Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, tân TGM Hà Nội

Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, tân TGM Hà Nội

Hôm 17-11-2018, Phòng báo chí Tòa Thánh thông báo: ĐTC Phanxicô đã nhận đơn từ chức TGM giáo phận Hà Nội do ĐHY Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, và đồng thời ngài bổ nhiệm người kế vị là Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, cho đến nay là GM giáo phận Hải Phòng.

ĐHY Nguyễn Văn Nhơn

 ĐHY Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, năm nay 80 tuổi, sinh ngày 1-4 năm 1938 tại Đà Lạt, thụ phong linh mục ngày 21-12-1967 và được bổ nhiệm làm GM Phó với quyền kế vị tại Đà Lạt ngày 11-10 năm 1991. Gần 3 năm sau đó, ngày 23-3 năm 1994, ngài trở thành GM chính tòa Đà Lạt sau khi Đức Cha Bartolomeo Nguyễn Sơn Lâm được Tòa Thánh thuyên chuyển ra giáo phận Thanh Hóa.

 Ngày 23-4 năm 2010, Đức Cha Nguyễn Văn Nhơn được Tòa Thánh bổ nhiệm làm TGM Phó giáo phận Hà Nội và trở thành TGM chính tòa tại đây 20 ngày sau đó, 23-5-2010 ,sau khi Tòa Thánh nhận đơn từ chức của Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt. Cách đây hơn 3 năm, ngày 14-2 năm 2015, ĐTC Phanxicô đã bổ nhiệm Đức TGM Nguyễn Văn Nhơn làm Hồng Y.

 Đức TGM Vũ Văn Thiên

 Đức tân TGM Hà nội, Giuse Vũ Văn Thiên năm nay 58 tuổi, sinh ngày 26-10 năm 1960 tại Kẻ Sặt, Hải Dương, thụ phong linh mục ngày 24-1 năm 1988, du học tại Pháp, và được Tòa Thánh bổ nhiệm làm GM giáo phận Hải Phòng ngày 6-11 năm 2002, lúc 42 tuổi. (Rei 17-11-2018)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican

Nhiều dòng nữ ở Mỹ chuẩn bị cáo chung

Nhiều dòng nữ ở Mỹ chuẩn bị cáo chung

Hôm 20-10-2018, hãng tin Công Giáo Hoa Kỳ cho biết một cuộc hội thảo về tương lai của các dòng nữ tại Mỹ đã được tổ chức tại Oakbrook, ngoại ô thành phố Chicago bang Illinois, trong hai ngày 25 và 26-9 vừa qua về đề tài ”Trung thành với hành trình: cùng nhau trong tình hiệp thông”.

Tham dự cuộc hội thảo có 50 người gồm các GM, nữ tu, chuyên gia giáo luật và một số người khác. Trong số các tham dự viên có ĐHY Joseph Tobin, nguyên là Bề trên Tổng quyền dòng Chúa Cứu Thế, và hiện là TGM giáo phận Newark, bang New Jersey, kiêm Chủ tịch Ủy ban GM Mỹ về giáo sĩ, tu sĩ và ơn gọi.

Giúp dòng nữ sắp chấm dứt chuẩn bị

Cuộc hội thảo diễn ra trong bối cảnh số nữ tu tại Mỹ giảm sút trầm trọng và điều này có nghĩa là Giáo Hội cần giúp đỡ chuẩn bị tương lai. Theo các dữ kiện do Văn phòng toàn quốc Hoa Kỳ về các nữ tu hồi hưu, thuộc HĐGM Hoa Kỳ, thì trong vài thập niên sắp tới đây, sẽ có 300 dòng nữ tại Mỹ sẽ không còn nữa.

Số nữ tu tại Mỹ giảm 75%

Trong vòng 53 năm qua, tức là từ năm 1965, số nữ tu tại Mỹ giảm sút 75% và không hy vọng có sự thay đổi trong chiều hướng này. Năm 1965 có 181.421 nữ tu tại Mỹ, nhưng năm 2016 chỉ còn 47.160 nữ tu trong đó 77% trên 70 tuổi. Trong số 420 dòng nữ tại Mỹ hiện nay có 300 dòng nữ chuẩn bị cáo chung trong một vài thập niên tới đây vì không có ơn gọi và số nữ tu còn lại ngày càng cao tuổi.

Nữ tu Carol Zinn thuộc dòng thánh Giuse ở Philadelphia, Giám đốc điều hành Liên hiệp các Bề trên dòng nữ tại Mỹ cho biết vấn đề hiện nay không phải là chuẩn bị bán các nhà mẹ của các dòng, nhưng còn đi xa hơn nữa.

An bình trước viễn tượng đau buồn

Đức Cha Joseph Kutz, TGM giáo phận Louisvill bang Kentucky, nhận xét rằng sự đau buồn và mất mát là thực tại mà các tham dự viên cảm thấy, nhưng nhiều dòng nữ cũng cảm thấy an bình vì đang ở trong tiến trình hoàn tất sứ mạng và hành trình. Đức TGM nói: ”Thật là một cuộc trao đổi rất lành mạnh, một cuộc đối thoại thực sự, dựa trên lòng quí trọng sâu xa của chúng tôi đối với các tu sĩ nam nữ cũng như sự đóng góp của họ. Tôi rời cuộc hội thảo này với tinh thần được khích lệ và phấn khởi”.

ĐHY Tobin CSsR

ĐHY Tobin cũng nói với báo ”Tường trình về các nữ tu hoàn cầu” (Global Sisters Report) rằng ”Tôi xúc động vì niềm an bình mà các nữ tu tìm được trong việc chuẩn bị kết thúc sứ mạng. Có một sự đau buồn khi thấy cái chết của một dòng tu thường có nghĩa là sự biến mất của một đoàn sủng đặc thù trong Giáo Hội.. nhưng cũng có một sự thanh thản lớn nơi các nữ tu”.

ĐHY Tobin cho biết ngài nhớ lại lời cụ già Simeon trong ngày Chúa Hài Đồng Giêsu được dâng hiến tại Đền Thờ: ”Lạy Chúa, xin cho tôi tớ Chúa ra đi bình an, vì mắt con đã thấy ơn cứu độ của Chúa”.

Nữ Tu Carol Zinn cũng nói rằng ”An bình đến khi các nữ tu ý thức sự kết thúc là thành phần của mầu nhiệm Vượt Qua, chết đi và sống lại, đó là điều trong trọng tâm của niềm tin Kitô giáo”.

Trong cuộc hội thảo, các tham dự viên bàn về những vấn đề như: đề ra kế hoạch, chăm sóc các nữ tu, việc sử dụng các tài sản, vấn đề quản trị và cai quản, và đâu là những điều có liên hệ tới giáo xứ và giáo phận địa phương (Crux Now, CNS 20-10-2018)

Giuse Trần Đức Anh OP

ĐỨC TGM Scicluna: ĐTC đau buồn vì công lý chậm chạp

ĐỨC TGM Scicluna: ĐTC đau buồn vì công lý chậm chạp

Trên đây là lời tuyên bố của Đức Cha Charles Scicluna, TGM giáo phận La Valetta, Malta và cũng là thẩm phán xử phúc thẩm những vụ kháng án tại Bộ giáo lý đức tin về những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Ngài cũng đã được ĐTC gửi sang Chile hồi tháng 3 năm nay để điều tra về những vụ lạm dụng tại đây và đã giúp ĐTC thay đổi lập trường về vụ Đức Cha Juan Barros bị cáo là ém nhẹm những vụ lạm dụng của cha Karadigma.

 Đức TGM Scicluna cho biết như trên trong cuộc họp báo trưa ngày 8-10-2018 tại Phòng báo chí Tòa Thánh. Ngài nói:

 Tìm kiếm sự thật – tôn trọng công lý dân sự

 ”Tìm kiếm sự thật là điều thiết yếu và cũng có một nền công lý dân sự cần phải tôn trọng, vì những câu trả lời cho các vụ lạm dụng ấy không phải chỉ ở trong nội bộ Giáo Hội, nhưng cũng là một tội ác về mặt dân sự, cần phải tôn trọng quyền tài phán dân sự và để những kẻ phạm lỗi phải chịu hậu quả do những hành động của họ”.

 ”Vì thế, công lý, sự thật và lòng thương xót là những lời nòng cốt trong vấn đề xử lý những vụ lạm dụng tính dục, trong vấn đề này Giáo Hội tái quyết tâm chống lại các tội ác ấy.”

 Đừng chờ đợi giải pháp chống lạm dụng từ Thượng HĐGM

 Tuy nhiên, trong cuộc họp báo, Đức TGM Scicluna nói rằng ”các tín hữu đừng mong đợi nơi Thượng HĐGM về giới trẻ hiện nay những câu trả lời cho cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục, trái lại cần đợi khóa họp của ĐTC vào tháng 2 năm tới, từ ngày 21 đến 24-2 năm 2019, với các vị Chủ tịch HĐGM trên thế giới để có câu trả lời đầy đủ cho vấn đề này.”

 Đức TGM cũng kêu gọi những người không tín nhiệm nơi cách đối phó của ĐTC Phanxicô về những vụ lạm dụng hãy để cho Ngài có thời gian. (Oss.Rom. Cath.uk 8-10-2018)

 Theo Đức TGM Scicluna, một điều rất quan trọng trong những ngày đầu của Thượng HĐGM hiện nay là lời ”xin lỗi dài” do Đức Cha Anthony Fisher, TGM giáo phận Sydney bên Úc trình bày về vấn đề lạm dụng tính dục và những lỗi lầm khác của Giáo Hội.

 Thượng HĐGM đào sâu vấn đề lạm dụng

 Đức TGM Scicluna cho biết do sự kiện ấy, tất cả các nhóm nhỏ đã đào sâu vấn đề lạm dụng tính dục, vì theo ngài hy vọng đề tài này sẽ được một chỗ đứng quan trọng trong Văn kiện chung kết, so với tài liệu làm việc, vì văn kiện này chỉ nói về vấn đề lạm dụng trong một đoạn, đoạn số 66. (Oss.Rom. Cath.uk 8-10-2018).

Giuse Trần Đức Anh OP

HĐGM Mỹ quyết tâm làm sáng tỏ và xử lý những vụ lạm dụng

HĐGM Mỹ quyết tâm làm sáng tỏ và xử lý những vụ lạm dụng

Trong thông cáo công bố hôm 27-8-2018, ĐHY DiNardo cho biết ngài bày tỏ lập trường trên đây trong niềm hiệp thông với ĐTC và cùng với ban chấp hành của HĐGM Hoa Kỳ, như ĐTC đã nói: ”Vết thương này (do những vụ lạm dụng) thách thức chúng ta phải kiên quyết theo đuổi sự thật và công lý”.

 Thông cáo của ĐHY cũng cho biết: ”Ngày 1-8 vừa qua, tôi đã hứa rằng HĐGM Hoa Kỳ sẽ thi hành trọn vẹn quyền bính của mình, và can thiệp với những quyền bính cao hơn, để làm sáng tỏ nhiều vấn đề quanh vụ Đức TGM McCarrick. Ngày 16-8 vừa qua, tôi đã thỉnh cầu Tòa Thánh thực hiện một cuộc thanh tra tông tòa, làm việc hòa hợp với Ủy ban giáo dân toàn quốc vơi quyền bính độc lập, để tìm kiếm sự thực. Hôm qua 26-8, tôi đã tái triệu tập Ban chấp hành HĐGM và tái khẳng định lời kêu gọi về việc mau lẹ và cứu xét kỹ lưỡng những thiếu sót luân lý của một người anh em GM và làm sao những thiếu sót ấy có thể dung thứ quá lâu như vậy và không có sự ngăn cản nào”.

 Cứu xét chứng từ của Đức TGM Viganò

 ĐHY DiNardo cũng nhắc đến bản chứng từ của Đức TGM Carlo Maria Viganò, cựu Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, công bố hôm 26-8 vừa qua, tố giác về những điều này, và ĐHY nói rằng lá thư này càng đòi sự chú tâm hơn và cấp thiết cứu xét. Những câu hỏi được nêu lên đáng được trả lời đầy đủ và dựa trên các bằng chứng. Nếu không có những câu trả lời như thế, thì những người vô tội có thể bị ô danh vì những lời cáo buộc giả dối và các tội quá khứ có thể tái diễn”.

 Chờ đợi được gặp ĐTC

 ĐHY Chủ tịch HĐGM Hoa Kỳ cho biết đang chờ đợi được ĐTC tiếp kiến để trình bày kế hoạch hành động và được sự hỗ trợ của ngài trong kế hoạch hành động. Trong kế hoạch này có đề nghị làm sao để việc trình báo về sự lạm dụng và sai trái của các GM được dễ dàng hơn, cải tiến các thủ tục giải quyết những đơn kiện chống các GM”.

 ĐHY McCarrick, 89 tuổi, nguyên là TGM giáo phận thủ đô Washington, bị cáo là đã có lối sống sai trái về luân lý, và đã xin từ bỏ chức vị Hồng Y. Hiện nay thủ tục xét xử theo giao luật đang được tiến hành.

Giuse Trần Đức Anh OP

4 Hồng Y Chủ tịch thừa ủy của Thượng Hội Đồng Giám Mục về giới trẻ

4 Hồng Y Chủ tịch thừa ủy của Thượng Hội Đồng Giám Mục về giới trẻ

VATICAN. Ngày 14-7-2018, ĐTC đã bổ nhiệm 4 vị Chủ tịch thừa ủy, thay mặt ngài chủ tọa các phiên họp của Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 15 về giới trẻ.

 Thượng HĐGM này sẽ tiến hành từ ngày 3 đến 28-10-2018 tại Vatican về đề tài: ”Người trẻ, Đức tin và sự phân định ơn gọi”.

 4 vị được bổ nhiệm là:

 – ĐHY Louis Raphael I Sako, Thượng Phụ Giáo Chủ Công Giáo Canđê (Iraq)

 – ĐHY Désiré Tsarahazana, TGM giáo phận Toamasina (Madagascar)

 – ĐHY Charles Maung Bo, SDB, Tổng Giáo Mục Giáo Phận Yangon (Myanmar)

 – ĐHY Rohn Ribat, Dòng Thừa Sai Thánh Tâm – M.S.C, TGM giáo phận Port Moresby.

 Cho đến nay, các Thượng HĐGM chỉ có 3 vị Hồng Y Chủ tịch thừa ủy, nhưng nay ĐTC Phanxicô bổ nhiệm 4 vị. Cả 4 vị đều đến từ những quốc gia trong đó các tín hữu Kitô chỉ là thiểu số. (Rei 14-7-2018)

 G. Trần Đức Anh OP

 

Lần đầu tiên một giáo dân làm Bộ trưởng tại Tòa Thánh

Lần đầu tiên một giáo dân làm Bộ trưởng tại Tòa Thánh

VATICAN. Lần đầu tiên một giáo dân được bổ nhiệm làm Bộ trưởng tại Tòa Thánh.

Đó là Ông Paolo Ruffini, được ĐTC bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Truyền Thông, kế nhiệm Đức ông Dario Eduardo Viganò từ chức.

Ông Ruffini, 62 tuổi, cho đến nay là Giám đốc đài truyền hình TV2000 của HĐGM Italia. Ông sinh ngày 4-10-1956 tại Palermo (cháu của ĐHY Ernesto Ruffini – 1888-1967 -, TGM giáo phận Palermo), tốt nghiệp luật khoa tại Đại học La Sapienza ở Roma, và hành nghề ký giả từ năm 1979. Ông hoạt động cho báo Il Mattino ở Napoli, Il Messaggero ở Roma, rồi làm cho đài phát thanh Rai, trước khi chuyển sang đài truyền hình Rai 3, La 7. Từ năm 2014, ông làm giám đốc đài TV2000.

Bộ Truyền thông được ĐTC Phanxicô thành lập cách đây 3 năm bằng cách gộp 9 cơ quan thông tin của Vatican thành một, trong đó có Đài Vatican, Trung Tâm Truyền Hình, Báo Quan sát viên Roma, Phòng báo chí Tòa Thánh, nhà in và nhà xuất bản Vatican, sở nhiếp ảnh… Tổng cộng số nhân viên gần 700 người.

Bộ này có 1 Đức Ông làm Tổng thư ký, Lucio Adrian Ruiz. Bộ này có 6 Hồng y và 7 GM thành viên (trong đó có Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, GM Mỹ Tho) cùng với 3 giáo dân khác.

Bộ truyền thông ban đầu được gọi là “Segretaria per la comuninicazione” nhưng từ tháng 2 năm nay được đổi thành ”Dicastero per la comunicazione”

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha dâng lễ với các tân Hồng Y và tân Tổng Giám Mục chính tòa

Đức Thánh Cha dâng lễ với các tân Hồng Y và tân Tổng Giám Mục chính tòa

VATICAN. Sáng ngày 29-6-2018, ĐTC đã làm phép các dây Pallium cho 30 vị TGM chính tòa trong thánh lễ với 14 tân Hồng Y và 26 vị tân TGM.

Đầu thánh lễ lúc 9 giờ rưỡi, nhân lễ kính hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, ĐTC đã làm phép các dây Pallium cho 30 vị tân TGM đứng đầu giáo tỉnh được các phó tế đưa từ mộ thánh Phêrô tới trước bàn thờ. Các vị TGM này thuộc 17 quốc gia, trong đó có 4 vị Argentina, 4 vị Italia, 3 vị người Mehicô, từ Á châu có Đức TGM giáo phận Tokio Nhật Bản, 1 vị Philippines và 2 vị người Ấn Độ.

Đồng tế với ĐTC trong thánh lễ này, ngoài 14 tân Hồng Y và 26 vị TGM mới về Roma (4 vị vắng mặt), còn có 120 Hồng Y, 200 GM và khoảng 400 LM trước sự hiện diện của 15 ngàn tín hữu.

Ở chỗ danh dự gần bàn thờ chính có phái đoàn Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople do Đức TGM Job, thuộc giáo phận Telmessos, làm trưởng đoàn và có 1 GM và 1 Phó tế tháp tùng, cạnh đó là ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, và hai chức sắc cấp cao của Hội đồng này.

 Dây Pallium

 Dây Pallium là một dây làm bằng lông chiên màu trắng, bề ngang chừng 5 centimét, có 6 hình thánh giá kết bằng tơ màu đen, được đeo ở cổ, có 2 giải ngắn một ở phía trước ngực và một ở phía sau lưng. Dây này biểu tượng quyền của vị TGM đứng đầu giáo tỉnh và tượng trưng tình hiệp thông với Đấng kế vị thánh Phêrô.

 Lúc 9 giờ 20, ĐTC đã cùng với Đức TGM Job trưởng phái đoàn của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople, xuống tầng hầm dưới bàn thờ chính của Đền thờ Thánh Phêrô mặc niệm trước mộ thánh nhân, rồi tiến đến trước pho tượng thánh nhân trong Đền thờ, với phẩm phục Giáo Hoàng, để cầu nguyện, trước khi cùng với 14 vị HY mới tiến ra bên ngoài, nơi bàn thờ trên thềm của Đền thờ.

Trước đây, các vị tân TGM chính tòa vẫn về Roma để nhận dây Pallium từ ĐTC trong thánh lễ ngài cử hành ngày 29-6, lễ kính thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, trừ trường hợp ngoại lệ, dây này được vị Đại Diện Tòa Thánh trao trong một buổi lễ tại Giáo Hội địa phương.

 Nhưng từ 3 năm nay (2015), do quyết định của ĐTC Phanxicô, dây Pallium được trao cho vị Tổng Giám Mục đứng đầu giáo tỉnh trong một buổi lễ tại giáo phận địa phương thay vì tại Roma. Sự thay đổi này nhắm làm nổi bật hơn quan hệ giữa vị tân TGM chính tòa với Giáo phận của các vị, và để tạo cơ hội cho nhiều tín hữu được hiện diện tại nghi thức rất ý nghĩa đối với họ, và nhất là là cho các Giám Mục thuộc hạt – trong cùng một giáo tỉnh -, để tham dự lễ trao dây Pallium. Theo chiều hướng đó, ý nghĩa buổi lễ ngày 29-6 vẫn được giữ nguyên, tức là nhấn mạnh mối dây hiệp thông và cũng là sự hiệp thông theo phẩm trật giữa ĐTC và các vị tân TGM chính tòa, và đồng thời, qua sự trao dây này ở địa phương, có thêm mối liên hệ với Giáo hội địa phương”.

Làm phép dây Pallium

Đầu thánh lễ, sau lời chào phụng vụ của ĐTC, ĐHY Renato Martino, trưởng đẳng phó tế, đã thưa với ĐTC: các vị TGM chính tòa, ”với lòng kính mến trung thành và vâng phục đối với ĐTC và Tòa Thánh, khiêm tốn xin ĐTC ban cho các vị dây Pallium, được lấy từ bàn thờ tuyên xưng đức tin của Thánh Phêrô, như dấu chỉ quyền bính của vị TGM đứng đầu giáo tỉnh, trong niềm hiệp thông với Giáo Hội Roma, được thiết định hợp pháp trong giáo phận của các vị.”

Rồi ĐHY mời các vị TGM cùng đọc công thức tuyên thệ tuyên thệ luôn trung thành và vâng phục Thánh Phêrô Tông Đồ, Tòa Thánh, Giáo Hội, ĐTC và các Đấng Kế vị hợp pháp.

ĐTC đọc công thức làm phép các dây Pallium, xin Thiên Chúa là Đấng đã đặt Con của Ngài làm Mục Tử nhân lành chăn dắt Giáo hội là đoàn chiên của Chúa đổ tràn đầy ơn lành trên các dây Pallium và trên các tân TGM, nhờ ơn Chúa, sẽ đeo dây này, để được nhìn nhận như những Mục Tử đoàn chiên Chúa, và biểu lộ trong cuộc sống của mình thực tại ý nghĩa của dây nay. Xin cho các vị Mục Tử này nhận lấy ách Tin Mừng đặt trên vai mình và ách ấy trở nên dịu dàng để các vị đi trước người khác trong việc sống các giới răn của Chúa, nêu gương trung thành kiên trì, cho đến khi đáng được đưa vào đồng cỏ vĩnh cửu trong nước Chúa.

Thánh lễ tiếp tục với kinh Vinh Danh, lời Tổng Nguyện, và phần phụng vụ Lời Chúa.

Bài giảng Thánh Lễ

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã diễn giải ý nghĩa bài Tin Mừng theo thánh Mathêu, đoạn 16, thuật lại, khi Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: Ngừơi ta bảo Thầy là ai? thánh Phêrô đã trả lời thay cho các tông đồ khác: ”Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống”, – tức là Đấng đã được Thiên Chúa xức dầu-. Rồi Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ Ngài phải lên Jerusalem chịu đau khổ, bị giết và ngày thứ ba sẽ sống lại. Vị được Thiên Chúa xức dầu mang tình thương và lòng thương xót của Chúa Cha cho đến hệ luận cuối cùng. Nhưng đứng trước lời loan báo bất ngờ ấy, Phêrô đã phản ứng và cản trở Chúa, xin Thiên Chúa đừng bao giờ để điều ấy xảy ra cho Thầy mình (Mt 16,22). Phêrô biến thành hòn đá vấp trên con đường của Đấng được Xức dầu. Ông tưởng mình bênh vực các quyền của Thiên Chúa, nhưng lại biến ngay thành Satan, kẻ thù của Chúa. ĐTC giải thích thêm rằng:

”Chiêm ngắm cuộc đời của Phêrô và sự tuyên xưng của thánh nhân cũng có nghĩa là học biết những cám dỗ xảy ra trong cuộc đời các môn đệ. Trong tư cách là Giáo Hội, như thánh Phêrô, chúng ta cũng luôn luôn bị cám dỗ vì những “tiếng thì thầm” của ma quỉ là những hòn đá vấp cản trở sứ vụ của Giáo Hội. Tôi nói là ”những tiếng thì thầm” vì ma quỉ âm thầm cám dỗ, làm sao để ta không nhận ra chủ ý của hắn, ”cư xử như một điều giả dối khi muốn ở trong sự kín đáo và không muốn bị khám phá” (S. Ignaxiio Loyola, Linh Thao, n.326).

”Trái lại, tham gia vào sự xức dầu của Chúa Kitô là tham dự vinh quang của Chúa, là Thập Giá của Ngài: Lạy Cha, xin làm vinh danh Con Cha.. Lạy Cha, xin tôn vinh danh Cha” (Ga 12,28). Vinh quang và thập giá trong Chúa Giêsu Kitô đi song đôi với nhau và không thể tách rời, vì khi ta từ bỏ thập giá, kể cả khi chúng ta bước vào sự rạng ngời của vinh quang, thì chúng ta tự lừa dối mình, bởi lẽ thứ vinh quang ấy không phải của Thiên Chúa, nhưng là sự chế nhạo của đối phương”.

ĐTC cũng nhận xét rằng, ”nhiều khi chúng ta cảm thấy cám dỗ: tuy là Kitô hữu, nhưng đồng thời đồng thời giữ một khoảng cách thận trọng đối với những vết thương của Chúa. Chúa Giêsu động chạm đến sự lầm than của con ngừơi, và mời gọi chúng ta ở với Ngài, quan tâm đến những thân thể đau khổ của tha nhân. Việc tuyên xưng đức tin bằng miệng và con tim, như trường hợp thánh Phêrô, đòi chúng ta phải nhận ra những ”tiếng thì thầm” của ma quỷ. Học cách nhận diện và khám phá “đâu là những che đậy bản thân và cộng đoàn khiến chúng ta xa cách thảm trạng sinh động của con người; những che đậy ấy ngăn cản không để chúng ta tiếp xúc với cuộc sống cụ thể của tha nhân, và xét cho cùng, không để chúng ta nhận biết sức mạnh cách mạng sự dịu dàng của Thiên Chúa (Xc Tông huấn E.G. 270).

Tiếp tục bài giảng, ĐTC nhấn mạnh rằng ”Khi không tách biệt vinh quang khỏi thập giá, Chúa Giêsu muốn cứu các môn đệ và Giáo Hội của Ngài khỏi thái độ hiếu thắng trống rỗng: trống rỗng tình thương, trống rỗng phục vụ, cảm thương, cũng trống rỗng dân. Chúa muốn cứu Giáo Hội khỏi một sự tưởng tượng vô hạn không biết ăn rễ sâu nơi đời sống của dân trung thành, hoặc tệ hơn nữa, đó là thái độ tưởng rằng việc phụng sự Chúa đòi Giáo Hội phải loại bỏ những con đường bụi bặm của lịch sử. Chiêm mgắm và bước theo Chúa đòi chúng ta phải để tâm hồn rộng mở đối với Chúa Cha và tất cả những người mà chính Chúa muốn đồng hóa với họ (Xc Thánh Gioan Phaolô 2, Tông thư Novo millennio ineunte, 49) và với xác tín chắc chắn Chúa không bỏ rơi dân Ngài.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Anh em thân mến, câu hỏi ”Ông có phải là Đấng phải đến hay chúng tôi phải đợi một người khác?” (Mt 11,3) là điều tiếp tục ở trên hàng triệu khuôn mặt. Chúng ta tuyên xưng trên môi và trong con tim: Đức Giêsu Kitô là Chúa (Xc Phil 2,11). Đây chính là bài ca nòng cốt mà hằng ngày chúng ta được mời gọi xướng lên. Trong sự đơn sơ, chắc chắn và vui mừng được biết rằng ”Giáo Hội sáng ngời không phải bằng ánh sáng riêng của mình nhưng bằng ánh sáng của Chúa Kitô. Giáo Hội kín múc ánh quang của mình từ Mặt Trời công chính, để có thể nói: ”Không còn là tôi sống, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20) (Thánh Ambrosio, Hexaemeron, IV, 8,32)

Trong phần lời nguyện giáo dân, các ý nguyện đã được xướng lên bằng các thứ tiếng Pháp, tiếng Aramaico, Bồ đào nha, tiếng Hoa và tiếng Nhật lần lượt cầu nguyện cho ĐTC và Giáo Hội hoàn vũ, cho các vị lãnh đạo chính quyền và các dân tộc được ủy thác cho họ, cho ơn gọi linh mục, và sự hiệp nhất của Giáo Hội, sau cùng là cho các tội nhân và những người không tin.

Thánh lễ kết thúc lúc quá 11 giờ với bài ca: ”Chúng con chạy đến nương náu nơi sự bảo trợ của Mẹ Thiên Chúa”.

Sau đó, ĐTC về dinh tông tòa và lúc 12 giờ trưa, ngài xuất hiện tại cửa sổ lầu 3 để chủ sự buổi đọc kinh truyền tin chung với các tín hữu tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ ngắn nhân dịp này, ngài nhấn mạnh tới lời Chúa Giêsu nói với Thánh Phêrô: ”Con là Đá và trên Đá này Thầy sẽ xây dựng Giáo Hội của Thầy và các cửa hỏa ngục sẽ không thắng nổi” (v.18). Đây là lần đầu tiên Chúa Giêsu nói lên từ ”Giáo Hội”, và đồng thời Chúa biểu lộ tất cả tình yêu đối với Hội Thánh của Ngài. Đây là một cộng đồng Giao Ước mới, không dựa trên dòng dõi và Luật, nhưng dự trên niềm tin vào Ngài là Đức Giêsu, Tôn Nhan của Thiên Chúa”.

G. Trần Đức Anh OP

Họp báo của Đức Thánh Cha trên máy bay tối ngày 21-6-2018

Họp báo của Đức Thánh Cha trên máy bay tối ngày 21-6-2018

ROMA. ĐTC hài lòng về chuyến viếng thăm tại Thụy Sĩ vì những cuộc gặp gỡ và đối thoại. Ngài cũng giải thích việc yêu cầu HĐGM Đức suy nghĩ thêm về việc công bố chỉ nam về việc cho người tin lành kết hôn với người Công Giáo rước lễ.

Trên chuyến bay dài 1 tiếng 40 phút từ Genève về Roma, như thường lệ, ĐTC đã gặp gỡ và trả lời một số câu hỏi của các ký giả cùng đi trên chuyến bay. ĐTC cho biết ”Hôm nay là một ngày khá mệt đối với tôi, nhưng tôi hài lòng, vì nhiều điều chúng ta đã làm, cầu nguyện, đối thoại trong bữa ăn trưa, thật là điều rất đẹp, rồi cuộc gặp gỡ đại kết, và thánh lễ, tất cả làm cho tôi rất hài lòng”

1.Trả lời câu hỏi của một ký giả, ĐTC nhận xét rằng đây là một ngày có những cuộc gặp gỡ khác nhau, danh từ đúng để chỉ ngày này là ”gặp gỡ”. Khi một người gặp người khác, cuộc gặp gỡ này đánh động tâm hồn và làm hài lòng.. Đó là những cuộc gặp gỡ rất tích cực, rất đẹp. Bắt đầu bằng cuộc đối thoại với tổng thống Thụy Sĩ, đây không phải là một cuộc đối thoại xã giao, nhưng sâu sắc, về những đề tài quan trọng của thế giới, và với một sự thông minh làm cho tôi ngạc nhiên. Rồi những cuộc gặp gỡ các như quí vị đã thấy. Điều mà quí vị không thấy là cuộc gặp gỡ trong bữa ăn trưa (ở học viện Bossey), cuộc gặp gỡ sâu xa đề cập đến nhiều vấn đề, đề tài được nói đến nhiều là giới trẻ, vì tất cả các hệ phái Kitô đều quan tâm về giới trẻ. Và Tiền thượng HĐGM ở Roma hồi tháng 3 năm nay đã thu hút nhiều chú ý, có 315 người trẻ, cả những người trẻ không tín ngưỡng.. Điều này có lẽ đã khơi sự chú ý đặc biệt. Tóm lại đó là một cuộc gặp gỡ nhân bản, không phải là xã giao, hình thức”.

2. Trả lời câu hỏi về việc HĐGM Đức soạn chỉ nam về việc cho các tín hữu Tin Lành rước lễ Công Giáo nhưng Đức TGM Ladaria Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin đã viết một thư cho các GM Đức như hãm lại khẩn cấp. Trong cuộc gặp gỡ của các GM Đức ngày 3-5, các vị ấy được yêu cầu tìm một giải pháp đồng thuận. Vậy tại sao cần có sự can thiệp của Vatican về vấn đề này? ĐTC đáp:

”Đây không phải là một điều mới mẻ, vì trong bộ giáo luật có dự trù điều mà các GM Đức đã nói, việc cho tín hữu Kitô khác được rước lễ Công Giáo trong những trường hợp đặc biệt, liên quan đến vấn đề hôn phối hỗn hợp giữa một ngừơi Công Giáo và một Kitô hữu khác. Bộ giáo luật nói rằng GM giáo phận phải lo về vấn đề này. Các GM Đức, vì thấy không rõ ràng, một số LM hành động không hợp với GM, nên các GM Đức muốn nghiên cứu vấn đề này, và đã cho thực hiện cuộc nghiên cứu ấy, tôi không muốn nói là thái quá, và cuộc nghiên cứu dài hơn 1 năm, kỹ lưỡng. Cuộc nghiên cứu có tính chất thu hẹp: điều mà các GM muốn là nói rõ điều ấy vốn có trong bộ giáo luật. Tôi đã đọc dự thảo chỉ nam ấy, đó là điều thu hẹp chứ không phải là mở cho tất cả mọi người. Các GM muốn thực hiện điều đó cho Giáo Hội địa phương ở Đức. Điều không đúng đối với HĐGM Đức, đó là Giáo luật không trù định điều đó, bộ giáo luật không nói HĐGM có quyền làm điều ấy, vì một điều được một HĐGM phê chuẩn thì trở thành điều hoàn vũ ngay. Đó là điều khó khăn, chứ không phải là nội dung. Các GM đã gửi văn bản, rồi có hai ba cuộc gặp gỡ, Đức TGM Ladaria đã gửi một thư với phép của tôi, chứ Đức TGM không tự ý làm. Tôi nói là đồng ý, nhưng tốt hơn nên nói rằng văn kiện của HĐGM Đức chưa chín mùi, và cần phải được nghiên cứu hơn nữa. Rồi đã có một cuộc họp khác và sau cùng sẽ nghiên cứu sự việc. Tôi tin rằng đó sẽ là một văn kiện hướng dẫn, vì mỗi GM giáo phận có thể điều hành điều mà bộ giáo luật đã cho phép. Không có sự hãm lại. Khi tôi trả lời trong cuộc viếng thăm nhà thờ Tin Lành Luther ở Roma câu hỏi về vấn đề này, tôi đã trả lời theo tinh thần của bộ giáo luật, điều mà ngày nay họ đang tìm kiếm. Có lẽ đó không phải là một thông tin đúng. Bộ giáo luật cho phép Giáo phận chứ không cho HĐGM. Nhưng HĐGM có thể nghiên cứu và đưa ra những đường hướng chỉ dẫn.

3. Về vấn đề di dân và tị nạn, ĐTC cho biết ngài đã nói nhiều về vấn đề này và ngài trả lời rằng mỗi người phải hành động vấn đề tiếp nhận ngừơi tị nạn theo nhân đức riêng của chính quyền nghĩa là với sự thận trọng. Mỗi nước phải tiếp nhận theo khả năng của mình, nhận những người mình có thể hội nhập. Italia và Hy Lạp đã rất quảng đại trong việc đón tiếp. Có vấn đề là nạn buôn ngừơi di dân. Tôi đã thấy hình ảnh những kẻ buôn người ở Libia. Có một trường hợp mà tôi biết, những nhà tù của những kẻ buôn người thật là kinh khủng giống như các trại tập trung thời thế chiến thứ hai trong đó có những vụ cắt chặt thi thể và tra tấn. Thế giới quan tâm làm sao để những ngừơi di dân khỏi rơi vào tay những kẻ buôn người. Tôi biết các chính phủ nói về điều đó và muốn duyệt lại hiệp định Dublin. Tại Tây Ban Nha quí vị đã thấy trường hợp tàu Aquarius chở người di dân cập bến Valencia.

Tất cả vấn đề ở đây là sự xáo trộn, vấn đề đói ở Phi châu người ta có thể giải quyết. Bao nhiêu chính phủ Âu Châu đang nghĩđ ến việc đầu tư tại các nước ấy..

ĐTC nói thêm rằng:

Trong trí tưởng tượng tập thể có một tư tưởng xấu: đó là cần phải khai thác Phi châu. Họ vẫn luôn là những người nô lệ. Cần phải thay đổi kế hoạch ấy. Cả tại Hoa Kỳ cũng có vấn đề di trú. Mỹ châu la tinh dân chúng bỏ đồng quê tới các thành phố lớn, nhưng cũng có cuộc di cư ra nước ngoài, tới những người có công ăn việc làm, và về điểm này tôi đồng thuận với điều mà các nước ấy nói..

4. Một ký giả khác hỏi ĐTC xem Giáo Hội Công Giáo có hiệp với các Giáo Hội khác gọi là Giáo Hội hòa bình để loại bỏ ý tưởng về cuộc chiến tranh chính đáng hay không?

ĐTC nhận xét: ”Bạn đã đặt ngón tay vào đúng vết thương. Hôm nay, trong bữa ăn trưa ở Học viện đại kết Bossey, một mục sư nói với tôi: ”Có lẽ nhân quyền đầu tiên phải là quyền được hy vọng” và chúng tôi đã nói về cuộc khủng hoảng các nhân quyền ngày nay. Cuộc khủng hoảng này ta thấy rõ khi nói về điểm này, nhưng bao nhiêu là nhóm, và một số nước không đồng ý, không có sự xác tín như cách đây 20 năm, và đây là điều trầm trọng vì chúng ta phải xem các nguyên nhân. Ngày nay các quyền con người là tương đối, kể cả quyền được hòa bình, cũng là tương đối trong một cuộc khủng hoảng về các nhân quyền. Tôi nghĩ rằng tất cả các Giáo Hội có tinh thần hòa bình phải cùng nhau làm việc và như chúng tôi đã nói trong các diễn văn ngày hôm nay, tôi cũng như các vị khác. Hòa bình là một đòi hỏi vì có nguy cơ chiến tranh.

”Có người nói: thế chiến thứ ba này nếu xảy ra, thì người ta không biết nó sẽ diễn ra với khí giới nào, và nếu có thế chiến thứ tư thì ngừơi ta đã chiến đấu với nhau bằng gậy, vì nhân loại đã bị hủy diệt rồi. Khi người ta nghĩ đến tiền bạc mà họ chi dụng cho các võ khí, thì hòa bình, tình huynh đệ, tất cả các xung đột không được giải quyết như kiểu Cain, nhưng bằng thương thuyết, đối thoại và trung gian. Chúng ta ở trong khủng hoảng về thương thuyết, khủng hoảng về hy vọng, các quyền con ngừơi và khủng hoảng về hòa bình. Và phải chăng có những tôn giáo ủng hộ chiến tranh? Thật là khó hiểu điều này, nhưng chắc chắn là có những nhóm nhỏ, cực đoan, đang tìm kiếm chiến tranh, cả các tín hữu Công Giáo chúng ta cũng có vài người, đây là điều quan trọng cần để ý.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha họp với các Giám Mục Chile để tìm giải pháp

Đức Thánh Cha họp với các Giám Mục Chile để tìm giải phá

VATICAN. Thứ ba 15-5-2018, ĐTC bắt đầu nhóm họp trong 3 ngày với các GM Chile để cùng tìm kiếm những thay đổi thích hợp cho Giáo Hội tại Chile sau những vụ xì căng đan giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên tại nước này.

Cuộc họp sẽ kéo dài đến ngày 17-5 tới đây với sự tham dự của 31 GM chính tòa và phụ tá, 2 GM về hưu của Chile. Hiện diện với ĐTC cũng có ĐHY Marc Ouellet, người Canada, Tổng trưởng Bộ GM và cũng là Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh về Mỹ Châu la tinh.

Thông cáo của Phòng báo chí Tòa Thánh, công bố hôm 12-5-2018 nói rằng: ”Đối tượng của tiến trình ”công nghị dài” này là cùng nhau phân định, trước mặt Chúa, trách nhiệm của tất cả và từng người, trong những vết thương tàn hại này, và nghiên cứu những thay đổi thích hợp và lâu dài, nhắm ngăn cản sự tái diễn những hành vi luôn đáng lên án.

”Điều cơ bản là tái lập sự tín nhiệm nơi Giáo Hội, qua những vị mục tử tốt lành, bằng đời sống, chứng tỏ mình đã nhận ra tiếng Vị Chúa Chiên lành và biết đồng hành với những đau khổ của các nạn nhân, và quyết liệt hành động không biết mệt mỏi để phòng ngừa các lạm dụng”.

ĐTC cám ơn sự sẵn sàng của các anh em Giám Mục Chile trong việc ngoan ngoãn và khiêm tốn lắng nghe Chúa Thánh Linh, và ngài tái mời gọi Dân Chúa ở nước này tiếp tục cầu nguyện để có sự hoán cải của tất cả mọi người”.

Sau cùng, thông cáo cho biết ĐTC sẽ không công bố tuyên ngôn nào trong và sau cuộc gặp gỡ, diễn ra trong sự hoàn toàn kín đáo.

 Từ lâu Giáo Hội Công Giáo tại Chile đã bị rúng động vì vụ LM Fernando Karadima lạm dụng nhiều trẻ vị thành viên, và LM này đã bị lên án tù chung thân.

Có sự bao che và che đậy của nhiều chức sắc trong Giáo Hội tại đây đối với LM này. Một trong các cộng tác viên của LM này là Juan Barros hiện là GM giáo phận Orsono, bị cáo là đã biết những vụ lạm dụng của cha Karadima mà giữ im lặng. Đức Cha Barros luôn phủ nhận những lời cáo buộc đó và 2 lần xin ĐTC cho từ chức, nhưng Người vẫn luôn tin và bênh vực vị GM này. Sự kiện bùng nổ to hơn nhất là trong dịp ĐTC viếng thăm Chile hồi tháng giêng năm nay.

Trước những phản ứng rất tiêu cực, ĐTC đã cử Đức TGM Charles Scicluna người Malta với sự trợ giúp của 1 LM thuộc Bộ giáo lý đức tin, đến gặp các nạn nhân của cha Karadima ở New York và tại Chile. Ngày 20-3 vừa qua, Đức TGM đã trao cho ĐTC tập hồ sơ gồm 2,300 trang thu thập 64 chứng từ của các nạn nhân, trình bày những dữ kiện, nhất là bao nhiêu sự kiện đau thương mà cho đến nay khong ai trong hàng giáo phẩm Công Giáo ở Chile muốn nghe. Thư của ĐTC gửi các GM Chile có đoạn viết:

”Tôi đã phạm những sai lầm trầm trọng trong việc thẩm định và nhận xét về tình trạng, nhất là vì thiếu thông tin chân thực và quân bình. Ngay từ bây giờ tôi xin lỗi tất cả những người mà tôi đã làm thương tổn và hy vọng có thể đích thân xin lỗi trong những tuần lễ tới đây, trong những cuộc gặp gỡ các đại diện của những người đã làm chứng”.

ĐTC cũng khiêm tốn xin sự cộng tác và giúp đỡ của các GM Chile trong việc phân định những biện pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cần đề ra để tái lập sự hiệp thông trong Giáo Hội tại Chile, với mục đích chữa lành gương mù gương xấu bao nhiêu có thể và tái lập công lý. Trong thư ngày 11-4 vừa qua, Ngài viết:

”Tôi mời tất cả các GM Chile đến Roma để thảo luận về những điều phải làm, và ngay từ bây giờ tôi xin Giáo Hội tại Chile cầu nguyện”. (Rei 12-5-2018)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha yêu cầu các GM Đức tự giải quyết việc cho Tin Lành rước lễ

Đức Thánh Cha yêu cầu các GM Đức tự giải quyết việc cho Tin Lành rước lễ

VATICAN. ĐTC mong rằng các GM Đức đạt tới một kết quả đồng thuận liên quan đến chỉ nam về việc cho những người Tin Lành rước lễ Công Giáo trong hôn nhân hỗn hợp.

Trên đây là nội dung thông cáo do Phòng báo chí Tòa Thánh công bố sau cuộc họp ngày 3-5-, giữa các đại diện HĐGM Đức với các vị lãnh đạo liên hệ tại Tòa Thánh. Thông cáo nhắc lại rằng hồi tháng 2 năm nay, HĐGM Đức đã thông qua chỉ nam về việc cho những người Tin Lành kết hôn với người Công Giáo được rước lễ. Chỉ nam là một trợ giúp mục vụ mang tựa đề ”Đồng hành với Chúa Kitô – theo vết sự hiệp nhất. Hôn phối hỗn hợp và sự rước lễ chung”.

Hơn 3 phần tư các thành viên HĐGM đã bỏ phiếu chấp thuận. Nhưng có một số không nhỏ các mục tử, trong đó có 7 GM giáo phận, vì nhiều lý do khác nhau, cảm thấy không thể đồng ý. 7 GM ấy đã ngỏ lời với Bộ giáo lý đức tin, Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô và Hội đồng Tòa Thánh về các văn bản luật. Vì thế, theo ý muốn của ĐTC Phanxicô, một cuộc thảo luận được thỏa thuẩn giữa một số GM và các vị hữu trách của Tòa Thánh.

Phái đoàn HĐGM Đức gồm có 7 HY và GM, đứng đầu là ĐHY Marx Chủ tịch và ĐHY Woelki, TGM giáo phận Koeln. Ngoài ra có cha Tổng thư ký HĐGM Hans Langendoerfer SJ.

Về phía Tòa Thánh có Đức TGM Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin Luis Ladaria, ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, và Đức Ông Markus Graulich, SDB, Phó Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh về các văn bản luật, Cha Hermann Geissler, Trưởng Phân Bộ đạo lý thuộc Bộ giáo lý đức tin.

Trong cuộc thảo luận, Đức TGM Ladaria cho biết ĐTC đánh giá cao nỗ lực đại kết của các GM Đức và yêu cầu các vị, trong tinh thần hiệp thông Giáo Hội, hãy tìm được một kết quả, có thể là đồng thuận. Trong cuộc họp đã thảo luận về các quan điểm khác nhau, ví dụ về tương quan giữa vấn đề đức tin và việc săn sóc mục vụ, tầm quan trọng của chỉ nam này đối với Giáo Hội hoàn vũ và chiều kích pháp lý của tài liệu này.

Đức TGM Ladaria sẽ tường trình ĐTC về nội dung cuộc thảo luận. Cuộc gặp đã diễn ra trong bầu không khí thân mật và huynh đệ.

Trên đây là nội dung thông cáo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh.

Dự thảo chỉ nam của các GM Đức chưa được chính thức công bố nhưng nội chung chính đã được phổ biến, theo đó, các GM dựa vào giải thích khoản giáo luật số 844, triệt 4 nói rằng ”Trong trường hợp nguy tử, hoặc theo phán đoán của GM giáo phận hay HĐGM, có sự cần thiết trầm trọng, thì các thừa tác viên Công Giáo có thể ban bí tích hợp pháp cho các tín hữu Kitô khác chưa hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, nếu họ không thể đến gặp thừa tác viên cộng đoàn của họ và nếu họ tự ý xin thừa tác viên Công Giáo, miễn là họ bày tỏ niềm tin của Công Giáo đối với các bí tích ấy và ở trong tình trạng sẵn sàng”.

Trong thời gian qua, có nhiều người phê bình chỉ nam này, trong đó có ĐHY Gerhard Mueller, người Đức, cựu Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin (Rei 4-5-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

Phái đoàn GM Đức về Roma để thảo luận với Tòa Thánh

Phái đoàn GM Đức về Roma để thảo luận với Tòa Thánh

VATICAN. Thứ năm 3-5-2018, một phái đoàn HY, GM Đức sẽ về Roma, thảo luận với Tòa Thánh về vấn đề cho những người Tin Lành kết hôn với người Công Giáo được rước lễ.

HĐGM Đức, dưới sự lãnh đạo của ĐHY Chủ tịch Reinhard Marx, TGM Munich, đã thông qua một chỉ nam về vấn đề cho những người Tin Lành kết hôn với người Công Giáo được rước lễ. Các vị dựa vào giải thích khoản giáo luật so 844, triệt 4 nói rằng ”Trong trường hợp nguy tử, hoặc theo phán đoán của GM giáo phận hay HĐGM, có sự cần thiết trầm trọng, thì các thừa tác viên Công Giáo có thể ban bí tích hợp pháp cho các tín hữu Kitô khác chưa hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, nếu họ không thể đến gặp thừa tác viên cộng đoàn của họ và nếu họ tự ý xin thừa tác viên Công Giáo, miễn là họ bày tỏ niềm tin của Công Giáo đối với các bí tích ấy và ở trong tình trạng sẵn sàng”.

Chỉ nam đã được 2 phần 3 thành viên trong HĐGM Đức thông qua, nhưng có 7 vị đứng đầu là ĐHY Rainer Maria Woelki, TGM giáo phận Koeln, viết thư cho Bộ giáo lý đức tin, thỉnh cầu làm sáng tỏ vấn đề, nhất là thẩm quyền của HĐGM trong vấn đề này. Một số vị khác đã phê bình cuốn chỉ nam này, trong đó có ĐHY Gerhard Mueller, cựu Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin.

Trong thông cáo công bố hôm 30-4 vừa qua, Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết phái đoàn HĐGM Đức gồm có 7 HY và GM, đứng đầu là ĐHY Marx và ĐHY Woelki, cùng với cha Tổng thư ký HĐGM Hans Langendoerfer.

Về phía Tòa Thánh có Đức TGM Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin Luis Ladaria, ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, và Đức Ông Markus Graulich, SDB, Phó Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh về các văn bản luật, Cha Hermann Geissler, Trưởng Phân Bộ đạo lý thuộc Bộ giáo lý đức tin (Rei 30-4-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

Thánh Lễ tiễn biệt Đức Cố TGM Phaolô Bùi Văn Đọc tại Roma

Thánh Lễ tiễn biệt Đức Cố TGM Phaolô Bùi Văn Đọc tại Roma

 

VATICAN. Lúc 5 giờ chiều ngày 10-3-2018, ĐHY Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã chủ sự thánh lễ tiễn biệt Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc mời qua đời đột ngột trong đêm 6-3-2018 tại Roma.

Đồng tế với ĐHY tại Nhà nguyện Cung nguyện của Kinh Sĩ Đoàn trong Đền thờ thánh Phêrô còn có 32 GM Việt Nam, Đức TGM Paul Gallagher, ngoại trưởng Tòa Thánh và khoảng 100 LM Việt Nam, trước sự hiện diện của hàng trăm nữ tu, chủng sinh và hơn 100 giáo dân. Nhiều người phải tham dự thánh lễ từ bên ngoài vì nhà nguyện không đủ chỗ.

Trước bàn thờ có di ảnh của Đức Cố TGM Phaolô, vì không chưa thể đưa di hài ngài ra khỏi bệnh viện.

Trong lời chào đầu thánh lễ, ĐHY Parolin đã chia buồn với cộng đoàn Giáo Hội Việt Nam, trong và ngoài nước, đồng thời ngài cũng nhận định rằng ”đối với một Giám Mục, được chết ở Roma nơi có mộ của hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô, thực là một hồng ân của Chúa”.

Bài giảng thánh lễ

Trong bài giảng ứng khẩu trong thánh lễ, Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, Giáo phận Nha Trang, đã diễn giảng bài Tin Mừng về các mối phúc thật, và kể lại chứng tá sống niềm tin của Đức Cố TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, người mà ngài đã quen biết từ gần 70 năm nay, khi còn nhỏ ở Đà Lạt.

Đức Cha Giuse Minh đã nêu bật 3 chứng tá của Đức Cố TGM Phaolô: sống niềm vui của Tin Mừng, chiêm niệm và cầu nguyện, sau cùng là tinh thần truyền giáo. Đức Cha kể lại ngày 26 tháng 3 năm 1999, hồi Đức Cha Phêrô Nhơn làm GM Đà Lạt, Cha Bùi Văn Đọc làm Tổng đại diện giáo phận, và ngài làm cha sở nhà thờ chính tòa Đà lạt. Chiều hôm đó công bố tin ĐTC Gioan Phaolô 2 bổ nhiệm Cha Đọc làm GM chính tòa Mỹ Tho. Cha Minh đã sang chia sẻ với Cha Đọc và trao đổi về chọn khẩu hiệu GM, Đức Cha Đọc đi đến quyết định chọn khẩu hiệu ”Chúa là niềm vui của con!”, và quả thực từ nhỏ và sau đó, Đức Cha Đọc vẫn luôn sống khẩu hiệu đó, sống niềm vui và chia sẻ niềm vui ấy cho tha nhân.

Đức Cha Đọc cũng là người chiêm niệm và cầu nguyện. Đức Cha Võ Đức Minh đã gợi lại những nét đặc biệt về điểm này trong cuộc sống của Đức Cố TGM Phaolo, đặc biệt trong ngày cuối cùng, 6-3, khi viếng mộ Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, tại Nhà thờ Đức Mẹ Scala. Đức Tổng đã mệt nhiều, nhưng ngài vẫn ngồi đó, cầu nguyện và lần hạt.

Đức Cha Minh đã bàn với ĐHY Phêrô Nhơn và đề nghị với Đức TGM Phaolô xem nếu muốn thì có thể chọn một Đức Cha khác chủ sự thánh lễ thay tại Đền Thờ thánh Phaolô ngoại thành, nhưng Đức TGM Phaolô vẫn quyết tâm chu toàn công tác đã được giao phó. Và khi ban phép lành kết thúc thánh lễ, với lời chúc mọi người ra đi bình an, Đức TGM đã ra đi sau đó trong an bình, không chào một ai.

Sau cùng, là tinh thần truyền giáo của Đức TGM Phaolô, ngài sống tinh thần của thánh bổn mạng, ra đi, tìm đến với mọi người, những ngừơi không biết Chúa và cả những người chống đối Giáo Hội, với ý hướng trao tặng niềm vui Tin Mừng của Chúa Giêsu cho họ.

Lời cám ơn

Cuối thánh lễ, Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, TGM Huế, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, đã đại diện mọi ngừơi cám ơn ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã chia buồn và nhận lời đến chủ sự thánh lễ tiễn biệt Đức TGM Phaolô, cám ơn Đức TGM Gallagher ngoại trưởng của Tòa Thánh đã đến đồng tế thánh lễ. Sự hiện diện của hai vị nói lên lòng ưu ái và quan tâm của Tòa thánh đối với Giáo Hội Việt Nam.

Đức TGM Chủ tịch cũng cám ơn anh chị em trong Hội liên tu sĩ Roma, cũng như các anh chị em đã góp phần tổ chức thánh lễ và các công việc khác trong dịp các GM về Roma thăm Tòa Thánh. Ngài cũng đặc biệt cám ơn Ông đại sứ và sứ quán Việt Nam tại Roma đã chia buồn và giúp đỡ đặc biệt trong các thủ tục giúp hồi hương linh cữu của Đức Cố TGM và ngài xin Ông Đại sứ chuyển lời cám ơn đến Ban tôn giáo và chính phủ Việt Nam đã chỉ thị các cơ quan liên hệ tạo điều kiện cho việc tổ chức lễ an táng Đức Cố TGM Phaolô.

Sau cùng Đức Cha Chủ tịch cũng loan báo: nếu không có gì ngăn trở vào phút chót, ngày thứ ba, 13-3-2018 tới đây, linh cữu Đức Cố TGM Phaolô sẽ được đưa về Việt Nam và lễ an táng sẽ được cử hành lúc 8 giờ sáng ngày thứ bẩy 17-3-2018 tại Trung tâm Mục vụ của Tổng giáo phận Sàigòn.

Thánh lễ tiễn đưa Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc kéo dài 1 tiếng đồng hồ.

G. Trần Đức Anh OP

Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc qua đời tại Roma

Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc qua đời tại Roma

ROMA. Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, TGM giáo phận Sàigòn, đã qua đời tại Roma, hưởng thọ 74 tuổi, sau 48 năm Linh Mục và 19 năm làm Giám Mục.

Tòa TGM giáo phận Sàigòn thông báo: Đức TGM Phaolô đã qua đời lúc 10 giờ 15 tối thứ ba, 6 tháng 3, giờ Roma, tức là 4 giờ 15 phút sáng ngày 7-3 giờ Việt Nam.

Một số LM Việt Nam ở Roma cho biết: sáng ngày 6-3-2018, Đức TGM đã chủ sự thánh lễ đồng tế lúc 11 giờ với 31 GM và 40 LM Việt Nam tại Đền thờ Thánh Phaolo ngoại thành. Trước đó, ngài đã cùng các GM viếng mộ ĐHY Phanxicô Nguyễn Văn Thuận tại nhà thờ Đức Mẹ Scala. Đức TGM có những dấu hiệu mệt mỏi khác thường.

Sau thánh lễ, trong vòng 1 tiếng, Đức TGM Phaolo còn đứng chụp hình chung với các GM và nhiều người trong liên tu sĩ. Rồi ngài được 2 linh mục dìu lên xe để về nhà, nhưng lúc này Đức TGM càng có dấu hiệu bị đột quỵ, nên được chở thẳng tới bệnh viện thánh Camillo để cấp cứu. Có tin cho biết khoảng 6 giờ chiều, bác sĩ điều trị cho biết Đức TGM không có hy vọng qua khỏi.

Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc cùng với 32 GM thuộc HĐGM Việt Nam đến Roma từ ngày 2-3-2018 để hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh.

Đức TGM Phaolô sinh ngày 11 tháng 11 năm 1944 tại Đà Lạt, thụ phong LM tại đây ngày 17 tháng 12 năm 1970. Năm 1999, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm GM giáo phận Mỹ tho và 14 năm sau đó, ngài được thuyên chuyển làm TGM phó Tổng giáo phận Sàigòn. Sau khi ĐHY Phạm Minh Mẫn từ nhiệm, ngài trở thành TGM chính tòa Sàigòn từ ngày 22 tháng 3 năm 2014 và từng giữ chức vụ Chủ tịch HĐGM Việt Nam nhiệm kỳ 2013-2016.

Sáng ngày, 7-3-2018, 32 GM Việt Nam đã viếng thăm, gặp gỡ Bộ truyền giáo từ lúc 10 giờ.

Trong khi đó, Cha Ignatio Hồ Văn Xuân, Tổng đại diện Giáo phận Sàigòn, từ Đức đến Roma để chuẩn bị hậu sự cho Đức Cố TGM Phaolô (Tổng hợp 7-3-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Các Giám Mục Việt Nam viếng mộ thánh Phaolô Tông Đồ

Các Giám Mục Việt Nam viếng mộ thánh Phaolô Tông Đồ

ROMA. Lúc 11 giờ sáng hôm nay, 6-3, HĐGM Việt Nam đã hành hương viếng mộ thánh Phaolô tông đồ ở Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành.

Mộ thánh nhân ở dưới bàn thờ chính trong thánh đường được kiến thiết ở đường Ostiense tại nơi thánh Phaolô được an táng sau khi chịu tử đạo. Qua dòng thời gian, Vương cung thánh đường này trải qua nhiều thăng trầm, và được hoàn toàn tái thiết sau vụ hỏa hoạn thiêu rụi hồi năm 1823.

Trước thánh lễ, các GM đã viếng và cầu nguyện tại mộ của Thánh Nhân.

Thánh lễ tại bàn thờ chính do Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, TGM giáo phận Sàigòn chủ lễ, cùng với 31 GM đồng tế, 40 LM. Có một GM bị cảm nên không tham dự được. Hiện diện trong thánh lễ có 30 nữ tu và khoảng 50 giáo dân Việt Nam.

Bài giảng

Trong bài giảng, Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, GM Hải Phòng, Phó Tổng thư ký HĐGM Việt Nam, sau khi đã quảng diễn bài Tin Mừng trong đó Chúa dạy các môn đệ phải tha thứ 70 lần 7, tha thứ vô biên, Đức Cha nhận định rằng ”Cuộc viếng thăm Ad Limina này cũng là dịp để các GM, trong tư cách là những người kế vị các thánh Tông Đồ, thể hiện tình hiệp thông với ĐTC, vị Đại diện Chúa Kitô ở trần gian và là Đấng Kế Vị Thánh Phêrô. Ngài là mối dây hữu hình liên kết mọi thành phần Dân Chúa trên toàn thế giới và làm thành gia đình của Thiên Chúa”.

Đức Cha Hải Phòng đặc biệt mời gọi các GM và mọi người, ”trong tinh thần Mùa Chay, hãy cảm nhận lòng thương xót của Chúa, trở về đón nhận ơn tha thứ. Như bao nhiêu tín hữu khác, chúng ta cũng cần sám hối vì những thiếu sót trong bổn phận, để rồi nhờ ơn Chúa, chúng ta thực thi sứ mạng loan báo lòng thương xót của Ngài một cách có hiệu quả. Có thể chúng ta mắc nợ Chúa những món nợ rất lớn. Chúa sẵn sàng tha thứ cho chúng ta, trong khi đó chúng ta không sẵn sàng tha thứ cho anh chị em mình những món nợ rất nhỏ mọn”.

Sau cùng, Đức Cha giảng thuyết mời gọi các GM và mọi người noi gương Thánh Tông Đồ muôn dân hăng say trong hành trình truyền giáo. ”Từ một người đang bừng bừng căm giận và hung hăng tìm giết các Kitô hữu, Chúa đã biến ông thành một tông đồ. Trước khi gặp Chúa Giêsu trên đường đi Damas, Phaolô cho rằng mình đang chiến đấu vì danh Chúa. Tuy vậy, lòng nhiệt thành chiếh đấu của ông không đặt đúng chỗ. Chúa đã biến đổi cuộc đời ông và đã điều chỉnh để lòng căm thù của ông trở thành lòng nhiệt thành tông đồ. Phaolô đã mắc nợ Chúa một món nợ rất lớn, nhưng Chúa đã tha thứ. Không những thế Ngài còn đặt ông làm tông đồ của muôn dân..”.

Và Đức Cha nói với các GM và tín hữu rằng: ”Cuộc hành hương này nhắc nhở chúng ta về bổn phận quan tâm chăm sóc đoàn chiên được trao phó. Xin Thánh Phaolô Tông đồ dạy chúng ta kinh nghiệm truyền giáo, để ”trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người, vì Tin Mừng tôi làm tất cả những điều đó để cùng được thông phần chia sẻ phần phúc của Tin Mừng” (1 Cr 9,23).

Sau thánh lễ, các GM và mọi người đã dùng bữa trưa tại tiệm ăn gần đó. Vào lúc 4 giờ chiều nay, một nhóm 10 GM do ĐHY Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, TGM Hà Nội, hướng dẫn đến viếng thăm Bộ Phát Triển toàn diện con người, do ĐHY Peter Turkson làm Bộ trưởng. Đây là cơ quan do ĐTC Phanxicô thành lập ngày 17 tháng 8 năm 2016 bằng cách gộp 4 Hội đồng Tòa Thánh là Công lý và Hòa bình, Cor Unum, Đồng Tâm, mục vụ di dân và lưu động, sau cùng là mục vụ các nhân viên y tế. ĐTC muốn đích thân đặc trách vấn đề di dân và tị nạn nên ngài bổ nhiệm 2 vị Phó Tổng thư ký giúp ngài trong lãnh vực này. (TPN 6-3-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

Các Giám Mục Việt Nam viếng mộ Thánh Phêrô Tông Đồ

Các Giám Mục Việt Nam viếng mộ Thánh Phêrô Tông Đồ

VATICAN. Sáng thứ bẩy, 3-3-2018, 32 GM thuộc HĐGM Việt Nam đã viếng mộ thánh Phêrô Tông Đồ và dâng thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô, mở đầu cho tuần lễ hành hương tại mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh.

Lúc gần 7 giờ rưỡi sáng, các GM đã quây quần trước mộ Thánh Phêrô, cầu nguyện cho toàn thể Cộng đồng Dân Chúa tại Việt Nam cũng như cho đất nước và Giáo Hội hoàn vũ.

Tiếp đến lúc 8 giờ, các GM đã chủ sự thánh lễ tại nhà nguyện Ngai Tòa Thánh Phêrô, do Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, TGM Huế, Chủ tịch HĐGM, chủ tế. Đồng tế với ngài, ngoài các GM còn có hơn 60 LM Việt Nam, trong đó có 6 LM thư ký của 3 giáo tỉnh tại quê nhà, trước sự tham dự của 150 nữ tu, chủng sinh và anh chị em giáo dân, trong đó có một số tín hữu hành hương người Việt.

Trong lời dẫn nhập đầu thánh lễ, Đức TGM Nguyễn Chí Linh đã nhắc đến ý nghĩa cuộc viếng mộ hai thánh Tông Đồ, gọi là cuộc hành hương Ad Limina, bày tỏ tình hiệp thông với Đức Thánh Cha, người kế vị thánh Phêrô. Đức TGM nhận định rằng cả cộng đồng dân Chúa tại Việt Nam cũng cùng với các GM thực hiện trong tinh thần cuộc viếng mộ các Thánh Tông Đồ tại đây.

Bài giảng

Trong bài giảng, Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, GM giáo phận Phát Diệm, Phó Chủ tịch HĐGM Việt Nam, nhận xét rằng ”khi đến Roma, tất cả các tín hữu đều cảm nhận rất rõ sự hiệp thông với ĐTC và Hội Thánh toàn cầu. Chính trong ý thức về sự hiệp thông đó mà hôm nay anh chị em qui tụ bên HĐGM Việt Nam dâng thánh lễ tại đây, nơi phần mộ của Thánh Phêrô”.

Đức GM Phát Diệm cũng diễn giải ý nghĩa bài Tin Mừng về dụ ngôn người Cha Nhân Hậu đón người con hoang đàng trở về và nêu bật lời mời gọi của Chúa, kêu gọi mỗi người trở về hòa giải với Chúa Cha. ”Đó là bước đi tiên quyết trên con đường tiến tới hiệp thông. Chỉ khi nào hòa giải với Thiên Chúa, con người mới được hiệp thông với Ngài và được dự phần sự sống và hạnh phúc của Ngài”.

”Không phải chỉ có người con thứ mới phải hòa giải, mà chính người con cả cũng cần hòa giải với cha và người em. Người con cả không bỏ nhà cha ra đi, nhưng thực ra lại là người đã đi hoang trong tâm hồn”.

Đức Cha Phó Chủ tịch HĐGM Việt Nam cũng nói đến việc kiến tạo sự hiệp thông trong Hội Thánh.. ”Để có sự hiệp thông này, các môn đệ của Đức Kitô cũng cần đón nhận nhau và hòa giải với nhau. Người con cả tự hào là công chính không thể chấp nhận đứa em hoang đàng trở về nhà cha… Sự thánh thiện đích thực đòi Hội Thánh phải đón tiếp tất cả mọi người. Thánh thiện không có nghĩa là tự đặt mình làm quan tòa xét xử, nhưng là tình yêu cứu thế, là khả năng chịu đựng, nâng đỡ gánh vác nhau, tha thứ và đón nhận nhau”.

Điểm sau cùng được Đức GM giáo phận Phát Diệm nhấn mạnh là lên đường, đến với muôn dân, nghĩa vị loan báo Tin Mừng của các tín hữu Kitô. Ngài nói: ”Bên phần mộ thánh Phêrô, từ dụ ngôn bài Tin Mừng, một lần nữa lệnh truyền loan báo Tin Mừng cho dân ngoại (ad gentes) lại vang lên mãnh liệt cho Hội Thánh Việt Nam”.

Đức Cha nhắc đến những khó khăn cản trở công cuộc loan báo Tin Mừng, nhưng thực ra mỗi thời đều có những khó khăn riêng.. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất trong công cuộc loan báo Tin Mừng không phải là những khó khăn bên ngoài, mà là tình trạng các môn đệ của Đức Kitô an phận khép kín trong một mục vụ bảo tồn dành cho những người công chính và đạo đức, chưa thao thức ”ra đi” đến những ngừơi ở xa. Trở ngại lớn nhất là tình trạng thiếu lửa trong Hội Thánh, thiếu nhiệt tình và niềm vui Tin Mừng, thậm chí đánh mất chính Tin Mừng”.

Sau thánh lễ, các GM Việt Nam đã gặp gỡ Liên tu sĩ Việt Nam và dùng bữa trưa tại Giáo Hoàng học viện thánh Phaolô nơi có nhiều LM Việt Nam trọ học.

Chúa nhật 4-3-2018, các GM Việt Nam sẽ dâng thánh lễ tại nhà thờ Thánh Tôma, nhà thờ hiệu tòa của ĐHY Nguyễn Văn Nhơn, TGM Hà Nội. Cộng đoàn Liên tu sĩ Việt Nam cũng đến dự lễ với ĐHY.

Sáng thứ hai, các GM Việt Nam sẽ gặp gỡ ĐTC Phanxicô.

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha cử Đức TGM Sicluna đến Chile về vụ ĐGM Barros

Đức Thánh Cha cử Đức TGM Sicluna đến Chile về vụ ĐGM Barros

VATICAN. Hôm 30-1-2017, Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết ĐTC đã cử Đức TGM Charles Sicluna đến Chile về vụ Đức Cha Juan de la Cruz Barros, GM giáo phận Osorno.

Trong thời gian qua, những người bị cha Fernando Karadima ở Chile lạm dụng tính dục khi còn trẻ, đã tố cáo Đức Cha Barros là người biết những vụ lạm dụng ấy nhưng không chịu tố cáo. ĐTC đã bênh vực Đức Cha Barros vì ngài xác tín vị GM này vô tội và cho biết ngài sẵn sàng lắng nghe những ngừa đưa ra sự hiển nhiên về tội trạng. Trong cuộc họp báo trên máy bay khi từ Peru về Roma tối ngày 21-1-2017, ĐTC cũng giải thích lập trường của ngài về vấn đề này và cho biết đã hai lần bác đơn từ chức của Đức Cha Barros. Tuy nhiên dư luận ở Chile và các nơi khác không chấp nhận những giải thích này.

Nay ĐTC quyết định gửi Đức Cha Sicluna, cũng là TGM giáo phận La Valetta, thủ đô Malta, đến Chile để góp phần giải quyết vấn đề. Trước khi làm GM, ngài là vị chưởng tín, tương đương với Ủy viên công tố tại Bộ giáo lý đức tin, trong những vụ xét xử các giáo sĩ bị cáo lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.

Sau khi làm TGM, ngài được bổ làm chủ tịch Hội đồng cứu xét các đơn khiếu nại của những giáo sĩ bị lên án về những loại tội này.

Thông cáo của Phòng báo chí Tòa Thánh nói rằng Đức TGM Sicluna đến Santiago de Chile để nghe những người đã bày tỏ ý muốn trình bày những yếu tố họ có được.

Mặt khác, Tòa GM Osorno ra thông cáo cho biết ngày 30-1, Đức Cha Barros đang hoạt động ngoài thành phố và ngài tuyên bố rằng tất cả những gì ĐTC quyết định, ngài đếu đón nhận trong niềm tin và vui mừng, cầu xin Chúa cho sự thật được sáng tỏ, đồng thời cầu xin Đức Trinh Nữ Maria cho tất cả mọi người được an bình.

Về phần Đức Cha Chủ tịch HĐGM Chile, ngài cũng ra thông cáo xác nhận là đã được biết quyết định của ĐTC gửi Đức Cha Sicluna đến Santiago để nghe những người đã bày tỏ ý muốn trình bày những yếu tố họ có được về tình trạng của Đức Cha Juan Barros, GM giáo phận Osorno.. Việc bổ nhiệm này chứng tỏ thái độ của ĐTC lắng nghe và gần gũi thực tại và những thách đố của xã hội Chile và của Giáo Hội.

Sau cùng, Đức Cha Chủ tịch HĐGM Chile nói thêm rằng: những chi tiết về sự cụ thể hóa công tác được ủy thác cho Đức Cha Sicluna sẽ được công bố trong thời gian tới đây (Rei, Sismografo 30-1-2018)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha viếng thăm Cộng đoàn Ukraine ở Roma

Đức Thánh Cha viếng thăm Cộng đoàn Ukraine ở Roma

ROMA. ĐTC cám ơn các tín hữu Công Giáo Ukraine vì lòng trung thành với Thiên Chúa và Người kế vị Thánh Phêrô, và vì thế nhiều khi đã phải trả giá đắt đỏ.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong cuộc viếng thăm Vương cung thánh đường Thánh Sophia và gặp gỡ cộng đoàn các tín hữu Công giáo Ukraine đông phương, từ lúc 4 giờ chiều chúa nhật 28-1-2017.

Đón tiếp ĐTC khi ngài đến đây, có Đức TGM trưởng Sviatoslav Giáo chủ Công Giáo Ukraine từ thủ đô Kiev đến đây, ĐHY Sandri Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, Đức GM đặc trách các tín hữu Công Giáo Ukraine tại Italia, và khoảng 3 ngàn tín hữu ngồi chật nhà thờ và đứng chật khuôn viên bên ngoài của Thánh đường.

Lên tiếng sau lời chào mừng của Đức TGM trưởng Sviatoslav, ĐTC nhắc đến những anh hùng đức tin của Giáo Hội Công Giáo Ukraine đông phương, đứng đầu là ĐHY Slipyj người đã bị cầm tù 18 năm trong tù ngục của chế độ Liên Xô và là người đã xây dựng Vương cung thánh đường thánh Sophia ở Roma này. Vị thứ hai là Đức GM Chmil dòng Don Bosco, thầy dậy cũ của ngài ở Buenos Aires và ngài đã giúp lễ khi lên 12 tuổi và đã học hỏi về phụng vụ Công Giáo Đông phương Ukraine. Sau cùng là ĐHY Husar, TGM trưởng của Giáo Hội này và là người cùng được phong hồng y với ngài.

ĐTC nhắc nhở các tín hữu luôn giữ cho Giáo xứ như nơi gặp gỡ với Chúa Kitô hằng sống. Là nơi gặp gỡ, giáo xứ cũng là nơi chữa lành cô đơn, chiến thắng cám dỗ tự cô lập và khép kín, kín múc sức mạnh để vượt thắng sự co cụm vào mình. Giáo xứ là nơi chia sẻ vui mừng và cơ cực, những gì đè nặng trên tâm hồn, những bất mãn trong cuộc sống và sự nhớ nhà.

Tiếp đến là Chúa Kitô sinh động mà chúng ta gặp trong Giáo Hội, trong Phụng vụ và trong Lời Chúa. ĐTC nói: Giáo xứ không phải là một viện bảo tàng lưu giữ những kỷ niệm quá khứ hoặc là biểu tượng sự hiện diện trên một lãnh thổ, nhưng là con tim sứ mạng của Giáo Hội, nơi chúng ta đón nhận và chia sẻ sự sống mới, sự sống chiến thắng tội lỗi, sự chết, buồn sầu, và giữ cho con tim tươi trẻ”.

Trong lời chào mừng ĐTC tại cuộc gặp gỡ, Đức TGM trưởng Sviatolav đã trình bày tình hình cộng đoàn người Ukraine ở Italia, con số chính thức là 200 ngàn, và một phần 3 là những người trẻ dưới 30 tuổi. Nếu kể cả những người không hiện diện chính thức, thì con số này đông gấp đôi.

Các tín hữu Công Giáo Ukraine thuộc 145 cộng đoàn trên toàn quốc Italia, mỗi chúa nhật có khoảng 17 ngàn người dự lễ, và vào những dịp lễ trọng con số này lên tới hơn 70 ngàn người.

Đức TGM trưởng cũng nhắc đến tình trạng chiến tranh từ 4 năm nay tại Ukraine làm cho hằng trăm ngàn người bị thiệt mạng và bị thương, hàng triệu người phải bỏ gia cư di tản. Đây là một cuộc chiến tranh bị cộng đồng quốc tế quên lãng, nhưng mỗi ngày đều có thêm người chết vì xung đột võ trang, vì đói lạnh, vì sự dửng dưng của các cường quốc trên thế giới.

Đức TGM trưởng cám ơn ĐTC vì đã phát động chiến dịch lạc quyên trợ giúp nhân đạo cho nhân dân Ukraine và đánh động lương tâm Âu Châu trước những người nghèo, người đau khổ, những người ngoại quốc và các nạn nhân bất công ở Ukraine (Rei 28-1-2018)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha qui định thủ tục cứu xét vắn tắt giải hôn phối

Đức Thánh Cha qui định thủ tục cứu xét vắn tắt giải hôn phối

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 25-11-2017 dành cho các tham dự viên khóa học do Tòa Thượng Thẩm Rota tổ chức, ĐTC qui định thủ tục vắn tắt ”giải” hôn phối do Giám mục Giáo phận thi hành.

 

 Trong tự sắc công bố ngày 8-9-2015 với tựa đề ”Chúa Giêsu là thẩm phán hiền từ” (Mitis Iudex Dominus Iesus) đơn giản hóa thủ tục cứu xét tuyên bố hôn nhân vô hiệu, ĐTC đã qui định một thủ tục cứu xét vắn tắt (processo breviore) trong trường hợp sự vô hiệu của hôn phối được chứng tỏ bằng những lý lẽ thật là tỏ tường. Trong trường hợp này, ĐGM ban sắc lệnh tuyên bố hôn nhân đó là vô hiệu. ĐTC viết:

 

 ”Tôi cũng biết một phán quyết thu vắn có thể gặp nguy cơ làm thương tổn tính chất bất khả phân ly của hôn phối; chính vì thế tôi đã muốn việc xét xử, cứu xét như thế do chính GM làm thẩm phán. Do chức vụ mục tử hiệp thông, ngài cùng với Phêrô là người bảo đảm lớn nhất sự hiệp nhất của Công Giáo trong đức tin và kỷ luật.”

 

 Trong buổi tiếp kiến, sau khi nhắc nhở các tham dự viên khóa học về đặc tính ”công nghị” của các thủ tục mới do ngài ban hành, như kết quả của Thượng HĐGM thế giới về gia đình, nhắm củng cố gia đình, nhưng đồng thời cũng chứng tỏ lòng thương xót đối với những người đau khổ vì hôn nhân thất bại, mang lại cho họ sự an ủi mục vụ, ĐTC, trong tư cách là GM Roma và là người kế vị Thánh Phêrô, đặc biệt xác định một số khía cạnh cơ bản liên quan đến vai trò của Giám Mục giáo phận, với tư cách là thẩm phán, trong thủ tục ngắn giải hôn phối. Ngài liệt kê 9 điểm:

 

 1. Giám mục giáo phận, do chức vụ chủ chăn, là thẩm phán đích thân và duy nhất trong thủ tục cứu xét vắn tắt.

 

 2. Vì thế vai trò của Giám mục-giáo phận-phẩm phán là điều chủ yếu, là nguyên lý cấu thành và là yếu tố nổi bật của toàn thể thủ tục vắn tắt được Tự Sắc ấn định.

 

 3. Trong thủ tục vắn tắt, cần có hai điều kiện không thể tách rời nhau để có hiệu lực (ad validitatem): chức giám mục và là thủ lãnh một cộng đoàn giáo phận của các tín hữu (Xc GL 381,2). Nếu thiếu một trong hai điều kiện ấy thì không thể có thủ tục cứu xét vắn tắt. Nếu thiếu như thế, thì đơn xin phải được cứu xét theo thủ tục bình thường.

 

 4. Thẩm quyền riêng và đích thân của Giám mục giáo phận, trong các tiêu chuẩn cơ bản của thủ tục vắn tắt, là điều thăm chiếu trực tiếp Giáo Hội học của Công đồng chung Vatican 2, nhắc cho chúng ta rằng chỉ Giám Mục, do việc chịu chức, có trọn vẹn quyền bính, và sự trọn vẹn này trở thành hiện thực qua giáo vụ (missio canonica) được trao phó.

 

 5. Thủ tục vắn tắt không phải là một chọn lựa mà Giám mục giáo phận có thể tùy tiện chọn, nhưng là một nghĩa vụ bắt buộc của ngài do việc chịu chức và do giáo vụ đã nhận lãnh. Chỉ có ngài mới có thẩm quyền trong 3 giai đoạn của thủ tục vắn tắt:

 

 – Đơn xin luôn luôn phải đệ lên Giám mục giáo phận

 

 – Việc điều tra: (..) Giám mục thực hiện cuộc điều tra ”luôn luôn có sự trợ giúp của vị Đại diện tư pháp hoặc của một người điều tra khác, kể cả giáo dân, của người trợ giúp, và luôn luôn có sự hiện diện của vị bảo hệ (difensore del vincolo). Nếu Giám Mục không có giáo sĩ hoặc giáo dân chuyên về giáo luật trợ giúp, thì đức bác ái, vốn là điều nổi bật trong chức vụ Giám Mục, của một GM lân cận có thể giúp ngài trong thời gian cần thiết. Ngoài ra, tôi nhắc lại rằng thủ tục vắn tắt thường phải được kết thúc trong một phiên cứu xét mà thôi, trong đó phải có điều kiện không thể thiếu được, đó là sự hiển nhiên của các sự kiện chứng tỏ hôn phối vô hiệu, và kiểm điểm sự đồng ý kết hôn của họ.

 

 – Quyết định: luôn luôn và chỉ Giám mục giáo phận mới có thể tuyên bố phán quyết trước mặt Chúa.

 

 6. Việc ủy thác toàn bộ thủ tục vắn tắt cho tòa án liên giáo phận (là tòa án lân cận, hoặc tòa án của nhiều giáo phận) có thể làm biến thái và biến Giám Mục là người cha, thủ lãnh và thẩm phán của các tín hữu thuộc quyền, thành một người chỉ ký phán quyết mà thôi.

 

 7. Lòng thương xót, một trong những tiêu chuẩn cơ bản đảm bảo phần rỗi, đòi Giám mục giáo phận phải thực hiện sớm bao nhiêu có thể thủ tục vắn tắt; trong trường hợp ngài thấy chưa sẵn sàng trong lúc này để thực hiện, thì phải đưa vụ này ra cứu xét theo thủ tục bình thường, thủ tục này cần phải được tiến hành với sự ân cần cần thiết.

 

 8. Sự gần gũi và miễn phí, như tôi đã nhiều lần lập lại, là hai hạt ngọc trai mà những người nghèo đang cần, những người nghèo mà Giáo Hội yêu thương trên mọi sự.

 

 9. Về thẩm quyền của vị TGM đứng đầu giáo tỉnh hoặc của GGM được chỉ định trong khoản giáo luật mới 1687, trong trường hợp khiếu nại chống lại phán quyết thuận trong thủ tục vắn tắt, điều được xác định là: luật mới ban cho vị Niên Trưởng tòa Thượng Thẩm Rota quyền quyết định mới và vì thế đó là quyền cốt yếu về việc bác bỏ hoặc chấp nhận việc khiếu nại.

 

“Để kết luận, tôi muốn tái khẳng định rõ ràng rằng điều đó xảy ra mà không cần xin phép của một thẩm quyền cấp cao hơn, tức là Tối Cao Pháp Viện của Tòa Thánh” (Rei 25-11-2017)

 

 G. Trần Đức Anh OP

 

 

Đức Thánh Cha bổ nhiệm 2 Tổng thư ký Bộ Truyền Giáo

Đức Thánh Cha bổ nhiệm 2 Tổng thư ký Bộ Truyền Giáo

VATICAN. Ngày 9-11-2017, ĐTC đã bổ nhiệm Đức TGM Protase Rugambwa người Tanzania làm tân Tổng thư ký Bộ truyền giáo thay thế Đức TGM Savio Hàn Đại Huy, SDB, được cử đi làm Sứ thần Tòa Thánh tại Hy Lạp.

Đức TGM Rugambwa năm nay 57 tuổi (1960), nguyên là GM giáo phận Kigoma, Tanzania, trước khi được thăng TGM Đồng Tổng thư ký Bộ truyền giáo ngày 26-6-2012. Trong chức vụ này ngài là Chủ tịch của 4 Hội Giáo Hoàng Truyền giáo gồm Hội Truyền Bá Đức Tin, Hội Thánh Phêrô, Hội Nhi đồng Truyền giáo và Liên hiệp Giáo Sĩ Truyền giáo.

Cùng ngày 9-11-2017, ĐTC đã bổ nhiệm Đức Ông Giovanni Pietro Dal Toso, 53 tuổi (1964) người Italia, nguyên là Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh ”Cor Unum”, (Đồng Tâm), làm Đồng thư ký Bộ truyền giáo thay thế Đức TGM Rugambwa, đồng thời thăng làm TGM hiệu tòa Foraziana. Trong nhiệm vụ mới, ngài phụ trách 4 Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo.

Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum là cơ quan bác ái của ĐTC, đã được xáp nhập vào Bộ Phục vụ Phát triển nhân bản toàn diện. (Rei 9-11-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha kêu gọi các GM Colombia đẩy mạnh hòa giải

Đức Thánh Cha kêu gọi các GM Colombia đẩy mạnh hòa giải

BOGOTÀ. Trong cuộc gặp gỡ 130 vị thuộc HĐGM Colombia, ĐTC khích lệ các GM đẩy mạnh tiến trình hòa giải và tha thứ tại nước này, gia tăng hiệp nhất và quan tâm tới người da đen, bảo vệ vùng Amazzonia.

Cuộc gặp gỡ các vị chủ chăn của 78 giáo phận ở Colombia diễn ra lúc quá 11 giờ trưa tại dinh Hồng Y, cạnh nhà thờ chính tòa Bogotà.

Trong lời chào mừng ĐTC, ĐHY Rubén nói rằng: ”Đất nước chúng con đang chiến đấu để để lại đằng sau một lịch sử bạo lực, gieo chết chóc trong mấy thập niên qua, nhưng tiến trình xây dựng hòa bình cũng đã trở thành một nguồn sinh ra những lập trường chính trị cực đoan, hằng ngày gieo rắc chia rẽ, xung đột và gây hoang mang lạc hướng cho nhiều ngừơi. Chúng con là một quốc gia mang đậm những chênh lệch và bất công, đòi phải có những thay đổi sâu rộng trong mọi lãnh vực xã hội, nhưng dường như nhân dân đất nước chúng con không muốn trả giá cần thiết để đạt tới những điều đó”.

Tiếp lời ĐHY, cả Đức Cha Óscar Urbina Ortega, Chủ tịch HĐGM Colombia và cũng là TGM giáo phận Villavicencio, nhân danh các GM chào mừng ĐTC.

Huấn dụ của ĐTC

Trong bài huấn dụ dài 9 trang, ĐTC lần lượt đề cập đến nhiều khía cạnh của Colombia. Ngài trưng dẫn lời một tác giả nổi danh của nước này, Ông Gabriel Garcia Marquez, nói rằng “Bắt đầu một cuộc chiến tranh thì dễ dàng hơn là chấm dứt nó”, và để được như vậy, Colombia cũng cần những Giám Mục là những mục tử, chứ không phải là chính trị gia.

ĐTC cảnh giác các GM và LM đừng can dự vào những cuộc tranh luận nảy lửa giữa các đảng phái về chính trị. Cần phải chống lại cám dỗ ấy. Đất nước này đang cần những mục tử, cần các thừa tác viên biết tường tận những vết thương và cần kinh nghiệm chữa lành và tha thứ. Colombia đang cần anh em để cho thấy khuôn mặt đích thực của đất nước, đầy hy vọng mặc dù có những bất toàn. Colombia đang cần sự giúp đỡ của Giáo Hội, để có thể dấn thân vào sự tha thứ cho nhau, mặc dù các vết thương chưa bình phục. Vì thế cần đi vào một con đường khác, dù rằng sức mạnh của thói quen tạo nên những sai lầm.

Trong bối cảnh trên đây, ĐTC nhấn mạnh rằng Giáo Hội không cần những ân huệ đặc biệt từ phía các chính trị gia, Giáo Hội chỉ cần tự do để lên tiếng và phục vụ. Ngài nhấn mạnh thêm rằng Giáo hội cũng cần có sự hiệp nhất, đoàn kết nội bộ. Vì thế, anh em hãy tiếp tục tìm kiếm sự hiệp thông với nhau, đừng bao giờ mệt mọi trong việc kiến tạo tình hiệp thông ấy, qua cuộc đối thoại chân thành và huynh đệ, tránh những kế hoạch kín đáo như tránh tai ương.

ĐTC cho biết ngài không có công thức và không để lại một ”danh sách các bài tập” cần làm, nhưng ngài xin các GM Colombia hai điều: một là quan tâm nhiều hơn tới những người gốc Phi châu trong số các tin hữu của anh em, hai là chứng tỏ nhiều hơn mối quan tâm của Giáo Hội đối với vùng Amazzonia ở miền nam Colombia. Vùng này giữ một vai trò thiết yếu trong đặc tính khác biệt nhau về sinh vật và cây cối của Colombia. Hãy bảo vệ vùng này như một trắc nghiệm chứng tỏ xã hội chúng ta có khả năng bảo tồn những gì mình đã nhận lãnh hay không, đứng trước một xã hội quá nhiều khi trở thành nạn nhân của chủ nghĩa duy vật và duy thực tiễn.

Sau bài diễn văn, ĐTC đã lần lượt bắt tay chào tất cả 130 GM hiện diện, rồi lên xe mui trần trở về Tòa Sứ Thần Tòa Thánh cách đó hơn 6 cây số để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi.

G. Trần Đức Anh OP