Thánh lễ truyền chức Giám mục cho Đức Ông Angelo De Donatis: Hãy có lòng thương xót

Thánh lễ truyền chức Giám mục cho Đức Ông Angelo De Donatis: Hãy có lòng thương xót

Thánh Lễ Truyền Chức Giám Mục ngày 09.11.2015

ROMA. Vào lúc 5 chiều ngày 09.11, tại Thánh Đường Latêranô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ truyền chức Giám mục cho Đức Ông Angelo De Donatis. Đức Ông De Donatis sinh năm 1954 tại Casarano, thuộc một tỉnh lị của Lecce, Italia. Ngài chịu chức linh mục năm 1980 và từ năm 1983, ngài thuộc Giáo phận Roma. Vào ngày 14.9 vừa qua, Đức Ông De Donatis được bổ nhiệm làm cha sở giáo xứ thánh Mác-cô Thánh Sử ở Campidoglio. Và hôm nay, ngài chính thức trở thành Giám mục Phụ tá Giáo phận Roma. Mùa Chay năm 2014 vừa qua, Đức Ông đã giúp Linh Thao cho Đức Thánh Cha Phanxicô cũng như giáo triều Roma.

Giảng trong thánh lễ truyền chức, Đức Thánh Cha nói:

“Anh chị em rất thân mến, chúng ta cùng nhau suy tư về nhiệm vụ cao cả mà Giáo hội đã tin tưởng ký thác cho người anh em của chúng ta đây.

Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã được Thiên Chúa Cha sai đến trần gian để cứu độ con người. Đến lượt mình, Đức Kitô cũng sai mười hai Tông đồ đi vào thế giới, với sức mạnh của Thánh Thần, công bố Tin Mừng cho muôn dân và tập họp tất cả lại dưới bóng một vị Chủ Chiên duy nhất, Đấng sẽ thánh hóa và dẫn đưa họ vào vùng đất an toàn.

Và để lưu truyền từ đời này sang đời kia thừa tác vụ Tông đồ, Nhóm Mười Hai đã tập hợp các cộng tác viên lại và sai họ đi qua việc đặt tay trao ban Thần Khí đã được lãnh nhận từ chính Đức Kitô, Đấng đã thiết lập Bí tích Truyền Chức Thánh. Bởi thế, ngang qua sự kế thừa liên tục của các Giám mục trong truyền thống sống động của Giáo hội, thừa tác vụ đầu tiên này vẫn được duy trì. Qua đó, sứ mạng của Đấng Cứu Thế vẫn tiếp tục và phát triển cho đến thời đại của chúng ta.

Đức Giám mục cùng với linh mục đoàn hiện diện giữa mọi người là một minh chứng cho sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Vị Linh Mục Thượng Thẩm cho đến đời đời.

Quả vậy, trong sứ vụ Giám mục, Đức Kitô tiếp tục rao truyền Tin Mừng cứu độ và tiếp tục thánh hóa những người tin ngang qua những Bí tích thánh. Trong tình phụ tử của Giám mục, Đức Kitô tiếp tục làm gia tăng thêm những thành viên mới vào thân thể của Ngài là Giáo hội. Và với sự khôn ngoan, sáng suốt của Giám mục, Đức Kitô tiếp tục hướng dẫn đoàn dân Chúa trong cuộc hành hương dương thế để tiến vào niềm hạnh phúc vĩnh cửu.

Vì thế, chúng ta cùng chào đón với niềm vui và lòng biết ơn người anh em của chúng ta đây, Đức Ông Angelo De Donatis, vào Giám mục đoàn. Chúc mừng ngài vì được là thừa tác viên của Đức Kitô và là người phân phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Anh em nhớ lời của Đức Giêsu nói với các Tông đồ: ‘Ai lắng nghe anh em là lắng nghe Thầy; ai chối từ anh em là chối từ Thầy; và ai chối từ Thầy là chối từ chính Đấng đã sai Thầy.’

Và cũng như thế với Đức Ông De Donatis, người anh em rất thân mến. Đức Ông đã được Thiên Chúa tuyển chọn, tuyển chọn giữa chư dân và để phục vụ chư dân. Thật vậy, Giám mục là một tước hiệu mang nghĩa phục vụ chứ không phải điều gì đó để tự hào. Giám mục là người có nhiệm vụ phải phục vụ nhiều hơn ai hết, vì như Đức Giêsu đã nói: ‘Ai muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em; ai muốn thành người cầm đầu, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người.’

Hãy biết rao giảng Lời Chúa trong mọi hoàn cảnh khi thuận lợi cũng như khi khó khăn thách đố; dám cứng rắn khiển trách và sửa dạy nhưng trong sự dịu dàng và bao dung. Lời giảng phải đơn sơ để mọi người có thể hiểu được, và đừng giảng dài quá. Bài giảng thông chuyển ân sủng của Thiên Chúa nên cần đơn sơ để mọi người có thể hiểu, và nhờ đó mà họ được thúc đẩy khao khát sống tốt hơn.

Thiên Chúa trao phó Giáo hội cho Đức Ông, cách cụ thể là Giáo phận Roma. Tôi cũng trao phó các linh mục và chủng sinh trong sự hướng dẫn của Đức Ông, và Đức ông có đặc sủng để làm điều đó. Hãy là một thừa tác viên, một người phân phát trung tín các mầu nhiệm của Đức Kitô. Và trong cương vị như một người cha, chủ gia đình, hãy luôn noi gương bắt chước vị Mục Tử Nhân Lành, biết tất cả mọi con chiên và tất cả chiên đều biết mình; đồng thời nếu cần thiết, sẵn sàng hy sinh tính mạng vì đàn chiên.

Với trái tim nhân ái, hãy yêu thương như một người cha và cũng có thể như một người anh tất cả những ai Thiên Chúa đã trao phó, trước hết là các linh mục, phó tế, chủng sinh; rồi sau đó, hết thảy những ai nghèo khổ, những người đang bị tổn thương và những người đang cần sự đón nhận và giúp đỡ. Hãy khuyến khích, thúc đẩy các tín hữu cộng tác với nhau trong các dấn thân tông đồ và hãy sẵn sàng lắng nghe họ với một sự nhẫn nại.

Hãy nhớ rằng phải đặc biệt lưu tâm đến những người không thuộc đàn chiên của Đức Kitô, bởi vì họ cũng được Thiên Chúa ký thác cho Đức Ông.

Hãy nhớ rằng Giáo hội Công giáo là một Giáo hội được quy tụ trong mối dây bác ái. Đức Ông đã gia nhập vào Giám mục đoàn nên phải mang nơi mình niềm cảm thức chung với toàn thể Giáo hội và hãy quảng đại với những ai cần sự trợ giúp. Và, Năm Thánh Lòng Thương Xót sắp bắt đầu, tôi cũng đòi hỏi Đức Ông, như một người anh em thân tình của tôi, hãy có lòng thương xót. Giáo hội và thế giới đang rất cần tình xót thương. Đức Ông hãy hướng dẫn các linh mục, chủng sinh bước đi trên con đường của lòng xót thương; có thể hướng dẫn bằng lời nói, nhưng trên hết là bằng thái độ và cung cách sống của mình. Lòng thương xót của Thiên Chúa luôn đón nhận và luôn có chỗ cho mọi người trong trái tim của Ngài. Thế nên, sẽ không có một ai bị đuổi ra ngoài bao giờ. Tôi cầu chúc Đức Ông điều này: có lòng xót thương” (SD 09.10.15).

Vũ Đức Anh Phương – Vatican Radio

Đức Thánh Cha dâng lễ tại nghĩa trang Verano: Nên thánh là một hành trình lội ngược dòng

Đức Thánh Cha dâng lễ tại nghĩa trang Verano: Nên thánh là một hành trình lội ngược dòng

ĐTC cử hành thánh lễ tại nghĩa trang Verano

ROMA. “Con đường nên thánh là một con đường vui tươi, hạnh phúc. Chính Đức Giêsu đã bước đi trên con đường ấy và ai theo Ngài sẽ được tiến vào sự sống trường sinh.” Chiều Chúa Nhật, ngày 01.11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ trọng thể mừng kính các thánh nam nữ tại nghĩa trang Verano, Roma. Giữa sự hiện diện đông đảo của các tín hữu, có quận trưởng Francesco Paolo Tronca, Tân Ủy Viên Hội Đồng Roma. Đức Thánh Cha đã đặt đóa bạch hồng trên mộ phần một gia đình như dấu chỉ cho lòng kính nhớ những người đã khuất trong Giáo phận.

Sau đây là bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ:

“Anh chị em thân mến,

Trong bài Phúc Âm, chúng ta đã nghe Đức Giêsu dạy dỗ các môn đệ và đám đông dân chúng đang tụ họp trên núi bên bờ hồ Galilê. Và ngày hôm nay, Lời Chúa cũng chỉ cho mỗi người chúng ta con đường để đạt được hạnh phúc thật sự, con đường dẫn về Thiên Quốc. Đây là hành trình gian nan vất vả, vì là một hành trình lội ngược dòng. Nhưng Thiên Chúa bảo đảm với chúng ta rằng ai tiến bước trên con đường ấy sẽ hạnh phúc, hay sớm muộn gì cũng được hạnh phúc.

‘Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.’ Có lẽ, chúng ta tự hỏi rằng một người có tâm hồn nghèo khó, gia tài duy nhất là Nước Trời, mà lại có phúc là như thế nào. Câu trả lời có thể là: Khi một người có trái tim trong sạch và tự do khỏi những ràng buộc thế trần, người ấy không còn ‘xa’ Nước Trời nữa.

‘Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.’ Một người sầu khổ làm sao lại có phúc được? Quả thực, nếu một người chưa bao giờ cảm thấy buồn khổ, dằn vặt, đau đớn sẽ chẳng biết được sức mạnh của sự ủi an. Do đó, người hạnh phúc là người có khả năng cảm thương, có khả năng lắng nghe bằng cả con tim tiếng gào thét khổ đau trong cuộc sống của chính mình cũng như của nhân loại. Họ sẽ là những người hạnh phúc, vì đôi tay êm ái và hiền từ của Thiên Chúa sẽ vỗ về an ủi họ.

‘Phúc thay ai hiền lành.’ Các thánh không giống chúng ta, vì rất nhiều lần chúng ta đã mất kiên nhẫn, nóng nảy và luôn sẵn sàng mở miệng kêu than trách móc. Với người khác, chúng ta hay càm ràm, chỉ trích. Nhưng khi người ta hơi đụng chạm tới chúng ta một chút, ta liền xửng cổ lên chửi bới như thể chúng ta chúa tể trên đời này. Trong khi thực tế, mọi người ngang bằng nhau vì đều là con Thiên Chúa. Chúng ta cũng nghĩ tới những bậc cha mẹ, những người rất mực kiên nhẫn với con cái mình mà đôi khi những người làm con lại khiến cha mẹ phải ‘điên tiết’. Đường lối của Thiên Chúa là đường lối của sự hiền lành và nhẫn nại. Và Đức Giêsu đã chọn con đường ấy. Ngay khi còn thơ ấu, Ngài đã chịu cảnh bắt bớ và lưu lạc nơi đất khách quê người. Khi trưởng thành, Ngài lại bị vu khống, cáo gian, bị cài bẫy trước tòa án. Nhưng Ngài chấp nhận tất cả với sự hiền lành và khiêm nhường. Ngài đã chấp nhận và chịu đựng, ngay cả sẵn sàng vác lấy thánh giá chỉ vì yêu thương chúng ta quá đỗi.

‘Phúc thay ai khao khát nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.’ Đúng vậy, những ai đang khao khát sự công chính không chỉ cho người khác mà trước hết cho chính bản thân mình, sẽ được thỏa lòng; vì họ đã sẵn sàng để đón nhận một sự công chính lớn lao hơn, cao cả hơn mà chỉ Thiên Chúa mới có thể ban tặng được.

Tiếp đến, ‘phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.’ Phúc thay những người biết thứ tha, có lòng xót thương người khác và chẳng hề phán xét ai hay điều gì bao giờ, nhưng lại cố gắng để đặt mình vào trong hoàn cảnh của tha nhân. Tha thứ là điều mà tất cả chúng ta đều cần, chẳng trừ một ai. Chính vì điều đó nên khi bắt đầu thánh lễ, chúng ta đã nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi. Đó không phải là một công thức thú tội để đọc cho xong nhưng là một hành động ăn năn đích thực: ‘Xin Chúa, thương xót chúng con.’ Và nếu chúng ta biết tha thứ cho người khác như chúng ta đã được thứ tha, chúng ta sẽ là những người được chúc phúc: ‘Xin Cha tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.’

‘Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Chúng ta thử quan sát gương mặt của những người chỉ biết đi khắp nơi để gieo rắc cỏ lùng, là những điều xấu xa, tội lỗi; họ có hạnh phúc, có vui tươi hay không? Không, họ chẳng thể bình an hạnh phúc được. Trái lại, những người ngày ngày cố gắng chăm chỉ gieo trồng hòa bình, họ lại trở thành những người thợ kiến tạo bình an và hòa giải. Họ là những người được chúc phúc, vì họ thực sự là con của Cha trên trời, Đấng luôn gieo vãi bình an. Và quả thực, Ngài đã gieo vào trần gian chính Người Con Một như là hạt giống an bình cho nhân loại.

Anh chị em rất thân mến, Tám Mối Phúc là con đường nên thánh và cũng là con đường của niềm vui, hạnh phúc. Đức Giêsu đã chọn bước đi trên con đường ấy và chính Ngài cũng là Con Đường. Ai bước đi với Ngài và nhờ Ngài sẽ tiến vào sự sống, sự sống vĩnh cửu. Chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn được đơn sơ, khiêm nhượng; ơn biết khóc thương, ơn được trở nên hiền lành, ơn biết lao tác xây dựng công lý và hòa bình, và trên hết, ơn được Thiên Chúa thứ tha ngõ hầu chúng ta có thể trở nên những khí cụ để diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa cho tha nhân.

Các thánh, những người đã đi trước chúng ta mà vào quê trời Thiên Quốc, đã sống và làm như thế. Nhưng các ngài vẫn còn đồng hành với chúng ta trong cuộc hành hương thế trần và không ngừng khuyến khích chúng ta biết lao mình về phía trước. Nhờ lời bầu cử của các thánh, xin Chúa giúp chúng ta biết bước đi trên con đường của Đức Giêsu, và cũng nguyện cầu cho những anh chị em đã khuất của chúng ta nhận lãnh được niềm hoan lạc vĩnh cửu trong Nước Trời.”

Vũ Đức Anh Phương – Vatican Radio

 

Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi những người công chính

Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi những người công chính

ĐTC at Martha Chapel

Thiên Chúa chẳng hề bỏ rơi những người công chính; còn kẻ gian ác giống như người xa lạ, tên của chúng sẽ không bao giờ được nhắc đến trên Thiên Quốc. Đây là giáo huấn mà Đức Thánh Cha đã đúc kết từ những bài đọc trong thánh lễ sáng hôm qua, thứ năm ngày 08.10, tại nhà nguyện thánh Marta.

Đức Thánh Cha đặt vấn đề: “Có một người mẹ dũng cảm sống với chồng và ba đứa con. Chị chưa tròn 40 tuổi nhưng lại mang trên mình một cục bướu. Căn bệnh quái ác ấy buộc chị suốt ngày phải ở trên giường, chẳng thể đi đâu. Tại sao chuyện này lại xảy ra? Một cụ bà đạo đức, hằng ngày cầu nguyện liên lỉ trước nhan Thiên Chúa với những lời chân thật xuất phát từ con tim, nhưng con trai của cụ lại bị mafia giết chết. Tại sao chuyện này lại xảy ra với cụ?”

Tại sao những điều tốt lành lại đến với những kẻ độc ác, xấu xa?

Lời của Đức Thánh Cha trong nhà nguyện Marta hôm ấy làm vang vọng một câu hỏi nhức nhối, tựa như lưỡi dao sắc cắt vào những suy tư của rất nhiều người, đặc biệt là những người có sự xác tín và niềm tin được bén rễ sâu xa, nhưng lại bị lung lay bởi những bi kịch xảy ra trong cuộc sống. Vấn nạn đặt ra là: Tại sao phải sống công chính? Việc phụng thờ Thiên Chúa và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài, có ích lợi chi không? Trong khi kẻ kiêu ngạo và làm điều gian ác lại được thịnh đạt. Họ thử thách Thiên Chúa mà chẳng hề hấn gì.

Đức Thánh Cha nói: “Nhiều lần chúng ra đã nhận thấy rằng những kẻ gian ác, chuyên làm điều xấu xa, nhưng cuộc sống của họ lại rất phát đạt: Họ hạnh phúc và có tất cả những gì họ muốn, chẳng hề thiếu thốn chi. Tại sao Thiên Chúa lại để điều này xảy ra? Tại sao một kẻ hỗn láo, xấc xược chẳng hề màng tới Thiên Chúa và người khác, nói khác đi là một kẻ bất chính và xấu xa, nhưng mọi sự trong cuộc sống của hắn ta đều thuận lợi? Tại sao hắn có tất cả những gì hắn muốn; còn chúng ta là những người muốn làm điều tốt, lại toàn gặp những đau khổ, bất hạnh trong cuộc sống?”

Thiên Chúa săn sóc những người công chính

Đức Thánh Cha trích Thánh Vịnh nhằm đưa ra một câu trả lời cho vấn nạn nêu trên. Thánh Vịnh nói: “Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi, không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng, nhưng vui thú với lề luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày” (TV 1, 1-2).

Đức Thánh Cha giải thích: “Ngay bây giờ, có thể chúng ta không nhìn thấy hoa trái của những người công chính đang gặp đau khổ, bất hạnh; không thấy được hoa trái của những người đang trung kiên vác thập giá. Cũng vậy, trong ngày thứ Sáu và thứ Bảy Tuần Thánh, hoa trái của việc Con Thiên Chúa chịu khổ hình, vác thập giá cũng đâu có thấy được. Những đau khổ mà Đức Giêsu phải chịu cũng đâu được nhận ra. Nhưng tất cả những gì Ngài thực hiện đều trở nên tốt đẹp. Chúng ta có biết Thánh Vịnh nói gì về những kẻ gian ác, kẻ mà chúng ta nghĩ rằng luôn gặp những điều may mắn, tốt lành không? Thật ra, kết cục của những ai gian ác chẳng hề tốt đẹp: ‘Ác nhân đâu được vậy: chúng khác nào vỏ trấu gió thổi bay. Vì Chúa hằng che chở nẻo đường người công chính, còn đường lối ác nhân đưa tới chỗ diệt vong’ (Tv 1, 4.6).”

Chỉ duy nhất một tính từ

Đức Thánh Cha lấy ý tưởng từ dụ ngôn anh Lazzaro nghèo khó trong Tin Mừng để nhấn mạnh rằng sự diệt vong là kết cục của những kẻ gian ác. Dụ ngôn ấy là một biểu tượng về sự đau khổ mà người gặp phải không hề kêu la, trốn chạy. Ông phú hộ giàu có, yến tiệc say xưa đã từ chối bố thí cho anh Lazzaro ngay cả những mẩu vụn bánh rớt xuống bàn của ông.

Thật đáng tò mò là ông phú hộ ấy không hề được nhắc đến tên. Nhưng chỉ có một tính từ nói về ông: giàu có. Trong Cuốn Sổ Ghi Nhớ được viết trước nhan Thiên Chúa, không hề có tên của những kẻ gian ác. Kẻ gian ác không có tên, nhưng chỉ có những tính từ để chỉ đặc điểm. Trái lại, tất cả những ai đang cố gắng đi trên đường ngay nẻo chính của Thiên Chúa, sẽ được ở cùng với Chúa Con, Đấng có tước hiệu là: Giêsu – Đấng Cứu Độ. Đây là một tước hiệu thật khó để có thể hiểu thấu và giải thích rõ ràng khi đứng trước những thánh đố của thập giá và tất cả những đau khổ mà Đức Giêsu đã chịu vì chúng ta. (SD 08-10-2015)

Vũ Đức Anh Phương

Chúa Giêsu là lương thực không thể thiếu đối với con người

Chúa Giêsu là lương thực không thể thiếu đối với con người

Chúa Giêsu là lương thực không thể thiếu đối với cuộc sống con người

Tin vào Chúa Giêsu có nghĩa là làm cho Chúa trở thành trung tâm và ý nghĩa cuộc sống của chúng ta. Chúa Kitô không phải là yếu tố phụ thuộc: Ngài là “bánh hằng sống”, là lương thực không thể thiếu được.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương trong buổi đọc Kinh Truyên Tin trưa Chúa Nhật hôm qua.

Mở đầu bài huấn dụ ĐTC nói: Hôm nay kết thúc bài đọc chương 6 Phúc Âm thánh Gioan với diễn văn về “Bánh sự sống”, mà Chúa Giêsu đã nói hôm sau ngày làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều. ĐTC ghi nhận bầu khí lúc đó như sau:

Vào cuối diễn văn sự hứng khởi của ngày hôm trước đã tắt lịm, bởi vì Chúa Giêsu đã nói rằng Ngài là bánh từ trời xuống, và sẽ cho thịt Ngài làm của ăn và máu ngài làm của uống, ám chỉ một cách rõ ràng hiến tế mạng sống của chính Ngài.

Các lời này dấy lên nỗi thất vọng nơi dân chúng, họ cho rằng chúng không xứng đáng với Đấng Cứu Thế, “không chiến thắng”. Vài người đã nhìn Chúa Giêsu như vậy: như một Đấng Cứu Thế phải nói và hành động làm sao để sứ mệnh của Người thành công, ngay lập tức. Nhưng họ lầm ở chính điểm này: về cách hiểu sứ mệnh của Đấng Messia! Cả các môn đệ cũng không chấp nhận ngôn ngữ ấy, ngôn ngữ gây âu lo đó của Thầy mình. Và đoạn Phúc Âm hôm nay kể lại sự khó chịu này của các vị: “Lời này thật là chướng tai! – họ nói – ai mà có thể nghe được” (Ga 6,60).

ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: Thật ra họ đã hiểu rõ diễn văn của Chúa Giêsu. Họ hiểu rõ đến nỗi không muốn lắng nghe Ngài, bởi vì đó là một diễn văn khiến cho tâm thức của họ gặp khủng hoảng. Các lời của Chúa Giêsu luôn luôn đặt chúng ta vào trong cuộc khủng hoảng: trong khủng hoảng chẳng hạn như trước tinh thần của thế giới, trước tinh thần thế tục. Nhưng Chúa Giêsu cống hiến chìa khoá giúp thắng vượt khó khăn; một chìa khóa gồm ba yếu tố. Thứ nhất, nguồn gốc thiên linh của Chúa Giêsu: Ngài từ trời xuống và “sẽ lại lên nơi Ngài ở trước kia”( c. 62). Thứ hai, các lời Ngài chỉ có thể được hiểu qua hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng “ban sự sống” (c. 63). Chính Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta hiểu Chúa Giêsu. Thứ ba, lý do đích thật của việc không hiểu các lời Ngài là sự thiếu lòng tin: Giữa anh em có vài người không tin” (c. 64). Thật vậy, vì từ lúc đó “nhiều môn đệ Người rút lui” (c. 66). Đứng trước các bỏ cuộc này, Chúa Giêsu không tính toán cũng không giảm thiểu các lời nói của Ngài, trái lại Ngài thúc đẩy làm một lựa chọn chính xác: hoặc là ở lại với Ngài hay tách rời Ngài, và Ngài nói với Nhóm Mười Hai: “Các con cũng muốn bỏ đi sao? (c. 67).

Tới đây thánh Phêrô, nhân danh các Tông Đồ, tuyên xưng đức tin rằng: “Lậy Chúa, chúng con đi tới với ai? Thầy có lời của sự sống vĩnh cửu” (c. 68). Thánh nhân không nói: “Chúng con sẽ đi đâu?” nhưng nói “chúng con sẽ đi đến với ai?”. Vấn đề nền tảng không phải là ra đi và bỏ rơi công trình đã bắt đầu, nhưng đi tới với ai. Từ câu hỏi này của thánh Phêrô chúng ta hiểu rằng sự trung thành với Thiên Chúa là vấn đề trung thành với một người, mà ta cột buộc mình vào để cùng đi trên cùng con đường.  Và người đó là Chúa Giêsu. ĐTC giải thích thêm như sau:

Tất cả những gì chúng ta có trên thế giới không thoả mãn cái đói sự vô tận của chúng ta. Chúng ta cần Chúa Giêsu, ở với Người, nuôi sống mình ở bàn của Người, bằng các lời của sự sống vĩnh cửu của Người! Tin nơi Chúa Giêsu có nghĩa là khiến cho Người trở thành trung tâm điểm, trở thành ý nghĩa của đời ta. Chúa Kitô không phải là một yếu tố phụ thuộc: Ngài là “bánh hằng sống”, là tlương thực không thể thiếu. Cột buộc vào Ngài trong một tương quan đức tin và tình yêu, không có nghĩa là bị xiềng xích, nhưng tự do một cách sâu xa, luôn luôn tiến bước. Giờ đây mỗi người trong chúng ta hãy tự hỏi mình xem: “Chúa Giêsu là ai đối với tôi? Đó là một tên gọi? Một ý tưởng? Hay đó chỉ là một nhân vật lịch sử? Hay đó thật sự là người yêu thương tôi, đã hiến mạng sống cho tôi và đi với tôi?” Đối với bạn, Chúa Giêsu là ai? Bạn có ở với Chúa Giêsu không? Bạn có tìm hiểu biết Ngài trong lời của Ngài hay không? Bạn có đọc Phúc Âm mỗi ngày, một đoạn Phúc Âm để hiểu biết Chúa Giêsu không? Bạn có đem theo sách Phúc Âm trong túi, trong xách tay, để đọc nó ở khắp mọi nơi không? Bởi vì chúng ta càng ở với Ngài bao nhiêu, ước muốn ở lại với Ngài lại càng lớn lên bấy nhiêu. Bây giờ tôi sẽ xin anh chị em, chúng ta hãy thinh lặng một chút và mỗi người trong thinh lặng, trong tim của mình, tự hỏi: “Đối vói tôi Chúa Giêsu là ai?”. Trong thinh lặng, mỗi người hãy tự trả lời trong tim mình: “Chúa Giêsu là ai đối với tôi?” Sau một lúc thinh lặng ĐTC kết thúc bài huấn dụ:

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta luôn luôn đến với Chúa  Giêsu để sống kinh nghiệm sự tự do, mà Ngài cống hiến cho chúng ta và cho phép chúng ta tẩy rửa các lựa chọn của chúng ta khỏi các cáu ghét trần tục và các sợ hãi.

Tiếp đến ĐTC đã cất Kinh Truyên Tin rồi ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã tái kêu gọi hòa bình cho Ucraina. Ngài nói: Tôi rất âu lo theo dõi cuộc xung đột tại vùng đông Ukraina lại gia tăng trong các tuần vừa qua. Tôi lập lại  lời kêu gọi để các dấn thân đã có được tôn trọng, hầu đạt đến việc bình định với sự trợ giúp của các người thiện chí và để đáp ứng cấp thiết trợ giúp nhân đạo trong nước này. Xin Chúa ban hoà bình cho Ucraina, đang sửa soạn cử hành quốc lễ ngày mai. Xin Đức Trinh Nữ Maria bầu cử cho chúng con!

Tiếp đến ĐTC đã chào các đoàn hành hương hiện diện, đặc biệt là các đại chủng sinh trường Bắc Mỹ đến Roma theo học thần học, nhóm thể thao San Giorgio su Legnano, các tín hữu tỉnh Luzzana và Chioggia, cũng như các bạn trẻ giáo phận Verona trung bắc Italia. Ngài xin mọi người trong tuần này đừng quên mỗi ngày ngừng lại một lát và tự hỏi: “Chúa Giêsu là ai đối với tôi?” Và mỗi người tự trả lời trong tim mình: “Chúa Giêsu là ai đối với tôi?”. ĐTC đã chúc mọi người một ngày Chúa Nhật tươi vui an bình và ngài xin mọi người đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

 

Đừng để lỡ cơ hội gặp Chúa

Đừng để lỡ cơ hội gặp Chúa

Đức Giêsu trở về thăm quê nhà. Ngày Sabat, ngày lễ nghỉ hàng tuần, dân làng đến hội đường nghe đọc sách thánh và hát thánh ca từ 9 giờ đến 12 giờ trưa.

Đức Giêsu và các môn đệ cùng tiến vào hội đường cầu nguyện. Đọc sách luật và thánh vịnh xong, Đức Giêsu đăng đàn giảng thuyết như một giáo dân tham dự vào chức tư tế. Vẻ uy nghi trang trọng của Ngài khác thường. Gương mặt Ngài luôn tỏa ra nét dịu hiền, mến yêu, đầy thiện cảm. Giọng điệu tự nhiên của Ngài càng hấp dẫn dân chúng hơn. Ý tứ Ngài trình bày đơn sơ trong sáng hợp với tâm trí mọi người. Họ cảm thấy thấm thía sự kỳ diệu của nước Thiên Chúa. Họ cảm nhận lòng nhân ái Chúa Cha trên trời. Họ cảm phục về tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Đức Giêsu đòi hỏi mọi người phải sống thương yêu nhau như anh em ruột thịt. Họ ngạc nhiên thì thầm với nhau: “Bởi đâu ông ta được như thế ? Sao ông ta được khôn ngoan như vậy ? Ông ta làm được nhiều phép lạ như thế nghĩa là gì?”.

Họ chẳng biết sự khôn ngoan và quyền phép của Đức Giêsu bởi đâu? Họ tìm về nguồn gốc chỉ thấy: “Mẹ ông là bà Maria, anh em họ hàng là Giacôbê, Giosê, Giuđa và Simon”. Tất cả bà con lối xóm đều coi ông như bạn bè từ gần 30 năm nay ở Nagiarét này, một thôn ấp nhỏ bé chỉ có độ 150 gia đình nghèo nàn, tối tăm, mấy ai quan tâm đâu. Ông lại là anh thợ mộc, con nhà lao động, làm thuê làm mướn, lang thang từ nhà này sang nhà khác, đóng bàn sửa ghế, ráp giường ghép tủ, đục đẽo cầy bừa, thành phần địa vị thấp kém trong xã hội. Có bao giờ thấy ông nói năng, làm được gì hay lạ đâu ? Ông bỏ quê nhà đi lang thang mấy tháng, nay trở về, sao thay đổi nhanh như thế ! Một quá khứ và hiện tại như thế đã khiến họ vấp phạm. Họ không tin Ngài là một Ngôn Sứ, lại càng không thể tin Ngài là Mêsia, và chắc chắn họ chẳng bao giờ dám nghĩ rằng mình là người đồng hương với Ngôi Hai Con Thiên Chúa.

Còn Đức Giêsu, ai đã huấn luyện Ngài? Ai đã ban quyền phép làm những việc kỳ diệu như thế ? Thân nhân bảo Ngài “mất trí”. Kinh sư chụp mũ Ngài “nhờ tướng quỷ mà trừ quỷ”. Dân chúng chỉ biết ngạc nhiên: chưa từng thấy ai ăn nói, hành động có uy quyền lạ lùng như vậy. Môn đệ đi theo sát Ngài cũng chỉ biết hỏi: “Ngài là ai mà bão biển phải tuân lệnh”. Chẳng thấy ai huấn luyện Ngài, chẳng thấy Ngài học tập kinh sư nào. Chỉ thấy Ngài vào nơi thanh vắng, ngước mắt lên trời cầu nguyện. Trong âm thầm Ngài cầu nguyện cùng Chúa Cha trên trời. Đó chính là bí quyết làm cho Ngài khôn ngoan và đầy quyền phép để trừ hàng ngàn quỷ dữ, chữa hàng trăm bệnh nhân mà loài người phải bó tay, cho kẻ chết sống lại, bắt cuồng phong lặng yên…

Dân làng biết Ngài khôn ngoan. Kinh sư thấy Ngài trừ quỷ. Môn đệ được Ngài cứu khỏi chết giữa biển cuồng phong. Nhưng họ chẳng biết Ngài là Con Một Thiên Chúa, chẳng biết Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa; vì thương yêu loài người, đã xuống thế làm người sống với họ như anh em, như bạn bè, để cứu họ khỏi chết đời đời.

Dân làng Nazarét quá biết về gốc gác, gia cảnh, biết rõ ràng lý lịch của Đức Giêsu. Với đầu óc thủ cựu, lại nặng thành kiến nên họ không thể nhận ra thiên tính nơi con người của Ngài. Đức Giêsu trở thành nạn nhân của “chủ nghĩa lý lịch”. Mc. Kenzie nói : Người có tình yêu nhìn bằng viễn vọng kính, còn người định kiến hẹp hòi nhìn bằng kính hiển vi”.

Còn Đức Giêsu thì luôn âm thầm, kiên nhẫn, nhỏ nhẹ nói với họ bằng câu ngạn ngữ: “Không ai là tiên tri cho xứ sở mình”. Một câu chuyện quen thuộc nhưng đáng buồn “Ngôn sứ không được quê hương mình chấp nhận”. Đức Giêsu thật ngạc nhiên vì thấy họ không tin. Ngài rất muốn giúp đỡ họ nhưng cũng đành phải bó tay. Họ chỉ biết nhìn Ngài theo lối nhìn bên ngoài đầy thành kiến, chẳng thấy được những điều sâu lắng bên trong, những cái tinh thần cao thượng, những mầu nhiệm thiêng liêng chân thật.

Chính những điều sâu xa bí ẩn mới làm ích rất lớn cho con người. Chính những chất màu mỡ nằm ẩn trong đất mới làm cho cây trái, hoa mầu trổ sinh tươi tốt, đâm chồi nẩy lộc, nuôi sống muôn người, muôn vật. Chính những kho tàng nằm sâu trong lòng đất, như mỏ dầu, mỏ vàng, mỏ bạc, đồng, sắt, kim cương, đá quý mới là nguồn tài nguyên phong phú giúp phát triển nền văn minh nhân loại. Chính những tài năng thượng đẳng, thiêng liêng trong con người như: tinh thần tự do, trí khôn sáng suốt, ý chí mạnh mẽ, tình cảm nhân từ mới có sức thăng tiến con người hơn chân tay, mắt mũi. Thế nhưng loài người vẫn thích thờ bò vàng óng ánh hơn thờ Thiên Chúa siêu việt.

Chuyện ngày xưa cũng như chuyện ngày nay. Rất nhiều khi chúng ta phán đoán giá trị lời nói của một người dựa trên bằng cấp, sự giàu có, uy tín của họ, nhiều hơn là dựa vào sự hợp lý, tính chính xác của câu nói ấy. Hễ ai có chức có quyền, có địa vị, có của cải, có học vấn mà nói thì chúng ta tiên thiên cho rằng họ nói đúng. Còn ai nghèo nàn, rách rưới, thấp cổ bé miệng, ít học mà nói thì ta tiên thiên cho rằng họ nói sai hoặc chẳng có giá trị gì. Chính vì tâm lý sai lạc này mà các ngôn sứ giả thường được người đời ưu đãi, còn ngôn sứ thật thì thường bị bạc đãi (x. Lc 6,23.26). Lối hành xử như vậy là coi trọng của cải, tiền bạc, chức quyền, địa vị chứ không phải là người coi trọng chân lý, công lý và tình thương. Thực ra, một điều sai trái, dù kẻ nói ra có quyền thế, học vấn hay giàu sang tới đâu thì cũng vẫn là sai trái. Còn một điều đúng, thì dù người nói ra một đứa trẻ, một người nghèo thì cũng vẫn là đúng. Lời nói sai đâu thể biến thành đúng, hay lời nói đúng đâu thể biến thành sai vì thế giá hay trình độ học vấn của người nói ra câu nói đó.

Đức Giêsu buồn nhưng không cay cú, không tức giận. Ngài quyết định đem ánh sáng và quà tặng thần linh đi đến nơi khác.Những người ở làng quê Nagiarét đã để lỡ cơ hội đón tiếp Đấng Cứu Thế. Con Thiên Chúa làm một thường dân đến sống giữa họ mà họ không biết. Họ chỉ biết đó là con ông thợ mộc Giuse. Họ chỉ biết gia đình Ngài rất nghèo, chẳng có danh giá gì trong làng. Họ coi thường Ngài. Họ không tin Ngài. Họ hất hủi Ngài. Họ đã để lỡ cơ hội nghìn năm một thuở. Đức Giêsu không làm một phép lạ nào ở đó. Ngài bỏ Nagiarét đi đến các làng chung quanh. Và Ngài sẽ chẳng bao giờ trở lại Nagiarét nữa. Đó là cơ hội cuối cùng cho họ.

Hằng ngày chúng ta cũng đã bỏ lỡ biết bao nhiêu cơ hội như thế. Ta đã bỏ lỡ không tiếp đón Chúa đến thăm khi ta bịt mắt không nhìn thấy những cảnh khổ chung quanh; khi ta bưng tai không nghe những tiếng kêu than khóc lóc; khi ta làm ngơ trước những cảnh ngộ nghiệt ngã, khi ta ngoảnh mặt quay lưng trước những nạn nhân của thiên tai hoạn nạn. Nhất là ta bỏ lỡ không nghe thấy tiếng Chúa cảnh báo để ăn năn sám hối. Chúa đã nhắc nhở ta nhiều lần nhiều cách: qua các vị bề trên; qua các tai nạn; qua lời khuyên của những người thân; qua lời phê phán của những người thù ghét ta. Hôm nay, Chúa còn tiếp tục nhắc nhở. Nếu ta không nghe, biết đâu hôm nay sẽ là lần cuối cùng. Chúa sẽ không bao giờ nhắc nhở nữa. Chúa sẽ bỏ ta mà đi như đã bỏ làng Nagiarét và không bao giờ trở lại. Như thế thì thật nguy hiểm cho linh hồn ta. Để nhận biết Chúa, ta phải rèn luyện cho mình một đức tin mạnh mẽ. Ánh mắt đức tin giống như ngọn đèn soi chiếu vào đêm đen giúp ta nhận ra Chúa trong anh em, trong những biến cố Chúa gửi đến.

Để đón tiếp Chúa, ta phải rèn luyện cho mình một trái tim luôn luôn rộng mở yêu thương. Một trái tim yêu thương sẽ rất bén nhạy để nghe được tiếng nói của Chúa, dù tiếng nói ấy chỉ thì thầm trong sâu thẳm lòng mình; hiểu được những dấu chỉ của Chúa, dù những dấu chỉ ấy chỉ mơ hồ thoáng qua; nhận được khuôn mặt của Chúa, dù khuôn mặt ấy đã bị biến dạng qua những đau thương của cuộc đời.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con tỉnh thức để nhận ra và đón nhận Chúa mỗi lần Chúa đến với con.

Lạy Chúa Giêsu, xin mở con mắt đức tin cho mọi người được thấy những sự khôn ngoan, quyền phép lạ lùng của Thiên Chúa đang âm thầm hoạt động trong Giáo Hội, trong thế giới và cả trong vũ trụ, mà con mắt phàm trần không thể thấy được, để họ biết ca ngợi Chúa muôn đời. Amen.

LM Giuse Nguyễn Hữu An

AN TÂM

AN TÂM

Sau một ngày giảng dạy dân chúng, Chúa Giêsu bảo các môn đệ chèo thuyền đưa Ngài sang bên kia Biển Hồ. Biển Galilê dài 21km, rộng 12km, xung quanh có những rặng núi bao bọc. Nhiệt độ ở Galilê thuộc miền Bắc Israel và ở Biển Chết thuộc miền Nam chênh lệch nhau, thỉnh thoảng tạo ra những cơn gió mạnh. Biển Galilê nổi sóng dữ dội vì hình thể lòng chảo với núi non bao quanh. Vì thế, người xưa quan niệm rằng, biển là biểu hiện cho những gì nguy hiểm, tối tăm và sợ hãi. Biển động sóng gào biểu trưng cho một thế giới hỗn loạn và phường tội lỗi (x. Is 57, 20). Ý định băng qua bên kia Biển hồ lúc trời đã về chiều quả là một ý định táo bạo, liều lĩnh, bất chấp hiểm nguy.

Tuy vậy, Chúa Giêsu quyết định ra đi và thực hiện phép lạ trên biển với mục đích củng cố đức tin cho các môn đệ, đồng thời biểu lộ uy quyền của Thiên Chúa vượt trên mọi thế lực sự dữ.

Chúa Giêsu cùng với các môn đệ và có một số thuyền khác vượt biển giữa trời đêm. Thuyền lướt sóng ra khơi giữa màn đêm. Bão tố cuồng phong bỗng dưng ập đến. Các môn đệ, dù nhiều trải nghiệm về biển cả vẫn hốt hoảng lo lắng hoang mang. Chỉ mình Chúa Giêsu vẫn an nhiên tự tại, vẫn ngủ như không có gì xảy đến. Lạy Chúa, đến nước này mà Ngài vẫn ngủ sao? Trong dòng lịch sử, không ít lần dân Do thái thấy như Chúa ngủ quên: “Lạy Chúa, Ngài quên con mãi tới bao giờ? Tới bao giờ còn ngoảnh mặt làm ngơ? Tới bao giờ hồn con vẫn còn lo lắng và lòng con ủ rũ đêm ngày? Tới bao giờ kẻ thù con thắng mãi?” (Tv 13,1-2).

Các môn đệ cuống cuồng lo sợ và hỏi: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” Tiếng kêu cứu trong tuyệt vọng. Gặp bão tố cuồng phong trên biển cả, không lẽ những dân chài thứ thiệt như các ngư phủ lại phải cậy đến sự trợ giúp của một bác thợ mộc ư? Kinh nghiệm thợ mộc giúp được ích gì cho các ông lúc này? Ở đây rõ ràng là các ông cần sự trợ giúp thần linh, cần một phép lạ. Khi con người đối diện với những gian nan khốn khó, với những mãnh lực ác thần, họ mới thấy sức người quá hèn yếu, nhỏ bé. Bài đọc 1 cho thấy con người yếu đuối tìm đâu được một chỗ dựa vững vàng ngoài niềm tin vào Thiên Chúa toàn năng: “Bấy giờ, giữa cơn bão táp, Đức Chúa lên tiếng trả lời ông Gióp như sau: Cửa đại dương, ai ra tay khép lại khi nước tuôn trào từ đáy vực sâu, khi Ta giăng mây làm áo nó mặc, phủ sương mù làm tã che thân?” (G 38,1.8-9). Đứng trước số phận ngàn cân treo sợi tóc, họ mới thấy cần biết bao quyền năng Thiên Chúa trợ giúp. Thiên Chúa sẽ ra tay đúng lúc để đáp ứng tiếng van nài của họ.

Không phải bằng một kỹ năng hàng hải mà bằng uy quyền của trời cao, Chúa Giêsu thức dậy và ra lệnh cho sóng biển: “Im đi! Câm đi!”. Cử chỉ và lời nói của Chúa giống như lúc Ngài trừ quỉ. Lập tức, gió ngừng thổi và biển yên lặng như tờ. Rồi Chúa quở các môn đệ: sao các con lại sợ hãi thế? Đức tin của các con như thế nào? Rõ ràng, Chúa không nói các môn đệ không có đức tin; Chúa cũng không nói các môn đệ có đức tin bé nhỏ; ở đây đức tin của các môn đệ giới hạn quyền năng của Thiên Chúa, thua sức mạnh thiên nhiên, sự hiện diện của Chúa Giêsu không thể cứu nguy cho những người cùng thuyền được nên họ phải đánh thức Chúa dậy.

Khi Chúa dùng lời quyền năng dẹp yên gió bão, các môn đệ ngạc nhiên và hỏi: "Người này là ai mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?". Thông cảm với các môn đệ vì các ông chưa biết rõ Chúa là ai, quyền năng thế nào để phó thác mạng sống mình cho Chúa. Nhờ phép lạ này, các ông nhận ra Thầy có quyền trên cả gió và biển, có quyền như Thiên Chúa vậy. Từ đó, các ông suy nghĩ, tìm hiểu con người Thầy hơn.

Những trắc trở đến từ thiên nhiên chỉ nói lên một phần nhỏ sự yếu đuối của con người khi phải đối diện với trăm ngàn đợt sóng mãnh liệt từ các dục vọng làm xáo động tâm hồn họ. Những sự ác dữ dội như sóng biển ấy chẳng để ai ngủ yên, mà bắt người ta phải đặt niềm tin vào Chúa trong khi chống cự để có được sự sống muôn đời: “Xin Chúa thấy cho: thù địch con đông vô kể, chúng ghét thân này, ghét cay ghét đắng. Xin bảo toàn sinh mạng và giải thoát con, đừng để con tủi nhục, bởi vì con ẩn náu bên Ngài” (Tv 25,19-20).

Giông bão bắt người ta phải tin, nhưng niềm tin lại cần đến thử thách của giông bão, vì niềm tin cần được thử thách để lớn lên. Sóng gió là những thử thách trong cuộc đời. Những thử thách Chúa gửi đến giúp ta giúp ta biết mình hơn, biết yêu mến cậy trông vào Chúa hơn và giúp đức tin vững mạnh hơn. Chúa phán với ông Gióp trong gió bão, dạy dỗ ông những lẽ khôn ngoan. Ông Gióp đã luôn vững tin vào Chúa, không phàn nàn, kêu trách; rồi Chúa đã làm cho sóng gió cuộc đời ông chấm dứt, và ban lại cho ông một cuộc sống tốt đẹp hơn. Các Tông đồ cũng gặp bão táp trên biển cả. Chúa dùng lời quyền năng dẹp yên giông bão. Khi sóng yên biển lặng rồi, các môn đệ càng vững tin nơi Chúa hơn, từ nay các ngài không còn cuống quít sợ hãi mỗi khi gặp gian nan nữa. Ai càng gặp nhiều thử thách thì càng trở nên từng trải, vững vàng hơn. Thánh Phaolô nhắc nhở: vì thương yêu chúng ta, “Chúa Giêsu Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, nhưng Ngài đã sống lại!” đem đến cho chúng ta một niềm tin vững chắc vào tình thương của Thiên Chúa.

Tàu thuyền một khi đã lênh đênh trên mặt biển rồi thì không thể nào tránh được những cơn sóng to nhỏ và chẳng có cách chi thoát khỏi những chao đảo, bập bềnh và lắc lư do bão táp và cuồng phong gây nên. Cũng vậy, mọi người không ai tránh khỏi những sóng gió và bão tố to nhỏ do biển đời này gây ra!

– Khi tôi lâm vào cảnh hoang mang, sợ hãi, lúng túng, lo lắng, bất an, phiền muộn, chán chường, thất vọng…

– Khi gia đình tôi chạm trán với những biến cố đau thương như tai nạn xe cộ, tai nạn nghề nghiệp, thất nghiệp, vợ chồng con cái bất hòa xung đột với nhau, đau ốm, tang chế…

– Khi trong cộng đoàn giáo xứ của tôi xảy ra những gương mù, gương xấu: đố kị, ghen tương, kèn cựa, tranh giành quyền lợi, chia bè, kéo phái, tố cáo nhau, mạt sát, thù ghét nhau …

– Khi trong cộng đoàn dòng tu của tôi phải đương đầu với những khủng hoảng về mặt nhân sự, tài chánh, huấn luyện, đào tạo, kỳ thị, chia rẽ, phân biệt, thiên vị…

– Khi Giáo Hội bị bêu xấu, hạ nhục, và bị công kích bởi gương mù gương xấu do một số nhỏ giáo sĩ gây ra…

Thuyền trên biển gặp sóng gió, bão táp là chuyện rất bình thường. Khi thuyền đời của mình không thể tránh được sức va chạm và những ảnh hưởng của sóng gió, bão táp giông tố của cuộc đời này thì tôi phải làm gì để giữ cho thuyền khỏi bị lật úp?

Cách hay nhất là bắt chước các môn đệ, chạy đến với Chúa Giêsu để xin Ngài dẹp tan sóng gió và bão tố bảo vệ thuyền của mình khỏi bị nhận chìm. Chỉ khi nào tin vào sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô, Đấng có quyền năng trên sóng gió mưa bão và mở miệng van xin Ngài ra tay cứu giúp thì lúc đó thuyền đời mới được bình an, bởi lẽ “Không có Thầy thì các con không thể làm gì được!” (Ga 15,5).

Tin mừng hôm nay giúp chúng ta luôn sống an tâm. An tâm, bởi con thuyền cuộc đời chúng ta ra khơi, giữa phong ba bão táp, giữa những thử thách gian truân vẫn luôn có Chúa là thuyền trưởng hướng dẫn thuyền vượt sóng. An tâm, bởi Chúa luôn xuất hiện đúng lúc đúng thời để ra tay nâng đỡ chúng ta trước những khó khăn. An tâm, bởi chúng ta biết chúng ta tin vào Đấng chiến thắng mọi thế lực ác thần và sự chết. An tâm, bởi từ nay, cuộc đời chúng ta đã trao vào tay Chúa, tín thác mọi sự trong sự quan phòng của Thiên Chúa, vì như thánh Phaolô, “tôi biết tôi tin vào ai” (2 Tm 1,12).

Xin cho Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta vững tin vào sự hiện diện của Chúa, để trong mọi hoàn cảnh cuộc đời, chúng ta luôn có Chúa ở vị trí hoa tiêu để hướng dẫn và can thiệp kịp thời, giúp chúng ta đến bến bờ bình an.

LM Giuse Nguyễn Hữu An

Lớp Sáu – Bài Học 19 – Bố Tôi, Người Lính Việt Nam Cộng Hòa

Bố Tôi, Người Lính Việt Nam Cộng Hòa

TiecThuong

Tôi có một người cha già, lại tàn tật, cụt một chân. Khi tôi sinh ra đời bố tôi cũng đã gần 50 tuổi. Trong một thời gian dài, bố tôi đóng vai trò của một người mẹ, tuy di chuyển khó khăn, nhưng ông lo lắng cho tôi không còn thiếu một thứ gì. Bạn bè thường gọi là “Ông nội trợ” và khen là đàn ông mà bố tôi có đầy đủ các đức tính của người phụ nữ Á đông “công, dung, ngôn, hạnh”, nuôi con khéo léo không ai bằng.

Hồi còn bé, tôi không hiểu được, vì sao không phải mẹ tôi, mà bố tôi luôn luôn ở nhà chăm sóc cho tôi. Từ từ tôi mới nhận ra, trong đám bạn bè, tôi là người duy nhất luôn luôn có người bố bên cạnh. Thiếu tình mẹ, tuy nhiên, tôi cũng cảm thấy an ủi, mình là người rất may mắn, còn hơn nhiều đứa trẻ thiếu cả tình thương của cha lẫn mẹ.

HySinhchoHanhPhucNguoiCon

Lớp Sáu – Bài Học 18 – Hai Bài Quốc Ca

Bài Học 18: Hai Bài Quốc Ca

Quốc Ca Hoa Kỳ


Ồ! Hãy nói lên rằng bạn có nhìn thấy
Bằng ánh sáng mới chớm lúc bình minh
Chúng tôi tự hào hô to điều gì vào lúc tinh sương
(lúc chạng vạng với tia sáng cuối cùng)?


Kìa lá cờ của ai với những sọc rộng và các ngôi sao chói lọi,
Suốt chận chiến đầy nguy hiểm,
Bên trên những tường thành chúng tôi quan sát thấy
Đang tung bay ngạo nghễ (chảy một cách rất can đảm)?


Và ánh lửa đỏ rực của hỏa tiễn,
Và những trái bom nổ tung trên không trung
Minh chứng rằng xuyên suốt đêm
Lá cờ của chúng ta vẫn còn đó.


Ồ hãy nói lên đi, có phải Lá Cờ Hoa Kỳ vẫn tung bay
Trên mảnh đất của những người tự do
Và trên những ngôi nhà của các người can đảm?

 

YNghiCuaHatQuocCaVNCH

Đức Hồng Y Koch: trào lưu bài Do Thái gia tăng tại Âu Châu

Đức Hồng Y Koch: trào lưu bài Do Thái gia tăng tại Âu Châu

ZURICH. ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, bày tỏ lo âu vì trào lưu bài Do thái đang gia tăng tại Âu Châu.

 Trong cuộc phỏng vấn dành cho ”Nhật báo Chúa nhật” (Sonntagszeitung) số ra ngày 5-4-2015 tại Zurich, Thụy Sĩ, ĐHY Koch gọi sự gia tăng làn sóng bài Do thái là một ”tình trạng bi thảm” giữa lúc người ta đang nhìn lại trang sử đen tối về sự ngược đãi và bài người Do thái tại đại lục này. “Hiển nhiên là có nhiều người không học được điều gì từ quá khứ”.

 Đồng thời ĐHY Koch cũng nhấn mạnh rằng việc phê bình chính sách của Israel phải là điều có thể và không được đồng hóa việc phê bình này với xu hướng bài Do thái. ”Nếu người ta không phân biệt như thế thì sẽ cổ võ trào lưu bài Do thái thay vì bài trừ xu hướng này”.

 ĐHY Koch người Thụy Sĩ. Ngài mô tả quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và người Do thái là ”tốt”. Ngoài ra, cũng có nhiều người Do thái coi Giáo Hội Công Giáo là một đối tác đáng tin cậy trong cuộc chiến chống nạn bài Do thái”.

 Trong cuộc phỏng vấn, ĐHY Koch không loại trừ vấn đề có thể cung cấp võ khí để chống lại cái gọi là ”Nhà nước Hồi giáo”, IS. Ngài nói: ”Một vấn đề rất khó khăn đó là phải sử dụng phương thế nào để chống lại những hành động giết người của các dân quân Hồi giáo IS. Người ta cũng phải đồng trách nhiệm nếu chỉ đứng đó mà nhìn”.

 Theo ĐHY, để bảo vệ dân chúng và sự tự vệ chính đáng, người ta không thể loại bỏ trên nguyên tắc việc cung cấp võ khí. Nhưng cần phải làm sao để cứu xét kỹ vấn đề giao võ khí vào tay ai và điều gì sẽ xảy ra sau đó với những võ khí ấy” (KNA 5-4-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Tình yêu lớn nhất

Tình yêu lớn nhất

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Có rất nhiều giai thoại kể về những tượng thánh giá cổ xưa… Tại một nhà thờ bên Tây Ban Nha, có một tượng thánh giá cổ rất đặc biệt. Cánh tay trái của Chúa Giêsu vẫn còn đóng vào gỗ giá, nhưng cánh tay mặt thì rời ra và đưa lên phía trước trong tư thế ban phép lành.

Người Tây Ban Nha kể về nguồn gốc của tượng thánh giá này như sau: Một hôm có một hôm có một tội nhân đến xưng tội với vị linh mục chính xứ ngay dưới cây thánh giá này. Như thường lệ, mỗi khi giải tội cho một tội nhân có quá nhiều tội nặng, vị linh mục này thường tỏ ra rất nghiêm khắc. Ngài ra việc đền tội thật nặng cũng như ngăm đe nhiều điều. Tội nhân ra về lòng cảm thấy nhẹ nhàng. Nhưng tính nào tật nấy, không bao lâu, người đó lại sa ngã. Lần này, sau khi tội nhân xưng thú tội lỗi, vị linh mục lại đe doạ: “Đây là lần cuối cùng tôi giải tội cho anh!”

Nhiều tháng trôi qua, tội nhân lại đến quỳ dưới chân linh mục cũng bên cây thánh giá và lại xin ơn tha thứ một lần nữa. Nhưng lần này, vị linh mục đã dứt khoát. Ngài lên giọng: “Anh đừng có đùa với Chúa. Tôi không thể ban phép giải tội cho anh nữa!”. Nhưng lạ lùng thay, khi vị linh mục vừa khước từ tội nhân sám hối, thì Ngài bỗng nghe một tiếng thì thầm từ bên thánh giá. Bàn tay phải của Chúa Giêsu bỗng được rút ra khỏi thánh giá và ban phép lành cho hối nhân. Và vị linh mục nghe được tiếng thì thầm ấy nói: “Chính Ta là người đã đổ máu ra cho người này chứ không phải ngươi”.

Từ đó, bàn tay của Chúa Giêsu cứ ở mãi trong tư thế ban phép lành, như không ngừng mời gọi con người đến để ban ơn tha thứ. Du khách đến viếng, nhìn lên thánh giá đều có cảm tưởng như ánh mắt của Chúa Giêsu nhìn mình và nghe như có tiếng thì thầm: “Ta không hề kết án con”.

Anh chị em thân mến, Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lên thập giá của Đức Kitô. Nhìn lên thập giá để thấy được tình yêu bao la của Chúa. Ngài luôn tha thứ chứ không kết án. “Ta không muốn tội nhân phải chết, nhưng muốn nó bỏ đường tội lỗi, quay trở lại để được sống” (Ed 33,11). “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Ngài mà được cứu độ”. “Cũng như Môsê treo con rắn đồng trong sa mạc thế nào, thì Con Người cũng bị treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Ngài sẽkhông phải chết, nhưng được sống đời đời”. Thập giá đã trở thành dấu chỉ ơn cứu độ cho những ai tin vào Ngài, tương tự như con rắn đồng đã được Môsê giương cao trong sa mạc thuở xưa, để những ai bị rắn lửa cắn, nhìn lên con rắn đồng ấy đều được cứu sống.

Thánh Gioan còn nói tiếp: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Thiên Chúa một lần nữa lại biểu lộ tất cả tình thương của Ngài đối với chúng ta trong Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Tất cả bắt nguồn từ Thiên Chúa Tình Yêu. Tình yêu của Ngài không ở trên mây trên gió, nhưng được thể hiện qua hành vi “trao ban”. Điều quí nhất của Người Cha là Người Con. Thế mà Thiên Chúa đã muốn trao ban cho nhân loại chính Con Một dâú yêu của Ngài. Ngài đã cho chúng ta tất cả. Đức Giêsu chính là quà tặng lớn nhất Thiên Chúa Cha đã trao ban cho nhân loại. Việc trao ban này trước tiên được biểu lộ qua việc Ngài sai Con Người và cuối cùng qua việc nộp Con Một cho loài người treo lên thập giá. Đó là lúc Thiên Chúa trao ban Con Một của Ngài cho loài người một cách trọn vẹn nhất, dứt khoát nhất. Bởi vậy, chính lúc đó là lúc Thiên Chúa đã đặt Con của Ngài làm Đấng ban sự sống cho loài người,đểai tin vào Người Con ấy thì được sống đời đời. Vì con của Ngài đến không phải để kết án luận phạt, nhưng để cứu loài người khỏi chết và cho thông phần vào cuộc Phục Sinh vinh quang của Ngài.

Thưa anh chị em, đứng trước thập giá Đức Kitô, chúng ta phải có thái độ nào? Tin vào tình yêu Thiên Chúa hay chối từ tình yêu của Ngài? Chính thái độ đó sẽ định đoạt số phận của chúng ta. Vì thế, tin hay không tin là một chọn lựa sống chết. Mỗi người có đủ tự do tiếp nhận hay từ chối ánh sáng. Ai tin là đón nhận ánh sáng, là bước vào cõi sống. Ai không tin là từ chối ánh sáng và tự đầy đọa mình trong tăm tối, trong cõi chết. Thiên Chúa không cần kết án luận phạt nữa.

“Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài”, đó là chân lý cơ bản nhất của Kitô giáo. Tất cả cuộc đời cuả Chúa Giêsu, cái chết của Ngài trên thập giá, là ngôn ngữ Chúa muốn sử dụng để nói với chúng ta rằng Ngài yêu thương chúng ta, yêu thương đến nỗi sẵn sàng để cho Ngươì Con Một yêu quí của Ngài chết thay cho chúng ta.

Hãy nhìn lên thập giá để thấy được tình yêu bao la của Chúa. Phải, bên kia sự ác độc của tội lỗi, Chúa Giêsu chỉ muốn chúng ta nhìn thấy được tình yêu của Thiên Chúa: một tình yêu không ngừng tha thứ, một tình yêu vượt lên trên mọi tư tưởng, mọi tiêu chuẩn phán đoán, mọi khát vọng của chúng ta.

Nhìn lên thập giá Chúa Kitô không phải để thất vọng vì gánh nặng của tội lỗi, trái lại để cảm nghiệm được hồng ân bao la của Chúa, để cho tâm hồn được phấn khởi, tin yêu hơn.

Nhìn lên thập giá Chúa Kitô để cảm nghiệm được ơn tha thứ của Ngài, để chúng ta cũng biết cảm thông và tha thứ cho anh em chúng ta. Càng nhận ra được tình yêu tha thứ của Chúa, chúng ta càng được mời gọi yêu thương tha thứ cho anh em nhiều hơn. Thiên Chúa không kết án luận phạt chúng ta, sao ta lại kết án luận phạt anh em mình? “Hãy tha thứ để được Chúa tha thứ. Đừng xét đoán để khỏi bị Chúa xét đoán” (Lc 6, 36-37). Hãy yêu thương như Chúa đã yêu thương ta.

Một lần nữa, hãy ngước nhìn lên thập giá Chúa Kitô:

Hãy xem đó thì biết phép công thẳng của Chúa là thế nào! Hãy xem đó thì biết tội nặng nề gớm ghiếc là chừng nào! Hãy xem đó thì rõ biết lòng Chúa quá yêu thương ta là dường nào! (Đàng Thánh Giá, chặng 13).

Đức Thánh Cha đề cao nông nghiệp

Đức Thánh Cha đề cao nông nghiệp

VATICAN. ĐTC Phanxicô kêu gọi đề cao vai trò của giới nông dân, bài trừ nạn nghèo đói và bảo tồn môi sinh.

Trong buổi tiếp kiến sáng 31-1-2015, dành cho 200 đại diện của Liên đoàn toàn quốc nông dân Italia, nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Liên đoàn, ĐTC khẳng định rằng: ”Không có nhân loại nếu không có sự canh tác đất đai; không có đời sống tốt đẹp nếu không có lương thực mà đất đai sản xuất cho con người thuộc mọi đại lục. Vì thế ngành nông nghiệp có một vai trò chủ yếu. Hoạt động của những người canh tác, quảng đại dành thời giờ và năng lực cho công tác này, thực là một ơn gọi đích thực. Ơn gọi này đáng được nhìn nhận và đánh giá một cách thích hợp, cả trong những chọn lựa cụ thể về chính trị và kinh tế”.

Trong ý hướng đó, ĐTC kêu gọi loại bỏ những chướng ngại đe dọa ngành nông nghiệp, khiến cho các thế hệ trẻ không còn cảm thấy được thu hút dấn thân trong canh nông nữa.

Cũng trong chiều hướng này, ĐTC mời gọi chú ý đến tình trạng nghèo đói vẫn còn đè nặng trên rất nhiều người trong nhân loại. Ngài nói: ”Sự tuyệt đối hóa các qui luật thị trường, nền văn hóa gạt bỏ và phung phí lương thực đã lên tới mức độ không thể chấp nhận được, cùng với những yếu tố khác, đang gây đau khổ và lầm than cho bao nhiêu gia đình. Vì thế cần xét lại tường tận hệ thống sản xuất và phân phối lương thực”.

ĐTC cũng nhận xét rằng con người không những được kêu gọi canh tác đất đai nhưng còn bảo tồn đất nữa. Hai điều này có liên hệ mật thiết với nhau. Mỗi nông dân điều biết rõ thật là khó canh tác trong một thời đại có những biến đổi mau lẹ về khí hậu và những biến cố khí hậu thái cực ngày càng lan tràn. Làm sao tiếp tục sản xuất lương thực tốt cho cuộc sống của mọi người, khi mà sự ổn định khí hậu bị lâm nguy, khi mà không khí, nước và đất đai không còn tinh khiết vì bị ô nhiễm?

Sau cùng, ĐTC cũng cổ võ một nền nông nghiệp ít ảnh hưởng tiêu cực tới môi sinh: làm sao để việc canh tác của chúng ta đồng thời cũng là một công trình bảo tồn đất đai? Chỉ như thế các thế hệ tương lai mới có thể tiếp tục ở trên trái đất và canh tác đất đai”. (SD 31-1-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Lớp Sáu – Bài Học 10 – Ngày Mồng Một Tết: Xuân Xưa và Nay

Xem Bài Học -10 – Xuân Xưa và Nay

Mùa xuân, là mùa của hội hè, của đoàn tụ, của vui chơi. Mùa xuân với không gian rộng mở để đón ánh nắng xuân, để hòa nhịp với gió xuân. Mùa xuân ai cũng muốn trải lòng mình với không gian. Ai cũng muốn hòa chung nhịp với vạn vật để trẩy hội mùa xuân. Thế nên, Mùa xuân ở đâu cũng có đám có hội. Nơi nơi đều có những hội hè, ca hát như câu thơ xưa đã diễn tả:

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay

Hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy

Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ

Mẹ bảo “Thôn Đoài hát tối nay”

SoSanhMuaXuan-DoubleBuble

CamTaChuaXuan-SystemigramLaChuyenVuotQua-BridgeMap