Khiêm nhường

Khiêm nhường

(Chúa Nhật 31 mùa thường niên năm A)

Chúng ta có thể xác quyết: Khiêm nhường là con đường bảo đảm nhất dẫn chúng ta tới quê hương Nước Trời.

Thực vậy, tội của ông bà nguyên tổ là gì, nếu không phải là sự kiêu căng, muốn trở nên bằng Thiên Chúa, từ chối không chịu để cho Ngài hướng dẫn, bằng cách giơ tay ngắt trái cấm mà ăn. Tội của Lucifer, vị thần mang ánh sáng là gì, nếu không phải là tính kiêu ngạo, không muốn phục tùng Thiên Chúa nữa.

Từ đó, chúng ta thấy mình chỉ có thể gặt hái được những thành quả tốt đẹp, nếu biết trở nên như trẻ nhỏ, phó thác vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, người cha đầy yêu thương và giàu lòng thương xót.

Dưới mắt Thiên Chúa, chúng ta thấy dường như có một sự đảo lộn giá trị: Ai tự nâng mình lên cao thì sẽ bị hạ xuống thấp, và trái lại ai hạ mình xuống thấp thì sẽ được nâng lên cao, bởi vì chính Chúa Giêsu đã phán: Ai muốn làm lớn thì phải trở thành kẻ rốt hết và làm đầy tớ phục vụ cho mọi người…Ai trở nên giống trẻ nhỏ, thì sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời…

Để nuôi đám đông dân chúng trong hoang địa, Chúa Giêsu đã không làm cho manna từ trời rơi xuống, nhưng Ngài đã dùng năm chiếc bánh và hai con cá của một em nhỏ.

Và trong cuộc sống, Ngài đã sử dụng những phương tiện tầm thường nhất. Thực vậy, để thiết lập Giáo Hội, Ngài đã không chọn lựa những tiến sĩ luật và những nhà thông thái, trái lại, Ngài đã kêu gọi những con người đơn sơ và dốt nát.

Tại phòng tiệc ly, mặc dù luôn ý thức quyền năng của mình, thế nhưng Ngài đã quì xuống rửa chân cho các môn đệ, để dạy cho các ông bài học khiêm nhường và phục vụ.

Trong công cuộc cứu độ nhân loại, Ngài đã không sử dụng tới uy quyền của một vị Thiên Chúa, nhưng đã cúi đầu chấp nhận thập giá, như lời thánh Phaolô đã diễn tả: Ngài đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá.

Ngài cũng muốn chúng ta noi gương bắt chước Ngài: các con hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng.

Đoạn Tin Mừng hôm nay đưa ra hai khuôn mặt, đó là khuôn mặt của một bậc thầy, một tiến sĩ luật và khuôn mặt của một người tôi tớ, một người hèn mọn.

Kẻ kiêu căng luôn đặt mình làm trung tâm của vũ trụ, muốn người khác phải trọng kính và coi mình như một vị thủ lãnh. Chính vì thế, kẻ kiêu căng không hề biết vâng lời và yêu thương. Họ sẽ không bao giờ được thỏa mãn, trái lại lúc nào cũng ghen tức vì hấy người khác được thành công. Một kẻ như vậy thì làm sao có thể gặp được Thiên Chúa.

Trong khi đó, người khiêm nhường biết từ bỏ mọi sự, ngay cả bản thân cùng với địa vị và danh dự. Họ biết nhận định đúng về con người của mình, đồng thời họ biết quên mình đi để mưu cầu lợi ích cho những người chung quanh. Chính vì thế, họ được dành cho nhiều tình cảm tốt đẹp và  được chính Thiên Chúa đón nhận, vì tâm hồn họ trống rỗng, không có những vướng mắc và níu kéo.

Kytô giáo của chúng ta không thể thiếu vắng sự khiêm nhường, như lời thánh Bernađô đã xác quyết: Lời rao giảng quan trọng nhất của Đức Kitô chính là sự khiêm nhường.

Và thánh Phanxicô Assie cũng nói: Thiên Chúa thấy tôi tội lỗi hơn hết mọi người, nên Ngài đã chọn tôi để làm những công việc trọng đại.

Còn thánh Phanxicô Xaviê thì bảo: Trên dấu chân của Đức Kitô, chúng ta chỉ thực sự được nâng lên, một khi đã thực sự hạ xuống.

Để kết luận, chúng ta cùng nhau ghi nhớ tư tưởng sau dây của ông Gandhi: Nếu chúng ta nghĩ rằng mình là một cái gì đó, thi chúng ta đã đặt một hàng rào để ngăn cách với Thiên Chúa, còn nếu chúng ta nghĩ rằng mình chẳng là gì cả, thì chúng ta sẽ trở nên một với Ngài.

60 ngàn tín hữu đọc kinh truyền tin với Đức Thánh Cha

60 ngàn tín hữu đọc kinh truyền tin với Đức Thánh Cha

VATICAN. Trưa chúa nhật 26-10, hơn 60 ngàn tín hữu đã đến tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin cùng với ĐTC Phanxicô tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Trong số các tín hữu hiện diện đặc biệt có 8 ngàn thành viên phong trào Schoenstatt về 50 quốc gia về Roma hành hương nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập phong trào. Trước khi dự buổi đọc kinh truyền tin với ĐTC, họ đã tham dự thánh lễ bế mạc cuộc hành hương tại Đền thờ Thánh Phêrô, do ĐHY Erazzuris chủ sự cùng với hơn 200 LM. ĐHY nguyên Bề trên Tổng quyền của tu hội Schoenstatt rồi làm TGM Tổng thư ký bộ Tu Sĩ, rồi TGM Santiago de Chile.

Lúc 12 giờ ĐTC xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc nơi Căn hộ giáo hoàng ở dinh Tông Tòa để bắt đầu buổi đọc kinh. Trong bài huấn dụ ngắn, ĐTC đã giải thích bài Tin Mừng chúa nhật về sự cao trọng nhất của giới răn mến Chúa yêu người.

Huấn từ của ĐTC

Anh chị em thân mến, chào anh chị em

Tin Mừng hôm nay nhắc nhớ chúng ta rằng toàn thể Lề Luật Chúa tóm gọn trong tình yêu đối Thiên Chúa và đối với tha nhân, Thánh Sử Mathêu kể lại rằng một vài người Biệt Phái thỏa thuận với nhau để thử thách Cháu Giêsu (Xc, 22,34-35). Một người trong họ là một tiến sĩ Luật, hỏi Chúa rằng: ”Thưa Thầy, trong Luật, đâu là giới răn trọng nhất?” (v.36). Chúa Giêsu, trích dẫn sách Đệ nhị luật, đáp: ”Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và tâm trí của ngươi. Đó là giới răn thứ I và trọng nhất” (vv.37-38). Và lẽ ra Ngài có thể dừng lại ở đây. Trái lại Chúa Giêsu nói thêm điều mà vị tiến sĩ Luật không hỏi. Thực vậy, Chúa nói: ”Giới răn thứ hai giống như giới răn thứ I: Ngươi hãy yêu thương tha nhân như chính mình” (v. 39). Cả giới răn thứ hai này Chúa Giêsu không sáng chế ra, nhưng ngài lấy lại từ sách Lêvi. Sự mới mẻ của Ngài hệ tại đặt hai giới răn này chung với nhau – mến Chúa và yêu người – qua đó Ngài tỏ lộ rằng hai giới răn ấy không thể tách biệt, nhưng bổ túc cho nhau, đó là hai mặt của cùng một mề-đai. ĐGH Biển Đức đã để lại cho chúng ta một bình giải rất hay về vấn đề này trong Thông điệp đầu tiên của Ngài ”Deus caritas est, Thiên Chúa là tình thương” (nn.16-18).

Thực vậy, dấu chỉ hữu hình mà Kitô hữu có thể chứng tỏ để làm chứng cho thế giới về tình thương của Thiên Chúa chính là tình yêu đối với anh em mình. Giới răn mến Chúa yêu người là giới răn đầu tiên không phải vì đứng đầu danh sách các giới răn. Chúa Giêsu không đặt nó lên hàng đầu, nhưng ở trung tâm vì đó là trọng tâm từ đó tất cả phải khởi hành và tất cả phải trở về đó và tham chiếu.

Ngay trong Cựu Ước, đòi hỏi nên thánh, theo hình ảnh Thiên Chúa là Đấng Thánh, cũng bao gồm nghĩa vụ săn sóc những người yếu thế nhất như ngoại kiều, cô nhi và góa phụ (Xc Xh 22,20-26). Chúa Giêsu kiện toàn luật giao ước ấy, chính Ngài liên kết nơi mình, trong thân mình Ngài, thần tính và nhân tính trong một mầu nhiệm tình yêu duy nhất.

Từ nay trở đi, dưới ánh sáng Lời Chúa Giêsu, tình yêu là mực thước đức tin, và đức tin là linh hồn của tình yêu. Chúng ta không còn có thể tách biệt đời sống tôn giáo ra khỏi việc phục vụ anh em, những người anh em cụ thể mà chúng ta gặp. Chúng ta không còn có thể tách biệt kinh nguyện, cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa trong các bí tích, khỏi sự lắng nghe tha nhân, gần gũi cuộc sống của họ, nhất là những vết thương của họ.

Giữa rừng rậm các giới luật và qui tằc – giữa chủ trương vụ luật xưa kia và ngày nay – Chúa Giêsu mở ra một lỗ hổng giúp nhận ra hai khuôn mặt: khuôn mặt Chúa Cha và khuôn mặt người anh em. Ngài không giao cho chúng ta 2 công thức hay hai giới răn, nhưng hai khuôn mặt, đúng hơn chỉ có một khuôn mặt duy nhất, đó là khuôn mặt của Thiên Chúa phản ánh trong bao nhiêu khuôn mặt, vì trong khuôn mặt của mỗi người anh em, đặc biệt là khuôn mặt bé nhỏ, yếu ớt và vô phương thế tự vệ nhất, có chính hình ảnh của Thiên Chúa hiện diện.

Như thế, Chúa Giêsu trao tặng mỗi người tiêu chuẩn căn bản để họ xếp đặt đời sống của mình. Nhưng nhất là Chúa ban cho chúng ta Thánh Thần của Ngài, giúp chúng ta mến Chúa và yêu người như Ngài, với con tim tự do và quảng đại. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ chúng ta, chúng ta hãy cởi mở đón nhận hồng ân ấy, để tiến bước trong luật yêu thương.

Chào thăm

Sau khi ban phép lành cho mọi người, ĐTC nhắc nhở mọi người rằng: Thứ bẩy hôm qua (25-10) tại thành Sao Paolo Brazil có lễ phong chân phước cho Mẹ Assunta Marchetti, sinh tại Italia, đồng sáng lập dòng các nữ tu thừa sai Thánh Carlo Borromeo – Scalabrine. Mẹ là một nữ tu gương mẫu trong việc phục vụ các trẻ mồ côi của những người Ý di dân; Mẹ đã nhìn thấy Chúa Giêsu hiện diện nơi người nghèo, các trẻ mồ côi, nơi các bệnh nhân, người di dân. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì người phụ nữ này, mẫu gương về việc truyền giáo không biết mệt mỏi và can đảm tận tụy phục vụ bác ái.

ĐTC cũng chào thăm các tín hữu hành hương đến từ Italia và các nước khác, bắt đầu từ những người sùng kính Đức Mẹ Biển Cả, Bova Marina. Ngài đặc biệt chào thăm cộng đoàn người Peru ở Roma, hiện diện nơi đây với ảnh Đức Mẹ làm phép lạ. ”Tôi cám ơn tất cả và chào thăm với tình thân ái. Xin Anh chị em vui lòng cầu nguyện cho tôi, chúc anh chị em chúa nhật tốt đẹp và chúc anh chị em bữa trưa ngon lành.”

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Luật trọng đại nhất

Luật trọng đại nhất

Hôm nay Chúa Nhật 30 Thường Niên, Chúa Giêsu và Mẹ Giáo Hội muốn nhắn gửi chúng ta một giới luật quan trọng nhất của người tín hữu Kitô, đó là giới răn "Mến Chúa và Yêu Người". Đây là một giới răn được gồm tóm tất cả các giới răn trong đạo. Vì thế, khi đến trần gian, Chúa Giêsu không chỉ đến để giải thoát con người khỏi mọi tội lỗi mà thôi, nhưng Ngài muốn giải thoát con người một cách toàn diện, tức là khỏi mọi áp bức bất công, khỏi mọi độc tài kìm kẹp, cốt để đem lại cho con người được tự do, hầu sống đúng với phẩm giá của mình là người Kitô hữu. Vào thời Chúa Giêsu, trong xã hội Do Thái bấy giờ, con người lúc nào cũng bị trói buộc bởi những lề luật. Bởi thế, người ta đếm được 248 điều dạy phải làm và 365 điều buộc phải tránh. ‘Nhất cử nhất động’ con người đều nằm trong mạng lưới chằng chịt của lề luật. Đó là điều làm cho con người lúc nào cũng mang tâm trạng lo âu, sợ sệt. Không biết tôi làm điều kia việc nọ có đúng luật không? Và nếu tôi sai luật thì tôi không phải là người công chính.

Thật vậy, nếu con người chỉ căn cứ vào những luật lệ bó buộc như vậy thì đó là một sai lầm, vì lấy lề luật làm nền tảng cho đời sống luân lý để đo mức độ công chính của đời sống con người. Bởi vậy, chúng ta không lạ gì thế giới có học của thời đại Do Thái bấy giờ, như các luật sĩ và biệt phái nhờ học biết luật và giữ luật nên họ cho là công chính, là thánh thiện, là hoàn hảo hơn người, đến độ trở nên kiêu căng, hách dịch với đại đa số dân chúng là những người không am tường lề luật để tuân giữ.

Nhưng Chúa Giêsu đến, Ngài đã đặt lại nền tảng sự công chính, đem đến sự sống đời đời trên tình yêu thương. Ngài đã phản đối những lề luật chẻ cọng tóc ra làm tư đó. Lề luật đặt ra để giúp cho con người, chứ không phải con người sinh ra để giữ lề luật. Vì thế, Chúa Giêsu đã đưa ra một giới luật yêu thương hết sức quan trọng: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi". Đó là điều răn thứ nhất, và điều răn thứ hai cũng giống như điều răn thứ nhất là "ngươi hãy yêu thương anh em như chính mình ngươi". Thật ra, Chúa Giêsu không dạy làm điều chi mới lạ, vì hai điều răn đó đã có trong Cựu ước, trong sách Đệ Nhị Luật và Lêvi. Ngài chỉ lấy hai điều đó nhập lại làm một và đặt nó làm nền tảng cho đời sống con người chúng ta.

Chúa Giêsu đã dạy cho con người biết Thiên Chúa là người Cha nhân từ. Trong lịch sử nhân loại, đây là lần đầu tiên qua lời dạy của Chúa Giêsu, con người gọi Thiên Chúa là Cha: "Lạy Cha chúng con ở trên trời". Một người con ngoan biết thương cha mến mẹ, khi làm một việc gì không cần phải coi cha mẹ tôi có cấm cái này không? Có cho phép cái kia không?

Nếu có cấm thì cố tìm xem trong các lời cấm đó có câu nào, tiếng nào để có thể tìm ra một kẽ hở để lánh qua không? Nhưng một người con ngoan bao giờ cũng tự hỏi: "Tôi làm cái này, cha mẹ tôi có vui không? Và tôi chỉ thích làm cho cha mẹ tôi hài lòng mà thôi ".

Thánh Augustinô sau khi hiểu rõ lời dạy của Chúa Giêsu, ngài đã đưa ra một định luật táo bạo: "Hãy yêu đi rồi làm gì thì làm". Khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa thì chúng ta đâu dám cả lòng cố tình làm mất lòng Thiên Chúa được. Khi chúng ta yêu mến anh chị em mình thật lòng, thì làm sao chúng ta dám nói xấu người khác được, làm sao chúng ta thấy người hoạn nạn mà mình vui được, làm sao chúng ta cố tình làm hại người khác được.

Để dễ thấy tầm quan trọng của hai điều răn "Mến Chúa và Yêu Người" trong đời sống, chúng ta hãy hình dung đó là hai chiều kích trong cuộc sống của người Kitô hữu chúng ta: Chiều dọc nối liên hệ với Thiên Chúa và chiều ngang nối liên hệ với tha nhân. Hai chiều kích đó hợp lại thành cây Thánh giá, đó là dấu hiệu của người Công giáo chúng ta. Hằng ngày chúng ta thấy hình ảnh của cây Thánh giá khắp nơi, trong nhà thờ, nơi nhà ở và chúng ta còn có những người luôn mang Thánh giá trong mình, bởi thế không ai có thể hình dung cây Thánh giá mà chỉ có một chiều hoặc dọc hoặc ngang mà thôi.

Tôi còn nhớ trong những năm chiến tranh ở Việt Nam, một đêm nọ họ đạo tôi bị pháo kích, sáng ra tôi đi thăm hỏi và an ủi kẻ đau khổ và thăm những người lớn tuổi để củng cố tinh thần của họ trong cảnh lo âu sợ hãi. Tôi ghé thăm một bà đạo đức nọ, bà đi lễ hằng ngày không bỏ sót một ngày nào hết; Chúa Nhật có hai lễ bà cũng đi dự cả hai Thánh lễ luôn. Nhưng khi tôi ghé vào thăm bà, bà nói với tôi rằng: "Thưa cha, thật Chúa thương con vô cùng, vì đêm rồi khi họ pháo kích vào làng, con cầu xin Chúa hết lòng hết sức và Chúa đã nhận lời con rõ ràng cha ơi. Bằng chứng là bao nhiêu bom đạn, pháo kích đều rơi ở xóm trên hết". Bấy giờ tôi nghĩ thầm trong lòng: "Chúa mà nhận lời bà kiểu đó, thì chết mẹ người ta hết rồi".

Vậy khi chúng ta chỉ mến Chúa mà quên yêu người thì cũng lố bịch và buồn cười như câu chuyện của bà già trên vậy thôi. Tình yêu đối với tha nhân phải là sự biểu lộ ra bên ngoài của tình yêu đối với Thiên Chúa. Tình yêu đối với Thiên Chúa hoàn thiện hoá đối với tha nhân, không thể tách rời hai tình yêu đó ra khỏi đời sống đạo của mình được.

Khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa thật sự, tự nhiên chúng ta cảm thấy yêu mến tất cả anh em đồng loại của mình, và khi chúng ta yêu mến anh em đồng loại của mình đến nơi, đến chốn với tất cả lòng bác ái vị tha, tự nhiên tâm hồn chúng ta hướng về Thiên Chúa. Chúng ta nên nhớ kỹ hai điều này: "Ai bảo mình mến Chúa mà không yêu thương anh em thì là kẻ nói dối. Còn ai bảo mình yêu người mà không mến Chúa thì là sai lầm".

Xin Chúa cho tất cả chúng ta được mến Chúa hết tâm hồn, biết yêu thương anh em mình như chính mình vậy, để cho danh Chúa được cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Sưu tầm

Đức Thánh Cha kêu gọi canh tân nội tâm

Đức Thánh Cha kêu gọi canh tân nội tâm

VATICAN. ĐTC Phanxicô mời gọi các tín hữu Kitô canh tân nội tâm để có thể thực thi cuộc đối thoại đại kết Kitô đích thực.

Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 24-10-2014, dành cho 45 tham dự viên cuộc hành hương của tổ chức Lumen Orientale, Ánh Sáng đông phương, dưới sự hướng dẫn của Đức TGM Kállistos của giáo phận Diokleia.

ĐTC nói: ”Mỗi cuộc hành hương theo tinh thần Kitô giáo không phải chỉ là một hành trình địa lý, nhưng nhất là dịp hành trình canh tân nội tâm để ngày càng tiến về Chúa Kitô hơn, ”Đấng mang lại nguồn gốc cho đức tin và làm cho đức tin tới độ viên mãn” (Dt 12,2). Những chiều kích này rất quan trọng để tiến bước trên con đường dẫn đến hòa giải và hiệp thông trọn vẹn giữa tất cả những người tin nơi Chúa Kitô. Sẽ không có một cuộc đối thoại đại kết chân thực nếu không có sự sẵn sàng can tân nội tâm và tìm kiếm sự trung thành mạnh mẽ hơn đối với Chúa Kitô và thánh ý Chúa”.

ĐTC cũng ca ngợi chủ ý của đoàn hành hương theo vết hai thánh Giáo Hoàng Gioan 23 và Gioan Phaolô 2, vì những đóng góp rất lớn của các ngài cho sự phát triển ngày càng thắm thiết giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính Thống. Ngài nói: ”Tấm gương của hai vị thánh này chắc chắn soi sáng cho tất cả chúng ta, vì hai vị luôn chứng tỏ lòng hăng say đối với sự hiệp nhất các tín hữu Kitô, xuất phát từ sự ngoan ngoãn lắng nghe ý Chúa, trong bữa tiệc ly Chúa đã cầu xin Chúa Cha cho các môn đệ của Người trở nên một” (Ga 17,21) (SD 24-10-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Chương trình hoạt động của Đức Thánh Cha tháng 11-2014

Chương trình hoạt động của Đức Thánh Cha tháng 11-2014

VATICAN. Hôm 24-10-2014, Ban nghi lễ phụng vụ của ĐTC đã công bố lịch trình các buổi lễ do ĐTC Phanxicô cử hành trong tháng 11-2014.

Chiều thứ bẩy, 1-11, lễ các thánh, ĐTC sẽ chủ sự thánh lễ lúc 4 giờ tại Nghĩa trang Verano. Chúa nhật hôm sau, 2-11, vào lúc 6 giờ chiều, ngài viếng mộ các vị Giáo Hoàng quá cố tại hầm Đền thờ Thánh Phêrô Sáng thứ hai, 3-11, lúc 11 giờ rưỡi, ĐTC sẽ chủ sự thánh lễ tại Đền thờ thánh Phêrô để cầu nguyện cho các Hồng y và GM qua đời trong 12 tháng qua.

Chúa nhật 23-11, lễ Chúa Kitô Vua, ĐTC sẽ chủ sự thánh lễ lúc 10 giờ rưỡi tại Quảng trường thánh Phêrô, để tôn phong 6 vị chân phước lên bậc hiển thánh. Sau cùng, từ ngày 28 đến 30-11, ngài sẽ viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ (SD 24-10-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

CỦA THIÊN CHÚA TRẢ CHO THIÊN CHÚA

CỦA THIÊN CHÚA TRẢ CHO THIÊN CHÚA

Người Do Thái muốn gài bẫy Chúa nên đưa ra câu hỏi hóc búa. Không ngờ Chúa trả lời thật khôn ngoan: “Của César trả cho César, của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa”. Với câu trả lời này, Chúa Giêsu minh định hai điều:

Thứ nhất: Tôn giáo và chính trị tách biệt nhau. Chính trị không thể trở thành tôn giáo hoặc bắt tôn giáo làm nô lệ. Tôn giáo cũng không thể đi vào chính trị, đánh mất bản chất của mình.
 
Thứ hai: Mỗi người phải chu toàn hai nhiệm vụ. Nhiệm vụ đối với xã hội là “trả cho César” những gì của César. Nhiệm vụ đối với Thiên Chúa: “trả cho Thiên Chúa” những gì thuộc về Thiên Chúa.
 
Hình và huy hiệu khắc trên đồng tiền là của hoàng đế César vì thế phải trả lại cho ông. Nhưng linh hồn con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa nên linh hồn phải được trả về cho Thiên Chúa.
 
Để có được đồng tiền mang hình ảnh César, người dân phải làm việc vất vả. Cũng thế, để linh mang hình ảnh Thiên Chúa, con người cũng phải ra sức làm việc.
 
Nhưng hai cách làm việc thật khác xa nhau. Để chia sẻ phần nào quyền lực của vua chúa trần gian, người ta phải làm việc theo cách vua chúa đó là tìm chiếm hữu của cải. Để trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa, con người phải suy nghĩ và hành động như Thiên Chúa đó là yêu thương và cho đi.
 
Bí tích Thánh Thể là minh họa rõ nét nhất về tính cách yêu thương và cho đi của Thiên Chúa. Nói về bí tích Thánh Thể, lòng trí ta tự nhiên hướng về bữa Tiệc Ly, cuộc Khổ Nạn và cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Qua đó ta thấy một vài khía cạnh trong tình yêu của Chúa.
 
Đó là tình yêu phục vụ. Tin Mừng thánh Gioan thuật lại. Chúa Giêsu yêu thương những kẻ thuộc về mình thì yêu thương cho đến cùng. Nên trong bữa ăn tối, Người cầm lấy chậu nước và khăn rồi đi rửa chân cho từng môn đệ.
 
Đó là tình yêu tự hiến. Khi lập phép Thánh Thể. Chúa Giêsu đã nói: “Đây là Mình Thày bị nộp vì anh em; Đây là Máu Thày đổ ra cho anh em và mọi người được tha tội” (Lc 22,19).
 
Đó là tình yêu hiền lành khiêm nhường. Chúa Giêsu cam lòng chịu kết án oan ức, chịu sỉ nhục, chịu hành hạ chịu chết mà chẳng một lời oán thán.
 

Đó tình yêu tha thứ. Không chỉ tha thứ mà còn cầu xin Chúa Cha tha cho những kẻ làm hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ lầm không biết” (Lc 23,34). Người cũng tha thứ cho kẻ trộm lành: “Thật Ta bảo thật, hôm nay con sẽ ở với Ta trên thiên đàng” (Lc 23,43).

Đó là tình yêu muốn tiếp diễn mãi mãi. Nên Người truyền cho ta: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày” (Lc 22,19). Cử hành thánh lễ, chầu Mình Thánh, kiệu Thánh Thể để Chúa ở mãi với ta, tiếp tục bày tỏ tình yêu thương với ta.

Người mong muốn kéo dài tình yêu của Người cho đến tận cùng không gian và đến tận cùng thời gian nơi cuộc đời chúng ta. Vì thế khi ta chịu lễ, ta phải kết hiệp mật thiết với Người, nên một với Người. Nên một với Người là biến đổi để ta suy nghĩ, nói năng và hành động như Người, nghĩa là sống như Người.

Sống như Chúa là hãy có tình yêu thương phục vụ. Vì Chúa đã dạy: “Như Thày đã rửa chân cho các con, các con cũng hãy rửa chân cho nhau” (Ga 13,14). Sống như Chúa là hãy có tình yêu tự hiến. Quên mình vì hạnh phúc của người khác. Dám hy sinh thời giờ, sức khỏe, tiền bạc vì anh em. Sống như Chúa là hãy có lòng hiền lành khiêm nhường. Vì Chúa đã dạy: “Hãy học cùng Thày, vì Thày hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29). Sống như Chúa là hãy tha thứ, không phải chỉ tha thứ 7 lần mà đến 70 lần 7 (x. Mt 18,21-22).

Sống như thế, ta trở nên hình ảnh sống động của Thiên Chúa giữa trần gian. Sống như thế, ta trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa. Sống như thế ta tôn sùng bí tích Thánh Thể một cách thiết thực và hữu hiệu nhất. Sống như thế là sống nhờ Thánh Thể. Không còn sống cho những giá trị trần gian mau qua, nhưng sống cho những giá trị vĩnh cửu của Nước Trời.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin dạy con biết sống bí tích Thánh Thể để con được kết hiệp với Chúa và càng ngày càng nên giống Chúa hơn. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ

1- Ban đã phải trả cho César những gì thuộc về César. Nhưng bạn có thực sự trả cho Chúa những gì thuộc về Người không?

2- Bạn làm gì để nên giống Chúa?

3- Qua bí tích Thánh Thể, bạn có thể hiểu được gì về tình yêu Chúa đối với bạn?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp Thủ tướng Việt Nam

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp Thủ tướng Việt Nam

VATICAN. Trưa thứ bẩy, 18-10-2014, ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam.
Toàn văn Thông cáo báo chí của Tòa Thánh nói rằng:

”Hôm nay ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến Thủ Tướng Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng. Sau đó Thủ tướng đã gặp ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, có Đức TGM ngoại trưởng Dominique Mamberti tháp tùng.

”Trong các cuộc hội kiến thân mật, các vị bày tỏ sự hài lòng về cuộc gặp gỡ hôm nay, đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong tiến trình củng cố những quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt Nam, vì đây là lần thứ hai, Thủ Tướng Dũng thực hiện cuộc viếng thăm tại Vatican sau cuộc viếng thăm hồi năm 2007. Trong cuộc hội kiến có nêu bật sự dấn thân của Giáo Hội đóng góp vào việc phát triển đất nước, nhờ sự hiện diện của Giáo Hội trong nhiều lãnh vực để mưu ích cho toàn thể xã hội. Trong bối cảnh đó có tái khẳng định sự đánh giá cao đối với sự nâng đỡ của Chính Quyền dành cho Cộng đồng Công Giáo trong khuôn khổ những phát triển được Hiến Pháp năm 2013 khẳng định liên quan đến chính sách tôn giáo, cũng như về sự trợ giúp cho Vị Đại Diện Tòa Thánh không thường trú ở Việt Nam trong việc thi hành sứ mạng của Ngài, nhắm thăng tiến quan hệ giữa Giáo Hội và Nhà Nước, hướng tới mục tiêu chung là các quan hệ ngoại giao. Rồi cũng đề cập tới một vài vấn đề mà hai bên cầu mong sẽ được đào sâu và giải quyết qua các kênh đối thoại hiện có.

Sau cùng, hai bên trao đổi ý kiến về một vài đề tài thời sự trong miền và quốc tế, đặc biệt là những sáng kiến nhắm thăng tiến hòa bình và sự ổn định tại Á châu”. (SD 18-10-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Thủ tướng CS Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng xin yết kiến Đức Thánh Cha Phan-xi-cô

Thủ tướng CS Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng xin yết kiến Đức Thánh Cha Phan-xi-cô

Thủ tướng CS Việt Nam ông Nguyễn Tấn Dũng mở đầu chuyến công du Châu Âu và Tòa Thánh Vatican với chặng đầu tiên là Vương Quốc Bỉ.

Sáng 13/10/2014  tức buổi chiều theo giờ Việt nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Thủ tướng Bỉ Charles Michel ở Bruxelles.

Theo báo điện tử Chính phủ, hai phía Việt Nam và Bỉ thỏa thuận tăng cường hợp tác thương mại tạo điều kiện để doanh nghiệp hai nước tiếp xúc kết nối trong các lĩnh vực ưu tiên như cảng biển, dịch vụ hậu cần, giao thông vận tải, công nghệ xanh, công nghệ cao, hàng không vũ trụ. Hai bên thống nhất duy trì cơ chế họp Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế để định hướng quan hệ kinh tế.

Về vấn đề hợp tác và an ninh châu Á-Thái Bình Dương, Bỉ khẳng định quyết tâm đẩy mạnh hợp tác với khu vực cả trong khuôn khổ song phương và đa phương. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở pháp luật quốc tế và Công ước Luật Biển 1982, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Sau Bỉ, Thủ tướng Việt Nam với sự tháp tùng của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh và phái đoàn sẽ viếng thăm Ủy ban Châu Âu, Đức, Ý và Tòa thánh Vatican.

Sẽ thăm Vatican và hội kiến với Đức Giáo Hoàng

Trong khuôn khổ chuyến viếng thăm Châu Âu, Thủ tướng CS Việt nam Nguyễn Tấn Dũng sẽ viếng thăm Tòa Thánh Vatican vào ngày 18/10/2014 sắp tới để xin hội kiến với Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô.

Theo Đài Vatican Việt ngữ, Đức cha Federico Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh xác nhận tin Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô sẽ tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào ngày 18/10 tới đây. Cuộc gặp gỡ được mô tả  theo nguyên văn là nhằm đào sâu những quan hệ song phương giữa Việt Nam và Tòa Thánh.

Được biết, Hà Nội và Vatican đã thực hiện 5 vòng đàm phán của Nhóm Công tác hỗn hợp về quan hệ Việt Nam-Vatican. Biến cố 30/4/1975 đã cắt đứt mọi liên lạc của Tòa Thánh với chính quyền Việt Nam, nhưng đến năm 1990 bắt đầu được nối lại bằng những cuộc tiếp xúc trực tiếp, lúc đó Việt Nam bước vào giai đoạn mở cửa. Hiện nay Vatican có đặc phái viên không thường trú tại Việt Nam.

Xin nhắc lại, đây là lần thứ hai ông Nguyễn Tấn Dũng được Đức Giáo Hoàng tiếp kiến. Lần trước vào năm 2007, Đức Giáo Hoàng Biển Đức thứ 16 đã gặp gỡ Thủ tướng Việt Nam. Ngoài ra giới lãnh đạo Việt Nam như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng từng được Đức Giáo Hoàng tiếp kiến.

Trích từ RFA

Tòa Thánh cổ võ đối phó hữu hiệu với nạn khủng bố quốc tế

Tòa Thánh cổ võ đối phó hữu hiệu với nạn khủng bố quốc tế

NEW YORK. Tòa Thánh kêu gọi LHQ canh tân các qui luật của mình để đối phó hữu hiệu với những hình thức mới của nạn khủng bố quốc tế.

Lập trường trên đây được ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, trình bày trong bài tham luận hôm 29-9-2014 tại Đại hội đồng thứ 69 của LHQ đang tiến hành tại New York.

ĐHY nhận xét rằng LHQ cho đến nay có thái độ thụ động trước những hành vi thù nghịch mà dân chúng vô tội phải chịu. Vì thế trong thư đề ngày 9-8 năm nay gửi ông tổng thư ký LHQ, ĐTC Phanxico đã kêu gọi các ”cơ quan thẩm quyền của LHQ, đặc biệt những cơ quan trách nhiệm về an ninh, hòa bình, công pháp nhân đạo và trợ giúp người tị nạn, tiếp tục nỗ lực hoạt động, phù hợp với Lời Tựa và những điều khoản quan trọng trong Hiến chương LHQ.”

ĐHY Parolin gọi tình trạng bi thảm ở miền bắc Irak và một số nơi ở Siria là một hiện tượng hoàn toàn mới mẻ: đó là sự hiện hữu của một tổ chức khủng bố đe dọa mọi quốc gia, thề giải tán các nước và thay thế bằng một chính phủ thế giới ngụy tôn giáo. Như ĐTC đã nói, rất tiếc là ngày nay có những người muốn đạt tới quyền lực bằng cách cưỡng bách lương tâm, tước đoạt sự sống, bách hại và giết người nhân danh Thiên Chúa (Xc Oss.Rom. 3-5-2014).

ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh nhấn mạnh rằng ”hiện tượng mới mẻ trên đây với mọi khía cạnh bi thảm của nó, phải thúc đẩy cộng đồng quốc tế thăng tiến một câu trả lời thống nhất, dựa trên các tiêu chuẩn pháp lý vững chắc và thái độ sẵn sàng cộng tác cho công ích.”

Để đối phó với nạn khủng bố hoàn cầu như thế, Tòa Thánh đặc biệt lưu ý về hai lãnh vực: trước tiên là xử lý nguồn gốc văn hóa và chính trị của những thách đố hiện nay, nhìn nhận nhu cầu phải có những chiến lược mới để giải quyết các vấn đề quốc tế này, trong đó các nhân tố văn hóa giữ một vai trò cơ bản.

Lãnh vực thứ hai là nghiên cứu sâu rộng hơn về hiệu năng của công pháp quốc tế ngày nay, nhất là những cơ cấu mà LHQ sử dụng để phòng ngừa chiến tranh, ngăn chặn những kẻ gây hấn, bảo vệ dân chúng và giúp đỡ các nạn nhân.

ĐHY Parolin khẳng định rằng ”những thách đố do các hình thức khủng bố mới mẻ đề ra không được làm cho chúng ta có những quan điểm thái quá và coi các nền văn hóa đối nghịch nhau. Thái độ thu hẹp trong việc giải thích tình trạng đụng độ khủng bố như thế, coi chúng là ”sự đụng độ giữa các nền văn minh”, là điều lợi dụng sự sợ hãi và những thành kiến hiện có, và chỉ dẫn tới những phản ứng bài người ngoại quốc, rốt cục chỉ ủng cố chính những tâm tình ở nơi trọng tâm chủ nghĩa khủng bố. Những thách đố chúng ta đang đương đầu phải dẫn tới một lời tái kêu gọi đối thoại về tôn giáo và liên văn hóa, thực hiện những phát triển mới trong công pháp quốc tế, thăng tiến những sáng kiến hòa bình công chính và can đảm”. (SD 30-9-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Lời nói đi đôi với việc làm

Lời nói đi đôi với việc làm

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Hôm nay, Thánh sử Matthêu kể cho chúng ta nghe một câu chuyện khá thú vị:

Một người cha có hai người con. Một hôm ông nói với hai con: “Hôm nay, hai con đi làm vườn nho cho cha nghe!”Hai người con đã đáp lại bằng hai thái độ khác nhau: Người con thứ nhất đã dùng tiếng “không”để đáp lại lời mời gọi của cha. “không, con không đi”. Nhưng sau đó, anh ta nghĩ lại, rồi quyết định đi làm vườn nho như ý cha muốn.

Ngược lại, người con thứ hai, ngay từ đầu đã tỏ ra lễ phép và vâng phục. Anh ta đáp lại: “Thưa cha, vâng ạ!”, nhưng đó chỉ là câu nói lừa bịp đối với cha, vì anh ta không đi làm vườn nho như ý cha muốn. Anh chỉ nói mà không làm.

Thưa anh chị em,

Ai cũng hiểu Chúa Giêsu muốn nói gì qua câu chuyện người cha và hai đứa con này. Chúa muốn nói với chúng ta: Muốn vào Nước Trời, vấn đề không phải chỉ nói “có”ngoài môi miệng mà phải làm theo ý của Chúa Cha. Hai người con, không có người nào đem lại niềm vui trọn vẹn cho cha. Cả hai đều không làm cha mình hài lòng. Nhưng người con thứ nhất rõ ràng là tốt hơn người con thứ hai. Bởi vì, tuy lúc đầu anh đã nói “không”, rồi sau đó anh đã đi làm ngay, thì thật là tốt biết mấy!

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta thường gặp hai hạng người này: Thứ nhất là hàng người nói nhiều hơn làm, họ hứa hẹn đủ điều, nhưng rồi không làm gì cả. Thứ hai là hạng người làm nhiều hơn nói, họ không hứa hẹn, ba hoa khoác lác, nhưng người ta thấy họ làm những việc đạo đức, nhân hậu, tốt lành, có khi làm một cách kín đáo. Chúng ta thích hạng người này hơn, vì họ chân thành, lấy việc làm chứng minh lời nói.

Lời hứa không bao giờ có thể thay thế được việc làm, và lời nói hoa mỹ không bao giờ thay thế được nghĩa cử. Người con thứ hai tỏ ra lịch sự bên ngoài, khi lễ phép trả lời; “Thưa cha, vâng ạ”. Nhưng rồi lại không đi làm. Lễ phép suông là một việc giả dối, hảo huyền. Lễ phép thật là vâng lời, thực hiện một cách sẵn lòng, vui vẻ. Đạo Kitô dạy các tín hữu thực hành chứ không phải hứa hẹn. Người Kitô hữu đích thực là người đón nhận mệnh lệnh của Cha với thái độ vâng phục và kính trọng, là người chấp hành mệnh lệnh trọn vẹn: nói làm là làm ngay.

Thưa anh chị em,

Ngày nay, người ta thường nói: “Con đường dài nhất là con đường từ đầu đến tay”. Người Kitô hữu chúng ta vẫn có nguy cơ rơi vào một thứ “duy tâm”nào đó. Chúng ta cần để cho Lời Chúa “đi từ lỗ tai đến tim óc và cuối cùng đến đôi tay”. Nhiều người chỉ nghe Lời Chúa bằng tai thôi- tai này lọt qua tai kia là hết- Nhiều người khác đã để cho Lời Chúa đánh động quả tim và trí tuệ, nhưng rồi họ ngừng lại tại đó, không dám đi xa hơn, vì sợ phải hy sinh, từ bỏ… Rốt cuộc Lời Chúa vẫn là cái gì mông lung, không thực tế, không liên hệ gì đến đời thường: đời sống làm ăn, đời sống gia đình, đời sống tình cảm… Lời Chúa vẫn bị nhốt trong nhà thờ, trong các cuộc tĩnh tâm, các buổi cầu nguyện chia sẻ. Làm sao để Lời Chúa được “đến đôi tay”, nghĩa là được người kitô hữu đem ra thực hành ở giữa chợ, ở trường học, ở cơ quan, và cả ở những nơi giải trí… Chỉ như thế, men Lời Chúa mới có thể được trộn đều vào khối bột loài người và làm bột dậy men Tin Mừng.

Quả thực, con đường đi từ quả tim đến đôi tay là một con đường dài và gian khổ. Để đi trên con đường này, người kitô hữu phải được giải phóng khỏi cái tôi nặng nề, với những lo toan và sợ hãi, những tính toán và vun quén cho mình. Rung động trước nỗi khổ của người khác là một chuyện, chia sẻ cho người khác cái áo còn tốt của mình lại là chuyện khác. Thánh Gioan đã cảnh giác chúng ta: “Hỡi anh em, đừng yêu mến bằng lời nói suông, nhưng bằng việc làm thực sự” (1Ga 3,18).

Thời Chúa Giêsu, những người Luật Sĩ và Biệt Phái Pharisêu bị lên án dữ dội vì họ giả hình- nói mà không làm, đặt gánh nặng lên vai người khác nhưng tránh né cho chính mình. Ngày nay cũng vậy: có Pharisiêu thời xưa thì cũng có Pharisiêu ngày nay: dạy con cái phải giữ đạo, phải cầu nguyện, dự lễ, nhưng chính mình lại biếng nhác, tự chước chuẩn cho mình.

Kitô giáo là một tôn giáo của lòng tin. Nhưng lòng tin bên trong của chúng ta phải được thể hiện ra việc làm bên ngoài: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Chúa Giêsu đã định nghĩa Kitô hữu là “ánh sáng cho thế giới”. Thế giới hôm nay cần thấy việc tốt của chúng ta trước khi họ tin nhận giáo lý của Chúa Kitô. Họ tin vào Đạo vì thấy những người dám sống đạo, dù phải chịu thiệt thòi và nguy hiểm. “Ánh sáng của anh em cũng phải chiếu giải trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

Chỉ có Chúa Giêsu là Người Con lý tưởng, Người Con đã thưa VÂNG ngay từ đầu và thưa VÂNG mãi mãi suốt cả đời. Nơi Ngài luôn là CÓ chứ không phải khi CÓ khi KHÔNG. Ngài đã thưa với Chúa Cha: “Này con xin đến để thi hành ý Cha” (Dt 10,9), và Ngài đã thi hành cho đến lúc hoàn tất trên Thập Giá. Như thế, Chúa Giêsu đã thi hành ý Chúa Cha một cách hoàn hảo để nêu gương cho chúng ta. Chúng ta hãy noi gương Ngài để trở nên những người con đích thực của Cha chúng ta trên trời.

Thông cáo về việc gặp gỡ giữa phái đoàn Tòa Thánh và Việt Nam

Thông cáo về việc gặp gỡ giữa phái đoàn Tòa Thánh và Việt Nam

VATICAN. Trưa ngày 11-9-2014, Phòng Báo chí Tòa Thánh đã công bố thông cáo chung về cuộc gặp gỡ lần thứ 5 của Nhóm Làm Việc chung giữa Việt Nam và Tòa Thánh tại Hà Nội.

Nguyên văn thông cáo chung như sau:

Để thi hành những thỏa thuận đã đạt được trong cuộc gặp gỡ lần thứ 4 của Nhóm Làm Việc chung giữa Tòa Thánh và Việt Nam, diễn ra tại Vatican hồi tháng 6 năm 2013, cuộc gặp gỡ thứ 5 của Nhóm Làm Việc Chung đã diễn ra tại Hà Nội ngày 10 và 11 tháng 9 năm 2014. Hai vị đồng chủ tọa cuộc gặp gỡ là Thứ trưởng ngoại giao Việt Nam, Ông Bùi Thanh Sơn, Trưởng Phái Đoàn Việt Nam, và Thứ Trưởng ngoại giao Tòa Thánh, Đức Ông Antoine Camilleri, Trưởng Phái Đoàn Tòa Thánh.

Phái Đoàn Tòa Thánh đã đánh giá cao sự nâng đỡ của các giới chức chính quyền có thẩm quyền ở mọi cấp độ dành cho Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam để thi hành sứ mạng của mình. Đoàn cũng ghi nhận những tiến triển trong chính sách tôn giáo của Việt Nam, được phản ánh trong Hiến Pháp tu chính năm 2013. Nhà Nước Việt Nam đã tạo điều kiện dễ dàng cho các cuộc viếng thăm công tác của Đức TGM Leopoldo Girelli, Đại diện Không Thường Trú của Tòa Thánh tại Việt Nam. Phái Đoàn Tòa Thánh tái khẳng định mình coi trọng việc phát triển quan hệ với Việt Nam nói riêng, và với Á châu nói chung, như cuộc viếng thăm mới đây và các cuộc viếng thăm sắp tới của Đức Giáo Hoàng tại Đại lục này làm nổi bật. Tòa Thánh tái khẳng định sự dấn thân tiến tới mục tiêu thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, và cùng với Giáo Hội Công Giáo tại nước này, Tòa Thánh muốn góp phần tích cực hơn nữa vào việc phát triển đất nước trong các lãnh vực mà Giáo Hội Công Giáo có những điểm mạnh, như trong lãnh vực y tế, giáo dục, từ thiện và các hoạt động nhân đạo. Phía Việt Nam tái khẳng định chính sách trước sau như một của Nhà Nước và Đảng trong việc tôn trọng tự do tôn giáo và tín ngưỡng của mọi người, và trong việc hỗ trợ Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam tích cực tham gia vào việc phát triển đất nước về mặt xã hội và kinh tế.

Hai bên cũng nêu bật những nguyên tắc cơ bản ”sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc” và ”người công giáo tốt là người công dân tốt”. Phái Đoàn Tòa Thánh nhấn mạnh rằng Đức Thánh Cha Phanxicô quan tâm theo dõi những tiến triển gần đây trong quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt Nam và Ngài khích lệ cộng đồng Công Giáo tại Việt Nam tiếp tục góp phần đẩy mạnh các mục tiêu chính của đất nước.

Hai bên hài lòng ghi nhận những phát triển tích cực trong quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt Nam được biểu lộ qua sự gia tăng những trao đổi và tiếp xúc ở mọi cấp độ, từ những cuộc gặp gỡ của Nhóm Làm Việc chung cho tới các cuộc viếng thăm công tác của vị Đại diện Không Thường Trú của Tòa Thánh tại Việt Nam. Hai bên thỏa thuận tiếp tục đối thoại và tiếp xúc, đồng thời tạo những điều kiện thuận lợi cho sứ vụ của Vị Đại diện Tòa Thánh, vì ngài giúp Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam thi hành giáo huấn của Đức Giáo Hoàng.

Cuộc gặp gỡ đã diễn ra trong bầu không khí thẳng thắn, chân thành và tôn trọng lẫn nhau.

Hại bên đã đồng ý thực hiện cuộc gặp gỡ thứ 6 của Nhóm Làm Việc chung giữa Tòa Thánh và Việt Nam tại Vatican. Thời điểm cuộc gặp gỡ sẽ được thiết lập qua đường ngoại giao.

Trong dịp này, Phái đoàn Tòa Thánh đã viếng thăm Phó Thủ trướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao, Ông Phạm Bình Minh, và gặp Thứ Trưởng Nội vụ kiêm Trưởng Ban tôn giáo của chính phủ, Ông Phạm Dũng. Đoàn cũng nhân cơ hội này viếng thăm vài tổ chức Công Giáo ở Hà Nội và Thành Phố HCM. (SD 11-9-2014)

G. Trần Đức Anh OP chuyển ý

 

Phải từ bỏ mình

Phải từ bỏ mình

Bài Phúc âm mà chúng ta vừa nghe trong Chúa Nhật XXII Thường Niên năm A hôm nay tiếp tục đoạn Phúc âm theo thánh Matthêu mà chúng ta đã chia sẻ với nhau trong Chúa Nhật tuần trước. Sau khi hỏi các tông đồ: "Người ta bảo Con Người là ai?", và Chúa Giêsu hỏi chính các tông đồ; "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?", Phêrô đại diện cho các tông đồ tuyên xưng đức tin: "Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống".

Từ sau lời tuyên xưng này, Chúa Giêsu bắt đầu mạc khải cho các tông đồ biết rõ hơn về vận mạng cuối cùng của Ngài, đó là con đường khổ nạn mà Ngài sẽ phải thực hiện lại Giêrusalem. Lúc đó Phêrô lại can ngăn Chúa: "Lạy Thầy, không thể được, không phải như vậy đâu. Nhưng Chúa Giêsu quở trách Phêrô và tiếp tục mạc khải về những điều kiện để theo Chúa: "Nếu ai muốn theo Thầy thì hãy từ bỏ mình đi, vác Thập giá rồi hãy theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất và ai đánh mất sự sống mình vì Thầy thì sẽ được sống đời lời. Nếu ai được lời tãi cả thế gian mà mất lình hồn thì được ích gì!".

Chúa Nhật tuần trước chúng ta đã cùng nhau chia sẻ về cuộc đời của người Kitô, và chúng ta đã nói nơi người Kitô có hai con người: Một con người tuyên xưng đức tin vào Chúa, tức là một con người chấp nhận cộng tác với ơn thánh của Chúa để rồi có thể tuyên xưng đức tin, giữ vững đức tin của mình. Và con người thứ hai là con người cũ, con người có những khuynh hướng nghiêng chiều về tội lỗi và và các đam mê xấu xa. Con người cũ đó cần phải thanh tẩy để mỗi ngày con người mới được trở nên mạnh mẽ hơn.

Hôm nay chúng ta tiếp tục chia sẻ về đề tài này, về đời sống của người Kitô hữu theo chân Chúa. Xin được kể ra một câu chuyện vui như sau:

Một hôm, đạo sĩ Makia đưa anh Intyra đến một toà nhà rộng lớn, nơi đó mỗi vị thần được dành một căn phòng riêng. Căn phòng dừng chân đầu tiên là của vị thần Maida, bấy giờ đạo sĩ Makia giới thiệu với Intyra: Đây là vị thần đã hứa sẽ cất hết mọi sự đau khổ khỏi thế giới con người, nhưng Intyra tắc đầu và xin được sang căn phòng khác. Trước vị thần thứ hai, đạo sĩ Makia giới thiệu thêm: Đây là nữ thần Jupia có bí quyết giúp con người tránh được đau khổ, nhưng Intyra ra hiệu cho đạo sĩ cùng đi nơi khác. Cuối cùng hai người đến trước một vị đang bị treo trên Thập tự như thế này và đạo sĩ chậm rãi trả lời: "Đây là Chúa Giêsu Kitô của những người Kitô". Với chút xúc động lộ trên gương mặt, anh Intyra xin đạo sĩ chỉ thêm để có thể làm môn đệ của người bị treo trên Thập tự. Đạo sĩ Makia ngạc nhiên hỏi: "Này anh, anh làm tôi thắc mắc, hai vị thần anh gặp lúc đầu, một thì cất mất sự đau khổ, còn một thì đề nghị tránh khỏi đau khổ, nhưng anh lại không thích người nào cả. Thế nhưng lại sao giờ đây anh lại thích và muốn làm đồ đệ của một vị chịu chết cách nhục nhã trên Thập tự như vậy?”

Anh Intyra giải thích cho đạo sĩ Makia: Hứa làm mất đi sự đau khổ trên trần gian này là lời hứa suông, người ta không thể cất đi được những đau khổ trên trần gian này, và dạy con người tránh sự đau khổ là dạy con người sống khiếp hèn tránh né, thì người ta cũng chẳng thể nào tránh né khỏi đau khổ. Vì tránh được sự đau khổ này thì sự đau khổ khác cũng sẽ tới.

Tuy nhiên, nhìn vào vị Chúa của người Kitô chấp nhận đau khổ vì người Kitô trên Thập giá như vậy, con người được mời gọi hiểu ý nghĩa của đau khổ và chấp nhận nó. Hơn nữa, một khi hiểu và chấp nhận mầu nhiệm đau khổ, thì niềm vui và an hoà có thể trổ sinh trên trái đất này. Đó là lý do tôi cảm thấy lại sao bị thu hút bởi Đấng chịu chết trên Thập giá và muốn làm môn đệ của Ngài. Vậy xin đạo sĩ hãy đưa tôi đến nơi mà người Kitô sống để được trở thành người Kitô.

Chúa Giêsu Kitô mà chúng ta chấp nhận theo làm môn đệ, Ngài không hứa cho chúng ta được danh vọng, giàu sang, nhưng Ngài mời gọi chúng ta: "Nếu ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình đi, vác Thập giá hằng ngày mà theo Ta. Ai cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai đánh mất sự sống mình vì Thầy thì sẽ được sống muôn đời".

Đây là một sự thật hết sức tốt đẹp mà có thể nhiều người hay mỗi người trong chúng ta thường tặp đi tặp lại nơi chính mình. Nhưng nếu chỉ tặp đi tặp lại ngoài môi miệng mà thôi thì không sinh ích lợi gì, chúng ta cần phải sống và thực hành những chân lý ấy

Câu chuyện về anh Intyra và nhà đạo sĩ Makia còn một đoạn kết thúc nữa, đó là lúc đạo sĩ Makia hướng dẫn anh Intyra đến nhà thờ những người Công giáo để xin lãnh Bí tích Rửa tội. Khi bước vào làng của người Công giáo thì hai người chỉ nhìn thấy những cảnh không tốt đẹp. Đây thì có nhóm những người đang cãi lộn với nhau nơi khác thì giống như sắp giết nhau, nơi công cộng thì vang lên những lời nói tục tằn vô lễ Intyra hỏi nhà đạo sĩ: "Đây là đâu vậy?" Đạo sĩ Makia trả lời: "Đây là làng của người Công giáo". Vừa nghe qua những lời này, Intyra thúc giục nhà đạo sĩ: Chúng ta hãy đi nơi khác, tôi mộ mến vào Đấng chịu đóng đinh trên Thập giá, nhưng tôi không muốn trở thành người Kitô nữa.

Nếu chúng ta chỉ nói: "Lạy Chúa, Lạy Chúa" ngoài môi miệng mà không sống thực hành trong đời sống của mình, có thể chúng ta sẽ rơi vào trường hợp như đã xảy ra trong câu chuyện vui trên. Chúng ta nói mình sẵn sàng theo Chúa, chấp nhận làm môn đệ của Ngài, chấp nhận những hy sinh, chấp nhận đi trên con đường Thập giá, nhưng trong đời sống chúng ta có thự hành điều này hay không?

Xin Chúa giúp chúng ta được thực sự sống những gì mỗi người chúng ta tin, thực hành những gì chúng ta nói, không phải để khoe khoang, nhưng để góp phần của mình làm tốt cho xã hội chúng ta đang sống, góp phần giúp anh chị em xung quanh đến với Chúa và chính chúng ta là người đầu tiên phải đi trên con đường này để đến với Chúa trước tiên, thì mới có thể hy vọng giúp anh chị em đến với Chúa được. Xin Chúa gìn giữ tất cả chúng ta trong đức tin mà giờ đây chúng ta cùng nhau tuyên xưng qua kinh Tin Kính.

SỬ DỤNG VÀ SỞ HỮU CÁC VŨ KHÍ NGUYÊN TỬ LÀ VÔ LUÂN

SỬ DỤNG VÀ SỞ HỮU CÁC VŨ KHÍ NGUYÊN TỬ LÀ VÔ LUÂN

BRUXELLES: Trong một thông cáo phổ biến ngày mùng 6-8-2014 tổ chức Pax Christi Hòa Bình Chúa Kitô kêu gọi bài trừ vũ khí hạt nhân, và khẳng định rằng ”việc sử dụng và sở hữu vũ khí nguyên tử là vô luân và không thể biện minh được.”

Nhân tưởng niệm biến cố bom nguyên tử nổ tại Hiroshima ngày mùng 6 tháng 8 năm 1945, tổ chức Hòa Bình Chúa Kitô Bỉ kêu gọi ”các giới chức chính trị, ngoại giao và thành viên các xã hội dân sự, hoạt động làm sao để mọi quốc gia tôn trọng thỏa hiệp không để cho vũ khí nguyên tử làn tràn và dấn thân giải trừ vũ khí hạt nhân. Thông cáo viết: ”Các vũ khí hóa học và sinh học đã bị lên án và bài trừ. Cả các vũ khí nguyên tử cũng phải được loại bỏ như vậy. Chúng tôi kêu gọi tạo dựng một thế giới không có tai nạn nguyên tử, không phải do sợ hãi, mặc dù các hậu qủa kinh khủng của các vũ khí này, nhưng dựa trên niềm hy vọng được linh hoạt bởi sự thật ghi sâu trong trái tim con người: đó là chúng ta tất cả là một gia đình nhân loai duy nhất, một dân tộc được mời gọi là một cộng đoàn. Đồng ý với các giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô tổ chức Hòa Bình Chúa Kitô minh nhiên rằng ”việc giải trừ vũ khí nguyên tử là bước đầu tiên để loại trừ các chướng ngại ngăn cản nhân loại tiến tới công bằng và tình liên đới toàn cầu.

Trong thông cáo tổ chức Hòa Bình Chúa Kitô cũng tố cáo vài cường quốc vẫn duy trì và liên tục canh tân kho vũ khí hạt nhân, theo đuổi một đường lối chính trị lỗi thời, khiến cho tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân trì trệ, và không có đủ can đảm thực thi Thỏa hiệp không gia tăng vũ khí hạt nhân.

Các vũ khí hạt nhân không thích hợp với hòa bình và với sự sống còn về lâu về dài của nền văn minh nhân loại. Sau cùng thông cáo của tổ chức Hòa Bình Chúa Kitô bầy tỏ đau buồn sâu xa về sự tàn phá và các khổ đau, mà hai trái bom nguyên tử đã gây ra cho người dân hai thành phố Hiroshima và Nagasaki. Tổ chức Hòa Bình Chúa Kitô quyết tái dấn thân hoạt động cho một thế giới không bị đe dọa bởi việc dùng các kho vũ khí nguyên tử có sức tàn phá mênh mông, và kêu gọi mọi người thiện chí gia tăng nỗ lực giáo dục loại trừ các vũ khí vô luân đó (SD 6-8-2014)

Linh Tiến Khải

ĐỨC HỒNG Y FERNANDO FILONI KÊU GỌI TRỢ GIÚP CÁC KITÔ HỮU IRAQ

ĐỨC HỒNG Y FERNANDO FILONI KÊU GỌI TRỢ GIÚP CÁC KITÔ HỮU IRAQ

BAGDAD: Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo, báo động rằng hàng ngàn kitô hữu sống trong các làng thuộc thung lũng Ninive đã bị đuổi ra khỏi nhà đêm mùng 6-8-2014. Ngài kêu gọi cộng đồng quốc tế cấp thời trợ giúp họ.

Đức Hồng Y cho biết đang đêm các binh sĩ của Quốc gia Hồi đã đột nhập thung lũng Ninive và đuổi các anh chị em Kitô ra khỏi các làng họ đang trú ẩn. Mọi người ra đi với hai bàn tay trắng, có người còn không kịp mang dép, và các binh sĩ hồi đã hướng họ về vùng Kurdistan. Tình hình của các tín hữu kitô bị đuổi thật thê thảm, vì giới chức thành phố Erbil, thủ phủ vùng Kurdistan, không muốn đón tiếp họ. Lý do vì trong thành phố đã có quá đông người tỵ nạn rồi, nên không biết phải kiếm đâu ra chỗ cho hàng ngàn người mới tới.

Đức Hồng Y Filoni cho biết các tin tức nói trên đã do các nữ tu Canđê dòng ”Nữ tử Đức Maria Vô Nhiễm” cung cấp. Đức Hồng Y Filoni đã từng là Sứ Thần Tòa Thánh tại Irak nói: Chúng ta đang đứng trước một tình trạng nhân đạo trầm trọng. Các anh chị em kitô này đang đứng trước biên giới đóng kín và không biết phải đi đâu. Đã có 3-4 trẻ em chết. Cần phải can thiệp ngay để cứu họ (FIDES 7-8-2914).

Linh Tiến Khải  – Vatican Radio

CÁC GIÁM MỤC HOA KỲ CHỐNG LẠI MỌI KỲ THỊ TRONG VIỆC NHẬN CON NUÔI

CÁC GIÁM MỤC HOA KỲ CHỐNG LẠI MỌI KỲ THỊ TRONG VIỆC NHẬN CON NUÔI

WASHINGTON: Trong các ngày vừa qua ba Giám Mục Hoa Kỳ đã viết thư cho Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ phản đối mọi kỳ thị trong lãnh vưc nhận con nuôi.

Hai thư gửi Hạ viện và Thượng viện mang chữ ký của Đức Cha Salvatore Joseph Cordilione, Tổng Giám Mục San Francisco, Chủ tịch Tiểu ban thăng tiến và bảo vệ gia đình của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Đức Cha William Edward Lori, Tổng Giám Mục Baltimore, Chủ tịch Ủy ban bảo vê tự do tôn giáo, và Đức Cha Thomas Gerard Wenski, Tổng Giám Mục Miami, Chủ tịch Ủy ban Công lý và phát triển nhân bản. Các Giám Mục khẳng định rằng: ”Sự tự do đầu tiên và qúy báu nhất là tự do tôn giáo phải được mọi công dân Hoa Kỳ thực thi, kể cả những người lo lắng cho hạnh phúc của các trẻ em. Tuy nhiên, trong vài tiểu bang như Massachusetts, Illinois, Califonia và District of Columbia, vài tu sĩ lo lắng cho hạnh phùc của trẻ em bị loại khỏi các dịch vụ nhận nuôi con, chỉ vì các vị cho rằng cần phải tín thác các em cho các gia đình có một người cha và một người mẹ.

Hai bức thư đã được gửi tới dân biểu Mike Kelly và thượng nghị sĩ Mike Enzi, là hai người đã đưa ra ”Luật Bao gồm” liên quan tới việc tìm cha mẹ nuôi cho các trẻ em. Các Giám Mục ủng hộ luật này, vì nó có thể sửa chữa lại bất công kỳ thị liên quan tới tất cả những ai phục vụ các nhu cầu của các cha mẹ và các trẻ em, một cách trung thực với các xác tín tôn giáo của họ (SD 2-8-2014).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

 

GIÁO HỘI MYANMAR KÊU GỌI TOÀN DÂN HIỆP NHẤT

GIÁO HỘI MYANMAR KÊU GỌI TOÀN DÂN HIỆP NHẤT

YANGOON: Trong sứ điệp gửi nhân lễ hai thánh Gioakim và Anna, Đức Cha Charles Maung Bo, Tổng Giám Mục Yangoon, đã kêu gọi tín hữu và toàn dân hiệp nhất để xây dựng đất nước Myanmar.

Sứ điệp có đoạn viết: ”Chúng ta là một gia đình đa mầu, như bẩy người con chúng ta thuộc bẩy nhóm chủng tộc lớn. Chúng ta tất cả đều là con cái của một quốc gia vĩ đại. Thiên Chúa đã chúc phúc cho chúng ta với các ơn tràn đầy. Trong lịch sử đất nước chúng ta đã được ước muốn vì vẻ đẹp, sự khả ái của dân tộc và các tài nguyên thiên nhiên của nó. Thế nhưng ngày nay quê hương chúng ta đang chảy máu, vì bị dâm chém bởi thù hận. Chúng ta đã chứng kiến các người chết trong các bang Rakhine, Mandalay, Metalia, Kachin và Karem. Đất nước Myanmar đang ở giữa sự sống và cái chết, và số phận của nó nằm trong tay của tất cả chúng ta”.

Đức Tổng Giám Mục Yangoon gọi các kẻ lựa chọn gieo vãi hận thù trong đường phố Myanmar là ”những kẻ không thể khắc phục được”. Nhưng như là tín hữu công giáo chúng ta lên án mọi bạo lực từ bất cứ ai và từ bất cứ tôn giáo nào. Máu và nước mắt đang trở thành thực tại hằng ngày của vài cộng đoàn trong nước. Máu có tôn giáo không? Nước mắt có tôn giáo không? Máu của mỗi người là máu của toàn dân Myanmar. Vì thế những kẻ gieo vãi thù hận chống lại bất cứ cộng đoàn nào là kẻ thù của toàn dân Myanamr. Chỉ có hòa bình là con đường duy nhất cho gia đình dân nước Myanmar mà thôi (SD 1-8-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Năm chiếc bánh và hai con cá

Năm chiếc bánh và hai con cá

Bước ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu đã tỏ lòng thương xót, ủi an, dậy dỗ, chữa lành và ban phát của ăn nuôi dân. Gặp những người cùng khổ và bệnh tật, Chúa xót thương chữa lành họ: Người thấy dân chúng đông đảo, thì thương xót họ, và chữa những người bệnh tật trong họ (Mt 14,14). Chúa dậy dỗ và mở mang kiến thức để họ hiểu biết về mầu nhiệm Nước Trời và tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn yêu thương và quan phòng cho mọi loài thọ tạo. Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? (Mt 6,26).

Để tiếp tục ban phát ơn lành, Chúa Giêsu cần lòng quảng đại và sự góp phần nhỏ bé của chúng ta. Thánh Matthêô diễn tả: Các ông thưa lại rằng: "Ở đây chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá". Người bảo các ông rằng: "Hãy đem lại cho Thầy"( Mt 14,16). Chúa nhận 5 chiếc bánh và 2 con cá nhỏ, Chúa đã đọc lời chúc tụng, tạ ơn và phân phát cho mọi người. Chúa ban cho dân đầy dư tràn trề và ăn uống thỏa thuê. Chúa Giêsu duỡng nuôi con dân bằng của ăn tinh thần và cả của ăn thể xác.

Năm bánh hai cá là biểu tượng nguồn tốt lành mà mỗi người chúng ta đang sở hữu. Mỗi cá nhân đều có một kho tàng vô giá ẩn sâu trong tâm hồn. Tôn giáo giúp chúng ta khơi dậy những tâm tình, những ân huệ và những khả năng được trao ban.

Chúng ta không thể nói rằng chúng ta không có gì để cho đi. Mỗi người có cả một kho tàng tình yêu, sự cảm thông, tình xót thương và lòng quảng đại. Cái gì cũng có thể cho được, chúng ta có thể cho đi một nụ cười thân thiện, một lời nói êm nhẹ, một cử chỉ yêu thương, một thái độ tử tế, một ánh mắt thông cảm, một vòng tay ấm áp, một tâm tình chia sẻ tế nhị và một chút bánh, một ly nước.

Khi chúng ta biết cho đi, chúng ta sẽ nhân đôi niềm vui cả vốn lẫn lời. Cho đi là làm giầu thêm cho chính mình. Khi lồng ngực còn thở và trái tim còn đập, chúng ta còn có cái để cho, cho đi niềm tin, niềm hy vọng và cậy trông. Càng cho càng có thêm. Xởi lởi trời lại cho mà.

Ngày xưa, khi đi giảng đạo tại những nước nghèo đói xa xôi, các nhà truyền giáo đã dùng mọi cách thế để đi vào lòng dân. Một trong những cách cụ thể, là lo cho dân có nơi ăn chốn ở, giúp đỡ, dậy dỗ và dùng thuốc thang chữa lành bệnh tật. Có nhiều người theo đạo vì: Theo đạo có gạo mà ăn. Điều này không sai, nhưng nếu lạm dụng sự giúp đỡ thì mất đi ý nghĩa của việc truyền đạo. Chúng ta thường nghe nói: Có thực mới vực được đạo. Đúng vậy, con người không sống trên mây trên gió, mà là cuộc sống cụ thể chân chạm đất. Những nhu cầu thể xác về ăn mặc không thể thiếu. Không phải ngày xưa khi mơi truyền đạo, mà cả ngày nay cũng thế, những nơi vùng sâu vùng xa nghèo đói cũng cần sự trợ giúp về cái ăn cái mặc. Không thỏa mãn nhu cầu thể xác thì khó có thể tập trung cầu nguyện, thờ phượng và trau dồi kiến thức văn hóa về đạo giáo hay về xã hội.

Ở Ấn Độ, người dân bị phân biệt giai cấp, những người cùng đinh nghèo đói và bị khinh bỉ. Mẹ Têrêxa đã phục vụ lâu năm tại đây. Mẹ đã lập nhiều nhà Tế Bần. Có nơi, các chị Dòng Bác Ái mỗi ngày phải lo phục vụ cả 9 ngàn người ăn. Một ngày không nấu là một ngày họ không có gì ăn. Vào ngày nọ, có một cặp vợ chồng mới cưới đến thăm và dâng cúng món tiền lớn. Mẹ Têrêxa hỏi: Ở đâu anh chị có món tiền lớn thế? Anh chị trả lời: Họ mới cưới nhau được hai ngày. Chúng tôi quyết định không tổ chức đám cưới vì muốn dành số tiền này để nuôi người nghèo. Mẹ hỏi: Tại sao anh chị lại muốn làm như thế? Họ trả lời rằng vì chúng tôi yêu nhau và muốn bắt đầu cuộc sống hôn nhân với hành động hy sinh này. Biết rằng họ thuộc hàng quý phái. Cử chỉ thật đẹp từ cõi lòng.

Tu thân tích đức là hướng nội. Từ bi hỉ xả và từ thiện bác ái là hướng ngoại. Khi có nội công thâm hậu, thì con người sẽ có sức mạnh phi thường. Ý chí là nguồn sức mạnh. Không phải mọi người to lớn, khỏe mạnh và cường tráng là người có nội lực thâm sâu. Ý chí giúp con người thành nhân và thành thánh. Vị thánh nào cũng có một ý chí kiên cường. Vị thánh nào cũng biết xả thân và cho đi. Cho đi mà không cạn kiệt. Cho đi là hướng ra tha nhân. Càng xả thân càng làm cho sự hiện hữu của mình thêm phong phú. Các thánh nhân đã cho đi không ngừng để làm giầu cho tha nhân và cho chính mình. Chúa Giêsu xuống trần gian, Ngài cho đi với cả trái tim yêu thương, sự tha thứ, thông cảm, chữa lành, sự bình an và cả mạng sống của chính Ngài.

Khi Chúa Giêsu chữa lành, Chúa chữa tận căn và bệnh tật chấm dứt. Khi Chúa ban của ăn, Chúa ban dư tràn. Mọi người đều ăn no. Và người ta thu lượm được mười hai thúng đầy những miếng bánh vụn (x. Mt 14,20). Khi Chúa yêu thương, Chúa hiến cả thân mình đến giọt máu cuối cùng. Chúa không ban ơn nửa vời.

Bước theo Chúa, Chúa cũng đòi hỏi một sự dứt khoát: Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được (x. Lc 14,33).

Xem ra sự đòi hỏi của Chúa không dễ. Làm sao chúng ta có thể từ bỏ hết những gì chúng ta có? Chúng ta thường tìm cách tránh né vấn đề và nêu ra nhiều lý do để chối từ. Các tông đồ xưa đã thực hành lời Chúa một cách triệt để. Các ngài sống trọn vẹn lý tưởng và chết cho sứ mệnh của mình. Thánh Phaolô đã lên tiếng nói rằng: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gal 2,20).

Chúa trao quyền năng cho các tông đồ và sai các ngài ra đi trong tin yêu và phó thác: Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn (x. Mt 10,10).

Tôi nghe kể các tu sĩ Dòng Tên trong những năm huấn luyện tập tu. Mỗi tu sĩ ra đi vào đời trong một tháng thử thách, họ không được mang theo đồ dùng tiền bạc. Họ phải tự lo liệu tất cả, khát xin uống, đói xin ăn, tự tìm nơi ăn chốn ở và mọi nhu cầu thể xác tự giải quyết. Sống hoàn toàn trong sự phó thác nơi Chúa và cậy nhờ lòng tốt người khác. Trong những ngày lang thang giữa chợ đời, cũng có khi các tu sĩ bị xua đuổi, bị khinh rẻ, bị nghi ngờ và bị coi là kẻ ăn bám xã hội. Luyện tập nhân đức cần trải qua những gian truân và nhẫn nại sẽ giúp họ trưởng thành trong đời sống phục vụ sau này.

Thiên Chúa quan phòng cho mọi loài thảo mộc sinh hoa trái và ban nguồn thực phẩm để dưỡng nuôi con người trong thiên nhiên. Trong lịch sử cứu độ, một đôi khi Thiên Chúa can thiệp ban phát ân sủng trực tiếp như nước uống, Manna và chim cút cho dân Do-thái suốt hành trình lữ hành trong hoang địa. Nay Chúa Giêsu làm phép lạ cho bánh và cá hóa nhiều để nuôi dân. Bánh và cá là hình ảnh của bánh hằng sống mà Chúa sẽ ban chính là Mình và Máu Thánh Chúa. Chúa Giêsu đã chọn chính bánh rượu là của ăn hằng ngày để hiến thánh. Khi bánh rượu được hiến dâng trên bàn thờ, qua lời truyền phép của linh mục, bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần, bánh rượu đã trở nên Mình và Máu Thánh Chúa để dưỡng nuôi toàn dân. Của ăn thần lương này đã giúp thỏa mãn mọi khát khao của con người dẫn vào cuộc sống đời đời.

Chúa ban cho dư tràn nhưng Chúa cũng nhăc nhở con người không được phung phí. Sau khi dân chúng ăn no thỏa, Chúa kêu gọi mọi người thu dọn: Mọi người đều ăn no. Và người ta thu lượm được mười hai thúng đầy những miếng bánh vụn (x. Mt 14,20).

Không một ân huệ nào là vô ích. Dù là một chút ít miếng vụn, đó cũng là hồng ân. Trong thế giới chúng ta đang sống, đang có biết bao nhiêu người lên giường ngủ mà bụng còn đói, trong khi nhiều người ăn uống thừa thãi và hoang phí. Xã hội bất công đưa dẫn đến con người tham lam và ích kỷ. Chỉ muốn gom góp và làm giầu cho chính mình. Chúng ta biết rằng thu vào là tiêu hao và tan biến. Có biết bao nhiêu nguồn sung túc của thế giới đã bị chiếm đoạt bất công. Có những người sống như nhà phú hộ giầu có, hằng ngày yến tiệc linh đình, trong khi bên cạnh nhà có Lazarô đói khổ, bệnh tật và thèm khát chén cơm thừa mà chẳng ai cho. Câu truyện đời như thế vẫn xảy ra hằng ngày. Hậu qủa thưởng phạt ngày sau tách biệt mỗi người một nơi.

Năm bánh hai cá là vốn liếng mà mỗi người chúng ta có được. Chúng ta đừng đem chôn vùi, nhưng hãy trao tặng lại cho Chúa, để Chúa biến hóa ra nhiều phân phát cho mọi người. Mỗi người hãy cùng chung góp khả năng, sức lực, của cải và thời giờ để sinh hoa kết qủa trong cuộc sống này. Không có một cuộc sống nào là vô ích. Ai cũng có thể góp phần làm tốt cho xã hội và Giáo Hội.

Lạy Chúa, xin khơi dậy kho tàng ân sủng trong lòng con, để chúng con biết đem ra phân phát và chia sẻ với mọi người.

Tất cả là hồng ân!

Chúng con cảm tạ danh Chúa đến muôn ngàn đời.

LM Giuse Trần Việt hùng