Đức Thánh Cha tiếp Hàn Lâm Viện Tòa Thánh các khoa xã hội

Đức Thánh Cha tiếp Hàn Lâm Viện Tòa Thánh các khoa xã hội

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng hôm ngày 20-10-2017, dành cho Hàn lâm viện Tòa Thánh về các khoa xã hội, ĐTC kêu gọi loại trừ những nguyên nhân gây nên tình trạng loại trừ trong xã hội.

Các thành viên Hàn Lâm viện và các chuyên gia nhóm họp để đề ra những kiểu mẫu mới về sự cộng tác giữa thị trường, nhà nước và xã hội dân sự, đứng trước những thách đố thời nay.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC nhắc đến 2 nguyên nhân đặc biệt tạo nên sự loại trừ và những vùng ”ngoại ô của cuộc sống”, trước tiên là sự gia tăng nhất loạt những bất bình đẳng trong xã hội và sự khai thác trái đất, vượt quá sự gia tăng lợi tức và sự phong phú. ĐTC nhận xét rằng hai điều tiêu cực này không phải là một định mệnh không thể tránh được: chúng xảy đến do lối cư xử của cá nhân và cả những qui luật kinh tế mà một xã hội tạo ra cho mình… Nếu trong một xã hội, lợi lộc và dân chủ được coi như mục tiêu, thì người ta sẽ có xu hướng trở thành một xã hội người giàu và làm gia tăng tình trạng chênh lệch, và khai thác trái đất.

Nguyên nhân thứ hai của sự loại trừ là lao công không xứng đáng với con người. Các công nhân viên không được trả lương xứng đáng. ĐTC nói: ”Việc kiến tạo công ăn việc làm mới, nhất là thời nay, đòi phải có những người cởi mở, biến báo, đòi những quan hệ huynh đệ, nghiên cứu vào đầu tư vào sự phát triển các năng lượng sạch để giải quyết những thách đố của sự thay đổi khí hậu. Đó là điều có thể ngày nay. Cũng cần phải tránh những sức ép của các nhóm vận động tư và công, chỉ lo bảo vệ những quyền lợi của phe nhóm. Cũng cần vượt thắng sự lười biếng về tinh thần, và cần làm sao để hoạt động chính trị thực sự nhắm phục vụ con người, công ích và tôn trọng thiên nhiên” (Rei 20-10-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Phật tử và Kitô hữu Myanmar chờ đợi Đức Giáo hoàng Phanxicô viếng thăm

Phật tử và Kitô hữu Myanmar chờ đợi Đức Giáo hoàng Phanxicô viếng thăm

Yangon, Myanmar – Các Phật tử và Kitô hữu ở Myanmar đang nôn nóng chờ đợi chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô từ ngày 27-30/11/2017. Từ hôm 12/10, trước nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm ở Yangon treo tấm bảng lớn với hình Đức Giáo hoàng, thông báo chuyến viếng thăm của ngài cũng như chào mừng ngài đến Myanmar.

Zarni Saya, một tín hữu Công giáo trẻ thuộc giáo phận Pathein tạ ơn Chúa và biết ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô về chuyến viếng thăm sắp tới tại quốc gia phần lớn theo Phật giáo. Anh hy vọng sự hiện diện của Đức Thánh Cha có thể giúp cho việc thăng tiến hòa bình và hòa giải. Saya nói: “Đề tài được Đức Thánh Cha chọn như đường hướng của chuyến viếng thăm, hòa bình và hòa giải, có ý nghĩa cho cả đất nước. Trong quá khứ, xã hội Myanmar đã đau khổ nhiều. Ngày nay người ta ghi nhận sự cởi mở rộng rãi trên toàn quốc về tự do và hy vọng, dù có nhiều thách thức mà đất nước đang đối mặt, bao gồm vấn đề tế nhị về người Hồi giáo Rohingya tại bang Rakhine.”

Đối với một tu sĩ Phật giáo Sucitta, “sự hiện diện của Đức Giáo hoàng sẽ truyền tải thiện ý đến mọi người. Xã hội nói chung có thể tìm ra con đường đổi mới.”

Esther Byu, nguyên tổng thư ký điều hành của Ủy ban phụ nữ của tổ chức đại kết Cộng đồng Kitô giáo ở Á châu nói thêm: “Chuyến viếng thăm của Đức giáo hoàng là dấu chỉ sự quan tâm của Thiên Chúa với dân tộc đã chịu nhiều đau khổ trong các thập niên qua. Tôi chắc chắc rằng ngài sẽ khuyến khích tất cả cộng tác với nhau cho sự thịnh vượng và phát triển.

Đối với các tín hữu Tin lành trẻ tuổi, chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô là một chúc lành cho tất cả. Chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng chứng tỏ sự cởi mở rất nhiều của Myanmar so với trước đây. Chuyến viếng thăm này cũng hướng sự chú ý của thế giới đến Myanmar và họ muốn biết hơn về quốc gia và dân chúng Myanmar. Theo Patrick Loo Tone, chủ tịch Hội đồng các Giáo hội ở Myanmar, “nhiều người dân Myanmar không biết nhiều đến các Kitô hữu. Với việc Đức Giáo hoàng đến nước này, cả trong và ngoài nước, ngừoi dân quan tâm, muốn biết đến tình hình và những lo âu của họ. chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng mở ra một cánh cửa cho tất cả.” Myanmar có 51 triệu dân và phần lớn theo Phật giáo. Theo số liệu năm 2016, số Kitô hữu chiếm 6,3% dân số nước này, với 700 ngàn tín hữu Công giáo tại 16 giáo phận. (Fides/Asia News 16/10/2017)

Hồng Thủy

 

Hội đồng Giám mục Italia tài trợ các dự án bác ái

Hội đồng Giám mục Italia tài trợ các dự án bác ái

Hội đồng Giám mục Italia, qua ủy ban trợ giúp bác ái, đã tài trợ 30 triệu 432 ngàn euro, cho các dự án bác ái tại các nước thuộc thế giới thứ ba. Ủy ban bác ái này đã họp ở Roma cách đây hai tuần và chấp thuận các hoạt động trợ giúp và phát triển ở châu Phi, châu Mỹ Latinh, châu Á, vùng Cận đông, Đông âu và châu đại dương.

Trong số các dự án được tài trợ, có việc xây dựng một bệnh viện ở khu Temeke của Tanzania. Bệnh viện này được xây để đáp ứng các nhu cầu khẩn thiết đa dạng của dân địa phương khi họ phải trải qua đoạn đường cả 30 cây số để đến bệnh viện gần nhất. Nhiều người đã chết trên đường di chuyển. Nguy hiểm càng gia tăng đối với phụ nữ sắp sinh con.

Tại Trung phi, một khu trường học được xây dựng cho các học sinh vùng nông thôn, thuộc tổng giáo phận Bangui. Còn tại Haiti, nơi bị thiệt hại nặng nề do bão Matthew, dự án sẽ trợ giúp kinh tế, xã hội, môi trường cho 500 đơn vị gia đình. Kế hoạch tài trợ nhắm đến nhiều phương diện, để hoạt động lại mạch sản xuất bị gián đoạn bởi thiên tai, thành lập một quỹ tín dụng nhỏ, thu hồi nước bị ô nhiễm, sửa chữa nhà bị hư hỏng, mua cây giống và dụng cụ nông nghiệp để xây dựng các đồn điền (cây ăn quả, cây lấy gỗ) đã bị phá hủy.

Trong 19 chương trình tài trợ cho Á châu có chương trình xây dựng nơi cư trú cho người không nhà ở Pakistan và chống lại tệ nạn nô lệ và lao động trẻ em. Tại vùng Cận đông, một dự án nhắm tái hội nhập những người nghiện ngập ở Libăng vào xã hội. (REI 02/10/2017)

Hồng Thủy

Công nghị tổng giáo phận Calcutta

Công nghị tổng giáo phận Calcutta

Calcutta – Công nghị tổng giáo phận Calcutta trong tinh thần gia sản Mẹ Têrêsa đã được tổ chức từ ngày 26-30/09 vừa qua.

Đức cha Thomas D’Souza, tổng giám mục sở tại cho biết là các tín hữu Công giáo đã chuẩn bị cho sự kiên này trong 4 năm. Đức cha nhấn mạnh về ưu tiên của tổng giáo phận là truyền giảng Tin mừng và sống đời sống Kitô hữu như những chứng tá luôn hướng đến người nghèo. Đức cha nói: “Chúng tôi sống gia sản của Mẹ Têrêsa, do đó sự dấn thân của chúng tôi vì người nghèo mang lại ân phúc cho tổng giáo phận, cho các giáo dân, giáo sĩ, tu sĩ và cho tất cả.”

Chủ đề của công nghị giáo phận là “Tin tưởng vào Thiên Chúa, được Ngài chăm sóc”. Công nghị đã diễn ra tại chủng viện miền “Sao Mai” ở Barrackpore và có 161 đại biểu đến từ tất cả các giáo xứ của giáo phận.

Các yếu tố căn bản của sự kiện này được đưa ra vào năm 2013 khi Giáo hội địa phương quyết định đưa ra hai giai đoạn tham dự vào xã hội: hướng thứ nhất với chương trình mục vụ giáo xứ và hướng thứ hai qua công nghị, trong đó báo cáo và mở rộng các kết quả đạt được trong giai đoạn một.

Các đại biểu đã thảo luận về 12 đề tài được đề nghị trong chương trình giáo xứ, bao gồm: đời sống Kitô hữu, đại kết và đối thoại liên tôn, giáo dục, công bình xã hội, loan báo Tin mừng, gia đình, sức khỏe, giáo dân, các cộng đoàn Kitô nhỏ, truyền thông xã hội, phụ nữ và giới trẻ. Các đề xuất sẽ được tổng hợp trong kế hoạch mà tổng giáo phận sẽ trình bày vào ngày 26/11 tới đây. (Asia News 03/10/2017)

Hồng Thủy

Tự sắc mới lập Học Viện Gioan Phaolô 2 hôn nhân gia đình

Tự sắc mới lập Học Viện Gioan Phaolô 2 hôn nhân gia đình

VATICAN. ĐTC đã ban hành Tông thư tự sắc thành lập Giáo Hoàng Học Viện Gioan Phaolô 2 về hôn nhân và gia đình.

Tự sắc mới mang tựa đề ”Summa Familiae cura” (Săn sóc tối đa cho gia đình), mang chữ ký của ĐTC ngày 8-9 vừa qua và bắt đầu có hiệu lực từ ngày đăng trên báo ”Quan sát viên Roma” tức là từ ngày hôm qua 19-9-2017.

Học viện mới thay thế cho Giáo Hoàng Học Viện Gioan Phaolô 2 về Hôn nhân và gia đình được lập và hoạt động cạnh Giáo Hoàng Đại Học Laterano ở Roma. Lý do khiến ĐTC Phanxicô quyết định thành lập Học Viện mới vì ”sự thay đổi về nhân học và văn hóa, ảnh hưởng tới mọi khía cạnh của đời sống, đòi phải có một lối tiếp cận phân tích và khác, chứ không phải chỉ giới hạn vào những thực hành mục vụ và sứ mạng phản ánh những hình thức và kiểu mẫu quá khứ. Chúng ta phải là những người giải thích có ý thức và say mê về sự khôn ngoan đức tin trong một bối cạnh trong đó con người ít được nâng đỡ hơn so với trước đây, nhờ những cơ cấu xã hội, trong đời sống tình cảm và gia đình của họ. Vì thế, với chủ ý rõ rệt trung thành với giáo huấn của Chúa Kitô, với sự hiểu biết yêu thương và óc thực tiễn khôn ngoan, chúng ta phải nhìn thực tại gia đình ngày nay, với tất cả sự phức tạp, những điểm sáng và điểm tối”.

ĐTC cũng khẳng định rằng Học viện mới về hôn nhân và gia đình sẽ mở rộng lãnh vực quan tâm, theo những điều kích mới của công tác mục vụ và sứ mạng của Giáo Hội, cũng như tham chiếu những phát triển của các khoa nhân văn và nền văn hóa nhân học ngày nay trong lãnh vực rất quan trọng đối với nền văn hóa sự sống”.

Trong phần 2 của Tự Sắc, có 6 điều khoản qui định về vị thế pháp lý của Học Viện mới, tương quan với Huấn quyền và các cơ quan Tòa Thánh như Bộ giáo dục Công Giáo, Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, và Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống (Rei 19-9-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Giáo hội Pakistan cử hành Năm Thánh thể vào năm 2018

Giáo hội Pakistan cử hành Năm Thánh thể vào năm 2018

Multan – Đức cha Benny Travas của giáo phận Multan và cũng là chủ tịch ủy ban phụng vụ của Hội đồng Giám mục Pakistan đã thông báo rằng Giáo hội Pakistan sẽ cử hành năm 2018 như Năm Thánh Thể đặc biệt.

Đức cha Travas nói vỡi hãng tin Fides: “Chúng tôi muốn đặt Thánh Thể là trung tâm của đời sống Kitô hữu, của các gia đình, các nhà của chúng tôi.” Đức cha cũng giải thích về ý tưởng nảy sinh từ việc phái đoàn Pakistan tham dự đại hội Thánh thể quốc tế được tổ chức ở Cebu, Philippines. Ngài cho biết đó là một kinh nghiệm cảm động và các ngài ao ước làm sống lại tinh thần này ở Pakistan. Tất cả Giám mục Pakistan đã đồng ý việc cử hành năm Thánh thể vào năm 2018.

Chủ đề được lấy từ Tin mừng thánh Gioan: “Ta là bánh hằng sống”. Lễ khai mạc trọng thể được tổ chức từ 24-26/11 năm nay, ở Karachi, với Thánh lễ được cử hành tại nhà thờ chánh tòa thánh Patrick. Cũng sẽ có các chương trình và sáng kiến được tổ chức ở cấp giáo phận. Lễ bế mạc được cử hành lại Lahore từ 21-24/11/2018.

Ban tổ chức, bao gồm một thành viên của mỗi giáo phận, sẽ phụ trách chuẩn bị các chương trình và các hoạt động mục vụ, ví dụ như việc chầu Thánh thể tại các giáo xứ, các buổi hội họp và giáo lý cho giới trẻ, các gia đình, trường học, trẻ em.

Đức cha Travas kết luận rằng cuộc sống của các tín hữu Pakistan “là một cuộc sống Thánh Thể khi đứng trước những đau khổ, bạo lực hay phân biệt đối xử bất công, họ cảm tạ và ngợi khen Chúa. Nhưng sức mạnh này và tinh thần này chỉ có thể đến từ việc đặt Thánh Thể như nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống cá nhân, của mỗi tín hữu sống taị quê hương yêu dấu của chúng tôi.”

Đức cha Travas khẳng định với Fides, trong tháng 8, có 3 Kitô hữu ở Pakistan bị giết hại do những tranh chấp tài sản và tôn giáo. Ngài nói: “Trước các bạo lực, thái độ của chúng tôi là thái độ Thánh Thể: không đáp trả bằng điều ác nhưng trao phó cho Thiên Chúa đau khổ của chúng tôi, đón nhận ý Chúa với lòng biết ơn và chúc tụng và cầu nguyện cho hòa bình.” (Agenzia Fides 4/9/2017)

Hồng Thủy

 

Hai bổ nhiệm Giám Mục tại Việt Nam

Hai bổ nhiệm Giám Mục tại Việt Nam

VATICAN. Hôm 25-8-2017, Phòng Báo chí Tòa Thánh thông báo: ĐTC đã bổ nhiệm Đức Cha Giuse Trần Văn Toản làm Giám Mục Phó với quyền kế vị của Giáo Phận Long Xuyên.

Đức Cha Giuse Toản, năm nay 62 tuổi, sinh ngày 7-4-1955 tại tỉnh Quảng Nam, Giáo Phận Đà Nẵng, song thân ngài gốc giáo phận Thái Bình di cư vào đây. Cách đây 3 năm, ngày 5-4-2014, trong khi làm Giám Đốc Trung Tâm Mục Vụ của Giáo Phận Long Xuyên, ngài được ĐTC Bổ nhiệm làm Giám Mục hiệu tòa Acalisso, Phụ Tá giáo phận Long Xuyên.

Với bổ nhiệm mới, Đức Cha Giuse Trần Văn Toản sẽ đương nhiên kế nhiệm Đức Cha Giuse Trần Xuân Tiếu (1945) khi ngài từ nhiệm.

Tân Giám Mục Phụ Tá Sàigòn

Mặt khác, ĐTC cũng bổ nhiệm Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Văn phòng Tổng thư ký HĐGM Việt Nam, làm GM Phụ tá Tổng Giáo Phận Thành Phố Hồ Chí Minh.

Đức Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, năm nay 57 tuổi, sinh ngày 6-4 năm 1960 tại Quảng Nam, Đà Nẵng, nhưng thuộc Tổng Giáo phận Thành Phố Hồ Chí Minh.

Cha Louis Tuấn thụ phong Linh mục năm 1999 và làm Phó xứ Giáo Xứ Phú Nhuận, rồi du học Roma tại Giáo Hoàng Học Viện Gioan Phaolô 2 về gia đình, từ 2001 đến 2007, và đậu tiến sĩ tại đây.

Về nước, Cha Louis Tuấn làm Phó Giám Đốc Trung Tâm Mục vụ của giáo phận, và làm thư ký của Hội Đồng GM Việt Nam cho giáo tỉnh Thành Phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Ủy ban về gia đình của giáo phận. Từ 3 năm nay, cha làm Giám Đốc Văn phòng Tổng thư ký HĐGM Việt Nam (Rei 25-8-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Chứng từ của bà Noella về sự trợ giúp của Đức Mẹ Maria

Chứng từ của bà Noella về sự trợ giúp của Đức Mẹ Maria

Noella Castiglioni là một phụ nữ gốc Congo. Vào năm 21 tuổi, Noella đã kết hôn với Adelio, một tình nguyện viên hoạt động tại Congo trong nhiều năm. Họ đã có với nhau 3 đứa con. Sau đó, đôi vợ chồng trở về Italia sinh sống, nhưng bà Noella và gia đình thường trở lại Congo để cộng tác với chồng, tiếp tục các hoạt động tại đây.

Năm 1995, một sự kiện đau thương đã xảy ra với họ và đã thay đổi cuộc sống của bà và gia đình. Vào tháng 8, trên đường chuẩn bị cho chuyến trở về Italia, họ đã bị tấn công. Chồng của bà Noella, 2 người con và e tình nguyện viên của hiệp hội “Thế giới công bằng” đã bị giết chết thảm thương. Bà Noella đã sống sót cách kỳ diệu, nhưung sau nhiều tháng chữa trị trong bệnh viện, bà đã bị mất lá lách, thận và không thể sử dụng đôi chân; bà phải ngồi xe lăn.

Từ năm 1998, bà theo đoàn hành hương giáo phận đến Lộ đức, nhờ sự giúp đỡ của người bạn Enzo Castelli. Hiện nay, ông Enzo đã qua đời, nhưng có người con trai của ông là anh Ivan giúp đỡ bà. Bà Noella có một niềm tin lớn lao nơi Đức Mẹ, bà luôn tạ ơn Đức Mẹ vì đã nâng đỡ bà.

Đức Mẹ là sức mạnh của bà, sức mạnh mà bà tìm được sau khi xảy ra thảm kịch năm 1995, và cũng chính với sức manh này, bà Noella đã thành lập hội Parsac. Qua hiệp hội này, bà Noella đã hoạt động để giúp cho Congo, ví dụ như xây dựng một trường cho 350 trẻ em, hay một trung tâm cho trẻ câm điếc hay mù lòa, nơi có thể đón tiếp 50 em. Hiện nay bà Noella có một dự án được mở gần thủ đô Kinshasa, đó là trung tâm đón tiếp các trẻ em con của các bà mẹ bị bạo lực tình dục. Ở Congo, những phụ nữ này thường bị bỏ rơi.

Người phụ nữ ngồi xe lăn này có một sức mạnh nội tâm to lớn. Dù cho những thử thách nặng nề bà đã chịu, bà không bao giờ ngừng chiến đâu. Bà nói rằng Đức Mẹ giúp bà, ban cho bà khả năng biến những đau thương xảy ra với bà thành điều tốt. Bà đang giúp đỡ cho rất nhiều người. (Giornale del Popolo 25/08/2017)

Hồng Thủy

Đại hội giới trẻ châu Âu vì hòa bình lần thứ 7

Đại hội giới trẻ châu Âu vì hòa bình lần thứ 7

Cuộc gặp gỡ giới trẻ Châu Âu vì hòa bình lần thứ VII đang được tổ chức tại Barcelona, Tây Ban Nha, nơi đã xẩy ra thảm kịch khủng bố làm cho hơn 100 người chết và bị thương.

Cuộc gặp gỡ này là sinh hoạt được cộng đồng thánh Egidio tổ chức. Các lần gặp gỡ trước được tổ chức lần lượt tại Assisi, Krakow, Roma, Berlin, Anversa và Paris.

Cuộc gặp gỡ lần VII có chủ để là “Thêm người trẻ, thêm hòa bình”, được kéo dài 3 ngày, bắt đầu chiều thứ sáu, 25/08 và kết thúc vào Chúa Nhật 27/08. Chương trình gồm có các buổi hội họp, suy tư, trao đổi, thăm viếng và kết ban. Phần lớn người tham dự là các học sinh và sinh viên đại học thuộc châu Âu, nhưng cũng có đại diện của phong trào tại châu Phi, châu Á và Nam Mỹ.

Những người trẻ tin rằng tin rằng sự liên đời là nền tảng để xây dựng hòa bình. Những người trẻ này, trong suốt năm, mỗi ngày dấn thân vào trong những tình cảnh bên lề xã hội để giúp các trẻ em trong những khu phố nghèo khổ, thăm viếng người cao tuổi, giúp đỡ người vô gia cư và đón tiếp người tị nạn. Cuộc gặp gỡ là nơi diễn tả quan niệm này về hòa bình và gửi đến tất cả lời kêu gọi mạnh mẽ cho hòa bình.

Chiều 25/08, vào lúc 18 giờ, tại Rambla, sau cuộc đi bộ, các tham dự viên đã đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân của cuộc khủng bố ở Barcelona và Cambrils và đọc tuyên ngôn hòa bình. Ngày thứ Bảy, 26/08, các bạn trẻ tham gia vào cuộc tuần hành của Barcelona, chống lại khủng bố và cổ võ sống chung hòa bình.

Nói có với hòa bình và liên đới, nói không với khủng bố và chia rẽ đang đe dọa sự sống chung và tương lai của thế giới, là lời kêu gọi mạnh mẽ của những người trẻ tại Barcelona trong những ngày này. (RV 25/08/2017)

Hồng Thủy

Khẩu hiệu và logo chuyến viếng thăm Pêru của Đức Thánh Cha Phanxicô

Khẩu hiệu và logo chuyến viếng thăm Pêru của Đức Thánh Cha Phanxicô

Hội đồng Giám mục Pêru đã công bố khẩu hiệu và chuyến viếng thăm quốc gia này, từ ngày 18-21/01/2018, của Đức Thánh Cha Phanxicô. Đây là lần thứ 3 Pêru được người kế vị thánh Phêrô viếng thăm.

“Unidos por la speranza” – Hiệp nhất bởi hy vọng – là lời mời gọi hoạt động cho sự hiệp nhất dưới sự hướng dẫn của hy vọng, điều Đức Thánh Cha đã ngỏ lời với người dân Pêru trong sứ điệp video gửi đến họ hồi đầu tháng 8 này.

Các yếu tố được trình bày trong logo là: sự gần gũi, cầu nguyện và hiệp nhất. Đôi bàn tay: màu đỏ và vàng, màu cờ Pêru và Vatican, như hình đôi cánh đang cầu nguyện, ngợi khen và vui mừng với việc Đức Thánh Cha đến Pêru. Bản đồ Pêru thể hiện sự gần gũi của Đức Thánh Cha với Pêru qua sự hiện diện của ngài. Hình ảnh tươi cười của Đức Thánh Cha trong bản đồ nước Pêru diễn tả sự liên kết của các miền đất nước để đón tiếp Đức Thánh Cha.

Theo các Giám mục Pêru, logo muốn diễn tả sự gần gũi của Đức Thánh Cha với nhân dân Pêru và sự đồng hành của ngài trên hành trình đức tin, đồng thời muốn xác định rằng ngày lễ hội trong hy vọng sẽ đoàn kết mọi người. (REI 19/08/2017)

Hồng Thủy

Khẩu hiệu và logo chuyến viếng thăm Chilê của Đức Thánh Cha Phanxicô

Khẩu hiệu và logo chuyến viếng thăm Chilê của Đức Thánh Cha Phanxicô

“Mi paz les doy” – tôi ban bình an của tôi cho họ – là khẩu hiệu tiếng Tây ban nha của chuyến viếng thăm Chilê của Đức Thánh Cha Phanxicô từ ngày 15-18/01/2018. Khẩu hiệu này lấy ý từ lời Chúa trong Tin mừng thánh Gioan 14,27: “Thầy để lại bình an cho anh em”.

Ủy ban quốc gia chuẩn bị cho chuyến viếng thăm này cho biết, câu này vừa quen thuộc với các tín hữu Công giáo và cả người ngoài Công giáo. Nó diễn tả rằng với cuộc viếng thăm của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô mang lời của Chúa Giêsu như món quà đến cho Chilê. Trong thông cáo, Ủy ban cũng nhấn mạnh rằng: “Với chuyến viếng thăm này, Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích một nền văn hóa gặp gỡ, thúc đẩy một bầu khí hiệp nhất cho dân tộc Chilê.”

Logo của chuyến viếng thăm rất đơn giản nhưng chứa đựng 3 yếu tố chính của cuộc viếng thăm: Thánh giá và khẩu hiệu là hai điều nhắc đến Chúa Kitô;  chữ ký và lá cờ nói đến Đức Thánh Cha; và bản đồ nước Chilê với hàng chữ “Chilê 2018” được viết bằng màu đỏ và xanh dương, hai màu cờ của Chilê, nói đến quốc gia này.

Được biết logo này không phải là một tác phẩm của một tác giả, nhưng là kết quả làm việc của một nhóm các nhà vẽ mẫu, các nhà truyền thông, các linh mục và giáo dân. (REI 20/08/2017)

Hồng Thủy

 

Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các nạn nhân ở Barcelona

Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các nạn nhân ở Barcelona

VATICAN. ĐTC quan tâm và cầu nguyện cho các nạn nhân vụ khủng bố ở thành Barcelona, Tây Ban Nha.

Vụ khủng bố xảy ra khoảng 5 giờ chiều ngày 17-8-2017 ở khu vực Ramblas dành cho khách bộ hành, nơi có đông đảo dân chúng và du khách ở trung tâm thành Barcelona. Kẻ khủng bố lái xe minibus đâm vào đông đảo dân chúng trên quãng đường 700 mét, làm cho 13 người thiệt mạng và 80 người bị thương theo tin sơ khởi.

Ông Greg Burke, Giám đốc phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết ”ĐTC rất quan tâm vì những gì đang xảy ra tại Barcelona. Ngài cầu nguyện cho các nạn nhân vụ khủng bố này và muốn bày tỏ sự gần gũi với toàn dân Tây Ban Nha, đặc biệt những người bị thương và gia đình các nạn nhân”.

Nhiều vị lãnh đạo Công Giáo trên thế giới cũng bày tỏ tình liên đới với các nạn nhân, bắt đầu từ HĐGM Tây Ban Nha. Đức Ông José Gil Tamayo, Tổng thư ký, cho biết các GM lo âu theo dõi và cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình họ, đồng thời bày tỏ sự liên đới hoàn toàn với xã hội đang bị tấn công qua những hành động này, đặc biệt với nhân dân thành Barcelona và các lực lượng an ninh. Các GM Tây Ban Nha lên án mọi hành động khủng bố, một phương pháp tự nó xấu ra, không thể dung hợp với luân lý sự sống, công chinh và hợp lý. Không những nó làm thương tổn trầm trọng đến quyền sống và tự do, nhưng còn biểu lộ thái độ bất bao dung tột độ và độc đoán”.

”Các GM Tây Ban Nha cũng xin tất cả các tín hữu dâng lời cầu nguyện xin Thiên Chúa ban ơn an nghỉ đời đời cho những người bị thiệt mạng, cho những người bị thương sớm được bình phục, an ủi các gia đình, ban an bình cho tâm hồn những người thiện chí và để không bao giờ tái diễn những hành động xấu xa đó tái diễn”.

Tại Hoa Kỳ, Đức Cha Oscar Cantú, GM giáo phận Las Cruces, NM, Chủ tịch Ủy ban GM Mỹ về Công lý và Hòa bình, đã ra tuyên ngôn nói rằng:

”Một lần nữa, một hành vi khủng bố đã làm cho hơn 1 tá người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. HĐGM Hoa Kỳ quyết liệt lên án hành vi đáng kinh tởm này về mặt luân lý và liên đới với dân chúng của Tổng giáo phận Barcelona và Tây Ban Nha đang ở trong thời điểm mất mát và đau buồn.”

Đức Cha Cantú cũng nói rằng: ”Những vụ tấn công khủng bố chống các thường dân vô tội không bao giờ có thể biện minh được.. Trực tiếp tấn công những người nam nữ và trẻ em vô tội là điều tuyệt đối đáng trách.. Xin Thiên Chúa an ủi những người sầu muộn và hoán cải tâm hồn những kẻ thì hành những hành vi như thế” (CNS 17-8-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha chia buồn vụ đất lở ở Sierra Leone

Đức Thánh Cha chia buồn vụ đất lở ở Sierra Leone

VATICAN. ĐTC chia buồn và liên đới với các nạn nhân vụ đất lở vì mưa lũ tại Sierra Leone làm cho hơn 400 người bị thiệt mạng ở ngoại ô thủ đô Freetown. Hàng trăm người bị mất tích.

Trong điện văn gửi đến Đức TGM Charles Edward Tamba, TGM Freetown, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh viết:

”Đau buồn sâu xa vì hậu quả tàn hại của vụ đất lở ở ngoại ô Freetown, ĐTC Phanxicô bày tỏ sự gần gũi với những người bị mất những người thân yêu trong lúc khó khăn này. Ngài cầu nguyện cho những người bị thiệt mạng và cầu xin Chúa ban phúc lành, sức mạnh và ơn an ủi cho các thân nhân và bạn hữu của họ. ĐTC cũng liên đới với những người cứu cấp và tất cả những người tham gia vào việc cứu trợ nâng đỡ các nạn nhân thiên tai này”.

Theo tổ chức Caritas Đức, tình hình ở địa phương rất trầm trọng và có thêm những vụ đất lở. Giám đốc Caritas Sierra Leone, ông Peter Konteh, cho biết các nạn nhân đang được tạm trú và ngăn ngừa sự bộc phát các bệnh truyền nhiễm. Caritas quốc tế đã dành ngay ngân khoảng 50 ngàn Euro để góp phần cứu trợ khẩn cấp cho các nạn nhân”.

Caritas Sierra Leone cho biết nước này thuộc vào số những quốc gia bị tai ương đe dọa trầm trọng nhất. Trong thập niên 1990, Sierra Leone bị nội chiến. Cách đây 5 năm, hàng ngàn người tại đây đã chết vì bệnh dịch tả và dịch Ebola (KNA 16-8-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Hồng y Clemis chia buồn về thảm kịch tại bệnh viện Gorakhpur, Ấn độ

Đức Hồng y Clemis chia buồn về thảm kịch tại bệnh viện Gorakhpur, Ấn độ

“Giáo hội Ấn độ thương khóc cái chết của các nạn nhân vô tội, cái chết của các trẻ em trong thảm kịch xảy ra tại bệnh viện Gorakhpur”. Đó là những lời phân ưu chia buồn của Đức Hồng y Baselios Cleemis, chủ tịch Hội đồng Giám mục Ấn độ, thay mặt cộng đoàn Công giáo Ấn dộ, gửi đến gia đình của  các nạn nhân trong thảm kich xảy ra tại bệnh viện Gorakhpur, một trong những bệnh viện lớn thuộc bang Uttar Pradesh.

Theo tin địa phương, số các nạn nhân tử vong có thể đã lên đến 79. Đức Hồng y gọi đây là một mất mát vô cùng lớn lao và ảnh hưởng đến toàn quốc gia. Ngài nói rằng chính quyền lẽ ra phải cung cấp các dịch vụ chăm sóc đầy đủ, và bây giờ phải có những hành động đúng đắn kịp thời.

Thảm kịch xảy ra trong những ngày vừa qua tại khoa nhi sơ sinh và thần kinh. Theo các điều tra viên, các công ty cung cấp các túi oxy đã ngừng phân phối cho bệnh viện do các khoản nợ chưa thanh toán. Giám đốc điều hành của công ty biện minh bằng cách tuyên bố đã thông tin đầy đủ cho ban quản trị bệnh viện.

Cái chết của các trẻ em hướng sự chú ý đến những thiếu sót nghiêm trọng của hệ thống y tế công cộng của Ấn Độ. Các chuyên gia trong nước cho rằng việc thay đổi trong chính phủ đã chỉ làm cho tình trạng khó khăn về nhân sự và vật tư thêm tệ hơn.

Đức Hồng y Cleemis nói: “Trong thời điểm vô cùng đau này,   Giáo Hội cống hiến hỗ trợ cần thiêt cho gia đình các nạn nhân. Chúng tôi cầu nguyện xin Chúa ban cho họ sự an ủi.”

(Asia News 14/08/2017)

Hồng Thủy

Đức Hồng Y Parolin viếng thăm chính thức tại Nga

Đức Hồng Y Parolin viếng thăm chính thức tại Nga

ROMA. ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, sẽ viếng thăm chính thức tại Nga từ chiều ngày 20 đến 24-8 tới đây.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo ”Người đưa tin chiều” (Corriere della sera) số ra ngày 9-8-2017, ĐHY Parolin cho biết bối cảnh cuộc viếng thăm này là ”những căng thẳng và xung đột gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới”, và Tòa Thánh xác tín hòa bình phải là một ưu tiên rõ ràng và vô điều kiện.

Trong chương trình viếng thăm, ĐHY Quốc vụ khanh sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, và Đức Thượng Phụ Kirill I, Giáo Chủ Chính Thống Nga.

Về tương quan giữa Nga và Mỹ, ĐHY Parolin hy vọng rằng ”cả hai bên đều cần hành động với tinh thần trách nhiệm để tránh làm gia tăng những căng thẳng. Để được vậy cần nhìn nhận ”những sai lầm có thể có, đã gây ra tình trạng hiện nay”. Thật là một điều bi thảm nếu các tương quan tiếp tục trở nên xấu hơn”.

ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh cũng nhìn nhận rằng ”Đông Âu thật là quan trọng đối với sự ổn định và hiệp nhất của toàn đại lục Âu Châu. Những đối nghịch về ý thức hệ của thời kỳ chiến tranh lạnh không biến mất một sáng một chiều. Đứng trước những bối cảnh chính trị địa lý mới, cần phải tận dụng mọi cơ hội để khích lệ sự tôn trọng, đối thoại và cộng tác với nhau”.

Trong cuộc phỏng vấn, ĐHY Parolin nhắc đến những cuộc viếng thăm trước đây của ngài tại Bạch Nga, miền Caucase, và các nước vùng Baltique, cũng như tại Ucraina. Cuộc viếng thăm sắp tới của ngài tại Nga bổ túc cho các cuộc viếng thăm vừa nói.

ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh tái cảnh giác chống lại xu hướng đặt các quyền lợi quốc gia và tư lợi trên công ích. Trên trường quốc tế không thể chấp nhận ”luật của sức mạnh, nhưng sức mạnh của luật” (Corr. 9-8-2017)  

G. Trần Đức Anh OP 

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 6-8-2017

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 6-8-2017

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 6-8-2017, ĐTC mời gọi các tín hữu hãy tận dụng kỳ hè để nghỉ ngơi, lắng nghe và gần gũi Chúa hơn, để hăng say phục vụ anh chị em trong đời sống thường nhật.

Huấn dụ

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng theo thánh Mathêu (17,1-9) lễ Chúa Hiển Dung trên núi trước mặt 3 môn đệ. Ngài nói:

”Chúa nhật này, phụng vụ cử hành lễ Chúa Hiển Dung. Trang Tin Mừng hôm nay thuật lại rằng các Tông Đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan chứng kiến biến cố ngoại thường này. Chúa Giêsu mang các ông theo Ngài ”và dẫn họ ra một nơi riêng, trên núi cao” (Mt 17,1), và trong khi Chúa cầu nguyện, khuôn mặt Ngài biến dạng, sáng chói như mặt trời, và áo Người trở nên trắng như ánh sáng. Bấy giờ Ông Môisê, Elia xuất hiện, và chuyện vãn với Chúa. Lúc ấy Phêrô nói với Chúa Giêsu: ”Lạy Chúa, chúng con ở đây thật là tốt! Nếu Chúa muốn, con sẽ dựng 3 lều, một cho Chúa, một cho Môisê và một cho Elia” (v.4). Ông còn đang nói thì một đám mây sáng bao phủ các ông.”

ĐTC nhận xét rằng ”Biến cố Chúa hiển dung mang lại cho chúng ta một sứ điệp hy vọng: mời gọi chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu, để phục vụ anh chị em.

Việc các môn đệ lên núi Tabor khiến chúng ta suy tư về tầm quan trọng cần tách rời những sự trần tục, để thực hiện một hành trình lên cao và chiêm ngắm Chúa Giêsu. Vấn đề ở đây là đặt mình lắng nghe và cầu nguyện với Chúa Kitô, Con yêu dấu của Chúa Cha, tìm kiếm những lúc cầu nguyện thân mật giúp ta vui mừng và ngoan ngoãn đón nhận Lời Chúa. Chúng ta được mời gọi tái khám phá sự thinh lặng mang lại an bình và bổ dưỡng nhờ suy niệm Phúc Âm, dẫn tới một mục tiêu đầy vẻ đẹp, huy hoàng và vui mừng. Trong viễn tượng này, mùa hè là lúc Chúa Quan Phòng dự liệu để gia tăng nơi chúng ta sự dấn thân tìm kiếm và gặp gỡ với Chúa. Trong thời kỳ này, các học sinh sinh viên được rảnh rỗi những công việc học đường và bao nhiêu gia đình nghỉ hè; điều quan trọng là trong thời kỳ nghỉ ngơi và không phải bận rộn công việc thường nhật, chúng ta có thể bồi bổ sức mạnh của thân xác và tinh thần, đào sâu hành trình thiêng liêng.

”Vào cuối kinh nghiệm tuyệt vời về sự Hiển dung, các môn đệ xuống núi (xc v.9) với đôi mắt và con tim được biến đổi nhờ cuộc gặp với Chúa. Đó là hành trình mà chúng ta cũng có thể thực hiện. Sự tái khám phá Chúa Giêsu ngày càng sinh động không phải là một mục tiêu tự tại, nhưng dẫn đưa chúng ta ”xuống núi”, được bổ dưỡng nhờ sức mạnh của Thánh Linh, để quyết định những bước tiến mới chân thành hoán cải và liên tục làm chứng về đức bác ái, như qui luật đời sống thường nhật. Được biến đổi nhờ sự hiện diện của Chúa Kitô và sự nồng cháy của Lời Ngài, chúng ta sẽ là dấu chỉ cụ thể về tình yêu của Thiên Chúa mang sức sống cho tất cả anh chị em chúng ta, đặc biệt những người đau khổ, những người cô đơn và bị bỏ rơi, các bệnh nhân và đông đảo những người nam nữ trên thế giới, đang bị tủi nhục vì bất công, cường quyền và bạo lực.

ĐTC kết luận rằng: “Trong cuộc Hiển Dung, ta nghe thấy tiếng Chúa Cha trên trời nói: ”Này là Con Ta yêu dấu. Hãy nghe lời Người!” (v.5). Chúng ta hãy nhìn lên Mẹ Maria, Đức Trinh Nữ lắng nghe, luôn sẵn sàng đón nhận và cẩn giữ trong tâm hồn mỗi lời của Chúa Con (Xc Lc 1,51). Xin Mẹ Thiên Quốc giúp chúng ta hòa hợp với Lời Chúa, để Chúa Kitô trở thành ánh sáng và là hướng đạo cho toàn thể đời sống chúng ta. Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ những cuộc nghỉ hè của tất cả mọi người, để kỳ nghỉ được thanh thản và mang lại nhiều ích lợi, và nhất là mùa hè của những người không được nghỉ hè vì tuổi tác cản trở, vì lý do sức khỏe hay công việc làm, vì kinh tế eo hẹp hoặc vì những vấn đề khác, để dầu sao đây cũng là một thời kỳ thư giãn, được vui vì sự hiện diện của bạn hữu và những lúc vui mừng.

Chào thăm

Sau khi ban phép lành, ĐTC chào thăm tất cả mọi người, các tín hữu Roma và những người hành hương từ các nước, các gia đình, hội đoàn và các cá nhân tín hữu. Ngài cũng nói:

”Hôm nay ở đây có nhiều nhóm thiếu niên và người trẻ. Cha thân ái chào các con! Đặc biệt có nhóm mục vụ giới trẻ từ Verona, các bạn trẻ từ Adria, Campodarsego và Offanengo.”

ĐTC cầu chúc mọi người được một chúa nhật tốt đẹp và ngài không quên xin các tín hữu đừng quên cầu nguyện cho ngài.

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha chia buồn với Tổng Giáo Phận Milano

Đức Thánh Cha chia buồn với Tổng Giáo Phận Milano

VATICAN. ĐTC Phanxicô đã gửi điện chia buồn với Tổng giáo phận Milano, bắc Italia, về việc ĐHY Dionigi Tettamanzi, nguyên TGM giáo phận sở tại qua đời sáng ngày 5-8-2017, hưởng thọ 83 tuổi.

ĐHY Tetttamanzi vốn là một nhà thần học luân lý nổi tiếng, chuyên về đạo đức sinh học, trước khi được bổ nhiệm làm TGM giáo phận Ancona, rồi làm Tổng thư ký HĐGM Italia. Năm 1995, ngài được ĐTC Gioan Phaolô 2 bổ nhiệm làm TGM giáo phận Genova và thăng Hồng Y 3 năm sau đó. Năm 2002, ngài được chuyển về làm TGM giáo phận Milano là giáo phận lớn nhất Âu Châu với 5 triệu tín hữu Công Giáo, kế nhiệm ĐHY Carlo Maria Martini S.J. 9 năm sau đó, ĐHY Tettamanzi về hưu và ĐHY Angelo Scola lên kế nhiệm.

Trong điện văn gửi đến giáo phận Milano để chia buồn, ĐTC nhận xét rằng ”cộng đoàn giáo phận Milano đã kể Đức Cố Hồng Y Tettamanzi vào số các vị chủ chăn dễ thương và được yêu mến nhất của mình. Với lòng quí mến và biết ơn, tôi nghĩ đến sự nghiệp văn hóa và mục vụ khẩn trương mà Đức Cố Hồng Y đãthực hiện và làm chứng về niềm vui Tin Mừng. Người đã ngoan ngoãn phục vụ Giáo Hội qua nhiều chức vụ, luôn nổi bật như một mục tử chuyên cần, hoàn toàn tận tụy đối với những nhu cầu và thiện ích của các linh mục và toàn thể các tín hữu. Đức Cố Hồng Y Tettamanzi đặc biệt quan tâm tới các vấn đề của gia đình, hôn nhân, đạo đức sinh học mà Người là một chuyên gia nổi bật.”

Thông cáo của ĐHY Scola

ĐHY Angelo Scola, trong tư cách là Giám quản Tông Tòa Milano, cũng ra thông cáo nói rằng: ”sự ra đi của ĐHY Dionigi Tettamanzi là một mất mát lớn cho Giáo Hội Milano và toàn thể Giáo Hội hoàn vũ, không những vì những sứ vụ khác nhau và Người đã đảm nhận và vì sự phục vụ của Người như một chuyên gia cho các vị Giáo Hoàng và Tòa Thánh, nhưng còn vì nhân cách khiêm tốn, tươi cười, và quan tâm đến những tương quan. Đức Cố Hồng Y luốn nhắm tới sự thể hiện nhân sinh quan Kitô giáo trong thực tại hiện nay. Tiểu sử của Người được nhiều người biết đến, là một chứng tá về tất cả những điều đó.”

ĐHY Scola cho biết ngài đặc biệt gắn bó với ĐHY Tettamenzi, từ thời Người là vị giáo sư trẻ của ngài tại chủng viện Venegono. Tình bạn được đào sâu thêm trong những năm ở Roma qua việc cộng tác với nhau để phục vụ Giáo Hội hoàn vũ.

”ĐHY Tettamenzi là một học giả về luân lý và đạo đức sinh học luôn gây ấn tượng mạnh nơi tôi về khả năng làm việc trong nhóm và mau lẹ làm một tổng hợp. Trong 6 năm tôi làm TGM Milano, ĐHY Tetttamanzi luôn đồng hành với tôi trong tình bạn nồng nhiệt và kín đáo. Gia sản của Người vẫn còn mang lại rất nhiều cho Giáo phận Milano của chúng ta, cho tất cả các tín hữu Công Giáo và nhiều ngươi đời mà ngài đã biết đối thoại với họ từ những vấn đề xã hội khẩn trương như những vấn đề gia đình, sự sống, công ăn việc làm và tình trạng bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Với sự qua đi của ĐHY Tettamanzi, Hồng y đoàn còn 223 vị trong số này có 121 Hồng y cử tri dưới 80 tuổi. (REI 5-8-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha nhắn nhủ các Hiệp Sĩ Colombus

Đức Thánh Cha nhắn nhủ các Hiệp Sĩ Colombus

Knight Columbus leaders

SAINT-LOUIS. ĐTC Phanxicô kêu gọi các Hiệp sĩ Colombus xác tín nơi sức mạnh tình thương vô biên của Thiên Chúa và chống lại bất công và bạo lực.

Lời kêu gọi của ĐTC được trình bày trong sứ điệp của ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nhân danh ĐTC gửi Đại hội thường niên lần thứ 135 của Hội đồng lãnh đạo Hội Hiệp Sĩ Colombus, nhóm tại thành phố Saint Louis Hoa Kỳ, từ ngày 1 đến 3-8-2017, về chủ đề ”Xác tín về tình thương và sức mạnh của Thiên Chúa”.

Sứ điệp của ĐHY Parolin có đoạn viết: ”Nếu Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, thì ai có thể chống lại chúng ta?” (Rm 8,31). Câu hỏi này của thánh Phaolô gửi các tín hữu Roma biểu lộ xác tín mạnh mẽ của thánh nhân về sức mạnh vô biên của tình yêu Thiên Chúa, được biểu lộ qua thập giá của Chúa Kitô, vượt thắng mọi hình thức của sự ác trên trần thế. ĐTC thường nhận xét rằng ngày nay, một cuộc thế chiến mới đang diễn ra từng mạnh, trong lúc sự khao khát quyền lực và thống trị về mặt kinh tế, chính trị hoặc quân sự, trái ngược với ý Chúa, đang dẫn tới bạo lực khôn tả, bất công và đau khổ trong gia đình nhân loại chúng ta. ĐTC kêu gọi các tín hữu Kitô khắp nơi, hãy thực sự xác tín về quyền năng vô biên của tình yêu Thiên Chúa, hãy loại bỏ não trạng vừa nói và chiến đấu bài trừ sự lan tràn nền văn hóa dửng dưng trên thế giới, thứ văn hóa loại bỏ những anh chị em yếu thế nhất của chúng ta”.

Trong sứ điệp, ĐHY Parolin cũng cho biết ĐTC ca ngợi sự dấn thân của các hiệp sĩ Colombus bênh vực và thăng tiến sự thánh thiêng của hôn nhân và phẩm giá cũng như vẻ đẹp của đời sống gia đình.

ĐHY nói thêm rằng: ĐTC Phanxicô đặc biệt bày tỏ lòng biết ơn đối với Hội hiệp sĩ Colombus vì sự dấn thân giúp đỡ các anh chị em Kitô ở Trung Đông trong chứng tá trung thành của họ đối với Chúa, thường phải trả giá bằng những hy sinh bản thân lớn lao. ”Không ai trong chúng ta có thể giả mù không thấy đau khổ của những người mà bạo lực huynh đệ tương tàn và sự cuồng tín tôn giáo khiến họ không còn gia cư hoặc buộc lòng phải rời bỏ quê cha đất tổ đi lánh nạn”.

Hội Hiệp Sĩ Colombo giúp các tín hữu Kitô Iraq

Trong bối cảnh này, trong buổi khai mạc Đại Hội hôm 1-8-2017, thủ lãnh Hội hiệp sĩ Colombus, Ông Carl Anderson, cho biết Hội sẽ giúp 2 triệu mỹ kim để góp phần giúp dân chúng tại thành Karamdes bên Iraq tái thiết gia cư của họ bị phá hủy hoặc hư hại.

Thành Karamdes ở vùng bình nguyên Ninive, có đa số dân là tín hữu Kitô, đã bị lực lượng nhà nước Hồi giáo IS chiếm hồi mùa hè năm 2014 và hàng trăm gia đình tại đây đã phải tị nạn tới Erbil ở miền Kurdistan. Nay họ hồi thương sau khi thành của họ được giải phóng.

Ông Carl Anderson tuyên bố hội sẽ quyên góp 2 triệu Mỹ kim để giúp các gia đình hồi hương và tái thiết gia cư của họ bị hư hại. Ông nói: ”Những kẻ khủng bố đã xúc phạm các thánh đường, các nghĩa trang, cũng như cướp phá các gia cư. Nay chúng ta giúp đỡ hàng trăm gia đình Kitô đã phải di tản được trở về hai thành Karamdes và Karemlash, đảm bảo một tương lai đa nguyên cho Iraq”.

Hội Hiệp sĩ Colombo là một hội nam giới Công Giáo được thành lập tại Hoa Kỳ và hiện có gần 2 triệu thành viên. Hội này cũng theo gương chính phủ Hungary mới đây đã gửi 2 triệu Mỹ kim tới tổng giáo phận Erbil ở Iraq, nhắm giúp tái thiết một cộng đoàn Kitô gần thành phố Mossul, cũng ở Iraq. Phí tổn giúp mỗi gia đình tái định cư là 2 ngàn mỹ kim.

Với ý hướng trên đây, ban lãnh đạo trung ương Hội hiệp sĩ Colombus khuyến khích các chi hội ở các giáo xứ và các cá nhân hiệp sĩ đóng góp để giúp các cộng đoàn Kitô ở Iraq. Cho đến nay Hội hiệp sĩ Colombus đã trợ giúp 13 triệu Mỹ kim cho các tín hữu Kitô ở Iraq, Syria và vùng phụ cận (CNS 1-8-2017, REI 2-8-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Buôn người là một hình thức nô lệ mới sống nhờ nạn di cư

Buôn người là một hình thức nô lệ mới sống nhờ nạn di cư

ZACATECAS: Buôn người là một hình thức nô lệ mới sống nhờ tệ nạn di cư vì nghèo đói.

ĐC Sigifredo Noriega Barceló, GM giáo phận Zacatecas bên Mêhicô đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ Chúa Nhật 30 tháng 7 vừa qua. Nhắc tới cái chết của một thanh niên Mêhicô bên trong một xe móc bên Texas, ĐC nói đây là các sự kiện rất đau buồn không phải chỉ đối với gia đình các nạn nhân, mà đối với toàn xã hội nói chung khiến mọi người phải nghĩ tới nhiều khía cạnh thê thảm của cuộc sống và cuả hiện tượng di cư. Tuần trước đó cảnh sát Mỹ cũng đã tìm thấy xác của 9 người di cư lén lút trong đó có 2 trẻ em trong một xe móc tại bãi đậu tỉnh San Antonio bên Texas. Trong thùng xe lớn họ cũng tìm thấy 30 người di cư lén lút khác, trong đó có 20 người ở trong tình trạng nặng phải vào nhà thương, và một người đã chết sau đó vài ngày.

ĐC Barceló nói: Chính trong ngày Chúa Nhật 30 tháng 7 là Ngày quốc tế chống nạn buôn người các sự kiện buồn thương này khiến cho chúng ta đi tới suy tư các nạn nhân nói trên đáng lý ra không nên du hành như thế. Họ đã ra đi kiếm tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng thật là không đáng khi họ bị đối xử như vậy. Buôn người là một hình thức nô lệ mới. Người dân Mêhicô chúng ta cần di cư, nhưng phải làm sao để không có các nguy hiểm tới tính mạng. Bởi vì cho dầu nhu cầu có lớn thế nào đi nữa, thì cũng không thể biện minh cho việc hành động như vậy. Sự cần thiết vật chất, cảnh nghèo túng là lý do đầu tiên của nạn di cư. Bởi vì chúng ta không thành công trong việc sản xuất đủ cho dân có thể sống, và những gì có thể sản xuất thì lại không được phân chia một cách tốt đẹp. Nếu thiếu các cơ may phát triển, thì dân chúng phải đi ra nước ngoài tìm cách trợ giúp gia đình họ. Và thảm cảnh là họ gặp nguy cơ bị thiệt mạng (FIDES 31-7-2017)

Linh Tiến Khải

Niềm vui tìm thấy Thiên Chúa

Niềm vui tìm thấy Thiên Chúa

VATICAN. Lúc 12 giờ trưa Chúa nhật 30.07.2017, Đức Thánh Cha chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô. Trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha quảng diễn bài Tin Mừng Chúa nhật nói về dụ ngôn kho báu và ngọc quý, và Ngài làm nổi bật niềm vui của nhưng ai tìm thấy Thiên Chúa. 

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến,

Trong chương 13 Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, Chúa Giêsu kể cho chúng ta bảy dụ ngôn. Và hôm nay là ba dụ ngôn cuối trong số bảy dụ ngôn ấy. Ba dụ ngôn đó là: dụ ngôn kho báu (Mt 13:44) và ngọc quý (Mt 13:45-46), dụ ngôn chiếc lưới (Mt 13:47-48). Cha muốn dừng lại ở dụ ngôn kho báu và ngọc quý, với điểm nhấn là nhân vật chính trong hai dụ ngôn ấy đều bán tất cả mọi sự họ có, để có được điều họ tìm thấy. Trong dụ ngôn kho báu, người nông dân vô tình gặp được kho báu chôn giấu trong ruộng mà ông canh tác. Vì đây không phải là ruộng của ông, nên ông quyết định liều bán hết những gì ông có, để mua thửa ruộng ấy, nhằm giữ được kho báu. Ông không để mất dịp đặc biệt ấy. Trong dụ ngôn ngọc quý, chúng ta thấy một thương gia tìm được viên ngọc quý. Là chuyên gia, ông xác định được giá trị của viên ngọc ấy. Ông cũng quyết định bán tất cả mọi thứ để mua cho được viên ngọc quý.

Tìm kiếm và hy sinh

Những điểm tương đồng nổi bật của hai dụ ngôn ấy, làm sáng tỏ hai đặc tính liên quan để có được Nước Thiên Chúa: đó là tìm kiếm và hy sinh. Đúng là Nước Thiên Chúa được ban tặng cho tất cả mọi người. Đó là một món quà, một ơn ban, nhưng không phải là có sẵn trên đĩa bạc. Nước Thiên Chúa đòi hỏi một sự năng động, đó là cuộc kiếm tìm, là cần tiến bước, là cần phải làm gì đó. Thái độ kiếm tìm chính là điều kiện thiết yếu cho cuộc tìm kiếm. Cần có một trái tim đầy nhiệt huyết và khát khao giá trị cao quý, giá trị ấy chính là Nước Thiên Chúa hiện diện ngay nơi Chúa Giêsu. Người là kho báu ẩn giấu, Người là viên ngọc quý giá. Người chính là Đấng mà chúng ta cần khám phá, cần tìm thấy, vì Người có tác động mang tính quyết định trên cuộc đời chúng ta, vì Người làm cho cuộc đời chúng ta đầy tràn ý nghĩa.

Không bỏ lỡ cơ hội duy nhất

Trước những khám phá bất ngờ, người nông dân cũng như thương gia đã nhận ra trước mắt họ cơ hội duy nhất không thể bỏ qua, vì thế họ đã dám bán đi tất cả. Việc lượng định giá trị vô song của kho báu, đã dẫn tới quyết định có tính hy sinh, có tính tách rời, có tính từ bỏ. Khi kho báu và ngọc quý được tìm thấy, có nghĩa là khi chúng ta tìm thấy Chúa, chúng ta không nên bỏ qua cuộc khám phá này, nhưng chúng ta sẵn sàng hy sinh cho những gì cao quý hơn. Khi từ bỏ và bán hết những gì mình có, không có nghĩa là chúng ta coi khinh những điều ấy, nhưng có nghĩa là chúng ta đặt những điều ấy dưới Chúa Giêsu, có nghĩa là chúng ta thấy Chúa Giêsu là trên hết. Đó là ơn ban. Người môn đệ của Chúa Kitô không phải là người bị tước đoạt những điều thiết yếu, nhưng môn đệ là tìm thấy những gì cao quý hơn. Người môn đệ tìm thấy niềm vui đầy tràn mà chỉ có Chúa mới có thể ban tặng. Đó là niềm vui Tin Mừng của những người bệnh được chữa lành, niềm vui của những tội nhân được tha thứ, niềm vui của kẻ trộm được vào Nước Trời.  

Niềm vui tìm thấy Thiên Chúa

Niềm vui Tin Mừng lấp đầy trái tim và cuộc sống của những ai gặp gỡ Chúa Giêsu. Đó là những người để cho mình được Chúa cứu rỗi, đó là những người tự do khỏi tội lỗi, khỏi những buồn sầu, khỏi sự trống rỗng nội tâm, khỏi nỗi cô đơn. Cùng với Chúa Giêsu Kitô, niềm vui luôn nảy sinh luôn tái sinh (Niềm Vui Tin Mừng, 1). Hôm nay chúng ta được mời gọi chiêm ngắm niềm vui của người nông dân và thương gia trong dụ ngôn. Đó là niềm vui của tất cả chúng ta. Đó là niềm vui, khi chúng ta khám phá ra sự gần gũi và sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời chúng ta. Sự hiện diện ấy biến đổi tâm hồn chúng ta, và mở lòng chúng ta, để chúng ta có thể đón nhận các anh chị em, đặc biệt là những người yếu đuối.

Chúng ta hãy cầu nguyện, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, để với từng lời ăn tiếng nói, từng cử chỉ việc làm hằng ngày, mỗi người chúng ta biết làm chứng cho niềm vui tìm được kho báu là Nước Thiên Chúa. Niềm vui ấy chính là tình yêu mà Chúa Cha ban cho chúng ta qua Chúa Giêsu.

Đức Thánh Cha ngỏ lời chào thăm

Anh chị em thân mến,

Hôm nay là Ngày Thế Giới chống nạn buôn người. Mỗi năm hàng ngàn người nam nữ và trẻ em là nạn nhân vô tội của nạn bóc lột lao động và khai thác tình dục cũng như nạn buôn bán cơ phận. Những điều ấy có vẻ quá quen đến nỗi chúng ta thấy là bình thường. Không, không phải thế, những điều ấy là xấu xa, là độc ác, là tội ác! Tôi muốn cho mọi người thấy rằng, những điều tệ hại ấy là hình thức nô lệ thời hiện đại, và chúng ta phải chống lại tội ác ấy. Chúng ta hãy cầu nguyện cùng Đức Trinh Nữ Maria, để Mẹ nâng đỡ các nạn nhân và hoán cải những kẻ buôn người. Chúng ta hãy cũng nhau cầu nguyện với Đức Mẹ:

Kính mừng Maria…

Sau đó Đức Thánh Cha chào thăm các tín hữu hành hương đến từ Italia cũng như từ khắp nơi trên thế giới. Ngài kết thúc bằng lời mời gọi mọi người đừng quên cầu nguyện cho Ngài.  

Tứ Quyết SJ