Cha Lombardi và sinh hoạt của Đức Thánh Cha ngày 7-7-2015

 Cha Lombardi và sinh hoạt của Đức Thánh Cha ngày 7-7-2015

Thứ ba 7-7-2015 là ngày thứ hai trong chuyến viếng thăm mục vụ của ĐTC tại Ecuador. Ban sáng ngài đến ”Công viên 200 năm”, rộng 125 hécta, ở thủ đô Quito, cách tòa Sứ Thần 11 cây số để gặp gỡ 40 GM thuộc HĐGM Ecuador, trước khi cử hành thánh lễ cho khoảng 1 triệu rưỡi tín hữu vào lúc 10 giờ rưỡi cũng tại Công viên này, với chủ đề là việc loan báo Tin Mừng cho các dân tộc.

 Ban chiều vào lúc 4 giờ rưỡi, ĐTC đã gặp gỡ giới học đường và đại học tại Đại học Công Giáo Ecuador. Sau đó lúc 6 giờ, ngài gặp xã hội dân sự ở nhà thờ thánh Phanxicô là thánh đường cổ kính nhất của Mỹ châu la tinh, thuộc khu trung tâm lịch sử của thành Quito. Sau cùng ĐTC viếng thăm thánh đường của dòng Tên, ”Iglesia de la Compania”. Nhà thờ này được xây từ năm 1606 và có bức ảnh baroc nổi tiếng năm ngoái có 150 ngàn người đến viếng.

 Ký giả Mario Galgano, thuộc ban tiếng Đức, đài Vatican, đã phỏng vấn Cha Federico Lombardi, SJ, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh và cũng là Tổng giám đốc Đài Vatican:

 H. Tình trạng sức khỏe của ĐTC thế nào, thưa cha?

 Lombardi: ĐTC vẫn khỏe mạnh, không phải chỉ vì tôi phải nói như vậy, nhưng đó là sự thực và vì nếu ai thấy những gì ngài làm thì không thể không cảm thấy ngưỡng mộ vì nghị lực khác thường của ngài, đặc biệt khi nhìn ngài ở gần kề, mặc dù bao nhiêu công việc trong ngày, thấy ngài luôn thanh thản, an bình, tự chủ, quan tâm đến những người ở chung quanh, chú ý đến cả những chi tiết nhỏ.. quả thực ĐTC tỏ ra có một khả năng sống những giai đoạn đặc biệt với nhiều công tác như thế, với một khả năng hoàn toàn đương đầu với mọi khía cạnh của vấn đề.

 H. Chương trình hoạt động trong ngày 7-7-2015 của ĐTC rất khẩn trương: cử hành thánh lễ tại Công viên 200 năm ở thủ đô Quito, gặp gỡ các sinh viên, nghĩa là giới đại học, rồi giới xã hội của Ecuador.. Đâu là những điểm mạnh trong ngày thứ ba 7-7 của ĐTC?

 Lombardi: Ngày 7-7 này có lợi điểm là diễn ra hoàn toàn trong cùng một thành phố, vì thế không phải di chuyển xa như trong ngày 6-7 bằng máy bay, đi tới phi trường và trở về … Mọi hoạt động trong ngày thứ ba này đều diễn ra tại thủ đô, vì thế ĐTC có thể thi hành một chương trình với một loạt những sinh hoạt quan trọng, bắt đầu từ cuộc gặp gỡ với các GM, tuy là cuộc gặp gỡ riêng nhưng có một tầm quan trọng trong một cuộc viếng thăm mục vụ trong Giáo Hội, rồi đến thánh lễ đặc biệt tại Công viên kỷ niệm 200 năm độc lập, thánh lễ được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, không những với nội dung phong phú, nhưng cả về việc chuẩn bị tinh thần.

 Ban chiều ngày 7-7, ĐTC đã có hai biến cố quan trọng: trước tiên là gặp giới giáo dục. Giáo hội Ecuador rất muốn có cuộc gặp gỡ này với ĐTC để ngài khích lệ nỗ lực giáo dục qui mô của Giáo hội, nhưng được hội nhập vào trong một thực tại rộng lớn và phức tạp hơn. Cuộc gặp gỡ này là cơ hội để ĐTC đề cập đến một loạt các vấn đề lớn, không những liên quan tới giáo dục, nhưng cả những giá trị lớn đang được thông truyền qua giáo dục, những vấn nạn lớn của thế giới ngày nay. ĐGH đặc biệt nhắc đến những vấn nạn mà ngài bàn tới trong thông điệp mới đây ”Laudato sì”. Những câu hỏi ấy giúp xếp đặt việc giáo dục, nhắm giúp người trẻ chuẩn bị trả lời cho các vấn nạn ấy của nhân loại ngày nay, với trách nhiệm của họ và với sự chẩn bị thích hợp.

 H. Về giới văn hóa, dân sự xã hội, trong cuộc gặp gỡ ĐTC đã có một bài diễn văn rất sâu xa, đề cập đến nhiều đề tài. Có gì gây ấn tượng mạnh nhất không?

 Lombardi. Chắc chắn đó là một bài diễn văn người ta chờ đợi rất nhiều, vì tình trạng hiện nay của xã hội Ecuador, cũng như nhiều xã hội khác, đang ở trong tình cảnh khó khăn, với những căng thẳng. Chắc chắn có một sự tiến bộ rất tích cực ở Ecuador, trong nhiều năm, nhưng cũng có nhiều vấn đề bỏ ngỏ. Vậy ĐGH có thể góp phần thế nào cho nhân dân Ecuador trong tình trạng như thế? Đó là một câu hỏi lớn. Và ĐTC, trong tất cả các bài diễn văn của cuộc viếng thăm ở Ecuador, một cách này hay cách khác, đều chuyển đạt một sứ điệp đối thoại, liên đới, hướng dẫn việc xây dựng một xã hội hài hòa, bao gồm mọi người, có thả năng hội nhập tất cả các thành phần khác nhau của xã hội, hội nhập tinh thần sáng tạo của các thành phần ấy cũng như trách nhiệm của họ, cùng quan tâm đến công ích của đất nước. Và phương pháp mà ĐTC chọn trong bài diễn văn của ngài là đi từ kinh nghiệm cụ thể của gia đình, các giá trị gia đình, và nới rộng các giá trị ấy, từ việc xây dựng gia đình đến xã hội. Vì thế ĐTC đã chỉ một con đường rất cụ thể để trình bày diễn văn của ngài, tập trung vào những thái độ mà mỗi người phải có để góp phần tích cực vào tương lai đất nước của mình (SD 8-7-2015)

 G. Trần Đức Anh OP chuyển ý

Niềm tin thắp sáng hy vọng

Niềm tin thắp sáng hy vọng

Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay được cả ba tác giả trong Tin Mừng Nhất Lãm kể lại. Tuy nhiên, Máccô kể dài hơn, gồm 23 câu, do vậy nhiều tình tiết hơn, cảm động hơn khiến chúng ta bị cuốn hút một cách tự nhiên từ đầu đến cuối câu chuyện. Máccô đã lồng hai câu chuyện vào với nhau một cách khéo léo, tài tình, nhưng ý nghĩa vẫn là một: Đức Giêsu ban tặng sự sống cho những ai vững tin và biết cộng tác với Ơn Thánh.

1. Chúa ban sự sống, con người có lòng tin.

Phép lạ thứ nhất, Máccô kể rằng, giữa đám đông chen lấn chung quanh Đức Giêsu, có những người đụng vào áo Người. Nhưng chỉ có một cái đụng cố ý, đụng lén như sợ bị bắt quả tang. Đó là cái đụng của một người phụ nữ, bất chấp lệnh cấm theo lề luật Do thái. Mười hai năm mắc bệnh băng huyết. Mười hai năm tìm thầy chạy thuốc mà không khỏi. Mười hai năm bị coi là ô nhơ, không được đụng đến người khác, không được tham dự nghi lễ ở Đền thờ. Người phụ nữ thận trọng và đầy can đảm đã đụng vào áo Đức Giêsu bằng tay và bằng lòng tin, một lòng tin đơn sơ mà mạnh mẽ "Dầu tôi chỉ đụng vào áo Ngài, tôi sẽ được khỏi.". Tức khắc, bà cảm thấy lành bệnh vì máu trong người đã cầm lại. Cái đụng của lòng tin đã cứu bà khỏi bệnh.

Phép lạ thứ hai, Máccô kể, ông Giairô đến xin Đức Giêsu chữa lành cho con gái ông đã mười hai tuổi. Ông là viên chức trưởng hội đường. Tình yêu của người cha đối với đứa con gái đã làm cho ông can đảm. Ông sẵn sàng tin cậy vào một người xa lạ. Ông tín nhiệm vào một người từ nơi khác đến. Ông chỉ mới nghe danh tiếng về người ấy. Ông đến gặp Chúa và "phủ phục dưới chân Đức Giêsu và năn nỉ". Đức Giêsu đã chấp thuận, nhưng khi hai người đang trên đường về nhà ông thì được tin con gái đã chết. Vậy là hết, vô phương cứu chữa nữa! Đức Giêsu động viên ông "Đừng sợ, cứ tin". Khi đến nhà, thấy đông đảo bà con xóm làng đến, Người nói: “Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” Cô bé đã chết rồi, nhưng đối với Đức Giêsu, cái chết chẳng có tính chung cuộc mà chỉ là một giấc ngủ thôi. Người có quyền năng đưa kẻ chết ra khỏi giấc ngủ ấy. Với cử chỉ đơn sơ cầm tay đứa bé và nói “Talithakum”, nghĩa là “Này bé, Thầy truyền cho con: chỗi dậy đi!” Đức Giêsu đã khiến cho đứa bé đứng dậy và đi lại được. Người còn bảo họ cho đứa bé ăn để chứng thực là nó đã sống lại thật.

Hai phép lạ đều liên quan đến sự sống. Người phụ nữ bị bệnh loạn huyết đang mất dần sự sống: máu là nguyên lý sự sống, mà bà này đã bị mất máu liên tục mười hai năm, nghĩa là sức sống đang dần dần rời xa bà. Vì thế khi Đức Giêsu làm cho bà hết bệnh, là Người trả lại sức sống cho bà. Đứa con gái ông Giairô thì đã chết, sự sống đã hoàn toàn rời khỏi nó. Nhưng Đức Giêsu đã làm cho nó sống lại.

Hai phép lạ xảy ra nhờ có lòng tin. Đức Giêsu xác nhận lòng tin vững vàng của người phụ nữ: "Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con". Ngài nâng đỡ lòng tin đang chao đao của Giarô: "Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi".

Tin vào những chuyện dễ dàng, tin khi cuộc sống bình an xuôi thuận thì chưa hẳn là đức tin. Đó chỉ là một chuyện đương nhiên thôi. Đức tin là một nhân đức căn bản của Đạo. Phải là vẫn cứ tin vào những chuyện khó khăn vượt quá sức loài người. Vẫn cứ tin khi cuộc đời gặp lúc cheo leo. Đức tin vững vàng như vậy có thể làm nên những phép lạ. Bởi lẽ, trước một hoàn cảnh quá khó khăn, trong lúc đời sống quá gian nan, nếu ta vẫn tin thì không phải là ta tin vào sức riêng của ta nữa, mà là tin vào sức Chúa, và Chúa quyền năng làm được mọi sự.

– Như Abraham đã 90 tuổi mới có được một đứa con trai. Vâng lệnh Chúa, ông đưa con yêu quý lên núi sát tế mà lòng đau như cắt. Ông tin rằng, Chúa sẽ thực hiện lời hứa ban cho ông thành tổ phụ một dân đông đảo. Ông vẫn tin và Chúa đã làm ông thành tổ phụ những người tin.

– Như Phêrô dám bước đi trên mặt nước. Ông đã đi khi vững tin vào Chúa. Nhưng khi bắt đầu hoài nghi thì cũng là lúc ông bắt đầu chìm xuống.

Đức Giêsu bày tỏ quyền năng trên thiên nhiên, trên ma quỷ, trên bệnh tật và trên sự chết, vì Người là Đấng ban sự sống. Tin vào Người, chúng ta luôn có được sự sống dồi dào.

2. Cộng tác với ơn Chúa

Chuyện kể rằng một bà già bị đau răng, bà đã làm Tuần chín ngày để kính thánh Antôn, vì người ta nói: Thánh Antôn "chuyên trách" về bệnh này.

Hết tuần chín ngày bà vẫn còn đau. Lúc đó một vị linh mục đến thăm. Bà liền hỏi:

– Xin Cha nói cho con biết: có phải thánh Antôn chuyên trách bệnh đau răng không?

Vị linh mục nói:

– Bà hãy nghe tôi: Đây là địa chỉ của nha sĩ. Hãy đến đó và nói là tôi giới thiệu, họ sẽ làm không công cho bà.

Bà già la lên:

– Trời đất ơi, một ông linh mục vô thần.

Thánh Antôn tự nhủ:

– Kể ra cũng đau lòng, để nhận lời cầu nguyện của bà, chính ta đã gởi cho bà vị linh mục này. Thế mà!

Người phụ nữ xuất huyết và bà già đau răng đều tin tưởng vào Chúa. Nhưng niềm tin của họ có sự khác biệt rất lớn. Người phụ nữ xuất huyết nghĩ mình phải làm điều gì đó chứ không chỉ tin suông. Bà đến với Chúa chứ không chờ Chúa đến với mình. Bà già đau răng thì cầu nguyện rồi chờ phép lạ. Bà không chịu làm gì nữa.

Ông Giairô cũng tin rằng Chúa có thể cứu sống con gái ông. Ông đã làm hết sức mình. Con gái ông hấp hối không thể đến với Chúa được, nên ông đã xin Chúa đến chữa cho con gái ông.

Cộng tác với ơn Chúa là điều kiện để Chúa ban ơn. Chúng ta không thể chỉ thụ động chờ Chúa làm phép lạ, nhưng hãy sử dụng hết những phương tiện bình thường Chúa ban. Phần còn lại tùy Chúa định liệu cho ta. Thánh Ignatio de Loyola đã cho chúng ta lời khuyên bất hủ này: "Hãy làm như thể mọi việc tùy thuộc chúng ta và hãy cầu nguyện như thể mọi việc tùy thuộc Thiên Chúa". Mc.Kenzie nói: "Khi ta cố gắng làm những gì có thể, Thiên Chúa sẽ làm những điều ta không thể".

Thiên Chúa ban cho chúng ta quyền tự do, Người không thúc ép, nhưng để chúng ta toàn quyền sử dụng tự do của mình. Thiên Chúa không đối xử với chúng ta như những con bù nhìn, nhưng luôn coi trọng chúng ta như những cộng tác viên của Người.

Trong các phép lạ Chúa làm, Người đều cần sự cộng tác của con người. Trong tiệc cưới Cana, Chúa chỉ làm phép lạ khi người ta đã "múc nước đổ đầy các chum" (Ga 2,7)

Trong phép lạ về bánh, Người chỉ làm cho bánh hóa nhiều khi "có 5 chiếc bánh và 2 con cá" (Mc 6,35-43).

Khi chữa mắt cho người mù, Người chỉ thoa bùn vào mắt anh, còn phần anh phải đi rửa ở hồ Silôê mới được sáng mắt (Ga 9,1-40).

Thiên Chúa muốn chúng ta sử dụng hết các khả năng của mình, và Người sẵn sàng can thiệp khi cần. Cộng tác với Ơn Chúa bằng lòng tin là con đường của hy vọng.

3. Niềm tin thắp sáng hy vọng

Các phép lạ Đức Giêsu đã làm thường là điểm giao tiếp giữa quyền năng đầy tình yêu của Thiên Chúa và niềm tin của con người. Thiên Chúa giàu lòng xót thương nên ở đâu có niềm tin, ở đó có phép lạ. Chúa nói với người phụ nữ: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con”; và nói với ông trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi”.

Đức tin là vị thuốc thần đem lại hạnh phúc cho nhân loại. Đức tin là bí quyết đem lại hy vọng cho nơi nào không còn gì để hy vọng! Sau khi mọi hy vọng, mọi biện pháp chữa trị của con người đã trở nên vô hiệu quả, thì chỉ còn niềm tin mới có khả năng “cứu độ”. Đức Giêsu đã đem lại niềm vui và bình an cho những ai tuyệt vọng mà vẫn một lòng cậy trông. Có lần Đức Giêsu đã nói: “Nếu bạn có đức tin bằng hạt cải, thì bạn có thể nói với ngọn núi này ‘hãy di chuyển từ đây đến kia’, nó sẽ di chuyển” (Mt 17,20). Đây không phải là một lời phóng đại, nhưng là một sự thực được chứng minh qua cuộc đời các vị Thánh. Các vị Thánh là những người đã tin và các ngài đã làm được nhiều điều kỳ diệu.

Một lần kia, trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Mẹ Têrêxa phải đối diện với một phóng viên không mấy thiện cảm đối với Giáo Hội.

Mẹ Têrêxa nói với ông: Tôi nghĩ rằng ông nên có đức tin.

Người phóng viên hỏi: Tôi phải làm gì để có đức tin?.

Mẹ Têrêxa đáp: Ông hãy cầu nguyện.

Ông chống chế: Tôi không biết và không thể cầu nguyện.

Mẹ Têrêxa dịu dàng nói: Tôi sẽ cầu nguyện cho ông. Nhưng về phần ông, ông hãy cố gắng mỉm cười với những người chung quanh ông. Một nụ cười có thể đánh động được tâm hồn người khác. Một nụ cười có thể cho chúng ta cảm nghiệm được Thiên Chúa hiện diện trong cuộc sống chúng ta.

Đức tin thắp sáng niềm hy vọng và trổ sinh hoa trái bằng việc làm.

LM Giuse Nguyễn Hữu An

Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ truyền giáo, rất hài lòng về chuyến viếng thăm Việt Nam

Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ truyền giáo, rất hài lòng về chuyến viếng thăm Việt Nam

ROMA. Sáng ngày 26-1-2015, Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ truyền giáo, đã về đến Roma bằng an sau một tuần lễ viếng thăm khẩn trương tại Việt Nam, từ bắc chí nam.

Tháp tùng Đức Hồng Y trên đường về có Linh Mục Inhaxio Hồ Văn Xuân, Tổng đại diện Giáo Phận Sàigon.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Roberto Piermarini, Trưởng các ban tin tức của Đài Vatican, Đức Hồng Y Filoni đã bày tỏ sự hài lòng rất lớn về chuyến viếng thăm ngài thực hiện tại Việt Nam.

H. Cuộc viếng thăm ca Đức Hồng Y có âm vang nào từ phía Giáo Hội tại Việt Nam?

Đ. Giáo Hội địa phương không những đón tiếp tôi rất tốt đẹp nhưng còn vượt quá tất cả những mong đợi của tôi. Dĩ nhiên với các Giám Mục tôi đã có một cuộc gặp rỡ rất huynh đệ, cuộc gặp gỡ rất đẹp với các linh mục, các nữ tu, các chủng sinh. Tại Việt Nam chúng ta có một Giáo Hội thật phong phú về ơn gọi – cả nam lẫn nữ – và tôi thấy các linh mục làm việc tốt đẹp và dấn thân trong rất nhiều hoạt động, một số hoạt động ấy tôi có dịp viếng thăm trong các giáo phận khác nhau. Rồi từ phía các tín hữu: tôi nói rằng lòng quí mến của các tín hữu Việt Nam phần nào giống như sóng thần (tsunami). Trước hết họ có một ý thức rất đặc biệt mình là Kitô hữu, một lòng đạo đức thật đáng khen và một lòng quí mến nồng nhiệt mà họ biểu lộ dào dạt một cách tự nhiên. Điều này cũng là nhân cách tiêu biểu của các tín hữu việt Nam, họ cảm thấy rất gần gũi và kính mến các linh mục, các Giám Mục, và hiển nhiên là trong trường hợp này, đối với Tổng trưởng Bộ truyền giào, và nhất là họ có một lòng quí mến sâu đậm đối với Đức Thánh Cha như nhiều lần họ bày tỏ. Vì thế, đó thực là một Giáo Hội hết sức sinh động, dấn thân, ngày qua ngày đáp ứng được những mong đợi, cả về mặt xã hội và nhân bản của đất nước. Tôi phải nói rằng đối với tôi, Việt Nam là một sự khám phá, mặc dù tôi đã có nhiều dịp được biết và đọc. Tôi cũng muốn nói lên một sự đánh giá cao về những gì đã và đang được Giáo Hội tại Việt Nam thực hiện.

H. Thưa Đức Hồng Y, có một sự đáp ứng, những phản ứng nào trong các cuộc nói chuyện ở cấp cao nhất đối với chính quyền Hà Nội hay không?

Đ. Tôi phải nói rằng tất cả các báo chí địa phương, tiếng Việt cũng như tiếng Anh, đã đăng tải, kể cả ở trang nhất, ngoài hình ảnh, cuộc gặp gỡ, và đánh giá cao sự cộng tác hiện có, sự cảm thông tốt đẹp giữa Giáo Hội Công Giáo, Tòa Thánh và dĩ nhiên là chính quyền địa phương. Và rồi tôi đích thân cảm nghiệm thấy điều đó trong các cuộc gặp gỡ mà tôi có dịp thực hiện: ngoài cuộc gặp gỡ ở cấp cao nhất với Ban tôn giáo chính phủ, tôi đã được mời gặp thủ tướng và ông bí thư đảng cộng sản ở Hà Nội. Thậm chí, khi tôi giã từ, Ông Phó trưởng ban tôn giáo đã đến Hà Nội tiễn chào tôi ở sân bay. Vì thế, ở mọi cấp, tôi thấy có sự quan tâm rất nhiều và tôi cũng muốn nói lên sự hài lòng, vì họ rất hài lòng về các cuộc gặp gỡ mà chúng tôi đã có, như vị đại diện Tòa Thánh không thường trú, Đức TGiám Mục Girelli đã có dịp thấy; như Đức Tổng Giám Mục Chủ tịch Hội đồng Giám Mục đã tháp tùng tôi và các Giám Mục khác hiện diện tại những cuộc gặp gỡ ấy. Vì thế tôi có thể nói rằng cả trên bình diện truyền thông – không kể báo chí – cả truyền hình cũng đã nhiều lần chiếu các cuộc gặp gỡ ấy, như họ đã nói với tôi.

H. Thưa Đức Hồng Y Filoni, xét về những giới hạn mà Giáo Hội Việt Nam còn gặp phải, cuộc viếng thăm mục vụ của Đức Hồng Y mở ra hy vọng nào?

Đ. Những giới hạn không thuộc lãnh vực đức tin và không nhắm chống lại đức tin: – như họ đã nói với tôi -, nhiều khi những giới hạn đó là những vấn đề đặc thù, một cách nào đó cần tìm ra một cuộc đối thoại đúng. Tôi muốn nói rằng những viễn tượng ở đây là viễn tượng truyền giáo: Việt Nam là một xã hội đang thay đổi mau lẹ trên bình diện kinh tế, xã hội, nhưng vẫn còn gắn liền theo truyền thống với những giá trị thuộc thế giới Phật giáo, Khổng giáo, những giá trị truyền thống của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, việc loan báo Tin Mừng cần tìm ra những hình thức, hội nhập làm sao để Tin Mừng có thể được hiểu và chấp nhận. Cũng có vấn đề các nhóm dân thiểu số, nơi mà chúng tôi có được những điều hài lòng về phương diện truyền giáo: ví dụ trong Giáo phận Hưng Hóa, khi viếng thăm một giáo xứ (Hòa Bình) tôi đã được thấy hơn 200 người chịu phép rửa tội, hầu hết là người dân tộc; và cả trong cuộc gặp gỡ ở Đà Nẵng, kỷ niệm 50 năm thành lập giáo phận, hơn 50 người dân tộc người lớn được rửa tội. Vì thế có một công việc có thể được thực hiện tốt đẹp nơi những người dân tộc. Tôi cũng đã thấy bao nhiêu nữ tu là người dân tộc và đây là điều mới mẻ mà dĩ nhiên trước đó tôi chưa được biết và sự kiện ấy giải thích một cách nào đó hoạt động mục vụ của những người đến từ môi trường những người dân tộc phục vụ cho những người dân tộc. Chúng tôi chưa có các linh mục trong lãnh vực này, nhưng có một sự dấn thân từ phía tất cả mọi người làm sao để có thể tìm ra những ơn gọi linh mục làm việc tốt cả trong môi trường những người dân tộc.

H. Cuộc viếng thăm ca Đức Hồng Y diễn ra sau cuộc viếng thăm lần thứ hai của ĐGH ti Á châu: đâu là những viễn tưng được mở ra cho việc loan báo Tin Mừng tại Á châu, thưa Đức Hồng Y?

Đ. Đức Giáo Hoàng Phanxicô quan tâm đến việc loan báo Tin Mừng tại Á châu – giống như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo 2 nay là thánh, đã đặc biệt quan tâm, làm sao để ngàn năm này phải được dành cho việc loan báo Tin Mừng tại Á châu, với một quyết tâm xứng với đại lục to lớn này. Vì thế cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng, tại Sri Lanka cũng như tại Philippines, nói lên một sự chú ý đặc biệt của ĐGH Phanxicô đối với đại lục này. Do đó chúng tôi hy vọng và cầu mong – chính các tín hữu Công Giáo cũng nói như vậy: bao nhiêu lần họ với với tôi: ”Xin Đức Hồng Y xin Đức Thánh Cha đến thăm chúng con. Không phải ngài chỉ bay trên Việt Nam chúng con, nhưng còn xuống thăm chúng con nữa”. Đây là điều thật đẹp vì hiển nhiên họ cảm thấy rằng Đức Giáo Hoàng mang theo mình một đà tiến truyền giáo mà tôi tin rằng tại đại lục này có thể tìm được một không gian rộng lớn”

G. Trần Đức Anh, O.P, chuyển ý

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ hơn 30 ngàn bạn trẻ Philippines

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ hơn 30 ngàn bạn trẻ Philippines

MANILA. Trong ngày cuối cùng viếng thăm Philippines, ĐTC Phanxicô đã gặp gỡ hơn 30 ngàn bạn trẻ sáng chúa nhật 18-1-2015 dưới trời mưa tại sân thể thao Đại học Giáo Hoàng thánh Tômaso ở Manila.

Ngài mời gọi giới trẻ hãy khóc cảm thông với người nghèo, học yêu thương, dấn thân bảo vệ môi sinh.

Lúc 9 giờ sáng 18-1-2015, tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh, ĐTC đã chào thăm và cám ơn các cộng tác viên và các ân nhân đã giúp đỡ công cuộc chuẩn bị và tiến hành chuyến viếng thăm của ngài tại Philippines. Liền đó ngài đến Đại học Giáo Hoàng và Hoàng gia thánh Tomaso cách đó 6 cây số để gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo bạn.

Đại học thánh Tômasô

Đây là đại học Công Giáo lớn nhất và cổ kính nhất tại Á châu, do các cha dòng Đa Minh Tây Ban Nha, tỉnh dòng Rất Thánh Mân côi, thành lập cách đây hơn 400 năm, tức là ngày 28-4 năm 1611, ban đầu như một học viện của dòng, rồi được nâng lên hàng đại học 34 năm sau đó (1645). Năm 1785, vua Carlo III của Tây Ban Nha chính thức nhìn nhận Đại học thánh Tomaso là Đại học hoàng gia. Thánh Vinh Sơn Nguyễn Hữu Liêm, dòng Đa Minh, tử đạo năm 1773, từng là sinh viên học viện Juan Latran thuộc đại học này, nên ngày nay ở đây có một tượng của thánh nhân và bia kỷ niệm.

Năm 1902, đến lượt ĐGH Lêô 13 nhìn nhận Đại học thánh Tômaso là Đại học giáo hoàng. Đến năm 1947, Đức Giáo Hoàng Piô 12 nới rộng danh hiệu và gọi đây là Đại Hội Công Giáo Philippines.

Đại học này có 45 ngàn sinh viên thuộc nhiều khoa và có một nhà thương thuộc phân khoa y khoa nổi tiếng, cùng với một khu đại học xá rộng lớn. Hiện nay có khoảng 40 LM dòng Đa Minh Tây Ban Nha và Philippines đảm trách Đại học thánh Tômaso.

Khi đến đại học, ĐTC đã được vị đại chưởng ấn và giáo sư viện trưởng đón tiếp tại cổng chào ”gọi là khải hoàn môn các thế kỷ”. Rồi ngài lần lượt chào thăm các vị lãnh đạo các tôn giáo chính ở Philippines: Tin lành, Giáo Hội Philippines độc lập, Phật giáo, Do thái, Ấn giáo, Hồi giáo và Chính Thống.

Gặp gỡ giới trẻ

Trời Manila sáng hôm chúa nhật 18-1-2015 cũng bị mưa vì bão rớt, nên ĐTC và mọi người đều mặc áo mưa. Ngài dùng xe tiến sang khu Đại học xá để chào thăm 30 ngàn sinh viên và những người trẻ khác đứng dọc theo các lối đi và sân thể thao của Đại học. Họ nồng nhiệt reo hò, vẫy cờ Philippines và cờ Tòa Thánh. Nhiều người hô to: ”Đức Giáo Hoàng Phanxicô, chúng con yêu mến ngài”. Hàng ngàn người khác tham dự cuộc gặp gỡ ở bên ngoài khuôn viên đại học.

Cuộc gặp gỡ bắt đầu lúc quá 10 giờ rưỡi sáng dưới hình thức một buổi phụng vụ Lời Chúa, bằng 7 thổ ngữ của Philippines, không kể tiếng Anh.

 

Đức Cha Leopoldo Jancian, dòng Ngôi Lời, GM giáo phận Bangued trong tư cách là Chủ tịch Ủy ban GM Philippines về giới trẻ, và một gia đình đã đại diện mọi người chào mừng ĐTC, trước khi Thánh Giá giới trẻ được rước lên lễ đài.

Cuộc gặp gỡ được tiếp tục với phần trình bày chứng từ của 3 bạn trẻ: một trẻ nữ 14 tuổi bụi đời, cô June, được Hội TKF cứu thoát. Cô đã bật khóc vào cuối chứng từ, tiếp đến là một sinh viên đại học, anh Leandro Santos II, thuộc phân khoa luật tại Đại học thánh Tômasô, sống giữa sự tràn ngập các thông tin đủ loại trên internet. Sau khi trình bày chứng từ, anh đã tặng ĐTC hộp lớn bằng thủy tinh trong đó chứa hằng trăm những miếng giấy mầu có ghi các tư tưởng của các sinh viên khác. Sau cùng là một thanh niên 29 tuổi, Ricky, vừa tốt nghiệp kỹ sư đã phát minh ra hệ thống đèn điện bằng chai plastic dùng năng lượng mặt trời để thắp sáng ban đêm giúp các nạn nhân cuồng phong Yolanda.

Bài huấn dụ ứng khẩu

Về phần ĐTC, mở đầu bài huấn dụ, ngài ”xin phép” nói bằng tiếng Mẹ Tây Ban Nha được Đức Ông Mark Gerard Miles, thuộc phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh dịch ra tiếng Anh. Mọi người đều vui cười đồng ý.

ĐTC cho biết tin buồn sáng thứ bẩy vừa qua (17-1), trước thánh lễ tại phi trường thành phố Tacloban, gió bão đã thổi sập một bảng gần lễ đài làm cho một thiếu nữ 27 tuổi, tên là Chrystel, thiện nguyện viên của cơ quan cứu trợ Công Giáo Hoa Kỳ và cộng tác vào việc tổ chức thánh lễ, bị tử thương. ĐTC mời gọi mọi người dành một phút im lặng để cầu nguyện cho cô Chrystel, rồi tất cả đều đọc một kinh Kính Mừng. Ngài cũng xin mọi người cầu nguyện cho cha mẹ của cô, cô là con gái duy nhất, mẹ cô đang đến từ Hong Kong và cha cô đến Manila để đợi bà”. Theo lời mời của ĐTC, mọi người đã đọc kinh Lạy Cha để cầu nguyện cho ông bà.

Rồi ĐTC tiếp tục ứng khẩu dựa vào bài Tin Mừng theo thánh Marcô trong đó Chúa Giêsu nói với chàng thanh niên giàu có: anh hãy về bán những gì anh có, phân phát cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời và đến đây theo tôi (Mc 10,17-22), đồng thời ngài cũng trả lời cho những câu hỏi được 3 bạn trẻ nêu lên trong phần trình bày chứng từ.

ĐTC nhận xét rằng nhiều người trẻ ngày nay tràn đầy các thông tin từ Internet và các mạng xã hội, nhưng không biết làm gì với những thông tin ấy. Ngài nhắn nhủ các bạn trẻ đừng có tâm lý của máy vi tính, đừng nghĩ mình biết hết mọi sự.

Và ĐTC cũng nói rằng: Giáo hội Công Giáo ngày nay đang cần những người trẻ thánh thiện. Nhưng để có thể thi hành điều này, người trẻ cần đáp ứng thách đố tình thương. ”Đây là đề tài quan trọng nhất mà các bạn cần học ở đại học, là bài học quan trọng nhất mà các bạn cần học trong đời.. Các bạn hãy cởi mở đón nhận sự ngạc nhiên từ Thiên Chúa, sẵn sàng yêu và được yêu, khiêm tốn học hỏi nơi những người mình giúp đỡ. Cho đi mà thôi thì vẫn chưa đủ, còn phải khiêm tốn học hỏi sự khôn ngoan nơi những người nghèo, người bé mọn mà mình giúp đỡ… Các bạn đừng trở thành ”bảo tàng viện” trước bao nhiêu phương tiện truyền thông mà chúng ta có”.

ĐTC khuyến khích các bạn trẻ học 3 ngôn ngữ: đó là suy tư, cảm thức và hành động và ngài không quên mời gọi các bạn trẻ quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi sinh, một đề tài rất quan trọng, nhất là đối với một nước thường gặp thiên tai như Philippines. Ngài cũng nhắn nhủ các bạn trẻ hãy học cách ”khóc cho người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Những người ấy đang khóc… Chúng ta cần tự hỏi: chúng ta đã học cách khóc cho những người bị gạt bỏ như thế chưa, khóc cho những người bị vấn đề ma túy chưa? Chúng ta có khóc khi thấy một trẻ em vô gia cư, đang chịu đau khổ, bị bỏ rơi, bị lạm dụng, bị xã hội dùng như nô lệ hay không? Nếu các bạn không học cách khóc, thì các bạn không thể là Kitô hữu tốt được. Đó thực là một thách đố!”.

ĐTC cũng nhận xét rằng thánh Phanxicô khi còn sống, túi áo cũng trống rỗng và khi chết túi cũng trống rỗng, nhưng con tim tràn đầy.

Ngài kết luận rằng: ”Thực tại các bạn vượt quá tất cả những ý tưởng mà tôi đã chuẩn bị.. Thành thật cám ơn các bạn!”

Nội dung bài huấn dụ dọn sẵn

Trong bài huấn dụ đã dọn sẵn và để lại cho các tín hữu Phippines đọc và suy gẫm sau đó, ĐTC nhắn nhủ các bạn trẻ, trong tư cách là công dân của đất nước Philippines hãy hăng say dấn thân trong tinh thần lương thiện canh tân xã hội. Ngài khai triển 3 lãnh vực chủ yếu trong đó người trẻ có thể đóng góp quan trọng cho đời sống đất nước và khẳng định rằng:

Hôm nay tôi muốn gợi lên 3 lãnh vực mà các bạn có thể đóng góp quan trọng cho đời sống đất nước của các bạn.

– Trước tiên là thách đố thanh liêm. Từ ”thách đố” có thể hiểu 2 cách. Trước hết nó có thể hiểu một cách tiêu cực là cám dỗ hành động ngược lại những xác tín luân lý của các bạn, ngược lại điều mà các bạn biết là chân thực, tốt lành và đúng đắn. Sự thanh liêm của chúng ta có thể bị thách thức vì những tư lợi ích kỷ, tham lam, bất lương, hoặc ý muốn sử dụng người khác.

Nhưng từ ”thách đố” cũng có thể hiểu một cách tích cực như một lời mời gọi hãy can đảm, làm chứng tá ngôn sứ về điều mình tin và coi là thánh thiêng. Theo nghĩa đó, thách đố sống thanh liêm là điều mà các bạn đang gặp phải trong cuộc sống của các bạn. Đó không phải là điều mà các bạn có thể hoãn lại cho đến khi các bạn lớn tuổi hơn hoặc có trách nhiệm lớn hơn. Ngay bây giờ các bạn bị thách thức hãy hành động lương thiện và đúng đắn khi đối xử với người khác, trẻ cũng như già. Không được trốn tránh đương đầu với thách đố này! Một trong những thách đố lớn nhất mà người trẻ đang phải đương đầu là học yêu thương. Yêu thương có nghĩa là chấp nhận rủi ro: nguy cơ bị loại bỏ, bị lợi dụng, hoặc tệ hơn nữa là lợi dụng người khác. Các bạn đừng sợ yêu thương! Nhưng trong yêu thương, các bạn cũng hãy bảo tồm sự liêm chính của mình! Hãy lương thiện và tử tế!.. Các bạn được kêu gọi hãy nêu gương về sự thanh liêm, dù các bạn gặp phải những chống đối và phê bình, nản chí hoặc bị nhạo cười.
ĐTC cũng xác quyết rằng với sức mạnh của kinh nguyện hằng ngày và tham dự Thánh Lễ, các bạn trẻ Công Giáo sẽ trở thành địa bàn chỉ đường cho những người đang tìm kiếm, những người bị cám dỗ đánh mất hy vọng, từ bỏ những lý tưởng cao thượng, bỏ học hoặc sống ngày qua ngày trên đường phố.

– Thách đố thứ hai là chăm sóc môi sinh. ĐTC nói: Cần hành động không những như những công dân có trách nhiệm, nhưng còn như những môn đệ của Chúa Kitô nữa! Chúng ta cần dùng con mắt đức tin để nhìn thấy vẻ đẹp trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, mối liên hệ giữa môi sinh tự nhiên và phẩm giá con người. Người nam và người nữ được dựng nên theo hình ảnh giống Thiên Chúa và họ được ủy thác nhiệm vụ cai quản thiên nhiên (St 1,26-28). Trong tư cách là những người quản lý thiên nhiên, công trình sáng tạo, chúng ta được mời gọi làm cho trái đất trở thành một vườn đẹp nhất cho gia đình nhân loại. Khi chúng ta tàn phá rừng cây, phá hủy đất đai và làm ô nhiễm biển cả, thì chúng ta phản bội ơn gọi cao quí ấy.

ĐTC nhắc đến thư của các GM Philippines về chiều kích luân lý trong các hoạt động và các lối sống của chúng ta, sự tiêu thụ và sử dụng các tài nguyên của chúng ta. Tất cả là thành phần sự dấn thân xây dựng Nước Chúa Kitô. Ngài viết tiếp:

”Lãnh vực sau cùng các bạn có thể đóng góp là một điều thực quí giá đối với tất cả chúng ta. Đó là sự chăm sóc người nghèo. Cạnh chúng ta luôn luôn có người ở trong tình cảnh túng thiếu về vật chất, tâm lý và tinh thần. Món quà lớn nhất mà chúng ta có thể trao tặng là tình bạn, sự quan tâm, sự dịu dàng, tình yêu thương của chúng ta đối với Chúa Giêsu.

Sau cùng, ĐTC ngỏ lời với các bạn trẻ đã chọn cuộc sống thanh bần qua gọi linh mục và đời sống tu trì. Ngài nói: “Khi kín múc từ tinh thần thanh bần, các con sẽ làm cho người khác được phong phú. Các con hãy làm hơn nữa, hãy cho đi nhiều hơn. Khi các con trao tặng thời giờ, tài năng, ngăng khiếu của các con cho bao nhiêu người túng thiếu đang sống bên lề, tức là các con tạo nên được sự khác biệt. Đó là một sự khác biệt rất cần thiết ngày nay và qua đó các con sẽ được Chúa bù đắp dồi dào. Vì chính Chúa đã nói, ”các con sẽ được một kho tàng trên trời” (Mc 10,21)

ĐTC không quên nhắc lại kỷ niệm đúng 20 năm trước đây, cũng tại nơi này, thánh Gioan Phaolô 2 đã khẳng định rằng thế giới đang cần một ”lớp người trẻ mới!” – một lớp người trẻ dấn thân với những lý tưởng cao thượng nhất và muốn xây dựng nền văn minh tình thương”. ĐTC Phanxicô khuyến khích ngừơi trẻ hãy sống theo lời mời gọi ấy, đừng đánh mất các lý tưởng, trở thành chứng nhân vui tươi về tình thương của Thiên Chúa và kế hoạch rạng ngời mà Chúa dành cho chúng ta, cho đất nước này và cho thế giới chúng ta đang sống”.

Cuộc gặp gỡ được tiếp tục với 7 lời nguyện giáo dân bằng các ngôn ngữ của Philippines, kinh Truyền Tin và kinh Lạy Cha, trước khi ĐTC ban phép lành kết thúc cho mọi người. Bấy giờ là gần 12 giờ trưa, giờ địa phương. Ngài trở về Tòa Sứ Thần Tòa Thánh cách đó 6 cây số để dùng bữa và nghỉ trưa. Tại đây ĐTC đã gặp gỡ, trong 20 phút để chia buồn và an ủi thân phụ của cô Critel đã bị thiệt mạng tại Tacloban. Ông được người em họ tháp tùng. ĐHY Tagle TGM Manila đã làm thông ngôn. Trên bàn có hai bức ảnh rất đẹp của cô Critel, một hình của cô và một hình chụp với cha mẹ khi còn nhỏ. ĐTC cho biết ngài rất buồn vì tai nạn, nhưng cũng được an ủi vì cô đã có thể chuẩn bị cuộc gặp gỡ của dân chúng với ngài. ĐTC đã tìm cách điện thoại cho mẹ cô ở Hong Kong, nhưng không được. Bà mẹ sẽ đến Manila vào ngày hôm nay, 19-1.2-15.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

14 căn bệnh của giáo triều Roma cần chữa trị

14 căn bệnh của giáo triều Roma cần chữa trị

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 22-12-2014 dành cho các vị lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh, ĐTC Phanxicô liệt kê 14 thứ bệnh cần bài trừ khỏi những người phục vụ tại giáo triều Roma.

Khoảng 60 Hồng Y và 50 GM cùng với nhiều giám chức, linh mục và giáo dân lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh đến chúc mừng ngài nhân dịp lễ Giáng Sinh và năm mới.

Mở đầu, ĐHY Angelo Sodano, 87 tuổi, niên trưởng Hồng Y đoàn, đại diện mọi người chúc mừng ĐTC và cho biết toàn thể các cộng tác viên thuộc các cơ quan trung ương Tòa Thánh hứa hỗ trợ và cộng tác hoàn toàn với ĐTC trong việc phục vụ tình hiệp nhất của Giái Hội và hòa bình giữa các dân tộc. ĐHY cũng nói rằng tại Vatican mọi người, trong các nhiệm vụ khác nhau, hiệp nhất và dấn thân phục vụ ĐTC và Giáo Hội.

Diễn từ của ĐTC

Lên tiếng trong dịp này, sau khi gửi lời chúc mừng và cám ơn sự cộng tác của mọi người trong giáo triều Roma, ĐTC nhấn mạnh sự kiện các cơ quan trung ương Tòa Thánh họp thành một cơ thể duy nhất, và cũng như mọi cơ thể, có thể có những bệnh tật cần được chữa lành. Trong ý hướng chuẩn bị tâm hồn, xưng tội, để đón mừng Chúa Giáng Sinh, ĐTC đã liệt kê một loạt những căn bệnh mà những vị làm việc trong giáo triều Roma có thể mắc phải và cần phải thanh tẩy. Ngài nói:

”Giáo triều được kêu gọi cải tiến, luôn cải tiến và tăng trưởng trong tình hiệp thông, thánh thiện và khôn ngoan để chu toàn sứ mạng. Nhưng giáo triều, cũng như mỗi thân thể con người, cũng có thể bị bệnh, hoạt động không tốt, bị yếu liệt. Và ở đây tôi muốn liệt kê vài căn bệnh có thể, những bệnh của giáo triều. Đó là những bệnh thường xảy ra trong đời sống của giáo triều chúng ta. Đó là những bệnh tật và cám dỗ làm suy yếu việc phục vụ của chúng ta đối với Chúa. Tôi nghĩ rằng ”danh sách” các bệnh này sẽ giúp chúng ta, như các Đấng Tu Hành trong sa mạc vẫn thường làm danh sách mà chúng ta nói đến hôm nay: danh sách này giúp chúng ta chuẩn bị lãnh nhận bí tích Hòa giải, là một bước tiến tốt cho tất cả chúng ta để chuẩn bị lễ Giáng Sinh.

1. Trước tiên là bệnh tưởng mình là bất tử, miễn nhiễm, hoặc thậm chí là không thể thiếu được, và lơ là những kiểm điểm cần thiết và thông thường. Một giáo triều không tự phê bình, không canh tân, không tìm cách cải tiến, thì đó là một cơ thể đau yếu. Một cuộc viếng thăm bình thường tại các nghĩa trang có thể giúp chúng ta nhìn thấy tên của bao nhiêu người, của vài người mà chúng ta nghĩ họ là bất tử, miễn nhiễm, và không thể thay thế được! Đó là bệnh của người giàu có trong Phúc Âm nghĩ rằng mình sống vĩnh viễn (Xc Lc 12,13-21) và cả những người trở thành chủ nhân ông, cảm thấy mình cao trọng hơn mọi người, chứ không phải là người phục vụ tất cả mọi người. Bệnh này thường xuất phát từ bệnh quyền bính, từ mặc cảm là những người ưu tuyển, từ thái độ tự yêu mình, say mê nhìn hình ảnh của mình mà không nhìn thấy hình ảnh của Thiên Chúa in nơi khuôn mặt của những người khác, đặc biệt là những người yếu đuối và túng thiếu nhất. Thuốc chữa bệnh dịch này là ơn thánh, ơn cảm thấy mình là người tội lỗi và thành tâm nói rằng: ”Chúng ta chỉ là những đầy tớ vô dụng. Chúng ta đã làm những gì chúng ta phải làm” (Lc 17,10).

2. Một bệnh khác là bệnh Marta, đến từ tên Marta, làm việc thái quá: tức là những người chìm đắm trong công việc, và lơ là với phần tốt hơn, là ngồi bên chân Chúa Giêsu (Xc Lc 10,38). Vì thế Chúa Giêsu đã kêu gọi các môn đệ của Ngài ”hãy nghỉ ngơi một chút” (Xc Mc 6,31), vì lơ là việc nghỉ ngơi cần thiết sẽ đi tới tình trạng căng thẳng và giao động. Thời gian nghỉ ngơi, đối với những người đã chấm dứt sứ mạng của mình, là điều cần thiết, cần phải làm, và cần phải sống thanh thản: khi trải qua một chút thời gian với những người thân trong gia đình và tôn trọng các kỳ nghỉ như những lúc bồi dưỡng tính thần và thể lý; cần học điều mà sách Qohelet đã dạy: ”Có thời gian cho mỗi điều” )3,1-15).

3. Cũng có thứ bệnh ”chai cứng” tâm trí và tinh thần: nghĩa là bệnh của những người có tâm hồn chai đá, ”cứng cổ” (Cv 7,51-6); bệnh của những người đang đi trên đường, đánh mất sự thanh thản nội tâm, mất sức sinh động và táo bạo, và ẩn nấp sau các giấy tờ, trở thành ”chiếc máy hồ sơ” chứ không còn là ”những người của Thiên Chúa” nữa (Xc Dt 3,12). Họ có nguy cơ đánh mất sự nhạy cảm nhân bản cần thiết để khóc với những người khóc và vui với những người vui! Đó là bệnh của những người mất ”tâm tình của Chúa Giêsu” (Xc Pl 2,5-11), vì con tim của họ, qua dòng thời gian, đã trở nên chai đá và không có khả năng yêu mến Chúa Cha và tha nhân vô điều kiện (Xc Mt 22,34-40). Thực vậy, là Kitô hữu có nghĩa là ”có cùng những tâm tình như Chúa Giêsu Kitô” (Pl 2,5), những tâm tình khiêm tốn, và hiến thân, không dính bén và quảng đại.

4. Bệnh kế hoạch hóa thái quá và duy hiệu năng. Khi tông đồ kế hoạch mọi sự một cách tỷ mỉ và tưởng rằng khi thực hiện việc kế hoạch hóa hoàn toàn thì mọi sự sẽ thực sự tiến triển, như thế họ trở thành một kế toán viên hay một nhà tư vấn kinh doanh. Chuẩn bị mọi sự là điều tốt và cần thiết, nhưng không bao giờ được rơi vào cám dỗ muốn đóng kín và lèo lái tự do của Chúa Thánh Linh, Đấng luôn luôn lớn hơn, quảng đại hơn mọi kế hoạch của con người (Xc Ga 3,8). Người ta lâm vào căn bệnh này vì ”ở lại thoải mái trong các lập trường tĩnh và bất biến của mình thì vẫn là điều dễ dàng và ung dung hơn. Trong thực tế, Giáo Hội tỏ ra trung thành với Chúa Thánh Linh theo mức độ Giáo Hội không chủ trương điều hành và thuần hóa Thánh Linh. Thánh Linh là sự tươi mát, sáng tạo và mới mẻ!”

5. Bệnh phối hợp kém. Khi các chi thể mất sự hiệp thông với nhau thì thân thể đánh mất hoạt động hài hòa và chừng mực của mình, trở thành một ban nhạc chỉ tạo ra những tiếng ồn ào, vì các thành phần của ban không cộng tác với nhau, không sống tinh thần hiệp thông và đồng đội. Khi chân nói với tay: ”Tôi không cần anh”, hoặc tay nói với đầu: ”Tôi điều khiển”, thì tạo nên sự khó chịu và gương mù.

6. Cũng có thứ bệnh ”suy thoái não bộ tinh thần”, hay là quên đi ”lịch sử cứu độ”, lịch sử quan hệ bản thân với Chúa, quên đi mối tình đầu (Kh 2,4). Đó là sự suy thoái dần dần các khả năng tinh thần trong một khoảng thời gian dài ngắn hơn kém, tạo nên tình trạng tật nguyền trầm trong cho con người, làm cho nó không còn khả năng thi hành một số hoạt động tự lập, sống trong tình trạng hoàn toàn tùy thuộc những quan niệm thường là tưởng tượng. Chúng ta thấy điều đó nơi những người không còn nhớ cuộc gặp gỡ của họ với Chúa, nơi những người hoàn toàn tùy thuộc hiện tại của họ, đam mê, tính thay đổi nhất thời, và những thứ kỳ quặc khác; ta thấy nơi những người kiến tạo quanh mình những bức tường và những tập quán, ngày càng trở thành nô lệ cho các thần tượng mà họ tay họ tạo nên.
7. Bệnh cạnh tranh và háo danh. Khi cái vẻ bề ngoài, những mầu áo và huy chương trở thành đối tượng ưu tiên của cuộc sống, quên đi lời thánh Phaolô: ”Anh em đừng làm gì vì cạnh tranh hoặc háo danh, nhưng mỗi người với tất cả sự khiêm tốn, hãy coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm tư lợi, nhưng hãy tìm lợi ích của người khác nữa” (Pl 2,1-4). Đó là căn bệnh đưa chúng ta trở thành những con người giả dối và sống một thứ thần bí giả hiệu, một chủ thuyết yên tĩnh giả tạo, Chính thánh Phaolô đã định nghĩa họ là ”những kẻ thù của Thập Giá Chúa Kitô” vì họ ”kiêu hãnh về những điều mà lẽ ra họ phải hổ thẹn và chỉ nghĩ đến những điều thuộc về trần thế này” (Pl 3,19)

8. Bệnh tâm thần phân liệt trong cuộc sống. Đó là bệnh của những người sống hai mặt, hậu quả của sự giả hình về sự tầm thường và dần dần trở nên trống rỗng về tinh thần mà các văn bằng tiến sĩ hoặc các bằng cấp khác không thể lấp đầy được. Một thứ bệnh thường xảy ra nơi những người bỏ việc mục vụ, và chỉ giới hạn vào những công việc bàn giấy, đánh mất sự tiếp xúc với thực tại, với những con người cụ thể. Như thế họ tạo cho mình một thế giới song song, trong đó họ gạt sang một bên tất cả những gì họ nghiêm khắc dạy người khác, và bắt đầu sống một cuộc sống kín đáo và thường là tháo thứ. Sự hoán cải là điều rất cần thiết và không thể thiếu được đối với thứ bệnh rất nặng này (Xc Lc 15,11-32).

9. Bệnh 'ngồi lê đôi mách', lẫm bẩm và nói hành. Tôi đã nói nhiều về bệnh này và không bao giờ cho đủ. Đó là một bệnh nặng, thường bắt đầu bằng những cuộc chuyện trò, và nó làm cho con người thành người gieo rắc cỏ lùng cỏ dại như Satan, và trong nhiều trường hợp họ trở thành người ”điềm nhiên giết người”, giết hại danh thơm tiếng tốt của đồng nghiệp và anh em cùng dòng. Đó là bệnh của những người hèn nhát không có can đảm nói thẳng, mà chỉ nói sau lưng. Thánh Phaolô đã cảnh giác: ”Anh em hãy làm mọi sự mà đừng lẩm bẩm, không do dự, để không có gì đáng trách và tinh tuyền” (Pl 2,14-18). Hỡi anh em, chứng ta hãy giữ mình khỏi những nạn khủng bố nói hành nói xấu!

10. Bệnh thần thánh hóa giới lãnh đạo. Đó là bệnh của những kẻ dua nịnh cấp trên, hy vọng được ân huệ của họ. Họ là nạn nhân của công danh sự nghiệp và của thái độ xu thời, tôn kính con người chứ không tôn kính Thiên Chúa (Xc Mt 23,8-12). Đó là những người khi phục vụ chỉ nghĩ đến điều mà họ phải đạt được chứ không tới điều mà họ phải làm. Những người bủn xỉn nhỏ nhặt, bất hạnh, và chỉ hành động vì ích kỷ (Xc Gl 5,16-25). Bệnh này có thể xảy ra cho cả các cấp trên khi họ chiêu dụ vài cộng tác viên để được sự tuân phục, trung thành và tùy thuộc về tâm lý, nhưng kết quả cuối cùng là một sự đồng lõa thực sự.

11. Bệnh dửng dưng đối với người khác. Khi mỗi người chỉ nghĩa đến mình và đánh mất sự thành thực và quan hệ nồng nhiệt với nhau. Khi người giỏi nhất không đặt kiến thức của mình để phục vụ đồng nghiệp yếu kém hơn. Khi người ta biết được điều gì và giữ riêng cho mình thay vì chia sẻ tích cực với những người khác, Khi vì ghen tương và tinh ranh, họ cảm thấy vui mừng khi thấy người khác ngã xuống, thay vì nâng người ấy dậy và khích lệ họ!

12. Bệnh có bộ mặt đưa đám. Tức là những người cộc cằn và hung tợn, cho rằng để tỏ ra là nghiêm minh, cần có bộ mặt âu sầu, nghiêm khắc và đối xử với những người khác, nhất là những người cấp dưới, một cách cứng nhắc, cứng cỏi và kiêu hãnh. Trong thực tế, sự nghiêm khắc đóng kịch và thái độ bi quan vô ích thường là triệu chứng của sự sợ hãi và bất an về mình. Tông đồ phải cố gắng là một người nhã nhặn, thanh thản, nhiệt thành và vui tươi, thông truyền niềm vui tại bất kỳ nơi nào. Một con tim đầy Thiên Chúa là một con tim hạnh phúc, chiếu tỏa và làm lan rộng niềm vui cho tất cả những người quanh mình, người ta nhận thấy ngay điều đó.. Chúng ta đừng đánh mất tinh thần vui tươi, tinh thần hài hước, thậm chí tự cười mình, làm cho chúng ta trở thành những người dễ mến, cả trong những hoàn cảnh khó khăn”. Một chút tinh thần hài hước thật là điều tốt cho chúng ta dường nào. Thật là điều tốt nếu chúng ta thường đọc kinh của Thánh Thomas More: tôi vẫn đọc kinh đó hằng ngày và điều này mang nhiều ích lợi cho tôi.

12. Bệnh tích trữ. Khi tông đồ tìm cách lấp đầy khoảng trống trong con tim của mình bằng cách tích trữ của cải vật chất, không phải vì cần thiết nhưng chỉ vì để cảm thấy an ninh. Trong thực tế không có gì vật chất có thể mang theo mình vì ”khăn liệm không có túi” và mọi kho tàng vật chất của chúng ta, dù có thực đi nữa, không bao giờ có thể lấp đầy khoảng trống, trái lại càng làm cho nó khẩn trương và sâu đậm hơn. Chúa lập lại với những người ấy: ”Ngươi bảo: nay tôi giầu có, đã đầy đủ của cải rồi, tôi chẳng cần gì nữa. Nhưng ngươi không biết mình là kẻ bất hạnh, khốn nạn, một kẻ nghèo, mù lòa và trần trụi.. Vậy ngươi hãy nhiệt thành và hoán cải” (Kh 3,17-19). Sự tích trữ của cải chỉ làm cho nặng nề và làm cho hành trình trở nên chậm hơn! Và tôi nghĩ đến một giai thoại: trước kia các tu sĩ dòng Tên Tây Ban Nha mô tả dòng như một đoàn ”kỵ binh nhẹ nhàng của Giáo Hội”. Tôi nhớ cuộc dọn nhà của một tu sĩ dòng Tên trẻ, trong khi chất lên xa vận tải bao nhiêu đồ đạc: hành lý, sách vở, vật dụng, quà tặng, thì một tu sĩ dòng Tên cao niên quan sát và mỏỉm cười nói: đây có phải là kỵ binh nhẹ của Giáo Hội không?”. Những cuộc dọn nhà của chúng ta là một dấu hiệu về bệnh ấy.

13. Bệnh những nhóm khép kín, trong đó sự thuộc về một nhóm nhỏ trở nên mạnh hơn thuộc về cả thân mình và trong một số trường hợp, mạnh hơn thuộc về chính Chúa Kitô. Cả căn bệnh này cũng luôn bắt đầu bằng những ý hướng tốt là tiêu khiển với các bạn bè, nhưng với thời gian nó trở nên xấu, thành bệnh ung thư đe dọa sự hài hòa của thân thể và tạo nên bao nhiêu điều ác, gương mù, nhất cho cho những anh em bé nhỏ hơn của chúng ta. Sự tự hủy diệt, hay là ”những viên đạn của bạn đồng ngũ” chính là nguy hiểm tinh tế nhất. Đó là sự ác đánh từ bên trong, và như Chúa Kitô đã nói, ”nước nào chia rẽ bên trong thì sẽ bị tàn lụi” (Lc 11,17).

14. Sau cùng là bệnh tìm kiếm lợi lộc trần tục và phô trương. Khi tông đồ biến việc phục vụ của mình thành quyền lực, và biến quyền lực của mình thành hàng hóa để kiếm được những lợi lộc phàm tục và được nhiều quyền thế hơn. Đó là bệnh của những người tìm cách gia tăng vô độ quyền lực và để đạt được mục tiêu đó, họ vu khống, mạ lỵ và làm mất thanh danh của người khác, thậm chí trên cả các nhật báo và tạp chí, dĩ nhiên để biểu dương và chứng tỏ mình có khả năng hơn người khác. Cả thứ bệnh này cũng gây hại rất nhiều cho thân mình, vì nó làm cho con người đi tới độ biện minh việc sử dụng bất kỳ phương thế nào để đạt tới mục tiêu ấy, thường là nhân danh công lý và sự minh bạch. Và ở đây tôi nhớ đến một linh mục đã gọi các ký giả đến để kể cho họ – một điều mà LM này bịa đặt – về những chuyện riêng tư của những linh mục khác và của giáo dân. LM ấy chỉ muốn được xuất hiện trên những trang nhất của báo chí, và như thế cảm thấy mình quyền năng và chiến thắng, nhưng tạo ra bao nhiêu đau khổ cho những người khác và cho Giáo Hội! Thật là kẻ đáng thương!

ĐTC nhận xét rằng những căn bệnh và cám dỗ ấy cũng là nguy cơ của mỗi Kitô hữu, mỗi giáo xứ, cộng đoàn, dòng tu, các phong trào Giáo Hội, trên bình diện cá nhân và cộng đoàn.

Ngài mời gọi tất cả mọi người hãy sống theo chân lý trong sự thật, nhất là trong mùa Giáng Sinh này, hãy chuẩn bị xưng tội và xin Mẹ Maria, Mẹ Giáo Hội, chữa lành mọi vết thương tội lỗi mà mỗi người chúng ta mang trong tâm hồn, và xin Mẹ nâng đỡ Giáo Hội và giáo triều để tất cả được lành mạnh, thánh thiện và thánh hóa, hầu tôn vinh Con của Mẹ và để cứu độ chúng ta và toàn thế giới.

Sau bài diễn văn, ĐTC đã đích thân đến bắt tay chúc mừng các Hồng Y đứng thành hình vòng cung ở sảnh đường Clemente trong dinh Tông Tòa, và tiếp đến, các GM cũng như các giám chức, các LM khác và các giáo dân ở vị trí lãnh đạo, đến trước ĐTC để chúc mừng và bắt tay ngài.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Tội lỗi nào được tha thứ

Tội lỗi nào được tha thứ

Có tội ác nào tày trời đến độ không thể tha thứ được không? Tạp chí Times đã nêu ra câu hỏi trên đây khi trích dẫn câu trả lời của một vị luật sư người Campuchia.

Cách đây ba năm, một Mục sư đã rửa tội cho một giáo viên ở một vùng sình lầy thuộc tỉnh Battanapan, ở mạn Tây Campuchia. Mới đây người giáo viên này tiết lộ mình đã từng làm giám đốc cơ quan mật vụ của Khờ-me đỏ. Sau 20 năm lẩn trốn, nay ông thú nhận là ông đã trực tiếp nhúng tay vào vụ thảm sát ít nhất là 12,000 người Khờ-me.

Người Mục sư mà cha mẹ và với gần 2,000,000 đồng bào ruột thịt bị người Khờ-me đỏ sát tế trong giai đoạn từ năm 1975 – 1979, đã nhận định về cuộc trở lại của người giáo viên này như sau:

Thật là kỳ diệu, Kitô giáo có thể thay đổi cuộc sống con người. Nếu Chúa Giêsu đã thay đổi người giáo viên này, thì Người cũng có thể thay đổi tất cả mọi người.

Ông Duo tức người giáo viên này, một hôm đã đến nghe vị Mục sư thuyết giảng, sau đó ông đã xin chịu phép rửa, ông nói rằng, trong suốt thời thơ ấu và ngay cả khi lớn lên ông không bao giờ được yêu thương. Giờ đây tin nhận Chúa Kitô, ông cảm thấy tâm hồn được tràn ngập yêu thương.

Mục sư ghi nhận rằng, cuộc thay đổi nội tâm đã ảnh hưởng đến toàn diện con người của ông. Trước kia ông lầm lỳ ít nói, nay ông vui vẻ và cởi mở với tất cả mọi người. Trước kia quần áo ông xốc xếch, thì nay ông ăn mặc chỉnh tề. Sau khi đón nhận phép rửa và tiết lộ tông tích của mình, ông Duo đã bị chính quyền Campuchia bắt giữ hồi tháng 5-1998, hiện nay ông đang bị giam tại một nhà từ gần trung tâm Tollen, tức là nơi trước đây ông đã từng tham vấn, hành hạ và sát hại hàng trăm ngàn người đồng bào ruột thịt của mình.

Nhận định về tay đồ tể khát máu Khờ-me, người luật sư Lobin đã nói như sau: một câu chuyện mang lại niềm hy vọng cho nhân dân Campuchia, họ đã trải qua quá nhiều năm trong tăm tối. Khi đón nhận Chúa Giêsu, họ đã được mang lại ánh sáng trong cuộc sống của họ. Thật vậy, đã đến lúc người Campuchia cần phải từ bỏ thù hận để sống yêu thương.

Anh chị em thân mến,

Chứng từ sống động trên đây đưa chúng ta vào cốt lõi của đạo chúng ta là yêu thương và tha thứ mà hôm nay qua bài dụ ngôn cỏ lùng Giáo Hội muốn nhắc lại cho chúng ta. Dụ ngôn là một câu trả lời của Chúa Giêsu và thắc mắc mà các môn đệ thường nêu lên, là tại sao Thiên Chúa không trừng phạt nhãn tiền những kẻ làm điều gian ác?

Với hình ảnh của ruộng lúa tốt và cỏ lùng, Chúa Giêsu mạc khải lòng nhân từ và sự tha thứ vô biên của Thiên Chúa, đối với Thiên Chúa không có tội ác nào, dù cho có tày trời đến đâu mà không thể tha thứ được. Như một người cha ngày ngày ra đứng trước cửa trông ngóng người con hoang đàng trở về, thì Thiên Chúa cũng có một thái độ chờ đợi kiên nhẫn như thế đối với tất cả mọi tội nhân, dù cho con người có đốn mạt xấu xa đến đâu thì Chúa vẫn luôn dành cho một cơ may mới để trở về với Ngài. Nơi tâm hồn con người dù có tăm tối đến đâu, Thiên Chúa vẫn nhận ra được ánh sáng mà chính ngài đã đặt để trong trái tim con người. Chính vì tin tưởng nơi khảnăng có thể cải thiện của con người mà Thiên Chúa không ngừng tha thứ cho con người và kiên nhẫn chờ đợi con người trở về.

“Thức khuya mới thấy đêm dài, sống lâu mới thấy dạ người có nhân”. Dụ ngôn về cỏ lùng được Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay, mời gọi các Kitô hữu mặc lấy tâm tình khoan dung nhân hậu và cảm thông của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không khoan nhượng, không dung tha cho bất cứ tội ác nào, Ngài gay gắt lên án thói giả hình và thái độ mù quáng của con người, nhưng Ngài lại tỏ ra cảm thông và tha thứ cho những người yếu đuối tội lỗi, Ngài không những cảm thông với những người tội lỗi, mà còn tha thứ cho chính những kẻ hành hạ Ngài.

Tòa nhà giáo huấn của Chúa Giêsu sẽ sụp đổ nếu từ trên thập giá Ngài không tha thứ cho những lý hình của Ngài. Cuộc sống của Ngài cũng sẽ vô giá trị nếu khi bị treo trên thập giá Chúa Giêsu vẫn còn mang theo hận thù trong lòng Ngài.

Tha thứ là vẻ đẹp cao quý nhất trong tâm hồn con người. Nhân cách của con người sẽ bị đánh mất nếu nó không thể làm được hành động tha thứ. Người tín hữu Kitô chúng ta cũng sẽ mất căn tính của mình nếu chúng ta chỉ sống theo đố kỵ, hận thù. Tha thứ là vẻ đẹp cao quý nhất trong tâm hồn con người, do đó cũng chính là điều khó thực hiện nhất, vì thế mà chúng ta không ngừng cầu xin Chúa cho chúng ta luôn được sống ơn tha thứ, đó là điều chúng ta cầu xin trong Thánh Lễ mỗi ngày.

Kinh Lạy Cha nhắc nhớ chúng ta rằng, chúng ta chỉ có thể cảm nhận được ơn tha thứ của Chúa nếu chúng ta cũng tha thứ cho người anh em chúng ta mà thôi.

Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn được lớn lên trong niềm xác tín ấy. Amen.

Veritas Radio

Vụ khủng bố nhà thờ Đức Bà Fatima vùng ngoại ô thủ đô Bangui của Trung Phi

Vụ khủng bố nhà thờ Đức Bà Fatima vùng ngoại ô thủ đô Bangui của Trung Phi

Phỏng vấn Linh Mục Mathieu Bondonbo và Linh Mục Zephirin Yakanda, cha phó giáo xứ Alassio

Chiều ngày 28-5-2014 một nhóm người vũ trang, có lẽ là cựu phiến quân hồi giáo Seleka, đã dùng lựu đạn tấn công nhà thờ Đức Bà Fatima vùng ngoại ô thủ đô Bangui, khiến cho ít nhất 17 người chết kể cả một linh mục.

Tin địa phương nói số nạn nhân khoảng 40 người. Ngày 30-5-2014 hàng trăm người đã xuống đường biểu tình tại thủ đô Bangui để phản đối và lên án vụ khủng bố đã man này, đồng thời để phản đối các lực lượng quốc tế, tuy ở gần đó nhưng đã can thiệp chậm trễ. Vị linh mục bị thiệt mạng là cha Paul Emile Nzale, 76 tuổi. Cha đang thăm người tỵ nạn trong giáo xứ. Người ta cũng cho biết là đã có một số tín hữu bị nhóm phiến quân hồi bắt làm con tin.

Trung Phi rộng gần 623 ngàn cây số vuông, có khoảng 5 triệu dân gồm nhiều chủng tộc khác nhau, hơn 80% theo Kitô giáo gồm 51,4% Tin Lành 28,9% Công Giáo, 15% hồi giáo và 9.6% theo đạo thờ vật linh. Từ năm 2012 lực lượng Seleka gồm các phiến quân hồi nổi lên tiến chiếm miền bắc và miền trung và từ năm 2013 đánh chiếm thủ đô Bangui và lên nắm quyền. Các lực lượng dân quân kitô quy tụ thành phong trào Chống Balaka đánh nhau với lực lượng Seleka, khiến cho nội chiến kéo dài tại Trung Phi.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Linh Mục Mathieu Bondobo về tình hình Trung Phi hiện nay.

Hỏi: Thưa cha, tại sao các binh sĩ lực lượng phiến quân Seleka lại tấn công và gieo chết chóc cho các kitô hữu như thế?

Đáp: Tin khủng bố sát hại này thật là buồn và trầm trọng. Ban đầu chúng tôi đã dấn thân nói rằng cuộc xung khắc này là chính trị, chứ không phải là cuộc chiến tranh giữa các tôn giáo. Nhưng sự kiện cố ý tấn công một họ đạo như vậy làm cho chúng tôi lo sợ, bởi vì nó là một dữ kiện mạnh mẽ để nói rằng cuộc xung đột đang ngày càng trở thành tôn giáo nhiều hơn. Và điều này cũng giúp chúng tôi nói rằng các tôn giáo chúng tôi phải tỉnh táo mở mắt, để không bị lèo lái bởi các nhà chính trị, bởi vì chỉ cần lơ là một chút là rơi vào cạm bẫy này. Dân tộc này đã luôn luôn chung sống với nhau với các tôn giáo khác nhau hiện diện tại đây, và vì thế ngày hôm nay chúng tôi không thể bắt đầu gây chiến với nhau được. Tuy nhiên, chúng tôi phải sẵn sàng và tỉnh thức để tránh tất cả các cạm bẫy này. Tôi xin lập lại, với điều đã xảy ra, chỉ cần một chút thôi là lại nảy sinh ra sự báo thù trong trái tim con người.

Hỏi: Theo cha thì tại sao lại xảy ra cuộc tấn công này?

Đáp: Tôi không có một tư tưởng rõ ràng về các lý do chính xác của vụ tấn công. Nhưng cần nói rằng giáo xứ Đức Bà Fatima này nằm trong một vùng rất gần một khu phố, nơi đã có lời đồn thổi rằng vài phiến quân đã len lỏi vào và tập trung tại đây. Và như thế một giáo xứ rất ngoại ô là một vùng hơi nóng bỏng. Do đó chỉ cần một chút là xảy ra các vụ tấn công loại này.

Hỏi: Giáo Hội nằm giữ vai trò nào trong tình trạng hiện nay tại Trung Phi? Và các giáo xứ trong thủ đô Bangui hiện đang làm gì, một cách đặc biệt để trợ giúp dân chúng?

Đáp: Kể từ khi cuộc xung khắc bắt đầu, Giáo Hội công giáo đã luôn luôn làm rất nhiều để trợ giúp dân chúng. Giáo Hội công giáo ủng hộ hòa bình. Vì thế họ đạo Đức Bà Fatima, cũng như tất cả các họ đạo khác trong thủ đô Bangui, đã trở thành nơi tiếp đón. Tất cả những người không cảm thấy an ninh đã tìm được nơi trú ẩn trong nhà thờ này: đó là sự kiện quan trọng. Mọi họ đạo của chúng tôi đều tiếp đón rất nhiều người. Nhưng các nhà thờ không được bảo vệ. Và tiện đây tôi xin kêu gọi các cơ quan quốc tế để họ mở mắt nhìn một họ đạo yểm trợ hòa bình tiếp đón biết bao nhiêu người tỵ nạn, mà lại không được bảo vệ, thì đây không phải là điều bình thường. Do đó trong số các nạn nhân, ngoài đa số là tín hữu kitô, cũng có những người không kitô. Họ đã bỏ khu phố của họ để đến trú ẩn nơi đây vì không cảm thấy an ninh.

Hỏi: Xem ra tình hình tại Trung Phi lắng dịu hơn một chút có đúng thế không thưa cha?

Đáp: Các tin tức cuối cùng cho biết như thế. Tại Trung Phi nói chung tình hình không yên ổn. Nhưng tại thủ đô thì đã có nhiều kiểm soát hơn một chút, trong nghĩa các sinh hoạt đã bắt đầu trở lại, nghĩa là cuộc sống bắt đầu trở lại trong thủ đô Bangui. Đó là các tin mới nhất. Tuy nhiên, điều này giúp hiểu rằng còn có rất nhiều việc phải làm.

Hỏi: Dân chúng trong thủ đô Bangui đã mất hy vọng rồi hay sao thưa cha?

Đáp: Người dân đã không hoàn toàn mất hy vọng, nhưng họ có một chút nghi ngờ. Nói một cách nhân loại thì họ có mất hy vọng. Dĩ nhiên là sự sợ hãi lại nảy nở trong con tim người ta. Tôi tin rằng ngày nay khó đi lang thang trong các khu phố này của thủ đô hay ra khỏi nhà. Chắc chắn là người ta lo sợ. Vì không có an ninh. Nhưng chúng tôi luôn luôn có niềm hy vọng, bởi vì chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Chúng tôi phải đi tới hòa bình thôi.

Hỏi: Các nhóm quân bảo hòa liên hiệp quốc đã làm những gì, và có thể làm những gì trong tình trạng này, thưa cha?

Đáp: Nói thật ra, họ đã có thể can thiệp nhanh nhất có thể. Từ các tin tức mà tôi đã nhận được các toán quân đó ở cách xa chỗ xảy ra khủng bố ngót một cây số. Họ đã được liên lạc, nhưng họ đã mất hàng giờ hàng giờ để can thiệp. Nếu ho đã can thiệp trước, thì tôi tin rằng đã có thể tránh được được tình hình tồi tệ này.

Tiếp theo đây là một số nhận định của Linh Mục Zephirin Yakanda, cha phó giáo xứ Alassio, và là người quen biết cha Nzale.

Hỏi: Thưa cha Yakanda, cha Paul Emile Nzale là người như thế nào?

Đáp: Cha là một người tốt lành, sống gần gũi dân chúng và là người không sợ hãi ai. Cha đang thăm các gia đình tỵ nạn trong giáo xứ thì bị bắn.

Hỏi: Cha có kỷ niệm nào với cha Nzale hay không?

Đáp: Chính cha Nzale đã dậy tôi giảng. Ngài đã đậy tội sống với dân chúng. Khi tôi còn là chủng sinh tôi đã biết cha tại giáo xứ Chúa Ba Ngôi và ngài đã hướng dẫn tôi từ từ cho tới khi tôi làm linh mục cách đây 18 năm.

Hỏi: Cha có nhớ vài lời khuyên hay vài lời nói của ngài hay không?

Đáp: Có chứ. Ngài khuyên tôi kiên trì trong lời cầu nguyện, đừng bao giờ chán nản ngã lòng và luôn luôn hy vọng: ngài lập đi lập lại các lời khuyên này.

Hỏi: Nghĩa là cha Nzale đã luôn luộn sống giữa dân chúng và đã được người dân rất thương mến?

Đáp: Vâng, ngài đã luôn luôn sống giữa người dân và được dân chúng trong thủ đô Bangui rất thương mến.

Hỏi: Vậy bây giờ dân chúng thủ đô ra sao?

Đáp: Người dân sống trong sợ hãi. Trong thành phố không có điện, nhưng có cuộc tổng đình công bãi thị. Dân chúng khua đĩa inh ỏi để phản đối.

Hỏi: Cha có hy vọng gì không?

Đáp: Tôi hy vọng người ta thôi bạo lực. Tôi hy vọng cộng đồng quốc tế giúp chúng tôi làm một cái gì đó để tìm lại được hòa bình, bởi vì Trung Phi đã là một quốc gia luôn luôn sống trong hòa bình. Chỉ từ 15 năm qua ma qủy đã tỉnh thức: ma qủy chia rẽ đã tỉnh thức và gieo tai họa. Chúng tôi khÔng thành công trong việc ngăn chặn hận thù và sự căng thẳng này.

Hỏi: Cũng có các vụ phản đối lực lượng bảo hòa đã không mau chóng can thiệp, có đúng thế không thưa cha?

Đáp: Đúng vậy. Các binh sĩ ở cách họ đạo không xa và có các phương tiện tạo dựng hòa bình. Nhưng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra tại đó mà họ đã không hành động.

Hỏi: Cha có muốn đưa ra lời kêu gọi nào không?

Đáp: Có. Chúng tôi muốn kêu gọi cộng đồng quốc tế đừng nhắm mắt và để cho dân chúng Trung Phi biến mất khỏi bản đồ địa lý thế giới. Ước chi họ hành động và yểm trợ người dân Trung Phi. Dân Trung Phi chỉ muốn có hòa bình, chỉ muốn sống. Xem ra người dân nước này bị bỏ rơi cho số phận của họ. Điều này không đúng! Xin cộng đồng quốc tế hãy can thiệp và làm một cái gì đó để nâng đỡ những người dân vô tội đang phải chết này!

(RG 29.30-5-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

Đấng Bảo Trợ

Đấng Bảo Trợ

(Trích trong ‘Sống Tin Mừng’)

Cuốn phim có tựa đề: “Đời Vẫn Đẹp” do Roberto đạo diễn và thủ diễn. Cuốn phim đã nêu lên câu truyện của người Do Thái cùng với vợ và đứa con trai nhỏ bị Đức Quốc Xã đưa vào trại. Nhờ tài khôi hài, ông đã giữ vững được tinh thần của đứa con khi quân đội đồng minh đến giải thoát.

Cuốn phim hẳn gợi lại kinh nghiệm của bác sĩ Victo Rey, ba năm lưu đày tại Ba-Lan và nhiều trại tập trung khác của Đức Quốc Xã, đã giúp cho vị bác sĩ chuyên gia tâm lý này khám phá được một chân lý quan trọng trong cuộc sống của con người, chân lý đó là, trong những hoàn cảnh nghiệt ngã đau thương nhất con người vẫn có thể tồn tại nếu họ có niềm tin và tìm được ý nghĩa của cuộc sống.

Bác sĩ Brand đã quan sát những phản ứng khác nhau của các bạn tù của ông, có những người trước khi vào tù thì được mọi người trọng vọng, ngưỡng mộ, thế nhưng bỗng chốc lộ nguyên hình của những kẻ hèn hạ có thể bán đứng anh em vì một chút lợi lộc nhỏ mọn. Một số khác thoạt tiên thể hiện bản lĩnh của những nhà lãnh đạo, thế nhưng liền sau đó thất vọng và ngã gục chỉ trong vài ngày. Trái lại, cũng không thiếu những người rất ít được mọi người chú ý đến, họ đã âm thầm chịu đựng cho đến cùng và được sống còn.

Tìm hiểu sự khác biệt giữa những hạng người trên đây, bác sĩ Brand khám phá ra rằng, chính mục đích và ý nghĩa của cuộc sống là sức mạnh làm cho con người tồn tại trong những điều kiện tột cùng khốn khổ của cuộc sống. Trong kinh nghiệm bản thân, bác sĩ Brand cho biết, chính tình yêu đối với vợ ông đã giúp cho ông tiếp tục tìm thấy ý nghĩa và lẽ sống trong tận đáy của hỏa ngục. Mặc dù không biết vợ mình bị giam giữ ở đâu, còn sống hay đã chết, bác sĩ Brand đã chia sẻ kinh nghiệm như sau:

Không có gì có thể tách tôi ra khỏi tình yêu, những ý nghĩ và hình ảnh người vợ yêu dấu của tôi, cho dẫu người ta có báo tin rằng vợ tôi đã chết thì tôi sẽ không bao giờ ngưng chiêm ngắm hình ảnh của nàng và thôi không chuyện vãn với nàng nữa. Càng lúc tôi càng cảm nghiệm được hình ảnh của vợ tôi; vợ tôi vẫn luôn ở bên cạnh tôi. Chính tình yêu đối với vợ đã mang lại hy vọng và sức mạnh giúp cho bác sĩ Brand chịu đựng mọi nghịch cảnh và tồn tại cho đến ngày được giải cứu khỏi các trại tập trung. Khám phá được ý nghĩa của cuộc sống, đây hẳn không phải là một điều xa xỉ hay phụ thuộc trong cuộc sống con người, mà là một nhu cầu hiện sinh còn quan trọng hơn cả các ăn thức uống của con người.

Ý nghĩa lẽ sống của người Kitô chúng ta chính là Chúa Giêsu Kitô, đây là điều một lần nữa hôm nay Giáo Hội muốn nhắc nhở chúng ta. Kitô giáo chúng ta không phải là một ý thức hệ; cũng không phải là một hệ thống luân lý chỉ gồm những điều luật phải tuân giữ; lại càng không phải là một xã hội theo thể chế chính trị nào đó. Kitô giáo thiết yếu là một con Người, con Người đó hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một, Ngài đã hiện diện trong giáo hội và trong cuộc sống của mỗi người chúng ta, Ngài là sức sống của mỗi người Kitô chúng ta. Thường thì một vị thánh hiền, một bậc vĩ nhân đi qua trong lịch sử nhân loại và để lại sự nghiệp của mình, nhưng với Chúa Kitô lại khác, Ngài không hiện diện như một xác chết được tẩm liệm, Ngài cũng chẳng hiện diện qua những di tích Ngài để lại, Ngài cũng chẳng để lại sự nghiệp nào, Ngài đã chết và Ngài đã sống lại, chính vì đã sống lại cho nên Ngài vẫn có đó, Ngài hiện diện một cách sống động nơi đây, trong giây phút này đây, đó là niềm tin, là sức sống, là lịch sử của Giáo Hội từ hơn 2,000 năm qua, đó cũng là lẽ sống của không biết bao nhiêu người tín hữu đã đi trước chúng ta, trong Ngài họ đã tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống và để có thể vui sống, nhất là kiên trì cho đến cùng giữa những thử thách và bách hại, tất cả đều sống niềm xác tín của thánh Phaolô như ngài đã viết trong thư gởi cho giáo đoàn Rôma: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Chúa Kitô, phải chăng là gian truân, khắc khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?”

Đây là niềm xác tín mà Giáo Hội mời gọi chúng ta hâm nóng lại khi cho chúng ta lắng nghe Tin Mừng hôm nay. Trong bài diễn văn tự thuật với các môn đệ trước khi đi vào cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, họ được mời gọi để chuẩn bị tinh thần đón nhận cách thế hiện diện mới của Ngài, Ngài nói với các ông: “Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi, Thầy sẽ đến với các con.” Quả thật, sau khi đón nhận Chúa Thánh Thần, các môn đệ đã cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Giêsu, từ những con người quê mùa, dốt nát và nhát đảm, các môn đệ đã được Chúa Thánh Thần biến thành những nhà rao giảng không biết mỏi mệt và nhất là dùng chính cái chết của mình để làm chứng cho sự hiện diện ấy của Chúa Giêsu.

Hơn hai ngàn năm qua, sức sống được Chúa Thánh Thần thông ban cho các môn đệ đã tràn ngập thế giới, đã trở thành lẽ sống của không biết bao nhiêu người. Chính nhờ sức sống ấy mà các tín hữu Kitô tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống và sống đúng ơn gọi làm người của mình. Sống công bình, sống bác ái, sống phục vụ, sống quên mình không phải là độc quyền của người Kitô giáo. Tôn giáo nào cũng đề cao những giá trị ấy; giới răn yêu thương cũng không phải là giới răn riêng của các tín hữu Kitô chúng ta. Thế nhưng Chúa Giêsu đã ban bố giới răn ấy như một giới răn mới mẻ và là riêng của Ngài, bởi vì Ngài ban chính sức sống và tình yêu của Ngài cho các tín hữu để họ yêu thương bằng chính tình yêu của Ngài.

Chúa Giêsu chính là tình yêu, Chúa Giêsu chính là sức sống của các tín hữu. Chúng ta họp nhau cử hành thánh lễ của mỗi ngày Chúa Nhật để xin Chúa Kitô bổ sức cho chúng ta, để chúng ta tiếp tục sống, để cho mọi người thấy rằng, Ngài thật sự là Đấng đang hiện diện và tác động trong chúng ta, Ngài chính là lẽ sống mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta, Ngài là sức mạnh để chúng ta tiếp tục chiến đấu, Ngài là niềm hy vọng để chúng ta tiếp tục tiến bước.

Veritas Radio