Tòa tổng giám mục Torino cung cấp chỗ ăn cho người nghèo

Tòa tổng giám mục Torino cung cấp chỗ ăn cho người nghèo

Torino – Trang web của giáo phận Torino đã đưa tin: Đức tổng giám mục  Nosiglia của Torino đã quyết định mở cửa tòa tổng giám mục để một số người nghèo có chỗ ăn trong thời gian nhà ăn Cottolengo dành cho họ phải đóng cửa.

Từ trưa thứ hai, 04/09/2017, nhà ăn của người nghèo ở Cottolengo phải đóng cửa, ít là trong vòng 8 tuần, để thực hiện một số tu sửa khẩn cấp. Trung bình nhà ăn Cottolengo phục vụ cho 500 khách mỗi ngày, từ thứ 2 đến thứ 7, với 160 ngàn phần ăn hoàn toàn miễn phí mỗi năm. Để đảm bảo cho khoảng 300 thực khách thường xuyên đến nhà ăn này, là những người không thể tìm được nơi ăn tạm trong thời gian nhà ăn đóng cửa, ủy ban bác ái của giáo phận Torino đã cùng với tổng giáo phận và một số tổ chức đã sắp xếp để cho những người nghèo có chỗ ăn uống.

Đức tổng Cesare Nosiglia đã cho phép sử dụng một khu vực ở trong chính tòa giám mục để cung cấp chỗ ăn cho 51 người. Dịch vụ nhà ăn được bảo đảm miễn phí bởi các tình nguyện viên bằng cách tăng số giờ mở cửa. Thức ăn được một công ty ở Torino nấu sẵn, gồm có các món phụ và món chính khác nhau, bánh mì và nước.

Đối với tổng giáo phận Torino, đây cũng là cơ hội để cải thiện các hoạt động của các nhà ăn. Bên cạnh đó, nhờ sự trung gian của ủy ban bác ái giáo phận Torino, tại các nhà ăn này, người ta sẽ trải nghiệm những bước hòa nhập và là người công dân tích cực dành cho những người sống trong những hoàn cảnh nghèo khổ. (ACI 03/09/2017)

Hồng Thủy

Tội phạm chống lại Công giáo Giáo hội Công giáo Scotland gia tăng

Tội phạm chống lại Công giáo Giáo hội Công giáo Scotland gia tăng

Glasgow, Scotland – Các tội phạm do chủ nghĩa chống Công giáo đang trên đà gia tăng tại Scoltand. Peter Kearney, giám đốc cơ quan truyền thông Công giáo Scotland đã lên tiếng kêu gọi  chính quyền hành động cụ thể để chống lại xu hướng này, một vấn đề cụ thể.

Theo ông Kearney, cần phải xác định một vấn đề trước khi giải quyết nó. Nhưng thật đáng ngạc nhiên là vấn đề bất khoan dung tôn giáo và các tội phạm của nó thì lại không được xác định.

Trong khoảng thời gian từ 2016-2017, ở Scoltand có 719 cáo buộc liên quan đến định kiến tôn giáo, trong khi từ 2015-2016 chỉ có 642 trường hợp.

Giáo hội Công giáo Roma là đối tượng bị tấn công nhiều nhất, chiếm 57%, với 384 vụ so với 299 vụ trong thời gian 2015-2016.

Theo ông Kearney, các con số cho thấy rằng xã hội Scoltland vẫn còn mang các vết sẹo do những hận thù và  xáo trộn trong quá khứ (CNA 15/08/2017)

Hồng Thủy

 

ĐTC phó thác các dân tộc khổ đau cho Mẹ Maria Nữ Vương Hoà Bình

ĐTC phó thác các dân tộc khổ đau cho Mẹ Maria Nữ Vương Hoà Bình

VATICAN: ĐTC phó thác cho Mẹ Maria Nữ Vuơng Hoà Bình các  dân tộc trên thế giới đang phải đau khổ vì các tai ương thiên nhiên, các cẳng thẳng xã hội hay các cuộc xung đột và  ngài xin Mẹ an ủi và ban cho tất cả mọi người một tương lai thanh bình và hoà hợp.

ĐTC đã cầu nguyện như trên trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa 15 tháng 8 lễ trọng kính Đức Mẹ hồn xác lên trởi. Quảng diễn bài Phúc Âm kể lại biến cố Đức Mẹ đi thăm bà Elizabeth ĐTC nói: ơn cao trọng nhất mà Đức Maria mang tới cho bà Elizabeth và cho toàn thế giới là Chúa Giêsu, Đấng đã sống trong Mẹ, và Ngài sống không phải chỉ vì lòng tin và sự chờ đợi, như nơi biết bao phụ nữ thời Thánh Kinh Cựu Ước: nhưng từ Đức Trinh Nữ Ngài đã nhận lấy thịt xác loài người cho sứ mệnh cứu rỗi của Ngài.

Khi Mẹ Maria tới nhà hai ông bà Elizabeth và Dacaria, niềm vui tràn bờ ở nơi trước kia ngự trị sự buồn sầu vì không có con. Giờ đây niềm vui nhảy mừng từ các con tim bởi vì sự hiện diện vô hình nhưng thực sự của Chúa Giêsu khiến cho mọi sự tràn ngập ý nghĩa: cuộc sống, gia đình, ơn cứu độ của dân. Niềm vui tràn đầy ấy được diễn tả ra trong bài thánh thi Magnificat  của Mẹ. Đó là một bài ca chúc tụng Thiên Chúa là Đấng đã làm các việc trọng đại qua những người khiêm hạ, không được thế giới biết đến, như Mẹ Maria, như thánh Giuse và cả nơi các Ngài sống là Nagiarét. Chúa làm những việc trọng đại trong thế giới với những người khiêm hạ, bởi vì sự khiêm tốn như một khoảng trống dành cho Thiên Chúa….

Biến cố Chúa Giêsu đến trong căn nhà ấy qua Mẹ Maria đã không chỉ tạo ra một bầu khí tươi vui và hiệp thông huynh đệ, mà cũng tạo ra một bầu khí của niềm tin dẫn đưa tới niềm hy vọng, lời cầu nguyện và chúc tụng. Khi cử hành lễ Đức Maria Rất Thánh hồn xác lên trời chúng ta muốn xin Mẹ, một lần nữa, đem đến cho chúng ta, cho các gia đình và cộng đoàn của chúng ta món qua vô biên, ơn duy nhất mà chúng ta phải luôn luôn xin trước hết và trên hết là Chúa Giêsu Kitô. Khi đem Chúa Giêsu đến cho chúng ta là Mẹ cũng mang đến cho chúng ta một niềm vui tràn đầy ý nghĩa, một khả năng mới băng qua những thời điểm đau khổ khó khăn; Mẹ đem tới cho chúng ta khả năng thương xót, để chúng ta tha thứ cho nhau, hiểu biết nhau và nâng đỡ nhau. Khi chiêm ngưỡng Mẹ Maria hồn xác lên trời, đạt điểm thành toàn lộ trình trần gian của Mẹ, chúng ta cảm tạ Mẹ là môn đệ đầu tiên đã đi trước chúng ta trong cuộc lữ hành của đời sống và niềm tin. Xin Mẹ giữ gìn và nâng đỡ chúng ta nên thánh để một ngày kia chúng ta được gặp Mẹ trên thiên đàng.

Linh Tiến Khải

Cầu nguyện cho các nghệ sĩ thời đại chúng ta

Cầu nguyện cho các nghệ sĩ thời đại chúng ta

Trong tháng 8 này ĐTC mời gọi chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho các nghệ sĩ thời đại chúng ta để họ giúp mọi người khám phá ra vẻ đẹp của thụ tạo qua các tác phẩm nổi tiếng của họ.

Khi viếng thăm các thủ đô hay thành phố lớn trên thế giới, du khách thường để giờ thăm các viện bảo tàng, là nơi trưng bầy kho tàng nghệ thuật của một nước bao gồm các tác phẩm thuộc đủ mọi thể loại: điêu khắc, hội hoạ, nghệ thuật đúc và tạc tượng cũng như các tác phẩm thêu dệt và đủ mọi thứ vật dụng cho biết về lịch sử, cuộc sống và các sinh hoạt của một dân tộc, một quốc gia hay nhiều quốc gia khác. Trên bình diện này Italia là quốc gia rất nổi tiếng  vì chứa đựng tới 70% gia tài nghệ thuật trên toàn thế giới.

Thí dụ điển hình là bảo tàng viện Vatican. Đây là một trong các bảo tàng viện lớn nhất thế giới. Có để ra cả năm bạn cũng không thể nào thăm viếng hết được, vì nó rộng mênh mông và  chứa hàng chục triệu tác phẩm đủ loại, và gồm nhiều bảo tàng viện nhỏ. Mỗi bảo tàng viện như thế lại gồm nhiều phòng khác nhau. Chẳng hạn nếu muốn viếng thăm các tranh vẽ bạn đến khu vực Pinacoteca trưng bầy các tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng hay của các trường phái hội hoạ từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX, trong đó có Giotto, thầy Angelico, Melozzo da Forli, Raffaello, Leonardo da Vinci, Tiziano … hay tranh của trường phái Umbria, tranh thời Barốc vv… Nếu muốn hiểu biết về Ai Cập bạn có thể đến khu bảo tàng Gregoriano Egizio, nơi có thể thấy 5 xác ướp trong đó có xác hoàng hậu Hetepheres, mẹ Pharao Cheops, cũng như tượng hoàng hậu Tula, mẹ Pharao Ramses II, tức thời ông Môshê, và nhiều tượng cũng như xác ướp các con vật, và các thủ bản viết trên giấy làm bằng sậy Papiro.

Nếu muốn thăm các tác phẩm điêu khác bạn đến khu vực Pio Clementino sẽ thấy các tượng người và thú vật thuộc thời Hy Lạp và Roma cổ, hay khu vực Chiaramonti. Muốn thăm dấu tích của người Etruschi bạn đến khu vực Gregoriano Etrusco có các quan tài, bia mộ, mọi thứ dụng cụ tìm được trong các cuộc đào bới nghĩa trang tại Cerveteri. Trong khu vực này cũng có phòng trưng bầy các tác phẩm bằng đồng, các hòm đựng tro người chết, các đồ trang sức quý, các đồ bằng đất sét nung…Thế rồi cũng có hành làng trưng bầy các chân đèn, hành lang trưng bầy các tấm thảm danh tiếng, hành lang trưng bầy các bản đồ địa lý. Rồi các phòng do các danh họa như Raffaello và các họa sĩ nổi tiếng khác vẽ hồi thế kỷ XVI vv…

Để giúp tín hữu và khách hành hương dễ định hướng ban giám đốc viện bảo tàng Vaticăng đã soạn ra các lộ trình khác nhau dài 2 giờ, 3 giờ, 4 giờ, 5 giờ theo thời gian du khách có. Nhưng lộ trình nào cũng kết thúc với nhà nguyện Sistina, là nơi các Hồng Y họp mật nghị bầu Giáo Hoàng. Nhà nguyện Sistina được xây cho ĐGH Sesto IV giữa các năm 1473-1481 là viên ngọc quý cuả nghệ thuật thời Phục Hưng. Qua các  bức bích họa tả cảnh cựu ước và tân ước và nhất là bức họa Ngày phán xét chung” nổi tiếng Michelangelo và các họa sĩ thời đó đã không chỉ để lại cho hậu thế một phần gia tài quý báu của kho tàng nghệ thuật, mà còn trả lời cho câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống con người nữa. Các bức bích họa được nhiều họa sĩ danh tiếng vẽ giữa các năm 1481-1483.

Ngoài ra trong viện bảo tàng Vatican còn có Thư viện của Toà Thánh trưng bầy rất nhiều thủ bản và sách cổ, cũng như nhiều vật dụng phụng vụ. Rồi còn có khu vực Gregoriano profano dành cho các tác phẩm điêu khắc từ các thế kỷ đầu. Trong khi khu vực Pio cristiano trưng bầy các tác phẩm nghệ thuật khảo cổ kitô. Lại còn có phần dành cho lãnh vực truyền giáo nhân chủng học với các tác phẩm của Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Tây Tạng, Mông Cổ, Đông dương, trong đó có chiếc kiệu hoa bằng gỗ mạ vàng làm năm 1846 được các tín hữu Bắc phần Việt Nam dùng để kiệu Đức Bà Mân Côi. Có thêm các tác phẩm Ấn Độ, Indonesia và Philippines, Polynesia và Melanesia , Úc, Bắc Phi châu, Etiopia, Madagascar, Tây Phi châu, Trung Phi châu, Đông Phi châu, Nam Phi châu, Phi châu Kitô, Nam Mỹ, Trung Mỹ, Mỹ châu Kitô, Bắc Mỹ, Ba Tư, Trung Đông, các tác phẩm kitô thuộc các nước truyền giáo. Thêm vào đó còn có bảo tàng viện lịch sử trưng bầy các lọai xe ngựa các Giáo Hoàng và Hồng Y dùng xưa kia, và các vũ khí đủ loại.

Rất nhiều tác phẩm lấy hứng từ các cảnh và câu chuyện trong Thánh Kinh Cựu ước và Thánh Kinh Tân Ước. Ngoài giá trị nghệ thuật chúng cũng là các bài giáo lý bằng hình sống động.

Các tác phầm nghệ thuật hội họa, điêu khắc, kiến trúc là chứng tích cuộc sống tinh thần phong phú của con người và của toàn nhân loại. Chúng diễn tả vẻ đẹp của thụ tạo do Thiên Chúa làm nên cho hạnh phúc của con người

Chính vì thế trong tháng 8 này hiệp ý với ĐTC và tín hữu công giáo toàn thế giới chúng ta hãy cầu nguyện cho các nghệ sĩ thời đại chúng ta để qua các tác phẩm nổi tiếng họ giúp mọi người khám phá ra vẻ đẹp của thụ tạo và đến với Thiên Chúa là Chân, Thiện Mỹ.

Linh Tiến Khải

Toà Thánh đề cao phần đóng góp tích cực của người di cư

Toà Thánh đề cao phần đóng góp tích cực của người di cư

NEW YORK: Toà Thánh đề cao phần đóng góp tích cực của người di cư cho mọi chiều kích  phát triển xã hội tiếp đón và trợ giúp họ.

Linh Mục Michael Czerny dòng Tên, Phó thư ký Bộ Phát triển nhân bản toàn vẹn, đã khẳng định như trên trong bài phát biểu tại phiên họp thứ tư của Liên Hiệp Quốc về đề tài “Sự đóng góp của người di cư và hải ngoại cho mọi chiều kích của sự phát triền có thể thực hiện được, bao gồm cả việc gửi và chuyển các lợi tức kiếm được về quê”, nhóm tại New York trong hai ngày 23-24 tháng 7. Vị đại diện Toà Thánh đã nhắc đến nhiều lý do khiến cho hàng chục triệu người phải di cư trên thế giới ngày nay như: nạn nghèo đói, bạo lực, công việc làm không thích hợp, môi sinh tồi tệ, hạn hán, các cơ cấu yếu kém và nạn gian tham hối lộ, cùng nhiều lý do khác được nêu ra trong lịch trình hành động phát triển năm 2030. Nhưng trước hết cần tái minh xác quyền của từng người được sống trong quê hương đất nước của họ trong phẩm giá, hoà bình và an ninh. Phải làm sao để không ai bị bắt buộc phải rời bỏ quê hương của mình vì thiếu phát triển hay hoà bình.

Cộng đoàn quốc tế phải cố gắng thế nào để thăng tiến phát triển trong đất nước của họ và cho phép họ trở thành các tác nhân sự phát triển của chính họ. Không thể phủ nhận sự mất mát trên bình diện xã hội, kinh tế và văn hoá mà nạn di cư gây ra cho các quốc gia này, khi công dân của chúng cảm thấy bị bó buộc phải bỏ nước ra đi. Chính nạn nghèo đói đã khiến cho nhiều cá nhân và gia đình tìm đường để sống còn tại các nước xa xôi. Họ thường là các thành phần ưu tú nhất như người trẻ, người có tài, can đảm và hy vọng. Họ liều mạng vượt Địa Trung Hải hay các đại dương khác để tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn.  Điều này có là lợi lộc cho họ, cho gia đình hay đất nước họ đi đến, hay một ngày kia có lẽ cho quê hương của họ hay không đều tuỳ thuộc việc họ có được đón tiếp, che chở, thăng tiến và hội nhập hay không. Điều quan trọng là biết tận dụng nền giáo dục, các tài khéo, các tham vọng, kinh nghiệm, sư khôn ngoan họ có, và tất cả những gì có thể giúp gia tăng việc học hiểu và tập tành cho việc phát triển xã hội. Chính vì các lợi ích hai chiều đó cần phải tiếp nhận và đối xử với người di cư như các bản vị con người có phẩm giá và tôn trọng các quyền lợi của họ, bảo vệ họ khỏi mọi hình thức khai thác bóc lột hay xua đuổi trên bình diện xã hội, kinh tế hay pháp luật. Các cộng đoàn tiếp nhận họ phải cung cấp cho họ sự trợ giúp thích đáng và hội nhập làm sao để họ không bỏ quê hương nghèo túng của họ. Một trong các cách thúc giúp thực hiện điều này là các đường lối chính trị dành ngân khoản cho việc cải tiến các cơ cấu hạ tầng cho các xã hội địa phương bị thiệt thòi. Đàng khác các người di cư cũng có trách nhiệm tôn trọng các giá trị, truyền thống và luật lệ của các cộng đoàn tiếp đón họ. Như thế việc hội nhập sẽ là một cơ may cho việc hiểu biết nhau, mở rộng các chân trời và giúp phát triển lớn hơn cho tất cả mọi người. Như ĐTC Phanxicô đã nói: Sự hiện diện của các anh chị em di cư là một cơ may cho sự trưởng thành nhân bản, cho sự gặp gỡ , đối thoại giữa các nền văn hóa nhằm thăng tiến hoà bình và tình huynh đệ giữa các dân tộc (REI 24-7-2017).

Linh Tiến Khải

Nhiệm vụ của giới lãnh đạo chính trị tôn giáo trong việc phòng ngửa bạo lực

Nhiệm vụ của giới lãnh đạo chính trị tôn giáo trong việc phòng ngửa bạo lực

NEW YORK: ĐTGM Bernardito Auza, quan sát viên thường trực của Toà Thánh tại Liên Hiệp Quốc, nêu bật nhiệm vụ của giới lãnh đạo chính trị và tôn giáo trong việc phòng ngừa bạo lực và tội phạm trên thế giới.

Phát biểu trong phiên họp phát động Chương trình hành động cho các vị lãnh đạo tôn giáo và các tác nhân phòng ngừa việc kích động bạo lực có thể dẫn đưa tới các tội phạm, ĐTGM Auza đã nhấn mạnh nhiệm vụ ưu tiên của các chính quyền và giới lãnh đạo là che chở dân chúng khỏi các tội phạm tàn ác cũng như việc khích động bạo lực. ĐC ca ngợi các mục tiêu của chương trình nhằm giúp hiểu biết hơn, phối hợp và khích lệ tiềm năng của các vị lãnh đạo tôn giáo góp phần phòng ngừa kích động bạo lực và sát nhập công việc của các vị vào trong các nỗ lực đề phòng các tội phạm tàn các. Đó cũng là điều được yêu cầu đối với các quốc gia, các cơ cấu xã hội dân sự, các tổ chức và giới truyền thông, vì việc phòng ngừa bạo lực và các tội phạm chống lại nhân loại đòi hỏi sự cộng tác của tất cả mọi người. Toà Thánh không thể ủng hộ mọi điểm trong số 177 mục tiêu được đề ra do 9 nhóm làm việc liên quan tới 35 mục đích. Nó là một bước tiến cụ thể trong việc cổ võ nền văn hoá và xã hội tiến tới.

Tiếp đến Vị đại diện Toà Thánh nhấn mạnh trên nhiệm vụ ưu tiên của các chính quyền quốc gia và quốc tế phải bảo vệ dân chúng, trong đó có việc ngăn ngừa kích thích cằng thẳng và xung đột có thể trở thành dip cho các tội phạm tàn ác. Tuy không có các phương tiện chấm dứt các tàn ác và tội phạm nhưng giới lãnh đạo tôn giáo có thể ảnh hưởng trên cung cách hành xử và tâm thức của dân chúng. Ảnh hưởng này đã bị lạm dụng và làm cho sai lạc bởi các vị lãnh đạo dùng quyền bính và ảnh hưởng của mình để biện minh cho bạo lực. Một trong các cách thức giúp loại trừ bạo lực và tội phạm tàn ác là đối thoại, và ý thức được chiều kích xã hội cộng đồng của tôn giáo. Các thiện ích phát xuất từ tôn giáo phải được trân trọng và thăng tiến làm sao để các vị lãnh đạo tôn giáo có thể lột mặt nạ các gian dối và tố cáo lên án các vi phạm nhân phẩm và nhân quyền, cũng như việc biện minh cho mọi hình thức thù ghét nhân danh tôn giáo.

Từ ngay sau khi được bầu làm Giáo Hoàng Đức Phanxicô đã hoạt động và cổ võ việc đối thoại liên tôn, vì nó là điều kiện cần thiết cho hoà bình trên thế giới. Nó trao ban mẫu mực cho tín hữu trong việc thảo luận các khác biệt, lớn lên trong sự trân trọng các viễn tượng của nhau, và cùng nhau tiến tới hoà bình và lo cho công ích. Nó không chỉ giúp ngăn chặn việc khích động bạo lực mà còn khích lệ con người sống đạo hạnh và tạo dựng các xã hội hoà bình hoà hợp. (REI 14-7-2017)

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha kêu gọi kiến tạo công ăn việc làm

Đức Thánh Cha kêu gọi kiến tạo công ăn việc làm

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng 28-6-2017, dành cho phái đoàn của Công đoàn CISL ở Italia, ĐTC kêu gọi thiết lập một khế ước mới về xã hội để kiến tạo công ăn việc làm cho người trẻ.

Công đoàn CISL là Liên đoàn các công nhân Italia, có khuynh hướng Công Giáo, đang nhóm đại hội về chủ đề “Cho con người và cho lao động”.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nói: ”Điều cấp thiết hiện nay là có một khế ước mới về xã hội cho công ăn việc làm, giảm bớt giờ làm việc của người ở giai đoạn chót, để kiến tạo việc làm cho người trẻ là những người có quyền lợi và nghĩa vụ làm việc. Món quà công ăn việc làm là món quà đầu tiên của các cha mẹ dành cho con cái, và là gia sản đầu tiên của một xã hội”.

ĐTC cũng nhắc nhở các công đoàn hãy tiếp tục thi hành vai trò chính của mình để mưu ích cho xã hội, đáp ứng hai thách đố:

– Trước tiên là vai trò ngôn sứ: Công đoàn nảy sinh là để vạch rõ sự kiện có những kẻ cường quyền chà đạp các quyền của các công nhân yếu thế nhất, bênh vực chính nghĩa của người ngoại kiều, người rốt cùng, những người bị gạt bỏ. ĐTC than phiền rằng với thời gian công đoàn giống như đảng phái chính trị với ngôn ngữ và lối hành động như các đảng chính trị.

– Tiếp đến là thách đố đổi mới xã hội, không những bảo vệ những người đã có công ăn việc làm hoặc về hưu, nhưng còn phải bảo vệ quyền lợi của những người chưa có, nhưng người bị loại khỏi việc làm. (SD 28-6-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Giáo hội Philippines chuẩn bị kỷ niệm 500 năm đón nhận Tin mừng

Giáo hội Philippines chuẩn bị kỷ niệm 500 năm đón nhận Tin mừng

Manila – Giáo hội Philippines đang chuẩn bị kỷ niệm 500 năm Tin mừng được rao giảng tại đây (1521-2021). Đức cha Socrates C. Mesiona, đại diện tông tòa ở Puerto Princesa, trên đảo Palawan giải thích với hãng tin Fides: “Để chuẩn bị thích hợp cho biến cố quan trọng này, Giáo hội Philippines đã tổ chức một thời gian kéo dài 9 năm (từ năm 2013-2021) với cao điểm là năm 2021 – năm kỷ niệm.

Đức cha Socrates nhắc lại rằng: “Cách đây 500 năm, các nhà truyền giáo người Tây ban nha đã mang đức tin Kitô đến Philippines và ngày nay quốc gia này có số dân Công giáo đông nhất Á châu (và đứng thứ 4 trên toàn thế giới) với 86 giáo phận.” Đức cha cũng khẳng định rằng biến cố này sẽ là cơ hội để phát động lại đặc tính truyền giáo của Giáo hội Philippines. Ngài nói: “Chúng tôi đã nhận hồng ân đức tin Kitô qua các thừa sai đã đến trên quê hương chúng tôi; giờ đây các tín hữu Philippines được mời gọi trao tặng đức tin cho người khác.

Đức cha Socrates cũng là giám đốc quốc gia các Hội Giáo hoàng truyền giáo ở Philippines và là tổng thư ký điều hành của Ủy ban truyền giáo của Hội đồng Giám mục Philippines. Đức cha lưu ý rằng “hàng ngàn linh mục, tu sĩ và giáo dân Công giáo Philippines hiện đang truyền giáo trên khắp thế giới. Trong các hội dòng liên tục gửi các thừa sai đi truyền giáo ở hải ngoại có Hội truyền giáo Philippines, các Giáo dân truyền giáo Philippines và hàng trăm dòng tu nam nữ khác được thành lập tại địa phương, dấn thân tại các nơi mà việc rao giảng Tin mừng là một thách đố lớn do các bối cảnh xã hội chính trị.”

Antony Dameg S. Ward, điều hợp viên về đào tạo truyền giáo của các Hội Giáo hoàng truyền giáo Philippines chia sẻ rằng Giáo hội Philippines đã gia tăng các chương trình linh hoạt truyền giáo và đào tạo truyền giáo cho các linh mục, tu sĩ, giáo lý viên, giáo viên, giáo dân, với mục đích cổ võ và gây ý thức cho Dân Chúa, từ các trẻ em và người trẻ”. Việc giúp các tín hữu ý thức về ơn gọi truyền giáo rất là quan trọng: trong giai đoạn 9 năm này, Giáo hội Philippines đang chuẩn bị cho việc kỷ niệm 500 năm Kitô giáo được truyền giảng đến đất nước chúng tôi: năm 2021, đối với quốc gia này, thực sự sẽ là Năm Truyền giáo đến với muôn dân. (Agenzia Fides 16/06/2017)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha tiếp Hội Đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn

Đức Thánh Cha tiếp Hội Đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn

VATICAN. ĐTC đề cao vai trò của phụ nữ trong việc giáo dục về tình huynh đệ đại đồng và ngài kêu gọi gia tăng sự hiện diện của phụ nữ trong các khía cạnh của đời sống xã hội.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 9-6-2017, dành cho 40 tham dự viên khóa họp toàn thể của Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn về cùng chủ đề, với sự tham dự của các HY, GM và các thành viên khác cũng như các chuyên gia và dưới quyền chủ tọa của ĐHY Chủ tịch Jean Louis Tauran.

ĐTC nói: ”Thật là một tiến trình lợi ích khi gia tăng sự hiện diện của phụ nữ trong đời sống xã hội, kinh tế, chính trị trên bình diện địa phương, quốc gia và quốc tế, cũng như trong đời sống xã hội. Phụ nữ có trọn quyền được hội nhập tích cực vào mọi lãnh vực, và quyền này của họ phải được khẳng định và bảo vệ qua những phương tiện luật pháp nếu cần. Vấn đề ở đây là mở rộng không gian của sự hiện diện có tính chất quyết định hơn của nữ giới”.

ĐTC nói thêm rằng: ”Phụ nữ cũng có thể gia nhập với trọn danh nghĩa vào những cuộc trao đổi trên bình diện kinh nghiệm tôn giáo cũng như trong những trao đổi trên bình diện thần học. Nhiều phụ nữ đã được chuẩn bị tốt đẹp để thực hiện những cuộc gặp gỡ đối thoại liên tôn ở cấp cao nhất và không phải từ phía Công Giáo mà thôi. Điều này có nghĩa là sự đóng góp của phụ nữ không phải chỉ giới hạn vào những vấn đề nữ giới hoặc trong các cuộc gặp gỡ giữa cac phụ nữ mà thôi. Đối thoại là con đường mà nam giới và nữ giới phải cùng thực hiện”

Khóa họp của Hội đồng kéo dài 3 ngày, từ 7 đến 10-6-2017 và với sự tham dự của các thành viên cũng như các cố vấn của Hội đồng.

Có 4 bài thuyết trình gợi ý do 4 giáo sư chuyên gia đảm trách, ví dụ bà Nuria Calduch-Benages, giáo sư tại Đại Học giáo hoàng Gregoriana, trình bày đề tài ”Phụ nữ giáo dục về tình huynh đệ đại đồng: suy tư từ kinh thánh và văn chương khôn ngoan”, tiếp đến là nữ tu Raffaella Petrini, giáo sư xã hội học tại Đại học Giáo Hoàng Angelicum, nói về các đức tính của phụ nữ chống lại mô thức kỹ thuật: quan điểm xã hội Công Giáo về sự đóng góp của phụ nữ cho tình huynh đệ”..

Trong khóa họp có những lúc suy tư và trao đổi thông tin về đối thoại liên tôn giữa các thành viên của Hội đồng, tình trạng đối thoại tại các nơi trên thế giới. (SD 9-6-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Cuộc đời và ơn gọi của cha Salvatore Mellone, làm Linh mục chỉ 74 ngày

Cuộc đời và ơn gọi của cha Salvatore Mellone, làm Linh mục chỉ 74 ngày

Ngày 26 tháng 6 năm 2016, nhiều người ở Ý đã xúc động khi nghe tin cha Salvatore Mellone qua đời vì ung thư vòm họng ở tuổi 38, khi mới làm linh mục được 74 ngày. Cha Salvatore đã muốn ôm lấy Chúa Giêsu dù cho phải chịu những đau đớn do bệnh tật và cha đã tin tưởng mạnh mẽ vào tình yêu Chúa cho đến giây phút cuối cùng.

Sinh ra trong một gia đình Công giáo đạo hạnh, Salvatore lớn lên bình thường, giống như bao chàng trai khác. Salvatore cũng có một cuộc sống rất bình thường, cũng vấp ngã, thất bại, cũng có những thành công. Trong những thời khắc khó khăn của cuộc đời, Salvatore chắc hẳn cũng đã suy nghĩ rằng cuộc sống thật vô nghĩa. Salvatore cũng vui cười, chơi đùa, giải trí, nhưng trong tâm hồn mình, cậu vẫn cảm thấy một sự trống vắng không thể lấp đầy được. Khi Salvatore bước vào tuổi thanh niên, trong một lần tham dự ngày cắm trại do trường học của giáo xứ tổ chức, Salvatore đã gặp được được Chúa Giêsu. Cuộc gặp gỡ đã mở ra các không gian vĩnh cửu đối với Salvatore, nhưng rồi nó nhanh chóng như than hồng nguội đi; dù vậy, nó không bao giờ tàn lụi. Chính ngọn lửa hiu hắt đó đã làm sống lại niềm vui vĩnh cửu cho Salvatore trong những lúc tăm tối của cuộc đời. Anh biết là chỉ có Chúa Giêsu có thể lấp đầy tràn cái hang sâu thẳm này. Nhưng chính lúc này, Salvatore bắt đầu một cuộc chiến đấu với Thiên Chúa!

Đặt sang một bên niềm vui của mình, Salvatore bắt đầu sống một cuộc sống "bình thường", với việc học hành, có các cô bạn gái, bạn bè và nghĩa vụ quân sự. Đức tin đánh động anh, nhưng anh sống đức tin cách "bình thường", không quá mạnh mẽ. Anh tham gia vào hoạt động của giáo xứ như một nhà giáo dục, nhưng Thiên Chúa vẫn tiếp tục khăng khăng gõ cửa trái tim anh. Và điều đó làm anh lo sợ! Anh trốn chạy tiếng nói rất thu hút anh, nhưng lại mong ước bước vào không gian của Thiên Chúa, và điều này làm anh bị bối rối. Những đêm không ngủ, thường trôi qua trong im lặng, Salvatore cầu nguyện với chuỗi Mân Côi, nhưng cũng xen lẫn với sự tức giận Thiên Chúa.

Khi đến tuổi 30, Salvatore đến làm văn phòng cho các nữ tu Marcelline và đén cuối năm 2010, ơn gọi tu trì thật sự thu hút anh. Tháng 10 năm 2010, Salvatore gia nhập chủng viện và sau 3 năm, anh bắt đầu học năm thần học thứ nhất. Năm 2014, khi thầy Salvatore 37 tuổi, bác sĩ chẩn đoán thầy có một khối u ở trong cuống họng và các bác sĩ tiên đoán đây là một khối u ác tính. Thầy Salvatore bắt đầu hành trình vác thập giá như thế, nhưng thầy cảm thấy được Chúa Giêsu vác trên vai. Thầy đã xin và được phép lãnh nhận chức linh mục sớm trước thời hạn: vì lúc đó bệnh của thầy đã trở nên trầm trọng. Ngày 16 tháng 4 năm 2015, thầy được lãnh nhận thiên chức linh mục. Chiều hôm trước ngày thầy Salvatore được lãnh nhận chức thánh, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã điện thoại cho thầy và xin được lãnh nhận phép lành đầu tay của cha Salvatore. Không đầy hai tháng sau, ngày 29 tháng 6, cha Salvatore qua đời, để lại gia sản là 41 bài giảng.

Cuộc đời của cha Salvatore không phải là cuộc đời chỉ nằm dài trên giường bệnh, nhưng là cuộc sống được sống cách tràn đầy; đầu tiên là chiến đấu với Thiên Chúa, rồi bùng nổ trong ơn gọi, qua đời trong vòng tay thương xót của Chúa Ba ngôi, và cuối cùng, như cha đã khẳng định trong bài giảng ngày 26 tháng 6 năm 2015, 3 ngày trước khi qua đời, được đón nhận bởi bàn tay tuyệt đẹp của Thiên Chúa, bàn tay ân sủng của Chúa, bàn tay đã âu yếm cha từng ngày, âu yếm như bàn tay người mẹ, người cha và ở đó để làm cho chúng ta cảm thấy tình yêu đó.”

Trong ngày cha Salvatore dâng Thánh lễ đầu tiên của đời linh mục, người ta hỏi cha sẽ dâng với ý nguyện gì, cha Salvatore trả lời: “Tôi dâng Thánh lễ này để thật nhiều người có thể trở về với Chúa.” Cha Salvatore, với lòng khiêm nhường, đã trở thành khí cụ, cộng sự viên trong các chương trình cứu độ của Chúa.” (SIR 07/04/2017)

Hồng Thủy

Không mệt mỏi cầu nguyện, bầu cử cho tha nhân và thế giới

Không mệt mỏi cầu nguyện, bầu cử cho tha nhân và thế giới

Sứ mệnh của kitô hữu là không mệt mỏi cầu nguyện cho thế giới, bầu cử cho tha nhân, loan báo, làm chứng cho Chúa Kitô và noi gương Chúa nối liền đất với trời.

ĐTC Phanxicô đã khẳng định như trên trong bài giàng thánh lễ Chúa Thăng Thiên, cừ hành lúc năm giờ rưỡi chiều ngày 27 tháng 5 tại quảng trường Kennedy của thành phố Genova truớc sự hiện diện của hơn 100.000 tín hữu.  Quảng trường này nằm dọc bến cảng Genova. Khán đài mầu trắng có một bàn thờ và thánh giá cổ chạm trổ và trang hoàng đơn sơ nhưng rất đẹp. Cùng đồng tế với ĐTC có vài trăm linh mục của tổng giáo phận.

Trong bài giàng ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa các bài đọc lễ Chúa Thăng Thiên và nói: Truớc khi về Trời Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Mọi quyền trên trời dưới đất đã được trao cho Thầy”. Quyền của Chúa Giêsu là sức mạnh của Thiên Chúa. Trước hết đó là quyền nối liền trời và đất. Hôm nay chúng ta cử hành mầu nhiệm này, bởi vì khi Chúa Giêsu lên với Thiên Chúa Cha, thịt xác nhân loại của chúng ta đã bước qua ngưỡng cửa của Trời; nhân tính của chúng ta ở đó luôn mãi trong Thiên Chúa. Niềm tin tưởng của chúng ta là ở đó, bởi vì Thiên Chúa  sẽ không bao giờ mệt mỏi vì con người. Và thật an ủi cho chúng ta, khi biết rằng trong Thiên Chúa, với Chúa Giêsu một chỗ đã được dọn sẵn cho chúng ta:. một số phận là con cái được sống lại chờ đợi chúng ta, và vì thế  thật đáng sống trên trần gian này bằng cách tìm kiếm những sự trên trời,  nơi có Chúa ngự trị (x. Cl 3,1-2).

Tuy nhiên, quyền nối liền trời và đất này cho chúng ta của Chúa Giêsu không kết thúc một khi lên trời, nhưng cả ngày nay nữa vẫn tiếp tục  và kéo dài luôn mãi. Thật thế, truớc khi lên cùng Thiên  Chúa Cha, Chúa Giêsu đã nói: “Thầy ở cùng chúng con mọi ngày cho tới tận thế” (Mt 28,25). Đây không phải chỉ là một kiểu nói, một trấn an đơn sơ như truớc khi du hành chúng ta nói với các bạn hữu: “Tôi sẽ nghĩ tới các bạn”. Không, Chúa Giêsu thật sự ở cùng chúng ta và cho chúng ta: trên Trời Ngài luôn luôn cho Thiên Chúa Cha thấy nhân tính của Ngài, nhân tính của chúng ta, và như thế “ngài luôn sống để bầu cử cho chúng ta (Dt 7,25). Bầu cử đó là từ chià khoá biểu lộ quyền năng của Chúa Giêsu. Bên Thiên Chúa Cha Chúa Giêsu bầu cử cho chúng ta mỗi ngày, mọi lúc. Trong mỗi lời cầu, trong mỗi lời xin tha thứ của chúng ta, nhất là trong mỗi Thánh Lễ Chúa Giêsu bầu cử: Ngài cho Thiên Chúa Cha thấy các dấu chỉ cuộc sống hiến dâng của Ngài, các thương tích của Ngài, và bầu cử để có được sự thương xót cho chúng ta. Ngài là “trạng sư” của chúng ta (x. 1 Ga 2,1), và khi chúng ta có vài lý do quan trọng nào đó, thật là tốt biết tín thác nó cho Chúa và nói: “Lậy Chúa Giêsu, xin bầu cử cho con, cho chúng con, cho người đó, cho tình trạng ấy…”

Khả năng bầu cử này Chúa Giêsu cũng đã ban cho chúng ta, cho Giáo Hội, có quyền và bổn phận bầu cử, cầu nguyện cho tất cả mọi người. Như là Giáo Hội, như là các kitô hữu, chúng ta có thực thi quyền này bằng cách đem các người và các tình trạng đến với Thiên Chúa không?” Thế giới cần điều đó. Chính chúng ta cần điều đó. Luôn phải sống giữa biết bao nhiêu chuyện và có biết bao điều phải làm chúng ra có thể lạc mất, khép kín trong chính mình, và trở thành bôn chôn vì một chuyện không đâu. Để đừng bị chìm nghỉm trong cái “sống khó chịu”, mỗi ngày chúng ta hãy nhớ “cắm neo nơi Thiên Chúa”: chúng ta hãy đem đến cho Ngài mọi gánh nặng, các con người và tình trạng, hãy tín thác tất cả cho Ngài. Đó là sức mạnh của lời cầu nguyện nối liền trời và đất, cho phép Thiên Chúa bước vào trong thời gian của chúng ta.

Lời cầu nguyện kitô không phải là một kiểu giúp ở trong an bình hơn một chút với chính mình, hay tìm được vài sự hài hoà nội tâm. Chúng ta cầu nguyện để đem mọi sự tới với Chúa, để tín thác thế giới cho Ngài:  cầu nguyện là bầu cử. Nó không phải là sự yên tịnh, nó là việc bác ái. Nó là cầu xin, kiếm tìm và gõ cửa (x. Mt 7,7). Nó là dấn thân để bầu cử, bằng cách kiên trì nài nỉ với Chúa cho nhau (x. Cv 1,14). Bầu cử không mệt mỏi: đó là trách nhiệm đầu tiên của chúng ta, bởi vì lời cầu nguyện là sức mạnh giúp thế giới tiến tới; nó là sứ mệnh của chúng ta, một sứ mệnh vừa khiến mệt mỏi vừa trao ban bình an. Quyền năng của chúng ta là đó: không thống trị hay hét to hơn theo cái luận lý của thế gian này, nhưng thực thi sức mạnh khiêm tốn của lời cầu nguyện, qua đó cũng có thể chấm dứt chiến tranh và có được hoà bình. Như Chúa Giêsu luôn luôn bầu cử cho chúng ta bên Thiên Chúa, chúng ta là môn đệ của Ngài cũng không bao giờ mệt mỏi cầu nguyện để cho đất gần với trời.

Từ chià khóa thứ hai vén mở quyền năng của Chúa Giêsu đó là “loan báo”. Chúa gửi các môn đệ đi loan báo Ngài với quyền năng của Chúa Thánh Thần: “Các con hãy ra đi và làm cho mọi dân tộc trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Đây là một cử chỉ tin tưởng tuyệt đối nơi các người của Ngài: Chúa Giêsu tin tưởng nơi chúng ta, Ngài tin nơi chúng ta hơn chúng ta tin nơi chính mình. Mặc dù các thiếu sót của chúng ta Ngài gửi chúng ta ra đi: Ngài biết chúng ta sẽ không bao giờ toàn thiện, và nếu chúng ta chờ đợi trở nên tốt lành hơn để rao giảng Tin Mừng, thì chúng ta sẽ không bao giờ bắt đầu.

Nhưng đối với Chúa Giêsu thật quan trọng là chúng ta bắt đầu thắng vượt ngay một sự bất toàn lớn: đó là sự khép kín. Bởi vì Tin Mừng không thể bị khép kín và niêm phong, bởi vì tinh yêu của Thiên Chúa năng động và muốn tới với tất cả mọi người. Như thế để loan báo cần phải ra đi, ra khỏi chính mình. Với Chúa chúng ta không thể ở yên được, an vị trong thế giới của mình hay trong các kỷ niệm nhớ nhung quá khứ: với Chúa không được tự ru ngủ trong các an ninh chiếm hữu được. Đối với Chúa Giêsu an ninh là ra đi với lòng tin tưởng: chính nơi đó sức mạnh của Ngài được vén mở. Bởi vì Chúa không đánh giá cao các khéo léo và thoải mái, nhưng khiến khó chịu và luôn luôn bắt đầu trở lại. Ngài muốn chúng ra đi ra, tự do khỏi cám dỗ tự bằng lòng với chính mình, khi chúng ta khoan khoái và kiểm soát được mọi sự.

Ngày hôm nay Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta: “Các con hãy ra đi”. Với bí tích Rửa Tội Ngài đã ban cho từng người trong chúng ta quyền loan báo. Vì thế đi vào thế giới với Chúa thuộc căn tính của kitô hữu. Kitô hữu không dừng lại, nhưng bước đi: với Chúa đến với người khác. Nhưng họ không phải là một người chạy điên cuồng, hay một người chinh phục phải đến trước các người khác. Kitô hữu là một người hành hương, một thừa sai, một “người chạy đua đường trường hy vọng”, dịu hiền nhưng cương quyết tiến bước; tin tưởng đồng thời hoạt động; có óc sáng tạo nhưng luôn luôn tôn trọng; tháo vát và cởi mở; chăm chỉ làm việc và liên đới. Với kiểu sống này chúng ta rong ruổi trên các nẻo đường của thế giới!

Cũng giống như các môn đệ thuở ban đầu các nơi loan báo của chúng ta là các nẻo đường thế giới: nhất là nơi ở đó ngày nay Chúa chờ đợi được biết tới. Như thuở ban đầu, Ngài ước mong việc loan báo được đem đi với sức mạnh của ngài: không phải với sức mạnh của thế gian, nhưng với sức mạnh trong sáng và hiền dịu của chứng tá tươi vui. Đây là điều cấp bách. Chúng ta hãy xin Chúa ơn đừng hoá đá trên các vấn đề chính yếu, nhưng hoàn toàn dấn thân  cho sứ mệnh cấp bách này. Hãy để cho người khác các bép xép và  các tranh luận giả tạo của người chỉ biết lắng nghe chính mình, và hãy làm việc một cách cụ thể cho ích chung và hoà bình: hãy can đảm dấn thân với xác tín rằng cho đi thì vui hơn là nhận lãnh (x. Cv 20,35).

Linh Tiến Khải

Nam hàn xin Đức Thánh Cha làm trung gian hòa giải và thống nhất Triều tiên

Nam hàn xin Đức Thánh Cha làm trung gian hòa giải và thống nhất Triều tiên

Seul – Năm 2017, Hàn quốc và Tòa Thánh cử hành 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, cụ thể là vị khâm sứ Tòa thánh thường trực đầu tiên của Tòa Thánh được gửi đến Hàn quốc.

Nhân dịp này, tân tổng thống Hàn quốc Moon Jae-in đã cử Đức Tổng giám mục Igino Kim Hee-Jung, chủ tịch Hội đồng Giám mục Hàn quốc, làm đặc sứ, đại diện Hàn quốc và gặp Đức giáo hoàng để cử hành sự kiện này.

Các mối liên hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Hàn quốc đã bắt đầu từ năm 1947, ngay sau khi Hàn quốc được giải phóng khỏi ách thống trị của Nhật bản, khi Đức Giáo hoàng Pio XII gửi cha Patrick James Byrne, người Mỹ, thừa sai dòng Maryknoll, làm khâm sứ thường trực tại Hàn quốc. Năm 1949, cha James Byrne được tấn phong Giám mục, nhưng năm 1950, khi cuộc chiến tranh Triều tiên xảy ra, ngài bị bắt cóc và chết trong tù. Ngài nằm trong số 213 linh giáo sĩ và giáo dân đang trong tiến trình được phong chân phước.

Với việc gửi khâm sứ đến Hàn quốc, Tòa thánh là một trong những quốc gia nhìn nhận sự độc lập của Hàn quốc.

Tháng 12/1963, quan hệ ngoại giao giữa Tòa thánh và Hàn quốc được thiết lập chính thức với vị sử lý thường vụ (hoặc đại biện) của Tòa thánh và vị sứ thần vào tháng 9/1966.

Trong một bài phỏng vấn, Đức tổng giám mục Igino Kim Hee-jong của giáo phận Quang châu cho biết ngài được tân tổng thống gửi sang Roma với sứ mệnh đặc biệt: xin Tòa Thánh làm trung gian. Mục đích cuối cùng là “một hiệp ước hòa bình”, một trung gian ngoại giao để cho bán đảo Triều tiên bắt đầu hành trình tái thống nhất. Hoạt động trung gian này giống như Tòa thánh đã thực hiện khi giúp tái thiết lập các quan hệ ngoại giao giữa Cuba và Hoa kỳ.

Đức cha Kim tin là sự trung gian này có thể thực hiện dù là tình hình có vẻ căng thẳng và Bắc hàn tiếp tục thử nghiệm phóng tên lửa.

Theo Đức cha Kim, Tòa Thánh có thể khuyến khích một cuộc đối thoại chân thành giữa Bắc và Nam hàn. Hiện tại, Bắc hàn không tin tưởng các nước Tây phương, nhưng nếu họ chịu mở ra con đường đối thoại với tổng thống Trump, thì điều này có thể giúp cho hành trình hòa giải.

Đức cha Kim chia sẻ là nhiều người Hàn quốc tin tưởng vào Giáo hội Công giáo. Nếu có một vấn đề quốc gia nghiêm trọng, họ sẽ hướng đến Giáo hội Công giáo như điểm tham chiếu và họ chờ đợi các tiếng nói và lời khuyên của Giáo hội.

Được hỏi về các vấn đề của Bắc hàn, Đức cha nói họ thiếu rất nhiều thứ, đặc biệt là về kinh tế. Nam hàn rất muốn giúp Bắc hàn, ngay cả qua trao đổi thương mại là điều Bắc hàn chấp nhận.

Đức cha Kim cho biết là chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng Phanxicô vào năm 2014 đã mang lại nhiều thay đổi tại Nam hàn, đặc biệt là cho Giáo hội Công giáo. Giáo hội tiếp tục được canh tân, một Giáo hội nghèo cho ngừơi nghèo. Chính Đức Giáo hoàng đã yêu cầu Giáo hội đến gần với ngừơi bị loại ra ngoài xã hội, người khuyết tật, người già. Hiện nay Giáo hội hoạt động rất nhiều cho người khuyết tật, ngừơi cao niên, ngừơi bị loại ra ngoài xã hội. Các Giám mục dành một phần thu nhập của họ cho người nghèo, Hội đồng Giám mục gửi các trợ giúp cho các giáo xứ nghèo. Đây là một hoạt động cũng được chính quyền tin tưởng.

Về phương diện đức tin, Đức cha Kim chia sẻ: “Giáo hội Triều tiên được bắt đầu với các giáo dân và hoạt động của giáo dân rất sinh động ở Triều tiên. Hiện nay chúng tôi muốn khởi xướng một phong trào Kinh thánh để cho tất cả biết các Sách Thánh. Sau đó, chúng tôi muốn phát triển ý tưởng bác ái, không chỉ như một ý niệm trừu tượng.”

Nếu gặp Đức Giáo hoàng, Đức cha Kim sẽ thưa với ngài rằng rất nhiều người Hàn quốc, Công giáo cũng như không Công giáo, rất tin tưởng nơi Đức Thánh Cha. Nếu có vấn đề xã hội, họ đều tìm các lời của Đức Giáo hoàng.

Với phủ quốc vụ khanh Tòa thánh, Đức cha Kim xin giúp tái thống nhất Bắc và Nam hàn. Các Giám mục không ngừng kêu gọi chính quyền điều này. Các Giám mục muốn loan truyền ý tưởng này cho các giáo dân và công dân Hàn quốc. Hàn quốc có sứ vụ tái thống nhất mà không có ở các quốc gia khác.

Theo Đức cha Kim, Hàn quốc mong chờ sự can thiệp của Tòa Thánh vì Tòa Thánh hiện diện trong mỗi thời khắc quan trọng trong lịch sử Hàn quốc. Hàn quốc hy vọng vào sự giúp đỡ của Đức Thánh Cha Phanxicô cho bán đảo Triều tiên. Đức cha nói: “nếu thành công trong việc tìm kiếm hòa bình và thống nhất cho hai miền nam bắc của Hàn quốc, chúng tôi sẽ hoạt động cho hoà bình tại Đông Á và hòa bình trên thế giới. Chúng tôi muốn là khí cụ hòa bình.” (Fides/ ACI 23/05/2017)

Hồng Thủy

Thánh lễ tại nhà nguyện Marta, 23.05.2017

Thánh lễ tại nhà nguyện Marta, 23.05.2017

Nhiều người bị bách hại vì dám lên tiếng chống lại thế gian. Còn thần dữ thì luôn muốn một Giáo Hội không có rủi ro, một Giáo Hội an toàn êm ấm. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta. Đức Thánh Cha nhắc đến tấm gương sáng ngời của Đức Cha Oscar Romero Tổng Giám Mục San Salvador. Ngài bị chế độ bắn chết vì Ngài dám lên tiếng tố cáo bạo lực và bảo vệ người nghèo.

Nhiều người bị bách hại khi dám nói sự thật

Điều này được lặp lại nhiều lần trong lịch sử cứu độ: có khi dân Chúa bình yên hoặc không bị đe dọa nhưng lại đầy tinh thần thế gian và thờ ngẫu tượng. Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ đến với dân, và các ngài thường bị bách hại. Trong bài đọc trích sách Tông Đồ Công Vụ hôm nay, Phaolô và Sila nói sự thật và các ông bị bách hại, bị đánh nhừ tử, bị tống giam.

Tôi nhớ tại rất nhiều nơi, có nhiều người, rất nhiều người nam nữ, những người rất tốt, họ bị đuổi đi, họ bị bắt bớ. Chúng ta hãy nghĩ đến Chân Phước Romero? Điều gì xảy ra khi ta nói sự thật? Trong số những người bị bắt bớ ấy trong lịch sử Giáo Hội, có rất nhiều người ngay cả tại Châu Âu. Tại sao? Bởi vì thần dữ luôn thích một giáo hội yên ắng không chút rủi ro, một giáo hội giống kiểu doanh nghiệp với đầy sự thoải mái ấm êm.

Thần dữ xuất phát từ túi tham, nhưng niềm vui đến từ Thiên Chúa

Chương 16 của sách Tông Đồ Công Vụ kể về câu chuyện thánh Phaolô trừ quỷ cho người đầy tớ gái. Trước đó, cô này bị quỷ nhập và hành nghề bói toán. Chính nghề của cô đem lại nhiều nguồn lợi cho các người chủ của cô. Nhưng sau khi cô được trừ quỷ, các chủ của cô thấy hy vọng kiếm lợi tiêu tan, nên đành túm lấy ông Phaolô và Sila mà đi tố cáo. Thế đó, thần dữ luôn xuất phát từ túi tham. Và khi Giáo Hội trở thành một tổ chức yên phận yên thân êm ấm, thì hãy nhìn mà xem những chuyện kinh doanh buôn bán diễn ra.

Khi nói sự thật, Phaolô và Sila bị ngược đãi, nhưng các ông luôn có niềm vui của Chúa. Khi các ông bị giam trong ngục, Chúa đã sai thiên thần đến giải thoát các ông. Nửa đêm thấy mọi cửa đều mở toang, nghĩ là các tù nhân đã trốn thoát, viên cai ngục định tự tử, nhưng Phaolô trấn an ông: chúng tôi vẫn còn đây mà. Sau đó viên cai ngục và tất cả mọi người trong nhà của ông đều nhận phép rửa với lòng tràn ngập mừng vui. Đó là hành trình hoán cải hằng ngày của chúng ta: chuyển từ đời sống trần tục an nhàn, sang đời sống tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô. Chuyển từ một thứ tôn giáo kiểu trục lợi, sang con đường đức tin tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa.

Các vị tử đạo trong Giáo Hội

Đây là phép lạ mà Chúa Thánh Thần thực hiện. Chúng ta hãy đọc chương 16 của sách Tông Đồ Công Vụ để thấy những gì Chúa đã làm với các vị tử đạo của Người. Chính khi ấy mà Hội Thánh tiếp tục tiến về phía trước. Một giáo hội mà vắng bóng các vị tử đạo, là giáo hội không đáng tin. Giáo hội ấy, kiểu giáo hội không có các vị tử đạo, là một giáo hội sợ tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô, sợ xua trừ ma quỷ, và giáo hội ấy không phải là Giáo Hội của Chúa Giêsu.

Trong cầu nguyện, chúng ta hãy nài xin ân sủng và tạ ơn Chúa vì Người đã đổi mới chúng ta. Chúng ta cũng nài xin ơn sủng để Người gìn giữ sự đổi mới ấy. Tất cả chúng ta hãy nguyện xin ơn này: đó là ơn đổi mới, để biến đổi từ lối sống chỉ biết đi tìm sự yên ấm, sang đời sống công bố niềm vui của Chúa Giêsu Kitô.

Tứ Quyết SJ

Chương trình “Đồng tiền Thánh Phêrô” tham gia mạng xã hội Facebook

Chương trình “Đồng tiền Thánh Phêrô” tham gia mạng xã hội Facebook

Vatican – Sau khi đăng ký tài khoản trên Twitter và Instagram hồi đầu năm nay, chương trình “Đồng tiền Thánh Phêrô” sẽ mở tài khoản trên mạng xã hội Facebook. Đây là sự trợ giúp kinh tế của các tín hữu vào các hoạt động bác ái của Đức Giáo hoàng.

Theo truyền thống, việc quyên góp cho “Đồng tiền Thánh Phêrô” được thực hiện trong toàn Giáo hội Công giáo, tại các giáo phận, vào ngày 29/06 – lế Trọng kính hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô – hoặc là ngày Chúa nhật gần ngày lễ này.

Đầu tiên, trang Facebook của chương trình này sẽ bằng tiếng Ý, sau đó các phiên bản tiếng Tây ban nha và tiếng Anh cũng sẽ được thực hiện.

Mục đích của việc tham gia Facebook là tạo một không gian cho tất cả để chia sẻ và giới thiệu cho mọi người biết các hoạt động bác ái do chương trình này thực hiện.

Trên mạng Facebook, “Đồng tiền Thánh Phêrô” nhắm đối thoại với tất cả những người muốn giúp đỡ những người nghèo khổ và trợ giúp cụ thể cho các hoạt động bác ái của Đức Giáo hoàng.

Từ nhiều thế kỷ, “Đồng tiền Thánh Phêrô” đã dấn thân hỗ trợ các dự án lớn nhỏ trên khắp thế giới, như mở rộng cơ sở “Filippo Smaldone” cho các trẻ em nghèo và khiếm thính ở Kigali, nước Rwanda; trao 10 học bổng giúp các sinh viên đại học trẻ di tản người Kurd ở Iraq hay mở một trường tiểu học mới cho các trẻ em tầng lớp “dalit” (cùng đinh) ở Ấn độ.

Trên trang Facebook, tổ chức này sẽ nói về các hoạt động bác ái và các dự án đang chờ được thực hiện, với các tin tức liên tục được cập nhật.

Giống như các tài khoản đã được đăng ký trên các mạng xã hội khác, việc đăng ký trên Facebook là do ý muốn của Tòa Thánh và là kết quả của sự cộng tác chặt chẽ giữa Phủ Quốc vụ khanh, Bộ Truyền thông và Phủ thống đốc thành Vatican.

Số tiền quyên góp được cho chương trình “đồng tiền thánh Phêrô” được gửi cho Đức Thánh Cha và ngài sẽ dùng để trợ giúp tài chính cho các nhu cầu của Giáo hội hoàn vũ và các hoạt động bác ái dành cho những người nghèo khổ nhất.

Các thông tin về hoạt động của “Đồng tiền Thánh Phêrô” có thể tham khảo tại trang web www.obolodisanpietro.va (SD 19/05/2017)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội nghị quốc tế về thiên văn

Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội nghị quốc tế về thiên văn

VATICAN. ĐTC khuyến khích các nhà khoa học kiên trì tìm kiếm chân lý và đừng bao giờ sợ sự thật.

 Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 12-5-2017, dành cho các tham dự viên vừa kết thúc 4 ngày Hội nghị quốc tế về khoa học và tôn giáo tổ chức tại Đài thiên văn Vatican ở Castel Gandolfo.

 Hội nghị có chủ đề là ”Những lỗ đen, các sóng hấp lực và đặc điểm không gian – thời gian”, và nhắm chứng tỏ khoa học và tôn giáo không đối nghịch nhau, nhưng liên kết trong sự liên tục tìm kiếm chân lý trong việc khám phá những mầu nhiệm của vũ trụ.

 ĐTC cho biết Giáo hội cũng quan tâm đến những vấn đề như sự khởi đầu của vũ trụ và những tiến hóa sau đó, cơ cấu sâu xa của không gian và thời gian… Đây là những đề tài đặc biệt quan trọng đối với khoa học, triết học, thần học và cả đời sống tu đức nữa. Chúng là một thao trường trong đó các bộ môn gặp gỡ và nhiều khi đụng độ nhau.

 ĐTC cũng nhắc đến lập trường của Đức Ông Georges Lemaitre, người Bỉ, một LM Công giáo và là một nhà vũ trụ học người Bpo, luôn sáng suốt phân biệt sự phân biệt phương pháp luận trong các lãnh vực khoa học và thần học, với những thẩm quyền khác nhau, nhưng liên kết hòa hợp với nhau trong cuộc sống. Sự phân biệt như thế đã được thánh Tômaso Aquino nói đến, có thể giúp tránh những vụ ”chạm điện” có hại cho cả khoa học lẫn đức tin.

 ĐTC cũng nhận xét rằng trong sự vô biên không gian và thời gian của vũ trụ, con người chúng ta có thể cảm thấy kinh ngạc và ý thức sự bé nhỏ của mình, và nhớ đến lời tác giả thánh vịnh: ”Lạy Chúa, con người có là chi mà Chúa nhớ đến, phàm nhân có là gì mà Chúa phải quan tâm” (Tv 8,5).

 Sau cùng, ĐTC đánh giá cao công việc của các nhà khoa học và nói:

“Tôi khuyến khích anh chị em kiên trì trong việc tìm kiếm chân lý. Không bao giờ được sợ chân lý, và cũng không nên bám víu vào những lập trường khép kín, nhưng chấp nhận sự mới mẻ của những khám phá khoa học, trong thái độ hoàn toàn khiêm tốn. Khi đi về những khu ngoại biên của kiến thức con người, ta thực sự có thể cảm nghiệm về Chúa là Đấng có thể làm đầy tâm hồn chúng ta”.

 Một trong những vấn đề chính được thảo luận tại Hội nghị khoa học vừa qua là khám phá hồi năm ngoái (2016) về sự hiện hữu của các sóng hấp lực, đã được nhà bác học Albert Einstein tiên báo cách đây gần 100 năm trong thuyết tương đối của ông. Sự khám phá này có thể mở ra một chương mới trong việc hiểu biết những biến cố trên trời và các vùng lỗ đen trong vũ trụ..

 Trong cuộc họp báo, tiến sĩ Alfio Bonanno, hôm 8-5 vừa qua, một nhà vũ trụ học người Italia thuộc Viện Quốc gia về vật lý thiên thể, nói với giới báo chí rằng Hội nghị ở Castel Gandolfo cũng nhắm phá tan huyền thoại cho rằng tôn giáo sợ khoa học, vì sự tìm kiếm chân lý sẽ đưa chúng ta đến Thiên Chúa. Ông nói: ”Chúng ta không nên sợ hãi. Sợ hãi không đến từ Thiên Chúa. Đúng hơn chúng ta phải đi tìm sự thật này vì sự thật – nếu chúng ta có thái độ khiêm tốn như Đức Ông George Lemaitre, chúng ta có thể thay đổi những thiên kiến ý thức hệ của chúng ta”.

 Đức ông Lemaitre (1894-1966) người Bỉ là một trong những người khai sáng lý thuyết theo đó vũ trụ bành trướng, và người ta có thể đi ngược trở lại khởi điểm của vũ trụ, quen gọi là thuyết ”Big Bang” (SD 12-5-2017)

 G. Trần Đức Anh OP 

 

Chúa đồng hành cùng con trên từng bước đường đời

Chúa đồng hành cùng con trên từng bước đường đời

Dân Chúa luôn đi trên từng bước đường để đào sâu đức tin. Mỗi người cũng đang trong từng bước hành trình để hoàn tất cuộc đời. Và xưng tội là một bước trong con đường gặp gỡ Chúa. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Có một thời, chế độ nô lệ và án tử hình là điều chấp nhận được, nhưng bây giờ chúng là trọng tội

Có từng bước để hiểu con người Chúa Giêsu. Có một tiến trình, để đào sâu đức tin, cũng như để hiểu được đạo đức luân lý và các Điều Răn. Có những thứ, một thời được coi là bình thường và không có gì là tội lỗi, nhưng hiện tại chúng là trọng tội.

Chúng ta thử nghĩ về chế độ nô lệ. Khi chúng ta đi học ở trường, chúng ta được nghe kể lại về những gì người ta đối xử với các nô lệ. Các nô lệ bị đưa từ nơi này qua nơi khác, bị bán từ người này sang người khác. Ở Châu Mỹ Latinh, họ trở thành như hàng hóa để trao đổi mua bán… Đây là tội trọng về luân lý. Bây giờ chúng ta nói như thế, chúng ta nói đây là tội vô cùng nặng nề. Nhưng vào thời đó, người ta nói là Không. Thời đó, những người cho rằng có thể đối xử như thế với các nô lệ, vì họ cho rằng các nô lệ không có linh hồn. Nhưng rồi, từng bước chúng ta đào sâu con đường đức tin, và chúng ta hiểu đạo đức luân lý cách tốt hơn. Lạy Thiên Chúa là Cha, chúng con tạ ơn Cha vì ngày nay không còn những nô lệ nữa! Hay là lại có nhiều hơn xưa nữa! Nhưng ít nhất chúng ta biết chắc rằng, ngày nay chế độ nô lệ là một tội luân lý. Cả án tử hình cũng thế. Ngày trước nó được coi là điều bình thường, nhưng ngày nay, càng ngày án tử hình càng trở thành một điều không thể chấp nhận được.

Dân Chúa luôn trên đường đào sâu đức tin và đạo đức luân lý

Cũng thế, ngay cả giữa những chiến tranh tôn giáo, thì đức tin và luân lý đạo đức vẫn ngày càng sáng tỏ hơn. Giữa những thời khắc khó khăn ấy, Giáo Hội vẫn có đầy những vị thánh, những vị thánh ẩn danh. Những vị thánh ẩn danh ấy, sự thánh thiện ấy tiếp tục dẫn dắt Giáo Hội đến thời mà Chúa sẽ tỏ cho chúng ta mọi sự. Và như thế, từng bước từng bước một, Thiên Chúa tỏ mình cho Dân của Ngài.

Dân Chúa luôn luôn trên từng bước đường. Luôn luôn như thế. Mỗi khi Dân Chúa dừng chân, thì họ trở nên như những tù nhân trong ngục, như con lừa trì trệ, họ sẽ chẳng hiểu, sẽ không tiếp bước, sẽ không đào sâu đức tin và tình yêu mến, sẽ không thanh tẩy tâm hồn. Còn chúng ta, mỗi chúng ta cũng đang trên đường hoàn tất thời gian, hoàn tất cuộc sống, và tìm kiếm Thiên Chúa. Chúng ta hãy nghĩ về các tông đồ, về những nhà truyền giáo. Các ngài trước tiên đã được Thiên Chúa yêu mến và tuyển chọn, các ngài yêu mến Dân Chúa, các ngài luôn luôn trên bước hành trình. Chúa Giêsu đã ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta vì chúng ta vẫn còn trên đường lữ hành, và Thần Khí thúc đẩy chúng ta tiến bước: đây là hoạt động vĩ đại của lòng thương xót Chúa. Mỗi người chúng ta đang trong hành trình hoàn thành thời gian của chính mình. Chính lời hứa của Thiên Chúa cũng đang tiếp diễn và Giáo Hội ngày nay tiếp tục tiến bước.   

Xưng tội chính là một bước trên hành trình gặp gỡ Chúa

Khi đi xưng tội, chúng ta có tự hỏi lòng mình, rằng tôi có xấu hổ vì tội lỗ của mình không. Tôi có hiểu được rằng, việc mình làm là một bước trong tiến trình hoàn tất thời gian không. Hãy cầu xin ơn tha thứ của Chúa. Và hãy chú ý rằng, ơn tha thứ của Thiên Chúa không phải là điều gì đó tự động.

Chúng ta có hiểu được rằng, chúng ta vẫn đang trong hành trình, dân Chúa đang trong hành trình, và một ngày nào đó, có lẽ hôm nay, ngày mai hay ngày kia, tôi sẽ đối diện với chính mình trước mặt Chúa, Đấng không bao giờ bỏ rơi tôi, Đấng luôn đồng hành với tôi trên từng bước đường đời. Khi bạn đi xưng tội, bạn có nghĩ những điều ấy không? Bạn có nghĩ bạn đang bước từng bước đường đời? Bạn có nghĩ đâu là bước đường dẫn bạn tới gặp gỡ Chúa, dẫn bạn tới chỗ hoàn tất thời gian? Đây là hành động lớn lao của lòng Chúa xót thương.

Tứ Quyết SJ

Xin ơn phân định để biết đón nhận điều bất ngờ từ Thiên Chúa

Xin ơn phân định để biết đón nhận điều bất ngờ từ Thiên Chúa

Hãy tỉnh thức để khỏi vướng vào đàng tội lỗi. Hãy luôn sẵn sàng mở rộng cõi lòng để đón chờ những bất ngờ của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Thiên Chúa luôn làm cho ta ngạc nhiên

Thiên Chúa luôn có những ngạc nhiên cho chúng ta vì Ngài là Thiên Chúa hằng sống luôn đồng hành cùng chúng ta. Chúa Thánh Thần là quà tặng quý giá từ Chúa Cha. Ngài là Thiên Chúa của những bất ngờ, vì Ngài đang sống trong chúng ta, Ngài đi vào trái tim chúng ta. Ngài đồng hành với chúng ta trong lòng Hội Thánh. Thiên Chúa đã sáng tạo vũ trụ, và mỗi ngày Ngài tiếp tục sáng tạo những điều mới mẻ và làm cho chúng ta phải ngạc nhiên.

Trong bài đọc trích sách Tông Đồ Công Vụ hôm nay, giữa các tông đồ đã gặp phải điều khó khăn và mới mẻ. Đó là họ nhận thấy rằng: dân ngoại cũng được đón nhận Lời Thiên Chúa. Trước hết Phêrô đã nhận ra sự hướng dẫn của Chúa. Còn những người khác, thoạt tiên thì phàn nàn về Phêrô vì cho rằng ông đã đi quá xa trong vấn đề này. Họ nói với Phêrô rằng: Này ông Phêrô, đá tảng của Hội Thánh, ông đưa chúng tôi đi đâu đấy?

Đừng đi ngược lại Chúa Thánh Thần

Trước những trách móc và than phiền của người ta, Phêrô đã kể lại thị kiến mà ông nhận được, cũng như dấu chỉ mà ông nhận thấy từ Thiên Chúa, và rồi ông can đảm đưa ra quyết định. Phêrô đón nhận bất ngờ của Thiên Chúa, và các Tông Đồ đã gặp nhau cùng thảo luận, để có thể có những bước tiến mà Thiên Chúa muốn.

Thế nhưng, từ thời các ngôn sứ đến nay, có một tội gọi là tội chống lại Chúa Thánh Thần. Đây là tội mà thánh Têphanô nói với các thành viên của Hội đồng. Thánh nhân nói với họ: các ông và tổ tiên các ông đã luôn chống lại Chúa Thánh Thần. Họ luôn nói là: “Không. Luôn luôn phải thế này, và phải làm như thế này, đừng bao giờ thêm điều gì mới mẻ hết. Đừng lo lắng chi. Hãy uống thuốc an thần. Cứ bình tĩnh.” Khi làm như thế là đang đóng cửa trước tiếng nói của Thiên Chúa. Chúa đã nói với dân Ngài trong Thánh Vịnh rằng: Đừng cứng lòng như tổ tiên các ngươi.

Xin ơn nhận định để có thể phân biệt tốt xấu

Khi đóng cửa lòng và ngăn cản Chúa Thánh Thần, bạn sẽ giết chết tự do, giết chết niềm vui và sự tín trung mà Chúa Thánh Thần ban tặng để dẫn dắt Hội Thánh. Nhưng làm thế nào để tôi có thể biết được, điều gì đến từ Chúa Thánh Thần và điều gì là của thế gian, điều gì đến từ Thiên Chúa và điều gì đến từ ma quỷ. Bằng cách nào tôi có thể biết? Hãy xin ơn sủng của Thiên Chúa, ơn phân định, để biết trong từng hoàn cảnh ta phải làm gì. Đó cũng là điều mà các Tông Đồ đã làm. Các ông gặp gỡ nhau, nói chuyện với nhau để có thể nhìn thấy con đường của Chúa Thánh Thần. Nhưng với những ai không có ơn phân định hoặc không xin ơn phân định, thì họ sẽ bị bế tắc.

Chúng ta là các Kitô hữu, chúng ta cần biết giữa những điều mới mẻ, điều gì là rượu mới đến từ Thiên Chúa, và điều gì mới lạ đến từ tinh thần thế gian. Đức tin thì không đổi thay nhưng là một đức tin sống động tăng trưởng và phát triển. Thánh Vincenzo di Lerino đã nói: chân lý của Giáo Hội luôn tiến triển, đó là chân lý được hợp nhất và phát triển theo thời gian, đó là chân lý trở nên sâu sắc hơn theo năm tháng, đó là chân lý ngày càng trở nên vững mạnh cùng với tuổi đời của Giáo Hội. Chúng ta hãy nài xin Chúa ban ơn nhận định, để chúng ta biết phân định phải trái tốt xấu, để chúng ta không lầm đường lạc lối, để chúng ta không bị rơi vào ù lì cứng nhắc, không bị đóng cửa cõi lòng.

Tứ Quyết SJ

Một đôi vợ chồng nhận nuôi 6 anh chị em để các em được ở với nhau

Một đôi vợ chồng nhận nuôi 6 anh chị em để các em được ở với nhau

Chăm sóc 5 đứa con cũng đã chiếm hết thời gian, nhưng nuôi thêm 6 đứa con nuôi thì đòi hỏi phải làm việc nhiều hơn, nhưng cũng hy vọng có nhiều tình yêu thương hơn. Dù sao, nó cũng cần lòng can đảm và đó là điều mà đôi vợ chồng Christopher và Christina Sanders ở Ohio đã làm.

Ông bà Christopher và Christina biết thế nào là niềm vui của một gia đình: sự liên kết với nhau khi chia sẻ những kinh nghiệm và những mục đích của gia đình và tình yêu thương dành cho nhau. Do đó, ông bà đã quyết định nhận 6 anh em một nhà làm con nuôi, để các em được ở bên nhau và không bị đau buồn khi phải xa cách nhau.

Năm 2014, ông bà nhận nuôi: Caleb, Coby, Christian, Caylee, Carson và Chloe. Nhìn vào bức ảnh gia đình, niềm vui và tình yêu hiện rõ trên khuôn mặt của họ.

Cậu bé Christian 14 tuổi cám ơn cha mẹ “mới” đã thay đổi cuộc đời của cậu. Caleb, 13 tuổi thì nói: “Tôi sẽ không biết tôi ở đâu bây giờ nếu như không gặp gia đình ông bà Sanders. Trước đây chúng tôi đã có một cuộc sống khó khăn.” Caylee, 12 tuổi nói thêm: “Tôi vui mừng rằng tôi ở đây vì mọi sự thật tuyệt vời.”

Caitlin, cô con gái ruột của ông bà Sanders nói về sự gắn kêt với cô em Chloe: “Em là người em ngọt ngào nhất và tôi yêu em rất nhiều.”.

Ông Christopher nói: “Chúng tôi tất cả đều như nhau trước mặt Chúa, vì vậy màu da của bất cứ ai không bao giờ có ảnh hưởng gì đến điều này.” (Aleteia 03/05/2017)

Hồng Thủy 

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ tại Nhà Tù Paliano

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ tại Nhà Tù Paliano

ROMA. Chiều thứ Năm Tuần Thánh, 13-4-2017, ĐTC Phanxicô đã cử hành thánh lễ với nghi thức rửa chân tại Nhà Tù Paliano, cách Roma khoảng 65 cây số.

Nhà tù này thuộc tỉnh Frosinone ở miền nam Roma, và thuộc giáo phận Palestrina, có hình dáng như một pháo đài, và từng được dùng làm nhà giam trong thế kỷ 18 khi còn Nước Tòa Thánh. Hiện nay, Paliano là một nhà tù đặc biệt, một trung tâm cải huấn duy nhất ở Italia giam những người gọi là ”các cộng tác viên công lý”, tức là những người phạm pháp sẵn sàng cộng tác với nhà chức trách tư pháp vì thế họ được bảo vệ chống lại sự trả thù của những kẻ bất lương khác. Ngoài ra, một phần nhà tù này được dùng làm ”dưỡng đường tư pháp” dành cho các bệnh nhân bị bệnh lao phổi.

Tại đây hiện có khoảng 74 tù nhân, trong đó hơn 50 người là ”cộng tác viên công lý”, phần còn lại là các tù nhân bệnh nhân đang được điều trị. Tại đây có 51 cảnh sát nhà giam, 15 nhân viên quản trị và giáo dục.

ĐTC rời Vatican lúc 3 giờ chiều và đến nơi, ngài thăm hỏi và làm lễ với nghi thức rửa chân cho 12 tù nhân, trong đó cũng có 3 phụ nữ và một người Hồi giáo. Tù nhân này sẽ chịu phép rửa tội vào tháng 6 tới đây. Có 6 tù nhân người Ý, trong số này có 2 người bị kết án tù chung thân, một người Argentina và 1 người Albani, tất cả những người khác sẽ mãn án tù trong khoảng thời gian từ 2019 đến 2073.

Đức GM giáo phận Palestrina cho biết ĐTC muốn ở riêng với các tù nhân như trong một gia đình, nên thánh lễ và cuộc viếng thăm các tù nhân không được trực tiếp truyền hình cũng như không có đại diện của giáo quyền và chính quyền. Cả Đức GM địa phương, ông thị trưởng và tỉnh trưởng đều không được mời hiện diện. Tuy nhiên, đài phát thanh Vatican trực tiếp truyền đi bài giảng ứng khẩu của ĐTC trong thánh lễ, từ lúc 17 giờ 05 đến 18 giờ. (SD 13-4-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Một nữ tu giúp đỡ dân Iraq – những người cảm thấy mình bị Chúa bỏ rơi

Một nữ tu giúp đỡ dân Iraq – những người cảm thấy mình bị Chúa bỏ rơi

“Lạy Chúa của con! Ôi Chúa của con! Sao Ngài bỏ con?” Các Kitô hữu trên khắp thế giới rất quen thuộc với những lời này – những lời cuối cùng của Chúa Giêsu trên Thánh giá. Nhưng người dân Hoa kỳ cũng được chia sẻ cho biết là những lời này đã nằm trên môi miệng của các Kitô hữu Iraq, khi họ trốn chạy khỏi các kẻ xâm lược chiếm đóng các làng của họ.

Ngày 5 tháng 4 vừa qua (2017), nữ tu Habiba Bihnam Toma, dòng Đaminh Iraq, đã chia sẻ với nhật báo Tin tức Miền Đông ở Illinois về kinh nghiệm giúp đỡ các người tị nạn trốn chạy nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) ở miền bắc Iraq vào năm 2014. Sơ kể: Khi các Kitô hữu đang tản cư đi qua vùng của người Kurd ở Ankawa, họ nghe tiếng súng. Chúng tôi sợ hãi, chúng tôi kêu khóc, chúng tôi cầu nguyện và di chuyển chậm chạp giữa hàng ngàn người đang bò trên mặt đất để tránh đạn và kêu than: ‘Lạy Chúa, Ngài ở đâu? Tại sao Ngài bỏ chúng con?’”

Các nữ tu ngần ngừ rời bỏ tu viện của họ ở Qaraqosh khi mà các Kitô hữu khác còn ở lại. Nhưng một người bạn đã gọi cho các sơ, khẩn khoản yêu cầu các sơ rời đi nhanh chóng, vì quân IS đã có mặt trong tỉnh lỵ. Các nữ tu buộc phải ra đi. Đồ vật duy nhất các sơ mang theo mình, là các cuốn sách kinh nguyện của các sơ. Các sơ cảm thấy bị sốc khi phải rời bỏ tu viện ra đi và nhìn thấy trên đường đầy các chiếc xe hơi và người, cũng giống như các sơ, đang chạy khỏi thành phố vì sợ hãi, vì lo sợ cho tính mạng của mình. Con đường chính dẫn đến Ankawa đầy những xe và người đang đi bộ, nên các sơ không thể tiếp tục đi được. Các sơ đã rời bỏ con đường chính và đi theo một con đường ít người qua lại. Các sơ đã xin một người lính cho họ đi bằng xe hơi, vì các sơ đã già không thể đi bộ.

Khi đến được Ankawa, các Kitô hữu di tản phải sống ở bất cứ nơi nào họ tìm được chỗ trống: trên đường phố, trong các nhà thờ, các tòa nhà đang được xây dựng. Tất cả 75 nữ tu sống trong một tòa nhà bình thường chỉ đủ chỗ cho 20 người, Cả các Linh mục và Giám mục cũng  phải di tản và họ cộng tác với các nữ tu để trợ giúp các người dân di tản nội địa. Từng hai người một, họ thăm các trại dành cho người tản cư. Hàng ngày các sơ thăm viếng những người di tản, lắng nghe các đau khổ của họ và khuyến khích họ kiên nhẫn, chờ đợi trong hy vọng và với sức mạnh của đức tin. Các sơ tập họp những người lớn lại cầu nguyện với nhau và chăm sóc các trẻ em, cho chúng chơi đùa. Họ nhận các đóng góp thực phẩm, quần áo, nước non và tiền bạc. Sơ Toma cho biết: mỗi gia đình có một không gian giới hạn, vài gia đình chung nhau một lớp học, những người khác thì tụ họp dưới chân cầu thang hay sống trong các lều bạt. Các người nam và những người trẻ thì ngủ ngoài trời. Khi năm học bắt đầu lại, các người tị nạn buộc phải di chuyển đến sống trong các lều. Khi trời mưa, rắn rết bọ cạp cũng bò đến. Cũng may là cuối cùng Giáo hội sắp xếp thuê các ngôi nhà cho các gia đình di tản. Một số người trẻ phải nghỉ học để lao động kiếm sống, phụ giúp cho gia đình. Khi các sơ nhận thấy tình trạng hành xử bạo lực gia tăng nơi các người trẻ, các sơ đã thành lập 4 trường mẫu giáo và hai trường tiểu học.

Sơ Toma chia sẻ: “Mọi người đau khổ vì quân Hồi giáo IS đã tàn phá không chỉ nhà cửa và trường học của chúng tôi, nhưng cả các nhà thờ, các đan viện và những địa danh nổi tiếng của nền văn hóa Kitô giáo đã có từ 2000 năm trước. Chúng tôi cảm thấy rằng chúng tôi chỉ có thể trở lại làng mạc của chúng tôi khi có hòa bình và khi cộng đồng quốc tế có thể bảo đảm sự an toàn và bảo vệ cho chúng tôi.”

Khi sơ Toma đang chia sẻ ở Illinois thì một nữ tu người Siria, người đã chấp nhận hiểm nguy đến mạng sống, đã được phu nhân tổng thống Hoa kỳ Melania Trump vinh danh. Đó là sơ Carolin Tahhan Fachakh, sống ở Aleppo, Siria, là một trong số 13 phụ nữ được trao giải thưởng “Người phụ nữ quốc tế của lòng can đảm” của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ. Sơ Fachakh đã hoạt động không mệt mỏi để trợ giúp các nhu cầu của những người dân khốn khổ nhất của Siria, đặc biệt là những người tị nạn nội địa và các trẻ em. Sơ là hải đăng của niềm hy vọng cho cả ngừoi Hồi giáo và Công giáo khi chấp nhận đối diện nguy hiểm để cứu giúp người dân. (Aleteia 05/04/2017)

Hồng Thủy