Đức Giáo hoàng gửi thông điệp ban phép lành trên Twitter

 

Đức Giáo hoàng gửi thông điệp ban phép lành trên Twitter

Đức Giáo hoàng Benedicto thứ 16 đã khai trương tài khoản Twitter của Ngài bằng một tin nhắn ban phép lành cho hàng triệu người « follower », nhân buổi lễ lớn hôm nay 12/12/2012. Như vậy Giáo hội đã vượt qua thử thách của các mạng xã hội, nơi mà Vatican thường bị các cư dân mạng trẻ tuổi chỉ trích.

Trong “tweet” đầu tiên của tài khoản @pontifex, Đức Giáo hoàng viết: “Các bạn thân mến, tôi vui mừng gặp gỡ được các bạn thông qua Twitter. Xin cảm ơn sự đáp ứng nồng nhiệt của các bạn. Tôi xin ban phép lành cho các bạn với cả trái tim”.

Trước khi được gởi đi, tài khoản của Đức Thánh Cha đã có hơn một triệu “follower”, và chỉ trong vòng 40 phút sau, bản tiếng Anh của tin này đã được chuyền lại 15.600 lần. Tin Twitter đầu tiên của Đức Giáo hoàng còn được phổ biến bằng bảy thứ tiếng khác: Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Pháp, Ả Rập và Ba Lan.

Tin Twitter thứ hai, trả lời một câu hỏi về cách sống tốt nhất trong “Năm đức tin”, Đức Giáo hoàng Benedicto thứ 16 đưa ra ba lời khuyên ngắn gọn theo kiểu đặc thù của loại hình mạng xã hội này: “Đối thoại với Chúa Giêsu trong cầu nguyện, nghe lời Chúa nói với các con trong Kinh Thánh, gặp gỡ Đức Giêsu đang hiện diện trong những ai đang cần giúp đỡ”.

Hôm nay Đức Giáo hoàng sẽ trả lời thêm hai câu hỏi nữa, trong số hàng ngàn câu hỏi được gởi đến từ khi tài khoản của Ngài được mở cách đây một tuần.

Sau khi ban phép lành cho 4.500 tín đồ đến từ khắp nơi trên thế giới tập trung tại gian Phaolô đệ lục trong buổi lễ lớn hàng tuần, Đức Thánh Cha, 85 tuổi, đã gởi đi “tweet” đầu tiên từ chiếc máy tính bảng được, Hội đồng truyền thông xã hội, thanh niên của Đức Giáo hoàng và người phụ trách về Twitter, Claire Diaz-Ortiz, mang lại đặt trên chiếc bàn phủ vải đỏ. Đức Giáo hoàng Benedicto 16 tươi cười nhấn vào phím để gởi đi “tweet” đầu tiên của một Đức Giáo hoàng trong lịch sử.

Do nguyên tắc, Đức Giáo hoàng không “theo chân” ai trên Twitter cả

Từ khi tài khoản Twitter của Đức Thánh Cha được mở, hàng ngàn người đã gởi đến Ngài các câu hỏi. Có những câu nghiêm túc, nhưng cũng có những câu hỏi mỉa mai, chỉ trích, chống đối. Người đứng đầu Giáo hội hy vọng rằng sự hiện diện của Ngài trên Twitter sẽ giúp truyền bá Phúc âm đến nhiều nơi trên thế giới.

Trong bài xã luận hàng tuần trên Radio Vatican, phát ngôn viên của Tòa Thánh là Cha Federico Lombardi nhấn mạnh sự quan trọng của thử thách này, bằng một câu phỏng theo Phúc âm: “Một tweet có thể được đón nhận với sự nhiệt tình hay chối bỏ, hạt giống rơi xuống mặt đất đầy đá sỏi hay trên các quả dại của định kiến cũng sẽ bị héo đi. Hạt giống cũng có thể rơi xuống một vùng đất màu mỡ và tự do, sẽ trở thành quả ngọt và sinh sôi nảy nở”. Cha Lombardi nhận xét: “Số 140 từ có hơi ít, nhưng đa số các đoạn trong Phúc âm còn ngắn hơn. Súc tích một chút vẫn tốt”.

Trà Mi – Đạo Binh Dức Mẹ

Công bố thư bổ nhiệm ĐHY đặc sứ của Đức Giáo Hoàng tại Đại hội FABC tại Xuân Lộc, Việt Nam

Công bố thư bổ nhiệm ĐHY đặc sứ của Đức Giáo Hoàng tại Đại hội FABC tại Xuân Lộc, Việt Nam

VATICAN. Hôm 1 tháng 12-2012, Phòng Báo chí Tòa Thánh đã công bố thành phần Phái đoàn Tòa Thánh tham dự Đại Hội kỳ 10 của Liên HĐGM Á châu sẽ tiến hành từ ngày 11 đến 16-12 tới đây tại Xuân Lộc, Việt Nam, và thư bổ nhiệm ĐHY Đặc Sứ.

Phái đoàn Tòa Thánh do ĐHY Đặc Sứ Gaudencio Rosales, nguyên TGM giáo phận Manila, thủ đô Philippines, hướng dẫn và có 2 vị tháp tùng là Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài, Phụ trách Đài Chân Lý Á châu với trụ sở tại Quezon City, Philippines, và LM Antonio Maralit, cha sở giáo xứ thánh Phanxicô đệ Salê, thuộc Tổng giáo phận Lipa, cũng tại Philippines.

Ngoài ra, thư ĐTC bổ nhiệm ĐHY Rosales làm đặc sứ của ngài cũng được công bố với nội dung như sau:

Mến gửi Hiền Đệ Đáng Kính Hồng Y Rosales Gaudencio,

nguyên TGM chính tòa Manila

Đề tài tái truyền giảng Tin Mừng mà Chúng Tôi muốn đề nghị với mọi tín hữu Kitô là điểm rất đặc thù trong triều đại Giáo Hoàng của Chúng Tôi và mang lại cơ hội đặc biệt cho toàn thể Giáo Hội để cứu xét cách thức chu toàn sứ mạng của mình một cách tốt đẹp hơn. Và Chúng Tôi nhận thấy các Giám Mục trên toàn thế giới đã bắt đầu làm mọi sự để kiện toàn việc loan truyền Tin Mừng và Chúng Tôi tháp tùng các hoạt động ấy bằng lời cầu nguyện.

Vì thế, với tâm tình hân hoan và biết ơn, Chúng Tôi được biết trong tháng 11 tới đây tại Việt Nam có đại hội kỳ 10 của Liên Hội Đồng Giám Mục Á châu, một tổ chức được thành lập cách đây 40 năm, trong Đại Hội đó các vị Chủ Chăn sẽ bàn về ”việc rao giảng Tin Mừng, hội nhập văn hóa, đối thoại tại Á châu”, cứu xét hành trình thiêng liêng của các dân tộc thuộc đại lục này đưới các khía cạnh khác nhau.

Vì đây là một biến cố rất quan trọng, nên các Hiền Đệ đáng kính của Chúng Tôi, Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, TGM giáo phận Thành Phố Hồ Chí Minh, và Hồng Y Osvald Gracias, TGM Bombay và cũng là Tổng thư ký Liên HĐGM Á châu, đã tha thiết thỉnh cầu Chúng Tôi bổ nhiệm một Hồng Y trổi vượt đến tham dự Đại Hội ấy và trình bày những huấn dụ thiêng liêng. Rất vui lòng chấp nhận những lời thỉnh cầu ấy, Chúng Tôi nghĩ đến Hiền Đệ là người con rất nổi bật của Philippines, vốn quan tâm theo dõi các vấn đề của Á châu. Và với thư này, Chúng Tôi bổ nhiệm Hiền Đệ làm Đặc Sứ của Chúng Tôi tại Đại hội kỳ 10 của Liên HĐGM Á châu, sẽ tiến hành từ ngày 11 đến 16 tháng 12 tới đây tại Trung Tâm Mục Vụ của Giáo phận Xuân Lộc và sẽ kết thúc trọng thể tại Nhà thờ chính tòa Tổng giáo phận Thành Phố Hồ Chí Minh.

Trong tư cách là đại diện của Chúng Tôi, Hiền Đệ hãy bày tỏ lòng thương mến của chúng tôi đối với các vị Chủ Chăn và các tín hữu quí mến của Á Châu, nhắn nhủ mọi người hãy chuyên cần hơn trong việc noi gương Chúa Kitô: bởi vì cần chứng tỏ bằng những năng lực và lòng hăng say mới mẻ lòng yêu mến đặc biệt đối với Chúa Kitô, Giáo Hội và Tin Mừng, và với đức tin nồng nhiệt, phổ biến nền văn hóa nhân bản và chuyên cần theo đuổi cuộc đối thoại giữa các dân tộc. Hiền Đệ Đáng Kính, Chúng Tôi sẽ tháp tùng Hiền Đệ bằng lời cầu nguyện trong khi Hiền Đệ thi hành sứ mạng. Sau cùng Chúng Tôi vui lòng ban Phép Lành Tòa Thánh cho Hiền Đệ như dấu chỉ lòng từ ái của Chúng Tôi đối với Hiền Đệ và bảo chứng các thiên ân, Phép Lành này Hiền Đệ chuyển lại cho mọi người tham dự Đại Hội.

Từ Điện Vatican ngày 24 tháng 10 năm 2012, Năm Thứ 8 triều đại Giáo Hoàng của Chúng Tôi.

ký tên: Biển Đức 16 Giáo Hoàng

G. Trần Đức Anh OP chuyển ý
 

Ý Nghĩa Của Tin Mừng (Evangelium) – Bài Suy Niệm Của Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16

Ý Nghĩa Của Tin Mừng (Evangelium) – Bài Suy Niệm Của Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16

Trong dịp khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới lần thứ 13, Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16 đã chia sẻ một bài Suy niệm với các tham dự viên tham dự hội nghị. Với một tri thức uyên thâm về nhiều lĩnh vực, Đức Biển Đức 16 đã phân tích rất sâu sắc ý nghĩa của từ ngữ Tin Mừng (Evangelium), và ngang qua việc suy niệm về Tụng ca "Nunc, Sancte, nobis Spiritus," Ngài đã làm nổi bật bản chất của sứ mạng truyền giáo, đó là công trình của Thiên Chúa, được Thiên Chúa khởi sự và chỉ có Ngài mới có thể làm cho nó nên trọn; nhưng đồng thời Ngài cũng mời gọi sự cộng tác của con người. Con người cộng tác trước hết ngang qua lời tuyên xưng đức tin, một lời tuyên xưng được cắm rễ sâu trong tận con tim và được tuyên xưng ra ngoài môi miệng và kế đến là để Thánh Linh thắp lên ngọn lửa đức ái trong trái tim mình để có thể làm bùng cháy ngọn lửa nơi tha nhân. Sau đây là bản dịch nguyên văn của bài suy niệm này.

Thưa anh chị em,
Hôm nay, trong bài suy niệm của mình tôi sẽ đề cập đến từ ngữ Tin Mừng "Evangelium" "euangelisasthai" (cf. Lk 4:18). Trong Thượng Hội Đồng này, chúng ta muốn hiểu rõ hơn điều Thiên Chúa muốn nói với chúng ta và điều gì chúng ta có thể và sẽ phải làm. Bài suy niệm của tôi chia làm hai phần: trước hết là việc phản tỉnh về ý nghĩa của những từ ngữ này; sau đó, tôi sẽ nỗ lực để giải thích bài Tụng ca "Nunc, Sancte, nobis Spiritus," trong trang thứ 5 của cuốn Sách Nguyện.

Từ ngữ “Tin Mừng” (Evangelium, euangelisasthai) có một lịch sử rất xa xưa. Từ này xuất hiện trong tác phẩm của Homer: đó là lời loan tin chiến thắng, tin tốt lành, tin vui, tin hạnh phúc. Về sau, từ ngữ “Tin Mừng” này xuất hiện trong Isaia Đệ Nhị (cf Is 40,9), như một tiếng nói loan truyền niềm vui từ Thiên Chúa; tiếng nói ấy cho thấy rằng Thiên Chúa đã không lãng quên con người, rằng Thiên Chúa có vẻ như đã rút lui khỏi lịch sử nhưng thật ra Ngài vẫn có đó và vẫn luôn hiện diện. Thiên Chúa vẫn đầy sức mạnh, Ngài trao ban niềm vui và mở toang cánh cửa lưu đày. Sau đêm dài của thời lưu đày, ánh sáng của Ngài lại xuất hiện để giúp cho dân Ngài có thể trở về để làm mới lại lịch sử của những điều tốt lành, lịch sử của tình yêu. Như vậy, trong bối cảnh của Tin Mừng Hóa, ta thấy sự xuất hiện của ba từ ngữ: dikaiosyne, eirene, soteria (công chính, hòa bình và cứu độ). Tại Nazaret Đức Giê-su đã sử dụng lời của Isaia, khi Ngài nói về “Tin Mừng” mà Ngài mang đến lúc này cho những người bị loại trừ, bị giam cầm, bị áp bức và những người nghèo khổ.

Tuy nhiên, để hiểu được ý nghĩa của từ “Tin Mừng” trong Tân Ước, ngoài những ý nghĩa mà sách Isaia Đệ Nhị đã mở ra, cũng cần để ý đến cách sử dụng từ này trong Đế Quốc Roma, khởi đi từ Hoàng đế Augusto. Thời ấy, thuật ngữ “Tin Mừng” được dùng để chỉ về một lời hay một sứ điệp của Hoàng Đế. Vì thế, đây là sứ điệp mang lại sự tốt lành: là một sự đổi mới thế giới, là tin cứu độ. Hơn nữa, vì là sứ điệp của Hoàng Đế nên nó có sức mạnh và quyền lực, nó là sứ điệp cứu độ, canh tân và chữa lành. Các sách Tân Ước đã thu nhận nghĩa này. Thánh Luca đã minh nhiên so sánh Hoàng Đế Augusto với Hài Nhi được sinh ra ở Belem: “Tin Mừng” chính là lời của Hoàng Đế, một vị Vua đích thực của thế giới. Vị Vua đích thực này đã tỏ mình ra và đã nói với chúng ta. Và sự kiện này tự nó là một ơn cứu độ. Thật vậy, đau khổ lớn nhất của con người thời ấy cũng như con người ngày nay đó là nỗi nghi vấn: Đằng sau cái vẻ thinh lặng của vũ trụ, đằng sau những đám mây mù của lịch sử, liệu có một Thiên Chúa hay chăng? Và nếu có, vị Thiên Chúa này có biết chúng ta, có liên quan gì đến chúng ta không? Vị Thiên Chúa này có phải là một Đấng tốt lành không? Và những điều tốt lành có chút ảnh hưởng gì trong thế giới này chăng?… Đấy là những chất vấn thường gặp, cả ở ngày xưa cũng như ngày nay. Nhiều người tự hỏi: phải chăng Thiên Chúa chỉ là một giả thiết? Ngài có phải là một thực tại không? Tại sao chúng ta không nghe thấy Ngài? “Tin Mừng” có nghĩa là: Thiên Chúa đã phá vỡ sự thinh lặng, Thiên Chúa đã nói và có Thiên Chúa. Sự kiện này tự bản chất đã là ơn cứu độ: Thiên Chúa biết chúng ta, Ngài yêu thương chúng ta và Ngài đã đi vào lịch sử nhân loại. Đức Giê-su là Ngôi Lời của Thiên Chúa, Thiên Chúa ở với chúng ta và tỏ cho chúng ta thấy tình yêu thương của Ngài, Ngài cũng đã chịu đau khổ với chúng ta cho đến chết và đã sống lại. Đây chính là Tin Mừng. Thiên Chúa đã nói, Ngài không còn là một Đấng vô danh, nhưng đã tỏ mình ra, và đây chính là ơn cứu độ.

Giờ đây, câu hỏi đặt ra cho chúng ta là: Thiên Chúa đã nói, đã phá vỡ sự thinh lặng và đã tỏ mình ra, nhưng làm sao chúng ta có thể truyền đạt điều này cho con người trong thế giới ngày nay để nó trở thành hồng ân cứu độ? Tự nó, việc Thiên Chúa nói với con người đã là cứu độ, là sự cứu chuộc. Nhưng làm sao con người biết được? Với tôi, điều này dường như là một câu hỏi nhưng đồng thời cũng là một đòi hỏi, một lệnh truyền cho chúng ta: chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời bằng cách suy niệm bài Tụng ca "Nunc, Sancte, nobis Spiritus". Câu đầu tiên nói rằng: "Dignàre promptus ingeri nostro refusus, péctori", nghĩa là: chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần ngự đến trong chúng ta và với chúng ta. Nói cách khác, chúng ta không làm nên Giáo Hội, chúng ta chỉ có thể công bố điều Chúa Thánh Thần đã thực hiện. Giáo Hội không khởi đi từ những việc làm của chúng ta, nhưng với “việc làm” và “lời nói” của Thiên Chúa. Cũng vậy, không phải sau vài cuộc hội họp rồi các Tông Đồ tuyên bố: bây giờ chúng tôi muốn lập nên Giáo hội, dưới dạng thức của một quốc hội lập hiến, rồi cùng nhau viết ra hiến chương. Không, các ngài đã cầu nguyện, và trong cầu nguyện các ngài chờ đợi, vì biết rằng chỉ có Thiên Chúa mới có thể sáng tạo ra Giáo hội và Thiên Chúa là tác nhân đệ nhất. Nếu Thiên Chúa không hành động, những điều chúng ta làm chỉ là của chúng ta và không bao giờ nên trọn. Chỉ có Thiên Chúa làm chứng rằng chính Ngài đã nói và Ngài tiếp tục cất lời. Lễ Hiện Xuống là điều kiện khai sinh Giáo hội: chỉ bởi vì Thiên Chúa đã hành động trước, các Tông đồ mới có thể hành động cùng với Ngài, và cùng với sự hiện diện của Ngài thực hiện những gì Ngài thực hiện. Thiên Chúa đã nói, và việc “đã nói” này chính là sự hoàn thiện cho Đức tin, nhưng nó cũng luôn ở thì hiện tại. Sự hoàn thiện của Thiên Chúa không chỉ là quá khứ, vì dù nó là quá khứ đích thực nhưng cũng mang nơi mình hiện tại và tương lai. Thiên Chúa đã nói, nghĩa là Ngài còn tiếp tục nói. Như khi xưa, chính nhờ vào sáng kiến của Thiên Chúa mà Giáo hội khai sinh và Tin Mừng có thể được biết đến, thì ngày nay, chỉ Thiên Chúa mới có thể khởi sự và chúng ta chỉ có thể cộng tác. Khởi đầu phải luôn đến từ Thiên Chúa. Vì thế, khi chúng ta bắt đầu những công việc quan trọng mỗi ngày bằng việc cầu nguyện, đấy không chỉ là một công thức đơn thuần, nhưng là điều chính đáng hợp với thực tế. Chỉ khi nào Thiên Chúa khởi sự, thì hành trình của chúng ta mới trở nên khả thi, sự cộng tác của chúng ta – và luôn chỉ là sự cộng tác – không hoàn toàn tùy thuộc vào quyết định của chúng ta. Do đó, thật quan trọng khi nhận biết rằng, lời đầu tiên, sáng kiến đích thực, và những hoạt động đúng nghĩa chỉ đến từ Thiên Chúa. Phần chúng ta, chỉ ngang qua việc tháp mình vào trong sáng kiến của Thiên Chúa và chỉ bằng việc nài xin ân sủng của Ngài, chúng ta mới có thể trở nên những nhà rao giảng Tin Mừng với Ngài và trong Ngài. Thiên Chúa luôn khởi sự, chỉ có Ngài mới có thể làm nên lễ Hiện Xuống và làm khai sinh Giáo Hội. Chỉ có Ngài mới có thể vén mở thực tại về chính mình cho chúng ta, hiện hữu với chúng ta. Dẫu vậy, vị Thiên Chúa này cũng muốn chúng ta tham dự vào hoạt động của Ngài, để các hoạt động đó trở nên những hoạt động mang tính thần nhân tương hợp, nghĩa là được làm bởi Thiên Chúa nhưng có sự dự phần của chúng ta và hiện hữu của chúng ta.

Vì thế, sứ mạng Tân Phúc Âm Hóa của chúng ta phải luôn là một sự cộng tác với Thiên Chúa, ở lại cùng với Thiên Chúa, đặt nền tảng trên việc cầu nguyện và sự hiện diện đích thực của Ngài.

Giờ đây, hoạt động của chúng ta, nối tiếp những gì mà Thiên Chúa đã khởi sự, có thể được diễn tả trong câu thứ hai của bài Tụng ca: "Os, lingua, mens, sensus, vigor, confessionem personent, flammescat igne caritas, accendat ardor proximos". Ở đây, trong câu thứ hai, chúng ta thấy hai danh từ xác định, “tuyên xưng” (confessio) trong câu thứ nhất và “đức ái” (caristas) trong câu thứ hai. “Tuyên xưng” và “đức ái” là hai cách thế mà trong đó Thiên Chúa lôi cuốn chúng ta, làm cho chúng ta hành động với Ngài, trong Ngài, cho con người và cho những thụ tạo của Ngài. Những động từ được thêm vào: trước hết là động từ “personent”, và sau đó là “caritas”, được diễn giải bằng những từ ngữ như ngọn lửa, sự nhiệt thành, thắp lên, bùng cháy.

Trước hết chúng ta cùng xem xét cụm từ “confessio personent”. Niềm tin có một nội dung: Thiên Chúa thông truyền chính mình Ngài, nhưng chủ từ “Tôi” (I) của Thiên Chúa được thực sự mạc khải trong hình ảnh Đức Giê-su và được giải thích trong việc “tuyên xưng”, vén mở cho chúng biết về việc sinh hạ nhờ sự thụ thai đồng trinh của Ngài, về cuộc khổ nạn, về Thập giá và Phục Sinh. Thiên Chúa mạc khải chính mình một cách trọn vẹn nơi Người Con: Đức Giê-su là Ngôi Lời, là nội dung đích thực được diễn tả trong lời “tuyên xưng”. Như vậy, bước đầu tiên là chúng ta phải đi vào trong lời “tuyên xưng”, và để cho lời “tuyên xưng” thấm nhuần một cách cá vị trong chúng ta và qua chúng ta.

Ở đây chúng ta cần phải xem xét một điểm nhỏ trên khía cạnh triết học. “Confessio” thời Tiền Kitô Giáo Latinh không phải là “confessio” nhưng là “proffessio”: đây là một sự trình bày tích cực về thực tại. Thực vậy, từ ngữ confessio đề cập đến một tình huống diễn ra trong toà án. Trong một phiên toà thường có một ai đó mở lòng mình ra và tuyên thệ. Nói cách khác trong bối cảnh Kitô giáo latinh, từ “confession” thay thế từ “professio”, mang yếu tố chứng tá để làm chứng cho đức tin trong những thời điểm thù nghịch, làm chứng thậm chí trong những trạng huống đau khổ và nguy hiểm đến tính mạng. Việc tuyên xưng đức tin của các Kitô hữu hàm chứa một cách thiết yếu sự sẵn sàng chịu khổ đau. Với tôi điều này rất quan trọng. Trong bản chất của lời “tuyên xưng” trong Kinh Tin Kính của chúng ta luôn hàm chưa một thái độ sẵn sàng trước đau khổ, và thậm chí là từ bỏ mạng sống mình. Chính thái độ này giúp cho việc tuyên xưng trở nên khả tín hơn bao giờ hết. Việc “tuyên xưng” không phải là một điều gì có thể từ bỏ dễ dàng, nhưng hàm chứa cả việc từ bỏ mạng sống mình và chấp nhận đau khổ. Đây đích thực là một sự minh xác của đức tin. Việc “tuyên xưng” cũng không chỉ là một từ ngữ được nói ra, nhưng nó vượt qua cả sự đau khổ và cái chết. Để sống lời “tuyên xưng” ấy, dù có phải chịu đau khổ hay chịu chết thì cũng đáng. Người nào làm việc “tuyên xưng” như thế sẽ minh chứng rằng quả thật những gì mà người ấy tuyên xưng còn có giá trị hơn cả sự sống: lời tuyên xưng ấy chính là sự sống, là một kho báu, một viên ngọc quý vô giá. Chính trong chiều kích chứng nhân của từ “tuyên xưng” mà chúng ta tìm thấy chân lý: chân lý là minh chứng cho chính mình, rằng có phải chịu đau khổ vì chân lý ấy thì cũng xứng đáng, rằng chân lý ấy mạnh hơn cả cái chết. Lời tuyên xưng ấy minh chứng rằng điều tôi nắm giữ trong tay mình chính là chân lý, chân lý mà tôi hằng chắc chắn, rằng tôi đảm nhận sự sống của mình bởi vì tôi tìm thấy sự sống trong lời tuyên xưng ấy.

Bây giờ chúng ta hãy xét xem lời “tuyên xưng” này phải thấm nhuần vào nơi nào: "Os, lingua, mens, sensus, vigor". Từ thư của thánh Phaolo gửi tín hữu Roma, chúng ta biết rằng lời tuyên xưng đức tin nằm trong trái tim và trên môi miệng. Lời tuyên xưng phải nằm sâu thẳm trong trái tim ta, nhưng cũng được tuyên xưng công khai; niềm tin được cưu mang trong trái tim cần phải được công bố. Niềm tin chưa vào giờ chỉ là điều của con tim, nhưng còn phải được thông truyền và cần phải được tuyên xưng trước mắt toàn thế giới. Vì thế, chúng ta phải học để được bước sâu vào trong tâm điểm của lời tuyên xưng, để nhờ đó, con tim của chúng ta sẽ được định hình. Từ trong con tim này, cùng với một lịch sử lâu dài của Giáo hội, chúng ta sẽ tìm thấy lời tuyên xưng và sự khích lệ của lời tuyên xưng ấy. Lời này soi dẫn cho hiện tại của chúng ta, và chúng ta thấy rằng lời tuyên xưng của chúng ta chỉ là một.

Mens”: sự tuyên xưng không chỉ là điều thuộc trái tim và miệng lưỡi, mà con thuộc về lý trí. Sự tuyên xưng cần phải được đón nhận và suy tư bằng lý trí, để nhờ đó, đụng chạm đến người khác. Như thế, sự tuyên xưng cũng luôn hàm nghĩa rằng suy tưởng của tôi cũng đã thực sự được bám rễ trong lời tuyên xưng này.

Sensus”: không là điều hoàn toàn trừu tượng và duy lý, lời tuyên xưng phải được thấm nhuần trong các giác quan của cuộc đời chúng ta. Thánh Bernard of Clairvaux với cho chúng ta rằng: trong mạc khải và trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã ban cho các giác quan của chúng ta khả năng chiêm ngắm, đụng chạm, và cảm nến mạc khải. Thiên Chúa không còn chỉ là một thực tại thiêng liêng, nhưng Ngài đã đi vào thế giới của các giác quan, và như thế, các giác quan của chúng ta phải được lấp đầy bởi sự cảm nếm này, bởi vẻ đẹp của Lời Thiên Chúa, một thực tại chân thực.

Vigor”: là sức mạnh sống động của sự hiện hữu chúng ta và cũng là sức mạnh hợp lý của một thực tại. Với toàn bộ sức sống cũng như sức mạnh của mình, chúng ta phải được thấm nhuần bởi việc tuyên xưng. Việc tuyên xưng này phải được cá vị hóa (personare). Giai điệu của Thiên Chúa phải tấu khúc dạo đầu cho trọn vẹn cuộc hiện hữu của chúng ta.

Như thế, có thể nói rằng lời “tuyên xưng” là phần thứ nhất của Tin Mừng hóa, và “đức ái” là yếu tố thứ 2. Lời tuyên xưng không phải là một khái niệm trừu tượng nhưng là đức ái, là tình yêu. Chính trong cách thế này mà lời tuyên xưng thực sự là sự phản chiếu của chân lý thần linh, một chân lý không thể tách rời tình yêu. Bằng những từ rất mạnh, bản tụng ca miêu tả tình yêu này: ấy là sức mạnh, là ngọn lửa, làm bùng cháy những ngọn lửa khác. Có một khao khát cháy bỏng của chúng ta cần phải lớn lên nhờ niềm tin, và phải được chuyển thành ngọn lửa của đức ái. Đức Giê-su nói với chúng ta: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong lửa ấy đã bùng lên”(Lc 12,49). Giáo phụ Origen đã thông chuyển cho chúng ta lời ấy của Đức Giê-su: “Bất cứ ai gần tôi, là gần ngọn lửa”. Người Ki-tô hữu không được phép là kẻ thơ ơ lãnh đạm. Sách Khải Huyền nói với chúng ta rằng điều nguy hiểm nhất đối với người Kitô hữu không phải là việc nói không, nhưng là việc đồng ý một cách lãnh đạm. Chính sự lãnh đạm hủy hoại Ki-tô giáo. Đức tin phải trở nên như một ngọn lửa tình yêu trong chúng ta, một ngọn lửa thực sự làm bùng cháy trọn vẹn cuộc đời chúng ta, trở nên một khao khát lớn lao trong chúng ta, và như thế nó cũng làm bùng cháy ngọn lửa nơi tha nhân. Đây là cách thế của việc Tin Mừng Hoá: "Accéndat ardor proximos": chân lý phải trở nên đức ái trong tôi, và đức ái này sẽ trở nên ngọn lửa làm bùng cháy nơi tha nhân. Chỉ ngang qua việc thắp lên nơi anh chị em mình ngọn lửa của đức ái mà công cuộc Tin Mừng hoá và sự hiện diện của Tin Mừng mới thực sự được lớn lên. Khi đó Tin Mừng không còn là một từ ngữ đơn thuần, nhưng là một thực tại đã được sống.

Thánh Luca tường thuật với chúng ta rằng vào ngày lễ Hiện Xuống, vào ngày khai sinh của Giáo hội, Chúa Thánh Thần là ngọn lửa biến đổi thế giới, ngọn lửa dưới hình thức lưỡi lửa. Nghĩa là dù đây là một ngọn lửa nhưng đồng thời cũng là một thực tại hữu lý và thánh thiêng, và con người có thể hiểu được. Ngọn lửa này được nối kết với tư tưởng, với “mens”. Chính ngọn lửa lý tính này (sobria ebretas) làm nên đặc tính của Kitô giáo.

Chúng ta biết rằng lửa hiện diện ngay từ buổi bình minh của văn hoá nhân loại; lửa chính là ánh sáng, là hơi ấm và là sức mạnh để biến đổi. Văn minh nhân loại khởi đi từ việc con người tìm được phương pháp để tạo ra lửa. Với một ngọn lửa con người có thể huỷ diệt, nhưng cũng có thể biến đổi và canh tân. Ngọn lửa của Thiên Chúa là ngọn lửa làm biến đổi, ngọn lửa của khao khát, ngọn lửa dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa; đồng thời đấy cũng là ngọn lửa huỷ hoại nhiều điều trong chúng ta. Trên tất cả, ngọn lửa này làm biến đổi, canh tân và sáng tạo nên những sự mới mẻ trong con người, biến con người nên ánh sáng trong Thiên Chúa.
Cuối cùng chúng ta hãy cầu nguyện để lời “tuyên xưng” được bám rễ sâu xa trong tâm hồn chúng ta và trở nên một ngọn lửa làm bùng cháy nơi tha nhân. Nhờ đó, ngọn lửa của sự hiện diện của Thiên Chúa và sự mới mẻ của việc Thiên Chúa ở cùng chúng ta trở nên thự sự hữu hình và trở nên nguồn sức mạnh cho hiện tại lẫn tương lai của chúng ta.

Chuyển Ngữ và Giới thiệu: Nguyễn Minh Triệu SJ  (Vietvatican)

Phiên tòa thứ hai xử Paolo Gabriele, cựu hầu cận trong dinh Giáo Hoàng

Phiên tòa thứ hai xử Paolo Gabriele, cựu hầu cận trong dinh Giáo Hoàng

VATICAN. Sáng ngày 2 tháng 10-2012, phiên tòa thứ 2 xét xử Ông Paolo Gabriele, cựu hầu cận của ĐGH, bị cáo về tội ăn trộm các tài liệu mật, đã được tiến hành tại Vatican.

Phiên tòa bắt đầu lúc 9 giờ và kéo dài 2 giờ 40 phút, dưới quyền chủ tọa của chánh án Giuseppe Dalla Torre và 2 thẩm phán khác.

– Bị can Gabriele đã bị thẩm vấn trong phiên xử. Ông ta xác quyết ”Tôi không hề có người đồng lõa nào, tuyệt đối là không”. Ông lập lại là đã sao sụp các tài liệu ông thấy trong văn phòng thư ký của ĐTC Biển Đức 16.

Trong phiên tòa này, bị can Gabriele cũng tố giác điều kiện giam giữ và áp lực tâm lý và những ngược đãi mà ông phải chịu trong 15-20 ngày giam giữ đầu tiên. ”Tôi không thể giang hai tay ra, vì phòng giam quá chật hẹp, và đèn điện luôn bật sáng 24 trên 24 tiếng đồng hồ. Không có công tắc để tắt tiện, vì thế thị giác của tôi bị suy yếu. Đêm đầu tiên tôi không được cái gối đầu”.

Chánh án Dalla Torre đã ủy cho ông Nicola Picardi, Ủy viên công tố (Chưởng tín) mở cuộc điều tra và tập hồ sơ mang số 52/2012, để kiểm chứng xem có những lạm dụng trong cuộc giam giữ bị can Gabriele hay không”.

Cha Lombardi, Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, xác nhận rằng căn phòng mà ông Gabriele nhỏ hơn so với tiêu chuẩn quốc tế. Về đèn bật sáng luôn, cần kiểm chứng xem điều ấy xảy ra thế nào so với tiêu chuẩn quốc tế. Cuộc điều tra cũng để kiểm chứng xem những lời cáo buộc của ông Gabriele xác thực như thế nào đối với nhà chức trách tư pháp Vatican”. Cha Lombardi nhìn nhận rằng lời cáo buộc của bị can nói đến một tình trạng có vẻ là vô nhân đạo.

Trong án lệnh truyền đưa ông Gabriele ra xét xử, thẩm phán Picardi đã liệt kê 39 biện pháp tốt trong việc giam giữ bị can, từ việc săn sóc y tế cho đến việc săn sóc tinh thần, thân nhân và luật sư được viếng thăm.

Gabriele cũng cung khai là thường tiếp xúc bàn hỏi về vấn đề thiêng liêng, những băn khoăn, với ĐHY Paolo Sardi và ĐHY Angelo Comastri, Tổng đại diện của ĐTC tại thành Vatican, và một số người khác.

Bị can cho biết là không nhận được tiền hoặc lợi lộc nào cho mình hoặc cho người khác, khi trao cho ký giả Gianluigi Nuzzi các tài liệu mật đã lấy trộm được.

– Trong phiên tòa thứ hai, Đức ông Gaenswein, bí thư của ĐTC, cũng được yêu cầu trình bày. Ngài cho biết không hề nghi ngờ gì về Paolo Gabriele cho đến ngày 21 tháng 5-2012 năm nay. Và khi hiến binh Vatican cho ngài xem những tài liệu tịch thu được trong căn hộ của Gabriele, ngài kinh ngạc nhận thấy có cả những tài liệu hồi năm 2006-2007, 2008.

– Một vài Hiến binh Vatican cũng cung khai tại phiên tòa. Họ cho biết hàng ngàn trang tài liệu tìm thấy trong nhà của Gabriele có rất nhiều tài liệu nói về bè tam điểm (massoneria) và cơ quan mật vụ.

Cục vàng thô người ta tặng cho ĐGH thì hiến binh tìm thấy trong một hộp đựng giầy trong căn hộ của Gabriele. Cuốn sách cổ của Eneide cũng vậy. Còn ngân phiếu 100 ngàn Euro mang tên ĐGH thì tìm thấy trong đợt khám xét kế tiếp.

Tổng cộng hiến binh Vatican đã tịch thu được trong nhà của ông Gabriele 82 thùng tài liệu và vật liệu.
Trong phiên xử đầu tiên hôm 29 tháng 9-2012, tòa đã quyết định tách rời và xử trong một vụ riêng biệt, Ông Claudio Sciarpelletti, chuyên viên vi tính, bị cáo về tội đồng lõa. Tòa cũng quyết định sẽ thẩm vấn 8 nhân chứng, trong đó có Đức ông Georg Gaenswein, bí thư riêng của ĐGH và bà Cristina, một trong 4 chị thuộc tu hội Memores Dei phục vụ trong dinh Giáo Hoàng, sẽ được thẩm vấn trong phiên xử tới đây.

Chánh án Giuseppe Dalla Torre hy vọng có thể kết thúc vụ xét xử này trong thời gian ngắn, có thể chỉ cần 4 phiên xử. (Tổng hợp 2-10-2012)

G. Trần Đức Anh OP – VietVatican

Bắt đầu xét xử Paolo Gabriele, người cựu hầu cận của Đức Giáo Hoàng

Bắt đầu xét xử Paolo Gabriele, người cựu hầu cận của Đức Giáo Hoàng

VATICAN. Lúc 9 giờ rưỡi sáng 29 tháng 9-2012, tòa án tại Vatican bắt đầu xét xử người cựu hầu cận của ĐTC, Paolo Gabriele, bị cáo về tội ăn trộm các tài liệu mật của Tòa Thánh.

Cùng bị xét xử còn có một người đồng lõa là ông Claudio Sciarpelletti một cựu chuyên gia tin học tại Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh.

Thẩm phán đoàn gồm ba vị, trong đó chủ tịch là Giáo Sư Giuseppe Dalla Torre di Sanguinetto, cũng là Viện trưởng Đại học Lumba ở Roma và Phó thủ lãnh Hội hiệp sĩ Thánh Mộ Jerusalem. Hai bị can đều có luật sư biện hộ. Bị can Sciarpelletti không có mặt, nhưng được luật sư Gianluca Benedetti đại diện. Thân nhân của Ông Gabriele không tham dự phiên xử.

Có 10 chỗ được dành cho các ký giả, trong đó có 6 chỗ nhất định được dành cho Báo Quan Sát Viên Roma, Đài Vatican, các hãng thông tấn AP của Mỹ, Reuter của Anh, AFP của Pháp và Ansa của Italia. 4 chỗ còn lại được chỉ định theo thể thức bốc thăm.

Sau phiên xử đầu tiên kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ, các ký giả có mặt tại phòng xử đến phòng báo chí Tòa Thánh để thuật lại cho hàng trăm đồng nghiệp tại đây về những gì đã xảy ra.

Các nhân chứng đã được gọi trong đó có Đức ông Georg Gaenswein, bí thư thứ I của ĐTC, nhưng ngài không trình diện được vì còn phải ở với ĐTC ở Castel Gandolfo. Các quan tòa cũng quyết định vụ xử Ông Claudio Sciarpelletti được tách rời khỏi vụ xử Gabriele. Phiên tòa tới đây được ấn định vào ngày thứ tư, 2 tháng 10-2012, trong đó bị can và 8 nhân chứng sẽ được hỏi. Ngoài Đức Ông Gaenswein còn có chị Cristina Cernetti, thuộc tu hội ”Memores” giúp việc trong dinh Giáo Hoàng, cũng như 8 hiến binh Vatican. Sau 50 phút, các vị thẩm phán rút vào phòng để thảo luận riêng trong hơn 1 tiếng đồng hồ. Đến giữa trưa, họ tái xuất hiện và cứu xét thêm 10 phút nữa.
Các quan sát viên mô tả ông Gabriele, 46 tuổi, nét mặt xanh xao và căng thẳng. Tuy nhiên, bầu không khí trong phòng xử không căng thẳng.

Chánh án Dalla Torre hy vọng rằng vụ xử này có thể kết thúc sau 4 phiên tòa tới đây.

Hôm 27 tháng 9-2012, Ông Giovanni Giacobbe, Chưởng tín, tức là Ủy viên công tố của tòa án tại Vatican đã mở cuộc họp báo về việc tiến hành vụ xét xử này, một biến cố rất họa hiếm.

Nếu bị can Gabriele bị xác nhận tội trạng, ông có thể bị kết án từ 1 đến 4 năm tù và sẽ thi hành bản án trong một nhà tù ở Italia. Và nếu Ông Sciarpelletti bị xác nhận tội thì có thể bị phạt tới 1 năm tù.

Ông Giacobbe cho biết lời thú nhận của ông Gabriele về việc đã lấy trộm tài liệu và trao cho ký giả để phổ biến, không phải là một bằng chứng tuyệt đối, và 3 thẩm phán không thể chỉ dựa trên các lời thú tội ấy.

ĐTC có quyền ân xá cho bị can bị xác nhận tội trạng, ngài cũng có quyền chấm dứt vụ xử trước khi bắt đầu, nhưng sau khi vụ xử bắt đầu, ngài không thể can thiệp. (SD 29-9-2012)

G. Trần Đức Anh OP

SƠ LƯỢC LỊCH SỬ NHÀ THỜ SAINT BONIFACE – Anaheim California

SƠ LƯỢC LỊCH SỬ NHÀ THỜ SAINT BONIFACE – Anaheim California

(Xem trọn bộ Hình Ảnh Nhà Thờ Saint Boniface – Anaheim)

  • Print
  • Print
  • Print
  • Print
  • Print

Sưu tầm bởi TVST

Công giáo đã đến Orange county, California vào năm 1776, được thành lập bởi Cha Thừa sai Junipero Serra, Mission San Juan Capistrano. Ngài được Đức Giáo Hoàng Đệ Nhị phong Chân Phước (Beatified) ngày 25 tháng 7 năm 1988.

Vào đầu những năm 1860, các buổi Thánh lễ đầu tiên được cử hành tại nhà gia đình ông bà Rimpau ở góc đường Palm (nay là Harbor) và đường Broadway.Khu đất này ngày nay là Thư viện thành phố Anaheim.

Trong thời gian 1860 – 1875, vì phương tiện giao thông di chuyển, đường xá còn rất hạn chế. Không thuận lợi cho sức khỏe, và thời gian của các Cha đã phải thường xuyên di chuyển đi lại Anaheim nhiều lần hàng tuần , cùng những nhu cầu phục vụ các Thánh lễ ngày càng gia tăng theo sự phát triển của giáo dân vùng Anaheim.

Vị Linh mục thường trú đầu tiên tại giáo xứ Anaheim là Cha Victor Foran được bổ nhiệm vào năm 1875.

(Xin xem tiếp . . .  SƠ LƯỢC LỊCH SỬ NHÀ THỜ SAINT BONIFACE Anaheim California )

Phỏng vấn Đức TGM Angelo Becciu, Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh về vụ ăn cắp thư từ của Đức Giáo Hoàng

Phỏng vấn Đức TGM Angelo Becciu, Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh về vụ ăn cp thư từ của Đức Giáo Hoàng

Cay đắng và đau buồn vì những gì xảy ra trong những ngày qua tại Vatican, nhưng cũng quyết tâm và tin tưởng đương đầu với tình thế thực sự là khó khăn. Đó là những tâm tình người ta cảm thấy nơi vị Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Đức TGM Angelo Becciu, trong cuộc nói chuyện với giáo sư Giovanni Maria Vian, Tổng giám đốc báo ”Quan sát viên Roma” về đề tài thu hút sự chú ý của rất nhiều cơ quan truyền thông trên thế giới, nghĩa là vụ bắt giam ông Paolo Gabriele người giúp việc ĐTC, ngày 23-5-2012, vì ông giữ nhiều tài liệu kín thuộc về ĐGH. Do chức vụ, Đức TGM Becciu làm việc hằng ngày, tiếp xúc chặt chẽ với ĐGH (Đức TGM là nhân vật thứ ba tại Tòa Thánh, sau ĐTC và ĐHY Quốc vụ khanh, và thường được ví như 'bộ trưởng nội vụ' của Tòa thánh). Đức Tổng nói gì đây về tâm tình của người làm việc tại Tòa Thánh? Ngài đáp:

”Với những người gặp nhau trong những giờ này, chúng tôi nhìn nhau trong mắt và chắc chắn tôi đọc được sự ngỡ ngàng và lo âu, nhưng tôi cũng thấy được quyết tâm tiếp tục phục vụ âm thầm và trung thành với ĐGH”.

Một thái độ người ta cảm thấy hằng ngày trong đời sống của các văn phòng tại Tòa Thánh và của thế giới Vatican bé nhỏ, nhưng chắc chắn là không trở thành tin tức trong trận hồng thủy truyền thông bùng lên sau những sự kiện trầm trọng và gây kinh hoàng về nhiều khía cạnh trong những ngày nay. Trong bối cảnh có, Đức TGM Becciu quan tâm cân nhắc lời nói để nhấn mạnh ”kết quả tích cực” của cuộc điều tra, cho dù đó là một kết quả cay đắng. Và rồi, những phản ứng trên thế giới, một đàng có thể biện minh được, đàng khác, chúng gây lo âu và đau buồn về cách thức thông tin, do những sự tưởng tượng, không tương ứng tí nào đối với thực tại”

H. Thưa Đc TGM, người ta có thể phản ứng mau lẹ và đy đ hơn về vụ này hay không?

Đ. Đã đang và sẽ có sự tôn trọng nghiêm túc đối với nhân vị và các thủ tục như luật lệ của Vatican trù định. Vừa khi xác nhận được sự kiện, ngày 25-5, Phòng báo chí Tòa Thánh đã phổ biến tin tức, dù có là một cú ”sốc” đối với mọi người, và sự kiện này gây ngỡ ngàng. Vả lại cuộc điều tra vẫn đang tiến hành.

H. Đức Tổng thấy ĐTC Bin Đức 16 thế nào?

Ngài đau buồn. Vì theo những gì người ta có thể kiểm chứng cho đến nay, kẻ ở gần ngài dường như là thủ phạm của những hành động không thể biện minh được dưới mọi khía cạnh. Dĩ nhiên nơi ĐGH, tâm tình cảm thương đối với người liên hệ vẫn trổi hơn. Nhưng vẫn còn sự kiện là hành vi mà ngài phải chịu thực là tàn bạo: ĐTC Biển Đức 16 đã thấy các thư bị đánh cắp từ nhà của ngài và xuất bản. Những thư ấy không phải chỉ là thư tư riêng tư, nhưng đúng hơn là những thông tin, suy tư, những bày tỏ lương tâm, và cả những bộc lộ mà ngài nhận được với tư cách duy nhất là do sứ vụ của Ngài. Vì thế, ĐGH thực sự đau buồn, cũng vì bạo lực mà tác giả của những thư hoặc bút tích ấy gửi cho ngài phải chịu.

H. Đức Tổng có thể đưa ra mt phán đoán về những gì xảy ra hay không?

Đ. Tôi coi việc xuất bản các thư đánh cắp như thế là một hành vi vô luân trầm trọng chưa từng thấy. Tôi lập lại, nhất là vì đây không phải chỉ là một sự vi phạm – vốn đã rất trầm trọng – sự kín đáo riêng tư mà bất kỳ ai cũng có quyền – nhưng còn là vì đó là một sự xúc phạm hèn nhát đối với một tương quan tín nhiệm giữa ĐTC Biển Đức 16 và những người ngỏ lời với ngài, cho dù là để bày tỏ những sự phản đối trong lương tâm. Chúng ta hãy lý luận: không phải chỉ có thư tư gửi cho ĐTC bị đánh cắp, nhưng những việc làm ấy còn là một sự chà đạp lương tâm của người ngỏ lời với ĐTC trong tư cách ngài là vị Đại diện Chúa Kitô và đó là một sự xúc phạm đối với sứ vụ của người Kế Vị Thánh Phêrô. Trong nhiều tài liệu được xuất bản, người ta thấy chúng ở trong bối cảnh vốn đòi phải có sự tín nhiệm hoàn toàn. Khi một tín hữu Công giáo nói với ĐGH, họ có nghĩa vụ phải cởi mở như là khi đứng trước Thiên Chúa, cũng vì họ cảm thấy được bảo đảm nhờ sự kín đáo tuyệt đối.

H. Người ta muốn biện minh cho việc xuất bản các tài liệu đó dựa theo tiêu chuẩn gọi là thanh tẩy, minh bạch, cải tổ Giáo Hội.

Những lối ngụy biện như thế không đi xa lắm. Cha mẹ tôi không những đã dạy tôi đừng trộm cắp, nhưng còn dạy đừng bao giờ nhận những đồ mà người khác ăn cắp. Tôi thấy đó có những nguyên tắc đơn giản, có lẽ quá đơn giản đối với một số người, nhưng chắc chắn là khi một người không nghĩ tới các nguyên tắc ấy, thì dễ bị lầm lạc và đưa người khác đến sự hư hỏng. Không thể có sự canh tân mà lại chà đạp luật luân lý, có lẽ họ theo nguyên tắc mục đích biện minh cho phương tiện, nhưng đây là nguyên tắc không hợp với tinh thần Kitô giáo.

H. Nhưng Đức Tổng trả lời thế nào cho những ngưi đòi quyền thông tin?

Đ. Tôi nghĩ rằng trong những ngày này, về phía các ký giả, cùng với nghĩa vụ phải trình bày những gì đang xảy ra, còn phải có một sự tôn trọng luân lý đạo đức nữa, nghĩa là phải can đảm minh bạch đừng chiều theo sáng kiến của một đồng nghiệp mà tôi không do dự gọi đó là một sáng kiến tội ác. Một chút sự lương thiện trí thức và tôn trọng luân lý nghề nghiệp tối thiếu, chắc chắn là không gây hại cho thế giới truyền thông.

H. Theo nhiều bình luận, thì những thư t được xuất bản biểu lộ một thế giới nhơ bẩn bên trong Giáo Hội, đặc biệt là Tòa Thánh

Đàng sau một vài bài báo, dường như tôi thấy một sự giả hình sâu xa. Một đàng họ lên án tính chất chuyên chế và quân chủ của cơ quan lãnh đạo trung ương của Giáo Hội, nhưng đàng khác, họ lại cảm thấy như một gương mù vì một vài người viết cho ĐGH để bày tỏ tư tưởng và cả những lời than phiền về chính cơ quan lãnh đạo ấy. Nhiều tài liệu được xuất bản không biểu lộ cuộc đấu tranh hoặc trả thù, nhưng là biểu lộ sự tự do tư tưởng mà người ta trách Giáo Hội không cho phép. Tóm lại, chúng tôi không phải là những xác ướp, và những quan điểm khác nhau, thậm chí những đánh giá lượng định trái nghịch nhau là điều khá bình thường. Nếu ai cảm thấy không được hiểu và cảm thông, thì có quyền nại đến ĐGH. Có gì là gương mù đâu? Vâng phục không có nghĩa là từ bỏ quyền có phán đoán riêng, nhưng biểu lộ một cách chân thành và sâu rộng ý kiến của mình, để rồi tuân hành quyết định của bề trên. Đó không phải là một sự tính toán, nhưng là một sự gắn bó với Giáo hội được được Chúa Kitô muốn. Đó là những yếu tố cơ bản của quan điểm Công Giáo.

H. Những tranh giành, thuốc độc, nghi ngờ: phải chăng Vatican là như thế?

Đ. Tôi không nhận thấy điều đó trong môi trường này và rất tiếc vì người ta có một quan niệm lệch lạc như thế về Vatican. Nhưng điều đó phải làm cho chúng ta suy nghĩ, và kích thích tất cả chúng ta dấn thân hết mình để làm nổi bật một cuộc sống thấm đượm Tin Mừng.

H. Vậy phải nói gì với các tín hữu Công Giáo và những ngưi đang quan tâm nhìn Giáo Hội?

Tôi đã nói về sự đau buồn của ĐTC Biển Đức 16, nhưng tôi phải nói rằng nơi ĐGH không bị suy giảm sự thanh thản giúp ngài cai quản Giáo Hội một cách quyết liệt và sáng suốt. Cuộc gặp gỡ các Gia đình công giáo thế giới sắp khai mạc tại Milano. Đó là những ngày đại lễ trong đó người ta thở hít niềm vui được làm Giáo Hội. Chúng ta hãy đón nhận dụ ngôn Tin Mừng mà ĐTC Biển Đức 16 nhắc nhở chúng ta cách đây vài ngày: bão tố dập vùi trên căn nhà, nhưng nhà không bị sập. Chúa nâng đỡ căn nhà sẽ không bão tố nào có thể phá đổ căn nhà ấy”. (Osservatore Romano, 30-5-2012)

G. Trần Đức Anh OP chuyển ngữ

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo

VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 kêu gọi các nhà truyền giáo gia tăng lòng tín thác và quan hệ bản thân với Chúa Kitô trong công cuộc truyền giảng Tin Mừng.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 11-5-2012, dành cho 170 tham dự viên khóa họp thường niên của Hội đồng cấp cao các Hội Giáo Hoàng truyền giáo, từ 7 đến 12-5, dưới sự hướng dẫn của ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ truyền giáo. Trong số hàng trăm vị Giám đốc Toàn Quốc các Hội Giáo Hoàng truyền giáo, cũng có 1 vị người Việt là Cha Ngô Quang Tuyên.

Trong bài huấn dụ, ĐTC khẳng định rằng ”Rong ruổi trên các nẻo đường của thế giới để công bố Tin Mừng cho mọi dân tộc trên trái đất và hướng dẫn họ đến gặp gỡ với Chúa, đòi người loan báo Tin Mừng phải có một quan hệ bản thân và thường nhật với Chúa Kitô, biết Chúa và yêu mến Chúa tận tình”.

ĐTC nói tiếp ”Công cuộc truyền giáo ngày nay đang cần canh tân lòng tín thác nơi hoạt động của Thiên Chúa, cần có một kinh nguyện nồng nhiệt hơn để Nước Chúa được hiện trị, để thánh ý Chúa được thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Cần kêu cầu ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Linh, và quyết liệt dấn thân quảng đại để mở ra một thời kỳ mới trong việc loan báo Tin Mừng.. Vì sau 2 ngàn năm, phần lớn gia đình nhân loại vẫn chưa biết Chúa Kitô, và vì tình trạng của Giáo hội và thế giới đang gặp những thách đố đặc biệt về niềm tin” (GP II, Giáo hội tại Á châu, 29).

ĐTC cám ơn Bộ truyền giáo và các Hội Giáo Hoàng truyềngiáo hỗ trợ Năm Đức Tin, với chiến dịch trên toàn thể giới, tháp tùng công cuộc truyền giáo và tái truyền giảng, đào sâu đức tin, bằng những chiến dịch Kinh Mân Côi. Ngài cũng kêu gọi những người rao giảng Tin Mừng đừng nản chí trước bao vấn đề, và cả những bách hại. Sau cùng ngài khuyến khích các Hội Giáo Hoàng truyền giáo tiếp tục linh hoạt và hỗ trợ công cuộc truyền giáo cho dân ngoại.

Trong lời chào thăm mở đầu bài huấn dụ, ĐTC đặc biệt nhắc nhớ Cha Massimo Cenci, 68 tuổi, thuộc hội thừa sai Pime, Phó Tổng thư ký Bộ truyền giáo, qua đời đột ngột trong đêm 10 rạng ngày 11-5-2012 trong căn hộ của ngài ở trụ sở Bộ truyền giáo.

Cha Cenci từng làm thừa sai nhiều năm ở Mỹ châu la tinh trước khi trở về Vatican, cộng tác với ĐHY Tổng trưởng Crescenzio Sepe từ năm 2001 trong nhiệm vụ Phó Tổng thư ký của Bộ. (SD 11-5-2012)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tiếp kiến Học Viện Giáo Hoàng Tây Ban Nha

Đức Thánh Cha tiếp kiến Học Viện Giáo Hoàng Tây Ban Nha

VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 nhắn nhủ các LM Tây Ban Nha noi gương thánh Juan de Ávila, sống kết hiệp với Chúa Giêsu, để kín múc nghị lực tinh thần hầu chu toàn sứ mạng.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 10-5-2012, dành cho 150 người gồm ban giám đốc, ban giảng huấn và các LM sinh viên Học viện Giáo Hoàng thánh Giuse của Tây Ban Nha, nhân dịp kỷ niệm 150 năm thành lập học viện. Hiện diện tại buổi tiếp kiến có ĐHY Antonio Maria Rouco, TGM Madrid, Chủ tịch HĐGM Tây Ban Nha, và nhiều GM tại nước này.

Trong bài huấn, ĐTC nhắc đến hàng ngàn LM đã xuất thân từ Giáo Hoàng Học viện Tây Ban Nha và hăng say phục vụ Giáo Hội. Ngài nói: ”Anh em hãy nhớ rằng linh mục canh tân đời sống và kín múc sức mạnh cho sứ vụ của mình từ sự chiêm ngắn Lời Chúa và đối thoại thân mật với Chúa. LM ý thức rằng mình không thể dẫn đưa anh chị em đến cùng Chúa Kitô, và cũng không gặp được Chúa nơi người nghèo và những người đau yếu, nếu trước đó không khám phá thấy Chúa trong kinh nguyện sốt sắng và liên lỷ. LM cần phải nuôi dưỡng quan hệ thân tình với Đấng mà mình loan báo, cử hành và thông truyền. Đây chính là nền tảng của linh đạo linh nục, để trở thành dấu chỉ rạng ngời và là chứng nhân sống động về vị Mục Tử Nhân Lành”.

ĐTC nhắc đến lễ kính thánh Juan Avila ngày 10-5 và là vị sắp được tôn phong tiến sĩ Hội Thánh. Ngài nói:
”Các LM thân mến, ước gì cuộc sống và đạo lý của vị Thánh Tôn Sư Juan de Ávila soi sáng và nâng đỡ anh em trong những ngày lưu học tại Giáo Hoàng Học Viện Tây Ban Nha Thánh Giuse. Sự hiểu biết sâu rộng của thánh nhân về Kinh Thánh, về các Giáo Phụ, các công đồng và nguồn mạch phụng vụ cũng như nền thần học lành mạnh, cùng với lòng yêu mến con thảo đối với Giáo Hội, làm cho thánh nhân trở thành người canh tân đích thực, trong một thời đại khó khăn của lịch sử Giáo Hội.

ĐTC nhận xét rằng ”Trọng tâm giáo huấn của thánh Juan de Ávila là mầu nhiệm Chúa Kitô, LM và Mục Tử Nhân Lành, mầu nhiệm này được sống phù hợp với những tâm tình của Chúa, noi gương thánh Phaolô (Xc Pl 2,5)”
Và ĐTC kết luận rằng: ”Tôi mời gọi anh em, được các nhân đức và tấm gương của thánh Juan de Ávila linh hoạt, hãy thực thi sứ vụ linh mục với cùng một lòng nhiệt thành tông đồ như thánh nhân, với cùng một cuộc sống nhiệm nhặt, cũng như với cùng một lòng quí mến con thảo đối với Đức Trinh Nữ rất thánh Maria là Mẹ của các Linh Mục.”
Thánh Juan de Ávila (1500-1659) sống vào thế kỷ 16 và là một tác giả tu đức nổi tiếng. Năm 1946 ngài được tôn làm bổn mạng hàng giáo sĩ Tây Ban Nha. Trong cuộc viếng thăm Nhà thờ chính tòa Almudena của Giáo phận Madrid ngày 20-8 năm 2011, ĐTC loan báo sẽ tôn phong thánh nhân làm Tiến Sĩ Hội Thánh (SD 10-5-2012)

G. Trần Đức Anh OP

Bẩy năm làm Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI

Bẩy năm làm Giáo Hoàng của

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI

Một số nhận định của Đức Hồng Y Walter Brandmueller, nguyên Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh các khoa sử học, về 7 năm Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI

   (Xem tiếp . . .Bẩy năm làm Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI)