Đức Thánh Cha lên đường viếng thăm Cuba và Hoa Kỳ

Đức Thánh Cha lên đường viếng thăm Cuba và Hoa Kỳ

ĐTC lên đường sang Cuba

VATICAN. Lúc 10 giờ 35 phút sáng thứ bẩy 19-9-2015, ĐTC Phanxicô đã rời Roma lên đường viếng thăm mục vụ trong vòng 10 ngày tại Cuba rồi tại Hoa Kỳ.

Đây là chuyến viếng thăm thứ 10 của ĐTC tại nước ngoài và là chuyến đi dài nhất, phức tạp nhất, theo lời Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh.

Theo thói quen từ lâu, chiều tối thứ sáu 18-9 vừa qua, ĐTC đã đến Đền thờ Đức Bà Cả ở Roma để cầu nguyện và phó thác cuộc viếng thăm của ngài cho sự bảo trợ của Đức Mẹ.

Tháp tùng ĐTC trên máy bay Airbus A330-200 của hãng Alitalia, có 75 ký giả quốc tế, không kể đoàn tùy tùng của ngài khoảng 30 người, đứng đầu là ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Đức TGM Phụ tá Quốc vụ khanh Angelo Becciu, và lần này đặc biệt có thêm Đức TGM ngoại trưởng Paul Gallagher, người Anh, xét vì khía cạnh ngoại giao được nhấn mạnh hơn trong chuyến đi ngày của ĐTC.

Trong những ngày viếng thăm, ĐTC sẽ đọc 26 bài diễn văn và bài giảng, trong đó chỉ có 4 bài hoàn toàn bằng tiếng Anh, phần còn lại bằng tiếng Tây Ban Nha, hoặc xen lẫn tiếng Anh. Bài diễn văn của ngài trước Đại hội đồng LHQ hoàn toàn bằng tiếng Tây Ban Nha.

Theo chương trình, sau gần 12 giờ bay, ĐTC sẽ đến phi trường thủ đô La Habana của Cuba vào lúc 4 giờ chiều cùng ngày 19-9-2015, giờ địa phương, tức là lúc 3 giờ sáng chúa nhật, 20-9, giờ Việt Nam.

Sáng chúa nhật 20-9-2015, ngài sẽ cử hành thánh lễ tại Quảng trường Cách Mạng ở thủ đô Cuba. Ban chiều lúc 4 giờ ngài sẽ đến viếng thăm Chủ tịch Hội đồng Nhà Nước cùng với Hội đồng Bộ trưởng tại Dinh Cách Mạng.

Tiếp đến lúc 5 giờ 15, ngài sẽ chủ sự kinh chiều với các LM, tu sĩ nam nữ và chủng sinh tại Nhà Thờ Chính tòa La Habana. 1 giờ 15 phút sau đó, ngài sẽ gặp gỡ và chào thăm giới trẻ tại Trung tâm Văn hóa LM Felix Varela.

ĐTC còn viếng thăm giáo phận Holguín ở mạn đông Cuba cách thủ đô La Habana hơn 1 giờ bay, rồi thăm tổng giáo Santiago ở mạn cực nam Cuba, nơi có Đền thánh Đức Mẹ Bác Ái Mỏ Đồng, Bổn mạng của Cuba. Ngài sẽ rời Roma chiều ngày 22-9 để sang Hoa Kỳ.

Vài tin bên lề

Trong khi đó, báo chí nói đến nhiều chi tiết liên quan đến cuộc viếng thăm của ĐTC.

– Tại Vatican, lúc 9 giờ 45 sáng 19-9-2015, trước khi lên đường ra phi trường Fiumicino, ĐTC đã chào thăm gia đình tị nạn đầu tiên được giáo xứ thánh Anna đón tiếp tại Nội thành Vatican. Gia đình này người Siria, được Đức TGM Konrad Krajewski, chánh sở từ thiện của ĐTC, dẫn đến chào ngài và cám ơn vì sự đón tiếp và cho tị nạn.

– Tại trụ sở LHQ, cờ Tòa Thánh sẽ được trương lên ngày 25-9 tới đây khi ngài đến viếng thăm tại đây. Hôm 10-9 vừa qua, Đại Hội đồng LHQ đã thông qua một nghị quyết cho các quốc gia không thành viên, như Palestine và Vatican, cũng được treo cờ của mình tại trụ sở LHQ.

– Các hãng tin quốc tế truyền đi ngày 18-9 cũng nói đến cuộc điện đàm giữa tổng thống Obama và chủ tịch Raoul Castro và hai vị ca ngợi vai trò của ĐGH trong việc giúp làm tan băng giá giữa Mỹ và Cuba. Cuộc điện đàm diễn ra đúng ngày chính phủ Mỹ giảm bớt việc cấm vận chống Cuba và cho phép thực hiện dễ dàng các cuộc viếng thăm của người dân giữa hai nước. Đặc biệt từ thứ hai 20-9 này, người Mỹ có thể du hành sang Cuba dễ dàng hơn để viếng thăm hoặc để kinh doanh. Việc mở tài khoản ngân hàng cũng dễ dàng hơn.

Tổng thống Obama nhấn mạnh với chủ tịch Castro tầm quan trọng của việc mở lại hai sứ quán của nhau tại La Habana và Washington, chấm dứt một trong những trang sử đau thương nhất của cuộc chiến tranh lạnh. Hai vị nguyên thủ cũng nói về những biện pháp sắp tới cần thực hiện, để đẩy mạnh sự cộng tác song phương mặc dù vẫn còn có những dị biệt giữa hai nước về những vấn đề quan trọng. (SD 19-9-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha tiếp kiến tổng thống Do Thái

Đức Thánh Cha tiếp kiến tổng thống Do Thái

ĐTC tiếp kiến Tổng Thống Do Thái

VATICAN. Sáng ngày 3-9-2015, ĐTC đã tiếp kiến tổng thống Israel, Ông Reuven Rivlin, lần đầu tiên kể từ khi ông được bầu làm tổng thống hồi tháng 7 năm ngoái (2014).

Sau khi hội kiến riêng với Tổng Thống, ĐTC đã chào thăm phu nhân của ông và 13 người thuộc đoàn tùy tùng, trước khi Tổng thống đến gặp ĐHY Quốc vụ khanh Pietro Parolin.

Thông cáo của Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết: ”trong các cuộc hội kiến thân mật, các vị đã đề cập đến tình hình chính trị và xã hội ở Trung Đông, đang phải chịu nhiều xung đột, và đặc biệt để ý đến tình trạng các tín hữu Kitô và các nhóm thiểu số khác. Về vấn đề này, việc đối thoại liên tôn được đặc biệt đề cao, cùng với trách nhiệm của các vị lãnh đạo tôn giáo trong việc thăng tiến hòa giải và hòa bình.

”Tòa Thánh nhấn mạnh sự cấp thiết phải thăng tiến bầu không khí tín nhiệm giữa người Israel và Palestine, và mở lại các cuộc thương thuyết để đạt tới một hiệp định tôn trọng các khát vọng hợp pháp của hai dân tộc, như một đóng góp cơ bản cho hòa bình và sự ổn định trong vùng.

”Ngoài ra, trong cuộc hội kiến, các vị cũng đề cập đến một số vấn đề tương quan giữa Israel và Tòa Thánh, giữa chính quyền quốc gia và các cộng đồng Công Giáo địa phương. Tòa Thánh mong ước sớm ký kết hiệp định song phương đang được soạn thảo và một giải pháp thích hợp cho một số vấn đề chung của hai bên, trong đó có tình trạng các trường Kitô tại Israel”.

Cuộc viếng thăm của Tổng thống Israel tại Vatican được dư luận chú ý nhiều trong bối cảnh tình trạng các tín hữu Kitô tại Thánh Địa và các vấn đề họ gặp phải, như sự gia tăng các cuộc tấn công của các nhóm Do thái cực đoan chống các cơ sở Công Giáo, như vụ đốt phá đan viện ở Tabgha hồi tháng 6 năm nay, vụ quân đội Israel xây tường ngăn cách tại thung lũng Cremisan chiếm đất của 58 gia đình Công Giáo Palestine, các trường Kitô giáo bị đe dọa đóng cửa vì chính phủ Israel cắt giảm tài trợ, v.v.

Việc thương thảo giữa Israel và Tòa Thánh kéo dài quá lâu, từ sau khi hai bên ký hiệp định cơ bản hồi cuối năm 1993. Sự đình trệ từ phía Israel, nhất là mỗi khi thay đổi chính phủ. (SD 3-9-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Hai thánh đường Công Giáo ở Damasco bị pháo kích

Hai thánh đường Công Giáo ở Damasco bị pháo kích

DAMASCO. Một trận mưa đạn pháo từ khu vực phiến quân đã dội xuống thủ đô Damasco của Siria, him 23-8 vừa qua, trúng 2 thánh đường làm cho 9 thường dân bị thiệt mạng và 47 người bị thương.

 Đức Cha Samir Nassar, TGM của Giáo Hội Công Giáo Maronit ở Damasco nói với hãng tin Fides của Bộ truyền giáo rằng có hai quả trọng pháo rơi xuống mái nhà thờ Công Giáo Maronit và thánh đường Công Giáo la tinh gần đó cũng bị trúng đạn.

 Đức TGM Nasser cho biết: ”Một khía cạnh trong chiến tranh Siria là sống dưới những cuộc pháo kích mù quáng, người ta không biết khi nào mình có thể bị trúng bom đạn.. Những người còn sống không thể săn sóc những người bị thương vì thiếu phương tiện và không có khả năng chuyên môn. Họ chìm đắm trong kinh nguyện thinh lặn, trước di cốt của những vị tử đạo là hạt giống đức tin”.

 Theo Đức TGM Nasser, tuy những cuộc pháo kích vào Damasco tương đối hiếm, nhưng các cuộc giao tranh dữ dội giữa quân đội chính phủ và phiến quân tại các khu vực ngoại ô là điều thường xuyên. Tình trạng đó cũng khiến cho việc tiếp tế lương thực thuốc men cho vùng thủ đô ở trong tình trạng bấp bênh”.

 Theo thống kê chính thức, tổng giáo phận Damasco của Giáo Hội Công Giáo Maronite có 15 ngàn tín hữu và Giáo Hội Công Giáo Siriac có 14 ngàn tín hữu tại đây, trong khi Giáo Hội Công Giáo Melkite có 3 ngàn tín hữu (RG, Fides 26-8-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Ai ăn Ta, sẽ sống nhờ Ta

Ai ăn Ta, sẽ sống nhờ Ta

Đanien Côn-neo (Daniel Connell) là người đã giải phóng dân tộc Ái nhĩ lan. Ông là một tín hữu can đảm và nhiệt thành. Khi người ta cười nhạo ông vì họ không hiểu rõ và cũng không tin bí tích Thánh Thể. Ông đã giải đáp: “Sao các ông lại hỏi tôi? Các ông phải hỏi Chúa Giêsu. Phần tôi, tôi chỉ tin như Chúa Giêsu đã nói. Nếu điều đó không đúng, thì Chúa mới là người đáng trách. Nhưng sự thật của Chúa thì muôn đời tồn tại”.

Niềm tin vào bí tích Thánh Thể cũng như toàn bộ niềm tin của chúng ta, phải xây dựng và chỉ có thể xây dựng trên Lời Chúa. Chúa là sự sống của ta và Chúa là căn bản lòng tin của ta. Chúa là lương thực nuôi hồn ta, Chúa liên kết với ta, thông chia sự sống nhiệm mầu của Người cho ta. Nếu chúng ta thấy xao xuyến, mệt mỏi bơ vơ, là tại chúng ta đã xa cách Chúa, tại chúng ta đã cách ly Chúa. Khi đó chẳng những chúng ta lạc lõng khốn cùng mà còn phải chết muôn đời nữa. Vì Chúa đã khẳng định: “Nếu các ngươi không ăn thịt, không uống máu Con Người, thì trong các ngươi không có sự sống” (Ga 6,53).

Khi nói về bánh hằng sống, Chúa Giêsu nói xen lẫn hai sự kiện: Lời Chúa và bí tích Thánh Thể. Chúa nói cả hai chuyện một lúc như vậy, cốt cho ta hiểu rằng cả hai chỉ là một. Tiếp nhận Chúa là đón nghe và làm theo Lời Chúa. Sống Lời Chúa cũng chính là việc ăn Mình, uống Máu Chúa trong bí tích Thánh Thể, là cụ thể hóa Lời Chúa bằng bí tích Mình Máu Chúa, là hòa nhập sự sống ta với sự sống Chúa. Cũng như Thánh Lễ không phải là hai phần tách biệt mà chỉ là một: đó là mầu nhiệm Chúa Kitô dạy dỗ ta bằng Lời Chúa và Lời Chúa đi vào cuộc sống ta bằng chính Máu Thịt Chúa. Chúa trở nên huyết nhục chúng ta, để biến đổi sự sống ta thành sự sống Chúa, và rồi từ đó, Lời Chúa sẽ thành lời nói và hành động của ta. Ta sẽ là hiện thân Chúa Giêsu giữa trần gian.

Chúa Giêsu cho chúng ta hiểu biết ba tác dụng của bí tích Thánh Thể: Trước hết là sự sống lại và cuộc sống vĩnh viễn: “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì được sống muôn đời, còn Ta, Ta sẽ cho người ấy sống lại ngày tận thế” (Ga 6,54). Trong bữa tiệc ly, Chúa đã nối kết tiệc Thánh Thể với tiệc Nước Trời: “Thầy sẽ không uống rượu nho này nữa cho tới lúc Thầy lại uống với các con trong Nước của Cha Thầy”.

Thứ đến là tình liên đới giữa Đức Kitô và các tín hữu: “Ai ăn Thịt và uống Máu Ta thì ở trong Ta và Ta ở trong người đó”. Ở trong Chúa là hưởng hạnh phúc với Chúa. Hạnh phúc lớn nhất là ở bên người mình yêu và được người đó yêu mình. Từ Cựu Ước đã có những lời diễn tả thực tại này: “Các ngươi sẽ là dân Ta và Ta là Thiên Chúa các ngươi” (Xh 6,7); “Người yêu của tôi thuộc về tôi và tôi thuộc về người” (Diễm ca 6,3); “Các con hãy ở trong Thầy như Thầy ở trong các con” (Ga 6,56; 15,4).

Sau cùng là sự tận hiến cho Cha: “Như Chúa Cha hằng sống đã sai Thầy và Thầy sống nhờ Cha, cũng vậy, ai ăn Thầy sẽ sống nhờ Thầy”. Chúa Giêsu đã sống kết hiệp với Cha, Chúa cũng đòi ta hiệp nhất với Ngài như thế.

Lạy Chúa, nhờ Lời Chúa và Thánh Thể, chúng con hy vọng chắc chắn sẽ được sống lại và được sống muôn đời với Chúa. Xin giúp chúng con biểu lộ lòng tin này trong việc đón nhận Lời Chúa và Thánh Thể, trong cuộc sống hiệp nhất với nhau và trong tình liên đới với mọi người.

Noel Quesson

Đợt đối thoại thứ 6 giữa Công Giáo và Pentecostal

Đợt đối thoại thứ 6 giữa Công Giáo và Pentecostal

Công Giáo và Pentecostal

ROMA. Hôm 17-7-2015 đợt đối thoại thứ 6 giữa Công Giáo và Tin Lành Pentecostal đã kết thúc sau 7 ngày tiến hành tại Roma (10-17/7) về đề tài ”Các đoàn sủng trong Giáo Hội: ý nghĩa thiêng liêng, sự phân định và những hệ luận về mục vụ”.

Tham dự khóa họp có các đại diện Công Giáo do Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô bổ nhiệm và một số vị lãnh đạo Giáo Hội Pentecostal. Trong các cuộc gặp gỡ trước đây, hai bên đã bàn đến những chủ đề như: các đoàn sủng, điểm chung của chúng ta (2011), sự chữa lành (2013), và lời ngôn sứ (2014). Hai bên cùng dành khóa họp năm nay để soạn phúc trình chung kết sẽ được công bố vào đầu năm 2016 tới đây.

Mục đích cuộc đối thoại giữa Công Giáo và Pentecostal, bắt đầu từ năm 1972, là để thăng tiến sự tôn trọng và cảm thông với nhau trong các vấn đề đức tin và thực hành. Sự trao đổi chân thành và thảo luận thẳng thắn về lập trường và thực hành của hai truyền thống là những nguyên tắc hướng dẫn các cuộc đối thoại này, trong đó có những buổi cầu nguyện hằng ngày.

Đồng chủ tịch của cuộc đối thoại về phía Công Giáo là Đức Cha Michael Burbidge, GM giáo phận Raleigh, bang Bắc Carolina Hoa Kỳ, và về phía Pentecostal là Giáo sư Cecil Robeck, thuộc Giáo Hội ”Hội Thánh của Thiên Chúa” (Assemblies of God), giáo sư chủng viện thần học Fuller ở Pasadena, tiểu bang California, Hoa Kỳ.

Trong những khóa họp tại Roma, ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, và vị Tổng thư ký là Đức Cha Brian Farrell, cũng đến gặp gỡ và trao đổi với các tham dự viên.

Pentecostal là một phong trào trong Kitô giáo bắt nguồn từ phong trào thánh thiện trong Giáo Hội Methodist. Các Giáo hội này đặc biệt chú trọng đến phép rửa Thánh Linh. Hiện nay có khoảng 170 hệ phái coi mình là Pentecostal với khoảng 200 triệu người (SD 17-7-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

1 triệu người dự thánh lễ chót của Đức Thánh Cha tại Paraguay

1 triệu người dự thánh lễ chót của Đức Thánh Cha tại Paraguay

Pope celebrated mass in Paraguay

ASUNCIÓN. Trong thánh lễ cuối cùng sáng chúa nhật 12-7-2015 kết thúc cuộc viếng thăm Mỹ châu, ĐTC kêu gọi hơn 1 triệu tín hữu thực thi tinh thần hiếu khách.

Sáng chúa nhật, sau khi viếng thăm khu phố nghèo Banado Norte, ĐTC đã đến Đền thánh ”Nu Guazú – Thánh Giá thánh Gioan Phaolô 2” để cử hành thánh lễ cho các tín hữu. Chính tại nơi này, trong chuyến viếng thăm cách đây 27 năm, ngày 16-5 năm 1988, Đức Cố Giáo Hoàng đã chủ sự thánh lễ để tôn phong hiển thánh cho cha Roque Gonzalez Thánh Giá và các bạn tử đạo. Cánh đồng rộng lớn này ở trong khu vực một căn cứ không quân và có thể tiếp nhận 1 triệu 500 ngàn người.

Từ thứ bẩy hôm trước, 11-7, 150 ngàn người đã đến đây để chuẩn bị tham dự thánh lễ cuối cùng của ĐTC trong cuộc viếng thăm.

Đến nơi vào lúc quá 9 giờ 15 phút sáng, ĐTC đã dành gần nửa tiếng đồng hồ tiến qua các lối đi để chào thăm hơn một triệu tín hữu tụ tập tại đây, trong bầu không khí rất nồng nhiệt, trong đó cũng có hàng trăm ngàn người từ Argentina láng giềng qua đây để dự lễ với ĐTC, xét vì theo chương trình, năm tới ngài mới trở về thăm quê hương. Hiện diện trong thánh lễ cũng có tổng thống Horadio Cartes của Paraguay và bà tổng thống Kristin Kirchner của Argentina.

Đồng tế với ĐTC có hàng trăm GM, trong đó có 22 GM Paraguay, 50 GM Ecuador và Bolivia cùng với các GM khách, và đông đảo các linh mục.

Lễ đài thật là đặc biệt do nghệ sĩ Delfin Roque Ruiz thực hiện với rất nhiều bắp ngô màu vàng và vỏ dừa nâu, do hàng ngàn nông dân tặng. Với các chất liệu đó, Ông Roque Ruiz đã ghép thành huy hiệu của dòng Tên, hình thánh Phanxicô Assisi và thánh Ignaxio Loyola. Trên các vỏ dừa ở phần dưới lễ đài có ghi nhiều sứ điệp của ĐTC.

Bài giảng thánh lễ

Trong bài giảng Thánh Lễ, ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng ghi lại lời Chúa Giêsu nhắn nhủ các môn đệ khi ngài sai họ đi rao giảng Tin Mừng: đừng mang theo gậy, bị, tiền bạc, hai áo, và ngài nhấn mạnh đến một từ là chìa khóa của linh đạo Kitô giáo, trong kinh nghiệm làm môn đệ Chúa, đó là lòng hiếu khách, sự đón tiếp. Chúa Giêsu như một bậc thầy, một nhà sư phạm giỏi, sai các môn đệ đi sống lòng hiếu khách. Chúa nói với họ: ”Các con hãy ở lại nơi mà họ đón tiếp các con”. Chúa sai họ đi để học một trong những đặc tính cơ bản của cộng đồng tín hữu. Chúng ta có thể nói rằng Kitô hữu là người đã học cách đón tiếp. ĐTC nói:

”Chúa Giêsu không sai họ đi như một kẻ hùng mạnh, như những chủ nhân, thủ lãnh, đầy những luật lệ, qui tắc; trái lại Ngài chỉ cho họ thấy con đường của Kitô hữu là biến đổi con tim. Học cách sống một cách khác, với một luật khác, theo một qui tắc khác. Đó là tiến từ đường hướng ích kỷ, khép kín, đụng độ, chia rẽ, tự tôn, tiến tới một hướng đi bênh vực sự sống, nhưng không, yêu thương. Từ thái độ thống trị, đè nén, lèo lái, tiến sang thái độ đón tiếp, tiếp nhận, săn sóc. Đó là hai thái độ, hai cách thức đối đầu với cuộc sống, sứ vụ.

ĐTC nhận xét rằng: ”Bao nhiêu lần chúng ta quan niệm sứ vụ dựa trên những dự phóng hoặc chương trình. Bao nhiêu lần chúng ta tưởng nghĩ việc loan báo Tin Mừng xoay quanh hàng ngàn chiến lược, chiến thuật, ”mánh mung” và thủ đoạn, tìm cách hoán cải người khác bằng những lý luận. Hôm nay, Chúa nói với chúng ta thật là rõ ràng theo tiêu chuẩn của Tin Mừng: chúng ta không thuyết phục bằng những lý lẽ, chiến lược, chiến thuật, nhưng bằng cách học đón tiếp.

ĐTC nói tiếp:

”Giáo Hội là người mẹ có tâm hồn rộng mở biết đón tiếp, đón nhận, nhất là những người đang cần được săn sóc nhiều nhất, những người ở trong tình trạng khó khăn lớn hơn. Giáo Hội là căn nhà đón tiếp. Chúng ta có thể hoạt động tốt đẹp dường nào nếu chúng ta khích lệ nhau học ngôn ngữ hiếu khách, đón tiếp! Bao nhiêu vết thương, bao nhiêu tuyệt vọng có thể chữa trị tại nơi mà người ta cảm thấy mình được đón nhận.

Hiếu khách đối với người đói khát, người nước ngoài, kẻ trần trụi, người bệnh, tù nhân (Xc Mt 25,34-37), với người phong cùi, bất toại. Hiếu khách đối với những người không nghĩ như chúng ta, không có tín ngưỡng hoặc đã đánh mất. Hiếu khách với người bị bách hại, thất nghiệp. Hiếu khách với những nền văn hóa khác.. hiếu khách với người tội lỗi.

ĐTC cũng cảnh giác rằng: ”Có một sự ác dần dần làm tổ trong tâm hồn chúng ta và ăn mòn sức sinh động của chúng ta, đó là sự cô đơn. Cô đơn có thể do nhiều nguyên do, nhiều động lực. Nó tách rời chúng ta khỏi người khác, khỏi Thiên Chúa, khỏi cộng đoàn. Nó khép kín chúng ta vào mình. Nhưng Chúa mở chúng ta vào một đường hướng mới. Thiên Chúa không bao giờ khép kín cách chân trời, Ngài không bao giờ thụ động trước sự sống và đau khổ. Ngài vĩnh viễn là một chân trời mới, vĩnh viễn là một Lời Mời cho bao nhiêu tình trạng loại trừ, băng hoại, khép kín, cô lập. Ngài là một lời phá vỡ sự im lặng của cô đơn.

Cuối thánh lễ, ĐTC đã chủ sự kinh Truyền Tin và trong bài huấn dụ ngắn, ngài khích lệ các tín hữu Paraguay hãy tín thác đến cùng Mẹ Maria, cởi mở tâm hồn, phó thác cho Mẹ niềm vui nỗi buồn, hy vọng và đau khổ. Ngài cung cầu xin Mẹ Maria canh giữ Giáo Hội và củng cố các mối dây huynh đệ giữa mọi phần tử của Giáo Hội với nhau. Với ơn phù trợ của Mẹ Maria, Giáo Hội được trở thành một căn nhà biết đón tiếp, một người mẹ của mọi dân tộc.

Sau thánh lễ, ĐTC đã về tòa Sứ Thần Tòa Thánh cách đó 8 cây số, rồi gặp riêng 22 GM, chủ chăn của 15 giáo phận Paraguay tại trung tâm văn hóa của tòa Sứ Thần. Hiện diện trong dịp này cũng có các GM Ecuador và Bolivia, hai nước vừa được ĐTC viếng thăm.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin

Đức Thánh Cha tiếp kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin

ĐTC tiếp kiến Putin

VATICAN. Chiều ngày 10-6-2015, ĐTC đã tiếp kiến Tổng thống Liên bang Nga, ông Vladimir Putin, và đặc biệt thảo luận trong 50 phút về vấn đề Ucraina và Trung Đông.

Trong cùng thời gian đó, ngoại trưởng Nga Ông Lavrov đã gặp gỡ và trao đổi với ngoại trưởng Tòa Thánh, Đức TGM Paul Gallagher.

Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết: về vấn đề Ucraina, ĐTC đã lập lại với Tổng thống Putin lập trường ngài đặc biệt quan tâm, đó là cần dấn thân trong nỗ lực chân thành và mạnh mẽ để kiến tạo hòa bình, và hai bên đều đồng ý tầm quan trọng của việc tái tạo một bầu không khí đối thoại, và tất cả các phe liên hệ quyết tâm thực hiện hiệp định đã ký kết ở Minsk, thủ đô cộng hòa Bạch Nga. Ngoài ra cũng cần dấn thân đương đầu với tình trạng trầm trọng về nhân đạo, đảm bảo cho các nhân viên cứu trợ đến giúp đỡ dân chúng, và cần có sự đóng góp của mọi phe liên hệ để tiến tới một tình trạng dần dần hòa dịu trong vùng này”.

Về các cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông, trên lãnh thổ của Siria và Irak, hai bên đồng ý về sự cấp thiết phải theo đuổi hòa bình với sự cộng tác của cộng đồng quốc tế, đồng thời bảo đảm những điều kiện cần thiết cho cuộc sống của mọi thành phần xã hội, kể cả các nhóm tôn giáo thiểu số, đặc biệt là các tín hữu Kitô”.

Sau cuộc thảo luận, đến phần trao đổi quà tặng: Tổng thống Nga đã tặng ĐTC một bức tranh thêu diễn tả thánh đường Chúa Cứu Thế nổi tiếng ở thủ đô Mascơva, và ĐTC tặng tổng thống Putin mề đai lớn của nghệ sĩ Guido Veroi diễn tả thiên thần hòa bình và mời gọi kiến tạo một thế giới liên đới và hòa bình dựa trên công lý, cùng với một bản Tông huấn của ngài về ”Niềm Vui Phúc Âm” (SD 10-6-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Xin được theo Chúa về Trời

Xin được theo Chúa về Trời

Có một gia đình kia: chồng là người ngoại đạo. Ông không tin Chúa. Ông còn luôn miệng nhạo báng, khinh miệt những hành vi thờ phượng kính mến Chúa. Ngược lại, bà vợ lại rất sùng đạo. Ngày nào bà cũng dắt con đi lễ cầu nguyện. Dù sống giữa hai chiều hướng trái ngược đối nghịch nhau, đứa con trai duy nhất của họ vẫn hiếu thảo với bố mẹ. Một hôm em lâm bệnh hiểm nghèo, em hỏi bố rằng: "Bố ơi! Trong ít ngày nữa con sẽ không còn sống ở dương gian. Con xin bố dạy con phải tin ai? Theo bố hay theo mẹ? Tin theo bố thì chẳng có thiên đàng, chẳng có Chúa hay có mẹ để được yêu thương ở đời sau! Còn tin theo Mẹ thì có Thiên Chúa là Cha nhân lành. Có cõi trời để hưởng hạnh phúc vĩnh cửu bên Chúa là Cha. Có Đức Mẹ luôn bầu cử chở che?"

Người cha quá sững sờ và kinh ngạc. Ông ôm con vào lòng và nói: "Con hãy tin theo Mẹ. Con cưng của cha! Đứa bé liền nói tiếp: "Nhưng nếu bố không tin theo Mẹ, thì làm sao con có thể chờ đợi bố ở trên thiên đàng được?". Trước lời đơn sơ và chân thành của em bé, người cha đã không kiềm nổi những giọt nước mắt ứ tràn nơi khoé mắt. Ông đã để những giọt nước mắt xót xa tuôn rơi trên gò má già nua của mình. Kể từ ngày đó, người cha đã chọn Chúa là lẽ sống, là Đấng ông tôn thờ.

Vâng, nếu cuộc đời này sinh ra lớn lên rồi chết đi thì cuộc đời chẳng còn ý nghĩa gì! Con người sinh ra để được sống mãi chứ không phải để nhào lộn trong bể khổ và chết là hết kiếp người! Điều quan yếu là chúng ta phải tìm ra lẽ sống, và cùng đích đời người là gì? Sống để làm gì? Và chết rồi đi đâu? Đó là những vấn đề làm nên nhân cách con người. Chúng ta chọn cách sống nào cũng tuỳ thuộc vào việc chúng ta hiểu ý nghĩa và cùng đích đời người ra sao?

Chúa Giêsu trong tư cách một con người trần thế. Ngài đã sống cả cuộc đời để tôn vinh Thiên Chúa Cha trong việc phục vụ tha nhân. Ngài đến trần gian để thi hành thánh ý Chúa Cha. Thánh ý đó Ngài đã thực thi trọn vẹn cho dù phải trả giá bằng cả mạng sống, miễn sao cho ý Chúa Cha được thực hiện, cho danh Cha được cả sáng, cho Nước Cha mau hiển trị.

Là người ky-tô hữu chúng ta được mời gọi bước theo con đường Chúa Giêsu đã đi. Đó là con đường đi tìm thánh ý Chúa và thực thi cho đến hơi thở cuối cùng. Đó không phải là con đường trải thảm rộng thênh thang, mà là con đường hẹp, đầy chông gai giăng kín hành trình. Đó là con đường từ bỏ, đường thập giá, đường hiến tế đẫm máu trên đỉnh đồi Cal-vê.

Hôm nay Chúa về trời, Ngài vẫn mang theo dấu vết của thương tích, của thương đau, của sự chống đối, xỉ nhục, đòn roi mà Ngài đã từng trải qua… Ngài đã mang theo tất cả những giai đoạn đau thương đẫm máu đó, như dấu tích cho lời xin vâng trọn vẹn theo thánh ý Chúa Cha. Nay, Ngài cũng muốn tất cả chúng ta hãy đi con đường này để tiến về trời cao. Đó là con đường làm chứng nhân cho Tin mừng của Chúa bằng chính đời sống tôn vinh Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Một cuộc đời làm chứng không nhất thiết phải đổ máu nhưng quan yếu là phải thể hiện tình yêu bằng những nghĩa cử cụ thể trong lời nói, trong việc làm luôn bao dung, kính trọng, bác ái và công bình. Một cuộc đời làm chứng không nhất thiết phải có một bản án để người ta thoá mạ, tay chay, nhưng chỉ cần biết hy sinh từ bỏ ý riêng của mình trong từng giây, từng phút để thánh ý Chúa luôn được thi hành trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Hôm nay mừng Chúa về trời, chúng ta cũng nghe vang vọng đâu đây lời mời gọi thiết tha của Thầy Chí Thánh Giêsu: "anh em hãy làm chứng nhân cho Thầy. Khởi từ Giê-ru-sa-lem cho đến tận cùng thế giới". Xin cho mỗi người chúng ta đang khi hướng lòng về trời cao cũng biết chu toàn sứ vụ trần thế trong niềm hân hoan để: "Ra đi tay ôm bó lúa đi gieo – Ngày trở về, miệng reo vang câu hát mừng". Amen.

LM Giuse Tạ Duy Tuyền

Hoàn thành Hiệp định toàn bộ giữa Tòa Thánh và Palestine

Hoàn thành Hiệp định toàn bộ giữa Tòa Thánh và Palestine

VATICAN. Hôm 13-5-2015, Ủy ban song phương giữa Tòa Thánh và Nhà Nước Palestine đã hoàn thành việc soạn thảo Hiệp định toàn bộ giữa hai bên.

Hiệp định này tiếp theo Hiệp định cơ bản được Tòa Thánh và Palestine ký kết ngày 15-2 năm 2000.

Thông cáo chung công bố ngày 13-5-2015 cho biết Ủy ban song phương đã nhóm khóa họp chung cùng ngày tại Vatican dưới quyền chủ tọa của hai vị Đồng Chủ tịch là Đức Ông Antoine Camilleri, Thứ Trưởng ngoại giao Tòa Thánh, và Đại Sứ Rawan Sulaiman, Phụ Tá ngoại trưởng đa vụ của Palestine. Phái đoàn Tòa Thánh có 6 người, trong đó có Đức TGM Giuseppe Lazzarotto, Khâm sứ Tòa Thánh tại Jerusalem và Palestine. Phái đoàn Palestine có 4 người.

Các cuộc thảo luận đã diễn ra trong bầu không khí thân thiện và xây dựng, và Ủy ban hài lòng ghi nhận những tiến bộ đã đạt được trong việc soạn Văn bản hiệp định liên quan đến những khía cạnh thiết yếu trong đời sống và hoạt động của Giáo Hội Công Giáo tại Palestine. Cả hai bên đều đồng ý rằng công việc của Ủy ban trong việc soạn hiệp định đã kết thúc và Văn bản sẽ được đệ trình cấp trên liên hệ để phê chuẩn và xác định ngày chính thức ký kết hiệp định trong tương lai gần đây.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, Đức Ông thứ trưởng Tòa Thánh Camilleri, người Malta, cho biết Văn bản hiệp định gồm có Lời Tựa, tiếp đến là chương I về các nguyên tắc và qui luật cơ bản làm khung nền cho sự cộng tác giữa Tòa Thánh và Palestine, trong đó cũng có bày tỏ mong ước một giải pháp cho vấn đề Palestine, và cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, qua giải pháp 2 quốc gia và các nghị quyết của Cộng đồng quốc tế.

Chương thứ 2 quan trọng, nói về tự do tôn giáo và lương tâm với nhiều chi tiết.

Các chương kế tiếp nói về các khía cạnh khác nhau liên quan đến đời sống và hoạt động của Giáo Hội Công Giáo tại các lãnh thổ của Palestine: tự do hoạt động, nhân sự và quyền tài phán của Giáo Hội, qui chế nhân sự, các nơi thờ phượng, các hoạt động xã hội và từ thiện, các phương tiện truyền thông xã hội.

Sau cùng có một chương nói về vấn đề thuế khóa và tài sản.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Ông Camilleri cũng cho biết về vấn đề soạn hiệp định giữa Tòa Thánh và Israel. Sau khi ký hiệp định cơ bản hồi tháng 12-1993, Israel và Tòa Thánh đã thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau hồi tháng 6-1994, tiếp đến là ký hiệp định về pháp nhân của các tổ chức Công Giáo năm 1997 và từ năm 1999 trở đi có các cuộc thương thuyết về hiệp định kinh tế, thuế khóa. Hiệp định hầu như đã sẵn sàng và Đức Ông hy vọng sớm có sự ký kết hiệp định này để mưu lợi ích cho cả hai bên. (SD 13-5-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Baraba và Đức Giêsu

Baraba và Đức Giêsu

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Văn sĩ Fabran Lagerkvist của Thụy Điển đã đoạt giải Nobel văn chương năm 1966 nhờ quyển tiểu thuyết nổi tiếng có tựa đề là “Baraba”. Baraba là một tên cướp được nhắc đến trong vụ án của Chúa Giêsu. Theo các sách Tin Mừng kể lại: Baraba là một tên cướp khét tiếng đã phạm nhiều tội ác và sa lưới pháp luật. Hằng năm vào những ngày lễ lớn, quan Tổng trấn đại diện cho Đế quốc Rôma tại Palestina có thói quen ân xá cho một tội nhân. Năm đó, Tổng trấn Philatô đã đưa Chúa Giêsu và Baraba ra trước mặt dân chúng và hỏi họ nên tha cho ai. Toàn dân đã la lớn: tha cho Baraba và đóng đinh Chúa Giêsu.

Dựa vào sự kiện lịch sử này, văn sĩ Lagerkvist đã tưởng tượng ra quãng đời còn lại của Baraba. Baraba đã trở nên một con người quyền thế được mọi người biết đến. Baraba có được tất cả, bởi vì chính Chúa Giêsu đã chết thay cho ông. Thế nhưng ông không hề muốn nhắc đến Chúa Giêsu và cũng không muốn biết Ngài là ai.

Lý do khiến văn sĩ Lagerkvist được trao giải Nobel văn chương là vì qua nhân vật Baraba, ông đã họa được chân dung đích thực của con người. Baraba chính là con người được cứu độ nhờ Chúa Giêsu, nhưng vẫn không hiểu lý do tại sao. Con người ngày nay không tin vào Chúa Kitô và nhất là muốn loại bỏ Ngài ra khỏi con người thời đại. Với những tiến bộ vượt bực trong khoa học kỹ thuật, con người chẳng khác nào một thứ Baraba trong tác phẩm của Lagerkvist: con người tưởng mình là Đấng cứu độ của chính mình, con người tưởng mình có thể loại bỏ mọi chiều kích siêu việt của cuộc sống, con người tưởng mình có thể sống mà không cần một Đấng cứu độ nào.

Thưa anh chị em,

Dưới cái nhìn lịch sử thì quả thực cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là hành động tội ác của những người Do Thái và La Mã cách đây hai ngàn năm. Những người Do Thái đã cuồng tín kêu gào đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá. Các binh sĩ La Mã đã đánh đập, hành hung Ngài và cuối cùng treo Ngài trên thập giá.

Nhưng dưới cái nhìn của người có niềm tin, thì cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm bởi vì một cách nào đó, người có niềm tin cũng cảm thấy mình đã thực sự tham dự vào việc đóng đinh ấy. Chúng ta tuyên xưng rằng Ngài đã chịu đóng đinh vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, nghĩa là do chính tội lỗi của chúng ta ngày nay, cho dù cách xa hai ngàn năm, vẫn là một chối bỏ, một tiếng reo hò, một sỉ vả hoặc chính là một cái đinh đóng vào thân thể Chúa Giêsu.

Thử hỏi nếu tôi là người đương thời có liên quan đến vụ án Chúa Giêsu, tôi sẽ đứng trong nhóm người nào và với thái độ nào? Phải thú nhận rằng tôi không dễ gì làm được như ông Simon thành Syrênê đã vác thập giá đỡ Chúa Giêsu. Nhưng cũng đừng vội vã quả quyết rằng tôi không thể đứng về phía đám quần chúng đả đảo Chúa, không thể là Phêrô chối Chúa, hoặc là nhóm môn đệ trốn chạy, hay là Philatô lên án người vô tội, hoặc là đám quân lính đánh đòn và đóng đinh Chúa. Trái lại, kinh nghiệm bản thân tôi cho thấy rõ ràng tôi rất yếu đuối, dễ dàng về phe kẻ mạnh thế, không dám can đảm bênh vực công lý và dễ dàng trung thành với Chúa trên môi miệng cũng như khi mọi sự đều xuôi chảy, nhưng lại phản bội Chúa dễ dàng trong hành động cụ thể và khi gặp nghịch cảnh.

Anh chị em thân mến,

Với Chúa Nhật hôm nay, Tuần Thánh đã bắt đầu. Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua đem lại ơn cứu độ cho loài người. Bề ngoài, cuộc tiến vào thủ đô Giêrusalem giữa tiếng tung hô của đám đông nô nức phất cao càch lá “Hoan hô con Vua Đavít” có vẻ một cuộc toàn thắngvang dội. Thực ra đây là một cuộc mở màn thương khó mỉa mai nhất và có lẽ cũng là giai đoạn bi thương nhất của cuộc thương khó. Bởi vì chúa biết rõ trong niềm phấn khởi chóng qua của dân chúng đã chất chứa một sức phản bội sẽ bùng nổ dữ dội trước mặt Tổng trấn Philatô, trong tiếng kêu gào với những bàn tay nắm chặt đưa lên: “Đả đảo! Đóng đinh nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá!”

Rước là đi theo Chúa Giêsu trong vài giờ không phải là một điều khó khăn cho lắm. Đi theo Chuá giữa lúc Ngài được tung hô chúc tụng là điều dễ dàng. Nhưng tiếp tục đi theo Ngài khi Ngài đã bị mọi người bỏ rời và lên án, điều đó khó hơn nhiều. Tin Mừng không thấy nói đến một ai dám lên tiếng bênh vực cho Chúa Giêsu vào lúc đó, mà chỉ thấy lên tiếng đòi phóng thích cho tên đạo tặc Baraba. nếu kitô hữu được định nghĩa là người đi theo Chúa kitô thì chắc chắn chúng ta sẽ có lúc nghiệm thấy nỗi khó khăn khi phải đến nơi mà mình không muốn đến. Con đường bước theo Chúa có lúc vui, lúc buốn. Chúng ta phải có mặt ở trong đám đông hoan hô Chúa khi vào thành và cũng không được vắng mặt khi Ngài hấp hối trên thập giá.

Trong những ngày thánh này, chúng ta hãy tìm thời giờ đọc lại chậm rãi chương 14 và chương 15 của Tin Mừng theo Thánh Marcô. Hãy để cho tâm tình, lời nói và hành động của Chúa Giêsu thấm nhuần và biến đổi chúng ta. Trong cuộc khổ nạn của Chúa, chúng ta bắt gặp rất nhiều tình huống tăm tối của đời thường: vu khống, phản bội, ghen tương, bất công, nhục nhã, đau khổ, sợ hãi, cô đơn, hèn nhát, cái chết. Nhưng trên hết, chúng ta bắt gặp một tình yêu. Tình yêu vô cùng lớn của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha và nhân loại. Chỉ có tình yêu mới làm cho mọi khổ đau có giá trị cứu độ.

Đừng đọc vội vã, hãy ngừng lại khi Chúa có điều muốn nói với chúng ta, đừng ngắt lời Ngài. Chúng ta có thể thấy mình giống với Giuđa, Phêrô hay Philatô. Chúng ta không ai vô tội trước cái chết của Con Thiên Chúa. Ngài vẫn còn hấp hối cho đến tận thế.

Đừng theo Chúa như một người quay vidéo cho đám tang, bởi lẽ mọi sự Ngài chịu là vì chúng ta và cho chúng ta. Sau khi đã suy niệm lâu dài về cuộc khổ nạn, chúng ta sẽ thấy mình yêu Thánh giá của Chúa hơn, yêu thánh giá của mình hơn và trân trọng thánh giá của người khác hơn.

Thiên Chúa cứu chuộc thế gian bằng tình yêu

Thiên Chúa cứu chuộc thế gian bằng tình yêu

(Suy niệm của Noel Quesson)

“Phần tôi, một khi được nâng lên khỏi mặt đất. Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi”.

Năm 1941, một tù nhân đã trốn khỏi nhà tù Ốt-suýt (Auschwits) của Đức quốc xã. Đó là một nhà tù nổi tiếng khủng khiếp, và đã có quy định là nếu một người trốn trại thì sẽ có mười người khác thế mạng. Giám thị trại giam tập họp tù nhân lại và đếm ra 10 người. Một trong đám mười người bị tử thần điểm danh này bỗng òa khóc: “Trời ơi, vợ tôi, con tôi! Tôi sẽ không bao giờ gặp lại họ nữa!”. Cha Maximilianô Kônbê (Maximiliano Kolbe) cũng là tù nhân ở trại lúc đó, nghe tiếng than của người tù. Cha động lòng thương, Ngài tiến lại kéo anh tù ra, và đứng vào chỗ anh cho đủ mười người. Cha Kônbê và 9 bạn tù bị bỏ đói hai tuần lễ và kết thúc cuộc sống bằng một mũi tiêm thuốc độc. Xác họ được hỏa táng và sử dụng như phân bón.

Người tù thoát chết tên là Phanxit (Francis Gap Wniczek) kể lại chuyện này. Anh nói sau cái chết của Cha Kônbê, tinh thần trại giam thay đổi hẳn. Mọi người đối xử với nhau rất thân ái, chia sẻ từng mẩu bánh, từng muỗng canh, ai cũng cảm phục và muốn noi gương vị Linh mục dòng Phanxicô, đã hy sinh mạng sống để cứu một người anh em.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong Thánh cho Cha Kônbê vào tháng 10 năm 1983, và đặt Ngài làm bổn mạng của thời đại khó khăn. Giáo Hội mong ước các tín hữu noi gương Cha Kônbê, và cũng là noi gương Chúa Giêsu, sẵn sàng hy sinh cho anh em đồng loại.

Chúa Giêsu đã chọn cái chết trên thập giá vì chúng ta. Chúng ta là những tội nhân đáng phải chết, mà Chúa đã chết thay cho chúng ta. Chúa chết để biểu lộ tình yêu tột đỉnh của Người đối với ta như Người đã nói: Không có tình yêu nào lớn lao bằng hy sinh mạng sống vì người mình yêu.

Chúa Giêsu cũng có nhân tính, cũng là người như chúng ta, cũng biết đau khổ và cái chết là tận cùng của đau thương. Chúa cũng thấy ngại ngùng lo sợ, cơn hấp hối đã bắt đầu: “Tâm hồn Ta xao xuyến”, “Xin Cha cứu con khỏi giờ này”. Nhưng Chúa can đảm trở lại ngay. Nhưng không, “Con tới chính vì giờ này. Lạy Cha xin làm vinh quang Cha”.

Đường khổ giá không phải chỉ dành cho Chúa. Các Môn đệ Chúa phải hy sinh vì anh em, để chứng tỏ mình yêu thương mọi người, có vậy mới chứng tỏ được rằng mình yêu Chúa.

Can đảm bước theo Chúa trên đường Thánh giá là xây dựng vinh quang cho mình mai sau. Lời Chúa và cuộc sống của Chúa đã bảo đảm điều đó.

Lạy Chúa, xin hướng dẫn chúng con trên đường theo Chúa hôm nay, biết sẵn sàng chia sẽ cuộc sống với những người anh chị em đau khổ.

Đức Thánh Cha lên án bách hại Kitô hữu tại Pakistan

Đức Thánh Cha lên án bách hại Kitô hữu tại Pakistan

VATICAN. ĐTC mạnh mẽ lên án vụ khủng bố tự sát chống hai thánh đường Kitô tại thành phố Lahore, Pakistan, chúa nhật 15-3 vừa qua.

 15 người chết và 78 người bị thương trong vụ khủng bố tự sát chống hai thánh đường Kitô, một Công Giáo và 1 Tin Lành, tại khu phố Youhanabad trong thành Lahore. Thuộc khu phố này có khoảng 200 ngàn tín hữu Kitô và quen được gọi là ”thành thánh Gioan”.

 Trong buổi đọc kinh truyền tin trưa chúa nhật 15-3-2015, ĐTC Phanxicô đã mau lẹ lên tiếng về vụ khủng bố này và kêu gọi chấm dứt các cuộc bách hại các tín hữu Kitô. Ngài nói:

 ”Tôi đau buồn, rất đau buồn khi hay tin những vụ tấn công khủng bố ngày hôm nay (15-3) chống lại hai thánh đường ở thành phố Lahore, Pakistan, làm cho nhiều người chết và bị thương. Đó là các nhà thờ Kitô giáo. Các tín hữu Kitô bị bách hại. Các anh chị em chúng ta bị đổ máu chỉ vì là Kitô hữu. Trong khi cam đoan cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình họ, tôi cầu xin Chúa, khẩn cầu Chúa là nguồn mọi thiện hảo, ban ơn hòa bình và hòa hợp cho đất nước Pakistan. Ước gì cuộc bách hại này chống các tín hữu Kitô, mà thế giới đang tìm cách giấu diếm, được chấm dứt và có được an bình”.

 Nhóm Taleban ở Pakistan tên là Jammat-ul-Ahrar tự nhận là thủ phạm vụ khủng bố này. Theo cảnh sát, có 2 người tình nghi đã bị dân chúng tấn công và giết chết. Ký giả Riaz Ahmed cho biết đã thấy 2 thi hài bị cháy đen tại một ngã tư. Vụ nổ chỉ cách nhau vài phút tại hai thánh đường gần nhau, trong khu phố có đông dân cư là tín hữu Kitô: tại thánh đường thánh Gioan Công Giáo lúc ấy đang diễn ra thánh lễ Chúa nhật với sự tham dự của 800 tín hữu. Tại Nhà thờ Tin Lành có khoảng 1 ngàn tín hữu. Hai tên khủng bố tự sát đã cho bom nổ tung ở lối vào thánh đường. Các thanh niên Công Giáo giữ an ninh ở cổng thánh đường đã hy sinh mạng sống nhờ đó tránh được thảm họa lớn hơn cho các tín hữu.

 Ủy ban Công lý và Hòa bình thuộc HĐGM Pakistan đã tố giác Nhà chức trách nước này thiếu sót trầm trọng và ngày càng xảy ra những vụ các nhân viên cảnh sát Pakistan đồng lõa với những kẻ sát nhân hoặc trở thành cánh tay của những kẻ cực đoan.

 Ủy ban cho biết ”Giáo xứ Công Giáo Youhanabad đã từng xin chính quyền và cảnh sát gia tăng an ninh vì đã nhận được những lời đe dọa gần đây, nhưng các nhân viên an ninh hiện diện rất ít. Thay vì chu toàn nhiệm vụ canh chừng, họ thường xem Tivi các trận đấu banh Cricket. Hậu quả của sự lơ là này là nhiều tín hữu Kitô bị thiệt mạng. Đứng trước những vụ bạo hành chống Kitô hữu thường xảy ra như thế, các GM Pakistan kêu gọi chính quyền hãy có ”ý chí chính trị” chặn đứng các tên khủng bố.

 Tình trạng đó cũng giải thích tại sao dân chúng phẫn nộ, phản đối và hành hung 2 người tình nghi sau vụ khủng bố.

 Trong những ngày trước đây, cảnh sát ở Lahore đã tra tấn và sát hại một thanh niên Kitô vô tội. Đó là anh Zubair Masih, 25 tuổi. Tội duy nhất của anh ta là con của bà góa Aysha Bibi, một góa phụ Kitô bị người chủ là Abdul Jabar, một người Hồi giáo, cáo về tội ăn trộm.

 Bà ta bị đánh đập và lăng mạ, nhưng không thú tội. Toàn gia đình bà bị bắt và dẫn đến trụ sở cảnh sát. Tại đây cảnh sát tiếp tục đánh đập, bà mẹ Aysha bị đánh gẫy cánh tay, rồi tất cả được trả tự do ngoại trừ anh Zubair. Hôm sau, cảnh sát trả lại anh ta ở trong tình trạng sắp chết trước nhà bà mẹ. Khi anh được đưa vào nhà thương, các bác sĩ chỉ còn xác nhận anh Zubair đã chết. (SD, Asia News 15-3-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Raio

Công bố qui chế 3 cơ quan kinh tế, tài chánh và kiểm toán của Tòa Thánh

Công bố qui chế 3 cơ quan kinh tế, tài chánh và kiểm toán của Tòa Thánh

VATICAN. Hôm 3-3-2015, qui chế của 3 cơ quan về kinh tế và tài chánh của Tòa Thánh đã được công bố, gồm Hội đồng kinh tế, Văn phòng kinh tế và viện kiểm toán.

Ba qui chế được ĐTC Phanxicô ký ngày 22-2-2015 tức là trước khi đi tĩnh tâm mùa chay, có giá trị thử nghiệm, được yết thị trong những ngày qua tại Sân Damaso trong Nội thành Vatican và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-3-2015.

1. Hội đồng kinh tế là cơ quan giám sát và đề ra hướng đi về các hoạt động kinh tế của Tòa Thánh và gồm có 15 thành viên, trong đó có 8 vị Hồng Y, GM và 7 vị còn lại là giáo dân chuyên gia. Hội đồng do 1 HY làm điều hợp viên (hiện là ĐHY Reinhard Marx, TGM Munich, Chủ tịch HĐGM Đức) và có 1 giáo dân là phó điều hợp viên. Hội đồng này nhóm họp 4 lần một năm. Trước đây, phần lớn công việc này do hội đồng về các vấn đề kinh tế và quản trị của Tòa Thánh đảm trách và gồm 15 HY, nhóm họp một năm 2 lần.

2. Văn phòng kinh tế là cơ quan kiểm soát và canh chừng về vấn đề quản trị và tài chánh trên các cơ quan trung ương Tòa Thánh, và các cơ quan phụ thuộc, cũng như việc quản trị Quốc gia thành Vatican.

Văn phòng này có 2 phân bộ: a. phân bộ kiểm soát và canh chừng, b. phân bộ quản trị, cả hai ở dưới sự điều hành của một Hồng Y chủ tịch (hiện là ĐHY George Pell người Úc), và có 2 vị Giám Chức Tổng thư ký và thư ký.

– Phân bộ kiểm soát và canh chừng có chức năng giống như Sở kinh tế trước đây của Tòa Thánh với nhiệm vụ kế hoạch hóa, làm ngân sách dự chi và kết toán, quản lý nhân sự, tài chánh.

– Phân bộ quản trị có nhiệm vụ đề ra đường hướng, kiểu mẫu đấu thầu, xác định lương bổng, và thu nhận các nhân viên mới. Tuy nhiên Phủ quốc vụ khanh Tòa Thánh vẫn giữ nguyên thẩm quyền kiểm chứng xem các ứng viên có đầy đủ năng khiếu và điều kiện cần thiết hay không để được thu nhận.

3. Viện kiểm toán gồm có vị Tổng kiểm toán và hai kiểm toán viên. Việc gia tăng từ 1 lên 3 kiểm toán viên so với đề nghị ban đầu là để bảo đảm sự độc lập của các chuyên gia này, kiểm soát lẫn nhau. Viện có mục đích kiểm soát kế toán tất cả các cơ quan Tòa Thánh và các cơ quan phụ thuộc.

Hội đồng Tòa Thánh về các văn bản luật đã đề nghị gia tăng số kiểm toán viên lên 3 người và đề nghị này đã được ĐTC chấp thuận. (SD 3-3-2015)

G. Trần Đức Anh OP  – Vatican Radio

TẬP CHỈ NAM VỀ NGHỆ THUẬT GIẢNG THUYẾT

 TẬP CHỈ NAM VỀ NGHỆ THUẬT GIẢNG THUYẾT

Một tập chỉ nam về nghệ thuật giảng lễ đã được Bộ Phụng Tự giới thiệu hôm thứ Ba 10/2/2015, tại văn phòng báo chí của Tòa Thánh. Đây là một tập sách hơn 100 trang nhắc lại bản chất đặc thù của bài giảng trong Phụng vụ và đề nghị những đường hướng để giúp đỡ các nhà giảng thuyết trong sứ mạng rao giảng Lời Chúa.

Nguồn gốc của tập chỉ nam này là ở Thượng hội đồng năm 2008 về Lời Chúa khi các giam mục cho thấy ước muốn của cải thiện các bài giảng. Hai năm sau, trong Tông huấn Verbum Domini, đức Bênêđíctô XVI thấy “cần thiết việc xuất bản một tài liệu giúp  cho các nhà giảng thuyết tìm được một sự trợ giúp quý giá để chuẩn bị cho việc thực thi thừa tác vụ của mình”.

Tập chỉ nam này gồm hai phần. Phần thứ nhất liên quan đến bản chất của bài giảng, chức năng và những đặc điểm của nó. Bài giảng là một hành vi phụng vụ, điều đó phần biệt bài giảng với tất cả các loại giảng thuyết khác. ĐHY Sarah, Tổng trưởng Bộ Phụng Tự nêu rõ: bài giảng phát xuất trực tiếp từ Thánh Kinh và quy chiếu về Lời Chúa được công bố. Dành cho thừa tác viên có chức thánh là giám mục, linh mục hay phó tế, bài giảng phải phản ánh đời sống của người giảng và sống nhờ Lời Chúa.

Phần thứ hai đề cập chi tiết “nghệ thuật giảng thuyết” và đề nghị những dụng cụ để giúp đỡ vị chủ tế trong mùa thường niên hay vào những dịp lễ lớn của Phụng vụ, hay để  cử hành hôn phối hay an táng. Tập chỉ nam này trích dẫn nhiều Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng của đức Phanxicô. Bài giảng “phải vắn gọn và tránh giống với một cuộc hội thảo hay khóa học”. Nó không được tán rộng đến những chủ đề xa lạ với cử hành phụng vụ và cũng không trở thành một bài chú giải Thánh Kinh. Nếu văn kiện này nhìn nhận rằng không cần thiết phải là một nhà hùng biện để trở thành một nhà  giảng thuyết tốt, thì nó nói rõ rằng người giảng thuyết phải tối thiểu làm chủ nghệ thuật nói trước công chúng.

“Điều quan trọng là không gây nhàm chán”, Đức cha Marc Roche, thư ký Bộ Phụng Tự, nhận xét. ĐHY Sarah nói thêm: “Bài giảng 20 phút là nhiều nơi những nước Tây phương nhưng lại ít ỏi ở Châu Phi”.

Tý Linh – XBVN

Lớp Sáu – Bài Học 11 – Hiền Lành

Xem Bài Học 11 – Hiền Lành

Người hiền lành là người làm chủ được chính mình, chiến thắng được chính mình, tức là thắng được cái tôi kiêu hãnh, ganh tị, giận hờn, tự ái, nóng nảy, tham lam của mình. Trong mỗi người có hai phần: phần thượng là ơn thánh, lý trí và ý chí. Còn phần hạ là cái dục vọng. Chiến thắng được chính mình là biết dùng ơn Chúa, dùng lý trí và ý chí điều khiển các dục vọng của mình, không để ngoại cảnh hoặc người khác chi phối, không phản ứng theo niềm vui nỗi buồn để đưa mình lên hay hạ người khác xuống.

HienLanh

Cũng thế, người hiền lành thì kiên nhẫn, chịu đựng mọi hoàn cảnh bất trắc hay những điều ngoài ý muốn của mình. Không tự mãn hay phóng đại công việc của mình, khoe mã, cầu danh, tự hào về những chuyện nhỏ nhen, bắt bẻ hay bực tức về chuyện sơ suất của người khác. Chúng ta mỗi người mỗi tính, mỗi người mỗi sở thích, và có những khả năng, tài năng khác nhau, không ai giống ai. Chúng ta sống với nhau, chúng ta phải biết kiên nhẫn, chịu đựng để hòa hợp với nhau, chia sẻ cho nhau. Vì thế, đòi hỏi chúng ta phải biết chịu đựng nhau, chấp nhận nhau. Chịu đựng chấp nhận cái hay cái tốt của người khác thì dễ nhưng chấp nhận chịu đựng cái xấu cái dở của người khác mới khó và đó mới là nhân đức. Có những trường hợp chúng ta phải chịu đựng, chấp nhận không phải một hai lần mà rất nhiều lần. Chấp nhận và chịu đựng được mới thực sự là người hiền lành.

NguoiCongDanTot

Lại nữa, bao lâu còn là người, chúng ta còn lỗi lầm, còn cần được sửa sai, còn cần được tha thứ, và tha thứ mãi. Tha thứ nhiều là dấu chúng ta chịu đựng nhiều. Tha thứ nhiều sẽ chứng tỏ được tấm lòng quảng đại bao dung làm cho thêm bạn bớt thù. Tha thứ không phải là yếu thế hơn người được tha thứ, nhưng chính là tấm lòng rộng lớn hơn họ. Càng tha thứ sẽ làm cho đối phương nhận ra lỗi lầm của họ và họ sẽ thấy cần được tha thứ hơn. Cho nên, người nào muốn tập đức tính hiền lành là phải tập tha thứ.

ViSaoSongHienLanh

ĐTC HÀI LÒNG VÌ HOA KỲ VÀ CUBA TÁI LẬP LIÊN LẠC NGOẠI GIAO

ĐTC HÀI LÒNG VÌ HOA KỲ VÀ CUBA TÁI LẬP LIÊN LẠC NGOẠI GIAO

VATICAN: ĐTC Phanxicô đã rất hài lòng vì Hoa Kỳ và Cuba đã tại lập liên lạc ngoại giao với nhau để thắng vượt các khó khăn đã có trong lịch sử giữa hai nước và vị lợi ích của người dân.

Trong thông cáo công bố ngày 18-12 Phủ Quốc Vụ Khanh cũng cho biết ĐTC đã viết thư cho tổng thống Barack Obama và chủ tịch Raul Castro để mời gọi hai người giải quyết các vấn đề nhân đạo có lợi chung, trong đó có tình trạng của vài tù nhân, hầu bắt đầu một giai đoạn mới trong tương quan giữa hai bên. Hồi tháng 10 năm nay Toà Thánh đã tiếp đón phái đoàn của hai nước và đã cống hiến các văn phòng của mình cho một cuộc đối thoại xây dựng liên quan tới các đề tài tế nhị, từ đó đã nảy sinh các giải pháp thoả đáng cho cả hai bên. Tòa Thánh sẽ tiếp tục bảo đảm sự ủng hộ cho các sáng kiến mà hai nước sẽ đề ra để gia tăng các liên lạc song phương tạo thuận lợi cho hạnh phúc của công dân hai nước (SD 18-12-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐTC PHANXICÔ HOÀN TẤT VIỆC THÀNH LẬP ỦY BAN BẢO VỆ TRẺ EM

ĐTC PHANXICÔ HOÀN TẤT VIỆC THÀNH LẬP ỦY BAN BẢO VỆ TRẺ EM

VATICAN: ĐTC Phanxicô đã hoàn tất việc thành lập Ủy ban bảo vệ trẻ em với việc chỉ định 17 thành viên trong đó có 8 phụ nữ.

Cha Lombardi Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh đã cho biết như trên. Chủ tịch Ủy ban là ĐHY Sean O’Malley. Ngoài ba thành viên ngưòi Mỹ và hai thành viên người Anh, các thành viên khác thuộc nhiều quốc tịch và nền văn hóa khác nhau gồm các nước: Colombia, Pháp, Ailen, Philippines, Anh quốc, Niu Dilen, Zambia, Nam Phi, Australia, Italia, Ba Lan, Argentina và Đức. Tất cả đều là các chuyên viên hiểu biết vấn đề và có nhiều kinh nghiệm. Qua việc chỉ định này Giáo Hội cương quyết đương đầu với một vấn đề trầm trọng trong xã hội ngày nay..

Ủy ban sẽ nhóm phiên họp khoáng đại đầu tiên trong các ngày 6-8 tháng hai năm tới 2015 (SD 17-12-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Từ Câu Chuyện “Cậu Bé Yêu Nước Thành Padua”

Chuyện kể rằng: Một chiếc tàu thủy chạy bằng hơi nước vừa rời bến cảng Barcelona, một thành phố ở Tây Ban Nha, để đi đến hải cảng Genoa (thuộc Ý Đại Lợi). Trên tàu có đủ loại hành khách bao gồm người Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ. Trong đám đó có một cậu bé đơn độc khoảng 11 tuổi, phục sức nghèo nàn. Biết phận mình, cậu bé luôn tách biệt khỏi đám đông. Như một con thú hoang, cậu đăm đăm nhìn mọi người với ánh mắt u sầu. Cậu có lý do chính đáng để biện minh cho lối nhìn mọi người đầy nghiêm khắc đó. Cách đây hai năm, cha mẹ cậu, hai người nông dân ở vùng lân cận thành Padua của nước Ý, vì quá nghèo nên đã vô tình bán cậu cho một bọn người lừa bịp. Sau khi bỏ đói và thực hiện những màn đấm đá dã man, bọn này đã dạy và buộc cậu làm trò để kiếm tiền. Rồi họ mang cậu đi khắp nước Pháp và Tây Ban Nha để biểu diễn. Cậu luôn bị bọn chúng đánh đập và không cho ăn uống đầy đủ. Khi bọn họ đưa cậu đến Barcelona, cậu đã bỏ trốn vì không thể tiếp tục chịu đựng thêm nữa sự hành hạ nhẫn tâm và những cơn đói triền miên đã làm cậu vô cùng khốn khổ.

CauBeYeuNuocThanhPadua

Xem: Từ Câu Chuyện "Cậu Bé Yêu Nước Thành Padua"

Chuyến viếng thăm Etiopia của Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Đông Phương

Chuyến viếng thăm Etiopia của Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Đông Phương

Từ ngày mùng 5 tháng 12 vừa qua, Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Đông Phương, đã bắt đầu viếng thăm Etiopia. Trong những ngày này ngài đang thăm viếng một số giáo phận, chủng viện, trường học, các nhà thương và trung tâm bác ái của Giáo Hội công giáo.

Giáo Hội Etiopia theo nghi lễ Alessandria hiện nay là một Giáo Hội tự quản gồm một tòa Tổng Giám Mục tại Addis Abeba và bốn giáo phận tại Eritrea và ba giáo phận tại Etiopia.

Tiếp đón Đức Hồng Y Tổng trưởng tại nhà thờ chính tòa Addis Abeba có Đức Tổng Giám Mục Addis Abeba và các Giám Mục Đông Phương cũng như Latinh và các trẻ em. Các em đã hát các bài ca cổ truyền chào mừng Đức Hồng Y đến thăm Etiopia, quê hương của các em.

Cộng hòa liên bang Etiopia rộng hơn 1,1 triệu cây số vuông có hơn 91 triệu dân, trong đó có 61,6% theo Kitô giáo, 32,8% theo Hồi giáo và 5,6% theo đạo thờ vật linh. Trong khối kitô Chính Thống chiếm 50,6%, Tin Lành 10,1% đa số thuộc Giáo Hội tin lành Etiope Mekane Yesus, Công Giáo chiếm 0,9%. Đa số tín hữu chính thống sống tại miền Trung và miền Bắc. Miền nam và miền tây Etiopia cũng có nhiều tín hữu chính thống và tin lành, trong khi miền nam gần Somalia có đa số dân theo Hôi giáo. Ngoài ra, cũng có một cộng đoàn Do thái nhỏ gọi là Falascia, trong tiếng Aramei là Beta Israel, sống trong vùng tây bắc Etiopia, cả khi 85% tức khoảng 90.000 người đã di cư về Israel trong các năm 1984 với phong trào “Moshê” và năm 1985 với phong trào “Yoshua”, khi vùng này gặp nạn đói kém, và với phong trào “Salomon năm 1991 theo sau các vụ xung đột giữa Etiopia và Eritrea. Một vài học giả Israel cho rằng nhóm do thái này là phần còn lại của một trong 12 chi tộc Israel bị thất lạc.

Etiopia gồm nhiều nhóm chủng tộc khác nhau đông nhất là Oromo hay Galla chiến 40%, rồi Amhara chiếm 32%. Tiếp đến là Sidama chiếm 9%, Tigrini va Tigrè chiếm 7%, Shankella chiếm 6%, Somali chiếm 6% Afar chiếm 4% Guraghé chiếm 2% và 1% thuộc các chủng tộc khác.

Tên gọi Etiopia được giải thích nhiều cách khác nhau. Trong các tác phẩm văn chương Illiade và Odissea người Hy Lạp gọi Etiopia là vùng đất do người “Aithíôu” ở, nghĩa là những “người mặt cháy”, trong khi sử gia Erodoto dùng từ Etiopia để gọi các vùng đất ở mạn nam Ai Cập. Trái lại các nguồn Etiopi cho rằng tên gọi Etiopia do từ “Ityapp’is” ám chỉ dân tộc con cháu của Cush, con của Ham, là người thành lập thành phố Haksum như viết trong các văn bản thánh Etiopi. Giả thuyết thứ ba cho rằng tên Etiopia phát xuất tử kiểu nói trong tiếng của các “Pharao da đen” của Sudan gồm các từ: “et” có nghĩa là sự thật hay hòa bình, “op” có nghĩa là cao hay bên trên và “bia” là xứ sở hay vùng đất. Như thế Etiopia là “xứ sở của hòa bình cao nhất”.
Vào thời thuộc địa vùng này được gọi lầm lẫn là Abissinia, đất của người Abissini thuộc chi tộc Habashat từ Arabia di cư tới đây.

Kitô giáo đã hiện diện tại Etiopia từ 17 thế kỷ qua, khiến cho nước này là quốc gia kitô duy nhất của lục địa Phi châu. Nó đã để lại các dấu vết sâu đậm trong các cơ cấu gia đình, xã hội và chính trị của Etiopia, đã giúp người dân nước này kháng cự lại các áp lực và bách hại bên trong và bên ngoài cho tới năm 1974, khi Etiopia phải sống dưới chê độ độc tài mác xít kéo dài 17 năm trời, tức cho tới năm 1991.

Kitô giáo đã bắt đầu tại Etiopia vào đầu thế kỷ thứ IV, khi vương quốc Aksum mở cửa cho Tin Mừng như sử gia Rufino thành Aquileia (345-411) kể lại trong tác phẩm “Lịch sử Giáo Hội” của ông. Sách kể rằng có một triết gia nọ người thành Tiro sang Ấn Độ để học hỏi. Ông đem theo hai người cháu là Edesio và Frumenzio mà ông đã dậy cho các nghệ thuật tự do. Trên đường về tầu ghé bờ biển Đỏ để tiếp tế nước và lương thực, nhưng bị dân chúng tấn công, vì họ đang chống lại đế quốc Roma. Thủy thủ đoàn và các hành khách bị giết hết, chỉ trừ hai thanh niên thoát nạn, nhưng bị bắt làm tù binh và bị dâng cho vua Etiopia. Trí thông minh và tầm hiểu biết của hai người trẻ khiên cho nhà vua rất cảm phục nên chỉ định Frumenzio làm thư ký và quan coi kho bạc, còn Edesio được làm quan ngự tửu có nhiệm vụ nếm và dâng rượu cho vua. Khi nhà vua qua đời, hai người được trả tự do. Nhưng hoàng hậu nhiếp chính, trong khi chờ đợi hoàng tử Ezanà còn nhỏ tuổi lớn lên nắm quyền thay vua cha, đã xin Frumenzio và Edesio giúp bà cai trị nước, Lợi dụng địa vị cao của mình quan Frumenzio tiếp đón các kitô hữu và tạo điều kiện thuận lợi cho họ rao giảng Tin Mừng và cho kitô hữu có các nơi cầu nguyện. Khi hoàng tử Ezanà lên ngôi, hai người giã từ triều đình, Edesio trở về Tiro và chịu các chức thánh. Còn Frumenzio sang Alessandria bên Ai Cập để báo cho Đức Thượng Phụ Atanasio biết sự bành trướng của Kitô giáo trong vương quốc Aksum bên Etiopia, và ông xin Đức Cha Atanasio gửi một Giám Mục sang Etiopia để lo lắng cho giáo đoàn tại đây. Sau khi họp các linh mục lại, Đức Giám Mục Atanasio thảo luận việc này và trả lời Frumenzio: “Chúng ta có thể tìm được người nào có thần khí của Thiên Chúa ngự trị trong đó và có thể chu toàn nhiệm vụ đó bằng con?” Và thế là ngài tấn phong Frumenzio làm Giám Mục và gửi tới Aksum thủ đô của vương quốc Etiopia. Người ta không biết rõ năm, nhưng biết chắc chắn rằng Atanasio đã được bầu làm Thượng Phụ Alessandria năm 328 và lần đầu tiên Frumenzio ghé Etiopia là nhiều năm trước đó và lễ tấn phong Giám Mục xảy ra sau năm 330. Sử gia Rufino còn cho biết Frumenzio rao giảng Tin Mừng tại vương quốc Aksum trong 20 năm, khiến cho rất nhiều người dân ở đây theo đạo. Có điều chắc chắn là vào năm 345 vua Ezanà, mẹ vua được rửa tội lấy tên thánh là Sofia cũng như hoàng gia và triều thần đã theo Kitô giáo. Giám Mục Frumenzio rất được người dân Aksum kính mến và được gọi là “Abba Salama, người cha hòa bình”, với tưóc hiệu “Chesatiè Brhan, người mạc khải ánh sáng”. Trong truyền thống Etiopi hai anh em hoàng tử Ezanà và Sexanà trở thành “Abrahà người soi sáng” và “Atsbhà, người làm cho mặt trời mọc lên”. Họ là bình minh và ánh sáng của nước Etiopia mới, Etiopia kitô.

Vì Etiopia là một giáo phận của Giáo Hội ai Cập nên Giám Mục được Thượng Phụ Alessandria chỉ định và phải là một người Ai Cập. Vị Giám Mục này được gọi là “Abuna Cha chúng tôi” và có quyền chỉ định các Giám Mục địa phương. Vào đầu thế kỷ thứ V một đan sĩ Hy lạp là Eutiche, thủ lãnh tinh thần của các tu sĩ Costantinopoli rao giảng lạc thuyết monofisismo, theo đó nhân tính của Chúa Kitô bị thiên tính thu hút và chỉ có thiên tính là hiện hữu mà thôi. Công Đồng chung Calcedonia tuyên bố Eutiche lạc giáo và thiết định rằng nơi Chúa Kitô nhân tính và thiên tính đồng hiện hữu. Vài Giáo Hội Đông Phương trong đó có Giáo Hội Alessandria không chấp nhận các kết luận của Công Đồng và tách rời khỏi Giáo Hội Roma. Vì là giáo phận tùy thuộc Alessandria Etiopia cũng tách rời khỏi Giáo Hội Roma. Trong thế kỷ thứ V Kitô giáo tiếp tục phát triển cả tại đồng quê do công tác rao truyền Tin Mừng của các đan sĩ tới từ Đông Phương Kitô. Tuy nhiên, có vài học giả cho rằng “thuyết một bản tính” đã chỉ gia nhập Etiopia sau này. Một trong các bằng chứng là vua Caleb, cai trị Aksum vào tiền bán thế kỷ thứ VI, được Giáo Hội công giáo mừng kính như là thánh ngày 27 tháng 10.

Vào cuối thế kỷ thứ VI vương quốc Aksum suy tàn, và Etiopia mau chóng bị bao vây bởi sự bành trướng của Hồi giáo, và bị thế giới quên lãng trong một ngàn năm.

Biến cố các thừa sai dòng Tên đến Etiopia trong hai thế kỷ XVI-XVII khiến cho các hoàng đế Ze-Dinghil và Susinios theo Công giáo, nhưng chỉ một thời gian ngắn. Tuy nhiên, các thảo luận giữa các tu sĩ dòngTên với hàng giáo sĩ Etiopia đã làm nảy sinh ra hai trào lưu thần học: một trào lưu được bênh vực trong các đan viện Goggiam bao gồm vùng sông Nilo xanh và mạn nam hồ Tana; trào lưu kia trong đan viện Debra Libanos trong vùng Scioa. Trào lưu Goggiam cho rằng Chúa Kitô đã không được Chúa Thánh Thần xức dầu nhưng do chính Người, và trong việc hiệp nhất với Ngôi Lời nhân tính của Người bị thiên tính thu hút. Trào lưu này được gọi là “qebàt” xức dầu và “hulèt liddèt” hai lần sinh ra, vì thừa nhận sự kiện Chúa Kitô được sinh ra từ đời đời và được sinh ra từ Đức Trinh Nữ. Trong khi trào lưu Debralibanos cho rằng Chúa Kitô đã được Thiên Chúa cha xức dầu qua Chúa Thánh Thần và được gọi là “sost liddèt ba lần sinh ra”, bao gồm lần sinh ra qua việc xức dầu. Nó cũng được gọi là “teuahdò” có nghĩa là “trở nên một”, vì nhân tính và thiên tính hiệp nhất với việc nhập thể trong một bản tính gồm thiên tính và nhân tính. Chúa Kitô cũng được gọi là “tseggà ligg” người con của ơn thánh vì với viêc xức dầu nhân tính của Chúa Kitô được thánh hóa bởi ơn của Chúa Thánh Thần. Các tranh cãi bất tận nơi hàng giáo sĩ Etiopi liên quan tới việc xức dầu và bản tính của Chúa Kitô, đôi khi biến thành các cuộc đấu tranh khốc liệt và đẫm máu, với các trận chiến và các vụ tàn sát toàn đan viện.

Trong dòng lịch sử khi trào lưu này thắng thế lúc trào lưu kia thắng thế với các cuộc nổi loạn bị dẹp tan trong máu. Chẳng hạn dưới triều đại vua David III vào phần tư đầu thể kỷ XVIII tất cả các đan sĩ Debra Linanos đã bị tàn sát. Với biến cố Teodoro II lên ngôi năm 1855 giáo phái Goggiam được coi là quốc giáo, đuợc vua Giovanni IV tái xác nhận và áp đặt trong Công Nghị Boru Mieda năm 1878. Ít năm sau đó hoàng đế Menelik lên ngôi chấm dứt các tranh cãi tôn giáo. Vua Menelik rất khoan nhượng và để cho mỗi tín hữu tự do chọn lựa. Giáo thuyết Debra Libanos trở thành giáo thuyết chình thức của Giáo Hội Etiopia.

Ngày nay Giáo Hội Etiopia cũng giống các Giáo Hội đông phương không Calcedonia, tức các Giáo Hội Siri, Armeni khước từ thuyết monofisis một bản tính duy nhất, và tuyên bố mình là “miafisis”, tức sự hiệp nhất của hai bản tính trong một bản tính hỗn hợp. Tên gọi chính thức của Giáo Hội Etiopi là Giáo Hội chính thống Teuahdò Etiopia. “Teuahdò” có nghĩa là “trở thành một”. Ngoàì ra từ năm 1951 Giáo Hội Etiopia độc lập với Giáo Hội Alessandria với Thượng Phụ là Abuna Basilios. Đức Thượng Phụ chính thống Etiopia hiện nay là Abuna Paulos.

Trở lại với chuyên viếng thăm Etiopia của Đức Hồng Y Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Đông Phương. Sau lễ nghi chào đón tại nhà thờ chính tòa Đức Hồng Y đã lắng nghe tường trình của hai nhóm Giám Mục lễ nghi Gheez Alessandria Etiopia và lễ nghi Latinh. Ngỏ lời trong dịp này ngài chuyển lời chào của Đức Thánh Cha Phanxicô, Giám Mục Roma, người có nhiệm vụ chủ tọa tình hiệp thông giữa các chủ chăn trong Giáo Hội. Mục đích chuyến viếng thăm của Đức Hồng Y là để đáp lễ chuyến viếng thăm của các Giám Mục Etiopia hồi tháng 5 năm nay tại Roma. Vượt trên mọi hiểu lầm hay chia rẽ, thiếu sót và tội lỗi, điều duy nhất nối kết mọi người là niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô Cứu Thế, và mầu nhiệm hiệp thông của các Thánh ở nguồn gốc đức tin của dân nưóc Etiopia. Chẳng hạn thánh Frumenzio được thánh Atanasio tấn phong Giám Mục, thánh sử Marcô môn đệ của thánh Phêrô, người đã rao giảng Tin Mừng và thành lập Giáo Hội tại Alesssandria, cho tới các thừa sai và thánh Giustino de Jacobis, qua bao nhiêu vui buồn sướng khổ và khó khăn, là những người đã khiến cho Tin Mừng được đâm rễ sâu trong lòng đất Etiopia, cả khi Giáo Hội công giáo hiện nay chỉ là một thiếu số nhỏ nhoi đi nữa. Nhưng sự kiện này đòi hỏi chúng ta phải dấn thân mạnh mẽ hơn nữa để tái lập sự hiệp thông giữa các Giáo Hội. Kỷ niệm 50 thành lập hàng Giáo phẩm Etiopia là dịp tốt để ôn lại lich sử từ đó đến nay.

Tiếp đến Đức Hồng Y Sandri đã nhắc tới ba tài liệu của Công Đồng Chung Vaticăng II là Hiến chế về Giáo Hội Lumen gentium, sắc lệnh về các Giáo Hội Đông Phưong, và sắc lênh về đại kết Unitatis Redintegratio. Để là ánh sáng muôn dân cần tái khám phá ra vai trò của các chứng nhân sống động của truyền thống tông đồ, và tất cả mọi Giáo Hội Đông Phương phải cùng nhau dấn thân trên con đường tái lập sự hiệp nhất. Việc đọc lại các tài liệu Công Đồng có thể là điểm quan trọng giúp kiểm thực các hướng đi cho tới nay và tránh các vấn đề có thể làm lạc hướng khiến quên đi sự tuỳ thuộc Giáo Hội, hay các gốc rễ, qua đó chúng ta nhận được nhựa sống, hay quên đi nhiệm vụ phải cùng nhau làm chứng cho Chúa. Ký ức kitô thôi thúc chúng ta kiểm thực khả năng đem Chúa đến cho mọi người.
Vượt qua các lỗi lầm lịch sử đã phạm trong qúa khứ vì các hiểu lầm hay các quan niệm khác nhau về Giáo Hội, bổn phận rao giảng Tin Mừng là một quyền không thể hủy bỏ được. Sắc lệnh về truyền giáo Ad gentes cũng như các tài liệu Evangelii Nuntiandi của Đức Phaolô VI, Redemptoris Misio của Đức Gioan Phaolô II và Evengelii gaudium của Đức Phanxicô là các nguồn gọi hứng phong phú cho công tác rao truyền Tin Mừng và đồng hành với các cộng đoàn kitô, cũng như cho việc cộng tác giữa các Giám Mục Đông phương và các Giám Mục Latinh. Mọi người đều được mời gọi dấn thân trong nhiều lãnh vực khác nhau từ đào tạo giới trẻ qua việc giảng dậy giáo lý, cho tới việc thăng tiến đại học công giáo thánh Toma Aquino, lo lắng cho người di cư, trợ giúp các tín hữu Etiopi sống tại nước ngoài, thu thập các dữ liệu thống kê. Mọi công tác mục vụ đều phải có chiều kích hòa giải.

Tiếp theo đó Đức Hồng Y đã bước sang phòng hội của Trung tâm mục vu, để cùng các Giám Mục kết thúc đại hội kỷ niệm 50 năm thành lập hàng giáo phẩm Etiopia.

Ngày mùng 6 tháng 12 Đức Hồng Y Sandri đã chủ sự thánh lễ và gặp gỡ hàng giáo sĩ tu sĩ Etiopi trong nhà thờ chính toà Addis Abeba. Giảng trong dịp này Đức Hồng Y đã để lại ba từ chìa khóa và các suy tư rút tỉa ra từ các giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô: niềm vui phát xuất từ đức Tin; lòng can đảm làm chứng tá trong mọi môi trường cuộc sống, từ bỏ kiểu sống kitô vô danh; và sống sự hiệp thông sâu xa dựa trên lời cầu nguyện và tình liên đới với tha nhân, đặc biệt những người túng thiếu nhất. Đức Hồng Y đã khich lệ mọi người noi gương sống bác ái thánh thiện của Mẹ Maria, cũng như gương của các thánh Frumenzio, Giustino de Jacobis và chân phước Gabriel đã chịu nhiều khổ đau khốn khó để rao truyền Tin Mừng, giơ tay lên để cầu nguyện và giang tay ra để trợ giúp dân nghèo và hòa giải với tha nhân.

Ngày 11 tháng 12 Đức Hồng Y Sandri gặp gỡ Đức Thượng Phụ Abune Mathias, Giáo chủ Chính Thống Copte Etiopia và chào thăm tổng thống Cộng Hòa Liên Bang Etiopia.

(RG 5.6-12-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đức Thánh Cha bàn về chán nản và hy vọng

Đức Thánh Cha bàn về chán nản và hy vọng

Thực tại có thể bẽ bàng, nhưng bất chấp đau khổ, băng hoại và sự thờ ơ trong thế giới ngày nay, là những Kitô hữu chúng ta phải ngẩng cao đầu trong hy vọng. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong thánh lễ sáng thứ Năm, 27 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta.

Suy tư trên các bài đọc trong ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về số phận của hai thành Babylon và Giêrusalem. Ngài chỉ ra rằng cả hai bài đọc trích từ sách Khải Huyền và từ Tin Mừng của Thánh Luca đều lôi cuốn sự chú ý của chúng ta đến thời kỳ thế mạt.

Đức Thánh Cha lưu ý rằng các bài đọc đã đề cập đến sự sụp đổ của hai thành phố đã từ chối đón nhận Chúa và xa lánh Ngài. Hai thành phố này đã sụp đổ vì những lý do khác nhau. Babylon là “biểu tượng của sự dữ, và tội lỗi” và “sụp đổ vì sự băng hoại của nó”. Thành phố này tin rằng nó là “phi tần của thế giới và của chính nó”. Khi “tội lỗi chất chứa anh chị em sẽ mất khả năng chống trả và bắt đầu băng hoại”. Điều này cũng xảy ra với “một dân tộc băng hoại, là những người không còn sức để chống trả nữa”.

“Sự băng hoại đem lại cho con người chút hoan lạc nào đó. Nó đem lại cho anh chị em quyền lực và làm cho anh chị em cảm thấy hài lòng với chính mình. Nhưng nó khiến cho chúng ta không còn chỗ cho Chúa, cho sự ăn năn hoán cải. Kinh thành này băng hoại … Từ ‘băng hoại’ nói với chúng ta rất nhiều điều. Không chỉ băng hoại trong kinh tế, nhưng còn băng hoại với nhiều thứ tội lỗi đa dạng, băng hoại của một tinh thần ngoại giáo, tinh thần thế gian!

Nền “văn hóa băng hoại” làm cho anh chị em cảm thấy như đang ở trên thiên đường, ngay tại thế này” nhưng “bên trong, nền văn hóa băng hoại là một nền văn hóa thối nát”. Babylon là biểu tượng cho “mọi xã hội, mọi nền văn hóa trong đó con người tách mình ta khỏi Thiên Chúa. Họ tách ra khỏi tình yêu tha nhân và cuối cùng dẫn đến thối nát”.

Giêrusalem lại sụp đổ “vì lý do khác”. Giêrusalem là hôn thê của Thiên Chúa, nhưng lại không đón nhận Đấng Phu Quân của mình. Nó làm Chúa Giêsu bật khóc”.

Babylon sụp đổ vì băng hoại; còn Giêrusalem thì vì mất đi căn tính của mình, đã không tiếp nhận Chúa, là Đấng đến để giải thoát mình. Cô dâu này thấy không cần đến ơn cứu độ. Kinh thành này đã có luật của Mosê, và nó cảm thấy như thế là đủ rồi. Nhưng những luật lệ ấy là những bản văn đóng kín làm cho kinh thành ấy không còn chỗ cho ơn cứu độ. Nó đã đóng cửa không để Chúa đến. Ngài đã đến gõ cửa nhà nhưng gia nhân Ngài đã không tiếp nhận Ngài. Họ đã không lắng nghe tiếng Ngài hầu được cứu sống. Và vì vậy Giêrusalem sụp đổ.

Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng sự sụp đổ của hai thành này giúp chúng ta suy nghĩ về thái độ sống của chính chúng ta. Chúng ta có “băng hoại như Babylon và tự mãn như Giêrusalem” hay không?

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “sứ điệp của Giáo Hội trong những ngày này không kết thúc với sự hủy diệt. Thật thế, cả hai bài đọc đều chứa đựng những lời hứa đầy hy vọng”. Chúa Giêsu khích lệ chúng ta ngẩng đầu lên “đừng sợ hãi trước phường ngoại giáo.” Những kẻ này “có thời của chúng, và chúng ta phải kiên nhẫn, như Chúa đã kiên nhẫn chịu đựng cuộc Thương Khó của Ngài.”

“Khi chúng ta nghĩ về thời thế mạt, với tất cả những tội lỗi của chúng ta, lịch sử của chúng ta, chúng ta hãy nghĩ đến bàn tiệc sẽ được ban cho chúng ta cách nhưng không và chúng ta hãy ngẩng đầu lên. Đừng chiều theo tuyệt vọng! nhưng hãy hy vọng! Thực tế có thể bẽ bàng: có rất nhiều người, nhiều thành phố và dân chúng sẽ phải chịu đau khổ, với cơ man những cuộc chiến tranh, vô vàn những thù hận, và ghen tị, tinh thần thế gian thống trị thế giới và bao nhiêu những băng hoại. Vâng, thật thế! Nhưng tất cả những điều này sẽ qua đi! Chúng ta hãy nài xin Chúa ban ơn để biết luôn luôn sẵn sàng cho bàn tiệc đang đón đợi chúng ta, và luôn luôn biết ngẩng cao đầu”.

Vatican Radio