Bắt đầu nhận đơn đăng ký Thừa sai Lòng Thương Xót

Bắt đầu nhận đơn đăng ký Thừa sai Lòng Thương Xót

VATICAN. Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng bắt đầu nhận đơn đăng ký trực tuyến của các LM muốn trở thành ”Thừa sai của lòng thương xót” trong Năm Thánh ngoại lệ sẽ bắt đầu từ ngày 8-12 tới đây.

Theo mẫu đơn phổ biến trên mạng (www.im.va) bằng 7 thứ tiếng (Ý, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ đào nha, Ba Lan), các LM thiện nguyện được yêu cầu cung cấp họ và tên, ngày sinh, đại lục, giáo phận, HĐGM và chức năng mục vụ hiện nay.

Các LM ứng sinh được yêu cầu gửi các thông tin lý lịch về Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng là cơ quan sẽ tuyển chọn các thừa sai, với sự thỏa thuận của các vị bản quyền và Bề trên dòng liên hệ. Kèm theo lý lịch, LM ứng viên còn được yêu cầu gửi bản quét ảnh (scan) thư của vị bản quyền hoặc bề trên dòng trên giấy chính thức của tòa GM hoặc của Hội dòng.

Trong sắc chỉ ấn định Năm Thánh Lòng Thương xót từ 8-12 năm nay đến 20-11 năm 2016, ĐTC loan báo ý định gửi các thừa sai của lòng thương xót như ”một dấu chỉ mối quan tâm hiền mẫu của Giáo Hội đối với Dân Chúa, để đi sâu vào sự phong phú của mầu nhiệm rất căn bản của đức tin. Các LM thừa sai ấy sẽ được ban năng quyền tha thứ cả những tội dành quyền giải cho Tòa Thánh, để làm nổi bật sứ vụ bao quát của các vị. Nhất là họ sẽ là dấu chỉ sinh động về cách thức Chúa Cha đón nhận những người đang tìm kiếm ơn tha thứ”.

ĐTC sẽ chủ sự lễ sai các thừa sai của lòng thương xót trong lễ Ngày Thứ tư lễ tro 10 tháng 2 năm 2016 (SD 18-8-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

ĐTC chủ sự lễ nghi phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh trong Đền Thờ Thánh Phêrô

ĐTC chủ sự lễ nghi phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh trong Đền Thờ Thánh Phêrô

VATICAN: Lúc 5 giờ chiều Thứ Sáu Tuần Thánh hôm qua ĐTC đã chủ sự các lễ nghi tưởng niệm cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu với nghi thức tôn thờ Thánh Giá Chúa.

Giảng trong buổi cử hành phụng vụ, vị thuyết giảng của Toà Thánh,  cha Raniero Cantalamessa nêu bật hình ảnh của Chúa Giêsu bị đánh đòn, đầu đội mão gai, mình đầy máu và thương tích, một người hoàn toàn bất lực, nguyên mẫu của tất cả mọi nạn nhân của bất công trong lịch sử loài người. Chúa Giêsu hấp hối cho tới tận thế nơi mọi người nam nữ bị tra tấn hành hạ và giết chết. Lời Chúa nói “Các ngươi đã làm cho Ta” không chỉ ám chỉ nhũng người tin nơi Ngài, mà ám chỉ mọi người đói khát, trần truồng, bị ngược đãi, bị nhốt tù. Ở đây chúng ta không nghĩ tới các tệ nạn xã hội tập thể: dói khát, nghèo túng, bất công, khai thác bóc lột người yêu đuối,  có nguy cơ trở thành các phạm trù trừu tượng, chứ không phải con người. Nhưng chúng ta nghĩ tới các nỗi khổ đau của những con người riêng rẽ, có tên tuổi và căn cước, tới các tra tấn được quyết định một cách lạnh lùng và cố ý áp dụng ngay trong lúc này đây cho các con người, kể cả các trẻ em. Có biết bao nhiêu “Này là người” trên thế giới này. Có biết bao tù nhân phải ở trong cùng các điều kiện của Chúa Giêsu trong sân dinh quan Philatô: cô đơn, bị còng tay, bị tra tấn, nạn nhân trong tay của các tên lính cộc cằn thô lỗ, đầy thù hận, buông mình theo mọi loại tàn ác thể lý và tâm lý, vui đùa khi thấy người khác khổ đau. Tiếng kêu “Này là người” không chỉ được áp dụng cho các nạn nhân, nhưng cho cả các lý hình nữa. Nó muốn nói rằng con người có khả năng làm các điều đó. Với sự sợ hãi và run rẩy chúng ta cũng nói: đấy, loài người chúng ta có khả năng làm các điều đó!

Các kitô hữu không phải là các nạn nhân duy nhất của bào lực giết người trên thế giới này, nhưng không thể không biết rằng trong nhiều quốc gia họ là các nạn nhân được chỉ định và ngày càng thường xuyên hơn. Giám Mục Dionigi thành Alessandria đã làm chứng lễ Vượt Qua kitô hữu cử hành dưới thời hoàng đế Decio bắt đạo  như sau: “Họ lưu đầy chúng tôi, và cô đơn giữa mọi người chúng tôi bị bắt bớ và giết chết. Nhưng cả khi đó nữa chúng tôi cũng đã cử hành lễ Phục Sinh. Mỗi nơi chúng tôi đau khổ trở thành một nơi để cử hành lễ; cho dù có là một cánh đồng, một sa mạc, một con tầu, một quán trọ, một nhà tù. Các vị tử đạo toàn thiện cử hành các lễ Phục Sinh, vì được nhận vào lễ hội thiên quốc”. Cũng sẽ như thế đối với nhiều kitô hữu lễ Phục Sinh năm 2015 này!

Tiếp tục bài giảng cha Cantalamessa nói: có người can đảm tố cáo sự thờ ơ gây lo ngại của các cơ cấu quốc tế và của dư luận trước những điều này, bằng cách nhắc nhở rằng trong quá khứ một sự thờ ơ như vậy đã đưa tới đâu. Các cơ cấu và con người của thế giới tây phương có nguy cơ trở thành các Philatô rửa tay phủi bỏ trách nhiệm của mình. Nhưng trong lúc này chúng ta không dược phép tố cáo. Bởi nếu không, chúng ta sẽ phản bội mầu nhiệm chúng ta đang cử hành, Khi chết Chúa Giêsu đã kêu lên “Lậy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Thay vì tố cáo các kẻ thù nghịch hay tha thứ cho họ, Chúa Giêsu tín thác cho Thiên Chúa Cha việc báo oán và Ngài bênh vực họ. Gương Ngài đề nghị với các môn đệ là một lòng quảng đại vô biên. Tha thứ với cùng sự cao cả của tâm hồn không chỉ bao gồm một thái độ tiêu cực khước từ muốn sự dữ cho kẻ làm sự dữ, nhưng phải được diễn tả ra bằng một ý muốn làm điều lành cho họ, cầu nguyện cho họ.

Chúa Giêsu đã chiến thắng baọ lực không phải bằng cách chống lại với một bạo lực lớn hơn, nhưng bằng cách chịu đựng nó và lột trần tất cả sự bất công và vô ích của nó… Vấn đề bạo lực bao vây chúng ta, gây gương mù gương xấu cho chúng ta, vì ngày nay nó sáng chế ra các hình thức tàn ác kinh hoàng và mọi rợ mới. Kitô hữu chúng ta phản ứng kinh khiếp trước ý tưởng người ta có thể giết người nhân danh Thiên Chúa. Nhưng tư tưởng của Thiên Chúa là “Chớ giết người”… Diễn văn trên núi đã thay đổi thế giới là diễn văn được công bố giờ đây, một cách lặng lẽ, từ thập giá. Trên núi Sọ Chúa Giêsu đã nói lên tiếng “Không” vĩnh viễn với bạo lực, chống lại nó không chỉ đơn sơ với việc không bạo lực, nhưng còn hơn thế nhiều với sự tha thứ, dịu hiền và tình yêu thương. Các vị tử đạo đích thật của Chúa Kitô không chết với nắm đấm, nhưng với đôi tay chắp vào nhau.

Ôi lậy Chúa, chúng con cầu xin Chúa cho các anh em đức tin của chúng con bị bách hại và cho tất cả các “Này là người” trong lúc này đây trên mặt đất này, các kitô hữu và không kitô hữu. Lậy Mẹ Maria, dưới thập giá Mẹ đã hiệp nhất với Con và thầm thì theo Ngài:  “Lậy Cha, xin tha cho họ”: xin giúp chúng con chiến thắng sự dữ bằng sự thiện, không chỉ trên quang cảnh lớn của thế giới này, nhưng cả trong cuộc sống thường ngày, trong bốn bức tường của gia đình chúng con nữa” (SD 3-4-2015)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

 

Lớp Sáu – Bài Học 17 – Nhẫn Nại Đợi Chờ

Bài Học 17 – Nhẫn Nại Đợi Chờ

WheatAndTares

 

Thế giới này sẽ tươi đẹp biết bao

nếu tất cả trí thông minh, tất cả tài nguyên, tất cả năng lực

đều góp phần chung tay xây dựng!

Nhưng thật đáng tiếc,

rất nhiều trí thông minh, rất nhiều tài nguyên, rất nhiều năng lực

đã tiêu tốn trong việc hủy hoại, tha hóa, nô lệ hóa con người.

Đó là những hạt cỏ xấu do ma quỷ lén lút gieo vào ruộng lúa tốt.

Lúa tốt và cỏ lùng lẫn lộn trên cùng ruộng lúa.

Cái tốt, cái xấu đan xen trong cuộc sống hàng ngày,

nhất là trong tâm hồn mỗi người.

Ở đó, hạt mầm sự sống và nọc độc sự chết, cùng sống chung.

 

SuAcBiLoaiBo

Nhìn lên ánh sáng

Nhìn lên ánh sáng

Trong sa mạc, dân Israel kêu trách Thiên Chúa và ông Môsê. Thiên Chúa cho rắn độc ra cắn họ, khiến nhiều người phải chết. Dân chúng xin ông Môsê khẩn cầu Thiên Chúa. Thiên Chúa truyền cho ông làm một con rắn bằng đồng và treo lên để ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống (Ds 21, 4b-9).

Hôm nay, khi nói Người sẽ bị treo lên như con rắn đồng của Môsê, Đức Giêsu mời gọi ta cũng hãy biết nhìn lên Thánh giá để được sống. Việc nhìn lên Đức Giêsu bị treo trên Thánh giá mở ra cho ta những nhận thức sau:

1) Nhận thức về tội lỗi của ta. Dân Do thái phản nghịch với Chúa, nên họ đã bị rắn lửa cắn chết. Chính tội lỗi làm người ta phải đau khổ. Chính tội lỗi đã gây ra tai hoạ cho toàn dân. Chính tội lỗi đã gây ra chết chóc. Nhìn lên con rắn đồng là nhận biết mình tội lỗi. Cũng vậy, vì tội lỗi của ta mà Đức Giêsu đã chịu treo trên Thánh giá. Người nào có tội tình gì mà phải chết đau đớn, tủi nhục như thế. Không một mảnh vải che thân. Chết lúc tuổi thanh xuân. Chết như một tội nhân. Chết như một người nô lệ. Trước khi chết đã bị sỉ nhục, bị hành hạ đến tan nát hình hài, đến chẳng còn hình tượng con người. Tất cả chỉ vì tội lỗi của ta. Tội lỗi đã làm ta phải chết. Tội lỗi làm linh hồn ta bị biến dạng, méo mó, xấu xa. Tội lỗi khiến ta tủi nhục chẳng dám ngẩng mặt nhìn lên. Đức Giêsu đã gánh lấy tất cả tội lỗi của ta. Người chịu nhục nhã cho ta được vinh quang. Người chịu thương tích để chữa lành vết thương của ta. Người chịu chết như nô lệ để ta được tự do. Người chịu chết cho ta được sống. Người chịu treo lên để kéo ta khỏi vũng bùn nhơ tội lỗi. Nhìn ngắm Người chính là nhìn ngắm tội lỗi của ta. Hiểu được cái chết đau đớn tủi nhục của Người là ý thức được tội lỗi nặng nề của ta.

2) Nhận thức về tình yêu thương của Chúa. Nhận thức về tội lỗi đưa ta đến nhận thức về tình yêu thương của Chúa. Ta tội lỗi đáng phải chết. Nhưng Chúa thương yêu không bỏ rơi ta. Người tìm hết cách cứu ta. Tình yêu Chúa dành cho ta thật bao la tha thiết. Tình yêu đã khiến Chúa ra như điên dại. Còn ai điên dại hơn người dám hy sinh con một mình để cứu người khác. Thế mà Chúa Cha đã “yêu ta đến nỗi đã ban Con Một” của Người cho ta. Còn ai điên dại hơn kẻ dám liều mạng chết vì người yêu. Thế mà Đức Giêsu đã tự nguyện chết cho ta. Người đã dậy ta: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống cho bạn hữu” (Ga 15,13). Chính Người đã hy sinh mạng sống để làm chứng tình yêu Người dành cho ta. Ta có xứng đáng gì đâu? Ta chỉ là một hạt bụi. Ta ngập trong yếu đuối tội lỗi. Thế mà Người yêu thương đến điên dại, đến chết vì ta. Càng nhìn lên Thánh giá, ta càng thấy mình tội lỗi. Càng thấy mình tội lỗi, ta lại càng thấy tình yêu thương của Chúa dành cho ta thật là bao la, tha thiết, mênh mông khôn tả.

3) Nhận thức về ơn cứu độ của Chúa. Trong sa mạc họ chẳng tìm ra người có thể cứu chữa họ. Chẳng có thuốc nào cứu họ khỏi chết. Chỉ mình Thiên Chúa có thể cứu họ. Thế nên họ phải nhìn lên con rắn đồng để được Chúa cứu. Ta cũng thế. Biết thân phận mình tội lỗi yếu hèn, ta càng cảm nghiệm được ơn cứu độ của Chúa. Ta ngập chìm trong tội lỗi, chẳng thể nào vươn lên được nếu không có ơn cứu độ của Chúa. Ta yếu đuối, chẳng thể nào tự sức mình đứng lên nếu không có ơn Chúa nâng đỡ. Ta bị giam cầm trong ngục tù sự chết, chỉ có Chúa mới có thể tháo bỏ xiềng xích, đưa ta tới miền sự sống. Linh hồn ta ngập ngụa nhơ uế, chỉ có Chúa mới có thể rửa sạch tội tình. Linh hồn ta bị bóng tối tội lỗi phủ vây, chỉ có ánh sáng của Chúa mới soi chiếu cho ta biết đường ngay lẽ phải.

Nhìn lên Thánh giá chính là từ nơi tối tăm nhìn lên ánh sáng. Ánh sáng tình yêu thương từ Thánh giá chiếu toả sẽ giúp ta an tâm trở về với Chúa là Cha, người Cha nhân hiền lúc nào cũng chờ đón đứa con hoang đàng trở về, lúc nào cũng sẵn sàng tha thứ tội lỗi cho ta. Ánh sáng cứu độ từ Thánh giá chiếu toả sẽ giải thoát ta khỏi bóng tối tội lỗi, đưa ta trở về làm con cái Thiên Chúa Sự Sáng. Ánh sáng tình yêu và ánh sáng cứu độ sẽ nâng ta lên, để từ nay ta vượt thoát lên khỏi bóng tối tội lỗi, sống thanh sạch công chính, luôn mơ ước những điều cao thượng, xứng đáng là con cái sự sáng. Trong mùa Chay, đặc biệt trong những ngày Tuần Thánh, ta hãy năng chiêm ngắm Thánh giá, để Chúa nâng tâm hồn ta lên với Chúa.

Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán: “Khi nào Ta được đưa lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta” (Ga 12,32), xin hãy lôi kéo hồn con lên với Chúa.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1.       Bạn có cảm thấy mình được Chúa yêu thương không? Hãy kể lại một kinh nghiệm trong đó bạn cảm nhận được tình yêu thương của Chúa.

2.       Bạn có thấy mình yếu đuối, cần ơn Chúa cứu độ không?

3.       Bạn đã chiêm ngắm Thánh giá lâu giờ chưa? Bạn có muốn chiêm ngắm Thánh giá trong mùa Chay này không?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Tình yêu lớn nhất

Tình yêu lớn nhất

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Có rất nhiều giai thoại kể về những tượng thánh giá cổ xưa… Tại một nhà thờ bên Tây Ban Nha, có một tượng thánh giá cổ rất đặc biệt. Cánh tay trái của Chúa Giêsu vẫn còn đóng vào gỗ giá, nhưng cánh tay mặt thì rời ra và đưa lên phía trước trong tư thế ban phép lành.

Người Tây Ban Nha kể về nguồn gốc của tượng thánh giá này như sau: Một hôm có một hôm có một tội nhân đến xưng tội với vị linh mục chính xứ ngay dưới cây thánh giá này. Như thường lệ, mỗi khi giải tội cho một tội nhân có quá nhiều tội nặng, vị linh mục này thường tỏ ra rất nghiêm khắc. Ngài ra việc đền tội thật nặng cũng như ngăm đe nhiều điều. Tội nhân ra về lòng cảm thấy nhẹ nhàng. Nhưng tính nào tật nấy, không bao lâu, người đó lại sa ngã. Lần này, sau khi tội nhân xưng thú tội lỗi, vị linh mục lại đe doạ: “Đây là lần cuối cùng tôi giải tội cho anh!”

Nhiều tháng trôi qua, tội nhân lại đến quỳ dưới chân linh mục cũng bên cây thánh giá và lại xin ơn tha thứ một lần nữa. Nhưng lần này, vị linh mục đã dứt khoát. Ngài lên giọng: “Anh đừng có đùa với Chúa. Tôi không thể ban phép giải tội cho anh nữa!”. Nhưng lạ lùng thay, khi vị linh mục vừa khước từ tội nhân sám hối, thì Ngài bỗng nghe một tiếng thì thầm từ bên thánh giá. Bàn tay phải của Chúa Giêsu bỗng được rút ra khỏi thánh giá và ban phép lành cho hối nhân. Và vị linh mục nghe được tiếng thì thầm ấy nói: “Chính Ta là người đã đổ máu ra cho người này chứ không phải ngươi”.

Từ đó, bàn tay của Chúa Giêsu cứ ở mãi trong tư thế ban phép lành, như không ngừng mời gọi con người đến để ban ơn tha thứ. Du khách đến viếng, nhìn lên thánh giá đều có cảm tưởng như ánh mắt của Chúa Giêsu nhìn mình và nghe như có tiếng thì thầm: “Ta không hề kết án con”.

Anh chị em thân mến, Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lên thập giá của Đức Kitô. Nhìn lên thập giá để thấy được tình yêu bao la của Chúa. Ngài luôn tha thứ chứ không kết án. “Ta không muốn tội nhân phải chết, nhưng muốn nó bỏ đường tội lỗi, quay trở lại để được sống” (Ed 33,11). “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Ngài mà được cứu độ”. “Cũng như Môsê treo con rắn đồng trong sa mạc thế nào, thì Con Người cũng bị treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Ngài sẽkhông phải chết, nhưng được sống đời đời”. Thập giá đã trở thành dấu chỉ ơn cứu độ cho những ai tin vào Ngài, tương tự như con rắn đồng đã được Môsê giương cao trong sa mạc thuở xưa, để những ai bị rắn lửa cắn, nhìn lên con rắn đồng ấy đều được cứu sống.

Thánh Gioan còn nói tiếp: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Thiên Chúa một lần nữa lại biểu lộ tất cả tình thương của Ngài đối với chúng ta trong Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Tất cả bắt nguồn từ Thiên Chúa Tình Yêu. Tình yêu của Ngài không ở trên mây trên gió, nhưng được thể hiện qua hành vi “trao ban”. Điều quí nhất của Người Cha là Người Con. Thế mà Thiên Chúa đã muốn trao ban cho nhân loại chính Con Một dâú yêu của Ngài. Ngài đã cho chúng ta tất cả. Đức Giêsu chính là quà tặng lớn nhất Thiên Chúa Cha đã trao ban cho nhân loại. Việc trao ban này trước tiên được biểu lộ qua việc Ngài sai Con Người và cuối cùng qua việc nộp Con Một cho loài người treo lên thập giá. Đó là lúc Thiên Chúa trao ban Con Một của Ngài cho loài người một cách trọn vẹn nhất, dứt khoát nhất. Bởi vậy, chính lúc đó là lúc Thiên Chúa đã đặt Con của Ngài làm Đấng ban sự sống cho loài người,đểai tin vào Người Con ấy thì được sống đời đời. Vì con của Ngài đến không phải để kết án luận phạt, nhưng để cứu loài người khỏi chết và cho thông phần vào cuộc Phục Sinh vinh quang của Ngài.

Thưa anh chị em, đứng trước thập giá Đức Kitô, chúng ta phải có thái độ nào? Tin vào tình yêu Thiên Chúa hay chối từ tình yêu của Ngài? Chính thái độ đó sẽ định đoạt số phận của chúng ta. Vì thế, tin hay không tin là một chọn lựa sống chết. Mỗi người có đủ tự do tiếp nhận hay từ chối ánh sáng. Ai tin là đón nhận ánh sáng, là bước vào cõi sống. Ai không tin là từ chối ánh sáng và tự đầy đọa mình trong tăm tối, trong cõi chết. Thiên Chúa không cần kết án luận phạt nữa.

“Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài”, đó là chân lý cơ bản nhất của Kitô giáo. Tất cả cuộc đời cuả Chúa Giêsu, cái chết của Ngài trên thập giá, là ngôn ngữ Chúa muốn sử dụng để nói với chúng ta rằng Ngài yêu thương chúng ta, yêu thương đến nỗi sẵn sàng để cho Ngươì Con Một yêu quí của Ngài chết thay cho chúng ta.

Hãy nhìn lên thập giá để thấy được tình yêu bao la của Chúa. Phải, bên kia sự ác độc của tội lỗi, Chúa Giêsu chỉ muốn chúng ta nhìn thấy được tình yêu của Thiên Chúa: một tình yêu không ngừng tha thứ, một tình yêu vượt lên trên mọi tư tưởng, mọi tiêu chuẩn phán đoán, mọi khát vọng của chúng ta.

Nhìn lên thập giá Chúa Kitô không phải để thất vọng vì gánh nặng của tội lỗi, trái lại để cảm nghiệm được hồng ân bao la của Chúa, để cho tâm hồn được phấn khởi, tin yêu hơn.

Nhìn lên thập giá Chúa Kitô để cảm nghiệm được ơn tha thứ của Ngài, để chúng ta cũng biết cảm thông và tha thứ cho anh em chúng ta. Càng nhận ra được tình yêu tha thứ của Chúa, chúng ta càng được mời gọi yêu thương tha thứ cho anh em nhiều hơn. Thiên Chúa không kết án luận phạt chúng ta, sao ta lại kết án luận phạt anh em mình? “Hãy tha thứ để được Chúa tha thứ. Đừng xét đoán để khỏi bị Chúa xét đoán” (Lc 6, 36-37). Hãy yêu thương như Chúa đã yêu thương ta.

Một lần nữa, hãy ngước nhìn lên thập giá Chúa Kitô:

Hãy xem đó thì biết phép công thẳng của Chúa là thế nào! Hãy xem đó thì biết tội nặng nề gớm ghiếc là chừng nào! Hãy xem đó thì rõ biết lòng Chúa quá yêu thương ta là dường nào! (Đàng Thánh Giá, chặng 13).