Đức Thánh Cha gửi 414 gia đình đi truyền giáo

Đức Thánh Cha gửi 414 gia đình đi truyền giáo

VATICAN. Đức Thánh Cha Phanxicô gửi 414 gia đình thuộc Con đường Tân Dự Tòng đi truyền giáo tại nhiều nước trên thế giới.

Nghi thức trao Thánh Giá truyền giáo đã diễn ra trong buổi tiếp kiến của ĐTC sáng ngày 1-2-2014 tại Đại thính đường Phaolô 6 dành cho 8 ngàn thành viên Con đường Tân Dự Tòng.

Con đường này là một phương pháp do Ông Kiko Arguello và bà Carmen Hernander người Tây Ban Nha, đề xướng hồi năm 1967 tại khu ngoại ô thủ đô Madrid, nhắm giúp các tín hữu tái khám phá ơn gọi của bí tích rửa tội qua hành trình tân dự tòng.

Tham dự cuộc gặp gỡ với ĐTC có 11 Hồng Y và hơn 50 GM các nước, những người khởi xướng và các vị trách nhiệm Con đường Tân Dự Tòng, các vị giám đốc của 100 đại chủng viện thừa sai ”Mẹ Đấng Cứu Chuộc” (Redemptoris Mater) thuộc Con đường này ở các nơi trên thế giới, các LM đã được đào tạo trong các chủng viện thuộc Con đường Tân dự Tòng ở Âu Châu cũng như các chủng sinh đang được huấn luyện, các toán giáo lý viên lưu động quốc tế và các vị trách nhiệm các cộng đoàn đầu tiên ở Tây Ban Nha và Italia.

Đặc biệt có 414 gia đình được ĐTC sai đi truyền giáo, trong đó có 174 gia đình sẽ thuộc 40 cứ điểm mới truyền giáo cho dân ngoại, như ở Trung Quốc, Ấn độ, Việt Nam, Mông Cổ, Đông Âu và Bắc Âu, thêm vào số 52 cứ điểm đã hiện hữu. Trong buổi tiếp kiến còn có 900 người con của tất cả các gia đình hiện diện. Ngoài ra cũng có hơn 100 gia đình đã đi truyền giáo ở nhiều nơi trên thế giới.

Phần lớn các gia đình được ĐTC sai đi hôm 1-2-2014 là người Tây Ban Nha và Italia. Mỗi cứ điểm truyền giáo gồm 4 gia đình, một LM và 1 phụ tá tháp tùng, thường là một giáo dân hoặc một chủng sinh, một nữ tu cao niên và 3 chị trẻ cộng tác vào sứ vụ truyền giáo cho dân ngoại.

Trong bài huấn dụ, ĐTC nhiệt liệt cám ơn niềm vui đức tin cũng như lòng nhiệt thành làm chứng tá Kitô của các thành viên Con đường Tân Dự Tòng, đồng thời ngài nhắn nhủ họ 3 điều:

– Thứ I là hết sức quan tâm kiến tạo và bảo tồn tình hiệp thông trong các Giáo Hội địa phương nơi họ đến hoạt động. Con đường có đoàn sủng và sức năng động riêng. Điều này có nghĩa là đặt mình lắng nghe đời sống của các Giáo Hội nơi anh chị em được các vị phụ trách gửi tới, đề cao giá trị những điều phong phú của địa phương, nếu cần thì chịu đau khổ vì những yếu đuối của họ, đồng hành như một đoàn chiên duy nhất dưới sự lãnh đạo của các vị Mục Tử của Giáo Hội địa phương.

– Thứ hai là đặc biệt chú ý đến bối cảnh văn hóa nơi các gia đình anh chị em đi tới hoạt động. Đây là những môi trường nhiều khi rất khác biệt với môi trường xuất xứ của anh chị em.. Điều rất quan trọng là cố gắng học các nền văn hóa anh chị em gặp, biết nhận ra nhu cầu Tin Mừng hiện diện ở mọi nơi, và cả hoạt động mà Chúa Thánh Linh đã thực hiện trong đời sống và lịch sử của mỗi dân tộc.

– Thứ ba là hãy chăm sóc nhau với tình yêu thương, đặc biệt là những người yếu thế nhất. Con đường Tân Dự Tòng, trong tư cách là một hành trình khám phá bí tích rửa tội của mình, là một con đường nhiều đòi hỏi, trên đó một anh chị em có thể gặp những khó khăn bất ngờ. Trong những trường hợp ấy, sự thực thi lòng kiên nhẫn và lòng từ bi từ phía cộng đoàn chính là dấu chỉ sự trưởng thành trong đức tin. Không thể cưỡng bách tự do của mỗi người, và phải tôn trọng các sự chọn lựa của người quyết định tìm kiếm bên ngoài Con đường Tân Dự Tòng, những hình thức khác của đời sống Kitô giúp họ tăng trưởng trong việc đáp lại tiếng gọi của Chúa.

Con đường Tân Dự Tòng hiện nay có mặt ở 124 quốc gia 5 châu, thuộc 1,479 giáo phận với 20,432 cộng đoàn hiện diện trong 6,272 giáo xứ. Con đường này cũng có 100 đại chủng viện giáo phận thừa sai Mẹ Đấng Cứu Chuộc với 2.300 đại chủng sinh giáo phận đang chuẩn bị tiến lên chức linh mục; 1.880 linh mục giáo phận đã xuất thân từ các đại chủng viện đó, hơn 1 ngàn gia đình đang thi hành sứ vụ truyền giáo tại 93 quốc gia và 92 cứ điểm truyền giáo cho dân ngoại (SD 1-2-2014)

G. Trần Đức Anh O.P – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp kiến Bộ Giáo lý đức tin

Đức Thánh Cha tiếp kiến Bộ Giáo lý đức tin

VATICAN. ĐTC Phanxicô cảnh giác chống lại cám dỗ lợi dụng đạo lý của Giáo Hội và ngài khích lệ giải quyết những vấn đề giáo lý đức tin trong tinh thần đoàn thể của hàng GM.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 31-1-2014, dành cho 24 HY, GM thành viên, cùng nhiều chuyên gia cố vấn, vừa kết thúc khóa họp toàn thể của Bộ giáo lý đức tin, dưới quyền chủ tọa của Đức TGM Tổng trưởng Gerhard Mueller. Khóa họp bàn về tương quan giữa đức tin và bí tích hôn phối.

ĐTC nhắc đến vai trò của Bộ Giáo lý đức tin là ”thăng tiến và bảo vệ đạo lý đức tin và phong hóa trên toàn thế giới Công Giáo” (Pastor bonus, 48). Đó là một việc phục vụ dành cho Huấn quyền của ĐGH và toàn thể Giáo Hội. Vì thế Bộ dấn thân để các tiêu chuẩn đức tin luôn được trổi vượt trong lời nói và hành động của Giáo Hội.

ĐTC cũng cảnh giác rằng: ”Ngay từ thời kỳ đầu của Giáo Hội đã có cám dỗ muốn hiểu đạo lý theo nghĩa ý thức hệ hoặc thu hẹp đạo lý vào những lý thuyết trừu tượng và khô cằn (Tông huấn Evangelii gaudium, 39-42). Trong thực tế, đạo lý có mục đích duy nhất là để phục vụ đời sống của Dân Chúa và nhắm bảo đảm cho đức tin chúng ta một nền tảng chắc chắn. Thực tế có một cám dỗ lớn muốn chiếm hữu các hồng ân cứu độ đến từ Thiên Chúa, để thuần hóa các hồng ân ấy theo quan điểm và tinh thần thế tục, kể cả với một thiện ý”.

ĐTC nhìn nhận rằng ”việc quan tâm bảo vệ đức tin toàn vẹn là một nghĩa vụ rất khó khăn, được ủy thác cho Bộ giáo lý đức tin, luôn luôn cộng tác với các vị Chủ Chăn địa phương và với các Ủy ban giáo lý đức tin của các HĐGM.

Ngài nói: ”Tôi biết rằng Bộ giáo lý đức tin nổi bật về việc thực hành tinh thần đoàn thể của hàng GM và đối thoại. Thực vậy, Giáo Hội là nơi hiệp thông, và ở mọi cấp độ, tất cả chúng ta được mời gọi vun trồng và thăng tiến tình hiệp thông, mỗi người trong trách nhiệm mà Chúa đã ủy thác. Tôi chắc chắn rằng hễ đoàn thể tính càng là một đặc điểm đích thực trong hoạt động của chúng ta, thì ánh sáng đức tin của chúng ta càng rạng người trước mặt thế giới”.

Sau cùng, ĐTC cám ơn Bộ giáo lý đức tin vì đã dấn thân xử lý những vấn đề tế nhị liên quan đến những tội ác nặng nhất, đặc biệt là tệ nạn giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Ngài nói: ”Anh em hãy nghĩ đến thiện ích của trẻ em và người trẻ, các em luôn luôn phải được bảo vệ và nâng đỡ trong cộng đồng Kitô trong tiến trình trạng trưởng của các em về mặt nhân bản và tinh thần. Theo chiều hướng ấy, hiện có nghiên cứu xem có thể liên kết với Bộ giáo lý đức tin Ủy ban đặc biệt bảo vệ trẻ em mà tôi đã thành lập và muốn Ủy ban này là gương mẫu cho tất cả những người muốn thăng tiến thiện ích của trẻ em” (SD 31-1-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha phê bình những tín hữu tách rời khỏi Giáo Hội

Thánh Cha phê bình những tín hữu tách rời khỏi Giáo Hội

VATICAN. ĐTC Phanxicô phê bình lập trường của những tín hữu nói mình tin Chúa Kitô nhưng phải phủ nhận Giáo Hội.

Trong bài giảng thánh lễ sáng 30-1-2014 tại Nguyện đường nhà trọ thánh Martha ở nội thành Vatican, ĐTC đã diễn giải bài đọc thứ I nói về vua David, người thân thưa với Chúa như con nói chuyện với cha, một người có cảm thức mạnh mẽ mình thuộc về Dân Chúa. Từ đó, ĐTC giải thích ý nghĩa việc thuộc về Giáo Hội, sự đồng cảm của chúng ta với Giáo Hội và trong Giáo Hội. Ngài nói:

”Kitô hữu không phải là người đã chịu phép rửa tội rồi đi theo con đường riêng của mình. Thành quả đầu tiên của bí tích rửa tội là làm cho chúng ta thuộc về Giáo Hội, thuộc về Dân Chúa. Không thể hiểu được một Kitô hữu mà không thuộc về Giáo Hội. Vì thế, Đức Phaolô 6 vị Đại Giáo Hoàng Phaolô 6 đã nói rằng có một sự tách biệt vô lý, đó là yêu mến Chúa Kitô mà không yêu mến Giáo Hội; nghe Chúa Kitô mà không nghe Giáo Hội, ở với Chúa Kitô mà lại ở ngoài lề Giáo Hội. Đó là điều không thể có được. Chúng ta lãnh nhận sứ điệp Tin Mừng trong Giáo Hội và chúng ta thực thi sự thánh thiện trong Giáo Hội, con đường của chúng ta ở trong Giáo Hội, chẳng vậy thì đó chỉ là một sự tưởng tượng, một sự phân cách vô nghĩa lý”.

ĐTC nhấn mạnh tới 3 cột trụ của sự thuộc về Giáo Hội, đồng cảm với Giáo Hội, đó là: khiêm nhường, trung thành và cầu nguyện cho Giáo Hội. Ngài giải thích rằng:

”Một người không khiêm nhường, thì không thể đồng cảm với Giáo Hội. Đó là điều chúng ta thấy nơi vua David. Người nói: ”Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con là ai, nhà con là gì đâu?” Với ý thức rằng lịch sử cứu độ không bắt đầu với tôi và sẽ không chấm dứt khi tôi chết đi.. Cũng vậy, lịch sử Giáo Hội bắt đầu trước chúng ta, và sẽ tiếp tục sau chúng ta. Khiêm nhường là ý thức rằng chúng ta là một phần nhỏ của một đại dân tộc, đang tiến bước trên con đường của Chúa”.

Cột trụ thứ hai là trung thành, gắn liền với lòng vâng phục. ”Trung thành với Giáo Hội, với giáo huấn của Giáo Hội, trung thành với đạo lý của Hội Thánh và bảo tồn giáo lý ấy. Đức Phaolô 6 nhắc nhở rằng chúng ta lãnh nhận sứ điệp Tin Mừng như một hồng ân và chúng ta phải thông truyền sứ điệp ấy như một hồng ân, một món quà, chứ không phải như một cái gì của chúng ta. Trung thành trong sự thông truyền đạo lý của Hội Thánh. Tin Mừng không phải là của chúng ta, nhưng là của Chúa Giêsu, và chúng ta không được trở thành chủ nhân ông của Tin Mừng, chủ nhân của đạo lý đã nhận lãnh để sử dụng theo ý riêng của chúng ta”.

Sau cùng, cột trụ thứ ba là cầu nguyện cho Giáo Hội. ĐTC nói: ”Trong thánh lễ hằng ngày, chúng ta cầu nguyện cho Giáo Hội, cho Hội Thánh ở mọi nơi trên thế giới. Đó là một việc phục vụ đặc biệt”.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Xin Chúa giúp chúng ta tiến bước trên con đường này, để đào sâu cảm thức chúng ta thuộc về Giáo Hội, đồng cảm với Giáo Hội”. (SD 30-1-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha ca ngợi và cám ơn Đại học Notre Dame, Hoa Kỳ

Đức Thánh Cha ca ngợi và cám ơn Đại học Notre Dame, Hoa Kỳ

VATICAN. ĐTC Phanxicô ca ngợi Đại Học Notre Dame trong việc phục vụ Giáo Hội và xã hội Hoa Kỳ, đồng thời khích lệ Đại học này tiếp tục duy trì bản sắc Công Giáo của mình.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến phái đoàn gồm 130 người, trong đó có Hội đồng chỉ đạo, nhóm họp tại Roma, nhân dịp khánh thành Trung Tâm của Đại Học Notre Dame ở Roma.

Đại Học này do cha Edward Sorin và các tu sĩ đầu tiên của Dòng Thánh Giá thành lập năm 1842 ở bang Indiana và hiện là một trong những đại học nổi tiếng nhất tại Mỹ.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC bày tỏ xác tín rằng Trung tâm mới của Đại Học Notre Dame ở Roma sẽ góp phần vào sứ mạng của Đại Học, giúp các sinh viên tiếp xúc với đặc tính có một không hai của Kinh Thành muôn thủa, phong phú về lịch sử, văn hóa và tinh thần, mở rộng tâm trí các sinh viên về sự liên tục lạ lùng giữa đức tin của các thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, đức tin của vị hiển tu và tử đạo của mọi thời đại và đức tin Công Giáo được thông truyền cho họ trong các gia đình, trường học và giáo xứ.”

ĐTC cũng nhận xét rằng: ”Ngay từ khi mới được thành lập, Đại Học Notre Dame đã đóng góp quan trọng cho Giáo Hội tại Hoa Kỳ, dấn thân giáo dục tôn giáo cho giới trẻ và giảng dạy một kiến thức được soi sáng nhờ sự tín thác nơi sự hòa hợp giữa đức tin và lý trí trong việc theo đuổi chân lý và sự ngay chính”.

Sau cùng ĐTC cầu chúc Đại Học Notre Dame tiếp tục can đảm làm chứng tá trong môi trường đại học về giáo huấn luân lý của Giáo Hội Công Giáo và bảo vệ quyền tự do bênh vực các giáo huấn đó trong và qua các cơ sở giáo dục của Giáo Hội, trong tư cách các giáo huấn ấy được các vị Chủ Chăn giảng dạy một cách thế giá. Ngài nói: ”Tôi cầu chúc Đại Học Notre Dame tiếp tục cống hiến chứng tá minh bạch và không thể thiếu được về khía cạnh căn bản này trong bản sắc Công Giáo cơ bản của mình, nhất là đứng trước những toan tính từ bất kỳ phía nào muốn làm tan loãng căn tính Công Giáo ấy”.

Đại Học Notre Dame hiện có hơn 11,700 sinh viên với 1,240 giáo sư. Hơn 93% sinh viên của Đại học này là Kitô hữu trong số này hơn 80% là tín hữu Công Giáo. (SD 30-1-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi các Hàn Lâm Viện Tòa Thánh

Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi các Hàn Lâm Viện Tòa Thánh

VATICAN. ĐTC Phanxicô đề cao sự liên kết giữa đức tin và lòng mến trong việc tìm kiếm chân lý đức tin.

Ngày bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp gửi các tham dự phiên nhóm chung và công cộng lần thứ 18 của các Hàn lâm viện Tòa Thánh, chiều hôm 28-1-2014, tại Roma dưới quyền chủ tọa của ĐHY Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa và có chủ đề là ”Oculata fides [Đức tin nhìn thấy]. Đọc thực tại với đôi mắt của Chúa Kitô”.

ĐTC nhận xét rằng đề tài này nhắc lại thành ngữ ”Oculata fies” của Thánh Tômaso Aquino, Tiến Sĩ Thiên Thần, mừng ngày 28-1. Thành ngữ này được trích dẫn trong Thông điệp 'Lumen fidei', Ánh sáng Đức tin, và cả trong Tông Huấn ”Evangelii gaudium” (Niềm Vui Phúc Âm). Cả hai văn kiện này đều mời gọi suy tư về chiều kích ”sáng ngời” của đức tin và liên hệ giữa đức tin và chân lý, cần phải tìm hiểu không những bằng đôi mắt của tâm trí, nhưng còn với đôi mắt của con tim, nghĩa trong viễn tượng tình yêu. Thánh Phaolô khẳng định: ”Ta thấy bằng con tim” (Rm 10,10).

Đây là điều có những hệ luận quan trọng đối với hành động của các tín hữu cũng như phương pháp làm việc của các nhà thần học. Ngài phê bình xu hướng coi chân lý chỉ là một nhận thức chủ quan và viết rằng:

”Chân lý ngày nay thường bị thu hẹp vào sự xác thực chủ quan của mỗi người, chỉ có giá trị đối với đời sống cá nhân. Chân lý chung làm cho người ta sợ hãi, vì người ta đồng hóa nó với sự ngoan cố áp đặt của các chế độ độc đoán. Nhưng nếu chân lý là chân lý tình thương, nếu chân lý được mở ra trong cuộc gặp gỡ bản chân với Đấng Khác và với tha nhân, thì chân lý ấy được giải thoát khỏi sự khép kín nơi mỗi ngừơi và có thể là thành phần của công ích… Thay vì làm cho chúng ta trở nên cứng nhắc, sự chắc chắn của đức tin làm cho chúng ta lên đường, làm cho chứng tá và đối thoại với mọi người trở thành điều có thể thực hiện được” (Lumen fidei, 34).

Trong Sứ điệp ĐTC cũng tuyên bố danh tánh hai học giả trẻ được giải thưởng năm nay của các Hàn lâm viện Tòa Thánh về nghiên cứu thần học, đó là LM giáo sư Alessandro Clemenzia, với tác phẩm tựa đề ”Trong Chúa Ba Ngôi như Giáo Hội. Đối thoại với Heribert Muehlen”, và nữ giáo sư Maria Silvia Vaccarezza với tác phẩm ”Những lý lẽ của tùy thể. Sự khôn ngoan thực hành giữa Aristote và Thánh Tômaso Aquino” (SD 28-1-2014).

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha ca ngợi đông đảo các linh mục thánh thiện

Đức Thánh Cha ca ngợi đông đảo các linh mục thánh thiện

VATICAN. ĐTC Phanxicô ca ngợi đông đảo các linh mục thánh thiện, âm thầm phục vụ dân Chúa và ngài phê bình báo chí thường chỉ để ý đến thiểu số linh mục phạm lỗi.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong bài giảng thánh lễ sáng thứ hai 27-1-2014, tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta ở nội thành Vatican.

ĐTC đã diễn giải bài đọc thứ I trong ngày, nói về các chi tộc Israel xức dầu tôn Davit làm Vua. Ngài nêu rõ ý nghĩa thiêng liêng của việc xức dầu và nói rằng: ”Nếu không có sự xức dầu ấy thì Davit chỉ là thủ lãnh của một xí nghiệp, một xã hội chính trị là Vương quốc Israel, chỉ là một nhà tổ chức chính trị. Trái lại, sau khi được xức dầu, Thần Khí Chúa ngự xuống trên Davit và ở lại với ông. Và Kinh Thánh nói: ”Davit ngày càng tăng trưởng trong sức mạnh và Chúa là Thiên Chúa các đạo binh ở với ông”. ĐTC nhận xét rằng ”Đây chính là sự khác biệt của việc xức dầu. Người được xức dầu là người được Chúa chọn. Đó cũng là điều xảy ra trong Giáo Hội với các Giám mục và Linh mục:

”Các Giám mục không được bầu để điều khiển một tổ chức, gọi là Giáo hội địa phương, các vị được xức dầu, và Thần Khí Chúa ở với các vị. Nhưng tất cả các Giám Mục, tất cả chúng ta đều là người tội lỗi! Chúng ta được xức dầu. Nhưng tất cả chúng ta muốn nên thánh hơn mỗi ngày, trung thành hơn với việc xức dầu ấy. Và người tạo nên Giáo Hội, người mang lại sự hiệp nhất cho Giáo Hội, chính là Đức Giám Mục, nhân danh Chúa Giêsu Kitô, không phải vì ngài được đa số bỏ phiếu cho, nhưng vì ngài được xức dầu. Và trong sự xức dầu này, một Giáo Hội địa phương được sức mạnh của mình. Và cả các Linh mục cũng được tham dự vào sự xức dầu ấy”.

ĐTC cũng giải thích rằng ”sự xức dầu đưa các Giám Mục và Linh mục đến gần Chúa và mang lại cho các vị niềm vui và sức mạnh ”săn sóc dân Chúa, giúp đỡ dân, sống phục vụ dân”, làm cho các vị được vui mừng cảm thấy ”mình được Chúa chọn, được Chúa hướng dẫn, Chúa hướng dẫn tất cả chúng ta bằng tình yêu thương. Vì thế, khi chúng ta nghĩ đến các Giám mục và các linh mục, chúng ta phải nghĩ các vị được xức dầu”.

”Nếu không như thế, ta sẽ không hiểu được Giáo Hội, và ta cũng không thể giải thích được Giáo Hội tiến bước với sức mạnh của con người. Giáo phận này tiến triển vì có một dân thánh thiện, bao nhiêu sự, và cũng có một vị được xức dầu giúp Giáo phận tiến bước, tăng trưởng. Giáo xứ này tiến triển vì có bao nhiêu hội đoàn và nhiều điều khác, nhưng cũng có một Linh mục, được xức dầu làm cho Giáo xứ tiến triển. Và trong lịch sử chúng ta chỉ biết một phần rất nhỏ, thực tế có bao nhiêu Giám mục thánh thiện, bao nhiêu Linh mục thánh thiện đã hiến thân phục vụ giáo phận, giáo xứ, bao nhiêu người đã nhận được sức mạnh đức tin, sức mạnh tình yêu, hy vọng từ các cha sở vô dân mà chúng ta không biết. Có bao nhiêu Linh mục như thế.. Bao nhiêu cha sở miền quê hoặc cha sở thành thị, với việc xức cầu, đã mang lại sức mạnh cho dân, đã thông truyền đạo lý, đã ban các bí tích, nghĩa là sự thánh thiện”.

ĐTC nhận xét có những người nêu vấn nạn: ”Nhưng thưa cha, con đã đọc trên một tờ báo, một Giám mục đã làm chuyện này, một linh mục đã làm chuyện kia!”. Đúng vậy, tôi cũng đọc điều ấy, nhưng xin bạn hãy nói cho tôi, trên các báo chí có đăng tin về điều mà bao nhiêu linh mục, trong bao nhiêu giáo xứ thành thị và miền quê đã làm, bao nhiều việc bác ái, bao nhiêu công việc các vị đã làm cho dân không?”. Không, những điều ấy không phải là tin tức. Một điều vẫn thường xảy ra là: một cây đổ xuống thì gây nhiều tiếng ồn hơn là cả một rừng cây tăng trưởng. Hôm nay, khi nghĩ đến sự xức dầu cho Davit, chúng ta cũng hãy nghĩ đến các Giám Mục, các Linh mục can đảm, thánh thiện, tốt lành, trung thành của chúng ta và cầu nguyện cho các vị. Chính nhờ các vị mà chúng ta ở đây hôm nay!” (SD 27-1-2014).

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Đức Thánh Cha đọc kinh Truyền Tin và chúc Tết Nguyên Đán

Đức Thánh Cha đọc kinh Truyền Tin và chúc Tết Nguyên Đán

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 26-1-2014, ĐTC Phanxicô đã chúc Tết các dân tộc Viễn Đông, ngài mời gọi các tín theo tiếng Chúa gọi, đồng thời cũng kêu gọi hòa bình cho Ucraine, cầu nguyện cho các bệnh nhân phong cùi.

50 ngàn tín hữu đã tụ tập tại Quảng Trường Thánh Phêrô dù trời khá lạnh. Trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh, ĐTC quảng diễn bài Phúc Âm thuật lại việc Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng tại miền Galilea, kêu gọi những người khiêm hạ làm môn đệ theo Chúa. Ngài nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bài Tin Mừng chúa nhật hôm nay kể lại khởi đầu đời sống công khai của Chúa Giêsu nơi các thành thị và làng mạc xứ Galilea. Sứ mạng của Chúa không khởi đầu từ Jerusalem, nghĩa là từ trung tâm tôn giáo, xã hội và chính trị, nhưng từ một vùng ngoại biên, bị những người Do Thái giữ đạo nghiêm ngặt, coi rẻ vì sự hiện diện của các dân tộc khác nhau trong vùng ấy, vì thế, Ngôn Sứ Isaia đã gọi đó là ”miền Galilea của dân ngoại” (Is 8,23).

”Đó là một vùng biên giới, một vùng chuyển tiếp nơi có nhiều người thuộc các chủng tộc, văn hóa và tôn giáo khác biệt gặp gỡ nhau. Vì thế, miền Galilea trở thành địa điểm biểu tượng sự cởi mở của Tin Mừng đối với mọi dân tộc. Về phương diện đó, miền Galilea giống thế giới ngày nay: nhiều nền văn hóa cùng hiện diện, cần được đối chiếu và gặp gỡ nhau. Cả chúng ta hằng ngày vẫn ở trong một ”miền Galilea của dân ngoại”, và trong bối cảnh đó, chúng ta có thể cảm thấy kinh hãi và chiều theo cám dỗ muốn xây dựng những vòng đai để được an toàn hơn, được bảo vệ hơn. Nhưng Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng Tin Mừng không được dành riêng cho một phần nhân loại, Tin Mừng được loan báo cho tất cả mọi người. Đó là một Tin Vui dành cho những ai đang chờ mong, có lẽ cho cả những người không chờ đợi gì cả và cũng chẳng có sức mà tìm kiếm hay yêu cầu.

Khi khởi hành từ Galilea, Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng không ai bị loại khỏi ơn cứu độ của Thiên Chúa, đúng hơn, Thiên Chúa muốn khởi hành từ ngoại biên, từ những người rốt cùng, để đi tới tất cả mọi người. Ngài dạy chúng ta một phương pháp, và phương pháp của Ngài diễn tả nội dung, nghĩa là lòng từ bi của Chúa Cha. ”Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn cần phân định xem đâu là con đường Chúa muốn, nhưng tất cả chúng ta đều được mời gọi chấp nhận lời kêu gọi này, đó là: hãy ra khỏi tình trạng thoải mái của mình và can đảm đi tới mọi vùng ngoại biên đang cần được ánh sáng Tin Mừng” (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, 20).

Chúa Giêsu chẳng những bắt đầu sứ mạng của Ngài từ một nơi ở ngoài trung tâm, nhưng còn từ những người thấp kém nữa. Để chọn các môn đệ đầu tiên và các tông đồ tương lai, Chúa tìm tới những trường dạy các ký lục và các nhà thông luật, nhưng là những người khiêm hạ và đơn sơ, quyết tâm chuẩn bị đón nhận Nước Chúa đến. Chúa Giêsu đi gọi họ tại nơi họ làm việc, bên bờ hồ: họ là những người đánh cá. Ngài kêu gọi họ và họ theo Ngài ngay lập tức. Họ bỏ lưới và đi theo Ngài: cuộc sống của họ trở thành một cuộc phiêu lưu ngoại thường và hấp dẫn.

ĐTC nói:

Các bạn thân mến, ngày nay Chúa cũng kêu gọi! Ngài tiến qua những nẻo đường của đời sống thường nhật của chúng ta. Ngày hôm nay, trong lúc này đây, Chúa đi qua quảng trường này. Chúa kêu gọi chúng ta hãy đi với Ngài, cộng tác với Ngài cho Nước Thiên Chúa, tại các miền ”Galilea” thời nay. Mỗi người trong anh chị em hãy suy nghĩ, Chúa đi qua hôm nay, Chúa đang nhìn tôi. Ngài nói gì với tôi? Và nếu có ai trong anh chị em cảm thấy Chúa đang nói ”Hãy theo Thầy”, thì hãy can đảm, đi theo Chúa. Chúa không bao giờ làm cho chúng ta thất vọng. Hãy nghe tiếng Chúa gọi trong tâm hồn đi theo Chúa. Chúng ta hãy để cho cái nhìn, tiếng nói của Chúa đi tới chúng ta, và chúng ta hãy đi theo Ngài! ”Để niềm vui Tin Mừng đi tới tận bờ cõi trái đất và không ngoại biên nào bị thiếu ánh sáng của Chúa”(Ibid. 288).

Ngày Thế giới các bệnh nhân phong cùi

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC chào thăm mọi người, ngài nói thêm rằng:

”Hôm nay là Ngày Thế giới các bệnh nhân phung cùi. Bệnh này tuy đã giảm bớt, nhưng đáng tiếc là nó vẫn còn nơi nhiều người sống trong tình trạng lầm than cùng cực. Điều quan trọng là duy trì tình liên đới sống động với các anh chị em ấy. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ và tất cả những người trợ giúp họ, và bằng nhiều cách, đang dấn thân đánh bại căn bệnh này”.

”Tôi cũng gần gũi trong kinh nguyện với Ucraine, đặc biệt là những người đã bị thiệt mạng trong những ngày này và với gia đình họ. Tôi cầu mong rằng sẽ có một cuộc đối thoại xây dựng giữa các cơ chế và xã hội dân sự, và tránh những mọi hành vi bạo động. Ước gì trong tâm hồn mỗi người tinh thần hòa bình và sự tìm kiếm công ích được trổi vượt!

Lên án vụ thiêu một em bé 3 tuổi

ĐTC nhắc đến vụ 1 em bé 3 tuổi ở nam Italia bị bọn mafia thiêu hủy cùng với gia đình. Ngài nói: ”Hôm nay, có bao nhiêu trẻ em tại Quảng trường này! Rất đông đảo! Tôi cũng muốn nghĩ đến em Cocò Campolong, mới 3 tuổi, đã bị thiêu trong xe ở Cassano allo Jonio. Sự tàn ác như thế đối với một em bé như vậy dường như chưa bao giờ có trong lịch sử tội ác. Chúng ta hãy cầu nguyện với em Cocò, chắc chắn em đang ở trên trời với Chúa Giêsu, cầu cho những kẻ đã phạm tội ác này, để họ thống hối và hoán cải, trở về cùng Chúa.

Chúc Tết các dân tộc Á đông


ĐTC nói: ”Trong những ngày tới đây, hàng triệu người sống tại Viễn Đông hoặc rải rác tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có những người Hoa, Đại Hàn và Việt Nam, mừng Tết nguyên đán. Tôi cầu chúc tất cả mọi người được một cuộc sống vui tươi và hy vọng. Ước gì niềm khát khao tình huynh đệ không thể dập tắt được trong tâm hồn họ, tìm được trong gia đình ấm cúng như một nơi ưu tiên trong đó tình huynh đệ có thể được khám phá, được giáo dục và thực thi. Đây sẽ là một đóng góp quí giá cho việc xây dựng một thế giới nhân bản hơn, trong đó an bình được hiển trị.

Đ cao gương tân Chân Phước hoàng hậu Cristina di Savoia

ĐTC cũng nhắc đến lễ phong chân phước hoàng hậu Maria Cristina di Savoia, hôm thứ bẩy 25-1-2014 tại Napoli. ”Chân phước sống vào giữa thế kỷ 19, là Hoàng hậu của hai miền Sicilia. Người là một phụ nữ có đời sống thiêng liêng sâu xa và rất khiêm nhường, biết gánh vác những đau khổ của dân, trở thành người mẹ đích thực của người nghèo. Tấm gương bác ái đặc biệt của Người làm chứng rằng đời sống tốt đẹp theo Phúc Âm là điều có thể trong mọi môi trường và hoàn cảnh xã hội.

ĐTC chào các phái đoàn hành hương và sau cùng ngài đặc biệt chào các em thiếu nhi thuộc phong trào công giáo tiến hành Italia, được ĐHY Giám quản Agostino Vallini tháp tùng, kết thúc cuộc lữ hành hòa bình.

Hai em bé một nam một nữ Matteo và Sarah đã đọc một sứ điệp ngắn và thả hai con chim bồ câu hòa bình.


G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio