Đi bộ vì hoà bình do cộng đoàn Egidio tổ chức

Đi bộ vì hoà bình do cộng đoàn Egidio tổ chức

Tại Roma, đoàn người sẽ khởi hành lúc 10:30 sáng ngày 1/1 tại Largo thánh Gioan XXIII, và kết thúc tại quảng trường thánh Phêrô lúc 11:30, nửa tiếng trước khi đọc Kinh Truyền Tin với ĐTC. Trước khi khởi hành, một vài người là nạn nhân của sự vắng bóng hoà bình có những lời phát biểu ngắn, và các em thiếu nhi bước những bước đầu tiên trong cuộc đi bộ này.

Trong dịp đầu năm này, cộng đoàn thánh Egidio tổ chức hơn 900 cuộc đi bộ tại 70 quốc gia trên thế giới. Đi bộ là dịp để đối thoại và cầu nguyện đại kết, là cơ hội để tạo ý thức về sự dấn thân xây dựng thế giới công bằng và nhân bản hơn, loại bỏ bạo lực và chiến tranh.

Ngày thế giới hoà bình được ĐTC Phaolô VI thiết lập năm 1968, với sứ điệp hoà bình được gởi đi ngày 8/12/1967. Đây là thời kỳ Chiến Tranh Lạnh và chiến tranh Việt Nam. Ngày hoà bình thế giới không chỉ dành riêng cho những người Công giáo, nhưng cho tất cả những ai yêu chuộng hoà bình. (Vatican News 30/12/18).

Văn Yên, SJ

ĐGH tiếp phái đoàn Đức Thượng Phụ Assira Đông Phương

ĐGH tiếp phái đoàn Đức Thượng Phụ Assira Đông Phương

Giáo Hội Assira Đông Phương cũng có tên là Giáo Hội Nestorio là Giáo Hội chỉ công nhận 2 công đồng chung đầu tiên và hiện nay có khoảng 323 ngàn tín hữu thuộc 19 giáo phận ở Trung Đông nhiều nước trên thế giới.

Đây là lần thứ 2 ĐTC gặp Đức Thượng Phụ Gewargis III, lần đầu hồi tháng 7 năm nay tại buổi cầu nguyện của các vị Thượng Phụ Đông Phương tại thành phố Bari để cầu nguyện cho hòa bình tại Siria và Trung Đông.

Cám ơn Chúa vì thành quả đối thoại

Trong lời chào mừng Đức Thượng Phụ Giáo Hội Assira, ĐTC dâng lời cảm tạ Thiên Chúa vì thành quả của Ủy ban đối thoại thần học giữa Công Giáo và Giáo hội Assisi. Giai đoạn 2 mới kết thúc với việc ký kết tuyên ngôn chung về ”đời sống bí tích”. ĐTC nói:

”Tôi cầu nguyện để công việc của Ủy ban đối thoại có thể tiếp tục và trong những ngày này đã bắt đầu giai đoạn thứ 3 nghiên cứu đối thoại về Giáo Hội học. Ước gì các hoạt động này giúp chúng ta tiến thêm một bước đường, tiến đến mục tiêu rất đáng mong ước là chúng ta có thể cử hành Hy Tế của Chúa trên cùng một bàn thờ”.

ĐTC không quên bày tỏ tình liên đới với những đau khổ mà bao nhiêu tín hữu Giáo hội Assira Đông Phương đã phải chịu tại các nước ở Trung Đông, nạn nhân của bạo lực khiến họ nhiều khi phải rời bỏ vĩnh viễn quê hương của họ.

Cầu nguyện chung

Sau cuộc hội kiến riêng, ĐTC và Đức Thượng Phụ cùng với đoàn tùy tùng, cũng như với các thành viên Ủy ban đối thoại thần học giữa hai Giáo Hội, đã cầu nguyện chung tại Nguyện đường Mẹ Đấng Cứu Chuộc (Redemptoris Mater) tại Dinh Tông Tòa, rồi hai vị đã ký vào một tuyên ngôn chung.

Tuyên ngôn chung

Trong văn kiện này, hai vị Giáo Chủ dâng lời cảm tạ Thiên Chúa vì hai Giáo Hội ngày càng xích lại gần nhau, đặc biệt từ cuộc gặp gỡ đầu tiên tại Roma hồi năm 1984 giữa hai Thánh Gioan Phaolô 2 Giáo Hoàng và Đức Thượng Phụ Mar Dinkha IV, từ đó cuộc đối thoại thần học và đối thoại trong tình thương và sự thật đã mang lại nhiều thành quả. “Chúng tôi cầu nguyện và hy vọng cuộc đối thoại thần học có thể giúp cho hành trình hiệp nhất trở nên dễ dàng hơn để một ngày kia hai bên có thể cùng cử hành thánh lễ.”

Chia sẻ những đau khổ của anh chị em ở Trung Đông

Nhắc đến những đau khổ mà các anh chị em Kitô hữu phải chịu tại Trung Đông, nhất là tại Irak và Siria, hai vị Giáo Chủ nhận định rằng ”hằng tram ngàn người vô tội, nam nữ, trẻ em đã chịu đau khổ rất sức lớn lao vì những xung đột bạo lực mà không gì có thể biện minh được. Chiến tranh và bách hại gia tăng sự xuất cư của các tín hữu Kitô ra khỏi những phần đất mà các cộng đồng tôn giáo đã từng sống sát cánh với nhau.”

”Giữa những đau khổ ấy, chúng tôi tiếp tục nhìn thấy các anh chị em đi theo con đường thập giá của Chúa Kitô, trong niềm hiệp thông với Chúa, Đấng đã hòa giải chúng ta nhờ thập giá của Ngài.. Đứng trước những tình cảnh ấy, chúng tôi liên kết với các anh chị em bị bách hại, lên tiếng thay cho những người không có tiếng nói. Cùng nhau chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để thoa dịu những đau khổ và giúp họ tìm được những con đường để bắt đầu một cuco sống mới.”

Kêu gọi cộng đồng quốc tế

Sau cùng hai vị Giáo Chủ kêu gọi cộng đồng quốc tế thi hành một giải pháp chính trị nhìn nhận các quyền lợi và nghĩa vụ của các mỗi người. ”Quyền tối thượng của luật pháp, trong đó có sự tôn trọng tự do tôn giáo và bình đẳng trước pháp luật dựa trên nguyên tắc quyền công dân, bất luận họ thuộc chủng tộc hoặc tôn giáo nào, chính là một nguên tắc cơ bản để thiết lập và bảo tồn sự sống chung bền vững và phúc lợi giữa các dân tộc và các cộng đồng ở Trung Đông” (Rei 9-11-2018).

Giuse Trần Đức Anh, OP

Công bố đề tài Ngày Hòa Bình thế giới: 1-1-2019

Công bố đề tài Ngày Hòa Bình thế giới: 1-1-2019

Một đoạn bình luận ngắn được Phòng Báo Chí Tòa Thánh phổ biến trong dịp này khẳng định rằng:

 Bình luận

 ”Trách nhiệm chính trị là điều thuộc về mỗi công dân và đặc biệt là những người đã nhận lãnh sứ mạng bảo vệ và cai quản. Sứ mạng này hệ tại bảo tồn luật pháp và khuyến khích đối thoại giữa các tác nhân trong xã hội, giữa các thế hệ và các nền văn hóa. Không có hòa bình nếu không có sự tín nhiệm nhau. Và lòng tín nhiệm đòi điều kiện đầu tiên là tôn trọng lời đã cam kết. Sự dấn thân chính trị, – vốn là một trong những biểu hiện cao cả nhất của đức bác ái – bao gồm mối quan tâm đối với tương lai của đời sống và của trái đất, những người trẻ và bé nhỏ nhất, trong niềm khao khát của họ được viên mãn.

 Sự tôn trọng quyền lợi và nghĩa vụ tăng ý thức cộng đoàn

 Như thánh Gioan 23 đã nhắc nhở trong thông điệp ”Hòa bình dưới thế” (Pacem in terris, 1963), khi một người được tôn trọng trong các quyền của họ, thì nơi họ cũng nảy sinh cảm thức về nghĩa vụ phải tôn trọng các quyền của người khác. Các quyền lợi và nghĩa vụ của con người làm gia tăng ý thức mình thuộc về cùng một cộng đồng, với tha nhân và với Thiên Chúa (Xc ivi, 45). Vì thế chúng ta được kêu gọi mang đến và loan báo hòa bình như một tin vui về một tương lai trong đó mỗi người được tôn trọng trong phẩm giá và các quyền của họ”.

 Ngày 1 tháng 1 năm 2019 này, Ngày Hòa Bình thế giới lần thứ 51 đã được cử hành với chủ đề ”Di dân và tị nạn: những người nam nữ tìm kiếm hòa bình” (Rei 6-11-2018)

Giuse Trần Đức Anh, OP

Tòa Thánh chúc mừng các tín hữu Ấn giáo nhân lễ Diwali

Tòa Thánh chúc mừng các tín hữu Ấn giáo nhân lễ Diwali

Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp gửi đến các tín hữu Ấn giáo nhân lễ Diwali là lễ Ánh Sáng, mừng sự chiến thắng của sự thật trên dối trá, sự sống trên sự chết, sự thiện trên sự ác. Lễ này được cử hành trong 3 ngày và năm nay bắt đầu từ ngày 7-11 tới đây.

 Chúc mừng

 Trong sứ điệp, Đức Cha Miguel Angel Guixot, người Tây Ban Nha, Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, cầu mong rằng dịp mừng lễ Diwali củng cố tinh thần thân hữu và huynh đệ giữa các tín hữu Ấn giáo, mang lại hòa bình và vui tươi trong các gia đình và cộng đoàn.

 Bênh vực những người yếu thế và bị gạt bỏ

 Ngài cũng nhắc đến tình trạng ”những thành phần dễ bị tổn thương trong các xã hội chúng ta phải chịu bao nhiêu thử thách hằng ngày: người nghèo, bệnh nhân, người già, người tàn tật, người túng quẫn, người bị bỏ rơi, những người di dân và người bị gạt ra ngoài lề xã hội, những người bị loại trừ về phương diện xã hội, tôn giáo, văn hóa, ngôn ngữ, các nạn nhân bị lạm dụng, và bạo lực, nhất là các phụ nữ và trẻ em.”

 Đức Cha Guixot viết: ”Nghĩa vụ luân lý chăm sóc những người dễ bị tổn phương phát xuất từ niềm tin chung, theo đó tất cả chúng ta đều là những thụ tạo của Thiên Chúa, và vì thế chúng ta là anh chị em với nhau, bình đẳng trong phẩm giá và có trách nhiệm đối với nhau. Nhưng nghĩa vụ ấy cũng phát sinh từ kinh nghiệm về sự dễ bị tổn thương của chính chúng ta, bao nhiều lần chúng ta tìm kiếm người giúp đỡ chúng ta.”

 Quan tâm giúp đỡ những người kém may mắn trong cộng đoàn

 Đức Cha Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn cũng khẳng định rằng ”những cơ hội phục vụ ở trong tầm tay chúng ta, vì trong mỗi cộng đoàn, mỗi xã hội đều có những người dễ bị tổn thương. Cần cố gắng nhiều hơn, trong tinh thần liên đới, để họ có thể nhận thấy “sự hiện diện của những anh chị em quan tâm đến họ, và khi mở cửa tâm hồn và cuộc sống, chúng ta làm cho họ cảm thấy chúng ta là người bạn và là người thân của họ”.

 Kêu gọi các vị hữu trách chính trị

 Đức Cha Guixot cổ võ sự quan tâm và cộng tác với nhau, không những để bảo vệ chỗ đứng hợp pháp của những người dễ bị tổn thương, và các quyền của họ giữa lòng xã hội, nhưng còn để nuôi dưỡng một nền văn hóa chăm sóc và coi trọng họ. Ngài viết: ”Cả trong các gia đình chúng ta, cũng cần nỗ lực để không một ai cảm thấy họ không được mong muốn và yêu thương, bị loại trừ hoặc bị làm ngơ không biết đến. Mỗi cấp độ xã hội, đặc biệt là các nhà hữu trách chính trị, và chính quyền, những người đã được chuẩn bị nhiều hơn để cung cấp những trợ giúp thực tiễn, cần phải chứng tỏ một khuôn mặt và một con tim đối với những người dễ bị tổn thương trong xã hội chúng ta và đi tới tất cả những người ở ngoài lệ và bị đàn áp. Lòng quảng đại này không thể bị coi như một cử chỉ tượng trưng, nhưng như một thành quả của sự soi sáng của Chúa trong, hướng đến sự giải thoát chân thực và an sinh cho những người dễ bị tổn thương và nhắm bảo vệ chính nghĩa của họ” (Rei 31-10-2018).

Giuse Trần Đức Anh, OP

Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ làm phép dầu

Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ làm phép dầu

VATICAN. ĐTC Phanxicô mời gọi các tư tế hãy sống gần gũi dân chúng và xác tín rằng chính sự gần gũi này sẽ giúp tư tế gần Chúa hơn.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ này trong bài giảng thánh lễ làm phép dầu lúc 9 giờ rưỡi sáng thứ năm Tuần Thánh 29-03-2018 tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Đồng tế với ĐTC có hơn 30 Hồng Y, 60 GM và khoảng 1 ngàn linh mục, trước sự hiện diện của 6 ngàn tín hữu.

Trước khi thánh lễ bắt đầu, các vị tư tế đã cùng với các tín hữu hiện diện đã hát kinh Giờ Ba.

Trong bài giảng ĐTC đã nêu bật tấm gương của Chúa Giêsu đã chọn ở giữa dân Ngài, gần gũi họ. Sự gần gũi chính là chìa khóa của việc loan báo Tin Mừng, vì đó là một thái độ nòng cốt trong Tin Mừng.

Ngài đặc biệt nhấn mạnh đến sự gần gũi dân chúng trong 3 lãnh vực: đồng hành tinh thần, tức là gần gũi trong cuộc đối thoại linh đạo, tiếp đến là gần gũi trong việc giải tội và sau cùng là gần gũi trong việc rao giảng.

Mẫu gương về sự gần gũi trong việc đối thoại tinh thần là cuộc gặp gỡ và trao đổi giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ xứ Samaria, trong đó Chúa đã đưa ra ánh sáng tội của người phụ nữ này mà không tạo nên bóng đen trên kinh nguyện thờ lạy của bà và cũng không đặt chướng ngại cho ơn gọi thừa sai của bà.

Tiếp đến là sự gần gũi trong việc giải tội. Chúng ta có thể thấy qua giai thoại người đàn bà ngoại tình. Nhìn tha nhân trong con mắt của họ, như Chúa, khi Ngài đứng lên sau khi quì gối gần người phụ nữ ngoại tình mà họ muốn ném đá và Ngài nói với họ: ”Cả tôi cũng không kết án bà” (Ga 8,11). Đó không phải là điều trái ngược luật. Và Chúa có thể nói thêm: ”Từ nay bà đừng phạm tội nữa”, Ngài không nói với một giọng thuộc lãnh vực pháp lý của ”chân lý-định nghĩa”, nhưng với một giọng của người phải quyết định đâu là những điều kiện của lòng thương xót Chúa, giúp tội nhân nhìn về đằng trước chứ không nhìn về đằng sau.

Sau cùng là sự gần gũi trong lãnh vực giảng thuyết. Thánh Phêrô trong bài giảng ngày Lễ Ngũ Tuần đã đánh động tâm hồn mọi người, khiến họ đặt câu hỏi: ”Chúng tôi phải làm gì đây?” (Cv 2,37).. Bài giảng là viên đá thử để thẩm định sự gần gũi và khả năng gặp gỡ của một Mục Tử với dân của mình” (Evangelii Gaudium, 135). Trong bài giảng ta thấy mình gần gũi Thiên Chúa thế nào trong kinh nguyện và gần gũi dân chúng thế nào trong đời sống hằng ngày của họ.

Và ĐTC nhắn nhủ rằng ”Nếu bạn cảm thấy xa Chúa, thì hãy đến gần dân, họ sẽ chữa bạn khỏi những ý thức hệ làm cho bạn trở nên nguội lạnh. Những người bé nhỏ sẽ dạy bạn nhìn Chúa Giêsu 1 cách khác…Nếu bạn cảm thấy xa dân, thì hãy đến gần Chúa, đến gần Lời Ngài: trong Tin Mừng, Chúa Giêsu sẽ dạy bạn cách nhìn dân, mỗi người trong họ có giá trị dường nào trước con mắt của Chúa Giêsu, Đấng đã đổ máu đào vì họ trên thập giá”.

Sau bài giảng của ĐTC, các HY, GM và LM hiện diện đã cử hành nghi thức lập lại những lời đã hứa khi chịu chức linh mục. Tiếp đến, ngài đã làm phép dầu dự tòng, dầu bệnh nhân và dầu thánh hiến (Crisma).

Trong phần rước lễ, 50 LM và 60 phó tế đã phân phát Mình Thánh cho các tín hữu. (SD 29-3-2018)

G. Trần Đức Anh OP

Nghĩ về sự chết giúp thoát khỏi ảo tưởng làm chủ thời gian

Nghĩ về sự chết giúp thoát khỏi ảo tưởng làm chủ thời gian

Khi nghĩ về sự chết, chúng ta sẽ được thoát khỏi ảo tưởng rằng mình có thể làm chủ thời gian. Chúng ta không bất tử hoặc bất diệt. Chúng ta là những con người sống trong thời gian có khởi đầu và có kết thúc. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Cái chết là một thực tế

Lời Chúa hôm nay kể về giây phút cuối đời của vua Đavit. Cái chết đến với tất cả mọi người, ảnh hưởng trên mọi người. Với từng người, dù sớm hay muộn thì cái chết cũng sẽ đến.

Nhưng mà luôn có cám dỗ níu kéo cuộc sống trong sự lòng vòng của mê cung ích kỷ, mà không nhìn tới tương lai. Không, cuộc sống này sẽ kết thúc, sẽ có cái chết, tất cả chúng ta đều biết điều ấy. Và vì thế, Giáo Hội luôn cố gắng giúp chúng ta suy nghĩ phản tỉnh về cái chết, về giây phút cuối đời của mỗi người chúng ta.

Cái chết là một di sản

Tôi không phải là chủ của thời gian. Bạn cũng thế. Suy tư về cái chết sẽ giúp chúng ta thoát khỏi ảo tưởng làm chủ thời gian, giúp chúng ta thoát khỏi kiểu cuộc sống với những chuỗi dài vô nghĩa. Tôi đang tiến bước và tôi phải nhìn tới phía trước, phải suy xét về tương lai, về cái chết. Cái chết cũng là một thứ di sản, không phải là di sản vật chất nhưng là chứng từ cuộc sống.

Chúng ta có thể tự hỏi lòng mình rằng: Nếu hôm nay Chúa gọi tôi, thì tôi sẽ để lại di sản gì đây? Lúc ấy tôi sẽ để lại gì, sẽ để lại chứng từ cuộc sống nào, sẽ để lại gì cho cuộc đời này? Đó là câu hỏi rất hay để tự chất vấn lòng mình. Và như thế, tất cả chúng ta biết cách chuẩn bị chính mình. Chẳng ai trong chúng ta sẽ còn lại giống như những di tích. Không, tất cả chúng ta rồi sẽ chết.

Cái chết là một ký ức

Cái chết cũng là một loại ký ức, là một thứ để chúng ta luôn nhớ tới, để suy nghĩ để phản tỉnh, để rọi ngược trở lại giây phút hiện tại. Nếu hôm nay tôi chết, thì tôi thích làm gì, sẽ làm gì, sẽ quyết định gì, sẽ sống lối sống nào? Khi suy nghĩ như thế, suy tư về điều ấy, cuộc sống hiện tại của chúng ta sẽ sáng tỏ. Chúng ta sẽ tỉnh ngộ, sẽ bừng tỉnh, sẽ khôn ngoan với những quyết định trong cuộc sống từng ngày. Cảm thấy rằng, cảm nhận rằng, biết rằng mình đang tiến về cái chết, điều ấy rất tốt cho mỗi người chúng ta.

Tứ Quyết SJ

 

Bắt chước thái độ sống của ba Đạo Sĩ Phương Đông

Bắt chước thái độ sống của ba Đạo Sĩ Phương Đông

VATICAN: ĐTC Phanxicô khích lệ mọi người bắt chước thái độ sống của ba nhà đạo sĩ phương đông: nhận ra ngôi sao của Chúa, mau mắn lên đường kiếm tìm thờ lậy Chúa Hài Đồng và dâng các lễ vật cho Chúa; không thờ ơ như các tư tế, ký lục và dân chúng Giêrusalem cũng không sợ hãi như vua Hêrốt.

Ngài đã đưa ra lời khích lệ trên đây trong bài giảng Thánh lễ và trong bài huấn dụ trước Kinh Truyền Tin trưa 6-1 Lễ Chúa Hiển Linh. Cùng đồng tế Thánh Lễ với ĐTC trong đền thờ thánh Phêrô lúc 10 giờ sáng có hàng chục Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và hơn 200 Linh Mục. Tham dự Thánh Lễ có khoảng 9,000 tín hữu.

Giảng trong Thánh Lễ ĐTC đã nêu bật ba thái độ của các nhà đạo sĩ: họ ngước mắt nhìn ngôi sao sáng, nhất quyết lên đường bước đi tìm Chúa và khi gặp dâng các lễ vật cho Chúa. Trong cuộc sống con người thường nhìn xuống đất bằng lòng với sức khỏe, một ít tiền của và giải trí. Họ sống vật vờ, để cho các ánh sao chói chang nhưng đang rơi rụng làm loá mắt là tiền của, chức tước, danh vọng, thú vui, các cảm xúc mạnh không hướng dẫn và chỉ đường và họ không biết mơ mộng, ước mong gặp gỡ Thiên Chúa. Ngôi sao của Chúa không luôn luôn rạng ngời, nhưng hiện diện và luôn đồng hành với con người và trao ban cho nó niềm vui.

Các nhà đạo sĩ đã quyết tâm dấn bước lên đường, tự giải thoát khỏi các gánh nặng vô ích cản ngăn gặp gỡ Chúa, loại bỏ mọi sợ hãi, ươn lười bất động và liều lĩnh ra đi. Họ không thờ ơ như các tư tế và ký lục, biết Đấng Cứu Thế sinh ra tại Bếtlêhem, nhưng không đến thờ lậy, mà bất động ở lại trong cuộc sống dễ dãi thoải mái. Họ cũng không sợ hãi sợ hãi mất đi quyền bính như vua Hêrốt, coi việc Chúa đến là một đe đọa. Khi con người chạy theo các đam mê trần tục, các viễn tượng thoải mái, các hướng chiều của sự dữ, thì coi Chúa Giêsu như một chướng ngại. Đàng khác cũng có cám dỗ của sự thờ ơ: tuy biết Chúa là Đấng Cứu Thế nhưng kitô hữu lại hành xử theo các nguyên tắc của trần gian, thoả mãn các hướng chiều về sự kiêu căng, khao khát quyền bính và của cải giầu sang.

Khi tìm thấy Chúa Hài Nhi, các đạo sĩ dâng lên cho Ngài vàng, nhũ hương và mộc dược một cách vô vị lợi, mà không đợi chờ nhận lại gì cả. Khi làm người bé nhỏ vì chúng ta, Chúa Giêsu xin chúng ta cống hiến một cái gì đó cho các anh chị em bé nhỏ của Ngài: những người đói khát, bị tù tội, nghèo túng, kiều cư, đau yếu, chịu đựng người khó tính, tha thứ cho kẻ xúc phạm đến ta… đó là các món quà đẹp lòng Chúa.

Lúc 12 giờ trưa ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người. Ngài đặc biệt chúc mừng lễ Giáng Sinh các Giáo Hội Đông Phương, và bầy tỏ sự gần gũi đặc biệt với Đức Thượng Phụ Tawadros II của Giáo Hội chính thống Copte, nhân ngày thánh hiến nhà thờ chính toà Cairo.

Lễ Hiển Linh cũng là Ngày thiếu nhi truyền giáo, năm nay mời gọi trẻ em truyền giáo có cái nhìn của Chúa Giêsu, để được hướng dẫn trong dấn thân cầu nguyện, sống tình huynh đệ và chia sẻ với các bạn đồng trang lứa cần được giúp đỡ.

ĐTC cũng chào đoàn rước Ba Vua lịch sử dân ca vũ nhằm thăng tiến các giá trị của lễ Hiển Linh, năm nay dành cho vùng Monti Prenestini. Các nhóm mặc y phục thời trung cổ nhiều mầu sắc rất đẹp và đi diễn hành có các ban nhạc đi theo, với Ba Vua cỡi ngựa trắng. Ngài cũng chào các đoàn rước Ba Vua tại nhiều thành phố bên Ba Lan, có sự tham dự của các gia đình và các hiệp hội. ĐTC chúc mọi người một ngày lễ tươi vui an bình.

Linh Tiến Khải 

 

ĐTC Phanxicô viếng thăm Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16

ĐTC Phanxicô viếng thăm Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16

VATICAN. Hôm 26-12-2017, Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết giống như mọi năm, ngày 21-12 vừa qua, ĐTC Phanxicô đã đến Đan viện Mẹ Giáo Hội ở Nội thành Vatican để chúc mừng Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 nhân dịp lễ Giáng Sinh.

 Hai vị đã gặp gỡ và trao đổi với nhau nửa tiếng đồng hồ.

 Đức Biển Đức 16 năm nay 90 tuổi và sẽ tròn 91 tuổi vào tháng 4-2018.

 Mặt khác, ký giả Peter Seewald người Đức, mới viếng thăm Đức Biển Đức 16 và kể với báo Kurier số ra ngày 24-12-2017 ở Áo rằng ”sức khỏe của Đức nguyên Giáo Hoàng thoạt nhìn có vẻ không tốt: Hồi tháng 10, ngài bị ngã và bị thương nhẹ ở mặt. Vết thương nay đã lành. Việc đi đứng của ngài ngày càng khó khăn. Ngài nói nhỏ, nhưng vẫn rất tỉnh táo và chăm chú, vui tính và khôi hài”.

 Hồi năm ngoái, ký giả Seewald đã xuất bản cuốn sách mới phỏng vấn Đức Biển Đức 16 với tựa đề ”Những cuộc nói chuyện cuối cùng” (Letzte Gaspraeche) (KNA 26-12-2017)

 G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha tiếp Hội Đồng Tòa Thánh về văn hóa

Đức Thánh Cha tiếp Hội Đồng Tòa Thánh về văn hóa

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa sáng 18-11-2017, ĐTC tái khẳng định những nguyên tắc căn bản trong việc đối thoại với thế giới trước những tiến bộ của khoa học và kỹ thuật.

Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa đã nhóm khóa họp toàn thể từ ngày 15 đến 18-11-2017 dưới quyền chủ tọa của ĐHY Chủ tịch Gianfranco Ravasi và bàn về chủ đề ”tương lai nhân loại – những thách đối mới về nhân loại học”.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC ghi nhận những tiến bộ lớn của nhân loại như y khoa và khoa di truyền học giúp nhìn vào trong cơ cấu thâm sâu nhất của con người và thậm chí can thiệp để thay đổi cơ cấu ấy. Khoa học về thần kinh ngày càng cung cấp thông tin về hoạt động của não bộ con người. Sau cùng, là những tiến bộ vượt bực của những người máy độc lập và biết suy tư đang trở nên thành phần cuộc sống thường nhật của con người.

Những tiến bộ ấy đề ra những câu hỏi lớn mà chúng ta phải đương đầu. Trong cuộc đối thoại này, ĐTC kêu gọi kín múc từ những kho tàng khôn ngoan trong các truyền thống tôn giáo, sự khôn ngoan của dân gian, văn hóa nghệ thuật liên quan sâu xa đến mầu nhiệm con người, và cả những nội dung chứa đựng trong triết lý và thần học.

ĐTC cũng khẳng định những nguyên tắc lớn để nâng đỡ cuộc đối thoại với khoa học. Trước tiên là vị thế trung tâm của con người, con người cần phải được coi như một mục tiêu chứ không phải là phương tiện.

Tiếp đến là nguyên tắc mọi tài nguyên thiện ích, kể cả những thiện ích như kiến thức và kỹ thuật là để phục vụ cho tất cả mọi người, chứ không phải đẻ mưu lợi cho một thiểu số.

Sau cùng là nguyên tắc không phải tất cả những gì con ngừơi có thể làm được về phương diện kỹ thuật đều có thể chấp nhận được về phương diện luân lý đạo đức. (Rei 18-11-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha ca ngợi gia sản tinh thần của Đức Biển Đức 16

Đức Thánh Cha ca ngợi gia sản tinh thần của Đức Biển Đức 16

VATICAN. Sáng 18-11-2017, ĐTC Phanxicô đã tái bày tỏ lòng quí mến và đề cao gia sản tinh thần cũng như giáo huấn của vị Tiền Nhiệm, Đức Nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi trao tặng giải thưởng Joseph Ratzinger cho 3 người trúng giải là: Mục sư Theodor Dieter thần học gia thuộc Giáo Hội Tin Lành Luther ở Đức, LM thần học gia Công giáo Đức Karl-Heinz Menke, và Ông Arvo Part, tín hữu Chính Thống, nhà sáng tác thánh nhạc.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC Phanxicô nói: ”Cùng với anh chị em tôi thân ái gửi lời chào nồng nhiệt đến Đức Nguyên Giáo Hoàng Biển Đức. Kinh nguyện và sự hiện diện kín đáo và khích lệ của Ngài đồng hành với chúng ta trên con đường chung; các tác phẩm và giáo huấn của Ngài là một gia sản sinh động và quí giá cho toàn thể Giáo Hội và cho việc phục vụ của chúng ta. Chính vì thế, tôi mời gọi Quỹ Joseph Ratzinger của anh chị em tiếp tục dấn thân nghiên cứu và đào sâu gia sản này và đồng thời nhìn về đằng trước, để nêu cao giá trị sự phong phú của gia sản ấy, bằng những chú giải các tác phẩm của Joseph Ratzinger, cũng như để tiếp tục nghiên cứu thần học và văn hóa theo tinh thần của Ngài, và đi vào những lãnh vực mới trong đó nền văn hóa ngày nay kêu gọi sự đối thoại của đức tin. Để thực hiện cuộc đối thoại này, tinh thần con người có một nhu câu cấp thiết và sinh tử, đó là đức tin cần đối thoại, đức tin trở nên trừu tượng nếu không nhập thể vào thời gian, lý trí cũng cần đối thoại với đức tin, vì lý trí sẽ trở nên vô nhân đạo nếu không nâng mình lên Siêu Việt” (Rei 18-11-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha quan tâm tới hiểm họa nhiều hải đảo biến mất

Đức Thánh Cha quan tâm tới hiểm họa nhiều hải đảo biến mất

VATICAN. ĐTC kêu gọi gia tăng ý thức về những hiểm họa đe dọa các đảo ở Thái Bình Dương và tìm biện pháp đối phó.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 11-11-2017, dành cho 46 vị thuộc Diễn đàn các vị lãnh đạo các Đảo trong Thái Bình Dương.

ĐTC nói đến những lo âu của mọi người, đặc biệt là các dân tộc sống tại các đảo vừa nói. Họ dễ bị tổn thương vì những hiện tượng môi trường và khí hậu ngày càng xảy ra thường xuyên và gia tăng cường độ. Đặc biệt là hiện tượng mực nước biển dâng cao làm biến mất những hải đảo, và sự suy thoái các hàng rào san hô, một hệ thống môi sinh ở biển rất quan trọng.

ĐTC nhắc lại lời báo động cách đây 35 năm của các GM Philippines: ”Ai đã biến thế giới biển khơi tuyệt vời thành những nghĩa trang dưới nước không còn sự sống và màu sắc nữa?”. Có nhiều nguyên nhân đưa đến sự suy thoái môi trường, nhưng đáng tiếc là có nhiều nguyên nhân do cách hành xử thiếu khôn ngoan của con người gây nên, gắn liền với những hình thức khai thác các tài nguyên thiên nhiên và nhân bản, tạo nên những hậu quả đi tới tận lòng sâu của các đại dương”.

ĐTC tuyên bố ủng hộ nỗ lực của các vị lãnh đạo các đảo trong Thái Bình Dương gây ý thức mạnh mẽ hơn trong dư luận thế giới trước các hiểm họa môi sinh đe dọa sự sống còn của các hải đảo trong Thái Bình Dương, và kêu gọi sự sộng tác và liên đới quốc tế, đạt tới một chiến lược chung, đối phó với các hiện tượng đe dọa môi trường, không cho phép dửng dưng trước những vấn đề trầm trọng như sự suy thoái môi trường tự nhiên và sức khỏe của các đại dương, gắn liền với sự suy thoái nhân bản và xã hội mà nhân loại ngày nay đang phải trải qua”.

Nhắc đến Hội nghị quốc tế về thay đổi khí hậu đang nhóm tại thành phố Bonn bên Đức, gọi là COP-23, ĐTC cầu mong rằng Hội nghị này cũng như các Hội nghị kế tiếp sẽ giúp bảo vệ ”Những vùng đất không biên cương” của chúng ta, như những hải đảo trong các đại dương. (Rei 11-11-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Nước Trời tựa hạt cải: tuy bé nhỏ nhưng đầy sức tăng trưởng

Nước Trời tựa hạt cải: tuy bé nhỏ nhưng đầy sức tăng trưởng

Để làm cho Nước Thiên Chúa được lớn mạnh, chúng ta cần can đảm trở nên hạt cải và nắm men. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Sức mạnh đến từ bên trong

Trong bài Tin Mừng hôm nay (Lc 13,18-21) Chúa Giêsu sánh ví Nước Trời giống như hạt cải và nắm men. Cả hai tuy bé nhỏ nhưng lại mang trong mình một sức phát triển lớn mạnh. Nước Thiên Chúa cũng thế, vì sức mạnh của Nước Trời là đến từ bên trong.

Trong bài đọc trích thư gửi tín hữu Roma, thánh Phaolô cũng nhấn mạnh rằng, những đau khổ đời này không thể sánh với vinh quang sắp tới, vinh quang đang đợi chờ chúng ta. Luôn có sự căng thẳng giằng co giữa đau khổ và vinh quang. Trong mối giằng co ấy, có lòng mong đợi mặc khải lớn lao về Nước Thiên Chúa. Lòng mong đợi ấy không chỉ dành cho chúng ta mà thôi, còn cho cả các tạo vật nữa. Các tạo vật cùng với chúng ta, đợi trông mặc khải của Con Thiên Chúa. Đó là sức mạnh nội tại đưa chúng ta tới sự viên mãn trong Nước Thiên Chúa. Sức mạnh ấy là sức mạnh bởi Chúa Thánh Thần.

Đây là hành trình hy vọng. Niềm hy vọng ấy đưa chúng ta tới sự viên mãn, đưa chúng ta thoát khỏi nhà tù, thoát khỏi những giới hạn, thoát khỏi kiếp nô lệ, thoát khỏi những thứ lạm dụng lạm quyền tham nhũng, để đưa chúng ta tới bến bờ vinh quang. Đó là cuộc hành trình của niềm hy vọng. Niềm hy vọng ấy là quà tặng của Chúa Thánh Thần. Điều ấy Chúa Thánh Thần ban tặng trong cõi lòng chúng ta. Điều ấy thật tuyệt vời, thật tự do, thật là vinh quang lớn lao. Chúa Giêsu đã nói: hạt cải quả là bé nhỏ, nhưng có một sức lớn mạnh không thể tưởng tượng được.

Đấng ban sức mạnh

Trong chúng ta, trong các loài thụ tạo, có một sức mạnh lớn lao, có một sức sống vĩ đại, đó là Chúa Thánh Thần. Ngài ban cho chúng ta niềm hy vọng. Sức mạnh của Chúa Thánh Thần giúp chúng ta lớn mạnh để vươn tới độ hoàn thiện, và đợi chờ chúng ta trong vinh quang. Khi hạt cải được gieo vãi và nắm men được vùi vào đấu bột, dường như chẳng có gì thay đổi, nhưng kỳ thực sức mạnh nội tại vẫn có đó. Đó là sức mạnh của Nước Thiên Chúa. Sức mạnh ấy là sức mạnh nội tại, sức mạnh toát ra từ bên trong.

Nước Trời phát triển từ bên trong, cùng với sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Giáo hội luôn cần can đảm để trở thành hạt cải được gieo vãi, trở thành nắm men vùi trong bột. Tuy nhiên luôn có nỗi sợ khi làm điều ấy. Nhiều lần chúng ta thấy rằng, chúng ta thích một loại mục vụ nắm giữ bảo tồn, chứ không biết để cho Nước Trời phát triển. Nếu cứ nắm giữ như thế, chúng ta vẫn chỉ là chúng ta, vẫn bé nhỏ như thế, chúng ta an toàn… Nhưng khi ấy, Nước Trời không phát triển. Bởi vì, để Nước Trời có thể phát triển, chúng ta phải can đảm gieo hạt, can đảm trộn men với bột.

Nhân đức hy vọng

Thật sự là khi gieo hạt giống, chúng ta chấp nhận mất mát. Khi trộn men vào trong bột, chúng ta chấp nhận bàn tay bị lấm lem. Và như thế, chúng ta luôn cần chấp nhận sự mất mát nào đó, để Nước Thiên Chúa có thể lớn lên. Khốn cho những ai công bố Nước Trời với ảo tưởng rằng bàn tay không hề bị lấm lem. Những người ấy chỉ giống như người bảo vệ chăm sóc các bảo tàng, chỉ muốn bảo tồn những gì đẹp đẽ, nhưng không có sức mạnh của việc gieo vãi, không có sức mạnh của việc đi ra, không có sức sống, không có sức phát triển. Còn sứ điệp của Chúa Giêsu và của thánh Phaolô luôn có sức giằng co, để kéo chúng ta thoát khỏi vòng nô lệ của tội lỗi, để dẫn chúng ta đến sự viên mãn trong vinh quang. Niềm hy vọng ấy là hành trình tiến bước, tiến bước trong hy vọng, không thoái lui. Niềm hy vọng ấy quá bé nhỏ, rất bé nhỏ, tựa hạt cải, tựa nắm men.

Hy vọng là “nhân đức khiêm tốn nhất, nhỏ bé nhất”, nhưng nơi nào có hy vọng, nơi ấy có Chúa Thánh Thần. Ở nơi đó, Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta tới Nước Trời. Hôm nay chúng ta tự hỏi lòng mình về niềm hy vọng. Hãy ở lại trong niềm hy vọng ấy, hãy ở lại trong nội tâm mình và thân thưa với Chúa Thánh Thần.

Tứ Quyết SJ

Đức Thánh Cha tiếp Hội Đồng Methodist thế giới

Đức Thánh Cha tiếp Hội Đồng Methodist thế giới

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến Hội đồng các Giáo Hội Tin Lành Methodist thế giới sáng ngày 19-10-2017, ĐTC cổ võ các tín hữu Công Giáo và Methodist cùng dấn thân phục vụ và giúp đỡ người nghèo.

Tin Lành Methodist, cũng được gọi là Phong trào Giám Lý, xuất phát từ Anh giáo, do Mục Sư John Wesley hồi thế kỷ 18, và hiện có khoảng 80 triệu tín hữu trên thế giới. 56 thành viên Hội đồng thế giới Methodist được ĐTC tiếp kiến nhân dịp kỷ niệm 50 năm bắt đầu đối thoại đạt kết giữa Công Giáo và Methodist.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nói: ”Chúng ta là những anh chị em, sau một thời gian dài chia cách, vui mừng gặp lại nhau và tái khám phá nhau, đồng hành, và quảng đại mở rộng tâm hồn cho tha nhân. Chúng ta tiếp tục hành trình này, với ý thức rằng đây là con đường được Chúa chúc lành: được khởi sự nhờ Người và hướng về Người”

ĐTC cũng đề cao các hoạt động bác ái và nhấn mạnh rằng ”Đức tin trở nên hữu hình, nhất là khi đức tin được cụ thể hóa trong tình thương, đặc biệt trong việc phục vụ những người nghèo và người bị gạt ra ngoài lề. ”Các ngươi hãy công bố sự giải thoát trên lãnh thổ cho tất cả mọi người dân trong đó:” trong dịp kỷ niệm 50 năm đối thoại, lời mời gọi cổ kính của Kinh Thánh sinh động vang dội đặc biệt thời sự đối với chúng ta. Lời mời này thuộc về chính lời kêu gọi nên thánh, và vì đây là lời mời gọi sống hiệp thông với Thiên Chúa, nên nhất thiết cũng là lời kêu gọi sống hiệp thông với tha nhân. Khi các tín hữu chúng ta, Công Giáo và Methodist, đồng hành và cùng nâng đỡ những người yếu thế và bị ở ngoài lề, tuy họ ở trong các xã hội chúng ta, tức là chúng ta đáp lại lời mời gọi của Chúa”. (Rei 19-10-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức tin hướng dẫn hành động bác ái giúp nạn nhân bão lụt của Jim McIngvale

Đức tin hướng dẫn hành động bác ái giúp nạn nhân bão lụt của Jim McIngvale

Với đôi giày ống màu đen kiểu cao bồi, ông Jim McIngvale quan sát hàng dài 150 người đang đợi để gặp ông. Rồi với nụ cười, thỉnh thoảng chụp ảnh selfie với họ, ông hướng dẫn những nạn nhân của lũ lụt đang mệt mỏi này đến nhà kho đầy đồ đạc sạch sẽ, với cả thức ăn và nước uống. Cơn bão nhiệt đới Harvey với những trận mưa kéo dài đã gây thiệt hại rất lớn cho Hoa kỳ; hàng ngàn ngôi nhà bị hư hỏng và hàng trăm ngàn người mất nơi cư ngụ vì lũ lụt. Thành phố Houston của bang Texas, thành phố lớn thứ 4 của Hoa kỳ, đã bị tổn thất nặng nề. Giữa thành phố như biến thành sông ấy, nhiều cư dân bị lụt ở miền đông nam Texas đã tìm thấy hòn đảo cư trú tại các cửa hàng lớn bán đồ nội thất "Mattress Mack" của Jim McIngvale, nơi họ có thể lưu trú để chờ đợi đến khi có thể trở về nhà của họ. 400 người dân Houston trú ngụ trong một cửa hàng trưng bày rộng gần 50 ngàn mét vuông và 400 người khác được cư trú trong một cửa hàng khác.

Khi thành phố Houston bắt đầu bị lụt lội, ông McIngvale đã đăng trên internet lời mời bất cứ ai cần nơi cư trú. Ông còn đăng cả số điện thoại riêng để người ta có thể dễ dàng liên lạc với ông. Ông McIngvale cho biết: “chúng tôi bán các đồ nội thất dùng cho các rạp hát tại gia nơi người ta xem tivi, những người chạy lụt ngủ trên các đồ dùng này. Họ ngủ trên các ghế dựa ghế salông… Họ ngủ trên hàng trăm tấm nệm trong khắp cửa hàng, bất cứ nơi nào họ có thể tìm thấy một nơi thoải mái. Chúa chúc lành cho họ.” Ông McIngvale còn đưa xe tải đến các vùng lân cận để chở những người bị lụt đến cửa hàng của ông. Đây không phải là lần đầu tiên ông McIngvale mở cửa tiệm của mình tiếp đón người chạy lụt. Cách đây 12 năm, khi cơn bão Katrina gây ảnh hưởng đến thành phố Houston, và trong những trận lụt hồi năm ngoái (2016), ông McIngvale cũng đã mở các cửa tiệm để đón tiếp họ. Ông McIngvale cho biết những người tránh lụt tại các cửa hàng của ông có thể trú ngụ bao lâu họ cần ở đó. Ông cũng chia sẻ rằng rất nhiều người cũng đã mang các quà tặng, quyên góp đến các cửa tiệm của ông và các cửa tiệm này trở thành nơi thu nhận và phân phát đồ cứu trợ. Ông cảm thấy ấm lòng với các việc làm của cộng đồng dân chúng.

Ông Jim McIngvale được biết như một nhà từ thiện. Ông sống với khẩu hiệu: “Biết ơn về mọi thứ, không tư lợi điều gì.” 30 năm qua, cửa hàng trưng bày đồ nội thất luôn tổ chức tặng quà Giáng sinh với những đồ nội thất còn mới tinh dành cho các gia đình nghèo ở Houston. Ông McIngvale chia sẻ: “Giúp đỡ người khác là một bổn phận. Tất cả chúng ta có trách nhiệm về phúc lợi của cộng đồng chúng ta. Nếu chúng ta không chăm sóc cho các người dân anh em của chúng ta, thì chúng ta là loại người gì?” Đó là điều ông được dạy khi học ở trường Công giáo.

5 năm trước, khi các nữ tu dòng Đaminh ở Nashville đến thành phố Spring, Texas để lập trường trung học Công giáo Frassati, ông McIngvale đã tặng cho các nữ tu những thứ cần thiết cho tu viện mới thành lập. Sơ Anna Laura Karp, giám đốc các sinh hoạt của học sinh kể lại rằng, ông McIngvale bắt đầu trả lời điện thoại của sơ với các lời “Ngợi khen, Chúc tung và Rao giảng” – khẩu hiệu của dòng Đaminh. Ông McIngvale là một cựu học sinh của trường do dòng Đaminh phụ trách. Ông tin rằng chính nền giáo dục ông được hưởng từ trường của dòng Đaminh hướng dẫn cách ông điều hành công việc thương mại hiện nay.

Ông McIngvale xây dựng một nền văn hóa sự sống trong công việc của ông, đó là đặt con người và gia đình lên hàng đầu. Các phụ huynh cảm thấy thoải mái khi đưa con của cùng đến tiệm của ông mua sắm, vì nơi đây thật sự rất thân thiện với các trẻ em: có nơi cho các em nhảy trên các tấm nệm, có các con chim lớn và khỉ; đàng sau cửa tiệm có quầy cà phê, nơi mội người có thể ăn uống miễn phí mọi ngày. Không chỉ các khách hàng mới có thể ăn, nhưng là bất cứ ai cần một bữa ăn. Khu vực ăn uống cũng là nơi không dung điện thoại di động. Ông McIngvale giải thích rằng chúng ta không chỉ sống bằng cơm bánh, nhưng còn cần người đồng hành, cần hiện diện với người khác, nói chuyện trực diện, bởi vì chúng ta được tạo nên để sống trong cộng đồng.

Đối với ông McIngvale, trận bão Harvey là một vấn đề cho chúng ta vượt qua. Như là các công dân và các Kitô hữu, chúng ta sẽ vượt qua. Điều tốt lành sẽ chiến thắng sự xấu. Ông nói rằng ông sẽ tiếp tục giúp đỡ những người còn gặp khốn khó và kêu gọi mọi người vững niềm tin. Ông nói: “Cần 2 đến 3 năm để phục hồi thiệt hại. Đó là thời gian tốt cho giáo hội Công giáo sáng tỏ trong việc phục vụ cộng đồng. Tôi nghĩ người ta sẽ thấy rằng đây là cách người ta chờ đợi chúng ta là. Điều này không có gì lạ. Đây là cách chúng ta được chờ đợi là.” (Aleteia 05/09/2017)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn lãnh đạo tôn giáo Hàn Quốc

Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn lãnh đạo tôn giáo Hàn Quốc

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng 2-9-2017), dành cho 20 vị lãnh đạo tôn giáo Hàn Quốc, ĐTC đề cao tầm quan trọng của đối thoại liên tôn và cổ võ các tôn giáo cộng tác với nhau trước nhiều thách đố xã hội.

Đức Cha Kim Hỷ Trung (Kim Hee-jong), TGM giáo phận Quang Châu, Chủ tịch HĐGM Hà Quốc, đã đại diện mọi người chào mừng ĐTC.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nhắc đến tuyên ngôn Nostra Aetate của Công Đồng chung Vatican 2, qua đó ”Giáo hội khuyến khích các con cái mình, với sự thận trọng và bác ái ..] nhìn nhận, bảo tồn và làm thăng tiến các giá trị tinh thần, luân lý và xã hội nơi họ” (n.2). Thực vậy, đối thoại liên tôn gồm những tiếp xúc, gặp gỡ và cộng tác, đó là một công tác quí giá và làm đẹp lòng Thiên Chúa, một thác đố nhắm thiện ích chung và hòa bình”.

ĐTC nhắc đến hai điều kiện để thực thi đối thoại liên tôn là cởi mở và tôn trọng nhau. Cởi mở là nồng nhiệt và chân thành; tôn trọng nhau vừa là điều kiện và củng là mục đích của đối thoại liên tôn: thực vậy, chính khi tôn trọng quyền sống, sự toàn vẹn thể lý và các quyền tự do căn bản như tự do lương tâm, tự do tôn giáo, tự do tư tưởng và ngôn luận mà người ta đặt nền tảng cho việc xây dựng hòa bình mà mỗi ngừơi chúng ta đều được kêu gọi cầu nguyện và hành động”.

ĐTC cũng nói với các vị lãnh đạo tôn giáo Hàn Quốc rằng ”Thế giới đang nhìn chúng ta, và khuyến khích chúng ta cộng tác với nhau và với mọi người thiện chí. Họ yêu cầu chúng ta những câu trả lời và dấn thân chung về những vấn đề khác nhau như phẩm giá thánh thiêng của con người, nạn nghèo đói mà quá nhiều dân tộc phải chịu, sự từ khước bạo lực, đặc biệt là bạo lực người ta phạm xúc phạm đến danh Thiên Chúa và lòng đạo đức của con ngươi, nạn tham ô nuôi dưỡng bất công, sự suy thoái luân lý, khủng hoảng gia đình, kinh tế, môi sinh và sau cùng là làm băng hoại cả niềm hy vọng”.

Sau cùng, ĐTC khích lệ các vị lãnh đạo tôn giáo Hàn Quốc hoạt động, đồng hành với những tiến trình mang lại sự thiện và hòa giải cho tất cả mọi người. Ngài nói: Chúng ta được kêu gọi trở thanh những người công bố hòa bình, loan báo và thể hiện một lối sống bất bạo động, bằng những lời nói tránh gây sợ hãi và bằng những cử chỉ chống lại những lời cổ võ oán thù”.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Sir của HĐGM Ý trước khi lên đường về Roma, Đức TGM Kim Hỷ Trung cho biết phái đoàn các vị lãnh đạo tôn giáo xin ĐGH cầu nguyện cho dân tộc Hàn quốc và trợ giúp để đạt tới sự thống nhất hai miền Bán đảo Triều Tiên.

ĐGH Phanxicô đã từng gặp các vị lãnh đạo tôn giáo của Hàn Quốc trong cuộc viếng thăm của ngài tại đây hồi trung tuần tháng 8 năm 2014 (Rei 2-9-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Lễ an táng ĐHY Joachim Meisner, nguyên Tổng Giáo Mục Koeln

Lễ an táng ĐHY Joachim Meisner, nguyên Tổng Giáo Mục Koeln

KOELN. ĐHY Joachim Meisner, cố TGM giáo phận Koeln bên Đức, đã được an táng trọng thể sáng thứ bẩy 15-7-2017, tại Nhà Thờ chính tòa giáo phận địa phương.

 ĐHY Meisner đã qua đời sáng sớm ngày 5-7 vừa qua tại nơi nghỉ hè Bad Fuessing ở nam Đức, hưởng thọ 84 tuổi, sau 25 năm làm TGM giáo phận Koeln.

 ĐHY Woelki TGM Koeln đã chủ sự thánh lễ và phần giảng thuyết do ĐHY Peter Erdoe, TGM giáo phận Esztergom Budapest ở Hungari đảm nhận.

  Hiện diện trong thánh lễ an táng, ngoài các vị lãnh đạo Công Giáo Đức, từ Roma đặc biệt có ĐHY Gerhard Mueller, nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, và Đức TGM Georg Gaenswein, Bí thư của Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 và cũng là Chủ tịch Phủ Giáo Hoàng.

 Đức TGM Gaenswein đã cảm động đọc thư của Đức Biển Đức 16 kể lại rằng khi nghe tin ĐHY Meisner qua đời ngài không thể tin được vì ngày hôm trước hai vị còn nói chuyện với nhau qua điện thoại. Thư của Đức nguyên Giáo Hoàng có đoạn viết: “Chúng ta biết rằng Đức Cố Hồng Y, như một mục tử hăng say, ngài cảm thấy khó rời bỏ sứ vụ này giữa lúc Giáo Hội đang cấp thiết cần các mục tử đầy xác tín cần chống lại sự độc tài của tinh thần thế gian và đã quyết liệt sống và suy tư từ đức tin..”

Đức Biển Đức 16 cũng kể lại: ”Trong các cuộc nói chuyện gần đây với Đức Cố Hồng Y Meisner, điều gây ấn tượng mạnh nơi tôi là sự thanh thản, niềm vui nội tâm và sự tín thác của Người.. Tôi cảm động hơn cả là khi thấy Đức Cố HY đã sống giai đoạn cuối đời trong niềm xác tín sâu xa 'Chúa không bỏ rơi Giáo Hội của Ngài, cho dù nhiều khi con thuyền đầy đến độ hầu như bị lật”.

Đức Biển Đức 16 cũng viết rằng ”Buổi sáng cuối cùng, ĐHY Meisner không xuất hiện tại nơi làm lễ, và người ta tìm thấy Người đã chết trong phòng. Sách nguyện tuột khỏi tay Người. ĐHY chết trong lúc cầu nguyện, hướng nhìn về Chúa, đối thoại với Chúa. Cách thức chết của Đức Cố Hồng Y mà Chúa ban cho Người, một lần nữa, tỏ cho thấy cách Người đã sống: đó là hướng nhìn lên Chúa và đối thoại với Chúa”.

Tại buổi lễ Đức TGM Nicola Eterovic, Sứ thần Tòa Thánh tại Đức, đã đọc điện văn chia buồn của ĐTC Phanxicô: ”Tôi xúc động sâu xa khi nghe tin ĐHY Joachim Meisner được Thiên Chúa từ bi thương xót kêu gọi đột ngột và bất ngờ từ trái đất này. Tôi gần gũi ĐHY và tất cả các tín hữu của Tổng giáo phận Koeln trong kinh nguyện cầu cho vị Chủ Chăn quá cố.”

”Với niềm tin sâu xa và lòng yêu mến chân thành đối với Giáo Hội, ĐHY Meisner đã tận tụy loan báo Tin Mừng. Xin Chúa Kitô trả công cho Người vì sự dấn thân trung thành và kiên cường bênh vực thiện ích của những người ở đông và tây, và cho Người được tham dự vào cộng đồng hiệp thông của các thánh trên trời”. (KNA 15-7-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn Chính Thống Constantinople

Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn Chính Thống Constantinople

VATICAN. ĐTC cổ võ Giáo Hội Chính Thống Constantinople và Công Giáo tiếp tục hành trình tiến về sự hiệp nhất trọn vẹn giữa hai Giáo Hội.

Ngày bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến phái đoàn Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople đến Roma dự lễ kính thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ bổn mạng Giáo Hội Roma, 29-6-2017. Phái đoàn do Đức TGM Job của giáo phận Telmessos hướng dẫn. Ngài cũng là đồng chủ tịch Ủy ban hỗn hợp quốc tế đối thoại thần học giữa Công Giáo và Chính Thống giáo.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, ĐTC khẳng định rằng ”sự trao đổi phái đoàn giữa Giáo Hội Roma và Chính Thống Constantinople nhân dịp lễ bổn mạng của hai bên gia tăng nơi chúng ta ước muốn tái lập trọn vẹn sự hiệp nhất giữa các tín hữu Công Giáo và Chính Thống, điều mà chúng ta đã nếm hưởng trước trong cuộc gặp gỡ huynh đệ, trong kinh nguyện chung và trong việc cùng nhau phục vụ Tin Mừng.”

ĐTC cũng nhắc đến ”kỷ niệm cách đây 50 năm, Đức Chân phước Giáo Hoàng Phaolô 6 đến viếng thăm tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople hồi tháng 7 năm 1967, và cuộc viếng thăm của Đức Thượng Phụ Athenagoras tại Roma vào tháng 10 tiếp đó. Tấm gương của các vị mục tử can đảm và sáng suốt, được động lực duy nhất là tình yêu đối với Chúa Kitô và Giáo Hội của Chúa thúc đẩy, khích lệ chúng ta tiếp tục hành trình tiến về sự hiệp nhất trọn vẹn. Cách đây 50 năm, hai cuộc viếng thăm ấy là những biến cố khơi dậy niềm hy vọng bao la và sự phấn khởi nơi các tín hữu của Giáo Hội Roma và Constantinople, góp phần đưa đến quyết định gởi các phái đoàn đến dự các lễ bổn mạng của nhau, điều mà chúng ta đang tiếp tục làm ngày nay”.

Sau cùng, ĐTC nói đến khóa họp sắp tới của tiểu ban phối hợp thuộc Ủy ban Hỗn hợp quốc tế đối thoại thần học giữa Giáo hội Công Giáo và Chính thống, do Đức TGM Job và ĐHY Kurt Koch đồng chủ tọa. Ngài nói: ”Tôi cầu mong cuộc họp này trong tinh thần thiêng liêng lắng nghe ý Chúa và trong sự ý thức mạnh mẽ về hành trình mà nhiều tín hữu Công Giáo và Chính Thống tại nhiều nơi đã cùng nhau thực hiện, được kết quả dồi dào cho tương lai cuộc đối thoại thần học” (SD 27-6-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Thánh Cha tiếp Hội Đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn

Đức Thánh Cha tiếp Hội Đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn

VATICAN. ĐTC đề cao vai trò của phụ nữ trong việc giáo dục về tình huynh đệ đại đồng và ngài kêu gọi gia tăng sự hiện diện của phụ nữ trong các khía cạnh của đời sống xã hội.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 9-6-2017, dành cho 40 tham dự viên khóa họp toàn thể của Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn về cùng chủ đề, với sự tham dự của các HY, GM và các thành viên khác cũng như các chuyên gia và dưới quyền chủ tọa của ĐHY Chủ tịch Jean Louis Tauran.

ĐTC nói: ”Thật là một tiến trình lợi ích khi gia tăng sự hiện diện của phụ nữ trong đời sống xã hội, kinh tế, chính trị trên bình diện địa phương, quốc gia và quốc tế, cũng như trong đời sống xã hội. Phụ nữ có trọn quyền được hội nhập tích cực vào mọi lãnh vực, và quyền này của họ phải được khẳng định và bảo vệ qua những phương tiện luật pháp nếu cần. Vấn đề ở đây là mở rộng không gian của sự hiện diện có tính chất quyết định hơn của nữ giới”.

ĐTC nói thêm rằng: ”Phụ nữ cũng có thể gia nhập với trọn danh nghĩa vào những cuộc trao đổi trên bình diện kinh nghiệm tôn giáo cũng như trong những trao đổi trên bình diện thần học. Nhiều phụ nữ đã được chuẩn bị tốt đẹp để thực hiện những cuộc gặp gỡ đối thoại liên tôn ở cấp cao nhất và không phải từ phía Công Giáo mà thôi. Điều này có nghĩa là sự đóng góp của phụ nữ không phải chỉ giới hạn vào những vấn đề nữ giới hoặc trong các cuộc gặp gỡ giữa cac phụ nữ mà thôi. Đối thoại là con đường mà nam giới và nữ giới phải cùng thực hiện”

Khóa họp của Hội đồng kéo dài 3 ngày, từ 7 đến 10-6-2017 và với sự tham dự của các thành viên cũng như các cố vấn của Hội đồng.

Có 4 bài thuyết trình gợi ý do 4 giáo sư chuyên gia đảm trách, ví dụ bà Nuria Calduch-Benages, giáo sư tại Đại Học giáo hoàng Gregoriana, trình bày đề tài ”Phụ nữ giáo dục về tình huynh đệ đại đồng: suy tư từ kinh thánh và văn chương khôn ngoan”, tiếp đến là nữ tu Raffaella Petrini, giáo sư xã hội học tại Đại học Giáo Hoàng Angelicum, nói về các đức tính của phụ nữ chống lại mô thức kỹ thuật: quan điểm xã hội Công Giáo về sự đóng góp của phụ nữ cho tình huynh đệ”..

Trong khóa họp có những lúc suy tư và trao đổi thông tin về đối thoại liên tôn giữa các thành viên của Hội đồng, tình trạng đối thoại tại các nơi trên thế giới. (SD 9-6-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Tổng thống Hàn quốc cho phép viện trợ nhân đạo cho Bắc hàn

Tổng thống Hàn quốc cho phép viện trợ nhân đạo cho Bắc hàn

Seoul – Đức cha Hyginus Kim Hee-joong, đặc sứ của tổng thống Moon Jae-in, đến Vatican kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao giữa Hàn quốc và Tòa thánh đã trở về nước và báo cáo với tổng thống các tin tức về cuộc yết kiến Đức Thánh Cha Phanxicô.

Hôm thứ tư, 24/05, trong cuộc yết kiên, Đức cha Kim đã trao cho Đức Thánh Cha Phanxicô lá thư của tổng thống Hàn quốc, trong đó tổng thống khẳng định ý muốn đối thoại với Bắc hàn bất chấp những hành động khiêu khích liên tục của ông Kim Jong-un, lãnh đạo Bắc hàn. Ông cũng xin Đức Thánh Cha cầu nguyện cho Nam hàn để những liên hệ với cộng sản Bắc hàn được tốt hơn.

Đức cha Kim cho biết Đức Thánh Cha bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đối với Hàn Quốc và Giáo Hội tại nước này. Đức Thánh Cha mời tổng thống Hàn quốc sang thăm Vatican, là nơi mà ông sẽ luôn được chào đón.

Tổng thống Moon đã dấn thân cho việc mở lại kênh ngoại giao với Bắc hàn. Trong cuộc tìm kiếm đối thoại với Bình Nhưỡng, tổng thống đã quyết định đảm bảo sự hợp tác của các tổ chức nhân đạo và tôn giáo, cho phép họ thực hiện các dự án viện trợ miền Bắc.

Các liên lạc trái phép với Bắc hàn hoặc các cuộc thăm viếng có thể bị phạt tù. Tuy nhiên, những ngày này, Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn quốc đã bật đèn xanh cho các dự án viện trợ nhân đạo đầu tiên. Điều duy nhất giới hạn là các dự án cứu trợ nhân đạo này không thể không tôn trọng các biện pháp trừng phạt quốc tế chống lại Bắc hàn. (Asia News 30/05/2017)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha tiếp Dòng Tiểu Muội thừa sai bác ái

Đức Thánh Cha tiếp Dòng Tiểu Muội thừa sai bác ái

VATICAN. Sáng 26-5-2017, ĐTC đã tiếp kiến tổng tu nghị dòng tiểu muội thừa sai bác ái và ngài khích lệ các chị biểu lộ cho tha nhân vẻ đẹp của tình yêu Thiên Chúa.

Dòng Tiểu muội thừa sai bác ái cho Cha Orione thành lập và tổng tu nghị thứ 12 của các chị hiện nay có chủ đề là ”Tận hiến cho Thiên Chúa đà tận hiến cho tha nhân. Các tiểu muội thừa sai bác ái: các nữ môn đệ thừa sai, chứng nhân vui mừng về đức bác ái nơi các khu ngoại ô của thế giới”.

Nhân danh Giáo Hội và người nghèo ĐTC cám ơn các chị vì các vì các hoạt động tông đồ bác ái, việc mục vụ giới trẻ trong các trường học, nhà dưỡng lão, trong các nhà sinh hoạt giáo lý cho giới trẻ..

ĐTC đặc biệt nhắn nhủ các chị đào sâu tình hiệp thông với Chúa Kitô để có thể chu toàn sứ mạng truyền giáo qua các hoạt động bác ái, phục vụ người nghèo. Ngài cũng nhấn mạnh rằng thừa sai phải là người có tinh thần táo bạo và có sáng kiến, không thể theo tiêu chuẩn thoải mái: ”từ trước đến giờ người ta vẫn luôn làm như vậy”. Chị em hãy suy nghĩ lại các mục tiêu, các cơ cấu, lối sống và phương pháp thi hành sứ mạng của mình. Chúng ta đang sống trong một thời đại cần nghĩ lại mọi sự dưới ánh sáng điều mà Chúa Thánh Linh yêu cầu chúng ta. Điều này cói một cái nhìn đặc biệt về sứ mạng và thực tại: cái nhìn của Chúa Giêsu, là cái nhìn của Mục Tử Nhân Lành, một cái nhìn không phán xét, nhưng tìm hiểu sự hiện diện của Chúa trong lịch sử; một cái nhìn gần gũi để chiêm ngắm, cảm động và ở với người khác bao lâu cần thiết; một cái nhìn sâu xa, tin tưởng, tôn trọng và đầu cảm thông, chữa lành, giải thoát, an ủi. (SD 26-5-2017)

G. Trần Đức Anh OP