Đức Thánh Cha tiếp kiến 60 Giám Mục bạn Phong Trào Tổ Ấm

Đức Thánh Cha tiếp kiến 60 Giám Mục bạn Phong Trào Tổ Ấm

VATICAN. ĐTC đề cao vai trò của các GM trong việc tăng cường tình hiệp nhất của các tín hữu Kitô quanh bàn tiệc Thánh Thể.

Ngài nhắc lại đạo lý trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư 4-3-2015, dành cho 60 GM bạn của Phong trào Focolare (Tổ Ấm), tham dự khóa hội thảo thứ 38 từ 3 đến 6-3-2015 tại Castel Gandolfo về đề tài: ”Thánh Thể, mầu nhiệm hiệp thông”.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến, cũng có chị Maria Voce, Chủ tịch Phong trào Tổ Ấm và vị đồng chủ tịch là LM Jesús Morán Cepedano người Tây Ban Nha.

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, ĐTC nhận xét rằng ”đoàn sủng hiệp nhất là một đặc điểm của Phong trào Tổ Ấm, ăn rễ sâu nơi Thánh Thể.. Nếu không có Thánh Thể thì sự hiệp nhất sẽ mất đi một nguồn thu hút thần thiêng và bị thu hẹp thành một thứ tình cảm và một năng động nhân bản, tâm lý và xã hội học mà thôi. Trái lại, Thánh Thể đảm bảo cho sự hiệp nhất có trung tâm là Chúa Kitô và chính Thánh Linh của Chúa thúc đẩy những bước đường và sáng kiến gặp gỡ và hiệp thông của chúng ta”.

ĐTC cũng nhắc lại chân lý: GM chính là nguyên lý hiệp nhất của Giáo Hội, nhưng điều này sẽ không xảy ra nếu không có Thánh Thể. GM tụ họp Dân Chúa không phải quanh bản thân và những tư tưởng của GM, nhưng là quanh Chúa Kitô hiện diện trong Lời Chúa và trong bí tích Mình và Máu Chúa… Như thế Giám mục, được Chúa Kitô củng cố, trở thành Tin Mừng sinh động, trở thành Bánh được bẻ ra để nuôi sống nhiều người, cùng với lời giảng và chứng tá của GM.”

ĐTC tái bày tỏ tình liên đới đặc biệt với một số GM hiện diện đến từ những vùng đất đẫm máu là Siria và Irak, cũng như từ Ucraina. Ngài nói: ”Trong đau khổ mà anh em đang sống cùng với dân của mình, anh em cảm nghiệm sức mạnh đến từ Chúa Giêsu Thánh Thể, sức mạnh để tiến bước hiệp nhất trong đức tin và hy vọng”.

Trong số 60 GM bạn của Phong trào Tổ Ấm tại cuộc Hội thảo có các vị đến từ 4 nước Á châu là Hàn quốc, Thái Lan, Myanmar và Ấn độ. Điều hợp viên khóa hội thảo là Đức Tân Hồng Y Phanxicô Xavie Kiengsak Kovithananij, TGM giáo phận Bangkok, Thái Lan.

Các GM đã nghe chứng từ của các GM đến từ các nước đang có chiến tranh như Siria, Irak, Liban và cả Ucraina. (SD 4-3-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám Mục Bắc Phi về Roma thăm Tòa Thánh

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám Mục Bắc Phi về Roma thăm Tòa Thánh

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến 10 GM thuộc các nước Bắc Phi sáng hôm qua, 2-3, ĐTC nhiệt liệt khích lệ các Giáo Hội địa phương tăng cường đối thoại liên tôn và các hoạt động bác ái.

Các GM thuộc HĐGM Bắc Phi, gọi tắt là Cerna, về Roma hành hương, viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh. Giáo Hội Công Giáo tại 4 nước ở miền bắc Phi châu chỉ là một đoàn chiên rất bé nhỏ, toàn là người nước ngoài, giữa đại đa số dân theo Hồi giáo.

Trong bài huấn dụ trao cho các GM tại buổi tiếp kiến, ĐTC nhận xét rằng: ”Đối thoại liên tôn là một phần quan trọng trong đời sống các giáo phận của anh em. Cả trong lãnh vực này, đức bác ái với tinh thần sáng tạo biết mở ra vô số những con đường để mang tinh thần của Tin Mừng vào trong các nền văn hóa và cac môi trường xã hội rất khác nhau. Anh em biết rõ sự ngộ nhận nhau là nguồn mạch gây ra bao nhiêu hiểu làm và nhiều khi đưa đến xung đột.”

ĐTC Phanxicô nhắc lại lời ĐGH Biển Đức 16 trong Tông huấn ”Africae Munus”, các nghĩa vụ của Phi Châu, rằng ”Nếu tất cả chúng ta, những người tin nơi Thiên Chúa, ước muốn phục vụ hòa giải, công lý và hòa bình, chúng ta phải cùng nhau hoạt động để bài trừ mọi hình thức kỳ thị, bất bao dung, tôn giáo cực đoan” (n.94). Liều thuốc hữu hiệu nhất chốn glại mọi hình thức bạo lực chính là giáo dục về sự khám phá và chấp nhận sự khác biệt như một sự phong phú và mang lại nhiều thành quả. Vì thế, điều quan trọng là trong các giáo phận của anh em, các LM, nữ tu và giáo dân được huấn luyện về lãnh vực này.”

ĐTC ca ngợi Giáo Hội tại các nước Bắc Phi, mặc dù nghèo về nhân sự và phương tiện nhưng vẫn muốn phục vụ tất cả mọi người không phân biệt ai. ”Với những phương tiện nhiều khi ít ỏi, anh em biểu lộ tình thương của Chúa Kitô và Giáo Hội cho những người nghèo khổ nhất, các bệnh nhân, người già, phụ nữ trong hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu, hoặc các tù nhân. Tôi nồng nhiệt cám ơn anh em vì đã giúp đỡ nhiều người di dân, gốc Phi châu, tìm kiếm nơi các đất nước anh em một nơi chuyển tiếp hoặc sự tiếp đón”

Tình hình Giáo Hội tại 4 nước Bắc Phi

Đứng đầu danh sách Giáo Hội tại 4 nước Bắc Phi là Algéri rộng gần 2 triệu 400 ngàn cây số vuông với 37 triệu 500 ngàn dân, trong số này chỉ có 9 ngàn tín hữu Công Giáo gồm 4 giáo phận, họp thành một giáo tỉnh Algéri.

Tiếp đến là Libia, rộng 1 triệu 700 ngàn cây số vuông, nhưng chỉ có 6 triệu 500 ngàn dân cư, trong số này hiện nay chỉ còn lại từ 2 đến 3 ngàn tín hữu Công Giáo, họp thành 2 giáo phận đại diện Tông Tòa Tripoli và Bengasi. Dưới thời nhà độc tài Ghedafi, tại đây có 150 ngàn tín hữu, hầu hết là các công nhân di dân. Trong buổi gặp gỡ hôm qua (2-3), ĐTC đặc biệt cám ơn hai vị GM và một vài LM nhất quyết ở lại nước này, mặc dù tình hình khó khăn và đầy nguy hiểm.

Thứ ba là Vương quốc Maroc, rộng 460 ngàn cây số vuông với 32 triệu rưỡi dân cư, trong số này có khoảng 30 ngàn tín hữu Công Giáo, tất cả là người ngoại quốc, họp thành 2 tổng giáo phận Rabat và Tangeri.

Sau cùng là nước Tunisi rộng 163 ngàn cây số vuông với 9 triệu dân cư, trong đó có 25 ngàn tín hữu Công Giáo họp thành 1 giáo phận là Tunis.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican, Đức Cha Vencent Landel, TGM giáo phận Rabat, Maroc, Chủ tịch HĐGM Bắc Phi, cho biết thách đố chính của Giáo Hội Công Giáo tại miền này là đối thoại với Hồi giáo. Ngài nói: ”Chúng tôi sống yên hàn và thanh thản với người Hồi giáo tại Maroc, Algéri và Tunisi… Tuy nhiên tình hình tại Libia thật là bi thảm sau những biến cố gần đây, hầu hết các tín hữu Kitô, như người Philippines hoặc Trung Đông đã phải ra đi. Tại thủ đô Tripoli chỉ còn lại Đức Cha Martinelli và một nhóm nhỏ người Philippines. Toàn nước Libia chỉ còn lại 4, 5 Linh mục. (SD 28-2-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

ĐỨC GIÁO HOÀNG SẼ PHONG CHỨC THÊM 15 HỒNG Y

ĐỨC GIÁO HOÀNG SẼ PHONG CHỨC THÊM 15 HỒNG Y

VATICAN. ĐTC Phanxicô tuyên bố bổ nhiệm 15 Hồng Y mới vào ngày 14-2-2015, trong đó có Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, TGM giáo phận Hà Nội.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 4-1-2015 với hàng chục ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC nói:

”Như đã loan báo, ngày 14-2 tới đây tôi sẽ vui mừng nhóm Công nghị Hồng Y, trong đó tôi sẽ bổ nhiệm 15 Hồng Y mới, đến từ 14 quốc gia thuộc mọi đại lục, biểu lộ mối liên hệ không thể tách rời giữa Giáo hội Roma và các Giáo Hội địa phương trên thế giới.
Chúa nhật 15-2, tôi sẽ chủ sự thánh lễ đồng tế trọng thể với các Hồng Y mới, trước đó ngày 12 và 13-2, tôi sẽ nhóm Công nghị với tất cả các Hồng Y để suy tư về những hướng đi và đề nghị cải tổ giáo triều Roma.

Sau đây là các Hồng Y mới:

1. Đức Cha Dominique Mamberti, người Pháp, TGM hiệu tòa Sagona, Chủ tịch Tối Cao Pháp viện của Tòa Thánh, (63 tuổi, 1952)
2. Đức Cha Manuel José Macário do Nascimento Clemente, Thượng Phụ thành Lisboa, thủ đô Bồ đào nha (67 tuổi, 1949)
3. Đức Cha Berhaneyesus Demerew Souraphiel, CM, TGM Addis Abeba, Etiopia, (67 tuổi, 1948)
4. Đức Cha John Atcherley Dew, TGM giáo phận Wellington, thủ đô New Zealand (67 tuổi, 1948)
5. Đức Cha Edoardo Menichelli, TGM giáo phận Ancona-Osimo, Italia (76 tuổi, 1939)
6. Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, TGM Hà Nội, Việt Nam, 77 tuổi (1938)
7. Đức Cha Alberto Suárez Inda, TGM Morelia, Mêhico, (76 tuổi, 1939)
8. Đức Cha Charles Maung Bo, SDB, TGM giáo phận Yangon, Myanmar, (67 tuổi, 1948)
9. Đức Cha Francis Xavier Kiengsak Kovithananji, TGM Bangkok, Thái Lan, 66 tuổi (1949)
10. Đức Cha Francesco Montenegro, TGM Agrigento, Italia, (69 tuổi, 1946)
11. Đức Cha Daniel Fernando Sturla Berhouet, SDB, TGM Montevideo, Uruguay, (56 tuổi, 1959)
12. Đức Cha Ricardo Blázquez Pérez, TGM Valladolid, Tây Ban Nha, (73 tuổi, 1942)
13. Đức Cha José Luis Lacunza Maestrojuán, OAR, GM giáo phận David, Panamá (71 tuổi, 1944)
14. Đức Cha Arlindo Gomes Furtado, TGM Santiago de Cabo Verde, Quần Đảo Capo Verde, (66 tuổi, 1949)
15. Đức Cha Soane Patita Paini Mafi, GM Tonga, (Quần đảo Tonga) (54 tuổi, 1961).

Ngoài ra, tôi cũng liên kết với Hồng Y đoàn 5 vị TGM và GM về hưu đã nỏi bật về đức bác ái mục tử trong việc phục vụ Tòa Thánh và Giáo Hội. Các vị đại diện cho bao nhiêu Giám Mục, cũng với lòng nhiệt thành mục tử đã nêu chứng tá tình yêu đối với Chúa Kitô và Dân Chúa tại các Giáo Hội địa phương, cũng như tại Giáo Triều Roma, hoặc trong ngành ngoại giao Tòa Thánh.

Đó là các vị:

16. Đức Cha José de Jesus Pimiento Rodríguez, nguyên TGM giáo phận Manizales (Colombia) (96 tuổi, 1919)
17. Đức Cha Luigi De Magistris, TGM hiệu tòa Giubalziana, nguyên là quyền chánh tòa ân giải tối cao (89 tuổi, 1926)
18. Đức Cha Karl-Joseph Rauber, TGM hiệu tòa Tucumán, nguyên là Sứ Thần Tòa Thánh (81 tuổi, 1934)
18. Đức Cha Luis Héctor Villalba, nguyên TGM Tucumán, Argentina (81 tuổi, 1934)
19. Đức Cha Júlio Duarte Langa, nguyên GM giáo phận Xai-Xai (Mozambique) (88 tuổi, 1927)

”Chúng ta hãy cầu nguyện cho các tân Hồng Y, để, khi canh tân tình yêu đối với Chúa Kitô, các vị là chứng nhân về Tin Mừng của Chúa tại thành Roma và trên thế giới, và với kinh nghiệm mục tử, các vị nâng đỡ tôi khẩn trương hơn trong việc phục vụ Tông Đồ của tôi”.

Đức Hồng Y tân cử Phêrô Nguyễn Văn Nhơn sinh ngày 1-4-1938 tại Đà Lạt, thụ phong linh mục ngày 21-12-1967, được bổ nhiệm làm GM Phó Đà Lạt ngày 11-10-1991, và trở thành GM chính tòa ngày 23-3-1994. Ngày 22-4-2010 ngài được bổ làm TGM Phó Tổng giáo phận Hà Nội, và ngày 13-5-2010 ngày thăng TGM chính tòa Hà Nội, kế nhiệm Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt.

Trong số 19 Hồng y tân cử, vị trẻ nhất là Soane Patita Paini Mafi, GM Tonga 54 tuổi. Giáo phận ”khỉ ho cò gáy” của ngài trong Thái Bình Dương là một quần đảo rộng 103 ngàn cây số vuông, nhưng chỉ có 13.300 tín hữu Công Giáo với 14 giáo xứ, 29 LM giáo phận và 9 LM dòng, 40 nữ tu, 15 tu huynh và 9 chủng sinh.

Vị cao niên nhất trong số các tiến chức Hồng Y là José de Jesus Pimiento Rodríguez Manizales, 96 tuổi (1919) cai quản tổng giáo phận Manizales (Colombia) từ 1975 đến khi về hưu năm 1996.

Việc bổ nhiệm Hồng y lần trước cũng như lần này cho thấy chủ trương của ĐTC Phanxicô giảm bớt số Hồng y tại giáo triều Roma và không nhất thiết theo truyền thống bổ nhiệm Hồng Y cho các giáo phận lớn. Ngài cũng bổ nhiệm Hồng Y cho các nước chưa hề có Hồng Y, hoặc những giáo phận nhỏ bé.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám Mục Sénégal, Mauritanie, Guinea, và Capo Verde

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám Mục Sénégal, Mauritanie, Guinea, và Capo Verde

VATICAN. Sáng 10-11-2014, ĐTC đã tiếp kiến 12 GM thuộc HĐGM 4 nước ở miền Tây Phi châu là Sénégal, Mauritanie, Guinea Bissau và Quần đảo Capo Verde. Ngài khuyến khích các vị gia tăng tình hiệp thông, huấn luyện giáo dân, gần gũi các LM, đẩy mạnh việc mục vụ gia đình, đối thoại với Hồi giáo.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến có ĐHY Robert Sarr, TGM giáo phận Dakar, thủ đô Sénégal.

Trong bài huấn dụ trao cho các GM, ĐTC khẳng định rằng điều quan trọng là anh em có thể biểu lộ tình hiệp thông với nhau trong sự khác biệt. Tình hiệp thông này tự nó là một chứng tá đích thực về Chúa Kitô phục sinh, trong một thế giới có quá nhiều xung đột chia rẽ các dân tộc, vì sự loan báo hòa bình chính là xác tín theo đó, sự hiệp nhất của Thánh Linh hòa hợp mọi khác biệt và vượt lên trên mọi xung đột, trong một tổng hợp mới mẻ và đầy triển vọng (Evang. gaudium, 230).

ĐTC cũng nhắc nhủ rằng ”điều thích hợp là các giáo dân được huấn luyện vững chắc về đạo lý và đời sống thiêng liêng, đó là một trợ lực trường kỳ để họ có thể làm chứng về Chúa Kitô trong những môi trường của cuộc sống, làm cho xã hội được thấm nhiễm lậu dài các nguyên tắc của Phúc Âm, đồng thời để đức tin khỏi bị gạt ra ngoài lề đời sống công cộng”.

Trong số 4 nước có các GM được ĐTC tiếp kiến, đứng đầu là Sénégal có hơn 13 triệu rưỡi dân cư, trong đó hơn 90% theo Hồi giáo, và Công Giáo chỉ có 5,3% họp thành một giáo tỉnh với 7 giáo phận. Tiếp đến là nước Mauritanie rộng hơn 1 triệu cây số vuông nhưng chỉ có 3 triệu 600 ngàn dân cư, hầu hết theo Hồi giáo, và chỉ có 4 ngàn tín hữu Công Giáo, đa số là người nước ngoài, họp thành một giáo phận.

Có hai nước nói tiếng Bồ đào nha là Guinea Bissau, rộng hơn 36 ngàn cây số vuông với hơn 1 triệu rưỡi dân cư, trong đó 12% là tín hữu Công Giáo họp thành 2 giáo phận. Sau cùng là Quần đảo Capo Verde gồm 560 ngàn dân cư, trong đó 93% là tín hữu Công Giáo, họp thành 2 giáo phận. Người Capo Verde ở nước ngoài lên tới 1 triệu 500 ngàn người.

Trong bài huấn dụ, ĐTC khuyến khích các GM Sénégal và Mauritanie giúp các giáo sĩ, ngay từ chủng viện, được huấn luyện có hệ thống hơkn để có thể phát triển tại chỗ một cuộc đối thoại xây dựng với người Hồi giáo, cuộc đối thoại này ngày càng trở nên cần thiết để sống chung hòa bình với các tín hữu Hồi giáo. (SD 10-11-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha bổ nhiệm Đức TGM Bùi Văn Đọc làm thành viên Bộ truyền giáo

Đức Thánh Cha bổ nhiệm Đức TGM Bùi Văn Đọc làm thành viên Bộ truyền giáo

VATICAN. Hôm 13-9-2014, ĐTC Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, TGM giáo phận Sài Gòn, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, làm thành viên Bộ truyền giáo.

Cùng được bổ nhiệm làm thành viên của Bộ trong dịp này cũng có 6 HY, 9 GM và 4 Cha Bề trên Tổng quyền của 4 dòng tu.

Nhiều vị Hồng y TGM chính tòa trước đây của Việt Nam cũng được bổ nhiệm làm thành viên Bộ truyền giáo. (SD 13-9-2014)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha tiến hành 2 bổ nhiệm quan trọng tại Tây Ban Nha

Đức Thánh Cha tiến hành 2 bổ nhiệm quan trọng tại Tây Ban Nha

VATICAN. Hôm 28-8-2014, ĐTC đã bổ nhiệm ĐHY Antonio Canizares Llovera, cho đến nay là Tổng trưởng Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích, làm tân TGM giáo phận Valencia là giáo phận nguyên quán của ngài.

Ngoài ra, ĐTC cũng nhận đơn từ chức vì lý do tuổi tác của ĐHY Antonio Maria Rouco, 78 tuổi, TGM giáo phận thủ đô Madrid, đồng thời bổ nhiệm người kế vị là Đức TGM Carlos Osoro Sierra, cho đến nay là TGM giáo phận Valencia.

ĐHY Antonio Canizares Llovera, tân TGM giáo phận Valencia, sinh tại Valencia cách đây 69 năm (1945), nguyên là giáo sư thần học huấn giáo ở Đại học Salamanca, và được bổ nhiệm làm GM giáo phận Avila năm 1992, 4 năm sau đó ngài thăng TGM giáo phận Granada, và 6 năm sau làm TGM giáo phận Toledo là giáo phận cổ kính nhất tại Tây Ban Nha, rồi được bổ nhiệm làm Hồng Y năm 2006. Năm 2008, ngài được ĐTC Biển Đức 16 bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ phụng tự và kỷ luật bí tích.

Trang thông tin Vatican Insider, trích thuật những nguồn tin ở Vatican, cho biết ĐHY Canizares đã nhiều lần xin ĐTC Phanxicô cho trở về Tây Ban Nha coi sóc giáo phận.

Đức Cha Carlos Osoro Sierra, tân TGM giáo phận thủ đô Madrid, năm nay cũng 69 tuổi (1945) thuộc giáo phận Santander. Năm 1996, ngài được bổ nhiệm làm GM giáo phận Orense, và 6 năm sau thăng TGM giáo phận Oviedo, nhưng chỉ 4 năm sau, 2009, ngài được thuyên chuyển về Valencia. Giáo phận này hiện có 3 triệu 51 ngàn tín hữu Công Giáo, trong khi Tổng giáo phận Madrid có 3 triệu 615 ngàn tín hữu Công Giáo. Đức TGM Osoro hiện là Phó Chủ tịch HĐGM Tây Ban Nha. Giới báo chí cũng gọi ngài là ”Đức Phanxicô Tây Ban Nha” vì ngài rất phù hợp với lời kêu gọi của ĐTC Phanxicô mong một Giáo Hội ”đi ra ngoài”. (SD 28-8-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha gặp gỡ các Giám Mục Á châu và bế mạc Đại hội giới trẻ Á châu

Đức Thánh Cha gặp gỡ các Giám Mục Á châu và bế mạc Đại hội giới trẻ Á châu

ĐẠI ĐIỀN. Chúa nhật 17-8-2014, ĐTC Phanxicô đã gặp gỡ Liên HĐGM Á châu và chủ sự thánh lễ bế mạc Đại hội giới trẻ Công Giáo Á châu kỳ 6 tại khu vực Đền Thánh Hải My (Haemi) thuộc giáo phận Đại Điền (Deajeon), Hàn Quốc.

Hải My cách thủ đô Hán Thành hơn 100 cây số về hướng nam. Đây là nơi kính nhớ các vị tử đạo vô danh của Giáo Hội Hàn quốc vì phần lớn trong số 132 vị tử đạo bị tra tấn và hành quyết tại đây không có tên tuổi được ghi lại.

Gặp gỡ các Giám Mục Á châu

ĐTC đã đáp trực thăng đến Đền thánh Hải My lúc gần 11 giờ và tại nguyện đường của thánh điện, ngài đã cùng với các GM cử hành kinh trưa bằng tiếng Anh. Có 68 GM đến từ 35 nước Á châu hiện diện.

Sau khi ĐTC ban phép lành kết thúc kinh nguyện, ĐHY Oswald Gracias, TGM giáo phận Mumbai, Ấn độ, trong tư cách là Chủ tịch Liên HĐGM Á châu, đã đại diện mọi người chào mừng ĐTC. Ngài nhắc lại biến cố lịch sử cách đây 44 năm, khi các GM Á châu nhóm họp tại Manila nhân cuộc viếng thăm lịch sử của ĐGH Phaolô 6 tại Philippines hồi tháng 12 năm 1970. Đó là lần đầu tiên có đông đảo các GM Á châu như thế, 180 vị, nhóm họp để trao đổi kinh nghiệm và thảo luận về những vấn đề mục vụ tại đại lục to lớn và có nhiều khác biệt như Á châu. Do lòng hăng say từ kinh nghiệm ấy thúc đẩy, các GM đã thiết lập Liên HĐGM Á châu với sự chúc lành của ĐGH Phaolô 6. Ngày nay, tổ chức này có 19 HĐGM thành viên, bao gồm 27 nước và 9 thành viên kết nạp, vì các giáo phận ấy không thuộc HĐGM nào.

ĐHY Gracias cũng nhận xét rằng Á châu là một đại lục đang cảm nghiệm những hy vọng và vui mừng về sự liên tục tái sinh trong Thánh Linh. 60% dân số thế giới sinh sống ở Á châu. Đây là một đại lục trẻ trung, đa số dân là người trẻ.. Dân Á châu bản chất là người có tôn giáo, nhưng tinh thần tục hóa và duy vật đang lẻn vào đại lục này. Cơ cấu gia đình, xưa kia được coi là quan trọng và ăn rễ sâu nơi xã hội Á châu, nay đang dần dần bị tan rã. Và tuy tâm hồn Á châu coi sự sống là thánh thiêng, nhưng những đe dọa sự sống đang gia tăng và thật đáng lo ngại dưới nhiều khía cạnh.

Huấn dụ của ĐTC

Trong bài huấn dụ trước các GM Á châu, ĐTC đặc biệt nói đến vai trò của Giáo Hội tại Đại lục bao la này, trong đó có rất nhiều nền văn hóa khác nhau:

”Giáo Hội được mời gọi làm chứng cho Tin Mừng, qua cuộc đối thoại và cởi mở đối với mọi người. Điểm khởi hành và điểm tham chiếu cơ bản chính là căn tính của chúng ta, căn tính Kitô hữu. Chúng ta không thể dấn thân đối thoại đích thực nếu chúng ta không ý thức về căn tính của mình. Nếu chúng ta muốn trao đổi một cách tự do, cởi mở và phúc lợi với tha nhân, chúng ta phải biết rõ mình là ai, điều mà Thiên Chúa đã làm cho chúng ta và điều Ngài yêu cầu chúng ta. Và nếu sự trao đổi của chúng ta không muốn là một cuộc độc thoại, thì phải có tâm trí mở rộng để chấp nhận những con người và các nền văn hóa.

Cũng trong lãnh vực làm chứng và đối thoại, cần có căn tính Kitô vững mạnh như điểm tham chiếu, ĐTC nhắc đến 3 khó khăn cần phải nghĩ đến và cố tránh chúng:

– Thứ I là thái độ duy tương đối, thúc đẩy chúng ta vào những vùng cát lún của sự hỗn độn và tuyệt vọng. Đó là cám dỗ trên thế giới ngày nay, mà cả các cộng đồng Kitô cũng gặp phải, khiến cho ta quên rằng ”bên kia những điều thay đổi có những thực tại bất biến; những thực tại ấy có nền tảng tối hậu nơi Chúa Kitô, Đấng vẫn luôn luôn bất biến, hôm qua, hôm nay và mãi mãi (GS 10; Xc Dt 13,8).

Thái độ duy tương đối cần tránh ở đây không phải chỉ là một hệ thống tư tưởng, nhưng còn là thái độ duy tương đối thực hành, trong đời sống thường nhật, nó làm suy yếu bất kỳ căn tính nào và hầu như người ta không cảm thấy tình trạng đó.

– Cách thức thứ II mà thế gian đe dọa căn tính Kitô vững chắc của chúng ta, đó là sự hời hợt; những điều thịnh hành theo thời, tránh né và trốn chạy. Đây là một vấn đề trầm trọng về mục vụ. Đối với các thừa tác viên của Giáo Hội, thái độ hời hợt này cũng có thể biểu lộ qua sự kiện họ bị thu hút vì những chương trình mục vụ và lý thuyết gây thương tổn cho cuộc gặp gỡ trực tiếp và phúc lợi với các tín hữu, nhất là những người trẻ, là những người trong thực tế đang cần một nền huấn giáo vững chắc, một sự linh hướng chắc chắn. Nếu không ăn rễ sâu nơi Chúa Kitô, thì những chân lý mà chúng ta sống rốt cuộc sẽ suy yếu, việc thực hành nhân đức chỉ có là vụ hình thức và cuộc đối thoại chỉ là một hình thức thương lượng hoặc đồng ý về sự bất đồng với nhau.

Cám dỗ thứ III là cái vẻ tự tin chắc chắn nấp đằng sau những câu trả lời dễ dàng, những câu làm sẵn, những luật lệ và qui tắc. Tự bản chất, đức tin không qui trọng tâm vào mình, đức tin có khuynh hướng ”đi ra ngoài”, tìm cách làm cho mình được hiểu rõ, làm nảy sinh chứng ta, tạo nên sứ mạng truyền giáo. Căn tính Kitô của chúng ta, xét cho cùng, hệ tại dấn thân tôn thờ một mình Thiên Chúa và yêu thương nhau, phục vụ nhau, không những chứng tỏ điều mà chúng ta tin, nhưng còn cho thấy điều mà chúng ta hy vọng và ai là Đấng mà chúng ta đặt trọn niềm tín thác (Xc 2 Tm 1,12).

ĐTC nói thêm rằng chính niềm tin sinh động nơi Chúa Kitô tạo nên căn tính sâu xa và phong phú nhất của chúng ta. Nó nảy sinh và được nuôi dưỡng nhờ ơn thánh do cuộc đối thoại của chúng ta với Chúa và sự thúc đẩy của Thánh Linh. Niềm tin ấy mang lại thành quả công lý, sự tốt lành và an bình.

ĐTC nói các GM Á châu: Anh em hãy làm sao để căn tính Kitô của các Giáo Hội địa phương được xuất hiện rõ ràng trong các chương trình huấn giáo và mục vụ giới trẻ của anh em, trong việc phục vụ người nghèo và những người mòn mỏi sống bên lề các xã hội sung túc của chúng ta và qua những cố gắng của anh em nuôi dưỡng các ơn gọi linh mục và tu sĩ.

Sau cùng, ĐTC nói: ”Cùng với một ý thức rõ ràng về căn tính Kitô, cuộc đối thoại chân chính cũng đòi một khả năng cảm thông. Không phải chúng ta chỉ nghe những lời người khác nói, nhưng còn đón nhận cả những thông tin không được nói ra về kinh nghiệm, hy vọng và khát mong, những khó khăn của họ và những điều mà họ đặc biệt quan tâm. Sự cảm thông ấy phải là kết quả cái nhìn thiêng liêng của chúng ta và kinh nghiệm bản thân, khiến chúng ta nhìn tha nhân như anh chị em, lắng nghe qua những lời nói và hành động của họ, điều mà con tim họ muốn thông truyền. Trong tinh thần cởi mở như thế đối với tha nhân, các nước Á châu mà Tòa Thánh chưa có quan hệ ngoại giao trọn vẹn sẽ không do dự thăng tiến một cuộc đối thoại có lợi cho tất cả mọi người”.

ĐTC giải thích rằng ”Ở đây tôi không phải chỉ nói về đối thoại chính trị, nhưng cũng nói về đối thoại giữa con người với nhau, đối thoại huynh đệ nữa”.

Sau bài huấn dụ, ĐTC đã bắt tay chào thăm từng vị GM và lúc 1 giờ, ngài đã dùng bữa với các GM. Lúc gần 4 giờ chiều, ngài đến cánh đồng trước lâu đài Hải My cách đó hơn 1 cây số rưỡi để cử hành thánh lễ bế mạc Đại hội giới trẻ Công Giáo Á châu kỳ 6.

Lâu đài này được xây cất cách đây 593 năm (1421) như một thành trì chống lại quân cướp, nhưng 70 năm sau đó đã được biến thành một trung tâm quân sự với các doanh trại và cả nhà giam. Vì thế trong thời cách hại hồi thế kỷ 19, đã có gần 3 ngàn tín hữu Công Giáo bị giam giữ tại đây và nhiều người bị tra tấn và hành quyết.

Thánh Lễ bế mạc

Hiện diện trong cánh đồng trước lâu đài Hải My chiều chúa nhật 17-8-2014, có hàng chục ngàn tín hữu tụ tập để tham dự thánh lễ do ĐTC cử hành, trong đó có hơn 2 ngàn bạn trẻ Á châu, và 4 ngàn bạn trẻ tham dự Ngày Giới trẻ Công Giáo Hàn Quốc, trong áo choàng mầu xanh lá cây và áo T-shirt màu vàng chanh, được chỗ ở khu vực trước lễ đài. Đồng tế với ĐTC có đông đảo các GM Á châu và Hàn quốc cùng với 70 LM từ các nước Á châu.

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã phân tích từng phần của chủ đề Đại hội giới trẻ Công Giáo Á châu kỳ 6: ”Hỡi giới trẻ Á châu, hãy trỗi dậy! Vinh quang của các vị tử đạo chiếu sáng trên các bạn!”.

Ngài nhận định rằng Á châu là một đại lục phong phú về các truyền thống triết học và tôn giáo, đại lục này vẫn là một biên cương lớn đối với việc làm chứng cho Chúa Kitô, ”là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). ”Không những các bạn sống tại Á châu, nhưng các bạn còn là những người con của đại lục rộng lớn này, các bạn có quyền và nghĩa vụ tham gia trọn vẹn vào đời sống xã hội của các bạn. Các bạn đừng sợ mang sự khôn ngoan của đức tin vào trong mọi lãnh vực của đời sống xã hội.

ĐTC nói thêm rằng trong tư cách là những người trẻ Á châu, các bạn nhìn thấy và yêu mến từ bên trong tất cả những gì là đẹp đẽ, cao quí và chân thực trong các nền văn hóa và truyền thống của các bạn. Đồng thời, trong tư cách là Kitô hữu, các bạn cũng biết rằng Tin Mừng có sức mạnh thanh tây, nâng cao và kiện toàn gia sản ấy. Ngoài ra, các bạn có khả năng phân định điều gì là không thể dung hợp với đức tin Công Giáo, điều gì trái ngược với đời sống ơn thánh được phú vào các bạn nhờ bí tích rửa tội, và đâu là những khía cạnh trong nền văn hóa hiện đại là tội lỗi, hư hỏng và dẫn tới sự chết.

Đề cập đến phần thứ 3 trong đề tài của Ngày Giới trẻ Á châu là ”Hãy trỗi dậy!”, ĐTC nói: câu này nói về trách nhiệm mà Chúa ủy thác cho các bạn. Đó là nghĩa vụ phải tỉnh thức để không để cho những áp lực, cám dỗ và tội lỗi của chúng ta hay của người khác làm cho chúng ta không còn nhạy cảm đối với vẻ đẹp của sự thánh thiện, với niềm vui của Tin Mừng nữa.

Thánh lễ ĐTC cử hành bằng tiếng latinh, nhưng bài giảng của ngài bằng tiếng Anh, với phần thông dịch ra tiếng Hàn quốc, và các bài đọc bằng tiếng Philippines, Bahasa Malaysia, Hàn quốc, còn các ý nguyện trong lời nguyện giáo dân bằng tiếng Nhật, Anh, Lào và Hàn quốc.

Diễn từ của đại diện GM Hàn quốc và ĐHY Gracias

Sau phép lành của ĐTC vào cuối thánh lễ, Đức Cha Phêrô Khương Vũ Nhất (Kang U Il), GM giáo phận Tể Châu (Cheju), Chủ tịch HĐGM Hàn Quốc, đã đại diện mọi người chào ĐTC và nhắc đến sự kiện các bạn trẻ có cùng một niềm tin, từ các môi trường khác nhau, tụ họp lại, vượt lên trên những bức tường khác biệt: quốc tịch và ngôn ngữ, để củng cố tình huynh đệ của họ trong Chúa Kitô, để mừng lễ và cùng nhau chúc tụng Thiên Chúa. Vì lần này ĐGH dành nhiều thời giờ cho họ, người trẻ Á châu đã cảm nghiệm được những giờ phút hồng ân không thể tái diễn, một hạt giống hy vọng cho tương lai.

Tiếp lời Đức Cha Khương Vũ Nhất, ĐHY Oswald Gracias, TGM Mumbai, Chủ tịch Liên HĐGM Á châu, bày tỏ tâm tình của hàng chục ngàn bạn trẻ sau 5 ngày gặp gỡ, quyết tâm của họ bước theo Tin Mừng và sức mạnh của Bí tích rửa tội trong hành trình Kitô, cũng như trong đời sống dân sự. Cụ thể là không chấp nhận nền kinh tế loại trừ, không chiều theo một nền kinh tế ích kỷ, không có luân lý đạo đức, không chấp nhận tinh thần duy vật. Trái lại, chấp nhận một cuộc gặp gỡ bản thân với Chúa Giêsu, Đấng mà chúng ta muốn mang theo mình; lắng nghe tiếng kêu than của người nghèo, người túng thiếu và cô đơn, chấp nhận một thế giới đang nóng lòng mong đợi chúng ta.

Sau cùng, ĐHY Gracias loan báo Đại hội giới trẻ Công Giáo Á châu kỳ 7 sẽ diễn ra tại Indonesia vào năm 2017. Một Video ngắn về Giáo hội Công Giáo tại Indonesia đã được trình chiếu nhân dịp này.

Sau thánh lễ, vì trời xấu, nên ĐTC đã đi xe lửa trở về thủ đô Hán Thành thay vì dùng trực thăng như chương trình dự định. Ngài dùng xe lửa đặc biệt do phủ tổng thống đề nghị.

Vài chi tiết bên lề

1. Rửa tội tại tòa Sứ Thần Tòa Thánh

Lúc 7 giờ sáng chúa nhật 17-8-2014, tại nhà nguyện tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở thủ đô Hán Thành, ĐTC đã ban phép rửa tội cho Ông Lee Ho Jin, thân phụ của một trong những người trẻ bị thiệt mạng trong vụ đắm tàu Sewol ngày 16-4 năm nay. Hôm thứ sáu 15-8, trong thánh lễ tại Sân bóng đá thế giới ở thành phố Đại Điền, Ông đã xin ngài rửa tội cho trong dịp ngài gặp một nhóm thân nhân các nạn nhân bị đắm tàu và ngài đã nhận lời. Ông đã mang thánh giá đi hành hương 900 cây số từ nơi con ông sinh ra tới hải cảng nơi con tàu Sewol khởi hành. Trong hai năm trước đó, ông đã theo học giáo lý tại một xứ đạo Công Giáo.

Tháp tùng Ông Lee Ho Jin trong lễ nghi rửa tội có con trai và con gái của ông, cùng với 1 linh mục đã giới thiệu ông với ĐTC khi ở Đại Điền. Phần lớn lễ nghi rửa tội đơn sơ do Cha John Chong Che Chon, giám tỉnh dòng Tên Hàn quốc, thông dịch viên của ĐTC cử hành, và chính ĐTC đổ nước rửa tội và xức dầu ban phép thêm sức cho tân tòng. Ông đã nhận tên thánh là Phanxicô để ghi ơn ĐTC và người đỡ đầu là một nhân viên tòa Sứ Thần Tòa Thánh.

2. Tông đồ sự sống không có tay chân

Trong cuộc viếng thăm của ĐTC dành cho những người khuyết tật hôm thứ bẩy, 16-8-2014 tại trung tâm Kkottongnae, cũng gọi là ”Hoa Chi Thôn”, thuộc giáo phận Kim Châu (Cheonju), đặc biệt có cuộc gặp gỡ giữa ngài với Thày Lý Cố Văn (Lee Gu Won), một người không tay không chân đã trở thành tông đồ sự sống, thuộc tu hội Hội Thánh Luca Hoàng ở Hàn Quốc.

Tuy bị bỏ rơi ngay từ lúc mới sinh ra vì khuyết tật trầm trọng như vây, Lý Cố Văn đã sống sót và đã quyết tâm tận hiến đời mình cho Thiên Chúa và loan báo Tin Mừng hy vọng cho những người tàn tật ở Hàn Quốc.

Thầy Lý Cố Văn sinh ngày 9-5-1990 không tay chân và không hề có tiếp xúc nào với cha mẹ và cũng chẳng biết mình sinh ra ở đâu. Điều chắc chắn là hài nhi bị bỏ rơi tại trung tâm nhận con nuôi Thánh Giá ở Hán Thánh. Ngày 12 tháng 7 cùng năm 1990, Cha Gioan Bosco Kim Đông Nhật (Kim Dong-il) đến thăm cô nhi viện và thấy bé Lý. Cha biết chắc chắn sẽ không ai nhận cậu bé này làm con nuôi, nên đã xin Đức GM bản quyền cho phép nhận bé làm con nuôi và được GM đồng ý. Thế là cha mang hài nhi về Hội Thừa Sai Luca Hoàng ở giáo phận Kim Châu (Cheonju) và nuôi dưỡng trong cộng đoàn.

Cha nói: ”Giả sử tôi không nhận và mang bé theo tôi, thì cũng như là giết cậu bé. Tôi nhận thấy rằng nhận nuôi một đứa trẻ với những vấn đề như thế có nghĩa là phải hy sinh rất lớn về tài chánh và thời giờ, nhưng chúng ta không thể đo lương mọi sự trên căn bàn tiền bạc. Xã hội Hàn quốc cần hiểu rằng mỗi sự sống đều là quí giá, cho dù đó là một sự sống có vẻ phức tạp hơn.”

Được các ân nhân và thừa sai trợ giúp, hồi tháng 3 năm 2008, anh Lý Cố Văn, 18 tuổi, được nhận vào Đại học Công Giáo ở thành phố Đại Điền (Daejeon). Anh và cha nuôi đều ý thức rằng những kết quả này không phải là điều tự nhiên mà được, nhưng là kết quả của một sự học hành và làm việc chăm chỉ. Trong khi đó thì ơn gọi thừa sai bắt đầu chín mùi nơi anh Lý Cố Văn và ngày 31-1-2011, với phép của Đức GM, thầy đã được khấn lần đầu tiên sau tập viện. Thầy kể ”Những ngừơi anh em của tôi nói với tôi về ”Trung tâm phụng sự sự sống” thuộc Tu hội của chúng tôi nên tôi quyết định hiến đời tôi cho lý tưởng đó. Mong ước của tôi là công bố Tin Mừng sự sống và tình yêu thương con người”.

Tháng 3 năm 2013 thầy Lý Cố Văn tốt nghiệp đại học sau 5 năm theo học và giấc mơ của thầy thành tựu. Nay thầy làm việc tại trung tâm, an ủi các bệnh nhân và những người bị bỏ rơi, và hàng tháng viết bản tin, mang lại cho nhiều độc giả niềm phấn khởi và hy vọng.

Thày Lý Cố Văn cũng kể rằng: Cha Bosco Kim xin tôi công bố Tin Mừng cho những ngừơi khuyết tật. Tôi cầu xin Chúa và cám ơn Chúa vì phúc lành của Ngài, kể cả khả năng làm việc bênh vực sự sống trong lãnh vực truyền giáo. Tôi muốn thông truyền cho thế giới và Hàn quốc,là nước có tỷ lệ người trẻ tự tử cao nhất thế giới, sứ điệp hy vọng nơi Chúa chúng ta”.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha cổ võ Giáo hội tại Sri Lanka tiếp tục đối thoại và hòa giải

Đức Thánh Cha cổ võ Giáo hội tại Sri Lanka tiếp tục đối thoại và hòa giải

VATICAN. ĐTC Phanxicô cổ võ Giáo Hội tại Sri Lanka tiếp tục dấn thân trong hành trình đối thoại và hòa giải đất nước sau cuộc nội chiến đau thương.

Sáng ngày 3-5-2014 Ngài đã tiếp kiến 14 GM thuộc HĐGM Sri Lanka, nhân dịp các vị kết thúc cuộc hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh, dưới sự hướng dẫn của ĐHY Chủ tịch Malcolm Ranjith, TGM giáo phận thủ đô Colombo.

Trong bài huấn dụ trao cho các vị tại buổi tiếp kiến, ĐTC nhắc đến ơn gọi của Kitô hữu là trở thành men giữa lòng nhân loại, công bố và mang ơn cứu độ của Chúa vào thế giới, thường bị hoang hoang mất hướng đi và cần được khích lệ (Evangelii Gaudium 114). Ngài nhận xét rằng: ”Sri Lanka đang đặc biệt cần men ấy. Sau nhiều năm xung đột và đổ máu, chiến tranh đã chấm dứt tại đất nước anh em và bình minh hy vọng mới đang ló rạng.. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều điều phải làm để thăng tiến hòa giải, tôn trọng nhân quyền của mọi người và khắc phục những căng thẳng về chủng tộc còn tồn đọng.”

Cùng với các GM Sri Lanka, ĐTC khẳng định rằng ”các tín hữu Công Giáo tại nước này muốn cùng với mọi thành phần khác trong xã hội, góp phần vào việc hòa giải và tái thiết. Sự đóng góp này là thăng tiến tình đoàn kết và hiệp nhất.. Giáo Hội ở một vị thế đặc biệt có thể mang lại một hình ảnh sống động về sự hiệp nhất trong đức tin, với các tín hữu thuộc sắc tộc Singalais và Tamil trong các cộng đoàn của mình. Trong các giáo xứ và trường học, trong các chương trình xã hội và các tổ chức khác của Giáo Hội, người Singalais và Tamil có những cơ hội sống, học hành, làm việc và thờ phượng chung”.

ĐTC cũng khích lệ các hoạt động từ thiện bác ái của Giáo Hội như một đóng góp quan trọng cho sự tái phát triển… Giáo Hội tại Sri Lanka cũng quảng đại phục vụ trong các lãnh vực giáo dục, săn sóc sức khỏe, nâng đỡ người nghèo.. Sứ vụ của anh em và các hoạt động nâng đỡ người nghèo phải bao gồm mọi thành phần trong xã hội, vì ”không thể loại trừ bạo lực, bao lâu còn có tình trạng loại trừ và bất bình đẳng trong xã hội và giữa con người với nhau” (Evangelii Gaudium 59).

Trong bài huấn dụ, ĐTC cổ võ việc đối thoại liên tôn và đại kết, thăng tiến sự hiểu biết lẫn nhau giữa tín đồ các tôn giáo và giữa các tín hữu Kitô thuộc các hệ phái khác nhau, và làm cho nhau được phong phú. ĐTC viết” ”Giáo Hội tại Sri Lanka phải kiên trì trong việc tìm kiếm những người đối tác phục vụ hòa bình và đối thoại. Những hành vi dọa nạt, cũng xảy ra đối với Cộng đồng Công Giáo càng thúc đẩy anh em phải củng cố dân chúng trong niềm tin của họ”.

Sau cùng, ĐTC nhắn nhủ các GM Sri Lanka tích cực nâng đỡ hàng giáo sĩ và tu sĩ, cũng như đẩy mạnh việc săn sóc mục vụ cho các gia đình. Ngài viết: ”Khi nâng đỡ tình yêu và lòng chung thủy của vợ chồng với nhau, chúng ta giúp các tín hữu sống ơn gọi của họ trong tự do và vui tươi và chúng ta mở ra cho các thế hệ mới sự sống của Chúa Kitô và Giáo Hội của Người. Những cố gắng của anh em trong việc nâng đỡ gia đình không những trợ giúp Giáo Hội, nhưng còn giúp đỡ xã hội Sri Lanka nói chung, đặc biệt là những cố gắng hòa giải và hiệp nhất”.
Sri Lanka hiện có hơn 20 triệu dân cư, trong đó 70% là tín hữu Phật giáo; 9% là Kitô hữu trong đó có 1 triệu 500 ngàn tín hữu Công Giáo (SD 3-5-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Tường thuật thánh lễ phong thánh cho hai vị Giáo Hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II

Tường thuật thánh lễ phong thánh cho hai vị Giáo Hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II

Lễ phong thánh Đức Giáo Hoàng Gioan 23 và Gioan Phaolô 2

VATICAN. ĐTC Phanxicô đã long trọng tôn phong hai vị tiền nhiệm Gioan 23 và Gioan Phaolô 2 lên bậc hiển thánh, trước sự tham dự rất đông đảo của các Hồng Y, Giám Mục, LM và giáo dân đến từ các nước.

Chúa nhật 27-4-2014 thực là một ngày đặc biệt trong lịch sử Giáo Hội. Giới báo chí gọi là ”Chúa nhật 4 Giáo Hoàng”: lần đầu tiên hai vị Giáo Hoàng cùng được tôn phong hiển thánh trong một buổi lễ và lần đầu tiên hai vị Giáo Hoàng: một vị đương kim và một vị cựu, cùng hiện diện trong buổi lễ, Đức Phanxicô và Đức Biển Đức 16.

Buổi lễ diễn ra tại Quảng trường Thánh Phêrô được sự hiện diện của hàng trăm ngàn tín hữu hiện diện tại khu vực Đền Thờ và vùng phụ cận, không kể hàng chục ngàn người khác tham dự thánh lễ qua các màn hình khổng lồ được bố trí tại một số nơi ở Roma, cũng như tại Quảng trường trước Nhà Thờ chính tòa Milano, cách Roma khoảng 500 cây số. Theo đô trưởng Roma, Ông Ignazio Marino, hàng tỷ khán thính giả trên thế giới cũng theo dõi buổi lễ đặc biệt này qua truyền hình và các phương tiện truyền thông khác.

Trên thềm Đền thờ, bên trái lễ đài từ dưới nhìn lên, được dành cho 150 Hồng Y và 700 Giám Mục, còn bên phải được dành cho các vị Quốc trưởng, thủ tướng, các quan chức và đại sứ thuộc 120 phái đoàn chính thức của các nước và nhiều cơ quan quốc tế, các đại diện tôn giáo, Chính Thống, Anh giáo, và cả Hồi giáo.

Hàng ngàn tín hữu đã qua đêm tại khu vực cạnh Quảng trường Thánh Phêrô, để lúc gần 6 giờ sáng, vừa khi được phép, họ tiến ngay vào khu vực dự lễ. Bầu trời Roma mây dầy, nhưng phần lớn thời gian không có mưa, nên tránh được nhiều vụ cảm nắng.

Video Thánh Lễ phong thánh cho hai vị Giáo Hoàng

Sơ lược tiểu sử hai vị tân Hiển Thánh
– Đức Giáo Hoàng Gioan 23
Đức Gioan 23 tên đời là Angelo Giuseppe Roncalli, sinh ngày 25.11.1881 tại Bergamo, Bắc Italia, trong một gia đình 13 người con, Angelo là người thứ tư. Bé Angelo đã được rửa tội ngay ngày chào đời và đã sống thời thơ ấu trong bầu khí Đức Tin mạnh mẽ của gia đình và giáo xứ. Sau khi nhận lãnh bí tích Thêm Sức và rước lễ lần đầu năm 1889, Angelo gia nhập chủng viện Bergamo và theo học tại đây cho đến hết năm thần học thứ hai. Cũng trong thời gian này thầy bắt đầu viết một loạt nhật ký thiêng liêng kéo dài suốt cuộc đời, sau này được xuất bản với tựa đề Nhật ký của linh hồn. Từ năm 1901 đến 1905, thầy học tại đại chủng viện Roma và trong thời gian này, đã chu toàn bổn phận quân dịch bắt buộc. Ngày 10.08.1904, thầy Angelo Roncalli thụ phong linh mục tại nhà thờ Thánh Maria trên núi thánh ở quảng trường Nhân Dân trung tâm Roma. Nhiệm vụ đầu tiên của cha Roncalli là thư ký cho Đức Cha Giacomo Radini Tedeschi, tân GM Bergamo, tháp tùng Đức Cha trong các chuyến công du, phụ tá ngài trong mọi hoạt động mục vụ đồng thời, giảng dạy các bộ môn giáo sử, giáo phụ học và hộ giáo tại chủng viện giáo phận. Trong thế chiến thứ nhất, cha Roncalli bị tổng động viên tái nhập ngũ trong ngành quân y rồi tuyên úy các bệnh viện hậu phương. Sau thế chiến cha mở nhà sinh viên và được chỉ định làm linh hương chủng viện vào năm 1919.

Từ năm 1921, bắt đầu giai đoạn 2 trong đời cha Roncalli: giai đoạn phục vụ Tòa Thánh. ĐGH Benedetto XV gọi cha về bộ Truyền Giáo và 4 năm sau đó, 1925, Đức Pio XI chỉ định cha làm Kinh Lược tông tòa Bulgari và nâng cha lên hàng GM. Mười năm sau, Đức Cha được chỉ định làm Đại Diện Tông Tòa tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Những năm làm việc tại những môi trường thật khó khăn này đã giúp Đức Cha thu thập những kinh nghiệm hay đẹp, nhưng cũng đã làm cho Đức Cha chịu nhiều hiểu lầm đau khổ. Trong thời thế chiến thứ hai, Đức Cha đã cứu được nhiều người Do Thái nhờ tư cách ngoại giao. Năm 1953, Đức Cha Roncalli được nâng lên hàng HY và 5 năm sau đó, khi ĐGH Pio XII qua đời, HY đoàn đã bầu ĐHY Roncalli vào nhiệm vụ chủ chăn giáo hội hoàn vũ với tên gọi là Gioan 23. Suốt triều đại giáo hoàng của Ngài, Đức Gioan 23 đã được toàn thế giới yêu mến, xem là hình ảnh đích thật nhất của một chủ chăn nhân lành, đơn sơ nhưng can đảm, hiền hòa những đầy sáng kiến, nổi bật nhất là quyết định triệu tập Công Đồng chung Vatican II. ĐGH Gioan 23 qua đời chiều ngày 03.06.1963. Ngài được Đức Gioan Phaolo 2 tôn phong chân phước ngày 03.09 năm tháng 2000 tại quảng trường Thánh Phêrô.

– Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2

Karol Jozef Wojtyla sinh ngày 18.05.1920 tại Wadowice bên Ba Lan. Tuổi thơ của Karol mang nhiều tang tóc. Bà mẹ Emilia qua đời năm 1929, Karol vừa lên 9 tuổi, Năm 1932, đến lượt người anh trai bác sĩ Edmund và năm 1941, Karol mồ côi cha. Năm lên 9 tuổi, Karol được rước lễ lần đầu và lãnh bí tích thêm sức năm 18 tuổi. Năm 1938, sau khi hoàn tất bậc trung học tại Wadowice, Karol ghi danh vào trường đại học Jagellonica tại Cracovia. Năm sau 1939, quân Đức quốc xã xâm lăng đóng cửa các trường đạo học Ba Lan. Karol phải đi làm công nhân trong một xưởng đẽo đá rồi trong hãng hóa học Solvay để sống và để tránh khỏi bị lưu đày sang Đức. Đồng thời Karol cũng phát triển tài năng kịch nghệ bẩm sinh. Giữa bao nhiêu khó khăn cấm cản của quê hương Ba Lan bị quân Đức chiếm đóng, Karol khám phá ra ơn gọi tu trì và quyết định xin theo các khóa huấn luyện đào tạo linh mục lén lút tại Cracovia, do ĐTGM Adam Stefan Sapieha điều động.

Chiến tranh chấm dứt, thầy Karol tiếp tục việc học tại đại chủng viện Cracovia và tại phân khoa thần học đại học Jagellonica cho đến khi thụ phong linh mục ngày 01.11.1946. Sau đó cha được gửi sang Roma tiếp tục học tiến sĩ thần học. Năm 1948, cha trở về quê hương làm phụ tá trong các giáo xứ phụ cận Cracovia, linh hướng sinh viên, giảng dạy các bộ môn thần học luân lý đạo đức tại đại chủng viện Cracovia và tại phân khoa thần học Lublino. Tháng 7 năm 1958, ĐGH Pio XII chỉ định cha làm GM phụ tá Cracovia. Tháng giêng năm 1964, Đức Cha Wojtyla được ĐTC Phaolo VI chỉ định làm TGM Cracovia và 3 năm sau đó, 1967, nâng lên hàng HY. ĐC tham gia các hoạt động của Công đồng chung Vatican 2, cộng tác vào việc soạn thảo hiến chế Vui Mừng và hy vọng. Khuôn mặt và hoạt động của ĐC nổi bật lên trong môi trường Giáo hội Ba Lan đang nằm trong kềm kẹp của xã hội cộng sản bấy giờ.

Ngày 16.10.1978, ĐHY Wojtyla được HY đoàn bầu lên làm Giáo Hoàng với tên hiệu là Gioan Phaolo 2 và chính thức nhậm chức ngày 22 tháng 10 sau đó. Ngày 13.05.1981, ĐGH Gioan Phaolo 2 đã bị mưu sát nhưng thoát chết nhờ bàn tay che chở của hiền mẫu Maria. Ngài đã tha thứ cho kẻ mưu sát mình và ý thức là đã được ban cho một cuộc sống mới, người đã miệt mài hoạt đông phục vụ không biết mỏi mệt. Chưa có vị Giáo Hoàng nào đã viếng thăm gặp gỡ với tín hữu nhiều như Đức Gioan Phaolo 2. Ngài qua đời lúc 21 giờ 37 ngày 02.04.2005 tại dinh tông tòa trong nội thành Vatican. Lễ phong chân phước cho Đức Gioan Phaolo 2 đã được vị kế nhiệm là ĐGH Benedetto XVI, từng là cộng sự viên của ngài trong nhiều năm trời, chủ sự tại quảng trường thánh Phêrô ngày 01.05.2011.

Thánh Lễ

Lúc quá 9 giờ 30, Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 tiến vào địa điểm hành lễ, giữa tiếng vỗ tay chào mừng của mọi người. Ngài ngồi ở ghế đầu dành cho các Hồng Y, phía sau đã có 700 GM trong phẩm phục đồng tế ngồi sẵn.

Các tín hữu cũng cảm động vỗ tay như vậy khi tổng thống Italia, ông Giorgio Napolitano, và phu nhân đến chào ngài, khi đến khu vực dành cho các vị nguyên thủ quốc gia.

10 giờ kém 5 phút, trong khi ca đoàn và mọi người hát kinh cầu các thánh, đoàn 150 Hồng Y đồng tế bắt đầu tiến từ bên trong đền thờ Thánh Phêrô tiến ra lễ đài, đi trước là các vị Thượng Phụ và TGM trưởng của các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương. Đi sau cùng là ĐTC Phanxicô. Ngài xông hương bàn thờ xong và tiến lại chào vị tiền nhiệm Biển Đức 16 của ngài, trước khi tiến đến bái kính tượng Đức Mẹ và đến ngai tòa.

Nghi thức phong hiển thánh bắt đầu với 3 lần ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, nhân danh toàn thể Giáo Hội xin ĐTC ghi tên hai chân phước Gioan 23 và Gioan Phaolô 2 vào Sổ Bộ các thánh. Sau lời thỉnh cầu thứ I, ĐTC mời gọi toàn thể các tín hữu cầu xin Thiên Chúa toàn năng nhờ Đức Giêsu Kitô, Đức Trinh Nữ Maria và các thánh, nâng đỡ chúng ta bằng ơn thánh điều mà chúng ta sắp thực hiện. Sau lời thỉnh cầu thứ hai, ĐTC mời gọi cộng đoàn hát kinh Cầu Xin Chúa Thánh Linh. Sau lời xin thứ 3 của ĐHY Tổng trưởng Bộ Phong thánh, ĐTC đã tuyên đọc công thức phong thánh:

”Để tôn vinh Chúa Ba Ngôi cực thánh, để tuyên dương đức tin Công Giáo và tăng tiến đời sống Kitô, với quyền bính của Chúa Giêsu Kitô, của các thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô và của Chúng Tôi, sau khi suy nghĩ chín chắn, nhiều lần khẩn cầu ơn phù trợ của Chúa và lắng nghe ý kiến của nhiều anh em chúng tôi trong hàng Giám Mục, chúng tôi tuyên bố và xác định Chân Phước Gioan 23 và Gioan Phaolô 2 là Hiển Thánh, và chúng tôi ghi tên các ngài vào sổ bộ các Thánh và qui định rằng trong toàn thể Giáo Hội, các Ngài được được tôn kính với lòng sùng mộ nơi Các Thánh. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần

ĐTC vừa dứt lời, cộng đoàn vỗ tay nồng nhiệt và ca đoàn cùng cộng đoàn ca bài Jubilate Deo (Hãy tung hô Chúa, hãy hát mừng Chúa), trong khi đó, thánh tích của hai vị tân hiển thánh được rước lên cho ĐTC hôn kính trước khi đặt trên một giá nhỏ phía trước bàn thờ. Thánh tích của Đức Gioan 23 là một mảnh da của Người, và của Đức Gioan Phaolô 2 là một ống nhỏ đựng máu của thánh nhân.

Trong bài giảng sau bài đọc Tin Mừng bằng tiếng la tinh và hy lạp, ĐTC đã diễn giải bài Tin Mừng về việc Thánh Tôma tông đồ được Chúa Giêsu Phục Sinh mời gọi động chạm đến những vế thương để tin và đừng cứng lòng nữa. ĐTC nói đến lòng can đảm của hai vị thánh Giáo Hoàng không hổ thẹn về những vết thương của Chúa, ngoan ngoãn tuân theo Chúa Thánh Linh trong việc hướng dẫn Dân Chúa, và ĐTC đặc biệt cầu xin Đức Gioan Phaolô 2, vị Giáo Hoàng của gia đình, hướng dẫn hành trình của Thượng Hội đồng GM về gia đình.

Toàn văn bài giảng của ĐTC

”Nơi trọng tâm chúa nhật kết thúc Tuần Bát Nhật Phục Sinh này, mà Đức Gioan Phaolô 2 đã muốn gọi là Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa, có những vết thương vinh hiển của Chúa Giêsu Phục sinh.

”Chúa đã tỏ các vết thương ấy lần đầu tiên khi Ngài hiện ra với các Tông Đồ, chính buổi chiều tối ngày sau ngày sabát, ngày Phục sinh, nhưng chiều tối hôm ấy không có tông đồ Tôma; và khi nhưng vị khác kể lại với ông là đã thấy Chúa, ông trả lời là sẽ không tin nếu không nhìn thấy và động chạm đến các vết thương của Ngài. 8 ngày sau, Chúa Giêsu lại hiện ra tại Nhà Tiệc Ly, giữa các môn đệ, và có cả Tôma; Ngài ngỏ lời với ông và mời ông chạm đến các vết thương của Ngài. Bấy giờ con người chân thành ấy, con người quen đích thân kiểm chứng, liền quỳ xuống trước Chúa Giêsu và thưa: ”Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,28).

”Những vết thương của Chúa Giêsu là cớ vấp phạm đối với đức tin, nhưng chúng cũng là điều kiểm chứng niềm tin. Vì thế nơi thân thể của Chúa Kitô Phục Sinh, những vết thương ấy không biến mất, nhưng tồn tại, vì những vết thương ấy là dấu chỉ trường tồn về tình thương của Thiên Chúa đối với chúng ta, và chúng không thể thiếu được để tin nơi Thiên Chúa. Không phải để tin Thiên Chúa hiện hữu, nhưng để tin rằng Thiên Chúa là tình thương, là lòng từ bi, trung tín. Thánh Phêrô, nhắc lại Ngôn sứ Isaia, đã viết cho các tín hữu Kitô: ”Từ những vết thương của Người, anh chị em được chữa lành” (1 Pr 2,24; Xc Is 53,5).

”Đức Gioan 23 và Gioan Phaolô 2 đã can đảm nhìn những vết thương của Chúa Giêsu, động chạm đến những bàn tay bị thương và cạnh sườn của Chúa bị đâm thâu qua. Các vị đã không hổ thẹn vì thân thể của Chúa Kitô, không vấp phạm về Chúa, về thập giá của Ngài Is 58,7); không hổ thẹn vì thân mình của người anh em (Xc 58,7), vì nơi mỗi người đau khổ, các vị nhìn thấy Chúa Giêsu. Hai vị là những người can đảm, đầy ơn táo bạo (parresía) của Chúa Thánh Linh, và đã làm chứng cho Giáo Hội và thế giới về lòng từ nhân của Thiên Chúa, về lòng từ bi của Chúa. Các vị đã là những linh mục, giám mục và giáo hoàng của thế kỷ 20. Các vị đã sống những thảm trạng, nhưng không để chúng lướt thắng. Nơi các vị, Thiên Chúa mạnh mẽ hơn; niềm tin nơi Chúa Giêsu Đấng Cứu Chuộc con người và là Chúa tể của lịch sử mạnh mẽ hơn; nơi các vị sự gần gũi từ mẫu của Mẹ Maria mạnh mẽ hơn. Nơi hai vị là những người chiêm ngắm các vết thương của Chúa Kitô và là chứng nhân về lòng từ bi của Chúa có một ”niềm hy vọng sinh động”, cùng với một ”niềm vui khôn tả và vinh hiển” (1 Pr 1,3.8). Niềm hy vọng và niềm vui mà Chúa Kitô phục sinh ban cho các môn đệ của Ngài, và không ai và không gì có thể làm cho họ bị thiếu những hồng ân ấy. Niềm hy vọng và niềm vui phục sinh, được thanh luyện qua cái lò từ bỏ, loại trừ sự gần gũi tội lỗi cho đến tột cùng, đến độ cảm thấy buồn nôn vì chén đắng. Đó chính là niềm hy vọng và niềm vui mà hai vị Thánh Giáo Hoàng đã lãnh nhận như hồng ân từ Chúa phục sinh và tiếp đến, các vị đã trao tặng dồi dào cho Dân Chúa, và được lòng biết ơn đời đời của họ.

”Niềm hy vọng và niềm vui này được cảm nghiệm trong cộng đoàn đầu tiên của các tín hữu ở Jerusalem, như sách Tông đồ công vụ kể lại (Xc 2,42-47). Đó là một cộng đoàn trong đó nòng cốt của Tin Mừng được sống thực, nghĩa là tình thương, lòng từ bi, trong đơn sơ và huynh đệ.

”Và đó là hình ảnh Giáo Hội mà Công đồng chung Vatican 2 đã có trước mắt. Đức Gioan 23 và Gioan Phaolô 2 đã cộng tác với Chúa Thánh Linh để phục hồi và canh tân Giáo Hội theo dạng thức nguyên thủy, dạng thức mà các thánh qua các thế kỷ đã mang lại cho Giáo Hội. Chúng ta đừng quên rằng chính các thánh đã làm cho Giáo Hội tiến bước và tăng trưởng. Trong việc triệu tập Công đồng chung Vatian 2, Đức Gioan 23 đã chứng tỏ một thái độ ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Linh, đã để cho Chúa hướng dẫn, và đối với Giáo Hội, Người là một vị mục tử đối với Hội Thánh, một vị hướng đạo được hướng dẫn. Đó chính là một sự phục vụ cao cả Người dành cho Giáo Hội; Người là một vị Giáo Hoàng ngoan ngoãn tuân theo Chúa Thánh Linh.

”Trong việc phục vụ Dân Chúa, Đức Gioan Phaolô 2 là vị Giáo Hoàng của gia đình. Chính Người đã có lần nói là muốn được nhắc nhớ đến như vị Giáo Hoàng của gia đình. Tôi vui lòng nhấn mạnh điều đó trong lúc chúng ta đang sống hành trình Thượng HĐGM về gia đình và với các gia đình, một hành trình mà từ trời cao, chắc chắn Người đang tháp tùng và hỗ trợ. xin cả hai vị tân Hiển Thánh Mục Tử của Dân Chúa chuyển cầu cho Giáo Hội, để trong hai năm hành trình Thượng HĐGM này, Giáo hội ngoan ngoãn tuân theo chỉ dạy của Chúa Thánh Linh trong việc phục vụ mục vụ gia đình. Xin cả hai thánh nhân dạy chúng ta đừng coi các vết thương của Chúa Kitô như cớ vấp phạm, tập trung vào mầu nhiệm từ bi của Chúa, luôn hy vọng, luôn tha thứ, luôn yêu thương”.

Lời nguyện phổ quát và chào thăm

Trong phần lời nguyện phổ quát bằng 5 thứ tiếng Tây Ban Nha, Arập, Anh, Hoa, và Pháp, cộng đoàn đã cầu xin Chúa cho vẻ đẹp của đời sống mới luôn rạng ngời trong Giáo Hội và cho mỗi người nhận biết Chúa Giêsu Phục Sinh và hằng sống; cầu xin Chúa Cha đổ Thần Trí trên các tội nhân và những người lầm lạc trong tâm hồn và trong đêm tối được gặp Chúa Phục Sinh; cầu cho những người mới được tái sinh nhờ ơn thánh của các nhiệm tích Vượt Qua được Chúa giữ gìn trong sự thánh thiện và qua hoạt động của họ, mọi người thấy được công việc của Chúa Giêsu Phục Sinh và hằng sống. Ý nguyện thứ tư: nhờ lời chuyển cầu của Thánh Gioan 23, xin Chúa Cha lôi kéo tư tưởng và quyết định của các vị thủ lãnh các dân nước ra khỏi cái vòng oán thù và bạo lực, và để Chúa Giêsu Phục Sinh và hằng sống chiến thắng trong các quan hệ của con người với nhau. Sau cùng, nhờ lời chuyển cầu của thánh Gioan Phaolô 2, xin Chúa Cha luôn khơi lên nơi những người thuộc giới văn hóa, khoa học và chính quyền lòng say mê bênh vực phẩm giá con người và để Chúa Giêsu Phục Sinh và hằng sống được phụng sự nơi mỗi người.

Trong phần rước lễ, 70 phó tế đã mang Minh Máu Thánh đến cho các HY, GM đồng tế, trong khi 700 LM và phó tế khác phân phát Mình Thánh Chúa cho các tín hữu tại Quảng trường cũng như tại đường Hòa giải.

Cuối thánh lễ, ĐTC đã chủ sự phần đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng. Trong bài huấn dụ ngắn trước đó, ngài nồng nhiệt chào thăm và cám ơn các Hồng Y, đông đảo các GM và LM đến từ các nơi trên thế giới. Ngài cũng cám ơn các phái đoàn chính thức đến từ bao nhiêu nước, đến đây để tôn kính hai vị Giáo Hoàng đã góp phần không thể xóa nhòa cho chính nghĩa phát triển các dân tộc và hòa bình. Ngài không quên cám ơn chính quyền Italia về sự cộng tác quí giá, cũng như thân ái chào thăm các tín hữu thuộc giáo phận Bergamo và Cracovia nguyên quán của hai vị Giáo Hoàng và tất cả các tín hữu tham dự trực tiếp hoặc qua các phương tiện truyền thống thánh lễ phong thánh này.

Thánh lễ kéo dài 2 giờ 10 phút và kết thúc lúc 12 giờ 10. ĐTC đặc biệt chào thăm Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 trước khi chào các vị trưởng phái đoàn của các nước.

G. Trần Đức Anh OP, Mai Anh

Hơn 40 ngàn người tham dự Đàng Thánh Giá trọng thể với Đức Thánh Cha

Hơn 40 ngàn người tham dự Đàng Thánh Giá trọng thể với Đức Thánh Cha

VATICAN. Lúc 9 giờ 15 phút tối thứ sáu tuần thánh, 18-4-2014, ĐTC Phanxicô đã chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hý trường Colosseo ở Roma với sự tham dự của hơn 40 ngàn người.

Nghi thức này được hơn 50 đài truyền hình trên thế giới truyền đi trên hệ thống Mondovisione. Chính quyền thành Roma đã bố trí một số màn hình khổng lồ tại khu vực Colosseo và trên đường Fori Imperiali để các tín hữu ở xa có thể theo dõi buổi lễ.

ĐHY Agostino Vallini, Giám quản Roma đã vác Thánh Giá chặng đầu tiên và chặng thứ 14 của Đàng Thánh Giá. Những người vác thập giá tại các chặng còn lại lần lượt các tín hữu khác, bắt đầu là một chủ xí nghiệp và một công nhân, 2 người ngoại quốc, hai người thuộc cộng đoàn cai nghiện, hai người vô gia cư, một gia đình, hai phụ nữ, hai bệnh nhân, ba trẻ em, hai người già, hai tu sĩ dòng Phanxicô từ Thánh Địa, hai nữ tu.

Các bài suy niệm trong Đàng thánh giá năm nay do Đức Cha Giancarlo Bregantini, TGM giáo phận Campobasso ở miền nam Italia biên soạn. Năm nay ngài 66 tuổi (1948), thuộc dòng các dấu thánh Chúa Giêsu (CSS) và nổi tiếng về lập trường quyết liệt chống các tổ chức bất lương mafia. Ngài nguyên là một công nhân trước đi đi tu và thụ phong LM năm 1978, rồi làm tuyên úy nhà tù lâu năm.

Qua 14 chặng đàng thánh giá, Đức TGM Brigantini đề nghị một suy tư về những đề tài khác nhau liên quan đến thực tại ngày nay, chính trị bế tắc, khủng hoảng kinh tế, nạn nghiện ngập ma túy và rượu, nạn tra tấn, lòng ích kỷ, sợ hãi và thất vọng vì những thất bại, nạn cho vay lãi quá cao. Đức TGM cũng nhắc đến thảm trạng những người tị nạn, và di dân và bao nhiêu người bị ung thư bì các chất độc phế thải chôn trong lòng đất; tình trạng các nhà tù đông nghẹt, nạn bàn giấy và nền tư pháp chậm như rùa, nạn tra tấn ở nhiều nơi trên thế giới, nạn bạo hành chống phụ nữ.

Tuy nhiên, các bài suy niệm của Đức TGM Brigantini cũng nhấn mạnh rằng Thiên Chúa đứng về phía những người bị tổn thương và bị lạm dụng, Chúa Kitô chịu treo trên thập giá để cứu chuộc mọi tội nhân.

Trong lời kết thúc buổi đi Đàng Thánh Giá, ĐTC khẳng định rằng: ”Sự ác không có tiếng nói cuối cùng, nhưng là tình thương, lòng từ bi và tha thứ.. Thiên Chúa đã đặt trên thập giá của Chúa Giêsu tất cả gánh nặng của tội lỗi chúng ta, tất cả những bất công do mỗi Cain gây ra chống lại em mình, tất cả sự cay đắng do sự phản bội của Giuđa và Phêrô, tất cả sự kiêu kỳ của những kẻ cường quyền, tất cả sự kiêu hãnh của những bạn bè giả dối. Đó là một thập giá nặng nề, như đêm khuya của những người bị bỏ rơi, nặng nề như cái chết của những người thân yêu, thập giá ấy nặng nề vì gồm tóm trọn vẹn sự xấu xa của điều ác”.

”Nhưng đó cũng là một Thánh Giá vinh hiển như bình minh sau một đêm dài, vì tượng trưng tất cả tình yêu của Thiên Chúa lớn hơn những gian ác và phản bội của chúng ta. Trong Thánh Giá, chúng ta thấy sự quái đản của con người, khi họ để cho sự ác hướng dẫn; nhưng chúng ta cũng thấy lòng từ bi vô biên của Thiên Chúa, Đấng không đối xử với chúng ta theo tội lỗi của ta, nhưng theo lượng từ bi của Ngài. Đứng trước Thánh Giá Chúa Giêsu, chúng ta nhìn thấy, hầu như chạm thấy sự kiện chúng ta được yêu thương dường nào; đứng trước Thánh Giá, chúng ta cảm thấy mình là ”con cái” chứ không phải là những ”đồ vật” hoặc đối tượng, như thánh Grerogio Nazianzeno đã quả quyết khi thân thưa với Chúa Kitô qua lời kinh này: ”Lạy Chúa Kitô của con, giả sử không có Chúa, thì con sẽ cảm thấy mình là thụ tạo tàn lụi rồi. Con sinh ra và cảm thấy tiêu tán. Con ăn, ngủ, nghỉ và bước đi, con ngã bệnh và khỏi bệnh. Bao nhiêu ham hố và hành hạ vậy bủa tấn công con, con chết và thân xác trở thành tro bụi như xác thú vật, chúng không có tội. Nhưng con có gì hơn chúng? Chẳng có gì hơn, nếu không có Chúa. Lạy Chúa Kitô của con, giả sử không có Chía, thì con sẽ cảm thấy mình là thụ tạo tiêu đời rồi”.

ĐTC nói tiếp: ”Lạy Chúa Giêsu của chúng con, xin hướng dẫn chúng con từ Thánh Giá đến phục sinh, xin dạy chúng con rằng sự ác không có tiếng nói cuối cùng, nhưng chính là tình thương, lòng từ bi và tha thứ. Lạy Chúa Kitô, xin giúp chúng con tái thốt lên: ”Hôm qua tôi đã bị đóng đinh cùng với Chúa Kitô; hôm nay tôi được vinh hiển với Ngài. Hôm qua tôi đã chết với Ngài, hôm nay tôi sống với Ngài. Hôm qua tôi đã bị chôn táng với Ngài, hôm nay tôi sống lại với Ngài. Sau cùng, tất cả chúng ta cùng nhớ đến các bệnh nhân, nhớ đến tất cả những người bị bỏ rơi dưới gánh nặng của thập giá, để họ tìm được trong thử thách của thập giá sức mạnh của hy vọng, niềm hy vọng phục sinh và tình thương của Thiên Chúa”.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Suy niệm đàng Thánh Giá của Đức Thánh Cha Phanxicô tại hý trường Colosseo: 18-4-2014

Suy niệm đàng Thánh Giá của Đức Thánh Cha Phanxicô tại hý trường Colosseo: 18-4-2014

ROMA. Giống như năm ngoái và theo vết các vị tiền nhiệm, lúc quá 9 giờ tối thứ sáu Tuần Thánh 18-4-2014, ĐTC Phanxicô sẽ chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại Hý trường Colosseo ở Roma, nơi đã có nhiều tín hữu Kitô chịu khổ hình vì đức tin.

Tham dự buổi Buổi đi đàng thánh giá này sẽ có hàng chục ngàn tín hữu hiện diện không kể hàng trăm triệu khán thính giả trên thế giới tham dự qua truyền hình.

Bài suy niệm cho buổi đi đàng thánh giá năm nay do Đức Cha Giancarlo Bregantini, TGM giáo phận Campobasso ở miền nam Italia biên soạn. Năm nay ngài 66 tuổi (1948), thuộc dòng các dấu thánh Chúa Giêsu (CSS) và nổi tiếng về lập trường quyết liệt chống các tổ chức bất lương mafia. Qua 14 chặng đàng thánh giá, Đức TGM Brigantini đề nghị một suy tư về những đề tài khác nhau liên quan đến thực tại ngày nay, đặc biệt là ở miền nam Italia, với cuộc khủng hoảng kinh tế kéo theo những hậu quả trầm trọng về mặt xã hội, như nạn thất nghiệp, cho vay ăn lời ”cắt cổ”. Đức TGM cũng nhắc đến thảm trạng những người tị nạn, ma túy, rượu chè, và bao nhiêu người bị ung thư bì các chất độc phế thải chôn trong lòng đất; tình trạng các nhà tù đông nghẹt, nạn bàn giấy và nền tư pháp chậm như rùa, nạn tra tấn ở nhiều nơi trên thế giới, nạn bạo hành chống phụ nữ.Sau đây là bản dịch bài suy niệm của Đức TGM Brigantin do Đức Anh OP (1-6), Mai Anh (7-10) và Hoàng Nam SJ (11-14)

Chặng thứ I: Chỉ tay lên kết án

”Philatô lại nói với họ, vì ông muốn tha Chúa Giêsu. Nhưng họ lại gào to lên: ”Đóng đinh nó vào thập giá!”. Và lần thứ ba ông nói với họ: ”Nhưng người này có làm gì gian ác đâu? Tôi không thấy nơi ông ta có điều gì làm cho ông đáng chết. Vậy tôi sẽ trừng phạt rồi tha cho ông ta”. Nhưng đám ông lại gào lớn tiếng hơn, đòi đóng đanh Chúa; và tiếng gào của họ ngày càng mạnh. Bấy giờ Philatô quyết định làm theo lời họ yêu cầu. Ông tha cho người đã bị tống ngục vì nổi loạn và giết người, như dân chúng đòi hỏi, và ông giao nộp Chúa Giêsu theo ý muốn của họ” (Lc 23,20-25)

Một quan Philato sợ hãi không tìm kiếm sự thật, chỉ tay lên án và tiếng kêu gào ngày càng lớn của đám đông dữ tợn, đó là những bước đầu tiên trong cái chết của Chúa Giêsu. Ngài vô tội như con chiên, máu Ngài cứu chuộc dân. Đức Giêsu ấy đã đi qua giữa chúng ta, chữa lành và chúc phúc, giờ đây Ngài bị kết án tử hình. Chẳng có lời biết ơn nào từ phía đám đông, trái lại họ chọn Baraba. Đối với quan Philatô, sự kiện này làm ông lúng túng. Ông đổ lỗi cho đám đông và rửa tay, nhưng đồng thời ông tiếp tục bám chặt vào quyền hành. Ông giao nạp Chúa Giêsu để họ đóng đanh Ngài! Ông không muốn biết gì về Ngài. Đối với ông, vụ này như vậy là xong rồi!

Sự vội vã kết án Chúa Giêsu như thế dựa trên những lời cáo buộc dễ dàng, những phán đoán hời hợt nơi dân chúng, những điều ám chỉ và những thành kiến khép kín con tim và trở thành một thứ văn hóa kỳ thị chủng tộc, loại trừ và ”gạt bỏ”, với những lá thư nặc danh và những lời vu khống kinh khủng. Những người vừa bị tố cáo, thì tức khắc bị đăng trên những trang nhất; nhưng khi họ được trả tự do, thì tin đó đăng ở phần cuối cùng!

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có biết đạt tới một lương tâm ngay thẳng và trách nhiệm, trong sáng, không bao giờ quay lưng lại với với người vô tội, nhưng can đảm liên kết để bênh vực người yếu thế, chống lại bất công và bảo vệ ở mọi người sự thật bị chà đạp hay không?

Chặng thứ II: Thập giá nặng nề của cuộc khủng hoảng

”Chúa Giêsu đã mang tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài, trên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội lỗi, chúng ta sống cuộc đời công chính; chúng ta được chữa lành nhờ những vết thương của Ngài. Trước kia anh em lang thang như những chiên lạc, nhưng nay anh em được quay trở về với vị Mục Tử và là Đấng canh giữ linh hồn anh em” (1 Pr 2,24-25).

Cây thập giá ấy đè nặng, vì trên đó Chúa Giêsu vác cả tội lỗi của tất cả chúng ta, Ngài lảo đảo bước đi dưới gánh nặng ấy, gánh nặng quá lớn đối với một người đơn độc (Ga 19,17). Đó cũng là gánh nặng của tất cả những bất công tạo nên cuộc khủng hoảng kinh tế, với những hậu quả nặng nề về mặt xã hội: công ăn việc làm bấp bênh, thất nghiệp, sa thải, tiền bạc cai trị thay vì phục vụ, nạn đầu cơ tài chánh, những vụ tự tử của các chủ xí nghiệp, nạn tham nhũng và cho vay ăn lãi cao, nhiều xí nghiệp di chuyển sang nước khác.

Đó là thập giá nặng nề của giới lao động, bất công đè trên vai công nhân. Chúa Giêsu vác lấy thánh giá trên vai và dạy chúng ta đừng sống trong bất công nữa, nhưng với ơn Chúa, chúng ta có khả năng kiến tạo những nhịp cầu liên đới và hy vọng, để không là những con chiên lang thang hay lưu lạc trong cuộc khủng hoảng này.
Vì thế, chúng ta hãy trở về cùng Chúa Kitô, vị Mục Tử và là Đấng canh giữ linh hồn chúng ta. Chúng ta cùng nhau tranh đấu cho công ăn việc làm của nhau, chiến thắng sợ hãi và lẻ loi, phục hồi sự tín nhiệm đối với chính trị và cùng nhau tìm cách khắc phục các vấn đề.

Như thế thập giá sẽ nhẹ nhàng hơn, nếu ta cùng vác với Chúa Giêsu và tất cả cùng nâng thập giá lên, vì từ những vết thương của Chúa – chúng ta được chữa lành (Xc 1 Pr 2,24)

Chặng thứ III: Sự mong manh làm cho chúng ta cởi mở đón tiếp

”Người đã mang lấy những đau khổ của chúng ta, đã gánh chịu những đớn đau của chúng ta; mà chúng ta lại nghĩ Người bị phạt, bị Thiên Chúa đánh đập và hạ nhục. Người đã bị đâm thấu qua vì tội lỗi chúng ta, bị đè bẹp vì những bất chính của chúng ta. Hình phạt mang lại ơn cứu độ cho chúng ta đã giáng xuống trên Người” (Is 53,4-5).
Đó là một Đức Giêsu yếu đuối, mong manh, rất con người, vị mà chúng ta kinh ngạc chiêm ngắm trong chặng rất đau thương này. Nhưng chính cái ngã của Chúa, trên đất bụi, càng tỏ lộ tình thương vô biên của Ngài. Ngài bị đám đông chen lấn, bị điếc tai vì những tiếng la của binh sĩ, bị sưng phồng vì những vết thương đánh đòn, đầy cay đắng trong nội tâm vì sự vô ơn vô biên của loài người. Ngài ngã xuống đất! Nhưng trong lần ngã này, trong sự chiều theo sức mạnh và vất vả, Chúa Giêsu một lần nữa trở thành Thầy dạy Sự Sống. Ngài dạy chúng ta chấp nhận sự dòn mỏng yếu đuối của mình, đừng nản chí vì những thất bại của chúng ta, hãy chân thành nhìn nhận những giới hạn của mình. Thánh Phaolô đã nói: ”Trong tôi có ước muốn làm điều thiện nhưng tôi lại không có khả năng thực hiện ước muốn ấy” (Rm 7,18). Với sức mạnh nội tâm đến từ Chúa Cha, Chúa Giêsu giúp chúng ta đón nhận sự mong manh của người khác; không vùi dập người bị ngã, không dửng dưng đối với sa ngã. Và Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để không khép kín đối với người gõ cửa nhà chúng ta, xin tị nạn, xin phẩm giá và tổ quốc. Ý thức về sự mong manh của chúng ta, chúng ta sẽ đón nhận nơi mình sự mong manh của những người di dân, để họ tìm được an ninh và hy vọng.

Thực vậy, chính trong nước dơ nơi chậu nước của nhà Tiệc Ly, nghĩa là trong sự dòn mỏng yếu đuối của chúng ta, có phản ánh khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa chúng ta! Vì thế, ”thần khí nào tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng đã đến và trở nên người phàm, thì thần khí ấy bởi Thiên Chúa” (1 Ga 4,2)

Chặng thứ IV: Những giọt lệ liên đới

”Ông Simeon chúc phúc cho hai ông bà và nói với Maria, Mẹ Ngài: 'Này đây, Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cơ cho nhiều người ở Israel vấp ngã hay được chỗi dậy và về phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu qua tâm hồn Bà' (Lc 2,34-35). ”Anh chị em hãy khóc với người khóc. Hãy có cùng những tâm tình như vậy đối với nhau' (Rm 12,15-16)

Cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với Mẹ Ngài đầy xúc động và nước mắt, qua đó có biểu lộ sức mạnh vô địch của tình mẫu tử vượt lên trên mọi chướng ngại và biết mở mọi con đường. Nhưng cái nhìn liên đới của Mẹ Maria càng sinh động hơn nữa, cái nhìn chia sẻ và mang lại sức mạnh cho Chúa Con. Và như thế, tâm hồn chúng ta đầy kinh ngạc khi chiêm ngắm sự cao cả của Mẹ Maria, khi Mẹ là thụ tạo, trở nên gần gũi với Thiên Chúa của Mẹ và là Chúa của Mẹ.

Mẹ gồm tóm tất cả mọi nước mắt của các bà mẹ đối với những người con xa xăm, đối với những người trẻ bị kết án tử hình, bị giết hại hoặc ra chiến trường, nhất là những binh sĩ trẻ em. Chúng ta nghe thấy tiếng than xé lòng của những bà mẹ đối với con, đang sinh thì vì những thứ bệnh ung thư do việc đốt những đồ phế thải độc hại gây ra.
Những dòng lệ cay đắng dường nào! Chia sẻ liên đới với những người con đang hấp hối! Những bà mẹ canh thức đêm khuya dưới ngọn đèn sáng, hồi hộp vì những người trẻ đang bị tình trạng bấp bênh đè bẹp hoặc bị ma túy và rượu nuốt chửng, nhất là những đêm thứ bẩy!

Quanh Mẹ Maria, chúng ta sẽ không bao giờ là một dân tộc mồ côi! Không bao giờ bị lãng quên. Như thánh Juan Diego, Mẹ Maria cũng mơn trớn và an ủi chúng ta như những người con và nói với chúng ta: ”Tâm hồn các con đừng xao xuyến.. Mẹ là mẹ con, chẳng ở đây sao?” (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm. 286).

Chặng thứ V: Bàn tay thân hữu nâng đ

”Họ bắt một người đi qua đường vác đỡ thập giá cho Người. Ông tên là Simon người xứ Xirênê, thân phụ của Alessandro và Rufo” (Mc 15,21)

Tình cờ, ông Simon Xirênê đi qua đó. Nhưng sự kiện này trở thành một cuộc gặp gỡ quyết định trong cuộc đời của ông. Ông từ ngoài đồng trở về. Một người lam lũ và khỏe mạnh. Vì thế, ông bị buộc bác thập giá của Chúa Giêsu, người bị kết án tử hình ô nhục (Xc Pl 2,,8). Nhưng từ sự tình cờ, cuộc gặp gỡ ấy sẽ biến thành một cuộc đi theo Chúa Giêsu một cách quyết liệt và sinh tử, mang thập giá mỗi ngày, từ bỏ chính mình (Xc Mt 16,24-25). Thực vậy, ông Simon được thánh Marcô nhắc đến như thân phụ của hai tín hữu Kitô được biết đến trong cộng đoàn Roma là Alessandro và Rufo. Một người cha chắc chắn đã in dấu trong tâm hồn các con sức mạnh của thập giá Chúa Giêsu. Vì nếu bạn giữ sự sống chặt quá, thì nó sẽ mốc meo và khô lại. Nhưng nếu bạn trao tặng, thì sự sống sẽ tươi nở và sinh đầy bông hạt cho bạn và cho toàn thể cộng đoàn!

Đây chính là bí quyết thực sự chữa trị tính ích kỷ vẫn luôn rình mò chúng ta. Tương quan với người khác chữa lành chúng ta và sinh ra tình huynh đệ huyền nhiệm, chiêm niệm, biết nhìn đến sự cao cả thánh thiêng của tha nhân, biết khám phá Thiên Chúa trong mọi người, biết chịu đựng những phiền toái trong cuộc sống, bám chặt vào tình yêu của Thiên Chúa. Chỉ khi nào mở rộng con tim cho tình yêu Chúa, ta mới được thúc đẩy tìm kiếm hạnh phúc cho tha nhân qua bao nhiêu cử chỉ thiện nguyện: một đêm ở nhà thương, cho mượn mà không đòi lãi cao, một dòng nước mắt được lau khô trong gia đình, sự nhưng không chân thành, sử dụng công ích một cách sáng suốt, chia sẻ cơm bánh và công ăn việc làm, vượt thắng mọi hình thức ghen tương.

Chặng thứ VI: Bà Vêrônica lau mặt Chúa Giêsu

”Tim con lập lại lời mời của Chúa: Hãy tìm kiếm nhan thánh Ta!”. Lạy Chúa, con tìm thánh nhan Ngài. Xin Ngài đừng ẩn mặt, đừng giận mà ruồng rẫy tôi tớ Ngài. Chúa là Đấng phù trợ con, xin đừng bỏ con, đừng xua đuổi con, lạy Thiên Chúa Đấng cứu độ con” (Tv 27,8-9).

Chúa Giêsu lê lết bước đi, thở hổn hển. Nhưng ánh sáng trên khuôn mặt Ngài vẫn nguyên vẹn. Những vết khạc nhổ không làm lu mờ ánh sáng. Những cái tát không làm cho ánh sáng trên mặt Ngài bị tắt lịm. Khuôn mặt Ngài như bụi gai cháy đỏ, khi càng bị xúc phạm,. thì càng chiếu tỏ ánh sáng cứu độ. Những dòng lệ âm thần chảy xuống từ đôi mắt của Thầy. Ngài mang gánh nặng của sự bị bỏ rơi. Nhưng Chúa Giêsu vẫn tiến bước, không dừng lại, không ngoái lại đàng sau. Ngài chịu đựng sự đè nén. Ngài bị giao động vì sự tàn ác, nhưng Ngài biết rằng cái chết của Ngài không phải là uổng công vô ích.

Bấy giờ Chúa Giêsu dừng lại trước một phụ nữ đến gặp Ngài không chút do dự. Đó là bà Veronia, hình ảnh đích thực sự dịu hiền của phụ nữ!

Ở đây Chúa là hiện thân nhu cầu của chúng ta mong được sự yêu thương nhưng không, cảm thấy được yêu mến và được bảo vệ nhờ những cử chỉ ân cần săn sóc. Những săn sóc an ủi của phụ nữ ấy thật quí giá đối với Chúa Giêsu và dường như cất đi những hành vi xúc phạm mà Ngài đã chịu trong những giờ tra tấn ấy. Bà Veronica đã đánh động được Chúa Giêsu dịu dàng, chạm đến được sự tinh trắng của Ngài, không những để thoa dịu nhưng còn để tham gia vào sự đau khổ của Ngài. Trong Chúa Giêsu, bà nhìn thấy mỗi người cần an ủi dịu dàng, để đi tới tiếng rên xiết đau thương của những người ngày nay không nhận được sự giúp đỡ và hơi ấm của sự tình người. Họ chết trong cô đơn.

Chặng thứ VII: Sự kinh hoàng của tù ngục và tra tấn

Chúng bủa vây tôi (..) Chúng bủa vây tôi như thể bầy ong, chúng như lửa bụi gai cháy bừng bừng, nhờ Danh Chúa tôi đã trừ diệt chúng. Chúng đã xô đẩy tôi, xô thật mạnh cho ngã, nhưng Chúa đã phù trợ thân này. Sửa phạt tôi, vâng Chúa sửa phạt tôi, nhưng không nỡ để tôi phải chết. (Tv 118, 11.12 – 13.18) Quả thật, trong Chúa Giêsu đã hiện thực những lời tiên tri cổ xưa về Người Đầy Tớ khiêm hạ và vâng phục, đã mang trên vai toàn bộ lịch sử thương đau của loài người chúng ta. Và như thế, Chúa Giêsu, bị xô đẩy thô bạo, té ngã vì mệt nhọc và hành hạ, bị bạo lực vây bủa tứ bề, không còn sức chịu đựng nữa. Ngày càng cô đơn hơn, càng chìm sâu trong đen tối hơn! Tan da nát thịt, xương cốt mỏi mòn!

Chúng ta nhận ra trong Người kinh nghiệm đắng cay của những tù nhân trong mọi ngục tù, với tất cả những trái ngược vô nhân của nó. Bị vây bủa, bị xô đẩy tàn bạo cho té ngã. Nhà tù ngày nay vẫn còn bị tránh xa, bị quên lãng, bị xã hội dân sự bỏ rơi. Có bao nhiêu điều phi lý của bộ máy hành chánh, có bao nhiêu chậm trễ của hệ thống tư pháp. Rồi thêm bản án đôi là sự quá tải: đây là một đau khổ trầm trọng hơn, một đàn áp bất công, làm hao mòn thịt xương. Một vài người, quá nhiều người, không thể chịu đựng nổi.. Và ngay cả khi một người anh chị em của chúng ta ra khỏi ngục tù, chúng ta vẫn xem họ là ”cựu tù nhân, và như thế, khép kín cánh cửa giúp họ tìm lại phẩm giá trước mặt xã hội và hội nhập thế giới lao động.. Nhưng trầm trọng hơn cả là hiện tượng tra tấn vẫn còn quá thịnh hành tại nhiều nơi trên trái đất, bằng mọi kiểu. Cũng như trong trường hợp Chúa Giêsu: Chính Người cũng đã bị đánh đập, bị bọn lính chế nhạo khinh dễ, tra tấn hành hạ với chiếc mão gai, roi đòn tàn nhẫn.

Ngày nay, chúng ta thấy đúng làm sao câu nói của Chúa Giê Su khi bị té ngã lần đó: Ta bị tù và các ngươi đã đến thăm Ta. (Mt 25,26) Trong mọi nhà tù, bên cạnh những người bị tra tấn, đều có Người, Đức Ki Tô đau khổ, bị giam tù và tra tấn. Chúng ta chỉ có thể cùng nhau đứng dậy, với sự đồng hành của các chuyên viên, được bàn tay huynh đệ của các nhân viên thiện nguyện hỗ trợ và được nâng đỡ bởi một xã hội dân sự biết ôm lấy cả mọi bất công bên trong những bức tường nhà giam.

Chặng thứ VIII: Chia sẻ chứ không thương hại.

Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu. (Lc 23, 28) Như những ngọn đuốc cháy sáng, có bao nhiêu khuôn mặt phụ nữ xuất hiện hai bên con đường khổ nạn. Những người nữ trung thành và can đảm, không sợ hãi vì bọn lính hay kích động vì những vết thương của Thầy nhân lành. Họ sẵn sàng gặp gỡ và ủi an Người. Chúa Giêsu đứng đó, trước mặt họ. Có những người chà đạp Chúa khi Người ngã gục mỏi mòn trên mặt đất. Nhưng các phụ nữ đứng đó, sẵn sàng dâng tặng Chúa nhịp đập nồng ấm của một con tim không thể kềm hãm được. Các bà đã đứng nhìn Người từ xa, nhưng rồi cố tiến đến gần, như mỗi người bạn, mỗi người anh chị em đều làm khi thấy người mình yêu đang gặp khó khăn.

Chúa Giêsu khích động vì tiếng khóc đắng cay của họ, nhưng mời gọi họ đừng tan nát con tim khi thấy Chúa bị hành hạ đọa đày, đừng khóc lóc thở than nhưng hãy trở thành những người có lòng Tin. Người kêu mời một niềm đau được chia sẻ chứ không muốn một lòng thương hại cằn cỗi và đẫm nước mắt. Không còn những than van khóc lóc, nhưng là khao khát tái sinh, nhìn thẳng về đàng trước, tiến bước với tràn đầy lòng Tin và hy vọng hướng về rạng đông chan hòa ánh sáng trên đầu những ai đang trên đường hướng về Chúa. Chúng ta hãy khóc cho chính mình nếu chúng ta còn chưa tin vào Đức Giêsu, Người đã loan báo với chúng ta Nước Trơi Cứu chuộc. Chúng ta hãy khóc cho những tội lỗi chưa xưng thú của chính chúng ta.

Và còn nữa, chúng ta hãy khóc cho những người nam chỉ biết trút mọi bạo lực chứa đựng trong lòng trên những phụ nữ. Chúng ta hãy khóc cho những phụ nữ nô lệ của sự sợ hãi và lạm dụng. Nhưng đấm ngực than van và thương hại thôi thì không đủ. Chúa Giêsu đòi hỏi nhiều hơn nữa. Người đòi hỏi phải trấn an các phụ nữ như Chúa đã làm, phải yêu thương họ như một món quà không thể xúc phạm đến của toàn thể nhân loại. (Một món quà) Để nuôi dạy con cái chúng ta, trong phẩm giá và trong hy vọng.

Chặng thứ IX: Chiến thắng sự luyến tiếc não nùng không tốt

Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? (…) Nhưng trong tất cả mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta (Rm 24, 35-37) Thánh Phaolô liệt kê những thử thách của mình, nhưng biết rõ là trước thánh nhân, Chúa Giêsu đã trải qua những thử thách ấy; trên đường lên Núi Sọ, Chúa đã té ngã một, rồi hai rồi ba lần. Tan nát bởi những hành hạ, bách hại, bởi gươm đao, bị gỗ thánh giá đè bẹp. Kiệt quệ! Dường như Chúa thốt lên, như chúng ta trong những lúc tối tăm u ám: Tôi không còn chịu nổi nữa! Đó là tiếng kêu của những kẻ bị đàn áp bách hại, của người hấp hối, của các bệnh nhân cuối đời, của những ai đang bị gánh nặng đè bẹp.

Nhưng trong Chúa Giêsu, cũng thể hiện rõ sức mạnh của Người: ”Có làm khổ, Người cũng xót thương. Chúa cho chúng ta thấy rằng trong đau khổ, luôn luôn có lòng Chúa xót thương, vượt lên trên mọi đau khổ và thấy trước được trong hy vọng. Cũng như là Chúa Cha khôn ngoan tỉa bớt những nhánh để cây sinh trái lành (Gv 15,8). Không bao giờ Người tỉa để chặt bỏ cây, nhưng để cây đơm hoa kết trái tốt lành hơn. Hay như một sản phụ sắp đến giờ sinh con: bà đau đớn, rên rỉ, quằn quại khi sinh. Nhưng bà biết rằng đó là những cơn đau của sự sống mới, của một mùa xuân nở đầy hoa chính nhờ việc tỉa cành ấy. Chiêm ngắm hình ảnh Chúa ngã gục, nhưng rồi lại chỗi dậy được, giúp chúng ta biết chiến thắng những khép kín mà sự sợ hãi tương lai đóng ấn trong con tim chúng ta, đặc biệt trong thời đại khủng hoảng ngày nay. Chúng ta sẽ chiến thắng được sự luyến tiếc quá khứ không tốt, sự thuận tiện của chủ nghĩa bất động, của ”trước giờ vẫn như vậy!Ể. Hình ảnh Chúa Giêsu loạng choạng và té ngã, nhưng rồi lại đứng dậy, đã trở thành sự chắc chắn của niềm hy vọng một khi được dưỡng nuôi bằng lời cầu nguyện liên lỉ, sẽ nảy sinh từ chính trong thử thách chứ không sau thử thách hoặc không có thử thách. Chúng ta toàn thắng, nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta

Chặng thứ X: Hiệp nhất và phẩm giá

Đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá xong, lính tráng lấy áo xống của Người chia làm 4 phần, mỗi người một phần, họ lấy cả áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới. Vậy họ nói với nhau: Đừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được. Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: ”Áo xống tôi, họ đem chia chác, cả áo dài cũng bắt thăm luôn. Đó là điều lính tráng đã làm. (Ga 19, 23.24)

Không một miếng vải nào được bọn lính để lại để che thân thể Chúa Giêsu. Họ lột trần Người. Chúa không còn áo xống hay áo dài, không còn quần áo gì cả. Họ lột trần Người như là hành vi hạ nhục cuối cùng. Thân xác Người chỉ còn được che đậy bằng dòng máu tuôn trào ra từ những vết thương sâu rộng. Chiếc áo dài được giữ nguyên vẹn là hình ảnh của sự hiệp nhất của Giáo Hội, sự hiệp nhất đang được cố gắng tìm lại trên con đường kiên nhẫn, trong một nền hòa bình dày công xây dựng từng ngày, trên một khung cửi dệt tấm vải bằng sợi vàng của tình huynh đệ trong niềm hòa giải và trong sự tha thứ lẫn nhau.. Trong Chúa Giêsu, Đấng vô tội, bị lột trần và bị tra tấn, chúng ta nhìn nhận phẩm giá bị xúc phạm của tất cả mọi người vô tội, đặc biệt là của những kẻ bé mọn. Thiên Chúa không hề can thiệp, ngăn cản không để cho thân thể trần trụi của Người bị phơi bày trên thập giá. Người đã làm như thế để chuộc lại mọi lạm dụng, được che đậy cách bất công, và chứng tỏ rằng Người, Thiên Chúa, chắc chắn đứng về phía những nạn nhân cách không thể quay lui được.

Chặng thứ XI: Tại giường các bệnh nhân

”Chúng đóng đinh Người vào thập giá, rồi đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau, xem ai được cái gì. Lúc chúng đóng đinh Người là giờ thứ ba. Bản án xử tội Người viết rằng: ”Vua người Dothái”. Bên cạnh Người, chúng còn đóng đinh hai tên cướp, một đứa bên phải, một đứa bên trái. Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Người bị liệt vào hạng những tên phạm pháp” (Mc 15,24-28)

Và họ đã đóng đinh Người! Hình phạt dành cho những người bị tước quyền công dân, những tên phản bội, những nô lệ nổi loạn. Đây là một bản án dành cho Chúa Giêsu của chúng ta: những đinh nhọn xù xì, nỗi đau khổ tê buốt, nỗi sầu buồn của Mẹ, sự nhục nhã vì bị xếp ngang hàng với hai tên trộm cướp, bị quân lính tước hết áo để chia nhau, bị những người đi ngang qua chế giễu: ”Nó cứu được người khác nhưng không thể tự cứu mình! Xuống khỏi thập giá đi thì chúng tôi sẽ tin vào ông” (Mt 27,42)

Họ đã đóng đinh Người! Giêsu đã không đi xuống khỏi thập giá, đã không từ bỏ thập giá. Ngài ghi nhớ và vâng phục ý Cha cho đến cùng. Ngài yêu và Ngài tha thứ.

Giống như Giêsu, ngày nay, rất nhiều anh chị em của chính ta đang bị đóng đinh vào giường bệnh, trong bệnh viện, nhà thương, trong gia đình. Đó là thời gian thử thách, những ngày cay đắng của cô đơn và thậm chí là thất vọng: ”Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài lại bỏ con?” (Mt 27,46) Bàn tay của chúng ta chưa bao giờ bị đâm qua, nhưng luôn luôn ở kề bên, an ủi và nâng đỡ những bệnh nhân, nâng họ dậy từ giường bệnh. Căn bệnh xảy đến chẳng bao giờ xin phép ai, nó đến bất thình lình. Đôi khi nó gây khó chịu, nó giới hạn phạm vi của chúng ta, thử thách niềm hy vọng của chúng ta. Nó rất cay đắng. Chỉ khi nào chúng ta thấy bên cạnh mình có ai đó lắng nghe chúng ta, gần gũi chúng ta, ngồi bên giường chúng ta… căn bệnh mới có thể trở thành trường dạy khôn ngoan vĩ đại, trở thành nơi gặp gỡ Thiên Chúa Nhẫn Nại. Khi nào có ai đó mang trên mình những nỗi đau vì tình yêu thì ngay nơi đêm tối của khổ đau vẫn bừng lên ánh sáng vượt qua của Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh. Điều đối với con người là một bản án cũng có thể biến thành một hy lễ cứu chuộc vì lợi ích cho cộng đoàn và gia đình chúng ta. Các thánh đã cho chúng ta thấy điều đó.

Chặng thứ XII: Bẩy lời than van

”Sau đó, Giêsu Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: ”Tôi khát!” Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giêsu nói: ”Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.” (Ga 19,28-30).

Bẩy lời cuối cùng của Giêsu trên thập giá là một kiệt tác của niềm hy vọng. Một cách từ từ từng bước một, Đức Giêsu đã đi qua tất cả sự tăm tối của đêm đen, để làm hài lòng Cha, tin tưởng trong vòng tay Cha. Đó là tiếng than van của người đang hấp hối, tiếng kêu của người tuyệt vọng, lời cầu cứu của người lạc mất. Là chính Đức Giêsu đó!

”Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46). Đây là tiếng kêu của Giob, của những ai đang bị vận rủi bủa vây. Thiên Chúa im lặng. Im lặng vì lời đáp trả của Ngài đã ở đó, trên cây thập giá: chính Ngài, Đức Giêsu, là lời đáp trả của Thiên Chúa, Lời vĩnh cửu đã nhập thể vì tình yêu. ”Xin hãy nhớ đến tôi…” (Lc 23,42). Lời kêu cứu của người phạm pháp cũng đang bị tử hình bên kia đã đi vào con tim của Giêsu, nghe vọng vang từ chính nỗi đau của Người. Và Giêsu đã lắng nghe lời kêu xin đó: ”Hôm nay, anh sẽ được ở trên Thiên Đàng với tôi”. Những nỗi đau của người khác thường giải thoát chúng ta vì nó khiến chúng ta ra khỏi chính mình. ”Này bà, đây là con bà!…” (Ga 19,26). Chính mẹ của Ngài, Mẹ Maria, đang cùng với Gioan đứng dưới chân thập giá, đã phá tan nỗi sợ. Một sự dịu dàng và hy vọng đổ đầy lòng mẹ. Giêsu không hề cảm thấy đơn độc chút nào. Cũng giống như chúng ta, nếu bên cạnh giường bệnh có ai đó mà chúng ta thương mến! Một cách trung tín. Cho đến cùng.

”Tôi khát” (Ga 19,28). Giống như đứa trẻ xin mẹ mình cái gì đó để uống; giống như bệnh nhân bị cơn sốt làm nóng người… Cơn khát này của Giêsu là cơn khát của tất cả những ai đang khát khao sự sống, tự do, công bình. Và cơn khát lớn nhất là khát Thiên Chúa, Đấng tuyệt đối lớn hơn chúng ta, đang khát ơn cứu độ của chúng ta.
”Mọi sự đã hoàn tất!” (Ga 19,30). Tất cả: mọi lời nói, mọi cử chỉ, mọi lời tiên báo, mọi khoảnh khắc của đời sống Giêsu. Tấm thảm hoa đã hoàn thành. Hàng ngàn sắc màu của tình yêu giờ đây tỏa ra nét đẹp lấp lánh. Chẳng có gì vô ích. Chẳng có gì bị vứt bỏ. Tất cả đều trở thành tình yêu. Tất cả đều được dành cho tôi, cho bạn! Ngay cả cái chết của Ngài cũng có một ý nghĩa! ”Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,24). Giờ đây, một cách anh hùng, Đức Giêsu thoát ra khỏi nỗi sợ chết. Vì nếu chúng ta sống trong tình yêu nhưng không, tất cả sẽ là sự sống. Sự tha thứ sẽ đổi mới, chữa lành, biến đổi và an ủi! Làm nên một dân mới. Chấm dứt chiến tranh.

”Lạy Cha, trong tay Cha, con xin phó thác hồn con” (Lc 23,46). Nỗi thất vọng không còn nữa, nhưng chỉ còn niềm tin tưởng tràn đầy trong tay Cha, tựa mình vào tim Cha. Bởi vì trong Thiên Chúa, từng mảnh phần cuối cùng sẽ được gắn lại với nhau trong sự hiệp nhất!

Chặng thứ XIII: Tình yêu mạnh hơn sự chết

”Chiều đến, có một người giàu sang tới. Ông này là người thành Arimathê, tên là Giôxép, và cũng là môn đệ Đức Giêsu. Ông đến gặp ông Philatô để xin thi hài Đức Giêsu. Bấy giờ tổng trấn Philatô ra lệnh trao trả thi hài cho ông. (Mt 27,57- 58).

Trước khi được mai táng trong mồ, Đức Giêsu rốt cuộc cũng được trao cho mẹ Ngài. Đó là hình ảnh con tim bị đâm thâu, nói với chúng ta rằng cái chết không ngăn cản được nụ hôn cuối cùng của người mẹ dành cho con mình. Bên xác Giêsu, Mẹ Maria tiến sát bên Ngài bằng một cái ôm trọn vẹn dành cho Ngài. Hình ảnh này thường được gọi là ”Lòng Thương Xót”. Thật đau buồn nhưng nó cho thấy cái chết không phá vỡ được tình yêu, vì tình yêu thì mạnh hơn sự chết! Tình yêu thuần khiết thì luôn còn mãi. Đêm đã đến. Trận chiến đã phân định thắng thua rạch ròi. Tình yêu vẫn còn nguyên trọn vẹn. Những ai sẵn sàng hiến mạng sống vì Đức Kitô, sẽ lại tìm thấy được nó, một sự sống được biến đổi sau cái chết.

Máu và nước mắt đã hòa lẫn trong tấn thảm kịch này. Cũng như cuộc sống của gia đình chúng ta, đôi khi cũng bị vây hãm bởi những mất mát bất ngờ và đau xót, với khoảng trống không thể khỏa lấp được, đặc biệt khi con cái của chúng ta qua đời.

Lòng thương xót có nghĩa là biến anh chị em thành người thân cận, những người đang trong cơn đau buồn và cảm thấy bất an. Thật là một lòng bác ái cao cả khi ta biết chăm sóc cho những ai đang chịu đau khổ nơi thân xác tổn thương, nơi tinh thần sa sút, nơi linh hồn tuyệt vọng. Tình yêu bao giờ cũng là một bài học cao cả mà Đức Giêsu và Mẹ Maria để lại cho chúng ta. Đó là sứ mạng an ủi anh chị em trong cuộc sống hàng ngày, một sứ mạng được trao ban trong chúng ta trong cái ôm thành tín giữa Đức Giêsu chịu chết và Đức Mẹ sầu bi của Ngài.

Chặng thứ XIV: Ngôi mộ mới

”Nơi Đức Giêsu bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Dothái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Đức Giêsu ở đó.” (Ga 19,41-42)
Khu vườn, nơi có ngôi mộ mai táng Đức Giêsu, nhắc nhớ chúng ta về một khu vườn khác: Vườn Êđen. Một khu vườn đã bị mất đi nét đẹp và trở thành nỗi sầu khổ, nơi chết chóc và không còn sự sống nữa bởi sự bất tuân của con người. Những nhành cây hoang dại vốn ngăn cản chúng ta hít thở thánh ý Thiên Chúa, cũng như sự gắn bó với tiền tài, danh vọng, lối sống phóng đãng, giờ đây đã bị cắt bỏ và đính chặt vào gỗ cây Thập Giá. Đây là khu vườn mới: cây thánh giá được cắm vào thế gian!

Trên cao ấy, Đức Giêsu đã mang lại tất cả cho cuộc sống. Một lần nữa, từ nơi hố thẳm địa ngục, nơi Satan đã giam giữ rất nhiều linh hồn, tất cả mọi sự đã bắt đầu được phục hồi. Ngôi mộ tượng trưng cho cái kết của con người xưa cũ. Cũng giống như Giêsu và tất cả chúng ta, Thiên Chúa đã không để cho con cái mình phải chịu hình phạt là cái chết đời đời. Trong cái chết của Đức Kitô, vương quyền của sự dữ, thứ vương quyền đặt nền trên tham vọng và con tim cứng cỏi, bị bẻ gãy.

Cái chết sẽ tước đoạt hết mọi thứ của chúng ta, làm cho chúng ta hiểu rằng đấy là lúc chúng ta phơi bày ra điểm dừng của sự hiện hữu của chúng ta trên thế gian này. Nhưng trước thân xác Đức Giêsu, một thân xác chịu mai táng trong mồ, chúng ta ý thức được chúng ta là ai. Chúng ta là những thụ tạo cần đến Đấng Tạo Hóa của chúng ta để không phải chết. Sự thinh lặng đang phủ kín khu vườn cho phép chúng ta lắng nghe được thanh âm của làn gió nhẹ: ”Ta là Đấng hằng sống và ta luôn ở với các con” (Xh 3,14) Tấm màn trướng trong đền thờ đã bị xé toạt ra. Cuối cùng, chúng ta cũng được thấy dung nhan của Thiên Chúa chúng ta. Chúng ta biết được tên đầy đủ của Người: lòng thương xót và sự trung tín, để ta không còn phải bối rối sợ hãi dù khi phải đối diện với cái chết vì Con Thiên Chúa đã được giải thoát giữa những người chết (X. Tv 88,6)

Đức Thánh Cha nhận đơn từ chức của ĐHY Phạm Minh Mẫn

Đức Thánh Cha nhận đơn từ chức của ĐHY Phạm Minh Mẫn

VATICAN. Hôm 22-3-2014, Phòng báo chí Tòa Thánh thông báo: ĐTC Phanxicô đã nhận đơn từ chức TGM giáo phận Thành Phố Sàigòn  của ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn vì lý do tuổi tác (GL 401,1). Đức TGM Phó Phaolô Bùi Văn Đọc đương nhiên lên kế nhiệm.

Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã tròn 80 tuổi ngày 5-3 vừa qua. Ngài thụ phong linh mục ngày 26 tháng 5 năm 1965, thuộc giáo phận Cần Thơ. Ngày 22 tháng 3 năm 1993, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Giám mục phó với quyền kế vị tại Giáo phận Mỹ Tho. 5 năm sau đó, ngày 1 tháng 3 năm 1998, Đức Cha Mẫn được bổ nhiệm làm TGM Giáo phận Thành Phố SG, bị trống tòa đã 3 năm, kể từ khi Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình qua đời ngày 1 tháng 7 năm 1995. Ngày 21-10-2003, ngài được ĐGH Gioan Phaolô 2 bổ nhiệm làm Hồng Y.

Đức tân TGM chính tòa giáo phận Thành Phố SG, Phaolô Bùi Văn Đọc, năm nay 70 tuổi, sinh ngày 11-11 năm 1944 tại Đà Lạt, thụ phong linh mục năm 1970 và được Tòa Thánh bổ nhiệm làm GM Mỹ Tho và nhận chức ngày 27-5 năm 1999. Ngày 28-9 năm 2013, ĐTC Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm TGM Phó với quyền kế vị tại Tổng giáo phận Thành Phố SG, đồng thời làm Giám quản Giáo phận Mỹ Tho. (SD 22-3-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức TGM Nguyễn Văn Tốt, tân Sứ Thần Tòa Thánh tại Sri Lanka

Đức TGM Nguyễn Văn Tốt, tân Sứ Thần Tòa Thánh tại Sri Lanka

VATICAN. Ngày 22-3-2014, ĐTC Phanxicô đã bổ nhiệm Đức TGM Phêrô Nguyễn Văn Tốt, nguyên là Sứ Thần Tòa Thánh tại Costa Rica, làm tân Sứ Thần Tòa Thánh tại Sri Lanka.

Đức Sứ Thần Nguyễn Văn Tốt năm nay 65 tuổi, sinh tại Thủ Dầu Một, Bình Dương ngày 15-4 năm 1949, thụ phong Linh Mục năm 1974. Ngài du học Roma và từng làm Phó Giám đốc trường truyền giáo Urbano, trước khi gia nhập trường ngoại giao Tòa Thánh, tốt nghiệp năm 1985. 17 năm sau đó, ngài được thăng TGM hiệu tòa Rusticiana, Sứ thần Tòa Thánh tại Benin và Togo, được ĐTC Gioan Phaolô 2 truyền chức GM ngày 6 tháng 1 năm 2003 tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Hơn 2 năm sau, vào tháng 8 năm 2005, ngài được chuyển đi làm Sứ thần Tòa Thánh tại Cộng hòa Tchad và Trung Phi. Trong 6 năm qua, từ ngày 13-5 năm 2008, ngài làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Costa Rica bên Trung Mỹ.
Giáo Hội Công Giáo tại Sri Lanka hiện có hơn 1 triệu 200 ngàn tín hữu Công Giáo, tương đương với 6.1% dân số thuộc 12 giáo phận toàn quốc. Nước này chỉ rộng 65 ngàn 600 cây số vuông với 21 triệu dân, trong số này 74% là người Singalais và 11.2% là người Tamil.

Trong 26 năm trời, từ 1983 đến 2009, Sri Lanka ở trong tình trạng nội chiến giữa quân đội chính phủ và phiến quân Hổ quân Tamil đòi thành lập một nước Tamil độc lập. Phiến quân bị thất trận hồi tháng 5 năm 2009 (Tổng hợp 22-3-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

MẮT ĐỨC TIN, MẮT CỦA TRÁI TIM

MẮT ĐỨC TIN, MẮT CỦA TRÁI TIM

Có nhiều điều ta nhìn mà không thấy. Ví dụ: tình yêu, tình bạn, tình mẫu tử. Ta chỉ thấy những dấu hiệu của tình yêu như: sự âu yếm, quà tặng, sự quên mình. Còn chính tình yêu thì ta không thấy. Điều chính yếu thì vô hình. Ta chỉ thấy được bằng trái tim.

Có nhiều điều ta chỉ thấy bề mặt mà không thấy bề sâu. Ví dụ như con người. Khi nhìn một người, ta chỉ thấy diện mạo, hình dáng bên ngoài. Ít khi ta thấy được tâm tư tình cảm của người khác, kể cả những người thân yêu sống kề cận bên ta. Linh hồn người ta không ai thấy bao giờ. Vì linh hồn thiêng liêng. Ta chỉ thấy được bằng đức tin.

Chúa Giêsu xuống thế làm người đã trở nên giống như một người phàm. Người che giấu thần tính vinh quang sáng láng trong một thân xác nghèo hèn, bình thường. Không ai nhận ra thần tính của Người. Ngay cả các môn đệ luôn luôn kề cận bên Người.

Hôm nay, khi Chúa tỏ mình ra các ông chới với ngỡ ngàng. Lòng các ông tràn ngập niềm vui khi nhìn thấy vinh quang của Chúa Giêsu. Thần tính vinh quang phát lộ rực sáng. Và nhân tính được tôn vinh. “Diện mạo Chúa Giêsu chói lọi như mặt trời và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng”.

Thần tính Chúa Giêsu biểu lộ chứng thực Người là Thiên Chúa ẩn mình. Thì ra manh áo đơn sơ của bác thợ mộc che giấu cả một nguồn ánh sáng chói lọi. Tấm thân dân dã nghèo hèn lại là chiếc bình chứa đựng Ngôi Hai Thiên Chúa cao sang.

Ánh sáng thần tính rọi vào nhân tính đem lại cho ta bao niềm hi vọng. Vì nhân tính của Chúa Giêsu gánh lấy cả nhân loại trên mình, nên ánh sáng thần linh cũng soi rọi cả vào chúng ta, vào thế giới tăm tối của tội lỗi, yếu hèn, vào thân xác rã rời mệt mỏi của ta.

Ánh sáng ấy cho tôi hiểu rằng, Thiên Chúa đang ẩn tàng trong vạn vật. Người ở nơi thâm sâu nhất của hữu thể tôi như thánh Augustinô đã cảm nghiệm: “Người ởi bên trong, còn tôi ở bên ngoài”.

Người ẩn tàng trong mọi quan hệ, trong mọi niềm vui, trong mọi tình bạn, trong mọi tình yêu. Bởi vì hạnh phúc là gì nếu không phải đi tìm cái cốt lõi, là nguồn mạch của hạnh phúc, là chính Thiên Chúa hằng sống.

Ánh sáng ấy ngầm nói với tôi rằng: Vinh quang Thiên Chúa như hạt giống đang vùi chôn trong lòng tất cả mọi anh em sống quanh tôi. Vinh quang ấy đang bị che khuất đàng sau những mái tranh thô sơ, những thân thể gầy guộc, những ánh mắt mệt mỏi lờ đờ.

Nhận thức ấy thôi thúc tôi trở về tìm Chúa trong đáy lòng mình. Càng bóc đi lớp vỏ tội lỗi, dung nhan Thiên Chúa càng hiện rõ. Càng chìm sâu vào nội tâm thinh lặng, tôi càng tới gần Chúa.

Nhận thức ấy giúp tôi kính trọng anh em vì anh em là những cung thánh đền thờ nơi Thiên Chúa ngự trị, là những vườn ươm hạt mầm thần linh, là những bình sành chứa đựng kho tàng cao quý.

Như thế, sống Mùa Chay là thực hiện một hành trình nọi tâm: trở về đáy lòng mình để gặp được Chúa.

Ăn chay là đến với anh em bằng thái độ kính trọng, là bảo vệ hạt mầm thần linh đang đâm chồi nảy lộc trong các tâm hồn.

Chương trình hành động trong Mùa Chay là tiếp tay đem ánh sáng thần linh của Chúa Kitô soi chiếu vào những mảnh đời tăm tối, những thân phận hẩm hiu. Sao cho dung nhan nhân loại chói ngời ánh sáng nhân phẩm, ánh sáng văn hoá, ánh sáng lương tâm và ánh sáng thần linh.

Như thế ta đang công tác vào việc biến hình thế giới. Như thế ta đang bước theo chân Chúa Kitô, đưa nhân loại vào hành trình phục sinh.

Lạy Chúa Kitô, xin ban cho con đức tin mạnh mẽ để con nhìn thấy Chúa trong anh em. Xin ban cho con trái tim bén nhạy để con nhìn thấy những thực tại vô hình. Amen.

ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Kỷ niệm một năm Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô

Kỷ niệm một năm Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô

VATICAN. Hôm 13-3-2014, Giáo Hội đã mừng kỷ niệm 1 năm ĐHY Jorge Bergoglio SJ được bầu làm Giáo Hoàng Phanxicô.

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết, ngày kỷ niệm 1 năm của ĐTC Phanxicô không có gì đặc biệt: ĐGH cầu nguyện và trong một Tweet, ngài xin mọi người cầu nguyện cho ngài.

Rất nhiều điện văn đã được gửi về Vatican để chúc mừng ĐTC, trong khi ngài và các vị lãnh đạo tại Tòa Thánh tham dự tuần tĩnh tâm mùa chay tại Ariccia (cách Roma 30 cây số) từ chiều 9 đến sáng 14-3-2014.

Ngoài điện văn của các vị lãnh đạo Công Giáo, người ta cũng đặc biệt chú ý đến điện văn của Đức Thượng Phụ Kirill I, Giáo Chủ Chính Thống Nga, trong đó có đoạn viết: ”Năm đầu tiên triều đại Giáo Hoàng của Ngài được đánh dấu bằng những hy vọng lớn và những công trình quan trọng của Giáo Hội Công Giáo.. Sự dấn thân của Ngài trong việc làm cho các lý tưởng Tin Mừng hiện diện trong đời sống xã hội hiện đại đã mang lại những thành quả… Sự chăm sóc và quan tâm của ĐGH đối với người đau khổ nhắc nhớ cho mọi người về nghĩa vụ yêu thương huynh đệ”.
Đức Thượng Phụ Kirill cũng nhấn mạnh rằng ”Các quan hệ song phương giữa Công Giáo và Chính Thống Nga đã được phát triển thêm trong năm qua.. Tôi đánh giá mức độ cao trong sự cảm thông và dấn dấn của hai bên nhắm củng cố sự cộng tác giữa Chính Thống và Công Giáo, trong việc củng cố các giá trị luân lý, tinh thần Kitô giáo trong thế giới ngày nay, việc bảo vệ những người bị áp bức và chân thành phục vụ tha nhân”, đó là những lãnh vực cộng tác giữa Giáo Hội Chính Thống và Giáo hội Công Giáo Roma” (AGI 13-3-2014)

Một số nhận định và cảm tưởng

Phái viên hãng tin Công Giáo Hoa Kỳ ở Roma đã thu thập cảm tưởng và nhận định của một số Hồng Y về năm đầu tiên của ĐGH Phanxicô, nhân dịp các vị về Roma tham dự công nghị đặc biệt của hồng y đoàn về các vấn đề mục vụ gia đình và lễ phong 19 Hồng y mới (từ 21 đến 23-2-2014):

ĐHY Donald Wuerl, TGM giáo phận Washington, thủ đô Hoa kỳ, nhận định rằng ”Năm qua thật là một năm ngoại thường. ĐGH Phanxicô đã có thể giúp dân chúng nhìn thấy khuôn mặt của Chúa Kitô hữu hình trong Giáo Hội của Ngài. Thật là một món quà đặc biệt và là một thách đố cho tất cả chúng ta”.

Đức tân Hồng Y Vincent Nichols, TGM giáo phận Westminster Thủ đô Anh quốc, thì nói: ”ĐGH Phanxicô mang lại những món quà đặc biệt cho vai trò của ĐGH. Ngài mang cho mỗi người một động lực hăng hái lớn lao và niềm vui được là người Công Giáo, một thách thức sâu đậm làm sao để cuộc sống của chúng ta có Chúa Kitô là trung tâm. Ngài mời gọi đổi mới quyết liệt trong Giáo Hội bắt đầu từ gốc rễ. ĐGH đi tới trọng tâm sự hiện hữu của Giáo Hội, cho thấy lý do tại sao Giáo Hội hiện hữu: nghĩa là chúng ta là những môn đệ thừa sai của Chúa. Chúng ta được mời gọi tháp tùng Chúa và được kêu gọi đi ra ngoài để chia sẻ Tin Mừng”.

ĐHY Luis Tagle, TGM giáo phận Manila, Philippines, nói: ”Đối với tôi, ĐGH Phanxicô là một người có niềm vui sâu xa trong nội tâm. Năm đầu tiên của ngài biểu lộ rất nhiều điều mà tôi tin tưởng. Ví dụ ĐGH nói Giáo Hội cần phải khiêm tốn hơn, là một Giáo Hội lắng nghe, một Giáo Hội không tự phụ là có mọi câu trả lời, một Giáo Hội có thể bị hoang mang như những người khác khi cuộc sống của họ bị xáo trộn, một Giáo Hội im lặng – thứ im lặng của người chiêm niệm, chứ không phải im lặng vì phẫn nộ.. Nhiều người quí chuộng điều đó, nhưng một số thành phần trong Giáo Hội thì không. Họ giải thích sự thái độ cảm thông, thinh lặng, lắng nghe của bạn như một sự khuất phục đối với thế gian và là một sự lơ là với sứ vụ ngôn sứ. Nhưng sứ vụ ngôn sứ là điều rộng rãi hơn là thái độ phẫn nộ. Tôi nghĩ cứ la ó, la làng, đó không phải là phương thức thích hợp để giải quyết các vấn đề..”

ĐHY Tagle nói thêm rằng: ”Tôi rất vui mừng vì ĐTC trở lại với lối sống hợp với Tin Mừng hơn, một lối sống dẫn đưa chúng ta đến chỗ tự phê bình về những gì chúng ta đã thừa hưởng và thanh tẩy những điều đó dưới ánh sáng Phúc Âm”.

ĐHY Oswald Gracias, TGM giáo phận Mumbai Ấn độ và là một trong 8 HY cố vấn của ĐGH, nhận xét rằng ”Triều đại Giáo Hoàng của ĐTC Phanxicô đã tạo nên sự khác biệt cho Giáo Hội, Giáo Hội tại Ấn độ chẳng hạn, và Giáo Hội tại Á châu. Chúng tôi đã tìm đến với người nghèo nhiều hơn, và ĐGH cũng làm cho chúng tôi suy nghĩ lại, cứu xét cuộc sống và hoạt động về phương diện chất lượng, chứ không phải chỉ về số lượng mà thôi, dành ưu tiên cho sự tiếp xúc với con người. Đó là điều ĐGH nhắc nhở chúng tôi. Và cũng cần phải sống đơn sơ, ĐGH thúc đẩy chúng tôi trở về những điều căn bản, biến chúng tôi thành Giáo Hội như Chúa Giêsu mong muốn”.

ĐHY Gracias cũng kể rằng khi người ta hỏi ĐGH Phanxicô xem điều gì mới mẻ ngài đang mang lại cho Giáo Hội, ngài đáp: ”Tất cả những gi tôi muốn cho Giáo Hội chính là Chúa Giêsu Kitô”. ĐHY nói tiếp: ”Tôi rất vui mừng vì cả thế giới đã phản ứng tích cực. Đó thực là một thách đố đối với mọi vị tân Giáo Hoàng. Có thể nói ĐGH Phanxicô đã gảy vào dây đàn đúng! Tôi hy vọng tất cả các HY chúng tôi có thể cộng tác vơi nhau và ủng hộ ĐGH về những gì ngài muốn làm cho Giáo Hội, nghĩa là làm cho Hội Thánh được sinh động hơn. Tôi thực sự cảm thấy ĐGH Phanxicô làm cho Giáo Hội tái trở thành tiến nói của người nghèo, là tiếng nói luân lý trên thế giới, và dân chúng lắn gnghe ngài. Tôi hy vọng dân chúng không những chỉ lắng nghe ĐGH nhưng còn hành động theo những gì ngài nói”

– ĐHY Wilfrid Napier dòng Phanxicô, TGM giáo phận Durban, Nam Phi, nhận xét rằng: ”ĐGH Phancixô đã trao tặng đức tin, lối sống Công Giáo với một sắc thái, một tinh thần và một sự nhấn mạnh khác. Tôi có thể nói điều cốt yếu của ĐGH Phanxicô là: nếu tôi nhìn xem tôi là ai, tôi có thể thấy tất cả những điều sai lầm với tôi, và chỉ nhờ ơn Chúa mà tôi không phải là con người sai lầm mà tôi có thể trở thành, vì vậy sở dĩ tôi được như hiện nay là nhờ ơn Chúa. Có hai cực: tôi là người tội lỗi và ơn thánh của Chúa đang biến đổi tôi”.

”Ngài không phải là điều ngài đang là vì địa vị ngài được, nhưng vì một quan hệ với Thiên Chúa và quan hệ với Chúa Giêsu, chính điều đó làm cho ngài khác người. Dĩ nhiên đối với tôi, trong tư cách là tu sĩ Phanxicô, có hai thách đố mà ĐGH đang đương đầu, nghĩa là ngài là một tu sĩ dòng Tên sống theo đường lối Phanxicô hơn tôi. Đối với tôi đó là một thách đố tốt đẹp mà tôi có thể chia sẻ với ĐGH, cái ý tưởng sống như thánh Phanxicô Assisi” (CNS 4-3-2014)

Nhận định của Cha Lombardi SJ

Trong số những người có một vai trò quan sát đặc biệt đối với triều đại của ĐGH Phanxicô là cha Federico Lombardi, dòng Tên, Tổng giám đốc đài Vatican và Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh. Cha đã dành cho hãng tin Zenith ở Roma một cuộc phỏng vấn về Đức đương kim Giáo Hoàng:

H. Thưa cha Lombardi, việc bầu cử ĐGH Phanxicô đã thay đi hoàn toàn thái độ của các cơ quan truyn thông đối với chức vụ Giáo Hoàng. Đâu là bí quyết của ĐGH Phanxicô trong vn đề này và khả năng đả thông của Ngài với dân chúng đã thu phục được giới truyền thông như vậy?

Đ. Có một sự thay đổi về ngôn ngữ, không những về lời nói nhưng cả những cử chỉ và thái độ nữa. ĐGH Phanxicô đã đánh động được tâm hồn của con người, đặc biệt là ngài vượt lên trên được khoảng cách và các hàng rào. Trọng tâm của ngôn ngữ mới này là việc loan báo tình thương của Chúa Kitô cho tất cả mọi người, đề tài lòng từ bi và tha thứ của Chúa cho mọi người. Trước đó, trong giới truyền thông có một thành kiến được phổ biến, người ta nghĩ rằng Giáo Hội luôn nói ”không” và không gần gũi với dân chúng. ĐGH Phanxicô đã thành công trong việc giúp dân chúng hiểu được có một cách khác để đọc sứ điệp của Thiên Chúa và tương quan của Giáo Hội với dân chúng.

H. ĐGH Phanxicô thường ứng khẩu nói với dân chúng, và ngài cũng trả lời phỏng vấn cho những ngưi xin, và ngài cũng điện thoại riêng cho nhiều người. Trong bối cảnh đó, đâu là những vấn đế mà vị Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh gặp phải?

Đ. Vấn đề tôi gặp phải trong những tình trạng như thế cũng giống như vấn đề của các hiến binh Vatican khi ĐGH muốn đến gần, tiếp xúc với dân chúng, và từ chối không chịu dùng xe chắn đạn. Chúng tôi phục vụ ĐGH và chúng tôi học về lối hành động, cách sống và phương thức đả thông của ngài với dân chúng. Tôi phải hiểu: tôi có thể cộng tác vào sự truyền thông của ngài như thế nào. Khi ĐGH nói, trả lời phỏng vấn, nói trực tiếp với dân chúng, tôi không gì để nói thêm, tôi chỉ can thiệp khi xảy ra vài vấn đề cần làm sáng tỏ.

H. Một năm đã trôi qua trong triều đại Giáo Hoàng của Đức Phanxicô và tạp chí Time của Mỹ đã chọn ngài làm người nổi bật nhất trong năm 2013. Cha có thể bình luận gì về sự chọn lựa như thế?

Đ. ĐGH Phanxicô không phải là người tìm kiếm thành công hoặc sự nổi tiếng. Một lần khi người ta hoan hô ngài, ngài nói: ”Anh chị em đừng nói “Viva il Papa, Hoan hô Đức Giáo Hoàng!” Nhưng hãy nói ”Viva Gesù!”, Hoan hô Chúa Giêsu. Đồng thời ĐTC Phanxciô có thể chấp nhận là ”Người nổi bật nhất trong năm” theo tạp chí Time. Nếu sự chọn lựa của tạp chí này có nghĩa là làm cho mục đích sứ mạng của Giáo Hội được nhìn nhận, và sứ điệp mà ĐGH Phanxicô thông truyền, thì đó là điều tốt, đáng chào mừng, nếu không thì chắc chắn đối với ĐGH, điều đó chẳng mang lại điều gì cho ngài.

H. Thưa cha Lombardi, có những lời khuyên nào cha muốn nói với các ký giả không để họ cải tiến việc truyền thông của họ, nhất là về ĐGH, về Giáo triều Roma và Giáo Hội nói chung?

Đ. Điều thường thiếu nơi các ký giả, đó là ý hướng sứ mạng của Giáo Hội và của ĐGH. Nhiều khi các ký giả đọc các biến cố và đưa ra những giải thích xa lạ với thực tại của Giáo Hội, ví dụ họ nhìn và giải thích dưới khía cạnh chính trị hoặc kinh tế. Vì thế, về Giáo Hội, chỉ thỉ nhìn dưới khía cạnh tranh giành quyền bính hoặc lợi lộc kinh tế phe phái. Đó là tình trạng bi thảm dưới thời Vatileaks với những tài liệu của Tòa Thánh bị thất thoát và đăng tải trên báo chí. Trái lại, đó là một tiến trình tìm kiếm cuộc sống và hành động phù hợp với Phúc Âm, canh tân nội tâm và thanh tẩy.

H. Trong bối cảnh đó, nhiều ký giả chỉ nhìn sự canh tân giáo triều Roma như một sự đổi mới thuộc loại chính trị. Cha có thể nói gì về sự kiện này?

Đ. ĐGH đã thành công trong việc giúp người ta hiểu rằng Giáo Hội hiện hữu là để nói với dân chúng rằng họ được Thiên Chúa yêu thương. Vì thế việc cải tổ giáo triều Roma chỉ là điều phụ thuộc: việc cải tổ này giúp Giáo Hội loan báo sứ điệp Tin Mừng hữu hiệu hơn, không phải ở Vatican mà thôi, nhưng trong các giáo phận và các khu vực ven biên. Cac cơ cấu trung ương Tòa Thánh hiện hữu không phải để thống trị, nhưng để phục vụ và trợ giúp: việc cải tổ nhắm tới mục đích đó.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Đức Thánh Cha thiết lập cơ cấu mới về kinh tế tại Vatican

Đức Thánh Cha thiết lập cơ cấu mới về kinh tế tại Vatican

VATICAN. Hôm 24-2-2014, ĐTC Phanxicô đã ban hành tự sắc thiết lập cơ cấu mới điều hợp các hoạt động kinh tế và hành chánh của Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican. Cụ thể là ngài thành lập một Văn Phòng về kinh tế, một sứ ”siêu bộ” của Tòa Thánh do một Hồng Y làm chủ tịch.

Quyết định của ĐTC được công bố với Tự Sắc về vấn đề này ban hành cùng ngày 24-2-2014 và công bố trên báo Quan sát viên Roma của Tòa Thánh.

Ngài đi tới quyết định trên đây theo những đề nghị nghiêm túc duyệt lại các hoạt động kinh tế và hành chánh của Vatican, do Ủy ban tường trình (COSEAC) được ĐTC thiết lập về vấn đề này. Các đề nghị cũng đã được Hội đồng 8 Hồng y cố vấn của ĐTC cũng như Hội đồng 15 Hồng Y đặc trách các vấn đề kinh tế và quản trị của Tòa Thánh cứu xét và chấp thuận.

Ủy ban tường trình (Coseac), do ĐHY Farina dòng Don Bosco, nguyên thư viện trưởng của Tòa Thánh làm chủ tịch, đề nghị những thay đổi và đơn giản hóa cũng như củng cố các cơ cấu quản trị hiện hữu và cải tiến việc điều hợp và giám sát trong toàn thể các cơ quan Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican. Những cải tiến trên đây nhắm tận dụng tài nguyên tốt đẹp hơn, tăng cường sự hỗ trợ dành cho các chương trình, đặc biệt là những chương trình nhắm làm việc với người nghèo và những người bên lề xã hội.

Những thay đổi do ĐTC loan báo gồm:

1. Thiết lập một Văn phòng mới về Kinh Tế, có thẩm quyền trên tất cả các hoạt động kinh tế và hành chánh trong Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican. Văn phòng này có trách nhiệm chuẩn bị ngân sách thường niên của Tòa Thánh và Quốc Gia thanh Vatican, và đề ra kế hoạch tài chánh, cũng như các chức năng hỗ trợ khác nhau, như nguồn nhân lực và tài lực. Ngoài ra, Văn phòng phải thiết lập kết toán chi tiết của Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican.

2. Văn phòng kinh tế sẽ thi hành các chỉ thị do một Hội đồng mới về kinh tế đề ra: hội đồng này gồm có 15 thành viên trong đó có 8 HY hoặc GM, phản ánh tính chất hoàn vũ của Giáo Hội, và 7 chuyên gia giáo dân thuộc các quốc tịch khác nhau, chuyên về tài chánh và được nhìn nhận khả năng chuyên môn của họ. Hội đồng sẽ nhóm định kỳ để đánh giá các chỉ thị và đường lối thực hành cụ thể, cũng như chuẩn bị và phân tích các phúc trình về cc hoạt động kinh tế hành chánh của Tòa Thánh.

3. Văn phòng kinh tế sẽ do 1 Hồng Y làm Chủ tịch, tham chiếu Hội đồng kinh tế. Một vị Tổng thư ký sẽ cộng tác với ĐHY Chủ tịch trong việc điều hành các hoạt động hằng ngày.

4. ĐTC đã bổ nhiệm ĐHY Georg Pell, hiện là TGM giáo phận Sydney, Australia, làm Chủ tịch Văn phòng kinh tế của Tòa Thánh.

5. các qui định mới sẽ bao gồm cả việc bổ nhiệm một vị Tổng kiểm toán (Revisore Generale) do ĐTC bổ nhiệm, có quyền duyệt xét bất kỳ cơ quan hoặc tổ chức nào của Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican.

6. Những thay đổi khẳng định vai trò của Cơ quan quản trị tài sản của Tòa Thánh, Apsa, như Ngân hàng trung ương của Vatican, với tất cả các nghĩa vụ và trách nhiệm của các tổ chức tương tự trên toàn thế giới.
7. Cơ quan thẩm quyền thông tin tài chánh, gọi tắt là AIF, tiếp tục vai trò hiện nay, canh chừng khôn ngoan và thi hành kỷ luật về các hoạt động trong nội bộ Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican.

ĐTC yêu cầu vị Chủ Tịch mới của Văn phòng Kinh tế bắt đầu công tác càng sớm càng tốt. ĐHY sẽ chuẩn bị các qui chế chung kết và các vấn đề khác liên hệ, nhờ sự trợ giúp của các cố vấn cần thiết và sẽ làm việc với Ủy ban tường trình nghiên cứu và xác định hướng đi trong việc tổ chức cơ cấu kinh tế và hành chánh của Tòa Thánh, gọi tắt là COSEA.

Trên đây là nội dung thông cáo của Phòng báo chí Tòa Thánh tóm lược nội dung Tự Sắc ”Fideles dispensatur et prudens (Lc 12,42) của ĐTC.

Thông cáo không nói gì về Viện Giáo Vụ (IOR) quen gọi là ”Ngân hàng Vatican”. Việc duyệt xét cơ quan này có một Ủy ban tường trình khác đảm trách.

Với Tự Sắc trên đây, Hội đồng 15 Hồng y đặc trách các vấn đề kinh tế và tổ chức của Tòa Thánh do ĐGH Gioan Phaolô 2 thành lập, chấm dứt nhiệm vụ. (SD 24-2-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha cử hành Thánh Lễ với 18 Hồng y mới và Hồng y đoàn

Đức Thánh Cha cử hành Thánh Lễ với 18 Hồng y mới và Hồng y đoàn

VATICAN. Sáng chúa nhật 23-2-2014, ĐTC Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô với 150 Hồng Y trong đó có 18 vị mới được ngài phong sáng thứ bẩy hôm trước.

Trong số 9 ngàn người hiện diện trong Thánh Đường có hơn 100 Giám Mục và 150 LM đặc trách phần cho rước lễ. Ngoài ra còn có các phái đoàn chính phủ và nhiều vị trong ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh.

Lúc 10 giờ, 18 Hồng y mới đi rước lên bàn thờ chính cùng với ĐTC, đặc biệt có một vị ngồi trên ghế lăn là ĐHY Jean Pierre Kutwa, 69 tuổi (1945), TGM giáo phận Abidjan bên Côte d'Ivoire, Phi châu.

Các tân Hồng y ngồi thành hai hàng cánh cung trước bàn thờ. Phần thánh ca, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh còn có ca đoàn 40 người thuộc Giáo hoàng học viện Thánh nhạc ở Roma.

Video Thánh lễ  ĐTC với 18 tân Hồng Y

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã quảng diễn bài đọc thứ I và bài Tin Mừng của ngày lễ để nhắc nhở các Hồng y mới về nghĩa vụ nên thánh, xa tránh mọi lối cư xử trần tục, và dấn thân làm chứng về tình thương của Thiên Chúa.

”Lạy Cha từ bi, ước gì ơn phù trợ của Cha làm cho chúng con luôn chú ý tới tiếng Chúa Thánh Linh” (Kinh Tổng Nguyện)

Kinh nguyện này được đọc lên vào đầu thánh lễ, nhắc nhở chúng ta về một thái độ cơ bản: lắng nghe Chúa Thánh Linh, Đấng làm cho Giáo Hội được sinh động, và linh hoạt Giáo Hội. Với sức sáng tạo và đổi mới, Chúa Thánh Linh luôn nâng đỡ niềm hy vọng của Dân Chúa lữ hành trong lịch sử, và trong tư cách là Đấng An Ủi, Chúa luôn hỗ trợ chứng tá của các Kitô hữu. Trong lúc này đây, cùng với các Hồng Y mới, chúng ta hãy lắng nghe tiếng nói của Thánh Linh Đấng nói qua Kinh Thánh được công bố.

Trong bài đọc thứ I vang dội lời kêu gọi của Chúa gửi đến dân Ngài: ”Các con hãy nên thánh, vì Ta, Thiên Chúa của các con, là Đấng Thánh” (Lv 19,2). Và Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng vọng lại: ”Các con hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời” (Mt 5,48). Những lời này gọi hỏi tất cả chúng ta, là môn đệ của Chúa; và hôm nay được đặc biệt gửi đến tôi và anh em, các anh em Hồng y quí mến, cách riêng anh em là những người đã gia nhập Hồng y đoàn hôm qua. Sự noi gương thánh thiện và hoàn hảo của Thiên Chúa có vẻ là một mục tiêu không thể đạt tới được. Nhưng bài đọc thứ I và Tin Mừng gợi lên những tấm gương cụ thể để cách cư xử của Thiên Chúa trở thành qui luật hành động của chúng ta. Tuy vậy chúng ta hãy nhớ rằng nếu không có Thánh Linh thì nỗ lực của chúng ta trở nên vô ích! Trước tiên, sự thánh thiện theo tinh thần Kitô không phải là công trình của chúng ta, nhưng là thành quả của sự ngoan ngoãn – được mong muốn và vun trồng – đối với Chúa Thánh Linh của Chúa Ba lần thánh.

Sách Lêvi đã nói: ”Đừng nuôi trong tâm hồn con sự oán ghét đối với người anh em con.. Đừng báo thù và nuôi oán hận.. nhưng hãy yêu thương tha nhân” (19,17-19). Những thái độ này nảy sinh từ sự thánh thiện của Thiên Chúa. Chúng ta quá khác nhau, ích kỷ và kiêu ngạo.. nhưng lòng nhân lành và vẻ đẹp của Thiên Chúa lôi kéo chúng ta, và Chúa Thánh Linh có thể thanh tẩy chúng ta, có thể uốn nắn chúng ta ngày qua ngày.

ĐTC giải thích tiếp:

”Trong Tin Mừng, cả Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta về sự thánh thiện và giải thích cho chúng ta luật mới, luật của Ngài, Ngài giải thích qua một vài phản đề giữa sự công chính bất toàn của những người luật sĩ và biệt phái, và sự công chính cao cả hơn của Nước Thiên Chúa. Phản đề đầu tiên của đoạn Phúc âm hôm nay nói về sự trả thù: ”Các con đã nghe nói: Mắt đền mắt, răng đền răng. Nhưng thầy bảo các con: .. nếu ai vả má phải của các con thì hãy giơ cả má kia cho họ” (Mt 5,38-39). Không những chúng ta không được đáp lại sự ác mà ngừơi khác làm cho ta, nhưng chúng ta còn phải cố gắng rộng rãi làm điều thiện cho họ nữa.

”Phản đề thứ hai nói về kẻ thù: ”Các con đã nghe nói: Hãy yêu thương người thân cận và ghét kẻ thù”. Nhưng Thầy nói với các con: Hãy yêu thương kẻ thù của các con và cầu nguyện cho những người bách hại các con” (vv. 43-44). Ai muốn theo Chúa Giêsu, Chúa yêu cầu họ yêu thương những người không đáng yêu, không đền trả lại, để lấp đầy sự trống rỗng tình thương trong các tâm hồn, trong những phản ứng con người, trong các gia đình, các cộng đoàn và trên thế giới. Chúa Giêsu không đến để dạy chúng ta những cung cách lịch sự, những kiểu cách phòng trà! Bởi vì nếu thế thì ngài chẳng cần từ trời xuống và chết trên thập giá. Chúa Kitô đến để cứu vớt chúng ta, tỏ cho chúng ta con đường, con đường duy nhất để ra khỏi cát lún của tội lỗi và con đường này là lòng từ bi thương xót. Nên thánh không phải là một điều xa xỉ, nhưng là điều cần thiết cho sự cứu độ thế giới”.

Anh em hồng y thân mến, Chúa Giêsu và Mẹ Giáo Hội yêu cầu chúng ta làm chứng tá hăng say nhiệt thành hơn về những thái độ thánh thiện. Sự thánh thiện của một Hồng Y hệ tại gia tăng dâng hiến nhưng không như vậy. Vì thế, chúng ta hãy yêu mến những người đố kỵ chúng ta; chúng ta hãy chúc lành cho những người nói xấu chúng ta; hãy chào hỏi với một nụ cười những người có lẽ không đáng; chúng ta đừng khao khát làm cho mình nổi bật, nhưng hãy dùng sự dịu dàng chống lại sự hách dịch; hãy quên đi những tủi nhục phải chịu. Hãy luôn để cho Thánh Linh của Chúa Kitô hướng dẫn, Đấng đã hy sinh bản thân trên thập giá, để chúng ta có thể là những máng chuyển tình thương của Chúa. Đó là thái độ, đó là cách cư xử của một Hồng y. Một hồng y gia nhập Giáo Hội Roma, không gia nhập một triều đình. Chúng ta hãy tránh tất cả và giúp nhau tránh những tập tục và lối cư xử triều đình: mưu mô, nói hành nói xấu, phe phái, bè đảng, thiên vị. Ngôn ngữ chúng ta phải là ngôn ngữ của Tin Mừng: có thì nói có, không thì nói không: thái độ chúng ta phải là thái độ Bát Phúc, và con đường chúng ta là con đường thánh thiện.

Chúa Thánh Linh nói với chúng ta ngày hôm nay qua những lời của Thánh Phaolô: ”Anh em là Đền thờ của Thiên Chúa.. Đền thờ thánh thiêng của Thiên Chúa là anh em” (1 Cr 3,16-17). Trong Đền thờ này là chúng ta, có cử hành một phụng vụ nòng cốt: phụng vụ của lòng từ nhân, tha thứ, phục vụ, tóm một lời là phụng vụ tình thương. Đền thờ này sẽ bị xúc phạm, nếu chúng ta lơ là các nghĩa vụ đối với tha nhân. Một khi trong con tim chúng ta có một chỗ cho người bé nhỏ nhất trong anh em chúng ta, thì chính Thiên Chúa tìm được chỗ trong đó. Khi người anh em chúng ta bị bỏ rơi ở ngoài, thì chính Thiên Chúa không được đón nhận. Một con tim không có tình thương thì giống như một thánh đường bị xúc phạm, bị rút khỏi việc việc phụng thờ Thiên Chúa và dùng vào việc khác.

Và ĐTC kết luận rằng:

Anh em Hồng y thân mến, chúng ta hãy hiệp nhất trong Chúa Kitô và giữa chúng ta với nhau! Tôi xin anh em hãy gần gũi tôi, bằng kinh nguyện, lời cố vấn, sự cộng tác. Và tất cả anh em chị em, các GM, LM, phó tế những người thánh hiến và giáo dân, anh chị em hãy cùng nhau khẩn cầu Chúa Thánh Linh, để Hồng y đoàn luôn đầy lòng bác ái mục tử nồng nhiệt, đầu thánh thiện, để phục vụ Tin Mừng và giúp Giáo Hội chiếu tỏa tình thương của Chúa Kitô trên thế giới.

Kinh Truyền Tin

Thánh lễ kéo dài 1 tiếng rưỡi đồng hồ và kết thúc lúc 11 giờ rưỡi. Nửa tiếng sau đó, ĐTC Phanxicô đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của Đức Giáo hoàng ở lầu 3 trong dinh Tông tòa để chủ sự buổi đọc kinh truyền tin với 60 ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô, dưới bầu trời nắng đẹp.

Trong bài huấn dụ, ĐTC nhắc đến bài đọc thứ hai của chúa nhật 23-2-2014, trong đó thánh Phaolô nói đến tình trạng chia rẽ trong giáo đoàn Corinto (1 Cr 1,12..): họ họp thành những nhóm theo những nhà giảng thuyết khác nhau mà họ coi là thủ lãnh, Phaolo, Apollo, Cepha. Thánh Phaolô giải thích rằng cách suy tư như thế là sai lầm, vì cộng đoàn không thuộc về các tông đồ, nhưng các vị thuộc về cộng đoàn, nhưng toàn thể cộng đoàn thuộc về Chúa Kitô. Từ sự thuộc về ấy phát sinh điều này là trong các cộng đoàn Kitô – giáo phận, giáo xứ, hội đoàn, phong trào – các khác biệt không thể đi ngược sự kiện tất cả chúng ta có cùng phẩm giá nhờ bí tích rửa tội: tất cả đều là con cái Thiên Chúa trong Chúa Kitô. Những người đã nhận sứ vụ hướng dẫn, rao giảng, cử hành các bí tích, không được coi mình là những người sở hữu các quyền bính đặc biệt, nhưng phải đặt mình phục vụ cộng đoàn, giúp cộng đoàn tiến bước trên con đường nên thánh trong vui tươi. Hôm nay Giáo Hội ủy thác việc làm chứng tá về lối sống mục vụ ấy cho các Hồng Y mới mà tôi đã cử hành thánh lễ với các vị sáng nay. Ước gì công nghị Hồng Y hôm qua mang lại cho chúng ta cơ hội quí giá để cảm nghiệm đặc tính Công Giáo, hoàn vũ của Giáo Hội, được biểu lộ qua nguyên quán khác nhau của các thành viên Hồng y đoàn, liên kết trong niềm hiệp thông chặt chẽ quanh người Kế Vị Thánh Phêrô. Và xin chúa ban cho chúng ta ơn được hoạt động cho sự hiệp nhất của Giáo Hội.

ĐTC nói thêm rằng: ”Ước gì những lúc cử hành phụng vụ và mừng lễ mà chúng ta đã được cơ hội trải qua trong hai ngày qua, củng cố nơi tất cả chúng ta niềm tin, tình yêu đối với Chúa Kitô và Giáo Hội của Chúa! Tôi cũng mời gọi anh chị em hãy nâng đỡ các vị mục tử ấy và trợ giúp các vị bằng lời cầu nguyện để các vị luôn nhiệt thành hướng dẫn dân được ủy thác cho các vị, tỏ cho tất cả mọi người thấy sự dịu dàng và tình thương của Chúa. Một GM, một HY, một Giáo Hoàng, cần lời cầu nguyện dường nào, để có thể giúp dân Chúa tiến bước. Tôi nói ”giúp đỡ” có nghĩa là phục vụ Dân Chúa, vì ơn gọi của Giám Mục, của Hồng y và của Giáo Hoàng chính là người phục vụ, phục vụ nhân dân Chúa Kitô. Anh chị em hãy cầu nguyện cho chúng tôi, để chúng tôi là những người đầy tớ tốt, chứ không phải là những ông chủ tốt! Tất cả các GM, LM, những người thánh hiến và giáo dân chúng ta phải cùng nhau làm chứng về một Giáo Hội trung thành với Chúa Kitô, được linh hoạt bằng ước muốn phục vụ anh em và với lòng can đảm như các ngôn sứ, sẵn sàng đáp ứng những mong đợi và đòi hỏi tinh thần của con người thời nay. Xin Mẹ Maria tháp tùng và bảo vệ chúng ta trong hành trình này.

Tiếp đó ĐTC và mọi người đã kinh truyền tin, ngài đã ban phép lành Tòa Thánh cho tất cả mọi người.

Sau phép lành ĐTC còn chào thăm tất cả những người đến đây để tháp tùng các Hồng y mới, ngài nhiệt liệt cám ơn các nước đã muốn hiện diện tại đây với các phái đoàn chính thức. ĐTC không quên chào thăm đông đảo các tín hữu đến từ các giáo phận ở Italia, và nhiều hội đoàn khác.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tấn phong 19 Hồng y mới

Đức Thánh Cha tấn phong 19 Hồng y mới

VATICAN. Sáng ngày 22-2-2014, lễ kính Tòa Thánh Phêrô, ĐTC Phanxicô đã nhóm Công nghị đầu tiên để tấn phong 19 Hồng y mới.

Hiện diện trong buổi lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô, đặc biệt có Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16. Ngài ngồi cạnh các Hồng Y thượng phụ và đẳng Giám Mục. Đây là lần đầu tiên ngài xuất hiện tại Đền thờ Thánh Phêrô trước công chúng từ sau khi từ nhiệm cách đây gần một năm.

18 tiến chức Hồng y ngồi phía trước bàn thờ, gần đó phía sau là 130 Hồng y, khoảng 100 giám mục và 9 ngàn tín hữu, trong đó có thân nhân, giáo hữu và 15 phái đoàn chính phủ các nước: phái đoàn Brazil và Haiti do Tổng thống liên hệ làm trưởng đoàn; nhiều phái đoàn các nước khác do các vị ngoại trưởng hoặc bộ trưởng hướng dẫn. Đặc biệt cũng có phái đoàn của chính phủ Việt Nam gồm 5 người do ông Dương Ngọc Tấn, Phó trưởng ban tôn giáo chính phủ, làm trưởng đoàn. Đoàn đến dự để mừng ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, khi còn làm thứ trưởng ngoại giáo, ngài đã 3 lần hướng dẫn phái toàn Tòa Thánh sang thăm Việt Nam và làm việc với các quan chức chính phủ.

Thành phần tiến chức Hồng Y

Có 16 tiến chức Hồng Y cử tri dưới 80 tuổi, gồm 4 vị thuộc các cơ quan trung ương Tòa Thánh và 12 vị là GM chính tòa.

Xét về quốc tịch, các vị thuộc 12 nước: 4 vị người Ý, 12 vị còn lại thuộc 12 nước khác nhau, trong số này có 2 vị Á châu: thứ I là Đức TGM Anrê Yeom Soo Jung, hay là Liêm Chu Chánh, năm nay 71 tuổi (1943), TGM giáo phận thủ đô Hán Thành. Ngài đã làm GM phụ tá giáo phận này trong 12 năm trước khi thăng TGM chính tòa tại đây, kế nhiệm ĐHY Nicôla Trịnh Chấn Thích (Cheong Jin-Suk). Vị thứ II là Đức TGM Orlando Quevedo, 75 tuổi (1939), TGM giáo phận Cotabato ở miền nam Philippines, dòng thừa sai Hiến Sinh Đức Mẹ Vô nhiễm (OMI). Ngài từng làm Chủ tịch HĐGM Philippines và hiện nay cũng là Tổng thư ký Liên HĐGM Á châu.

Trong số 19 tân Hồng Y có 4 vị thuộc các dòng tu, đó là ĐHY Orani João Tempesta, TGM Rio de Janeiro, Brazil, thuộc dòng Xitô, ĐHY Ricardo Ezzati Andrello, TGM Santiago de Chile thuộc dòng Don Bosco, và ĐHY Orlando Quevedo người Philippines thuộc dòng Thừa sai Hiến Sinh Đức Mẹ Vô Nhiễm, sau cùng là ĐHY Fernando Sebastián Aguilar, thuộc dòng thừa sai thánh Clarét (CMF), nguyên TGM giáo phận Pamplona bên Tây Ban nha.

Tiến chức Hồng y cao tuổi nhất là ĐHY Loris Francesco Capovilla, 98 tuổi, TGM hiệu tòa Mesembria, nguyên là bí thư của Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan 23. Vì già yếu nên ngài không đến Roma nhận mũ đỏ trong buổi lễ, nhưng sẽ nhận sau trong một buổi lễ tổ chức tại nhà thờ làng quê của ngài, Sotto il Monte, thuộc giáo phận Bergamo, bắc Italia.

Vị trẻ nhất là ĐHY Chibly Langlois, GM giáo phận Les Cayes bên Haiti 55 tuổi.

Lễ phong Hồng Y

Lễ phong Hồng Y được cử hành dưới hình thức một buổi phụng vụ lời Chúa. Đảm nhận phần thánh ca trong buổi lễ, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh còn có ca đoàn Nhà thờ chính tòa Westminster, Luân Đôn, Anh quốc, Ca đoàn Mẹ Giáo Hội với 80 ca viên và ca đoàn của Học viện Giáo Hoàng về thánh nhạc ở Roma với 50 ca viên.

Khi tiến lên bàn thờ chính, ĐTC đã đến chào Đức nguyên Giáo Hoàng rồi tiến tới trước Mộ Thánh Phêrô cúi mình, thinh lặng cầu nguyện.

Sau lời chào phụng vụ của ĐTC, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã đại diện mọi người chào mừng và cám ơn ĐTC. Khi ĐHY nhắc đến ĐGH Biển Đức 16 mọi người đã nhiệt liệt vỗ tay thật lâu..

Tiếp đến, sau lời nguyện của ĐTC, cộng đoàn đã nghe tuyên bài Tin Mừng theo thánh Marco (10,32-45) thuật lại hành trình của Chúa Giêsu cùng với 12 Tông đồ lên Jerusalem, qua đó Chúa loan báo cho các ông: Con Người sẽ bị nộp cho các Thượng Tế và luật sĩ, bị kết án tử hình và giao cho dân ngoại, để chịu cực hình và hành quyết, nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại. Nhưng Tông Đồ Giacôbê và Gioan xin Chúa cho được ngồi bên tả và bên hữu; và trước sự phẫn nộ của các Tông Đồ khác, Chúa dạy các môn đệ ”Ai muốn trở thành người cao trong trong các con, thì hãy thành người phục vụ, ai muốn trở thành người thứ nhất trong các con, thì hãy trở thành tôi tớ cho mọi người”.

Huấn dụ của Đức Thánh Cha

Trong bài huấn dụ, ĐTC đã quảng diễn bài Phúc Âm vừa đọc:

”Chúa Giêsu đi trước họ..” (Mc 10,32)

”Cả trong lúc này, Chúa Giêsu cũng đi trước chúng ta. Chúa luôn luôn đi trước chúng ta. Ngài đi trước và mở đường cho chúng ta.. Và niềm tín thác và niềm vui của chúng ta là được làm môn đệ, ở với Chúa, đi sau, bước theo Chúa….

”Khi chúng ta cùng nhau đồng tế thánh lễ đầu tiên tại Nhà Nguyện Sistina, ”tiến bước” là lời đầu tiên mà Chúa đã đề nghị với chúng ta: tiến bước, và rồi xây dựng và tuyên xưng

.”Ngày hôm nay, lời ấy trở lại, nhưng như một hành vi, như một hành động của Chúa Giêsu tiếp tục: ”Chúa Giêsu đi.. ”. Điều này đánh động chúng ta trong Phúc Âm: Chúa Giêsu đi rất nhiều, và Ngài giảng dạy dọc theo hành trình. Đây là điều quan trọng. Chúa Giêsu không đến để giảng dạy một triết lý, một ý thức hệ.. nhưng một ”con đường”, một con lộ cần tiến bước với Ngài và con lộ này ta học biết trong cuộc hành trình.. Đúng vậy, anh em thân mến, niềm vui của chúng ta là tiến bước với Chúa Giêsu.

”Nhưng đây không phải là điều dễ dàng, không phải là điều dễ chịu, vì con đường mà Chúa Giêsu chọn chính là con đường thập giá. Trong khi họ đi đường, Chúa nói với các môn đệ về điều sẽ xảy ra tại Jerusalem: Ngài báo trước cuộc khổ nạn, cái chết và sự sống lại của Ngài. Và họ ”kinh ngạc” và ”đầy sợ hãi”. Kinh ngạc vì đối với họ đi lên Jerusalem có nghĩa là tham dự vào chiến thắng của Đức Messia, chiến thắng của Ngài – chúng ta thấy điều đó qua lời thỉnh cầu của Giacôbê và Gioan; và đầy sợ hãi vì điều mà Chúa Giêsu sẽ phải chịu, và cả họ cũng có nguy cơ phải chịu.

”Khác với các môn đệ thời ấy, chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã chiến thắng, và chúng ta không phải sợ Thập Giá, trái lại, trong Thập Giá, chúng ta được hy vọng. Nhưng cả chúng ta vẫn luôn là phàm nhân, là người tội lỗi, và chúng ta bị cám dỗ nghĩ đến cách thức của con người, thay vì của Thiên Chúa.

“Và khi suy nghĩ một cách trần tục, thì hậu quả là gì? ”10 môn đệ khác tức giận với Giacôbê và Gioan” (v.41). Họ thịnh nộ. Não trạng trần tục trổi vượt, sự cạnh tranh, ghen tương, phe phái xâm nhập vào.

”Vì thế lời mà Chúa nói với chúng ta hôm nay rất là lành mạnh! Lời ấy thanh tẩy nội tâm chúng ta, soi sáng lương tâm chúng ta, và giúp chúng ta hoàn toàn hòa hợp với Chúa Giêsu, và chúng ta cùng nhau làm điều ấy trong lúc Hồng y đoàn được gia tăng với các thành viên mới.

”Bấy giờ Chúa Giêsu gọi họ đến cùng Ngài…” (Mc 10,42). Đó là một cử chỉ khác của Chúa. Dọc đường, Ngài thấy rằng cần phải nói với nhóm 12 môn đệ, Chúa dừng lại, gọi họ đến gần. Anh em thân mến, chúng ta hãy để Chúa Giêsu gọi chúng ta đến cùng Ngài! Hãy để Ngài triệu tập. Và hãy lắng nghe Chúa, cùng nhau chúng ta hãy vui mừng đón nhận Lời Ngài, để cho mình được Lời Chúa và Thánh Linh giáo huấn, để ngày càng trở thành một lòng một trí, chung quanh Chúa.

”Và trong khi chúng ta được triệu tập, được Thầy duy nhất của chúng ta gọi đến, cả tôi cũng nói với anh em điều mà Giáo Hội đang cần: Giáo Hội đang cần anh em, cần sự cộng tác của anh em, và trước hết là cần sự hiệp thông của anh em, sự hiệp thông với tôi và giữa anh em với nhau. Giáo Hội đang cần lòng can đảm của anh em, để loan báo Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh thuận tiện cũng như không thuận tiện, và để làm chứng về chân lý. Giáo Hội đang cần lời cầu nguyện của anh em, cần sự tiến bước tốt đẹp của đoàn chiên Chúa Kitô, cầu nguyện, cùng với việc loan báo Lời Chúa, chính là nghĩa vụ đầu tiên của GM. Giáo Hội đang cần sự cảm thương của anh em, nhất là trong lúc đau thương và đau khổ tại bao nhiêu nước trên thế giới. Chúng ta hãy bày tỏ sự gần gũi tinh thần với những cộng đoàn Giáo Hội và tất cả các Kitô hữu đang bị kỳ thị và bách hại. Giáo Hội đang cần lời cầu nguyện của chúng ta cho họ, để họ vững mạnh trong đức tin và biết đáp lại sự ác bằng sự thiện. Và kinh nguyện này của chúng ta được nới rộng tới mỗi người nam nữ đang chịu bất công vì những xác tín tôn giáo của họ. Giáo Hội cũng đang cần chúng ta để chúng ta trở thành những con người hòa bình và hòa giải cho các dân tộc trong thời đại này đang bị thử thách vì bạo lực và chiến tranh.

Và ĐTC kết luận rằng:

”Anh em rất thân mến, xin cám ơn anh em! Chúng ta cùng nhau bước theo Chúa, hãy luôn để cho Chúa triệu tập, giữa đoàn dân trung thành với Mẹ Giáo Hội thánh thiện.

Nghi thức tấn phong

Sau bài huấn dụ, ĐTC bắt đầu nghi thức tấn phong Hồng y mới. Ngài nói:

”Anh chị em rất thân mến, chúng tôi sắp thi hành một hành vi trọng đại và vui mừng trong thánh vụ của chúng tôi. Hành vi này có liên hệ trước tiên tới Giáo Hội tại Roma, nhưng cũng liên quan tới toàn thể cộng đồng Giáo Hội. Chúng tôi sắp gọi một số người anh em gia nhập Hồng Y đoàn, để các vị được hiệp nhất với Tòa thánh Phêrô bằng một mối dây bền chặt hơn, trở nên thành phần của hàng giáo sĩ Roma, và cộng tác mật thiết hơn với sứ vụ tông đồ của chúng tôi.”

”Mang mặc phẩm phục màu đỏ, các vị Hồng Y phải là những chứng nhân can trường của Chúa Kitô và Phúc âm của ngài tại thành Roma cũng như tại những nơi xa xăm nhất. Vì vậy với quyền của Thiên Chúa toàn năng của các thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và quyền của chúng tôi, chúng tôi tấn phong và long trọng tuyên bố các anh em chúng tôi sau đây là Hồng Y của Hội Thánh Roma.”

Đến đây, ĐTC lần lượt xướng tên 19 hồng y mới, cộng đoàn nhiệt liệt vỗ tay chào mừng khi tên mỗi vị được nhắc đến. Đứng đầu danh sách là ĐHY Pietro Parolin, người Ý, 59 tuổi, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, rồi đến 3 vị thuộc giáo triều Roma: Đức TGM Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng HĐGM, Đức TGM Gerhard Mueller, Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, Đức TGM Beniamino Stella, Tổng trưởng Bộ Giáo Sĩ.

Tiếp đến là các vị TGM chính tòa của các giáo phận Westminster Anh quốc, Managua Nicaragua, Québec Canada, Abidjan bên Côte d'Ivoire, Rio de Janeiro Brazil, Perugia Italia, Buenos Aires Argentina, Hán Thành Hàn quốc, Santiago de Chile, Ouagadougou Burkina Faso, Cotabato Philippines, Les Cayes Haiti. Sau cùng là 3 vị đã quá 80 tuổi là Capovilla Italia, Sebastián Aguilar Tây Ban Nha, Edward Felix nguyên TGM Castries, thuộc quần đảo Antille.

ĐTC ấn định 3 vị tân Hồng y thuộc đẳng phó tế là 3 vị thuộc Giáo triều Roma. 15 vị còn lại, kể cả ĐHY Parolin, là các Hồng y thuộc đẳng Linh Mục, hầu hết là những vị đang coi sóc các giáo phận ở các nơi.

Tiếp tục nghi thức, theo lời mời gọi của ĐTC, các tiến chức Hồng Y tuyên xưng đức tin và tuyên thệ trung thành với Chúa Kitô và Tin Mừng của Chúa, luôn luôn tuân phục Tòa Thánh và Thánh Phêrô nơi bản thân ĐTC Phanxicô và các đấng kế vị ngài được bầu lên hợp pháp; luôn bảo tồn bằng lời nói và hành động tình hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo; không bao giờ tiết lộ cho người nào những gì đã được ủy thác để gìn giữ, mà sự tiết lộ điều ấy có thể gây hại hoặc làm ô danh Hội Thánh; hết sức chuyên cần và trung tín thi hành các công tác được kêu gọi thi hành trong việc phục vụ Giáo Họi, theo các quy tắc luật định.

Kế đến, từng Hồng Y lần lượt tiến lên quì trước mặt ĐTC để ngài đội mũ đỏ Hồng Y, với lời nhắn nhủ:

”Để ngợi khen Thiên Chúa Toàn Năng và mang lại vinh dự cho Tòa Thánh, ĐHY hãy nhận mũ đỏ này như dấu chỉ phẩm vị Hồng Y, có nghĩa là ĐHY phải sẵn sàng cư xử can đảm, cho đến độ đổ máu đào, để làm tăng trưởng Đức Tin Kitô giáo, cho hòa bình và yên hàn của Dân Chúa, cho tự do và sự mở rộng Giáo Hội Roma Thánh”.

Và khi trao nhẫn, ngài nói:

”Đức Hồng Y hãy nhận chiếc nhẫn từ tay của Phêrô, và Đức Hồng Y hãy biết rằng nhờ yêu mến vị Thủ lãnh các thánh tông đồ mà lòng yêu mến Giáo hội của ĐHY được kiện cường”.

Sau cùng ĐTC trao sắc chỉ về việc phong Hồng Y cũng như việc chỉ định tước hiệu thánh đường của tân chức.

Sau khi lãnh mũ và sắc phong các Tân Hồng Y trao đổi cử chỉ bình an với ĐTC các vị đến chào các Hồng Y cũ rồi lên ngồi trên 18 chiếc ghế dành cho các vị.

Nghi thức tấn phong các Hồng y mới kết thúc với Kinh Lạy Cha và lời nguyện của ĐTC xin cho các tôi tớ Chúa là các tân Hồng Y khi kiên trì xây dựng Giáo Hội, chiếu tỏa rạng ngời với đức tin toàn vẹn và tâm trí tinh tuyền. Sau cùng là bài thánh Ca Lạy Nữ Vương thiên đàng. Bấy giờ là 12 giờ 15 phút.

Chiều cùng ngày 22-2-2014, từ lúc 4 giờ rưỡi, các tân hồng y đã được nhiều người thân, bạn hữu và quan khách đến chúc mừng tại các địa điểm được chỉ định cho mỗi vị: 4 tân Hồng y thuộc giáo triều ở trong dinh Giáo Hoàng, và 14 vị còn lại tại nhiều địa điểm trong khu vực Đại thính đường Phaolô 6.

G. Trần Đức Anh, O.P – Vatican Radio