ĐTC sẽ khai mạc tuần cầu nguyện hiệp nhất

ĐTC sẽ khai mạc tuần cầu nguyện hiệp nhất

Hằng năm, ĐTC vẫn chủ sự kinh chiều bế mạc tuần cầu nguyện hiệp nhất tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành ở Roma vào ngày 25-1, lễ Thánh Phaolô trở lại. Nhưng năm nay, ngài bận viếng thăm tại Panama từ ngày 23 đến 27-1 tới đây, nhân dịp Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 34, nên ngài chủ sự kinh chiều khai mạc.

100 năm lịch sử

Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô đã có từ hơn 100 năm nay do sáng kiến của Mục Sư Anh Giáo Paul Wattson, sau này trở thành một LM Công Giáo. Từ 50 năm nay, chủ đề và các văn bản Kinh Thánh dùng trong Tuần Cầu Nguyện Hiệp Nhất Kitô do một nhóm làm việc chung thuộc Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô và Ủy ban Đức tin và Hiến Chế thuộc Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô ở Genève cùng soạn thảo (KNA 8-1-2019)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican

Chuẩn bị lễ an táng ĐGM Dương Minh Chương, Hong Kong

Chuẩn bị lễ an táng ĐGM Dương Minh Chương, Hong Kong

Đức Cha Dương Minh Chương qua đời ngày 3-1-2019 vì bệnh xơ gan, tại Nhà Thương của dòng Nữ Tu Bác Ái thánh Canossa ở Hong Kong, hưởng thọ 73 tuổi.

Sau thánh lễ, Đức Cố GM sẽ được an táng tại nghĩa trang Hally Valley với nghi thức do Đức GM Phụ tá Giuse Hạ Chí Thành (Ha Chi Shing), OFM, chủ sự.

 Trước đó, ngày 10-1-2019, linh cữu Đức Cha Dương Minh Chương sẽ được quàn tại nhà thờ chính tòa cho các tín hữu kính viếng. Ban tối cùng ngày, ĐHY Giuse Trần Nhật Quân, SDB, nguyên GM Hong Kong, sẽ chủ sự thánh lễ cầu hồn, và suốt đêm sẽ có các tín hữu canh thức cầu nguyện.

 Giáo phận Hong Kong

 Hong Kong là giáo phận có đông tín hữu Công Giáo nhất của người Hoa. Theo niên giám 2018, giáo phận này có 591 ngàn tín hữu Công Giáo, tức là đông hơn tổng số tín hữu Công Giáo (500 ngàn) của 7 giáo phận ở Đài Loan.

Giáo phận Hong Kong có 52 giáo xứ, 98 thánh đường, gần 300 LM triều và dòng, 300 tu huynh và 470 nữ tu.

Tìm người kế vị

Trong khi đó, dư luận Công Giáo tại Hong Kong và nước ngoài đã bắt đầu bàn tán xem ai sẽ là người kế nhiệm Đức Cha Dương Minh Chương. Hai người được nói đến nhiều nhất là Đức Cha Giuse Hạ Chí Thành, OFM, 60 tuổi (1959), làm GM phụ tá từ 5 năm nay. Ngài là Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình của giáo phận, dấn thân đòi Nhà Nước Trung Quốc trả tự do cho các GM và LM Công giáo hầm trú tại Hoa Lục, ủng hộ các buổi canh thức cầu nguyện cho những người bị giết tại Thiên An Môn, và ủng hộ những đòi hỏi dân chủ tại Hong Kong.

Tiếp đến là Cha Phêrô Thái Huệ Dân (Choy Wai Man), Tổng đại diện của giáo phận Hong Kong, Giám đốc Học viện – Chủng viện Thánh Linh Triết Thần của giáo phận. (Asia News 4-1-2019).

Giuse Trần Đức Anh, OP

40 thừa sai bị sát hại trong năm 2018

40 thừa sai bị sát hại trong năm 2018

Sau 8 năm liên tiếp châu Mỹ là lục địa có số thừa sai bị sát hại cao nhất, thì trong năm 2018 này, châu Phi là nơi đứng đầu về con số thảm kịch này.

40 nhà truyền giáo bị sát hại

Theo số liệu thống kê của hãng tin Fides, 40 thừa sai bị sát hại trong năm 2018 gồm 35 linh mục, 1 chủng sinh và 4 giáo dân.

Tại châu Phi, có 19 linh mục, 1 chủng sinh và một giáo dân, tổng số là 21 vị bị sát hại; tại Mỹ châu có 12 linh mục và 3 giáo dân (15 vị); Á châu có 3 linh mục; châu Âu có 1 linh mục.

Nguyên nhân

Trong năm 2018 này cũng thế, nhiều nhà truyền giáo bị sát hại trong những vụ cướp bóc dã man trong bối cảnh xã hội nghèo khổ, xuống cấp, nơi mà bạo lực là quy luật của cuộc sống, còn chính quyền thì suy thoái vì tham nhũng, thỏa hiệp, hoặc nơi mà tôn giáo được sử dụng vì những mục đích khác.

Ở mọi nơi, các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân chia sẻ với dân chúng cuộc sống thường nhật bằng cách làm chứng cho Tin mừng bằng tình yêu và phục vụ mọi người, như dấu chỉ của hy vọng và hòa bình, khi tìm cách xoa dịu các đau khổ của những người yếu đuối và lên tiếng bảo vệ những quyền lợi của họ đang bi chà đạp bằng cách tố cáo các sự ác và bất công.

Ngay cả khi phải đối mặt với các tình huống nguy hiểm đến sự an ninh của chính mình, trước những lời kêu gọi của chính quyền dân sự hoặc của các bề trên dòng tu, các nhà truyền giáo vẫn ở lại nơi chốn của họ, dù nhận thức được những rủi ro mà họ gặp phải, để trung thành với sứ vụ của họ.

Hồng Thủy

ĐTC tiếp kiến 120 tu sĩ dòng Đức Bà chuộc kẻ làm tôi

ĐTC tiếp kiến 120 tu sĩ dòng Đức Bà chuộc kẻ làm tôi

Ngài đưa lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 6-12-2018, dành cho 120 tu sĩ thuộc dòng Đức Bà chuộc kẻ làm tôi, nhân dịp kỷ niệm 800 năm thành lập dòng.

Dòng Đức Bà chuộc kẻ làm tôi

Dòng được thánh Phêrô Nolasco thành lập ngày 10-8 năm 1218 tại thành phố Barcelona, Tây Ban Nha, với mục đích giải thoát các tín hữu Kitô bị người Hồi giáo bắt làm nô lệ. Ngoài 3 lời khấn thông thường, các tu sĩ của dòng còn có lời khấn thứ 4 là dấn thân thay thế bằng chính bản thân những tù nhân có nguy cơ chối bỏ đức tin. Do mục đích này, đây là dòng giáo dân và có tính chất quân sự. Nhưng từ đầu thế kỷ 14, thành phần giáo sĩ trong dòng chiếm đa số và các Bề trên Tổng quyền được chọn trong số các LM.

Sau khi nạn nô lệ không còn nữa, các tu sĩ của dòng chuyên về việc giảng dạy và tông đồ truyền giáo. Sau Công đồng chung Vatican 2, dòng mở lại các hoạt động chống những hình thức nô lệ mới về chính trị, xã hội và tâm lý. Theo niên giám Tòa Thánh 2018, dòng Đức Bà chuộc kẻ làm tôi có 659 tu sĩ trong đó 520 vị là linh mục, thuộc 158 nhà. Nhánh nhặt phép của dòng này chỉ có 35 tu sĩ thuộc 8 nhà.

Đề cao giá trị và tính chất thời sự đoàn sủng của dòng

Trong bài huấn dụ tại buổi tiếp kiến, ĐTC đề cao tính chất thời sự trong đoàn sủng của dòng Đức Bà chuộc kẻ làm tôi và ngài nói: ”Gia đình dòng, những người thánh hiến và giáo dân, cần để cho tinh thần sáng tạo của Thiên Chúa soi sáng, cả khi điều này đòi ta phải từ bỏ những khuôn mẫu riêng của mình, được thêm vào đoàn sủng nguyên thủy qua dòng thời gian”.

ĐTC giải thích rằng ”Tín thác nơi Chúa có nghĩa là hiến thân cho Chúa không chút dè dặt; không phải chỉ cho đi những gì là vật chất và dư thừa, nhưng còn dâng hiến tất cả những gì chúng ta coi như của riêng, cả những sở thích và ý kiến riêng của mình. Sự dâng hiến cuộc sống không phải là điều tùy ý, nhưng là kết quả của một tâm hồn đã được tình thương của Thiên Chúa đánh động”.

Tránh sa chước cám dỗ tìm kiếm tư lợi và địa vị

”Tôi xin anh em đừng để mình bị sa vào chước cám dỗ coi sự hy sinh và hiến thân của Chúa như một sự đầu tư để mưu tư lợi cho mình, để đạt được địa vị hoặc được cuộc sống an ninh! Không phải vậy! Hãy cố gắng làm cho sự dâng hiến và hy sinh nhắm phụng sự Thiên Chúa và con người, sống niềm vui Phúc âm qua đoàn sủng cứu chuộc của dòng anh em.”

3 thứ kẻ thù

ĐTC cảnh giác rằng ngày nay cũng như trong lịch sử, Kitô hữu bị đe dọa vì 3 thứ kẻ thù: thế gian, ma quỉ và xác thịt. Đây không phải là những gì thuộc về quá khứ, nhưng là thực tại ngày nay. Những nguy hiểm này nhiều khi ngụy trang và chúng ta không nhận diện được chúng, nhưng hậu quả của chúng thật là hiển nhiên, nó mê hoặc lương tâm và tạo nên sự tê liệt tinh thần, dẫn tới cái chết nội tâm”.

”Chúng ta cũng phải chú ý để khỏi rơi vào tình trạng không còn đời sống thiêng liêng sinh động nữa. Chúng ta hãy đề phòng tinh thần thế tục, dưới hình thức tinh vi, lẻn vào đời sống chúng ta, làm tiêu tán vẻ đẹp và sức mạnh của tình yêu ban đầu đối với Chúa trong tâm hồn chúng ta” (Rei 6-12-2018)

Giuse Trần Đức Anh, OP

Nữ tu Đaminh cao tuổi nhất thế giới qua đời ở tuổi 110

Nữ tu Đaminh cao tuổi nhất thế giới qua đời ở tuổi 110

Sơ Cecylia sinh ngày 25/03/1908, với tên gọi Maria Roszak, tại tỉnh Kielczewo, ở miền trung tây Balan. Sau khi tốt nghiệp trường thương mại ở tuổi 21, sơ gia nhập đan viện dòng Đaminh "On Gródek” ở Krakow.

Năm 1938, sơ Cecylia cùng với một nhóm nữ tu đi đến Vilnius (hiện nay là Lituania) với ý định thành lập một đan viện ở đó. Nhưng thế chiến thứ hai bùng nổ và các chị không thể thực hiện điều này.

Trong thời gian Vilnius bị Sô viết và Đức chiếm đóng, sơ Cecylia và các nữ tu đã che dấu 17 người Do thái tại tu viện của mình dù sẽ gặp nguy hiểm. Dù có sự khác biệt giữa các nữ tu và nhóm Do thái thuộc phong trào Do thái Zion, nhưng họ đã tạo được mối liên hệ thân thiết. Các chiến binh Do thái tìm được nơi trú ẩn an toàn sau các bức tường tu viện. Họ lao động vùng với các nữ tu trên các cánh đồng và tiếp tục hoạt động chính trị của họ.

Sau khi tu viện bị đóng cửa vào năm 1943, các nữ tu cũng bị giải tán. Sơ Cecylia trở về Krakow. Năm 1947, sơ cùng với các nữ tu Đaminh trở về nhà mẹ và phục vụ trong các công việc khác nhau.

Năm 101 tuổi, sơ Cecylia phải phẫu thuật hông và đầu gối nhưng sơ vẫn tham gia vào các hoạt động hàng ngày, trong đó có việc cầu nguyện chung với các nữ tu và thăm viếng các nữ tu bệnh nhân.

Ngày 25/03/2018, sơ mừng sinh nhận 110 tuổi và sơ qua đời 8 tháng sau đó, ngày 16-11-2018.

Hồng Thủy, Vatican

Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, tân TGM Hà Nội

Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, tân TGM Hà Nội

Hôm 17-11-2018, Phòng báo chí Tòa Thánh thông báo: ĐTC Phanxicô đã nhận đơn từ chức TGM giáo phận Hà Nội do ĐHY Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, và đồng thời ngài bổ nhiệm người kế vị là Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, cho đến nay là GM giáo phận Hải Phòng.

ĐHY Nguyễn Văn Nhơn

 ĐHY Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, năm nay 80 tuổi, sinh ngày 1-4 năm 1938 tại Đà Lạt, thụ phong linh mục ngày 21-12-1967 và được bổ nhiệm làm GM Phó với quyền kế vị tại Đà Lạt ngày 11-10 năm 1991. Gần 3 năm sau đó, ngày 23-3 năm 1994, ngài trở thành GM chính tòa Đà Lạt sau khi Đức Cha Bartolomeo Nguyễn Sơn Lâm được Tòa Thánh thuyên chuyển ra giáo phận Thanh Hóa.

 Ngày 23-4 năm 2010, Đức Cha Nguyễn Văn Nhơn được Tòa Thánh bổ nhiệm làm TGM Phó giáo phận Hà Nội và trở thành TGM chính tòa tại đây 20 ngày sau đó, 23-5-2010 ,sau khi Tòa Thánh nhận đơn từ chức của Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt. Cách đây hơn 3 năm, ngày 14-2 năm 2015, ĐTC Phanxicô đã bổ nhiệm Đức TGM Nguyễn Văn Nhơn làm Hồng Y.

 Đức TGM Vũ Văn Thiên

 Đức tân TGM Hà nội, Giuse Vũ Văn Thiên năm nay 58 tuổi, sinh ngày 26-10 năm 1960 tại Kẻ Sặt, Hải Dương, thụ phong linh mục ngày 24-1 năm 1988, du học tại Pháp, và được Tòa Thánh bổ nhiệm làm GM giáo phận Hải Phòng ngày 6-11 năm 2002, lúc 42 tuổi. (Rei 17-11-2018)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican

Nhiều dòng nữ ở Mỹ chuẩn bị cáo chung

Nhiều dòng nữ ở Mỹ chuẩn bị cáo chung

Hôm 20-10-2018, hãng tin Công Giáo Hoa Kỳ cho biết một cuộc hội thảo về tương lai của các dòng nữ tại Mỹ đã được tổ chức tại Oakbrook, ngoại ô thành phố Chicago bang Illinois, trong hai ngày 25 và 26-9 vừa qua về đề tài ”Trung thành với hành trình: cùng nhau trong tình hiệp thông”.

Tham dự cuộc hội thảo có 50 người gồm các GM, nữ tu, chuyên gia giáo luật và một số người khác. Trong số các tham dự viên có ĐHY Joseph Tobin, nguyên là Bề trên Tổng quyền dòng Chúa Cứu Thế, và hiện là TGM giáo phận Newark, bang New Jersey, kiêm Chủ tịch Ủy ban GM Mỹ về giáo sĩ, tu sĩ và ơn gọi.

Giúp dòng nữ sắp chấm dứt chuẩn bị

Cuộc hội thảo diễn ra trong bối cảnh số nữ tu tại Mỹ giảm sút trầm trọng và điều này có nghĩa là Giáo Hội cần giúp đỡ chuẩn bị tương lai. Theo các dữ kiện do Văn phòng toàn quốc Hoa Kỳ về các nữ tu hồi hưu, thuộc HĐGM Hoa Kỳ, thì trong vài thập niên sắp tới đây, sẽ có 300 dòng nữ tại Mỹ sẽ không còn nữa.

Số nữ tu tại Mỹ giảm 75%

Trong vòng 53 năm qua, tức là từ năm 1965, số nữ tu tại Mỹ giảm sút 75% và không hy vọng có sự thay đổi trong chiều hướng này. Năm 1965 có 181.421 nữ tu tại Mỹ, nhưng năm 2016 chỉ còn 47.160 nữ tu trong đó 77% trên 70 tuổi. Trong số 420 dòng nữ tại Mỹ hiện nay có 300 dòng nữ chuẩn bị cáo chung trong một vài thập niên tới đây vì không có ơn gọi và số nữ tu còn lại ngày càng cao tuổi.

Nữ tu Carol Zinn thuộc dòng thánh Giuse ở Philadelphia, Giám đốc điều hành Liên hiệp các Bề trên dòng nữ tại Mỹ cho biết vấn đề hiện nay không phải là chuẩn bị bán các nhà mẹ của các dòng, nhưng còn đi xa hơn nữa.

An bình trước viễn tượng đau buồn

Đức Cha Joseph Kutz, TGM giáo phận Louisvill bang Kentucky, nhận xét rằng sự đau buồn và mất mát là thực tại mà các tham dự viên cảm thấy, nhưng nhiều dòng nữ cũng cảm thấy an bình vì đang ở trong tiến trình hoàn tất sứ mạng và hành trình. Đức TGM nói: ”Thật là một cuộc trao đổi rất lành mạnh, một cuộc đối thoại thực sự, dựa trên lòng quí trọng sâu xa của chúng tôi đối với các tu sĩ nam nữ cũng như sự đóng góp của họ. Tôi rời cuộc hội thảo này với tinh thần được khích lệ và phấn khởi”.

ĐHY Tobin CSsR

ĐHY Tobin cũng nói với báo ”Tường trình về các nữ tu hoàn cầu” (Global Sisters Report) rằng ”Tôi xúc động vì niềm an bình mà các nữ tu tìm được trong việc chuẩn bị kết thúc sứ mạng. Có một sự đau buồn khi thấy cái chết của một dòng tu thường có nghĩa là sự biến mất của một đoàn sủng đặc thù trong Giáo Hội.. nhưng cũng có một sự thanh thản lớn nơi các nữ tu”.

ĐHY Tobin cho biết ngài nhớ lại lời cụ già Simeon trong ngày Chúa Hài Đồng Giêsu được dâng hiến tại Đền Thờ: ”Lạy Chúa, xin cho tôi tớ Chúa ra đi bình an, vì mắt con đã thấy ơn cứu độ của Chúa”.

Nữ Tu Carol Zinn cũng nói rằng ”An bình đến khi các nữ tu ý thức sự kết thúc là thành phần của mầu nhiệm Vượt Qua, chết đi và sống lại, đó là điều trong trọng tâm của niềm tin Kitô giáo”.

Trong cuộc hội thảo, các tham dự viên bàn về những vấn đề như: đề ra kế hoạch, chăm sóc các nữ tu, việc sử dụng các tài sản, vấn đề quản trị và cai quản, và đâu là những điều có liên hệ tới giáo xứ và giáo phận địa phương (Crux Now, CNS 20-10-2018)

Giuse Trần Đức Anh OP

ĐGH tôn phong 7 vị chân phước lên bậc Hiển Thánh

ĐGH tôn phong 7 vị chân phước lên bậc Hiển Thánh

7 vị thánh mới gồm 1 vị Giáo Hoàng, 1 TGM, 2 LM, 2 nữ tu và một giáo dân. Xét về quốc tịch có 4 vị người Ý, 3 vị còn lại người El Salvador, Đức và Bolivia gốc Tây Ban Nha. Trên mặt tiền Đền Thờ Thánh Phêrô có treo các bức ảnh lớn của 7 vị. 

 Các thành phần tham dự

 Hiện diện tại Quảng trường có hơn 80 ngàn tín hữu, phần lớn là người Italia, nhưng cũng có 7 ngàn người El Salvador, hàng trăm người Bolivia. Từ giáo phận Milano có 2500 tín hữu, 130 LM và phó tế, do Đức TGM bản quyền Mario Delpini cùng với 7 GM phụ tá hướng dẫn. Đức Phaolo 6 từng làm TGM Milano trước khi được bầu làm Giáo Hoàng. Hàng ngàn tín hữu khác đến từ giáo phận Brescia, quê hương của Ngài. Trong số các tín hữu hiện diện cũng có vài người đã được phép lạ của các thánh mới, như bà Cecilia Maribel Flores de Rivas, 34 tuổi, cùng với gia đình của bà. Bà đã được khỏi bệnh ung thư một cách lạ lùng nhờ lời chuyển cầu của Đức TGM Oscar Romero.

 Có 15 phái đoàn chính phủ đứng đầu là phái đoàn Tây Ban Nha do Hoàng Thái Hậu Sofia hướng dẫn, tiếp đến là phái đoàn Italia, Chile, El Salvador và Panama do 4 tổng thống liên hệ cầm đầu. Đoàn Honduras, Đài Loan và Uganda do 3 vị Phó Tổng thống hướng dẫn. Các phái đoàn khác do một vị Bộ trưởng cầm đầu.

 Đồng tế với ĐTC có đông đảo 600 vị Hồng Y và GM, trong đó nhiều vị cũng là nghị phụ Thượng HĐGM hiện nay về giới trẻ và 3 ngàn linh mục. Các HY và GM đứng cạnh ĐTC nơi bàn thờ là những vị bản quyền của các giáo phận nguyên quán của các vị thánh mới. Đặc biệt cũng có một phái đoàn Anh giáo do Đức nguyên TGM giáo chủ Rowan Williams hướng dẫn và gồm 10 vị Tổng Giám Mục.

 Một chi tiết đáng để ý là trong phẩm phục ĐTC mặc tại buổi lễ, có giây cột áo chùng trắng đã được Đức TGM Oscar Romero dùng trong thánh lễ ngài bị sát hại cách đây 38 năm, dây có vết máu của Đức TGM, gậy mục tử, dây Pallium và chén lễ cũng là của Đức Chân phước Phaolô 6. Qua những cử chỉ này, ĐTC Phanxicô muốn bày tỏ sự gần gũi với các vị thánh mới.

 Phần thánh ca, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, còn có 3 ca đoàn thuộc các giáo phận Brescia, Pontevico, Cosenza, ca đoàn giáo xứ Torre del Greco, sau cùng là ca đoàn Mẹ Giáo Hội.

Nghi thức phong thánh

 Nghi thức phong hiển thánh diễn ra vào đầu thánh lễ, với bài ca cầu xin Chúa Thánh Thần. Tiếp đến ĐHY Angelo Becciu, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, cùng với 7 vị thỉnh nguyên án phong thánh, tiến lên trước ĐTC, và ĐHY xin ĐTC ghi tên vào sổ bộ các thánh của Giáo Hội 7 chân phước: Phaolô 6, Oscar Romero, Francesco Spinelli, Vincenzo Romano, Maria Kasper, Nazaria Ignatia và sau cùng là Nunzio Sulprizio. Tóm lược 7 vị chân phước được xướng lên trong dịp này.

 Tóm lược tiểu sử 7 vị thánh

 1. Đức Phaolô 6 sinh cách đây 121 năm, và làm Giáo Hoàng trong 15 năm, từ 1963 đến 1978. Trong vô số các sáng kiến của ngài, có công trình tiến hành và áp dụng Công đồng chung Vatican 2, các chuyến tông du ở nước ngoài, thăng tiến đối thoại đại kết và liên tôn. Ngài qua đời lúc 81 tuổi tại Castel Gandolfo ngày 6-8 năm 1978 sau một thời gian rất ngắn bị bệnh và được phong chân phước cách đây 4 năm.

 2. Vị chân phước thứ hai được phong thánh hôm qua là Đức TGM Oscar Arnulfo Romero Galdámez, sinh năm 1917 tại thành phố Barrios ở El Salvador. Thụ phong LM năm 25 tuổi và làm cha sở 25 năm tại thành phố Miguel. Năm 1970 khi được 53 tuổi, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm GM phụ tá tổng giáo phận thủ đô San Salvador rồi 7 năm sau thăng TGM chính tòa tại đây. Thời đó El Salvdor bị nội chiến, phe cực hữu thi hành bạo lực chống những người yếu thế, giết hại các LM và giáo lý viên. Đức TGM Oscar Romero bênh vực các tín hữu và ngày 24-3 năm 1980, ngài bị đội quân tử thần của phe cựu hữu sát hại trong lúc dâng thánh lễ. Đức TGM được phong chân phước cách đây 3 năm (2015).

 3. Vị chân phước thứ ba được tôn phong là cha Francesco Spinelli người Italia, sinh tại Milano năm 1853, thụ phong LM năm 22 tuổi. Cha sáng lập dòng các nữ tu Thờ Lạy Thánh Thể và làm bề trên Hội dòng này. Cha qua đời năm 1913 thọ 60 tuổi và được ĐTC Gioan Phaolô 2 phong chân phước năm 1992.

 4. Vị thứ tư là Chân phước Vincenzo Romano, thuộc giáo phận Napoli, nam Italia sinh năm 1751 và làm cha sở giáo xứ Torre del Greco. Giáo xứ này bị núi lửa Vesusio tàn phá hoàn toàn và cha đã tái thiết đẹp đẽ và khang trang hơn. Cha Romano quen được gọi là thánh Gioan Maria Vianney của Italia, đã giúp hồi sinh về vật chất và nhất là về tinh thần và luân lý cho cộng đoàn tín hữu. Cha qua đời năm 1831, thọ 80 tuổi và được phong chân phước năm 1963.

 5. Thứ năm là Nữ chân phước Maria Caterina Kasper người Đức, sinh năm 1820, có sức khỏe mạnh mẽ và lao tác trong các công việc đồng áng và xây đường. Chị thành lập một dòng chuyên phục vụ những người nghèo khổ nhất trong xã hội, đó là dòng Nữ Tỳ nghèo của Chúa Giêsu Kitô. Dòng phát triển mạnh, vượt ra ngoài Âu Châu và lan tới Mỹ châu. Chị qua đời năm 1898 thọ 78 tuổi và được phong chân phước năm 1978.

 6. Thứ sáu là nữ Chân phước Nazaria Ignazia sinh tại Madrid Tây Ban Nha năm 1889 và cùng gia đình di cư sang Nam Mỹ, gia nhập dòng các nữ tu săn sóc những người già bị bỏ rơi năm 1908 tại Bolivia. Về sau đứng trước tình trạng xã hội ngày càng bi thảm, chị lập dòng các nữ tu đạo binh thánh giá của Giáo Hội. Chị qua đời năm 1943 lúc 54 tuổi và được ĐGH Gioan Phaolô 2 phong chân phước năm 1992.

 7. Sau cùng là chân phước giáo dân Nunzio Sulprizio, người Italia, sinh năm 1817 và mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được bà ngoại săn sóc, nhưng bà cũng qua đời. Nunzio được người cậu làm thợ rèn đưa về nuôi, nhưng ông cũng hành hạ cháu, đến độ Nunzio mắc bệnh lao xương. Được đưa tới nhà thương ở Napoli, tại đây anh được rước lễ lần đầu. Bệnh nặng thêm, Nunzio qua đời năm 1836 lúc mới được 19 tuổi. Lòng can đảm trong bệnh tật của anh trong tinh thần đức tin đã làm cho nhiều cảm phục. Đức Giáo Hoàng Phaolô 6 đã tôn phong Nunzio Sulprizio lên bậc chân phước năm 1963.

 Phong thánh

 Sau khi cộng đoàn hát kinh cầu Các Thánh, ĐTC đã long trọng đọc công thức lấy quyền tông đồ truyền ghi tên 7 vị chân phước vào sổ bộ các thánh, để tôn vinh Chúa Ba Ngôi chí thánh, tuyên dương đức tin Công Giáo và gia tăng đời sống Kitô.

 Cộng đoàn vỗ tay hân hoan tạ ơn Chúa trong khi ca đoàn ca bài ”Hãy reo mừng, hát lên mừng Chúa”, và thánh tích của các vị tân hiển thánh được rước lên bàn thờ. Thánh tích của Thánh Phaolô 6 là chiếc áo thung mang máu của ngài khi bị mưu sát ở Manila, Philippines. Mộ của thánh nhân, theo di chúc, tiếp tục giữ nguyên tại hầm đền thờ Thánh Phêrô, thay vì được di chuyển lên tầng trên như trường hợp thánh Gioan 23 và Gioan Phaolô 2. Thánh tích của 5 vị thánh khác là một mẩu xương, còn thánh tích của thánh nữ Nazaria Ignazia là một ít tóc.

 Bài giảng của ĐTC

 Trong bài giảng, ĐTC đã diễn giải bài Tin Mừng, trích từ đoạn 10 theo thánh Marco, về người kia, vốn đã chu toàn việc tuân giữ các giới răn, hỏi Chúa xem phải làm gì để gia sản là cuộc sống đời đời, và trong câu trả lời Chúa Giêsu đòi người ấy đi xa hơn nữa:

 ”Chúa đòi người ấy tiến từ việc tuân giữ lề luật tới sự hiến thân, từ thái độ làm cho mình tới việc ở với Chúa. Và Chúa đưa ra một đề nghị sống thật là ”sắc bén”: ”Anh hãy bán tất cả những gì anh có, cho người nghèo [..] rồi đến đây theo tôi!” (v.21). Chúa Giêsu cũng nói với bạn: ”Hãy đến đây, theo tôi!”. Hãy đến, chứ đừng đứng nguyên, vì không làm gì xấu, vẫn chưa chủ để thuộc về Chúa Giêsu. Hãy theo tôi: đừng chỉ theo Chúa Giêsu khi bạn thấy là thích hợp, nhưng còn phải tìm Chúa mỗi ngày; đừng hài lòng với việc tuân giữ các giới răn, làm phúc bố thí một chút và đọc vài kinh; hãy tin nơi Ngài Vị Thiên Chúa luôn yêu mến bạn, tìm nơi Chúa ý nghĩa cuộc sống của bạn, sức mạnh để hiến thân.

 Bán của cải cho người nghèo

 Và Chúa Giêsu còn nói: ”Hãy bán những gì bạn có và cho người nghèo”. Chúa không đưa ra lý thuyết về nghèo khó và giàu sang, nhưng đi thẳng vào cuộc sống. Chúa đòi bạn hãy bỏ đi tất cả những gì làm cho tâm hồn bạn nặng nề, hãy loại khỏi bạn những của cải để dành chỗ cho Chúa, là điều thiện hảo duy nhất. Ta không thể thực sự theo Chúa Giêsu khi ta bị sự vật đè nặng. Bởi vì nếu tâm hồn bị tràn ngập của cải, thì sẽ không còn chỗ cho Chúa, Chúa bị coi như một đồ vật giữa các đồ vật khác. Vì thế, Chúa Giêsu nói, của cải giàu sang là nguy hiểm, làm cho ta khó được cứu độ. Không phải vì Thiên Chúa nghiêm khác, không phải vậy, vấn đề là từ phía chúng ta: chúng ta có quá nhiều, ước muốn quá nhiều bóp nghẹt tâm hồn và làm cho chúng ta không còn khả năng yêu mến. Vì thế thánh Phaolo nhắc nhớ rằng ”Sự ham hố tiền bạc là căn cội gây ra mọi sự ác” (1 Tm 6,10). Chúng ta thấy điều đó: nơi nào người ta đặt tiền bạc ở trung tâm chỉ không có chỗ cho Thiên Chúa và cũng chẳng có chỗ cho con người”.

 Buồn sầu vì bám víu của cải

 Trước câu trả lời và yêu cầu của Chúa Giêsu, người ấy ra đi, buồn sầu (v.22). Người ấy đã thả neo nơi các giới răn và nhiều của cải, nên không muốn dâng hiến tâm hồn. Tuy đã gặp Chúa Giêsu và được cái nhìn yêu thương của Chúa, nhưng anh ta ra đi buồn sầu. Sự sầu muộn là bằng chứng về tình yêu không trọn vẹn. Đó là dấu chỉ một con tim nguội lạnh. Trái lại một tâm hồn được thảnh thơi khỏi của cải, tự do yêu mến Chúa, thì luôn tỏa lan niềm vui, niềm vui mà ngày hôm nay chúng ta rất cần. Thánh Giáo Hoàng Phaolô 6 đã viết: Chính nơi trọng tâm những lo âu của con người ngày nay mà họ đang cần được biết niềm vui, cần nghe thấy tiếng ca của Chúa” (Tông huấn Gaudete in Domino, I). Ngày hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy trở về với nguồn mạch niềm vui là cuộc gặp gỡ với Chúa, can đảm chọn lựa rủi ro để theo Chúa, thích từ bỏ cái gì đó để sống theo Chúa. Các thánh đã bước theo con đường đó.

 ĐTC áp dụng vào cuộc đời 7 vị thánh mới:

 Đức Phaolo 6 đã làm như thế, noi gương thánh Tông Đồ mà ngài nhận tên hiệu. Như thánh Phaolô, Người đã hiến thân vì Tin Mừng của Chúa Kitô, vượt qua các biên cương mới và trở thành chứng nhân của Chúa trong việc loan báo và trong cuộc đối thoại, thành vị ngôn sứ của một Giáo Hội hướng ngoại, nhìn đến những người ở xa và chăm sóc người nghèo. Cả trong những cơ cực và giữa những hiểu lầm, Đức Phaolô 6 đã say mê làm chứng về vẻ đẹp và niềm vui được hoàn toàn theo Chúa Giêsu. Ngày nay Ngài còn nhắn nhủ chúng ta, cùng với Công Đồng mà Ngài là người hướng dẫn khôn ngoan, hãy sống ơn gọi chung của chúng ta, ơn gọi mên thánh chung của tất cả mọi người. Không phải sống nửa chừng, nhưng là nên thánh.

 Thật là đẹp vì cùng với Đức Phaolô 6 và các vị thánh nam nữ ngày hôm nay, có Đức Cha Romero, ngừơi đã từ bỏ an ninh trần thế, và chính an ninh của bản thân, để hiến mạng sống theo Tin Mừng, gần gũi với người nghèo và dân của mình, với tâm hồn được Chúa Giêsu và các anh chị em thu hút. Cũng vậy chúng ta có thể nói về Cha Francesco Spinelli, Vincenzo Romano, Maria Caterina Kasper, Nazaria Ignazia Thánh Nữ Têrêsa Chúa Giêsu và Nunzio Sulprizio. Tất cả các vị thánh này, trong những hoàn cảnh khác nhau, đã diễn tả bằng cuộc sống Lời Chúa hôm nay, không chút nguội lạnh, không tính toán, nhưng với lòng nhiệt thành chấp nhận rủi ro và từ bỏ. Xin Chúa giúp chúng ta noi gương các ngài.

 Phần cuối của thánh lễ

 Thánh lễ được tiếp tục theo nghi thức thường lệ và trong phần lời nguyện giáo dân, cộng đoàn đã cầu nguyện cho Hội Thánh, các tin hữu Kitô bị bách hại, cho những người trẻ đang tìm ơn gọi, cho các đôi vợ chồng trẻ và đặc biệt bằng tiếng Hoa, mọi người cầu nguyện cho các nhà lập pháp và các chính quyền.

 Trong phần rước lễ, 350 LM và Phó tế được giao phó nhiệm vụ phân phát Mình Thánh Chúa.

 Cuối thánh lễ, ĐTC cùng mọi người đọc kinh Truyền Tin kính Đức Mẹ. Trong dịp này ngài cám ơn các HY và rất đông đảo các GM và LM đến tự các nơi trên thế giới, và ngài không quên chào thăm và cám ơn các phái đoàn của các chính phủ đến dự lễ, đặc biệt là Hoàng thái hậu Sofia, Tổng thống Italia, Chile, El Salvador và Panama, và phái đoàn Anh giáo do Đức TGM Rowan Williams hướng dẫn.

Giuse Trần Đức Anh OP

Từ vận động viên trượt băng trở thành nữ tu dòng Phan sinh

Từ vận động viên trượt băng trở thành nữ tu dòng Phan sinh

Một ngày đầu năm nay (2018), tại một sân trượt băng cộng đồng ở thành phố Bradfort miền bắc nước Anh, những người bảo vệ sân băng hơi bị bối rối khi  thấy một người, trước đó đã trách các thiếu niên vì trượt băng quá nhanh và có thể gây nguy hiểm cho các du khách khác, nhưng bây giờ lại là người trượt rất nhanh xung quanh sân băng và người đó lại mặc y phục của một nữ tu. Cuối cùng thì người này cũng bị các bảo vệ yêu cầu dừng lại. Người này không phàn nàn chút nào nhưng chỉ nói: “Ngay cả sau bằng ấy năm, tôi vẫn thích trượt thật nhanh.” Người đó chính là Kirstin Holum, cựu vận động viên trượt băng tốc độ người Mỹ và hiện nay là sơ Catarina, dòng thánh Phanxicô canh tân, đang sống và cầu nguyện trong tu viện thánh Clara ở thành phố Leeds nước Anh.

Từ các kỷ lục đến nhà nguyện

Kristin nhận được niềm tin từ người mẹ của mình, cũng là một vận động viên trượt băng và huấn luyện viên trượt băng. Khi Kristin được 16 tuổi, mẹ của cô đã cho cô đi hành hương Fatima cùng với một người chị họ. Và Fatima đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của Kristin. Cô vẫn tham gia các cuộc thi nhưng với cái nhìn tập trung vào “Vua các vua”.

Trong Thế vận hội mùa đông năm 1998 tại Nagano, Nhật bản, môn trượt băng tốc độ đường dài của Mỹ hân hoan với sự xuất hiện của ngôi sao tiềm năng, Kirstin Holum. Ở tuổi 17, Kristin đã thể hiện sức mạnh vượt trội trong các môn thi 3.000 và 5.000 mét, là các môn thường dành cho những người biểu diễn lớn tuổi hơn, những người đã trưởng thành hoàn toàn. Tại Thế vận hội này, Kirstin đã lập kỷ lục thế giới mới trong cuộc đua trượt băng tốc độ 5.000 mét dành cho nữ giới. Vào thời điểm đó, cô mới 17 tuổi, và một tương lai thể thao tuyệt vời đang chờ cô ở phía trước. Trong sự nghiệp ngắn ngủi của mình, cô đã lập được tám kỷ lục trong các cuộc thi trượt băng tốc độ tại Mỹ và sáu kỷ lục thế giới dành cho người trẻ. Nhưng Thiên Chúa lại có chương trình mà con người không thể hiểu thấu được.

Sau kỳ Thế vấn hội tại Nagano, Kristin theo học trường nghệ thuật nhưng rồi sau đó cô theo đuổi con đường đức tin và từ đó đã dành cả đời mình cho nó. Kirstin đã khiến người quen biết cô cũng như người chỉ biết tên tuổi cô phải ngạc nhiên. Sau khi hoàn thành chương trình đại học, Kristin đã quyết định "treo giày” và trở thành một thỉnh sinh trong dòng các nữ tu Phan sinh canh tân ở Bronx, New York, và khấn dòng với tên dòng là Catarina.

Sáu năm sau, sơ Catarina là một trong nhóm sáu nữ tu Phan sinh được gửi đến Anh với sứ vụ thành lập một tu viện mới theo lời mời của Đức cha giáo phận Leeds. Thay vì tập luyện bốn giờ một ngày, giờ đây sơ cũng dành bằng đó thời gian, nếu không nhiều hơn, để cầu nguyện. Sơ Catarina không hối tiếc khi từ bỏ môn thể thao trượt băng tốc độ để dâng hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa.

Quá khứ là một hồng ân

Ban đầu sơ Catarina ít nói về đời sống vận động viên trượt băng trước đây của mình và nhiều nữ tu cùng dòng không biết sơ đã tham dự thế vận hội Olympic. Nhưng khi một bài báo viết về sơ được đăng, câu chuyện của sơ được lan truyền trong cộng đồng Công giáo và sơ nhận được các lời mời nói chuyện, trong đó có buổi nói chuyện trước 10 ngàn cử toạ trong một đại hội tôn giáo ở Luân đôn. Sơ đã chia sẻ với báo USA Today: “Những gì đã xảy ra đặc biệt trong 8 năm nay là cơ hội để nhìn lại thật nhiều điều đẹp đẽ về trượt băng và Olympics… Tôi không có một câu chuyện vào nhà dòng bình thường như các chị em khác. Có cơ hội nhìn lại quá khứ và tạ ơn và chia sẻ với những người tôi có liên lạc thật là một phúc lành.”

Sơ cũng chia sẻ rằng những bài học về trượt băng giúp đỡ cho sơ trong đời sống tu trì. Sơ nói: “Cuộc đời nữ tu là cuộc sống kỷ luật và khó khăn và những thời gian dài và những điều không chờ đợi đang xảy đến. Tôi có thể thấy rằng việc huấn luyện thi đấu ở Olympics đã giúp tôi tập trung nhiều trong đời sống tu trì.

Một cảm xúc lớn hơn

Cô gái Kirstin Holum và sơ Catarina tuy là cùng một người, nhưng lại không có những cách giải trí giống nhau. Sơ Catarina đã chọn sống đời sống cầu nguyện với những tiện nghi đơn giản, không hiện đại như cô gái Kristin đã từng sống. Lựa chọn trở thành nữ tu của Kristin là một lựa chọn vừa "triệt để" vừa có vẻ "ngược lại với văn hóa" nếu nhìn dưới chiều kích thực tế là cuộc sống của các tu sĩ trong đan viện không có kết nối Internet hoặc tivi.

Sơ Catarina đã chọn con đường khác và tìm kiếm điều đối với sơ đáng giá hơn nhiều. Sơ nói: "Cảm xúc thi đua tranh tài và thực hiện tốt cuộc thi, với nỗ lực hết mình của cá nhân, là một niềm vui lớn. Nhưng nó luôn là một niềm vui thoáng qua … Tôi nghĩ rằng về cơ bản, mọi người muốn trở nên vĩ đại và làm điều gì đó tuyệt vời. Chỉ khi nào bạn thực có mối liên hệ với kế hoạch của Thiên Chúa dành cho bạn, bạn mới tìm được sự bình an để làm điều tốt nhất, bất kể nó là gì.”

Hồng Thủy

Khóa họp 26 của Hội Đồng Hồng Y Cố Vấn của ĐGH

Khóa họp 26 của Hội Đồng Hồng Y Cố Vấn của ĐGH

Trên đây là nội dung thông cáo được Hội đồng C-9 công bố hôm chiều ngày 10-9-2018 trong khóa họp thứ 26 từ ngày 10 đến 12-9-2018 tại Vatican.

 Nội dung Thông Cáo

 Thông cáo viết: ”Hội đồng đã bày tỏ tình liên đới hoàn toàn với ĐTC Phanxicô đứng trước những gì xảy ra trong những tuần lễ gần đây, được biết rằng trong cuộc tranh luận hiện thời, Tòa Thánh sắp đưa ra những minh xác thích hợp và cần thiết”.

 Trước đó, thông cáo cho biết ”Hội đồng Hồng Y sẵn sàng đệ trình ĐTC đề nghị về việc cải tổ giáo triều Roma được soạn thảo trong 5 năm hoạt động và trong viễn tượng tiếp tục, Hội đồng này có ý định xin ĐTC suy nghĩ về công việc, cơ cấu và thành phần của Hội đồng, để ý đến tuổi cao của một vài thành viên”.

 Sau cùng, Hội đồng bày tỏ hài lòng về sự thành công tốt đẹp của cuộc gặp gỡ kỳ 9 các gia đình Công Giáo thế giới ở Dublin, chúc mừng ĐHY Kevin Farrell và Bộ giáo dân, gia đình và sự sống, cùng với Đức TGM Diarmuid Martin, đã tổ chức biến cố này”.

 Tranh luận trong dư luận

 Trong những tuần qua, dư luận đã bàn tán nhiều về những vụ lạm dụng tính dục qua phúc trình tại bang Pennsylvania Hoa Kỳ, vụ ĐHY McCarrick nguyên TGM Washington, đã phải từ bỏ tước vị Hồng Y vì bị cáo buộc về những lạm dụng, nhất là vụ Đức TGM Carlo Maria Viganò, nguyên Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, yêu cầu ĐTC Phanxicô từ chức để ”làm gương cho các HY và GM khác, vì ngài đã biết về những hành vi sai trái của Đức TGM McCarrick cách đây 5 năm mà không có biện pháp thích hợp”, và sau cùng trong cuộc phỏng vấn trên máy bay ngày 26-8, ĐTC đã từ chối trả lời về vấn đề này khiến cho nhiều người trong dư luận tại Mỹ bất mãn. Một số GM ở Mỹ, trong đó có ĐHY DiNardo Chủ tịch HĐGM, xin Tòa Thánh làm sáng tỏ những vụ này.

 Nhiều Hồng Y cao niên trong C-9

Ngoài ra, trong số 9 HY cố vấn của ĐTC có một số vị có tuổi cao như ĐHY Errazuris người Chile, 85 tuổi, ĐHY Monsengwo người Congo, 79 tuổi, ĐHY George Pell người Australia 77 tuổi, có 3 vị khác ở lứa tuổi từ 74 đến 76 tuổi. Ngoài ra, trong khóa họp thứ 26 vừa qua, có 3 vị Hồng Y vắng mặt: ĐHY Pell đang ở trong thời gian hầu tòa ở Australia, ĐHY Errazuris vì lý do riêng vào phút chót không đến họp, ĐHY Monsengwo cũng vắng mặt (Rei 10-9-2018).

Hồng Thủy

Phong Chân Phước cho Mẹ Eppiger tại Strasbourg

Phong Chân Phước cho Mẹ Eppiger tại Strasbourg

Vị tân chân phước tục danh là Elisabette Eppinger sinh năm 1814 tại mạn bắc miền Alsace, con đầu lòng trong số 11 người con của một gia đình nông dân khiêm hạ. Ngay từ nhỏ Elisabette vốn có sức khỏe mong manh và hầu như mù chữ. Elisabette có lòng sùng kính đặc biệt đối với phép Thánh Thể, và sau khi rước lễ lần đầu, Elisabette xin được phép của cha sở cho rước lễ thường xuyên, trái với thói quen thời đó.

 Năm 1846, khi được 32 tuổi, trong cuộc chịu bệnh lâu dài và đau đớn hơn những lần trước đó, Elisabette cảm thấy sự hiện diện huyền nhiệm của Chúa Giêsu, Ngài hiện ra, chuyện vãn và an ủi chị. Sau đó, chị cũng được ơn nói tiên tri, khiến cho tiếng thăm chị lan rộng các nơi ở Pháp và truyền tới Roma. Nhiều hiện tượng thần bí cũng được các chứng nhân tận mắt kể lại. Năm 1848, Đức Cha Andrea Raess, GM giáo phận Strasbourg, đích thân đến làng quê của chị ở Niederbronn để điều tra về những hiện tượng này, và thẩm định về chị, theo lời yêu cầu của Tòa Thánh. Đức GM có cảm tưởng mình đứng trước một tâm hồn mạnh mẽ, với những nhân đức ngoại thường.

 Tháng 9 cùng năm 1848, chị Elisabette Eppinger nhận được thông báo của Chúa dạy thành lập một dòng tu, giúp đỡ người nghèo. Mặc dù vốn bị bệnh nặng, khi ấy chị được khỏi bệnh đột ngột và tận tụy thi hành sứ vụ đã nhận lãnh. Dòng các nữ tu Chúa Cứu Thế Cực Thánh được khai sinh và Đức Cha Andrea Raess phê chuẩn ngày 28-8 năm 1849 và chị Elisabette được ngài bổ nhiệm làm Bề trên Tổng quyền tiên khởi. Chị cai quản dòng trong 18 năm trời và làm cho dòng lan rộng tại các nước Pháp, Đức, Áo và Hungari, thích ứng với các nhu cầu bác ái ở địa phương.

 Chị Alfonsa Maria Elisabette Eppinger qua đời ngày 31-7-1867 lúc mới được 53 tuổi.

Giuse Trần Đức Anh OP

ĐTC gặp các tu sĩ dòng Tên Âu Châu đang thụ huấn

ĐTC gặp các tu sĩ dòng Tên Âu Châu đang thụ huấn

Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây trong buổi gặp gỡ 29 tu sĩ dòng Tên Âu Châu đang trong giai đoạn thụ huấn, sáng thứ tư, 1-8-2018, trước buổi tiếp kiến chung 7 ngàn tín hữu hành hương. Trong bài huấn dụ ứng khẩu, ĐTC nói:

Hiệp nhất tâm trí trong sự khác biệt và vâng phục

”Một LM đã làm cho tôi bật cười khi vị ấy nói về việc thống nhất mục vụ của các tu sĩ dòng Tên. Trước đó tôi đã hiểu rằng vấn đề là hiệp nhất tâm trí các tu sĩ của dòng, chứ không phải là thống nhất các phương thức, vì thống nhất kiểu này thì dòng Tên sẽ chấm dứt. Người ta nói vai trò đầu tiên của Cha Bề trên Cả dòng Tên là ”chăn dắt các tu sĩ của dòng”, và người khác thì nói: ”Đúng vậy, nhưng việc ấy cũng như chăn dắt một đoàn cóc”: con này thì ở đây, con kia thì ở chỗ khác… Nhưng đó là điều thật đẹp, vì cần có một sự tự do rộng rãi, không có tự do thì không thể là tu sĩ dòng Tên. Và cần có một sự vâng phục lớn đối với vị mục tử; vị này phải có một tài phân định sâu rộng để cho mỗi ”con cóc” chọn lựa điều mà họ cảm thấy Chúa chọn cho họ. Đây chính là đặc điểm của dòng Tên: một sự hiệp nhất trong sự khác biệt lớn”.

Diễn văn của Chân Phước Phaolô 6 và Cha Arrupe

ĐTC cũng nhắc lại rằng: ”Chân phước Phaolô 6 đã nói trong Tổng Hội thứ 22 của dòng Tên: nơi nào có những ngã tư tư tưởng, các vấn đề, các thách đố, thì tại đó có một tu sĩ dòng Tên. Anh em hãy đọc bài diễn văn đó: theo ý tôi đó là diễn văn đẹp nhất mà một vị Giáo Hoàng đã nói với Dòng. Đó là một lúc khó khăn đối với dòng và Chân phước Phaolô 6 đã bắt đầu bài diễn văn thế này:

”Tại sao anh em nghi ngờ? Phải chăng đây là lúc ngờ vực? Không phải vậy! Hãy can đảm lên!”. Và tôi muốn liên kết diễn văn ấy với một diễn văn khác, không phải của một vị Giáo Hoàng, nhưng là một vị tổng quyền là cha Pedro Arrupe: đó là diễn văn cuối cùng của Ngài, tại trại tị nạn ở Thái Lan, tôi không rõ là ở Bangkok hay ở mạn nam Bangkok. Cha Arrupe đã nói bài diễn văn đó cạnh máy bay và sau đó khi đáp xuống phi trường Fiumicino thì cha bị tai biến mạch máu não. Đó là bài giảng cuối cùng, là chúc thư của cha.

Điểm chung của hai diễn văn

”Trong hai bài diễn văn ấy, có một cái khung chung mà ngày nay dòng phải làm, đó là: can đảm, ai tới những khu ngoại ô, những ngã tư của các tư tưởng, các vấn đề, và sứ vụ.. Tại đó có chúc thư của cha Arrupe, kinh nguyện. Cần có can đảm để làm tu sĩ dòng Tên.. Can đảm là một ơn của Chúa, là một ”parresia” ơn nói thẳng nói thật theo thánh Phaolô.. Chúng ta cần quì gối cầu nguyện. Tôi nghĩ rằng với hai diễn văn ấy, anh em sẽ được gợi hứng để đi đến nơi mà Chúa Thánh Linh soi sáng cho anh em trong tâm hồn”.

ĐTC cũng nhắn nhủ các tu sĩ dòng Tên đang thụ huấn hãy đọc hồi ký của thánh Phêrô Favre, đó là một tác phẩm quan trọng về sự thông truyền, thông truyền nội tâm với Chúa và thông truyền bên ngoài với dân chúng”.

Cách thức chống nạn thất nghiệp

Sau huấn dụ trên đây, ĐTC đã trả lời một câu hỏi do một tu sĩ dòng nêu lên về cách thức đối phó với nạn thất nghiệp, đặc biệt nơi người trẻ. Ngài nhắc đến sự cần thiết phải có tinh thần sáng kiến can đảm để tìm ra cách thức đối phó với tình trạng này. Ngài nói: Điều quan trọng là hiểu vấn đề của người trẻ, làm cho họ cảm thấy mình hiểu họ, đả thông với họ và cố gắng tìm cách giải quyết vấn đề này. Vấn đề có giải pháp, nhưng cần phải tìm ra cách thức, cần có lời ngôn sứ, cần óc sáng tạo và làm bao nhiêu điều. Xắn tay áo lên để làm…

Sau cùng, ĐTC nói: Điều gì xảy ra khi một tu sĩ dòng Tên không có việc làm? Đây là một vấn đề lớn. Hãy nói ngay với cha linh hướng, với bề trên và thực hiện một sự phân định sâu sắc xem tại sao…

Trước khi giã từ, ĐTC còn nhắc nhở rằng: ”Xin anh em đừng quên 2 bài diễn văn: bài của Chân phước Phaolô 6 năm 1974 với Tổng hội 22 của dòng Tên, và bài diễn văn của cha Arrupe tại Thái Lan, diễn văn cuối cùng và chúc thư của cha (Rei 2-8-2018)

Giuse Trần Đức Anh OP.

Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi giới trẻ quần đảo Antille

Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi giới trẻ quần đảo Antille

VATICAN. ĐTC khuyến khích giới trẻ quần đảo Antille học hỏi chương 4 của Tông huấn ”Amoris Laetitia” (Niềm Vui Yêu thương), về gia đình.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong sứ điệp Video hôm 15-7 vừa qua gửi gần 1 ngàn bạn trẻ, tuổi từ 16 đến 35, thuộc 19 giáo phận tại 15 quốc gia trong HĐGM Antille, tham dự đại hội tổ chức từ ngày 15 đến 23 tháng 7 này tại thành phố Fort-de-France trên đảo Martique với chủ đề ”Giới trẻ biến đổi gia đình vùng Carabí”.

Trong sứ điệp ngài nhắc đến điều kiện để người trẻ có thể biến đổi là phải có tinh thần trẻ trung, đừng trở thành người già trước tuổi, đồng thời ngài khẳng định rằng: ”Trong hành trình từ hôm nay đến ngày mai, các bạn cần đạo lý về gia đình, và bạn bạn tìm được đạo lý này trong chương 4 của Tông Huấn ”Niềm Vui Yêu Thương”, trong đó có nòng cốt đạo lý về gia đình. Các bạn hãy học hỏi, quan sát và sẽ tìm được những đường hướng chỉ đạo để tiến hành”.

ĐTC cũng nhắc nhở các bạn trẻ hãy nhớ đến quá khứ, nhớ đến căn cội của mình, trong lịch sử, trong văn hóa, trong gia đình. Chính nơi cội rễ, bạn sẽ tìm được sức mạnh để tiến bước.. Một thi sĩ đã kết thúc bài thơ dài của ông với câu này: ”Tất cả những gì là hoa trái của cây đều xuất phát từ những gì ở phần cây dưới đất”. Các bạn cũng hãy luôn nhìn lại để có cội rễ, hãy nhìn các ông bà, cha mẹ của mình, nói chuyện với các vị, hãy đón nhận tất cả và tiến bước, để biến đổi gia đình”.

Sau cùng ĐTC khẳng định rằng: ”Các bạn đừng quên điều này “tình yêu có tất cả sức mạnh của nó. Tình yêu không bao giờ chấm dứt. Như Thánh Phaolô đã nói: ”Đức tin và đức cậy sẽ chấm dứt khi chúng ta ở với Chúa, trái lại tình yêu sẽ tiếp tục với Chúa”.. Sức mạnh ấy của tình yêu sẽ tồn tại mãi mãi” (Rei 15-7-2018)

G. Trần Đức Anh OP

Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi giới trẻ quần đảo Antille

Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi giới trẻ quần đảo Antille

VATICAN. ĐTC khuyến khích giới trẻ quần đảo Antille học hỏi chương 4 của Tông huấn ”Amoris Laetitia” (Niềm Vui Yêu thương), về gia đình.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong sứ điệp Video hôm 15-7 vừa qua gửi gần 1 ngàn bạn trẻ, tuổi từ 16 đến 35, thuộc 19 giáo phận tại 15 quốc gia trong HĐGM Antille, tham dự đại hội tổ chức từ ngày 15 đến 23 tháng 7 này tại thành phố Fort-de-France trên đảo Martique với chủ đề ”Giới trẻ biến đổi gia đình vùng Carabí”.

Trong sứ điệp ngài nhắc đến điều kiện để người trẻ có thể biến đổi là phải có tinh thần trẻ trung, đừng trở thành người già trước tuổi, đồng thời ngài khẳng định rằng: ”Trong hành trình từ hôm nay đến ngày mai, các bạn cần đạo lý về gia đình, và bạn bạn tìm được đạo lý này trong chương 4 của Tông Huấn ”Niềm Vui Yêu Thương”, trong đó có nòng cốt đạo lý về gia đình. Các bạn hãy học hỏi, quan sát và sẽ tìm được những đường hướng chỉ đạo để tiến hành”.

ĐTC cũng nhắc nhở các bạn trẻ hãy nhớ đến quá khứ, nhớ đến căn cội của mình, trong lịch sử, trong văn hóa, trong gia đình. Chính nơi cội rễ, bạn sẽ tìm được sức mạnh để tiến bước.. Một thi sĩ đã kết thúc bài thơ dài của ông với câu này: ”Tất cả những gì là hoa trái của cây đều xuất phát từ những gì ở phần cây dưới đất”. Các bạn cũng hãy luôn nhìn lại để có cội rễ, hãy nhìn các ông bà, cha mẹ của mình, nói chuyện với các vị, hãy đón nhận tất cả và tiến bước, để biến đổi gia đình”.

Sau cùng ĐTC khẳng định rằng: ”Các bạn đừng quên điều này “tình yêu có tất cả sức mạnh của nó. Tình yêu không bao giờ chấm dứt. Như Thánh Phaolô đã nói: ”Đức tin và đức cậy sẽ chấm dứt khi chúng ta ở với Chúa, trái lại tình yêu sẽ tiếp tục với Chúa”.. Sức mạnh ấy của tình yêu sẽ tồn tại mãi mãi” (Rei 15-7-2018)

G. Trần Đức Anh OP

4 Đấng đáng kính mới của Giáo hội

4 Đấng đáng kính mới của Giáo hội

Sáng ngày 05/07, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Đức Hồng Y Angelo Amato, Bộ trưởng Bộ phong thánh và ĐTC đã cho phép công bố các sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của 4 vị Tôi tớ Chúa và tôn phong các ngài lên bậc Đấng đáng kính. Tất cả 4 vị đều là giáo dân.

1. Giorgio La Pira

Giorgio La Pira, người được xem là một thị trưởng thánh”, sinh ngày 09/01/1904, tại Pozzallo, miền Sicilia, nước Ý, nhưng ngài lại hoạt động chính yếu tại thành phố Firenze, nơi ngài làm thị trưởng từ năm 1951-1957 và từ năm 1961-1965. Nhiệm vụ này đối với Đấng đánh kính La Pira, một cách căn bản, là mang cơm bánh và ân sủng cho dân chúng, nghĩa là đáp lại các yêu cầu của đức tin và cả những nhu cầu vật chất, như nhà cửa và công việc.

Ngài cũng là giáo sư đại học, nhà nghiên cứu, thành phần của đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo, bộ trưởng, con người của đức tin và cầu nguỵện, một người kiến tạo hòa bình thật sự.

Điều đánh động tất cả mọi người chính là tình yêu của ngài đối với người nghèo và sự khiêm nhường của ngài: khi giao tiếp với các lãnh đạo thế giới cùng thời, ngài ngủ trên chiếc giường sắt nhỏ, trong một căn phòng đơn sơ, trong đan viện của các tu sĩ Đaminh ở San Marco. Đấng đánh kính La Pira qua đời tại Firenze ngày 05/11/1977.

2. Carlo Acutis

Carlo Acutis sinh ngày 03/05/1991, tại Luân đôn, Sau đó gia đình Acutis chuyển về Milano và tại đây, cậu bé bắt đầu có một mối quan hệ đức tin ngày càng mạnh mẽ hơn cho đến hết tiểu học.

Yêu thích các trang internet, Acutis đã biến nó thành phương tiện truyền giáo. Triển lãm ảo về phép lạ Thánh Thể mà cậu đã thực hiện vào năm 14 tuổi làm chứng cho điều này. Trung tâm của cuộc đời Acutis chính là Thánh Thể, "đường cao tốc đến thiên đàng" của anh, kinh Mân Côi, tình yêu dành cho người khác.

Acutis là một cậu bé sống như tất cả mọi người nhưng yêu mến Chúa Kitô cho đến khi qua đời bởi bệnh bạch cầu cấp vào ngày 12 tháng 10 năm 2006 tại Monzaqua, khi mới 15 tuổi.

3. Alessia González-Barros y González

Alessia González sinh ngày 07/03/1971, tại Madrid. Cô gái người Tây ban nha này cũng qua đời khi còn rất trẻ, chỉ 14 tuổi, sau nhiều lần giải phẫu để chữa trị một khối u ác tính. Alessia đã chịu đựng đau khổ để cầu nguyện cho Giáo hội, cho Đức Giáo hoàng và cho tha nhân. Alessia qua đời tại Pamplona ngày 05/12/1985.

4. Pietro Di Vitale

Pietro Di Vitale sinh ngày 14/12/1916 tại Castronovo, tỉnh Sicilia. Di Vitale tham gia Hội Công giáo Tiến hành và là thành viên dòng Ba Phanxicô. Anh có lòng sùng kính Thánh Thể và Đức Maria cách đặc biệt. Dù rất chăm chỉ và say mê học tập. Di Vitale không quên các hoạt động bác ái và tình yêu dành cho tha nhân.

Di Vitale kết thúc hành trình trần thế ở tuổi 23, ngày 29/01/1940, sau khi thân xác bị hao mòn dần bởi căn bệnh bao tử đầy đau đớn mà anh chịu đựng từ những năm trung học.

 

Cuộc đời của Johannes de Habsbourg-Lorraine, từ một chủ ngân hàng trở thành linh mục

Cuộc đời của Johannes de Habsbourg-Lorraine, từ một chủ ngân hàng trở thành linh mục

Johannes de Habsburg-Lorraine, cháu trai của cặp vợ chồng hoàng gia cuối cùng của Áo, được phong chức linh mục vào ngày 16 tháng 6 năm 2018 tại Verolliez, trong Cộng đoàn Fraternité Eucharistein. Hành trình không bình thường của một "đứa trẻ của thế giới vĩ đại" cuối cùng đã tìm thấy Chúa Giêsu ở nơi "những người bé nhỏ".

Johannes sinh năm 1981, trong một gia đình nổi tiếng nhất ở châu Âu, có truyền thống Công Giáo lâu đời. Ông bà của Johannes là cặp vợ chồng hoàng gia cuối cùng của Áo. Thụy Sĩ là quốc gia lưu vong đầu tiên của họ, sau sự sụp đổ của chế độ quân chủ Áo-Hung năm 1918.

Đi khắp các nơi trên thế giới, sau đó gia đình của Johannes trở về Helvetia. Gia đình hoàng gia này có đời sống thực hành đạo nền tảng, tham dự thánh lễ mỗi ngày trong tuần. Nhưng đối với Johannes, khuôn mặt của Chúa Giêsu chưa thực sự có điểm nhấn trong tâm hồn cậu. Johannes thừa nhận: "Tôi ngoan đạo, tôi tham dựThánh lễ và cầu nguyện, nhưng không thực sự biết rằng Đức Kitô đang sống động, rằng Ngài đã nhập thể và thực sự hiện diện với chúng ta”. Trong giai đoạn này, Johannes có những quan tâm khác hơn là tôn giáo. Chàng thanh niên đặt mục tiêu tạo ra sự nghiệp trong thế giới tài chính. Sau khi học tại Romont và sau đó tại trường cao đẳng Sait-Michel ở Fribourg, Johannes bắt đầu học kinh tế. Chỉ mới 23 tuổi, chàng trai gia nhập một ngân hàng Paris chuyên về sáp nhập và mua lại. Uy tín, tiền bạc, có tầm nhìn xa, Johannes đạt được những gì mình mãi mê tìm kiếm.

Nhưng tận trong cõi lòng Johannes cảm thấy có một điều gì đó không ổn. Anh nói. "Bao quanh tôi là những người cởi mở và thân thiện; tôi sống trong một bầu khí tốt. Tôi có rất nhiều bạn. Nhưng đồng thời tôi cảm thấy rất cô đơn và có một cảm giác tận cõi lòng thiếu một điều gì đó trong tâm hồn tôi. Trong môi trường kinh doanh này, một nơi tình yêu không bao giờ thực sự là cho không, tôi hiểu "sự phù vân của thế giới". Không có gì sai khi làm tài chính, nhưng tôi nhận ra rằng người ta không thể đặt tất cả cuộc sống, tất cả sự tin tưởng của mình trong đó". Johannes rời ngân hàng Paris sau một năm để cống hiến hoàn toàn cho một nhiệm vụ khác:có ý nghĩa .

Cha của Johannes, người đã tham gia tại Viện Philanthropos ở Freiburg, đã mời anh ở đó một ngày. Tại đây anh đã gặp một "thế giới mới", nơi anh gặp những người mà "Thiên Chúa là tất cả". Sau đó, anh hiểu sâu sắc thêm rằng trái tim mình khát khao Đức Kitô và quyết định theo học tại học viện nằm trên ngọn đồi Bourguillon.

Trong các cuộc nghiên cứu của mình, anh có một cuộc thảo luận quyết định với em gái, Marie-des-Neiges, người mới 17 tuổi, "đã có một cuộc gặp gỡ cá nhân với Thiên Chúa". Cô đề nghị: "Hãy nói với Chúa Giêsu đến trong tâm hồ anh". Câu nói này khơi dậy trong Johannes một lời van nài nội tâm, cho đến một buổi sáng vào tháng 10 năm 2005, tại nhà thờ Philanthropos, trong Thánh lễ với vai trò là người giúp lễ, anh cảm thấy bên trong một niềm vui lạ thường, một tình yêu mà Đức Kitô mang đến cho anh. Anh nói: "Tôi có một sự hiểu biết bất ngờ rằng Chúa Giêsu là tất cả cho tôi và tôi là tất cả cho Ngài". Một trải nghiệm mà anh mô tả là không thể nói được. Ý tưởng trở thành linh mục bắt đầu nảy sinh trong anh.

Từ khi bắt đầu học tại Philanthropos, Johannes trở nên gần gũi hơn với cộng đoàn Fraternité Eucharistein, có trụ sở tại Valais. Lòng nhiệt thành, tôn  trọng, tiếp đón những người nghèo của các thành viên đã gây ấn tượng nơi Johannes. Anh quyết định thực hiện một năm nghỉ phép trong cộng đoàn.

Từ buổi tối đầu tiên, Johannes có một cuộc gặp quyết định cho hành trình tâm linh của mình. Đó là David, một người sử dụng ma túy và từng được điều trị ở bệnh viện tâm thần. Người thanh niên này ban đầu có vẻ "rất kỳ lạ", anh ta nói chuyện với Johannes hàng giờ về niềm đam mê  Star Wars.

Johannes  thú nhận: "Tôi tự hỏi làm thế nào tôi có thể dành cả một năm với những người như thế này. Một thách thức đối với tôi, tôi cảm thấy lần đầu tiên trong cuộc đời mình là không có khả năng để yêu người thân cận trong sự thật. Sau đó tôi hét lên với Chúa cầu xin ân sủng để có thể vượt qua điều này. Đó là lần đầu tiên tôi “quỳ gối". Cuối cùng, một tình bạn đẹp và lâu dài được hình thành giữa Johannes và David. Johannes trở thành người đỡ đầu cho chàng trai. Johannes hứa sẽ cố gắng hết sức để đến tiến tới chức linh mục. Trong thời gian học Johannes có nhiều bài viết và bài viết cuối cùng của anh có tựa đề "đe dọa của TC". Johannes nói: "Nhiều người sợ từ bỏ chính mình hoàn toàn cho Thiên Chúa trong cuộc sống cụ thể của họ, bởi vì họ sợ phải từ bỏ sự an toàn và những thành công đã đạt được. Trong Kinh Thánh cũng cho thấy Thiên Chúa dường như là một mối đe dọa đối với người được tuyển chọn. Nhưng cuối cùng Thiên Chúa vô cùng tốt lành, là Đấng  duy nhất có thể thực sự nâng cao con người lên".

Trở lại và dành tất cả thời gian cho cộng đoàn Fraternité Eucharistein, Johannes có nhiều cuộc gặp gỡ khác với những "người nhỏ bé". Một trong những sứ vụ mà cộng đoàn đã đặt ra là đón  tiếp và trợ giúp người "bị lãng quên" của xã hội. Được trang bị với một sự nhạy cảm trí tuệ và nghệ thuật, công việc của Johannes chủ yếu là về thủ công. Một công việc mà từ khi lên 10 tuổi Johannes đã làm, anh không bao giờ nghĩ đến việc sẽ sử dụng nó. Johannes  nói: "Chúa phán với tôi như với Áp-ra-ham hay Môi-se, “hãy rời bỏ xứ sở của người”. Tôi hiểu rằng Ngài đã trồng tôi ở vùng đất mới này, nơi tôi có thể mang lại hoa trái tốt nhất”.

Johannes được chịu chức linh mục ngày 16 tháng 6 năm 2018, tại Verolliez, trên cánh đồng tử đạo, ngay cạnh Tu viện Saint-Maurice. Johannes mau mắn phó thác để cố gắng hơn nữa sự dấn thân của mình với người lân cận, cho Giáo Hội và cộng đoàn Fraternité. Cha muốn đặt mình hoàn toàn vào sự phục vụ của đặc sủng đặc biệt của Eucharistein, đó là phát triển của đức tin qua đời sống cộng đồng, sùng kính Thánh Thể, cũng như chia sẻ cuộc sống với những người gặp khó khăn.(Cath.ch 13/06/2018)

Ngọc Yến

Đức Thánh Cha tiếp Tổng tu nghị dòng Ngôi Lời

Đức Thánh Cha tiếp Tổng tu nghị dòng Ngôi Lời

VATICAN. ĐTC mời gọi các tu sĩ dòng Ngôi Lời canh tân niềm tín thác nơi Thiên Chúa, hăng say loan báo Tin Mừng và làm chứng tá bằng đời sống huynh đệ.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 22-6-2018 dành cho 155 tham dự viên Tổng tu nghị thứ 16 của dòng Ngôi Lời khai diễn hôm 17-6 vừa qua và kéo dài 4 tuần lễ tại Trung Tâm Nemi của dòng với chủ đề là ”Từ mọi dân nước và ngôn ngữ chia sẻ cuộc sống và sứ mạng liên văn hóa”.

ĐTC nói: ”Cần tín thác nơi Thiên Chúa và sự quan phòng của Chúa, vì biết phó thác trong tay Chúa, đó là điều thiết yếu trong đời sống Kitô và đời sống thánh hiến của chúng ta.. Như thánh Arnold, chúng ta là những người đã cảm nghiệm tình thương của Thiên Chúa, chúng ta đừng để nơi chúng ta có sự sợ hãi và khép kín, và chúng ta cũng đừng đặt những chướng ngại cản trở hoạt động của Thánh Linh. Ý thức về hồng ân đã nhận lãnh, về bao nhiêu bằng chứng về ơn phù trợ của Chúa, tôi khích lệ anh em hãy canh tân niềm tín thác nơi Chúa và ra đi không chút sợ hãi, làm chứng về niềm vui Phúc Âm, làm cho nhiều người hạnh phúc”.

Về việc loan báo Tin Mừng vốn là đoàn sủng thiết yếu của dòng Ngôi Lời ĐTC nhận xét rằng ”Trong tâm hồn của mỗi tu sĩ Ngôi Lời, những lời của thánh Phaolô phải đốt cháy như ngọn lựa không tàn lụi: ”Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16). Đây là sự dấn thân của bao nhiêu thừa sai nam nữ đi trước anh em, đây là chứng ta họ để lại làm gia sản và là thách đố đang chờ đợi anh em ngày nay.. Anh em hãy sống và để cho mình được Lời Chúa thánh hóa, và hãy sống bằng Lời Chúa”.

Sau cùng về tình huynh đệ, ĐTC nhắc nhở các tu sĩ dòng Ngôi Lời rằng ”Một cộng đồng huynh đệ được Chúa liên kết thì có sức thu hút chúng ta và giữ chúng ta lại với nhau, chấp nhận chúng ta là những con người và không ngừng là chính mình. Từ Thiên Chúa anh em đã nhận sức mạnh và niềm vui để trung thành và để tạo nên sự khác biệt bằng cách noi theo con đường Chúa chỉ cho chúng ta: ”Các con hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34).

ĐTC nói thêm rằng: ”Thật là đẹp dường nào khi thấy một cộng đoàn tiến bước hiệp nhất và trong đó các phần tử yêu thương nhau. Đây chính là sự loan báo Tin Mừng lớn nhất. Thế giới, và cả Giáo Hội, đang cần được cảm thấy tình yêu thương huynh đệ này, mặc dù có những khác biệt và liên văn hóa. Một cộng đoàn trong đó các LM, tu sĩ và giáo dân cảm thấy mình là phần tử của một gia đình, trong đó đức tin và cùng đoàn sủng được chia sẻ và sống thực, trong đó tất cả đều phục vụ nhau, không ai hơn người khác. Như thế, khi đoàn kết với nhau, anh em có thể đương đầu với mọi khó khăn và nghĩa vụ ra ngoài để gặp gỡ những người anh em khác, ở ngoài, bị loại khỏi xã hội, bị bỏ mặc cho số phận, bị chà đạp vì những lợi lộc ích kỷ.. Cả họ cũng là những ngừơi anh em của chúng ta đang cần chúng ta giúp đỡ và cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa đến gặp gỡ họ” (Rei 22-6-2018)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha kêu gọi liên đới với người nghèo tại Trung Đông

Đức Thánh Cha kêu gọi liên đới với người nghèo tại Trung Đông

VATICAN. ĐTC kêu gọi các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân Công Giáo ở Trung Đông hãy chia sẻ và liên đới với những anh chị em nghèo khó.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong diễn văn ứng khẩu khi tiếp 100 tham dự viên khóa họp các tổ chức từ thiện trợ giúp các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, gọi tắt là ROACO, nhóm họp trong những ngày này tại Roma, trùng vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập tổ chức này.

Sau khi nồng nhiệt cám ơn lòng quảng đại giúp đỡ của hơn 20 cơ quan bác ái Công Giáo trong tổ chức Roaco, ĐTC nhận xét rằng ”Trung đông hiện nay đang đau khổ và khóc lóc, các cường quốc thế giới nhìn Trung Đông không phải trong sự mối quan tâm đối với nền văn hóa, đức tin và cuộc sống của các dân tộc tại đây, nhưng là để chiếm hữu một mảnh và gia tăng sự thống trị của họ.. Trong khi đó số các tín hữu Kitô tại miền này tiếp tục giảm sút. Bao nhiêu Kitô hữu không muốn trở lại quê hương tại miền này nữa, vì sự đau khổ quá lớn. Họ yêu mến quê hương, yêu mến đức tin, nhưng đau khổ quá nhiều..”

ĐTC nói thêm rằng ”có một cái tội lớn ở Trung Đông.. dân nghèo đau khổ vì cái tội này, đó là tội ham muốn quyền lực, cái tội chiến tranh. Chiến tranh ngày càng mạnh hơn, kể cả với những võ khí tối tân… Cũng có một cái tội của chúng ta ở Trung Đông: cái tội ”tin một đàng làm một nẻo”. Có những thế lực, có một số LM và cả giám mục, vài dòng tu khấn khó nghèo, nhưng lại sống giàu sang, ”ham hố”. Tổ chức Roaco nhận được những tiền giúp đỡ kể cả từ phía các bà góa, để giúp đỡ Trung Đông. Tôi muốn nói với tu sĩ, cả vài GM và dòng tu giàu sụ hãy từ bỏ hơn để giúp đỡ anh chị em mình”.

Và ĐTC kết luận rằng ”Chúa sẽ không bỏ chúng ta lẻ loi. Và vì thế tôi nói rằng Trung Đông là một hy vọng mà chúng ta phải vun trồng. Đó là một sự thần bí đang sau đó chúng ta phải làm việc, cũng như anh chị em đang làm”.

Trong diễn văn dọn sẵn và trao cho ĐHY Leonardo Sandri, tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, để phổ biến sau đó, ĐTC nhấn mạnh rằng các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương là những chứng nhân sinh động về nguồn gốc tông đồ của Giáo Hội, họ được đặc biệt kêu gọi bảo tồn và phố biến lưỡi lửa của lễ Hiện Xuống: ”Mỗi ngày anh chị em được kêu gọi tái khám phá sự hiện diện ngôn sứ tại mỗi nơi có các tín hữu hành hương. Bắt đầu từ Jerusalem, Thành Thánh, nơi cần phải bảo tồn căn tính và ơn gọi đặc thù, vượt lên trên những căng thẳng và tranh biện chính trị; cần bảo tồn sự hiện diện của các tín hữu Kitô, tuy là đoàn chiên bé nhỏ, nhưng đang kín múc từ Thánh Linh sức mạnh để thi hành sứ vụ làm chứng nhân, một sứ vụ ngày nay cấp thiết hơn bao giờ hết”.

Khóa họp thứ 91 của tổ chức Roaco tiến hành từ ngày 19 đến 22-6 vừa qua dưới quyền chủ tọa của ĐHY Sandri, và có sự hiện diện của các vị Sứ Thần Tòa Thánh tại nhiều nước Trung Đông, đặc biệt là Siria và Irak, Israel, Thổ nhĩ kỳ, Giordani và cả Đức TGM ngoại trưởng Paul Gallagher (Rei 22-6-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Các nữ tu truyền giáo thuộc Hội dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu: thúc đẩy quyền của các cộng đoàn bản địa và loan báo Tin Mừng bằng ngôn ngữ của họ

Các nữ tu truyền giáo thuộc Hội dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu: thúc đẩy quyền của các cộng đoàn bản địa và loan báo Tin Mừng bằng ngôn ngữ của họ

Các nữ tu truyền giáo thuộc Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu hiện diện tại cộng đồng Shipibo-Konibo, ở huyện Yarinacocha, thuộc tỉnh Ucayali của Peru từ 41 năm qua. Sự hiện diện của các nữ tu cho toàn bộ người Shipibo-Konibo và đặc biệt cho các gia đình để hiểu biết sâu sắc về giá trị truyền thống của nhóm dân tộc này, cũng như tích cực bảo vệ quyền văn hóa và môi trường của họ.

Các nữ tu giao tiếp và cử hành các nghi lễ phụng vụ bằng ngôn ngữ Shipibo. Sơ Amparo Zaragoza Castello, một trong ba nữ tu đang hiện diện cùng với họ nói: “Đối với chúng tôi, tầm nhìn của họ đối với thế giới – thậm chí ngay cả khi chúng tôi không hoàn toàn biết nó – chưa bao giờ là một vấn đề khi nói đến việc rao giảng Tin Mừng, bởi vì ngay từ đầu chúng tôi đã cố gắng tôn trọng và hội nhập văn hóa của họ theo những chỉ dẫn của Công đồng Vatican II; đồng thời bắt đầu từ việc hội nhập văn hóa, chúng tôi chia sẻ và công bố Tin Mừng của Chúa Giêsu”.

Nói về công việc truyền giáo của mình, nữ tu Zaragoza cho biết rằng điều này “đòi hỏi những khoảnh khắc mạnh mẽ của việc từ chối đối với chúng tôi, chứ không phải bởi những người mà chúng tôi cùng đồng hành, nhưng từ các cá nhân và xã hội, mà trong nhiều năm, đã cố gắng sở hữu sự phong phú về văn hóa và những nguồn tài nguyên của lãnh thổ”.

Là một phần trong sự dấn thân truyền giáo của mình, Hội dòng khuyến khích các quyền của những người Shipobo-konibo, giúp họ bảo vệ lãnh thổ của họ và cố gắng nghiên cứu về luật bảo vệ họ. Sơ Zaragoza nhấn mạnh rằng các nữ tu luôn cố gắng ghi nhớ những gì Tông Huấn Evangelii Nuntiandi nói ở số 31: “Giữa việc Phúc Âm hóa và việc thăng tiến con người, tức phát triển và giải phóng, có những mối liên hệ sâu xa thực sự. Liên hệ có tính cách nhân văn, bởi vì con người cần được Phúc Âm hóa không phải là một hữu thể trừu tượng nhưng gắn liền với những vấn đề xã hội và kinh tế. Liên hệ có tính cách thần học, bởi vì chúng ta không thể tách rời bình diện Sáng tạo khỏi bình diện Cứu chuộc; thật thế, ơn cứu chuộc cũng đạt tới những hoàn cảnh rất cụ thể của sự bất công cần phải chấm dứt và sự công bình phải tái lập. Bác ái là liên hệ tiêu biểu nhất của Tin Mừng: Thực vậy, làm sao có thể loan truyền điều răn mới mà không làm phát triển sự lớn mạnh đích thực của con người trong công lý và hòa bình? Cần phải nhắc lại rằng không thể chấp nhận quan niệm cho rằng: “Việc Phúc Âm hóa có thể hoặc phải khinh thường những vấn đề hết sức quan trọng và sôi nổi nhất hiện nay, liên quan đến công lý, giải phóng, phát triển và hòa bình trong thế giới. Nếu để tình trạng đó xảy ra, tức là không biết đến giáo lý Tin Mừng về tình yêu đối với tha nhân đang đau khổ hoặc thiếu thốn”.

Chính vì vậy sơ Zaragoza khẳng định: “Do đó, việc loan báo Tin Mừng và việc hình thành của cộng đồng Kitô hữu phải luôn luôn đi kèm với việc giúp đỡ cho các cuộc đấu tranh của họ, trên tất cả để được công nhận cá nhân và như một nhóm sở hữu trái đất, ghi nhớ rằng vai trò của chúng tôi là cùng đi và tư vấn cho họ, không chỉ đạo họ”.

Một trong những thách thức chính phải đối diện với tư cách là người truyền giáo, theo nữ tu Tây Ban Nha, là "biết cách tránh cú sốc văn hóa, nhưng để đảm bảo rằng có thể làm giàu lẫn nhau và từ đây nảy sinh một cái gì đó mới và phong phú cho cả hai nền văn hóa".

Người dân Shipibo-Konibo thuộc một trong 12 dân tộc bản địa có mặt tại khu vực rừng Peru. Hiện nay, nhóm  này có hơn 30 nghìn người, phân bố trên 226 cộng đồng, họ sống chủ yếu trên bờ sông Ucayali. Họ là một trong những dân tộc lâu đời nhất của khu vực của Amazon Peru. Văn hóa bản địa của họ được thể hiện trong việc áp dụng các thực hành, nguyên tắc tư tưởng và triết học được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác dưới dạng các quy tắc của cuộc sống và kiến thức truyền thống, cùng với kỷ luật nghiêm ngặt cho tất cả các gia tộc. Sự xâm nhập của chủ nghĩa thực dân làm thay đổi lối sống và sự tồn tại của người dân. Họ bắt đầu bị phân biệt chủng tộc và bóc lột tài nguyên thiên nhiên bừa bãi và trở thành nô lệ. Đã có những mâu thuẫn sắc tộc để bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên cần thiết cho sự sống còn và sự thống trị của các vùng lãnh thổ do các dân tộc khác nhau ở Amazon tạo ra.

Các tu sĩ dòng Phanxicô và dòng Tên là những nhà truyền giáo Công giáo đầu tiên tiếp xúc với cộng đồng này trong thời kỳ thuộc địa. Và ngày nay sự hiện diện của các nữ tu truyền giáo thuộc Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu thực sự là một điều cần thiết cho việc hiểu biết sâu sắc về giá trị truyền thống của nhóm dân tộc này, cũng như tích cực bảo vệ quyền văn hóa và môi trường của họ.(Agenzia Fides 03/5/2018)

Ngọc Yến

Đức Hồng Y tân cử Becciu làm Tổng trưởng Bộ Phong Thánh

Đức Hồng Y tân cử Becciu làm Tổng trưởng Bộ Phong Thánh

VATICAN. Hôm 26-5-2018, ĐTC đã bổ nhiệm ĐHY tân cử Giovanni Angelo Becciu làm Tổng trưởng Bộ Phong Thánh và sẽ nhận nhiệm vụ từ cuối tháng 8 tới đây.

Thông cáo của Tòa Thánh nói rằng Đức TGM Becciu tiếp tục chu toàn nhiệm vụ Phụ Tá Quốc Vụ khanh Tòa Thánh cho đến ngày 29-6-2018 và tiếp tục làm Đặc Ủy của ĐTC nơi Hội Hiệp Sĩ Malta.

ĐHY tân cử Becciu năm nay 70 tuổi (2/6/1948) sinh tại Sassari, đảo Sardegna, Italia, thụ phong linh mục năm 1972, đậu tiến sĩ giáo luật và bắt đầu phục vụ trong ngành ngoại giao Tòa Thánh từ ngày 1-5-1984: lần lượt tại các sứ quán Tòa Thánh tại Cộng hòa Trung Phi, Sudan, New Zealand, Liberia, Anh quốc, Pháp, và Hoa Kỳ.

Ngày 15-10 năm 2001, ngài được thăng TGM sứ thần Tòa thánh tại Angola, rồi kiêm nhiệm Sứ thần tại São Tomé và Principe.

Ngày 23-7-2009, ngài được ĐTC Biển Đức 16 bổ làm Sứ thần Tòa Thánh tại Cuba cho đến năm 2011 thì thăng Phụ tá Quốc Vụ Khanh, chức vụ này thường được coi như tương đương với Bộ trưởng Nội vụ của Tòa Thánh.

Chúa nhật 20-5-2018, ĐTC tuyên bố sẽ bổ nhiệm Đức TGM Becciu làm Hồng Y trong công nghị ngày 29-6-2018 cùng với 13 tiến chức Hồng Y khác.

Ngài sẽ kế nhiệm ĐHY Angelo Amato, SDB, 80 tuổi, từ 10 năm nay là Tổng trưởng Bộ Phong Thánh (Rei 26-5-2018)

G. Trần Đức Anh OP