Vấn đề phát thanh qua sóng ngắn của Đài Vatican

Vấn đề phát thanh qua sóng ngắn của Đài Vatican

VATICAN. Đài Vatican dần dần sẽ bỏ hoàn toàn việc phát thanh qua sóng ngắn và thay vào đó, các chương trình được phát qua Internet.

Hôm 10-3-2017, hãng tin Fides của Bộ Truyền giáo đưa tin: ”Ban thường vụ Liên HĐGM Phi châu và Madagacar, gọi tắt là Secam, chuyên phối hợp sự cộng tác của 57 HĐGM tại đại lục này, đã lên tiếng kêu gọi ban lãnh đạo đài Vatican tái lập việc phát thanh qua sóng ngắn.

Từ năm 2012, việc phát thanh của nhiều chương trình Âu Mỹ qua sóng ngắn và sóng trung bình của Đài Vatican đã được thay thế bằng Internet, nhưng vẫn còn được duy trì cho các chương trình phát về Phi châu, Á châu và Trung Đông.

Năm nay, Ban lãnh đạo Bộ Truyền thông đã quyết định sẽ ngưng hoàn toàn việc phát thanh qua sóng ngắn, trễ nhất là vào năm 2019 và thay vào đó, sẽ phát qua Internet cho vùng Phi châu và Á châu.

Trước tin này, Ban thường vụ Liên HĐHM Phi châu và Madagascar, trong phiên nhóm tại Accra, thủ đô nước Ghana, đã gửi thư chính thức đến ban lãnh đạo mới của Đài Vatican để bày tỏ lo âu vì quyết định ngưng phát thanh qua sóng ngắn. Các GM nói rằng các chương trình phát qua sóng ngắn bảo đảm cho hàng triệu người dân Phi châu được nghe ĐTC và chia sẻ những quan tâm cũng như sứ vụ của Giáo Hội. Các GM chính thức yêu cầu tái lập việc phát thanh qua sóng ngắn.

Thư của các GM có đoạn viết: ”Trong khi chúng tôi nhìn nhận rằng các chương trình của Đài Vatican có thể nghe được qua Internet, nhưng sự kiện nhiều người dân Phi châu không có các phương tiện hoặc kỹ thuật để nghe các chương trình qua Internet.”

Liên HĐGM Phi châu và Madagascar bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và đánh giá cao vai trò của Đài Vatican từ nhiều thập niên qua, đã đóng góp vào công việc loan báo Tin Mừng cho Phi châu, huấn giáo và phát triển tinh thần cho người dân tại đại lục này”.

Và các GM Secam kết luận rằng ”Đài Vatican vẫn luôn là một nguồn tin đáng tin cậy về Giáo Hội hoàn cầu và là một kênh mau lẹ để chia sẻ tin tức về Phi châu với các nơi khác trên thế giới” (Fides 10-3-2017)

Chưa có phản ứng nào của Bộ truyền thông Vatican về lời yêu cầu trên đây của các GM Phi châu. Sau đây, chúng tôi xin gửi đến quí vị một số dữ kiện về những về Đài Vatican, và những biến chuyển gần đây.

Diễn tiến lịch sử

Đài Phát Thanh Vatican được ĐGH Piô 11 thành lập cách đây 86 năm, ngày 12-3 năm 1931 và có 40 chương trình với hơn 40 thứ tiếng, với số nhân viên hiện nay còn gần 350 người. Đài luôn được cập nhật về kỹ thuật để đáp những đòi hỏi của thời đại mới.

Trong kế hoạch cải tổ các cơ quan Tòa Thánh, ngày 27-6 năm 2015, ĐTC Phanxicô đã ban hành tự sắc gộp 9 cơ quan thông tin của Tòa Thánh thành Bộ Truyền thông, đó là Hội đồng Tòa Thánh truyền thông xã hội, Phòng báo chí Tòa Thánh, dịch vụ Internet Vatican, Đài phát thanh Vatican, Trung Tâm Truyền hình Vatican, Báo Quan sát viên Roma, Nhà in Vatican, dịch vụ hình ảnh, Nhà xuất bản Vatican.

Ngài cũng bổ nhiệm Đức ông Dario Viganò, nguyên là Tổng giám đốc Trung Tâm Truyền hình Vatican, làm Bộ trưởng của bộ mới lập, và Đức Ông Lucio Adrian Ruiz, người Argentina, làm Tổng thư ký của Bộ này.

Ngày 6 tháng 9 năm 2016, ĐTC ban hành qui chế của Bộ Truyền thông, theo đó Bộ này gồm có 5 phân bộ là: Tổng vụ, biên tập, Phòng báo chí Tòa Thánh, kỹ thuật, và sau cùng là thần học mục vụ.

Từ đó, các vị lãnh đạo của Bộ xúc tiến việc gộp 9 cơ quan lại và đề ra đường hướng cũng như những qui tắc chi tiết cho các hoạt động của Bộ. Tổng số các nhân viên của Bộ Truyền thông vào khoảng 700 người, trong đó một nửa là nhân viên của Đài Vatican.

Từ ngày 1-1 năm nay, 2017, danh xưng ”Radio Vaticana”, Đài Phát Thanh Vatican, không còn giá trị pháp lý nữa.

Từ ngày 1-12 năm 2016, Đài Vatican ngưng phát qua các làn sóng trung bình và cả một số chương trình ngưng phát qua các làn sóng ngắn. Các sóng ngắn này còn được sử dụng để phát các chương trình hướng về Phi châu và Á châu, trong đó có chương trình tiếng Việt, nhưng theo dự kiến, việc phát sóng ngắn còn lại này cũng sẽ chấm dứt trễ nhất là trước năm 2019 tới đây. Các chương trình của đài sẽ còn chỉ được phát qua Internet.

Đức Ông Bộ Trưởng Dario Viganò loan báo đã có một hợp đồng với Facebook, qua đó 44 nước Phi châu có thể nhận được các sứ điệp của Đức Giáo Hoàng qua điện thoại di động thông minh, nhờ một Apps, một thảo chương thích hợp.

Vẫn theo Đức Ông Viganò, Trung tâm phát tuyến Santa Maria di Galeria, một khu vực rộng 440 hecta, tức là rộng gấp 10 lần lãnh thổ Quốc gia thành Vatican, cách Roma 18 cây số, sắp bị đóng cửa, vì các ăng ten và máy phát tuyến ở đây sẽ không còn hoạt động nữa. 30 nhân viên kỹ thuật đã và đang được chuyển về các cơ sở của Đài Vatican và các phân bộ khác thuộc Bộ truyền thông.

Ngoài ra, ban lãnh đạo Bộ truyền thông sẽ nhường làn sóng FM 93,3 megaxich ở vùng Roma cho đài RTL, Phát thanh và truyền hình Luxemburg, và thay vào đó, sẽ sử dụng Radio Digital, kỹ thuật số, để phát trên toàn lãnh thổ Italia, dù rằng phương tiện truyền thông mới mẻ này chưa được thông dụng lắm ở nước này.

Đài Vatican có chi phí là 26 triệu Euro, và việc bỏ phát chương trình trên sóng ngắn chắc chắn sẽ giúp tiết kiệm một phần ngân khoản này, nhưng cũng cần để ý rằng 70% ngân sách của đài Vatican là để trả lương cho các nhân viên. Các ban ngành trong Bộ đều nhận được lệnh phải giảm chi và tiết kiệm tối đa.

Trong số các chương trình bị cắt giảm hoặc hủy bỏ trong kế hoạch giảm chi có hai nhật báo truyền thanh bằng tiếng Ý hằng ngày lúc 12 giờ trưa và 17 giờ chiều, và được thay thế bằng những ấn bản “chớp nhoáng” nhập khẩu từ mạng công giáo Italia InBlu. Tạp chí truyền thanh lúc 21 giờ 30 bằng tiếng Pháp mỗi ngày cũng bị hủy bỏ.

Để huấn luyện các nhân viên về kỹ thuật đa phương tiện, Đức Ông Viganò đã đăng ký cho 50 nhân viên theo học khóa tu nghiệp tại Trường doanh nghiệp của đại học LUISS ở Roma, thuộc Liên đoàn công nghệ Italia.

Nhận xét và giải thích của cha Lombardi SJ

Để hiểu rõ hơn những thay đổi trên đây, cũng nên để ý đến nhận xét của Cha Federico Lombardi, dòng Tên, đã từng làm Giám đốc các chương trình, rồi làm Tổng Giám đốc của Đài Vatican trong 25 năm, tức là cho đến năm 2015.

Trong thư gửi ký giả Sandro Magister truyền đi ngày 7-3-2017 (magister.blogautore.espresso.repubblica.it), Cha cho biết trong những năm gần đây, có khoảng 1 ngàn đài phát thanh, lớn nhỏ khác nhau, trên thế giới, phát lại các chương trình của đài Vatican tại 80 quốc gia năm châu. Dĩ nhiên điều này không xảy ra tại các nước không có đài phát thanh Công Giáo hoặc đài tư nhân. Vì thế phần lớn các chương trình của Đài Vatican được các đài khác tiếp sóng và truyền đi, ví dụ tại Brazil, Ba Lan, Pháp, và tại Tiệp khắc, Slovak, Slovenia, v.v.

Chương trình phát thanh của Đài Vatican qua Internet bắt đầu và lan rộng từ thập niên 1990. Phương thức này liên hệ tới tất cả các chương trình của đài và ngày càng được coi là con đường ưu tiên để phát thanh, đến độ những năm gần đây có nhiều đài khác muốn tải từ internet các chương trình của Đài Vatican xuống và phát lại, thay vì nhận các chương trình đó từ vệ tinh. Chính vì thế từ vài năm nay, Đài Vatican không còn dùng vệ tinh trên Ấn độ dương nữa, vì không còn cần thiết.

Internet dĩ nhiên có lợi điểm là nghe tuy theo nhu cầu những chương trình đã thu và phát, tùy theo thời gian thuận tiện của mình, mà không cần phải nghe trực tiếp vào lúc chương trình được phát đi. Trên Internet, đài cũng khai triển một trang mạng thông tin quan trọng với các văn bản bằng 40 thứ tiếng thuộc 13 mẫu tự khác nhau.

Trong bối cảnh liên tục tiến triển của ngành truyền thông những năm qua, việc sử dụng sóng ngắn và sóng trung bình dần dần mất đi tầm quan trọng, nhất là tại những nơi có thể tiếp sóng và truyền lại các chương trình qua một đài khác. Vì thế, đến lúc nào đó, tại một số miền, việc phát thanh qua sóng điện trở nên thừa thãi và có thể không dùng phương thế này nữa.

Đó là trường hợp các chương trình phát qua sóng ngắn hướng về Âu Châu, Mỹ châu và Úc châu, nghĩa là giảm bớt 50% hoạt động của trung tâm phát tuyến Santa Maria di Galeria.

Trái lại, Đài thấy rằng nên giữ các chương trình phát qua sóng ngắn hướng về một số miền khác trên thế giới, nhất là Á châu, Trung Đông và Phi châu, kể cả Cuba, nơi mà các đài địa phương không thể phát lại, ví dụ như tại Trung Quốc, Ấn độ, Việt Nam, Trung Đông, các nước Hồi giáo, vùng Sừng ở Phi châu, Nigeria, v.v. hoặc tiếp tục phát sóng ngắn về những vùng vẫn còn ít sử dụng Internet hoặc đài phát thanh địa phương quá yếu không thể phát cho những vùng rộng lớn.

Hướng đi trên đây không phải của riêng đài Vatican mà thôi, nhưng nhiều đài phát thanh lớn khác trên thế giới cũng hành động tương tự đối với các chương trình phát sóng ngắn. Khi quyết định như thế, – Cha Lombardi nói – chúng tôi cũng để ý tới sự kiện các thính giả ở trong tình trạng khó khăn, tuy họ không đông đảo, nhưng họ gặp khó khăn vì nghèo túng, vì tự do bị giới hạn hoặc lý do khác, nên đáng cho chúng tôi dấn thân.

Sứ mạng của Đài Vatican là thông truyền sứ điệp Tin Mừng và phục vụ Đức Thánh Cha trong sứ vụ hoàn cầu của ngài. Để được vậy, cần phải sử dụng những phương thế thích hợp, những phương thế này chắc chắn là thay đổi với thời gian. Nếu sóng ngắn hữu ích cho một số vùng địa lý, để ý tới tình trạng Giáo hội hoặc chính trị, thì nên tiếp tục sử dụng chúng, nếu chúng ta có thể đạt tới mục đích bằng cách sử dụng phương thế khác, thì chúng ta bỏ sóng ngắn. Đó là điều được trình bày cho Hội đồng 15 Hồng Y.

Cha Lombardi cũng cho biết các đài lớn trên thế giới đã nghiên cứu phát thanh Digital, kỹ thuật này có chất lượng cao hơn, nhưng các nhà sản xuất máy thu thanh không tin tưởng nơi phương thế này, vì cho đến nay đài Digital không thành công nhiều trên bình diện quốc tế, vì thiếu phương thế để nghe với giá cả phải chăng. Tuy rằng những nước lớn như Trung Quốc, đã tiếp tục phát triển đài cho thị trường địa phương của họ.

Nhận xét của ký giả Sandro Magister

Sau cùng, cũng nên nói đến nhận xét của Ông Sandro Magister, một ký giả kỳ cựu tại phòng báo chí Tòa Thánh.

Trong một blog truyền đi ngày 3-3-2017, Ông cho biết trong khi Đài Vatican chấm dứt việc phát các chương trình qua sóng ngắn, thì Trung Quốc đang làm cho không gian tràn ngập các chương trình phát thanh sóng ngắn bằng mọi thứ tiếng.

Và Đài BBC tiếng Anh được chính phủ tài trợ thêm 85 triệu bảng Anh để tăng cường các chương trình phát sóng ngắn, đi tới hàng triệu thính giả khác, vượt qua con số 65 triệu thính giả hiện nay, nhất là tại Nga, Bắc Triều Tiên, Trung Đông và Phi châu.

Về phần đài phát thanh NHK của Nhật bản, ban lãnh đạo đài này đã xin Vatican cho sử dụng Trung tâm phát tuyến Santa Maria di Galeria để tăng cường các chương phát phát sóng ngắn của Đài này hướng về Phi châu, lý do vì trung tâm phát của đài này ở Đảo Madagascar được sử dụng từ trước đến nay, nay đã quá tải rồi.

Trung Tâm Santa Maria di Galeria có chất lượng cao được thế giới nhìn nhận và Đài Vatican có thể cho Đài NHK của Nhật thuê để có thêm tài chánh.

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha cổ võ hiệp nhất Công Giáo và Anh giáo

Đức Thánh Cha cổ võ hiệp nhất Công Giáo và Anh giáo

ROMA. ĐTC cổ võ thái độ khiêm tốn và cùng thực thi các công tác từ bi thương xót như con đường tìm về hiệp nhất giữa Công Giáo và Anh giáo.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong bài giảng chiều chúa nhật 26-2-2017 khi viếng thăm giáo xứ ”Các Thánh” (All Saints) của Anh giáo tại Roma, nhân dịp kỷ niệm 200 năm thành lập giáo xứ này, và đây cũng là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng viếng thăm một nhà thờ Anh giáo ở Roma.

Trong số những người hiện diện ở Thánh Đường, có ĐGM Anh giáo Robert Innes đặc trách vùng Âu Châu, Mục Sư Jonathan Boardman, chánh sở Giáo xứ Anh giáo ”Các Thánh”, ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, ĐHY Kasper nguyên chủ tịch Hội đồng này, và ĐHY Georg Pell người Úc, Bộ trưởng kinh tế của Tòa Thánh.

Mở đầu cuộc viếng thăm, sau lời chào mừng, ĐTC đã làm phép dầu thánh và xông hương bức ảnh Chúa Kitô Cứu Thế và cùng các GM hiện diện thắp nến trước bức ảnh. Tiếp đến là nghi thức lập lại lời hứa khi chịu phép rửa tội.

Trong bài giảng sau đoạn thư thánh Phaolô gửi các tín hữu thành Corinto, ĐTC nhắc đến những chia rẽ trong cộng đoàn này và những khó khăn thánh Phaolô gặp đối với cộng đoàn tại đây và ngài nói rằng:

”Khi chúng ta là cộng đoàn các tín hữu Kitô đã chịu phép rửa, đứng trước những bất hòa, chúng ta hãy đặt mình trước tôn nhan thương xót của Chúa Kitô để vượt thắng những bất hòa ấy, chúng ta cũng hãy làm như thánh Phaolô đã làm tại một trong những cộng đoàn Kitô tiên khởi..

”Nếu chúng ta nhìn nhận sự yếu đuối của chúng ta và xin lỗi, thì lòng thương xót chữa lành của Thiên Chúa sẽ chiếu tỏa rạng ngời trong chúng ta và cũng trở nên hữu hình ở bên ngoài; có thể nói qua chúng ta người khác cũng thấy được vẻ đẹp dịu hiền của tôn nhan Chúa Kitô”.

ĐTC nói thêm rằng ”Một tình hiệp thông chân thực và vững chắc sẽ tăng trưởng và vững mạnh khi ta cùng nhau hoạt động cho những người túng thiếu. Qua chứng tá hòa hợp về đức bác ái, tôn nhan thương xót của Chúa Giêsu sẽ trở nên hữu hình trong thành thị của chúng ta”.

Và ngài kết luận rằng: ”Hỡi các tín hữu Công Giáo và Anh giáo, chúng ta hãy khiêm tốn cảm tạ Chúa vì sau 2 thế kỷ nghi kỵ nhau, giờ đây chúng ta có thể nhìn nhận rằng ơn thánh phong phú của Chúa Kitô cũng đang hoạt động nơi những người khác. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì giữa các tín hữu Kitô có sự gia tăng ước muốn xích lại gần nhau hơn, ước muốn này được biểu lộ qua việc cầu nguyện chung và cùng làm chứng tá Tin Mừng, nhất là qua những hình thức phục vụ khác nhau.. Chúng ta hãy khích lệ nhau trở thành những môn đệ ngày càng trung thành với Chúa Giêsu, ngày càng tự do đối với những thành kiến quá khứ, và ngày càng mong muốn cầu nguyện cho nhau và với nhau”.

Trong cuộc viếng thăm, ĐTC đã chúc lành cho sáng kiến giáo xứ ”Các Thánh” của Anh giáo kết nghĩa với Giáo Xứ Công Giáo cùng tên ở Roma. Ngài cũng trả lời câu hỏi do một số tín hữu Anh giáo nêu lên.

Trong một câu trả lời, ĐTC cho biết ngài cùng với các cộng sự viên đang nghiên cứu dự án viếng thăm nước Nam Sudan cùng với Đức Giáo Chủ Anh giáo, theo mời đề nghị của một số GM Công Giáo, Tin Lành Trưởng lão và Anh giáo. (SD 26-2-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn Do thái giáo

Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn Do thái giáo

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến một phái đoàn Do thái sáng 23-2-2017, ĐTC đề cao cuộc đối thoại huynh đệ giữa các tín hữu Công Giáo và Do thái.

Phái đoàn gồm 89 người gồm các nhà xuất bản do Rabbi Abraham Skorka, người Argentina, hướng dẫn, đến trao tặng ĐTC ấn bản đặc biệt sách Torah. Rabbi cũng là ngừơi bạn của Ngài từ lâu ở Argentina.

Sách này gồm 5 cuốn đầu tiên của Bộ Kinh Thánh (Ngũ Thư), nhưng cũng có nghĩa rộng lớn hơn. Vì thế, lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC nhắc lại lời Thánh Gioan Phaolô 2 định nghĩa sách Torah là ”Giáo huấn sinh động của Thiên Chúa hằng sống” (6-12-1990), biểu lộ tình hiền phụ và thành tâm của Thiên Chúa, một tình yêu được làm bằng những lời nói và cử chỉ cụ thể, một tình yêu trở thành giao ước”.

ĐTC cũng nhận xét rằng ”Cuộc đối thoại huynh đệ và có cơ chế giữa các tín hữu Kitô và Do thái ngày nay đã vững chắc và hữu hiệu, qua một cuộc đối chiếu liên tục và cộng tác với nhau. Món quà anh chị em tặng hôm nay được tháp nhập trọn vẹn trong cuộc đối thoại ấy, một cuộc đối thoại không những được diễn tả qua lời nói, nhưng còn qua các cử chỉ nữa. Phần dẫn nhập rộng rãi vào ấn bản Torah này và chú thích của Nhà Xuất Bản nhấn mạnh thái độ đối thoại ấy, biểu lộ một quan điểm văn hóa cởi mở, trong sự tôn trọng nhau, trong an bình, hòa hợp với sứ điệp tinh thần của Torah” (SD 23-2-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Nữ tu Đaminh cao niên nhất qua đời ở tuổi 110

Nữ tu Đaminh cao niên nhất qua đời ở tuổi 110

Paris – Giáo phận Aire-et-Dax, Pháp, thông báo rằng nữ tu Marie Bernardette, nữ tu Đaminh cao niên nhất, đã từ trần hôm 13/02 vừa qua, tại đan viện ở tỉnh Dax, hưởng thọ 110 tuổi. Thánh lễ an tang sẽ được tổ chức tại nhà nguyện của đan viện.

Sơ Bernardette sinh ngày 05/01/1907 tại Orsanco, một làng nhỏ ở xứ Basque, nước Pháp, trong gia đình có 12 người con. 3 người chị em khác của sơ cũng là nữ tu. Hôm ngày 05/01 vừa qua, sơ đã mừng sinh nhật thứ 110. Nếu còn sống, sơ sẽ kỷ niệm 90 năm khấn dòng vào ngày 18/04. Sơ đã sống qua hai cuộc chiến tranh thế giới và dưới thời của 10 vị Giáo hoàng.

Trong một bài báo của tạp chí Công giáo Pháp La Croix, nữ tu viện trưởng cho biết công việc của sơ Bernadette cũng thay đổi theo tuổi tác của sơ. Khi sơ không còn làm những công việc nhà nữa, sơ làm các tràng hat. Và khi sơ không thể làm tràng hạt được nữa, sơ đọc kinh Mân côi mỗi ngày bằng tiếng Pháp, Latinh và ngôn ngữ xứ Basque. Sơ cầu nguyệ nhiều cho Đức Giáo hoàng, cho ơn goi và cho hội dòng.

Hôm 20/02, nữ tu Candila Bellotti thuộc dòng Phục vụ bệnh nhân ở Lucca, Italia, cũng đã mừng sinh nhật thứ 110 và trở thành nữ tu cao niên nhất thế giới. (CAN 21/02/2017)

Hồng Thủy

 

Pháp cấm các trang mạng phò sinh nhưng không “công khai tuyên bố” phò sinh

Pháp cấm các trang mạng phò sinh nhưng không “công khai tuyên bố” phò sinh

Các người phò sự sống tìm cách ảnh hương đến quyết định phá thai của phụ nữ có thể bị phạt tù 2 năm.

Hôm chiều thứ 5, 16/02/2017, Quốc hội Pháp, với đa số thuộc đảng xã hội, đã thông qua đạo luật cấm những trang mạng không công khai mình phò sự sống nhưng tìm cách thuyết phục phụ nữ bỏ ý định phá thai. Tội phạm mới này có thể bị phạt tù 2 năm hoặc phạt tiền 30 ngàn euro.

Laurence Rossignol, bộ trưởng về quyền phụ nữ nói rằng những người phò sự sống vẫn được tự do lên tiếng chống lại việc phá thai, miễn là họ công khai tuyên bố mình là ai, mình làm gì và mình muốn gì.

Luật của Pháp đã ngăn cản những người phò sinh biểu tình bên ngoài các cơ sở phá thai. Những người ủng hộ dự luật mới cho rằng chiến thuật phò sự sống đã hoạt động trên mạng internet và phải bị dừng lại.

Đức Tổng Giám mục Georges Pontier của Marseille, chủ tịch hội đồng Giám mục Pháp đã viết thư cho Tổng thống Francois Hollande để bày tỏ lo ngại về dự luật. Ngài kêu gọi Tổng thống đừng cho phép thông qua dự luật này. Ngài gọi nó là một “vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc dân chủ”.

Hàng chục ngàn người đã xuống đường ở Paris để phản đối chống lại luật này. Các người biểu tình mang theo biểu ngữ viết: “Bảo vệ người yếu đuối thì thật sự mạnh mẽ.” (Catholic Herald 17/02/2017)

Hồng Thủy

Đức Hồng Y Bangkok gửi sứ điệp đến Đức tân Tăng thống Phật giáo Thái lan

Đức Hồng Y Bangkok gửi sứ điệp đến Đức tân Tăng thống Phật giáo Thái lan

Bangkok – Các tín hữu Công giáo Thái lan “sẵn sàng cộng tác” với các tín hữu Phật giáo và tín đồ các tôn giáo khác hiện diện tại Thái lan, để “xây dựng hòa bình và ổn định cho quốc gia”, qua việc “đối thoại, như anh chị em”. Đức Hồng y Francis Xavier Kriengsak Kovidhavanij, Tổng giám mục Bangkok, chủ tịch Hội đồng Giám mục Thái lan, đã nhấn mạnh điều này trong sứ điệp gửi đến Đức Tăng Thống mới của Phật giáo nguyên thủy.

Chiều hôm qua, trong cuộc nói chuyện tại đền thờ Ratchabophit Sathit Maha Simaram, Đức Hồng y dẫn đầu phái đoàn Giám mục, nhân danh các Giám mục và tín hữu Công giáo Thái lan, gửi đến Đức Tăng Thống Umporn Umparow sứ điệp chúc mừng. Đền thờ Ratchabophit Sathit Maha Simaram cũng là nơi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II gặp vị Tăng thống Phật giáo thứ 18, Somdej Phra Ariyawongsagatanana, vào ngày 10/05/1984, trong chuyến tông du Á châu.

Trong sứ điệp chúc mừng, Đức Hồng y cũng nói đến mục đích cuối cùng là “chung sống hòa bình” để Thái lan trở thành một gương mẫu cho các dân tộc khác.” Đức Hồng y cũng cầu xin Thiên Chúa ban sự khôn ngoan tràn đầy và sức khỏe dồi dào cho Đức Tăng Thống để ngài “hướng dẫn Phật giáo ở Thái lan đến sự tăng trưởng liên tục.”

Ngày 07/02 vừa qua, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã nhân danh vua Rama X, bổ nhiệm Đức tân Tăng thống Phật giáo Thái. Đức Hồng y Kovidhavanij khẳng định “niềm vui của tất cả tín hữu Công giáo về sự chọn lựa vị Tăng thống mới này, người được ngưỡng mộ bởi cách cử xử đáng khen ngợi, bởi thái độ khiêm tốn và tôn trọng mà ngay cả tín đồ các tôn giáo khác cũng đánh giá cao.

Đức Hồng y kết luận rằng nhờ sự lãnh đạo khôn ngoan của các quốc vương Thái lan, từ 5 thế kỷ qua, các Kitô hữu có thể hưởng cuộc sống hạnh phúc cùng với các anh chị em Phật giáo.

Tại Thái lan, Phật giáo là tôn giáo phổ biến nhất với 93,6% dân số, với phần lớn thuộc ngành. 4,6% dân số theo Hồi giáo, và Kitô hữu chiếm khoảng 1% dân số. (Asia News 15/02/2017)

Hồng Thủy

 

Đức Thánh Cha sẽ đến Fatima như một người hành hương

Đức Thánh Cha sẽ đến Fatima như một người hành hương

FATIMA. LM Carlos Cabecinhas, Giám đốc Đền thánh Đức Mẹ Fatima, Bồ đào nha, cho biết ĐTC Phanxicô sẽ đến Fatima như một người ”hành hương”, cầu nguyện với các tín hữu hành hương tại đây.

Cha Cabecinhas đã được HĐGM Bồ đào nha bổ nhiệm làm Tổng điều hợp viên cuộc viếng thăm của ĐTC tại Fatima trong hai ngày 12 và 13-5 tới đây, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ bắt đầu hiện ra tại đây ngày 13-5 năm 1917 với 3 mục đồng.

Hôm 10-2-2017, cha nói với với báo chí rằng chương trình chi tiết chuyến viếng thăm của ĐTC sẽ được công bố 2 tháng trước khi cuộc viếng thăm diễn ra. Ban tổ chức sẽ tôn trọng ý muốn rõ ràng của ngài và dành ưu tiên cho chiều kích tinh thần. Cha cho biết công việc tổ chức cùng với chính phủ Bồ đào nha đang tiến hành. ĐTC sẽ tới phi trường Monte Real và thẳng Fatima chứ không khởi sự từ thủ đô Lisboa.

Cũng liên quan đến Fatima, nữ tu Angelo Coelho, Phó thỉnh nguyện viên án phong chân phước cho chị Lucia, cho biết đã hoàn tất bộ hồ sơ dài 15 ngàn trang về Chị Lucia (1907-2005) để gửi về Bộ Phong Thánh ở Roma xin cứu xét.

Các tập hồ sơ gồm tất cả các bút tích, thư từ của chỉ Lucia, cũng như chứng từ của các nhân chứng về đời sống và các nhân đức của chị Lucia một trong 3 mục đồng đã được Đức Mẹ hiện ra năm 1917 và qua đời năm 2005 thọ 98 tuổi. Cuộc điều tra ở cấp giáo phận đã được khởi sự hồi năm 2008 sau khi ĐTC Biển Đức 16 chuẩn chước và cho mở án phong cho chị Lucia sớm hơn 2 năm, so với thời hạn phải đợi ít là 5 năm sau khi qua đời (Ecclesia 12-2-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Trong lúc bị căng thẳng, Đức Phanxicô viết tin nhắn cho thánh Giuse

Trong lúc bị căng thẳng, Đức Phanxicô viết tin nhắn cho thánh Giuse

Trong tạp chí số 4000 của nguyệt san “Văn minh Công giáo” của dòng Tên ra ngày 09/02/2017, có đăng bài nói chuyện của Đức Giáo hoàng Phanxicô với các Bề trên cao cấp các dòng nam vào cuối tháng 11/2016. Trong bài nói chuyện, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chia sẻ kinh nghiệm vượt qua những căng thẳng của ngài.

Một vị bề trên hỏi Đức Giáo hoàng làm sao để có thể giữ được cảm giác bình an, ngài đã đùa rằng ngài không uống thuốc an thần. Ngài nói: “Người Italia có một bài học hay – để sống trong bình an bạn cần một thái độ lành mạnh “không thể quan tâm ít hơn”. Tôi không ngại chia sẻ với các bề trên rằng tôi đang có một kinh nghiệm hoàn toàn mới. Ở Buenos Aires, tôi lo lắng nhiều hơn. Tôi thú nhận điều này. Tôi cảm thấy căng thẳng và lo lắng hơn. Căn bản là tôi không được như bây giờ. Từ giây phút tôi được chọn tôi đã có một cảm giác bình an sâu thẳm. Và điều đó chưa bao giờ lìa bỏ tôi. Tôi bình an. Tôi không biết diễn giải nó thế nào.”

Đức Giáo hoàng nói thêm rằng khi có một vấn đề xảy đến, ngài viết nó lên một mảnh giấy và đặt nó dưới tượng của thánh Giuse đang ngủ mà ngài có ở trong phòng ngài. Đức Giáo hoàng nói: “Bây giờ thánh Giuse ngủ trên một tấm nệm của những mảnh giấy” mà Đức Giáo hoàng đã nhét vào. Ngài giải thích đó là lý do “tôi ngủ ngon: đó là ơn Chúa.”

Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng chỉ ra sức mạnh của lời cầu nguyện. Sau khi cầu nguyện, “bình an lớn lên trong tôi … bình an của tôi là quà tặng từ Thiên Chúa.” (Catholic Herald 10/02/2017)

Hồng Thủy

Bản dịch Thánh Kinh được thực hiện chung bởi Công giáo và Tin lành Đức

Bản dịch Thánh Kinh được thực hiện chung bởi Công giáo và Tin lành Đức

Stuttgart, Đức – 5 thế kỷ sau cuộc Cải cách của Tin lành, các lãnh đạo Công giáo và các Giáo hội Tin lành Luther đã hiệp nhất với nhau trong việc đưa ra các bản dịch Thánh Kinh mới. Các bản dịch Thánh Kinh tiếng Đức được chỉnh sửa đã được đưa ra trong một buổi họp mặt đại kết tại nhà thờ thánh Eberhard của Công giáo, với sự có mặt của các chức sắc tôn giáo của hai bên.

Đức Hồng y Reinhard Marx của tổng giáo phận Munich và Freising, chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, đã nhấn mạnh Sách Thánh như là sợi dây liên kết chặt chẽ được chia sẻ bởi các tín hữu Công giáo và Tin Lành. Ngài nói: “Thánh Kinh là nguồn nước sống động. Nước kín múc từ nguồn này không suy giảm đi nhưng gia tăng. Chúng ta càng tranh luận về Thánh Kinh thì chúng ta càng cảm nghiệm được mầu nhiệm Chúa Kitô.” Ngài cũng bày tỏ sự vui mừng khi các Giáo hội đặt Lời Chúa ở giữa họ trong năm 2017 có ý nghĩa đại kết này.

Trong năm vừa qua, các bản dịch Thánh Kinh của Công giáo và Tin Lành được xem xét và sửa chữa. Một nhóm 200 người của hai Giáo hội đã tham gia vào tiến trình chỉnh sửa này.

Đức Giám mục Tin Lành Heinrich Bedford-Strohm, chủ tịch Hội đồng Giáo Hội Tin lành tại Đức nhận định: “Với các bản dịch mới, chúng ta ghi nhớ nền tảng được chia sẻ của chúng ta – Sách Thánh – và cùng nhau diễn tả sự tôn trọng đối với bản dịch của nhau,” Ngài cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Thánh Kinh như nền tảng được chia sẻ của đời sống Kitô hữu khi nói đến Thánh kinh chứa đầy những câu chuyện đức tin của con người.

Các vị lãnh đạo của Công giáo và Tin lành thông báo rằng họ sẽ dùng bản dịch Thánh Kinh mới trong các buổi đại kết trong tương lai.

Cuộc cải cách của nhà thần học Martin Luther xảy ra vào năm 1517 khi ông phát triển 95 luận đề chất vấn các thực hành lâu đời của Giáo hội Công giáo. Cuộc cải cách gây ra một cuộc chiến tranh tôn giáo, để lại sự chia rẽ sâu sắc giữa các tín hữu Tin lành và Công giáo hàng thế kỷ. Trong những năm qua, cả hai Giáo hội đã tiến lại gần nhau hơn. Việc đưa ra bản dịch Thánh Kinh là một trong những hoạt động đại kết được cổ võ bởi cả hay bên trong suốt năm 2016. (CNS 10/02/2017)

Hồng Thủy

Tình huynh đệ giữa Đức Phanxicô và Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức sau 4 năm

Tình huynh đệ giữa Đức Phanxicô và Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức sau 4 năm

Ngày 11/02/2013, Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức đã thông báo quyết định từ chức. 4 năm trôi qua, quyết định của ngài có thể được mọi người hiểu cách sâu sắc hơn nhờ tình huynh đệ ngoại thường giữa ngài và Đức Giáo hoàng đương kim Phanxicô. Trong cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Alessandro Gisotti, cha Lombardi, nguyên Giám đốc đài Vatican và Giám đốc phòng Báo chí Tòa Thánh, hiện là Giám đốc Quỹ Joseph Ratzinger-Benedetto XVI, đã nói về chứng tá mà Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức để lại cho Giáo hội trong những năm ẩn dật và cầu nguyện này.

Cha Lombardi cho biết là cách sống của Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức trong những năm này đúng với những gì ngài đã nói, đó là sống trong cầu nguyện, trong ẩn dật, từ quan điểm thiêng liêng và sự kín đáo cao độ, sự đồng hành của ngài với đời sống của Giáo hội trong lời cầu nguyện và cả sự liên đới với đấng kế vị của ngài trong trách nhiệm. Điều này đang xảy ra với sự thanh thản hoàn toàn.

Trong những tháng gần đây, cha Lombardi cũng có cơ hội gặp Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức. Cha hy vọng được gặp ngài nhiều hơn khi cha chịu trách nhiệm về Quỹ Joseph Ratzinger-Benedetto XVI. Cha nhận thấy Đức nguyên Giáo hoàng hoàn toàn sáng suốt về tinh thần cũng như trí tuệ, và đối với cha, gặp gỡ ngài thật là một niềm vui. Cha cho biết, thời gian qua, dĩ nhiên sức khỏe thể lý của Đức nguyên Giáo hoàng có giảm đi, nhưng tinh thần và trí óc của ngài vẫn minh mẫn. Đức nguyên Giáo hoàng không có bệnh tình gì đáng lo lắng; dù có yếu đi nhưng ngài vẫn đi lại trong nhà được.

Theo cha Lombardi, chứng tá đẹp nhất mà Đức nguyên Giáo hoàng đang để lại cho Giáo hội chính là đời sống cầu nguyện, với Chúa ở trung tâm, với đức tin như là ý nghĩa của cuộc sống chúng ta, sống tuổi già như thời gian chuẩn bị và quen thuộc với Thiên Chúa mà Đức nguyên Giáo hoàng chuẩn bị gặp gỡ. Cha tin rằng thật là tốt đẹp khi có Đức nguyên Giáo hoàng cầu nguyện cho Giáo hội, cho vị kế vị của ngài. Chúng ta cảm thấy được sự hiện diện của ngài, chúng ta biết là ngài hiện diện dù chúng ta không thường xuyên nhìn thấy ngài. Chúng ta cảm thấy ngài hiện diện với chúng ta; ngài đồng hành, an ủi và làm cho chúng ta an lòng.

Là người biết rõ về Đức Giáo hoàng Phanxicô và cả Đức nguyên Giáo hoàng, cha Lombardi nói về mối liên hệ hết sức an hòa và bình thường giữa hai vị. Trong lần cuối cùng gặp các Hồng y về Roma chuẩn bị Công nghị Hồng y, Đức Giáo hoàng Biển đức lúc bấy giờ đã hứa vâng phục, kính trọng người kế vị mình và ngài đã thực hiện điều ngài đã nói với sự gần gũi thanh thản trong tinh thần mà chắc chắn Đức Giáo hoàng Phanxicô cảm thấy được, như ngài đã nhắc đến nhiều lần. Mối liên hệ giữa hai vị Giáo hoàng được phát triển qua những cuộc viếng thăm, trò chuyện qua điện thoại của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Cha Lombardi khẳng định là chúng ta cảm thấy mối liên hệ thân tình, kính trọng và tương trợ tinh thần của hai Giáo hoàng, dù không được viết ra nhưng có thật và rất đẹp. Cha nói: “Những lần chúng ta nhìn thấy hình ảnh Đức Giáo hoàng Phanxicô cùng với vị tiền nhiệm của ngài – Đức nguyên Giáo hoàng Biên đức – đó là niềm vui lớn đối với tất cả chúng ta và là một gương mẫu điển hình về sự hiệp nhất trong Giáo hội, trong sự đa dạng.” (SD 09/02/2017)

Hồng Thủy

 

Ước mơ của cô gái trẻ mắc hội chứng down syndrome có tài nướng bánh

Ước mơ của cô gái trẻ mắc hội chứng down syndrome có tài nướng bánh

Boston, Massachusett –  Collette Divitto là một cô gái bị hội chứng Down syndrome, nhưng là một thợ nướng bánh trẻ có tài ở vùng Boston. Từ năm 2011, Collette đã làm các bánh cookies từ chính công thức của cô.

Dù cho Collette có niềm đam mê với bánh cookies và tài năng nướng bánh, nhưng cô vẫn không thể tìm được việc làm. Sau nhiều lần nộp đơn xin việc và bị từ chối với lý do là có tài năng nhưng không thích hợp, Collette đã quyết định tự kinh doanh. Cô mở một cửa hiệu làm bánh ở Boston với các chiếc cookies do chính cô làm và nướng. Trong 10 ngày đầu tiên, đã có 50 ngàn chiếc bánh được đặt làm. Collette cũng nhận được hơn 65 ngàn thư từ các người hâm mộ khắp thế giới, với hơn 100 người tình nguyện muốn giúp cô trong công việc.

Cửa hàng của Collette cũng có trang web nhận đặt hàng, gửi hàng và giao hàng với một ghi chú của chính cô. Hiện tại, mỗi ngày, cơ sở của cô ở Boston làm khoảng 4000 cookies được đặt hàng.

 

Nhưng ước mơ của Collette còn hơn thế nữa. Cô muốn phát triển cơ sở khắp các tiểu bang của Hoa kỳ để qua đó có thể giúp việc làm cho các người khuyết tật gặp khó khăn tìm việc làm. Đàng sau mỗi chiếc cookies là ước mơ thuê người tàn tật làm việc của  Collette. Theo trang web của cô, 76% cộng đồng khuyết tật thất nghiệp và cô đang làm để thay đổi điều này. (CAN 27/01/2017)

Hồng Thủy

 

Đức Thánh Cha bế mạc Tuần Hiệp Nhất Kitô 2017

Đức Thánh Cha bế mạc Tuần Hiệp Nhất Kitô 2017

ROMA. Lúc 5 giờ rưỡi chiều ngày 25-1-2017, ĐTC Phanxicô đã chủ sự buổi hát kinh chiều trọng thể tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành ở Roma, để bế mạc tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô.

Tuần này đã tiến hành từ 18 đến 25-1 vừa qua với chủ đề là câu trích từ thư thứ II của Thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Corinto: ”Tình yêu Chúa Kitô thúc đẩy chúng ta tiến đến hòa giải” (Xc 2 Cr 14-20).

Hiện diện tại buổi cầu nguyện, có gần 20 HY, các GM, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân Roma, nhiều đại diện của các cộng đoàn Kitô khác, đặc biệt là TGM Gennadios Zervos, Đại diện tòa Thượng Phụ chung của Chính Thống giáo, đặc trách các tín hữu Chính Thống tại Italia, Malta và miền nam Âu Châu, ĐGM David Moxon, đại diện Đức Giáo Chủ Anh giáo, v.v. Ngoài ra có hàng chuc sinh viên của Học viện Đại kết Bossey, gần Genève bên Thụy Sĩ, và thuộc nhiều hệ phái Kitô.

Trong bài giảng, ĐTC khẳng định rằng để đáp lại lời mời gọi hòa giải của Chúa, các tín hữu Kitô thuộc các hệ phái phải sẵn sàng chấp nhận hy sinh. Ngài nói: ”Đối với Giáo hội, đối với mỗi hệ phái Kitô, lời mời gọi hòa giải là một lời mời đừng dựa trên các chương trình, các tính toán và lợi lộc của mình, không tín thác nơi cơ may, và những thời trang nhất thời, nhưng tìm kiếm con đường, bằng cách luôn nhìn lên thập giá của Chúa: nơi đó chính là chương trình sống của chúng ta. Đó là một lời mời gọi hãy ra khỏi sự cô lập của mình, vượt thắng cám dỗ tự tham chiếu cản trở chúng ta đón nhận điều mà Chúa Thánh Linh đang hoạt động bên ngoài không gian của mình. Một sự hòa giải đích thực giữa các tín hữu Kitô chỉ có thể thực hiện được khi chúng ta biết nhìn nhận những hồng ân của nhau và có khả năng khiêm tốn và ngoan ngoãn học hỏi nhau, mà không đợi người khác học nơi chúng ta trước”.

ĐTC cũng nhắc đến kỷ niệm 500 năm cuộc cải cách của tin lành. Ngài nói: ”Sự kiện ngày nay các tín hữu Công Giáo và Luther có thể cùng nhau tưởng niệm một biến cố đã gây chia rẽ giữa các Kitô hữu và làm điều đó trong niềm hy vọng, nhấn mạnh đến Chúa Giêsu và công trình hòa giải của Chúa, đó là một thành tựu đáng kể, đạt đến được nhờ Chúa và lời cầu nguyện qua 50 năm nhận biết nhau và đối thoại đại kết”.

Đức Hồng Y Kurt Koch

Cuối kinh chiều, ĐHY Kurt Koch, người Thụy Sĩ, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, đã đại diện mọi người hiện diện cám ơn ĐTC đã đến chủ sự Kinh Chiều này và nhắc đến buổi tưởng niệm cuộc cải cách của Luther mà ĐTC đã cùng với Đức GM Tin Lành Younan cử hành và đã ký tuyên ngôn chung ở Lund, bên Thụy Điển ngày 31-10-2016, trong đó có những lời này: ”Trong khi chúng tôi biết ơn sâu xa vì những hồn ân thiêng liêng và thần học đã nhận lãnh qua cuộc Cải Cách, chúng tôi tuyên xưng và đau buồn trước Chúa Kitô về sự kiện các tín hữu Luther và Công Giáo đã làm tổn tương sự hiệp nhất hữu hình của Giáo Hội”. (SD 25-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha bế mạc năm kỷ niệm 800 năm lập dòng Đa Minh

Đức Thánh Cha bế mạc năm kỷ niệm 800 năm lập dòng Đa Minh

ROMA. Lúc 4 giờ chiều thứ bẩy 21-1-2017, ĐTC đã chủ sự thánh lễ trọng thể tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano ở Roma nhân dịp bế mạc năm kỷ niệm 800 năm DGH Onorio III phê chuẩn dòng Đa Minh.

 Thánh lễ này cũng kết thúc 4 ngày hội nghị quốc tế (17-21/1/2017) tại Đại học Thánh Tômaso Aquino (Angelicum) ở Roma về các khía cạnh trong sứ vụ của dòng Đa Minh. Hơn 600 tu sĩ và giáo dân Đa Minh từ nhiều nước đã tham dự sinh hoạt này.

Đồng tế với ĐTC trong thánh lễ tạ ơn có 20 Hồng Y, Giám Mục và khoảng 100 LM, đặc biệt là ĐHY Dominik Duka OP, TGM Praha thuộc Cộng hòa Tiệp, Đức TGM Carlos Azpiros OP, người Argentina, nguyên Bề trên Tổng quyền dòng Đa Minh và Cha đương kim Tổng quyền Bruno Cadoré, O.P. Hiện diện trong thánh đường có khoảng hơn 3 ngàn người, trong đó có đông đảo các tu sĩ nam nữ và giáo dân Đa Minh đến từ các nước. Phần thánh ca do ca đoàn Ba Lan từ Cracovia đảm trách.

Trong bài giảng, ĐTC đã quảng diễn hai bài đọc (2 Tm 4,1-8 và Mt 5,13-19) trong đó thánh Phaolô nhắn nhủ môn đệ Timothê hãy kiên trì rao giảng rao giảng, dù con người chỉ thích tìm kiếm những điều mới mẻ, không chịu nghe chân lý, nhưng chỉ thích những huyền thoại; tiếp đến là lời Chúa Giêsu nhắn nhủ các môn đệ hãy trở thành muối đất và ánh sáng thế gian, hãy tôn vinh Chúa Cha bằng những công việc lành, và nhờ đó, làm cho những người chứng kiến ngợi khen Chúa Cha trên trời.

Toàn văn bài giảng của ĐTC

”Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta hai cảnh tượng của con người trái ngược nhau: một bên là ”hội hóa trang” (carnevale) của sự hiếu kỳ trần tục, và bên kia là sự tôn vinh Chúa Cha qua các công việc lành. Và đời sống chúng ta cũng luôn tiến qua hai cảnh tượng ấy. Thực vậy, những cảnh tượng này ở mọi thời đại đều có, như lời thánh Phaolô nói với Timothê (Xc 2 Tm 4,1-5). Và cả thánh Đa Minh với các anh em đầu tiên của Người, cách đây 800 năm, cũng trải qua hai cảnh tượng ấy.

Thánh Phaolô cảnh giác Timôthê hãy loan báo Tin Mừng giữa một bối cảnh trong đó người ta luôn tìm kiếm những ”thầy mới”, ”những huyền thoại”, các đạo lý khác, các ý thức hệ.. họ ”ngứa tai” (2 Tm 4,3). Đó là ”hội hóa trang” theo sự hiếu kỳ trần tục, quyến rũ. Vì thế thánh Phaolô dạy môn đệ Ngài với những động từ mạnh mẽ, như ”hãy nhấn mạnh”, ”hãy khuyên nhủ”, ”khiển trách”, ”khuyên bảo” rồi ”cảnh thức”, ”chịu đựng đau khổ' (vv.2.5)

Thật là hay khi thấy rằng hồi đó, 2 ngàn năm về trước, các tông đồ của Tin Mừng đã đứng trước quang cảnh đó, và ngày nay, cảnh tượng ấy đã phát triển nhiều và được hoàn cầu hóa vì sự thu hút của trào lưu duy tương đối chủ quan. Xu hướng tìm kiếm điều mới mẻ của con người tìm được một môi trường lý tưởng trong xã hội trọng bề ngoài, xã hội tiêu thụ, trong đó nhiều khi người ta ”xào lại' những thứ cũ kỹ, nhưng điều quan trọng là làm cho chúng có vẻ tân kỳ, có sức thu hút, hấp dẫn. Cả chân lý cũng bị giả mạo. Chúng ta bước đi trong ”xã hội gọi là lỏng”, không có những điểm cố định, không dựa vào căn bản nào, thiếu những điểm tham chiếu vững chắc và bền vững; chúng ta sống trong thứ văn hóa phù du, ”dùng rồi vứt bỏ”.

Đứng trước thứ ”hội hóa trang” trần tục ấy, có một quang cảnh hoàn toàn đối nghịch lại, như chúng ta thấy qua những lời Chúa Giêsu vừa nghe đọc: ”Những việc làm ấy tôn vinh Cha các con ở trên trời” (Mt 5,16). Vậy sự chuyển tiếp từ sự hời hợt của lễ hội giả tạo tiến đến sự tôn vinh diễn ra như thế nào? Thưa nó diễn ra nhờ những công việc lành của những người, khi trở thành môn đệ Chúa Giêsu, họ trở thành ”muối” và ”ánh sáng”. Chúa Giêsu nói: ”Ánh sáng của các con phải chiếu tỏa rạng ngời trước mặt loài người để người ta thấy việc lành của các con mà tôn vinh Cha các con ở trên trời” (Mt 5,16).

Giữa thứ ”hội hóa trang” quá khứ và hiện nay, câu trả lời của Chúa Giêsu và của Giáo Hội, sự nâng đỡ vững chắc giữa môi trường ”lỏng” chính là những công việc lành chúng ta có thể thực hiện nhờ Chúa Kitô và Thánh Linh của Ngài, và những việc ấy làm nảy sinh trong tâm hồn lời cảm tạ Chúa Cha, lời chúc tụng, hoặc ít là sự ngưỡng mộ và câu hỏi: ”tại sao?”, ”tại sao người ấy cư xử như thế?”; sự băn khoăn của thế giới đứng trước chứng tá Tin Mừng.

Nhưng để sự đánh động ấy xảy ra được, thì điều cần là muối không bị mất vị và ánh sáng không bị che giấu (Xc Mt 5,13-15). Chúa Giêsu đã nói rất rõ điều đó: nếu muối nhạt thì nó chẳng có ích gì. Khốn cho muối nếu mất vị! Khốn cho một Giáo Hội mất hương vị! Khốn cho một linh mục, một tu sĩ, một hội dòng đánh mất hương vị!

Hôm nay, chúng ta tôn vinh Chúa Cha vì công việc mà thánh Đa Minh, đầy ánh sáng và muối của Chúa Kitô, đã thực hiện trong 800 năm qua; một công trình phục vụ Tin Mừng, được rao giảng bằng lời nói và bằng cuộc sống; một công trình, nhờ ơn của Chúa Thánh Linh, đã làm cho bao nhiêu người nam nữ được trợ giúp để không bị tản mát giữa ”thứ hội hóa trang” của sự hiếu kỳ trần tục, trái lại họ cảm thấy hương vị của đạo lý lành mạnh, của Tin Mừng, và đến lượt họ, họ trở thành ánh sáng và muối, thành những người thực hiện những công lành.. thành những anh chị em đích thực, tôn vinh Thiên Chúa và họ dạy cách tôn vinh Chúa bằng những công việc lành trong cuộc sống” (SD 21-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Takayama Ukon, “võ sĩ samurai của Chúa Kitô” sẽ được phong chân phước ngày 7/2

Takayama Ukon, “võ sĩ samurai của Chúa Kitô” sẽ được phong chân phước ngày 7/2

Osaka – Ngày 7/2 tới đây, nghi lễ trọng thể phong chân phước cho Justo Takayama Ukon (1552-1615), được gọi là “võ sĩ samurai của Chúa Kitô”, một nhân vật được yêu quý của Giáo hội Nhật bản, sẽ được cử hành tại Osaka.

Đức cha Isao Kikuchi của Giáo phận Niigata và chủ tịch cơ quan bác ái của Nhật nói với hãng tin Fides là thời gian cử hành Thánh lễ đã chính thức được Tòa Thánh và hội đồng Giám mục Nhật đồng ý.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã ký sắc lệnh phong chân phước vào tháng 1/2016 và Giáo hội Nhật bản đã chuẩn bị cho sự kiện này suốt một năm qua. Đức Hồng y Angelo Amato, Bộ trưởng Bộ phong thánh sẽ chủ sự Thánh lễ. Thánh lễ sẽ được phát trực tiếp trên truyền hình ở Nhật bản.

Trong tất cả 42 thánh và 393 chân phước Nhật bản, tất cả đều tử vì đạo, thì Takayama là một nhân vật đặc biệt. Đó là một giaó dân, một chính trị gia, một quân nhân, một võ sĩ samurai, đã không được tôn vinh trên bàn thờ vì bị giết mà vì đã chọn con đường theo Chúa Kitô, nghèo khó, vâng phục và chịu đóng đinh. Ukon đã từ bỏ địa vị cấp cao trong xã hội, sự thượng lưu và giàu có để trung thành với Chúa Kitô và Tin mừng.

Sinh ra trong một gia đình địa chủ, Ukon trở lại Kitô giáo lúc 12 tuổi, liên lạc với các thừa sai dòng Tên và theo bước người cha của mình. Được thánh Phanxicô Xaviê loan truyền đến Nhật bản vào năm 1549, Tin mừng Chúa Kitô đã nhanh chóng lan rộng khắp nơi. Nhưng khi Toyotomi Hideyoshi lên nắm quyền ông cấm việc thực hành Kitô giáo. Tất cả các địa chủ lớn đều vâng lệnh, chỉ trừ Ukon. Ông sẽ mất tài sản, chức nghiệp, địa vị xã hội, danh dự và sự kính trọng. Ông sẽ trở thành một người vô gia cư và phải sống lưu vong. Cùng với 300 Kitô hữu Công giáo Nhật bản khác, Ukon đào tẩu đến Manila, và chỉ 40 ngày sau khi đến đây, ông ngã bệnh và qua đời ngày 4/2/1615.

Từ thế kỷ XVII, các tín hữu Nhật bản đã loan truyền sự thánh thiện của Ukon nhưng chính sách cô lập của quốc gia đã ngăn cản các nhà điều tra giáo luật thu thập các chứng cứ cần thiết để tuyên thánh. Đến năm 1965, các Giám mục Nhật bản mới tiếp tục lại hồ sơ và cùng nhau thúc đẩy quá trình phong chân phước.

Một bộ phim tài liệu về cuộc đời của Ukon đã được thực hiện với tựa đề “Ukon võ sĩ Samurai: con đường của gươm giáo, con đường của thập giá” với sự bảo trợ của Hội đồng Tòa Thánh về Văn hóa , sự cộng tác của Tòa đại sứ Nhật bản cạnh Tòa Thánh, của Hội đồng Giám mục Nhật bản, của dòng Tên ở Italia, của "Trentino Film Commission”. 

Logo được chọn cho lễ phong chân phước được thiết kế bởi nữ tu M. Ester Kitazume, với 7 ngôi sao tròn dấu hiệu của dòng họ Takayama, với thánh giá và 3 cái nhẫn ở khung hình nền. 7 ngôi sao chỉ về gia đình của Ukon nhưng cũng là 7 phép bí tích và 7 ơn Chúa Thánh Thần. Thánh giá là dấu chỉ của sự trao tặng sự sống của Ukon. (Fides 20/1/2017)

Hồng Thủy

Cha Francisco Lopez Sedano: Trừ tà là một sứ vụ thiêng liêng

Cha Francisco Lopez Sedano: Trừ tà là một sứ vụ thiêng liêng

Mexico – Cha Francisco Lopez Sedano 80 tuổi, thuộc dòng các Thừa sai Chúa Thánh Linh, là một Linh mục chuyên trừ quỷ người Mêhicô. Trong 40 năm qua, cha Sedano đã thực hiện ít nhất 6000 vụ trừ quỷ. Cha nói là quỷ sợ cha.

Chia sẻ với báo Los Angeles Ngày nay, cha cho biết khi ma quỷ nói với cha qua người bị quỷ nhập, cha trả lời rằng: “Ta không là ai cả, nhưng tôi đến từ Chúa Kitô, Chúa và Chủ của mày và bây giờ mày xuất ra ngay. Nhân danh của Người, ta ra lệnh cho mày xuất ra. Đi ra!”

Trong cuộc phỏng vấn, cha Sedano nêu bật 4 điều mà cha nhận thấy trong những năm thực hiện việc trừ quỷ. Thứ nhất, quỷ là một người chứ không phải là một đồ vật. Chúa Giêsu đã đối mặt với quỷ và nói với nó nhiều lần. Quỷ muốn chia cắt chúng ta khỏi Thiên Chúa, làm chúng ta sợ hãi, đe dọa chúng ta, làm chúng ta run sợ. Nó mang đến cho chúng ta sự lười biếng, mệt mỏi, buồn ngủ, mất lòng tin, thất vọng, hận thù; mọi thứ tiêu cực.

Điều thứ hai, cha Sedano lưu ý, đó là ma quỷ đi vào trong con người là bởi vì họ cho phép nó làm điều này. Cha nói: “Quỷ không thể đi vào trong chúng ta nếu chúng ta không mở cửa cho nó. Bởi vì điều này, Thiên Chúa cấm việc thực hành phép thuật, mê tín dị đoan, ma thuật, phù thủy, bói toán, tư vấn người chết, các lực lượng vô hình và chiêm tinh học. Đây là bảy vùng đất của những lời dối trá và lừa dối.”

Một điều nữa cha Sedano nhận thấy đó là người bị quỷ nhập có những cách cư xử đặc biệt. Cha đã quan sát những người bị quỷ ám, “họ bắt đầu la hét, sủa như chó, hét hay quằn quại và  họ bò trườn như một con rắn trên mặt đất. Có hàng ngàn hình thức.” Cha cho biết, có một thanh niên 18 tuổi đã đẩy 5 ghế dài lớn  rất nặng mà bình thường cần sức của 10 người để di chuyển. Họ đã cần 3 người để giữ anh ta khi cha thực hiện việc trừ quỷ. Họ có thể leo lên các bức tường và cũng có thể bay.” Thỉnh thoảng người bị quỷ nhập nghe các tiếng nói, cảm thấy bị Thiên Chúa ghét hay loại bỏ. Có người bị đau lưng nhưng mà bác sĩ nói là sưc khỏe của họ không có vấn đề. Cha Sedano nói: “Những thương tổn của Satan nằm ngoài sự kiểm soát của y học.

Điều cuối cùng cha Sedano nhận thấy là việc trừ quỷ là một nhiệm vụ thiêng liêng. Cha xem việc trừ quỷ của mình đến từ nhu cầu cần thiết sau khi chứng kiến những trường hợp nặng nề và đau đớn. Cha cho biết, một Linh mục bạn đã giúp cha nhận thấy rằng chiến đấu chống lại Ác thần là một đòi buộc. 3 mệnh lệnh được Chúa truyền là mang lời của Chúa, chữa người đau bệnh và xua trừ ma quỷ. (CNA 19/01/2017)

Hồng Thủy

Nhà thờ thánh Calisto ở khu Trastevere, Roma đón người vô gia cư qua đêm

Nhà thờ thánh Calisto ở khu Trastevere, Roma đón người vô gia cư qua đêm

Vatican – Những ngày qua các quốc gia đang hứng chịu những ngày giá rét và thời tiết khắc nghiệt. Nhiều trường hợp chết vì giá lanh của  người vô gia cư đã được ghi nhận ở các nới.

Trước tình hình khó khăn này, từ thứ 7 tuần trước, nghĩa là từ ngày 7/1, nhà thờ thánh Calisto ở khu vực Trastevere, Roma đã mở cửa để cho những người sống trên đường phố không nơi trú ngụ có thể tìm được nơi trú ngụ qua đêm.

Nhà thờ này và các cơ sở phụ thuộc là vùng ngoại giới, tài sản trực thuộc Tòa thánh. Nhà thời là nơi thờ phượng cổ kính, được xây cất xung quanh một giếng nước nơi Đức giáo hoàng Calisto I tử đạo, vào năm 222. Tòa nhà hiện tại được xây cất vào thế kỷ XVII. Nhà thờ này được trao cho cộng đồng thánh Egidio và cộng đồng tổ chức các hoạt động phụng tự và giáo lý, đặc biệt cho những người cao niên và khuyết tật.

Hiện tại có khoảng 30 người, gồm người Italia và ngoại quốc, thường sống ngoài đường phố, được nghỉ đêm trong nhà thờ và trong các nơi liền kề, được sưởi ấm và được cung cấp giường, chăn mền và các dịch vụ vệ sinh. Các khách cư trú này có thể ăn tối từ 19 giờ chiều trở đi tại nhà ăn gần đó ở đường Via Dandolo và do đó có thể đến nhà thờ từ khoảng 20-22 giờ. Họ rời nhà thờ vào khoảng 8 giờ sáng.

Việc đón tiếp những người vô gia cư được giúp đỡ bởi các tình nguyện viên của cộng đồng thánh Egidio; những người này sẽ luân phiên hiện diện suốt trong những giờ nhà thờ mở cửa. Mỗi khách trọ được các tình nguyện viên giúp đỡ, đồng hành trong việc tìm giải pháp cho những nhu cầu vật chất và sưc khỏe của họ. Những ngày sau khi được tiếp đón tại đây họ sẽ tìm kiếm, nếu có thể, nơi có tình trạng tiếp đón ổn định hơn.

Tại Torino, Tổng giáo phận cũng đã tham gia vào việc giúp đỡ nhiều người nghèo khổ cần được giúp đỡ trong những ngày giá lạnh.

Tổng Giáo phận đã quyết định nới rộng “nhà ngủ” ở đường Via Cappel Verde, tại trung tâm lịch sử, dùng một tầng khác của tòa nhà làm nơi ngủ cho những người vô gia cư. Tại đây các khách trọ có thể ăn sáng và ăn tối. Hoạt động này được thực hiện cùng với sự cộng tác của Ser.Mi.G.

Bên cạnh đó, Đức cha Cesare Nosiglia – Tổng Giám mục của Torino đã kêu gọi các giáo xứ và các dòng tu làm hết sức để giúp những người vô gia cư. (ACI 13/01/2017)

Hồng Thủy

ĐHY Stanislaw Rylko, tân Giám Quản Đền Thờ Đức Bà Cả

ĐHY Stanislaw Rylko, tân Giám Quản Đền Thờ Đức Bà Cả

dhy-stanislaw-rylko-tan-giam-quan-den-tho-duc-ba-ca

VATICAN. Hôm 28-12-2016, ĐTC đã bổ nhiệm ĐHY Stanislaw Rylko người Ba Lan, làm tân Giám quản đền thờ Đức Bà Cả ở Roma.

Trước đó, ngài đã nhận đơn từ chức vì lý do tuổi tác của ĐHY Santos Abril y Castelló, 81 tuổi (1935), người Tây Ban Nha.

ĐHY Stanislaw Rylko năm nay 71 tuổi (1945), nguyên là Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân, trong 13 năm qua (2003).

ĐTC đã gộp Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân, Hội đồng gia đình và sự sống thành một cơ quan mới là Bộ giáo dân, gia đình và sự sống. Ngài trao cho Đức tân Hồng Y Kevin Farrell, người Mỹ gốc Ai Len, làm tân Bộ trưởng của Bộ này. (SD 28-12-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Chúa Giêsu giáng sinh đem niềm hy vọng vào lòng thế giới

Chúa Giêsu giáng sinh đem niềm hy vọng vào lòng thế giới

dtc-phanxico-chao-tin-huu-tham-du-buoi-tiep-kien-chung-trong-dai-thinh-duong-phaolo-vi-sang-thu-tu-21-12-2016

Với việc nhập thể của Con Thiên Chúa niềm hy vọng đã bước vào trong thế giới. Qua tiếng “xin vâng” Đức Maria đã mở cửa thế giới cho Thiên Chúa. Chúng ta hãy chuẩn bị lễ Giáng Sinh của Chúa. Sẽ là một lễ đích thực, nếu chúng ta tiếp đón Chúa Giêsu, hạt giống hy vọng mà Thiên Chúa gieo vào lòng đất của lịch sử cá nhân và cộng đoàn chúng ta.

Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC đã nói như trên với 8000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hôm qua trong đại thính đường Phaolô VI. Trong bài huấn dụ ĐTC đã suy tư về đề tài lễ Giáng Sinh của Chúa Giêsu là suối nguồn của niềm hy vọng. Với biến cố Con Thiên Chúa nhập thể niềm hy vọng đã bước vào thế giới. Chính ngôn sứ Isaia đã báo trước biến cố Đức Messia giáng sinh trong vài đoạn kinh thánh: “Này đây Trinh nữ sẽ mang thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Emmanuel” (Is 7,14), và “Một nhánh nhỏ sẽ nảy sinh từ gốc Giêssê, từ cội rễ ấy sẽ mọc lên một mầm non” (Is 11.1). Trong các văn bản này tỏ lộ ý nghĩa của lễ Giáng Sinh: Thiên Chúa thành toàn lời hứa bằng cách trở thành người; Ngài không bỏ rơi dân Ngài, Ngài đến gần họ đến độ lột bỏ thiên tính của mình. Trong cách thế đó Thiên Chúa chứng minh cho thấy sự trung thành của Ngài và khai mào một Vương Quốc mới, trao ban một niềm hy vọng mới cho nhân loại. Niềm hy vọng này là niềm hy vọng nào? : đó là sự sống vĩnh cửu. Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói:

Khi nói tới hy vọng, người ta  thường quy chiếu điều không nằm trong quyền bính của con người và không trông thấy được. Thật ra, điều chúng ta hy vọng vượt ngoài các sức lưc và cái nhìn của chúng ta. Nhưng lễ Giáng Sinh của Chúa Kitô khai mào việc cứu độ nói với chúng ta về một niềm hy vọng khác, một niềm hy vọng có thể tin cậy được, trông thấy được và hiểu được, bởi vì nó được xây dựng trên Thiên Chúa. Thiên Chúa bước đi với chúng ta trong Đức Giêsu, và việc bước đi cùng Ngài hướng về cuộc sống tràn đầy trao ban cho chúng ta sức mạnh hiện hữu một cách mới mẻ trong hiện tại, mặc dù mệt nhọc. Như thế, đối với kitô hữu hy vọng có nghĩa là chắc chắn bước đi với Chúa Kitô để tiến về với Thiên Chúa Cha đang chờ đợi chúng ta. Niềm hy vọng không bao giờ dừng lại, niềm hy vọng luôn luôn tiến bước và làm cho chúng ta tiến bước.

** Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Niềm hy vọng này mà Hài Nhi Bếtlêhem ban cho chúng ta, cống hiến một đích điểm, một số phận tốt lành trong hiên tại, ơn cứu rỗi cho nhân loại, diễm phúc cho ai tín thác nơi Thiên Chúa từ nhân. Thánh Phaolô tóm tắt tất cả những điều này với một kiểu nói “Trong niềm hy vọng chúng ta đã được cứu thoát” (Rm 8,24). Nghĩa là khi bước đi trong thế giới này với niềm hy vọng chúng ta được cứu độ. Và ở đây chúng ta, mỗi người, có thể nêu lên câu hỏi: tôi có bước đi với niềm hy vọng, hay cuộc sống nội tâm của tôi dừng lại, đóng kín? Trái tim tôi là một hộc bàn đóng kín hay là một hộc bàn rộng mở cho niềm hy vọng khiến cho tôi bưóc đi, không một mình, nhưng với Chúa Giêsu?

Trong nhà của các kitô hữu trong mùa Vọng người ta chuẩn bị hang đá máng cỏ theo truyền thống có từ thời thánh Phanxicô thành Assisi. Trong sự đơn sơ của nó hang đá máng cỏ chuyển đạt niềm hy vọng; mọi nhân vật đều chìm đắm trong bầu khí hy vọng.

Trước hết chúng ta ghi nhận nơi Chúa Giêsu sinh ra là Bếtlêhem. Một thôn xóm nhỏ vùng Giuđêa nơi đã sinh ra một nghìn năm trước đó Đavít, mục đồng nhỏ đã được Thiên Chúa tuyển chọn như vua của dân Israel. Bếtlêhem đã không phải là một thủ đô, và vì thế nó đã được Thiên Chúa ưa thích; Ngài là Đấng thích hành động qua những người bé nhỏ và khiêm tốn. Tại đó sinh ra “con của vua Đavít”, được chờ đợi biết bao, là Đức Giêsu, nơi Người niềm hy vọng của Thiên Chúa và niềm hy vọng của loài ngưòi gặp gỡ nhau.

Thế rồi chúng ta hãy nhìn Đức Maria Mẹ của niềm hy vọng. ĐTC nói về Mẹ như sau:

Với tiếng “vâng” Mẹ đã mở cửa thế giới cho Thiên Chúa: con tim thiếu nữ của Mẹ tràn đầy niềm hy vọng và hoàn toàn được linh hoạt bởi đức tin, và như thế Thiên Chúa đã tuyển chọn Mẹ trước, và Mẹ đã tin vào lời Ngài. Đấng trong suốt chín tháng đã là hòm bia của Giáo Ước mới và vĩnh cửu, trong hang đá chiêm ngắm Hài Nhi và trông thấy nơi Ngài tình yêu thương của Thiên Chúa, là Đấng đến cứu rỗi dân Ngài và toàn nhân loại. Bên cạnh Mẹ Maria là thánh Giuse, xuất thân từ dòng tộc Giesse và Đavít, cả người nữa cũng đã tin vào các lời của thiên thần, và khi nhìn Chúa Giêsu nằm trong máng cỏ, người suy gẫm rằng Hài Nhi ấy đến từ Chúa Thánh Thần, và chính Thiên Chúa đã truyền gọi Ngài là Giêsu. Trong tên gọi này có niềm hy vọng cho mọi người, bởi vì qua người con của phụ nữ Thiên Chúa sẽ cứu nhân loại khỏi cái chết và tội lỗi. Vì thế ngắm nhìn hang đá máng cỏ thật quan trọng!

** ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: Và trong máng cỏ cũng có các mục đồng nữa, đại diên cho những người khiêm tốn và nghèo nàn chờ đợi Đấng Messia, “niềm an ủi của Israel” (Lc 2,25), và “sự cứu rỗi của Giêrusalem” (Lc 2,38). Trong Hài Nhi đó chúng ta trông thấy việc thực hiện các lời hứa và hy vọng rằng ơn cứu độ của Thiên Chúa sau cùng đến với từng người trong họ. Ai tin tưởng nơi các an ninh của mình, nhất là các an ninh vật chất, thì không chờ đợi sự cứu rỗi từ Thiên  Chúa. Chúng ta hãy nhớ kỹ điều này: các an ninh của chúng ta sẽ không cứu được chúng ta; an ninh duy nhất cứu chúng ta là an ninh của niềm hy vọng nơi Thiên Chúa. Nó cứu thoát chúng ta, bởi vì nó mạnh mẽ và làm cho chúng ta tiến bước trong đời với niềm vui, với ý muốn làm việc thiện, với ý muốn được hạnh phúc đời đời. Các người bé nhỏ, các mục đồng, trái lại, tín thác nơi Thiên Chúa, hy vọng nơi Ngài, và vui mừng khi nhận ra nơi Hài Nhi dấu hiệu mà các thiên thần đã chỉ cho họ (Lc 2,12).

Và chính ca đoàn các thiên thần loan báo từ trên cao chương trình vĩ đại mà Hài Nhi thực hiện: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời cao và bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Niềm hy vọng kitô được diễn tả ra trong lời chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa, là Đấng đã khai mào Vương Quốc tình yêu, công lý và hoà bình của Ngài.

Anh chị em thân mến, trong các ngày này, khi chiêm ngắm hang đá, chúng ta hãy chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh. Sẽ là một ngày lễ đích thật, nếu chúng ta tiếp đón Chúa Giêsu, hạt giống của niềm hy vọng mà Thiên Chúa gieo vào các luống của lịch sử cá nhân và cộng đoàn chúng ta. Mỗi một tiếng “vâng” với Chúa Giêsu đến là một chồi lộc của niềm hy vọng. Chúng ta hãy tin tưởng nơi chồi lộc này của niềm hy vọng, trong tiếng “vâng”: Vâng, lậy Chúa Giêsu Chúa có thể cứu con, Chúa có thể cứu con”. Xin chúc tất cả anh chị em lễ Giáng Sinh tốt lành.

ĐTC đã chào tín hữu đến từ các nước nói tiếng Pháp, đặc biệt các bạn trẻ đến từ Paris, Saint Cloud và Reims. Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ Australia, Nhật Bản và Hoa Kỳ, cũng như các nhóm hành hương đến từ các nước nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Ngài khích lệ mọi người noi gương Mẹ Maria thánh Giuse và các mục đồng mở rộng cửa tâm lòng cho Chúa Giêsu và tiếp đón nơi Ngài tất cả tình yêu Thiên Chúa Cha có đối với từng người.

** ĐTC cũng đưa ra lời kêu gọi cho Cộng hoà dân chủ Congo. Ngài nói: Dưới ánh sáng của một cuộc gặp gỡ mới đây với ĐC chủ tịch và phó chủ tịch HĐGM nước này tôi xin tái lên tiếng kêu mời tất cả mọi người dân Congo trong thời điểm tế nhị của lịch sử đất nước, hãy là các tác nhân của hoà giải và hoà bình. Ước chi những người có trách nhiệm chính trị lắng nghe tiếng nói của lương tâm, biết trông thấy các khổ đau tàn khốc của các người đồng hương và lưu tâm tới thiện ích chung. Tôi xin bảo đảm sự ủng hộ và tình thương mến của tôi đối với nhân dân thân yêu của quốc gia này, và mời gọi mọi người hãy để cho ánh sáng của Đấng Cứu Độ thế giới hướng dẫn, và tôi cầu nguyện cho lễ Giáng Sinh của Chúa mở ra cho họ các con đường của niềm hy vọng.

ĐTC cũng chào nhiều đoàn hành hượng Italia đặc biệt Hiệp hội phụ huynh ngôi sao do ĐC Pietro Santoro GM Avezzano hướng dẫn; phái đoàn tỉnh Bolsena và các thành viên Hiệp hội các người làm bánh mì Roma, đoàn rước đuốc lấy lửa từ hang đá Bếtlêhem, cộng đoàn Ốc đảo Mẹ Maria Betania Alvito và các sinh viên học sinh.

Chào các bạn trẻ ĐTC khích lệ họ chuẩn bị đón mừng Chúa đến với thái độ vâng phục và khiêm tốn của đức tin như Mẹ Maria. Ngài chúc các anh chị em bệnh nhân biết kín múc nơi Mẹ sức mạnh và lòng sốt mến đối với Chúa Giêsu. ĐTC nhắn nhủ các đôi tân hôn chiêm ngưỡng gương sống và thực thi các nhân đức của Thánh Gia trong cuộc sống thường ngày.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lây Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha trả lời phỏng vấn của Tuần Báo Tertio, Bỉ

Đức Thánh Cha trả lời phỏng vấn của Tuần Báo Tertio, Bỉ

duc-thanh-cha-tra-loi-phong-van-cua-tuan-bao-tertio-bi

VATICAN. Hôm 7-12-2016, một cuộc phỏng vấn dài ĐTC Phanxicô dành cho tuần báo Công Giáo Tertio ở Bỉ đã được công bố.

Trong cuộc phỏng vấn, ĐTC đề cập đến những thành quả của Năm Thánh Lòng Thương Xót, đặc tính trung lập về tôn giáo của Nhà Nước, mong ước một Giáo Hội công nghị, trách nhiệm của những người làm việc trong ngành truyền thông, và sau cùng là một số lời khuyên dành cho các LM.

ĐTC đặc biệt phê bình thái độ duy thế tục (laicismo) hay đúng hơn là thái độ bài tôn giáo của một số nhà nước, một thái độ khép kín đối với chiều kích siêu việt, một thứ gia sản cho chủ thuyết soi sáng để lại. Đồng thời ĐTC ca ngợi Nhà nước trung lập về tôn giáo (laico) và gọi chủ trương này tốt đẹp hơn thứ nhà nước thiên riêng về một tôn giáo.

ĐTC tái lên án sự lạm dụng tôn giáo để thực thi bạo lực và ngài nhận xét rằng trong tôn giáo nào cũng có những nhóm cực đoan duy căn. Những nhóm thiểu số này làm cho tôn giáo của họ trở nên bệnh hoạn và gây chia rẽ trong cộng đoàn, và đó cũng là một hình thức chiến tranh.

ĐTC cũng tái lên án những người miệng thì nói là ”Không bao giờ chiến tranh nữa”, nhưng trong khi đó họ chế tạo võ khí và bán cho chính những người đang giao chiến, để mang lợi nhuận cho những người chế tạo võ khí.

Về Năm Thánh Lòng Thương Xót, ĐTC nói biết ý tưởng ấn định Năm Thánh đến với ngài qua cuộc nói chuyện với Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng. Đó là một ý tưởng đến từ trên cao, do Chúa soi sáng. Ngài cũng nhận định rằng sự kiện Năm Thánh không phải chỉ diễn ra ở Roma, nhưng trên toàn thế giới, đã tạo nên một ”phong trào”. Nhiều người còn nói họ cảm thấy được kêu gọi hòa giải với Thiên Chúa, cảm thấy sự vuốt ve của Chúa Cha”.

Đề cập đến công nghị tính của Giáo Hội, ĐTC cho biết ngài mong muốn một Giáo Hội công nghị, Giáo Hội nảy sinh từ cộng đoàn, từ hạ tầng. Có thứ Giáo Hội kim tự tháp, trong đó Phêrô nói và Phêrô làm, và có Giáo Hội công nghị trong đó Phêrô là Phêrô, nhưng đồng hành với Giáo Hội. Kinh nghiệm phong phú hơn về tất cả những điều đó là hai Thượng HĐGM vừa qua về gia đình, trong đó nảy sinh Tông Huấn Amoris laetitia, Niềm vui yêu thương. Đó là công nghị tính (sinodalità), không đi xuống từ trên cao, nhưng lắng nghe các Giáo Hội, hòa hợp và phân định. Phêrô là người bảo đảm sự hiệp nhất của Giáo Hội và cần tiến bước trong công nghị tính, đó là một trong những điều mà các tín hữu Chính Thống còn bảo tồn được”.

Về những người làm việc trong ngành truyền thông, ĐTC đề cao các phương tiện này, nhưng đồng thời ngài cảnh giác trước cám dỗ trở thành những phương thế để vu khống, mạ lỵ và hủy điệt con người. Sự loan tin xuyên tạc có thể là tai hại lớn nhất mà một phương tiện truyền thông có thể gây ra, nó lèo lái dư luận theo một chiều hương, và bỏ qua khía cạnh sự thật.

Trong cuộc phỏng vấn, ĐTC kêu gọi các linh mục hãy luôn yêu mến Mẹ Maria và đừng bao giờ cảm thấy mình bị mồ côi, trái lại hãy để cho mình được Chúa Giêsu nhìn và hãy tìm kiếm thân mình đau khổ của Chúa Giêsu nơi những người anh em mình. Ngài nói: ”Các linh mục đừng xấu hổ vì có sự dịu dàng. Ngày nay cần phải có một cuộc cách mạng về sự dịu dàng trong thế giới này, một thế giới đang bị thứ bệnh cứng tim”. (SD 7-12-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha kêu gọi các nhà khoa học bảo vệ thiên nhiên

Đức Thánh Cha kêu gọi các nhà khoa học bảo vệ thiên nhiên

duc-thanh-cha-keu-goi-cac-nha-khoa-hoc-gop-phan-bao-ve-thien-nhien

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng 28-11-2016, dành cho 60 tham dự viên khóa họp toàn thể của Hàn lâm viện Tòa Thánh về khoa học, ĐTC kêu gọi các nhà khoa góp phần phần giải quyết các cuộc khủng hoảng về môi sinh.

Ngài nhận xét rằng ”chưa bao giờ như thời đại chúng ta ngày nay, người ta thấy rõ sứ mạng của khoa học phục vụ một sự quân bình mới về môi sinh trên thế giới… Tôi muốn nói rằng trước tiên các nhà khoa học, – không chịu sự chi phối của các lợi lộc chính trị, kinh tế hoặc ý thức hệ,- có nghĩa vụ kiến tạo một kiểu mẫu văn hóa để đương đầu với cuộc khủng hoảng về những thay đổi khí hậu và những hậu quả của chúng về mặt xã hội, để tiềm năng sản xuất rất lớn lao không chỉ dành cho một thiểu số mà thôi. Đồng thời cộng đồng khoa học, qua sự đối thoại đa ngành với nhau, cũng được kêu gọi kiến tạo một hàng ngũ lãnh đạo đề ra những giải pháp tổng quát, đặc biệt liên quan đến những đề tài được bàn đến trong đại hội của quí vị hiện nay, đó là nước, các năng lượng có thể đổi mới, và an ninh lương thực.”

ĐTC cũng phê bình hiện tượng trong chính trị quốc tế, ít có ý chí cụ thể tìm kiếm công ích và những thiện ích chung, và người ta cũng ít chú ý đến những lời khuyên dựa trên khoa học về tình trạng trái đất. Sự tùng phục của chính trị đối với kỹ thuật và tài chánh tìm kiếm lợi lộc trước tiên khiến cho nhiều chính phủ không chú ý hoặc chậm trễ áp dụng các hiệp định quốc tế về môi trường, và người ta cũng thấy rõ điều đó qua các cuộc chiến tranh liên tục để tìm cách thống trị, những cuộc chiến được ngụy trang bằng những đòi hỏi cao thượng, gây thiệt hại ngày càng trầm trọng cho môi trường và cho sự phong phú luân lý và văn hóa của các dân tộc” (SD 28-11-2016)

G. Trần Đức Anh OP