Tái thánh hiến nước Anh và xứ Wales cho Trái tim vô nhiễm Mẹ Maria

Tái thánh hiến nước Anh và xứ Wales cho Trái tim vô nhiễm Mẹ Maria

Đức Hồng y Vincent Nichols  đã đội vương miện cho tượng Đức Mẹ Fatima, nhân dip kỷ niệm 100 năm ngày Đức Mẹ hiện ra, và đã thánh hiến nước Anh  và xứ Wales cho Trái tim vô nhiễm Mẹ Maria.

Đức Hồng y đã chủ sự buổi cầu nguyện thánh hiến, với sự tham dự của khoảng 3000 tín hữu hiện diện trong nhà thờ chánh tòa Westminster và rất đông tín hữu hiện diện trong sân trước nhà thờ chánh tòa. Đức Hồng y cầu nguyện: “Nhân kỷ niệm 100 năm ngày Mẹ hiện ra, không chỉ hiệp thông với Giáo hội – Thân thể mầu nhiệm của Con Mẹ, nhưng với toàn thế giới, chúng con tái thánh hiến chúng con cho Mẹ và Trái tim vô nhiễm Mẹ.” Đức Hồng y Nichols lập lại việc thánh hiến mà Đức Hồng y Bernard Griffin đã thực hiện vào năm 1948.

Đức Hồng y Nichols nói trong bài giảng rằng các cuộc hiện ra đưa ra một thách thức đáng lưu ý và các tín hữu Công giáo phải tự hỏi mình: “Mỗi ngày, chúng ta chứng tỏ rõ ràng mình là môn đệ Chúa Kitô như thế nào? Làm thế nào chúng ta thực hiện tốt hai cách thức dành thời gian cho Chúa và cho người khác trong lãnh vực cầu nguyện và hy sinh? Đức Hồng y đề nghị kinh Mân côi như lời cầu nguyện giúp một người thưa “vâng” với Chúa. Theo ngài, đây là điều căn bản của lòng sùng kính Trái tim vô nhiễm Mẹ Maria.

Thánh tượng Đức Mẹ Fatima sẽ công du 20 nhà thờ chánh tòa của Anh và xứ Wales. Cuộc công du sẽ kết thúc vào tháng 10 tại Giáo phận Wrexham. (Catholic Herald 20/02/2017)

Hồng Thủy

Giáo Hội Anh tham gia kế hoạch tái định cư 20 ngàn người Syria

Giáo Hội Anh tham gia kế hoạch tái định cư 20 ngàn người Syria

Trại tỵ nạn

Manchester, Anh quốc – Giáo hội Công giáo tại Anh và xứ Wales đã tham gia vào một dự án của chính phủ nhắm định cư cho khoảng 20 ngàn người Syria tị nạn chiến tranh. Một giáo xứ của Giáo phận Salford sẽ là giáo xứ đầu tiên đón tiếp một gia đình từ trại tị nạn ở Trung đông như một phần của kế hoạch bảo trợ, bao gồm đón tiếp và giúp đỡ các gia đình tị nạn tái định cư. Ban tổ chức tin rằng những người tị nạn đến từ các trại đa số là Hôi giáo sẽ không bao gồm các thành viên của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo. Philip McCarthy, giám đốc điều hành của mạng lưới Hành động Bác Ái Xã hội, cơ quan điều phối dự án giữa các giáo xứ của Hội đồng Giám mục Anh và xứ Wales, cho biết là các người tị nạn sẽ được kiểm tra kỹ càng bởi chính quyền Anh và ủy ban tị nạn Liên Hiệp quốc.

Đức Hồng Y Vincent Nichols của Giáo phận Westminster, chủ tịch Hội đồng Giám mục Anh nói: “Năm ngoái, Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi các giáo xứ, dòng tu và đan viện trên toàn châu Âu hành động trước sự gia tăng của cuộc khủng hoảng người tị nạn bằng cách cung cấp một nơi trú ngụ cho các gia đình tháo chạy khỏi quê hương vì chiến tranh và bách hại. Đức Giáo hoàng kêu gọi lòng quảng đại và tương trợ của chúng ta để nhận ra và hành động vì nhân loại chung. Bây giờ tất cả chúng ta có thể đáp lời mời gọi này với chương trình bảo trợ cộng đồng cho các người tị nạn Syria”. Ngài cũng nói thêm: “Các tín hữu Công giáo được biết đến trong việc tham gia giúp đỡ định cư các người tị nạn ở vương quốc Anh, đáp ứng tình hình với lòng tốt và cảm thông như chúng ta được kêu gọi khi đối mặt với những người cần sự giúp đỡ”.

Các gia đình tị nạn đầu tiên được tái định cư bời Giáo hội sẽ đến Giáo xứ thánh Monica ở Flixton, ngoại ô Manchester vào cuối mùa hè. Dự án sẽ được giám sát bởi cơ quan Bác ái Salford, ủy ban chăm sóc xã hội của Giáo phận, trước khi nó được mở rộng đến các giáo xứ và giáo phận khác. Đức cha John Arnold của Salford phát biểu rằng ngài vui lòng vì Giáo xứ thánh Monica ở Flixton có thể chào đón một gia đình tị nạn Syria. Đức cha nói: “Chúng ta luôn được kêu mời đáp trả thù hận bằng yêu thương, tận hiến cho công lý và đáp ứng những nhu cầu cách quảng đại”. Ngài hy vọng là qua đề án thí điểm này, các giáo xứ và giáo phận khác cũng được khuyến khích và soi sáng để những đau khổ khủng khiếp của nhiều gia đình Syria được xoa dịu.

Chính phủ Anh dự định tái định cư ở Anh tất cả các người tị nạn trong các trại ở vùng Syria vào khoảng năm 2020. Mỗi người tị nạn sẽ được nhận một visa nhân đạo thời hạn 5 năm trước khi đủ điều kiện xin nhập quốc tịch Anh. Các gia đình sẽ được quyền xin trợ cấp thất nghiệp, nhà chính phủ, học hành và chăm sóc sức khỏe miễn phí. Họ cũng được giúp để hòa nhập đời sống và văn hóa Anh bởi những người bảo trợ. (CNS 20/7/2016)

Hồng Thủy Op