Linh mục Luis Dli, cha giải tội giàu lòng thương xót

Linh mục Luis Dli, cha giải tội giàu lòng thương xót

Linh mục giải tội

Có một Linh mục được Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc đến nhiều lần như là mẫu gương của lòng thương xót. Ngài đề cập đến vị Linh mục này lần đầu tiên trong buổi gặp các cha xứ của giáo phận Roma vào ngày 6 tháng 3 năm 2014. Một ít tháng sau, Đức Thánh Cha lại nhắc đến Linh mục này trong bài giảng trong lễ truyền chức Linh mục ngày 11 tháng 5 năm 2014. Ngài lại nói đến cha lần nữa trong cuốn sách thuật lại cuộc phỏng vấn của ngài tựa đề “Tên của Thiên Chúa là Lòng Thương xót”, và trong Thánh lễ với các Linh mục dòng Capuchino vào tháng 2 năm nay, Đức Thánh Cha lại nhắc đến Linh mục này.

Đức Thánh Cha kể: “Tôi nhớ đến một Linh mục giải tội, là một cha dòng Capuchino phục vụ ở Buenos Aires, thủ đô Achentina. Một lần, cha ấy đến gặp và muốn nói chuyện với tôi. Cha ấy nói: ‘con cần sự giúp đỡ của Đức Hồng y (khi ấy Đức Thánh Cha Phanxicô đang là Hồng y Tổng giám mục tổng giáo phận thủ đô Buenos Aires). Luôn luôn có rất nhiều người đến xưng tội với con; đủ mọi hạng người, những người khiêm nhường cũng như người thiếu khiêm nhường, cũng như nhiều Linh mục…. Con đã tha tội cho rất nhiều người và thỉnh thoảng con lo lắng vì con đã tha quá nhiều’. Chúng tôi đã nói về lòng thương xót và tôi hỏi cha ấy là cha đã làm gì khi cha cảm thấy bối rối như thế. Cha ấy đã trả lời: ‘con đến trước nhà Tạm Thánh Thể trong ngôi nhà nguyện bé nhỏ của chúng con và con nói với Chúa Giê-su: Chúa ơi xin tha tội cho con vì con đã tha tội quá nhiều. Nhưng chính Chúa đã làm gương xấu cho con!’ Tôi không bao giờ quên câu chuyện này. Khi một Linh mục cảm thấy được sự thương xót này ngày trên chính da thịt mình thì Linh mục ấy có thể trao ban sự thương xót cho người khác”.

Vị Linh mục dòng Capuchino mà Đức Thánh Cha Phanxicô kể đến chính là Cha Luis Dli, 89 tuổi. Cha đã dùng hết thời gian của mình để ngồi tòa giải tội ở trong một khu phố ngoại ô thủ đô Buenos Aires. Trong một cuộc phỏng vấn, được hỏi tại sao cha trả lời Đức hồng y Bergoglio như Đức Thánh Cha đã kể, cha Luis trả lời là cha đã rất tin tưởng Đức hồng y Bergoglio và một lần Đức hồng y đã bảo cha: hãy tha thứ! Hãy tha thứ! Điều quan trọng là tha thứ! Và cha đã trả lời Đức hồng y như Đức Thánh Cha đã kể lại. Chúa Giê-su làm gương xấu vì Chúa tha thứ tất cả; Chúa không bao giờ đẩy ai ra xa Ngài. Đức hồng y Bergoglio, là Đức Thánh Cha bây giờ, đã bị ấn tượng với câu trả lời này. Ngài biết cha Luis ngồi giải tội nhiều giờ sáng chiều. Nhiều lần ngài đã khuyên các Linh mục đến xưng tội với cha Luis khi họ gặp những vấn đề. Cha đã lắng nghe họ và đã trở thành bạn với nhiều người trong số họ. Đến với cha họ được lắng nghe và cảm thấy tốt hơn về tinh thần cũng như về mục vụ. Cha Luis chia sẻ thêm: cha cám ơn Đức Thánh Cha đã đặt tin tưởng nơi cha dù cha không xứng đáng. Cha không phải là một Linh mục hay tu sĩ học cao và có bằng cấp, nhưng cuộc sống đã dạy cho cha rất nhiều; cuộc sống đã ghi dấu trên cha vì cha sinh ra trong sự nghèo khó và cha cảm thấy cha nên luôn luôn trao ban lời thương xót, sự giúp đỡ và gần gũi với những ai đến với cha. Không ai phải bỏ đi với ý nghĩ là họ không được hiểu hay họ bị hất hủi khinh bỉ.

Với kinh nghiệm của một Linh mục 89 tuổi đã dành cả cuộc đời để giải tội, Cha Luis khuyên các Linh mục như sau: Tôi không có gì khác để nói ngoài điều Đức Thánh Cha nói, vì tôi cảm và sống nó. Lòng thương xót, sự thông hiểu, dành cuộc đời mình để lắng nghe, hiểu và thử đặt mình trong “đôi giày” của người khác để hiểu những gì đang diễn ra. Chúng ta, các Linh mục không nên giải tội như những vị công chức: “tôi ban cho họ ơn tha tội”, thế là xong, nhưng trái lai, tôi tin là chúng tôi cần tỏ sự gần gũi và đặc biệt đối  xử tốt với họ, vì thường có những người không biết xưng tội là gì. Hãy nói với họ: “đừng sợ! Đừng lo lắng! Tất cả những gì bạn cần làm khi xưng tội là mong muốn được trở nên tốt hơn”. Chúng ta hãy quên họ thường pham tội thế nào hay với ai hay điều gì, vì những điều này dường như đẩy họ ra xa chúng ta. Và công việc của tôi là mang con người đến gần Thiên Chúa, gần Chúa Giê-su hơn.

Còn đối với những tội nhân đến xưng tội, cha Luis thường khuyên họ đừng sợ. Cha thường trình bày hình ảnh người cha nhân từ ôm chầm đứa con hoang đàng. Họ thường hỏi cha là Thiên Chúa sẽ tha thứ cho con không. Cha nói với họ: Thiên Chúa ôm lấy chúng ta, Ngài chăm sóc, yêu thương và đồng hành với bạn. Thiên Chúa đến để tha thứ chứ không để xử phạt. Người từ trời xuống để ở với chúng ta vậy tại sao chúng ta có thể sợ hãi Thiên Chúa! (Vatican Insider 09/05/16)

Hồng Thủy OP

Kitô hữu đừng sống hai mặt

Kitô hữu đừng sống hai mặt

Thánh lễ sáng thứ Sáu, 29.04

VATICAN. Trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu, 29.04, tại nguyện đường Thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh giác các Kitô hữu trước một lối sống hai mặt, phô diễn ra cho người khác thấy vẻ bên ngoài sáng láng, thánh thiện nhưng trong tâm hồn lại vô cùng đen tối. Đức Thánh Cha cũng khuyến khích các tín hữu biết bước đi trong ánh sáng chứ đừng lún sâu vào con đường tối tăm, vì chân lý của Thiên Chúa không thể được tìm thấy nơi đó.

Khởi đi từ bài đọc được trích từ thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ, Đức Thánh Cha đã trình bày những suy tư của mình về trận chiến bất tận với tội lỗi. Ngài nói rằng chúng ta phải trở nên tinh tuyền như Chúa Cha, nhưng nếu chúng ta phạm tội chúng ta vẫn có thể cậy dựa vào sự tha thứ và lòng xót thương của Chúa. Tiếp đến, Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh đến sự khuyến cáo của các Tông đồ với các tín hữu: phải nói sự thật và đừng sống hai mặt, đừng nói một đường mà lại làm một nẻo.

Nếu bạn nói bạn kết hiệp với Chúa, thì phải bước đi trong ánh sáng, không sống hai mặt. Chúng ta thấy quen với những lời dối trá và cũng có cám dỗ nói dối nữa đúng không? Nói điều này nhưng lại làm điều khác đúng không? Cám dỗ sẽ không bao giờ ngừng. Chúng ta đã biết sự dối trá đến từ đâu. Trong Phúc Âm, Đức Giêsu gọi ma quỷ là ‘cha của sự dối trá’; là kẻ lừa dối, xảo quyệt. Chính vì điều này mà các giáo phụ khuyên nhủ Giáo hội thời sơ khai với sự yêu mến và đầy tình thương là: ‘Đừng dối trá! Anh chị em kết hợp với Chúa, thì hãy bước đi trong ánh sáng. Làm việc ngay chính, đừng nói một đường mà lại  làm một nẻo. Đừng sống hai mặt.’

Hãy để ý Thánh Gioan bắt đầu lá thư với lời chào ‘các con’. Đây cũng chính là lời của các giáo phụ nói với con cái mình trong thời Giáo hội sơ khai vời tràn đầy tình yêu, sự an ủi và vỗ về. Lời này cũng nhắc nhớ lại lời hứa của Đức Giêsu là sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng những ai đang vất vả mang gánh nặng nề. Cũng vậy, Thánh Gioan khuyến cáo các tín hữu đừng phạm tội, nhưng nếu ai có lỡ phạm tội thì cũng đừng thất vọng nản chí.

Chúng ta có Đấng Bào Chữa luôn chuyển cầu cho chúng ta bên cạnh Chúa Cha, đó là Đức Giêsu, Đấng Công Chính. Ngài thánh hóa chúng ta nên thánh thiện, tinh tuyền. Chính Ngài đã tha thứ cho chúng ta. Các giáo phụ đã khuyên chúng ta như thế này: ‘Còn điều gì xấu xa hơn là phạm tội nữa không? Xin thưa là không. Tội lỗi là thứ xấu xa nhất. Nhưng nếu phạm tội, hãy nhìn lên Đấng đang chờ đợi để tha thứ cho anh chị em. Thiên Chúa cao cả hơn tội lỗi của chúng ta.’”

Cuối cùng, Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Chính nhờ lòng thương xót và sự cao cả của Thiên Chúa mà chúng ta có được sức mạnh. Chúng ta phải bước đi trong ánh sáng vì Chúa là sự sáng. Đừng bước một chân trong ánh sáng còn chân kia lại trong bóng tối. Đừng là kẻ dối trá. Chúng ta nên biết rằng tất cả chúng ta đều tội lỗi. Bởi vậy, không ai có thể nói người khác rằng: ‘Ông này có tội hay cô kia có tội. Còn tôi, tạ ơn Chúa, tôi công chính, thánh thiện.’ Không. Chỉ có một Đấng Công Chính mà thôi. Ngài đã chuộc tội cho chúng ta. Và nếu có ai trong chúng ta phạm tội, Ngài sẽ chờ đợi và sẵn sàng tha thứ, vì Thiên Chúa đầy lòng xót thương và biết rõ rằng chúng ta được tạo dựng nên bằng gì và chúng ta chỉ là thân phận cát bụi mà thôi. Ước mong rằng niềm vui từ bài đọc một ngày hôm nay giúp chúng ta luôn biết sống một đời Kitô đơn sơ và trong sáng, trên hết là khi chúng ta hướng về Thiên Chúa với tất cả sự thật.”

Vũ Đức Anh Phương, SJ

 

Đức Thánh Cha kêu gọi bãi bỏ án tử hình và tha nợ quốc tế

Đức Thánh Cha kêu gọi bãi bỏ án tử hình và tha nợ quốc tế

Đức Thánh Cha kêu gọi bãi bỏ án tử hình và tha nợ quốc tế

VATICAN. ĐTC Phanxicô tái kêu gọi các vị lãnh đạo chính quyền các quốc gia bãi bỏ án tử hình và tha nợ quốc tế.

 Trong sứ điệp gửi Hội nghị quốc tế do Phong trào Pax Christi Hòa bình của Chúa Kitô và Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình cùng tổ chức ở Roma từ ngày 11 đến 13-4-2016 này, ĐTC viết:

 ”Tôi mời gọi tất cả quí vị hiện diện tại Hội nghị này hãy hỗ trợ 2 lời thỉnh cầu mà tôi đã gửi đến các vị lãnh đạo các nước, trong Năm Thánh này, đó là bãi bỏ án tử hình tại nơi nào vẫn còn, cùng với sự ân xá, và hủy bỏ hoặc điều chỉnh lại nợ nần quốc tế qua sự quản trị có thể chấp nhận được dành cho các nước nghèo nhất”.

 Hội nghị quốc tế vừa nói có chủ đề là ”Bất bạo lực và Hòa bình công chính: góp phần vào quan niệm của Công Giáo về bất bạo động và sự dấn thân cho bất bạo động”.

 Trong sứ điệp ĐTC nhấn mạnh một điểm thiết yếu, đó là: ”trong tư cách là Kitô hữu, chúng ta biết rằng chỉ khi nào coi những người đồng loại như anh chị em với nhau, chúng ta mới có thể vượt thắng chiến tranh và xung đột. Giáo Hội không ngừng lập lại rằng điều ấy có giá trị không những trên bình diện cá nhân, nhưng cả trên bình diện các dân nước, đến độ Giáo Hội coi cộng đồng quốc tế như ”gia đình các dân nước”.

 ĐTC viết thêm rằng ”Trong tư cách là Kitô hữu chúng ta cũng biết rằng chướng ngại lớn cần loại bỏ để có gia đình các dân nước chính là chướng ngại do bức tường dửng dưng lãnh đạm dựng lên. Tin tức thời sự gần đây cho chúng ta thấy, khi tôi nói về bức thường, thì đó không phải là ngôn ngữ chỉ nghĩa bóng, nhưng đó là một thực tại đau buồn. Thực tại dửng dưng, không những chỉ liên hệ đến con người, nhưng cả môi trường tự nhiên, với những hậu quả nhiều khi đau thương về mặt an ninh và hòa bình xã hội.

 ĐTC cũng nhận xét rằng: ”Sự dấn thân vượt thắng sự dửng dưng chỉ thành công, nếu chúng ta có khả năng sử dụng lòng từ bi thương xót. Lòng thương xót được biểu lộ qua tình liên đới 'chính trị', vì tình liên đới tạo nên thái độ luân lý và xã hội đáp ứng hữu hiệu sự ý thức về những tai ương thời nay và sự lệ thuộc lẫn nhau giữa đời sống cá nhân, cộng đoàn gia đình, địa phương và hoàn cầu” (SD 11-4-2016)

 G. Trần Đức Anh OP 

Thiên Chúa tha thứ và quên hết mọi lỗi lầm

Thiên Chúa tha thứ và quên hết mọi lỗi lầm

Thánh lễ sáng thứ ba, ngày 01.03, tại nguyện đường thánh Marta

 

VATICAN. Thời gian của Mùa Chay “giúp chúng ta dọn lòng” đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa và đến lượt mình, chúng ta cũng biết tha thứ như Chúa, nghĩa là “quên đi” những lỗi lầm của tha nhân. Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ ba, ngày 01 tháng 03, tại nguyện đường thánh Martha.

Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng khả năng vô hạn trong việc tha thứ như là sự toàn hảo nơi bản tính Thiên Chúa. Điều này hoàn toàn trái ngược với sự mỏng dòn, bất lực nơi bản tính hay sa ngã của con người thường không hướng tới để thực hiện: khả năng tha thứ.

Những suy tư của Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng thánh lễ thường được khởi hứng từ những bài đọc Phụng vụ. Bài Tin Mừng hôm nay trình bày câu hỏi nổi tiếng của Phêrô dành cho Đức Giêsu: ‘Nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần?’ Còn bài Thánh thư trích sách Đa-ni-en lại xoay quanh lời cầu nguyện của thanh niên A-da-ri-a, là người bị thiêu trong lò vì đã từ chối thờ kính một ngẫu tượng bằng vàng. Giữa ngọn lửa thiêu đốt, anh đã kêu cầu lòng thương xót của Thiên Chúa cho dân tộc của mình ngõ hầu họ cũng biết khẩn cầu sự tha thứ của Thiên Chúa cho chính bản thân họ. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng đây là cách thức đúng đắn để cầu nguyện, để tín thác vào sự tốt lành và lòng thương xót của thiên chúa. Đức Thánh Cha nói:

“Khi tha thứ, sự tha thứ của Thiên Chúa vĩ đại đến nỗi có thể nói rằng Ngài đã thực sự quên hết. Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì chúng ta làm khi tán gẫu với nhau: ‘Người này người kia đã làm điều này điều nọ…”. Chúng ta nắm trong tay toàn bộ lịch sử cuộc đời của rất nhiều người, từ thời Cổ Đại, Trung Cổ rồi Phục Hưng và Hiện Đại phải không? Và chúng ta không hề quên được? Tại sao vậy? Đó là vì chúng ta không có tấm lòng thương xót. Chàng thanh niên A-da-ri-a đã cầu nguyện rằng: ‘Xin hãy đối đãi với chúng con theo lượng từ ái Chúa.’ Và ‘theo lòng thương xót vĩ đại của Chúa, xin cứu vớt chúng con.’ Đây là một lời khẩn cầu lòng thuơng xót của Thiên Chúa, vì Ngài sẽ trao ban cho chúng ta sự tha thứ và ơn cứu độ đồng thời quên hết mọi tội lỗi của chúng ta.”

Trong bài Tin Mừng, để giải thích cho Phêrô tại sao cần phải luôn tha thứ, Đức Giêsu kể lại dụ ngôn những kẻ mắc nợ. Người đầu tiên được ông chủ tha hết nợ mặc dầu anh nợ ông chủ một số tiền lớn. Nhưng chính anh chỉ sau đó ít lâu lại không biết thương xót một nguời khác là kẻ chỉ mắc nợ anh một số tiền  nhỏ. Đức Thánh Cha nhận xét về điểm này như sau:

“Trong Kinh Lạy Cha, chúng ta cầu nguyện: ‘Xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con’. Đây là một phương trình phải luôn đi đôi với nhau. Nếu bạn không thể tha thứ, thì làm sao Thiên Chúa có thể tha thứ cho bạn? Ngài muốn tha thứ cho bạn, nhưng nếu bạn đóng cửa lòng, thì lòng thương xót không thể bước vào. Có người sẽ hỏi rằng: ‘Thưa cha, con tha thứ nhưng con chẳng thể quên được điều tồi tệ mà người đó làm cho con…’. Đây lại là một vấn đề khác. ‘Hãy khẩn cầu Thiên Chúa để Ngài giúp bạn quên điều đó đi.’ Thật vậy, người ta có thể tha thứ nhưng để quên đi lỗi lầm thì không luôn luôn thành công. Đôi khi chúng ta nói rằng tôi tha thứ cho bạn nhưng thật ra ý tôi là muốn bắt đền bạn; bạn phải trả giá. Tha thứ kiểu này thật sự không được. Hãy tha thứ như Thiên Chúa tha thứ: đó là tha thứ đến tận cùng.

Ước gì Mùa Chay giúp chúng ta chuẩn bị cõi lòng để đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa. Nhận lãnh sự tha thứ và rồi chúng ta cũng phải tha thứ cho người khác nữa – tha thứ thật lòng. Có lẽ bạn sẽ không bao giờ chào tôi khi gặp nhau trên đường nữa, nhưng tự thâm tâm tôi đã tha thứ cho bạn rồi. Và như thế chúng ta xích lại gần điều vĩ đại của Thiên Chúa, đó chính là lòng thương xót. Khi tha thứ, chúng ta mở tâm hồn ra để lòng thương xót của Thiên Chúa đi vào và tha thứ cho chúng ta, vì tất cả chúng ta đều cần phải khẩn nài sự tha thứ. Tha thứ và rồi chúng ta sẽ được thứ tha. Chúng ta hãy có lòng thương xót người khác, và chúng ta sẽ cảm nhận được lòng thương xót đó nơi Thiên Chúa, là Đấng một khi đã tha thứ thì hoàn toàn quên hết lỗi lầm của chúng ta.”

Vũ Đức Anh Phương, SJ

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Thừa Sai lòng thương xót

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Thừa Sai lòng thương xót

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Thừa Sai lòng thương xót

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến hơn 700 LM thừa sai lòng thương xót chiều ngày 9-2-2016, ĐTC nhắn nhủ các vị hãy biểu lộ lòng từ mẫu của Giáo hội đối với các hối nhân.

Các vị thuộc số 1071 LM thừa sai lòng thương xót thuộc các nước trên thế giới được ĐTC trao ban sứ vụ rao giảng, trao ban lòng thương xót và năng quyền tha các vạ dành quyền giải cho Tòa Thánh. Trong số các vị cũng có một số linh mục Việt Nam.

Trong bài huấn dụ, ĐTC đã trình bày vài chỉ dẫn để sứ vụ của các vị thừa sai được chu toàn thích hợp và như một sự giúp đỡ cụ thể cho bao nhiêu người tìm đến với các vị. Ngài nói:

– Trước tiên tôi muốn nhắc nhở anh em rằng trong sứ vụ này, anh em được kêu gọi biểu lộ lòng từ mẫu của Giáo Hội. Giáo Hội là Mẹ vì luôn sinh ra những người con mới trong đức tin.. Giáo Hội là Mẹ cũng vì Giáo Hội trao ban ơn tha thứ của Thiên Chúa, tái sinh vào đời sống mới, thành quả của sự hoán cải. Chúng ta không thể chấp nhận nguy cơ một hối nhân không cảm nghiệm được sự hiện diện từ mẫu của Giáo Hội đón nhận và yêu thương họ”.

– Một khía cạnh quan trọng khác là biết nhìn ước muốn được tha thứ nơi con tim của hối nhân. Đó là một ước muốn thành quả của ơn thánh và hoạt động của ơn thánh trong đời sống con người, giúp họ cảm thấy nhớ nhung Thiên Chúa, tình thương của Chúa và nhà của Ngài… Ước muốn này cần phải được củng cố khi hối nhân quyết định thay đổi cuộc sống và không muốn phạm tội nữa. Đó là lúc họ tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa, tin tưởng hoàn toàn mình được Chúa cảm thông, tha thứ và nâng đỡ. Chúng ta hãy dành không gian rộng lớn cho ước muốn Thiên Chúa và ơn tha thứ của Ngài.

– ĐTC đặc biệt nói đến yếu tố thứ 3 ít được nói đến, nhưng có vai trò quyết định, đó là sự xấu hổ. .. Người ta cảm thấy xấu hổ vì những gì xã phạm, và phải xưng thú điều ấy với một người khác. Sự xấu hổ là một tâm tình thầm kín ảnh hưởng đến đời sống bản thân và đòi cha giải tội phải có một thái độ tôn trọng và khích lệ.

 ĐTC nhắc đến những sự tích trong Kinh Thánh về cảm thức xấu hổ, đặc biệt là sự kiện Ông Noe say rượu và trần truồng, hai người con lấy áo che thân cho cha. ĐTC nói: ”Đứng trước chúng ta cũng có một người ”trần trụi”, với sự yếu đuối và giới hạn của họ, với sự xấu hổ vì là tội nhân. Chúng ta đừng quên: trước mặt chúng ta không có tội lỗi, nhưng là một người tội lỗi thống hối. Một người cảm thấy ước muốn được đón nhận và tha thứ. Một tội nhân hứa không muốn xa rời nhà Cha nữa, và với sức lực ít ỏi còn lại, họ muốn làm tất cả những gì có thể để sống như con cái Thiên Chúa. Vì thế, ĐTC nói, chúng ta không được kêu gọi để xét xử, với một mặc cảm tự cao, như thế chúng ta không mắc tội, trái lại chúng ta được kêu gọi hành động như hai người con ông Noé, Sem và Jafet, lấy chăn phủ thân cho cha mình, khỏi xấu hổ”.

Và ĐTC kết luận rằng ”không phải với chìa khóa phán xét mà chúng ta đưa con chiên lạc trở về chuồng chiên, nhưng với đời sống thánh thiện là khởi đầu sự canh tân và cải tổ trong Giáo Hội. Sự thánh thiện được nuôi dưỡng bằng tình thương và mang trên mình gánh nặng của những người yếu hơn. Thừa sai lòng thương xót mang trên vai mình tội nhân, an ủi họ với sức mạnh của lòng cảm thương” (SD 9-2-2016)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ với 1 ngàn linh mục Capuchino

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ với 1 ngàn linh mục Capuchino

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ với hơn ngàn linh mục Capuchino

VATICAN. Lúc 7 giờ rưỡi sáng 9-2-2016, ĐTC đã chủ sự thánh lễ đồng tế tại Đền thờ Thánh Phêrô với hàng ngàn LM dòng Capuchino, từ các nơi trên thế giới tựu về Roma, nhân dịp trưng bày di hài hai vị thánh của dòng là Thánh Pio và Thánh Leopoldo Mandic.

Trong số các vị đồng tế cũng có một HY và một số GM thuộc dòng này.

ĐTC đã yêu cầu đưa di hài hai vị thánh nổi bật về sứ vụ giải tội ở Italia về Đền thờ Thánh Phêrô, nhân dịp ngài chủ sự Thánh Lễ tại đền thờ này chiều thứ tư lễ tro 10-2-2016, và trao sứ vụ cho các LM thừa sai Lòng Thương Xót.

Trong bài giảng, ĐTC ca ngợi truyền thống của dòng Capuchino dấn thân trong sứ vụ giải tội: trao ban sự tha thứ. Ngài nói: ”Nơi anh em có bao nhiêu vị giải tội nhiệt thành: chính vì họ cảm thấy mình là người tội lỗi.. Họ biết mình là những người nhiều tội, và trước sự cao cả của Thiên Chúa, họ liên tục cầu nguyện: ”Lạy Chúa, xin lắng nghe và tha thứ” (Xc 1 V 8,38).

Từ ý tưởng trên đây, ĐTC nhắn nhủ các cha dòng Capuchino: ”Tôi xin anh em đừng bao giờ mệt mỏi trong việc tha thứ! Anh em hãy trở thành những người tha thứ, hòa giải và an bình”… Ai không biết tha thứ thì cũng giống như những luật sĩ trong Phúc Âm, họ là những người thích lên án, luôn luôn cáo buộc.. Và ai là kẻ luôn cáo buộc theo Kinh Thánh? Đó là ma quỉ!”

ĐTC cảnh giác các cha giải tội đừng vặn hỏi các hối nhân, nhưng hãy luôn tha thứ, đừng ”trách mắng” họ. Người đến xưng tội là người tìm kiếm sự an ủi, ơn tha thứ và an bình cho tâm hồn họ: Ước gì họ tìm được một linh mục nồng nhiệt tiếp đón họ và nói: ”Thiên Chúa rất thương con!”. ĐTC nói: 'Tôi phải nhắc điều đó vì tôi biết có người nói rằng: ”Tôi không bao giờ đi xưng tội, vì có lần cha giải tội hỏi tôi bao nhiêu điều, điều này điều kia…”

Dòng Capuchino (OFM Cap.) là dòng nam đông thứ tư trong Giáo Hội Công Giáo, với 10,630 tu sĩ theo niên giám mới nhất của Tòa Thánh, đứng sau dòng Tên, dòng Don Bosco, và dòng Phanxicô (OFM) (SD 9-2-2016)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Công lý thương xót của Thiên Chúa là sự tha thứ

Công lý thương xót của Thiên Chúa là sự tha thứ

ĐTC tiến lến khán đài để bắt đầu buổi tiêp kiến chung sáng thứ tư 3-2-2016

Công lý của Thiên Chúa là sự tha thứ, bởi vì Thiên Chúa không muốn kết án chúng ta, nhưng Ngài muốn cứu rỗi chúng ta. Chúa Giêsu là lòng thương xót nhập thể của Thiên Chúa Cha từ nhân. Là con cái của Thiên Chúa Cha từ bi chúng ta được mời gọi tiếp nhận ơn tha thứ và tha thứ cho các anh chị em khác.

 ĐTC Phanxicô đã nói như trên với tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến sáng thư tư hàng tuần hôm qua.

Trong bài huấn dụ ngài đã khai triển đề tài “lòng thương xót và công lý của Thiên Chúa”. ĐTC nói: Thánh Kinh giới thiệu Thiên Chúa với chúng ta như lòng thương xót vô biên, nhưng cũng như sự công thẳng hoàn hảo. Làm thế nào để hoà giải hai điều này? Thực tại của lòng thương xót được ăn khớp với các đòi buộc của công lý như thế nào đây? Xem ra chúng là hai thực tại trái nghịch nhau. Thật ra không phải như vậy, bởi vì chính lòng thương xót của Thiên  Chúa đưa tới chỗ thành toàn công lý đích thực. Nhưng chúng ta để cập tới công lý nào vậy?

Nếu nghĩ tới việc điều hành hợp pháp của công lý, chúng ta thấy rằng ai cho mình là nạn nhân của một bất công thì hướng tới một thẩm phán ở toà án và yêu cầu thực thi công lý cho mình. Đây là một công lý thưởng phạt, phạt kẻ có lỗi theo nguyên tắc của ai trả lại cho người ấy, như viết trong sách Châm Ngôn: “Người thực thi công chính được đi vào cõi sống, kẻ theo đuổi gian tà phải đến chốn tử vong.” (Cn 11,19). Chúa Giêsu cũng nói đến điều này trong dụ ngôn bà goá tới với thẩm phán nhiều lần và xin: “Xin hãy thực thi công lý cho tôi chống lại kẻ thù tôi” (Lc 18,3). ĐTC giải thích loại công lý này như sau:

Tuy nhiên con đường này không đưa tới công lý đích thực, bởi vì thật ra nó không chiến thắng sự dữ, nhưng chỉ gạt bỏ sự dữ ra một bên thôi. Trái lại, chỉ khi đáp trả lại sự dữ với sự thiện ta mới thực sự dữ chiến thắng sự dữ.

Đó là một kiểu thực thi công lý khác mà Thánh Kinh giới thiệu với chúng ta như con đường chính phải theo. Nó là một tiến trình tránh chạy tới toà án, và dự kiến rằng nạn nhân trực tiếp hướng tới kẻ có lỗi để mời gọi họ hoán cải, bằng cách giúp họ hiểu rằng họ đang làm sự dữ, và kêu gọi lương tâm của họ. Trong cách thế này, sau cùng khi đã hồi tâm và thừa nhận sự sai trái của mình, họ có thể rrộng mở cho sự tha thứ mà phiá bị tổn thương cống hiến cho họ. Và đây là điều hay đẹp: theo sau việc thuyết phục điều dữ, con tim rộng mở cho sự tha thứ được cống hiến cho nó. Đây là kiểu giải quyết các xung đột bên trong các gia đình, trong các tương quan giữa vợ chồng hay giữa cha me và con cái, trong đó người bị xúc phạm yêu thương người có lỗi, và ước mong cứu vãn tương quan giữa họ. Không chặt đứt tương quan ấy, liên lạc ấy.

Tiếp tục bài huấn dụ, ĐTC nói: Dĩ nhiên đây là một con đường khó khăn. Nó đòi hỏi người chịu sự sai trái sẵn sàng tha thứ và mong muốn ơn cứu rỗi và hạnh phúc cho người đã xúc phạm tới họ. Nhưng chỉ như thế công lý mới có thể chiến thắng sự dữ không còn nữa, và người đã bất công trở thành công chính, vì đã được tha thứ và được trợ giúp tìm lại được con đường sự thiện. Và chính ở đây liên quan tới ơn tha thứ và lòng thương xót.

Tiếp đến ĐTC khẳng định như sau:

Và Thiên Chúa hành động như vậy đối với chúng ta là những người tội lỗi. Chúa liên tục cống hiến cho chúng ta ơn tha thứ của Ngài, giúp chúng ta tiếp nhận nó và ý thức được sự dữ mà chúng ta đã làm để có thể tự giải thoát khỏi nó. Vì Thiên Chúa không muốn kết án chúng ta nhưng muốn cứu thoát chúng ta.

Thiên Chúa không muốn kết án ai hết! Một ai đó trong anh chị em có thể hỏi tôi: “Nhưng thưa cha, Ngài có đáng bị quan Philatô kết án không? Thiên Chúa có muốn sự kết án đó không? Không! Thiên Chúa muốn cứu quan Philatô và cả Giuđa nữa, Ngài muốn cứu tất cả mọi người! Ngài là Chủa của lòng thương xót muốn cứu vớt tất cả mọi người! Vấn đề đó là để Chúa bước vào trong con tim.

Tất cả các lời các ngôn sứ là một lời mời gọi tha thiết và tràn đầy tình yêu tìm kiếm sự hoán cải của chúng ta. Đó là điều Thiên Chúa phán qua ngôn sứ Edekiel: “Chẳng lẽ Ta lại vui thích khi kẻ gian ác phải chết … hơn là muốn cho nó từ bỏ đường lối của nó để được sống sao?” (Ed 18,23; 33,11), đây là điều Thiên Chúa thích.

Và đó là con tim của Thiên Chúa, con tim của một Người Cha yêu thương và muốn rằng con cái mình sống trong sự thiện và sự công chính, và vì thế sống tràn đầy và hạnh phúc. Một trái tim của Người Cha vượt xa hơn ý niệm công lý của chúng ta để rộng mở chúng ta cho các chân trời vô tận lòng thương của Ngài. Một con tim của Người Cha không xử với chúng ta theo các tội lỗi của chúng ta, và không trả cho chúng ta theo các lỗi lẫm của chúng ta, như thánh vịnh nói (Tv 103,9-10). Đó chính là con tim của người cha, mà chúng ta muốn gặp gỡ, khi chúng ta đi xưng tội. Có lẽ Ngài nói với chúng ta điều gì đó để giúp chúng ta hiểu sự dữ hơn, nhưng tất cả chúng ta đều đi đến toà giải tội để tìm một người cha giúp đỡ chúng ta thay đổi cuộc sống; một người cha trao ban cho chúng ta sức mạnh để tiến bước; một người cha tha thứ cho chúng ta nhân danh Thiên Chúa. Vì thế là cha giải tội là một trách nhiệm lơn lao biết bao, bởi vì người con trai con gái đó đến với bạn chỉ để tìm một người cha. Và bạn là linh mục ở trong toà giải tội, bạn ở đó trong chỗ của Thiên Chúa Cha là Đấng thi hành công lý với lòng thương xót của Ngài.

ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ các nước Pháp, Thuỵ Sĩ, các nước nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, Ba Lan, Hoa Kỳ, Côte d’ Ivoire. Ngài cũng chào các tu huynh, nữ tu và thân nhân Hội Teutonico Đức quốc về Roma hành hương nhân kỷ niệm 825 thành lập.

Chào các nam nữ nghệ sĩ của đoàn xiệc America về các màn biểu diễn của họ ĐTC nói: Xin cám ơn anh chị em. Tôi muốn lập lại điều tôi đã nói tuần vừa qua với các nam nữ nghệ sĩ biểu diễn. Anh chị em biểu diễn cái đẹp và cái đẹp luôn đưa chúng ta tới gần Thiên Chúa. Vì thế xin cám ơn anh chị em. Nhưng tôi muốn nói một điều khác nữa: đàng sau việc biểu diễn đẹp ấy là biết bao nhiều thời giờ tập luyện vất vả. Tập luyện gây khó chịu. Thánh Phaolô nói để đi tới cùng chúng ta phải tập luyện, tập luyện, tập luyện để chiến thắng và đây là một gương cho tất cả chúng ta, vì cám dỗ của đời sống dễ dãi, tìm một kết thúc tốt và không cần phải cố gắng là môt cám dỗ, nhưng hôm nay với gương tập luyện của mình anh chị em làm chứng cho thấy cuộc sống không cố gắng liên tục là một cuộc sống tầm thường. Xin cám ơn anh chị em về mẫu gương này.

ĐTC cũng chào các thành viên Liên hiệp tĩnh tâm Italia và cầu chúc kinh nghiệm đức tin này được sống rộng rãi trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Chào đoàn hành hương tổng giáo phận Trento do ĐC Luigi Bressan và chính quyền tỉnh hướng dẫn ĐTC cám ơn vùng đã đảm trách làm hang đá Giáng Sinh rất đẹp tại quảng trường thánh Phêrô, mà tín hữu và du khách đã chiêm ngưỡng trong mấy tuần qua hôm nay là ngày cuối. Ngài cầu chúc việc bước qua Cửa Thánh với lòng tin cũng biến đổi con tim mỗi người để nó rộng mở cho tha nhân.

Chào các bạn trẻ người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắc cho mọi người biết hôm qua là lễ nhớ thánh Biaggio, Giám mục tử đạo  của Mỹ. Ngài là vị giám mục đã dấn thân loan báo Tin Mừng cả trong những điều kiện khó khăn. ĐTC khích lệ các bạn trẻ can đảm làm chứng cho đức tin, người đau yếu dâng thập giá khổ đau mỗi ngày cho ơn hoán cải của những người sống xa Chúa Kitô, và các cặp vợ chồng mới cưới trở thành những nguời loan báo tình yêu của Chúa.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Công bố sứ điệp mùa chay 2016 của Đức Thánh Cha

Công bố sứ điệp mùa chay 2016 của Đức Thánh Cha

Công bố sứ điệp mùa chay 2016 của Đức Thánh Cha

VATICAN. Trong sứ điệp mùa chay, công bố hôm 26-1-2016, ĐTC mời gọi các tín hữu chăm chỉ lắng nghe Lời Chúa và thực hành các công việc từ bi bác ái, về thể lý cũng như về tinh thần.

 Mùa chay sẽ bắt đầu từ ngày thứ tư lễ tro, 10-2-2016 (mùng 3 Tết). Sứ điệp của ĐTC cho mùa này có chủ đề là ”Ta muốn Lòng Thương xót chứ không muốn hy tế” (Mt 9,13). Những công việc từ bi bác ái trong hành trình Năm Thánh”. Sứ điệp được công bố trong cuộc họp báo tại Vatican do ĐHY Francesco Montenegro, TGM Agrigento, nam Italia, thành viên Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum (Đồng Tâm). Hiện diện trong dịp này cũng có hai vị Tổng thư ký và Phó tổng thư ký của Hội đồng Cor Unum.

 Sau khi đề cao mẫu gương của Mẹ Maria như hình ảnh một Giáo Hội loan báo Tin Mừng và để cho mình được Tin Mừng biến đổi, ĐTC đề cao tầm quan trọng của Lòng Thương Xót trong lịch sử cứu độ: toàn thể giao ước của Thiên Chúa với loài người là một lịch sử lòng thương xót. Thiên Chúa tín trung luôn tha thứ những bất trung và phản bội của dân Chúa. Lòng thương xót của Thiên Chúa chiếm chỗ đứng trung tâm trong lời huấn giáo của các tông đồ. Lòng thương xót diễn tả ”thái độ của Thiên Chúa đối với tội nhân, cống hiến cho họ cơ may hồi tỉnh, hoán cải và tin tưởng” (Misericordiae vultus 21), và qua đó tái lập quan hệ với Chúa.

 Đề cập tới các công việc từ bi thương xót, ĐTC khẳng định rằng: ”Lòng thương xót của Thiên Chúa biến đổi con tim của con người và làm cho họ cảm nghiệm một tình thương trung tín, và qua đó làm cho họ cũng có khả năng thi hành lòng từ bi thương xót. Thật là một phép lạ luôn mới mẻ, sự kiện lòng thương xót của Chúa có thể chiếu tỏa trong cuộc sống của mỗi người chúng ta, thúc đẩy chúng ta yêu thương tha nhân và hướng dẫn những công việc mà truyền thống của Giáo Hội gọi là ”Thương linh hồn bẩy mối, thương xác bẩy mối!”.

 ĐTC giải thích: ”Những công việc từ bi bác ái ấy nhắc nhở chúng ta rằng đức tin của chúng ta được diễn tả qua những hành vi cụ thể thường nhật, nhắm giúp đỡ tha nhân về mặt thể lý và tinh thần, và chúng ta sẽ bị phán xét về những hành vi ấy, đó là: cho kẻ đói ăn, viếng thăm, an ủi, dạy dỗ họ. Vì thế tôi cầu mong rằng ”trong Năm Thánh, dân Chúa suy tư về những công việc từ bi bác ái thể lý và tinh thần. Đây sẽ là một cách thức tỉnh lương tâm chúng ta thường bị ngái ngủ trước thảm trạng nghèo đói và để ngày càng đi sâu hơn vào trọng tâm của Tin Mừng, trong đó dân nghèo là những người ưu tiên được lòng thương xót của Chúa chiếu cố” (ibid. 15).

 Trong sứ điệp, ĐTC cũng phê bình những người không muốn nhìn nhận mình là kẻ lầm than cần lòng thương xót của Chúa. Ngài viết: ”Đứng trước tình yêu mạnh mẽ như cái chết của Chúa (Xc Dc 8,6), người nghèo hèn lầm than nhất chính là người không chấp nhận thực trạng của mình. Họ tưởng mình là người giàu có, nhưng trong thực tế họ là người nghèo nhất trong những người nghèo. Thực trạng họ như vậy vì họ làm nô lệ cho tội lỗi, tội thúc đẩy họ sử dụng giàu sang và quyền lực, không phải để phụng sự Thiên Chúa và tha nhân, nhưng để bóp nghẹt nơi họ ý thức sâu đậm theo đó họ không là gì khác hơn là một người hành khất nghèo. Hễ họ càng có quyền bính và giàu sáng, thì họ càng trở nên mù quáng gian dối. Họ đi đến độ không muốn nhìn thấy người nghèo Lazzaro ngồi ăn xin nơi cổng nhà của họ” (Xc Lc 16,20-21)

 Và ĐTC kết luận rằng: ”Đối với tất cả mọi người, Mùa Chay trong Năm Thánh này là thời điểm thuận thiện để có thể ra khỏi tình trạng cuộc sống tha hóa của mình, nhờ lắng nghe Lời Chúa và thực hành các công việc từ bi bác ái… Những công việc từ bi thể lý và tinh thần không bao giờ tách biệt nhau. Thực vậy, chính khi động chạm đến thân mình của Giêsu chịu đóng đanh nơi người lầm than mà tội nhân có thể nhận được hồng ân ý thức chính mình là một người hành khất nghèo hèn” (SD 26-1-2016)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha bế mạc tuần cầu nguyện hiệp nhất Kitô

Đức Thánh Cha bế mạc tuần cầu nguyện hiệp nhất Kitô

Đức Thánh Cha bế mạc tuần cầu nguyện hiệp nhất Kitô

ROMA. Lúc 5 giờ rưỡi chiều 25-1-2015, ĐTC Phanxicô đã chủ sự buổi hát kinh chiều trọng thể tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành ở Roma, để bế mạc tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô.

Tuần này đã tiến hành từ 18 đến 25-1 vừa qua với chủ đề là câu trích từ thư thứ I của Thánh Phêrô Tông Đồ: ”Được kêu gọi để loan báo cho mọi người những kỳ công của Thiên Chúa” (1 Pr 2,9).

Hiện diện tại buổi cầu nguyện, có gần 20 HY, các GM, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân Roma, nhiều đại diện của các cộng đoàn Kitô khác, đặc biệt là TGM Genadios Zervos, Đại diện tòa Thượng Phụ chung của Chính Thống giáo, đặc trách các tín hữu Chính Thống tại Italia, Malta và miền nam Âu Châu, ĐGM David Moxon, đại diện Đức Giáo Chủ Anh giáo, v.v. Ngoài ra có 17 sinh viên của Học viện Đại kết Bossey, gần Genève bên Thụy Sĩ, và thuộc nhiều hệ phái Kitô.

Trong bài giảng, ĐTC sau khi giải thích một số khía cạnh trong biến cố trở lại của thánh Phaolô do tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, ngài nhắc đến chủ đề tuần hiệp nhất nói về nghĩa vụ của các Kitô giáo loan báo những kỳ công của Thiên Chúa và khẳng định rằng ”Vượt lên trên những khác biệt vẫn còn chia cách chúng ta, chúng ta vui mừng nhìn nhận rằng nơi nguồn cội đời sống Kitô luôn có một lời kêu gọi mà tác giả là chính Thiên Chúa. Chúng ta có thể tiến triển trên con đường hiệp thông trọn vẹn hữu hình giữa các Kitô hữu, không những khi chúng ta xích lại gần nhau, nhưng nhất là theo mức độ chúng ta trở về cùng Chúa, Đấng do ơn thánh của Ngài, đã chọn chúng ta và kêu gọi chúng ta trở thành môn đệ của Ngài. Trở về cùng Chúa có nghĩa là để cho Chúa sống và hoạt động trong chúng ta. Vì thế, khi các tín hữu Kitô thuộc các Giáo hội kác nhau lắng nghe lời Chúa và tìm cách mang ra thực thì, thì họ hoàn tất thực sự những bước tiến quan trọng đến gần sự hiệp nhất… Cả sứ mạng chung là loan báo cho tất cả mọi người những kỳ công của Thiên Chúa cũng làm cho chúng ta xích lại gần nhau”.

 

Cũng trong bài giảng, ĐTC nhắc đến Năm Thánh đặc biệt về lòng thương xót và nhấn mạnh rằng không thể có sự tìm kiếm chân thực sự hiệp nhất các tín hữu Kitô nếu không có sự hoàn toàn tín thức nơi lòng thương xót của Chúa Cha. Nhất là chúng ta hãy xin ơn tha thứ vì tội chia rẽ của chúng ta, những chia rẽ ấy là vết thương mở rộng nơi Thân Mình của Chúa Kitô. Trong tư cách là GM Roma và là Chủ Chăn của Giáo hội Công Giáo, tôi muốn khẩn cầu lòng thương xót của Chúa và ơn tha thứ vì những cư xử không hợp tinh thần Phúc Âm từ phía các tín hữu Công Giáo đối với các tín hữu Kitô thuộc các Giáo Hội khác. Đồng thời tôi mời gọi tất cả các anh chị em Công giáo hãy tha thứ vì những xúc phạm đã chịu ngày nay và trong quá khứ do các tín hữu Kitô khác.. Chúng ta không thể xóa bỏ những gì đã xảy ra, nhưng chúng ta không muốn để gánh nặng của những lỗi lầm quá khứ tiếp tục làm ô nhiễm các quan hệ của chúng ta. Lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ canh tân các quan hệ của chúng ta”.

 

Cuối kinh chiều, ĐHY Kurt Koch, người Thụy Sĩ, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, đã đại diện mọi người hiện diện cám ơn ĐTC đã đến chủ sự Kinh Chiều này. (SD 25-1-2016)

 

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Xuất bản sách phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô

Xuất bản sách phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô

Xuất bản sách phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô

VATICAN. Hôm 12-1-2015, cuốn sách phỏng vấn ĐTC Phanxicô đã được chính thức xuất bản với tựa đề ”Tên của Thiên Chúa là Lòng Thương Xót”.

Sách được giới thiệu trong cuộc họp báo lúc 11 giờ sáng tại Học viện Augustinianum với sự hiện diện của ĐHY Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Cha Lombardi Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, ký giả Tornielli, và cả nghệ sĩ nổi tiếng của Italia, ông Roberto Benigni..

Tác phẩm này ghi lại cuộc phỏng vấn hồi tháng 7 năm 2015 tại Nhà trọ Thánh Marta ĐTC dành cho ký giả Andrea Tornielli của báo La Stampa, chuyên về các hoạt động của Tòa Thánh. ĐTC đã trả lời 40 câu hỏi do ký giả nêu lên và cuộc nói chuyện được phân thành 9 chương, xoay quanh chủ đề lòng thương xót.

Sách được ấn hành bằng 6 thứ tiếng: Ý, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Bồ đào nha. Ấn bản đầu tiên bằng tiếng Ý được trình lên ĐTC chiều ngày 11-1 vừa qua tại Nhà trọ Thánh Marta. Tựa đề cuốn sách được chính tay ĐTC viết với chữ đỏ bằng các ấn bản sinh ngữ khác nhau.

Những ý tưởng nổi bật

Nội dung tổng quát của cuốn sách này được phổ biến tại 86 nước trên thế giới, với những ý tưởng nổi bật nói lên xác tín và tương quan của ĐTC Phanxicô với Lòng Thương Xót của Chúa. ”Giáo Hoàng là một người cần lòng thương xót của Thiên Chúa”. Ngài cũng xác nhận mối quan hệ đặc biệt của ngài với các tù nhân: ”Mỗi lần tôi bước qua ngưỡng cửa một nhà tù nơi tôi đến để cử hành thánh lễ hoặc viếng thăm, tự nhiên tôi nghĩ: tại sao họ ở đây mà không phải là tôi.. Sự sa ngã của họ có thể là sự sa ngã của tôi, tôi không cảm thấy tốt lành hơn những người đang ở trước mặt tôi đây”.

ĐTC nhìn nhận rằng ”Như thánh Phêrô, cả những người kế nhiệm Người cũng là những người tội lỗi… sự kiện ấy có thể là gương mù, nhưng tôi tự an ủi với thánh Phêrô: thánh nhân đã chối Chúa Giêsu, dầu vậy Người vẫn được Chúa chọn”.

ĐTC cho biết ngài cảm thấy xúc động khi đọc một số văn bản của Đức Phaolô 6 và Gioan Phaolô I – Albino Luciani, Người định nghĩa mình là tro bụi, Người ý thức về những giới hạn, và những bất tài của mình, những khiếm khuyết đó được lấp đầy nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa. Thánh Phêrô đã phản bội Chúa Giêsu.. Và các Phúc Âm mô tả cho chúng ta tội của thánh nhân, tội chối Chúa, và mặc dù tất cả những tội ấy, Chúa Giêsu đã nói với Người: ”Hãy chăn các chiên của Thầy, tôi không nghĩ người ta phải ngạc nhiên khi những người kế nhiệm thánh nhân cũng mô tả mình là người tội lỗi”.

Tầm quan trọng của sự xấu hổ

Trong một nơi khác của cuốn sách, ĐTC quả quyết người ta có thể ”đọc” cuộc đời của ngài qua chương 16 sách ngôn sứ Ezechiel, trong đó tác giả nói về sự xấu hổ.

ĐTC khẳng định rằng xấu hổ là một ”ơn Chúa”: khi một người cảm thấy lòng thương xót của Thiên Chúa, thì họ rất xấu hổ về chính mình, về tội lỗi của mình. Sự xấu hổ làm nổi bật ”một trong những ơn mà thánh Ignatio xin khi xưng thú tội lỗi trước tượng Chúa Kitô chịu đóng đanh”. Trong đoạn 16 ấy, ngôn sứ Ezechiel ”dạy chúng ta biết xấu hổ”, “nhưng trong trọn lịch sử lầm than và tội lỗi của ta, Thiên Chúa vẫn luôn trung tín và nâng ta dậy”.

Trong cuốn sách, ĐTC Phanxicô cũng nhắc đến Cha Carlos Duarte Ibarra, vị giải tội mà ngài gặp trong giáo xứ ngày 21-9 năm 1953, ngày mà Giáo Hội kính thánh Mathêu. Ngài kể: ”Tôi cảm thấy được lòng thương xót của Chúa đón nhân khi xưng tội với cha Duarte”. Đó là một kinh nghiệm mạnh mẽ đến độ nhiều năm sau, ơn gọi thánh Mathêu được mô tả trong các bài giảng của thánh Beda tiến sĩ trở thành khẩu hiệu giám mục của ngài: ”Miserando atque eligendo”, Chúa chạnh lòng thương và chọn ông.

Sứ mạng của Giáo Hội

Khi trả lời phỏng vấn, ĐTC Phanxicô đào sâu sứ mạng của Giáo Hội trên thế giới. Trước tiên, ngài nhấn mạnh rằng ”Giáo Hội lên án tội lỗi vì Giáo Hội phải nói sự thật”. Nhưng đồng thời ”Giáo Hội ôm lấy người tội lỗi biết nhận tội của mình, xích lại và nói với người ấy về lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu đã tha thứ ”cả những người đã đóng đinh Người trên thập giá và khinh rẻ Người”.

ĐTC cũng nhắc đến dụ ngôn người Cha thương xót và đứa con trai hoang đàng, và nói rằng ”khi theo Chúa Giêsu, Giáo Hội được mời gọi phổ biến lòng thương xót của Chúa trên tất cả những người nhìn nhận mình là người tội lỗi, là người chịu trách nhiệm về sự ác đã làm, và cảm thấy cần được tha thứ.. Giáo Hội không ở trong trần thế để lên án, nhưng để tạo ra cuộc gặp gỡ với tình yêu sâu đậm là lòng thương xót của Thiên Chúa”.

ĐTC xác tín rằng để loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa, 'cần phải đi ra ngoài'.. ”Ra khỏi các thánh đường và các giáo xứ, đi ra ngoài và tìm kiếm con người tại nơi họ đang sống, chịu đau khổ và hy vọng”. Ngài trở lại hình ảnh Giáo Hội ”như một bệnh viện dã chiến” và nhận xét rằng ”Giáo Hội đi ra ngoài có đặc tính là trổi lên tại nơi có chiến đấu: Giáo Hội không phải là một cơ cấu vững chắc, có đầy đủ mọi sự, nơi mà người ta đến để chữa trị những bệnh tật nhỏ và lớn”: ”đó là nơi người ta thực hành thứ y khoa cứu cấp, chứ không phải đi tái khám chuyên môn”. Vì thế, ĐTC mong muốn rằng ”Năm Thánh đặc biệt Lòng Thương Xót ngày càng làm nổi bật khuôn mặt của một Giáo Hội tái khám phá lòng từ mẫu thương xót, và đi gặp bao nhiêu những người bị thương đang cần được lắng nghe, cảm thông, tha thứ và yêu thương”.

Tầm quan trọng của sự thống hối

Trong cuốn sách, ĐTC trở lại suy tư về sự phân biệt giữa peccato và corruzione, tội lỗi và hư hỏng, băng hoại. Ngài nhận xét rằng: ”Hư hỏng hay băng hoại là tội mà, thay vì người ta nhìn nhận nó và trở nên khiêm tốn, thì lại nâng nó lên hàng chế độ, trở thành một tập quán tâm trí, một lối sống”. ”Tội nhân tái phạm rồi tái phạm vì yếu đuối, thì lại được tha thứ, nếu nhìn nhận mình cần lòng thương xót. Trái lại kẻ hư hỏng là kẻ phạm tội mà không hối hận, kẻ phạm tội mà giả bộ mình là Kitô hữu, với cuộc sống hai mặt, gây gương mù”. ”không cần phải chấp nhận tình trạng hư hỏng như thể đó là một thứ tội thêm, cho dù nhiều khi người ta đồng hóa hư hỏng với tội lỗi, trong thực tế đó là hai thực tại khác biệt, như có liên hệ với nhau”.

ĐTC nhận xét: ”Một người có thể là một đại tội nhân, nhưng không thể rơi vào tình trạng hư hỏng”. Ví dụ như ông Giakêu, Mathêu, người phụ nữ xứ Samaria, ông Nicodemo, người trộm lành. ”Trong tâm hồn của họ, tất cả đã có một cái gì đó cứu họ khỏi sự hư hỏng. Họ đã cởi mở đối với tội lỗi, tâm hồn họ cảm thấy sự yếu đuối của mình, và sự kiện này là điều làm cho sức mạnh của Thiên Chúa đi vào tâm hồn họ”. (SD 12-1-2016)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha cổ võ văn hóa liên đới và chống dửng dưng

Đức Thánh Cha cổ võ văn hóa liên đới và chống dửng dưng

Đức Thánh Cha kêu gọi phát huy văn hóa liên đới và chống dửng dưng 12-17-2015

 

VATICAN. ĐTC kêu gọi chính quyền các nước cộng tác để thăng tiến trên thế giới nền văn hóa liên đới có thể chống lại trào lưu hoàn cầu hóa sự dửng dưng.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên trong buổi tiếp kiến sáng ngày 17-12-2015, dành cho các vị đại sứ mới của 4 nước cạnh Tòa Thánh đến trình quốc thư, đó là Guinea, Lettonia, Ấn độ và Bahrein.

Trong diễn văn chào mừng, ĐTC nhắc đến Sứ điệp của ngài mới được công bố nhân Ngày Hòa Bình thế giới 1-1-2016 tới đây với chủ đề ”Chiến thắng sự dửng dưng, chinh phục hòa bình”. Ngài nhận xét rằng: ”Rất tiếc là hoàn cầu hóa sự dửng dưng là một trong những xu hướng tiêu cực của thời đại chúng ta ngày nay. Có nhiều hình thức qua đó thái độ dửng dưng được biểu lộ và cũng có nhiều nguyên nhân góp phần nuôi dưỡng thái đọ này, nhưng chủ yếu các nguyên nhân ấy có thể tóm gọn trong chủ thuyết nhân bản thiếu quân bình, trong đó con người chiếm vị thế của Thiên Chúa, và đồng thời trở thành nạn nhân của nhiều hình thức tôn thờ thần tượng.”

ĐTC nói: Để đáp lại xu hướng tiêu cực trên đây, ”cần có một thuyết nhân bản mới, đặt con người trong tương quan đúng đắn với Đấng Tạo Hóa, với tha nhân và với thiên nhiên. Vấn đề ở đây là thăng tiến một nền văn hóa liên đới và chia sẻ, và điều này đòi phải có sự dấn thân của những người có trách nhiệm trong lãnh vực chính trị, xã hội. văn hóa và giáo dục.”

Ngài cũng nhận định rằng: ”Cả các phương tiện truyền thông xã hội ngày nay, vốn có ảnh hưởng đáng kể trên thái độ của cá nhân và xã hội, cũng giữ một vai trò quan trọng. Vì thế cần nhắm tới sự gia tăng khả năng chuyên nghiệp và luân lý đạo đức của những ngừơi hoạt động trong lãnh vực truyền thông xã hội đồng thời tiếp tục đầu tư vào học đường”. (SD 17-12-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Thánh lễ với Đức Thánh Cha: Trông cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa

Thánh lễ với Đức Thánh Cha: Trông cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa

Thánh Lễ Sáng Ngày 14-12-2015

VATICAN. Trong bài giảng thánh lễ sáng thứ hai, ngày 14.12, tại nhà nguyện thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ: “Trông cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ mở ra những khung trời tự do. Sự cứng lòng của các thượng tế và kỳ mục, như được nhắc đến trong bài đọc Tin Mừng, đã khép kín con tim và từ đó gây ra nhiều điều tồi tệ.

Bài đọc một trích sách Dân Số kể về chuyện ông Bi-lơ-am. Ông là vị tiên tri được nhà vua phái đi để nguyền rủa Israel. Chắc chắn, ông Bi-lơ-am đã gây ra những lỗi lầm, thậm chí đã phạm tội. Bởi vì tất cả mọi người đều có tội. Tất cả đều là tội nhân. Nhưng chúng ta đừng hoảng sợ, vì Thiên Chúa cao cả hơn tội lỗi chúng ta. Trong cuộc hành trình của mình, ông Bi-lơ-am gặp thiên thần của Thiên Chúa và tâm hồn ông đã được biến đổi, không chỉ là thay đổi chọn theo bên nào nhưng là biến đổi từ điều lầm lạc sang chân lý. Hơn hết, ông đã dám nói điều ông chứng kiến. Thực vậy, khi đứng nhìn về sa mạc nơi dân Thiên Chúa đang đóng trại, Bi-lơ-am đã thấy hoa trái thánh thiện, vẻ đẹp và sự vinh thắng của dân tộc Israel. Ông đã mở lòng mình ra, đã hoán cải, đã nhìn ra xa và nhìn thấy chân lý. Với ý hướng tốt lành, người ta luôn có thể nhìn thấy chân lý. Và chính chân lý ấy sẽ đem đến niềm trông cậy.

Trông cậy là một nhân đức Kitô giáo. Mỗi người chúng ta đều có nhân đức ấy, vì nó là món quà tuyệt vời Thiên Chúa ban tặng. Nhân đức Cậy giúp chúng ta nhìn ra xa; nhìn vượt lên trên những khó khăn, những vấn nạn, những đau khổ và thách đố; và nhìn vượt lên trên tội lỗi của chúng ta. Chính niềm trông cậy giúp chúng ta nhìn thấy vẻ đẹp của Thiên Chúa.

Một người có lòng cậy trông sẽ được mạnh sức để đối diện với những khoảnh khắc tồi tệ của cuộc sống: khi ốm đau, bệnh tật; khi vất vả lo lắng cho con cái hoặc một người thân trong gia đình. Với nhân đức Cậy, dù giữa những khổ đau, người ta luôn có được đôi mắt sắc bén, luôn có tự do để nhìn vượt lên trên thực tại để chạm tới niềm hy vọng. Đây chính là lời tiên tri mà hôm nay Giáo hội nhắn gởi chúng ta: Giáo hội muốn chúng ta là những người biết cậy trông, nhất là  trong những khó khăn, thách đố của cuộc sống. Lòng trông cậy mở ra những khung trời tự do chứ không phải gông cùm nô lệ. Nhân đức Cậy luôn có chỗ để sắp xếp và xử lý mọi trạng huống trong cuộc sống.

Trong bài Tin Mừng ngày hôm nay, những thượng tế và kỳ mục trong dân đã chất vấn Đức Giêsu về quyền nào để Ngài làm những điều ấy. Và như thế, họ đã không hề có những chân trời rộng mở. Họ khóa kín mình trong những toan tính cá nhân. Họ bị cầm tù nô lệ trong chính sự cứng lòng của mình. Những con người toan tính luôn đóng kín cánh cửa tâm hồn và dập tắt tự do, trong khi đó niềm hy vọng cậy trông lại dẫn chúng ta đến vùng trời chan hòa ánh sáng.

Sự tự do, tính cao thượng và lòng trông cậy đẹp đến là dường nào. Nhưng thật là xấu xa và tội tệ nếu con cái Giáo hội lại cứng đầu bướng bỉnh, lòng chai dạ đá. Sự cứng lòng chính là thái độ của những người không có lòng trông cậy. Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, có hai con đường mở ra phía trước: Con đường thứ nhất dành cho những ai trông cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa và biết rằng Thiên Chúa là Cha luôn tha thứ, tha thứ tất cả. Đằng sau sa mạc khô cằn của tội lỗi là cái ôm nồng thắm và sự thứ tha của Thiên Chúa đang đón chờ. Con đường thứ hai dành cho những người đi tìm nơi trú ẩn trong kiếp sống nô lệ của sự cứng lòng và chẳng biết gì về lòng thương xót của Thiên Chúa. Có thể họ là những bậc tiến sỹ, đã học hành và nghiên cứu thật nhiều, nhưng sự hiểu biết và những bằng cấp ấy không thể cứu được họ.”

Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng bằng cách kể một câu chuyện đã xảy ra năm 1992 ở Buenos Aires, nước Argentina, trong một thánh lễ dành cho bệnh nhân: “Có một bà cụ đã 80 tuổi đến xưng tội thật lâu. Tuy mắt mũi đã kèm nhèm nhưng cụ lại có lòng trông cậy và có thể nhìn vượt lên trên những thực tại tầm thường. Tôi nói với bà: ‘Ngoại ơi, ngoại đến xưng tội ạ?’ Hỏi như thế, vì tôi vừa mới bước ra khỏi tòa giải tội để chuẩn bị đi. Bà cụ đáp: ‘Dạ.’ Tôi nói với cụ: ‘Ngoại làm gì có tội mà xưng?’ Bà cụ đáp: ‘Cha ơi, con là kẻ tội lỗi. Con phạm rất nhiều tội. Nhưng chắc chắn Chúa sẽ tha thứ cho con. Chúa tha thứ tất cả, phải không cha?’ Tôi hỏi lại: ‘Nhưng tại sao cụ biết Thiên Chúa tha thứ tất cả?’ Cụ đáp: ‘Thưa cha, nếu Thiên Chúa không tha thứ tất cả, thế giới này đã tan thành tro bụi, chứ chẳng thể tồn tại được.’ Quả vậy, trước mặt bà cụ này chỉ có sự tự do và niềm trông cậy. Và chính điều đó đã kéo xuống cho bà lòng thương xót của Thiên Chúa. Sự khép kín, cái tôi chủ nghĩa chỉ khiến con người rơi vào tình trạng nô lệ vì cứng lòng mà thôi. Chúng ta hãy nhớ bài học của bà cụ 80 tuổi này: Thiên chúa tha thứ tất cả. Ngài đang trông chờ chúng ta bước lại gần Ngài."

Vũ Đức Anh Phương

Hơn 800 đơn xin làm thừa sai lòng Thương Xót

Hơn 800 đơn xin làm thừa sai lòng Thương Xót

Hơn 800 đơn xin làm thừa sai lòng Thương Xót

VATICAN. Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng cho biết đã nhận được hơn 800 đơn xin của các LM muốn trở thành Thừa sai Lòng Thương Xót.

Trong cuộc họp báo trưa ngày 4-12 tại Roma, Đức TGM Rino Fisichella cho biết các LM thừa sai này do các GM bản quyền ở các nơi trên thế giới đề nghị. Từ thứ tư lễ tro năm tới đây, 2016, trong buổi lễ ở Roma, các thừa sai này sẽ nhận được bài sai từ ĐTC để trở thành những người rao giảng Lòng Thương Xót và là những cha giải tội đầy lòng từ bi. Các vị sẽ nhận được từ ĐTC năng quyền tha thứ các tội dành quyền giải cho Tòa Thánh và sẽ là dấu chỉ sự gần gũi và tha thứ của Thiên Chúa cho tất cả mọi người.

Đức TGM Fisichella nhấn mạnh rằng ”chỉ ĐTC mới có quyền bổ nhiệm các thừa sai của Lòng Thương Xót, và ngài đích thân ban năng quyền tha thứ các tội dành riêng. Không GM nào trong giáo phận của mình có quyền bổ nhiệm các thừa sai ấy và càng không có quyền ban năng quyền mà các vị không có. Những GM nào muốn mời các thừa sai Lòng Thương Xót để cử hành một buổi lễ, một cuộc tĩnh tâm hoặc một biến cố đặc biệt nào, thì có thể mời dựa theo danh sách sẽ được gửi đến các Giám Mục.”

Đức TGM Fisichella cũng nói rằng: ”nhân dịp mở các Cửa Năm Thánh ở các nơi, ĐTC ban cho tất cả các nơi trên thế giới quyền ban Phép lành Tòa Thánh trong thánh lễ mở Cửa Năm Thánh và thánh lễ đóng cửa này vào cuối Năm Thánh. Năm Thánh này sẽ là một kinh nghiệm về lòng thương xót qua đó chúng ta cảm thấy gần gũi hơn tình thương của Thiên Chúa như một người Cha đón nhận tất cả mọi người và không loại trừ ai.” (SD 4-12-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha khai mạc canh thức của các bạn trẻ Trung Phi

Đức Thánh Cha khai mạc canh thức của các bạn trẻ Trung Phi

Đức Thánh Cha khai mạc buổi canh thức của các bạn trẻ Trung Phi

BANGUI. ĐTC khuyến khích các bạn trẻ Cộng Hòa Trung Phi kiên trì như ”cây chuối”, đừng bỏ chạy trước những khó khăn!

Chiều chúa nhật 29-11-2015, lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội, ĐTC Phanxicô đã chủ sự một nghi thức mở cửa Năm Thánh ngoài Roma. Ngài đã mở cửa Năm Thánh tại nhà thờ chính tòa Bangui lúc 5 giờ chiều giờ địa phương và cử hành thánh lễ chúa nhật thứ I mùa vọng.

 Liền sau thánh lễ, ĐTC đã khởi sự buổi canh thức cầu nguyện được các bạn trẻ tiếp tục sau đó cho đến nửa đêm. Sau lời chào mừng của một đại diện bạn trẻ, ĐTC bỏ bài huấn dụ dọn sẵn và ứng khẩu nói với các bạn trẻ. Ngài dựa vào biểu tượng cây chuối để mời gọi họ hãy kiên trì giữa những khó khăn.

Huấn dụ của ĐTC

”Các bạn trẻ thân mến, tôi thân ái chào các bạn. Người bạn của các bạn đã nhân danh mọi ngừơi, nói về biểu tượng của các bạn là cây chuối, vì cây chuối là một biểu tượng sự sống: luôn tăng trưởng, luôn sinh hoa quả với năng lực dinh dưỡng. Cây chuối cũng bền bỉ kháng cự. Tôi nghĩ rằng điều này chỉ rõ con đường được đề nghị cho các bạn trong thời điểm khó khăn này, đầy oán thù, chia rẽ: con đường đó là sự kháng cự.

”Người bạn của các bạn nói rằng một số người trong các bạn muốn ra đi. Trốn chạy những thách đố của cuộc sống không bao giờ là một giải pháp! Cần kháng cự lại, can đảm chống lại, chiến đấu cho sự thiện! Ai trốn chạy thì không có can đảm sinh ra sự sống. Cây chuối ban sự sống và tiếp tục sản xuất và ngày càng trao ban sự sống vì nó chống cự, nó ở lại vì nó ở đó. Một số người trong các bạn sẽ hỏi tôi: ”Nhưng thưa cha, chúng con có thể làm gì? Chống cự làm sao? Tôi nói với các bạn hai, ba điều hữu ích cho các bạn để chống cự.

– Trước tiên là cầu nguyện. Kinh nguyện thật là mạnh mẽ! Kinh nguyện chiến thắng sự ác! Cầu nguyện đưa các bạn gần Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng. Tôi hỏi các bạn một câu: Các bạn có cầu nguyện không! Các bạn trẻ hô lớn: Có! ĐTC nói tiếp: Chúng ta đừng quên cầu nguyện!

– Thứ hai là: hoạt động cho hòa bình. Hòa bình không phải là một văn kiện người ta ký kết rồi bỏ đó. Hòa bình là điều tất cả mọi người thực hiện mỗi ngày! Hòa bình là một công việc thủ công, được làm bằng tay, bằng chính cuộc sống của mình. Nhưng có thể có người nói với tôi: ”Nhưng thưa cha, con có thể là người xây dựng hòa bình thế nào?” ĐTC đáp: Trước tiên là đừng bao giờ oán ghét. Nếu có người gây hại cho bạn, hãy tìm cách tha thứ, đừng oán thù! Tha thứ nhiều. Chúng ta hãy cùng nhau nói: ”Không oán thù, nhiều tha thứ”..

Và nếu bạn không có oán thù trong tâm hồn, nếu bạn tha thứ, thì bạn sẽ là người chiến thắng, chiến thắng trong tình thương. Và qua tình thương, hòa bình sẽ đến.

Tiếp tục bài huấn dụ ngắn, ĐTC nói:

”Các bạn muốn bị đánh bại hay muốn là ngừơi chiến thắng trong cuộc sống? Các bạn muốn gì? – Các bạn trẻ hô lớn: chúng con muốn là ngừơi chiến thắng!

”Ta chỉ chiến thắng trên con đường tình thương. Ta có thể yêu thương kẻ thù không? Ta có thể tha thứ cho những kẻ gây hại cho ta không? Mọi người đều thưa: Có! Và ĐTC nói: Như thế, với tình thương và sự tha thứ, các các bạn có thể chiến thắng. Với tình thương các bạn sẽ là những người chiến thắng trong cuộc sống và mang lại nhiều hoa trái. Tình thương không bao giờ làm các bạn chiến bại.

”Và giờ đây tôi cầu chúc các bạn những điều tốt đẹp nhất. Hãy nghĩ đến cây chuối. Hãy nghĩ đến sự kháng cự trước những khó khăn. Trốn chạy đi xa không phải là một giải pháp. Các bạn phải can đảm… Can đảm trong tha thứ, trong tình thương, trong việc xây dựng hòa bình. Các bạn có đồng ý không? Mọi người đều thưa có!

Và ĐTC kết luận rằng: ”Các bạn trẻ Trung Phi thân mến, tôi rất hài lòng gặp gỡ các bạn. Hôm nay chúng ta đã mở cửa Năm Thánh này, đó là Cửa Lòng Thương xót của Thiên Chúa! Các bạn hãy tín thác nơi Thiên Chúa, vì Ngài là tình thương, có khả năng ban cho chúng ta hòa bình..

”Vì thế tôi đã nói với các bạn ban đầu: hãy cầu nguyện, cần cầu nguyện để chống cự, để yêu thương, để tha thứ, để trở thành những người xây dựng hòa bình”

Sau bài huấn dụ, ĐTC đã ban phép giải tội cho một vài bạn trẻ tại tiền đường Nhà thờ chính tòa Bangui, trước khi tiến ra bên ngoài để ban phép lành cho mọi người, rồi về tòa Sứ Thần Tòa Thánh cách đó 2 cây số rưỡi để dùng bữa tối và qua đêm.”

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Tòa Thánh cổ võ sự cộng tác giữa Kitô và Ấn giáo về môi sinh

Tòa Thánh cổ võ sự cộng tác giữa Kitô và Ấn giáo về môi sinh

Tòa Thánh cổ võ sự cộng tác giữa Kitô và Ấn giáo về môi sinh

VATICAN. Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn cổ võ sự cộng tác giữa các tín hữu Kitô và Ấn giáo để thăng tiến một ”nền sinh thái học nhân bản”.

Trong sứ điệp công bố hôm 6-11-2015, nhân dịp đại lễ Diwali của Ấn giáo, ĐHY Jean Louis Tauran Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, chúc mừng các tín hữu Ấn giáo trong dịp Đại lễ Ánh Sáng này, đồng thời nhận xét rằng trong khi Ấn giáo nhấn mạnh về sự hiệp nhất giữa thiên nhiên, con người và thần linh, Kitô giáo dạy rằng trái đất là món quà của Thiên Chúa trao tặng tất cả mọi người..Và trong tư cách là những người gìn giữ công trình sáng tạo, tất cả chúng ta có sứ mạng cương quyết bảo tồn thiên nhiên trong tinh thần trách nhiệm”.

Và ĐHY Tauran mời gọi các tín hữu Ấn giáo cùng với các Kitô hữu hợp tiếng với những người thuộc các truyền thống tôn giáo khác cũng như những người thiện chí để nỗ lực thăng tiến một nền văn hóa hòa hợp trong chính chúng ta, với tha nhân, với thiên nhiên và với Thượng Đế” (Apic 6-11-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha dâng lễ tại nghĩa trang Verano: Nên thánh là một hành trình lội ngược dòng

Đức Thánh Cha dâng lễ tại nghĩa trang Verano: Nên thánh là một hành trình lội ngược dòng

ĐTC cử hành thánh lễ tại nghĩa trang Verano

ROMA. “Con đường nên thánh là một con đường vui tươi, hạnh phúc. Chính Đức Giêsu đã bước đi trên con đường ấy và ai theo Ngài sẽ được tiến vào sự sống trường sinh.” Chiều Chúa Nhật, ngày 01.11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ trọng thể mừng kính các thánh nam nữ tại nghĩa trang Verano, Roma. Giữa sự hiện diện đông đảo của các tín hữu, có quận trưởng Francesco Paolo Tronca, Tân Ủy Viên Hội Đồng Roma. Đức Thánh Cha đã đặt đóa bạch hồng trên mộ phần một gia đình như dấu chỉ cho lòng kính nhớ những người đã khuất trong Giáo phận.

Sau đây là bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ:

“Anh chị em thân mến,

Trong bài Phúc Âm, chúng ta đã nghe Đức Giêsu dạy dỗ các môn đệ và đám đông dân chúng đang tụ họp trên núi bên bờ hồ Galilê. Và ngày hôm nay, Lời Chúa cũng chỉ cho mỗi người chúng ta con đường để đạt được hạnh phúc thật sự, con đường dẫn về Thiên Quốc. Đây là hành trình gian nan vất vả, vì là một hành trình lội ngược dòng. Nhưng Thiên Chúa bảo đảm với chúng ta rằng ai tiến bước trên con đường ấy sẽ hạnh phúc, hay sớm muộn gì cũng được hạnh phúc.

‘Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.’ Có lẽ, chúng ta tự hỏi rằng một người có tâm hồn nghèo khó, gia tài duy nhất là Nước Trời, mà lại có phúc là như thế nào. Câu trả lời có thể là: Khi một người có trái tim trong sạch và tự do khỏi những ràng buộc thế trần, người ấy không còn ‘xa’ Nước Trời nữa.

‘Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.’ Một người sầu khổ làm sao lại có phúc được? Quả thực, nếu một người chưa bao giờ cảm thấy buồn khổ, dằn vặt, đau đớn sẽ chẳng biết được sức mạnh của sự ủi an. Do đó, người hạnh phúc là người có khả năng cảm thương, có khả năng lắng nghe bằng cả con tim tiếng gào thét khổ đau trong cuộc sống của chính mình cũng như của nhân loại. Họ sẽ là những người hạnh phúc, vì đôi tay êm ái và hiền từ của Thiên Chúa sẽ vỗ về an ủi họ.

‘Phúc thay ai hiền lành.’ Các thánh không giống chúng ta, vì rất nhiều lần chúng ta đã mất kiên nhẫn, nóng nảy và luôn sẵn sàng mở miệng kêu than trách móc. Với người khác, chúng ta hay càm ràm, chỉ trích. Nhưng khi người ta hơi đụng chạm tới chúng ta một chút, ta liền xửng cổ lên chửi bới như thể chúng ta chúa tể trên đời này. Trong khi thực tế, mọi người ngang bằng nhau vì đều là con Thiên Chúa. Chúng ta cũng nghĩ tới những bậc cha mẹ, những người rất mực kiên nhẫn với con cái mình mà đôi khi những người làm con lại khiến cha mẹ phải ‘điên tiết’. Đường lối của Thiên Chúa là đường lối của sự hiền lành và nhẫn nại. Và Đức Giêsu đã chọn con đường ấy. Ngay khi còn thơ ấu, Ngài đã chịu cảnh bắt bớ và lưu lạc nơi đất khách quê người. Khi trưởng thành, Ngài lại bị vu khống, cáo gian, bị cài bẫy trước tòa án. Nhưng Ngài chấp nhận tất cả với sự hiền lành và khiêm nhường. Ngài đã chấp nhận và chịu đựng, ngay cả sẵn sàng vác lấy thánh giá chỉ vì yêu thương chúng ta quá đỗi.

‘Phúc thay ai khao khát nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.’ Đúng vậy, những ai đang khao khát sự công chính không chỉ cho người khác mà trước hết cho chính bản thân mình, sẽ được thỏa lòng; vì họ đã sẵn sàng để đón nhận một sự công chính lớn lao hơn, cao cả hơn mà chỉ Thiên Chúa mới có thể ban tặng được.

Tiếp đến, ‘phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.’ Phúc thay những người biết thứ tha, có lòng xót thương người khác và chẳng hề phán xét ai hay điều gì bao giờ, nhưng lại cố gắng để đặt mình vào trong hoàn cảnh của tha nhân. Tha thứ là điều mà tất cả chúng ta đều cần, chẳng trừ một ai. Chính vì điều đó nên khi bắt đầu thánh lễ, chúng ta đã nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi. Đó không phải là một công thức thú tội để đọc cho xong nhưng là một hành động ăn năn đích thực: ‘Xin Chúa, thương xót chúng con.’ Và nếu chúng ta biết tha thứ cho người khác như chúng ta đã được thứ tha, chúng ta sẽ là những người được chúc phúc: ‘Xin Cha tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.’

‘Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Chúng ta thử quan sát gương mặt của những người chỉ biết đi khắp nơi để gieo rắc cỏ lùng, là những điều xấu xa, tội lỗi; họ có hạnh phúc, có vui tươi hay không? Không, họ chẳng thể bình an hạnh phúc được. Trái lại, những người ngày ngày cố gắng chăm chỉ gieo trồng hòa bình, họ lại trở thành những người thợ kiến tạo bình an và hòa giải. Họ là những người được chúc phúc, vì họ thực sự là con của Cha trên trời, Đấng luôn gieo vãi bình an. Và quả thực, Ngài đã gieo vào trần gian chính Người Con Một như là hạt giống an bình cho nhân loại.

Anh chị em rất thân mến, Tám Mối Phúc là con đường nên thánh và cũng là con đường của niềm vui, hạnh phúc. Đức Giêsu đã chọn bước đi trên con đường ấy và chính Ngài cũng là Con Đường. Ai bước đi với Ngài và nhờ Ngài sẽ tiến vào sự sống, sự sống vĩnh cửu. Chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn được đơn sơ, khiêm nhượng; ơn biết khóc thương, ơn được trở nên hiền lành, ơn biết lao tác xây dựng công lý và hòa bình, và trên hết, ơn được Thiên Chúa thứ tha ngõ hầu chúng ta có thể trở nên những khí cụ để diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa cho tha nhân.

Các thánh, những người đã đi trước chúng ta mà vào quê trời Thiên Quốc, đã sống và làm như thế. Nhưng các ngài vẫn còn đồng hành với chúng ta trong cuộc hành hương thế trần và không ngừng khuyến khích chúng ta biết lao mình về phía trước. Nhờ lời bầu cử của các thánh, xin Chúa giúp chúng ta biết bước đi trên con đường của Đức Giêsu, và cũng nguyện cầu cho những anh chị em đã khuất của chúng ta nhận lãnh được niềm hoan lạc vĩnh cửu trong Nước Trời.”

Vũ Đức Anh Phương – Vatican Radio

 

Sự tha thứ của Thiên Chúa không giống với việc tha bổng của tòa án

Sự tha thứ của Thiên Chúa không giống với việc tha bổng của tòa án

ĐTC và Đức Hồng Y Javier Lozano Barragán dâng thánh lễ tại nhà nguyện Martha

“Linh mục tốt lành là người biết cảm thương và dấn thân vào đời sống của đoàn chiên. Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta giống như người cha tha thứ cho con cái mình, chứ không phải như một vị thẩm phán nơi tòa án.” Đây là hai chủ đề chính trong nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô khi ngài cử hành thánh lễ sáng thứ sáu ngày 30-10 tại nhà nguyện thánh Marta. Hôm nay, ngài giảng lễ bằng tiếng Tây Ban Nha.

 

Đức Thánh Cha nói: “Thiên Chúa có lòng xót thương. Ngài xót thương mỗi người chúng ta và toàn thể nhân loại. Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài đến với con người để chữa lành những thương tích, để phục hồi và đổi mới bộ mặt nhân trần.

 

Điều thú vị là tất cả chúng ta đều biết dụ ngôn người con hoang đàng. Dụ ngôn ấy thuật lại rằng khi người cha – hình ảnh biểu trưng của Thiên Chúa giầu lòng xót thương và tha thứ – nhìn thấy từ đằng xa đứa con thứ đang quay trở về; ông đã tỏ lòng xót thương. Lòng thương xót của Thiên Chúa không phải là sự thương hại. Sự thương hại chẳng có gì đáng nói cả. Bởi vì chúng ta có thể thấy tội nghiệp hay thương hại một con vật sắp chết, tỉ dụ như một con chó. Nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa lại hoàn toàn khác với sự thương hại ấy. Thiên Chúa thương xót một người là Ngài sẵn sàng can dự vào những vấn nạn mà người ấy đang gặp phải và đồng cảm với người ấy trong mọi trạng huống của cuộc đời. Nói khác đi, Thiên Chúa xót thương con người bằng tấm lòng của một người cha. Chính vì thế, Thiên Chúa mới sai Con Một của Ngài đến với nhân loại.”

 

Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha nói: “Đức Giêsu chữa lành bệnh tật cho dân chúng nhưng Ngài không đơn thuần là một thầy thuốc chữa bệnh. Hơn thế, việc chữa lành chính là một dấu chỉ về lòng thương xót của Thiên Chúa, để cứu chuộc con người, ‘để tìm lại con chiên bị lạc mà đem về đồng cỏ xanh tươi và trả lại đồng tiền bị đánh mất cho bà góa nghèo.’ Thiên Chúa có lòng xót thương. Thiên Chúa yêu thương chúng ta như người cha yêu thương con cái mình. Và khi Thiên Chúa tha thứ, Thiên Chúa cũng tha thứ giống như một người cha chứ không như một quan tòa chỉ đọc bản án tuyên bố: ‘Được tha bổng vì thiếu chứng cứ.’ Như vậy, sự tha thứ của Thiên Chúa xuất phát từ sâu thẳm bên trong con tim của Ngài. Thiên Chúa tha thứ cho một người chỉ vì Ngài yêu thương người ấy mà thôi.”

 

Đức Thánh Cha nói thêm: “Đức Giêsu được sai đến để mang Tin Mừng, để giải thoát những ai đang bị áp bức và để đi vào cõi lòng của mỗi người chúng ta, nhằm giải phóng chúng ta khỏi gông cùm của tội lỗi và sự dữ.

 

Điều mà một mục tử tốt lành thường làm là biết chạnh lòng thương và dấn thân vào đời sống của đoàn chiên, vì ngài là một linh mục giống như Đức Giêsu Linh Mục. Đã bao nhiêu lần (và có lẽ chúng ta nên đi xưng tội vì điều này), chúng ta phê bình, chỉ trích những linh mục, khi các vị ấy chẳng bao giờ quan tâm đến những chuyện đang xảy ra với con chiên trong xứ đạo hay với anh em mình trong cùng nhà dòng. Các vị ấy chẳng hề để ý đến ai. Vâng, đó thật sự không phải là những linh mục tốt. Một linh mục tốt lành là người biết cảm thông, biết dấn thân và dám mạo hiểm để đi vào cuộc đời của người khác.”

 

Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng bằng việc cám ơn và chúc mừng Đức Hồng Y Javier Lozano Barragán, cũng đang hiện diện trong thánh lễ, nhân dịp kỷ niệm 60 năm linh mục của ngài. Đức Thánh Cha hồi tưởng lại với niềm biết ơn sâu xa về sự dấn thân của Đức Hồng Y trong lãnh vực y tế. Với tư cách là Bộ Trưởng Y Tế, Đức Hồng Y Barragán đã dấn thân phục vụ Giáo Hội ngang qua việc chăm sóc những người đau yếu, bệnh tật. Sau hết, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cùng dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì 60 năm linh mục hồng phúc và vì lòng thương xót của Thiên Chúa vẫn tuôn đổ tràn trề trên nhân loại ngày hôm nay (SD 30-10-2015).

 

Vũ Đức Anh Phương

 

Công bố Sứ Điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Quốc Tế giới trẻ 2016

Công bố Sứ Điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Quốc Tế giới trẻ 2016

Đại hội giới trẻ tại Krakow 2016

VATICAN. ĐTC Phanxicô mời gọi các bạn trẻ mang ngọn lửa từ bi thương xót của Chúa Kitô vào đời sống thường nhật và thực thi mỗi tháng một công việc bác ái.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp công bố sáng ngày 28-9-2015 nhân dịp Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 31 sẽ được cử hành cấp hoàn vũ vào cuối tháng 7 năm tới tại Cracovia, Ba Lan. Sứ điệp mang tựa đề ”Niềm vui của Thiên Chúa là tha thứ. Lòng thương xót không phải là ”hiền như cục bột!”, cũng chẳng phải là duy tình cảm.

Ngày quốc tế giới trẻ năm tới tại Cracovia thật là đặc biệt vì đây là Ngày Giới trẻ đầu tiên được cử hành trên bình diện hoàn cầu sau lễ phong hiển thánh cho ĐGH Gioan Phaolô 2, vị đã khởi xướng Ngày Quốc Tế giới trẻ, và đồng thời cũng diễn ra trong Năm Thánh Lòng thương xót.

Trong sứ điệp ĐTC Phanxicô diễn giải mối phúc ”Phúc cho ai có lòng thương xót vì họ sẽ được xót thương”. Ngài nhắn nhủ các bạn trẻ hãy hiểu rằng tình thương của Thiên Chúa đối với dân Ngài như tình thương của một bà mẹ, một người cha đối với con mình: một tình thương có khả năng dành chỗ cho người khác trong tâm hồn mình, cảm thương, chịu đau khổ, vui mừng với tha nhân”, một tình yêu ”trung tín, luôn tha thứ”. Vì thế, ”trong lòng thương xót luôn bao hàm sự tha thứ”, vì đây không phải là một ý tưởng trừu tượng, nhưng là một thực tại cụ thể”. Trong Chúa Giêsu, ”tất cả đều nói về lòng thương xót”, đúng hơn ”Chính Chúa là lòng thương xót” và tổng hợp toàn thể Tin Mừng ở tại câu này: ”Niềm vui của Thiên Chúa là tha thứ”.

Cũng trong sứ điệp, ĐTC nhắc lại kỷ niệm năm lên 17 tuổi, ngài đã gặp một linh mục trong tòa giải tội, và biến cố ấy đã thay đổi cuộc sống của ngài. Từ đó ĐTC mời gọi các bạn trẻ hãy lãnh nhận bí tích hòa giải, vì ”khi chúng ta khiêm tốn cởi mở tâm hồn chân thành, chúng ta có thể chiêm ngắm rất cụ thể lòng thương xót của Chúa”. ”Thiên Chúa luôn đi trước chúng ta: Chúa luôn tìm kiếm chúng ta và tìm ta trước”, vì thế thật là đẹp “khi gặp gỡ vòng tay từ bi của Chúa”, khám phá tòa giải tội như một địa điểm của lòng thương xót, vì Chúa luôn tha thứ cho chúng ta, và đặt trên chúng ta một cái nhìn yêu thương vô biên, vượt lên trên mọi tội lỗi, giới hạn và thất bại của chúng ta, Chúa tiếp tục tín nhiệm chúng ta và nhìn cuộc sống của chúng ta với niềm hy vọng”.

ĐTC cũng nhắc đến dấu hiệu hùng hồn nhất nói lên lòng thương xót của Chúa, đó là thánh giá, như thánh giá mà ĐGH Wojtila đã trao cho các bạn trẻ hồi năm 1984: thánh giá chứng tỏ rằng tình thương của Thiên Chúa thật là vô biên, vì trong Chúa chúng ta luôn tìm được tình thương vô điều kiện, nhìn nhận cuộc sống chúng ta như một thiện ích và luôn ban cho chúng ta cơ hội bắt đầu lại”.

Sau cùng, ĐTC đề nghị các bạn trẻ trong khoảng thời gian từ tháng giêng đến tháng 7 năm tới, 2016, mỗi tháng hãy thực hành một công việc bác ái về vật chất và tinh thần, để sứ điệp Lòng Chúa Thương Xót trở thành một chương trình sống rất cụ thể và yêu sách, bao hàm những công việc trong đó, điều khó khăn nhất là tha thứ cho người đã xúc phạm đến chúng ta, cho người đã gây sự ác cho chúng ta, là kẻ thù của chúng ta” (RG 28-9-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

CHÚA GIÊSU THƯƠNG XÓT, AI KHÔNG THA THỨ KHÔNG PHẢI LẢ KITÔ HỮU

CHÚA GIÊSU THƯƠNG XÓT, AI KHÔNG THA THỨ KHÔNG PHẢI LẢ KITÔ HỮU

forgiveness

VATICAN: Chúa Giêsu là hoàng tử hòa bình, bởi vì Ngài sinh ra hòa bình trong con tim chúng ta. Ngài thương xót và luôn luôn tha thứ, ai không tha thứ không phải là kitô hữu.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên trong bài giàng thánh lễ tại nguyên đường nhà trọ Thánh Marta sáng mùng 10 tháng 9 vừa qua. Giảng trong thánh lễ ngài đã quảng diễn đề tài “hòa bình và hòa giải”. ĐTC nói: Cả ngày nay hàng ngày, qua tin tức truyền hình và báo chí, chúng ta cay đắng trông thấy biết bao nhiêu chiến tranh xung khắc, tàn phá, đổ nát và hận thù. Cũng có những người nam nữ làm việc nhiều biết bao nhiêu để chế tạo khí giới  giết người, các khí giới thấm đầy máu của biết bao người vô tội. Có các cuộc chiến và có sự gian ác chuẩn bị chiến tranh, chế tạo vũ khí chống lại tha nhân, giết người. Hoà bình cứu thoát và làm cho bạn sống, làm cho bạn lớn lên, còn chiến tranh hủy diệt bạn, nhận chìm bạn. Nhưng chiến tranh không chỉ là thế, mà nó cũng có trong các cộng đoàn kitô của chúng ta, giữa chúng ta nữa. Phụng vụ hôm nay khuyên nhủ chúng ta hãy xây dựng hòa bình. Và tha thứ là từ chià khóa: “Như Chúa đã tha thứ cho anh chị em, anh chị em cũng hãy tha thứ”. Nếu bạn không biết tha thứ, bạn không phải là tín hữu kitô. Bạn sẽ là một người nam nữ tốt… Tại sao bạn không làm điều Chúa đã làm? Nhưng còn hơn nữa: nếu bạn không tha thứ, bạn cũng không thể nhận được hòa bình của Chúa. Cần phải có “lòng kiên nhẫn kitô”. Có biết bao nhiêu phụ nữ anh hùng chịu đựng sự tàn bạo, và biết bao bất công vì hạnh phúc của gia đình, của con cái! Có biết bao người nam anh hùng trong dân kitô chịu thức khuya dậy sớm để làm việc nuôi sống vợ con, biết bao lần đó lại là một việc làm bất công, với dồng lương rẻ mạt. Họ là những người công chính. Nhưng cũng có những người làm việc với cái lưỡi của mình và gây chiến tranh, bởi vì cái lưỡi tàn phá, gây chiến. Trong Phúc Âm hôm nay còn có một từ chìa khoá khác: đó là từ “thương xót”. Hiểu người khác, không kết án họ là điều quan trọng. Chúa, Thiên Chúa Cha thương xót biết bao! Ngài luôn luôn tha thứ và luôn luôn muốn làm hoà với chúng ta. Nhưng nếu bạn không thương xót, thì bạn gặp nguy cơ là Chúa cũng không thương xót bạn, vì chúng ta sẽ bị xét xử với cùng mức độ chúng ta dùng để xét đoán người khác.  Nếu bạn là linh mục và cảm thấy mình không thương xót, thì hãy làm ơn xin giám mục cho bạn một công việc hành chánh, nhưng đừng xuống tòa giải tội. Một linh mục không thương xót, thì gây ra biết bao nhiêu điều xấu trong toà giải tội! “Thưa cha, con thương xót chứ, nhưng con hơi  căng thẳng thần kinh một chút”. Vậy thì trước khi xuống tòa giải tội, hãy đi gặp bác sĩ để ông ấy cho bạn một viên thuốc chống căng thẳng thần kinh. Nhưng hãy thương xót. Và cũng hãy thương xót giữa chúng ta. Đừng nói người khác tội lỗi hơn mình. Không ai có thể nói điều đó! Chỉ có Chúa biết mà thôi.

Như thánh Phaolô dạy: cần phải mặc lấy các tâm tình “hiền dịu, nhân hậu, khiêm nhượng, từ tốn và cao thượng” Đó là kiểu sống kitô, là kiểu sống qua đó Chúa Giêsu đã đem lại hoà bình và hoà giải. Chứ không phải sụ kiêu căng, kết án và nói xấu người khác. Xin Chúa cho chúng ta ơn biết chịu đựng lẫn nhau, tha thứ và thương xót như Chúa thương xót chúng ta (RG 10-9-2015)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

SỨ ĐIỆP ĐHY KURT KOCH GỬI HỘI NGHỊ ĐẠI KẾT QUỐC TẾ VỀ NỀN TU ĐỨC CHÍNH THỐNG TẠI BOSE

SỨ ĐIỆP ĐHY KURT KOCH GỬI HỘI NGHỊ ĐẠI KẾT QUỐC TẾ VỀ NỀN TU ĐỨC CHÍNH THỐNG TẠI BOSE

ĐHY Kurt Koch

VATICAN: Tha thứ là trọng tâm của phong trào hiệp nhất các Kitô hữu.

ĐHY Kurt Koch. Chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh Hiệp nhất các tín hữu Kitô, đã khẳng định như trên trong sứ điệp gửi hội nghị đại kết quốc tế ngày mùng 9 tháng 9 vùa qua. Hội nghị được tổ chức trong cộng đoàn đại kết Bose miền bắc Italia trong các ngày 9-13 tháng 9.

Trong sứ điệp ĐHY Koch nhấn mạnh rằng phong trào đại kết sẽ không hiện hữu và phát triển, nếu không có xác tín rằng các kitô hữu phải xin ơn tha thứ của Thiên Chúa và xin tha thứ cho nhau vì các chia rẽ họ đã gây ra trong Thân Mình Chúa Kitô. Giáo Hội công giáo đã chính thức dấn thân trong phông trào đại kết ngay từ đầu với lộ rình tha thứ. Đức Chân phước Phaolô VI đã là vị Giáo Hoàng đầu tiên trong thời đại mới đã xin Thiên Chúa và người đương thời tha thứ cho Giáo Hội. Ngài đax làm điều này trong diễn văn khai mạc khóa hai của Công Đồng Chung Vaticăng II ngày 29 tháng 9 năm 1963.

Lời xin lỗi này liên quan tới sự chia rẽ giữa các kitô hữu. Ngài nói: “Nếu phải thú nhận vài lỗi lẫm nơi chúng ta vì sự chia rẽ này, thì với lời van nài khiêm tốn chúng tôi xin lỗi Thiên Chúa và chúng tôi xin lỗi các Anh em cho rằng họ đã bị chúng tôi xúc phạm. Riêng phần chúng tôi chúng tôi sẵn sàng hết lòng tha thứ cho các xúc phạm đến Giáo Hội công giáo và quên đi nỗi đớn đau gaay thương tích vì các cuộc tranh cãi và chia rẽ kéo dài” (6.6). Các lời can đảm chưa từng có này đã được các nghị Phụ lầy lại trong sắc lệnh Unitatis redingratio về đại kết: “Với lời cầu khiêm tốn, chúng tôi xin lỗi Thiên Chúa và xin lỗi các anh em chia rẽ, cũng như chúng tôi tha lỗi cho những kẻ nợ chúng tôi” (s. 7). Đôi khi chúng ta quên, nhưng đây là văn bản duy nhất của Công Đồng Chúng Vaticăng II trong đó các nghị Phụ xin lỗi công khai rõ ràng, cả khi các văn bản khác cũng nhắc tới các trách nhiệm của các kitô hữu trong các vấn đề liên quan tới các tương quan giữ khoa học và đức tin (GS, 36), việc nảy sinh ra chủ thuyết vô thần (s. 19) hay phong trào bài Do thái (s. 4).

Một năm sau, trong những ngày cuối cùng của Công Đồng, một cách chính xác là ngày mùng 7 tháng 12 năm 1965, việc xin lỗi này đã trở thành cụ thể trong cử chỉ chính thức của Đức Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Attenagora, xóa bỏ vạ tuyệt thông cho nhau có từ năm 1954. Đây là một cử chỉ “của sự công bằng và tha thứ cho nhau”, theo lời của tuyên ngôn chung của hai thủ lãnh Giáo Hội. Và trong dịp kỷ niệm 10 năm ký tuyên ngôn chung ấy ngày 14 tháng 12 năm 1975 Đức Phaolô VI sẽ dùng lần đầu tiên kiểu nói “thanh tẩy ký ức”, sẽ xuất hiện trong huấn quyền của Giáo Hội công giáo (AAS 68,1976,tr. 121). Chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ kỷ niệm 50 năm biến cố lịch sử này là một trong các cử chỉ xây nền cho dấn thân đại kết của Giáo Hội công giáo. Tôi vui mừng vì dịp kỷ niệm này sẽ được cử hành vào đầu Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Năm 2014 Hội nghị đại kết quốc tế về nền tu đức chính thống đã có đề tài là “Lòng thương xót và tha thứ”. Ban tổ chức đã không biết rằng chỉ ít tháng sau đó ĐTC Phanxicô công bố Năm Thánh Lòng Thương Xót. Khi lựa chọn đề tài này Cộng đoàn đại kết Bose đã chứng minh cho thấy sự sắc sảo tinh thần và khả năng đọc hiểu các dấu chỉ thời đại của mình, là một ơn thật quan trọng ngày nay.

Tha thứ là một thành phần nòng cốt của phong trào hiệp nhất  các kitô hữu. Dấn thân đại kết thúc đẩy các cộng đoàn kitô hoán cải con tim: việc tìm kiếm hiệp nhất chắc chắn là một trong các kích thích mạnh mẽ nhất đối với lòng thương xót (SD 9-9-2015)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio