Tin tưởng nơi Chúa Giêsu để được chữa lành

Tin tưởng nơi Chúa Giêsu để được chữa lành

Trên con đường của Chúa Giêsu tất cả mọi người đều được chấp nhận. Để có thể đến với trái tim Chúa chỉ cần một điều thôi đó là cảm thấy cần được chữa lành và tín thác nơi Ngài. Tuy không phải là môn đệ của Chúa nhưng người cha của bé gái và người đàn bà bị bệnh đã được nhận lời chỉ vì lòng tin của họ. Chúa Giêsu là suối nguồn sự sống cũng như là Đấng trao ban trở lại sự sống cho người hoàn toàn tin tưởng nơi Ngài.

ĐTC Phanxicô đã nói với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 1-7-2018.

Mở đầu bài huấn dụ ĐTC nói:

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay (x. Mc 5,21-43) giới thiệu với chúng ta hai điều kỳ diệu Chúa Giêsu đã làm, bằng cách miêu tả chúng hầu như trong một loại diễn hành chiến thắng tiến về sự sống.

Trước hết thánh sử kể về một ông Jairo nào đó, một trong các thủ lãnh hội đường do thái, đến với Chúa Giêsu và khẩn nài Ngài đến nhà ông ta vì đứa con gái 12 tuổi của ông đang hấp hối. Chúa Giêsu chấp nhận và đi với ông. Nhưng dọc đường có tin cô bé đã chết. Chúng ta có thể tưởng tượng được phản ứng của người cha ấy. Nhưng Chúa Giêsu nói với ông: “Đừng sợ, hãy chỉ tin thôi!” (c. 36). Khi tới nhà ông Jairo, Chúa Giêsu cho dân chúng đang khóc ra ngoài, và cũng có có các phụ nữ được trả tiền để khóc lóc gào thét. Ngài vào phòng một mình với cha mẹ bé gái và ba môn đệ, rồi hướng về người đã chết và nói: “Bé gái, Ta truyền cho con, hãy đứng đậy!” (c. 41). Và lập tức cô dứng dậy, như vừa tỉnh sau một cơn ngủ say (c. 42).

Bên trong trình thuật phép lạ này thánh sử Marco lồng vào một phép lạ khác: đó là việc chữa lành một phụ nữ bị băng huyết, vừa khi bà ta đụng vào áo choàng của Chúa Giêsu (c. 27). Ở đây đánh động sự kiện lòng tin của người đàn bà này lôi kéo – và tôi muốn nói là “ăn trộm” – quyền năng cứu rỗi của Thiên  Chúa hiện hữu nơi Chúa Kitô, là Đấng, khi cảm thấy một sức mạnh phát xuất ra từ Ngài” (c. 34), tìm hiểu xem ai đã chạm vào gấu áo mình. Và khi người đàn bà tiến lên thú nhận tất cả với biết bao xấu hổ, Chúa nói với bà: “Hỡi con gái, lòng tin của con đã cứu con” (c. 34).

Đây là một câu chuyện lồng khung vào một câu chuyện khác, với một trung tâm duy nhất: đó là lòng tin; và nó chúng cho thấy Chúa Giêsu như suối nguồn sự sống, như Đấng tái trao ban sự sống cho ai hoàn toàn tin tưởng nơi Ngài. Cả hai nhân vật, nghĩa là người cha của bé gái và người đàn bà bị bệnh, không phải là môn đệ của Chúa Giêsu, nhưng vì lòng tin của họ họ được nhận lời. Từ đó chúng ta hiểu rằng trên con đường của Chúa mọi người đều được chấp nhận: không có ai phải cảm thấy mình là một người bất hợp pháp, lạm dụng hay không có quyền. Để đến với trái tim của Chúa Giêsu chỉ có một đòi hỏi thôi: cảm thấy mình cần được chữa lành và tín thác nơi Chúa.

Tôi xin hỏi anh chị em từng người trong chúng ta, chúng ta có cảm thấy cần sự chữa lành không? Chữa lành khỏi điều gì đó, khỏi tội lỗi nào đó, khỏi vấn đề nào đó? Và nếu cảm thấy, thì có tin nơi Chúa Giêsu không? Đó là hai đòi buộc để được chữa lành, để có thể đến với trái tim của Chúa: cảm thấy cần được chữa lành và tín thác nơi Chúa.

Chúa Giêsu sẽ khám phá ra các người này giữa đám đông, và đưa họ ra khỏi sự vô danh, giải thoát họ khỏi sự sợ hãi sống và dám làm. Ngài làm với một cái nhìn và với một lời nói đặt để họ trở lại trên đường cuộc sống, sau biết bao nhiêu khổ đau và nhục nhã. Cả chúng ta cũng được mời gọi học hiểu và noi gương các lời giải thoát này và các cái nhìn tái trao ban trở lại ý muốn sống cho người không có nó.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói:

Trong trang tin mừng này giao thoa các đề tài đức tin và cuộc sống mới, mà Chúa Giêsu đã đến để cống hiến cho tất cả mọi người. Sau khi vào trong nhà nơi bé gái nằm chết, Ngài đuổi ra ngoài những người giao động và than khóc (c. 40) và nói: “Bé gái không chết, nhưng nó ngủ” (v. 39). Chúa Giêsu là Chúa, và trước Ngài cái chết thể lý giống như một giấc ngủ: không có lý do để tuyệt vọng. Có một cái chết khác cần phải sợ: đó là cái chết của con tim, bị sự dữ làm cho chai cứng. A! khỏi cái chết đó thì, vâng, chúng ta phải sợ! Khi chúng ta cảm thấy có con tim chai cứng, con tim chai cứng, và tôi cho phép mình dùng từ này con tim đã bị ướp xác. Chúng ta phải sợ con tim ấy. Đây là cái chết của trái tim. Nhưng cả tội lỗi, cả con tim bị ướp xác, đối với Chúa Giêsu cũng không bao giờ là tiếng nói cuối cùng, bởi vì Ngài đã đem đến cho chúng ta lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa Cha. Và cả khi chúng ta quỵ ngã xuống sâu đi nữa, tiếng nói dịu hiền và mạnh mẽ của Chúa vẫn tới với chúng ta: “Ta truyền cho con, hãy đứng dậy!”. Thật là đẹp lời Chúa Giêsu nói với từng người trong chúng ta: “Ta truyền cho cọn: hãy chỗi dậy!. Hãy bước đi. Hãy đứng lên, can đảm lên. Hãy chỗi dậy!” Và Chúa Giêsu trao ban sự sống trở lại cho bé gái, và trao ban sự sống trở lại cho người đàn bà được lành bệnh: sự sống và lòng tin cho cả hai người.

Chúng ta hãy xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành với chúng ta trên con đường lòng tin và tinh yêu thương cụ thể, đặc biệt đối với những ai đang cần được giúp đỡ. Và chúng ta hay khẩn nài sự bầu cử hiền mẫu của Mẹ cho các anh chị em đang đau khổ trên thân xác và trong tinh thần.

Tiếp đến ĐTC đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành Tòa Thánh cho mọi người.

Sau kinh Truyền Tin ĐTC đã lại kêu gọi cầu nguyện cho dân nước Nicaragua. ĐTC nói ngài hiệp nhất với các cố gắng của các Giám Mục và biết bao nhiêu người thiện chí của nước này trong vai trò trung gian và làm chứng cho tiến trình đối thoại quốc gia đang trên đường tiến tới nền dân chủ.

ĐTC cũng nhắc tới tình trạng nghiêm trọng của Siria, đặc biệt của dân chúng tỉnh Daraa, nơi quân đội chính phủ trong các ngày này đã bắn phá cả các trường học và nhà thương, khiến cho hàng ngàn người  phải tỵ nạn. Cùng với lời cầu nguyện ngài tái đưa ra  lời kêu gọi, để cho dân chúng vốn đã bị thử thách cam go bớt phải đau khổ thêm. Giữa biết bao xung đột phải ghi nhận một sáng kiến có thể định nghĩa là lịch sử và nói rằng nó là một tin vui: trong các ngày này, sau 20 năm, các chính quyền Etiopia và Eritrea đã lại cùng nhau nói chuyện hòa bình. Ước chi cuộc gặp gỡ này thắp lên ngọn lửa hy vọng cho hai quốc gia vùng Sừng Phi châu và cho toàn lục địa Phi châu.

ĐTC cũng bảo đảm cầu nguyện cho các bạn trẻ bị thất lạc trong một hang động dưới lòng đất cách đây một tuần bên Thái Lan.

Ngài cũng cho biết thứ bẩy tới sẽ đến Bari, nam Italia, cùng với  nhiều vị lãnh đạo các Giáo Hội và các cộng đoàn kitô  Trung Đông, để sống một ngày cầu nguyện và suy tư về tình hình luôn luôn thê thảm của vùng này, nơi có biết bao nhiêu anh chị em kitô tiếp tục đau khổ, để cùng nhau khẩn nài “Ước chi hòa bình đến trên ngươi” (Tv 122,8). Ngài xin mọi người đồng hành với chuyến hành hương hòa bình và hiệp nhất này trong lời cầu nguyện.

Sau cùng ĐTC đã chào tín hữu hiện diện, đặc biệt các linh mục thuộc Học viện Sacerdos của Đại học giáo hoàng Nữ Vương các Tông Đồ, cũng như các nữ tu Phan Sinh Đền tội và

Bác Ái  Ba Lan, và các tín hữu Iraq, cũng như các bạn trẻ mới chịu Phép Thêm Sức thuộc giáo xứ Đức Maria hồn xác lên trời Schattdorf, và gia đình Máu Cực Thánh Chúa Ki tô, được biệt kính trong tháng 7 này.

Linh Tiến Khải    

Đức Thánh Cha tiếp đại gia đình Dòng Bửu Huyết

Đức Thánh Cha tiếp đại gia đình Dòng Bửu Huyết

VATICAN. ĐTC mời gọi các thành viên đại gia đình dòng Bửu Huyết biểu lộ lòng sùng mộ Máu Cực Thánh của Chúa Kitô qua các công tác bác ái.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 30-6-2018, dành cho 3 ngàn người gồm các tu sĩ nam nữ và các giáo dân theo linh đạo của dòng Bửu Huyết. Ngài nói:

”Khi suy niệm về sự hy sinh của Chúa Kitô, chúng ta được dẫn đến việc thực thi những công việc từ bi bác ái, hiến mạng không chút do dự cho Thiên Chúa và anh chị em. Việc suy niệm về mầu nhiệm Máu Chúa Kitô đổ ra trên thập giá để cứu chuộc chúng ta, đặc biệt thúc đẩy chúng ta đến với những người, tuy có thể được chữa trị những đau khổ thể lý và tinh thần của họ, nhưng hiện nay họ đang bị mòn mỏi bên lề một xã hội tiêu thụ và dửng dưng. Chính trong viễn tượng này nổi bật tầm quan trọng việc phục vụ của anh chị em dành cho Giáo hội và xã hội”.

ĐTC để lại cho các thành viên đại gia đình dòng Bửu Huyết 3 khía cạnh cần để ý trong việc làm chứng tá, đó là can đảm nói và bênh vực chân lý, quan tâm đến tất cả mọi người, nhất là những người xa lạ, sau cùng là tăng cường khả năng thu hút và đả thông.

– Về can đảm sự thật, ĐTC khích lệ các thành viên dòng Bửu Huyết can đảm dấn thân bênh vực các giá trị Tin Mừng và chân lý về thế giới và con người. Vấn đề ở đây là nói rõ ràng và không quay mặt đi đứng trước những tấn công chống lại giá trị sự sống con người từ lúc mới chịu thai cho đến lúc chết tự nhiên, lên tiếng bênh vực phẩm giá con người, chống lại những tai ương xã hội và những hình thức khác của nạn nghèo đói”.

– Thứ hai là quan tâm tới tất cả mọi người, đặc biệt là những người xa lìa. ĐTC nói: ”Trong sứ vụ, anh chị em được mời gọi đến với tất cả, làm sao cho mọi người có thể hiểu được anh chị em, qua một ngôn ngữ mà mọi người có thể lãnh hội sứ điệp Tin Mừng. Những đối tượng của tình thương và lòng từ nhên của Chúa Giêsu là tất cả mọi người, người gần, và nhất là người xa. Vì thế anh chị em hãy tìm ra những hình thức thích hợp nhất để đến gần nhiều người, trong các tư gia, môi trường xã hội và đường phố..

– Thứ ba là làm sao để chứng tá của anh chị em có sức thu hút và truyền đạt. Khả năng này cần đặc biệt phải có trong việc rao giảng, huấn giáo, những hành trình đào sâu Lời Chúa. Vấn đề ở đây là khơi dậy sự tham gia ngày càng nhiều để cống hiến và giúp cảm nguyện những nội dung đức tin Kitô, sống một cuộc sống mới trong Chúa Kitô. Tin Mừng và Chúa Thánh Linh khơi lên những lời nói và cử chí làm cho các tâm hồn nồng cháy và giúp họ cởi mở đối với Thiên Chúa và tha nhân”.

Ngày 1-7 là lễ kính Máu Cực Thánh Chúa Giêsu Kitô và tháng 7 cũng là tháng được dành để kính Máu Thánh Chúa.

Chiều ngày 30-6, Gia đình dòng Bửu Huyết tổ chức buổi canh thức cầu nguyện tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano và lúc 10 giờ sáng chúa nhật 1-7, có thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô do ĐHY Giám quản Đền Thờ, Angelo Comastri, chủ sự. Sau đó mọi người tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin với ĐTC tại Quảng trường Thánh Phêrô (Rei 30-6-2018)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha dâng lễ với các tân Hồng Y và tân Tổng Giám Mục chính tòa

Đức Thánh Cha dâng lễ với các tân Hồng Y và tân Tổng Giám Mục chính tòa

VATICAN. Sáng ngày 29-6-2018, ĐTC đã làm phép các dây Pallium cho 30 vị TGM chính tòa trong thánh lễ với 14 tân Hồng Y và 26 vị tân TGM.

Đầu thánh lễ lúc 9 giờ rưỡi, nhân lễ kính hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, ĐTC đã làm phép các dây Pallium cho 30 vị tân TGM đứng đầu giáo tỉnh được các phó tế đưa từ mộ thánh Phêrô tới trước bàn thờ. Các vị TGM này thuộc 17 quốc gia, trong đó có 4 vị Argentina, 4 vị Italia, 3 vị người Mehicô, từ Á châu có Đức TGM giáo phận Tokio Nhật Bản, 1 vị Philippines và 2 vị người Ấn Độ.

Đồng tế với ĐTC trong thánh lễ này, ngoài 14 tân Hồng Y và 26 vị TGM mới về Roma (4 vị vắng mặt), còn có 120 Hồng Y, 200 GM và khoảng 400 LM trước sự hiện diện của 15 ngàn tín hữu.

Ở chỗ danh dự gần bàn thờ chính có phái đoàn Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople do Đức TGM Job, thuộc giáo phận Telmessos, làm trưởng đoàn và có 1 GM và 1 Phó tế tháp tùng, cạnh đó là ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, và hai chức sắc cấp cao của Hội đồng này.

 Dây Pallium

 Dây Pallium là một dây làm bằng lông chiên màu trắng, bề ngang chừng 5 centimét, có 6 hình thánh giá kết bằng tơ màu đen, được đeo ở cổ, có 2 giải ngắn một ở phía trước ngực và một ở phía sau lưng. Dây này biểu tượng quyền của vị TGM đứng đầu giáo tỉnh và tượng trưng tình hiệp thông với Đấng kế vị thánh Phêrô.

 Lúc 9 giờ 20, ĐTC đã cùng với Đức TGM Job trưởng phái đoàn của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople, xuống tầng hầm dưới bàn thờ chính của Đền thờ Thánh Phêrô mặc niệm trước mộ thánh nhân, rồi tiến đến trước pho tượng thánh nhân trong Đền thờ, với phẩm phục Giáo Hoàng, để cầu nguyện, trước khi cùng với 14 vị HY mới tiến ra bên ngoài, nơi bàn thờ trên thềm của Đền thờ.

Trước đây, các vị tân TGM chính tòa vẫn về Roma để nhận dây Pallium từ ĐTC trong thánh lễ ngài cử hành ngày 29-6, lễ kính thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, trừ trường hợp ngoại lệ, dây này được vị Đại Diện Tòa Thánh trao trong một buổi lễ tại Giáo Hội địa phương.

 Nhưng từ 3 năm nay (2015), do quyết định của ĐTC Phanxicô, dây Pallium được trao cho vị Tổng Giám Mục đứng đầu giáo tỉnh trong một buổi lễ tại giáo phận địa phương thay vì tại Roma. Sự thay đổi này nhắm làm nổi bật hơn quan hệ giữa vị tân TGM chính tòa với Giáo phận của các vị, và để tạo cơ hội cho nhiều tín hữu được hiện diện tại nghi thức rất ý nghĩa đối với họ, và nhất là là cho các Giám Mục thuộc hạt – trong cùng một giáo tỉnh -, để tham dự lễ trao dây Pallium. Theo chiều hướng đó, ý nghĩa buổi lễ ngày 29-6 vẫn được giữ nguyên, tức là nhấn mạnh mối dây hiệp thông và cũng là sự hiệp thông theo phẩm trật giữa ĐTC và các vị tân TGM chính tòa, và đồng thời, qua sự trao dây này ở địa phương, có thêm mối liên hệ với Giáo hội địa phương”.

Làm phép dây Pallium

Đầu thánh lễ, sau lời chào phụng vụ của ĐTC, ĐHY Renato Martino, trưởng đẳng phó tế, đã thưa với ĐTC: các vị TGM chính tòa, ”với lòng kính mến trung thành và vâng phục đối với ĐTC và Tòa Thánh, khiêm tốn xin ĐTC ban cho các vị dây Pallium, được lấy từ bàn thờ tuyên xưng đức tin của Thánh Phêrô, như dấu chỉ quyền bính của vị TGM đứng đầu giáo tỉnh, trong niềm hiệp thông với Giáo Hội Roma, được thiết định hợp pháp trong giáo phận của các vị.”

Rồi ĐHY mời các vị TGM cùng đọc công thức tuyên thệ tuyên thệ luôn trung thành và vâng phục Thánh Phêrô Tông Đồ, Tòa Thánh, Giáo Hội, ĐTC và các Đấng Kế vị hợp pháp.

ĐTC đọc công thức làm phép các dây Pallium, xin Thiên Chúa là Đấng đã đặt Con của Ngài làm Mục Tử nhân lành chăn dắt Giáo hội là đoàn chiên của Chúa đổ tràn đầy ơn lành trên các dây Pallium và trên các tân TGM, nhờ ơn Chúa, sẽ đeo dây này, để được nhìn nhận như những Mục Tử đoàn chiên Chúa, và biểu lộ trong cuộc sống của mình thực tại ý nghĩa của dây nay. Xin cho các vị Mục Tử này nhận lấy ách Tin Mừng đặt trên vai mình và ách ấy trở nên dịu dàng để các vị đi trước người khác trong việc sống các giới răn của Chúa, nêu gương trung thành kiên trì, cho đến khi đáng được đưa vào đồng cỏ vĩnh cửu trong nước Chúa.

Thánh lễ tiếp tục với kinh Vinh Danh, lời Tổng Nguyện, và phần phụng vụ Lời Chúa.

Bài giảng Thánh Lễ

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã diễn giải ý nghĩa bài Tin Mừng theo thánh Mathêu, đoạn 16, thuật lại, khi Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: Ngừơi ta bảo Thầy là ai? thánh Phêrô đã trả lời thay cho các tông đồ khác: ”Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống”, – tức là Đấng đã được Thiên Chúa xức dầu-. Rồi Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ Ngài phải lên Jerusalem chịu đau khổ, bị giết và ngày thứ ba sẽ sống lại. Vị được Thiên Chúa xức dầu mang tình thương và lòng thương xót của Chúa Cha cho đến hệ luận cuối cùng. Nhưng đứng trước lời loan báo bất ngờ ấy, Phêrô đã phản ứng và cản trở Chúa, xin Thiên Chúa đừng bao giờ để điều ấy xảy ra cho Thầy mình (Mt 16,22). Phêrô biến thành hòn đá vấp trên con đường của Đấng được Xức dầu. Ông tưởng mình bênh vực các quyền của Thiên Chúa, nhưng lại biến ngay thành Satan, kẻ thù của Chúa. ĐTC giải thích thêm rằng:

”Chiêm ngắm cuộc đời của Phêrô và sự tuyên xưng của thánh nhân cũng có nghĩa là học biết những cám dỗ xảy ra trong cuộc đời các môn đệ. Trong tư cách là Giáo Hội, như thánh Phêrô, chúng ta cũng luôn luôn bị cám dỗ vì những “tiếng thì thầm” của ma quỉ là những hòn đá vấp cản trở sứ vụ của Giáo Hội. Tôi nói là ”những tiếng thì thầm” vì ma quỉ âm thầm cám dỗ, làm sao để ta không nhận ra chủ ý của hắn, ”cư xử như một điều giả dối khi muốn ở trong sự kín đáo và không muốn bị khám phá” (S. Ignaxiio Loyola, Linh Thao, n.326).

”Trái lại, tham gia vào sự xức dầu của Chúa Kitô là tham dự vinh quang của Chúa, là Thập Giá của Ngài: Lạy Cha, xin làm vinh danh Con Cha.. Lạy Cha, xin tôn vinh danh Cha” (Ga 12,28). Vinh quang và thập giá trong Chúa Giêsu Kitô đi song đôi với nhau và không thể tách rời, vì khi ta từ bỏ thập giá, kể cả khi chúng ta bước vào sự rạng ngời của vinh quang, thì chúng ta tự lừa dối mình, bởi lẽ thứ vinh quang ấy không phải của Thiên Chúa, nhưng là sự chế nhạo của đối phương”.

ĐTC cũng nhận xét rằng, ”nhiều khi chúng ta cảm thấy cám dỗ: tuy là Kitô hữu, nhưng đồng thời đồng thời giữ một khoảng cách thận trọng đối với những vết thương của Chúa. Chúa Giêsu động chạm đến sự lầm than của con ngừơi, và mời gọi chúng ta ở với Ngài, quan tâm đến những thân thể đau khổ của tha nhân. Việc tuyên xưng đức tin bằng miệng và con tim, như trường hợp thánh Phêrô, đòi chúng ta phải nhận ra những ”tiếng thì thầm” của ma quỷ. Học cách nhận diện và khám phá “đâu là những che đậy bản thân và cộng đoàn khiến chúng ta xa cách thảm trạng sinh động của con người; những che đậy ấy ngăn cản không để chúng ta tiếp xúc với cuộc sống cụ thể của tha nhân, và xét cho cùng, không để chúng ta nhận biết sức mạnh cách mạng sự dịu dàng của Thiên Chúa (Xc Tông huấn E.G. 270).

Tiếp tục bài giảng, ĐTC nhấn mạnh rằng ”Khi không tách biệt vinh quang khỏi thập giá, Chúa Giêsu muốn cứu các môn đệ và Giáo Hội của Ngài khỏi thái độ hiếu thắng trống rỗng: trống rỗng tình thương, trống rỗng phục vụ, cảm thương, cũng trống rỗng dân. Chúa muốn cứu Giáo Hội khỏi một sự tưởng tượng vô hạn không biết ăn rễ sâu nơi đời sống của dân trung thành, hoặc tệ hơn nữa, đó là thái độ tưởng rằng việc phụng sự Chúa đòi Giáo Hội phải loại bỏ những con đường bụi bặm của lịch sử. Chiêm mgắm và bước theo Chúa đòi chúng ta phải để tâm hồn rộng mở đối với Chúa Cha và tất cả những người mà chính Chúa muốn đồng hóa với họ (Xc Thánh Gioan Phaolô 2, Tông thư Novo millennio ineunte, 49) và với xác tín chắc chắn Chúa không bỏ rơi dân Ngài.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Anh em thân mến, câu hỏi ”Ông có phải là Đấng phải đến hay chúng tôi phải đợi một người khác?” (Mt 11,3) là điều tiếp tục ở trên hàng triệu khuôn mặt. Chúng ta tuyên xưng trên môi và trong con tim: Đức Giêsu Kitô là Chúa (Xc Phil 2,11). Đây chính là bài ca nòng cốt mà hằng ngày chúng ta được mời gọi xướng lên. Trong sự đơn sơ, chắc chắn và vui mừng được biết rằng ”Giáo Hội sáng ngời không phải bằng ánh sáng riêng của mình nhưng bằng ánh sáng của Chúa Kitô. Giáo Hội kín múc ánh quang của mình từ Mặt Trời công chính, để có thể nói: ”Không còn là tôi sống, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20) (Thánh Ambrosio, Hexaemeron, IV, 8,32)

Trong phần lời nguyện giáo dân, các ý nguyện đã được xướng lên bằng các thứ tiếng Pháp, tiếng Aramaico, Bồ đào nha, tiếng Hoa và tiếng Nhật lần lượt cầu nguyện cho ĐTC và Giáo Hội hoàn vũ, cho các vị lãnh đạo chính quyền và các dân tộc được ủy thác cho họ, cho ơn gọi linh mục, và sự hiệp nhất của Giáo Hội, sau cùng là cho các tội nhân và những người không tin.

Thánh lễ kết thúc lúc quá 11 giờ với bài ca: ”Chúng con chạy đến nương náu nơi sự bảo trợ của Mẹ Thiên Chúa”.

Sau đó, ĐTC về dinh tông tòa và lúc 12 giờ trưa, ngài xuất hiện tại cửa sổ lầu 3 để chủ sự buổi đọc kinh truyền tin chung với các tín hữu tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ ngắn nhân dịp này, ngài nhấn mạnh tới lời Chúa Giêsu nói với Thánh Phêrô: ”Con là Đá và trên Đá này Thầy sẽ xây dựng Giáo Hội của Thầy và các cửa hỏa ngục sẽ không thắng nổi” (v.18). Đây là lần đầu tiên Chúa Giêsu nói lên từ ”Giáo Hội”, và đồng thời Chúa biểu lộ tất cả tình yêu đối với Hội Thánh của Ngài. Đây là một cộng đồng Giao Ước mới, không dựa trên dòng dõi và Luật, nhưng dự trên niềm tin vào Ngài là Đức Giêsu, Tôn Nhan của Thiên Chúa”.

G. Trần Đức Anh OP

ĐTC Phanxicô tấn phong 14 Hồng y mới

ĐTC Phanxicô tấn phong 14 Hồng y mới

VATICAN. ĐTC nhắc nhở toàn thể Giáo Hội rằng hoán cải nội tâm và cải tổ, ngưng chăm lo tư lợi và hãy quan tâm đến lợi ích của Chúa Cha, đó chính là chìa khóa truyền giáo.

Ngài nhấn mạnh tư tưởng trên đây trong bài giảng tại công nghị lúc 4 giờ chiều hôm qua, 28-6, tại đền thờ Thánh Phêrô để phong 14 Hồng Y mới.

 Buổi lễ diễn ra tại Đền thờ Thánh Phêrô dưới hình thức một buổi phụng vụ. Sau khi một đại diện tiến chức kính chào và cám ơn ĐTC, ngài đọc lời nguyện và mọi người lắng nghe bài Tin Mừng theo thánh Marco (10,32-45) kể lại trong hành trình theo Chúa lên Jerusalem, hai môn đệ Giacôbê và Gioan xin Chúa cho được ngồi bên hữu bên tả Ngài trong vinh quang.

Trong bài huấn dụ, ĐTC quảng diễn bài Tin Mừng trên đây và nhận xét rằng Thánh Sử Tin Mừng không ngại tỏ lộ một số bí mật nơi tâm hồn các môn đệ, đó là sự tìm kiếm những chỗ nhất, ghen tương, tị ngạnh, mưu mô, thu xếp và thỏa hiệp.. Chúa Giêsu không cho phép những cuộc tranh luận vô ích và tham chiếu bản thân xảy ra giữa lòng cộng đoàn các môn đệ.

Chúa cảnh giác: ”Chiếm được cả thế gian mà lại bị tiêu hao trên trong thì ích gì? Chiếm được toàn thể giới thì có ích gì khi trong cộng đoàn người ta rơi vào cạm bẫy những mưu mô làm nghẹt thở, làm cho con tim và sứ mạng truyền giáo bị khô cằn? Trong tình trạng như thế, như một số người đã nhận xét, người ta có thể thấy những âm mưu trong các tòa dinh thự và cả trong các giáo phủ của Hội Thánh”.

** Trước thái độ trên đây của các môn đệ, ĐTC nhắc lại lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ: ”Giữa các con không được như vậy!”.. Qua đó Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng hoán cải, biến đổi nội tâm và cải tổ Giáo Hội đang và sẽ là chìa khóa truyền giáo, vì đòi hỏi phải chấm dứt việc coi và chăm sóc tư lợi của mình, để nhìn và chăm sóc quyền lợi của Chúa Cha. Sự hoán cải từ bỏ tội lỗi và ích kỷ của  chúng ta không bao giờ là một mục tiêu tự nó, nhưng chủ yếu nhắm tăng trưởng trong sự trung thành và sẵn sàng chấp nhận sứ vụ”.   ĐTC không quên nhắc nhở các tân Hồng Y noi gương Chúa Giêsu, Đấng đã không sợ cúi mình rửa chân cho các môn đệ. Ngài nói: ”Huân chương cao nhất chúng ta có thể được đó là phục vụ Chúa Kitô nơi dân trung thành của Thiên Chúa, nơi người đói, bị lãng quên, nơi tù nhân, bệnh nhân, người nghiện ngập, bị bỏ rơi, nơi những con người cụ thể với lịch sử riêng, những hy vọng, mong đợi và thất vọng, những đâu khổ và vết thương của họ. Chỉ như thế quyền bính của vị chủ chăn mới có hương vị Tin Mừng và sẽ không phải như thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng” (1 Cr 13,1).

Nghi thức phong Hồng Y được tiếp tục với phần xướng danh các tiến chức và các vị tuyên xưng đức tin, cùng đọc lời tuyên thệ trung thành và vâng phục ĐTC, cam kết chu toàn nghĩa vụ của mình. Sau đó mỗi vị tiến lên trước ĐTC để ngài đội mũ đỏ và trao sắc phong chỉ định nhà thờ hiệu tòa và trao nhẫn cho mỗi vị. Lễ tấn phong kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của ĐTC.

Cũng chiều hôm qua, từ 18 đến 20 giờ, 14 tân Hồng Y được phân làm 3 nhóm để tiếp các tín hữu và khách đến chúc mừng: 3 vị thuộc giáo triều Roma tại 2 sảnh dường trong dinh Tông Tòa, 11 vị còn lại tại hai địa điểm ở hành lang Đại thính đường Phaolô 6. (Rei 28-6-2018)

Giuse Trần Đức Anh OP

Bài giảng của ĐTC Phanxicô trong công nghị phong 14 Hồng y

Bài giảng của ĐTC Phanxicô trong công nghị phong 14 Hồng y

Trong bài giảng trong nghi lễ phong Hồng y, ĐTC nhắc nhở toàn thể Giáo Hội rằng hoán cải nội tâm và cải tổ, ngưng chăm lo tư lợi và hãy quan tâm đến lợi ích của Chúa Cha, đó chính là chìa khóa truyền giáo.

 

Sau đây là nguyên văn bài giảng của ĐTC:

 

“Khi Chúa Giêsu và các môn đệ đang trên đường lên Giêrusalem, Người đi trước họ” (Mc 10,32).

 

Khởi đầu của đoạn Tin mừng đặc trưng của thánh Maccô luôn giúp chúng ta nhận ra cách thế mà Chúa chăm sóc cho dân Người với một phương pháp sư phạm của chính Người. Trên hành trình tiến về Giêrusalem, Chúa Giêsu cẩn thận đi trước, dẫn đường cho các môn đệ của mình.

 

Giêrusalem tượng trưng cho giờ khắc ý nghĩa và quyết định của cuộc đời Chúa Giêsu. Tất cả chúng ta biết rằng, trong những thời khắc quan trọng và quyết định của cuộc sống, trái tim có thể lên tiếng nói và bày tỏ những ý định và căng thẳng trong con người chúng ta. Những thời khắc then chốt, bước ngoặt của cuộc sống thách đố chúng ta; chúng đưa ra những câu hỏi và mong muốn mà không phải lúc nào cũng minh bạch đối với tâm hồn con người chúng ta. Đó là những điều mà đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe, với sự đơn giản và hiện thực, trình bày. Đứng trước lời loan báo lần thứ ba về cuộc Thương khó, gây băn khoăn đau đớn hơn, thánh sử Máccô không sợ tiết lộ những bí mật đang có trong trái tim của các môn đệ: đó là tìm kiếm những chỗ nhất, ghen tuông, ganh tị, mưu mô, điều đình và thỏa hiệp. Kiểu lý luận suy nghĩ này không chỉ bào mòn và hủy hoại các mối quan hệ giữa họ, mà còn nhốt kín họ và bao bọc họ trong các cuộc thảo luận vô dụng và không quan trọng. Nhưng Chúa Giêsu không dừng lại ở điều này, nhưng Người đi trước họ và tiếp tục tiến bước. Và Người nói với họ cách mạnh mẽ: “Nhưng đối với anh em thì không phải như vậy; bất cứ ai muốn làm lớn giữa anh em thì hãy là đầy tớ của anh em ”(Mc 10,43). Bằng cách  này, Chúa Giêsu tìm cách định hướng lại cái nhìn và con tim của các môn đệ của mình, không để cho các cuộc thảo luận không có ích lợi và tự quy chiếu về mình hiện diện trong cộng đoàn. Có lợi ích gì nếu được cả thế giới mà nội bộ chúng ta bị suy mòn?  Được cả thế gian thì lợi ích gì nếu chúng ta sống trong một bầu khí ngột ngạt của những âm mưu, là những thứ làm cho trái tim trở nên khô héo và ngăn cản sứ vụ nảy sinh kết quả? Trong tình huống này – như một số người đã quan sát – chúng ta có thể nghĩ đến những âm mưu trong các cung cấm và ngay cả trong các cơ quan của giáo hội.

 

“Nhưng giữa các con thì không như thế”: trên tất cả, câu trả lời của Chúa Giêsu là một lời mời gọi và một thách đố đối với các môn đệ để phục hồi phần tốt hơn trong họ và như thế tâm hồn họ không bị hư hỏng và cầm tù bởi các lý luận kiểu thế gian và làm chọ họ không còn nhận ra được điều gì là quan trọng. “Giữa các con thì không như thế”: là tiếng nói của Chúa cứu cộng đoàn khỏi cái nhìn quy kỷ, chỉ nhìn về mình, thay vì hướng cái nhìn, sự quan tâm, mong đợi và trái tim đến điều quan trọng duy nhất: sứ vụ.

 

Và như thế Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng hoán cải, biến đổi trái tim và canh tân Giáo hội là và sẽ luôn là chìa khóa truyền giáo, nó đòi hỏi người ta không còn nhìn thấy và quan tâm đến các lợi ích riêng tư, để tìm kiếm và chăm lo cho những lợi ích của Chúa Cha. Sự hoán cải từ tội lỗi của chúng ta, từ sự ích kỷ của chúng ta sẽ không và sẽ không bao giờ là một kết thúc nơi chính mình, nhưng luôn là cách để phát triển trong sự trung thành và sẵn sàng nhận lãnh lấy sứ vụ. Vào thời khắc của sự thật, đặc biệt trong những thời khắc khó khăn của anh chị em chúng ta, chúng ta được chuẩn bị tốt và sẵn sàng đồng hành và chào đón mỗi người và tất cả mọi người. Theo cách này, chúng ta không biến mình thành  những “vật cản đường”, những rào chắn hiệu quả, hoặc là vì chúng ta có cái nhìn hẹp hòi, hoặc tệ hơn nữa, bởi vì chúng ta đang thảo luận và suy nghĩ xem giữa chúng ta ai là người quan trọng nhất. Khi chúng ta quên đi sứ vụ, khi chúng ta không nhìn thấy những gương mặt cụ thể của anh chị em chúng ta, thì cuộc sống của chúng ta bị đóng kín trong việc theo đuổi lợi ích riêng và sự an toàn của bản thân chúng ta. Và như thế, sự oán giận, buồn phiền và ghê tởm bắt đầu phát triển. Từng tí một, dần dần chỗ dành cho người khác, cho cộng đồng giáo hội, cho người nghèo, để lắng nghe tiếng nói của Chúa, ngày càng trở nên ít hơn. Vì vậy, niềm vui bị mất đi và trái tim cuối cùng trở nên khô cằn (x. Tông huấn Niềm vui Phúc âm, 2).

 

“Giữa các con thì không như thế”; – Chúa nói như thế –  […] ai muốn là người đứng đầu trong các con thì hãy là đầy tớ của tất cả” (Mc 10,43.44). Đó là mối phúc và lời tạ ơn mà chúng ta được mời gọi hát lên mỗi ngày. Đó là lời mời mà Chúa nói với chúng ta để chúng ta không quên rằng quyền bính trong Giáo hội phát triển với khả năng bảo vệ phẩm giá của người khác, xức dầu cho họ để chữa lành các vết thương và niềm hy vọng nhiều khi bị tan vỡ. Nó có nghĩa là nhắc rằng chúng ta ở đây bởi vì chúng ta được mời gọi “mang Tin mừng cho người nghèo”, loan báo ơn giải thoát cho người bị giam cầm và cho người mù được nhìn thấy; để giải phóng người bị áp bức, tuyên bố năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19).

 

Các anh em Hồng y và các tân Hồng y quý mến! Trong hành trình lên Giêrusalem của chúng ta, Chúa đi trước chúng ta để nhắc nhở chúng ta thêm một lần nữa rằng hình thức duy nhất có thể tin được của quyền bính là quyền bính xuất phát từ việc đặt mình ở dưới chân người khác để phục vụ Chúa Kitô. Đó là quyền bính đến từ việc không bao giờ quên rằng Chúa Giêsu, trước khi gục đầu trên Thánh giá, đã không ngần ngại hạ mình trước các môn đệ và rửa chân cho họ. Đây là vinh dự cao nhất mà chúng ta có thể nhận lãnh, sự thăng tiến lớn nhất mà chúng ta có thể được tưởng thưởng: phục vụ Chúa Kitô trong dân tộc trung thành của Thiên Chúa, nơi người đói khát, người bị bỏ rơi, người bị tù đầy, người đau yếu, người nghiện ngâp, người bị bỏ rơi, trong những con người cụ thể với lịch sử và hy vọng của họ, với những chờ mong và thất vọng của họ, với những nỗi đau và vết thương của họ. Chỉ như thế, quyền bính của Mục tử mới có hương vị của Tin mừng và sẽ không giống như “thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng.” (1 Cor 13,1). Không có ai trong chúng ta được cảm thấy mình cao trọng hơn người khác. Không có ai trong chúng ta được nhìn người khác như người ở vị thế cao nhìn người thấp hèn. Chúng ta có thể nhìn một người như thể chỉ khi chúng ta giúp họ nâng chính mình lên.

 

Tôi muốn chia sẻ với anh em một phần trong chúc thư tinh thần của thánh Gioan XXIII. K hi đang tiến bước trên hành trình ngài có thể nói: “Sinh ra nghèo khổ, nhưng bởi những người được kính trọng và khiêm nhường, tôi đặc biệt vui lòng chết nghèo, khi đã phân phát theo các nhu cầu và hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống đơn giản và thanh bần của tôi, để phục vụ cho người nghèo và Giáo hội đã nuôi dưỡng tôi, những gì tôi có – thật ít ỏi – trong những năm linh mục và giám mục của tôi. Vẻ ngoài giàu có thường che đậy những cái gai ẩn dấu của sự nghèo khổ khó chịu và ngăn cản tôi luôn luôn trao tặng cho người khác cách quảng đại như tôi mong muốn. Tôi cám ơn Chúa về ơn nghèo khó này, điều mà tôi đã khấn hứa trung thành trong tuổi trẻ của tôi; sự nghèo khó trong tinh thần, như một linh mục của Thánh Tâm, và sự nghèo khó thật sự, điều đã củng cố quyết tâm của tôi, là không bao giờ yêu cầu bất cứ điều gì – chức vị, tiền bạc, sự ủng hộ – không bao giờ, cho bản thân tôi hoặc cho bà con và bạn bè của tôi.” (29 giugno 1954). (Rei 28/06/2018)

 

Hồng Thủy

Trong mỗi con người, có dấu ấn của Thiên Chúa, nguồn gốc của sự sống

Trong mỗi con người, có dấu ấn của Thiên Chúa, nguồn gốc của sự sống

Trong mỗi con người, “có dấu ấn của Thiên Chúa, nguồn gốc của sự sống.” ĐTC Phanxicô đã nhấn mạnh đến điều này trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật 24 tháng 6 với khoảng 20 ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu. Dựa trên các sự kiện liên quan đến sự chào đời của Thánh Gioan Tẩy giả, ĐTC suy tư về ý nghĩa của sự sống và đức tin, và khẳng định rằng “trong việc hình thành một đứa trẻ, cha mẹ đóng vai trò người cộng tác của Thiên Chúa.”  Ngài cũng mời gọi kiến tạo gia đình thành đền thờ của sự sống và tìm lại cảm giác ngạc nhiên, kinh ngạc và biết ơn trước sự chào đời của mỗi đứa trẻ như những người dân Do thái trong bài Tin mừng lễ thánh Gioan Tẩy Giả.

Mở đầu bài huấn dụ, ĐTC nhắc đến biến cố thánh Gioan Tẩy giả chào đời đem lại niềm vui và sự kinh ngạc cho mọi người. ĐTC nói:

 “Phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta cử hành lễ Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả. Sự chào đời của thánh nhân là biến cố chiếu sáng cuộc đời của cha mẹ ngài, ông bà Dacaria và Elisabét, và mang lại niềm vui và sự kinh ngạc cho bà con và láng giềng thân cận. Hai vị thân sinh cao niên của thánh Gioan đã mơ về ngày có con và cũng đã chuẩn bị cho ngày ấy, nhưng giờ đây họ không còn chờ đợi nữa: họ cảm thấy mình bị loại trừ, bị khinh khi và thất vọng, vì họ không có con. Trước lời loan báo về việc chào đời của người con trai (x.Lc 1,13), ông Dacaria vẫn không tin, bởi vì theo luật tự nhiên ông không còn khả năng có con nữa: họ đã già, đã cao tuổi. Vì sự cứng lòng của ông, Thiên Chúa đã làm cho ông không nói được trong suốt thời gian vợ ông mang thai đứa con (x. câu 20). Đó là một tín hiệu. Nhưng Thiên Chúa không dựa vào kiểu lý luận của chúng ta và vào những khả năng con người giới hạn của chúng ta. Chúng ta cần học tín thác và im lặng trước mầu nhiệm của Thiên Chúa và suy gẫm trong sự khiêm nhường và thinh lặng việc làm của Chúa, Đấng tự mặc khải mình trong lịch sử và nhiều lần vượt khỏi sự tưởng tượng của chúng ta.

Và giờ đây, sự việc được thực hiện, giờ đây bà Elisabét và ông Dacaria kinh nghiệm rằng “không có gì là không thể đối với Thiên Chúa” (Lc 1,37), và họ vui mừng biết bao. Trang Tin mừng hôm nay (Lc 1,57-66.80) loan báo sự chào đời của đứa con và rồi dừng lại ở thời khắc đặt tên cho con trẻ. Bà Elisabét chọn một tên khác lạ với truyền thống của gia đình; bà nói: “Đứa bé được đặt tên là Gioan” (câu 60), món quà được ban tặng nhưng không và giờ đây thật bất ngờ, bởi vì Gioan nghĩa là “Thiên Chúa đã ban ơn”. Đứa trẻ này sẽ là sứ giả, chứng tá của ân sủng của Thiên Chúa cho dân nghèo mong đợi với niềm tin khiêm nhường ơn cứu độ của Chúa. Ông Dacaria khẳng định việc chọn tên đó, ngoài sự chờ đợi của mọi người, khi viết trên một tấm bảng – bởi vì ông bị câm –và “vào giây phút đó miệng lưỡi ông mở ra, ông nói được bình thường và chúc tụng Thiên Chúa” (câu 64).

ĐTC tiếp tục giải thích về ý nghĩa việc sinh ra của thánh Gioan: “Tất cả biến cố chào đời của thánh Gioan Tẩy Giả được bao trùm bởi niềm vui kinh ngạc, sự ngạc nhiên và lòng biết ơn. Sự kinh ngạc, sự ngạc nhiên và lòng biết ơn: dân chúng kính sợ Thiên Chúa “và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giuđêa” (câu 65). Dân chúng trung thành nhận ra rằng có điều gì vĩ đại đã xảy ra, ngay cả nó có vẻ khiêm nhường và bị ẩn dấu, và họ tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào?” (câu 66). Người dân trung thành của Thiên Chúa có thể sống niềm tin với niềm vui, với sự kinh ngạc, ngạc nhiên và biết ơn. Nhưng chúng ta quan sát những người dân đang bàn tán về sự việc kỳ diệu này, phép lạ của sự chào đời của Gioan, và họ vui mừng, hân hoan, với sự kinh ngạc, ngạc nhiên và lòng biết ơn. Và quan sát điều này, chúng ta tự hỏi: đức tin của tôi thì thế nào? Nó là một đức tin vui tươi, hay là một đức tin luôn luôn như nhau, một đức tin đều đều? Tôi có cảm thấy kinh ngạc khi nhìn thấy các công trình của Thiên Chúa, khi tôi nghe về những việc loan báo Tin mừng hay về đời sống của một vị thánh, hay khi tôi nhìn thấy những con người tốt lành: tôi có cảm thấy ân phúc, trong nội tâm, hay không có gì lay chuyển trái tim tôi? Tôi có cảm thấy sự an ủi của Thần Khí hay tôi đóng kín lòng mình lại? Mỗi người chúng ta hãy tự hỏi mình, khi xét mình: Đức tin của tôi thế nào? Nó có vui tươi không? Có mở ra với sự ngạc nhiên về Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa là Chúa của sự ngạc nhiên không? Tôi có cảm nếm trong tâm hồn cảm nghiệm về sự ngạc nhiên cho thấy sự hiện diện của Thiên Chúa,tình cảm biết ơn hay không? Chúng ta hãy nghĩ về những từ này, những từ của một tâm hồn có niềm tin: niềm vui, cảm giác kinh ngạc, cảm giác ngạc nhiên và biết ơn.”

Cuối cùng, ĐTC cầu xin Đức Trinh nữ Maria giúp chúng ta hiểu rằng trong mỗi con người có dấu ấn của Thiên Chúa, nguồn gốc của sự sống. Ngài xin Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta, giúp chúng ta luôn ý thức rằng trong việc hình thành một đứa con, các bậc cha mẹ hành động như những người cộng tác của Thiên Chúa. Một sứ vụ thật sự cao trọng khi kiến tạo mỗi gia đình thành một đền thờ sự sống và đánh thức niềm vui, sự ngạc nhiên và lòng biết ơn khi mỗi đứa trẻ chào đời.

Tiếp đến ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã nhắc tới lễ phong chân phước  tại Assuncion, Paraguaycho nữ tu Maria Felicia Chúa Giêsu Thánh Thể, dòng kín Cát minh,  tục danh là Maria Felicia Guggiari Echeverría. Chân phước Maria Felicia sống vào tiền bán thế kỷ 20, gắn bó nhiệt thành với phong trào Công giáo Tiến hành và chăm sóc cho người già, các bệnh nhân và tù nhân. Kinh nghiệm tông đồ phong phú này, được nâng đỡ từ Thánh Thể hàng ngày, đã thúc đẩy chị dâng mình cho Chúa. Chị đã đón nhận bệnh tật cách an bình và qua đời ở tuổi 34. Chứng tá của chân phước trẻ tuổi này là lời mời gọi tất cả các bạn trẻ, đặc biệt các bạn trẻ Paraguay, sống cuộc sống với sự rộng lượng, lòng nhiệt thành và niềm vui. ĐTC mời gọi mọi người vỗ tay chúc mừng các nữ tu Chiquitunga và người dân nước Paraguay. (Rei 24/06/2018)

Họp báo của Đức Thánh Cha trên máy bay tối ngày 21-6-2018

Họp báo của Đức Thánh Cha trên máy bay tối ngày 21-6-2018

ROMA. ĐTC hài lòng về chuyến viếng thăm tại Thụy Sĩ vì những cuộc gặp gỡ và đối thoại. Ngài cũng giải thích việc yêu cầu HĐGM Đức suy nghĩ thêm về việc công bố chỉ nam về việc cho người tin lành kết hôn với người Công Giáo rước lễ.

Trên chuyến bay dài 1 tiếng 40 phút từ Genève về Roma, như thường lệ, ĐTC đã gặp gỡ và trả lời một số câu hỏi của các ký giả cùng đi trên chuyến bay. ĐTC cho biết ”Hôm nay là một ngày khá mệt đối với tôi, nhưng tôi hài lòng, vì nhiều điều chúng ta đã làm, cầu nguyện, đối thoại trong bữa ăn trưa, thật là điều rất đẹp, rồi cuộc gặp gỡ đại kết, và thánh lễ, tất cả làm cho tôi rất hài lòng”

1.Trả lời câu hỏi của một ký giả, ĐTC nhận xét rằng đây là một ngày có những cuộc gặp gỡ khác nhau, danh từ đúng để chỉ ngày này là ”gặp gỡ”. Khi một người gặp người khác, cuộc gặp gỡ này đánh động tâm hồn và làm hài lòng.. Đó là những cuộc gặp gỡ rất tích cực, rất đẹp. Bắt đầu bằng cuộc đối thoại với tổng thống Thụy Sĩ, đây không phải là một cuộc đối thoại xã giao, nhưng sâu sắc, về những đề tài quan trọng của thế giới, và với một sự thông minh làm cho tôi ngạc nhiên. Rồi những cuộc gặp gỡ các như quí vị đã thấy. Điều mà quí vị không thấy là cuộc gặp gỡ trong bữa ăn trưa (ở học viện Bossey), cuộc gặp gỡ sâu xa đề cập đến nhiều vấn đề, đề tài được nói đến nhiều là giới trẻ, vì tất cả các hệ phái Kitô đều quan tâm về giới trẻ. Và Tiền thượng HĐGM ở Roma hồi tháng 3 năm nay đã thu hút nhiều chú ý, có 315 người trẻ, cả những người trẻ không tín ngưỡng.. Điều này có lẽ đã khơi sự chú ý đặc biệt. Tóm lại đó là một cuộc gặp gỡ nhân bản, không phải là xã giao, hình thức”.

2. Trả lời câu hỏi về việc HĐGM Đức soạn chỉ nam về việc cho các tín hữu Tin Lành rước lễ Công Giáo nhưng Đức TGM Ladaria Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin đã viết một thư cho các GM Đức như hãm lại khẩn cấp. Trong cuộc gặp gỡ của các GM Đức ngày 3-5, các vị ấy được yêu cầu tìm một giải pháp đồng thuận. Vậy tại sao cần có sự can thiệp của Vatican về vấn đề này? ĐTC đáp:

”Đây không phải là một điều mới mẻ, vì trong bộ giáo luật có dự trù điều mà các GM Đức đã nói, việc cho tín hữu Kitô khác được rước lễ Công Giáo trong những trường hợp đặc biệt, liên quan đến vấn đề hôn phối hỗn hợp giữa một ngừơi Công Giáo và một Kitô hữu khác. Bộ giáo luật nói rằng GM giáo phận phải lo về vấn đề này. Các GM Đức, vì thấy không rõ ràng, một số LM hành động không hợp với GM, nên các GM Đức muốn nghiên cứu vấn đề này, và đã cho thực hiện cuộc nghiên cứu ấy, tôi không muốn nói là thái quá, và cuộc nghiên cứu dài hơn 1 năm, kỹ lưỡng. Cuộc nghiên cứu có tính chất thu hẹp: điều mà các GM muốn là nói rõ điều ấy vốn có trong bộ giáo luật. Tôi đã đọc dự thảo chỉ nam ấy, đó là điều thu hẹp chứ không phải là mở cho tất cả mọi người. Các GM muốn thực hiện điều đó cho Giáo Hội địa phương ở Đức. Điều không đúng đối với HĐGM Đức, đó là Giáo luật không trù định điều đó, bộ giáo luật không nói HĐGM có quyền làm điều ấy, vì một điều được một HĐGM phê chuẩn thì trở thành điều hoàn vũ ngay. Đó là điều khó khăn, chứ không phải là nội dung. Các GM đã gửi văn bản, rồi có hai ba cuộc gặp gỡ, Đức TGM Ladaria đã gửi một thư với phép của tôi, chứ Đức TGM không tự ý làm. Tôi nói là đồng ý, nhưng tốt hơn nên nói rằng văn kiện của HĐGM Đức chưa chín mùi, và cần phải được nghiên cứu hơn nữa. Rồi đã có một cuộc họp khác và sau cùng sẽ nghiên cứu sự việc. Tôi tin rằng đó sẽ là một văn kiện hướng dẫn, vì mỗi GM giáo phận có thể điều hành điều mà bộ giáo luật đã cho phép. Không có sự hãm lại. Khi tôi trả lời trong cuộc viếng thăm nhà thờ Tin Lành Luther ở Roma câu hỏi về vấn đề này, tôi đã trả lời theo tinh thần của bộ giáo luật, điều mà ngày nay họ đang tìm kiếm. Có lẽ đó không phải là một thông tin đúng. Bộ giáo luật cho phép Giáo phận chứ không cho HĐGM. Nhưng HĐGM có thể nghiên cứu và đưa ra những đường hướng chỉ dẫn.

3. Về vấn đề di dân và tị nạn, ĐTC cho biết ngài đã nói nhiều về vấn đề này và ngài trả lời rằng mỗi người phải hành động vấn đề tiếp nhận ngừơi tị nạn theo nhân đức riêng của chính quyền nghĩa là với sự thận trọng. Mỗi nước phải tiếp nhận theo khả năng của mình, nhận những người mình có thể hội nhập. Italia và Hy Lạp đã rất quảng đại trong việc đón tiếp. Có vấn đề là nạn buôn ngừơi di dân. Tôi đã thấy hình ảnh những kẻ buôn người ở Libia. Có một trường hợp mà tôi biết, những nhà tù của những kẻ buôn người thật là kinh khủng giống như các trại tập trung thời thế chiến thứ hai trong đó có những vụ cắt chặt thi thể và tra tấn. Thế giới quan tâm làm sao để những ngừơi di dân khỏi rơi vào tay những kẻ buôn người. Tôi biết các chính phủ nói về điều đó và muốn duyệt lại hiệp định Dublin. Tại Tây Ban Nha quí vị đã thấy trường hợp tàu Aquarius chở người di dân cập bến Valencia.

Tất cả vấn đề ở đây là sự xáo trộn, vấn đề đói ở Phi châu người ta có thể giải quyết. Bao nhiêu chính phủ Âu Châu đang nghĩđ ến việc đầu tư tại các nước ấy..

ĐTC nói thêm rằng:

Trong trí tưởng tượng tập thể có một tư tưởng xấu: đó là cần phải khai thác Phi châu. Họ vẫn luôn là những người nô lệ. Cần phải thay đổi kế hoạch ấy. Cả tại Hoa Kỳ cũng có vấn đề di trú. Mỹ châu la tinh dân chúng bỏ đồng quê tới các thành phố lớn, nhưng cũng có cuộc di cư ra nước ngoài, tới những người có công ăn việc làm, và về điểm này tôi đồng thuận với điều mà các nước ấy nói..

4. Một ký giả khác hỏi ĐTC xem Giáo Hội Công Giáo có hiệp với các Giáo Hội khác gọi là Giáo Hội hòa bình để loại bỏ ý tưởng về cuộc chiến tranh chính đáng hay không?

ĐTC nhận xét: ”Bạn đã đặt ngón tay vào đúng vết thương. Hôm nay, trong bữa ăn trưa ở Học viện đại kết Bossey, một mục sư nói với tôi: ”Có lẽ nhân quyền đầu tiên phải là quyền được hy vọng” và chúng tôi đã nói về cuộc khủng hoảng các nhân quyền ngày nay. Cuộc khủng hoảng này ta thấy rõ khi nói về điểm này, nhưng bao nhiêu là nhóm, và một số nước không đồng ý, không có sự xác tín như cách đây 20 năm, và đây là điều trầm trọng vì chúng ta phải xem các nguyên nhân. Ngày nay các quyền con người là tương đối, kể cả quyền được hòa bình, cũng là tương đối trong một cuộc khủng hoảng về các nhân quyền. Tôi nghĩ rằng tất cả các Giáo Hội có tinh thần hòa bình phải cùng nhau làm việc và như chúng tôi đã nói trong các diễn văn ngày hôm nay, tôi cũng như các vị khác. Hòa bình là một đòi hỏi vì có nguy cơ chiến tranh.

”Có người nói: thế chiến thứ ba này nếu xảy ra, thì người ta không biết nó sẽ diễn ra với khí giới nào, và nếu có thế chiến thứ tư thì ngừơi ta đã chiến đấu với nhau bằng gậy, vì nhân loại đã bị hủy diệt rồi. Khi người ta nghĩ đến tiền bạc mà họ chi dụng cho các võ khí, thì hòa bình, tình huynh đệ, tất cả các xung đột không được giải quyết như kiểu Cain, nhưng bằng thương thuyết, đối thoại và trung gian. Chúng ta ở trong khủng hoảng về thương thuyết, khủng hoảng về hy vọng, các quyền con ngừơi và khủng hoảng về hòa bình. Và phải chăng có những tôn giáo ủng hộ chiến tranh? Thật là khó hiểu điều này, nhưng chắc chắn là có những nhóm nhỏ, cực đoan, đang tìm kiếm chiến tranh, cả các tín hữu Công Giáo chúng ta cũng có vài người, đây là điều quan trọng cần để ý.

G. Trần Đức Anh OP

ĐTC Phanxicô tham dự cuộc gặp gỡ đại kết

ĐTC Phanxicô tham dự cuộc gặp gỡ đại kết

GENÈVE. ĐTC kêu gọi Hội Đồng đại kết các Giáo Hội Kitô đẩy mạnh sứ mạng loan báo Tin Mừng song song với các hoạt động đại kết.

Trên đây là nội dung chính bài diễn văn của ĐTC chiều ngày 21-6-2018 trong cuộc viếng thăm tại trụ sở Hội đồng đại kết ở Genène, Thụy Sĩ.

Sau khi nghỉ trưa tại Học Viện Đại kết Bossey, lúc quá 3 giờ chiều, ĐTC đã trở lại Trung Tâm Đại kết để tham dự cuộc gặp gỡ đại kết với các chức sắc của Hội đồng và các thành viên Ủy ban trung ương Hội đồng đại kết.

Mục Sư Tổng thư ký Tveit và nữ mục sư Agnes Aboum đã chào mừng ĐTC và trình bày hành trình đại kết mà Hội đồng theo đuổi từ lâu nay. Tiếp đến là diễn văn của ĐTC.

Diễn văn của ĐTC

Ngài nhắc đến lòng nhiệt thành của những người đã thành lập Hội đồng đại kết cách đây 70 năm và nhận xét rằng:

”Được thúc đẩy do ý muốn của Chúa Giêsu, họ không để cho mình bị kẹt vào những nút chặn của những tranh luận, nhưng đã tìm được sự táo bạo nhìn xa hơn và tin tưởng nơi sự hiệp nhất, vượt thắng những hàng rào nghi kỵ và sợ hãi… Chúng ta là những người được thừa hưởng đức tin, đức mến và đức cậy trong của bao nhiêu người, với sức mạnh dịu dàng của Tin Mừng, họ đã có can đảm lật ngược hướng đi của lịch sử, thứ lịch sử đã làm cho chúng ta nghi kỵ nhau và trở nên xa lạ đối với nhau và hỗ trợ cái vòng quỉ quái liên tục phân hóa. Nhờ Chúa Thánh Linh, Đấng soi sáng và hướng dẫn phong trào đại kết, hướng đi đã thay đổi và một con đường vừa mới mẻ và cổ kính, đã được vạch ra một cách không thể xóa nhòa: đó là con đường hiệp thông hòa giải, tiến về sự biểu lộ rõ ràng tình huynh đệ đã liên kết các tín hữu Kitô.

Hội đồng đại kết đã được khai sinh như một dụng cụ của Phong trào đại kết được khơi dậy nhờ tiếng gọi mạnh mẽ thi hành sứ vụ truyền giáo: làm sao các tín hữu Kitô có thể loan báo Tin Mừng nếu họ chia rẽ nhau? Câu hỏi cấp thiết này vẫn được gửi tới hành trình của chúng ta và diễn tả lời nguyện của Chúa cầu cho chúng hiệp nhất ”để thế gian tin” (Ga 17,21).

ĐTC nhiệt liệt cám ơn những người đã dấn thân cho chính nghĩa đại kết nhưng ngài cũng bày tỏ một quan tâm, đó là phong trào đại kết và sứ mạng truyền giáo không còn liên kết chặt chẽ với nhau như từ đầu. Mệnh lệnh truyền giáo, không phải chỉ là phục vụ và thăng tiến phát triển nhân bản, và không thể bị lãng quên hoặc làm cho trống rỗng. Nó chính là căn tính của chúng ta. Loan báo Tin Mừng cho đến tận bờ cõi trái đất là điều thuộc về bản tính Kitô hữu của chúng ta. Dĩ nhiên cách thức truyền giáo thay đổi theo thời đại và nơi chốn, và đứng trước cám dỗ, rất tiếc vẫn còn ngày nay, đó là áp đặt những tiêu chuẩn trần tục, chúng ta cần nhớ rằng Giáo Hội của Chúa Kitô tăng trưởng nhờ sự thu hút.

ĐTC đặt câu hỏi:

”Nhưng hấp lực này hệ tại điều gì? Chắc chắn là không hệ tại những ý tưởng, chiến lược hoặc chương trình của chúng ta. Người ta không tin Chúa Giêsu Kitô nhờ việc thu thập sự đồng thuận và Dân Chúa không thể bị biến hành một tổ chức phi chính phủ. Không phải vậy, sức thu hút ở đây hệ tại hồng ân cao cả đã chinh phục thánh Phaolô Tông Đồ, đó là ”Biết Chúa Kitô, quyền năng sự phục sinh của Chúa, sự hiệp thông với những đau khổ của Ngài” (Phil 3,10). Niềm hãnh diện duy nhất của chúng ta là ”được biết vinh quang của Thiên Chúa trên khuôn mặt của Chúa Kitô” (2 Cr 4,6) được Thánh Linh Đấng Ban sự sống ban tặng cho chúng ta…

ĐTC nhận xét rằng ”Điều mà chúng ta đang thực sự cần, chính là một đà tiến mới trong việc loan báo Tin Mừng. Chúng ta được kêu gọi trở thành dân tộc sống và chia sẻ niềm vui Tin Mừng, chúc tụng Chúa và phục vụ anh chị em, với tâm hồn nồng nhiệt mong ước mở ra những chân trời tốt lành và đẹp đẽ chưa từng có cho những người chưa được phúc thực sự nhận biết Chúa Giêsu. Tôi xác tín rằng, nếu đà tiến truyền giáo gia tăng, thì tình hiệp nhất giữa chúng ta cũng được gia tăng”.

ĐTC cho biết: ”Tôi muốn đích thân tham dự những buổi lễ mừng kỷ niệm Hội đồng đại kết này cũng để tái khẳng định sự dấn thân của Giáo Hội Công Giáo trong chính nghĩa đại kết và để khích lệ sự cộng tác với các Giáo Hội thành viên và với những đối tác đại kết.”

Và trong chiều hướng này, ĐTC nhắc đến khẩu hiệu của các buổi lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Hội đồng đại kết là: tiến bước, cầu nguyện và cộng tác với nhau. Riêng về điểm này, ngài tái khẳng định rằng ”Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận tầm quan trọng đặc biệt của công việc mà Ủy ban đức tin và hiến chế của Hội đồng Đại kết thực hiện và muốn tiếp tục góp phần vào công việc này qua sự tham gia của các thần học gia có trình độ cao. Nghiên cứu của Ủy ban Đức tin và Hiến chế để đạt tới một quan niệm chung về Giáo Hội và công việc phân định của Ủy ban về những vấn đề luân lý đạo đức có liên hệ tới những điểm nòng cốt trong thách đố đại kết..”

Cuộc gặp gỡ dài hơn 1 tiếng đồng hồ và kết thúc với kinh Lạy Cha. ĐTC ban phép lành cho mọi người và tiếp tục hành trình tiến về Trung Tâm triển lãm Palexpo cạnh phi trường quốc tế Genève để cử hành thánh lễ cho 41 ngàn tín hữu Công Giáo.

Giuse Trần Đức Anh OP

Sứ điệp Đức Thánh Cha Ngày Thế giới người nghèo lần II

Sứ điệp Đức Thánh Cha Ngày Thế giới người nghèo lần II

VATICAN. ĐTC mời gọi toàn thể Giáo Hội cử hành Ngày Thế giới người nghèo năm nay trong niềm vui tìm lại khả năng ở cùng nhau và ngài mời các giáo sĩ tu sĩ coi ngày này như một cơ hội tái Truyền Giảng Tin Mừng.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp công bố sáng 14-6-2018 tại Vatican, chuẩn bị cho Ngày Thế Giới người nghèo sẽ được cử hành lần thứ hai vào chúa nhật thứ 33 thường niên, 18-11 năm nay, với chủ đề ”Người nghèo này kêu lên và Chúa lắng nghe họ”.

Trong sứ điệp, ĐTC mời gọi các tín hữu hãy nghiêm túc xét mình xem mình có khả năng thực sự lắng nghe người nghèo hay không… Trong chiều hướng này, ”Ngày thế giới người nghèo muốn là một câu trả lời từ toàn Giáo Hội, rải rác khắp nơi trên thế giới, câu trả lời bé nhỏ cho những người nghèo thuộc mọi loại và mọi nơi, để họ khỏi nghĩ rằng tiếng kêu của họ rơi vào khoảng trống. Có lẽ câu trả lời của Giáo Hội chỉ là một giọt nước trong sa mạc nghèo khổ, nhưng câu trả lời ấy có thể là một dấu chỉ sự chia sẻ đối với những người đang ở trong tình trạng túng thiếu, để họ cảm thấy sự hiện diện tích cực của một người anh chị em”.

ĐTC nhận xét rằng trong Ngày Thế giới người nghèo lần đầu tiên cử hành hồi tháng 11 năm 2017, tại nhiều giáo phận người nghèo được mời dùng bữa, nhiều người tìm được bầu không khí ấm cúng của một gia đình, niềm vui của một bữa tiệc và tình liên đới của những người muốn chia sẻ bữa ăn với họ một cách đơn sơ và huynh đệ.. Năm nay và trong tương lai, tôi muốn điều ấy xảy ra và Ngày Thế Giới người nghèo được cử hành dưới dấu hiệu vui mừng vì tìm lại được khả năng ở với nhau, cầu nguyện chung với nhau và chia sẻ bữa ăn ngày chúa nhật”.

Sau cùng, ĐTC mời gọi các LM, LM, tu sĩ nam nữ và giáo dân trong các giáo xứ, các hội đoàn và phong trào hãy làm cho câu trả lời của Giáo Hội cho tiếng kêu của người nghèo trở nên cụ thể, sống ngày này như một thời điểm ưu tiên của công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng, giúp chúng ta khám phá mỗi ngày vẻ đẹp của Tin Mừng. Chúng ta đừng để cơ hội ân phúc này rơi vào hư vô”.

Trong dịp Ngày thế giới các người nghèo lần thứ I năm ngoái, ĐTC đã mời hàng ngàn người dùng bữa với ngài tại Đại thính đường Phaolô 6, và ngàn ngàn người khác được mời dùng bữa một số trường ở Roma. Năm ngay, cũng sẽ tái diễn các hoạt động tương tự. 3 ngàn người nghèo sẽ dùng bữa với ĐTC tại Đại thính đường Phaolô 6 sau thánh lễ bắt đầu lúc 9 giờ 30 tại Đne thờ thánh Phêrô (Rei 14-6-2018)

G. Trần Đức Anh OP

Ước mong sống tràn đầy hạnh phúc

Ước mong sống tràn đầy hạnh phúc

** Nơi từng người trong chúng ta đều có ước muốn một cuộc sống tràn đầy. Kẻ thù tệ hại nhất của chúng ta không phải là các vấn đề, cho dù chúng có nghiêm trọng và thê thảm tới đâu đi nữa, nguy hiểm lớn nhất của sự sống là một tinh thần thích nghi xấu không phải là sự hiền dịu hay khiêm nhường, nhưng là sự tầm thường xoàng xĩnh, là sự hèn nhát. Cần có ai đó mời gọi chúng ta đi xa hơn, làm nhiều hơn, nhảy vào điều còn thiếu, duyệt xét cái bình thường để rộng mở cho cái ngoại thường.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tu hàng tuần hôm qua. Trước khi bắt đầu ĐTC nhắc cho mọi người biết hôm qua là lễ kính thánh Anton thành Padova. Ngài hỏi ai có tên thánh là Anton và mời mọi người vỗ tay mừng bổn mạng họ.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã bắt đầu loạt bài giáo lý mới về các giới răn của Chúa. Ngài giải thích ý nghĩa trình thuật trong chương 10 Phúc Âm thánh Marco kể lại cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu của người thanh niên nhà giầu muốn có cuộc sống tràn đầy, nên đến quỳ gối hỏi Chúa: “Lậy Thầy, con phải làm gì để có cuộc sống vĩnh cửu. Chúa Giê su đáp: “"Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ." Anh ta nói: "Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ." Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: "Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi." ĐTC giải thích:

Trong câu hỏi đó có thách đố của mọi cuộc sống, cả thách đố cuộc sống của chúng ta nữa: ước mong một cuộc sống tràn đầy, vô tận…  Nhưng làm thế nào để đạt được nó đây? Phải theo con đường nào? Sống thực sự, sống một cuộc đời  cao quý… Có biết bao nhiêu người  trẻ tìm “sống” nhưng rồi lại tự hủy hoại mình bằng cách chạy theo những điều phù phiếm mau qua.

** Có vài người nghĩ rằng tốt hơn là dập tắt thúc đẩy này – thúc đầy của sự sống –  bởi vì nó nguy hiểm. Tôi muốn đặc biệt nói với giới trẻ: Kẻ thù tệ hại nhất của chúng ta không phải là các vấn đề, cho dù chúng có nghiêm trọng và thê thảm tới đâu đi nữa: nguy hiểm lớn nhất của cuốc sống là một tinh thần thích nghi xấu, không phải là sự hiền dịu hay khiêm nhường, nhưng là sự tầm thường xoàng xĩnh, là sự hèn nhát. Một người trẻ xoàng xĩnh là một người trẻ có tương lại hay không? Không! Anh ta ở lại đó, không lớn lên, anh sẽ không thành công. Sự xoàng xĩnh hay sự hèn nhát. Những người trẻ sợ hãi mọi sự: “Không, tôi thì như vậy đấy…” Những người trẻ này sẽ không tiến tới. Phải hiền dịu, mạnh mẽ, nhưng không hèn nhát, không tầm thường xoàng xĩnh.

Chân phước Pier Giorgio Frarssati, đã là một người trẻ – đã nói rằng cần sống chứ không phải sống vật vờ. Những người xoàng xĩnh thì sống vật vờ. Phải sống với sức mạnh của cuộc sống.

Cần xin Thiên Chúa Cha trên trời cho giới trẻ ngày nay ơn của sự âu lo lành mạnh. Nhưng ở nhà, trong các nhà của anh chị em, trong mỗi gia đình, khi thấy một người trẻ ngồi đó suốt ngày, đôi khi cha mẹ nghĩ rằng: “Thằng này bệnh, nó có cái gì đó” và cha mẹ mang nó đi bác sĩ. Cuộc sống của ngưởi trẻ là tiến tới, là âu lo, sự âu lo lành mạnh, là khả năng không hài lòng với một cuộc sống không vẻ đẹp, không mầu sắc. Nếu các người trẻ sẽ không đói khát cuộc sống đích thật nữa, thì tôi tự hỏi nhân loại sẽ đi về đâu? Nhân loại sẽ đi về đâu với các người trẻ âu lo và không âu lo?

Câu hỏi của người trẻ trong Phúc Âm chúng ta mới nghe , ở bên trong từng người trong chúng ta: làm thế nào tìm ra sự sống, sự sống tràn đầy, niềm hạnh phúc? Chúa Giê su trả lời: “Anh biết các giới răn” (c. 19) và Ngài trích lại một phần Mười Điều Răn. Đó là một tiến trình sư phạm, qua đó Chúa Giêsu muốn dẫn tới một nơi chính xác; thật đã rõ ràng từ câu hỏi là người ấy không có sự sống tràn đầy, anh ta tìm cái gì hơn nữa, anh âu lo. Như vậy anh ta phải hiểu cái gì? Anh nói: “Lậy Thầy, tất cả những điều này con đã giữ từ tấm bé” (c. 20).

Làm thế nào để từ tuổi trẻ bước sang tuổi trưởng thành? Đó là khi người ta bắt đầu chấp nhận các hạn hẹp của mình. Người ta trưởng thành, khi tương đối hóa mình và ý thức được “điều còn thiếu” (x. c.21). Người đàn ông này bị bó buộc thừa nhận rằng tất cả những gì ông có thể làm được không vượt quá một “mái nhà”, không đi quá một ranh giới.

** Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Thật đẹp biết bao các người nam nữ! Thật quý báu biết bao cuộc sống của chúng ta! Thế nhưng có một sự thật đó là trong lịch sử của các thế kỷ cuối cùng con người đã thường khước từ sự thật về các hạn hẹp của nó với các hậu quả thê lương.

Trong Phúc Âm Chúa Giêsu nói lên điều gì đó có thể giúp chúng ta: “Anh em đừng tin rằng Thầy đến để hủy bỏ Luật Lệ hay các Ngôn Sứ; Thầy không đến để hủy bỏ nhưng để kiện toàn” (Mt 5,17). Chúa Giêsu ban tặng sự thành toàn, Ngài đến cho việc này. ĐTC giải thích thêm như sau:

Người đàn ông này phải đi đến ngưỡng của của một nhảy vọt, nơi mở ra khả thể thôi sống vì chính mình, vì các công việc, các của cải riêng và – chính vì thiếu sự sống tràn đầy – nên cần bỏ mọi sự để theo Chúa. Nhìn cho kỹ trong lời mời cuối cùng của Chúa Giêsu – lời mời vô biên tuyệt vời – không có đề nghị của sự nghèo khó, nhưng là sự giầu có, sự giầu có đích thật: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (c. 21).

Khi có thể chọn một bản gốc và một bản sao, ai lại chọn bản sao bao giờ? Đó là thách đố: tìm ra bản gốc của sự sống chứ không tìm bản sao. Chúa Giêsu không cống hiến các thay thế, nhưng cống hiến sự sống thật, tình yêu thật, sự giầu có thật! Làm sao giới trẻ có thể đi theo chúng ta, khi họ không thấy chúng ta lựa chọn bản gốc, nếu họ thấy chúng ta tùy thuộc các mực thước nửa vời?  Thật là xấu tìm thấy các kitô hữu nửa vời, kitô hữu – xin cho phép tôi dùng từ này – kitô hữu lùn; họ lớn lên cho tới một cỡ nào đó rồi thôi, kitô hữu với con tim thu nhỏ lại, đóng kín. Thật là xấu tìm thấy điều này!

Cần phải có gương của một ai đó mời gọi tôi đi xa hơn, làm nhiều hơn, lớn lên một chút. Thánh Ignazio gọi nó là “magis”, “hơn”, “là lửa, là sự  nồng nhiệt của hành động thức tỉnh những người say ngủ”.

Con đường của cái “thiếu” đi ngang qua cái “có”. Chúa Giêsu đã không đến để hủy bỏ Luật Lệ hay các Ngôn Sứ nhưng để kiện toàn. Chúng ta phải khởi hành từ thực tại để làm bước nhảy vọt “vào điều còn thiếu”. Chúng ta phải dò xét cái bình thường để rộng mở cho sự ngoại thường.

Trong các bài giáo lý này chúng ta sẽ lấy hai Tấm Bia của ông Môshê trong tư cách các các tín hữu kitô, nắm lấy tay Chúa Giêsu để từ các ảo tưởng của tuổi trẻ bước vào kho tàng trên trời, bằng cách bước theo Chúa. Chúng ta sẽ khám phá ra trong từng luật lệ cổ xưa và khôn ngoan, cánh cửa do Thiên  Chúa Cha trên trời mở ra, để Chúa Giêsu là Đấng đã bước qua đó, dẫn đưa chúng ta vào sự sống thật. Sự sống của Ngài. Sự sống các con cái của Thiên Chúa.  

** ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ Pháp, Canada, đặc biệt các học sinh trường trung học Paul Lellizan Marseille và tín hữu đền thánh Montligeon. Ngài cũng chào các nhóm đến từ Anh quốc, Ê cốt, Malta, Australia, Indonesia, Liechtenstein, Malaysia, Philippines, Canada và Hoa Kỳ, cũng như Đức đặc biệt là phong trào Shoenstadt. ĐTC nhắc nhở mọi người sốt sắng tôn sùng Thánh Tâm Chúa trong tháng 6 này và phó thác cho Chúa mọi ước mong thiên quốc của chúng ta.

Ngài cũng chào các nhóm nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, đặc biệt csc giáo sư và chủng sinh tiểu chủng viện Madrid, các tín hữu Brasil đến từ Anapolis và Palotina cũng như tín hữu Lisboa, cách riêng các học sinh trường hòa bình và huynh đoàn Pedra. Ngài chúc mọi người biết âu lo một cách lành mạnh.

Chào các tín hữu đến từ các nước vùng Trung Đông ĐTC nói Thiên  Chúa đã ban cho chúng ta cuộc sống để sống trong sư tràn đầy và dẻo dai, chứ không phải trong sự lười biếng và do dự. Ngài vén mở cho thấy phải sống nó như thế nào qua Lời hằng sống và theo các giới răn của Ngài để đạt hạnh phúc.

Chào các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC cầu mong chuyến hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ giúp họ củng cố đức tin và tìm ra các câu trả lời cho các vấn đề hiện sinh như làm thế nào để đạt cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu.

Trong các nhóm Italia ĐTC đặc biệt chào một nhóm tân linh mục giáo phận Brescia, các nữ thừa sai bác ái, các nữ tu dòng Đức Bà An Ủi và các nữ tôi tớ Đức Maria thừa tác viên của các bệnh nhân, cũng như tín hữu Abbadia di Montepulciano do ĐC Stefano Manetti hướng dẫn, tín hữu Marigliano và Grottammare, cũng như các tham dư viên đại hội do hiệp hội nhi khoa tổ chức, và các bạn trẻ đội múa cờ tỉnh Volterra.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ngài nhắc cho biết hôm qua lễ kính thánh Anton thành Padova Tiến sĩ Giáo Hội và Bổn mạng người nghèo. Ngài xin thánh nhân dậy mọi người sống vẻ đẹp của tình yêu chân thành nhưng không. Chỉ khi biết yêu thương như thánh nhân, thì mọi người sống chung quanh chúng ta mới không cảm thấy bị gạt bỏ bên lề và chúng ta sẽ ngày càng mạnh mẽ giữa các thử thách của cuộc đời.

Sau cùng ĐTC cũng nhắc đến giải túc cầu quốc tế sẽ khai diễn hôm nay bên Nga. Ngài gửi lời chào các cầu thủ và ban tổ chức, cũng như mọi người theo dõi qua các phương tiện truyền thông xã hội biến cố vô biên giới này. Ước chi biến cố biểu diễn thể thao quan trọng này trở thành dịp gặp gỡ đối thoại và sống tình huynh đệ giữa các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau, tạo thuận tiện cho tình liên đới và hòa bình giữa các quốc gia.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha ngày 11-6-2018

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha ngày 11-6-2018

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa ngày 11-6-2018 với 25 ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC mời gọi các tín hữu đừng sa chước cám dỗ nói xấu, làm mất thanh danh tha nhân. Ngài cũng mời cầu nguyện cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ và Bắc Triều Tin ở Singapore được thành công.

Trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh, ngài đã diễn giải về bài Tin Mừng chúa nhật thứ 10 thường niên năm B, (Mc 3,20-35) thuật lại phản ứng của Chúa trước những lời cáo buộc của các luật sĩ cho rằng ngài nhờ tướng quỉ Beelzebul mà trừ quỉ. Cuối buổi đọc kinh, ngài cũng kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho cuộc gặp gỡ thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều tiên tại Singapore.

Huấn dụ của ĐTC

“Tin Mừng chúa nhật hôm nay chỉ cho chúng ta thấy hai loại hiểu lầm ngài phải đương đầu: thứ nhất là của các luật sĩ và loại thứ hai là của chính những người thân của Ngài.

Hiểu lầm thứ nhất. Các luật sĩ là những người thông thạo Kinh Thánh được giao phó nhiệm vụ giải thích Kinh Thánh cho dân. Một số người trong họ được sai từ Jerusalem đến miền Galilea, nơi tiếng tăm của Chúa Giêsu bắt đầu lan rộng, để làm mất uy tín của Ngài trước mặt dân chúng: họ đến để thi hành nhiệm vụ nói xấu, làm mất uy tín người khác, tước bỏ quyền thế, đó là điều xấu. Và những người được sai đến để thi hành điều ấy. Các luật sĩ đã đưa ra lời cáo buộc rõ ràng và kinh khủng – họ chẳng do dự, và đi thẳng vào trọng tâm vấn đề và nói thế này: ”Ông ấy bị quỉ Beelzebul ám và đã trừ quỉ nhờ tướng quỉ” (v.22); điều này có nghĩa hơn kém thế này: ”Ông ta là người bị quỉ ám”. Thực vậy Chúa Giêsu chữa lành nhiều người bệnh và các luật sĩ ấy muốn làm cho người ta tin rằng Chúa trừ quỉ không phải với Thần Linh của Thiên Chúa, nhưng là do thần quỉ ma. Chúa Giêsu đã phản ứng lại bằng những lời mạnh mẽ và rõ ràng, Ngài không dung thứ điều ấy, vì các luật sĩ ấy. có lẽ vô tình đang rơi vào tội nặng nhất, đó là phủ nhận và phạm thượng chống Tình Yêu của Thiên Chúa hiện diện và hoạt động trong Chúa Giêsu. Đó là tội chống lại Chúa Thánh Linh, là tội duy nhất không được tha, vì nó đi từ sự khép kín tâm hồn đối với lòng thương xót của Thiên Chúa hoạt động trong Chúa Giêsu.

Nhưng giai thoại này cũng chứa đựng một lời cảnh giác cho tất cả chúng ta. Thực vậy, có thể xảy ra cho chúng ta là một sự ghen tương mạnh mẽ đối với sự tốt lành và những công việc thiện của một ngừơi và lòng ghen ấy có thể thúc đẩy ta cáo gian người ấy. Ở đây có một nọc độc chết người: sự gian ác qua đó người ta cố tình muốn hủy diệt thanh danh người khác. Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi cám dỗ kinh khủng ấy!”. Và khi xét mình, chúng ta thấy cỏ dại này đang nảy mầm trong chúng ta, thì chúng ta hãy đi xưng thú ngay trong bí tích thống hối, trước khi nó phát triển và tạo nên những hậu quả tai ác, bất trị. Anh chị em hãy chú ý, vì thái độ ấy hủy hoại các gia đình, các tình bạn, các cộng đoàn và cả xã hội nữa.

 Tin Mừng hôm nay cũng nói vơi chúng ta về một sự hiểu lầm thứ hai đối với Chúa Giêsu, một hiểu lầm rất khác biệt: đó là sự hiểu lầm của những người thân Chúa Giêsu. Họ lo lắng vì đời sống mới lưu động của ngài đối với họ là một sự điên rồ (Xc v.21). Thực vậy, Chúa tỏ ra sẵn sàng đối với dân chúng, nhất là với các bệnh nhân và người tội lỗi, đến độ không có giờ ăn uống nữa. Chúa Giêsu là như thế: dân chúng trước, phục vụ dân chúng, giúp đỡ họ, giảng dạy họ, chữa lành cho dân. Ngài chẳng có giờ để ăn uống. Vì thế những người thân của Ngài quyết định đến đưa Ngài về Nazareth. Họ đến nơi Chúa Giêsu đang giảng và sai người gọi Ngài. Người ta báo: ”Này, Mẹ thầy, các anh chị em Thầy đang đứng ngoài kia tìm Thầy” (v.32). Ngài đáp: ”Ai là mẹ tôi, ai là anh em tôi?” và nhìn những người đang ngồi quanh để lắng nghe, Ngài nói tiếp: ”Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi! Vì ai làm theo ý Thiên Chúa, người ấy là anh em, chị em và là mẹ tôi” (vv.33-34). Chúa Giêsu đã thiết lập một gia đình mới, không còn dựa trên những liên hệ tự nhiên nữa, nhưng trên niềm tin vào Ngài, trên tình yêu của Ngài đón nhận và liên kết chúng ta với nhau, trong Chúa Thánh Linh. Tất cả những ai đón nhận Lời Chúa Giêsu đều là con cái Thiên Chúa và là anh chị em với nhau. Đón nhận Lời Chúa Giêsu làm cho chúng ta trở nên anh chị em với nhau, làm cho chúng ta thành gia đình của Chúa Giêsu. Nói xấu người khác, hủy hoại thanh danh người khác, làm cho chúng ta thành gia đình của ma quỉ”.

Câu trả lời này của Chúa Giêsu không phải là thiếu kính trọng đối với Mẹ và các thân nhân của Ngài. Trái lại, đối với Mẹ Maria đó là một sự nhìn nhận lớn hơn, vì chính Mẹ là môn đệ tuyệt hảo đã vâng phục thánh ý Thiên Chúa trong mọi sự. Xin Đức Trinh Nữ giúp đỡ chúng ta luôn sống hiệp thông với Chúa Giêsu, nhìn nhận công trình của Chúa Thánh Linh hoạt động trong Người, để tái sinh thế giới vào một đời sống mới”.

Kêu gọi và chào thăm

Sau khi ban Phép lành, ĐTC mời gọi các tín hữu hiệp với ngài cầu nguyện cho cuộc gặp gỡ thượng đỉnh từ ngày 11-6 này tại Singapore giữa tổng thống Donald Trump của Mỹ và Chủ tịch Kim Chánh Ân của Bắc Triều Tiên. Ngài nói:

”Tôi muốn tái gửi đến nhân dân Hàn quốc yêu quí một tư tưởng đặc biệt trong tình thân hữu và trong kinh nguyện. Ước gì các cuộc đàm phán trong những ngày tới đây tại Singapore có thể góp phần vào việc phát triển một hành trình tích cực, bảo đảm một tương lai hòa bình cho bán đảo Triều Tiên và cho toàn thế giới. Chúng ta hãy cầu cho ý nguyện này. Cùng nhau chúng ta cầu xin Mẹ Maria, Nữ Vương Triều Tiên, xin Mẹ đồng hành với các cuộc đàm phán này.”

ĐTC cũng nhắc đến lễ phong chân phước chiều chúa nhật hôm qua (10-6) tại thành phố Agen miền nam Pháp:

”Hôm nay tại thành phố Agen bên Pháp, nữ tu Maria Đức Mẹ Vô nhiễm, tục danh là Adelaide de Batz de Trenquelléon được phong chân phước. Chị sống giữa thế kỷ 18 và 19, và đã thành lập dòng Nữ Tử Đức Maria Vô Nhiễm, quen gọi là dòng nữ Marianiste. Chúng ta hãy chúc tụng Chúa vì nữ tử của Chúa đã hiến cuộc đời cho Chúa và phụng sự anh chị em”. Chúng ta hãy vỗ tay mừng vị chân phước mới.

ĐTC cũng chào thăm tất cả các tín hữu Roma và những ngừơi hành hương, các nhóm giáo xứ, các gia đình, hội đoàn. Ngài đặc biệt chào các tín hữu đến từ Tây Ban Nha: từ thành Murcia, Pamplona và Logrono. Từ Italia có các tín hữu đến từ Napoli, các bạn trẻ từ Mestrino..

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha cổ võ sự gia tăng năng lượng tôn trọng môi trường

Đức Thánh Cha cổ võ sự gia tăng năng lượng tôn trọng môi trường

VATICAN. ĐTC mạnh mẽ cổ võ sự gia tăng năng lượng đồng thời tôn trọng môi trường.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 9-6-2018 dành cho các vị lãnh đạo, các nhà đầu tư và các chuyên gia tham dự cuộc hội thảo quốc tế tại Vatican trong hai ngày mùng 8 và 9-6 về đề tài ”sự chuyển tiếp năng lượng cho căn nhà chung của chúng ta”. Cuộc Hội thảo do Hàn lâm viên khoa học Tòa thánh tổ chức.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có ĐHY Peter Turkson, Bộ trưởng Bộ phát triển nhân bản toàn diện.

 Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC nhắc đến sự gia tăng nhu cầu về năng lượng trên thế giới. Hơn 1 tỷ người nghèo chưa có điện. Tuy nhiên, ĐTC nói – chất lượng của không khí, mực nước biển, số lượng nước ngọt của trái đất, khí hậu và sự quân bình của hệ thống sinh thái, – không thể bị thiệt hại vì cách thức con người thỏa mãn cơn khát năng lượng của mình, với những chênh lệch nặng nề. Để thỏa mãn cơn khát ấy, không thể gia tăng sự khao khát nước, hoặc tăng sự nghèo đói và loại trừ trong xã hội. Nhu cầu cần có năng lượng gia tăng để làm cho máy hoạt động không thể được thỏa mãn bằng cách làm ô nhiễm không khí chúng ta thở hít..

 Trong bối cảnh trên đây, ĐTC khẳng định rằng ”Cần tìm ra một chiến lược hoàn cầu dài hạn, mang lại an ninh năng lượng và tạo điều kiện cho sự ổn định kinh tế, bảo vệ sức khỏe và môi trường, thăng tiến sự phát triển nhân bản toàn diện, ấn định những nghĩa vụ chính xác để đương đầu với vấn đề thay đổi khí hậu”.

 ĐTC cũng than phiền vì người ta tiếp tục tìm kiếm và khai thác các mỏ dầu hỏa làm ô nhiễm môi trường mặc dù có Hiệp định đã ký kết tại Paris năm 2015 về việc làm giảm nhiệt độ trái đất. ”Viễn tượng đang mong ước có năng lượng cho tất cả mọi người không thể đưa tới cái vòng lẩn quyễn ngày càng có sự thay đổi khí hậu trầm trọng, làm gia tăng nhiệt độ trái đất, và những điều kiện cam go của môi trường, gia tăng mức độ nghèo đói.

 ĐTC kêu gọi thực thi tình liên đới trong nhân loại với ý thức tất cả họp thành một gia đình nhân loại duy nhất và có liên hệ mật thiết với nhau.

Cũng nên nói rằng danh sách các tham dự viên không được công bố, nhưng theo mạng tin The Tablet ở Anh quốc, có giới lãnh đạo công ty dầu hỏa Anh quốc, British Petroleum (BP), hãng Exxon Mobel của Mỹ, cũng như quỹ đầu tư lớn nhất thế giới tên là BlackRock.

Đề tài cuộc hội thảo nhắc đến một chương trong thông điệp Laudato sì của ĐTC Phanxicô về việc bảo vệ căn nhà chung là trái đất. Sinh hoạt này diễn ra 10 ngày trước kỷ niệm 3 năm công bố thông điệp nổi tiếng này về môi sinh. Thông điệp cũng sẽ là đề tài của một hội nghị quốc tế cỡ lớn diễn ra trong hai ngày mùng 5 và 6-7 tới đây. Trong đoạn số 165 của Thông điệp, ĐTC khẳng định rằng ”Kỹ thuật dựa trên các nhiên liệu phiến thạch rất ô nhiễm, nhất là than đá, và cả dầu hỏa, cũng như khí đốt, cần được mau lẹ dần dần thay thế”.

ĐTC Phanxicô coi cuộc chiến chống sự hâm nóng trái đất và khí hậu là một trong những hoạt động trong triều đại giáo hoàng của ngài,và ngài đặc biệt ủng hộ hiệp định Paris về khí hậu do Liên Hợp Quốc triệu tập hồi năm 2015, quen gọi là COP21. Mục đích Hội nghị là giới hạn sự hâm nóng trái đất giữa 1 độ rưỡi đến 2 độ từ nay cho đến năm 2100 (Rei 9-6-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

Công bố tài liệu chuẩn bị Thượng HĐGM Amazzonia

Công bố tài liệu chuẩn bị Thượng HĐGM Amazzonia

VATICAN. Hôm 8-6-2018, Tòa Thánh đã công bố Tài liệu chuẩn bị Thượng HĐGM đặc biệt về miền Amazzonia bên Nam Mỹ, sẽ nhóm vào tháng 10 năm tới, 2019, tại Roma.

Văn kiện mang tựa đề ”Amazzonia: những hành trình mới đối với Giáo Hội và để đạt tới một nền môi sinh toàn diện”.

Văn kiện dài 17 trang chữ nhỏ, ngoài phần nhập đề, được chia làm 3 phần theo phương pháp: nhìn, phân định (phán đoán) và hành động. Sau cùng có phần các câu hỏi để tham khảo ý kiến các HĐGM, các Giáo Hội Công Giáo đông phương, và các cơ quan khác của Tòa Thánh và Giáo Hội.

Phần I nhìn căn tính và tiếng kêu của miền Amazzonia hiện nay, phần II Phân định và hướng tới một sự hoán cải mục vụ và môi sinh, sau cùng Phần III đề nghị những hành động: những con đường mới cho Giáo Hội có khuôn mặt của miền Amazzonia.

Dựa theo các bản trả lời từ các nơi gửi về Roma, một tài liệu làm việc sẽ được soạn thảo và dùng làm căn bản cho các cuộc thảo luận tại Công nghị GM.

Tài liệu chuẩn bị trên đây được trình bày trong cuộc họp báo sáng hôm qua (8-6) tại Phòng báo chí Tòa Thánh do ĐHY Lorenzo Baldisseri Tổng thư ký Thượng HĐGM, cùng với Đức Cha Phó Tổng thư ký và LM Paolo Mora, nhân viên của Văn phòng này.

ĐHY cho biết cả một số đại diện thổ dân sẽ tham dự Thượng HĐGM trong tư cách là dự thính viên, theo quí chế của Thượng HĐGM. Họ có thể lên tiếng nhất là trong các phiên họp nhóm, nhưng khôn gcó quyền bỏ phiếu. Tuy nhiên, sẽ không có sự hiện diện của các chính quyền hay đảng phái, vì Thượng HĐGM không phải là nơi dành cho họ. (Rei 8-6-2018)

G. Trần Đức Anh OP

Chương trình đọc kinh Mân Côi toàn cầu để cầu nguyện cho các linh mục

Chương trình đọc kinh Mân Côi toàn cầu để cầu nguyện cho các linh mục

Dublin, Ailen – Vào thứ 6, 08/06, lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, nhiều đền thánh Đức Mẹ tại hơn 50 quốc gia sẽ tham gia chương trình đọc Kinh Mân côi 24 giờ, để cầu nguyện cho ơn gọi linh mục.

Trong một thông cáo, WorldPriest (Linh mục thế giới), một hoạt động tông đồ nhắm liên kết các linh mục và giáo dân bằng lời cầu nguyện, tổ chức sự kiện này, viết: “Đây là một cơ hội cho chúng ta hướng tâm lòng lên Chúa để cầu nguyện cho các linh mục trong sứ vụ của họ.”

Tổ chức WorldPriest cho biết: “Mỗi đền thánh tham dự sự kiện đọc một mầu nhiệm đặc biệt của chuỗi Mân Côi trong 30 phút trong ngày để cám ơn Chúa về các linh mục và cầu xin Chúa bảo vệ các ngài và xin Mẹ Maria, Mẹ của các linh mục, chăm sóc các ngài trong tình yêu thương của Mẹ.”

Chương trình đọc kinh Mân Côi này được WorldPriest bắt đầu cách đây 9 năm. Sẽ có hơn 150 đền thánh Đức Mẹ và giáo xứ, bao gồm 35 đền thánh tại Hoa kỳ, sẽ tham dự chương trình đọc kinh Mân Côi cầu nguyện cho linh mục vào thứ sáu lễ Thánh Tâm năm nay.

Theo lịch trình, mỗi nửa giờ trong suốt cả ngày, mỗi đền thánh sẽ cầu nguyện một mầu nhiệm Mân Côi, và cùng xin Đức Mẹ trong suốt 24 giờ. Tổ chức WorldPriest cho biết: “Đến nửa đêm ngày 08/06/2018, toàn thế giới sẽ được bao bọc bởi lời cầu nguyện cho các linh mục vào Ngày Cầu nguyện Kinh Mân Côi hàng năm này. Những người không thể tham dự việc cầu nguyện tại các đền thánh được mời gọi đọc kinh Mân côi cách cá nhân hay theo nhóm.”

Tổ chức WorldPriest giải thích rằng Kinh Mân Côi được đọc để cầu nguyện cho các linh mục; xin cho sứ vụ linh mục của các ngài được chúc lành với ơn Chúa, qua lời cầu nguyện của chúng ta; xin cho, qua sự hiệp thông cầu nguyện trên toàn thế giới, các linh mục cảm nghiệm được sự biết ơn và nâng đỡ của chúng ta; và cuối cùng xin cho các linh mục kiên vững trong sự hiệp nhất với Chúa Kitô và Giáo hội của Người và chăm sóc đoàn chiên của Chúa, đưa họ đến những đồng cỏ an lành trong Nước Chúa.

WorldPriest được doanh nhân Marion Mulhall thành lập vào năm 2003, đáp lại lời kêu gọi Đức Giáo hoàng về Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho việc thánh hóa các linh mục. Tổ chức này hoạt động để hỗ trợ và thăng tiến phẩm giá và món quà của chức linh mục qua những nỗ lực như chương trình đọc kinh Mân Côi toàn thế giới. (CNA 06/06/2018)

Hồng Thủy

Các nữ tu truyền giáo thuộc Hội dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu: thúc đẩy quyền của các cộng đoàn bản địa và loan báo Tin Mừng bằng ngôn ngữ của họ

Các nữ tu truyền giáo thuộc Hội dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu: thúc đẩy quyền của các cộng đoàn bản địa và loan báo Tin Mừng bằng ngôn ngữ của họ

Các nữ tu truyền giáo thuộc Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu hiện diện tại cộng đồng Shipibo-Konibo, ở huyện Yarinacocha, thuộc tỉnh Ucayali của Peru từ 41 năm qua. Sự hiện diện của các nữ tu cho toàn bộ người Shipibo-Konibo và đặc biệt cho các gia đình để hiểu biết sâu sắc về giá trị truyền thống của nhóm dân tộc này, cũng như tích cực bảo vệ quyền văn hóa và môi trường của họ.

Các nữ tu giao tiếp và cử hành các nghi lễ phụng vụ bằng ngôn ngữ Shipibo. Sơ Amparo Zaragoza Castello, một trong ba nữ tu đang hiện diện cùng với họ nói: “Đối với chúng tôi, tầm nhìn của họ đối với thế giới – thậm chí ngay cả khi chúng tôi không hoàn toàn biết nó – chưa bao giờ là một vấn đề khi nói đến việc rao giảng Tin Mừng, bởi vì ngay từ đầu chúng tôi đã cố gắng tôn trọng và hội nhập văn hóa của họ theo những chỉ dẫn của Công đồng Vatican II; đồng thời bắt đầu từ việc hội nhập văn hóa, chúng tôi chia sẻ và công bố Tin Mừng của Chúa Giêsu”.

Nói về công việc truyền giáo của mình, nữ tu Zaragoza cho biết rằng điều này “đòi hỏi những khoảnh khắc mạnh mẽ của việc từ chối đối với chúng tôi, chứ không phải bởi những người mà chúng tôi cùng đồng hành, nhưng từ các cá nhân và xã hội, mà trong nhiều năm, đã cố gắng sở hữu sự phong phú về văn hóa và những nguồn tài nguyên của lãnh thổ”.

Là một phần trong sự dấn thân truyền giáo của mình, Hội dòng khuyến khích các quyền của những người Shipobo-konibo, giúp họ bảo vệ lãnh thổ của họ và cố gắng nghiên cứu về luật bảo vệ họ. Sơ Zaragoza nhấn mạnh rằng các nữ tu luôn cố gắng ghi nhớ những gì Tông Huấn Evangelii Nuntiandi nói ở số 31: “Giữa việc Phúc Âm hóa và việc thăng tiến con người, tức phát triển và giải phóng, có những mối liên hệ sâu xa thực sự. Liên hệ có tính cách nhân văn, bởi vì con người cần được Phúc Âm hóa không phải là một hữu thể trừu tượng nhưng gắn liền với những vấn đề xã hội và kinh tế. Liên hệ có tính cách thần học, bởi vì chúng ta không thể tách rời bình diện Sáng tạo khỏi bình diện Cứu chuộc; thật thế, ơn cứu chuộc cũng đạt tới những hoàn cảnh rất cụ thể của sự bất công cần phải chấm dứt và sự công bình phải tái lập. Bác ái là liên hệ tiêu biểu nhất của Tin Mừng: Thực vậy, làm sao có thể loan truyền điều răn mới mà không làm phát triển sự lớn mạnh đích thực của con người trong công lý và hòa bình? Cần phải nhắc lại rằng không thể chấp nhận quan niệm cho rằng: “Việc Phúc Âm hóa có thể hoặc phải khinh thường những vấn đề hết sức quan trọng và sôi nổi nhất hiện nay, liên quan đến công lý, giải phóng, phát triển và hòa bình trong thế giới. Nếu để tình trạng đó xảy ra, tức là không biết đến giáo lý Tin Mừng về tình yêu đối với tha nhân đang đau khổ hoặc thiếu thốn”.

Chính vì vậy sơ Zaragoza khẳng định: “Do đó, việc loan báo Tin Mừng và việc hình thành của cộng đồng Kitô hữu phải luôn luôn đi kèm với việc giúp đỡ cho các cuộc đấu tranh của họ, trên tất cả để được công nhận cá nhân và như một nhóm sở hữu trái đất, ghi nhớ rằng vai trò của chúng tôi là cùng đi và tư vấn cho họ, không chỉ đạo họ”.

Một trong những thách thức chính phải đối diện với tư cách là người truyền giáo, theo nữ tu Tây Ban Nha, là "biết cách tránh cú sốc văn hóa, nhưng để đảm bảo rằng có thể làm giàu lẫn nhau và từ đây nảy sinh một cái gì đó mới và phong phú cho cả hai nền văn hóa".

Người dân Shipibo-Konibo thuộc một trong 12 dân tộc bản địa có mặt tại khu vực rừng Peru. Hiện nay, nhóm  này có hơn 30 nghìn người, phân bố trên 226 cộng đồng, họ sống chủ yếu trên bờ sông Ucayali. Họ là một trong những dân tộc lâu đời nhất của khu vực của Amazon Peru. Văn hóa bản địa của họ được thể hiện trong việc áp dụng các thực hành, nguyên tắc tư tưởng và triết học được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác dưới dạng các quy tắc của cuộc sống và kiến thức truyền thống, cùng với kỷ luật nghiêm ngặt cho tất cả các gia tộc. Sự xâm nhập của chủ nghĩa thực dân làm thay đổi lối sống và sự tồn tại của người dân. Họ bắt đầu bị phân biệt chủng tộc và bóc lột tài nguyên thiên nhiên bừa bãi và trở thành nô lệ. Đã có những mâu thuẫn sắc tộc để bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên cần thiết cho sự sống còn và sự thống trị của các vùng lãnh thổ do các dân tộc khác nhau ở Amazon tạo ra.

Các tu sĩ dòng Phanxicô và dòng Tên là những nhà truyền giáo Công giáo đầu tiên tiếp xúc với cộng đồng này trong thời kỳ thuộc địa. Và ngày nay sự hiện diện của các nữ tu truyền giáo thuộc Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu thực sự là một điều cần thiết cho việc hiểu biết sâu sắc về giá trị truyền thống của nhóm dân tộc này, cũng như tích cực bảo vệ quyền văn hóa và môi trường của họ.(Agenzia Fides 03/5/2018)

Ngọc Yến

90 năm tuổi đời và 65 năm linh mục của hai anh em sinh đôi nhà Sarzilla

90 năm tuổi đời và 65 năm linh mục của hai anh em sinh đôi nhà Sarzilla

Sáng ngày 30 tháng 5 vừa qua, tại nhà thờ giáo xứ Valgoglio, tỉnh Bergamo, miền Bắc nước Ý, hai anh em linh mục sinh đôi Attilio và Giovanni Sarzilla đã dâng Thánh lễ tại ơn, kỷ niệm 65 năm linh mục.

Attilio và Giovanni Sarzilla là hai anh em sinh đôi chào đời ngày 12 tháng 10 năm 1928. Cả hai anh em đều có đam mê leo núi, đặc biệt là những vách núi và sườn núi dốc của dãy Dolomiti. Từ khi chào đời, hai anh em sinh đôi Attilio gắn bó và không xa rời nhau, ngay cả khi họ gia nhập chủng viện. Và cách nay 65 năm, ngày 30 tháng 5 năm 1953, hai anh em Attilio và Giovanni đã được Đức cha Adriano Bernareggi, giám mục giáo phận Bergamo lúc đó, truyền chức linh mục. Sau Thánh lễ mở tay, hai cha được Đức giám mục bổ nhiệm đến những giáo xứ khác nhau, nhưng họ vẫn luôn cố gắng liên lạc và gặp nhau khi có thể. 65 năm Linh mục phục vụ Tin mừng, thi hành sứ vụ với sự khiêm nhường và nhiệt thành, giúp đỡ anh em và những người nghèo khổ. Hai cha tin rằng thiên nhiên và nghệ thuật giúp nâng tâm hồn con người và giúp cho con người gặp gỡ Thiên Chúa.

Trong Thánh lễ tại ơn mừng kỷ niệm 65 năm linh mục, cha Attilio đã xúc động chia sẻ: “Đây là một hồng ân, bởi vì dù cho những bệnh tật của tuổi già, Thiên Chúa đã ban cho chúng tôi cơ hội vẫn còn được ở đây và ở cùng với nhau. Cha Attilio kể tiếp: “Người vào chủng viện trước vào năm 1943 là em Giovanni của tôi. Hai năm sau đó tôi mới theo anh. Từ khi đó chúng tôi không bị cách xa nhau nữa, ngay cả trong kỳ nghỉ hè, cho đến ngày chúng tôi dâng Thánh lễ mở tay, vào mùa xuân năm 1953.”

Ngày lễ tạ ơn 65 năm linh mục của hai linh mục sinh đôi có nhiều tín hữu tham dự, và cũng có nhiều linh mục quen biết hai cha. Cha Marco Caldara, cha sở của cộng đoàn Valgoglio và Novazza kể về hai linh mục sinh đôi: “Họ là hai con người của Chúa. Hai nghệ sĩ yêu thích nghệ thuật vẽ tranh ngay từ khi họ còn nhỏ và do đó họ đã thánh hiến cho vẻ đẹp, cho sự hoàn hảo và cho Thiên Chúa. Hai cha còn là những người cộng tác mục vụ hiệu quả và quý giá cho cộng đoàn bé nhỏ của chúng tôi.”

Tháng 10 năm nay, hai cha Attilio và Giovanni sẽ tròn 90 tuổi. Hai cha đã trải qua suốt cuộc đời bên nhau, từ khi sinh ra cho đến khi chọn theo trở thành linh mục cùng một ngày và đến năm 2006, hai cha đã cùng nghỉ hưu, sau nhiều năm phục vụ tích cực trong các giáo xứ của giáo phận Bergamo. Họ chọn nghỉ hưu trong ngôi nhà của người chị họ Lionella ở Valgoglio. Nhớ lại ngày được thụ phong linh mục, hai cha tâm sự là không có ai thúc đẩy hai cha chọn đi trên hành trình linh mục, nhưng chính các cha được mời gọi và các ngài đã đáp lại tiếng gọi của Chúa.

Cho dù có những lần hai cha được bổ nhiệm đến những nơi phục vụ xa cách nhau, nhưng mỗi ngày các cha vẫn nói chuyện với nhau và khi có thể thì các ngài lại gặp nhau. Cha Attilio kể lại một câu chuyện cảm động: “Sau thánh lễ mở tay vào năm 1953, chúng tôi đã nói, giờ đây chúng ta phải thực sự xa nhau. Tôi đã đi đến Barzana, còn Giovanni thì đi Lallio. Nhưng chúng tôi dùng xe đạp để tiếp tục đi gặp nhau.” 

Bên cạnh đam mê dành cho những đỉnh núi cao, trong đó có một số đỉnh núi mà hai anh em đã chinh phục khi còn rất trẻ, với trang phục là áo chùng thâm, như quy luật chủng viện thời đó quy định, hai cha Attilio và Giovanni còn đam mê nghệ thuật tượng trưng. Hai cha là học trò của họa sĩ Pietro Servalli và đã vẽ hầu như khắp mọi nơi, các đền thờ, nhà thờ, nghĩa trang, đài phun nước, bàn thờ, trong đó có bàn thờ của chân phước Morosini và chân phước dòng Capuchinô Tommaso da Olera, chân dung và phong cảnh núi non. Hai cha cho biết các ngài chuyên vẽ chân dung và đã vẽ rất nhiều chân dung csc linh mục trong vùng. Năm 2013, hai cha đã tặng cho công đồng Valgoglio 25 tác phẩm và chính quyền thị trấn này đã đặt các tác phẩm trong một tòa nhà nơi có các trường học và thư viện.

Trong cuộc gặp gỡ với giáo dân, một nhóm thanh thiếu niên đã hỏi hai cha một số câu hỏi, trong đó có câu: Các cha muốn nói gì với các thiếu niên và người trẻ ngày nay?” Hai cha đã không lo lắng và do dự khi trả lời: “Những người trẻ tuổi ngày nay tỉnh táo ý thức và chúng tôi khuyên họ thử gia nhập chủng viện. Là linh mục thật là một điều tốt đẹp.” Cha Attilio đã chia sẻ những tâm tình cuối cùng: “Đối với chúng tôi, 65 năm cử hành Thánh lễ là một giây phút hồng ân và vui mừng về những điều chúng tôi đã lãnh nhân. Nhưng chúng tôi cũng cảm thấy sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ cuối cùng và hân hoan với Thiên Chúa.” (Avvenire 30/05/2018)

Hồng Thủy

Đừng bóp nghẹt lửa mến của Chúa Thánh Thần

Đừng bóp nghẹt lửa mến của Chúa Thánh Thần

** Các hiệu quả của ơn Chúa Thánh Thần ban khiến cho tín hữu trở thành ơn cho tha nhân , rộng mở họ cho cộng đoàn. Vì thế không được nhốt Chúa Thánh Thần trong lồng, hay kháng cự lại Làn Gió thổi chúng ta bước đi trong tự do và đừng bóp nghẹt Lửa nồng cháy của tình bác ái đưa chúng ta tới chỗ hao mòn cuộc đời vì Thiên Chúa và vì tha nhân.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gơ chung hàng tuần sáng thứ tư. Trong số các nhóm hiện diện cũng có ba phái đoàn người Việt đến từ Úc, Mỹ và Việt Nam.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã giải thích  các hiệu quả mà ơn của Chúa Thánh Thần ban cho tín hữu giúp họ làm cho các hiệu quả đó lớn lên, và giúp họ trở thành ơn cho tha nhân trong cộng đoàn. Ngài nói: đó là một ơn của Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy nhớ rằng khi vị Giám Mục xức dầu cho chúng ta ngài nói: “Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần được ban cho con”. Ơn đó của Chúa Thánh Thần vào trong chúng ta – đó là Thần Khí – và sinh hoa trái, để rồi chúng ta cũng có thể ban nó cho tha nhân. Luôn luôn nhận lãnh để cho đi: không bao giờ nhận và có các sự vật bên trong, làm như thể linh hồn là một nhà kho. Không: luôn luôn nhận lấy và cho đi. Các ơn của Thiên Chúa được nhận lãnh để trao ban cho người khác. Đó là cuộc sống kitô. Như vậy đó chính là ơn của Chúa Thánh Thần – thúc đầy ra khỏi trung tâm cái tôi của chúng ta – “tất cả là cho chúng ta?”: không phải – nhưng là để mở rộng cho cái “chúng ta” của cộng đoàn. Nhận để cho đi. Chúng ta không ở trong trung tâm: chúng ta là một dụng cụ của ơn đó cho người khác.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ:

Khi bổ túc nơi các tín hữu đã được rửa tội việc giống Chúa Ki tô, bí tích Thêm Sức kết hiệp họ một cách mạnh mẽ như chi thể sống động vào thân mình mầu nhiệm của Giáo Hội (x. Lễ nghi Thêm Sức, s.25). Sứ mệnh của Giáo Hội trong thế giới tiến hành qua phần đóng góp của tất cả những ai là thành phần. Có vài người nghĩ rằng trong Giáo Hội có các ông chủ: là Giáo Hoàng, các Giám Mục, các linh mục, rồi mới tới  thợ là các người khác. Không phải thế. Giáo Hội là tất cả chúng ta, tất cả chúng ta. Và tất cả chúng ta đều có trách nhiệm làm cho nhau nên thánh, lo lắng cho nhau. Giáo Hội là “chúng ta” tất cả. Mỗi người có công việc của mình trong Giáo Hội. Nhưng Giáo Hội là tất cả.

** Thật thế, chúng ta phải nghĩ tới Giáo Hội như một cơ phận sống động, bao gồm các bản vị mà chúng ta biết và cùng đồng hành, chứ không phải như một thực tại trừu tượng và xa vời. Không, Giáo Hội là chúng ta đang tiến bước, Giáo Hội là chúng ta hôm nay đang ở trong quảng trường này. Chúng ta là Giáo Hội, tất cả mọi người. Bí tích Thêm Sức cột buộc vào Giáo Hội hoàn vũ, cột buộc tất cả chúng ta, sống rải rác trên toàn trái đất, nhưng lôi cuốn các người được thêm sức vào trong cuộc sống của Giáo Hội địa phương mà họ là thành phần, với Giám Mục là thủ lãnh và là người kế vị các Tông Đồ.

Chính vì vậy Giám Mục là vị thừa tác đầu tiên của Bí Tích Thêm Sức (x. LG, 26), bởi vì ngài đưa người được thêm sức vào trong Giáo Hội.

Sự kiện đó là trong Giáo Hội Latinh bí tích này bình  thường được Đức Giám Mục ban, nó minh nhiên “hiệu quả của nó là kết hiệp những người lãnh nhận nó một cách chặt chẽ hơn với Giáo Hội, với các nguồn gốc tông đồ và sứ mệnh làm chứng cho Chúa Kitô của nó” (GLCG, 1313).

Ý nghĩa của việc sát nhập vào Giáo Hội được nêu bật bởi dấu chỉ hòa bình kết thúc lễ nghi thêm sức. Thật vậy, vị Giám Mục nói với từng người đã được thêm sức: “Bình an cho con”. Nó khiến chúng ta nhớ tới lời Chúa chào các môn đệ vào chiều ngày Phục Sinh, tràn đầy Chúa Thánh  Thần (x. Ga 20,19-23), như chúng ta dã nghe – các lời này soi sáng một cử chỉ “diễn tả sự hiệp thông giáo hội với vị Giám Mục và với các tín hữu khác” (x. GLCG, 1301).

ĐTC giải thích việc trao ban bình an sau lễ nghi ban bí tích Thêm Sức như sau:

Trong bí tích Thêm Sức, chúng ta nhận lấy Chúa Thánh thần và sự bình an: sự bình an mà chúng ta phải trao ban cho các người khác. Chúng ta hãy nghĩ xem: mỗi người hãy nghĩ tới cộng đoàn giáo xứ của mình, chẳng hạn. Có lễ nghi ban phép Thêm Sức, và chúng ta trao ban bình an cho nhau: Đức Giám Mục trao ban bình an cho người đã được thêm sức, và trong Thánh Lễ chúng ta trao ban bình an cho nhau. Chúng ta ra về và bắt đầu nói xấu người khác. Chúng ta bắt đầu các bép xép. Và các bép xép là các cuộc chiến. Điều này không được!

** Nếu chúng ta đã nhận dấu chỉ của sự bình an với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng ta phải là những người nam nữ của hòa bình – chứ không phải ra đi tới đó với cái lưỡi và phá hủy hòa bình mà Thần Khí đã tạo dựng. Tội nghiệp Chúa Thánh Thần và công việc Ngài làm với chúng ta, với thói quen bép xép này… Anh chị em hãy nghĩ kỹ đi: bép xép không phải là công việc của Chúa Thánh Thần. Nó không phải là một công việc của sự hiệp nhất của Giáo Hội. Bép xép phá hủy điều Thiên Chúa làm. Vì thế  cho tôi xin đi: hãy ngưng bép xép! Anh chị em có đồng ý hay không? Có hay là không? Đó.

Bí Tích Thêm Sức được lãnh nhận một lần mà thôi, nhưng năng động tinh thần do dầu thánh dấy lên thì kéo dài trong thời gian. Chúng ta sẽ không bao giờ chu toàn được lệnh truyền dãi tỏa ra khắp nơi hương thơm của một cuộc sống thánh thiện, được linih hứng bởi sự đơn sơ hấp dẫn của Phúc Âm.

Không ai lãnh nhận Bí tích Thêm Sức cho chính mình, chúng ta đã nói phải không? Đó là một ơn không phải để giữ trong nhà kho bên trong, mà là để cho đi luôn luôn cho tất cả mọi người, để cộng tác vào việc lớn lên thiêng liêng của người khác. Chỉ như thế, khi rộng mở và ra khỏi chính mình để gặp gỡ tha nhân, chúng ta mới có thể thực sự lớn lên, chứ không chỉ có ảo tưởng lớn lên. Những gì chúng ta nhận được như ơn của Thiên  Chúa thật ra phải được trao ban – ơn nhận được để cho đi – để nó phong phú, chứ không phải để bị chôn vùi vì các sợ hãi ích kỷ, như dụ ngôn nén bạc đã dậy (x. Mt 25,14-30). Cả hạt giống cũng thế, khi chúng ta có hạt giống trong tay, không phải để nó ở đó, cất nó trong tủ, nhưng là để gieo vãi nó. Toàn cuộc sống phải được gieo vãi để sinh bông hạt, để nhân nhiều lên. Ơn của Chúa Thánh Thần chúng ta phải trao ban cho cộng đoàn.

Tôi khuyến khích các người đã được thêm sức đừng nhốt Chúa Thánh Thần trong lồng, đừng kháng cự lại Đấng là Gió thổi để thúc đẩy chúng ta bước đi trong tự do, đừng bóp nghẹt Lửa nồng cháy của tình bác ái khiến cho chúng ta hao mòn cuộc sống vì Chúa và vì các anh em khác. Xin Chúa Thánh Thần ban cho tất cả chúng ta lòng can đảm tông đồ thông truyền Phúc Âm, với các việc làm và lời nói, thông truyền cho những ai chúng ta gặp gỡ trên đường đời. Với các công việc làm và lời nói, nhưng lời nói tốt lành, lời nói xây dựng. Không phải các bép xép phá hoại. Xin làm ơn, khi anh chị em đi ra khỏi nhà thờ, hãy nghĩ tới sự bình an đã nhận lãnh để trao ban cho người khác: chứ không phải để phá hủy nó với việc bép xép. Xin anh chị em đừng quên điều đó!

** ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương khác nhau. Trong số các đoàn nói tiếng Pháp ngài chào tín hữu các giáo phận Saint Claude do ĐC Jordy hướng dẫn, đoàn hành hương giáo phận Valleyfield Canada do ĐC Simard hướng dẫn, hiệp hội hai Trái Tim Tình Yêu do ĐC Rivière, GM Autun hướng dẫn, cũng như ca đoàn Armeni.

Ngài cũng chào các đoàn hành hương Ailen, Na Uy, Nigera, Trung Quốc, Philippines, Việt Nam và Hoa Kỳ. Ngài xin Chúa Giêsu Kitô ban niềm vui và sự an bình cho họ và gia đình họ.

ĐTC cũng chào các đoàn hành hương nói tiếng Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, đặc biệt các nhóm tín hữu Brasil đến từ Ourinhos, Goiania, Bauru và Venancio Aires. Ngài khích lệ mọi người năng kêu cầu Chúa Thánh Thần để được hướng dẫn và trợ giúp trong nhiệm vụ làm chứng nhân cho Tin Mừng.

Chào các tín hữu nói tiếng A Rập ĐTC khích lệ họ đừng sợ hãi cống hiến những gì nhận được từ Chúa Thánh Thần cho tha nhân, qua chứng tá và hương thơm thánh thiện của cuộc sống kitô hầu giúp mọi người biết sống chia sẻ và xa lánh ích kỷ.

Chào các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC khuyến khích họ để cho quyền năng của Chúa Thánh Thần thấm nhuần và giải thoát khỏi sự yếu đuối của tính ích kỷ, lười biếng và kiêu ngạo, để là các chứng nhân đích thực Tin Mừng của  Chúa Kitô.

Trong số đông đảo các nhóm hành hương Italia ngài đặc biệt chào các sư huynh La San, tín hữu các giáo xứ và các đoàn hành hương giáo phận Macerata và Loreto do các ĐC Nazzareno Marconi và Giancarlo Vecerrica hướng dẫn.

ĐTC nhắc cho mọi người biết thứ sáu tới đây là lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu: Ngài mời gọi tất cả cầu nguyện với Thánh Tâm Chúa trong suốt tháng 6 này để xin Chúa gần gũi, nâng đỡ, trợ giúp các linh mục để các vị là hình ảnh Trái Tim tràn đầy tình yêu và lòng thương xót Chúa.

ĐTC khích lệ người trẻ, các anh chị em đau yếu và các đôi tân hôn biết kín múc nơi Thánh Tâm Chúa lương thực và nước uống  tinh thần cho cuộc sống để được biến đổi trở thành các thụ tạo mới.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha ngày 27-5-2018

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha ngày 27-5-2018

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa trưa chúa nhật 27-5-2018, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa ngày lễ kính Chúa Ba Ngôi và mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho Phi châu được hòa bình.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh với hàng chục ngàn tín hữu dưới trời nắng chang chang, ĐTC nói:

Hôm nay, chúa nhật sau lễ Hiện Xuống, chúng ta mừng lễ Chúa Ba Ngôi rất thánh, một lễ để chiêm ngắm và chúc tụng mầu nhiệm Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, là duy nhất trong sự hiệp thông của Ba Ngôi Vị: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh, để kinh ngạc kính mừng Thiên Chúa là Tình Thương luôn luôn mới mẻ, Đấng ban nhưng không cho chúng ta sự sống của Ngài và yêu cầu chúng ta phổ biến sự sống ấy trong thế giới.

Các bài đọc Thánh lễ hôm nay giúp chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa không muốn mạc khải cho chúng ta thấy Ngài hiện hữu cho bằng Ngài là ”Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, yêu thương chúng ta, quan tâm đến lịch sử riêng của chúng ta và chăm sóc mỗi người chúng ta, bắt đầu từ những người nhỏ bé và túng thiếu nhất. Ngài là ”Thiên Chúa ở trên các tầng trời” nhưng cũng ở ”dưới đất này” (Xc Đnl 4,39). Vì thế chúng ta không tin nơi một thực tại xa xăm, dửng dưng, nhưng tin nơi Đấng là Tình Thương đã tạo dựng vũ trụ và sinh ra một dân tộc, đã nhập thể làm người, chịu chết và sống lại vì chúng ta, và trong tư cách là Thánh Thần, Ngài biến đổi mọi sự và đưa tới sự sung mãn.

ĐTC nhận xét rằng:

”Thánh Phaolô (Xc Rm 8,14-17), đã đích thân cảm nghiệm sự biến đổi này do Thiên Chúa Tình Thương thực hiện, Chúa thông cho chúng ta ước muốn được gọi là Cha, hay đúng hơn là ”Ba ơi!”, với niềm tín thác trọn vẹn của một đứa bé phó thác trong vòng tay của người đã trao ban sự sống cho em. Chúa Thánh Linh, như Thánh Tông Đồ đã nhắc nhở, hành động trong chúng ta đến độ Chúa Giêsu Kitô không bị thu hẹp thành một nhân vật quá khứ, nhưng chúng ta cảm thấy Ngài ở gần chúng ta, là người đồng thời và chúng ta cảm nghiệm được niềm vui là con cái mà Thiên Chúa yêu thương. Sau cùng, trong Bài Tin Mừng, Chúa Phục Sinh đã hứa ở lại với chúng ta mãi mãi: ”Này đây Thầy ở với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Và chính nhờ sự hiện diện ấy và nhờ sức mạnh của Thánh Thần Chúa, chúng ta có thể thanh thản chu toàn sứ mạng Chúa ủy thác cho chúng ta, sứ mạng loan báo và làm chứng cho mọi người về Tin Mừng của Chúa và mở rộng tình hiệp thông với Chúa và niềm vui từ đó mà ra. Khi đồng hành với chúng ta, Thiên Chúa làm cho chúng ta được tràn đầy niềm vui và có thể nói, niềm vui là ngôn ngữ đầu tiên của Kitô hữu.”

Vì thế, lễ Chúa Ba Ngôi làm cho chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm một Thiên Chúa không ngừng sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa, luôn luôn bằng tình yêu và vì tình yêu, và mọi loài thụ tạo đón nhận Ngài thì được phản ánh một tia sáng vẻ đẹp của Ngài, lòng từ nhân và chân lý của Ngài. Từ ngàn đời, Chúa đã chọn đồng hành với nhân loại và họp thành một dân tộc là phúc lành cho mọi dân nước và mỗi người, không loại trừ ai. Kitô hữu không phải là một người cô lập, nhưng họ thuộc về một dân tộc, dân tộc mà Thiên Chúa hình thành. Không thể là Kitô hữu nếu không thuộc về Dân Chúa và không có tình hiệp thông như vậy. Chúng ta là một dân tộc: Dân Thiên Chúa.

Và ĐTC kết luận rằng:

“Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta chu toàn trong vui tươi sứ mạng làm chứng cho thế giới đang khao khát tình thương, làm chứng rằng ý nghĩa cuộc sống chính là một tình yêu vô biên, tình yêu cụ thể của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh.

Chào thăm

Sau khi ban phép lành, ĐTC đã nhắc đến lễ phong chân phước hôm thứ bẩy vừa qua 26-5 tại thành phố Piacenza, bắc Italia, Nữ Tu Leonella Sgorbati (1940-2006), thuộc dòng thừa sai Đức Mẹ An Ủi, bị giết vì sự oán ghét đức tin tại Modagiscio thủ đô Somalia năm 2006. Cuộc sống của Chị vì Tin Mừng và phục vụ người nghèo, cũng như cuộc tử đạo của Chị là một bảo chứng niềm hy vọng cho Phi Châu và toàn thế giới. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho Phi châu và được hòa bình tại đó.

Sau khi đọc một kinh Kính Mừng với tất cả mọi người, ĐTC khẩn cầu: ”Xin Đức Mẹ Phi Châu cầu cho chúng con”.

 Rồi ĐTC đã chào thăm và nhắc đến tên của một số nhóm tín hữu hành hương, đặc biệt là Ca đoàn Sappada và ca đoàn của các thiếu niênở Vezza d'Alba, bắc Italia. Ngài cũng chào thăm các tín hữu hành hương người Ba Lan và chúc lành cho các tham dự viên cuộc đại hành hương ở Đền Thánh Đức Mẹ Piekari Slaskie.

 ĐTC nói thêm rằng ”Nhân dịp Ngày Thoa Dịu”, tôi chào thăm những người tụ họp tại Bệnh viện Đa Khoa Gemelli ở Roma để thăng tiến tình liên đới với những người bị bệnh nặng. Tôi nhắn nhủ tất cả hãy nhìn nhận những nhu cầu, kể cả về mặt tinh thần, của các bệnh nhân và với lòng dịu dàng, hãy ở gần họ.

Cũng nên nói thêm rằng Chân Phước Leonella tục danh là Rosa Sgorbati, sinh năm 1940 tại Gazzalo, gần Piacenza. Năm 23 tuổi (1963) chị gia nhập dòng các nữ tu Thừa Sai Đức Mẹ An Ủi. 3 năm sau đó, chị được khấn dòng với tên là Leonella và được gửi sang Anh quốc học y tá. Sau khi khấn trọn đời năm 1972, Chị gửi đi truyền giáo tại Kenya bên Phi châu. Tại đây chị lần lượt phục vụ tại 3 nhà thương. Năm 1983, chị học cao đẳng về ngành y tá và trở thành huấn luyện viên chính tại trường y tá tại nhà thương Nkutu, ở thành phố Meru. Chị từng làm Bề trên miền của các nữ tu thừa sai Đức Mẹ An Ủi ở Kenya.

Năm 2001, chị Leonella bắt đầu đi lại giữa hai nước Kenya và Somalia, quốc gia bị nội chiến. Tại thủ đô Mogadiscio của nước này, chị thành lập một trung tâm huấn luyện các y tá và nữ hộ sinh người Somalia.

Ngày 17-9 năm 2006, vào khoảng giữa trưa, trên đường về nhà sau khi dạy học ở nhà thương, chị Leonella bị bắn 7 phát đạn, khiến chị bị thương nặng. Người Hồi giáo là ông Mohamed Mahmud tháp tùng chị, bị tử thương vì đạn.

Chị Leonella được chở vào nhà thương để cứu cấp, nhưng quá trễ. Chị trút hơi thở cuối cùng, miệng còn thì thào câu: ”Tha thứ, tha thứ, tha thứ”.

G. Trần Đức Anh OP

 

Bí Tích Thêm sức cho tín hữu được tràn đầy Thánh Thần

Bí Tích Thêm sức cho tín hữu được tràn đầy Thánh Thần

** Nếu trong Bí Tích Rửa Tội, Chúa Thánh Thần dìm chúng ta trong Chúa Kitô, thì trong Bí Tích Thêm Sức Chúa Kitô làm cho chúng ta được tràn đầy Thần Khí của Ngài, bằng cách thánh hiến chúng ta thành các chứng nhân của Ngài, tham dự vào cùng nguyên lý sự sống và sứ mệnh theo chương trình của Thiên Chúa Cha trên trời.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 40.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư hàng tuần hôm qua. Trong số hàng trăm đoàn hành hương hiện diện cũng có hai nhóm Việt Nam: nhóm 51 tín hữu Sydney Australlia với cha trưởng đoàn và cha linh hướng, nhóm 13 linh mục và 3 giáo dân Thái Bình.

Trong bài huấn dụ ĐTC giải thích ý nghĩa của Bí Tích Thêm Sức và vai trò của  Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của kitô hữu bằng cách khai triển ý nghĩa trình thuật Phúc Âm thánh Luca chương 4 viết rằng: “ Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.” (Lc 4,16-18). ĐTC nói: sau các bài giáo lý về Bí Tích Rửa Tội, các ngày tiếp theo lễ trọng Chúa Thánh Thần hiện xuống này  mời gọi chúng ta suy tư về chứng tá, mà Thần Khí dấy lên nơi các người đã được rửa tội, bằng cách chuyển động cuộc sống của họ, mở ra cho thiện ích của những người khác. Chúa Giêsu đã trao phó cho các môn đệ của Ngài một sứ mệnh lớn lao: “Các con là muối đất, các con là ánh sáng thế gian” (x. Mt 5,13-16). Đây là các hình ảnh khiến nghĩ tới cung cách hành xử của chúng ta, vì thiếu hay quá nhiều muối khiến cho thức ăn không ngon, cũng như thiếu hay quá nhiều ánh sáng ngăn cản chúng ta trông thấy. ĐTC giải thích thêm như sau:

** Chỉ có Thần Khí của Chúa Kitô mới có thể thực sự khiến cho chúng ta trở thành muối trao ban hương vị và giữ cho khỏi hư thối, và trao ban ánh sáng chiếu soi thế giới. Đó là ơn chúng ta nhận được trong Bí Tích Thêm Sức, mà tôi muốn cùng anh chị em dừng lại suy tư. Gọi là “Thêm Sức” bởi vì nó xác nhận Bí Tích Rửa Tội và củng cố ơn thánh của nó (x. GLCG, 1289); cũng như “Xức Dầu Thánh”, từ sự kiện Thần Khí qua việc xức dầu “crisma” là dầu ô liu trộn với mùi thơm đã được Giám Mục thánh hiến – Cresima Cristo là từ quy chiếu Chúa Kitô, Đấng đã được xức dầu của Thánh Thần.

Tái sinh vào cuộc sống thiên linh trong Bí Tích Rửa Tội là bước đầu tiên; cần phải có cung cách hành xử như con cái Thiên  Chúa nữa, hay đồng hình dạng với Chúa Kitô hoạt động trong Giáo Hội, bằng cách lôi cuốn chúng ta vào trong sứ mệnh của Ngài trong thế giới. Việc xức dầu của Thánh Thần lo liệu cho việc ấy: “không có sức mạnh của Ngài, không có gì trong con người cả” (Ca tiếp liên lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống). Không có sức mạnh của Thánh Thần, chúng ta không thể làm được gì: chính Thần Khí trao ban cho chúng ta sức mạnh tiến lên.

Như toàn cuộc sống của Chúa Giêsu đã được linh hoạt bởi Thần Khí,  cũng thế cuộc sống của Giáo Hội và của mọi chi thể Giáo Hội đều ở dưới sự hướng dẫn của cùng Thần Khí ấy.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Được Đức Trinh Nữ thụ thai bởi hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu bắt đầu sứ mệnh của Ngài sau khi ra khỏi nước sông Giordan, được thánh hiến bởi Thần Khí ngự xuống trên Ngài (X. Mc 1,10; Ga 1,32): thật là đẹp! Chúa Giêsu tự giới thiệu như thế nào, đâu là thẻ căn cước của Chúa Giêsu trong hội đường Nadarét? Chúng ta hãy lắng nghe Ngài làm như thế nào: điều này thật là rõ ràng. “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,18).  Chúa Giêsu tự giới thiệu trong hội đường làng mình như Đấng được xức dầu, Đấng đã được Thần Khí xức dầu.

Chúa Giê su tràn đầy Thánh Thần và là suối nguồn của Thần Khí được Thiên Chúa Cha hứa ban (x. Ga 15,26; Lc 24,49; Cv 1,8; 2,23). Thực ra, buổi chiều ngày lễ Vượt Qua Chúa Phục Sinh thổi hơi trên các môn đệ và nói với họ: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22); và trong ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống sức mạnh của Thần Khí xuống trên các Tông Đồ trong hình thái ngoại thường (x. Cv 2,1-4), như chúng ta biết. ĐTC giải thích hơi thở ấy của Chúa Kitô như sau:

** “Hơi thở” của Chúa Ki tô Phục Sinh khiến cho phổi của Giáo Hội tràn đầy sự sống; và thật vậy, miệng các môn đệ “được tràn đầy Thánh Thần” mở ra để loan báo cho tất cả mọi người các công trình vĩ đại của Thiên Chúa (x. Cv 2,1-11).

Đối với Giáo Hội lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống – mà chúng ta đã cử hành hôm Chúa Nhật vừa qua – là điều mà việc xức dầu của Thần Khí đã nhận được tại sông Giordan đối với Chúa Kitô, Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là sự thúc đẩy truyền giáo làm hao mòn cuộc sống cho việc thánh hóa loài người, để vinh danh Thiên Chúa. Nếu trong mọi bí tích Thần Khí hoạt động, thì một cách đặc biệt trong Bí Tích Thêm Sức “các tín hữu nhận được Ơn Thánh Thần” (Phaolo VI, Hiến chế Divinae consortium naturae).

Chính trong lúc xức dầu, Giám Mục nói lời này: “Hãy nhận lấy Thánh Thần được ban cho con như là ơn”: Thánh Thần đây là ơn lớn lao của Thiên Chúa. Và chúng ta tất cả đều có Thần Khí trong mình. Thần Khí ở trong tim chúng ta, trong linh hồn chúng ta. Chính Thần Khí hướng dẫn chúng ta trong cuộc sống để chúng ta trở nên muối đúng đắn và ánh sáng đúng đắn của loài người.

Nếu trong Bí Tích Rửa Tội, Chúa Thánh Thần dìm chúng ta trong Chúa Kitô, thì trong Bí Tích Thêm Sức Chúa Ki tô làm cho chúng ta được tràn đầy Thần Khí của Ngài, bằng cách thánh hiến chúng ta thành các chứng nhân của Ngài, tham dự vào cùng nguyên lý sự sống và sứ mệnh theo chương trình của Thiên Chúa Cha trên trời. Chứng tá của các người đã được thêm sức biểu lộ việc nhận Thánh Thần và sự ngoan ngoãn đối với sự linh hứng sáng tạo của Ngài. Tôi tự hỏi: Làm sao người ra thấy rằng chúng ta đã lãnh nhận Ơn Thần Khí? Nếu chúng ta làm các cộng việc của Thần Khí, nếu chúng ta nói lên các lời do Thần Khí dậy bảo (X. 1 Cr 2,13). Chứng tá kitô hệ tại chỗ chỉ làm và làm tất cả những gì Thần Khí Chúa Ki tô xin chúng ta, bằng cách ban cho chúng ta sức mạnh để chu toàn nó.

** ĐTC đã chào nhiều nhóm hiện diện đến từ Pháp, Gabon, Canada và các nước nói tiếng Pháp, đặc biệt các thành viên Dân quân Chúa Ki tô, và các bạn trẻ Neuilly, Châteaubriant và Paris. Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ Anh quốc, vùng Galles, Ailen, Ấn Độ, Philippines, Nga, Việt Nam, Canada và Hoa Kỳ, đặc biệt là các nữ tu Feliciane sửa soạn họp Tổng tu nghị. Ngài xin Chúa Thánh Thần đổ đầy tràn ơn thánh trên họ.

Với nhiều nhóm bạn trẻ Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, và các nước châu Mỹ Latinh ngài xin Đức Mẹ giúp mọi người biết sống ngoan ngoãn với Chúa Thánh Thần để biết là các chứng nhân của sự thánh thiện và tình yêu thương dấn thân cho thiện ích của tha nhân.

Chào các nhóm đến từ vùng Trung Đông ngài xin  Chúa Thánh Thần dậy cho họ biết sống khôn ngoan và chân thật như môn đệ của Chúa.

Trong các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC đặc biệt chào phái đoàn của tổ chức trồng và bảo vệ rừng cây quốc gia Ba Lan. Họ đã đem theo 100 cây sồi, nhân kỷ niệm 100 năm Ba Lan độc lập, để tặng trồng tại Italia như dấu chỉ việc bảo vệ thụ tạo. ĐTC nói: “Như tôi đã viết trong thông điệp Laudato si “thật rất cao quý nhận lấy trách nhiệm lo lắng cho thụ tạo với các hành động nhỏ bé thường ngày, và thật là tuyệt diệu nền giáo dục có khả năng huy động chúng trao ban hình thái cho một kiểu sống. Giáo dục trách nhiệm đối với môi sinh có thể khích lệ nhiều cung cách hành xử khác nhau có ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng đối với môi sinh… Tất cả những điều đó là phần của óc sáng tạo quảng đại và xứng đáng cho thấy điều tốt đẹp nhất của con người”

Trong các nhóm Ucraina, ĐTC đặc biệt chào đoàn hành hương quân nhân quốc tế Lộ Đức lần thứ 60. Ngài xin Chúa chữa lành các vết thương do chiến tranh  gây ra và ban hòa bình cho Ucraina.

Với các nhóm Ý ĐTC chào các tham dự viên Tổng tu nghị dòng các tu huynh Thánh Tâm, và các cộng sự viên Paolini, câu lạc bộ Clericus, tín hữu nhiều giáo xứ các giáo phận khác nhau, các nhóm sinh viên học sinh trường Đức Bà Phù Hộ Roma, phân khoa kỹ sư dân sự và kỹ nghệ đại học La Saienza Roma và các nhân viên cứu hỏa thiện nguyện tỉnh Bondeno.

Chào các người trẻ, anh chị em bệnh nhân và các đội tân hôn ĐTC phó thác họ cho Mẹ Thiên Chúa và khích lệ mọi người siêng năng lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ trong tháng 5 và cùng nhau khẩn nài mẹ can thiệp xin Chúa ban cho Giáo Hội và thế giới được hòa bình và thương xót.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải

3 quan tâm của Đức Thánh Cha về Giáo Hội tại Italia

3 quan tâm của Đức Thánh Cha về Giáo Hội tại Italia

VATICAN. ĐTC bày tỏ lo âu về tình trạng thiếu ơn gọi tại Italia, cổ võ sự thanh bần theo Tin Mừng và tái kêu gọi giảm bớt số giáo phận tại nước này.

Trên đây là 3 mối quan tâm ngài bày tỏ chiều ngày 21-5-2018 trong diễn văn khai mạc đại hội thường niên của HĐGM Italia tại Hội trường Thượng HĐGM ở nội thành Vatican.

Tham dự khóa họp có các vị chủ chăn của 228 giáo phận toàn quốc. Đứng trước tình trạng khan hiếm ơn gọi tại Italia, nhiều nhà dòng và cơ sở Công Giáo bị đóng cửa, ĐTC cổ võ các giáo phận phong phú ơn gọi cho các giáo phận thiếu ơn gọi ”mượn” các LM, tương tự như phương thức gọi là các LM Fidei Donum, Hồng Ân đức tin, nghĩa là các giáo phận nhiều ơn gọi cho gửi các LM đến hoạt động tại các xứ truyền giáo không có hoặc có quá ít ơn gọi.

ĐTC cũng kêu gọi quản trị tài cánh của các giáo phận theo tinh thần thanh bần Tin Mừng và minh bạch.

Sau cùng, ngài kêu gọi HĐGM Italia đẩy mạnh dự án giảm bớt con số các giáo phận tại nước này, đã có từ năm 1964, thời Đức Giáo Hoàng Phaolô VI. Italia có khoảng 60 triệu tín hữu Công Giáo. Năm 1983, thời ĐGH Gioan Phaolô 2, con số giáo phận Italia được gộp lại từ hơn 330 xuống còn 228 giáo phận như hiện nay, nhưng ĐTC Phanxicô muốn giảm bớt hơn nữa số giáo phận, vì ngài cho là vẫn còn quá nhiều.

ĐTC nói với các GM: ”Tôi bày tỏ mối quan tâm ấy, không phải để khiển trách anh em, nhưng để nói lên những gì làm tôi quan tâm, rồi sau đó để anh em lên tiếng, kể cả nói lên những lời phê bình. Phê bình Giáo Hoàng không phải là một tội”.

Về vấn đề tài chánh của các giáo phận, ĐTC giải thích thêm rằng ”Đối với tôi, như một tu sĩ dòng Tên, 'thanh bần vẫn luôn là mẹ và là tường thành của đời sống tông đồ, là mẹ vì làm nảy sinh, và tường thành vì bảo vệ”. Nếu không có thanh bần, thì không có lòng nhiệt thành tông đồ. ”Ai tin thì không thể nói về thanh bần mà lại sống như ông hoàng”. Thật là một sự phản chứng khi nói về thanh bần mà lại sống sa hoa”.

ĐTC nhấn mạnh rằng cần có qui luật chung và rõ ràng về việc quản trị tài chánh của giáo phận. Ngài kể: ”Tôi biết có một người trong anh em, không bao giờ mời một người khách dùng bữa với tiền của giáo phận, nhưng tự trả bằng tiền túi của mình. Đó là một cử chỉ bé nhỏ, nhưng quan trọng. Tôi biết và cám ơn HĐGM Italia vì đã thực hiện nhiều trên con đường thanh bần và minh bạch. Minh bạch như thế là một công việc thật đẹp, nhưng cần phải làm hơn nữa về một số điều”.

Sau bài huấn dụ khai mạc của ĐTC, ngài còn trao đổi trong 3 tiếng đồng hồ với các GM Italia, trả lời 20 câu hỏi do các vị nêu lên (Rei 21-5-2018)

G. Trần Đức Anh OP