Giáo hội sẽ có thêm 1 vị thánh, 14 chân phước và 2 đấng đáng kính

Giáo hội sẽ có thêm 1 vị thánh, 14 chân phước và 2 đấng đáng kính

Sáng 15.01 vừa qua, trong buổi tiếp kiến ĐHY Angelo Becciu, Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh, ĐTC Phanxicô đã cho phép Bộ Tuyên Thánh công bố các sắc lệnh nhìn nhận phép lạ liên quan đến chân phước Margarita Bays, nhìn nhận các cuộc tử đạo của nữ tu Maria del Carmen và 13 nữ tu cùng dòng; và nhìn nhận các nhân đức anh hùng của hai tôi tớ Chúa là nữ tu Anna Kaworek và nữ tu Maria Soledad Sanjurjo Santos.

1 tân hiển thánh

Trước hết, ĐTC chính thức nhìn nhận một phép lạ xảy ra nhờ lời chuyển cầu của chân phước trinh nữ Margarita Bays, dòng Ba Phanxicô. Đây là phép lạ cần thiết để chân phước được tuyên phong hiển thánh. Chân phước Margarita Bays sinh năm 1815 tại La Pierraz, Thụy sĩ, trong một gia đình nông dân. Chị làm thợ may tại nhà, và tuy chăm chỉ làm hết sức mình để đáp ứng nhiều nhu cầu của những người hàng xóm, chị không bao giờ lơ là việc cầu nguyện. Trong cuộc chiến văn hóa, chị đã ủng hộ báo chí Công giáo. Nhưng biến cố thay đổi chị triệt để chính là ơn được mang các dấu thánh. Sau đó, chị lại được lành bệnh ung thư ruột một cách lạ kỳ vào tháng 08.1854, trong khi ĐGH Pio IX tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội. Chị Margarita Bays qua đời ngày năm 1879 và được tuyên phong chân phước vào năm 1995.

14 tân chân phước

Trong sắc lệnh thứ hai, ĐTC nhìn nhận cuộc tử đạo của nữ tu Maria del Carmen, bề trên tổng quyền, và 13 nữ tu cùng dòng Phanxicô Đức Mẹ thu thai. Các chị đã bị giết tại Tây ban nha vào năm 1936 vì sự thù oán đức tin. Với sắc lệnh này, các chị sẽ được tuyên phong chân phước.

2 Đấng đáng kính

Trong 2 sắc lệnh tiếp theo, ĐTC nhìn nhận các nhân đức anh hùng của 2 vị Tôi tớ Chúa. Thứ nhất là nữ tu Anna Kaworek, đồng sáng lập dòng các nữ tu tổng lãnh thiên thần Micae, sinh tại Biedrzychowice, Balan, năm 1872 và qua đời năm 1936; thứ hai là nữ tu Maria Soledad Sanjurjo Santos, dòng Các Nữ tỳ Đức Maria phục vụ bệnh nhân, sinh tại Puerto Rico năm 1892 và qua đời năm 1973. (REI 15.01.2019)

Hồng Thủy – Vatican

ĐGH tôn phong 7 vị chân phước lên bậc Hiển Thánh

ĐGH tôn phong 7 vị chân phước lên bậc Hiển Thánh

7 vị thánh mới gồm 1 vị Giáo Hoàng, 1 TGM, 2 LM, 2 nữ tu và một giáo dân. Xét về quốc tịch có 4 vị người Ý, 3 vị còn lại người El Salvador, Đức và Bolivia gốc Tây Ban Nha. Trên mặt tiền Đền Thờ Thánh Phêrô có treo các bức ảnh lớn của 7 vị. 

 Các thành phần tham dự

 Hiện diện tại Quảng trường có hơn 80 ngàn tín hữu, phần lớn là người Italia, nhưng cũng có 7 ngàn người El Salvador, hàng trăm người Bolivia. Từ giáo phận Milano có 2500 tín hữu, 130 LM và phó tế, do Đức TGM bản quyền Mario Delpini cùng với 7 GM phụ tá hướng dẫn. Đức Phaolo 6 từng làm TGM Milano trước khi được bầu làm Giáo Hoàng. Hàng ngàn tín hữu khác đến từ giáo phận Brescia, quê hương của Ngài. Trong số các tín hữu hiện diện cũng có vài người đã được phép lạ của các thánh mới, như bà Cecilia Maribel Flores de Rivas, 34 tuổi, cùng với gia đình của bà. Bà đã được khỏi bệnh ung thư một cách lạ lùng nhờ lời chuyển cầu của Đức TGM Oscar Romero.

 Có 15 phái đoàn chính phủ đứng đầu là phái đoàn Tây Ban Nha do Hoàng Thái Hậu Sofia hướng dẫn, tiếp đến là phái đoàn Italia, Chile, El Salvador và Panama do 4 tổng thống liên hệ cầm đầu. Đoàn Honduras, Đài Loan và Uganda do 3 vị Phó Tổng thống hướng dẫn. Các phái đoàn khác do một vị Bộ trưởng cầm đầu.

 Đồng tế với ĐTC có đông đảo 600 vị Hồng Y và GM, trong đó nhiều vị cũng là nghị phụ Thượng HĐGM hiện nay về giới trẻ và 3 ngàn linh mục. Các HY và GM đứng cạnh ĐTC nơi bàn thờ là những vị bản quyền của các giáo phận nguyên quán của các vị thánh mới. Đặc biệt cũng có một phái đoàn Anh giáo do Đức nguyên TGM giáo chủ Rowan Williams hướng dẫn và gồm 10 vị Tổng Giám Mục.

 Một chi tiết đáng để ý là trong phẩm phục ĐTC mặc tại buổi lễ, có giây cột áo chùng trắng đã được Đức TGM Oscar Romero dùng trong thánh lễ ngài bị sát hại cách đây 38 năm, dây có vết máu của Đức TGM, gậy mục tử, dây Pallium và chén lễ cũng là của Đức Chân phước Phaolô 6. Qua những cử chỉ này, ĐTC Phanxicô muốn bày tỏ sự gần gũi với các vị thánh mới.

 Phần thánh ca, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, còn có 3 ca đoàn thuộc các giáo phận Brescia, Pontevico, Cosenza, ca đoàn giáo xứ Torre del Greco, sau cùng là ca đoàn Mẹ Giáo Hội.

Nghi thức phong thánh

 Nghi thức phong hiển thánh diễn ra vào đầu thánh lễ, với bài ca cầu xin Chúa Thánh Thần. Tiếp đến ĐHY Angelo Becciu, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, cùng với 7 vị thỉnh nguyên án phong thánh, tiến lên trước ĐTC, và ĐHY xin ĐTC ghi tên vào sổ bộ các thánh của Giáo Hội 7 chân phước: Phaolô 6, Oscar Romero, Francesco Spinelli, Vincenzo Romano, Maria Kasper, Nazaria Ignatia và sau cùng là Nunzio Sulprizio. Tóm lược 7 vị chân phước được xướng lên trong dịp này.

 Tóm lược tiểu sử 7 vị thánh

 1. Đức Phaolô 6 sinh cách đây 121 năm, và làm Giáo Hoàng trong 15 năm, từ 1963 đến 1978. Trong vô số các sáng kiến của ngài, có công trình tiến hành và áp dụng Công đồng chung Vatican 2, các chuyến tông du ở nước ngoài, thăng tiến đối thoại đại kết và liên tôn. Ngài qua đời lúc 81 tuổi tại Castel Gandolfo ngày 6-8 năm 1978 sau một thời gian rất ngắn bị bệnh và được phong chân phước cách đây 4 năm.

 2. Vị chân phước thứ hai được phong thánh hôm qua là Đức TGM Oscar Arnulfo Romero Galdámez, sinh năm 1917 tại thành phố Barrios ở El Salvador. Thụ phong LM năm 25 tuổi và làm cha sở 25 năm tại thành phố Miguel. Năm 1970 khi được 53 tuổi, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm GM phụ tá tổng giáo phận thủ đô San Salvador rồi 7 năm sau thăng TGM chính tòa tại đây. Thời đó El Salvdor bị nội chiến, phe cực hữu thi hành bạo lực chống những người yếu thế, giết hại các LM và giáo lý viên. Đức TGM Oscar Romero bênh vực các tín hữu và ngày 24-3 năm 1980, ngài bị đội quân tử thần của phe cựu hữu sát hại trong lúc dâng thánh lễ. Đức TGM được phong chân phước cách đây 3 năm (2015).

 3. Vị chân phước thứ ba được tôn phong là cha Francesco Spinelli người Italia, sinh tại Milano năm 1853, thụ phong LM năm 22 tuổi. Cha sáng lập dòng các nữ tu Thờ Lạy Thánh Thể và làm bề trên Hội dòng này. Cha qua đời năm 1913 thọ 60 tuổi và được ĐTC Gioan Phaolô 2 phong chân phước năm 1992.

 4. Vị thứ tư là Chân phước Vincenzo Romano, thuộc giáo phận Napoli, nam Italia sinh năm 1751 và làm cha sở giáo xứ Torre del Greco. Giáo xứ này bị núi lửa Vesusio tàn phá hoàn toàn và cha đã tái thiết đẹp đẽ và khang trang hơn. Cha Romano quen được gọi là thánh Gioan Maria Vianney của Italia, đã giúp hồi sinh về vật chất và nhất là về tinh thần và luân lý cho cộng đoàn tín hữu. Cha qua đời năm 1831, thọ 80 tuổi và được phong chân phước năm 1963.

 5. Thứ năm là Nữ chân phước Maria Caterina Kasper người Đức, sinh năm 1820, có sức khỏe mạnh mẽ và lao tác trong các công việc đồng áng và xây đường. Chị thành lập một dòng chuyên phục vụ những người nghèo khổ nhất trong xã hội, đó là dòng Nữ Tỳ nghèo của Chúa Giêsu Kitô. Dòng phát triển mạnh, vượt ra ngoài Âu Châu và lan tới Mỹ châu. Chị qua đời năm 1898 thọ 78 tuổi và được phong chân phước năm 1978.

 6. Thứ sáu là nữ Chân phước Nazaria Ignazia sinh tại Madrid Tây Ban Nha năm 1889 và cùng gia đình di cư sang Nam Mỹ, gia nhập dòng các nữ tu săn sóc những người già bị bỏ rơi năm 1908 tại Bolivia. Về sau đứng trước tình trạng xã hội ngày càng bi thảm, chị lập dòng các nữ tu đạo binh thánh giá của Giáo Hội. Chị qua đời năm 1943 lúc 54 tuổi và được ĐGH Gioan Phaolô 2 phong chân phước năm 1992.

 7. Sau cùng là chân phước giáo dân Nunzio Sulprizio, người Italia, sinh năm 1817 và mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được bà ngoại săn sóc, nhưng bà cũng qua đời. Nunzio được người cậu làm thợ rèn đưa về nuôi, nhưng ông cũng hành hạ cháu, đến độ Nunzio mắc bệnh lao xương. Được đưa tới nhà thương ở Napoli, tại đây anh được rước lễ lần đầu. Bệnh nặng thêm, Nunzio qua đời năm 1836 lúc mới được 19 tuổi. Lòng can đảm trong bệnh tật của anh trong tinh thần đức tin đã làm cho nhiều cảm phục. Đức Giáo Hoàng Phaolô 6 đã tôn phong Nunzio Sulprizio lên bậc chân phước năm 1963.

 Phong thánh

 Sau khi cộng đoàn hát kinh cầu Các Thánh, ĐTC đã long trọng đọc công thức lấy quyền tông đồ truyền ghi tên 7 vị chân phước vào sổ bộ các thánh, để tôn vinh Chúa Ba Ngôi chí thánh, tuyên dương đức tin Công Giáo và gia tăng đời sống Kitô.

 Cộng đoàn vỗ tay hân hoan tạ ơn Chúa trong khi ca đoàn ca bài ”Hãy reo mừng, hát lên mừng Chúa”, và thánh tích của các vị tân hiển thánh được rước lên bàn thờ. Thánh tích của Thánh Phaolô 6 là chiếc áo thung mang máu của ngài khi bị mưu sát ở Manila, Philippines. Mộ của thánh nhân, theo di chúc, tiếp tục giữ nguyên tại hầm đền thờ Thánh Phêrô, thay vì được di chuyển lên tầng trên như trường hợp thánh Gioan 23 và Gioan Phaolô 2. Thánh tích của 5 vị thánh khác là một mẩu xương, còn thánh tích của thánh nữ Nazaria Ignazia là một ít tóc.

 Bài giảng của ĐTC

 Trong bài giảng, ĐTC đã diễn giải bài Tin Mừng, trích từ đoạn 10 theo thánh Marco, về người kia, vốn đã chu toàn việc tuân giữ các giới răn, hỏi Chúa xem phải làm gì để gia sản là cuộc sống đời đời, và trong câu trả lời Chúa Giêsu đòi người ấy đi xa hơn nữa:

 ”Chúa đòi người ấy tiến từ việc tuân giữ lề luật tới sự hiến thân, từ thái độ làm cho mình tới việc ở với Chúa. Và Chúa đưa ra một đề nghị sống thật là ”sắc bén”: ”Anh hãy bán tất cả những gì anh có, cho người nghèo [..] rồi đến đây theo tôi!” (v.21). Chúa Giêsu cũng nói với bạn: ”Hãy đến đây, theo tôi!”. Hãy đến, chứ đừng đứng nguyên, vì không làm gì xấu, vẫn chưa chủ để thuộc về Chúa Giêsu. Hãy theo tôi: đừng chỉ theo Chúa Giêsu khi bạn thấy là thích hợp, nhưng còn phải tìm Chúa mỗi ngày; đừng hài lòng với việc tuân giữ các giới răn, làm phúc bố thí một chút và đọc vài kinh; hãy tin nơi Ngài Vị Thiên Chúa luôn yêu mến bạn, tìm nơi Chúa ý nghĩa cuộc sống của bạn, sức mạnh để hiến thân.

 Bán của cải cho người nghèo

 Và Chúa Giêsu còn nói: ”Hãy bán những gì bạn có và cho người nghèo”. Chúa không đưa ra lý thuyết về nghèo khó và giàu sang, nhưng đi thẳng vào cuộc sống. Chúa đòi bạn hãy bỏ đi tất cả những gì làm cho tâm hồn bạn nặng nề, hãy loại khỏi bạn những của cải để dành chỗ cho Chúa, là điều thiện hảo duy nhất. Ta không thể thực sự theo Chúa Giêsu khi ta bị sự vật đè nặng. Bởi vì nếu tâm hồn bị tràn ngập của cải, thì sẽ không còn chỗ cho Chúa, Chúa bị coi như một đồ vật giữa các đồ vật khác. Vì thế, Chúa Giêsu nói, của cải giàu sang là nguy hiểm, làm cho ta khó được cứu độ. Không phải vì Thiên Chúa nghiêm khác, không phải vậy, vấn đề là từ phía chúng ta: chúng ta có quá nhiều, ước muốn quá nhiều bóp nghẹt tâm hồn và làm cho chúng ta không còn khả năng yêu mến. Vì thế thánh Phaolo nhắc nhớ rằng ”Sự ham hố tiền bạc là căn cội gây ra mọi sự ác” (1 Tm 6,10). Chúng ta thấy điều đó: nơi nào người ta đặt tiền bạc ở trung tâm chỉ không có chỗ cho Thiên Chúa và cũng chẳng có chỗ cho con người”.

