Đức Thánh Cha Phanxicô chia buồn với hai nước Iran và Iraq

Đức Thánh Cha Phanxicô chia buồn với hai nước Iran và Iraq

Vatican – Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia buồn với nhân dân hai nước Iran và Iraq về những thiệt hại do trận động đất xảy ra hôm Chúa nhật 12/11.

Trong điện thư do Đức hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh ký, Đức Thánh Cha bày tỏ nỗi đau buồn sâu sắc khi nghe tin về trận động đất kinh hoàng gây nên thiệt hại cho hai quốc gia Iran và Iraq và ngài bảo đảm với họ về sự cầu nguyện liên đới của ngài.

Đức Thánh Cha chia sẻ nỗi đau với những người đang thương khóc các người thân bị thiệt mạng, ngài cầu nguyện cho những người đã qua đời và phó dâng họ cho lòng từ bi của Đấng Toàn năng.

Đức Thánh Cha cũng cầu xin ơn an ủi và sức mạnh cho những người bị thương tích, các đội cứu trợ và chính quyền địa phương tham gia vào công tác cứu trợ khẩn cấp và nố lực phục hồi.

Vùng bị thiệt hại nặng nhấy là tỉnh Kermanshah ở miền tây Iran, thuộc dãy núi Zagros phân cách Iran và Iraq. Dân cư tại vùng này sống chủ yếu nhờ vào trồng trọt.

Cơ quan Bác ái MONA, một chi nhánh của cơ quan cứu trợ bác ái của Giáo hội ở Trung đông và Bắc Phi đã kêu gọi người dân hợp ý cầu nguyện với Caritas Iran và Iraq cho những người bị thương tổn vì trận động đất. Trên Twitter của MONA hôm 13/11 có viết: “Những suy nghĩ và lời cầu nguyện của chúng tôi hướng về các anh chị em của chúng ta ở Iran và Iraq sau trận động đất tàn phá kinh hoàng xảy ra ở vùng biên giới.”

Theo báo cáo của các đội cứu hộ, hiện đã có hơn 450 người chết và hàng ngàn người bị thương. Dân chúng ở vùng này đang ở trong các lều tạm, nhiều người ngủ ngoài trời, giữa tiết trời giá lạnh, vì sợ một trận động đất khác. (CNS 13/11/2017)

Hồng Thủy

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 29-10-2017

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 29-10-2017

VATICAN. Trong buổi đọc kinh truyền tin trưa chúa nhật 29-10-2017 với hơn 30 ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC kêu gọi các tín hữu sống trọn giới răn mến Chúa yêu người.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng theo thánh Mathêu (22,34-40) chúa nhật thứ 30 thường niên năm A, trong đó Chúa Giêsu trả lời câu hỏi do một người Biệt Phái nêu lên: đâu là giới luật quan trọng nhất.

Huấn dụ của ĐTC

ĐTC nói: ”Chúa nhật này, Phụng vụ trình bày cho chúng ta một đoạn ngắn của Tin Mừng, nhưng rất quan trọng (Xc Mt 22,34-40). Thánh Sử Matthêu kể lại rằng những người Biệt Phái họp nhau để thử thách Chúa Giêsu. Một người trong họ, tiến sĩ luật, nêu câu hỏi với Ngài: ”Thưa Thầy, trong Luật, đâu là giới răn quan trọng nhất” (v. 36). Đó là một câu hỏi cạm bẫy, vì trong Luật Môisê có nói đến hơn 600 giới luật. Trong tất cả những luật đó, làm sao phân biệt giới răn quan trọng nhất. Nhưng Chúa Giêsu không chút do dự và trả lời: ”Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết tâm trí ngươi” và ngài thêm: 'Ngươi hãy yêu thương tha nhân như chính mình” (v.37.39)”

 ”Câu trả lời này của Chúa Giêsu không phải là điều hiển nhiên mà có, vì trong nhiều giới răn của luật Do thái, quan trọng nhất là 10 giới răn, được Thiên Chúa trực tiếp thông truyền cho Môise, như những điều kiện của giao ước giữa Chúa với dân. Nhưng Chúa Giêsu muốn cho thấy rằng nếu không có lòng mến Chúa và yêu ngừơi, thì không có sự trung thành đích thực với giao ước với Thiên Chúa. Bạn có thể làm bao nhiêu điều tốt lành, thực thi các giới răn, nhưng nếu bạn không có tình yêu, thì việc làm ấy không hữu ích.

 Một đoạn văn khác trong sách Xuất Hành, gọi là ”Luật giao ước” đã xác nhận điều đó, trong phần này có nói rằng ta không thể ở trong Giao ước với Chúa mà lại ngược đãi những người được Chúa đặc biệt bảo vệ: đó là góa phụ, cô nhi và người ngoại quốc, người di dân, tức là những người cô độc và dễ bị tổn thương nhất (Xc Xh 22,20-21). Khi trả lời cho những người Biệt Phái chất vấn ngài, Chúa Giêsu cũng tìm cách giúp họ đặt thứ tự trong đời sống đạo của họ, tái lập điều thực sự quan trọng và điều kém quan trọng hơn. Ngài nói: ”Toàn thể Luật và các Ngôn Sứ tùy thuộc hai giới răn này” (Mt 22,40). Đó là những giới răn quan trọng nhất, các giới răn khác tùy thuộc hai giới răn đó. Và Chúa Giêsu đã sống như thế: bằng cách rao giảng và thi hành những gì thực sự là quan trọng và thiết yếu, nghĩa là tình thương. Tình thương mang lại đà tiến và sự phong phú cho đời sống và hành trình đức tin: không có tình thương, thì cuộc sống cũng như đức tin sẽ trở nên khô cằn, son sẻ.

Điều mà Chúa Giêsu đề nghị trong trang Tin Mừng này là một lý tưởng tuyệt vời, đáp ứng ước mong chân thực nhất của tâm hồn chúng ta. Thực vậy, chúng ta được dựng nên để yêu mến và được mến yêu. Thiên Chúa là Tình Thương, đã tạo dựng chúng ta để cho chúng ta được tham dự cuộc sống của Ngài, để được Ngài yêu mến và yêu mến Ngài, và cùng với Ngài yêu mến tất cả những người khác. Đó là ”giấc mơ” của Thiên Chúa về con người. Và để thực hiện điều đó, chúng ta cần ơn thánh của Chúa, chúng ta cần nhận được nơi mình khả năng yêu mến đến từ chính Thiên Chúa. Chúa Giêsu hiến mình cho chúng ta trong Thánh Thể chính vì điều đó. Trong Thánh Thể chúng ta lãnh nhận Mình và Máu Chúa, nghĩa là chúng ta đón nhận Chúa Giêu qua biểu hiện tột đỉnh tình thương của Chúa, khi Ngài hiến mình cho Chúa Cha để cứu độ chúng ta”.

Và ĐTC kết luận rằng: “Nguyện xin Đức Mẹ giúp chúng ta đón nhận vào trong cuộc sống của chúng ta ”giới răn cao cả”, mến Chúa yêu người. Thực vậy, tuy chúng ta đã biết giới răn này từ khi còn nhỏ, nhưng không bao giờ chúng ta ngưng trở về với giới răn này và thực hành nó trong những hoàn cảnh khác nhau của đời sống chúng ta”

Chào thăm

Sau khi ban phép lành, ĐTC nhắc đến lễ phong chân phước hôm thứ bẩy 28-10 vừa qua tại thành phố Caxias do Sul bên Brazil cho cha Giovanni Schiavo thuộc dòng thánh Giuse Murialdo. ”Người sinh tại vùng Vicenza vào đầu thế kỷ 20, và khi còn là một linh mục trẻ, cha được gửi sang Brazil, tại đây cha đã nhiệt thành hoạt động phục vụ dân Chúa và huấn luyện các tu sĩ nam nữ. Ước gì tấm gương của cha giúp chúng ta sống trọn vẹn lòng gắn bó của chúng ta với Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài”.

ĐTC ngỏ lời chào thăm đông đảo các tín hữu hành hương đến từ Italia và nhiều nước khác, đặc biệt từ Ai len, Áo, Đức. Ngài cũng nhắc đến các tham dự viên Hội nghị vế các tu hội đời Italia, mà ngài khích lệ trong việc làm chứng tá Tin Mừng trong thế giới, hiệp hội những ngừơi hiến máu ở Orta Nova, tỉnh Foggia, nam Italia.

Sau cùng, ĐTC chào cộng đoàn ngừơi Togo Phi châu ở Italia và cộng đoàn người Venezuela với ảnh Đức Mẹ Chiquinquira, Chinita. Chúng ta hãy phó thác cho Đức Mẹ những hy vọng và mong đợi hợp pháp của hai quốc gia dân tộc này.

G. Trần Đức Anh OP

Công nghị tổng giáo phận Calcutta

Công nghị tổng giáo phận Calcutta

Calcutta – Công nghị tổng giáo phận Calcutta trong tinh thần gia sản Mẹ Têrêsa đã được tổ chức từ ngày 26-30/09 vừa qua.

Đức cha Thomas D’Souza, tổng giám mục sở tại cho biết là các tín hữu Công giáo đã chuẩn bị cho sự kiên này trong 4 năm. Đức cha nhấn mạnh về ưu tiên của tổng giáo phận là truyền giảng Tin mừng và sống đời sống Kitô hữu như những chứng tá luôn hướng đến người nghèo. Đức cha nói: “Chúng tôi sống gia sản của Mẹ Têrêsa, do đó sự dấn thân của chúng tôi vì người nghèo mang lại ân phúc cho tổng giáo phận, cho các giáo dân, giáo sĩ, tu sĩ và cho tất cả.”

Chủ đề của công nghị giáo phận là “Tin tưởng vào Thiên Chúa, được Ngài chăm sóc”. Công nghị đã diễn ra tại chủng viện miền “Sao Mai” ở Barrackpore và có 161 đại biểu đến từ tất cả các giáo xứ của giáo phận.

Các yếu tố căn bản của sự kiện này được đưa ra vào năm 2013 khi Giáo hội địa phương quyết định đưa ra hai giai đoạn tham dự vào xã hội: hướng thứ nhất với chương trình mục vụ giáo xứ và hướng thứ hai qua công nghị, trong đó báo cáo và mở rộng các kết quả đạt được trong giai đoạn một.

Các đại biểu đã thảo luận về 12 đề tài được đề nghị trong chương trình giáo xứ, bao gồm: đời sống Kitô hữu, đại kết và đối thoại liên tôn, giáo dục, công bình xã hội, loan báo Tin mừng, gia đình, sức khỏe, giáo dân, các cộng đoàn Kitô nhỏ, truyền thông xã hội, phụ nữ và giới trẻ. Các đề xuất sẽ được tổng hợp trong kế hoạch mà tổng giáo phận sẽ trình bày vào ngày 26/11 tới đây. (Asia News 03/10/2017)

Hồng Thủy

72 thành viên Con đường Tân dự tòng Nam Phi đi truyền giáo

72 thành viên Con đường Tân dự tòng Nam Phi đi truyền giáo

Từ 11-21 tháng 8, đáp lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, 72 thành viên thuộc cộng đoàn tân dự tòng của Nam phi được gửi đi truyền giáo, từng hai người một, chỉ với cuốn Kinh thánh trên tau, để loan báo Tin mừng ở Nam phi, Swaziland, Botswana và Lesotho. 

Trước khi bắt đầu sứ vụ, các nhà truyền giáo này được đức cha Brislin, Tổng giám mục của Città del Capo và chủ tịch hội đồng giám mục Nam phi, chúc lành. Đức cha Brislin nói: “Qua bí tích rửa tội của chúng ta, như các tông đồ, chúng ta chia sẻ sứ vụ loan báo Nước Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô. Loan báo Tin mừng trong thời hiện đại không chỉ gồm trong việc mang Chúa Kitô đến cho những ngừoi chưa nghe nói về Người, nhưng cũng đến với những người mà Chúa Kitô không quan trọng đối với họ, để thắp lên lại niềm tin đích thực.”

Sứ vụ truyền giáo đang được thực hiện khắp nơi trên thế giới, như được loan báo vào dịp ngày quốc tế giới trẻ tại Cracovia hồi năm ngoái, khi 150 ngàn người trẻ của phong trào Con đường Tân dự tòng tụ họp trong dịp họp mặt ơn gọi. Dino Furgione, người phụ trách phong trào Con đường Tân dự tòng ở Nam phi nói: “Sứ vụ này không chỉ dành cho những người thánh hiến. Có những người đã kết hôn, những người độc thân, người trẻ và người già, linh mục và chủng sinh. Đây là tinh thần của công đồng chung Vatican II, thân thể của Giáo hội là sự hiện diện đích thật của Chúa Kitô. Chúng tôi đã cảm nghiệm rằng Chúa Kitô đồng hành với chúng tôi. Trả lời cho câu hổi đã được nói với các môn đệ trong tin mừng thánh Luca: ‘Khi Thầy sai con đi, không túi, không tiền hay giày dép, con có thiếu gì không?’ Chúng tôi có thể làm chứng rằng chúng tôi không thiếu thốn gì! Một số người thực sự đã phải chịu đựng một số thiếu thốn, nhưng tất cả chúng tôi đều trải nghiệm "niềm vui trọn vẹn" của Thánh Phanxicô, người cũng thường gửi các anh em của mình đi truyền giáo, từng hai người một.” (Agenzia Fides 25/2017)

Hồng Thủy

Tuyên bố của Đức Hồng Y Parolin trong cuộc viếng thăm Nga

Tuyên bố của Đức Hồng Y Parolin trong cuộc viếng thăm Nga

MASCOW:  ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, hài lòng về quan hệ song phương giữa Tòa Thánh và Nga, đồng thời bày tỏ lập trường về một số vấn đề quốc tế.

Trong cuộc họp báo sau cuộc gặp gỡ làm việc với ngoại trưởng Nga, Ông Sergiey Lavrov, sáng ngày 22-8-2017 tại Mascow, ĐHY Parolin cho biết ngài đến đây để bày tỏ sự quan tâm ân cần của ĐGH Phanxicô đối với tình hình song phương giữa Tòa Thánh và Liên bang Nga, cũng như về một số vấn đề và bận tâm trong lãnh vực quốc tế.

ĐHY Quốc vụ khanh cho biết Nga và Tòa Thánh hài lòng vì những tiến bộ trong tương quan với nhau qua nhiều lãnh vực và những tiếp xúc thường xuyên. Hai bên khẳng định ý hướng tiếp tục phát triển những quan hệ trong các lãnh vực văn hóa, cộng tác khóa học và y khoa. Hai bên cũng ký hiệp định về việc miễn thị thực cho những người mang hộ chiếu ngoại giao.

ĐHY Parolin cho biết trong cuộc hội kiến với ngoại trưởng Nga, cũng có bàn đến một số vấn đề cụ thể liên quan đến đời sống Giáo Hội tại nước này, trong đó có vấn đề các nhân viên Công Giáo vẫn không phải là người Nga vẫn còn gặp khó khăn trong việc xin giấy phép cư trú làm việc, và vấn đề trả lại cho Giáo Hội một số nhà thờ cần thiết cho việc săn sóc mục vụ các tín hữu Công Giáo tại Nga.

Về những vấn đề quốc tế mà cả hai bên cùng quan tâm, ĐHY Parolin nói: ”Tôi đã tái cầu mong rằng những giải pháp đúng đắn và lâu bền sẽ được tìm kiếm cho các cuộc xung đột, đặc biệt tại Trung Đông, Ucraina và một số miền khác trên thế giới. Sở dĩ trong những tình cảnh bi thảm ấy, Tòa Thánh dấn thân trực tiếp tích cực hơn, cố gắng cổ võ những sáng kiến nhắm thoa dịu những đau khổ của dân chúng, đồng thời kêu gọi rõ ràng hãy dành ưu tiên cho công ích, và nhất là công lý, sự hợp pháp, sự thật của các sự kiện, tránh lèo lái các sự kiện, sự an toàn và những điều kiện sống xứng đáng của các thường dân, đó là Tòa Thánh không nhắm và không thể đồng hóa với một lập trường chính trị nào, và Tòa Thánh nhắc nhớ nghĩa vụ phải quyết liệt tuân hành các nguyên tắc chính của công pháp quốc tế, sự tôn trọng các nguyên tắc ấy là điều không thể thiếu được, để bảo vệ trật tự và hòa bình thế giới, cũng như để phục hồi một bầu không khí lành mạnh tôn trọng nhau trong các quan hệ quốc tế”.

ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh cũng cho biết trong cuộc hội kiến, Tòa Thánh và Liên bang Nga tìm được những điểm đồng qui, tuy với những phương pháp tiếp cận khác nhau: cả hai bên đều rất lo âu về tình trạng của các tín hữu Kitô ở một số nước Trung Đông và Phi châu cũng như tại một số miền trên thế giới. Về vấn đề này, Tòa Thánh liên lỷ quan tâm bảo vệ tự do tôn giáo tại bất kỳ nước nào và trong bất kỳ tình trạng chính trị nào” (Rei 22-8-2017)

Gặp Đức Thượng Phụ Kiriil I

Chiều ngày 22-8-2017, ĐHY Parolin đã hội kiến trong gần 2 tiếng đồng hồ với Đức Thượng Phụ Kirill I, Giáo Chủ Chính Thống Nga, tại Đan viện thánh Danilo ở Mascow.

Tham dự cuộc gặp gỡ này về phía Tòa Thánh cũng có Đức TGM Celestino Migliore, Sứ thần Tòa Thánh tại Mascơva, và hai LM thuộc Bộ ngoại giao Tòa Thánh.

Về phía Chính Thống cũng có Đức TGM Hilarion, Chủ tịch Hội đồng ngoại vụ tòa Thượng Phụ và 2 LM.

Trong cuộc gặp gỡ giới báo chí sau đó, Đức TGM Hilarion cho biết Đức Thượng Phụ Kirill đã nói về vai trò bình định của các Giáo Hội, nhắm hòa giải các dân tộc và sự cộng tác giữa Giáo Hội Chính Thống Nga và Công Giáo trong việc trợ giúp nhân đạo cho dân chúng đang chịu đau khổ ở Trung Đông, qua những dự án chung. Việc làm này có thể là một nhân tố quan trọng giúp đoàn kết.

ĐHY Parolin đã chuyển lời chào thăm của ĐTC tới Đức Thượng Phụ. Trả lời câu hỏi của giới báo chí, ĐHY cho biết trong cuộc hội kiến, không có bàn về việc ĐTC viếng thăm Nga, nhưng về nhiều vấn đề khác. ĐHY Parolin cũng nhấn mạnh đến nhiều điểm tương đồng quan điểm giữa Tòa Thánh và Tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga.

Về cuộc xung đột hiện nay tại Ucraina, ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh cũng nhấn mạnh rằng về phương diện này, các Giáo Hội không thể giữ vai trò nào khác ngoài vai trò bình định

Thứ tư 23-8-2017, ĐHY Parolin đã bay đến Sochi, cách Mascow gần 1400 cây số, để gặp tổng thống Nga, Vladimir Putin. (Tổng hợp 23-8-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Hồng Y Parolin gặp Đức TGM Hilarion, Chính Thống Nga

Đức Hồng Y Parolin gặp Đức TGM Hilarion, Chính Thống Nga

Moscow. Hôm 21-8-2017, ĐHY Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã gặp gỡ và thảo luận với Đức TGM Hilarion, Chủ tịch Hội đồng ngoại vụ tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga.

Thông cáo của tòa Thượng Phụ cho biết hai vị đã trao đổi về cuộc khủng hoảng tại Syria hiện nay và tình trạng bi thảm của các tín hữu Kitô tại Trung Đông. Nhận xét về việc có thể giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, hai vị đã đồng ý về sự kiện trước tiên cần loại trừ nạn khủng bố ra khỏi lãnh thổ Syria, và chỉ sau khi đạt được hòa bình tại nước này, người ta mới có thể xác định tương lai chính trị của đất nước.

Một đề tài nóng bỏng khác là vấn đề Ukraine và tự do tôn giáo tại nước này. Quốc hội Ukraine đang chuẩn bị một số đạo luật trong thực tế kỳ thị vị thế của Giáo hội Chính Thống thuộc tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga.

Ngoài Giáo hội Chính Thống thuộc tòa Thượng Phụ Moscow, còn có Chính Thống Ukraine tự ý tách rời khỏi Chính Thống Nga do Đức Thượng Phụ Filaret cai quản, và không được Chính Thống thế giới công nhận. Sau cùng là một Giáo Hội Chính Thống gốc hải ngoại, trở về Ukraine sau khi nước này tìm lại tự do sau khi nhà nước Liên Xô sụp đổ.

Đức TGM Hilarion bày tỏ sự bất mãn về những lời tuyên bố có tính cách chính trị của các đại diện Công Giáo Ucraina nghi lễ đông phương, nhưng đồng thời Đức TGM cũng nhìn nhận sự ủng hộ của Tòa Thánh đối với các tín hữu Chính Thống.

Thông cáo của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga cho biết hai vị lãnh đạo Tòa Thánh và Chính Thống Nga đều xác tín rằng chính trị không được xen mình vào đời sống Giáo Hội, và các Giáo Hội Kitô tại Ukraine được kêu gọi giữ một vai trò kiến tạo hòa bình, cộng tác với nhau để tái lập sự hòa hợp dân sự tại Ukraine.

Về vấn đề Syria và tình trạng các tín hữu Kitô Trung Đông có sự đồng ý hoàn toàn với nhau giữa các tín hữu Công Giáo và Chính Thống, nhưng không có sự đồng ý như vậy về vấn đề Ukraine.

Thứ ba hôm qua, 22-8, ĐHY Parolin gặp gỡ và làm việc với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, và ban chiều, ĐHY viếng thăm Đức Thượng Phụ Chính Thống Kirill ở Moscow.

Thứ tư 23-8, ĐHY Quốc vụ khanh sẽ đến Sochi để gặp gỡ Tổng thống Vladimir Putin. (Asia News 22-8-2017)

 

G. Trần Đức Anh OP 

 

Khẩu hiệu và logo chuyến viếng thăm Chilê của Đức Thánh Cha Phanxicô

Khẩu hiệu và logo chuyến viếng thăm Chilê của Đức Thánh Cha Phanxicô

“Mi paz les doy” – tôi ban bình an của tôi cho họ – là khẩu hiệu tiếng Tây ban nha của chuyến viếng thăm Chilê của Đức Thánh Cha Phanxicô từ ngày 15-18/01/2018. Khẩu hiệu này lấy ý từ lời Chúa trong Tin mừng thánh Gioan 14,27: “Thầy để lại bình an cho anh em”.

Ủy ban quốc gia chuẩn bị cho chuyến viếng thăm này cho biết, câu này vừa quen thuộc với các tín hữu Công giáo và cả người ngoài Công giáo. Nó diễn tả rằng với cuộc viếng thăm của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô mang lời của Chúa Giêsu như món quà đến cho Chilê. Trong thông cáo, Ủy ban cũng nhấn mạnh rằng: “Với chuyến viếng thăm này, Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích một nền văn hóa gặp gỡ, thúc đẩy một bầu khí hiệp nhất cho dân tộc Chilê.”

Logo của chuyến viếng thăm rất đơn giản nhưng chứa đựng 3 yếu tố chính của cuộc viếng thăm: Thánh giá và khẩu hiệu là hai điều nhắc đến Chúa Kitô;  chữ ký và lá cờ nói đến Đức Thánh Cha; và bản đồ nước Chilê với hàng chữ “Chilê 2018” được viết bằng màu đỏ và xanh dương, hai màu cờ của Chilê, nói đến quốc gia này.

Được biết logo này không phải là một tác phẩm của một tác giả, nhưng là kết quả làm việc của một nhóm các nhà vẽ mẫu, các nhà truyền thông, các linh mục và giáo dân. (REI 20/08/2017)

Hồng Thủy

 

Logo và khẩu hiệu chuyến viếng thăm Pêru của Đức Thánh Cha Phanxicô

Logo và khẩu hiệu chuyến viếng thăm Pêru của Đức Thánh Cha Phanxicô

Trong buổi họp báo tại Roma vào chiều ngày 14/08/2017, các Giám mục Pêru đã trình bày logo và khẩu hiêu cuộc viếng thăm Pêru từ ngày 18-21/01/2018 của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Logo và khẩu hiệu này đã được các Giám mục Pêru chọn trong khóa họp ngoại thường của Hội đồng Giám mục nước này, được tổ chức từ ngày 02-04/08, để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Khẩu hiệu của chuyến viếng thăm là “Hiệp nhất bởi niềm hy vọng”. Logo có hình ảnh đôi bàn tay nắm một con chim bồ câu ngậm cành ô liu. Logo nói về niềm hy vọng với hình ảnh chim bồ câu tượng trưng cho hòa bình và cành ô liu là biểu tượng của hy vọng. Logo có màu trắng và đỏ, là hai màu của lá cờ Pêru, và hai màu vàng và trắng, màu cờ của Tòa Thánh. Đôi bàn tay là biểu tượng của sự hiệp nhất.

Logo không có hình ảnh của Đức Thánh Cha nhưng có ý nghĩa biểu tượng. (REI 14/08/2017)

Hàn Quốc đề cử các y tá người Áo cho Giải Nobel Hòa bình

Hàn Quốc đề cử các y tá người Áo cho Giải Nobel Hòa bình

Hai y tá người Áo, Margaritha Pissarek (bênh trái) và Marianne Stoeger (bên phải) chăm sóc một người Hàn Quốc bị bệnh phong (bệnh Hansen).

Hai y tá người Áo chăm sóc cho bệnh nhân phong trên một hòn đảo xa xôi của Hàn Quốc hơn 40 năm sẽ được đề cử cho Giải Nobel Hòa bình.

Văn phòng Thủ tướng Hàn Quốc thông báo sẽ sớm thành lập một ủy ban dự kiến lấy tên là ‘Ủy ban Đề cử Giải Nobel Hòa bình Marianne-Margaritha’.

‘Hai thiên thần của đảo Sorok’ là Marianne Stoeger, 83 tuổi, và Margaritha Pissarek, 82 tuổi, bắt đầu làm việc tại khu định cư dành cho bệnh nhân phong lớn nhất Hàn Quốc vào những năm 1960. Họ rời khỏi hòn đảo xa xôi này năm 2005 sau khi nhận thấy mình già không còn đủ khả năng để chăm sóc bệnh nhân.

Các cơ sở tôn giáo trong đó có tổng giáo phận Kwangju, trông coi hòn đảo, và Liên hiệp các Hội Hansen sẽ tham gia ủy ban với các tổ chức chính quyền trung ương và địa phương.

Tổng giáo phận Kwangju đồng tình với các quan chức Tỉnh Nam Jeolla bầu cựu thủ tướng Kim Hwang-shik làm chủ tịch ủy ban và Đệ nhất Phu nhân Kim Jung-sook làm chủ tịch danh dự.

UCANEWS

Trung Quốc muốn hạ thấp địa vị của Đức Hồng y Zen

Trung Quốc muốn hạ thấp địa vị của Đức Hồng y Zen

Lãnh đạo ban tuyên giáo của Trung Quốc lệnh cho các phóng viên đại lục không được gọi Đức Hồng y trực tính Joseph Zen Ze-kiun là giám mục “danh dự” của Hồng Kông, nhưng thay vào đó bằng từ “cựu”.

Cách gọi mới cho Đức Hồng y Zen nằm trong danh sách các từ ngữ bị “cấm hay sử dụng cách thận trọng”, tờ Tân Hoa Xã của nhà nước thông báo với các nhân viên truyền thông tại Trung Quốc.

“Nên dùng từ ‘cựu giám mục’ thay cho từ ‘giám mục danh dự’ khi gọi Zen Ze-kiun và các giám mục nghỉ hưu khác của giáo phận Công giáo Hồng Kông”, theo điểm số 48 trong danh sách được nhiều phương tiện truyền thông Trung Quốc loan tải.

Đức Hồng y Zen nổi tiếng chỉ trích đảng Cộng sản cầm quyền. Ngài lớn tiếng nói về quyền tự do chính trị, nhân quyền và ngược đãi tôn giáo, đặc biệt trong sáu năm rưỡi ngài làm giám mục của Hồng Kông cho đến khi ngài nghỉ hưu vào tháng 9-2009, và việc này thường gây sự chỉ trích từ phía Bắc Kinh.

Kể từ đó, đức hồng y tiếp tục những nỗ lực ủng hộ và việc ngài sẵn sàng tham gia các cuộc tranh luận về tương lai chính trị trên lãnh thổ này làm cho ngài trở thành một người được các nhóm ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông yêu mến.

Gần đây ngài lên tiếng nói về việc chính quyền cộng sản ngược đãi ông Liu Xiaobo (Lưu Hiểu Ba), người được trao Giải Nobel Hòa bình qua đời hôm 13-7.

Lệnh cấm dùng từ ngữ này khiến nhiều blogger Công giáo ở đại lục tức giận, họ đang phải đối phó với lệnh cấm dùng các mạng ảo cá nhân, một công cụ họ dùng để tránh bức tường lửa, chương trình kiểm duyệt Internet của Trung Quốc.

“Đức Giám mục Danh dự. Thế đấy, đến đây bắt tôi đi?”, một blogger Công giáo thách thức trên mạng xã hội.

Một blogger khác nói “Từ trước giờ Giáo hội gọi giám mục nghỉ hưu là giám mục danh dự. Thay đổi cách gọi là sai thực tế”.

Điều chỉnh những việc nên và không nên làm

45 điểm đầu trong danh sách các từ bị cấm được đưa tin trên báo chí đã được phát hành hồi tháng 11-2015. Danh sách điều chỉnh đã được lưu hành từ ngày 19-7, thêm vào 57 điểm mới và cập nhật tính tới tháng 7-2016 – nhưng chỉ mới được tiết lộ cho các phương tiện truyền thông gần đây.

Đức Hồng y Zen là chức sắc Công giáo duy nhất có tên trong danh sách, và là một trong hai nhân vật tôn giáo được nêu tên, người thứ hai là Tiên tri Mohammed, nhà sáng lập đạo Hồi. Danh sách này nhắc nhớ các phóng viên nêu tên đầy đủ của những người mang họ Mohammed, để phân biệt họ với Tiên tri Mohammed.

Danh sách được chia thành 5 loại: xã hội và chính trị; pháp lý và pháp luật; tôn giáo và dân tộc; Hồng Kông, Macao và Đài Loan và liên quan đến chủ quyền; cũng như quan hệ quốc tế.

Năm trong 8 điểm về tôn giáo và dân tộc nói về Hồi giáo, như không xem dân tộc Hồi là Hồi giáo; không dùng từ “giết” nhưng dùng từ “mổ” gia súc bởi người Hồi giáo; và không đề cập đến heo trong các câu chuyện liên quan đến đạo Hồi. Những điểm này đã có trong danh sách năm 2015.

Hầu hết các từ ngữ “bị cấm hay sử dụng cách thận trọng” mới được thêm vào nói về quan hệ giữa hai bờ eo biển, do tình trạng căng thẳng chính trị với Đài Loan gia tăng từ khi bà Thái Anh Văn đảm nhận chức tổng thống, và diễn biến chính trị tại Hồng Kông.

Số 48 trong danh sách mới yêu cầu các phương tiện truyền thông ở đại lục không được gọi 3 nhà tổ chức Phong trào chiếm trung tâm “bất hợp pháp” ở Hồng Kông bằng lời tôn trọng “Bộ ba lãnh đạo Phong trào chiếm trung tâm” nhưng dùng cụm từ mang tính hạ nhục “Ba kẻ xấu xa”.

UCANEWS

Môn đệ là đại sứ của Chúa Giêsu qua cuộc sống trong sáng

Môn đệ là đại sứ của Chúa Giêsu qua cuộc sống trong sáng

Mối dây liên kết của người môn đệ với Chúa Giêsu phải mạnh mẽ hơn mọi dây liên kết khác, và vị thừa sai không mang chính mình nhưng mang Chúa Giêsu tới cho tha nhân. Ai để cho mình bị lôi kéo bước vào liên hệ tình yêu và cuộc sống với Chúa Giêsu, thì trở thành kẻ đại diện Ngài, một “đại sứ” của Ngài, nhất là với kiểu sống của mình, làm sao để người ta nhận ra Chúa Giêsu nơi người môn đệ.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với các tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 2-7-2017. Mở dầu bài huấn dụ ngài nói:

Phụng vụ hôm nay giới thiệu với chúng ta các lời sau cùng của diễn văn truyền giáo trong chương 10 Phúc Âm thánh Mátthêu (x. Mt 10,37-49), qua đó Chúa Giêsu dậy dỗ các tông đồ trong lúc lần đầu tiên  gửi họ đi truyền giáo trong các làng mạc vùng Galilêa và Giuđêa. Trong phần cuối này Chúa Giêsu nêu bật hai khiá cạnh nòng cốt cho cuộc sống của người môn đệ thừa sai; thứ nhất, mối dây nối kết họ với Chúa Giêsu mạnh mẽ hơn bất cứ môi dây nào khác; thứ hai, người truyền giáo không mang chính mình nhưng mang Chúa Giêsu, và qua Ngài mang tình yêu của Thiên Chúa Cha trên trời. Hai khiá cạnh này gắn liền với nhau, bởi vì Chúa Giêsu càng ở trung tâm con tim và cuộc sống của người môn đệ bao nhiêu, thì người môn đệ càng để cho sự hiện diện của Ngài “trong suốt” bấy nhiêu. Cả hai đi đôi với nhau.

Chúa Giêsu nói: “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy “ (c. 37). Tình yêu mến của một người cha, sự hiền dịu của một bà me, tình bằng hữu dịu ngọt giữa anh chị em, tất cả những điều này, tuy rất tốt lành và hợp pháp, nhưng nó không thể được đặt trước Chúa Kitô. Không phải bởi vì Chúa muốn chúng ta không có con tim và lòng biết ơn, mà trái lại, bởi vì điều kiện của người môn đệ đòi buộc một tương quan ưu tiên với vị thầy. Bất cử môn đệ nào, dù là giáo dân nam nữ, một linh mục, một giám mục: tương quan này phải ưu tiên. Có lẽ câu hỏi đầu tiên mà chúng ta cần đặt ra cho một kitô hữu đó là: “Mà bạn có gặp gỡ Chúa Giêsu không? Bạn có cầu Ngài không?” Tương quan. Có lẽ chúng ta hầu như có thể minh giải Sách Sáng Thế: Vì vậy con người sẽ bỏ cha mẹ mình và kết hiệp với với Chúa Giêsu Kitô, và cả hai sẽ trở thành một (x. St 2,24). Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói:

Ai để cho mình bị thu hút vào sự cột buộc của tình yêu và cuộc sống này với Chúa Giêsu, thì trở thành một người đại diện của Chúa, một “đại sứ” của Ngài, nhất là với kiểu hiện diện và sống của mình. Đến độ chính Chúa Giêsu khi sai các môn đệ ra đi truyền giáo đã nói với các ông rằng: “Ai tiếp đón các con là tiếp đón Thầy, và ai tiếp đón Thầy là tiếp đón Đấng đã sai Thầy” (Mt 10,40). Người ta phải có thể cảm nhận rằng đối với người môn đệ Đức Giêsu thực sự là “Chúa”, thực sự là trung tâm, là tất cả của cuộc sống. Không quan trọng, nếu sau này, như mọi người trần gian, họ có các hạn hẹp và cả các lỗi lầm nữa – miễn là họ khiêm tốn thừa nhận chúng – ; điều quan trọng là họ không có con tim hai mặt – và đây là điều nguy hiểm. Tôi là kitô hữu, tôi là môn đệ Chúa Giêsu, tôi là linh mục, tôi là giám mục, nhưng tôi sống hai lòng. Không , điều này không được. Người môn đệ không được sống hai lòng, nhưng phải có con tim  đơn sơ, thống nhất; không xỏ chân hai giầy, nhưng liêm chính với chính mình và với tha nhân. Sống hai mặt là không kitô. Vì thế Chúa Giêsu cầu xin Thiên Chúa Cha để các môn đệ không rơi vào tinh thần của thế tục. Hoặc bạn theo Chúa Giêsu, với tinh thần của Chúa Giêsu, hay bạn theo tinh thần thế gian.

Và ở đây kinh nghiệm linh mục dậy cho chúng ta biết một điều rất hay đẹp và rất quan trọng: đó là chính sự tiếp đón này của dân thánh  trung thành của Thiên Chúa, chính ly nước lạnh (c. 42) mà Chúa Giêsu nói đến trong Phúc Âm hôm nay, cho đi với đức tin trìu mến, giúp bạn là một linh mục tốt! Có một sự tương tác cả trong việc truyền giáo: nếu bạn bỏ tất cả  vì Chúa Giêsu, thì dân chúng nhận biết Chúa nơi bạn; nhưng đồng thời họ cũng giúp bạn trở lại với Ngài mỗi ngày, canh tân và thanh tẩy mình khỏi các giàn xếp và thắng vượt các càm dỗ. Một linh mục càng gần gữi dân Chúa bao nhiêu, thì sẽ lại càng cảm thấy mình gần Chúa Giêsu bấy nhiêu, và một linh mục càng gần Chúa Giêsu bao nhiêu, thì lại càng cảm thấy mình gần dân Chúa bấy nhiêu!

Chính Đức Trinh Nữ Maria  đã sống kinh nghiệm yêu Chúa Giêsu có nghĩa là gì, khi tự tách rời khỏi chính mẹ, bằng cách trao ban một ý nghĩa mới cho các tương quan gia đình, khởi hành từ niềm tin nơi Chúa. Với sự bầu cử hiền mẫu xin Mẹ giúp chúng ta sống như những thừa sai tự do và tươi vui của Tin Mừng.

Tiếp đến ĐTC đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Sau kinh Truyền Tin ĐTC đã kêu gọi hoà bình cho Venezuela. Ngài nói: ngày mùng 5 tháng 7 là lễ độc lập của nước Venezuela. Tôi bảo đảm lời cầu nguyện của tôi cho quốc gia thân yêu này, và bầy tỏ sự gần gũi của tôi với các gia đình đã mất con cái trong các cuộc xuống đường biểu tình. Tôi kêu gọi chấm dứt bạo lực và tìm ra một giải pháp hoà bình và dân chủ cho cuộc khủng hoảng. Xin Đức Bà Coromoto bầu cử cho dân nước Venezuela! Rồi ĐTC mời mọi người hiện diện cùng ngài đọc một kinh Kính Mừng cầu cho dân nước Venezuela.

Ngài cũng chào nhiều đoàn hành hương hiện diện trong đó có các tín hữu Belfast bắc Ailen, giới trẻ Schattdorf Thụy Sĩ mới lãnh nhận bí tích Thêm Sức, các tham dự viên cuộc hành hương từ Cardito tỉnh Napoli, nam Italia. ĐTC chúc mọi người một ngày Chúa Nhật an lành và xin họ đừng quên cầu nguyện cho Ngài.

Linh Tiến Khải

Mục tử tốt lành yêu mến chăm sóc đàn chiên, nhưng cũng biết lên án điều xấu

Mục tử tốt lành yêu mến chăm sóc đàn chiên, nhưng cũng biết lên án điều xấu

“Mục tử tốt lành dâng hiến mạng sống vì đàn chiên”. Trong Thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta sáng ngày 23/06, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khai triển bài giảng dựa trên đoạn sách trích từ thư thứ hai của thánh Phaolô tông đồ gửi giáo đoàn Côrintô và từ đó Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến các đặc tính của người mục từ. Ngài tìm thấy nơi thánh Phaolô hình ảnh “mục tử đích thực”, không bỏ rơi đàn chiên như những người chăn thuê.

Mục tử đích thực có lòng đam mê nhiệt thành vì đàn chiên

Phẩm chất thứ nhất là niềm đam mê, đam mê “cho đến độ nói với dân của mình: ‘Vì anh em, tôi ghen cái ghen của Thiên Chúa. Một niềm đam mê đến trở thành “điên khùng”, “khờ dại” vì dân của mình. Đây là điều mà chúng ta thường gọi là nhiệt tâm tông đồ, và theo Đức Thánh Cha Phanxicô, một mục tử đích thực không thể thiếu ngọn lửa này ở trong lòng.

Mục tử đích thực biết phân định, quan sát từ sự cám dỗ của sự dữ

Đặc tính thứ hai của người mục tử là phải biết phân định. Mục tử phải biết là trong cuộc sống cám dỗ. Tên cám dỗ là cha của dối trá nhưng mục tử thì không. Mục tử yêu thương, còn tên cám dỗ thì ghen tị. Tên cám dỗ tìm cách lôi ké xa khỏi lòng trung thành, bởi vì cái ghen của Thiên Chúa nơi thánh Phaolô là để mang dân Chúa đến với vị hôn phu duy nhất, để gìn giữ dân Chúa trong sự trung thành với vị hôn phu. Trong lịch sử cứu độ, trong Thánh kinh, nhiều lần chúng ta tìm thấy sự rời xa Thiên Chúa, sự bất trung với Thiên Chúa, sự thờ kính ngẫu tượng giống như là một sự bất trung trong hôn nhân. Do đó mục tử phải biết đâu là nguy hiểm, nơi nào có ân phúc, và đâu là con đường đích thật để rồi biết đồng hành với đàn chiên của mình trong những thời điểm tốt lành và cả trong những giây phút tăm tối, trong những lúc bị cám dỗ, với sự kiên nhẫn để đưa đàn chiên về với đàn.

Mục tử đích thực biết lên án sự dữ và không ngây thơ

Một tông đồ không thể là một người ngây thơ. Không thể  nói: A, tất cả đều tốt, đều đẹp, chúng ta đi tiếp… Chúng ta tổ chức lễ hội, tất cả … chúng ta có thể … Bởi vì lòng trung thành với vị hôn phu là Chúa Kitô cần được bảo vệ, mục tử phải biết lên án: cách cụ thể là nói “không”, giống như các bậc cha mẹ nói với các đứa con nhỏ khi chúng bắt đầu bò đến và đặt ngón tay vào ổ cắm điện: ‘Không! Không! Nguy hiểm!!!’ Mục tử tốt lành biết lên án đích danh như thánh Phaolô đã làm.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắc lại chuyến thăm Bozzolo và Barbiana, và giải thích cách chăm sóc đàn chiên của cha Milani. Cha Milani chăm sóc, yêu thương đàn chiên của mình nhưng không phải là để người khác muốn làm gì thì làm.

Châm ngôn của cha Milani khi dạy các thiếu niên là “I care” (tôi quan tâm). Cha dạy các thiếu niên những điều họ phải quan tâm, nghiêm túc, ngược lại với châm ngôn của ngừơi thời đó là “I don’t care” (tôi không quan tâm). Và cha Milani dạy các thiếu niên tiến bước, chăm sóc sự sống của mình và sự “I don’t care” này. Do đó mục tử biết lên án những điều ngược với cuộc sống. Nhiều lần Đức Thánh Cha đã nói “chúng ta đánh mất khả năng lên án và chúng ta muốn đưa đàn chiên tiến bước một tí với tính “hiền lành như bột”; điều này không chỉ là ngây thơ nhưng là “tạo nên điều xấu”. “Sự hiền lành thỏa hiệp” đó có khi là để thu hút sự ngưỡng mộ hay sự yêu mến của giáo dân.

Đức Thánh Cha tóm lại: Thánh Phaolô tông đồ, sự nhiệt thành tông đồ của Phaolô, đam mê, hăng hái: là đặc tính đầu tiên. Ngài là người biết phân định bởi vì thánh nhân biết sự cám dỗ và biết rằng ma quỷ cám dỗ, đó là đặc tính thứ hai. Ngài cũng là người có khả năng lên án những điều gây nên sự dữ cho đàn chiên, đó là đặc tính thứ ba. Và Đức Thánh Cha kết luận với lời cầu cho tất cả các mục tử của Giáo hội, xin thánh Phaolô cầu nguyện với Chúa để tất cả các mục tử chúng ta có thể có 3 phẩm tính này để phục vụ Thiên Chúa. (REI 23/06/2017)

Hồng Thủy

5 vị thánh qua đời khi còn đang tuổi thiếu nhi

5 vị thánh qua đời khi còn đang tuổi thiếu nhi

Sáng Chúa nhật ngày 13 tháng 5, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ Maria hiện ra với 3 trẻ mục đồng tại Fatima, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tôn phong hai chân phước Phanxicô và Giaxinta lên bậc hiển thánh. Hai vị thánh trẻ này là những hiển thánh trẻ nhất trong lịch sử Giáo hội cho đến nay, nhưng không phải là những thiếu nhi đầu tiên được Giáo hội phong thánh. Trước đây, đã có các thiếu nhi được tuyên phong, như thánh José Luis Sánchez del Río, thánh Đaminh Savio và chân phước Imelda Lambertini và nhiều hồ sơ của các vị Tôi tớ Chúa hay Chân phước còn rất trẻ đang được cứu xét. Tuy không phải là các giám mục hay giáo hoàng nổi tiếng, không là các vị tài đức khôn ngoan nổi bật, nhưng các vị thánh trẻ cũng là những vị thánh lớn trong Giáo hội vì gương lành và ảnh hưởng của các ngài để lại cho Giáo hội. Các thánh trẻ dạy chúng ta nhiều điều dù là tuổi đời của các ngài thật non trẻ. Các thánh trẻ dạy chúng ta biết rằng chìa khóa nên thánh là trở nên bé nhỏ và có tinh thần phó thác vào Cha trên trời như các em bé. Các ngài cho chúng ta thấy niềm tin kỳ diệu của các ngài. Sau đây chúng tôi xin gửi đến quý vị tiểu sử vắn tắt của 5 vị thánh, ngay từ khi tuổi đời còn rất thơ dại, đã tận hiến chính mình cho Chúa và được Chúa cho hưởng vinh quang thiên quốc khi còn rất trẻ.

– Thánh Đaminh Saviô sinh năm 1842, tại làng Riva, miền bắc nước Ý, trong một gia đình Công giáo đạo hạnh, là học trò của thánh Gioan Bosco. Ngay từ khi còn nhỏ, Savio đã yêu mến Chúa và Giáo hội và luôn thực hành đức tin Công giáo. Khi được 3 tuổi, Saviô đã cầu nguyện hàng ngày với lòng sùng kính Chúa và còn nhắc nhở cha mẹ cậu khi họ quên cầu nguyện. Khi lên 5 tuổi, Savio đã học giúp lễ và được phép rước lễ lần đầu khi lên 7 tuổi; vào thời đó, đây là một điều đặc biệt. Đối với Savio, ngày được rước lễ lần đầu là ngày hanh phúc và tuyệt vời nhất trong cuộc đời. Cậu đã viết 4 lời hứa trong một cuốn sổ nhỏ: 1/ Tôi sẽ thường xuyên xưng tội và rước lễ khi cha giải tội cho phép; 2/ Tôi ao ước thánh hóa ngày Chúa nhật và các ngày Lễ trọng khác cách đặc biệt; 3/ Các bạn của tôi sẽ là Chúa Giêsu và Mẹ Maria; và 4/ Thà chết còn hơn pham tội.

Saviô ao ước mãnh liệt thực hiện điều Chúa muốn, cậu nói: “Tôi không thể làm những việc lớn lao vĩ đại. Nhưng tôi muốn tất cả những điều tôi làm, ngay cả những điều bé nhỏ nhất, là để Chúa được vinh danh hơn. Khi ở trường học, Saviô sống gương mẫu, hy sinh, chấp nhận những vu cáo vì muốn noi theo gương Chúa Giêsu. Savio ao ước trở thành linh mục và được chính thánh Gioan Bosco hướng dẫn. Nhưng sức khỏe của Saviô rất yếu, và mong ước được sớm về với Chúa. Savio qua đời khi chưa tròn 15 tuổi. Ngày 12/4/1954, Đức Giáo hoàng Pio XII đã tôn phong Saviô lên hàng hiển thánh. Thánh Đaminh Savio được chọn làm bổn mạng của các ca viên thiếu nhi, những người bị cáo gian, vv.

– Thánh José Luis Sánchez del Río sinh năm 1913, tại Mêhicô. Khi cuộc chiến Cristero, một cuộc tranh đấu chống lại chế độ tục hóa, chống lại chế độ chống Công giáo và đức tin, bùng nổ vào năm 1926, cậu bé José đang còn đi học ở trường. Nhiều người Công giáo Mêhicô nổi dậy để bảo vệ quyền tự do tôn giáo. Hai người anh của José gia nhập lực lượng nổi dậy và cậu bé cũng muốn đi theo các anh. Năm 14 tuổi, José  được nhận vào để giúp các việc ở chiến trường và sau đó, trở thành người cầm cờ của tổng tư lệnh. José nói rằng cậu muốn dâng cuộc sống cho Chúa Giêsu Kitô và biết là cậu có thể dễ bị chết trên chiến trường.

Trong một cuộc chiến, José đã bi bắt và bị các binh lính bắt phải chối bỏ đức tin Công giáo nhưng cậu cương quyết từ chối và điều này đã làm cho các binh lính nổi giận. José đã thuyết phục cha mẹ không trả tiền chuộc cậu theo yêu cầu của chính quyền. Sau khi José được một người dì mang Mình Thánh Chúa cho cậu lãnh nhận như “của ăn đàng”, cậu đã bị các binh lính lột da bàn chân từ từ, bắt cậu đi trên muối  và lôi cậu đi trên đường, chân không có giày, cho đến nghĩa trang. Họ định đâm José chết để tránh ồn ào, nhưng vì trên đường đi, cậu không ngừng hô “Vạn tuế Chúa Kitô Vua!”, làm các binh lính bực mình và cuối cùng,  viên sĩ quan đã bắn cậu chết vì không chịu chối đức tin. Khi ấy José được 15 tuổi. Ngày 16/10/2016 Đức Giáo hoàng Phanxicô đã tuyên phong hiển thánh cho José.

– Hai thánh Phanxicô và Giaxinta Marto là hai vị thánh được nói đến nhiều trong năm nay (2017). Phanxicô sinh năm 1908, còn Giaxinta sinh năm 1910. Hai vị thánh này là 2 trong số 3 trẻ mục đồng mà Đức Mẹ Maria đã hiện ra với họ nhiều lần trong năm 1917. Sau khi được nhìn thấy Đức Mẹ hiện ra, hai thiếu nhi này đã quyết định dâng hiến bản thân, hiến dâng mạng sống như lễ hy sinh để đền thay tội lỗi của thế giới.

Ước muốn duy nhất của Phanxicô là “an ủi và làm cho Chúa Giêsu vui lòng”; cậu đã khó vì nghĩ tới những tội lỗi con người đã phạm chống lại Chúa Giêsu. Phanxicô chịu đựng những bệnh tật đau khổ mà không hề than van. Đói với cậu, tất cả dường như còn quá ít để an ủi Chúa Giêsu. Phanxicô qua đời với nụ cười trên môi. Cả Giaxinta cũng thế, em đã chịu đựng những đau đớn do bệnh tật và nói: “Ôi, con ao ước chịu đau khổ bao nhiêu vì tình yêu dành cho Chúa và Đức Mẹ; các ngài rất yêu thương những người chịu đau khổ hy sinh để người tội lỗi trở lại. Khi Giaxinta đang đau bệnh, nằm trên giường, Đức Mẹ đến thăm hai em và cho biết Mẹ sắp mang Phanxicô về trời, Giaxinta cũng muốn hoán cải các tội nhân. Khi Phanxicô gần lìa thế, Giaxinta dặn anh: “anh hãy mang những lời chào thăm của em cho Chúa và Đức Mẹ nhé, và thưa với các Ngài rằng em sẵn sàng chịu đựng tất cả những gì các ngài muốn để hoán cải người tội lỗi.”

Phanxicô qua đời khi được 10 tuổi, còn Giaxinta chỉ mới 9 tuổi. Vào ngày 13 tháng 5 năm thánh 2000, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô đã tôn phong Phanxicô và Giaxinta lên bậc chân phước và ngày 13 tháng 5 năm nay, Đức giáo hoàng cũng đã tôn các ngài lên hàng hiển thánh.

– Chân phước Imelda Lambertini sinh năm 1322. Khi còn rất nhỏ, Imelda đã có lòng đạo đức đặc biệt, yêu thích cầu nguyện. Khi mới 9 tuổi, cô đã bị thu hút bởi đời sống tu trì và xin vào dòng Đaminh. Cha mẹ của cô bé rất ngạc nhiên, nhưng nhìn thấy lòng sùng kính và tình yêu Chúa của cô bé, họ đã cho cô đến sống ở đan viện gần đó. Ở đó, Imelda được mang tu phục dòng Đaminh và sống đời sống của các nữ tu. Ao ước lớn nhất của Imelda là được lãnh nhận Chúa Giêsu Thánh Thể, nhưng vào thời đó, phải 14 tuổi mới được rước lễ lần đầu. Tuy vậy, Imelda vẫn kiên trì cầu xin. Vào môt ngày lễ Thăng Thiên, khi cả cộng đoàn được rước Mình Thánh Chúa, chỉ có Imelda là không được. Sau Thánh lễ, khi một nữ tu đang dọn bàn thờ, chợt nghe tiếng ồn. Chị nhìn lên và thấy Minh Thánh Chúa lơ lửng trên không, ở phía trên đầu Imelda, khi cô đang quỳ gối đắm mình trong cầu nguyện trước Nhà Tạm. Linh mục nhìn thấy phép lạ hiểu rằng đó là một dấu chỉ và đã cho Imelda được rước lễ lần đầu. Với nụ cười trên môi, Imelda đã qua đời không lâu sau đó, khi mới 11 tuổi. Chân phước Imelda được chọn làm bổn mạng các trẻ em rước lễ lần đầu. 

Hồng Thủy

Giáo phận Rouen bắt đâu thu thập tài liệu phong chân phước cho cha Hamel

Giáo phận Rouen bắt đâu thu thập tài liệu phong chân phước cho cha Hamel

Hôm thứ 7, 20/5 vừa qua, tại Giáo phận Rouen đã diễn ra buổi trình bày chứng từ đầu tiên trong tiến trình thu thập tài liệu cho án phong chân phước của cha Jacques Hamel, linh mục Giáo phận Rouen, bị hai người Hồi giáo cắt cổ, sát hại dã man, tại nhà thờ giáo xứ của cha ở Saint-Etienne-du-Rouvray vào ngày 26/7/2016 khi đang dâng Thánh lễ.

Theo tin của Giáo phận Rouen, trong những tháng tới đây, 69 nhân chứng sẽ trình bày các điều liên quan đến cha Jacques Hamel.

Vị thỉnh nguyện viên của án phong chân phước, cha Paul Vigouroux đã nói với Đức tổng giám mục Dominique Lebrun về “danh tiếng của vị tử đạo” –  Tôi tớ Chúa Jacques Hamel – được Pháp và thế giới yêu mến. Từ khi cha bị giết, đã có nhiều thư được những người vô danh, các chính quyền, các Giám mục Công giáo Pháp và khắp thế giới, lãnh đạo của các Giáo hội Kitô khác, những người Do thái và Hồi giáo, gửi về.

Danh tiếng về sự thánh thiện của cha Hamel cũng được Đức Giáo hoàng Phanxicô cảm nhận. Ngài đã nói trong Thánh lễ vinh danh cha Hamel tại nhà nguyện thánh Marta ngày 14/09/2016: “Cha ấy là một vị tử đạo. Và các vị tử đạo được chúc phúc, chúng ta phải cầu nguyện với cha.”

Vị thỉnh nguyện viên nói tiếp: “Cha Jacques Hamel đã sống đời sống linh mục một cách đơn giản nhất có thể, luôn luôn ở vùng ngoại biên, cả ở vùng ngoại ô phát triển của thành phố Rouen và vùng ngoại ô nơi có rất nhiều các người đồng thời với chúng ta. Tại một đô thị có nhiều người nước ngoài sinh sống, cha đã có mối quan hệ tốt với cộng đồng Hồi giáo.”

Và vì danh tiếng của cha – người của đức tin, phục vụ toàn dân, vượt trên những liên hệ tôn giáo” – cộng đồng Saint-Etienne-du-Rouvray đã quyết định dựng một tác phẩm điêu khắc ở trung tâm thành phố để vinh danh cha.

Đức cha Lebrun đã giải thích rằng giai đoạn một của tiến trình phong thánh sẽ được thực hiện ở cấp giáo phận ở Rouen, Sau đó, giai đoạn hai sẽ được chuyển sang Roma cho Bộ Phong thánh. Quyết định cuối cùng sẽ do Đức Giáo hoàng. Đức cha cũng nhắc là trong giai đoạn một, không được cầu kêu cầu danh cha Hamel trong các lời nguyện chính thức như một chân phước hay một vị thánh. (SIR 25/07/2017)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung tín hữu hành hương: 24-5-2015

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung tín hữu hành hương: 24-5-2015

VATICAN. ĐTC nhắn nhủ các tín hữu, dù trong nghịch cảnh, hãy xác tín ”chúng ta tiếp tục được yêu thương và Thiên Chúa không bao giờ ngưng yêu thương chúng ta”

Trên đây là nội dung bài huấn giáo của ĐTC trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 24-5-2017 dành cho hơn 30 ngàn các tín hữu hành hương tại quảng trường thánh Phêrô, trong đó có hàng trăm tín hữu Công Giáo người Việt đến từ Mỹ, quốc nội và một số nước khác. Buổi tiếp kiến diễn ra sau khi ĐTC tiếp kiến riêng tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Mở đầu buổi tiếp kiến, mọi người nghe đọc bài Tin mừng theo thánh Luca đoạn 24 (28-32) kể lại sự tích hai môn đệ trên đường Emmaus đã đồng hành với Chúa và nhận ra Ngài trong nghi thức bẻ bánh.

Bài huấn giáo

Trong bài huấn dụ, ĐTC nói về đề tài ”Emmaus, con đường hy vọng”. Đây là bài thứ 23 trong loạt bài giáo lý về Đức Hy vọng Kitô giáo. Ngài nói:

”Hôm nay tôi muốn nói về kinh nghiệm của hai môn đệ Emmaus, theo Tin Mừng thánh Luca (Xc 24,13-35). Hai người bước đi trong thất vọng, tin chắc mình đang bỏ lại sau lưng một biến cố cay đắng kết thúc trong thất bại. Trước lễ Vượt Qua ấy, họ đầy phấn khởi: họ xác tín rằng những ngày ấy sẽ có tính cách quyết định đối với những mong đợi của họ và hy vọng của toàn dân. Đức Giêsu, Người mà họ đã phó thác cuộc sống, dường như đi tới cuộc chiến quyết định: giờ đây Ngài sẽ biểu dương quyền năng, sau một thời gian dài chuẩn bị và ẩn náu. Nhưng thực tế không xảy ra như vậy.

2 người lữ khách ấy đã nuôi hy vọng hoàn toàn phàm nhân, hy vọng ấy giờ đây vỡ tan. Thập giá được dựng lên trên đồi Can Vê là dấu chỉ hùng hồn nhất về một sự thất bại mà họ không tiến đoán trước được. Nếu thực sự Đức Giêsu ấy là vị theo tâm hồn của Thiên Chúa, thì họ phải kết luận rằng Thiên Chúa là Đấng vô phương tự vệ trong tay những kẻ bạo lực, ngài không có khả năng chống lại sự ác.

Thế là hai môn đệ ấy trốn khỏi thành Jerusalem. Nơi mắt họ vẫn còn những biến cố khổ nạn, cái chết của Chúa Giêsu; và trong tâm hồn họ còn một sự phấn đấu vất vả về những biến cố ấy, trong ngày hưu lễ sabbat. Lễ Vượt Qua ấy, trong đó lẽ ra người ta phải xướng lên bài ca giải thoát, nhưng thực tế ngày ấy đã biến thành ngày đau thương nhất trong cuộc đời họ. Họ rời thành Jerusalem để đi nơi khác, đến một làng yên tĩnh. Họ hoàn toàn giống như những người quyết tâm loại bỏ một kỷ niệm đốt cháy. Vì vậy họ lên đường, hành trình. Cảnh tượng này – con đường đi – vốn là điều quan trọng trong trình thuật của các Phúc Âm nay càng trở nên quan trọng hơn, là lúc trong đó người ta bắt đầu kể lại lịch sử Giáo Hội.

Cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với hai môn đệ ấy có vẻ hoàn toàn là tình cờ: giống như một trong bao nhiêu ngã tư xảy ra trong cuộc sống. Hai môn đệ đang tiến bước, suy nghĩ đăm chiêu, thì một người lạ đến gần họ. Đó là Chúa Giêsu; nhưng mắt họ không có khả năng nhận ra Ngài. Và thế là Chúa Giêsu bắt đầu ”phương thức trị liệu hy vọng” của Ngài.

Trước tiên Ngài hỏi và lắng nghe: Thiên Chúa chúng ta không phải là một vị Chúa xâm phạm đời tư. Cho dù Ngài đã biết lý do sự thất vọng của hai môn đệ, nhưng ngài để cho họ có thời gian để có thể ôm chặt sự cay đắng xâm chiếm họ. Từ đó có sự tuyên xưng như một điệp khúc của cuộc sống con người: ”Chúng tôi đã hy vọng…” (v.21). Bao nhiêu buồn sầu, chiến bại, không thành công trong cuộc sống của mỗi người! Xét cho cùng tất cả chúng ta phần nào cũng giống như hai môn đệ ấy. Bao nhiêu lần trong cuộc sống, chúng ta đã hy vọng, bao nhiêu lần chúng ta cảm thấy gần kề hạnh phúc, nhưng rồi chúng ta thất vọng não nề. Nhưng Chúa Giêsu tiến bước với tất cả những người nản chí cúi đầu bước đi. Và khi đồng hành với họ, một cách kín đáo, Ngài phục hồi hy vọng cho họ.

ĐTC nói tiếp:

”Trước tiên, Chúa Giêsu nói với họ qua Kinh Thánh. Ai cầm trong tay cuốn sách của Thiên Chúa, thì chẳng gặp những chuyện anh hùng dễ dàng, những chiến dịch chinh phục chớp nhoáng. Niềm hy vọng đích thực không bao giờ là điều rẻ tiền: nó luôn tiến qua những thất bại. Niềm hy vọng của người không chịu đau khổ, có lẽ cũng chẳng phải là hy vọng. Chúa không thích được yêu thương như thể người ta yêu một nguyên soái đưa dân mình đến chiến thắng bằng cách tiêu diệt các đối thủ trong máu. Thiên Chúa chúng ta là một một ngọn lửa hâm nóng trong ngày lạnh lẽo và gió thôi, và tuy sự hiện diện của Ngài trên thế giới có vẻ là yếu ớt, nhưng chính Ngài đã chọn chỗ mà tất cả mọi người coi rẻ.

Rồi Chúa Giêsu lập lại với hai môn đệ cử chỉ nòng cốt của mỗi Thánh Lễ: Ngài cầm lấy bánh, chúc tụng, bẻ ra và trao ban. Trong loạt cử chỉ này, phải chăng đó chẳng là tất cả lịch sử của Chúa Giêsu sao? Trong mỗi Thánh Lễ, không có cả dấu hiệu cho thấy Giáo Hội phải là gì sao? Chúa Giêsu nhận lấy chúng ta, chúc lành, ”bẻ” cuộc sống chúng ta – vì không có tình yêu nếu không có hy sinh – và Ngài trao ban cho người khác, cho tất cả mọi người.

Đó là một cuộc gặp gỡ mau lẹ, cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với hai môn đệ trên đường Emmaus. Nhưng trong đó có tất cả vận mạng của Giáo Hội. Người ta kể với chúng ta rằng cộng đoàn Kitô không khép kín trong một thành có pháo đài bao quanh, nhưng tiến bước trong môi trường sinh đong nhất, nghĩa là đường phố. Tại đó cộng đoàn gặp con người, với những hy vọng và thất vọng của họ, nhiều khi nặng nề. Giáo Hội lắng nghe chuyện của tất cả mọi người, như nảy sinh từ kho tàng lương tâm mỗi người; để rồi chúng ta cống hiến Lời Hằng sống, chứng ta tình thương của Thiên Chúa, tình yêu chung thủy đến cùng. Và như thế trái tim con người lại được nồng cháy hy vọng.

Bí quyết của con đường dẫn đến Emmaus hệ tại điều này là: cả qua những tình trạng có vẻ là nghịch cảnh, chúng ta tiếp tục được yêu thương và Thiên Chúa không bao giờ ngưng yêu thương chúng ta.

Chào thăm

Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý, các linh mục thuộc các cơ quan Tòa Thánh tóm tắt bài huấn giáo của ĐTC trong các sinh ngữ khác nhau, cả những lời chào thăm và nhắn nhủ của ngài.

Với các tín hữu nói tiếng Pháp, ngài đặc biệt nhắc đến một nhóm tín hữu Công Giáo thuco tòa án ở Pháp và cộng đoàn Arche ở Ambleteuse chuyên săn sóc những người khuyết tật tâm trí.

Trong số các tín hữu nói tiếng Anh được ĐTC chào thăm, cũng có các tín hữu Việt Nam, và từ các nước Đông Á khác, như Hong Kong, Philippines, cả Indonesia và Ấn độ. Ngài nói Trong niềm vui của Chúa Kitô Phục Sinh, tôi cầu xin lòng thương xót yêu thương của Thiên chúa là Cha chúng ta đổ tràn trên anh chị em.

Ngài nói thêm rằng: Tôi đặc biệt chào thăm các tín hữu từ Hong Kong, trong ngày lễ kính Đức Mẹ Xà Sơn ở Thượng Hải. Hôm qua, 24-5, cũng là ngày Giáo Hội đặc biệt cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Quốc, theo quyết định của ĐGH Biển Đức 16 cách đây 10 năm.

Sau cùng, bằng tiếng Ý, ĐTC đặc biệt nhắc đến các tín hữu đến từ vùng đã bị động đất Valnerina. Ngài gửi lời thăm các bạn trẻ, các bệnh nhân và các đôi vợ chồng mới cưới và nói:

”Hôm nay chúng ta mừng kính Đức Mẹ Phù Hộ các tín hữu. Các bạn trẻ thân mến, hãy học yêu mến theo trường của Mẹ Chúa Giêsu; hỡi các bệnh nhân thân mến, trong đau khổ, anh chị em hãy cầu xin sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria với kinh Mân Côi; và hỡi anh chị em là các đôi tân hôn, với Mẹ Maria anh chị em hãy luôn biết lắng nghe thánh ý Chúa về gia đình của anh chị em.”

G. Trần Đức Anh OP

 

Phép lạ thứ hai – hoàn tất hồ sơ phong thánh cho Phanxicô và Giaxinta

Phép lạ thứ hai – hoàn tất hồ sơ phong thánh cho Phanxicô và Giaxinta

Vào tháng 3 năm 2013, Lucas Maeda de Oliveira, một em bé 6 tuổi ở giáo phận Capo Mourao, Para Paranà, Braxin, đang chơi đùa với cô em gái tại nhà của người ông thì tai nạn xảy ra. Cậu bé Lucas té từ cửa sổ cao 6,5m xuống đất và bị chấn thương sọ não nghiêm trọng. Cậu bé được đưa đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê, và người ta dự đoán xấu về sự sống của em. Lucas được đưa đi phẫu thuật cấp cứu mặc dù tại một cơ sở y tế không đủ điều kiện để điều trị chấn thương nghiêm trọng, với nguy cơ tử vong cao, hoặc nếu khá hơn thì có thể sống tình trạng thực vật vĩnh viễn hoặc bị tổn thương thần kinh và nhận thức

Khi tai nạn xảy ra, cha của Lucas, bế cậu bé đang nằm trên vỉa hè lên và đã cầu khẩn với Đức Mẹ Fatima và hai chân phước thiếu nhi Phanxicô và Giaxinta. Đêm hôm đó, gia đình Lucas đã cùng với một cộng đoàn các nữ tu dòng Kín Cát minh kiên trì cầu nguyện với hai chân phước mục đồng.

Chỉ một ít ngày sau, cậu bé Lucas được xuất viện và hoàn toàn bình phục cách nhanh chóng, trở lại bình thường, mà không có trị liệu đặc biệt, tự đi lại và không có ảnh hưởng đến thần kinh và nhận thức.

Sức khỏe tâm lý của cậu bé cũng được các chuyên gia y tế xác nhận vào năm 2016 và được ghi trong hồ sơ án phong thánh như sau: “Cậu bé Lucas tỉnh táo, có thể giao tiếp, hành xử bình thường so với độ tuổi và không có sự thay đổi tâm lý.”

Hôm 2/2/2017, các bác sĩ cố vấn y khoa đã đồng thuận bỏ phiếu chứng nhận sự khỏi bệnh kỳ lạ (tất cả 6 phiếu thuận).

Trong bài giảng trong Thánh lễ trên mộ của hai thiếu nhi Phanxicô và Giaxinta, Đức cha giáo phận Leiria đã nói: “Thiên Chúa thật là kỳ diệu, Người đã muốn làm vinh danh Người qua hai trẻ bé nhỏ mù chữ nhưng rất quý giá trước mắt Người.” Sơ Angela de Fatima Coelho da Silva, thỉnh nguyện viên án phong thánh cho hai thiếu nhi này kết luận: “Việc phong thánh cho hai em sẽ có giá trị đặc biệt to lớn đối với các trẻ em và sẽ là một sự khích lệ cho các gia đình. (Avvenire 12/05/2017)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha tiếp kiến Giáo Hoàng Học Viện Bồ đào nha

Đức Thánh Cha tiếp kiến Giáo Hoàng Học Viện Bồ đào nha

VATICAN. Sáng 8-5-2017, ĐTC đã tiếp kiến ban giám đốc và các LM sinh viên thuộc Giáo Hoàng Học Viện Bồ Đào nha ở Roma gồm 50 người. Ngài mời gọi mọi người hãy tăng trưởng trong tình con thảo với Mẹ Maria.

ĐTC nhắn nhủ các linh mục sinh viên hãy tăng trưởng không biết mệt mỏi trong việc huấn luyện về phương diện Kitô, linh mục, mục vụ và văn hóa. Ngài nói: ”Bất kỳ anh em theo đuổi ngành chuyên môn nào, quan tâm đầu tiên của anh em vẫn phải luôn làm sao để tiến triển trên con đường thánh hiến linh mục, qua kinh nghiệm yêu mến Chúa: một Thiên Chúa gần gũi và trung tín, như hai chân phước Phanxicô, Giacinta và Nữ Tôi Tớ Chúa Lucia đã cảm thấy”.

ĐTC cũng đề cao tương quan với Mẹ Maria, tương quan này giúp chúng ta có tương quan tốt đẹp với Giáo Hội: ”cả hai đều là Mẹ chúng ta.. Cần vun trồng tình con thảo với Đức Mẹ, vì nếu thiếu điều này, thì có một sự mồ côi nào đó trong tâm hồn. Một linh mục quên Đức Mẹ, nhất là trong những lúc khó khăn, thì sẽ thiếu một sự gì đó, như thể là người mồ côi trong thực tế họ không phải như vậy!” (SD 8-5-2017)

 G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha sẽ phong thánh hai hiển thánh tại Fatima

Đức Thánh Cha sẽ phong thánh hai hiển thánh tại Fatima

VATICAN. ĐTC sẽ chủ sự lễ phong hiển thánh cho hai chân phước thiếu nhi Phanxicô và Giacinta Marto vào ngày 13-5 tới đây tại Fatima, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại đây với 3 mục đồng.

Tin trên đây được ĐTC thông báo trong công nghị Hồng Y sáng ngày 20-4-2017 tại Vatican.

Chân phước Phanxicô qua đời năm 1919 lúc mới được 11 tuổi và em ruột là Giacinta qua đời năm 1920 khi được 10 tuổi. Cả hai đã được ĐTC Gioan Phaolô 2 phong chân phước ngày 13-5-2000 tại Fatima. Với Phanxicô và Giacinta Marto, đây là lần đầu tiên trong lịch sử hai trẻ em không phải là tử đạo, được phong hiển thánh.

Trước đó, Bộ Phong thánh đã công bố sắc lệnh nhìn nhận một phép lạ nhờ lời chuyển cầu của hai chân phước thiếu nhi: một em bé 6 tuổi ở Brazil, năm 2013, bị té từ lầu 3 xuống vệ đường và bị thương ở đầu và não bộ. Thân nhân em đã cầu xin hai chân phước cứu chữa và em bé đã được lành bệnh hoàn toàn.

35 chân phước khác

Trong công nghị, ĐTC cũng quyết định phong hiển thánh cho 35 vị chân phước. Trước khi đọc bản giới thiệu các vị chân phước, ĐHY Angelo Amato cũng nhắc đến các trẻ em trên thế giới ngày nay, nạn nhân của bạo hành và lạm dụng.

Đứng đầu danh sách được trình bày là Cha Andrea de Soveral, Cha Ambrogio Francesco Ferro, LM giáo phận, và giáo dân Matteo Moreira cùng với 27 vị tử đạo tại Brazil. 30 chân phước này tử đạo ngày 16-7-1645 và 3-10-1645, vì bị những người Tin Lành Calvin Hòa Lan giết trong cuộc xung đột với các tín hữu Công Giáo Bồ đào nha.

Tiếp đến là 3 chân phước thiếu niên tử đạo người Mêhicô là Cristoforo, Antonio và Giovanni, bị giết vì đức tin ở Mêhicô năm 1529. 3 vị này quen được gọi là ”Các trẻ tử đạo ở Tlaxcala”, là những thổ dân đầu tiên trở lại Công Giáo ở Mêhicô, bị giết vì đã nhân danh đức tin Kitô từ chối sự tôn thờ thần tượng và tục đa thê.

Thứ ba là Cha Faustino Miguez, thuộc dòng Scolopi, sáng lập Hội dòng Calasanziano của các Nữ tử Chúa là Mục Tử.

Thứ tư là chân phước LM Angelo da Acri, tục danh là Luca Antonio Falcone, thuộc dòng Capucino, qua đời năm 1739, thọ 70 tuổi.

35 chân phước sẽ được phong hiển thánh ngày 15-10 năm nay (SD 20-4-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Cha George Weinmann và Sơ Lilian McLaughlin, hai vị tử đạo của Thánh Thể

Cha George Weinmann và Sơ Lilian McLaughlin, hai vị tử đạo của Thánh Thể

Đã 50 năm trôi qua, các tín hữu Công giáo ở Rochester, New York, vẫn nhớ đến gương hy sinh của cha George Weinmann, 77 tuổi, và sơ Lilian Marie McLaughlin, một nữ tu dòng Notre Dame, đang dạy học tại trường học của giáo xứ, những người đã hy sinh mạng sống để cứu các trẻ em và Thánh Thể trong một cơn hỏa hoạn tại nhà thờ thánh Philip Neri tại thành phố này.

Cha Weinmann được thụ phong Linh mục năm 1918, sau đó cha phục vụ trong 3 giáo xứ trước khi trở thành cha sở của xứ Philip Neri vào năm 1959. Cha đã ra sức xây dựng giáo xứ, thành lập trường học giáo xứ vào năm 1962, và năm 1965, cha xây một tu viện cho các nữ tu dòng Notre Dame. Cha nổi tiếng là “tiết kiệm”, cha để ý tới từng xu tiền của giáo xứ và tiêu xài rất ít cho chính mình. Khi cha qua đời, người ta tìm thấy một phong bì bên ngoài cha viết “Cho nhà thờ mới”, bên trong là trái phiếu của chính phủ với số tiền lên tới 200 ngàn đô la. Sơ McLaughlin sinh trưởng ở Boston và gia nhập dòng Notre Dame vào năm 1962. Các học sinh nói sơ là người dịu dàng, kiên nhẫn, vui vẻ và có tình hài hước. Sơ xinh đẹp, dễ thương và như thiên thần.

Ngày 20 tháng 2 năm 1967 là một ngày trời u ám, tuyết rơi và gió lạnh. Các học sinh của trường đang chơi trong giờ ăn trưa. Jimmy Thompson, một giám thị các học sinh lớp 7, đang quan sát các em khi chúng chơi đùa. Thình lình một học sinh lớp 4 đi ra khỏi ngôi nhà thờ gỗ và cho ông biết là các học sinh đang chơi giỡn bên trong nhà thờ. Thompson mở cửa nhà thờ và nhìn vào bên trong, ông thấy lửa cháy lan khắp phía sau cung thánh của nhà thờ. Thompson vội vàng chạy đến trường học và kéo chuông báo cháy và chạy đến nhà xứ báo cho cha xứ biết.

Nhà thờ thánh Philip Neri được xây dựng vào năm 1929, hoàn toàn bằng gỗ. Do đó ngon lửa đã dễ dàng lan tràn khắp nhà thờ. Khi cha Weinmann, 77 tuổi, cha sở của giáo xứ, nghe tiếng la hét thông báo nhà thờ đang bị cháy, đã chạy vội ra khỏi nhà xứ và băng mình xông vào lửa để cứu lấy Mình Thánh Chúa trong Nhà Tạm. Còn sơ McLaughlin, vội vàng gọi điện cho sở cứu hỏa và khi được biết là còn một số ít trẻ em đang ở trong nhà thờ, sơ đã không chút do dự, chạy vào nhà thờ qua cửa hông để vào cứu các em. Thật ra trong nhà thờ không có học sinh nào cả, nhưng sơ McLaughlin gặp thấy cha Weinmann và cố gắng giúp cha thoát ra ngoài nhà thờ. Họ cố đi ra bằng cửa chính, nhưng vì khói dày đặc nên cả hai người không nhìn thấy rõ và tưởng cửa vào phòng giải tội là cửa chính. Lính cứu hỏa đã tìm thấy hai người gần đó. Sơ McLaughlin qua đời vì ngạt khói, ngay chiều thứ hai hôm ấy, khi chỉ vừa mừng sinh nhật lần thứ 26 được 2 ngày. Còn cha Weinmann, đã mang Mình Thánh Chúa ra khỏi Nhà Tạm, cũng qua đời hai ngày sau đó.

Sự hy sinh của cha Weinmann và sơ McLaughlin đã để lại một dấu vết không thể xóa nhà trong ký ức của các học sinh và giáo dân của giáo xứ tại thành phố Rochester này và cũng là một mẫu gương hy sinh sống động mãi. Dù họ đã hy sinh cách đây nửa thế kỷ, nhưng ấn tượng của các học sinh và giáo dân về họ vẫn cho thấy một bản chất bình thường của sự vĩ đại, điều đã làm cho vị Tôi tớ Chúa Fulton Sheen gọi họ là “các vị tử đạo”. Thompson, người đã khám phá đám cháy hôm ấy, chia sẻ: “Khi bạn gặp điều gì đó tàn phá trong cuộc sống của bạn như ngày 20 tháng 2 năm đó, và khi nó liên quan đến tôn giáo của bạn, đến trường của bạn và nhà thờ của bạn mà bạn thật sự yêu quý, bạn không bao giờ có thể quên những điều này.”

Lòng yêu mến của mọi người đối với cha Weinmann và sơ McLaughlin được thể hiện qua sự hiện diện của rất đông dân chúng hiện diện trong Thánh lễ tại nhà thờ Truyền tin vào ngày 26 tháng 2 vừa qua, nhân tưởng niệm 50 năm ngày hy sinh của hai người. Trong số những người hiện diện có thân nhân của cha Weinmann và sơ McLaughlin cũng như các giáo dân của giao xứ thánh Philip Neri ngày xưa. Trong bài giảng Thánh lễ, cha Dennis Bonsignore cho biết cha được biết về vụ hỏa hoạn ở nhà thờ thánh Philip Neri vào năm 1992, 25 năm sau ngày xảy ra, khi cha đang phục vụ ở nhà thờ thánh Cecilia. Cha kể, vào hôm đó, Peter Fantigrossi đã hiện diện mà không biết là cha Bonsignore sẽ giảng về đám cháy. Ông là người lính cứu hỏa đã mang sơ McLaughlin ra khỏi nhà thờ thánh Philip Neri. Tai nạn làm cho ông cảm thấy đau khổ phát điên và đã rời bỏ nhà thờ trong nhiều năm. Nhưng sau thánh lễ vào năm 25 năm, Peter Fantigrossi cảm thấy được chữa lành và đổi mới. Ông đã sáng tác một bài thơ tựa đề "I Held an Angel in My Arms" – Tôi ôm một thiên thần trên cánh tay tôi”. Cha Bonsignore nhận định rằng hai vị đã để lại một mẫu gương sống động về niềm tin của họ về sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể.

Đức cha Matano của giáo phận Rochester khen ngợi cha Weinmann và sơ McLaughlin là gương mẫu cho các tín hữu Công giáo dâng trọn mạng sống của họ cho Chúa Giêsu. Ngài nói: “Chúng ta cầu nguyện để noi gương cha Weinmann và sơ McLaughlin, chúng ta có thể nói ‘Tôi sống nhưng không là tôi sống mà Chúa Kitô sống trong tôi.” (CNS 10/03/2017)

Hồng Thủy

Giữ chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Ai Cập

Giữ chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Ai Cập

VATICAN. Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, Ông Greg Burke, cho biết chương trình viếng thăm của ĐTC tại Ai Cập trong hai ngày 28 và 29-4 tới đây được giữ nguyên, mặc dù có những vụ khủng bố hôm chúa nhật 9-4-2017 tại hai nhà thờ của Giáo Hội Chính Thống Copte.

Cha Rafic Grieche, Phát ngôn viên của HĐGM Ai Cập, cũng nói với hãng tin Công Giáo Hoa Kỳ rằng: ”Người Ai Cập đang mong chờ cuộc viếng thăm của ĐGH Phanxicô, mặc dù bầu không khí nặng nề hiện nay. Sứ mạng của ĐGH là ở cạnh các anh chị em trong thời điểm khó khăn. Nay là lúc thực sự ngài có thể mang lại an bình và hy vọng cho nhân dân Ai Cập nói chung và cách riêng cho các tín hữu ở Trung Đông”.

Cha Grieche nhìn nhận rằng dân chúng cảm thấy không thoải mái khi vào các thánh đường với các máy phát hiện kim loại và các biện pháp an ninh khác. Điều này không giống như khi vào một thánh đường bình thường, nhưng chúng tôi cần những biện pháp ấy để bảo vệ an ninh cho dân chúng”.

Cha Greiche kể lại rằng sau vụ tấn công sáng chúa nhật vừa qua (9-4), cha đã cử hành thánh lễ với 2 ngàn người. Dân chúng đã biết có vụ khủng bố ở thành phố Tanta, nhưng họ không muốn có thái độ sợ hãi. Ban chiều cùng ngày họ cũng đến cầu nguyện nhân dịp Tuần Thánh.

Đức Thượng Phụ Tawadros II, Giáo Chủ Chính Thống Copte Ai Cập có mặt ở Nhà thờ chính tòa thánh Marco ở thành phố Alessandria sáng ngày 9-4 để chủ sự lễ lá, khi xảy ra vụ nổ ở bên ngoài thánh đường.

Máy thu hình an ninh cho thấy một nhân viên an ninh chỉ dẫn cho một người bước qua máy phát hiện kim loại. Người này bước một bước vào cổng máy và bước lui một bước, tiếp theo đó là một tiếng nổ lớn cắt đứt cuốn phim do máy thu hình quay được.

Trước đó, một quả bom nổ bên trong thánh đường thánh Giorgio ở thành phố Tanta, cách Alessandria 112 cây số, trong lúc lễ lá đang được cử hành. Tổng cộng có ít nhất 44 người bị giết và hơn 100 ngườ bị thương trong hai vụ khủng bố. Đây là vụ khủng bố nặng nhất từ trước đến nay chống lại các tín hữu Kitô ở Ai Cập kể từ những thập niên qua.

Đức Thượng Phụ Tawadros nói với đài truyền hình Rai của Italia hôm 9-4-2017 rằng những vụ tấn công này không làm thương tổn sự đoàn kết và gắn bó của nhân dân Ai Cập. Những vụ tấn công này chống những người hòa bình tại những nơi cầu nguyện, chứng tỏ những kẻ khủng bố là những người vô tôn giáo.

Đại Iman Ahmad el-Tayyeb của Đại Học al-Azhar cũng lên án các vụ khủng bố và gọi đó là hành động sát hại những người vô tội (CNS 10-4-2017)

 G. Trần Đức Anh OP