Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các gia đình Philippines

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các gia đình Philippines

MANILA. Chiều 16-1-2015, ĐTC Phanxicô đã đến đến khu trung tâm thương mại Mall of Asia Arena ở thủ đô Manila, để gặp gỡ các gia đình tụ tập tại Hội trường thể thao tại đây.

Ở bên ngoài Hội trường có hàng chục ngàn tín hữu chờ đợi để chào đón, nên xe chở ĐTC đã đi vòng qua các lối đi để chào thăm mọi người. Bầu khí rất nồng nhiệt. Họ theo dõi cuộc gặp gỡ qua các màn hình từ bên ngoài.

Rồi ĐTC tiến vào Hội trường nơi có 20 ngàn người đã chờ sẵn. Ngài dừng lại chào thăm và chúc lành cho những người tàn tật ngồi trên ghế lăn, trước khi bước lên lễ đài.

 

Cuộc gặp gỡ diễn ra dưới hình thức một buổi phụng vụ lời Chúa, được mở đầu với lời chào mừng của Đức Cha Chủ tịch Ủy ban GM Phi về gia đình, của một gia đình đông con và phần trình bày của một gia đình về tình trạng nghèo đói, về những khó khăn vì vợ chồng con cái phải xa cách nhau vì phải xuất cư tìm công ăn việc làm, sau cùng của một đôi vợ chồng bị điếc trình bày bằng ngôn ngữ dấu hiệu.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng sau bài Tin Mừng thuật lại biến cố thánh Giuse, Mẹ Maria mang Chúa Hài Đồng tị nạn sang Ai Cập (Mt 2,13-15.19-23), ĐTC nhắc nhở các gia đình hãy ”nghỉ ngơi trong Chúa”, dành thời giờ cho việc cầu nguyện, dấn thân trong việc chuẩn bị thế giới đón chờ ngày trở lại của Chúa, chống lại trào lưu duy tương đối và nền văn hóa phù du, sau cùng là trở thành tiếng nói ngôn sứ trong cộng đoàn. Ngài kêu gọi củng cố các gia đình ở Philippines như một nguồn năng lực sự sống cho toàn thể xã hội.

Những ý tưởng trên đây ĐTC rút ra từ những suy niệm về bài Tin Mừng theo thánh Mathêu kể lại biến cố thiên thần hiện ra với thánh Giuse và dạy Người mang Hài Nhi và Mẹ Ngài trốn sang Ai Cập (Mt 2,13-15.19-23). Ngài nói:

”Trong đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe, chúng ta thấy thánh Giuse không những nghỉ ngơi một lần, nhưng là hai lần. Chiều hôm nay, tôi muốn nghỉ ngơi trong Chúa với tất cả anh chị em và cùng với anh chị em suy tư về hồng ân gia đình.

”Sự nghỉ ngơi của thánh Giuse tỏ lộ ý Chúa cho thánh nhân. Trong lúc nghỉ ngơi trong Chúa, chúng ta tạm ngưng nhiều nghĩa vụ và hoạt động thường nhật. Chúa cũng đang nói với chúng ta. Chúa nói với chúng ta trong bài đọc Tin Mừng chúng ta vừa nghe, trong kinh nguyện và chứng tá của chúng ta, trong sự yên tĩnh của tâm hồn. Chúng ta hãy suy tư về điều Chúa nói với chúng ta, nhất là trong Tin Mừng chiều hôm nay. Có 3 khía cạnh của đoạn Kinh Thánh này, tôi muốn xin anh chị em suy xét, đó là: nghỉ ngơi trong Chúa, trỗi dậy với Chúa Giêsu và Mẹ Maria, và trở thành tiếng nói ngôn sứ.

– Về điểm thứ nhất, nghỉ ngơi trong Chúa. ĐTC nhấn mạnh tầm quan trọng của hành động này, dành những giờ nghỉ ngơi, thinh lặng trong tâm hồn, dành thời giờ cho việc cầu nguyện… ”Nếu chúng ta không cầu nguyện thì chúng ta sẽ không biết điều quan trọng nhất, đó là thánh ý Chúa đối với chúng ta. Và nếu chỉ hoạt động mà không cầu nguyện thì chúng ta chỉ làm được rất ít việc.”
Nghỉ ngơi để cầu nguyện là điều đặc biệt quan trọng đối với gia đình. Chính trong gia đình mà chúng ta phải học trước tiên về cách thức cầu nguyện… Trong gia đình chúng ta học yêu thương, tha thứ, quảng đại, và cởi mở chứ không khép kín và ích kỷ. Chúng ta học cách đi xa hơn những nhu cầu của mình, gặp gỡ tha nhân và chia sẻ cuộc sống của chúng ta với họ.

– Thứ hai là trỗi dậy với Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Những lúc nghỉ ngơi quí giá, nghỉ với Chúa trong kinh nguyện, là những lúc chúng ta muốn kéo dài. Nhưng cũng như thánh Giuse, sau khi nghe tiếng Chúa, chúng ta phải trỗi dậy, đứng lên và hành động. Đức tin không kéo chúng ta ra khỏi trần thế, nhưng kéo chúng ta vào sâu hơn trong thế giới. Thực vậy, mỗi người chúng ta có một vai trò đặc thù trong việc chuẩn bị cho Nước Chúa đến trong trần thế của chúng ta.

Trong những sứ vụ các tín hữu cần thi hành, ĐTC đặc biệt nói đến sứ mạng bênh vực gia đình. Ngài nói: ”Có nhiều sức ép trên gia đình ngày nay. Tại Philippines này có vô số các gia đình con đang chịu đau khổ vì hậu quả của các thiên tai. Tình trạng kinh tế làm cho nhiều gia đình phải chia ly vì di cư để tìm công ăn việc làm và những vấn đề tài chánh làm cho nhiều gia đình bị căng thẳng. Trong khi quá nhiều người sống trong nghèo đói lầm than, thì những người khác lại bị thu hút vào trào lưu duy vật và những lối sống phá hủy gia đình và những đòi hỏi căn bản nhất của luân lý Kitô giáo. Gia đình cũng bị đe dọa vì những toan tính ngày càng gia tăng của một số người muốn định nghĩa lại chính định chế gia đình, hoặc vì trào lưu duy tương đối, nền văn hóa phù du, thiếu cởi mở đối với sự sống.” ĐTC nói tiếp:

”Thế giới chúng ta đang cần những gia đình tốt và vững mạnh để khắc phục những đe dọa ấy! Philippines đang cần những gia đình thánh thiện và yêu thương để bảo vệ vẻ đạp và chân lý về gia đình trong kế hoạch của Thiên Chúa và là một nâng đỡ, nêu gương cho các gia đình khác”.

– Sau cùng, Tin Mừng nhắc nhở chúng ta về nghĩa vụ của Kitô hữu phải là những tiếng nói ngôn sứ trong các cộng đoàn chúng ta. .. Khi gia đình sinh sản và giáo dục con cái trong đức tin và các giá trị tốt đẹp, dạy con cái góp phần xây dựng xã hội, thì họ trở thành một phúc lành trong thế giới chúng ta. Tình thương của Thiên Chúa trở nên hiện diện và hoạt động qua cách thức chúng ta yêu thương và nhờ công việc lành chúng ta làm. Chúng ta mở rộng Nước Chúa trong thế giới này. Và khi làm như thế chúng ta tỏ ra trung thành với sứ mạng ngôn sứ mà chúng ta nhận lãnh khi chịu phép rửa tội.

Và ĐTC kết luận rằng: ”trong năm nay, các GM của anh chị em đã ấn định Năm Người Nghèo. Tôi xin anh chị em, trong tư cách là gia đình, hãy đặc biệt để ý đến ơn gọi của chúng ta trở thành các môn đệ thừa sai của Chúa Giêsu. Điều này có nghĩa là sẵn sàng đi xa hơn gia đình của anh chị em, và săn sóc những anh chị em khác đang ở trong tình cảnh túng thiếu nhất. Tôi xin anh chị em đặc biệt chứng tỏ sự quan tâm đối với những người không có gia đình, nhất là nhưng người già và trẻ em không có cha mẹ. Đừng bao giờ để họ cảm thấy lẻ loi, cô độc và bị bỏ rơi, nhưng giúp họ biết rằng Chúa không quên họ.

Trong bài huấn dụ, ngoài phần dọn sẵn, ĐTC cũng ứng khẩu nhiều đoạn nói rằng tiếng Tây Ban Nha và một linh mục dịch sang tiếng Anh. Ngài khuyến khích các gia đình hãy mơ ước những điều tốt đẹp nhất cho vợ chồng, cái và những người thân yêu. ĐTC cũng tiết lộ ngài có lòng kính mến đặc biệt đối với thánh Giuse, người thường ít nói và im lặng nhiều. Mỗi khi gặp vấn đề đó khăn, ngài thường viết những điều ấy trên giấy và đặt dưới tượng thánh Giuse để trên bàn của ngài, để Thánh Giuse ”mơ” và giúp ngài giải quyết.

Cuộc gặp gỡ được tiếp nối với các lời nguyện giáo dân và bài thánh ca kính Đức Mẹ với phép lành của ĐTC.

Chương trình ngày thứ bẩy 17-1-2015

Sáng thứ bẩy 17-1, ĐTC sẽ đáp máy bay lúc quá 8 giờ sáng từ căn cứ không quên Villamor ở Manila để bay tới thành phố Tacloban trên đảo Leyte, cách Manila 650 cây số về hướng đông nam. Thành phố này có hơn 200 ngàn dân cư và thuộc vùng bị cuồng phong Hayan hay cũng gọi là bão Yolanda, tàn phá ngày 8 tháng 11 năm 2013 làm cho hơn 10 ngàn người chết và mất tích, các cơ cấu hạ tầng, kể cả sân bay của thành phố, cũng như các đường giao thông bị thiên tai phá hủy.

Đến nơi, ĐTC sẽ cử hành thánh lễ tại sân bay Tacloban cho các tín hữu vào lúc 10 giờ. Ban trưa tại tòa TGM Palo sở tại, ngài sẽ dùng bữa với 30 người sống sót trong đó có một vài chủng sinh.

Ban chiều lúc 3 giờ ngài sẽ làm phép ”Trung tâm Giáo hoàng Phanxicô cho người nghèo” do một Cộng đoàn Canh tân trong Thánh Linh ở Hàn Quốc thành lập và quản trị. Rồi ngài đến Nhà thờ chính tòa Palo để gặp gỡ 500 người gồm các GM, LM, tu sĩ nam nữ, các chủng sinh và gia đình những người sống sót, trước khi đáp máy bay trở về thủ đô Manila.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Lớp Sáu – Bài Học 9 – Phước Lộc Thọ

Xem => Bài Học 9 – Phước Lộc Thọ (V02)

Đất trời đang giao thời chuyển từ mùa Đông giá rét sang tiết Xuân ấm áp. Như vậy là một năm nữa lại qua đi, và khởi đầu một năm mới! Có chịu cái lạnh của mùa Đông mới thấy quý hơi ấm của mùa Xuân. Cuộc đời cũng vậy, có thất bại mới thấy khao khát thành công mà cố vươn lên, có đau khổ mới thấy trân trọng hạnh phúc khi được nếm hưởng – dù chỉ một chút.

Những lo lắng, những gian lao, những bươn chải của năm cũ đã khép lại. Giờ là lúc chúng ta “quẳng gánh lo đi mà vui sống”. Giờ là lúc ta được nghỉ ngơi, vui thỏa. Giờ là lúc chúng ta sum vầy, đoàn viên.

Phuc-Loc-Tho-2

PhuocLocThoMuaXuanVinhCuu

Lớp Sáu – Bài Học 7 – Giao Thừa Đoàn Tụ

Xem => Bài Học-07-Giao Thừa ĐoànTụ

Và trước thềm một năm mới, chúng ta cùng kính chúc nhau:

Vừa đủ HẠNH PHÚC để giữ tâm hồn luôn ngọt ngào

Vừa đủ THỬ THÁCH để luôn kiên nhẫn trung kiên

Vừa đủ HY VỌNG để luôn hạnh phúc

Vừa đủ THẤT BẠI để luôn khiêm nhường

Vừa đủ THÀNH CÔNG để luôn nhiệt tâm

Vừa đủ BẠN BÈ để được an ủi

Vừa đủ VẬT CHẤT để đáp ứng mọi nhu cầu

Vừa đủ NHIỆT TÌNH để đời thêm hân hoan

Vừa đủ NIỀM TIN để xua tan thất bại

Tại sao người ta cầu xin cho thử thách vừa phải?

 ThuThachVuaPhai

Đề Tài #2:

Hãy viết thành một hay nhiều đoạn văn theo Họa Đồ Vòng Nhân Quả Sau:

HanhPhucVuaPhai

Tường trình đúc kết các bài phát biểu tại Thượng Hội đồng Giám Mục tế giới về gia đình

Tường trình đúc kết các bài phát biểu tại Thượng Hội đồng Giám Mục tế giới về gia đình

VATICAN. Lúc 9 giờ sáng thứ hai 13-10-2014, Thượng HĐGM thế giới khóa đặc biệt về gia đình đã nhóm phiên khoáng đại thứ 11 để nghe bản Tường trình đúc kết ý kiến của các nghị phụ phát biểu trong tuần qua.

Trước sự hiện diện của ĐTC và các nghị phụ, ĐHY Peter Erdoe, người Hungari, Tổng tường trình viên, đã đọc bản tường trình đúc kết các ý kiến chính trong các bài phát biểu và suy tư của 180 nghị phụ trong tuần đầu của Công nghị GM thế giới. Văn bản này được dùng làm căn bản cho cho việc soạn Văn kiện chung kết của Thượng HĐGM này.

Bản tường trình đề ra 3 đường hướng chỉ đạo, đó là lắng nghe bối cảnh xã hội và văn hóa trong đó các gia đình ngày nay đang sống; sau đó là đối chiếu với những viễn tượng mục vụ cần đề ra và nhất là nhìn lên Chúa Kitô, lắng nghe Tin Mừng của Chúa về gia đình.

– Gia đình là thực tại ”quan trọng và quí giá”, ”là nguồn vui mừng và cũng là nơi có thử thách, những tình cảm sâu và và những quan hệ nhiều khi bị thương tổn, là trường dạy về lòng nhân đạo. Trước tiên cần lắng nghe gia đình trong toàn bộ phức tạp của thực tại này. Chủ nghĩa cá nhân thái quá, thử thách lớn về cô đơn, tình cảm tự kỷ gắn liền với những tình cảm mong manh, ”ác mộng” vì công ăn việc làm bấp bênh, cùng với chiến tranh, nạn khủng bố, di cư, ngày càng làm cho tình trạng nhiều gia đình bị suy thoái. Chính trong bối cảnh đó, Giáo Hội phải mang lại hy vọng và ý nghĩa cho đời sống con người ngày nay, giúp họ ngày càng hiểu biết giáo lý đức tin nhưng đồng thời cũng đề nghị với họ lòng từ bi Chúa”.

Tiếp đến là hướng nhìn lên Chúa Kitô, Đấng tái khẳng định sự kết hiệp bất khả phân ly giữa một người nam và một người nữ, nhưng cũng cho phép đọc giao ước hôn phối trong sự liên tục và mới mẻ. Nguyên tắc ở đây phải là nguyên tắc tiệm tiến đối với các đôi vợ chồng bị thất bại tronog hôn nhân, trong một viễn tượng bao gồm đối với những hình thức bất toàn của thực tại hôn phối”.

– Bản tường trình được ĐHY Erdoe tuyên đọc cũng đề cập đến những tờng hợp mục vụ khẩn cấp nhất, cần ủy thác việc cụ thể hóa trong các Giáo Hội địa phương, luôn luôn ở trong tình hiệp thông với ĐTC. Trước hết có việc loan báo Tin Mừng gia đình cần thực hiện, không phải để lên án, nhưng là chữa lành sự dòn mỏng của con người. ”Loan báo Tin Mừng là trách nhiệm chung của toàn thể Dân Chúa, mỗi người theo sứ vụ và đoàn sủng riêng. Nếu không có chứng tá vui mừng của các đôi vợ chồng và của các gia đình, thì việc loan báo, cho dù là đúng đắn, cũng có nguy cơ không được hiểu hoặc bị chìm đắm trong biển cả những lời nói vốn là đặc tính của xã hội chúng ta. Các gia đình Công Giáo được kêu gọi trở thành những chủ thể tích cực trong việc mục vụ gia đình”.

– Bản tường trình nhấn mạnh rằng việc chuẩn bị hôn nhân Kitô là điều thiết yếu, vì hôn nhân này không phải chỉ là một truyền thống văn hóa hoặc một đòi hỏi xã hội, nhưng là một quyết định theo ơn gọi. Không nhắm làm cho chu kỳ huấn luyện trở nên phúc tạp, mục đích nhắm tới ở đây là đi vào chiều sâu, chứ không giới hạn vào những đường hướng tổng quát, trái lại cũng cần canh tân việc đào tạo linh mục về vấn đề gia đình, nhờ sự can dự của chính các gia đình. Các nghị phụ cùng đề nghị phải tháp tùng các gia đình sau khi hết hôn, là thời kỳ sinh tử và tế nhị, trong đó các đôi vợ chồng chín mùi sự ý thức về bí tích, ý nghĩa và những thách đố về bí tích này.

Đồng thời Giáo Hội cũng phải khích lệ và nâng đỡ các giáo dân dân thân trong lãnh vực văn hóa, chính trị và trong xã hội, để không quên tố giác những yếu tố ngăn cản đời sống gia đình chân thực, vạch rõ nhưng kỳ thị, nghèo đói, loại trừ và bạo lực.

– Về những người ly thân, ly dị và ly dị tái hôn, ĐHY Erdoe nhấn mạnh rằng 'không phải là điều khôn ngoan khi nghĩ đến những giải pháp độc nhất, theo tiêu chuẩn 'hoặc phải có tất cả hoặc không được gì hết'; vì thế phải tiếp tục cuộc đối thoại trong các Giáo Hội địa phương, trong niềm tôn trọng và yêu mến đối với mỗi gia đình bị thương tổn, nghĩ ngay đến người vợ hoặc chồng bị bỏ rơi một cách bất công, tránh những thái độ kỳ thị và phải bảo vệ các trẻ em. ”Điều quan trọng là chấp nhận một cách lương thiện và xây dựng những hậu quả của việc ly thân hoặc ly dị đối với con cái: con cái không thể trở thành một ”đồ vật” để tranh giành, và cần phải tìm kiếm những hình thức tốt đẹp nhất để con cái có thể vượt thắng chấn thương do sự phân rẽ gia đình và có thể tăng trưởng bao nhiêu có thể trong thanh thản”.

– Về việc cứu xét nhanh chóng các đơn xin tuyên bố hôn nhân vô hiệu, ĐHY Erdoe nhắc lại những đề nghị đã được các nghị phụ đề ra trong khóa họop: nghĩa là không cần phải có 2 phán quyết đồng thuận với nhau, xác định thể thức hành chánh ở cấp giáo phận để tuyên bố hôn nhân vô hiệu, khởi sự việc xét xử đơn giản trong trong những vụ hôn phối vô hiệu tỏ tường, đặc biệt chú ý đến đức tin của những người kết hôn để nhận xét xem bí tích hôn phối của họ có thành sự hay không. Tất cả những điều đó đòi nhân viên giáo sĩ và giáo dân tại tòa án hôn phối được chuẩn bị thích hợp, và các GM địa phương có trách nhiệm nhiều hơn”.

– Về việc cho những tín hữu ly dị tái hôn đưc rước lễ, vị Tổng tường trình viên liệt kê những đề nghị chính được trình bày trong Thượng HĐGM như: duy trì kỷ luật hiện hành, thực hiện một sự cởi mở nhiều hơn đối với những trường hợp đặc biệt, bất khả phân ly mà không gây ra những bất công hoặc đau khổ mới; hoặc chọn con đường thống hối: cần thực hiện hành trình này dưới trách nhiệm của GM giáo phận, trước khi được lãnh nhận các bí tích.

Vấn đề ớc lễ thiêng liêng vẫn còn bị bỏ ngỏ, và các nghị phụ kêu gọi đào sâu hơn về thần học, cũng vậy cần suy tư sâu hơn về các cuộc hôn nhân hỗn hợp và những vấn đề hệ trọng liên quan tới kỷ luật khác của các Giáo Hội Chính Thống về hôn phối.

– Về những ngưi đồng tính luyến ái, trong Thượng HĐGM, có các nghị phụ nhấn mạnh rằng những người đồng tính luyến ái là những người có năng khiếu và chất lượng có thể cống hiến cho cộng đoàn Kitô: Giáo Hội phải trở thành căn nhà đón tiếp họ; nhưng Giáo Hội vẫn quyết liệt không chấp nhận sự kết hiệp đồng tính luyến ái và những sức ép của cac tổ chức quốc tế đặt điều kiện một quốc gia phải ban hành các qui luật chịu ảnh hưởng của ý thức hệ gender, giới tính, thì mới được nhận viện trợ tài chánh… Giáo Hội cũng đặc biệt chú ý đến các trẻ em sống với các cặp đồng phái, và tái khẳng định rằng cần đặt lên hàng đầu những yêu sách và quyền lợi của các trẻ em.

– Phần cuối của bản tường trình có đề cập đến các đề tài của thông điệp Humanae vitae (Sự sống con người) do Đức Phaolô 6 ban hành năm 1968, và tập trung vào vấn đề cởi mở đối với sự sống, và định nghĩa sự cởi mở này như một ”đòi hỏi nội tại của tình yêu vợ chồng”.

– Nhiều nghị phụ nhấn mạnh sự cần thiết phải có một ngôn ngữ thực tế cụ thể, biết giải thích vẻ đẹp và chân lý cởi mở đón nhận hồng ân con cái, và nhờ sự giáo dục thích hợp về các phương pháp điều hòa sinh sản tự nhiên, và sự đả thông hài hòa và ý thức giữa đôi vợ chồng trong mọi chiều kích.

ĐHY Erdoe không quên ghi nhận rằng cuộc đối thoại trong Thượng HĐGM diễn ra trong bầu không khí tự do và lắng nghe nhau. Ngài cho biết những suy tư trình bày trên đây chưa phải là quyết định, vì hành trình của Thượng HĐGM sẽ được tiếp nối trong khóa họp thường lệ nhóm vào tháng 10 năm tới, 2015, cũng về đề tài gia đình.

Sau bài tường trình của ĐHY Erdoe, các nghị phụ được 10 phút giải lao trước khi trao đổi ý kiến về bài này. Rồi ban chiều, từ lúc 4 giờ rưỡi, các nghị phụ nhóm họp và thảo luận trong các nhóm nhỏ theo các sinh ngữ khác nhau (SD 13-10-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Tân giám mục giáo phận Mỹ Tho: ĐC Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Tân giám mục giáo phận Mỹ Tho: ĐC Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Phòng Báo chí Toà Thánh, trong Công báo ra ngày hôm nay thứ Bảy 26 tháng Bảy 2014, ở mục “Miễn nhiệm và Bổ nhiệm”, đã loan tin: Đức Cha Nguyễn văn Khảm được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Mỹ Tho.

Tiểu sử Đức Cha Nguyễn văn Khảm:

02-10-1952:    Sinh tại Đàn Giản, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội)
1963 – 1972:   Học tại Tiểu chủng viện Thánh Quý, Cái Răng, Cần Thơ
1973 – 1976:   Học tại Đại chủng viện Thánh Tôma, Long Xuyên
1977 – 1979:   Học tại Đại chủng viện Thánh Giuse Saigon
30-08-1980:    Thụ phong linh mục
1980 – 1983:   Linh mục phụ tá giáo xứ Hà Đông, hạt Xóm Mới
1983 – 1987:   Quản nhiệm giáo xứ Hà Nội, hạt Xóm Mới
1987 – 1999:   Linh mục phụ tá Nhà thờ Chính Toà Tổng giáo phận Saigon
1997:               Giáo sư Đại chủng viện Thánh Giuse Saigon
2001 – 2004:   Học Thần học Mục vụ tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ, tốt nghiệp tiến sĩ
2004 – 10/2012: Giám đốc Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Saigon
Tháng 3-2008:   Thư ký điều hành của Hội đồng Giám mục Việt Nam
15-10-2008:    được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá Tổng giáo phận Saigon châm ngôn Giám mục: “Hãy theo Thầy”
15-11-2008:    Thánh lễ tấn phong Giám mục tại Đại chủng viện Thánh Giuse Saigon, do Đức hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn chủ phong
6/2011 – 19/03/2012: Giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse Saigon. Trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã đảm nhiệm các chức vụ: Phó Tổng Thư ký (nhiệm kỳ 2010–2013 và 2013–2016), Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công giáo (2009–2010), Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Xã hội (nhiệm kỳ 2010–2013).

Ngân sách Tòa thánh năm 2013 bị thiếu hụt gần 24.5 triệu Euro

Ngân sách Tòa thánh năm 2013 bị thiếu hụt gần 24.5 triệu Euro

VATICAN. Trong năm 2013, ngân sách của Tòa Thánh bị thiếu hụt gần 24 triệu 500 ngàn Euro (24,470,549), trong khi ngân sách năm 2012 trước đó dư được 2 triệu 100 ngàn Euro.

Theo thông cáo công bố hôm 8-7-2014, phần lớn số chi của Tòa Thánh, gồm 125 triệu Euro, là để trả lương có 2,886 nhân viên, tính đến ngày 31-12-2013.

Tuy nhiên, ngân sách năm ngoái của Phủ Thống đốc Quốc gia thành Vatican dư được hơn 33 triệu Euro (33,040,583), tức là tăng khoảng 10 triệu so với năm 2012 trước đó. Tính đến ngày cuối năm ngoái, Phủ Thống đốc có 1,951 nhân viên.

Số tiền Giáo Hội hoàn vũ đóng góp cho Tòa Thánh, chiếu theo khoản giáo luật số 1271, hầu như không thay đổi tức là 22 triệu 400 ngàn Euro, tức là chỉ tăng thêm 100 ngàn so với năm 2012.

Viện Giáo vụ (IOR), tức là ngân hàng Vatican, đóng góp cho Tòa Thánh 50 triệu Euro trong tài khóa 2013.
Hội đồng kinh tế của Tòa Thánh đã phê chuẩn kết toán ngân sách trên đây và mời gọi Văn phòng Tòa Thánh về Kinh Tế tiếp tục thích ứng các nguyên tắc kế toán của Vatican với các tiêu chuẩn quốc tế.

Viện Giáo Vụ tiến qua giai đoạn 2 trong tiến trình cải tổ

Mặt khác, Viện giáo vụ bắt đầu tiến qua giai đoạn thứ hai trong tiến trình cải tổ.

Trong thông cáo công bố ngày 8-7-2014, Viện giáo vụ cho biết trong năm 2013, lợi tức của Viện này suy giảm rất nhiều từ 86 triệu 600 ngàn Euro trong năm 2012 xuống còn 2 triệu 900 ngàn Euro. Tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm nay, lợi tức được phục hồi đáng kể với 57 triệu 400 ngàn Euro.

Gia sản vốn (patrimonio netto) của Viện Giáo Vụ tính đến ngày 30-6 vừa qua là 775 triệu 400 ngàn Euro. Ngân khoản được khách hàng tín thác và các trái khoán của Viện này hiện nay là 6 tỷ Euro. Trong tiến trình kiểm soát các tài khoản, tính đến ngày 30-6-2014, Viện Giáo Vụ đã chấm dứt quan hệ với 3 ngàn khách hàng, trong đó có khoảng 2.600 tài khoản từ lâu không còn hoạt động. Ngoài ra có 396 khách hàng bị chấm dứt quan hệ do duyết định của Hội đồng giám sát Viện này ngày 4-7 năm 2013, nhắm thu hẹp con số khách hàng của Viện Giáo Vụ.

Do quyết định đó, Viện Giáo Vụ hiện nay chỉ cho phép các tổ chức Công Giáo, cơ quan Giáo Hội, nhân viên và cựu nhân viên Vatican, các đại sứ quán và nhân viên ngoại giao cạnh Tòa Thánh được mở tài quản trong Ngân hàng ngày.

Viện Giáo Vụ xác nhận sắp có ban lãnh đạo mới, làm việc trong một cơ cấu quản trị mới. (SD 8-7-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio