Ủy ban Tòa Thánh và Israel tái đối thoại

Ủy ban Tòa Thánh và Israel tái đối thoại

JERUSALEM. Sau nhiều tháng tạm ngưng hoạt động, Ủy ban làm việc song phương thường trực giữa Tòa Thánh và Israel đã nhóm khóa họp toàn thể hôm 18-1-2017 tại Jerusalem.

Thông cáo chung công bố cùng ngày 18-1 cho biết mục đích khóa họp là để tiếp tục thương thuyết dựa trên điều 10 triệt 2 trong hiệp định cơ bản ký kết cách đây 24 năm (1993) giữa Tòa Thánh và Israel.

Hai vị đồng chủ tịch khóa họp là Ông Tzachi Hanegbi, Bộ trưởng cộng tác miền của Israel và Đức Ông Antoine Camilleri, Thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh. Phái đoàn Tòa Thánh có 11 người, trong đó có 3 GM, phái đoàn Israel có 12 người.

Ủy ban đón nhận những tiến bộ đã đạt được cho đến nay và hài lòng vì những cuộc thương thuyết diễn ra trong bầu không khí suy tư và xây dựng. Ngoài ra, Ủy ban cũng nhìn nhận công việc của Bộ tư pháp Israel liên quan đến việc áp dụng hiệp định song phương năm 1997 về tư cách pháp nhân. Hai bên đã thỏa thuận với nhau về những bước tương lai, để chuẩn bị cho khóa họp toàn thể của Ủy ban, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 3 tới đây tại Vatican.

Sau cuộc họp của Ủy ban song phương, Tòa Thánh và Israel đã có một cuộc họp tham khảo ý kiến hai bên tại Bộ ngoại giao Israel, và đã thảo luận về những vấn đề chung và tìm hiểu về những cơ hội cộng tác với nhau (SD 18-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Thượng Phụ Chính Thống được tặng giải thưởng đại kết

Đức Thượng Phụ Chính Thống được tặng giải thưởng đại kết

duc-thuong-phu-chinh-thong-duoc-cong-giao-tang-giai-thuong-dai-ket

BARI. Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo Chủ Chính Thống Constantinople, đã được trao tặng giải thưởng đại kết thánh Nicola hôm 5-12-2016 tại thành phố Bari, nam Italia, nơi có di hài của thánh Nicola.

Trong điện văn chúc mừng Đức Thượng Phụ, cũng là giáo chủ danh dự chung của toàn Chính Thống giáo, ĐTC Phanxicô gọi giải thưởng này là một ”sự nhìn nhận đầy ý nghĩa” và là ”một dấu chỉ biết ơn đối với Đức Thượng Phụ vì sự dấn thân thăng tiến sự hiệp thông ngày càng sâu đậm hơn giữa tất cả những người tin nơi Chúa Kitô”.

Giải thưởng do Phân khoa thần học miền Puglia, nam Italia, trao tặng. Trong điện văn gửi đến Đức Cha Francesco Caccucci, TGM giáo phận Bari-Bitondo sở tại, ĐTC Phanxicô cũng cho biết ngài hiệp ý với Đức Bartolomaios, ”người anh em rất quí mến”, để tôn kính thánh Nicola, GM thành Myra, có hài cốt được giữ tại Bari từ gần 1 ngàn năm nay. Ngài phó thác cho sự chuyển cầu của Thánh Nicola rất được kính mến tại Đông và Tây Phương, lời cầu nguyện chung, xin cho các tín hữu Kitô đạt được sự hiệp nhất trọn vẹn hằng mong ước”.

Trong diễn văn tại Vương cung thánh đường thánh Nicola khi nhận giải thưởng, Đức Thượng phụ khẳng định rằng các tôn giáo có một vai trò cơ bản ”trong việc kiến tạo, khởi xướng và củng cố một nguyên tắc hiệp thông để cộng tác và cảm thông lẫn nhau, nhờ đó đẩy lui được những trào lưu cực đoan duy căn trong tất cả các xã hội và tôn giáo, và kiến tạo quan hệ mới giữa các dân tộc”.

Đức Thượng Phụ Bartolomaios cũng cho biết ngài đón nhận giải thưởng này như một ”dấu chỉ ngôn sứ về sự hiệp nhất của tất cả các Hội Thánh của Thiên Chúa” và nói rằng: ”Hành trình thần học giữa các Giáo Hội chúng ta và tình yêu thương, tôn trong và cộng tác với nhau là một trong những đặc điểm cơ bản”.

Thành Bari cách Roma gần 460 cây số về hướng đông nam. Trong số các tín hữu đến hành hương tại đền thánh Nicola, có rất nhiều tín hữu Chính Thống Nga (Asia News 5-12-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Thánh Cha tiếp kiến 260 đại biểu dân cử vùng Lyon Pháp

Đức Thánh Cha tiếp kiến 260 đại biểu dân cử vùng Lyon Pháp

duc-thanh-cha-tiep-kien-260-dai-bieu-dan-cu-vung-lyon-phap

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng 30-11-2016, dành cho 260 đại biểu  dân cử vùng Lyon Pháp,  ĐTC cầu mong các giá trị cộng hòa là tự do, bình đẳng và huynh đệ thực sự được đào sâu và thực thi.

Các đại biểu quốc hội Pháp được ĐHY Philippe Barbarin, TGM Lyon, và các GM thuộc vùng này tháp tùng, trong hành trình kéo dài Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, ĐTC kêu gọi phát triển cảm thức về công ích và mối quan tâm chung. Ngài nói: ”Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, với những bất mãn và lo sợ, càng gia tăng vì những cuộc khủng bố và bạo lực mù quáng gây đau thương sâu xa cho đất nước của quí vị, điều quan trọng hơn nữa là tìm kiếm và phát triển cảm thức về công ích và mối quan tâm chung.”

Hiệp với các GM Pháp, ĐTC kêu gọi phục hồi ý thức về chính trị và ngài nhận xét rằng: ”Xã hội Pháp có nhiều tiềm năng và sự khác biệt. Những đặc tính này được kêu gọi trở thành cơ may, với điều kiện là các giá trị cộng hòa là tự do, bình đẳng và tình huynh đệ không phải chỉ được nêu cao như một ảo ảnh, nhưng chúng phải được đào sâu và được hiểu trong tương quan với nền tảng đích thực của chúng có tính chất siêu việt.”

ĐTC nhắc đến cuộc thảo luận thực sự về các giá trị và đường hướng được coi là chung cho tất cả mọi người và nói rằng: ”Các tín hữu Kitô, cũng như tín đồ các tôn giáo khác, được kêu gọi tham dự cuộc thảo luận này, cùng với những người thiện chí và cả những người không tín ngưỡng nữa để tăng tiến sự tăng trưởng một thế giới tốt đẹp hơn”.

Sau cùng, ĐTC cầu mong rằng việc tìm kiếm công ích linh hoạt và dẫn đưa các đại biểu quốc hội Pháp đặc biệt quan tâm đến tất cả mọi người ở trong tình trạng bấp bênh, không quên những người di dân và tị nạn vì chiến tranh, lầm tham và bạo lực. Như thế, khi thi hành trách nhiệm của mình, quí vị có thể góp phần xây dựng một xã hội công bằng và nhân bản hơn, một xã hội hiếu khách và huynh đệ” (SD 30-11-2016)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha cám ơn vị Tiền Nhiệm Biển Đức 16

Đức Thánh Cha cám ơn vị Tiền Nhiệm Biển Đức 16

duc-thanh-cha-cam-on-vi-tien-nhiem-bien-duc-16

VATICAN. ĐTC Phanxicô ca ngợi và cám ơn tư tưởng và giáo huấn của vị Tiền Nhiệm, Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây sáng ngày 26-11-2016 trong buổi lễ trao tặng giải thưởng ”Joseph Ratzinger – Biển Đức 16” cho hai học giả là Đức Ông Inos Biffi, 82 tuổi, một nhà thần học kiêm sử gia Công Giáo ở Milano, và nhà thần học Chính Thống giáo Griechen Ioannis Kourempeles, 51 tuổi. Đây là lần đầu tiên một nhà thần học Chính Thống được giải thưởng này.

Giải thưởng có kèm theo 50 ngàn Euro do Ngân Quỹ Joseph Ratzinger tài trợ.

Lên tiếng khi trao giải thưởng, ĐTC bày tỏ sự hài lòng vì được hiện diện tại buổi lễ này và ngài nói: ”Đối với tôi đây cũng là một cách, cùng với anh chị em, tái bày tỏ lòng quí mến sâu đậm và lòng biết ơn của chúng ta đối với Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16, Ngài tiếp tục đồng hành với chúng ta kể cả trong lúc này bằng lời cầu nguyện.”

Nhắc đến đề tài ”cánh chung học” (Escatologia) của hội nghị quốc tế mà nhiều người hiện diện đã kết thúc ban sáng cùng ngày ở Học viện Augustinianum, ĐTC nhận xét rằng ”đề tài cánh chung học đã chiếm một chỗ rất quan trọng trong công trình thần học của Giáo Sư Joseph Ratzinger, trong hoạt động của Ngài khi còn làm Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin và sau cùng trong Giáo Huấn của ngài khi làm Giáo Hoàng. Chúng ta không thể quên những nhận xét sâu sắc của ngài về đời sống vĩnh cửu và niềm hy vọng trong Thông điệp ”Spe salvi” (Được cứu rỗi nhờ hy vọng)… Tư tưởng sâu sắc của Joseph Ratzinger, đươc xây dựng vững chắc trên Kinh Thánh và các Giáo Phụ, và luôn luôn được nuôi dưỡng bằng đức tin và kinh nguyện, giúp chúng ta tiếp tục cởi mở đối với chân trời vĩnh cửu, nhờ đó mang lại ý nghĩa cho những hy vọng và những dấn thân nhân bản của chúng ta. Tư tưởng và giáo huấn sâu xa của Người, biết tập trung vào những tham chiếu cơ bản của đời sống Kitô chúng ta, về con người của Chúa Giêsu Kitô, đức ái, đức cậy và đức tin. Và toàn thể Giáo Hội sẽ mãi mãi ghi ơn Người”.

ĐTC nồng nhiệt chúc mừng hai thần học gia được giải thưởng và cầu chúc Ngân Quỹ Ratzinger tiếp tục chu toàn nghĩa vụ là phổ biến giáo huấn của ĐHY Biển Đức 16 (SD, KNA 26-11-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tiếp Chủ Tịch Nhà cầm quyền Việt Nam Trần Đại Quang

Đức Thánh Cha tiếp Chủ Tịch Nhà cầm quyền Việt Nam Trần Đại Quang

duc-thanh-cha-tiep-kien-chu-tich-nha-nuoc-viet-nam-tran-dai-quang

VATICAN. Chiều thứ tư 23-11-2016, ĐTC đã tiếp kiến Chủ tịch Nhà cầm quyền Việt Nam, Ông Trần Đại Quang.

Thông cáo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh nói rằng:

”Chiều hôm nay, 23-11-2016, ĐTC đã tiếp kiến Chủ tịch Cộng Hòa Xã Hội chủ nghĩa Việt Nam, Ông Trần Đại Quang. Sau đó, Ông đã gặp ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa thánh, cùng với Đức TGM Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh.

”Trong các cuộc nói chuyện thân mật, có nhắc đến những quan hệ tốt đẹp hiện có giữa Tòa Thánh và Việt Nam, được hỗ trợ bằng một tinh thần chung đối thoại và liên tục tìm kiếm những phương thế thích hợp hơn để những quan hệ ấy có thể tiến triển thêm, và cũng nêu bật sự cộng tác giữa Giáo Hội và Nhà Nước CS VN trong các lãnh vực khác nhau của xã hội địa phương”.

Ngoài thông cáo chính thức trên đây của Tòa Thánh, giới báo chí cũng ghi nhận trong cuộc trao đổi quà tặng, Chủ tịch Trần Đại Quang đã tặng cho ĐTC một cái trống đồng, và ĐTC tặng lại cho ông trước tiên là bức tranh bằng đồng do một nữ tu nghệ sĩ thực hiện diễn tả sa mạc được biến thành vườn xây canh tươi, một câu trích từ sách ngôn sứ Isaia, đoạn 55. Tiếp đến là 3 văn kiện của ngài ấn bản tiếng Pháp, đó là Tông Thư ”Niềm Vui Tin Mừng”, Thông điệp ”Laudato sì” về việc bảo vệ căn nhà chung, và sau cùng là Tông Huấn ”Niềm vui yêu thương” (SD 24-11-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Tuyên ngôn chung Công Giáo và Tin Lành Luther

Tuyên ngôn chung Công Giáo và Tin Lành Luther

tuyen-ngon-chung-cong-giao-va-tin-lanh-luther

Tuyên ngôn được ĐGH và Đức TGM Chủ tịch Liên hiệp Tin Lành Luther ký vào cuối buổi cầu nguyện tưởng niệm 500 cuộc cải cách cử hành tại Nhà thờ chính tòa Lund, Thụy Điển, chiều ngày 31-10-2016.

Tuyên ngôn có đoạn viết: ”Với tuyên ngôn chung này, chúng tôi, các tín hữu Công Giáo và Luther, bày tỏ lòng biết ơn vui mừng đối với Thiên Chúa vì ơn được cầu nguyện chung tại Nhà thờ Chính tòa Lund nhân dịp khai mạc năm kỷ niệm 500 năm cuộc Cải Cách. 50 năm đối thoại đại kết song phương liên tục và có thành quả giữa Công Giáo và Luther đã giúp vượt thắng nhiều khác biệt và đã kiến tạo sự cảm thông lẫn nhau và tín nhiệm giữa chúng tôi. Đồng thời chúng tôi đã tiến đến gần nhau trong việc cùng phục vụ những người thân cận của chúng tôi, thường ở trong bối cảnh đau khổ và bị bách hại. Vì thế, qua đối thoại và cùng làm chứng tá, chúng tôi không còn là những người xa lạ nữa. Trái lại, chúng tôi đã học biết rằng có nhiều điều liên hết chúng tôi hơn là những điều chia rẽ.

”Đáp lại 5 điều quyết tâm, chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi cuộc đối thoại của chúng tôi để loại bỏ những chướng ngại còn tồn đọng cản trở chúng tôi tiến đến sự hiệp nhất trọn vẹn. Đặc biệt chúng tôi dấn thân tìm kiếm những con đường vượt thắng sự phân hóa trong Thân Mình Chúa Kitô và đáp lại sự đói khát thiêng liêng của các cộng đồng chúng tôi để được nên một tại Bàn Thánh Thể. Đó là mục đích nỗ lực đại kết của chúng tôi.

”Chúng tôi kêu gọi tất cả các cộng đồng Công Giáo và Luther địa phương và những người đối tác đại kết của chúng tôi hãy cản đảm và có tinh thần sáng tạo, vui tươi và hy vọng trong quyết tâm của họ dấn thân trong hành trình tuyệt vời này trước mặt chúng ta.”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Giám Mục Younan Chủ tịch Liên hiệp Tin Lành Luther thế giới đã ký tuyên ngôn chung, và giơ cao cho mọi người hiện diện. Toàn thể mọi người đã nhiệt liệt vỗ tay hưởng ứng, trong đó có cả Quốc vương và Hoàng hậu Thụy Điển.

G. Trần Đức Anh OP

Thông cáo chung sau khóa họp thứ sáu Tòa Thánh và Việt Nam

Thông cáo chung sau khóa họp thứ sáu Tòa Thánh và Việt Nam

khoa-hop-thu-6-cua-phai-doan-toa-thanh-va-viet-nam

VATICAN. Chiều ngày 26-10-2016, phái đoàn Tòa Thánh và Việt Nam đã kết thúc khóa họp thứ 6 của Nhóm Làm Việc Chung (Tổ Công Tác chung) sau 3 ngày tiến hành tại Vatican.

Thông cáo chung phổ biến sau đó khẳng định rằng:

”Thực thi thỏa thuận đã đạt được trong cuộc gặp gỡ thứ 5 của Nhóm Làm Việc chung giữa Việt Nam và Tòa Thánh tại Hà Nội (tháng 9-2014), cuộc gặp gỡ thứ 6 của Nhóm Làm Việc chung giữa Việt Nam và Tòa Thánh đã diễn ra tại Vatican từ ngày 24 đến 26-10-2016. Cuộc gặp gỡ do hai vị đồng chủ tọa là Ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng ngoại giao thường trực của Bộ ngoại giao, trưởng phái đoàn Việt Nam, và Đức Ông Antoine Camilleri, Thứ trưởng ngoại giao, Trưởng phái đoàn Tòa Thánh.

Hai bên đã trao đổi sâu rộng quan điểm về quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh, kể cả những vấn đề liên quan đến Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam.

Phía Việt Nam tái khẳng định sự cải tiến liên tục và cụ thể trên bình diện lập pháp và chính trị liên hệ tới sự thăng tiến và bảo vệ tự do tín ngưỡng và tôn giáo của các công dân, cũng như sự khuyến khích và liên tục tạo điều kiện dễ dàng cho sự dấn thân tích cực của Giáo Hội Công Giáo trong chính nghĩa quốc gia phát triển xã hội và kinh tế.

Tòa Thánh, khi tái khẳng định tự do của Giáo Hội trong việc thi hành sự mạng của mình để mưu ích cho toàn thể xã hội, đã bày tỏ sự hài lòng với chính phủ Việt Nam vì đã quan tâm đến các nhu cầu của Giáo Hội Công Giáo, như việc khánh thành Học Viện Công Giáo mới đây và giúp tổ chức các buổi lễ và các biến cố quan trọng của Giáo Hội.

Hai bên thỏa thuận rằng Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam sẽ tiếp tục lấy hứng từ giáo huấn của Giáo Hội liên quan đến việc thực hành ”sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc” và đồng thời là các tín hữu Công Giáo tốt và công dân tốt. Trong khi tái khẳng định rằng ĐGH Phanxicô nồng nhiệt quan tân đến sự phát triển các quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh, Tòa Thánh cầu mong cộng đồng Công Giáo có thể tiếp tục cống hiến sự đóng giúp quí giá bằng cách cộng tác với các tác nhân khác trong xã hội Việt Nam, và phù hợp với luật pháp liên hệ, để phát triển đất nước và thăng tiến công ích.

Hai bên nhìn nhận sự tiến bộ trong quan hệ Việt Nam – Tòa Thánh, kể cả những tiếp tục và tham khảo đều đặn, trao đổi các phái đoàn cấp cao, và những cuộc viếng thăm thường xuyên tại Việt Nam của Đại diện Tòa Thánh và Đặc Phái Viên không thường trú, Đức TGM Leopoldo Girelli.

Cuộc gặp gỡ đã diễn ra trong bầu không khí thân mật, thẳng thắn và tôn trọng lẫn nhau.

Hai bên thỏa thuận duy trì một cuộc đối thoại xây dựng, trong một tinh thần thiện chí với mục đích gia tăng sự cảm thông lẫn nhau và thăng tiến thêm các quan hệ giữa hai bên. Hai bên đã đồng ý triệu tập cuộc gặp gỡ thứ 7 của Nhóm Làm Việc chung giữa Việt Nam và Tòa Thánh tại Hà Nội. Ngày gặp gỡ sẽ được thỏa thuận qua đường ngoại giao.

Trước khi lên đường trở về Việt Nam, phái đoàn Việt Nam đã viếng thăm ĐHY Quốc vụ khanh Pietro Parolin, và Đức TGM Ngoại trưởng Paul Gallagher. Phái đoàn Việt Nam cũng viếng thăm một vài tổ chức tôn giáo của Tòa Thánh.

 (Trần Đức Anh OP chuyển ý) 

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp công khai một Giám mục Hoa lục

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp công khai một Giám mục Hoa lục

duc-thanh-cha-chup-hinh-voi-duc-cha-tu-hong-can-va-cac-tin-huu-hanh-huong-nguoi-trung-quoc

Ngày 5 tháng 10 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp Đức cha Từ Hồng Căn và các tín hữu hành hương của Giáo phận Tô châu, thuộc tỉnh Giang châu, Trung quốc, trong buổi yết kiến chung tại quảng trường Thánh Phêrô. Hình ảnh về cuộc gặp này đã lan truyền trên phương tiện truyền thông xã hội giữa các tín hữu Công giáo.

Đây là lần đầu tiên vị đứng đầu Giáo hội gặp một Giám mục từ Hoa lục trong một sự kiện công khai.

Sự kiên này đã gặp những phản ứng khác nhau giữa các cộng đoàn Công giáo hầm trú và công khai ở Trung quốc, vì những cuộc thương thuyết đang tiếp diễn giữa Vatican và đảng cộng sản lãnh đạo Trung quốc đang chia rẽ các tín hữu Công giáo.

Giáo phận Tô châu được thành lập từ năm 1949, và hiện do Đức cha Từ Hồng Căn, 54 tuổi, coi sóc từ năm 2005. (Ucan 13/10/2016)

Hồng Thủy 

Đức Thánh Cha tái kêu gọi cho Siria và chống thiên tai

Đức Thánh Cha tái kêu gọi cho Syria và chống thiên tai

duc-thanh-cha-tai-keu-goi-cho-siria-va-chong-thien-tai

VATICAN. ĐTC tái bày tỏ tình liên với với nhân dân Syria đồng thời kêu gọi giảm bớt các thiên tai trên thế giới.

Lên tiếng vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 12-10-2016, tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC nói:

”Tôi muốn nhấn mạnh và lập lại sự gần gũi của tôi với tất cả các nạn nhân cuộc xung đột vô nhân đạo tại Syria. Và ý thức về sự cấp thiết, tôi khẩn thiết và hết sức kêu gọi các vị hữu trách hãy tiến đến một cuộc ngưng chiến tức khắc, được áp đặt và tôn trọng, ít là trong thời gian cần thiết để di tản các thường dân, nhất là các trẻ em, còn bị kẹt dưới các cuộc oanh tạc tàn bạo”.

Sang đến các thiên tai, ĐTC nói: ”Ngày mai, 13-10-2016, là Ngày Thế giới giảm bớt thiên tai, năm nay có chủ đề là ”Giảm bớt số tử vong”. Thực vậy, các thiên tai có thể tránh được hoặc ít là giới hạn, vì hậu quả của chúng thường là do những thiếu sót trong việc chăm sóc môi trường từ phía con người. Vì thế tôi khuyến khích hiệp sức một cách sáng suốt trong việc bảo vệ căn nhà chung của chúng ta, thăng tiến một nền văn hóa phòng ngừa, kể cả với sự trợ giúp của các kiến thức mới, giảm bớt những rủi ro cho dân chúng dễ bị tổn thương nhất” (SD 12-10-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha tiếp Giáo Chủ và nhiều TGM Anh Giáo

Đức Thánh Cha tiếp Giáo Chủ và nhiều TGM Anh Giáo

Đức Thánh Cha tiếp Giáo Chủ và nhiều TGM Anh Giáo

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến các vị lãnh đạo Anh giáo thế giới sáng 6-10-2016, ĐTC đề cao việc cầu nguyện, cùng làm chứng tá và sứ mạng chung của các tín hữu Công Giáo và Anh giáo.

Đức TGM Justin Welby, Giáo Chủ Liên hiệp Anh giáo, cùng với nhiều vị TGM trong số 38 giáo tỉnh Anh giáo trên thế giới đã hiện diện tại buổi tiếp kiến.

Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC nhắc lại hành trình 50 năm qua của Anh giáo và Công Giáo, sau cuộc gặp gỡ của ĐGH Phaolô 6 với Đức Giáo Chủ Michael Ramsey của Anh giáo, và ngài tóm tắt trong 3 việc làm là cầu nguyện, làm chứng tá và sứ mạng truyền giáo.

– ”Cầu nguyện như chúng ta đã cử hành kinh chiều hôm 5-10-2016, và sáng hôm nay, 6-10, anh chị em đã cầu nguyện tại mộ thánh Phêrô. Chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi trong việc cùng nhau tha thiết cầu xin Chúa ban ơn hiệp nhất.”

Tiếp đến là ”làm chứng tá. 50 năm gặp gỡ và trao đổi, cũng như suy tư và công bố những văn kiện chung, nói với chúng ta về những Kitô hữu, nhờ đức tin và với đức tin, đã lắng nghe và chia sẻ với nhau, thời giờ và sức lực. Càng ngày chúng ta càng xác tín rằng phong trào đại kết không bao giờ là một sự nghèo nàn, nhưng là một sự phong phú.. Chúng ta hãy quí chuộng gia sản chung và hằng ngày chúng ta được kêu gọi cống hiến cho thế giới chứng tá yêu thương và hiệp nhất giữa chúng ta với nhau, như Chúa Giêsu yêu cầu.”

Sau cùng, về sứ mạng, ĐTC nói: ”đây là thời kỳ Chúa gọi kêu gọi chúng ta hãy ra khỏi chính mình và môi trường của mình để mang tình yêu thương xót cho thế giới đang khao khát hòa bình”.

Liên hiệp Anh giáo có khoảng 70 triệu tín hữu, chia thành 38 giáo tỉnh tự trị, mỗi giáo tỉnh có một vị TGM đứng đầu. Đức TGM Justin Welby của giáo phận Canterbury bên Anh quốc, chỉ là Giáo chủ danh dự, không có quyền tài phán trên các giáo tỉnh khác (SD 6-10-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Trong một thế giới đau khổ vì đơn côi, chúng ta có Mẹ Maria đồng hành che chở

Trong một thế giới đau khổ vì đơn côi, chúng ta có Mẹ Maria đồng hành che chở

Lễ Đức Mẹ Sầu Bi

Trong một thế giới đang đau khổ vì đơn côi, chúng ta có Mẹ Maria đồng hành và che chở. Đức Thánh Cha nói như thế trong thánh lễ sáng nay tại Nhà nguyện thánh Marta nhân ngày lễ Đức Mẹ Sầu Bi.

Bài Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta lên đồi Calvario. Tất cả các môn đệ đều bỏ chạy, chỉ còn Gioan và mấy người phụ nữ. Dưới chân Thập giá, có Mẹ Maria là Mẹ của Chúa Giêsu. Mọi người có thể nhìn vào Mẹ mà nói: “Đó là mẹ của tên tử tội!”.

Mẹ Maria cảm nhận được những điều ấy. Mẹ đau khổ nhiều, Mẹ phải chịu sự sỉ nhục khủng khiếp. Một số thượng tế đứng đó cũng chế giễu: “Có giỏi thì xuống khỏi thập giá mà cứu mình đi! Xuống đi!” Người Con của Mẹ đang trần trụi trên thập giá. Mẹ Maria đau khổ vô cùng, nhưng Mẹ không bỏ đi. Mẹ vẫn đứng đó. Mẹ không chối bỏ đó là Con của Mẹ. Đó là người Con mà Mẹ đứt ruột sinh ra.   

Đức Thánh Cha nhớ lại, khi Ngài đến Buenos Aires thăm những người bị giam trong tù, Ngài luôn nhìn thấy những người phụ nữ xếp hàng chờ để được vào nhà tù mà thăm viếng. “Họ là những người mẹ. Họ không xấu hổ vì những người con ruột thịt của họ ở đó. Những người mẹ này đau khổ không chỉ vì tình trạng ở tù của con họ. Mà họ còn chịu những sỉ nhục tệ hại khi họ tìm cách vào tù thăm con. Thế nhưng, vì họ là những người mẹ, nên họ đi tìm người con ruột thịt của họ, những người mẹ đi tìm chính thân mình.” Mẹ Maria đã đứng đó, đã ở đó với Con của Mẹ trong đau khổ tột cùng.

Chính Chúa Giêsu đã hứa là không để chúng ta mồ côi. Trên Thánh Giá, Người đã ban cho chúng ta một người Mẹ. Từ đây Mẹ Maria là Mẹ của chúng ta. Các Kitô hữu chúng ta có chung một người Mẹ, đó là Mẹ của Chúa Giêsu, chúng ta có chung một người Cha, là Cha trên Trời, Cha của Chúa Giêsu. Chúng ta không mồ côi. Mẹ là Mẹ chúng ta. Mẹ chăm sóc con cái Mẹ. Mẹ không xấu hổ vì chúng ta vì Mẹ che chở chúng ta.

Các nhà thần bí trong những thế kỷ đầu đã tìm đến nương ẩn nơi Mẹ, khi họ gặp thử thách thiêng liêng: khi chúng ta ở bên Mẹ, ma quỷ không thể tấn công chúng ta, vì Mẹ là Mẹ và Mẹ bảo bọc chúng ta. Sau đó, điều tốt lành này được đón nhận và làm thành bài ca “Dưới áo Mẹ từ bi”.

Trong một thế giới đang khủng hoảng và trong đơn côi, chúng ta nhìn lên Mẹ. Chúng ta có một người Mẹ. Mẹ bảo vệ, đồng hành, dẫn dắt chúng ta. Mẹ không xấu hổ vì những lầm lỗi của chúng ta, vì Mẹ là Mẹ chúng ta. Nguyện xin Chúa Thánh Thần là Bạn Đồng Hành, là Đấng Bảo Trợ, Đấng An Ủi mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta, giúp chúng ta hiểu được mầu nhiệm tuyệt vời về Mẹ của chúng ta, Mẹ Maria.

Tứ Quyết SJ

Hội đồng Hồng Y cố vấn của Đức Thánh Cha nhóm họp

Hội đồng Hồng Y cố vấn của Đức Thánh Cha nhóm họp

Hội đồng Hồng Y cố vấn của Đức Thánh Cha nhóm họp

VATICAN. Hôm 12-9-2016, Hội đồng 9 Hồng Y cố vấn của ĐTC đã khai mạc khóa họp thứ 16 với mục đích giúp ngài cải tổ các cơ quan trung ương Tòa Thánh.

Điều hợp viên của Hội đồng là ĐHY Oscar Rodriguez Maradiaga, dòng Don Bosco, TGM giáo phận Tegucigalpa, Honduras, và trong đó cũng có ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh. Vị đại diện cho Á châu là ĐHY Oswald Gracias, TGM giáo phận Mumbai, Ấn độ.

Khóa họp sẽ kéo dài đến thứ tư, 14-9 tới đây. ĐTC cũng tham dự ngoại trừ sáng thứ tư ngài bận tiếp kiến chung các tín hữu hành hương. Trong khóa họp thứ 15 hồi đầu tháng 8 vừa qua, Hội đồng đã bàn về vấn đề đại kết Kitô và đối thoại liên tôn.

Trong số những cải tổ được Hội đồng các HY Cố vấn đề nghị và được ĐTC quyết định và thi hành, có việc thành lập Bộ giáo dân, gia đình và sự sống, bắt đầu hoạt động từ đầu tháng 9 này, và Bộ ”Phục vụ phát triển toàn diện con người”, sẽ bắt đầu hoạt động từ đầu tháng giêng năm tới, và bao gồm thẩm quyền và hoạt động 4 Hội đồng: Công lý và Hòa bình, Cor Unum – Đồng Tâm, Mục vụ di dân và người lưu động, sau cùng là Mục vụ các nhân viên y tế.

Tiến trình cải tổ các cơ quan trung ương Tòa Thánh đã khởi sự từ tháng 10 năm 2013. Cho đến nay người ta chưa rõ khi nào sẽ có Tông hiến mới của ĐTC thay thế cho Tông hiến Pastor Bonus, Mục Tử nhân lành, do ĐGH Gioan Phaolô 2 ban hành ngày 28 tháng 6 năm 1988, chứa đựng các qui luật chung về các cơ quan trung ương Tòa Thánh (KP 11-9-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Sứ điệp Đức Thánh Cha: Ngày cầu nguyện chăm sóc thiên nhiên

Sứ điệp Đức Thánh Cha: Ngày cầu nguyện chăm sóc thiên nhiên

Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày cầu nguyện chăm sóc thiên nhiên

VATICAN. ĐTC kêu gọi các tín hữu nhìn nhận tội lỗi gây hại cho thiên nhiên và con người, thống hối và quyết tâm thay đổi lối sống.

Trên đây là nội dung Sứ điệp của ĐTC Ngày Thế giới cầu nguyện cho sự săn sóc thiên nhiên, cử hành hôm 1-9-2016, nơi các Giáo Hội Kitô. Sứ điệp mang tựa đề ”Chúng ta hãy dùng lòng thương xót đối với căn nhà chung của chúng ta”, và đã được ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, cùng với Đức Cha Brian Farrell, Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, giới thiệu với giới báo chí sáng ngày 1-9-2016 trong cuộc họp báo tại Phòng báo chí Tòa Thánh.

ĐTC nhận xét rằng ”Trái đất tiếp tục bị hâm nóng hơn, một phần vì hoạt động của con người: năm 2015 là năm nóng nhất được ghi nhận từ trước đến nay và có lẽ năm 2016 này sẽ còn nóng hơn nữa. Tình trạng này tạo nên hạn hán, lụt lội, hỏa hoạn và những biến cố khí hậu cùng cực ngày càng trầm trọng hơn. Những thay đổi khí hậu cũng góp phần vào cuộc khủng hoảng cao độ khiến cho nhiều người buộc lòng phải tản cư. Những người nghèo trên thế giới là những người ít có trách nhiệm nhất trong việc thay đổi khí hậu, nhưng họ lại là những người dễ bị tổn thương nhất và đang phải chịu những hậu quả của những thay đổi này”.

ĐTC xác quyết rằng những tội chống lại thiên nhiên cũng là một tội ác chống lại chính chúng ta và là tội chống lại Thiên Chúa.

Trước tình trạng đó, Ngài mời gọi mọi người hãy xét mình, ý thức tội lỗi và lòng thương xót của Thiên Chúa, để ăn năn hối cải và xưng thú tội với Chúa Cha giàu lòng xót thương, đồng thời quyết tâm thay đổi cuộc sống. ĐTC viết:

”Điều này phải được diễn tả qua những thái độ và lối cư xử cụ thể tôn trọng thiên nhiên, ví dụ sử dụng plastic và giấy một cách khôn ngoan thận trọng, không phung phí nước, lương thực và năng lượng điện, phân loại các loại rác, đối xử với các sinh vật với lòng chăm sóc, dùng các phương tiện chuyên chở công cộng, đi chung xe với nhiều người, v.v. (LS 211).

”Chúng ta đừng nghĩ rằng những cố gắng đó quá bé nhỏ không thể cải tiến thế giới. Những hành động ấy tạo nên giữa lòng trái đất này một điều tốt đẹp có khuynh hướng lan rộng, nhiều khi một cách vô hình” (LS 212) và khích lệ ”một lối sống có tính chất ngôn sứ và chiêm niệm, có khả năng mang lại vui mừng sâu xa và không bị ám ảnh vì sự tiêu thụ” (Ibidem 222).

Sau cùng, ĐTC khích lệ các tín hữu thực hiện một công việc mới mẻ về lòng thương xót. Thường khi nói về những công việc từ bi thương xót chúng ta thường nghĩ đến những việc bác ái về vật chất cũng như tinh thần. ”Nhưng nếu chúng ta nhìn chúng chung với nhau, thì sứ điệp là điều này: đối tượng của lòng từ bi thương xót chính là sự sống con người trong toàn thể. Và hiển nhiên, chính sự sống này bao gồm cả việc chăm sóc căn nhà chung. Vì thế tôi xin phép đề nghị một bổ túc cho danh sách truyền thống 7 công việc từ bi thương xót bằng công việc ”chăm sóc căn nhà chung”. Việc làm này thuộc về những công việc từ bi thương xót về mặt tinh thần cũng như về mặt vật chất”.

Sứ điệp của ĐTC kết thúc với lời nguyện, ”xin Chúa giúp chúng ta cứu giúp những người bị bỏ rơi và quyên lãng trên trái đất này, những người rất có giá trị trước mặt Chúa; xin Chúa ban cho chúng con ơn tha thứ và thông truyền lòng thương xót của Chúa trong toàn thể căn nhà chung của chúng con” (SD 1-9-2016)

G. Trần Đức Anh OP

 

350 bạn trẻ của Giáo phận Milan sẽ đi truyền giáo

350 bạn trẻ của Giáo phận Milan sẽ đi truyền giáo

Young missionaries 1

Milan – 350 bạn trẻ của Giáo phận Milan sẽ đi truyền giáo tại Trung đông, Á châu, Phi châu và Nam Mỹ. Họ sẽ bên cạnh trợ giúp các Linh mục va giáo dân đang hiện diện trên những vùng đất này.

Điểm đến của các bạn trẻ này gồm có: Philippin, Ấn độ, các quốc gia miền trung và Nam Mỹ, châu Phi vùng nam sa mạc Sahara và cho đến Trung đông, hiện đang là tâm điểm của cuộc khủng hoảng quốc tế trầm trọng nhất trong thời gian gần đây. Các bạn trẻ sẽ trợ giúp, dấn thân như các tình nguyện viên của các cộng đoàn. Họ sẽ mở mắt ra trước thực tại mà thường người ta chỉ thấy ở những nơi chung. Họ sẽ tận tay đụng chạm đến những công việc ngoại thường của các thừa sai. Nhưng trên hết, họ sẽ trở về nhà với một hành trang kinh nghiệm để chia sẻ.

Cha Marco Bennati, đã truyền giáo tại vùng sông Amazon của Brazil và Bờ biển ngà, hiện đang là cộng tác viên của văn phòng truyền giáo Giáo phận, kể lại là “mỗi cá nhân với một động lực riêng biệt: có người muốn một kinh nghiệm tình nguyện, có người muốn biết một quốc gia khác, có người, chỉ đơn giản là muốn trải qua một kì nghỉ với cảm xúc mạnh mẽ. Tuy nhiên, nói chung, tất cả họ trở về nhà với suy nghĩ khác với suy nghĩ của họ lúc bắt đầu. Một điểm khởi đầu tuyệt vời để kích hoạt sự suy tư mà chúng tôi hy vọng, có thể trở thành một dịp để dấn thân không chỉ cá nhân, nhưng tập thể, trong các cộng đồng mà những người trẻ này được gia nhập vào. Một lời thách thức mở ra, nhưng chúng ta phải đối mặt”. (ACI 21/7/2016)

Hồng Thủy OP

 

ĐTC bất thình lình tới thăm Ủy ban Toà Thánh đặc trách về châu Mỹ Latinh

ĐTC bất thình lình tới thăm Ủy ban Toà Thánh đặc trách về châu Mỹ Latinh

ĐTC thình lình tới thăm Ủy ban Toà Thánh đặc trách về châu Mỹ Latinh 13-7-2016

VATICAN: Sáng ngày 13 tháng 7 ĐTC Phanxicô đã bất thình lình đến thăm Ủy ban Toà Thánh đặc trách về châu Mỹ Latinh, trước sự ngạc nhiên vui sướng của các nhân viên.

Ngài đến gõ cửa văn phòng của Ủy ban trong khi các nhân viên đang họp để bàn về việc cử hành Năm Thánh Lòng  Thương Xót tại Bogotà thủ đô Colombia. Trước sự ngạc nhiên của các nhân viên ĐTC nói: “Tôi muốn nhảy sang thăm anh chị em một lát”. Với thái độ đơn sơ và thân tình ĐTC xin được họp chung với mọi người. Sau đó một nhân viên đã báo cho ông Guzman Cariquiry thư ký Ủy ban biết, và ông đã vội vàng đón tiếp ĐTC. Ngài hỏi ông: “Anh có giờ nói chuyện một chút không?” Và ĐTC đã chuyện vãn với ông nửa giờ đồng hồ, chào và hỏi chuyện từng nhân viên hiện diện và chụp hình lưu niệm. Ngài nhắc lại các chuyến viếng thăm Ủy ban khi còn là TGM Buenos Aires.

Trong khi ĐTC nói chuyện với vị phó chủ tịch Ủy ban, một trong các nhân viên an ninh Vaticăng đã trả lời các câu hỏi tò mò của các nhân viên Ủy ban. Ông cho biết sau khi khám răng tại văn phòng sức khoẻ trong Vatican ĐTC tỏ ý muốn ghé thăm Ủy ban đặc trách về Châu Mỹ Latinh. Mặc dù nhân viên an ninh cho ngài biết các thủ tục an ninh phức tạp ĐTC nói: “Anh đừng có lo, chúng ta ở trong tay Chúa mà”. Và thế là xe chở ngài tới thăm Ủy ban (SD 13-7-2016).

Linh Tiến Khải

Tuyên ngôn chung của Đức Thánh Cha và Đức Thượng Phụ Armenia

Tuyên ngôn chung của Đức Thánh Cha và Đức Thượng Phụ Armenia

Tuyên ngôn chung của Đức Thánh Cha và Đức Thượng Phụ Armenia

YEREVAN. Vào cuối cuộc viếng thăm tại Armeni chiều ngày 26-6-2016, ĐTC Phanxicô và Đức Tổng Thượng Phụ Karekin II của Giáo Hội Armeni Tông Truyền đã ký và công bố một tuyên ngôn chung, toàn văn như sau:

 ”Hôm nay tại Thánh Thánh Etchmiadzin, trung tâm tinh thần của tất cả mọi người Armeni, chúng tôi, Giáo Hoàng Phanxicô và Karekin II, Tổng Thượng Phụ của tất cả mọi người Armeni, nâng tâm trí lên để cảm tạ Đấng Toàn Năng vì sự gần gũi liên lỷ và gia tăng trong đức tin và trong tình yêu giữa Giáo Hội Armeni Tông Truyền và Giáo Hội Công Giáo trong việc làm chứng tá chung cho sứ điệp Tin Mừng trong một giới bị xâu xé vì những cuộc xung đột, và đang mong ước được an ủi và hy vọng. Chúng tôi chúc tụng Chúa Ba Ngôi cực thánh, Cha, Con và Thánh Thần, vì đã cho chúng tôi đến phần đất Ararat này của Kinh Thánh, ngọn núi này vươn lên như để nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa vẫn luôn là Đấng bảo vệ và cứu độ chúng ta. Chúng tôi hài lòng nhắc lại rằng năm 2001, nhân dịp kỷ niệm 1700 năm tuyên bố Kitô giáo là tôn giáo của Armeni, Thánh Gioan Phaolô 2 đã viếng thăm Armeni và đã chứng kiến một trang sử mới về quan hệ nồng nhiệt và huynh đệ giữa Giáo Hội Armeni Tông Truyền và Giáo Hội Công Giáo. Chúng tôi cảm tạ vì được ơn ơn cùng nhau trong buổi phụng vụ trọng thể tại Đền thờ Thánh Phêrô ở Roma ngày 12-4-2015, trong đó chúng tôi đã quyết tâm chống lại mọi hình thức kỳ thị và bạo lực, và chúng tôi đã tưởng niệm các nạn nhân của điều mà Tuyên ngôn chung của ĐTC Gioan Phaolô 2 và Đức Tổng Thượng Phụ Karekin II đã gọi là ”cuộc tiêu diệt một triệu rưỡi Kitô hữu Armeni, thường được gọi là cuộc diệt chủng đầu tiên trong thế kỷ 20” (27-9-2001).

 Chúng tôi chúc tụng Chúa vì ngày hôm nay, đức tin Kitô lại là một thực tại sinh động tại Armeni, và Giáo Hội Armeni tiếp tục thi hành sứ mạng của mình với một tinh thần cộng tác huynh đệ giữa các Giáo Hội, nâng đỡ các tín hữu trong việc xây dựng một thế giới liên đới, công lý và hòa bình.

 Nhưng đáng tiếc là chúng ta đang chứng kiến một thảm trạng lớn lao đang xảy ra trước mắt chúng ta: vô số người vô tội bị giết, bị lưu đày hoặc phải lưu vong đau thương và bất định, vì những cuộc xung đột liên tục về chủng tộc, chính trị và tôn giáo tại Trung Đông và các nơi khác trên thế giới. Hậu quả là các nhóm thiểu số về chủng tộc và tôn giáo trở thành đối tượng cho các cuộc bách hại và đối xử tàn ác, đến độ những đau khổ ấy, vì lý do thuộc về một tôn giáo, đã trở thành một thực tại thường nhật. Các vị tử đạo thuộc tất cả các Giáo Hội và những đau khổ của họ tạo thành một ”phong trào đại kết bằng máu” vượt lên trên những chia rẽ lịch sử giữa các Kitô hữu, kêu gọi tất cả chúng ta hãy thăng tiến sự hiệp nhất hữu của mọi môn đệ Chúa Kitô. Cùng nhau chúng tôi cầu nguyện, nhờ lời chuyển cầu của các thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, Tađeo và Bartolomeo, để có một sự thay đổi trong tâm hồn của tất cả mọi người đã phạm những tội ác tầy đình như thế và nơi những người có khả năng chặn đứng bạo lực. Chúng tôi khẩn thiết xin các vị nguyên thủ quốc gia hãy lắng nghe lời thỉnh cầu của hàng triệu người, đang lo âu chờ đợi hòa bình và công lý trên thế giới, đang yêu cầu tôn trọng các quyền mà Thiên Chúa ban cho họ, họ đang cấp thiết cần được cơm bánh chứ không phải võ khí. Đáng tiếc thay chúng tôi đang chứng kiến một sự trình bày tôn giáo và các giá trị tôn giáo trên thế giới một cách cực đoan, bị lạm dụng để biện minh cho sự phổ biến oán thù, kỳ thị và bạo lực. Sự biện minh cho các tội ác dựa trên các ý tưởng tôn giáo như thế là điều không thể chấp nhận được, vì ”Thiên Chúa không phải là một chúa tể của xáo trộn, nhưng là của hòa bình” (1 Cr 14,33). Ngoài ra, sự tôn trọng những khác biệt về tôn giáo là điều kiện cần thiết để có sự sống chung hòa bình giữa các cộng đồng chủng tộc và tôn giáo khác nhau. Chính vì là Kitô hữu, nên chúng ta được kêu gọi tìm kiếm và phát triển những con đường hòa giải và hòa bình. Về vấn đề này, chúng tôi cũng bày tỏ hy vọng một giải pháp hòa bình cho các vấn đề liên quan đến vùng Nagorno-Karabakh.

 Nhớ lại điều Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ khi Ngài nói: ”Ta đói và các con đã cho Ta ăn, Ta khát các con đã cho Ta uống, Ta là ngoại kiều và các con đã đón tiếp Ta, Ta trần trụi và các con đã cho Ta mặc, Ta bệnh tật và các con đã viếng thăm Ta, Ta ở tù và các con đã đến tìm Ta” (Mt 25,35-36), chúng tôi kêu gọi các tín hữu thuộc các Giáo Hội chúng tôi hãy mở rộng tâm hồn và đôi tay cho các nạn nhân chiến tranh và khủng bố, những người tị nạn và gia đình họ. Ở đây có liên hệ tới chính ý nghĩa tình người của chúng ta, tình liên đới, sự cảm thông và lòng quảng đại, chỉ có thể được diễn tả một cách thích hợp qua việc sử dụng ngay các tài nguyên một cách thực tiễn. Chúng tôi nhìn nhận tất cả những gì đã được thực hiện, nhưng chúng tôi tái khẳng định rằng các vị hữu trách chính trị và cộng đồng quốc tế được yêu cầu hãy làm hơn nữa để đảm bảo quyền của tất cả mọi người được sống trong hòa bình và an ninh, để hỗ trợ nhà nước pháp quyền, để bảo vệ các nhóm tôn giáo và chủng tộc thiểu số, để bài trừ nạn buôn người.

 Sự tục hóa trong nhiều lãnh vực xã hội, sự kiện xã hội bị tha hóa khỏi những gì là tinh thần và thần linh, chắc chắn đưa tới một cái nhìn không có tính chất thánh thiên và duy vật về con người và gia đình nhân loại. Về điểm này chúng tôi lo ngại vì cuộc khủng hoảng gia đình tại nhiều nước. Giáo Hội Armeni Tông Truyền và Giáo Hội Công Giáo có cùng một quan niệm về gia đình, dựa trên hôn nhân, một hành vi nhưng không và yêu thương chung thủy giữa một người nam và một người nữ.

 Chúng tôi vui mừng khẳng định rằng mặc dù vẫn còn những chia rẽ giữa các tín hữu Kitô, chúng tôi đã hiểu rõ hơn rằng điều liên kết chúng tôi thì nhiều hơn những gì làm chúng tôi chia rẽ. Đây là nền tảng vững chắc dựa trên đó sự hiệp nhất của Giáo Hội Chúa Kitô sẽ được biểu lộ, theo lời Chúa dạy: ”Để tất cả chúng được nên một” (Ga 17,21). Trong những thập niên qua, quan hệ giữa Giáo Hội Armeni Tông Truyền và Giáo Hội Công Giáo đã bước vào một giai đoạn mới với sự thành công, được củng cố nhờ cầu nguyện cho nhau và sự dấn thân chung để vượt qua những thách đố hiện nay. Ngày nay chúng tôi xác tín về tầm quan trọng chủ yếu của việc phát triển những quan hệ ấy, thi hành một sự cộng tác sâu xa và quyết liệt hơn không những trong lãnh vực thần học, nhưng cả trong kinh nguyện và sự cộng tác tích cực trên bình diện các cộng đoàn địa phương, trong viễn tượng chia sẻ sự hiệp thông trọn vẹn và những biểu hiện cụ thể sự hiệp nhất ấy. Chúng tôi nhắn nhủ các tín hữu của chúng tôi hãy làm viẹc trong sự hòa hợp để thăng tiến các giá trị Kitô trong xã hội, góp phần hữu hiệu vào việc xây dựng một nền văn minh công lý và hòa bình và liên đới nhân bản. Con đường hòa giải và huynh đệ mở rộng trước mắt chúng ta. Ước gì Chúa Thánh Linh, Đấng hướng dẫn chúng ta đến chân lý trọn vẹn (Xc Ga 16,13), nâng đỡ mọi cố gắng chân thành để kiến tạo những cây cầu yêu thương và hiệp thông giữa chúng ta.

 Từ Thành Thánh Etchmiadzin chúng tôi mời gọi tất cả các tín hữu của chúng tôi hãy hiệp nguyện, với những lời của thánh Nerses Vị … ”Lạy Chúa Hiển Vinh, xin đón nhận những lời khẩn nguyện của tôi tớ Chúa và nhân từ đón nhận những lời cầu xin của chúng con, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Thánh của Thiên Chúa, Thánh Gioan Tẩy Giả, Thánh Stephano vị tử đạo tiên khởi, thánh Gregorio Vị Soi Sáng, các Thánh Tông Đồ, các Thánh ”Thần Linh”, các vị Tử Đạo, các Thánh Thượng Phụ, các vị ẩn tu, các Thánh Đồng Trinh và tất cả các Thánh của Chúa trên trời và dưới đất. Lạy Chúa Ba Ngôi không bị phân rẽ, chúc tụng và tôn vinh Chúa đến muôn đời. Amen”

 Thành Thánh Etchmiadzin ngày 26 tháng 6 năm 2016

 Ký tên: Phanxicô Giáo Hoàng – Karekin II Tổng Thượng Phụ

 G. Trần Đức Anh OP chuyển ý

Đức Thánh Cha kêu gọi đón nhận lời Chúa mời hoán cải

Đức Thánh Cha kêu gọi đón nhận lời Chúa mời hoán cải

Đức Thánh Cha kêu gọi đón nhận lời Chúa mời hoán cải

VATICAN. Sáng thứ bẩy 18-6-2016, ĐTC đã tiếp kiến chung 50 ngàn tín hữu và ngài kêu gọi mọi người hãy đón nhận lời mời của Chúa Giêsu ”hãy hoán cải”.

Đây là buổi tiếp kiến chung đặc biệt mỗi tháng 1 lần vào ngày thứ bẩy trong Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Trong bài huấn dụ, ĐTC đã quảng diễn đề tài ”Lòng thương xót và hoán cải”. Hoán cải và tha thứ tội lỗi là 2 ý niệm tóm gọn lời rao giảng của các tông đồ. Sau khi giải thích ý nghĩa việc hoán cải theo Kinh Thánh, ĐTC khẳng định rằng:

”Khi Chúa Giêsu kêu gọi hoán cải, Ngài không hành động như vị thẩm phán xét xử dân chúng, nhưng Ngài đi từ sự gần gũi, chia sẻ thân phận con người, và vì thế, Ngài đi từ đường phố, từ nhà cửa, bàn ăn.. Lòng thương xót đối với những người đang cần thay đổi cuộc sống được thể hiện qua sự hiện diện dễ mến, để đưa mỗi người can dự vào lịch sử cứu độ. Qua thái độ ấy, Chúa Giêsu đánh động trái tim của con người và họ cảm thấy được tình thương của Thiên Chúa thu hút và được thúc đẩy để thay đổi cuộc sống”.

ĐTC trưng dẫn ví dụ cuộc hoán cải của Mathêu (Xc Mt 9,9-13) và của ông Zakêu (Xc Lc 19,1-10) diễn ra theo thể thức ấy, vì họ cảm thấy được Chúa Giêsu yêu thương, và qua Người, họ thấy được Chúa Cha thương mến. Và ĐTC kết luận rằng:

”Sự hoán cải đích thực diễn ra khi chúng ta đón nhận ơn thánh; và một dấu chỉ rõ ràng cho thấy sự hoán cải chân thành là chúng ta nhận thấy những nhu cầu của anh chị em và sẵn sàng đi gặp gỡ họ.. Vì thế, chúng ta hãy theo lời mời của Chúa và đừng kháng cự, vì chỉ khi nào chúng ta cởi mở đối với lòng thương xót của Chúa, chúng ta mới tìm được sự sống và niềm vui đích thực” (SD 18-6-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến Thủ tướng Hà lan

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến Thủ tướng Hà lan

Đức Thánh Cha tiếp Thủ tướng Hà lan

Vatican – Sáng hôm nay 15/6/2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp ông Mark Rutte, Thủ tướng Hà lan. Sau đó ông Mark Rutte cũng gặp Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, được Đức cha Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao, tháp tùng.

Trong cuộc hội đàm thân mật, các quan hệ song phương tốt đẹp giữa Hà Lan và Tòa Thánh được nêu lên. Hai bên cũng chú ý đến các vấn đề được quan tâm chung như hiện tượng di dân và xem xét một vài vấn đề quốc tế khác nhau. (SD 15/672916)

Hồng Thủy Op

900 nữ Bề trên Tổng quyền về Roma dự Đại Hội

900 nữ Bề trên Tổng quyền về Roma dự Đại Hội

900 nữ Bề trên Tổng quyền về Roma dự Đại Hội

ROMA. 900 nữ Bề trên Tổng quyền thuộc các dòng trên thế giới sẽ nhóm đại hội 3 năm một lần tại Roma từ ngày 9 đến 13-5-2016 về chủ đề ”Kiến tạo tình liên đới hoàn cầu cho sự sống”.

Đại Hội này do Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền dòng nữ tổ chức lần thứ 20. Đặc biệt lần này có 4 Bề trên Tổng Quyền của 4 dòng Mến Thánh Giá ở Việt Nam cũng được tài trợ để có thể tham dự, không kể một số vị khác thuộc dòng Chúa Quan Phòng Portieux, hay dòng nữ Đa Minh Tam Hiệp.

Trong thông cáo, Văn phòng Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền dòng nữ cho biết chủ đề khóa họp nói đến những thách đố gọi hỏi các tham dự viên liên quan đến ”những dấu chỉ thời đại” như Trái Đất là căn nhà chung, các khu vực ngoại ô của cuộc sống và của xã hội, như những người di dân, nạn buôn người, vấn đề hòa bình, và câu trả lời tông đồ trong tư cách là những phụ nữ thánh hiến.

Trong số các thuyết trình viên có nữ tu Rosemarie Nassif, người Mỹ, dòng Các Trường Học Đức Bà (SSND), thuộc tổ chức Conrad N. Hilton, nói về sự nâng đỡ dành cho tình chị em giữa các nữ tu trên thế giới.

Vào cuối đại hội, sẽ có một tuyên ngôn chung kết được công bố, chứa đựng những quyết tâm cụ thể trong các thách đố về môi trường và xã hội ngày nay. Ngoài ra, ĐTC cũng sẽ tiếp kiến các nữ Bề trên, dự kiến vào ngày thứ năm, 12-5 tới đây.

Theo niên giám năm 2016 của Tòa Thánh, trong Giáo Hội hiện có 683 ngàn nữ tu đã khấn, thuộc khoảng 2 ngàn dòng nữ (SD 1-5-2016)

G. Trần Đức Anh OP   

Toà Thánh kêu gọi thăng tiến nền tài chánh có trách nhiệm

Toà Thánh kêu gọi thăng tiến nền tài chánh có trách nhiệm

World-GDP-2016-global-growth-Economist

NEW YORK: Toà Thánh kêu gọi thăng tiến một nền tài chánh quốc tế có tinh thần trách nhiệm và ý thức luân lý để loại trừ tình trạng bất bình đẳng xã hội và phát huy một việc phát triển có thể chịu đựng nổi.

ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh Công Lý và Hoà Bình, đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài phát biểu tại phiên họp về phát triển có thể chịu đựng nổi do Liên Hiệp quốc triệu tập tại New York hôm 21 tháng 4 vừa qua.

ĐHY nhắc lại lời ĐTC Phanxicô phát biểu trong chuyến viếng thăm Liên Hiệp  Quốc hồi tháng 9 năm ngoái, và quy chiếu chương trình nghị sự năm 2030 liên quan tới sự Phát triển có thể chịu đựng nổi. Nó là một dấu chỉ hy vọng quan trọng. Nhưng hy vọng này chỉ có thể thành sự thực, nếu chương trình được thi hành một cách thật sự, liêm chính và hữu hiệu. Nó đòi hỏi việc tài trợ công cộng cũng như nỗ lực tài trợ và đầu tư cá nhân. Lý do vì nó liên quan tới thiện ích của căn nhà chung, mà mọi giới phải góp phần săn sóc theo các tiêu chuẩn luân lý đạo đức xã hội. Các hoạt động tài chánh vô trách nhiệm luân lý tạo ra các bất bình đẳng xã hội. Như Đức Phaolo VI đã khẳng định trong Thông điệp “Phát triển các dân tộc” phát triển là tên gọi mới của hoà bình. Hoà bình là điều kiện và môi trường cần thiết cho mọi phát triển đích thực và lâu bền (SD 22-4-2016).

Linh Tiến Khải