Đức Thánh Cha triệu tập Công nghị Hồng Y về việc phong thánh

Đức Thánh Cha triệu tập Công nghị Hồng Y về việc phong thánh

VATICAN. Sáng thứ năm, 20-4-2017, ĐTC sẽ nhóm công nghị hồng y để quyết định và thông báo về ngày cử hành lễ phong hiển thánh cho một số vị chân phước.

Đứng đầu danh sách là Cha Andrea de Soveral, Cha Ambrogio Francesco Ferro, LM giáo phận, và giáo dân Matteo Moreira cùng với 27 vị tử đạo tại Brazil. 30 chân phước này tử đạo ngày 16-7-1645 và 3-10-1645, vì bị những người Tin Lành Calvin Hòa Lan giết trong cuộc xung đột với các tín hữu Công Giáo Bồ đào nha.

Tiếp đến là 3 chân phước thiếu niên tử đạo người Mêhicô là Cristoforo, Antonio và Giovanni, bị giết vì đức tin ở Mêhicô năm 1529. 3 vị này quen được gọi là ”Các trẻ tử đạo ở Tlaxcala”, là những thổ dân đầu tiên trở lại Công Giáo ở Mêhicô, bị giết vì đã nhân danh đức tin Kitô từ chối sự tôn thờ thần tượng và tục đa thê.

Án thứ ba là Cha Faustino Miguez (1831-1925), người Tây Ban Nha, thuộc dòng Scolopi, cũng gọi là dòng Giáo Sĩ học đường, sáng lập Hội dòng thánh Calasanzio của các Nữ tử Chúa là Mục Tử.

Án thứ tư là chân phước LM Angelo da Acri, tục danh là Luca Antonio Falcone, thuộc dòng Capucino, qua đời năm 1739, thọ 70 tuổi .

Sau cùng là hai chân phước thiếu niên Phanxicô và Giacinta đã được Đức Mẹ hiện ra ở Fatima cách đây 100 năm.

 Với công nghị trên đây, Giáo Hội sắp có thêm 37 vị Hiển Thánh. (SD 11-4-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Xét đoán người khác làm tâm hồn mình ra hư hỏng

Xét đoán người khác làm tâm hồn mình ra hư hỏng

Chúa Giêsu nhìn con người với ánh mắt đầy tình thương mến, và đó là cách Chúa kiện toàn lề luật. Chúa mời gọi chúng ta thay vì xét đoán thì hãy thứ tha. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Thẩm phán làm chứng gian

Bài Tin Mừng kể câu chuyện người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Nhưng Chúa nói với những kẻ kết án chị rằng: “Ai trong các ông sạch tội thì cứ ném đá trước đi!” Còn trong bài đọc trích sách ngôn sứ Daniel, chị Susana bị hai vị kỳ lão đểu giả vu khống tội ngoại tình. Nếu không nghe theo hai vị kỳ lão, thì chị sẽ bị họ vu cáo trước lề luật và chị sẽ bị ném đá chết. Trong hoàn cảnh bất công đau đớn ấy, chị Susana can đảm chọn sống đẹp lòng Thiên Chúa và sẵn sàng chấp nhận cái chết oan, chứ không đời nào chị chịu phạm tội với hai lão ấy.

Ngày nay luôn có những thẩm phán xấu xa và hư hỏng như hai kỳ lão trong câu chuyện về chị Susana. Tại sao tội lỗi lại đi vào con người? Bởi vì tội lỗi là thế, là vì tôi phạm tội, là vì tôi không trung thành với Chúa; nhưng tôi cần cố gắng để không phạm thêm nữa, để không tái phạm nữa, hay ít ra tôi cũng biết rằng những điều đó là không tốt. Thế nhưng, cái tệ hại là ở chỗ, tội lỗi cứ đi vào từng chút từng chút, dần dần đến độ choán hết tâm trí và ngay cả không còn chỗ để thở nữa.

Tâm hồn luật sĩ ra hư hỏng

Trong câu chuyện về chị Susana, chị bị kết án tử vì những kẻ làm chứng gian. Chúa Giêsu cũng bị kết án tử bằng những lời chứng gian dối. Những kẻ làm chứng gian ấy là các luật sĩ các kỳ lão các thượng tế. Còn trong bài Tin Mừng hôm nay, người phụ nữ thực sự đã phạm tội ngoại tình, vậy các luật sĩ phạm tội gì? Đó là họ đã để cho tâm hồn họ ra hư hỏng.

Trước cảnh người phụ nữ ngoại tình bị tố cáo, Chúa Giêsu chỉ nói vài lời. Chúa nói với những kẻ kết án chị rằng: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ lấy đá mà ném chị này trước đi!” Chúa nói với chị: “Tôi không lên án chị đâu, chị về đi và từ nay đừng phạm tội nữa!” Đó là cách Chúa kiện toàn lề luật. Đó chính là luật viên mãn. Còn các luật sĩ và người biệt phái trong vụ này, họ đã để cho tâm trí ra hư hỏng. Họ có đầy ắp luật lệ trong tâm trí, đến độ không còn chỗ cho lòng thương xót.

Đừng xét đoán! Hãy có lòng xót thương!

Cả chúng ta nữa, trong tâm hồn mình, chúng ta có xét đoán người khác không? Tâm hồn chúng ta có bị ra hư hỏng không? Có hay không? Hãy dừng lại! Đừng xét đoán! Chúng ta hãy nhìn Chúa Giêsu vì Ngài là Đấng luôn có cái nhìn đầy tình thương mến, luôn phán đoán đầy lòng thương xót. Chúa nói: “Ta cũng không lên án con đâu! Hãy về bình an và từ nay đừng phạm tội nữa!”.

Tứ Quyết SJ

Bài suy niệm 4: Chúa Giêsu chấp nhận để Thánh ý Chúa Cha được thực hiện

Bài suy niệm 4: Chúa Giêsu chấp nhận để Thánh ý Chúa Cha được thực hiện

Chiều ngày 07/03, tại nhà tĩnh tâm Thầy Chí Thánh ở Ariccia, cha Michelini tiếp tục bài suy niệm thứ 4 về đề tài “Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu và Chúa Giêsu bị bắt” (Mt 26,36-46).

Thi hành Thánh ý Chúa Cha

Đầu tiên, cha Michelini so sánh hai lần cầu nguyện của Chúa Giêsu , trên núi Tabo và trong vường Ghết-sê-ma-ni. Hai sự kiện có những tương đồng nổi nật: Chúa Giêsu bị thử thách. Trên núi Tabor, Phêrô và hai tông đồ Gioan và Giacôbê không hiểu ý nghĩa lời loan báo lần thứ nhất của Chúa Giêsu về cuộc khổ nạn của Ngài. Còn trong vườn Ghết-sê-ma-ni, Chúa Giêsu vừa loan báo rằng một người sẽ trao nộp Ngài. Trong cả hai biến cố, 3 tông đồ Phêrô, Gioan và Giacôbê đều cùng đi với Chúa Giêsu nhưng họ không hiểu những điều đang xảy ra với Ngài.

Sự khác biệt giữa hai biến cố: trên núi Tabo, Chúa Giêsu nghe tiếng của Chúa Cha an ủi Ngài, nhưng ở vườn Ghết-sê-ma-ni, (trừ thánh sử Luca nói về việc Chúa Giêsu được củng cố thêm sức trong cuộc chiến bởi các thiên thần), không có tiếng nói nào. Ngược lại, Chúa Giêsu hướng về  Chúa Cha, khi chấp nhận để Thánh ý tốt lành của Chúa Cha được thực hiện. Thánh ý này không muốn Chúa Con phải chết, nhưng là ơn cứu độ. Chúa Giêsu đến để cứu chuộc dân Ngài, trong đó có thế giới.

Sô phận cay đắng phải chết – hình thức mới của ơn cứu độ

Cha Michelini nói tiếp rằng sứ vụ Chúa Cha trao phó được thực hiện trong cái chết cay đắng và cái chết này trở thành hình thức mới của ơn cứu chuộc, điều bây giờ đối với chúng ta là ơn cứu chuộc trong nghĩa tinh tuyền và đơn giản. Dụ ngôn các tá điền sát nhân cũng cho chúng ta thấy một người cha gửi con mình đến vườn nho với suy nghĩ “họ sẽ kính trọng con mình” (Mt 21,37). Nhưng lời loan báo của Chúa Giêsu cũng như chính Ngài đã không được đón nhận và Vương quốc Chúa Cha sẽ chuyển sang một hình thức khác mà Chúa Giêsu được mời gọi đón nhận ở vườn Ghết-sê-ma-ni. Như thế, tùy theo sự sẵn sàng của con người mà Chúa Giêsu có thể thi hành sứ vụ của Ngài. Sự đóng cửa lòng của thế giới không cho phép Ngài là hoàng tử hòa bình…. Do đó, Đấng Mêsia trở thành người bị hủy diệt. Lễ hy sinh của Ngài trở thành hiến tế sự chết.

Chúa Giêsu còn mời gọi các môn đệ của Ngài, như Ngài đã thực hiện ở Ghết-sê-ma-ni, yêu Thiên Chúa với hết tâm hồn và sức lực cho đến hy sinh mạng sống.

Suy tư

Thái độ của chúng ta trước phiền muộn đau khổ của người xung quanh. Chúng ta mở mắt nhìn và cầu nguyện hay chúng ta ngủ quên như 3 môn đê.

Có phải Thánh ý Chúa đối với chúng ta giống là điều thất thường, như điều “phải làm” bởi vì “Ai đó đã quyết định”, hay tôi thấy đó là Thánh ý tốt lành cho tất cả.

Giả định là Thánh ý cứu độ không thay đổi, tôi có chấp nhận rằng cách thức mà Thánh ý được thực hiện bị điều kiện hóa, bởi vì sự toàn năng của Thiên Chúa bị chặn đứng trước tự do của thụ tạo?

Nếu Thiên Chúa thay đổi ý, như sách ngôn sứ Giona nói Ngài có thể hồi ý (x. Gn 3,10), làm sao mà Giáo hội không thể thay đổi, tại sao chúng ta có thể bám giữ sự cứng nhắc của mình? (RV 07/03/2017)

Hồng Thủy

Một Linh mục Tây ban nha cao tuổi bị đánh đập trong một vụ cướp

Một Linh mục Tây ban nha cao tuổi bị đánh đập trong một vụ cướp

Madrid, Tây ban nha – Cha Arturo López, 77 tuổi, đã bị đánh đập tàn nhẫn bởi 3 người bit mặt trong một vụ tấn công vào nhà xứ của giáo xứ hai thánh Phêrô và Phaolô ở Coslada, một thành phố thuộc Madrid, hôm thứ 4, 22/02 vừa qua.

3 người đàn ông đã trói và đánh đập cha Lopez khi họ vào nhà xứ lúc 8.50 tối để cướp các đồ quý giá và tiền bạc. Họ đã dùng dây thừng trói cha ở trong một phòng.

Một tên tội phạm đã đe dọa và đánh cha để cha phải đưa tiền cho chúng, trong khi hai tên lục soát trong nhà. Theo cha Lopez, những kẻ cướp nói tiếng Tây ban nha rất giỏi và không có vẻ là người ngoại quốc. Các kẻ cướp đã lấy 800 euros, các chìa khóa và điện thoại của cha Lopez và rời đi sau 25 phút, bỏ mặc cha bị trói. Cha Lopez đã tự cởi trói và báo cho cảnh sát.

Cha Lopez được đưa đến bệnh viện để chạy chữa các vết thương trên đầu và trên mặt. Cha đã được khâu các vết thương và khám để xem có bị tổn thương não không. Ngày hôm sau cha được xuất viện vì không có vấn đề trầm trọng.

Cha Lopez thuộc dòng Thánh giá và đã phục vụ ở Coslada từ năm 1993. (CNA 24/02/2017)

Hồng Thủy

Thêm một tân Linh mục được truyền chức tại Mông cổ

Thêm một tân Linh mục được truyền chức tại Mông cổ

Ulan Bato – Ngày 19/02 vừa qua, cộng đoàn dân Chúa Mông cổ vui mừng cử hành lễ truyền chức Linh mục cho thầy phó tế Bernard Kambala, thuộc dòng Trái tim Vô nhiễm Mẹ Maria (CICM) tại nhà thờ chánh tòa hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô ở Ulan Bato. Tháng 8 năm 2016, Giáo hội Mông cổ đã có vị Linh mục  đầu tiên người Mông cổ.

Đức cha Wenceslao Padilla, dòng CICM, giám quản Tông tòa, nói với hãng tin Fides: “Họ là những ân huệ, đảm bảo cho tương lai của Giáo hội Mông cổ.

Trong sứ điệp mừng Năm mới, Đức cha Padilla đã viết: “Năm 2017 hứa hẹn là niềm vui to lớn đối với chúng ta: Ngân khánh của Giáo hội Công giáo Mông cổ (1992-2017) va hai tân Linh mục – phó tế Bernard Kambala Muana, dòng CICM và phó tế Antonius Werun, dòng Salêdiêng.” Đức cha nhận định rằng các Linh mục và thừa sai này sẽ đem lại nhựa sống mới cho cộng đoàn Giáo hội.

Phó tế Bernard Kambala, gốc Congo, gia nhập dòng CICM năm 2005. Sau 3 năm học triết và một năm tập viện ở Kinshasa (Congo), thầy Kambala tiếp tục học thần học ở Ngoya, Camerun cho đến năm 2013. Năm 2014, thầy đến Mông cổ, học tiếng Mông cổ, và văn hóa địa phương. Thấy thi hành mục vụ tại nhà thờ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô ở Ulan Bato, dấn thân đặc biệt vào mục vụ giới trẻ. Từ tháng 1 năm nay, thầy bắt đầu xuất bản bài suy niêm Lời Chúa hàng ngày bằng tiếng Mông cổ, được giáo dân yêu thích.

Cha Kambala chọn lời của Thánh Phaolô gửi tín hữu Roma làm khẩu hiệu Linh mục: Chúa Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi (Rm 5,8).

Có hơn 50 nhà thừa sai và tu sĩ của 14 quốc gia hiện diện tại Mông cổ. Cộng đoàn Công giáo có hơn 1000 người Mông cổ đã được rửa tội và hàng trăm dự tòng tại 6 giáo xứ và 3 điểm truyền giáo – sẽ được nâng lên hàng giáo xứ trong dịp kỷ niệm 25 năm Giáo hội Mông cổ. (Agenzia Fides 21/02/2017)

Hồng Thủy

Quà Xuân của Cháu

QUÀ XUÂN CỦA CHÁU
‐BÙI THỊ NHƠN


Bà Năm ngồi trên chiếc ghế nhỏ, bên cạnh chậu hoa cúc vàng trước hiên
nhà. Quyển báo xuân dầy cộm chắc đã làm mỏi đôi tay gầy guộc của Bà, Bà
ngưng đọc, khẽ đặt nó nằm gọn trên hai đầu gối, trang báo vẫn mở, như có lời
hẹn thầm: “ Sẽ đọc tiếp”. Bài thơ Ông Đồ Già của Vũ Đình Liên được đăng lại trên
trang báo xuân này gợi cho bà Năm biết bao nỗi niềm…

 

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha – Tháng Hai 2017: Tiếp đón những ai đang cần trợ giúp

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha – Tháng Hai 2017: Tiếp đón những ai đang cần trợ giúp

VATICAN. Trong tháng hai năm 2017, Đức Thánh Cha đặc biệt mời gọi mọi người tiếp đón những ai đang cần trợ giúp, đặc biệt là người nghèo, người tị nạn và những ai đang ở bên lề xã hội. Đức Thánh Cha chia sẻ trong Video rằng:

Chúng ta đang sống trong thành phố, với những tòa nhà cao chọc trời, với các trung tâm mua sắm, và những sàn giao dịch bất động sản kếch xù… nhưng lại bỏ rơi một phần của chính mình tại những vùng ngoại biên.

Các hệ quả của tình trạng này là: phần lớn người dân bị loại trừ và chịu thiệt thòi. Người dân không có công ăn việc làm, không có lựa chọn, không có lối thoát.

Đừng bỏ rơi họ!

Hãy cùng Cha cầu nguyện cho tất cả những ai đang chịu cảnh khốn khó, đặc biệt là những người nghèo, người tị nạn và những ai đang ở bên lề xã hội, để họ có thể được đón nhận và được an ủi trong các cộng đồng của chúng ta.

Giáo hội Thái lan chuẩn bị kỷ niêm 350 năm miền truyền giáo Xiêm

Giáo hội Thái lan chuẩn bị kỷ niêm 350 năm miền truyền giáo Xiêm

Bangkok – Ngày 04/09/2019, Giáo hội Thái Lan sẽ kỷ niêm 350 năm việc thành lập Tông tòa Xiêm hiệp nhất (1669-2019), cơ cấu Công giáo đầu tiên tại nước này.

Hội đồng Giám mục Thái lan vui mừng đón nhận cơ hội này để loan báo 3 năm (2017-2919), thời gian để tái khám phá cách sâu sắc niềm tin Công giáo bằng cách sử dụng phương pháp cùa các Cộng đoàn giáo hội căn bản, theo những chỉ thị của Đại hội năm 2015. Bằng cách này, việc loan báo Tin mừng trong tất cả môi trường sẽ sinh hoa trái và đức tin sẽ được đưa đến việc trở thành môn đệ của Chúa Kitô., với một đời sống phù hợp với đức tin khởi đi từ các chứng tá được thực hành trong các cộng đoàn nhỏ và đi đến việc loan báo Tin mừng và kinh nghiệm của một nền văn minh tình thương cho người Thái của mọi tôn giáo. Để chuẩn bị cho dịp kỷ niệm này, ngày 08/01, Hội đồng Giám mục Tháo lam đã gửi một thư mục vụ với chủ đề “Cử hành kỷ niệm thành lập ‘miền truyền giáo Xiêm’(1669-2019)".

Lịch sử cho biết, vào năm 1567, hai tu sĩ Đaminh Bồ đào nha là Jeronimo da Cruz và Sebastao do Canto đã đến vương quốc Xiêm. Năm này, 2017, kỷ niệm 450 năm các nhà truyền giáo đầu tiên đặt chân đến Thái lan. Và đó là nguồn gốc của việc loan báo Tin mừng tiếp sau đó.

Các tu sĩ Phanxicô và dòng Tên đã tiếp bước các tu sĩ Đaminh, cũng với mục đích chung là rao giảng Tin mừng ở vương quốc Xiêm thống nhất trong thời kỳ Ayutthaya (1351-1767).

Tiếp sau đó, vào thời công đồng Trento, Đức giáo hoàng Pio V đã lập một một ủy ban để thúc đẩy việc loan báo Tin Mừng, và kết quả là việc thành lập Bộ Truyền giáo bởi Đức Giáo Hoàng Gregoriô XV vào ngày 06/01/1622.

Để giúp cho việc truyền giảng Tin mừng, Hội Thừa sai Paris (MEP) đã ra đời. Các thành viên của MEP được gửi đến các vùng châu Á. Đức cha Lambert de la Motte là vị Giám mục đầu tiên đặt chân đến vương quốc Xiêm (22/08/1662). Hai năm sau, Đức cha Francios Pallu, đang làm giám quản Tông tòa ở Tonkino, cùng với một số thừa sai đã đến Thái lan và tổ chức công đồng ở Ayutthaya. Đức cha de la Motte chủ trì công đồng với sự tham dự của Đức cha Francios Pallu, 5 Linh mục và một giáo dân. Công đồng đã kết thúc với 3 điều chính yếu: thứ nhất, thành lập chủng viện để đào tạo Linh mục giáo phận – mục đích chính của Hội truyền giáo. Năm 1665, vua Narai đã cho phép Đức cha de la Motte xây dựng chủng viện. Thứ hai là “lối sống luân lý mà các Linh mục, người rao giảng Tin mừng phải thực hành, điều chứng minh là các nguyên tắc hành xử bao gồm đời sống tu đức của tất cả thừa sai đến truyền giảng Tin mừng ở Viễn đông. Thứ 3 là việc thành lập dòng “Mến Thánh giá” vào ngày 07/09/1672, hội dòng giáo phận để giúp các thừa sai trong việc loan báo Tin Mừng và chăm sóc mục vụ cho giáo dân.

Năm 1667, Đức cha Pallu trở về Roma yết kiến Đức Giáo hoàng để xin chuẩn y một số vấn đề. Điều quan trọng nhất được Đức Giáo hoàng ban phép là việc thành lập miền truyền giáo Xiêm ngày 04/07/1669, dưới sự điều hành của Giám mục do Bộ truyền giáo bổ nhiệm. Được sự chấp thuận của Tòa Thánh, hai Đức cha Pallu và de la Motte đã chọn cha Louis Laneau, Linh mục của MEP, người đã đồng hành với Đức cha Pallu như là giám quản tông tòa của miền truyền giáo Xiêm. Đức cha Laneau trở thành Giám quản tông tòa đầu tiên của miền truyền giáo Xiêm vào ngày 25/03/1674.

Như thế, năm 2019 sẽ là kỷ niệm 350 năm thành lập chính thức của “Miền truyền giáo Xiêm” tại vương quốc Thái lan. Trong suốt những năm này, các nhà truyền giáo đã cống hiến cuộc đời của họ cho việc loan báo Tin mừng cho người Thái và cho những người sống tại vương quốc Xiêm., như Đức cha Pallu đã xác định: “Chúng tôi khởi đầu cầu nối giữa Châu Âu và châu Á. Tôi vui mừng hiến tặng thân thể và xương thịt tôi, và cả các anh em – các nhà truyền giáo thân yêu của tôi – như là những cột trụ để củng cố những chiếc cầu này, những con đường cho những nhà truyền giáo mới dũng cảm, là những người muốn theo bước các tiền nhân của họ để vượt qua cây cầu trong tương lai.”

Với lòng biết ơn, Giáo hội tiến bước về tương lai. (Asia News 30/01/2017)

Hồng Thủy

Đại hội các Giám mục Philippines

Đại hội các Giám mục Philippines

Đại hội các Giám mục Philippines được tổ chức hai năm một lần sẽ diễn ra từ ngày 28/01. Trong đại hội kéo dài 3 ngày, các Giám mục sẽ bàn về vấn đề chính trị, đặc biệt đến chính sách của tổng thống Duterte. Đại hội diễn ra một ít ngày sau khi tổng thống Duterte tấn công các Giám mục Philippines về việc “giả hình”.

Các Giám mục mời các chuyên gia nói về vấn đề khác nhau trong 3 ngày này, trong đó có việc giết những người liên quan đến ma túy, đề nghị tái lập án tử hình.

Trong chương trình nghị sự cũng có nói đến đề nghị của tổng thống Duterte về việc thay đổi hệ thống quản trị từ hình thức đơn nhất hiện nay đến hệ thống liên bang. (Ucan 28/01/2017)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha không muốn hình ngài trên tiền Euro Vatican

Đức Thánh Cha không muốn hình ngài trên tiền Euro Vatican

VATICAN. ĐGH Phanxicô không muốn cho in hình ngài trên đồng tiền Euro Vatican nữa.

Thay vào đó, Đồng Euro Vatican từ năm nay 2017 sẽ in hình huy hiệu Giáo Hoàng.

Hôm 25-1-2017, Văn phòng về tem thư và tiền cắc của Vatican xác nhận tin trên đây với hãng thông tấn Công Giáo Đức KNA và có biết đó là quyết định của chính ĐGH Phanxicô. Trước đó, sự thay đổi này được đăng trên công báo của Liên hiệp Âu Châu số ra ngày 24-1-2017.

Đồng Euro Vatican được ấn hành lần đầu tiên hồi năm 2002 với hình vị Giáo Hoàng đương nhiệm. Cho đến nay, hình ĐGH Phanxicô được in trên các đồng tiền cắc từ 1 xu cho đến 2 Euro.

Mặc dù không phải là quốc gia thành viên của Liên hiệp Âu Châu (EU), nhưng Vatican vẫn được phép đúc tiền cắc Euro, và theo một hiệp định ký kết giữa hai bên, số lượng tiền cắc Euro Vatican là 2 triệu 300 ngàn Euro. Sau đó có một số lượng thay đổi nhỏ, được xác định lại thường xuyên.

 Giới sưu tập tiền cắc rất ái mộ đồng tiền cắc Euro Vatican, nhưng Vatican phải cam kết với EU là sẽ cho lưu hành ít nhất 51% tổng lượng tiền cắc Euro Vatican. (KNA 25-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Ủy ban Tòa Thánh và Israel tái đối thoại

Ủy ban Tòa Thánh và Israel tái đối thoại

JERUSALEM. Sau nhiều tháng tạm ngưng hoạt động, Ủy ban làm việc song phương thường trực giữa Tòa Thánh và Israel đã nhóm khóa họp toàn thể hôm 18-1-2017 tại Jerusalem.

Thông cáo chung công bố cùng ngày 18-1 cho biết mục đích khóa họp là để tiếp tục thương thuyết dựa trên điều 10 triệt 2 trong hiệp định cơ bản ký kết cách đây 24 năm (1993) giữa Tòa Thánh và Israel.

Hai vị đồng chủ tịch khóa họp là Ông Tzachi Hanegbi, Bộ trưởng cộng tác miền của Israel và Đức Ông Antoine Camilleri, Thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh. Phái đoàn Tòa Thánh có 11 người, trong đó có 3 GM, phái đoàn Israel có 12 người.

Ủy ban đón nhận những tiến bộ đã đạt được cho đến nay và hài lòng vì những cuộc thương thuyết diễn ra trong bầu không khí suy tư và xây dựng. Ngoài ra, Ủy ban cũng nhìn nhận công việc của Bộ tư pháp Israel liên quan đến việc áp dụng hiệp định song phương năm 1997 về tư cách pháp nhân. Hai bên đã thỏa thuận với nhau về những bước tương lai, để chuẩn bị cho khóa họp toàn thể của Ủy ban, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 3 tới đây tại Vatican.

Sau cuộc họp của Ủy ban song phương, Tòa Thánh và Israel đã có một cuộc họp tham khảo ý kiến hai bên tại Bộ ngoại giao Israel, và đã thảo luận về những vấn đề chung và tìm hiểu về những cơ hội cộng tác với nhau (SD 18-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Thánh Cha kêu gọi chống tham nhũng thăng tiến nhân quyền

Đức Thánh Cha kêu gọi chống tham nhũng thăng tiến nhân quyền

duc-thanh-cha-keu-goi-chong-tham-nhung-va-thang-tien-nhan-quyen

VATICAN. ĐTC kêu gọi chống tham nhũng và thăng tiến các quyền con người.

Lên tiếng vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng ngày 7-12-2016, ĐTC nói: Trong những ngày tới đây có hai Ngày Thế giới quan trọng do LHQ cổ võ, đó là Ngày Thế giới chống nạn tham nhũng, 9-12, và Ngày Thế giới các quyền con người, 10-12. Đó là hai thực tại có liên hệ mật thiết với nhau: nạn tham nhũng là khía cạnh tiêu cực cần bài trừ, bắt đầu từ ý thức bản thân và canh chừng về những lãnh vực của đời sống dân sự, đặc biệt là những lãnh vực có nhiều rủi ro hơn;

Tiếp đến các quyền con người là khía cạnh tích cực, cần phải thăng tiến với quyết tâm luôn đổi mới, để không một ai bị loại trừ khỏi sự nhìn nhận thực sự các quyền căn bản của con người. Xin Chúa nâng đỡ chúng ta trong hai quyết tâm này (SD 7-12-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Biết giáo lý của Chúa Kitô có nghĩa là nhận biết sự hiền từ của Thiên Chúa

Biết giáo lý của Chúa Kitô có nghĩa là nhận biết sự hiền từ của Thiên Chúa

thanh-le-tai-nha-nguyen-marta-06-12-2016

Ai không nhận biết sự hiền từ của Thiên Chúa thì không biết đạo lý của Chúa Kitô. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta. Ngài tập trung diễn giải về ông Giuđa trong Tin Mừng.

Ông Giuđa là con chiên bị lạc

Trong bài Tin Mừng, Thiên Chúa vui khôn tả khi tìm thấy con chiên lạc, và Ngài không bao giờ ngừng tìm kiếm mỗi người chúng ta. Thiên Chúa là một thẩm phán, một quan tòa, nhưng là vị thẩm phán đầy lòng từ nhân, vì Ngài tìm mọi cách để cứu chúng ta. Ngài không kết tội nhưng là cứu vớt, vì Ngài kiếm tìm và yêu mến từng người chúng ta. Ngài không yêu thương theo kiểu chung chung, kiểu yêu mến một đám người. Ngài yêu mến từng người và gọi tên từng người. Ngài yêu mến trong cái hiện tại của người ấy, như chính người ấy là.  

Con chiên bị lạc, không phải vì không biết đường. Con chiên ấy biết đường, nhưng anh ta lạc mất vì tâm hồn anh đen tối mù quáng bởi những xâu xé. Anh ta rời xa Thiên Chúa, đi vào bóng tối và sống lối sống hai mặt. Anh ta chạy khỏi ràn chiên để đi vào đêm tối. Chúa biết tất cả những điều ấy và Ngài kiếm tìm chiên lạc. Để giúp chúng ta hiểu được thái độ của Chúa đối với con chiên lạc, chúng ta hãy nhìn cách Chúa đối xử với ông Giuđa.

Giuđa luôn có cái gì đó cay đắng trong tâm hồn, luôn có cái gì đó để trách móc người khác. Ông không cảm nhận được sự dịu ngọt của lòng biết ơn khi sống với mọi người. Ông luôn không thỏa mãn và ông không hạnh phúc, không vui vẻ! Ông trốn chạy vì ông như kẻ trộm cắp… Ông muốn chạy trốn vì bóng tối bao trùm trái tim ông và tách ông ra khỏi đàn chiên. Ngay cả các Kitô hữu ngày nay, cũng có nhiều người sống kiểu hai mặt, và thật đau lòng để nói rằng, cũng có những linh mục, giám mục sống như thế. Ông Giuđa cũng là một giám mục, là giám mục đầu tiên sống kiểu ấy? Con chiên lạc. Cha Mazzolari có một bài giảng rất hay khi Cha gọi ông Giuđa là người anh em: “Này người anh em Giuđa, chuyện gì đang xảy ra trong tâm hồn của anh đó?” Chúng ta cần hiểu về con chiên lạc. Trong bản thân chúng ta, cũng luôn có một chút gì đó, một chút gì đó là chiên lạc.

Sự sám hối của ông Giuđa

Điều gì làm cho con chiên trở thành chiên lạc? Đó là sự yếu đuối của tâm hồn và ma quỷ lợi dụng điều ấy. Giuđa bị xâu xé trong nội tâm, trở thành chiên lạc, và vị mục tử vẫn kiếm tìm. Nhưng Giuđa không hiểu điều ấy và đã kết thúc cuộc đời của mình, khi ông nhìn về lối sống nước đôi của mình trong cộng đoàn, về những gì mà thần dữ gieo rắc trong nội tâm đen tối. Điều ấy làm cho ông chạy trốn, chạy mãi. Ông đi tìm ánh sáng, nhưng không phải là ánh sáng của Chúa mà là ánh sáng trang trí theo kiểu đèn Giáng Sinh, tức là thứ ánh sáng nhân tạo. Nhìn như thế, chúng ta sẽ tuyệt vọng.

Trong Kinh Thánh có nói: Thiên Chúa là Đấng tốt lành và Ngài không bao giờ ngừng tìm kiếm từng con chiên. Cũng trong Kinh Thánh có nói: Giuđa treo cổ tự vẫn và “hối hận”. Tôi không biết, có thể những lời ấy làm cho chúng ta bối rối. Lời ấy có nghĩa gì? Cho đến tận cùng, tình yêu mến của Thiên Chúa vẫn hoạt động nơi tâm hồn con người, ngay cả trong lúc thất vọng. Đây là thái độ của Chúa Giêsu. Đây là sứ điệp, là tin vui mở đường cho chúng ta đón Giáng Sinh và cũng gọi hỏi chúng ta về niềm vui chân thành để biến đổi tâm hồn. Điều ấy dẫn chúng ta tới niềm vui trong Chúa, chứ không phải kiểu an ủi của việc chạy trốn thực tại hoặc chạy trốn khỏi một tâm hồn bị dày vò.

Sức mạnh của Thiên Chúa chính là lòng nhân hiền của Ngài

Khi đi tìm chiên lạc, Chúa Giêsu không xúc phạm con chiên ấy cho dù những gì con chiên ấy đã làm là xấu xa. Trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu gọi ông Giuđa là “người bạn”. Đó là sự quan tâm của Thiên Chúa.

Ai không nhận biết sự quan tâm chăm sóc của Thiên Chúa, thì không biết giáo lý của Chúa Kitô. Ai từ chối sự quan tâm của Thiên Chúa, thì là con chiên lạc! Đây là tin mừng, là niềm vui đích thực mà chúng ta ngày nay ước muốn. Đây là niềm vui, niềm an ủi mà chúng ta kiếm tìm: Thiên Chúa đến trong quyền năng của Ngài, Đấng quan tâm chăm sóc chúng ta, viếng thăm chúng ta, cứu chữa chúng ta, đi tìm chúng ta là chiên lạc, và đưa chúng ta trở về đàn chiên trong Hội Thánh của Người. Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng ấy, để chúng ta mong chờ Giáng Sinh với tất cả những thương tích và tội lỗi của chúng ta, và chân thành nhìn nhận điều ấy, để chờ mong quyền năng của Chúa, Đấng sẽ đến để ủi an chúng ta. Ngài đến trong quyền năng của Ngài, nhưng quyền năng ấy chính là lòng từ nhân, là sự quan tâm phát xuất từ chính cõi lòng, từ trái tim nhân lành vô cùng của Ngài, đến nỗi Ngài trao tặng chính sự sống của Ngài cho chúng ta.

Tứ Quyết SJ

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: Chúa Nhật 27-11-2016

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: Chúa Nhật 27-11-2016

kinh-truyen-tin-voi-duc-thanh-cha-chua-nhat-27-11-2016

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật thứ I Mùa Vọng, ĐTC mời gọi các tín hữu luôn tỉnh thức đón chờ Chúa đến.

 Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ngài đã quảng diễn ý nghĩa bài Tin Mừng Chúa nhật thứ I mùa vọng năm C về sự tỉnh thức chờ đón Chúa đến. Ngài nói với khoảng hơn 20 ngàn tín hữu tại Quảng trường thánh Phêrô:

 ”Hôm nay trong Giáo Hội bắt đầu một năm phụng vụ mới, nghĩa là một hành trình mới trong đức tin của dân Chúa. Và như mọi khi, chúng ta luôn bắt đầu bằng Mùa Vọng. Bài Phúc Âm (Xc Mt 24,37-44) dẫn chúng ta vào trong một trong những đề tài xúc tích nhất của Mùa Vọng, đó là ”cuộc viếng thăm của Chúa nơi nhân loại”. Cuộc viếng thăm đầu tiên diễn ra với sự Nhập Thể, giáng sinh của Chúa Giêsu trong hang đá Bêlem; lần thứ hai diễn ra trong hiện tại: Chúa liên tục viếng thăm chúng ta, mỗi ngày, Ngài bước đi cạnh chúng ta và đó là một sự hiện diện an ủi; và sau cùng sẽ có cuộc viếng thăm chung kết, mà chúng ta tuyên xưng mỗi lần khi chúng ta đọc kinh Tin Kính: ”Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và người chết”. Ngày hôm nay Chúa nói với chúng ta về cuộc viếng thăm cuối cùng của Ngài, cuộc viếng thăm sẽ diễn ra vào thời sau hết, và nói với chúng ta về con đường chúng ta sẽ bước vào.

 Lời Chúa làm nổi bật sự tương phản giữa diễn tiến bình thường của sự việc; những việc thông thường hằng ngày, và việc Chúa đến bất ngờ. Chúa Giêsu nói: ”Cũng như trong ngày trước lụt hồng thủy, họ ăn uống, lấy vợ lấy chồng, cho đến ngày Ông Noel vào tàu, họ chẳng nhận thấy gì cả cho đến khi lụt đến và đảo lộn tất cả” (vv.38-39). Điều gây ấn tượng mạnh cho chúng ta khi nghĩ đến những giờ trước một tai ương lớn: tất cả làm những công việc bình thường mà không nhận thấy cuộc sống của họ sắp bị đảo lộn. Tin Mừng không muốn làm cho chúng ta sợ hãi, nhưng mở chân trời của chúng ta hướng về chiều kích mai hậu, rộng lớn hơn, một đàng tương đối hóa những việc thường nhật, nhưng đồng thời làm cho chúng trở nên quí giá, quyết định. Tương quan với ”Thiên Chúa Đấng sắp đến viếng thăm chúng ta” mang lại cho mỗi cử chỉ, mỗi sự việc một ánh sáng khác, một chiều kích khác, một giá trị biểu tượng.

 Từ viễn tượng đó, có một lời mời hãy sống tiết độ, đừng để mình bị thống trị vì những sự việc đời này, những thực tại vật chất, nhưng đúng hơn hãy chế ngự chúng. Trái lại nếu chúng ta để cho mình bị ảnh hưởng và bị những sự việc ấy đè bẹp, thì ta không thể nhận thấy có một cái gì quan trọng hơn nhiều; đó là cuộc gặp gỡ chung kết với Chúa Đấng đến vì chúng ta. Trong lúc,như Tin Mừng nói, ”hai người ở ngoài đồng, một người bị đưa đi và người kia để lại” (v.40). Đó là một lời mời gọi hãy tỉnh thức, vì ta không biết giờ nào Chúa đến, cần phải luôn luôn sẵn sàng ra đi.

 ĐTC nhận xét rằng: ”Trong Mùa Vọng này, chúng ta được kêu gọi mở rộng chân trời tâm hồn chúng ta, hãy để cho mình được ngạc nhiên về cuộc sống đang diễn ra trước chúng ta mỗi ngày với những mới mẻ. Để làm điều đó cần học cách không lệ thuộc những an ninh của chúng ta, những khuôn khổ được củng cố, vì Chúa đến trong giờ chúng ta không ngờ. Ngài đến để dẫn đưa chúng ta vào trong một chiều kích đẹp hơn và lớn hơn.

 Và ĐTC kết luận rằng: ”Xin Đức Mẹ là Đức Trinh Nữ của Mùa Vọng giúp chúng ta đừng coi mình là sở hữu chủ cuộc sống chúng ta, đừng kháng cự lại khi Chúa đến để thay đổi cuộc sống, nhưng sẵn sàng để cho Chúa viếng thăm chúng ta, Ngài là vị khách được mong đợi và quí chuộng cho dù Ngài đảo lộn các chương trình của chúng ta.”

 Sau phép lành, ĐTC cho biết ngài cầu nguyện cho nhân dân Trung Mỹ, nhất là tại Costa Rica và Nicaragua, bị cuồng phong, và nhất là Nicaragua bị động đất. Ngài nói: Tôi cũng cầu xin cho dân chúng ở miền bắc Italia đang đau khổ vì lụt lội.

 ĐTC chào thăm các tín hữu hành hương, những người đến từ Italia và các nước khác, nhất là từ Liban, Ai Cập, Slovak, và ca đoàn giáo phận Limburg ở Đức.

 ĐTC cầu chúc tất cả mọi người chúa nhật tốt đẹp và hành trình Mùa Vọng sốt sắng. Ước gì đây là một mùa hy vọng, hy vọng đích thực, dựa lên lòng trung tín của Thiên Chúa và trách nhiệm của chúng ta.

 G. Trần Đức Anh OP 

Sa hỏa ngục đời đời có nghĩa là mãi mãi xa cách Thiên Chúa

Sa hỏa ngục đời đời có nghĩa là mãi mãi xa cách Thiên Chúa

thanh-le-tai-nha-nguyen-marta-25-11-2016

Khi chọn lựa rời xa Thiên Chúa mãi mãi, thì có nghĩa là sa hỏa ngục đời đời. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta. Đức Thánh Cha cảnh báo: đừng bao giờ nói chuyện với ma quỷ vì nó chuyên lừa dối con người, nhưng hãy để lòng khiêm tốn mà chuẩn bị gặp Chúa trong ngày Phán Xét.

Trong hai ngày cuối của Năm Phụng Vụ, Hội Thánh tiếp tục mời gọi các tín hữu suy tư về ngày cánh chung. Đức Thánh Cha diễn giải khởi đi từ bài đọc trích sách Khải Huyền. Cuộc Phán Xét sẽ như thế nào? Chúng ta muốn gặp Chúa Giêsu trong ngày ấy như thế nào?

Thần dữ luôn quyến rũ bạn để phá hoại cuộc đời bạn, đừng bao giờ nói chuyện với nó

Kẻ đầu tiên bị phán xét là “con rồng” được nói tới trong sách Khải Huyền, tức là ma quỷ. Thiên thần từ trời xuống, bắt lấy nó, trói nó lại và ném xuống vực thẳm, vì nó chuyên lừa dối người ta, vì nó là kẻ lừa dối. Nó còn là cha của sự dối trá. Nó tạo ra những gian dối. Nó làm cho bạn tin rằng, nếu ăn trái táo này thì sẽ nên giống Thiên Chúa. Nhưng kì thực, nó hủy hoại cuộc sống của bạn. “Nhưng, lạy Cha, làm thế nào để chúng con không bị ma quỷ lừa gạt?” Chúa Giêsu dạy chúng ta: không bao giờ nói chuyện với ma quỷ. Chúa Giêsu làm gì với ma quỷ? Người đuổi nó đi, hỏi tên nó nhưng không nói chuyện với nó.

Ngay cả trong sa mạc, khi bị cám dỗ, Chúa Giêsu không tự dựa vào lời của riêng bản thân mình vì Người ý thức về những hiểm nguy. Trong ba câu trả lời, Chúa Giêsu đều nại tới Lời Thiên Chúa, Lời Kinh Thánh. Vì tên cám dỗ đang tìm cách tiêu diệt chúng ta.

Bài đọc trích sách Khải Huyền kể tiếp về những linh hồn các vị tử đạo. Đó là những người khiêm nhường và làm chứng cho Chúa Giêsu. Họ không chiều theo tên cám dỗ và những kẻ ăn theo, không thờ lạy nó để được tiền bạc, danh vọng xã hội, phù vân và những gì mà cuộc sống ấy mang lại.

Sa hỏa ngục có nghĩa là xa cách Thiên Chúa mãi mãi

Chúa sẽ phán xét kẻ lớn cũng như người nhỏ, và những ai đáng bị nguyền rủa sẽ bị ném vào hồ lửa. Đây là cái chết lần hai. Trầm luân đời đời, không có nghĩa là tra tấn, mà có nghĩa là mãi mãi xa cách Thiên Chúa. Những người bị kết án như thế, là người không được nhận vào Nước Thiên Chúa, vì họ không đến gần Thiên Chúa. Họ luôn đi trên con đường riêng của họ. Họ luôn ở xa đường lối Thiên Chúa. Họ khuất mặt Thiên Chúa và đi khỏi ánh sáng để vào trong tối tăm.

Sa hỏa ngục đời đời, có nghĩa là tiếp tục rời xa Thiên Chúa, có nghĩa là vĩnh viễn xa cách Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng ban hạnh phúc, là Đấng yêu thương chúng ta quá nhiều. Thế mà, khi phải xa cách Ngài mãi mãi, thì đó chính là hình phạt đời đời. Thế nhưng, hình ảnh cuối trong bài đọc trích sách Khải Huyền mở ra niềm hy vọng.

Hãy khiêm tốn mở tâm hồn đón Chúa Giêsu vì Người sẽ ban ơn cứu độ

Nếu chúng ta mở rộng cõi lòng, như Chúa Giêsu mời gọi, nếu chúng ta không còn đi theo đường lối của riêng mình, thì chúng ta sẽ có niềm vui ơn cứu độ. Đó là trời mới đất mới mà sách Khải Huyền nói tới. Không kiêu căng nhưng với đầy hy vọng, bạn hãy đón nhận sự quan tâm và ơn tha thứ từ Chúa Giêsu.

Niềm hy vọng mở rộng tâm hồn để gặp gỡ Chúa Giêsu. Đây là điều chúng ta chờ đợi: Gặp gỡ Chúa Giêsu. Điều này thật đẹp, rất đẹp! Người chỉ cần chúng ta khiêm tốn nói: “Chúa ơi!” Người chỉ cần ngần ấy thôi, phần còn lại Người sẽ làm.

Tứ Quyết SJ

Một giáo dân bị giết ngay trong Thánh lễ ở Colombia

Một giáo dân bị giết ngay trong Thánh lễ ở Colombia

church-in-colombia

Cali, Colombia – Đức Tổng giám mục Dario de Jesus Monsalve Mejia của Cali đã lên án việc sát hại một tín hữu trong Thánh lễ.

Chiều thứ 3 ngày 22/11 vừa qua, tại giáo xứ thánh Cecilia, khi các giáo dân của khu phố Ciudad Cordoba và các vùng lân cận đang tụ họp để cử hành lễ mừng thánh quan thầy, một người đàn ông đã vào nhà thờ và bắn vào Fernando Padilla, một giáo dân 35 tuổi. Anh Padilla bị giết trong lúc Đức Tổng giám mục đang giảng lễ, chỉ đứng cách anh một khoảng ngắn.

Trong thông tin gửi đến hãng tin Fides, Đức tổng viết: “Lợi dụng việc tụ họp trong các nhà thờ để giết một giáo dân và tạo nên sự hoảng sợ giữa các tín hữu thì vượt quá mọi suy xét của lý trí… Ngay cả sự kính sợ Chúa cũng không cản được sự hoàn toàn coi thường sự sống con người, là điều có gốc rễ trong tâm hồn của phần lớn xã hội Colombia của chúng ta.”

Cách đây hai năm, cũng trong chính nhà thờ này, 2 người đã bị sát hai. Đức Tổng giám mục lúc ấy cũng đã lên án các vụ bạo lực tại những nơi thánh thiêng. (Agenzia Fides 24/11/2016)

Hồng Thủy

Thánh tích của hai thánh Gioan Phaolô và Faustina đến Nhật

Thánh tích của hai thánh Gioan Phaolô và Faustina đến Nhật

relics-of-st-john-paul-ii-and-st-faustina

Tokyo – Hôm 13 tháng 11, Đức cha Peter Takeo Okada, Tổng giám mục Giáo phận Tokyo, cùng với Đức sứ thần Tòa thánh và các Linh mục đã cử hành Thánh lễ bế mạc Năm Thánh Lòng Thương xót tại nhà thờ chánh tòa dâng kính Đức Mẹ Maria.

Có rất nhiều tín hữu tham dự Thánh lễ, bao gồm các tín hữu Nhật ở thủ đô cũng như các người nhập cư thuộc các quốc tịch Hàn quốc, Việt nam, Philippines, Miến điện và vài nhóm dân châu Âu.

Trong Thánh lễ cũng có nghi thức Shichi-go-san – chúc lành cho các em bé. Nghi thức này có ngồn gốc từ văn hóa scintoista: các trẻ em 7, 5 và 3 tuổi được mang đến đền thờ để các tư tế chúc lành cho các em. Các em được mang đến nhà thờ để được thần Kami bảo vê. Còn đối với Kitô giáo, các trẻ em được Chúa Giêsu chúc lành như Tin mừng đã thuật lại việc Người chúc lành cho các trẻ nhỏ.

Trong Thánh lễ, thánh tích của hai thánh người Ba lan, Gioan Phaolô và Faustina, được trưng bày. Thánh Gioan Phaolô rất được người Nhật tôn kính.

Nghi thức bế mạc Năm Thánh nhắm khẩn cầu Thiên Chúa, qua lời cầu bầu của hai thánh, trao ban lòng thương xót cho toàn dân tộc Nhật. (Asia News 14/11/16)

Hồng Thủy

 

Thông cáo chung sau khóa họp thứ sáu Tòa Thánh và Việt Nam

Thông cáo chung sau khóa họp thứ sáu Tòa Thánh và Việt Nam

khoa-hop-thu-6-cua-phai-doan-toa-thanh-va-viet-nam

VATICAN. Chiều ngày 26-10-2016, phái đoàn Tòa Thánh và Việt Nam đã kết thúc khóa họp thứ 6 của Nhóm Làm Việc Chung (Tổ Công Tác chung) sau 3 ngày tiến hành tại Vatican.

Thông cáo chung phổ biến sau đó khẳng định rằng:

”Thực thi thỏa thuận đã đạt được trong cuộc gặp gỡ thứ 5 của Nhóm Làm Việc chung giữa Việt Nam và Tòa Thánh tại Hà Nội (tháng 9-2014), cuộc gặp gỡ thứ 6 của Nhóm Làm Việc chung giữa Việt Nam và Tòa Thánh đã diễn ra tại Vatican từ ngày 24 đến 26-10-2016. Cuộc gặp gỡ do hai vị đồng chủ tọa là Ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng ngoại giao thường trực của Bộ ngoại giao, trưởng phái đoàn Việt Nam, và Đức Ông Antoine Camilleri, Thứ trưởng ngoại giao, Trưởng phái đoàn Tòa Thánh.

Hai bên đã trao đổi sâu rộng quan điểm về quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh, kể cả những vấn đề liên quan đến Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam.

Phía Việt Nam tái khẳng định sự cải tiến liên tục và cụ thể trên bình diện lập pháp và chính trị liên hệ tới sự thăng tiến và bảo vệ tự do tín ngưỡng và tôn giáo của các công dân, cũng như sự khuyến khích và liên tục tạo điều kiện dễ dàng cho sự dấn thân tích cực của Giáo Hội Công Giáo trong chính nghĩa quốc gia phát triển xã hội và kinh tế.

Tòa Thánh, khi tái khẳng định tự do của Giáo Hội trong việc thi hành sự mạng của mình để mưu ích cho toàn thể xã hội, đã bày tỏ sự hài lòng với chính phủ Việt Nam vì đã quan tâm đến các nhu cầu của Giáo Hội Công Giáo, như việc khánh thành Học Viện Công Giáo mới đây và giúp tổ chức các buổi lễ và các biến cố quan trọng của Giáo Hội.

Hai bên thỏa thuận rằng Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam sẽ tiếp tục lấy hứng từ giáo huấn của Giáo Hội liên quan đến việc thực hành ”sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc” và đồng thời là các tín hữu Công Giáo tốt và công dân tốt. Trong khi tái khẳng định rằng ĐGH Phanxicô nồng nhiệt quan tân đến sự phát triển các quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh, Tòa Thánh cầu mong cộng đồng Công Giáo có thể tiếp tục cống hiến sự đóng giúp quí giá bằng cách cộng tác với các tác nhân khác trong xã hội Việt Nam, và phù hợp với luật pháp liên hệ, để phát triển đất nước và thăng tiến công ích.

Hai bên nhìn nhận sự tiến bộ trong quan hệ Việt Nam – Tòa Thánh, kể cả những tiếp tục và tham khảo đều đặn, trao đổi các phái đoàn cấp cao, và những cuộc viếng thăm thường xuyên tại Việt Nam của Đại diện Tòa Thánh và Đặc Phái Viên không thường trú, Đức TGM Leopoldo Girelli.

Cuộc gặp gỡ đã diễn ra trong bầu không khí thân mật, thẳng thắn và tôn trọng lẫn nhau.

Hai bên thỏa thuận duy trì một cuộc đối thoại xây dựng, trong một tinh thần thiện chí với mục đích gia tăng sự cảm thông lẫn nhau và thăng tiến thêm các quan hệ giữa hai bên. Hai bên đã đồng ý triệu tập cuộc gặp gỡ thứ 7 của Nhóm Làm Việc chung giữa Việt Nam và Tòa Thánh tại Hà Nội. Ngày gặp gỡ sẽ được thỏa thuận qua đường ngoại giao.

Trước khi lên đường trở về Việt Nam, phái đoàn Việt Nam đã viếng thăm ĐHY Quốc vụ khanh Pietro Parolin, và Đức TGM Ngoại trưởng Paul Gallagher. Phái đoàn Việt Nam cũng viếng thăm một vài tổ chức tôn giáo của Tòa Thánh.

 (Trần Đức Anh OP chuyển ý) 

Nơi tưởng niệm ngôn sứ Môsê trên núi Nêbô được mở cửa lại

Nơi tưởng niệm ngôn sứ Môsê trên núi Nêbô được mở cửa lại

duc-hong-y-sandri

Amman, Giordani – Nơi tưởng niệm ngôn sứ Môsê trên núi Nêbô, Giordani đang được mở cửa trở lại và các du khách sẽ được chiêm ngưỡng lại đền thờ với những bức tranh khảm đẹp nhất trong vương quốc Hashemite.

Việc mở cửa chính thức được sắp xếp vào ngày hôm nay, 15/10. Ngày mai Đức Hồng y Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Đông phương, đặc sứ của Đức Thánh Cha, sẽ chủ sự Thánh lễ trọng thể. Ngài cũng sẽ đọc sứ điệp Đức Thánh cha gửi nhân sự kiện này. Cử chỉ biểu tượng đánh dấu việc mở cửa chính thức là việc mở các cửa đền thờ được thực hiện hôm nay, với sự tham dự của cha Francesco Patton, bề trên Quản thủ Thánh địa.

Sự kiện này được tổ chức trong hai ngày vì số lượng du khách, các tín hữu và khách hành hương dự kiến tham dự quá đông. Đền thờ này là một trong những đền thánh (và khu khảo cổ) quan trọng nhất, không chỉ ở Giordani mà trong toàn vùng Đất Thánh.

Cũng có các cử hành tôn giáo, hòa nhạc, các tour có hướng dẫn và các hoạt động văn hóa với mục đích lôi cuốn sự tham dự của toàn thể dân cư địa phương và các du khách nước ngoài.

Nơi tưởng niệm ngôn sứ Môsê trên núi Nêbô là nơi theo sách Đệ nhị luật chương 34, Thiên Chúa đã chỉ cho ông Môsê thấy Đất Thánh và là nơi ngôn sứ qua đời. Dù không ai biết cách chính thức nơi vị ngôn sứ được chôn cất nhưng các đan sĩ đã định cư trên núi Nêbô tưởng niệm ngôn sứ Môsê ở nơi này từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 9.

Trong thế kỷ 19, các nhà khảo cổ của dòng Phanxicô quản thủ Thánh địa đã có quyền sở hữu nơi này và đã tìm thấy đan viện cổ, đền thờ với các bức tranh khảm mosaic trong đó. Để bảo tồn di tích khảo cổ đồng thời trưng bày các bức tranh mosaic do các đan sĩ thực hiện trong thời gian khác nhau, một tòa nhà đã được xây cất và sẽ được khánh thành trong hai ngày này.

Vào tháng 3 năm 2000, khi thăm Đất Thánh, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã hành hương đến Nêbô và trồng một cây ôliu bên cạnh nhà nguyện Byzantin như là biểu tượng của hòa bình.

Để cử hành việc mở cửa lại nơi này, các tu sĩ Phanxicô Quản thủ Thánh địa đã tổ chức các sự kiện âm nhạc và văn hóa. Cao điểm của chương trình là lễ Giáng sinh trong đền thờ vào 10 giờ tối ngày 24/12. Thứ 6 ngày 23, vào lúc 6 giờ chiều, nhạc kịch Giáng sinh đầu tiên do soạn giả người Giordani, Tomeh Jbara, sáng tác và điều khiển dàn hợp xướng sẽ được trình diễn. (Asia News 15/10/2016)

Hồng Thủy

 

Ba nét làm nên căn tính người Kitô hữu

Ba nét làm nên căn tính người Kitô hữu

thanh-le-tai-nha-nguyen-marta-13-10-2016

Các Kitô hữu luôn cảm thấy rằng họ cần được tha thứ và bằng cách này họ gặp gỡ Thiên Chúa. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện thánh Marta. Đức Thánh Cha phác họa chân dung người Kitô hữu tốt lành, đó là người phải luôn cảm nhận nơi bản thân mình phúc lành của Chúa và không ngừng làm việc thiện.

Thiên Chúa Cha chọn mỗi người chúng ta, Ngài yêu thương chúng ta và đặt tên cho chúng ta

Thiên Chúa gọi mời từng người chúng ta, chứ không theo kiểu một đám đông không biết ai vào ai. Chúng ta được Thiên Chúa chọn và đặt niềm mong ước. Chúng ta cứ thử nghĩ về các đôi hôn nhân mong đợi những em bé chào đời: Không biết em bé ấy sẽ thế nào? Cười nói làm sao? Thiên Chúa là Cha đang đặt niềm mơ ước vào mỗi người chúng ta, cũng giống như những bậc cha mẹ đặt hy vọng vào người con sắp chào đời. Điều này mang lại cho chúng ta một nền tảng vững chãi. Thiên Chúa Cha quý mến bạn, chính bạn, chứ không phải là một đám người, không, Ngài thương mến từng người chúng ta. Đây là nền tảng và cơ sở cho mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa. Chúng ta nói với Cha chúng ta, Đấng yêu mến chúng ta, Đấng chọn chúng ta, Đấng đặt tên cho mỗi người chúng ta.

Đương nhiên, khi người Kitô hữu không cảm nhận được rằng, mình được Thiên Chúa là Cha chọn, thì họ cảm thấy họ thuộc về cộng đoàn cũng giống như thuộc về một Fan hâm mộ câu lạc bộ bóng đá vậy. Fan hâm mộ thì chọn một đội bóng và thuộc về đội ấy.   

Người Kitô hữu chân chính là người luôn cảm thấy cần ơn tha thứ của Thiên Chúa

Các Kitô hữu được Thiên Chúa chọn lựa và đặt niềm hy vọng. Khi sống như thế, chúng ta luôn cảm thấy trong lòng niềm an ủi lớn lao, chúng ta không còn cảm giác lạc lõng. Điều thứ hai của người Kitô hữu được chúc phúc, là đang cảm nhận được ơn tha thứ. Một người dù là nam hay nữ mà không có kinh nghiệm về ơn tha thứ, thì chưa phải là người Kitô hữu theo đúng nghĩa.

Tất cả chúng ta được tha thứ với cái giá máu của Chúa Kitô. Nhưng chúng ta đã được tha thứ điều gì? Hãy nhớ lại một chút về những gì tệ hại và xấu xa mà bạn đã làm. Không phải là những gì mà bạn của bạn, láng giềng của bạn, người thân của bạn làm, mà là những gì chính bản thân bạn đã làm. Những điều xấu nào bạn đã làm trong cuộc đời? Chúa đã tha thứ tất cả những điều ấy: Và đây, tôi được chúc phúc, tôi là một Kitô hữu. Như thế, nét đầu tiên của người Kitô hữu là: chúng ta được chọn, được Thiên Chúa đặt hy vọng, được Ngài đặt tên, được Ngài thương mến. Nét thứ hai là: chúng ta được Thiên Chúa thứ tha.

Người Kitô hữu không bao giờ ngưng nghỉ làm việc thiện

Nét thứ ba, người Kitô hữu là người luôn bước trên đường hướng tới sự hoàn thiện, hướng tới cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô Đấng cứu chuộc chúng ta.

Bạn không thể hiểu được kiểu Kitô hữu mà lại dậm chân tại chỗ. Người Kitô hữu phải luôn hướng về phía trước, phải tiến bước. Có những người giống như nhân vật trong dụ ngôn, khi nhận được nén bạc từ ông chủ thì đi chôn giấu vì sợ thất bại vì sợ hãi ông chủ. Người ấy không bước đi và làm cho cuộc sống bế tắc. Người Kitô hữu thì luôn bước trên hành trình tiến về phía trước, và không ngừng cố gắng làm việc thiện.

Như thế, đây là tóm lược nét căn tính của người Kitô hữu: chúng ta được chúc phúc, vì được Chúa chọn, vì được Chúa tha thứ, và vì chúng ta đang tiến bước. Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng của Người, đó là ban cho chúng ta căn tính của người tín hữu Kitô.

Tứ Quyết SJ