ĐTC Phanxicô: Đừng tục hóa lễ Giáng sinh; sống những bất ngờ từ Thiên Chúa

ĐTC Phanxicô: Đừng tục hóa lễ Giáng sinh; sống những bất ngờ từ Thiên Chúa

Chỉ còn 6 ngày nữa là đến lễ Giáng sinh. Vì thế, trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 19/12, ĐTC Phanxicô đã trình bày về những điều ngạc nhiên trong lễ Giáng sinh đầu tiên và mời gọi các tín hữu đừng hiểu sai về cách mừng lễ Giáng sinh, đừng tục hóa lễ Giáng sinh nhưng hãy tự hỏi xem Chúa Giêsu thích chúng ta mừng lễ Giáng sinh như thế nào.

ĐTC bắt đầu bài giáo lý với nhận xét rằng: Các cây thông, những đồ trang trí, đèn điện ở khắp mọi nơi nhắc rằng Giáng sinh năm nay cũng là một ngày lễ hội. Chiếc máy quảng cáo mời người ta trao đổi những món quà mới lạ để tạo cho nhau sự ngạc nhiên. Nhưng đây có phải là ngày lễ mà Thiên Chúa yêu thích không? Đâu là lễ Giáng Sinh mà Chúa mong muốn? Những món quà nào, những ngạc nhiên nào mà Thiên Chúa đang chờ đợi?

Giáng sinh đầu tiên trong lịch sử đầy những điều ngạc nhiên

 

Chúng ta hãy quan sát ngày Giáng sinh đầu tiên trong lịch sử để khám phá điều Chúa yêu thích. Lễ Giáng sinh đầu tiên trong lịch sử đầy những điều ngạc nhiên. Bắt đầu từ Mẹ Maria, vị hôn thê của thánh Giuse: thiên thần hiện ra với Mẹ và thay đổi cuộc đời của Mẹ. Từ một trinh nữ Mẹ sẽ trở thành bà mẹ.

Rồi đến lượt thánh Giuse, được gọi làm cha của đứa con mà ngài không sinh ra. Cao trào của câu chuyện là khi đứa con xuất hiện vào thời điểm không được chờ đợi nhất, là khi Mẹ Maria và thánh Giuse đã hứa hôn và theo Luật Do thái họ chưa thể chung sống. Trước xì căng đan đó, nếu theo cách xử thế khôn ngoan của thời đó, thánh Giuse nên ruồng bỏ Mẹ Maria để cứu lấy danh dự tốt đẹp của ngài; nhưng dù có quyền đó, thánh nhân làm mọi người ngạc nhiên: để không làm tổn hại đến Mẹ Maria, thánh nhân nghĩ đến việc rời bỏ Mẹ cách kín đáo, dù có khi phải trả giá cho việc làm này là chính thanh danh của ngài.

Rồi lại một điều ngạc nhiên khác nữa: Trong giấc mơ, Thiên Chúa đã thay đổi kế hoạch của thánh Giuse và yêu cầu thánh nhân đón nhận Mẹ Maria về với mình. Khi Chúa Giêsu đã chào đời, khi mà thánh Giuse đã có những kế hoạch cho gia đình thì trong giấc mơ, ngài được Chúa bảo hãy trỗi dậy và đi sang Ai cập. Tóm lại, Giáng sinh đem đến những thay đổi bất ngờ cho cuộc sống. Và nếu chúng ta muốn sống lễ Giáng sinh, chúng ta phải chuẩn bị tâm hồn mình sẵn sàng trước những ngạc nhiên, nghĩa là sẵn sàng cho một sự thay đổi đời sống cách bất ngờ.

Chúa Giêsu sinh tại Belem là ngạc nhiên lớn nhất

Nhưng chính trong đêm Giáng sinh, bất ngờ lớn nhất xảy đến. Đấng Tối Cao là một hài nhi bé nhỏ. Ngôi Lời trở thành một trẻ sơ sinh, theo nghĩa đen là “không nói được. Không có các vị lãnh đạo chính quyền thời đó  hay các vị đại sứ, đón tiếp Đấng Cứu Thế mà chỉ có các mục đồng đơn sơ, những người đang làm việc trong đêm tối và bị bất ngờ bởi lời loan báo của các thiên thần, nhưng không chậm trễ chờ đợi, họ đã chạy đi gặp Người. Ai mà chờ đợi điều đó xảy ra? Giáng sinh là việc cử hành điều chưa bao giờ xảy ra của Thiên Chúa, hay nói cách hay hơn, là cử hành một Thiên Chúa chưa từng được biết như thế, là điều đảo lộn các lý luận và chờ đợi của chúng ta.

Giáng sinh khai mở một kỷ nguyên mới

Do đó, cử hành lễ Giáng sinh là đón nhận những điều ngạc nhiên từ Trời cao đến trên trái đất này. Chúng ta không thể sống “những điều của thế giới này trên trái đất này”, khi mà Trời cao đã mang đến thế gian những điều mới mẻ. Giáng sinh khai mở một kỷ nguyên mới, nơi mà cuộc sống không theo những lập trình cứng ngắc nhưng là trao tặng; nơi người ta không sống vì mình, theo những sở thích riêng của mình, nhưng sống cho Chúa; và với Thiên Chúa, bởi vì Giáng sinh của Thiên Chúa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Đấng sống cùng chúng ta, bước đi cùng chúng ta.

Để mình được những điều ngạc nhiên đánh động

Sống biến cố Giáng sinh là để cho mình được những điều mới mẻ ngạc nhiên đánh động. Giáng sinh của Chúa Giêsu không mang lại hơi ấm bảo vệ của lò sưởi nhưng là một sự rùng mình thiêng liêng làm rung chuyển lịch sử. Giáng sinh là chiến thắng của sự khiêm nhường trước sự kiêu ngạo, của sự đơn giản trước sự giàu sang, của thinh lặng trước ồn ào, của cầu nguyện về "thời gian của tôi", của Thiên Chúa trên “cái tôi” của tôi.

Cử hành Giáng sinh như Chúa Giêsu, Mẹ Maria, thánh Giuse, các mục đồng

Như thế, chúng ta phải cử hành lễ Giáng sinh thế nào cho thích hợp? ĐTC giải thích: Cử hành lễ Giáng sinh là cử hành với Chúa Giêsu, Đấng đã trở nên nghèo khó vì chúng ta và Người xuống thế với những ai cần đến chúng ta. Đó là cử hành như Mẹ Maria: tín thác, vâng phục Thiên Chúa, ngay cả khi không hiểu điều mà Thiên Chúa sẽ làm. Đó là cử hành như thánh Giuse: đứng dậy thi hành điều Thiên Chúa muốn, ngay cả khi nó không theo các kế hoạch của chúng ta. Thánh Giuse ngạc nhiên: trong Tin mừng thánh Giuse không bao giờ nói điều gì, không có lời nào của thánh Giuse được thuật lại trong Tin mừng; và Thiên Chúa nói với ngài trong sự thinh lặng, ngay trong giấc mơ. Giáng sinh là chọn lựa tiếng nói âm thầm của Thiên Chúa hơn là sự ồn ào huyên náo của chủ nghĩa tiêu thụ. Nếu chúng ta biết ở bên hang đá trong thinh lặng, Giáng sinh cũng sẽ là một sự ngạc nhiên đối với chúng ta, chứ không phải là một điều đã nhìn thấy, đã xưa rồi. Thinh lặng trước hang đá: đây là lời mời gọi cho lễ Giáng sinh. Bạn hãy dành chút thời gian, đến trước hang đá và thinh lặng. Bạn sẽ cảm thấy, sẽ nhìn thấy điều ngạc nhiên.

Đừng tục hóa lễ Giáng sinh

ĐTC nhận xét rằng: Tuy nhiên, thật không may, người ta có thể nhầm lẫn về ngày lễ và yêu thích những điều bình thường của thế gian hơn là những điều mới mẻ từ Trời. Nếu Giáng sinh vẫn chỉ là một ngày lễ truyền thống đẹp đẽ, nơi mà chúng ta là trung tâm chứ không phải là Thiên Chúa, thì nó sẽ chỉ là một cơ hội bị đánh mất. Xin anh chị em đừng tục hóa lễ Giáng sinh! Chúng ta đừng bỏ qua việc mừng lễ, như ngày xưa đó, khi “Người đến giữa dân Người và họ đã không đón tiếp Người” (Ga 1,11). Ngay từ đầu Tin mừng của mùa Vọng, Chúa đã cảnh giác chúng ta, khi yêu cầu chúng ta đừng để cho mình trở nên nặng nề vì chè chén say sưa và lo lắng sự đời (LC 21,24). Trong những ngày này, người ta vội vàng như thể chưa bao giờ trong suốt năm. Nhưng mà như thế là người ta làm trái ngược lại điều Chúa Giếu mong muốn. Chúng ta đổ lỗi cho nhiều thứ phải làm trong ngày, cho thế gian này qua mau quá. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã không đổ lỗi cho thế gian, Người yêu cầu chúng ta đừng để mình bị lôi kéo, nhưng tỉnh thức cầu nguyện trong mọi lúc.

Sẽ là lễ Giáng sinh, nếu…

ĐTC nhắc nhở các tín hữu: Sẽ là lễ Giáng sinh nếu, như thánh Giuse, chúng ta dành chỗ cho thinh lặng; nếu, như Mẹ Maria, chúng ta thưa với Chúa “này con đây”; nếu, như Chúa Giêsu, chúng ta sẽ ở gần bên những người cô đơn; nếu, như các mục đồng, chúng ta sẽ đi ra khỏi những tường rào cản trở chúng ta để ở với Chúa Giêsu. Sẽ là lễ Giáng sinh nếu chúng ta tìm thấy ánh sáng nơi hang đá đơn hèn ở Bêlem. Nó sẽ không phải là lễ Giáng sinh nếu chúng ta tìm những ánh sáng lung linh của thế giới, nếu chúng ta chỉ chất đầy quà cáp, những bữa ăn tiệc tùng mà không giúp đỡ ít nhất là một người nghèo, giống như Thiên Chúa, bởi vì vào đêm Giáng sinh Thiên Chúa đã trở nên nghèo khó.

Hãy để Chúa Giêsu làm chúng ta ngạc nhiên

Cuối cùng, ĐTC chúc mừng Giáng sinh đến các tín hữu, ngài nói: “Anh chị em quý mến, tôi chúc mừng Giáng sinh đến anh chị em, một Giáng sinh đầy những bất ngờ của Chúa Giêsu! Có thể nó có vẻ là những bất ngờ không như ý nhưng là điều Thiên Chúa yêu thích. Nếu chúng ta đón nhận những bất ngờ đó thì chính chúng ta sẽ làm cho mình trở thành một bất ngờ tuyệt vời. Mỗi người trong chúng ta dấu ẩn trong lòng mình khả năng biết ngạc nhiên. Trong Giáng sinh này, chúng ta hãy để cho Chúa Giêsu làm cho chúng ta ngạc nhiên.

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha dâng hoa kính Đức Mẹ trong Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm

Đức Thánh Cha dâng hoa kính Đức Mẹ trong Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm

Chiều hôm qua, lúc 3 giờ rưỡi, ĐTC đã đến Đền Thờ Đức Bà Cả, dâng hoa kính Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân Roma, trước khi đến Tượng đài Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Quảng trường Tây Ban Nha, trước trụ sở Bộ truyền giáo được Đức Chân phước Giáo Hoàng Piô 9 khánh thành ngày 8-9 năm 1857, tức là 3 năm sau khi tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Cột cao 11,81 mét trên đó có tượng Đức Mẹ đầu đội triều thiên 12 ngôi sao.

 ** Tại Quảng trường Tây Ban Nha, ĐTC đã được Đức TGM De Donatis, Giám quản Roma và Bà thị trưởng Virginia Raggi đón tiếp.

 Tại đây có sự hiện diện của hàng chục anh chị em bệnh nhân ngồi trên xe lăn, do tổ chức từ thiện Unitalsi giúp đưa tới đây, cùng với hàng ngàn tín hữu.

 Trước đài Đức Mẹ, ĐTC đã đặt vòng hoa tôn kính Mẹ Thiên Chúa và đọc lời nguyện dâng lên Đức Mẹ, cầu cho dân thành Roma và các nơi trên thế giới.

LỜI CẦU NGUYỆN VỚI MẸ MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

Lạy Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội,
trong ngày lễ hết sức thân thiết với đoàn dân Kitô,
Giữa lòng Roma con đến dâng lên Mẹ lòng thành kính.
Nơi tấm lòng mình, con mang theo đoàn tín hữu của Giáo Hội
và tất cả mọi người sống trong thành phố này, đặc biệt những người ố đau ốm
và những ai đang khó nhọc tiến bước trong những hoàn cảnh khác nhau.

Trước hết, chúng con cảm tạ Mẹ
vì sự đồng hành ân cần mẫu tử của Mẹ trên mỗi bước đường chúng con đi:
Bao lần chúng con được nghe kể trong nước mắt
từ nhiều người đã nghiệm thấy lời Mẹ chuyển cầu và
những hồng ân mà Mẹ đã xin cho chúng con với Chúa Giêsu Con Mẹ!
Con cũng nghĩ về một ơn thường hằng Mẹ đã làm cho những con dân Roma:
đó là đối diện với những điều khó chịu trong cuộc sống thường nhật bằng sự kiên nhẫn.

Vì đó, chúng con cầu xin Mẹ sức mạnh để không lùi bước,
nhưng dấn thân mỗi ngày để làm cho mọi sự tốt hơn trong khả năng của mình,
để Roma trở nên đẹp hơn và đáng sống cho tất cả mọi người
nhờ sự dấn thân từng ngày của mỗi người;
để đảm bảo quyền lợi của mọi người
nhờ việc chu toàn bổn phận của mỗi người.
Khi nghĩ về ích chung của thành phố này,
chúng con cầu xin Mẹ cho những ai đang gánh vác những trách nhiệm lớn lao:
có được ơn khôn ngoan, ơn lo liệu, tinh thần phục vụ và cộng tác.

Lạy Thánh Mẫu Đồng Trinh,
Cách đặc biệt, con dâng lên Mẹ các linh mục của giáo phận này:
cho những cha sở, cha phó, những linh mục già yếu
tiếp tục công việc phục vụ dân Chúa với con tim mục tử.
Con cũng cầu nguyện cho nhiều học viên linh mục
đến từ khắp thế giới hiện đang cộng tác tại các giáo xứ.
Con cầu nguyện cho họ có được niềm vui ngọt ngào trong việc loan báo Tin Mừng
và hồng ân là những người cha đầy lòng thương xót, biết gần gũi với dân chúng.

Lạy Đức Mẹ của những người nữ được thánh hiến cho Thiên Chúa,
con dâng lên Mẹ những nữ tu trong các hội dòng và các tu hội đời,
tạ ơn Thiên Chúa vì họ hiện diện tại Roma nhiều hơn bất kỳ thành phố nào trên thế giới,
để làm nên một bức tranh tuyệt đẹp về các dân tộc và văn hoá.
Con cầu nguyện cho họ có được niềm vui là những hiền thê và hiền mẫu như mẹ,
để sinh nhiều hoa trái trong cầu nguyện, trong đức ái và cảm thông.

Lạy Mẹ Chúa Giêsu
Điều cuối cùng con cầu xin Mẹ trong thời gian Mùa Vọng này,
khi nghĩ về những ngày mà Mẹ và thánh Giuse phải âu lo
về ngày sinh của con trẻ đang gần kề,
âu lo vì việc kiểm tra dân số và các ngài đã phải rời bỏ quê hương Nagiarét để đến Bêlem…
Mẹ hiểu thế nào là mang trong mình mầm sống
mà lại cảm thấy bị những người xung quanh từ chối, dửng dưng và coi thường.
Vì thế, con cầu xin Mẹ gần gũi những gia đình
ở Roma, ở Ý và mọi nơi trên thế giới
mà ngày nay đang sống trong những hoàn cảnh tương tự
để họ không bị bỏ rơi đơn độc, nhưng được bảo vệ trong các quyền của họ,
và quyền con người luôn có trước mọi cơ sơ pháp lý.

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm,
là tia hy vọng của toàn thể nhân loại,
xin trông giữ thành phố này
trong các ngôi nhà, trong trường học, nơi làm việc, ngoài cửa hàng,
trong các nhà máy, các bệnh viện, các nhà tù
để không nơi nào thiếu điều quý giá nhất
mà Roma có và giữ cho toàn thế giới,
là điều Chúa Giêsu trăn trối:
“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" (x. Ga 13,34).

Amen.

Trên đường từ Quảng trường Tây Ban Nha về Vatican, ĐTC đã dừng lại tại trụ sở của nhật báo Il Messaggero, Người Sứ Giả, tại đường Tritone, để chào tham ban giám đốc và các ký giả và nhân viên của báo này. Năm nay, báo Il Messaggero kỷ niệm 140 năm thành lập. Báo có số ấn hành gần 90 ngàn tờ trên giấy và gần 11 ngàn ở dạng kỹ thuật số

(SD 8-12-2018)

Văn Yên, SJ – Vatican

ĐGH tiếp Đại Hội quốc tế kỳ 3 các ca đoàn Công Giáo

ĐGH tiếp Đại Hội quốc tế kỳ 3 các ca đoàn Công Giáo

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 24-11-2018 dành cho 7 ngàn tham dự viên Đại hội quốc tế kỳ 3 các ca đoàn Công Giáo, kết thúc vào chúa nhật hôm nay, 25-11-2018 sau 3 ngày tiến hành ở Roma.

Trong bài huấn dụ, sau khi đề cao tầm quan trọng của thánh nhạc và thánh ca trong phụng vụ, ĐTC nói: ”Âm nhạc và thánh ca của anh chị em là một dụng cụ đích thực để loan báo Tin Mừng, theo mức độ anh chị em trở thành những chứng nhân về chiều sâu của Lời Chúa, đánh động tâm hồn con người, và anh chị em giúp cho việc cử hành các bí tích, nhất là Thánh Lễ, làm cho tín hữu cảm nghiệm được vẻ đẹp của Thiên Đàng. Anh chị em đừng bao giờ ngừng lại trong sự dấn thân quan trọng như thế đối với đời sống của các cộng đoàn chúng ta”.. 

Đừng phô trương cá nhân

ĐTC cũng cảnh giác các ca viên ”đừng rơi vào cám dỗ muốn trở thành những người nắm vai chính, tỏ ra mình là quan trọng, mà làm sự dấn thân của anh chị em bị lu mờ và làm giảm bớt sự tham gia tích cực của dân chúng vào việc cầu nguyện. Anh chị em hãy trở thành những người linh hoạt thánh ca của toàn thể cộng đoàn và đừng thay thế họ, khiến cho dân Chúa không được hát với anh chị em và làm chứng về một kinh nguyện của Giáo Hội và cộng đoàn”.

Đừng giảm bớt các hình thức lòng đạo đức bình dân

Sau cùng, ĐTC cũng nhắc nhở các ca viên đừng làm giảm giá trị của những hình thức khác biểu lộ lòng đạo đức bình dân, như các lễ bổn mạng, các cuộc rước, các điệu vũ và các bài ca đạo của dân chúng, vì đó cũng là một gia sản lòng đạo đức đích thực cần được đề cao giá trị và nâng đỡ, vì đó cũng là một hành động của Chúa Thánh Linh trong tâm hồn Giáo Hội”.

Chương trình kế tiếp của Đại hội

Ban chiều cùng ngày 24-11-2018, từ lúc 6 giờ, có buổi hòa nhạc của các ca đoàn để kính thánh nữ Cecilia. Trên sân khấu sẽ có hơn 600 ca viên và 70 nhạc công, họ sẽ ca hát vùng với hơn 8 ngàn ca viên khác trong đại thính đường.

Sáng chúa nhật 25-11, lúc 10 giờ, Đức TGM Rino Fisichella, sẽ chủ sự thánh lễ với phần thánh ca do các viên đảm trách. (Rei 24-11-2018)

Giuse Trần Đức Anh, OP

ĐTC Phanxicô: Giới luật giúp nhận ra mình cần được cứu độ và mở lòng ra với Chúa

ĐTC Phanxicô: Giới luật giúp nhận ra mình cần được cứu độ và mở lòng ra với Chúa

Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 21/11, ĐTC Phanxicô đã giải thích về các lệnh truyền cuối cùng trong Mười Giới răn: chớ muốn vợ chồng người và chớ tham của người. Ngài nhấn mạnh rằng những lời cuối cùng của Mười Điều răn không chỉ là những lời kết thúc bản văn nhưng nó hoàn tất cuộc hành trình xuyên suốt Mười Giới răn, khi đi đến trọng tâm của tất cả những gì Mười Giới răn dạy chúng ta. Hai lệnh truyền cuối cùng này không phải là một nội dung mới được thêm vào, vì các chỉ dẫn “chớ muốn vợ chồng người và chớ tham của người” đã tiềm ẩn trong các giới răn chớ ngoại tình và chớ trộm cắp.

Gốc rễ của tội lỗi là các ham muốn xấu

 

ĐTC giải thích ý nghĩa của hai giới răn này, ngài nói: tất cả các lệnh truyền đều nhắm chỉ ra ranh giới của cuộc sống, giới hạn mà nếu vượt qua nó thì con người hủy hoại chính mình và tha nhân của mình, làm hư hoại mối quan hệ của mình với Thiên Chúa. Những lời cuối cùng của Mười Giới răn nhấn mạnh rằng mọi sự vi phạmđều phát sinh từ một gốc rễ chung là “các mong muốn gian ác.”

Theo ĐTC, mọi tội lỗi xuất phát từ ham muốn xấu. Ham muốn đó lay động trái tim con người và người ta bị cuốn vào cơn sóng đó và vi phạm giới luật. Nó không phải là một vi phạm bình thường mà là vi phạm luật pháp: khi vi phạm giới luật, người ta làm thương tổn chính mình và người khác.

Cần giải phóng con tim khỏi những điều gian ác xấu xa

ĐTC nhắc rằng trong Tin mừng, Chúa Giêsu đã nói rõ rằng: “Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7,21-23).

Do đó chúng ta hiểu rằng tất cả hành trình của Mười Giới răn sẽ không có ích lợi gì nếu không đạt đến mức độ trái tim con người. Mười Giới răn nói một cách rõ ràng và sâu sắc về điểm này: điểm đến của hành trình là trái tim con người. Nếu trái tim không được tự do thì những điều khác không giúp được gì. Đây là một thách đố: Giải phóng con tim khỏi những điều gian ác xấu xa. Những giới luật của Chúa có thể bị giảm nhẹ đến mức chỉ còn là bề mặt đẹp đẽ của một cuộc sống mà thật ra chỉ còn là nô lệ chứ không phải là con cái. Đàng sau chiếc mặt nạ giả hình của sự đúng đắn làm cho người ta ngộp thở thường có che đậy điều gì đó xấu xa và không được giải quyết.

Hai giới răn cuối giúp nhận ra sự nghèo khó thiêng liêng

ĐTC nhắc nhở chúng ta phải để cho mình được các giới răn về ước muốn này lột đi lớp mặt nạ, để  chúng có thể chỉ cho chúng ta thấy sự nghèo khó của chúng ta và dẫn chúng ta đến một sự khiêm hạ thánh thiện. Mỗi người chúng ta tự hỏi. nhưng những ao ước xấu xa nào thường xuất hiện nơi tôi? Ganh tị, tham lam, nói hành? Tất cả những điều này xuất phát từ trong lòng tôi. Con người cần sự khiêm nhường được chúc phúc này: nhờ sự khiêm hạ này con người khám phá ra rằng tự mình không thể giải phóng chính mình, mà với sự khiêm hạ này, con người kêu lên cùng Thiên Chúa để được cứu độ. Thánh Phaolô đã giải thích điều này một cách tuyệt với khi nói đến giới răn đừng ham muốn (x. Rm 7,7-24).

Để sửa mình, cần có ơn Chúa Thánh Thần

Tiếp tục bài huấn dụ, ĐTC nhấn mạnh đến ơn Chúa Thánh Thần trong việc hoán cải sửa mình vì thật là vô ích khi nghĩ rằng mình có thể tự sửa mình. Cũng thật vô ích khi nghĩ rằng mình có thể thanh tẩy con tim của mình bằng nỗ lực to lớn theo ý chí của mình. Cần cởi mở mình ra trong tương quan với Thiên Chúa, trong sự thật và trong tự do: chỉ như thế những mệt mỏi của chúng ta mới có thể sinh kết quả, bởi vì chúng ta có thể tiến bước khi có Chúa Thánh Thần.

Giới luật đưa con người đến với chân lý – nhận ra sự nghèo khó của mình

ĐTC giải thích về vai trò của các giới luật như sau: Luật lệ thánh kinh không phải để khiến cho con người ảo tưởng rằng chỉ cần vâng lời cách triệt để, từng chữ thì có thể được hưởng ơn cứu độ nhân tạo mà sẽ không thể đạt được bằng cách khác. Giới luật là để đưa con người đến với chân lý, tức là sự nghèo khó của mình, một sự nghèo khó chân thật và của cá nhân, được mở ra trước lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng biến đổi và canh tân chúng ta. Chỉ mình Thiên Chúa có thể canh tân con tim chúng ta miễn là chúng ta mở lòng ra với Người; đó là điều kiện duy nhất: Chúa làm tất cả nhưng chúng ta phải mở lòng ra với Người.

Những lời cuối cùng của Mười Giới răn dạy chúng ta nhận biết mình là những người hành khất, những kẻ ăn mày; nó giúp chúng ta đặt mình trước sự hỗn loạn của con tim mình, để thôi sống cách cá nhân ích kỷ và để trở thành những người nghèo trong tinh thần, những người nghèo thật sự bên cạnh Chúa Cha khi để cho mình được Chúa Con cứu chuộc và được Chúa Thánh Thần dạy dỗ. Chúa Thánh Thần là thầy dạy chúng ta: chúng ta hãy để cho Người giúp chúng ta. Chúng ta là những người ăn mày, chúng ta xin ơn nhận ra điều này.

Thông cảm và thương xót vì chính mình đã được xót thương

ĐTC kết thúc bài giáo lý bằng những lời trong Tám mối Phúc thật: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (MT 5,3). Đúng thế. Phúc cho những ai thôi lừa dối mình khi tin rằng mình có thể được cứu độ nhờ sự yếu đuối mà không cần lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng duy nhất có thể chữa lành. Chỉ có lòng thương xót của Thiên Chúa chữa lành được con tim. Phúc cho những ai nhận ra những ước muốn xấu của mình và với con tim thống hối và khiêm nhường, họ không đứng trước Thiên Chúa và tha nhân như những người công chính, nhưng như các tội nhân. Điều thánh Phêro thưa với Chúa Giêsu thật hay: “Xin hãy tránh xa con, lạy Chúa, vì con là người tội lỗi.” Thật là đẹp lời cầu nguyện này: “Xin hãy tránh xa con, lạy Chúa, vì con là người tội lỗi.” Đây là những người biết có sự thương cảm, lòng thương xót với người khác bởi vì chính họ đã trải nghiệm điều đó.

Cầu nguyện cho các nữ tu chiêm niệm

Trong lời chào các tín hữu hiện diện tại quảng trường, ĐTC cũng nhắc rằng hôm nay phụng vụ mừng lễ Đức Mẹ Maria dâng mình vào Đền thánh, chúng ta cử hành ngày “Vì đời sống cầu nguyện”, được dành để nhớ đến các cộng đoàn dòng tu chiêm niệm. Đây là cơ hội thuận tiện hơn lúc nào hết để tạ ơn Chúa về món quà bao nhiêu người. trong các đan viện cũng như những nơi ẩn tu, dâng mình hoàn toàn cho Thiên Chúa trong cầu nguyện, trong thinh lặng và trong sự ẩn mình. ĐTC mời gọi của toàn thể Giáo hội đừng quên yêu thương, gần gũi và trợ giúp cả về vật chất cho các cộng đoàn đan tu.

Hồng Thủy – Vatican

ĐTC tiếp Đại Hội Đồng Hội Hiệp Sĩ Thánh Mộ Jerusalem

ĐTC tiếp Đại Hội Đồng Hội Hiệp Sĩ Thánh Mộ Jerusalem

Trong buổi tiếp kiến sáng 16-11-2018, dành cho Đại Hội đồng Hội hiệp sĩ Thánh Mộ, ĐTC nhiệt liệt cám ơn và khích lệ Hội tiếp tục dấn thân trợ giúp Giáo Hội tại Thánh Địa, cũng như săn sóc giúp đỡ người nghèo.

Đại hội đồng nhóm 5 năm một lần và hiện diện tại buổi tiếp kiến có ĐHY thủ lãnh Keith Michael O'Brien, Đức TGM Pizzaballa, Giám quản tông tòa Tòa Thượng Phụ Công giáo la tinh ở Jerusalem và khoảng 130 thành viên của Hội, trong đó có hơn 30 thủ lãnh của các chi hội tại hơn 30 nước trên thế giới.

 Cám ơn các hoạt động của hội Hiệp Sĩ

 Lên tiếng trong dịp này ĐTC chúc mừng sự gia tăng các Hiệp sĩ Thánh mộ tại hơn 30 quốc gia và cám ơn Hội tiếp tục hỗ trợ các công tác mục vụ và văn hóa tại Thánh Địa, cũng như quan tâm trợ giúp những ngừơi tị nạn tại miền này. Ngoài ra Hội cũng giúp huấn luyện y tế cho tất cả những nhân viên từ thiện không phân biệt tôn giáo, qua đó Hội dọn đường cho sự nhìn nhận các giá trị Kitô, thăng tiến đối thoại liên tôn và sự tôn trọng cảm thông đối với nhau.

 Quan tậm huấn luyện cho các hội viên

 Ngoài ra, ĐTC nhắc nhở các vị hữu trách của Hội hiệp sĩ quan tâm tăng cường việc huấn luyện về tôn giáo cho các thành viên, để có có quan hệ vững chắc với Chúa Giêsu, nhất là trong kinh nguyện, suy niệm Kinh Thánh và đào sâu đạo lý của Giáo Hội. Ngài nói: ”Điều quan trọng là không nên quên rằng mục tiêu chính của Hội hiệp sĩ Thánh Mộ hệ tại sự tăng trưởng tinh thần của các thành viên. Vì thế, bất cứ sự thành công nào trong các sáng kiến của anh chị em không thể tách rời khỏi các chương trình huấn luyện thích hợp về tôn giáo cho mỗi hiệp sĩ nam nữ”.

 Bênh vực các tín hữu Kitô bị bách hại

 ĐTC không quên nhắc đến tình trạng thê thảm của các tín hữu Kitô bị bách hại và bị giết, con số ngày càng gia tăng. Ngài nói: ”Ngoài cuộc tử đạo của họ bằng máu, cũng có cuộc tử đạo ”trắng” như xảy ra tại các nước dân chủ, khi tự do tôn giáo bị giới hạn. Tôi khuyên nhủ anh chị em, cùng với sự cứu giúp vật chất cho dân chúng bị thử thách cam go, hãy thêm lời cầu nguyện, liên tục cầu xin Đức Mẹ mà anh chị em tôn kính dưới tước hiệu Đức Mẹ Palestine. Người là Mẹ ân cần và là ơn phù trợ các tín hữu Kitô, Mẹ xin được sức mạnh và an ủi trong đau khổ cho các tín hữu ấy” (Rei 16-11-2018)

 ĐTC tiếp kiến Tổng Thống Israel

VATICAN. Tòa Thánh cầu mong chính quyền Israel và các cộng đồng Công Giáo tại nước này đạt được những thỏa thuận thích đáng, đồng thời kêu gọi Israel và Palestine mở lại các cuộc thương thuyết với nhau.

Tòa Thánh bày tỏ lập trường trên đây nhân dịp lần thứ 2 ĐTC tiếp kiến tổng thống Israel, Ông Reuven Rivlin, sáng ngày 15-11 vừa qua tại Vatican.

Thông cáo của Tòa Thánh cho biết sau khi gặp ĐTC, tổng thống đã gặp ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cùng với Đức TGM ngoại trưởng Paul Gallagher.

Quan hệ ngoại giao tích cực Israel và Tòa Thánh

Trong các cuộc hội kiến thân mật, diễn ra nhân dịp sắp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Israel, hai bên nhắc đến quan hệ tích cực giữa Tòa Thánh và Israel, và về chính quyền Israel với cộng đồng Công Giáo địa phương, Tòa Thánh cầu mong hai bên đạt tới những thỏa thuận thích hợp về các vấn đề liên hệ với nhau.

Kêu gọi kiến tạo sự tín nhiệm nhau

Ngoài ra, Tòa Thánh cũng nhắc đến tầm quan trọng của việc kiến tạo sự tín nhiệm nhau hơn để mở lại các cuộc thương thuyết giữa Israel và Palestine hầu đạt tới một hiệp định tôn trọng các khát vọng hợp pháp của hai dân tộc. Tiếp đến, hai bên cũng nói về vấn đề thành Jerusalem trong chiều kích tôn giáo và nhân bản đối với người Do thái, Kitô và Hồi giáo, cũng như tầm quan trọng của việc bảo tồn căn tính và ơn gọi của Thành Hòa bình này.

Kêu gọi đối thoại giữa các tôn giáo

Sau cùng, Tòa Thánh nói về tình trạng chính trị và xã hội trong vùng, vốn chịu nhiều cuộc xung đột và hậu quả là những cuộc khủng hoảng nhân đạo. Trong bối cảnh đó, Tòa Thánh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối thoại giữa các cộng đồng tôn giáo để bảo đảm sự sống chung hòa bình và ổn định. (Rei 15-11-2018)

Tổng thống Israel cám ơn ĐTC

Báo chí Israel cho biết trong cuộc hội kiến, Tổng thống Reuven Rivlin cám ơn ĐTC và Tòa Thánh vì sự hỗ trợ chống lại nạn bài Do thái.

Tổng thống nói với ĐTC: ”Sự quyết liệt lên án của ngài chống những hành vi bài Do thái và việc ngài gọi những hành động đó là phản Kitô chính là một bước tiến quan trọng trong cuộc chiến bài trừ trào lưu ấy”.

Tranh chấp về thuế khóa giữa Giáo Hội và nhà nước địa phương

Tổng thống Israel cũng đề cập đến sự tranh chấp giữa chính quyền thành phố Jerusalem và Giáo Hội về vấn đề thuế địa phương. Ông nói: ”Nhà nước Israel hoàn toàn tôn trọng tự do phụng tự của mọi tôn giáo tại các nơi thánh”.

Hồi tháng 2 năm nay, bất chấp qui luật Status Quo từ trước đến nay, chính quyền thành Jerusalem loan báo ý định đánh thuế các tài sản của các Giáo Hội Kitô không phải là nơi thờ phượng. Cụ thể là chính quyền sẽ bắt đầu thu 650 triệu đồng Shekel tiền thuế đánh trên 887 tài sản của các Giáo Hội. Chính quyền thành Jerusalem đã hoãn lại việc thu thuế này cho đến tháng 2 vì chính quyền quốc gia không cho phép.

Biện pháp trên đây đã bị các Giáo Hội Kitô phản đối và đã quyết định đóng cửa Đền Thờ Mộ Thánh (Jerusalem Post 15-11-2018)

G. Trần Đức Anh OP

Chính thống Nga đoạn giao với Chính Thống Constantinople

Chính thống Nga đoạn giao với Chính Thống Constantinople

Trên đây là quyết định của Thánh Hội đồng Giáo Hội Chính Thống Nga sau khóa họp hôm 15-10-2018 tại Minsk thủ đô Cộng hòa Bạch Nga cũng gọi là Belarus. Đây là lần đầu tiên từ hơn 300 năm nay, sự hiệp thông này bị gián đoạn.

 Phê bình tòa Thượng Phụ Constantinople

 Trong khóa họp Hội đồng đã bàn về vấn đề tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople ở Thổ Nhĩ Kỳ đang xúc tiến việc công nhận quyền tự quản độc lập của Giáo Hội Chính Thống tại Ucraina. Chính Thống Nga gọi việc làm này là xen lấn vào lãnh thổ của Chính Thống Nga. Giáo Hội này vẫn coi Ucraina và một số lãnh thổ cựu Liên Xô là lãnh thổ của mình theo giáo luật và không để các Giáo Hội như ở Ucraina được độc lập tự quản.

 Chính Thống Nga đã đưa ra các biện pháp đe dọa trước

 Trong thời gian trước đây, tòa Thượng Phụ Chính Thống Mascơva đã cấm các GM của mình không được cử hành hoặc tham dự thánh lễ chung với các chức sắc của Chính Thống Constantinople, không được tham dự các hội nghị do đại diện của Chính Thống Constantinople chủ tọa.

 Tuyên bố trong một buổi lễ hôm 13-10-2018 tại thành phố Minsk, Đức Thượng Phụ Kirill của Chính Thống Nga nói rằng Thánh Hội đồng của Giáo Hội này muốn trấn an xã hội Ucraina, củng cố đời sống đạo tại nước này và đồng thời bảo vệ Giáo Hội chống lại những cuộc tấn công và đàn áp có thể xảy ra.

 Trong khi đó, Đức TGM Hilarion, Chủ tịch Hội đồng ngoại vụ tòa Thượng Phụ Chính Thống Mascơva, trên đài truyền hình Nga, đã trách cứ Đức thượng Phụ Bartolomaios của Chính Thống Contanstinople phải chịu trách nhiệm về sự phân rẽ Giáo Hội Chính Thống tại Ucraina khi công nhận những người lãnh đạo Chính Thống tại Kiev và qua đó hợp thức hóa cuộc ly giáo từ hơn 25 năm nay tại Ucraina. ”Sự kiện này khiến chúng tôi không thể hiệp nhất với Giáo Hội Chính Thống Constantinople.”

 Đức TGM Hilarion cũng cảnh cáo rằng: ”Nếu tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople còn tiếp tục các hành động trái với giáo luật thì Chính Thống Nga buộc lòng phải đoạn giao hoàn toàn với Chính Thống Constantinople”.

 Cộng đoàn Chính thống tại Ucraina

 Tại Ucraina, 70% dân chúng theo Chính Thống giáo, một nửa thuộc quyền Tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga. 2 cộng đoàn Chính Thống khác đang tiến hành dự án thành lập một Giáo Hội Chính Thống Ucraina thống nhất và sẽ được Đức Thượng Phụ Bartolomaios, Giáo Chủ Chính Thống Constantinople công nhận quyền tự quản độc lập (tomos).

Chính Thống Nga có khoảng 90 triệu tín hữu, còn tại Thổ Nhĩ kỳ chỉ có khoảng 4 ngàn tín hữu Chính Thống. Tuy nhiên, thuộc quyền Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantiple có nhiều cộng đoàn ở các nước và Đức Thượng Phụ Bartolomaios I ở Istanbul là vị đứng đầu trong số các vị Thượng Phụ và thủ lãnh 14 Giáo Hội Chính Thống trên thế giới. (Tổng hợp 15-10-2018)

Giuse Trần Đức Anh OP

ĐTC Phanxicô: Đừng sống tương quan giả dối với Thiên Chúa

ĐTC Phanxicô: Đừng sống tương quan giả dối với Thiên Chúa

Trong các lễ nghi Do Thái, danh Thiên Chúa được công bố một cách trọng thể trong Ngày Đại Xá, và dân chúng được tha thứ, bởi vì qua danh Chúa, chúng ta tiếp xúc với chính sự sống của Thiên Chúa, là lòng thương xót. Như vậy “kêu tên Chúa” – dịch sát nghĩa là “lấy lên trên mình danh của Thiên Chúa” – có nghĩa là bước vào trong một tương quan mạnh mẽ, chặt chẽ với Ngài, để sống các hành động thường ngày trong sự hiệp thông sâu xa và thực sự với Thiên Chúa. ĐTC Phanxicô đã nói như trên với 8,000 tín hữu và du khách hành hương trong buổi gặp gỡ chung hàng tuần sáng thứ tư hôm qua tại đại thính đường Phaolô VI.

Trong bài huấn dụ, ĐTC đã giải thích ý nghĩa điều răn “Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ” như viết trong sách Xuất Hành: “ Ngươi không được dùng danh Giavê, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì Giavê không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng. (Xh 20,7), và như Chúa Giêsu đã nói trong lời cầu ở bữa Tiệc Ly: “Lạy Cha là Đấng công chính… Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa." (Ga 17,25-26).

 

ĐTC nói: Chúng ta tiếp tục các bài giáo lý về các giới răn và hôm nay chúng ta nói tới điều răn “Ngươi sẽ không nói lên tên của Chúa, là Thiên Chúa ngươi một cách vô ích”. Thật đúng đắn là chúng ta đọc Lời này như việc mời gọi không xúc phạm đến danh của Thiên Chúa và tránh dùng nó một cách không thích hợp. Ý nghĩa rõ ràng này chuẩn bị cho chúng ta đào sâu hơn nữa các lời quý báu này, là không dùng tên của Thiên Chúa một cách vô ích, một cách không thích hợp.

Chúng ta hãy nghe chúng một cách tốt đẹp hơn. “Ngươi sẽ không nói lên” – dịch một kiểu nói có nghĩa theo sát chữ, trong tiếng Do thái cũng như trong tiếng Hy lạp – là “ngươi sẽ không mang lấy trên mình, ngươi sẽ không vác trên ngươi”. Kiểu nói “một cách vô ích” rõ ràng hơn và có nghĩa là “trống rỗng, một cách vô ích”. Nó ám chỉ một cái hộp rỗng, một hình thái không có nội dung. Đó là đặc tính của sự giả hình, của óc hình thức và của sự dối trá. Dùng các lời nói hay dùng tên của Thiên Chúa, nhưng trống rỗng, không có sự thật.

Tên gọi trong Thánh Kinh là sự thực sâu xa của các sự vật, và nhất là của con người. Tên gọi thường diễn tả sứ mệnh. Thí dụ tổ phụ Abraham trong sách Sáng Thế (x. 17.5) và tông đồ Simon Phêrô trong Phúc Âm (x. Ga 1,42) các vị nhận một tên gọi mới để ám chỉ sự thay đổi hướng đi cuộc đời các vị. Và thực sự biết danh Thiên Chúa đưa tới chỗ biến đổi cuộc sống của mình: từ lúc trong đó ông Môshê biết danh Thiên Chúa, lịch sử của ông thay đổi (x. Xh 3,13-15).

Đừng sống tương quan giả dối với Thiên Chúa

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: trong các lễ nghi do thái, danh Thiên Chúa được công bố một cách trọng thể trong Ngày Đại Xá, và dân chúng được tha thứ, bởi vì qua danh người chúng ta tiếp cận với chính sự sống của Thiên Chúa, là lòng thương xót. ĐTC giải thích giới răn như sau:

Như vậy “mang lấy trên mình danh Thiên Chúa” có nghĩa là lãnh nhận trên chúng ta thực tại của Ngài, bước vào trong một tương quan mạnh mẽ, trong một tương quan chặt chẽ với Ngài. Đối với kitô hữu chúng ta, điều răn này là lời mời gọi nhắc nhớ chúng ta rằng chúng ta đã được rửa tội làm sao: “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, như chúng ta khẳng định mỗi khi chúng ta làm dấu Thánh Giá trên mình, để sống các hành động thường ngày trong sự hiệp thông sâu xa và thực sự với Thiên Chúa, nghĩa là trong tình yêu của Ngài.

Và về việc làm dấu thánh giá, tôi muốn nêu bật một lần nữa: anh chị em hãy dậy các trẻ em làm dấu thánh giá. Anh chị em đã thấy trẻ em làm dấu thánh giá như thế nào chưa? Nếu bạn nói với các trẻ em: “Các con hãy làm dấu thánh giá đi, thì chúng làm vầy này – ĐTC bắt chước cử chỉ làm dấu của trẻ em khua khua trước mặt – Chúng làm một điều mà chúng không biết là cái gì. Chúng không biết làm dấu thánh giá. Anh chị em hãy dậy chúng làm “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Cử chỉ đức tin đầu tiên của một em bé. Đây là bài tập cho anh chị em đó nhé! Bài tập phải làm: dậy cho các trẻ em làm dấu thánh giá. Hiểu chưa? Anh chị em sẽ làm điều đó chứ? – Tín hữu trong đại thính đường trả lời: Dạ – “Hiểu hiểu” họ nói ở đây. Xin cám ơn anh chị em.

Chúng ta có thể hỏi: có thể mang lên trên mình danh Thiên Chúa một cách giả hình như một hình thức, trống rỗng hay không? Câu trả lời rất tiếc là có: có, có thể. Người ta có thể sống một tương quan giả dối với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã nói điều này với các tiến sĩ luật; họ đã làm các việc, nhưng đã không làm điều Thiên Chúa muốn. Họ đã nói về Thiên Chúa, nhưng đã không thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Và lời khuyên mà Chúa Giêsu cho là: “Các con hãy làm điều họ nói, nhưng đừng làm điều họ làm”. Người ta có thể sống một tương quan giả dối với Thiên Chúa, như các người ấy. Và Lời này của Mười Điều Răn chính là việc mời gọi sống một liên hệ với Thiên Chúa không giả dối, không giả hình, sống một tương quan trong đó chúng ta tín thác nơi Chúa với tất cả những gì chúng ta là. Nói cho cùng, cho tới ngày trong đó chúng ta không liều mạng sống với Chúa, bằng cách sờ mó bằng tay rằng trong Chúa có sự sống , thì chúng ta chỉ làm các giả thiết.

Đời sống Kitô giáo chân thực mới có thể đáng tin

Đây là Kitô giáo đánh động con tim. Gặp gỡ Thiên Chúa, trong thực tế. Tại sao các thánh có khả năng đánh động con tim? Bởi vì các thánh không chỉ nói, mà các vị chuyển động! Con tim chúng ta chuyển động, khi một người thánh thiện nói với chúng ta, nói với chúng ta các điều. Các vị có khả năng bởi vì nơi các thánh chúng ta trông thấy điều mà con tim chúng ta ước mong một cách sâu xa: sự đích thực, các tương quan thật, sự triệt để. Và điều này người ta cũng trông thấy nơi các vị “thánh của cửa bên cạnh”, chẳng hạn như biết bao cha mẹ trao ban cho con cái gương sáng của một cuộc sống trung thực, đơn sơ, liêm chính và quảng đại. ĐTC quảng diễn thêm như sau:

Nếu có nhiều kitô hữu mang lấy trên mình danh của Thiên Chúa không giả tạo – bằng cách thực thi lời xin thứ nhất của Kinh Lạy Cha “xin cho danh Cha cả sáng” – thì việc loan báo của Giáo Hội được lắng nghe và đáng tin cậy hơn. Nếu cuộc sống cụ thể của chúng ta biểu lộ danh Thiên Chúa, thì ta thấy bí tích Rửa Tội đẹp biết bao nhiêu và Thánh Thể là ơn vĩ chừng nào!, thì sự kết hiệp giữa thân xác chúng ta và Mình Chúa Kitô cao trọng dường bao: Ngài trong chúng ta và chúng ta trong Ngài; Chúa Kitô trong chúng ta, Ngài trong chúng ta và chúng ta trong Ngài! Hiệp nhất! Đây không phải là giả hình, đây là sự thật. Đây không phải là nói hay cầu nguyện như con vẹt, đây là cầu nguyện với con tim, là yêu Chúa.

Thể hiện Danh Chúa trong cuộc sống của chúng ta

Từ thập giá của Chúa Kitô về sau, không ai có thể khinh rẻ chính mình và nghĩ xấu về đời sống của mình. Không ai và không bao giờ! Cho dù bất cứ điều gì họ đã làm đi nữa. Bởi vì tên của từng người trong chúng ta ở trên vai Chúa Kitô. Ngài mang chúng ta. Thật đáng công mang lấy danh Thiên Chúa trên mình, bởi vì Ngài đã mang lấy tên của chúng ta cho tới tột cùng, cả sự dữ có trong chúng ta nữa, Ngài mang lấy để tha thứ cho chúng ta, để đặt vào trong con tim chúng ta tình yêu của Ngài. Vì thế Thiên Chúa công bố trong điều răn này: “Hãy mang lấy Ta trên con, bởi vì Ta đã mang con trên Ta”.

Bất cứ ai cũng có thể kêu danh thánh Chúa, là Tình Yêu trung thành và thương xót, trong bất cứ hoàn cảnh nào họ sống. Thiên Chúa sẽ không bao giờ nói “không” với một con tim kêu cầu Ngài một cách chân thành. Và chúng ta trở lại với các bài tập làm ở nhà: hãy dậy các trẻ em làm dấu thánh giá đàng hoàng. Bạn sẽ làm điều đó chứ? Làm đàng hoàng. Xin cám ơn anh chị em.

Cuộc viếng thăm Ailen: thời điểm ân sủng cho các gia đình Kitô gíao

Cuối bài huấn dụ, ĐTC cũng xin mọi người cầu nguyện cho chuyến đi Dublin của ngài trong hai ngày 25-26 tháng 8  này, nhân dịp cuộc gặp gỡ của các gia đình công giáo thế giới. Ước chi đây là dịp lắng nghe tiếng nói của các gia đình kitô toàn thế giới.

Linh Tiến Khải

ĐTC Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân vụ sập cầu ở Genova

ĐTC Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân vụ sập cầu ở Genova

Sau Kinh Truyền Tin ngày 15.08.2018, ĐTC Phanxicô đã phó thác cho Mẹ Maria, Đấng an ủi kẻ ưu phiền, mọi âu lo và khắc khoải của những người ở biết bao nhiêu phần đất trên thế giới này, đang đau khổ trên thân xác và trong tâm hồn. Xin Mẹ thiên quốc ban cho mọi người sự an ủi, lòng can đảm và bình an.

ĐTC đặc biệt nghĩ tới những người đang chịu thử thách trong tại nạn sập cầu xa lộ tại Genova, bắc Italia, khiến cho nhiều người chết và dân chúng hoang mang. Ngài phó thác cho lòng thương xót Chúa những người đã thiệt mạng và bầy tỏ sự gần gũi với các thân nhân của họ, với các người bị thương và phải di tản vì biến cố thê thảm này. ĐTC mời mọi người cùng ngài đọc một kinh Kính Mừng cầu nguyện cho các nạn nhân.

Cầu Morandi trên xa lộ A10 tại Genova bắc Italia xây hồi thập niên 1960, đã bị sập sáng thứ ba 14 tháng 8 vừa qua, khiến cho khoảng 40 người thiệt mạng, trong đó có 3 trẻ em, hơn 600 người và 311 gia đình phải di tản khỏi vùng bị tai nạn.

Linh Tiến Khải

ĐGH khuyến khích các Hiệp Sĩ Colombo trong các công tác bác ái

ĐGH khuyến khích các Hiệp Sĩ Colombo trong các công tác bác ái

Lập trường trên đây của ngài được trình bày trong sứ điệp ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nhân danh ĐTC gửi đến các tham dự viên Đại hội thường niên tối cao lần thứ 136 tiến hành từ ngày 7 đến 9-8 vừa qua tại thành phố Baltimore, bang Maryland, về chủ đề ”Hiệp sĩ Colombo: Hiệp sĩ bác ái”.
ĐHY Parolin nhận xét rằng ”chủ đề này gợi lại rõ ràng tinh thần nguyên thủy và lịch sử nổi bật của Hội Hiệp Sĩ Colombo. Chính mối liên hệ không thể tách rời giữa đức tin và đức bác ái đã dẫn đưa Đấng Đáng Kính, Linh Mục Michael McGivney và các Hiệp sĩ tiên khởi thiết lập một hội huynh đệ dấn thân huấn luyện các tín hữu theo tinh thần Kitô và nâng đỡ các phần tử của mình”.
Làm chứng tá tình thương
ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh cũng khẳng định rằng: ”ĐGH Phanxicô khích lệ những nỗ lực kiên trì của các Hiệp Sĩ Colombo ở mọi cấp độ, trong việc làm chứng về tình yêu thương của Thiên Chúa qua tình thương cụ thể và tình liên đới đối với người nghèo và những người ở trong tình trạng túng quẫn. Vô số các hoạt động bác ái của các Hiệp sĩ tại các chi hội, nhiều khi trong âm thầm và khiêm tốn, chứng tỏ sự thật của những lời Mẹ Têrêsa Calcutta rất gần gũi với tâm hồn họ: ”Chúa cúi mình và dùng chúng ta, bạn và tôi, làm tình thương và lòng từ bi của Ngài trong thế giới.. Chúa tùy thuộc chúng ta để yêu thương thế giới và chứng tỏ Ngài yêu thương họ dường nào” (Xc Gaudete et Exultate, 107).
Nâng đỡ các gia đình
Nhắc đến Cuộc Gặp Gỡ các gia đình Công Giáo thế giới sẽ diễn ra tại Dublin (21-26/8-2018), ĐHY Parolin cho biết ĐTC bày tỏ lòng biết ơn đối với các hiệp sĩ Colombo trên thế giới dấn thân công bố Tin Mừng gia đình, khích lệ những người nam trong ơn gọi làm chồng và làm cha, và bênh vực bản chất chân chính của hôn nhân và gia đình trong xã hội… ĐTC tin tưởng rằng Hội Hiệp sĩ Colombo tiếp tục hướng dẫn và nâng đỡ trước tiên là các thế hệ trẻ, đang sống trong một thế giới đầy những ngọn đèn trái ngược với Tin Mừng, cố gắng tiếp tục là những môn đệ trung thành của Chúa Kitô và là những người con chân thành của Giáo Hội”.
Giúp đỡ các tín hữu Kitô bị bách hại
Sau cùng, ĐTC tái bày tỏ lòng biết ơn đối với những hoạt động bác ái của các Hiệp sĩ Colombo đối với các anh chị em, những phần tử của gia đình Kitô rộng lớn hơn, đang bị những thành kiến và bị bách hại vì niềm tin của họ. Ngài xin các Hiệp sĩ và gia đình hãy tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình tại Trung Đông, cho sự hoán cải các tâm hồn, chân thành dấn thân đối thoại và tìm kiếm một giáo phát công chính cho các xung đột”.
Đại Hội thường niên thứ 136
Hội hiệp sĩ Colombo do cha McGivney sáng lập năm 1882 tại New Haven, Connecticut, như một hội huynh đệ dành cho nam tín hữu Công Giáo và hiện nay có khoảng 2 triệu thành viên tại các nước, nhất là Hoa Kỳ, Canada, Mêhicô và Philippines.
Tham dự Đại hội ở Baltimore có khoảng 2.500 hiệp sĩ và gia đình họ. Đại hội bắt đầu với thánh lễ khai mạc trọng thể tại Trung Tâm Hội nghị Baltimore, do Đức Cha William Lori, TGM sở tại và cũng là Tổng Tuyên Úy của hội. Đồng tế với ngài có 10 HY, 74 GM và 102 linh mục.
Trong bài giảng, Đức TGM Lori khuyến khích các Hiệp sĩ ”sống trọn những lời hứa khi chịu phép rửa tội, như Chúa Thánh Linh hướng dẫn. Nơi trọng tâm bí tích rửa tội của chúng ta là ơn gọi mến Chúa yêu người. Chúng ta có mặt ở đây sáng nay vì chúng ta xác tín rằng làm Hội viên tích cực của Hiệp Sĩ Colombo là phương thế hết sức quan trọng để đáp lại ơn gọi chúng ta đã lãnh nhận khi được rửa tội, ơn gọi yêu thương, hiệp nhất trong sự nâng đỡ huynh đệ, và thực hành nguyên tắc bác ái”.
Trong năm qua, Hội hiệp sĩ Colombo đã đóng góp cho các hoạt động bác ái 185 triệu Mỹ kim, một trong những gia tăng lớn nhất trong lịch sử của Hội. Các Hiệp sĩ Hội viên cũng dành 75 triệu 600 ngàn giờ hoạt động thiện nguyện, tức là tăng thêm hơn nữa triệu so với năm trước đó.
Từ năm 2014 đến nay, Hội đã dành hơn 20 triệu Mỹ kim để giúp đỡ các tín hữu Kitô và những tín đồ các tôn giáo khác được các Kitô hữu săn sóc. Ngân khoản này được dùng để cung cấp lương thực, trại tạm trú và quần áo. (Web Hiệp Sĩ Colombo www.kofc.org 7-8-2018)

Giuse Trần Đức Anh OP

ĐTC cầu nguyện và chia buồn về vụ vỡ đập thủy điện ở Lào

ĐTC cầu nguyện và chia buồn về vụ vỡ đập thủy điện ở Lào

Trong điện văn do ĐHY Parolin ký, ĐTC cầu nguyện cho các nạn nhân, cầu cho những người bị thương được chữa lành và cầu nguyện cho tất cả những người bị mất người thân do vụ vỡ đập thủy điện tại miền đông nam của Lào.

Đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy ở tỉnh Attapeu, đông nam Lào bị vỡ vào đêm 23/7, khiến 5 tỷ mét khối nước tràn xuống sông Xe Pian. 6 ngôi làng trong vùng chìm ngập trong biển nước, hơn 6.600 người rơi vào tình cảnh mất nhà cửa do nước lũ và hàng trăm người bị mất tích.
Điện văn của ĐTC
Trong điện văn gửi đến các vị lãnh đạo Giáo hội và chính quyền dân sự của Lào, do ĐHY Parolin ký, có viết: “Với lòng đau buồn khi hay tin về sự thiệt mạng và thương tích do lụt lội xảy ra khi một đập thủy điện bị vỡ, ĐGH Phanxicô bày tỏ sự liên đới chân tình đến tất cả những người bị ảnh hưởng bởi tai nạn này. Ngài cầu nguyện đặc biệt cho những người đã qua đời, cầu cho những người bị thương tích được chữa lành và cầu cho những người đau khổ vì mất người thân và lo lắng cho sự sống của những người mất tích được an ủi. Bên cạnh đó, ĐGH cũng khuyến khích các chính quyền dân sự và mọi người tham gia vào hoạt động tìm kiếm và cứu trợ để giúp đỡ các gia đình trong thảm kịch này. ĐTC chúc lành cho mọi người.”
Lời kêu gọi của các lãnh đạo
Các vị lãnh đạo của tỉnh Attapeu đã kêu gọi cứu trợ nhân đạo cho các nạn nhân, với các lương thực, nước uống và thuốc men. Chính quyền đã dùng các thuyền để di tản dân chúng ở San Sai khi mực nước tiếp tục dâng cao. Tại khu vực phía nam của vùng này, nhiều khu dân cư bị cuốn trôi, những khu khác chìm trong nước.
Đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy ở tỉnh Attapeu, đông nam Lào đang được xây dựng bởi công ty Xe Pien-Xe Namnoy Power Company (PNPC) với các thành viên là nhóm Thái lan, Nam hàn và Lào. Công trình có tổng kinh phí 1,02 tỷ USD, được PNPC khởi công từ tháng 2/2013 và dự kiến đi vào hoạt động trước năm 2019.


Hồng Thủy

ĐTC Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân vụ hỏa hoạn ở Hy lạp

ĐTC Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân vụ hỏa hoạn ở Hy lạp

ĐHY Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã thay mặt ĐTC gửi điện tín chia buồn với giáo quyền và chính quyền Hy Lạp về các vụ hỏa hoạn xảy ra những ngày vừa qua.

Điện tín do ĐHY Parolin ký có viết rằng ĐTC rất đau buồn khi nghe tin thảm cảnh các vụ hỏa hoạn tại Hy Lạp. Ngài liên đới với các nạn nhân và phó thác những người đã chết cho tình yêu thương xót của Chúa. ĐTC khích lệ chính quyền dân sự và các nhân viên tiếp tục công tác cứu trợ và khẩn nài Thiên  Chúa an ủi và củng cố mọi người.

Như đã biết mấy chục vụ hỏa hoạn đã xảy ra bên Hy Lạp, đặc biệt tại thành phố nghỉ mát Mati, đã khiến cho hơn 100 người chết và 1.500 căn nhà cũng như hàng trăm xe hơi bị thiêu rụi. Chính quyền của thủ tướng Alexis Tsipras đã tuyên bố quốc tang ba ngày. Mati là thành phố du lịch nằm cách thủ đô Athenes 49 cây số về mạn đông bắc và có số người chết cháy đông nhất. Họ bị kẹt trong nhà và trong xe hơi  trên đường trốn chạy. Tại Attica tình hình cũng nghiêm trọng và cũng có mấy chục người thiệt mạng.

ĐC  Sebastianos Rosolatos, TGM Athènes, chủ tịch HDGM Hy Lạp, cũng bầy tỏ đau buồn trước tai nạn trên đây. Ngài nói: các sự kiện như thế này phải khiến cho chúng ta đặt câu hỏi liên quan tới việc bảo vệ và tôn trọng môi sinh cũng như các luật lệ xây cất. Không thể xây cất bừa bãi mà không có sự kiểm soát và giấy phép cần thiết. Các tai ương loại này xảy ra cũng bởi các hành động vô trách nhiệm của con người.

Các toán cứu trợ Pháp, Đức và Đan Mạch đã đến Hy Lạp trợ giúp lực lượng cứu hỏa, cũng như đến Thụy Điển để dập tắt các vụ cháy rừng chưa từng thấy tại đây. Italia cũng đã gửi hai máy bay Canadair . Còn Na Uy, Đức và Lituania cũng cho trực thăng tới giúp chống lại hỏa hoạn. Sáng thứ 3 vừa qua vẫn còn có 27 vụ cháy tiếp tục. Tình hình tại miền nam Thụy Điển nghiêm trọng, đặc biệt chung quanh thủ đô Stsockholm, và nhiệt độ trong suốt tuần này sẽ là 30 độ C, khiến cho rừng cây càng dễ bị cháy hơn nữa (Avvenire 24-7-2018)

Linh Tiến Khải

Ấn Độ: Giáo hội dạy các giá trị của Hiến pháp trong các trường Công giáo

Ấn Độ: Giáo hội dạy các giá trị của Hiến pháp trong các trường Công giáo

Cần phải đọc và dạy cho các thế hệ mới Lời mở đầu của Hiến pháp Ấn Độ trong các trường học, và điều này sẽ được thực hiện bắt đầu từ hàng ngàn trường do Giáo hội Công giáo điều hành: đây là điều được nói tới trong một tài liệu của Văn phòng Giáo dục và Văn hóa của Hội đồng Giáo mục Công Giáo Ấn Độ gửi đến Hãng tin Fides. Tài liệu này được đưa ra vào thời điểm chính trị, khi chính phủ dân tộc của Đảng Barathiya Janata nắm quyền tại Liên bang, thúc đẩy các chính sách đi theo hướng biến Ấn Độ thành một quốc gia độc tôn.

Văn phòng Giáo dục và Văn hóa của HĐGM Ấn đã gửi chỉ thị cho các cơ sở giáo dục việc dạy các giá trị Hiến pháp cho học sinh, thúc đẩy lòng yêu nước thực sự, hội nhập quốc gia và lòng yêu nước. Cha Jose Manipadam, Thư ký của Văn phòng khẳng định với Hãng tin Fides rằng cha đã gửi tài liệu đến những người đứng đầu các cơ sở giáo dục Công giáo trên toàn quốc.

Cha giải thích: “Giáo hội  dự định đóng góp vào việc dạy các thế hệ trẻ các giá trị của Hiến pháp, trong khi các đảng dân tộc Hindu đang nỗ lực thay đổi Hiến pháp và cổ võ hệ tư tưởng Hindu loan truyền trong Ấn Độ  "Một tôn giáo, một văn hóa và một quốc gia".

Các Giám mục và các nhà lãnh đạo Công giáo dấn thân trong lĩnh vực giáo dục hoan nghênh chỉ thị này. Đức cha Calse Soosa Pakiam, Tổng Giám mục Trivandrum, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Kerala nói: "Việc dạy Hiến pháp và thúc đẩy giáo dục công dân, bao gồm các giá trị của Hiến pháp  là điều cần thiết của các trường Kitô giáo".  Đức Giám mục xác định những nỗ lực của một số nhóm trong việc “đưa lòng căm thù và sợ hãi vào trong xã hội như một lối tắt để đạt được quyền lực chính trị là "rất nguy hiểm".

Cha Manipadam khẳng định rằng cha đã đón nhận sáng kiến này sau khi một số Giám mục yêu cầu Văn phòng của cha can thiệp để đóng góp khắc sâu các giá trị của Hiến pháp nơi những người trẻ, để "đưa ra ý nghĩa đích thực của chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ, lòng yêu nước dựa trên các giá trị của Hiến pháp".

Cha Jose Manipadam nhấn mạnh: “Ở cấp độ thực hành, việc này sẽ tiến hành trong bốn giai đoạn: trong giai đoạn đầu, học sinh được khuyến khích ghi nhớ Lời mở đầu; ở giai đoạn thứ hai, chúng tôi nói về ý nghĩa của Hiến pháp, hướng dẫn các sinh viên tham gia thảo luận nhóm, các bài viết được xây dựng, nghiên cứu; và giai đoạn thứ ba được gọi là “Chúng ta là dân Ấn Độ” như nêu trong Hiến pháp; cuối cùng, ý nghĩa của các từ khóa của Lời mở đầu được đào sâu như "chủ quyền", "xã hội chủ nghĩa", "giáo dân", "dân chủ" và "cộng hòa", cùng với "công lý", "tự do", "bình đẳng", "tình huynh đệ", "công dân". (Agenzia Fides 14/6/2018)

Ngọc Yến

 

Chương trình đọc kinh Mân Côi toàn cầu để cầu nguyện cho các linh mục

Chương trình đọc kinh Mân Côi toàn cầu để cầu nguyện cho các linh mục

Dublin, Ailen – Vào thứ 6, 08/06, lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, nhiều đền thánh Đức Mẹ tại hơn 50 quốc gia sẽ tham gia chương trình đọc Kinh Mân côi 24 giờ, để cầu nguyện cho ơn gọi linh mục.

Trong một thông cáo, WorldPriest (Linh mục thế giới), một hoạt động tông đồ nhắm liên kết các linh mục và giáo dân bằng lời cầu nguyện, tổ chức sự kiện này, viết: “Đây là một cơ hội cho chúng ta hướng tâm lòng lên Chúa để cầu nguyện cho các linh mục trong sứ vụ của họ.”

Tổ chức WorldPriest cho biết: “Mỗi đền thánh tham dự sự kiện đọc một mầu nhiệm đặc biệt của chuỗi Mân Côi trong 30 phút trong ngày để cám ơn Chúa về các linh mục và cầu xin Chúa bảo vệ các ngài và xin Mẹ Maria, Mẹ của các linh mục, chăm sóc các ngài trong tình yêu thương của Mẹ.”

Chương trình đọc kinh Mân Côi này được WorldPriest bắt đầu cách đây 9 năm. Sẽ có hơn 150 đền thánh Đức Mẹ và giáo xứ, bao gồm 35 đền thánh tại Hoa kỳ, sẽ tham dự chương trình đọc kinh Mân Côi cầu nguyện cho linh mục vào thứ sáu lễ Thánh Tâm năm nay.

Theo lịch trình, mỗi nửa giờ trong suốt cả ngày, mỗi đền thánh sẽ cầu nguyện một mầu nhiệm Mân Côi, và cùng xin Đức Mẹ trong suốt 24 giờ. Tổ chức WorldPriest cho biết: “Đến nửa đêm ngày 08/06/2018, toàn thế giới sẽ được bao bọc bởi lời cầu nguyện cho các linh mục vào Ngày Cầu nguyện Kinh Mân Côi hàng năm này. Những người không thể tham dự việc cầu nguyện tại các đền thánh được mời gọi đọc kinh Mân côi cách cá nhân hay theo nhóm.”

Tổ chức WorldPriest giải thích rằng Kinh Mân Côi được đọc để cầu nguyện cho các linh mục; xin cho sứ vụ linh mục của các ngài được chúc lành với ơn Chúa, qua lời cầu nguyện của chúng ta; xin cho, qua sự hiệp thông cầu nguyện trên toàn thế giới, các linh mục cảm nghiệm được sự biết ơn và nâng đỡ của chúng ta; và cuối cùng xin cho các linh mục kiên vững trong sự hiệp nhất với Chúa Kitô và Giáo hội của Người và chăm sóc đoàn chiên của Chúa, đưa họ đến những đồng cỏ an lành trong Nước Chúa.

WorldPriest được doanh nhân Marion Mulhall thành lập vào năm 2003, đáp lại lời kêu gọi Đức Giáo hoàng về Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho việc thánh hóa các linh mục. Tổ chức này hoạt động để hỗ trợ và thăng tiến phẩm giá và món quà của chức linh mục qua những nỗ lực như chương trình đọc kinh Mân Côi toàn thế giới. (CNA 06/06/2018)

Hồng Thủy

ĐTC tiếp kiến chung các tín hữu hành hương: 11 tháng 10-2017

ĐTC tiếp kiến chung các tín hữu hành hương: 11 tháng 10-2017

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung 30 ngàn tín hữu sáng ngày 11-10-2017, ĐTC nhắn nhủ các tín hữu tin tưởng và hy vọng chờ đợi Chúa, mặc dù gặp phải những khó khăn trong cuộc sống thường nhật.  

Trong số những người hiện diện có 60 Hồng Y, Giám Mục và các chức sắc khác đang tham dự khóa họp toàn thể của Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương nhân kỷ niệm 100 năm thành lập bộ này. 10 thừa sai dòng Ngôi Lời, 20 nữ tu dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ..

Lúc gần 9 giờ 20, ngài đi xe mui trần tiến vào quảng trường và dành 20 phút tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu. Đặc biệt trong số những người hiện diện cũng có một số người Việt Nam.

Lên tới lễ đài ĐTC bắt tay chào và cám ơn khoảng 10 LM thông dịch viên có nhiệm vụ diễn giải những gì ngài nói qua các sinh ngữ.

Mở đầu buổi tiếp kiến, mọi người nghe đọc bài Tin mừng theo thánh Luca (12,35-38.40) ghi lại Lời Chúa dạy các môn đệ hãy tỉnh thức, luôn sẵn sàng, chờ đợi chủ về nhà.. Các con hãu sẵn sàng vì Con Người sẽ đến vào giờ các con không ngờ!”

Bài huấn dụ của ĐTC

Trong bài huấn dụ, ĐTC nói về đề tài ”sự chờ đợi tỉnh thức”. Đây là bài thứ 36 trong loạt bài giáo lý về Đức Hy vọng Kitô giáo. Ngài nói:

”Hôm nay tôi muốn nói về chiều kích của hy vọng là sự chờ đợi tỉnh thức. Đề tài tỉnh thức là một trong những sợi chỉ dẫn đường của Tân Ước. Chúa Giêsu giảng dạy các môn đệ: ”Các con hãy sẵn sàng, với áo được thắt ở lưng và cầm đèn sáng; các con hãy làm như những người đang chờ đợi chủ mình về nhà sau tiệc cưới, làm sao để khi chủ về và gõ cửa thì mở cửa ngay” (Lc 12,35-36). Trong thời ấy, sau khi Chúa Giêsu sống lại, có những lúc thanh thản và những lúc lo âu, liên tục kế tiếp nhau, các tín hữu Kitô không bao giờ thoải mái. Tin Mừng nhắc nhở họ hãy làm như những đầy tớ không bao giờ đi ngủ cho đến khi chủ về. Thế giới này đòi tinh thần trách nhiệm của chúng ta, và chúng ta đón nhận trọn trách nhiệm ấy với lòng yêu mến. Chúa Giêsu muốn rằng cuộc sống chúng ta là cần cù làm việc, và không bao giờ ngừng cảnh giác, để đón nhận mỗi ngày mới Chúa ban cho chúng ta với lòng biết ơn và kinh ngạc. Mỗi sáng là một trang giấy trắng trên đó Kitô hữu bắt đầu viết với những công việc lành. Chúng ta đã được cứu độ nhờ sự cứu chuộc của Chúa Giêsu, nhưng giờ đây chúng ta chờ đợi sự tỏ lộ viên mãn vương quyền của Chúa: khi Thiên Chúa sẽ là tất cả trong mọi người (Xc 1 Cr 15,28). Các tín hữu Kitô tin rằng không có gì chắc chắn hơn là ”cuộc hẹn ấy”. Và khi ngày ấy đến, các tín hữu Kitô chúng ta muốn giống như những người đầy tớ đã trải qua đêm khuya, áo thắt lưng và tay cầm đèn sáng: cần phải sẵn sàng đối với ơn cứu độ đang tới, sẵn sàng gặp gỡ Chúa.

Kitô hữu không được dựng nên để sống trong buồn chán, nhưng để kiên nhẫn. Họ biết rằng cả trong cuộc sống đều đều mỗi ngày giống nhau có chứa ẩn một mầu nhiệm ân phúc. Có những người với lòng kiên trì của tình yêu trở thành như những giếng nước tưới gội sa mạc. Không gì xảy ra vô ích và không có tình trạng nào trong đó Kitô hữu bị hoàn toàn miễn nhiễm đối với tình thương. Không đêm đen nào dài đến độ làm quên đi niềm vui của bình minh. Nếu chúng ta kết hiệp với Chúa Giêsu, thì cái lạnh lẽo của những lúc khó khăn sẽ không làm cho chúng ta bị tê liệt, và cả khi toàn thế giới rao giảng chống lại hy vọng, họ nói rằng tương lai chỉ mang lại những đám mây đen, thì Kitô hữu vẫn biết rằng trong tương lai ấy có sự trở lại của Chúa Kitô. Khi nào điều này xảy ra, không ai biết được, nhưng khi nghĩ rằng vào cuối lịch sử của chúng ta, có Chúa Giêsu Từ Nhân, nên chỉ cần tín thác và đừng nguyền rủa cuộc sống. Tất cả sẽ được cứu thoát.

ĐTC nói tiếp:

”Chúng ta sẽ đau khổ, sẽ có những lúc khiến chúng ta giận dữ, phẫn nộ, nhưng nhớ đến Chúa Kitô dịu dàng và quyền năng sẽ đánh tán cám dỗ nghĩ rằng cuộc sống này là một sai lầm.

 Sau khi nhận biết Chúa Giêsu, chúng ta không thể làm gì khác hơn là nhìn lịch sử với lòng tín thác và hy vọng. Chúa Giêsu như một căn nhà và chúng ta ở trong đó, và từ cửa sổ của nhà ấy, chúng ta nhìn thế giới. Vì thế, chúng ta đừng khép kín vào mình, đừng tư lự tiếc nuối một quá khứ có vẻ là vàng son, nhưng chúng ta luôn nhìn về đường trước, nhìn về một tương lai không phải chỉ là công trình của tay chúng ta, nhưng trước tiên đó là một mối quan tâm liên lỷ của Chúa QuanPhòng. Tất cả những gì là mờ đục, một ngày kia sẽ trở thành ánh sáng.

Thiên Chúa không phủ nhận chính mình. Thánh ý ngài đối với chúng ta không phải là mây mù, nhưng là một dự phóng cứu độ rõ rệt: ”Chúa muốn cho tất cả mọi người được cứu thoát và đạt tới sự nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4). Vì thế, chúng ta đừng chiều theo dòng thời gian với thái độ bi quan, như thế lịch sử là một chiếc xe hỏa bị mất tay lái. Thái độ cam chịu không phải là một nhân đức Kitô giáo. Thái độ nhún vai hoặc cúi gập đầu trước một định mệnh có vẻ không thể tránh nổi, đó không phải là thái độ của Kitô hữu.

Ai mang lại hy vọng cho thế giới thì không bao giờ là một người tháo thứ. Chúa Giêsu nhắn nhủ đừng chờ đợi Ngài mà không làm gì: ”Phúc cho những đầy tớ khi chủ về mà ông thấy người ấy còn tỉnh thức” (Lc 12.37). Không có người xây dựng hòa bình nào mà không hy sinh an bình cá nhân, đảm trách những vấn đề của người khác.

Mỗi ngày trong cuộc sống, chúng ta hãy lập lại lời khẩn cầu của các môn đệ đầu tiên, trong tiếng Aramaico, họ nói ”Maranatha”, Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!” (Kh 22.20). Đó là điệp khúc của mỗi cuộc sống Kitô: trong thế giới này, chúng ta không cần gì khác ngoài sự âu yếu của Chúa Kitô. Phúc dường nào nếu, trong kinh nguyện, trong những ngày khó khăn của cuộc sống, chúng ta nghe tiếng Chúa đáp lại và trấn an chúng ta: ”Này đây, Ta sắp tới” (Kh 22,7).

Chào thăm

Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, các LM thông dịch viên lần lượt tóm lược trong các sinh ngữ khác nhau cùng với những lời chào thăm và nhắn nhủ của ĐTC.

Trong lời chào bằng tiếng Pháp, ĐTC đặc biệt nhắc đến các tín hữu đến từ Pháp, Thụy Sĩ, Canada, và Cộng hòa Trung Phi. Ngài nói: ”Ước gì ký ức về Chúa Kitô dịu dàng và quyền năng giúp chúng ta luôn tỉnh thức trong hy vọng và chăm chú lắng nghe Lời Chúa”.

Khi chào các tín hữu bằng tiếng Anh, ĐTC đặc biệt chào những tín hữu sẽ cử hành Ngày Thế giới thị giác cử hành ngày 12-10 này. Và ngài nói: ”Tôi cam đoan gần gũi và cầu nguyện cho những người bị mù hoặc kém mắt. Tôi cầu xin ơn Chúa đổ xuống trên anh chị em và thân quyến, để anh chị em luôn kiên vững trong hy vọng và tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa đối với cuộc sống của chúng ta.

Ngỏ lời bằng tiếng Ý, ĐTC đặc biệt chào thăm ĐHY Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, cùng với các thành viên của Bộ nhóm họp tại Roma nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Bộ này. Ngài nói: ”Tôi phó thác công việc của anh em cho lời chuyển cầu của thánh Gioan 23 mà hôm nay chúng ta kính nhớ trong phụng vụ, để Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông ophương tiếp tục quảng đại phục vụ Đông phương Công Giáo.”

ĐTC không quên chào thăm các đôi vợ chồng mới cưới, các bạn trẻ và các bệnh nhân. Ngài nói: ”Tháng 10 là tháng truyền giáo trong đó chúng ta được mời gọi cầu xin Đức Mẹ là Mẹ các xứ truyền giáo. Các bạn trẻ thân mến, các con hãy trở thành thừa sai của Chúa Kitô trong môi trường của các con với lòng từ bi và dịu dàng. Và xin anh chị em bệnh nhân hãy dâng những đau khổ của mình để cầu cho sự hoán cải của những người xa lìa, những người dửng dưng.”

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha gặp giới trí thức và sinh viên Đại học Bologna

Đức Thánh Cha gặp giới trí thức và sinh viên Đại học Bologna

BOLOGNA. ĐTC kêu gọi giới trí thức và đại học Bologna thăng tiến quyền văn hóa, quyền hy vọng và quyền hòa bình.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong cuộc gặp gỡ hàng ngàn giới trí thức và sinh viên Đại học Bologna, bắc Italia, chiều chúa nhật 2-10-2017 trong khuôn khổ chuyến viếng thăm mục vụ dài 13 tiếng đồng hồ tại hai giáo phận Cesena và Bologna.

Lúc 4 giờ rưỡi chiều, ĐTC từ nhà thờ chính tòa thánh Phêrô của Bologna đến quảng trường trước Vương cung thánh đường Thánh Đaminh. Ngài tiến vào Vương cung Thánh Đường thánh Đa Minh, chào thăm hàng chục tu sĩ Đa Minh trong nhà thờ, rồi đến cầu nguyện trước mộ của thánh Đa Minh. Tại đây, ngài cũng ghi vào sổ vàng lưu niệm những hàng chữ bằng tiếng Tây Ban Nha:

Trước mộ Thánh Đa Minh, tôi đã cầu nguyện cho dòng Anh em Thuyết Giáo. Tôi đã cầu xin cho các phần tử của Dòng ơn trung thành với gia sản đã lãnh nhận. Tôi đã cám ơn Chúa vì tất cả những điều tốt lành mà các con cái Chúa đã làm cho Giáo Hội và tôi đã cầu xin như một món quà là sự gia tăng nhiều ơn gọi. Anh em Đa Minh thân mến: xin Chúa chúc lành cho anh em, và xin Đức Trinh Nữ Thánh bảo vệ anh em, và xin anh em vui lòng đừng quên cầu nguyện cho tôi”.

Sau đó, ĐTC mới tiến ra quảng trường bên ngoài, để gặp gỡ hàng ngàn người gồm các giáo sư, sinh viên, đại diện cho 85 ngàn sinh viên các ngành thuộc đại học kỳ cựu này.

Diễn văn của ĐTC

Lên tiếng sau lời chào mừng của giáo sư viện trưởng, ĐTC nói:

”Từ gần 1 ngàn năm nay, Đại Học Bologna là ”một phòng thí nghiệm thuyết nhân bản: tại đây cuộc đối thoại với các khoa học đã mở ra một thời đại và hình thành thành phố này. Vì thế Bologna được gọi là ”thông thái”: thông thái nhưng không kiêu hãnh, chính nhờ Đại học luôn cởi mở, giáo dục các công dân của thế giới và nhắc nhớ rằng căn tính của đại học này là căn tính căn nhà chung, universitas..

ĐTC cũng nhận xét rằng Đại học Bologna cũng nổi tiếng vì sự tiếp đón dành cho các sinh viên đến từ những môi trường xa xăm và khó khăn, và đó là một dấu chỉ tốt đẹp: ”ước gì Bologna là ngã tư ngàn đời của các cuộc gặp gỡ, đối chiếu và tương quan, và gần đây là chiếc nôi của dự án Erasmus, luôn luôn có thể vun trồng ơn gọi này!”

Ngài nhắc đến sự kiện Đại học Bologna hình thành với việc nghiên cứu luật, và nói: điều này chứng tỏ Đại học ở Âu Châu có những căn cội sâu xa nhất trong chủ thuyết nhân bản, mà các tổ chức dân sự và Giáo Hội, qua những vai trò khác nhau, đã góp phần vào. Chính Thánh Đa Minh cũng ngưỡng mộ sức sinh động của thành Bologna, với số sinh viên đông đảo đến đây để học dân luật và giáo luật. Bologna với Đại học ở đây đã biết đáp ứng những nhu cầu của xã hội mới, thu hút những sinh viên muốn tìm hiểu. Thánh Đa Minh thường gặp gỡ họ. Theo một tường thuật, một học giả, ngạc nghiên về kiến thức của thánh nhân về Kinh Thánh, đã hỏi Người xem đã học từ những sách nào. Câu trả lời thời danh của Thánh Đa Minh là: ”Tôi đã học trong cuốn sách bác ái hơn là trong những cuốn sách khác; cuốn sách này dạy mọi sự”.

ĐTC đã đề nghị với mọi người 3 thứ quyền mà ngài thấy rất thời sự. Trước hết là:

Quyền được văn hóa. Đây không phải chỉ là quyền được học hành, nhưng còn là bảo vệ sự khôn ngoan, nghĩa là một kiến thức nhân bản và nhân bản hóa. Quá nhiều khi người ta bị ảnh hưởng của những lối sống tầm thường và phù du, thúc đẩy con người theo đuổi thành công rẻ tiền, coi rẻ hy sinh, nuôi dưỡng ý tưởng cho rằng việc học hành nghiên cứu là vô ích nếu không mang lại ngay những gì cụ thể. Không phải vậy, việc học giúp đặt những câu hỏi, nó giúp ta không bị tê liệt vì sự tầm thường, và giúp tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống.

ĐTC cũng nhắc nhở giới sinh viên và trí thức đại học đừng chiều theo khán thính giả, không theo những kịch bản gây phẫn nộ, thường che đậy những ích kỷ lớn, trái lại cần tận tụy hăng say với công tác giáo dục, nghĩa là rút ra những điều tốt đẹp nhất của mỗi người để mưu ích cho tất cả. Cần chống lại thứ ngụy văn hóa biến con người thành đồ phế thải, biến việc nghiên cứu thành lợi lộc và biến khoa học thành kỹ thuật. Cùng nhau chúng ta khẳng định một nền văn hóa xứng với con người, một nghiên cứu nhìn nhận những công lao, tưởng thưởng hy sinh, và một kỹ thuật không tùng phục những mục tiêu thương mại, một sự phát triển trong đó không phải tất cả những gì tiện dụng đều là điều hợp pháp”.

Thứ hai là quyền được hy vọng. Bao nhiêu người ngày nay đang cảm thấy cô đơn, bất an, cái vẻ nặng nề của sự bỏ rơi. Vì thế cần dành chỗ cho quyền hy vọng: đó là quyền không bị xâm chiếm hằng ngày vì những lời tuyên bố gây sợ hãi và oán ghét. Đó là quyền không bị tràn ngập vì những lời mị dân hoặc phổ biến những tin tức giả dối gây lo âu và nhắm thủ lợi. Đó cũng là quyền được thấy có những giới hạn hợp lý được đề ra cho những thứ tin tức đen, làm sao để để cả những tin tức tốt đẹp cũng được nói tới. Đó là quyền của người trẻ được tăng trưởng, không phải sợ hãi về tương lai, được biết rằng trong cuộc sống có những thực tại đẹp đẽ và lâu bền, đáng được chúng ta dấn thân. Đó là quyền tin rằng tinh yêu chân thực không phải là ”dùng rồi vứt bỏ” và công ăn việc làm không phải là một ảo tưởng không đạt tới được, nhưng là một lời hứa cho mỗi người, cần phải được duy trì.

Thật là đẹp dường nào nếu các phòng học của các đại học trở thành những công xưởng hy vọng, nơi làm việc cho một tương lai tốt đẹp hơn, nơi mà người ta học để trở thành những người trách nhiệm về bản thân và thế giới!

– Sau cùng là quyền hòa bình. Đây là một quyền và nghĩa vụ được ghi khắc trong tâm hồn của nhân loại, vì ”sự hiệp nhất trổi vượt hơn xung đột)) (E.G. 226).

ĐTC khẳng định rằng: Đứng trước hòa bình, chúng ta không thể dửng dưng hoặc trung lập. ĐHY Lercaro ở đây đã từng nói rằng: ”Giáo Hội không thể trung lập đứng trước sự ác, bất kỳ từ đâu tới: sự sống của Giáo Hội không phải là trung lập, nhưng là lời ngôn sứ (Bài giảng 1-1-1968), không trung lập, nhưng là đứng vào hàng ngũ bênh vực hòa bình!

Vì thế, chúng ta kêu gọi quyền hòa bình như quyền của tất cả mọi người được giải quyết các cuộc xung đột mà không bạo lực. Để được vậy, chúng ta lập lại: không bao giờ chiến tranh nữa, không bao chống lại người khác, không bao giờ không có người khác! Hãy đưa ra ánh sáng những lợi lộc và âm mưu, thường là tối tăm, của những kẻ gây ra bạo lực, nuôi dưỡng sự chạy đua võ trang, chà đạp hòa bình bằng những nghiệp vụ. Đại học được nảy sinh ở đây để học luật, để tìm kiếm những gì bảo vệ con người, điều hành cuộc sống chung và bảo vệ chống lại những lý lẽ của kẻ mạnh hơn, của bạo lực và độc đoán. Một thách đố rất thời sự là khẳng định các quyền con người và các dân tộc, các quyền của những người yếu thế hơn, người bị gạt bỏ, quyền của thiên nhiên, căn nhà chung của chúng ta.

Và ĐTC kết luận rằng:

”Anh chị em đừng tin những kẻ nói với anh chị em rằng chiến đấu cho những điều ấy là vô ích và chẳng có gì thay đổi! Đừng hài lòng với những giấc mơ bé nhỏ, nhưng hãy mơ ước những điều vĩ đại… Cùng với anh chị em, tôi mơ ước ”một thuyết nhân bản mới của Âu Châu, để được vậy cần có ký ức, can đảm, một ước mong lành mạnh và nhân bản”, tôi mơ ước một Âu Châu là người mẹ tôn trọng sự sống và cống hiến hy vọng sự sống, một Âu Châu trong đó người trẻ hô hấp không khí trong lành của sự lương thiện, yêu vẻ đẹp của văn hóa và một đời sống đơn giản, không bị ô nhiễm vì những nhu cầu tiêu thụ vô cùng…

G. Trần Đức Anh OP

 

Cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo, ngay cả khi họ xấu xa

Cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo, ngay cả khi họ xấu xa

Các Kitô hữu luôn cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo, ngay cả khi các vị lãnh đạo gặp phải sai lầm. Các vị lãnh đạo cũng phải cầu nguyện, vì nếu không, có nguy cơ họ chỉ khép kín trong lợi ích riêng của nhóm họ. Nhà lãnh đạo có lương tâm là người biết đặt mình trước người dân, đặt mình trước mặt Chúa, và biết cầu nguyện. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Nếu không cầu nguyện

Trong bài đọc thứ nhất, thánh Phaolô khuyên ông Timôthê hãy cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo. Trong bài Tin Mừng, có vị lãnh đạo biết cầu nguyện. Ông nài xin Thầy Giêsu cứu chữa cho người đầy tớ của ông đang bị đau ốm. Ông yêu mến người dân của ông, cho dù họ là người xa lạ. Ông yêu mến người đầy tớ, và thực sự ông rất lo lắng cho người ấy.

Viên sĩ quan ấy cảm thấy là cần cầu nguyện. Ông cầu nguyện không chỉ bởi vì ông yêu mến, nhưng còn vì ông hiểu rõ rằng, ông không làm chủ mọi sự. Ông biết có những người ở trên ông. Ông biết có ai khác truyền lệnh cho ông. Ông biết mình có những thuộc hạ và lính tráng, và ông cũng biết chính bản thân mình cũng thuộc quyền người khác. Vị sĩ quan này nhận thức rất rõ về bản thân, và ông cầu nguyện.

Nếu ông không cầu nguyện, có nguy cơ là ông chỉ tự khép kín nơi bản thân, nơi lợi ích nhóm của đảng phái, nơi những cái vòng luẩn quẩn không thể thoát ra. Nhưng không, ông cầu nguyện, ông nhận thức rõ thân phận con người của bản thân. Khi ấy, ông nhận thấy những vấn đề thực sự là gì, ông nhận thấy có Đấng có sức mạnh hơn ông. Ông nhận thấy Đấng có thể ban cho ông sức mạnh, một sức mạnh đến từ Thiên Chúa. Do đó, ông cầu nguyện.

Ơn khôn ngoan

Lời cầu nguyện của ông rất quan trọng, vì đó là lời cầu nguyện hướng về tha nhân, hướng về người dân, hướng về người thuộc hạ của ông. Có nhà lãnh đạo nọ, ngày nào cũng dành hai tiếng đồng hồ để cầu nguyện trong thinh lặng trước mặt Chúa, cho dù ông rất bận rộn. Cần phải biết cầu xin ơn sủng của Chúa để biết cai quản tốt như Vua Salomon đã làm. Vua đã không xin Chúa ban vàng bạc hay của cải, nhưng xin ơn khôn ngoan để biết cai quản.

Các nhà lãnh đạo cần cầu nguyện, cần xin ơn ấy, để họ có thể làm việc trong sáng trước mặt Chúa và vì ích lợi cho dân. Để họ không chỉ dừng lại trong lợi ích nhóm hoặc tư lợi. Nếu bạn không thể cầu nguyện, thì ít ra hãy làm hãy sống với lương tâm bạn. Có nghĩa là, đừng tự tham chiếu chính mình, đừng lấy mình làm trung tâm, đừng chỉ biết vun vén lợi ích cho nhóm mình, cho đảng phái của mình mà thôi.

Nếu khó cầu nguyện

Thánh Phaolô mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo, để mọi người dân được sống trong bình yên và trong tinh thần đạo đức. Tuy nhiên, nếu vị lãnh đạo làm điều gì đó mà ta không thích, hoặc vị lãnh đạo ấy chỉ biết lo cho đảng phải của ông ta, thì sao?

Có người nói: Tôi đã bỏ phiếu chọn ông ta. Người khác nói: Tôi đã không chọn người ấy. Thế nhưng, chúng ta đừng để vị lãnh đạo ấy một mình, chúng ta cần đồng hành với họ bằng lời cầu nguyện. Các Kitô hữu cần cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo. Nhưng thưa cha, con phải cầu nguyện thế nào đây? Con phải cầu nguyện làm sao cho những kẻ lãnh đạo đã gây ra bao nhiêu điều tệ hại xấu xa? Nếu thế, con cần cầu nguyện nhiều hơn nữa, hơn nữa. Cầu nguyện để làm gì! Đó là để người dân có được cuộc sống bình yên tốt lành.

Xin anh chị em hãy dành ra năm phút, không nhiều hơn năm phút, để suy xét xem. Nếu là một nhà lãnh đạo, tôi tự hỏi: Tôi có cầu nguyện về những gì được trao cho tôi hay không, về quyền mà người dân trao cho tôi? Nếu không phải là nhà lãnh đạo, tôi tự hỏi: Tôi có cầu nguyện cho các vị lãnh đạo hay không? Cầu nguyện cho những vị tôi thích. Và với những vị lãnh đạo tôi không thích, tôi càng cần cầu nguyện nhiều hơn. Nếu tôi nhận thấy, bản thân không cầu nguyện cho các vị lãnh đạo, tôi có thể đi xưng tội về điều ấy. Tại sao tôi lại không cầu nguyện cho các vị lãnh đạo, trong khi đó là công việc của lòng xót thương.

Tứ Quyết SJ

Phần đầu bài phỏng vấn ĐTC dành cho các nhà báo trên chuyến bay Cartagena Roma

Phần đầu bài phỏng vấn ĐTC dành cho các nhà báo trên chuyến bay Cartagena Roma

Theo thông lệ ngày 11 tháng 9 vừa qua trên chuyến bay từ Cartagena bên Colombia về Roma, ĐTC Phanxicô đã dành cho các nhà báo quốc tế một cuộc phỏng vấn dài về nhiều vấn đề của Colombia cũng như các vấn đề quốc tế. Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị nội dung phần đầu bài phỏng vấn này.

Mở đầu ông Greg Burke, giám đốc Phòng báo chí kiêm phát ngôn viên Toà Thánh, đã ngỏ lời cám ơn ĐTC dành thời giờ cho các nhà báo, tuy đã có một chuyến công du rất bận rộn mệt nhọc, rất vất vả đối với vài người, nhưng cũng là một chuyến viếng thăm có nhiều hoa trái. ĐTC đã nhiều lần cám ơn dân chúng vì những gì họ đã dậy cho ĐTC, chúng con cũng học hỏi được biết bao nhiêu điều từ các nền văn hoá gặp gỡ này, và chúng con cũng xin cám ơn ĐTC vì điều này. Đặc biệt dân nước Colombia, với quá khứ mới đây – và không phải chỉ với quá khứ mới đây – đã cống hiến cho chúng con vài chứng tá rất mạnh mẽ – các chứng tá cảm động về sự tha thứ và hoà giải. Tuy nhiên, nó cũng cho chúng con một bài học liên tục về sự tươi vui và niềm hy vọng, là hai từ ĐTC đã dùng rất nhiều lần trong chuyến công du này. Bây giờ chắc ĐTC muốn nói điều gì rồi chúng ta sẽ sang phần các câu hỏi của các nhà báo.

Đáp: Tôi xin chào và cám ơn các anh các chị về công việc của các anh các chị. Tôi thật cảm động về sự tươi vui, dịu hiền, trẻ trung và sự cao quý của nhân dân Colombia. Họ thật là một dân tộc cao quý, không sợ hãi nói lên điều họ cảm nghĩ, không sợ hãi cảm nhận và cho thấy điều họ cảm nhận. Tôi đã nhận ra như vậy. Đây là lần thứ ba đến Colombia, tôi nhớ thế, nhưng một Giám Mục đã nói: “Không đây là lần thứ tư, nhưng tôi đã chỉ đến Colombia cho các cuộc họp nhỏ”. Một lần và hai lần khác tại Bogota hay ba, nhưng tôi không biết Colombia một cách sâu rộng, Colombia mà người ta biết trên các đường phố. Và tôi cám ơn vì chứng tá của niềm vui, niềm hy vọng, sự kiên nhẫn trong đau khổ của dân tộc này. Họ đã làm ích cho tôi biết bao. Xin cám ơn.

** Câu hỏi đầu tiên là của anh Cesar Moreno nhân viên của đài phát thanh Radio Caracol.

Hỏi: Thưa ĐTC, trước hết con muốn cám ơn ĐTC, thay mặt cho tất cả các nhân viên  truyền thông Colombia  tháp tùng chúng ta trong chuyến viếng thăm này, cho mọi đồng nghiệp và thân hữu, đã đến trên quê hương chúng con, đã cho chúng con biết bao nhiêu sứ điệp hay đẹp, sâu sắc, và vì biết bao nhiêu yêu thương, gần gũi mà ĐTC đã chứng minh cho nhân dân Colombia thấy. Chúng con xin hết lòng cám ơn ĐTC. Câu hỏi của con là: ĐTC đã đến trong một quốc gia chia rẽ, qua con đường của tiến trình hoà bình, giữa những người chấp nhận hay không chấp nhận tiến trình này. Phải làm gì một cách cụ thể, đâu là các bước tiến phải làm để cho các phe chia rẽ xích lại gần nhau, để từ bỏ hận thù, để từ bỏ oán ghét? Nếu ĐTC trở lại Colombia trong 4 năm nữa, ĐTC nghĩ thế nào, ĐTC muốn trông thấy Colombia như thế nào?

Đáp: Tôi thích rằng ít nhất khẩu hiệu “Chúng ta hãy đi bước thứ hai”, ít nhất điều đó được thực hiện – Tôi đã nghĩ là các năm chiến tranh, tôi đã tính chúng là 60 năm, nhưng người ta nói với tôi là 54 năm chiến tranh du kích, ít nhiều là như vậy, và trong đó người ta  chồng chất lên biết bao nhiêu, biết bao nhiêu thù ghét, oán hận, biết bao nhiêu tâm hồn đau yếu; và bệnh tật không có lỗi, nó đến và bạn bị lây bệnh sởi. Và với các cuộc chiến du kích mà họ đã làm – chiến tranh du kích, các dân quân cũng như những người bên kia và cả nạn gian tham hối lộ nữa, biết bao nhiêu lần xảy ra trong quốc gia – đã phạm các tội xấu xa dấy lên sự thù hận đó… Nhưng đã có các bước tiến trao ban hy vọng, các bước tiến trong việc thương thuyết, và cuối cùng là việc ngưng bắn của lực lượng Quân đội giải phóng quốc gia: tôi xin cám ơn họ rất nhiều, rất nhiều vì điều đó. Nhưng còn có cái gì hơn nữa, mà tôi đã nhận ra, đó là ước muốn tiến tới trong tiến trình này, nó vượt xa hơn các cuộc thương thuyết  đang được làm và cần phải làm. Đó là một ước muốn tự phát, và trong đó có sức mạnh của dân chúng. Tôi hy vọng nơi điều này. Dân chúng muốn thở, nhưng chúng ta phải trợ giúp họ và trợ giúp họ với sự gần gũi, lời cầu nguyện và nhất là với sự cảm thông biết bao nỗi khổ đau bên trong tâm hồn của biết bao người dân.

** Ông Burke nói bây giờ tới phiên anh José Mujica của tờ El Tiempo Thời báo. Anh hỏi bằng tiếng Tây Ban Nha

Hỏi: Thưa ĐTC thật là một vinh dự được ở đây với ĐTC. Con tên là José Mujica, nhà báo của tờ El Tiempo bên Colombia và con cũng xin chào ĐTC nhân danh tất cả các nhà báo Colombia và giới truyền thông của quốc gia này. Colombia đã khổ đau trong nhiều thập niên vì bạo lực, chiến tranh, xung đột vũ trang và cả vì nạn buôn bán ma tuý nữa, nhưng các hậu quả của nạn gian tham hối lộ trong giới chức chính trị thật là tàn phá, y như chiến tranh vậy và cả khi nạn tham ô hối lộ là một thực tại mới, chúng con đã luôn luôn biết nó hiện hữu, giờ đây có thể trông thấy rõ ràng hơn, bởi vì không còn có các tin chiến tranh và xung đột vũ trang nữa. Phải làm gì trước tệ nạn này, và cho tới độ nào với các người thối nát, làm thế nào để trừng phạt họ và sau cùng có cần phải dứt phép thông công họ hay không?

Đáp: Anh đã đưa ra một câu hỏi, mà chính tôi cũng đã đặt ra biết bao lần. Và tôi đã đặt câu hỏi kiểu này: kẻ thối nát có được ơn tha thứ hay không? Tôi đã đặt câu hỏi như vậy đó. Và tôi đã đặt câu hỏi này, khi xảy ra một trường hợp trong tỉnh Catamarca bên Argentina – một trường hợp đối xử tàn tệ, lạm dụng và hãm hiếp một thiếu nữ và có liên quan tới các quyền bính chính trị và kinh tế của tỉnh này.

Tôi đã nghe nói tới một bài báo của nhà báo Frigerio đăng trên tờ “La Nacion” thời bấy giờ. Tôi đã viết một cuốn sách nhỏ gọi là “Tội lỗi và thối nát”. Chúng ta tất cả đều là những người tội lỗi, và chúng ta biết rằng Chúa gần gũi chúng ta, Ngài không mệt mỏi tha thứ cho chúng ta. Nhưng có sự khác biệt: Thiên  Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ, nhưng người tội lỗi có khi hồi sinh và xin lỗi. Vấn đề đó là kẻ thối nát mệt mỏi khi xin lỗi và quên phải xin lỗi làm sao: đây là vấn đề nghiêm trọng. Đó là một tình trạng vô cảm đối với các giá trị, đối với sự phá hoại, đối với việc khai thác bóc lột con người. Họ không có khả năng xin lỗi. Và như là một việc kết án, do đó rất khó trợ giúp một người thối nát, rất khó. Nhưng Thiên Chúa có thể làm điều đó, và tôi cầu nguyện cho điều này.

** Ông Burke giới thiệu anh Hernan Reyes của tờ “Telam”.

Hỏi: Thưa ĐTC. Câu hỏi này là của nhóm các nhà báo tiếng Tây Ban Nha. ĐTC đã nói tới bước đầu tiên mà Colombia đã làm. Hôm nay trong Thánh Lễ ĐTC đã nói rằng một cuộc đối thoại giữa hai phe không đủ, mà cần phải đưa thêm nhiều tác nhân khác nữa vào trong cuộc đối thoại. ĐTC có nghĩ rằng có thể lập lại mô thức này của Colombia trong các xung đột khác trên thế giới hay không?

Đáp: Tháp nhập những người khác vào… cả ngày hôm nay nữa trong bài giảng tôi đã đề cập tới điều này bằng cách đi từ Phúc Âm. Tháp nhập các người khác: đây không phải là lần đầu tiên… trong biết bao cuộc xung đột đã có các người khác được tháp nhập vào cuộc đối thoại. Đây là một cách tiến tới, một kiểu chính trị khôn ngoan, phải không? Có sự khôn ngoan xin trợ giúp… Nhưng tôi tin rằng ngày hôm nay tôi đã muốn nhấn mạnh trong bài giảng – nó đã là một sứ điệp hơn là một bài giảng – tôi tin rằng các kiểu kỹ thuật chính trị ấy giúp ích; đôi khi chúng yêu cầu sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc để ra khỏi cuộc khủng hoảng. Nhưng  một tiến trình hoà bình sẽ chỉ có thể tiến tới, khi nhân dân cầm nó trong tay. Nếu người dân không cầm nó trong tay, người ta có thể tiến tới một chút, người ta sẽ đi tới một giàn xếp… Đó là điều tôi đã tìm làm cho cảm thấy trong chuyến viếng thăm này: tác nhân của việc hoà giải hoặc là dân chúng hay người ta sẽ đi tới một điểm nào đó: nhưng khi một dân tộc nắm lấy việc tạo hoà bình trong tay, thì nó có khả năng làm tốt điều ấy. Và tôi sẽ nói rằng đó là con đường cao hơn.

** Tới phiên chị Elena Pinardi

Hỏi: Con xin chào ĐTC, trước hết chúng con muốn hỏi ĐTC có khoẻ không. Chúng con tất cả đã trông thấy ĐTC vập đầu vào xe díp, ĐTC có khoẻ không, có đau không ạ?

Đáp: Lúc đó tôi quay ra chào các trẻ em và tôi đã không trông thấy kính và bùm một cái…

Hỏi: Câu hỏi của con là: trong khi ở trên máy bay chúng ta bay gần cơn bão Irma. Sau khi đã gây ra bao tàn phá khiến cho hàng chục người chết và gây ra các thiệt hại khổng lồ tại các đảo thuộc quần đảo Caraibi và Cuba, người ta sợ rằng nhiều vùng rộng lớn trong tiểu bang Florida có thể bị ngập lụt. Sáu triệu người đã phải bỏ nhà cửa của họ. Sau trận bão Harvey hầu như đã có thêm 3 trận bão khác đồng thời đổ vào vùng này. Các nhà khoa học cho rằng việc hâm nóng các đại dương là một yếu tố góp phần khiến cho các cơn dông bão mùa này ngày càng mạnh hơn. Có trách nhiệm luân lý của các vị lãnh đạo chính trị khước từ cộng tác với các quốc gia khác để kiểm soát việc thải thán khi vào không trung hâm nóng trái đất hay không, bởi vì họ từ chối cho rằng khí hậu thay đổi là lỗi tại con người?

Đáp: Xin cám ơn chị. Tôi trả lời phần cuối cùng của câu hỏi để khỏi quên: ai chối điều này thì phải đi tới với các nhà khoa học và hỏi họ. Các khoa học gia đã nói rất rõ ràng. Các khoa học gia rất chính xác. Hôm trước khi có tin tức của chiếc tầu của Nga – tôi tin thế – chiếc tầu này đã từ Na Uy sang Nhật Bản hay Đài Loan và đã đi qua Bắc Cực, mà không có các tầu làm bể đá băng, các hình chụp cho thấy các mảng đá băng… nhưng bây giờ có thể đi qua Bắc Cực. Nó thật rõ ràng. Thật là rõ ràng. Khi tin này được một đại học tung ra – tôi không nhớ đại học này ở đâu – thì có một tin khác nói rằng: “Chúng ta chỉ còn có 3 năm nữa để quay lại đàng sau. Nếu không, thì các hậu quả sẽ kinh khủng”. Tôi không biết có thật “ba năm” hay không, nhưng nếu chúng ta không trở lại đàng sau, thì chúng ta sẽ chìm hết, điều này thật. Khí hậu thay đổi người ta trông thấy các hậu quả và các khoa học gia nói một cách rõ ràng con đường chúng ta phải theo. Và chúng ta tất cả đều có một trách nhiệm: tất cả mọi người. Mỗi người một phần trách nhiệm nhỏ, một phần trách nhiệm lớn hơn, một trách nhiệm luân lý phải chấp nhận, góp ý kiến hay lấy các quyết định… Và chúng ta phải làm điều đó một cách nghiêm chỉnh. Tôi tin rằng nó là một điều không thể đùa giỡn được: nó vô cùng nghiêm trọng. Và chị hỏi tôi đâu là trách nhiệm luân lý? Mỗi một người đều có trách nhiệm luân lý của mình. Cả các chính trị gia cũng có trách nhiệm của họ. Mỗi người đều có trách nhiệm của mình. Câu trả lời thứ hai thì có rồi.

Hỏi: Có người nhận thức rằng chúng ta đang đi tới thời tận thế như tả trong sách Khải Huyền với tất cả các biến cố khí quyển… ĐTC nghĩ sao?

Đáp: Tôi không biết… Tôi sẽ nói: thứ nhất, mỗi một người có trách nhiệm luân lý riêng của mình. Thứ hai, nếu một người hơi nghi ngờ rằng nó không thật, thì hãy đi hỏi các khoa học gia đi. Các khoa học gia rất rõ ràng. Những điều họ nói  không phải là các ý kiến trong không khí đâu. Chúng rất rõ ràng. Và rồi hãy quyết định. Và lịch sử sẽ phán xử các quyết định ấy.

Linh Tiến Khải

 

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha – Tháng Chín 2017: Cầu nguyện cho các giáo xứ

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha – Tháng Chín 2017: Cầu nguyện cho các giáo xứ

VATICAN. Trong tháng Chín 2017, Đức Thánh Cha đặc biệt mời gọi cầu nguyện cho các giáo xứ, để các giáo xứ trở thành nơi thông truyền đức tin và thể hiện đức ái. Đức Thánh Cha chia sẻ trong Video rằng:

Các giáo xứ phải có liên hệ với các gia đình, với đời sống người dân, với đời sống xã hội. Các giáo xứ phải là những ngôi nhà với cánh cửa luôn rộng mở chào đón mọi người. Điều này rất quan trọng và là đòi buộc rõ ràng của đức tin.

Những cánh cửa phải luôn rộng mở, để Chúa Giêsu có thể đi ra với tất cả niềm vui trong sứ điệp của Người.

Hãy cầu nguyện cho các giáo xứ của chúng ta, để các giáo xứ không đơn thuần là những văn phòng công sở, nhưng được linh hoạt bởi tinh thần truyền giáo. Nhờ đó các giáo xứ trở thành nơi thông truyền đức tin và thể hiện đức ái.

 

Cầu nguyện cho các giáo xứ

Cầu nguyện cho các giáo xứ

Trong tháng 9 tới đây ĐTC mời gọi chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho các giáo xứ, để được linh hoạt bởi tinh thần truyền giáo, chúng là các nơi hiệp thông đức tin và làm chứng cho tình bác ái.

Có lẽ không có tôn giáo nào trên thế giới có các cấu trúc chặt chẽ và sinh động như Giáo Hội Công Giáo, trong đó giáo xứ là đơn vị nhỏ nòng cốt. Trên bình diện toàn cầu Đức Giáo Hoàng là thủ lãnh Giáo Hội, với Hồng Y Đoàn, gồm một số Hồng Y làm Tổng trưởng các Bộ và cơ quan trung ương Toà Thánh cộng tác với Đức Giáo Hoàng trong việc cai quản Giáo Hội công giáo hoàn vũ. Các Hồng Y khác là cố vấn của các cơ quan trung ương. Ngoài ra từ thời Đức Phanxicô còn có Hội đồng 9 Hồng Y cố vấn cho việc cải tổ các cơ quan trung ương Toà Thánh. Thế rồi còn có Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới để bàn về các vấn đề quan trọng trong Giáo Hội và đóng góp ý kiến cho Đức Giáo Hoàng. Trên bình diện quốc gia, mỗi nước có một Hội Đồng Giám Mục bao gồm các Giám Mục chủ chăn của mọi giáo phận, với Ban Thường Vụ gồm vị chủ tịch, các phó chủ tịch và chủ tịch nhiều uỷ ban khác nhau đặc trách các công việc của Giáo Hội địa phương. Nhiều giáo phận họp thành một giáo tỉnh. Chẳng hạn Giáo Hội Việt Nam hiện có ba giáo tỉnh là Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Mỗi giáo phận đều có Cha chính giáo phận và hội đồng linh mục cộng tác với Đức Giám Mục trong việc điều hành giáo phận. Mỗi giáo phận  bao gồm nhiều giáo xứ, có khi lên đến mấy trăm khi đó là giáo phận lớn như Xuân Lộc và Sài Gòn.  Nhiều giáo xứ họp thành một giáo hạt có cha hạt trưởng, và mỗi giáo xứ có một cha xứ. Giáo xứ lớn có nhiều nhu cầu và sinh  hoạt đôi khi có thêm   một hay nhiều cha phó. Khi có nhân lực dồi dào nhiều giáo xứ lớn có tới mấy cha phó đặc trách nhiều lãnh vực khác nhau như mục vụ các hội đoàn, mục vụ gia đình, mục vụ giới trẻ vv… Mỗi giáo xứ đều có hội đồng mục vụ gồm một số anh chị em giáo dân được bầu lên để giúp cha xứ trong việc tổ chức cuộc sống giáo đoàn.

Ở những nơi đâu quyền tự do tôn giáo được tôn trọng Giáo Hội còn có nhiều cơ sở hoạt động khác nữa như các nhà trẻ, các trường trung tiểu học, nhà thương, trạm phát thuốc, nhà dưỡng lão, viện cô nhi, nhà khuyết tật, trung tâm bác ái, trung tâm cai nghiện, trung tâm huấn nghệ, trung tâm dành cho các bà mẹ độc thân, cư xá sinh viên học sinh vv… Tất cả đều do các linh mục, tu sĩ các dòng tu, các hiệp hội đời thánh hiến và anh chị em giáo dân thiện nguyện hoặc thuộc các hiệp hội và hội đoàn khác nhau điều khiển dưới sự hướng dẫn của cha xứ và hội đồng mục vụ. Mỗi giáo xứ cũng thường có nhiều hội đoàn khác nhau, mỗi hội đoàn đều có các mục đích riêng với các đặc sủng riêng: chẳng hạn như hội các Bà mẹ công giáo, hội Đạo binh Đức Mẹ Legio Mariae, hội Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, hội Mân Côi, hội Tôn Vương gia đình, hội Thiếu nhi Thánh Thể, hội Hùng tâm dũng chí, hội Hướng đạo sinh công giáo, hội Thăng tiến hôn nhân, hội hát, hội giúp lễ, hội dâng hoa, hội trống, hội trắc, hội kèn, các nhóm chia sẻ Lời Chúa, hội gia đình trẻ, hội Thanh sinh công, đoàn thanh niên công giáo, đoàn thanh nữ công giáo, hội sinh viên công giáo, hội quân nhân công giáo vv…

Mục đích của tất cả mọi hội đoàn là khích lệ cuộc sống đạo của tín hữu thuộc mọi lứa tuổi, liên đới chia sẻ với nhau mỗi người tuỳ theo sở thích, nhu cầu và lãnh vực sinh hoạt tinh thần thiêng liêng mình ưa chuộng. Cũng còn có những hội như hội đọc kinh cho những người đã qua đời, hội thăm viếng người già và các bệnh nhân, khuyên nhủ những người khô khan nguội lạnh sống bê tha và xa Chúa. Nhiều sinh hoạt này cũng thường xuyên được các thành viên hội Đạo binh Đức Mẹ chia nhau đảm trách gọi là đi làm công tác tông đồ.

Hội đọc kinh Tôn Vương gia đình gồm nhiều nhóm gia đình quy tụ lại với nhau và đến nhà nhau đọc kinh mỗi thứ sáu đầu tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Hội Mân Côi cũng thế. Tượng Đức Mẹ Fatima được rước đến từng gia đình một và trong suốt tuần các gia đình khác đến tụ tập đọc kinh lần hạt kính Đức Mẹ. Sau đó ăn bành, uống trà, chía sẻ trao đổi kinh nghiệm sống và các tin tức với nhau, để liên đới an ủi khích lệ nhau. Các nhóm chia sẻ Lời Chúa thì thường xuyên gặp gỡ nhau trong các cơ sở của giáo xứ hay tại tư gia của các thành viên để hát thánh ca, đọc, suy niệm Thánh Kinh và chia sẻ các suy tư và kinh nghiệm sống với nhau dựa trên sứ điệp Lời Chúa.

Mỗi một  hội doàn đều có các sinh hoạt riêng theo tôn chỉ và mục đích của hội. Nhưng tất cả đều nhắm mục đích khích lệ nhau sống đạo và nâng đỡ nhau trong cuộc sống thường ngày rất thường khi cả trên bình diện chía sẻ vật chất cho nhau, đặc biệt đối với các thành viên có hoàn cảnh sống khó khăn. Cũng thường xảy ra là trong các lần sinh hoạt như thế các thành viên giúp nhau giải quyết nhiều vấn đề cụ thể, kể cả giới thiệu và kiếm công ăn việc làm cho nhau, hay cho nhau công ăn việc làm.

Một trong các thí dụ khuyến khích nhau sống đạo đó là gương của các em thành viên hội Thiếu Nhi Thánh Thể, trong các thập niên 1950-1970 trong miền nam. Mỗi sáng các đội trưởng đội phó thức dậy rất sớm và đến từng nhà các đội viên để gọi nhau đi tham dự Thánh Lễ hay đi đọc kinh. Tinh thần sống đạo đó được cổ võ ngay từ ngày còn bé khiến cho các em sau này lớn lên có được nhiều ý thức và thói quen sống đạo và khi lớn hơn nữa tham gia tích cực vào cuộc sống và các sinh hoạt của giáo xứ.

Quả thế, chính các hội đoàn và các sinh hoạt đa diện của các nhóm và các hiệp hội làm thành sức sinh động của một giáo xứ và ảnh hưởng trên cuộc sống của mọi thành phần giáo xứ. Mỗi khi cần tổ chức các sinh hoạt lớn trên bình diện giáo xứ hay giáo phận, như trong các trường hợp xảy ra tai ương thiên nhiên cần cứu trợ các nạn nhân, thì Đức Giám Mục và các cha xứ huy động nhân lực từ các hội đoàn trong các giáo xứ. Và các cuộc quyên góp liên đới cứu trợ đã luôn luôn thành công.

Tình hình xã hội tục hoá tiêu thụ hưởng thụ làn tràn khắp nơi trên thế giới hiện nay có thể đã khiến cho các cơ cấu và sinh hoạt này trong các giáo xứ suy yếu nhiều. Nhưng cũng chính vì thế trong tháng 9 tới đây ĐTC mời gọi chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho các giáo xứ, để được linh hoạt bởi tinh thần truyền giáo, chúng là các nơi hiệp thông đức tin và làm chứng cho tình bác ái.

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các nạn nhân ở Barcelona

Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các nạn nhân ở Barcelona

VATICAN. ĐTC quan tâm và cầu nguyện cho các nạn nhân vụ khủng bố ở thành Barcelona, Tây Ban Nha.

Vụ khủng bố xảy ra khoảng 5 giờ chiều ngày 17-8-2017 ở khu vực Ramblas dành cho khách bộ hành, nơi có đông đảo dân chúng và du khách ở trung tâm thành Barcelona. Kẻ khủng bố lái xe minibus đâm vào đông đảo dân chúng trên quãng đường 700 mét, làm cho 13 người thiệt mạng và 80 người bị thương theo tin sơ khởi.

Ông Greg Burke, Giám đốc phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết ”ĐTC rất quan tâm vì những gì đang xảy ra tại Barcelona. Ngài cầu nguyện cho các nạn nhân vụ khủng bố này và muốn bày tỏ sự gần gũi với toàn dân Tây Ban Nha, đặc biệt những người bị thương và gia đình các nạn nhân”.

Nhiều vị lãnh đạo Công Giáo trên thế giới cũng bày tỏ tình liên đới với các nạn nhân, bắt đầu từ HĐGM Tây Ban Nha. Đức Ông José Gil Tamayo, Tổng thư ký, cho biết các GM lo âu theo dõi và cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình họ, đồng thời bày tỏ sự liên đới hoàn toàn với xã hội đang bị tấn công qua những hành động này, đặc biệt với nhân dân thành Barcelona và các lực lượng an ninh. Các GM Tây Ban Nha lên án mọi hành động khủng bố, một phương pháp tự nó xấu ra, không thể dung hợp với luân lý sự sống, công chinh và hợp lý. Không những nó làm thương tổn trầm trọng đến quyền sống và tự do, nhưng còn biểu lộ thái độ bất bao dung tột độ và độc đoán”.

”Các GM Tây Ban Nha cũng xin tất cả các tín hữu dâng lời cầu nguyện xin Thiên Chúa ban ơn an nghỉ đời đời cho những người bị thiệt mạng, cho những người bị thương sớm được bình phục, an ủi các gia đình, ban an bình cho tâm hồn những người thiện chí và để không bao giờ tái diễn những hành động xấu xa đó tái diễn”.

Tại Hoa Kỳ, Đức Cha Oscar Cantú, GM giáo phận Las Cruces, NM, Chủ tịch Ủy ban GM Mỹ về Công lý và Hòa bình, đã ra tuyên ngôn nói rằng:

”Một lần nữa, một hành vi khủng bố đã làm cho hơn 1 tá người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. HĐGM Hoa Kỳ quyết liệt lên án hành vi đáng kinh tởm này về mặt luân lý và liên đới với dân chúng của Tổng giáo phận Barcelona và Tây Ban Nha đang ở trong thời điểm mất mát và đau buồn.”

Đức Cha Cantú cũng nói rằng: ”Những vụ tấn công khủng bố chống các thường dân vô tội không bao giờ có thể biện minh được.. Trực tiếp tấn công những người nam nữ và trẻ em vô tội là điều tuyệt đối đáng trách.. Xin Thiên Chúa an ủi những người sầu muộn và hoán cải tâm hồn những kẻ thì hành những hành vi như thế” (CNS 17-8-2017)

G. Trần Đức Anh OP