 Buồn sầu vì bám víu của cải

 Trước câu trả lời và yêu cầu của Chúa Giêsu, người ấy ra đi, buồn sầu (v.22). Người ấy đã thả neo nơi các giới răn và nhiều của cải, nên không muốn dâng hiến tâm hồn. Tuy đã gặp Chúa Giêsu và được cái nhìn yêu thương của Chúa, nhưng anh ta ra đi buồn sầu. Sự sầu muộn là bằng chứng về tình yêu không trọn vẹn. Đó là dấu chỉ một con tim nguội lạnh. Trái lại một tâm hồn được thảnh thơi khỏi của cải, tự do yêu mến Chúa, thì luôn tỏa lan niềm vui, niềm vui mà ngày hôm nay chúng ta rất cần. Thánh Giáo Hoàng Phaolô 6 đã viết: Chính nơi trọng tâm những lo âu của con người ngày nay mà họ đang cần được biết niềm vui, cần nghe thấy tiếng ca của Chúa” (Tông huấn Gaudete in Domino, I). Ngày hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy trở về với nguồn mạch niềm vui là cuộc gặp gỡ với Chúa, can đảm chọn lựa rủi ro để theo Chúa, thích từ bỏ cái gì đó để sống theo Chúa. Các thánh đã bước theo con đường đó.

 ĐTC áp dụng vào cuộc đời 7 vị thánh mới:

 Đức Phaolo 6 đã làm như thế, noi gương thánh Tông Đồ mà ngài nhận tên hiệu. Như thánh Phaolô, Người đã hiến thân vì Tin Mừng của Chúa Kitô, vượt qua các biên cương mới và trở thành chứng nhân của Chúa trong việc loan báo và trong cuộc đối thoại, thành vị ngôn sứ của một Giáo Hội hướng ngoại, nhìn đến những người ở xa và chăm sóc người nghèo. Cả trong những cơ cực và giữa những hiểu lầm, Đức Phaolô 6 đã say mê làm chứng về vẻ đẹp và niềm vui được hoàn toàn theo Chúa Giêsu. Ngày nay Ngài còn nhắn nhủ chúng ta, cùng với Công Đồng mà Ngài là người hướng dẫn khôn ngoan, hãy sống ơn gọi chung của chúng ta, ơn gọi mên thánh chung của tất cả mọi người. Không phải sống nửa chừng, nhưng là nên thánh.

 Thật là đẹp vì cùng với Đức Phaolô 6 và các vị thánh nam nữ ngày hôm nay, có Đức Cha Romero, ngừơi đã từ bỏ an ninh trần thế, và chính an ninh của bản thân, để hiến mạng sống theo Tin Mừng, gần gũi với người nghèo và dân của mình, với tâm hồn được Chúa Giêsu và các anh chị em thu hút. Cũng vậy chúng ta có thể nói về Cha Francesco Spinelli, Vincenzo Romano, Maria Caterina Kasper, Nazaria Ignazia Thánh Nữ Têrêsa Chúa Giêsu và Nunzio Sulprizio. Tất cả các vị thánh này, trong những hoàn cảnh khác nhau, đã diễn tả bằng cuộc sống Lời Chúa hôm nay, không chút nguội lạnh, không tính toán, nhưng với lòng nhiệt thành chấp nhận rủi ro và từ bỏ. Xin Chúa giúp chúng ta noi gương các ngài.

 Phần cuối của thánh lễ

 Thánh lễ được tiếp tục theo nghi thức thường lệ và trong phần lời nguyện giáo dân, cộng đoàn đã cầu nguyện cho Hội Thánh, các tin hữu Kitô bị bách hại, cho những người trẻ đang tìm ơn gọi, cho các đôi vợ chồng trẻ và đặc biệt bằng tiếng Hoa, mọi người cầu nguyện cho các nhà lập pháp và các chính quyền.

 Trong phần rước lễ, 350 LM và Phó tế được giao phó nhiệm vụ phân phát Mình Thánh Chúa.

 Cuối thánh lễ, ĐTC cùng mọi người đọc kinh Truyền Tin kính Đức Mẹ. Trong dịp này ngài cám ơn các HY và rất đông đảo các GM và LM đến tự các nơi trên thế giới, và ngài không quên chào thăm và cám ơn các phái đoàn của các chính phủ đến dự lễ, đặc biệt là Hoàng thái hậu Sofia, Tổng thống Italia, Chile, El Salvador và Panama, và phái đoàn Anh giáo do Đức TGM Rowan Williams hướng dẫn.

Giuse Trần Đức Anh OP

Cha Airton Freire, vị linh mục sống ở bãi rác để cứu vớt “những người rác”

Cha Airton Freire, vị linh mục sống ở bãi rác để cứu vớt “những người rác”

“Chúng ta ở trên trái đất là để phục vụ”, đây là khẩu hiệu của Hiệp hội Trái đất do Cha Airton Freire de Lima thành lập. Bên cạnh hiệp hội Trái đất, cha Airton còn thành lập tu hội các Tôi tớ Chúa. Mọi hoạt động của hiệp hội và tu hội này là để phục vụ những người nghèo nhất trong các người nghèo.

Sau khi được lãnh nhận thiên chức linh mục vào ngày 13 tháng 2 năm 1982, cha Airton nhận bài sai đến làm cha sở của một giáo xứ ở thành phố Arcoverde, một vùng quê của bang Pernambuco. Chỉ vài tháng sau đó, một nhóm trẻ đã mời cha đi thăm một khu vực đặc biệt trong thành phố, và cha đã được biết có một nơi có những người rất đặc biệt của thành phố, đó là nơi chứa rác. Chính quyền thành phố đưa rác ra khu vực ngoại ô, xa thành phố, để giữa đồng trống, không bận tâm về các vấn đề môi trường hay xã hội. Bãi rác này như hình ảnh đau khổ thu nhỏ của thành phố Arcoverde. Tại đây, nhiều gia đình sống nhờ vào rác, ăn những thực phẩm còn dư mà họ tìm thấy trong thùng rác. Họ không chỉ thu nhặt các rác thải để sống qua ngày, nhưng họ sinh sống ngay tại đó, giống như chính họ cũng là những thứ “rác người”. Họ sống trong các khu ổ chuột được làm bằng giấy hay bằng thiếc, không có điện nước và các dịch vụ vệ sinh, không có những con đường trải nhựa, không có trường học và dịch vụ y tế. Họ sống bên lề xã hội, ngay cả khi đó là một xã hội được gọi là Kitô giáo.

Những điều nhìn thấy ở bãi rác đã gây sốc cho cha Airton và làm cho cha Airton suy nghĩ trăn trở. Cha đã dâng Thánh lễ ngay cạnh bãi rác. Trong Thánh lễ đó, một em bé bị đói khát, đã xin ăn “bánh lễ”, vì em nghĩ đó là bánh bích quy. Sự việc này giúp cha Airton thấy rõ mối liên hệ giữa Mình Chúa Kitô và bánh ăn làm giảm cơn đói khát của cả linh hồn và thể xác và cha đã quyết định thay đổi cách sống: chính cha đã đến sống ở con đường mang tên bãi rác, sống nghèo khó giữa những người nghèo khổ, làm việc để thăng tiến những con người nghèo khổ nhất. Cũng chính ở đây cha Airton đã thành lập Hiệp hội Trái đất, sau đó đổi thành hội Trái đất của các tôi tớ Chúa. Hội được sinh ra trong cộng đồng này để giải cứu “những con người rác” sống ở đây. Hội Trái đất được chính thức thành lập vào ngày lễ sinh nhật Đức Mẹ, ngày 8 tháng 9 năm 1984.

Ngày 29 tháng 4 năm 1999, sau những ngày ăn chay và cầu nguyện, cha Airton đã thành lập cộng đoàn Cuộc sống của các Tôi tớ Chúa. Ngày 31 tháng 5 cùng năm đó, cha Airton đã chọn địa điểm để xây một ngôi nhà nguyện kính cha thánh Piô làng Pietrelcina và Đức Mẹ Vô nhiễm. Chính tại đây, tu hội các Tôi tớ Chúa đã ra đời cùng với nhà tĩnh tâm Thánh gia và các nhóm cầu nguyện được gọi là các Nhóm Trái đất do tu hội các Tôi tớ Chúa của cha Airton điều hành. Cha Airton đã phát hành 180 CD thu các bản nhạc và các bài giảng của cha, xuất bản 90 cuốn sách và còn tổ chức các buổi tĩnh tâm ở Brasil và ở nước ngoài.

Ngày nay, tổ chức Trái đất, qua các dự án, và nhờ sự đóng góp của các cá nhân, các doanh nghiệp và chính quyền, chuyên lo hoạt động trong các lãnh vực xã hội, sức khỏe, giáo dục, nhà ở, giúp đỡ cho hơn 2000 người mỗi năm, đặc biệt là tại các bang Pernambuco và Ceará. Các chương trình này khá quan trọng và có quy mô tương đối lớn, vì nó bao gồm từ các nhà trẻ cho đến bệnh viện, các trường học, các trường nghề, các trợ giúp y tế và tâm lý, cung cấp lương thực, dạy chữ cho người lớn, phục hồi các thanh thiếu niên nhờ các chương trình thể thao văn hóa, đào tạo các nhà kinh doanh, cung cấp tín dụng nhỏ và hỗ trợ cho việc tổ chức các hoạt động sản xuất. (Aleteia 18/03/2017)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha gặp 6 vị lãnh đạo HĐGM Venezuela

Đức Thánh Cha gặp 6 vị lãnh đạo HĐGM Venezuela

VATICAN. Lúc 10 giờ sáng 8-6-2017, ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến 6 vị thuộc Ban Chủ tịch HĐGM Venezuela theo lời thỉnh cầu của chính các vị lãnh đạo của Hội đồng này.

Tham dự buổi tiếp kiến này có Đức TGM Chủ tịch Diego Padrón, hai Đức Cha Phó Chủ tịch và Đức Cha Tổng thư ký. Ngoài ra có hai vị Hồng Y người Venezuela là Jorge Urosa Savino, và Baltazar Porras.

Các GM đã trao đối với ĐTC về tình hình khủng hoảng trầm trọng tại Venezuela.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, trước ngày gặp gỡ với ĐTC, ĐHY Jorge Urosa Savino, TGM giáo phận thủ đô Caracas của Venezuela tố giác rằng tổng thống Nicolas Maduro lèo lái hình ảnh của ĐTC, ông muốn ”trình bày ĐHY như người bạn của chính phủ Venezuela, nhưng các GM chúng tôi muốn loại bỏ sự lèo lái này, để chứng tỏ rằng chúng tôi đứng về phía nhân dân Venezuela đang chịu đau khổ rất nhiều và chúng tôi đoàn kết với ĐTC”.

Theo ĐHY Savino, tổng thống Maduro đã mất hậu thuẫn của nhân dân, vì thế ông đề ra dự án cải tổ hiến pháp để thiết lập một chế độ độc tài, cộng sản, duy vật và quân phiệt”, trái ngược với quyền lợi của tất cả mọi người, nhất là những người nghèo nhất”.

ĐHY cũng khẳng định rằng ”con đường để ra khỏi tình trạng chính trị hiện nay ở Venezuela vẫn là những phương thế đã được ĐHY Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đề ra hồi tháng 12 năm ngoái, đó là thiết lập con kênh nhân đạo cho lương thực và thuốc men, trả lại quyền cho quốc hội, trả tự do cho các tù nhân chính trị, lập lịch trình bầu cử dân chủ. ”Cộng đồng quốc tế phải hiểu và thấy rõ tình trạng ở Venezuela mỗi ngày trở nên trầm trọng hơn, bạo lực hơn, nơi mà dân chúng chết vì đói. Quốc tế cần phải làm cho chính phủ Venezuela hiểu rằng chính phủ phải giải quyết những vấn đề hiện nay nếu không thì phải từ nhiệm và ấn định cuộc bầu cử để đất nước có một tổng thống mới' (Ansa 7-6-2017)

Liên đới

Mặt khác, hãng tin Fides của Bộ truyền giáo cho biết: Giáo phận Cúcuta ở Colombia, đã mở một ”nhà qua đường” từ ngày 5-6 vừa qua để giúp đỡ những người dân Venezuela ở biên giới đến tìm lương thực, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác.

Nhà qua đường này được gọi là ”Nhà Chúa Quan Phòng” nhắm giúp đỡ hàng ngàn người dân Venezuela đi qua biên giới vào Colombia láng giềng để tìm kiếm trợ giúp, trước tình hoảng trầm trọng của đất nước về mặt xã hội, chính trị và kinh tế.

Nhà Chúa Quan Phòng tọa lạc gần giáo xứ thánh Phêrô Tông Đồ, ở vùng La Parada, có diện tích hơn 1,500 mét vuông, được sự hỗ trợ của các phong trào tông đồ, các cộng đoàn giáo xứ, đại học và những người thiện chí. Nhà này có thể tiếp đón mỗi ngày khoảng 500 người đến tìm lương thực, và cả những trợ giúp về tinh thần và mục vụ.

Đức Cha Victor Manuel Ochoa Cadavid, GM giáo phận Cúcuta sở tại, cho biết hoạt động bác ái này có thể tiến hành được nhờ tình liên đới của dân chúng ở vùng biên giới giữa Colombia và Venezuela.

Venezuela đang bị thiếu thốn lương thực trầm trọng, ảnh hưởng với hơn 80% sản phẩm tại nước này, theo phúc trình mới nhất của Caritas địa phương. 11% các trẻ em Venezuela đang chịu tình trạng suy dinh dưỡng (Fides 7-6-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Cha George Weinmann và Sơ Lilian McLaughlin, hai vị tử đạo của Thánh Thể

Cha George Weinmann và Sơ Lilian McLaughlin, hai vị tử đạo của Thánh Thể

Đã 50 năm trôi qua, các tín hữu Công giáo ở Rochester, New York, vẫn nhớ đến gương hy sinh của cha George Weinmann, 77 tuổi, và sơ Lilian Marie McLaughlin, một nữ tu dòng Notre Dame, đang dạy học tại trường học của giáo xứ, những người đã hy sinh mạng sống để cứu các trẻ em và Thánh Thể trong một cơn hỏa hoạn tại nhà thờ thánh Philip Neri tại thành phố này.

Cha Weinmann được thụ phong Linh mục năm 1918, sau đó cha phục vụ trong 3 giáo xứ trước khi trở thành cha sở của xứ Philip Neri vào năm 1959. Cha đã ra sức xây dựng giáo xứ, thành lập trường học giáo xứ vào năm 1962, và năm 1965, cha xây một tu viện cho các nữ tu dòng Notre Dame. Cha nổi tiếng là “tiết kiệm”, cha để ý tới từng xu tiền của giáo xứ và tiêu xài rất ít cho chính mình. Khi cha qua đời, người ta tìm thấy một phong bì bên ngoài cha viết “Cho nhà thờ mới”, bên trong là trái phiếu của chính phủ với số tiền lên tới 200 ngàn đô la. Sơ McLaughlin sinh trưởng ở Boston và gia nhập dòng Notre Dame vào năm 1962. Các học sinh nói sơ là người dịu dàng, kiên nhẫn, vui vẻ và có tình hài hước. Sơ xinh đẹp, dễ thương và như thiên thần.

Ngày 20 tháng 2 năm 1967 là một ngày trời u ám, tuyết rơi và gió lạnh. Các học sinh của trường đang chơi trong giờ ăn trưa. Jimmy Thompson, một giám thị các học sinh lớp 7, đang quan sát các em khi chúng chơi đùa. Thình lình một học sinh lớp 4 đi ra khỏi ngôi nhà thờ gỗ và cho ông biết là các học sinh đang chơi giỡn bên trong nhà thờ. Thompson mở cửa nhà thờ và nhìn vào bên trong, ông thấy lửa cháy lan khắp phía sau cung thánh của nhà thờ. Thompson vội vàng chạy đến trường học và kéo chuông báo cháy và chạy đến nhà xứ báo cho cha xứ biết.

Nhà thờ thánh Philip Neri được xây dựng vào năm 1929, hoàn toàn bằng gỗ. Do đó ngon lửa đã dễ dàng lan tràn khắp nhà thờ. Khi cha Weinmann, 77 tuổi, cha sở của giáo xứ, nghe tiếng la hét thông báo nhà thờ đang bị cháy, đã chạy vội ra khỏi nhà xứ và băng mình xông vào lửa để cứu lấy Mình Thánh Chúa trong Nhà Tạm. Còn sơ McLaughlin, vội vàng gọi điện cho sở cứu hỏa và khi được biết là còn một số ít trẻ em đang ở trong nhà thờ, sơ đã không chút do dự, chạy vào nhà thờ qua cửa hông để vào cứu các em. Thật ra trong nhà thờ không có học sinh nào cả, nhưng sơ McLaughlin gặp thấy cha Weinmann và cố gắng giúp cha thoát ra ngoài nhà thờ. Họ cố đi ra bằng cửa chính, nhưng vì khói dày đặc nên cả hai người không nhìn thấy rõ và tưởng cửa vào phòng giải tội là cửa chính. Lính cứu hỏa đã tìm thấy hai người gần đó. Sơ McLaughlin qua đời vì ngạt khói, ngay chiều thứ hai hôm ấy, khi chỉ vừa mừng sinh nhật lần thứ 26 được 2 ngày. Còn cha Weinmann, đã mang Mình Thánh Chúa ra khỏi Nhà Tạm, cũng qua đời hai ngày sau đó.

Sự hy sinh của cha Weinmann và sơ McLaughlin đã để lại một dấu vết không thể xóa nhà trong ký ức của các học sinh và giáo dân của giáo xứ tại thành phố Rochester này và cũng là một mẫu gương hy sinh sống động mãi. Dù họ đã hy sinh cách đây nửa thế kỷ, nhưng ấn tượng của các học sinh và giáo dân về họ vẫn cho thấy một bản chất bình thường của sự vĩ đại, điều đã làm cho vị Tôi tớ Chúa Fulton Sheen gọi họ là “các vị tử đạo”. Thompson, người đã khám phá đám cháy hôm ấy, chia sẻ: “Khi bạn gặp điều gì đó tàn phá trong cuộc sống của bạn như ngày 20 tháng 2 năm đó, và khi nó liên quan đến tôn giáo của bạn, đến trường của bạn và nhà thờ của bạn mà bạn thật sự yêu quý, bạn không bao giờ có thể quên những điều này.”

Lòng yêu mến của mọi người đối với cha Weinmann và sơ McLaughlin được thể hiện qua sự hiện diện của rất đông dân chúng hiện diện trong Thánh lễ tại nhà thờ Truyền tin vào ngày 26 tháng 2 vừa qua, nhân tưởng niệm 50 năm ngày hy sinh của hai người. Trong số những người hiện diện có thân nhân của cha Weinmann và sơ McLaughlin cũng như các giáo dân của giao xứ thánh Philip Neri ngày xưa. Trong bài giảng Thánh lễ, cha Dennis Bonsignore cho biết cha được biết về vụ hỏa hoạn ở nhà thờ thánh Philip Neri vào năm 1992, 25 năm sau ngày xảy ra, khi cha đang phục vụ ở nhà thờ thánh Cecilia. Cha kể, vào hôm đó, Peter Fantigrossi đã hiện diện mà không biết là cha Bonsignore sẽ giảng về đám cháy. Ông là người lính cứu hỏa đã mang sơ McLaughlin ra khỏi nhà thờ thánh Philip Neri. Tai nạn làm cho ông cảm thấy đau khổ phát điên và đã rời bỏ nhà thờ trong nhiều năm. Nhưng sau thánh lễ vào năm 25 năm, Peter Fantigrossi cảm thấy được chữa lành và đổi mới. Ông đã sáng tác một bài thơ tựa đề "I Held an Angel in My Arms" – Tôi ôm một thiên thần trên cánh tay tôi”. Cha Bonsignore nhận định rằng hai vị đã để lại một mẫu gương sống động về niềm tin của họ về sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể.

Đức cha Matano của giáo phận Rochester khen ngợi cha Weinmann và sơ McLaughlin là gương mẫu cho các tín hữu Công giáo dâng trọn mạng sống của họ cho Chúa Giêsu. Ngài nói: “Chúng ta cầu nguyện để noi gương cha Weinmann và sơ McLaughlin, chúng ta có thể nói ‘Tôi sống nhưng không là tôi sống mà Chúa Kitô sống trong tôi.” (CNS 10/03/2017)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha tiếp kiến 100 vị tuyên úy quân đội của các nước

Đức Thánh Cha tiếp kiến 100 vị tuyên úy quân đội của các nước

ĐTC tiếp kiến 100 vị tuyên úy quân đội của các nước

VATICAN. ĐTC Phanxicô khích lệ các vị tuyên úy quân đội tìm ra những phương thế thích hợp để săn sóc các vết thương tinh thần do chiến tranh và xung đột gây ra cho các binh sĩ và gia đình họ.

Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây sáng 26-10-2015, khi tiếp kiến 100 vị tuyên úy quân đội đến từ các nước tham dự khóa huấn luyện về công pháp quốc tế nhân đạo do Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, Bộ Giám Mục và hội Đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn tổ chức.

ĐTC ghi nhận rằng trong khóa huấn luyện này, các vị tuyên úy suy tư và trao đổi kinh nghiệm về sứ mạng tháp tùng các quân nhân và gia đình họ, góp phần phòng ngừa những vi phạm công pháp về nhân đạo và với mục đích giảm bớt những đau khổ mà chiến tranh gây ra, nơi các nạn nhân, và cả nơi những người chống lại chiến tranh nữa. Thực vậy, nhiều quân nhân, sau các cuộc hành quân trở về, kể cả các sứ vụ hòa bình, họ thường mang những vết thương trong tâm hồn mà chiến tranh để lại nơi họ”.

ĐTC nói: ”Anh em có thể đổ trên các vết thương tinh thần của những người ấy dầu thơm của Lời Chúá, thoa dịu những đau khổ và đổ tràn niềm hy vọng; Anh em có thể cống hiến cho họ ơn Thánh Thể và Hòa giải, nuôi dưỡng và hồi sinh tâm hồn bị thương tổn”.

Sau cùng, ĐTC nói với các vị tuyên úy quân đội rằng ”Trong thời kỳ hiện nay, chúng ta đang sống một thứ ”thế chiến thứ ba từng mảnh”, anh em được kêu gọi nuôi dưỡng nơi các quân nhân và gia đình họ chiều kích tinh thần và luân lý đạo đức, giúp họ đương đầu với những khó khăn và những vấn nạn tiềm ẩn trong việc phục vụ đặc biệt đối với tổ quốc và nhân loại.. Ngay cả giữa những tình cảnh xâu xé vì chiến tranh, chúng ta không bao giờ được quên rằng ”mỗi người có đặc tính thánh thiêng vô cùng” (SD 26-10-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Bánh bởi trời

Bánh bởi trời

Cuộc đời tiên tri Êlia là một cuộc chiến đấu anh dũng và kiên cường. Một mình người phải chiến đấu chống lại cả một dân tộc bỏ đạo do hoàng hậu Dêdaben cầm đầu. Người khiển trách dân chúng vì họ đã nghe theo hoàng hậu mà bỏ Chúa. Người thách thức 400 sư sãi của thần Baan trong một cuộc dâng của lễ cầu mưa. Người đã chiến thắng. Nhưng chính vì chiến thắng. Người bị hoàng hậu săn đuổi, phải chạy trốn vào sa mạc. Hôm nay, đói khát đến lả người, vị tiên tri dũng mãnh rồi cũng cảm thấy mệt mỏi rã rời. Người mất hết sức lực thể chất lẫn tinh thần. Chẳng thiết sống, người xin Chúa cất người ra khỏi thế gian phiền nhiễu đầy bất trắc. Người mất hết sức phấn đấu. Người chỉ muốn an nghỉ trong Chúa. Nhưng Chúa sai thiên thần đem bánh cho người. Ăn được bánh bởi trời, tiên tri mới đủ sức vượt qua sa mạc, sau cùng đi tới núi của Thiên Chúa.

Tương tự như thế, đời sống ta cũng là một chuyến đi về nhà Thiên Chúa. Để đến với Thiên Chúa, ta phải vượt qua sa mạc cuộc đời đầy chông gai cạm bẫy. Đường đi rất xa và rất khó khăn. Những chiến đấu có thể sẽ khiến ta mệt mỏi rã rời. Ta sẽ chẳng đủ sức đi trọn con đường nếu không được nâng đỡ, an ủi. Để giúp ta đủ sức chiến đấu và đi trọn con đường khó khăn thử thách tiến về nhà Cha. Thiên Chúa đầy tình yêu thương đã ban cho ta tấm bánh bởi trời. Tấm bánh bởi trời mà Chúa Cha ban cho ta chính là Đức Giêsu Kitô, người Con duy nhất của Người. Món quà của Chúa Cha ban được thực hiện dưới hai hình thức: Lời Chúa và Phép Thánh Thể.

Đức Giêsu Kitô là Lời Ban Sự Sống của Thiên Chúa. Lời Thiên Chúa là Lời Ban Sự Sống. Chính Đức Giêsu đã khẳng định điều này khi Người trả lời ma quỉ cám dỗ: “Người ta sống không nguyên bởi bánh. Nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”. Thật vậy, chính Lời Chúa làm cho sự sống xuất hiện. Nhờ Lời quyền năng của Thiên Chúa, vũ trụ được tạo thành. Lời Chúa là lẽ sống của Đức Giêsu, nên trọn đời Người luôn đi tìm thực hiện thánh ý Chúa Cha: “Lương thực của Thầy là làm theo ý Đấng sai Thầy”. Xưa kia, Thiên Chúa nói qua trung gian các tổ phụ và các tiên tri. Nay, Đức Giêsu là Lời của Thiên Chúa trực tiếp nói với nhân loại. Lời Người ban sự sống cho Ladarô, cho con trai bà góa thành Naim. Lời Người tha thứ tội lỗi cho Mađalêna, cho người phụ nữ ngoại tình, cho Giakêu. Lời Người hoán cải người phụ nữ xứ Samaria. Người đưa tất cả những người tội lỗi trở về con đường sự sống. Lời Người đã giúp cho bao thế hệ tìm thấy lẽ sống. Lời Người ban cho họ một sự sống mới, tươi trẻ, phong phú, dồi dào hơn. Chính vì thế, thánh Phêrô đã lên tiếng tuyên xưng: “Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con biết đi theo ai. Chỉ Thầy mới có những Lời ban sự sống đời đời”.

Ban Lời hằng sống chưa đủ với tình yêu thương của Người, Đức Giêsu còn ban cho ta chính bản thân Người trong bí tích Thánh Thể. Thật là một tình yêu sâu xa tha thiết. Khi nuôi dưỡng ta bằng chính thịt máu Người, Đức Giêsu không những muốn kết hiệp mật thiết với ta trong từng thớ thịt, từng dòng máu, mà Người còn muốn ban cho ta sự sống đời đời. Bí tích Thánh Thể là lương thực thần linh. Lương thực thần linh ban sự sống thần linh. Qua bí tích Thánh thể, sự sống thần linh dần dần thấm nhập bản thân ta. Đây là một tiến trình thần hóa chầm chậm. Ta trở nên một thân thể với Đức Giêsu. Ta sống cùng sự sống của Người, sự sống đời đời trong hạnh phúc của Thiên Chúa.

Thánh lễ chính là bữa tiệc trong đó Thiên Chúa dọn ra hai bàn tiệc. Bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể. Cả hai bàn tiệc cũng đều là chính Đức Giêsu. Trong thánh lễ, ta nghe lời Chúa dạy dỗ ta. Lời Chúa chỉ cho ta con đường ngay thẳng, con đường hạnh phúc, con đường đưa ta về với Chúa. Thánh Thể Chúa ban sức mạnh giúp ta đủ sức đương đầu với những khó khăn thử thách của cuộc đời. Bởi thế, khi tham dự thánh lễ, ta cần lưu ý lắng nghe Lời Chúa. Chúa muốn nói riêng với từng người. Hãy lắng nghe để tìm ra điều Chúa muốn nhắn gửi. Hãy lắng nghe để tìm ra lẽ sống. Hãy lắng nghe để biết con đường phải đi. Lời Chúa là con đường đưa tới sự thật và sự sống.

Hãy rước lễ một cách kính cẩn sốt sắng. Phép Thánh Thể chính là một quà tặng của tình yêu Thiên Chúa. Hãy hưởng nếm sự ngọt ngào được kề cận Thiên Chúa. Hãy múc lấy nơi Thánh thể nguồn sức mạnh để thắng vượt những thử thách trong cuộc đời. Hãy để Thánh Thể uốn nắn, biến đổi ta để ta ngày càng nên giống Người hơn. Hãy nếm cảm hương vị thiên đàng ngay khi còn tại thế.

Lạy Chúa là Cha vô cùng yêu thương, con cảm tạ Cha đã ban cho con chính Con Một yêu quý của Cha làm bánh trường sinh nuôi dưỡng và đưa chúng con vào sự sống đời đời.

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Loan báo Tin Mừng

Loan báo Tin Mừng

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam ghi lại tên tuổi hai vị giáo sĩ truyền giáo nổi tiếng: Đức Cha Lambert de la Motte và Đức Cha Francois Pallu. Vào thế kỷ 17, Toà Thánh đã đặt hai giám mục này làm Giám Quản Tông Toà đầu tiên ở Việt Nam: Đức Cha Lambert de la Motte phụ trách Đàng Trong (từ sông Gianh trở vào Nam) kiêm Camquchia, Lào, Thái Lan. Đức Cha Francois Pallu phụ trách Đàng Ngoài (từ sông Gianh trở ra Bắc) kiêm Trung Quốc.

Đức Cha Francois Pallu là người pháp, từ bỏ gia đình và quê hương vào ngày 3.1.1662, ngài dùng tàu buồm vượt qua Địa Trung Hải rồi men theo đường bộ một thời gian lâu dài, qua hết các nước Trung Đông, Vịnh Ba Tư, Ấn Độ mới đến Thái Lan. Năm 1670, trên đường đến miền Bắc Việt Nam, lúc đi ngang qua Huế, thuyền của ngài bị một cơn bão đánh giạt vào Philippin. Ngài bị người Tây Ban Nha bắt bỏ tù rồi đem giải về Tây Ban Nha.Với sự can thiệp của Toà Thánh, Tây Ban Nha trả tự do cho Đức Cha. Tuy phải trải qua nhiều gian khổ, nhưng tim ngài vẫn luôn sáng chói một niềm hy vọng. Ngài nói: “Tôi phải đem Tin Mừng đến tận Trung Quốc”. Vừa được trả tự do, ngài tìm mọi cách đến Bắc Kinh, và cuối cùng thân xác ngài được chôn vùi tại đây theo như ngài mơ ước. một câu nói của ngài đáng cho chúng ta ghi nhớ: “Tôi tự cho mình hạnh phúc nếu có thể đem xương cốt mình bắc một nhịp cầu tới Bắc Việt và tới Trung Quốc!”.

Thưa anh chị em, cuộc đời truyền giáo của Đức Cha Francois Pallu tại đất nước ta cũng như biết bao nhà truyền giáo khác trên thế giới gắn liền với đời tông đồ và cái chết tử đạo của mười hai Tông Đồ. Chính Chúa Giêsu tuyển chọn Nhóm Mười Hai để nhóm này ở lại bên Ngài và để được huấn luyện. Mục tiêu của huấn luyện là để các ông trở nên những người được Chúa Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Ngay từ khi còn ở trần gian, Chúa Giêsu đã thấy mình đứng trước một cánh đồng mênh mông, có biết bao nhiêu người cần được nghe Tin Mừng cứu độ. Ngài thấy mình cần những cộng tác viên nhiệt thành cho công cuộc truyền bá Tin Mừng. Chúa Giêsu đã trao tất cả những gì mình có cho Nhóm Mười Hai: quyền rao giảng, chữa bệnh, trừ quỷ. Hoạt động của các ông là một sự nối dài và mở rộng sứ vụ của mình Chúa Giêsu.

Chia tay Thầy Giêsu, Nhóm Mười Hai lên đường. Đâu là hành trang của người tông đồ? Chúa Giêsu trả lời: “Không được mang gì khi đi đường”. Không bánh trái, không bao bì, không tiền bạc, không mặc hai áo. Như thế, các ông lên đường với tất cả sự nhẹ nhàng. Càng nhẹ nhàng thì càng dễ thi hành sứ mạng và càng được tự do hơn. Tuy nhiên sự nhẹ nhàng này thật là một thách đố. Khi người tông đồ phải lên đường với hai bàn tay trắng, không có lộ phí, không có lương thực dự trữ, lúc đó họ phải hoàn toàn lệ thuộc vào lòng nhân hậu của Thiên Chúa và lòng tốt của tha nhân. Ra đi tay trắng như thế là chấp nhận mọi bất trắc có thể xẩy ra dọc đường, nhưng cũng là đặt mình thường xuyên dưới sự quan phòng của Chúa. Chính Chúa lo mọi sự cho tôi, để tôi chuyên tâm lo việc của Chúa. Sự an toàn của tôi không dựa vào những phương tiện trần thế, nhưng vào chính Thiên Chúa.

Chúa Giêsu cũng dạy cho các ông biết thái độ phải có khi đến với dân chúng. Nếu được đón tiếp thì hãy ở lại, không tìm một nhà khác tiện nghi hơn. Người tông đồ cần có đời sống nghèo, đón nhận những gì được trao cho mình với lòng biết ơn. Nếu không được đón tiếp thì cũng không nên nản lòng. Cử chỉ giũ chân ra đi cho thấy người tông đồ chẳng hề muốn lấy đi điều gì ở nơi đã từ chối đón tiếp mình.

Anh chị em thân mến, hôm nay, Chúa Giêsu Phục Sinh cũng sai chúng ta đến với thế giới. Thế giới không phải là chuyện xa xôi. Thế giới là nơi chúng ta đang sống, đang làm việc. Thế giới là gia đình, bạn bè, là trường học, cơ quan, xí nghiệp. Thế giới là nơi giải trí, nơi du lịch, bãi biển. Thế giới là sách báo, phim ảnh, video, quảng cáo. Thế giới là mọi ngành khoa học, nghệ thuật, văn chương. Chúng ta ở trong thế giới và Chúa muốn sai chúng ta đi vào thế giới của mình trong tư cách là người Kitô hữu. Kitô hữu là người có khả năng biến đổi thế giới mình đang sống để nó biến thành thế giới của Thiên Chúa. Các Tông Đồ đã rao giảng, đã mời gọi con người hoán cải để đón nhận Nước Thiên Chúa gần bên. Chúng ta cả những gì phá huỷ phẩm giá con người, loại trừ sự sống của Thiên Chúa, đều phải bị loại trừ. Kitô hữu là người phải hoán cải trước khi mời gọi người khác hoán cải, phải tỉnh thức trước khi đánh thức người khác, phải thuộc về Chúa trước khi trừ quỷ.

Thế giới hôm nay cũng là một thế giới bị thương tích, cần được chữa lành. Bệnh tật của thân xác và bệnh tật của tinh thần vẫn hoành hành trên thế giới. Con người đau khổ vì mất lòng tin, lo âu, tuyệt vọng. Con người nô lệ cho chính những sản phẩm của mình. Tiến bộ khoa học kỹ thuật lại đặt ra những vấn đề mới mà tự sức con người không giải quyết được. Kitô hữu là người tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu, băng bó vết thương của thế giới bằng sự hiện diện đầy yêu thương.

Chúng ta không rõ nếu hôm nay Chúa Phục Sinh chỉ thị cho chúng ta, thì Ngài sẽ nói gì trước khi ngài sai chúng ta ra đi. Chắc Ngài sẽ nói khác với đoạn Tin Mừng hôm nay, những ý chính vẫn không thay đổi. Ngài dạy chúng ta tin cậy và quyền năng của Thánh Linh hơn là vào khả năng và phương tiện tự nhiên của mình. Ngài nhắc nhở chúng ta tín thác và Cha trên trời và Chuyển cầu cầu nguyện, vì chẳng ai có thể rao giảng Tin Mừng nếu không có tình bạn thân thết với Chúa.

Mỗi Thánh Lễ Chúa Giêsu tập họp chúng ta lại thành một cộng đoàn môn đệ của Ngài, để rồi sai chúng ta ra đi loan truyền Tin Mừng Phục Sinh của Ngài cho mọi người ở mọi nơi. Tin Mừng này chỉ có thể được công bố bằng cuộc sống làm chứng của mỗi người chúng ta và của Giáo Hội, một cuộc sống trung thành với Chúa Giêsu nghèo khó và chịu đóng đinh thập giá. Đó là bằng chứng đáng tin của tình thương cứu độ mọi người.

Ái mộ những sự trên trời

Ái mộ những sự trên trời

Thủ lãnh của một bộ tộc nằm hấp hối trên giường. Ông cho gọi ba người thân cận đến và nói:Ta phải chọn một người kế tục.Các ngươi hãy leo lên đỉnh núi thiêng liêng của chúng ta và mang về đây cho bộ tộc một món quà quý giá nhất.

Người thứ nhất mang về một thỏi vàng lớn. Người thứ hai mang về một viên ngọc quý. Người thứ ba trở về tay không.

Ngạc nhiên, vị tù trưởng hỏi: món quà quý giá của ngươi đâu?

Anh điềm tỉnh trả lời: khi tôi lên tới đỉnh núi, tôi thấy ở phía bên kia một vùng đất phì nhiêu màu mỡ, tại đó dân chúng có thể có một cuộc sống sung túc tốt đẹp.

Thủ lãnh nói: Ngươi sẽ nối nghiệp ta vì ngươi đã mang về món quà quý gía nhất là một viễn tượng tương lai tốt đẹp.

Chúa Giêsu về trời mở ra một viễn tượng tương lai tốt đẹp là hạnh phúc thiên đàng. Người đi trước mở đường và dẫn chúng ta lên theo Người.

Tin Mừng thuật lại hai sự kiện song hành: Chúa Giêsu lên trời và lệnh truyền rao giảng Tin Mừng. Sự kiện Chúa Giêsu lên trời, Tin Mừng thánh Maccô ghi lại rất vắn tắt: Chúa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Tin mừng Matthêu nói đến lệnh truyền: Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Còn theo sách Công vụ Tông đồ, Chúa Giêsu lên trời sau khi sống lại được 40 ngày, và nơi lên trời là núi Cây Dầu.

Thực ra sau khi Chúa Giêsu sống lại, Người đã lên trời rồi theo kiểu nói của Kinh Thánh, nghĩa là Người bước vào cõi vinh quang của Chúa Cha, Người ngự bên hữu Chúa Cha, mặc lấy vinh quang và quyền năng của Chúa Cha.

Trong 40 ngày sau sống lại, Chúa Giêsu hiện ra nhiều lần để dạy dỗ và cũng cố đức tin của các Tông Đồ. Giáo hội đã được thiết lập nay được cũng cố để được sai đi. Như vậy sự kiện lên trời mà phụng vụ Giáo Hội kính nhớ hôm nay có ý nghĩa sâu xa. Nó chấm dứt thời gian Chúa hiện diện giữa nhân loại bằng thân xác, chấm dứt thời gian huấn luyện các Tông Đồ. Một thời điểm có tính cách quyết định của lịch sử cứu độ là Chúa Giêsu ban những giáo huấn cuối cùng,trao những chức vụ phải thi hành trong Giáo hội, chuẩn bị cho các Tông đồ thi hành sứ mạng chứng nhân của Đấng phục sinh trong thế giới.

Chúa Giêsu lên trời. Những chữ lên trời bị chi phối bơi cách suy nghĩ có giới hạn của chúng ta. Theo cách suy nghĩ đó,các biến cố xảy ra luôn luôn được gắn liền với các vị trí trong không gian. Thực ra trời đây không phải là một nơi và lên không có nghĩa là nơi đó ở trên cao. Lên trời ở đây không hiểu theo nghĩa địa lý vì trời hay thiên đàng là một trạng thái hơn là một nơi chốn. Chúng ta đang sống trong không gian và thời gian nên định vị trí mọi sự theo hai trục đó. Điều cốt yếu mà Thánh kinh muốn dạy về mầu nhiệm Thăng Thiên là Đức Kitô đã ra khỏi thế giới trần thế bị tội lỗi làm nhiễm độc và một ngày kia sẽ tiêu tan để tiến vào một thế giới mới,trong đó Thiên Chúa ngự trị tuyệt đối và vật chất đã biến đổi,đã thấm nhuần tinh thần.

Từ nay trở đi, Người sẽ hiện diện với chúng ta một cách vô hình. Với quyền năng của Chúa Thánh Thần, thân xác Chúa Giêsu đã được thần khí hoá và đi vào cõi vĩnh hằng của Chúa Cha. Sự hiện diện này thâm sâu hơn và hiệu năng hơn. Khi còn ở trong thân xác, Chúa Giêsu chỉ ở bên cạnh một số người thôi. Từ nay, với quyền năng Thánh Thần, Người sẽ hiện diện trong lòng con người, trong tâm hồn tất cả những ai tin vào Người.

Chúa Giêsu lên trời. Điều đó dạy ta biết ngoài cõi đời này còn có một nơi chốn khác. Ngoài cuộc sống này còn có một cuộc sống khác. Ngoài những giá trị đời này còn có những giá trị khác.

Trời là nơi hạnh phúc không còn khổ đau. Trời là nơi cuộc sống vĩnh viễn không bị tiêu diệt. Trời là nơi tất cả mọi giá trị đạt đến mức tuyệt đối. Trời là nơi con người trở thành thần thánh, sống chung với thần thánh. Như thế trời là niềm hy vọng của con người. Con người không còn bị trói chặt vào trần gian. Định mệnh của con người không phải chỉ là đớn đau sầu khổ. Số phận con người không phải sinh ra để rồi tàn lụi. Trời cho con người một lối thoát. Trời mở ra cho con người một chân trời hạnh phúc. Trời cho con người cơ hội triển nở đến vô biên.Trời nâng cao địa vị con người. Có trời, con người không còn bị xếp ngang hàng với loài vật. Loài vật sinh ra để tàn lụi. Con người sinh ra để triển nở, để vượt qua số phận, để đạt tới địa vị con Thiên Chúa. Có trời, con người sẽ được nâng lên ngang hàng thần thánh.

Con cá sinh ra trong con lạch nhỏ, rồi xuôi dòng nước ra sông lớn, nhưng mùa xuân đến, nó lại về nguồn như là trở về dòng sông quê hương. Con chim làm tổ trên kia, mùa đông nó vỗ cánh bay cả ngàn dặm về phương nam, nhưng khi xuân đến, nó lại tìm về tổ ấm ngày xưa. Làm sao các con vật đó biết đường quay về, trong khi chẳng có bản đồ, không người hướng dẫn? Vì Thiên Chúa đã đặt vào lòng chúng, con đường trở về. Và Ngài cũng không quên đặt vào lòng mỗi người chúng ta con đường cuộc sống và con đường trở về quê trời.

Tuy nhiên, trời không phải xây dựng trong mây trong gió, nhưng được xây dựng trong cuộc sống trần gian. Trời không phải là cõi mơ mộng viển vông, nhưng đã bắt đầu ngay trong thực tế cuộc đời hiện tại.

Chính vì thế mà hai thiên thần áo trắng đã bảo các môn đệ đừng đứng nhìn trời mãi làm chi, nhưng phải trở về mà lo chu toàn nhiệm vụ.

Chính vì thế mà trước khi lên trời, Chúa căn dặn các môn đệ hãy đi làm việc cho Nước Chúa. Sống và làm việc ở trần gian, đó là một nhiệm vụ phải chu toàn. Hoàn thành nhiệm vụ ở trần gian, đó là điều kiện để đạt tới hạnh phúc nước trời.

Chính Chúa Giêsu cũng đã chu toàn nhiệm vụ ở trần gian rồi mới lên trời. Nhiệm vụ đó là đi gieo Tin Mừng khắp nơi. Đi đến đâu là thi ân giáng phúc đến đó. Đi đến đâu là làm cho hạt yêu thương nảy mầm lên màu xanh sự sống đến đó.

Người môn đệ của Chúa sống giữa trần gian, yêu mến trần gian, xây dựng trần gian. Vì trần gian là nơi Chúa sai ta đến làm việc.Tuy nhiên ta làm việc ở trần gian mà lòng vẫn hướng lên quê trời. Yêu mến trần gian vì nước trời. Yêu mến trần gian để biến trần gian thành nước trời. Sống giữa thế gian, chúng ta “ái mộ những sự trên trời” như lời kinh hạt: “Thứ năm thì ngắm, Đức Chúa Giêsu lên trời. Ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời”. Nhưng vẻ đẹp trên trời là vẻ đẹp của tâm hồn, tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, vẻ đẹp nghèo khó Phúc Âm, khiêm nhường, đơn sơ, thanh tịnh. Đây là vẻ đẹp và sự quyến rũ của nhân đức, một vẻ đẹp hoàn toàn khác với những vẻ đẹp và sự quyến rũ thuộc trái đất. Nhiều người đã bỏ ra hằng trăm, hàng ngàn, hàng vạn Mỹ kim để làm đẹp, để khoa trương sự giàu có và để được người khác ca tụng. Nhiều người không sợ trải qua những cuộc giải phẫu nguy hiểm, đau đớn cốt sao để thấy mình đẹp hơn, để thấy mình hơn người khác. Nhiều người đã sẵn sàng chấp nhận những thách đố lớn lao để chạy đua vào những chiếc ghế quyền lực. Nhưng ít ai bỏ ra một giờ, một ngày, một tuần, một tháng, hoặc một năm để lo tu sửa và chỉnh trang lại vẻ đẹp của tâm hồn.

Trên thực tế, tình yêu Thiên Chúa, tình yêu tha nhân, đức nghèo khó, đức đơn sơ, và đức trong sạch là những đòi hỏi rất cần thiết để đem lại hạnh phúc cho mỗi người, mỗi cộng đoàn, mỗi dân nước. Đó là những gì cụ thể có thể giúp con người chiếm hữu được vĩnh hằng. Rất tiếc, đó cũng là những gì mà nhiều người từ khước, bởi vì chúng không phù hợp với nhãn quan và suy tư của con người.

Giáo Hội đã thôi thúc và khuyến khích mỗi Kitô hữu hãy tìm kiếm và yêu mến những sự trên trời. Cầu xin cho được ơn ái mộ là cầu xin Thánh Linh khai mở tâm hồn và trí tuệ để chúng ta có thể nhìn, và có thể hiểu được vẻ cao quí của những giá trị tinh thần ấy. Nhận thức về thế giới tâm linh là một nhận thức ngoài tầm hiểu biết của trí tuệ tự nhiên con người. Những gì thuộc về thần linh là thần linh. Con người cần được soi dọi và khai mở bởi sức mạnh huyền nhiệm của Thánh Thần. Chỉ khi nào trí óc ta, trái tim ta được Ngài khai mở, lúc ấy ta mới nhận ra, mới hiểu thấu thế nào là sự cao xa, dài rộng của vẻ đẹp tinh thần, của những giá trị đạo đức.

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa về trời, không chỉ để dọn chỗ mà còn là mở ra một viễn tượng hạnh phúc của trời cao.

“Xin cho chúng con ái mộ những sự trên trời”, để chúng con không bị chôn bám vào thế gian chóng qua và phù du này. Và để chúng con biết tìm kiếm những giá trị cao quí của tinh thần, và để chúng con yêu mến và sống với cuộc sống ấy. Vì đó là những gì mà chúng con có thể tìm kiếm, mua sắm và đem vào được nơi vĩnh hằng. Nơi mà chúng con sẽ gặp được Chúa là nguồn mạch sự sống, hoan lạc, và hạnh phúc viên mãn của chúng con. Amen.

LM Giuse Nguyễn Hữu An

Tình yêu lớn nhất

Tình yêu lớn nhất

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Có rất nhiều giai thoại kể về những tượng thánh giá cổ xưa… Tại một nhà thờ bên Tây Ban Nha, có một tượng thánh giá cổ rất đặc biệt. Cánh tay trái của Chúa Giêsu vẫn còn đóng vào gỗ giá, nhưng cánh tay mặt thì rời ra và đưa lên phía trước trong tư thế ban phép lành.

Người Tây Ban Nha kể về nguồn gốc của tượng thánh giá này như sau: Một hôm có một hôm có một tội nhân đến xưng tội với vị linh mục chính xứ ngay dưới cây thánh giá này. Như thường lệ, mỗi khi giải tội cho một tội nhân có quá nhiều tội nặng, vị linh mục này thường tỏ ra rất nghiêm khắc. Ngài ra việc đền tội thật nặng cũng như ngăm đe nhiều điều. Tội nhân ra về lòng cảm thấy nhẹ nhàng. Nhưng tính nào tật nấy, không bao lâu, người đó lại sa ngã. Lần này, sau khi tội nhân xưng thú tội lỗi, vị linh mục lại đe doạ: “Đây là lần cuối cùng tôi giải tội cho anh!”

Nhiều tháng trôi qua, tội nhân lại đến quỳ dưới chân linh mục cũng bên cây thánh giá và lại xin ơn tha thứ một lần nữa. Nhưng lần này, vị linh mục đã dứt khoát. Ngài lên giọng: “Anh đừng có đùa với Chúa. Tôi không thể ban phép giải tội cho anh nữa!”. Nhưng lạ lùng thay, khi vị linh mục vừa khước từ tội nhân sám hối, thì Ngài bỗng nghe một tiếng thì thầm từ bên thánh giá. Bàn tay phải của Chúa Giêsu bỗng được rút ra khỏi thánh giá và ban phép lành cho hối nhân. Và vị linh mục nghe được tiếng thì thầm ấy nói: “Chính Ta là người đã đổ máu ra cho người này chứ không phải ngươi”.

Từ đó, bàn tay của Chúa Giêsu cứ ở mãi trong tư thế ban phép lành, như không ngừng mời gọi con người đến để ban ơn tha thứ. Du khách đến viếng, nhìn lên thánh giá đều có cảm tưởng như ánh mắt của Chúa Giêsu nhìn mình và nghe như có tiếng thì thầm: “Ta không hề kết án con”.

Anh chị em thân mến, Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lên thập giá của Đức Kitô. Nhìn lên thập giá để thấy được tình yêu bao la của Chúa. Ngài luôn tha thứ chứ không kết án. “Ta không muốn tội nhân phải chết, nhưng muốn nó bỏ đường tội lỗi, quay trở lại để được sống” (Ed 33,11). “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Ngài mà được cứu độ”. “Cũng như Môsê treo con rắn đồng trong sa mạc thế nào, thì Con Người cũng bị treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Ngài sẽkhông phải chết, nhưng được sống đời đời”. Thập giá đã trở thành dấu chỉ ơn cứu độ cho những ai tin vào Ngài, tương tự như con rắn đồng đã được Môsê giương cao trong sa mạc thuở xưa, để những ai bị rắn lửa cắn, nhìn lên con rắn đồng ấy đều được cứu sống.

Thánh Gioan còn nói tiếp: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Thiên Chúa một lần nữa lại biểu lộ tất cả tình thương của Ngài đối với chúng ta trong Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Tất cả bắt nguồn từ Thiên Chúa Tình Yêu. Tình yêu của Ngài không ở trên mây trên gió, nhưng được thể hiện qua hành vi “trao ban”. Điều quí nhất của Người Cha là Người Con. Thế mà Thiên Chúa đã muốn trao ban cho nhân loại chính Con Một dâú yêu của Ngài. Ngài đã cho chúng ta tất cả. Đức Giêsu chính là quà tặng lớn nhất Thiên Chúa Cha đã trao ban cho nhân loại. Việc trao ban này trước tiên được biểu lộ qua việc Ngài sai Con Người và cuối cùng qua việc nộp Con Một cho loài người treo lên thập giá. Đó là lúc Thiên Chúa trao ban Con Một của Ngài cho loài người một cách trọn vẹn nhất, dứt khoát nhất. Bởi vậy, chính lúc đó là lúc Thiên Chúa đã đặt Con của Ngài làm Đấng ban sự sống cho loài người,đểai tin vào Người Con ấy thì được sống đời đời. Vì con của Ngài đến không phải để kết án luận phạt, nhưng để cứu loài người khỏi chết và cho thông phần vào cuộc Phục Sinh vinh quang của Ngài.

Thưa anh chị em, đứng trước thập giá Đức Kitô, chúng ta phải có thái độ nào? Tin vào tình yêu Thiên Chúa hay chối từ tình yêu của Ngài? Chính thái độ đó sẽ định đoạt số phận của chúng ta. Vì thế, tin hay không tin là một chọn lựa sống chết. Mỗi người có đủ tự do tiếp nhận hay từ chối ánh sáng. Ai tin là đón nhận ánh sáng, là bước vào cõi sống. Ai không tin là từ chối ánh sáng và tự đầy đọa mình trong tăm tối, trong cõi chết. Thiên Chúa không cần kết án luận phạt nữa.

“Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài”, đó là chân lý cơ bản nhất của Kitô giáo. Tất cả cuộc đời cuả Chúa Giêsu, cái chết của Ngài trên thập giá, là ngôn ngữ Chúa muốn sử dụng để nói với chúng ta rằng Ngài yêu thương chúng ta, yêu thương đến nỗi sẵn sàng để cho Ngươì Con Một yêu quí của Ngài chết thay cho chúng ta.

Hãy nhìn lên thập giá để thấy được tình yêu bao la của Chúa. Phải, bên kia sự ác độc của tội lỗi, Chúa Giêsu chỉ muốn chúng ta nhìn thấy được tình yêu của Thiên Chúa: một tình yêu không ngừng tha thứ, một tình yêu vượt lên trên mọi tư tưởng, mọi tiêu chuẩn phán đoán, mọi khát vọng của chúng ta.

Nhìn lên thập giá Chúa Kitô không phải để thất vọng vì gánh nặng của tội lỗi, trái lại để cảm nghiệm được hồng ân bao la của Chúa, để cho tâm hồn được phấn khởi, tin yêu hơn.

Nhìn lên thập giá Chúa Kitô để cảm nghiệm được ơn tha thứ của Ngài, để chúng ta cũng biết cảm thông và tha thứ cho anh em chúng ta. Càng nhận ra được tình yêu tha thứ của Chúa, chúng ta càng được mời gọi yêu thương tha thứ cho anh em nhiều hơn. Thiên Chúa không kết án luận phạt chúng ta, sao ta lại kết án luận phạt anh em mình? “Hãy tha thứ để được Chúa tha thứ. Đừng xét đoán để khỏi bị Chúa xét đoán” (Lc 6, 36-37). Hãy yêu thương như Chúa đã yêu thương ta.

Một lần nữa, hãy ngước nhìn lên thập giá Chúa Kitô:

Hãy xem đó thì biết phép công thẳng của Chúa là thế nào! Hãy xem đó thì biết tội nặng nề gớm ghiếc là chừng nào! Hãy xem đó thì rõ biết lòng Chúa quá yêu thương ta là dường nào! (Đàng Thánh Giá, chặng 13).

Đức Thánh Cha Phanxicô tôn phong 6 vị tân hiển thánh

Đức Thánh Cha Phanxicô tôn phong 6 vị tân hiển thánh

VATICAN. Từ ngày 23-11-2014, Giáo Hội Công Giáo có thêm 6 vị tân hiển thánh. Các vị được ĐTC ghi vào sổ bộ các thánh trong buổi lễ ngài chủ sự lúc 10 giờ 25 sáng chúa nhật, Lễ Chúa Kitô Vua, tại Quảng trường Thánh Phêrô, trước sự hiện diện của hơn 50 ngàn tín hữu.

Các tân thánh gồm 4 vị người Italia và 2 vị người Ấn độ, 3 vị đã sáng lập dòng tu, một nữ tu và một giáo dân.

Đứng đầu danh sách là chân phước Giovanni Antonio Farina, GM giáo phận Vicenza, bắc Italia, sáng lập dòng các nữ tu giáo viên thánh Dorotea Nữ Tử Thánh Tâm. Tiếp đến là chân phước LM Kuriakose Elias Chavara, đồng sáng lập và là Bề trên Tổng quyền đầu tiên dòng Camêlô Đức Mẹ Vô nhiễm, sinh tại bang Kerala nam Ấn độ năm 1805 và qua đời năm 1871 và được Đức Gioan Phaolô 2 phong chân phước ngày 8-2-1986 tại thành phố Kottayam, Ấn độ, trong cuộc viếng thăm của ngài tại nước này. Thứ ba là Chân phước Ludovico Casoria, LM thuộc dòng Phanxicô, sáng lập dòng các nữ tu Phan Sinh Elizabeth. Thứ tư là chân phước Nicola da Longobardi, tu sĩ dòng Hèn Mọn (Minimi) Thứ năm là nữ chân phước Eufrasia Eluvathingal Thánh Tâm, người Ấn độ, thuộc dòng các nữ tu Đức Mẹ Camêlô. Sau cùng là chân phước Amato Ronconi, thuộc dòng Ba Phanxicô, sáng lập bệnh viện hành hương nghèo ở Saludecio, nay là Dưỡng Đường Hội Chân Phước Amato Ronconi. Hình của các vị được treo trên mặt tiền Đền thờ Thánh Phêrô.

Đồng tế với ĐTC trong thánh lễ có 60 HY, GM và khoảng 300 linh mục, nhiều vị trong phẩm phục của Giáo Hội nghi lễ Đông phương Syro Malabar bên Ấn. Trong số các tín hữu hiện diện ó khoảng 5 ngàn tín hữu người Ấn.

Sau kinh cầu xin ơn Chúa Thánh Thần, ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, tiến lên trước ĐTC và xin ngài ghi tên 6 vị chân phước vào sổ bộ các thánh theo lời thỉnh nguyện của toàn thể các tín hữu Kitô. Rồi ĐHY trình bày vắn tắt tiểu sử 6 vị chân phước.

Quang cảnh lễ phong thánh 2 Ấn Độ và 4 Ý Đại Lợi ngày 11-23-2014


ợc sử 6 vị thánh mới

1. Chân phước GM Giovanni Antonio Farina là vị chủ chăn nhiệt thành của giáo phận Treviso, rồi giáo phận Vicenza, bắc Italia, sinh cách đây 211 năm (11-1-1803) tại giáo phận Vicenza, phụ phong LM năm lên 24 tuổi và 9 năm sau đó, khi được 33 tuổi, ngài thành lập dòng các nữ tu thánh Dorotea Nữ Tử hai Thánh Tâm, chuyên giáo dục các thiếu nữ nghèo, và giúp đỡ tất cả những người sầu muộn và bị gạt ra ngoài lề xã hội. Năm 1850, ngài được bổ nhiệm làm GM giáo phận Treviso và 10 năm sau đó, được chuyển về giáo phận Vicenza và ở đây cho đến khi qua đời năm 1888, thọ 83 tuổi.

Đức Cha Farina hăng say làm việc mục vụ, dù bầu không khí không luôn luôn thuận lợi: tại Treviso có những hiểu lầm và xung khắc với các kinh sĩ Nhà thờ chính tòa; tại Vicenza ngài bị vu khống. Đối lại những điều đó, ngài vẫn bình tĩnh và những công việc quá khứ cũng như gần đó đã trả lời thay cho ngài. Đức Cha canh tân trường học và phục vụ tại nhà thương, giữ vai chính trong việc mục vụ dựa trên sự giáo dục tâm hồn. Vài năm sau khi qua đời, người ta bắt đầu nói về những ân lạ nhờ lời chuyện cầu của ngài. Đức Cha Giovanni Antonio Farina được Đức Gioan Phaolô 2 phong chân phước ngày 4-11 năm 2001.

2. Vị chân phước thứ hai là Cha Kuriakose Elias Chavara Thánh Gia, sinh tại bang Kerala Ấn độ cách đây 209 năm (1805), thụ phong LM năm 24 tuổi (1829) và thành lập dòng và là Bề trên Tổng quyền đầu tiên của dòng Camêlô Đức Mẹ Vô nhiễm.

Tân hiển Thánh người Ấn

Trong việc điều khiển dòng, Cha Kuriakose tỏ ra có những năng khiếu đặc biệt của một nhà đào tạo đầy tinh thần đạo đức, xác tín, có linh đạo sâu xa dựa trên lòng tôn sùng Thánh Thể, kính mến Thánh Mẫu và hoàn toàn trung thành với Giáo Hội Công Giáo, cùng với tinh thần cầu nguyện và khổ chế, thực hành các phương pháp mới trong việc tông đồ.

Cha cũng cộng tác vào việc lập dòng Ba Cát Minh Nhặt Phép. Cha tận tụy phục vụ Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Siro Malabar và qua đời năm 1871 thọ 66 tuổi. Cha được phong chân phước năm 1986.

3. Vị Chân phước thứ ba là Cha Ludovico da Casoria sinh năm 1814 tức là cách đây đúng 200 năm, gia nhập dòng Anh em Hèn Mọn Phanxicô khi được 18 tuổi, và thụ phong linh mục 5 năm sau đó. Thoạt đầu cha được Bề trên giao phó nhiệm vụ dạy triết học và toán học, và 10 năm sau đó, cha hoàn toàn dấn thân phục vụ những người nghèo khổ, rốt cùng. Tình bác ái đối với tha nhân ngày càng bừng cháy trong tâm hồn cha Ludovico. Cha mời gọi các giáo dân nam nữ dòng Ba Phanxicô tham gia vào công trình bác ái này.
Sau một thời gian ngắn phục vụ tại Phi châu, Cha Ludovico trở về Italia và thành lập nhiều tổ chức ác ái. Cha qua đời tại Napoli năm 1885, thọ 71 tuổi và được Phong chân phước năm 1993.

4. Vị chân phước thứ tư là Thầy Nicola da Longobardi người Italia sinh cách đây 364 năm (1650), gia nhập dòng Anh Em Hèn Mọn thánh Phanxicô da Paola. Thầy sống trong nhiều cộng đoàn, thi hành những công tác khiêm hạ nhất: từ việc coi phòng thánh, làm vườn, phụ trách nhà bệnh, làm bếp cho đến việc khất thực và coi cổng nhà dòng. Thầy Nicola đặc biệt yêu thương những người nghèo và người bệnh. Thầy qua đời năm 1709 thọ 59 tuổi và được phong chân phước năm 1786.

5. Vị chân phước thứ 5 là nữ tu Eufrasia Thánh Tâm Chúa Giêsu người Ấn độ, sinh cách đây 137 năm (1877) cũng thuộc bang Kerala và gia nhập dòng các nữ tu Đức Mẹ Camêlô.

Sister Eufrasia Eluvathingal

Chị là một nhà đại thần bí, sống kết hiệp hoàn toàn với Chúa Giêsu như với vị hôn phu, và được Chúa cho tham dự vào những đau khổ trong cuộc khổ nạn, và cả niềm vui phục sinh của Chúa, đến độ chị thông truyền một vẻ an bình, nụ cười đầy hấp lực thiêng liêng. Hầu hết những giờ rảnh rỗi, chị Eufrasia dành để chầu Mình Thánh Chúa. Các tín hữu bên ngoài thấy chị là một nữ tu luôn cầu nguyện với Kinh Mân Côi và chầu Mình Thánh, đến độ họ gọi chị là ”Nhà tạm lưu động” hay là ”Mẹ cầu nguyện”. Vì thế, rất nhiều tín hữu đã đến xin chị Eufrasia cầu nguyện cho các nhu cầu của họ.

Chị qua đời năm 1952, thọ 75 tuổi và được phong chân phước năm 2006.

6. Vị chân phước thứ 6 là Amato Ronconi, giáo dân người Italia, sinh cách đây 788 năm. Ngay từ nhỏ người đã quyết định sống Tin Mừng theo gương thánh Phanxicô, nhất là về đời sống thống hối và bác ái. Anh gia nhập dòng Ba Phanxicô, tận tụy tiếp đón người nghèo và các tín hữu hành hương, thiết lập cho họ một nhà trọ. Về sau anh lui vào đời sống thống hối và đã thực hiện 4 lần cuộc hành hương tới Đền thánh Giacôbê Tông Đồ, Santiago de Compostela bên Tây Ban Nha. Anh qua đời năm 1292 thọ 66 tuổi và được phong chân phước năm 1776.

Phong thánh
Sau lời thỉnh nguyện và giới thiệu của ĐHY Amato, ĐTC đã mời gọi mọi người dâng lên Thiên Chúa lời khẩn nguyện qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria và các thánh, với kinh cầu các thánh. Tiếp đến ĐTC đã long trọng đọc công thức phong thánh:

Để tôn vinh Chúa Ba Ngôi cực thánh, để tuyên dương đức tin Công Giáo và tăng tiến đời sống Kitô, với quyền bính của Chúa Giêsu Kitô, của các thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô và của Chúng Tôi, sau khi suy nghĩ chín chắn, nhiều lần khẩn cầu ơn phù trợ của Chúa và lắng nghe ý kiến của nhiều anh em chúng tôi trong hàng Giám Mục, chúng tôi tuyên bố và xác định Chân Phước Giovanni Antonio Farina, Kuriakose Elias Chavara, Ludovico Casoria, Nicola da Longobardi, Eufrasia Eluvathingal Thánh Tâm và Amato Ronconi, là Hiển Thánh, và ghi tên các vị vào sổ bộ các Thánh và qui định rằng trong toàn thể Giáo Hội, các Ngài được được tôn kính với lòng sùng mộ nơi Các Thánh. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

ĐTC vừa dứt lời, cộng đoàn vỗ tay nồng nhiệt và ca đoàn cùng cộng đoàn ca bài Jubilate Deo, Hãy tung hô Chúa, hãy hát mừng Chúa.. Trong khi đó, thánh tích của 6 vị tân hiển thánh được rước lên cho ĐTC hôn kính trước khi đặt trên một giá nhỏ phía trước bàn thờ.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Trong bài giảng sau bài Phúc Âm, ĐTC diễn giải ý nghĩa lễ Chúa Kitô và áp dụng vào trường hợp 6 vị tân hiển thánh, những người đã noi gương bác ái của Chúa Giêsu Kitô. Ngài nói:

”Phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta hướng nhìn lên Chúa Giêsu là Vua Vũ Trụ. Kinh tiền tụng thật đẹp nhắc nhở chúng ta rằng Vương quốc của Chúa là ”Vương quốc sự thật và sự sống, Vương quốc thánh thiện và ân sủng, Vương quốc công lý, tình thương và hòa bình”. Các bài đọc chúng ta đã nghe tỏ cho chúng ta thấy cách thức Chúa Giêsu thực hiện vương quốc của Ngài; cách Ngài thực hiện trong diễn tiến lịch sử và Ngài yêu cầu chúng ta điều gì.
Trước tiên, cách thức Chúa Giêsu đã thực hiện Vương quốc của Ngài: Ngài thực thi nước ấy trong sự gần gũi và dịu dàng đối với chúng ta. Chúa là vị Mục Tử mà ngôn sứ Ezechiele đã nói trong bài đọc thứ I (Xc 34,11-12.15-17). Trọn đoạn văn này được dệt bằng những động từ cho thấy sự ân cần và yêu thương của vị Mục Tử đối với đoàn chiên: tìm kiếm, kiểm điểm, tập hợp từ các nơi phân tán, dẫn tới đồng cỏ, cho nghỉ ngơi, tìm kiếm con chiên bị lạc, dẫn chiên lạc trở về, băng bó vết thương, chăm sóc chiên đau yếu, chăm nom, chăn dắt. Tất cả những thái độ ấy trở thành thực tại trong Chúa Giêsu Kitô: Ngài thực sự là ”Vị Mục Tử cao cả của đoàn chiên và là người chăn dắt các linh hồn” (Xc Dt 13,20; a Pr 2,25).

Và trong tư cách là những người được kêu gọi trở thành mục tử trong Giáo Hội, chúng ta không thể xa rời mẫu gương ấy, chẳng vậy chúng ta sẽ trở thành những người chăn thuê. Về điểm này, dân Chúa có khả năng đánh hơi không thể sai lầm trong việc nhận ra các mục tử tốt lành, và phân biệt họ với những người chăn thuê.

Sau khi chiến thắng, tức là sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã tiến hành nước Ngài như thế nào? Thánh Phaolô Tông Đồ, trong thư thứ I gửi tín hữu Corintô, nói rằng: ”Điều cần thiết là Chúa hiển trị cho đến khi tất cả mọi kẻ thù bị đặt dưới chân Ngài” (15,25). Chính Chúa Cha dần dần đặt mọi sự tùng phục Chúa Con, và đồng thời chính Chúa Con đặt mọi sự tùng phục Chúa Cha. Chúa Giêsu không phải là vua theo kiểu thế gian này: đối với Ngài, cai trị không phải là truyền lệnh, nhưng là vâng phục Chúa Cha, và tùng phục Chúa Cha, để ý định yêu thương và cứu độ của Chúa Cha được hoàn thành. Vì thế có một sự hỗ tương hoàn toàn giữa Chúa Cha và Chúa Con. Vậy thời kỳ cai trị của Chúa Kitô là thời gian dài đặt mọi sự tùng phục Chúa Con và giao nạp mọi sự cho Chúa Cha. ”Kẻ thù cuối cùng bị tiêu diệt chính là sự chết” (1 Cr 15,26). Sau cùng, khi mọi sự được đặt dưới vương quyền của Chúa Giêsu, và tất cả, kể cả Chúa Giêsu, tùng phục Chúa Cha, thì Thiên Chúa sẽ là mọi sự trong tất cả” (Xc 1 Cr 15,28).

Tin Mừng cho chúng ta thấy Nước Chúa Giêsu đòi chúng ta điều gì: Tin Mừng nhắc nhở chúng ta rằng sự gần gũi và dịu dàng cũng là qui luật sống cho chúng ta, và chúng ta sẽ bị phán xét theo qui luật ấy. Đó là đại dụ ngôn về sự phán xét chung trong đoạn 25 của Tin Mừng theo thánh Mathêu. Vua nói: ”Hãy đến đây, hỡi những người được Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh nhận gia sản là Nước được chuẩn bị cho các con từ khi tạo dựng thế giới, vì Ta đói, các con đã cho Ta ăn, Ta khát các con đã cho ta uống, Ta là khách ngụ cư, các con đã đón tiếp Ta, Ta trần trụi, các con đã cho ta mặc, Ta bệnh tật và các con đã viếng thăm Ta, Ta ở trong tù, và các con đã đến gặp Ta” (25,34-36). Những người công chính sẽ hỏi: có bao giờ chúng con làm tất cả những điều ấy đâu? Và Vua đáp: ”Thực, Ta bảo thực các con: tất cả những gì các con đã làm cho một trong những người anh em bé mọn nhất của Ta đây, chính là các con làm cho Ta” (Mt 25,40).

ĐTC giải thích rằng: ”Ơn cứu độ không bắt đầu bằng sự tuyên xưng vương quyền của Chúa Kitô, nhưng từ sự noi gương các công việc từ bi qua đó Chúa thực thi Vương quốc của Ngài. Ai thực thi những công việc ấy thì chứng tỏ mình đã đón nhận Vương quyền của Chúa Giêsu, vì họ dành chỗ trong tâm hồn cho tình yêu mến Thiên Chúa. Vào cuối đời, chúng ta sẽ bị phán xét về tình yêu, về sự gần gũi và dịu dàng đối với anh chị em chúng ta. Chúng ta có được vào Nước Thiên Chúa hay không, được ở bên tả hay bên hữu Chúa, điều ấy tùy thuộc lòng bác ái của chúng ta đối với tha nhân. Chúa Giêsu, qua chiến thắng của Ngài, đã mở Nước Ngài cho chúng ta, nhưng tùy theo chúng ta có vào đó hay không, ngay từ đời này, chúng ta có trở nên người thân cận của người anh chị em hay không, người anh chị em đang xin cơm bánh, quần áo, sự đón tiếp, tình liên đới. Và nếu chúng ta thực sự yêu thương người anh chị em của chúng ta, thì chúng ta sẽ được thúc đẩy chia sẻ với họ điều quí giá nhất đối với chúng ta, đó là chính Chúa Giêsu và Tin Mừng của Chúa!

Áp dụng những điều trên đây vào các vị thánh mới, ĐTC nói:

”Ngày hôm nay, Giáo Hội đặt trước chúng ta những vị thánh mới như gương mẫu, chính qua những công việc quảng đại hiến thân cho Thiên Chúa và anh chị em, các vị đã phục vụ Nước Thiên Chúa, mỗi người trong môi trường của mình, và trở nên người thừa kế Nước Chúa. Mỗi vị Thánh đáp lại giới răn mến Chúa yêu người với tinh thần sáng tạo ngoại thường. Các vị đã tận tụy phục vụ những người rốt cùng không chút dè dặt, giúp đỡ những người túng thiếu, các bệnh nhân, người già, người lữ hành. Sự yêu thương ưu tiên mà các vị dành cho những người bé nhỏ và nghèo hèn chính là phản ánh và là mẫu mực tình yêu vô điều kiện đối với Thiên Chúa. Thực vậy, các thánh đã tìm kiếm và khám phá tình bác ái trong quan hệ mạnh mẽ và bản thân đối với Thiên Chúa, từ đó đã nảy sinh tình yêu chân thực đối với tha nhân. Vì thế, trong giờ phán xét, các vị đã nghe lời mời gọi ngọt ngào này: ”Hỡi những người được Cha Ta chúc phúc, hãy đến nhận gia sản là Vương quốc đã được chuẩn bị cho các con từ khi sáng tạo thế giới này” (Mt 25,34).

Và ĐTC kết luận rằng:

”Qua nghi thức phong thánh, một lần nữa chúng ta đã tuyên xưng mầu nhiệm Nước Thiên Chúa và tôn vinh Chúa Kitô Vua, là vị Mục Tử đầy tình thương yêu đối với đoàn chiên. Nguyện xin các thánh mới, qua tấm gương và lời chuyển cầu của các vị, làm tăng trưởng trong chúng ta niềm vui được tiến bước trong con đường Tin Mừng, quyết định đón nhận Tin Mừng như địa bàn hướng dẫn cuộc sống chúng ta. Chúng ta hãy bước theo, bắt chước niềm tin yêu của các thánh, để niềm hy vọng của chúng ta cũng được đặc tính bất diệt. Chúng ta đừng để mình bị xao nhãng vì những lợi lộc trần thế chóng qua. Xin Mẹ Maria, Nữ Vương tất cả các thánh, hướng dẫn chúng ta trong hành trình tiến về Nước Trời. Amen

Thánh lễ tiến hành như thường lệ. Đứng cạnh ĐTC trên bàn thờ có 6 HY và GM của các giáo phận xuất xứ của 6 vị thánh, đứng đầu là ĐHY Crescenzio Sepe, TGM giáo phận Napoli, 2 vị TGM Ấn độ, và các GM giáo phận Cosenza, Rimini và Vicenza.

Sau thánh lễ, ĐTC đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin. Số tín hữu tham dự tăng thêm hàng chục ngàn người. Trong dịp này ngài đã chào thăm các phái đoàn chính thức từ quốc gia, thành phố và giáo phận nguyên quán của các vị tân Hiển Thánh.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ tạ ơn phong thánh tương đương hai thánh người Canada

Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ tạ ơn phong thánh tương đương hai thánh người Canada

VATICAN. ĐTC Phanxicô khích lệ Giáo Hội tại Canada tưởng niệm các hai vị thánh mới được tôn phong theo thể thức tương đương và cầu nguyện để Giáo Hội này được tái phong phú các thừa sai.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong thánh lễ tạ ơn ngài cử hành lúc 10 giờ sáng chúa nhật 12-10-2014 tại Đền thờ Thánh Phêrô về việc tôn phong hiển thánh theo thể thức tương đương cho hai vị người Canada, đó là Đức Cha François de Laval, GM tiên khởi của giáo phận Québec, và Nữ Tu Marie Nhập Thể Guyart Martin, sáng lập dòng Ursuline Liên hiệp Canada.

Hai vị đã cùng với chân phước Linh Mục Giuse de Anchieta, dòng Tên, người Tây Ban Nha, tông đồ tại Brazil, được ĐTC Phanxicô tôn phong hiển thánh ngày 3-4 năm 2014 theo thể thức tương đương, nghĩa là không theo thủ tục bình thường và không cần nghi lễ phong thánh.

Thông cáo của Bộ Phong thánh hôm đó nói rằng: ngày 3-4, ĐTC Phanxcô đã tiếp kiến ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong thánh. Ngài đón nhận các tường trình của ĐHY Tổng trưởng, ghi tên vào sổ bộ các thánh và nới rộng việc tôn kính phụng vụ trong Giáo Hội hoàn vũ đối với 3 vị chân phước:

– Đức Cha François de Laval, GM tiên khởi Québec, Canada, sinh tại Montigny-sur-Avre bên Pháp ngày 20-4-1623 và qua đời ngày 6-5-1708, thọ 85 tuổi.

– LM Giuse de Anchieta, dòng Tên, sinh tại San Cristobal de la Laguna, Tenerife, thuộc quần đảo Canarie, Tây Ban Nha, ngày 19-3-1543 và qua đời tại Reritiba, Brazil ngày 9-6-1597.

– Thứ ba là Nữ tu Marie de l'Incarnation, tục danh là Marie Guyart sinh ngày 28-10 năm 1599 tại thành Tours bên Pháp, sáng lập Đan viện dòng nữ tu Urseline ở Québec, và qua đời ngày 30-4-1672, thọ 73 tuổi.

Sơ lược tiểu sự hai vị thánh

1. Đức Cha François de Laval đã từng được bổ nhiệm Đại diện Tông Tòa giáo phận đàng ngoài ở Việt Nam vào năm 1653, ngài không thể sang Việt Nam nhận nhiệm sở vì những bất đồng xảy ra tại Á Đông, từ phía các nước thuộc địa Âu Châu, vì thế Cha rút lui trong 4 năm trời (1654-1658), sống tại một am ở Caen, cũng là một trường dạy linh đạo do một nhà thần bí Pháp là Jean Bernières de Louvigni (1602-1659) điều khiển.

Trong thời gian ấy, cả các thừa sai ở Canada cũng xin ĐGH Alessandro VII bổ nhiệm một vị Đại diện Tông Tòa, và thế là năm 1658, ĐGH bổ nhiệm Cha François de Laval làm GM hiệu tòa Petra và với nhiệm vụ Đại diện Tông Tòa giáo phận Tân Pháp ở Canada. Lúc ấy Đức cha mới được 35 tuổi và ngài lên đường ngay, xuống tàu đến Canada ngày 16-5 năm 1659, và sau đó một tháng sau thì đến Québec.

Đức Cha dấn thân hoạt động tông đồ không biết mệt mỏi trong hơn 30 năm trời cho Giáo Hội địa phương: kiến tạo các giáo xứ từ số không, lập các cứ điểm truyền giáo, nhà thương, trường học, các cộng đoàn dòng tu, bài trừ tệ nạn bóc lột thổ dân bản xứ từ phía các con buôn thực dân, chống lại chủ nghĩa Pháp giáo (Gallicanisme) của các chính quyền Pháp đòi độc lập khỏi Tòa Thánh về phương diện Giáo Hội từ thời vua Philippe le Bel.

Đức Cha François de Laval sống đời cầu nguyện và hãm mình, chay tịnh, sống nghèo tự nguyện, của cải ngài tặng hết cho chủng viện, và tùy thuộc bề trên chủng viện trong mọi nhu cầu. Ngài cũng đích thân giúp đỡ các bệnh nhân tại nhà thương ở Québec cũng trong nhà bệnh của chủng viện, hoặc trong các lều của thổ dân.

Do tinh thần nhiệm nhặt, cho đến những năm cuối đời, Đức Cha vẫn giữ thói quen ngủ trên nền nhà, và thức dậy lúc 2 giờ sáng, cử hành thánh lễ lúc 4 giờ rưỡi sáng cho các công nhân ở Québec. Bao nhiêu hy sinh từ bỏ ấy đã mang lại những thành quả: con số giáo xứ từ 5 tăng lên 35, số linh mục từ 24 tăng lên 102, và số nữ tu từ 22 lên 97 chị.

2. Nữ tu Marie Nhập Thể Guyard Martin, nguyên là một góa phụ, gia nhập dòng Ursuline thành Tours năm 1631 khi được 31 tuổi. 8 năm sau đó, đáp lại ơn gọi thừa sai, chị sang Québec, Canada, thành lập một tu viện.
Số nữ tu gia tăng, và chẳng bao lâu chị phải viết tu luật và hiến pháp mới thích ứng với những kinh nghiệm và đòi hỏi mới.

Tuy không bao giờ ra khỏi tu viện, nhưng chị Marie Nhập Thể học thổ ngữ của các bộ tộc Algonchini, Montagnesi và Uroni, và chị viết các sách giáo lý, văn phạm và tự điển, đồng thời chăm sóc các trẻ em của thổ dân, nuôi dưỡng, trợ giúp và giáo dục. Chị cũng là thiên thần bản mệnh của các thừa sai, tháp tùng họ bằng kinh nguyện, và qua thư từ, chị quan tâm tới lý tưởng và các nhu cầu của các thừa sai.

Chị sống đời chiêm niệm và hoạt động, với sự đơn sơ và quân bình cho đến năm 1669 thì được giải thoát khỏi trách nhiệm làm bề trên, vì điều kiện sức khỏe suy yếu. Tình trạng này nặng thêm và ngày 30-4 năm 1672, chị qua đời, để lại một cộng đoàn gồm 30 nữ tu, từ đó trở thành dòng các nữ tu Ursuline Québec.

Chị Maria Nhập Thể đã được ĐTC Gioan Phaolô 2 phong chân phước ngày 22-6-1980. Ngài nói: ”Chị Maria Nhập Thể là một tâm hồn chiêm niệm, nhưng dấn thân trong hoạt động tông đồ, chị khấn hứa ”tìm vinh danh cao cả nhất cho Thiên Chúa trong tất cả những gì có sức thánh hóa mạnh mẽ nhất, và tháng 5 năm 1653, chị âm thầm hiến dâng mình làm lễ toàn thiêu cho Thiên Chúa để mưu ích cho Canada”.

Thánh lễ
Đồng tế với ĐTC trong thánh lễ tạ ơn có 9 vị GM người Canada Québec, đứng đầu là ĐHY Gérard Lacroix, đương kim TGM giáo phận Québec, ĐHY Marc Ouellet, nguyên TGM Québec, và hiện là Tổng trưởng Bộ Giám Mục, 7 GM khác và khoảng 100 linh mục Canada, trước sự hiện diện của 8 ngàn tín hữu, trong đó có một số phái đoàn đến từ Canada.

Bài giảng của ĐTC
Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC khích lệ các tín hữu hãy tưởng niệm và noi gương đức tin kiên trì của các thừa sai đã mang Lời Chúa và Tin Mừng cho đất nước Canada. Ngài nói:

”Chúng ta đã nghe lời ngôn sứ Isaia: ”Chúa là Thiên Chúa sẽ lau nước mắt trên mỗi khuôn mặt..” (Is 25,8). Những lời đầy hy vọng này chỉ cho thấy mục tiêu, chứng tỏ tương lai mà chúng ta đang hành trình hướng về. Trên con đường này các thánh đã đi trước và chỉ dẫn cho chúng ta. Những lời này cũng vạch rõ ơn gọi của các thừa sai.
Các thừa sai là những người ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Linh, đã có can đảm sống Tin Mừng. Cả bài Tin Mừng mà chúng ta đã nghe: Nhà Vua nói với các đầy tớ: ”Các ngươi hãy ra các ngã tư đường” (Mt 22,9). Và các đầy tớ ra đi, tụ tập tất cả những người mà họ gặp, ”xấu cũng như tốt”, để dẫn họ vào tiệc cưới của nhà vua (Xc v.10)

Các thừa sai đã đón nhận lời mời gọi ấy: các vị đã ra đi kêu gọi tất cả mọi người, ở các ngã tư của thế giới, vì nếu Giáo hội dừng lại và khép kín, thì Giáo hội sẽ trở nên bệnh hoạn, có thể làm hư hỏng, hoặc bằng tội lỗi hoặc bằng khoa học giả tạo tách rời khỏi Thiên Chúa, là trào lưu tục hóa phàm trần.

Các thừa sai đã hướng nhìn Chúa Kitô chịu đóng đanh, đã đón nhận ơn phúc của Chúa và đã không giữ riêng cho mình. Như thánh Phaolô, các vị trở nên mọi sự cho mọi người; các vị đã biết sống trong thanh bần và sung túc, trong sự no đầy và đói khát; họ có thể làm mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho họ (Xc Phil 4,12-13). Với sức mạnh ấy của Thiên Chúa, các vị đã có can đảm ”đi ra” trên các nẻo đường của thế giới với lòng tín thác nơi Chúa là Đấng kêu gọi họ. Cuộc sống của một thừa sai là như thế, kết thúc cuộc sống xa nhà, xa quê hương; bao nhiêu lần các thừa sai bị sát hại, như đang xảy ra ngày nay cho bao nhiêu anh chị em chúng ta.

ĐTC nói thêm rằng: ”Sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo hội chủ yếu là loan báo tình thương, lòng bừ bi và sự tha thứ của Thiên Chúa, được mạc khải cho loài người qua cuộc sống, cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Các thừa sai đã phục vụ Sứ Mạng của Giáo Hội, bẻ bánh Lời Chúa cho người bé mọn và những người xa xăm nhất, và mang đến cho mọi người hồng ân tình yêu vô tận tuôn chảy từ trái tim của Chúa Cứu Thế.

Thánh François de Laval và thánh nữ Marie Nhập Thể là những người như thế. Anh chị em tín hữu hành hương người Canada thân mến, trong ngày này, tôi muốn để lại cho anh chị em hai lời khuyên, rút từ thư gửi tín hữu Do thái, hai lời khuyên sẽ giúp ích rất nhiều cho các cộng đoàn của anh chị em.

– Lời khuyên thứ I là: ”Hãy nhớ đến các thủ lãnh của anh chị em, những người đã loan báo Lời Chúa cho anh chị em. Khi cứu xét kỹ lưỡng kết quả chung kết cuộc sống của các vị, hãy noi gương đức tin của các vị” (13,7). Ký ức về các thừa sai nâng đỡ chúng ta trong lúc chúng ta cảm thấy sự khan hiếm các thợ của Tin Mừng. Tấm gương của các vị lôi kéo, thúc đẩy chúng ta noi gương đức tin của các ngài. Đó là những chứng tá phong phú sinh ra sự sống!
– Lời khuyên thứ hai là: ”Anh chị em hãy nhớ lại những ngày đầu tiên: sau khi lãnh nhận ánh sáng của Chúa Kitô, anh chị em đã phải chịu đựng một cuộc chiến đấu lớn và cơ cực… Đừng từ bỏ sự ngay thẳng của anh chị em, có một phần thưởng lớn dành cho cho sự ngay thẳng này. Anh chị em chỉ cần kiên trì bền đỗ…” (10,32.35-36). Tôn kính những người đã chịu đau khổ để mang Tin Mừng cho chúng ta, có nghĩa là cả chúng ta cũng tham gia cuộc chiến tốt lành cho đức tin, trong sự khiêm tốn, hiền từ, từ bi, trong cuộc sống hằng ngày. Và điều này mang lại thành quả.

Tưởng niệm những vị đã đi trước chúng ta, những vị đã thành lập Giáo hội chúng ta, Giáo Hội phong phú tại Québec, phong phú với bao nhiêu thừa sai, các vị ra đi khắp nơi. Thế giới đã đầy các thừa sai Canada như hai vị thánh này. Giờ đây tôi có lời khuyên này: việc tưởng niệm các vị không làm cho chúng ta từ bỏ sự thẳng thắn, không từ bỏ can đảm. Ma quỷ ghen tương, và không chấp nhận một phần đất phong phú các thừa sai. Xin Chúa ”ban cho miền Québec trở lại trên con đường phong phú, cung cấp cho thế giới bao nhiêu thừa sai, và xin hai vị thánh đã thành lập Giáo Hội tại Québec, giúp chúng ta như những người chuyển cầu: ước gì hạt giống mà các vị đã gieo vãi, tăng trưởng và mang lại hoa trái là những người nam nữ can đảm, sáng suốt, có tâm hồn mở rộng đối với tiếng gọi của Chúa. Hôm nay anh chị em phải cầu xin điều ấy cho quê hương của anh chị em, và các thánh trên trời sẽ là những vị chuyển cầu cho chúng ta, để Québec tái trở thành nguồn các vị thánh thừa sai can đảm”.
Niềm vui và thách đố trong cuộc hành hương này của anh chị em là: tưởng niệm các chứng nhân, các thừa sai đức tin của đất nước anh chị em. Ký ức này luôn nâng đỡ anh chị em trong hành trình tiến về tương lai, hướng về mục tiêu, khi ”Chúa là Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt trên mọi gương mặt..”

”Chúng ta hãy vui mừng, hân hoan vì ơn cứu độ của Người” (Is 25,9).

Cuối thánh lễ, ĐHY Gérard Cyprien Lacroix, TGM giáo phận Québec và là giáo chủ Canada, đã đại diện các tín hữu Québec và Canada cám ơn ĐTC vì hồng ân lớn lao là phong hai vị thánh François de Laval và Marie Nhập Thể.
ĐHY Lacroix cho biết ngài đã hướng dẫn một nhóm các tín hữu hành hương sang Pháp, theo vết của hai vị thánh và cuộc lữ hành của phái đoàn đến Roma này để cùng với Đấng Kế Vị Thánh Phêrô một lần nữa nói lên sự hiệp thông sâu xa và ước muốn đáp lại tiếng gọi thừa sai để loan báo Tin Mừng cho thế giới ngày nay.

ĐHY cho biết cuộc lữ hàng của các tín hữu Canada không kết thúc ở Roma này, nhưng ”với ơn Chúa, chúng con sẽ tiếp tục tại đất nước chúng con, tại Québec và bất kỳ nơi nào Chúa cần chúng con. Chúng con mong ước ngày càng trở thành những môn đệ – thừa sai giữa lòng thế giới”.

Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ 15 và sau đó, lúc đúng 12 giờ, ĐTC đã xuất hiện tại cửa sổ ở phòng làm việc của các vị Giáo Hoàng ở dinh Tông Tòa để chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin chung với các tín hữu tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô Ngài quảng diễn ý nghĩa bài Tin Mừng về nhà vua mời gọi mọi người tham dự tiệc cưới. Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC bày tỏ tình liên đới với các nạn nhân bị lụt ở Genova, bắc Italia, cũng như chào thăm nhiều nhóm các tín hữu hành hương, đặc biệt là các nữ tu dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ (dòng Salésiennes) đang nhóm tổng tu nghị ở Roma.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Phải từ bỏ mình

Phải từ bỏ mình

Bài Phúc âm mà chúng ta vừa nghe trong Chúa Nhật XXII Thường Niên năm A hôm nay tiếp tục đoạn Phúc âm theo thánh Matthêu mà chúng ta đã chia sẻ với nhau trong Chúa Nhật tuần trước. Sau khi hỏi các tông đồ: "Người ta bảo Con Người là ai?", và Chúa Giêsu hỏi chính các tông đồ; "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?", Phêrô đại diện cho các tông đồ tuyên xưng đức tin: "Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống".

Từ sau lời tuyên xưng này, Chúa Giêsu bắt đầu mạc khải cho các tông đồ biết rõ hơn về vận mạng cuối cùng của Ngài, đó là con đường khổ nạn mà Ngài sẽ phải thực hiện lại Giêrusalem. Lúc đó Phêrô lại can ngăn Chúa: "Lạy Thầy, không thể được, không phải như vậy đâu. Nhưng Chúa Giêsu quở trách Phêrô và tiếp tục mạc khải về những điều kiện để theo Chúa: "Nếu ai muốn theo Thầy thì hãy từ bỏ mình đi, vác Thập giá rồi hãy theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất và ai đánh mất sự sống mình vì Thầy thì sẽ được sống đời lời. Nếu ai được lời tãi cả thế gian mà mất lình hồn thì được ích gì!".

Chúa Nhật tuần trước chúng ta đã cùng nhau chia sẻ về cuộc đời của người Kitô, và chúng ta đã nói nơi người Kitô có hai con người: Một con người tuyên xưng đức tin vào Chúa, tức là một con người chấp nhận cộng tác với ơn thánh của Chúa để rồi có thể tuyên xưng đức tin, giữ vững đức tin của mình. Và con người thứ hai là con người cũ, con người có những khuynh hướng nghiêng chiều về tội lỗi và và các đam mê xấu xa. Con người cũ đó cần phải thanh tẩy để mỗi ngày con người mới được trở nên mạnh mẽ hơn.

Hôm nay chúng ta tiếp tục chia sẻ về đề tài này, về đời sống của người Kitô hữu theo chân Chúa. Xin được kể ra một câu chuyện vui như sau:

Một hôm, đạo sĩ Makia đưa anh Intyra đến một toà nhà rộng lớn, nơi đó mỗi vị thần được dành một căn phòng riêng. Căn phòng dừng chân đầu tiên là của vị thần Maida, bấy giờ đạo sĩ Makia giới thiệu với Intyra: Đây là vị thần đã hứa sẽ cất hết mọi sự đau khổ khỏi thế giới con người, nhưng Intyra tắc đầu và xin được sang căn phòng khác. Trước vị thần thứ hai, đạo sĩ Makia giới thiệu thêm: Đây là nữ thần Jupia có bí quyết giúp con người tránh được đau khổ, nhưng Intyra ra hiệu cho đạo sĩ cùng đi nơi khác. Cuối cùng hai người đến trước một vị đang bị treo trên Thập tự như thế này và đạo sĩ chậm rãi trả lời: "Đây là Chúa Giêsu Kitô của những người Kitô". Với chút xúc động lộ trên gương mặt, anh Intyra xin đạo sĩ chỉ thêm để có thể làm môn đệ của người bị treo trên Thập tự. Đạo sĩ Makia ngạc nhiên hỏi: "Này anh, anh làm tôi thắc mắc, hai vị thần anh gặp lúc đầu, một thì cất mất sự đau khổ, còn một thì đề nghị tránh khỏi đau khổ, nhưng anh lại không thích người nào cả. Thế nhưng lại sao giờ đây anh lại thích và muốn làm đồ đệ của một vị chịu chết cách nhục nhã trên Thập tự như vậy?”

Anh Intyra giải thích cho đạo sĩ Makia: Hứa làm mất đi sự đau khổ trên trần gian này là lời hứa suông, người ta không thể cất đi được những đau khổ trên trần gian này, và dạy con người tránh sự đau khổ là dạy con người sống khiếp hèn tránh né, thì người ta cũng chẳng thể nào tránh né khỏi đau khổ. Vì tránh được sự đau khổ này thì sự đau khổ khác cũng sẽ tới.

Tuy nhiên, nhìn vào vị Chúa của người Kitô chấp nhận đau khổ vì người Kitô trên Thập giá như vậy, con người được mời gọi hiểu ý nghĩa của đau khổ và chấp nhận nó. Hơn nữa, một khi hiểu và chấp nhận mầu nhiệm đau khổ, thì niềm vui và an hoà có thể trổ sinh trên trái đất này. Đó là lý do tôi cảm thấy lại sao bị thu hút bởi Đấng chịu chết trên Thập giá và muốn làm môn đệ của Ngài. Vậy xin đạo sĩ hãy đưa tôi đến nơi mà người Kitô sống để được trở thành người Kitô.

Chúa Giêsu Kitô mà chúng ta chấp nhận theo làm môn đệ, Ngài không hứa cho chúng ta được danh vọng, giàu sang, nhưng Ngài mời gọi chúng ta: "Nếu ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình đi, vác Thập giá hằng ngày mà theo Ta. Ai cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai đánh mất sự sống mình vì Thầy thì sẽ được sống muôn đời".

Đây là một sự thật hết sức tốt đẹp mà có thể nhiều người hay mỗi người trong chúng ta thường tặp đi tặp lại nơi chính mình. Nhưng nếu chỉ tặp đi tặp lại ngoài môi miệng mà thôi thì không sinh ích lợi gì, chúng ta cần phải sống và thực hành những chân lý ấy

Câu chuyện về anh Intyra và nhà đạo sĩ Makia còn một đoạn kết thúc nữa, đó là lúc đạo sĩ Makia hướng dẫn anh Intyra đến nhà thờ những người Công giáo để xin lãnh Bí tích Rửa tội. Khi bước vào làng của người Công giáo thì hai người chỉ nhìn thấy những cảnh không tốt đẹp. Đây thì có nhóm những người đang cãi lộn với nhau nơi khác thì giống như sắp giết nhau, nơi công cộng thì vang lên những lời nói tục tằn vô lễ Intyra hỏi nhà đạo sĩ: "Đây là đâu vậy?" Đạo sĩ Makia trả lời: "Đây là làng của người Công giáo". Vừa nghe qua những lời này, Intyra thúc giục nhà đạo sĩ: Chúng ta hãy đi nơi khác, tôi mộ mến vào Đấng chịu đóng đinh trên Thập giá, nhưng tôi không muốn trở thành người Kitô nữa.

Nếu chúng ta chỉ nói: "Lạy Chúa, Lạy Chúa" ngoài môi miệng mà không sống thực hành trong đời sống của mình, có thể chúng ta sẽ rơi vào trường hợp như đã xảy ra trong câu chuyện vui trên. Chúng ta nói mình sẵn sàng theo Chúa, chấp nhận làm môn đệ của Ngài, chấp nhận những hy sinh, chấp nhận đi trên con đường Thập giá, nhưng trong đời sống chúng ta có thự hành điều này hay không?

Xin Chúa giúp chúng ta được thực sự sống những gì mỗi người chúng ta tin, thực hành những gì chúng ta nói, không phải để khoe khoang, nhưng để góp phần của mình làm tốt cho xã hội chúng ta đang sống, góp phần giúp anh chị em xung quanh đến với Chúa và chính chúng ta là người đầu tiên phải đi trên con đường này để đến với Chúa trước tiên, thì mới có thể hy vọng giúp anh chị em đến với Chúa được. Xin Chúa gìn giữ tất cả chúng ta trong đức tin mà giờ đây chúng ta cùng nhau tuyên xưng qua kinh Tin Kính.

Đức Thánh Cha Phanxicô công du mục vụ Philippines

Đức Thánh Cha Phanxicô công du mục vụ Philippines

Phỏng vấn Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng Giám Mục Manila

Ngày 29-7-2014 Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã loan báo Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm mục vụ Sri Lanka trong các ngày 12-15 tháng giêng năm 2015, và tại Philippines trong các ngày 15-19 tháng giêng năm 2015.

Philippines rộng 300,000 cây số vuông, bao gồm 7,107 đảo lớn nhỏ, có 100 triệu dân thuộc nhiều chủng tộc khác nhau, trong đó 10 nhóm chính sau đây: Bisayaa hơn 20 triệu người, Tagalog hơn 13 triệu, Ilocani hơn 9 triệu, Hiliganon hơn 8 triệu, Bicolani hơn 3 triệu, Waray-Waray hơn 3 triệu, Kapampangan hơn 2.5 triệu, Hispanofilippini hơn 2.5 triệu, Albay Bicolani hơn 2.1 triệu, và Panggasinan hơn 1.6 triệu. Ngoài ra còn có 11 triệu người Philippines sống tại các nước ngoài, đa số là các công nhân có hợp đồng làm việc.

Nếu chia theo vùng địa lý, Philippines gồm ba miền Luzon, Visayas và Mindanao. Trong nhiều thập niên qua các cải cách kinh tế đã khiến cho lãnh vực thứ ba vượt nông nghiệp là nguồn lợi kinh tế chính, và hiện nay lãnh vực này đem lại hơn phân nửa lợi tức quốc gia. Tuy nhiên Philippines vẫn còn phải đương đầu với nhiều thách đố trong các lãnh vực cơ cấu hạ tầng, y tế và phát triển nhân bản.

Vào thời tiền sử, cách đây 30,000 năm người da đen Philippines đã là các nhóm dân đầu tiên của quần đảo này. Tiếp theo đó có các làn sóng di cư của các dân tộc khác như Malaysia, Ấn độ và người Hồi. Trong khi nền thương mại đã đem theo các ảnh hưởng văn hóa Tàu.

Năm 1521 nhà thám hiểm người Tây Ban Nha là Ferdinando Magellano đến đảo Homonhon, nằm ở mạn đông nam đảo Samar ngày mùng 6 tháng 3 năm 1521, bắt đầu một kỷ nguyên ảnh hưởng của Tây Ban Nha, rồi sau đó là ách thống trị của người Tây Ban Nha trên người dân bản địa. Manila trở thành trung tâm kinh tế của đế quốc Tây Ban Nha tại Á châu. Tên gọi Philippines bắt nguồn từ tên của vua Filippo của Tây Ban Nha. Trong các cuộc thám hiểm của mình ông Ruy López de Villalobos gọi vùng này là các Islas filippinas, các Đảo Philippines, nhằm vinh danh ông Hoàng của vùng Asturie, ban đầu chỉ có ý ám chỉ hai đảo Leyte và Samar. Sau đó từ Filippinas được dùng để chỉ toàn vùng quần đảo này.

Chế độ thực dân của Tây Ban Nha bắt đầu với đoàn quân viễn chinh của Miguel López de Legazpi trấn đóng trên đảo Cebu. Sau đó nhiều căn cứ khác được thành lập tại mạn bắc và trong vịnh Manila trên đảo Luzon. Người Tây Ban Nha xây một thành phố mới tại đây và chế độ thực dân kéo dài hơn ba thế kỷ.

Người Tây Ban Nha đem lại sự thống nhất chính trị của quần đảo trước đó bao gồm các đảo độc lập, và làm nảy sinh ra cộng đoàn sau này là nước Philippines. Chính quyền Tây Ban Nha du nhập các yếu tố của nền văn minh Tây âu như ấn loát và lịch.

Philippines bị độ hộ như là vùng đất của nước Tây Ban Nha Mới từ năm 1565 cho tới năm 1821, và do triều đình Madrid trực tiếp quản nhiệm. Trong thời thực dân Tây Ban Nha có nhiều thành phố được thành lập, các cơ sở hạ tầng được xây cất, việc canh tác và chăn nuôi súc vật mới được đẩy mạnh, và sinh hoạt thương mại trở nên phồn thịnh. Các thừa sai rao giảng Tin Mừng cho người dân bản địa và đa số theo Kitô giáo. Giáo Hội xây cất các nhà thờ, thành lập các giáo xứ, xây các trường tiểu, trung và đại học, cũng như các nhà thương, bệnh xá rải rác trên toàn nước.

Trong hai thế kỷ XIX và XX đã xảy ra một loạt các cuộc xung đột như cuộc cách mạng Philippines chống lại Tây Ban Nha năm 1896, chiến tranh Tây Ban Nha – Hoa Kỳ và chiến tranh Philippines Hoa Kỳ. Năm 1898 Philippines tuyên bố độc lập, trở thành Cộng Hóa Philippines. Tuy nhiên, với Thỏa hiệp Paris năm 1898 kềt thúc cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Tây Ban Nha, việc kiểm soát Philippines được chuyển giao cho Hoa Kỳ. Nhưng chính quyền Philippines không chấp nhận thỏa hiệp này và tháng 6 năm 1899 Philippines tuyên chiến với Hoa Kỳ.

Chiến tranh đã gây ra rất nhiều thiệt hại vật chất và nhân mạng cho Philippines. Tổng thống Emilio Aguinaldo bị bắt năm 1901. Đa số các vị lãnh đạo Philippines chấp nhận chiến thắng của Hoa Kỳ, nhưng sự thù nghịch giữa hai bên kéo dài cho tới năm 1913. Chế độ thực dân Hoa Kỳ chính thức bắt đầu năm 1905. Năm 1935 Philippines được phần nào tự trị để chuẩn bị cho ngày độc lập dự kiến vào năm 1946. Nhưng Philippines bị Nhật chiếm đóng trong Đệ Nhị Thế Chiến.

Vào cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970 có các cuộc biểu tình của sinh viên học sinh chống chính sách cai trị độc tài và gian tham hối lộ của chính quyền khiến tổng thống Ferdinand Marcos ra lệnh thiết quân luật năm 1972. Nhưng cuộc cách mạng của nhân dân năm 1986 đã lật đổ chế độ Marcos và đưa Philippines vào chế độ đân chủ. Tuy nhiên, bất ổn chính trị đã ngăn cản sự tăng trưởng kinh tế của nước này.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng Giám Mục Manila, về chuyến công du này của Đức Thánh Cha.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Giáo Hội và nhân dân Philippines phản ứng ra sao khi Tòa Thánh chính thức loan tin Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm mục vụ Philippines vào tháng giêng năm tới 2015?

Đáp: Nhân dân Philippines yêu mến Đức Thánh Cha và việc loan báo chuyến viếng thăm Á châu, đặc biệt là tại Philippines, vào năm tới đã khiến cho người dân rất vui sướng. Đây thật là một điều tuyệt vời. Các tín hữu không công giáo, các phương tiện tryền thông xã hội, các đài phát thanh truyền hình, tất cả mọi người dân Philippines đều luôn luôn nói tới chuyến viếng thăm sắp tới của Đức Thánh Cha vào tháng giêng năm tới như là một tháng ơn phúc. Và cũng còn có một lý do khác nữa: ngày 14 tháng giêng năm 1995 Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viếng thăm Philippines nhân Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Năm tới đây Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến Philippines ngày 15 tháng giêng, tức 20 năm sau. Nhân dân Philippines sẽ lại trông thấy một vị Đại Diện Chúa Kitô thăm mình, nơi con người của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Hỏi: Đức Thánh Cha nói rằng ngài đến Philippines nhất là để cầu nguyện và gần gũi các nạn nhân của trận bão đổ ập trên Philipines hồi năm ngoái, khiến cho nhiều người chết và gây ra các thiệt hại to lớn. Đức Thánh Cha đến để bầy tỏ sự gần gũi với người dân đau khổ…

Đáp: Vâng đúng thế, một dân tộc đau khổ, đang ở trong tiến trình tái thiết cuộc sống: không phải chỉ tái thiết nhà cửa, các trường học, nhưng đặc biệt là tái thiết cuộc sống. Nỗi khổ đau tiếp tục, nhưng sự gần gũi của tất cả mọi dân tộc thiện chí thật là ngoại thường và là một lý do giúp cho người dân có niềm hy vọng và sức mạnh tiến tới. Tuy nhiên, sự gần gũi của Đức Thánh Cha xảy ra trong một cách thế đặc biệt, bởi vì cách đây một năm Đức Thánh Cha đã làm phép bức chân dung khảm đá mầu của Thánh Pedro Calungsod, trong Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, sau trận bão, và ngài đã nhắn gửi người dân đau khổ Philippines: ”Anh chị em không mệt mỏi hỏi: Tại sao? Tại sao?” để lôi kéo sự chú ý và đôi mắt của Thiên Chúa Cha”. Đó là sứ điệp đánh động người dân Philippines.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, vào trung tuần tháng 8 Đức Thánh Cha Phanxicô thực hiện chuyến viếng thăm đầu tiên tại Á châu. Ngài đến Nam Hàn để tham dự Ngày Giới Trẻ Á châu và chủ sự lễ phong chân phước cho 124 vị tử đạo Đại Hàn. Giáo phận cũ của Đức Hồng Y đã là nơi tổ chức Ngày Giới Trẻ Á châu lần thứ V. Đức Hồng Y có thể chia sẻ một chút về thực tại này và cho biết sự chờ đợi Đức Thánh Cha tại Á châu ra sao không?

Đáp: Vâng, cách đây 4-5 năm giáo phận trước của tôi đã được chọn như là nơi diễn ra Ngày Giới Trẻ công giáo Á châu. Đó đã là một đại hội bé của người trẻ Á châu, nếu so sánh với Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Tuy nhiên, những ngày ấy đã là là những ngày có nhiều sinh hoạt đào tạo, cầu nguyện, hiệp thông và truyền giáo. Và tôi nghĩ rằng nó cũng xảy ra như thế tại Seoul bên Nam Hàn, với một chi tiết rất đặc biệt đó là sự hiện diện của Đức Thánh Cha Phanxicô. Đây là một yểm trợ cho một Giáo Hội đau khổ nhưng sinh động tại Đại Hàn.

(RG 1-8-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio