉnh lịch sử tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Một tình yêu lớn lao tới độ chỉ Thiên Chúa mới có thể thực hiện được thôi. Đương nhiên là so sánh với tình yêu vô bờ này, tình yêu của chúng tá sẽ luôn luôn thiếu sót. Nhưng khi Chúa Giêsu xin chúng ta thương xót như Thiên Chúa Cha, Ngài không nghĩ tới số lượng đâu! Ngài xin các môn đệ Ngài trở thành dấu chỉ, các con kênh, các chứng nhân lòng thương xót của Ngài.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Và Giáo Hội chỉ có thể là bí tích lòng thương xót của Thiên Chúa trong thế giới, trong mọi thời đại và đối với toàn nhân loại. Vì thế mỗi kitô hữu được mời gọi là chứng nhân lòng thương xót, và điều này xảy ra trên con đường nên thánh.  Chúng ta hãy nghĩ tới biết bao nhiêu vị thánh nam nữ đã trở thành những người thương xót, bởi vì các vị đã để cho con tim của mình tràn đầy lòng thương xót. Các vị đã cho tình yêu của Thiên Chúa thân xác, bằng cách đổ tràn đầy nó trong biết bao nhiêu nhu cầu của nhân loại khổ đau. Trong việc nở hoa của biết bao nhiêu hình thức bác ái có thể nhận ra các phản ánh của gương mặt xót thương của Chúa Kitô.

Chúng ta hãy hỏi: đối với các môn đệ thương xót có nghĩa là gì? Điều này đã được Chúa Giêsu giải thích với hai động từ “tha thứ” (c. 37) và “cho đi” (c. 38). ĐTC giải thích như sau:

Trước hết lòng thương xót được diễn tả trong sự tha thứ: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha”. Chúa Giêsu không có ý lật đổ công lý của con người, nhưng Ngài nhắc cho các môn đệ  biết rằng để có các tương quan huynh đệ cần ngưng các phán xử và kết án. Thật ra sự tha thứ là cột trụ chống đỡ cuộc sống của cộng đoàn kitô, bởi vì trong đó được cho thấy sự nhưng không của tình yêu thương qua đó Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước.

ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: Kitô hữu phải tha thứ! Tại sao vậy? Bởi vì họ đã được thứ tha. Tất cả chúng ta ở đây hôm nay, tại quảng trường này, tất cả chúng ta, chúng ta đã dược tha thứ. Không có ai trong chúng ta, trong cuộc sống của mình, đã không cần sự tha thứ của Thiên Chúa. Và bởi vì chúng ta đã được thứ tha, nên chúng ta phải tha thứ. Chúng ta đọc Kinh Lậy Cha mỗi ngày: Xin tha tội  chúng con. Xin tha tội chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” Nghĩa là tha thứ biết bao xúc phạm, biết bao tội lỗi. Và như thế tha thứ thì dễ dàng: Nếu Thiên Chúa đã tha thứ cho tôi, tại sao tôi lại không phải tha thứ cho người khác? Tôi cao cả hơn Thiên Chứa sao? Anh chị em hiểu rõ điều này chưa? Cột trụ của sự tha thứ này cho chúng ta thấy sự nhưng không của tình yêu Thiên Chúa, là Đấng đã yêu chúng ta trước.

Phán xét và kết án ngưòi anh em phạm tội là sai lầm. Không phải bởi vì  chúng ta không muốn thừa nhận tội lỗi, nhưng bởi vì lên án người có tội là bẻ gẫy mối dây huynh đệ  với họ, và khinh rẻ lòng thương xót của Thiên Chúa, là Đấng, trái lại, không muốn từ bỏ ai trong các con cái của Ngài.

Chúng ta không có quyền lên án ngưòi anh em lầm lỗi: Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha, chúng ta không ở bên trên họ: trái lại chúng ta có bổn phận phục hồi cho họ phẩm giá là con Thiên Chúa  Cha, và đồng hành với họ trên con đường hoán cải.

Chúa Giêsu cũng chỉ cho Giáo Hội Ngài môt cột trụ thứ hai: là “cho đi” : “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (c. 38). Thiên Chúa cho vượt ngoài các công nghiệp của chúng ta, nhưng Ngài sẽ còn quảng đại hơn với tất cả những ai đã sống quảng đại trên trái đất này. Chúa Giêsu không nói điều sẽ xảy ra cho những người không cho, nhưng hình ảnh “cái đấu” là một lời cảnh cáo: với mức độ tình yêu mà chúng ta cho đi, chính chúng ta là những người quyết định chúng tra sẽ bị phán xử như thế nào, đuợc yêu thương như thế nào. Nếu nhìn kỹ, chúng ta thấy có một luận lý trung thực: trong mức độ chúng ta nhận được từ Thiên Chúa, chúng ta cho người anh em, và trong mức độ chúng ta cho người anh em chúng ta nhận được từ Thiên Chúa” .

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: Vì thế tình yêu thương xót là con đường duy nhất phải theo. Chúng ta tất cả đều cần sống thương xót hơn một chút biết bao, không nói xấu tha nhân, không xét đoán, không “vặt lông” kẻ khác với các lời chỉ trích của chúng ta, với các ghen tương tỵ hiềm. Không! Tha thứ, thương xót, sống cuộc đời mình trong tình yêu và cho đi. Lòng bác ái và tình yêu thương này cho phép các môn đệ của Chúa Giêsu không đánh mất đi căn tính đã nhận được từ Ngài và được thừa nhận như là con cái của chính Thiên Chúa Cha.  Nơi tình yêu mà họ – nghĩa là chúng ta – thực thi trong cuộc sống, vang vọng lên Lòng Thương Xót không bao giờ cùng ấy của Thiên Chúa (x. 1 Cr 13,1-12). Nhưng chúng ta đừng quên điều này: lòng thương xót và việc cho đi; tha thứ và cho đi. Như thế con tim nở rộng, nở rộng trong tình yêu. Trái lại, sự ích kỷ, tức giận, khiến cho con tim nhỏ lại, nhỏ lại, nhỏ lại và cứng như một cục đá. Anh chị em thích điều nào? Một con tim bằng đá hay sao? Tôi xin hỏi anh chị em đó. Hãy trả lời? Tín hữu trả lời “không!”. ĐTC nói: Tôi không nghe rõ. Tín hữu trả lời “không!” Một con tim tràn đầy tình yêu? Tín hữu trả lời “có!” Nếu anh chị em thích một con tim tràn đầy tình yêu, thì hãy sống thương xót! Xin cám ơn anh chị em.

ĐTC đã chào  nhiều đoàn hành hương khác nhau, Trước khi ra quảng trưởng ngài đã chào các bệnh nhân tụ tập trong đại thính đuờng Phaolô VI để tránh mưa. ĐTC đã cùng mọi người đọc Kính Mùng và ngài đã ban phép lành cho họ.

Ngài đã chào các nhóm nói tiếng Pháp trong đó có các tín hữu giáo phận Angoulême, do ĐGM sở tại hướng dẫn, các đoàn hành hương đến từ Bỉ, Camerun, Hy Lạp, Côte d’ Ivoire và Canada. Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ các nước Anh, Êcốt, Ailen, Đan Mạch, Na Uy, Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia, Malyaysia, Việt Nam, Philippines, Nam Phi, Australia và Hoa Kỳ, cũng như các đoàn hành hương Đức, Thuỵ Sĩ, Áo, Ba Lan, Slovac và các nước nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, đặc biệt các tín hữu Brasil. Trong số các đoàn hành hương Slovac có các quân nhân do ĐC Frantisek Rabek hướng dẫn. Cũng có một nhóm tín hữu Thổ Nhĩ Kỳ giáo phận Smirne, do ĐC Lorenzo Piretto hướng dẫn.

Trong số các đoàn hành hương Italia có tín hữu các giáo phận  Acqui, Grosetto, Nola, Sessa Aurunca, Tortona; các đại chủng sinh liên giáo phận Udine, Trieste và Gorizia, do ĐTGM Mazzocato hướng dẫn; các tham dự viên khóa hội học do Đại Học Thánh Giá tổ chức; các vị giám đốc các nhà Chúa Quan Phòng Italia, các thừa sai dòng Monfortani mừng 300 năm ngày sinh của thánh lập dòng Luigi Maria Grignion de Monfort. Ngài cũng chào các bạn trẻ các bệnh nhân  và các đôi tân hôn. ĐTC cầu chúc chuyến hành hương Roma củng cố đức tin và đức mến của mọi người, và việc bước qua Cửa Thánh ban ơn toàn xá cho họ và các thân nhân của họ đã qua đời. Ước chi thánh sử Mátthêu mà Giáo Hội mừng kính soi sáng cho họ trên con đường theo Chúa.

Sau cùng ĐTC cũng nhắc tới Ngày quốc tế bệnh Alzheimer lần thứ 23 với đề tài “Xin hãy nhớ đến tôi” cử hành hôm qua. Ngài xin mọi người cầu nguyện cho những người sống gần các bệnh nhân biết đáp ứng các nhu cầu của họ với con mắt đầy tình yêu thương.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Công nghệ mới – phương tiện loan truyền đức tin cho người trẻ

Công nghệ mới – phương tiện loan truyền đức tin cho người trẻ

Iphone and GospelCourtesy picture

Jakarta – Hội nghị quốc gia Indonesia về giáo lý với chủ đề “Đức tin trong gia đình: nền tảng của xã hội Indonesia đang biến chuyển”, đã được tổ chức tại Makassar, miền nam Sulawesi trong 5 ngày, với sự tham dự của các thần học gia, Giám mục, Linh mục và giáo lý viên giáo dân đến từ 37 Giáo phận. Hội nghị được tổ chức với sự cộng tác của Ủy ban Giáo lý thuộc Hội đồng Giám mục Indonesia, đã thảo luận về mối liên hệ giữa gia đình, các phát minh kỹ thuật và loan truyền đức tin..

Giáo sư Eko Indrajid, một chuyên viên tin học giải thích: “chúng ta đang ở trong thời đại thông tin hiện đại, với một số công cụ tiện dụng. Những thứ này có nguy cơ làm cho người ta xa cách nhau, bởi vì mọi gnười quá bận rộn với các tiện ích riêng và không có thời giờ để nói chuyện với hành xóm của mình.”

Cha FX Adisusanto, giám đốc ủy ban Truyền thông của Hội đồng Giám mục nói với hãng tin Asia rằng chủ đề về mối liên hệ giữa gia đình và các phương tiện kỹ thuật mới phải được thảo luận một cách khẩn cấp giữa các phụ huynh, các Giám mục và giáo lý viên. Mục đích là tìm ra những cách thức mới để dùng những khám phá mới vì lợi ích của xã hội, dùng chúng trong cách dạy giáo lý hiện đại.

Các tham dự viên đã thảo luận về một số phương cách sáng tạo về giao tiếp với những người trẻ. Để thúc đẩy sự hiểu biết về môi trường xã hội mới theo quan điểm của Giáo Hội, các giám mục đã quyết định yêu cầu một số linh mục trẻ nghiên cứu các công nghệ hiện đại, để họ có thể giúp đỡ trong việc phát triển một ủy ban mới. (Asia News 16/09/2016)

Hồng Thủy

Cầu nguyện cho ơn hiệp nhất

Cầu nguyện cho ơn hiệp nhất

Thánh lễ thứ hai, 12-9-2016 tại nhà nguyện Thánh Marta

Sự chia rẽ đã phá hoại Hội Thánh và ma quỷ nỗ lực tấn công vào gốc rễ của sự hiệp nhất, gốc rễ của sự hiệp nhất là việc cử hành Thánh Lễ. Đó là lời mà Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong Thánh lễ sáng nay tại Nhà nguyện Thánh Marta, nhân ngày lễ Danh thánh Mẹ Maria.

Giải thích thư của Thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô, Đức Thánh Cha nói rằng, ma quỷ có hai vũ khí lợi hại để phá hoại Hội Thánh, đó là sự chia rẽ và tiền bạc. Những điều này xảy ra ngay từ thời đầu: những chia rẽ về tư tưởng và về thần học đã xâu xé Hội Thánh. Ma quỷ đã gieo rắc tham vọng và ghen tuông để chia rẽ. Sau cuộc chiến của chia rẽ thì tất cả bị hủy diệt, còn ma quỷ thì chạy trốn trong sung sướng. Trong khi đó, chúng ta trở nên trần trụi trong trò chơi của ma quỷ. Cũng có thứ chiến tranh nhơ bẩn tựa như khủng bố. Đó là những lời nói hành nói xấu trong các cộng đoàn. Đó là những thứ ngôn ngữ để giết hại.

Những chia rẽ trong Giáo Hội không để cho Nước Trời được lớn lên, không để cho Chúa được hiện diện như chính Ngài. Những chia rẽ là điều mà anh chị em đang thấy, sẽ thấy và lại thấy… Luôn có! Nhưng ma quỷ đi xa hơn sâu hơn. Chúng không chỉ tấn công vào cộng đoàn Kitô hữu, mà còn vào tận gốc rễ của sự hiệp nhất Kitô, là tấn công vào việc cử hành Thánh Lễ. Điều này đã xảy ra trong cộng đoàn Cô-rin-tô.

Nơi cộng đoàn Cô-rin-tô thời ấy, có sự phân biệt giữa người giàu và người nghèo trong việc cử hành Thánh Lễ. Đức Thánh Cha nói: Chúa Giêsu đã cầu nguyện cùng Chúa Cha về sự hiệp nhất, nhưng ma quỷ thì ra sức phá hoại.

Đức Thánh Cha nói: Cha nài xin anh chị em hãy làm tất cả những gì có thể để đừng phá hoại Hội Thánh với những chia rẽ về tư tưởng, tham vọng… Trên tất cả, hãy cầu nguyện và bảo vệ cội rễ hiệp nhất của Hội Thánh là thân thể Đức Kitô. Đó là, hàng ngày chúng ta cùng nhau hiệp dâng lễ hy sinh của Chúa Kitô trong Thánh Lễ.

Thánh Phaolô đã nói về sự chia rẽ giữa các Kitô hữu Cô-rin-tô hai ngàn năm trước… Những lời của thánh nhân vẫn thích hợp cho chúng ta hôm nay, cho Hội Thánh ngày nay. “Thưa anh em, về điều này, tôi chẳng khen anh em đâu, vì những buổi họp của anh em không đem lại lợi ích gì, mà chỉ gây hại…” Và “bất của ai ăn Bánh và uông Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa.”

Chúng ta hãy khẩn cầu cùng Thiên Chúa để Hội Thánh hiệp nhất, để không còn chia rẽ. Ơn hiệp nhất ở ngay trong cội rễ của Hội Thánh, là lễ hy sinh của Đức Kitô mà chúng ta cử hành trong Thánh Lễ hằng ngày.

Tứ Quyết, SJ

Mục vụ chăm sóc người khiếm thính của Giáo hội Tây ban nha

Mục vụ chăm sóc người khiếm thính của Giáo hội Tây ban nha

buổi cầu nguyện của người khiếm thính

Madrid, Tây ban nha – Trong Giáo hội Công giáo, ngôn ngữ nói là ngôn ngữ chính của phụng vụ. Các tín hữu đọc kinh Tin kính, hát kinh Vinh danh ngợi khen Thiên Chúa, cúi đầu khi nghe Linh mục đọc lời chúc lành cúôi Thánh lễ, vv. Nhưng đối với các tín hữu khiếm thính và bị điếc thì lại khác.

Cha Sergio Buiza, giám đốc mục vụ người khiếm thính của hội đồng Giám mục Tây ban nha cho biết nhiệm vụ của họ là “mang Tin mừng đến với số người bao nhiêu có thể”, dĩ nhiên bao gồm người điếc và khiếm thính. Cha là một trong các Linh mục cử hành Thánh lễ bằng ngôn ngữ ký hiệu tại một nhà thờ Công giáo ở Tây ban nha. Mỗi tuần cha dâng một Thánh lễ bằng ngôn ngữ ký hiệu tại nhà thờ chánh tòa Bilbao.

Tại Tây ban nha có khoảng một triệu người bị khiếm thính ở các mức độ khác nhau và bị mất thính giác hoàn toàn. Khoảng 1250 người trong số họ tham dự Thánh lễ mỗi tuần tại một trong 24 nhà thờ nơi có Thánh lễ dành cho họ. Tại các giáo xứ có mục vụ dành cho người khiếm thính, có đầy đủ các hoạt động như Thánh lễ, giáo lý, các nhóm Kinh Thánh, cử hành hôn phối và xưng tội. Tuy nhiên, cha Buiza cho biết, vấn đề lớn nhất chính là mỗi Giáo phận chỉ có một giáo xứ dành cho người khiếm thính, vì vậy những người này, trong đó có những người cao niên, phải di chuyển thật xa để đến nơi tham dự Thánh lễ.

Tháng 12 năm ngoái, hội đồng Giám mục Tây ban nha đã thông báo một chương trình mới được phối hợp với quỹ ONCE để gắn các vòng cảm ứng từ hay vòng nghe để giúp ngừoi khiếm thính. Các vòng này là những hệ thống âm thanh chuyển âm thanh thành một từ trường nhờ các máy trợ thính và các bộ xử lý cài đặt các “con ốc” (máy nghe nhỏ nhét vào tai) giúp nghe. Điều này ít nhất giúp cho những ai có những dụng cụ trợ thính như thế này có thể tham dự Thánh lễ đầy đủ hơn, nhưng nó không hữu ích đối với những người bị điếc hoàn toàn.

Giáo hội Tây ban nha đã hoạt động giúp cho các người khiếm thính từ hơn 50 năm nay. Có khoảng 173 người, dấn thân chăm sóc mục vụ cho người điếc. Nhiều người trong số họ bị điếc hay khiếm thính, bao gồm 140 giáo dân và 21 Linh mục. (CNA 08/09/2016)

Hồng Thủy

Các chi tiết xung quanh lễ phong thánh Mẹ Têrêsa

Các chi tiết xung quanh lễ phong thánh Mẹ Têrêsa

Chân dung Mẹ Têrêsa tại tiền đường đền thờ Thánh Phêrô

Ngày Chúa nhật 4/9 tới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự Thánh lễ phong hiển thánh cho Mẹ Têrêsa. Mẹ Têrêsa qua đời ngày 5/9/1997 và đã được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô phong chân phước vào ngày 19/10/2003.

Trong dịp này, nhiều buổi canh thức và cầu nguyện được tổ chức trong nhiều nhà thờ của Giáo phận Roma. Ngày phong thánh cho Mẹ cũng là ngày cử hành Năm thánh của các tình nguyện viên và các nhân viên của lòng thương xót. Thực ra, Mẹ Têrêsa là một biểu tường của lòng thương xót của Thiên Chúa đối với các người nghèo và người bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Trước đó, ngày 2/9 tại đền thờ thánh Anastasia khu vực  Palatino, sẽ có 3 Thánh lễ được cử hành vào lúc 9 giờ (tiếng Anh), 10 giờ (tiếng Tây ban nha) và 12 giờ (tiếng Ý). Từ 20.30 đến 22 giờ, tại đền thời thánh Gioan Laterano, có buổi canh thức cầu nguyện do Đức Hồng Y Giám quản Roma, Agostino Vallini chủ sự và buổi chầu Thánh Thể trọng thể.

Thứ 7, 3/9, Đức Thánh Cha sẽ có buổi tiếp kiến chung đặc biệt trong Năm Thánh. Ban chiều lúc 17 giờ, tại đền thờ Thánh Andrea della Valle có giờ cầu nguyện và suy niệm với nghệ thuật và âm nhạc. Sau đó là tôn kính thánh tích của Mẹ Têrêsa, và Thánh lễ được cử hành lúc 19 giờ.

Thứ 2, 5/9, vào lúc 10 giờ, Đức Hồng Y Pietro Parolin sẽ chủ tế Thánh lễ tạ ơn cũng là Thánh lễ đầu tiên kính nhớ MẹTêrêsa.

Sau Thánh lễ tôn phong hiển thánh, thánh tích của Mẹ Têrêsa sẽ được đưa đến đền thờ Gioan Laterano và được trưng bày cho tín hữu kính viếng các ngày 5-7/9, và ngày 7-8 sẽ được kính viếng tại nhà thờ thánh Gregorio Cả, và cùng ngày này tín hữu có thể viếng căn phòng của Mẹ tại tu viện thánh Gregorio.

Đài truyền hinh TV2000 trong các ngày từ 3-5/9 cũng trình chiếu các cuốn phim trình bày về cuộc đời và hoạt động của Mẹ Têrêsa.

Sáng ngày 2/9 tại đại học Giáo hoàng Urbaniana đã diễn ra cuộc họp báo với sự tham dự của khoảng 200 ký giả. Chủ tọa cuộc họp báo là ông Greg Burke, Giám đốc phòng Báo chí Tòa thánh. Có sự tham dự của nữ tu Mary Prema, bề trên Tổng quyền dòng Thừa sai Bác ái, cha Brian Kolodiejchuk, bề trên ngành nam của dòng và cũng là thình nguyện viên án phong thánh cho Mẹ Têrêsa và sự hiện diện của đôi vợ chồng nhận được phép lạ qua việc cầu nguyện với Mẹ Têrêsa.

– Số người tham gia: Con số người tham dự Thánh lễ không thể dự đoán trước đươc, nhưng đã có 100 ngàn vé tham dự Thánh lễ được phân phát cho các tín hữu, 13 quan chức đứng đầu các quốc gia và chính phủ, trong đó có thủ tướng Ấn độ. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự Thánh lễ cùng với nhiều Hồng y, Giám mục và Linh mục đồng tế.

– Truyền thông: sẽ có 9 telecamera có thể thu chiếu hình ảnh đặc biệt từ trên cao để thu hình các chiều kích của đám đông tập trung tại quảng trường thánh Phêrô. Thánh lễ phong thánh có thể theo dõi trên internet qua các mạng Youtube, Vaticanplayer của Radio Vatican và trang mạng Ctv.Thánh lễ sẽ được truyền đi trên toàn thế giới qua nối kết với 120 toàn thế giới. Đặc biệt các công nghệ tiên tiến sẽ được sử dụng như dự án "Io c'ero" giúp thu toàn cảnh với dung lượng lớn. Có hơn 200 ký giả đăng ký sự kiện quan trọng này.

– Về an ninh: 3000 nhân viên các lực lượng an ninh của Italia được huy động cho một sự kiện quan trọng nhất của Năm Thánh.

Từ chiều hôm qua, 1/9, đã có các cuộc kiểm tra các khu vực cũng như các hố ga. Các biện pháp an ninh cũng được đặt ra cho các buổi cầu nguyện tại các nhà thờ ở Roma. Sở cảnh sát nghiên cứu để bảo đảm an ninh tuyệt đối. Đồng thời cũng cần sự tham dự trôi chảy và an tĩnh của các tín hữu.

Từ 19 giờ ngày thứ 7, 3/9, khu vực đền thờ Thánh Phaolô sẽ được chia thành 3 phần, mỗi phần sẽ kiểm soát người và hành lý để bảo đảm an ninh tối đa nơi tập trung các tín hữu cũng như sự hiện diện của Đức Thánh Cha.

Từ 8-19 giờ ngày Chúa nhật 4/9, các chuyến bay sẽ bị cấm trong vùng rộng lớn cạnh đền thờ thánh Phêrô và tạo nên một vùng an toàn được kiểm soát bởi hệ thống ''Slow Mover Interceptor', hệ thống phát hiện các máy bay không được quyền bay trong vùng cấm.

Có khoảng 1000 người làm việc 24/24 để tăng cường các kế hoạch phòng ngừa cảnh giác và quy định phòng ngừa cho Năm Thánh ở vùng trung tâm. (Tổng hợp)

Hồng Thủy

Caritas Ghana chống lại nạn mua chiếm đất đai hàng loạt

Caritas Ghana chống lại nạn mua chiếm đất đai hàng loạt

Caritas Ghana

ACCRA: Hơn 60 người tham dự diễn đàn do tổ chức Caritas Ghana triệu tập tại Accra đã kêu gọi chống lại nạn chiếm đoạt đất đai, tái lập các phương tiện trợ cấp và mở đường tiến đến những mục tiêu phát triển vững bền.

Diễn đàn tại Accra đã kết thúc hôm 24.08 vừa qua sau 2 ngày làm việc. Trong số hơn 60 người hiện diện, có nhiều đại diện các tổ chức và cơ cấu chính quyền, thành viên các hội đồng GM Công Lý và hòa bình cũng như của Liên HĐGM Phi châu và Madagascar cùng các phương tiện truyền thông xã hội. Các tham dự viên đã phân tích tình hình chiếm đoạt đất đai hiện nay tại nước này,theo đó, một số ít người bỏ tiền ra thu mua hàng loạt đất đai khiến cho nông dân mất hết ruộng vườn canh tác làm ăn. Nhiều người trẻ phải rời bỏ làng mạc quê hương tha phương cầu thực vì không còn tương lai. Tổ chức Caritas Ghana kêu gọi thay đổi tâm thức và cung cách hành động cụ thể để có thể đạt tới các mục tiêu phát triển có thể thực hiện được, đúng theo tinh thần thông điệp Laudato Si của ĐTC Phanxicô. (SD 240816)

Mai Anh

ĐTC gửi sứ điệp chào thám các tham dự viên Công nghị Methodist và Valdese

ĐTC gửi sứ điệp chào thám các tham dự viên Công nghị Methodist và Valdese

ĐTC thăm bệnh nhân

VATICAN: ĐTC Phanxicô cầu mong các khác biệt giữa các tín hữu công giáo và các tín hữu tin lành Methodist và Valdese không cản ngăn tìm ra các hình thức cộng tác trong lãnh vực loan báo Tin Mừng và phục vụ người nghèo, người bệnh, các người di cư và bảo vệ môi sinh.

ĐTC đã bầy tỏ như trên trong sứ điệp gửi các tham dự viên Công nghị tin Lành Methodist và Valdese tại Torre Pellice trong các ngày từ 21 tới 26 tháng 8 này. Trong sứ điệp, do ĐHY Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Toà Thánh ký, ĐTC bảo đảm sự gần gũi tinh thần và lới cầu nguyện của ngài cho các tham dự viên. Ngài cầu xin Chúa ban ơn cùng nhau bước tới sự hiệp nhất tràn đầy với con tim chân thành để làm chứng tá cho Chúa Kitô một cách hữu hiệu trước gia đình nhân loại, bằng cách gặp gỡ con người ngày nay và thông truyền cho họ cốt lõi của Tin Mừng. Với các lời cầu chúc trên ĐTC khẩn nài Chúa Thánh Thần trợ giúp các kitô hữu sống sự hiệp thông đi trước mọi đối chọi và được sự thương xót và hoà bình của Chúa Kitô.

Hồi tháng 3 năm nay lần đầu tiên trong lịch sử một phái đoàn chính thức của các Giáo Hội tin lành Methodist và Valdese đã được ĐTC tiếp kiến tại Vaticăng. Năm trước đó ngày 22 tháng 6 2015 ĐTC Phanxicô đã viếng thăm nhà thờ Tin Lành Valdese tại Torino. Đây là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng viếng thăm một nhà thờ tin lành Valdese.

** Tham dự Công nghị có 180 đại diện của hai Giáo Hội tin lành Methodist và Valdese gồm các mục sư và giáo dân. Trong số các tham dự viên có mục sư Benjamin Boni, thủ lãnh Giáo Hội tin lành Methodist Cote d’ Ivoire, mục sư Laurent Schlumberger thủ lãnh Giáo Hội tin lành thống nhất Pháp, mục sư Manfred Rekowski, thủ lãnh Giáo Hôi tin lành vùng Renania bên Đức, bà Carola Tron, đại diện các Giáo Hội Valdese Rio de la Plata Uruguay và Argentina. Đại diện HĐGM Italia có ĐC Ambrogio Spreafico, chủ tịch Ủy ban đối thoại đại kết, và Linh Mục Cristiano Bettega giám đốc văn phòng đối thoại đại kết toàn quốc Italia.  Thông cáo của ban tổ chức cho biết Công nghị đã khai mạc với một cuộc rước và buổi cử hành phụng vụ long trọng giữa tiếng chuông đổ dồn của nhà thờ Valdese tại Torino.

Trong các ngày họp Công nghị các tham dự viên sẽ thảo luận ba đề tài chính là: các làn sóng di cư tỵ nạn, kỷ niệm 500 cải cách và con đường đại kết. Đặc biệt sẽ có một cuộc hội thảo bàn tròn về vấn đề các hành làng nhân đạo do Liên hiệp các Giáo Hội tin lành và Cộng đồng thánh Egidio điều hành (SD 22-8-2016)

Linh Tiến Khải

Rước kiệu Đức Mẹ kỷ niệm 235 năm thành lập thành phố Los Angeles

Rước kiệu Đức Mẹ kỷ niệm 235 năm thành lập thành phố Los Angeles

Bishop Robert Barron LA

Los Angeles, California – Một cuộc rước kiệu Đức Mẹ và Thánh lễ tận hiến sẽ được cử hành vào gần cuối tháng này, nhân kỷ niệm 235 năm thành lập thành phố Los Angeles, thành phố được đặt theo tên Đức Maria, Nữ vương các Thiên thần.

Các hoạt động lễ hội vào ngày 27/8 do quỹ Nữ vương các Thiên thần, một nhóm phi lợi nhuận hoạt động phát triển lòng sùng kính Đức Bà các Thiên Thần – Quan thầy và Bảo trợ của Los Angeles, tổ chức, sẽ được mở rộng cho công chúng. Thánh lễ kính Đức Mẹ được cử hành lúc 3 giờ chiều tại Nhà thờ Chánh tòa Nữ vương các Thiên thần. Vào lúc 4.15 sẽ có cuộc rước kiệu trọng thể đến nhà thờ Đức Mẹ Nữ vương các Thiên thần “La Placita” ở đường Olvera và được kết thúc với phép lành lúc 5.15 chiều.

Đức Cha Robert Barron, Giám mục phụ tá phụ trách mục vụ vùng Barbara, sẽ hướng dẫn cuộc rước kiệu trọng thể hàng năm lần thứ 6 và ngài cũng cử hành Thánh lễ. Đức cha nói: “Thật là vinh dự khi có thể tham dự vào dịp cử hành lịch sử của thành phố Los Angeles và gia tài Công giáo vẫn quan trọng đối với chúng ta ngày nay như đối với cha ông chúng ta trước đây. Đây là một thành phố lớn và thật thích hợp khi bất cứ kỷ niệm nào của thành phố đều lưu ý đến đóng góp quan trọng của những người Công giáo này, trong nhiều cách thế khác nhau đã làm cho Los Angeles như ngày hôm nay”. Đức cha nói tiếp: “Tôi rất mong đợi cùng tham gia với  các tín hữu, những người đến đây để chiếu một ánh sáng trên những dây liên kết giữa thành phố họ yêu quý và lòng ước ao phục vụ Thiên Chúa của họ”.

Dự kiến dịp kỷ niệm này cũng có sự tham dự của các thành viên Hội hiệp sĩ Columbus, Hội hiệp sĩ Thánh Phêrô Claver, Hội Hiệp sĩ Malta, Hội Thánh Ladarô, Hội thánh Gregorio, cùng với các giáo dân và tu sĩ của tổng Giáo phận. (CNA 18/8/2016)

BL

ĐTC sẽ tham dự Ngày liên tôn cầu nguyện cho hoà bình tại Assisi

ĐTC sẽ tham dự Ngày liên tôn cầu nguyện cho hoà bình tại Assisi

Pope at Assisis with Franciscan

VATICAN: Hôm 18-8 vừa qua Phòng báo chí Toà Thánh ra thông cáo cho biết ĐTC sẽ tham dự buổi gặp gỡ kết thúc ngày các tôn giáo và nên văn hóa cầu nguyện cho hoà bình tại Assisi ngày 20 tháng 9 tới đây.

 

Ngày cầu nguyện cho hoà bình do Cộng đồng thánh Egidio tổ chức năm nay có đề tài là “Khát khao hoà bình. Các tôn giáo và nền văn hoá đôi thoại”. Cộng đồng đã đứng ra tổ chức các ngày liên tôn cầu nguyện cho hoà bình này tiếp theo sau Ngày các tôn giáo cầu nguyện cho hoà bình tại Assisi do thánh Gioan Phaolo II tổ chức lần đầu tiên ngày 27 tháng 10 năm 1986, Hồi đó dại hội quy tụ 50 đại diện các Giáo Hội Kitô và 60 đại diện các tôn giáo lớn toàn thế giới. Phát biêu nhân dịp này Đức Gioan Phaolô II đã nói: “Ngày cầu nguyện tự nó là một lời mời gọi thế giới ý thức rằng có một chiều kích khác của hoà bình, và một cách thức khác thăng tiến hoà bình. Nó không phải chỉ là kết qủa của các cuộc thương thuyết hay các giàn xếp chính trị kinh tế. Lời cầu nguyện và chứng tá của các tín hữu thuộc bất cứ truyền thống tôn giáo nào có thể góp phần rất nhiều cho nền hoà bình trên thế giới”. Trong diễn văn kết thúc Ngày cầu nguyện Đức Gioan Phaolô II đưa ra lời khích lệ sau đây: “Hãy tiếp tục sống sứ điệp hoà bình, hãy tiếp tục sống tinh thần của Assisi” (LTK Tổng hợp 19-8-2016)

 

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha khích lệ các Vận động viên Olympic tỵ nạn

Đức Thánh Cha khích lệ các Vận động viên Olympic tỵ nạn

Đức Thánh Cha khích lệ các Vận động viên Olimpic tỵ nạn

VATICAN. ĐTC Phanxicô chào mừng và khích lệ đoàn vận động viên tị nạn tham dự thế vận Olimpic ở Rio de Janeiro.

Đoàn này gồm 2 tay bơi lội người Siria, 2 võ sĩ Judo từ Cộng hòa dân chủ Congo, và 6 người chạy đua từ Etiopiaa và Nam Sudan. Tất cả đều là những người tị nạn trốn chạy bạo lực và bách hại tại quê hương của họ và đã tìm nơi nương náu ở các nơi như Bỉ, Đức, Luxembourg, Kenua và Brazil.

Sáng kiến gửi một đoàn tị nạn tham dự thế vận hội Olimpic là điều chưa từng có trước đây và gửi một sứ điệp nâng đỡ và hy vọng cho những người tị nạn trên thế giới.

Trong sứ điệp, ĐTC chào đích danh 10 vận động viên tỵ nạn và ngài cầu mong rằng: ”Ước vì lòng can đảm và sức mạnh mà anh chị em mang trong người có thể biểu lộ qua các bộ môn thế vận tiếng kêu huynh đệ và hòa bình. Ước gì qua anh chị em, nhân loại hiểu rằng hòa bình là điều có thể, và với hòa bình, người ta có thể đạt được tất cả, trái lại với chiến tranh tất cả đều có thể bị mất”.

”Tôi mong ước rằng chứng tá của anh chị em mang lại thiện ích cho tất cả mọi người. Tôi cầu nguyện cho anh chị em và cũng xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em”.

Ông Alto Grandi, Cao ủy tỵ nạn LHQ, tuyên bố rằng: ”Chúng tôi rất được khích lệ vì đoàn vận động viên tỵ nạn tham dự thế vận Olimpic. Họ là những vận động viên có trình độ cao, nhưng đã phải ngưng sự nghiệp thể thao để ra đi tỵ nạn. Nay họ có cơ hội theo đuổi giấc mơ của họ. Sự tham gia của họ vào các cuộc tranh tài thế vẫn là một sự ca ngợi lòng can đảm và kiên trì của tất cả những người tỵ nạn trong sự vượt thắng nghịch cảnh và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình họ. Cao Ủy tỵ nạn LHQ đứng về phía họ và mọi người tỵ nạn”. (SD 6-8-2016)

 G. Trần Đức Anh OP 

 

Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân dịp Thế vận Olympic ở Rio

Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân dịp Thế vận Olympic ở Rio

Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân dịp Thế vận Olympic ở Rio

VATICAN. ĐTC Phanxicô cầu chúc cho thế vận Olimpic sẽ khai diễn ngày 5-8-2016 tại Rio, góp phần kiến tạo một nền văn minh trong đó trổi vượt tinh thần liên đới giữa mọi người với nhau.

Lên tiếng vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư, 4-8-2016, ĐTC nói:

”Giờ đây tôi muốn gửi lời chào thân ái đến nhân dân Brazil, đặc biệt là dân thành Rio de Janeiro, đang đón tiếp các vận động viên và những người hâm mộ đến từ các nơi trên thế giới, nhân dịp thế vận hội Olimpic. Trong một thế giới khao khát hòa bình, bao dung và hòa giải, tôi cầu mong tinh thần các cuộc tranh tài thế vận Olimpic có thể gợi hứng cho tất cả mọi người, các tham dự viên cũng như các khán giả, chiến đấu ”một cuộc chiến tốt đẹp” và cùng nhau hết thúc cuộc chạy đua (Xc 2 Tm 4,7-8), mong ước đạt được một phần thưởng, không phải là một huy chương, nhưng là một cái gì quí giá hơn nhiều: đó là thực hiện một nền văn minh trong đó có tình liên đới hiển trị, dựa trên sự nhìn nhận rằng tất cả chúng ta là thành phần của một gia đình nhân loại duy nhất, bất luận những khác biệt về văn hóa, màu da hoặc tôn giáo. Và đối với nhân dân Brazil, đang tổ chức lễ hội thể thao này trong tinh thần vui tươi và lòng hiếu khách đặc thù, tôi cầu chúc cho lễ hội này là một cơ hội để vượt tháng những thời điểm khó khăn và dấn thân trong ”hoạt động đồng đội” để xây dựng một đất nước công bằng và an ninh hơn, nhắm đến một tương lai đầy hy vọng và vui tươi. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em!”.

Thế vận hội Olimpic mùa hè lần thứ 31 sẽ tiến hành từ ngày 5 đến 21-8 này ở Rio de Janeiro, thành phố 12 triệu dân cư, với sự tham dự của các vận động viên đến từ các nước hoàn cầu và gồm 28 bộ môn thể thao và 48 bộ môn thể dục. (SD 3-8-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Giáo hoàng Phanxicô cầu nguyện trước mộ Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II

Đức Giáo hoàng Phanxicô cầu nguyện trước mộ Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II

 

Sáng nay, vào lúc 10 giờ ngày 27 tháng 7, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đến cầu nguyện trước mộ Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cùng với các trẻ em bị bịnh ung thư và gia đình của họ thuộc tổ chức phi lợi nhuận Peter Pan, là một tổ chức được thành lập ở Roma vào năm 2000 nhắm giúp các bịnh nhân ung thư và gia đình họ trong thời khắc khó khăn.

Ngay sau đó, ngài đã chào các em và gia đình của họ. Các em đã xin Đức Giáo Hoàng mang lời cầu nguyện của họ đến Ba Lan và xin Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, vị thánh của quốc gia này, ơn chữa lành.

Vào lúc 13:30 giờ , trước khi Đức Giáo hoàng khởi hành từ nhà Santa Marta để ra phi trường Fiumicino để bay đi Krakow, một nhóm 15 người nhập cư trẻ, trong đó có 9 nam và 6 nữ, từ các quốc gia khác nhau, đã chào ngài. Các bạn trẻ này đã cầu chúc Đức Giáo Hoàng chuyến đi bình an và tham dự ngày Quốc tế Giới trẻ vui vẻ. Các bạn trẻ này mới đến Italia một thời gian ngắn và chưa có giấy tờ tùy thân cần thiết để được đi ra nước ngoài. Họ không thể tham dự trực tiếp ngày Quốc tế Giới trẻ nhưng liên kết cách thiêng liêng. (SD 27/7/2016)

Hồng Thủy Op

Đại hội Giới trẻ: nơi của tình huynh đệ

Đại hội Giới trẻ: nơi của tình huynh đệ

Đại hội Giới trẻ Krakow

Trong khi châu Âu đang co quắp lại bởi những tin tức đáng kinh sợ hàng ngày về các vụ khủng bố bắn giết, nổ bom, đâm chém của những kẻ cực đoan, thì Cracovia đang trở thành bản sao của tình huynh đệ. Từ Đại hội Giới trẻ, hàng chục ngàn bạn trẻ chọn gửi đi cùng một sứ điệp hòa bình, ngay cả khi ngôn ngữ họ dùng khác nhau.

Paola, một bạn trẻ người Colombia chia sẻ: “Mặc dù có sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ nhưng có một tinh thần chung: ước mơ, khao khát tham gia vào Ngày này. Cracovia là một thành phố rất Công giáo và của niềm tin. Ví dụ như trong Thánh lễ ngày Chúa nhật có rất nhiều nhiều bạn trẻ và tôi tin đây là một điều mà Ba Lan muốn dạy cho tất cả chúng ta: cách thức các người trẻ đến gần Thiên Chúa. Tôi tin là nơi đây có một ngọn lửa biến đổi trái tim, như lời kinh chính thức của Đại hội Giới trẻ. Tất cả các bạn trẻ này sẽ đến để thắp sáng tâm hồn và con tim của họ”.

Một bạn trẻ khác đến từ vùng Cuneo nước Italia, tình nguyện viên của ban tổ chức ngày họp mặt ở Cracovia, nhấn mạnh đến sức mạnh của việc tham gia vào ngày Giới trẻ, điều thường thúc đẩy thực hiện những chọn lựa mạnh mẽ của cuộc sống và dấn thân. Cô chia sẻ: “Tôi đã tham gia như một khách hành hương vào ngày Giới trẻ Quốc tế ở Madrid. Đối với tôi đó là một khoảnh khắc đẹp nhất! Đức tin của tôi đã tăng trưởng rất nhiều và tôi đã có cơ hội gặp gỡ những người đến từ khắp nơi trên thế giới… Tôi đã học, nhiều hơn những điều khác, cầu nguyện. Tôi đã bắt đầu dấn thân hơn vào giáo xứ và quyết định phục vụ trong kỳ đại hội Giới trẻ để các bạn trẻ khác có thể sống, nếu không cùng kinh nghiệm của tôi, ít nhất một kinh nghiệm đẹp như tôi đã có. Có một sự thuyết phục ở đây là không có ai thực sự lẻ loi. Nơi đây tất cả chúng tôi ở cùng với nhau, không biết nhau, nhưng chúng tôi đã lớn lên, chúng tôi trở thành một gia đình.”

Một bạn trẻ người Palestin chia sẻ: “Thực tế là tôi đã đến đây để nhìn thấy Đức Giáo hoàng Phanxicô và để tham dự vào Năm Thánh Lòng thương xót và để chia sẻ những giây phút đáng nhớ của đức tin với các bạn trẻ khác”. Được hỏi về sứ điệp mà bạn muốn chuyển đến Đức Thánh Cha, cô nói: “Chủ đề được chọn cho Năm Thánh Lòng Thương xót thực sự rất đẹp: chúng ta thực sự cần lòng thương xót, năm nay, đặc biệt nếu tôi nhìn về quê hương tôi, Palestin, đang chịu đau khổ rất nhiều vì chiến tranh”…. (RV 26/7/2016)

Hồng Thủy Op

 

Vatican hài lòng về mức độ an ninh ở Cracovia (Krakow)

Vatican hài lòng về mức độ an ninh ở Cracovia (Krakow)

Đại hội giới trẻ tại Cracovia

CRACROVIA (KRAKOW). Đại tá Domenico Giani, Chỉ huy trưởng đoàn Hiến Binh Vatican, hài lòng về mức độ an ninh cho thánh lễ ngoài trời ĐTC sẽ cử hành tại Cánh đồng Lòng Thương Xót ở Cracovia, chúa nhật 31-7-2016, để bế mạc Ngày Quốc Tế giới trẻ.

Ban tổ chức dự kiến sẽ có từ 1 triệu 8 đến 2 triệu người tham dự thánh lễ này. An ninh cho buổi lễ là mối quan tâm lớn của chính quyền Ba Lan và nhiều người khác.

Tuy nhiên hôm 22-7-2016, hãng tin Công Giáo PAP của Ba Lan cho biết Đại tá Giani đã đến viếng thăm khu vực cánh đồng Lòng Thương Xót hôm 21-7 và kiểm điểm các biện pháp an ninh được đề ra và ông tỏ ra hài lòng.

Ngoài ra, phát ngôn viên của cảnh sát quốc gia Ba Lan, Ông Mariusz Ciarka, nói rằng mọi tham dự viên sẽ chịu sự kiểm soát kỹ lưỡng trước khi tiến vào khu vực hành lễ.

Sáng thứ bẩy, 30-7 tới đây, các bạn trẻ tham dự Ngày Quốc Tế giới trẻ sẽ đi bộ 15 cây số từ trung tâm thành Cracovia đến Cánh Đồng Lòng thương xót ở Brzegi. Đến nơi họ sẽ nhận chỗ được phân phối, và sẽ dự buổi canh thức cầu nguyện tối thứ bẩy với ĐTC. Họ sẽ ngủ lại tại chỗ để có thể tham dự thánh lễ bế mạc do ĐTC chủ sự sáng chúa nhật hôm sau, 31-7 (AP 22-7-2016)

Cha Lombardi

Mặt khác, trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican hôm 23-7-2016, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết phía Tòa Thánh tiến về Ngày Quốc Tế giới trẻ ở Ba Lan trong sự thanh thản và tin tưởng. Đây sẽ là một đại lễ hội đức tin.

Cha nói: ”Chúng tôi thấy không có lo lắng hay sự báo động đặc biệt nào, đồng thời có một sự nghiêm túc và khả năng đảm trách các biện pháp an ninh bình thường. Chúng tôi cũng biết rằng có một cuộc họp lớn của khối Nato mới đây, trong sự thanh thản tuyệt đối; cũng có bầu không khí như thế đối với Ngày Quốc Tế giới trẻ, với trách nhiệm đúng đắn của chính quyền và tất cả mọi người”.

Cha Lombardi cho biết là không có tin về sự rút lui của nhóm bạn trẻ nào, trái lại họ đang tới Ba Lan với một sự hăng say và yên hàn.

Trong cuộc phỏng vấn, LM giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh cũng trả lời câu hỏi: tại sao không có diễn văn của ĐTC trong cuộc gặp gỡ các GM Ba Lan chiều ngày đầu tiên 27-7 như đã ghi trong chương trình, cha Lombardi cho biết ĐTC đã nói rõ là ngài đã chọn hình thức cuộc gặp gỡ với các GM như ngài muốn, đó là một cuộc gặp gỡ thân mật và đối thoại. Vì thế ngài không muốn đọc một diễn văn dài trước các GM, nhưng muốn nói và nghe những câu hỏi các vị, ngài muốn các câu hỏi này được đề ra trong tự do hoàn toàn và thanh thản từ phía hàng giám mục. Và sở dĩ không có cuộc truyền hình trực tiếp cuộc gặp gỡ này, là để tạo một bầu không khí hoàn toàn thân mật, thoải mái, yên hàn, tự do phát biểu, và cả từ phía ĐTC nữa..

Cha Lombardi nhìn nhận rằng thỉnh thoảng ĐGH đọc bài diễn văn chính thức trước các GM, như khi gặp HĐGM Mêhicộ và Hoa Kỳ, nhưng đó là những trường hợp ngoại lệ. (SD 23-7-2016)

G. Trần Đức Anh OP

 

Ngày Quốc tế giới trẻ là một hành trình thiêng liêng cho các bạn trẻ

Ngày Quốc tế giới trẻ là một hành trình thiêng liêng cho các bạn trẻ

Logo ngày Quốc tế giới trẻ 2016

Jakarta – Theo tin địa phương, gần 200 bạn trẻ Indonesia của 22 giáo phận đã đăng ký tham dự ngày Quốc tế giới trẻ ở Balan, được tổ chức từ 25-31/7 tới đây. Các bạn trẻ đã cố gắng kiếm tiền để chi trả cho chuyến đi mà họ sẽ được gặp Đức Thánh Cha Phanxicô. Cũng có 18 tình nguyện viên đã đăng ký với Ủy ban Phụ trách Giới trẻ. Các tình nguyện viên này sẽ khởi hành ngày 19/7 với Linh mục Antonius Haryanto, người phụ trách toàn bộ cuộc hành hương.

Cha Antonius Haryanto cho biết: lòng mong muốn mãnh liệt được tham dự ngày Quốc tế giới trẻ đã thúc đẩy các bạn trẻ vượt qua rào cản kinh tế, tìm kiếm những trợ giúp để giúp họ trang trải chi phí, dự tính khoảng 2000 Mỹ kim. Theo cha, sự hiện diện của Đức Thánh Cha Phanxicô là một trong những lý do chính thúc đẩy các người trẻ hăng hái tham dự sự kiện này, vì họ không muốn lỡ cơ hội nhìn thấy ngài và tham dự Thánh lễ với ngài. Cha nói: “Ngày Quốc tế giới trẻ là một dạng hành trình thiêng liêng cho các người trẻ; nơi đó các bạn có thể gặp và biết những người đến từ những vùng khác nhau của thế giới, cùng cử hành chung một đức tin với họ và trải nghiêm cùng những giá trị trong Giáo hội Công giáo”.

Đức cha Pius Riana Prabdi Pr, Gíam mục của giáo phận Ketapang (Tây Kalimantan), sẽ đến Cracovia để đồng hành với các bạn trẻ. Ngài cho biết là Indonesia đã bắt đầu việc chuẩn bị: các giáo phận tổ chức các sự kiện cộng đồng giữa các tham dự viên. Mỗi tuần, các bạn trẻ tụ họp thành nhóm để gặp nhau và chia sẻ những lý do tại sao họ tham dự cuộc hành hương. Một số đang chuẩn bị các trình diễn văn hóa để biểu diễn trong ngày Quốc tế giới trẻ.

Sắp tới, giới trẻ Công giáo Indonesia sẽ là tâm điểm của 2 sự kiện quan trọng khác của Giáo Hội. Vào tháng 10, ngày Giới trẻ Indonesia 2016 sẽ được tổ chức tại giáo phận Manado (Bắc Sulawesi) và Tổng giáo phận Semarang và Yogyakarta sẽ là nơi tổ chức ngày Giới trẻ Châu Á. (Asia News 22/6/2016)

Hồng Thủy Op

Khoảng 1500 bạn trẻ Philippine tham dự ngày Quốc tế Giới trẻ tại Cracovia

Khoảng 1500 bạn trẻ Philippine tham dự ngày Quốc tế Giới trẻ tại Cracovia

Cờ hiệu ngày Quốc tế giới trẻ ở Cracovia

Khoảng 1500 bạn trẻ Philippine dự kiến sẽ tham dự ngày Quốc tế Giới trẻ tại Cracovia, Balan vào cuối tháng 7 tới đây. Dự kiến sẽ có khoảng 2,5 triệu ngừoi trẻ từ khắp thế giới tham dự ngày hội đặc biệt này.

Johann Mangussad, một nhà thiết kế công nghiệp 27 tuổi, cho biết, anh không chờ đợi bất cứ điều gì đặc biệt ở Balan nhưng chỉ muốn thấy Chúa Giê-su. Anh nói: “Tôi muốn thấy Chúa trong mắt của mỗi người và mọi người tôi gặp. Tôi muốn cảm nhận sự hiện diện của Người”.

Sky Ortigas, đã tham dự ngày Quốc tế Giới trẻ 2 lần và đang chờ tham dự lần 3 chia sẻ: “Âm nhạc trong các nghi thức cử hành truyền cảm hứng và làm tôi xúc động, và cách nào đó làm cho tôi mong muốn biết Chúa nhiều hơn. Nhìn thấy mọi quốc gia và chủng tộc quỳ gối trước Chúa Ki-tô thì thật là tuyệt vời”.

Đoàn giới trẻ chính thức của Philippine sẽ được đại diện bởi 320 bạn trẻ đến từ Ủy ban Giới trẻ của Hội đồng Giám mục và mạng lưới mục vụ giới trẻ. Stephen Borja, thư ký của Ủy ban cho biết là các tổng giáo phận lớn như Manila và Cebu và các giáo phận như Cubao, Novaliches, Paranaque, và San Pablo cũng sẽ gửi các đoàn của riêng họ. Trung tâm mục vụ Mindanao-Sulu cũng gửi một đoàn từ khoảng 21 giáo phận ở miền nam Philippine. Trong khi đó, tòa Đại sứ Balan ở Manila cho biết họ đã nhận được it nhất 2200 đơn xin visa từ Philippin.

Trước khi đi đến Cracovia, các thành viên của đoàn Philippine sẽ gặp gỡ chuẩn bị. Borja cho biết: đây không chỉ là phần chuẩn bị trước mắt nhưng còn để củng cố tinh thần cộng đồng và chia sẻ quan điểm trong việc thực hiện cuộc hành hương này. Các nhóm đầu tiên của các đoàn sẽ đi Balan vào ngày 17/7 để tham dự “Ngày giáo phân”, một hoạt động trước khi đại hội Giới trẻ chính thức bắt đầu từ 26-31/7.

Đức Hồng Y của Manila Luis Antonio Tagle sẽ tham dự Đại hội cùng với Đức cha Joel Baylon của Legazpi, chủ tịch Văn phòng Giới trẻ của Phân bộ Giáo dân và Gia đình của Liên Hội đồng Giám mục châu Á. (Ucan news 21/6/2016)

Hồng Thủy Op

Đức Thánh Cha gặp 650 người dự Hội nghị về người khuyết tật

Đức Thánh Cha gặp 650 người dự Hội nghị về người khuyết tật

Đức Thánh Cha tiếp 650 tham dự viên Hội nghị về người khuyết tật

VATICAN. ĐTC kêu gọi giúp người khuyết tật hoàn toàn tham gia vào đời sống Giáo Hội một cách bình thường, đặc biệt là đời sống bí tích.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây sáng ngày 11-6-2016, trong buổi tiếp kiến tại Đại thính đường Phaolô 6 dành cho 650 tham dự viên hội nghị về người khuyết tật do HĐGM Italia tổ chức, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập phân bộ Huấn giáo cho người khuyết tật thuộc Văn phòng Huấn giáo toàn quốc Italia. Trong số những người hiện diện cũng có nhiều người khuyết tật về thể lý và tâm lý.

ĐTC đã ứng khẩu trả lời một số câu hỏi do các tham dự viên nêu lên, đặc biệt là một phụ nữ 25 tuổi ngồi trên xe lăn, hỏi ĐTC tại sao trong giáo xứ, cô không được tham gia nhiều sinh hoạt của giáo xứ, và bị kỳ thị. Cô cho biết là sẽ tham dự Ngày Quốc Tế giới trẻ cuối tháng 7 tới tại Cracovia Ba Lan.

ĐTC nhận định rằng: ”Cho đến nay nhiều điều đã được thực hiện trong việc săn sóc mục vụ cho người khuyết tật, nhưng cần phải đi xa hơn nữa, ví dụ nhìn nhận khả năng của người khuyết tật làm tông đồ và thừa sai, và trước tiên là giá trị sự hiện diện của họ như những nhân vị, như những chi thể sinh động của Thân Mình Giáo Hội. Trong sự yếu đuối và mong manh có tiềm ẩn những kho tàng có khả năng canh tân các cộng đoàn Kitô của chúng ta”.

ĐTC ghi nhận trong các cộng đoàn Công Giáo có sự quan tâm nhiều hơn tới những người khuyết tật, nhưng chưa thực hiện sự hội nhập đích thực, chưa có sự tham gia trọn vẹn và bình thường của những tín hữu khuyết tật. Điều này không những đòi các giải pháp kỹ thuật và những chương trình chuyên biệt nhưng trước tiên đòi phải có sự nhìn nhận và tiếp đón, xác tín kiên trì theo đó mỗi người là duy nhất, có một không hai và không thể lập lại, mỗi khuôn mặt bị loại trừ đều làm cho cộng đoàn nghèo nàn hơn”.

Cũng trong chiều hướng trên đây, trong diễn văn soạn sẵn, ĐTC kêu gọi giúp người khuyết tật tham gia hoàn toàn vào đời sống bí tích của Giáo Hội. Ngài nói: “Chúng ta phải khẳng định rõ ràng rằng những người khuyết tật được kêu gọi sống trọn vẹn đời sống bí tích, cả khi họ bị khuyết tật trầm trọng về tâm lý. Thật là buồn khi thấy trong một số trường hợp người ta vẫn còn tỏ ra nghi ngờ, chống lại hoặc từ khước. Nhiều khi người ta biện minh cho sự từ khước cho người khuyết tận lãnh nhận các bí tích và nói: ”Họ đâu có hiểu gì”, hoặc ”họ không cần”. Trong thực tế, thái độ như thế chứng tỏ những người ấy không hiểu ý nghĩa đích thực của chính các bí tích, và trong thực tế họ không cho những người khuyết tật được thực thi chức phận làm con Chúa và được tham gia trọn vẹn vào cộng đoàn Giáo Hội”.

Thánh lễ chúa nhật

Cũng liên quan đến những người khuyết tật, chúa nhật 12-6-2016, hơn 20 ngàn người khuyết tật, bệnh nhân và những người săn sóc họ, sẽ tham dự thánh lễ ĐTC cử hành tại Quảng trường Thánh Phêrô nhân ngày Năm Thánh dành cho họ.

Trong số những người giúp lễ mang lễ vật lên ĐTC trong phần dâng lễ, cũng có những người bị hiệu chứng down, hay là bệnh khờ. Ngoài ra trong lúc bài Tin Mừng được công bố lần đầu tiên cũng có những hoạt cảnh đi kèm, nhờ đó những người khuyết tật tâm trí cũng có thể hiểu được.

Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng cho biết như trên trong cuộc họp báo hôm 9-6 vừa qua ở Roma. Ngài cũng bày tỏ hài lòng vì sự gia tăng con số các tín hữu hành hương Năm Thánh:

Trong 6 tháng đầu tiên của Năm Thánh, tức là từ đầu tháng 12 năm ngoái đến nay, đã có 9 triệu 100 ngàn tín hữu hành hương đến Roma. Con số đáng kể này cho thấy nhiều tín hữu từ các nơi trên thế giới vẫn muốn cử hành Năm Thánh ở Roma, mặc dù Cửa Năm Thánh được mở ra ở các nơi trên thế giới.

Trong dịp đại Năm Thánh 2000, có hơn 30 triệu tín hữu hành hương đến Roma. Ngay từ đầu, Tòa Thánh đã nhận định rằng sẽ không có một con số đông đảo như vậy cho Năm Thánh Lòng Thương Xót vì thời gian ngắn ngủi từ khi ấn định Năm Thánh cho đến lúc khởi sự biến cố này (SD 11-6-2016)

G. Trần Đức Anh OP

 

Công đồng Liên Chính Thống giáo tiếp tục gặp chướng ngại

Công đồng Liên Chính Thống giáo tiếp tục gặp chướng ngại

Công đồng Liên Chính Thống giáo

ISTANBUL. Viễn tượng nhóm họp Công đồng Liên Chính Thống giáo từ chúa nhật 19-6 tới 27-6-2016 tại đảo Creta bên Hy Lạp tiếp tục gặp khó khăn.

Trong tuần lễ trước đây, Giáo Hội Chính Thống Bulgari cho biết sẽ không tham dự Công đồng này nếu một số vấn đề tranh luận không được làm sáng tỏ trước, và vì thế Giáo Hội này kêu gọi hoãn lại việc nhóm họp Công đồng. Cả Giáo Hội Chính Thống Giorgia cũng có lập trường tương tự.

Hôm 6-6-2016, sau phiên họp đặc biệt, Tòa Thượng Phụ chung của Chính Thống giáo ở Constantinople, Istanbul, Thổ Nhĩ kỳ, đã thông cáo bác bỏ yêu cầu của Giáo Hội Chính Thống Bulgari và nói rằng sau hơn 50 năm chuẩn bị, Công đồng này sẽ tiến hành như đã định, vào lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, 19-6 (theo lịch Giuliano).

Mục đích khóa họp thượng đỉnh này tại Creta là một sự thỏa thuận của Chính Thống giáo về đường hướng tương lai của mình. ”Tòa Thượng Phụ chung, có trách nhiệm chính đối với việc bảo tồn sự hiệp

nhất của Chính Thống giáo, kêu gọi tất cả hãy tận dụng cơ hội này và đến tham dự.

Thông cáo cũng có đoạn viết: ”Thật là ngạc nghiên và ngỡ ngàng, một vài Giáo Hội trong số 14 Giáo Hội Chính Thống đã tuyên bố lập trường của mình. Qui luật của Giáo Hội không cho phép xét lại kế hoạch Công đồng đã được đề ra. Tuy nhiên tại Creta, còn có thể thay đổi các dự thảo văn kiện. Các phái đoàn sẽ trình bày các đề nghị của mình”.

Tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga mạnh mẽ phê bình lập trường của Tòa Thượng Phụ Constantinople. Tổng LM Andrej Nowokiow ở Mascơva tuyên bố với hãng thông tấn Tass của Nga hôm 7-6 rằng: ”Tôi e ngại rằng thái độ độc tài như thế của Tòa Thượng Phụ Constantinople là một toan tính buộc những người khác phải thay đổi ý kiến. Hiển nhiên Constantinople muốn có quyền lực vô giới hạn trong thế giới Chính Thống giáo, và hành động ”như thể một thứ giáo hoàng ở đông phương”, và như thế là đe dọa thành quả của Công đồng.

Thánh Hội đồng Chính Thống Nga đã yêu cầu Đức Thượng Phụ Bartolomaios triệu tập một phiên họp tiền công đồng, trước ngày 10-6 này để cứu xét xem có thể nhóm Công đồng trong thời hạn dự trù hay không. Theo Chính Thống Nga, dù một Giáo Hội thành viên không tham dự, thì đó cũng là một chướng ngại không thể vượt qua đối với việc thực hiện một đại Công đồng của Chính Thống giáo.

Trước sự từ khước của Đức Thượng Phụ Bartolomaios triệu tập phiên họp vừa nói, hôm 8-6-2016, Đức TGM Hilarion Alfeyev, Chủ tịch Hội đồng ngoại vụ tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga, cho biết Thánh Hội đồng của Giáo Hội này nhóm họp khẩn cấp để quyết định có nên tham dự Công đồng liên Chính Thống giáo hay không. Đức TGM nói: ”Chúng tôi vẫn luôn nói rằng các quyết định của Công đồng phải được sự đồng thuận thì mới được công bố. Chúng tôi tin rằng sự đồng thuận bao hàm không những sự đồng ý của những người hiện diện nhưng cả những người khác vắng mặt nữa. Sự đồng thuận phải có nghĩa là ý kiến đồng nhất của tất cả các Giáo hội Chính Thống. Nếu một Giáo Hội vắng mặt, thì chúng tôi nghĩ điều này có nghĩa là không có sự đồng thuận” (KNA 7-6-2016, Asia News 8-6-2016).

Mặt khác, Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô sẽ tổ chức một buổi cầu nguyện vào thứ bẩy 11-6 tới đây để bày tỏ sự gần gũi tinh thần với Chính Thống giáo. Buổi cầu nguyện sẽ diễn ra tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành. (Apic 6-6-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha cổ võ chống nạn buôn người và các tệ nạn xã hội

Đức Thánh Cha cổ võ chống nạn buôn người và các tệ nạn xã hội

Đức Thánh Cha cổ võ chống nạn buôn người và các tệ nạn xã hội

VATICAN. ĐTC khuyến khích các pháp quan thi hành công lý chống nạn buôn người và các tệ nạn xã hội khác, đồng thời ngài cảnh giác chống cám dỗ tham nhũng.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây chiều ngày 3-6-2016, trong buổi gặp gỡ hơn 150 thẩm phán và các quan chức tư pháp của nhiều quốc gia, tham dự hội nghị do Hàn lâm viên Tòa Thánh về các khoa xã hội tổ chức tại Vatican trong hai ngày mùng 3 và 4-6-2016.

 ĐTC đề cập đến các vấn đề được ngài quan tâm từ lâu như nạn buôn người, những hình thức mới của nạn nô lệ như cưỡng bách lao động, mại dâm, buôn bán cơ phận người để ghép, buôn bán ma túy và các tổ chức bất lương. Ngài đề cao vai trò không thể thay thế của các vị thẩm phán trong lãnh vực này và nhấn mạnh rằng và các thẩm phán phải được tự do, không phải chịu sức ép của các chính phủ, các tổ chức tư nhân, và nhất là được tự do đối với các cơ cấu tội lỗi, các tổ chức tội phạm tạo áp lực và xe dọa.

ĐTC nói: ”Tất cả chúng ta đều biết những chế riễu đối với ngành tư pháp công lý bị bịt mắt và bịt miệng. Nạn tham ô hối lộ là một trong những vấn đề thời sự lớn hiện nay, làm suy yếu nền dân chủ và công lý”.

Trong diễn văn, ĐTC cũng đề cao tầm quan trọng của sự cộng tác với LHQ để thực hiện dự án hợp với tinh thần nhân bản và Kitô, đó là giải thoát nhân loại khỏi nạn buôn người và các tổ chức tội phạm. Ngài cũng cổ võ sự hợp lực giữa các thẩm phán và chuyên gia, thành lập một liên mạng giữa họ với nhau để trao đổi kinh nghiệm, giúp bài trừ những hình thức mới của nạn nô lệ.

Trong bối cảnh này, ĐTC nói đến vai trò của Giáo Hội: ”Giáo Hội phải dấn thân để trung thành với con người, và càng phải làm hơn nữa, nếu ta xét tới những tình trạng trong đó có những tai gương và đau khổ thê thảm nhất.. Giáo Hội không thể chiều theo châm ngôn không muốn Giáo Hội xen mình vào chính trị. ĐTC nói: ”Giáo Hội phải xen mình vào nền chính trị cao cả, vì như ĐGH Phaolô 6 đã nói, chính trị là một trong những hình thức bác ái cao cả nhất” (RG 4-6-2016)

G. Trần Đức Anh OP