Các đan sĩ – những chứng nhân của Chúa Kitô cho thế giới hôm nay

Các đan sĩ – những chứng nhân của Chúa Kitô cho thế giới hôm nay

Thử thách giúp xác tín hơn khi nói về Tin mừng

Trước hết, Đức cha Carballo xác định rằng đời sống đan tu, cũng như mọi hình thức “đi theo Chúa Kitô”, đều đối diện với nhiều thử thách, nhưng các đan sĩ không xem các thử thách như những vấn đề mà ngược lại, là những cơ hội để đời sống của họ có ý nghĩa hơn khi nói về Tin mừng và nuôi dưỡng một đức tin sáng tạo…

Không trốn đời, nhưng bày tỏ gương mặt của Thiên Chúa

Tiếp đến, các đan sĩ không trốn tránh cuộc đời vì cho rằng nó hư hoại, tội lỗi, không thể sống được; nhưng họ chọn sống trong thế giới theo cách thế của Tin mừng để cho người ta nhìn thấy Thiên Chúa. Đắm mình trong sự sâu thẳm của sự hiện hữu con người, các đan sĩ hoàn toàn dâng hiến cho Thiên Chúa và làm chứng về một cuộc sống, không bị tê liệt bởi những an toàn được tinh thần hóa hoặc mê hoặc, nhưng năng động, hòa nhịp với tất cả các chiều kích của cuộc sống. Khi sống theo Tin mừng, các đan sĩ làm cho Thiên Chúa tình yêu trở nên cụ thể đối với  những người nam nữ trong thời đại chúng ta…”

Chứng tá về cuộc sống hiệp nhất, gặp gỡ, đối thoại

Đức cha Carballo nói rằng vì thời đại của chúng ta bị chi phối bởi sự đề cao tư duy cá nhân, năng lực cá nhân và nhu cầu tự làm, do đó nó cần sự đối thoại, lắng nghe, thinh lặng đích thực, giúp đưa đến sự suy tư, các suy tưởng và hình thành nền văn hóa gặp gỡ. Các đan sĩ được mời gọi hiệp nhất với nhau để làm chứng trong cuộc sống hàng ngày về các tâm tình của Chúa Kitô, để suy nghĩ theo Tin mừng và hành động như Chúa Giêsu. Các đan viện được mời gọi xét lại những điều này và các yếu tố khác để bảo đảm sự hiện diện gặp gỡ của mình bên cạnh những người nam nữ trong thời đại chúng ta.

Làm chứng về vẻ đẹp của thân xác

Trong thời đại này, khi con người thường bị chà đạp và thân xác bị biến thành thứ đồ vật bị thao túng và để sử dụng, thì những người thánh hiến, cũng như những đan sĩ chiêm niệm, được kêu gọi làm chứng tá rằng thân xác không phải là một nơi của tội lỗi. Họ được mời gọi nói về vẻ đẹp của sự hiện hữu được ban nhưng không qua kiệt tác thân thể.

Qua sự hiện hữu của mình, những người thánh hiến và đặc biệt là các đan sĩ trình bày rằng thân xác và những đặc tính của thân xác là đền thờ của Thiên Chúa. Họ dấn thân làm chứng rằng Kitô giáo không chống lại thân xác và các phẩm chất của nó, nhưng làm chứng rằng đó là nơi và không gian Thiên Chúa tỏ hiện chính mình, trong cuộc sống độc đáo của mỗi người. Họ được kêu gọi làm chứng về ​​vẻ đẹp của con người được nhìn thấy nơi thân xác của những người sống hội nhập, có khả năng liên hệ. Họ được mời gọi để bảo vệ con người trong tất cả các khía cạnh của nó.

Làm chứng về sự ổn định, sống chung và tôn trọng nhau

Trong một thế giới bị xé rách bởi các mảnh vỡ, chiều kích chiêm niệm cho thấy khả năng có thể tái dệt lại tấm vải nhân loại cách cá nhân và cộng đồng, nhiều lần bị xé toạc bởi vì sự trống rỗng. Trong xã hội không có quy tắc, nơi cái tôi trở thành thước đo của mọi thứ, cộng đoàn chiêm niệm được kêu gọi làm chứng về ​​vẻ đẹp của sự tự do được thể hiện qua sự tôn trọng đối với mọi người và với thụ tạo khi xây dựng các lợi ích chung…

Đối với việc sử dụng và phung phí thời gian, cộng đoàn chiêm niệm đề xuất sự ổn định của một cộng đồng sống chung với ý nghĩa của cuộc sống được lựa chọn và người ta gắn bó với nó với niềm đam mê, tôn trọng từng người và nhìn nhận những vai trò khác nhau. Cuộc gặp gỡ với Chúa qua lời cầu nguyện cho phép những người chiêm niệm lắng nghe những gì Thánh Linh nói trong đời sống cá nhân và cộng đồng, để có được một cái nhìn chiêm niệm về các sự kiện, về sự trung gian, về lịch sử của con người.

Các cách sống nghèo của các cộng đoàn đan tu

Thứ nhất, các cộng đoàn ít người, đang già đi hay đau yếu, thật sự cảm thấy mình nghèo khó, có thể trưởng thành trong chọn lựa kết hợp với các cộng đoàn khác để trở thành sự hiện diện có ý nghĩa trong Giáo hội, qua lối sống phù hợp với căn tính của người thánh hiến được thực hiện trong việc chuyên chăm cử hành phụng vụ và các mối liên hệ huynh đệ.

Tiếo đến, người nghèo đối với Thiên Chúa là người tín thác nơi Chúa và tự do khỏi tất cả những điều ngăn cản họ sống như Chúa Giêsu. Bằng cách tích lũy vật chất của cải, các cộng đoàn đang ngày càng rời xa nguồn gốc của sự sống, Chúa Kitô và Tin mừng, và mất đi ý thức rằng mình đang ở trong một đan viện. Chỉ sở hữu những gì là cần thiết, bằng cách chia sẻ điều này với người nghèo, đó là tin tưởng vào Thiên Chúa, làm chứng về sự chăm sóc của Đấng Quan phòng, Đấng không bao giờ bỏ rơi nhân loại: làm cho sự gần gũi của Thiên Chúa trong lịch sử con người trở nên hữu hình, Đấng trở nên nghèo nàn như người nghèo.

Từ bỏ và tự do về tinh thần

Các đan sĩ làm thế nào diễn tả sự nghèo khó Tin mừng? Những hình thức nghèo đói và bé nhỏ nào họ được mời gọi khám phá hoặc "phục hồi", để lời khấn khó nghèo thực sự là một chứng tá hữu hình và đáng tin cậy, có ý nghĩa? Đâu là nền tảng sự nghèo khó thực sự của họ? Các đan sĩ tin rằng “là người lữ hành”, được hiểu trên hết là sự từ bỏ và tự do tinh thần, là một đặc tính của ơn gọi chiêm niệm trong thời gian này, khi mà nhiều cộng đoàn phải đóng cửa vì thiếu ơn gọi.

Đời đan tu thể hiện mối quan hệ trung thành giữa Thiên Chúa và con người

Trong một thế giới đang mất đi chiều sâu của sự giao tiếp, các đan sĩ được kêu gọi, qua sự hiện diện của mình, làm cho mối quan hệ trung thành của Thiên Chúa với nhân loại trở nên hữu hình. Trong thời đại mà các tiếng nói chồng chéo lên nhau, các đan sĩ có sứ mệnh lớn lao là làm chứng nhân về chiều sâu của cuộc sống, mang lại tiếng nói cho thinh lặng, làm cho thấy chúng ta có thể sống trong sự thanh tĩnh; chính trong thời đại mà, để sống, chúng ta chìm đắm trong sự ồn ào, và để lấp đầy những khoảng trống của sự hiện hữu hoặc tình cảm, không được xác định, người ta điên cuồng chạy từ góc này đến góc kia của trái đất mà không cảm nhận được sự sâu sắc và ổn định của các mối quan hệ. Các đan viện được kêu gọi để trở thành nơi loan báo trước, nơi mà thụ tạo trở thành lời ca ngợi Chúa và phương châm bác ái cụ thể trở thành lý tưởng sống chung của con người và nơi con người tìm kiếm Thiên Chúa mà không bị rào cản hoặc ngăn cản, khi trở thành điểm quy chiếu cho mọi người, và khi mang họ vào trong tim mình và giúp họ tìm kiếm Thiên Chúa.

Hồng Thủy, Vatican

Giáo hội Ba lan đọc kinh Mân Côi cầu nguyện cho thế giới

Giáo hội Ba lan đọc kinh Mân Côi cầu nguyện cho thế giới

Ít nhất một triệu tín hữu Công giáo tham dự chương trình “đại” cầu nguyện trải dài 2000 dặm biên giới đất liền và hải phận nối liền với 8 nước của Ba lan.

Hội đồng Giám mục Ba lan đã kêu gọi các thành phần trong Giáo hội tham gia vào chương trình đọc kinh Mân Côi kéo dài một tiếng trên các biên giới của họ để cứu thế giới khỏi tội lỗi và kỷ niệm biến cố châu Âu được cứu khỏi cuộc xâm lược của Hồi giáo hồi thế kỷ 16.

Thông cáo của Hội đồng Giám mục Ba lan cho biết: “Mục đích là giờ đọc kinh Mân côi cầu nguyện cho Ba lan và toàn thế giới bởi những người được chọn dọc theo biên giới của chúng ta. Chúng tôi kêu gọi mọi tín hữu ủng hộ sáng kiến này đông đảo và cho tất cả chúng ta – giáo sĩ, các tu sĩ và giáo dân – cùng nhau cầu nguyện.”

Chương trình “Kinh Mân Côi trên các biên giới” vào ngày 07/10 đánh dấu việc cử hành 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima và là cách thế đặc biệt thực hành lời mời gọi sám hối Đức Trinh nữ Maria đã truyền cho sơ Lucia và các em họ của mình.

Ban tổ chức cho biết có 319 nhà thờ và 22 giáo phận được sử dụng làm các điểm tập họp. Trang web của ban tổ chức cho biết: “Chúng tôi muốn xin ơn tha thứ và đền tội cho tất cả các xúc phạm và chống đối xúc phạm đến Trái tim Vô nhiễm Đức Mẹ Maria và xin Mẹ Thiên Chúa can thiệp để cứu Ba lan và thế giới. Nếu kinh Mân côi được một triệu người Ba lan cầu nguyện thì không chỉ có thể thay đổi các sự kiện nhưng còn mở các trái tim cho các hoạt động ân sủng của Chúa.” (The Tablet 25/09/2017)

Hồng Thủy

Kitô hữu phải tươi vui mới có thể loan báo Tin Mừng cho thế giới

Kitô hữu phải tươi vui mới có thể loan báo Tin Mừng cho thế giới

** Một môn đệ của Nước Thiên Chúa mà không tươi vui thì không thể rao giảng Tin Mừng cho thế giới. Ơn gọi là một khởi đầu của tình bạn với Chúa Giêsu dẫn đến chỗ chia sẻ cuộc sống và các đam mê với Ngài, trao ban niềm vui sâu thẳm và một niềm hy vọng mới mẻ và khiến cho chúng ta trở thành các nhà truyền giáo. 

Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC Phanxicô đã nói như trên khoảng 10.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư hàng tuần hôm qua tại quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã khai triển đề tài tương quan giữa niềm hy vọng và ký ức, đặc biệt là ký ức về ơn gọi, bằng cách giải thích trình thuật ơn gọi của các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu. Kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Giêsu ghi ấn tượng sâu đậm tới nỗi khi thuật lại ơn gọi của mình thánh sử Gioan còn nhớ cả giờ nữa và viết trong chương 1 Phúc Âm: “Lúc đó vào khoảng 4 giờ chiều” (Ga 1,39). Thánh sử Gioan kể lại giai thoại này như một kỷ niệm trong sáng của tuổi trẻ, vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức người già của mình, bởi vì thánh nhân viết lại các điều này khi ngài đã già.

Cuộc gặp gỡ xảy ra gần sông Giordan, nơi Gioan Tẩy Giả làm phép rửa. Và các người trẻ vùng Galilea đã chọn Gioan Tẩy Giả làm vị linh hướng. Một ngày nọ Chúa Giêsu đến và lãnh phép rửa trên sông. Ngày hôm sau Ngài lại đi ngang qua đó, và khi ấy Gioan Tẩy Giả nói với hai môn đệ của mình: “Này là Chiên Con Thiên Chúa!” (c. 36).  Trên đường, Chúa Giêsu quay lại và hỏi họ: “Các anh tìm gì?” (c. 38)

Và đối với hai người đó là “tia lửa”. Họ bỏ vị thầy đầu tiên và bắt đầu theo Chúa Giêsu. ĐTC định nghĩa con người của Chúa Giêsu như sau:

Chúa Giêsu xuất hiện trong các Phúc Âm như một chuyên viên về trái tim con người. Trong lúc đó Ngài đã gặp gỡ hai người trẻ đang kiếm tìm, âu lo một cách lành mạnh. Thật vậy, một tuổi trẻ thỏa mãn không có một câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống thì là loại tuổi trẻ nào vậy? Các người trẻ mà không tìm kiếm gì cả, thì không phải là người trẻ, họ đã về hưu, họ đã già trước tuổi. Thật là buồn khi thấy người trẻ về hưu…Và qua toàn Phúc Âm, trong tất cả các cuộc gặp gỡ xảy ra trên đường,  Chúa Giêsu xuất hiện như “một người đốt cháy” các con tim. Từ đó Ngài đưa ra câu hỏi làm nổi lên ước muốn sự sống và niềm hạnh phúc mà mỗi một người trẻ mang trong mình: “Bạn tìm gì?”  Hôm nay tôi cũng muốn hỏi các bạn trẻ hiện diện tại quảng trường này, và các bạn trẻ đang lắng nghe qua các phương tiện truyền thông: “Bạn là người trẻ, bạn tìm gì? Bạn tìm gì trong con tim của mình?”

** Ơn gọi của thánh Gioan và thánh Anrê khởi đầu như thế: đó là lúc bắt đầu của một tình bạn với Chúa Giêsu, mạnh mẽ tới độ áp đặt một sự chung sống và các đam mê với Chúa. Hai môn đệ bắt đầu ở với Chúa Giêsu và lập tức trở thành các thừa sai thực sự, bởi vì khi cuộc gặp gỡ kết thúc, họ không về nhà bình an: tới độ hai người anh là Simon và Giacôbê mau chóng bị lôi cuốn vào con đường theo Chúa. Họ đã dến với hai người và nói: Chúng tôi đã tìm thấy Đấng Cứu Thế, chúng tôi đã tìm thấy một ngôn sứ lớn”: họ thông tin tức. Họ là các thừa sai của cuộc gặp gỡ. Đó đã là một cuộc gặp gỡ đánh động và hạnh phúc tới độ các môn đệ sẽ nhớ luôn mãi ngày hôm đó, ngày soi sáng và định hướng cho tuổi trẻ của họ. Tiếp đến ĐTC đưa ra câu hỏi sau đây:

Làm sao khám phá ra ơn gọi trong thế giới ngày nay? Có thể khám phá ra nó trong biết bao nhiêu cách thế, nhưng trang này của Phúc Âm nói với chúng ta rằng dấu chỉ đầu tiên  là niềm hy vọng của cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Hôn nhân, cuộc sống thánh hiến, linh mục: mỗi một ơn gọi đich thực đều bắt đầu với một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, là Đấng trao ban cho chúng ta một niềm vui và một hy vọng mới; và Ngài dẫn chúng ta tới một cuộc gặp gỡ luôn luôn tràn đầy hơn với ngài và tới niềm vui tràn đầy, lớn lên, cuộc gặp gỡ đó, lớn hơn, cuộc gặp gỡ với Ngài, cả qua các thử thách và khó khăn.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: Chúa không muốn các người nam nữ bước theo Ngài một cách miễn cưỡng, không có trong tim ngọn gió của niềm vui. Các bạn đang hiện diện tại quảng trường này, tôi xin hỏi các bạn – mỗi người hãy trả lời cho chính mình – các bạn có trong tim ngọn gió của niềm vui không? Mỗi người hãy tự hỏi: “Tôi có trong tôi, trong tim, ngọn gió của niềm vui không? “

** Chúa Giêsu muốn các con người đã sống kinh nghiệm rằng ở với Ngài trao ban một niềm hạnh phúc vô biên, mà ta có thể canh tân mỗi ngày trong cuộc sống. Một môn đệ của Nước Thiên Chúa mà không tươi vui, thì không loan báo Tin Mừng cho thế giới. Họ là một ngưòi buồn. Ta trở thành người rao giảng Chúa Giêsu không bằng cách trau truốt vũ khí của hùng biện, bạn có thể nói, nói và nói nhưng nếu không có một cái khác… Làm thế nào để trờ thành những ngưòi rao giảng Chúa Giêsu? Bằng cách

giữ gìn trong đôi mắt của mình tia sáng long lanh của niềm hạnh phúc. Chúng ta trông thấy biết bao nhiêu kitô hữu, cả giữa chúng ta ở đây nữa, những người thông truyền cho chúng ta với đôi mắt niềm vui của đức tin: với đôi mắt!

Chính vì thế kitô hữu – như Đức Trinh Nữ Maria – giữ gìn ngọn lửa say mê của mình: say mê Chúa Giêsu. Chắc chắn là có các thử thách trong đời, có các lúc trong đó cần tiến bước mặc dù có lạnh lẽo và gió ngược, mặc dủ có biết bao cay đắng. Nhưng các kitô hữu biết con đường dẫn tới ngọn lửa thiêng đã đốt họ lên một lần cho luôn mãi.

Nhưng tôi xin anh chị em: Chúng ta đừng cho là đúng những người thất vọng và bất hạnh; chúng ta đừng nghe theo người khuyên chúng ta một cách vô luân đừng vun trồng các niềm hy vọng trong cuộc sống; chúng ta đừng tin cậy người dập tắt từ trứng nước mọi hăng say, khi nói rằng chẳng có một dấn thân nào xứng đáng để hy sinh toàn cuộc đời; chúng ta đừng nghe theo những người có con tin già nua bóp nghẹt mọi hứng khởi của tuổi trẻ. Chúng ta hãy đến với những người già có đôi mắt long lanh của niềm hy vọng. Trái lại chúng ta hãy vun trồng các ảo tưởng lành mạnh: Thiên Chúa muốn chúng ta có khả năng mơ mộng như Ngài và với Ngài, trong khi bước đi chú ý tới thực tại. Mơ một thế giới khác. Và nếu một dấu chỉ tắt đi, thì hãy lại mơ tưởng nó, bằng cách kín múc với niềm hy vọng nơi ký ức của thủa ban đầu, nơi các lò lửa mà có lẽ sau một cuộc sống không tốt lành lắm vẫn còn dấu dưới tro của cuộc gặp gỡ dầu tiên với Chúa Giêsu.

Đó là một năng động nền tảng của cuộc sống kitô: nhớ tới Chúa Giêsu. Thánh Phaolô đã nói với môn đệ của ngài: “Hãy nhớ tới Chúa Giêsu Kitô” (2 Tm 2,8); lời khuyên này của thánh Phaolô thật lớn lao: “Hãy nhớ tới Chúa Giêsu Kitô”. Nhớ tới Chúa Giêsu, nhớ tới lửa tình yêu, mà với nó một ngày nọ chúng ta đã cưu mang cuộc sống như một dự án sự thiện, và làm cho sống dậy niềm hy vọng của chúng ta với ngọn lửa ấy.

** ĐTC đã chào các đoàn hành hương nói tiếng Pháp hiện diện, đặc biệt là các chủng sinh và người trẻ giáo phận Meaux và tín hữu Guinea, do các Giám Mục hướng dẫn hành hương Roma. Ngài cũng chào các đoàn nói tiếng Anh đến từ đảo Malta, Philippines và Canada. ĐTC cầu chúc chuyến viếng thăm Roma làm sống dậy nơi họ ký ức về Chúa Giêsu và Giáo Hội. Trong các nhóm nói tiếng Đức, ngài đặc biệt chào các tu sĩ Biển Đức đan viện Admont và các cặp mừng ngân khánh thành hôn thuộc giáo phận Graz-Seckau, cũng như các sinh viên nhận học bổng “Chương trình hàn lâm cho người ngoại quốc” của HĐGM Đức. Ngài khích lệ mọi người hãy đem ngọn lửa tình yêu của Chúa Kitô tới cho nhân loại đang rất cần đến niềm hạnh phúc và hoà bình đích thực.

Trong các nhóm nói tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, TC đặc biệt chào các thành viên Hiệp hội bóng đá Chapecoense và các linh mục sinh viên hai trường thánh Phaolô và Brasil tại Roma. Ngài cầu chúc các sinh viên lớn lên trong sự khôn ngoan đến từ Thiên Chúa để có thể trở thành các chuyên viên thông truyền sự hiền dịu và tình yêu của Chúa cho tha nhân.

Chào các nhóm Ba Lan ĐTC cầu chúc kỷ niệm đẹp và ký ức các lúc gặp gỡ Chúa Kitô củng cố niềm hy vọng nơi họ,nhất là trong những lúc khó khăn đau khổ.

Trong các nhóm nói tiếng Ý ĐTC chào đặc biệt các nữ tu dòng Dâng Đức Maria trong đền thờ đang họp tổng tu nghị, các chủng sinh Milano, các trẻ em mới chịu phép Thêm Sức của hai giáo phận  Verona và Lucca, các hướng đạo sinh vùng Marche do ĐHY Edoardo Menichelli hướng dẫn, các người tỵ nạn giáo phận Montepulciano-Chiusi-Pienza mới lãnh nhận bí tích rửa tội do ĐC Stefano Manetti hướng dẫn, hiệp hội các nạn nhân Forteto do ĐHY Giuseppe Betori hướng dẫn, nhân viên hãng điện thoại Vodafon. Ngài cầu mong chuyến hành hương mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô  Phaolô giúp họ gắn bó với Chúa Kitô hơn và làm chứng cho Chúa trong gia đình và các cộng đoàn.

Chào người trẻ ĐTC khích lệ họ biết tìm giờ để đối thoại với Chúa và giãi toả ánh sáng và niềm an bình của Chúa cho những người chung quanh. Ngài cầu mong các bệnh nhân biết dâng khổ đau cho Chúa để cứu độ nhân loại, và các đôi tân hôn biết cùng nhau cầu ngyện trong gia đình để cho tình yêu của họ luôn ngày càng đích thật, phong phú và lâu bền hơn.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh La5y Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Nhà báo Eugenio Scalfari phỏng vấn ĐTC Phanxicô

Nhà báo Eugenio Scalfari phỏng vấn ĐTC Phanxicô

Ngày mùng 8 tháng 7 vừa qua nhật báo Cộng Hoà La Republica ở Italia đã đăng bài phỏng vấn ĐTC Phanxicô dành cho ông Eugenio Scalfari, một nhà báo lão thành không có niềm tin tôn giáo. Thứ năm trước đó chính ĐTC đã điện thoại cho ông. Ông Eugenio hơn ĐTC 13 tuổi. Sau khi hỏi thăm nhau về tình hình sức khoẻ ĐTC khuyên ông nên uống nước nhiều và ăn thức ăn có muối. Hai người hẹn gặp nhau lúc 4 giờ chiều cùng ngày tại nhà trọ thánh nữ Marta. Đề tài chính của buổi nói chuyện xoay quanh Thiên Chúa duy nhất, là Đấng Tạo Hoá duy nhất của vũ hoàn. Đó cũng là luận thuyết nền tảng của triều đại Đức Phanxicô. Kết quả là tình huynh đệ giữa mọi tôn giáo và của các Giáo Hội Kitô, đặc biệt là tình yêu thương đối với người nghèo, người yếu đuổi, bị loại trừ, người bệnh tật, hoà bình và công lý. ĐTC cho ông biết ngài rất lo âu đối với hội nghị thượng đỉnh của khối G20. Ngài nói với ông:

“Tôi sợ rằng có các liên minh khá nguy hiểm giữa các cường quốc  có một quan niệm lệch lạc về thế giới: Mỹ và Nga, Trung Quốc và Bắc Hàn, Putin và Assad trong chiến tranh Siria”.

Hỏi: Thưa ĐTC đâu là nguy hiểm của các liên minh này?

Đáp: Nguy cơ liên quan tới việc di cư. Như ông biết đó, chúng ta có một vấn đề chính, và rất tiếc ngày càng gia tăng trong thế giới hiện nay, đó là vấn đề của người nghèo, người yếu đuối, người bị loại trừ, mà các người di cư là thành phần. Đàng khác, có các quốc gia đa số dân nghèo không đến từ các phong trào di cư, mà bởi các tai ương xã hội, có những nước khác có ít người nghèo, nhưng họ sợ sự xâm lăng của người di cư. Đó là lý do tại sao hội nghị thượng đỉnh của khối G20 khiến tôi lo lắng: nó đánh vào người di cư của các quốc gia phân nửa thế giới, và nó càng đánh mạnh với thời gian qua đi.

Hỏi: Thưa ĐTC, ĐTC nghĩ rằng trong xã hội toàn cầu như xã hội chúng ta đang sống, sự di chuuyển của các dân tộc gia tăng, nghèo hay không nghèo cũng thế, có phải vậy không?

Đáp: Chúng ta đừng ảo tưởng: các dân tộc bị thu hút bởi các đại lục và các quốc gia giầu cổ xưa. Nhất là Âu châu. Chế độ thực dân phát xuất từ châu Âu. Có các khía cạnh tích cực trong chế độ thực dân, nhưng cũng có các khía canh tiêu cực. Dầu sao đi nữa Âu châu đã trở thành giầu có hơn, giầu nhất trên toàn thế giới. Vì thế nó sẽ là mục tiêu của các dân tộc di cư.

Hỏi: Cả con nữa cũng đã suy tư nhiều lần về vấn đề này, và con đi tới kết luận rằng không phải chỉ vì thế, mà cũng vì thế Âu châu phải mau chóng chừng nào có thể có một cơ cấu liên bang. Các luật lệ và các thái độ chính trị phát xuất từ đó được quyết định bởi chính quyền liên bang và Quốc hội liên bang, chứ không phải bởi các nước thành viên riêng rẽ. ĐTC cũng đã nhiều lần nêu lên vấn đề này, cả khi phát biểu trước Quốc hội âu châu nữa, có đúng thế không thưa ĐTC?

Đáp: Đúng thế. Tôi đã nhiều lần nêu lên vấn đề này.

Hỏi: Và ĐTC đã được vỗ tay tán đồng nhiều lần kể cả tung hô nữa có đúng vậy không?

Đáp: Vâng, đúng vậy. Nhưng rất tiếc nó có ít ý nghĩa. Các quốc gia chuyển động và ý thức được một sự thực: hoặc là Âu châu trở thành một cộng đồng liên bang hoặc là nó sẽ không còn là gì nữa trên thế giới.  Nhưng bây giờ tôi muốn hỏi ông một câu: đâu là các thành kiến và các khuyết điểm của các nhà báo?

ĐTC trở thành người phỏng vấn. Ông Eugenio đáp: Thưa ĐTC, ĐTC phải biết rành hơn con chứ, bởi vì ngài là một người kiên trì đọc các bài họ viết mà!

ĐTC: Nhưng mà tôi muốn biết từ ông cơ!

Đáp: Vâng, chúng ta hãy để qua một bên các thành kiến, nhưng cũng có các thành kiến và đôi khi chúng cũng rất là đáng chú ý. Các khuyết điểm của các nhà báo: đó là kể lại một sự kiện mà không biết nó thật hay không thật tới mức nào;  vu khống, giải thích sự thật bằng cách khiến cho các tư tưởng của mình thắng thế. Và cả việc lấy các tư tưởng của một người khôn ngoan hơn, chuyên môn hơn làm của mình, bằng cách gán nó cho chính mình.

ĐTC nói:

Điều cuối cùng này tôi đã không bao giờ để ý. Chuyện các nhà báo có các tư tưởng riêng và áp dụng chúng cho thực tại không phải là một khuyết điểm, nhưng tự gán cho mình các tư tưởng của người khác để có được uy tín hơn, điều này chắc chắn là một  khuyết điểm trầm trọng.

Hỏi: Thưa ĐTC, nếu ĐTC cho phép bây giờ con xin hỏi hai điều. Con đã trình bầy vài lần trong các bài viết của con, nhưng con không biết ĐTC nghĩ gì?

Đáp: À, tôi hiểu rồi. Ông muốn nói về Spinoza và Pascal chứ gì. Ông muốn đề nghị trở lại hai đề tài này phải không?

Hỏi: Vâng, con cám ơn ĐTC. Chúng ta hãy bắt đầu với Luân lý đạo đức của Spinoza. ĐTC biết ông ta sinh ra là người Do thái, nhưng không sống đạo Do thái. Ông đã từ hội đường do thái Lisboa sang Hoà Lan. Nhưng trong ít tháng sau khi ông cho đăng vài bài khảo luận, hội đường Do thái tại Amsterdam đã cho đăng tải một bài viết rất gay gắt chống lại ông. Trong vài tháng Giáo Hội công giáo đã tìm cách lôi kéo ông vào niềm tin của mình. Spinoza đã không trả lời, và đã sắp xếp để các bút tích của ông chỉ được công bố sau khi ông qua đời. Nhưng trong khi chờ đợi thì vài người bạn của ông đã nhận được các bản thảo của các cuốn sách ông đang viết.

Đặc biệt là cuốn Luân lý đạo đức được Giáo Hội biết tới, và lập tức ra vạ tuyệt thông cho ông, Lý do là vì Spinoza cho rằng Thiên Chúa hiện diện trong mọi tạo vật sống động: thảo mộc, thú vật, con người. Một tia lửa thiên linh ở khắp mọi nơi. Như vậy Thiên Chúa nội tại trong thế gian, chứ không siêu việt. Chính vì vậy mà ông đã bị vạ tuyệt thông.

Đáp: Vậy chứ ông không thấy thế là đúng hay sao? Thiên Chúa duy nhất của chúng tôi siêu việt. Chúng tôi cũng nói rằng có một tia thiên linh ở khắp mọi nơi, nhưng sự siêu việt là miễn nhiễm. Đó là lý do tai sao ông ta bị vạ tuyệt thông.

Hỏi: Đối với con, nếu con nhớ đúng, xem ra đó đã do dòng Tên yêu cầu. Vào thời chúng ta đang đề cập tới, các tu sĩ dòng Tên đã bị trục xuất khỏi Giáo Hội, rồi lại được thu nhận. Dầu sao đi nữa ĐTC đã không nói cho con biết tại sao phải thu hồi vạ tuyêt thông đó.

Lý do là thế này. ĐTC đã nói với con trong một lần nói chuyện trước  rằng vài ngàn năm nữa loài người chúng ta sẽ tuyệt chủng. Trong trường hợp đó các linh hồn giờ đây được hưởng  hạnh phúc chiêm ngưỡng Thiên Chúa nhưng khác với Chúa sẽ hoà tan với Ngài. Ở thời điểm ấy sẽ không còn có sự cách biệt giữa siêu việt và nội tại nữa. Và vì vậy, khi dự kiến trước biến cố đó, việc ra vạ tuyệt thông ngay từ bây giờ có thể được tuyên bố là đã hết rồi. ĐTC không nghĩ như thế sao?

Đáp: Chúng ta hãy nói rằng có một luận lý trong điều ông đề nghị, nhưng lý do dựa trên một giả thuyết của tôi, nó không có sự chắc chắn nào, và nền thần học của chúng ta  không thấy trước điều đó. Việc giống người của chúng ta biến mất là một giả thuyết tinh tuyền, và vì vậy nó không thể lý giải một vạ tuyệt thông đã được đưa ra để kiểm duyệt  sự nội tại và khẳng định sự siêu việt.

Hỏi: Nếu ĐTC mà làm điều đó thì sẽ bị đa số Giáo Hội chống đối, có đúng thế không?

Đáp: Tôi tin là vậy, nhưng nếu chỉ là chuyện đó và tôi chắc chắn về điều tôi nói về đề tài này, tôi sẽ không nghi ngờ, trái lại nếu tôi lại không chắc chắn và vì vậy tôi sẽ không đương đầu với một trận chiến có thể nghi ngờ trong các lý do và thất bại ngay từ lúc bắt đầu. Bây giờ nêu muốn ông hãy nói về vấn đề thứ hai muốn hỏi tôi.

Hỏi: Vâng đó là vấn đề về ông Pascal. Sau một tuổi trẻ ăn chơi Pascal đã như bất thình lình bị xâm chiếm bởi niềm tin tôn giáo. Ông ta đã rất thông thái, ông đã đọc Montaigne nhiều lần và cả Spinoza, Giansenio, các hồi ký của ĐHY Carlo Borromeo. Nghĩa là ông ta có một nền văn hóa đời và cả tôn giáo nữa. Tới một lúc nào đó niềm tin tôn giáo đánh trúng ông hoàn toàn. Ông gia nhập cộng đoàn Port Royal des Champs, nhưng rồi lại tách rời ra. Ông viết vài tác phẩm trong đó các “Tư tưởng”, một cuốn sách theo con thật tuyệt vời và cũng rất hay trên bình diện tôn giáo. Nhưng rồi ông qua đời. Ông hầu như hấp hối và bà chị đã mang ông về nhà để có thể săn sóc cho ông. Mặc dầu ông muốn chết trong nhà thương giữa những người nghèo. Bác sĩ đã từ chối không cho phép vì ông chỉ còn vài ngày sống và vì việc đem ông đi không thể làm được. Khi đó ông xin đem một người nghèo hấp hối từ một nhà thương dành cho người nghèo về nhà ông với một chiếc giường giống giường của ông. Bà chị tìm cách làm vừa lòng ông, nhưng cái chết đến trước. Riêng cá nhân con thì con nghĩ Pascal đáng được phong chân phước lắm.

Đáp: Ông bạn thân mến của tôi, ông hoàn toàn có lý trong trường hợp này. Tôi cũng nghĩ là Pascal đáng được phong chân phước. Tôi sẽ lo liệu thủ tục cần thiết và hỏi ý kiến của các cơ quan Vaticăng đặc trách các vấn đề này, cùng với xác tín cá nhân và tích cực của tôi.

Hỏi: Thưa ĐTC, ĐTC có bao giờ nghĩ tới việc viết về một hình ảnh Giáo Hội công nghị không?

Đáp: Không, tại sao tôi lại phải làm điều đó?

Hỏi: Bởi vì nó sẽ có một kết quả khá đảo lộn. ĐTC có muốn con giải thích không?

Đáp: Chắc chắn là ông làm tôi hài lòng rồi. Còn hơn thế nữa xin ông vẽ nó ra cho tôi.

ĐTC đưa giấy bút cho tôi và tôi vẽ. Tôi gạch một đường ngang và nói rằng đây là các Giám Mục mà ĐTC quy tụ về họp Công nghị. Tất cả các vị đều có một tước hiệu như nhau và một nhiệm vụ như nhau: đó là săn sóc các linh hồn được giao phó cho các vị trong giáo phận của các vị. Tôi vạch đường ngang này rồi nói: Nhưng mà ĐTC, thưa ĐTC, là Giám Mục Roma và như thế có quyền tối thượng trong Công nghị, vì ĐTC có nhiệm vụ rút tiả ra các kết luận và đưa ra đường lối chung của hàng Giám Mục. Như thế Giám Mục Roma ở bên trên vạch ngang này, có một vạch dọc lên cho tới tên của ĐTC và nhiệm vụ của ngài. Đàng khác các Giám Mục ở trên hàng ngang cai quản, giáo dục, trợ giúp tín hữu, và vì vậy có một đường từ hàng ngang xuống cho tới điều đại diện dân chúng. ĐTC có trông thấy hình vẽ không? Nó là một Thập Giá đó.

ĐTC nói:

Tư tưởng này thật rất là hay đẹp. Tôi đã không bao giơ có ý tưởng làm một hình vẽ về Giáo Hội Công nghị. Ông đã làm điều đó, tôi rất thích nó.

Trời đã muộn. ĐTC tặng tôi hai cuốn sách kể lại lịch sử của ngài tại Argentina cho tới Công nghị hồng y bầu ngài làm Giáo Hoàng. Một cuốn dầy hàng trăm trang. Chúng tôi ôm hôn nhau. Và ĐTC đã muốn mang hai cuốn sách ra xe cho tôi. Chúng tôi xuống thang máy và ra cửa nhà trọ thánh Marta. Chiếc xe của tôi đã dừng trước cửa. Ông tài xế xuống xe bắt tay chào ĐGH và tìm giúp tôi vào trong xe. ĐTC mời ông tài xế ngồi vào tay lái cho xe nổ máy và nói “Để tôi giúp ông ấy”. Ngài đỡ tôi và giúp tôi vào trong xe và giữ cửa xe mở. Khi tôi đã ngồi trong xe, ngài hỏi tôi có thoải mái không. Tôi trả lời là có. Khi đó ngài mới đóng cửa xe, và lui ra sau một bước chờ cho xe chuyển bánh, Ngài vẫy ta chào tôi cho tới phút chót, trong khi tôi đầy nước mắt vì cảm động. Tôi thường viết rằng ĐTC Phanxicô là một người cách mạng. Ngài nghĩ đến việc phong chân phước cho ông Pascal, ngài nghĩ tới người nghèo, người di cư. Ngài cầu mong một Âu châu liên bang và cuối cùng và không phải cuối cùng ngài giơ tay giúp tôi vào trong xe. Một vị Giáo Hoàng như thế chúng ta đã không bao giờ có! Và những gì ngài đã nói với tôi trong cuộc phỏng vấn cứ vang lên trong đầu tôi.

Linh Tiến Khải

Nên thánh là món quà lớn kitô hữu có thể trao tặng cho thế giới

Nên thánh là món quà lớn kitô hữu có thể trao tặng cho thế giới

Trên con đường cuộc sống. Hy vọng nên thánh, trở thánh hình ảnh của Chúa Kitô là món quà lớn lao nhất mà từng người trong chúng ta có thể trao tặng cho thế giới. Lịch sử của chúng ta cần có các “người thần bí” khước từ mọi thống trị, ước muốn sống bác ái, huynh đệ, chấp nhận một phần khổ đau và mang lấy gánh nặng của tha nhân, để thế giới có thể hy vọng.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với mấy  chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi gặp gỡ chung hàng tuần sáng thứ tư hôm qua. Trong bài huấn dụ ĐTC đã quảng diễn tư tưởng của tác giả thư gửi giáo đoàn Do thái viết: “Quả thật, Thiên Chúa đã trù liệu cho chúng ta một phần phúc tốt hơn, nên không muốn cho các thánh đạt tới hạnh phúc trọn vẹn mà không có chúng ta. Như thế, phần chúng ta, được ngần ấy nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh, chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giê-su là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin.” (Dt 11,40-12,2a)

ĐTC nói: Trong ngày chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội đã vang lên lời khẩn cầu các thánh cho chúng ta. Nhiều người trong chúng ta hồi đó còn bé được cha mẹ bồng trên tay. Trước khi xức Dầu tân tòng, biểu tượng cho sức mạnh của Thiên Chúa trong cuộc chiến đấu chống lại sự dữ, linh mục mời toàn cộng đoàn cầu nguyện cho những người sắp lãnh nhận bí tích Rửa Tội bằng cách khẩn nài sự bầu cử của các thánh. Đây là lần đầu tiên trong cuộc sống của mình sự đồng hành của các anh chị em cả  được ban tặng cho chúng ta; – các thánh – họ là những người đã đi qua cùng con đường của chúng ta, đã hiểu biết cùng các lao nhọc của chúng ta và sống mãi trong vòng tay của Thiên Chúa. Thư gửi tín hữu Do thái định nghĩa sự đồng hành này bao quanh chúng ta với kiểu nói “đám đông các nhân chứng” (Dt 12,1). Các thánh là như thế: một đám đông các chứng nhân.

ĐTC giải thích như sau:

** Trong cuộc chiến chống lại sự dữ các kitô hữu không tuyệt vọng. Kitô giáo vun trồng một niềm hy vọng không thể chữa lành được: nó không tin rằng các sức mạnh tiêu cực và phá tán có thể chiến thắng. Lời nói cuối cùng trên lịch sử của con người không phải là thù hận, không phải là cái chết, không phải là chiến tranh. Trong mọi lúc của cuộc sống có bàn tay của Thiên Chúa nâng đỡ chúng ta và sự hiện diện kín đáo của tất cả các tín hữu “đã ra đi trước chúng ta với dấu chỉ của đức tin”. Sự hiện hữu của họ trước hết nói với chúng ta rằng cuộc sống kitô không phải là một lý tưởng không thể đạt tới được. Và cùng nhau nó an ủi chúng ta: chúng ta không cô đơn, Giáo Hội bao gồm vô số các anh em, thường là vô danh, đã ra đi trước chúng ta và qua hoạt động của Chúa Thánh Thần họ cũng liên lụy trong các chuyện của người còn sống dưới thế này.

Lời khẩn cầu trong bí tích Rửa Tội không phải là lời khẩn cẩu các thánh duy nhất ghi dấu con đường cuộc sống kitô của chúng ta. Khi hai người đính hôn thánh hiến tình yêu của họ trong bí tích Hôn Nhân, việc khẩn nài các thánh lại được lập lại trên họ lần này như là đôi bạn. Và việc khẩn nài ấy là suối nguồn của sự tin tưởng cho hai người trẻ bắt đầu “hành trình” cuộc sống lứa đôi. Ai yêu thương đích thực thì ước mong và can đảm nói tiếng “luôn mãi” – “luôn mãi” – nhưng biết mình cần đến ơn thánh của Chúa Kitô và sự trợ giúp của các thánh, để có thể sống cuộc đời hôn nhân luôn mãi. Không phải như vài người nói “trong khi tình yêu kéo dài”. Không: luôn mãi. Nếu không thì tốt hơn là đừng lập gia đình. Hoặc là luôn mãi hoặc là không có gì hết. Chính vì thế trong phụng vụ lễ cưới chúng ta khẩn nài sự hiện diện của các thánh. Trong các lúc khó khăn cần có can đảm hướng mắt lên trời, bằng cách nghĩ tới biết bao nhiêu kitô hữu đã đi qua sự khốn khó và đã giữ gìn áo rửa tội của họ trong trắng bằng cách giặt chúng trong máu của Chiên Con (x. Kh 7,14). Sách Khải Huyền nói thế.

Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta: mỗi khi chúng ta cần, sẽ có môt thiên thần của Ngài đến nâng chúng ta lên và trao ban  ủi an cho chúng ta. “Các thiên thần” đôi khi với gương mặt và trái tim của một người, bởi vì các thánh của Thiên Chúa luôn luôn ở đây, dấu ẩn giữa chúng ta. Điều này thật khó hiểu và cả khó tưởng tượng nữa, nhưng các thánh hiện diện trong cuộc sống chúng ta. Và khi một ai đó khẩn cẩu một thánh nam hay thánh nữ, là bởi vì vị thánh ấy gần gũi chúng ta.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ:

** Cả các linh mục cũng sẽ ghi nhớ kỷ niệm của một lời khẩn nài các thánh được đọc trên các vị. Đó là một lúc cảm động nhất của phụng vụ truyền chức. Các ứng viên nằm dài xấp mặt trên đất. Và toàn cộng đoàn được Đức Giám Mục hướng dẫn khẩn nài sự bầu cử của các thánh. Một người sẽ bị đè bẹp dưới sức nặng của sứ mệnh được giao phó, nhưng cảm thấy rằng toàn thiên đàng ở đàng sau lưng mình, rằng ơn thánh của Thiên Chúa sẽ không thiếu, bởi vì Chúa Giêsu luôn luôn trung thành, khi đó có thể ra đi thanh thản và được bổ sức. Chúng ta không cô đơn.

Và chúng ta là gì? Chúng ta là bụi đất khát vọng trời cao. Sức mạnh của chúng ta yếu đuối nhưng mầu nhiệm ơn thánh hiện diện trong cuộc đời kitô hữu thì mạnh mẽ. Chúng ta trung thành với trái đất này mà Chúa Giêsu đã yêu thương trong mọi lúc của cuộc đời Ngài, nhưng chúng ta biết và muốn hy vọng nơi sự biến đổi của thế giới, nơi việc thành toàn vĩnh viễn, nơi sau cùng sẽ không còn có nước mắt, sự gian ác và khổ đau nữa. Ước chi Chúa ban cho tất cả chúng ta niềm hy vọng là thánh. Nhưng có ai đó sẽ có thể hỏi tôi: “Cha ơi, có thể nên thánh trong cuộc sống mọi ngày không?” Có, có thể. “Nhưng điều này có nghĩa là cần phải cầu nguyện suốt ngày hay sao?” Không, không,  điều đó có nghĩa là bạn phải chu toàn bổn phận của bạn mỗi ngày: cầu nguyện,  đi làm việc, trông nom con cái. Nhưng làm tất cả với tất cả con tim rộng mở cho Thiên Chúa, với ước muốn rằng công việc đó, cả trong bệnh tật, đau khổ, cả trong các khó khăn, các khó khăn đó rộng mở cho Thiên Chúa. Và như vậy chúng ta sẽ nên thánh. Chúng ta có thể nên thánh. Có thể. Ước chi Chúa ban cho chúng ta niềm hy vọng nên thánh. Chúng ta có thể. Chúng ta nghĩ rằng đó là một điều khó, trở thành tội phạm thì dễ hơn là nên thánh… Không: có thể là thánh bởi vì Chúa trợ giúp chúng ta. Chính Ngài trợ giúp chúng ta.

Ước chi Chúa ban cho chúng ta niềm hy vọng là thánh. Đó là món quà lớn lao mà từng người trong chúng ta có thể ban tặng cho thế giới. Ước chi Chúa ban cho chúng ta ơn tin một cách sâu đậm nơi Ngài đến độ trở thành hình ảnh của Chúa Kitô cho thế giới này. Lịch sử của chúng ta cần có các “người thần bí” khước từ mọi thống trị, khát vọng tình bác ái huynh đệ. Những người nam nữ sống và chấp nhận cả một phần khổ đau, để mang gánh nặng của tha nhân. Nhưng nếu không có các người nam nữ này, thế giới sẽ không có hy vọng. Vì thế tôi cầu chúc anh chị em -và cầu chúc cho cả tôi nữa – là xin Chúa ban cho chúng ta niềm hy vọng nên thánh.

** ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ Pháp, Thuỵ Sĩ, Đức, Êcốt, Hy Lạp, Hồng Kông, Indonesia, Philippines, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Brasil. Ngài xin các thánh bầu cử cho mọi người tin mạnh mẽ nơi Chúa Kitô để trở nên hình ảnh của Ngài cho thế giới. Xin các thánh giúp mọi người hiểu rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con người và vì thế biết sống làm chứng cho niềm hy vọng trên trần gian này. Chúng ta hãy tiếp nhận lời Chúa mời gọi nên thánh và yêu thương phục vụ nhau trong cuộc sống thường ngày. Thế giới cần có các vị thánh, và chúng ta tất cả đều được mời gọi nên thánh, không trừ ai.

Trong các nhóm tiếng Ý ĐTC chào các tân phó tế Trường Truyền Giáo Urbano, các nữ tu Phan Sinh truyền giáo Clara và các thừa sai Scheut đang tham dự tổng tu nghị tại Roma. Ngài khích lệ các tu sĩ sống hướng cái nhìn về các vùng ngoại biên. ĐTC cũng chào một nhóm các thị trưởng vùng Logoduro do ĐC Corrado Melis GM Ozieri hướng dẫn, các thành viên hiệp hội Thành phố của Chúa Bị đóng đinh rất thánh, các nhân viên cảnh sát bảo vệ rừng và môi sinh, và cộng đoàn Tình yêu và Tự do phục vụ giáo dục giới trẻ bên Cộng hoà dân chủ Congo.

Ngài cũng nhắc tới Ngày quốc tế người tỵ nạn cử hành hôm thứ ba vừa qua và cho biết hôm thứ hai ngài đã gặp một phái đoàn đại diện các anh chị em tỵ nạn được tiếp đón trong các giáo xứ và các dòng tu ở Roma. Lợi dụng dịp này ĐTC nói tôi muốn bầy tỏ sự đánh giá chân thành đối với việc vận động cho luật mới về di cư “Ta đã là người nước ngoài – Nhân loại làm tốt”, được Caritas Italia, Tổ chức người di cư và các tổ chức công giáo khác ủng hộ.

Chào các bạn trẻ người đau yếu và các đôi tân hôn Ngài nhắc cho mọi người biết thứ sáu tới này là lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, cũng là ngày toàn thể Giáo Hội cầu nguyện và bầy tỏ lòng trìu mến đối với các linh mục. ĐTC khích lệ các bạn trẻ biết kín múc nơi Thánh Tâm Chúa lương thực cho cuộc sống thiêng liêng và niềm hy vọng của họ. Ngài xin các bệnh nhân dâng khổ đau cho Chúa để kéo đổ tình yêu của Chúa xuống trên con tim của con người. ĐTC nhắn nhủ các đôi tân hôn biết dưỡng nuôi cuộc sống gia đình bằng tình yêu của Chúa Kitô.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người

Linh Tiến Khải

 

Radio Pakistan: thế giới cần sứ điệp hy vọng của Đức Giáo hoàng

Radio Pakistan: thế giới cần sứ điệp hy vọng của Đức Giáo hoàng

Lahore, Pakistan – Giám đốc kênh radio của Pakistan, Syed Khalid Waqar, một người Hồi giáo, khen ngợi Đức Giáo hoàng Phanxicô và khẳng định rằng mọi người cần phải đi theo sứ điệp hy vọng và tin tưởng của Đức Giáo hoàng Phanxicô.

Ông Waqar nói với hãng tin Á châu: “Tất cả chúng ta phải hành động theo sứ điệp này. Bức ảnh tinh thần đã tỏ cho chúng ta thấy ánh sáng. Sự khôn ngoan hoàn vũ này có thể lấp đầy những trỗng rỗng của truyền thông hôm nay và loan truyền sự tích cự cho đại chúng. Cả Hồi giáo và Đức Giáo hoàng đều nói cùng những điều; cả hai cùng lên án sự giết hại.”

Ông Waqar nói tiếp: “Nhưng trong xã hội chúng ta, các tin tức về khủng bố được đưa lên hàng đầu. Không có nhiều tin tức về sự phát triển hay những điều tích cực được đăng tải. Các tổ chức truyền thông tư nhân nhìn mọi sự dưới cái nhìn kinh doanh và đã kiếm được nhiều lơi nhuận khi đăng tải về các cuộc bỏ bom gần đây tại nước này. Loại báo chí giật gân này đã phá hủy các giá trị xã hội, sự tiêu cực đã làm tổn thương tâm lý của con người thời đại chúng ta.”

Ông Waqar đã chia sẻ trong chương trinh của ngày thế giới truyền thông được tổ chức ở Lahore hôm 25/05. Có hơn 100 nữ tu và chủng sinh tham dự sự kiện được ủy ban Công giáo quốc gia về truyền thông xã hội tổ chức. Các nữ tu nhà tập của dòng thánh Phaolô đã trình diễn các vở kích về đức tin, hy vọng và tình yêu. Một cuộc hội thảo nhóm được tổ chức về đề tài: việc sử dụng các phương tiện truyền thông và các cơ hội mà các phương tiện này trình bày cho sứ vụ của Giáo Hội trong một quốc gia có đa số người Hồi giáo.

Cha Qaiser Feeroz, dòng Cappuccino, giám đốc trung tâm truyền thông và các chương trình tiếng Urdu của đài phát thanh chân lý Á châu, đã trình bày bản dịch tiếng Urdu sứ điệp của Đức giáo hoàng nhân ngày thế giới truyền thông lần thứ 51.

Theo cha Qaiser, “Đức Giáo hoàng Phanxicô là nhà vô địch của hy vọng. Trong khi các lãnh đạo thế giới dường như không có khả năng chống lại chủ nghĩa khủng bố, thì Đức Giáo hoàng vẫn tiếp tục khuyến khích và truyền cảm hứng cho mọi người thuộc mọi tôn giáo. Hơn một nửa số thính giả của chúng tôi là người Hồi giáo và họ đón nhận và ngưỡng mộ các sứ điệp của ngài trong các chương trình của chúng tôi.” (Asia News 29/05/2017)

Hồng Thủy
(Thi Thuy le)

Sứ mệnh của Giáo Hội là loan báo Chúa Kitô phục sinh cho thế giới

Sứ mệnh của Giáo Hội là loan báo Chúa Kitô phục sinh cho thế giới

Sứ mệnh của Giáo Hội là loan báo Chúa Kitô phục sinh cho thế giới và làm chứng cho Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc sống.

ĐTC Phanxicô đã khẳng định như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật hôm qua. Tong bài huấn dụ ĐTC đã nói về ý nghĩa lễ Chúa Giêsu lên trời được cử hành tại Italia và nhiều nước khác trên thế giới. Ngài nói:

Trang Tin Mừng kết thúc Phúc Âm thánh Matthêu (Mt 28,16-20), trình bầy với chúng ta lúc Chúa Phục Sinh vĩnh viễn giã từ các môn đệ Ngài. Cảnh được lồng khung tại Galilea, là nơi Chúa Giêsu đã kêu gọi họ theo Ngài và thành lập cốt lõi đầu tiên của cộng đoàn mới của Ngài. Giờ đây các môn đệ ấy đã trải qua ngọn lửa của cuộc khổ nạn và sự sống lại. Khi trông thấy Chúa phục sinh,  họ phủ phục trước mặt Ngài nhưng còn có vài người nghi ngờ. Chúa Giêsu để lại cho cộng đoàn sợ hãi đó nhiệm vụ mênh mông rao truyền Tin Mừng cho thế giới, và cụ thể hoá nhiệm vụ này với lệnh truyền giảng dậy và rửa tội nhân danh Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần (c. 19).

Vì thế việc lên Trời của Chúa Giêsu làm thành điểm cuối sứ mệnh mà Chúa Con đã nhận từ Chúa Cha, và khởi sự việc thực thi sứ mệnh ấy từ phía Giáo Hội. Thật thế, từ lúc này trở đi sự hiện diện của Chúa Kitô  trong thế giới được trung gian bởi  các môn đệ Ngài và bởi những người tin nơi Ngài và loan báo Ngài. Sứ mệnh ấy sẽ kéo dài cho tới tận cùng lịch sử và sẽ hưởng nhờ sự trợ giúp của Chúa phục sinh mỗi ngày, là Đấng đã bảo đảm: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho tới tận thế” (c. 20). ĐTC quảng diễn sự hiện diện ấy của Chúa Kitô như sau:

Sự hiện diện của Ngài  đem lại sức mạnh trong các bách hại, ủi an trong các khốn khổ, nâng đỡ trong các hoàn cảnh khó khăn mà sứ mệnh và việc loan báo Tin Mừng gặp phải. Lễ Thăng Thiên nhắc cho chúng ta biết  sự trợ giúp đó của Chúa Giêsu và của Thần Khí Ngài là Đấng trao ban sự tin tưởng và chắc chắn cho chứng tá kitô của chúng ta trong thế giới. Nó cũng vén mở cho thấy tại sao Giáo Hội hiện diện: Giáo Hội hiện hữu để loan báo Tin Mừng! Giáo Hội là chúng ta tất cả những người đã được rửa tội. Ngày hôm nay chúng ta được mời gọi hiểu biết hơn rằng  Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta phẩm giá và trách nhiệm lơn lao là loan báo Ngài cho thế giới, khiến cho Ngài đến được với nhân loại. Đó là phẩm giá của chúng ta. Đó là vinh dự lớn lao nhất trong Giáo Hội.

Trong ngày lễ Thăng Thiên này trong khi chúng ta hướng cái nhìn về trời, nơi Chúa Kitô đã lên ngự bên hữu Thiên Chúa Cha, chúng ta hãy củng cố các bước chân trên trái đất để tiếp tục  với lòng hăng say can đảm con đường, sứ mệnh làm chứng của chúng ta và sống Tin Mừng trong mọi môi trường. Tuy nhiên chúng ta cũng ý thức rằng điều này không tuỳ thuộc nơi các sức lực của chúng ta, hay các khả năng tổ chức và các tài nguyên nhân loại. Chỉ với ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần chúng ta mới có thể chu toàn một cách hữu hiệu sứ mệnh của chúng ta là khiến cho ngườì khác ngày càng biểu biết và sống kinh nghiệm tình yêu và sự dịu hiền của Chúa Giêsu hơn.

Chúng ta hãy xin Đức Trinh Nữ Maria trợ giúp chúng ta chiêm ngưỡng các kho tàng trên trời mà Chúa hưá ban cho chúng ta và trở thành các chứng nhân ngày càng đáng tin cậy hơn của sự Phục sinh, của Cuộc Sống thật.

Tiếp đến ĐTC đã đọc kinh Lậy Nư Vương Thiên Đàng và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Sau kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng ĐTC Phanxicô đã chia buồn với Đức Thượng Phụ Tawadros và toàn cộng đoàn  chính thống Ai Cập vì vụ khủng bố chống lại các kitô hữu hành hương cầu nguyện tại Menyah ngày 26 tháng 5 khiến cho 28 người chết. Ngài xin Thiên Chúa đón nhận các chứng nhân can đảm này vào trong sự bình an của Chúa và hoán cải trái tim của  các kẻ bạo lực. ĐTC cũng chia buồn với vụ khủng bố kinh hoàng tại Manchester bên Anh quốc hôm thứ hai khiến cho 22  người chết và 59 người bị thương trong đó có nhiều trẻ em. Ngài gần gũi các thân nhân và những ai than khóc họ.

Chúa Nhật hôm qua cũng là Ngày truyền thông quốc tế về đề tài “Đừng sợ hãi bởi vì Ta ở cùng con” (Is 43,5). ĐTC nói: các phương tiện truyền thông xã hội cống hiến khả thể chia sẻ và phổ biến lập tức các tin một cách chi tiết. Các tin tức này có thể đẹp hay xấu, thật hay giả. Chúng ta hãy cầu nguyện để việc truyền thông trong mọi hình thức của nó thực sự xây dựng, phục vụ sự thật,  khước từ các thành kiến và phổ biến niềm hy vọng và sự tin tưởng trong thời đại chúng ta.

 ĐTC đã chào mọi người đặc biệt là các tín hữu đến từ bang Colorado Hoa Kỳ, các nhóm dân ca vũ vùng Bayern nam Đức kỷ niệm 100 năm lễ Đức Mẹ Bổn Mạng vùng này, cũng như các tham dự viên cuộc hành hương đền thádnh Piekary, các thừa sai dòng Comboni mừng 150 thành lập dòng, các nữ tu bệnh viện Ascoli Piceno và các đoàn hành hương đến từ nhiều nơi khác nhau ở Italia. Ngài cũng đặc biệt chào và khích lệ đại diện các hiệp hội thiện nguyện thăng tiến việc hiến các cơ phận là một cử chỉ cao thượng đáng tưởng thưởng (Giáo Lý s. 2296). Chào nhóm nhân công của tổ chức Mediaset ĐTC cầu mong tình trạng công việc của họ được giải quyết với mục đích thiện ích của hãng và tôn trọng các quyền của mọi người chứ không phải chỉ chú ý tới lợi nhuận mà thôi. Sau cùng ĐTC cám ơn tín hữu tổng giáo phận Genova đã dành cho ngài sự tiếp đón nồng hậu trong ngày viếng thăm hôm thứ bẩy vừa qua.

Linh Tiến Khải

 

 

Người phụ nữ mang đến cho thế giới vẻ đẹp hài hòa

Người phụ nữ mang đến cho thế giới vẻ đẹp hài hòa

Nếu không có phụ nữ, sẽ không có sự hài hòa trong thế giới. Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ. Người nam và người nữ không phải là bằng nhau, cũng không phải là hơn kém nhau; nhưng không phải là người nam mà là chính người nữ mang lại sự hài hòa cho thế giới và làm cho thế giới xinh đẹp. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Nếu không có người phụ nữ, sẽ không có sự hài hòa

Rất nhiều lần chúng ta nói về người phụ nữ theo kiểu: “là phụ nữ thì phải làm cái này”. Nhưng hãy lưu ý rằng, người phụ nữ có thể mang đến điều mà nam giới không thể, đó là vẻ đẹp hài hòa của Đấng Tạo Hóa.

Khi không có phụ nữ, sẽ không có sự hài hòa. Khi nói chuyện, chúng ta nói: nhưng đây là một xã hội với ưu thế mạnh mẽ của nam giới, và thế là? Bỏ quên nữ giới. Ừ thì phụ nữ phải rửa bát quét nhà giặt ủi… Không, không, không. Người phụ nữ đem đến sự hài hòa. Thật không công bằng, không được thiên vị cho bên này hoặc bên kia. Không. Chỉ có người nam thôi, thì không hài hòa, cần có người phụ nữ nữa. Và người phụ nữ dạy cho chúng ta cách trân trọng, cách yêu thương, sự dịu hiền, và làm cho thế giới những điều tuyệt đẹp.

Khai thác phụ nữ, chính là phá vỡ sự hài hòa

Trong câu chuyện Sáng Thế, người đàn ông cảm thấy cô đơn, rồi ông ước mơ, và Thiên Chúa dẫn đến cho ông một người phụ nữ, thế là cả hai vui mừng và nên một xương một thịt. Trong một buổi tiếp kiến, khi chào mọi người, tôi hỏi một cặp vợ chồng kỷ niệm 60 năm ngày cưới rằng: “Ai trong hai người đã kiên nhẫn hơn?”

Họ nhìn tôi, nhìn vào mắt tôi. Tôi không bao giờ quên ánh mắt ấy. Sau đó họ trở lại và nói với tôi, cả hai cùng nói với tôi: Chúng con yêu thương nhau. Sau 60 năm, điều ấy thực sự có nghĩa là một xương một thịt. Và đây chính là điều mà người phụ nữ đem tới: đó là khả năng yêu thương. Đó là sự hài hòa trong thế giới. Nhiều lần, chúng ta nghe thấy rằng: “Không, điều cần thiết cho xã hội này, cho tổ chức này, là ở đây phải có phụ nữ để làm việc này làm việc kia…” Không, không, không, không: các công việc chức năng ấy không phải là mục đích của người nữ. Đúng là người phụ nữ cũng phải làm việc như tất cả chúng ta. Nhưng mục đích chính là: người phụ nữ đem đến sự hài hòa, và không có phụ nữ thì sẽ không có sự hài hòa trong thế giới. Khai thác con người, là một tội ác chống lại nhân loại. Và khi tận dụng lợi thế của người phụ nữ quá mức, thì đó là đang phá hủy vẻ đẹp hài hòa mà Thiên Chúa ban cho thế giới. Khai thác phụ nữ chính là phá hủy.

Thiên Chúa ban cho chúng ta một người nữ tuyệt vời là Mẹ Maria

Đây chính là món quà tuyệt vời mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Ngài ban cho chúng ta những người phụ nữ. Trong Tin Mừng, chúng ta nghe về những người phụ nữ đầy can đảm và tốt lành. Nhưng còn hơn cả lòng dũng cảm, còn hơn thế nữa: người phụ nữ là vẻ đẹp hài hòa là vẻ đẹp nên thơ. Nếu không có người phụ nữ, thế giới không còn đẹp đẽ, thế giới sẽ mất đi sự hài hòa. Tôi thích nghĩ như thế, bản thân tôi nghĩ như thế. Thiên Chúa đã tạo nên người nữ, vì tất cả chúng ta có chung một người mẹ.

Tứ Quyết SJ

Sau 8 thế kỷ, lần đầu Thánh giá thánh Damiano được mang về lại nhà thờ thánh Damiano

Sau 8 thế kỷ, lần đầu Thánh giá thánh Damiano được mang về lại nhà thờ thánh Damiano

Thánh giá thánh Damiano

Assisi – Sau gần 8 thế kỷ, Thánh giá thánh Damiano sẽ được mang về lại nơi nguyên thủy, nhà thờ thánh Damiano, là chính nơi mà Thánh giá đã “nói chuyện” với Thánh Phanxicô thành Assisi, hay còn gọi là Phanxicô khó khăn.

Thánh giá thánh Damiano là Thánh giá theo kiểu Byzantin có biểu tượng nổi tiếng, đã lan rộng trên khắp thế giới, được làm tại Umbria nước Italia vào thế kỷ thứ 12. Đây là Thánh giá đã “nói chuyện” với Thánh Phanxicô thành Assisi và thay đổi cuộc đời của thánh nhân và cuộc sống của Giáo hội. Thánh giá đã yêu cầu thánh Phanxicô: “Đi và sửa chữa lại nhà của ta” (tức là Giáo hội), thánh nhân đã vâng lời. Thánh giá được giữ tại đền thờ Thánh Clara ở Assisi từ khi các nữ tu dòng thánh Clara di chuyển về đây sau khi thánh nữ Clara qua đời.

Trong một thông báo của các tu sĩ Phanxicô viết: cộng đoàn thánh Damiano, được sự đồng ý của các nữ tu dòng thánh Clara tại đan viện đầu tiên của dòng ở Assisi và Ủy ban giám sát thành phố Perugia, thông báo một sự kiện ngoại thường, đã được cộng đoàn nghĩ đến trong dịp Năm Thánh Lòng Thương xót, đó là từ ngày 15-19 tháng 6 năm 2016, Thánh giá thánh Damiano sẽ được đưa về nhà thờ thánh Damiano. Đây là một cuộc di chuyển lịch sử vì là lần đầu tiên Thánh giá được đưa về lại nhà thờ thánh Damiano sau 8 thế kỷ. Nghi thức khai mạc sẽ được vị bề trên tỉnh dòng Phanxicô tỉnh Umbria chủ sự vào lức 12 giờ trưa.

Nhà thờ thánh Damiano sẽ mở cửa từ 6.30 đến 23 giờ trong các ngày 15-19 tháng 6 cho các tín hữu vào kính viếng Thánh giá. (ACI 15/6/2016)

Hồng Thủy OP

 

Bánh trường sinh

Bánh trường sinh

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Vào thế kỷ 16 có một nhà thám hiểm người Tây Ban Nha tên là Ponce de Léon. Sau khi Kha Luân Bố (Christophe Colomb) khám phá Mỹ Châu ít lâu, người ta đồn rằng ở Tân Thế Giới có một ngọn suối trường sinh, thế là Ponce de León liền sắm thuyền vượt biển sang Nam Mỹ đi tìm con suối huyền thoại đó.

Giống như Ponce de Léon, các bô lão trong phim Cocoon đã được cải lão hoàn đồng khi họ xuống tắm ở một hồ bơi đã được những người xa lạ từ một hành tinh khác bí mật sử dụng. Chính kinh nghiệm kỳ thú này khiến các cụ sẵn sàng nhận lời mời của các vị khách lạ đi theo họ về chốn hành tinh khác. Vì theo lời các vị khách này, một khi đến được hành tinh xa lạ kia, các bô lão sẽ mãi mãi được trường sinh.

Cũng thế, Tần ThủyHoàng, một vị hoàng đế Trung Quốc thời xưa, người đã truyền xây Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc. Với chiều dài hơn 2000 dặm (=3218 km), Vạn Lý Trường Thành này là kiến trúc nhân tạo duy nhất trên trái đất mà các phi hành gia có thể nhận ra từ phía ngoài không gian. Theo tờ tạp chí Địa Lý Quốc Gia (National Geographic), Tần Thuỷ Hoàng rất sợ chết. Một ngày nọ các chiêm tinh kể cho ông nghe về một hòn đảo thần tiên ở Biển Đông, dân cư ở đây đã khám phá ra bí quyết trường sinh. Thế là Tần Thuỷ Hoàng liền phái một tàu thuyền chất đầy châu báu lên đường đi tìm các dân cư của hòn đảo ấy, hy vọng có thể dùng những báu vật để trao đổi lấy bí quyết trường sinh của họ. Theo lời người ta kể, các tàu thuyền này đã tìm ra đảo thần tiên nhưng cư dân ở đây chẳng thèm đổi bí quyết trường sinh của họ để lấy những “tặng vật tầm thường” ấy của Hoàng Đế.

Thưa anh chị em,

Ba câu chuyện trên cho chúng ta thấy rằng: từ xa xưa, con người đã mơ ước được sống chẳng bao giờ chết, được trường sinh bất tử. Mỗi lần thấy một người thân chết đi thì niềm ước mơ bất tử này càng ám ảnh con người dữ dội hơn. Vì thế, chẳng lạ gì khi Chúa Giêsu xuất hiện ở Palestine và bắt đầu nói về cuộc sống trường sinh bất tử thì dân chúng liền đổ xô đến nghe Ngài nói. Đám dân Do Thái này rất chú tâm đến vấn đề này, vì kể từ thời Abraham và Môsê họ triền miên sống trong mờ mịt, chẳng hiểu tí gì về những điều xẩy đến cho những người chết. Họ tin rằng có một “thế giới của người chết” (Shéol), nhưng họ chẳng có khái niệm gì về thế giới ấy. Vì thế, họ sẵn sàng đón nhận bất cứ tia sáng nào Chúa Giêsu soi dọi vào mầu nhiệm này.

Trong Tin Mừng hôm nay, một trong những câu nói quan trong nhất của Chúa Giêsu về đời sống vĩnh cửu là: “Tôi là bánh trường sinh từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống đời đời. Và bánh Tôi ban tặng, chính là thịt Tôi đây, để cho thế gian được sống”. Chúa Giêsu mạc khải cho biết cuộc sống nơi trần gian này không phải là cuộc sống duy nhất và chết không phải là chấm hết. Còn các một cuộc sống trong tương lại không bao giờ chấm dứt, đó là cuộc sống vĩnh cửu, trường sinh.

Thế nên có lạ gì khi nhiều người Do Thái lắc đầu, bỉu môi, liếc xéo Chúa Giêsu khi nghe Ngài nói: “Tôi là bánh trường sinh từ trời xuống!” Có lạ gì khi họ xầm xì với nhau: “Anh này chẳng phải là anh chàng Giêsu, con trai ông Giuse đó sao? Bộ chúng ta không biết bố mẹ anh ta sao mà anh ta lại dám mạo nhận là từ trời xuống?” Và nếu chúng ta tiếp tục đọc hết chương 6 của Thánh sử Gioan, chúng ta sẽ thấy ngay cả các môn đệ của Chúa Giêsu cũng xầm xì với nhau: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” (6,60) “Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi với Chúa Giêsu nữa” (6,60). Chỉ mãi đến khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, nhiều người trong đám dân Do Thái này mới bắt đầu biết trân trọng những câu nói trên của Chúa Giêsu.

Và cũng chính vì tin nhận mầu nhiệm này mà chúng ta đã cùng nhau tập họp trong thánh đường ngày hôm nay. Chúng ta tập họp nhau để nghe Chúa Giêsu nói về cuộc sống vĩnh cửu, để được dưỡng nuôi bằng bánh trờng sinh, Mình Thánh Chúa Giêsu. Ngọn suối trường sinh mà Ponce de Léon đã khổ công lên đường đi Châu Mỹ để tìm kiếm, cuộc sống bất tử mà các bô lão trong phim Cocoon sẵn sàng ra đi để tìm kiếm ở một hành tinh khác, và bí quyết trường sinh mà Tần Thuỷ Hoàng đi đến tận các đảo thần tiên để truy lùng, hiện đang ở giữa chúng ta, ngay trong thánh đường này. Chúa Giêsu hiện diện với chúng ta trong bí tích ban phúc trường sinh khi Ngài nói: “Tôi là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời”. Nếu đã thấu hiểu toàn bộ mầu nhiệm này, chúng ta sẽ không còn ngạc nhiên hay xầm xì với nhau khi nghe Chúa Giêsu ngỏ lời với chúng ta hôm nay.

Anh chị em thân mến,

Vào thời ông Môsê, dân Do Thái ăn chán bánh manna từ trời rơi xuống, họ lẩm bẩm kêu trách Chúa. Rồi họ đòi ăn thịt, Chúa cho từng đàn chim cút bay sà xuống để họ bắt làm thịt ăn. Ăn chán rồi họ lại kêu trách Chúa và ông Môsê. Đến thời Chúa Giêsu, họ lại xầm xì với nhau vì không thể tin được Chúa Giêsu là Đấng từ trời xuống, như thứ bánh manna mới, đem lại sự sống đời đời. Ngày nay, lễ xong ra về, nhiều người Kitô hữu cũng lẩm bẩm, xầm xì với nhau: “Thánh lễ buồn tẻ! Hát dở ẹt! giảng chán phèo! Người ngồi bên cạnh khó chịu! Rồi lại xin tiền!”… Họ lại xầm xì với nhau. Chúng ta thường như thế đó. Trước Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng tự hiến cho chúng ta, chúng ta còn tìm đủ lý do từ chối cái chính yếu là chính Mình Ngài, chính tình yêu của Ngài, để chạy theo những chi tiết phụ thuộc mà đả kích, phê bình. Phải chăng chúng ta đã nghe chán rồi? Nên Lời Chúa chẳng còn đánh động lòng ta nữa? Phải chăng chúng ta đã ăn chán rồi, nên Bánh Thánh Thể được dọn ra trong Tiệc Thánh chẳng còn đem lại cho chúng ta niềm vui nội tâm nào nữa? Phải chăng chúng ta tôn thờ cá nhân cha này, thầy nọ, đến nỗi cộng đoàn anh em Kitô hữu chăng còn sức thúc đẩy ta dấn thân phục vụ linh động hơn nữa? Phải chăng chúng ta không nhìn ra chung quanh chúng ta biết bao anh em đang chờ chúng ta giúp đỡ, thay vì ngồi đó mà lẩm bẩm với nhau về những chuyện thứ yếu, không đâu?

Thiết tưởng chúng ta nên nghe lại lời Chúa bảo: “Anh em đừng xầm xì với nhau nữa!” Thiết tưởng mỗi Chúa Nhật, chúng ta nên suy niệm bài Tin Mừng, rồi đem Lời Chúa ra thực hành trong đời sống cụ thể, điều mà không một ai được chuẩn chước từ nhà thờ bước vào lòng đời. Bánh Trường Sinh phải được đem đến các môi trường sinh sống của Chúng ta, nơi chúng ta lao động, đấu tranh, nơi chúng ta cười, chúng ta khóc với người khác. Một khi lễ xong, anh chị em ra về, cửa nhà thờ đóng lại thì phải chăng là cả thế giới mênh mông với trăm ngàn khuôn mặt hợp thành gia đình của Chúa là điểm hẹn của anh chị em. Đời ta là thánh lễ nối dài. Chúng ta đã làm gì ở đó nhân danh đức tin của chúng ta?

Bao nhiêu câu hỏi được đặt ra cho chúng ta chung quanh Bánh Hằng Sống của Chúa Giêsu. Nhưng đó cũng là những lời mời gọi chúng ta sống trọn vẹn các chiều kích của Bánh Trường Sinh mà chúng ta lãnh nhận từ Bàn Tiệc của Chúa mỗi ngày Chúa Nhật.

Hạt giống âm thầm

Hạt giống âm thầm

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Một hôm, cha Petitjean đến giảng đạo tại Nagasaki cho một số đông người Nhật. Nghĩ rằng họ đều là người ngoại giáo, nên sau bài giảng cha tươi cười hỏi:

– Anh chị em có thắc mắc gì không?

Một người đưa tay đặt câu hỏi:

– Chúng tôi muốn được hỏi ông ba điều, yêu cầu ông trả lời có hay không? Câu hỏi thứ nhất, các ông có Đức Mẹ đồng trinh không?

– Có.

– Câu hỏi thứa hai: Các ông có vâng lời và hiệp thông với Đức Giáo Hoàng không?

– Có.

– Câu hỏi thứ ba: Là linh mục, các ông có giữ mình khiết tịnh và sống độc thân không?

– Có.

– Vậy thì mấy trăm người chúng tôi đây với ông là đồng đạo. Chúng tôi là người Công Giáo cả.

Cha Petijean bàng hoàng như từ cung trăng rơi xuống. Cha con âu yếm ôm cổ nhau. Nhà truyền giáo hỏi:

– Bây lâu nay, có ai giảng dạy cho anh em không?

– Thưa cha, không có ai suốt hai thế kỷ rồi! Đó là nhờ ông bà tổ tiên chúng con truyền lại, rồi chúng con âm thầm cầu nguyện, dạy giáo lý cho con em, đoàn kết đùm bọc nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ông bà chúng con trước khi chết có nhắn nhủ: Sau này có ai đến giảng đạo, hãy cảnh giác, phải lấy ba tiêu chuẩn ấy mà nhận xem họ có phải là các cha đích thực, là người của Hội Thánh sai đến không.

Kể từ đó, Giáo Hội Nhật Bản được tái sinh sau 200 năm cấm đạo. Hạt giống Lời Chúa đã được gieo vào lòng đất Nhật Bản từ 200 năm trước vẫn âm thầm nẩy mầm, mọc lên và sinh hoa kết quả.

Sự kiện lịch sử này đưa chúng ta đến hai dụ ngôn về hạt giống trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu nói: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện người gieo giống trong đồng ruộng. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nảy mầm và mọc lên bằng cách nào, thì người ấy không biết. Nước Thiên Chúa cũng giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên thế giới. Nhưng gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng”.

Hai dụ ngôn đều cho thấy đây là Nước của Thiên Chuá, chứ không phải nước của con người, nên hạt giống Nước ấy lớn lên và sinh hoa kết quả là do sức tăng trưởng của nội tại của mình, do quyền năng của Thiên Chúa chứ không do tại sức của của con người. Và vì thế, chắc chắn kết quả chung cuộc sẽ lớn lao bất ngờ hơn so với hạt giống bé nhỏ ban đầu.

Có những loại phong lan ủ rễ trong lòng đất hàng chục năm trước khi nở ra những cành lá xanh và bông hoa xinh đẹp, quý hiếm. Bộ rễ của cây to thường phát triển chậm, nhưng có thể mọc xuyên qua vách đá hoặc xi măng, không có gì có thể ngăn cản nổi. Cũng vậy, Nước Thiên Chúa có thể tăng trưởng chậm, lâu dài và âm thầm. Loài người có thể không nhận ra sự tăng trưởng của Nước ấy, nhưng chắc chắn Nước Thiên Chúa vẫn luôn tăng trưởng không ngừng, âm thầm nhưng mãnh liệt, không có gì có thể ngăn chặn được. Nước của Thiên Chúa vẫn luôn phát triển cả bề trong lẫn bề ngoài, cả chất lượng lẫn số lượng. Nước Thiên Chúa hôm nay vẫn chỉ nhỏ bé, nhưng Thiên Chúa đang làm cho Nước ấy lớn lên, trở thành nơi nương náu cho muôn dân muôn nước.

Anh chị em thân mến,

Chúa Giêsu đến rao giảng sự tăng trưởng của Nước Thiên Chúa, thế mà hơn 2000 năm đã trôi qua, dường như Nước Thiên Chúa vẫn còn quá xa. Hội Thánh nỗ lực xây dựng Vương quốc của tình yêu, công lý và hoà bình. Nhưng biết đến bao giờ vương quốc ấy mới đến? Đôi khi xem ra lịch sử thay vì tiến lên thì lại thụt lùi tụt dốc. Tội lỗi vẫn còn đó, lòng hận thù, bất công vẫn còn đó. Hội Thánh là dấu chỉ của Nước Chúa trên trần gian, nhưng cho tới hôm nay, Hội Thánh vẫn chỉ là “đoàn chiên bé nhỏ” (Lc 2,32) giữa cộng đoàn nhân loại. Dân số thế giới vẫn gia tăng với những bước nhảy vọt, còn các Kitô hữu không tăng bao nhiêu, thậm chí ở một vài nơi lại sụp đổ từng mảng lớn và tỉ lệ lại càng chênh lệch lớn hơn.

Trong bối cảnh đó, đôi lúc chúng ta không khỏi ưu tư và nôn nóng. Càng nhiệt tình và thiện chí thì càng dễ thất vọng và mất kiên nhẫn. Phải chăng Thiên Chúa không còn can thiệp vào lịch sử này nữa? Phải chăng sự im lặng của Thiên Chúa chứng tỏ Ngài bất lực? Tin Mừng là một giải pháp vô ích và phải chăng Thiên Chúa đã chết?

Lời Chúa công bố hôm nay chính là Tin Mừng cho Hội Thánh lữ hành. Hội Thánh là bí tích của Nước Thiên Chúa, tức là dấu chỉ và là tôi tớ phục vụ cho Nước Chúa, nên Hội Thánh nghe được từ Lời Chúa hôm nay một sứ điệp quan trọng: tín thác và kiên nhẫn. Vì Nước Thiên Chúa là công trình của Thiên Chúa, nên Hội Thánh luôn tín thác vào sự tác động quyền năng của Thiên Chúa. Hội Thánh – tức là mọi Kitô hữu- không được tự hào về thánh tích của mình, không được quyền nghĩ rằng Nước Chúa sẽ đến là do khả năng của mình, do nỗ lực hay sáng kiến của mình.

Thánh Vinh Sơn – Phaolô nói: “Công việc của Chúa được thực hiện từ từ không hay biết”. Chúng ta không được sốt ruột, đừng ai tự cho mình là cần thiết: “Không có ta mặt trời sẽ không mọc, sau ta là lụt đại hồng thuỷ”. Cũng đừng quá vội vã, quay cuồng, lo lắng vì thấy hoạt động của mình như không đi đến đâu! Ngày cũng như đêm, hạt giống gieo vào lòng đất cứ âm thầm đâm chồi nẩy mộng. Cũng đừng thất vọng khi không thấy kết quả trước mắt. Lỗi lầm của người tông đồ là dựa trên tài sức của mình hơn là vào sức mạnh của Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa không thể xây dựng trong một ngày, nhưng trường kỳ từ ngày này sang ngày khác. Thái độ nôn nóng đôi khi là dấu hiệu của sự kiêu hãnh vì nghĩ rằng sự tiến bộ là do công lao của mình. Không biết kiên nhẫn đợi chờ có thể dẫn Hội Thánh đến những chọn lựa nghịch với Tin Mừng để tìm sức mạnh của quyền lực, giàu sang và chắc chắn không sớm thì muộn sẽ gặp phải thất bại.

Thưa anh chị em,

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cộng tác trong niềm tin. Tin vào quyền năng của Thiên Chúa. Tin vào sự hướng dẫn của Chúa đối với với lịch sử, để tất cả vũ trụ đi tới sự viên mãn chung cuộc của mùa gặt phong phú cuối cùng. Niềm tin mời gọi chúng ta tiến bước, bền chí lên đường reo rắc hạt giống Lời Chúa, vì biết rằng: “Tôi trồng, Apôlô tưới, còn Thiên Chúa mới là người làm cho mọc lên” (1Cr 3,6). Tôi chỉ góp phần rất bé nhỏ, con Thiên Chúa mới làm cho hạt giống Nước Chúa lớn lên theo cách của Thiên Chúa. Có khi chính trong lúc ta tưởng ngờ- như Giáo Hội Nhật Bản đã phải trải qua 200 năm âm thầm và kiên nhẫn chờ đợi ngày tái sinh.

Trong Thánh lễ chúng ta được đón nhận Lời Chúa và Thánh Thể. Chúa Giêsu chính là hạt giống Nước Trời được gieo vào lòng ta. Hạt giống ấy hôm nay nhỏ bé nhưng sẽ âm thầm lớn lên trong chúng ta. Có Chúa sống trong ta, cuộc đời ta sẽ trổ sinh hoa trái, xanh tươi, hoa lá cành, đem lại bóng mát, niềm tin và hạnh phúc cho mọi người.

Chúa chiên lành

Chúa chiên lành

Có một chàng sinh viên, sau khi tốt nghiệp đại học, đã không chọn cho mình một ngành nghề chuyên môn, nhưng lại đi chăn cừu thuê. Anh cho biết: Mỗi ngày anh phải làm việc tới mười tám tiếng đồng hồ và làm tất cả bảy ngày trong tuần. Suốt thời gian ở trên núi, anh hoàn toàn cô đơn, chỉ bầu bạn với chú chó, chú ngựa và hai ngàn con cừu.

Mỗi tuần một lần, người ta đem đến cho anh thực phẩm, thư từ và đạn dược. Công việc của anh là làm sao giữ cho đàn cừu được ở chung một chỗ, dẫn chúng đến nơi có cỏ và có nước, đồng thời bảo vệ chúng khỏi thú dữ.

Anh kể: một buổi sáng nọ, có một nhóm cừu tự rời khỏi bày, thế là tôi phải bỏ tất cả thời gian để lần theo dấu vết của chúng. Ngay khi vừa mới tìm thấy, thì một cơn mưa bão ập xuống, khiến tôi và những con cừu vừa ướt lại vừa bị lạnh cóng suốt đêm.

Câu chuyện trên cho chúng ta thấy nghề chăn cừu thời nay thật là khó khăn và cực nhọc. Nhưng ngày xưa, khi chưa có súng đạn thì công việc của họ không chỉ cực nhọc mà còn rất nguy hiểm nữa.

Trong sách Samuel, Đavid đã trả lời cho nhà vua trước lúc giao tranh với Goliath như sau: Tâu bệ hạ, thần đã từng chăm sóc đàn cừu của phụ thân, bất cứ khi nào có một con sư tử hay một con gấu cướp đi một con cừu, thì lập tức, thần rượt theo và tấn công nó để cứu con cừu. Nếu con sư tử hay con gấu ấy quay vào tấn công thần, thần sẽ xông tới, chộp cổ họng và đánh nó cho đến chết. Thần đã giết nhiều sư tử và gấu. Thần cũng sẽ làm như vậy với tên Philitinh ngoại đạo này.

Từ những mẩu chuyện trên chúng ta đi vào đoạn Tin mừng hôm nay, trong đó Chúa đã nói: Ta là mục tử nhân lành, sẵn sàng hiến mạng sống mình vì đàn chiên. Nói cách khác Chúa Giêsu chính là vị mục tử mà tiên tri Egiechiel đã loan báo: Ngài chăm sóc những con bơ vơ yếu đuối, chữa lành những con bệnh hoạn và đi tìm những con bị lạc. Chúa Giêsu còn làm hơn thế nữa, Ngài tự hiến mạng sống cho đoàn chiên. Và từ cõi chết sống lại, Ngài đã chia sẻ vinh quang Phục sinh cho đoàn chiên của Ngài. Từ đó chúng ta hãy rút ra một vài điểm thực hành:

Điểm thứ nhất, đó là hãy tỏ lòng biết ơn Ngài vì nhờ sự chết và Phục sinh, Ngài đã cứu chúng ta khỏi manh mối của thú dữ là ma quỷ và tội lỗi.

Điểm thứ hai, đó là hãy bước đi dưới sự dẫn dắt của Ngài, nhờ vậy mà chúng ta chẳng bao giờ bị lầm đường lạc lối. Trái lại, cuộc đời chúng ta sẽ được bảo đảm an toàn, bởi vì như lời thánh vịnh cũng đã xác quyết: Chúa là Mục tử, Ngài dẫn lối chỉ đường cho con đi. Đi trong tay Chúa nào con thiếu chi con sợ chi. Cỏ non rợn đồng xanh con không bao giờ thiếu suối nước trường sinh con nghỉ uống no đầy.

Sưu tầm


 

Quy luật sự sống

Quy luật sự sống

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Cái chết của ông Y Rabin, Thủ Tướng Israel ngày 3/11/1995 đã làm cả thế giới chấn động. Những người Do Thái quá khích giết ông, vì họ không chấp nhận công trình hòa bình ông đang kiến tạo với Palestine và các nước vùng Trung Đông. Cái chết của ông Rabin làm cho thế giới nhớ lại cái chết của Mahatma Gandhi 50 năm trước đây: một người thanh niên Ấn Giáo quá khích đã sát hại vị Cha già của dân tộc Ấn, vì anh không thể chấp nhận việc ngài tha thứ và dạy tha thứ cho người Hồi Giáo. Người ta cũng không thể quên cái chết của Mục sư Martin Luther King năm 1968, vì đã tranh đấu cho quyền bình đẳng của người da đen bằng phương pháp ôn hòa và bất bạo động. Lịch sử nhân loại đã được viết bằng máu của biết bao gương mặt kiến tạo hòa bình như thế. Liệu người ta có thể xếp cái chết của Chúa Giêsu vào hạng những cái chết vì hòa bình không? Đâu là lý do khiến Chúa Giêsu phải chết, một cái chết cũng mang tính cách mạng như chính cuộc sống và sự điệp của Ngài?

Chúa Giêsu đã chịu treo trên thập giá giữa hai tên trộm cướp. Thời Đế quốc Rôma cai trị Palestine có biết bao người đã chết như thế, nhưng cái chết của Chúa Giêsu có lý do sâu xa hơn bất cứ một cái chết nào. Chúa Giêsu đã có thể lẩn tránh được một cái chết như thế: Ngài đã làm cho kẻ chết sống lại được, thì việc thoát tay kẻ thù đối với Ngài không phải là chuyện khó. Ngài cũng có thể tránh được một cái chết như thế bằng cách thay đổi thái độ đối với những kẻ đang tìm cách hãm hại Ngài. Nhưng Chúa Giêsu đã không hành động như thế. Các sách Tin Mừng thuật lại rằng Ngài đã tự nộp mình cho kẻ thù. Ngài chết để giải phóng con người khỏi tội lỗi và sự chết. Một cuộc giải phóng vượt lên trên và bao trùm mọi thứ giải phóng khác. Từ nay, với cái chết của Chúa Giêsu, sự chết không còn là một thực tại đáng sợ nữa, nhưng nó là cửa ngõ dẫn vào cuộc sống vĩnh cửu.

Thánh Gioan hôm nay đã dùng hình ảnh quen thuộc để diễn tả ý nghĩa đích thực của cái chết của Chúa Giêsu: hình ảnh của một hạt giống bị mục thối đi trong lòng đất để dẫn đến một mùa gặt phong phú. “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình, còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều bông hạt khác”. Cũng vậy, những đau thương Chúa Giêsu sắp trải qua sẽ không kết thúc ở một cái chết cằn cỗi mà sẽ dẫn đến sự phì nhiêu sung mãn của sự sống lại, một sự sống có khả năng tập họp mọi dân nước trong Nước Trời.

Tuy nhiên, là Thiên Chúa nhưng cũng là con người và như mọi con người, Chúa Giêsu cũng đã phải trải qua những giờ phút xao xuyến trong tâm hồn khi phải đương đầu với kẻ thù và cái chết nhuốc hổ trên thập giá: “Bây giờ tâm hồn Con xao xuyến, Con biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này…” Chúa Giêsu đã từng bị cám dỗ xin Cha Ngài giải thoát Ngài khỏi “Giờ” đen tối hay khỏi “uống chén đắng” này. Trong bài đọc 2, chúng ta còn được Thánh Phaolô cho thấy tâm trạng của Chúa Giêsu khi đứng trước “Giờ” của thập giá: “Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khấn nguyện lên Đấng có thể cứu Ngài khỏi chết…” Cuối cùng, Chúa Giêsu đã không xin Cha cứu Ngài khỏi chết mà xin cho Danh của Cha được tôn vình. Điều này có nghĩa là Chúa Giêsu muốn cầu xin Thiên Chúa hãy tỏ ra Ngài là một người Cha, bằng cách hoàn tất công trình yêu thương của Ngài đối với con người, ngang qua cái chết và sống lại của Con của Ngài. Qua lời cầu xin này, Chúa Giêsu cho thấy Ngài đã gián tiếp đón nhận “Giờ” của sự phục vụ cho tới hơi thở cuối cùng trên thập giá, nhưng đồng thời cũng là “Giờ” Con Người bước vào vinh quang. Có điều “vinh quang” ở đây không theo ý nghĩa thường tình của chúng ta. Vinh quang ở đây đòi phải trải qua khổ nhục. Vinh quang của hạt lúa đã trổ bông, nặng trĩu và chín vàng, nhưng là sau khi bị chôn vùi dưới bùn rồi nứt nẻ, bứt phá khỏi hình thức hẹp hòi của vỏ trấu, để giờ này mới trở thành nguồn sống, và lại sẵn sàng nẩy mầm, phát triển, tăng gấp mãi.

Thánh Gioan đã diễn tả chân lý này như một quy luật tất yếu cho sự sống phát sinh và đạt tới ý nghĩa cuối cùng: Hạt lúa và bất cứ thứ hạt giống thực vật nào, đều mang ý nghĩa và sứ mạng truyền sinh, tăng gấp nguồn sống ẩn chứa trong bản thân. Thế nhưng, muốn thể hiện ý nghĩa và sứ mạng này, nó phải qua tiến trình biến dạng hoàn toàn, phải chết đi. Chúa Giêsu đã chấp nhận quy luật này, và vẫn đang “lôi kéo mọi người theo Ngài”.

Thưa anh chị em,

Là quy luật, là chân lý Chúa Kitô mạc khải, làm sao con người chúng ta có thể tránh né? Mặc dầu biết rõ mình phải nứt nẻ, bứt phá, lột xác, phải chết đi, mới góp phần làm phát sinh sự sống. Thế nhưng chúng ta vẫn thường coi trọng và bảo vệ cái cũ, những gì là quen thuộc, dễ dãi, dễ chịu hơn là đổi mới. Sống giữa một xã hội đang chủ trương đổi mới, thế mà chỉ mới đặt lại vấn đề đổi mới một số tư tưởng, cách làm ăn, tổ chức đời sống xã hội… cũng đủ làm chúng ta e ngại, lo âu. Nói chi đến thay đổi cả nếp sống trước đây vẫn được tôn trọng. Định luật của sự sống là đổi mới. “Hat lúa phải mục nát đi trong lòng đất mới nảy sinh nhiều bông hạt”. Chúa Giêsu đã nói đến cái chết của Ngài như một điều kiện cần thiết để đem lại sự sống mới cho mọi người. Ngài phải chết đi để các Kitô hữu được sống, để muôn dân trở thành tín hữu và tất cả đều được cứu chuộc.

Còn chúng ta, được mời gọi theo Chúa Giêsu, chúng ta cũng đừng quên định luật căn bản của sự sống, đó là: “Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai bằng lòng mất sự sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho cuộc sống muôn đời” (Ga 12,25). Đi theo Chúa Giêsu đòi hỏi người môn đệ của Ngài phải chia sẻ cuộc sống và cả cái chết của Ngài. Bài học của thập giá đó là đã có những cái chết không uổng công mà trái lại còn nảy sinh nhiều hoa trái, đó là cái chết vì tình thương, vì hạnh phúc, vì sự cứu độ của kẻ khác, vì sự giải phóng con người đồng loại, vì những cái gì còn đáng quý hơn cả chính mạng sống của mình, vì chính nghĩa, vì công lý, vì hòa bình, vì đức tin…

Ở đây, Chúa Giêsu đặt chúng ta trước một thang giá trị. Chính khi con người biết vượt ra khỏi cái vỏ ích kỷ để sống một cuộc sống quảng đại, vì người khác, dù có phải vì thế mà hy sinh cả mạng sống của mình, con người đã thực sự bước vào cuộc sống mới. Điều Chúa đòi hỏi nơi những kẻ muốn đi theo Ngài thì Ngài thực hiện nơi chính bản thân Ngài.

Anh chị em thân mến,

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy rõ ý nghĩa cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Ngài chết là để đi vào vinh quang của Chúa Cha và trở thành Đấng ban sự sống cho chúng ta. “Nếu ta cùng chết với Ngài, ta sẽ sống với Ngài. Nếu ta cùng đau khổ với Ngài, ta sẽ thống trị với Ngài” (x. Tin Mừng 2,8-12). Ai ham sống, sợ chết, sẽ đánh mất tất cả. Người dám theo Chúa Giêsu mà đánh đổi cuộc sống hiện tại, sẽ được cuộc sống muôn đời.

Tại sao “Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy”?

 Tại sao “Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy”?

Sách Dân Số (21, 4b-9) kể chuyện, dân Do thái đi trong sa mạc, họ kêu trách Thiên Chúa và ông Môsê rằng : “Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống? …”. Vì thế, Thiên Chúa đã cho rắn độc bò ra cắn chết nhiều người. Sau đó dân hối lỗi chạy đến với Môsê và ông đã cầu khẩn cùng Chúa. Thiên Chúa thương xót, đã truyền cho Môsê đúc một con rắn đồng treo lên giữa sa mạc, và bất cứ ai, hễ bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng ấy thì được chữa lành.

Bài Tin Mừng, trong cuộc đối thoại với ông Nicôđêmô, Chúa Giêsu khẳng định:  Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.
 
Lời Chúa trong sách Dân Số và trong Tin Mừng Gioan, qua hình ảnh “Con Rắn”, sẽ đưa chúng ta đi xuyên suốt lịch sử cứu độ, khởi đi từ kinh nghiệm phạm tội trong sa mạc (Ds 21,6), trở về với thời điểm khởi đầu của sự sống (St 3), sau đó đi đến ngôi vị của Đức Kitô (Ga 3,14) và vươn xa tới tận thời cánh chung (Kh 12,7-10).

Con rắn cám dỗ Eva và bà đã sa ngã thua cuộc, để lại cho nhân loại tội tổ tông truyền. Con rắn đồng ông Môsê treo lên trong sa mạc giúp cứu sống người bị rắn độc cắn. Bà Eva nhìn lên và nghe theo lời con rắn “phán”. Dân Do thái nhìn lên con rắn đồng và nghe theo Lời Chúa truyền. Chúng ta nhìn lên Thánh Giá Chúa Kitô sẽ được sự sống và ân sủng chứa chan.

Dịp hành hương Thánh Địa, chúng tôi có lên núi Nebo bên đất nước Jordanie. Chiêm ngắm tác phẩm điêu khắc Thánh giá theo hình con rắn, biểu tượng cho con rắn đồng ngày xưa được Môsê dựng nên, nhìn về Thánh địa và dâng lễ tại nhà nguyện trên núi.

1/ Núi Nebo
 
Núi Nebo là một dãy núi ở Vương quốc Jordanie, cao khoảng 817m. Cựu ước đã đề cập đến nơi này. Trên núi Nebo, Thiên Chúa đã cho Môsê nhìn về Đất Hứa. Từ đỉnh núi nhìn bao quát bức tranh toàn cảnh về Thánh Địa và thành phố bờ Tây sông Giođan là Giêricô, thậm chí vào một ngày rất đẹp trời người ta có thể nhìn thấy cổ thành Giêrusalem.

Theo chương 34 của sách Đệ Nhị Luật, Môsê đã đi lên núi Nebo từ đồng bằng Môáp đến đỉnh Pisgah đối diện với Giêricô để nhìn về Đất Hứa.Giavê phán với Môsê: Đó là đất Ta đã thề với Abraham, ysaac và Giacop rằng: Ta sẽ ban nó cho dòng giống ngươi! Ta đã cho ngươi thấy tận mắt, nhưng ngươi sẽ không qua đó! . Và Môsê đã chết trong xứ Môab. Người ta đã chôn cất ông trong thung lũng, ở xứ Môab, trước mặt Bet-pơor, nhưng không biết được mộ ông cho đến ngày nay.(Đnl 34,4-6).

Theo truyền thống Kitô giáo, Môsê đã được chôn cất trên núi này, tuy nhiên người ta vẫn không xác định được nơi chôn cất ông. Một vài truyền thống Hồi giáo cũng khẳng định điều tương tự, nhưng ngôi mộ của Môsê thì họ cho là ở Maqam El- Nabi Musa nằm về phía nam cách Giêricô 11 km và về phía đông cách Giêrusalem khoảng 20km trong hoang địa Giuđêa. Các học giả tiếp tục tranh luận xem ngọn núi hiện nay được gọi là là Nebo có phải là ngọn núi ngày xưa được đề cập trong bộ Ngũ kinh của Cựu ước không.

Theo sách Maccabê (2 Mcb, 2,4-7): Tiên tri Giêrêmia đã giấu Nhà tạm và Hòm Bia Giao Ước trong một cái hang trên núi Môsê đã lên và được chiêm ngắm cơ nghiệp của Thiên Chúa.

Ngày 20/03/2000, Đức Gioan Phaolô II đã đến núi Nebo trong cuộc hành hương Thánh địa. Ngài đã trồng một cây ô liu bên cạnh nhà thờ theo phong cách Byzantine như là một biểu tượng cho hòa bình.

Ngày 9/5/2009, Đức Bênêđictô XVI đã đến thăm địa danh này, đọc bài diễn văn ở đây và ngài nhìn về thành Giêrusalem từ đỉnh núi Nebo.

Nghệ sĩ người Ý, Giovanni Fantoni đã thực hiện tác phẩm điêu khắc Thánh giá theo hình con rắn. Đây là biểu tượng cho con rắn đồng ngày xưa được Môsê làm theo lệnh của Chúa để cứu sống người bị rắn cắn (Ds 21,4-9) và là thánh giá trên đó Chúa Giêsu bị đóng đinh (Ga 3,14) .

Trên đỉnh cao nhất của ngọn núi mang tên Syagha, người ta khám phá ra di tích ngôi nhà thờ và một tu viện vào năm 1933. Ngôi Nhà thờ được xây dựng lần đầu vào nửa bán thế kỷ thứ IV để kỷ niệm nơi Môsê qua đời. Thiết kế nhà thờ theo phong cách một Vương cung Thánh đường. Nó được mở rộng vào cuối bán thế kỷ thứ V và được xây dựng lại năm 597. Ngôi Nhà thờ đầu tiên được nhắc đến trong bản báo cáo về một cuộc hành hương của một người phụ nữ tên Aetheria vào năm 394. Người ta đã tìm thấy 6 ngôi mộ trống rỗng từ những phiến đá tự nhiên nằm dưới sàn khảm đá của nhà thờ.         
      
Trong ngôi nhà nguyện hiện đại được xây dựng để bảo địa danh này và cung cấp nơi thờ phượng, người ta có thể nhìn thấy thấy những di tích của những sàn nhà khảm đá từ nhiều thời kỳ khác nhau. Một trong những bức tranh khảm đá lâu đời nhất là một tấm ghép với những hình chữ thập có viền hiện nay được đặt ở phía đầu Đông của bức tường phía Nam.

2/ Tại sao lại treo con rắn?
 
Trong trình thuật về Tội Nguyên Tổ (St 3,1-7), lời dụ dỗ của con rắn đã làm cho Evà và Adam nghi ngờ Thiên Chúa : Thiên Chúa nói rằng, ăn trái cây đó thì chắc chắn sẽ chết, nhưng con rắn nói: chẳng chết chóc gì đâu!  Tin vào lời con rắn, đồng nghĩa với việc cho rằng Thiên Chúa nói dối ! Đó là cho rằng, Thiên Chúa lừa dối con người, vì Ngài không muốn chia sẻ sự sống của mình; đó là nghĩ rằng, Ngài tạo dựng con người để bỏ mặc con người trong sa mạc cuộc đời và nhất là cho số phận phải chết. Tin vào lời con rắn, chính là bị con rắn cắn vào người, chính là bị nó tiêm nọc đọc vào người. Và hậu quả là tương quan tình yêu giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với con người bị phá vỡ. Hậu quả tất yếu là chết chóc, như Thiên Chúa đã báo trước: Ngày nào ngươi ăn chắc chắn ngươi sẽ phải chết (St 2,17).

Dựa vào trình thuật Vườn Eden, chúng ta hiểu ra rằng, rắn độc mà sách Dân Số nói đến chính là hình ảnh diễn tả sự nguy hại chết người của thái độ nghi ngờ Thiên Chúa : kế hoạch cứu sống, khi gặp khó khăn lại bị coi là kế hoạch giết chết. Nghi ngờ Thiên Chúa đó là để cho mình bị rắn cắn, là mang nọc độc vào người.

3/ Tại sao “Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy”?
 

Trong Vương cung Thánh đường Thánh Ambrôsiô ở Milan, có 2 cột đá thật ấn tượng và giàu ý nghĩa; “cột rắn“: một con rắn bằng đồng thời Byzantine vào thế kỷ thứ X được đặt trên đỉnh một cột ngắn, đối diện bên kia có “cột thập giá”.

Sách Dân Số (21,9) là một lời tiên báo rất huyền nhiệm về Đấng Cứu Thế, về mầu nhiệm Thâp giá, nơi Đức Kitô là Con Người được “giương cao”. Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu coi cái chết của mình như là một sự tôn vinh, tôn vinh Tình Yêu của Chúa Cha, một Tình Yêu vô bờ bến, một Tình Yêu mãnh liệt “đến nỗi Chúa Cha đã ban Con Một cho thế gian, để những ai tin vào Người Con thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16). Đồng thời cũng là tôn vinh Tình Yêu của Chúa Giêsu, một Tình Yêu đã hy sinh mạng sống vì những người mình yêu, một hy lễ dâng lên Chúa Cha và cũng là sự tự hiến cho loài người, trở nên lương thực nuôi sống chúng ta. Chúa Giêsu “chết để cho chúng ta được sống”.

Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu ngay từ những lời nói đầu tiên đã đặt mầu nhiệm Thập Giá trong tương quan trực tiếp với hình ảnh con rắn biểu tượng của Tội và Sự Dữ : Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.
 
Một bên là con rắn bị giương cao. Một bên là Đức Kitô được giương cao trên cây thập giá.Trong Cuộc Thương Khó, Đức Kitô sẽ tự nguyện thế chỗ cho con rắn.Theo Thánh Phaolô: Đức Giêsu tự nguyện trở nên “giống như thân xác tội lội” (Rm 8, 3) và Người “đồng hóa mình với tội” (2Cr 5, 21 ; Gl 3, 13). Tội có bản chất là ẩn nấp, khó nắm bắt, giống như con rắn, nhưng đã phải hiện ra nguyên hình nơi thân xác nát tan của Đức Kitô : “tội để lộ chân tướng và cho thấy tất cả sức mạnh tội lỗi của nó” (Rm 7,13). Thập Giá Đức Kitô mặc khải cho loài người hình dạng thật của Tội. Chính vì thế mà trong Tin Mừng theo thánh Máccô, Đức Giêsu dạy, (chứ không phải báo trước) cho các môn đệ về cuộc Thương Khó của Người (Mc 8, 31).

Chúng ta được mời gọi nhìn lên Đức Kitô chịu đóng đinh trên Thánh Giá để nhìn thấy:

– Thân thể nát tan của Người vì roi vọt, kết quả của lòng ghen ghét, của lòng ham muốn, của sự phản bội, của sự bất trung, và của những lời tố cáo lên án vô cớ, của vụ án gian dối.

– Đầu đội mạo gai của Người tượng trưng cho những lời nhạo báng, diễu cợt trên ngôi vị; chân tay của Người bị đinh nhọn đâm thủng và ghim vào giá gỗ; hình ảnh này cho thấy con người đã đánh mất nhân tính và hành động theo thú tính; cạnh sườn của Người bị đâm thủng thấu đến con tim. Sự Dữ luôn đi đôi với bạo lực và bạo lực luôn muốn đi tới tận cùng là hủy diệt. Nhưng đồng thời cũng ở nơi đây, trên Thập Giá, tình yêu, lòng thương xót, sự thiện, sự hiền lành và cả sự sống của Thiên Chúa cũng đi tới tận cùng!

4/ Tại sao “nhìn lên” có khả năng chữa lành?
 
Theo lời của Đức Chúa, Môsê đã treo một con rắn bằng đồng lên cột gỗ và ai nhìn lên thì được chữa lành. Hình phạt bị rắn độc cắn là rất nặng nề, còn ơn chữa lành thật nhẹ nhàng: nhìn lên thì được sống.

Nhìn lên Đức Kitô chịu đóng đinh: “Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19, 37) với lòng tin chúng ta đón nhận ơn tha thứ và được chữa lành.

Thánh Giá Đức Kitô chịu đóng đinh được các giáo phụ gọi là Cây Sự Sống vì đã mang đến cho nhân loại Sự Sống của Thiên Chúa.

Thánh Giá mang lại cho nhân loại Ơn Tha Thứ của Thiên Chúa. Sự bất tuân của Ađam đã mang đến án phạt và sự chết cho toàn thể nhân loại. Giờ đây sự vâng phục của Chúa Giêsu mang lại Ơn Tha Tội của Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại. Vì sự vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá của Chúa Giêsu, Chúa Cha đã tha hết mọi tội lỗi cho nhân loại. Ơn tha thứ đã được ban một cách tràn đầy và cho mọi người, không trừ một ai. Ơn Tha Thứ ấy phát xuất từ Tình Yêu của Chúa Cha. Tình Yêu lớn hơn tội lỗi. Tình Yêu khỏa lấp muôn vàn tội lỗi. Chúa Giêsu chịu đóng đinh và chịu chết trên Thánh Giá biểu lộ Gương Mặt đích thực của Chúa Cha giàu lòng thương xót.

Thánh Giá mạc khải Tình Yêu của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha và đối với nhân loại chúng ta. Chúa Giêsu yêu mến Chúa Cha đến nỗi sẵn sàng hy sinh mọi sự vì Chúa Cha, dâng hiến sự sống mình lên Chúa Cha. Thánh Giá cũng biểu lộ Tình Yêu của Chúa Giêsu đối với chúng ta: không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống vì những người mình yêu.
 
Thánh Giá đã in sâu và gắn chặt với Chúa Giêsu Kitô. Ngay cả sau khi Chúa sống lại vinh quang, các vết thương khổ nạn thập giá vẫn hiển hiện, vẫn không bị xóa nhòa. Thánh Giá Chúa Kitô xuyên qua thời gian và hiện diện trong mỗi giây phút cuộc đời chúng ta. Sự hiện diện ấy làm thay đổi tất cả.

Nhìn lên Thánh Giá, chúng ta yêu mến và tôn thờ Chúa Cứu Thế. Trong xã hội tiêu thụ và hưởng thụ ngày nay, bóng tối của quyền lực, tiền của, danh vọng, lạc thú đang che mờ bóng thánh giá. Con người đang lao mình vào bóng tối bằng mọi giá. Xã hội hôm nay cần phải được ánh sáng của Thánh Giá soi dẫn. Từ Thánh Giá Ðức Kitô, tình thương chúc phúc thế gian, sự sống chan chứa cho lòng người. Trong Mùa Chay, đặc biệt trong những ngày Tuần Thánh sắp tới, chúng ta hãy năng nhìn lên Thánh Giá, đó là địa chỉ mạc khải tình thương của Thiên Chúa và là suối nguồn ơn cứu độ. Nhìn lên Thánh Giá với niềm tin vào tình yêu tha thứ, tình yêu vô bờ bến của Đấng Chịu Đóng Đinh, chúng ta được dồi dào ân sủng và được sự sống đời đời.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Lớp Sáu – Bài Học 16 – Kho Báu và Ngọc Quý

Bài Học 16 – Kho Báu và Ngọc Quý

americangoldentopaz

Một em học sinh thuộc câu lạc bộ bơi lội Saint Clara, Hoa Kỳ, mỗi ngày thức dậy lúc 5 giờ 30 sáng, rồi em ra hồ bơi luyện tập suốt hai tiếng đồng hồ, sau đó vội vàng lo đi học. Sau suốt ngày học ở trường, chiều về em lại ra hồ bơi luyện tập thêm hai tiếng đồng hồ nữa rồi mới về nhà làm bài và ngủ đúng chín giờ tối. Ngày nào cũng vậy, em luôn luôn trung thành với chương trình luyện tập, và chỉ nhận sinh hoạt khi nào sinh hoạt đó không cản trở chương trình học và luyện tập bơi lội của em.

Có người tò mò hỏi, tại sao em dám làm như vậy?

Em trả lời cách xác quyết, vì em muốn đoạt giải vô địch trong kỳ thi thế vận hội sắp tới.

KhoTangTrongBinhDeVo

Vương quốc tình yêu

Vương quốc tình yêu

Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy nhiều sự thật quan trọng về kết cục của con người.

Sự thật thứ nhất là: thế giới này sẽ chấm dứt. Không có gì vĩnh cửu ở đời này. Mọi sự sẽ qua đi. Những gì được coi là bền vững lâu dài rồi cũng tan thành cát bụi. Của cải, tài năng, công danh cũng sẽ trở thành hư vô. Cả đến con người cũ cũng không còn. Sau cùng mọi người bằng nhau và phải đến trước tòa Chúa để chịu phán xét.

Sự thật thứ hai là: mọi người sẽ bị xét xử. Tất cả mọi người sẽ tụ tập lại. Tất cả mọi người sẽ phải trả lời về những gì mình đã làm trong cuộc đời. Cuộc xét xử sẽ diễn ra công khai. Những trách nhiệm liên đới sẽ được sáng tỏ. Những liên hệ thầm kín sẽ được phơi bày. Nếu trên trần gian ta phải chứng kiến bất công thì tại phiên xử cuối cùng này sẽ có công bằng tuyệt đối. Chẳng ai có thể mua chuộc vị quan tòa tối cao, quyền uy và công thẳng.

Sự thật thứ ba: sẽ có một vương quốc mới. Tuy nhiên kết thúc thế giới cũ không phải là chấm dứt tất cả. Chúa Giêsu tổng kết thế giới cũ để đưa nhân loại vào một thế giới mới. Thế giới không còn thời gian. Thế giới vĩnh cửu. Thế giới không còn đau khổ. Thế giới hạnh phúc tràn đầy. Vì Chúa sẽ thiết lập một vương quốc mới: vương quốc tình yêu. Cuộc xét xử chính là một cuộc tuyển lựa những công dân cho vương quốc mới. Vì là vương quốc tình yêu nên chỉ những ai có tình yêu mới được vào. Luật lệ trong vương quốc mới chỉ có một luật duy nhất: luật tình yêu. Việc cai trị cũng chỉ theo một nguyên tắc duy nhất: tình yêu. Chúa Giêsu trở thành Vua Tình Yêu.

Sự thật thứ bốn: đời này là cơ hội duy nhất. Thế giới mới và vương quốc mới không phải bất ngờ mà có, nhưng được xây dựng ngay từ đời này. Đời này tuy chóng qua nhưng là cơ hội để ta xây dựng vương quốc mới. Những ai có lòng yêu thương anh em, đặc biệt những anh em nghèo khổ, bé mọn, sẽ được tuyển chọn vào Nước Trời. Đời này ngắn ngủi nhưng lại là cơ hội duy nhất. Hết đời này sẽ không còn cơ hội nữa. Sẽ đi đến chung cuộc. Vì thế ta phải vội vàng mau mắn thực hành giới luật yêu thương, kẻo không kịp.

Với dụ ngôn ngày phán xét cuối cùng, Chúa Giêsu đã tỏ lộ cho ta hết những bí mật của vận mạng thế giới. Và chỉ vẽ cho ta con đường để được nhận vào Nước Chúa: thực hành yêu thương bằng những việc làm cụ thể. Cho người đói ăn. Cho người khát uống. Cho người rách rưới ăn mặc. Thăm viếng người đau yếu và kẻ tù đầy. Đây là những việc vừa tầm tay mọi người. Ai cũng có thể làm được. Ai cũng có điều kiện để làm.

Lạy Chúa Giêsu Vua Tình Yêu, xin cho con biết thực hành yêu thương, để được nhận vào Nước Chúa. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ

1- Dụ ngôn ngày phán xét cuối cùng cho thấy những sự thật nào?

2- Ta có thể làm chủ vận mạng mình được không?

3- Điều kiện để được vào Nước Chúa có khó khăn gì không?

4- Nếu mọi người đều thực hiện Lời Chúa, bạn nghĩ thế giới này sẽ như thế nào? Có trở thành vương quốc của Chúa được không?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Nếu biết yêu mến xót thương nhau, cuộc sống con người sẽ hạnh phúc hơn

Nếu biết yêu mến xót thương nhau, cuộc sống con người sẽ hạnh phúc hơn

(Chúa Nhật 30 A; Xh 22,21-26)

Trích sách Xuất Hành. Chúa phán: người ngoại kiều, ngươi không được ngược đãi và áp bức vì chính các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai Cập. Mẹ góa con côi, các ngươi không được ức hiếp. Nếu ngươi ức hiếp mà nó kêu cứu Ta, ắt Ta sẽ nghe tiếng nó kêu cứu. Cơn giận Ta sẽ bốc lên, Ta sẽ cho gươm chém giết các ngươi: thế là vợ các ngươi sẽ thành góa bụa, và con các ngươi sẽ thành mồ côi. Nếu các ngươi cho một người trong dân Ta, một người nghèo ở với ngươi vay tiền, thì ngươi không được xử với nó như chủ nợ, không được bắt nó trả lãi. Nếu ngươi giữ áo choàng của người khác làm đồ cầm, thì ngươi phải trả lại cho nó trước khi mặt trời lặn. Nó chỉ có cái đó để đắp, để làm áo che thân; nó sẽ lấy gì mà ngủ? Nó mà kêu cứu Ta, Ta sẽ nghe nó, vì Ta vốn nhân từ.”

SUY NIỆM

Những giáo huấn cụ thể rõ ràng trên đây trong sách Xuất Hành là một trong các trang hay đẹp và ý nghĩa nhất của Thánh Kinh Cựu Ước, vì chúng diễn tả được một trong những điểm nòng cốt sứ điệp của Do thái giáo và Tin Mừng yêu thương của Kitô giáo. Thiên Chúa là tình yêu, là Đấng nhân từ xót thương và Ngài đòi buộc những ai tin nhận Ngài cũng phải biết sống yêu thương cụ thể tất cả mọi người, không trừ ai, cách riêng những người yếu đuối nhất thường không được bênh đỡ trong xã hội loài người như người góa bụa, trẻ mồ côi, kẻ kiều cư, người nghèo phải vay tiền, hay cầm thế đồ vật cần thiết cho cuộc sống như chiếc áo choàng là áo mặc ban ngày và mền đắp ban đêm của dân nghèo.

Trong xã hội nào cũng vậy, những người góa bụa, góa vợ hay góa chồng, đều đáng thương như nhau, đặc biệt là những phụ nữ góa chồng. Họ mất đi người bạn trăm năm, cây cột chống đỡ mái nhà gia đình và phải cô đơn, một thân một mình làm lụng vất vả, tần tảo ngược xuôi để nuôi dậy con cái. Có người nhiều khi phải gánh vác cả các công việc của nhà chồng như phụng đưỡng cha mẹ già yếu bệnh tật. Cuộc sống của họ bấp bênh và không có người bênh đỡ khiến cho họ dễ bị chèn ép, ức hiếp và lạm dụng nhất. Cùng với họ là lũ con mồ côi cha hay mồ côi mẹ. Chúng mất đi điểm tựa yêu thương, tinh thần và vật chất. Cuộc sống và tương lai của chúng vì thế cũng mờ mịt. Chúng thường không có tuổi thơ, vì phải vào đời rất sớm để mưu sinh, lăn lộn giữa cuộc đời ác nghiệt không che chở trẻ thơ. Chúng giống như những trái banh bị đá lăn lóc giữa chợ đời đen bạc, hay như bèo trôi giạt giữa dòng đời.

Tội nghiệp và đáng thương nhất là các trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cơm bánh hằng ngày của chúng là nước mắt, buồn tủi và khổ đau. Và chúng thường là các thành phần yếu đuối và bơ vơ nhất trong xã hội. Bên cạnh đó là những người di cư tỵ nạn, sống xa lạ nhờ vả và bơ vơ trên đất khách quê người. Rồi những người nghèo túng bệnh tật phải đi vay tiền để lo cho chính mình cho gia đình hay con cái, phải cầm bán mọi sự kể cả chiếc áo choàng là áo che thân ban ngày, là mền đắp ban đêm…

Ngày nay trên thế giới này những thành phần yếu đuối kể trên lên đến hàng tỷ người, đặc biệt tại các nước nghèo Phi chậu, Á châu và châu Mỹ Latinh, nhưng cả Âu châu nữa.

Các giáo huấn chúng ta vừa nghe trên đây nảy sinh từ sự kiện mọi người đều được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, và từ giáo huấn của sách Đệ Nhị Luật: ”Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng, hết dạ, hết sức anh em” (Đnl 6,4-5) và giáo huần của sách Lêvi: ”Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19,19).

Tình yêu hai chiều kích ấy được thể hiện ra trong việc tuân giữ Mười Điều Răn Thiên Chúa ban cho dân Israel qua trung gian ông Môshê. Chúng hướng dẫn con người trong các tương quan và bỗn phận đối với Thiên Chúa và đối với tha nhận. Tuy nhiên ở đây trong bối cảnh của sách Xuất Hành, Thiên Chúa mời gọi tín hữu sống bác ái qua chính các kinh nghiệm mà họ đã có trong bao nhiêu năm sống kiếp kiều cư và nô lệ bên Ai Cập, bị ngược đãi bóc lột và ức hiếp bất công. Nói một cách đơn sơ như trong sách Tobia là: ”Những gì con không muốn người ta làm cho con, thì cũng đừng làm cho người khác.”

”Mến Chúa yêu người” đó cũng là điều Chúa Giêsu nhắc lại cho ông Pharisêu hỏi Ngài cho biết đâu là điều luật trọng nhất như kể lại trong Phúc Âm Chúa Nhật 30 thường niên năm A.

Chúa Giêsu giúp chúng ta nhận diện ra nơi tình yêu thương động lực cao quý nhất của cuộc sống con người và là bàn nhún mạnh mẽ nhất của mọi sinh hoạt luân lý. Ngoài ra lý tưởng của tình yêu thương cũng hoàn toàn phù hợp với bản tính của con người có các lựa chọn, hy sinh, chiến đấu, và chết vì tình yêu hay vì thù ghét, mà xét cho cùng chỉ là cái tương ứng tiêu cực của tình yêu. Tuy nhiên, trong quan niêm của Chúa Giêsu tình yêu không chỉ là một luật lệ đơn thuần pháp lý, mà là đặc thái nòng cốt cao cả nhất của toàn giáo lý và luân lý hướng dẫn cung cách sống và hành xử của con người. Vì Tình yêu là chính Thiên Chúa. Do đó khi biết yêu mến xót thương nhau, cuộc sống con người sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

Đám cưới vĩ đại

Đám cưới vĩ đại

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Một trong những đám cưới được xem là vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại đó là đám cưới của Alexandre Đại đế với công chúa Roxane của Ba Tư vào thế kỷ thứ tư trước công nguyên.

Khi quyết định cưới một người Á Châu, dĩ nhiên, Alexandre theo tiếng gọi của con tim. Nhưng qua cuộc hôn nhân này, ông muốn biểu tỏ ý muốn thống nhất tất cả lãnh thổ đã được chinh phục từ Đông sang Tây. Ông cũng hy vọng có được một người con nối dõi với hai dòng máu Đông Tây để thống nhất hai phần đất của địa cầu.

Đám cưới được cử hành trong vòng bảy ngày, bảy đêm. Nơi nơi đều có yến tiệc. Và để tăng thêm phần long trọng, Alexandre đã cho tổ chức những cuộc tranh tài thể thao: Thế vận hội đã được khai sinh từ đó. Chính Đại đế là người đích thân trao giải thưởng cho những người thắng cuộc. Thông thường Hoàng đế trao tặng những chiếc cúp bằng vàng. Nhưng người được coi là đoạt nhiều giải nhất trong cuộc thi thế vận hội đầu tiên ấy chỉ nhận được một cành lá chiến thắng. Alexandre Đại đế giải thích như sau: Chỉ có vinh quang mới có thể tưởng thưởng được người xuất sắc nhất.

Thưa anh chị em,

Có một hôn lễ còn vĩ đại gấp bội so với hôn lễ của Alexandre Đại đế với Công chúa Roxane: đó là hôn lễ của Trời và Đất, của Thiên Chúa với nhân loại. Đây là hôn nhân mà loài người đã chờ đợi từ khi có mặt trên trái đất. Hôn lễ ấy đã diễn ra qua biến cố Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Tất cả nhân loại đều được mời đến dự tiệc cưới vĩ đại này. Trong Tin Mừng hôm nay, chính Chúa Giêsu đã sánh ví tiệc cưới nầy với tiệc cưới của một nhà Vua tổ chức cho Hoàng Tử. Chỉ có một điều khác biệt là những khách được mời -những khách quý đầu tiên- đã tỏ ra hết sức khinh thường và hung dữ đối với các sứ giả của Nhà Vua. Họ không những đã chối lời mời mà còn nhục mạ và sát hại những người được Nhà Vua phái tới.

Bài học mà Chúa Giêsu muốn truyền đạt cho thính giả thời của Ngài, tức là Dân Israel, một dân tộc ngay từ đầu đã được Thiên Chúa mời gọi làm dân tuyển chọn của Ngài- làm những người khách mời đặc biệt vào dự Tiệc Nước Chúa- Nhưng đến khi Chúa Giêsu đến loan báo ngày mở tiệc và mời gọi họ thì họ lại từ chối. Vì thế, các khách được mời đầu tiên này sẽ được thay thế bằng bất cứ ai- người tốt cũng như kẻ xấu- gặp được ở các ngã đường. Dân Israel đã từ chối lời mời gọi gia nhập Nước Chúa sẽ được thay thế bằng lời các dân tộc khác, cả những người ngoại giáo và tội lỗi, những người thu thuế và các cô gái điếm.

Anh chị em thân mến,

Dụ ngôn tiệc cưới hoàng gia mà Chúa Giêsu đã kể lại luôn có giá trị đối với thính giả ngày xưa cũng như ngày nay. Là Kitô hữu, chúng ta là những khách được mời dự tiệc Nước Trời. Thiên Chúa là Đấng đã mời gọi chúng ta “do lòng từ bi của Ngài, chứ không do công trạng nào của chúng ta”. Nhưng Chúa đòi hỏi chúng ta một điều kiện- cũng là vinh dự của chúng ta là con người có lý trí và tự do- đó là đáp trả lời mời gọi yêu thương quảng đại của Ngài.

Trong các khách được mời dự tiệc cưới, chúng ta là những khách được mời cuối cùng để thay thế vào chỗ những khách đặc biệt được mời từ đầu mà đã chối lời mời của Chúa. Qua các thời đại, Thiên Chúa vẫn sai các sứ giả của Ngài đi qua mọi nẻo đường thế giới, mời gọi mọi người vào phòng tiệc, bất cứ họ là ai, tốt hay xấu. Thiên Chúa không loại bỏ ai, chính chúng ta tự loại mình. Nhưng không phải cứ vào phòng tiệc là được dự tiệc đâu, còn cần phải có áo cưới nữa, nếu không sẽ bị tống cổ ra ngoài. Nói cách khác, không phải cứ ghi tên vào sổ Rửa Tội, là người Công Giáo, là người có đạo, là được vào Nước Trời đâu. Cần phải sống đời sống kitô hữu, phải tin, yêu và theo Chúa Kitô nữa.

Dụ ngôn cho thấy, cuối cùng phòng tiệc đầy khách, gồm đủ hạng người. Cũng thế, Giáo Hội ngày càng đông, gồm đủ mọi dân tộc trên thế giới. Nhưng Giáo Hội không phải là quán cơm bình dân, ai vào cũng được, không một chút điều kiện tối thiểu. Đành rằng Chúa rất thương người có tội và Giáo Hội của Ngài đầy tội nhân hơn là vị thánh. Nhưng dù sao, muốn vào Giáo Hội, Chúa cũng đòi hỏi có một ước muốn trở lại chân thật, “một chiếc áo trắng Rửa Tội”, “mặc lấy con người mới, được Thiên Chúa tạo dựng và tái sinh trong công chính và thánh thiện”.

Phải, thưa anh chị em, Giáo Hội là một “Bữa Tiệc của người tội lỗi”, nhưng là những người tội lỗi tin tưởng vào Chúa Kitô và ơn cứu độ Ngài đem đến. Tình thương đòi hỏi tình thương đáp đền, mới xứng đáng dự vào bữa tiệc tình thương.

Anh chị em thân mến,

Thánh lễ là một bữa tiệc của Chúa. Giáo Hội là tập thể những người được mời dự tiệc, không phân biệt giai cấp giàu nghèo, màu da, ngôn ngữ. Lời Chúa và Mình Thánh Chúa là những món ăn “có chất lượng”. Áo cưới trong trắng Chúa đã ban cho chúng ta trong bí tích Rửa Tội và Giải Tội là điều kiện xứng đáng dự Tiệc Thánh này. Và Tiệc Thánh hôm nay bảo đảm cho việc dự tiệc cưới trong Nước Trời mai sau.

Tổng Đại hội của phong trào Tổ ấm Focolarini

Tổng Đại hội của phong trào Tổ ấm Focolarini

Phỏng vấn ông Franco Pizzorno, phối hợp viên Ủy ban chuẩn bị tổng đại hội

Từ ngày mùng 1-9-2014, 500 đại biểu của phong trào Tổ ấm Focolarini từ khắp nơi trên thế giới đã tề tưu về Trung tâm Mariapoli tại Castel Gandolfo cách Roma 30 cây số, để tham dự tổng đại hội. Cùng tham dự cũng có 49 khách mời, trong đó có 15 vị thuộc các Giáo Hội Kitô khác.

Trong tổng đại hội các tham dự viên sẽ bầu chị tân Chủ tịch, vị đồng chủ tịch và các vị lãnh đạo khác của phong trào cũng như đề ra các đường hướng hoạt động cho sáu năm tới. Vào cuối đại hội sẽ có buổi tiếp kiến Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho các tham dự viên tại Vatican.

Ngỏ lời với các tham dự viên đại hội kéo dài cho tới ngày 28-9-2014, chị Maria Voce, Chủ tịch mãn nhiệm của Phong Trào Tổ Ấm, đã lấy lại tư tưởng của tháng, trích từ thư thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Roma chương 15 câu 7: ”Anh em hãy đón nhận nhau như Chúa Kitô đã đón nhận anh em, để sáng danh Thiên Chúa” (Rm 15,7). Chị mời gọi mọi người hãy có thái độ đó.

Đây không phải là điều đương nhiên, vì các đại biểu đến từ mọi miền của trái đất, và đem theo mình các thảm cảnh của các dân tộc đang phải sống trong chiến tranh gây chết chóc tàn phá tang thương, hay bị thiên tai, hoặc bị thử thách bởi các khủng hoảng kinh tế.

Tiếp đến chị Maria Voce đã đọc vài điện thư bầy tỏ tình hiệp thông với các đại biểu Phong Trào. Anh Gerhard Pross, tin lành, thuộc tổ chức Ymca tỉnh Esslingen bên Đức, viết: ”Tôi xin gửi lời chào nồng nhiệt tới các tham dự viên Tổng Đại Hội. Tôi rất ý thức được tầm quan trọng của các ngày này đối với anh chị em, đối với từng người cũng như với tất cả Phong Trào Tổ Ấm. Tôi ước mong đồng hành với các anh các chị trong những ngày này với một lời cầu nguyện đặc biệt, xin Chúa Thánh Thần hiện diện và hướng dẫn anh chị em”.

Nhóm ”Thân hữu Fon” tỉnh Fonjumetaw bên Cameroon thì cầu chúc cuộc họp tinh thần quan trọng này, nhằm tiếp nối gia tài tình yêu thương hướng tới tình huynh đệ đại đồng của chị Chiara Lubich, gặt hái nhiều thành qủa tốt đẹp.

Tiến sĩ Walter Baier, Tổng thư ký mạng lưới các nhà trí thức cánh Tả Âu châu ”Transform-europe”, viết trong điện thư: ”Mục đích một nhân loại công bằng, liên đới và huynh đệ hơn hiệp nhất chúng ta, trong đó sự khác biệt được sống, không phải như chia rẽ nhưng như sự phong phú… Xin cầu chúc các anh các chị sự khôn ngoan: để các anh các chị có thể diễn đạt sự chuyên biệt của các anh các chị trong cuộc sống ngày nay, và tôi bảo đảm với các anh các chị sự gần gũi của tôi”.

Tiếp theo đó mọi người đã xem một video nhắc lại ”gia tài của chị Chiara Lubich” trong đó có đoạn chị trả lời cho những người hỏi về tương lai của Phong Trào sau khi chị qua đời. Chị Chiara Lubich đã trả lời rằng chị tin tưởng rằng sự hiện diện của Chúa Giêsu giữa những người yêu thương nhau nhân Danh Chúa (Mt 18,20) sẽ tiếp tục hướng dẫn Phong Trào tiến bước. Sau đó các tham dự viên đã bỏ phiếu chấp thuận luật lệ của Đại Hội. Các ngày từ mùng 2 tới mùng 4 tháng 9 được dành cho việc tĩnh tâm, trước khi chính thức bước vào các cuộc thảo luận và sinh hoạt khác của đại hội.

Phong trào Tổ Ấm nảy sinh vào năm 1943 trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, do sáng kiến của chị Chiara Lubich (1920-2008) như là một phong trào canh tân tinh thần và xã hội. Chị Chiara Lubich định nghĩa phong trào là ”một dân tộc nảy sinh từ Tin Mừng”. Được thúc đẩy bởi lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho các môn đệ ”Để tất cả chỉ là một” (Ga 17,21) Phong trào nhắm mục đích cộng tác vào việc xây dựng một thế giới hiệp nhất hơn, trong thái độ tôn trọng và trân qúy sự khác biệt. Phong trào ưu tiên dùng sự đối thoại như phương thế, và liên lỉ dấn thân xây dựng các cây cầu và tương quan huynh đệ giữa các cá nhân, các dân tộc, và các môi trường văn hóa. Thành viên của Phong trào bao gồm người thuộc mọi lứa tuổi, ơn gọi, tôn giáo, xác tín, chủng tộc, quốc gia và văn hóa.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông Franco Pizzorno, thành viên phong trào, có gia đình, và là một trong hai phối hợp viên của Ủy ban chuẩn bị đại hội.

Hỏi: Thưa ông Pizzorno, Ủy ban chuẩn bị này đã được thành lập khi nào vậy?

Đáp: Vào tháng 9 năm 2013 chị Maria Voce, Chủ tịch phong trào, đã thành lập Ủy ban gồm 20 thành viên thuộc mọi miền địa lý và văn hóa. Ủy ban đã đã tìm cách thu thập mọi ý kiến, nhận xét, cảm tưởng, đề nghị và nguyện vọng của mọi thành viên phong trào, đặc biệt là của người trẻ, liên quan tới các đề tài mà họ cảm thấy liên hệ nhất với thời điểm này của phong trào. Và năm ngoái đã có khoảng 3,000 đề nghị được gửi tới Ủy ban.

Hỏi: Từ các đề nghị đó Ủy ban đã lựa chọn một số đề tài: 12 đề tài sẽ được thảo luận trong đại hội, có đúng thế không thưa ông?

Đáp: Vâng, đúng thế. chúng tôi đã có thể nhận diện khoảng một chục đề tài nền tảng, trong đó có 3 đề tài đã được nhiều người cảm thấy nhất, chúng là các đề tài ”hàng ngang”. Đó là sự quan trọng của việc rộng mở cho thế giới bên ngoài, tầm quan trọng của việc duy trì và đào sâu sự hiệp nhất của phong trào, và tầm quan trọng của việc đào tạo các thành viên. Có thể tóm tắt ba điểm này trong một câu sau đây: ”đi ra ngoài, cùng nhau, được chuẫn bị”, hay ”được chuẩn bị, cùng nhau, đi ra ngoài”. Trên ba đề tài chính này sẽ được ghép vào 8-9 đề tài chuyên biệt khác như: vấn đề của gia đình ngày nay, tương quan giữa Giáo Hội và các Giáo Hội, sự rộng mở cho tất cả các tôn giáo khác vv….

Hỏi: Chỉ nghe các đề tài không thôi, người ta cũng nhận ra rằng Phong trào được mời gọi đi ra một cách mạnh mẽ, nhìn vào thế giới nhiều hơn và dìm mình vào trong thực tế nhiều hơn, có đúng thế không thưa ông?

Đáp: Chúng ta hãy nói rằng cởi mở đối với thế giới nằm trong yếu tố di truyền của Phong trào Tổ Ẩm. Thật thế, mục đích của chúng tôi là ”Ut unum sint” Xin cho tất cả mọi người trở nên một. Nhưng dĩ nhiên là việc đọc hiểu những gì xảy ra trên thế giới với các mâu thuẫn của nó, các vết thương của nó, các khó khăn của nó cũng đã khích lệ chúng tôi hơn nữa trong việc mở rộng chân trời của phong trào theo hướng này. Thế rồi, đặc biệt lời nói và gương sống của Đức Thánh Cha Phanxicô, việc rộng mở ra cho các vừng ngoại biên… như là phong trào công giáo chúng tôi cũng muốn đáp trả lại chỉ dẫn này của Giáo Hội.

Hỏi: Khi nhìn giai đoạn chuẩn bị cho tổng đại hội cũng như chính tổng đại hội, người ta thấy nổi bật lên nét phong phú của sự trao đổi giữa các nền văn hóa, các chủng tộc, các quốc gia khác nhau. Làm thế nào để gộp chung lại một dân tộc đa diện như thế, mà vẫn chú ý tới các khác biệt?

Đáp: Chắc chắn rồi, thách đố không phải là đơn sơ, nhưng như là kinh nghiệm bé nhỏ mà chúng tôi đã sống trong tư cách là Ủy ban chuẩn bị: chúng tôi là những người đến từ nhiều vùng địa lý, nền văn hóa và ơn gọi khác nhau, nhưng chúng tôi đã thành công trong việc tạo ra một sự hiệp nhất lớn giữa chúng tôi, và như thế cũng làm trung gian để tìm thu thập các đề nghị khác nhau. Như vậy tôi tin tưởng rằng bên trong Phong trào, nơi nền tảng là việc liên tục thực thi trở thành một người trong chúng tôi, và lắng nghe người khác cho tới tận cùng. Điều này chắc chắn sẽ lá dụng cụ giá trị để đi tới chổ đưa ra các đường hướng cụ thể. Cũng bởi vì sự hiệp nhất giữa chúng tôi, mà chúng tôi muốn kiên trì theo đuổi, sẽ đem tới ánh sáng của Chúa Thánh Thần giúp phân định một cách cụ thể các con đường cần đi theo.

Hỏi: Thưa ông Pizzorno, trong một thế giới trong đó xem ra xung đột lại thắng thế, đặc sủng của Phong trào Tổ Ấm cổ võ sống yêu thương hiệp nhất và rộng mở xem ra vô cùng thời sự và rất mạnh mẽ, có đúng thế không?

Đáp: Chắc chắn rồi. Tôi còn cho là thời sự hơn bao giờ hết nữa, nơi đâu các vết thương của xã hội và của nhân loại hiển nhiên như thế, nếu không nói là thê thảm như thế, thì chính ở đó chúng tôi cảm thấy được mời gọi đem phần đóng góp của sự hiệp nhất vào trong các đổ bể đó, là thuốc chữa và giải pháp duy nhất đích thật cho tất cả mọi chấn thương này. Đặc sủng của chị Chiara Lubich đã là điều này: đặc sủng của sự hiệp nhất tự nó mời gọi từng người trong chúng ta trở thành người đem sự hiệp nhất ấy tới khắp nơi chúng ta sống, bắt đầu bằng cuộc sống thường ngày, bắt đầu bằng các cơ cấu, trong đó chúng ta đang sống, bắt đầu từ Giáo Hội, cũng như bắt đầu từ các cơ cấu quốc tế.

(RG 1-9-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Tha thứ

Tha thứ

Thánh Gandhi nói: “Nếu áp dụng luật mắt đền mắt, thế giới sẽ chỉ toàn người mù”. Sẽ không thể sống được nếu thiếu sự tha thứ. Tha thứ cần thiết cho con người như khí trời. Kể dụ ngôn hôm nay, Chúa Giêsu cho ta thấy tính cách cần thiết và cấp thiết của tha thứ.

Phải tha thứ vì con người là bất toàn. Có những xúc phạm cố ý. Nhưng rất nhiều khi xúc phạm chỉ là vô tình, thiếu ý thức. Chỉ cần một chút cảm thông, hiểu biết, tôi sẽ dễ bỏ qua, không chấp nhất. Nếu cứ mỗi lần bị xúc phạm tôi không thể nào nguôi ngoai thì chính tôi là người khổ nhất, vì tâm hồn mang nặng oán hờn sẽ không bao giờ bình an. Nếu tôi loại trừ tất cả những ai xúc phạm, thì sau cùng tôi sẽ chẳng còn sống với ai được. Tôi sẽ mất hết bạn bè. Thế giới sẽ chỉ toàn kẻ thù. Và tôi sẽ trở thành cô đơn.

Phải tha thứ vì chính ta cần được thứ tha. Tôi cần sự tha thứ của chính mình vì bản thân tôi có biết bao lầm lỗi. Nếu tôi không tự tha thứ cho mình thì lương tâm sẽ cắn rứt dày vò khiến tôi suốt đời buồn phiền. Tôi cần sự tha thứ của người khác vì tôi đã xúc phạm nhiều đến anh em. Nếu mọi người không tha thứ cho tôi thì tôi đã bị khai trừ khỏi xã hội. Tôi cần sự tha thứ của Chúa vì tôi đã lỗi phạm đến Chúa rất nhiều. Nếu Chúa thẳng tay trừng phạt những tội xúc phạm đến Người thì tôi đã chết từ lâu. Biết bản thân mình yếu đuối, nhiều lỗi lầm, cần được tha thứ, tôi sẽ dễ cảm thông tha thứ cho anh em.

Phải tha thứ vì đó là điều kiện để được thứ tha. Trong Tin Mừng, Chúa nhấn mạnh điều này rất nhiều lần. Khi dạy ta đọc kinh Lạy Cha, Chúa bắt ta phải hứa tha thứ cho anh em khi xin Người tha thứ lỗi lầm của ta. Ở cuối kinh Lạy Cha, thánh Matthêu còn thêm: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6,14-15).

Dụ ngôn hôm nay không những nhắc lại điều đó, mà còn cho thấy, tội ta xúc phạm đến Chúa muôn ngàn lần nặng nề hơn anh em xúc phạm đến ta. Thế mà Chúa vẫn sẵn sàng tha thứ cho ta một cách mau chóng, nhẹ nhàng, chỉ với một điều kiện là ta cũng phải tha cho anh em những lỗi lầm ít ỏi anh em xúc phạm đến ta.

Sau cùng ta cần tha thứ để trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa là người Cha rất nhân từ và rất hay tha thứ. Chúa Giêsu đã khắc họa rất rõ nét chân dung nhân từ của Thiên Chúa Cha trong dụ ngôn “Người Cha nhân hậu”. Và Người không ngừng mời gọi ta hãy nên hoàn thiện như Chúa Cha.

Chúa Giêsu xuống trần gian cho ta được chiêm ngưỡng khuôn mặt hiền hậu nhân từ hay tha thứ của Chúa Cha. Suốt cuộc đời trần thế, Người không ngừng tha thứ cho kẻ tội lỗi. Nhất là những kẻ đã xúc phạm đến Người. Còn cảnh tượng nào đẹp hơn cảnh tượng Người bị treo trên thập giá mà trái tim vẫn mở rộng yêu thương tha thứ. Còn lời nào đẹp hơn lời Người cầu nguyện trong lúc đau đớn tột cùng mà vẫn nhớ đến người khác, không phải nhớ đến người làm ơn mà là nhớ đến những người xúc phạm, làm hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Và khi từ cõi chết sống lại, Người đã tha thứ cho Phêrô dù môn đệ thân tín này đã chối Người. Người đã tha thứ cho các môn đệ dù các ông đã bỏ mặc Người trong lúc gian nan.

Sự tha thứ làm nên vẻ đẹp của tâm hồn con người. Vẻ đẹp tự chế. Vẻ đẹp khoan dung. Vẻ đẹp của tâm hồn vượt lên trên chính mình. Vẻ đẹp đề cao giá trị con người.

Sự tha thứ làm nên vẻ đẹp của thế giới. Một thế giới cảm thông, chan hòa. Một thế giới chứa chan tình huynh đệ. Một thế giới mang vẻ đẹp của dung nhan Thiên Chúa.

Lạy Chúa xin thương xót chúng con.

ĐTGM Ngô Quang Kiệt