Ấn Độ: Giáo hội dạy các giá trị của Hiến pháp trong các trường Công giáo

Ấn Độ: Giáo hội dạy các giá trị của Hiến pháp trong các trường Công giáo

Cần phải đọc và dạy cho các thế hệ mới Lời mở đầu của Hiến pháp Ấn Độ trong các trường học, và điều này sẽ được thực hiện bắt đầu từ hàng ngàn trường do Giáo hội Công giáo điều hành: đây là điều được nói tới trong một tài liệu của Văn phòng Giáo dục và Văn hóa của Hội đồng Giáo mục Công Giáo Ấn Độ gửi đến Hãng tin Fides. Tài liệu này được đưa ra vào thời điểm chính trị, khi chính phủ dân tộc của Đảng Barathiya Janata nắm quyền tại Liên bang, thúc đẩy các chính sách đi theo hướng biến Ấn Độ thành một quốc gia độc tôn.

Văn phòng Giáo dục và Văn hóa của HĐGM Ấn đã gửi chỉ thị cho các cơ sở giáo dục việc dạy các giá trị Hiến pháp cho học sinh, thúc đẩy lòng yêu nước thực sự, hội nhập quốc gia và lòng yêu nước. Cha Jose Manipadam, Thư ký của Văn phòng khẳng định với Hãng tin Fides rằng cha đã gửi tài liệu đến những người đứng đầu các cơ sở giáo dục Công giáo trên toàn quốc.

Cha giải thích: “Giáo hội  dự định đóng góp vào việc dạy các thế hệ trẻ các giá trị của Hiến pháp, trong khi các đảng dân tộc Hindu đang nỗ lực thay đổi Hiến pháp và cổ võ hệ tư tưởng Hindu loan truyền trong Ấn Độ  "Một tôn giáo, một văn hóa và một quốc gia".

Các Giám mục và các nhà lãnh đạo Công giáo dấn thân trong lĩnh vực giáo dục hoan nghênh chỉ thị này. Đức cha Calse Soosa Pakiam, Tổng Giám mục Trivandrum, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Kerala nói: "Việc dạy Hiến pháp và thúc đẩy giáo dục công dân, bao gồm các giá trị của Hiến pháp  là điều cần thiết của các trường Kitô giáo".  Đức Giám mục xác định những nỗ lực của một số nhóm trong việc “đưa lòng căm thù và sợ hãi vào trong xã hội như một lối tắt để đạt được quyền lực chính trị là "rất nguy hiểm".

Cha Manipadam khẳng định rằng cha đã đón nhận sáng kiến này sau khi một số Giám mục yêu cầu Văn phòng của cha can thiệp để đóng góp khắc sâu các giá trị của Hiến pháp nơi những người trẻ, để "đưa ra ý nghĩa đích thực của chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ, lòng yêu nước dựa trên các giá trị của Hiến pháp".

Cha Jose Manipadam nhấn mạnh: “Ở cấp độ thực hành, việc này sẽ tiến hành trong bốn giai đoạn: trong giai đoạn đầu, học sinh được khuyến khích ghi nhớ Lời mở đầu; ở giai đoạn thứ hai, chúng tôi nói về ý nghĩa của Hiến pháp, hướng dẫn các sinh viên tham gia thảo luận nhóm, các bài viết được xây dựng, nghiên cứu; và giai đoạn thứ ba được gọi là “Chúng ta là dân Ấn Độ” như nêu trong Hiến pháp; cuối cùng, ý nghĩa của các từ khóa của Lời mở đầu được đào sâu như "chủ quyền", "xã hội chủ nghĩa", "giáo dân", "dân chủ" và "cộng hòa", cùng với "công lý", "tự do", "bình đẳng", "tình huynh đệ", "công dân". (Agenzia Fides 14/6/2018)

Ngọc Yến

 

Đức Thánh Cha cổ võ sự gia tăng năng lượng tôn trọng môi trường

Đức Thánh Cha cổ võ sự gia tăng năng lượng tôn trọng môi trường

VATICAN. ĐTC mạnh mẽ cổ võ sự gia tăng năng lượng đồng thời tôn trọng môi trường.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 9-6-2018 dành cho các vị lãnh đạo, các nhà đầu tư và các chuyên gia tham dự cuộc hội thảo quốc tế tại Vatican trong hai ngày mùng 8 và 9-6 về đề tài ”sự chuyển tiếp năng lượng cho căn nhà chung của chúng ta”. Cuộc Hội thảo do Hàn lâm viên khoa học Tòa thánh tổ chức.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có ĐHY Peter Turkson, Bộ trưởng Bộ phát triển nhân bản toàn diện.

 Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC nhắc đến sự gia tăng nhu cầu về năng lượng trên thế giới. Hơn 1 tỷ người nghèo chưa có điện. Tuy nhiên, ĐTC nói – chất lượng của không khí, mực nước biển, số lượng nước ngọt của trái đất, khí hậu và sự quân bình của hệ thống sinh thái, – không thể bị thiệt hại vì cách thức con người thỏa mãn cơn khát năng lượng của mình, với những chênh lệch nặng nề. Để thỏa mãn cơn khát ấy, không thể gia tăng sự khao khát nước, hoặc tăng sự nghèo đói và loại trừ trong xã hội. Nhu cầu cần có năng lượng gia tăng để làm cho máy hoạt động không thể được thỏa mãn bằng cách làm ô nhiễm không khí chúng ta thở hít..

 Trong bối cảnh trên đây, ĐTC khẳng định rằng ”Cần tìm ra một chiến lược hoàn cầu dài hạn, mang lại an ninh năng lượng và tạo điều kiện cho sự ổn định kinh tế, bảo vệ sức khỏe và môi trường, thăng tiến sự phát triển nhân bản toàn diện, ấn định những nghĩa vụ chính xác để đương đầu với vấn đề thay đổi khí hậu”.

 ĐTC cũng than phiền vì người ta tiếp tục tìm kiếm và khai thác các mỏ dầu hỏa làm ô nhiễm môi trường mặc dù có Hiệp định đã ký kết tại Paris năm 2015 về việc làm giảm nhiệt độ trái đất. ”Viễn tượng đang mong ước có năng lượng cho tất cả mọi người không thể đưa tới cái vòng lẩn quyễn ngày càng có sự thay đổi khí hậu trầm trọng, làm gia tăng nhiệt độ trái đất, và những điều kiện cam go của môi trường, gia tăng mức độ nghèo đói.

 ĐTC kêu gọi thực thi tình liên đới trong nhân loại với ý thức tất cả họp thành một gia đình nhân loại duy nhất và có liên hệ mật thiết với nhau.

Cũng nên nói rằng danh sách các tham dự viên không được công bố, nhưng theo mạng tin The Tablet ở Anh quốc, có giới lãnh đạo công ty dầu hỏa Anh quốc, British Petroleum (BP), hãng Exxon Mobel của Mỹ, cũng như quỹ đầu tư lớn nhất thế giới tên là BlackRock.

Đề tài cuộc hội thảo nhắc đến một chương trong thông điệp Laudato sì của ĐTC Phanxicô về việc bảo vệ căn nhà chung là trái đất. Sinh hoạt này diễn ra 10 ngày trước kỷ niệm 3 năm công bố thông điệp nổi tiếng này về môi sinh. Thông điệp cũng sẽ là đề tài của một hội nghị quốc tế cỡ lớn diễn ra trong hai ngày mùng 5 và 6-7 tới đây. Trong đoạn số 165 của Thông điệp, ĐTC khẳng định rằng ”Kỹ thuật dựa trên các nhiên liệu phiến thạch rất ô nhiễm, nhất là than đá, và cả dầu hỏa, cũng như khí đốt, cần được mau lẹ dần dần thay thế”.

ĐTC Phanxicô coi cuộc chiến chống sự hâm nóng trái đất và khí hậu là một trong những hoạt động trong triều đại giáo hoàng của ngài,và ngài đặc biệt ủng hộ hiệp định Paris về khí hậu do Liên Hợp Quốc triệu tập hồi năm 2015, quen gọi là COP21. Mục đích Hội nghị là giới hạn sự hâm nóng trái đất giữa 1 độ rưỡi đến 2 độ từ nay cho đến năm 2100 (Rei 9-6-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha tiếp cảnh sát Italia ở Roma và giới lãnh đạo y tế

Đức Thánh Cha tiếp cảnh sát Italia ở Roma và giới lãnh đạo y tế

VATICAN. Sáng hôm qua (25-5), ĐTC đã tiếp kiến 6 ngàn người gồm ban chỉ huy và các nhân viên sở cảnh sát quốc gia ở Roma và ban lãnh đạo trung ương của ngành y tế, cùng với các thân nhân của họ.

 

Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC đề cao vai trò của gia đình trong đời sống con người, quốc gia và xã hội. Gia đình giúp chúng ta vượt thắng những thực tại cay đắng, những đau khổ và kinh nghiệm về sự ác: Chính trong gia đình, trong niềm hiệp thông sự sống và tình thương, mà chúng ta có thể vượt thắng những thực tại đó. Chính trong gia đình mà đức tin được thông truyền.

 

ĐTC cũng đề cao vai trò của Giáo Hội như người Mẹ giúp các tín hữu vượt thắng những căng thẳng. Ngài nói: ”Noi gương Chúa Giêsu, cả Giáo Hội, trong hành trình thường nhật, cũng trải qua những lo âu và căng thẳng của các gia đình, những xung đột giữa các thế hệ, những bạo lực trong gia đình, những khó khăn kinh tế và công ăn việc làm bấp bênh.. Được Thánh Linh hướng dẫn, Giáo Hội gần gũi các gia đình như người bạn đồng hành, nhất là các gia đình đang trải qua khủng hoảng, hoặc sống trong đau thương, để chỉ dẫn cho các gia đình mục tiêu chung cục, nơi mà sự chết và đau khổ sẽ vĩnh viễn tan biến”.

 

ĐTC cũng nhận xét rằng, trong tư cách là các nhân viên cảnh sát, ”anh chị em cũng liên tục cảm nghiệm trong công việc, trong các cuộc điều tra hoặc trên đường phố, những thực tại đau thương. Chính kinh nghiệm gia đình cũng giúp anh chị em trong lãnh vực này, vì gia đình mang lại sự quân bình con người, sự khôn ngoan và các giá trị tham chiếu. Một gia đình tốt cũng thông truyền các giá trị công dân, giáo dục, giúp cảm thấy mỗi ngừơi là thành phần của một xã hội và cư xử như những công dân lương thiện và trung thành”. (Rei 25-5-2018)

 

G. Trần Đức Anh OP 

 

Các nữ tu chống nạn buôn người: một buổi hội thảo giúp các nạn nhân tại tòa án

Các nữ tu chống nạn buôn người: một buổi hội thảo giúp các nạn nhân tại tòa án

Jakarta – Để hỗ trợ nạn nhân buôn người ở tòa án, 19 nữ tu Indonesia, một chủng sinh dòng Phanxicô, một phụ nữ Hồi giáo và một mục sư Tin Lành đã tham gia một hội thảo về các vấn đề pháp lý. Hội nghị chuyên đề diễn ra tại East Jakarta từ ngày 15 đến 18 tháng 5, với sự hiện diện của các chuyên gia pháp lý.

Trong nhiều năm các nữ tu thuộc nhiều hội dòng khác nhau đã dấn thân vào cuộc chiến chống lại nạn buôn người. Tuy nhiên, một trong những khó khăn chính cản trở công việc của họ là không thể tuân thủ các thủ tục tố tụng hình sự tại các phòng xử án, do thiếu trình độ chuyên môn cần thiết. Sơ Kristina Fransiska nói với Asia News rằng nhờ hội thảo, những người tham gia có thể hiểu được những đặc quyền nào để họ có quyền hiện diện hợp pháp tại phiên tòa.

Sơ Kristina nói: “Vì chúng tôi muốn chăm sóc nạn nhân buôn người, chúng tôi muốn tham gia tranh luậnở mỗi vụ án”. Nữ tu là một chuyên gia pháp lý chuyên nghiệp và là cựu giáo sư của đại học Công giáo Widya Karya ở Malang. Sơ nói tiếp: "Trong nhiều năm chúng tôi đã bị ngăn không cho tham gia tại những phiên tòa như thế này. Điều này là một nỗi đau".

Các chuyên gia của Human Rights for Women trình bày những vấn đề mà sẽ được đem ra thảo luận. Sơ Kristina khẳng định: "Mục đích là để có một nhận thức chung và các quy trình vận hành chuẩn khi chúng tôi phải đối phó với các vấn đề liên quan đến nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ và công nhân dưới độ tuổi tối thiểu. Trong những năm gần đây, những người dễ bị tổn thương nhất là phụ nữ". Một số chủ đề được thảo luận là: sự khác biệt về giới trong các vấn đề tình dục; quyền con người đối với phụ nữ; các phong trào, nhóm và cộng đồng để bảo vệ phẩm giá con người; dịch vụ công cho nạn nhân; quy trình và phương pháp tư vấn; xác định các trường hợp, thủ phạm và nạn nhân; thẩm định pháp lý và các kỹ năng khác.

Trong số các nữ tu tham gia tại các buổi làm việc có sơ Vincent Pmy, một chuyên gia pháp lý, đã nhận bằng cử nhân tại đại học quốc gia Diponegoro của Semarang. Sơ nói: "Hội thảo nhằm tạo ra một bầu không khí mới cho phép công việc của chúng tôi đạt được kết quả tốt hơn. Hy vọng rằng các nữ tu tham gia vào sứ vụ đặc biệt này có thể làm hết sức mình cho các phiên tòa tại tòa án".  (Asia News 25-5-2018)

Ngọc Yến

 

Gương sống của Thánh Rita thành Cascia được bốn phụ nữ ngày nay noi theo

Gương sống của Thánh Rita thành Cascia được bốn phụ nữ ngày nay noi theo

Phục vụ người thân cận, kiên trì, khiêm nhường và can đảm ôm lấy chính thập giá của mình: đó là 4 nhân đức nổi trội của thánh nữ Rita đã thực hành trong cuộc sống thường ngày. Để vinh danh các phụ nữ, những người cũng đã một cách nào đó sống theo mẫu gương của Thánh Rita, nghĩa là can đảm thực hành những điều mà mọi người cho là không thể; vào ngày 21-5 tại Cascia bốn phụ nữ sẽ được sự Công nhận quốc tế dành riêng cho những “trường hợp không thể”.

Cuộc đời và câu chuyện của nữ tu Augustinô ngày nay vẫn còn được suy tư. Là phụ nữ, vợ, mẹ, góa, nữ đan sĩ, bị kỳ thị, Thánh nữ Riata đã sống từng giây phút trong cuộc sống hàng ngày đưa vào thực hành các giá trị của việc đón tiếp, bác ái, đối thoại và tha thứ.

Những phụ nữ với các nhân đức của Thánh Rita

Năm nay, các nhân đức của thánh Rita đã được công nhận nơi Emanuela Disarò và Daniela Burigotto – các phụ nữ của Gloria Trevisan và Marco Gottardi, hai vị hôn thê đã chết trong ngọn lửa của Tháp Grenfell ở London – vì đã đón nhận thập giá, tìm sức mạnh trong đức tin; Soňa Vancaková của Košice (Slovakia) vì đã chiến đấu và tin cho đến cùng giá trị của gia đình, được hiểu đó là những kinh nghiệm khó khăn của gia đình trong sự giúp đỡ cụ thể và nâng đỡ những gia đình khác cũng đang có hoàn cảnh khó khăn; Giuseppina Ceccaroni của Gualdo Cattaneo (Perugia), vì đã phải đối mặt với những trở ngại của cuộc sống, tìm sức mạnh trong đức tin và phục vụ người khác. Bốn "phụ nữ của Rita" sẽ đón nhận sự Công nhận từ bề trên Hội dòng Augustinô, cha Alejandro Moral Antón vào lúc 5:30 g chiều, tại nhà thờ Thánh Rita. Sự vinh danh sẽ được viết trên một tấm da vào trao cho các phụ nữ.

Lần thứ 60, sự kết hợp của đức tin và hòa bình: Cascia-Košice

Vào đêm trước của ngày phụng vụ kính nhớ vị thánh của Roccaporena, lúc 6.30 chiều, dự kiến sẽ có cử hành tưởng nhớ ngày Qua đời của thánh nữ, trong khi đó vào lúc 9:30 g chiều, Ngọn đuốc Hòa bình sẽ đến, biểu tượng của sự Kết hợp đức tin và hòa bình mà mỗi năm kết nối Cascia với một thành phố khác nhân danh thánh Rita. Năm nay, lần thứ 60 của sáng kiến, thành phố được kết nghĩa là Košice, ở Slovakia, nơi có cộng đoàn tu sĩ Augustinô và nơi vào ngày 8 tháng 5 một nhà thờ được dâng kính cho Thánh Rita.

Truyền thống làm phép hoa hồng vào ngày lễ Thánh Rita

Ngày 22 tháng 5, đỉnh cao của lễ Thánh Rita, sẽ có thánh lễ trọng thể mừng Thánh nữ tại sân nhà thờ. Năm nay, vào lúc 11:00 giờ thánh lễ sẽ được ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong thánh chủ tế. Cuối Thánh lễ sẽ có lời nguyện với Thánh Rita và truyền thống làm phép hoa hồng, biểu tượng của thánh nữ, được giữ lại hoặc trao cho một người cần sự an ủi. (Rei 19-5-2018)

Ngọc Yến

Đức Thánh Cha viếng thăm Cộng đoàn Nomadelfia

Đức Thánh Cha viếng thăm Cộng đoàn Nomadelfia

GROSSETTO. Sáng 10-5-2018, ĐTC đã dành 5 tiếng đồng hồ để viếng thăm hai cộng đoàn đặc biệt thuộc giáo phận Grossetto và Fiesole ở miền trung Italia: đó là Nomadelfia và Loppiano.

Nomadelfia, có nghĩa là ”Luật huynh đệ” được Cha Zeno Saltini thành lập cách đây 70 năm, qui tụ những người sống theo kiểu mẫu các cộng đoàn Kitô tiên khởi như được mô tả trong sách Tông Đồ công vụ (4,32): ”Đông đảo những người trở thành tín hữu đều một lòng một ý với nhau, và không ai coi tài sản của mình là của riêng, nhưng tất cả được để làm của chung”.

Tại Nomadelfia hiện nay, một khu vực rộng 4 cây số vuông, các gia đình sống trong những căn nhà nhỏ, nhưng sinh hoạt trong căn nhà chung, cùng với 3, 4 gia đình, trong tinh thần huynh đệ, đùm bọc lẫn nhau. Người già trở thành ông bà nội của tất cả các trẻ em trong nhóm. Con cái cũng được các bà mẹ săn sóc chung khi một bà mẹ phải vắng mặt.

ĐTC đã đáp trực thăng đến Nomadelphia lúc quá 8 giờ sáng. Sau khi viếng mộ vị sáng lập là cha Zeno Saltini, ngài tiến về khu vực trung tâm nơi có khoảng 4 ngàn người đã tụ tập và dành cho ngài một cuộc tiếp đón thật nồng nhiệt.

Tại Hội trường bên trong có hơn 300 thành viên của Cộng đoàn và nhiều quan khách chờ sẵn ngài. ĐTC chào thăm trước tiên những người già yếu và khuyết tật. Trong số những người hiện diện, có nhiều phụ nữ gọi là ”các bà mẹ theo ơn gọi”, họ từ khước lập gia đình, để đón nhận săn sóc các em trẻ khác như con cái mình.

Sau lời chào mừng của ông Francesco Matterazzo, Chủ tịch Cộng đoàn, ĐTC và mọi người đã xem các trẻ em và người trẻ trình bày những hoạt cảnh về những nét nổi bật trong cuộc đời và lịch sử của cộng đoàn Nomadelfia.

Bài huấn dụ

Trong bài huấn dụ, ĐTC mô tả Nomadelphia, Cộng đoàn luật huynh đệ, là một ”thực tại có tính chất ngôn sứ, nhắm thực hiện một nền văn minh mới, thực thi Tin Mừng như một hình thức cuộc sống tốt đẹp”. Ngài nói:

”Cha Zeno đã hiểu rằng ngôn ngữ duy nhất mà những người đang sống trong tình cảnh khó khăn cơ cực hiểu được, đó là ngôn ngữ tình thương. Vì thế cha đã biết tìm ra một hình thức xã hội đặc biệt, trong đó không có chỗ cho sự cô lập hoặc cô đơn, nhưng theo nguyên tắc cộng tác giữa các gia đình khác nhau, tại đây các thành viên nhìn nhận nhau là anh chị em trong đức tin”.

Trong số những nét đặc thù của Nomadelphia, ĐTC nói: ”Tôi cũng muốn nhấn mạnh một dấu chỉ ngôn sứ khác, có tình nhân đạo rất lớn của cộng đoàn này, đó là sự quan tâm thương mến đối với những người già, cả khi họ không còn sức khỏe tốt, họ tiếp tục ở lại trong gia đình và được anh chị em trong toàn cộng đoàn nâng đỡ. Anh chị em hãy tiếp tục con đường này, thể hiện kiểu mẫu tình huynh đệ, kể cả qua những công việc và dấu chỉ cụ thể, trong nhiều bối cảnh mà đức bác ái Tin Mừng kêu gọi anh chị em, nhưng luôn luôn giữ tinh thần của Cha Zeno, muốn một cộng đoàn Nomadelphia ”nhẹ nhàng” và chỉ có những cơ cấu nòng cốt. Đứng trước một thế giới nhiều khi thù nghịch đối với các lý tưởng được Chúa Kitô rao giảng, anh chị em đừng do du đáp lại bằng chứng tá vui tươi và thanh thản trong cuộc sống chúng ta theo Tin Mừng”.

 

Và ĐTC nhắn nhủ rằng: ”Anh chị em hãy tiếp tục lối sống này, tín thác nơi sức mạnh của Tin Mừng và Chúa Thánh Linh, qua chứng tá Kitô trong sáng của anh chị em”. (Rei 10-5-2018)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha thiết lập lễ nhớ Đức Mẹ Maria là Mẹ Giáo Hội

Đức Thánh Cha thiết lập lễ nhớ Đức Mẹ Maria là Mẹ Giáo Hội

VATICAN. ĐTC Phanxicô đã quyết định thiết lập lễ kính Đức Maria là Mẹ Giáo Hội và cử hành hằng năm vào ngày thứ hai sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, theo lịch chung của Giáo Hội.

Trong sắc lệnh công bố hôm 3-3-2018, DHY Robert Sarah, Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và kỷ luật bí tích cho biết ĐTC đưa ra quyết định trên đây xét vì việc thăng tiến lòng sùng kính này có thể giúp gia tăng cảm thức của các vị mục tử, các tu sĩ và tín hữu về Mẹ Giáo Hội, cũng như lòng kính mến chân thành đối với Đức Mẹ.

Chính Đức Giáo Hoàng Phaolô 6, ngày 21-11 năm 1964, khi bế mạc khóa III của Công đồng chung Vatican 2 đã tuyên bố Đức Trinh Nữ Maria là ”Mẹ Giáo Hội, nghĩa là của toàn thể dân Kitô giáo, các tín hữu cũng như các vị Chủ Chăn, họ gọi Đức Maria là Mẹ rất quí mến” và Ngài thiết định rằng ”toàn thể dân Kitô giáo ngày càng gia tăng lòng tôn kính Mẹ Thiên Chúa dưới danh hiệu rất dịu dàng này”.

Sắc lệnh của Bộ Phụng tự khẳng định: Lễ kính Đức Maria là Mẹ Giáo Hội, do ĐGH Phanxicô ấn định, ”sẽ giúp chúng ta nhớ rằng đời sống Kitô, để tăng trưởng, cần phải ăn rễ sâu nơi mầu nhiệm Thánh Giá, nơi hy tế của Chúa Kitô trong Tiệc Thánh Thể, nơi Đức Trinh Nữ hiến dâng, Mẹ Đấng Cứu Chuộc và Mẹ của những người được cứu chuộc”.

Vì thế, lễ này cần được ghi trong tất cả các lịch và sách phụng vụ để cử hành thánh lễ và phụng vụ các giờ kinh. Các văn bản phụng vụ liên hệ được đính kèm, sắc lệnh này và các bản dịch, được các HĐGM chấp thuận, sẽ được công bố sau khi Bộ Phụng Tự và kỷ luật bí tích phê chuẩn. Tại những nơi nào lễ kính Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Giáo Hội đã được cử hành theo luật riêng được phê chuẩn, vào một ngày khác, với bậc phụng vụ cao hơn, thì trong tương lai vẫn được cử hành theo cùng thể thức ấy”.

Theo quyết định trên đây, thứ hai 21-5-2018 sẽ là lễ kính Đức Maria là Mẹ Giáo Hội. (Rei 3-3-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Công giáo Nam hàn tranh đấu chống hợp pháp hóa phá thai tại nước này

Công giáo Nam hàn tranh đấu chống hợp pháp hóa phá thai tại nước này

Giáo hội Công giáo Nam hàn đã thu thập hơn một triệu chữ ký trong thư kiến nghị giữ luật cấm phá thai tại nước này.

Khi Nam hàn tiếp tục hiện đại hóa và số các bà mẹ đơn thân đang gia tăng, nhiều lời kêu gọi hợp pháp phá thai, điều mà Giáo hội phản đối, cũng gia tăng từ các thành phần của xã hội.

Cha Remigius Lee Dong-ik, thư ký Ủy ban Sinh học của Hội đồng Giám mục Hàn quốc nói: “Chiến dich thu thập chữ ký được tổ chức cách tình nguyện và nó như một cơ hội để truyền bá giáo huấn của Giáo hội.”

Ủy ban Sinh học của Hội đồng Giám mục Hàn quốc đã tổ chức một Thánh lễ ở nhà thờ chính tòa Myeongdong ở thủ đô Seul ngày 12/02 vừa qua và đã trình bày thư kiến nghị  có 1 triệu 5 ngàn chữ ký. Chiến dich được bắt đầu ngày 03/12.

Đức Hồng y Yeom Soo-jung, chủ sự Thánh lễ, đã nói: “Chiến dịch này cho thấy Giáo hội thất vọng thế nào để hoàn thành sứ mạng của mình trong việc bảo vệ mọi hình thức của sự sống.” Đức Hồng y nói thêm: “Ngay cả một bào thai cũng là một phản chiếu của Thiên Chúa, một công dân trong xã hội chúng ta và một sự sống cần được tôn trọng.”

Ủy ban Sinh học của Hội đồng Giám mục Hàn quốc sẽ thực hiện giai đoạn hai của chiến dịch cho đến ngày 18/03 để nâng cao nhận thức khắp xã hội Nam hàn về sự nguy hiểm trong việc đồng ý với “nền văn hóa sự chết”. Đức Tổng Giám mục Hyginus Kim Hee-joong của Kwangju, hiện là chủ tịch của Ủy ban Sinh học của Hội đồng Giám mục Hàn quốc nói: “Tôi hy vọng chiến dịch được sử dụng như một công cụ để truyền bá ý tưởng là chúng ta phải tôn trọng sự sống.” (Ucan News 23/02/2018)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha tiếp Tổng Tu Nghị dòng Dấu Thánh Chúa Kitô

Đức Thánh Cha tiếp Tổng Tu Nghị dòng Dấu Thánh Chúa Kitô

VATICAN. ĐTC khích lệ các tu sĩ dòng Dấu Thánh Chúa Kitô (Stimmatini) hăng say trong công tác mang lửa tình thương của Chúa cho các cộng đoàn tín hữu.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 10-2-2018, dành cho 40 thành viên tổng tu nghị của dòng Dấu Thánh Chúa Kitô, một dòng do thánh Gaspare Bertoni thành lập năm 1816 và hiện có 390 tu sĩ đang hoạt động tại 100 nhà trên thế giới. Các thành viên tổng tu nghị đến từ 15 quốc gia.

Trong bài huấn dụ, ĐTC nhắc đến lời Chúa Giêsu trong tin mừng theo Thánh Luca (12,49): ”Tôi đến để ném lửa trên trái đất”, đây là ”lửa tốt lành, lửa của Chúa Giêsu, của Đấng làm phép rửa trong Thánh Linh.. Đó là lửa bác ái thanh tẩy tâm hồn và lan tỏa từ thập giá Chúa Kitô”.

ĐTC khẳng định rằng: ”Chứng tá yêu thương của một cộng đoàn huynh đệ của các thừa sai là lời khẳng định việc loan báo Tin Mừng, là một ”sự thử lửa”. Nếu trong một cộng đoàn thiếu lửa tốt, thì có lạnh lẽo, tăm tối, cô độc. Nếu có lửa bác ái huynh đệ, thì có sức nóng, có ánh sáng, và sức mạnh để tiến bước. Và các ơn gọi mới bị thu hút tham gia sứ mạng dịu dàng loan báo Tin Mừng”.

Và ĐTC nhắn nhủ rằng ”Các thừa sai dòng Dấu Thánh thân mến, anh em hãy mang lửa này tới các cộng đoàn Kitô, nơi mà đức tin của bao nhiêu người đang cần được đốt lên, tìm được sức mạnh để lan tỏa. Đồng thời anh em hãy ra đi, đi ra ngoài, loan báo Tin Mừng cho người nghèo, những người không cảm thấy được ai yêu thương, cho những người không nhà cửa, cho người di dân, cho người trốn chạy chiến tranh. Thánh Gaspare Bertoni đã thông truyền cho anh em lòng yêu mến đối với Thánh Gia, Mẹ Maria và Thánh Giuse. Vậy anh em hãy đặc biệt quan tâm tới các gia đình; cùng với các giáo dân, anh em hãy loan báo niềm vui yêu thương” (Rei 10-2-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha khuyến khích các sáng kiến chống buôn người

Đức Thánh Cha khuyến khích các sáng kiến chống buôn người

VATICAN. ĐTC tái khuyến khích những nỗ lực và sáng kiến chống nạn buôn người trên thế giới.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 9-9-2018, dành cho 100 người thuộc nhóm ”Santa Marta” chống nạn buôn người, vừa kết thúc 2 ngày họp tại Nhà trọ Thánh Marta ở nội thành Vatican với dự tham dự của 100 chuyên gia các ngành, kể cả các giới chức an ninh của nhiều chính phủ. Khóa họp được sự điều động của ĐHY Vincent Nichols, TGM Westminster, Chủ tịch HĐGM Anh quốc.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC nói: ”Lời khiển trách của Thiên Chúa đối với Cain ở những trang đầu Kinh Thánh: ”Em ngươi ở đâu?” thúc đẩy chúng ta nghiêm túc cứu xét những hình thức đồng lõa qua đó xã hội dung thứ và khuyến khích sự bóc lột những người nam nữ, và trẻ em dễ bị tổn thương, đặc biệt là nạn buôn người với mục đích khai thác tình dục (EV 211). Những sáng kiến nhắm bài trừ nạn buôn người, trong mục tiêu cụ thể là phá vỡ các mạng tội phạm, ngày càng phải được coi như những mạng rộng rãi có liên quan với nhau, ví dụ việc sử dụng trong tinh thần trách nhiệm các kỹ thuật và phương tiện truyền thông, những nghiên cứu về những hệ lụy luân lý đạo đức của các kiểu mẫu tăng trưởng kinh tế, dành ưu tiên cho lợi nhuận hơn là cho con người”.

ĐTC bày tỏ lòng biết ơn của Giáo Hội đối với tất cả những cố gắng nhắm mang lại dầu thơm tình thương xót của Chúa cho những người đang chịu đau khổ, vì đây cũng là một bước tiến thiết yếu để chữa lành và canh tân xã hội nói chung”.

Trước đó, hôm 2-2-2018, trong lời tựa phúc trình được phổ biến ở Quốc hội Anh, ĐHY Vincent Nichols nhận định rằng cuộc chiến chống nạn buôn người đang bị thất bại vì câu ”lời đáp trả của tập thể không được phối hợp và rời rạc.. Nạn nô lệ tân thời là một tội ác kêu thấu tới trời. Ngày nay số người nô lệ nhiều hơn thời cao điểm của nạn buôn nô lệ từ Phi châu vượt Đại Tây Dương sang Mỹ châu hồi thế kỷ 18. Và số người nô lệ hiện nay đang gia tăng vì các tổ chức tội phạm quốc tế đang tăng cường ảnh hưởng và phạm vi hoạt động của họ”.

Phúc trình phổ biến tại Quốc Hội Anh về nạn buôn người làm nô lệ là kết quả 3 tháng điều tra do hai tờ báo ”Độc lập” (The Independent) và ”Lá Cờ chiều tối” (Evening Standard) ở Anh thực hiện cùng với chiến dịch tên là ”Những người nô lệ trên các đường phố của chúng ta” (Slave On Our Streets). Trong cuộc điều tra này, ĐHY Nichols đã triệu tập một hội nghị bàn tròn với sự tham dự của các chuyên gia về doanh nghiệp, truyền thông, pháp luật, tài chánh, các hội thiện nguyện nhân đạo, các giới chức an ninh và cả các nạn nhân”. (Rei 9-2-2018)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha chào mừng thế vận Olympic mùa đông

Đức Thánh Cha chào mừng thế vận Olympic mùa đông

VATICAN. ĐTC chào thăm các tham dự viên thế vận Olympic mùa đông ở Hàn quốc và ủng hộ sáng kiến hòa bình và gặp gỡ giữa các dân tộc.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 7-2-2018, ĐTC nói:

”Ngày kia, thứ sáu, 9-2, sẽ khai diễn Thế vận Olympic Mùa Đông ở thành phố Bình Chương, Nam Hàn, với sự tham dự của 92 quốc gia.

”Sự ngưng chiến theo truyền thống nhân dịp thế vận Olympic năm nay có một tầm quan trọng đặc biệt: Phái đoàn hai nước Triều tiên sẽ cùng nhau diễn hành dưới một lá cờ duy nhất và sẽ tranh tài như một đội duy nhất. Sự kiện này mang lại hy vọng trong một thế giới các cuộc xung đột được giải quyết ôn hòa bằng đối thoại và tôn trọng nhau, như thể thao dạy chúng ta,

”Tôi gửi lời chào Ủy ban thể vận quốc tế, các vận động viên nam nữ tham gia thế vận ở Bình Chương, chính quyền và nhân dân Bán đảo Triều Tiên. Tôi tháp tùng tất cả mọi người bằng kinh nguyện, trong khi tôi lập lại quyết tâm của Tòa Thánh nâng đỡ mọi sáng kiến hữu ích nhắm bênh vực hòa bình và cuộc gặp gỡ giữa các dân tộc. Ước gì thế vận này là một đại lễ về tình thân hữu và thể thao! Xin Thiên Chúa chúc lành và gìn giữ tất cả quí vị” (Rei 7-2-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

Hai trang web của HĐGM giúp chống lại nạn nghèo đói

Hai trang web của HĐGM giúp chống lại nạn nghèo đói

Hội đồng Giám mục Hoa kỳ đã thành lập hai trang web để giúp “hiểu biết, học hỏi và hành đông, nhắm đối phó với sự nghèo khổ ở Hoa kỳ.”

 

Với sáng kiến này, cac Giám mục Hoa kỳ muốn đóng góp vào việc cung cấp thông tin cho các tín hữu Công gíao về những tình cảnh khó khăn mà nhiều người Mỹ buộc phải sống.

 

Tại Hoa kỳ, có trên 40,6 triệu người sống trong cảnh nghèo khổ, nghĩa là 1/6 công dân và 1/5 trẻ em. Chỉ trong năm 2015, 2,5 triệu trẻ vị thành niên sống kinh nghiệm mất nhà cửa và sống lang thang. Trong năm 2016, chương trình ở trường học bảo đảm một bữa ăn nóng cho những người sống dưới mức căn bản cũng đã cung cấp trên 30 triệu bữa ăn.

 

Povertyusa.org và Pobrezausa.org là hai trang web bằng tiếng Anh và tiếng Tây ban nha, cung cấp các công cụ và nguồn lực để giúp người Công giáo biến đức tin thành hành động bằng cách làm việc để giải quyết vấn đề đói nghèo.

 

Hai trang web này có một bản đồ tương rác với số liệu thống kê về đói nghèo ở cấp quốc gia và cấp tỉnh thành, các hoạt động học tập về hiện tương, tài liệu cầu nguyện và đa phương tiện. Bên cạnh đó, nó cũng có các chuyện kể về hy vọng , làm thế nào các cộng đoàn đang hành động để giải quyết nạn đói ở cấp địa phương và một bản đồ tương tác để tìm kiếm các tổ chức cộng đồng được tài trợ bởi chiến dịch cho việc phát triển con người, được thúc đẩy bởi các giám mục Hoa Kỳ.

 

Đức cha David Prescott Talley, Giám mục phó của giáo phận Alexandria và chủ tịch của Ủy ban công lý đối nội và phát triển con người của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ, nói: “Như các môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta được mời gọi gặp gỡ những người trong các cộng đoàn của chúng ta đang sống trong các điều kiện khó khăn. Nghèo đói ở Hoa kỳ là một thực tại, do đó chúng ta phải cùng nhau hành động để thể hiện đức tin của chúng ta bằng hành động và giải quyết vấn đề này.

 

Theo Hội đồng Giám mục, ngưỡng nghèo của một gia đình người Mỹ là thu nhập khoảng 24 ngàn đô la / năm, tức là khoảng 1900 đô la/tháng. Số tiền này có thể là đủ cho chi phí của một gia đình tại một số quốc gia, nhưng ở Hoa kỳ, vì điều kiện sống cao và các chi phí như y tế và học hành, hàng triệu gia đình sống trong tình trạng bấp bệnh.

 

Chương trình chống nghèo đói được các Giám mục Hoa kỳ đưa ra với ý thức rằng sự gạt ra ngoài lề xã hội và đau khổ là những thử thách hàng ngày của quốc gia, nhưng đồng thời cũng là “cơ hội gặp gỡ thật sự với thân thể đau khổ của Chúa Kitô.” Các sáng kiến này là “một dấu chỉ cụ thể của sự tương trợ của Giáo hội và sự dấn thân để mang hy vọng và niềm vui Tin mừng cho các anh em nghèo khổ nhất.” (L'Osservatore Romano  02-03/02/2018)

 

Hồng Thủy

5 nhà thờ Chí Lợi bị phá trước cuộc viếng thăm của ĐGH

5 nhà thờ Chí Lợi bị phá trước cuộc viếng thăm của ĐGH

SANTIAGO. Hôm 12-1-2017 đã xảy ra 5 vụ phá hoại thánh đường ở Chí Lợi trong vòng 24 tiếng đồng hồ, 3 ngày trước khi ĐTC Phanxicô đến thăm nước này.

Sáng sớm thứ sáu (12-1) 3 vụ phá hoại bằng bom xăng đã xảy ra tại 3 thánh đường Công Giáo ở các khu phố Recoleta, Penalolén và Nhà Ga Trung Ương. Vụ thứ tư xảy ra trước cửa một thánh đường ở thủ đô Santiago. Vụ thứ năm là một quả bom được gắn tại nhà thờ Chúa Giêsu Thày Chí Thánh.

Cảnh sát Chí Lợi đang điều tra về các tội phạm này. Theo Viện Kiểm Sát ở địa phương, thủ phạm những vụ này là Phong Trào Giới trẻ Lautaro, đã từng gây ra những vụ tấn công tương tự hồi tháng 11 và 12 vừa qua, bên lề cuộc bầu cử tổng thống.

Bà tổng thống Michelle Bachelet nói với Đài phát thanh Oasis rằng: ”Chúng tôi vẫn biết có nhóm này nhóm kia, những vụ tấn công này là điều rất lạ, vì đây không phải là điều mà người ta có thể xác định như một nhóm đặc thù nào”. Sau khi nhóm họp tại phủ tổng thống với Ủy ban điều hợp cuộc viếng thăm của ĐGH, Bà Bachelet tuyên bố rằng nhiệm vụ của chính phủ là bảo đảm sự yên hàn cho mọi người dân tại những thành phố mà ĐGH sẽ viếng thăm.

Mặt khác, ĐHY Ezzati, TGM giáo phận Santiago, nói rằng “những gì xảy ra không thay đổi tinh thần của chúng tôi”.

Tòa TGM Santiago ra tuyên ngôn bày tỏ đau buồn vì những vụ tấn công, chúng trái ngược với tinh thần hòa bình của cuộc viếng thăm ĐTC thực hiện tại Chí Lợi.

”Với lòng khiêm tốn và tinh thần thanh thản, chúng tôi yêu cầu những người thực hiện những hành vi như thế hãy biết rằng tuyệt đối họ không đại diện cho tâm tình của đại đa số dân chúng. Họ hãy suy nghĩ về sự cần thiết phải có tinh thần tôn trọng và bao dung giữa tất cả mọi người, để xây dựng một quốc gia của mọi người anh chị em.

”Chile đang cần có sự đối thoại nhiều hơn. Tất cả các tín hữu Công giáo và tín đồ của các tôn giáo khác, những người nam nữ thiện chí, hãy canh tân niềm vui và tham gia vào những buổi lễ trong tuần tới đây, cùng với ĐTC, Người mang đến một sứ điệp hy vọng và yêu thương giữa tất cả mọi người”.

Ngoài những vụ tấn công các thánh đường vừa nói, các thành viên của nhóm vô chính phủ tên là ”Andha Chile” đã chiếm tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Santiago trong vòng ít phút hôm 12-1-2017 để phản đối cuộc viếng thăm của ngài tại nước này. Đây là nơi ĐTC sẽ trú ngụ trong 3 ngày ở Chí Lợi.

Cũng nên nói thêm rằng từ khoảng 30 năm nay, tại Chí Lợi đã có gần 40 nơi thờ phượng Kitô bị thiêu hủy, và đôi khi bị phá hủy bình địa: các nhà nguyện, nhà thờ ở miền quê, các trung tâm mục vụ. (Tổng hợp 13-1-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Canh thức cầu nguyện vì sự sống tại thủ đô Washington

Canh thức cầu nguyện vì sự sống tại thủ đô Washington

Buổi canh thức cầu nguyện toàn quốc vì sự sống sẽ được tổ chức từ chiều thứ năm 18/01 đến sáng thứ sáu 19/01, tại đền thánh quốc gia Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội. Trên 20 ngàn tín hữu hành hương khắp Hoa kỳ sẽ cầu nguyện cho việc chấm dứt phá thai, trước cuộc tuần hành hàng năm vì sự sống.

Buổi canh thức đánh dấu 45 năm Tòa án tối cao Hoa kỳ ra phán quyết Roe v. Wade và Doe v. Bolton vào năm 1973, cho phép phá thai trong 9 tháng của thai kỳ. Từ khi những quyết định này ra đời, trên 58 triệu vụ phá thai đã được thực hiện hợp pháp tại Hoa kỳ.

Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York, Chủ tịch Ủy ban hoạt động vì sự sống của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ sẽ chủ sự và giảng trong Thánh lễ có các Hồng y, Giám mục và Linh mục cùng đồng tế tại nhà thờ tầng trên từ 5.30 – 7.30 chiều. Buổi canh thức sẽ tiếp tục suốt đêm tại tầng hầm với việc xưng tội, Kinh Mân Côi cho sự sống, cầu nguyện theo nghi thức Byzantin và giờ thánh do các chủng sinh hướng dẫn từ 11 giờ đêm đến 6 giờ sáng.

Deirdre McQuade, trợ lý giám đốc truyền thông ủng hộ sự sống của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ cho biết rằng năm nay các tín hữu sẽ có một món quà tinh thần đặc biệt. Các tín hữu có thể được nhận ơn toàn xá với các điều kiện như thường lệ khi tham gia vào giờ canh thức toàn quốc vì sự sống hay các cử hành thánh xung quanh cuộc tuần hành vì sự sống.

Các tín hữu khắp nước được mời gọi tương trợ với các giám mục trong tuần 9 ngày ủng hộ sự sống, từ 18-26/01. McQuade nói: “Hy vọng các lời cầu nguyện của chúng ta, cùng với các hành động yêu thương, giúp xây dựng một nền văn hóa yêu quý mọi sự sống con người.”

Vào ngày Tuần hành vì sự sống, thứ 6,19/01, sẽ có chầu Thánh Thể tại nhà thờ hầm của đền thánh Đức Mẹ vào lúc 6 giờ sáng với giờ kinh sáng và phép lành. Thánh lễ kết thúc buổi canh thức sẽ  được Đức cha Edward Burns  của Dallas cử hành vào lúc 7.30 sáng tại nhà thờ tầng trên.

Buổi canh thức cầu nguyện toàn quốc được văn phòng hoạt động ủng hộ sự sống của hội đồng Giám mục Hoa kỳ, đền thánh Đức Mẹ quốc gia , đại học Công giáo Hoa kỳ đồng tổ chức. (Sismografo 13/01/2018)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha tiếp 400 Giáo Viên Công Giáo Italia

Đức Thánh Cha tiếp 400 Giáo Viên Công Giáo Italia

VATICAN. ĐTC kêu gọi các giáo viên Công Giáo Italia giáo dục về nền văn hóa gặp gỡ, gia tăng tương quan giữa nhà trường với các phụ huynh, đồng thời thăng tiến giáo dục về việc bảo vệ môi trường.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 5-1-Jerusalem dành cho 400 thành viên thuộc Hiệp Hội giáo viên Công Giáo Italia, vừa kết thúc 3 ngày đại hội toàn quốc ở Roma về đề tài: ”Ký ức và tương lai. Những vùng ngoại ô và biên giới kiến thức chuyên nghiệp”.

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến ĐTC cổ võ nền văn hóa gặp gỡ và nói rằng ”Chúng ta được kêu gọi kích thích các học sinh cởi mở đối với người khác, như khuôn mặt, như con người, như anh chị em cần nhận biết và tôn trọng, với lịch sử, những ưu điểm và khuyết điểm, những phong phú và giới hạn của họ. Vấn đề ở đây là cộng tác vào việc đào tạo các học sinh cởi mở và quan tâm đến các thực tại xung quanh, có khả năng chăm sóc và dịu dàng, không chịu thành kiến phổ biến theo đó cần phải cạnh tranh, gây hấn, cứng cỏi với những người khác, nhất là những người khác biệt, người ngoại quốc hoặc bất kỳ những người nào bị coi là điều cản trở sự thành đạt của mình.”

Mặt khác, ĐTC ghi nhận rằng tương quan giữa trường học và gia đình ngày nay không còn như xưa, không còn có sự kích thích lẫn nhau giữa giáo chức và phụ huynh. Trong bối cảnh đó, ĐTC nói, cần cố gắng gia tăng dấn thân đạt tới một sự cộng tác xây dưng giữa hai bên, để mưu ích cho các học sinh.

Sau cùng, ĐTC đặc biệt cổ võ sự giáo dục về bảo vệ môi trường. Ngài nói: ”Đây không phải chỉ cung cấp một số ý niệm, tuy là cần thiết, nhưng là giáo dục về một lối sống dựa trên thái độ chăm sóc căn nhà chung của chúng ta là thiên nhiên. Đây là một lối sống không điên dại, ví dụ chăm sóc các động vật bị đe dọa triệt tiêu, nhưng lại cố tình không biết đến những vấn đề của người già; hoặc bảo vệ rừng cây Amazzonia nhưng lại lơ là với các quyền của công nhân được đồng lương xứng đáng, v,v. Cần phải dạy về một nền môi sinh toàn diện, nhất là dạy về tinh thần trách nhiệm. Đây không phải là thông truyền những khẩu hiệu mà người khác phải làm, nhưng là khơi dậy ước muốn thực hành một nền luân lý đạo đức về môi sinh, đi từ những chọn lựa và cử chỉ thường nhật”.

 Lúc 3 giờ chiều cùng ngày 5-1-2017, ĐTC đã đến thăm Bệnh viện nhi đồng Chúa Hài Đồng Giêsu, cơ sở tại Palidoro, cạnh bờ biển, cách Roma khoảng 30 cây số.

Đến nơi, ĐTC đã được hướng dẫn thăm các khu vực khác nhau trong nhà thương, chào thăm khoảng 120 em bệnh nhân đang được điều trị tại đây, cùng với cha mẹ các em (Rei 5-1-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha khích lệ các bạn trẻ Taizé Âu châu

Đức Thánh Cha khích lệ các bạn trẻ Taizé Âu châu

BÂLE. ĐTC Phanxicô khích lệ các bạn trẻ tham dự cuộc gặp gỡ giới trẻ Kitô Âu Châu ở Bâle, Thụy Sĩ, hãy để cho niềm vui do cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu ở lại trong tâm hồn, và cởi mở đối với tha nhân.

 Lời kêu gọi của ĐTC được trình bày trong sứ điệp ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, gửi đến 15 ngàn bạn trẻ Kitô, thuộc các hệ phái khác nhau, từ các nước Âu Châu đang tham dự cuộc gặp gỡ do Tu viện đại kết Taizé tổ chức tại thành phố Bâle, từ chiều ngày 28-12-2017 đến 1-1-2018. Thành phố này ở khu vực biên giới 3 nước: Thụy Sĩ, Pháp và Đức, nên các bạn trẻ cũng được tiếp đón trong các tư gia, giáo xứ và trường học tại vùng biên giới 3 quốc gia.

 Trong sứ điệp ĐHY Parolin cho biết ĐTC Phanxicô bày tỏ sự gần gũi tinh thần sâu xa với các bạn trẻ, là những ngừơi đang được linh hoạt vì ước muốn cùng nhau đào sâu những nguồn mạch đức tin. Đây cũng là điều ĐTC đã viết trong Tông Huấn ”Niềm vui Phúc Âm”: ”Niềm vui này làm đầy tâm hồn và cuộc sống của những ngừơi gặp Chúa Giêsu. Những người để cho Chúa Giêsu cứu thoát là những người giải thoát khỏi tội lỗi, sầu muộn, sự trống rỗng nội tâm, sự cô lập. Với Chúa Giêsu Kitô niềm vui luôn nảy sinh và tái nảy sinh” (n.1).

 ĐHY Quốc vụ khanh cũng viết rằng: ”ĐGH khuyến khích các bạn trẻ hãy để cho niềm vui ấy nảy sinh từ tình bạn được sống thực với Chúa Giêsu và không bao giờ khép kín các bạn với những người khác và những đau khổ của thế giới này. Ngài mời gọi các bạn hãy gắn bó với Chúa, qua kinh nguyện và lắng nghe Lời Chúa, để Chúa giúp các bạn phát huy các tài năng của các bạn, ”hầu làm tăng trưởng nền văn hóa từ bi, dựa trên sự tái khám phá cuộc gặp gỡ với tha nhân: một nền văn hóa trong đó mỗi người không nhìn tha nhân với sự dửng dưng, và cũng không ngoảnh mặt đi nơi khác khi thấy những đau khổ của anh chị em mình” (Tông thư Misericordia et misera, 20) (Rei 28-12-2017)

 G. Trần Đức Anh OP

ĐTC chia buồn với nhân dân Ai Cập và lên án vụ khủng bố

ĐTC chia buồn với nhân dân Ai Cập và lên án vụ khủng bố

VATICAN. ĐTC chia buồn với nhân dân Ai Cập và mạnh mẽ lên án vụ khủng bố Đền thờ Hồi giáo tại miền bắc bán đảo Sinai.

Hôm thứ sáu 24-11, quân khủng bố đã tấn công bằng lựu đạn và bắn loại xạ vào các tín hữu đang cầu nguyện tại Đền thờ Hồi giáo Rawda làm cho ít nhất 235 người thiệt mạng và 130 người bị thương.

Trong điện văn nhân danh ĐTC gửi đến chính quyền và nhân dân Ai Cập, ĐHY Pietro Sodano, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, viết:

”ĐTC Phanxicô rất đau buồn khi hay tin bao nhiêu người bị thiệt mạng do các cuộc tấn công khủng bố tại Đền thờ Hồi giáo Rawda ở miền bắc Sinai. Ngài bày tỏ tình liên đới với nhân dân Ai Cập trong giờ phút tang thương này của quốc gia và ngài phó thác các nạn nhân cho lòng thương xót của Thiên Chúa tối cao, đồng thời khẩn cầu phúc lành an ủi và bình an cho gia đình họ.

ĐTC tái mạnh mẽ lên án hành động hèn nhát tàn ác chống lại các thường dân vô tội đang họp nhau cầu nguyện và ngài hiệp với mọi người thiện chí cầu nguyện để những tâm hồn chai đá học cách từ bỏ con đường bạo lực, dẫn tới những đau khổ lớn lao, và chọn lựa con đường hòa bình”.

Cho đến nay dân quân IS của Nhà Nước Hồi giáo đã gây ra nhiều vụ tấn công khủng bố ở đảo Sinai và đã giết hại hàng trăm binh sĩ và cảnh sát Ai Cập. Nhưng vụ tấn công đền thờ Rawda làm trầm trọng nhất từ trước đến nay.

Tổng thống Morsi ở Cairo đã ra lệnh cho không quân tấn công các nơi bị coi là sào huyệt của các nhóm khủng bố. (Rei 25-11-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Sứ điệp của Đức Thánh Nga nhân Ngày Hòa Bình thế giới 2018

Sứ điệp của Đức Thánh Nga nhân Ngày Hòa Bình thế giới 2018

VATICAN. Hôm 24-11-2017, Sứ điệp của ĐTC nhân Ngày Hòa bình thế giới 1-1 năm 2018 đã được công bố với chủ đề: ”Di dân và tị nạn: những người nam nữ tìm kiếm hòa bình”.

Trong sứ điệp, sau khi nhắc đến sự kiện trên thế giới hiện có hơn 250 triệu người di cư và trong đó có 22 triệu rưỡi người tị nạn, ĐTC khẳng định rằng ”cởi mở tâm hồn trước những đau khổ của tha nhân, điều này chưa đủ, còn phải làm sao để các anh chị em di dân và tị nạn có thể sống an bình trong một căn nhà an ninh”. Ngài nhìn nhận các chính quyền có nhiệm vụ thực thi nhân đức khôn ngoan thận trọng, biết đón nhận, thăng tiến, bảo vệ và hội nhập những người nhập cư, thiết lập các biện pháp thực hành… Chính quyền có trách nhiệm rõ ràng đối với các cộng đoàn của mình, đảm bảo các quyền lợi chính đáng và sự phát triển hòa hợp”.

ĐTC cũng phân tích những nguyên nhân tạo nên số người di cư và tị nạn đông đảo như ngày nay, và ngài mời gọi mọi người nhìn vấn đề này trong viễn tượng đức tin, tình liên đới và huynh đệ, ước muốn thiện ích, sự thật và công lý, nhìn nhận những khía cạnh tích cực của những người di dân và tị nạn. Ngài viết:

”Khi quan sát những người di dân và tị nạn, ta sẽ khám phá thấy họ không đến tay không: họ mang nhiều can đảm, khả năng, nghị lực và khát vọng, cùng với những kho tàng văn hóa nguyên quán, nhờ đó họ làm cho cuộc sống quốc gia đón nhận được thêm phong phú. Chúng ta cũng sẽ nhận thấy tinh thần sáng tạo, kiên trì, tinh thần hy sinh của bao nhiêu cá nhân, gia đình và cộng đoàn ở các nơi trên thế giới mở tâm lòng đố với những người di dân và tị nạn, kể cả tại những nơi không có nhiều tài nguyên”.

Đi vào cụ thể hơn, Sứ điệp của ĐTC đề nghị 4 hành động cần thực hiện đối với những người di dân và tị nạn, đó là: đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập.

– Việc đón tiếp đòi phải cấp thiết mở rộng khả thể cho người di dân và tị nạn được nhập cư hợp pháp, không đẩy đưa họ vào những nơi có bách hại và bạo lực, quân bình mối quan tâm về an ninh quốc gia với sự bảo vệ các quyền căn bản của con người.

– Việc bảo vệ nhắc nhớ nghĩa vụ nhìn nhận và bảo vệ phẩm giá bất khả xâm phạm của những người trốn chạy nguy hiểm, và tìm kiếm nơi ẩn náu, an ninh, ngăn cản sự bóc lộc họ.

– Việc thăng tiến có liên quan đến sự phát triển nhân bản toàn diện cho người di dân và tị nạn: ví dụ đảm bảo cho các trẻ em và người trẻ được giáo dục ở các cấp..

– Sau cùng, việc hội nhập giúp người di dân và tị nạn hoàn toàn được tham gia vào đời sống xã hội đón tiếp họ, làm cho nhau được thêm phong phú.. (Rei 23-11-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Giáo hoàng gửi thư cám ơn một thương binh người Colombia

Đức Giáo hoàng gửi thư cám ơn một thương binh người Colombia

Bogota, Colombia – Đức Giáo hoàng Phanxicô đã gửi một lá thư viết tay để cám ơn Edwin Restrepo, một lính thủy quân lục chiến người Colombia đã về hưu vì bị thương tật trong cuộc nội chiến tại quốc gia này.

Trong chuyến viếng thăm Colombia hồi tháng 9 vừa qua, Đức Giáo hoàng đã gặp anh Restrepo tại sân bay Catam, khi ngài chào các người lính và các sĩ quan cảnh sát bị tàn phế trong cuộc chiến. Khi Đức Giáo hoàng đi ngang qua Restrepo, anh đã cúi đầu về phía trước để xin ngài chúc lành. Đức Giáo hoàng muốn tặng cho cho người thương binh trẻ chiếc mũ “chỏm” trắng của ngài. Đức Giáo hoàng đã tặng cho anh một tràng hạt Mân côi. Để đáp lại thiện ý của Đức Giáo hoàng, Restrepo nói với ngài anh muốn tặng ngài một thứ gì biểu trưng cho quân đội và anh đã tặng cho ngài chiếc mũ lưỡi trai lính của anh mà anh nghĩ là thứ tốt nhất.

Hôm 18 tháng 10, Đức giáo hoàng đã viết thư cám ơn người thương binh trẻ và đảm bảo rằng ngài cầu nguyện cho tất cả những người đã và đang hy sinh mạng sống vì hòa bình của quốc gia và vì nhân dân. Hôm thứ 5, 09/11, lá thư của Đức giáo hoàng đã được Đức cha Fabio Suescún Mutis, Giám mục Castrense và giám đốc chuyến viếng thăm Colombia của Đức giáo hoàng, trao cho anh lính và đọc. Lá thư cũng được Hội đồng Giám mục Colombia công bố.

Trong thư Đức giáo hoàng nói với Restrepo rằng ngài mang chiếc mũ lưỡi trai lính của anh trong suốt hành trình ở Colombia, vì nó nhắc ngài về sự hy sinh và lòng yêu nước của các quân nhân Colombia, những người đã chiến đấu trong cuộc chiến vừa kết thúc với các chiến binh Mác-xít. Đức giáo hoàng cho biết hiện nay ngài giữ chiếc mũ trên một bàn thờ trong văn phòng nhỏ của ngài ở Roma. Ngài cho biết ngài thường cầu nguyện ở đó. Và mỗi khi cầu nguyện, ngài cầu nguyện cho Restrepo, cho các đồng đội đã hy sinh và bị thương của anh.

Restrepo ngạc nhiên về việc làm của Đức giáo hoàng, đặc biệt vì anh chưa bao giờ nói với ngài tên của anh. Anh không bao giờ nghĩ đến điều này. Đối với anh, đó là một trong những hành động đẹp nhất mà anh trải nghiệm. Anh cho biết mình sẽ giữ lá thư của Đức giáo hoàng trong một tấm khung và đặt nó trong văn phòng nhỏ của anh, cạnh chuỗi tràng hạt Đức giáo hoàng tặng cho anh.

Restrepo bị mất chân trái, một phần của tay phải và thị lực vào năm 2004, khi anh đạp trúng một quả mìn chống người trong cuộc hành quân ở vùng nông thôn Colombia. Khi đó anh chỉ mới 19 tuổi và đang hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Dù bị mù, hiện nay Restrepo đọc bằng chữ Braille dành cho người khiếm thị và đang hoàn thành chứng chỉ luật. Anh nói: Tôi muốn tiếp tục giúp đỡ những thành viên của quân đội chúng tôi. Có nhiều người không được lãnh lương hưu trí thích hợp và tôi muốn tranh đấu nhân danh họ.” (CNS 10/11/2017)

Hồng Thủy

Các Giám mục Philippines chưa gia hạn được phép của hệ thống đài phát thanh

Các Giám mục Philippines chưa gia hạn được phép của hệ thống đài phát thanh

Manila, Philippines – Ít nhất 54 đài phát thanh của mạng lưới Truyền thông Công giáo Philippines có thể bị ảnh hưởng do Hạ viện Philippines chưa gia hạn giấy phép.

Các Giám mục Philippines đã nộp đơn xin gia hạn giấy phép hồi tháng 1 năm nay, vì giấy phép cũ hết hạn vào ngày 07/08. Đơn của các Giám mục xin gia hạn giấy phép và quyền hoạt động cho 25 tới, nhưng vẫn bị kẹt ở cấp ủy ban của Hạ viện. Luật của Philippines yêu cầu các mạng lưới truyền thanh và truyền hình có phép được ban hành thông qua luật của Quốc hội để có thể hoạt động.

Mạng lưới đài phát thanh thông Công giáo Philippines phát đến 11 vùng và 35 tỉnh ở Philippines. Đây là hệ thống phát thanh lớn nhất ở Philippines tính theo số đài và lượng truyền tải trên mỗi trạm.

Cha Jerome Secillano, thư ký điều hành của ủy ban đối ngoại của Hội đồng Giám mục không loại trừ chính trị là lý do của việc không xin được gia hạn giấy phép, đặc biệt vì các giám mục Philippines đã lên tiếng chỉ trích tổng thống Duterte. Cha nói: “Thật là buồn khi chính trị có thể lẻn vào tiến trình dân chủ của chúng ta. Nó có thể là một lý do tại sao quốc hội không gia hạn giấy phép.” Cha nhận định rằng người thiệt thòi chính là người dân theo dõi các chương trình.

Nghị sĩ Franz Alvarez giải thích về việc đơn xin gia hạn của các giám mục chưa được xét là do lượng lớn các đơn cơ quan pháp luật phải giải quyết. (CNS 20/10/2017)

Hồng Thủy