Đức Thánh Cha chia buồn với Tổng Giáo Phận Milano

Đức Thánh Cha chia buồn với Tổng Giáo Phận Milano

VATICAN. ĐTC Phanxicô đã gửi điện chia buồn với Tổng giáo phận Milano, bắc Italia, về việc ĐHY Dionigi Tettamanzi, nguyên TGM giáo phận sở tại qua đời sáng ngày 5-8-2017, hưởng thọ 83 tuổi.

ĐHY Tetttamanzi vốn là một nhà thần học luân lý nổi tiếng, chuyên về đạo đức sinh học, trước khi được bổ nhiệm làm TGM giáo phận Ancona, rồi làm Tổng thư ký HĐGM Italia. Năm 1995, ngài được ĐTC Gioan Phaolô 2 bổ nhiệm làm TGM giáo phận Genova và thăng Hồng Y 3 năm sau đó. Năm 2002, ngài được chuyển về làm TGM giáo phận Milano là giáo phận lớn nhất Âu Châu với 5 triệu tín hữu Công Giáo, kế nhiệm ĐHY Carlo Maria Martini S.J. 9 năm sau đó, ĐHY Tettamanzi về hưu và ĐHY Angelo Scola lên kế nhiệm.

Trong điện văn gửi đến giáo phận Milano để chia buồn, ĐTC nhận xét rằng ”cộng đoàn giáo phận Milano đã kể Đức Cố Hồng Y Tettamanzi vào số các vị chủ chăn dễ thương và được yêu mến nhất của mình. Với lòng quí mến và biết ơn, tôi nghĩ đến sự nghiệp văn hóa và mục vụ khẩn trương mà Đức Cố Hồng Y đãthực hiện và làm chứng về niềm vui Tin Mừng. Người đã ngoan ngoãn phục vụ Giáo Hội qua nhiều chức vụ, luôn nổi bật như một mục tử chuyên cần, hoàn toàn tận tụy đối với những nhu cầu và thiện ích của các linh mục và toàn thể các tín hữu. Đức Cố Hồng Y Tettamanzi đặc biệt quan tâm tới các vấn đề của gia đình, hôn nhân, đạo đức sinh học mà Người là một chuyên gia nổi bật.”

Thông cáo của ĐHY Scola

ĐHY Angelo Scola, trong tư cách là Giám quản Tông Tòa Milano, cũng ra thông cáo nói rằng: ”sự ra đi của ĐHY Dionigi Tettamanzi là một mất mát lớn cho Giáo Hội Milano và toàn thể Giáo Hội hoàn vũ, không những vì những sứ vụ khác nhau và Người đã đảm nhận và vì sự phục vụ của Người như một chuyên gia cho các vị Giáo Hoàng và Tòa Thánh, nhưng còn vì nhân cách khiêm tốn, tươi cười, và quan tâm đến những tương quan. Đức Cố Hồng Y luốn nhắm tới sự thể hiện nhân sinh quan Kitô giáo trong thực tại hiện nay. Tiểu sử của Người được nhiều người biết đến, là một chứng tá về tất cả những điều đó.”

ĐHY Scola cho biết ngài đặc biệt gắn bó với ĐHY Tettamenzi, từ thời Người là vị giáo sư trẻ của ngài tại chủng viện Venegono. Tình bạn được đào sâu thêm trong những năm ở Roma qua việc cộng tác với nhau để phục vụ Giáo Hội hoàn vũ.

”ĐHY Tettamenzi là một học giả về luân lý và đạo đức sinh học luôn gây ấn tượng mạnh nơi tôi về khả năng làm việc trong nhóm và mau lẹ làm một tổng hợp. Trong 6 năm tôi làm TGM Milano, ĐHY Tetttamanzi luôn đồng hành với tôi trong tình bạn nồng nhiệt và kín đáo. Gia sản của Người vẫn còn mang lại rất nhiều cho Giáo phận Milano của chúng ta, cho tất cả các tín hữu Công Giáo và nhiều ngươi đời mà ngài đã biết đối thoại với họ từ những vấn đề xã hội khẩn trương như những vấn đề gia đình, sự sống, công ăn việc làm và tình trạng bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Với sự qua đi của ĐHY Tettamanzi, Hồng y đoàn còn 223 vị trong số này có 121 Hồng y cử tri dưới 80 tuổi. (REI 5-8-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Lễ an táng ĐHY Joachim Meisner, nguyên Tổng Giáo Mục Koeln

Lễ an táng ĐHY Joachim Meisner, nguyên Tổng Giáo Mục Koeln

KOELN. ĐHY Joachim Meisner, cố TGM giáo phận Koeln bên Đức, đã được an táng trọng thể sáng thứ bẩy 15-7-2017, tại Nhà Thờ chính tòa giáo phận địa phương.

 ĐHY Meisner đã qua đời sáng sớm ngày 5-7 vừa qua tại nơi nghỉ hè Bad Fuessing ở nam Đức, hưởng thọ 84 tuổi, sau 25 năm làm TGM giáo phận Koeln.

 ĐHY Woelki TGM Koeln đã chủ sự thánh lễ và phần giảng thuyết do ĐHY Peter Erdoe, TGM giáo phận Esztergom Budapest ở Hungari đảm nhận.

  Hiện diện trong thánh lễ an táng, ngoài các vị lãnh đạo Công Giáo Đức, từ Roma đặc biệt có ĐHY Gerhard Mueller, nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, và Đức TGM Georg Gaenswein, Bí thư của Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 và cũng là Chủ tịch Phủ Giáo Hoàng.

 Đức TGM Gaenswein đã cảm động đọc thư của Đức Biển Đức 16 kể lại rằng khi nghe tin ĐHY Meisner qua đời ngài không thể tin được vì ngày hôm trước hai vị còn nói chuyện với nhau qua điện thoại. Thư của Đức nguyên Giáo Hoàng có đoạn viết: “Chúng ta biết rằng Đức Cố Hồng Y, như một mục tử hăng say, ngài cảm thấy khó rời bỏ sứ vụ này giữa lúc Giáo Hội đang cấp thiết cần các mục tử đầy xác tín cần chống lại sự độc tài của tinh thần thế gian và đã quyết liệt sống và suy tư từ đức tin..”

Đức Biển Đức 16 cũng kể lại: ”Trong các cuộc nói chuyện gần đây với Đức Cố Hồng Y Meisner, điều gây ấn tượng mạnh nơi tôi là sự thanh thản, niềm vui nội tâm và sự tín thác của Người.. Tôi cảm động hơn cả là khi thấy Đức Cố HY đã sống giai đoạn cuối đời trong niềm xác tín sâu xa 'Chúa không bỏ rơi Giáo Hội của Ngài, cho dù nhiều khi con thuyền đầy đến độ hầu như bị lật”.

Đức Biển Đức 16 cũng viết rằng ”Buổi sáng cuối cùng, ĐHY Meisner không xuất hiện tại nơi làm lễ, và người ta tìm thấy Người đã chết trong phòng. Sách nguyện tuột khỏi tay Người. ĐHY chết trong lúc cầu nguyện, hướng nhìn về Chúa, đối thoại với Chúa. Cách thức chết của Đức Cố Hồng Y mà Chúa ban cho Người, một lần nữa, tỏ cho thấy cách Người đã sống: đó là hướng nhìn lên Chúa và đối thoại với Chúa”.

Tại buổi lễ Đức TGM Nicola Eterovic, Sứ thần Tòa Thánh tại Đức, đã đọc điện văn chia buồn của ĐTC Phanxicô: ”Tôi xúc động sâu xa khi nghe tin ĐHY Joachim Meisner được Thiên Chúa từ bi thương xót kêu gọi đột ngột và bất ngờ từ trái đất này. Tôi gần gũi ĐHY và tất cả các tín hữu của Tổng giáo phận Koeln trong kinh nguyện cầu cho vị Chủ Chăn quá cố.”

”Với niềm tin sâu xa và lòng yêu mến chân thành đối với Giáo Hội, ĐHY Meisner đã tận tụy loan báo Tin Mừng. Xin Chúa Kitô trả công cho Người vì sự dấn thân trung thành và kiên cường bênh vực thiện ích của những người ở đông và tây, và cho Người được tham dự vào cộng đồng hiệp thông của các thánh trên trời”. (KNA 15-7-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Hồng Y Joachim Meisner, Tổng giám mục Koeln, qua đời

Đức Hồng Y Joachim Meisner, Tổng giám mục Koeln, qua đời

KOELN. ĐHY Joachim Meisner, nguyên TGM giáo phận Koeln bên Đức, đã qua đời sáng sớm ngày 5-7-2017, hưởng thọ 84 tuổi.

ĐHY Meisner sinh ngày 25-12 năm 1933 tại miền hạ Slesia, bấy giờ thuộc lãnh thổ Đức, nhưng nay thuộc Ba Lan. Năm 1945, cùng với gia đình, ngài tị nạn sang miền Thueringen Đông Đức và thụ phong linh mục năm 1962 trong giáo phận Erfurt. 3 năm sau ngài đậu tiến sĩ thần học tại Đại học giáo hoàng Gregoriana ở Roma. Năm 1975, ngài được bổ nhiệm làm GM Phụ tá giáo phận Erfurt và 5 năm sau làm GM giáo phận Berlin. Giáo phận này bao gồm cả khu vực Đông và Tây Berlin, rộng 30 ngàn cây số vuông, trong thời kỳ nước Đức bị chia đôi, với 1 triệu 200 ngàn tín hữu Công Giáo trên tổng số 8 triệu người tin lành.

Năm 1983 ĐGH Gioan Phaolô 2 thăng ngài làm Hồng Y và 6 năm sau đó, chuyển ngài về làm TGM giáo phận Koln, bấy giờ là giáo phận lớn nhất tại Đức. ĐHY cai quản giáo phận này trong 25 năm cho đến khi về hưu vào năm 2014.

ĐHY Meisner là 1 trong 4 Hồng Y đã xin ĐTC giải tỏa những nghi vấn đề Tông Huấn ”Niềm vui yêu thương” (Amoris laetitia).

ĐTC chia buồn

ĐTC đã gửi điện chia buồn với Tổng giáo phận Koeln trong đó ngài viết: ”Tôi xúc động sâu xa khi nghe tin ĐHY Joachim Meisner được Thiên Chúa từ bi thương xót kêu gọi đột ngột và bất ngờ từ trái đất này. Tôi gần gũi ĐHY và tất cả các tín hữu của Tổng giáo phận Koeln trong kinh nguyện cầu cho vị Chủ Chăn quá cố.”

”Với niềm tin sâu xa và lòng yêu mến chân thành đối với Giáo Hội, ĐHY Meisner đã tận tụy loan báo Tin Mừng. Xin Chúa Kitô trả công cho Người vì sự dấn thân trung thành và kiên cường bênh vực thiện ích của những người ở đông và tây, và cho Người được tham dự vào cộng đồng hiệp thông của các thánh trên trời”.

ĐHY Woelki cho biết ĐHY Meisner đã từ trần trong lúc còn cầm sách nguyện trên tay. Sáng thứ tư, 5-7, một người bạn đã đến đón ĐHY đang nghỉ hè ở Bad Fuessing thuộc vùng hạ bang Bavaria để đi làm lễ thì thấy ĐHY đã qua đời.

Cầu hồn

Trong chúc thư tinh thần, ĐHY Joachim Meisner, cố TGM giáo phận Koeln bên Đức, kêu gọi các tín hữu trung thành với ĐGH.

Trong thánh lễ cầu hồn chiều ngày 5-7-2017 tại nhà thờ chính tòa Koeln, ĐHY Rainer Woelki, đương kim TGM giáo phận Koeln, và từng là bí thư rồi làm GM phụ tá cho Đức Cố Hồng Y Meisner, đã tuyên đọc chúc thư tinh thần của ĐHY quá cố, trong đó Người tha thiết nhắn nhủ các tín hữu rằng: ”Anh chị em hãy luôn trung thành với ĐGH, và anh chị em sẽ không bao giờ mất Chúa Kitô”.

Phần đầu chúc thư của ĐHY Meisner là một lời nguyện và tuyên xưng Chúa Kitô: ”Lạy Chúa Kitô, Chúa là niềm hy vọng của con, là an bình, hạnh phúc và là trọn cuộc sống của con.. Vì tình yêu đối với loài người, Chúa đã để Thánh Giá Chúa động chạm đến con. Chúa đã để cho con trở thành LM và GM”.

Trong bài giảng, ĐHY Woelki ca ngợi Đức Cố Hồng Y Meisner về sự dấn thân loan báo đức tin và nói rằng ”Trên toàn nước Đức, người ta biết lập trường của ĐHY Meisner, biết ngài bênh vực điều gì. Ngài dấn thân bênh vực sự sống con người, nhất là sự sống của các thai nhi. Trong XX, xã hội và chính trị, nhiều khi ngài bị hiểu lầm”.

ĐHY Woelki thông báo: thi hài Đức Cố HY Meisner sẽ được quàn từ thứ sáu mùng 7 đến thứ hai, 10-7, cho các tín hữu kính viếng tại Nhà thờ Thánh Gereon và sau đó sẽ được đưa về Nhà Thờ chính tòa Koeln ngày 15-7 để cử hành lễ an táng (KNA 6-7-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ làm phép dây Pallium

Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ làm phép dây Pallium

VATICAN. Sáng ngày 29-6-2017, ĐTC Phanxicô đã chủ sự thánh lễ trọng thể mừng kính thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, và làm phép các dây Pallium cho 36 vị TGM chính tòa, trong đó có Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, TGM giáo phận Huế.

 36 vị TGM thuộc 27 quốc gia, trong đó đông nhất là 4 vị người Brazil, 3 vị người Mỹ, 2 vị người Ba Lan và Philippines. Từ Á châu, ngoài Đức TGM Nguyễn Chí Linh, còn có 2 vị Philippines như vừa nói, và từ Ấn Độ, Bangladesh, Ấn độ, Malaysia. Có 4 vị TGM không đến được và xin nhận dây Pallium tại giáo phận thuộc quyền, do vị Đại diện Tòa Thánh trao.

 Dây Pallium là một dây làm bằng lông chiên màu trắng, bề ngang chừng 5 centimét, có 6 hình thánh giá kết bằng tơ màu đen, được đeo ở cổ, có 2 giải ngắn một ở phía trước ngực và một ở phía sau lưng. Dây này biểu tượng quyền của vị TGM đứng đầu giáo tỉnh và tượng trưng tình hiệp thông với Đấng kế vị thánh Phêrô.

 Lúc 9 giờ 20, ĐTC đã cùng với Đức TGM Job trưởng phái đoàn của tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople xuống tầng hầm dưới bàn thờ chính của Đền thờ Thánh Phêrô mặc niệm trước mộ thánh nhân, rồi tiến đến trước pho tượng thánh nhân trong Đền thờ, với phẩm phục Giáo Hoàng, để cầu nguyện, trước khi tiến ra bên ngoài, nơi bàn thờ trên thềm của Đền thờ.

 Đồng tế thánh lễ có 105 HY, trong đó có 5 vị vừa được ĐTC phong trong công nghị chiều ngày hôm trước 28-6, hơn 230 GM và 700 Linh mục tất cả đều trong phẩm phục màu đỏ, cùng với 15 ngàn tín hữu, trong đó có 8 người thuộc phái đoàn Đức TGM Huế, gồm 2 LM thuộc giáo phận Thanh Hóa, và 2 vị khác thuộc tổng giáo phận Huế và một vài giáo dân.

 Ở chỗ danh dự gần bàn thờ chính có phái đoàn Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople do Đức TGM Job, thuộc giáo phận Telmessos, làm trưởng đoàn có 2 LM tháp tùng, cạnh đó là ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, và hai chức sắc cấp cao của Hội đồng này.

 Phần thánh ca, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, còn ca đoàn Tin Lành Luther từ Munich bên Đức, Ca đoàn Nhà Thờ Thánh Gioan Thánh Sử, và ca đoàn ”Mẹ Giáo Hội” ở Roma.

 Thay đổi thể thức

 Trước đây, các vị tân TGM chính tòa vẫn về Roma để nhận dây Pallium từ ĐTC trong thánh lễ ngài cử hành ngày 29-6, lễ kính thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, trừ trường hợp ngoại lệ, giây này được vị Đại Diện Tòa Thánh trao trong một buổi lễ tại Giáo Hội địa phương.

 Nhưng từ đầu năm 2015 trở đi, do quyết định của ĐTC Phanxicô, dây Pallium được trao cho vị Tổng Giám Mục đứng đầu giáo tỉnh trong một buổi lễ tại giáo phận thuộc quyền tại vì tại Roma. Sự thay đổi này nhắm làm nổi bật hơn quan hệ giữa vị tân TGM chính tòa với Giáo Hội địa phương của các vị, và để tạo cơ hội cho nhiều tín hữu được hiện diện tại nghi thức rất ý nghĩa đối với họ, và nhất là là cho các Giám Mục thuộc hạt – trong cùng một giáo tỉnh -, để tham dự lễ trao dây Pallium. Theo chiều hướng đó, ý nghĩa buổi lễ ngày 29-6 vẫn được giữ nguyên, tức là nhấn mạnh mối giây hiệp thông và cũng là sự hiệp thông theo phẩm trật giữa ĐTC và các vị tân TGM chính tòa, và đồng thời, qua sự trao giây này ở địa phương, có thêm mối liên hệ với Giáo hội địa phương”.

 Theo quyết định mới, dây Pallium vẫn được ĐTC làm phép trong ngày 29-6 tại Đền thờ Thánh Phêrô, trong thánh lễ đồng tế với các vị tân Tổng Giám Mục chính tòa, như thói quen từ trước đến nay, nhưng ĐTC chỉ trao giây này cho các vị theo thể thức riêng và đơn sơ. Sau đó, tại giáo phận thuộc quyền, lễ nghi trao giây Pallium sẽ được tổ chức trong một lễ nghi trọng thể, trong đó vị Đại diện Tòa Thánh, được ĐTC ủy quyền, trao cho vị tân TGM chính tòa trước sự hiện diện của các GM trong cùng giáo tỉnh và các tín hữu.

 Đầu thánh lễ, sau lời chào phụng vụ của ĐTC, ĐHY Renato Martino, trưởng đẳng phó tế, đã thưa với ngài là các vị TGM chính tòa, ”với lòng kính mến trung thành và vâng phục đối với ĐTC và Tòa Thánh, khiêm tốn xin ĐTC ban cho các vị dây Pallium, được lấy từ bàn thờ tuyên xưng đức tin của Thánh Phêrô, như dấu chỉ quyền bính của vị TGM đứng đầu giáo tỉnh, trong niềm hiệp thông với Giáo Hội Roma, được thiết định hợp pháp trong giáo phận của các vị.”

  Rồi ĐHY mời các vị TGM cùng đọc công thức tuyên thệ tuyên thệ luôn trung thành và vâng phục Thánh Phêrô Tông Đồ, Tòa Thánh, Giáo Hội, ĐTC và các Đấng Kế vị hợp pháp.

 ĐTC đọc công thức làm phép các dây Pallium, xin Thiên Chúa là Đấng đã đặt Con của Ngài làm Mục Tử nhân lành chăn dắt Giáo hội là đoàn chiên của Chúa đổ tràn đầy ơn lành trên các dây Pallium và trên các tân TGM, nhờ ơn Chúa, sẽ đeo dây này, để được nhìn nhận như những Mục Tử đoàn chiên Chúa, và biểu lộ trong cuộc sống của mình thực tại ý nghĩa của dây nay. Xin cho các vị Mục Tử này nhận lấy ách Tin Mừng đặt trên vai mình và ách ấy trở nên dịu dàng để các vị đi trước người khác trong việc sống các giới răn của Chúa, nêu gương trung thành kiên trì, cho đến khi đáng được đưa vào đồng cỏ vĩnh cửu trong nước Chúa.

 Thánh lễ tiếp tục với kinh Vinh Danh và lời Tổng Nguyện, và phần phụng vụ Lời Chúa.

 Trong bài giảng thánh lễ, dựa vào các bài đọc, ĐTC quảng diễn 3 nhiệm vụ của các vị chủ chăn và Kitô hữu là tuyên xưng Chúa Kitô, chịu đựng đau khổ bách hại và cầu nguyện (xem bài riêng).

 Trong phần lời nguyện giáo dân, các ý nguyện đã được xướng lên bằng các thứ tiếng Pháp, tiếng Hoa, Bồ đào nha, Thụy Điển và tiếng Ý, lần lượt cầu nguyện cho Giáo Hội, cho tân TGM nhận dây Pallium, cho các nhà lập pháp và chính quyền, cho các người loan báo Tin Mừng và các thừa sai, cho các dân tộc đang chịu chiến tranh, và sau cùng cho những người sầu khổ.

 Thánh lễ kết thúc với bài ca: ”Chúng con chạy đến nương náu nơi sự bảo trợ của Mẹ Thiên Chúa”

 Sau đó, ngài về dinh tông tòa và lúc 12 giờ trưa, ngài xuất hiện tại cửa sổ lầu 3 để chủ sự buổi đọc kinh truyền tin chung với hàng chục ngàn tín hữu tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô.

 G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha chủ tọa công nghị phong 5 Hồng Y mới

Đức Thánh Cha chủ tọa công nghị phong 5 Hồng Y mới

VATICAN. Lúc 4 giờ chiều ngày 28-6-2017, ĐTC đã chủ tọa công nghị tấn phong 5 Hồng Y mới.

 Đứng đầu danh sách là ĐHY Jean Zerbo, 74 tuổi, TGM giáo phận Bamako, thủ đô Mali bên Phi châu; những ngày trước đây có tin ngài không đến Roma được vì lý do sức khỏe nhưng sau cùng ngài cũng đến được. Tiếp đến là ĐHY Juan José Omella, 71 tuổi (1946) TGM giáo phận Barcelona, Tây Ban Nha. Thứ ba là ĐHY Anders Arborius, 69 tuổi (1949), GM giáo phận Stockholm Thụy Điển. Thứ tư là ĐHY Louis Marie Ling Mangkhanekhoun, 73 tuổi, Đại diện Tông tòa Paksé kiêm Giám quản Tông Tòa giáo phận Viên Chăn bên Lào. Sau cùng là ĐHY Gregorio Rosa Chavez, 75 tuổi, GM phụ tá tổng giáo phận San Salvador từ 35 năm nay và cũng là cha sở Nhà Thờ Thánh Phanxicô tại giáo phận địa phương.

 Lễ tấn phong 5 Hồng Y mới được cử hành tại Đền thờ Thánh Phêrô dưới hình thức một buổi phụng vụ Lời Chúa, trước sự hiện diện của 80 Hồng Y, hơn 100 GM và hàng trăm linh mục, cùng với khoảng 5 ngàn tín hữu.

 Trong bài giảng, ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng theo thánh Marco (10-32-45) thuật lại sự tích hai môn đệ Giacôbê và Gioan muốn được ngồi bên hữu bên tả Chúa, và ngài đã nhắn nhủ các tiến chức Hồng Y noi gương Chúa Giêsu trong hành trình lên Jerusalem:

 ”Các tân Hồng Y rất thân mến. Chúa Giêsu ”đi trước anh em” và yêu cầu anh em quyết liệt theo Chúa trên con đường của Ngài. Ngài gọi anh em hãy nhìn thực tại, đừng để mình bị chia trí vì những lợi lộc khác, những viễn tượng khác. Chúa không gọi anh em trở thành ”những ông hoàng” trong Giáo Hội, ngồi ”bên hữu hay bên tả Ngài”. Chúa gọi anh em phục vụ như Ngài và với Ngài. Phục vụ Chúa Cha và các anh chị em. Chúa gọi anh em đương đầu với cùng thái độ của Ngài chống lại tội lỗi thế gian và những hậu quả của nó nơi nhân loại ngày nay. Bước theo Chúa, cả anh em cũng đi trước dân thánh của Thiên Chúa, luôn ngắm nhìn Thập Giá và sự Phục Sinh của Chúa”.

 Tiếp đến, các tiến chức Hồng Y tuyên thệ vâng phục ĐTC và các Đấng Kế Vị, trước khi lần lượt tiến lên để ngài đội trao mũ đỏ và sắc phong chỉ định thánh đường. Nghi thức tấn phong các Hồng y mới kết thúc với Kinh Lạy Cha và lời nguyện của ĐTC.

Sau lễ, các Hồng Y mới đã đến thăm Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 trước khi về Đại thính đường Phaolô 6 ở nội thành Vatican, để tiếp các tín hữu, thân nhân và những người đến chúc mừng, kể từ lúc 6 giờ đến 8 giờ tối. (SD 28-6-2017)

 G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha gặp 6 vị lãnh đạo HĐGM Venezuela

Đức Thánh Cha gặp 6 vị lãnh đạo HĐGM Venezuela

VATICAN. Lúc 10 giờ sáng 8-6-2017, ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến 6 vị thuộc Ban Chủ tịch HĐGM Venezuela theo lời thỉnh cầu của chính các vị lãnh đạo của Hội đồng này.

Tham dự buổi tiếp kiến này có Đức TGM Chủ tịch Diego Padrón, hai Đức Cha Phó Chủ tịch và Đức Cha Tổng thư ký. Ngoài ra có hai vị Hồng Y người Venezuela là Jorge Urosa Savino, và Baltazar Porras.

Các GM đã trao đối với ĐTC về tình hình khủng hoảng trầm trọng tại Venezuela.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, trước ngày gặp gỡ với ĐTC, ĐHY Jorge Urosa Savino, TGM giáo phận thủ đô Caracas của Venezuela tố giác rằng tổng thống Nicolas Maduro lèo lái hình ảnh của ĐTC, ông muốn ”trình bày ĐHY như người bạn của chính phủ Venezuela, nhưng các GM chúng tôi muốn loại bỏ sự lèo lái này, để chứng tỏ rằng chúng tôi đứng về phía nhân dân Venezuela đang chịu đau khổ rất nhiều và chúng tôi đoàn kết với ĐTC”.

Theo ĐHY Savino, tổng thống Maduro đã mất hậu thuẫn của nhân dân, vì thế ông đề ra dự án cải tổ hiến pháp để thiết lập một chế độ độc tài, cộng sản, duy vật và quân phiệt”, trái ngược với quyền lợi của tất cả mọi người, nhất là những người nghèo nhất”.

ĐHY cũng khẳng định rằng ”con đường để ra khỏi tình trạng chính trị hiện nay ở Venezuela vẫn là những phương thế đã được ĐHY Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đề ra hồi tháng 12 năm ngoái, đó là thiết lập con kênh nhân đạo cho lương thực và thuốc men, trả lại quyền cho quốc hội, trả tự do cho các tù nhân chính trị, lập lịch trình bầu cử dân chủ. ”Cộng đồng quốc tế phải hiểu và thấy rõ tình trạng ở Venezuela mỗi ngày trở nên trầm trọng hơn, bạo lực hơn, nơi mà dân chúng chết vì đói. Quốc tế cần phải làm cho chính phủ Venezuela hiểu rằng chính phủ phải giải quyết những vấn đề hiện nay nếu không thì phải từ nhiệm và ấn định cuộc bầu cử để đất nước có một tổng thống mới' (Ansa 7-6-2017)

Liên đới

Mặt khác, hãng tin Fides của Bộ truyền giáo cho biết: Giáo phận Cúcuta ở Colombia, đã mở một ”nhà qua đường” từ ngày 5-6 vừa qua để giúp đỡ những người dân Venezuela ở biên giới đến tìm lương thực, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác.

Nhà qua đường này được gọi là ”Nhà Chúa Quan Phòng” nhắm giúp đỡ hàng ngàn người dân Venezuela đi qua biên giới vào Colombia láng giềng để tìm kiếm trợ giúp, trước tình hoảng trầm trọng của đất nước về mặt xã hội, chính trị và kinh tế.

Nhà Chúa Quan Phòng tọa lạc gần giáo xứ thánh Phêrô Tông Đồ, ở vùng La Parada, có diện tích hơn 1,500 mét vuông, được sự hỗ trợ của các phong trào tông đồ, các cộng đoàn giáo xứ, đại học và những người thiện chí. Nhà này có thể tiếp đón mỗi ngày khoảng 500 người đến tìm lương thực, và cả những trợ giúp về tinh thần và mục vụ.

Đức Cha Victor Manuel Ochoa Cadavid, GM giáo phận Cúcuta sở tại, cho biết hoạt động bác ái này có thể tiến hành được nhờ tình liên đới của dân chúng ở vùng biên giới giữa Colombia và Venezuela.

Venezuela đang bị thiếu thốn lương thực trầm trọng, ảnh hưởng với hơn 80% sản phẩm tại nước này, theo phúc trình mới nhất của Caritas địa phương. 11% các trẻ em Venezuela đang chịu tình trạng suy dinh dưỡng (Fides 7-6-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Thánh Cha gửi Đặc Sứ đến Medjugorje

Đức Thánh Cha gửi Đặc Sứ đến Medjugorje

VATICAN. Hôm 11-2-2017, ĐTC đã bổ nhiệm Đức Cha Henryk Hoser, TGM Giám Mục giáo phận Varsava-Praga bên Ba Lan, đến Medjugorje trong tư cách là Đặc Sứ của Tòa Thánh.

Làng Medjugorje, cũng gọi là Mễ-Du, thuộc cộng hòa Bosni Erzegovine, là nơi 6 thiếu niên Công Giáo người Croát quả quyết họ đã được Đức Mẹ hiện ra từ ngày 24 tháng 6 năm 1981. Từ đó đến nay đã có hơn 40 triệu người đến hành hương tại đây. Giáo Quyền địa phương đã điều tra và không nhìn nhận tính chất siêu nhiên của sự kiện.

Hồi tháng 3 năm 2010, ĐTC Biển Đức 16 cũng đã lập Ủy ban điều tra gồm 20 chuyên gia quốc tế, và bổ nhiệm ĐHY Camillo Ruini, nguyên Giám quản Roma, làm chủ tịch. Sau gần 4 năm làm việc, hồi tháng 2 năm 2014 Ủy ban đã đệ trình lên ĐTC Phanxicô, nhưng cho đến nay Tòa Thánh chưa công bố kết quả cuộc điều tra hoặc quyết định gì về Medjugorje.

Vì chưa được công nhận, nên Giáo quyền chỉ cám các cuộc hành hương chính thức, nhưng không cấm các tín hữu đến hành hương với tư cách riêng.

Thông cáo công bố hôm 11-2-2017 của Phòng báo chí Tòa Thánh nói rằng:

”Sứ vụ của Đức TGM Đặc Sứ Hoser là thu thập thêm những kiến thức sâu xa hơn về tình hình mục vụ tại Medjugorje và nhất là về những nhu cầu của các tín hữu đến đó hành hương, và dựa theo đó, đề nghị những sáng kiến mục vụ cho tương lai. Vì thế, sứ vụ này hoàn toàn có tính chất mục vụ.

”Đức TGM Hoser sẽ tiếp tục thi hành nhiệm vụ TGM GM giáo phận Varsava-Praga, và dự kiến sẽ hoàn tất sứ mạng ĐTC giao phó trước mùa hè tới đây”.

 Đức TGM Hoser thuộc tu hội thánh Vinh Sơn Pallotin, cũng gọi là Tu Hội Tông Đồ Công Giáo (SAC) sẽ tròn 75 tuổi vào ngày 27-11 năm nay (2017). Trước kia ngài là TGM Đồng Tổng thư ký Bộ Truyền giáo, kiêm Chủ tịch các Hội Giáo Hoàng truyền giáo. Khi được Tòa Thánh bổ nhiệm làm GM giáo phận Varsava-Praga có hơn 1 triệu tín hữu Công Giáo, ngài vẫn giữ nguyên tước vị Tổng Giám Mục.

Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, Ông Greg Burke, giải thích rằng quyết định của ĐTC gửi Đức TGM Hoser đến Medjugorje không bàn đến tính chất xác thực của các cuộc hiện ra của Đức Mẹ, là điều thuộc thẩm quyền của Bộ giáo lý đức tin và đang còn được cứu xét. Vị Đặc Sứ của ĐTC sẽ chú ý đến đời sống phụng vụ và bí tích ở Đền Thánh, nghĩa là những khía cạnh mục vụ. (SD 11-2-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu nhóm Đại hội thứ 11

Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu nhóm Đại hội thứ 11

lien-hoi-dong-giam-muc-a-chau-nhom-dai-hoi-thu-11

COLOMBO. Trong những ngày này, từ 28-11 đến 4-12-2016, Liên HĐGM Á châu đang nhóm đại hội lần thứ 11 tại Negombo, thuộc tổng giáo phận Colombo, thủ đô Sri Lanka.

Đại hội này nhóm 4 năm 1 lần. Lần thứ 10 trước đây, năm 2012, các GM Á châu đã nhóm tại Xuân Lộc và Sàigòn.

Chủ đề khóa họp hiện nay là ”Gia đình Công Giáo tại Á châu: Giáo Hội tại gia của người nghèo trong sứ mạng từ bi thương xót”. Các tham dự viên cũng bàn về ”Niềm vui Phúc Âm và gia đình tại Á châu dưới ánh sáng Thượng HĐGM thế giới”. Các vị đặc biệt quan tâm tới những khó khăn lớn mà các gia đình đang gặp phải: những quan hệ ngoài hôn nhân, sự vắng bóng con cái, số ly dị gia tăng, và những giờ làm việc bên ngoài khiến cho nhiều cha mẹ càng ít giờ cho gia đình, nạn dâm ô lan tràn, phá thai, làm cho chết êm dịu và nạn xuất cư.

ĐTC đã cử ĐHY Telesphore Placidus Toppo, TGM giáo phận Ranchi ở miền đông bắc Ấn độ, làm đặc sứ của ngài tại Đại hội. Khoảng 140 đại biểu của các HĐGM Á Châu, trong đó có Việt Nam, đã đến tham dự Hội nghị.

ĐHY Oswald Gravias, TGM giáo phận Mumbai, Ấn độ, Chủ tịch Liên HĐGM Á châu, trong diễn văn khai mạc đã mời gọi các GM và các tham dự viên đặc biệt cầu nguyện cho tất cả các gia đình và các tín hữu Kitô tại Siria đang chịu thảm cảnh chiến tranh từ hơn 5 năm nay. Ngài nói: ”Chúng ta tụ họp nhau nơi đây để thảo luận và quyết định về gia đình, nhưng chúng ta không thể quên các gia đình ở Siria đang chịu đau khổ, phải di tản và chết chóc, vì cuộc nội chiến. Đặc biệt các tín hữu Kitô đang sống thời điểm thật là khó khăn. Trong đại hội này, chúng ta cần cầu nguyện cho họ”.

Trong khuôn khổ Đại hội, các vị lãnh đạo Công Giáo sẽ gặp gỡ các vị lãnh đạo Phật giáo, Hồi giáo và Ấn giáo.

Vào cuối khóa họp, Liên HĐGM Á châu sẽ công bố một văn kiện chung kết, như một tài liệu hướng dẫn việc mục vụ gia đình tại Á châu.

Chính Phủ Sri Lanka đã giúp 10 triệu Rupee tương đương với gần 66,700 Mỹ kim để góp phần trang trải phí tổn tổ chức và tiến hành Đại hội này.

Liên HĐGM Á châu là một tổ chức được thành lập cách đây 44 năm với sự phê chuẩn của Tòa Thánh và nhắm thăng tiến tình liên đới cũng như tinh thần đồng trách nhiệm của các HĐGM thành viên đối với thiện ích của Giáo Hội và xã hội tại Á châu, đồng thời thăng tiến và bảo vệ bất cứ những gì nhắm đến thiện ích lớn hơn (Ucan 28-11-2016; Asia News 29-11-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, tân Tổng Giám Mục Huế

Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, tân Tổng Giám Mục Huế

duc-cha-nguyen-chi-linh-tan-tong-giam-muc-hue

VATICAN. Hôm 29-10-2016, Phòng báo chí Tòa Thánh thông báo: ĐTC Phanxicô đã nhận đơn từ chức TGM giáo phận Huế của Đức Cha Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng, và bổ nhiệm Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, GM Thanh Hóa, lên kế nhiệm.

Đức Cha Lê Văn Hồng năm nay 76 tuổi, sinh ngày 30-6 năm 1940 tại Trí Bưu, Quảng Trị. Năm 2005, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm GM Phụ tá Tổng Giáo phận Huế, và 7 năm sau đó, ngày 18-8 năm 2012 ngài thăng TGM chính tòa của Giáo phận này.

Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh năm nay 67 tuổi, sinh ngày 22 tháng 11 năm 1949 tại Ba Làng, Thanh Hóa, thụ phong LM năm 1992 thuộc giáo phận Nha Trang, du học Pháp từ 1995 đến 2003 và đậu tiến sĩ triết học. Trở về nước ngài làm giáo sư Đại chủng viện Sao Biển, Nha Trang. Năm sau đó, 2004, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm GM chính tòa Thanh Hóa, kế nhiệm Đức Cha Bartolomeo Nguyễn Sơn Lâm. Hồi đầu tháng 10 này, ngài được bầu làm Chủ tịch HĐGM Việt Nam, nhiệm kỳ 2016-2019, kế nhiệm Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc.

Cùng với việc bổ nhiệm làm TGM chính tòa Huế, Đức Cha Nguyễn Chí Linh được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám quản Tông Tòa giáo phận Thanh Hóa cho đến khi vị Giám Mục mới của giáo phận này nhậm chức (sede vacante ad nutum Sanctae Sedis).

Theo niên giám năm nay (2016) của Tòa Thánh, Giáo phận Thanh Hóa có hơn 145 ngàn tín hữu Công Giáo thuộc 51 giáo xứ, với 85 LM giáo phận và 1 LM dòng, hơn 170 nữ tu.

Tổng giáo phận Huế có hơn 69 ngàn tín hữu Công Giáo thuộc 82 giáo xứ, với 103 linh mục giáo phận và 32 LM dòng, 237 tu huynh và 1,064 nữ tu (SD 29-10-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

5 Giám Mục Việt Nam tham dự khóa bồi dưỡng ở Roma

5 Giám Mục Việt Nam tham dự khóa bồi dưỡng ở Roma

5 Giám Mục Việt Nam tham dự khóa bồi dưỡng ở Roma

ROMA. 5 Giám Mục Việt Nam thuộc vào số 94 GM thuộc các xứ truyền giáo, được bổ nhiệm trong vòng 2 năm gần đây, tham dự khóa bồi dưỡng 2 tuần lễ do Bộ truyền giáo tổ chức từ ngày 4-9-2016.

Trong số các tham dự viên, có 42 GM thuộc 19 nước Phi châu, 36 GM thuộc 9 nước Á châu, kể cả 5 GM Việt Nam; 12 GM đến từ 9 nước Mỹ châu sau cùng có 4 GM thuộc 2 nước Úc Châu. 5 GM Việt Nam tham dự khóa này là Đức Cha Nguyễn Văn Hai, GM Vĩnh Long, Đức Cha Trần Văn Toản, Phụ tá Long Xuyên, , Đức Cha Nguyễn Văn Viên, Phụ Tá Vinh, và Đức Cha Nguyễn Hồng Sơn, Phụ tá Bà Rịa. Đức Cha Đỗ Mạnh Hùng, Phụ tá Sàigòn.

Các khóa bồi dưỡng này, khởi sự từ năm 1994, có mục đích giúp các GM mới tìm hiểu thêm về các khía cạnh trong đời sống và sứ vụ GM, đối thoại và cầu nguyện.

Mỗi ngày các GM có 3 bài thuyết trình sau đó là phần trao đổi và hội thảo nhóm.

Chương trình

Thứ hai 5-9, sẽ có thánh lễ khai mạc do ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ truyền giáo chủ sự. Tiếp đến là bài thuyết trình đầu tiên do Đức TGM Savia Hàn Đại Huy (Hon Tai Fai), Tổng thư ký Bộ truyền giáo, trình bày về đề tài ”GM như người phục vụ Tin Mừng”. Ban chiều cùng ngày 5-9, ĐHY Robert Sarah, Tổng trưởng Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích, nguyên là Tổng thư ký Bộ truyền giáo, nói về ”Thời sự của sứ mạng truyền giáo cho dân ngoại trong thực tại thế giới”.

Ngày thứ ba, 6-9, Đức TGM Protase Rugambwa, người Tanzania, Đồng Tổng thư ký Bộ truyền giáo, Chủ tịch Các Hội Giáo Hoàng truyền giáo, sẽ trình bày về bản chất, thẩm quyền và hoạt động của các Hội ngày.

Khóa bồi dưỡng được tiếp tục với các bài thuyết trình do các HY, TGM phụ trách các cơ quan trung ương Tòa Thánh đảm trách, như đối thoại đạt kết Kitô (Koch), Giáo huấn xã hội Công Giáo (Turkson), Thượng HĐGM (Baldisseri), Linh đạo GM (Angelo Amato), Tình phụ tử của GM đối với các LM và việc đào tạo giáo sĩ (Stella), ĐGH và các GM (Ouellet), việc phục vụ quản trị của GM (Pell), tương quan giữa Tòa Thánh với các quốc gia (Gallagher), Các chương trình mục vụ và các cơ cấu cộng tác trong giáo phận; Tự sắc Mitis judex về việc cải tổ tòa án hôn phối, huấn luyện giáo dân (Paglia), Chăm sóc đời sống thánh hiến (Carballo), Sự độc thân giáo sĩ và các giáo sĩ bị cáo lạm dụng tính dục (Scicluna), thi hành sứ vụ giáo huấn (Ladaria), Phụng vụ và sự thánh hóa của Giáo Hội (Roche), sau cùng là đối thoại liên tôn tại các xứ truyền giáo (Guixot).

Ngoài ra có một số chuyên gia khác cũng được mời đến nói chuyện với các GM về những vấn đề khác như bảo vệ trẻ vị thành niên, sử dụng các phương tiện truyền thông trong việc loan báo Tin Mừng, Dịch vụ bác ái, Cẩm nang cho các GM, thi hành công lý..

Thứ sáu 9-9, ĐTC sẽ tiếp kiến các GM và chúa nhật 11-9 các vị sẽ hành hương tại Assisi. Khóa bồi dưỡng sẽ kết thúc vào thứ bẩy, 17-9 với thánh lễ đồng tế tại mộ thánh Phêrô Tông Đồ (Fides 2-9-2016)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, tân GM Phụ Tá Sàigòn

Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, tân GM Phụ Tá Sàigòn

Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, tân GM Phụ Tá Sàigòn

VATICAN. Ngày 25-6-2016, Phòng Báo Chí Tòa Thánh thông báo: ĐTC Phanxicô đã bổ nhiệm Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng làm tân Giám Mục Phụ Tá Tổng giáo phận Sàigòn.

Đức Cha Đỗ Mạnh Hùng năm nay 58 tuổi, sinh ngày 15-9-1957 tại Sàigòn (từ năm 1975 là Hồ Chí Minh City). Từ 1968 đến 1976 theo học tại tiểu chủng viện thánh Giuse, Sàigòn, và từ 1976 đến 1982 học tại Đại chủng viện Thánh Giuse cũng thuộc tổng giáo phận Sàigòn. Từ 1993 đến 1998, học thần học tại Học viện Công Giáo Paris, Pháp, và đậu tiến sĩ.

Sau khi thụ phong linh mục ngày 30-8-1990, Cha Giuse Hùng đảm nhận các trách vụ sau đây: phó xứ và giáo sư Đại chủng viện (1990-1993); linh hướng và giáo sư tại Đại chủng viện (1998-2011); Phó Giám đốc Đại chủng viện (2011-2014); từ năm 2001: Bề trên hiệp hội linh mục Prado; từ 2005: thư ký Ủy ban GM về giáo sĩ và chủng sinh; từ năm 2014: chưởng ấn tòa GM và bí thư của Đức TGM. (SD 25-6-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Tổng Thư ký Bộ Truyền Giáo giám quản tông tòa tại Guam

Tổng Thư ký Bộ Truyền Giáo giám quản tông tòa tại Guam

Archbishop Hon Tai Fai

VATICAN. Hôm 6-6-2016, ĐTC đã bổ nhiệm Đức TGM Savio Hàn Đại Huy (Hon Tai Fai), Tổng thư ký Bộ truyền giáo,  làm Giám quản Tông Tòa ”tòa đầy” (sede plena) của Tổng giáo phận Agaña ở đảo Guam.

Đức TGM Hàn Đại Huy năm nay 66 tuổi (1950), sinh trưởng tại Hong Hong, thuộc dòng Don Bosco và đã từng làm Giám tỉnh tại đây. Ngày 23-12-2010, ngài được ĐTC Biển Đức 16 bổ nhiệm làm TGM Tổng thư ký Bộ truyền giáo và là người Hoa đầu tiên được bổ vào chức vụ này.

Tổng giáo phận Agaña ở đảo Guam có hơn 140 ngàn tín hữu Công Giáo trên tổng số 165 ngàn dân cư, và có 24 giáo xứ với 50 linh mục. Từ 30 năm nay, giáo phận này do Đức TGM Anthony Sablan Apuron dòng Capuchino coi sóc. Với quyết định trên đây của ĐTC, ngài vẫn giữ nguyên danh hiệu TGM giáo phận Agaña, nhưng việc cai quản do Đức TGM Hàn Đại Huy đảm trách.

Cha Lombardi cho biết Đức TGM Savio Hàn tiếp tục làm Tổng thư ký Bộ Truyền Giáo

Mạng thông tin cruxnow.com, truyền đi hôm 5-6-2016, đưa tin Đức Anthony Sablan Apuron bị tố giác về một vụ lạm dụng tính dục cách 40 năm: cậu bé Roy Quintanilla, năm nay 52 tuổi và sống tại Hawaii.

Phó tế Martinez, điều hợp viên việc xử lý những vụ lạm dụng tính dục của giáo phận Agaña cho rằng Đức TGM đang bảo vệ chính mình và chính sách của tổng giáo phận chống lạm dụng tính dục không được vững mạnh. Tòa TGM Agaña bác bỏ những lời cáo buộc này và thuê một văn phòng luật sư nổi tiếng của Mỹ cũng như đang cộng tác với một điều tra viên độc lập.

Đức TGM Apuron đã bãi phó tế Martinez khỏi chức vụ điều hợp viên việc xử lý những vụ lạm dụng tính dục.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện cho cuộc viếng thăm của Ngài

Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện cho cuộc viếng thăm của Ngài

Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện cho cuộc viếng thăm của Ngài tại Hy Lạp

VATICAN. ĐTC kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho cuộc viếng thăm của ngài tại đảo Lesvos bên Hy Lạp và những người tị nạn vào ngày 16-4-2016.

Lên tiếng vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư, 13-4-2016, ĐTC nói:

”Thứ bẩy tới đây tôi sẽ đến đảo Lesvos, là nơi chuyển tiếp trong những tháng qua của rất nhiều người tị nạn. Tôi đến đó cùng với những người anh em của tôi là Đức Thượng Phụ Bartolomaios của Chính Thống Constantinople và Đức TGM Hieronymos của Giáo phận Chính Thống Athènes và toàn Hy Lạp, để bày tỏ sự gần gũi và liên đới với những người tị nạn cũng như với những người dân tại đảo Lesvos và toàn thể nhân dân Hy Lạp. Tôi xin Anh chị em tháp tùng tôi bằng lời cầu nguyện, khẩn cầu ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Linh và sự chuyển cầu từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria. (SD 13-4-2016)

Phản ứng của một vị TGM Chính Thống Hy Lạp

Đức TGM Crisostomos Savatos của giáo phận Messenia thuộc Chính Thống Hy Lạp, đề cao ý nghĩa và tầm quan trọng cuộc viếng thăm của ĐTC Phanxicô nơi trại tị nạn ở đảo Lesvos.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin ADN của Italia truyền đi hôm 10-4-2016, Đức TGM Savatos, cũng là một nhà thần học nổi tiếng, nhận định rằng ”Sự hiện diện chung của hai vị lãnh đạo Kitô quan trọng nhất, ĐGH Phanxicô và Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, cùng với Đức TGM Hieronymus của Chính Thống ở Athènes và toàn Hy Lạp tại đảo Levos sẽ gởi một sứ điệp mạnh mẽ đến các người hùng mạng của thế giới và tới mỗi người thiện Chúa về nhu cầu hòa bình, và sự nhạy cảm đối với tình trạng khó khăn của người tị nạn”.

Đảo Lesvos rộng 1.632 cây số vuông trong biện Egeo cách Roma 1200 cây số đường chim bay và có 90.643 dân cư. Hàng ngàn người tị nạn đang sống tại đảo này trong tình trạng rất bấp bênh trước sự dửng dưng của dư luận Âu Châu. Dân tị nạn sống trong tuyệt vọng, chờ đợi trong sự sợ hãi.

Theo Đức TGM Savatos, những lời kêu gọi của ĐGH Phanxicô về xã hội nhắm gây ý thức nơi các tín hữu Công Giáo và những người thiện chí rất gần với giáo huấn xã hội của Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp. Trong những năm khủng hoảng kinh tế gần đây, Giáo Hội này đã dấn thân nâng đỡ những nhóm người yếu thế và bị tổn thương nhất trong dân chúng, bị lâm vào thảm trạng tài chánh”. Đức TGM nói: ”Bất công, nạn bóc lột kinh tế và nghèo đói không tạo nên sự khác biệt giữa các tín hữu Công Giáo và Chính Thống, Kitô hữu hoặc tín đồ các tôn giaó khác. Tất cả chúng ta phải dấn thân trợ giúp và nâng đỡ những người đang chịu đau khổ, bảo vệ các cộng đoàn của chúng ta, các giá trị và truyền thống, và cả môi trường thiên nhiên chúng ta đang sống, vì môi trường này cũng thuộc về công trình tạo dựng của Thiên Chúa”.

Giống như hồi ĐTC Gioan Phaolô 2 viếng thăm Hy Lạp nhân dịp Năm Thánh 2000, tại Hy Lạp cũng có những GM Chính Thống thủ cựu lên tiếng phản đối.

Kỳ này cũng có 3 TGM không đồng ý với cuộc viếng thăm của ĐTC, đó là 3 vị Glyfada, Pireo và Kalavryta. Theo ba vị, tuy cuộc viếng thăm có lời mời của Thánh Hội Đồng Chính Thống Hy Lạp, nhưng sẽ ra trước đó phải được thảo luận trong khóa họp toàn thể của các GM thuộc Hội đồng thường trực của Giáo Hội này (Asca 11-4-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha cám ơn Giáo Hội Công Giáo Ukraine Đông Phương

Đức Thánh Cha cám ơn Giáo Hội Công Giáo ukraine Đông Phương

Đức Thánh Cha cám ơn Giáo Hội Công Giáo Ucraina Đông Phương

VATICAN. ĐTC chân thành cám ơn Giáo Hội Công Giáo Ukraine Đông phương vì lòng trung thành và ngài tái liên đới với Giáo Hội này giữa những khó khăn hiện nay.

Trong sứ điệp ngày 5-3-2016 gửi đến Đức TGM trưởng Sviatoslav Shevchuk, Giáo Chủ Công Giáo Ukraine Đông phương, với trụ sở ở thành Kiev, ĐTC nhắc lại biến cố đau thương cách đây 70 năm Giáo Hội này bị giải tán với một công nghị ngụy tạo và ép xáp nhập vào Chính Thống Nga. Ngài viết:

”Khi nhớ lại những biến cố ấy, chúng ta cúi đầu với lòng biết ơn trước những người, – dù phải trả giá đau thương và thậm chí đến độ tử đạo, – qua dòng thời gian đã làm chứng tá đức tin được sống với lòng tận tụy trong Giáo Hội của mình và trong niềm hiệp thông kiên vững với Người Kế Vị Thánh Phêrô. Đồng thời với đôi mắt được đức tin soi sáng, chúng ta nhìn lên Chúa Giêsu Kitô, đặt mọi niềm hy vọng nơi Chúa, chứ không phải nơi công lý phàm nhân. Chính Chúa là nguồn mạch đích thực niềm tín thác của chúng ta trong hiện tại và tương lai, với niềm xác tín chúng ta được kêu gọi loan báo Tin Mừng kể cả giữa bất kỳ đau khổ và khó khăn nào”.

ĐTC Phanxicô viết thêm rằng: ”Tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu đậm vì lòng trung thành của anh chị em và khích lệ anh chị em trở thành những chứng nhân không biết mệt mỏi về niềm hy vọng làm cho cuộc sống chúng ta và của mọi anh chị em quanh chúng ta trở nên rạng ngời hơn. Tôi cũng tái bày tỏ tình liên đới với các vị mục tử và tín hữu vì những gì họ đang làm trong thời đại khó khăn hiện nay, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề do những đau buồn vì chiến tranh, để thoa dịu những đau khổ của dân chúng và để tìm kiếm những con đường hòa bình cho đất nước Ukraine yêu quí”.

Thông cáo của các Giám Mục Ukraine

Các GM Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương tái bày tỏ tình hiệp thông với ĐTC và xin ngài cùng với cộng đồng quốc tế giúp chấm dứt chiến tranh tại miền đông Ukraine.

Hồi thượng tuần tháng 3-2016,Hội đồng thường trực của Giáo Hội Công Giáo Ukraine gồm 6 GM đã nhóm họp tại Roma và được ĐTC tiếp kiến sáng ngày 5-3. Trong thông báo công bố sau đó, Hội đồng cho biết khóa họp này diễn ra nhân dịp kỷ niệm 70 năm Nhà nước Liên Xô tổ chức công nghị ngụy tạo từ mùng 8 đến 10-3 năm 1946 để giải tán Giáo Hội Công Giáo Ukraine Đông phương, sau đó Nhà nước cầm tù tất cả các GM, hàng trăm LM và hàng chục ngàn tín hữu, giao tài sản của Giáo Hội này cho Giáo Hội Chính Thống Moscow sử dụng. Tuyên ngôn của các GM có đoạn viết:

”Chúng tôi tái khẳng định rằng không một chế độ độc tài nào có thể phá vỡ tình hiệp thông của chúng tôi với Tòa Thánh và với Giáo Hội hoàn vũ”.

Các GM cũng tố giác Nga xâm lăng Ukraine và thi hành cuộc chiến tranh tại miền Đông Nga, gây đau khổ cho hàng chục triệu người vô tội. Giáo Hội lên án những hành vi tàn ác, bắt cóc, cầm tù và tra tấn các công dân Ukraine ở miền Donbas và Crimea, nhất là những lạm dụng chống các cộng đoàn tôn giáo, các nhóm chủng tộc, nhất là nhóm Hồi giáo Tartar và vi phạm dân quyền cũng như nhân phẩm của hàng triệu người.

Thông cáo nói thêm rằng ”Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ đông phương không ngừng cầu nguyện và thăng tiến hòa bình, và ngày hôm nay, ban lãnh đạo Giáo Hội này kêu gọi ĐTC và thế giới hãy giúp chấm dứt chiến tranh và ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân đạo do sự xâm lăng của Nga ở Ucraina gây ra. Cuộc chiến tranh hỗn hợp (hybrid) hiện nay – không được thế giới chú ý – làm thương tổn trực tiếp 5 triệu người. Nó đã làm cho 10 ngàn người chết, hàng chục ngàn người bịt hương nặng, hơn 2 triệu người không còn gia cư. Những phương thế mưu mô của cuộc chiến hỗn hợp này mang lại những chấn thương cho hàng trăm ngàn người và gây thiệt hại vô biên về kinh tế xã hội. Nhiều cơ cấu hạ tầng công nghiệp của Ucraina bị phá hủy và đồng tiền Ucraina bị mất giá 2 phần 3 khiến cho toàn bộ 45 triệu dân trở nên nghèo hơn. Căn tính của Ukraine không ngừng bị vu khống bằng những chiến dịch tuyên truyền quốc tế được tài trợ hùng hậu”.

Giáo Hội Công Giáo Ukraine là Giáo Hội Công Giáo nghi lễ đông phương lớn nhất trong số 22 Giáo Hội Đông phương hiệp nhất với Tòa Thánh và hiện có khoảng 5 triệu tín hữu ở Ukraine và nước ngoài (SD 5-3-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám Mục Sudan

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám Mục Sudan

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám Mục Sudan

VATICAN. Sáng ngày 20-1-2015, ĐTC đã tiếp kiến các GM hai nước Sudan và Nam Sudan, nhân dịp các vị về Roma tĩnh tâm và nhóm họp chung.

Cuộc tiếp kiến diễn ra trước khi ĐTC tiếp kiến chung các tín hữu hành hương tại Đại thính đường Phaolo 6. Ngài lắng nghe các GM trình bày tình hình hai nước, nhất là nhu cầu hòa bình ở miền nam đang bị nội chiến, và tình trạng thiếu ơn gọi ở miền bắc, và đưa ra những đề nghị hướng dẫn. Các GM tái mời ĐTC đến thăm Sudan. Ngài cho biết là sẵn sàng và mong muốn, nhưng nói thêm rằng ”Chúng ta hãy phó thác mọi sự trong tay Chúa”.

Các GM hai nước Sudan đã tham dự cuộc tĩnh tâm từ 12 đến 18-1 do Bộ truyền giáo thu xếp, và sau đó đã nhóm họp chung, cùng với ĐHY Tổng trưởng Bộ truyền giáo, Fernando Filoni, cũng như các vị trách nhiệm tại Bộ này.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, Đức Cha Lukudo Loro, TGM giáo phận Juba, Chủ tịch HĐGM Sudan, cho biết các GM đã thảo luận với Bộ Truyền giáo về vấn đề có nên tiếp tục để nguyên HĐGM Sudan bao gồm các GM hai nước, hoặc là tách thành 2 HĐGM. Ngoài ra có vấn đề hiện nay có 4, 5 giáo phận ở Sudan không có GM, và có nhu cầu thiết lập thêm các giáo phận mới. Sau cùng là vấn đề tài trợ hàng giáo sĩ: Giáo Hội địa phương không đủ khả năng cung cấp phương tiện sinh sống và hoạt động cho các LM.

Ở Sudan có ít tín hữu Công Giáo và chỉ có 2 giáo phận là Khartum và El Obeid, với 1 triệu 100 ngàn tín hữu trên tổng số 35 triệu dân, còn tại Nam Sudan có đông tín hữu Công Giáo hơn, gồm 7 giáo phận với 3 triệu tín hữu trên tổng số 8 triệu dân cư. (SD 20-1-2016)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha cám ơn ân nhân tặng cây thông giáng sinh, hang đá

Đức Thánh Cha cám ơn ân nhân tặng cây thông giáng sinh, hang đá

Đức Thánh Cha cám ơn các ân nhân tặng thông giáng sinh và hang đá

VATICAN. Sáng ngày 18-12-2015, ĐTC đã tiếp kiến và cám ơn các ân nhân đã tặng cây thông giáng sinh và hang đá máng cỏ tại Quảng trường thánh Phêrô.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến có 700 người gồm các giới chức đạo đời ở miền Bavaria nam Đức đã tặng cây thông cao 25 mét, và tỉnh Trento bắc Italia đã kiến tạo và trang trí hang đá.

ĐTC nói rằng: “Chúa Giêsu không phải chỉ hiện ra trên trái đất, không phải chỉ dành cho chúng ta một ít thời gian của Ngài, nhưng Chúa đã đến để chia sẻ cuộc sống và đón nhận các ý muốn của chúng ta. Vì Chúa đã và còn muốn sống tại đây, cùng với chúng ta và cho chúng ta. Chúa quan tâm đến thế giới chúng ta, và từ biến cố giáng sinh, thế giới này trở thành thế giới của Ngài. Hang đá máng cỏ nhắc nhở chúng ta điều này: vì lòng thương xót bao la, Thiên Chúa đã xuống cùng chúng ta để cư ngụ với chúng ta…. Ngoài ra, hang đá nói với chúng ta rằng Chúa không bao giờ dùng võ lực để áp đặt. Để cứu chúng ta, Ngài không thay đổi lịch sử bằng cách thực thi một phép lạ vĩ đại. Trái lại, Chúa đến trong sự đơn sơ, khiêm tốn và dịu dàng… Ngài trở nên bé nhỏ, trở thành hai nhi, để lôi kéo chúng ta bằng tình thương, để đánh động con tim chúng ta bằng lòng từ nhiên khiếm tốn của ngài”.

Lễ nghi thắp sáng cây thông và hang đá máng cỏ tại Quảng trường thánh Phêrô diễn ra lúc 4 giờ rưỡi do ĐHY Giuseppe Bertello, Chủ tịch Phủ Thống đốc Quốc gia thành Vatican, và Bà Beate Merk, Quốc vụ khanh đặc trách Âu Châu vụ, đại diện chính quyền bang Bavaria, Đức TGM giáo phận Trento và Đức Cha Voderholzer, GM giáo phận Regensburg bên Đức. (SD 18-12-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Hội hiệp sĩ Colombo trợ giúp các Kitô hữu Trung Đông

Hội hiệp sĩ Colombo trợ giúp các Kitô hữu Trung Đông

NEW HAVEN: Trong những ngày vừa qua Hội Hiệp Sĩ Colombo đã trợ giúp thêm 3 triệu Mỹ kim cho các Kitô hữu Trung Đông.

Hội sẽ phát động chiến dịch quyên góp cho các kitô hữu Trung Đông đang bị bách hại, tàn sát và đuổi ra khỏi quê hương của họ, trước nhiều thinh lặng của các chính quyền trên thế giới. Hội sẽ nhóm đại hội thường niên trong các ngày 6-8 tháng 8 tại  Philadelphia, với sự tham dự của một số TGM và GM đến từ Iraq và Siria và sẽ bàn về việc trợ giúp các Kitô hũu bị bách hại tại Trung Đông. Các phẩm vật cứu trợ bao gồm thực phẩm, thuốc men và quần áo.

Hội hiệp Sĩ Colombo đuợc thành lập trong thập niên 1920, có khoảng 1.9 triệu thành viên, và là một trong các hiệp hội bác ái lớn nhất Hoa Kỳ. Trong năm ngoái Hội Hiệp Sĩ Colombo đã quyên được 173.5 triệu mỹ kim và làm việc thiện nguyện tổng cộng trong 71.5 triệu giờ. Hội Hiệp Sĩ Colombo luôn sẵn sàng trợ giúp các nạn nhân thiên tai khắp nơi trên thế giới như các nạn nhân bão lụt tại Philippines, tại New Orleans Hoa Kỳ, Mexico hay các nạn nhân Tsunami Indonesia hay Nhật Bản… (SD 3-8-2015)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đức Thánh Cha làm phép Pallium cho 46 Tổng Giám Mục chính tòa

Đức Thánh Cha làm phép Pallium cho 46 Tổng Giám Mục chính tòa

ĐTC trong buổi lễ phát dây Pallium cho 46 giám mục chính tòa

VATICAN. Sáng ngày 29-6-2015, lễ thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, ĐTC đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô để làm phép dây Pallium cho 46 vị TGM chính tòa được bổ nhiệm trong 12 tháng qua.

Giây Pallium màu trắng, có 6 hình thánh giá màu đen, vị TGM đứng đầu giáo tỉnh đeo ở cổ khi hành lễ, biểu hiệu tình hiệp thông với ĐTC, và phẩm giá của vị TGM chính tòa. Dây làm bằng lông chiên tượng trưng vị mục tử vác chiên lên vai.

Như thông báo ngày 12-1 năm 2015 của Đức Ông Guido Marini, trưởng ban nghi lễ phụng vụ của ĐTC, từ nay ngài không choàng dây này cho vị TGM trong thánh lễ, nhưng lễ trao giây Pallium sẽ được cử hành tại giáo phận địa phương do vị đại diện Tòa Thánh chủ sự, và với sự tham dự của các GM trong giáo tỉnh và các tín hữu.

Trong số 46 vị TGM chính tòa thuộc 34 quốc gia nhận dây Pallium có 6 vị từ Á châu, trong số này có 2 vị người Ấn độ, và 4 vị còn lại đến từ Nhật bản, Indonesia, Malaysia và Philippines. Từ Hoa Kỳ có hai vị TGM giáo phận Chicago và Sante Fe bang New Mexico.

 Đầu thánh lễ, 4 thầy Phó tế mang các dây Pallium từ mộ thánh Phêrô lên bàn thờ, rồi ĐHY trưởng đẳng Phó tế Renato Martino xướng danh 46 vị TGM chính tòa, trước khi các vị cùng tuyên xưng đức tin. Rồi ĐTC đọc lời nguyện làm phép các dây Pallium.

Trong số 9 ngàn người hiện diện trong thánh lễ sáng 29-6-2015, đặc biệt có phái đoàn 3 vị thuộc Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople ở vị trí danh dự trước bàn thờ chính do Đức TGM Ioannis Zizioulas Adamakis làm trưởng đoàn.

Đồng tế với ĐTC, ngoài 46 vị TGM Chính tòa, còn có 40 HY, 50 GM và 400 Linh mục. Phần thánh ca, ngoài Ca đoàn Sistina của Tòa Thánh và Ca đoàn ”Mẹ Giáo Hội” còn có ca đoàn Tân Đại Học Oxford của Anh giáo gồm 30 ca viên đảm trách.

 Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng thánh lễ, sau khi diễn giải các bài đọc của ngày lễ và rút ra những bài học về lòng can đảm của các Tông đồ và cộng đồng Kitô tiên khởi đương đầu với những bách hại, sự chuyên chăm cầu nguyện, xác tín về sự gần gũi và nâng đỡ của Chúa trước những nghịch cảnh khó khăn, dấn thân làm chứng tá cho đến độ sẵn sàng đổ máu, ĐTC nhắc nhở các vị TGM chính tòa về ý nghĩa dây Pallium mà các vị lãnh nhận: đó là hình ảnh con chiên mà vị mục tử vác trên vai như Chúa Kitô, vị Mục Tử nhân lành đã làm, đó là biểu hiệu sự hiệp thông giữa Tòa Thánh Phêrô, và người Kế Nhiệm với các vị TGM chính tòa, và qua các vị với các GM khác trên thế giới. Và ĐTC nói rằng:

”Ngày hôm nay, với dây Pallium, tôi muốn ủy thác cho anh em lời kêu gọi cầu nguyện, tin tưởng và làm chứng tá”:

– ”Giáo Hội muốn anh em là những người cầu nguyện, thầy dậy về sự cầu nguyện; dạy cho dân được Chúa ủy thác cho anh em rằng sự giải thoát khỏi mọi tù ngục chỉ là công trình của Thiên Chúa và là kết quả của việc cầu nguyện, Thiên Chúa trong lúc thuận tiện gửi sứ thần của Ngài đến cứu chúng ta khỏi bao nhiêu sự nô lệ và vô số những xiềng xích trần tục. Cả anh em cũng hãy trở thành những thiên thần và sứ giả bác ái đối với những người túng quẫn nhất”.

– Giáo Hội muốn anh em là những con người của đức tin, thầy dậy đức tin: dạy cho các tín hữu đừng sợ bao thiêu thứ Hêrôđê đang bách hại, với những thập giá đủ loại. Không Hêrôđê nào có thể dập tắt ánh sáng hy vọng, tin yêu của người tin nơi Chúa Kitô”.

– Sau cùng, ĐTC nhắn nhủ các vị TGM chính tòa hãy trở thành những người làm chứng tá. ”Thánh Phanxicô đã nói với các tu sĩ của mình: Hãy luôn giảng Tin Mừng, và nếu cần anh em cũng hãy giảng bằng lời nói nữa! (Xc Fonti Francescane, 43). Không có chứng tá nếu không có cuộc sống hợp với niềm tin và lời dạy! Ngày nay không cần các thầy dạy cho bằng cần những chứng nhân can đảm, xác tín và sống thực điều mình tin và dạy; cần những chứng nhân không hổ thẹn vì danh Chúa Kitô và thập giá của Chúa, hoặc đứng trước những sư tử gầm vang, hay trước những quyền lực của trần thế này”..

Và ĐTC kết luận rằng: ”Anh em hãy dạy cầu nguyện bằng cách cầu nguyện; hãy loan báo niềm tin bằng cách tin tưởng; hãy làm chứng tá bằng cách sống thực!”

Sau thánh lễ, ĐTC đã trao các dây Pallium cho các vị TGM chính tòa.

Đến 12 giờ trưa, ngài đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc để chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ ngắn, ngài gợi lại ý nghĩa của ngày lễ và mời gọi các tín hữu đặc biệt cầu nguyện cho thành Roma nhân lễ bổn mạng, để dân thành này được an sinh tinh thần và vật chất, xin ơn thánh Chúa nâng đỡ toàn dân Roma để họ sống trọn vẹn đức tin Kitô, can đảm làm chứng tá với lòng nhiệt thành kiên cường của thánh Phêrô và Phaolô” (SD 29-6-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Hồng Y Francis George, Tổng Giám Mục Chicago, qua đời

Đức Hồng Y Francis George, Tổng Giám Mục Chicago, qua đời

George-Cardinal-Formal-Portrait-cropped

CHICAGO. ĐHY Francis George, nguyên TGM giáo phận Chicago, Hoa Kỳ, đã qua đời ngày 17-4-2015, hưởng thọ 78 tuổi, sau gần 10 năm chiến đấu với bệnh ung thư.

ĐHY George là người đầu tiên sinh trưởng tại Chicago được bổ nhiệm làm TGM giáo phận này. Ngài thuộc dòng Hiến sinh thừa sai Đức Mẹ Vô Nhiễm (OMI), làm giáo sư triết học, rồi làm giám tỉnh trước khi làm Tổng đại diện của dòng ở Roma trong 12 năm trời. Năm 1990, ngài được bổ nhiệm làm GM giáo phận Yakima, bang Washington, sau đó thăng TGM giáo phận Portland, Oregon, nhưng chỉ 1 năm sau đó người được thuyên chuyển về Chicago, thăng Hồng Y năm 1998, rồi về hưu hồi năm 2014. ĐHY từng làm Chủ tịch HĐGM Hoa Kỳ.

Đức Cha Blase Cupich, đương kim TGM Chicago, nói rằng trong cuộc đời ĐHY George đã vượt thắng nhiều trở ngại để trở thành LM, không để cho những giới hạn thể lý làm giảm bớt lòng nhiệt thành tông đồ. Ngài bị bệnh sốt tê liệt (polio) hồi còn nhỏ nên đi khập khiễng. Trong gần 10 năm cuối đời, ngài chiến đấu với bệnh ung thư.

ĐTC đã gửi điện chia buồn với Tổng giáo phận Chicago: Đức TGM Cupich, hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân trong giáo phận. Ngài viết; ”Với lòng biết ơn vì chứng tá của ĐHY George về đời sống thánh hiên như một Hiến sinh thừa sai Đức Mẹ Vô Nhiễm. sự phục vụ của Đức Cố Hồng Y trong việc tông đồ giáo dục của Giáo Hội và những năm Người phục vụ như Giám Mục trong các giáo phận Yakima, Portland và Chicago, tôi cùng với Đức Cha phó thác linh hồn vị mục tử khôn ngoan và nhân hậu này cho lòng thương xót của Chúa, là Cha chúng ta trên trời. Tôi chân thành ban phép lành Tòa Thánh như bảo chứng ơn an ủi và niềm an bình trong Chúa, cho tất cả những ai đang khóc thương Đức Cố Hồng Y trong niềm hy vọng chắc chắn về sự phục sinh.”

Với sự qua đi của ĐHY George, Hồng y đoàn còn 223 vị, trong đó có 121 Hồng y cử tri, và chúa nhật 19-4-2015 này, số Hồng y trở lại con mức độ bình thường theo luật định tối đa là 120 vị, khi ĐHY Justin Rigali, nguyên TGM Philadelphia Hoa Kỳ, tròn 80 tuổi. (CNS 17, SD 18-4-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha tiếp kiến 60 Giám Mục bạn Phong Trào Tổ Ấm

Đức Thánh Cha tiếp kiến 60 Giám Mục bạn Phong Trào Tổ Ấm

VATICAN. ĐTC đề cao vai trò của các GM trong việc tăng cường tình hiệp nhất của các tín hữu Kitô quanh bàn tiệc Thánh Thể.

Ngài nhắc lại đạo lý trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư 4-3-2015, dành cho 60 GM bạn của Phong trào Focolare (Tổ Ấm), tham dự khóa hội thảo thứ 38 từ 3 đến 6-3-2015 tại Castel Gandolfo về đề tài: ”Thánh Thể, mầu nhiệm hiệp thông”.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến, cũng có chị Maria Voce, Chủ tịch Phong trào Tổ Ấm và vị đồng chủ tịch là LM Jesús Morán Cepedano người Tây Ban Nha.

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, ĐTC nhận xét rằng ”đoàn sủng hiệp nhất là một đặc điểm của Phong trào Tổ Ấm, ăn rễ sâu nơi Thánh Thể.. Nếu không có Thánh Thể thì sự hiệp nhất sẽ mất đi một nguồn thu hút thần thiêng và bị thu hẹp thành một thứ tình cảm và một năng động nhân bản, tâm lý và xã hội học mà thôi. Trái lại, Thánh Thể đảm bảo cho sự hiệp nhất có trung tâm là Chúa Kitô và chính Thánh Linh của Chúa thúc đẩy những bước đường và sáng kiến gặp gỡ và hiệp thông của chúng ta”.

ĐTC cũng nhắc lại chân lý: GM chính là nguyên lý hiệp nhất của Giáo Hội, nhưng điều này sẽ không xảy ra nếu không có Thánh Thể. GM tụ họp Dân Chúa không phải quanh bản thân và những tư tưởng của GM, nhưng là quanh Chúa Kitô hiện diện trong Lời Chúa và trong bí tích Mình và Máu Chúa… Như thế Giám mục, được Chúa Kitô củng cố, trở thành Tin Mừng sinh động, trở thành Bánh được bẻ ra để nuôi sống nhiều người, cùng với lời giảng và chứng tá của GM.”

ĐTC tái bày tỏ tình liên đới đặc biệt với một số GM hiện diện đến từ những vùng đất đẫm máu là Syria và Iraq, cũng như từ Ucraina. Ngài nói: ”Trong đau khổ mà anh em đang sống cùng với dân của mình, anh em cảm nghiệm sức mạnh đến từ Chúa Giêsu Thánh Thể, sức mạnh để tiến bước hiệp nhất trong đức tin và hy vọng”.

Trong số 60 GM bạn của Phong trào Tổ Ấm tại cuộc Hội thảo có các vị đến từ 4 nước Á châu là Hàn quốc, Thái Lan, Myanmar và Ấn độ. Điều hợp viên khóa hội thảo là Đức Tân Hồng Y Phanxicô Xavie Kiengsak Kovithananij, TGM giáo phận Bangkok, Thái Lan.

Các GM đã nghe chứng từ của các GM đến từ các nước đang có chiến tranh như Syria, Iraq, Liban và cả Ukraine. (SD 4-3-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio