ĐTGM MELKÍT ALEPPO KÊU GỌI YỂM TRỢ VẬT CHẤT TINH THẦN CHO CÁC KITÔ HỮU SIRIA

ĐTGM MELKÍT ALEPPO KÊU GỌI YỂM TRỢ VẬT CHẤT TINH THẦN CHO CÁC KITÔ HỮU SIRIA

ALEPPO: ĐC Jean Clément Jeanbart, TGM Melkít Aleppo, kêu gọi cộng đồng quốc tế trợ giúp vật chất và tinh thần để các kitô hữu Siria có thể ở lại trên quê hương của họ.

ĐTGM Aleppo đã đưa ra lời kêu gọi trên đây hôm 27 tháng 7 vừa qua. ĐC cho biết việc yểm trợ cụ thể nhất là giúp các kitô hữu ở lại trên quê hương của họ. Giáo phận của ĐC đang đề ra một chương trình phát triển trợ giúp tài chánh cho các xí nghiệp nhỏ và các hãng xưởng thủ công nghệ tạo công ăn việc làm và tái thiết nhà cửa bị hư hại vì chiến tranh. Để thực hiện dự án này ĐC đã cho thành lập phong trào “Xây dựng để ở lại” với mục đích quy tụ tất cả các kitô hữu ý thức tầm quan trọng sự hiện diện tiếp tục của họ trên đất nước Siria. Chúng tôi làm tất cả những gì có thể để cho phép anh chị em tín hữu kitô sống đức tin trong các thử thách vô cũng khó khăn này. Theo ĐC cho tới nay cuộc nội chiến tại Siria đã khiến cho 230,000 người thiệt mạng, khoảng phân nửa trên hơn 12 triệu dân phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn, hơn 4 triệu người đã chạy trốn sang các nước láng giềng như Thổ Nhĩ Kỹ, Libăng và Giordania. Chúng tôi tìm trao ban can đảm cho những người ở lại. Chúng ta không đuợc quên rằng thánh Phaolô xưa kia đã được ơn hoán cải trên đường đến thành Damasco, đã được Giáo Hội Damasco rửa tội, thêm sức, truyền chức linh mục và gửi đi truyền giáo trên thế giới. Giáo Hội Siria đã có biết bao nhiêu vị tử đạo. Vì thế nó đáng được trợ giúp và nâng đỡ để tiếp tục cuộc du hành dài 2,000 năm trên con đường lòng tin kitô. Vì vậy nếu thế giới muốn trợ giúp chúng tôi, thì phải cầu nguyện với chúng tôi để đem lại hoà bình cho đất nước này. Nếu quý vị muốn trợ giúp các anh chị em kitô đã quyết định ở lại đây để bảo đảm cho sự hiện diện của Kitô giáo tại Siria, thi hãy nâng đỡ họ. Nếu quý vị  muốn trợ giúp chúng tôi, thì hãy nâng đỡ chúng tôi đồng hành với các tín hữu này để “xây dựng và ở lại” (SD 27-7-2015)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

 

ĐHY WILLIAM WAKEFIELD BAUM QUA ĐỜI

ĐHY WILLIAM WAKEFIELD BAUM QUA ĐỜI

ĐHY William Wakefield

WASHINGTON: ĐHY William Wakefield Baum, nguyên TGM Washington đã qua đời ngày 23 tháng 7 vừa qua thọ 89 tuổi.

ĐHY William Baum sinh năm 1926 tại Dallas, thụ phong Linh Mục năm 1951, du học Roma trong các năm 1956-1958, được Đức Phaolo VI chỉ định làm Giám Mục Springfield-Cape Girarrdeau năm 1970. Năm 1973 ngài được chỉ định làm TGM Washington, kiêm chủ tịch Ủy ban đại kết của HHDGM Hoa Kỳ và giữ chức vụ này cho tới năm 1980.

Đức Gioan Phaolô II đã triệu ngài về Roma làm Tổng trưởng Bộ giáo dục công giáo từ năm 1980 cho tới năm 1990, khi được chỉ định làm Chánh án tòa Ân giải tối cao của Toà Thánh, rồi về hưu năm 2001.

Với sự qua đi của ĐHY William Baum, Hồng Y đoàn còn lại 220 vị, trong đó có 120 vị có quyền bầu Giáo Hoàng (SD 24-7-2015)

Linh Tiến Khải

Chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha ngày 10-7-2015

Chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha ngày 10-7-2015

nhà tù Palmasola

Thứ sáu ngày 10-7-2015, ngài cử hành thánh lễ riêng tại Nhà nguyện tòa TGM giáo phận Santa Cruz, nơi ngài qua đêm, rồi đến thăm nhà tù Palmasola cách đó 15 cây số.

Trung tâm cải huấn này được chia làm nhiều khu vực dành cho các loại tù nhân khác nhau: nam, nữ, người trẻ, các tù nhân tội nhẹ và các tù nhân tội trọng. Khu nhà tù dành cho nam giới, nơi ĐTC đến thăm, được gọi tắt là PS 4, có 2,800 tù nhân và đặc biệt có khu vực dành cho các thân nhân, khoảng 1,500 người mỗi ngày. Họ có thể sống chung giống như trong một làng do chính các tù nhân quản trị.

Tại buổi gặp gỡ vào lúc 9 giờ rưỡi sáng, ĐTC lắng nghe chứng từ của một số tù nhân, trước khi ban huấn dụ và chúc lành cho họ. Sau đó, ngài đến giáo xứ Thánh Giá cách đó 14 cây số để gặp gỡ 37 GM Bolivia chủ chăn của 18 giáo phận toàn quốc, kể cả các vị về hưu. Sau cuộc gặp gỡ này, ĐTC đã ra phi trường quốc tế Viru Viru của thành phố Santa Cruz để đáp máy bay sang Paraguay là chặng cuối cùng trong chuyến viếng thăm của ngài.

Sau 2 giờ bay, vượt qua hơn 1 ngàn cây số, ĐTC đến phi trường thủ đô Asunción vào lúc 3 giờ chiều giờ địa phương. Tại đây, sau nghi thức tiếp đón, ngài về phủ tổng thống để viếng thăm vị quốc trưởng và gặp gỡ chính quyền Paraguay.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Ký kết Hiệp định toàn bộ giữa Tòa Thánh và Palestine

Ký kết Hiệp định toàn bộ giữa Tòa Thánh và Palestine

Buổi ký hiệp định giữa Tòa Thánh và Palestine

VATICAN. Hiệp định toàn bộ giữa Tòa Thánh và Quốc gia Palestine đã được ký kết hôm 26-6 vừa qua tại Vatican.

Hai vị ngoại trưởng, Đức TGM Paul Richard Gallagher của Tòa Thánh và Ông Riad Al-Malki của Palestine, đã ký kết Hiệp định gồm 1 lời tựa, và 32 điều khoản chia làm 8 chương, liên quan đến những khía cạnh thiết yếu trong đời sống và hoạt động của Giáo Hội tại Quốc gia Palestine, đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ một giải pháp thương thuyết và ôn hòa cho tình trạng trong vùng.

Hiệp định sẽ bắt đầu có hiệu lực sau khi hai bên thông báo cho nhau trên giấy tờ sự phê chuẩn văn kiện này, đáp ứng những đòi hỏi hiến định hoặc nội bộ của mỗi bên.

Hiệp định Tổng quát này là kết quả các cuộc thương thuyết từ nhiều năm nay qua trung gian Ủy ban song phương, tiếp theo Hiệp định cơ bản được kết giữa Tòa Thánh và tổ chức giải phóng Palestine OLP ngày 15-2 năm 2000.

Trong lời chào mừng tại buổi ký hiệp định, Đức TGM ngoại trưởng Paul Gallagher nhắc đến hành trình mà chính quyền Palestine đã trải qua, với cao điểm là Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ ngày 29-11 năm 2012 nhìn nhận Palestine là một Quốc gia Quan sát viên không phải là thành viên của LHQ.

Đức TGM cầu mong rằng Hiệp định này có thể là một khích lệ để chấm dứt chung kết cuộc xung đột cam go giữa Israel và Palestine, đang tiếp tục gây ra đau thương cho cả hai bên. Ngài cầu mong giải pháp 2 quốc gia sớm trở thành sự thực.

Như người ta có thể dự đoán, việc ký kết hiệp định giữa Tòa Thánh và Palestine không làm cho Israel hài lòng vì qua hiệp định này Tòa Thánh chính thức nhìn nhận chính quyền Israel như một ”Quốc gia”. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Israel nói rằng ”sự nhìn nhận vội vã này gây hại cho viễn tượng đẩy mạnh một hiệp định hòa bình và làm thương tổn nỗ lực của quốc tế thuyết phục chính quyền Palestine trở lại các cuộc thương thuyết trực tiếp với Israel”.

Tòa Thánh và Israel đã ký hiệp định cơ bản với nhau hồi năm 1993 và sau đó thiết lập quan hệ ngoại giao, nhưng cho đến nay 22 năm đã trôi qua, với bao nhiêu đợt thương thuyết, nhưng Israel vẫn chưa chấp nhận ký hiệp định với Tòa Thánh về qui chế pháp lý của Giáo Hội Công Giáo tại Israel, chủ quyền trên các nơi thánh, vấn đề thuế khóa, tài chánh, v.v. (SD 26-6-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha kết thúc viếng thăm Tổng giáo phận Torino

Đức Thánh Cha kết thúc viếng thăm Tổng giáo phận Torino

Pope finished pilgrim at Turin

ROMA. Chiều ngày 22-6-2015, ĐTC đã về đến Roma bằng an kết thúc 2 ngày viếng thăm tại tổng giáo phận Torino, cách Roma khoảng 600 cây số về hướng tây bắc.

Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết ĐTC rất hài lòng về sự đón tiếp nồng nhiệt ngài nhận được tại Torino, sự đón tiếp vượt quá sự mong đợi của ngài.

Viếng thăm Đền thờ Tin Lành Valdese

Sau một ngày chúa nhật với những hoạt động khẩn trương, sáng thứ hai 22-6-2015, ĐTC chỉ có một sinh hoạt công cộng: ngài từ tòa TGM Torino đến viếng thăm Đền thờ của Giáo Hội Tin Lành Valdese cũng tại thành phố này. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một vị Giáo Hoàng đến thăm và gặp gỡ cộng đoàn Tin Lành bé nhỏ này.

 Cộng đoàn Tin Lành Valdese do một thương gia ở thành Lyon bên Pháp, ông Pierre Valdes, sáng lập. Trong thời trung cổ, những tín đồ Valdese bị Công Giáo coi là những kẻ rối đạo và bách hại. Hiện nay tại Italia chỉ có khoảng 30 ngàn tín hữu Tin Lành Valdese, hợp chung với Giáo Hội Tin Lành Methodist. Đền thờ lớn nhất của Cộng đoàn này là ở thành Torino, vì tại đây có đông đảo tín hữu nhất.

Đến nơi vào lúc gần 9 giờ, ĐTC đã được Mục Sư Eugenio Bernardini, Thủ lãnh Hội đồng lãnh đạo của Giáo Hội, cùng với Chủ tịch Hội đồng công tọa và Mục Sư quản đốc đền thờ, nữ phó tế Alessandra Trotta, đại diện cộng đoàn Tin Lành Mathodist tiếp đón, và hướng dẫn vào Đền thờ. Thánh đường đông chật với khoảng 1 ngàn tín hữu, trong đó cũng có nhiều đại diện của các Giáo Hội Tin Lành khác như Luther, Baptist, Cơ đốc Phục Lâm, và Đạo binh cứu độ.

Thánh đường không có bàn thờ, chỉ có bục giảng. ĐTC và các vị Mục Sư ngồi ở gian cung thánh. Trong lời chào mừng ngài, Mục Sư Bernardini đã gọi ĐTC là người anh trong Chúa Kitô và khẳng định rằng ”Khi bước vào Đền thờ thành, Ngài đã bước qua một ngưỡng cửa lịch sử, ngưỡng cửa của một bức tường được dựng lên cách đây hơn 8 thế kỹ khi phong trào Valdese bị cáo là rối đạo và bị tuyệt thông với Giáo Hội Roma. Đâu là tội của người Valdese? Tội của họ là một phong trào loan báo Tin Mừng bình dân, do giáo dân thực hiện, qua việc rao giảng lưu động rút từ Kinh Thánh, được đọc và giải thích trong ngôn ngữ của dân chúng.

Mục sư Bernardini cũng nói đến sự cộng tác giữa Liên hiệp Tin Lành Valdese và Methodist với Giáo Hội Roma đồng thời liệt kê một số vấn đề có thể thực hiện chung hoặc giải quyết. Mục sư cho rằng cần phải vượt qua giáo huấn của Công đồng chung Vatican 2 phân biệt các ”Giáo Hội” và các Cộng đoàn Giáo Hội. Theo giáo huấn của Công đồng các Giáo hội Tin Lành không phải là Giáo Hội đúng nghĩa vì không có ”tông truyền”, sự kế truyền của các tông đồ, vì thế đó là là các ”Cộng đồng Giáo Hội” (Comunità ecclesiali). Mục sư nói: ”Chúng tôi biết những lý do thúc đẩy Công đồng chấp nhận thành ngữ ấy, nhưng chúng tôi nghĩ rằng điều này có thể và phải được vượt thắng. Thật là đẹp nếu điều này xảy ra vào năm 2017 hoặc trước đó, khi chúng tôi kỷ niệm 500 năm cuộc Cải cách Tin Lành.”

Đức Thánh Cha xin lỗi

Về phần ĐTC, ngài nhân danh Giáo Hội Công Giáo xin lỗi vì những thái độ và lối cư xử không đúng tinh thần Kitô, và thậm chí không xứng với con người trong lich sử, đã gây ra cho anh chị em Valdese. Nhân danh Chúa Giêsu Kitô, xin hãy tha thứ cho chúng tôi!”

 ĐTC cũng nói rằng:

”Vì thế, chúng tôi cũng biết ơn sâu xa đối với Chúa khi nhận thấy rằng quan hệ giữa các tín hữu Công Giáo và Valdese ngày nay ngày càng dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và trên tình bác ái huynh đệ. Không thiếu những dịp đã góp phần làm cho những quan hệ ấy thêm vững chắc. Tôi chỉ nêu vài ví dụ như sự cộng tác để ấn hành bản dịch Kinh thánh đại kết, những thỏa thuận mục vụ về việc cử hành hôn phối, và gần đây là lời kêu gọi chung chống nạn bạo hành phụ nữ…

”Được khích lệ vì những bước tiến đó, chúng ta được kêu gọi cùng nhau tiến bước. Một lãnh vực đang được mở ra trong đó có nhiều cơ hội cộng tác giữa người Valdese và Công Giáo, đó là việc loan báo Tin Mừng. Với ý thức rằng Chúa đã và luôn đi trước chúng ta trong tình yêu thương (Xc 1 Ga 4,10), chúng ta hãy cùng nhau đi gặp những người nam nữ ngày nay, nhiều khi rất đãng trí và dửng dưng, để thông truyền cho họ con tim của Phúc Âm, nghĩa là ”vẻ đẹp của tình thương cứu độ của Thiên Chúa được biểu lộ trong Chúa Giêsu Kitô đã chịu chết và sống lại” (Ev. g. 36).

Sau diễn văn của ĐTC, Mục sư trưởng của Tin Lành Valdese đã tặng ngài bản sao cuốn Kinh Thánh có từ thế kỷ 16 do Phong trào Tin Lành cải cách ấn hành ở Genève. Còn ngài thì tặng các vị lãnh đạo mề đay Giáo Hoàng của ngài.

Cuộc gặp gỡ kết thúc với Kinh Lạy Cha theo bản dịch đại kết và thánh ca. Sau đó, ĐTC còn gặp gỡ phái đoàn đại diện các Giáo Hội Tin Lành trước khi về Tòa TGM Torino.

Tại đây ngài đã cử hành thánh lễ cho 30 thân nhân họ hàng, tổng cộng là 30 người tại nhà nguyện tòa TGM và dùng bữa trưa với họ.

Chúa nhật 21-6 vừa qua, ĐTC cũng đã đến viếng nhà thờ Thánh Nữ Têrêsa ở Torino, nơi mà vào năm 1907 ông nội của ngài là Giovanni Bergolio thành hôn với bà nội là Rosa Vassallo, cũng tại đây, năm sau đó, thân phụ của ngài là Mario chịu phép rửa tội. Phòng báo chí Tòa Thánh nói rằng, qua cử chỉ này, ĐTC muốn tái khẳng định giá trị của gia đình. Và tại thánh đường đó ngài đặc biệt cầu nguyện cho Thượng HĐGM thế giới vào tháng 10 năm nay về gia đình.

Lúc 4 giờ rưỡi chiều, trước khi rời tòa TGM, ĐTC còn gặp gỡ và cám ơn ban tổ chức cuộc trưng bày Khăm Liệm Thánh và cuộc viếng thăm của ngài tại Torino, rồi ra phi trường đáp máy bay trở về Roma.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha khuyến khích các vận động viên Italia

Đức Thánh Cha khuyến khích các vận động viên Italia

ĐTC gặp gở các vận động viên

VATICAN. ĐTC Phanxicô khuyến khích các vận động viên Italia giúp xã hội và Giáo Hội vượt thắng mọi hình thức kỳ thị và loại trừ.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi buổi tiếp kiến sáng ngày 19-6-2015 dành cho 150 người gồm các vị lãnh đạo, các huấn luyện viên và vận động viên của Italia tham dự thế vận Olimpic đặc biệt sẽ tiến hành tại thành phố Los Angeles Hoa Kỳ từ ngày 25-7 đến 2 tháng 8 tới đây.

Trong bài huấn dụ, sau khi đề cao các giá trị tích cực của thể thao, ĐTC cũng nói rằng: ”Anh chị em hãy trung thành với lý tưởng của thể thao. Đừng để mình bị nhiễm thứ văn hóa giả tạo về thể thao, thứ văn hóa theo đuổi thành công kinh tế, thắng cuộc bằng bất kỳ giá nào, và theo cá nhân chủ nghĩa. Trái lại, cần bảo tồn và bênh vực thể thao như một kinh nghiệm về các giá trị nhân bản, thi đua trong sự lương thiện và liên đới. Luôn luôn tôn trọng phẩm giá của mỗi người. Ước gì không một ai bị loại khỏi việc thực hành thể thao. Và để đạt tới mục tiêu ấy cần có hoạt động quảng đại và hòa hợp của các thực tại cơ chế và xã hội khác nhau”.

Thế vận Olimpic đặc biệt sắp tới tại Los Angeles dành cho những người bị bệnh tự kỷ và khuyết tật tâm trí, có sự tham dự của hơn 7 ngàn vận động viên từ 170 quốc gia, qua 25 bộ môn thể thao. (SD 19-6-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Hạt giống, hạt cải

Hạt giống, hạt cải

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hạt giống và hạt cải làm ví dụ để nói về Nước Thiên Chúa.

Nước Thiên Chúa được thiết lập giống hệt như một tiến trình gieo gặt trọn vẹn: từ hạt giống, hạt nẩy sinh thành cây, rồi thành bông lúc. Như người dân Palestina, sau khi gieo hạt giống, họ âm thầm chờ đợi lúa chín để gặt hái, chứ không hề biết hạt giống được gieo xuống đất đã phát triển như thế nào: Chúa Giêsu cũng gieo hạt giống Nước Trời nơi tấm lòng con người, cùng với ơn Chúa, Nước đó âm thầm phát triển lan rộng khắp thế giới, tạo nên mùa gặt các linh hồn. Chúa Giêsu chỉ đích thân có mặt trong mùa gieo giống và mùa gặt hái. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian chờ đợi, Ngài vẫn tiếp tục hoạt động một cách vô hình, qua Chúa Thánh Thần và Giáo Hội. Khi Nước Thiên Chúa đã phát triển đến mức tối đo, Ngài sẽ trở lại trong vinh quang, thu hoạch mùa gặt của Ngài.

Dụ ngôn hạt cải là dụ ngôn cuối cùng trong năm dụ ngôn về Nước Thiên Chúa. Cũng như các dụ ngôn trước, dụ ngôn này được rút ra từ đời sống thôn dã. Nó đưa ra một nét tương phản hấp dẫn: hạt cải nhỏ xíu trở thành một cây to lớn. Nước Thiên Chúa cũng mang nơi mình một nghịch lý tương tự: Dưới cái nhìn của thánh Marcô, dụ ngôn hạt cải chứa đựng cách diễn tả tuyệt vời về bí mật Mêsia. Cho đến lúc này, hành vi của Chúa Giêsu có thể bị coi là vô nghĩa và Nước Thiên Chúa vẫn chỉ là một thực tế khiêm tốn. Dù vậy, các dân ngoại đang nhìn thấy sự tăng trưởng dị thường của nó như các Kitô hữu ở Rôma đã kinh nghiệm được điều này. Chính Giáo Hội tiên khởi, dù yếu đuối, vẫn ý thức được mình đang tham dự vào sự thành công của một công trình đã sẵn tiềm tàng nguồn sinh lực vô biên, công trình này sẽ đạt tới mức hoàn vũ vào cuối giai đoạn phát triển của nó.

Hạt giống đã trải qua một quá trình phát triển âm thầm trước khi tới mùa gặt; hạt cải được trồng dưới đất cũng phải trải qua một quá trình cho đến khi trở thành một cây lớn. Trong những bổn phận dù âm thầm hằng ngày, chúng ta hãy tin tưởng phó thác cho quyền năng yêu thương của Chúa, chính Ngài sẽ làm cho công việc chúng ta thực hiện theo ý Chúa đạt tới kết quả vượt quá sức tưởng tượng của chúng ta, và như vậy chúng ta sẽ làm ích cho chính bản thân, cho tha nhân và cho Nước Chúa.

Xin Chúa củng cố chúng ta trong niềm xác tín đó.

Veritas Radio

 

Tòa Thánh tại Liên hiệp quốc kêu gọi cải tiến bảo vệ ký giả

Tòa Thánh tại Liên hiệp quốc kêu gọi cải tiến bảo vệ ký giả

NEW YORK. Đại diện Tòa Thánh cạnh các tổ chức LHQ ở New York, Đức TGM Bernardito Auza, kêu gọi cải tiến các chính sách và biện pháp bảo vệ các ký giả trong những tình trạng xung đột.

Trong bài tham luận hôm 27-5-2015 tại buổi thảo luận công cộng ở Hội đồng bảo an LHQ, Đức TGM Auza nhắc đến tầm quan trọng của các ký giả trong việc cung cấp những tin tức khách quan, giúp các nhà chính trị và cộng đồng quốc tế đề ra những quyết định đúng đắn để chấm dứt xung đột và giúp đỡ những người bị tổn thương.

Phái đoàn Tòa Thánh lấy làm tiếc vì trong thập niên vừa qua hàng trăm ký giả đã bị giết. Nguyên trong năm 2014 có 69 ký giả bị thiệt mạng và 221 người khác bị cầm tù. Trong năm nay đã có 25 ký giả bị giết và 156 người bị cầm tù.

Đức TGM Auza, người Philippines, nhận xét rằng tuy đã có những văn kiện và hiệp định quốc tế về việc bảo vệ ký giả và thường dân trong các cuộc xung đột, nhưng cho đến nay, các chính sách bảo vệ quân sự và những cơ cấu xác định trách nhiệm trong vấn đề này qua các tòa án vẫn còn thiếu sót và tại nhiều nơi không hề có. Theo phúc trình mới nhất của Ông Tổng thư ký LHQ về việc bảo vệ thường dân, trong 90% các trường hợp, những kẻ giết ký giả không bị kết án và chỉ có 5% các thủ phạm bị bắt và truy tố.

Đức TGM Auza cho biết phái đoàn Tòa Thánh tin rằng cần phải duyệt lại các qui luật về việc bảo vệ các ký giả trong các trình trạng xung đột, để xem các văn kiện ấy có còn thích hợp hay không, hay là cần đề ra những biện pháp đặc thù hơn để bảo vệ giới truyền thông, nhất là trong bối cảnh những cuộc xung đột do các tác nhân không phải là nhà nước gây ra (SD 28-5-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám Mục Togo

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám Mục Togo

VATICAN. ĐTC khuyến khích các GM Togo nâng đỡ gia đình trước những cuộc tấn công ý thức hệ qua các phương tiện truyền thông.

Trong bài huấn dụ trao cho 9 GM nước Togo tại buổi tiếp kiến sáng hôm 11-5-2015, nhân dịp các vị về Roma hành hương viếng mộ hai thánh Thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh, ĐTC viết:

”Tôi khuyến khích anh em kiên trì trong những nỗ lực nâng đỡ các gia đình giữa những khó khăn của họ, nhất là qua việc giáo dục và các hoạt động xã hội, và chuẩn bị các cặp nam nữ tiến tới những quyết tâm dấn thân của hôn nhân Kitô giáo, những dấn thân này có nhiều đòi hỏi nhưng cũng tuyệt vời. Togo cũng không tránh được những tấn công ý thức hệ và qua các phương tiện truyền thông, ngày nay đang lan tràn, chúng đề nghĩ những kiểu mẫu sống chung và gia đình không thể dung hợp với đức tin Kitô. Tôi biết anh em đã tỏ ra cảnh giác trong vấn đề này, cũng như những cố gắng của anh em, nhất về qua các phương tiện truyền thông”.

ĐTC khích lệ các GM Togo luôn gần gũi các linh mục của mình, khơi dậy nơi linh mục đoàn một tinh thần gia đình, giúp kiến tạo tình liên đới và huynh đệ linh mục, phục vụ sứ mạng chung.” Ngài cũng nhắc nhở các linh mục tương lai ”ăn rễ sâu trong các giá trị Tin Mừng để củng cố sự dấn thân của họ, trong sự trung thành và gắn bó với Chúa Kitô” (Afr. munus, 121). Điều này sẽ giúp họ sau đó chiến đấu chống lại tham vọng, thái độ tìm công danh sự nghiệp, nạn ghen tương, tinh thần thế tục, sự cám dỗ của tiền bạc và những của cải trần thế này, trong sự độc thân chân thành và được sống trong vui tươi. Tôi khuyên nhủ anh em đặc biệt quan tâm tháp tùng các linh mục trẻ về phương diện tu đức và mục vụ, lắng nghe những gì họ sống”.

Togo chỉ rộng gần 57 ngàn cây số vuông với dân số hơn 7 triệu 200 ngàn người, trong đó có 1 triệu 600 ngàn tín hữu Công Giáo thuộc 7 giáo phận, họp thành một giáo tỉnh thủ đô Lomé. (SD 11-5-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha tiếp kiến các tân vệ binh Thụy Sĩ

Đức Thánh Cha tiếp kiến các tân vệ binh Thụy Sĩ

ĐTC tiếp kiến vệ binh Thụy Sĩ

VATICAN. ĐTC cám ơn các vệ binh Thụy Sĩ và mời gọi họ hăng say sống như một chiến sĩ của Chúa Kitô, theo Chúa và yêu mến Giáo Hội.

Đây là lời nhắn nhủ của ngài trong buổi tiếp kiến sáng hôm qua 4-5 dành cho 32 tân vệ binh Thụy Sĩ, thân nhân của họ. Hiện diện trong dịp này còn có các vị chỉ huy và LM tuyên úy của đoàn, cùng với nhiều HY, GM và đại diện chính quyền Thụy Sĩ.

ĐTC nhắc đến thánh Ignatio của dòng Tên, Người đã ví thế giới này như hai đoàn quân: một bên là đoàn quân với lá cờ Chúa Kitô và bên kia là lá cờ Satan. ĐTC cũng ví vệ binh Thụy Sĩ như binh sĩ tiến bước dưới lá cờ của Chúa kitô và nói: Đó cũng là ơn gọi của anh em: đảm nhận những quan tâm của Chúa Kitô, trở” nên đồng ngũ của Chúa, và như thế, ngày qua ngày anh em học cách đồng cảm với Chúa Kitô và Giáo Hội. Một vệ binh Thụy Sĩ là người thực sự tìm cách theo Chúa Giêsu và đặc biệt yêu mến Giáo Hội, đó là một Kitô hữu với đức tin chân thực.”

ĐTC nhắn nhủ các vệ binh Thụy Sĩ hãy siêng năng lãnh nhận các bí tích, tham dự thánh lễ hằng ngày và xưng tội thường xuyên, năng đọc sách Tin Mừng, cầu nguyện, đọc kinh Mân Côi, chẳng hạn khi đứng gác hoặc làm hàng quân danh dự, phục vụ các bệnh nhân và người nghèo…

Theo chương trình, sáng thứ tư 6-5-2015, các vệ binh sẽ tham dự thánh lễ lúc 7 giờ sáng do ĐHY Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh chủ sự tại Đền thờ Thánh Phêrô. Ban chiều lúc 5 giờ, trước sự hiện diện của Đức TGM Giovanni Angelo Becciu, Phụ tá quốc vụ khanh Tòa Thánh, và các quan khách, 32 tân vệ binh sẽ tuyên thệ, tay cầm lá cờ mới của đoàn mới được làm phép trong những ngày qua.

Ngày 6-5 được chọn làm ngày tuyên thệ hằng năm của các tân vệ binh Thụy Sĩ để ghi nhớ biến cố ngày 6-5 năm 1527, 147 vệ binh đã tử trận trong cuộc bảo vệ ĐGH Clemente 7 chống lại cuộc cướp phá Roma do quân của hoàng đế Carlo 5 gây ra. (SD 4-5-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

50,000 người đọc kinh Nữ Vương Thiên Đàng với Đức Thánh Cha

50,000 người đọc kinh Nữ Vương Thiên Đàng với Đức Thánh Cha

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với 50 ngàn tín hữu trưa chúa nhật 3-5-2015 tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC nhắn nhủ các tín hữu hãy ở lại trong Chúa Giêsu để sinh nhiều hoa trái thiêng liêng.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC quảng diễn bài Tin Mừng chúa nhật thứ 5 mùa Phục Sinh về những lời dặn dò của Chúa Giêsu với các môn đệ, nhắn nhủ họ hãy ở lại trong Người để có thể sinh nhiều hoa trái. ĐTC nói:

 Anh chị em thân mến

 Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly, trong lúc Ngài biết rằng cái chết đã gần kề. ”giờ” của Ngài đã đến. Ngài ở với các môn đệ lần chót, và vì thế Chúa muốn ghi tạc vào tâm trí họ một chân lý cơ bản: đó là cả khi Ngài không còn hiện diện thể lý giữa họ, họ vẫn có thể kết hiệp với Ngài một cách mới mẻ, và nhờ đó mang lại nhiều hoa trái. Và tất cả chúng ta có thể kết hiệp với Chúa một cách mới mẻ. Nếu một người đánh mất sự hiệp thông ấy với Chúa, thì sẽ trở nên son sẻ, và gây hại cho cộng đoàn nữa. Đâu là cách thế mới mẻ ấy? Để diễn tả thực tại ấy, Chúa Giêsu dùng hình ảnh gốc nho và các ngành: ”Cũng như ngành nho không thể tự mình sinh hoa trái nếu không gắn liền với gốc nho, các con cũng thế nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là gốc nho và các con là ngành” (Ga 15,4-5). Với hình ảnh đó, Chúa dạy chúng ta cách ở lại trong Ngài, kết hiệp với Ngài, mặc dù Chúa không hiện diện thể lý.

 ”Chúa Giêsu là gốc nho, và qua Ngài, như nhựa sống của cây, được chuyển đến các ngành tình thương của chính Thiên Chúa, Chúa Thánh Linh. Và chúng ta là ngành, và qua dụ ngôn này Chúa Giêsu muốn làm cho chúng ta hiểu tầm quan trọng của sự kết hiệp với Ngài. Các ngành cây không độc lập nhưng hoàn toàn tùy thuộc vào gốc nho, trong đó có nguồn sống. Cũng thế đối với các tín hữu Kitô chúng ta. Được tháp nhập vào Chúa Kitô nhờ phép rửa, chúng ta nhận được từ nơi Chúa một cách nhưng không hồng ân sự sống mới; và chúng ta được ở trong tình hiệp thông sinh tử với Chúa Kitô. Cần phải trung thành với phép Rửa, và tăng trưởng trong tình bạn với Chúa nhờ kinh nguyện, kinh nguyện hằng ngày, lắng nghe và ngoan ngoãn vâng Lời Chúa, đọc Tin Mừng, tham gia các bí tích, nhất là phép Thánh Thể và Hòa Giải.

 ”Nếu một người kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu, thì được hưởng những ơn của Chúa Thánh Linh, như thánh Phaolô đã nói, những ơn này là ”tình thương, vui mừng, hòa bình, quảng đại, hiền lành, từ nhân, trung thành, dịu hiền, tự chủ” (Gl 5,22); đó là những ơn được ban cho chúng ta, nếu chúng ta kết hiệp với Chúa Giêsu và vì vậy một người kết hiệp như thế với Chúa thì mưu ích nhiều cho tha nhân và xã hội, đó là một Kitô hữu chân thực. Thực vậy, qua những thái độ ấy người ta biết đó là một Kitô hữu đích thực, cũng như qua hoa trái người ta biết được cây thế nào. Hoa trái của sự kết hiệp sâu đậm với Chúa Giêsu thật là tuyệt vời; toàn thể con người chúng ta được biến đổi nhờ ơn Chúa Thánh Linh: linh hồn, trí tuệ, ý chí, tình cảm, và cả thân thể nữa, vì tinh thần và thân xác chúng ta là một. Chúng ta nhận được một cách sống mới, sự sống của Chúa Kitô trở nên cuộc sống chúng ta: chúng ta có thể nghĩ như Chúa, hành động như Chúa, nhìn thế giới và sự vật với đôi mắt của Chúa Giêsu. Do đó, chúng ta có thể yêu thương anh chị em chúng ta, như Chúa đã làm, đã yêu mến họ, bắt đầu từ những người nghèo khổ nhất, với con tim của Chúa, và nhờ đó mang vào thế giới những hoa trài của lòng từ nhân, bác ái và hòa bình.

 ĐTC cũng nói rằng: “Mỗi người chúng ta là một ngành của một gốc nho duy nhất; và tất cả chúng ta đều được kêu gọi sinh hoa trái của sự cùng thuộc về Chúa Giêsu và Giáo Hội. Chúng ta hãy phó thác bản thân cho sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, để chúng ta có thể là những cành cây sống động trong Giáo Hội, và làm chứng về đức tin của chúng ta bằng cuộc sống hợp với niềm tin ấy, với ý thức rằng tùy theo ơn gọi đặc thù, tất cả chúng ta đều tham dự vào sứ mạng cứu độ duy nhất của Chúa Giêsu Kitô.

 Chào thăm

 Sau khi ban phép lành, ĐTC nồng nhiệt chào thăm mọi người hiện diện đến từ Italia và các nước khác, ngài cũng nhắc đến lễ phong chân phước mới nhất và nói:

 ”Hôm qua (2-5-2015) tại thành Torino, đã có lễ phong chân phước Luigi Bordino, giáo dân thánh hiến trong Dòng các tu huynh thánh Giuse Cottolengo. Người đã hiến cuộc sống cho các bệnh nhân và người đau khổ, và không ngừng xả thân cho người nghèo, chữa trị và rửa các vết thương của họ. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì người môn đệ khiêm tốn và quảng đại này.

 ĐTC cũng đặc biệt chào các thành viên Hội Méter, trong ngày các trẻ em nạn nhân của bạo lực (3-5). Ngài nói: ”Tôi cám ơn sự dấn thân của anh chị em trong việc phòng ngừa các tội ác này. Tất cả chúng ta đều phải dấn thân để mỗi người, đặc biệt là các trẻ em luôn được bênh đỡ và bảo vệ”.

 Trong số các tín hữu hành hương diện diện, ĐTC đặc biệt nhắc đến các nhóm đến từ Zagreb cộng hòa Croát, từ Litija Slovenia, Madrid và Lugo Tây Ban Nha; đông đảo các tín hữu Italia đến từ các giáo xứ, hiệp hội và trường học. Ngài cũng đặc biệt nghĩ đến các trẻ em nam nữ đã hoặc sắp lãnh nhận bí tích Thêm Sức.

 Viếng thăm Giáo Xứ

 Ban chiều cùng ngày chúa nhật hôm qua, ĐTC Phanxicô đã đến viếng thăm giáo xứ Đức Mẹ nữ vương hòa bình ở vùng biển Ostia Lido, một giáo xứ ngoại ô cách trung tâm thành Roma khoảng 30 cây số.

 Giáo xứ này được thành lập cách đây 90 năm, có khoảng 20 ngàn tín hữu Công Giáo trên tổng số 25 ngàn dân và thánh đường giáo xứ này là nhà thờ đầu tiên được xây cất tại Ostia và từng là Nhà Thờ hiệu tòa của Đức Cố Hồng Y Phaolô Phạm Đình Tụng trong 15 năm trời, từ 1994 cho đến khi Ngài qua đời năm 2009.

 ĐTC đến giáo xứ vào lúc 4 giờ chiều, sau phần chào thăm và gặp gỡ các giới trong giáo xứ, đặc biệt là những người trẻ và người khuyết tật, ngài giải tội cho 4 giáo dân và cử hành thánh lễ lúc 6 giờ chiều.

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Khi ấy Chúa Giêsu nói: “Tôi chính là…”

Khi ấy Chúa Giêsu nói: "Tôi chính là…"

Các bạn hãy đọc lại thật chậm hai chữ này: "Tôi là" các bạn hãy đặt hai chữ này lên môi miệng Chúa Giêsu. Vấn đề lớn được đạt ra đối với Chúa Giêsu đó là lai lịch của Người: Người là ai? Tất cả những ai đã đến gần Người đều phải ngạc nhiên vì sự bí mật về bản thân của Người. Người đã có những hành vi lạ lùng, Người đã nói "nói như chưa có ai đã nói như thế bao giờ". Đôi khi Người như có vẻ chiếm chỗ của Thiên Chúa.

Vì thế, Người đã nhiều lần dùng những cách nói, những công thức mà nghe lướt qua, chúng ta không hiểu hết ý nghĩa.

“Ta là Bánh…". -"Ta là ánh sáng trần gian…". -“Ta là cửa…". -"Ta là Đấng chăn chiên lành…". -“Ta là cây nho…". "Ta là sự Phục sinh và là sự sống…".

Tất cả những kiểu nói ấy bắt đầu bằng 2 chữ Hy Lạp “Ego eimi", có nghĩa "Tôi là".

Chúng ta đừng quên rằng Chúa Giêsu đã phát âm những từ này theo tiếng "Aramên", ngôn ngữ giống như tiếng Hêbơrơ và danh từ riêng "Thiên Chúa” là nhóm chữ không quên được “YHWH", từ bốn chữ này không ai đã dám đọc lên và có nghĩa là "Ta là" (Xuất hành 3-14). Trước bụi gai bốc lửa trong sa mạc, Môsê đã hỏi Thiên Chúa: "Tên của Người là gì? Và câu trả lời bí nhiệm từ lửa đã thốt ra: "Ta là Đấng Hằng Hữu”, bằng tiếng Hêbơrơ, có 4 phụ âm mà người Do Thái không bao giờ đọc lên, và trong những bản Thánh Kinh của chúng ta ngày nay, vì tôn trọng tính trung thực của các từ ngữ đó (Thiên Chúa khó diễn tả), đôi lúc người ta đã giữ nguyên hình thức ban đầu: Để mắt nhìn, thì hiểu là "Yahweh” nhưng thực sự đọc lên thì phải thốt ra là "Đức Chúa".

Không tự xưng danh rõ ràng, nhưng qua những lời này Chúa Giêsu đã dám tuyên bố rằng Người là "Đấng Cứu Độ duy nhất cho con người”, loại trừ tất cả những vị Chúa giả hiệu, những Đấng Cứu Độ không chính danh, những lãnh tụ sai lạc của nhân loại, người là "Đấng chăn chiên" duy nhất.

Tôi chính là người mục tử nhân lành, người chăn chiên thực sự.

Biểu tượng "người mục tử dẫn đàn chiên" đã có từ lâu trong khắp miền phương Đông ngày xưa, để mô tả những "Thần Thánh" và "Vua Chúa".

Trong Thánh kinh cũng vậy, biểu tượng này cũng được áp dụng cho Chúa: "Chúa là mục tử của tôi, tôi không còn thiếu thốn chi" (Tv 22,1). "Giờ đây, chính Ta sẽ chăm sóc cho con chiên của Ta" Chúa đã nói (Ed 34). "Giờ đây Chúa của các ngươi đến. Như một người mục tử, Người cho đàn chiên ăn cỏ – Với cánh tay quyền lực của Người, Người tập họp chiên lại, Người ôm vào ngực những chiên con, Người mang đến sự tươi mát cho những chiên cái còn cho con bú” (Is 40,11).

Chúng ta đừng bao giờ quên những trích dẫn này trong Kinh thánh mà bất cứ người Do Thái nào, nhất là Chúa Giêsu, cũng phải nhớ luôn luôn. Đối với những hình ảnh của Chúa Giêsu, lời tuyên bố này đã có một ý nghĩa “thần học" rõ ràng: Người nói Người là "Đấng Mêsia", "sứ giả của Thiên Chúa" để dẫn đắt loài người đến với cuộc sống thật. Câu trước liền câu này, (rất tiếc là sách "bài đọc” đã không bắt đầu trước một câu) đã được chính môi miệng Chúa Giêsu nói ra như tóm tắt hoàn hảo nhất của bộ Tin Mừng, và sứ mệnh mà Người đảm nhận: "Ta đã đến cho loài người, có được cuộc sống, và cho loài người có cuộc sống dồi dào" (Ga 10,10).

Chúng ta cũng biết loài người cần đến những người chỉ đạo như thế nào, những Đấng do Chúa sai đến, có khả năng phân tách tình hình, dự đoán tương lai, trừ khử những hiểm nguy đang hăm dọa và mang đến sự an toàn. Cá nhân tôi rất chán ghét những điều ngu xuẩn mà các đài phát thanh và truyền hình thường phổ biến ào ạt. Khi một số nhân vật, chỉ là những "con người" như chúng ta đã tỏ ra dường như nắm được chân lý, biết những gì sẽ xảy ra, những gì phải làm: Chỉ cần loại bỏ điều này, điều kia và mọi việc sẽ ổn, chỉ cần làm thế này hoặc sai lạc ở chỗ này, chỗ kia.

Lời khẳng định sau đây của thánh Phêrô trong bài đọc 1 hôm nay vang lên như một lời cảnh tỉnh trong bối cảnh hư hỏng và phá sản những giá trị thiêng liêng: "Chúa Giêsu chính là viên đá mà các người tự xưng là những người xây dựng thế giới đã chê bỏ, nhưng Người đã trở nên viên đá góc. Ngoài Người ra, không có sự cứu rỗi nào cả".

Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và không có chiên thuộc về riêng mình, nên thấy sói đến là bỏ chiên mà chạy.

“Người chăn chiên lành" ở đây được Chúa Giêsu giới thiệu để đối lại với các "vị câu thế" giả hiệu, những người này hứa hẹn toàn "những điều kỳ diệu”. Giờ nguy hiểm là giờ sự thật: Người chăn chiên giả hiệu, "người làm thuê" chỉ làm công việc để kiếm tiền, và tìm lợi riêng. Anh ta không cần gì đến đàn chiên, và đôi khi anh ta sẵn sàng phụ lực với chó sói để tru lên. Trong mọi trường hợp, anh ta sẽ không liều mạng sống của mình, nhưng trước hết anh ta sẽ tự cứu chính mình. Vì anh ta là kẻ làm thuê và không thiết gì đến chiên. Còn người mục tử nhân lành hy sinh mạng sống cho đàn chiên.

Trong trang này, bốn lần Chúa Giêsu nói: "Người hy sinh mạng sống của chính Người". Chúng ta không nên dừng lại ở những hình ảnh thôn dã điền viên, những "chuồng chiên" lãng mạn này. Bầu khí bây giờ thật bi thảm: "Chúa Giêsu đang nghĩ đến người mục tử chịu chết để cứu đàn chiên của mình. Hình ảnh lạ lùng, khác thường quá. Chúng ta thường nghĩ rằng: Khi một người chăn chiên chết, anh ta không thể bảo vệ đàn chiên được nữa. Nhưng Chúa Giêsu nói: Nhờ cái chết của Người, Người sẽ cứu chúng ta. Chúa Giêsu mạc khải điều này trong hoàn cảnh: Sự thù địch của những lãnh tụ tôn giáo càng lúc càng tăng, sau khi Chúa chữa lành một người mù bẩm sinh (Ga 9).

Mạng sống của tôi không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình.

Đối với Chúa Giêsu, cái chết không phải là một sự bất ngờ, cũng không phải là một ép buộc phải chịu, hay phải chấp nhận. Người đã làm cho cái chết trở thành một sự hiến dâng hoàn toàn ý thức và tự do. Cái chết của Người là một "tác động" yêu thương, yêu thương đến cùng. "Không có tình yêu nào cao cả hơn là cho những người tự hiến chính mạng sống của mình" (Ga 13,1; 15,13).

Bản văn bằng tiếng Hy Lạp của Thánh Gioan ở đây mạnh nghĩa hơn là những bản dịch có thể diễn tả. Nguyên văn có những từ sau đây: "Ta tháo gỡ linh hồn Ta ra". "Ta hiến dâng mạng sống của Ta". Cách nói khác thường này cũng ám chỉ trực tiếp bài thơ thứ IV của người đầy tớ (Is 53,10), người này hiến dâng mạng sống của mình để hy sinh cho quần chúng. Còn chúng ta thì sao? Phải chăng chúng ta sẽ giữ lại mạng sống và cái chết của chúng ta "cho chính chúng ta?". Chúng ta sẽ hiến dâng cái chết của chúng ta cho ai? Chúng ta có yêu thương người khác đủ để có thể thực hiện sự dâng hiến – tối thượng này không?

