Hàng chục ngàn người ngủ đêm chờ dự lễ với ĐTC tại Santa Cruz

Hàng chục ngàn người ngủ đêm chờ dự lễ với ĐTC tại Santa Cruz

ĐTC tại Santa Cruz nước Bolivia

SANTA CRUZ. Hàng chục ngàn tín hữu đã quyết định ngủ đêm 8-7-2015 bên vệ đường để chờ dự lễ với ĐTC lúc 10 giờ sáng ngày thứ năm, 9-7-2015 tại Quảng trường Chúa Kitô Cứu Thế ở thành phố Santa Cruz, Bolivia.

ĐTC đã từ Ecuador bay tới phi trường El Alto của Bolivia, ở cao độ 4 ngàn mét, chiều ngày 8-7-2015, chặng thứ hai trong chuyến viếng thăm mục vụ của ngài tại 3 nước Nam Mỹ.

Sau khi về thủ đô La Paz để hội kiến với Tổng thống Evo Morales và gặp gỡ chính quyền dân sự tại Nhà thờ chính tòa thủ đô, ngài bay tiếp tới thành phố Santa Cruz cách đó gần 570 cây số để qua đêm tại tòa TGM. Khác với thủ đô La Paz ở cao độ 3.600 mét, Santa Cruz chỉ ở cao độ 400 mét và có hơn 1 triệu 700 ngàn dân cư, là thành phố lớn nhất của Bolivia.

Hồi xưa, khi còn là Giám tỉnh dòng Tên ở Argentina, Cha Jorge Bergolio SJ nay là ĐGH, đã tháp tùng cha Bề trên Tổng quyền Pedro Aruppe đến La Paz, nhưng vì ngài không chịu được cao độ của thành này nên đã bị xỉu. Có lẽ vì thế lần này ngài chỉ dừng lại ở thủ đô vài tiếng đồng hồ.

Chính quyền Bolivia ước lượng có tới hàng triệu người dự lễ với ĐTC sáng ngày 9-7 giờ địa phương. Ban tổ chức đã chuẩn bị nửa triệu bánh lễ.

Bà Patricia Sanzetenea, thành viên một nhóm 100 tín hữu đến dự lễ, nói với phái viên hãng tin Ansa của Italia: ”Chúng tôi sẽ ở lại đường phố này suốt đêm, cho đến 7 giờ sáng, khi người ta mở rào cho vào Quảng trường. Chúng tôi đến từ thủ đô La Paza với tất cả lòng hăng say phấn khởi, với tất cả lòng yêu mến, chúng tôi chờ đợi phép lành của ĐGH”.

Nhiệt độ thấp và độ ẩm cao ở thành phố Santa Cruz. Vì thế, các tín hữu đã trang bị áo ấm, áo khoác, găng tay và nón để chống lạnh.

ĐGH Phanxicô, các GM và các chức sắc khác sẽ dùng tiệm Burger King gần Quảng trường Chúa Kitô Cứu Thế, để làm nhà mặc áo, trước thánh lễ. Giám đốc hãng Burger King ở Bolivia đã đồng ý tạm thời ngưng bán tại tiệm đó và cho sử dụng tiệm như nhà thánh.

Lễ đài đã được bố trí tại Quảng trường với hàng ngàn ghế ngồi. (Ansa 8-7-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp Hội đồng cấp cao ngành pháp quan Italia

Đức Thánh Cha tiếp Hội đồng cấp cao ngành pháp quan Italia

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 13-6-2015, dành cho Hội đồng cấp cao của ngành pháp quan Italia, ĐTC tố giác sự lạm dụng ý niệm nhân quyền để du nhập những điều đe dọa phẩm giá con người.

Hội đồng cấp cao của ngành pháp quan Italia là cơ quan độc lập có nhiệm vụ kiểm soát và chế tài các thẩm phán, các ủy viên công tố của ngành tư pháp. Chủ tịch Hội đồng là Tổng thống Italia và có một vị phó chủ tịch điều hành trong thực tế.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến trước sự hiện diện của 200 người, ĐTC nhận xét rằng thời nay người ta nhấn mạnh đặc biệt đến đề tài các quyền con người, là điều nòng cốt của sự nhìn nhận phẩm giá thiết yếu của con người. Nhưng cần thực hiện điều này mà không lạm dụng ý niệm nhân quyền để du nhập những thói tục thực hành và những lối cư xư, thay vì thăng tiến và bảo vệ nhân phẩm, trong thực tế chúng đe dọa và thậm chí vi phạm phẩm giá của con người.

Một trong những điều ĐTC ám chỉ là chủ trương cổ võ phá thai như một nhân quyền, hoặc quyền kết hôn giữa người đồng phái, đang thịnh hành tại nhiều nước Âu Mỹ.

ĐTC cũng cổ võ ngành tư pháp của Italia, không những chỉ can thiệp trong lúc xét xử để bài trừ tội ác và những điều phạm pháp, nhưng cả trong lãnh vực giáo dục các thế hệ trẻ, cống hiến cho họ một nền nhân loại học và một kiểu mẫu cuộc sống đó thể đáp ứng những khát vọng sâu xa nhất của tâm hồn con người” (SD 13-6-2015)

G. Trần Đức Anh OP -Vatican Radio

 

Ngày 11-4-2015: công bố tông sắc về Năm Thánh đặc biệt

Ngày 11-4-2015: công bố tông sắc về Năm Thánh đặc biệt

VATICAN. Tông sắc của ĐTC Phanxicô ấn định Năm Thánh đặc biệt về lòng Thương Xót sẽ được chính thức công bố lúc 5 giờ rưỡi chiều thứ bẩy 11-4 tới đây tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Trong nghi thức công bố, một vị Công chứng viên Tông Tòa sẽ đọc một số đoạn trong Tông Sắc trước cửa Năm Thánh, sau đó ĐTC sẽ chủ sự Kinh Chiều I Chúa nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa, qua đó ngài đặc biệt nhấn mạnh chủ đề cơ bản của Năm Thánh đặc biệt là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Trong Tông Sắc, ĐTC sẽ trình bày tinh thần, ý hướng và những thành quả ngài hy vọng khi ấn định Năm Thánh. Ngài cũng xác định thời điểm, ngày khai mạc và ngày bế mạc Năm Thánh, những diễn tiến chính trong Năm này, từ ngày 8-12 năm nay đến Lễ Chúa Kitô Vua năm tới, 9-11-2016.

Dịp Năm Thánh Đặc Biệt 1933 và 1983, Tông Sắc ấn định được công bố vào lễ Chúa Hiển Linh.

Dịp Đại Năm Thánh 2000, Tông Sắc của thánh Gioan Phaolô 2 đã được công bố sáng chúa nhật thứ I mùa vọng, 29-11-1998, vào đầu thánh lễ trọng thể tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Trong văn kiện đó, Đức Gioan Phaolô 2, sau khi nói đến ý nghĩa Năm Thánh ngài cũng đề cập đến những yếu tố đặc biệt như việc hành hương, các cửa Năm Thánh, và ân xá.

Kèm theo Tông Sắc, Tòa Ân giải tối cao cũng công bố sắc lệnh về việc lãnh nhận Ân xá trong Năm Thánh (SD 31-3-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Con đường hạt lúa

Con đường hạt lúa

Con đường Chúa Giêsu đã đi qua là con đường hạt lúa: "Đã đến giờ Con Người được tôn vinh. Thật, Thầy bảo anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hoa trái" (Ga 12,23-24).

Hạt lúa được gieo trên ruộng đồng. Hạt lúa mục nát rồi mới nẩy mầm, đâm bông và kết hạt. Không mục nát, hạt lúa chỉ trơ trọi một mình. Sự mục nát làm trổ sinh sự sống mới, hứa hẹn mùa gặt tương lai.

Nhìn một cánh đồng lúa xanh tươi, uốn lượn theo gió, trải dài trong nắng, căng tròn sức sống, ta nghĩ đến muôn vàn hạt lúa đã mục nát để lên xanh đồng lúa bát ngát.

1. Con đường hạt lúa Giêsu.

Từ khi nhập thể, Chúa Giêsu đã trở nên như hạt lúa gieo vào lòng đất nhân loại. Thánh Phaolô trình bày mầu nhiệm tự huỷ: "Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế". Như hạt lúa bị mục nát: "Người đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự". Như hạt lúa nẩy mầm, lớn lên, đơm bông sinh hạt: "Thiên Chúa đã siêu tôn Người, và ban tặng danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất, và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ, và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giêsu Kitô là Chúa" (Pl 2,6-11).

Phúc Âm Marcô viết: "Chúa Giêsu bắt đầu dạy cho các môn đệ biết Con Người phải chịu đau khổ rất nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và sau ba ngày sẽ sống lại" (Mc 8,31). Chúa Giêsu nói, Người phải chịu nhiều đau khổ. Phải có nghĩa là bắt buộc. Những kẻ gây đau khổ cho Chúa là những người có địa vị trong tôn giáo và xã hội, những người được coi là thuộc loại trí thức, chức cao, quyền trọng, gây nhiều ảnh hưởng trong dân.

Con đường Chúa đi, quá nhục nhã ê chề nên các môn đệ không thể chấp nhận. "Phêrô liền kéo riêng Chúa Giêsu ra và bắt đầu can trách Người. Nhưng khi Chúa Giêsu quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người liền mắng ông Phêrô: Satan, hãy lui lại đằng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Chúa, mà là của loài người" (Mc 8,32-33). Chính bản thân Chúa sẽ như hạt lúa chịu nhiều đau thương tơi tả. Mục nát là chặng đường phải đi qua để có mùa gặt trù phú.

Con đường Chúa đi thật quá hãi hùng: "Chúa Giêsu và các môn đệ đang trên đường đi Giêrusalem…Người lại kéo riêng nhóm mười hai ra và bắt đầu nói với các ông về những điều sắp xảy ra cho mình: Này, chúng ta lên Giêrusalem, và ở đó con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại" (Mc 10,32-34). Con đường mở mang Nước Trời sao quá khổ đau, bị nhạo báng, bị khạc nhổ, bị đánh đập. Hạt lúa Giêsu đã đi hết chặng đường đau khổ, mục nát trong cõi chết để đạt tới sự sống vinh quang.

2. Con đường hạt lúa các môn đệ.

Các môn đệ theo Chúa nên cùng đi trên con đường Chúa đã đi "Ai muốn theo Ta, phải bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Ta" (Mc 8,34). Thánh Phaolô kể về con đường đi của người môn đệ: "Giờ đây bị Thánh Thần trói buộc, tôi về Giêrusalem. Không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó, trừ ra điều này, là tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng: xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi. Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng gì, miễn sao tôi chạy hết chặng đường, chu toàn chức vụ tôi đã nhận từ Chúa Giêsu, là long trọng làm chứng cho Tin mừng và ân sủng của Thiên Chúa" (CV 20,22-24). Người môn đệ của Chúa coi vinh dự là "đựơc thông phần những đau khổ của Chúa, nên đồng hình đồng dạng với Chúa trong cái chết của Người, với hy vọng cũng được sống lại từ trong cõi chết" (Pl 3,10-11). Thánh Phaolô trở thành hạt lúa Tin mừng. Trải qua tiến trình đau khổ mục nát, thánh nhân đã đứng ở vị trí đầu sóng ngọn gió trên cánh đồng truyền giáo mênh mông.

Xuyên suốt dòng lịch sử Giáo hội, biết bao hạt lúa môn đệ đã chịu mục nát để Giáo hội lớn mạnh không ngừng "Máu các vị tử đạo là hạt giống trổ sinh các tín hữu". Từng thế hệ chứng nhân như những hạt giống tốt, chết đi trong lòng đất các nền văn hoá, và đã trổ sinh rất nhiều hạt lúa mới. Tất cả làm nên cánh đồng lúa thiêng liêng, mùa màng tươi tốt trong cuộc sống đạo và truyền giáo.

3. Con đường hạt lúa chúng ta hôm nay.

Con đường hạt lúa như Chúa Giêsu hay như thánh Phaolô và các tông đồ là những con đường kiễu mẫu cho chúng ta đi theo.

Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt. Muốn sống một cách trọn vẹn, trổ sinh hoa trái tốt lành, ta phải chết đi cho bản thân mình. Chết đi mỗi ngày một chút cho tính ích kỷ, giả dối hận thù ghen ghét. Mục nát đi trong đời sống thiêng liêng có nghĩa là chết cho tội lỗi, từ bỏ bản thân, từ bỏ ý riêng mình. Chết cho tội lỗi là dứt lìa những dục vọng đam mê trái luật Chúa. Chết cho tội lỗi là quyết tâm lánh xa những gì đưa đến sa ngã.

Định luật căn bản của sự sống là: "Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai bằng lòng mất sự sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho cuộc sống muôn đời" (Ga 12,25). Chết vì tình thương, vì hạnh phúc đồng loại, vì chính nghĩa, vì công lý, vì hòa bình, vì đức tin là những cái chết làm trổ sinh muôn ngàn nét đẹp cho đời.

4. Hạt lúa âm thầm và hạt lúa mục nát

Tình yêu cao quý hơn cuộc sống và mãnh liệt hơn sự chết. Cái chết của Chúa Giêsu đã nên lời yêu thương con người mọi nơi và mọi thời. Chính vì dám chết cho tình yêu nên luật yêu thương của Chúa trở nên một thách đố. Thách đố con người chui ra khỏi vỏ ốc ích kỷ của mình, ra khỏi những bận tâm, toan tính, vun quén cho mình, để sống cho tha nhân và cho Thiên Chúa. Quên mình, hiến thân, đón nhận cái chết như hạt lúa mục nát, đã từng làm cho Chúa Giêsu trăn trở, nao núng và thổn thức. Những giây phút cuối cùng giáp mặt với tử thần không thể không gay go, thống thiết và đầy thách thức: "Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này" (Ga.12,27). Thế nhưng, Người đã biến cuộc tử nạn nên lời tôn vinh Thiên Chúa và lời yêu thương con người: "Chính vì thế mà con đã đến trong giờ này" (Ga.12,27).

Nếu "Hạt lúa âm thầm mọc lên" (x. Mc 4,26-29) là hình ảnh của Tin mừng chan hoà trong một nền văn hoá, thì "Hạt lúa phải mục nát đi" (x. Ga 12,24) là con đường gian truân vất vả để làm nên một mùa gặt phong nhiêu.

LM Giuse Nguyễn Hữu An

Tình yêu cứu độ của Thiên Chúa

Tình yêu cứu độ của Thiên Chúa

(Trích trong ‘Cùng Đọc Tin Mừng’)

Xưa kia có một vị hoàng đế rất giàu sang và cũng rất đại lượng. Vua rộng ban vàng bạc châu báu cho tất cả những ai làm đẹp lòng vua. Thế là nịnh thần mọc lên như nấm khắp triều đình.

Các hoàng tử thì xu nịnh để được vua cha ban cho ngai vàng. Các quan trong triều đình thì xu nịnh để được thăng quan tiến chức. Ai cũng huênh hoang cho rằng mình hết lòng trung nghĩa với vua, sẵn sàng hiến mạng mình để bảo vệ nhà vua, để chết thay cho vua.

Nhà vua rất đơn sơ nên dễ tin vào những lời nịnh hót của họ và ban phát cho họ ân lộc dư dầy khiến ngân khố của triều đình cạn kiệt.

Cả triều đình chỉ có quan ngự y là người trung thành. Ông đã nhiều lần can gián vua, thuyết phục vua đừng tin bè lũ xu nịnh, nhưng vua chẳng chịu nghe.

Ngày nọ, vua lâm trọng bệnh thập tử nhất sinh, tính mạng nhà vua chỉ còn được đếm từng giờ. Quan ngự y trình với vua là bệnh vua chỉ có thể chữa lành nếu một vị hoàng tử nào đó hiến tặng trái tim mình làm thuốc cho vua.

Nghe tin nầy loan ra, các hoàng tử trong cung trốn biệt!

Khi không thể tìm được trái tim của hoàng tử làm thuốc, nhà vua hỏi quan ngự y xem có thể sử dụng tim của một người khác làm thuốc được không. Quan ngự y trả lời nếu không có trái tim của hoàng tử thì ít ra phải dùng trái tim của các vị quan lớn trong triều.

Nghe tin đó, các quan lớn rồi các quan nhỏ trong triều đều trốn biệt tăm. Túng quá, thôi thì dùng tạm trái tim của lính hầu, của công chúa cũng được. Nghe tin đó, cả công chúa, cả lính hầu, cả hàng trăm thê thiếp cũng không còn ai lai vãng trong cung điện nữa. Cung điện thường ngày huyên náo, giờ nầy vắng lặng như bãi tha ma!

Bấy giờ vua chỗi dậy, tỉnh ngộ rồi cười ra nước mắt cho nhân tình thế thái. Duyên do là quan ngự y và cũng là người trung nghĩa với vua, đã khéo dựng lên kịch bản nầy, đề nghị với vua giả vờ đau nặng, bỏ cơm bỏ cháo, để thử thách lòng người!

«««

Cuộc đời là thế! Ai có đủ yêu thương để dám hy sinh tính mạng, dám chết thay cho người thân thiết của mình, nói chi đến việc chết thay cho kẻ thù nghịch? Vậy mà có một Đấng đã hy sinh tính mạng cho kẻ phản bội mình. Để hiểu Đấng ấy đã hy sinh như thế nào, chúng ta hãy trở lại với câu chuyện rắn đồng thời Mô-sê.

Thời ấy, trong hành trình bốn mươi năm trong hoang địa, có lần dân Do-Thái phải lâm cảnh đói khát dày vò nên kêu trách Thiên Chúa và Mô-sê. Thế rồi dân chúng bị rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Người ta lại chạy đến kêu cứu Mô-sê. Bấy giờ Thiên Chúa truyền cho ông Mô-sê đúc con rắn đồng, treo lên trụ cờ cao, để làm phương thuốc chữa rắn cắn. Ai bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng thì được cứu sống.

Ngày nay, để cứu nhân loại tội lỗi lâm cảnh điêu linh và phải chết, Thiên Chúa không thể dùng rắn đồng làm phương trị liệu mà phải dùng đến một phương thuốc khác, đó là bằng chính Thân Thể Chúa Giêsu chết treo trên thập giá. "Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời." Thiên Chúa Cha đã lấy mạng đổi mạng. Lấy sinh mạng vô cùng cao quý của Người Con Một yêu quý để đổi lấy sinh mạng khốn hèn của loài người tội lỗi. Thật là điều không thể tưởng tượng được.

Nhưng tình yêu của Thiên Chúa chưa dừng lại ở đó. Tình yêu cứu độ của Ngài còn vươn lên cao hơn. Không những chỉ trao ban Con Một chết thay cho chúng ta mà thôi, không những chỉ ban cho chúng ta được cùng sống lại với Chúa Giêsu mà thôi, Thiên Chúa Cha còn thương cho chúng ta được cùng lên trời, cùng ngự trị với Đức Giêsu trên cõi trời. Bài đọc thứ hai, bài thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Ê-phê-sô hôm nay nhắc chúng ta điều đó: "Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô. Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giêsu trên cõi trời." (Ephêsô 2, 4-6)

Thế là từ thân phận của tên tử tội đáng phải chết đời đời vì tội lỗi của mình, chúng ta được Chúa Giêsu lấy mạng Ngài đổi mạng cho chúng ta, thứ tha cho chúng ta muôn vàn tội lỗi, ban cho chúng ta được sống lại trong đời sống mới, rồi lại được đưa lên trời để "cùng ngự trị với Đức Giêsu trên cõi trời".

Thật là một tình yêu không còn biên giới.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta cảm nhận thật sâu sắc tình yêu cao vời và sâu thẳm của Thiên Chúa, để sống xứng đáng hơn với tình yêu đó và đừng để công trình cứu chuộc của Ngài hoá ra vô hiệu nơi chúng ta.

LM Trần Ngà

CHÚA TỎ VINH QUANG NGÀI

CHÚA TỎ VINH QUANG NGÀI

Suy niện của Noel Quesson

“Đừng kể lại cho ai nghe… cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại”.

Đức giám mục Curtis một lần tới thăm Đức hồng y Newman. Hai người đàm đạo lâu giờ về đủ thứ chuyện. Đức hồng y Newman cho Đức giám mục Curtis biết: Tòa Thánh đã cho ngài đặc ân được đặt Mình Thánh trong phòng. Không ngờ tin này làm Đức giám mục Curtis xúc động mạnh, đến nỗi khi Đức hồng y mời Đức giám mục Curtis ở lại ban đêm, ông trả lời: “Tôi không thể nào ngủ được khi biết Chúa của tôi đang ở với tôi chung một mái nhà”.

Đã hẳn bao giờ Thiên Chúa cũng ở bên ta vì Người là Thiên Chúa toàn năng hiện diện khắp nơi, nhưng một khi chúng ta ý thức điều đó, một khi có bằng chứng nhắc nhớ tới sự kiện đó, thì thường làm ta xúc động mãnh liệt. Ta biết điều này khi đọc thấy thái độ của các Tông đồ được chứng kiến Chúa tỏ vinh quang. Chúa là niềm vui tột đỉnh, là an ủi tràn đầy cho các tâm hồn. Và có thể định nghĩa thiên đàng là sự ý thức rõ ràng mình được sống bên sự hiện diện của Thiên Chúa. Nhưng muốn thưởng thức niềm hân hoan đó, niềm hân hoan làm các Tông đồ hầu như ngất ngây đó, chúng ta phải có một số điều kiện.

Trước hết ta cần bắt chước các Tông đồ lên một đồi cao. Khi lên cao chúng ta dễ có ý thức siêu thoát hơn. Vì vậy hầu hết các cuộc xuất hiện quan trọng của Thiên Chúa trong Kinh Thánh đều xảy ra trên núi cao. Không nhất thiết phải là một đỉnh núi, nhưng chắc chắn phải là sự vươn lên của tâm hồn, tránh được sự ám ảnh, vương vấn của cuộc đời trần tục. Cần có một đỉnh cao nội tâm, gắng đạt tới những chân trời xa rộng. Muốn vậy phải rời bỏ thung lũng thấp, cố gắng đi xa, chịu đựng gian khổ, ngột ngạt của độ cao… và tránh đám đông ồn ào gây nhiễu.

Chúa cho ba Tông đồ chứng kiến Chúa biến hình: Phêrô, Giacôbê và Gioan. Đây không phải tình cờ. Khi làm phép lạ cho bé gái 12 tuổi đã chết được sống lại, Chúa cũng đưa ba Tông đồ này theo để các ông được chứng kiến (Mc 5,37). Cũng chính ba ông là những người gần gũi Chúa khi Chúa cầu nguyện và hấp hối trong vườn Cây Dầu (Mc 14,33). Chúa cho ba ông chứng kiến quyền uy Thiên Chúa của Người và cũng được thấy nỗi khổ đau của nhân tính Chúa, để các ông thành chứng nhân cho niềm tin của mình và của anh em.

Một điều kiện nữa để thành môn đệ gần gũi của Chúa đã được chính Thiên Chúa Ngôi Cha phán bảo: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Ngài”. Đây là lần thứ hai có tiếng từ trời phán xuống, nhưng lần này rõ ràng tiếng đó nói với chúng ta. Là môn đệ Chúa, thì phải nghe lời Chúa. Nghe lời Chúa trong Kinh Thánh, trong tìm tòi suy luận, nhưng nhất là trong Kinh Nguyện một mình riêng rẽ đối diện với Chúa nơi thanh vắng. Môn đệ của Chúa cần thiết phải được Chúa đích thân dạy dỗ, mặc khải cho.

Sự biến hình, bộc lộ đôi chút vinh quang Thiên Chúa, làm vui thỏa tâm hồn các môn đệ. Khi xuống núi, Chúa dặn các ông đừng kể lại với ai ‘cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại’. Vì Chúa biết rằng chỉ sau cái chết và Phục Sinh của Chúa, các ông mới hiểu rõ về Chúa. Khuôn mặt đích thực của Chúa Cứu Thế chỉ biểu lộ đầy đủ khi đã chết trên thập tự chứng tỏ tình yêu đối với nhân loại và sống lại khải hoàn do quyền lực Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin mở mắt lòng tin chúng con, cho chúng con được nhìn thấy Ngài luôn hiện diện trong cuộc sống chúng con.

Đức Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo gặp Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

Đức Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo gặp Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

HÀ NỘI. Lúc 8 giờ rưỡi sáng thứ ba, 20-1-2015, ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ truyền giáo, đã gặp HĐGM Việt Nam tại tòa TGM Hà Nội.

Hiện diện trong dịp này cũng có Đức TGM Leopoldo Girelli, đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam. Sau lời giới thiệu của ĐHY Tân Cử Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, TGM Hà Nội, và diễn văn chào mừng của Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, ĐHY Tổng trưởng Bộ truyền giáo đã ngỏ lời với các GM Việt Nam.

Trước tiên ngài chúc mừng Đức TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn được ĐTC chọn làm Hồng Y trong những ngày qua và sẽ gia nhập Hồng Y đoàn vào ngày 14-2 tới đây. ”Đây thực là một cử chỉ rất đẹp đối với vị Giám Mục nhiệt thành này và là một vinh dự lớn cho Giáo phận Hà Nội và toàn thể Việt Nam. Tôi rất hài lòng được ở đây với anh em và thành tâm cám ơn Hội Đồng Giám Mục vì đã mời tôi viếng thăm đất nước của Anh em.”

ĐHY Filoni nhắc đến cuộc viếng thăm tại Việt Nam của hai vị tiền nhiệm ĐHY Crescenzio Sepe và ĐHY Ivan Dias, ”hai vị mang theo mình ấn tượng thật đẹp về một Giáo Hội sinh động. Cả tôi, trong dịp ấy tôi cũng có thể thấy tận mắt sức sinh động của các cộng đoàn anh em, nhiềm tin kiên vững của các tín hữu Việt Nam, mà tôi đã nghe trong các cuộc gặp gỡ với anh em và từ những phúc trình của vị Đại diện Tòa Thánh. Tôi biết rằng mức thực hành đạo thật là cao, từ 80 đến 93%, và nồng nhiệt, không những vào chúa nhật nhưng cả các ngày thường. Tôi cũng biết rằng trong tất cả các giáo phận và giáo xứ ở Việt Nam, các tín hữu thích họp thành các hội đoàn tông đồ giáo dân, và đây là điều rất hay. Khắp nơi họ tỏ ra đặc biệt quan tâm tới Lời Chúa và học hỏi giáo lý. Ngoài ra, họ muốn góp phần theo những cố gắng và khả năng của mình vàoviệc xây dựng và phát triển Giáo Hội cũng như đất nước.”

ĐHY Filoni nhắc đến Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm Vui Phúc Âm), là một văn kiện quí giá, vì là văn kiện chứa đựng chương trình hoạt động của Giáo Hội và trình bày viễn tượng của ĐGH Phanxicô về Giáo Hội trong những năm tới đây. Văn kiện này nói rằng ”niềm vui Phúc âm là căn bản của việc loan báo Tin Mừng. Niềm Vui Phúc Âm nảy sinh và tái nảy sinh từ cuộc gặp gỡ bản thân với Chúa Giêsu, từ đó phát xuất sự thay đổi trong cuộc sống và hoạt động truyền giáo..”

ĐHY Tổng trưởng Bộ truyền giáo cũng nói đến kỷ niệm 50 năm Sắc lệnh Ad Gentes của Công đồng chung Vatican 2 về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội. ”Văn kiện khẳng định rằng hoạt động truyền giáo nảy sinh trực tiếp từ chính bản chất của Giáo Hội. Do động lực truyền giáo này, các hạt giống đầu tiên của đức tin được đưa tới Việt Nam này, do công trình của các cha dòng Tên, Hội thừa sai Paris, Dòng Đa Minh, dòng thánh Augustino, Phanxicô và bao nhiêu người khác. Những hạt giống bé nhỏ đã ăn rễ trong nền văn hóa và các phong tục, đến độ ngày nay đức tin đã đi vào sời sống của bao nhiêu người Việt Nam..”

”Sắc lệnh Ad Gentes của Công đồng ngày nay vẫn còn giá trị. ĐTC Phanxicô, trong Tông huấn ”Niềm Vui Phúc Âm”, khi trích dẫn thông điệp ”Sứ mạng Đấng Cứu Chuộc (Redemptoris Missio) đã tái khẳng định rằng ”hoạt động truyền giáo, cả ngày nay, vẫn là thách đố lớn nhất đối với Giáo Hội” và ”chính nghĩa truyền giáo phải là trách nhiệm đầu tiên” (n.15) của các Giám Mục. Giám Mục như là đầu và là trung tâm hoạt động tông đồ của giáo phận, phải thăng tiến, điều khiển và phối hợp hoạt động truyền giáo, và hơn nữa, phải khuyến kích tất cả mọi thành phần Dân Chúa tham gia hoạt động truyền giáo…”

ĐHY Tổng trưởng Bộ truyền giáo cũng đề cao ”Vị Tôi Tớ Chúa Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, chứng nhân hy vọng và là thừa tác viên lòng từ bi của Chúa, thực là mẫu gương đặc biệt về việc loan báo Lời Chúa, trong mọi lúc, dù thuận lợi hay không thuận lợi, Người cũng chỉ cho chúng ta thấy cách thực thực thi lòng kiên nhẫn và khôn ngoan, đặc biệt là trong việc đối thoại. Đức Thánh Cha Phanxicô thường khẳng định rằng cần phải thăng tiến đối thoại và nền văn hóa gặp gỡ”.

Và ĐHY Tổng trưởng Bộ truyền giáo nói với HĐGM Việt Nam rằng: ”Vai trò của HĐGM anh em hệ tại trước tiên là hướng dẫn và phối hợp công cuộc loan báo Tin Mừng, để tránh phân tán năng lực về nhân sự và hoạt động, làm sao để toàn thể thực tại – địa phương, dân sự và xã hội- có thể được hội nhập với nhau, đặt trong tình hiệp thông những cố gắng của cá nhân và các nhóm họp thành Giáo Hội. Như thế sự hiệp nhất được thể hiện trong sự đa diện, và sự hiệp nhất ấy không phải là đồng nhất”.

”Trước khi kết thúc những suy tư vắn của tôi, tôi muốn gửi đến tất cả các anh em trong hàng giám mục, một lời đánh giá cao hoạt động truyền giáo mà anh em đang thực hiện, vì lòng quảng đại mục vụ và về tình hiệp thông đáng ca ngợi của anh em với Đức Thánh Cha.”

”Tôi phó thác mỗi người trong anh em, các giáo phận và sứ vụ chủ chăn của anh em cho sự bảo vệ từ mẫu của Đức Mẹ La Vang. Xin Chúa Thánh Linh, nhờ lời chuyển đầu của Mẹ maria, củng cố nơi anh em ước muốn phụng sự Nước Thiên Chúa, với tất cả tâm hồn và sức lục, trong tình liên đới với Đức Thánh Cha và giữa anh em với nhau”.

G. Trần Đức Anh OP – Viatican Radio

Đức Thánh Cha chủ sự Thánh Lễ kính Đức Mẹ Guadalupe

Đức Thánh Cha chủ sự Thánh Lễ kính Đức Mẹ Guadalupe

VATICAN. Chiều 12-12-2014, ĐTC đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ thánh Phêrô, mừng kính Đức Mẹ Guadalupe, bổn mạng Mỹ châu.

Đặc biệt trong thánh lễ này có những thánh ca thuộc bộ lễ thổ dân, do nhạc sĩ Ariel Ramirez người Argentina sáng tác và con trai của ông là Facundo Ramirez điều khiển ca đoàn.

Đồng tế với ĐTC có 50 Hồng Y và GM, đứng đầu là ĐHY Rivera Carrera, TGM giáo phận thành phố Mexico nơi các Vương cung thánh đường Đức Mẹ Guadalupe. Ngoài ra có khoảng 300 LM.

Trong bài giảng, ĐTC nhấn mạnh đến đường lối hoạt động của Thiên Chúa trong đời sống các dân tộc Mỹ châu la tinh. Ngài nói: ”Chúng ta có thể tiếp tục ngợi khen Thiên Chúa vì những kỳ công Chúa đã thực hiện trong đời sống các dân tộc Mỹ châu la tinh. Thiên Chúa đã giấu kín những người thông thái và trí thức những điều đó, và cho những người bé mọn khiêm hạ, những tâm hồn đơn sơ được biết (Xc Mt 11,21). Trong những kỳ công Chúa đã thực hiện nơi Mẹ Maria, Mẹ đã nhìn nhận đường lối và cách hành động của Chúa Con trong lịch sử cứu độ. Chúa đảo lộn những phán đoán trần tục, phá hủy những thần tượng quyền lực, giàu sang, thành công bằng mọi cách, Chúa tố giác sự tự mãn, kiêu căng và chủ thuyết cứu thế tục hóa xa lìa Thiên Chúa, bài ca của Mẹ Maria xưng tụng rằng Thiên Chúa thích lật đổ những ý thức hệ và phẩm trật phàm trần. Chúa nâng cao người khiêm hạ, đến giúp đỡ nhữnư người nghèo và bé nhỏ, làm cho họ được tràn đầy những điều thiện hảo và phúc lành, niềm hy vọng cho những người tín thác nơi lòng từ bi Chúa, từ đời này đến đời kia, và Chúa phá đổ những kẻ giàu sang, quyền lực, và những kẻ thống trị khỏi ngai của chúng”.

ĐTC mời gọi các tín hữu hãy cầu xin cho tương lai Mỹ châu la tinh được hình thành cho những người nghèo và những kẻ đau khổ, cho những người khiêm hạ, đói khát công lý, những người có lòng từ bi, có tâm hồn thanh khiết, những người xây dựng hòa bình, cho những người bị bách hại vì danh Chúa Kitô, vì Nước Trời là của họ (Xc Mt 5,1-11).

Sau cùng ĐTC nhắn nhủ các tín hữu hãy cầu nguyện để Mỹ châu la tinh là đại lục hy vọng, vì hy vọng những kiểu mẫu phát triển mới liên kết truyền thống Kitô và sự tiến bộ dân sự, công lý, liêm chính với hòa giải, liên kết sự phát triển khoa học kỹ thuật với sự khôn ngoan của con người” (SD 12-12-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Người làm chứng

Người làm chứng

(Trích trong ‘Manna’)

Trong bài Tin Mừng trên đây cụm từ ‘làm chứng’ được dùng đến bốn lần.

Lẽ sống của Gioan là làm chứng. Ông được sai đến để làm chứng (x. c.6-7). Cả câu chuyện xảy ra ở Bêtania, bên kia sông Giođan, cũng là một lời chứng hùng hồn của ông (c.19).

Gioan không làm chứng cho mình hay về mình, bởi lẽ ông không phải là Ánh Sáng. Ông chỉ là ngọn đèn (Ga 5,35) giúp mọi người tin vào Ánh Sáng thật là Đức Kitô.

Sau khi nhiều người tuốn đến chịu phép rửa, tiếng tăm của Gioan trở nên lừng lẫy. Các nhà lãnh đạo tôn giáo cử một phái đoàn đến tìm hiểu con người ông.

Khi được hỏi lần thứ nhất: Ông là ai? Gioan đã đưa ra ba câu trả lời phủ định: "Tôi không phải là Đức Kitô" – "Không phải" – "Không". Những tiếng ‘không’ dứt khoát và trung thực.

Ông không nhận những danh hiệu người ta nghĩ về ông. Ông chẳng phải là một Êlia tái giáng hay một vị Ngôn Sứ phi thường như Môsê. Gioan chỉ sợ người ta đánh giá quá cao về mình khiến Đấng ông giới thiệu bị che khuất.

Lần thứ hai được hỏi: Ông là ai?

Gioan đã định nghĩa mình là một tiếng hô trong hoang địa, là lời mời gọi con người sửa đường cho Đức Kitô.

Ông biết rõ mình là người đến trước nhưng vị đến sau lại có trước ông và trổi vượt hơn ông ngàn trùng (Ga 1,30). "Tôi không đáng cởi quai dép cho Người." Làm đầy tớ cho Đức Kitô, ông nhận mình không xứng.

Gioan tự xóa mình trước Đức Kitô. Ông chẳng sợ mất uy tín trước bao người ngưỡng mộ. Ông nhìn nhận phép rửa của ông chỉ nhằm chuẩn bị cho một phép rửa lớn hơn trong Thánh Thần.

Gioan không ngại giới thiệu môn đệ mình theo Đức Giêsu, và ông bình an khi người ta đổ xô đến với Ngài để chịu phép rửa (Ga 3,26).

Có ai siêu thoát như Gioan?

Ông từ bỏ trong niềm vui hồn nhiên. Ông hạnh phúc vì mình đã hoàn thành sứ mạng. "Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại" (Ga 3,30).

Sự khiêm hạ làm cho lời chứng của Gioan đáng tin hơn.

"Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết."

Hôm nay Đức Giêsu vẫn là Đấng xa lạ với nhiều người.

Con người vẫn khắc khoải đi tìm những nẻo đường cứu độ, trong khi Đấng Cứu Độ đã đến từ hơn 2000 năm.

Xin được làm người chứng như Gioan, giới thiệu cho bạn bè Đấng mà họ đang tìm kiếm.

Gợi Ý Chia Sẻ

Giới trẻ hôm nay say mê các ngôi sao ca nhạc, điện ảnh, thể thao… Theo ý bạn, điểm nào nơi Đức Giêsu có thể làm cho giới trẻ say mê? Đức Giêsu có phải là mẫu người lý tưởng của các bạn trẻ không?

Gioan là con người siêu thoát. Ông không tìm mình, ông vượt lên trên cái vòng danh lợi. Bạn có quen biết ai làm chứng tuyệt như Gioan không?

Cầu Nguyện

Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế Người là tất cả của tôi.

Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi, đến với Người trong mọi sự, và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.

Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.

Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì, nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi.

(R. Tagore)

Lớp Sáu – Bài Học Ba – Tôn Chỉ của Người Học Sinh

TonChiTôn Chỉ hay Kim Chỉ Nam của người học sinh là Hấp Thu – Rèn Luyện – Nghĩ Suy và Thực Hành. Tại sao chúng ta phải hấp thu và chúng ta hấp thu cái gì? Chúng ta hấp thu những tinh hoa, những điều hay, những lẽ phải, những kiến thức, những kinh nghiệm của thế hệ đi trước. Khi sinh ra ở đời, ai cũng là những đứa trẻ cả, rất yếu ớt và thiếu kinh nghiệm. Chúng ta phải học ăn, học nói, học gói và học mở. Nhìn người lớn làm điều gì, chúng ta làm theo điều ấy từ lật, ngồi, bò, đi, ăn, uống cho đến những kỹ năng cao như tưởng tượng hay suy luận. Có những điều chúng ta không học nhưng cũng biết như hít thở không khí, nuốt thức ăn, kêu la khi đau, nhưng có những điều chúng ta phải học ví dụ như đánh đàn, chữa bệnh hay lái máy bay.

 

Xem => Tôn Chỉ của Người Học Sinh

ThucTapTiengViet