Cần cầu nguyện nhiều để Irak tránh được xung khắc và phân hóa

Cần cầu nguyện nhiều để Irak tránh được xung khắc và phân hóa

Phỏng vấn ĐTGM Giorgio Lingua, Sứ Thàn Tòa Thánh tại Irak

Từ vài tháng qua tình hình Irak ngày càng trở nên rối ren và bất ổn. Ngày 29 tháng 6 lực lượng Hồi thánh chiến cuồng

tín ISIS tuyên bố thành lập quốc gia hồi giáo Califat nhằm thống nhất hai nước Irak và Siria dưới quyền điều khiển của ông Abou Bakr Al-Baghdadi, lãnh tụ của một nhóm thánh chiến hồi giáo cấp tiến. Ông này được sự ủng hộ của các bộ tộc và các cựu sĩ quan của cố tổng thống Sunnít Saddam Hussein, đã chiếm đóng nhiều phần đất tại Irak kể từ khi nhóm ISIS phát động các cuộc tấn công ngày mùng 9 tháng 6. Ngày mùng 5 tháng 7 nhóm ISIS đã phổ biến video bài giảng của lãnh tụ tự phong Baghdadi trong đền thờ hồi giáo Mossul ngày thứ sáu mùng 4 tháng 7. Ông Baghdadi kêu gọi tín hữu hồi trên toàn thế giới vâng phục ông. Ông nói: ”Tôi là lãnh tụ đươc chỉ định để hướng dẫn qúy vị, nhưng tôi không tốt lành hơn qúy vị; nếu tôi có lý hãy giúp tôi, và nếu qúy vị nghĩ rằng tôi sai, xin cố vấn cho tôi và dẫn tôi vào đường ngay chính. Hãy vâng lời tôi như qúy vị vâng lời Allah nơi qúy vị”.

Abou Bakr Al-Baghdadi sinh năm 1971 tại Samarra, và từ nhiều năm qua đã hoạt động trong bóng tối, nên rất ít người biết rõ thân thế ông ta.

Califat, quốc gia hồi giáo, là một chế độ chính trị có từ thời ngôn sứ Mahomet, nhưng đã biến mất với sự phân tán của đế quốc Ottoman trong thập niên 1920. Lãnh tụ Calif là người kế vị ngôn sứ Mahomet để áp dụng luật Sharia trong các vùng đất của Hồi giáo.

Ông Youssef Al-Qaradaoui, chuyên viên thuyết giáo qatari, thuộc ban lãnh đạo của tổ chức Huynh đệ hồi giáo, khẳng định rằng việc thành lập một quốc gia hồi giáo do một nhóm nổi tiếng vì các hành động tàn bạo và quan điểm cấp tiến không phục vụ chương trình hồi giáo. Tước hiệu calif phải được toàn quốc gia hồi ban cho, chứ không thể bị một nhóm cưởp lấy”.

Trong thời gian qua lực lượng ISIS đã đánh chiếm một phần vùng Ninive cũng như các vùng thuộc các tỉnh Diyala ở mạn đông, Salaheddine ở mạn bắc, Kirkuk ở mạn tây và Mossul. Từ tháng giêng năm nay lực lượng này cũng kiểm soát các vùng của tỉnh Al-Anbar ở mạn tây.

Trong vùng Mossul cách thủ đô Baghdad 350 cây số, nhân danh cuộc chiến chống các ”ngẫu tượng” các binh sĩ của lực lượng ISIS đã phá hủy tất cả các trung tâm thờ từ Sunnít, Suphít và Shiít. Họ cũng chiếm hai nhà thờ chính tòa kitô. Các nhóm phiến quân Siri đã khước từ chấp nhận quốc gia hồi giáo, vì các cuộc hành quyết sơ sài và ước muốn bá chủ của nhóm ISIS.

Các lực lượng quân sự Irak gặp khó khăn trong việc tái chiếm các vùng đã mất, và hiện đang dậm chân tại chỗ quanh vùng Tikrit, là quê sinh của Saddam Hussein.

Trên bình diện chính trị tình hình xem ra bế tắc, trong khi dân nước Irak đang chờ đợi có một tổng thống và một chính phủ mới. Ông Nouri-al Maliki cầm quyền từ năm 2006 tới nay vẫn muốn tái tranh cử. Tuy thắng cuộc bầu cử lập pháp ngày 30 tháng 4 nhưng kiểu cai trị chuyên quyền và lựa chọn gạt bỏ các nhóm thiểu số Sunnít và Kurde trong các năm qua, khiến ông khó có khả năng quy tụ các lực lượng quốc gia khác. Trong khi có nhiều lực lượng muốn chia Irak thành ba nước độc lập dành cho ba nhóm Shiít, Sunnít và Kurde. Chính vì thế ông đã luôn luôn từ chối đề nghị thành lập chính quyền thống nhất có sự tham dự của cả ba nhóm, do các vị lãnh đạo tôn giáo đưa ra.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin công giáo Hoa Kỳ hôm mùng 7 tháng 7 vừa qua Đức Thượng Phụ Louis Sako, Giáo Chủ Công Giáo Canđê, mô tả tình trạng tại đất nước Irak hiện nay có lẽ là ”thời kỳ đen tối và khó khăn nhất trong lịch sử gần đây của Giáo Hội”. Đức Thượng Phụ Sako ví tình trạng Giáo Hội tại đất nước ngài như sự tích trong Phúc Âm, Chúa Giêsu ngủ trên thuyền trong khi bão tố vùi dập và các môn đệ kinh hãi. Ngài kêu gọi các tín hữu cầu nguyện để những người bị bắt cóc được trở về bình an và cho tương lai của mọi Kitô hữu ở Irak.

Trong cuộc phỏng vấn Đức Thượng Phụ Sako cũng tái kêu gọi trả tự do cho 2 nữ tu và 3 cô nhi bị bắt cóc ngày 28-6 vừa qua tại thành phố Mossul ở miền bắc Irak.

Đức Thượng Phụ cho biết ngài không rõ các nữ tu dòng Nữ Tử Đức Maria và những người bị bắt cóc đang bị giữ ở đâu mặc dù có nhiều phía hứa sẽ giúp đỡ. Ngài cũng xác nhận rằng thành phố Mossul hầu như không còn tín hữu Kitô nữa, và chỉ còn lại khoảng 200 Kitô hữu. Các nhà thờ đóng cửa và không còn thánh lễ chúa nhật.

Dân quân Hồi giáo gọi tắt là Isis đã chiếm nhà thờ chính tòa của Công Giáo Canđê và Chính Thống Siria ở Mossul. Họ tháo gỡ thánh giá ở mặt tiền thánh đường và thay bằng lá cờ đen của Quốc gia Hồi giáo.

Chính quyền Irak đã báo cho Tổ chức nguyện tử năng quốc tế biết các phiến quân hồi cuồng tín đã đánh cắp 40 kg Uranium khỏi đại học Mossul. Nhưng tổ chức này cho biết chất liệu bị đánh cắp không thể trở thành một đe dọa. Rất nhiều kitô hữu đã di tản khỏi thành phố Mossul, khi lực lượng ISIS tiến chiếm thành phố.

Sau đậy chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Giorgio Lingua, sứ Thần Tòa Thánh tại Irak, về hiện tình tại đây.

Hỏi: Thưa Đức Sứ Thần Tòa Thánh, tình hình Irak hiện nay ra sao?

Đáp: Nỗi lo lắng chính của chúng tôi trong lúc này là cung cấp nước uống cho dân chúng đã di tản khỏi Mossul. Tôi biết là trong lúc này người ta đang đào các giếng nước, nhưng không tức khắc có nước ngay. Trên bình diện nhân đạo có rất nhiều điều phải làm một cách đáng khen trong việc tiếp đón các người hồi, bằng cách mở các trường học, các nhà cho những người di tản, ít nhất là trong thời gian tạm thời.

Hỏi: Các cộng đoàn kitô có thể gặp các nguy cơ nào thưa Đức Sứ Thần Tòa Thánh?

Đáp: Nguy hiểm nhất chắc chắn là vùng giáp giới với nơi bị ”nhà nước hồi” kiểm soát, bởi vì người ta không biết họ bằng lòng tới đâu và dừng lại đâu. Các vùng an ninh là các vùng do các lực lượng Kurde kiểm soát.

Hỏi: Theo Đức Sứ Thần thì người ta đang dự phóng một tương lai nào?

Đáp: Thật khó mà nói được. Theo tôi thì nó tùy thuộc rất nhiều nơi những gì mà chính quyền trung ương thành công trong việc đương đầu với tình hình một cách đúng đắn và bao quát, bằng cách rộng mở cho mọi lực lượng đại diện quốc gia. Cần phải có một quốc hội và một chính quyền hoạt động. Chỉ khi đó mới có thể trông thấy những gì phải làm. Tôi tin rằng cũng cấp thiết sự kiện xã hội dân sự ý thức rằng không thể đứng đó mà nhìn và chờ đợi các nhà chính trị làm việc, bởi vì thường khi các nhà chính trị bi các lợi lộc phe phái điều khiển, trong khi xã hội dân sự có thể hướng tới thiện ích chung nhiều hơn.

Hỏi: Xã hội dân sự có thể trợ giúp quốc gia đương đầu với sự xâm lăng đích thật như thế nào, thưa Đức Cha?

Đáp: Nếu có ý muốn bao gồm tất cả mọi người vào trong dự án của một tương lai của Irak, thì cả những người đã xâm lăng cũng sẽ mất đi sự ủng hộ địa phương, bởi vì họ đã tìm thấy sự ủng hộ đó: họ đã vào Irak một cách qúa dễ dàng, bởi vì đã có nhiều bất mãn, trong lúc tất cả mọi lực lượng cảm thấy mình được đại diện trên bình diện trung ương, thì khi đó các lực lượng này sẽ mất đi sự ủng hộ địa phương.

Hỏi: Đức Sứ Thần có muốn đưa ra lời kêu gọi nào không?

Đáp: Tôi tin rằng trong lúc này cần phải cầu nguyện. Cần phải có một phép lạ để tình hình đừng trở thành tồi tệ hơn, và để người ta đừng đi đến một cuộc xung đột vũ trang có thể giải quyết một phần hay tái chiếm một phần lãnh thổ, nhưng sẽ gây ra nhiều nạn nhân mới và các bất bình mới. Cần phải thuyết phục để người ta đừng đi tới một cuộc xung đột vũ trang tàn bạo.

(RG 9-7-2014; CNA 7-7-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC COLOMBIA TÁI XÁC ĐỊNH SỰ SẴN SÀNG LÀM TRUNG GIAN THƯƠNG THUYẾT HÒA BÌNH GIỮA CHÍNH QUYỀN VÀ PHIẾN QUÂN ELN

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC COLOMBIA TÁI XÁC ĐỊNH SỰ SẴN SÀNG LÀM TRUNG GIAN THƯƠNG THUYẾT HÒA BÌNH GIỮA CHÍNH QUYỀN VÀ PHIẾN QUÂN ELN

BOGOTÀ: Trong những ngày vừa qua, giáo hội công giáo Colombia đã tái xác định sự sẵn sàng đứng ra làm trung gian hay tạo điều kiện cho một cuộc thương thuyết hòa bình giữa chính quyền nước này và lực lượng quân đội giải phóng quốc gia, gọi tắt là ELN, nhóm phiến quân vũ trang đứng hàng thứ hai tại đây.

Theo những lời tuyên bố được đăng tải trên báo El Espectador, Đức Cha Luis Augusto Castro Quiroga, Tổng Giám Mục Tunja và mới được bầu là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Colombia hôm 9-7-2014, đã nói là Giáo Hội sẵn sàng nhận lời, nếu một ngày kia có người yêu cầu Giáo Hội làm trung gian hay tạo điều kiện dề dàng cho một cuộc thương thuyết như đã từng xảy ra với nhóm phiến quân Lực Lượng vũ trang cách mạng Colombia, gọi tắt là FARC. Với FARC, Đức Cha Quiroga nhận định, đã có một cuộc kiểm điểm xem có thực sự hướng đến việc mở một tiến trình hòa bình thành thật hay chỉ là một cuộc hòa đàm cho có vậy thôi.

Giáo Hội luôn luôn ủng hộ cuộc đối thoại chính trị để đạt tới hòa bình bởi vì con đường đấu tranh vũ trang là con đường thất bại. Để được như thế, cần phải có nhiều thành tâm và thiện chí. Các nhóm du kích vũ trang phải nhìn nhận những hành vi đã thực hiện, phải hối lỗi xin tha thứ, phải đền bù và chấp nhận công lý.

Tuyên bố với một tờ báo khác tên Vanguardia, Đức Cha tân chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Colombia đã nhắc lại vai trò của Giáo Hội Colombia địa phương trong giai đoạn hậu chiến và thêm rằng ”cần phải hiện thực một tiến trình tái nhân bản hóa. Cuộc chiến này đã biến tất cả mọi người chúng ta thành nạn nhân. Vì thế, người dân Colombia phải học biết thông cảm với niềm đau của tha nhân để cùng lớn lên trong tình nhân bản, biết lượng định đúng đắn giá trị sự sống và biết sống với nhau như anh em một nhà chứ không phải như bầy chó hoang xé xác nhau. Đất nước Colombia cần phải biết tha thứ và tiến tới, đối diện với các thách đố luân lý đạo đức, biết tìm kiếm lợi ích cho cả tha nhân, để thực sự tiến tới chỗ hòa giải quốc gia dân tộc. (SD 150714)

Mai Anh – Vatican Radio

SỨ ĐIỆP CHO NGÀY QUỐC TẾ DU LỊCH 27-9

SỨ ĐIỆP CHO NGÀY QUỐC TẾ DU LỊCH 27-9

VATICAN: Hôm qua (11-7) Tòa Thánh đã công bố sứ điệp cho Ngày Quốc Tế Du Lịch 27 tháng 9, và khẳng định rằng ngành du lịch phải mưu ích cho các cộng đoàn địa phương trên bình diện kinh tế, xã hội, văn hóa và tinh thần.

Sứ điệp mang chữ hý của Đức Hồng Y Antonio Maria Vegliò, Chủ tịch Hồi Đồng Tòa Thánh cho người di cư và lưu động, nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành du lịch trong thế giới toàn cầu hiện nay. Giáo Hội muốn đồng hành với các sinh hoạt này trong giới hạn của mình, vì đây cũng là dịp tốt để rao truyền Tin Mừng. Trong Bộ luật luân lý đạo đức quốc tế, tổ chức Du lịch quốc tế nhấn mạnh rằng du lịch phải là một sinh hoạt đem lại lợi ích cho các cộng đoàn đia phương, với sự tham dự tích cực của các dân tộc vào các thiện ích kinh tế, xã hội và văn hóa một cách công bằng cũng như tạo công ăn việc làm cho dân. Điều này có nghĩa là phải có tương quan hai chiều làm giầu cho nhau. Ý niệm phát triển cộng đoàn cũng là phần của giáo huấn xã hội của Hội Thánh liên quan tới sự phát triển con người toàn diện. Trong Thông diệp ”Phát triển các dân tôc” Đức Phaolô VI minh xác rằng ”sự phát triển đích thật phải toàn diện, nghĩa là nhắm tới việc thămg tiến con người và toàn con người”.

Sứ điệp nêu bật rằng du lịch có thể góp phần vào việc phát triển con người toàn diện, khi nó chú ý tới lãnh vực kinh tế, môi sinh, xã hội và văn hóa. Các thống kê cho thấy lợi nhuận du lịch chiếm 3-5% tổng sản lượng quốc gia, 7-8% công ăn việc làm, và 30% các dịch vụ xuất cảng. Trong tình hình hiện nay mọi nơi trên trái đất đều có thể trở thành một mục tiêu có tiềm năng du lịch. Vì thế kỹ nghệ du lịch là một trong các lựa chọn có thể thực hiện được, giúp giảm cảnh nghèo túng trong những vùng chậm tiến nhất. Nếu được phát triển một cách thích hợp, nó có thể trở thành một dụng cụ phát triển qúy báu, tạo công ăn việc làm, phát triển các cơ cấu hạ tầng và tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong tình trạng thất nghiệp gia tăng trầm trọng hiện nay trên thế giới. Trong viễn tượng đó đu lịch là sinh hoạt giúp thăng tiến cuộc sống của các giai tầng xã hội thường bi thiệt thòi nhiều nhất như phụ nữ, giới trẻ và các nhóm thiểu số.

Tuy nhiên , việc sử dụng các tài nguyện và nhân lực địa phương cho các sinh hoạt khác nhau cần tôn trọng các tiêu chuẩn luân lý đạo đức đối với các cá nhân cũng như với các cộng đoàn địa phương, với mục đích thăng tiến cuộc sống và thiện ích của người dân trong công bằng, chứ không phải để mưu lợi ích kỷ. Ngoài ra du lịch cũng cần chú ý tới nhiều khía cạnh quan trọng khác nữa như: sự phong phú văn hóa, cơ may gặp gỡ nhân bản, việc xây dựng các tương quan thiện ích, phát huy sư tôn trọng lẫn nhau, sự khoan nhượng và cộng tác giữa các hiệp hội, tổ chức và cơ cấu nhằm củng cố các tiềm năng xã hội và thăng tiến các điều kiện kinh tế xã hội, đào tạo nghề nghiệp cho giới trẻ v.v..

Giáo huấn xã hội của Hội Thánh và cái nhìn đức tin kitô có thể góp phần tích cực cho việc phát triển toàn vẹn con người và cộng đoàn trong tất cả mọi chiều kích sinh hoạt của ngành du lịch (SD 11-7-2014).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Bài trừ nạn tra tấn để bảo vệ sự tự do và phẩm giá của con người

Bài trừ nạn tra tấn để bảo vệ sự tự do và phẩm giá của con người

Phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Silvano Maria Tomasi, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc ở Genève

Trong hai ngày 5-6 tháng 5 năm 2014 khóa họp thứ 52 của Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Hiệp ước chống tra tấn, gọi tắt là CAT, đã diễn ra tại Genève bên Thụy Sĩ. Tham dự khóa họp có phái đoàn của Tòa Thánh do Đức Tổng Giám Mục Silvano Maria Tomasi, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc, hướng dẫn. Thuộc thành phần phái đoàn có Đức Ông Christophe El-Kassis, giáo sư Vincenzo Buonomo, và Đức Ông Richard Gyhra.

Trong hai ngày họp phái đoàn Tòa Thánh đã điều trần theo lượt trước Ủy ban này, giống như trường hợp nhiều nước khác. Đức Tổng Giám Mục Silvano Maria Tomasi dã nhấn mạnh rằng Tòa Thánh dấn thân chống lại tra tấn với ý muốn đầu tiên là bảo vệ các quyền bất khả xâm phạm của bản vị con người”. Tòa Thánh coi ”Hiệp ước chống tra tấn” là một dụng cụ có giá trị để chống lại các hành động xúc phạm nặng nề tới phẩm giá con người, và đánh giá cao Hiệp ước mà quốc gia thành Vaticăng đã phê chuẩn năm 2002. Hiệp ước cũng được áp dụng cho quốc gia Thành Vaticăng, nhưng thật là sai lầm, khi nghĩ rằng Tòa Thánh có quyền tài phán trên mọi thành phần của Giáo Hội Công Giáo, sống rải rác trong nhiều nước trên thế giới.