Tôi chính là người mục tử nhân lành. Tôi biết chiên của Tôi, và chiên của Tôi biết Tôi.

Khác với người làm thuê, "không thiết tha gì đến những con chiên”. Nhân loại, tất cả mọi người, đều có giá trị dưới mắt Chúa Giêsu, cho đến độ Người có thể liều mạng sống của Người cho mỗi một người trong chúng ta. Lạy Chúa, Chúa đã liều mạng sống của Chúa vì con sao?

Đúng, Ta đã yêu thương con thật tình, không phải chuyện đùa giỡn.

Qua những lời thắm thiết nồng nàn "Ta biết chiên của Ta" chứng tỏ tình yêu đã tiến rất xa. Động từ ‘biết’ trong Kinh thánh không chỉ có nghĩa là biết bằng tri thức mà là sự ‘biết’ của một người thương yêu một người khác đến độ như đã cộng sinh ra với người đó và dấn thân hoàn toàn vì người đó; như một người chồng nói về vợ mình: "Bây giờ anh biết em, anh trở thành một tạo vật mới, đấy là sự hy sinh ra lần thứ hai". Sự hiện diện mật thiết của người này trong người kia, một sự cảm thông hỗ tương, một sự hiệp thông trong tư tưởng và tâm hồn. Đấy là “cùng sống với người đó" và "dấn thân vì người đó".

Như Chúa Cha biết Tôi, và Tôi biết Chúa Cha.

Đấy là một gương mẫu. Sự thương yêu mật thiết và sống động giữa Ngôi Cha và Ngôi Con trong mầu nhiệm Ba Ngôi. Sự mật thiết giữa Chúa Giêsu và những người Chúa cứu chuộc bằng cái chết của Người, những người mà Chúa cho sinh ra nhờ cái chết của Người. Đó cũng chính là sự kết hợp mật thiết hiện có giữa các ngôi vị Thiên Chúa. Vâng chúng ta hãy nói về sự mật thiết sâu sa này: Khi nghe gọi "Maria", Mađalêna đã nhận ra ngay đó là tiếng nói của Chúa Giêsu Phục sinh (Ga 20,16). Tôi cũng thế, tôi cũng được Chúa biết rõ tên riêng của tôi. Tạ ơn Chúa, vì tình thương này.

Tôi còn có những chiên khác không thuộc đàn này. Tôi cũng phải đưa chúng về, chúng sẽ nghe tiếng Tôi và sẽ chỉ có một đàn chiên, và một người mục tử.

Trái tim Chúa Giêsu yêu thương mọi người. Tương quan sống động, việc hiệp thông sự sống giữa người mục tử và những con: chiên, "sự quen biết riêng” với từng con chiên, Chúa Giêsu xác quyết rằng sự "quen biết" này sẽ lan ra đối với tất cả mọi người không ngoại trừ ai cả. Sứ mệnh cứu độ của Người phải vươn tới tầm mục hoàn cầu. Chữ "Oicouménè" Hy Lạp có nghĩa là "toàn địa cầu có người ở”. Một lần nữa, đây là cách nói bí nhiệm của Chúa Giêsu, làm cho chúng ta tự hỏi: "Người là ai, mà có những tham vọng như thế? Người có "hơn" Người thợ mộc khiêm nhường ở Nagiarét không? Xét theo bề ngoài dường như Chúa Giêsu sắp chết trong sự thất bại hoàn toàn, bằng một cái chết nhục nhã và bị chế nhạo, một cái chết "vô ích"? Ở thế kỷ II, có một lời ghi trên một phần mộ, ký tên Abercius: "Tôi là môn đệ của một thánh Mục Tử có mắt rất to, nhìn thấy khắp nơi". Chúa Giêsu cũng vậy, Người có mắt rất to: Mỗi người một ngày nào đó, dù hư hỏng đến đâu, cũng sẽ nghe "tiếng của Người" và sẽ tự cảm thấy được Chúa thương yêu và "đoái nhìn đến", chúng ta chỉ thấy có một phần nhỏ đàn chiên của Người, Công đồng Vatican nói: Đàn chiên nhỏ, đám đông vô tận.

Sở dĩ Chúa Cha yêu mến Tôi, chính vì Tôi hy sinh mạng sống. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là lệnh của Cha Tôi mà Tôi đã nhận được.

Người thí bỏ mạng và lấy lại mạng sống của Người đễ dàng như "tháo cởi và mặc lại" áo quần. Chính những từ này đã được dùng chiều thứ Năm Tuần Thánh trong Tin Mừng theo Thánh Gioan 13,4-12.

Noel Quesson

Đức Thánh Cha lên án trào lưu bài Do thái tăng tại Âu Châu

Đức Thánh Cha lên án trào lưu bài Do thái tăng tại Âu Châu

VATICAN. Sáng ngày 20-4-2015, ĐTC đã tiếp kiến phái đoàn của Hội đồng các Rabbi Do thái Âu Châu lần đầu tiên và ngài lên án trào lưu bài Do thái đang gia tăng tại đại lục này.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC chia buồn về việc Rabbi Elio Toaff (1915-2015), nguyên Rabbi trưởng của Cộng đoàn Do thái ở Roma mới qua đời tối ngày 19-4-2015, và với lòng biết ơn, ngài nhắc đến Cố Rabbi như một người hòa bình và đối thoại, đã đón tiếp ĐGH Gioan Phaolô 2 tại Đền thờ lớn của Do thái giáo ở Roma.

ĐTC cũng kêu gọi các tín hữu Do thái và Kitô cộng tác với nhau để duy trì cảm thức tôn giáo nơi con người ngày này. Ngài nói: ”Ngày nay tại Âu Châu, một điều rất quan trọng là làm nổi bật chiều kích tinh thần và tôn giáo của đời sống con người. Trong một xã hội ngày càng bị tục hóa và bị trào lưu vô thần đe dọa, người ta có nguy cơ sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu. Con người thường bị cám dỗ đặt mình vào chỗ của Thiên Chúa, coi mình là tiêu chuẩn của mọi sự, nghĩa mình có thể kiểm soát mọi điều, cảm thấy mình được phép sử dụng tất cả những gì xung quanh theo phán đoán của mình. Điều rất quan trọng là nhớ rằng sự sống của chúng ta là một ân huệ của Thiên Chúa và chúng ta phải tín thác vào Chúa.. Các tín hữu Do thái và Kitô có hồng ân và trách nhiệm góp phần duy trì sinh động cảm thức tôn giáo của con người ngày nay và của xã hội chúng ta, làm chứng về sự thánh thiện của Thiên Chúa và của đời sống con người. Thiên Chúa là Đấng thánh và sự sống con người mà Chúa ban cũng là thánh thiêng và bất khả xâm phạm”.

ĐTC cũng bày tỏ lo âu vì xu hướng bài Do thái và một số hành vi oán thù và bạo lực ở Âu Châu. Ngài nói: ”Mỗi tín hữu Kitô phải quyết liệt lên án mọi hình thức bài Do thái, biểu lộ tình liên đới của mình với dân tộc Do thái” (Xc N.A 4). Mới đây chúng ta đã kỷ niệm 70 năm cuộc giải phóng trại tập trung Auschwitz, nơi đã diễn ra đại thảm hạa Shoah, diệt chủng Do thái. Ký ức về những gì đã xảy ra giữa lòng Âu Châu phải là lời cảnh giác cho thế hệ hiện tại và các thế hệ tương lai. Cũng cần lên án ở mọi nơi những biểu hiện oán thù và bạo lực cHóng các tín hữu Kitô và tín đồ các tôn giáo khác”.

Trong diễn văn chào mừng ĐTC, Rabbi Pinchas Goldschmidt, Rabbi trưởng ở Mascơva và là Chủ tịch Hội đồng Rabbi Âu Châu, nói đến sự kiện nhiều người Do thái ở Âu Châu cũng đang cảm thấy mình giống như các tín hữu Kitô ở Trung Đông hiện nay mặc dù nhiều chính phủ Âu Châu đã đề ra các biện pháp bảo vệ người Do thái. Người Do thái và các cơ sở Do thái bị những thành phần nhập cư cực đoan từ Trung Đông tấn công, và đàng khác người Do thái Âu Châu cũng phải chịu những công hiệu phụ do các chiến dịch bài người Hồi giáo ở Âu Châu gây ra. (SD 20-4-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Hồng Y Francis George, Tổng Giám Mục Chicago, qua đời

Đức Hồng Y Francis George, Tổng Giám Mục Chicago, qua đời

George-Cardinal-Formal-Portrait-cropped

CHICAGO. ĐHY Francis George, nguyên TGM giáo phận Chicago, Hoa Kỳ, đã qua đời ngày 17-4-2015, hưởng thọ 78 tuổi, sau gần 10 năm chiến đấu với bệnh ung thư.

ĐHY George là người đầu tiên sinh trưởng tại Chicago được bổ nhiệm làm TGM giáo phận này. Ngài thuộc dòng Hiến sinh thừa sai Đức Mẹ Vô Nhiễm (OMI), làm giáo sư triết học, rồi làm giám tỉnh trước khi làm Tổng đại diện của dòng ở Roma trong 12 năm trời. Năm 1990, ngài được bổ nhiệm làm GM giáo phận Yakima, bang Washington, sau đó thăng TGM giáo phận Portland, Oregon, nhưng chỉ 1 năm sau đó người được thuyên chuyển về Chicago, thăng Hồng Y năm 1998, rồi về hưu hồi năm 2014. ĐHY từng làm Chủ tịch HĐGM Hoa Kỳ.

Đức Cha Blase Cupich, đương kim TGM Chicago, nói rằng trong cuộc đời ĐHY George đã vượt thắng nhiều trở ngại để trở thành LM, không để cho những giới hạn thể lý làm giảm bớt lòng nhiệt thành tông đồ. Ngài bị bệnh sốt tê liệt (polio) hồi còn nhỏ nên đi khập khiễng. Trong gần 10 năm cuối đời, ngài chiến đấu với bệnh ung thư.

ĐTC đã gửi điện chia buồn với Tổng giáo phận Chicago: Đức TGM Cupich, hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân trong giáo phận. Ngài viết; ”Với lòng biết ơn vì chứng tá của ĐHY George về đời sống thánh hiên như một Hiến sinh thừa sai Đức Mẹ Vô Nhiễm. sự phục vụ của Đức Cố Hồng Y trong việc tông đồ giáo dục của Giáo Hội và những năm Người phục vụ như Giám Mục trong các giáo phận Yakima, Portland và Chicago, tôi cùng với Đức Cha phó thác linh hồn vị mục tử khôn ngoan và nhân hậu này cho lòng thương xót của Chúa, là Cha chúng ta trên trời. Tôi chân thành ban phép lành Tòa Thánh như bảo chứng ơn an ủi và niềm an bình trong Chúa, cho tất cả những ai đang khóc thương Đức Cố Hồng Y trong niềm hy vọng chắc chắn về sự phục sinh.”

Với sự qua đi của ĐHY George, Hồng y đoàn còn 223 vị, trong đó có 121 Hồng y cử tri, và chúa nhật 19-4-2015 này, số Hồng y trở lại con mức độ bình thường theo luật định tối đa là 120 vị, khi ĐHY Justin Rigali, nguyên TGM Philadelphia Hoa Kỳ, tròn 80 tuổi. (CNS 17, SD 18-4-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Trở nên nhân chứng Phục Sinh bằng đời sống

Trở nên nhân chứng Phục Sinh bằng đời sống

VATICAN. Trưa ngày Chúa nhật 19.04.2015, ĐTC đã đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng vào lúc 12h trưa trước sự hiện diện của vài chục ngàn khách hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô. Trong bài giảng, Ngài nhắn nhủ mọi người hãy trở nên nhân chứng cho Đấng Phục Sinh bằng đời sống Kitô hữu của chính mình.

Sau đây là nội dung chính bài giảng của ĐTC, Ngài nói:

"Trong các bài đọc Kinh Thánh của phụng vụ hôm nay, ngôn từ “chứng nhân” được nhắc đi nhắc lại những hai lần. Lần đầu tiên, ngôn từ ấy phát xuất từ môi miệng của Phêrô: sau khi đã chữa lành người què tại cửa Đền thờ, ông đã lớn tiếng: “Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng” (Cv 3,15). Ngôn từ ấy xuất hiện lần thứ hai từ môi miệng của Đức Giêsu Phục Sinh: chiều tối ngày lễ Vượt Qua, Ngài đã mở lòng mở trí cho các môn đệ về mầu nhiệm của cái chết và sự sống lại của mình và Ngài nói với họ: “Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24, 48).

Các tông đồ, những người đã tận mắt nhìn thấy Đức Kitô Phục Sinh, chẳng thể nào câm nín về kinh nghiệm dị thường của họ. Đức Giêsu đã tự tỏ mình ra cho các tông đồ để rồi chân lý về sự sống lại của Ngài được tất cả mọi người lãnh hội thông qua chứng từ của các tông đồ."

Nhắc đến sứ mạng của Giáo Hội phải làm chứng cho Đấng Phục Sinh, ĐTC nói:

Và Giáo Hội có nghĩa vụ phải tiếp tục sứ mạng này: những ai đã chịu phép rửa đều được kêu gọi để làm chứng, bằng lời nói và đời sống, rằng Đức Giêsu đã sống lại, Ngài hằng sống và hiện diện giữa chúng ta. 

Chúng ta có thể tự chất vấn mình: nhưng nhân chứng là ai? Nhân chứng là người đã chứng kiến nên đã hồi tưởng và thuật lại. Nhìn thấy, hồi tưởng và thuật lại là ba động từ diễn tả căn tính và sứ mạng của nhân chứng. Nhân chứng là người đã nhìn thấy bằng con mắt khách quan một thực tại, nhưng không phải với con mắt dửng dưng; nhân chứng đã nhìn thấy và dính líu đến biến cố. Vì thế, hồi tưởng lại, không phải chỉ bởi vì người ta tái thiết lại biến cố đã diễn ra một cách chính xác, nhưng bởi vì những biến cố này đã ngỏ lời với nhân chứng và người này lãnh hội biến cố ấy một cách sâu xa. Và rồi nhân chứng thuật lại, không phải với một cách thức lạnh lùng và xa cách, nhưng như thể một người để cho mình dính líu đến sự việc và từ ngày đó nhân chứng đã thay đổi  cuộc sống mình. Chứng nhân là người đã làm cho đời sống mình biến đổi.

Nội dung của chứng tá Kitô giáo không phải là một lý thuyết, một ý thức hệ hay một hệ thống phức tạp của giáo huấn và cấm đoán hay là chủ nghĩa duy đạo đức, nhưng như một sứ điệp của cứu độ, một sự kiện cụ thể, đúng hơn là một Con Người: là Đấng Kitô Phục Sinh, Đấng Cứu chuộc hằng sống và duy nhất của tất cả mọi người. Ngài có thể được minh chứng bởi những ai đã có kinh nghiệm cá nhân với Ngài, trong cầu nguyện và qua Giáo Hội, ngang qua cuộc lữ hành được đặt nền nơi Bí tích Thánh Tẩy, từ sự nuôi dưỡng của Bí tích Thánh Thể, từ dấu ấn của Bí tích Thêm Sức, và sự hoán cải liên lỉ của họ nơi Bí tích Hòa giải. Để biết ơn cuộc lữ hành này, vốn luôn được Lời Chúa hướng dẫn, mỗi Kitô hữu có thể trở nên nhân chứng cho Đức Giêsu Phục Sinh."

Nhắc đến chứng từ cần thiết của Kitô hữu cho Đấng Phục Sinh, ĐTC nói:

Và chứng từ của họ sẽ càng khả tín hơn nếu nơi họ toát lên sắc nét lối sống của tin mừng là hoan hỷ, can đảm, ôn hòa, bình an, biết thương xót. Ngược lại nếu Kitô hữu để cho mình rơi vào sự tiện nghi, sự kiêu ngạo, hay tính vị kỷ và nếu họ trở nên câm điếc và mù lòa trước đòi buộc phải làm cho  biết bao nhiêu anh chị em khác được “sống lại”, thì làm sao Kitô hữu có thể loan truyền rằng Đức Giêsu hằng sống, Ngài có uy quyền giải thoát và sự âu yếm của Ngài đến vô ngần vô hạn được ?

Đức Maria từ mẫu, phù trợ chúng ta cùng với sự chuyển cầu của Mẹ, để rồi chúng ta có thể trở nên những nhân chứng cho Đấng Phục Sinh, cùng với những giới hạn của mình, và cả với ân huệ của đức tin, hầu mang lại cho mọi người chúng ta gặp gỡ những tặng phẩm của Phục Sinh là niềm vui và bình an."

Sau kinh lạy Nữ Vương Thiên Đàng, ĐTC đã gửi lời chào đến tất cả khách hành hương đến từ nước Ý và khắp mọi nơi trên thế giới. Ngài nhắc đến những tin tức liên quan đến thảm kịch mới xảy ra trước đó ở vùng biển Địa Trung Hải. Một xà lan chở đầy người di dân đã bị lật úp đêm hôm qua cách bở biển Libia khoảng 60 hải ký và người ta lo lắng rằng có hàng trăm nạn nhân nơi đó. ĐTC đã diễn tả nỗi đau buồn của ngài khi đối diện với thảm kịch này và ngài đoan chắc sẽ tưởng nhớ đến những người thiệt mạng và gia đình của họ trong lời cầu nguyện của mình. ĐTC đưa ra lời kêu gọi cách phiền não để cộng đồng quốc tế hành động với tính quả quyết và sự khẩn trương, hầu tránh cho những thảm kịch tương tự khỏi lặp lại.          

ĐTC  nhắn nhủ rằng Chúa nhật hôm nay ở Torino cũng bắt đầu cuộc trưng bày trọng thể tấm khăn liệm thành Turin. Ngài cũng nói rằng nếu Chúa muốn, Ngài sẽ đến viếng khăn liệm vào ngày 21 tháng 06 tới. Ngài nguyện chúc cho hành vi tôn kính này có thể giúp mọi người tìm thấy nơi Đức Giêsu Kitô khuôn mặt thương xót của Thiên Chúa, và nhận ra Ngài nơi khuôn mặt của anh chị em mình, đặc biệt nơi những người đau khổ nhất. Trước khi chào tạm biệt mọi người, ĐTC không quên nhắn nhủ mọi người cầu nguyện cách đặc biệt cho Ngài.

Jos. Nguyễn Huy Mai – Vatican Radio

60000 người dự kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với Đức Thánh Cha

60000 người dự kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với Đức Thánh Cha

VATICAN. Trưa chúa nhật 12-4-2015, lễ kính Lòng Thương Xót của Chúa, 60 ngàn người từ các nơi đã tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô để tham dự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương thiên đàng với ĐTC.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã diễn giải ý nghĩa bài Tin Mừng theo thánh Gioan thuật lại cuộc hiện ra của Chúa Giêsu Phục Sinh với các môn đệ và Ngài bảo thánh Tôma hãy xỏ tay vào các vết thương của Ngài và đừng cứng lòng tin nữa.

ĐTC nhận xét rằng ”Chúa đã đáp ứng sự cứng lòng tin của Tôma, để qua những dấu hiệu khổ nạn của Ngài, ông có thể đạt tới niềm tin sung mãn về sự phục sinh, niềm tin nơi sự sống lại của Chúa Giêsu”.. Khi tiếp xúc với các vết thương của Đấng Phục Sinh, Tôma biểu lộ các vết thương của mình, tình trạng bị xâu xé, sự tủi nhục của mình; trong các dấu đanh, ông tìm được bằng chứng vững chắc mình được yêu thương, được chờ đợi, được cảm thông. Ông đứng trước một Đức Messia đầy dịu dàng, thương xót, từ ái. Đó chính là Chúa mà ông tìm kiếm trong thẳm sâu con người của ông, vì ông đã luôn biết trước là như thế. Và bao nhiêu người trong chúng ta tìm cách gặp Chúa Giêsu trong thẳm sâu tâm hồn, Chúa Giêsu dịu dàng, thương xót, từ ái! Vì trong thẳm sâu của tâm hồn chúng ta biết Người là như thế. Sau khi tìm được tiếp xúc bản thân với sự dịu dàng, lòng kiên nhẫn thương xót của Chúa Kitô, Tôma hiểu ý nghĩa sâu xa của sự sống lại, và được biến đổi trong nội tâm, ông tuyên xưng niềm tin trọn vẹn nơi Chúa và thốt lên: ”Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (v.28). Câu nói này của Tôma thật là đẹp!

Thánh nhân đã biết ”động chạm đến” mầu nhiệm vượt qua biểu lộ trọn vẹn tình thương cứu độ của Thiên Chúa, giàu lòng xót thương (Xc Ep 2,4). Và như thánh Tôma, tất cả chúng ta cũng vậy: trong chúa nhật thứ hai sau Phục Sinh này, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm trong các vết thương của Đấng Phục Sinh lòng thương xót của Thiên Chúa, vượt lên trên mọi giới hạn của nhân trần và chiếu tỏa rạng ngời trong đêm tối của sự ác và tội lỗi. Một thời điểm khẩn trương và kéo dài để đón nhận những phong phú vô biên của tình yêu thương xót của Thiên Chúa là Năm Thánh Đặc Biệt về lòng thương xót, tôi đã công bố Tông Sắc ấn định Năm này tối hôm qua (11-4) tại Đền thờ thánh Phêrô này. Tông sắc ấy bắt đầu bằng câu ”Misericordiae vultus”, khuôn mặt thương xót, chính là Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta hãy luôn nhìn ngắm Ngài, Đấng luôn luôn tìm kiếm, chờ đợi, tha thứ cho chúng ta; Chúa rất từ bi, Ngài không sợ những lầm than khốn nạn của chúng ta. Trong các vết thương của Ngài, Ngài chữa lành chúng ta và tha thứ tất cả tội lỗi chúng ta. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta cũng hãy có lòng từ bi thương xót đối với tha nhân như Chúa Giêsu thương xót chúng ta”.

Sau phép lành, ĐTC đã chào thăm nhiều nhóm hành hương, đặc biệt là ngài chào cộng đoàn Tân Dự Tòng ở Roma, bắt đầu sứ vụ đặc biệt trong các quảng trường thành phố này để cầu nguyện và làm chứng về đức tin.

ĐTC cũng không quên chào thăm và chúc mừng các tín hữu Kitô đông phương mừng lễ Phục Sinh vào ngày 12-4 này theo niên lịch Giuliano.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha ca ngợi Đức Thượng Phụ Mar Dinkha IV

Đức Thánh Cha ca ngợi Đức Thượng Phụ Mar Dinkha IV

VATICAN. ĐTC Phanxicô ca ngợi những đóng góp của Đức Thượng Phụ Mar Dinkha IV giúp cải tiến quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Assiri Đông phương.

Trên đây là nội dung điện văn chia buồn của ĐTC về sự qua đi của Đức Thượng Phụ Mar Dinkha, Giáo Chủ Giáo Hội Assiri Đông Phương, gửi đến Đức Thượng Phụ nhiếp chính Mar Aprem. Đức Cố Thượng Phụ Dinkha IV qua đời hôm 26-3 vừa qua tại Chicago, Hoa Kỳ, hưởng thọ 80 tuổi sau gần 40 năm cai quản Giáo Hội này và sẽ được an táng ngày 8-4-2015 tới đây.

Trong điện văn, ĐTC viết: ”Thế giới Kitô giáo đã mất một vị lãnh đạo tinh thần quan trọng, một vị chủ chăn can đảm và khôn ngoan, trung thành phục vụ cộng đoàn của ngài trong những thời đại có rất nhiều thách đố. Đức Thượng Phụ Mar Dinkha đã đau khổ rất nhiều vì tình trạng bi thảm ở Trung Đông, nhất là ở Irak và Siria, Ngài quyết liệt lưu ý về số phận của các anh chị em Kitô hữu chúng ta và các nhóm tôn giáo thiểu số khác phải chịu bách hại hằng ngày. Tôi nhớ lại Đức Thượng Phụ đã nói nhiều về vấn đề này trong cuộc viếng thăm gần đây của Ngài tại Roma. Tôi thành tâm cảm tạ Thiên Chúa tối cao vì sự dấn thân lâu dài của Đức Thượng Phụ nhắm cải tiến các quan hệ giữa các tín hữu Kitô và đặc biệt là giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Assiri Đông Phương. Xin Chúa đón nhận Đức Thượng Phụ vào vương quốc của Chúa và ban cho Ngài ơn an nghĩ đời đời và ước gì ký ức về sự phục vụ lâu dài và tận tụy của Ngài dành cho Giáo Hội vẫn sinh động như một thách đố và là một sự gợi hứng cho tất cả chúng ta”.

Đức Thượng Phụ Maar Dinkha IV sinh tại Irak hồi năm 1935 và được bầu làm Thượng Phụ năm 1976 sau khi vị tiền nhiệm là Đức Thượng Phụ Mar Eshai Shimun XXIII bị ám sát tại California.

Các tín hữu Kitô Assiri chia làm 3 ngành: Giáo Hội Assiri Đông phương, Giáo Hội Canđê Babylone và Giáo Hội Chính Thống Siriac. Theo truyền thống, Giáo Hội này do thánh Tôma Tông Đồ thiết lập. Giáo Hội Assiri Đông Phương hiện có khoảng từ 400 đến 500 ngàn tín hữu tại nhiều nước trên thế giới, nhất là Trung Đông.

Đức Mar Dinkha IV nhiều lần gặp gỡ các vị Giáo Hoàng tại Vatican. Tại thành phố Chicago bang Illinois nơi có trụ sở trung ương của Đức Thượng Phụ, Giáo Hội này không có trường học, cũng chẳng có chủng viện, hay đan viện, và hệ thống giáo xứ không đủ để đảm bảo sự sống còn về tinh thần cảu 100 ngàn giáo hữu ở Chicago và vùng phụ cận (RG 28-3-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Con đường hạt lúa

Con đường hạt lúa

Con đường Chúa Giêsu đã đi qua là con đường hạt lúa: "Đã đến giờ Con Người được tôn vinh. Thật, Thầy bảo anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hoa trái" (Ga 12,23-24).

Hạt lúa được gieo trên ruộng đồng. Hạt lúa mục nát rồi mới nẩy mầm, đâm bông và kết hạt. Không mục nát, hạt lúa chỉ trơ trọi một mình. Sự mục nát làm trổ sinh sự sống mới, hứa hẹn mùa gặt tương lai.

Nhìn một cánh đồng lúa xanh tươi, uốn lượn theo gió, trải dài trong nắng, căng tròn sức sống, ta nghĩ đến muôn vàn hạt lúa đã mục nát để lên xanh đồng lúa bát ngát.

1. Con đường hạt lúa Giêsu.

Từ khi nhập thể, Chúa Giêsu đã trở nên như hạt lúa gieo vào lòng đất nhân loại. Thánh Phaolô trình bày mầu nhiệm tự huỷ: "Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế". Như hạt lúa bị mục nát: "Người đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự". Như hạt lúa nẩy mầm, lớn lên, đơm bông sinh hạt: "Thiên Chúa đã siêu tôn Người, và ban tặng danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất, và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ, và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giêsu Kitô là Chúa" (Pl 2,6-11).

Phúc Âm Marcô viết: "Chúa Giêsu bắt đầu dạy cho các môn đệ biết Con Người phải chịu đau khổ rất nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và sau ba ngày sẽ sống lại" (Mc 8,31). Chúa Giêsu nói, Người phải chịu nhiều đau khổ. Phải có nghĩa là bắt buộc. Những kẻ gây đau khổ cho Chúa là những người có địa vị trong tôn giáo và xã hội, những người được coi là thuộc loại trí thức, chức cao, quyền trọng, gây nhiều ảnh hưởng trong dân.

Con đường Chúa đi, quá nhục nhã ê chề nên các môn đệ không thể chấp nhận. "Phêrô liền kéo riêng Chúa Giêsu ra và bắt đầu can trách Người. Nhưng khi Chúa Giêsu quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người liền mắng ông Phêrô: Satan, hãy lui lại đằng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Chúa, mà là của loài người" (Mc 8,32-33). Chính bản thân Chúa sẽ như hạt lúa chịu nhiều đau thương tơi tả. Mục nát là chặng đường phải đi qua để có mùa gặt trù phú.

Con đường Chúa đi thật quá hãi hùng: "Chúa Giêsu và các môn đệ đang trên đường đi Giêrusalem…Người lại kéo riêng nhóm mười hai ra và bắt đầu nói với các ông về những điều sắp xảy ra cho mình: Này, chúng ta lên Giêrusalem, và ở đó con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại" (Mc 10,32-34). Con đường mở mang Nước Trời sao quá khổ đau, bị nhạo báng, bị khạc nhổ, bị đánh đập. Hạt lúa Giêsu đã đi hết chặng đường đau khổ, mục nát trong cõi chết để đạt tới sự sống vinh quang.

2. Con đường hạt lúa các môn đệ.

Các môn đệ theo Chúa nên cùng đi trên con đường Chúa đã đi "Ai muốn theo Ta, phải bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Ta" (Mc 8,34). Thánh Phaolô kể về con đường đi của người môn đệ: "Giờ đây bị Thánh Thần trói buộc, tôi về Giêrusalem. Không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó, trừ ra điều này, là tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng: xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi. Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng gì, miễn sao tôi chạy hết chặng đường, chu toàn chức vụ tôi đã nhận từ Chúa Giêsu, là long trọng làm chứng cho Tin mừng và ân sủng của Thiên Chúa" (CV 20,22-24). Người môn đệ của Chúa coi vinh dự là "đựơc thông phần những đau khổ của Chúa, nên đồng hình đồng dạng với Chúa trong cái chết của Người, với hy vọng cũng được sống lại từ trong cõi chết" (Pl 3,10-11). Thánh Phaolô trở thành hạt lúa Tin mừng. Trải qua tiến trình đau khổ mục nát, thánh nhân đã đứng ở vị trí đầu sóng ngọn gió trên cánh đồng truyền giáo mênh mông.

Xuyên suốt dòng lịch sử Giáo hội, biết bao hạt lúa môn đệ đã chịu mục nát để Giáo hội lớn mạnh không ngừng "Máu các vị tử đạo là hạt giống trổ sinh các tín hữu". Từng thế hệ chứng nhân như những hạt giống tốt, chết đi trong lòng đất các nền văn hoá, và đã trổ sinh rất nhiều hạt lúa mới. Tất cả làm nên cánh đồng lúa thiêng liêng, mùa màng tươi tốt trong cuộc sống đạo và truyền giáo.

3. Con đường hạt lúa chúng ta hôm nay.

Con đường hạt lúa như Chúa Giêsu hay như thánh Phaolô và các tông đồ là những con đường kiễu mẫu cho chúng ta đi theo.

Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt. Muốn sống một cách trọn vẹn, trổ sinh hoa trái tốt lành, ta phải chết đi cho bản thân mình. Chết đi mỗi ngày một chút cho tính ích kỷ, giả dối hận thù ghen ghét. Mục nát đi trong đời sống thiêng liêng có nghĩa là chết cho tội lỗi, từ bỏ bản thân, từ bỏ ý riêng mình. Chết cho tội lỗi là dứt lìa những dục vọng đam mê trái luật Chúa. Chết cho tội lỗi là quyết tâm lánh xa những gì đưa đến sa ngã.

Định luật căn bản của sự sống là: "Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai bằng lòng mất sự sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho cuộc sống muôn đời" (Ga 12,25). Chết vì tình thương, vì hạnh phúc đồng loại, vì chính nghĩa, vì công lý, vì hòa bình, vì đức tin là những cái chết làm trổ sinh muôn ngàn nét đẹp cho đời.

4. Hạt lúa âm thầm và hạt lúa mục nát

Tình yêu cao quý hơn cuộc sống và mãnh liệt hơn sự chết. Cái chết của Chúa Giêsu đã nên lời yêu thương con người mọi nơi và mọi thời. Chính vì dám chết cho tình yêu nên luật yêu thương của Chúa trở nên một thách đố. Thách đố con người chui ra khỏi vỏ ốc ích kỷ của mình, ra khỏi những bận tâm, toan tính, vun quén cho mình, để sống cho tha nhân và cho Thiên Chúa. Quên mình, hiến thân, đón nhận cái chết như hạt lúa mục nát, đã từng làm cho Chúa Giêsu trăn trở, nao núng và thổn thức. Những giây phút cuối cùng giáp mặt với tử thần không thể không gay go, thống thiết và đầy thách thức: "Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này" (Ga.12,27). Thế nhưng, Người đã biến cuộc tử nạn nên lời tôn vinh Thiên Chúa và lời yêu thương con người: "Chính vì thế mà con đã đến trong giờ này" (Ga.12,27).

Nếu "Hạt lúa âm thầm mọc lên" (x. Mc 4,26-29) là hình ảnh của Tin mừng chan hoà trong một nền văn hoá, thì "Hạt lúa phải mục nát đi" (x. Ga 12,24) là con đường gian truân vất vả để làm nên một mùa gặt phong nhiêu.

LM Giuse Nguyễn Hữu An

Biến hình

Biến hình

Trong đời, có những giây phút mà ta mong muốn kéo dài mãi, nhưng nó lại trôi qua nhanh như làn gió thoảng. Đó là những giây phút hạnh phúc. Giây phút ấy thánh Phêrô hôm nay đã được hưởng khi nhìn ngắm dung nhan Đức Giêsu biến hình. Đức Giêsu đưa ba môn đệ thân tín theo trong cuộc biến hình để huấn luyện họ. Cuộc biến hình của Người diễn tiến qua ba giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất: lên núi.

Theo quan niệm của người Do thái núi cao là nơi Chúa ngự. Vì thế lên núi là đi gặp gỡ Chúa. Lên núi là một việc làm đòi nhiều cố gắng. Phải dứt bỏ khỏi những ràng buộc của cuộc sống thường ngày với những lo toan bận bịu cho bản thân, cho gia đình. Phải dành thời giờ rộng rãi cho việc leo núi. Phải phấn đấu với bản thân khi leo lên độ cao dốc dác khó đi. Nhưng lên đỉnh rồi ta sẽ thấy tâm hồn nhẹ nhàng thư thái. Đức Giêsu chỉ đưa theo ba môn đệ thân tín vì gặp gỡ với Chúa là một gặp gỡ thân tình. Chúa muốn ta đến với Chúa trong tình thân mật. Chúa muốn cùng ta thực hiện một tương giao giữa tâm hồn với tâm hồn. Chúa muốn cùng ta đối thoại riêng tư diện đối diện. Tình yêu triển nở trong thiên nhiên và trong thanh vắng. Núi cao thanh vắng là nơi chốn thuận tiện cho ta đón nhận tình yêu của Chúa và bày tỏ với Người tình yêu của ta.

Giai đoạn thứ hai: biến hình.

Trên núi cao, Đức Giêsu gặp gỡ thân mật với Chúa Cha. Bỗng chốc Người biến hình. Y phục trở nên trắng như tuyết. Khuôn mặt Người sáng láng. Thực ra, ai gặp được Chúa cũng đều biến hình. Ta hãy nhớ lại ông Môsê. Sau khi ở trên núi Sinai 40 đêm ngày tiếp xúc thân mật với Chúa, mặt ông trở nên sáng láng đến độ, khi ông xuống núi, dân chúng không dám nhìn vào. Ông phải lấy khăn che mặt, dân chúng mới dám đến gần ông. Gần đèn thì sáng. Tiếp xúc thân mật với Chúa sẽ làm thay đổi tâm hồn ta. Tình yêu của Chúa sẽ đốt nóng tâm hồn ta, xua đi sự thờ ơ nguội lạnh. Sự dịu dàng của Chúa sẽ làm cho ta bớt đi tính độc ác khắc nghiệt. Sự khiêm nhường của Chúa sẽ diệt trừ thói kiêu căng trong ta. Sự bao dung của Chúa sẽ mở rộng tâm hồn để ta biết đón nhận anh em. Sự tha thứ của Chúa đổi mới tâm hồn, rửa sạch mọi nhơ uế trong ta. Càng gần gũi Chúa, tâm hồn ta càng được thanh luyện khỏi mọi nhỏ nhen, ích kỷ. Càng yêu mến Chúa, ta càng thêm yêu mến anh em. Càng kết hiệp mật thiết với Chúa, tâm hồn ta càng nên giống Chúa hơn.

Giai đoạn ba: xuống núi.

Khi đã hưởng nếm hạnh phúc ngọt ngào ở bên Chúa rồi, ta chẳng muốn lìa xa Chúa nữa. Thánh Phêrô, trong giây phút hạnh phúc tuyệt vời, đã xin Chúa cho dựng ba lều để ở lại vĩnh viễn trên núi. Nhưng giây phút hạnh phúc thật ngắn ngủi. Đức Giêsu đưa các môn đệ trở xuống. Xuống núi để chu toàn nhiệm vụ trần gian. Nhiệm vụ ấy rất nặng nề. Đức Giêsu phải chịu đau khổ, chịu vác thánh giá, chịu đóng đinh, chịu chết rồi mới phục sinh. Thánh Phêrô cùng các tông đồ còn phải phấn đấu với những yếu đuối, sa ngã, còn phải nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thử thách trong việc rao giảng Tin Mừng, còn phải chịu đau khổ vì Thày chí thánh, còn phải trải qua cái chết đớn đau rồi mới tới được Núi Thánh thiên quốc như lòng mong ước.

Trong cuộc sống người tín hữu, lên núi chính là những giây phút dành cho việc cầu nguyện, tiếp xúc thân mật với Chúa. Đó là những buổi tham dự thánh lễ, đọc kinh và nhất là những giờ cầu nguyện riêng tư, những buổi tĩnh tâm lâu giờ trong thinh lặng. Để đến với Chúa và nhất là để kết hiệp với Chúa trong những giờ cầu nguyện, ta phải phấn đấu rất nhiều.

Trong thân mật, Chúa sẽ dạy bảo ta về đường lối của Chúa, sẽ uốn nắn ta theo chương trình của Người và sẽ biến đổi ta nên giống hình ảnh Người. Ta có thể cộng tác vào cuộc biến hình khi khao khát kết hiệp với Chúa, khi cố gắng thanh luyện bản thân, khi quên mình, ngoan ngoãn để mặc Chúa hướng dẫn bước đường.

Kỷ niệm ngọt ngào trong những giờ sống hạnh phúc bên Chúa sẽ là sức mạnh nâng đỡ ta trong những khó khăn gian khổ của đời sống. Núi thánh sẽ trở thành quê hương yêu dấu để tâm hồn ta luôn hướng về, dù còn phải vượt qua rất nhiều trở ngại cách ngăn. Thiên đàng thoáng thấy qua những giờ kết hiệp với Chúa sẽ là nguồn động viên giúp ta chu toàn mọi nghĩa vụ của con người. Như thế, khi đã xuống núi rồi, ta vẫn còn mong ước và sẽ trở lên núi mỗi khi có dịp.

Lạy Trái Tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1- Một số bạn trẻ tiêu tốn nhiều thời giờ và tiền bạc cho sắc đẹp bên ngoài. bạn nghĩ gì về tương quan giữa vẻ đẹp bên ngoài và vẻ đẹp bên trong tâm hồn?

2- Cầu nguyện có thể làm con người 'biến hình'. Bạn có tin điều đó không? bạn có quen ai đã biến đổi sâu xa nhờ cầu nguyện không?

3- Bạn đã có kinh nghiệm về việc sống hạnh phúc với Chúa bao giờ chưa?

4- Mùa Chay này bạn có thực sự muốn 'biến hình' không? Bạn sẽ làm gì để thực hiện ước nguyện đó?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

 

BỆNH PHONG TÂM HỒN

BỆNH PHONG TÂM HỒN

Thời xưa, bệnh phong là một bệnh nan y, bị mọi người kinh tởm xa lánh. Trong đạo Do thái, người mắc bệnh phong bị gạt ra ngoài lề xã hội. Họ không được sống chung với thân nhân trong xóm làng, nhưng bị xua đuổi ra ngoài đồng ruộng, vào trong rừng núi hay trong sa mạc. Họ phải ăn mặc rách rưới. Đi đến đâu cũng phải kêu to lên: “Ô uế, ô uế”, cho mọi người biết mà xa tránh. Ai tiếp xúc với người bệnh phong đều bị coi là ô uế. Ai đụng chạm vào người bệnh phong bị con như mắc tội rất nặng. Chẳng ai dám đến gần người bệnh phong. Người bệnh như thế, không những bị những vết thương trên thân xác hành hạ đau đớn mà còn bị những nỗi đau, nỗi nhục trong tâm hồn dằn vặt khổ sở. Họ bị xã hội khinh khi loại trừ. Họ bị một mặc cảm chua chát dày vò. Nhân phẩm không được tôn trọng, họ sống mà bị con như đã chết. Nhưng chưa chết được, họ vẫn phải tiếp tục sống để chịu những nỗi đau đớn còn hơn cả cái chết gặm nhấm, thiêu đốt.

Một lần nữa, Đức Giêsu lại vượt qua những biên giới cấm kỵ khi dám đến gần người bệnh phong. Không những Người đến gần mà còn đưa tay chạm vào thân mình bệnh nhân. Lòng thương yêu đã khiến Đức Giêsu dám làm tất cả. Vì thương người bệnh, Đức Giêsu đã bất chấp nguy hiểm bị lây nhiễm, đã bất chấp những điều bị coi là cấm kỵ của đạo Do Thái.

Khi chữa khỏi bệnh phong, Người đã giải thoát người bệnh khỏi những đau đớn phần xác. Từ nay anh không còn bị những vết thương hành hạ. Thân thể anh trở nên lành lặn. Da dẻ anh trở lại hồng hào tươi tắn. Khuôn mặt anh rạng rỡ. Giọng nói anh thanh tao. Anh cũng là một người như bao người khác.

Nhưng điều quan trọng hơn, đó là khi chữa anh khỏi chứng bệnh nan y, Đức Giêsu đồng thời cũng giải phóng anh khỏi những mặc cảm đè nặng tâm hồn anh bao năm tháng qua. Khi Đức Giêsu vuốt ve thân thể bệnh tật của anh. Người đã vuốt ve tâm hồn anh. Trước kia anh cảm thấy bị mọi người xa lánh. Nay anh cảm thấy qua Đức Giêsu mọi người gần gũi anh hơn bao giờ. Trước kia anh cảm thấy bị khinh miệt. Nay anh cảm thấy được trân trọng. Trước kia anh cảm thấy bị bỏ rơi. Nay, dưới bàn tay dịu hiền của Đức Giêsu, anh cảm thấy được yêu thương vỗ về. Những vết thương sâu thẳm trong trái tim anh đã liền da lành lặn. Đức Giêsu đã hồi sinh tâm hồn lạnh giá của anh.

Muốn cho mọi người chấp nhận anh tái hội nhập vào đời sống xã hội. Đức Giêsu bảo anh đi trình diện với thày cả theo như luật định. Trước kia anh bị loại trừ, bị gạt ra ngoài lề xã hội. Nay anh được bàn tay âu yếm ân cần của Đức Giêsu đón nhận anh trở lại xã hội loài người. Qua vị thượng tế, anh được công khai đón nhận. Nhân phẩm anh được phục hồi. Danh dự anh được tôn cao. Giờ đây anh có thể tự tin, vui sống giữa mọi người, như mọi người.

Chúng ta ai cũng có những mặc cảm đè nặng tâm hồn, những vết thương sâu kín, những niềm đau khôn nguôi, những nỗi buồn hầu như không ai thông cảm được. Hãy noi gương người bệnh phong chạy đến với Đức Giêsu. Người sẽ xóa đi những mặc cảm đè nặng hồn ta. Người sẽ chữa lành những vết thương bao năm gặm nhấm trái tim ta. Người sẽ xoa dịu những nỗi đau vò xé tâm tư. Người sẽ an ủi những nỗi buồn phủ kín hồn ta.

Phần ta, hãy biết noi gương bắt chước Đức Giêsu, đừng loại trừ anh em mình ra khỏi đời sống xã hội. Hãy biết đến với những anh em bị bỏ rơi. Hãy biết an ủi những anh em đang buồn khổ. Hãy biết tránh cho anh em những mặc cảm nặng nề. Hãy hàn gắn những vết thương trong tâm hồn anh em. Hãy tôn trọng danh dự và nhân phẩm của anh em. Hãy giúp cho anh em mình được hòa nhập vào đời sống cộng đoàn, đời sống xã hội. Nước ta đang quyết tâm thanh toán bệnh phong vào cuối năm nay. Xứ đạo ta cũng hãy quyết tâm thanh toán bệnh phong trong tâm hồn. Hãy diệt trừ bệnh phong chia rẽ. Hãy tẩy chay bệnh phong loại trừ. Hãy xóa đi bệnh phong phân biệt. Hãy phá tan bệnh phong nghi kỵ. Hãy bài trừ bệnh phong kết án. Nếu ta thanh toán được bệnh phong tâm hồn, thân thể xứ đạo ta sẽ liền da liền thịt, khuôn mặt xứ đạo ta sẽ hồng hào, rạng rỡ vui tươi phản ảnh được khuôn mặt đích thực của Đức Kitô.

Lạy Đức Giêsu, xin cứu độ chúng con. Amen.

CÂU HỎI GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ

1- Cha Đa-miêng và Đức cha Cát-xe đã sống với người phong và lây bệnh của họ. Có lần nào bạn đã tiếp xúc với người bị bệnh hay bị bỏ rơi chưa? Bạn có phải trả giá về hành động này không?

2- Có bao giờ bạn đã là nạn nhân bị người khác loại trừ chưa? Bạn cảm thấy thế nào? Bạn rút ra được bài học gì từ kinh nghiệm đó?

3- Bạn đã có kinh nghiệm về sự được Chúa an ủi, được Chúa cứu chữa, được Chúa tha thứ bao giờ chưa?

4- Bệnh phong tâm hồn là gì?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt