50 năm tín hữu Công giáo Hoa kỳ trợ giúp Giáo hội Mỹ châu Latinh

50 năm tín hữu Công giáo Hoa kỳ trợ giúp Giáo hội Mỹ châu Latinh

earthquake-in-south-latin-america

Washington – Tiểu ban về Giáo hội tại châu Mỹ Latinh của hội đồng Giám mục Hoa kỳ đã chấp thuận việc tài trợ cho 204 dự án của các chương trình loan báo Tin mừng và liên đới, với tổng số tiền là 3.8 triệu đôla.

Theo tin gửi đến hãng tin Fides, tổng số tiền tài trợ trong năm nay là cao nhất, hơn 8 triệu đôla. Năm nay cũng kỉ niệm 50 năm việc lạc quyên giúp Giáo hội tại châu Mỹ Latinh.

Các dự án được tài trợ ủng hộ công việc mục vụ của Giáo hội tại châu Mỹ Latinh và vùng vịnh Caribê, và việc đào tạo các giáo dân, tu sĩ, chủng sinh, công việc mục vụ và truyền giáo trong các nhà tù và mục vụ giới trẻ. Bên cạnh đó cũng có việc tài trợ xây cất các nhà nhờ ở Ecuador sau trận động đất hồi tháng 4 năm nay.

Đức cha Eusebio Elizondo, Giám mục phụ tá Giáo phận Seattle và là chủ tịch của tiểu ban nói: “Việc dạy dỗ và mục vụ của Giáo hội Công giáo phải được đến với tất cả, nhưng đối với rất nhiều người ở châu Mỹ Latinh và vịnh Caribê, các điều kiện địa lý và kinh tế gây nên những khó khăn để tham gia vào đời sống Giáo hội.”

Đức cha khẳng định: “ Các dự án này mang đức tin đến với những người ở xa, liên kết với chúng ta ở Hoa kỳ này. Số tiền tài trợ kỷ lục năm nay có được là nhờ sự quảng đại của rất nhiều tín hữu Công giáo dấn thân tại đất nước chúng ta.” (Agenzia Fides, 01/12/2016)

Hồng Thủy

Hội đồng Giám mục Hàn quốc phát động chiến dịch chống án tử hình

Hội đồng Giám mục Hàn quốc phát động chiến dịch chống án tử hình

co-vo-cham-dut-tu-hinh

Hội đồng Giám mục Hàn quốc tái phản đối án tử hình bằng cách phát động chiến dịch nâng cao nhận thức qua các phương tiện truyền thông, các sự kiện giáo dục và văn hóa.

Tiểu ban về Hủy bỏ án tử hình nhóm họp hàng năm, thảo luận cách thức để thúc đẩy hơn nữa quan điểm của giáo hội về án tử hình đối với xã hội Hàn Quốc.

Tiểu ban sẽ phát động chiến dịch chống án tử hình bằng cách xuất bản các op-eds và các bài báo của các nhân vật trong Giáo hội, cũng như các tổ chức. Tiểu ban còn có kế hoạch sẽ phát hành, vào cuối năm nay, các tài liệu giáo dục nhắm đến các học sinh trung học. Một buổi trình diễn đặc biệt cũng được tổ chức nhân ngày Thế giới chống án tử hình vào ngày 30/11.

Ủy ban Giám mục sẽ giúp cho chiến dịch bằng cách tổ chức một buổi thảo luận và hòa nhạc vào ngày 18/12 tại Chucheon, tỉnh Gangwon.

Giáo Hội Công giáo Hàn quốc từ lâu đã cố gắng xóa bỏ án tử hình dù không có vụ xử tử nào tại Hàn quốc từ năm 1997 đến nay. Theo Cornell Law School, đến cuối năm 2014, có ít nhất 61 tù nhân mang án tử hình và cho đến năm 2015 có thêm 1 án. (UCAN 25/11/2016)

Hồng Thủy

Tình yêu của người Kitô là rất cụ thể chứ không trừu tượng

Tình yêu của người Kitô là rất cụ thể chứ không trừu tượng

thanh-le-tai-nha-nguyen-marta-11-11-2016

Tình yêu của người Kitô là rất cụ thể, chứ không phải là loại tình yêu “mềm” trong vở kịch, vì tình yêu Kitô bắt nguồn từ Ngôi Lời Nhập Thể. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta. 

Có một cuộc đối thoại tình yêu giữa Đấng mục tử và hiền thê của Người là Giáo Hội. Đức Thánh Cha triển khải bài giảng khởi đi từ bài đọc trích thư thứ hai của thánh Gioan Tông Đồ. Trước tiên, hãy nhớ rằng, điều răn chúng ta đã lãnh nhận là “bước đi trong tình yêu”. Nhưng là loại tình yêu nào? Vì ngày nay, từ ngữ “tình yêu” được sử dụng cho nhiều điều. Người ta nói về tình yêu lãng mạn trong tiểu thuyết hoặc trong vở kịch hoặc nói về những tình yêu kiểu lý thuyết.

Tiêu chuẩn của tình yêu Kitô và Ngôi Lời Nhập Thể

Tiêu chuẩn của tình yêu Kitô giáo là gì? Là Ngôi Lời Nhập Thể. Những ai phủ nhận điều này, những ai không biết điều này, thì là “phản Kitô”. Một tình yêu mà không nhận ra rằng, Chúa Giêsu đã đến trong xác phàm, thì không phải là tình yêu mà Thiên Chúa ban cho ta. Nếu thế, tình yêu ấy là tình yêu kiểu thế gian, kiểu triết học, kiểu tình yêu trừu tượng, tình yêu mềm yếu. Còn tình yêu Kitô, là loại tình yêu có chuẩn mực là Ngôi Lời Nhập Thể. Nếu ai đó nói tình yêu Kitô theo nghĩa khác, thì là phản Kitô. Vì khi ấy người ta không nhận ra rằng, Ngôi Lời đã trở nên người phàm. Sự thật đối với chúng ta là: Thiên Chúa sai Con của Ngài đến và làm người sống giữa chúng ta. Yêu như Chúa Cha yêu Chúa Giêsu, yêu như Chúa Giêsu dạy, yêu như Chúa Giêsu yêu. Yêu là đi trên con đường của Giêsu. Con đường Giêsu là đường ban sự sống.

Cách duy nhất để yêu thương như Chúa Giêsu yêu, là không ngừng ra khỏi sự ích kỷ của mình và đi đến phục vụ tha nhân. Có điều này, bởi vì tình yêu Kitô là một tình yêu cụ thể, bởi vì Thiên Chúa hiện diện hữu hình và cụ thể nơi Chúa Giêsu Kitô.

Có những tình yêu kiểu ý thức hệ

Có những người đã đi ra ngoài học thuyết về nhập thể. Khi làm như thế, họ không còn ở trong giáo huấn của Chúa Kitô nữa, của Thiên Chúa nữa. Giáo hội là thân mình Chúa Kitô. Khi đi ra ngoài Mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, đi ra ngoài Mầu nhiệm Hội Thánh, người ta đi tới những ý thức hệ. Những ý thức hệ này gây hại cho Giáo hội. Có những kiểu nói như: “Vâng, tôi là người Công giáo, tôi yêu thế giới với tình yêu phổ quát đại đồng”… Nói như thế có vẻ quá là thanh cao. Tình yêu thì luôn phát sinh từ nội tâm và rất cụ thể. Tình yêu ấy không bên ngoài giáo huấn của Ngôi Lời Nhập Thể.

Có những người không muốn yêu như Chúa Kitô yêu hiền thê của Người là Giáo Hội. Chúa Kitô yêu Hội Thánh là thân mình Người, và trao tặng mạng sống. Những người không yêu như Chúa Kitô yêu, thì họ yêu theo kiểu ý thức hệ. Và khi ấy họ loại bỏ thân mình của Chúa Kitô. Khi ấy có thể họ hủy hoại cộng đồng và phá hoại Giáo Hội.

Tình yêu Kitô là thiết thực và cụ thể

Nếu chúng ta bắt đầu lý thuyết hóa tình yêu, thì chúng ta bắt đầu làm biến dạng những gì Thiên Chúa muốn nơi Ngôi Lời Nhập Thể. Khi ấy chúng ta đến với một Thiên Chúa mà không có Chúa Kitô, đến với một Chúa Kitô mà không có Giáo Hội, đến với một Giáo Hội mà không có con người. Đó là tiến trình hủy hoại Hội Thánh.

Chúng ta cùng cầu xin Chúa để chúng ta đừng bao giờ bước đi trong loại tình yêu như thế, những thứ tình yêu trừu tượng. Nhưng xin cho chúng ta ở trong tình yêu chân thực. Tình yêu với những hành động xót thương, chúng ta chạm tới da thịt của Chúa Kitô, của Chúa Kitô là Ngôi Lời Nhập Thể. Tại sao thánh Lôrenzô Phó tế nói: “Người nghèo là tài sản của Giáo Hội!”? Tại vì? Vì họ là thân mình đau khổ của Chúa Kitô!

Tứ Quyết SJ

Thánh lễ đầu tiên được cử hành ở Qaraqosh sau khi nhà nước Hồi giáo thất thủ

Thánh lễ đầu tiên được cử hành ở Qaraqosh sau khi nhà nước Hồi giáo thất thủ

duc-cha-petros-mouche-cu-hanh-thanh-le-tai-nha-tho-chanh-toa-duc-me-vo-nhiem-qaraqosh-hom-30-10

Các lớp bồ hóng dày trên tường vẫn không đủ che dòng chữ “nhà nước Hồi giáo” (IS) được vẽ trên tường. Bom đạn đã phá vỡ một ít mái ngói, các hàng ghế bị lật ngửa chỏng chơ và mái nhà bị sập vài chỗ, nhưng nhà thờ chánh tòa vấn đứng vững cách kiêu hãnh ở trung tâm Qaraqosh. Sau hai năm bị các chiến binh  Nhà nước Hồi giáo chiếm đóng, các bài thánh ca tiếng Aramai lại vang lên khắp thành phố Kitô giáo quan trọng nhất của Iraq.

Đức cha Petros Mouche, Giám mục Công giáo Syria của Mosul, Kirkuk và toàn vùng Kurdistan cho biết: “Thánh đường này là một biểu tượng cho chúng ta… Nếu chúng tôi không còn thấy thánh đường như bây giờ, nếu nó đã bị phá hủy, người dân Qaraqosh sẽ không muốn trở lại thành phố này.”

Đức cha Mouche đã cử hành Thánh lễ đầu tiên kê từ khi thành phố bị thất thủ và dân chúng di tản. Trong bài giảng Đức cha nói: “Chúng ta tụ họp ở đâu để xóa sạch những dấu vết của IS khỏi thành phố này, sự hận thù mà chúng ta là nạn nhân… Không có người cao trọng và thấp hèn, không có vua chúa và nô lệ. Não trạng nàu phải bị xóa bỏ.”

Đối với cha Majeed Hazem, Thánh lễ đầu tiên này đánh dấu “một khởi đầu mới và tỏ cho thế giới sức mạnh của các Kitô hữu, dẫu cho những bất công.”

Khuôn viên của nhà thờ chánh tòa bị trở thành hoang phế với cây cỏ, các hình người giả; chiến binh Hồi giáo đã dùng nơi này để tập bắn.

Đức cha Mouche chia sẻ: “Tận đáy sâu tâm hồn, người dân muốn trở về nhưng đầu tiên họ muốn các cơ sở hạ tầng được xây dựng lại. Và trước khi tái thiết cơ sở hạ tầng, khu vực cần được đảm bảo an toàn vì chúng ta biết mìn được rải trong thành phố khi IS rút lui.” (Asia News  31/10/2016)

Hồng Thủy

 

Wikileaks phơi bày tâm tình bài Công Giáo của Hilary Clinton

Wikileaks phơi bày tâm tình bài Công Giáo của Hilary Clinton

Trong tuần qua, trang web Wikileaks đã công bố các emails rò rỉ từ hộp thư Gmail cá nhân của John Podesta, một quan chức cấp cao của Đảng Dân chủ, là người đã giữ một loạt các vị trí cao cấp. Ông Podesta từng là trưởng phòng nhân viên Tòa Bạch Ốc dưới thời Tổng thống Bill Clinton, một cố vấn cao cấp cho Tổng thống Barack Obama và hiện đang là giám đốc chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton.

Wikileaks cho biết họ có trong tay khoảng 50,000 emails của Podesta và của chính bà Hillary Clinton. Cho đến nay, nhóm này đã tung ra khoảng 10,000 emails, mỗi ngày một vài ngàn cái. Chiến dịch của bà Clinton đã từ chối xác nhận hay phủ nhận tính xác thực của các tài liệu bị rò rỉ này.

Các thư điện tử bị rò rỉ cho thấy tâm tình chống báng các học thuyết xã hội Công Giáo, khinh miệt các Giám Mục Công Giáo, và nguy hiểm hơn là âm mưu của đảng Dân Chủ Mỹ muốn gieo những “mầm mống nổi loạn” trong Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ.

Các điện thư, được công bố bởi Wikileaks, chứng minh rằng đảng Dân chủ đã tham gia vào việc thành lập ít nhất là hai tổ chức nhằm vận động cho sự thay đổi giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo và bảo vệ các chính trị gia phò phá thai và hôn nhân đồng tính, đồng thời thách thức và gây khó khăn cho các nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ.

Trong một điện thư trao đổi giữa các thành viên của đảng Dân Chủ, Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ được mô tả như đang thực thi “một chế độ độc tài thời trung cổ” tại Mỹ. Để trả lời cho một gợi ý gieo mầm “những hạt giống nổi loạn” trong Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ, nhằm “kết thúc chế độ độc tài thời trung cổ” này, John Podesta, giám đốc chiến dịch tranh cử của Hilary Clinton, trả lời: “Chúng tôi đã tạo ra Catholics in Alliance for the Common Good [nghĩa là Liên Minh những người Công Giáo vì thiện ích chung] cho một thời điểm như thế”. Ông ta cho biết thêm: “Tương tự như Catholics United”, cả hai nhóm đã có những lập trường công khai phù hợp với các mục tiêu trong chiến dịch tranh cử của Hilary Clinton.

Những emails trao đổi trong nội bộ đảng Dân Chủ được công bố bởi Wikileaks cũng cho thấy một sự khinh miệt các giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo. Jennifer Palmieri, giám đốc truyền thông của chiến dịch, mô tả các giáo huấn xã hội của Giáo Hội Công Giáo là bảo thủ, cố chấp, đi ngược đà tiến của văn minh nhân loại. Trong một email, Palmieri lên tiếng chê bai những chính trị gia Công Giáo nổi bật có khuynh hướng phò sự sống là những kẻ bảo thủ. Bà ta cho rằng các chính trị gia này gắn bó với Công Giáo chỉ vì “Họ nghĩ rằng đó là một tôn giáo bảo thủ về mặt chính trị nhất đối với họ.”

Cả hai Podesta và Palmieri tự nhận mình là người Công Giáo.

Phản ứng trước các emails này, Liên đoàn Công Giáo vì tự do Tôn giáo và Dân Quyền đã ra một tuyên bố nói rằng các emails rò rỉ “khiến người ta tự hỏi các nhà lãnh đạo trong chiến dịch tranh cử của bà Clinton và những người khác liên quan đến chiến dịch này còn nói những gì nữa về người Công Giáo và đạo Công Giáo.”

Brian Burch, chủ tịch nhóm Công Giáo Vote nói rằng người Công Giáo không có khuynh hướng bạo động. “Nếu Palmier nói như thế về các nhóm tôn giáo khác, bà ta có lẽ đã bị sa thải” vì các cuộc biểu tình phản đối rầm rộ khắp nước Mỹ và cả trên thế giới. Ông nói thêm:

“Người Công Giáo chúng tôi sẽ nhìn xem liệu Hillary Clinton có nghĩ rằng niềm tin tôn giáo của chúng tôi phải được tôn trọng, hay là bà ta cho rằng bà ấy có quyền chế nhạo chúng tôi.”

Đặng Tự Do

Vietcatholic

———————————————————-

Phản ứng của ĐTGM Chaput về kế hoạch lũng đoạn Công Giáo Hoa Kỳ của những người làm việc cho bà Clinton

Về Những Người Công Giáo hủ lậu không thể tưởng được
Dưới đây là bản dịch bài của ĐTGM Chaput đăng trên trang web của Tổng Giáo Phận Philadelphia vào ngày 13 thánh 10 năm 2016 về âm mưu lũng đoạn Hội Thánh Công Giáo Hoa Kỳ của Đảng Dân Chủ và bà Clinton được tiết lộ bởi WikiLeaks.

Năm 2008, trong những tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Obama-McCain, có hai thanh niên đã đến thăm tôi ở Denver. Họ từ hội Catholics United (Công Giáo Hợp Nhất), một nhóm tự nhận là dấn thân cho các vấn đề công bằng xã hội. Họ bày tỏ mối quan tâm lớn lao về việc thao túng của những người Công Giáo làm tay sai cho Đảng Cộng Hòa. Và họ hy vọng rằng các giám mục huynh đệ của tôi và tôi sẽ chống lại việc liên kết Hội Thánh với một vấn đề chính trị và đảng phái duy nhất (là vấn đề phá thai).

Đó là một kinh nghiệm thú vị. Hai người này rõ ràng là vận động cho cuộc tranh cử của Obama và Đảng Dân Chủ – những thụ tạo của một bộ máy chính trị, chứ không phải người của Hội Thánh; họ chỉ quan tâm đến ảnh hưởng của Công Giáo hơn là đến giáo huấn Công Giáo. Và có lẽ (đối với họ) các giám mục ngu đến nỗi để bị người ta sử dụng như những công cụ, hoặc ít nhất là bị họ ngăn trở trong việc giúp phe bên kia.

Tuy nhiên, hai người trẻ này không những bằng mà còn trổi vượt hơn những anh em của họ thuộc đảng Cộng hòa trong việc xoay theo đảng như nô lệ. Nhờ công việc của họ, và những người hoạt động tích cực như họ, người Công Giáo Mỹ đã giúp để bầu lên một chính quyền thiếu thân thiện một cách ngoan cố nhất với các tín đồ, các tổ chức, các quan tâm và tự do tôn giáo trong nhiều thế hệ.

Tôi chưa bao giờ gặp lại một trong hai người trẻ ấy. Thiệt hại văn hóa gây ra bởi Tòa Bạch Ốc hiện nay – rõ ràng – đã làm cho việc theo đuổi các giám mục Hoa Kỳ thành không cần thiết nữa.

Nhưng điều xấu luôn luôn có thể trở nên tồi tệ hơn. Đương nhiên là tôi đang suy nghĩ về những emails khinh khi chống lại Công Giáo được trao đổi giữa các thành viên của tổ vận động tranh cử tổng thống của đảng Dân Chủ của bà Clinton được WikiLeaks tung ra tuần này. Điển hình là việc Sandy Newman, chủ tịch của Voices for Progress (Tiếng Nói Cấp Tiến), gửi điện thư cho John Podesta, bây giờ là người đứng đầu cuộc vận động tranh cử của bà Hillary Clinton, để hỏi về việc liệu "các giám mục chống lại bảo hiểm cho ngừa thai" có thể thành mồi lửa cho một cuộc cách mạng không. Newman viết, "Cần phải có một Cuộc Nổi Dậy của Công Giáo, trong đó chính người Công Giáo tự động đòi hỏi phải chấm dứt một chế độ độc tài trung cổ [dịch nguyên văn] ".

Tất nhiên, Newman viết thêm, "ý tưởng này chỉ mới tỏ ra sự hoàn toàn thiếu hiểu biết của tôi về Hội Thánh Công Giáo, sức mạnh kinh tế mà nó có thể đè lên các nữ tu và linh mục, là những người cậy vào nó để tồn tại." Tuy nhiên, ông ta muốn biết là làm sao để có thể "gieo những hạt giống của một cuộc cách mạng [vào đấy]”? John Podesta trả lời rằng “Chúng tôi tạo ra Catholics in Alliance for the Common Good [Liên Minh Công Giáo cho Công Ích] để tổ chức cho một thời điểm như thế này. . . Catholics United cũng tương tự như vậy".

Một email khác liên quan đến bà Clinton, từ John Halpin của Center for American Progress [Trung tâm Tiến bộ Mỹ], chế nhạo những người Công Giáo trong cái gọi là phong trào bảo thủ, đặc biệt là những người mới trở lại: "Họ phải được thu hút vào các tư tưởng có hệ thống và những quan hệ giới tính thoái hóa trầm trọng và họ chắc hoàn toàn không biết gì về nền dân chủ Kitô giáo". Trong một email kế tiếp, ông viết thêm: "Họ có thể tung ra khắp nơi các tư tưởng 'của Thánh Thoma' và 'thuyết bổ trợ' nghe rất phức tạp vì không ai biết. . . họ đang nói gì."

Vào buổi tối khi mà những emails WikiLeaks được tung ra, tôi nhận được một email làm cho chinh tôi cũng bực mình, từ một luật sư (ngoài Công Giáo) đáng kính trên toàn quốc có kinh nghiệm trong các vấn đề về Hội Thánh và quốc gia:

"Tôi bị xúc phạm sâu xa bởi các emails [của nhóm Clinton], đó là một số người có thành kiến tồi tệ nhất của một bộ máy chính trị mà tôi đã thấy. [Một] Hội Thánh có quyền tự vệ tuyệt đối khi bị tấn công về đức tin và Hội Thánh bởi các lực lượng chính trị dân sự. Điều đó chắc chắn được áp dụng ở đây …

"Trong tám năm qua đã có bằng chứng rõ ràng là chính quyền đương nhiệm, mà những người này cũng chia sẻ cùng những giá trị, đã rất thù nghịch đối với các tổ chức tôn giáo. Giờ đây có bằng chứng tỏ tưởng là phương pháp này là cố tình và sẽ gia tăng tốc độ nếu các diễn viên ấy còn tiếp tục có tiếng nói trong chính quyền, họ sẽ tha hồ la to hơn.

"Những kẻ thành kiến này đang tích cực đưa ra chiến lược để làm sao uốn nắn đạo Công Giáo thành không phải Công Giáo hoặc không còn phù hợp với giáo huấn của Chúa Giêsu nữa, nhưng là 'tôn giáo' mà họ muốn. Ngay tận cốt lõi, họ đang cố gắng xoay tôn giáo sang quan điểm thế tục của họ về phải (đúng) và trái (sai), cho phù hợp với chính trị của họ. Đây là lý do cơ bản tại sao các Nhà Lập Quốc đã rời nước Anh và đòi chính quyền không được có bất kỳ tiếng nói nào trong tôn giáo. Hãy nhìn chỗ đứng của chúng ta hiện giờ. Chúng ta có các diễn viên chính trị cố gắng dàn xếp một cuộc đảo chính để tiêu diệt các giá trị Công Giáo, và họ thậm chí còn so sánh việc tiếp quản của họ với một cuộc đảo chính ở Trung Đông, đó là điều làm nổi bật thành kiến và việc ghét Hội Thánh của họ. Tôi từng hy vọng tôi rằng sẽ không bao giờ nhìn thấy ngày này – một ngày như rất nhiều ngày đen tối ở Đông Âu đã dẫn đến cái chết của ông cụ cố của tôi [một mục sư Tin Lành] trong tay bọn cộng sản, là những kẻ cũng đã ghét và muốn tiêu diệt tôn giáo”.

Đương nhiên là nếu nhóm vận động tranh cử của bà Clinton có thể phủ nhận nội dung của những emails tồi tệ này từ WikiLeaks thì thật là tuyệt vời. Tất cả chúng tôi, những người Công Giáo cổ hủ thực sự tin những gì Thánh Kinh và Hội Thánh dạy, sẽ rất rất biết ơn.

Đồng thời, một người bạn mô tả sự lựa chọn mà các cử tri phải đối diện với vào tháng mười một như thế này: giữa một người khiếm nhã, thô tục, thô lỗ và coi thường phụ nữ, không kiểm soát nổi cơn bốc đồng của mình; hoặc một kẻ âm mưu, nói dối như máy, suốt đời thèm muốn quyền lực và một bọn lâu la đầy những thành kiến chống Công Giáo.

Trong một đất nước mà bây giờ "sự lựa chọn" bán chính thức thành quốc giáo, thực đơn cho bữa ăn tối thật là khá nhỏ.

+ TGM Charles Chaput, O.F.M. Cap.

Phaolô Phạm Xuân Khôi (Vietcatholic)

Đức Thánh Cha tiếp kiến 7 ngàn người cao niên

Đức Thánh Cha tiếp kiến 7 ngàn người cao niên

duc-thanh-cha-tiep-kien-7-ngan-nguoi-cao-nien

VATICAN. ĐTC đề cao tầm quan trọng của những người cao niên trong đời sống Giáo Hội, xã hội và ngài chống lại nền văn hóa gạt bỏ, loại người già ra ngoài lề xa hội.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 15-10-2016, dành cho 7 ngàn người cao niên về Roma tham dự Ngày Năm Thánh Lòng Thương Xót, với sự giúp đỡ của Hiệp hội toàn quốc Italia các công nhân cao niên.

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, ĐTC nói: ”Giáo Hội nhìn những người cao niên với lòng yêu mến, biết ơn và rất quí chuộng. Họ là thành phần thiết yếu của cộng đoàn Kitô và xã hội, đặc biệt họ tượng trưng những căn cội và ký ức của một dân tộc”.

ĐTC đề cao kinh nghiệm của người cao niên như một kho tàng quí giá, không thể thiếu được để nhìn về tương lai trong niềm hy vọng và trách nhiệm. Ngài cũng nhắc đến sự kiện nhiều người cao tuổi quảng đại dùng thời giờ và tài năng Chúa ban để giúp đỡ và hỗ trợ những người khác: bao nhiêu người cao niên phục vụ ở các giáo xứ, người thì giữ cho Nhà Chúa được khang trang xứng đáng, người khác dạy giáo lý, linh hoạt phụng vụ, chứng nhân về đức bác ái. Trong gia đình, bao nhiêu ông bà chăm sóc các cháu, thông truyền cho các cháu những giá trị tinh thần và văn hóa của một cộng đoàn và một dân tộc. Ngoài ra, tại những nước bị bách hại, chính các ông bà thông truyền đức tin cho các thế hệ trẻ, dẫn đưa các trẻ em lãnh nhận bí tích rửa tội trong bối cảnh âm thầm, bí mật”.

ĐTC không quên nhắc đến những người cao tuổi đang ở trong tình trạng bệnh tật, khó đi lại và cần được giúp đỡ. Ngài nói: ”Ngày nay tôi cảm tạ Chúa vì những người và các cơ cấu đang tận tụy phục vụ những người gia, giúp họ sống trong một bối cảnh thực sự nhân bản, trong đó mỗi người có thể sống xứng đáng giai đoạn quan trọng này của đời người”.

ĐTC hy vọng các tổ chức và các thực tại xã hội có thể làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ người cao tuổi biểu lộ tốt đẹp hơn khả năng của họ, tạo điều kiện để phẩm giá của họ được tôn trọng và đề cao giá trị. Ngài nói:

”Để được như thế, cần chống nạn nền văn hóa tệ hại, văn hóa gạt bỏ, đẩy người già ra ngoài lề vì cho rằng họ không còn sản xuất được nữa. Các vị hữu trách công quyền, các thực tại văn hóa, giáo dục và tôn giáo và tất cả những người thiện chí được kêu gọi dấn thân xây dựng một xã hội ngày càng đón nhận và bao gồm hơn. Một điều quan trọng nữa, đó là tạo điều kiện cho những tương quan giữa các thế hệ khác nhau. Tương lai của một dân tộc đòi phải có sự gặp gỡ giữa người trẻ và người già: người trẻ là sức sinh động của một dân tộc đang tiến bước và người già củng cố sức sinh động ấy bằng ký ức và sự khôn ngoan.

Trước khi ĐTC tiến vào Đại thính đường Phaolô 6 ở nội thành Vatican, các tham dự viên đã sinh hoạt, nghe chứng từ và phần âm nhạc. Đặc biệt có bà cụ Maria Bernacchi, 104 tuổi, được một người trợ giúp và một người bạn đồng hành. Bà Maria được mãn nguyện vì được gặp ĐTC. Bà đã được các em bé tặng hoa trong buổi tiếp kiến. (SD 15-10-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Nhà thờ chánh tòa Tây an, Trung quốc kỷ niệm 300 năm

Nhà thờ chánh tòa Tây an, Trung quốc kỷ niệm 300 năm

Xi an church in China

Tây an, Trung quốc – Từ ngày 1-4 tháng 10, lễ thánh Phanxicô Assisi, Giáo phận Tây an, Trung quốc đã mừng kỷ niệm 300 năm nhà thờ chánh tòa được xây dựng. Nhà thờ chánh tòa được xây vào năm 1715, có 3 gian dọc với cách trang trí và tranh vẽ theo kiểu Trung hoa.

Hàng ngàn tín hữu đã tham dự các sinh hoạt khác nhau: các hội nghị, hòa nhạc, triển lãm, tất cả diễn ta sự sống động của ngôi thánh đường kéo dài 3 thê kỷ, từ thời Đức cha Basilio Brollo, Giám mục đầu tiên của giáo phận tông tòa cho đến Đức cha hiện nay Antôn Dương Minh Ngạn.

Sáng ngày 1 tháng 10, Đức cha Antôn đã chủ tế Thánh lễ mừng có 46 Linh mục đồng tế và hơn 3000 giáo dân tham dự. Một cuộc triển lãm được tổ chức tại tầng một của Tòa giám mục, trong đó có chân dung của 21 vị tiền nhiệm của Đức cha Antôn. Ban chiều có buổi hòa nhạc với sự tham dự của 14 ca đoàn.

Ngày hôm sau các tham dự viên đã nghe những buổi nói chuyện về lịch sử Giáo hội ở Trung quốc và Thiểm Tây. Ngày 4 tháng 10 là cao điểm của những ngày lễ. Trong Thánh lễ ban sáng có 41 người được rửa tội, gồm có người già và trẻ em, người trẻ và người lớn. Tâm tong lớn tuổi nhất là 67 và trẻ nhất mới chỉ 30 ngày. Tất cả được tặng một sách Kinh thánh với logo “Lời Ngài là đèn soi bước chân con” (Tv 118).

Giáo phận đã tổ chức 3 bữa ăn mỗi ngày cho những người hiện diện và sắp xếp chỗ trú ngụ trong các gia đình cho 600 người. (Asia News 07/10/2016)

Hồng Thủy

Tu chính qui luật cứu xét phép lạ trong các án phong thánh

Tu chính qui luật cứu xét phép lạ trong các án phong thánh

Tu chính qui luật cứu xét phép lạ trong các án phong thánh

VATICAN. Bộ Phong Thánh đã ban hành qui luật mới nghiêm ngặt hơn, điều hành hoạt động của Ủy ban giám định y khoa bộ phong thánh.

Trong một bài đăng trên báo Quan sát viên Roma, số ra ngày 23-9-2016, Đức TGM Marcello Bartolucci, Tổng thư ký Bộ Phong Thánh, cho biết qui luật đã được Bộ Phong thánh soạn thảo và được ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh phê chuẩn theo sự ủy nhiệm của ĐTC ngày 24-8 năm 2016.

Qui luật mới từ nay đòi phải có đa số phiếu cao hơn khi các bác sĩ chuyên gia của Bộ Phong Thánh cứu xét một sự kiện giả thiết là phép lạ. Đa số đó là 5 trên 7 hoặc 4 trên 6. Một vụ không thể được tái cứu xét hơn 3 lần. Để tái cứu xét một vụ giả thiết là phép lạ thì đòi phải có một ban giám định y khoa với các thành viên mới. Nhiệm kỳ của vị Chủ tịch Ban giám định y khoa chỉ có thể tái bổ nhiệm một lần, tức là 5 năm cộng thêm 5 năm.

Tất cả những người cứu xét sự kiện giả thiết là phép lạ gồm những người chủ án, tòa án, các thỉnh nguyện viên, các chuyên viên và chức sắc của Bộ Phong Thánh buộc phải giữ bí mật.

Thù lao trả cho các chuyên gia chỉ được phép chuyển qua phương thức chuyển khoản qua ngân hàng.

Đức TGM Bartolucci khẳng định rằng ”Mục đích của qui luật này là vì thiện ích của các án phong thánh, và không bao giờ được tách rời khỏi sự thật lịch sử và khoa học của những phép lạ được kiểm chứng. Việc nghiên cứu các phép lạ này phải được thực hiện trong sự trong sáng, khách quan và thẩm quyền chắc chắn của các chuyên gia y khoa có trình độ chuyên môn cao, rồi sau đó được Ban Cố Vấn Thần học cứu xét, trước khi đệ lên khóa họp của các Hồng Y và Giám Mục, sau cùng là đệ lên ĐTC để ngài phê chuẩn. Ngài là người duy nhất có thẩm quyền nhìn nhận một biến cố ngoại thường là phép lạ đích thực” (Oss. Romano 23-9-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Ba đại học công lập Ấn độ theo bước Mẹ Têrêsa

Ba đại học công lập Ấn độ theo bước Mẹ Têrêsa

Mẹ Têrêsa

Guwahati – Ba đại học công lập ở miền Bắc Ấn độ dấn thân làm sống động di sản của Mẹ Têrêsa qua các hoạt động chú trọng đến các vấn đề xã hội và dán thân phục vụ những người nghèo và người túng thiếu. Cha C.M. Paul, nhiều năm phụ trách phân khoa Truyền thông của đại học Don Bosco thuộc bang Assam đã cho hãng tin Fides biết.

Cha Paul nhận xét: “Đây là một sáng kiến đáng khen ngợi. Nó chứng tỏ rằng gần 20 năm sau khi Mẹ Têrêsa qua đời, các giá trị của Mẹ vẫn còn truyền cảm hứng không chỉ cho trí tưởng tượng của những người trẻ tuổi ở trường đại học, mà cả suy nghĩ của các học viện đánh giá cao sự dấn thân  của Mẹ Têrêsa trong việc phục vụ nhân loại ".

Ba đại học Guwahati, Dibrugarhe và Cotton College State của bang Assam có ý định hoạt động theo bước Mẹ Têrêsa, tổ chức các hoạt động phục vụ xã hội.

Hiệu phó của đại học Guwahati chia sẻ là các công việc của Mẹ Têrêsa và các nguyên tắc phục vụ của Mẹ có ảnh hưởng mạnh mẽ trên xã hội và trường đang nghiên cứu các dự án xã hội có sự tham dự của sinh viên.

Kumar Alak Buragohain, hiệu phó của đại học Dibrugarh cho biết là các công việc của Mẹ Têrêsa truyền cảm hứng cho họ. Các học viện đào tạo cần lấy những gợi ý từ Mẹ và có một tiếp cận tương đối với xã hội.

Còn hiệu phó của Cotton College State kết luận: “Cần phải nâng cao nhận thức và cho các sinh viên tham gia trong công tác xã hội và dạy họ cách thế phát triển trong trách nhiệm với xã hội”. (Fides 15/09/2016)

Hồng Thủy 

Đức Thánh Cha tiếp Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân lần chót

Đức Thánh Cha tiếp Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân lần chót

Đức Thánh Cha tiếp Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân lần chót

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân sáng 17-6-2016, ĐTC khuyến khích tiến bước theo đường hướng ”Giáo Hội ra ngoài, giáo dân ra ngoài”.

 Đây là khóa họp toàn thể cuối cùng của Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân sau gần 50 năm hoạt động. Nay Hội đồng này họp với Hội đồng về gia đình và sự sống thành một cơ quan mới của Tòa Thánh trong chương trình cải tổ giáo triều Roma.

 Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, sau khi nhắc đến thành quả hoạt động của Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân trong gần nửa thế kỷ vừa qua, ĐTC đề nghị một chân trời tham chiếu trong hoạt động của Hội đồng mới đó là ”Giáo Hội đi ra ngoài, giáo dân đi ra ngoài”. Vì thế, cả anh chị em cũng hãy nâng cao cái nhìn và hãy nhìn ra ngoài tới những người ở xa xôi trên thế giới này, bao nhiêu gia đình gặp khó khăn và đang cần lòng thương xót, nhìn tới các cánh đồng tông đồ chưa khai phá, với nhiều giáo dân thiện tâm và quảng đại sẵn sàng dành nghị lực, thời giờ, khả năng của họ để phục vụ Tin Mừng, nếu họ được tháp nhập, đề cao giá trị và tháp tùng với lòng quí mến của các mục tử và các tổ chức của Giáo Hội.

 ĐTC nhấn mạnh rằng ”Chúng ta cần những giáo dân được huấn luyện tốt, được đức tin ngay chính và trong sáng linh hoạt, và cuộc sống của họ được chính cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu từ bi đánh động với lòng yêu thương”. (SD 17-6-2016)  

G. Trần Đức Anh OP

Lễ thánh nữ Maria Madalena được nâng lên hàng lễ Kính

Lễ thánh nữ Maria Madalena được nâng lên hàng lễ Kính

Lễ thánh nữ Maria Madalena được nâng lên hàng lễ Kính

VATICAN. Theo quyết định của ĐTC Phanxicô, lễ thánh nữ Maria Madalena được nâng cấp: từ bậc lễ nhớ bắt buộc lên Lễ Kính (Festum).

Trong thông cáo và sắc lệnh công bố hôm 10-6-2016, ĐHY Robert Sarah,  Tổng Trưởng Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích thông báo quyết định của ĐTC và đồng thời trình bày những lý do, trong đó có đoạn viết: ”ĐTC Phanxicô đã đưa ra quyết định trên đây trong bối cảnh Năm Thánh Lòng Thương Xót, để nêu cao tầm quan trọng của người Phụ Nữ đã chứng tỏ tình yêu nồng nhiệt đối với Chúa Kitô và được Chúa Kitô yêu mến.”

Thực vậy, quyết định được đề ra trong bối cảnh Giáo Hội ngày nay đòi phải suy tư sâu xa hơn về phẩm giá phụ nữ, công việc tái truyền giảng Tin Mừng và sự cao cả của mầu nhiệm Lòng Chúa Thương Xót. Chính Thánh Gioan Phalô 2 đã dành sự chú ý lớn không những về tầm quan trọng của các phụ nữ trong sứ mạng của chính Chúa Kitô và của Giáo Hội, nhưng còn đặc biệt đề cao chức năng của thanh Maria Madalena như chứng nhân đầu tiên đã thấy Đấng Phục Sinh và là sứ giả đầu tiên loan báo cho các Tông Đồ sự sống lại của Chúa” (Xc Mulieris dignitatem, 16). (SD 10-6-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha cổ võ chống nạn buôn người và các tệ nạn xã hội

Đức Thánh Cha cổ võ chống nạn buôn người và các tệ nạn xã hội

Đức Thánh Cha cổ võ chống nạn buôn người và các tệ nạn xã hội

VATICAN. ĐTC khuyến khích các pháp quan thi hành công lý chống nạn buôn người và các tệ nạn xã hội khác, đồng thời ngài cảnh giác chống cám dỗ tham nhũng.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây chiều ngày 3-6-2016, trong buổi gặp gỡ hơn 150 thẩm phán và các quan chức tư pháp của nhiều quốc gia, tham dự hội nghị do Hàn lâm viên Tòa Thánh về các khoa xã hội tổ chức tại Vatican trong hai ngày mùng 3 và 4-6-2016.

 ĐTC đề cập đến các vấn đề được ngài quan tâm từ lâu như nạn buôn người, những hình thức mới của nạn nô lệ như cưỡng bách lao động, mại dâm, buôn bán cơ phận người để ghép, buôn bán ma túy và các tổ chức bất lương. Ngài đề cao vai trò không thể thay thế của các vị thẩm phán trong lãnh vực này và nhấn mạnh rằng và các thẩm phán phải được tự do, không phải chịu sức ép của các chính phủ, các tổ chức tư nhân, và nhất là được tự do đối với các cơ cấu tội lỗi, các tổ chức tội phạm tạo áp lực và xe dọa.

ĐTC nói: ”Tất cả chúng ta đều biết những chế riễu đối với ngành tư pháp công lý bị bịt mắt và bịt miệng. Nạn tham ô hối lộ là một trong những vấn đề thời sự lớn hiện nay, làm suy yếu nền dân chủ và công lý”.

Trong diễn văn, ĐTC cũng đề cao tầm quan trọng của sự cộng tác với LHQ để thực hiện dự án hợp với tinh thần nhân bản và Kitô, đó là giải thoát nhân loại khỏi nạn buôn người và các tổ chức tội phạm. Ngài cũng cổ võ sự hợp lực giữa các thẩm phán và chuyên gia, thành lập một liên mạng giữa họ với nhau để trao đổi kinh nghiệm, giúp bài trừ những hình thức mới của nạn nô lệ.

Trong bối cảnh này, ĐTC nói đến vai trò của Giáo Hội: ”Giáo Hội phải dấn thân để trung thành với con người, và càng phải làm hơn nữa, nếu ta xét tới những tình trạng trong đó có những tai gương và đau khổ thê thảm nhất.. Giáo Hội không thể chiều theo châm ngôn không muốn Giáo Hội xen mình vào chính trị. ĐTC nói: ”Giáo Hội phải xen mình vào nền chính trị cao cả, vì như ĐGH Phaolô 6 đã nói, chính trị là một trong những hình thức bác ái cao cả nhất” (RG 4-6-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Giáo hoàng tặng quà đặc biệt cho 2 vợ chồng khuyết tật cao tuổi

Đức Giáo hoàng tặng quà đặc biệt cho 2 vợ chồng khuyết tật cao tuổi

Xe điện cho người tàn tật

Sáng nay, 4/6/2016, Đức tổng Giám mục Konrad Krajewski, đặc trách dịch vụ từ thiện của Đức Giáo hoàng đã trao tặng một món qua đặc biệt cho 2 vợ chồng khuyết tật cao tuổi đang được Hiệp hội trợ giúp y tế ở Tor Bella Monaca trợ giúp và chăm sóc.

Đó là một chiếc xe điện dành cho người khuyết tật để giúp họ có thể tự di chuyển. từ lâu 2 ông bà bị bó buộc trong căn hộ của họ vì tiểu đường và cao huyết áp. Người phụ nữ mới bị cắt 1 chân.

Hiệp hội trợ giúp y tế đã mở chiến dịch tương trợ để quyên góp cho đôi vợ chồng này để giúp họ giải quyết vấn đề di chuyển. Đức Giáo hoàng đã đi trước tất cả và thực hiện ước mơ của ông bà. (SD)

Hồng Thủy Op

 

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha: Đừng bao giờ bỏ rơi người già nua, bệnh tật

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha: Đừng bao giờ bỏ rơi người già nua, bệnh tật

Ý cầu nguyện tháng Sáu Cầu nguyện cho người cao tuổi, người bị gạt ra bên lề xã hội và những người cô đơn.

VATICAN. “Đừng bao giờ bỏ rơi những người già nua ốm yếu. Hãy kiến tạo một nền văn hóa gặp gỡ và liên đới.” Đức Thánh Cha đã tha thiết mời gọi như trên trong đoạn video ý chỉ cầu nguyện tháng Sáu. Ngài chia sẻ rằng:  

“Trong các thành phố, những người già nua, ốm yếu thường bị bỏ rơi.

Chúng ta có thể làm ngơ trước vấn đề này không?

Các thành phố của chúng ta trước hết phải nổi bật về tình liên đới, không chỉ trong việc giúp đỡ những ai túng thiếu, mà còn ở việc có trách nhiệm với nhau, và kiến tạo nên một nền văn hóa gặp gỡ.

Anh chị em có hiệp ý với cha trong lời cầu nguyện này không?

Xin cho những người cao tuổi, những người bị gạt ra bên lề xã hội và những người cô đơn, ngay trong các thành phố lớn trên thế giới, tìm được nhiều dịp để gặp gỡ và liên đới.”

Đức Thánh Cha chống trào lưu duy giáo sĩ

Đức Thánh Cha chống trào lưu duy giáo sĩ

Đức Thánh Cha chống trào lưu duy giáo sĩ

 

VATICAN. ĐTC kêu gọi bài trừ nạn duy giáo sĩ đồng thời thăng tiến lòng đạo đức bình dân ở Mỹ châu la tinh.

Trên đây là nội dung thư ĐTC gửi đến ĐHY Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ GM kiêm chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh về Mỹ châu la tinh. Trong thư ngài nhắc đến khóa họp toàn thể của Ủy ban này từ ngày 1 đến 4-3-2016 tại Vatican về đề tài ”Sự dấn thân không thể thiếu được của giáo dân trong đời sống công cộng ở các nước Mỹ châu la tinh”. Ngài đã tiếp các tham dự viên ngày 4-3-2016 vào cuối khóa họp.

 ĐTC cho biết lá thư của ngài là một sự tiếp tục suy tư về đề tài đã được bàn đến trong khóa họp của Ủy ban, qua đó sau khi đề cao ơn gọi của giáo dân là Dân Thánh của Thiên Chúa, ngài đặc biệt nhắc đến những nguy hiểm và tai hại của trào lưu duy giáo sĩ ở Mỹ châu la tinh. ĐTC viết:

”Thái độ duy giáo sĩ không những hủy bỏ nhân cách của các tín hữu Kitô nhưng còn nhắm giảm bớt và hạ giá ơn thánh của bí tích rửa tội mà Chúa Thánh Linh đã đặt trong tâm hồn những người dân của chúng ta. Thái độ duy giáo sĩ biến giáo dân trở thành những người thừa hành, giới hạn những sáng kiến và cố gắng táo bạo cần thiết để cho để mang Tin Mừng cho mọi lãnh vực hoạt động xã hội, nhất là lãnh vực chính trị. Trào lưu duy giáo sĩ dần dần làm tắt lịm ngọn lửa ngôn sứ mà toàn thể Giáo Hội được kêu gọi làm chứng tá trong tâm hồn dân Chúa..”.

ĐTC đặc biệt đề cao ”việc mục vụ bình dân”, cũng gọi là lòng đạo đức bình dân. Trong tông huấn ”Loan báo Tin Mừng” (Evangelii nuntiandi), ĐGH Phaolô 6 nhận xét rằng: ”Lòng đạo đức bình dân chắc chắn có những giới hạn. Nó thường bị nhiều hình thức tôn giáo lệch lạc xâm nhập, nhưng nếu được hướng dẫn đúng đắn, nhất là qua khoa sư phạm về việc loan báo Tin Mừng, thì lòng đạo đức bình dân rất phong phú về giá trị. Nó biểu lộ một lòng khao khát Thiên Chúa mà chỉ có những người đơn sơ và người nghèo mới có thể nhận biết được, làm cho họ có khả năng quảng đại và hy sinh đến mức độ anh hùng..”.

Sau cùng ĐTC kêu gọi các vị Chủ Chăn của Giáo Hội ở Mỹ châu la tinh hãy khuyến khích, đồng hành và cổ võ những sáng kiến và các nỗ lực của giáo dân dấn thân trong đời sống công cộng, nhắm duy trì niềm hy vọng và đức tin sinh động trong một thế giới đầy mâu thuẫn, nhất là cho những người nghèo nhất, và với những người nghèo nhất. Điều này có nghĩa là các vị Chủ Chăn cần dấn thân giữa dân, với dân, nâng đỡ đức tin và hy vọng của họ” (SD 26-4-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

Xe Fiat 500L Đức Giáo Hoàng đã dùng bán được 300,000 Mỹ kim

Xe Fiat 500L Đức Giáo Hoàng đã dùng bán được 300,000 Mỹ kim

Xe Fiat 500L Đức Giáo Hoàng

NEW YORK. Chiếc xe con hiệu Fiat 500L ĐTC Phanxicô đã dùng trong cuộc viếng thăm ở New York, Hoa Kỳ hồi tháng 9 năm ngoái, đã được bán đấu giá với 300 ngàn Mỹ kim (265,000 Euro).

Xe này bình thường trị giá 24,695 Mỹ kim (khoảng 22 ngàn Euro).

Việc bán đấu giá này để giúp người nghèo và do mạng Charitybuzz.com tổ chức trực tuyến với sự cộng tác của tổng giáo phận New York. Hạn chót để trả giá là vào lúc 9 giờ tối ngày 31-3-2016 giờ địa phương.

 ĐHY Timothy Dolan, TGM New York, sẽ gặp người thắng cuộc bán đấu giá và làm phép chiếc xe này. Số tiền thu được sẽ được dùng để hỗ trợ các trường Công Giáo, các Hội bác ái Công Giáo, Cơ quan cứu trợ Công Giáo Hoa Kỳ và Hội Công Giáo hỗ trợ miền Trung Đông.

Tổ chức Charitybuzz.com là cơ quan đầu tiên chuyên tổ chức bán đấu giá làm việc nghĩa. 80% lợi tức thu được được dùng để hỗ trợ các dự án từ thiện trên thế giới. Cho đến nay tổ chức này đã quyên được hơn 165 ngàn mỹ kim cho chính nghĩa bác ái.

Trong cuộc bán đấu giá chiếc xe Fiat tương tự ĐTC đã dùng khi viếng thăm thành phố Philadelhia, giá cao nhất đạt được là 82 ngàn mỹ kim (73,000 Euro) (KNA 1-4-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Thiên Chúa chiến thắng bằng sự khiêm nhường

Thiên Chúa chiến thắng bằng sự khiêm nhường

Thánh lễ tại nguyện đường thánh Martha, sáng thứ 6 ngày 05 tháng 02-2016

VATICAN. “Đường lối của Thiên Chúa không giống với đường lối phàm nhân. Thiên Chúa chiến thắng với sự khiêm nhường mà Gioan Tẩy Giả là một chằng chứng sống động.” Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ sáu, 05 tháng 02, tại nguyện đường thánh Martha.

Gioan là một người vĩ đại, công chính và thánh thiện, đã dành cả đời mình để dọn đường cho Đấng Mesia. Nhưng cuối cùng, ông lại bị bắt giam và chém đầu trong ngục tối. Ông bị kết án tử bởi lòng thù hận của một bà hoàng hậu và sự hèn nhát của một ông vua bù nhìn.

Vị tiên tri cuối cùng

“Cái chết của Gioan Tẩy Giả trước mặt người đời là một sự thất bại nhưng với Thiên Chúa lại là một chiến thắng. Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy giả. Nói như thế chính là phong thánh cho Gioan. Nhưng công thức phong thánh này không được tuyên bố bởi Đức Giáo Hoàng, nhưng bởi chính Đức Giêsu. Gioan là người cao trọng nhất trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ và cũng là một vị thánh cao trọng nhất, vì được chính miệng Đức Giêsu phong thánh. Nhưng kết cục cuộc đời của Gioan lại ở chốn lao tù và bị chém đầu. Câu cuối cùng Kinh Thánh nhắc đến ông là: ‘Nghe tin ấy môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.’ Người cao trọng nhất trong số phàm nhân lọt lòng mẹ đã kết thúc cuộc đời như thế đấy. Đó là kết cục của một tiên tri vĩ đại, cũng là vị tiên tri cuối cùng và duy nhất được cho nhìn thấy niềm hy vọng của Ít-ra-en.”

Nỗi khổ của người lớn nhất

Với những gì mà tin mừng mô tả, Đức Thánh Cha tiếp tục đi sâu vào hoàn cảnh của Gioan trong những ngày cuối đời. Đức Thánh Cha muốn hiện diện cùng với Gioan trong nhà tù hôm ấy, nhìn ngắm ông, một người xem mình chỉ là tiếng hô trong hoang địa và đã làm phép rửa cho biết bao đoàn lũ dân chúng nhân danh Đấng phải đến. Nhưng giờ đây, ông không chỉ bị nhốt trong phòng giam sau những song sắt mà còn bị dằn vặt bởi những hoài nghi, bởi những điều không chắc chắn về chính Đấng mà ông đã dọn đường. Đức Thánh Cha nói:

“Gioan có thể nghĩ rằng: ‘Phải chăng tôi đã lầm? Đức Giêsu có thật là Đấng Mesia không? Sao Ngài chẳng giống với hình dung của tôi?’ Chính khi bị nỗi nghi ngờ dày vò, Gioan mới sai các môn đệ đến hỏi Đức Giêsu: ‘Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác? Phải chăng tôi đã lầm khi rao giảng về một người không phải là Đấng Mesia? Vậy là tôi đã đánh lừa dân chúng sao?’ Đây là nỗi đau khổ, là sự cô độc nội tâm nơi con người của Gioan Tẩy Giả.

Khiêm nhường cho đến cùng

‘Tôi phải nhỏ bé đi.’ Đó là lối sống của Gioan. Một tiên tri vĩ đại nhưng chẳng bao giờ tìm kiếm vinh quang cho mình mà chỉ một lòng tìm vinh danh Thiên Chúa. Cuộc đời của Gioan cũng kết thúc rất âm thầm, lặng lẽ. Nhưng chính thái độ khiêm nhường này đã dọn đường cho Đức Giêsu, vì Đức Giêsu cũng chết trong đau khổ, cô đơn, bị các môn đệ bỏ rơi.

Sẽ rất hữu ích nếu chúng ta có thời gian đọc toàn bộ đoạn Tin Mừng hôm nay, Tin Mừng theo thánh Mác-cô, chương 6. Hãy đọc đoạn Tin Mừng ấy để thấy Thiên Chúa đã chiến thắng như thế nào: đường lối của Thiên Chúa thì khác xa đường lối phàm nhân. Chúng ta hãy nài xin Chúa ơn khiêm nhường như thánh Gioan đã có và đừng khoác lên người những vinh quang, danh dự mà đáng lẽ ra phải thuộc về người khác. Trên hết, hãy xin ơn để trong cuộc đời của chúng ta, luôn có chỗ để Đức Kitô không ngừng lớn lên, còn chúng ta phải nhỏ bé đi, nhỏ bé cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời.

Vũ Đức Anh Phương, SJ

Lớp Sáu (2015-2016): Bài Học 03

Lớp Sáu (2015-2016): Bài Học 03

Hai Bài Quốc Ca

 

Quốc ca là một loại nhạc nhằm khơi dậy lòng yêu nước, đề cao truyền thống văn hóa hay nhắc lại những sự kiện vẻ vang trong lịch sử của một dân tộc.  Một bài quốc ca thông thường được chính phủ của một quốc gia công nhận hoặc được sự ủng hộ của tuyệt đại đa số công chúng không thông qua chính quyền.  Phần nhạc trong quốc ca thường thích hợp để duyệt binh hoặc có phong cách của Thánh Ca vớt nét uy nghi và trang trọng.

Slide11

          Bản Quốc Ca Hoa Kỳ “The Star-Spangled Banner” (Tấm Phướn Lấp Lánh Sao) được phổ từ bài “Defence of Fort M’Henry” (Bảo Vệ Đồn M’Henry) ra đời năm 1814 của nhà thơ Francis Scott Key.  Bài thơ này phản ánh sự hào hùng của nhân dân Hoa Kỳ khi chống lại người Anh đã tấn công đồn M’Henry vào năm 1812.  Tuy thế, bài Quốc Ca lại lấy nhạc nền từ bản “To Anacreon in Heaven” của tác giả người Anh – John Stafford.

Slide12

          Bản Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa còn được gọi là “Tiếng Gọi Công Dân” được Đài Phát Thanh Sài Gòn chuyển lời từ “Tiếng Gọi Sinh Viên” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sáng tác vào cuối Thập Niên 30.  “Tiếng Gọi Công Dân” là Quốc Ca chính thức của Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1956 cho đến 1975.  Sau 1975, “Tiếng Gọi Công Dân” lưu lạc theo những người tị nạn Việt Nam đến nhiều nơi trên Thế Giới.  Mặc dù bản nhạc không còn là một Quốc Ca nhưng lại là bài hát mang tính biểu tượng đặc trưng cho vài triệu người gốc Việt yêu chuộng cuộc sống tự do.  Họ là những người tuy sinh sống bên ngoài Việt Nam nhưng tâm hồn vẫn luôn tưởng nhớ tới mảnh đất mẹ xa xôi và vẫn giữ phong cách riêng qua ngôn ngữ và văn hóa.  Thực vậy, tuy “Tiếng Gọi Công Dân” và Lá Quốc Kỳ không còn thuộc một quốc gia nào, nhưng khi được cất lên và dương cao là người ta biết ngay chúng tượng trưng cho những ai – tức Người Việt Tự Do.

Slide26

ĐHY WILLIAM WAKEFIELD BAUM QUA ĐỜI

ĐHY WILLIAM WAKEFIELD BAUM QUA ĐỜI

ĐHY William Wakefield

WASHINGTON: ĐHY William Wakefield Baum, nguyên TGM Washington đã qua đời ngày 23 tháng 7 vừa qua thọ 89 tuổi.

ĐHY William Baum sinh năm 1926 tại Dallas, thụ phong Linh Mục năm 1951, du học Roma trong các năm 1956-1958, được Đức Phaolo VI chỉ định làm Giám Mục Springfield-Cape Girarrdeau năm 1970. Năm 1973 ngài được chỉ định làm TGM Washington, kiêm chủ tịch Ủy ban đại kết của HHDGM Hoa Kỳ và giữ chức vụ này cho tới năm 1980.

Đức Gioan Phaolô II đã triệu ngài về Roma làm Tổng trưởng Bộ giáo dục công giáo từ năm 1980 cho tới năm 1990, khi được chỉ định làm Chánh án tòa Ân giải tối cao của Toà Thánh, rồi về hưu năm 2001.

Với sự qua đi của ĐHY William Baum, Hồng Y đoàn còn lại 220 vị, trong đó có 120 vị có quyền bầu Giáo Hoàng (SD 24-7-2015)

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha bắt đầu viếng thăm Paraguay

Đức Thánh Cha bắt đầu viếng thăm Paraguay

ĐTC thăm Paraguay

ASUNCIÓN. Lúc 3 giờ chiều ngày 10-7-2015, ĐTC Phanxicô đã bắt đầu chương trình viếng thăm tại Paraguay, chặng thứ 3 và là chặng chót trong chuyến viếng thăm mục vụ dài 8 ngày của ngài tại 3 nước Nam Mỹ: Ecuador, Bolivia và Paraguay.

Paraguay rộng 406 ngàn cây số vuông, nhưng dân số chỉ có 6 triệu 700 ngàn người, trong đó tỷ lệ Công Giáo lên tới 93,2%, gồm 6 triệu 320 ngàn người Công Giáo, thuộc 15 giáo phận, nhưng chỉ có 372 giáo xứ và 1.450 trung tâm mục vụ khác.

Paraguay có 23 GM và 800 LM, trong đó quá một nửa là các linh mục dòng, gồm 416 vị. Ngoài ra có gần 1.500 nữ tu và 207 tu huynh. Bình quân tại nước này cứ 7.860 giáo dân Công Giáo thì mới có 1 LM, tỷ lệ quá cao. Tại Paraguay, Giáo Hội đảm trách 19 trường cao đẳng và đại học, 665 trường học các cấp.

Paraguay đã phải trải qua cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong lịch sử Mỹ châu la tinh, từ năm 1865 đến 1870: 3 nước Argentina, Brazil và Uruguay đã liên minh với nhau, và với 200 ngàn quân, họ đánh 150 ngàn quân Paraguay, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, làm cho 300 ngàn người Paraguay thiệt mạng, cả binh sĩ lẫn thường dân. Phía liên minh có khoảng 100 ngàn người chết. Lãnh thổ của Paraguay bị 3 nước chiếm phần lớn, trong đó có 140 ngàn cây số vuông dành cho Argentina và Brazil.

Sau 2 giờ bay, vượt qua hơn 1 ngàn cây số, ĐTC đến phi trường thủ đô Asunción vào lúc 3 giờ chiều giờ địa phương. Trời mưa rào giống như khi Đức Gioan Phaolô 2 đến đây 27 năm về trước.

Đón tiếp

Tại Phi trường Silviio Pettirossi, trước sự hiện diện của Tổng thống Horacio Cartes, các quan chức chính quyền và các GM, ĐTC đã được đón tiếp nồng nhiệt với các vũ điệu, ca đoàn thiếu niên ”Los Nazarenos” và hoạt cảnh với sự hiện diện của các diễn viên diễn tả thánh Roco Gonzalez tử đạo tại Paraguay, Chúa Giêsu và Mẹ Maria (Đức Mẹ Caacupé), giống như các tượng được rước đi trong các ngày lễ.

ĐTC và mọi người cũng xem lại đoạn phim 2 phút chiếu cảnh đón tiếp thánh Gioan Phaolô 2 Giáo Hoàng dưới trời mưa, rồi ngài rảy nước thánh làm phép bia kỷ niệm cuộc viếng thăm của thánh nhân tại Paraguay từ ngày 16 đến 18-5 năm 1988. Hồi đó nước này còn ở dưới chế độ độc tài của tướng Alfredo Stroessner, cai trị Paraguay trong 35 năm (1954-1989). Trong cuộc viếng thăm bấy giờ, Đức Gioan Phaolô 2 nói rằng: Giáo hội không thể bị đóng khung trong các nơi thờ phượng, và Giáo Hội dấn thân thăng tiến tự do và sự liêm chính trong các lãnh vực công cộng và riêng tư, bảo vệ sự sống, bênh vực các dân quyền. Ngài nói thẳng rằng: ”Tôn trọng nhân quyền không phải là một vấn đề chính trị tùy tiện, nhưng đúng hơn, đó là điều xuất phát từ phẩm giá con người, trong tư cách là một thụ tạo của Thiên Chúa được kêu gọi tiến về một vận mạng siêu việt”.

Một năm sau cuộc viếng thăm ấy, tướng Stroessner đã bị lật đổ trong cuộc đảo chánh và Paraguay dần dần tiến sang chế độ dân chủ.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio