ĐỨC GIOAN XXIII VÀ ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II LÀ CÁC NGƯỜI CÔNG CHÍNH

ĐỨC GIOAN XXIII VÀ ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II LÀ CÁC NGƯỜI CÔNG CHÍNH

ROMA: Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II là các người công chính và việc tưởng niệm các vị là một phúc lành cho tất cả chúng ta.

Ông Elio Toaff, nguyên Rabbi trưởng Roma, đã khẳng định như trên liên quan tới lễ phong hiển thánh cho hai vị Giáo Hoàng lớn của Giáo Hội Công Giáo vào ngày 27-4-2014 tại Roma. Rabbi Toaff còn nhớ Dịp lễ Vượt Qua năm 1987 Đức Gioan Phaolô II đã viết thư cho ông để bầy tỏ các ước mong dấn thân của các tín hữu kitô và do thái cùng nhau tiến bước trên con đường của sự tự do, niềm tin, hy vọng và tươi vui trong tim và luôn nhớ rằng con người được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa. Sách Talmud có nói rằng mỗi thế hệ đều biết tới 36 người công chính, và số phận của con người tùy thuộc nơi cung cách sống của họ, vì họ đem theo trong mình sự hiện diện của Thiên Chúa hơn những người khác. Họ công chính vì đã tận hiến cuộc đời phục vụ tha nhân và vinh quang của Thiên Chúa. Đức Gioan Phaolô II là người công chính vì các cử chỉ của ngài đã viếng thăm hội đường do thái ở Roma, traị tập trung Auschwitz và bức tường phía tây ở Giêrusalem.

Chúng là các cử chỉ can đảm cương quyết làm thành cột mốc lịch sử diễn tả lòng trìu mến chân thành của ngài và sự cảm thông đối với dân Israel cũng như đền bù đối với các khổ đau và các sai lầm trong dòng lich sử đối với dân Do thái, đạt tột đỉnh với nạn diệt chủng Shoah.

Trung tâm Simon Wiesenthal, là một trong những tổ chức quốc tế lớn nhất của người Do thái, cũng phổ biến bài viết ca ngợi Đức Gioan XXIII như là sức mạnh linh hoạt Công Đồng Chung Vatican II và thay đổi kiểu tín hữu công giáo nhìn các tôn giáo khác, đặc biệt là Do thái giáo. Rabbi Yizsac Adlerstein, giám đốc văn phòng liên tôn của trung tâm, ghi nhận rằng tài liệu Nostra Aetate về liên tôn của Công Đồng đã chấm dứt hàng thế kỷ bài Do thái giáo, và khiến cho tương quan giữa các tín hữu kitô và do thái ở trên bình diện tôn trong lẫn nhau. Trong khi rabbi Abraham Cooper, đồng giám đốc trung tâm, nhấn mạnh rằng Đức Gioan Phaolô II đã là vị Giáo Hoàng đầu tiên trong lịch sử viếng thăm Hội đường Do thái Roma, ôm hôn rabbi Elio Toaff và gọi tín hữu do thái là ”các người anh cả” của kitô hữu.

Ngoài ra Đức Gioan Phaolô II đã chinh phục trái tim của người Do thái, khi quyết định thiết lập ngoại giao với nước Israel và nhét lời cầu của ngài vào Bức Tường Khóc khi viếng thăm Giêrusalem, qua đó ngài công nhận máu của các thế hệ do thái đã đổ ra vì Kitô giáo và cầu xin ơn tha thứ. Đây là cử chỉ sẽ không bao giờ bị lãng quên (SD 19-4-2014).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung 60 ngàn tín hữu hành hương: 9-4-2014

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung 60 ngàn tín hữu hành hương: 9-4-2014

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung sáng 9-4-2014, ĐTC Phanxicô đã bắt đầu loạt bài giáo lý mới về các ơn của Chúa Thánh Linh.

Trong số hàng trăm nhóm hiện diện, đông đảo nhất là các nhóm đến từ Italia, gồm các học sinh, các tín hữu từ các giáo xứ, và hiệp hội, đặc biệt có 300 sĩ quan và thủy quân Italia, 800 người thuộc hội đồng toàn quốc Italia các chuyên gia công nghệ, một đoàn hành hương 1 ngàn người nhân dịp kỷ niệm 400 năm sinh nhật của ĐGH Innocenzo XII. Từ nước ngoài có 50 người tham dự cuộc thi tuyển do Tòa Đại diện Đức Thượng phụ Công Giáo la tinh ở Jerusalem, 30 người thuộc Liên hiệp quốc tế Cộng đoàn ”Arche” (Con tàu Noe); từ nước Pháp có nhiều nhóm học sinh và tín hữu các giáo xứ. Từ nước Đức có gần 100 nhóm từ các giáo xứ và giáo phận khác nhau.

ĐTC đã tiến vào quảng trường lúc 9 giờ 45 trên để tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu, ngài hôn các em bé do các nhân viên an ninh bế lên ngài, giơ tay cho các tín hữu bắt hoặc chạm đến. Gặp một người bạn quen, ngài yêu cầu xe dừng lại gọi người ấy lên xe để ngài chào thăm.

Khi ĐTC lên tới lễ đài, mọi người đã nghe các LM tại Tòa Thánh đọc bằng 5 thứ tiếng đoạn thư thứ I của thánh Phaolô gửi tín hữu thành Corinto nói về sự khôn ngoan của Thiên Chúa, khác biệt với sự khôn ngoan của người trần, và trong bài huấn giáo tiếp đó, ĐTC đã trình bày về ơn khôn ngoan.

Bài huấn dụ của ĐTC

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay, chúng ta bắt đầu một loạt bài giáo lý mới về các ơn của Chúa Thánh Linh. Anh chị em biết Thánh Linh chính là linh hồn, là nhựa sống của Giáo Hội và của mỗi tín hữu Kitô: Ngài là Tình Yêu của Thiên Chúa làm cho tâm hồn chúng ta trở thành nơi ở của Ngài và hiệp thông với chúng ta. Chúa Thánh Linh luôn ở với chúng ta, luôn ở trong chúng ta, Ngài ở trong tâm hồn chúng ta.

”Chính Thánh Linh là ”hồng ân tuyệt hảo của Thiên Chúa” (Xc Ga 4,10), là món quà của Thiên Chúa và Chúa thông ban cho những ai đón nhận Ngài những hồng ân thiêng liêng khác nhau. Giáo Hội xác định 7 ơn, một con số biểu tượng, nói lên sự sung mãn, trọn hảo; đó là những ơn chúng ta học biết khi chuẩn bị chịu phép Thêm Sức và chúng ta cầu khẩn trong kinh nguyện cổ kính gọi là ”Ca tiếp liên về Chúa Thánh Linh”, đó là: ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn biết lo liệu, ơn sức mạnh, ơn thông minh, ơn đạo đức, và ơn kính sợ Thiên Chúa.

1. ”Vậy Ơn đầu tiên của Thánh Linh, theo danh sách này là ơn khôn ngoan. Nhưng đây không phải chỉ là sự khôn ngoan của con người, thành quả của kiến thức và kinh nghiệm. Trong Kinh Thánh có kể rằng khi Salomon được đăng quang làm vua Israel, Thiên Chúa đã hỏi ông xem ông muốn Ngài ban ân nào. Salomon không xin của cải, thành công, danh tiếng hoặc được sống lâu và hạnh phúc, nhưng ông xin được ”một tâm hồn ngoan ngoãn, biết phân biệt thiện ác” (1 V 3,9). Vì thế, ơn khôn ngoan chính là ơn có thể nhìn mọi sự với đôi mắt của Thiên Chúa, đó là nhìn thế giới, nhìn các hoàn cảnh, các các vấn đề, nhìn mọi sự với đôi mắt của Chúa. Đó là khôn ngoan. Đôi khi chúng ta nhìn sự việc theo sở thích của mình hoặc theo tình trạng tâm hồn của mình – yêu, ghét, ghen tương.. – đó không phải là nhìn đôi mắt của Thiên Chúa. Ơn khôn ngoan là ơn làm cho Chúa Thánh Linh ở trong chúng ta để chúng ta nhìn mọi sự với đôi mắt của Thiên Chúa.

2. Vì thế, ơn khôn ngoan không phải chỉ nảy sinh từ trí thông minh hoặc từ kiến thức mà chúng ta có thể có, nhưng từ cuộc sống thân mật với Thiên Chúa, như con cái đối với Cha. Và khi chúng ta có quan hệ như thế, Chúa Thánh Linh ban cho chúng ta ơn khôn ngoan. Khi chúng ta hiệp thông với Chúa, Thánh Linh như thể biến đổi con tim chúng ta và làm cho chúng ta nhận thấy sức nóng và sự yêu thương đặc biệt của Ngài.

3. ”Chúa Thánh Linh làm cho mỗi Kitô hữu trở nên ”khôn ngoan”. Nhưng điều này không phải theo nghĩa là họ có câu trả lời cho mọi sự, biết mọi sự; người khôn ngoan theo nghĩa của Thiên Chúa không như vậy, nhưng có nghĩa là họ biết về Thiên Chúa, biết Chúa hành động như thế nào, biết khi nào một điều là của Thiên Chúa, điều gì là không, biết sự khôn ngoan mà Thiên Chúa ban cho tâm hồn chúng ta. Tâm hồn người khôn ngoan, theo nghĩa này, có hương vị của Thiên Chúa. Và điều quan trọng là cộng các cộng đoàn Kitô của chúng ta, có những tín hữu Kitô như thế! Tất cả những gì nơi họ đều nói về Thiên Chúa và trở thành một dấu chỉ đẹp đẽ và sinh động về sự hiện diện của Chúa và tình thương của Ngài. Và điều này chúng ta không thể tự ban cho mình, đó là một ơn Chúa ban cho những người ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Linh. Và chúng ta có Chúa Thánh Linh trong tâm hồn chúng ta, chúng ta có thể lắng nghe Ngài hoặc không nghe. Nếu chúng ta lắng nghe Thánh Linh, thì Ngài sẽ dạy chúng ta con đường khôn ngoan, ban cho chúng ta ơn khôn ngoan là nhìn với đôi mắt của Chúa, nghe với đôi tại của Chúa, yêu thương với con tim của Chúa, phán đoán mọi sự với phán đoán của Chúa. Đó là sự khôn ngoan mà Chúa Thánh Linh tặng cho chúng ta, và tất cả chúng ta đều có thể được, chỉ cần xin Thánh Linh ban ơn ấy. Nhưng anh chị em thử nghĩ xem: một bà mẹ ở nhà, với con cái, đứa thì làm điều này nhưng lại nghĩ điều khác, tội nghiệp bà mẹ chạy chỗ này sang chỗ khác, với những vấn đề của con cái. Và khi bà mẹ mệt, quở mắng con cái, đó có phải là khôn ngoan không? La mắng con cái có phải là khôn ngoan không? Không, trái lại, khi một bà mẹ ẵm con, và khiển trách dịu dàng và nói: ”Con không nên làm như thế” và kiên nhẫn giải thích cho con, đó là sự khôn ngoan của Thiên Chúa

”Đúng vậy, đó là điều mà Chúa Thánh Linh ban cho chúng ta trong cuộc sống. Và rồi trong hôn nhân, ví dụ hai vợ chống cãi nhau, rồi không nhìn nhau nữa, hoặc có nhìn thì nhìn với khuôn mặt nhăn nhó, đó có phải là khôn ngoan của Thiên Chúa không? Không, trái lại, nếu họ nói: ”sóng gió qua rồi, chúng ta hãy làm hòa với nhau” và họ tiếp tục sống trong an bình, đó chính là sự khôn ngoan, là ơn khôn ngoan. Đó không phải là điều ta học, nhưng là một món quà của Chúa Thánh Linh. Vì thế, chúng ta phải xin Chúa ban Thánh Linh cho chúng ta và ban ơn khôn ngoan, ơn của THiên Chúa dạy chúng ta nhìn với đôi mắt của Thiên Chúa, cảm thấy với con tim của Thiên Chúa, nói bằng những lời của Thiên Chúa. Và thế là với sự khôn ngoan này, chúng ta tiến bước, xây dựng gia đình, Giáo hội và tất cả chúng ta được thánh hóa. Ngày hôm nay, chúng ta hãy xin ơn khôn ngoan, hãy xin ơn này với Mẹ Maria là tòa Đấng Khôn ngoan: xin Mẹ ban cho chúng ta ơn này.

Chào thăm

Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý, các LM tại Tòa Thánh đã lần lượt tóm tắt bài giáo lý bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Bồ đào nha, Arập, Ba Lan, cũng như dịch những lời chào thăm của ĐTC.

Trong phần chào thăm này, ĐTC đặc biệt nhắc đến các bạn trẻ đến từ Pháp, Bỉ và Luxembourg. Ngài nhắn nhủ họ đừng là những Kitô hữu nguội lạnh, nhưng làm sao để cuộc sống của mình ngày càng có hương vị Phúc Âm, hương thơn của Chúa Kitô, để thông truyền cho tha nhân sự dịu dàng và tình thương của Chúa.

Với các tín hữu nói tiếng Anh, ĐTC chào thăm những người đến từ Anh quốc, Thụy điển, Na uy, Phần Lan, Philippines, Zimbabwe, Australia và Hoa Kỳ. Ngài cầu khẩn Chúa ban các ơn Thánh Linh trên tất cả các tín hữu hiện diện và gia đình họ, để cử hành Tuần Thánh đang đến gần với nhiều thành quả.

Với các tín hữu nói tiếng Á-rập, ĐTC đặc biệt chào thăm những người đến từ Trung đông, nhất là Đức cha Giacinto Marcuzzo, Đại diện Đức Thượng Phụ latinh đặc trách miền Israel, cùng với một số linh hoạt viên Kinh thánh tháp tùng.
Trước khi chào các tín hữu nói tiếng Ý, ĐTC đã lên án vụ sát hại LM dòng Tên Frans van der Lugt, 75 tuổi, tại Syria và tái kêu gọi hòa bình cho nước này.

Khi chào các tín hữu nói tiếng Ý, ĐTC nhắc đến phái đoàn hải quân Italia và thân nhân các binh sĩ đang thi hành sứ vụ ở nước ngoài hiện diện tại buổi tiếp kiến. Ngài nói: Ước gì cuộc hành hương tại Tòa Thánh Phêrô giúp anh chị em vun trồng ơn khôn ngoan mà chỉ Thiên Chúa mới có thể ban.

Sau cùng, với các bạn trẻ, các bệnh nhân và các đôi vợ chồng mới cưới ĐTC nhắn nhủ rằng: “Chúng ta đang sống thời điểm ơn thánh là mùa chay, các bạn trẻ thân mến, các con đừng mệt mỏi trong việc cầu xin ơn tha thứ của Chúa trong phép giải tội! Hỡi các bệnh nhân, hãy liên kết những đau khổ của anh chị em với đau khổ thập giá của Chúa Kitô, và hỡi anh chị em tân hôn, hãy thi đua nhau trong sự tha thứ và giúp đỡ lẫn nhau.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Công bố chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Thánh Địa

Công bố chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Thánh Địa

VATICAN. Hôm 27-3-2014, Phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố chương trình viếng thăm tại Thánh Địa từ ngày 24 đến 26-5 tới đây nhân dịp kỷ niệm 50 năm cuộc gặp gỡ tại Jerusalem giữa ĐGH Phaolô 6 và Đức Thượng Phụ Chính Thống Athenagoras.

– ĐTC sẽ rời Roma lúc 8 giờ 15 phút sáng thứ bẩy, 24-5-2013 và đến Phi trường Amman, thủ đô Giordani lúc 1 giờ trưa. Sau nghi thức tiếp đón và viếng thăm Quốc vương và Hoàng hậu Giordani, ĐTC sẽ gặp chính quyền nước này vào lúc gần 2 giờ rưỡi chiều.

Tiếp đến vào lúc 4 giờ chiều ngài sẽ cử hành thánh lễ cho các tín hữu tại Sân vận động quốc tế ở thủ đô Amman rồi viếng thăm nơi Chúa Giêsu chịu phép rửa bên bờ sông Giordan. Sau cùng ĐTC sẽ gặp người tị nạn và các bạn trẻ khuyết tật lúc 7 giờ 15 tại nhà thờ gần đó.

Sáng chúa nhật 25-5-2014, ĐTC sẽ giã từ Giordani đáp trực thăng đến thành Bethlehem lúc gần 9 giờ rưỡi. Ngài sẽ được tổng thống Palestine tiếp đón, hội kiến, và gặp gỡ chính quyền Palestine vào lúc 10 giờ, trước cử hành thánh lễ lúc 11 giờ tại Quảng trường Máng Cỏ.

Sau thánh lễ lúc 1 giờ rưỡi trưa, ngài sẽ dùng bữa với các gia đình tại tu viện dòng Phanxicô ”Casa Nova” tại Jerusalem.

Ban chiều lúc 3 giờ, ĐTC sẽ viếng Hang Đá nơi Chúa Giêsu sinh ra, rồi chào thăm các trẻ em thuộc các trại tị nạn Dheisheh, Aida và Beit Jibrin tại Trung Tâm ”Phượng Hoàng” trong trại Dheisheh.

Lúc 3 giờ 45 chiều cùng ngày, ĐTC giã từ Palestine để đáp trực thăng tới phi trường quốc tế Tel Aviv của Israel. Sau nghi thức tiếp đón, ngài dùng trực thăng để tới Jerusalem. Lúc 6 giờ 15 chiều, ngài gặp Đức Thượng Phụ Bartolomaios I Giáo Chủ Chính Thống Constantinople ở tòa Khâm Sứ Tòa Thánh ở Jerusalem và hai vị ký vào một tuyên ngôn chung.

Tiếp đến vào lúc 7 giờ, tại Đền Thờ Mộ Thánh, có cuộc gặp gỡ đại kết nhân dịp kỷ niệm 50 năm cuộc gặp gỡ giữa Đức Phaolô 6 và Đức Thượng Phụ Athenagoras.

Ban tối ĐTC dùng bữa với các vị Thượng Phụ và GM cùng đoàn tùy tùng tại Tòa Thượng Phụ Công Giáo la tinh ở Jerusalem.

Sáng thứ hai, 26-5, ĐTC sẽ gặp vị Đại Mufti Hồi giáo tại trụ sở Đại hội đồng Đền thờ Hồi giáo Jerusalem. Rồi ngài viếng Bức tường Phía tây của thành Jerusalem quen gọi là Bức tường than khóc, trước khi đặt vòng hoa trên núi Herzl cũng ở Jerusalem. Sau đó lúc 10 giờ ĐTC viếng Bảo tàng viện Yad Vashem tưởng niệm cuộc diệt chủng Do thái.

Trong các sinh hoạt kế tiếp, ĐTC viếng thăm hai vị Đại Rabbi của Israel, rồi hội kiến riêng với thủ tướng nước này tại Trung tâm Đức Bà ở Jerusalem.

Ban chiều cùng ngày lúc 3 giờ rưỡi, ngài đến thăm Đức Thượng Phụ Bartolomaios tại tòa nhà trước thánh đường Chính Thống Viri Galileai trên núi Cây Dầu.

Lúc 4 giờ chiều, ĐTC gặp các LM, tu sĩ nam nữ và chủng sinh tại Nhà Thờ Giệtsimani cạnh vườn Cây Dầu, trước khi cử hành thánh lễ với các vị Bản quyền Công Giáo tại Thánh Địa tại Nhà Tiệc Ly ở Jerusalem, rồi ra phi trường đáp máy bay lúc 8 giờ 15 phút tối để trở về Roma, dự kiến vào lúc 11 giờ đêm cùng ngày.

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh nói rằng chương trình trên đây cho thấy việc chuẩn bị chuyến viếng thăm của ĐTC tại Thánh Địa đang tiến hành như dự định. Tòa Thánh biết rằng tại Israel đang có tình hình căng thẳng vì cuộc đình công của công đoàn ngoại giao, nhưng Tòa Thánh hy vọng các tiếp xúc chính thức sẽ sớm được mở lại với nhà chức trách có thẩm quyền để chuẩn bị thích đáng cho cuộc viếng thăm của ĐTC. (SD
27-3-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

PHƯƠNG THẾ CHIẾN THẮNG CÁM DỖ

PHƯƠNG THẾ CHIẾN THẮNG CÁM DỖ

Phụng vụ Giáo hội đã bước vào Mùa Chay Thánh.

Mùa Chay trải dài 40 ngày.Thời gian này nhắc lại 40 năm của dân Israel trong sa mạc trước khi đến Đất hứa, 40 ngày ngôn sứ Êlia ở trên núi Horeb, 40 ngày Chúa Giêsu ăn chay cầu nguyện trong hoang địa.Thời gian 40 ngày là con số tượng trưng nói lên thời gian thử thách và thanh luyện.Trên con đường về Nước Trời, chúng ta trải qua những thử thách và thanh luyện.Thời gian 40 ngày chay tịnh thật quí giá để mỗi người nhìn lại bản thân, đánh giá lại chính mình để sám hối canh tân.

Hàng năm, Phúc Âm Chúa Nhật I Mùa Chay đều nói về cám dỗ. Chúa Giêsu vào hoang địa. Sau 40 đêm ngày ăn chay và cầu nguyện, Satan xuất hiện và cám dỗ. Chúa Giêsu đã chiến thắng Satan.

1. Chịu cám dỗ

Làm người ở đời là chấp nhận thân phận chịu cám dỗ. Thánh Kinh đã ghi nhận, từ buổi đầu sáng tạo đã có cám dỗ. Thụ tạo đầu tiên trong hàng các thiên thần đối diện với cám dỗ là Lucifer, một thiên thần sáng láng đã không vượt qua được cơn cám dỗ, và đã trở thành Satan tăm tối. Tiếp đến, thụ tạo đầu tiên trong con người là Adong và Evà cũng đã nếm mùi cám dỗ. Nguyên Tổ đã gục ngã thảm thương trước cám dỗ cho nên đau khổ sự chết đã tràn vào thế gian.Trong hành trình về Đất Hứa, dân Israel đi trong sa mạc và đã gặp nhiều cám dỗ: cám dỗ trở lại Ai cập để có bánh ăn; cám dỗ thờ tượng con bê vàng; cám dỗ thử thách Thiên Chúa.Vua Đavit sa ngã trước cám dỗ sắc dục nên đã phạm tội cướp vợ của Uria và đã giết chết người anh em này.Giuđa Iscariốt chỉ vì tham tiền nên đã phản bội Thầy và bán Thầy giá 30 đồng bạc bằng nụ hôn giả dối…Các chước cám dỗ của Satan đều chung quy về ba mục tiêu: danh, lợi, thú.

Thiên Chúa cho phép ma qủy cám dỗ để thử thách xem con người ta có trung tín hay không, và để cho con người có cơ hội lập công phúc, để họ có thể chứng minh đức tin của mình.

Thiên Chúa cho có sự cám dỗ để cho con người phấn đấu thanh luyện mình, và đồng thời, khi Ngài cho phép như thế, ma qủy cũng lợi dụng triệt để mà cám dỗ con người. Mỗi ngày, chúng bày ra những chước độc mưu thâm, mỗi lúc một tinh vi xảo quyệt, lắt léo khôn khéo để cám dỗ người ta.

Thiên Chúa ban ơn thêm sức để con người chúng ta có thể chống lại những cơn cám dỗ ấy. Không khi nào Chúa để con người phải chịu những cơn cám dỗ qúa sức mình chịu đựng được. Như vậy, chúng ta phải chiến đấu với những cơn cám dỗ. Điều cần thiết là chúng ta phải phân định được ma qủy với những hành động cám dỗ xấu xa của nó để chống trả và xa lánh.

2. Ma qủy thường cám dỗ như thế nào?

Ma qủy lừa dối con người.Ai cũng có trí khôn, biết phân biệt điều nào là xấu, là nguy hại và chẳng nên làm. Nhưng ma qủy lừa dối cho rằng việc làm đó là có lợi, là cần thiết nên người ta mới dấn sâu vào. Khi cám dỗ Evà, ma qủy không nói rằng ăn trái cấm đó là chống lại Thiên Chúa, nó chỉ nói rằng ăn trái này thì Bà sẽ được trở nên thông minh như Thiên Chúa. Có nhiều người bước vào nghiện ngập bằng những phút giây sảng khoái thăng hoa lừa dối. Nếu người ta biết sự xấu xa của tội thì có lẽ không ai lại đi phạm tội, nhưng người ta tưởng lầm, hoặc bị cám dỗ coi đó là hạnh phúc. Nếu người ta nhìn thấy những hình khổ nơi hỏa ngục thì chằng ai dám phạm tội. Ma qủy khiến người ta phạm tội bằng cách dẫn người ta một cách từ từ. Không khi nào có ai có thể phạm tội trọng ngay tức khắc, tội trọng chỉ bắt đầu bằng những tội nhẹ. Người ta thường nói, khi còn bé ăn trộm một qủa trứng, rồi khi lớn lên sẽ ăn trộm cả một con bò. Những tội trọng bắt đầu từ những nết xấu hay những tội nho nhỏ. Ma qủy cũng vậy, nó dẫn dắt người ta từ chỗ tưởng chừng vấp phạm những điều nhỏ tới phạm những điều lớn. Không ai nghiện thuốc ngay từ điếu hút đầu tiên, không ai nghiện rượu ngay khi uống chén đầu tiên. Nhưng dần dần nếu lập đi lập lại nhiều lần sẽ dẫn đến chỗ nghiện ngập (x. Buồn vui cùng kiếp người, ĐTGM Ngô Quang Kiệt, trang 33).

Chuyện kể rằng : khi ông Nôe trồng nho, Satan lấy làm lạ nên tiến lại gần hỏi :

– Ông đang trồng cây gì thế ?

– Cây nho.

– Nó có lợi gì không ?

– Có chứ. Trái nó vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng. Từ trái nho ta còn có thể làm ra rượu giúp lòng người hưng phấn nữa.

– Vậy thì để tôi giúp ông.

Satan liền giết một con chiên, một con sư tử, một con lừa và một con heo. Lấy máu của chúng tưới gốc cây nho. Thế là cây nho lớn nhanh. Nôe lấy trái nho làm rượu.

Từ đó trở đi khi người ta uống một chút rượu vào thì sẽ vui vẻ dễ thương như con chiên; uống thêm chút nữa thì mạnh bạo như sư tử; nếu uống thêm thì sẽ ngu như lừa; nếu uống nữa thì… hoàn toàn như con heo vậy. (Truyện cổ Nước Pháp).

Ma qủy luôn lừa dối con người. Chúng ta phải luôn cảnh giác.

3. Phương thế chiến thắng cám dỗ

Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta phải biết chống cự lại những cơn cám dỗ. Muốn chống lại, phải có những phương thế để có thể chiến thắng.

a. Lời Chúa

Ma qủy cám dỗ Chúa Giêsu từ những điều thường nhất là cơm bánh hàng ngày. Chúa nhịn ăn 40 đêm ngày, đói thì cần ăn, đó là điều rất đổi bình thường.Ma qủy lợi dụng điều đó để cám dỗ, sau đó mới cám dỗ những những điều mạnh hơn là thử thách Thiên Chúa và chống lại Ngài. Chúa Giêsu dùng Lời Chúa để chiến thắng.

Gương của Chúa Giêsu được Tin Mừng Thánh Luca kể rõ: mỗi lần ma qủy đưa ra một chước cám dỗ thì Chúa Giêsu lại lấy một lời của Kinh Thánh mà đẩy lui chước cám dỗ ấy:

– Có lời chép rằng: người ta không sống bằng cơm bánh mà còn bằng lời của Thiên Chúa nữa.(Lc 4,5)

– Có lời chép rằng:ngươi phải thờ lạy Chuá là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người.(Lc 4,8)

– Có lời chép rằng: ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi.(Lc 4, 11).

“Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ”. Satan tạm lánh vào bóng tối, khi có thời cơ thuận tiện sẽ quay lại tiếp tục tấn công. Có lần, Satan dùng miệng lưỡi của Phêrô để cám dỗ Chúa đừng lên Giêrusalem chịu khổ nạn. Chúa quay lại quát nạt: “Satan, hãy lui ra đằng sau, đừng gây cớ cho Ta vấp phạm”. Thời cơ ma quỷ chờ đợi chính là lúc Chúa Giêsu trải qua cuộc Khổ Nạn. Trong vườn Giêtsêmani, khi đối diện với cái chết đang cận kề, Chúa Giêsu không khỏi sợ hãi đến nổi “mồ hôi đổ ra như máu”. Người đã thân thưa cùng Chúa Cha đến hai lần: “ Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha ” (Mt 26, 39b) ; “ Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha ” (Mt 26, 42b). Cao điểm là khi Chúa bị treo trên thập giá, Satan dùng miệng lưỡi kẻ qua người lại để cám dỗ Chúa xuống khỏi thập giá: “Ông Kitô vua Israel, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi để chúng ta thấy và tin”. Trong suốt cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu đã phải chiến đấu chống lại nhiều cơn cám dỗ. Người thực sự là Thiên Chúa nhưng đồng thời Người cũng hoàn toàn là con người nên “Người cũng phải chịu trăm chiều thử thách y như ta” (Dt 4,15). Chúa Giêsu đã chiến thắng tất cả. Không một cám dỗ, không một thách thức nào có thể khiến Người lùi bước.

Lời Chúa là sức mạnh tâm linh, là lẽ sống thần linh và là lời ban sự sống. Đọc và suy gẫm Thánh Kinh sẽ đem lại cho chúng ta sức mạnh để chiến thắng tội lỗi.

b. Ăn chay cầu nguyện

Ăn chay cầu nguyện giúp con người chế ngự bản thân.Tội lỗi của con người là do không biết chế ngự bản thân. Ăn chay cầu nguyện giúp chúng ta biết thanh luyện con người mình, chế ngự bản thân, hãm dẹp dục vọng. 40 ngày Mùa Chay nhắc nhớ về 40 ngày đêm chay tịnh của Chúa Giêsu trong hoang địa, nhắc lại 40 năm dân Do thái lưu đày trong sa mạc chuẩn bị về Đất hứa. Mùa Chay là mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng, giúp chúng ta trở nên người thiện chiến, biết chế ngự và làm chủ bản thân.

Cầu nguyện là nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Khi vào hoang địa, khi bị ma quỷ cám dỗ, Chúa Giêsu cần đến sự nâng đỡ của Chúa Thánh Thần. Người đã dựa vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần và đã chiến thắng cám dỗ.

Khi chúng ta lâm vào những cuộc thử thách, phải đối diện với những mưu chước của ma quỷ, rất cần ơn Chúa Thánh Thần trợ lực. Chúa Giêsu mà còn cần đến Chúa Thánh Thần nữa, thì huống hồ là chúng ta !

Cần phải cầu nguyện (Lc 22,40; Cv 2,42; GLGH #2612,2742). Nhờ cầu nguyện, Chúa Giêsu đã không cô đơn một mình, nhưng “được Thánh Thần hướng dẫn” (Mt 4,1). Nhờ cầu nguyện, chúng ta được liên kết với sức mạnh của Thánh Thần và với Các Thánh trên trời.Vai trò của Chúa Thánh Thần thật quan trọng trong đời sống của chúng ta. Những lúc bị cám dỗ, những khi sống trong cô đơn, buồn chán và thất vọng…hãy cậy trông và khẩn cầu với Chúa Thánh Thần xin ơn phù trợ. Chính Chúa Giêsu đã hứa: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy các con mọi điều” (Ga 14,26).

Chúng ta đang sống trong một xã hội có quá nhiều cám dỗ. Một xã hội đầy dẫy các tệ nạn và có nhiều lối sống buông thả. Đó là môi trường là cơ hội thuận tiện cho ma quỷ ẩn núp và tấn công. Cám dỗ ngày càng nhiều và ngày càng tinh vi dưới muôn hình dáng vẻ. Vì thế, lời dặn dò của Chúa Giêsu ngày càng khẩn thiết: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ”. Cơn cám dỗ độc hại nhất mà con người cần phải luôn tỉnh thức canh phòng và trường kỳ chiến đấu bằng mọi cách, chính là lòng ích kỷ, quan niệm sống hẹp hòi, thiển cận của chính mình, chỉ biết có mình mà quên kẻ khác, chỉ biết thu vén lợi ích cho riêng mình mà quên quyền lợi kẻ khác.

Để tỉnh thức và cầu nguyện, chúng ta cần sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và ánh sáng soi dẫn của Lời Chúa, thực thi những việc đạo đức của Mùa Chay.

Chúa Giêsu đã từng căn dặn các Tông Đồ: “Hãy tỉnh thức”. Tỉnh thức để nhận ra mưu mô của ma quỷ, tỉnh thức trước những lôi cuốn của thế gian, tỉnh thức trước những yếu đuối của con người xác thịt.

Mùa Chay là thời gian đặc biệt để sám hối canh tân bản thân dưới ánh sáng Lời Chúa và thực hành ăn chay cầu nguyện theo gương Chúa Giêsu, nhờ đó mỗi người chúng ta sống đẹp lòng Thiên Chúa hàng ngày.

LM Giuse Nguyễn Hữu An

Tình yêu biến kẻ thù thành bạn hữu

Tình yêu biến kẻ thù thành bạn hữu

Tin Mừng các Chúa Nhật liên tiếp trình bày những giáo huấn mới mẻ của Chúa Giêsu so với luật cũ của Cựu ước.

Chúa Nhật IV, Chúa Giêsu là Môisen mới, đứng trên núi Sinai mới (núi Bát Phúc) công bố luật mới của Nước Trời (Tám mối Phúc thật).

Chúa Nhật V, sau khi công bố Hiến Chương Nước Trời, Chúa Giêsu khuyến khích các môn đệ, những công dân mới của Nước Trời, hãy đem những giáo huấn của Người ra thi hành. Sứ mạng cao cả của người công dân Nước Trời là muối cho đời, ánh sáng thế gian.

Chúa Nhật VI, Chúa Giêsu so sánh luật mới của Người với luật cũ của Môisen. Luật mới kiện toàn luật cũ. Chúa Giêsu đưa ra 4 trường hợp cụ thể:

– Luật cũ cấm giết người. Luật mới dạy, phải coi người khác là anh em. Thương yêu nhau, nếu có gì bất hòa thì hòa giải với nhau.

– Luật cũ cấm hành vi ngoại tình. Luật mới ngăn chặn ngoại tình từ ước muốn. Cần chặn đứng những gì gây nên ước muốn xấu xa như con mắt, cái tay, cái chân…

– Luật cũ quy định thủ tục li dị. Luật mới triệt để cấm li dị.

– Luật cũ cấm thề gian. Luật mới dạy sống chân thực. Khi đã sống chân thực rồi thì không cần thề nữa.

Chúa Nhật VII, Chúa Giêsu tiếp tục giáo huấn hoàn thiện luật cũ.

– Luật cũ dạy yêu thương, nhưng lòng yêu thương ấy chỉ giới hạn trong những người Israel với nhau. Luật mới dạy phải mở rộng yêu thương đến kẻ thù nữa.

– Tinh thần luật cũ “mắt đền mắt, răng đền răng”. Pháp lý của Chúa Giêsu hoàn toàn mới mẻ. Chúa mở ra con đường mới: thiện thắng ác, tình yêu thắng hận thù.

– Tinh thần luật cũ là chỉ yêu thương người đồng bào. Giáo huấn mới là hãy yêu thương thù địch và làm ơn để báo oán.

1. “Hãy yêu kẻ thù”

“Hãy yêu kẻ thù” là giáo huấn độc đáo nhất của Chúa Giêsu. Người đã cắt nghĩa rất cụ thể. Yêu thương kẻ thù là :

+ Làm ơn cho kẻ ghét mình.

+ Chúc phúc cho người nguyền rủa mình.

+ Cầu nguyện cho kẻ vu khống mình.

+ Ai vả má nầy thì đưa cả má kia.

+ Ai lột áo ngoài thì cho cả áo trong.

+ Ai lấy gì thì đừng đòi lại…

Lý do của thái độ nhân ái, lòng yêu thương bao la ấy là con cái phải noi gương Thiên Chúa là Cha ngự trên trời “Người làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, làm cho mưa xuống trên kẻ lành cũng như người bất lương…”.

“Yêu thương kẻ thù” là một nghĩa cử anh hùng, một nổ lực vượt thắng tình cảm tự nhiên, vượt trên phản ứng thường tình của con người. “Yêu thương kẻ thù” là bước vào thế giới siêu nhiên của con cái Chúa, sống nhân hậu và hoàn thiện như Cha trên trời.

Khi dạy “Hãy yêu kẻ thù”, Chúa Giêsu không có ý cổ võ sự nhu nhược, nhát đảm nhưng là để nêu cao tinh thần khoan dung hiền từ quãng đại tha thứ.

“Hãy yêu kẻ thù”, đó là lệnh truyền khó thi hành nhất trong các lệnh truyền của Chúa Giêsu. Khó nhưng không phải là không có thể. Chính Chúa đã làm gương khi xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ hành hạ, đóng đinh mình trên thập giá. Chính hành vi cao cả này đã thể hiện trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa. Đó cũng là nét cao quý nhất trong dung mạo Đấng Cứu Thế. Người đến để yêu thương và cứu chuộc con người. Người đến để tha thứ và đem lại cho con người cơ may để sám hối và canh tân.

Như vậy Chúa Giêsu mở ra con đường mới cho nhân loại. Con đường lấy thiện thắng ác, lấy tình yêu vượt thắng hận thù. Chỉ có yêu thương mới làm cho thù hận tiêu tan.

2. Tại sao phải yêu kẻ thù?

Yêu người yêu mình thì dễ. Yêu kẻ làm hại mình thật khó biết bao! Trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật có dạy: “Lấy oán báo oán, oán chập chùng. Lấy đức báo oán, oán tiêu tan”. Lấy oán báo oán chỉ thêm hận thù mà thôi. Bạo lực sẽ kéo theo bạo lực. Câu chuyện tình bất hủ Roméo và Juliette đã đi vào lịch sử nhân loại. Nhiều thi sĩ, nhạc sĩ đã viết thi ca âm nhạc ca tụng tình yêu. Những vỡ kịch những cuốn phim diễn tả hấp dẫn mối tình lãng mạn của đôi tình nhân trẻ. Nếu câu chuyện tình của họ được kết thúc một cách tốt đẹp và bình thường, chắc sẽ không có ai nhắc đến. Nhưng Roméo Juliette là nạn nhân của sự thù hận giữa hai gia tộc. Không ai có thể tìm cách để giải hòa được sự thù hận ấy. Sự thù hận dẫn đến mất mát cho cả hai bên. Sự thù hận đã cướp đi mạng sống của đôi bạn trẻ yêu nhau tha thiết. Sự thù hận giết chết một mối tình đẹp, nhân loại ngàn đời xót xa nuối tiếc. Sự thù hận khởi đi từ tâm hồn ích kỷ. Bảo vệ mình bằng sự trả thù, thì càng mất mát hơn và hận thù hận ngày càng dâng cao.

Nhạc sĩ Phạm Duy viết trong một ca khúc: Kẻ thù tôi đâu có phải là người. Giết người đi thì ta ở với ai ? Đã là người thì ai cũng có những sai lỗi. Nhân vô thập toàn. Hơn nữa, mỗi người lại có những tính tình và sở thích riêng biệt, bá nhân bá tánh. Vì vậy, đã sống chung cùng nhau chúng ta không thể nào tránh đi cho hết những va chạm, những bực bội và những buồn phiền. Vậy nếu hễ tức giận là báo thù, thì tôi sẽ phải báo thù kẻ lạ cũng như người quen, kẻ ngoài xã hội cũng như người trong gia đình, kẻ bên trái cũng như những người bên phải, kẻ đàng trước cũng như người đàng sau, nghĩa là phải tẩy chay, phải thanh toán hết mọi thứ người trên mặt đất này. Phạm Duy khuyên đừng giết người vì tuy là kẻ thù, nhưng họ vẫn là người, vẫn giống chúng ta.

3. Tình yêu biến kẻ thù thành bạn hữu.

Trong cuộc sống, chúng ta va chạm nhau rất nhiều qua lời nói vô tình, cử chỉ vô ý, một câu truyện bịa đặt thêm nếm cũng có thể là nguyên nhân của chuyện thù ghét oán hờn. Chúng ta cố gắng xây dựng hòa bình bằng sự chân thật và tình yêu thương tha thứ.Thánh Phaolô khuyên dạy chúng ta: Anh em nổi nóng ư? Đừng phạm tội: chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn (Ep 4,26).

Thiên Chúa tạo dựng nên con người giống hình ảnh Chúa, lẽ nào Người lại tiêu diệt nó chứ ? Chúa Giêsu đến để đẩy lui sự ác, xóa bỏ tội lỗi. Chúa không đến để tiêu diệt người tội lỗi mà để cứu vớt. Tình yêu là vũ khí mạnh nhất để đẩy lui tội lỗi nơi con người, làm thay đổi một con người. Chỉ có ánh sáng mới xóa tan được bóng tối. Chỉ có tình thương mới xóa bỏ hận thù ghen ghét. Tình yêu có phép mầu biến kẻ thù thành bạn hữu. Tình yêu có sức mạnh sáng tạo và cứu độ. Đối với người Kitô hữu, lý do căn bản để yêu thương kẻ thù chính là Lời Chúa: ”Anh em hãy yêu kẻ thù…Như vậy phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao” (Lc 6,35).

Câu chuyện ngụ ngôn kể rằng:Sư tử ốm đã một tuần nay và nằm trong hang không dậy được. Nó buồn lắm vì là chúa tể sơn lâm mà chẳng con vật nào đến thăm hỏi hay mang cho nó chút quà gì cả. Nhìn cây hoa hồng bên cạnh, lúc nào cũng có bướm, có ong, có chim chóc ríu rít, đến bay lượn vui vẻ. Sư tử bèn hỏi cây hoa hồng:Hoa hồng ơi, vì sao ngươi mảnh dẻ yếu ớt như thế, mà lúc nào cũng có bạn bè đến thăm vui vẻ, còn ta là chúa tể sơn lâm mà chẳng có con vật nào đến thăm ta cả ?

Hoa hồng trả lời:Vì tôi luôn tặng cho mọi loài màu sắc tươi đẹp và hương thơm ngào ngạt khi mọi loài đến với tôi. Còn ngài là chúa tể sơn lâm uy quyền, nhưng ngài có tặng cho những con vật bé nhỏ thuộc hạ của ngài cái gì đâu ?

Hoa hồng là hình ảnh của con người biết yêu thương.

Lạy Chúa, trên thập giá, Chúa đã nêu gương tha thứ cho những kẻ giết Chúa. Xin thương củng cố tình thương của Chúa trong trái tim con, để mỗi ngày con được tiến thêm và kiên trì đi trên con đường yêu thương của Chúa cho đến cùng. Xin thánh hóa tình yêu trong con, cho con biết yêu mến mọi người. Amen.

LM. Giuse Nguyễn Hữu An

Một nhà thờ Tin Lành tại Nam Hàn để tang cho nạn nhân bị đánh bomb tại Ai Cập

Một nhà thờ Tin Lành tại Nam Hàn để tang cho nạn nhân bị đánh bomb tại Ai Cập

People and security officials walk and look as smoke rises from a tourist bus in the Red Sea resort town of Taba in the south SinaiXe bus bị đánh bomb – Courtesy picture Reuters

SEOUL , Nam Hàn (AP) – Một vụ đánh bom đã giết chết ba người Hàn Quốc và một tài xế người Ai Cập trên bán đảo Sinai nhắm mục tiêu một chiếc xe buýt chở các tín hữu Tin Lành Hàn Quốc, những người này đã dành dụm nhiều năm để viếng thăm thánh địa nhằm kỷ niệm 60 năm nhà thờ của họ, các nhà thẩm quyền cho biết hôm thứ Hai.

Xe buýt chở 33 người Hàn Quốc, một hướng dẫn viên người Ai Cập và một tài xế Ai Cập, đây lời cho biết của một nữ nhân viên làm việc trong văn phòng báo chí Bộ Ngoại giao Hàn Quốc (nữ nhân viên này được  giấu tên vì các quy tắc văn phòng không cho phép tiết lộ). Một thành viên nhà thờ, hai hướng dẫn viên Hàn Quốc và người lái xe Ai Cập thiệt mạng và 14 người hành hương bị thương. Xe buýt chở 31 tín hữu Tin Lành Presbyterian Jincheon Jungang, nằm ở phía nam của Seoul, dự định đi từ Ai Cập vào Israel , Choe Gyu- seob, theo một cha phó tại nhà thờ , nói với các phóng viên. Ông cho biết nhà thờ đã tiết kiệm tiền trong một thời gian dài để kỷ niệm 60 năm ngày thành lập với một chuyến đi hành hương thăm viếng Thánh địa. Theo chương trình hành hương, các khách du lịch đã rời Hàn Quốc từ thứ hai tuần trước và đã đến thăm các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Israel trong 12 ngày.

" Mẹ tôi là một con chiên ngoan đạo ", con gái của thành viên nhà thờ đã chết, tên Yoon , được dẫn lời hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc . "Tôi không biết làm thế nào một điều như vậy có thể xảy ra . Tôi không biết làm thế nào để phản ứng với điều này . "

Thành viên nhà thờ khác đã khóc khi họ ngồi trong một chiếc xe ở phía trước của nhà thờ vào thứ hai.
"Chúng tôi không bao giờ tưởng tượng một điều như vậy có thể xảy ra . Chúng tôi đang bị sốc và đau khổ, " một giáo dân nam ở tuổi ngũ tuần của ông cho biết trong một cuộc phỏng vấn điện thoại với hãng thông tấn AP. Các giáo dân từ chối cho biết tên, nói rằng giáo hội Tin Lành đã nói với khoảng 800 tín hữu của họ không được nói chuyện với giới truyền thông về vụ tấn công này.

Vào ngày Chúa nhật, xe buýt đã đi đến một tu viện xưa ở Sinai và đã gần về để vào Israel từ thị trấn biên giới Taba , theo lời các quan chức an ninh Ai Cập cho biết.

Chưa có ai nhận trách nhiệm về vụ nổ, mà điểm nổi bật của cuộc tấn công nhiều người đổ lỗi cho nhóm chiến binh al- Qaida đã được chiến đấu với lực lượng chính phủ ở phía bắc Sinai trong nhiều năm .

Gần 30 phần trăm của người Hàn Quốc là Tin Lành và Công Giáo, và nhiều hoạt động tích cực trong công cuộc truyền giáo ở nước ngoài , với hơn 25,000 nhà truyền giáo phái đến 169 quốc gia, theo báo cáo năm 2013 của Hiệp hội Đoàn Hàn Quốc Thế giới .

Công việc truyền giáo đã bị chỉ trích mạnh trong năm 2007 khi một nhóm 23 Kitô hữu của Hàn Quốc bị bắt làm con tin của Taliban ở Afghanistan và hai người nam đã bị giết trong cuộc bắt giữ, trong khi các người khác được thả. Nhà thờ đã gửi giáo dân của mình tới Afghanistan đã khẳng định rằng chuyến đi đó chỉ là cung cấp viện trợ nhân đạo và không thực hiện công việc truyền giáo.

Vụ đánh bom hôm Chủ Nhật là vụ tấn công giết hại khách hành hương trong khu vực phía Nam Sinai kể từ tháng 6 năm 2004 đã giết chết khoảng 120 người.

Nguồn AP

Thái Trọng

Kitô hữu môn đệ truyền giáo là muối đất và ánh sáng thế gian

Kitô hữu môn đệ truyền giáo là muối đất và ánh sáng thế gian

Ơn gọi của Kitô hữu môn đệ thừa sai là muối đất và là ánh sáng thế gian, là đén cháy sáng để cuộc sống thánh thiện của chúng ta trao ban ”hương vị” cho các môi trường sống khác nhau và bảo vệ chúng khỏi bị hư thối.

Kính thưa qúy vị, thưa các bạn, Đức Thánh Cha đã nói như trên trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 9 tháng 2-2014 với hàng chục ngàn tín hữu tự tập tại quảng trường Thánh Phêrô.

Đề cập tới bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm qua kể lại lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ: ”Các con là muối đất… Các con là ánh sáng thế gian” (Mt 5,3.14), Đức Thánh Cha nói: Điều này khiến cho chúng ta hơi ngạc nhiên một chút, nếu chúng ta nghĩ tới những người đang đứng trước Chúa Giêsu là ai. Họ là những người đánh cá, những người đơn sơ. Nhưng Chúa nhìn họ với con mắt của Thiên Chúa, và người ta hiểu khẳng định của Ngài như là hậu qủa của các Mối Phúc Thật. Ngài muốn nói rằng: nếu các con có tinh thần nghèo khó, có con tim trong sạch, có lòng thương xót… thì các con sẽ là muốn đất và ánh sáng thế gian. Để hiểu các hình ảnh này một cách tốt đẹp hơn. chúng ta chú ý tới Luật Lệ Do thái truyền phải bỏ một chút muối trên mọi lễ vật dâng cho Thiên Chúa, như dấu chỉ của giao ước. Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa ánh sáng như sau:

Thế rồi ánh sáng, đối với dna Israel, là biểu tượng của mạc khải cứu thế chiến thăng bóng tối của dân ngoại. Như vậy các kitô hữu, là dân Israel mới, nhận lãnh một sứ mệnh đối với tất cả mọi người: với đức tin và với tình bác ái họ có thể hướng dẫn, thánh hóa và làm cho nhân loại trở thành phong phú. Tất cả chúng ta những người đã được rửa tội, chúng ta là các môn đệ thừa sai và được mời gọi trở thành một phúc âm sống động trong thế giới: với cuộc sống thánh thiện chúng ta sẽ trao ban ”hương vị” cho các mội trường khác nhau, và bảo vệ chúng khỏi thối rữa, như muối làm vậy. Và chúng ta sẽ đem ánh sáng của Chúa Kitô với chứng tá của một tình bác ái tinh tuyền. Nhưng nếu các kitô hữu chúng ta đánh mất đi hương vị và tắt ngúm, chúng ta dập tắt sự hiện diện là muối và ánh sáng, bởi vì chúng ta đánh mất đi sự hữu hiệu. Sứ mệnh trao ban ánh sáng cho thế giới đẹp đẽ biết bao! Đó là một sứ mệnh mà chúng ta có. Nó đẹp. Và cũng thật đẹp duy trì ánh sáng mà chúng ta đã nhận được từ Chúa Giêsu, gìn giữ nó và duy trì nó. Kitô hữu phải là một người chiếu sáng, mang ánh sáng, luôn luôn troa ban ánh sáng. Một ánh sáng không phải của mình, nhưng là món quà của Thiên Chúa, là món quà của Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha khẳng định thêm:

Nếu Kitô hữu dập tắt ánh sáng này, cuộc sống của họ không có ý nghĩa; đó là một tín hữu Kitô chỉ có danh thôi, mà không mang ánh sáng, một cuộc sống vô nghĩa. Nhưng bây giờ tối muốn hỏi anh chị em, anh chị em muốn sống thế nào? Như một cái đèn cháy sáng hay một cái đèn tắt? Cháy sáng hay tắt? Anh chị em muốn sống thế nào? Tín hữu trả lời ”cháy sáng”, nhưng hơi nhỏ, Đức Thánh Cha nói ”ở đây người ta chả nghe gì cả”. Tín hữu la to hơn: ”cháy sáng”. Ngài nói tiếp: Đèn cháy sáng nhé! Chính Thiên Chúa cho chúng ta ánh sáng này và chúng ta trao nó cho người khác. Đèn cháy sáng đó là ơn gọi kitô của chúng ta.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc kinh truyền tin và ban phép lành cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha nhắc cho mọi người biết ngày 11 tháng 2 này là lễ Đức Mẹ Lộ Đức và cũng là ”Ngày quốc tế các bệnh nhân”. Đức Thánh Cha nói đây là dịp thuận tiện để đặt các anh chi em bệnh tật vào trung tâm của cộng đoàn, cầu nguyện cho họ và với họ, gần gũi họ. Sứ điệp cho ngày này được gợi hứng bởi một kiểu nói của thánh Gioan: Đức tin và tình bác ái: ”Cả chúng ta nữa chúng ta cũng phải hiến mạng sống cho các người anh em” (1 Ga 3,16). Một cách đặc biệt chúng ta có thể noi gương Chúa Giêsu đối với mọi loại người đau yếu: Chúa săn sóc tất cả, chia sẻ nỗi khổ đau của họ và rộng mở con tim cho niềm hy vọng. Rồi Đức Thánh Cha cám ơn các nhân viên y tế trên toàn thế giới. Ngài nói công việc của anh chị em thật qúy báu! Xin cám ơn công việc qúy báu của anh chị em rất nhiều. Họ gặp gỡ nơi các bệnh nhân mỗi ngày không phải chỉ các thân xác ghi dấu sự giòn mỏng, nhưng các bản vị con người mà họ cống hiến sự chú ý và các câu trả lời thỏa đáng. Phẩm giá con người không bao giờ bị giản lược vào các khả thể hay năng khiếu của nó, và nó không giảm thiểu, khi chính con người yếu đuối, tàn tật và cần giúp đỡ. Tôi cũng nghĩ tới các gia đình, nơi việc săn sóc ai đau yếu là điều bình thường; nhưng đôi khi các tình hình có thể nặng nề hơn… Có rất nhiều người viết thư cho tôi và hôm nay tôi muốn bảo đảm một lời cầu nguyện cho tất cả các gia đình đó, và tôi nói với họ: Anh chị em đừng sợ hãi sự giòn mỏng! Đừng sợ hãi sự giòn mỏng. Hãy giúp đỡ nhau với tình yêu thương và anh chị em sẽ cảm thấy sự hiện diện ủi an của Thiên Chúa.

Thái độ quang đại và kitô đối với các bệnh nhân là muối đất và ánh sáng thế gian. Xin Đức Trinh Nữ Maria trợ giúp chúng ta thực thi điều đó, và xin Mẹ chiếm được an bình và an ủi cho mọi người đang đau đớn.

Trong những ngày này Thế Vận Hội mùa đông cũng đang diễn ra tại Sochi bên Nga. Tôi muốn gửi lời chào tới các người tổ chức và tất cả các lực sĩ tham dự với lời cầu chúc nó là một lễ hội của thể thao và tình bạn. Tiếp đến ngài chào nhiều nhóm khác nhau hiện diện tại quảng trường, trong đó có nhóm các nữ thần học gia đang tham dự một đại hội tại Roma. Đức Thánh Cha cũng bầy tỏ sự gần gũi của ngài và cầu nguyện cho những người đang khổ đau vì các thiên tai tại nhiều nước khác nhau, kể cả ở Roma. Trước khi kết thúc buổi đọc Kiinh Truyền Tin Đức Thánh Cha còn lập lại câu hỏi tín hữu muốn là đèn cháy sàng hay đèn bị tắt rồi nói: Kitô hữu đem ánh sáng. Họ là một chiếc đèn cháy sáng. Hãy luôn tiến bước với ánh sáng của Chúa Giêsu.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Lễ Đức Mẹ Dâng Con Trong Đền Thánh

Lễ Đức Mẹ Dâng Con Trong Đền Thánh

presentation_of_the_lord

Kể từ cuối thế kỷ IV, Giáo hội Gierusalem đã mừng kính lễ này, hướng tới việc dâng Chúa Giêsu vào đền thánh và việc thanh tẩy Đức Trinh Nữ. Giáo hội Hy Lạp và Milanô kể lễ này vào một số lễ trọng kính Chúa, một nghi lễ chính trong năm. Giáo hội Roma lại thường kể lễ này vào số các lễ Đức Trinh Nữ.

Trong thông điệp về lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria, Đức Phaolô VI viết : "Lễ mùng 2 tháng 2, được cải tên là lễ "dâng Chúa vào đền thánh", cũng cần nhắc nhở để hưởng nguồn phong phú lớn lao của ân sủng Chúa Giêsu và Maria đi song song. Đức Kitô thực hiện mầu nhiệm cứu độ. Maria mật thiết kết hợp với Chúa chịu khổ hình, để thực hiện một sứ mạng vừa thuộc về Dân Chúa của Cựu ước, vừa là hình ảnh của Dân Tân ước luôn luôn vị bắt bớ gian khổ, thử thách đức tin và lòng trông cậy" (Lc 2,21-35) (Marialis Cultur, số 7b).

Sự kiện dâng Chúa Giêsu vào đền thánh và thánh tẩy Đức Trinh Nữ đã được thánh sử Luca ghi lại (Lc 2,22-39). Sự kiện này nhằm thực hiện những lề luật đã được ghi rõ trong Cựu ước (Lv 12,8). Theo luật Môisê, phụ nữ sau khi sanh con thì bị coi là nhơ uế trong 40 ngày nếu sinh con trai và trong 80 này nếu sinh con gái. Trong những ngày ấy họ không được vào đền thờ và không được chạm đến vật dụng nào đã thánh hiến cho Thiên Chúa.

Hết những ngày kiêng cữ trên, họ đến đền thờ để được thanh tẩy. Họ phải mang theo một con chiên nếu là nhà giàu hay hai con chim gáy hoặc bồ câu non làm của lễ. Ngoài ra để ghi nhớ dịp vượt qua đất Ai cập. Lúc các con đầu lòng của loài người hay là của loài vật đều phải dâng cho Thiên Chúa (Xh 13,2). Vậy, trung tín với lề luật, Đức Maria và thánh Giuse "khi đã đầy ngày, lúc phải làm lễ tẩy uế cho các đấng theo luật Môsê, thì ông bà đem hài nhi lên Giêrusalem tiến dâng cho Chúa" và các Ngài "dâng làm lễ tế một cặp chim gáy hay hai con bồ câu" (Lc 2,22-24).

Như vậy sự kiện dâng Chúa Giêsu vào đền thánh diễn ra một cách bình thường dưới mắt người đời. Nhưng trong lịch sử cứu độ, đây là việc thực hiện lời tiên báo của tiên tri Malaki: "Thình lình sẽ đến nơi đền thờ của Người, vị Chúa tể mà các ngươi đòi hỏi, và thần sứ giao ước mà các ngươi ước nguyện, này vị ấy đến" (Ml 3,1). Chúa đã đến trong đền thờ Người. Bao nhiêu người đã ngóng chờ biến cố cứu độ này. Nhưng như chính tiên tri Malaki trước tự hỏi: "Ai chịu đựng nổi ngày Người đến ? Ai đứng vững được khi Người hiện ra ?" (Ml 3,2).

Dĩ nhiên khó ai nhận biết được Thiên Chúa, bởi vì Ngài đã mặc lấy vóc dáng con người như chúng ta. Phải có sự soi sáng của Thánh Thần mới biết được. Siméon và Anna là những người công chính và mộ đạo đã được hường đặc ân này. Được linh cảm, Siméon "đến đền thờ, khi cha mẹ bồng hài nhi Giêsu đến để làm theo điều lề luật dạy về Người" (Lc 2,27).

Ẵm lấy Hài nhi trên tay, Siméon đã chúc tụng Chúa và nói:

"Mắt tôi đã thấy ơn Người cứu độ,

Người đã dọn sẵn trước mặt muôn dân,

Anh sáng mạc khải cho dân ngoại

và vinh quang của Israel dân Người" (Lc 2,30-32)

Còn nữ tiên tri Anna, "không rời khỏi đền thánh, thờ Chúa đêm ngày trong chay kiêng và cầu nguyện. Vào giờ ấy, bà đã đến bên tán tạ Thiên Chúa và bà đã nói về Ngài cho mọi kẻ ngóng đợi phúc cứu chuộc của Gierusalem" (Lc 37-38).

Ngày lễ Dâng Chúa Giêsu vào đền thánh còn được gọi là lễ Nến. Hôm nay Giáo hội làm phép những cây nến và phân phát cho giáo dân. Cầm nến sáng trong tay và tiến vào thánh đường, mọi người lặp lại Thánh Ca mà tiên tri Siméon đã hát khi Đức Mẹ và thánh Giuse dâng Chúa Giêsu vào đền thánh. Chúa Giêsu quả là ánh sáng muôn dân, dẫn lối chúng ta vào trong cung điện Người. Những "cây nến phép" này sẽ được cất giữ trong các gia đình để dùng vào dịp lãnh các bí tích sau hết hay để thắp bên thi hài người quá cố trong gia đình.