Khẩu hiệu và logo chuyến viếng thăm Pêru của Đức Thánh Cha Phanxicô

Khẩu hiệu và logo chuyến viếng thăm Pêru của Đức Thánh Cha Phanxicô

Hội đồng Giám mục Pêru đã công bố khẩu hiệu và chuyến viếng thăm quốc gia này, từ ngày 18-21/01/2018, của Đức Thánh Cha Phanxicô. Đây là lần thứ 3 Pêru được người kế vị thánh Phêrô viếng thăm.

“Unidos por la speranza” – Hiệp nhất bởi hy vọng – là lời mời gọi hoạt động cho sự hiệp nhất dưới sự hướng dẫn của hy vọng, điều Đức Thánh Cha đã ngỏ lời với người dân Pêru trong sứ điệp video gửi đến họ hồi đầu tháng 8 này.

Các yếu tố được trình bày trong logo là: sự gần gũi, cầu nguyện và hiệp nhất. Đôi bàn tay: màu đỏ và vàng, màu cờ Pêru và Vatican, như hình đôi cánh đang cầu nguyện, ngợi khen và vui mừng với việc Đức Thánh Cha đến Pêru. Bản đồ Pêru thể hiện sự gần gũi của Đức Thánh Cha với Pêru qua sự hiện diện của ngài. Hình ảnh tươi cười của Đức Thánh Cha trong bản đồ nước Pêru diễn tả sự liên kết của các miền đất nước để đón tiếp Đức Thánh Cha.

Theo các Giám mục Pêru, logo muốn diễn tả sự gần gũi của Đức Thánh Cha với nhân dân Pêru và sự đồng hành của ngài trên hành trình đức tin, đồng thời muốn xác định rằng ngày lễ hội trong hy vọng sẽ đoàn kết mọi người. (REI 19/08/2017)

Hồng Thủy

ĐTC phó thác các dân tộc khổ đau cho Mẹ Maria Nữ Vương Hoà Bình

ĐTC phó thác các dân tộc khổ đau cho Mẹ Maria Nữ Vương Hoà Bình

VATICAN: ĐTC phó thác cho Mẹ Maria Nữ Vuơng Hoà Bình các  dân tộc trên thế giới đang phải đau khổ vì các tai ương thiên nhiên, các cẳng thẳng xã hội hay các cuộc xung đột và  ngài xin Mẹ an ủi và ban cho tất cả mọi người một tương lai thanh bình và hoà hợp.

ĐTC đã cầu nguyện như trên trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa 15 tháng 8 lễ trọng kính Đức Mẹ hồn xác lên trởi. Quảng diễn bài Phúc Âm kể lại biến cố Đức Mẹ đi thăm bà Elizabeth ĐTC nói: ơn cao trọng nhất mà Đức Maria mang tới cho bà Elizabeth và cho toàn thế giới là Chúa Giêsu, Đấng đã sống trong Mẹ, và Ngài sống không phải chỉ vì lòng tin và sự chờ đợi, như nơi biết bao phụ nữ thời Thánh Kinh Cựu Ước: nhưng từ Đức Trinh Nữ Ngài đã nhận lấy thịt xác loài người cho sứ mệnh cứu rỗi của Ngài.

Khi Mẹ Maria tới nhà hai ông bà Elizabeth và Dacaria, niềm vui tràn bờ ở nơi trước kia ngự trị sự buồn sầu vì không có con. Giờ đây niềm vui nhảy mừng từ các con tim bởi vì sự hiện diện vô hình nhưng thực sự của Chúa Giêsu khiến cho mọi sự tràn ngập ý nghĩa: cuộc sống, gia đình, ơn cứu độ của dân. Niềm vui tràn đầy ấy được diễn tả ra trong bài thánh thi Magnificat  của Mẹ. Đó là một bài ca chúc tụng Thiên Chúa là Đấng đã làm các việc trọng đại qua những người khiêm hạ, không được thế giới biết đến, như Mẹ Maria, như thánh Giuse và cả nơi các Ngài sống là Nagiarét. Chúa làm những việc trọng đại trong thế giới với những người khiêm hạ, bởi vì sự khiêm tốn như một khoảng trống dành cho Thiên Chúa….

Biến cố Chúa Giêsu đến trong căn nhà ấy qua Mẹ Maria đã không chỉ tạo ra một bầu khí tươi vui và hiệp thông huynh đệ, mà cũng tạo ra một bầu khí của niềm tin dẫn đưa tới niềm hy vọng, lời cầu nguyện và chúc tụng. Khi cử hành lễ Đức Maria Rất Thánh hồn xác lên trời chúng ta muốn xin Mẹ, một lần nữa, đem đến cho chúng ta, cho các gia đình và cộng đoàn của chúng ta món qua vô biên, ơn duy nhất mà chúng ta phải luôn luôn xin trước hết và trên hết là Chúa Giêsu Kitô. Khi đem Chúa Giêsu đến cho chúng ta là Mẹ cũng mang đến cho chúng ta một niềm vui tràn đầy ý nghĩa, một khả năng mới băng qua những thời điểm đau khổ khó khăn; Mẹ đem tới cho chúng ta khả năng thương xót, để chúng ta tha thứ cho nhau, hiểu biết nhau và nâng đỡ nhau. Khi chiêm ngưỡng Mẹ Maria hồn xác lên trời, đạt điểm thành toàn lộ trình trần gian của Mẹ, chúng ta cảm tạ Mẹ là môn đệ đầu tiên đã đi trước chúng ta trong cuộc lữ hành của đời sống và niềm tin. Xin Mẹ giữ gìn và nâng đỡ chúng ta nên thánh để một ngày kia chúng ta được gặp Mẹ trên thiên đàng.

Linh Tiến Khải

Đi 157 cây số kỷ niệm sinh nhật chân phước Oscar Romero

Đi 157 cây số kỷ niệm sinh nhật chân phước Oscar Romero

SAN SALVADOR. Nhiều người El Salvador tham dự cuộc hành trình 157 cây số trong 3 ngày để kỷ niệm sinh nhật thứ 100 của Chân phước TGM Oscar Romero.

Hành trình này cũng là một cuộc hành hương với 98 cây số đi bộ và 59 cây số đi bằng xe bus. Sinh hoạt này có chủ đề là ”Tiến bước đến nơi sinh của vị ngôn sứ”, và sẽ tiến qua 4 giáo phận là San Salvador, San Vicente, Santiago de Maria và San Miguel.

Đức Oscar Romero là TGM giáo phận thủ đô San Salvador, nổi tiếng về các hoạt động bênh vực người nghèo và nhân quyền, bị đội quân tử thần của nhóm cực hữu sát hại ngày 24-3 năm 1980 trong lúc cử hành thánh lễ. Đức TGM Romero được phong chân phước ngày 23-5 năm 2015 tại thủ đô San Salvador trước sự tham dự của 250 ngàn tín hữu.

Các tham dự viên cuộc hành hương khởi hành từ Nhà thờ chính tòa San Salvador ngày thứ sáu 11-8, sau thánh lễ lúc 5 giờ sáng và đi tới nơi gọi là San Rafael Cedros. Sau đó họ đi xe bus đến Apastepeque, San Vicence, để qua đêm.

Giai đoạn thứ hai vào ngày thứ bẩy 12-8: lúc 6 giờ sáng họ đi tới Mercedes Umana, Usulután; tại đây họ dừng lại để ăn trưa và nghỉ ngơi, sau đó đi tiếp tới Moncagua, San Miguel, và qua đêm thứ hai ở Chapeltique. Sau cùng, chúa nhật 13-8, họ đi bộ đến Ciudas Barrios là nơi sinh của Đức Chân phước TGM Romero ngày 15-8-1917. Tại đây ngày 15-8 sẽ có tham dự các buổi lễ kỷ niệm do ĐHY Ricardo Ezzati, người Chile, Đặc Sứ của ĐTC, chủ sự tại Nhà Thờ Chính Tòa San Salvador.

Nhiều thánh lễ khác cũng được cử hành tại một số nơi ở El Salvador như thánh lễ ngày 12-8 tại giáo phận Santa Ana, do Đức TGM Leon Kalenga Badikebele, Sứ thần Tòa Thánh tại Congo, và ĐHY Gregorio Rosa Chavez, người cộng tác thân tín của Chân phước Romero sẽ trình bày về cuộc sống và sự nghiệp của thánh nhân (CNS 7-8, Aica 10-8-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha chia buồn với Tổng Giáo Phận Milano

Đức Thánh Cha chia buồn với Tổng Giáo Phận Milano

VATICAN. ĐTC Phanxicô đã gửi điện chia buồn với Tổng giáo phận Milano, bắc Italia, về việc ĐHY Dionigi Tettamanzi, nguyên TGM giáo phận sở tại qua đời sáng ngày 5-8-2017, hưởng thọ 83 tuổi.

ĐHY Tetttamanzi vốn là một nhà thần học luân lý nổi tiếng, chuyên về đạo đức sinh học, trước khi được bổ nhiệm làm TGM giáo phận Ancona, rồi làm Tổng thư ký HĐGM Italia. Năm 1995, ngài được ĐTC Gioan Phaolô 2 bổ nhiệm làm TGM giáo phận Genova và thăng Hồng Y 3 năm sau đó. Năm 2002, ngài được chuyển về làm TGM giáo phận Milano là giáo phận lớn nhất Âu Châu với 5 triệu tín hữu Công Giáo, kế nhiệm ĐHY Carlo Maria Martini S.J. 9 năm sau đó, ĐHY Tettamanzi về hưu và ĐHY Angelo Scola lên kế nhiệm.

Trong điện văn gửi đến giáo phận Milano để chia buồn, ĐTC nhận xét rằng ”cộng đoàn giáo phận Milano đã kể Đức Cố Hồng Y Tettamanzi vào số các vị chủ chăn dễ thương và được yêu mến nhất của mình. Với lòng quí mến và biết ơn, tôi nghĩ đến sự nghiệp văn hóa và mục vụ khẩn trương mà Đức Cố Hồng Y đãthực hiện và làm chứng về niềm vui Tin Mừng. Người đã ngoan ngoãn phục vụ Giáo Hội qua nhiều chức vụ, luôn nổi bật như một mục tử chuyên cần, hoàn toàn tận tụy đối với những nhu cầu và thiện ích của các linh mục và toàn thể các tín hữu. Đức Cố Hồng Y Tettamanzi đặc biệt quan tâm tới các vấn đề của gia đình, hôn nhân, đạo đức sinh học mà Người là một chuyên gia nổi bật.”

Thông cáo của ĐHY Scola

ĐHY Angelo Scola, trong tư cách là Giám quản Tông Tòa Milano, cũng ra thông cáo nói rằng: ”sự ra đi của ĐHY Dionigi Tettamanzi là một mất mát lớn cho Giáo Hội Milano và toàn thể Giáo Hội hoàn vũ, không những vì những sứ vụ khác nhau và Người đã đảm nhận và vì sự phục vụ của Người như một chuyên gia cho các vị Giáo Hoàng và Tòa Thánh, nhưng còn vì nhân cách khiêm tốn, tươi cười, và quan tâm đến những tương quan. Đức Cố Hồng Y luốn nhắm tới sự thể hiện nhân sinh quan Kitô giáo trong thực tại hiện nay. Tiểu sử của Người được nhiều người biết đến, là một chứng tá về tất cả những điều đó.”

ĐHY Scola cho biết ngài đặc biệt gắn bó với ĐHY Tettamenzi, từ thời Người là vị giáo sư trẻ của ngài tại chủng viện Venegono. Tình bạn được đào sâu thêm trong những năm ở Roma qua việc cộng tác với nhau để phục vụ Giáo Hội hoàn vũ.

”ĐHY Tettamenzi là một học giả về luân lý và đạo đức sinh học luôn gây ấn tượng mạnh nơi tôi về khả năng làm việc trong nhóm và mau lẹ làm một tổng hợp. Trong 6 năm tôi làm TGM Milano, ĐHY Tetttamanzi luôn đồng hành với tôi trong tình bạn nồng nhiệt và kín đáo. Gia sản của Người vẫn còn mang lại rất nhiều cho Giáo phận Milano của chúng ta, cho tất cả các tín hữu Công Giáo và nhiều ngươi đời mà ngài đã biết đối thoại với họ từ những vấn đề xã hội khẩn trương như những vấn đề gia đình, sự sống, công ăn việc làm và tình trạng bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Với sự qua đi của ĐHY Tettamanzi, Hồng y đoàn còn 223 vị trong số này có 121 Hồng y cử tri dưới 80 tuổi. (REI 5-8-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Tái đặt 15 tượng Đức Mẹ Lộ Đức trong các làng vùng Ninive

Tái đặt 15 tượng Đức Mẹ Lộ Đức trong các làng vùng Ninive

QARAQOSH:  Trong những ngày từ 20 đến 25 tháng 7 này, nhiều làng mạc và thị trấn vùng bình nguyên Ninive từng có đa số dân cư là tín hữu ky tô, đã đặt lại 15 tượng Đức Mẹ Lộ Đức tại những nơi các tượng này bị phá hủy hay chuyển dời do các nhóm thánh chiến hồi giáo IS trong thời gian họ chiếm nơi đây.

Sáng kiến này đã có thể thực hiện với sự trợ giúp của hiệp hội công giáo Pháp Oeuvre d’Oriente sau một chuyến viếng thăm của cha Pascal Gollnish, tổng giám đốc hiệp hội trong vùng này. Cha đã chứng kiến tận mắt số lớn những thánh giá bị phạm thánh, bao nhiêu tượng ảnh Chúa Giêsu và Mẹ Maria bị đập phá tan tành trong ba năm vùng này bị quân hồi giáo IS chiếm đóng. Từ tháng ba vừa qua, 15 bức tượng tạc theo mẫu Đức Mẹ Lộ Đức được Đức GM Nicolas Brouwet chúc lành, đã được đưa lên xe camion chở đến Ninive.

Trong những ngày vừa qua, nghi lễ tái an vị các tượng Đức Mẹ tại các giáo xứ, đền thánh và nơi công cộng đã được tổ chức với sự hiện diện của các Giám Mục, linh mục tu sĩ và giáo dân địa phương, rất nhiều người vừa hồi hương sau ba năm tỵ nạn. Bây giờ, các tín hữu ky tô tại những nơi ấy lại có thể cầu nguyện trước tượng ảnh Đức Mẹ Lộ Đức, Đấng đã hỗ trợ họ suốt thời gian dài tha hương. (FIDES 240717)

Mai Anh

 

Nữ tác giả Công giáo Nhật Bản một đời vì tha nhân

Nữ tác giả Công giáo Nhật Bản một đời vì tha nhân

Michiko Inukai, một tác giả Công giáo Nhật Bản nổi tiếng trên cả nước ủng hộ người tị nạn và nước ngoài, qua đời hôm 24-7 vì tuổi già, thọ 96 tuổi.

Michiko là cháu gái của Thủ tướng Tsuyoshi Inukai, người bị các sĩ quan hải quân trẻ ám sát năm 1932 và vụ ám sát này đánh dấu sự kết thúc quyền kiểm soát dân sự hiệu quả của chính quyền Nhật Bản cho đến sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Michiko và gia đình bà được rửa tội theo Công giáo trong thời chiến sau khi các thừa sai dòng Tên làm bạn với họ và nhiều người lánh xa họ vì sợ bị quân đội trả thù.

Sau chiến tranh, bà học triết tại Mỹ, nghiên cứu Kinh thánh và làm phóng viên ở Paris.

Khi trở về Nhật Bản năm 1958, bà xuất bản quyển sách đầu tiên nói về những trải nghiệm ở nước ngoài. Sau đó bà xuất bản nhiều sách nói về Kinh Thánh và Kitô giáo và nhiều tác phẩm nói về lợi ích chung, trong đó có một tác phẩm được chuyển thể thành phim nhiều tập trên truyền hình.

Sau khi gặp một người tị nạn Việt Nam ở Paris năm 1979, Michiko viếng thăm các trại tị nạn ở Thái Lan, và chuyến viếng thăm này thôi thúc bà bắt đầu làm việc cho người tị nạn ở châu Á và châu Phi.

Sau đó bà thành lập Quỹ Michiko Inukai và hợp tác với tổ chức Trợ giúp Người Tị nạn của dòng Tên giúp giáo dục cho trẻ em tị nạn trên toàn thế giới. Bà còn ủng hộ các dự án trồng rừng ở Pakistan.

Michiko qua đời tại thành phố Hadano, gần Tokyo, Nhật Bản.

UCANEWS

Nhờ lòng kiên nhẫn chờ đợi, cỏ lùng có thể trở thành sản phẩm tốt

Nhờ lòng kiên nhẫn chờ đợi, cỏ lùng có thể trở thành sản phẩm tốt

Qua dụ ngôn cỏ lùng mọc chung với lúa Chúa Giêsu dậy chúng ta biết quan sát thực tại và có một cái nhìn khác đối với thế giới, học hiểu các thời điểm của Thiên Chúa và có được chính cái nhìn của Ngài. Ranh giới giữa sự thiện và sự dữ đi qua trái tim con nguời. Nhưng nhờ ảnh hưởng tốt lành của sự âu lo chờ đợi  điều đã là cỏ lùng hay xem ra đã là cỏ lùng có thể trở thành một sản phẩm tốt. Đó là viễn tượng của sự hoán cải và niềm hy vọng.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin chung trưa Chúa Nhật 23.07.2017 tại quảng trường thánh Phêrô.

Quảng diễn bài Phúc Âm Chúa Nhật kể lại dụ ngôn cỏ lùng mọc chung với lúa, minh giải vấn đề sự dữ trong thế giới và nêu bật lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa (Mt 13,24-30.36-43) ĐTC nói: Thiên Chúa kiên nhẫn biết bao! Mỗi người trong chúng ta cũng có thể nói: Thiên Chúa kiên nhẫn với tôi chừng nào! Trình thuật Phúc Âm cho thấy hai tác nhân đối chọi nhau. Một đàng là ông chủ ruộng diễn tả Thiên Chúa là Đấng đã gieo hạt giống tốt, đàng khác là Satan, kẻ thù gieo vãi cỏ xấu.

Với thời gian qua đi cỏ lùng cũng mọc giữa lúa. Trước sự kiện này ông chủ và các đầy tớ có các thái độ khác nhau. Các đầy tớ muốn can thiệp nhổ cỏ lùng; nhưng ông chủ lo lắng trước nhất cho số phận của lúa phản đối và nói: “Đừng để xảy ra là khi nhổ cỏ lùng các anh cũng nhổ cả lúa” (c. 29). ĐTC giải thích:

Với hình ảnh này Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng trong thế giới này sự thiện và sự dữ  giao thoa với nhau tới độ không thể tách rời chúng ra được và nhổ hết sự dữ. Chỉ có Thiên Chúa mới làm được điều này, và Ngài sẽ làm nó vào ngày phán xử sau hết. Với các không rõ ràng và tính cách phức tạp của nó tình hình hiện nay là cánh đồng của sự tự do, cánh đồng sự tự do của các kitô hữu, trong đó hoàn thành việc phân định giữa sự thiện và sự dữ thật khó khăn.

Và trong cánh đồng ấy, với lòng tin tưởng nơi Thiên Chúa và trong sự quan phòng của Ngài, đây là việc nối liền hai thái độ xem ra mâu thuẫn nhau: sự cuơng quyết và lòng nhẫn nại. Sự cương quyết là ý muốn là hạt giống tốt, là điều tất cả mọi người chúng ta đều muốn – chúng ta tất cả muốn điều này – với tất cả các sức mạnh của nó và vì thế tránh xa kẻ dữ và các quyến rũ của nó. Sự nhẫn nại có nghĩa là thích một Giáo Hội là men trong bột hơn, một Giáo Hội không sợ hãi bẩn tay bằng cách giặt quần áo của con cái mình hơn là một Giáo Hội của “những nguời trong trắng”, yêu sách phán xử trước thời gian xem ai ở trong Nước Thiên Chúa, ai không.

ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ:

Chúa là Sự Khôn Ngoan nhập thể, hôm nay giúp chúng ta hiểu rằng sự thiện và sự dữ không thể được nhận diện với các vùng đất xác định hay các nhóm người xác định. Những người này tốt, những người kia xấu. Ngài nói với chúng ta rằng đường ranh giới giữa sự thiện và sự dữ đi qua trái tim mỗi một người, đi qua con tim của từng người trong chúng ta, nghĩa là chúng ta tất cả đều là người tội lỗi. Tôi muốn hỏi anh chị em: Ai không là người tội lỗi, xin hãy giơ tay lên!  Không có ai hết, bởi vì tất cả chúng ta đều là người tội lỗi. Với cái chết trên thập giá và sự phục sinh của Ngài, Chúa Giêsu Kitô đã giải thoát chúng ta khỏi nô lệ tội lỗi, và ban cho chúng ta ơn bước đi trong một cuộc sống mới; nhưng với bí tích Rửa Tội Ngài cũng đã ban cho chúng ta bí tích Giải Tội, bởi vì chúng ta luôn luôn cần được tha thứ khỏi các tội lỗi của chúng ta. Chỉ luôn luôn nhìn sự dữ ở bên ngoài chúng ta có nghĩa là không muốn thừa nhận tội lỗi ở bên trong chúng ta.

Thế rồi Chúa Giêsu dậy chúng ta một kiểu nhìn cánh đồng thế giới và quan sát thực tại khác. Chúng ta được mời gọi học biết các thời điểm của Thiên Chúa – không phải thời điểm của chúng ta –  và học có cả cái nhìn của Thiên Chúa nữa: nhờ ảnh hưởng tốt của một sự âu lo chờ đợi  điều đã là cỏ lùng hay xem ra đã là cỏ lùng có thể trở thành một sản phẩm tốt. Đó là thực tại của việc hoán cải. Đó là viễn tượng của niềm hy vọng!

Xin Trinh Nữ Maria giúp chúng ta biết tiếp nhận trong thực tại bao quanh chúng ta không chỉ sự bẩn thỉu và sự dữ, mà cả sự thiện và vẻ đẹp nữa; lột mặt nạ công việc của Satan, nhưng nhất là tín thác nơi hành động của Thiên Chúa, là Đấng khiến cho lịch sử được phong phú.

Tiếp đến ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã kêu gọi hoà bình cho Thánh Địa. Ngài nói: tôi âu lo theo dõi các căng thẳng trầm trọng và các bạo lực xảy ra trong các ngày này tại Giêrusalem. Tôi cảm thấy cần phải lên tiếng tha thiết kêu gọi hoà hoãn và đối thoại. Tôi mời gọi anh chị em hiệp nhất với tôi trong lời cầu nguyện, để Chúa gợi hứng cho tất cả mọi quyết định hoà giải và hoà bình.

Tiếp đến ngài cũng chào nhiều nhóm hiện diện trong đó có các tín hữu Ailen, các nữ tu Phan Sinh Elisabết Bigie, ca đoàn Enna, giới trẻ Casamassima đã đến làm việc thiện nguyện tại Roma, các người trẻ tham dự “Trại hè con người thế giới” dấn thân làm chứng cho niềm vui Tin Mừng trong các vùng ngoại biên của nhiều đại lục khác nhau.

Sau cùng ngài xin mọi người nhớ cầu nguyện cho ngài và  chúc tất cả một ngày Chúa Nhật tuơi vui an bình.

Linh Tiến Khải

Bộ phụng tự yêu cầu kiểm thực phầm chất bánh rượu dùng trong thánh lễ

Bộ phụng tự yêu cầu kiểm thực phầm chất bánh rượu dùng trong thánh lễ

VATICAN: Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích xin các Giám Mục toàn thế giới kiểm thực phẩm chất của bánh rượu dùng để dâng Thánh Lễ.

Thông cáo do Bộ  phổ biến ngày mùng 9 tháng 7 vừa qua mang chữ ký của ĐHY Tổng trưởng Robert Sarah và ĐTGM Thư ký Arthur Roche, trong đó Bộ yêu cầu các GM nhắc nhớ trách nhiệm của các linh mục, đặc biệt là các cha sở và giám đốc các đền thánh, trong việc kiểm thực phẩm chất bánh rượu cho phù hợp với Giáo Luật. Lý do vì có nhiều loại bánh rượu được bán cả trong các siêu thị,  hay hàng quán, hoặc trên mạng Internet.

Bánh phải là bánh không men, làm bằng lúa mì tinh tuyền, còn mới để không có nguy cơ bị hư hại.  Bánh làm bằng loại ngũ cốc khác với lúa mì, hay trộn lẫn với chất liệu khác lúa mì, không được coi là lúa mì thì không có giá trị cho việc cử hành Thánh Thể. Việc dùng bánh trộn lẫn với các chất liệu khác như trái cây, đường và mật là một lạm dụng nghiêm trọng. Các bánh lễ phải được làm do những người liêm chính và chuyên môn trong việc cung cấp bánh lễ.

Rượu dùng dâng Thánh Lễ phải là rượu tự nhiên làm bằng trái nho, tinh tuyền không bị pha chế hay trộn lẫn với các chất khác. Cần giữ gìn nó trong tình trạng hoàn hảo để rượu không trở thành giấm. Tuyệt đối không được dùng rượu không có sự tinh tuyền và phát xuất chắc chắn. Vì Giáo Hội đòi buộc sự chắc chắn liên quan tới các điều kiện cần thiết đối với giá trị của các bí tích. Không thể chấp nhận các loại rượu khác thuộc bất cứ loại nào không có giá trị cho việc cử hành.

** Bộ Phụng tự cũng nhắc lại Thư luân lưu Bộ Giáo Lý Đức Tin gửi cho các vị chủ tịch HĐGM liên quan tới việc dùng bánh với ít chất glutine và nước nho như chất liệu cử hành bí tích Thánh Thể, công bố ngày 24 tháng 7 năm 2003 về các điều luật riêng cho những người vì các lý do nghiêm trọng khác nhau không thể ăn bánh thường hay uống rượu lên men bình thường. Theo đó các bánh thánh hoàn toàn không có chất glutine là chất liệu không có giá trị để cử hành bí tích Thánh Thể. Là chất liệu có giá trị các bánh có chứa một lượng glutine đủ cho việc làm bánh, không thêm các chất lạ khác và không dùng các phương thức làm sai lạc bản chất của bánh (A. 1-2). Nước nho tươi được giữ không cho lên men qua các tiến trình không làm hư bản chất của nó, thí dụ như biến thành đá, là chất liệu có giá trị cho việc cử hành Thánh Thể (A.3). Các Giám Mục có quyền cho phép dùng bánh có ít chất glutine hay nước nho như là chất liệu của bí tích Thánh Thể đối với một tín hữu hay một linh mục. Phép này có thể được ban thường xuyên khi tình trạng lý do của việc cho phép vẫn kéo dài (C.1).

Ngoài ra Bộ Phung Tự và Kỷ Luật Bí Tích cũng quyết định rằng chất liệu thánh thể được làm với các cơ cấu bị biến đổi di truyền có thể được coi là chất liệu có giá trị. Những ai làm bánh và sản xuất ruợu cho việc cử hành Thánh Thể phải ý thức rằng công việc của họ hướng tới Hy Tế Thánh Thể và điều này đòi hỏi sự liêm chính, tinh thần trách nhiệm và chuyên môn. Sau cùng liên quan tới việc tuân giữ các điều luật tổng quát các Giám Mục có thể đồng ý với nhau trên bình diện HĐGM, bằng cách đưa ra các chỉ dẫn cụ thể. Do sự phức tạp của các tình hình và trạng huống, cũng như sự tôn trọng giảm sút trong lãnh vực thánh thiêng, trong cụ thể giáo quyền  cần chỉ định người bảo đảm cho tính chất tinh tuyền của chất liệu dùng cho việc cử hành bí tích Thánh Thể từ phiá các nhà sản xuất cũng như từ phía người phân phối và bán các chất liệu ấy một cách thích hợp. Chẳng hạn Bộ đề nghị HĐGM giao phó nhiệm vụ này cho một hay nhiều dòng tu hoặc một tổ chức có thể chu toàn các kiểm thực cần thiết  liên quan tới việc sản xuất, giữ gìn và bán bánh lễ rượu lễ  trong một quốc gia hay trong các quốc gia khác xuất cảng chúng. Bộ cũng yêu cầu bánh và rượu dùng cho việc cử hành Thánh Thể được đối xử thích hợp tại những nơi bán (REI 9-7-2017) 

Linh Tiến Khải

 

Bài giảng của Đức Thánh Cha lễ làm phép Pallium: 29-6-2017

Bài giảng của Đức Thánh Cha lễ làm phép Pallium: 29-6-2017

Đức Thánh Cha nói:

”Phụng vụ hôm nay cống hiến cho chúng ta 3 lời thiết yếu đối với đời sống của vị Tông Đồ: tuyên xưng, bách hại, cầu nguyện.

1. Tuyên xưng là lời của thánh Phêrô trong Tin Mừng, khi câu hỏi của Chúa từ tổng quát trở nên đặc thù. Thực vậy, trước hết Chúa Giêsu hỏi: ”Dân chúng nói Con Người là ai?” (Mt 16,13). Từ sự ”thăm dò” đó từ nhiều phía người ta thấy dân chúng coi Chúa Giêsu là một vị ngôn sứ. Bấy giờ Thầy mới hỏi các môn đệ câu hỏi thực là quyết định: ”Nhưng các con, các con nói Thầy là ai?” (v.15). Bấy giờ một mình Phêrô nói: ”Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (v.16). Đó là một sự tuyên xưng nhìn nhận Chúa Giêsu là Đức Messia đang được mong đợi, Thiên Chúa hằng sống, là Chúa tể của chính đời sống của ông”.

Câu hỏi sinh tử này ngày nay Chúa Giêsu cũng gửi đến chúng ta, tất cả chúng ta, đặc biệt là các vị Mục Tử. Đó là câu hỏi quyết định, và những câu trả lời qua đường không có giá trị trước câu hỏi đó, vì có liên hệ tới chính cuộc sống: và câu hỏi về cuộc sống này đòi phải có câu trả lời bằng chính cuộc sống. Lý do vì nếu chỉ biết các tín điều đức tin thì chẳng hữu ích bao nhiêu nếu ta không tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa bằng chính cuộc sống của mình. Ngày hôm nay Chúa nhìn tận mắt chúng ta và hỏi: ”Thầy là ai đối với con?”, như thể Ngài nói: ”Thầy có là Chúa tể đời sống của con, là hướng đi của tâm hồncon, là lý do hy vọng, là niềm tín thác không lay chuyển của con hay không?”.

Với thánh Phêrô và cả chúng ta, ngày hôm nay chúng ta hãy canh tân sự chọn lựa cuộc sống của chúng ta như môn đệ và tông đồ; chúng ta tiến từ câu hỏi thứ I sáng câu hỏi thứ hai của Chúa Giêsu, để trở thành những người của Chúa không những bằng lời nói, nhưng còn bằng việc làm và cuộc sống.

”Chúng ta hãy tự hỏi xem chúng ta có phải là những Kitô hữu ”phòng trà”, nói chuyện tầm phào về những sự việc diễn tiến thế nào trong Giáo Hội và thế giới, hoặc chúng ta là những tông đồ đang tiến bước, tuyên xưng Chúa Giêsu bằng cuộc sống vì chúng ta có ngài ở trong tâm hồn. Ai tuyên xưng Chúa Giêsu thì biết rằng mình không phải chỉ buộc phải cho ý kiến, nhưng còn hiến mạng sống, họ biết rằng mình không thể tin một cách nguội lạnh, nhưng được kêu gọi nồng cháy vì tình yêu; biết rằng trong cuộc sống mình không thể trôi nổi hoặc an tọa trong thoải mái, nhưng phải liều ra khơi, mỗi ngày tái lao mình trong sự hiến thân. Ai tuyên xưng Chúa Giêsu thì làm như thánh Phêrô và Phaolô: theo Chúa cho đến cùng; không phải đến một điểm nào đó, nhưng là cho đến tận cùng, và theo Chúa trên con đường của Ngài, chứ không theo những con đường của chúng ta. Con đường của Chúa là con đường đời sống mới, vui mừng và phục sinh, con đường cũng tiến qua thập giá và bách hại.

2. Bước qua lời thứ hai là những bách hại. ĐTC nói: Không những thánh Phêrô và Phaolô đã đổ máu vì Chúa Kitô, nhưng toàn thể cộng đoàn nguyên thủy cũng bị bách hại, như sách Tông đồ công vụ nhắc nhở chúng ta (Xc 12,1). Cả ngày nay, tại nhiều nơi trên thế giới, nhiều khi trong bầu không khí thinh lặng, đôi khi trong thinh lặng đồng lõa, bao nhiêu tín hữu Kitô bị gạt ra ngoài lề, bị vu khống, kỳ thị, bị bạo lực nhiều khi bị giết chết, nhiều khi không có sự dấn thân của những người có nhiệm vụ bảo vệ những quyền thánh thiêng của họ.

”Nhưng nhất là tôi muốn nhấn mạnh điều mà thánh Phaolô Tông Đồ quả quyết trước khi ”đổ máu làm hy lễ” (2 Tm 4,6) như Ngài đã viết. Đối với Thánh Nhân, sống là Chúa Kitô (Xc Pl 1,21) và Chúa Kitô chịu đóng đanh (Xc 1 Cr 2,1), Đấng đã hiến mạng sống vì Người (Xc Gl 2,20). Thế là, trong tư cách là môn đệ trung tín, thánh Phaolô đã theo Thầy bằng cách hiến mạng sống mình. Không có thập giá thì không có Chúa Kitô, nhưng không có thập giá thì cũng chẳng có Kitô hữu. Thực vậy, ”đặc điểm của nhân đức Kitô là không phải chỉ làm điều thiện, nhưng cũng còn là biết chịu đựng những bất hạnh” (Agostino, Disc. 46,13), như Chúa Giêsu. Chịu đựng bất hạnh không những là kiên nhẫn và bước đi trong thái độ cam chịu; chịu đựng là noi gương Chúa Giêsu: là mang gánh nặng, mang gánh ấy trên vai vì Chúa và vì tha nhân. Là chấp nhận thập giá, tiến bước trong tín thác vì chúng ta không lẻ loi: Chúa chịu đóng đanh và sống lại ở với chúng ta. Và như thế, với thánh Phaolo chúng ta có thể nói rằng ”trong mọi sự chúng ta đã chịu đau khổ, nhưng không bị đè bẹp, bị đảo lộn nhưng không thất vọng; bị bách hại nhưng không bị bỏ rơi” (2 Cr 4,8-9).

”Chịu đựng là biết chiến thắng với Chúa Giêsu theo cách thức của Ngài, chứ không phải theo cách thế của thế gian. Vì thế, Thánh Phaolo, như chúng ta đã nghe, coi mình là người chiến thắng sắp được lãnh triều thiên (Xc 2 Tm 4,8) và Ngài viết: ”Tôi đã chiến đấu một trận chiến cam go, tôi đã kết thúc cuộc chạy, tôi đã bảo tồn đức tin” (v.7). Cách cư xử duy nhất trong cuộc chiến cam go của thánh nhân là sống cho, không phải cho mình, nhưng cho Chúa Giêsu và tha nhân. Ngài đã sống bằng cách chạy, nghĩa là không tránh mệt mỏi, nhưng xả thân. Nói mình đã bảo tồn: không phải sức khỏe, nhưng bảo tồn đức tin, nghĩa là tuyên xưng Chúa Kitô. Vì yêu Chúa, Ngài đã chịu những thử thách, tủi nhục và đau khổ, những điều ngài không bao giờ tìm kiếm, nhưng chấp nhận. Và như thế, trong mầu nhiệm khổ đau dâng hiến vì tình yêu, trong mầu nhiệm mà bao nhiêu anh chị em bị bách hại, nghèo khổ và bệnh tật đang thể hiện ngày nay, sức mạnh cứu độ của Thập Giá Chúa Kitô chiếu tỏ rạng ngời.

3. Lời thứ ba là cầu nguyện. Đời sống của tông đồ trào dâng từ sự tuyên xưng và biểu lộ trong sự dâng hiến, diễn ra mỗi ngày trong kinh nguyện. Kinh nguyện là nước không thể thiếu được, nuôi dưỡng hy vọng và làm tăng trưởng lòng tín thác. Kinh nguyện làm cho chúng ta cảm thấy được yêu mến và giúp chúng ta yêu mến. Kinh nguyện làm cho chúng ta tiến bước trong những lúc tối tăm, vì thắp lên ánh sáng của Thiên Chúa. Trong Giáo Hội kinh nguyện nâng đỡ tất cả chúng ta và làm cho chúng ta vượt thắng những thử thách. Chúng ta còn thấy điều đó trong bài đọc thứ I: ”Trong khi Phêrô bị cầm tù, Giáo Hội không ngừng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện cho thánh nhân' (Cv 12,5). Một Giáo Hội cầu nguyện thì được Chúa giữ gìn và tiến bước trong sự đồng hành của Chúa. Cầu nguyện là phó thách cho Chúa con đường để Ngài chăm sóc. Kinh nguyện là sức mạnh liên kết và nâng đỡ chúng ta, là liều thuốc chống lại sự lẻ loi và tự mãn dẫn tới cái chết tinh thần. Vì Thánh Thần sự sống không thổi nếu ta không cầu nguyện và không có cầu nguyện những nhà tù nội tâm cầm tù chúng ta sẽ không được mở ra.

Trong phần kết của bài giảng, ĐTC nói:

”Xin các thánh Tông Đồ cầu cho chúng ta được một con tim như các vị, vất vả và an bình nhờ kinh nguyện: vất vả vì cầu xin, gõ cửa và chuyển cầu, chịu trách nhiệm về bao nhiêu người và những hoàn cảnh cần ủy thác; nhưng đồng thời được an bình, vì Thánh Thần mang lại sự an ủi và can cảm khi ta cầu nguyện. Thật là điều cấp thiết phải có những bậc thầy cầu nguyện trong Giáo Hội,nhưng trước tiên là những người nam nữ cầu nguyện, sống kinh nguyện!

”Chúa can thiệp khi chúng ta cầu nguyện, Chúa là Đấng trung tín với tình yêu mà chúng ta tuyên xưng với ngài và ở cạnh chúng ta trong những thử thách. Chúa đã đồng hành trên những nẻo đường của các Tông Đồ và ngài cũng sẽ đồng hành với anh em, các Hồng Y thân mến, tụ họp nơi đây trong tình bách ái của các Tông Đồ đã tuyên xưng đức tin bằng máu. Chúa cũng sẽ gần gũi anh em là những vị TGM, sau khi nhận giây Pallium, anh em sẽ được củng cố sống cho đoàn chiên, noi gương vị Mục Tử nhân lành, Đấng nâng đỡ anh em, vác anh em trên vai. Chúa cũng nồng nhiệt mong ước được thất đoàn chiên của Ngài được hiệp nhất, xin Chúa chúc lành và gìn giữ cả Phái đoàn của Tòa Thượng Phụ chung, và người anh em yêu quí của tôi là Bartolomeo, Người đã gửi phái đoàn đến đây trong dấu chỉ hiệp nhất tông đồ”.

G. Trần Đức Anh OP dịch

Các lãnh đạo Công giáo đau buồn về vụ khủng bố ở Manchester

Các lãnh đạo Công giáo đau buồn về vụ khủng bố ở Manchester

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã gửi điện thư do Đức Hồng y Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh ký, chia buồn về thảm kịch gây thương vong, chết chóc, xảy ra tại nhà thi đấu thành phố Manchester, Anh quốc, tối 22/05.

Cảnh sát giao thông Anh xác nhận vụ nổ xảy ra trong "phòng giải lao nhà thi đấu lúc 22h30 ngày 22/5,vào cuối buổi hòa nhạc do nữ ca sĩ người Mỹ Ariana Grande biểu diễn. Nhóm khủng bố Hồi giáo IS đã nhận trách nhiệm tấn công buổi biểu diễn ca nhạc làm cho hơn 20 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Đa số các nạn nhân là người trẻ.

Trong điện thư, Đức Giáo hoàng bày tỏ đau buồn sâu sắc và bày tỏ tình liên đới sâu đậm với tất cả bị thương tổn bởi hành vi bạo lực vô ý nghĩa này. Ngài khen ngợi các nỗ lực quảng đại của nhân viên cứu hộ và an ninh và đảm bảo cầu nguyện cho những người bị thương và những người đã qua đời. Đức Giáo hoàng nhớ đến cách đặc biệt các trẻ em và người trẻ đã bị thiệt mạng và nhớ đến các gia đình đang đau khổ của họ. Ngài cầu xin Thiên Chúa ban hòa bình, chữa lành và sức mạnh trên đất nước Anh.

Các Giám mục ở Anh cũng lên tiếng tố cáo hành động tội ác này. Đức cha John Arnold, Giám mục giáo phận Salford nói là không có lời biện minh cho bạo lực như thế. Trên tài khoản Twitter của giáo phận ngài viết: “Các công dân thành Manchester và cộng đồng Công giáo hiệp nhất lên án vụ tấn công vào đám đông ở sân thi đấu Arena. Đức cha nhấn mạnh: “chúng ta phải dấn thân hành động cùng nhau để giúp đỡ các nạn nhân và gia đình của họ và xây dựng và củng cố sự tương trợ của cộng đồng chúng ta.”

Giáo phận Salford thông báo rằng đức cha Arnold cử hành các Thánh lễ đặc biệt cầu cho các nạn nhân vào ngày 23/05.

Về phần mình, Đức Hồng y Vincent Nichols của tổng giáo phận Westminster ở Luân đôn, đã gửi thư chia buồn đến đức cha Arnold. Ngài viết: “Tôi đã nghe tin tức truyền thông về sự tàn bạo xảy ra đêm qua ở Manchester với nỗi buồn sâu xa. Xin Chúa đón tất cả mọi người qua đời về bên sự hiện diện thương xót của Người. Xin Chúa thay hướng lòng của những kẻ gây nên sự dữ đến sự hiểu biết chân thực về mong muốn và ý định của Người dành cho nhân loại.” Đức Hồng y cũng bảo đảm với đức cha Arnold và con chiên của ngài về lời cầu nguyện và chia buồn của các Giám mục Anh và xứ Wales. Ngài nói: “Cả chúng tôi cũng than khóc sự mất mát các sự sống này. Chúng tôi cầu nguyện cho những người đã qua đời được an nghỉ đời đời.”

Cuộc tấn công tối thứ hai, 22/05 là cuộc tấn công nặng nề nhất xảy ra ở Anh kể từ vụ nổ bom ở hệ thống xe điện ở Luân đôn vào tháng 7/2005, giết hại 52 người. (SD/CNA 22/05/2017)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha hành hương kính Đức Mẹ Fatima

Đức Thánh Cha hành hương kính Đức Mẹ Fatima

FATIMA. Chiều ngày 12-5-2017, ĐTC Phanxicô đã đến hành hương tại Đền thánh Đức Mẹ Fatima, Bồ đào nha, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra với 3 mục đồng tại đây: Lucia dos Santos, Phanxicô và Giacinta Marto.

Đây là chuyến viếng thăm thứ 19 của ĐTC tại nước ngoài, và Bồ đào nha là nước thứ 28 được ngài thăm viếng. Nhưng đây là lần đầu tiên, chuyến viếng thăm của ngài hoàn toàn là một cuộc hành hương, không có những hoạt động chính thức, nhưng chỉ có lời cầu nguyện dâng lên Đức Mẹ Fatima và bài giảng Thánh Lễ, cùng với hai lời chào các tín hữu: một trước khi bắt đầu đọc kinh Mân Côi tối hôm qua và một lời chào các bệnh nhân cuối thánh lễ phong thánh sáng thứ bẩy 13-5-2017.

Như ĐTC tỏ lộ trong sứ điệp Video gửi nhân dân Bồ đào nha tối thứ tư, 10-5 vừa qua, ngài đã nhận được nhiều lời mời của giáo quyền và các giới chức ở Bồ đào nha, mong ngài đến thăm địa phương của họ, nhưng ngài không thể nhận lời, và ĐTC cũng cám ơn sự cảm thông của chính quyền Bồ đào nha trước quyết định của ngài giới hạn lần đến Bồ đào nha này vào cuộc hành hương thuần túy.

Trên chuyến bay dài hơn 3 tiếng đồng hồ từ lúc 2 giờ 20 phút chiều từ Roma, như thường lệ, ĐTC đã chào thăm 69 ký giả cùng đi với ngài và tóm tắt chủ đích chuyến đi của ngài lần này: ”Đây là một cuộc lữ hành cầu nguyện, một cuộc gặp gỡ với Chúa và với Mẹ Thánh của Thiên Chúa”. Rồi ngài lần lượt bắt tay từng ký giả đồng hành.

 

Căn cứ không quân Monte Real

Khi đến phi trường căn cứ không quân Monte Real của Bồ đào nha, lúc 4 giờ 20 chiều 12-5, ĐTC đã được tổng thống Marcelo Rebelo de Souza tiếp đón tận chân thang máy bay và hai vị hội kiến trong 10 phút trước khi ngài đến viếng Nhà nguyện của căn cứ.

Cuộc tiếp đón đơn sơ nhưng rất nồng nhiệt, dọc đường ngài không quên ôm hôn và chúc lành cho mấy em bé, cũng như thăm hỏi những người bệnh thân nhân của các binh sĩ. Trước khi rời nhà nguyện, ĐTC đã ghi vào sổ vàng lưu niệm của căn cứ hàng chữ: ”Tôi phó thác nhân viên của Căn Cứ không quân và thân nhân họ cho Đức Mẹ Fatima, cầu xin Mẹ canh giữ cho họ được an toàn vào bảo vệ họ như những người trung thành phục vụ công ích và hòa bình”.

 

Tại Quảng trường Đền Thánh Fatima

Trong khi đó Quảng trường Fatima đã đông chật: hàng trăm ngàn tín hữu đã có mặt tại đây, cầu nguyện, ca hát chờ đợi ĐTC. Ngài đến đây sau 20 phút bay trực thăng từ căn cứ không quân, và đi xe mui trần đến thẳng Nhà Nguyện Đức Mẹ hiện ra. Ngài đặt bó hoa dưới chân tượng Đức Mẹ.

Những tiếng reo hò vui mừng của các tín hữu im bặt khi ĐTC im lặng cầu nguyện 10 phút trước tượng ảnh Đức Mẹ Fatima, rồi ngài bắt đầu kinh nguyện phó thác bản thân, các tín hữu, Giáo Hội và toàn thế giới cho sự phù hộ của Mẹ Thiên Chúa.

Tiếp nối truyền thống của các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm, ĐTC dâng kính Đức Mẹ một bình nhỏ bằng bạc trên đó có hoa hồng bằng vàng 24 carat, đặt dưới chân tượng.

 

Kinh Mân Côi

ĐTC trở lại Nhà nguyện Đức Mẹ hiện ra lúc 9 giờ rưỡi tối để chủ sự buổi làm phép nến và đọc kinh Mân Côi với hơn 300 ngàn tín hữu hiện diện, tay cầm nến sáng lung linh.

Trong lời chào các tín hữu, ĐTC cho biết ngài mang tất cả các tín hữu trong tim, nhất là những người túng quẫn nhất. Và nhân dịp này, ngài cũng muốn đánh tan những quan niệm không phù hợp với tinh thần tin Mừng về Đức Mẹ. Ngài nói:

”Chúng ta chọn Đức Maria nào? Đức Trinh Nữ Maria của Tin Mừng, được Giáo Hội cầu nguyện tôn kính, hay là một Maria do sự nhạy cảm chủ quan phác họa ra, coi là người ngăn chặn cánh tay công lý của Thiên Chúa sẵn sàng trừng phạt: coi Mẹ Maria tốt lành hơn Chúa Kitô, Chúa Kitô bị coi như một thẩm phán không xót thương? Coi Mẹ Maria có lòng thương xót hơn Chiên Con bị sát tế vì chúng ta?

”Người ta phạm một điều bất công lớn xúc phạm đến Thiên Chúa và ơn thánh của Người, khi quả quyết trước tiên rằng tội lỗi bị án lệnh của Chúa trừng phạt, mà không nêu rõ như Tin Mừng dạy: các tội lỗi ấy đã được lòng thương xót của Chúa tha thứ! Chúng ta phải đặt lòng thương xót lên trên sự phán xét và dầu sao đi nữa, sự phán xét của Thiên Chúa luôn được thực hiện dưới ánh sáng lòng thương xót của Người, vì Chúa Giêsu đã gánh lấy những hậu quả tội lỗi chúng ta cùng với hình phạt đi kèm. Chúa không phủ nhận tội, nhưng Ngài đã trả giá cho chúng ta trên Thánh Giá..”.

Sau kinh Mân Côi, ĐTC đã rời quảng trường trở về nhà trọ ”Nhà Đức Mẹ Camêlo”. Ngài ngồi cạnh tài xế, chứ không đứng chào mọi người, có lẽ vì không muốn các tín hữu chia trí trong bầu không khí cầu nguyện chung bấy giờ. Bầu không khí trong đó diễn ra thánh lễ liền sau đó do ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cử hành. Trời có gió lạnh và mưa nhẹ.

Nhiều tín hữu ở lại khu vực Đền thánh để qua đêm, vì nhà trọ của họ ở quá xa, hàng trăm cây số.

 

Giuse Trần Đức Anh

Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với Đức Thánh Cha: 23-4-2017

Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với Đức Thánh Cha: 23-4-2017

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa chúa nhật 23-4-2017, cũng là ”Chúa nhật Áo Trắng, ĐTC Phanxicô diễn giải về Lòng Thương Xót của Chúa và lễ kính Lòng Chúa Xót Thương.

Ngài nói với hơn 20 ngàn tín hữu hiện diện:  Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Mỗi chúa nhật chúng ta tưởng niệm cuộc phục sinh của Chúa Giêsu, nhưng trong mùa này sau lễ Phục Sinh, chúa nhật có một ý nghĩa càng rạng ngời hơn. Trong truyền thống của Giáo Hội, chúa nhật này được gọi là ”in albis”, thành ngữ này muốn nhắc lại nghi thức mà những người đã chịu phép rửa tội trong đêm vọng Phục Sinh thi hành. Mỗi người nhận được một áo trắng, alba, để chỉ phẩm giá mới của con cái Thiên Chúa. Chúa nhật hôm nay cũng vậy, các tân tòng nhận được một chiếc áo trắng nhỏ tượng trưng, trong khi những người lớn thì mặc áo trắng lớn của mình. Áo này, xưa kia, được mặc trong một tuần lễ, cho đến chúa nhật in albis – tức là chúa nhật sau lễ Phục Sinh – khi họ cởi áo này và các tân tòng bắt đầu đời sống mới trong Chúa Kitô và trong Giáo Hội.

Trong Năm Thánh 2000, thánh Gioan Phaolô 2 đã qui định rằng chúa nhật này được dâng kính Lòng Chúa thương xót. Thật là một trực giác rất đẹp! Năm Thánh đặc biệt Lòng Thương Xót cũng mới kết thúc cách đây vài tháng và chúa nhật này mời gọi chúng ta mạnh mẽ lấy lại ơn thánh xuất phát từ lòng thương xót của Thiên Chúa. Tin mừng hôm nay là một trình thuật cuộc hiện ra của Chúa Kitô Phục Sinh với các môn đệ họp nhau trong Nhà Tiệc Ly (Xc Ga 20,19-31). Thánh Gioan kể rằng Chúa Giêsu, sau khi chào các môn đệ, Ngài nói với họ: ”Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói rồi, Ngài thổi hơi vào họ và nói thêm: ”Các con hãy nhận lấy Thánh Linh. Các con tha tội cho ai ngừơi ấy được tha” (vv.21-23). Đó là ý nghĩa lòng thương xót được trình bày trong ngày Chúa Giêsu sống lại như ơn tha thứ tội lỗi. Chúa Giêsu đã thông truyền cho Giáo Hội của Ngài, như nghĩa vụ đầu tiên, chính sứ mạng của Ngài là mang đến cho tất cả mọi người sự loan báo cụ thể về ơn tha thứ. Dấu chỉ hữu hình này về lòng thương xót của Chúa mang theo an bình trong tâm hồn và niềm vui được tái gặp gỡ với Chúa”.

Lòng thương xót dưới ánh sáng Phục Sinh tỏ cho thấy được nhận thức như một hình thức ý thức thực sự về mầu nhiệm chúng ta đang sống. Chúng ta biết rằng ta nhận biết qua nhiều hình thức: qua các giác qua, qua trực giác, lý trí, và những cách khác. Đúng thế, ta cũng có thể nhận biết qua kinh nghiệm về lòng thương xót nữa! Lòng thương xót mở cửa tâm trí để hiểu rõ hơn mầu nhiệm Thiên Chúa và cuộc sống bản thân chúng ta. Lòng thương xót giúp hiểu rằng bạo lực, oán hận, trả thù không có ý nghĩa gì, và nạn nhân đầu tiên chính là người sống những tâm tình ấy, vì họ bị mất phẩm giá của mình. Lòng thương xót cũng mở cửa tâm hồn và giúp biểu lộ sự gần gũi, nhất là với những người lẻ loi và bị gạt ra ngoài lề, vì làm cho họ cảm thấy là anh chị em của nhau và là con của một Cha duy nhất. Lòng thương xót giúp nhận ra những người cần an ủi và làm cho ta tìm được những lời nói thích hợp để ủi an họ. Lòng thương xót sửa ấm tâm hồn và làm cho nó nhạy cảm đối với những nhu cầu của anh chị em qua sự chia sẻ và tham gia. Tóm lại, lòng thương xót kêu gọi mọi người trở thành dụng cụ của công lý, hòa giải, và hòa bình. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng lòng thương xót chính là chìa khóa chủ yếu trong đời sống đức tin, và là hình thức cụ thể qua đó chúng ta mang lại sự cụ thể hữu hình cho sự sống lại của Chúa Giêsu.

Và ĐTC kết luận với lời khẩn nguyện, xin Mẹ Maria, Mẹ Từ Bi Thương Xót, giúp chúng ta tin và vui sống tất cả những điều ấy.

Chào thăm

Sau khi ban phép lành cho mọi người, ĐTC nhắc nhở rằng: thứ bẩy 22-4-2017 tại thành Oviedo bên Tây Ban Nha có lễ phong chân phước cho Cha Louis-Antoine Ormières. Cha sống hồi thế kỷ 19, đã dùng tất cả khả năng nhân bản và tinh thần của mình để phục vụ giáo dục, và với mục đích ấy, cha đã thành lập dòng các nữ tu Thiên thần Bản mệnh. Ước gì tấm gương và lời chuyển cầu của cha đặc biệt giúp đỡ những người đang hoạt động tại các học đường và trong lãnh vực giáo dục.

ĐTC chào thăm tất cả các tín hữu Roma, những tín hữu hành hương từ Italia và bao nhiêu nước khác, đặc biệt ngài nhắc đến các tín hữu hành hương người Ba Lan và ca ngợi sáng kiến của Caritas Ba Lan nâng đỡ bao nhiêu gia đình ở Siria. Ngài không quên chào thăm các tín hữu tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa họp nhau tại Nhà Thờ Chúa Thánh Thần in Sassia gần Vatican, nơi đặc biệt cử hành các buổi lễ kính Lòng Thương Xót của Chúa.

Sau cũng, ĐTC gửi lời cám ơn tất cả những người đã gửi lời chúc mừn gngài nhân dịp lễ Phục Sinh. Ngài cũng chân thành chúc mừng họ và cầu xin cho mỗi người, mỗi gia đình được ơn thánh của Chúa Phục Sinh.

G. Trần Đức Anh OP

 

Giữ chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Ai Cập

Giữ chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Ai Cập

VATICAN. Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, Ông Greg Burke, cho biết chương trình viếng thăm của ĐTC tại Ai Cập trong hai ngày 28 và 29-4 tới đây được giữ nguyên, mặc dù có những vụ khủng bố hôm chúa nhật 9-4-2017 tại hai nhà thờ của Giáo Hội Chính Thống Copte.

Cha Rafic Grieche, Phát ngôn viên của HĐGM Ai Cập, cũng nói với hãng tin Công Giáo Hoa Kỳ rằng: ”Người Ai Cập đang mong chờ cuộc viếng thăm của ĐGH Phanxicô, mặc dù bầu không khí nặng nề hiện nay. Sứ mạng của ĐGH là ở cạnh các anh chị em trong thời điểm khó khăn. Nay là lúc thực sự ngài có thể mang lại an bình và hy vọng cho nhân dân Ai Cập nói chung và cách riêng cho các tín hữu ở Trung Đông”.

Cha Grieche nhìn nhận rằng dân chúng cảm thấy không thoải mái khi vào các thánh đường với các máy phát hiện kim loại và các biện pháp an ninh khác. Điều này không giống như khi vào một thánh đường bình thường, nhưng chúng tôi cần những biện pháp ấy để bảo vệ an ninh cho dân chúng”.

Cha Greiche kể lại rằng sau vụ tấn công sáng chúa nhật vừa qua (9-4), cha đã cử hành thánh lễ với 2 ngàn người. Dân chúng đã biết có vụ khủng bố ở thành phố Tanta, nhưng họ không muốn có thái độ sợ hãi. Ban chiều cùng ngày họ cũng đến cầu nguyện nhân dịp Tuần Thánh.

Đức Thượng Phụ Tawadros II, Giáo Chủ Chính Thống Copte Ai Cập có mặt ở Nhà thờ chính tòa thánh Marco ở thành phố Alessandria sáng ngày 9-4 để chủ sự lễ lá, khi xảy ra vụ nổ ở bên ngoài thánh đường.

Máy thu hình an ninh cho thấy một nhân viên an ninh chỉ dẫn cho một người bước qua máy phát hiện kim loại. Người này bước một bước vào cổng máy và bước lui một bước, tiếp theo đó là một tiếng nổ lớn cắt đứt cuốn phim do máy thu hình quay được.

Trước đó, một quả bom nổ bên trong thánh đường thánh Giorgio ở thành phố Tanta, cách Alessandria 112 cây số, trong lúc lễ lá đang được cử hành. Tổng cộng có ít nhất 44 người bị giết và hơn 100 ngườ bị thương trong hai vụ khủng bố. Đây là vụ khủng bố nặng nhất từ trước đến nay chống lại các tín hữu Kitô ở Ai Cập kể từ những thập niên qua.

Đức Thượng Phụ Tawadros nói với đài truyền hình Rai của Italia hôm 9-4-2017 rằng những vụ tấn công này không làm thương tổn sự đoàn kết và gắn bó của nhân dân Ai Cập. Những vụ tấn công này chống những người hòa bình tại những nơi cầu nguyện, chứng tỏ những kẻ khủng bố là những người vô tôn giáo.

Đại Iman Ahmad el-Tayyeb của Đại Học al-Azhar cũng lên án các vụ khủng bố và gọi đó là hành động sát hại những người vô tội (CNS 10-4-2017)

 G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha triệu tập Công nghị Hồng Y về việc phong thánh

Đức Thánh Cha triệu tập Công nghị Hồng Y về việc phong thánh

VATICAN. Sáng thứ năm, 20-4-2017, ĐTC sẽ nhóm công nghị hồng y để quyết định và thông báo về ngày cử hành lễ phong hiển thánh cho một số vị chân phước.

Đứng đầu danh sách là Cha Andrea de Soveral, Cha Ambrogio Francesco Ferro, LM giáo phận, và giáo dân Matteo Moreira cùng với 27 vị tử đạo tại Brazil. 30 chân phước này tử đạo ngày 16-7-1645 và 3-10-1645, vì bị những người Tin Lành Calvin Hòa Lan giết trong cuộc xung đột với các tín hữu Công Giáo Bồ đào nha.

Tiếp đến là 3 chân phước thiếu niên tử đạo người Mêhicô là Cristoforo, Antonio và Giovanni, bị giết vì đức tin ở Mêhicô năm 1529. 3 vị này quen được gọi là ”Các trẻ tử đạo ở Tlaxcala”, là những thổ dân đầu tiên trở lại Công Giáo ở Mêhicô, bị giết vì đã nhân danh đức tin Kitô từ chối sự tôn thờ thần tượng và tục đa thê.

Án thứ ba là Cha Faustino Miguez (1831-1925), người Tây Ban Nha, thuộc dòng Scolopi, cũng gọi là dòng Giáo Sĩ học đường, sáng lập Hội dòng thánh Calasanzio của các Nữ tử Chúa là Mục Tử.

Án thứ tư là chân phước LM Angelo da Acri, tục danh là Luca Antonio Falcone, thuộc dòng Capucino, qua đời năm 1739, thọ 70 tuổi .

Sau cùng là hai chân phước thiếu niên Phanxicô và Giacinta đã được Đức Mẹ hiện ra ở Fatima cách đây 100 năm.

 Với công nghị trên đây, Giáo Hội sắp có thêm 37 vị Hiển Thánh. (SD 11-4-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Truyền hình trực tiếp và thuyết minh tiếng Việt, Lễ Truyền Dầu và Lễ Phục Sinh do Đức Thánh Cha cử hành tại Vatican 2017

Truyền hình trực tiếp và thuyết minh tiếng Việt, Lễ Truyền Dầu và Lễ Phục Sinh do Đức Thánh Cha cử hành tại Vatican 2017

Anh chị em thân mến!

1. Truyền hình trực tiếp Thánh Lễ Truyền Dầu, Thứ Năm Tuần Thánh lúc 14h25 ngày 13.04.2017

Thứ năm ngày 13.04.2017, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh Lễ Truyền Dầu tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô (hay còn gọi là Đền Thờ Thánh Phêrô).

Truyền Thông Vatican sẽ thực hiện việc truyền hình trực tiếp và thuyết minh Tiếng Việt sự kiện quan trọng này qua kênh Youtube: Vatican – Tiếng ViệtGiờ Thánh Lễ là: 14:25 (2h25 chiều) ngày 13.04.2017 giờ Việt Nam

2. Truyền hình trực tiếp Thánh Lễ Phục Sinh, Chúa Nhật lúc 14h55 ngày 16.04.2017

Chúa Nhật ngày 16.04.2017, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh Lễ Phục Sinh tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Truyền Thông Vatican sẽ thực hiện việc truyền hình trực tiếp và thuyết minh Tiếng Việt sự kiện quan trọng này qua kênh Youtube: Vatican – Tiếng ViệtGiờ Thánh Lễ là: 14:55 (2h55 chiều) ngày 16.04.2017 giờ Việt Nam

Ban Việt Ngữ – Truyền Thông Vatican

Lễ Lá được cử hành tại nhà thờ đã bị quân Hồi giáo tàn phá ở Karamles, Iraq

Lễ Lá được cử hành tại nhà thờ đã bị quân Hồi giáo tàn phá ở Karamles, Iraq

Erbil – Cha Paolo Thabit Mekko, một Linh mục thuộc Giáo hội Công giáo Canđê ở Mosul đã cho hãng tin Á châu biết là Giáo hội Công giáo sẽ tổ chức lễ Lá ở Karamles, một làng ở vùng bình nguyên Ninive, sau một thời gian bị quân đội Nhà nước Hồi giáo (IS) chiếm đóng và tàn phá.

Với sự cảm động và phấn khởi hăng hái, cha Mekko cho biết Thánh lễ sẽ được cử hành tại nhà thờ Mar Addai mà các tín hữu đã tẩy rửa trong những ngày này và sẽ được truyền trực tiếp trên facebook.

Cha Mekko chia sẻ: “Nó sẽ là một ngày lễ của cộng đoàn khi lại họp nhau vào đúng dịp lễ Vọng Phục sinh. Một sự sống lại thật sự và đúng nghĩa, nhưng cũng là Phục sinh đầu tiên của sự giải phóng khỏi Daesh (IS).

Cha Mekko cũng cho biết sẽ có ít nhất 10 xe buýt, cho khoảng 400 người đi từ Erbil đến dự lễ. Họ là những người sinh quán ở Karamles, hiện còn đang sống trong các trung tâm tiếp đón và trong các nhà cho thuê tại thủ đô của người Kurd ở Irak.

Cha Mekko là phụ trách của trại tị nạn “Occhi di Erbil”, ở ngoại ô Erbil, nơi trước đây có hàng ngàn Kitô hữu tị nạn sau khi quân đội Hồi giáo IS chiếm đóng. Hiện nay trung tâm này còn có 140 gia đình, với khoảng 700 người sinh sống trong 46 chung cư nhỏ và một khu vực thu nhận và cung cấp sự trợ giúp. Còn có một nhà trẻ cho các trẻ em, một trường mẫu giáo và một trường tiểu học.

Những ngày qua nhiều cư dân đã về thành phố Karamles để sắp xếp lại nhà cửa của họ cũng như tìm kiếm những khu vực có thể định cư mới dù chưa biết thời hạn trở về. Tại Karamles có 800 ngôi nhà nhưng 200 bị đốt cháy, 90 bị phá hủy hoản toàn và vài trăm hư hại cách này cách kia.

Tình hình an ninh trong khu vực hiện tại an bình. Có một số quân lính Kitô giáo ơ lại thành phố để bảo đảm an ninh cho ngôi làng. Có một số nguy hiểm từ các quả mìn chưa nổ, do đó cần phải cẩn thận và chú ý.

Nhà thờ Mar Addai nằm ở phía bắc của ngôi làng và là nơi thờ phượng lớn nhất và hiện đại nhất trong vùng. Nhà thờ được bắt đầu xây dựng từ năm 1937 và khánh thành vào năm 1963. Đã 3 năm qua, không có Thánh lễ được cử hành tại đây.

Đối với làng Karamles, sự kiện này cũng là cơ hội tái sinh. Trong bài giảng cha Mekko nói: “Như Chúa Kitô, ngôi làng của chúng ta cũng bị hạ nhục. Trên hết, Người sẽ ở giữa chúng ta, Chúa Kitô sẽ ở giữa chúng ta trong ngôi làng này. Sau nhiều đau khổ Thánh lễ sẽ có ý nghĩa và màu sắc đặc biệt. Trước Thánh lễ sẽ có cuộc rước kiệu qua các con đường của ngôi làng, với các bài thánh ca và kinh nguyện truyền thống được hát mỗi năm một lần trong dịp lễ này.”

Ở Karamles cũng có truyền thống làm phép nhà, các ngôi vườn và vườn nho. Cha Mekko cho biết năm nay truyền thống này sẽ được lặp lại và ngôi làng sẽ được chúc lành.

Các tín hữu rất hồ hởi vui tươi khi nghe tin là Thánh lễ sẽ được cử hành tại nhà thờ của làng. Đây sẽ là một dịp vui mừng và là ngày hội lớn.

Lễ Lá sẽ bắt đầu khoảng 9.30 sáng. Sau Thánh lễ các tín hữu sẽ chia sẻ niềm vui ngày lễ bên ngoài nhà thờ. Mỗi người sẽ mang đồ ăn thức uống để chia sẻ với nhau. Sau đó, họ có thể tham dự nghi thức tạ ơn qua mạng xã hội. (Asia News 06/04/2017)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha lên án khủng bố tại Nga và bom hóa học ở Siria

Đức Thánh Cha lên án khủng bố tại Nga và bom hóa học ở Siria

VATICAN. ĐTC liên đới với các nạn nhân vụ khủng bố tại Nga và vụ dội bom hóa học tại Siria.

Lên tiếng vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng hôm ngày 5-4-2017, ĐTC nói:

”Lúc này đây tôi nghĩ đến vụ khủng bố nặng nề trong những ngày qua tại xe điện ngầm ở thành phố San Pietroburgo, làm cho nhiều người chết và tạo nên sự ngỡ ngàng nơi dân chúng. Trong khi tôi phó thác cho lòng thương xót của Thiên Chúa những người bị thiệt mạng thê thảm, tôi bày tỏ sự gần gũi trong tinh thần với các thân nhân họ và tất cả những người đang chịu đau khổ vì biến cố đau thương này.

”Chúng ta chứng kiến những biến cố kinh khủng mới đây tại Siria. Tôi quyết liệt lên án thảm họa không thể chấp nhận được xảy ra hôm qua, 4-4 tại tỉnh Idlib, nơi mà hàng chục người vô tội, trong đó có nhiều trẻ em bị giết. Tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và thân nhân của họ, và kêu gọi lương tâm của những người có trách nhiệm chính trị, trên bình diện địa phương và quốc tế, để thảm trạng này được chấm dứt và mang lại sự thoa dịu cho dân chúng yêu quí đã bị kiệt lực từ quá lâu vì chiến tranh. Ngoài ra, tôi cũng khuyến khích nỗ lực của những người đang cố gắng chuyển sự trợ giúp cho dân chúng tại vùng này, mặc dù có tình trạng bất an và khó khăn.

Vụ khủng bố tại trạm xe điện ngầm ở San Pietroburgo do một tên khủng bố tự sát Akbarzhon Jalilov 22 tuổi gây ra làm cho 14 người chết và hàng chục người bị thương.

Vụ dội bom hóa học ở tỉnh Idlib làm cho 72 người chết, trong đó có 20 trẻ em. Tây Phương cáo buộc chế độ của tổng thống Assad, trong khi đó Nga phủ nhận lời buộc tội này. (SD 5-4-2017)

 G. Trần Đức Anh OP 

Đức Giáo hoàng Phanxicô khích lệ dân chúng Chicago

Đức Giáo hoàng Phanxicô khích lệ dân chúng Chicago

Chicago, Illinois – Trước tình hình bạo lực liên tiếp xảy ra tại thành phố Chicago, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã gửi thư bày tỏ sự khích lệ, liên đới và hy vọng đến nhân dân thành phố này.

Trong thư gửi đến Đức Hồng y Blase J. Cupich, Tổng Giám mục Chicago, Đức Giáo hoàng nói “Sự kiên trì thực hành bất bạo lực phá vỡ những rào chắn, băng bó các vết thương, chữa lành các quốc gia và nó có thể chữa lành Chicago.”

Đức Giáo hoàng cũng xin nói với dân chúng là họ được ngài nhớ đến và cầu nguyện cho họ.

Ngài viết thêm: “Thật là buồn, như Đức Hồng y đã nói với tôi, dân chúng của các sắc tộc khác, các nguồn gốc kinh tế và xã hội khác nhau bị đối xử phân biệt, dửng dưng, bất công và bạo lực. Chúng ta phải loại bỏ sự loại trừ và cô lập này và đừng nghĩ đến bất kỳ nhóm nào như “những người khác”, nhưng tốt hơn như các anh chị em của chính chúng ta.”

Những lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô gửi đến Chicago trong bối cảnh số vụ giết người và tội ác ở thành phố này gia tăng trong một ít năm qua. Ngày 30/03 có 7 người bị giết trong vụ bạo lực liên quan đến băng đảng tại 3 nơi khác nhau. Trong số các nạn nhân có một thai phụ.

Trong 15 tháng qua, có khoảng 900 vụ giết người được ghi nhận. Thị trưởng Chicago, ông Rahm Emanuel, đã lên án bạo lực và gọi những vụ giết người mới đây là “sự ác”.

Hôm thứ 3 vừa qua, trong một hội nghị với vị chủ tịch và điều hành Ủy ban bác ái Công giáo, cũng như với vị điều hành Nhà Tình thương cho các trẻ nam nữ, Đức Hồng y Cupich đã loan báo cuộc tuần hành cho hòa bình ở Englewood, Chicago vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh. Đức Giáo hoàng Phanxicô vui lòng với sự kiện này và sẽ liên kết với những người tham dự trong tinh thần. Ngài nói: “Khi tôi đi đàng Thánh giá ở Roma vào ngày này, tôi sẽ đồng hành với Đức Hồng y trong kinh nguyện, cũng như với những người cùng đi với Đức Hồng y và những người đau khổ vì bạo lực trong thành phố.”

Đức Giáo hoàng cũng nhấn mạnh rằng hòa bình sẽ là lời đáp trả duy nhất cho bạo lực, như Martin Luther King đã nói rằng xung đột nhân loại chỉ có thể giải quyết bằng tình yêu.

Ngài cũng mời gọi nhân dân Chicago loại trừ sợ hãi, cởi mở tâm trí và trái tim để tiến đến hòa bình và cần dạy cho con em ở nhà cũng như ở trường thái độ này. Ngài nói: “Tôi cầu nguyện rằng nhân dân của thành phố tươi đẹp này không bao giờ mất hy vọng và họ cùng nhau hành động để trở thành những người xây dựng hòa bình, tỏ cho thế hệ tương lai sức mạnh thực của tình yêu.” (CNA 04/04/2017)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha đột xuất viếng thăm trung tâm người mù

Đức Thánh Cha đột xuất viếng thăm trung tâm người mù

Cơ sở này mang tên là ”Trung tâm miền thánh Alessio – Margherita di Savoie” cho người nghèo, nhắm giúp những người khiếm thị hội nhập vào xã hội. Qua cuộc viếng thăm này, ĐTC muốn tiếp tục chương trình ”Thứ sáu lòng thương xót” ngài đã khởi xướng và thực hiện trong Năm Thánh Lòng Thương Xót vào chiều thứ sáu, mỗi tháng 1 lần.

Cùng đi với ĐTC, có Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng.

Trong cuộc viếng thăm vừa qua, ĐTC gặp gỡ các người khiếm thị hoặc bẩm sinh, hoặc do bệnh tật. Nhiều người cũng mang một số khuyết tật khác. Trong số những người ở trung tâm có khoảng 50 trẻ em được huấn luyện chuyên biệt để làm được những công việc thường nhật, ngoài ra có 37 người già và người lớn cư ngụ thường xuyên tại Trung Tâm.

Đến nơi, ĐTC đã được Ông Chủ tịch Trung Tâm Amegeo Piva và Ông Tổng giám đốc Antonio Organtini cùng với các nhân viên y tế, những người thiện nguyện và phục vụ, tiếp đón nồng nhiệt. Ông Organtini này cũng bị mù trong cuộc sống.

ĐTC đã để lại một món quà cho trung tâm và ký vào một bản giấy da lưu niệm trong Nhà nguyện, nhắc nhớ cuộc viếng thăm này. (SD 31-3-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Phép lạ của hai Chân Phước thiếu nhi Phanxicô và Giaxinta

Phép lạ của hai Chân Phước thiếu nhi Phanxicô và Giaxinta

VATICAN. Hai Chân Phước thiếu nhi Phanxicô và Giaxinta Marto được công nhận phép lạ và sắp được phong Hiển thánh.

Với phép của ĐTC, hôm 23-3-2017, Bộ Phong Thánh đã công bố sắc lệnh nhìn nhận phép lạ nhờ lời chuyển cầu của hai Chân Phước đã được Đức Mẹ hiện ra tại Fatima cách đây 100 năm cùng với chị họ Lucia, đó là Phanxicô Marto, sinh ngày 11-6-1908, qua đời ngày 4-4-1919, và Giacinta Marto, sinh ngày 11-3-1910, qua đời ngày 20-2-1920.

Hai thiếu nhi đã được thánh Gioan Phaolô 2 Giáo Hoàng tôn phong chân phước tại Đền thánh Fatima ngày 13-5 Năm Thánh 2000.

Nhiều người hy vọng ĐTC Phanxicô sẽ chủ sự lễ phong Hiển Thánh cho hai vị trong thánh lễ ngày 13-5-2017 tới đây tại Fatima, tuy nhiên chưa có thông cáo chính thức nào của Tòa Thánh về vấn đề này.

Cũng ngày 23-3-2017, Bộ Phong Thánh đã công bố 6 sắc lệnh khác liên quan đến các án phong khác:

– Sắc lệnh nhìn nhận phép lạ nhờ lời chuyển cầu của Chân phước Angelo da Acri, LM thuộc dòng Capucino (1669-1739)

– Sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử đạo của Cha Giuse Maria Fernández Sánchez, và 32 bạn thuộc dòng Lazzariste và 6 giáo dân thuộc Hội Ảnh Vảy Đức Mẹ Maria tử đạo năm 1936 trong thời nội chiến Tây Ban Nha.

 – Sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử đạo của Nữ tu Regina Maria Vattalil, dòng Clarissa Phanxica, tử đạo ngày 25-2-1995.

3 sắc lệnh còn lại nhìn nhận các nhân đức anh hùng của 3 vị tôi tớ Chúa.

Sau cùng, ĐTC chấp thuận đề nghị của các Hồng Y và GM thành viên Bộ phong thánh về việc phong hiển thánh cho

– 30 vị tử đạo ở Brail ngày 16-7-1645 và 3-10-1645, đứng đầu là cha Andrea de Soveral và Matteo Moreira.

– 3 thiếu niên tử đạo: Cristoforo, Antonio và Giovanni, bị giết vì đức tin ở Mexico năm 1529.

 G. Trần Đức Anh OP