Các Giám Mục Việt Nam viếng mộ thánh Phaolô Tông Đồ

Các Giám Mục Việt Nam viếng mộ thánh Phaolô Tông Đồ

ROMA. Lúc 11 giờ sáng hôm nay, 6-3, HĐGM Việt Nam đã hành hương viếng mộ thánh Phaolô tông đồ ở Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành.

Mộ thánh nhân ở dưới bàn thờ chính trong thánh đường được kiến thiết ở đường Ostiense tại nơi thánh Phaolô được an táng sau khi chịu tử đạo. Qua dòng thời gian, Vương cung thánh đường này trải qua nhiều thăng trầm, và được hoàn toàn tái thiết sau vụ hỏa hoạn thiêu rụi hồi năm 1823.

Trước thánh lễ, các GM đã viếng và cầu nguyện tại mộ của Thánh Nhân.

Thánh lễ tại bàn thờ chính do Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, TGM giáo phận Sàigòn chủ lễ, cùng với 31 GM đồng tế, 40 LM. Có một GM bị cảm nên không tham dự được. Hiện diện trong thánh lễ có 30 nữ tu và khoảng 50 giáo dân Việt Nam.

Bài giảng

Trong bài giảng, Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, GM Hải Phòng, Phó Tổng thư ký HĐGM Việt Nam, sau khi đã quảng diễn bài Tin Mừng trong đó Chúa dạy các môn đệ phải tha thứ 70 lần 7, tha thứ vô biên, Đức Cha nhận định rằng ”Cuộc viếng thăm Ad Limina này cũng là dịp để các GM, trong tư cách là những người kế vị các thánh Tông Đồ, thể hiện tình hiệp thông với ĐTC, vị Đại diện Chúa Kitô ở trần gian và là Đấng Kế Vị Thánh Phêrô. Ngài là mối dây hữu hình liên kết mọi thành phần Dân Chúa trên toàn thế giới và làm thành gia đình của Thiên Chúa”.

Đức Cha Hải Phòng đặc biệt mời gọi các GM và mọi người, ”trong tinh thần Mùa Chay, hãy cảm nhận lòng thương xót của Chúa, trở về đón nhận ơn tha thứ. Như bao nhiêu tín hữu khác, chúng ta cũng cần sám hối vì những thiếu sót trong bổn phận, để rồi nhờ ơn Chúa, chúng ta thực thi sứ mạng loan báo lòng thương xót của Ngài một cách có hiệu quả. Có thể chúng ta mắc nợ Chúa những món nợ rất lớn. Chúa sẵn sàng tha thứ cho chúng ta, trong khi đó chúng ta không sẵn sàng tha thứ cho anh chị em mình những món nợ rất nhỏ mọn”.

Sau cùng, Đức Cha giảng thuyết mời gọi các GM và mọi người noi gương Thánh Tông Đồ muôn dân hăng say trong hành trình truyền giáo. ”Từ một người đang bừng bừng căm giận và hung hăng tìm giết các Kitô hữu, Chúa đã biến ông thành một tông đồ. Trước khi gặp Chúa Giêsu trên đường đi Damas, Phaolô cho rằng mình đang chiến đấu vì danh Chúa. Tuy vậy, lòng nhiệt thành chiếh đấu của ông không đặt đúng chỗ. Chúa đã biến đổi cuộc đời ông và đã điều chỉnh để lòng căm thù của ông trở thành lòng nhiệt thành tông đồ. Phaolô đã mắc nợ Chúa một món nợ rất lớn, nhưng Chúa đã tha thứ. Không những thế Ngài còn đặt ông làm tông đồ của muôn dân..”.

Và Đức Cha nói với các GM và tín hữu rằng: ”Cuộc hành hương này nhắc nhở chúng ta về bổn phận quan tâm chăm sóc đoàn chiên được trao phó. Xin Thánh Phaolô Tông đồ dạy chúng ta kinh nghiệm truyền giáo, để ”trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người, vì Tin Mừng tôi làm tất cả những điều đó để cùng được thông phần chia sẻ phần phúc của Tin Mừng” (1 Cr 9,23).

Sau thánh lễ, các GM và mọi người đã dùng bữa trưa tại tiệm ăn gần đó. Vào lúc 4 giờ chiều nay, một nhóm 10 GM do ĐHY Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, TGM Hà Nội, hướng dẫn đến viếng thăm Bộ Phát Triển toàn diện con người, do ĐHY Peter Turkson làm Bộ trưởng. Đây là cơ quan do ĐTC Phanxicô thành lập ngày 17 tháng 8 năm 2016 bằng cách gộp 4 Hội đồng Tòa Thánh là Công lý và Hòa bình, Cor Unum, Đồng Tâm, mục vụ di dân và lưu động, sau cùng là mục vụ các nhân viên y tế. ĐTC muốn đích thân đặc trách vấn đề di dân và tị nạn nên ngài bổ nhiệm 2 vị Phó Tổng thư ký giúp ngài trong lãnh vực này. (TPN 6-3-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

Mùa Chay là thời gián hoán cải và tin vào Tin Mừng

Mùa Chay là thời gián hoán cải và tin vào Tin Mừng

Mùa Chay là thời gian sám hối hoán cải và tin vào Tin Mừng

ĐTC Phanxicô đã nói như trên trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với hàng ngàn tín hữu trưa Chúa Nhật thứ I mùa Chay hôm qua. Mở đầu bài huấn dụ ĐTC nói trong Chúa Nhật thứ I Mùa Chay này Phúc Âm nhắc chúng ta nhớ tới các đề tài cám dỗ, hoán cải và Tin Mừng. Thánh sử Marco viết: “Thần Khí thúc đẩy Chúa Giêsu vào trong sa mạc và Ngài ở trong sa mạc bốn mươi ngày, bị Satan cám dỗ” (Mr 1,12-13). Chúa Giêsu vào trong sa mạc để chuẩn bị cho sứ mệnh của Ngài trong thế giới. Ngài không cần hoán cải, nhưng như là người, Ngài phải trải qua thử thách này, cho chính Ngài để vâng lời Thiên Chúa Cha, cũng như cho chúng ta để ban cho chúng ta ơn chiến thắng các cám dỗ. ĐTC giải thích như sau:

Việc chuẩn bị này hệ tại chỗ chiến đấu chống lại thần dữ, nghĩa là chống lại ma quỷ. Đối với chúng ta cũng thế mùa Chay là một thời gian của “hấp hối tinh thần”, của chiến dấu thiêng liêng : chúng ta được mời gọi đối đầu với Kẻ Dữ qua lời cầu nguyện để có khả năng chiến thắng nó trong cuộc sống thường ngày, với sự trợ giúp của Thiên Chúa. Chúng ta biết, rất tiếc sự dữ hoạt động trong cuộc sống chúng ta và chung quanh chúng ta, nơi biểu lộ các bạo lực, khước từ tha nhân, các khép kín, chiến tranh và bất công. Tất cả những điều này là công việc của kẻ dữ, của sự dữ.

Ngay sau các cám dỗ trong sa mạc, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng Phúc Âm, nghĩa là Tin Mừng. Đó là từ thứ hai. Từ thứ nhất là cám dỗ; từ thứ hai là Tin Mừng. Và Tin Mừng này đòi hỏi nơi con người sự hoán cải – từ thứ ba – và lòng tin. Chúa loan báo: “thời gian đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần” , rồi Ngài hướng lời mời gọi: “Hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (c. 15), nghĩa là hãy tin vào Tin Mừng này là Nước Thiên Chúa đã gần.

ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: trong cuộc sống chúng ta  luôn luôn cần hoán cải – mọi ngày – và Giáo Hội khiến cho chúng ta cầu nguyện cho điều này. Thật thế, chúng ta không bao giờ hướng tới Thiên Chúa đủ, và chúng ta phải liên tục hướng tâm trí chúng ta về Ngài. Để làm điều này cần có can đảm đẩy lui mọi sự khiến cho chúng ta lệch đường: các giá trị giả dối lừa đảo chúng ta bằng cách lừa dối lôi kéo tính ích kỷ của chúng ta. Trái lại, chúng ta phải tín thác nơi Chúa, tín thác nơi lòng lành của Ngài và nơi chương trình tình yêu Ngài có đối với từng người trong chúng ta. ĐTC định nghĩa thêm mùa Chay như sau:

Mùa Chay là thời gian sám hối, đúng, nhưng không phải là một mùa buồn  sầu. Nó là  một thời gian của thống hối, nhưng không phải là thời gian sầu, muộn,  của tang chế. Nó là một dấn thân tươi vui và nghiêm chỉnh để lột bỏ chúng ta khỏi ích kỷ, khỏi con người cũ của chúng ta, và canh tân theo ơn thánh bí tích Rửa Tội của chúng ta.

Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban cho chúng ta hạnh phúc đích thực: thật là vô ích khi chúng ta mất thời giờ tìm nó ở nơi khác, nơi các giầu sang, thú vui, quyền lực, sự nghiệp… Nước Thiên Chúa là việc thực hiện tất cả các khát vọng của chúng ta, bởi vì nó cũng đồng thờì là sự cứu rỗi của con người và vinh quang của Thiên  Chúa. Trong ngày Chúa Nhật thứ nhất mùa Chay này chúng ta được mời gọi chú ý lắng nghe và tiếp nhận lời mời gọi này của Chúa Giêsu để hoán cải và tin vào Tin Mừng. Chúng ta được khích lệ dấn thân bắt đầu con đường hướng về lễ Phục Sinh, để luôn luôn đón nhận ơn thánh của Thiên Chúa, là Đấng muốn biến đổi thế giới thành một vương quốc của công lý, hoà bình và tình huynh đệ .

Xin Mẹ Maria Rất Thánh giúp chúng ta sống mùa Chay này trong việc trung thành với Lời Chúa và với lời cầu nguyện liên lỉ, như Chúa Giêsu đã làm trong sa mạc.

Đây không phải là điều không làm được! Đó là sống các ngày đời với ước mong tiếp nhận tình yêu đến từ Thiên Chúa và muốn biến đổi cuộc sống chúng ta và toàn thế giới.

Tiếp đến ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin ĐTC báo cho mọi người biết trong một tháng nữa trong các ngày từ 19 tới 24 tháng 3 sẽ có 300 bạn trẻ toàn thế giới về Roma tham dự một cuộc họp để chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục vào tháng 10. Vì thế tôi mạnh mẽ ước mong rằng tất cả các bạn trẻ  có thể là nhân vật chính của việc chuẩn bị này. Vì vậy các bạn trẻ có thể can thiệp trên liên mạng theo các nhóm tiếng nói do các bạn trẻ khác phối hợp. Sự đóng góp của các nhóm trên mạng sẽ được kết hợp với đóng góp của cuộc họp tại Roma. Các bạn trẻ thân mến các bạn có thể tìm thấy các thông tin trên trang Web của Văn phòng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục. Tôi cám ơn sự đóng góp của các bạn giúp cùng tiến bước.

ĐTC đã chào các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô, các nhóm giáo xứ, hiệp hội và mọi tín hữu hành hương đến từ nhiều nơi trong nước Italia cũng như từ các nước khác: từ Murcia, Vannes, Varsava và Bratislava, Erba, Vignole, Fontaneto d’ Agogna, Silvi và Troina cũng như Baggio Milano và Melito Porto Salvo.

Bắt đầu mùa Chay là một con đường của hoán cải và chiến đấu chống lại sự dữ, tôi muốn đặc biệt cầu chúc các anh chị em tù nhân: anh chị em tù nhân thân mến tôi khích lệ từng người trong anh chị em sống thời gian chay tịnh này như dip hoà giải và canh tân cuộc sống của mình dưới cái nhìn thương xót của Chúa. Ngài không bao giờ mệt mỏi tha thứ.

Tôi xin mọi người nhớ cầu nguyện cho tôi và cho các cộng sự viên của Toà Thánh bắt đầu tuần tĩnh tâm chiều nay. Xin chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật an lành.

Linh Tiến Khải

Tự sắc mới của Đức Thánh Cha về việc từ chức vì lý do tuổi tác

Tự sắc mới của Đức Thánh Cha về việc từ chức vì lý do tuổi tác

VATICAN. ĐTC đã ban hành tự sắc qui định về việc từ chức vì lý do tuổi tác của các chức sắc Giáo Hội do ĐGH bổ nhiệm.

Tự sắc mang tựa đề ”Học giã từ” (Imparare a congedarsi) được công bố hôm 15-2-2018, trong đó sau phần dẫn nhập, ĐTC qui định rằng:

Điều 1 – Khi tròn 75 tuổi, các GM giáo phận và các vị tương đương, cũng như các GM Phó và Phụ tá, hoặc GM hiệu tòa với trách vụ mục vụ đặc biệt, được mời đệ đơn từ chức lên ĐTC. (art.1)

Điều 2 – Khi tròn 75 tuổi, các vị thủ lãnh cơ quan Tòa Thánh không phải là Hồng Y, các Bề trên cấp cao của giáo triều Roma và các GM thi hành các chức vụ khác thuộc Tòa Thánh, không ngưng chức ngay lập tức, nhưng phải đệ đơn từ chức lên ĐTC. (art.2)

Điều 3. – Cũng vậy, các Đại diện Tòa Thánh không chấm dứt nhiệm vụ ngay lập tức khi tròn 75 tuổi, nhưng phải đệ đơn từ chức lên ĐTC. (art 3)

Điều 4 để có hiệu lực, việc từ chức nói ở các điều trên đây phải được ĐGH chấp thuận, ngài quyết định sau khi cứu xét các hoàn cảnh cụ thể. (art 4)

Điều 5 – Sau khi đệ đơn từ chức, chức vụ nói ở 3 điều trên đây được coi là được gia hạn cho đến khi việc chấp nhận đơn từ chức hoặc kéo dài được thông báo cho đương sự, trong thời gian được xác định hoặc không xác định, trái với những gì được qui định trong khoản giáo luật số 189 triệt 3.

Trong phần dẫn nhập trước đó, ĐTC giải thích rằng nếu một vị ”được yêu cầu một cách ngoại lệ tiếp tục việc phục vụ trong một thời gian dài hơn, điều này bao hàm vị ấy quảng đại từ bỏ những dự phóng mới riêng của mình. Tình trạng này không được coi là một đặc ân, một chiến thắng cá nhân, hoặc một ân huệ do việc chấp nhận sự bó buộc vì tình bạn hay vì sự gần gũi, và cũng chẳng phải là một sự thưởng công vì đã làm việc hữu hiệu. Mỗi sự gia hạn chỉ có thể hiểu vì những lý do liên hệ tới công ích của Giáo Hội”.

Các qui luật trên đây được đăng trên báo ”Quan sát viên Roma” và có hiệu lực từ ngày đăng trên báo này, và sau đó sẽ được đăng trên Công báo của Tòa Thánh. (Rei 16-2-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Việc từ chức của Đức Biển đức XVI là hành động anh hùng, vì tình yêu Giáo hội

Việc từ chức của Đức Biển đức XVI là hành động anh hùng, vì tình yêu Giáo hội

Chúa nhật 11/02 là ngày kỷ niệm 5 năm Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức XVI công bố ý định từ chức. Theo Đức ông Alfred Xuereb, người Malta, nguyên là thư ký riêng của Đức nguyên Giáo hoàng trong 5,5 năm, từ năm 2007, hiện tại là Tổng Thư ký của Bộ Kinh tế, quyết định từ chức của Đức nguyên Giáo hoàng là cử chỉ phi thường về tình yêu của ngài dành cho Giáo hội mà theo thời gian, người giáo dân hiểu hơn về quyết định này.

Nhân kỷ niệm 5 năm biến cố quan trọng này, Đức ông Alfred Xuereb đã chia sẻ những giây phút xúc động nhất trong thời gian chung sống với Đức Biển đức XVI và nhấn mạnh về tình huynh đệ giữa Đức Phanxicô và Đức Biển đức XVI.

Đức ông Xuereb cho biết mình có rất nhiều kỷ niệm với Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức XVI trong thời gian chung sống với ngài. Những thời khắc đáng nhớ nhất chắc chắn là có liên quan đến sự từ chức của Đức nguyên Giáo hoàng.

Đức ông kể: “Tôi nhớ rất rõ ngày 05/02/2013, khi Đức giáo hoàng Biển đức mời tôi đến văn phòng của ngài và nói với tôi về quyết định quan trọng về sự từ chức của ngài. Ngay lập tức trong tôi xuất hiện ý nghĩ ‘Tại sao Đức Thánh Cha không suy nghĩ một tí về điều này?’ Nhưng rồi tôi đã kìm mình lại vì tôi tin chắc ngài đã cầu nguyện nhiều. Ngay lúc đó, tôi nhớ lại một điều đặc biệt. Có một thời gian khá dài, khi Đức nguyên Giáo hoàng ở trong phòng áo, trước khi cử hành Thánh lễ trong nhà nguyện riêng, ngài đã cầu nguyện rất lâu; dù cho chuông đồng hồ báo đến giờ bắt đầu Thánh lễ, mà ngài cứ lờ đi và cứ tiếp tục suy niệm trước tượng Chúa chịu nạn trong phòng áo. Tôi tin chắc những lần đó là lúc ngài cầu nguyện cho điều gì đó rất quan trọng. Ngày 05/02 đó, khi tôi nghe quyết định của Đức Giáo hoàng Biển đức, tôi nghĩ: ‘Thì ra có lẽ ngài đã cầu nguyện về điều này!’

Có một thời điểm ấn tượng nữa là khi Đức Giáo hoàng Biển đức thông báo quyết định từ chức trong Công nghị Hồng y vào ngày 11/02. Tôi đã khóc suốt buổi đó và cả trong bữa cơm trưa. Ngài hiểu là tôi rất xúc động và tôi nói với ngài: ‘Thưa Đức Thánh Cha, nhưng mà Đức Thánh Cha cảm thấy bình an thanh thản không?’ Ngài đã trả lời cách chắc chắn ‘có’, bởi vì ngài đã làm công việc khó nhọc của mình. Ngài thanh thản bởi vì ngài chắc chắn đã suy xét chắc chắn và trong sự bình, trong ý Chúa!”

Đức ông kể tiếp về giây phút chia tay Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức để đến phục vụ Đức Tân Giáo hoàng Phanxicô. “Đức Biển đức đã lập lại với tôi: ‘Đức ông sẽ đến với Đức Giáo hoàng mới’. Do đó, khi Đức Giáo hoàng Phanxicô được bầu, ngài đã viết một thư cho Đức tân Giáo hoàng, khẳng định ngài sẵn lòng để tôi tự do nếu Đức tân Giáo hoàng cần tôi. Đến ngày rời Castel Gandolfo để đến với Đức Phanxicô, Đức Biển đức nói với tôi: ‘Nhanh lên, chuẩn bị hành lý của Đức ông, bởi vì Đức Giáo hoàng Phanxicôđang tự mình mở các thư từ’. Tôi vào văn phòng của Đức Biển đức và vừa khóc, tôi xin ngài chúc lành cho  tôi. Ngài rất thanh thản, đứng lên, tôi quỳ xuống, và ngài chúc lành cho tôi và để tôi ra đi.”

Đức ông Xuereb cũng cho biết rằng vào ngày sinh nhật của mình (14/10), Đức ông đến dâng lễ và ăn sáng với Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức. Đức ông thấy tâm trí ngài vẫn minh mẫn, và hỏi Đức ông nhiều điều…Ngài còn nhớ đến gia đình của Đức ông, mẹ của Đức ông và con mèo của bà. Hiển nhiên là về thể lý ngài rất yếu.

Theo Đức ông Xuereb, 5 năm qua người ta hiểu hơn về quyết định từ chức của Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức. Đó là một hành động tuyệt vời. Ngài đã hiểu, đặc biệt trong chuyến đi Mêhicô, ngài không đủ sức thực hiện những cuộc hành trình dài. Lúc đó còn không lâu là đến Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Brasil và ngài biết là không đủ sức để du hành, để thực hiện mọi cố gắng… Đức ông Xuereb nói, theo Đức ông, Đức Biển đức đã thực hiện một hành động anh hùng, bởi vì ngài nghĩ điều tốt hơn cho Giáo hội, nghĩ đến tình yêu dành cho Giáo hội, điều lớn hơn tình yêu dành cho bản thân rất nhiều. Ngài không dựa trên những gì người ta có thể nói về quyết định của ngài… Ngài luôn thanh thản, một khi ngài hiểu là Chúa yêu cầu ngài thực hiện hành động này, yêu Giáo hội hơn chính mình.

Chia sẻ với mối liên hệ giữa Đức Biển đức và Đức Phanxicô, Đức ông nhắc lại lời của Đức Phanxicô: ‘chúng ta có đặc ân có một người ông ở trong nhà’, như là lịch sử sống mà chúng ta gắn bó, và Đức Phanxicô đã làm điều này. Đức ông cho biết, trước khi xuất hiện trên bao lơn đề thờ thánh Phêrô lần đầu tiên, Đức Phanxicô đã muốn điện thoại cho Đức Biển đức, nhưng vì lúc đó Đức Biển đức và Đức ông Xuereb điều đang xem tivi nên không nhận điện thoại. Đó cũng là lý do Đức Phanxicô xuất hiện trễ trên bao lơn đền thờ. Sau đó, Đức Phanxicô gọi lại trong bữa ăn tối, Đức Biển đức nói với Đức tân Giáo hoàng: ‘Thưa Đức Thánh Cha, từ lúc này, con hứa hoàn toàn vâng phục và cầu nguyện cho Đức Thánh Cha.” Đức ông nói là giây phút mà ngài không thể quên.

Món quà lớn nhất Đức Biển đức đang trao tặng cho Giáo hội trong những năm phục vụ và cầu nguyện cho Giáo hội, theo Đức ông Xuereb, khi chọn sống ẩn dật để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ cuối cùng với Thiên Chúa, Đức nguyên Giáo hoàng sống quyết định này với chiều sâu thiêng liêng, dâng lời cầu nguyện và dâng cả sự mỏng dòn của sức khỏe vì Giáo hội, cho Đức Giáo hoàng và cho Giáo hội. (Vatican News 09/02/2018)

Hồng Thủy

Nghĩ về sự chết giúp thoát khỏi ảo tưởng làm chủ thời gian

Nghĩ về sự chết giúp thoát khỏi ảo tưởng làm chủ thời gian

Khi nghĩ về sự chết, chúng ta sẽ được thoát khỏi ảo tưởng rằng mình có thể làm chủ thời gian. Chúng ta không bất tử hoặc bất diệt. Chúng ta là những con người sống trong thời gian có khởi đầu và có kết thúc. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Cái chết là một thực tế

Lời Chúa hôm nay kể về giây phút cuối đời của vua Đavit. Cái chết đến với tất cả mọi người, ảnh hưởng trên mọi người. Với từng người, dù sớm hay muộn thì cái chết cũng sẽ đến.

Nhưng mà luôn có cám dỗ níu kéo cuộc sống trong sự lòng vòng của mê cung ích kỷ, mà không nhìn tới tương lai. Không, cuộc sống này sẽ kết thúc, sẽ có cái chết, tất cả chúng ta đều biết điều ấy. Và vì thế, Giáo Hội luôn cố gắng giúp chúng ta suy nghĩ phản tỉnh về cái chết, về giây phút cuối đời của mỗi người chúng ta.

Cái chết là một di sản

Tôi không phải là chủ của thời gian. Bạn cũng thế. Suy tư về cái chết sẽ giúp chúng ta thoát khỏi ảo tưởng làm chủ thời gian, giúp chúng ta thoát khỏi kiểu cuộc sống với những chuỗi dài vô nghĩa. Tôi đang tiến bước và tôi phải nhìn tới phía trước, phải suy xét về tương lai, về cái chết. Cái chết cũng là một thứ di sản, không phải là di sản vật chất nhưng là chứng từ cuộc sống.

Chúng ta có thể tự hỏi lòng mình rằng: Nếu hôm nay Chúa gọi tôi, thì tôi sẽ để lại di sản gì đây? Lúc ấy tôi sẽ để lại gì, sẽ để lại chứng từ cuộc sống nào, sẽ để lại gì cho cuộc đời này? Đó là câu hỏi rất hay để tự chất vấn lòng mình. Và như thế, tất cả chúng ta biết cách chuẩn bị chính mình. Chẳng ai trong chúng ta sẽ còn lại giống như những di tích. Không, tất cả chúng ta rồi sẽ chết.

Cái chết là một ký ức

Cái chết cũng là một loại ký ức, là một thứ để chúng ta luôn nhớ tới, để suy nghĩ để phản tỉnh, để rọi ngược trở lại giây phút hiện tại. Nếu hôm nay tôi chết, thì tôi thích làm gì, sẽ làm gì, sẽ quyết định gì, sẽ sống lối sống nào? Khi suy nghĩ như thế, suy tư về điều ấy, cuộc sống hiện tại của chúng ta sẽ sáng tỏ. Chúng ta sẽ tỉnh ngộ, sẽ bừng tỉnh, sẽ khôn ngoan với những quyết định trong cuộc sống từng ngày. Cảm thấy rằng, cảm nhận rằng, biết rằng mình đang tiến về cái chết, điều ấy rất tốt cho mỗi người chúng ta.

Tứ Quyết SJ

 

Tổng thống Haiti thông báo Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ thăm Haiti

Tổng thống Haiti thông báo Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ thăm Haiti

Hôm Chúa nhật 28/01/2018, Tổng thống Jovenel Moïse của Haiti đã trở về nước sau chuyến thăm Italia và gặp gỡ Đức Giáo hoàng Phanxicô tại Vatican. Trong một cuộc họp báo ngắn tại sảnh ngoại giao ở phi trường quốc tế Các Thánh Louverture, Tổng thống Moïse đã thuật lại chuyến đi của mình.

Theo người đứng đầu quốc gia Haiti, cuộc gặp gỡ với Đức Giáo hoàng Phanxicô là một trong những cuộc hội kiến quan trọng nhất từ khi ông nhậm chức tổng thống từ ngày 07/02/2017. Ông nói: “Cần phải biết ý nghĩa của việc gặp Đức Giáo hoàng. Ngài không phải là một nhân vật bình thường như tất cả chúng ra. Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô biết tất cả những đau khổ và nỗi đau mà thế giới đang trải qua.”

Tổng thống Moïse cho biết ông đã thảo luận nhiều đề tài với Đức Thánh Cha, kể cả chuyến viếng thăm Haiti. Ông nói: “Chuyến viếng thăm Haiti cuối cùng của một vị Giáo hoàng là vào tháng 03/1983. Tôi đã yêu cầu để Haiti có thể có  chuyến viếng thăm quan trọng của Đức Giáo Hoàng. Chúng tôi đã làm việc về thời gian nhưng mà chưa đạt được thỏa thuận. Các vị lãnh đạo Công giáo ở Haiti sẽ hội đàm với giới chức Vatican để thông báo thời gian với chúng ta trong thời gian sắp tới. Điều này sẽ cho phép chúng ta chuẩn bị.” Tổng thống cũng nhắc lại Vatican là một trong những quốc gia nhìn nhận sự độc lập của Haiti vào năm 1824.

Tổng thống Moïse đã trình bày với vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo hoàn vũ về các vấn đề của giới trẻ Haiti. Ông nói: “Chúng ta có một dân số trẻ. Đây là một cơ hội cần được quản lý tốt để nó phục vụ như một đòn bẩy cho sự phát triển của đất nước. Chúng tôi đã nhấn mạnh đến sự hòa nhập của thanh niên, làm thế nào để đạo đức hóa họ và để họ phục vụ đất nước.” (Le Nouvelliste  28/01/2018)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha mời người nghèo xem xiệc

Đức Thánh Cha mời người nghèo xem xiệc

VATICAN. ĐTC mời khoảng 2,100 người nghèo, tị nạn, vô gia cư, và một nhóm tù nhân xem xiệc  vào chiều thứ năm 11-1-2018.

Đức TGM Konrad Krajewski, người Ba Lan, Chánh Sở từ thiện của ĐTC cho biết, qua trung gian sở này, ngài mời những người nghèo vừa nói cùng với những người thiện nguyện xem gánh xiệc Medruno trình diễn, ở khu vực Saxa Rubra (Viale Gigli) phía bắc thành Roma. Toàn bộ 2,100 chỗ trong lều được dành cho sinh hoạt bác ái này, mà gia đình Casartelli và doanh nhân Fabrizio Grandi gọi là ”Xiệc liên đới cho người nghèo của ĐTC”.

Trong một buổi tiếp kiến chung, ĐTC đã nói với các nhân viên gánh xiệc này rằng ”Những người trình diễn trong gánh xiệc sáng tạo vẻ đẹp, họ là những người kiến tạo thẩm mỹ. Và điều này mang lại ích lợi cho tâm hồn. Chúng ta cần vẻ đẹp dường nào!”.

Giờ đây các nghệ sĩ trong gánh xiệc muốn dành vẻ đẹp ấy cho cả các anh chị em nghèo nhất, như một lời khích lệ vượt thắng những cam go và khó khăn của cuộc sống, những khó khăn này nhiều khi có vẻ quá lớn như không thể vượt qua nổi”.

Trong buổi trình diễn này, cũng có một dịch vụ y tế do các bác sĩ và y tá thiện nguyện cùng với một xe cứu thương di động của Thành Vatican đảm trách. Sau buổi trình diễn của gánh xiệc, những người túng thiếu nhất cũng sẽ nhận được một túi thực phẩm để ăn tối (Rei 10-1-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

Gia đình Nazaret: yêu thương nhau và tin tưởng Thiên Chúa

Gia đình Nazaret: yêu thương nhau và tin tưởng Thiên Chúa

Vatican. Lúc 12 giờ trưa Chúa nhật 31.12.2017, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu và du khách hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô. Trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha quảng diễn bài Tin Mừng Chúa nhật kính Thánh Gia. Ngài mời gọi các gia đình sống theo gương sáng Gia Đình Nazaret luôn yêu thương nhau và tin tưởng nơi Thiên Chúa.

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến!

Hôm nay là Chúa nhật thứ nhất sau Lễ Giáng Sinh, chúng ta mừng lễ Thánh Gia Nazaret. Bài Tin Mừng mời gọi chúng ta ngẫm suy về kinh nghiệm sống trong một mái nhà của Thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giêsu. Các ngài sống yêu thương nhau và đặt niềm tin nơi Thiên Chúa. Thánh Giuse và Mẹ Maria ẵm Hài Nhi Giêsu lên Đền Thờ để hiến dâng cho Thiên Chúa (Lc 2,22) theo luật Môsê. Việc hiến dâng này cho thấy rằng, cha mẹ Hài Nhi là người dưỡng nuôi chứ không phải là chủ sở hữu. Điều ấy đáng để chúng ta suy ngẫm. Các bậc cha mẹ là người dưỡng nuôi, dạy dỗ con cái, để giúp con cái lớn khôn trưởng thành, chứ cha mẹ không phải là chủ sở hữu con cái.

Cử chỉ dâng con cho Thiên Chúa, nhấn mạnh rằng chỉ có Thiên Chúa mới là chủ của lịch sử cá nhân cũng như gia đình. Tất cả những gì chúng ta có đều đến từ Thiên Chúa. Từng gia đình được mời gọi tái nhận biết quà tặng và thiên chức này. Đó là bảo vệ và giáo dục con cái, là giúp con cái biết mở ra đối với Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống. Tin Mừng kể về hai cụ già và cũng là hai bậc ngôn sứ, đó là cụ ông Simeon và cụ bà Anna. Các cụ được đầy Thánh Thần, nên nói về Hài Nhi Giêsu cho hết mọi người: “Thiên Chúa đã đặt em bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Em còn là dấu hiệu bị người đời chống báng, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra” (Lc 2,34.35).

Những lời tiên tri ấy vén mở cho chúng ta thấy: Chúa Giêsu đến để đốn ngã những hình ảnh sai lầm mà chúng ta tự tạo ra về Thiên Chúa cũng như về chính mình. Chúa đến để chống lại những an toàn giả tạo của thế gian mà chúng ta cậy dựa. Chúa đến để làm cho chúng ta thức tỉnh mà vững bước trên con đường của những giá trị nhân bản chân thực và những giá trị Tin Mừng. Trên con đường tái sinh và phục sinh này, không một hoàn cảnh nào, không một gia đình nào bị loại trừ. Mỗi lần trong gia đình có những thương tổn, có những mong manh, khó khăn và thất bại, thì mọi người được mời gọi trở lại cội nguồn của kinh nghiệm Kitô, để mở ra những con đường mới, để mở ra những khả thể vượt ngoài sức tưởng tượng.

Bài Tin Mừng kể tiếp: “Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về thành Nazaret, miền Galile. Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.” (Lc 2,39.40). Có một niềm vui lớn lao của gia đình, đó là sự lớn mạnh trưởng thành của các con: tất cả chúng ta đều biết điều ấy. Hài Nhi Giêsu lớn lên, thêm vững mạnh, thêm khôn ngoan, được ơn nghĩa trước mặt Thiên Chúa. Những điều ấy diễn ra cho những người con, cho Hài Nhi Giêsu. Chúa Giêsu thực sự là một con người giữa loài người chúng ta. Con Thiên Chúa trở thành một trẻ thơ, để từng ngày lớn lên, để thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, để ơn phúc Thiên Chúa đổ xuống trên Người. Mẹ Maria và Thánh Giuse rất vui khi nhìn thấy tất cả những điều ấy đến với người con Giêsu. Và đó cũng là nhiệm vụ của một gia đình, nhiệm vụ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đầy đủ và hài hòa của trẻ thơ, để trẻ thơ có thể có một cuộc sống tốt đẹp như Thiên Chúa muốn và để xây dựng thế giới.

Đó cũng là lời cầu chúc của Cha xin gửi tới tất cả các gia đình hôm nay. Nguyện xin Mẹ Maria là Nữ Vương các gia đình, chuyển cầu cho chúng ta.

 

Anh chị em thân mến!

Tôi xin bày tỏ sự gần gũi với các anh chị em Chính Thống Copte ở Ai Cập, vì bị những cuộc tấn công cách đây 2 ngày tại một nhà thờ và một cửa hàng vùng ngoại ô Cairo. Xin Chúa thương nhận linh hồn những người quá cố, xin Chúa nâng đỡ những người bị thương, ủi an các gia đình và các cộng đoàn, và xin Chúa hoán cải tâm hồn những kẻ đã gây ra bạo lực.

Hôm nay Cha muốn gửi lời chào đặc biệt tới các gia đình. Xin Chúa Thánh Thần chúc lành và hướng dẫn gia đình anh chị em.

Cha chào thăm tất cả anh chị em là dân thành Roma và khách hành hương. Ngày cuối năm này, chúng ta đừng quên tạ ơn Thiên Chúa vì mọi ơn lành ta đã nhận trong năm qua. Chúng ta hãy dành thời gian để nhìn lại, để tạ ơn. Nếu nhìn lại những khó khăn, chúng ta cũng tạ ơn Chúa vì đã giúp ta vượt qua những giây phút ấy. Hôm nay là một ngày tạ ơn.

Chúc anh chị em ngày tốt lành. Cám ơn anh chị em vì những lời cầu chúc. Mong anh chị em hãy tiếp tục cầu nguyện cho Cha. Hẹn gặp lại anh chị em!

Tứ Quyết SJ

Đức Thánh Cha ca ngợi gia sản tinh thần của Đức Biển Đức 16

Đức Thánh Cha ca ngợi gia sản tinh thần của Đức Biển Đức 16

VATICAN. Sáng 18-11-2017, ĐTC Phanxicô đã tái bày tỏ lòng quí mến và đề cao gia sản tinh thần cũng như giáo huấn của vị Tiền Nhiệm, Đức Nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi trao tặng giải thưởng Joseph Ratzinger cho 3 người trúng giải là: Mục sư Theodor Dieter thần học gia thuộc Giáo Hội Tin Lành Luther ở Đức, LM thần học gia Công giáo Đức Karl-Heinz Menke, và Ông Arvo Part, tín hữu Chính Thống, nhà sáng tác thánh nhạc.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC Phanxicô nói: ”Cùng với anh chị em tôi thân ái gửi lời chào nồng nhiệt đến Đức Nguyên Giáo Hoàng Biển Đức. Kinh nguyện và sự hiện diện kín đáo và khích lệ của Ngài đồng hành với chúng ta trên con đường chung; các tác phẩm và giáo huấn của Ngài là một gia sản sinh động và quí giá cho toàn thể Giáo Hội và cho việc phục vụ của chúng ta. Chính vì thế, tôi mời gọi Quỹ Joseph Ratzinger của anh chị em tiếp tục dấn thân nghiên cứu và đào sâu gia sản này và đồng thời nhìn về đằng trước, để nêu cao giá trị sự phong phú của gia sản ấy, bằng những chú giải các tác phẩm của Joseph Ratzinger, cũng như để tiếp tục nghiên cứu thần học và văn hóa theo tinh thần của Ngài, và đi vào những lãnh vực mới trong đó nền văn hóa ngày nay kêu gọi sự đối thoại của đức tin. Để thực hiện cuộc đối thoại này, tinh thần con người có một nhu câu cấp thiết và sinh tử, đó là đức tin cần đối thoại, đức tin trở nên trừu tượng nếu không nhập thể vào thời gian, lý trí cũng cần đối thoại với đức tin, vì lý trí sẽ trở nên vô nhân đạo nếu không nâng mình lên Siêu Việt” (Rei 18-11-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Đừng rơi vào cái hố tham nhũng

Đừng rơi vào cái hố tham nhũng

Dụ ngôn về người quản gia bất lương là câu chuyện tham nhũng thường gặp trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Khi bị tố cáo về sự bất lương, ông quản gia này không những không đi tìm một công việc lương thiện, mà ông còn khôn khéo mánh lới tìm thêm sự đồng lõa từ những người khác. Điều ấy tạo nên một tập đoàn tham nhũng. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Kẻ tham nhũng vừa khôn khéo vừa “lịch sự”

Những kẻ tham nhũng, họ rất mạnh, rất có quyền thế. Khi tham nhũng, họ thực sự rất mạnh, thậm chí như các tổ chức xã hội đen. Thực tế là thế. Câu chuyện Chúa Giêsu kể trong Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay, không phải là truyện cổ tích, cũng không phải là câu chuyện chúng ta phải đi tìm trong các sách vở lịch sử cổ đại, nhưng chúng ta có thể tìm thấy trên báo chí hàng ngày. Điều này xảy ra ngay cả ngày nay nữa, nhất là đối với những ai có trách nhiệm quản lý tài sản của người dân, không phải tài sản của họ, bởi vì người quản gia này quản lý tài sản của người khác, chứ không phải tài sản của ông ta. Bởi lẽ, nếu là tài sản của ông, thì làm gì có chuyện tham nhũng nữa, vì ông sẽ ra sức bảo vệ tài sản của mình.

Thế nên Chúa Giêsu đưa ra kết luận: con cái thế gian khôn khéo hơn con cái sự sáng. Sự khôn khéo ấy, sự gian xảo ấy, cái tham nhũng ấy nhiều khi được thực hiện một cách rất lịch sự với những bàn tay đeo găng tay bằng lụa.

Cần khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu

Nhưng nếu những kẻ ấy khôn khéo hơn các Kitô hữu thì sao? Mà tôi không nói tới các Kitô hữu nữa, vì giữa các Kitô hữu cũng có nhiều người tham nhũng. Giờ tôi nói tới những ai trung thành với Chúa Giêsu. Nếu những kẻ ấy khôn khéo hơn những người trung thành với Chúa Giêsu, thì tôi tự hỏi: Chẳng lẽ không có người tín hữu khôn khéo sao? Không. Sự khôn khéo không phải là tội, nhưng quan trọng là nó nhắm đến điều gì. Người tín hữu khôn khéo là để phục vụ Chúa và giúp đỡ tha nhân.

Người tín hữu có một loại năng lực để thúc đẩy mình tiến về phía trước, để biết cách khôn ngoan khôn khéo nhưng không bị rơi vào cái hố tham nhũng. Chúa Giêsu chỉ ra cho các môn đệ cách thức để phản ứng, để hành xử. Chúa nói: Này Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói, vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu. Làm sao chúng ta có thể làm được điều ấy? Có ba thái độ. Thứ nhất là cần lòng tin mạnh mẽ, cần biết cẩn trọng, cẩn trọng với những kẻ hứa hẹn quá nhiều, cẩn trọng với những ai nói với bạn quá nhiều điều ví như: hãy đầu tư vào ngân hàng của tôi, bạn sẽ được lãi suất gấp đôi. Thái độ thứ hai là cần phản tỉnh. Cần phản tỉnh để tỉnh thức nhận ra những cám dỗ của ma quỷ, bởi lẽ ma quỷ biết rõ điểm yếu của chúng ta. Thứ ba là cần cầu nguyện.

Xin ơn khôn ngoan

Hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện, xin Chúa ban cho ta ơn khôn ngoan để chúng ta trở nên các Kitô hữu khôn ngoan, chứ không gian xảo, cũng không ngây ngô. Là các Kitô hữu, chúng ta có một kho báu vô giá trong tâm hồn, đó là Chúa Thánh Thần. Chúng ta cần biết gìn giữ kho tàng ấy, đừng để bị đánh cắp mất kho tàng ấy. Đây cũng là dịp tốt để ta cầu nguyện cho những kẻ tham nhũng. Họ gây ra những ô nhiễm, gây ra những bất công trong xã hội, nhưng chúng ta hãy cầu nguyện cho họ. Chúng ta cũng cầu nguyện cho những kẻ tham nhũng, những kẻ tội nghiệp, để họ có thể thoát ra khỏi nhà tù mà họ đã tự ý muốn bước vào.

Tứ Quyết SJ

Đức Thánh Cha trò chuyện với phi hành đoàn trên trạm không gian quốc tế

Đức Thánh Cha trò chuyện với phi hành đoàn trên trạm không gian quốc tế

“Anh em là một tòa nhà bằng kiếng nhỏ mà tổng thể lại lớn hơn tổng số của các phần”. Đó là những lời Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các phi hành gia của trạm không gian quốc tế vào chiều ngày 26/10 vừa qua.

Vào lúc 3 giờ chiều Roma ngày 26/10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc trò chuyện kéo dài khoảng 25 phút với phi hành đoàn trên trạm không gian quốc tế đang ở trên quĩ đạo. Đức Thánh Cha đã đặt một số câu hỏi cho 6 thành viên của phi đội.

Đức Thánh Cha chào phi hành đoàn và tiến sĩ phi hành gia người Ý Paolo Nespoli. Ngài cám ơn các phi hành gia và tất cả những người đã sắp xếp buổi kết nối hôm nay, đã cho ngài cơ hội “găpcác phi hành gia” và hỏi họ vài điều.

– Câu hỏi đầu tiên của Đức Thánh Cha là: Thiên văn học giúp chúng ta chiêm ngắm những chân trời vô hạn của vũ trụ và gợi lên trong lòng chúng ta những câu hỏi: chúng ta đến từ đâu? Tôi muốn hỏi tiến sĩ Nespoli: dưới ánh sáng những kinh nghiệm ở trong không gian của tiến sĩ, ông nghĩ gì về chỗ của con người trong vũ trụ?

Tiến sĩ Nespoli trả lời: thưa Đức Thánh Cha, đây là một câu hỏi phức tạp. Con nghĩ mình là một kỹ thuật viên, một kỹ sư, con ở giữa các máy móc, với các kinh nghiệm; nhưng khi nói về những điều như “chúng ta đến từ đâu”.. con bị bối rối. Đây là vấn đề khó nói. Con nghĩ là mục đích của chúng con là nhận biết sự hiện hữu của chúng con, để làm đầy sự hiểu biết, hiểu những điều xung quanh chúng ta…Con thích có những người như ngài, không chỉ là các kỹ sư và vật lý gia, nhưng là các thần học gia, triết gia, văn sĩ, thi sĩ có thể đến đây với chúng tôi để khám phá việc một người ở trong không gian có nghĩa gì.

– Tiếp đến, Đức Thánh Cha nhắc lại câu nổi tiếng mà thi sĩ Dante đã kết thúc tác phẩm “Hài kịch thần linh”, “tình yêu di chuyển mặt trời và các vì sao khác”. Ngài hỏi các phi hành gia, khi nói tình yêu là sức mạnh di chuyển vũ trụ, điều này có nghĩa gì với họ. Trả lời câu hỏi này của Đức Thánh Cha, phi hành gia người Nga Alexander Misurkin đề cập đến cuốn sách “Hoàng tử nhỏ” của Antoine de Saint-Exupéry, kể về một cậu bé đã sẵn sàng hy sinh sự sống để cứu các cây cối và thú vật trên trái đất và ông nói: một cách căn bản, tình yêu là sức mạnh đem lại cho bạn khả năng trao bạn sự sống của bạn vì một ai đó.

– Câu hỏi thứ ba của Đức Thánh Cha, như ngài nói, là một sự hiếu kỳ. Ngài hỏi: “Điều gì đã thúc đẩy anh em trở thành các phi hành gia? Phi hành gia người Nga Sergei Ryazanskiy cho biết chọn lựa trở thành phi hành gia của ông có liên quan đến ông của mình, một trong những người tiên phong trong ngành không gian và là kỹ sư của phi thuyền không gian Sputnik 1. Sergei muốn theo bước ông của mình vì không gian rất xinh đẹp và lý thú và cũng rất quan trọng đối với con người. Phi hành gia Randy Bresnik người Mỹ nhấn mạnh đến cơ hội có thể nhìn Trái đất “một tí” với đôi mắt của Chúa” và nhìn vẻ đẹp không thể tin nỗi của hành tinh này. Ông cho biết thêm, với vận tốc của quỹ đạo là 10 km/ giây, các phi hành gia nhìn Trái đất với đôi mắt khác: chúng tôi nhìn thấy một Trái đất không có biên giới, nơi mà bầu khí quyển vô cùng mỏng manh, và quan sát Trái đất lúc này chúng tôi nghĩ về con người, nghĩ đến việc chúng ta cùng nhau làm việc thế nào cho một tương lai tốt hơn.

– Câu hỏi thứ 4 của Đức Thánh Cha dựa trên một quan sát: hành trình trong không gian thay đổi nhiều điều, ví dụ như ý niệm “trên” và “dưới”. Có điều gì khi đang sống trong trạm không gian làm anh em ngạc nhiên? Ngược lại, có điều gì đánh động anh em bởi vì nó được xác định ở đó, trong một bối cảnh khác như thế? Phi hành gia người Mỹ Mark T. Vande Hei trả lời: “Điều làm tôi ngạc nhiên là sự kiện “trong không gian bạn thấy các sự vật hoàn toàn khác, dường như là những điều không thể nhận ra được. Ông nói thêm: để hiểu tôi ở đâu, tôi phải quyết định đâu là trên và đâu là dưới và thiết lập mô hình thu nhỏ của tôi.

– Câu hỏi cuối cùng, Đức Thánh Cha nói: xã hội của chúng ta rất là cá nhân và ngược lại cuộc sống của chúng ta rất cần sự cộng tác với nhau. Các anh có thể nêu vài ví dụ có ý nghĩa về sự cộng tác của anh em trên trạm không gian không? Phi hành gia Joseph Acaba người Mỹ nói rằng “trạm không gian là một ví dụ của sự cộng tác quốc tế”. Có những người Mỹ, người Nga, Nhật, Canada, 9 nước châu Âu … Một điều quan trọng và lý thú là mỗi người có sự khác nhau và tất cả sự khác nhau này được đặt chung làm thành một tổng hợp rất lớn, hơn một người duy nhất. Với nhau, chúng tôi có thể làm nhiều điều tốt hơn nếu chúng tôi chỉ làm một mình.

Sau câu trả lời, Đức Thánh Cha nhận xét: “Anh em là một tòa nhà bằng kiếng nhỏ mà tổng thể lại lớn hơn tổng số của các phần”. Đây là mẫu gương của anh em đối với chúng tôi.

Trước khi kết thúc, Đức Thánh Cha đã chào và cám ơn các phi hành gia. Ngài nói: “Chúng tôi nhìn nhận anh em như những đại diện của cả gia đình nhân loại trong chương trình nghiên cứu vĩ đaị ở trạm không gian.

Tiến sĩ Nespoli cũng cám ơn Đức Thánh Cha đã đánh giá cao các phi hành gia, đã đưa họ ra khỏi khung cảnh máy móc hàng ngày và đã giúp họ nghĩ đến những điều lớn hơn. (REI 26/10/2017)

Hồng Thủy

Thông báo cập nhật giờ phát thanh chương trình radio Vatican tiếng Việt

Thông báo cập nhật giờ phát thanh chương trình radio Vatican tiếng Việt

Ban Việt ngữ đài Vatican xin thông báo cùng quý thính giả: Từ Chúa nhật 29 tháng 10 tới đây, chương trình tiếng Việt của đài phát thanh Vatican sẽ chỉ phát một lần vào ban sáng, từ 6 giờ 15 đến 6 giờ 57 phút giờ VN, và chương trình sẽ không được phát lại vào ban tối lúc 20 giờ 15 phút như thời gian trước đây. Xin quý thính giả lưu ý.

Quý vị có thể đọc tin tức và nghe chương trình phát thanh trong ngày của đài Vatican, vào bất cứ thời gian nào, trên trang web của đài tại địa chỉ: http://vi.radiovaticana.va, hoặc quý vị có thể nghe chương trình phát thanh trên kênh Youtube Vatican tiếng Việt. Tại kênh Youtube này, quý vị có thể nghe chương trình phát thanh của ngày hôm nay hoặc các chương trình đã phát trước đó, cũng như xem các video tường thuật các buổi đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha vào trưa Chúa nhật, các buổi ĐTC tiếp kiến chung vào sáng thứ tư tại Vatican và các hoạt động đặc biệt của Đức Thánh Cha.

Chúng tôi xin cám ơn quý vị đã theo dõi chương trình. Xin tiếp tục đồng hành với chúng tôi trong sứ vụ rao giảng Tin mừng.

Nguyện xin Chúa GIÊSU KYTÔ Nhân Lành ban muôn ơn cho quý vị và toàn gia quyến, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ MARIA, Thánh Cả GIUSE, và các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Ban Việt ngữ đài phát thanh Vatican

 

Đức Thánh Cha tiếp kiến 11 ngàn người thuộc Gia Đình Vinh Sơn

Đức Thánh Cha tiếp kiến 11 ngàn người thuộc Gia Đình Vinh Sơn

VATICAN. ĐTC mời gọi đại gia đình thánh Vinh Sơn Phaolô tiếp tục con đường của Thánh Nhân và ngài đề nghị họ thể hiện qua 3 hành động: thờ lạy, đón tiếp và ra đi.

Ngài trình bày lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ bẩy 14-10-2017, tại Quảng trường thanh Phêrô dành cho hơn 11 ngàn người thuộc đại gia đình thánh Vinh Sơn Phaolô, từ các 99 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, về Roma tham dự diễn đàn trong 3 ngày qua, nhân kỷ niệm 400 năm đoàn sủng của Thánh Vinh Sơn.

ĐTC đã tiến vào Quảng trường Thánh Phêrô lúc 12 giờ trưa và tiến qua các lối đi để chào thăm mọi người. Khi lên đến lễ đài ở thềm Đền thờ Thánh Phêrô, ngài dừng lại để tôn kính Hài Cốt Thánh Vinh Sơn Phaolô.

Trong lời chào mừng ĐTC, Cha Mavric Tomaz, Bề trên Tổng Quyền dòng Lazzariste, chính thích thông báo thành lập ”Liên minh hoàn cầu cho những người vô gia cư” và lễ hội Phim Vinh Sơn.

Trong bài huấn dụ, ĐTC nói: ”Thánh Vinh Sơn đã tạo nên một đà tiến bác ái kéo dài qua các thế kỷ. Ngày hôm nay, tôi muốn khích lệ anh chị em tiếp tục hành trình ấy, và đề nghị với anh chị em 3 động từ đơn sơ mà tôi thấy là rất quan trọng đối với tinh thần Vinh Sơn, và cho đời sống Kitô nói chung, đó là: thờ lạy, đón tiếp và ra đi.

Trước hết là Thờ Lạy. Thánh Vinh Sơn thường mời gọi các môn đệ vun trồng đời sống nội tâm và chuyên chăm cầu nguyện có sức thanh tẩy và mở rộng tâm hồn. Đối với Thánh Nhân, cầu nguyện là điều thiết yếu, là địa bàn của mỗi ngày, như cẩm nang của cuộc sống… Theo Thánh Vinh Sơn, cầu nguyện là dừng lại trước Thiên Chúa để ở với Người, phó thác và tận tình đối với Chúa. Đó là kinh nguyện tinh tuyền nhất, dành chỗ cho Chúa và chúc tụng Chúa, tín thác nơi Chúa.

Tiếp đến là đón tiếp. Trở thành những người hiếu khách, sẵn sàng, quen tận tụy với người khác. Như Thiên Chúa cư xử với chúng ta, cả chúng ta cũng phải xử như vậy với tha nhân. Đón tiếp có nghĩa là điều chỉnh lại cái tôi của mình, sửa sai cách suy tư và hiểu rằng cuộc sống không phải là tài sản riêng của tôi và thời gian không thuộc về tôi. Đó là một sự từ từ rời bỏ tất cả những gì là của tôi: thời gian, sự nghỉ ngơi, các quyền và chương trình của tôi. Ai đón tiếp thì từ bỏ cái tôi và đi vào trong cuộc sống của tha nhân và của chúng ta”.

ĐTC nói thêm rằng: Kitô hữu đón tiếp là một người thực sự của Giáo Hội, vì Giáo Hội là người Mẹ đón tiếp và đồng hành với cuộc sống. Như một ngừơi con giống mẹ, mang những sắc thái của mẹ, Kitô hữu cũng mang những nét của Giáo Hội. Người đón tiếp là người trở thành người con trung tín đích thực của Giáo Hội, người không than trách thì kiến tạo sự hòa hợp và hiện thông, và với lòng quảng đại họ gieo vãi hòa bình, dù không được đáp trả”.

Động từ sau cùng là ra đi. ĐTC nói: ”Tình yêu có đặc tính năng động, ra khỏi bản thân mình. Người yêu thương thì không ngồi trên ghế bành mà nhìn, chờ đợi cho tình hình thế giới được cải tiến, nhưng với lòng hăng say và đơn sơ, họ đứng lên và ra đi. Thánh Vinh Sơn đã nói chí lý: ”Ơn gọi của chúng ta là ra đi, không phải trong một giáo xứ và cũng chẳng phải trong một giáo phận, nhưng là toàn trái đất, để làm cho tâm hồn con người nồng cháy, làm điều mà Con Thiên Chúa đã làm: Chúa đã đến trong thế giới để mang lửa để làm cho tình yêu của Ngài nồng cháy. Ơn gọi này có giá trị đối với tất cả mọi người. Nó đặt cho mỗi người những câu hỏi: Tôi có ra đi gặp tha nhân, như Chúa muốn hay không. Tôi tôi đến, tôi có mang theo lửa tình thương hay tôi khép kín để sưởi mình trước lò sưởi của tôi mà thôi?”.

Trước khi rời quảng trường, ĐTC còn nồng nhiệt bắt tay chào ông Tajani, Chủ tịch Quốc Hội Âu Châu.

Ban sáng, từ lúc 9 giờ, tại Quảng trường thánh Phêrô, mọi người hiện diện đã tham dự buổi sinh hoạt với các chứng từ, âm nhạc, ca hát và cầu nguyện trước Hài Cốt Thánh Vinh Sơn. Phần âm nhạc và ca hát do ca đoàn Gen Xanh và nhiều ban nhạc, ca đoàn khác. (Rei 14-10-2017)

 G. Trần Đức Anh OP

Lòng yêu mến Đức Mẹ Mân Côi của chân phước Bartolo Longo – Tông đồ Mân Côi

Lòng yêu mến Đức Mẹ Mân Côi của chân phước Bartolo Longo – Tông đồ Mân Côi

Cách đây gần 2000 năm, ngọn núi lửa Vesuvius ở miền nam Italia đã phun trào và chôn vùi toàn bộ thành phố Pompei dưới lớp tro tàn. Thành phố Pompei hiện đại ngày nay được thành lập năm 1891 và chân phước Bartolo Longo được xem là vị sáng lập của thành phố sau khi ngài ra lệnh xây dựng đền thành Đức Trinh nữ Mân côi của thành phố. Trong đền thánh Đức Mẹ Pompei có bức tranh phép lạ Đức Mẹ Mân côi mà cha Alberto Radente – cha giải tội của chân phước Longo – đã cho ngài.

Chân phước Bartolo Longo sinh ngày 10 tháng 2 năm 1841, trong một gia đình Công giáo sùng đạo ở tỉnh Brindisi, Italia. Năm 1863, Longo đến Napoli để hoàn tất chương trình luật. Tại đây, qua các bạn học và giáo sư, Longo đến với thế giới quỷ thần và hoàn toàn xa lìa đức tin. Đây cũng chính là thời gian Giáo hội Công giáo gặp phải sự chống đối của những người theo chủ nghĩa quốc gia, đấu tranh cho sự hiệp nhất của Italia và xem Đức giáo hoàng là thù nghịch với mục đích của họ. Longo đã tham gia vào một phong trào thờ Satan và cuối cùng tuyên bố mình được thụ phong để làm một linh mục của Satan. Tuy thế, sau thời gian chiến đấu với những lo lắng, dằn vặt, thất vọng và ngay cả việc nhiều lần có ý định tự tử, một giáo sư đại học cùng thành phố với Longo đã khuyên anh rời bỏ phái Satan và giới thiệu Longo đến với cha giải tội Radente, một linh mục dòng Đaminh. Dưới sự hướng dẫn của cha Radente, Longo bắt đầu cầu nguyện đọc kinh Mân côi và trở lại với Kitô giáo.

Longo đã dành cả tâm hồn và thân xác cho tôn giáo và việc bác ái. Longo có lòng yêu mến đặc biệt kinh Mân côi, đã gia nhập dòng Ba Đaminh vào năm 1871 và hoạt động cổ võ lòng sùng kính Đức Mẹ, đặc biệt là việc đọc kinh Mân Côi nhắm phục hồi đức tin cho dân thành Pompei. Một ngày kia, cảm thấy nghi ngờ trong lòng, Longo tự hỏi phải làm gì để được cứu độ. Longo đã nghe một tiếng nói: “Nếu con truyền bá Kinh Mân côi, con sẽ được cứu độ.” Longo hiểu được ơn gọi của mình. Longo đã xây một nhà nguyện nhỏ kính Đức Mẹ.

Ngày 13 tháng 11 năm 1875, Longo nhân được bức tranh phép lạ Đức Mẹ Mân côi mà cha giải tội Radente tặng. Longo được treo trong đền thánh Đức Mẹ Mân côi ở Pompei được trường phái Luca Giordano thực hiện vào thế kỷ 17. Bức tranh vẽ Đức Maria ngồi trên một ngai, đang bế trẻ Giêsu và trao chuỗi Mân côi cho hai thánh Đaminh và Catarina thành Siena, đang ở trước ngai của Đức Mẹ. Một vài tháng sau khi Longo nhận được bức tranh cha Radente gửi tặng thì các phép lạ bắt đầu xảy ra. Ban đầu nó là một bức tranh cũ, bị sờn rách. Sau khi tìm được tài trợ để phục hồi bức tranh, Longo đã trưng bày cho công chúng xem. Phép lạ đầu tiên đã xảy ra cùng ngày này. Một bé gái 12 tuổi tên Clorinda Lucarelli, bị động kinh, đã được bình phục hoàn toàn, dù các bác sĩ danh tiếng lúc bấy giờ nghĩ là không thể chữa lành được.

Longo đã nhiệt thành cỗ võ việc sùng kính Đức Trinh nữ Maria, mời gọi các tín hữu cầu nguyện với Mẹ để Mẹ đổ tràn lòng thương xót của Mẹ cho các con cái. Nhiều người trên toàn thế giới đã nhận được ơn từ lòng thương xót của Mẹ Maria và đã dâng tặng các phẩm vật để xây dựng đền thánh mới. Longo qua đời năm 1926 tại Pompei và được Thánh Giáo hoàng phong chân phước vào năm 1980. Longo được biết đến với danh hiệu “Tông đồ Kinh Mân côi.” Những lời cuối cùng của chân phước Longo là ao ước nhìn thấy Mẹ Maria – Đấng đã cứu ngài và cứu ngài khỏi nanh vuốt của Satan.

Ngày nay hàng ngày, nhiều tín hữu hành hương đến Pompei cảm nghiệm tình yêu của Đức Trinh nữ như chân phước Longo đã cảm nghiệm. Đức Mẹ cũng nói với chúng ta: “Nếu muốn được cứu độ, hãy loan truyền Kinh Mân Côi. (CNA 03/03/2015) 

Hồng Thủy

Kính Kính Mừng của một cậu bé Tin Lành

Kính Kính Mừng của một cậu bé Tin Lành

Một cậu bé 6 tuổi đọa Tin lành thường nghe các bạn Công giáo của cậu đọc kinh Kính mừng. Cậu bé rất thích Kinh này đến nỗi cậu đã chép nó, học thuộc và đọc mỗi ngày. Một ngày kia, cậu bé nói với mẹ của mình: “Mẹ à! Đây là một kinh thật là hay!”

Nghe đứa con nói thế, bà mẹ liền trả lời: “Đó là những lời cầu nguyện mê tín của người Công giáo. Họ cầu nguyện với các ngẫu tượng và nghĩ rằng bà Maria là một nữ thần.Nhưng mà bà ta cũng chỉ là một phụ nữ như các phụ nữ khác thôi. Nào, con hãy cầm lấy sách Kinh Thánh mà đọc đi. Trong sách Kinh Thánh chứa đựng mọi điều mà chúng ta buộc phải làm.” Từ hôm đó, cậu bé không còn đọc kinh Kính mừng nữa, nhưng trái lại, cậu bé danh thời gian để đọc Kinh Thánh.

Một ngày nọ, trong khi đang đọc Tin mừng, cậu bé đọc đến đoạn Thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ. Lòng tràn đầy vui mừng, cậu bé chạy đến với mẹ của mình và nói: “Mẹ a! Con đã tìm thấy kinh Kính mừng trong sách Kinh Thánh. Sách Thánh viêt: “Kính mừng bà đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng bà, bà được chúc phúc giữa các phụ nữ.” Tại sao mẹ lại nói đây là một lời cầu nguyện mê tín?”

Một dịp khác, cậu bé tìm thấy lời chào tuyệt vời của bà Elizabeth dành cho Đức Mẹ và cả kinh Magnificat (Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa) mà Đức Maria đã nói tiên tri là “mọi đời sẽ khen Mẹ có phúc.” Cậu bé không nói thêm gì với mẹ của mình nhưng bắt đầu lại đọc kinh Kính mừng mỗi ngày như trước đây cậu vẫn làm. Cậu bé cảm thấy thích thú khi dâng những lời đầy yêu thương dịu dàng đó cho Mẹ của Chúa Giêsu, Đấng Cứu thế.

Một ngày khi cậu bé lên 14 tuổi, cậu nghe các thành viên trong gia đình thảo luận về Đức Mẹ. Mọi người nói là Đức Maria là một người bình thường như mọi phụ nữ khác. Sau khi nghe những lý luận sai lầm của họ, không thể chịu đựng thêm, cậu bé bực tức và cắt ngang cuộc tranh luận của họ. Cậu nói: “Đức Maria không giống như mọi con cái của Adam, bị mang tội tổ tông. Không! Thiên thần đã gọi mẹ là đầy ơn phúc và được chúc phúc giữa các người nữ. Đức Maria là Mẹ của Chúa Giêsu Kitô và là Mẹ Thiên Chúa. Không còn phẩm giá nào cao hơn nữa mà một thụ tạo có thể được tôn phong. Tin mừng nói rằng các thế hệ sẽ khen Mẹ được chúc phúc và mọi người ở đây đang khinh chê Mẹ và dìm Mẹ Xuống. Thần khí của mọi người không phải là Thần khí của Tin mừng hay của Kinh Thánh mà mọi người tuyên xưng là nền tảng của Kitô giáo.”

Quá bị ấn tượng bởi những gì cậu bé nói, bà mẹ của cậu đã nhiều lần kêu lên cách đau khổ “Lạy Chúa con! Con sợ rằng thằng con này ngày nào đó sẽ theo đạo Công giáo, đạo của các Giáo Hoàng!” Và thật vậy, không lâu sau đó, sau khi đã học hành nghiêm túc về đạo Tin lành và Công giáo, cậu trai đã tìm thấy Công giáo là tôn giáo thật duy nhất, cậu đã yêu mến và trở thành một trong những tông đồ nhiệt thành nhất của Công giáo.

Một thời gian sau khi cậu trở lại Công giáo, người chị đã lập gia đình của cậu đã quở trách cậu thậm tệ. Cô chị nói: “Thằng nhỏ này có biết chị thương con của chị thế nào không. Nếu mà bất cứ đứa nào theo đọa Công giáo, chị thà đâm nó một nhát dao còn hơn để nó theo đạo của các giáo hoàng!” Chị ta cũng giận dữ và ghét đạo như thánh Phaolô trước khi hoán cải. Nhưng khi một đứa con của chị bị ốm nặng và các bác sĩ bó tay, không còn hy vọng, thì cậu em đã đến với chị và nói với chị cách thân thương: “Chị yêu quý của em, cách tự nhiên, chị muốn cho con của chị được lành bệnh. Tốt lắm! vậy hãy làm những gì em yêu cầu chị làm. Hãy theo em! Chúng ta hẫy đọc một kinh Kính mừng và hứa với Chúa rằng, nếu con của chị khỏe lại, chị sẽ nghiêm túc học hỏi đạo Công giáo và chị sẽ kết luận rằng Công giáo là đạo thật duy nhất, chị sẽ yêu đạo cho dù phải hy sinh điều gì. Ban đầu người chị hơi lưỡng lự, nhưng vì muốn con mình được bình phục, đã chấp nhận đề nghị của cậu em và đã đọc Kinh Kính mừng với em mình, Ngày hôm sau, đứa con của chị được khỏi bệnh hoàn toàn. Người mẹ giữ lời hứa, đã học giáo lý Công giáo. Sau thời gian dài chuẩn bị, người chị và cả gia đình đã lãnh nhận bí tích rửa tội và cám ơn cậu em đã là tông đồ Kinh Kính mừng.

Câu chuyện đã được cha Tuckwell kể trong một bài giảng. Cha chính là cậu bé đó. Cha nói: “Tôi là linh mục ngày hôm nay là nhờ Đức Mẹ. Anh chị em cũng vậy, hãy dâng hiến hoàn toàn cho Đức Mẹ và đừng để một ngày qua đi mà không đọc lời kinh Kính mừng tốt đẹp và chuỗi Mân Côi.” (ST)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha kêu gọi đón tiếp và hội nhập di dân và tỵ nạn

Đức Thánh Cha kêu gọi đón tiếp và hội nhập di dân và tỵ nạn

VATICAN. ĐTC cổ võ các thành thị và làng xã Italia trong việc tiếp đón và hội nhập nhưng người di dân.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 30-9-2017 dành cho 300 thành viên Hiệp hội toàn quốc các thành thị và làng xã Italia. ĐTC nói:

”Tôi hiểu sự khó chịu của nhiều người dân tại các đơn vị của quí vị đứng trước làn sóng nhập cư ồ ạt của những người di dân và tỵ nạn. Sự khó chịu này có thể được giải thích là do sự sợ hãi bẩm sinh đối với ”người lạ”, sự sợ hãi ấy càng gia tăng do những vết thương vì khủng hoảng kinh tế, vì sự thiếu chuẩn bị của các cộng đoàn địa phương, vì sự không thích hợp của nhiều biện pháp được đưa ra trong bầu không khí khẩn cấp”

Theo ĐTC, ”sự khó chịu đó có thể được khắc phục nhờ sự cống hiến những những không gian gặp gỡ và hiểu biết lẫn nhau. Cần chào đón tất cả những sáng kiến thăng tiến văn hóa gặp gỡ, trao đổi cho nhau những phong phú về nghệ thuật và văn hóa, sự hiểu biết những nơi chốn và các cộng đoàn nguyên quán của những người mới đến”.

ĐTC cũng bày tỏ vui mừng vì tại nhiều đơn vị hành chánh có sự vị thị trưởng, xã trưởng hiện diện trong buổi tiếp kiến, có những đường lối tốt để tiếp đón và hội nhập những người di dân, với những kết quả đáng khích lệ và phổ biến rộng rãi sang các nơi khác” (Rei 30-9-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Ngoại trưởng Tòa Thánh kêu gọi Mỹ và Bắc Triều Tiên đấu dịu

Ngoại trưởng Tòa Thánh kêu gọi Mỹ và Bắc Triều Tiên đấu dịu

NEW YORK. Ngoại trưởng Tòa Thánh, Đức TGM Paul Gallagher, kêu gọi các nước ”đấu dịu” trước hiểm họa chiến tranh có thể xảy ra giữa Mỹ và Bắc Triều tiên.

Trong bài tham luận hôm 25-9-2017 trong khuôn khổ Đại hội đồng thứ 72 của LHQ ở New York, Đức TGM Gallagher nhắc lại lời kêu gọi của ĐGH Piô 12 gửi đến mọi quốc gia trước khi thế chiến thứ 2 bùng nổ: ”Con đường công lý được thăng tiến nhờ sức mạnh của lý trí chứ không phải bằng sức mạnh của võ khí… Nguy hiểm đang gần kề, nhưng vẫn còn thời gian… không gì bị mất mát với hòa bình. Trái lại với chiến tranh, mọi sự bị mất mát. Ước gì các dân nước tái hiểu nhau và trở lại các cuộc thương thuyết. Nhờ thương thuyết với thiện chí và tôn trọng các quyền của nhau, họ sẽ nhận thức rằng những cuộc thương thuyết chân thành và tích cực không bao giờ loại trừ một thành công trong danh dự”.

Ngoại trưởng Tòa Thánh nói rằng, trong bối cảnh đó, Tòa Thánh ủng hộ tất cả những sáng kiến giúp thi hành các nghĩa vụ do hiệp ước mà các vị quốc trưởng đã ký kết tại LHQ năm 2005 về trách nhiệm bảo vệ dân chúng khỏi nạn diệt chủng, các tội ác chiến tranh, thanh lọc chủng tộc và các tội ác chống lại nhân loại”.

Đức TGM Gallagher nhấn mạnh rằng: ”Các nước lớn và những nước có truyền thống mạnh mẽ hơn trong việc tôn trọng các quyền con người, cần phải là những nước đầu tiên đưa ra những sáng kiến quảng đại ủng hộ hòa bình. Cần sử dụng mọi phương thế ngoại giao và chính trị trong việc thương thuyết, làm trung gian, để ngăn chặn những điều khôn tả.

Ngoại trưởng Tòa Thánh không nêu đích danh Hoa Kỳ và Bắc Triều tiên, nhưng ai cũng hiểu điều ngài muốn nói trong tình trạng căng thẳng hiện nay giữa hai nước (Rei 26-9-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Ký hợp đồng giữa Bộ Truyền Thông và Dòng Tên

Ký hợp đồng giữa Bộ Truyền Thông và Dòng Tên

Roma. Sáng ngày 21-9-2017, một hợp đồng giữa Bộ Truyền Thông và Dòng Tên đã được ký kết tại trụ sở Bộ Truyền Thông ở Roma.

Ký hợp đồng này có Đức Ông Bộ trưởng Dario Edoardo Viganò và Cha Juan Antonio Guerrero Alves, Đại diện Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên đặc trách các tu sĩ của dòng hoạt động trong các cơ sở ở Roma.

Với Hợp đồng này, Dòng Tên bày tỏ sự sẵn sàng cộng tác với Bộ Truyền Thông trong sứ mạng tông đồ trong thế giới truyền thông.

Lên tiếng trong dịp này, Đức Ông Viganò nói: ”Chúng ta đang thực hiện một hành động vâng phục Đức Thánh Cha về những tiêu chuẩn do ngài ấn định. Sự cộng tác mới sẽ mang lại nhiều thành quả vì khi sống một sự phục vụ Giáo Hội, ta đi xa hơn sự thỏa mãn bản thân. Việc phục vụ vượt lên trên mỗi người chúng ta và tôi cầu mong chúng ta có thể sống nghề nghiệp ”theo cách thức của Thiên Chúa”: chúng ta không phải chỉ là những người chuyên nghiệp, nhưng là những người chuyên nghiệp giỏi được biến đổi trong kinh nghiệm về mầu nhiệm Thiên Chúa”.

Đức Ông Viganò chuyển lại sự cám ơn và hài lòng của ĐTC về hình thức mới trong sự cộng tác này trong tiến trình cải tổ.

 Về phần Cha Guerrero Alves, đại biểu của Dòng Tên, cha nói: ”Ơn gọi của dòng Tên là phục vụ Giáo Hội như Giáo Hội yêu cầu. Sự đóng góp của chúng tôi trong lãnh vực truyền thông làm cho chúng tôi hạnh phúc vì chúng tôi có thể góp phần vào những cuộc cải tổ mà ĐTC mong muốn”.

Đài Vatican được ĐTC Piô 11 thành lập ngày 11-2 năm 1931 và ngay từ đầu ngài ủy thác cho dòng Tên đảm trách. Đài lớn mạnh với thời gian và cho đến đầu triều đại của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đài Vatican có 40 chương trình gồm 40 ngôn ngữ khác nhau, và có 21 LM tu huynh dòng Tên cộng tác. Vị Tổng Giám đốc và Giám đốc các chương trình, và nhiều trưởng chương tình đều thuộc dòng Tên.

Với cuộc cải tổ do ĐTC Phanxicô đề xướng, 9 cơ quan truyền thông của Tòa Thánh, trong đó có Đài Vatican, được gộp thành Bộ Truyền Thông (Segreteria per la comunicazione) và ngài Bổ nhiệm Đức Ông Viganò làm Bộ trưởng, cùng với các vị hữu trách mới. Dòng Tên không còn đảm trách đài nữa, và Hiệp định mới ký kết muốn mời gọi sự cộng tác của Dòng vào công tác truyền thông.

Hiện nay trong số các nhân viên của Đài Vatican, có 10 LM dòng Tên làm trưởng chương trình, phần lớn thuộc các nước Đông Âu và 3 LM phục vụ trong ban khác của đài. Ngoài ra có 4 số sinh viên dòng Tên đến thực tập và phục vụ một thời gian tại Đài, trong đó có một thầy người Việt.

G. Trần Đức Anh OP

Lễ Đức Mẹ Sầu Bi: Chiêm ngưỡng Chúa Giêsu vinh hiển trên thập giá

Lễ Đức Mẹ Sầu Bi: Chiêm ngưỡng Chúa Giêsu vinh hiển trên thập giá

Hãy cùng với Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá để chiêm ngắm, chiêm ngưỡng Chúa Giêsu chiến thắng vinh hiển trên thập giá. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong Lễ Đức Mẹ Sầu Bi sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Cần đức tin để nhìn

Chúng ta hãy chiêm ngắm Mẹ của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy chiêm ngưỡng dấu chỉ của chiến thắng, một dấu chỉ rất mâu thuẫn. Đó là Chúa Giêsu. Người chiến thắng vinh hiển, nhưng lại trên Thánh Giá, trên Thánh Giá. Điều này rất mâu thuẫn và không thể hiểu nổi… Chúng ta cần có đức tin để có thể hiểu được điều ấy. Cần có đức tin để có thể tiếp cận mầu nhiệm này.

Mẹ đứng đó

Mẹ Maria biết những điều ấy, và cả cuộc đời, Mẹ đã sống với tâm hồn đớn đau ấy. Mẹ đi theo Chúa Giêsu và nghe những lời bình phẩm mà người ta dành cho Chúa. Có những lần người ta khen tặng êm ai, có những lần người ta chống đối gay gắt. Nhưng phần Mẹ, Mẹ luôn bước theo Con của Mẹ. Đó là lý do mà chúng ta gọi Mẹ là người môn đệ đầu tiên. Và dấu hiệu của sự mâu thuẫn, duyên cớ vấp phạm, như Cụ già Simeon từng nói, tiếp tục đâm thâu tâm hồn Mẹ trong cuộc đời Mẹ.

Cho đến tận cùng, Mẹ đã ở đó, Mẹ đứng đó, lặng lẽ dưới chân thập giá, để nhìn Con của Mẹ. Có lẽ Mẹ cũng nghe những lời chê bai nhạo cười mà dân chúng nói: Hãy nhìn xem, kìa là mẹ của tên phạm pháp. Nhưng Mẹ vẫn đứng đó, trở nên đồng hình đồng dạng với Con của Mẹ.

Thinh lặng chiêm ngắm

Trong thinh lặng, những lời nói ngắn gọn bé nhỏ lúc ấy, giúp chúng ta chiêm ngắm và bước vào mầu nhiệm này. Vào lúc ấy, trong đức tin, Mẹ đã sinh ra chúng ta, Mẹ sinh ra Giáo Hội. Chúa Con nói với Mẹ: Này Bà, đây là các con của Bà. Chúa đã không gọi là Mẹ, mà lại gọi là Bà. Bà ấy, người phụ nữ ấy đứng đó đầy dũng cảm, để rồi nói một cách không chần chừ do dự: Đây là Con của tôi.

Chúng ta hãy dành thời gian để suy gẫm và chiêm ngắm đoạn Tin Mừng hôm nay. Chúng ta hãy để cho Chúa Thánh Thần nói với từng người chúng ta điều chúng ta đang cần.

Tứ Quyết SJ

Đức TGM Leopoldo Girelli, tân Sứ Thần Tòa Thánh tại Israel

Đức TGM Leopoldo Girelli, tân Sứ Thần Tòa Thánh tại Israel

VATICAN. Hôm 13-9-2017, ĐTC đã bổ nhiệm Đức TGM Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trú tại Việt Nam, làm tân Sứ Thần Tòa Thánh tại Israel, kiêm Khâm Sứ Tòa Thánh tại Palestine.

Cho đến nay, Đức TGM Girelli cũng là Sứ thần Tòa thánh tại Singapore, và tại Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN).

Đức TGM Girelli năm nay 64 tuổi, sinh ngày 13-3-1953 tại Bergamo, bắc Italia. Sau thời gian thụ huấn tại Trường Ngoại giao Tòa Thánh, ngài 13-7-1987, Cha Girelli bắt đầu được gửi đi phục vụ tại Tòa Sứ Thần ở Camerun, rồi New Zealand, Bộ ngoại giao Tòa Thánh, sau cùng ngài được gửi đi làm Tham Tán tại tòa Sứ Thần ở Washington, Hoa Kỳ.

Ngày 13-4-2006 ngài được thăng TGM và làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Indonesia, trong thời gian sau đó, ngài kiêm nhiệm thêm các chức vụ Sứ Thần Tòa Thánh tại Đông Timor. Gần 5 năm sau, ngày 13-1-2011, ngài được bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore, Khâm sứ tại Malaysia, Brunei, và Đại diện không thường trú tại Việt Nam.

Sau khi Malaysia thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, Đức TGM Girelli, ngưng làm Sứ Thần tại đây và tại Đông Timor, và ngưng làm Khâm Sứ tại Brunei từ ngày 16-1-2013.

Trong nhiệm vụ này, Đức TGM Girelli đã ra vào Việt Nam hơn 70 lần.

Trong bài giảng tại thánh lễ khai mạc Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc tại La Vang ngày 13-8-2017, Đức TGM Girelli nói rằng: ”Tự do tôn giáo không phải là một cái gì tùy tiện trong tay các nhà chức trách, nhưng tự do tôn giáo là một quyền trong tay của người dân. Nhiều người trên thế giới ước mong rằng quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam phải được tôn trọng hơn, phải được thực thi đầy đủ hơn, và Hội Thánh Công Giáo phải được nhìn nhận như một nguồn thiện tích hơn là một vấn nạn cho đất nước”.

G. Trần Đức Anh OP