Mất trước được sau

Mất trước được sau

Ở đời ai cũng muốn được và sợ mất. Nhưng làm thế nào để được và không mất thì không phải ai cũng biết cách làm. Vì không phải cứ thu vào là được. Không phải cứ buông ra là mất. Trái lại rất nhiều khi phải chịu mất trước rồi mới được sau. Mất nhỏ để được lớn. Mất ít để được nhiều. Đó hầu như là qui luật trong đời sống hằng ngày. Ta dễ hiểu điều này trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay. Nhà đầu tư muốn được lợi nhuận cao, sẽ không giữ kỹ tiền của trong nhà, buộc chặt lại rồi đem chôn giấu đi, trái lại phải huy động hết vốn liếng hiện có trong nhà đổ vào đầu tư. Vốn lớn thì lời mới lớn.

Muốn được phải chịu mất trước. Đời sống đạo đức không đi ra ngoài qui luật đó. Chúa Giêsu dạy ta: “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình đi, vác thập giá mà theo”.

Đi theo Chúa là đi vào con đường của Chúa.

Con đường của Chúa là con đường từ bỏ. Cuộc đời Chúa Giêsu là một cuộc từ bỏ không ngừng. Từ bỏ trời để xuống đất. Từ bỏ địa vị Thiên Chúa để làm người. Từ bỏ cuộc sống an nhàn nơi thôn làng để đi vào cuộc phiêu lưu rao giảng Tin Mừng. Từ bỏ cứu thế bằng con đường dễ dãi do ma quỉ xúi giục, để đi vào con đường chật hẹp khó khăn theo ý Đức Chúa Cha. Cuộc từ bỏ cam go nhất chính là từ bỏ ý riêng mình. Đó là một cuộc chiến khốc liệt khiến Người phải toát mồ hôi máu. Nhưng Người đã đi đến cùng con đường từ bỏ. Hình ảnh Người chết trần trụi trên thánh giá là hình ảnh một người từ bỏ tất cả đến tận cùng. Không còn một chút hơi thở. Không còn một giọt máu. Không còn một chút danh dự. Không còn gì cả.

Con đường của Chúa là con đường thánh giá. Người đã ôm lấy thánh giá và vác. Không phải chỉ là thánh giá gỗ trên đường lên Núi Sọ, nhưng là thánh giá cuộc sống trải dài suốt đời người. Thánh giá kiếp người. Thánh giá kiếp nghèo. Thánh giá bị chống đối. Thánh giá bị hiểu lầm. Thánh giá bị bỏ rơi. Thánh giá bị phản bội. Thánh giá thách thức. Thánh giá thất bại. Thánh giá oan ức. Thánh giá tủi nhục. Thánh giá cô đơn. Thánh giá nặng lắm nên nhiều lần Người đã ngã xuống. Thánh giá ghê sợ lắm nên Người đã có lần muốn chối bỏ. Nhưng rồi Người lại đứng lên tiếp tục vác đi cho đến cùng, cho trọn con đường.

Nhưng nếu đường của Chúa Giêsu chỉ dừng tại đây thì đó là một con đường bế tắc. Nếu định mệnh của Chúa Giêsu kết thúc tại Núi Sọ thì đó là một định mệnh diệt vong. Không! con đường của Chúa còn là con đường phục sinh. Định mệnh của Chúa là một định mệnh vinh quang.

Con đường thánh giá là con đường dẫn đến phục sinh. Con đường từ bỏ là con đường dẫn tới vinh quang. Phải qua sự chết mới đến sự sống. Phải qua tủi nhục mới đến vinh quang. Phải qua gian khổ mới đến hạnh phúc. Thánh Phaolô đã hiểu biết tường tận con đường của Chúa nên đã nói: “Chúa Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chuá mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Chúa Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2, 6-11).

Cũng thế, khi mời gọi ta bước theo Người, Người không muốn ta đi vào tàn lụi diệt vong, nhưng muốn ta triển nở đến viên mãn. Nên Người nói tiếp: “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy”.

Như thế từ bỏ không phải để mất mà để được, được lại một cách sung mãn, hoàn hảo và cao cả phong phú hơn gấp bội. Mất hiện tại để được tương lai. Mất đời này để được đời sau. Mất phàm tục để được thần thiêng. Mất tạm bợ để được vĩnh cửu.

Thánh Phanxicô Khó Nghèo đã cảm nghiệm sâu xa chân lý này nên đã thốt lên lời ca bất hủ: “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

Lạy Chúa, xin cho con biết từ bỏ mình để được chính Chúa, nguồn mạch hạnh phúc của con.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Mất trước được sau. Bạn áp dụng câu này trong đời sống đạo thế nào?

2) Chúa Giêsu mời gọi: “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo”. Bạn nghĩ sao về đòi hỏi này của Chúa, có quá khắt khe không?

3) Hạnh phúc không có sẵn nhưng phải phấn đấu mới đạt được. Bạn có tâm đắc điều này không?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Đức Thánh Cha gửi thư cho Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon

Đức Thánh Cha gửi thư cho Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon

VATICAN. Qua thư gửi Ông Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon, ĐTC kêu gọi cộng đồng quốc tế cứu trợ nhân đạo và giúp chấm dứt bạo lực chống các tín hữu Kitô và tín đồ các tôn giáo thiểu số tại Iraq.

Trong thư gửi đề ngày 9-8-2014 gửi ông Ban Ki Moon và được Phòng báo chí Tòa Thánh công bố trưa hôm 13-8-2014, ĐTC viết:

”Với tâm hồn nặng chĩu và lo âu, tôi theo dõi các biến cố bi thảm trong những ngày gần đây tại miền bắc Irak, nơi mà các tín hữu Kitô và tín đồ các tôn giáo thiểu số khác bị bó buộc phải trốn chạy khỏi gia cư của họ và chứng kiến sự tàn phá các nơi thờ phượng cũng như gia sản tôn giáo của họ. Xúc động vì số phận đau thương của họ, tôi đã xin ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền giáo, người đã từng làm Đại diện của các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm của tôi, Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 và Biển Đức 16 nơi nhân dân Iraq, đến biểu lộ sự gần gũi tinh thần của tôi và bày tỏ mối quan tâm của tôi cũng như của toàn thể Giáo Hội Công Giáo, đối với sự đau khổ không thể chấp nhận được của những người chỉ muốn được sống trong an bình, hòa hợp và tự do nơi phần đất của cha ông họ”.

Với cùng tinh thần đó, thưa ông Tổng thư ký, tôi viết cho ông, và đặt trước ông nước mắt, sự đau khổ và tiếng kêu thống thiết tuyệt vọng của các tín hữu Kitô và các tín đồ tôn giáo thiểu số khác nơi đất nước Irak yêu quí. Tôi lập lại lời kêu gọi cấp thiết gửi đến cộng đồng quốc tế: xin hãy hành động để chấm dứt thảm trạng nhân đạo đang diễn ra, và tôi khuyến khích tất cả các cơ quan thẩm quyền của LHQ, đặc biệt các cơ quan đặc trách về an ninh, hòa bình và công pháp nhân đạo, cũng như cơ quan trợ giúp những người tị nạn, hãy tiếp tục nỗ lực phù hợp với Lời tựa và các điều khoản quan trọng trong Hiến Chương LHQ”.

”Những cuộc tấn công tàn bạo đang càn quét qua miền bắc Iraq không thể không thức tỉnh lương tâm của mọi người nam nữ thiện chi và thúc đẩy họ có những hành vi liên đới cụ thể để bảo vệ những người bị thương tổn hoặc bị bạo lực đe dọa và đảm bảo sự trợ giúp cần thiết và cấp thời cho bao nhiêu người phải tản cư cũng như giúp họ trở về thành thị và gia cư của họ trong an toàn. Những kinh nghiệm thê thảm trong thế kỷ 20 và sự ý thức cơ bản nhất về phẩm giá con người thúc đẩy cộng đồng quốc tế, đặc biệt qua các qui luật và cơ cấu công pháp quốc tế, làm tất cả những gì có thể để chặn đứng và ngăn ngừa không để xảy ra nữa những bạo lực có thệ thống chống các nhóm chủng tộc và tôn giáo thiểu số”.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Với niềm tín thác lời kêu gọi, mà tôi liên kết với những lời kêu gọi của các vị Thượng Phụ Đông Phương và các vị lãnh đạo tôn giáo khác sẽ được đáp trả tích cực, tôi tái bày tỏ với ông Tổng thư ký lòng quí trọng sâu đậm nhất của tôi”. (SD 13-8-2014)

G. Trần Đức Anh OP  – Vatican Radio

NHÀ NƯỚC CỘNG SẢN VIỆT NAM VI PHẠM NGHIÊM TRỌNG QUYỀN TỰ DO TÔN GIÁO

NHÀ NƯỚC CỘNG SẢN VIỆT NAM VI PHẠM NGHIÊM TRỌNG QUYỀN TỰ DO TÔN GIÁO

HÀ NỘI: Ông Heiner Bielefeld, đặc sứ của Liên Hiệp Quốc quan sát tự do tôn giáo, đã tuyên bố rằng các vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo và tự do lương tâm là một thực tại ở Việt Nam ngày nay.

Trong chuyến viếng thăm Việt Nam kết thúc ngày mùng 1-8-2014 Ông Bielefeld đã gặp gỡ các giới chức chính quyền trung ương, địa phương cũng như giới lãnh đạo các tôn giáo. Ông đã viếng thăm các tỉnh An Giang, Gia Lai và Kontum. Một số các chứng nhân và đại diện cũng như các người tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền muốn gặp ông đã bị công an cảnh sát chìm nổi của nhà nước cộng sản đe dọa, sách nhiễu, ngăn chặn theo cung cách của các tổ chức tội phạm, như họ vẫn làm từ trước tới nay.

Trong các năm qua tại ba tỉnh nói trên đã xảy ra rất nhiều vụ vi phạm nhân quyền và bách hại tôn giáo, đặc biệt là các vụ tấn kích đàn áp các tín hữu công giáo và tin lành tai Kontum trong các năm 2012, 2013. Ông Bielefeld đã được Ủy ban nhân quyền Liên Hiệp Quốc đặc phái sang Việt Nam để quan sát tình hình tự do tôn giáo và viết bản tường trình cho năm 2015. Ông cho biết thái độ chung của nhà nước cộng sản Việt Nam là khinh bỉ các quyền con người và rất tiêu cực, họ tìm mọi cách hạn chế quyền tự do tôn giáo đối với các nhóm thiểu số và các tín hữu thực hành đạo mà không là thành phần của các Giáo Hội quốc doanh. Ông đặc sứ Liên Hiệp Quốc cũng nhận xét rằng trong bộ hình luật có các kiểu diễn tả mơ hồ liên quan tới các vụ lạm dụng dân chủ.

Nhà nước cộng sản Việt Nam lúc nào cũng rêu rao tôn trọng nhân quyền để lừa bịp dư luận thế giới, nhưng trên thực tế họ tước đoạt mọi quyền tự do của người dân, hiên ngang dùng bạo lực ăn cướp đất đai, tài sản của dân và của các tôn giáo để bán cho các hãng xưởng đa quốc. Nhà nước dùng quân đội, công an, cảnh sát và các tổ chức côn đồ tội phạm để đàn áp, sách nhiễu dân chúng. Họ tùy tiện vu khống, quy kết tội, bắt giữ giam cầm, kết án tù bất cứ ai, đặc biệt là những người có can đảm dám lên tiếng tranh đấu cho các quyền con người, hay phê bình chính sách cai trị độc tài, thối nát vô luân và tàn bạo của chính quyền phản bội dân tộc bán nước cho Trung Quốc (FIDES 1-8-2014).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐỨC HỒNG Y EDWARD CLANCY NGUYÊN TỔNG GIÁM MỤC SYDNEY QUA ĐỜI

ĐỨC HỒNG Y EDWARD CLANCY NGUYÊN TỔNG GIÁM MỤC SYDNEY QUA ĐỜI

SYDNEY: Đức Hồng Y Edward Clancy, nguyên Tổng Giám Mục Sydney, đã qua đời sáng ngày mùng 3-8-2014, thọ 90 tuổi.

Đức Hồng Y Clancy sinh năm 1923, thụ phong linh mục năm 1949. Năm 1952 cha Clancy được gửi sang du học Roma. Trở về nước năm 1955 cha trông coi hai giáo xứ Elizabeth Bay và Liverpool. Năm 1958 cha là giáo sư Thánh Kinh tại đại chủng viện Manly Sydney. Năm 1973 cha được chỉ định làm Giám Mục phụ tá Sydney. Ba năm sau cha được chỉ đinh làm Tổng Giám Mục Canberra. Năm 1988 Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chọn ngài làm Hồng Y, và ngài đã cai quản tổng giáo phận Sydney cho tới khi về hưu năm 2001. Đức Hồng Y Clancy cũng đã từng là Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Australia trong các năm 1986-2000.

Với sự qua đi của Đức Hồng Y Clancy, Hồng Y Đoàn còn 211 vị trong đó có 118 vị còn quyền bầu Giáo Hoàng (SD 3-8-2014).

 

Linh Tiến Khải -Vatican Radio

Chiến tranh: lò sa thải và thử nghiệm khí giới

Chiến tranh: lò sa thải và thử nghiệm khí giới

Như chúng tôi đã liên tục đưa tin, trong ba tuần qua chiến cuộc giữa quân đội Israel và lực lựơng Hamas của người Palestine đã khiến cho 1.500 người chết, hơn 5.000 người bị thương và mấy trăm ngàn người phải bỏ nhà cửa di tản. Từ hơn mười ngày qua quân đội Israel đã cảnh báo người dân Palestine sống tại miền bắc dải Gaza phải mau chóng rời bỏ nhà cừa ruộng vườn, vì họ sẽ bỏ bom và bắn đại bác vào các vùng này, để tiêu diệt các căn cứ của lực lượng Hamas, rải rác trà trộn giữa nhà người dân.

Cho tới nay phía Israel đã phá hủy 50 hầm bí mật, mà lực lượng Hamas đã đào sang đất Israel để mở các cuộc tấn công hay bắn các hỏa tiễn vào làng mạc và thành phố của người do thái, kể cả Tel Aviv, Haipha và Giêrusalem. Đa số các hỏa tiễn này đã bị lực lượng phòng không của Israel phá hủy trên không trung. Tuy không chính xác, nhưng hàng ngàn hỏa tiễn này có tiếng rú rất mạnh khiến cho dân chúng kinh hoàng sợ hãi, vì phải liên tục nghe tiếng còi báo động và sống trong bất an.

Mấy cuộc ngưng bắn do Ai cập đề nghị và làm trung gian, cũng như qua trung gian của ngoại trường Hoa Kỳ John Kerry và ông Ban Ki Moon, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, đã chỉ kéo dài vài giờ, vì không được phe Hamas tôn trọng. Phe Hamas đòi chính quyền Israel hủy bỏ lệnh cấm vận Gaza đã kéo dài từ 12 năm qua, khiến cho vùng Gaza hoàn toàn bị cô lập với thế giới bên ngoài. Nhưng đó là điều Israel không muốn. Do đó, chiến tranh vẫn tiếp diễn nên các tổ chức cứu trợ nhân đạo đã không thể trợ giúp các nạn nhân, đa số là người Palestine sống trong dải Gaza.

Tin cuối cùng cho biết hôm 1-8-2014 Israel và lực lượng Hamas đã chấp thuận ngưng bắn 72 giờ đồng hồ, để các tổ chức nhận đạo có thể đem các phẫm vật cứu trợ tới cho người Palestine dang phải chịu cảnh đói khát, không có nước uống và thiếu thực phẩm cũng như mọi thứ cấn thiết. Các nhà thương trong dải Gaza đầy ắp người bị thương và người chết. Từ 5 năm qua đây là lần thứ ba xảy ra xung khắc giữa người Israel và lực lượng Hamas.

Mặc dù các lời kêu gọi liên tục và sáng kiến cầu nguyện cho hòa bình của Đức Thánh Cha Phanxicô, cũng như của nhiều Hội Đồng Giám Mục quốc gia và các giới chức lãnh đạo tôn giáo trên thế giới, cả hai bên đều ”giả điếc làm ngơ”, không bên nào chịu nhượng bộ bên nào. Và thế là cứ ”hòn đất ném qua, hòn chì ném lại”. Chỉ tội nghiệp cho các thường dân vô tội phải gánh hết mọi hậu quả tiêu cực của chiến tranh: chết chóc, thương đau và tàn phá. Chỉ một quả bom hay một trái đại bác, cả gia tài cơ nghiệp mà họ cố gắng gầy dựng với biết bao nhiêu hy sinh chắt bóp và mồ hôi nước mắt bỗng thành mây khói.

Thật ra, chúng ta đều biết rằng tất cả mọi cuộc chiến trên thế giới hiện nay đều là cách sa thải các vũ khí cũ, và thử nghiệm các vũ khí mới tối tân và tàn sát hữu hiệu và nặng nề hơn. Trong trường hợp tại Thánh Địa các nước A rập trong đó có A rập Sauđi, Iran, Ai Cập và các nước khác trong khối A rập thù nghịch với Israel cung cấp vũ khí cho lực lượng Hamas và người Palestine. Trong khi Hoa Kỳ yểm trợ khí giới cho Israel. Các quốc gia có kỹ nghệ sản suất chế tạo và buôn bán khí giới mạnh nhất vẫn là các cường quốc Hoa Kỳ, Nga, các nước Âu châu như Đức, Anh quốc, Pháp, Italia. Và các nước kỹ nghệ đang lên như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Brasil, Nam Phi, Camerun, cũng sản xuất và buôn bán khí giới.

Để có thể tiêu thụ mọi thứ vũ khí ngày càng tối tân, cần phải tạo ra chiến tranh, với tất cả các lý do chính đáng và thường khi là không chính đáng. Và không cần phải tìm tòi và lý luận dài dòng ai cũng biết ngay rằng các quốc gia có kỹ nghệ chế tạo và buôn bán khí giới thường tìm cớ gây ra chiến tranh, xúi dục cho các lực lượng và phe phái khác nhau thù hằn bắn giết nhau, rồi rêu rao là trợ giúp các quốc gia hay các phe lâm chiến ấy, vì muốn bảo vệ các nền dân chủ, hay du nhập nền dân chủ kiểu tây âu vào các xã hội Phi châu, châu Mỹ Latinh và Á châu. Các kho chứa vũ khí đã đầy ứ, vì thế cần phải thải bớt và bán các vũ khí cũ đi, để lấy chỗ cho các khí giới mới tối tân và có sức tàn phá mạnh hơn. Chiến tranh trở thành dịp sa thải các khí giới cũ, đồng thời cũng là dip thử các vũ khí mới tinh vi hơn.

Đó là các lý do ngoại tại của chiến tranh. Các lý do nội tại của chiến tranh thường là các bất công, đàn áp, trong các đường lối chính trị, kinh tế tài chánh và xã hội của một nước, trong đó hàng lãnh đạo có khuynh hướng cai trị độc tài, bưng bít và ngu dân.

Dầu sao đi nữa, trong cái luận lý của kỹ nghệ chế tạo buôn bán vũ khí, chiến tranh cần thiết, vì nó là chợ trời sa thải vũ khí, cũ và là lò thử nghiệm các vũ khí mới tối tân, có khả năng giết người và tàn phá môi sinh mạnh mẽ hữu hiệu hơn. Qua đó chúng ta hiểu tại sao thế giới này lại không có hòa bình.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Chia sẻ cơm áo

Chia sẻ cơm áo

Chúng ta không cần câu truyện nào khác để dẫn vào đoạn Tin Mừng hôm nay. Các Tông đồ của Chúa lo sợ trước một thách thức không thể vượt qua được trên bình diện con người, đó là 5,000 người đàn ông không kể đàn bà con trẻ đang gặp cảnh đói không có gì ăn, và vào lúc trời sắp tối, có nghĩa là mọi sinh hoạt buôn bán giữa người với người dường như bị đóng lại. Các ông lo sợ và nói theo khuynh hướng tự nhiên là phủi tay chạy trốn trước thách thức khóa khăn ấy, từ đó đổ trách nhiệm cho kẻ khác, và cuối cùng cũng muốn Chúa Giêsu làm như vậy: “Xin Thầy hãy cho họ về, hoặc cho họ vào làng để mua gì ăn, vì trời đã tối và họ có thể kiếm được gì lót dạ qua cơn đói chăng?”.

Thế giới ngày nay có rất nhiều tiến bộ, với những phát minh khoa học kỹ thuật tân tiến, nhưng theo thống kê của cơ quan lương thực Liên Hiệp Quốc cho biết, mỗi ngày có khoảng 400,000,000 người phải đi ngũ với bụng đói không có gì để ăn, và 15,000 người phải chết đói hằng ngày. Điều này không phải vì thế giới thiếu tài nguyên, thiếu lương thực, nhưng vì tài nguyên của quốc gia bị mánh mung, ăn cắp một cách khéo léo bởi một số người không còn lương tâm.

Chúng ta không cần dẫn chứng đâu xa, hãy nhìn vào môi trường trong cuộc sống của chúng ta. Nơi cộng đoàn chúng ta sinh sống, thử hỏi có bao nhiêu người đang đói khổ? Bao nhiêu người trẻ thiếu phương tiện đến trường học? Bao nhiêu người bị bóc lột sức lực và làm việc với đồng lương bất công? Tại Phi Luật Tân 70% dân chúng sinh sống dưới mức phân biệt nghèo túng. Chúng ta đang đứng trước những thách thức bao la và có lẽ cũng muốn bỏ chạy trốn, hoặc đổ trách nhiệm sang cho kẻ khác với những lý do an ủi mình như, nhiều người đói khổ quá làm sao tôi có thể lo cho họ được, sức tôi có hạn làm sao tôi có thể chia sẻ với từng ấy người đang cần đến lương thực để sinh sống.

Thật lạ lùng, một cộng đoàn đông đến 5,000 người đàn ông, không kể đàn bà con trẻ mà không còn chút lương thực, không còn chúng gì để ăn tối, hay là mỗi người đã đem giấu phần thức ăn của mình? Hay có thể vì sợ không đủ cho kẻ khác? Nếu không có năm cái bánh và hai con cá của một em nhỏ nào đó thì làm sao Chúa Giêsu có thể nhân thêm để nuôi sống hàng mấy ngàn người như vậy. Em bé này đáng được khen ngợi, vì tâm hồn rộng lượng của em, một tâm hồn đơn sơ không nghĩ ngợi, dám dâng cho Chúa phần đóng góp nhỏ nhoi của em.

“Chúng con hãy cho họ ăn”. Đó là mệnh lệnh mà Chúa truyền lại cho các Tông đồ xưa và cũng là mệnh lệnh của Chúa cho mỗi người Kitô hữu hôm nay. Chúng con hãy cho họ ăn, chúng con có trách nhiệm không thể chạy trốn được, chúng con không thể phủi tay đổ trách nhiệm cho kẻ khác. Hãy biêt sống chia sẻ, đóng góp những gì mình có thể làm để mưu cầu hạnh phúc cho đồng loại. Mỗi người hãy thắp lên một que diêm để làm cho căn phòng đầy ánh sáng, nhất là khi cùng thắp que diêm đó với Chúa và nhờ Chúa, cộng tác với Chúa để gìn giữ que diêm đó khỏi gió thổi tắt.

Thánh Matthêu mô tả hành động phép lạ của Chúa Giêsu giống như hành động Chúa cử hành bí tích Thánh Thể với các Tông đồ trong bữa tiệc ly: “Chúa cầm lấy bánh, tạ ơn và trao cho các môn đệ để các ngài đem đi phân phát”. Bí tích Thánh Thể được gọi là “Bữa tiệc chia sẻ tình yêu, Agapae: Bữa tiệc bẻ bánh”. Trong thời Giáo Hội sơ khai, bí tích Thánh Thể là phương tiện hữu hiệu nhất để giúp cho các đồ đệ có được sức sống của Ngài, có được tình yêu và sức mạnh của Chúa.

Đừng chạy trốn trước sự mời gọi chia sẻ của anh em. Chúng ta hãy xét lại xem mình đã cử hành Bí Tích Thánh Thể như thế nào? Bí Tích Thánh Thể có tác dụng thế nào trong đời sống chúng ta? Bí Tích Thánh Thể được chúng ta cử hành, chia sẻ trong nhà thờ và chúng ta có kéo dài nó trong cuộc sống bên ngoài nhà thờ hay không?

Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta được trở nên giống Chúa một ngày một hơn nhờ việc lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể, cũng như qua việc chia sẻ sự sống của Chúa, xin Chúa giúp mỗi người chúng ta được lớn lên, được trưởng thành trong đức bác ái, sẵn sàng đóng góp phần nhỏ của mình để phục vụ anh em, xin Chúa giúp chúng ta trưởng thành trong Đức tin mà chúng ta chia sẻ qua kinh Tin kính.

Veritas Radio

Chiến tranh: lò sa thải và thử nghiệm khí giới

Chiến tranh: lò sa thải và thử nghiệm khí giới

Như chúng tôi đã liên tục đưa tin, trong ba tuần qua chiến cuộc giữa quân đội Israel và lực lựơng Hamas của người Palestine đã khiến cho 1,500 người chết, hơn 5,000 người bị thương và mấy trăm ngàn người phải bỏ nhà cửa di tản. Từ hơn mười ngày qua quân đội Israel đã cảnh báo người dân Palestine sống tại miền bắc dải Gaza phải mau chóng rời bỏ nhà cừa ruộng vườn, vì họ sẽ bỏ bom và bắn đại bác vào các vùng này, để tiêu diệt các căn cứ của lực lượng Hamas, rải rác trà trộn giữa nhà người dân.

Cho tới nay phía Israel đã phá hủy 50 hầm bí mật, mà lực lượng Hamas đã đào sang đất Israel để mở các cuộc tấn công hay bắn các hỏa tiễn vào làng mạc và thành phố của người do thái, kể cả Tel Aviv, Haipha và Giêrusalem. Đa số các hỏa tiễn này đã bị lực lượng phòng không của Israel phá hủy trên không trung. Tuy không chính xác, nhưng hàng ngàn hỏa tiễn này có tiếng rú rất mạnh khiến cho dân chúng kinh hoàng sợ hãi, vì phải liên tục nghe tiếng còi báo động và sống trong bất an.

Mấy cuộc ngưng bắn do Ai cập đề nghị và làm trung gian, cũng như qua trung gian của ngoại trường Hoa Kỳ John Kerry và ông Ban Ki Moon, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, đã chỉ kéo dài vài giờ, vì không được phe Hamas tôn trọng. Phe Hamas đòi chính quyền Israel hủy bỏ lệnh cấm vận Gaza đã kéo dài từ 12 năm qua, khiến cho vùng Gaza hoàn toàn bị cô lập với thế giới bên ngoài. Nhưng đó là điều Israel không muốn. Do đó, chiến tranh vẫn tiếp diễn nên các tổ chức cứu trợ nhân đạo đã không thể trợ giúp các nạn nhân, đa số là người Palestine sống trong dải Gaza.

Tin cuối cùng cho biết hôm 1 tháng 8-2014 Israel và lực lượng Hamas đã chấp thuận ngưng bắn 72 giờ đồng hồ, để các tổ chức nhận đạo có thể đem các phẫm vật cứu trợ tới cho người Palestine dang phải chịu cảnh đói khát, không có nước uống và thiếu thực phẩm cũng như mọi thứ cấn thiết. Các nhà thương trong dải Gaza đầy ắp người bị thương và người chết. Từ 5 năm qua đây là lần thứ ba xảy ra xung khắc giữa người Israel và lực lượng Hamas.

Mặc dù các lời kêu gọi liên tục và sáng kiến cầu nguyện cho hòa bình của Đức Thánh Cha Phanxicô, cũng như của nhiều Hội Đồng Giám Mục quốc gia và các giới chức lãnh đạo tôn giáo trên thế giới, cả hai bên đều ”giả điếc làm ngơ”, không bên nào chịu nhượng bộ bên nào. Và thế là cứ ”hòn đất ném qua, hòn chì ném lại”. Chỉ tội nghiệp cho các thường dân vô tội phải gánh hết mọi hậu quả tiêu cực của chiến tranh: chết chóc, thương đau và tàn phá. Chỉ một quả bom hay một trái đại bác, cả gia tài cơ nghiệp mà họ cố gắng gầy dựng với biết bao nhiêu hy sinh chắt bóp và mồ hôi nước mắt bỗng thành mây khói.

Thật ra, chúng ta đều biết rằng tất cả mọi cuộc chiến trên thế giới hiện nay đều là cách sa thải các vũ khí cũ, và thử nghiệm các vũ khí mới tối tân và tàn sát hữu hiệu và nặng nề hơn. Trong trường hợp tại Thánh Địa các nước A rập trong đó có A rập Sauđi, Iran, Ai Cập và các nước khác trong khối A rập thù nghịch với Israel cung cấp vũ khí cho lực lượng Hamas và người Palestine. Trong khi Hoa Kỳ yểm trợ khí giới cho Israel. Các quốc gia có kỹ nghệ sản suất chế tạo và buôn bán khí giới mạnh nhất vẫn là các cường quốc Hoa Kỳ, Nga, các nước Âu châu như Đức, Anh quốc, Pháp, Italia. Và các nước kỹ nghệ đang lên như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Brasil, Nam Phi, Camerun, cũng sản xuất và buôn bán khí giới.

Để có thể tiêu thụ mọi thứ vũ khí ngày càng tối tân, cần phải tạo ra chiến tranh, với tất cả các lý do chính đáng và thường khi là không chính đáng. Và không cần phải tìm tòi và lý luận dài dòng ai cũng biết ngay rằng các quốc gia có kỹ nghệ chế tạo và buôn bán khí giới thường tìm cớ gây ra chiến tranh, xúi dục cho các lực lượng và phe phái khác nhau thù hằn bắn giết nhau, rồi rêu rao là trợ giúp các quốc gia hay các phe lâm chiến ấy, vì muốn bảo vệ các nền dân chủ, hay du nhập nền dân chủ kiểu tây âu vào các xã hội Phi châu, châu Mỹ Latinh và Á châu. Các kho chứa vũ khí đã đầy ứ, vì thế cần phải thải bớt và bán các vũ khí cũ đi, để lấy chỗ cho các khí giới mới tối tân và có sức tàn phá mạnh hơn. Chiến tranh trở thành dịp sa thải các khí giới cũ, đồng thời cũng là dip thử các vũ khí mới tinh vi hơn.

Đó là các lý do ngoại tại của chiến tranh. Các lý do nội tại của chiến tranh thường là các bất công, đàn áp, trong các đường lối chính trị, kinh tế tài chánh và xã hội của một nước, trong đó hàng lãnh đạo có khuynh hướng cai trị độc tài, bưng bít và ngu dân.

Dầu sao đi nữa, trong cái luận lý của kỹ nghệ chế tạo buôn bán vũ khí, chiến tranh cần thiết, vì nó là chợ trời sa thải vũ khí, cũ và là lò thử nghiệm các vũ khí mới tối tân, có khả năng giết người và tàn phá môi sinh mạnh mẽ hữu hiệu hơn. Qua đó chúng ta hiểu tại sao thế giới này lại không có hòa bình.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

CÁC GIÁM MỤC THỤY SĨ KÊU GỌI ÁP DỤNG CÁC GIÁ TRỊ KITÔ VÀO CUỘC SỐNG XÃ HỘI

CÁC GIÁM MỤC THỤY SĨ KÊU GỌI ÁP DỤNG CÁC GIÁ TRỊ KITÔ VÀO CUỘC SỐNG XÃ HỘI

LUGANO: Ngày 28-7-2014 các Giám Mục Thụy sĩ yêu cầu chính quyền liên bang giải thích và áp dụng các giá trị Kitô vào cuộc sống cụ thể của xã hội.

Thông cáo mang chữ ký của Đức Cha Giacomo Grampa, nguyên Giám Mục Lugano, đại diện các Giám Mục Thụy sĩ, được công bố 5 tháng sau khi chính quyền Liên bang chấp nhận sáng kiến ”chống nạn di cư ồ ạt” do vài đảng phái chính trị đề ra yêu cầu chính quyền hạn chế số người di cư vào Thụy Sĩ ở mức 0.2%, và dành 10% trợ giúp phát triển cho việc kiểm soát sinh sản tại các nước nghèo. Đức Cha Grampa đặc biệt nêu bật sự kiện Thụy Sĩ đã luôn luôn là quốc gia đa ngôn ngữ, đa tôn giáo, đa văn hóa và có nhiều truyền thống khác nhau. Tại Thụy Sĩ các nền văn hóa tự do và duy xã hội, cải cách và công giáo, thành thị và nông thôn chung sống với nhau. Các giá tri Kitô cho tới nay đã được tháp nhập vào cuộc sống của dân chúng. Nhưng ngày nay chúng bị lèo lái để chống lại kẻ thù, là người khác, người ngoại quốc, người hồi. Nếu từ phía các Giáo Hội, từ phía cộng đoàn Kitô các giá trị này bị hạn hẹp, lập lại và không được giải thích, thì có nguy cơ tạo ra việc đồng hòa tín hữu và nơi những người sử dụng các giá trị đó dể ”bảo vệ các truyền thống kitô” mà không hiểu và không sống chúng. Với hậu qủa là cuối cùng có nhiều Kitô hữu xác tín rằng để bảo vệ Kitô giáo cần phải hạn chế số người nước ngoài vào Thụy Sĩ, hạn chế một số quyền của họ và xây tường ngăn cách… Nạn bài người nước ngoài đã đi tới chỗ lấy việc của các công nhân Thụy sĩ cho người nước ngoài làm với đồng lương rẻ mạt. Sự sợ hãi là một thực tại, nhưng cách thức thắng vượt nó là sự găp gỡ. Nguyên tắc nhìn vào mắt người ăn xin khi bố thí cho họ, cũng có giá trị đối với việc gặp gỡ người nước ngoài, vì như thế là mở rộng cho một viễn tượng khác.

Đức Cha Grampa mời gọi mọi ngưởi chú ý tới ”các người nước ngoài vô hình” không có gương mặt, không thể gặp được, nhưng họ điều kiện hóa cuộc sống chúng ta: đó là các tổ chức tài chánh quốc tế làm sụp đổ các hệ thống kinh tế, bằng cách chuyển vận đi nơi khắc các của cải không do họ làm ra. Đó là các băng đảng tội phạm mua các hàng quán, rửa tiền bẩn thỉu, qua các hiệp hội quốc tế hay điều hành các trung tâm sức khỏe nhưng che dấu dịch vụ mại dâm. ”Loại người nước ngoài đó” chinh phục chúng ta một cách lấn lướt ngấm ngầm: bằng cách ăn trộm lương tâm và văn hóa của chúng ta” (SD 28-7-2014).

Linh Tiến Khải  – Vatican Radio

CARITAS ROMA PHÁT ĐỘNG CHIẾN DỊCH QUYÊN GÓP CỨU TRỢ NGƯỜI DÂN GAZA

CARITAS ROMA PHÁT ĐỘNG CHIẾN DỊCH QUYÊN GÓP CỨU TRỢ NGƯỜI DÂN GAZA

ROMA: Đáp lời kêu gọi của Caritas quốc tế, Caritas Roma đã phát động chiến dich quyên góp trong mọi giáo xứ thủ đô để trợ giúp người dân Palestine sống tại Gaza.

Ba tuần chiến tranh giữa người Israel và người Palestine đã khiến cho gần 1,200 người của cả hai bên thiệt mạng, hàng ngàn người bị thương và mấy trăm ngàn người phải tản cư tránh bom đạn. Đa số các nạn nhân là phụ nữ và trẻ em Palestine. Ngày 15-7-2014 Caritas Roma đã tổ chức buổi canh thức cầu nguyện cho hòa bình tại Thánh Địa, quy tụ các tín hữu kitô, do thái và hồi giáo.

Thầy Raed Abusahlia, giám đốc Caritas Giêrusalem nói: Chúng tôi tin rằng Giáo Hội không thể im lặng trước các sự kiện như thế này. Chúng ta không thể đứng yên nhìn mà không làm gì. Gaza đã ở trong tình trang thê thảm, bị bó buộc sống trong cảnh cấm vận và bị bao vây từ 12 năm qua và với 3 cuộc xung đột tiếp theo nhau trong 8 năm qua, một cuộc chiến khác sẽ chỉ khiến cho các điều kiện sống tồi tệ hơn. Trong các giờ ngưng bắn, Caritas đã phân phát những gì còn lại, vì các cuộc hành quân tiếp tục và số người bị thương, các bệnh nhân, các trẻ em mồ côi hay bị chấn thương gia tăng. Dân chúng đau khổ vì đói khát và cái nóng của mùa hè, thiếu nước uống và điện thường xuyên bị cắt.

Chương trình trợ giúp cấp thời do Caritas đưa ra bao gồm thuốc men, thực phẩm và dụng cụ y khoa cho các nhà thương. Caritas đã bắt đầu phân phát các gói thực phẩm cho hơn 2,000 gia đình, các hộp thuốc cho hơn 3,000 gia đình và khăn trải giường cùng chăn mền cho cho hơn 500 gia đình.

Đợt hai của công tàc cứu trợ dự trù việc yểm trợ tài chánh cho hơn 2,000 gia đình để họ có thể mua những vật dụng cần thiết. Đồng thời sự trợ giúp cũng bao gồm việc săn sóc cho các trẻ em bị chấn thương tâm thần và phân phát thuốc men cho mọi người đã phải bỏ nhà cửa chạy nạn (SD 28-7-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio