ĐGH họp các vị lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh

ĐGH họp các vị lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh

Không có thông cáo chính thức nào được công bố sau khóa họp. Nhưng theo mạng thông tin Vatican Insider, đã có 2 bài tường trình mở đầu do ĐHY Angelo Becciu, nguyên là Phụ tá quốc vụ khanh Tòa Thánh trong 7 năm trời và nay là Tổng trưởng Bộ Phong Thánh; tiếp đến là bài của ĐHY Giuseppe Bertello, Chủ tịch Phủ Thống đốc Quốc gia thành Vatican.

Thặng dư trong nhân sự

Cụ thể, khóa họp bàn về vai trò của hơn 4,500 nhân viên Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican, trong đó có các giáo dân, tu sĩ nam nữ và linh mục, tỷ lệ khác nhau, ví dụ trong số 2 ngàn nhân viên tùy thuộc Phủ Thống Đốc Vatican, 90% là giáo dân.

Giảm chi

Trong cuộc họp, các vị hữu trách bàn về việc giảm bớt chi phí, giới hạn việc thu nhận nhân viên mới để thay thế các nhân viên về hưu, những nhu cầu mới do việc gộp các cơ quan Tòa Thánh trong các năm gần đây, có những trường hợp cần các nhân viên mới, chuyên môn hơn và biết sinh ngữ.

Tiêu chuẩn rõ ràng khi thu nhận nhân viên mới

Quan tâm của ĐTC là, ngoài sự minh bạch, công bằng và những tiêu chuẩn rõ ràng để thu nhận nhân viên, còn phải quan tâm đến việc săn sóc mục vụ và tinh thần cho những người phục vụ tại Tòa Thánh, đồng hành thích hợp trong những hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Giới hạn thời gian phục vụ của LM ở Vatican

Về các linh mục, nhất là các vị trẻ, các vị được mời gọi thi hành các hoạt động mục vụ tại các giáo xứ ở Roma vào cuối tuần. Ngoài ra, cũng có đề nghị ưu tiên dành cho việc ký hợp đồng 5 năm, có thể gia hạn, đối với các LM đến từ các giáo phận, để không giữ các vị ở lâu trong giáo triều, và tối đa là 10 năm. Nhờ điều kiện này, các GM có thể dễ dàng hơn trong việc gửi linh mục thuộc quyền đến phục vụ tại giáo triều Roma. (Vatican Insider 27-11-2018)

Giuse Trần Đức Anh, OP

Ngày Quốc tế Phụ nữ nông thôn: công bằng về cơ hội, nguồn lực

Ngày Quốc tế Phụ nữ nông thôn: công bằng về cơ hội, nguồn lực

Mặc dù có tiến bộ ở một số mặt, nhưng sự bất bình đẳng giới vẫn phổ biến trong mọi chiều kích phát triển bền vững; và ở nhiều khu vực, tiến độ quá chậm để đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững (OSS) vào năm 2030. Phụ nữ nông thôn chiếm hơn một phần tư dân số thế giới và phần lớn 43% phụ nữ là lực lượng lao động nông nghiệp ở các nước đang phát triển. Hơn nữa họ còn bị ảnh hưởng bởi nghèo đói, loại trừ và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và môi trường

Sự khác biệt giới tính

Lao động nữ sống ở khu vực nông thôn chiếm hơn một phần tư dân số thế giới và chiếm từ 41 đến 61 phần trăm lực lượng lao động nông nghiệp trên thế giới. Họ làm việc như nông dân, nhân viên và doanh nhân. Phụ nữ ở các cộng đồng thổ dân và bộ tộc thường là những người gìn giữ sự khôn ngoan truyền thống, là thành phần cơ bản nuôi dưỡng bảo tồn văn hóa và khả năng phục hồi cho cộng đồng. Phụ nữ và trẻ em gái cũng bị ảnh hưởng bởi các vấn đề sức khỏe do ô nhiễm không khí và từ nhiên liệu nặng. Ở các nước mà phụ thuộc rất nhiều vào than để nấu ăn, số phụ nữ chết trẻ chiếm 6 trên 10 ca do ô nhiễm không khí, do nhiên liệu không sạch và công nghệ không hiệu quả.

Điều kiện làm việc bấp bênh

Lao động nữ ở khu vực nông thôn được trả lương thấp và thiếu bảo hiểm xã hội. Nhiều người trong số họ làm việc không được trả tiền công, có nghĩa là công việc của họ bị đánh giá thấp. Việc thiếu tham gia vào các tổ chức công đoàn và các tổ chức sử dụng lao động ở nông thôn làm giảm khả năng được bảo vệ. Phụ nữ sống ở các vùng nông thôn có nguy cơ bị lạm dụng, quấy rối tình dục và các hình thức bạo hành giới khác. Liên Hợp Quốc ước tính rằng khoảng 80% khu vực nông nghiệp ở châu Phi và 60% ở châu Á là phụ nữ ".

Một nguồn lực cho cả gia đình

Những phụ nữ này đóng góp đáng kể vào sản xuất nông nghiệp, bảo đảm lương thực và quản lý tài nguyên thiên nhiên. Chính vì thế phụ nữ sống ở khu vực nông thôn không được ở bên lề những quyết định chính trị. Việc phụ nữ lãnh trách nhiệm phải được thúc đẩy thông qua các chính sách sản xuất và thực hiện bình đẳng; chính sách khuyến khích kinh doanh; chính sách hỗ trợ chăm sóc trẻ em và người già. Việc vượt qua những trở ngại về mặt pháp lý, xã hội và văn hóa như những vấn đề liên quan đến quyền bình đẳng đối với tài sản, tín dụng, công nghệ và thị trường, ủng hộ việc trao quyền cho phụ nữ sống và làm việc ở nông thôn. Các tổ chức lao động và công đoàn có thể và phải hỗ trợ thay đổi này.

Quy tắc quốc tế chống lại bạo lực và quấy rối

Chủ đề bạo lực và quấy rối trong thế giới công việc và việc áp dụng quy tắc quốc tế về lao động có thể sẽ được thảo luận trong những tháng tới. Các quy tắc xã hội khiến phụ nữ tiếp xúc với bạo lực và quấy rối phải chiến đấu với quyết tâm, bằng cách tăng cường hiệu quả của khung pháp lý và chính trị, với cơ chế thực hiện cụ thể cho người lao động trong nền kinh tế nông thôn và nông nghiệp. Chúng ta không thể chờ đợi. Chúng ta phải đẩy mạnh nỗ lực để thu hẹp khoảng cách cản trở việc tiếp cận công việc tốt cho phụ nữ sống ở nông thôn. Đó là một câu hỏi về ý chí chính trị và việc sử dụng tất cả các công cụ chính trị có sẵn. Vấn đề không hoạt động đơn giản là do chí phí quá cao.

Ngọc Yến – Vatican

Hiệp Sĩ Colombo giúp thêm 3 triệu Mỹ kim cho Kitô hữu Trung Đông

Hiệp Sĩ Colombo giúp thêm 3 triệu Mỹ kim cho Kitô hữu Trung Đông

Hội Hiệp Sĩ Colombo đã quyết định trợ giúp thêm 3 triệu mỹ kim cho các tín hữu Kitô tại Trung Đông, trong số này 2 phần 3 được dành để kiến thiết một chung cư cho các tín hữu Kitô tị nạn tại thành phố Erbil ở miền Bắc Iraq.

Quyết định trên đây đã được Hội đồng tối cao của Hội hiệp sĩ Colombo thông qua trong khóa họp thường niên lần thứ 136 tiến hành tại thành phố Baltimore từ mùng 7 đến 9-8-2018. Hội đáp lại lời kêu gọi nhiều lần của ĐTC về việc trợ giúp các tín hữu Kitô tại Trung Đông.

 Khu nhà McGivney

 Chung cư ở thành Erbil được gọi là ”Nhà McGivney” (House Givney), tên của Vị LM Đáng Kính sáng lập Hội Hiệp Sĩ Colombo đang được cứu xét hồ sơ xin phong chân phước. Tại đây có 140 đơn vị gia cư dành cho các gia đình Công Giáo Siriac và Canđê. Để hoàn tất dự án này cần phải có thêm các dịch vụ cung cấp điện nước và máy điều hòa không khí.

Giuse Trần Đức Anh OP

Mề đai kỷ niệm năm thứ 6 triều đại Giáo hoàng Phanxicô

Mề đai kỷ niệm năm thứ 6 triều đại Giáo hoàng Phanxicô

 

Từ ngày 26/07, tại Cơ quan quản lý tài sản của Tòa Thánh và các địa điểm của nhà sách Vatican có bán một mề-đay được phát hành nhân dịp kỷ niệm năm thứ 6 triều đại Giáo hoàng Phanxicô. Mề-đay có các đặc điểm như sau:
Mặt trước: những dải ánh ánh sáng đồng tâm, tỏa ra từ một chim bồ câu, chiếu sáng huy hiệu của ĐTC; những dải sáng này tượng trưng cho những ân huệ mà Chúa Thánh Thần ban cho cho Giáo Hội. Bên dưới có tên của nghệ nhân sáng tác.
Ở cạnh của mề đay có dòng chữ E CIVITATE VATICANA (Thành Vatican) và con số của huy chương.
Mặt sau: phía trên có hình ảnh cành ôliu và vòng tay người mẹ ôm đứa con, là biểu tượng chiến thắng của hòa bình. Còn phần bên dưới diễn tả chiến tranh, với hình ảnh là dây thép gai – biểu tượng của sự cưỡng ép và bạo lực. Hoa anh túc – biểu tượng của những người chết trong chiến tranh – phân chia hai phần trên dưới.
“Không có gì bị mất với hòa bình. Mọi thứ đều có thể với chiến tranh” được trích từ sứ điệp radio của ĐGH Pio XII vào ngày 24/08/1939. Một thế kỷ sau khi chiến tranh thế giới thứ nhất chấm dứt, chọn lựa giữa hòa bình và chiến tranh vẫn là thảm kịch xảy ra hàng ngày với tất cả mọi người.
Mề đay được thực hiện bởi Chiara Principe. Mỗi mề đay có đính kèm chứng nhận bảo đảm, có số hiệu, với con dấu nổi của Phủ quốc vụ khanh Tòa Thành và của Sở đúc tiền và huy chương của Italia.

Hồng Thủy

Tòa Thánh quan tâm đến số phận 1,2 triệu người làm nghề biển

Tòa Thánh quan tâm đến số phận 1,2 triệu người làm nghề biển

VATICAN. Tòa Thánh kêu gọi quan tâm đến số phận của 1 triệu 200 ngàn người làm nghề biển trên thế giới.

Trong sứ điệp công bố hôm 8-7-2018, nhân dịp ”Chúa nhật Biển Cả”, ĐHY Peter Turkson, Bộ trưởng Bộ Phát triển nhân bản toàn diện, nhắc đến sự kiện 90% hàng hóa cần thiết cho đời sống thường nhật của con người, được chuyên chở bằng đường biển từ miền này sang miền khác trên thế giới. Công việc này đòi nhiều hy sinh từ phía những người làm nghề biển: nhiều người phải sống nhiều tháng trời trong những phòng chật hẹp trên các tàu chở hàng, xa cách gia đình và những người thân yêu, và tại nhiều hải cảng, họ thường không được lên bờ. Thời gian các tàu hàng dừng lại ở các cảng bị thu hẹp tối đa, khiến thủy thủ đoàn không có đủ thời giờ để nghỉ ngơi và giải trí. Nhiều khi các giới hữu trách biện minh cho biện pháp này vì những lý do an ninh hoặc vì những qui luật của xí nghiệp liên hệ.

Ngoài ra, nhiều khi các vị tuyên úy hoặc những người thiện nguyện thuộc các ban mục vụ dân biển không được phép lên tàu để viếng thăm và làm mục vụ cho các tín hữu làm công trên tàu.

Và mặc dù có một hiệp ước quốc tế về tiêu chuẩn tối thiểu trên biển, trong nhiều trường hợp, các công nhân làm nghề hàng hải bị lường gạt về vấn đề lương bổng hoặc bị bóc lột. Thêm vào đó, từ năm 2012 đến 2017, có 1.300 công nhân các tàu bị bỏ rơi vì những lý do khác nhau ở các cảng nước ngoài, không được nhiên liệu, lương thực hoặc lương bổng. Một điều tích cực là tình trạng an ninh trên biển cả tương đối được cải tiến.

Trong sứ điệp, Bộ Phát triển nhân bản toàn diện ca ngợi sự dấn thân của tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) chống lại sự ô nhiễm biển khơi vì những đống rác plastic và giảm bớt đồ phế thải của tàu.

Chúa nhật dân biển được đề ra hồi năm 1975 do sáng kiến của các vị tuyên úy Công Giáo, Anh giáo và các Giáo Hội tự do, nhắm lưu ý dư luận về số phận của những người làm nghề biển và các ngư phủ, để góp phần cải tiến.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin, trưa chúa nhật 8-7 vừa qua tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC cũng nhắc đến Chúa nhật dân biển và nói: ”Tôi cầu nguyện cho họ và gia đình họ, cũng như cho các vị tuyên úy và những người thiện nguyện thuộc ”Tông Đồ Biển Cả”. Tôi đặc biệt nhớ đến những người đang sống trong những điều kiện làm việc không xứng đáng trên biển, cũng như những người dấn thân giải thoát các biển khỏi sự ô nhiễm” (KNA, Rei 8-7-2018)

G. Trần Đức Anh OP

Kỷ niệm 13 năm Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II về Nhà Cha

Kỷ niệm 13 năm Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II về Nhà Cha

21 giờ 37 phút tối thứ bảy ngày 02/04/2005, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã từ giã cõi đời.

Hàng ngàn và hàng ngàn tín hữu đã tụ họp tại quảng trường thánh Phêrô đọc Kinh Mân Côi. Theo báo chí và theo số liệu của các đơn vị phụ trách an ninh, đã có khoảng 7 triệu tín hữu đổ về Roma trong những ngày này để kính viếng vị cha chung của Giáo hội và tham dự Thánh lễ an táng.

Sau khi Đức Giáo hoàng qua đời, Đức Tổng Giám mục Leonardo Sandri, khi đó là phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh, hiện nay là Đức Hồng y Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Công giáo Đông phương, đã thông báo với hàng chục ngàn tín hữu đang đứng cầu nguyện tại quảng trường thánh Phêrô: “Anh chị em thân mến, vào lúc 21 giờ 37, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II kính yêu của chúng ta đã trở về Nhà Cha. Chúng ta cầu nguyện cho ngài.”

Nhiều gương mặt đau buồn, những giọt lệ tuôn rơi, cũng không thiếu bàng hoàng, dù đã biết những giây phút cuối đời của ngài đang đến. Tuy vậy, các tín hữu đón nhận tin buồn với niềm tin mạnh mẽ, tin chắc rằng Chúa sẽ ân thưởng hạnh phúc vĩnh cửu cho người tôi tớ trung thành.

Trong những ngày kế tiếp, những hàng dài ngày càng dài với hàng triệu tín hữu từ khắp thế giới, đặc biệt là từ Ba lan, đổ về Vatican để kính viếng thi hài vị cha chung được đặt tại đền thờ thánh Phêrô.

Sáng ngày 08/04/2005, Đức Hồng y Joseph Ratzinger –  khi đó là niên trưởng Hồng y đoàn, và một ít ngày sau đó được bầu làm Giáo hoàng với tên Biển đức XVI – đã chủ sự Thánh lễ an táng cho Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô tại quảng trường thánh Phêrô  Tại quảng trường, những tiếng hô vang dội “Santo subito”, những băng rôn với dòng chữ “Santo subito” tràn ngập, thể hiện niềm tin và lòng mong muốn Giáo hội sớm tuyên phong “vị thánh trong lòng mọi người.” (Vatican News 02/04/2018)

Hồng Thủy

Công giáo Nam hàn tranh đấu chống hợp pháp hóa phá thai tại nước này

Công giáo Nam hàn tranh đấu chống hợp pháp hóa phá thai tại nước này

Giáo hội Công giáo Nam hàn đã thu thập hơn một triệu chữ ký trong thư kiến nghị giữ luật cấm phá thai tại nước này.

Khi Nam hàn tiếp tục hiện đại hóa và số các bà mẹ đơn thân đang gia tăng, nhiều lời kêu gọi hợp pháp phá thai, điều mà Giáo hội phản đối, cũng gia tăng từ các thành phần của xã hội.

Cha Remigius Lee Dong-ik, thư ký Ủy ban Sinh học của Hội đồng Giám mục Hàn quốc nói: “Chiến dich thu thập chữ ký được tổ chức cách tình nguyện và nó như một cơ hội để truyền bá giáo huấn của Giáo hội.”

Ủy ban Sinh học của Hội đồng Giám mục Hàn quốc đã tổ chức một Thánh lễ ở nhà thờ chính tòa Myeongdong ở thủ đô Seul ngày 12/02 vừa qua và đã trình bày thư kiến nghị  có 1 triệu 5 ngàn chữ ký. Chiến dich được bắt đầu ngày 03/12.

Đức Hồng y Yeom Soo-jung, chủ sự Thánh lễ, đã nói: “Chiến dịch này cho thấy Giáo hội thất vọng thế nào để hoàn thành sứ mạng của mình trong việc bảo vệ mọi hình thức của sự sống.” Đức Hồng y nói thêm: “Ngay cả một bào thai cũng là một phản chiếu của Thiên Chúa, một công dân trong xã hội chúng ta và một sự sống cần được tôn trọng.”

Ủy ban Sinh học của Hội đồng Giám mục Hàn quốc sẽ thực hiện giai đoạn hai của chiến dịch cho đến ngày 18/03 để nâng cao nhận thức khắp xã hội Nam hàn về sự nguy hiểm trong việc đồng ý với “nền văn hóa sự chết”. Đức Tổng Giám mục Hyginus Kim Hee-joong của Kwangju, hiện là chủ tịch của Ủy ban Sinh học của Hội đồng Giám mục Hàn quốc nói: “Tôi hy vọng chiến dịch được sử dụng như một công cụ để truyền bá ý tưởng là chúng ta phải tôn trọng sự sống.” (Ucan News 23/02/2018)

Hồng Thủy

Hai trang web của HĐGM giúp chống lại nạn nghèo đói

Hai trang web của HĐGM giúp chống lại nạn nghèo đói

Hội đồng Giám mục Hoa kỳ đã thành lập hai trang web để giúp “hiểu biết, học hỏi và hành đông, nhắm đối phó với sự nghèo khổ ở Hoa kỳ.”

 

Với sáng kiến này, cac Giám mục Hoa kỳ muốn đóng góp vào việc cung cấp thông tin cho các tín hữu Công gíao về những tình cảnh khó khăn mà nhiều người Mỹ buộc phải sống.

 

Tại Hoa kỳ, có trên 40,6 triệu người sống trong cảnh nghèo khổ, nghĩa là 1/6 công dân và 1/5 trẻ em. Chỉ trong năm 2015, 2,5 triệu trẻ vị thành niên sống kinh nghiệm mất nhà cửa và sống lang thang. Trong năm 2016, chương trình ở trường học bảo đảm một bữa ăn nóng cho những người sống dưới mức căn bản cũng đã cung cấp trên 30 triệu bữa ăn.

 

Povertyusa.org và Pobrezausa.org là hai trang web bằng tiếng Anh và tiếng Tây ban nha, cung cấp các công cụ và nguồn lực để giúp người Công giáo biến đức tin thành hành động bằng cách làm việc để giải quyết vấn đề đói nghèo.

 

Hai trang web này có một bản đồ tương rác với số liệu thống kê về đói nghèo ở cấp quốc gia và cấp tỉnh thành, các hoạt động học tập về hiện tương, tài liệu cầu nguyện và đa phương tiện. Bên cạnh đó, nó cũng có các chuyện kể về hy vọng , làm thế nào các cộng đoàn đang hành động để giải quyết nạn đói ở cấp địa phương và một bản đồ tương tác để tìm kiếm các tổ chức cộng đồng được tài trợ bởi chiến dịch cho việc phát triển con người, được thúc đẩy bởi các giám mục Hoa Kỳ.

 

Đức cha David Prescott Talley, Giám mục phó của giáo phận Alexandria và chủ tịch của Ủy ban công lý đối nội và phát triển con người của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ, nói: “Như các môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta được mời gọi gặp gỡ những người trong các cộng đoàn của chúng ta đang sống trong các điều kiện khó khăn. Nghèo đói ở Hoa kỳ là một thực tại, do đó chúng ta phải cùng nhau hành động để thể hiện đức tin của chúng ta bằng hành động và giải quyết vấn đề này.

 

Theo Hội đồng Giám mục, ngưỡng nghèo của một gia đình người Mỹ là thu nhập khoảng 24 ngàn đô la / năm, tức là khoảng 1900 đô la/tháng. Số tiền này có thể là đủ cho chi phí của một gia đình tại một số quốc gia, nhưng ở Hoa kỳ, vì điều kiện sống cao và các chi phí như y tế và học hành, hàng triệu gia đình sống trong tình trạng bấp bệnh.

 

Chương trình chống nghèo đói được các Giám mục Hoa kỳ đưa ra với ý thức rằng sự gạt ra ngoài lề xã hội và đau khổ là những thử thách hàng ngày của quốc gia, nhưng đồng thời cũng là “cơ hội gặp gỡ thật sự với thân thể đau khổ của Chúa Kitô.” Các sáng kiến này là “một dấu chỉ cụ thể của sự tương trợ của Giáo hội và sự dấn thân để mang hy vọng và niềm vui Tin mừng cho các anh em nghèo khổ nhất.” (L'Osservatore Romano  02-03/02/2018)

 

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha tiếp các vị lãnh đạo tại trung ương Tòa Thánh

Đức Thánh Cha tiếp các vị lãnh đạo tại trung ương Tòa Thánh

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 21-12-2017 dành cho các vị lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh, ĐTC kêu gọi mọi người hành động theo thần ”quyền tối thượng phục vụ” của Người Kế vị Thánh Phêrô.

 

Hiện diện tại buổi tiếp kiến có các HY ở Roma và các chức sắc cấp cao của Tòa Thánh, đến chúc mừng ĐTC nhân dịp lễ giáng sinh và năm mới.

 

Lên tiếng sau lời chào mừng của ĐHY Angelo Sodano, Niên trưởng Hồng Y đoàn, ĐTC đã nói đến vai trò đối ngoại của giáo triều Roma, cộng tác với Người Kế vị thánh Phêrô trong việc phục vụ Giáo Hội hoàn vũ, cũng như trong tương quan đối ngoại với thế giới, các dân nước, các Giáo Hội Kitô và tôn giáo khác. Ngài nói:

 

”Tính chất phổ quát trong việc phục vụ của các cơ quan trung ương Tòa Thánh phát xuất và nảy sinh từ đặc tính công giáo của sứ vụ Phêrô. Một giáo triều khép kín vào mình thì phản bội mục tiêu sự hiện hữu của mình và rơi vào tình trạng tự tham chiếu chính mình, và sẽ bị hủy diệt.”

 

Dùng hình ảnh các phó tế được kêu gọi trở thành tai mắt của Giám Mục, giúp ngài đi tới những quyết định mưu ích cho toàn thân mình, cho cộng đồng Giáo Hội, ĐTC nhấn mạnh rằng tương quan của những người thuộc giáo triều Roma với người kế vị Thánh Phêrô là tương quan hiệp thông con thảo, vâng phục để phục vụ dân thánh của Chúa. Sự hiệp thông với Phêrô củng cố và tăng cường sự hiệp thông giữa mọi phần tử”.

 

Trong chiều hướng trên đây, ĐTC tố cáo những kẻ hành động trong những nhóm nhỏ, mưu mô, họ như thứ bệnh ung thư đưa tới tình trạng tự tham chiếu mình, thứ ung thư xâm nhập cả vào trong các cơ quan của Giáo Hội.

 

ĐTC đặc biệt cảnh giác chống lại một nguy hiểm khác, nguy hiểm của những kẻ phản bội sự tín nhiệm hoặc những kẻ lợi dụng tình mẫu tử của Giáo Hội, tức là những người được tuyển chọn kỹ lưỡng để tăng cường sức mạnh cho thân mình và cho sự cải tổi, nhưng rồi họ không hiểu trách nhiệm cao cả của họ, để cho mình bị hư hỏng vì những tham vọng hoặc hư danh và khi họ bị loại trừ một cách tế nhị, thì họ tự tuyên bố một cách sai làm là những người tử đạo của chế độ, của một Giáo Hoàng không được thông tin đầy đủ, của bè phái cũ, thay vì đấm ngực nhìn nhận tội lỗi của mình”.

 

Cũng trong diễn văn, trước giáo triều, ĐTC nói về tương quan của các cơ quan trung ương Tòa Thánh với các quốc gia, và nhắc nhở rằng ”quan tâm duy nhất của ngành ngoại giao Tòa Thánh là tương quan được giải thoát khỏi bất kỳ lợi lộc trần tục hoặc vật chất nào. Tòa Thánh hiện diện trong chính trường thế giới là để cộng tác với tất cả mọi người và các quốc gia thiện trí, luôn tái khẳng định tầm quan trọng của việc gìn giữ căn nhà chung của chúng ta khỏi mọi thứ ích kỷ hủy hoại, để khẳng định rằng chiến tranh chỉ mạng lại chết chóc và tàn phá…”

 

ĐTC không quên nói về tương quan giữa giáo triều Roma với các Giáo hội địa phương, với các Giáo Hội đông phương, vấn đề đối thoại đại kết, với Do thái giáo, Hồi giáo và các tôn giáo khác (Rei 21-12-2017)

 

G. Trần Đức Anh OP 

 

Khả năng chịu đựng bị sỉ nhục vì Chúa và giống Chúa

Khả năng chịu đựng bị sỉ nhục vì Chúa và giống Chúa

Nhân đức khiêm nhường là một ơn không thể thiếu trong đời sống người Kitô hữu. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Mỗi Kitô hữu là một chồi non

Bài đọc trích sách tiên tri Isaia có nói: “Từ gốc Giêsê, sẽ đâm ra một chồi non. Từ chồi non ấy, Thần Khí Chúa sẽ ngự xuống, tức thần khôn ngoan và thông suốt, thần chỉ dẫn và sức mạnh, thần hiểu biết và đạo đức. Thần Khí ấy sẽ làm cho Ngài biết kính sợ Chúa.” Đó là những ơn phúc của Chúa Thánh Thần. Và mỗi Kitô hữu là một chồi non như thế. Mỗi người tiến triển từ những chồi non để nên thành toàn, để trở nên viên mãn trong Chúa Thánh Thần. Đó là cuộc sống của người Kitô hữu.

Cần ý thức rằng, mỗi người chúng ta là đều là chồi non, và chồi non ấy cần lớn lên, cần được lớn lên trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Chồi non cần lớn lên cho đến lúc thành toàn, cho tới khi viên mãn trong Thần Khí. Nhiệm vụ của người Kitô hữu là gì? Đó là luôn luôn bảo vệ mầm non ấy, để mầm non ấy có thể lớn lên trong chúng ta, để bảo đảm rằng mầm non ấy có thể tăng trưởng, có thể lớn mạnh trong Thánh Thần.

Lối sống khiêm tốn như Chúa Giêsu

Vậy đâu là lối sống của các Kitô hữu? Đó là sống như Chúa Giêsu đã sống. Đó là sống khiêm nhường như Chúa. Chúng ta cần có đức tin và đức khiêm nhường để có thể tin rằng: mầm non bé nhỏ ấy, ơn sủng ấy có thể ngày càng tiến triển, lớn mạnh, sung mãn trong Chúa Thánh Thần. Chúng ta cần khiêm tốn để tin rằng, Chúa Cha là Chúa trời đất. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: Chúa Cha đã giấu không cho những người khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những người đơn sơ bé mọn. Khiêm nhường có nghĩa là trở nên bé nhỏ, bé nhỏ như hạt giống, như mầm non. Biết mình bé nhỏ, để biết được rằng mình cần Chúa Thánh Thần làm cho mạnh mẽ tiến về phía trước, để vươn tới sự viên mãn thành toàn.

Nếu có ai đó tin rằng: khiêm tốn có nghĩa là lịch sự, là học thức, là nhã nhặn… thì nên nhắm mắt lại thầm thì cầu nguyện, và sẽ thấy rằng: “Không, khiêm tốn không phải như thế!” Nếu như vậy, làm thế nào để biết rằng mình khiêm tốn hay không?

Dấu hiệu của người sống khiêm nhường

Có một dấu hiệu, một dấu chỉ, một tín hiệu, chỉ có một: Đó là chấp nhận chịu sỉ nhục. Khiêm tốn mà không có chịu sỉ nhục, thì chưa phải là khiêm tốn. Người khiêm nhường là những người nam người nữ, là những người có khả năng chịu đựng biết bao nhục nhã, có khả năng nhận lấy những sỉ nhục, giống như Chúa Giêsu đã chịu đựng. Chúa chịu sỉ nhục ghê gớm, Chúa bị sỉ nhục ghê gớm.

Chúng ta biết về gương lành của biết bao vị thánh. Các ngài không những chịu đựng bị sỉ nhục, không những chấp nhận những sỉ vả, mà các ngài còn mong ước, còn xin cho được nên giống Chúa Giêsu. Xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta ơn sủng ấy, để Ngài gìn giữ những người bé nhỏ hướng tới sự viên mãn trong Thần Khí, để chúng ta không quên đi cội rễ của sự khiêm nhường là chấp nhận chịu sỉ nhục.

Tứ Quyết SJ

Trung quốc cấm khách du lịch thăm viếng Vatican

Trung quốc cấm khách du lịch thăm viếng Vatican

Roma – Hôm qua, Đài Á châu Tự do đã loan tin rằng một số công ty du lịch của Trung quốc nhận được lệnh hủy các tour du lịch thăm Vatican với lý do là giữa Trung quốc và Tòa Thánh không có quan hệ ngoại giao.

Đài Á châu Tự do dẫn lời một nhân viên của công ty du lịch quốc tế Phoenix Holidays: “Mỗi công ty du lịch quảng cáo về các điểm đến này trên các tờ quảng cáo hay các phương tiện quảng cáo khác sẽ bị phạt đến 300 ngàn nhân dân tệ, tức là hơn 39 ngàn euro.

Số khách du lịch Trung quốc đến Italia gia tăng trong những năm gần đây và hầu như khi đến Italia, họ đều thăm Vatican, đền thờ thánh Phêrô và viện bảo tàng Vatican. Trong số này có những người trẻ hiếu kỳ cũng như các Kitô hữu lợi dụng cơ hội đến Italia để hành hương viếng mộ hai thánh Tông đồ.

Có thể lệnh cấm thăm Vatican nhắm ngăn chặn sự truyền bá các tin tức về Kitô giáo do các nhóm Kitô hữu Trung quốc, những người muốn quảng bá đức tin của họ cho các đồng hương của mình, và việc truyền đạo cho khách du lịch. Cũng có thể là chính quyền trung ương muốn kiểm soát người dân của mình ngay cả khi họ ở nước ngoài. Một nhà điều hành du lịch Trung Quốc nhận xét rằng lệnh cấm này thật buồn cười. Làm sao mà chính quyền có thể kiểm soát hàng triệu người ở nước ngoài? Đặc biệt là những người trẻ khao khát tự do hơn so với những gì mà cha mẹ của họ được có.

Lệnh cấm này cũng đáng kinh ngạc đối với các nhà quan sát trên thế giới, vì mới hôm qua Phòng Báo chí Tòa Thánh thông báo về một cuộc triển lãm được tổ chức đồng thời tại Viện bảo tàng Vatican và trong Cung điện hoàng gia ở Bắc Kinh. (Asia News 22/11/2017)

Hồng Thủy

Sứ điệp của Đức Thánh Nga nhân Ngày Hòa Bình thế giới 2018

Sứ điệp của Đức Thánh Nga nhân Ngày Hòa Bình thế giới 2018

VATICAN. Hôm 24-11-2017, Sứ điệp của ĐTC nhân Ngày Hòa bình thế giới 1-1 năm 2018 đã được công bố với chủ đề: ”Di dân và tị nạn: những người nam nữ tìm kiếm hòa bình”.

Trong sứ điệp, sau khi nhắc đến sự kiện trên thế giới hiện có hơn 250 triệu người di cư và trong đó có 22 triệu rưỡi người tị nạn, ĐTC khẳng định rằng ”cởi mở tâm hồn trước những đau khổ của tha nhân, điều này chưa đủ, còn phải làm sao để các anh chị em di dân và tị nạn có thể sống an bình trong một căn nhà an ninh”. Ngài nhìn nhận các chính quyền có nhiệm vụ thực thi nhân đức khôn ngoan thận trọng, biết đón nhận, thăng tiến, bảo vệ và hội nhập những người nhập cư, thiết lập các biện pháp thực hành… Chính quyền có trách nhiệm rõ ràng đối với các cộng đoàn của mình, đảm bảo các quyền lợi chính đáng và sự phát triển hòa hợp”.

ĐTC cũng phân tích những nguyên nhân tạo nên số người di cư và tị nạn đông đảo như ngày nay, và ngài mời gọi mọi người nhìn vấn đề này trong viễn tượng đức tin, tình liên đới và huynh đệ, ước muốn thiện ích, sự thật và công lý, nhìn nhận những khía cạnh tích cực của những người di dân và tị nạn. Ngài viết:

”Khi quan sát những người di dân và tị nạn, ta sẽ khám phá thấy họ không đến tay không: họ mang nhiều can đảm, khả năng, nghị lực và khát vọng, cùng với những kho tàng văn hóa nguyên quán, nhờ đó họ làm cho cuộc sống quốc gia đón nhận được thêm phong phú. Chúng ta cũng sẽ nhận thấy tinh thần sáng tạo, kiên trì, tinh thần hy sinh của bao nhiêu cá nhân, gia đình và cộng đoàn ở các nơi trên thế giới mở tâm lòng đố với những người di dân và tị nạn, kể cả tại những nơi không có nhiều tài nguyên”.

Đi vào cụ thể hơn, Sứ điệp của ĐTC đề nghị 4 hành động cần thực hiện đối với những người di dân và tị nạn, đó là: đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập.

– Việc đón tiếp đòi phải cấp thiết mở rộng khả thể cho người di dân và tị nạn được nhập cư hợp pháp, không đẩy đưa họ vào những nơi có bách hại và bạo lực, quân bình mối quan tâm về an ninh quốc gia với sự bảo vệ các quyền căn bản của con người.

– Việc bảo vệ nhắc nhớ nghĩa vụ nhìn nhận và bảo vệ phẩm giá bất khả xâm phạm của những người trốn chạy nguy hiểm, và tìm kiếm nơi ẩn náu, an ninh, ngăn cản sự bóc lộc họ.

– Việc thăng tiến có liên quan đến sự phát triển nhân bản toàn diện cho người di dân và tị nạn: ví dụ đảm bảo cho các trẻ em và người trẻ được giáo dục ở các cấp..

– Sau cùng, việc hội nhập giúp người di dân và tị nạn hoàn toàn được tham gia vào đời sống xã hội đón tiếp họ, làm cho nhau được thêm phong phú.. (Rei 23-11-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tái lên án sở hữu và sử dụng võ khí hạt nhân

Đức Thánh Cha tái lên án sở hữu và sử dụng võ khí hạt nhân

VATICAN. ĐTC tái lên án việc sở hữu và sử dụng võ khí hạt nhân cũng như việc dành bao nhiêu tài nguyên vào võ khí này thay vì vào việc phát triển nhân bản toàn diện.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 10-11-2017, dành cho 350 nhân vật quốc tế tham dự Diễn đàn quốc tế về giải trừ võ khí hạt nhân tiến hành tại Vatican do Bộ Phục vụ Phát triển nhân bản toàn diện tổ chức trong hai ngày 10 đến 11-11-2017 về chủ đề ”Viễn tượng một thế giới không còn võ khí hạt nhân và giải giáp toàn diện”. Trong số các tham dự viên có 11 người đã được giải Nobel Hòa Bình.

ĐTC nói đến sự kiện ”cái vòng chạy đua võ trang đang tiến hành không ngừng và và những phí tổn tân trang và phát triển các võ khí, không phải chỉ võ khí hạt nhân mà thôi, là khoản chi lớn đối với các nước, đến độ phải đặt xuống hàng thứ yếu những ưu tiên thực sự của nhân loại đang đau khổ: những ưu tiên đó là chiến đấu chống nghèo đói, thăng tiến hòa bình, thực hiện các dự án giáo dục, bảo vệ môi trường và y tế, phát triển các quyền con người”.

Đề cập đến các võ khí hạt nhân, ĐTC nói: ”Cần phải quyết liệt lên án sự đe dọa sử dụng các loại võ khí này, cũng như chính việc sở hữu chúng, vì sự hiện hữu của các võ khí hạt nhân phục vụ cho chủ trương gây sợ hãi không những liên hệ tới các phe lâm chiến, nhưng cho toàn thể nhân loại nữa.. Những tương quan quốc tế không thể bị thống trị do sức mạnh quân sự, những dọa nạt nhau, phô trương khó võ khí chiến tranh. Đặc biệt các võ khí tàn sát tập thể, nhất là võ khí nguyên tự, chỉ tạo ra một cảm thức an ninh lừa đảo, và không thể trở thành nền tảng cuộc sống chung giữa các thành phần trong gia đình nhân loại”. (Rei 10-11-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Nước Trời tựa hạt cải: tuy bé nhỏ nhưng đầy sức tăng trưởng

Nước Trời tựa hạt cải: tuy bé nhỏ nhưng đầy sức tăng trưởng

Để làm cho Nước Thiên Chúa được lớn mạnh, chúng ta cần can đảm trở nên hạt cải và nắm men. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Sức mạnh đến từ bên trong

Trong bài Tin Mừng hôm nay (Lc 13,18-21) Chúa Giêsu sánh ví Nước Trời giống như hạt cải và nắm men. Cả hai tuy bé nhỏ nhưng lại mang trong mình một sức phát triển lớn mạnh. Nước Thiên Chúa cũng thế, vì sức mạnh của Nước Trời là đến từ bên trong.

Trong bài đọc trích thư gửi tín hữu Roma, thánh Phaolô cũng nhấn mạnh rằng, những đau khổ đời này không thể sánh với vinh quang sắp tới, vinh quang đang đợi chờ chúng ta. Luôn có sự căng thẳng giằng co giữa đau khổ và vinh quang. Trong mối giằng co ấy, có lòng mong đợi mặc khải lớn lao về Nước Thiên Chúa. Lòng mong đợi ấy không chỉ dành cho chúng ta mà thôi, còn cho cả các tạo vật nữa. Các tạo vật cùng với chúng ta, đợi trông mặc khải của Con Thiên Chúa. Đó là sức mạnh nội tại đưa chúng ta tới sự viên mãn trong Nước Thiên Chúa. Sức mạnh ấy là sức mạnh bởi Chúa Thánh Thần.

Đây là hành trình hy vọng. Niềm hy vọng ấy đưa chúng ta tới sự viên mãn, đưa chúng ta thoát khỏi nhà tù, thoát khỏi những giới hạn, thoát khỏi kiếp nô lệ, thoát khỏi những thứ lạm dụng lạm quyền tham nhũng, để đưa chúng ta tới bến bờ vinh quang. Đó là cuộc hành trình của niềm hy vọng. Niềm hy vọng ấy là quà tặng của Chúa Thánh Thần. Điều ấy Chúa Thánh Thần ban tặng trong cõi lòng chúng ta. Điều ấy thật tuyệt vời, thật tự do, thật là vinh quang lớn lao. Chúa Giêsu đã nói: hạt cải quả là bé nhỏ, nhưng có một sức lớn mạnh không thể tưởng tượng được.

Đấng ban sức mạnh

Trong chúng ta, trong các loài thụ tạo, có một sức mạnh lớn lao, có một sức sống vĩ đại, đó là Chúa Thánh Thần. Ngài ban cho chúng ta niềm hy vọng. Sức mạnh của Chúa Thánh Thần giúp chúng ta lớn mạnh để vươn tới độ hoàn thiện, và đợi chờ chúng ta trong vinh quang. Khi hạt cải được gieo vãi và nắm men được vùi vào đấu bột, dường như chẳng có gì thay đổi, nhưng kỳ thực sức mạnh nội tại vẫn có đó. Đó là sức mạnh của Nước Thiên Chúa. Sức mạnh ấy là sức mạnh nội tại, sức mạnh toát ra từ bên trong.

Nước Trời phát triển từ bên trong, cùng với sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Giáo hội luôn cần can đảm để trở thành hạt cải được gieo vãi, trở thành nắm men vùi trong bột. Tuy nhiên luôn có nỗi sợ khi làm điều ấy. Nhiều lần chúng ta thấy rằng, chúng ta thích một loại mục vụ nắm giữ bảo tồn, chứ không biết để cho Nước Trời phát triển. Nếu cứ nắm giữ như thế, chúng ta vẫn chỉ là chúng ta, vẫn bé nhỏ như thế, chúng ta an toàn… Nhưng khi ấy, Nước Trời không phát triển. Bởi vì, để Nước Trời có thể phát triển, chúng ta phải can đảm gieo hạt, can đảm trộn men với bột.

Nhân đức hy vọng

Thật sự là khi gieo hạt giống, chúng ta chấp nhận mất mát. Khi trộn men vào trong bột, chúng ta chấp nhận bàn tay bị lấm lem. Và như thế, chúng ta luôn cần chấp nhận sự mất mát nào đó, để Nước Thiên Chúa có thể lớn lên. Khốn cho những ai công bố Nước Trời với ảo tưởng rằng bàn tay không hề bị lấm lem. Những người ấy chỉ giống như người bảo vệ chăm sóc các bảo tàng, chỉ muốn bảo tồn những gì đẹp đẽ, nhưng không có sức mạnh của việc gieo vãi, không có sức mạnh của việc đi ra, không có sức sống, không có sức phát triển. Còn sứ điệp của Chúa Giêsu và của thánh Phaolô luôn có sức giằng co, để kéo chúng ta thoát khỏi vòng nô lệ của tội lỗi, để dẫn chúng ta đến sự viên mãn trong vinh quang. Niềm hy vọng ấy là hành trình tiến bước, tiến bước trong hy vọng, không thoái lui. Niềm hy vọng ấy quá bé nhỏ, rất bé nhỏ, tựa hạt cải, tựa nắm men.

Hy vọng là “nhân đức khiêm tốn nhất, nhỏ bé nhất”, nhưng nơi nào có hy vọng, nơi ấy có Chúa Thánh Thần. Ở nơi đó, Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta tới Nước Trời. Hôm nay chúng ta tự hỏi lòng mình về niềm hy vọng. Hãy ở lại trong niềm hy vọng ấy, hãy ở lại trong nội tâm mình và thân thưa với Chúa Thánh Thần.

Tứ Quyết SJ

Tài khoản Twitter của Đức Thánh Cha đạt 40 triêụ người theo dõi

Tài khoản Twitter của Đức Thánh Cha đạt 40 triêụ người theo dõi

Tài khoản Twitter của Đức Thánh Cha Phanxicô @Pontifex bằng 9 ngôn ngữ đã vượt quá 40 triệu người theo dõi (follower) sau 5 năm đăng ký. Ngày 12/12/2012, Đức nguyên giáo hoàng Biển đức đã muốn mở một tài khoản của Giáo hoàng trên mạng xã hội Twitter.

Mỗi ngày, qua các “tweet” của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đến gần với dân chúng trong thế giới truyền thông xã hội. Thỉnh thoảng ngài đăng một suy tư thiêng liêng, hay nhắc nhớ đến vị thánh đước kính nhớ trong ngày, hoặc chia sẻ với những người theo dõi các suy tư về các biến cố quan trọng trên thế giới.

Trong 12 tháng qua, số follower đã tăng thêm hơn 9 triệu; điều này cho thấy sự quan tâm liên tục của dân chúng đến các “tweet” của Đức Thánh Cha, trong đó có người bình dân, các Kitô hữu và người ngoài Kitô giáo, các lãnh đạo chính trị, những nhân vật nổi tiếng về văn hóa.

Bên cạnh số đông follower trên tài khoản Twitter, tài khoản Instagram của Đức Thánh Cha @Franciscus cũng gần đạt 5 triệu follower. Tài khoản Instagram được bắt đầu từ ngày 19/03/2015 với tin: “Tôi bắt đầu một hành trình mới để đồng hành với anh chị em trên con đường của lòng thương xót và dịu dàng của Thiên Chúa.”

Một điều thật ý nghĩa là phần lớn những người theo dõi tài khoản Instagram của Đức Thánh Cha nằm trong độ tuổi 25-34 và Braxin và Hoa kỳ là nơi có nhiều follower nhất.

Theo Đức ông Dario Edoardo Viganò, Bộ trưởng Bộ Truyền thông của Vatican, con số 40 triệu không chỉ có ý nghĩa về con số thống kê, nhưng quan trọng hơn hết là Đức Thánh Cha Phanxicô, cũng như vị tiền nhiệm của ngài, cho thấy sự hiện diện của các chứng tá Kitô giáo trong “thế giới kỹ thuật số” và đặc biệt là trong các phương tiện truyền thông xã hội. 40 triệu người theo dõi là 40 triệu người, 40 triệu trái tim, trí tuệ và tình cảm. Đó là một thế giới, một mối liên hệ, một cộng đồng.

Đức ông Viganò cũng nhận định rằng Đức Thánh Cha rất quan tâm đến các tài khoản xã hôi của ngài; ngài kiểm tra kỹ lưỡng các tweet được đăng trên tài khoản. Điều này chứng tỏ sự quan tâm của ngài với mối liên hệ với các follower và bất kỳ mối liên hệ nào cũng cần được chăm sóc, sưởi ấm trái tim, ngay cả chỉ bằng một ít từ ngữ. Đối với Đức Thánh Cha, "Internet là một là một nơi đầy nhân tính, là  mạng lưới của con người chứ không phải của các dây dợ." (REI 11/10/2017)

Hồng Thủy

 

Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội nghị bảo vệ trẻ em

Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội nghị bảo vệ trẻ em

VATICAN. Sáng 6-10-2017, ĐTC đã tiếp các tham dự viên Hội nghị quốc tế bảo vệ trẻ em trong thế giới kỹ thuật số. Ngài kêu gọi các thành phần xã hội cộng tác để bài trừ tệ nạn này.

Trong số 300 người hiện diện tại buổi tiếp kiến, cũng có chủ tịch Thượng viện Italia và nhiều vị đại sứ, chính quyền, và các giáo sư và nhiều chuyên gia.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC xác nhận sự kiện hàng trăm triệu trẻ em trên thế giới sử dụng Internet, và nhiều em có nguy cơ phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực, bị chài vào các mục tiêu dâm ô, bị bắt nạt, xách nhiễu tình dục… vô số các hình ảnh dâm ô được phổ biến.

Đứng trước tình trạng trên đây, ĐTC mời gọi mọi người đừng có thái độ thụ động, sợ hãi, cảm thấy bất lực trước hiện tượng quá rộng lớn. Trái lại cần động viên hữu hiệu để chống lại tệ nạn này, cần tránh những sai lầm quá khứ, tránh coi nhẹ những thiệt hại mà các hiện tượng nói trên có thể gây hại cho các trẻ em. Tiếp đến đừng nghĩ rằng các giải pháp kỹ thuật tự động, các hệ thống lọc và ngăn chặn là đủ để đối phó với vấn đề. Sau cùng, cần tránh quan niệm ý thức hệ cho rằng các mạng Internet là một ”vương quốc tự do vô giới hạn”.

Tuyên ngôn của Hội nghị

ĐTC bày tỏ lập trường trên đây sau khi ngài được một trẻ nữ đại diện cho hàng triệu trẻ em trên thế giới tóm tắt trước ĐTC nội dung tuyên ngôn chung kết của hội nghị với chủ đề ”Một xã hội có thể bị đoán xét tùy theo cách đối xử với trẻ em”.

Tuyên ngôn có đoạn khẳng định rằng:

”Mỗi trẻ em có quyền được phẩm giá và an ninh. Nhưng ngày nay hàng triệu trẻ em đang bị lạm dụng và bóc lột trên thế giới. Kỹ thuật đã thay đổi cuộc sống con người theo nhiều khía cạnh rất tích cực, nhưng càng ngày nó cũng bị sử dụng để khai thác bóc lột các trẻ em.

”Ngày nay nội dung ngày càng có tính chất cực đoan và vô nhân đạo hơn được đặt vào tay các trẻ em. Sự lan tràn các mạng xã hội đã tạo nên một sự gia tăng kinh khủng các thông tin và đồng thời cũng tạo nên hậu quả là nạn bắt nạt trực tuyến, lăng mạ và xách nhiễu tình dục. Vô số các hình ảnh lạm dụng trẻ em và người trẻ được phổ biến trên mạng và tiếp tục gia tăng mau lẹ. Nạn dâm ô trên mang có ảnh hưởng mạnh mẽ trên tâm trí dễ bị lèo lái của các trẻ em.

”Các thách đố rất rộng lớn, nhưng câu trả lời của chúng ta không thể là thái độ xuống tinh thần và nản chí. Chúng ta phải cùng nhau làm việc để tìm những giải pháp tích cực. Chúng ta phải đảm bảo sao cho tất cả các trẻ em được sử dụng internet an toàn để phát triển việc huấn luyện, thông tin và nối mạng. Các công ty hoạt động trong lãnh vực kỹ thuật và các chính phủ phải tiếp tục canh tân để cải tiến việc bảo vệ trẻ em. Chúng ta cũng phải xin các gia đình, hàng xóm láng giềng và các cộng đoàn các nơi trên thế giới và chính các trẻ em hãy ý thức hơn về ảnh hưởng của internet trên các trẻ vị thành niên”.

Tuyên ngôn cũng khẳng định rằng ”một công việc quan trọng được Trung tâm bảo vệ trẻ em thuộc Đại học Giáo Hoàng Gregoriana thực hiện, cùng với Liên minh hoàn cầu ”WeProtect”, Chúng tôi bảo vệ, qui tụ 70 nước, 23 công ty kỹ thuật và nhiều tổ chức quốc tế trong sứ mạng này, cũng như Tổ chức Liên Hiệp Quốc ”Liên minh hoàn cầu chấm dứt bạo lực chống các trẻ em”. Đây là một vấn đề không thể giải quyết do một nước hoặc một công ty hay một tín ngưỡng tôn giáo, hoạt động lẻ loi, vì đây là một vấn đề hoàn cầu, đòi phải có những giải pháp hoàn vũ. Nó đòi chúng ta phải phát triển ý thức và động viên hoạt động mỗi chính phủ, mỗi tín ngưỡng, mỗi công ty và mỗi tổ chức”.

Trong thời đại Internet này, thế giới phải đương đầu với những thách đố chưa từng có, nếu muốn bảo vệ các quyền và phẩm giá của các trẻ em, và bảo vệ chúng chống lại những lạm dụng và bóc lột. Những thách đố này đòi phải có một cách suy nghĩ mới và lối tiếp cận mới, một sự ý thức cao độ hơn trên bình diện hoàn cầu và một giới lãnh đạo sáng suốt. Vì thế, tuyên ngôn ở Roma này kêu gọi tất cả hãy đứng lên bảo vệ phẩm giá của các trẻ em”. (Rei 6-10-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Hội đồng Giám mục Italia tài trợ các dự án bác ái

Hội đồng Giám mục Italia tài trợ các dự án bác ái

Hội đồng Giám mục Italia, qua ủy ban trợ giúp bác ái, đã tài trợ 30 triệu 432 ngàn euro, cho các dự án bác ái tại các nước thuộc thế giới thứ ba. Ủy ban bác ái này đã họp ở Roma cách đây hai tuần và chấp thuận các hoạt động trợ giúp và phát triển ở châu Phi, châu Mỹ Latinh, châu Á, vùng Cận đông, Đông âu và châu đại dương.

Trong số các dự án được tài trợ, có việc xây dựng một bệnh viện ở khu Temeke của Tanzania. Bệnh viện này được xây để đáp ứng các nhu cầu khẩn thiết đa dạng của dân địa phương khi họ phải trải qua đoạn đường cả 30 cây số để đến bệnh viện gần nhất. Nhiều người đã chết trên đường di chuyển. Nguy hiểm càng gia tăng đối với phụ nữ sắp sinh con.

Tại Trung phi, một khu trường học được xây dựng cho các học sinh vùng nông thôn, thuộc tổng giáo phận Bangui. Còn tại Haiti, nơi bị thiệt hại nặng nề do bão Matthew, dự án sẽ trợ giúp kinh tế, xã hội, môi trường cho 500 đơn vị gia đình. Kế hoạch tài trợ nhắm đến nhiều phương diện, để hoạt động lại mạch sản xuất bị gián đoạn bởi thiên tai, thành lập một quỹ tín dụng nhỏ, thu hồi nước bị ô nhiễm, sửa chữa nhà bị hư hỏng, mua cây giống và dụng cụ nông nghiệp để xây dựng các đồn điền (cây ăn quả, cây lấy gỗ) đã bị phá hủy.

Trong 19 chương trình tài trợ cho Á châu có chương trình xây dựng nơi cư trú cho người không nhà ở Pakistan và chống lại tệ nạn nô lệ và lao động trẻ em. Tại vùng Cận đông, một dự án nhắm tái hội nhập những người nghiện ngập ở Libăng vào xã hội. (REI 02/10/2017)

Hồng Thủy

Giáo hội Ba lan đọc kinh Mân Côi cầu nguyện cho thế giới

Giáo hội Ba lan đọc kinh Mân Côi cầu nguyện cho thế giới

Ít nhất một triệu tín hữu Công giáo tham dự chương trình “đại” cầu nguyện trải dài 2000 dặm biên giới đất liền và hải phận nối liền với 8 nước của Ba lan.

Hội đồng Giám mục Ba lan đã kêu gọi các thành phần trong Giáo hội tham gia vào chương trình đọc kinh Mân Côi kéo dài một tiếng trên các biên giới của họ để cứu thế giới khỏi tội lỗi và kỷ niệm biến cố châu Âu được cứu khỏi cuộc xâm lược của Hồi giáo hồi thế kỷ 16.

Thông cáo của Hội đồng Giám mục Ba lan cho biết: “Mục đích là giờ đọc kinh Mân côi cầu nguyện cho Ba lan và toàn thế giới bởi những người được chọn dọc theo biên giới của chúng ta. Chúng tôi kêu gọi mọi tín hữu ủng hộ sáng kiến này đông đảo và cho tất cả chúng ta – giáo sĩ, các tu sĩ và giáo dân – cùng nhau cầu nguyện.”

Chương trình “Kinh Mân Côi trên các biên giới” vào ngày 07/10 đánh dấu việc cử hành 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima và là cách thế đặc biệt thực hành lời mời gọi sám hối Đức Trinh nữ Maria đã truyền cho sơ Lucia và các em họ của mình.

Ban tổ chức cho biết có 319 nhà thờ và 22 giáo phận được sử dụng làm các điểm tập họp. Trang web của ban tổ chức cho biết: “Chúng tôi muốn xin ơn tha thứ và đền tội cho tất cả các xúc phạm và chống đối xúc phạm đến Trái tim Vô nhiễm Đức Mẹ Maria và xin Mẹ Thiên Chúa can thiệp để cứu Ba lan và thế giới. Nếu kinh Mân côi được một triệu người Ba lan cầu nguyện thì không chỉ có thể thay đổi các sự kiện nhưng còn mở các trái tim cho các hoạt động ân sủng của Chúa.” (The Tablet 25/09/2017)

Hồng Thủy

Sứ điệp Đức Thánh Cha ngày Tòa Thánh tại Expo 2017 ở Astana

Sứ điệp Đức Thánh Cha ngày Tòa Thánh tại Expo 2017 ở Astana

ASTANA. ĐTC Phanxicô cổ võ việc sử dụng năng lượng trong tinh thần liên đới và trách nhiệm, và ngài mời gọi các tôn giáo cộng tác vào công cuộc này.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong Sứ điệp gửi các tham dự viên Ngày Tòa Thánh cử hành lúc 3 giờ chiều ngày 2-9-2017, tại Căn nhà của Tòa Thánh ở cuộc triển lãm Expo 2017 tại Astana thủ đô Kazachstan, về chủ đề ”Năng lượng tương lai”, trước sự hiện diện của Ông Kassym-Jomart Tokayev, Chủ tịch Thượng viện Kazachstan, ĐHY Peter Turkson, Bộ trưởng Bộ phục vụ phát triển nhân bản toàn diện, Đức Cha Tomasz Peta, TGM giáo phận Astana sở tại, cùng với nhiều quan khách quốc tế.

Trong sứ điệp trong dịp này, ĐTC khẳng định rằng ”Chúng ta phải làm sao để năng lượng phục vụ điều làm cho chúng ta tốt đẹp hơn, những gì làm cho nhân loại chúng ta triển nở và mang lại thành quả. Nhân loại, tự bản chất hướng về tương quan với tha nhân, hướng về tình liên đới và tình thương”.

ĐTC cũng cảnh giác rằng ”Không được bỏ mặc các nguồn năng lượng cho những kẻ đầu cơ, và không trở thành nguồn tạo ra xung đột. Để đạt tới mục đích đó, cần có đối thoại chân thành và rộng rãi, ở mọi cấp độ, giữa các tầng lớp khác nhau trong các xã hội chúng ta. ”Năng lượng tương lai” không phải chỉ là công việc của các nhà nghiên cứu, các kỹ thuật gia hoặc các nhà đầu tư, nhưng còn là công tác của giới văn hóa, chính trị, giáo dục và tôn giáo. Trong mục đích này, ĐTC đặc biệt cổ võ sự đối thoại và cộng tác giữa các tôn giáo.. Điều quan trọng là mỗi người khám phá trong tín ngưỡng của mình, những động lực và các nguyên tắc làm cho sự dân của tín hữu có thể thực hiện được và có can đảm cải tiến, kiên trì và sống với nhau, sống tình huynh đệ”.

Căn nhà của Tòa Thánh ở Expo 2017 mang chủ đề ”Năng lượng phục vụ công ích: chăm sóc căn nhà chung của chúng ta”

ĐHY Turkson là Ủy viên về Căn nhà của Tòa Thánh tại cuộc triển lãm này. Ngài hướng dẫn phái đoàn Tòa Thánh đến Astana từ ngày 31-8 đến 4-9-2017. Cùng thuộc phái đoàn Tòa Thánh Đức TGM Francis Chullikatt, người Ấn độ, sứ thần Tòa Thánh tại Kazachstan, các vị lãnh đạo Giáo Hội địa phương, và như một số nhân viên của Bộ Phát triển nhân bản toàn diện. (Rei 2-9-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Kỷ niệm 300 năm đội triều thiên ảnh Đức Mẹ Nữ Vương Ba Lan

Kỷ niệm 300 năm đội triều thiên ảnh Đức Mẹ Nữ Vương Ba Lan

CZESTOCHOWA. Hôm 27-8-2017, thánh lễ trọng thể kỷ niệm 300 năm đội triều thiên cho ảnh Đức Mẹ Jasna Gora, Nữ Vương Ba Lan, đã được cử hành trọng thể tại Đền thánh Đức Mẹ ở Czestochowa.

Hiện diện tại buổi lễ có tất cả các GM Ba Lan, Tổng Thống và chính quyền dân sự, cùng với hàng trăm ngàn tín hữu hành hương.

Theo lưu truyền ảnh Đức Mẹ được thánh Luca thực hiện tại Jerusalem trên gỗ lấy từ bàn của nhà Thánh Gia ở Nazareth. Ảnh này được giữ tại Vương cung thánh đường cạnh Đan viện do các cha dòng Thánh Phaolô coi sóc. Lễ kính Đức Mẹ hằng năm vào ngày 27-8.

Năm 1717, ảnh Đức Mẹ được đội triều thiên do ĐGH Clemente 11 dâng tặng, nhưng triều thiên này bị lấy trộm hồi năm 1909. Qua dòng thời gian, các triều thiên khác được thay đổi theo nghi thức đặc biệt. Năm nay, bản sao triều thiên Đức Mẹ được giáo phận Crotone ở Italia dâng tặng và được đặt trên ảnh Đức Mẹ trong đêm 27 rạng ngày 28-7 vừa qua, kỷ niệm 1 năm cuộc hành hương của ĐTC Phanxicô tại đây, trong dịp Đại hội Giới trẻ Công giáo thế giới ở Cracovia.

Để kỷ niệm 300 năm đội triều thiên cho ảnh Đức Mẹ, Năm Thánh được cử hành trên toàn nước Ba Lan và sẽ kết thúc vào ngày 8-9 tới đây với thánh lễ do ĐHY Stanislaw Rylko người Ba Lan, chủ sự. ĐHY hiện là Giám quản Đền thờ Đức Bà Cả ở Roma.

Sứ điệp của ĐTC

ĐTC Phanxicô đã gửi sứ điệp video cho các tham dự viên, trong đó ngài nhắc nhở rằng ”Bức Ảnh Thánh tỏ cho thấy Mẹ Maria không phải mà một Nữ Vương xa xăm ngự trên ngai, nhưng là người Mẹ ẵm Con, và cùng với Chúa Con, Mẹ ôm lấy tất cả chúng ta là con cái của Mẹ. Người là Mẹ thật, với khuôn mặt bị vết thương, một người Mẹ đau khổ nhận vào lòng những vấn đề của cuộc sống chúng ta. Người là Mẹ gần gũi, không bao giờ quên nhìn chúng ta; Người là một bà Mẹ dịu dàng, cầm tay dẫn dắt chúng ta mỗi ngày”.

ĐTC cũng cầu mong Năm Thánh kỷ niệm Đức Mẹ Jasna Gora là thời điểm thuận tiện để không một ai trong chúng ta cảm thấy mình mồ côi, trong thế giới mồ côi này, không ai trong chúng ta bị mồ côi, vì mỗi người có một Người Mẹ ở cạnh, là Nữ Vương khôn sáng về sự dịu dàng. Mẹ biết và đồng hành với chúng ta như từ mẫu đích thực, dịu dàng, và đồng can đảm, không bao giờ xâm nhập vào cuộc sống và luôn kiên trì trong điều thiện, kiên nhẫn trước sự ác và tích cực trong việc thăng tiến hòa hợp”. (Rei 26-8-2017)

G. Trần Đức Anh OP