Đức Tổng Giám Mục Tomasi đã bác bỏ những phê bình của một số thành viên Ủy ban Liên Hiệp quốc chống nạn tra tấn. Các thành viên này cho rằng Tòa Thánh đã không có hành động xử lý những vụ tra tấn liên quan đến lạm dụng tính dục trẻ em tại một số nơi trong Giáo Hội công giáo; hoặc có thành viên cho rằng khi chủ trương cấm phá thai là Giáo Hội Công Giáo góp phần tạo ra sự ”tra tấn” đối với những người cảm thấy cần phải phá thai.

Đức Tổng Giám Mục cho biết cần phải phân biệt Tòa Thánh, Giáo Hội Công Giáo và Quốc gia Thành Vatican. Tòa Thánh ký và phê chuẩn Hiệp ước chống tra tấn nhân danh quốc gia Thành Vatican và muốn là một uy tín tinh thần để cổ võ việc chống tra tấn trên thế giới. Tuy nhiên, Tòa Thánh không có quyền tài phán trên các tín hữu công giáo là công dân của một quốc gia.

Nếu một tín hữu công giáo vi phạm luật cấm tra tấn, thì thẩm quyền xét xử và trừng phạt thuộc về quốc gia nơi đương sự là công dân. Chính quyền các nước có bổn phận phải bảo vệ, và khi cần, truy nã các người sống dưới quyền tài phán của mình. Chính quyền mỗi nước có thẩm quyền hợp pháp hành động như chủ thể có trách nhiệm công lý đối với các tội phạm và các lạm dụng do các người dưới quyền tài phán của mình vấp phạm. Mỗi cá nhân, bất kể tùy thuộc một cơ cấu công giáo nào, thuộc quyền đặc biệt của quốc gia nơi họ sinh sống.

Tòa Thánh cũng thực thi quyền bính đó trên những ai sống trong quốc gia thành Vaticăng theo các luật lệ riêng của mình. Tòa thánh tôn trọng các nguyên tắc về sự độc lập và chủ quyền của mỗi nước.

Tòa Thánh cầu mong rằng trong việc áp dụng Hiệp ước vào trong tất cả mọi hoàn cảnh mới các hoàn cảnh đó ở trong lãnh vực chuyên biệt của Hiệp ước. Cần phải chú ý tới điều này vì đưa các đề tài khác mà Hiệp ước không đề cập tới giảm thiểu mục đích ban đầu của Hiệp ước, và gây nguy hiểm cho các tình trạng của những người bị lạm dụng và tra tấn. Từ đó có nguy cơ công việc của Ủy ban chẳng những vô hiệu, mà còn gây thiệt hại nữa. Đức Tổng Giám Mục Tomasi cũng nhắc tới nhiều lập trường của các giới chức cấp cao của Giáo Hội chống lại tra tấn, đặc biệt là giáo huấn của các Giáo Hoàng sau thời Đệ Nhị Thế Chiến. Tòa Thánh đã và sẽ tiếp tục là tiếng nói tinh thần mạnh mẽ nhất trên thế giới bênh vực các quyền con người.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Tổng Giám Mục Silvano Maria Tomasi, về vấn đề này.

Hỏi: Thưa Đức Cha Tomasi, Tòa Thánh đã ký nhận Thỏa hiệp chống tra tấn này trong tư cách là quốc gia thành Vaticăng. Như vậy Tòa Thánh có thái độ nào trước các phản bác hay các tố cáo không thể tránh được tìm cách đưa vấn đề vào trong bình diện tổng quát hơn của Giáo Hội công giáo?

Đáp: Trách nhiệm của Tòa Thánh được thi hành theo hai thể thức khác nhau. Thứ nhất là qua thẩm quyền triệt để tư pháp – hợp pháp mà Tòa Thánh có trên lãnh thổ của Quốc gia thành Vaticăng và nó được thực thi giống y như mọi chính quyền khác. Thứ hai là việc thực thi thẩm quyền có tính cách tinh thần của mình với một hình thức quyền bính dựa trên sứ mệnh chuyên biệt của Giáo Hội và lôi cuốn sự gằn bó tự nguyện của tín hữu với các nguyên tắc đức tin công giáo. Các quốc gia duy trì quyền tài phán riêng và triệt để trên các công dân của mình theo công giáo, chẳng hạn trong trường hợp các người này phạm tội. Đối với nhiều người thật là khó hiểu sự kiện việc thực thi quyền bính tinh thần có các phương thế và nguyên tắc khác với việc thi hành quyền bính chính trị và pháp luật. Vì Đức Thánh Cha có quyền trên toàn Giáo Hội người ta nghĩ rằng ngài có thể quyết định trên các cung cách hành xử và các trừng phạt mà các thành phần của Giáo Hội đáng bị. Quyền chìa khóa của Phêrô không giống như quyền bính đời. Các thành phần của Giáo hội sống rải rác trên toàn thế giới gồm các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân nam nữ, nhưng họ không phải là công dân của quốc gia thành phố Vaticăng, mà là công dân của các quốc gia trong đó họ sinh sống, vì thế họ có các quyền lợi và các bổn phận công dân của các nước đó.

Hỏi: Ngày mùng 5 tháng hai năm nay Tòa Thánh đã kinh ngạc khi nhận được bản tường trình của Ủy ban Liên Hiệp Quốc về quyền của các trẻ vị thành niên tại Genève liên quan tới Tòa Thánh: đây là một hành vi tố cáo gay gắt các vụ làm dụng tính dục trẻ vị thành niên từ phía một số nhân viên của Giáo Hội, mà theo Đức Cha, nó đã được viết ra trước khi Đức Cha phát biểu hồi tháng giêng năm 2014. Đức Cha có tin rằng kiểu đọc hiểu phiến diện này về Giáo Hội Công Giáo có thể vẫn còn đè năng trên việc tiếp nhận bản tường trình của Đức Cha hay không?

Đáp: Trong hai ngày mùng 5 và mùng 6 tháng 5 Tòa Thánh trình bầy bản báo cáo của mình trong phiên họp thứ 52 của Ủy ban Liên Hiệp Quốc y như các nước khác. Đây là một tiến trình nhằm áp dụng Hiệp Ước một cách tôt đẹp hơn. Tuy nhiên, từ việc duyệt xét ngắn gọn ”Các nhận xét kết luận” mà Ủy ban Liên Hiệp Quốc đưa ra đối với các bản tường trình của các nước trong hai năm qua, đã nảy sinh một loạt các đề tài chỉ liên quan một cách gián tiếp, qua một sinh hoạt giải thích rất là nới rộng, đối với văn bản và các chủ ý của Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Hiệp ước chống tra tấn. Thí dụ đưa vào trong Ủy ban CAT thảo luận về việc lạm dụng tính dục trẻ em thì thật là rườm rà, vì nó đã được Hiệp ước về các quyền của Trẻ em đề cập tới rồi. Điều này đặc biệt đúng vì bản văn chính và ý nghĩa của nó không bao gồm các từ liên quam tới tội phạm này. Các đọc hiểu khác về Hiệp ước rất có thể có.

Trong bối cảnh quốc tế của Liên Hiệp Quốc và của nền văn hóa công cộng quốc tế chúng ta đang ở trên hai mặt khác nhau liên quan tới các giá trị nền tảng phải hướng dẫn cuộc sống chung xã hội, chẳng hạn việc bảo vệ quyền sống và sự chú ý tới các nhóm yếu đuối dễ bị thương tích hơn của xã hội. Đặc biệt trên điểm này sự đối nghịch của hai nền văn hóa khác nhau thật là hiển nhiên. Chắc chắn là các trẻ em bị để cho chết chịu một hình thức tra tấn rõ ràng. Chẳng hạn, bên Canada giữa các năm 2000 và 2011 đã có 622 trẻ còn sống sau khi phá thai, nhưng bị để cho chết, cũng như 66 trẻ em bên Anh quốc năm 2005. Một vài phương pháp phá thai chậm trễ cũng là một tra tấn, đặc biệt trong trường hợp gọi là ”giãn nở và rút ra”: bào thai bị cắt chặt thành từng mảnh, rồi bị kéo ra khỏi tử cung. Đương nhiên là Tòa Thánh sẽ ủng hộ quan niệm về bản vị con người phát xuất từ truyền thống kitô và từ khuynh hướng thực tế gắn liền với quyền tự nhiên.

Hỏi: Thưa Đức Cha Tomasi, Tòa Thánh đã phê chuẩn hiệp ước chống tra tấn ngày 22 tháng 6 năm 2002, nhưng bản tường trình đầu tiên đã chỉ được đưa ra vào năm nay 2014, tức hơn mười năm sau khi ký kết. Tại sao lại có sự chậm trễ như thế?

Đáp: Tòa Thánh tham dự vào cuộc sống của cộng đồng quốc tế một cách tích cực. Tòa Thánh góp phần mình như tiếng nói của lương tâm. Tòa Thánh không có các quyền lực to lớn và các lợi lộc kinh tế và quân sự, nhưng muốn bênh vực con người và các giá trị nền tảng nâng đỡ phẩm gía của nó như: quyền tự do tín ngưỡng, tự do phát biểu ý kiến, quyền liên đới, chống lại nghèo dói và các lạm dụng quyền bính. Tòa Thánh làm điều đó cho quốc gia thành Vaticăng như dấu chỉ, nhất là như dấu chỉ của việc khước từ mọi hình thái bạo lực hạ nhục bản vị con người. Việc chậm trễ soạn thảo bản tường trình cho Ủy ban của Hiệp ước cũng một phần dễ hiểu, bởi vì không phải là một bí mật gì sự kiện Tòa Thánh tiếp tục bênh vực các nguyên tắc và kiểu hành xử mà Hiệp Ước thừa nhận. Dầu sao đi nữa giờ đây Tòa Thánh chu toàn bổn phận này và không phải chỉ một cách hình thức, nhưng như là một gặp gỡ xây dựng với các chuyên viên của Ủy ban để thăng tiến sứ điệp của Hiệp ước, mà một cách lịch sử nó đã được thương lượng trong kỷ niệm các kinh hoàng của Đệ Nhị Thế Chiến và trong ước mong che chở các tù nhân khỏi bị tra khảo và các đối xử tàn tệ vi phạm mọi hình thái phẩm giá và quyền tự do của con người.

(RG 3-5-2014; KNA 5-5-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Một Buổi Học Theo Nhóm của Lớp Hai – PBC

       Lớp Hai A và B niên khoá 2011-2012 được sự dẫn dắt của cô Mây Bùi, cô Xuân Võ, thầy Hiếu Võ và thầy Hiếu Đỗ.  Các em được giảng dạy theo lối mới đang được ứng dụng tại các trường trung và tiểu học tại Hoa Kỳ.  Phương cách này đòi hỏi sự tham dự trực tiếp của các em hơn như họp nhóm, thảo luận, các bài làm theo những nhóm nhỏ  (đồ án).  Trong lớp, các em cũng phải tham gia tích cực thảo luận và đưa nhiều câu hỏi thắc mắc cũng như ngay tại chỗ được sự trực tiếp trả lời của các thầy cô.  Ngoài ra các thầy cô sử dụng nhiều những dụng cụ nghe nhìn và các trò chơi mang tính giáo dục.  Nói tóm tắt là đưa học và vui chơi làm một và các em sẽ tiếp thu một cách tự nhiên nhưng không nhàm chán.

 

[Xem Video Library]