Tại sao “Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy”?

 Tại sao “Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy”?

Sách Dân Số (21, 4b-9) kể chuyện, dân Do thái đi trong sa mạc, họ kêu trách Thiên Chúa và ông Môsê rằng : “Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống? …”. Vì thế, Thiên Chúa đã cho rắn độc bò ra cắn chết nhiều người. Sau đó dân hối lỗi chạy đến với Môsê và ông đã cầu khẩn cùng Chúa. Thiên Chúa thương xót, đã truyền cho Môsê đúc một con rắn đồng treo lên giữa sa mạc, và bất cứ ai, hễ bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng ấy thì được chữa lành.

Bài Tin Mừng, trong cuộc đối thoại với ông Nicôđêmô, Chúa Giêsu khẳng định:  Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.
 
Lời Chúa trong sách Dân Số và trong Tin Mừng Gioan, qua hình ảnh “Con Rắn”, sẽ đưa chúng ta đi xuyên suốt lịch sử cứu độ, khởi đi từ kinh nghiệm phạm tội trong sa mạc (Ds 21,6), trở về với thời điểm khởi đầu của sự sống (St 3), sau đó đi đến ngôi vị của Đức Kitô (Ga 3,14) và vươn xa tới tận thời cánh chung (Kh 12,7-10).

Con rắn cám dỗ Eva và bà đã sa ngã thua cuộc, để lại cho nhân loại tội tổ tông truyền. Con rắn đồng ông Môsê treo lên trong sa mạc giúp cứu sống người bị rắn độc cắn. Bà Eva nhìn lên và nghe theo lời con rắn “phán”. Dân Do thái nhìn lên con rắn đồng và nghe theo Lời Chúa truyền. Chúng ta nhìn lên Thánh Giá Chúa Kitô sẽ được sự sống và ân sủng chứa chan.

Dịp hành hương Thánh Địa, chúng tôi có lên núi Nebo bên đất nước Jordanie. Chiêm ngắm tác phẩm điêu khắc Thánh giá theo hình con rắn, biểu tượng cho con rắn đồng ngày xưa được Môsê dựng nên, nhìn về Thánh địa và dâng lễ tại nhà nguyện trên núi.

1/ Núi Nebo
 
Núi Nebo là một dãy núi ở Vương quốc Jordanie, cao khoảng 817m. Cựu ước đã đề cập đến nơi này. Trên núi Nebo, Thiên Chúa đã cho Môsê nhìn về Đất Hứa. Từ đỉnh núi nhìn bao quát bức tranh toàn cảnh về Thánh Địa và thành phố bờ Tây sông Giođan là Giêricô, thậm chí vào một ngày rất đẹp trời người ta có thể nhìn thấy cổ thành Giêrusalem.

Theo chương 34 của sách Đệ Nhị Luật, Môsê đã đi lên núi Nebo từ đồng bằng Môáp đến đỉnh Pisgah đối diện với Giêricô để nhìn về Đất Hứa.Giavê phán với Môsê: Đó là đất Ta đã thề với Abraham, ysaac và Giacop rằng: Ta sẽ ban nó cho dòng giống ngươi! Ta đã cho ngươi thấy tận mắt, nhưng ngươi sẽ không qua đó! . Và Môsê đã chết trong xứ Môab. Người ta đã chôn cất ông trong thung lũng, ở xứ Môab, trước mặt Bet-pơor, nhưng không biết được mộ ông cho đến ngày nay.(Đnl 34,4-6).

Theo truyền thống Kitô giáo, Môsê đã được chôn cất trên núi này, tuy nhiên người ta vẫn không xác định được nơi chôn cất ông. Một vài truyền thống Hồi giáo cũng khẳng định điều tương tự, nhưng ngôi mộ của Môsê thì họ cho là ở Maqam El- Nabi Musa nằm về phía nam cách Giêricô 11 km và về phía đông cách Giêrusalem khoảng 20km trong hoang địa Giuđêa. Các học giả tiếp tục tranh luận xem ngọn núi hiện nay được gọi là là Nebo có phải là ngọn núi ngày xưa được đề cập trong bộ Ngũ kinh của Cựu ước không.

Theo sách Maccabê (2 Mcb, 2,4-7): Tiên tri Giêrêmia đã giấu Nhà tạm và Hòm Bia Giao Ước trong một cái hang trên núi Môsê đã lên và được chiêm ngắm cơ nghiệp của Thiên Chúa.

Ngày 20/03/2000, Đức Gioan Phaolô II đã đến núi Nebo trong cuộc hành hương Thánh địa. Ngài đã trồng một cây ô liu bên cạnh nhà thờ theo phong cách Byzantine như là một biểu tượng cho hòa bình.

Ngày 9/5/2009, Đức Bênêđictô XVI đã đến thăm địa danh này, đọc bài diễn văn ở đây và ngài nhìn về thành Giêrusalem từ đỉnh núi Nebo.

Nghệ sĩ người Ý, Giovanni Fantoni đã thực hiện tác phẩm điêu khắc Thánh giá theo hình con rắn. Đây là biểu tượng cho con rắn đồng ngày xưa được Môsê làm theo lệnh của Chúa để cứu sống người bị rắn cắn (Ds 21,4-9) và là thánh giá trên đó Chúa Giêsu bị đóng đinh (Ga 3,14) .

Trên đỉnh cao nhất của ngọn núi mang tên Syagha, người ta khám phá ra di tích ngôi nhà thờ và một tu viện vào năm 1933. Ngôi Nhà thờ được xây dựng lần đầu vào nửa bán thế kỷ thứ IV để kỷ niệm nơi Môsê qua đời. Thiết kế nhà thờ theo phong cách một Vương cung Thánh đường. Nó được mở rộng vào cuối bán thế kỷ thứ V và được xây dựng lại năm 597. Ngôi Nhà thờ đầu tiên được nhắc đến trong bản báo cáo về một cuộc hành hương của một người phụ nữ tên Aetheria vào năm 394. Người ta đã tìm thấy 6 ngôi mộ trống rỗng từ những phiến đá tự nhiên nằm dưới sàn khảm đá của nhà thờ.         
      
Trong ngôi nhà nguyện hiện đại được xây dựng để bảo địa danh này và cung cấp nơi thờ phượng, người ta có thể nhìn thấy thấy những di tích của những sàn nhà khảm đá từ nhiều thời kỳ khác nhau. Một trong những bức tranh khảm đá lâu đời nhất là một tấm ghép với những hình chữ thập có viền hiện nay được đặt ở phía đầu Đông của bức tường phía Nam.

2/ Tại sao lại treo con rắn?
 
Trong trình thuật về Tội Nguyên Tổ (St 3,1-7), lời dụ dỗ của con rắn đã làm cho Evà và Adam nghi ngờ Thiên Chúa : Thiên Chúa nói rằng, ăn trái cây đó thì chắc chắn sẽ chết, nhưng con rắn nói: chẳng chết chóc gì đâu!  Tin vào lời con rắn, đồng nghĩa với việc cho rằng Thiên Chúa nói dối ! Đó là cho rằng, Thiên Chúa lừa dối con người, vì Ngài không muốn chia sẻ sự sống của mình; đó là nghĩ rằng, Ngài tạo dựng con người để bỏ mặc con người trong sa mạc cuộc đời và nhất là cho số phận phải chết. Tin vào lời con rắn, chính là bị con rắn cắn vào người, chính là bị nó tiêm nọc đọc vào người. Và hậu quả là tương quan tình yêu giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với con người bị phá vỡ. Hậu quả tất yếu là chết chóc, như Thiên Chúa đã báo trước: Ngày nào ngươi ăn chắc chắn ngươi sẽ phải chết (St 2,17).

Dựa vào trình thuật Vườn Eden, chúng ta hiểu ra rằng, rắn độc mà sách Dân Số nói đến chính là hình ảnh diễn tả sự nguy hại chết người của thái độ nghi ngờ Thiên Chúa : kế hoạch cứu sống, khi gặp khó khăn lại bị coi là kế hoạch giết chết. Nghi ngờ Thiên Chúa đó là để cho mình bị rắn cắn, là mang nọc độc vào người.

3/ Tại sao “Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy”?
 

Trong Vương cung Thánh đường Thánh Ambrôsiô ở Milan, có 2 cột đá thật ấn tượng và giàu ý nghĩa; “cột rắn“: một con rắn bằng đồng thời Byzantine vào thế kỷ thứ X được đặt trên đỉnh một cột ngắn, đối diện bên kia có “cột thập giá”.

Sách Dân Số (21,9) là một lời tiên báo rất huyền nhiệm về Đấng Cứu Thế, về mầu nhiệm Thâp giá, nơi Đức Kitô là Con Người được “giương cao”. Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu coi cái chết của mình như là một sự tôn vinh, tôn vinh Tình Yêu của Chúa Cha, một Tình Yêu vô bờ bến, một Tình Yêu mãnh liệt “đến nỗi Chúa Cha đã ban Con Một cho thế gian, để những ai tin vào Người Con thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16). Đồng thời cũng là tôn vinh Tình Yêu của Chúa Giêsu, một Tình Yêu đã hy sinh mạng sống vì những người mình yêu, một hy lễ dâng lên Chúa Cha và cũng là sự tự hiến cho loài người, trở nên lương thực nuôi sống chúng ta. Chúa Giêsu “chết để cho chúng ta được sống”.

Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu ngay từ những lời nói đầu tiên đã đặt mầu nhiệm Thập Giá trong tương quan trực tiếp với hình ảnh con rắn biểu tượng của Tội và Sự Dữ : Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.
 
Một bên là con rắn bị giương cao. Một bên là Đức Kitô được giương cao trên cây thập giá.Trong Cuộc Thương Khó, Đức Kitô sẽ tự nguyện thế chỗ cho con rắn.Theo Thánh Phaolô: Đức Giêsu tự nguyện trở nên “giống như thân xác tội lội” (Rm 8, 3) và Người “đồng hóa mình với tội” (2Cr 5, 21 ; Gl 3, 13). Tội có bản chất là ẩn nấp, khó nắm bắt, giống như con rắn, nhưng đã phải hiện ra nguyên hình nơi thân xác nát tan của Đức Kitô : “tội để lộ chân tướng và cho thấy tất cả sức mạnh tội lỗi của nó” (Rm 7,13). Thập Giá Đức Kitô mặc khải cho loài người hình dạng thật của Tội. Chính vì thế mà trong Tin Mừng theo thánh Máccô, Đức Giêsu dạy, (chứ không phải báo trước) cho các môn đệ về cuộc Thương Khó của Người (Mc 8, 31).

Chúng ta được mời gọi nhìn lên Đức Kitô chịu đóng đinh trên Thánh Giá để nhìn thấy:

– Thân thể nát tan của Người vì roi vọt, kết quả của lòng ghen ghét, của lòng ham muốn, của sự phản bội, của sự bất trung, và của những lời tố cáo lên án vô cớ, của vụ án gian dối.

– Đầu đội mạo gai của Người tượng trưng cho những lời nhạo báng, diễu cợt trên ngôi vị; chân tay của Người bị đinh nhọn đâm thủng và ghim vào giá gỗ; hình ảnh này cho thấy con người đã đánh mất nhân tính và hành động theo thú tính; cạnh sườn của Người bị đâm thủng thấu đến con tim. Sự Dữ luôn đi đôi với bạo lực và bạo lực luôn muốn đi tới tận cùng là hủy diệt. Nhưng đồng thời cũng ở nơi đây, trên Thập Giá, tình yêu, lòng thương xót, sự thiện, sự hiền lành và cả sự sống của Thiên Chúa cũng đi tới tận cùng!

4/ Tại sao “nhìn lên” có khả năng chữa lành?
 
Theo lời của Đức Chúa, Môsê đã treo một con rắn bằng đồng lên cột gỗ và ai nhìn lên thì được chữa lành. Hình phạt bị rắn độc cắn là rất nặng nề, còn ơn chữa lành thật nhẹ nhàng: nhìn lên thì được sống.

Nhìn lên Đức Kitô chịu đóng đinh: “Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19, 37) với lòng tin chúng ta đón nhận ơn tha thứ và được chữa lành.

Thánh Giá Đức Kitô chịu đóng đinh được các giáo phụ gọi là Cây Sự Sống vì đã mang đến cho nhân loại Sự Sống của Thiên Chúa.

Thánh Giá mang lại cho nhân loại Ơn Tha Thứ của Thiên Chúa. Sự bất tuân của Ađam đã mang đến án phạt và sự chết cho toàn thể nhân loại. Giờ đây sự vâng phục của Chúa Giêsu mang lại Ơn Tha Tội của Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại. Vì sự vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá của Chúa Giêsu, Chúa Cha đã tha hết mọi tội lỗi cho nhân loại. Ơn tha thứ đã được ban một cách tràn đầy và cho mọi người, không trừ một ai. Ơn Tha Thứ ấy phát xuất từ Tình Yêu của Chúa Cha. Tình Yêu lớn hơn tội lỗi. Tình Yêu khỏa lấp muôn vàn tội lỗi. Chúa Giêsu chịu đóng đinh và chịu chết trên Thánh Giá biểu lộ Gương Mặt đích thực của Chúa Cha giàu lòng thương xót.

Thánh Giá mạc khải Tình Yêu của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha và đối với nhân loại chúng ta. Chúa Giêsu yêu mến Chúa Cha đến nỗi sẵn sàng hy sinh mọi sự vì Chúa Cha, dâng hiến sự sống mình lên Chúa Cha. Thánh Giá cũng biểu lộ Tình Yêu của Chúa Giêsu đối với chúng ta: không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống vì những người mình yêu.
 
Thánh Giá đã in sâu và gắn chặt với Chúa Giêsu Kitô. Ngay cả sau khi Chúa sống lại vinh quang, các vết thương khổ nạn thập giá vẫn hiển hiện, vẫn không bị xóa nhòa. Thánh Giá Chúa Kitô xuyên qua thời gian và hiện diện trong mỗi giây phút cuộc đời chúng ta. Sự hiện diện ấy làm thay đổi tất cả.

Nhìn lên Thánh Giá, chúng ta yêu mến và tôn thờ Chúa Cứu Thế. Trong xã hội tiêu thụ và hưởng thụ ngày nay, bóng tối của quyền lực, tiền của, danh vọng, lạc thú đang che mờ bóng thánh giá. Con người đang lao mình vào bóng tối bằng mọi giá. Xã hội hôm nay cần phải được ánh sáng của Thánh Giá soi dẫn. Từ Thánh Giá Ðức Kitô, tình thương chúc phúc thế gian, sự sống chan chứa cho lòng người. Trong Mùa Chay, đặc biệt trong những ngày Tuần Thánh sắp tới, chúng ta hãy năng nhìn lên Thánh Giá, đó là địa chỉ mạc khải tình thương của Thiên Chúa và là suối nguồn ơn cứu độ. Nhìn lên Thánh Giá với niềm tin vào tình yêu tha thứ, tình yêu vô bờ bến của Đấng Chịu Đóng Đinh, chúng ta được dồi dào ân sủng và được sự sống đời đời.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Chữa người phong cùi

Chữa người phong cùi

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Raoul Folereau, vị đại ân nhân của những người phong cùi đã ghi lại một chuyến đi của ông như sau: Đến một nơi cách thành phố 15 cây số, chúng tôi lần theo một lối đi được chỉ trước, và sau nửa giờ đi bộ chúng tôi lạc vào một thế giới của buồn thảm, đau khổ và thất vọng. Thật thế, tại một nơi mà không ai muốn đặt chân đến, có khoảng 60 người phong cùi đang sống bên nhau. Trước đây, người ta giam họ trong một trại cùi chẳng khác nào một trại tù, mọi người nhìn họ như những kẻ bị chúc dữ, hoặc tệ hơn nữa, như những con thú dữ. Không chịu nổi sự giam hãm và cách ly như thế, một số người cùi này đã trốn thoát và đến trú ẩn giữa khu rừng này. Tại đây, tình trạng của họ càng thêm tồi tệ hơn, xung quanh họ, trên đất đầy dẫy những vết tích của căn bệnh quái ác này.

Tôi đến bên một người lớn tuổi được xem như đại diện của họ và hỏi:

– Hôm nay là chiều Thứ Bảy, cửa quán ngoài phố xá đã đóng cửa rồi; thứ hai tôi sẽ trở lại và mang theo thức ăn thức uống; tôi cũng sẽ đưa một bác sĩ đến để chăm sóc cho bà con, chúng tôi sẽ cất nhà và sẽ ở lại đây với bà con khi cần, vậy bác hỏi bà con có thể chờ cho đến ngày Thứ Hai không?

Người đó đưa mắt nhìn tôi với vẻ nghi ngờ, vì đã từ lâu họ không còn tin điều đó nữa; đối với họ, xem ra không còn ai đáng tin trên đời này nữa. Rồi ông khẩn khoản nói:

– Ông không thể giúp cho chúng tôi ngay được sao? Chúng tôi vừa mới có một người anh em qua đời, chúng tôi phải dùng đôi tay cùi lở này để đào xới một cái mộ chôn người anh em.

Tôi nhìn đôi bàn tay không nguyên vẹn vì bệnh tật, nay phải mang thương tích vì người đồng loại. Những con người khốn khổ đó nếu không nhìn thấy, không thể tin được là có thật.

Căn bệnh phong cùi vẫn là căn bệnh ghê sợ nhất đối với hiện tại. Người phong cùi đau đớn trên thân xác đã đành, mà còn đau khổ gấp bội phần trong tâm hồn khi cảm thấy bị bỏ rơi.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã gặp gỡ và chữa lành cho người phong cùi. Không những chữa lành tấm thân bệnh hoạn, Ngài còn tái lập họ trong cộng đoàn nhân loại, khi bảo bệnh nhân đi trình diện với các tư tế, nghĩa là hội nhập họ trở lại cuộc sống. Sự tái hội nhập này luôn đòi hỏi sự cảm thông, lòng quảng đại và cởi mở đón nhận của người khác. Vi trùng Hansen đục khoét và hủy hoại thân xác con người, thì cũng có biết bao thứ vi trùng khác độc hại hơn đang ẩn núp trong tâm hồn con người, tên của chúng là dửng dưng, ích kỷ, thù hận. Chúng đang giết dần giết mòn con người mà con người không hay biết.

Xin Chúa tha thứ cho những mù quáng, dửng dưng và ích kỷ của chúng ta trước bao nhiêu cảnh khốn cùng của đồng loại. Xin Ngài ban cho chúng ta một trái tim biết cảm thông và đôi tay rộng mở để san sẻ.

Veritas Radio

Có hàng triệu trẻ em vô tội tử đạo ngày nay

Có hàng triệu trẻ em vô tội tử đạo ngày nay

Phỏng vấn Linh Mục Fortunato Di Noto, người thành lập Hiệp hội Meter, chống nạn lạm dụng tính dục trẻ em và phim ảnh trẻ em mại dâm trên mạng

** Chúa Nhật 28 tháng 12 vừa qua là lễ Các Thánh Anh Hài, tưởng niệm biến cố các trẻ em Bếtlêhem đã bị vua Hêrốt tàn sát xưa kia, vì nhà vua tin rằng trong số các trẻ em từ hai tuổi trở xuống cũng có Hài Nhi Giêsu, Vua Cứu Thế, là Đấng khiến cho nhà vua lo sợ cho địa vị của mình. Tuy nhiên trong ngày này Giáo Hội cũng tưởng niệm tất cả các trẻ em tử đạo vô tội thuộc mọi thời đại. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Cả ngày nay nữa sự thinh lặng bất lực của các em kêu khóc dưới lưỡi gươm của biết bao nhiêu Hêrốt”. Đức Thánh Cha đã nhắc tới biết bao nhiêu trẻ em bị giết trước khi chào đời, bị tàn sát dưới các trận mưa bom, phải di tản, bị lạm dụng, khai thác bóc lột, bị đối xử tàn tệ, và không có cha mẹ trong sự ích kỷ của một nền văn hóa không yêu thương sự sống.

Qủa thật, đã không có thời đại nào trong lịch sử nhân loại trong đó trẻ em lại bị đối xử tàn nhẫn như trong thời đại tân tiến của ngàn năm thứ ba. Theo tổ chức UNICEF nạn bạo hành trẻ em xảy ra tại khắp nơi, trong mọi quốc gia và xã hội trên thế giới này. Chính các trẻ em cho biết cả các hành động bạo lực nhỏ và lạm dụng lập đi lập lại trong cuộc sống thường ngày cũng khiến cho các em đau khổ, gây chấn thương cho sự tự trọng, sự an bình thanh thản và lòng tin tưởng của các em nơi người khác. Đa số các bạo hành chống lại trẻ em là do chính cha mẹ, các hôn phu và hôn thê, các người chồng vợ hay người chung sống, các bạn học cùng lớp cùng trường, các thầy giáo cô giáo và các người cho việc.

Đa số các vụ bạo hành trẻ em bị dấu nhẹm: các trẻ em nạn nhân cũng như những người chứng kiến cảnh bạo lực thinh lặng vì sợ hãi bị trừng phạt hay vì sợ dư luận xã hội lên án. Rất nhiều người, trong đó có các trẻ em, chấp nhận bạo lực như một khía cạnh không thể tránh dược của cuộc sống. Thường khi các trẻ em bị bạo hành im lặng, vì các em không có phương cách chắc chắn hay đáng tin cậy để tố cáo hay kêu cứu.

** Trên bình diện quốc tế không có các dữ kiện thường xuyên được thống kê, do đó các con số chỉ có tính cách phỏng đoán. Dựa trên các nghiên cứu và các dữ kiện dân số năm 2000 tổ chức Sức Khỏe Thế Giới ước tính có khoảng 73 triệu trẻ nam và 150 triệu trẻ nữ là nạn nhân của các giao hợp tính dục cưỡng bách, và các hình thức bạo lực khác bao gồm các đụng chạm tới thân xác.

Tại 16 nước phát triển trên thế giới được phân tích do một nghiên cứu toàn cầu về sức khỏe, do tổ chức Sức Khỏe Thế Giới và Trung tâm Hoa kỳ kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật đảm trách, có từ 20 tới 65% trẻ em là nạn nhân của các hành động hay lời nói ức hiếp xúc phạm của người khác.

Hằng năm có khoảng 275 triệu trẻ em chứng kiến các cảnh bạo lực trong gia đình. Các cảnh bạo lực này ảnh hưởng tiêu cực trên sự phát triển của các em trong thời gian gần và trong thời gian xa.

Trong số 218 triệu trẻ em lao động trong năm 2004 có 126 triệu em phải làm các việc nguy hiểm tới tính mạng. Các thống kê mới của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế cho biết trong năm 2000 có 5,7 triệu trẻ em bị cưỡng bách lao động để trừ nợ nần cho gia đình, 1,8 triệu trẻ em là nạn nhân của kỹ nghệ tình dục mại dâm hay phim ảnh dâm ô, khoảng 1,2 triệu trẻ em nạn nhân của dịch vụ buôn bán trẻ em; và có hàng triệu trẻ em lao công khác hàng ngày bị bạo hành tại nơi làm việc bởi các chủ nhân hay bạn bè.

Ngoài ra tổ chức Sức Khỏe Thế Giới cũng cho biết hàng năm có từ 100 tới 140 triệu bé gái và phụ nữ bị chặt cắt bộ phận sinh dục. Và chỉ nội trong năm 2002 đã có 53.000 trẻ em từ 0 tới 17 tuổi bị sát hại.

Các bé trai thường bị bạo hành trên thân xác, trong khi các bé gái thường bị bạo hành tính dục, bị bỏ rơi và sa vào vòng mại dâm. Theo một nghiên cứu tại một vài quốc gia có tới 21% nữ giới bị lạm dụng tình dục trước khi lên 15 tuổi. Trẻ em các nước có lợi tức thấp và trung bình có nguy cơ bị giết cao gấp đôi trẻ em các nước có lợi tức cao. Các thanh thiếu niên lứa tuổi 15-17 và trẻ em 0-4 tuổi thường gặp nguy hiểm hơn cả. Sau cùng có một vài nhóm trẻ em đặc biệt dễ bị thương tích hơn cả, trong đó có các trẻ em tàn tật, các trẻ em thuộc các nhóm thiểu số, các trẻ em bụi đời, các trẻ em có vấn đề pháp lý và các trẻ em di cư tỵ nạn.

Hiện nay có ít nhất 106 quốc gia không cấm các hình phạt thể lý trong các trường học. Có 145 nước không cấm các hình phạt thân xác trong các trung tâm trợ giúp; tại 78 nước các hình phạt thể lý được chấp nhận như biện pháp kỷ luật; và tại 31 nước chúng được chấp nhận như phần của các án hình sự.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị một số nhận định của linh mục Fortunato Di Noto, người thành lập Hiệp hội Meter, chống nạn lạm dụng tính dục trẻ em và phim ảnh trẻ em mại dâm trên mạng.

Hỏi: Thưa cha, ngày nay có biết bao nhiêu trẻ em vô tội tử đạo, có đúng thế không?

Đáp: Chắc chắn rồi, các trẻ em vô tội tử đạo ngày nay là các trẻ em bị chết dưới các vụ bỏ bom, khi các em ở trong nhà mình, khi các em đang học hành, khi các em đang ngủ trong giường. Các trẻ em tử đạo vô tội cũng là các trẻ em bị xung vào quân ngũ để chiến đấu, bị tra tấn, bị hãm hiếp bạo hành, bị bán đi như nô lệ, hay trở thành nạn nhân của các hình thức nô lệ mới là nạn lạm dụng tính dục trẻ em và phim ảnh dâm ô trẻ em trên mạng. Các thánh anh hài tử đạo ngày nay cũng là các trẻ
em bị giết vì niềm tin kitô của mình.

Hỏi: Các trẻ em tử đạo cũng là các trẻ em bị giết vì nạn phá thai và không bao giờ được chào đời, có phải vậy không thưa cha?

Đáp: Vâng đúng thế. Có biết bao nhiêu trẻ em không được sinh ra, hàng triệu và hàng triệu nạn nhân trên thế giới này. Và phá thai không phải là một lựa chọn văn hóa, lại càng không phải là kế hoạch hóa gia đình. Người ta biện minh cho phá thai bằng cách nói rằng có lẽ các trẻ em sinh ra sẽ không có gì ăn, sẽ thiếu dinh dưỡng, nhưng đó là một biện minh vô lý mà chúng ta không thể im lặng chấp nhận được, chúng ta phải lên tiếng, chúng ta phải nói to lên.

Hỏi: Sự thinh lặng của biết bao nhiêu trẻ em – Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói – kêu khóc dưới lưỡi gươm của biết bao nhiêu vua Hêrốt ngày nay nữa, cha nghĩ sao?

Đáp: Quý vị hãy nghĩ tới tệ nạn buôn cơ phận trẻ em, nạn khai thác tình dục trẻ em, hay khi các vua Hêrốt đi cả tới chỗ kế hoạch hóa giết trẻ em một cách êm dịu. Đó, biết bao nhiêu vua Hêrốt của thế giới ngày nay. Họ không chỉ không cúi đầu trên nhân loại như Đức Thánh Cha nói, mà họ chỉ cúi đầu trước các lợi nhuận là tiền bạc. Và tiền bạc chúng ta biết – như thánh Phaolô nói – là rác ruởi, là rác rến của ma qủy.

Hỏi: Nhưng mà sự vô tội còn có thể bị hãm hiếp, bị giết chết cả trên bình diện tâm lý nữa thưa cha…

Đáp: Chắc chắn rồi. Chỉ cần nghĩ tới sự kiện truyền hình lèo lái con người làm sao, khi chuyển tải các sứ điệp bạo lực. Thế rồi còn có các khu xóm ổ chuột mới hiện hữu trên mạng vi tính nữa. Nghĩa là các trẻ em là đối tượng của một cuộc sống bị xâm lăng bởi kỹ thuật không biết quản lý, và thế là các em bị đắm tầu trong các vùng ngoại biên vi tính. Các người thiện chí phải ở trong các vùng ngoại biên đó, không phải chỉ để truyền thông, mà cũng để đồng hành với nỗi khổ đau của các trẻ em vị thành niên bị đắm chìm trong thế giới vi tính ấy.

Hỏi: Thưa cha Di Noto, khi năm 2014 kết thúc và nó đã là một năm khủng khiếp, cha tố cáo biết bao nhiêu nạn nhân vô tội…

Đáp: Chúng ta có thể liệt kê chúng ra như một loại chuỗi hạt của khổ đau… Tôi tin rằng chính vì lễ các Thánh Anh Hài mà chúng ta phải nâng lời cầu nguyện và khẩn nài lên Chúa và lãnh nhận một dấn thân cụ thể. Thật thế, không bao giờ được thiếu hy vọng đứng trước các vấn đề kinh khủng này, trong đó các trẻ em không được sống cả ngày trong đó các em sinh ra. Cần hy vọng rằng có biết bao nhiêu người thiện tâm… Tôi xin chấm dứt bằng cách kể cho qúy vị nghe một điều. Tôi đã trồng các cây trước giáo xứ của tôi, và người ta thường nhổ mất chúng. Vậy tôi làm gì? Tôi trồng chúng trở lại. Và người ta lại nhổ chúng đi. Và tôi đã làm gì? Tôi lại trồng chúng trở lại nữa. Thật thế, trong cuộc sống người ta nhổ các trẻ em đi. Nhưng chúng ta không bao giờ có thể quên tiếp tục hy vọng và tiếp tục làm sao để các trẻ em ở chỗ nhất, vì các em được Chúa Giêsu đặc biệt yêu thương, các em là các người có đặc ân trong một xã hội không được trở thành vô nhân, nhưng phải luôn luôn hy vọng nơi con người.

Hỏi: Thưa cha, Giáo Hội mời gọi chúng ta tưởng niệm các Thánh tử đạo vô tội. Các vị có giá trị nào đối với chúng ta?

Đáp: Giáo Hội đã luôn luôn có một tình yêu lớn đối với trẻ em. Chính Đức Chân phước Giáo Hoàng Phaolô VI trưóc khi chết có nói rằng dấn thân của Giáo Hội cho nhi đồng không phải là một mốt mau qua, nhưng là một dấn thân thường xuyên, chính vì một trẻ thơ đã được sinh ra cho chúng ta. Quý vị hãy tưởng tượng rằng trong Giáo Hội ngoài các Thánh Anh Hài, đã có biết bao nhiêu trẻ em tử đạo. biết bao nhiều trẻ em chứng nhân của đức tin, biết bao nhiêu trẻ em được nâng lên danh dự bàn thờ như là các vị tử đạo, như là các Thánh, các Chân phước, các Tôi tớ Chúa. Điều này chứng minh cho thấy một cuộc cách mạng có thể xảy ra cả qua các trẻ em nữa. Thật đúng thế, người ta có thể xúc phạm đến các trẻ em, nhưng cũng đúng thật là chúng ta có thể tưởng niệm các em vì các em là thí dụ sống cho tất cả mọi người.

(RG 28-12-1014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Món quà

Món quà

Nhìn vào các hang đá, ngoài những nhân vật quen thuộc như Chúa Giêsu Hài đồng, Đức Maria, thánh Giuse, mấy mục đồng… Chúng ta còn thấy ba người mặc phẩm phục như những ông vua, tay mang lễ vật, đang khúm núm rất trịnh trọng trước hài nhi mới sinh. Họ là ai? Họ từ đâu đến? Họ thuộc nước nào? Tại sao họ có mặt ở đây?

Theo mẫu đối thoại thánh Matthêu kể lại trong Tin Mừng, người ta truyền tụng nhau và gọi họ là ba vua. Nhưng thực sự Tin Mừng không nói thế mà chỉ gọi họ là các nhà chiêm tinh, tức là các ông lớn, những nhà thông thái, chuyên nghiên cứu thiên văn, nghiên cứu các ngôi sao để cố vấn cho nhà vua trong vấn đề chính trị.

Có nhiều người lại đặt ra vấn đề: các ông này có thật không hay chỉ là một huyền thoại? Cho đến nay, ngoài phạm vi tôn giáo, chưa có một nguồn tài liệu nào khẳng định rõ ràng dứt khoát. Ở vùng Trung Đông có rất nhiều nước kể chuyện này và được coi như một chuyện cổ tích. Nhưng đối với chúng ta, dựa vào Tin Mừng, thì sự hiện diện của ba vị này ở hang đá Bêlem là chuyện có thực. Nhưng các ông từ đâu đến thì chúng ta không thể căn cứ vào đâu mà xác quyết. Có một điều chắc chắn là cũng chỉ ở trong vùng Trung Đông thôi. Tuy nhiên, những chi tiết đó không quan trọng, điều quan trọng nhất là bài học mà các vị này để lại cho chúng ta.

Trước hết, cuộc hành trình của các nhà chiêm tinh được xem là hình ảnh cuộc hành trình đức tin của chúng ta. Với một dấu hiệu không chắc chắn, không rõ rệt là một ngôi sao, các ông đã lên đường tìm kiếm sự thật. Với tấm lòng yêu chuộng sự thật, các ông đã miệt mài tìm kiếm cho đến khi biết được sự thật và gặp được Chúa Giêsu. Cuộc đời của chúng ta cũng phải luôn đi tìm Chúa. Dù chúng ta đã có đức tin, nhưng lòng tin của chúng ta có những lúc bị chao đảo, bị thử thách vì những khó khăn, đau khổ của cuộc sống. Nhưng dù hoàn cảnh thế nào, chúng ta vẫn kiên quyết giữ đức tin và sống đức tin.

Chúng ta phải sống bằng đức tin chứ không thể sống bằng tình cảm. Trong tình cảm có vui có buồn. Nhưng vui buồn lúc có lúc không. Nếu chúng ta chỉ dựa vào niềm vui và khi vui mới khiến chúng ta tin. Vậy khi hết niềm vui thì sao? Lòng tin của chúng ta sẽ bị suy giảm. Hay khi gặp những chuyện buồn thì sao? Chúng ta còn tin không? Vì thế, chúng ta phải sống bằng niềm tin vững chắc, không lệ thuộc vào ai, cũng không lệ thuộc vào hoàn cảnh.

Hơn nữa, đức tin của chúng ta phải được thể hiện bằng những việc làm cụ thể. Thánh Giacôbê đã nói: “Đức tin không có việc làm là một đức tin chết”. Chúng ta tin vào tình yêu Chúa Kitô. Niềm tin ấy không chỉ là một hạt giống gieo trong lòng chúng ta rồi nằm yên đấy. Một niềm tin như thế có lẽ chẳng ích lợi gì cho chính mình hay cho bất cứ ai. Đức tin của chúng ta cần phải trổ sinh hoa trái bằng việc làm để mọi người có thể hiểu được thế nào là tình yêu mà chúng ta tin và có thể nhận ra khuôn mặt của Đấng mà chúng ta suy phục, tôn thờ.

Thứ hai, các vị này đã dâng cho Chúa Hài đồng vàng, nhũ hương và mộc dược. Đó là ba loại lễ vật đặc biệt và quí giá nhất của Đông phương. Nhưng những lễ vật vô tri kia chỉ là dấu hiệu biểu lộ tâm hồn của họ, chứng tỏ lòng ngưỡng mộ, tôn kính và yêu mến của họ đối với Chúa Hài đồng.

Văn sĩ Dô-ơ-den-sen (Joergensen), người Đan Mạch đã nghĩ ra một câu chuyện minh họa cho chúng ta thấy rõ điều đó. Ông đã tưởng tượng ra một vị chiêm tinh thứ tư. Vị này đến gặp Chúa Giêsu hài đồng sau ba vị kia. Gặp Chúa, nhưng ông rất buồn vì không còn gì để dâng tặng cho Ngài. Trước khi lên đường, ông đem theo ba viên ngọc quí giá. Dọc đường, ông gặp một cụ già đói nghèo, ông tặng viên ngọc thứ nhất. Đi thêm một đoạn đường, ông gặp một toán lính đang làm nhục một cô gái. Ông lấy viên ngọc thứ hai thương lượng với chúng để chuộc cô gái. Cuối cùng, khi đến Bêlem, ông gặp một người lính do vua Hêrôđê sai đi để tàn sát các hài nhi, ông lấy viên ngọc thứ ba cho anh ta và thuyết phục anh ta từ bỏ hành động gian ác. Đến khi gặp được Chúa Hài đồng, ông chỉ còn hai bàn tay trắng. Ông bối rối kể lại cuộc hành trình của mình. Nhưng thật lạ lùng, Chúa Giêsu đưa hai tay ra và mỉm cười nói với ông: “Con đã dâng cho Ta món quà quí giá nhất. Nó không phải là vàng bạc châu báu, nhưng được dệt bằng những nghĩa cử đối với tha nhân”.

Chúa Giêsu đã nói: “Bất cứ điều gì các con làm cho người khác là làm cho chính Ta”. Chúng ta vẫn luôn gặp Chúa trong cuộc sống hằng ngày qua những anh chị em sống với chúng ta, và tất cả những gì chúng ta làm cho họ là chúng ta làm cho chính Chúa. Như vậy, lễ vật làm hài lòng Chúa nhất chính là những gì chúng ta trao tặng cho tha nhân.

Sưu tầm

Ra đi

Ra đi

(Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

Thiên Chúa không chỉ tỏ mình cho dân Israel. Ngài còn tỏ mình cho các dân tộc khác, vì Ngài muốn cứu độ mọi người chẳng trừ ai.

Các nhà chiêm tinh vùng Babylon là đại diện cho dân ngoại.

Đối với họ, bầu trời là một cuốn sách, các vì sao nói về những biến cố trên địa cầu. Có thể Thiên Chúa đã muốn dùng sự xuất hiện của một vì sao để báo hiệu Con Ngài chào đời.

Thiên Chúa chấp nhận dùng thứ ngôn ngữ đầy khiếm khuyết đó để mời họ lên đường đi gặp Đấng Cứu Độ.

Hôm nay, Ngài vẫn ngỏ lời với những ai chưa biết Ngài bằng muôn vàn cách thức khác nhau, khiến họ hiểu được.

Thiên Chúa vẫn làm sáng lên muôn ánh sao, không ở trên trời cao, nhưng ở trong lòng người.

Ánh sao có thể là một lý tưởng, một khát vọng mãnh liệt: khát vọng sự thật, tự do, ấm no, hạnh phúc?

Ánh sao đưa con người lên đường tìm kiếm, và Ngài không ngừng ban niềm vui trong suốt cuộc hành trình.

Các nhà chiêm tinh đã phải ra khỏi nhà, ra khỏi mình, ra khỏi những định kiến, để đón tiếp cái bất ngờ.

Họ chỉ mong được bái lạy vị Vua mới sinh. Nhưng vị Vua này chẳng ở Giêrusalem cao sang, mà lại ở vùng Bêlem bé nhỏ.

Vị lãnh tụ dân Israel chỉ là một hài nhi bình thường, sống trong một căn nhà bình thường.

Hêrôđê bối rối lo sợ khi nghe tin sinh hạ Vua Do thái.

Các thượng tế và kinh sư tuy biết rõ nơi Ngài sinh, nhưng họ không muốn lên đường tìm kiếm.

Các nhà chiêm tinh chỉ có một cái biết mơ hồ, nhưng họ đã can đảm ra đi, tích cực tìm kiếm, tin tưởng sấp mình bái lạy và cung kính dâng lễ vật.

Vẫn có đám đông những người không phải là Kitô hữu đang miệt mài nghiên cứu trong mọi lãnh vực, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật, tư tưởng…, đang gắng công tu tập trong các tôn giáo, hay đang tận tụy làm cho trái đất được tốt đẹp hơn. Có ánh sáng nào soi chiếu nẻo đường họ đi. Họ đã chấp nhận bao hy sinh từ bỏ, để nhẹ nhàng, thanh tịnh mà tiến bước.

Các nhà chiêm tinh ngày xưa đã gặp được Đấng họ tìm.

Hôm nay, còn bao người vẫn trên đường dong ruổi. Thiên Chúa đồng hành với họ mà họ chẳng hay. Họ đã ở gần Chúa ngay khi chưa gặp Ngài.

Lễ Chúa Hiển Linh mời ta nhận ra và trân trọng hoạt động của Thiên Chúa nơi anh chị em ngoài Kitô giáo.

Có khi chúng ta giống các thượng tế và kinh sư tự mãn với cái biết lý thuyết của mình về Thiên Chúa, nên chẳng muốn lên đường gặp mặt Ngài.

Ước gì chúng ta không coi mình như người đã tìm thấy, nhưng khiêm tốn học hỏi nơi những người đang tìm kiếm.

Gợi Ý Chia Sẻ

Bạn có nhìn thấy Thiên Chúa đang hoạt động nơi những anh chị em ngoài Kitô giáo không? Bạn có quen ai làm bạn cảm phục không?

Thiên Chúa đến với bạn qua những đại lộ (là Thánh Lễ, các Bí Tích…) Nhưng Ngài cũng đến với bạn qua các ngõ hẻm (một biến cố, một bài báo, một câu nói bâng quơ…). Đâu là những ngõ hẻm Chúa thường đến với bạn?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ, nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói, dễ thấy Chúa hiện diện và hoạt động trong đời con.

Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa, xin cho con đừng trở nên cứng cỏi, khép kín và nghi ngờ. Xin dạy con sự hiền hậu để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân. Xin dạy con sự khiêm nhu để con dám buông đời con cho Chúa. Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm, vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài, hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.

 

 

Đức Thánh Cha bênh vực quyền của trẻ em được lớn lên trong gia đình có cha có mẹ

Đức Thánh Cha bênh vực quyền của trẻ em được lớn lên trong gia đình có cha có mẹ

VATICAN. Sáng 17-11-2014, ĐTC Phanxicô đã chủ tọa phiên họp đầu tiên của hội nghị quốc tế về gia đình truyền thống, nhóm tại Vatican từ ngày 17 đến 19-11-2014 về chủ đề ”sự bổ túc của người nam và người nữ cho nhau”.

Hội nghị do Bộ giáo lý đức tin tổ chức và diễn ra tại Hội trường Thượng HĐGM thế giới ở nội thành Vatican, với sự tham dự của 365 người, trong số này có hơn 30 diễn giả đến từ 23 quốc gia và thuộc nhiều hệ phái Kitô cũng như thuộc các tôn giáo như Do thái, Hồi giáo, Phật giáo, Ấn giáo, Lão giáo, Jaina và đạo Shiite. Trong số các tham dự viên, đặc biệt có Đức Cha Charles Chaput, TGM giáo phận Philadelphia, Hoa Kỳ, là nơi sẽ diễn ra Đại hội các gia đình Công Giáo thế giới vào tháng 9 năm 2015.

Lên tiếng sau lời chào mừng của ĐHY Gerhard Mueller, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, ĐTC nhận xét rằng ”Trong thời đại chúng ta ngày nay, hôn nhân và gia đình đang bị khủng hoảng. Chúng ta sống trong một nền văn hóa tạm thời, trong đó càng ngày càng có nhiều người từ bỏ hôn nhân như một sự dấn thân công khai. Cuộc cách mạng này về phong tục và luân lý thường giơ cao lá cờ gọi là ”tự do”, nhưng trong thực tế, nó đưa tới sự tàn phá về tinh thần và vật chất cho vô số người, nhất là những người dễ bị tổn thương nhất. Càng ngày người ta càng thấy rõ sự suy đồi của nền văn hóa hôn nhân có kèm theo sự gia tăng nghèo đói và một loạt các vấn đề xã hội, gây thiệt hại thái quá cho phụ nữ, trẻ em và người già”.

ĐTC kêu gọi các tham dự viên nhấn mạnh tới những cột trụ cơ bản nâng đỡ một quốc gia, đó là những thiện ích tinh thần. Ngài nói: ”Gia đình là nền tảng sự sống chung và là bảo đảm chống lại sự phân hóa xã hội. Các trẻ em có quyền được lớn lên trong gia đình, với một người cha và một người mẹ có khả năng kiến tạo một môi trường thích hợp cho sự tăng trưởng và trưởng thành tình cảm của các em. Vì thế, trong Tông Huấn ”Niềm vui Phúc Âm, tôi đã nhấn mạnh đến sự đóng góp không thể thiếu được của hôn nhân cho xã hội, sự đóng góp này vượt lên trên bình diện cảm cúc và những nhu cầu nhất thời của đôi vợ chồng” (n.66).

Cũng trong bài diễn văn, ĐTC kêu gọi các tham dự viên làm nổi bật một chân lý liên quan tới hôn nhân, đó là sự dấn thân chung kết đối với tình liên đới, lòng chung thủy và tình yêu phong phú, đáp ứng những ước muốn sâu đậm nhất của tâm hồn con người.. Điều quan trọng là người trẻ đừng chiều theo não trạng tai hại của lối sống tạm thời, trái lại trở thành những người cách mạng, can đảm tìm kiếm một tình yêu mạnh mẽ và bền vững, nghĩa là đi ngược dòng.. Chúng ta cũng đừng để cho mình bị rơi vào một cạm bẫy, bị đánh giá theo các quan điểm ý thức hệ, bị coi là những gia đình cấp tiến hoặc gia đình bảo thủ. Không thể nói như vậy, gia đình là gia đình”.

Sau cùng ĐTC đích thân xác nhận vào tháng 9 năm tới, 2015, nếu Chúa muốn, ngài sẽ đến Philadelphia, Hoa Kỳ, để tham dự Đại Hội thế giới kỳ 8 của các gia đình.

Sau diễn văn của ĐTC, mọi người đã xem một băng Video về ”vận mệnh của gia đình nhân loại: về ý nghĩa của hôn nhân”. Tiếp đến là chứng từ của một học giả Hồi giáo ở Cairo, Ai Cập, một mục sư tin lành, một học giả thuộc đạo Jaina Ấn độ. Sau phần giải lao, có bài thuyết trình của Rabbi Do thái Lord Jonathan Sacks, cựu Rabbi Trưởng tại Anh quốc và khối Thịnh vượng chung. Mọi người đã nghe thêm một số chứng từ của một nữ tu Công Giáo và một hòa thượng Phật giáo.

Phiên họp chiều hôm qua do ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô và được mở đầu với bài thuyết trình của bà Janne Haaland Matláry, nguyên Bộ trưởng tại Na Uy, trình bày về gia đình, vẫn còn là đơn vị cơ bản của xã hội. Tiếp theo đó là hai chứng từ của một vị TGM Anh giáo và một học giả người Iran, thuộc đại học Kharazmi.

Trong phiên họp cuối hội nghị này, chiều ngày thứ tư, 19-11, Đức TGM Charles Chaput, TGM Philadelphia, sẽ giới thiệu Đại hội kỳ 8 các gia đình thế giới, và sau đó sẽ có phần trình bày Tuyên ngôn khẳng định hôn nhân. (SD 17-11-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio