ĐỨC THÁNH CHA KHUYÊN CÁC BẬC CHA MẸ CẤT MÁY VI TÍNH KHỎI PHÒNG NGỦ CỦA CON CÁI

ĐỨC THÁNH CHA KHUYÊN CÁC BẬC CHA MẸ CẤT MÁY VI TÍNH KHỎI PHÒNG NGỦ CỦA CON CÁI

Trên chuyến bay trở về từ chuyến tông du Sarajevo hôm thứ Bảy 6/6, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyên các bậc cha mẹ đừng để máy vi tính trong phòng ngủ của con cái mình, để bảo  vệ chúng khỏi “sự bẩn thỉu” của phim ảnh khiêu dâm và để giúp chúng khỏi bị gắn bó với các vật dụng của chúng.

Ngài nói với các phóng viên rằng việc quá gắn bó với máy vi tính sẽ “làm hại” bản thân và lấy đi sự tự do của mình.

“Nó làm cho bạn trở thành nô lệ cho máy vi tính”. “Thật kỳ quặc, trong nhiều gia đình, các bậc cha mẹ nói với tôi: chúng con cùng bàn ăn với con cái, và chúng lại ở trong một thế giới khác với điện thoại di động của chúng”.

Đức Thánh Cha nói thêm: việc quá gắn bó với công nghệ kỹ thuật “cất chúng ta khỏi cuộc sống đời thường, đời sống gia đình, đời sống xã hội, và ngay cả thể thao, nghệ thuật”. “Đây là một căn bệnh tâm lý, chắc chắn thế!”.

Đức Thánh Cha nói rằng “sự bẩn thỉu/tục tỉu” gây ô nhiễm tâm trí con cái ngày nay, và cướp đi khỏi chúng sự ngây thơ, lui tới với những phim ảnh khiêu dâm, với những chương trình rỗng tuếch và không có giá trị gì: chẳng hạn, những chương trình có tính duy tương đối chủ nghĩa, chủ nghĩa khoái lạc, chủ nghĩa tiêu thụ và những thứ xúi giục như thế”.

Ngài cũng gọi chủ nghĩa tiêu thụ và chủ thuyết tương đối là “những bệnh ung thư của xã hội”, và nói rằng ngài sẽ tiếp tục nói điều này trong thông điệp sắp đến của ngài về môi trường. Thông điệp sắp đến có tựa đề “Laudato sii” (Ca tụng Chúa đi), theo câu mở đầu của “Bài Thánh ca của  các thọ tạo” của thánh Phanxicô Assidi, sẽ được công bố vào ngày 18/6/2015.

Tý Linh (Xuân Bích VN)

theo Aleteia.org

Cử hành 200 năm ngày thánh Gioan Bosco sinh ra

Cử hành 200 năm ngày thánh Gioan Bosco sinh ra

Phỏng vấn Cha Francesco Cereda, Phụ tá Bề trên Tổng quyền dòng Don Bosco

Ngày 15-8-2014 lễ Đức Mẹ hồn xác lên Trời, dòng Don Bosco đã bắt đầu các lễ nghi mừng kỷ niệm 200 năm thánh Gioan Bosco sinh ra tại Castelnuovo d'Asti vùng Piemonte, trung bắc Italia, ngày 16 tháng 8 năm 1815. Năm kỷ niệm này được ghi dấu bằng nhiều biến cố mừng kính vị thánh lập dòng Salesien và là bổn mạng của giới trẻ. Ngoài lễ nghi khai mở năm kỷ niệm tại Castelnuovo, còn có đại hội quốc tế về lịch sử và sư phạm Salesien, và đại hội quốc tế phong trào giới trẻ Salesien. Từ ngày 19 tháng 4 năm tới sẽ có cuộc trưng bầy Tấm Khăn Liệm thành Torino nhân năm kỷ niệm này.

Giovanni Bosco sinh ngày 16 tháng 8 năm 1815 trong một căn nhà khiêm tốn tại thôn I Becchi làng Castelnuovo, là con ông Francesco Bosco và bà Margherita Occhiena, nông dân. Ông Francesco qua đời vì bệnh phổi năm 1817 khi mới 33 tuổi, để lại vợ và ba con. Thế là khi mới 2 tuổi Giovanni đã mồ côi cha. Một thân một mình bà Margherita phải tần tảo nuôi ba con thơ và mẹ chồng bệnh hoạn. Cuộc sống thời đó vô cùng khó khăn và có rất nhiều người chết vì đói và dịch tễ. Năm lên 9 tuổi Giovanni có một giấc mơ, khiến cậu quyết định trở thành linh mục, và giấc mơ đó sẽ là lý do khiến cho sau này cha Bosco quy tụ các trẻ em mồ côi, lang thang bụi đời, các trẻ em lao động, hay từng vào tù ra khám, để trợ giúp, dậy dỗ các em nên thân nên người. Trong thời gian theo học tại trường tiểu học Capriglio, cậu bé Giovanni đã quyết định học làm xiệc để lôi kéo các trẻ em cầu nguyện và tham dự thánh lễ. Nếu muốn xem cậu làm xiệc, thì các trẻ em trước đó phải lần hạt Mân Côi và lắng nghe một đoạn Phúc Âm.

Vì bị người anh cả cùng cha khác mẹ là Antonio ghen ghét và đánh đập, Giovanni được mẹ gửi đến Moncucco Torinese giúp việc cho gia đình ông Luigi và bà Dorotea Moglia từ năm 1827 đến 1829, và chỉ có thể trở về nhà khi Antonio lập gia đình năm 1831. Trong thời gian này Giovanni tìm mọi cách học để chuẩn bị vào chủng viện, nhưng việc học khi được khi không. Bù lại Giovanni học được nghề thợ may, thợ rèn, sau nay sẽ rất hữu hiệu vì cbúng sẽ là các nghề trong trường kỹ thuật Valdocco của dòng Salesien.

Để có tiền đi học tại tỉnh Chieti Giovanni trọ ở nhà bà Lucia Matta, và làm đủ mọi nghề: giúp việc, giúp bàn, dọn dẹp chuồng bò để có tiền đi học. Chính tại đây anh thành lập ”Hội Tươi Vui” và trổ tài làm xiệc để lôi kéo người trẻ tới với đời cầu nguyện và cuộc sống đức tin. Trong thời gian này Giovanni làm bạn với Lugi Comollo. Gương sống dịu hiền, vô tội và tha thứ của Luigi Comollo sẽ khiến cho Giovanni sau này lấy khẩu hiệu: ”Hãy lấy hết mọi sự, nhưng xin cho con các linh hồn”.

Sau bao nhiêu kiên trì vượt mọi khó khăn cuối cùng Giovanni Bosco được gia nhập chủng viện Chieti, theo học tại đây từ năm 1935 tới 1841 và được thụ phong linh mục ngày mùng 5 tháng 6 năm 1841. Tuy được bạn bè và người quen đề nghị làm thầy dậy học tư hay tuyên úy, nhưng cha Bosco từ chối. Cha quyết định vào sống trong cư xá ở Torino gần nhà thờ thánh Phanxicô thành Assisi, nơi linh mục Luigi Guala đang lo cho 45 thanh niên chuẩn bị học làm linh mục, với sự trợ giúp của cha Giuseppe Cafasso, là người đã mời cha Bosco tới phụ lực với hai cha.

Được linh hứng bởi công việc của cha Giovanni Cocchi, người đã tìm cách quy tụ các người trẻ gặp khó khắn tại Torino trong một cư xá, cha Bosco quyết định đi găp các trẻ em bụi đời và quan sát cuộc sống khổ cực của các em cũng như nói chuyện với các em. Mới 8-9 tuổi nhưng các em đã phải làm việc lam lũ trong các nhà máy để mưu sinh, và thường bị người lớn ức hiếp ăn cắp lương. Các em rất qúy trọng cha vì cha bênh vực các em. Cùng với cha Cafasso, cha Bosco cũng bắt đầu viếng thăm các người trẻ bị tù.

Nhận thấy tình yêu thương của cha, các bạn trẻ tuổi từ 12 tới 18 bắt đầu tin cậy và kể lại cho cha nghe các khổ đau khó khăn của họ. Cha dặn họ khi ra khỏi tù tới gặp cha tại giáo xứ thánh Phanxicô Assisi. Ngày mùng 8 tháng 12 năm 1841 trước khi dâng thánh lễ cha gặp Bartolomeo Garelli trong phòng mặc áo. Đó là bạn trẻ đầu tiên tìm đến với cha. Cha Bosco quyết định tụ tập tất cả các trẻ em nghèo, mồ côi, lang thang bụi đời, các trẻ em công nhân làm nghề lau ống khói, các người trẻ mới ra khỏi tù, để đậy đỗ các em. Bốn ngày sau cùng với Bartolomeo Garelli, có thêm ba anh em Buzzetti và bạn bè của các em. Đó là nhóm sẽ làm thành tổ ấm đầu tiên của dòng Salesien. Chỉ ít lâu sau trẻ em đông tới độ cha Bosco phải nhờ ba linh mục khác trợ giúp.

Mùa xuân năm 1842 mấy anh em Buzzetti đem theo Giuseppe người em út đến tổ ấm. Giuseppe rất yêu mến cha Bosco, quyết định theo cha trong ơn gọi linh mục và sau này trở thành cánh tay mặt của cha trong dòng Salesien. Tháng tư năm 1846 cha Bosco tìm được một khu đất và một căn nhà cho các con cái của cha tại Valdocco. Năm 1854 cha bắt đầu thành lập dòng Salesien, và năm 1872 với sự trợ giúp của chị Maria Domenica Mazzarello cha thành lập nhánh nữ Salesien lo việc giáo dục cho các trẻ nữ. Năm 1875 cha gửi nhóm thừa sai Salesien đầu tiên sang Buenos Aires, thủ đo Argentina. Sau đó dòng lớn mạnh và phát triển tại nhiều nước Âu châu, Mỹ châu, Phi châu và Á châu trong đó có cả Việt Nam. Hiện nay dòng Don Bosco có 15.560 tu sĩ, trong đó có 121 Giám Mục, 10.433 linh mục, điều khiển 1823 cơ cở giáo dục và các trường kỹ thuật dậy nghề cho người trẻ đó đây trên thế giới.

Cha Don Bosco qua đời tại Torino ngày 31 tháng giêng năm 1888. Đức Giáo Hoàng Pio XI đã phong Chân phước cho người ngày mùng 2 tháng 6 năm 1929, rồi nâng lên hàng hiển Thánh ngày mùng 1 tháng 4 năm 1934. Xác của cha hiện được để trong đền thánh Đức Bà Phù Hộ ở Torino.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn cha Francesco Cereda, phụ tá cha Bề trên tổng quyền dòng Don Bosco, về năm kỷ niệm này.

Hỏi: Thưa cha các lễ nghi kỷ niệm 200 năm thánh Gioan Bosco sinh ra đã diễn ra như thế nào?

Đáp: Các lễ nghi kỷ niệm 200 năm đã bắt đầu vào ngày lễ Đức Mẹ hồn xác lên Trời, với biến cố cha Bề trên tổng quyền đã được Hội đồng tỉnh và Hội đồng mục vụ giáo xứ Castelmuovo tiếp đón. Ngay buổi chiều đầu tiên này cha Bề trên tổng quyền đã minh nhiên vai trò của Đức Mẹ Maria trong cuộc đời thánh Bosco, cũng như sự kiện thánh nhân đã học tín thác cho Đức Mẹ từ thân mẫu là bà Margherita, và bên trong môi trường giáo xứ. Thứ bẩy 16-8 có cuộc hành hương, theo sau đó là thánh lễ đồng tế tại quảng trường vương cung thánh đường kính thánh Bosco tại Colle Don Bosco. Trong thánh lễ cha Bề trên tổng quyền đã đọc sứ điệp gửi năm Don Bosco, và Hội đồng thành phố đã trao tặng tước hiệu ”công dân danh dự” cho cha.

Hỏi: Thưa cha, đâu là các mục đích của năm kỷ niệm với đề tài ”Don Bosco với người trẻ và cho giới trẻ?

Đáp: Mục đích chính là kỷ niệm gương mặt của cha thánh Don Bosco, bằng cách duyệt xét các thách đố mà thánh nhân đã đương đầu, để học từ chính thánh nhân, để xem ngày nay chúng ta phải trả lời cho các thách đố của giới trẻ như thế nào. Như vậy chúng ta có thể đưa ra một bài học phân định mục vụ liên quan tới các tình trạng, trong đó người trẻ phải sống trong các phần đất khác nhau của thế giới này. Như thánh Bosco chúng tôi cũng ước muốn dấn thân như gia đình Salesien và như là phong trào Salesien là sống với người trẻ và cho người trẻ. Do đó đề tài đồng hành, sống gần gũi với người trẻ, hiểu biết họ, và lôi cuốn họ trong hoạt động giáo duc mục vụ dành riêng cho họ, tới độ làm cho mỗi một người trẻ khám phá ra chương trình Thiên Chúa có đối với họ, và như thế hướng cuộc sống họ cho tương lai.

Hỏi: Thưa cha, năm kỷ niệm sẽ kéo dài cho tới ngày 16 tháng 8 năm 2015: đâu là các sáng kiến chính được dự trù cho năm này?

Đáp: Có các sáng kiến trên bình diện toàn cầu, như 90 cuộc thanh tra toàn dòng trên thế giới. Trên bình diện dòng thì sáng kiến đầu tiên sẽ là vào cuối tháng 9 sẽ có lễ nghi trao Thánh Giá truyền giáo cho các tu sĩ ra đi rao truyền Tin Mừng trên thế giới. Tiếp theo đó vào tháng 11 sẽ có một đại hội lịch sử duyệt xét sự phát triển đặc sủng của thánh Bosco từ quan điểm lịch sử hoạt động của dòng, từ quan điểm giáo dục và từ quan điểm tu đức. Tiếp theo đó riêng tại Italia sẽ có đại hội toàn quốc diễn ra ngày 24 tháng giêng tại Torino, rồi trong tháng 3 sẽ có đại hội quốc tế sư phạm tại đại học Salesien. Một trong các biến cố mà chúng tôi sẽ tham dự như là gia đình Salesien đó là vuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Torino, nhân dịp trưng bầy Tấm Khăm Liệm trong năm kỷ niệm này. Thế rồi trong tuần cuối cùng của tháng 3 sẽ có đại hội quốc tế của người trẻ để giúp họ trở thành các Don Bosco ngày nay trong môi trường sống thường ngày của họ.

Hỏi: Thưa cha, sứ điệp của thánh Bosco Đấng sáng lập dòng Salesien có còn thời sự hay không và đâu là các điểm mạnh của sứ điệp này?

Đáp: Chúng ta thấy sứ điệp này được tiếp nhận trong nhiều phần khác nhau trên thế giới chính vì nó là một sứ điệp thiện cảm với người trẻ và gần gũi họ. Sư phạm của thánh Bosco, chúng ta có thể định nghĩa như là nghệ thuật khích lệ: gần gũi người trẻ trong chính môi trường sống của họ, cả qua đề nghị của lòng tin. Chính nhờ sự gần gũi với người trẻ hệ thống giáo dục của thánh Bosco dẫn đưa người trẻ tới chỗ trưởng thành, cho dù họ là tín hữu của tôn giáo nào đi nữa. Chương trình giáo dục đó là trợ giúp mọi người trẻ có một tương lai và có thể sống cho tha nhân. Bởi vì đó là kiểu giáo dục của thánh Bosco: bắt đầu thành lập một phong trào rộng lớn bao gồm nhiều người, vì để giáo dục cần có rất nhiều người cộng tác.

(RG 15-8-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

Bầu khí chờ đợi Đức Thánh Cha Phanxicô và các bạn trẻ Á châu tại Nam Hàn

Bầu khí chờ đợi Đức Thánh Cha Phanxicô và các bạn trẻ Á châu tại Nam Hàn

Lúc 16 giờ chiều thứ tư 13-8-2014 giờ Roma, Đức Thánh Cha Phanxicô lấy máy bay đi Seoul, bắt đầu chuyến viếng thăm mục vụ tại Nam Hàn kéo dài cho tới ngày 18-8. Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ giới trẻ Á châu và chủ sự lễ phong chân phước cho 124 vị tử đạo Đại Hàn.

Worker setup Cross

Từ nhiều tháng qua hơn 1,000 nhân viên thiện nguyện và 300 công nhân đã làm việc cật lực chuẩn bị từng chi tiết cho chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Nam Hàn. Đức Cha Basilio Cho Kyu Man, 59 tuổi, Giám Mục phụ tá tổng giáo phận Seoul, cho biết có sự chờ đợi rất lớn. Trong mọi giáo xứ đều có treo các băng rôn lớn chào mừng Đức Thánh Cha, và đã có các buổi canh thức cầu nguyện cho chuyến viếng thăm mang lại nhiều kết qủa mong muốn.

Nhưng không phải chỉ có các tín hữu công giáo náo nức chờ đợi Đức Thánh Cha, mà đại đa số người dân Nam Hàn cũng thế, vì họ coi ngài là một nhân vật rất nổi tiếng. Mọi người dân Nam Hàn đều biết kiểu làm và nói của ngài, kiểu ngài hành động đối với người nghèo và người bệnh tật. Trong các tháng qua đã có nhiều sách của Đức Giáo Hoàng được dịch ra tiếng Đại Hàn.

Trong bản tin gửi ngày 12-8-2014 phóng viên Faccioli Pintozzi của hãng tin Asianews cho biết trong các đường phố chính của thủ đô Seoul đều có treo hình của Đức Phanxicô với hàng chữ ”Chào mừng Đức Giáo Hoàng”. Bên cạnh đó là quốc kỳ Nam Hàn. Chính quyền Nam Hàn đã chuẩn bị tiếp đón vị thượng khách của quốc gia với rất nhiều cẩn trọng. Dĩ nhiên, vấn đề an ninh rất là quan trọng trong công tác chuẩn bị tiếp đón. Chung quanh khu vực trụ sở Hội Đồng Giám Mục Nam Hàn, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp gỡ các Giám Mục Nam Hàn chiều ngày hôm nay 14-8, có nhiều cảnh sát và nhân viên công lực canh giữ. Trong khi tiếng máy bay trực thăng lượn vòng trên bầu trời Seoul làm nhạc nền cho mọi sinh hoạt của cuộc sống thường ngày.

Cảnh sát cũng kiểm soát nghiêm ngặt quảng trường Gwanghwamun ”Quang môn” giữa lòng thủ đô Seoul, nơi Đức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ phong Chân phước cho Linh Mục Phaolô Yun Ji-Chung và 123 bạn tử đạo ngày 16 tháng 8. Quảng trường ”Quang Môn” hay ”các cửa của ánh sáng” nằm gần hoàng cung, biểu tượng cho căn tính của Nam Hàn, được trang hoàng bằng các bức tượng của Đô đốc Yi Sun-Schin, là người hồi thế kỷ thứ XV đã nhiều lần đánh bại hạm đội Nhật Bản, và của vua Sejong Cả, người cải cách nổi tiếng thuộc thế kỷ XV.

Đức Cha Basilio cho biết lúc đầu ban tổ chức tính chọn một khu vực rộng lớn hơn gần bờ sông, nhưng sau đó đã quyết đinh chọn quảng trường ”Quang Môn”, vì nó gần trung tâm và nằm trong thành cổ. Các vị tử đạo đã sống tại nơi này, và vài vị đã chịu tử đạo, bị chém đầu tại quảng trường này. Bên cạnh chỗ đặt bàn thờ có một nhà thờ kính nhớ các vị tử đạo. Xưa kia cũng có trạm cảnh sát, trong đó chắc chắn nhiều vị tử đạo đã bị nhốt trước khi bị hành quyết. Nơi này cũng là trung tâm của thành phố, diễn tả lịch sử của Đại Hàn, và trong vùng của các dịch vụ làm ăn buôn bán, là môi trường cũng cần được loan báo Tin Mừng.

Vùng quảng trường có các hàng rào chứa được 200,000 người, nhưng cả quảng trường có chỗ cho nửa triệu người. Đức Cha Basilio cho biết số tín hữu sẽ không đông đến 1 triệu, như hồi Đức Gioan Phaolô II viếng thăm Nam Hàn năm 1984. Lý đo vì trời qúa nóng và chi phí di chuyển cũng qúa mắc đối với nhiều giáo dân.

Như đã nói trên đây, vấn đề an ninh là một trong các ưu tư chính của chính quyền Nam Hàn. Lý do là vì sau khi Đức Thánh Cha ra vạ tuyệt thông cho các thành viên tổ chức tội phạm Mafia bên Italia, người ta sợ các tổ chức này tìm cách trả thù cách gián tiếp. Có tin đồn là có sự giằng co giữa các nhân viên an ninh của chính quyền Seoul muốn Đức Thánh Cha dùng xe có kính chắn đạn và các nhân viên an ninh Vaticăng, muốn để cho ngài được tự do tiếp xúc với dân chúng.

Tại quảng trường Quang Môn hiện cũng đang có một nhóm đông người biểu tình đòi ”sự thật và công lý” sau vụ đắm phà tại Sewol ngày 16 tháng 4 năm nay, khiến cho hơn 300 người chết, nhưng cho tới nay người ta vẫn chưa biết các chi tiết tai nạn xảy ra. Trong số những người ngồi biểu tình cũng có vài linh mục và nữ tu.

Flag welcome Pope

Đối với cuộc gặp gỡ giới trẻ tại Daejeon, thì ít có sự chờ đợi hơn. Đã có 4,000 bạn trẻ Nam Hàn và 2.000 bạn trẻ thuộc 23 nước Á châu tham dự Đại hội giới trẻ. Trong số này cũng có một bạn trẻ Bắc Hàn tỵ nạn tại Nam Hàn. Tuy không phải là tín hữu kitô, nhưng anh cho biết bà nội của anh thỉnh thoảng có nói tới Đức Giáo Hoàng, vì thế anh muốn biết ngài là ai, làm gì. Và đây là dịp may hiếm có, nên anh xin ghi danh tham dự. Trong số 2,000 bạn trẻ thuộc các nước Á châu nhóm đông nhất đến từ Philippines, rồi có các bạn trẻ Nhật Bản, Hồng Kông, Mông Cổ, Việt Nam. Ban tổ chức cũng đã gửi thứ mời các ban trẻ Hoa Lục, nhưng không ai biết họ có được phép tham dự không và sẽ có bao nhiêu người.

Đề tài đai hội là ”Hãy đến và xem”. Trong các ngày đại hội các bạn trẻ sẽ tham dự các cuộc hội thảo, trao đổi và chia sẻ chứng từ về một loạt các đề tài khác nhau, cũng như các buổi trình diễn văn nghệ, ca vũ và hòa nhạc. Ban vũ của Indonesia đặc biệt được chờ đợi. Trọng tâm của đại hội là việc làm chứng tá, tử đạo và ”thức tỉnh” qua sứ điệp của Chúa Kitô. Trong thánh lễ kết thúc đại hội do Đức Thánh Cha chủ sự sáng Chúa Nhật 17-8 sẽ có nghi thức sai các bạn trẻ ra đi rao truyền Tin Mừng.

Một linh mục thuộc ban tổ chức cho biết các bạn trẻ náo nức chờ đươc tham dự thánh lễ kính Đức Mẹ hồn xác lên trời, do Đức Thánh Cha chủ sự, nhưng họ cũng hân hoan vì cơ may gặp gỡ các bạn trẻ khác đến từ nhiều nước Á châu và chia sẻ với họ các kinh nghiệm chứng tá đức tin và các khó khăn của đời kitô trong thế giới ngày nay.

Thánh lễ khai mạc đã do Đức Cha Lazzaro You Heung Sik, Giám Mục Daejeon, khai mạc với thánh lễ do ngài chủ sự vào sáng 13-8 tại đền thánh Solmoe, là quê sinh của linh mục Anrê Kim Taegon, đã được Đức Gioan Phaolô II tôn phong hiển thánh cùng với 102 vi tử đạo khác hồi năm 1984.

Đại hội giới trẻ công giáo Á châu cũng mang sắc thái ơn gọi với sự tham dự của 500 đại chủng sinh. Trưa ngày 15-8-2014 sẽ có 20 bạn trẻ dùng bữa với Đức Thánh Cha. Vào ban chiều họ sẽ cùng các bạn trẻ khác đến Solmoe gần đền các thánh tử đạo, nơi diễn ra đại hội. Vào ban tối sẽ có lễ hội văn hóa với sự tham dự tiết mục của các phái đoàn các nước. Hai bạn trẻ sẽ chia sẻ chứng tá cuộc sống của họ với các bạn trẻ và Đức Thánh Cha, trước khi ngài ban huấn từ.

Theo Đức Cha Lazzaro You Heung Sik, Giám Mục Daejeon, ”trước khi là người Đại Hàn, Trung Quốc hoặc Á châu, người trẻ đến Daejeon đều là anh chị em với nhau và là con cái Thiên Chúa. Quốc tịch, trình độ học vấn hay các khác biệt chính trị không quan trọng: tất cả chúng ta phải cùng nhau luôn luôn gieo vãi tình yêu khắp nơi, để có tình yêu thương giữa chúng ta. Nếu có tình yêu thương giữa chúng ta, thì khi đó chúng ta có thể làm được tất cả mọi sự. Nhưng không có tình yêu thương, thì sẽ không làm được gì cả”.

Để giúp tín hữu và nhân dân Nam Hàn chuẩn bị tinh thần đón tiếp Đức Thánh Cha Phanxicộ, ngày 11-8-2014 đài truyền hình quốc gia đã cho trình chiếu sứ điệp video của ngài, trong đó Đức Thánh Cha nói: ”Anh chị em thân mến! Chỉ còn vài ngày nữa, với ơn Chúa giúp, tôi sẽ ở giữa anh chị em bên Đại Hàn. Ngay từ bây giờ tôi xin cám ơn anh chị em về sự tiếp đón của anh chị em, và tôi mời gọi anh chị em cùng tôi cầu nguyện, để cho chuyến tông du này đem lại nhiều hoa trái cho Giáo Hội và xã hội Đại Hàn. ”Hãy dứng đậy và hãy bừng sáng” (Is 60,1), với các lời ngôn sứ Isaia đã nói với thành Giêrusalem, tôi xin nói với anh chị em. Chính Chúa mời gọi anh chị em tiếp nhận ánh sáng của Người, tiếp nhận nó trong con tim để suy tư trong một cuộc sống tràn đầy đức tin đức cậy và đức mến, tràn đầy niềm vui của Phúc Âm. Như anh chị em biết, tôi đến nhân dịp Ngày Giới Trẻ Á châu lần thứ 6. Đặc biệt tôi sẽ đem tới cho ngưới trẻ lời Chúa mời gọi: ”Hỡi giới trẻ Á châu, hãy đứng lên! Vinh quang của các vị tử đạo chiếu sáng trên các con”. Ánh sáng của Chúa Kitô phục sinh chiếu tỏa như trong một tấm gương nơi chứng tá của cha Phaolô Yun Ji-Chung và 123 bạn tử đạo, tất cả là các chứng nhân của đức tin, mà tôi sẽ tuyên phong chân phước ngày 16 tháng 8 tới đây tại Seoul”. Người trẻ là những người đem theo niềm hy vọng và năng lực cho tương lai; nhưng họ cũng là nạn nhân của cuộc khủng hoảng luân lý và tinh thần trong thời đại chúng ta. Vì thế tôi ước mong loan báo cho họ và mọi người danh thánh duy nhất, trong đó chúng ta có thể được cứu rỗi: Đức Giêsu là Chúa.”

Đức Thánh Cha nói thêm trong sứ điệp Video gửi tín hữu Đại Hàn: ”Anh chị em Đại Hàn thân mến, niềm tin nơi Chúa Kitô đã đâm rễ sâu trên quê hương của anh chị em và đã đem lại hoa trái dồi dào. Các người cao niên là những người giữ gìn gia tài đó: không có họ giới trẻ sẽ không có ký ức. Sự gặp gỡ giữa người già và người trẻ bảo đảm cho con đường của dân tộc. Và Giáo Hội là đại gia đình, trong đó tất cả mọi người là anh chị em với nhau trong Chúa Kitô. Nhân danh Người tôi đến với anh chị em, trong niềm vui được chia sẻ với anh chị em Tin Mừng tình yêu và niềm hy vọng. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em và xin Đức Trinh Nữ Mẹ Người che chở anh chị em”.

Đức Cha You cũng đồng ý với nhận xét của Đức Thánh Cha liên quan tới người trẻ. Đức Cha cho biết thách đố lớn nhất đối với Giáo Hội Đại Hàn hiện nay là chủ thuyết vô thần thực tiễn của một xã hội dựa trên sự ganh đua và thành công, dậy người ta chỉ nghĩ tới tiền bạc và công việc làm, đến độ mhiều người trẻ xem ra không còn thời giờ để sống đức tin nữa. Vì thế Giáo Hội phải đẩy mạnh mục vụ giới trẻ và chứng tá bác ái, là con đường đúng đắn giúp tới gần các thế hệ trẻ. Đức Cha hy vọng chuyến công du này của Đức Thánh Cha Phanxicô khiến cho tâm tình tôn giáo nở hoa, và giúp nhiều người khám phá ra niềm tin công giáo. Khi Đức Gioan Phaolô II viếng thăm Nam Hàn trong các năm 1984 và 1989, số người xin gia nhập Giáo Hội gia tăng mạnh. Là vị chủ chăn đã khẳng định rằng trong Giáo Hội mọi tín hữu đều là các thừa sai, chắc chắn Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thúc đẩy mọi người các linh mục tu sĩ và giáo dân nam nữ hăng say rao giảng Chúa Kitô cho các anh chị em khác.

(ASIANEWS 27.28.30-6-2014; 12-8-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Albania

Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Albania

Phỏng vấn Đức Cha Rrok Mirdita, Tổng Giám Mục Tirana

Sáng ngày 31-7-2014 Phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố chương trình chuyến Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm mục vụ Albania vào ngày 21 tháng 9 tới đây.

Lúc 7 giờ 30 sáng Chúa Nhật 21-9-2014 Đức Thánh Cha sẽ rời phi trường Fiumicino để bay sang Tirana và tới phi trường ”Mẹ Têrêxa” lúc 9 giờ. Lúc 9 giờ 30 lễ nghi chào đón sẽ diễn ra tại Dinh tổng thổng trong thủ đô Tirana. Sau khi chào thăm và hội kiến với tổng thống tại ”Thư phòng Xanh”, lúc 10 giờ Đức Thánh Cha gặp gỡ hàng lãnh đạo Albania. Sau đó lúc 11 giờ ngài sẽ cử hành Thánh Lễ và đọc kinh Truyền Tin với tín hữu tại quảng trường Mẹ Têrexa. Lúc 13 giờ 30 ngài dùng bữa trưa với các Giám Mục Albania và đoàn tùy tùng tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh.

Ban chiều lúc 16 giờ Đức Thánh Cha gặp gỡ các vị lãnh đạo các Giáo Hội Kitô và các tôn giáo khác trong đại học công giáo ”Đức Bà Cố vấn”. Lúc 17 giờ ngài chủ sự buổi hát kinh chiều với sự tham dự của các linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và thành viên các phong trào giáo dân trong nhà thờ chính tòa Tirana.

Lúc 18 giờ 30 Đức Thánh Cha gặp gỡ các trẻ em và phái đoàn đại diện các thành viên của các trung tâm bác ái khác trong nhà nguyện trung tâm Betania.

Lúc 19 giờ 45 lễ nghi tiễn biệt sẽ diễn ra tại phi trường quốc tế Mẹ Têrêxa. Máy bay chở Đức Thánh Cha sẽ rời phi trường lúc 20 giờ và về tới phi trường Ciampino của Roma lúc 21 giờ 30.

Cộng hòa Albania rộng gần 29.000 cây số vuông, có hơn 3 triệu dân, gần 59% theo Hồi giáo, hơn 17% theo Kitô giáo và 25,30% không theo tôn giáo nào. Trước thời Đệ Nhị Thế Chiến có 70% dân Albania theo Hồi giáo, 20% theo Chính thống, và 10% theo Công giáo.

Vào cuối thế kỷ thứ IV, khi đế quốc Roma bắt đầu suy yếu, Albania đã là trung tâm của nền văn minh Illirica, và trong nhiều thế kỷ đã là một trong các trung tâm văn hóa và tôn giáo chính của đế quốc Bizantin. Vào thế kỷ XV Albania rơi vào tay đế quốc hồi Ottoman, và nằm dưới sự cai trị của người Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 28 tháng 11 năm 1912 Albania tuyên bố đôc lập khỏi đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ, và năm sau đó được thừa nhận trở thành Cộng hòa Albania, sau các cuộc chiến vùng Balcan.

Năm 1939 Albania bị sát nhập vào vương quốc Italia. Trong các năm 1944 đến 1990 Albania đã là một nước cộng sản, có chính sách tự cô lập hóa, theo Stalin và chống việc xét lại. Trong 46 năm phải sống dưới chế độ cộng sản vô thần tín hữu các tôn giáo, đặc biệt là Kitô giáo, đã bị bách hại rất gắt gao và đã có hàng chục ngàn tín hữu tử đạo, trong có đó nhiều giám mục linh mục và tu sĩ nam nữ. Cũng giống như các nước cộng sản khác, nhà nước cộng sản Albania đã thẳng tay đàn áp các kitô hữu, bắt giữ, bỏ tù, tra tấn và tàn sát họ không thương tiếc.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Cha Rrok Mirdita, Tổng Giám Mục Tirana.

Hỏi: Thưa Đức Cha Mirdita, Giáo Hội tại Albania chờ đợi chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô với các tâm tình nào?

Đáp: Chúng tôi chờ đợi chuyên viếng thăm của Đức Thánh Cha với các tâm tình biết ơn. Giáo Hội của chúng tôi đã đâm rễ sâu trên vùng đất Albania này và gắn bó với người dân một cách sâu xa dọc dài lịch sử. Nhưng vì là một Giáo Hội nhỏ bé nó đã luôn luôn hướng nhìn về Roma với lòng trìu mến và sống ơn gọi là Giáo Hôi công giáo. Chính qua sự hiệp thông với Người Kế Vị Thánh Phêrô và lòng trung thành với ngài mà tín hữu của chúng tôi đã sống sự tùy thuộc vào Giáo Hội hoàn vũ, cả trong các lúc, trong đó Người Kế Vị Thánh Phêrô và Giáo Hội hoàn vũ đã bị coi là kẻ thù trên quê hương. Tôi nghĩ tới cuộc bách hại tôn giáo dài dưới chế độ cộng sản, nhưng tÔi cũng nghĩ tới các thời điểm khác của qúa khứ. Giờ đây Người Kế Vị Thánh Phêrô nhìn tới chúng tôi và đến thăm chúng tôi, để củng cố chúng tôi trong lòng tin và để tỏ lòng cảm phục đối với sự tử đạo và khổ đau của các tín hữu công giáo Albania, nhưng không phải chỉ có thế. Giáo Hội tại Albania chờ đợi Đức Thánh Cha với niềm vui và lòng thương mến cùng với tín hữu các tôn giáo khác. Cả những người không tín ngưỡng cũng rất trân trọng vá qúy mến Đức Thánh Cha.

Hỏi: Bách hại tôn giáo là một từ ám chỉ sự chia rẽ và kỳ thị hiện nay. Chỉ cần nghĩ tới tình hình bên Trung Đông, nhưng tại Albania sự bách hại của chế độ vô thần đã củng cố sự hiệp thông giữa các tôn giáo. Chúng ta nhớ rằng bốn cộng đoàn tôn giáo chính là Hồi giáo Suunít, Chính thống, Công giáo và Hồi giáo Bektashi đã chung sống hòa bình với nhau. Chung sống hòa bình là điều có thể giữa các tôn giáo trong cùng một quốc gia không thưa Đức Cha?

Đáp: Tuyệt đối là có thể chứ. Sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, có người giả thuyết rằng với sự tự do tôn giáo sẽ nảy sinh ra các căng thẳng giữa các tôn giáo, nhưng đã không xảy ra như vậy. Albania cống hiến một mô thức gương mẫu của sự chung sống giữa các tôn giáo với nhau. Tôi không nói rằng chúng tôi đã đạt đến sự hài hòa này mà không có các hy sinh, nhưng các hy sinh hoàn thành dọc dài lịch sử đã cho các hoa trái hòa bình, mà ngày nay tất cả mọi công dân đều được hưởng trong nước. Người Albani đã học đươc dọc dài các thế kỷ rằng có thể hoàn toàn trung thành với tôn giáo của mình, trong sự tôn trọng tràn đầy đối với tôn giáo của người khác. Không thể đẹp lòng Thiên Chúa, nếu vi pham các quyền lợi của các anh chị em khác. Nhưng người ta có thể tôn thờ Thiên Chúa, cả trong lãnh vực công cộng, mà không xâm lấn không gian của người khác. Như thế, Đức Thánh Cha Phanxicô tìm thấy tại Albania một mô thức gương mẫu của sự chung sống hòa bình giữa các tôn giáo.

Hỏi: Hai mươi mốt năm đã qua đi, kể từ chuyến viếng thăm Albania của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Giáo Hội và xã hội Albania đã thay đổi như thế nào thưa Đức Cha?

Đáp: Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã như là một sự vuốt ve trên thân xác băn khoăn của Giáo Hội tử đạo Albania. Đó đã là một ngày ánh sáng cho toàn dân nước. Đức Gioan Phaolô II tái lập hàng giáo phẩm và tấn phong 4 Giám Mục đầu tiên. Qua việc khẩn nài Chúa Thánh Thần cho việc phong chức các Giám Mục, mà tôi là một trong bốn vị ấy, cơ cấu giáo hội được tái hồi sinh. Trong hai thập niên qua Giáo Hội Albania đã thay đổi nhiều. Chúng tôi có hàng giáo sĩ bản xứ, các tu sĩ nam nữ người Albani hoạt động bên cạnh biết bao nhiêu thừa sai với lòng quảng đại, nhưng dần dần các thừa sai nhường chỗ cho các thế hệ trẻ Albani.

Chúng tôi cũng có các giáo dân dấn thân trong Giáo Hội và trong xã hội. Như là Giáo Hội chúng tôi điều hành nhiều việc phục vụ trong lãnh vực xã hội, nhưng cũng có nguy cơ trở thành một Giáo Hội thiết định, dừng lại một chỗ. Vì thế chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đem tới sự tươi mát, lay động chúng tôi khỏi các thói quen, và làm cho chúng tôi sống trở lại sự mới mẻ thường hằng của Tin Mừng. Cả xã hội Albania cũng đã thay đồi nhiều, nhưng có vài thách đố vẫn còn tồn tại, chẳng hạn như nạn gian tham hối lộ, nghèo túng, thất nghiệp, các tổ chức tội phạm và công lý yếu kém.

Hỏi: Chuyến viếng thăm Tirana là chuyền viếng thăm đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô trong lục địa Âu châu. Có thể nói rằng Đức Thánh Cha đã bắt đầu từ một vùng ngoại biên hay không?

Đáp: Nếu người ta hiểu trung tâm là sự giầu có vật chất, thì đúng thế. Albania là một ngoại biên của Âu châu, nhưng đầt nước chúng tôi giầu các giá trị khác. Chúng tôi có người dân trẻ nhất âu châu, mặc dù có các làn sóng di cư, chúng tôi có gia đình còn mạnh mẽ, trong đó người già còn được tôn trọng, được lắng nghe và được phục vụ. Chúng tôi có sự chung sống hòa bình giữa các tôn giáo, và tuy có các chấn thương của chể độ độc tài và nỗi khổ đau của qúa khứ gần đây, nhưng chúng tôi đã không ngã vào trong cạm bẫy của một cuộc đấu tranh giai cấp mới, và chúng tôi đã duy trì được hòa bình xã hội. Có thể nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô bước vào đại lục Âu châu qua việc gặp gỡ với một dân tộc nghèo nàn, đã đau khổ nhiều, nhưng cũng đã đóng góp nhiều cho Âu châu.

(SD 31-7-2014)
Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Cuộc sống của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Cuộc sống của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Phỏng vấn Đức Hồng Y Stanislaw Dzwisz, Tổng Giám Mục Cracovia

Sáng Chúa Nhật 27-4-2014 Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ phong Hiển Thánh cho Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II. Cùng đồng tế thánh lễ có Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức XVI, 150 Hồng Y và 700 Giám Mục đến từ khắp nơi trên thế giới, trong đó cũng có Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám Mục Phụ tá Xuân Lộc. Có 10,000 linh mục cùng hiện diện trong thánh lễ với 800,000 tín hữu, đứng chật quảng trường thánh Phêrô, quảng trường Pio XII, đại lộ Hòa giải, lâu đài Thiên Thần trên hai cầu và các đường chung quanh quảng trường. Khoảng 3 triệu tín hữu còn lại đã theo dõi thánh lễ trên các màn truyền hình khổng lồ bố trí tại Circo Massimo và tất cả mọi quảng trường lớn trong thành phố Roma như quảng trường thánh Gioan Laterano, quảng trường Popolo, quảng trường Navona, quảng trường Risogimento vv… Ngoài ra dân chúng đó đây trên thế giới có thể theo dõi thánh lễ trong hàng trăm rạp Cine ba chiều kích, và đã có 2 tỷ người có thể theo dõi thánh lễ qua các đài truyền hình quốc tế.

Lễ phong Hiển Thánh nói trên đã là biến cố duy nhất trong lịch sử dài hơn 2,000 năm của Giáo Hội: hai Giáo Hoàng còn sống phong Thánh cho hai Giáo Hoàng tiền nhiệm.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, Tổng Giám Mục Cracovia, nguyên bí thư của Đức Gioan Phaolô II trong 39 năm trời.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y Dziwisz, Đức Hồng Y đã quen Đức Gioan Phaolô II khi nào?

Đáp: Tôi đã biết Đức Karol Wojtila khi ngài còn là giáo sư và chưa là Giám Mục. Ngài dậy môn dẫn nhập Triết và Thần học năm thứ I tại đại chủng viện. Chúng tôi đã nhận ra ngay một con người rất đặc biệt, có nền tu đức sâu xa và cũng là một giáo sư rất giỏi, luôn luôn được chuẩn bị, các bài dậy học của ngài rất hay. Vì thế ngài đã chinh phục được cảm tình lớn của các sinh viên chúng tôi ngay lập tức. Điều gì đã đánh động chúng tôi? Khi tới giờ nghỉ, ngài luôn luôn vào nhà nguyện. Khi ngài ở trong nhà nguyện thì không có gì khác hiện hữu nữa. Và chúng tôi từ xa khâm phục ngài…

Hỏi: Các sinh viên như Đức Hồng Y đã hiểu ngay là mình đang đứng trước một người đặc biệt. Thế rồi Đức Hồng Y đã ở bên cạnh Đức Karol Wojtila gần 40 năm trời, và chính ngài đã truyền chức Linh Mục cho Đức Hồng Y, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, nhưng mà tôi còn có các điều khác nữa: truyền chức Giám Mục, tất cả… tất cả là từ tay của ngài. Tôi đã phục vụ ngài trong 39 năm: 12 năm tại Cracovia và 27 năm tại Roma. Tôi đã sống với một vị thánh.

Hỏi: Từ sự cường tráng của một người trẻ cho tới sự yếu đuối trong bệnh tật và tuổi già, cho tới các giây phút cuối cùng của cuộc đời dương thế lúc 21 giờ 37 phút chiều ngày mùng 2 tháng 4 năm 2005. Đức Hồng Y đã là chứng nhân sự thánh thiện của Đức Gioan Phaolô II, một sự thánh thiện được diễn tả ra dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Theo Đức Hồng Y, có một hình ảnh đặc biệt nào diễn tả hay nhất sự thánh thiện của ngài hay không?

Đáp: Tôi đã bị đánh động sau vụ mưu sát. Tôi đã ở trong xe cứu thương với ngài. Khi ngài còn tỉnh ngài đã cầu nguyện nhỏ tiếng cho kẻ mưu sát ngài. Ngài không biết là ai nhưng ngài đã tha thứ cho họ, và ngài dâng sự khổ đau của ngài để cầu nguyện cho Giáo Hội và thế giới. Ngài đã không cầu nguyện cho chính mình được tai qua nạn khỏi, nhưng cầu nguyện cho kẻ khác. Và vì thế đây là một điều ngoại thường. Tất cả mọi sự luôn luôn đi qua lời cầu nguyện. Người ta đã hỏi tôi ngài cầu nguyện mỗi ngày mấy giờ. Nhưng ngài cầu nguyện suốt cuộc đời ngài.

Ngài cầu nguyện với cuộc sống. Không thể tách rời lời cầu nguyện khỏi công việc làm. Toàn cuộc sống của ngài là một lời cầu nguyện. Và mọi điều ngài làm đều đi qua lời cầu nguyện. Ngài cầu nguyện cho ai? Có nhiều người nói tới lời cầu nguyện theo vùng địa lý, nghĩa là hết nước này sang nước khác, hết quốc gia này tới quốc gia khác. Và ngài cầu nguyện cho nhiều điều: cho hòa bình, cho công lý, cho việc tôn trọng con người, cho việc tôn trọng các quyền con người, và ngài cũng cầu nguyện cho các cá nhân cụ thể. Thế rồi toàn cuộc sống của ngài đã bị ghi dấu bởi đau khổ: trước hết ngài đã mất mẹ, tiếp đến là mất anh, rồi ngày 13 tháng 5 năm 1981 lại đã bị mưu sát.

Hỏi: Đức Gioan Phaolô II là một con người cầu nguyện, một nhà thần bí, một người chiêm niệm, đã chọn khẩu hiệu ”Totus tuus – Tất cả là của Mẹ” như sợi chỉ dẫn đường trong suốt cuộc sống, có phải vậy không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Vâng, Totus tuus: tất cả là của Mẹ diễn tả lòng sùng kính của Đức Gioan Phaolô II đối với Mẹ Maria, nhưng mà ngài cũng có lòng sùng kính rất lớn đối với Chúa Thánh Thần. Điều này ngài đã học được từ thân phụ của ngài. Thế rồi ngài cũng rất sùng mộ Kinh Mân Côi, qua đó ngài cùng với Mẹ Maria suy niệm cuộc đời của Chúa.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, khía cạnh chiêm niệm này của Đức Gioan Phaolô II đi chung với ý thức cụ thể mạnh mẽ của ngài, và thật ra ngài là một vị thánh nhân bản một cách sâu xa. Ngài là một Giáo Hoàng đã có ảnh hưởng một cách sâu xa trong lịch sử…

Đáp: Chắc chắn rồi. Ngài rất gắn bó với quê hương mình, nhất là với Cracovia, gắn bó với nền văn hóa, với Giáo hội Ba lan, nhưng rất cởi mở cho toàn Giáo Hội, cho toàn thế giới, đối với các quốc gia, và cả đối với tất cả các tôn giáo… Ngài có nhiều tình bạn với các người Do thái và cũng có các tiếp xúc với các người Hồi và các nhân vật của các tôn giáo khác. Ngài luôn luôn nói: ”Chúng ta xây cầu, chứ không xây tường”.

Hỏi: Khi nghĩ tới các Thánh, người ta thường tưởng tượng phải đi xa trong lịch sử. Trong trường hợp này chúng ta không cần phải nhìn lại thời gian xa đàng sau: chúng ta nói tới một Giáo Hoàng Thánh chỉ chín năm sau khi người qua đời. Như thế Đức Gioan Phaolô II thuộc thời đại của chúng ta, là người có một sứ điệp rất là thời sự, có phải không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Chắc chắn là cả ngày nay nữa Đức Gioan Phaolô II cũng gợi hứng cho con người, nhất là giới trẻ: tôi đã trông thấy các người trẻ ở Rio de Janeiro, các người trẻ thuộc thế hệ mà tôi đã không biết. Nhưng khi Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc đến tên ngài, đã có một sự nhiệt tình rất lớn, cũng như nhiệt tình khi họ nghe loan báo Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tới tại Cracovia, trên quê hương và trong thành phố của Đức Gioan Phaolô II. Trong các môi trường khác nhau: môi trường xã hội, môi trường thần học – ngài đã luôn luôn hiện diện, ngài đã để lại một gia tài giáo lý cần đào sâu và thực hiện, nhất là trong lãnh vực bảo vệ các quyền con người và sự tự do của con người và của các quốc gia… Có thể đề cập tới các đề tài khác nhau: ngài luôn luôn hiện diện.

Hỏi: Thật thế, vì đã không có lớp người nào mà Đức Gioan Phaolô II không tiếp xúc. Đức Hồng Y vừa nhắc tới Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, nhưng mà Đức Gioan Phaolô II cũng gần gũi người già cả, bệnh tật, người nghèo, trẻ em, các cặp vợ chồng, và các người sống đời thánh hiến nữa, người đã là vị Giáo Hoàng của việc bênh vực sự sống… Tóm lại là một Giáo Hoàng đã thực sự nói với toàn nhân loại…

Đáp: Chắc chắn rồi, người đã là vị Giáo Hoàng bênh vực sự sống con người một cách tuyệt đối. Người cũng đã là vị Giáo Hoàng của gia đình. Ngài đã có một tương quan tình bạn với giới trẻ, tình bạn với con người. Ngay từ đầu ngài đã hiểu rằng người trẻ nhạy cảm, họ xin được đồng hành và trả lời cho các vấn nạn của họ. Ngài là vị Giáo Hoàng đã nói thay cho những người nghèo, nói với các quốc gia nhất là các quốc gia thuộc thế giới thứ ba. Tại sao người viếng thăm các quốc gia thuộc thế giới thứ ba? Đó là để lên tiếng và kêu gọi người giầu ”Anh chị em phải trợ giúp người nghèo, nếu không sẽ xảy ra một thế chiến mới”. Người đã công du rất nhiều lần sang Phi châu, hay Á châu, nhất là viếng thăm các nước nghèo, để kêu lên, để nói thay cho người dân đau khổ vì nghèo túng, và cũng để kêu gọi những người giầu trên thế giới, để họ thay đổi cung cách hành xử đối với các nước nghèo đang cần được trợ giúp.

Hỏi: Nghĩa là Đức Gioan Phaolô II lắng nghe mọi người, có đúng thế không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Điều này không có nghĩa là ngài đồng ý với tất cả những gì ngài nghe, nhưng ngài tôn trọng con người, không phải chỉ đối với các tín hữu kitô, nhưng đối với cả những người không tin, các người không phải là kitô hữu, người do thái, người hồi giáo, một sự tôn trọng rất lớn. Vì thế ngài đã là vị lãnh đạo tôn giáo đối với tất cả mọi người. Ngài đã chiến đấu chống lại mọi bức tường phân cách. Tôi nghĩ rằng chính ở đây ngài đã rộng mở Giáo Hội cho thế giới và đã khiến cho thế giới tới gần với Giáo Hội.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Đức Hồng Y đã sống biến cố tôn phong Hiển Thánh cho Đức Gioan Phaoô II như thế nào?

Đáp: Tôi không biết… Tôi không biết. Chắc chắn đối với tôi đó là một điều phi thường nghĩ rằng từ nay trở đi tôi sẽ gọi người là Thánh.

(RG 27-4-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Gương mặt của hai vị tân Hiển Thánh Gioan XXIII và Gioan Phaolô II

Gương mặt của hai vị tân Hiển Thánh Gioan XXIII và Gioan Phaolô II

Phỏng vấn Đức Hồng Y Angelo Comastri và Đức Hồng Y Loris Francesco Capovilla

Chúa Nhật 27-4-2014 Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ phong Hiển Thánh cho Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II. Hiện diện trong thánh lễ cũng có Đức Biển Đức XVI, cũng như ngoại giao đoàn cạnh tòa thánh và nhiều giới chức đạo đời và mấy triệu tín hữu đến từ khắp nơi trên thế giới. Đây là biến cố chưa từng có vì là lần đầu tiên trong lịch sử dài hơn 2.000 năm của Giáo Hội hai Giáo Hoàng còn sống cùng hiện diện trong thánh lễ phong Hiển Thánh cho hai Giáo Hoàng khác. Thánh lễ đã được các đài truyền hình quốc tế chiếu trực tiếp để tín hữu toàn thế giới có thể theo dõi.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Hồng Y Angelo Comastri, giám quản Đền Thờ thánh Phêrô và thành phố Vaticăng là người đã sống gần Đức Gioan Phaolô II.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y Comastri, Đức Hồng Y có kỷ niệm nào về Đức Gioan Phaolô II? Làm sao ngài lại có thể trở lại quảng trường Thánh Phêrô sau vụ mưu sát hồi năm 1981?

Đáp: Lần đầu tiên tôi gặp Đức Gioan Phaolô II là khi tôi được chỉ định làm Giám Mục. Hồi đó vụ mưu sát đã xảy ra gần 10 năm trước rồi. Và tôi nhớ là khi đứng mặt giáp mặt với Đức Gioan Phaolô II tôi đã rất là cảm động. Bất thình lình tâm trí tôi như bị một màn sương che phủ và tôi đã không có câu hỏi nào trong trí. Đức Gioan Phaolô II nói: ”Đức Cha xúc động qúa! Xin hỏi tôi điều gì đi chứ”. Lúc đó tôi mới nói: ”Xem nào, vâng con xin hỏi Đức Thánh Cha: làm sao mà Đức Thánh Cha có thể trở lại quảng trường thánh Phêrô sau vụ mưu sát như vậy?” Tôi nhớ là Đức Gioan Phaolô II nhìn tôi mỉm cười và nói: ”Thật đã không dễ đâu”. Và tôi hỏi ngài: “Thế Đức Thánh Cha đã không sợ à?” Và ngài trả lời: ”Chắc chắn là tôi sợ chứ. Xin Đức cha nhớ là những người can đảm không phải là những người không sợ hãi, nhưng là người cho dù có sợ vẫn tiến tới để đưa sứ mệnh của họ tiến tới”. Và ngài nói thêm: “Sau vụ mưu sát người ta khuyên tôi nên mặc áo giáp chắn đạn dưới áo chùng… Nhưng tôi đã không muốn. Mạng sống của tôi ở trong tay Thiên Chúa”.

Hỏi: Tình yêu con thảo của Đức Gioan Phaolô II đối với Đức Maria có ảnh hưởng nào trên chứng tá sự thánh thiện của ngài, thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Đức Gioan Phaolô II đã tâm sự rằng ngài đã khám phá ra sự sùng kính Đức Maria khi còn trẻ. Ban đầu xem ra lòng sùng kính Đức Mẹ – trong một cách nào đó – làm lu mờ quyền tối thượng của Chúa Kitô. Thế rồi khi đọc ”Khảo luận về lòng sùng kích đích thật đối với Mẹ Maria” của thánh Luigi Maria Grignion de Montfort, ngài hiểu ra rằng Đức Maria không làm cho chúng ta xa Chúa Giêsu, trái lại Mẹ dẫn đưa chúng ta tới với Chúa Giêsu. Và ngài cũng nói rằng chính Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta con đường này, con đường của Mẹ Maria, khi từ trên thập giá Người đã nói với Gioan: ”Gioan, này là Mẹ con” và nói với Mẹ Maria: ”Này là con Mẹ”. Chúa Giêsu đã chỉ Mẹ Maria cho chúng ta như con đường để tới với Người bởi vì Mẹ Maria, bởi định nghĩa, là Đấng vâng lời. Là Đấng nói tiếng ”xin vâng”. Và bên cạnh Mẹ Maria, khi nhìn Mẹ Maria, chúng ta học được kiểu ”xin vâng” đó. Khi đó khẩu hiệu ”Totus tuus”, chương trình của Đức Gioan Phaolô II có nghĩa là ”Lậy Mẹ Maria, con hoàn toàn là của Mẹ để đi đến với Chúa Giêsu”.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Đức Hồng Y đã gần gũi Đức Karol Wotijla trong những lúc cuối cùng cuộc đời dương thế của ngài. Cả trong kiểu đối diện với thử thách cuối cùng người ta cũng đã trông thấy sự thánh thiện của Đức Gioan Phaolô II có đúng thế không?

Đáp: Tôi có một kỷ niệm rất sống động của cuộc gẵp gỡ cuối cùng với ngài: đó là ngày mùng 1 tháng 4 năm 2005, một ngày trước khi ngài qua đời. Tôi nhớ là tôi đã làm mọi chuyện với sự vội vã. Tôi đến sân San Damaso, lấy thang máy, đến phòng của Đức Giáo Hoàng và tìm thấy cha Stanislaw dẫn tôi vào phòng Đức Giáo Hoàng, đây là lần đầu tiên trong đời tôi vào phòng một vị Giáo Hoàng. Tôi thấy ngài ngồi dựa lưng vào mấy chiếc gối trong khi một bác sĩ chuyền dưỡng khí cho ngài vì ngài liên tục bị khủng hoảng nghẹt thở. Khi đó tôi nói: ”Thưa Đức Thánh Cha, con vừa bắt đầu công việc ngài đã giao cho, xin Đức Thánh Cha chúc lành cho con”. Và tôi thấy bàn tay phải của Đức Thánh Cha thò ra ngoài khăn trải giường, sưng rất to, giơ lên chúc lành nhưng rơi xuống. Khi đó tôi nói: ”Thưa Đức Thánh Cha, phép lành đã ra từ con tim và như thế là đủ cho con rồi”. Đó là kỷ niệm đẹp nhất mà tôi mang theo trong mình. Khi đó Đức Thánh Cha chăm chú nhìm tôi. Tôi còn thấy đôi mắt đó nhìn tôi: đôi mắt thanh thản, trong sáng… Tôi nhớ là khi ra khỏi phòng Đức Giáo Hoàng, tôi tự hỏi từ đâu nảy sinh ra sự thanh thản đó: nó nảy sinh từ sự kiện ngài chắc chăn đi găp Chúa. Nhưng đối với tôi cũng còn có một lý do khác nữa: ngài đã xác tín rằng đã hoàn toàn tiêu hao cuộc sống cho Chúa. Khẩu hiệu ”Totus tuus” ấy ngài đã thực hiện nó một cách tràn đầy: tất cả là của Mẹ Maria cho Chúa Giêsu.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y trong các năm qua Đức Hồng Y đã có thể đọc và thu thập hàng ngàn lời cầu mà tín hữu toàn thế giới đả để lại nơi mộ của Đức Gioan Phaolô II. Có cái gì đánh động Đức Hồng Y từ các chứng tá này?

Đáp: Điều đánh động tôi đó là tất cả chúng hướng về hai phía: hoặc đó là các gia đình cám ơn Đức Giáo Hoàng vì gương sống của ngài, các lời ngài nói, và chứng tá của ngài hay đó là các người trẻ cám ơn Đức Gioan Phaolô II vì niềm hăng say mà ngài đã thắp lên trong họ. Và đó là hai mối tình của Đức Gioan Phaolô II: gia đình và giới trẻ. Nhưng đồng thời chúng ta tất cả đều nhớ ngài như là vị Giáo Hoàng của giới trẻ. Ngoài ra các Ngày Quốc Tế Giới Trẻ là một trong các sáng chế của ngài để quy tụ người trẻ và thắp lên nơi họ lòng hăng say theo Chúa Giêsu.

Hỏi: Bây giờ chúng ta tất cả đều có thể khấn cầu Đức Gioan Phaolô II như là Thánh, tương quan giữa tín hữu và Đức Gioan Phaolô II sẽ thay đổi như thế nào thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Tôi xin trả lời từ trên trước rồi từ dưới sau. Từ trên tôi nhớ tới một khẳng định của thánh nữ Têrêxa thành Lisieux: hai tháng trước khi chết thánh nữ tâm sự rằng: ”Tôi sẽ sống trên Trời để làm sự lành cho trái đất”. Tôi tin rằng Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, là người đã yêu thương Giáo Hội, giới trẻ, gia đình, nhân loại biết bao, sống trên Trời run rẩy như khi người còn sống trong ước muốn làm cái gì đó, làm sự lành, đem người ta đến với Chúa Giêsu. Như vậy nơi ngài chắc chắn có sự đam mê đó, ước muốn đó, bởi vì trên Trời sự thiện được khuyếch đại lên. Đàng khác, chúng ta nhớ tới ngài như là một vi Giáo Hoàng đã trao ban một chứng tá đức tin vĩ đại và một lòng can đảm sống đức tin lớn lao. Điều đánh động tôi nhất đó là sự can đảm này của Đức Gioan Phaolô II, sức mạnh tiến tới để chiến thắng mọi sợ hãi, như lời kêu gọi ngài đã đưa ra trong thánh lễ khai mạc sứ vụ Phêrô ngày 22 tháng 10 năm 1978: ”Đừng sợ hãi! Hãy mở ra, còn hơn thế nữa, hãy mở toang các cửa cho Chúa Kitô! Chúa Kitô biết trong trái tim con người có điều gì. Chỉ có Ngài biết mà thôi”. ”Đừng sợ hãi hãy mở toang cửa cho Chúa Kitô” Tôi tin rằng các lời này là kỷ niệm đẹp nhất về Đức Giona Phaolô II. Nó giống như một mũi tên chỉ đường, một dấu hiệu nói rằng ”Hãy đi đến với Chúa Giêsu”.

Sau đây là một vài nhận xét của Đức Hồng Y Capovilla, nguyên bí thư của Đức Gioan XXIII trong hơn 10 năm trời.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô đã muốn tôn phong Hiển Thánh Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan XXIII năm nay mà không cần chứng nhận phép lạ thứ hai do lời bầu cử của người?

Đáp: Tôi không thể vào trong các ý định của Đức Thánh Cha. Tôi chỉ biết rằng xem ra Đức Thánh Cha muốn lấy lại không phải diễn văn của Đức Gioan XXIII, nhưng là linh hứng đến từ bên trên là triệu tập tất cả các Giám Mục, tất cả các Giáo Hội địa phương trên toàn thế giới, quy tụ bện nhau để lắng nghe, cầu nguyện, suy tư trong tình huynh đệ và tự hỏi xem chúng ta phải làm gì để con người thời đại của thế kỷ XXI đáp trả là lời mời gọi của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, là người đã nói: ”Công Đồng Chung Vaticăng II là ngôi sao dẫn đường của thế kỷ XXI”. Tuy nhiên đó không phải là lộ trình của một biến cố thôi, mà là lộ trình sứ điệp của Chúa Giêsu ”Niềm vui Phúc Âm”. Giáo Hội là một bà mẹ, xem xét con cái mình. Dọc dài các thế kỷ nếu thầy cần đề nghị người này người nọ nam hay nữ để mọi tín hữu kitô chú ý, thì Giáo Hội tự do làm điều đó và có Chúa Thánh Thần soi sáng con đường của Giáo Hội. Đức Thánh Cha Phanxicô đến gần cầm tay hướng dẫn chúng ta như một người cha người mẹ. Ngài không bắt buộc nhưng thuyết phục chúng ta. Ngài khÔng đem đến cho chúng ta sứ điệp và kinh nghiệm tại Argentina của ngài, nhưng đến nhân danh Chúa Giêsu và chỉ nói về Chúa Giêsu thôi.

Hỏi: Đức Hồng Y đã viết rằng Đức Gioan XXIII vị Giáo Hoàng tốt lành không gợi lên sự nuối tiếc nào, nhưng khích lệ nhìn tới trước, Đức Hồng Y có ý nói gì vậy?

Đáp: Tôi có ý nói rằng chúng ta không phải là những người giữ gìn một đền thánh, một thánh tích, một viện bảo tàng – chính Đức Gioan XXIII đã nói điều đó – nhưng chúng ta được mời gọi giữ gìn một ngôi vườn, nơi có các hạt giống của Ngôi Lời nhập thể; vun trồng một ngôi vườn và tạo thuận tiện cho một lễ Hiện Xuống mới, một lễ Vượt Qua mới, một mùa xuân mới, không phải chỉ là cho niềm vui của từng người, nhưng là cho toàn nhân loại. Chúng ta đang tiến bước chứ chưa tới đích. Đường còn dài. Chúng ta hiểu rằng mình có một kho tàng không phải chỉ để giữ gìn, mà còn để cống hiến cho toàn thế giới nữa. Phúc âm là Tin Mừng. Tin Mừng tôi là Con Thiên Chúa và Ngài không bỏ rơi tôi. Thật là hay đẹp, khi hầu như mỗi ngày nghe Đức Thánh Cha nói rằng Chúa Giêsu không khước từ ai hết, Ngài chờ đợi mọi người”.

Hỏi: Đức Hồng Y diển tả thời gian mười năm cộng tác với Đức Gioan XXIII như thế nào?

Đáp: Tôi đã không bao giờ cảm thấy mình là cộng sự viên cũng như bí thư của người. Tôi cảm thấy tất cả niềm vui được ở bên một người được Thiên Chúa gửi tới, hướng dẫn và đã ném các hạt giống. Ngài đã không thể thực hiện tràn đầy tất cả những gì có trong tâm hồn ngài, nhưng ngài đã để lại các hạt giống.

(SD 17-4-2014; 19-3-2014; 20-4-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Tại sao tìm Đấng Sống trong những gì mau tàn phai và chết đi?

Tại sao tìm Đấng Sống trong những gì mau tàn phai và chết đi?

Lời cảnh báo ”Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” (Lc 24,5) giúp chúng ta ra khỏi các không gian đau buồn và mở ra cho chúng ta các chân trời của niềm vui và niềm hy vọng. Niềm hy vọng ấy chuyển dời các hòn đá lấp mộ và khích lệ loan báo Tin Mừng, có khả năng sinh ra cuộc sống mới cho tha nhân.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 90,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư hàng tuần 23-4-2014 tại quảng trường Thánh Phêrô. Trong những ngày này nhiều tín hữu đã tuốn về Roma để chờ tham dự lễ phong Hiển Thánh cho Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II vào ngày Chúa Nhật 27-4-2014. Thứ tư 23-4-2014 cũng là lễ thánh Giorgio bổn mạng của Đức Thánh Cha. Các Đức Ông thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh giới thiệu các nhóm hành hương đã nhân danh mọi người chúc mừng lễ Bổn Mạng Đức Thánh Cha.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Anh chị em thân mến trong các ngày này chúng ta cử hành mầu nhiệm vĩ đại sự Phục Sinh của Chúa Giêsu trong niềm vui vượt qua. Đó là một niềm vui đích thật, sâu xa, dựa trên sự chắc chắn Chúa Kitô phục sinh không chết nữa, nhưng sống và hoạt động trong Giáo Hội và trong thế giới. Sự chắc chắn ấy ngự trị trong con tim của các tín hữu từ buổi sáng Phục Sinh đó, khi các phụ nữ đến mộ Chúa Giêsu và các thiên thần nói với họ: ”Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” (Lc 24,5) Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa các lời này như sau:

Các lời này giống như một hòn đá mốc lịch sử; nhưng chúng cũng là một ”hòn đá làm vấp ngã”, nếu chúng ta không rộng mở cho Tin Mừng, nếu chúng ta nghĩ rằng một Giêsu chết ít gây khó chịu hơn một Giêsu sống! Trái lại, biết bao nhiêu lần trên con đường thường ngày chúng ta cần nghe nói với chúng ta: ”Sao bạn lại tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” Biết bao nhiêu lần chúng ta cần nghe các lời này để được cứu thoát khỏi các tình trạng khó khăn hay tuyệt vọng.

Chúng ta cần các lời đó, khi chúng ta khép kín trong bất cứ hình thức ích kỷ hay tự mãn nào; khi chúng ta để cho mình bị quyến rũ bởi các quyền lực trần gian và các sự vật của trần gian này mà quên Thiên Chúa và tha nhân; khi chúng ta đặt các niềm hy vọng nơi các phù du trần tục, nơi tiền bạc, nơi thành công. Khi đó lời Chúa nói với chúng ta: ”Tại sao các con tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” Tại sao con tìm ở đó cái không thể cho con sự sống? Phải! Có lẽ nó sẽ cho con sự vui vẻ trong một phút, một ngày, một tuần, một tháng… Rồi sau đó? ”Tại sao các con tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” Câu này phải vào trong tim của chúng ta và chúng ta phải lập lại nó. Chúng ta hãy lập lại nó ba lần nhé? Chúng ta có cố gắng không? Tất cả nào: ”Tại sao các con tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” To hơn: ”Tại sao các con tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” ”Tại sao các con tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” Hôm nay khi về nhà, chúng ta hãy nói lên câu đó trong con tim trong thinh lặng, hãy tự hỏi mình câu đó: ”Tại sao trong cuộc sống tôi lại tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” Làm điều đó sẽ đem lại thiện ích cho chúng ta.

Nhưng không dễ rộng mở cho Chúa Giêsu. Nếu chúng ta lắng nghe, chúng ta có thể rộng mở mình cho Đấng trao ban sự sống, cho Đấng có thể ban cho chúng ta niềm hy vọng đích thật. Trong mùa phục sinh này, chúng ta hãy để cho mình lại được kinh ngạc vì cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô Phục Sinh, và sống vì vẻ đẹp và sự phong phú trong sự hiện diện của Người.

Nhưng không dễ dàng. Không phải là điều tính trước việc chấp nhận sự sống của Đấng Phục Sinh và sự hiện diện của Người giữa chúng ta. Tin Mừng cho chúng ta thấy các phản ứng của tông đồ Tôma, của Maria Madalena và của các môn đệ. Toma đặt ra một điều kiện cho lòng tin, ông xin được sờ mó vào sự hiển nhiên là các vết thương. Bà Maria Madalena thì khóc, bà thấy Chúa nhưng không nhận ra Người, bà chỉ ý thức được đó là Chúa Giêsu khi nghe Người gọi tên bà. Các môn đệ làng Emmaus, bị trầm cảm và với các tâm tình của sự thất bại, đi tới chỗ gặp gỡ Chúa Giêsu bằng cách để cho người bộ hành bí ẩn đồng hành với họ. Mỗi người bởi các con đường khác nhau! Họ tìm Đấng sống giữa các người chết và chính Chúa sửa chữa lộ trình.

Còn tôi, tôi làm gì? Đâu là lộ trình tôi theo để gặp gỡ Chúa Kitô sống và phục sinh? ”Sao lại tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” (Lc 24,5) Người sẽ luôn luôn ở gần chúng ta để sửa lại lộ trình, nếu chúng ta đã sai. ”Tại sao tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” (Lc 24,5) Câu hỏi này làm cho chúng ta thắng vượt cám đỗ nhìn lại đàng sau, nhìn vào những gì của ngày hôm qua, và thúc đẩy chúng ta hướng tới tương lai.

Chúa Giêsu không ở trong mồ, Người là Đấng đã sống lại, Đấng Sống, Đấng luôn canh tân thân thể Người là Giáo Hội, và làm cho nó bước đi bằng cách kéo lôi nó đến với Người. ”Hôm qua” là mồ của Chúa Giêsu và của Giáo Hội, mồ của sự thật và của công lý; ”hôm nay” là sự phục sinh vĩnh cửu mà Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta tiến tới, bằng cách trao ban cho chúng ta sự tự do đích thật.

Hôm nay câu hỏi này cũng được đặt ra với chúng ta. Bạn, tại sao bạn tìm giữa các kẻ chết Đấng sống, và bạn tự khép kín trong chính mình sau một thất bại và bạn không còn sức để cầu nguyện nữa? Tại sao tìm giữa các kẻ chết Đấng sống, bạn là người cảm thấy cô đơn, bị các bạn bè bỏ rơi và có lẽ bị cả Thiên Chúa bỏ rơi nữa? Tại sao tìm giữa các kẻ chết Đấng Sống, bạn là người đã mất niềm hy vọng và cảm thấy bị tội lỗi của bạn cầm tù? Tại sao tìm giữa các kẻ chết Đấng Sống, bạn là người ngưỡng mộ vẻ đẹp, sự toàn thiện tinh thần, công lý, hòa bình?

Chúng ta cần nghe lập lại và nhắc nhở nhau lời cảnh báo của thiên thần! Lời cảnh báo này ”Tại sao các ngươi tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” giúp chúng ta ra khỏi các không gian đau buồn và mở ra cho chúng ta các chân trời của niềm vui và niềm hy vọng. Niềm hy vọng ấy chuyển dời các hòn đá lấp mộ và khích lệ loan báo Tin Mừng, có khả năng sinh ra cuộc sống mới cho tha nhân. Chúng ta hãy lập lại câu hỏi đó! ”Tại sao các ngươi lại tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” Anh chị em hãy coi, Người sống, Người ở với chúng ta! Đừng đi tới biết bao nhiêu nấm mồ mà ngày hôm nay chúng hứa hẹn với bạn điều gì đó, vẻ đẹp, nhưng rồi không cho bạn cái gì hết! Người sống! Chúng ta đừng tìm ở giữa các người chết Đấng sống.

Đức Thánh Cha đã chào nhiều đoàn hành hương khác nhau. Ngoài các nhóm hành hương của các nước Bắc Mỹ và Tây Âu, còn có các đoàn đến từ các nước Mexico, Costa Rica, Colombia, Argentina và Brazil. Ngài đã đặc biệt chào các tân Phó tế trường Ai Len, thân nhân và bạn bè của các vị.

Ngài cũng cám ơn tất cả các trẻ em, giới trẻ, người già, các gia đình, các cộng đoàn giáo xứ và tu sĩ, cũng như các hiệp hội và phong trào đã gửi lời mừng lễ Phục Sinh, bầy tỏ lòng trìu mến và gần gũi đối với ngài. Đức Thánh Cha xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho ngài và việc phục vụ Giáo Hội của ngài.

Đức Thánh Cha cũng cho mọi người biết Chúa Nhật tới tại Alba có lễ phong Chân phước cho linh mục Giuseppe Girotti, dòng Đa Minh, bị Đức Quốc Xã thù ghét đức tin giết trong trại tập trung Dachau. Ngài cầu mong chứng tá kitô anh hùng và cuộc tử đạo của cha có thể khơi dậy ước muốn ngày càng gắn bó với Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người hơn.

Chào các bạn trẻ ngài cầu mong họ luôn sống đức tin với nhiều hăng say và xác tín rằng chỉ có Chúa Giêsu mới cho phép mọi người đạt hạnh phúc đích thực và lâu bền thôi. Đức Thánh Cha khích lệ các người đau yếu tìm được sự ủi an cho các khổ đau của họ nơi Chúa Kitô phục sinh. Ngài nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cưới sống hôn nhân trong sự gắn bó với Chúa Kitô và các giáo huấn của Tin Mừng.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải- Vatican Radio

Phỏng vấn ông Marco Roncalli, chắt của Đức Gioan XXIII

Phỏng vấn ông Marco Roncalli, chắt của Đức Gioan XXIII

Chúa Nhật 27-4-2014, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự thánh lễ tôn phong Hiển Thánh cho Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II. Giữa những người tham dự có bà con thân nhân của Đức Gioan XXIII, trong đó có ông Marco Roncalli, chắt của thánh Giáo Hoàng.

Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông. Marco Roncalli là nhà báo kiêm văn sĩ và là tác giả cuốn sách tựa đề ”Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII”, liên quan tới cuộc sống và tương quan của Đức Gioan XXIII với châu Mỹ Latinh.

Hỏi: Thưa ông Marco, đâu là nét nổi bật trong gương mặt của Đức Gioan XXIII, ”Vị Giáo Hoàng tốt lành”?

Đáp: Trước hết là sợi chỉ dẫn đường xuyên suốt lộ trình cuộc sống nhân bản và tinh thần của Đức Roncalli, là ngưỡng vọng liên tục sự thánh thiện mà chúng tôi đã chứng minh với các tài liệu. Có thể nói rằng nó lộ hiện từ năm này sang năm khác, tháng này qua tháng khác, mùa này sang mùa khác trong một bức thư, một trang nhật ký, một văn bản hay một ghi chú…

Nhưng chúng tôi cũng tìm ra ý thức rằng sự thánh thiện giả thiết thái độ ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Thần, để cho Thiên Chúa uốn nắn. Thế rồi chắc chắn là nó đã được tóm tắt trong các đề nghị thiên thần tỏa thoát ra từ cuốn ”Nhật ký tâm hồn” của ngài. Trong đó đã có dấu ấn đầu tiên là khẩu hiệu ngài chọn khi làm Giám Mục: đó là ”Obedientia et Pax Vâng lời và hòa bình”. Tôi tin rằng chính tại đây cần nhấn mạnh rằng đoạn này đã là tột đỉnh ý nghĩa toàn vẹn của cuộc tôn phong hiển thánh này: đó là sự gắn bó hoàn toàn với Tin Mừng, ý muốn sống trong sự thánh thiện, tìm kiếm nó như mục đích có thể đạt được, mà không coi nó là điều qúa xa vời. Phó thác cho ý muốn của Thiên Chúa cũng có nghĩa là rồi Thiên Chúa cho phép đạt các mục tiêu ấy, mà tự chúng trong quan niệm của Đức Roncalli, không phải là điều gì siêu phàm, nhưng ở tầm tay của tất cả mọi người, khi một người dấn thân hoàn toàn, nhưng cũng để cho Thiên Chúa uốn nắn.

Hỏi: Đức Thánh Cha Phanxicô đã muốn tôn phong hiển thánh cho Đức Roncalli và Đức Wojtila cùng một trật. Đây có phải là một sự lựa chọn chính xác không?

Đáp: Đây là điều đã xảy ra với chính Đức Gioan Phaolô II hồi năm 2.000. Ngài đã tôn phong Chân phước Đức Pio IX và Đức Gioan XXIII cùng một lần. Lần này Đức Thánh Cha Phanxicô tôn phong hiển thánh Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II. Có vài nhà bình luận lịch sử nói tới một loại cân bằng. Nhưng mà cân bằng trong nghĩa nào? Ý niệm về sự thánh thiện cũng có thể tới với chúng ta qua các nhậy cảm rất khác nhau. Bởi vì thật là vô ích chối cãi rằng hai vị Giáo Hoàng có hai kiểu sống, hai nhậy cảm và có lẽ cả hai cung cách sống sự thánh thiện khác nhau. Nơi Đức Gioan Phaolô II chiều kích thần bí xem ra được nhấn nạnh hơn, có lẽ được vun trồng trong tương quan của ngài với Thiên Chúa. Nơi Đức Roncalli có lẽ hiển nhiên hơn sự chồng lên nhau giữa chiều kích riêng tư và chiều kích công cộng. Dầu sao đi nữa trong cả hai trường hợp chắc chắn có cùng sự trung thành với Tin Mừng.

Hỏi: Ngay trong các ngày đầu tiên triều đại của Đức Gioan XXIII đã có các dấu chỉ khác nhau của sự mới mẻ, khiến cho nhiều quan sát viên kinh ngạc, có đúng thế không, thưa ông?

Đáp: Vâng, đã có các dấu chỉ rất mạnh mẽ: chẳng hạn như từ sự bình thường hóa giáo triều cho tới việc nới rộng con số các Hồng Y với Công Nghị tấn phong Hồng Y mới, là điều đã không được làm từ lâu. Và cả điều này nữa cũng lập tức trao ban một dấu chỉ mới rất mạnh, từ gương mặt của Đức Giovanni Battista Montini. Nhưng rồi tôi nghĩ tới các hình ảnh rất mạnh mẽ in sâu trong tâm trí của những người đã trông thấy chúng hồi đó, hay của những người đọc lại chúng ngày nay. Chẳng hạn như sự kiện Đức Gioan XXIII đến thăm các trẻ em trong nhà thương nhi đồng Chúa Hài Đồng Giêsu và các bệnh nhân trong các nhà thương ở Roma. Tôi nghĩ tới cuộc viếng thăm các tù nhân nhà tù Regina Coeli ngày lễ thánh Stefano, cũng như buổi lễ nhận nhà thờ chính tòa Gioan Laterano. Đức Gioan XXIII đã trở lại đây vào cuối tháng 11 năm 1958, khi ngài đến thăm đại chủng viện nơi ngài đã theo học.

Những gì ngài nói buông với các trẻ em giúp lễ cũng rất hay. Ngài không chỉ nhắc tới các năm đào tạo mà cũng nhắc tới các chủng sinh, và nói rằng ngài bối rối khi nghe người ta gọi ngài là ”Đức Thánh Cha”. Rồi ngài kết luận: ”Các con hãy cầu xin Chúa cho cha để Người ban cho cha ơn thánh thiện mà người ta gán cho cha. Bởi vì nói tới hay tin vào sự thánh thiện là một chuyện, còn có sống thánh không lại là chuyện khác”.

Hỏi: Thưa ông Marco, chúng ta cũng nhớ là ngày 25 tháng giêng năm 1959 khi Đức Gioan XXIII loan báo tại đền thờ thánh Phaolô ngoại thành rằng ngài muốn triệu tập Công Đồng Chung, chúng ta đang ở trong một thời đại lịch sử, trong đó các thần học gia tin rằng thời đại của Công Đồng phải được coi như là khép lại hoàn toàn, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, đúng vậy. Bề ngoài cùng với ý nghĩ đó còn có định nghĩa về sự không thể sai lầm của Giáo Hoàng nữa. Có cần phải khiến cho 2.800 nghị phụ khắp nơi trên thế giới quy tụ về Roma không? Trái lại, đây chính là sức mạnh và lòng can đảm của Đức Gioan XXIII, khi đưa ra quyết định ngoại thường có tính cách cá nhân này, bởi vì ngài đã hỏi ý kiến của một vài cộng sự viên lập tức, chứ không đưa ra chương trình nghiên cứu dự án Công Đồng cách sâu rộng như bao Giáo Hoàng trước ngài đã làm. Ngài cũng đã cảm thấy được linh hứng và được củng cố bởi Đức Hồng Y Tardini và những vị khác. Việc Ngài loan báo triệu tập Công Đồng gây kinh ngạc và khiến cho nhiều Hồng Y câm nín khi nghe loan báo ngày 25 tháng Giêng năm 1959. Rồi từ đó trở đi, như qúy vị đã rõ, đó là con đường chuẩn bị, dài hơn thời gian họp Công Đồng, với các thời điểm quan trọng, với các sứ điệp qua đài phát thanh, qua đó Đức Gioan XXIII thực sự mời gọi toàn thể Giáo Hội suy tư về chính mình và trách nhiệm của mình đối với con người, và có thái độ sống mới. Chỉ cần nhớ tới vài câu của bài diễn văn nổi tiếng ”Gaudet Mater Ecclesia”, khi Công Đồng khai mở sau thời gian chuẩn bị. Tôi chỉ xin trích một câu thôi, điều này nhấn mạnh rằng Giáo Hội ưa thích dùng phương thuốc của lòng thương xót, là một từ khác nữa trong các từ rất thường được dùng trở lại trong các ngày đó.

Hỏi: Liên quan tới châu Mỹ Latinh đâu đã là âu lo đầu tiên của Đức Gioan XXIII đối với vai trò của Giáo Hội tại châu Mỹ Latinh?

Đáp: Âu lo của ngài cũng là những âu lo đối với các vùng khác của đại lục này: đó là nền hòa bình, hạnh phúc tinh thần và vật chất. Đương nhiên là trong ý thức Châu Mỹ Latinh là một vùng đất có nhiều nguy cơ vì chính sách cai trị của các chính quyền địa phương, và cũng vì sợ rằng với Cuba các nước này có thể chịu cùng số phận như thế. Tuy nhiên, cũng nên nhớ rằng Đức Cha Antonio Samorè, hồi đó là Thư ký phân bộ ngoại vụ Phủ Quốc Vụ Khanh, đã tham dự nhiều phiên họp của các đại diện các Hội Đồng Giám Mục Bắc và Nam Mỹ, và đã nghĩ ra các hình thức cộng tác mới trong công tác tông đồ. Và không phải là bí mật gì việc đôi khi ngài đã phải vất vả ”dung hòa” lập trường chiến thuật liên quan tới Châu Mỹ Latinh đối với các vị khác của Phủ Quốc Vụ KHanh Tòa Thánh. Và công việc phải làm bên Châu Mỹ Latinh thì bao la: ngày 24 tháng Giêng Đức Gioan XXIII viết trong nhật ký: ”Buổi tiếp kiến Đức Cha Samorè sáng nay đã cảm hóa và đưa tôi vào trong công việc rộng rãi đối với Châu Mỹ Latinh mà Phủ Quốc Vụ Khanh chú ý”. Ngày 13 tháng 8 năm 1962 Đức Thánh Cha Gioan XXIII cũng còn ghi: ”Đã tiếp: Đức Hồng Y Giám Quản xác nhận với tôi sự hài lòng của người đối với dự án tòa giám quản Laterrano. Đức Cha Samorè là người thường có cái nhìn về các điều kiện chính trị tôn giáo trong các nước khác trên thế giới, cách riêng Châu Mỹ Latinh. Đức Cha Luigi Centoz, Sứ Thần Tòa Thánh tại Cuba, đã rất là hay, giờ đây được nâng lên hàng Phó nhiếp chính của Giáo Hội công giáo Roma, khi trống ngôi Giáo Hoàng. Tôi đã cám ơn người rất nhiều về công việc phục vụ quý báu tại Cuba, nơi người đã vượt quá mọi chờ mong”.

Hỏi: Thưa ông, vào năm 1960 Đức Gioan XXIII đã gửi một sứ điệp lịch sử đọc bằng tiếng Bồ Đào Nha cho Brasil nhân dịp lễ khánh thành thủ đô Brasilia. Đức Gioan XXIII đã học ngôn ngữ của ông Camões là nhà thơ lớn nhất người Bồ Đào Nha, và ngài đã có các chú ý đặc biệt nào đối với Brasil?

Đáp: Brasil quốc gia mênh mông có thủ đô đã được Đức Gioan XXIII chào mừng. Nhưng trước đó ngày mùng 5 tháng Giêng năm 1959 vài nhà ngoại giao Brasil đã được ngài tiếp kiến. Ghi chú đầu tiên liên quan tới Brasil là ngày 21 tháng 7 năm 1959, khi Đức Gioan XXIII tiếp thủ tướng Nhật Nobosuke Kishi và ngài đã viết: ”Nhật Bản là quốc gia lớn đối với các lợi lộc của Nước Chúa Kitô: siêu dân số gây ấn tượng và di cư không lay chuyển. Brasil hầu như là quốc gia mênh mông duy nhất có khả năng nhận điều mà Nhật Bản không thể chứa đựng”… Rồi ngày 31 tháng 7 năm 1959 Đức Gioan XXIII tiếp Bộ trưởng Hải quân Brasil, Đô đốc Jorge Do Passo Mattoso Maia, phu nhân và đoàn tùy tùng. Ngày 7 tháng 9 Đức Cha Armando Lombardi Sứ Thần Tòa Thánh tại Brasil được Đức Gioan XXIII tiếp kiến. Ngày mùng 2 tháng Giêng năm 1960 đại sứ các nước Bolivia, Haiti, Venezuela cùng đại sứ Brasil đến gặp Đức Gioan XXIII, Và Đức Thánh Cha ghi trong nhật ký: ”Đại sứ Bolivia xin một Hồng Y cho nước mình”. Đây là điều sẽ được thực hiện dưới thời Đức Phaolô VI.

Ngài cũng dành mấy hàng cho Brasil trong nhật ký ngày 21 tháng 4 năm 1960: ”Hôm nay lễ Giáng Sinh tại Roma và là ngày khánh thành thủ đô Brasilia, thủ đô thứ ba của quốc gia mênh mông này, nơi có hơn 60 triệu tín hữu công giáo. Tối vừa qua tôi đã gửi một sứ điệp chúc mừng và phép lành bằng tiếng Bồ Đào Nha. Đại sứ Ribeiro Briggs Moacyr, trưa hôm nay sẽ đến đọc cho tôi nghe một sứ điệp đặc biệt của tổng thống, bầy tỏ lòng kính trọng Giáo Hoàng và Giáo Hội công giáo nhân danh quốc gia này. Tôi đã mời ông đại sứ cùng tôi đọc kinh Truyền Tin trong sự hiệp thông và cầu phúc lành của trời cao cho toàn nước Brasil”. Còn có một ghi chú khác ngày 1 tháng 8 năm 1960: ”Ôi, bầu trời tại một vài phần trên thế giới đen tối chừng nào! Và có biết bao bất an cho Hội Thánh! Chủ thuyết cộng sản tiếp tục sự len lỏi tai hại của nó: từ Brasil có các tin tức đớn đau liên quan tới vài Giám Mục hoạt động cho sự ly giáo”. Đó là vụ Đức Cha Carlos Duarte Costa, Giám Mục giáo phận Botacatù, bị vạ tuyệt thông năm 1964 vì đã thành lập ”Giáo Hội công giáo tông truyền Brasil”, bằng cách truyền chức bất hợp pháp 15 Giám Mục và một số linh mục. Mục sư tin lành Salomon Ferraz cũng đi theo và được phong Giám Mục, nhưng sau này sẽ thành lập một giáo phái riêng rẽ. Nhưng cuộc ly giáo thứ hai này được giải quyết êm thắm, khi Đức Cha Ferraz trở về với Giáo Hội công giáo tháng 12 năm 1959 và chức giám mục được thừa nhận. Tiếp theo đó nhật ký của Đức Gioan XXIII nhắc tới các cuộc gặp gỡ với các Giám Mục và giới chức ngoại giao đến từ Brasil.

(SD 18-4-2014; RG 21-4-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

HÃY TỎA SÁNG TIN MỪNG PHỤC SINH TRONG CUNG CÁCH SỐNG THƯỜNG NGÀY

HÃY TỎA SÁNG TIN MỪNG PHỤC SINH TRONG CUNG CÁCH SỐNG THƯỜNG NGÀY

VATICAN: Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa thứ hai tuần Bát Nhật Phục Sinh 21-4-2014 Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi mọi người giãi tỏa ánh sáng Tin Mừng Phục Sinh trong cung cách sống thường ngày.

Ngài nói: ”Cristos anèsti! Alethos anèsti. Chúa Kitô đã sống lại. Ngài đã sống lại thật!”. Trong tuần này chúng ta có thể tiếp tục chúc mừng lễ Phục Sinh nhau, như thể là một ngày duy nhất. Đây là ngày vĩ đại Chúa đã làm ra. Tâm tình nổi bật lộ ra từ các trình thuật phúc âm phục sinh là niềm vui tràn đầy kinh ngạc… Chúng ta hãy để cho kinh nghiệm in sâu trong Tin Mừng này cũng được diễn tả ra trong con tim và tỏ hiện trong cuộc sống. Chúng ta hãy để cho sự kinh ngạc tươi vui của Chúa Nhật Phục Sinh giãi tỏa ra trong tư tưởng, cái nhìn, trong các thái độ, cử chỉ và lời nói… Đây không phải là sự ngụy trang, nhưng là điều đến từ một con tim chìm ngập trong suối nguồn của của niềm vui, như niềm vui của bà Maria Madalena than khóc việc mất Chúa và không tin vào mắt mình, khi thấy Người đã sống lại. Ai sống kinh nghiệm này thì trở thành chứng nhân của sự Phục Sinh, bởi vì trong một nghĩa nào đó chính họ đã sống lại. Vì vậy họ có khả năng đem một ”tia ánh sáng” của Chúa Phục Sinh tới các hoàn cảnh khác nhau của con người: trong các hoàn cảnh hạnh phúc bằng cách khiến cho chúng tươi đẹp hơn và giữ gìn chúng khỏi sự ích kỷ; trong các hoàn cảnh khổ đau họ đem đến sự thanh thản và niềm hy vọng.

Trong tuần này thật là điều thiện ích, khi nghĩ tới niềm vui của Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu. Như nỗi khổ đau của Mẹ đã sâu đậm tới đâm thấu linh hồn Mẹ, niềm vui của Mẹ đã sâu kín và các môn đệ có thể kín múc từ đó. Vì đã đi ngang qua kinh nghiệm cái chết và sự phục sinh của Con Mẹ trong lòng tin như là việc diễn tả tột đỉnh tình yêu của Thiên Chúa, con tim của Đức Maria đã trở thành suối nguồn an bình, ủi an, hy vọng, thương xót. Tất cả mọi đặc quyền của Mẹ chúng ta bắt nguồn từ đây, từ việc tham dự vào lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu. Mẹ đã chết với Người; Mẹ đã sống lại với Người. Từ thứ sáu cho tới sáng Chúa Nhật Mẹ đã không mất niềm hy vọng: chúng ta đã chiêm ngưỡng Mẹ sầu bi, nhưng đồng thời chúng ta cũng chiêm ngưỡng Mẹ tràn đầy hy vọng. Vì thế Mẹ là Mẹ của tất cả mọi môn đệ, là Mẹ của Giáo Hội.

Chúng ta hãy xin với Mẹ là chứng nhân thinh lặng cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, dẫn đưa chúng ta vào trong niềm vui phục sinh, bằng cách đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trong mùa Phục Sinh thay cho kinh Truyền Tin.

Sau khi đọc kinh và ban phép lành tòa thánh cho tín hữu, Đức Thánh Cha chào tín hữu Italia cũng như các tín hữu hành hương đến từ các nơi khác trên thế giới. Ngài cầu chúc từng người sống ngày Thứ hai của Thiên thần trong tươi vui thanh thản, là ngày kéo dài niềm vui lễ Phục Sinh của Chúa Kitô (SD 214-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Xin Chúa phục sinh ban hòa giải, hòa bình hòa hợp cho các vùng có xung khắc chiến tranh và bạo lực trên thế giới

Xin Chúa phục sinh ban hòa giải, hòa bình hòa hợp cho các vùng có xung khắc chiến tranh và bạo lực trên thế giới

Xin Chúa phục sinh ban hòa giải, hòa bình hòa hợp cho các vùng có xung khắc chiến tranh và bạo lực trên thế giới

Đó là lời cầu Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra trong buổi đọc sứ điệp Phục Sinh và ban phép lành toàn xá cho thành Roma và thế giới trưa Chúa Nhật 20-4-2014.

Trước đó lúc 10 giờ sáng Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ trước thềm Đền Thờ Thánh Phêrô, đọc sứ điệp Phục Sinh và ban phép lành toàn xá cho thành Roma và toàn thế giới. Quảng trường thánh Phêrô đầy kín tín hữu. Những ai không tìm ra chỗ phải theo dõi thánh lễ tại quảng trường Pio XII và đại lộ Hòa Giải. Thánh lễ đã được trực tiếp truyền đi trên các hệ thống truyền hình âu châu và quốc tế. Trong số các người tham dự thánh lễ, ngoài các Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục hiên diên tại Roma, có ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh.

Thềm Đền Thờ thánh Phêrô được trang hoàng bằng 35,000 cây cảnh và nhiều loại hoa khác nhau, trong đó có 12,000 hoa Tulip mầu đỏ, vàmg, da cam, trắng, hồng và tím; 6,000 hoa Thủy tiên nhiều mầu, và 2,500 huệ dạ hương. Ngoài ra còn có 8,000 hoa Thủy tiên vàng. Chung quanh bàn thờ có 2,500 bông hồng trắng. Tất cả đều được trồng bên Hòa Lan cho dịp này, và do nhóm 30 chuyên viên Hòa Lan trưng bầy dưới sự điều động của ông Charles van der Voort, em ruột của ông Nic van der Voort, và sự cộng tác của các nhân viên làm vườn của quốc gia thành phố Vaticăng.

Truyền thống tặng hoa cho Đức Giáo Hoàng trong dịp lễ Phục Sinh và buổi đọc sứ điệp và ban Phép lành toàn xá cho thành Roma và toàn thế giới đã do các nhà trồng hoa Hòa Lan bắt đầu năm 1986. Năm 1985 chuyên viên trồng hoa Nic van der Voort đã xin sang Roma để trang hoàng hoa trong lễ phong Chân phước cho linh mục Titus Brandsma người Hòa Lan. Ông đã nảy sinh ra sáng kiến tặng hoa cho Đức Giáo Hoàng và gửi phái đoàn chuyên viên sang trưng bầy hoa vào năm sau đó. Và truyền thống tốt đẹp này đã dươc duy trì trong 29 năm qua.

Sau lời chào mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói: ”Anh chị em thấn mến, chúng ta hãy khẩn nài phước lành của Thiên Chúa Cha chúng ta, để lễ nghi rảy nước này làm sống dậy trong chúng ta ơn thánh của Bí tích Rửa Tội, qua đó chúng ta đã được dìm mình trong cái chết cứu độ của Chúa hầu sống lại với Người trong cuộc sống vĩnh cửu. Ca đoàn Sistina đã hát thánh ca ”Tôi đã thấy nước vọt ra từ đền thánh của Thiên Chúa”.

Các bài sách Thánh đã được đọc trong tiếng Tây Ban Nha và Anh. Thánh vịnh và Tin Mừng đã được hát và công bố bằng tiếng Latinh và Hy lạp. Năm nay lễ Phục Sinh của Giáo Hội Tây Phương trùng ngày với lễ Phục Sinh của Giáo Hội Đông Phương, nên sau phần công bố Tin Mừng băng tiếng Hy lạp, ca đoàn đông phương đã hát các câu thánh ca của phụng vụ Bisantin, xưa kia vẫn được hát trước Đức Giáo Hoàng trong ngày lễ Phục Sinh.

Các lời nguyện giáo dân đã được đọc bằng các thứ tiếng Hindi, Pháp, Hoa, Đức, và Đại Hàn cầu cho các nhu cầu khác nhau của Giáo Hội và gia đình nhân loại. Xin Chúa phục sinh hiện diện và nâng đỡ Giáo Hội; xin cho mọi thụ tạo và mọi người biết tôn thờ Chúa, đặc biệt xin cho các niềm hy vọng của các dân tộc được hiện thực; cho con người biết chấm dứt các ích kỷ, tham lam chiếm hữu và chay theo quyền bính kiêu căng; xin Chúa thoa dịu các vết thương của khổ đau, nghèo đói, âu lo và cô đơn; xin Chúa xót thương các con cái Người bị ghi dấu bởi sự giòn mỏng và tội lỗi và cho họ được tràn xầy lòng thương xót của Người. Một trăm năm mươi Linh Mục đã cho tín hữu rước Mình Thánh Chúa.

Sau thánh lễ xe díp đã chở Đức Thánh Cha đi một vòng để chào tín hữu. Lúc 12 giờ trưa Đức Thánh Cha đã xuất hiện trên bao lơn chính giữa Đền Thờ Thánh Phêrô để đọc sứ điệp Phục Sinh và ban phép lành toàn xá cho thành Roma và toàn thế giới.

Đội cận vệ Thụy sĩ và đại diện các lực lượng binh chủng Italia đã dàn hàng chào danh dự, và ban quân nhạc đã cử hành quốc thiều Vaticăng và Italia.

Trong sứ điệp Đức Thánh Cha đã duyệt qua các tình hình căng thẳng, khổ đau và nóng bỏng hiện nay trên thế giới. Mở đầu sứ điệp ngài chúc mừng lễ mọi người và nói: Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em lễ Phục Sinh tốt lành thánh thiện! ”Chúa Kitô đã sống lại, anh chị em hãy đến và hãy nhìn xem!” Lời thiên thần loan báo cho các phụ nữ vang lên trong Giáo Hội tản mác khắp thế giới: ”Này các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giêsu chịu đóng đanh. Người không ở đây. Người đã sống lại… hãy đến và nhìn xem nơi Người đã nằm” (Mt 28,5-6). Đức Thánh Cha nói:

Đó là tột đỉnh của Phúc Âm, là Tin Mừng tuyệt diệu: Đức Giêsu đấng bị đóng đinh đã sống lại! Biến cố này là nền tảng đức tin và niềm hy vọng của chúng ta. Nếu Chúa Kitô đã không sống lại, Kitô giáo sẽ mất đi giá trị của nó; toàn sứ mệnh của Giáo Hội sẽ mất sự thúc đẩy, bởi vì chính từ đó nó đã khởi hành và luôn luôn tái khởi hành. Sứ điệp mà tín hữu kitô đem đến cho thế giới là điều này: Đức Giêsu Tình yêu nhập thể đã chết trên thập giá vì tội lỗi chúng ta, nhưng Thiên Chúa đã cho người sống lại và đã đặt Người làm Chúa của sự sống và sự chết. Nơi Đức Giêsu, Tình Yêu đã chiến thắng thù hận, lòng thương xót đã chiến thắng tội lỗi, sự thiện chiến thắng sự dữ, chân lý chiến thắng dối trá, sự sống chiến thắng sự chết. Vì thế chúng ta nói với tất cả mọi người: ”Hãy đến và hãy xem!”. Trong mọi trạng huống của con người, bị ghi dấu bới sự giòn mỏng, tội lỗi và cái chết, Tin Mừng không chỉ là một lời nói, nhưng là một chứng tá tình yêu nhưng không và trung thành: đó là ra khỏi chính mình để đi gặp gỡ tha nhân, đó là gần gũi những ai bị thương tích bởi cuộc sống, chia sẻ với người thiếu thốn những gì cần thiết, ở lại bên cạnh người đau yếu, già cả hay bị loại trừ… ”Hãy đến và hãy xem!”: Tình Yêu mạnh hơn, Tình Yêu trao ban sự sống, tình yêu làm nở hoa niềm hy vọng trong sa mạc. Với niềm vui chắc chắn này trong tim hôm nay chúng con hướng lên Ngài, lậy Chúa phục sinh! Xin hãy giúp chúng con tìm Chúa để tất cả có thể gặp gỡ Chúa, biết rằng chúng con có một người Cha và không cảm thấymồ côi, rằng chúng con có thỂ yêu Chúa và thờ phượng Chúa.

Xin hãy giúp chúng con đánh bại nạn đói đang trở thành trầm trọng hơn bởi các xung khắc và các phung phí vô biên mà chúng con là đồng lõa. Xin làm cho chúng con có khả năng che chở những người không được bênh đỡ, nhất là các trẻ em, phụ nữ người già, đôi khi trở thành đối tượng của khai thác bóc lột và bỏ rơi. Xin làm cho chúng con có thể săn sóc các anh chị em bị bệnh dịch abola bên Guinea Conacry, Sierra Leone và Liberia, cũng như các người bị biết bao nhiêu bệnh tật khác đang lan tràn vì không được săn sóc và vì nghèo túng cùng cực. Xin an ủi những ai hôm nay không thể cử hành lễ Phục sinh với người thân vì bị giật mất khỏi tình yêu thương của họ một cách bất công, cũng như nhiều người, các linh mục tu sĩ và giáo dân bị bắt cóc tại nhiều nơi trên thế giới. Xin an ủi những người đã rời bỏ quê hương để di cư tới các nơi mà họ có thể hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn, để sống cuộc đời mình với phẩm giá, và nhiều khi để tự do tuyên xưng đức tin. Đức Thánh nói thêm trong lời cầu dâng lên Chúa phục sinh:

Lạy Chúa Giêsu vinh hiển, chúng con xin Chúa chấm dứt mọi chiến tranh, mọi thù nghịch lớn nhỏ, cũ mới! Chúng con đặc biệt khẩn nài Chúa cho dân nước Siria thân yêu để tất cả những ai phải khổ đau vì các hậu qủa của cuộc xung đột có thể nhận được các trợ giúp nhân đạo cần thiết, và để các phe phái liên hệ không sử dụng bạo lực để giao rắc chết chóc nữa, nhất là chống lại người dân vô tội, nhưng táo bạo thương thuyết hòa bình, được chờ đợi qúa lâu rồi! Chúng con xin Chúa an ủi các nạn nhân của các cuộc chiến huynh đệ tương tàn bên Irak, và nâng đỡ các niềm hy vọng được dấy lên bởi việc tái thương thuyết giữa người Israel và người Palestin. Chúng con nài xin Chúa chấm dứt các xung đột tại Cộng hòa Trung Phi và và ngưng các vụ khủng bố trong vài vùng của nước Nigeria và các bạo lực bên Nam Sudan. Chúng con xin cho các tâm hồn hướng tới sự hòa giải và hòa hợp huynh đệ bên Venezuela. Vì sự Phục Sinh của Chúa, mà năm nay chúng con cùng nhau cử hành với các Giáo Hội theo lịch Giuliano, chúng con xin Chúa soi sáng và gợi hứng cho các sáng kiến hòa giải bên Ukraine, để tất cả các phe phái liên hệ, được cộng đoàn quốc tế trợ giúp, làm tất cả mọi nỗ lực hầu ngăn cản bạo lực và xây dựng tương lai đất nước trong tinh thần hiệp nhất và đối thoại. Cho tất cả mọi dân tộc trên trái đất, lậy Chúa, chúng con cầu xin: Chúa là Đấng đã chiến thắng sự chết, xin ban cho chúng con sự sống của Chúa, xin ban cho chúng con hòa bình của Chúa! ”Chúa đã sống lai. Hãy đến và xem! Anh chị em thân mến, xin chúc mừng lễ Phục Sinh anh chị em.

Đức Hồng Y Jean Louis Tauran, đẳng trưởng phó tế đã báo cho mọi người biết Đức Thánh Cha ban phép lành toàn xá cho thành Roma và toàn thế giới, cho tất cả những ai theo dõi lễ nghi trên đài phát thanh truyền hình. Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa cho Đức Thánh Cha trường thọ để dẫn dắt Giáo Hội và ban hòa bình và hiệp nhất cho Giáo Hội và toàn thế giới.

Đức Thánh Cha đã đọc công thức ban phép lành toàn xá: xin hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô mà chúng ta tin tưởng nơi quyền năng của các vị, bầu cử cho chúng ta bên Chúa, nhờ lời cầu bầu của Đức Thánh Trinh Nữ Maria, tổng lãnh thiên thần Micae, thánh Gioan Tẩy Giả, các thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và các Thánh, xin Thiên Chúa toàn năng thương xót và tha thứ tội lỗi cho tín hữu và xin Chúa Giêsu Kitô dẫn đưa họ tới cuộc sống vĩnh cửu. Ngài nói thêm: Xin Thiên Chúa toàn năng và từ bi ban cho anh chị em ơn toàn xá, tha thứ mọi tội lỗi của anh chị em, ban cho anh chị em một thời gian sám hối đích thật và phong phú, một con tim luôn sẵn sàng và sửa đổi cuộc sống, ơn thánh và sự ủi an của Chúa Thánh Thần và sự kiên trì sau cùng trong các việc thiện.
Tiếp đến Đức Thánh Chã ban phép lành cho mọi người.

Sau phép lành toàn xá Đức Thánh Cha nói: Anh chị em thân mến. một lần nữa tôi xin chúc lễ Phục Sinh tốt lành tất cả anh chị em đến từ nhiều nơi trên thế giới hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Ngài cũng gửi lời mừng lễ tới tất cả những ai theo dõi buổi đọc sứ điệp qua các phương tiện truyền thông. Xin anh chị em đem lời loan báo tới các gia đình và cộng đoàn của anh chị em tin vui Chúa Kitô, sự bình an và niếm hy vọng của chúng ta, đã sống lại. Xin cám ơn sự hiện diện, lời cầu nguyện và chứng tá đức tin của anh chị em. Ngài cũng cám ơn các hiệp hội trồng hoa Hòa Lan đã tặng các hoa rất đẹp cho buổi lễ, rồi nói: xin chúc tất cả mọi người một lễ Phục Sinh tươi vui an lành.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Trở về Galilea, nguồn gốc ơn gọi của cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu và lộ trình đức tin.

Trở về Galilea, nguồn gốc ơn gọi của cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu và lộ trình đức tin.

VATICAN: Sứ điệp Phục Sinh là trở về Galilea, nguồn gốc ơn gọi của cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu và lộ trình đức tin. Về Galilea có nghĩa là tái khám phá ra bí tích Rửa Tội của chúng ta như suối nguồn sống động, kín múc nghị lực mới từ cội nguồn đức tin và niềm hy vọng kitô của chúng ta. Trở lại Galilea trước hết có nghĩa là trở về điểm nóng bỏng, nơi hồng ân của Thiên Chúa đã đánh động chúng ta ở đầu lộ trình đức tin.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ vọng Phục Sinh do ngài cử hành lúc 8 giờ rưỡi tối thứ Bẩy Tuần Thánh 19-4-2014. Trong thánh ngài đã ban bí tích Rửa tội cho 10 tân tòng trong đó có một người đàn ông Việt Nam.

Tham dự Thánh lễ có 10,000 tín hữu và du khách hành hương. Thánh lễ đã bắt đầu với lễ nghi làm phép và rước nến Phục Sinh. Tiếp đến là phần phụng vụ Lời Chúa với ba bài đọc Thánh Kinh Cựu Ước liên quan tới việc tạo dựng con người, biến cố ông Môshê dẫn dân Do Thái vượt qua Biển Đỏ và sự kiện Thiên Chúa sẽ đổ Thần Khí của Ngài xuống và ban cho dân Do thái một con tim mới. Thư thánh Phaolô gửi tín hữu Roma nói về phép rửa và cuộc sống mới Chúa Kitô ban cho tín hữu, sau khi con người cũ đã chết và được mai táng với Chúa Kitô. Phúc Âm kể lại biến cố các phụ nữ ra mồ viếng xác Chúa, thấy mồ trống, gặp thiên thần loan báo Chúa đã sống lại và các bà vội vã về báo tin cho các môn đệ.

Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha nói: Sau khi Thầy chết, các môn đệ tản mác mỗi người một ngả, đức tin của họ bị tan vỡ, mọi sự xem ra đã hết, các xác tín sụp đổ, các niềm hy vọng tắt ngúm. Nhưng giờ đây tin các phụ nữ báo cho họ, tuy không tin được, nhưng đã như một tia sáng chiếu trong bóng tối. Chúa đã sống lại như Người đã báo trước. Và hai lần lệnh truyền đi Galilea gặp Người. Galilea là nơi họ được kêu gọi và mọi sự bắt đầu. Trên bờ hồ Galilea Chúa Giêsu đã đi qua và kêu gọi họ, khi họ đang vá lưới. Và họ đã bỏ tất cả đều theo Người (X, Mt 4,18-22). Trở về Galilea có nghĩa là đọc lại tất cả từ thập giá và vinh quang. Đọc lại tất cả: sự giảng dậy, các phép lạ, cộng đoàn mới, các hăng say và vào ngũ cho tới sự phản bội. Đọc lại tất cả từ cuối là một khởi đầu từ cử chỉ tình yêu tột đỉnh ấy của Chúa.

Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha nói: đối với từng người chúng ta cũng có một ”Galilea” ở nguồn gốc lộ trình với Chúa Giêsu. Về Galilea có nghĩa là tái khám phá ra bí tích Rửa Tội của chúng ta như suối nguồn sống động, kín múc nghị lực mới từ cội nguồn đức tin và niềm hy vọng kitô của chúng ta. Trở lại Galilea trước hết có nghĩa là trở về điểm nóng bỏng, nơi hồng ân của Thiên Chúa đã đánh động chúng ta ở đầu lộ trình đức tin. Chính từ tia lửa đó tôi có thể thắp lên ngọn lửa ngày nay, để mỗi ngày đem hơi ấm và ánh sáng tới cho các anh chị em khác. Từ tia sáng đó chúng ta thắp lên một niềm vui khiêm tốn, một niềm vui không xúc phạm đến sự đau khổ và tuyệt vọng, một niềm vui tốt lành và hiền dịu.

Trong cuộc sống kitô sau bí tích Rửa Tội, cũng có một ”Galilea” hiện sinh hơn: đó là kinh nghiệm gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu Kitô, là Đấng đã gọi tôi theo Người và tham dự vào sứ mệnh của Người. Trong nghĩa đó trở lại Galilea có nghĩa là giữ gìn trong tim ký ức sống động của lời kêu gọi ấy, khi Chúa Giêsu đi ngang qua con đường đời sống của tôi, đã nhìn tôi với lòng thương xót và đã xin tôi đi theo Người; có nghĩa là thu hồi ký ức thời điểm trong đó đôi mắt Người gặp gỡ đôi mắt của tôi, thời điểm trong đó Người đã làm cho tôi cảm nhận được rằng Người yêu tôi. Hôm nay trong đêm thánh này mỗi người trong chúng ta hãy tự hỏi: Galilea của tôi là gì, ở đâu, tôi có nhớ không hay tôi đã quên nó rồi? Tôi đã đi theo các con đường khiến tôi quên nó. Lạy Chúa, xin giúp con: hãy nói cho con biết đâu là Galilea của con; Chúa biết không, con muốn trở lại đó để gặp Chúa và để cho lòng thương xót của Chúa ôm con. Tin Mừng Phục Sinh thật rõ ràng: cần trở lại đó để trông thấy Chúa Giêsu phục sinh, và trở thành chứng nhân sự sống lại của Người. Đây không phải là một việc trở lại đàng sau, không phải là sự nuối tiếc. Nó là việc trở lại tình yêu ban đầu để nhận lấy ngọn lửa mà Chúa Giêsu đã thắp lên trên thế giới và đem đến cho tất cả mọi người, cho tới tận cùng bờ cõi trái đất, ”Galilea của dân ngoại” (Mt 4,15; Is 8,23): chân trời của Chúa Phục Sinh, chân trời của Giáo Hội; ước mong gặp gỡ mãnh liệt… Chúng ta hãy lên đường!” (SD 19-4-2014).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Vai trò của Giáo Hội trong tiến trình hòa giải quốc gia

Vai trò của Giáo Hội trong tiến trình hòa giải quốc gia

Phỏng vấn Linh Mục Robert Ndriana, Tổng Thư ký Hội Đồng Giám Mục Madagascar

Sáng ngày 28-3-2014 Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến 25 Giám Mục nước Cộng hòa Madagascar về Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh, theo giáo luật mỗi năm năm một lần. Ngài đã khích lệ Giáo Hội địa phương trong công tác phục vụ người nghèo và nhắn nhủ các Linh Mục, tu sĩ làm chứng tá Tin Mừng bằng cuộc sống gương mẫu.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha ca ngợi nỗ lực của Giáo Hội địa phương trong lãnh vực bác ái, xã hội, giáo dục, vì có một mối liên hệ mật thiết giữa việc loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người. Ngài nói: ”Vì thế, tôi khuyến khích anh em kiên trì trong sự quan tâm đối với người nghèo, nâng đỡ về mặt tinh thần và vật chất tất cả những ai dấn thân trong sứ vụ này, đặc biệt là các dòng tu, mà tôi thành tâm cám ơn họ vì lòng tận tụy và chứng tá đích thực của họ về tình thương của Chúa Kitô đối với mọi người”.

Đức Thánh Cha mời gọi mọi tín hữu Kitô Madagascar hãy sống phù hợp với niềm tin của mình và đào sâu đức tin. Ngài nói: ”Lời mời gọi này được gửi đến trước tiên cho hàng giáo sĩ và những người thánh hiến. Sứ vụ linh mục cũng như đời sống thánh hiến không phải là phương thế để tiến thân trong xã hội, nhưng là một việc phục vụ Thiên Chúa và con người. Cần phải đặc biệt quan tâm đến việc phân định ơn gọi linh mục và tu sĩ, trong các giáo phận cũng như trong các dòng tu. Anh em hãy nhắc nhở cho hàng giáo sĩ tu sĩ biết rằng cần phải hết sức quí trọng đức khiết tịnh và vâng phục; các nhân đức này phải được những người đào tạo trong các chủng viện và tập viện trình bày và sống minh bạch, không chút mơ hồ. Cũng vậy trong quan hệ với của cải vật chất và quản trị chúng một cách khôn ngoan. Thái độ phản chứng tá trong lãnh vực này thật là điều tai hại, vì gương mù gương xấu nó gây ra, đặc biệt là đối với dân chúng sống trong nghèo đói cùng cực”.

Madagascar là một đảo lớn, bị tách rời khỏi Ấn Độ cách đây 88 triệu năm, vì thế có tới 90 loại dã thú và hàng ngàn loại thảo mộc không tìm thấy nơi nào khác trên thế giới. Madagascar rộng hơn 587 ngàn cây số vuông, có hơn 22 triệu dân thuộc nhiều chủng tộc khác nhau như: Merina chiếm 26%, Betsimisaraka chiếm 15%, Betsileo chiếm 12%, Tsimiheti chiếm 7%, Sakalava chiếm 6%, Antaisaka chiếm 5%, Antandroy chiếm 5%, còn lại 24% gồm các chủng tộc khác. Trên bình diện tôn giáo, phân nửa tổng số dân theo các tôn giáo truyến thống, phân nửa theo Kitô giáo. Hồi giao hiện chiếm 7%, và cũng có tín hữu Ấn giáo.

Cho tới thế kỷ thứ XVIII Madagascar được cai trị bởi các liên minh chính trị xã hội địa phương. Đầu thế kỷ thứ XIX hầu như toàn đảo được hiệp nhất và cai trị bởi Vương quốc Madagascar. Năm 1898 chế độ quân chủ sụp đổ và Madagascar trở thành thuộc địa của Pháp cho tới khi được độc lập vào năm 1960.

Từ năm 1992 Madagascar có chính quyền dân chủ. Nhưng các vụ nổi dậy của dân chúng năm 2009 bó buộc tổng thống dân cử Ravalomanana từ chức và ông Andry Rajoelina lên thay thế. Nhưng tình hình xã hội liên tục bất ổn vì các vụ bạo động và tranh giành quyền bính giữa các đảng phái chính trị. Tình hình đã chỉ lắng dịu từ ít lâu nay.

Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị và các ban bài phỏng vấn Linh Mục Robert Ndriana, Tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Madagascar, về vai trò của Giáo Hội trong tiến trình hòa giải quốc gia. Bài phỏng vấn do nữ phóng viên Liza Zengarini thực hiện.

Hỏi: Thưa cha Ndriana, tình hình Madagascar hiện nay ra sao và các Giám Mục nhìn tương lai Madagascar như thế nào?

Đáp: Trong các năm qua tình hình Madagascar đã rất là bất ổn. Nhưng ngày nay tất cả mọi người đều tìm kiếm một giải pháp để có hòa bình và hòa giải. Mỗi lần nhóm đại hội toàn thể Hội Đồng Giám Mục đều gửi tín hữu và nhân dân toàn nước một bức thư để thông truyền tinh thần kitô, giáo dục và gây ý thức cho dân chúng. Ngoài ra mới đây các Giám Mục cũng đã dịch một cuốn về Giáo thuyết xã hội công giáo ra tiếng Malgache để mọi người có thể đọc và suy tư về các giáo huấn này.

Các Giám Mục luôn nhìn tương lai với niềm hy vọng. Có đúng thật là có nhiều ích kỷ, nhưng cũng có biết bao nhiêu kitô hữu tìm trợ giúp tha nhân vượt thắng sự ích kỷ này.

Hỏi: Tương lai của Madagascar tùy thuộc giới trẻ: vậy đâu là dấn thân của Giáo Hội trong việc giáo dục các thế hệ mới theo các giá trị tin mừng và thăng tiến hòa bình thưa cha?

Đáp: Có nhiều dòng tu điều khiển các trường học và dấn thấn trong việc thông truyền cho giới trẻ một nền giáo dục kitô. Trường học là nền tảng của việc giáo dục trẻ em và người trẻ. Liên quan tới giới trẻ, có Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, cũng như có Ngày Giới Trẻ Toàn Quốc. Cách đây hai ba năm đã có một Ngày Giới Trẻ Toàn Quốc được triệu tập tại giáo phận Diogo, và Ngày Giới Trẻ Toàn Quốc lần tới sẽ diễn ra trong năm 2015 tại giáo phận Fianarantsoa. Nó là một góp phần quan trọng cho việc giáo dục giới trẻ, mà Giáo Hội rất chú ý.

Hỏi: Giáo Hội Madagascar cũng rất hiện diện trong các phương tiện truyền thông xã hội, có đúng thế không? Xin cha cho biết một chút về lãnh vực này.

Đáp: Hiện nay tại Madagascar có dài phát thanh Radio Don Bosco, nhưng không phải chỉ có thế. Hầu như mỗi giáo phận đều có một đài phát thanh riêng và có sự cộng tác giữa tất cả mọi đài phát thanh công giáo do Radio Don Bosco điều hợp. Đài Don Bosco quan trọng, vì rất nhiều gia đình nghe đài mỗi ngày và đài dành rất nhiều giờ cho chương trình giáo dục người trẻ, và đài có một chương trình dành riêng cho giới trẻ gọi là ”Giáo dục sống yêu thương”.

Hỏi: Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới tới đây sẽ dành cho gia đình và việc rao truyền Tin Mừng. Tình hình gia định tại Madagascar hiện nay ra sao thưa cha? Có các vấn đề đặc biệt nào không?

Đáp: Có chứ. Có các vấn đề, nhất là các vấn đề liên quan tới trẻ em. Có gần một triệu trẻ em phải làm việc và các em được trả lương rất thấp. Lao động trẻ em tự nó đã là một vấn đề, bởi các trẻ em phải được đến trường học tập và chơi đùa, nhưng tại Madagascar các em phải làm việc, và có sự khai thac bóc lột sức lao động của các em, cũng như nạn đối xử với các em một cách tàn tệ không thể tưởng tượng được. Thế rồi cũng có vấn đề trẻ em mại dâm nữa.

Hỏi: Tương quan của Giáo Hội công giáo với các Giáo Hội khác như thế nào thưa cha?

Đáp: Có một tương quan rất nghiêm chỉnh giữa các Giáo hội Kitô: chẳng hạn như có Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô Madagascar quy tụ mọi Giáo Hội Kitô gồm Công giáo, Tin lành cải cách, Anh giáo, Luther. Các Giáo Hội tìm cách đóng góp các đề nghị cho chính quyền và dân chúng và đề nghị các giá trị được mọi người dân Malgache chia sẻ chấp nhận.

Hỏi: Thưa cha tại Madagascar có vấn đề các giáo phái như tại các nước khác hay không?

Đáp: Vâng cũng có vấn đề các giáo phái, và nó là một vấn đề trầm trọng. Nếu Giáo Hội không làm một cái gì đó để lôi cuốn người trẻ, để thăng tiến giáo lý, phụng vụ, để cho tín hữu thực sự cảm thấy họ hiệp thông với Thiên Chúa, thì tôi tin là trong tương lai vấn đề các giáo phái sẽ trở thành rất nghiêm trọng. Bởi vì các giáo phái phân phát tiền bạc, vì thế người dân vốn đã rất nghèo hướng tới các giáo phái để có tiền.

Hỏi: Biến cố Đức Thánh Cha Phanxicô được bầu làm Giáo Hoàng đã được đón nhận như thế nào tại Madagascar?

Đáp: Ban đầu người dân Madagascar đã không biết đến Đức Phanxicô, vì ngài là nhân vật mới. Nhưng hiện nay họ biết ngài và họ rất hài lòng, bởi vì đối với họ ngài cởi mở, gần gũi người dân, và nhất là các tín hữu công giáo luôn theo dõi buổi đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha để lắng nghe lời ngài và học hỏi tinh thần tu đức của ngài.

(RG 27-3-2014; SD 28-3-2014)
 
Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Khóa hội học về Tòa Trong

Khóa hội học về Tòa Trong

Phỏng vấn Đức Hồng Y Mauro Piacenza, Chánh Tòa Ân Giải của Tòa Thánh

Trong các ngày 24 đến 28-3-2014 Khóa hội học về Tòa Trong được tổ chức tại Roma với sự tham dự của 500 người, gồm các linh mục và đại chủng sinh sắp được thụ phong linh mục. Khóa học do Tòa Ân Giải của Tòa thánh tổ chức nhằm mục đích giúp các tham dự viên đào sâu Bí tích Hòa Giải. Đức Hồng Y Mauro Piacenza, Chánh Tòa Ân Giải đã khai mạc khóa hội học.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Hồng Y dành cho phóng viên Roberto Piermarini của đài Vaticăng, về khóa học này.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y Piacenza, Giáo Hội hay nói về sự hoán cải và lòng thương xót, và mời gọi tín hữu trở về với Chúa. Đây là đề tài được ưa thích của việc giảng dậy trong Mùa Chay. Làm thế nào để thực hiện điều đó?

Đáp: Giáo Hội không chỉ loan báo sự hoán cải và ơn tha thứ, nhưng đồng thời cũng là dấu chỉ của tất cả những điều này nữa, dấu chỉ đem lại sự hòa giải với Thiên Chúa và với các anh chị em khác. Như vậy chắc chắn nó là một dấu chỉ của hòa bình hữu hiệu trong thế giới. Việc cử hành Bí tích Hòa Giải được lồng khung trong toàn cuộc sống của Giáo Hội, nhất là trong tương quan với mầu nhiệm vượt qua được cử hành trong Bí tích Thánh Thể, và tôi nói rằng một cách chắc chắn khi quy chiếu Bí tích Rửa Tội được sống thực, Bí tích Thêm Sức và các đòi buộc của giới răn bác ái, của tình yêu thương. Nó luôn luôn là một cử hành tươi vui, cử hành tình yêu của Thiên Chúa, là Đấng trao ban chính mình, bằng cách phá hủy tội lỗi của chúng ta, khi chúng ta sẵn sàng thừa nhận nó với lòng khiêm nhường.

Hỏi: Bí tích Sám Hối có ảnh hưởng nào trong cuộc sống xã hội không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Nó hướng tới sự hòa giải trọn vẹn theo cái luận lý của ”Kinh Lậy Cha”, của Hiến Chương Tám Mối Phúc thật, và của giới răn yêu thương. Nó là một con đường thanh tẩy các tội lỗi, và cũng là một lộ trình hướng tới chỗ trở nên đồng hình dạng với Chúa Kitô. Con đường sám hối này ngày nay vô cùng quan trọng, cũng như nó đã luôn luôn quan trọng trong quá khứ, nó như là nền tảng giúp xây dựng một xã hội sống sự hiệp thông. Cả khi trong kiểu đọc hiểu các chuyện xảy ra trong thế giới này, như các tin tức thường ngày và các tình trạng xã hội phơi bầy trước mắt chúng ta, phải luôn luôn chú ý tới tội tổ tông. Và đó là ảnh hưởng. Việc không muốn chú ý tới sự kiện con người có một bản chất bị thương tích, hướng về sự dữ, gây ra các lầm lạc nghiêm trọng trong lãnh vực giáo dục, trong lãnh vực chính trị vv…

Hỏi: Có phải xưng cả các tội nhẹ, khi lãnh Bí tích Giải Tội không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Khi bước vào trong cái năng động tin mừng của sự tha thứ, thì tầm quan trọng của việc xưng thú cả các tội nhẹ và các bất toàn nữa trở thành điều dễ hiểu. Tại sao vậy? Bởi vì nó làm nảy sinh ra một quyết định tiến tới trong việc noi gương Chúa Kitô, trong việc bước đi theo con đường của Thần Khí, và với ước muốn thực sự biến đổi cuộc đời mình trong việc diễn tả lòng thương xót của Chúa đối với người khác. Trong cách thế này người ta bước vào trong sự tương đồng với các tâm tình của Chúa Kitô, là Đấng duy nhất đã đền tội lỗi cho chúng ta”, như thánh Phaolô nói trong thư gửi tín hữu Roma, và như thánh Gioan nói trong thư thứ I (Rm 3,25; 1 Ga 2,1-2). Như vậy, chắc chắn là phải xưng thú các tội trọng, các bất toàn và tất cả các tội khác nữa.

Hỏi: Vậy thì việc xưng tội phải như thế nào thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Việc xưng tội phải rõ ràng, đơn sơ, và xưng trọn vẹn các tội lỗi của mình. Việc hoán cải như là sự trở về với các chương trình của Thiên Chúa Cha, bao gồm sự hối lỗi chân thành, và đây là một đặc thái khác của Bí tích Giải Tội, và vì thế việc cáo tội phải rõ ràng và sẵn sàng đền bù lại cung cách sống của mình. Như thế người ta lại hướng cuộc sống của mình trên con đường tới với Thiên Chúa và tới với tha nhân. Trước Chúa Kitô phục sinh hiện diện trong Bí tích và trong một cách thế nào đó cũng hiện diện nơi vị thừa tác, hối nhân xưng thú các tội lỗi của mình, bầy tỏ sự hối lỗi, và dấn thân sống tương xứng với ơn thánh của Thiên Chúa để có thể sửa mình. Ơn thánh của Bí tích Hoà Giải là ơn tha thứ tới tận gốc rễ của tội đã phạm sau khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, và nó chữa lành các bất toàn và các lệch lạc, bằng cách trao ban cho tín hữu sức mạnh hoán cải thực sự.

Hỏi: Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ các linh mục có lòng thương xót. Điều này có nghĩa là gì thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Thật là điều quan trọng việc linh mục giải tội biết tiếp đón hối nhân. Và việc tiếp rước xa là lời cầu nguyện và việc đền tội mà linh mục phải làm cho tất cả những ai tới xưng tội. Thế rồi cần phải ”ở trong tòa giải tội” nữa, hay phải hiện diện tại tòa giải tội trong các giờ giấc phù hợp với tín hữu, và với con tim nồng cháy tình hiền phụ. Trong khi xưng tội sự trợ giúp hướng tới chỗ giúp tín hữu hiểu biết mình đích thực, dưới ánh sáng của đức tin để có thái độ hối lỗi và dốc quyết hoán cải thường xuyên, sâu thẳm để vượt thắng sự đáp trả không đủ đối với tình yêu thương xót vô bờ của Thiên Chúa. Bác ái mục vụ thúc đẩy vị linh mục giải tội phải hết sức sẵn sàng trong việc tiếp đón các con chiên bị thương tích, còn hơn thế nữa phải đi tới gặp gỡ chúng để dẫn chúng về ràn chiên. Đức Thánh Cha Phanxicô thường hay dùng một kiểu nói gợi hình trong việc trình bày Giáo Hội như là ”một bệnh xá chiến trường”. Kiểu nói rõ ràng này đã gặp may mắn. Vì thế khi dùng cùng một kiểu diễn tả này có thể nói rằng việc xưng tôi giống như khu vực cấp cứu của bệnh xá đó. Vị giải tội là mục tử, là cha, là thầy dậy, là người giáo dục, là thẩm phán đầy lòng thương xót, là bác sĩ phải trợ giúp người bị thương hồi phục hoàn toàn sức khỏe của họ.

Hỏi: Như vậy phải cung cấp cho linh mục giải tội việc đào tạo nào thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Cần phải cung cấp cho linh mục giải tội một sự đào tạo cẩn thận để thi hành chức thừa tác một cách hữu hiệu. Phải có một sự nhậy cảm tinh thần và mục vụ, một việc chuẩn bị thần học, luân lý, và sư phạm thực sự nghiêm chỉnh hầu có thể hiểu điều hối nhân sống. Vì thế cần hiểu biết hối nhân sống ở đâu, trong khung cảnh xã hội bao quanh họ như thế nào, bối cảnh gia đình họ ra sao… Tất cả những điều đó phải là thành phần không chỉ của việc đào tạo đầu tiên, mà cũng là phần thường hằng của hàng giáo sĩ nữa. Khóa học Tòa Trong mà chúng tôi tổ chức trong những ngày này là một đóng góp bé nhỏ cho việc đào tạo các linh mục giải tội tốt.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, khi nói tới bí tích Hòa Giải người ta cũng nói tới niềm vui nữa. Niềm vui trong nghĩa nào vậy?

Đáp: Vâng, Bí tích Hoà Giải là một ơn rất lớn, cũng là một ơn đối với các linh mục chúng tôi, mặc dù được mời gọi thi hành chức thừa tác này, nhưng chúng tôi cũng có các thiếu sót cần được xin tha thứ, vì thế chúng tôi cũng là các hối nhân và đồng thời là người giải tội. Niềm vui tha thứ và niền vui được tha thứ đi đôi với nhau. Vì vậy trong lãnh vực này tôi cầu chúc tất cả mọi người: các linh mục giải tội cũng như các hối nhân có thể sống kinh nghiệm niềm vui tinh tuyền này. Và đó cũng là lời chúc mừng lễ Phục Sinh của tôi.

Hỏi: Xin Đức Hồng Y cho thính giả biết chi tiết chương trình của khóa học này.

Đáp: Tòa Ân Giải của Tòa Thánh đã tổ chức khóa học về Tòa Trong này từ 25 năm nay rồi để phục vụ các tân linh mục mới thụ phong cũng như các đại chủng sinh sắp làm linh mục. Khóa học được tổ chức tại trụ sở Tòa Ân Giải quảng trường Cancelleria số 1 trong các ngày 24 tới 28 tháng 3. Các tham dự viên ghi danh được khoảng 500, thuộc nhiều châu lục khác nhau. Sau bài thuyết trình khai mạc của Đức Hồng Y Chánh Tòa Ân Giải về đề tài ”Canh tân cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu Kitô” (Niềm Vui Phúc âm, 3), sẽ có các bài thuyết trình của Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Phụng Tự, và các Đức Ông và chuyên viên thuộc bộ Phụng Tự và Tòa Ân Giải về các Bí tích và các đề tài liên hệ. Theo sau các bài thuyết trình là các cuộc thảo luận. Chương trình diễn ra vào ban chiều từ 15:30 giờ trở đi. Trưa ngày thứ sáu 28-3 lúc 12 giờ có buổi tiếp kiến Đức Thánh Cha dành cho các tham dự viên, cho tất cả các cha giải tội bình thường và ngoại thường của bốn vương cung thánh đường giáo hoàng tại Roma.

Chiều thứ sáu lúc 16:30 giờ sẽ có lễ nghi sám hối do Đức Thánh Cha chủ sự tại Đền thờ thánh Phêrô, trong đó Đức Thánh Cha sẽ giải tội cho vài người hiện diện. Các vị bề trên của Tòa Ân Giải cũng như các cha giải tội bình thường và ngoại thường khoảng 60 vị cũng sẽ ban bí tích Hòa Giải cho những người hiện diện. Nhân dịp này Hội Đồng Tòa Thánh Tái truyền giảng Tin Mừng cũng thăng tiến việc xưng tội, gọi là ”24 giờ cho Chúa. Sự tha thứ của Thiên Chúa mạnh mẽ hơn tội lỗi”. Vào lúc 20.00 tối các nhà thờ thánh nữ Anê in Agone, Thánh Maria Trastevere, nhà thờ các Dấu Tích Rất Thánh sẽ mở cửa suốt đêm cho tín hữu xưng tội. Thứ bẩy 29 tháng 3 nhà thờ thánh nữ Anê in Agone sẽ mở cửa và các linh mục sẽ giải tội từ lúc 10 giờ sáng cho tới 16.00 chiều. Và vào lúc 17 giờ chiều Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch hội đồng, sẽ chủ sự thánh lễ kết thúc tạ ơn tại nhà thờ Chúa Thánh Thần in Sassia.

Các sáng kiến tương tự cũng được làm trong nhiều giáo phận và giáo xứ Italia và trên thế giới nhằm góp phần vào việc tái truyền giảng Tin Mừng.

(RG 23-3-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Gặp gỡ như phạm trù chìa khóa huấn quyền của Đức Thánh Cha Phanxicô

Gặp gỡ như phạm trù chìa khóa huấn quyền của Đức Thánh Cha Phanxicô

Một số nhận định của linh mục Antonio Spadaro, giám đốc Nguyệt san ”Văn minh công giáo” của dòng Tên

Từ khi lên giữ chức vụ Chủ Chăn Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ cách đây một năm, Đức Thánh Cha Phanxicô thường xuyên lập đi lập lại ý niệm ”gặp gỡ”, và mời gọi mọi thành phần dân Chúa và cơ cấu giáo hội ra khỏi chính mình, để đi đến gặp gỡ tha nhân trong các vùng ngoại biên của cuộc sống. Ngài cũng hay nói tới ”nền văn hóa gặp gỡ” và đối chọi nó với ”nền văn hóa loại bỏ” trong tâm thức của con người sống trong xã hội tiêu thụ hưởng thụ ngày nay. Có thể nói gặp gỡ là ”phạm trù chìa khóa” trong giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Ngay trong phần đầu của chương thứ nhất Tông huấn ”Niềm vui của Tin Mừng” Đức Thánh Cha đã trình bầy hình ảnh một Giáo Hội được mời gọi ra đi, tới nơi Thiên Chúa chỉ cho, như Thiên Chúa đã làm với tổ phụ Abraham, với ông Môshê, với ngôn sứ Giêrêmia. ”Hãy ra đi” cũng là lệnh Chúa Giêsu Kitô đã truyền cho các môn đệ. Nó bao gồm các quang cảnh và các thách đố luôn mới mẻ trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng của Giáo Hội. Và chúng ta tất cả đều được mời gọi ra đi loan báo Tin Mừng: ra khỏi các khung cảnh tiện nghi dễ dãi của cuộc sống để can đảm đi đến tất cả các vùng ngoại biên cần ánh sáng của Tin Mừng. Cộng đoàn Giáo Hội được mời gọi ra đi để gặp gỡ mọi người và loan báo Chúa Kitô cho họ.

Để có thể rao truyền Tin Mừng một cách hữu hiệu, mọi tín hữu phải tìm gặp gỡ Chúa Giêsu, sống mối dây thân tình với Người để noi theo gương sống và hành xử của Người: kiểu người gặp gỡ tiếp đón người nghèo, các cử chỉ lời nói và việc làm của Người, sự quảng đại đơn sơ và hoàn toàn tận tụy trong cuộc sống thường ngày của Chúa đối với tất cả mọi người. Kiểu găp gỡ của Chúa Giêsu phải là mẫu gương cho kiểu gặp gỡ của chúng ta với nhau giữa các kitô hữu và với tất cả mọi người khác.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận xét của linh mục Antonio Spadaro, Giám đốc nguyệt san ”Văn minh công giáo” của dòng Tên về điểm này.

Hỏi: Thưa cha Spadaro, tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô hay dùng từ ”gặp gỡ” như vậy: gặp gỡ Thiên Chúa, gặp gỡ tha nhân, gặp gỡ nhau… ?

Đáp: Đức Thánh Cha Phanxicô có một quan niệm thừa sai về Giáo Hội: ngài đang làm việc và sẽ làm việc cho một sự biến đổi truyền giáo của Giáo Hội. Điều này có nghĩa là Giáo Hội, như ngài thấy, là tuyệt đối hướng tới thế giới, rộng mở cho thế giới, bởi vì Đức Thánh Cha muốn rằng Tin Mừng được loan báo cho tất cả mọi người, cho bất cứ ai, trong bất cứ hoàn cảnh nào trong đó tín hữu sinh sống. Như thế, ngôn ngữ của Đức Thánh Cha Phanxicô là một thứ ngôn ngữ tự nhiên, bình thường. Mục đích của ngài là đến với tất cả mọi người.

Hỏi: Sự chú ý tới châu Mỹ Latinh, chiều kích tin mừng mục vụ, cải tổ các cơ quan trung ương của Tòa Thánh, cải tổ các tương quan với các Giáo Hội khác: đó là vài điểm đặc thù trong năm đầu tiên triều đại của ngài. Theo cha, chúng ta có thể thấy trước được một sự thay đổi bước đi trong các lãnh vực nào nữa trong các tháng tới hay không?

Đáp: Chúng ta không biết được. Và có lẽ cả Đức Thánh Cha cũng không biết, trong nghĩa triều đại của ngài không có trong trí các tư tưởng trừu tượng cần áp dụng cho thực tại, bằng cách nhào nặn nó theo quan điểm riêng của mình. Thực ra, Đức Thánh Cha tiến tới từng bước một, bằng cách phân định lịch sử, đồng hành với các tiến trình đang có trong Giáo Hội, đương nhiên là trong tương quan với cuộc sống của thế giới. Điều này có nghĩa là điều quan trọng nhất đối với Đức Thánh Cha là theo dõi những gì xảy ra và duyệt xét tiến trình cải tổ như là một cuộc canh cải từ bên trong. Chắc chắn là có một dữ kiện rất hiển nhiên nơi sự kiện ngày nay trong sự phát triển của nó Giáo Hội rất gắn bó với các Giáo Hội trẻ, và như thế đang có sự thay đổi viễn tượng, sự thay đổi quan niệm. Đó là ơn ngôn sứ hiện diện trong cuộc sống của các Giáo Hội trẻ đang bước vào tràn đầy trong cuộc sống bình thường của Giáo Hội, và như thế cũng qua các vị đại diện của nó trong các cơ cấu ở trung ương nhất.

Hỏi: Có điều gì là của thánh Ignazio và điều gì là của thánh Phanxicô trong triều đại của Đức Bergoglio thưa cha?

Đáp: Đức Bergoglio đã được đào tạo một cách triệt để theo linh đạo của thánh Ignazio ngay từ khi còn trẻ, vì thế kiểu ngài hành xử, nhìn và duyệt xét thực tại một cách triệt để được gắn liền với linh đạo này. Đó là một linh đạo hiển nhiên theo tinh thần Tin Mừng, chú ý rất nhiều tới sự hiện diện của Chúa trong thế giới. Nó không phải là một linh đạo lạc quan – Đức Thánh Cha không thích từ này – nhưng chắc chắn nó là một linh đạo tràn đầy niềm hy vọng. Điều này có nghĩa là đối với Đức Thánh Cha, Chúa đã hành động trong thế giới, vì thế chúng ta luôn luôn tới sau, và chúng ta phải thừa nhận sự hiện diện của Người. Và đó là sự phân định. Như thế, trước hết tôi sẽ nói rằng triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô là một triều đại của sự phân định xem Chúa đang di chuyển trong thế giới như thế nào, trong nghĩa này thì nó theo tinh thần của thánh Iganzio và dòng Tên một cách sâu xa. Và nó cũng theo tinh thần của thánh Phanxicô trong nghĩa Ignazio nhất của từ này, bởi vì linh đạo của thánh Phanxicô được sống bên trong linh đạo của thánh Ignazio. Điều này chắc chắn đưa Đức Thánh Cha tới chỗ rất chú ý đến sự nghèo khó và điều nòng cốt. Tuy nhiên, cũng có một chiều kích khác rất hiện diện nơi thánh Phanxicô đó là chiều kích của sự tái thiết. Chúng ta biết rằng giấc mơ đã ghi đậm dấu trong cuộc đời của thánh Phanxicô đó là giấc mơ tái thiết Giáo Hội, giấc mơ sự hiện diện của các đổ nát trong thế giới. Khi đó hình ảnh ”bệnh xá chiến trường”, hình ảnh của các tình trạng trong đó cần tái thiết, rất hiện diện trong triều đại của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Hỏi: Vào tháng tư tới đây sẽ có lễ phong hiển thánh cho Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II; rồi tháng 5 có chuyến viếng thăm Thánh Địa và tháng 8 có chuyến công du Nam Hàn, nhân dịp Ngày Quốc Tế giới Trẻ Á châu lần thứ 6. theo cha có sợi chỉ nào nối liền ba biến cố xem ra khác nhau này không?

Đáp: Gặp gỡ là phạm trù chìa khóa của triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô. Có sự gặp gỡ với lịch sử, với các gương mặt lớn của qúa khứ mới đây. Ngoài ra cũng thật là hay việc phối hợp hai triều đại giáo hoàng vĩ đại này trong một cách thức rất khác biệt nhau. Thế rồi còn có cuộc gặp gỡ với thực tại của vùng Trung Đông, vô cùng phức tạp; rồi tới cuộc gặp gỡ lớn với Đại Hàn, nghĩa là cuộc gặp gỡ với giới trẻ của đại lục Á châu, ngày nay là đại lục có năng lực rất to lớn, có tiềm năng lớn đối với cả cuộc sống của Giáo Hội nữa.

Hỏi: Theo cha, Đức Thánh Cha Phanxicô có gặp phải vài khó khăn nào trong năm đầu tiên triều đại giáo hoàng của ngài hay không?

Đáp: Chắc hẳn là có biết bao nhiêu là khó khăn chứ; tuy nhiên, điều đánh động tôi và tôi cũng đã nói chuyện với ngài, trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 8 năm ngoái – đó là Đức Thánh Cha ý thức được các vấn đề đó, nhưng ngài sống thái độ nền tảng rất thanh thản. Chính ngài đã nói lên đều này: ngài ăn ngủ ngon, nghĩa là ngài cảm thấy một sự bình an nội tâm rất lớn, khiến cho ngài khỏe mạnh và cũng cho phép ngài đương đầu với các khó khăn với sự rất đơn sơ và ngay lập tức. Có lẽ sự mới mẻ trong kiểu sống của ngài có thể gây vài khó khăn cho vài người, trong khi trái lại ngài muốn là một con số của cuộc sống tin mừng.

Hỏi: Nếu cha có phải phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô ngày mai, thì cha sẽ hỏi ngài cái gì?

Đáp: Tôi không biết, bởi vì phỏng vấn ngài thực sự đã là một kinh nghiêm tinh thần lớn, một kinh nghiệm hoàn toàn cởi mở. Vì vậy tôi sẽ nói rằng tôi đứng trước mặt ngài, và bắt đầu từ điều Đức Thánh Cha muốn nói. Và đối với tôi đó sẽ là điều hay nhất.

(RG 13-3-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Gặp gỡ như phạm trù chìa khóa huấn quyền của Đức Thánh Cha Phanxicô

Gặp gỡ như phạm trù chìa khóa huấn quyền của Đức Thánh Cha Phanxicô

Một số nhận định của linh mục Antonio Spadaro, giám đốc Nguyệt san ”Văn minh công giáo” của dòng Tên

Từ khi lên giữ chức vụ Chủ Chăn Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ cách đây một năm, Đức Thánh Cha Phanxicô thường xuyên lập đi lập lại ý niệm ”gặp gỡ”, và mời gọi mọi thành phần dân Chúa và cơ cấu giáo hội ra khỏi chính mình, để đi đến gặp gỡ tha nhân trong các vùng ngoại biên của cuộc sống. Ngài cũng hay nói tới ”nền văn hóa gặp gỡ” và đối chọi nó với ”nền văn hóa loại bỏ” trong tâm thức của con người sống trong xã hội tiêu thụ hưởng thụ ngày nay. Có thể nói gặp gỡ là ”phạm trù chìa khóa” trong giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Ngay trong phần đầu của chương thứ nhất Tông huấn ”Niềm vui của Tin Mừng” Đức Thánh Cha đã trình bầy hình ảnh một Giáo Hội được mời gọi ra đi, tới nơi Thiên Chúa chỉ cho, như Thiên Chúa đã làm với tổ phụ Abraham, với ông Môshê, với ngôn sứ Giêrêmia. ”Hãy ra đi” cũng là lệnh Chúa Giêsu Kitô đã truyền cho các môn đệ. Nó bao gồm các quang cảnh và các thách đố luôn mới mẻ trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng của Giáo Hội. Và chúng ta tất cả đều được mời gọi ra đi loan báo Tin Mừng: ra khỏi các khung cảnh tiện nghi dễ dãi của cuộc sống để can đảm đi đến tất cả các vùng ngoại biên cần ánh sáng của Tin Mừng. Cộng đoàn Giáo Hội được mời gọi ra đi để gặp gỡ mọi người và loan báo Chúa Kitô cho họ.

Để có thể rao truyền Tin Mừng một cách hữu hiệu, mọi tín hữu phải tìm gặp gỡ Chúa Giêsu, sống mối dây thân tình với Người để noi theo gương sống và hành xử của Người: kiểu người gặp gỡ tiếp đón người nghèo, các cử chỉ lời nói và việc làm của Người, sự quảng đại đơn sơ và hoàn toàn tận tụy trong cuộc sống thường ngày của Chúa đối với tất cả mọi người. Kiểu găp gỡ của Chúa Giêsu phải là mẫu gương cho kiểu gặp gỡ của chúng ta với nhau giữa các kitô hữu và với tất cả mọi người khác.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận xét của linh mục Antonio Spadaro, Giám đốc nguyệt san ”Văn minh công giáo” của dòng Tên về điểm này.

Hỏi: Thưa cha Spadaro, tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô hay dùng từ ”gặp gỡ” như vậy: gặp gỡ Thiên Chúa, gặp gỡ tha nhân, gặp gỡ nhau… ?

Đáp: Đức Thánh Cha Phanxicô có một quan niệm thừa sai về Giáo Hội: ngài đang làm việc và sẽ làm việc cho một sự biến đổi truyền giáo của Giáo Hội. Điều này có nghĩa là Giáo Hội, như ngài thấy, là tuyệt đối hướng tới thế giới, rộng mở cho thế giới, bởi vì Đức Thánh Cha muốn rằng Tin Mừng được loan báo cho tất cả mọi người, cho bất cứ ai, trong bất cứ hoàn cảnh nào trong đó tín hữu sinh sống. Như thế, ngôn ngữ của Đức Thánh Cha Phanxicô là một thứ ngôn ngữ tự nhiên, bình thường. Mục đích của ngài là đến với tất cả mọi người.

Hỏi: Sự chú ý tới châu Mỹ Latinh, chiều kích tin mừng mục vụ, cải tổ các cơ quan trung ương của Tòa Thánh, cải tổ các tương quan với các Giáo Hội khác: đó là vài điểm đặc thù trong năm đầu tiên triều đại của ngài. Theo cha, chúng ta có thể thấy trước được một sự thay đổi bước đi trong các lãnh vực nào nữa trong các tháng tới hay không?

Đáp: Chúng ta không biết được. Và có lẽ cả Đức Thánh Cha cũng không biết, trong nghĩa triều đại của ngài không có trong trí các tư tưởng trừu tượng cần áp dụng cho thực tại, bằng cách nhào nặn nó theo quan điểm riêng của mình. Thực ra, Đức Thánh Cha tiến tới từng bước một, bằng cách phân định lịch sử, đồng hành với các tiến trình đang có trong Giáo Hội, đương nhiên là trong tương quan với cuộc sống của thế giới. Điều này có nghĩa là điều quan trọng nhất đối với Đức Thánh Cha là theo dõi những gì xảy ra và duyệt xét tiến trình cải tổ như là một cuộc canh cải từ bên trong. Chắc chắn là có một dữ kiện rất hiển nhiên nơi sự kiện ngày nay trong sự phát triển của nó Giáo Hội rất gắn bó với các Giáo Hội trẻ, và như thế đang có sự thay đổi viễn tượng, sự thay đổi quan niệm. Đó là ơn ngôn sứ hiện diện trong cuộc sống của các Giáo Hội trẻ đang bước vào tràn đầy trong cuộc sống bình thường của Giáo Hội, và như thế cũng qua các vị đại diện của nó trong các cơ cấu ở trung ương nhất.

Hỏi: Có điều gì là của thánh Ignazio và điều gì là của thánh Phanxicô trong triều đại của Đức Bergoglio thưa cha?

Đáp: Đức Bergoglio đã được đào tạo một cách triệt để theo linh đạo của thánh Ignazio ngay từ khi còn trẻ, vì thế kiểu ngài hành xử, nhìn và duyệt xét thực tại một cách triệt để được gắn liền với linh đạo này. Đó là một linh đạo hiển nhiên theo tinh thần Tin Mừng, chú ý rất nhiều tới sự hiện diện của Chúa trong thế giới. Nó không phải là một linh đạo lạc quan – Đức Thánh Cha không thích từ này – nhưng chắc chắn nó là một linh đạo tràn đầy niềm hy vọng. Điều này có nghĩa là đối với Đức Thánh Cha, Chúa đã hành động trong thế giới, vì thế chúng ta luôn luôn tới sau, và chúng ta phải thừa nhận sự hiện diện của Người. Và đó là sự phân định. Như thế, trước hết tôi sẽ nói rằng triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô là một triều đại của sự phân định xem Chúa đang di chuyển trong thế giới như thế nào, trong nghĩa này thì nó theo tinh thần của thánh Iganzio và dòng Tên một cách sâu xa. Và nó cũng theo tinh thần của thánh Phanxicô trong nghĩa Ignazio nhất của từ này, bởi vì linh đạo của thánh Phanxicô được sống bên trong linh đạo của thánh Ignazio. Điều này chắc chắn đưa Đức Thánh Cha tới chỗ rất chú ý đến sự nghèo khó và điều nòng cốt. Tuy nhiên, cũng có một chiều kích khác rất hiện diện nơi thánh Phanxicô đó là chiều kích của sự tái thiết. Chúng ta biết rằng giấc mơ đã ghi đậm dấu trong cuộc đời của thánh Phanxicô đó là giấc mơ tái thiết Giáo Hội, giấc mơ sự hiện diện của các đổ nát trong thế giới. Khi đó hình ảnh ”bệnh xá chiến trường”, hình ảnh của các tình trạng trong đó cần tái thiết, rất hiện diện trong triều đại của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Hỏi: Vào tháng tư tới đây sẽ có lễ phong hiển thánh cho Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II; rồi tháng 5 có chuyến viếng thăm Thánh Địa và tháng 8 có chuyến công du Nam Hàn, nhân dịp Ngày Quốc Tế giới Trẻ Á châu lần thứ 6. theo cha có sợi chỉ nào nối liền ba biến cố xem ra khác nhau này không?

Đáp: Gặp gỡ là phạm trù chìa khóa của triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô. Có sự gặp gỡ với lịch sử, với các gương mặt lớn của qúa khứ mới đây. Ngoài ra cũng thật là hay việc phối hợp hai triều đại giáo hoàng vĩ đại này trong một cách thức rất khác biệt nhau. Thế rồi còn có cuộc gặp gỡ với thực tại của vùng Trung Đông, vô cùng phức tạp; rồi tới cuộc gặp gỡ lớn với Đại Hàn, nghĩa là cuộc gặp gỡ với giới trẻ của đại lục Á châu, ngày nay là đại lục có năng lực rất to lớn, có tiềm năng lớn đối với cả cuộc sống của Giáo Hội nữa.

Hỏi: Theo cha, Đức Thánh Cha Phanxicô có gặp phải vài khó khăn nào trong năm đầu tiên triều đại giáo hoàng của ngài hay không?

Đáp: Chắc hẳn là có biết bao nhiêu là khó khăn chứ; tuy nhiên, điều đánh động tôi và tôi cũng đã nói chuyện với ngài, trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 8 năm ngoái – đó là Đức Thánh Cha ý thức được các vấn đề đó, nhưng ngài sống thái độ nền tảng rất thanh thản. Chính ngài đã nói lên đều này: ngài ăn ngủ ngon, nghĩa là ngài cảm thấy một sự bình an nội tâm rất lớn, khiến cho ngài khỏe mạnh và cũng cho phép ngài đương đầu với các khó khăn với sự rất đơn sơ và ngay lập tức. Có lẽ sự mới mẻ trong kiểu sống của ngài có thể gây vài khó khăn cho vài người, trong khi trái lại ngài muốn là một con số của cuộc sống tin mừng.

Hỏi: Nếu cha có phải phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô ngày mai, thì cha sẽ hỏi ngài cái gì?

Đáp: Tôi không biết, bởi vì phỏng vấn ngài thực sự đã là một kinh nghiêm tinh thần lớn, một kinh nghiệm hoàn toàn cởi mở. Vì vậy tôi sẽ nói rằng tôi đứng trước mặt ngài, và bắt đầu từ điều Đức Thánh Cha muốn nói. Và đối với tôi đó sẽ là điều hay nhất.

(RG 13-3-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

Mỗi một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu biến đổi cuộc sống và ban cho chúng ta niềm vui

Mỗi một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu biến đổi cuộc sống và ban cho chúng ta niềm vui

Mùa Chay là thời gian thuận tiện giúp chúng ta nhìn vào bên trong chính mình để làm nổi lên các nhu cầu tinh thần đích thật nhất, và xin sự trợ giúp của Chúa trong lời cầu nguyện. Giống như trường hợp của người đàn bà xứ Samaria, gặp gỡ Chúa Giêsu thay đổi cuộc sống chúng ta và ban cho chúng ta niềm vui.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với 70,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 23-3-2014.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Anh chị em thân mến, hôm nay Phúc Âm trình bầy với chúng ta cuộc găp gỡ của Chúa Giêsu với người đàn bà xứ Samaria, tại Sicar, gần một cái giếng cổ, nơi bà tới kín nước mỗi ngày. Hôm ấy bà tìm thấy Chúa ngồi đó ”mệt mỏi vì đường xa” (Ga 4,6). Người nói ngay với bà: ”Xin cho tôi nước uống” (c. 7). Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa cử chỉ này của Chúa Giêsu như sau:

Trong cách thức này Người thắng vượt các hàng rào thù nghịch đã có giữa người Do thái và người Samaria, và bẻ gẫy các lược đồ thành kiến đối với các phụ nữ. Lời xin đơn sơ của Chúa Giêsu là khởi đầu của một cuộc đối thoại thắng thắn, qua đó với sự tế nhị rất lớn, Chúa Giêsu bước vào trong thế giới nội tâm của một người, mà theo các lược đồ xã hội đáng lý ra Ngài cũng không nên bắt chuyện. Nhưng Chúa Giêsu làm điều đó! Ngài không sợ hãi. Khi trông thấy một người, Chúa Giêsu tiến tới, vì Ngài yêu thương. Ngài yêu thương tất cả chúng ta. Ngài không bao giờ dừng lại trước một người vì các thành kiến. Chúa Giêsu đặt để bà trước tình trạng của bà, bằng cách không phán xử bà, nhưng làm cho bà cảm thấy được trân trọng, thừa nhận, và như thế gợi lên nơi bà ước muốn đi xa hơn cuộc sống nhàm chán thường ngày.

Cái khát của Chúa Giêsu không phải là khát nước, nhưng là khát gặp gỡ một linh hồn đã khô héo. Chúa Giêsu cần gặp người đàm bà xứ Samaria để mở con tim bà ra: Ngài xin bà cho nước uống để minh nhiên cái khát bà có trong chính bà. Người đàn bà bị đánh động bởi cuộc gặp gỡ ấy: bà hỏi Chúa những cầu hỏi sâu xa, mà chúng ta tất cả đều có ở trong lòng, mà thường chúng ta không biết. Cả chúng ta nữa cũng có biết bao nhiêu câu hỏi, nhưng không tìm ra can đảm để hỏi Chúa Giêsu!

Lồng khung sứ điệp cuộc găp gỡ này vào Mùa Chay Đức Thánh Cha nói:

Mùa Chay là thời gian thuận tiện giúp chúng ta nhìn vào bên trong chính mình để làm nổi lên các nhu cầu tinh thần đích thật nhất, và xin sự trợ giúp của Chúa trong lời cầu nguyện. Gương của người đàn bà xứ Samaria mời gọi chúng ta bầy tỏ mình như vầy: ”Xin cho con nước sẽ làm cho con đã khát đời đời.” Phúc Âm nói rằng các môn đệ ngạc nhiên thầy Thầy mình nói chuyện với người phụ nữ đó. Nhưng Chúa vĩ đại hơn các thành kiến, vì thế Người không sợ hãi dừng lại với người đàn bà xứ Samaria: lòng thương xót lớn hơn thành kiến. Đây là điều chúng ta phải học: lòng thương xót lớn hơn thành kiến. Và Chúa Giêsu thì vô cùng thương xót, vô cùng! Kết qủa cuộc gặp gỡ bên bờ giếng là người đàn bà được biến đổi: bà ”bỏ cái vò bà mang tới kín nước lại đó” (c. 28) và chạy vào thành phố kể lại kinh nghiệm ngoại thường của bà. Bà đi kín nước giếng và đã tìm thấy một thứ nước khác, nước hằng sống của lòng thương xót vọt lên từ cuộc sống vĩnh cửu. Bà đã tìm thấy nước, mà bà đã luôn luôn kiếm tìm! Bà chạy vào làng, ngôi làng đã phán xử bà và khước từ bà, và loan báo rằng bà đã gặp Đấng Messia, Đấng Cứu Thế: một người đã thay đội cuộc sống của bà. Bởi vì mỗi một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu luôn luôn thay đổi cuộc sống chúng ta. Đó là một bước tiến tới, một bước gần Thiên Chúa hơn. Và như thế mỗi một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu thay đổi cuộc sống chúng ta. Luôn luôn, luôn luôn là như vậy.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Trong Phúc Âm này chúng ta cũng tìm thấy sự khích lệ ”để vò nước của chúng ta lại đó”, nó biểu tượng cho tất cả những gì xem ra quan trọng, nhưng mất giá trị trước tình yêu của Thiên Chúa, đã ”được đổ tràn đầy con tim của chúng ta qua Chúa Thánh Thần” (Rm 5,5). Chúng ta được mời gọi tái khám phá ra tầm quan trọng và ý nghĩa của cuộc sống kitô, đã bắt đầu với Bí tích Rửa Tội và như người đàn bà xứ Samaria, chúng ta được mời gọi làm chứng cho các anh chị em khác. Làm chứng cho cái gì? Niềm vui! Làm chứng cho niềm vui của cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, bởi vì tôi đã nói rằng mỗi một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu thay đổi cuộc sống chúng ta, và mỗi một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu trao ban cho chúng ta niềm vui, niềm vui đến từ bên trong. Và Chúa là như thế. Và kể lại biết bao điều kỳ diệu mà tình yêu của Người biết làm trong con tim chúng ta, khi chúng ta có can đảm để cái vò của mình ra một bên, và các điều kỳ diệu mà tình yêu của Chúa hoàn thành trong cuộc sống chúng ta.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha còn dặn mọi người đừng quên tư tưởng này ”Mỗi một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu thay đổi cuộc sống chúng ta. Mỗi một cuộc gặp gở với Chúa Giêsu ban cho chúng ta niềm vui.” Và ngài xin mọi người cùng lập lại với ngài câu đó.

Đức Thánh Cha cũng nhắc cho mọi người biết Thứ hai hôm nay là Ngày Quốc Tế Bệnh Lao Phổi và nói: chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những người bị bệnh lao và cho những ai trợ giúp họ bằng nhiều cách khác nhau.

Thứ Sáu và thứ Bảy tới chúng ta sẽ sống một thời điểm sám hối đặc biệt gọi là ”24 giờ cho Chúa”. Nó sẽ bắt đầu với việc cử hành tại đền thờ Thánh Phêrô chiều thứ sáu, rồi sau đó ban đêm vài nhà thờ ở trung tâm thành phố Roma sẽ mở cửa cho việc cầu nguyện và xưng tội. Đó sẽ là một lễ, chúng ta có thể gọi là một lễ của ơn tha thứ. Nó cũng sẽ được cử hành trong nhiều giáo phận và giáo xứ trên thế giới.

Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm tín hữu hiện diện tại quảng trường. Ngài cũng chào đặc biệt 18,000 tham dự viện cuộc chạy đua Marathon mùa xuân tại Roma và chúc mọi người một ngày Chúa Nhật tươi vui an lành.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Thánh Giuse là mẫu gương của mọi nhà giáo dục và mọi người cha gia đình

Thánh Giuse là mẫu gương của mọi nhà giáo dục và mọi người cha gia đình

Thánh Giuse không chỉ là người giữ gìn Chúa Kitô, mà còn là vị đồng hành và giáo dục Chúa lớn lên trên bình diện tâm thể lý, sự khôn ngoan và ơn thánh nữa. Vì thế thánh nhân là mẫu gương của mọi nhà giáo dục, đặc biệt của mọi người cha gia đình.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với 80,000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần 19-3-2014 tại quảng trường Thánh Phêrô. 19-3 cũng là ngày kỷ niệm đúng một năm Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu sứ vụ Phêrô của ngài.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: hôm nay ngày 19 tháng 3 lễ kính thánh Giuse, Phu Quân Đức Maria, và Bổn Mạng của Giáo Hội hoàn vũ. Vì thế chúng ta dành bài giáo lý hôm nay cho Người, là Đấng đáng cho chúng ta biết ơn và sùng kính, vì đã biết giữ gìn Đức Thánh Trinh Nữ và Con là Đức Giêsu. Gìn gĩư đã là đặc điểm cuộc đời của thánh Giuse trong sứ mệnh cao cả của Người, mà tôi đã nhắc tới cách đây một năm. Hôm nay tôi muốn lấy lại đề tài ấy nhưng trong viễn tượng giáo dục. Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta hãy nhìn vào thánh Giuse như mẫu gương của nhà giáo dục, người giữ gìn và đồng hành với Chúa Giêsu trên con đường của Người là lớn lên “trong khôn ngoan, tuổi tác và ơn thánh”, như ghi trong Phúc Âm thánh Luca (Lc 2,52). Ngài không phải là cha của Đức Giêsu: Cha của Đức Giêsu là Thiên Chúa, nhưng ngài đã làm cha, giữ nhiệm vụ làm cha để giúp Đức Giêsu lớn lên.

Hãy bắt đầu với tuổi tác là chiều kích tự nhiên nhất, là sự lớn lên trong thể lý và tâm lý. Cùng với Mẹ Maria thánh Giuse lo lắng cho Chúa Giêsu trước hết từ quan điểm này, nghĩa là ngài đã ”nuôi dưỡng” Chúa, lo lắng để Người không thiếu những gì cần thiết cho sự phát triển lành mạnh. Chúng ta đừng quên rằng việc lo lắng giữ gìn sư sống của Con Trẻ đã bao gồm cả việc chay trốn sang Ai Cập, kinh nghiệm cam go của cuộc sống tị nạn. Thánh Giuse là người tị nạn cùng với Mẹ Maria và Chúa Giêsu, để trốn chạy sự đe dọa của vua Hêrôđê. Thế rồi một khi đã trở về quê hương và định cư tại Nagiarét, có tất cả giai đoạn cuộc sống của Chúa Giêsu trong gia đình Người. Và trong các năm đó thánh Giuse cũng đã dậy Đức Giêsu công việc của mình, và Chúa Giêsu đã tập nghề thợ mộc như Giuse cha Người.

Nói tiếp trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đề cập tới chiều kích thứ hai của việc giáo dục Chúa Giêsu: đó là chiều kích của sự ”khôn ngoan”.

Thánh Giuse đã là gương mẫu và là thầy của sự khôn ngoan được dưỡng nuôi bằng Lời của Thiên Chúa. Chúng ta có thể nghĩ tới việc thánh nhân đã giáo dục Bé Giêsu lắng nghe Thánh Kinh, nhất là ngày thứ bẩy dẫn Người tới hội đường Nagiarét. Và thánh Giuse đã đồng hành để Chúa Giêsu lắng nghe Lời Chúa trong hội đường.

Và sau cùng là chiều kích của ”ơn thánh”. Liên quan tới Chúa Giêsu Thánh Luca nói: ”Ơn thánh Chúa ở với Người” (Lc 2,40). Ở đây chắc chắn phần dành cho thánh Giuse bị hạn chế hơn, so với các lãnh vực của tuổi tác và sự khôn ngoan. Nhưng sẽ là một sai lầm lớn, nếu nghĩ rằng một người cha và một người mẹ không thể làm gì để giáo dục con cái lớn lên trong ơn thánh Chúa. Lớn lên trong tuổi tác, lớn lên trong sự khôn ngoan, lớn lên trong ơn thánh: đó là công việc mà thánh Giuse đã làm với Chúa Giêsu, làm cho Người lớn lên trong ba chiều kích này, giúp Người lớn lên.

Anh chị em thên mến, sứ mệnh của thánh Giuse chắc chắn là duy nhất và không thể lập lại được, bởi vì Chúa Giêsu là tuyệt đối duy nhất. Tuy nhiên trong việc giữ gìn Đức Giêsu bằng cách giáo dục Người lớn lên trong tuổi tác, sự khôn ngoan và ơn thánh, thánh nhân là mẫu gương của mọi nhà giáo dục, đặc biệt của mọi người cha. Thánh Giuse là mẫu gương của người giáo dục, của ba, của cha. Vì thế tôi phó thác cho sự che chở của Người mọi cha mẹ, các linh mục là những người cha, và những người có nhiệm vụ giáo dục trong Giáo Hội và trong xã hôi. Một cách đặc biệt hôm nay là lễ Hiền phụ, tôi muốn chào tất cả các bậc cha mẹ, tất cả các người cha. Tôi xin chào với tất cả con tim. Chúng ta hãy xem nào: tại quảng trường này có vài người cha nào không? Xin các người cha hãy giơ tay lên! Thật nhiều qúa! Xin chúc mừng, xin chúc mừng ngày lễ của quý vị! Tôi xin cho anh em ơn luôn luôn gần gũi với con cái của anh em, để cho chúng lớn lên, gần gũi, gần gũi với chúng! Chúng cần anh em, cần sự hiện diện của anh em, cần sự gần gũi và cần tình yêu của anh em. Hãy giống như thánh Giuse đối với chúng: là những người giữ gìn sự trưởng thành của chúng trong tuổi tác, sự khôn ngoan và ơn thánh. Những người giữ gìn con đường của chúng; là những nhà giáo dục và đồng hành với chúng. Với sự gần gũi này anh em sẽ là những nhà giáo dục đích thật. Xin cám ơn vì tất cả những gì anh em làm cho con cái anh em. Xin cám ơn. Xin chúc mừng anh em tất cả. Mừng lễ hiền phụ, mừng lễ tất cả các người cha hiện diện nơi đây! Xin thánh Giuse chúc lành cho anh em và đồng hành với anh em. Và vài người trong chúng ta đã mất cha, cha đã qua đời rồi. Chúa đã gọi cha về với Ngài rồi. Có biết bao nhiêu người tại quảng trường này cũng không còn cha nữa. Chúng ta có thể cầu nguyện cho mọi người cha trên thế giới, cho những người cha còn sống cũng như cho những người cha đã qua đời, và cho cha của riêng từng người chúng ta, và chúng ta cùng nhau cầu nguyện. Mỗi người hãy nhớ tới cha của mình nếu còn sống và nếu đã chết. Và chúng ta cầu xin Người Cha vĩ đại của tất cả chúng ta. Một Kinh Lậy Cha cho tất cả mọi người cha của chúng ta. Đức Thánh Cha đã cùng tín hữu đọc Kinh Lậy Cha. Rồi ngài nói: xin chúc mừng các người cha nhé!

Đức Thánh Cha đã chào các đoàn hành hương hiện diện, trong đó có các đoàn hành hương đến từ Á châu như Indonesia và Nhật Bản. Cũng có các đoàn hành hương đến từ châu Mỹ Latinh như Mêhicô, Ecuador, Argentina và Brasil.

Trong số các nhóm hành hương tiếng Ý có phái đoàn ”đuốc hòa bình Biển Đức” do Đức Cha Renato Boccardo Tổng Giám Mục Spoletto Morcia hướng dẫn, Linh Mục Augusto Ricci Giám quản Montecassino, và đức viện phụ Mauro Meacci, viện phụ đan viện Subiaco. Đức Thánh Cha cầu mong sáng kiến này tạo thuận tiện cho hòa bình trong con tim, mà chỉ có Chúa Kitô biết ban cho con người. Ngài cũng chào một nhóm hàng trăm sĩ quan quân đội Italia.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới, Đức Thánh Cha nhắc cho mọi người biết hôm nay Giáo Hội mừng kính lễ thánh Giuse Bổn Mạng Giáo Hội hoàn vũ. Ngài khuyên các bạn trẻ nhìn lên thánh nhân như mẫu gương của cuộc sống khiêm nhường và kín đáo. Đức Thánh Cha khích lệ các bệnh nhân, đặc biệt các bệnh nhân thuộc ”Trung tâm tiếp đón Aldo Moro”, do Đức Cha Ceccobelli Giám Mục Gubbio tháp tùng, các bệnh nhân Macerata, Tolentino và các bạn trẻ thuộc tổ chức ”Giấc mơ của Giuse”, biết học vác thánh giá của bệnh tật với thái độ thinh lặng và cầu nguyện của thánh Giuse cha nuôi Chúa Giêsu. Sau cùng ngài nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cưới biết xây dựng gia đình trên tình yêu thương gắn bó với Mẹ Maria và với thánh Giuse.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

Châu Á có cảm nhận được lợi ích trong chiều hướng thay đổi của Đức Thánh Cha?

Châu Á có cảm nhận được lợi ích trong chiều hướng thay đổi của Đức Thánh Cha?

Kagefumi Ueno từ Tokyo, Nhật Bản

Đức Phanxicô, người Mỹ Latinh đầu tiên và là tu sĩ Dòng Tên đầu tiên đảm nhận chức Giáo Hoàng vào tháng 3 năm ngoái, ngay lập tức chiếm được trái tim của nhiều người và tiếp tục gây ấn tượng mạnh mẽ.

Thế nhưng, tôi tin rằng sự nổi tiếng của vị tân giáo hoàng này còn có ý nghĩa thật sự lớn hơn sự mến phục nhiều người dành cho ngài.

Trong khi cải cách Vatican đầy tai tiếng rõ ràng là một vấn đề quan trọng, tôi lại bị thu hút vào việc dường như Đức Phanxicô đang bắt đầu một nhiệm vụ lớn hơn nhiều đó là đưa ra một thách thức văn minh nhắm vào thay đổi bản chất và văn hóa của Vatican vốn đã không còn tiếp xúc với tính đa dạng toàn cầu và quan điểm của người đương thời, hiện đại hóa và đa dạng hóa toàn thế giới Công giáo.

Trong khi làm như thế, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến cách mạng hóa nhận thức từ ba góc độ: tái xác định nhiệm vụ của Giáo hội, biến đổi từ cơ cấu tập trung quyền sang cơ cấu phân quyền và biến đổi từ “văn hóa loại trừ” sang “văn hóa hội nhập”.

Trong đó góc độ thứ hai là phân quyền có tầm quan trọng đặc biệt đối với Giáo hội ở Nhật và châu Á.

Trong nhiều thập niên qua, Giáo hội Công giáo cai quản toàn thế giới thông qua một mô hình châu Âu mà không cân nhắc đủ đến các nền văn hóa bản địa của mỗi vùng.

Kết quả là khoảng cách giữa giáo huấn Công giáo và các nền văn hóa địa phương đôi khi mang lại khó khăn cho Giáo hội tại Mỹ Latinh và châu Á.

Dường như Đức Thánh Cha đang xem xét ý tưởng ủng hộ đặc điểm này của Giáo hội trong mỗi vùng, thậm chí là phải giảm bớt quyền lực của giáo hoàng và Vatican.

Điều này báo hiệu một động thái xa rời châu Âu và Rôma trong thế giới Công giáo, và Đức Thánh Cha đã bắt đầu đưa ra hai thách thức theo chiều hướng này.

Thứ nhất là đưa quan điểm Dòng Tên vào lối tư duy của Vatican. Bằng cách thuyết phục giới giáo sĩ thay đổi thói quen phung phí và bênh vực người nghèo, Đức Phanxicô đang đưa vào Vatican văn hóa tiết kiệm và vị tha ‘hoang sơ’ của Dòng Tên.

Thách thức thứ hai nằm trong việc hội nhập quan điểm Mỹ Latinh. Quan điểm “bênh vực người nghèo quan trọng hơn là quá ám ảnh với những nguyên tắc gia đình” được Đức Thánh cha Phanxicô ủng hộ, chưa từng được nghe nói từ các vị tiền nhiệm, vốn là người châu Âu và do đó không biết được thực trạng tai hại của “nạn nghèo khổ đích thực”.

Là người Mỹ Latinh và hiểu rõ cảnh nghèo khổ cùng cực, Đức Phanxicô đã mang quan điểm Mỹ Latinh vào Vatican và đã bắt đầu thu hẹp khoảng cách tâm lý giữa Rôma và nơi đó.

Đức Thánh Cha Phanxicô có nỗ lực giảm khoảng cách giữa châu Á với Rôma như thế không?

Chúng ta phải đánh giá từ lời nói và việc làm sau này của ngài, nhưng có những yếu tố tích cực.

“Hội nhập văn hóa” là từ được dùng để miêu tả cách Giáo hội Công giáo truyền bá đức tin bằng cách cho nó lọt qua màn chắn văn hóa bản địa trước để làm cho nó quen thuộc với người địa phương hơn trong các vùng khác nhau trên thế giới.

Đây là ý tưởng được linh mục Valignano ủng hộ cách đây 4 thế kỷ. Ngài là vị thừa sai Dòng Tên được cử sang Nhật, tại đây ngài đã tìm cách thực hiện ý tưởng này.

Mặc dù nỗ lực của ngài bị thất bại do sắc lệnh chống Kitô giáo của chế độ Tokugawa Shogunate (chính quyền quân sự Nhật thời phong kiến) và ý tưởng này dần dần biến mất từ khi ngài qua đời, Đức Phanxicô mang ADN Dòng Tên có thể cởi mở hơn với việc Á hóa Giáo hội tại Á châu thông qua hội nhập.

Từ “Á châu” đó có nghĩa gì?

Để tham khảo, chúng ta hãy xem xét cuộc thảo luận diễn ra trong Thượng Hội đồng Giám mục Á châu được tổ chức tại Rôma năm 1998.

Tại cuộc họp đó, nhiều tham dự viên châu Á than phiền rằng đạo Công giáo vẫn không phù hợp với các văn hóa châu Á, thể hiện thiếu hội nhập.

Chẳng hạn, đức tổng giám mục của Osaka chỉ ra Kitô giáo được nuôi dưỡng ở phương Tây mang đặc điểm của xu hướng quá thiên về người cha, nhị nguyên giữa da trắng và da đen, trong khi người châu Á tìm kiếm một nữ thần làm mẹ tất cả.

Lời bình luận này của một tổng giám mục Dòng Tên trùng với suy nghĩ của một chủng sinh và là vai chính trong cuốn tiểu thuyết Deep River của tác giả Công giáo Endo Shusaku.

Trong câu chuyện này, người chủng sinh chỉ ra đạo Công giáo châu Âu mang đặc điểm xác định rõ, lập luận và xem nhẹ tự nhiên quá đáng vốn xa lạ với người Nhật.

Tuy nhiên, khi châu Á nêu lên những quan điểm như thế vào năm 1998 đã bị Vatican cố tình làm ngơ.

Đức Phanxicô bày tỏ ý định ưu tiên viếng thăm châu Á trong năm nay và năm sau.

Ngài sẽ phản ứng như thế nào trước những tiếng nói bất mãn ở châu Á chưa được giải quyết là vấn đề khơi lên thích thú vô tận từ quan điểm văn minh.

Cuộc chiến gay go giữa “trung tâm” và “ngoại biên” và giữa “phổ quát” và “địa phương” là đề tài muôn thuở luôn ám ảnh bất kỳ nền văn mình nào. Đức Thánh Cha Phanxicô là hiện thân của vùng “ngoại biên”, là tu sĩ Dòng Tên đến từ Mỹ Latinh, ngài sẽ mang lại cho các Giáo hội ở châu Á và châu Phi cơ hội vàng để thuyết phục Rôma chấp nhận đặc điểm riêng của các Giáo hội này.

Đức Thánh Cha Phanxicô phản đối mô hình lấy Rôma làm trung tâm vốn tồn tại hơn 1,700 năm nay. Thách thức của ngài có vững hay không sẽ phụ thuộc vào chiều sâu của lòng tin về đa dạng hóa và hiện đại hóa thế giới Công giáo của ngài.

Nguồn: Hội nói tiếng Anh ở Nhật (ESUJ)

Giáo sư Kagefumi Ueno của Đại học Kyorin ở Tokyo là nhà bình luận và là cựu đại sứ Tòa Thánh

Các tấn kích chống lại gia đình

Các tấn kích chống lại gia đình

Phỏng vấn Đức Cha Jan Franciszek Watroba, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan

Hồi đầu tháng 2 năm 2014 các Giám Mục Ba Lan đã về Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh. Ngày thứ tư 5-2-2014 các vị đã tham dự buổi Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến chung tín hữu tại quảng trường Thánh Phêrô. Chào các Giám Mục Ba Lan Đức Thánh Cha đã xin các vị chuyển lời chào thăm của ngài tới các linh mục, tu sĩ và giáo dân nam nữ của Giáo Hội Ba Lan. Ngài nói: ”Tôi bảo đảm với anh em lời cầu nguyện của tôi cho anh em và những người mà Chúa đã tín thác cho sự chăm sóc của anh em. Xin anh em cũng cều nguyện cho tôi. Xin Chúa chúc lành cho anh em và cho Giáo Hội Ba Lan.” Đề tài chính được các Giám Mục Ba Lan đề cập tới trong các ngày viếng thăm tại Roma là tình hình của các gia đình.

Nhận xét về cuộc gặp gỡ của các Giám Mục Ba Lan với Đức Thánh Cha Phanxicô Đức cha Piotr Libera, Giám Mục Plock, cho biết đó đã là một cuộc gặp gỡ rất đơn sơ và rất huynh đệ. Mở đầu cuộc gặp gỡ Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Cracovia đã trình bầy tình hình của Giáo Hội Ba Lan, tình hình của các Giáo Tỉnh. Sau đó Đức Thánh Cha đã ngỏ lời và mời chúng tôi đặt câu hỏi. Và chúng tôi đã bắt đầu đưa ra một loạt các câu hỏi và các suy tư, bắt đầu với tình hình của các gia đình ngày nay, rồi tới các vấn đề của số sinh giảm sút và các kiểu khủng hoảng khác nhau trong gia đình. Chúng tôi cũng đã đề cập tới vấn đề rất quan trọng là việc tái truyền giảng Tin Mừng. Liên quan tới vấn đề này tôi đã đưa ra một câu hỏi, đó là: ”Làm thế nào để để cho mục vụ gia đình của chúng tôi trong các Giáo Hội địa phương mang tính cách rao truyền giáo lý Tin Mừng hơn? Bởi vì việc rao truyền giáo lý Tin Mừng gặp khó khăn. Các linh mục cao niên không quen với kiểu giảng rao truyền Tin Mừng này. Đôi khi họ hơi khép kín. Cũng có thể nói rằng các vị hơi sợ hãi sự mới mẻ này một chút, liên quan tới đề tài tập rao truyền giáo lý Tin Mừng”. Đức Thánh Cha đã trả lời một cách đơn sơ rằng cần phải bắt đầu từ các chủng viện: các chủng sinh phải tập có tinh thần truyền giáo. Rồi Đức Thánh Cha chuyển sang đề tài giảng: phải giảng như thế nào, ngày nay phải giảng dậy ra sao. Ngài nói rằng các bài giảng không nên dài qúa. Đức Giám Mục tổng tuyên úy quân đội Ba Lan thì trình bầy tình hình khó khăn của các binh sĩ Ba Lan từ Afghanistan trở về quê hương, rất thường khi họ mang theo biết bao nhiêu vết thương nội tâm. Và ngài hỏi Đức Thánh Cha làm sao có thể giúp đỡ họ. Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác mục vụ cho các quân nhân gặp khó khăn trong việc hội nhập xã hội và thành lập một gia đình tốt. Sau cùng chúng tôi đã một lần nữa mời Đức Thánh Cha viếng thăm Ba Lan và chủ sự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Cracovia.

Đức Cha Wojciech Polak, Giám Mục phụ tá giáo phận Gniezno và là Tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, thuộc nhóm cuối cùng về Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh, thì cho biết các Giám Mục rất hài lòng về chuyến viếng thăm và gặp gỡ Đức Thánh Cha và sống tình hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ. Các vị đã sống kinh nghiệm tình yêu thương hiền phụ của Đức Thánh Cha Phanxicô. Các lời khích lệ của ngài đã trao ban can đảm và hướng dẫn cho tương lai. Giáo Hội tại Ba lan đang phải sống các thách đố của thế giới ngày nay, nhất là các thách đố liên quan tới sự sống con người, việc bảo vệ sự sống từ lúc thụ thai cho tới lúc chết tự nhiên, cũng như việc bảo vệ gia đình. Đó là tất cả các vấn đề mục vụ quan trọng đối với xã hội. Các Giám Mục đã được củng cố bởi các lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha cũng như bởi các cuộc gặp gỡ với các Bộ và cơ quan khác nhau của Trung Ương Tòa Thánh. Sự tiếp đón nồng hậu cũng khích lệ chúng tôi đề ra chương trình cho các dự án mục vụ củng cố Giáo Hội Ba Lan trong tình hiệp thông với Giáo Hội Roma và Giáo Hội hoàn vũ.

Ba Lan rộng gần 314 ngàn cây số vuông, có 38,6 triệu dân, gần 97% là gốc Ba Lan, số còn lại gồm các nhóm nhỏ gốc Đức, Ucraina, Bielorussia và Do thái. Đại đa số dân Ba lan theo Công Giáo nhưng chỉ có 46% đi tham dự thánh lễ Chúa Nhật, khoảng 30-40% trong các thành phố, và 70-80% tại vùng quê. Giáo Hội chính thống có khoảng nửa triệu tín hữu, trong khi tín hữu tin lành được khoảng 100 ngàn, tín đồ Chứng nhân Giêhôva hơn 125 ngàn. Tín hữu do thái hồi năm 1939 được 3 triệu nhưng đã bị Đức Quốc Xã truy lùng và tiêu diệt trong cuộc diệt chủng Shoah. Những người sống sót di cư sang Hoa Kỳ, Anh quốc, Pháp, và Israel.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Cha Jan Franciszek Watroba, Giám Mục Rzeszow, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, về các tấn kích chống lại gia đình. Bài phỏng vấn do Stefano Leszczynski thuộc chương trình tiếng Ba Lan đài Vaticăng, thực hiện.

Hỏi: Thưa Đức Cha Watroba, đâu là thái độ của tín hữu Ba Lan đối với gia đình ngày nay?

Đáp: Đa số người Ba Lan tuyên bố mình tin Thiên Chúa và là thành phần của Giáo Hội công giáo. Nhiều người trẻ hiểu ra rằng đối với họ gia đình là một nơi họ có thể học sống làm người, học biết các giá trị kitô, là nơi họ có thể cảm thấy an ninh. Vì thế thật là lạ lại có một sự tấn kích nhằm phá hủy gia đình. Mới đây có vài hiệp hội đã thăng tiến ý thức hệ giống trong các trường học. Họ muốn thay đổi định nghĩa về gia đình, phả hủy căn tính của người nam và người nữ. Vấn đề rất nghiệm trọng, cũng bởi vì Bộ Giáo Dục Ba Lan đã không lên tiếng chống lại các việc này. Có một vấn đề khác đó là số người trẻ chung sống không lấy nhau gia tăng. Trong trường hợp họ có con với nhau, thì con cái họ không được giáo dục trong đức tin kitô.

Hỏi: Tình hình tục hóa nặng nề mà Đức Cha đã miêu tả và nó ảnh hưởng trên các gia đình Ba Lan, có giá trị đối với những người Ba Lan sống tại hải ngoại không thưa Đức Cha?

Đáp: Có rất nhiều gia đình Ba Lan sống cảnh di cư vì nhiều lý do, nhất là vì công ăn việc làm. Có biết bao nhiêu trẻ em chỉ nhìn thấy cha mẹ trong các dịp lễ. Như thế tiến trình giáo dục nhiều khi bị đảo lộn bởi sự cô đơn của các trẻ em, chỉ sống với cha hay với mẹ, hoặc với ông bà nội ngoại trong các trường hợp đặc biệt. Các liên hệ gia đình đôi khi bị bẻ gẫy, và tiến trình giáo dục tôn giáo bị để trong tay các thầy cô hay các linh mục.

Hỏi: Đây là một tình cảnh rất khó khăn của gia đình bên Ba Lan, nhưng một ít cũng là tình cảnh trong các nước khác của Âu châu. Nhưng cũng có các khía cạnh tích cực có thể nêu bật trong công tác mục vụ cho các gia đình tại Ba Lan, có đúng thế không thưa Đức Cha?

Đáp: Vâng, đúng vậy. Có các ánh sáng cho phép nhìn tương lai với sự lạc quan, mặc dù có những điều tiêu cực như đã kể trên đây. Hiện nay chúng tôi có một trong các hệ thống mục vụ gia đình tốt nhất. Trong Hội Đồng Giám Mục có một trung tâm với vị giám đốc phối hợp tất cả các sáng kiến thăng tiến sự sống.

Trong tất cả mọi giáo phận đều có các trung tâm, nơi các người trẻ đính hôn có thể chuẩn bị lãnh bí tích Hôn Phối. Chúng tôi nhận thấy hơn 90% các bạn trẻ đã đinh hôn tham dự các khóa giáo lý tiền hôn nhân. Các trung tâm mục vụ gia đình cũng trợ giúp các cặp hôn nhân gặp khủng hoảng và thăng tiến một kiểu sống kitô trong gia đình. Có một lý do làm cho chúng tôi vui sướng nữa, đó là nhận thấy sự gia tăng liên tục của các phong trào công giáo, nơi giáo dân được mời gọi cống hiến một chứng tá tươi vui của cuộc sống kitô trong gia đình.

Hỏi: Thưa Đức Cha, các giáo phận Ba Lan đang chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về gia đình như thế nào?

Đáp: Đây là điều rất mới mẻ. Bên ba Lan chúng tôi nhận thấy có rất nhiều sáng kiến giúp làm cho giáo huấn của Giáo Hội liên quan tới gia đình hiện diện trong cuộc sống thường ngày. Nhiều giáo dân đã trả lời cho cuộc thăm dò ý kiến. Ho đã trả lời các câu hỏi mà Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra liên quan tới lý do của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới khóa đặc biệt về gia đình. Họ đã trình bầy quan điểm của họ và đã thảo luận với các linh mục để có thể hiểu căn tính giáo dân của họ một cách tốt đẹp hơn trong Giáo Hội.

(RG 6-2-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Mùa Chay là thời gian thuận tiện giúp trở về với tình yêu của Thiên Chúa và tha nhân

Mùa Chay là thời gian thuận tiện giúp trở về với tình yêu của Thiên Chúa và tha nhân

Mùa Chay là thời gian thuận tiện để thay đổi hướng đi, tái chiếm lại khả năng phản ứng trước thực tại sự dữ luôn thách thức chúng ta. Nó là thời gian hoán cải trở về với tình yêu của Thiên Chúa và tha nhân, canh tân cá nhân và cộng đoàn, sống thái độ sự nhưng không và lòng thương xót của Chúa.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với 60,000 tín hữu và du khách hành hương trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư hàng tuần 5-3-2014 tại quảng trường thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nói về Mùa Chay. Ngài nói: Thứ Tư lễ Tro hôm nay bắt đầu lộ trình Mùa Chay kéo dài 40 ngày dẫn đưa chúng ta tới Tam Nhật Phục Sinh, tưởng niệm cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa là trọng tâm mầu nhiệm cứu độ của chúng ta. Ngài định nghĩa Mùa Chay như sau:

Mùa Chay là thời gian ”mạnh mẽ”, một điểm ngoặt có thể tạo thuận lợi cho từng người trong chúng ta thay đổi, hoán cải: chúng ta tất cả đều cần trở nên tốt lành hơn, thay đổi hướng lên cao, thay đổi cho sự thiện, và Mùa Chay giúp chúng ta làm điều đó. Và như thế chúng ta ra khỏi các tập quán mệt mỏi và việc làm quen lười biếng với sự dữ quấy phá chúng ta. Trong Mùa Chay Giáo Hội hướng tới chúng ta hai lời mời gọi quan trọng: ý thức sống động hơn về công trình cứu chuộc của Chúa Kitô, và sống bí tích Rửa Tội với nhiều dấn thân hơn.

Ý thức về các điều kỳ diệu mà Chúa đã làm đối với ơn cứu rỗi của chúng ta chuẩn bị tâm trí chúng ta cho một thái độ biết ơn đối với Thiên Chúa, về tất cả những gì Người đã ban cho chúng ta, về tất cả những gì Người đã thành toàn cho dân Người và cho toàn thể nhân loại. Từ đây phát xuất ra sự hoán cải của chúng ta: nó là câu trả lời biết ơn đối với mầu nhiệm tuyệt vời của tình yêu của Thiên Chúa. Khi chúng ta trông thấy tình yêu mà Thiên Chúa có đối với chúng ta, chúng ta cảm thấy muốn tới gần Người và đó là sự hoán cải.

Sống tận cùng bí tích Rửa Tội đó là lời mời gọi thứ hai. Nó có nghĩa là không để cho mình quen với các hoàn cảnh tồi tệ và bần cùng, mà chúng ta gặp khi đi trên các con đường thành phố và đất nước của chúng ta. Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:

Có nguy cơ chấp nhận một cách thụ động vài cung cách hành xử và không kinh ngạc trước các thực tại buồn thương vây quanh chúng ta. Chúng ta quen với bạo lực, như thể nó là một tin dĩ nhiên thường ngày; chúng ta quen với các anh chi em ngủ ngoài đường, không có một mái nhà để trú ẩn. Chúng ta quen với các người tị nạn đi tìm tự do và phẩm giá, không được đón tiếp như đáng lý ra họ phải được đón tiếp. Chúng ta quen sống trong một xã hội yêu sách không cần Thiên Chúa, trong đó cha mẹ không dậy dỗ con cái cầu nguyện, cũng không dậy con cái làm dấu Thánh Giá.

Tôi xin hỏi anh chị em: con cái anh chị em có biết làm dấu Thánh Giá không? Hãy nghĩ tới điều đó. Các cháu của anh chị em có biết làm dấu Thánh Giá không? Anh chị em có dậy chúng làm dấu Thánh Giá không? Hãy nghĩ và trả lời trong thâm tâm anh chị em. Chúng có biết đọc Kinh Lậy Cha không? Chúng có biết cầu nguyện Đức Mẹ với Kinh Kính Mừng không? Hãy nghĩ và hãy tự trả lời. Sự quen thuộc với các thái độ không kitô và tiện lợi ấy làm tê liệt con tim của chúng ta!

Mùa Chay tới với chúng ta như thời gian quan phòng giúp thay đổi hướng đi, giúp chiếm lại khả năng phản ứng trước thực tại sự dữ luôn luôn thách thức chúng ta. Mùa chay được sống như thời gian của sự hoán cải, của sự canh tân cá nhân và cộng đoàn. Qua việc tiến tới gần Thiên Chúa và tin tưởng gắn bó với Tin Mừng. Như thế nó cũng cho phép chúng ta nhìn với đôi mắt mới các anh chị em khác và các nhu cầu của họ.

Vì thế Mùa Chay là thời gian thuận tiện để trở về vời tình yêu đối với tha nhân, một tình yêu biết lấy làm của mình thái độ nhưng không và xót thương của Chúa, là Đấng đã tự làm cho mình trở nên nghèo nàn để khiến cho chúng ta được giầu có” (2Cr 8,9). Khi suy niệm các mầu nhiệm chính của đức tin, cuộc khổ nạn, thập giá và sự sống lại của Chúa Kitô, chúng ta nhận ra rằng ơn Cửu Chuộc vô bờ đã được ban cho chúng ta là do sáng kiến nhưng không của Thiên Chúa. Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa vì mầu nhiệm tình yêu bị đóng đinh của Người; đức tin đích thật, hoản cải và rộng mở con tim cho người anh em là các yếu tố nòng cốt giúp sống Mùa Chay. Trên con đường này chúng ta muốn khẩn nài sự chở che và trợ giúp của Mẹ Maria với lòng tin tưởng đặc biệt. Ước chi Mẹ là người đầu tiên tin nơi Chúa Kitô, đồng hành với chúng ta trong các ngày cầu nguyện sâu xa và sám hối để được thanh tẩy và canh tân chúng ta tiến tới việc cử hành mầu nhiệm vĩ đại của lễ Vượt Qua của Con Mẹ.

Bên cạnh các đoàn hành hương Bắc Mỹ và Âu châu có các đoàn hành hương Indonesia, Mehicô, Argentina và Brasil. Đức Thánh Cha đã chào tín hữu và chúc mọi người Mùa Chay thánh thiện.

Trong số các đoàn Italia Đức Thánh Cha chào nhóm các nữ tu y tá của Hiệp hội các Bề Trên tổng quyền dòng nữ, các vị thanh tra các trường công giáo đang tham dự phiện họp đo Liên Hiệp các học viện giáo dục Italia tổ chức tại Roma, nhóm các thanh nữ Thế Hệ Ba của phong trào Tổ Ấm. Khi nghe họ la lớn Đức Thánh Cha nói: ”Các cô gái này ồn ào qúa nhỉ. Ai cũng nghe thấy rồi.” Ngài chúc mọi người trẻ sống đức tin tươi vui và làm chứng cho tình yêu của Chúa đối với mọi người.

Vì lễ Tro đã khai mạc con đường Mùa Chay Đức Thánh Cha đặc biệt mời gọi các bạn trẻ sống thời gian ơn thánh này với tinh thần sám hối đích thật, trở về với Thiên Chúa Cha, là Đấng luôn giang tay chờ đón mọi người. Ngài khích lệ các anh chị em đau yếu dâng các khổ đau của họ để cầu nguyện cho ơn trở về của những người sống xa Thiên Chúa. Ngài xin các cặp vợ chồng mới cưới can đảm và quảng đại xây dựng gia đình họ trên đá tảng vững bền của tình yêu Thiên Chúa.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio