Mừng 5 năm Đức Thánh Cha Phanxicô phục vụ trong cương vị Giáo Hoàng

Mừng 5 năm Đức Thánh Cha Phanxicô phục vụ trong cương vị Giáo Hoàng

Vatican. Hôm nay 13.03.2018 là kỷ niệm tròn 5 năm Đức Phanxicô thực thi sứ mạng Chủ Chăn Giáo Hội hoàn cầu. Chúng ta hãy hiệp thông cầu nguyện cho vị Cha chung! Nhân dịp này, chúng ta cùng nhìn lại những khoảnh khắc đáng ghi nhớ:

1. Ngay sau khi được bầu chọn làm Giáo Hoàng, Đức Phanxicô ra bao lơn chính giữa Đền thờ Thánh Phêrô tại Vatican để chào thăm mọi người trong tiếng reo hò:

Anh chị em thân mến! Chúc buổi tối tốt lành!

2. Đức Thánh Cha nói về ơn tha thứ trong rất nhiều dịp khác nhau, bằng nhiều cử chỉ cụ thể:

Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi khi tha thứ cho chúng ta. Ngài không ngừng tha thứ cho chúng ta. Vấn đề nằm ở đâu? Vấn đề là do chính chúng ta. Chúng ta được gọi hỏi để sống thứ tha.

3. Đức Thánh Cha không chỉ nhắc lại lời của Chúa Giêsu nói về con đường phục vụ, mà Đức Thánh Cha còn thực thi con đường phục vụ ấy cách cụ thể, với những cử chỉ sống động mà Ngài trao tặng cho những con người bé nhỏ nhất, như người di dân tị nạn, người nghèo khổ, bệnh tật, các trẻ em…

Chúng ta đừng bao giờ quên điều này: Ai làm lớn giữa anh em, phải làm người phục vụ! Ngay cả Đức Giáo Hoàng cũng không được quên điều ấy. Được trao quyền bính, là để phục vụ. Phục vụ theo con đường thập giá của Chúa Giêsu.

4. Niềm vui là một trong những chủ đề trọng tâm trong triều đại Giáo Hoàng của Ngài. Nhưng niềm vui ở đây có nghĩa là niềm vui đến từ cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu.

Niềm vui của chúng ta không phát xuất từ điều này điều nọ, nhưng niềm vui nảy sinh từ cuộc gặp gỡ với một con người, Con Người Giêsu, Đấng luôn ở giữa chúng ta. Niềm vui ấy chúng ta có được, do nhận biết rằng: cùng với Người, chúng ta không bao giờ lẻ loi, cho dù giữa những thời khắc khó khăn thử thách.

5. Giữa thế giới phức tạp hỗn loạn như ngày nay, thật khó để giữ cho mình vững niềm hy vọng. Do đó, Đức Thánh Cha khuyên nhủ và mời gọi mọi người:

Anh chị em thân mến! Làm ơn đừng để cho mình bị cướp mất niềm hy vọng!

Những dòng in nghiêng ở trên, là lời của Đức Thánh Cha trong Video mà quý vị sẽ xem ngay sau đây:

Chuyển ngữ: Tứ Quyết SJ

Cảm nhận Đức Tin của nam sinh đạt Huy Chương Vàng Toán Quốc Tế

Cảm nhận Đức Tin của nam sinh đạt Huy Chương Vàng Toán Quốc Tế

“Em rất sung sướng, hạnh phúc! Tạ ơn Chúa, cám ơn cha mẹ, quý thầy cô và mọi người”. Đó là tâm sự chân thành với người viết của Antôn Phan Nhật Duy, sau vài giờ em biết mình được huy chương vàng tại kỳ thi Olympic Toán học quốc tế (International Mathematical Olympiad), lần thứ 58, năm 2017 (IMO 2017), vừa tổ chức tại Jio de Janeiro, Brazil.

Nhìn lại hoàn cảnh xuất thân và lắng nghe tâm sự của Nhật Duy, để thấy phần nào sự chăm chỉ, khiếm tốn và lòng đạo đức của cậu học sinh xuất sắc, đáng tự hào này.

Em Antôn Phan Nhật Duy là con thứ hai của anh Giuse Phan Tình Nguyện và chị Maria Võ Thị Lài, giáo dân họ Tân Vạc, xứ Kẻ Đọng, thuộc xã Sơn Tiến, Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Vốn làm nông thuần túy, kinh tế còn khó khăn, việc cho bốn người con ăn học đầy đủ cũng là cố gắng lớn của bố mẹ Nhật Duy. Hằng ngày, ngoài giờ học, phụ giúp gia đình trồng trọt, chăn nuôi trở thành nhiệm vụ quen thuộc đối với anh em Duy.

Trước khi vào thành phố Hà Tĩnh học cấp III ở trường Chuyên, Phan Nhật Duy là học sinh trường Tiểu học II và Trung học cơ sở Sơn Tiến. Suốt các năm học phổ thông, em đều là học sinh giỏi toàn diện. Riêng môn Toán, Nhật Duy thường xuyên đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp huyện, tỉnh và quốc gia.

Điều đáng ghi nhận nữa là Nhật Duy cũng thường xuyên đạt giải cao trong các kỳ thi Giáo lý.

Sang Brazil thi Olympic lần này, ngoài sách vỡ, ít tiền bạc và tư trang, Antôn Phan Nhật Duy còn mang theo hai thứ đặc biệt đó là: bức ảnh “Chúa Thương xót” với hàng chữ “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa” và tràng Chuỗi Mân Côi. Duy kể: “Em thường xuyên cầu nguyện, xin Đức Mẹ và thánh Antôn quan thầy bầu cử cho”.

Nói về thi Olympic, Nhật Duy tâm sự: “Mỗi thí sinh phải làm sáu bài thi, mỗi ngày thi ba bài. Em khá lo lắng sau ngày thứ nhất, chỉ biết cố gắng, cầu nguyện và phó thác. Thi xong vẫn chưa hết hồi hộp, thật may mắn cho em vừa đủ để đạt huy chương vàng. Em cảm thấy đó là hồng ân lớn lao Chúa thương ban, đền đáp công sức của cha mẹ, các thầy cô và mọi người”.

Huy chương vàng của Phan Nhật Duy góp phần quan trọng giúp đội tuyển Toán Việt Nam đứng thứ ba trong tổng số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia IMO 2017. Đây là thành tích cao nhất của nước ta trong 43 lần tham gia sân chơi này.

Người Công Giáo xác tín “Tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa” (1Cr 15,10). Để có được tấm huy chương vàng tại IMO, dĩ nhiên ngoài tố chất thông minh và sự cố gắng vượt bậc của cá nhân Antôn Phan Nhật Duy là bao mồ hôi và công lao của cha mẹ, các thế hệ thầy cô, đặc biệt là những người trực tiếp bồi dưỡng. Ngang qua những con người bình thường đó, Chúa dệt nên điều phi thường. Cá nhân Nhật Duy (chàng trai chưa đầy mười tám tuổi) ý thức điều đó, nên cảm nhận đầu tiên khi giành chiến thắng là “tạ ơn Chúa và cám ơn tất cả mọi người”. Đó cũng là vẻ đẹp của Đức tin Công giáo, vì khi ta càng cố gắng sống trọn tình với Chúa là Cha thì ta mới có thể sống vẹn nghĩa với anh em mình.

“Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại
Ta thấy mình chan chứa một niềm vui”
(Tv 125,3).

Xin chúc mừng Antôn Phan Nhật Duy, xin Chúa tiếp tục đồng hành cùng em để niềm tự hào hiện tại sẽ được tiếp tục trong tương lai.

Antôn Hùng Mạnh

http://giaophanvinh.net/modules.php?name=News&op=viewst&sid=13589

Ý cầu nguyện tháng 12 của Đức Thánh Cha

Ý cầu nguyện tháng 12 của Đức Thánh Cha

y-cau-nguyen-thang-12-cua-duc-thanh-cha

 

VATICAN. Trong tháng 12, Đức Thánh Cha đặc biệt cầu nguyện cho những trẻ em, các em là nạn nhân bị bắt đi quân dịch. Đức Thánh Cha chia sẻ trong đoạn Video rằng:

Ngày nay trong một thế giới phát triển những công nghệ tinh vi nhất, vũ khí được mua bán và cuối cùng lại nằm trên tay của những người lính là trẻ em. Chúng ta phải làm tất cả những gì có thể, để nhân phẩm của trẻ em được tôn trọng, và để chấm dứt hình thức nô lệ này. 

Dù bạn là ai chăng nữa, nếu bạn cảm thấy được thôi thúc như tôi cảm thấy, thì hãy hiệp lòng với tôi trong ý chỉ cầu nguyện này: Để vấn nạn về các trẻ em bị bắt đi quân dịch, có thể được loại bỏ trên toàn thế giới.

 

Để gặp Chúa Giêsu, chúng ta phải lên đường

Để gặp Chúa Giêsu, chúng ta phải lên đường

thanh-le-tai-nha-nguyen-marta-28-11-2016

Đức tin Kitô giáo không phải là một lý thuyết, cũng không phải là một triết thuyết, mà là cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta. Đức Thánh Cha nói rằng, để thực sự gặp được Chúa Giêsu, chúng ta phải lên đường với ba thái độ: kiên trì cầu nguyện, cần mẫn thực thi đức ái, và ngợi khen Chúa với lòng hoan hỉ.

Gặp gỡ Chúa Giêsu: đây chính là ân phúc của Mùa Vọng. Đức Thánh Cha diễn giải bài giảng xoay quanh trọng tâm là cuộc gặp gỡ Chúa. Mùa Vọng là thời gian để lên đường đi gặp Chúa, chứ không phải là thời gian để ngồi yên một chỗ.

Thức tỉnh cầu nguyện, thực thi bác ái và vui tươi ngợi khen: Chúng ta sẽ gặp Chúa

Giờ đây chúng ta tự hỏi: làm thế nào tôi có thể gặp Chúa Giêsu? Thái độ mà tôi cần có để gặp Chúa là gì? Tôi phải chuẩn bị tâm hồn mình ra sao?

Trong lời nguyện đầu lễ, phụng vụ nhắc chúng ta nhớ ba thái độ: tỉnh thức cầu nguyện, thực thi bác ái, và vui tươi ca mừng. Tôi phải tỉnh thức cầu nguyện. Tôi phải chủ động trong yêu mến, tình yêu mến giữa anh chị em với nhau. Không chỉ là bố thí. Không. Không chỉ là bỏ qua cho những kẻ làm phiền tôi. Không chỉ là chịu đựng sự ồn ào mà con cái gây ra trong nhà, hoặc những khó chịu mà vợ, chồng hoặc mẹ chồng gây ra… Tôi không biết… Cần bao dung rộng lượng… Luôn cần thực thi đức bác ái, một đức mến sống động. Ngợi khen Chúa với niềm vui hoan hỉ. Đó là lối sống mà chúng ta thực thi để đón gặp Chúa. Đó là cách đón chờ rất tuyệt. Đừng đứng yên một chỗ. Như thế chúng ta sẽ gặp Chúa.

Tuy nhiên, sẽ có bất ngờ vì Ngài là Thiên Chúa của những bất ngờ. Ngay cả Thiên Chúa, Ngài cũng đâu có đứng yên một chỗ. Khi tôi trên đường tìm gặp Ngài, thì Ngài cũng trên đường đến gặp tôi. Khi chúng ta gặp nhau, thì tôi ngỡ ngàng, vì Ngài đã lên đường tìm gặp tôi trước khi tôi lên đường tìm Ngài.

Chúa luôn đi bước trước trong cuộc gặp gỡ

Sự ngạc nhiên khi gặp Chúa là khám phá ra rằng Chúa đã đi bước trước chúng ta. Ngài luôn đi bước trước. Ngài luôn là người đầu tiên lên đường để tìm gặp chúng ta. Đó cũng là điều đã xảy ra tại thành Caphacnaum.

Chúa luôn đi xa hơn. Khi chúng ta bước một bước, Ngài đã bước mười bước. Luôn luôn như thế. Ân sủng của Ngài, tình yêu của Ngài, sự nhân lành của Ngài rất phong phú. Ngài không mệt mỏi đi tìm chúng ta. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng, gặp Chúa thì thật là điều tuyệt vời, ví như trường hợp vị tướng Naaman người xứ Syria, một người bị phong hủi: nhưng cuộc gặp ấy không phải dễ dàng… Ông đã bất ngờ với cách hành động của Thiên Chúa. Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của những bất ngờ. Ngài đang kiếm tìm, chờ đợi chúng ta, và Ngài chỉ cần những bước nhỏ trong thiện ý của chúng ta.

Chúng ta cần có ước muốn gặp Ngài, và rồi Ngài sẽ giúp chúng ta, Ngài sẽ cùng đi, sẽ đồng hành trong suốt cuộc đời chúng ta. Nhiều lần, chúng ta đã bỏ nhà ra đi, nhưng Ngài luôn đợi chờ như người Cha mong đợi đứa con đi hoang trở về.

Đức tin không phải là nhờ biết giáo thuyết, nhưng chính là cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu  

Rất nhiều lần Ngài đến gặp chúng ta. Gặp gỡ Chúa: điều này rất quan trọng! Gặp gỡ. Như Đức Bênêđictô XVI đã nói, đức tin không phải là một lý thuyết hoặc triết thuyết hoặc ý tưởng, đức tin là cuộc gặp gỡ. Đó là gặp gỡ Chúa Giêsu. Nếu bạn chưa gặp được lòng thương xót của Ngài, thì cho dù bạn nhớ Kinh Tin Kính, đó cũng chỉ là trí nhớ, chứ bạn chưa có đức tin.

Các tiến sĩ Luật biết mọi thứ, biết mọi giáo thuyết thời đó, nhưng họ không có đức tin, vì họ quay lưng với Thiên Chúa. Giờ đây chúng ta nài xin ân sủng từ Thiên Chúa: “Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, xin thức tỉnh chúng con, để chúng con khao khát đón gặp Chúa Kitô với sự chuẩn bị tốt lành, để chúng con gặp được Chúa Giêsu.” Do đó, chúng ta nhớ tới ơn xin này trong cầu nguyện, trong khi thực thi đức ái và trong khi vui mừng ngợi khen Chúa. Khi ấy, chúng ta sẽ gặp Chúa và chúng ta sẽ nhận được sự ngạc nhiên diệu kỳ.

Tứ Quyết SJ

Nước Trời lớn lên giống như hạt cải, không theo kiểu biểu đồ

Nước Trời lớn lên giống như hạt cải, không theo kiểu biểu đồ

thanh-le-tai-nha-nguyen-marta-25-10-2016

Để Nước Thiên Chúa có thể lớn lên, Chúa cần tất cả chúng ta phải hiền lành và nhu mì. Đây là điều Đức Thánh Cha chia sẻ trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện thánh Marta. Ngài lưu ý rằng, đừng quá tập trung vào những cơ cấu và sơ đồ tổ chức, Nước Trời không theo kiểu các khung biểu đồ.

Phúc cho ai bước theo luật Chúa. Đây là luật không phải để học cho biết, mà là để thực hành, để sống, để bước theo.

Nước Thiên Chúa không phải là cơ cấu bị đóng khung, nhưng luôn sống động

Luật là vì sự sống, luật là để giúp xây dựng Nước Trời, để kiến tạo sức sống. Hôm nay, Chúa dạy chúng ta về Nước Trời. Phải ví Nước Trời với cái gì đây? Có lẽ Nước Thiên Chúa là một toàn thể được thiết kế tuyệt vời, mọi sự có trật tự, với cơ cấu tổ chức tốt… và không ai vào đó, đây không phải là Nước Thiên Chúa. Không. Điều xảy ra với Nước Trời cũng giống như xảy ra với luật: vừa vững chắc lại vừa thích ứng… Luật này là luật để sống, và Nước Trời đang đến. Không có điểm dừng. Hơn thế nữa: Nước Trời thấm nhập và tiến triển “từng ngày”.

Chúa Giêsu kể dụ ngôn về “những thứ biến đổi từng ngày”. Tấm men không còn là tấm men, vì men được bỏ vào trong bột, và thế là có tiến trình trở thành bánh. Hạt giống không còn là hạt giống, vì nó chết đi và trao tặng sức sống cho cây mới nảy sinh. Nắm men và hạt giống đang trong một hành trình làm điều gì đó, nhưng để làm điều ấy thì phải “chết đi”. Vấn đề không ở chỗ: cái gì là bé nhỏ hoặc lớn lao. Điều quan trọng ở chỗ “bước đi” và sự biến đổi diễn ra trên hành trình.

Để Nước Thiên Chúa lớn lên, chúng ta phải ngoan ngoãn với Chúa Thánh Thần     

Ai biết luật mà không sống, thì đó là người có thái độ bảo thủ và cứng nhắc. Chúa muốn chúng ta có thái độ nào để Nước Trời có thể lớn lên, để bột có thể trở thành bánh? Đó là ngoan ngoãn. Nước Trời lớn lên khi chúng ta ngoan ngoãn nghe theo Chúa Thánh Thần. Bột không còn là bột mà trở thành bánh, khi bột nhẹ nhàng để cho sức mạnh của men tác động, để cho men được nhào trong bột… Tôi không biết, bột có cảm giác không, nhưng khi bạn nhào bột, bột có đau không? Sau đó, bạn nấu nướng, bột có đau không? Tất cả những việc ấy đều tốt, và rồi bột trở thành bánh trong bữa ăn cho mọi người. Nước Trời cũng thế.

Bột ngoan ngoãn đối với men, Nước Trời cũng phát triển như thế. Khi những người nam nữ ngoan ngoãn trước tác động của Chúa Thánh Thần, thì họ đang lớn mạnh và trở thành quà tặng cho tất cả mọi người. Hạt giống ngoan ngoãn để nảy sinh, để mất đi những gì là kích thước của hạt giống, để trở thành cái gì đó khác, để trở thành cây lớn hơn hạt giống gấp bội. Hạt giống trở thành cây. Nước Thiên Chúa cũng thế, cũng trên hành trình “trở thành”, hành trình hướng tới niềm hy vọng, hành trình hướng tới sự viên mãn.

Kẻ hà khắc chỉ có thể có chủ mà không có cha

Nước Thiên Chúa là điều mà bạn thực hành hằng ngày khi ngoan ngoãn với Chúa Thánh Thần, để kết hợp những đấu bột bé nhỏ, những hạt giống bé nhỏ của bạn, với với sức mạnh, để chúng được lớn lên. Nếu chúng ta không bước đi, không sống như thế, chúng ta sẽ khô héo và tự làm cho chính mình thành kẻ mồ côi, thành kẻ có chủ mà không có Cha.

Nước Trời giống như người mẹ trao tặng chính bản thân mình, vì những đứa con, để lo cho con. Khi làm như thế, người mẹ sống theo gương của Chúa. Hôm nay là ngày cầu nguyện xin ơn ngoan hiền trước sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Đã bao nhiêu lần chúng ta phán đoán theo ý riêng: “Nhưng, tôi làm điều tôi muốn…” Khi ấy, Nước Trời không thể phát triển, chính chúng ta cũng không thể lớn lên. Khi ngoan hiền với Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ lớn lên và được biến đổi giống như hạt giống và nắm bột. Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ơn ngoan ngoãn với Chúa Thánh Thần.

Tứ Quyết SJ

Thánh Thể – Hiến Tế

Thánh Thể – Hiến Tế

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Cha Piô, tu sĩ dòng Capucinô, ở Itala, mới được phong thánh năm 2004, là vị linh mục đầu tiên đã được in 5 dấu thánh. Ngài là linh mục và đặc ân của Ngài, do thánh chức, là ở toà giải tội và nhất là trên bàn thờ dâng lễ. Cha dâng lễ lâu đến ba tiếng rưỡi đồng hồ. Ai dự lễ do cha Piô làm đều say sưa, sốt sắng, không biết mỏi mệt. Ngài sống mầu nhiệm Chúa hiện diện trên bàn thờ trong Bí tích Thánh Thể. Sau khi dâng Mình Thánh Chúa, thảm kịch tế lễ càng diễn tiến như dưới chân Thánh Giá xưa. Mồ hôi nhỏ giọt, nước mắt dầm dề. Ngài đọc lời truyền phép như một người đang hấp hối, đau khổ tột độ. Ngài cầm Mình Thánh giơ lên, những đường máu từ từ rơi theo dấu ngón tay. Rồi ngài hớn hở như được thấy Chúa. Ai không tin sự hiện diện của Chúa trong hình bánh hình rượu, hãy đến dự thánh lễ cha Piô sẽ biết, sẽ cảm nghiệm. Để Thánh lễ đừng kéo dài quá lâu sau truyền phép, cha bề trên tu viện núp trong cung thánh, phải ra lệnh bằng ý muốn cho ngài tiếp tục (Le vrai visage du Padre Pio, Maria Winowska,Fayard).

Anh chị em thân mến,

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn đi xa hơn nữa trong mạc khải của Ngài về Bánh Hằng Sống. Không những Chúa Giêsu đói buộc phải tin vào Ngài, nhưng Ngài còn đòi buộc phải ăn bánh là chính Mình Ngài, phải uống chén rượu là chính Máu Ngài. Bánh và rượu chính là Thịt và Máu của Ngài. Bánh và rượu này liên hệ đến cái chết của Ngài, cho đến độ không có cái chết của Ngài trên Thập Giá, thì Bánh ngày không thể là Thịt của Ngài và Rựơu này không thể là Máu của Ngài. Vì vậy, Bí tích Thánh Thể vừa là lễ tế hy sinh của Chúa Giêsu trên Thập Giá, vừa là bữa tiệc Thịt và Máu của Ngài, dưới hình thức bánh và rượu. Vì thế, Thánh Thể trước hết là một hy lễ. Chính là máu của Giao Ước mới sẽ đổ ra cho nhiều người được ơn tha tội. Chính là cuộc tưởng niệm cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá.

Đoạn Tin Mừng hôm nay gợi lại cho chúng ta Bữa Tiệc Thánh Thể Chúa Giêsu đã cử hành vào những giờ phút cuối cùng của đời Ngài, trước lúc Ngài bị bắt và chết trên Thập Giá. “Trong bứa ăn tối, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, chúc tụng, rồi bẻ ra và trao cho các môn đệ mà nói: Các con hay cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy. Rồi cầm lấy chén rượu, tạ ơn, Ngài trao cho họ mà nói: Tất cả các con hãy uống chén này, vì này là chén Máu Thầy, máu Giao Ước mới sẽ đổ ra cho nhiều người được ơn tha tội” (Mt 26,26-28). Thánh Phaolô còn nói rõ: “Mỗi lần anh em ăn bánh và uống chén này, là anh em loan báo cái chết của Chúa Giêsu cho đến khi Ngài lại đến” (1Cr 11,26).

Chúng ta phải đọc những lời thiết lập Bí tích Thánh Thể dưới ánh sáng của những lời khẳng định của Chúa Giêsu về Bánh ban sự sống. Ngài đã tuyên bố một cách thẳng thừng Ngài là gì và người ta phải quan hệ với Ngài như thế nào để có được sự sống của Thiên Chúa. “Tôi là Bánh ban sự sống… Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi, thì sống mãi trong Tôi, và Tôi sống mãi trong người ấy”. “Tôi sống như thế nào, thì kẻ ăn Tôi cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như vậy”. Thịt và Máu Chúa Giêsu là của ăn, của uống làm cho người ta “sống trong Chúa Giêsu” và làm cho Chúa Giêsu “sống trong người ấy”. Người dùng thức ăn, thức uống này thì được “sống nhờ Chúa Giêsu”, sẽ được “sống lại trong ngày sau hết” và được “sống đời đời”.

Thưa anh chị em,

Trong Tin Mừng theo Thánh Gioan, tình yêu liên hệ với sự sống: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã banh Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Không có sự sống thì cũng không có tình yêu. Thiên Chúa đã cứu chúng ta khỏi chết để chúng ta được sống để chúng ta được sống và được sống với Ngài. Bánh Ngài ban tặng chúng ta là bánh ban sự sống đời đời, là dấu chỉ của tình yêu, là dấu chỉ của chính Thân Thể Ngài hy sinh cho nhân loại. Tấm bánh bẻ ra hay là Chúa Giêsu Kitô hy sinh chịu chết vì chúng ta, đó chính là bằng chúng của tình yêu cao cả nhất: “Không có tình yêu nào cao quý cho bằng tình yêu hiến thân mình cho bạn hữu” (Ga 15,13). Vì vậy, Bí tích Thánh Thể được coi là Bí tích của tình yêu. Thiên Chúa là tình yêu và yêu là muốn kết hợp với người yêu. Yêu là muốn điều tốt, muốn cho người yêu được sống dồi dào, và trong tình yêu có sự đòi buộc phải hy sinh.

Bí tích Thánh Thể là bí tích tình yêu của Chúa Giêsu ban cho chúng ta. Từ khi nhập thể làm người cho đến lúc gục đầu trên Thập Giá. Chúa Giêsu chỉ có một khắc khoải là minh chứng tình yêu cho nhân loại. Ngài muốn loài người được sống và sống dồi dào. Đâu là Bí Tích Thánh Thể của Chúa Giêsu, bí tích của một tình yêu tận hiến. Chúa ban sự sống của Ngài cho chúng ta để chúng ta kết hợp với Ngài và được sống dồi dào nhờ cái chết cứu độ của Ngài.

Thế nhưng, được kết hợp với Ngài để làm gì? Được sống dồi dào để làm gì? Được sống kết hợp với Chúa để tiếp tục sống tình yêu như Ngài. Được kết hợp với Chúa để tiếp tục hoạt động với Ngài để đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Được kết hợp với Chúa Cha ở mọi nơi. Được kết hợp với Chúa để phục vụ cho anh em được sống dồi dào hơn qua cuộc tận hiến chính cuộc đời của mình.

Anh chị em thân mến,

Chúa Giêsu tiếp tục hiến mình làm bánh, là lương thực nuôi sống Giá Hội, nuôi sống chúng ta qua Bí tích Thánh Thể được cử hành hằng ngày, hằng tuần… Và mỗi người chúng ta cũng như cộng đoàn được mời gọi tiếp rước Mình và Máu của Chúa. Nhưng tiếp rước ở đây không phải chỉ là ăn uống Mình và Máu của Chúa Giêsu mà thôi, mà còn phải là tiếp rước chính Chúa Giêsu với cả cuộc đời và sứ mạng của Ngài, để hoạ lại ý nghĩa của cuộc đời và sứ mạng đó trong chính cuộc sống của mình. Do đó, rước lễ đích thực không thể tách rời khỏi việc tìm hiểu trong Lời của Chúa, trong cuộc đời của Ngài bài học về cách xử sự, về sự lựa chọn, về sự hy sinh, về lòng yêu mến người khác cho chính cuộc đời của mình. Đó là cách thức để người Kitô hữu sống bằng Thịt và Máu của Chúa, sống nhờ Chúa và qua đó, được sống đời đời.

Bí Tích Thánh Thể của Chúa Giêsu phải được nhân lên qua cuộc sống của các tín hữu. Bao lâu chúng ta còn sống hữu ích cho anh em, còn tìm cách làm cho cuộc sống của những người chung quanh bớt nghèo, bớt đói, bớt khổ… là chúng ta đang tế hiến mình với Chúa Kitô Thánh Thể. Chúng ta trở thành bánh ngon để nuôi sống anh em. Lúc đó, chúng ta mới dâng lên Thiên Chúa Bí tích tình yêu của chính bản thân mình mỗi lần họp nhau cử hành Bí tích Thánh Thể của Chúa Kitô.

Bánh bởi trời

Bánh bởi trời

Cuộc đời tiên tri Êlia là một cuộc chiến đấu anh dũng và kiên cường. Một mình người phải chiến đấu chống lại cả một dân tộc bỏ đạo do hoàng hậu Dêdaben cầm đầu. Người khiển trách dân chúng vì họ đã nghe theo hoàng hậu mà bỏ Chúa. Người thách thức 400 sư sãi của thần Baan trong một cuộc dâng của lễ cầu mưa. Người đã chiến thắng. Nhưng chính vì chiến thắng. Người bị hoàng hậu săn đuổi, phải chạy trốn vào sa mạc. Hôm nay, đói khát đến lả người, vị tiên tri dũng mãnh rồi cũng cảm thấy mệt mỏi rã rời. Người mất hết sức lực thể chất lẫn tinh thần. Chẳng thiết sống, người xin Chúa cất người ra khỏi thế gian phiền nhiễu đầy bất trắc. Người mất hết sức phấn đấu. Người chỉ muốn an nghỉ trong Chúa. Nhưng Chúa sai thiên thần đem bánh cho người. Ăn được bánh bởi trời, tiên tri mới đủ sức vượt qua sa mạc, sau cùng đi tới núi của Thiên Chúa.

Tương tự như thế, đời sống ta cũng là một chuyến đi về nhà Thiên Chúa. Để đến với Thiên Chúa, ta phải vượt qua sa mạc cuộc đời đầy chông gai cạm bẫy. Đường đi rất xa và rất khó khăn. Những chiến đấu có thể sẽ khiến ta mệt mỏi rã rời. Ta sẽ chẳng đủ sức đi trọn con đường nếu không được nâng đỡ, an ủi. Để giúp ta đủ sức chiến đấu và đi trọn con đường khó khăn thử thách tiến về nhà Cha. Thiên Chúa đầy tình yêu thương đã ban cho ta tấm bánh bởi trời. Tấm bánh bởi trời mà Chúa Cha ban cho ta chính là Đức Giêsu Kitô, người Con duy nhất của Người. Món quà của Chúa Cha ban được thực hiện dưới hai hình thức: Lời Chúa và Phép Thánh Thể.

Đức Giêsu Kitô là Lời Ban Sự Sống của Thiên Chúa. Lời Thiên Chúa là Lời Ban Sự Sống. Chính Đức Giêsu đã khẳng định điều này khi Người trả lời ma quỉ cám dỗ: “Người ta sống không nguyên bởi bánh. Nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”. Thật vậy, chính Lời Chúa làm cho sự sống xuất hiện. Nhờ Lời quyền năng của Thiên Chúa, vũ trụ được tạo thành. Lời Chúa là lẽ sống của Đức Giêsu, nên trọn đời Người luôn đi tìm thực hiện thánh ý Chúa Cha: “Lương thực của Thầy là làm theo ý Đấng sai Thầy”. Xưa kia, Thiên Chúa nói qua trung gian các tổ phụ và các tiên tri. Nay, Đức Giêsu là Lời của Thiên Chúa trực tiếp nói với nhân loại. Lời Người ban sự sống cho Ladarô, cho con trai bà góa thành Naim. Lời Người tha thứ tội lỗi cho Mađalêna, cho người phụ nữ ngoại tình, cho Giakêu. Lời Người hoán cải người phụ nữ xứ Samaria. Người đưa tất cả những người tội lỗi trở về con đường sự sống. Lời Người đã giúp cho bao thế hệ tìm thấy lẽ sống. Lời Người ban cho họ một sự sống mới, tươi trẻ, phong phú, dồi dào hơn. Chính vì thế, thánh Phêrô đã lên tiếng tuyên xưng: “Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con biết đi theo ai. Chỉ Thầy mới có những Lời ban sự sống đời đời”.

Ban Lời hằng sống chưa đủ với tình yêu thương của Người, Đức Giêsu còn ban cho ta chính bản thân Người trong bí tích Thánh Thể. Thật là một tình yêu sâu xa tha thiết. Khi nuôi dưỡng ta bằng chính thịt máu Người, Đức Giêsu không những muốn kết hiệp mật thiết với ta trong từng thớ thịt, từng dòng máu, mà Người còn muốn ban cho ta sự sống đời đời. Bí tích Thánh Thể là lương thực thần linh. Lương thực thần linh ban sự sống thần linh. Qua bí tích Thánh thể, sự sống thần linh dần dần thấm nhập bản thân ta. Đây là một tiến trình thần hóa chầm chậm. Ta trở nên một thân thể với Đức Giêsu. Ta sống cùng sự sống của Người, sự sống đời đời trong hạnh phúc của Thiên Chúa.

Thánh lễ chính là bữa tiệc trong đó Thiên Chúa dọn ra hai bàn tiệc. Bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể. Cả hai bàn tiệc cũng đều là chính Đức Giêsu. Trong thánh lễ, ta nghe lời Chúa dạy dỗ ta. Lời Chúa chỉ cho ta con đường ngay thẳng, con đường hạnh phúc, con đường đưa ta về với Chúa. Thánh Thể Chúa ban sức mạnh giúp ta đủ sức đương đầu với những khó khăn thử thách của cuộc đời. Bởi thế, khi tham dự thánh lễ, ta cần lưu ý lắng nghe Lời Chúa. Chúa muốn nói riêng với từng người. Hãy lắng nghe để tìm ra điều Chúa muốn nhắn gửi. Hãy lắng nghe để tìm ra lẽ sống. Hãy lắng nghe để biết con đường phải đi. Lời Chúa là con đường đưa tới sự thật và sự sống.

Hãy rước lễ một cách kính cẩn sốt sắng. Phép Thánh Thể chính là một quà tặng của tình yêu Thiên Chúa. Hãy hưởng nếm sự ngọt ngào được kề cận Thiên Chúa. Hãy múc lấy nơi Thánh thể nguồn sức mạnh để thắng vượt những thử thách trong cuộc đời. Hãy để Thánh Thể uốn nắn, biến đổi ta để ta ngày càng nên giống Người hơn. Hãy nếm cảm hương vị thiên đàng ngay khi còn tại thế.

Lạy Chúa là Cha vô cùng yêu thương, con cảm tạ Cha đã ban cho con chính Con Một yêu quý của Cha làm bánh trường sinh nuôi dưỡng và đưa chúng con vào sự sống đời đời.

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Đừng để lỡ cơ hội

Đừng để lỡ cơ hội

Truyện cổ tích Trung Quốc kể về sự tích “Con Thỏ Ngọc” trên mặt trăng như sau: Thuở ấy, Ngọc Hoàng Thượng Đế, muốn biết dân cư dưới trần gian sinh sống ra sao, sai một ông tiên xuống để quan sát. Ông tiên giả dạng làm một người ăn mày già yếu, ăn mặc rách rưới, đi lang thang vào một buổi chiều mùa đông mưa lạnh. Ông lão đi ăn xin và xin chỗ trọ. Nhà đầu tiên mà ông gõ cửa là nhà con chó sói. Hé cửa nhìn ra, thấy ông lão già nua rách rưới, chó sói nhe nanh đe dọa để xua đuổi. Ông lão sợ hãi vội chạy đi. Nhà thứ hai mà ông gõ cửa là nhà con cáo. Con cáo chửi mắng ông thậm tệ nhưng chẳng cho gì. Buồn tủi, ông lại tiếp tục đi dưới trời mưa lạnh. Sau cùng ông gõ cửa một căn nhà bé nhỏ. Đó là nhà con thỏ trắng. Thấy ông lão run rẩy dưới trời mưa, Thỏ trắng vội vàng mở cửa mời ông vào. Thỏ đưa ông đến ngồi gần bên đống lửa, đem quần áo ướt hong bên đống lửa cho khô. Ông lão rên rỉ: “Cậu thỏ ơi, tôi đói quá, cậu có gì cho tôi ăn không? Nếu không tôi chết mất”. Thỏ vội vàng thưa: “Thưa ông, mùa đông năm nay kéo dài quá, nên rau cỏ dự trữ cháu đã ăn hết cả rồi. Nhưng cụ yên trí, thế nào cháu cũng tìm được thức ăn đãi cụ”. Thỏ chất thêm củi cho lửa cháy to hơn. Giữa lúc ông lão còn ngạc nhiên chưa biết thỏ định làm gì thì thỏ đã nhảy vào giữa đống lửa ngùn ngụt cháy. Chẳng mấy chốc, một mùi thơm tỏa lan cả căn nhà bé nhỏ. Thì ra thỏ đã tự nguyện hy sinh thân mình, làm một món ăn cho ông lão ăn mày. Ông lão về trời tường trình mọi sự với Ngọc Hoàng Thượng Đế. Ngọc Hoàng Thượng Đế liền cho triệu sói, cáo và thỏ tới. Sói và cáo bị trừng phạt nặng nề. Còn thỏ thì được khen thưởng cho ở trên Cung Trăng như một vị thần. Nên người Trung Quốc cũng gọi mặt trăng là Ngọc Thố.

Đây chỉ là một câu chuyện cổ tích, không có thực. Nhưng ý nghĩa của câu chuyện đáng cho ta suy nghĩ. Sói và cáo rất ân hận vì đã bỏ lỡ cơ hội. Phải chi chúng biết đó là ông tiên thì chúng đã tiếp đãi ân cần rồi. Nhưng bây giờ thì đã muộn. Chúng chẳng hy vọng gì chuộc lại được lỗi lầm để trở thành thần tiên. Cơ hội chẳng bao giờ trở lại nữa.

Tương tự như thế, những người ở làng quê Nagiarét hôm nay cũng đã để lỡ cơ hội đón tiếp Đấng Cứu Thế. Con Thiên Chúa giả dạng làm một người thường đến sống giữa họ mà họ không biết. Họ chỉ biết đó là con ông thợ mộc Giuse. Họ chỉ biết gia đình Người rất nghèo, chẳng có danh giá gì trong làng. Họ coi thường Người. Họ không tin Người. Họ hất hủi Người. Họ đã để lỡ cơ hội nghìn năm một thuở. Đức Giêsu không làm một phép lạ nào ở đó. Người bỏ Nagiarét đi đến các làng chung quanh. Và Người sẽ chẳng bao giờ trở lại Nagiarét nữa. Đó là cơ hội cuối cùng cho họ.

Hằng ngày chúng ta cũng đã bỏ lỡ biết bao nhiêu cơ hội như thế. Ta đã bỏ lỡ không tiếp đón Chúa đến thăm khi ta bịt mắt không nhìn thấy những cảnh khổ chung quanh; khi ta bưng tai không nghe những tiếng kêu than khóc lóc; khi ta làm ngơ trước những cảnh ngộ nghiệt ngã, khi ta ngoảnh mặt quay lưng trước những nạn nhân của thiên tai hoạn nạn. Nhất là ta bỏ lỡ không nghe thấy tiếng Chúa cảnh báo để ăn năn sám hối. Chúa đã nhắc nhở ta nhiều lần nhiều cách: qua các vị bề trên; qua các tai nạn; qua lời khuyên của những người thân; qua lời phê phán của những người thù ghét ta. Hôm nay, Chúa còn tiếp tục nhắc nhở. Nếu ta không nghe, biết đâu hôm nay sẽ là lần cuối cùng. Chúa sẽ không bao giờ nhắc nhở nữa. Chúa sẽ bỏ ta mà đi như đã bỏ làng Nagiarét và không bao giờ trở lại. Như thế thì thật nguy hiểm cho linh hồn ta.

Để nhận biết Chúa, ta phải rèn luyện cho mình một đức tin mạnh mẽ. Ánh mắt đức tin giống như ngọn đèn soi chiếu vào đêm đen giúp ta nhận ra Chúa trong anh em, trong những biến cố Chúa gửi đến.

Để đón tiếp Chúa, ta phải rèn luyện cho mình một trái tim luôn luôn rộng mở yêu thương. Một trái tim yêu thương sẽ rất bén nhạy để nghe được tiếng nói của Chúa, dù tiếng nói ấy chỉ thì thầm trong sâu thẳm lòng mình; hiểu được những dấu chỉ của Chúa, dù những dấu chỉ ấy chỉ mơ hồ thoáng qua; nhận được khuôn mặt của Chúa, dù khuôn mặt ấy đã bị biến dạng qua những đau thương của cuộc đời.

Lạy Chúa, xin cho con tỉnh thức để nhận ra và đón nhận Chúa mỗi lần Chúa đến với con.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Có khi nào bạn đã để lỡ cơ hội đón tiếp Chúa?

2) Bạn đánh giá một người theo giá trị thực sự của họ hay theo cảm nghĩ của bạn dựa trên những hiểu biết về gia cảnh, về lý lịch của họ?

3) Bạn cần chuẩn bị những gì để khỏi lỡ cơ hội đón tiếp Chúa?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Yêu như Chúa yêu

Yêu như Chúa yêu

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Ngày 10.10.1982, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong Cha Maximilien Kolbe lên bậc hiển thánh, vì Cha đã thực hiện từng chữ lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em”. Trong thánh lễ phong thánh, Đức Thánh Cha đã nói: “Như anh chị em đã biết, giữa những thử thách bi đát nhất, vốn làm cho thời đại chúng ta chìm trong vũng máu, Thánh M. Kolbe đã tự nguyện biến mình chịu chết để cứu một người anh em mà chính ngài không thân thuộc, đó là ông Francis Gajouniseck. Ông là một người vô tội bị kết án tử hình để trả thù cho một ngươi tù đã vượt ngục. Vị tử đạo anh hùng đã bị kết án chết đói ngày 14.8.1941 tại trại tập trung Đức Quốc Xã ở Auschwitz, Ba lan. Linh hồn tốt lành của ngài đã về cùng Chúa sau khi đã nâng đỡ ủi an các bạn tù cùng số phận khốn khổ như ngài… chính tình yêu cao cả đã giúp ngài vượt qua cơn thử thách rùng rợn khủng khiếp và đã để lại chứng tích lạ lùng của tình yêu thương anh em, của lòng tha thứ cho kẻ giết hại mình. Ước gì gương sáng và sự hộ giúp của Thánh Maximilien Kolbe hướng dẫn chúng ta biết yêu thương chân thành, yêu thương vô vị lợi, xứng đáng là người Kitô hữu, đối với tất cả các anh chị em trong một thế giới mà hận thù không ngừng giày xéo cuộc sống con người…”

Khi chia tay với các tông đồ để ra đi nộp mình chịu chết, Chúa Giêsu đã không để lại một tài sản có thể liệt kê, cũng chẳng để lại một kho tàng có thể hoá giá, mà chỉ để lại một tâm sự gởi gắm được coi như bí mật cuối cùng và quí giá nhất của tâm hồn Ngài. Đó là lệnh truyền: “Anh em hãy yêu thương nhau”. Trước đây, Ngài đã đề cập nhiều đến giới luật yêu thương này rồi, nhưng chỉ trong giời phút chia tay này mới thấy đó là mối bận tâm lớn nhất của Ngài. Yêu thương nhau là dấu hiệu rõ nhất để nhận ra ai là kẻ thuộc về Ngài: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con yêu thương nhau”.

Chúa Giêsu muốn thấy các môn đệ mình yêu thương nhau và Ngài muốn cảnh giác mối nguy cơ chính yếu luôn rình rập các môn đệ, đó là sự thiếu lòng yêu thương nhau. Vì vậy, đây là một trăn trở lớn nhất cần được nói ra một lần thay cho tất cả. Và Chúa Giêsu đã nói: “Đây là giới răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau”. Thế là lời trăn trở một mình đã biến nên lời trăn trối cho các môn đệ trong phút biệt ly. Như một tâm sự sau cùng cần phải ghi nhớ, như một di chúc thiêng liêng tuyệt đối không bao giờ được đặt lại vấn đề và một lệnh truyền nhất thiết phải thể hiện bằng được trong cuộc sống. Nên “yêu thương nhau” đã là một bổn phận chi phối toàn bộ đời người môn đệ Chúa Giêsu và làm nên căn cước của họ “Ai yêu thương thì bởi Thiên Chúa mà ra”.

Nhưng, thưa anh chị em, lệnh truyền yêu thương nhau không phải muốn thực hiện thế nào cũng được, mà phải quy chiếu khít khao và chính tình yêu của Chúa Giêsu- một tình yêu vốn đã quy chiếu vào tình yêu Chúa Cha – bây giờ trở nên kiểu mẫu và cội nguồn tình yêu cho nhưng kẻ thuộc về Ngài: Yêu như Chúa yêu. “Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em”. Đó là một tình yêu mở ra cho hết mọi người không giới hạn cũng chẳng trừ ai (x. Bài đọc 1), một tình yêu san bằng mọi hố sâu ngăn cách, dẹp bỏ mọi hàng rào cản trở để người người gần gũi nhau hơn. Tình yêu đó chủ động đi bước trước (x. Bài đọc 2), cho tôi tớ trở thành bạn hữu, cho xa lạ trở thành thân quen, cho mỗi niềm riêng tư trở thành tâm sự muốn chia sẻ,và cho môn đệ được trở thành những người cộng sự với đầy đủ hành trang lên đường sứ mạng. Để nếu cần, tình yêu đó sẵn sàng mạo hiểm đến liều mạng sống: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng sống mình vì bạn hữu”. Thật ra, Chúa Giêsu đã yêu những kẻ thuộc về Ngài bằng chính tình yêu lớn nhất đó trong suốt cả đời công khai của Ngài, nhưng qua cuộc tử nạn Phục Sinh, chúng ta nhận ra tình yêu lớn nhất khi Ngài để lại bí tích Thánh Thể làm bảo chứng và chết trên Thánh Giá làm hy lễ cứu độ, để rồi bước vào Phục Sinh, mở ra sự sống và niềm hy vọng cho hết mọi loài.

Tình yêu đáp lại tình yêu. Nhận ra mình là kẻ được Chúa yêu, chúng ta phải biết đáp trả bằng một tình yêu trung tín đối với Chúa và tình yêu chân thành đối với mọi người anh em: Phải biết “yêu như Chúa yêu” và “yêu người như yêu Chúa”.

Yêu như Chúa yêu, nghĩa là không đóng khung giới hạn, không kéo bè kết cánh, cũng chẳng chọn lựa thành phần này để loại trừ thành phần khác, mà trái lại, biết đến với mọi người. Tình yêu như vây làm bùng phá mọi thứ hàng rào cản trở, kể cả hàng rào muôn thuở của sự oán thù.

Yêu người như yêu Chúa, nghĩa là không chỉ nhận ra trong những con người chúng ta phải yêu mến khuôn mặt của người anh em, mà còn là khuôn mặt của chính Đấng đã yêu chúng ta bằng tình yêu lớn nhất của Ngài. Tình yêu như thế luôn luôn là một mạo hiểm của mầu nhiệm Tử Nạn-Phục Sinh, nhưng bên trong lại là một niềm vui bất tận.

Tuy nhiên, thưa anh chị em, nói yêu bao giờ cũng dễ, chính khi thực hành yêu thương chúng ta mới thấy hết những nét quyết liệt của lệnh truyền này. Ở quy mô hẹp như một gia đình đã có những va chạm nhiều khi đưa đến sứt mẻ; ở quy mô rộng hơn như một giáo xứ, lại cho thấy những đụng chạm có nguy cơ rơi vào đổ vỡ. Cũng vì tính nết ích kỷ, đầu óc hẹp hòi, nếp nghĩ giới hạn, tầm nhìn phe cánh… Cũng vì quyền lợi hay quyền lực, để rồi nhắm mắt trước giới luật yêu thương. Và rộng hơn nữa là quy mô của một xã hội, ở đó thường diễn ra cảnh huynh đệ tương tàn, chém giết, hận thù, chiến tranh…

Vậy, hỏi rằng lệnh truyền yêu thương nhau của Chúa Giêsu có còn là một trăn trở thường xuyên cho đời tín hữu không? Biết đến bao giờ người hết là lang sói cho nhau? Hàng loạt những câu hỏi như vậy có thể được đặt ra, nhưng chỉ có được lời giải đáp nếu lệnh truyền yêu thương của Chúa Giêsu được tôn trọng. Cho nên để có được niềm vui đích thực của người sống trong sự Phục Sinh của Đấng Cứu Thế, chúng ta hãy bắt đầu bằng quyết tâm sống yêu thương chan hoà.

Mỗi Thánh Lễ là một cử hành về tình yêu lớn nhất, qua đó Chúa Kitô hiến thân cứu độ muôn người. Xin cho chúng ta hôm nay gặp lại chính mình là kẻ đã được Chúa yêu, để sống được là kẻ biết yêu người khác. Và xin Chúa luôn thanh luyện tình yêu của chúng ta để từng ngày chúng ta biết chân thành yêu như Chúa yêu, yêu người như yêu Chúa, vì Chúa là Tình yêu.

Như cành liền cây

Như cành liền cây

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Một trong những chất liệu cần thiết được sử dụng trong Thánh Lễ đó là rượu nho. Rượu nho này được làm thành từ trăm ngàn trái nho ép lấy nước và để lên men đến một nồng độ và chất lượng do Toà Thánh ấn định để được sử dụng làm rượu lễ. Rượu nho ở nước ta chưa đủ tiêu chuẩn để được phép sử dụng trong Thánh Lễ. Vì thế phải nhập khẩu từ các nước Âu Châu, như Pháp, Tây Ban Nha, những nước có truyền thống trồng nho từ lâu đời và chuyên môn sản xuất những loại rượu nho nổi tiếng thế giới. Rượu lễ chúng ta đang sử dụng được nhập khẩu từ Công ty De Muller, S.A. ở Tarragona, Tây Ban Nha.

Nhìn những vườn nho, ai không có kinh nghiệm trong nghề trồng nho chắc chắn phải tiếc xót khi thấy những cành nho bị cắt tỉa khỏi thân nho. Thế nhưng, đây là định luật cơ bản trong nghề trồng nho: có được cắt tỉa, cành nho mới sinh hoa kết quả. Vào tháng hai, tháng ba, người trồng nho cắt những cành nào thấy không thể sinh trái, nhiều khi để lại thân cây trơ trụi. Đến tháng tám khi nho đâm ngành trổ lá, ông lại tỉa hết những nhánh con, để những nhánh lớn có trái được sức sống của thân cây nhiều hơn..

Hình ảnh của vườn nho và cây nho là hình ảnh quen thuộc trong Kinh Thánh và thường được dùng để cảnh cáo, đe doạ, khiển trách dân Israel: Ngôn sứ Giêrêmia đã nói: “Ta trồng người như cây nho sai trái, được tuyển chọn giống tốt. Sao người lại trở thành cây nho dại, sinh trái chua lòm” (Gr 2,21). Ngôn sứ Isaia cũng đã có cả một bài ca về vườn nho, vì dân Israel như nho quí, nhưng đã trở thành nho dại, khiến chủ vườn nho phải bỏ hoang phế (x. ls, 1-7).

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tự nhận là “cây nho thật” và “Chúa Cha là người trồng nho”, để xác minh rằng: đây là cây nho dại sinh trái chua lòm. Cây nho thật này do Chúa Cha trồng tỉa để đem lại hoa trái sự sống dồi dào:

“Thầy là cây nho thật và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh trái nhiều hơn”… “Thầy là cây nho, anh em là cành”.

Như cành gắn liền với thân cây nho mới sống được và sinh hoa trái. Nếu cành nào tách rời khỏi thân cây nho, sẽ khô héo và làm mồi cho lửa. Cũng vậy, người tín hữu phải sống kết hợp với Chúa Kitô mới có sự sống của Thiên Chúa và được sống đời đời, nếu không, sẽ chết đi và bị quăng vào lửa. Vì vậy, mối quan hệ giữa Chúa Giêsu và các Kitô hữu là một mối quan hệ mật thiết đến nỗi cả hai trở nên như một, vì cùng sống chung một sự sống. Chúa Kitô và các Kitô hữu tạo thành một cộng đồng sự sống, như các chi thể trong một thân thể mà Thánh Phaolô gọi là Nhiệm Thể, hay là Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Kitô. Trong Nhiệm Thể ấy, các chi thể liên kết với nhau và liên kết với một đầu như các cành nho liên kết với thân cây nho và một gốc nho. Cũng như nhựa sống giao lưu từ gốc nho đến các cành cây, thì sự sống của Thiên Chúa cũng được chuyển đến các chi thể như trong một thân thể. Như thế, các Kitô hữu được gắn với nhau vào một gốc là Chúa Giêsu: “Anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em”.

Một điểm khác cũng được Chúa Giêsu nhấn mạnh ở đây, đó là “cành nho phải sinh hoa trái”. Người Kitô hữu không chỉ gắn với thân cây mà còn phải sinh hoa trái nữa. Bởi vì, không thiếu những cành gắn chặt với cây mà không sinh trái nào. Những cành đó sẽ bị chặt đi và quăng vào lửa. Không sinh trái là bằng chứng không còn “ở trong Thầy”. Không còn kết hợp với Thầy, mặc dầu bên ngoài vẫn là một cây “xanh rờn”! Sinh hoa kết quả dồi dào mới trở thành người môn đệ thật của Thầy. Hình ảnh có thể làm cho chúng ta sửng sốt. Đâu phải đợi đến khi bị liệt vào hạng khô khan, nguội lạnh hay phạm những tôị tầy đình mới bị loại khỏi cộng đoàn của Chúa. Sự sống từ Chúa Giêsu chỉ có hai trạng thái: sinh trái hoặc không sinh trái, không có trạng thái thứ ba, hiểu theo nghĩa “cầm hơi”, “cầm chừng”. Người Kitô hữu trở thành môn đệ của Chúa Kitô bằng chính việc sinh nhiều hoa trái và Thiên Chúa được tôn vinh cũng bằng chính việc người Kitô hữu sinh nhiều hoa trái. Chúa Giêsu đã khẳng định: “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy”.

Thế nào là sinh hoa kết trái? Chúng ta có thể tìm thấy cây trả lời ngay trong bài đọc 2 hôm nay, Thánh Gioan nói: “Ai tuân giữ giới răn của Thiên Chúa thì ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong kẻ ấy. Và giới răn của Thiên Chúa là tin vào Danh Đức Giêsu Kitô, Con của Ngài, và yêu thương nhau như Ngài đã truyền dạy”. Thánh Gioan còn căn dặn: “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương thật sự bằng việc làm”. Do đó, chúng ta có thể hiểu được rằng, “sinh hoa trái” là yêu thương một cách hữu hiệu, bằng việc làm có sức biến đổi môi trường chung quanh, tạo dựng hạnh phúc cho người khác. Phải phục vụ lợi ích thật của anh em, thì mới nói được rằng chúng ta đang ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong chúng ta. Chỉ có tình thương yêu đích thực, thực từ trong lòng ra hành động, mới là tình yêu thương hiệp nhất, hiệp nhất chúng ta nên một với anh em, hiệp nhất chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô là “cây nho Chúa Cha trồng tỉa” để sinh nhiều hoa thơm trái ngọt.

Hình ảnh của sự cắt tỉa còn gợi lên một sự mất mát, đau đớn. Thế nhưng, mất mát dẫn đến thắng lợi, khổ đau dẫn đến vinh quang, sự chết dẫn đến Phục Sinh. Đó là bài học xuyên suốt cuộc đời, lời rao giảng và cái chết của Chúa Giêsu. Trong suốt hơn 2000 năm qua, Giáo Hội đã tiến bước với niềm xác tín ấy. Nhựa sống từ thân cây nho là Chúa Giêsu đã không ngừng nuôi sống Giáo Hội. Với cái nhìn đức tin, người ta vẫn nhìn thấy cái được trong cái mất: Qua việc trở lại với những giá trị của Tin Mừng, với cốt lõi của Tin Mừng, Giáo Hội cởi bỏ được chiếc áo của quyền lực và hào nhoáng, để mặc lấy tinh thần phục vụ, khiêm tốn, đơn nghèo. Sự hoán cải của nhiều Kitô hữu trở thành con đường cho những người thành tâm thiện chí tìm gặp được Chúa Kitô. Giáo Hội sinh nhiều con cái là nhờ các chi thể của mình là những cành nho luôn được cắt tỉa.

Như cành liền cây mới sống được và phải cắt tỉa mới sinh nhiều hoa trái, người Kitô hữu phải sống nhờ Chúa Kitô, với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô mới có thể sống như Chúa Kitô, sống cho Thiên Chúa và cho mọi người anh em. Đó là đòi hỏi căn bản của đời sống Kitô hữu. Người Kitô hữu nào yêu thương mọi người anh chị em một cách chân thành, có hiệu quả bằng việc làm cụ thể, giúp đỡ, bảo vệ, xây dựng xã hội, đồng bào, đất nước… người Kitô hữu ấy mới thật là người ở trong Thiên Chúa, kết hợp với Chúa Kitô, mới thật là cành nho gắn liền với cây nho.

Người cha phải luôn luôn hiện diện trong gia đình, trợ giúp vợ, và gần gũi với con cái

Người cha phải luôn luôn hiện diện trong gia đình, trợ giúp vợ, và gần gũi với con cái

Điều cần thiết đầu tiên là à người cha phải luôn luôn hiện diện trong gia đình. Ước chi ông gần gũi vợ để chia sẻ mọi sự vui buồn, mệt nhọc và hy vọng. Ước chi ông gần con cái trong sự lớn lên của chúng: khi chúng chơi đùa và khi chúng dấn thân, khi chúng vô tư và khi chúng lo lắng, khi chúng tự diễn tả và khi chúng nín lặng, khi chúng dám liều lĩnh và khi chúng sợ hãi, khi chúng đi sai một bước và khi chúng tìm lại đường đi

ĐTC Phanxicô đã nói như trên trong buổi tiếp kiến chung các tín hữu và du khách hành hương sáng thứ tư 4-2-2015 trong đại thánh đường Phaolo VI.

Ngài đã tiếp tục trình bầy phần hai gương mặt của người cha trong gia đình. Lần trước ngài đã nói tới các người cha vắng mặt, lần này ĐTC nhìn khía cạnh tích cực. Cả thánh Giuse cũng đã bị cám dỗ bỏ Đức Maria, khi khám phá ra là Mẹ đã mang thai, Nhưng thiên thần Chúa can thiệp và vén mở cho thánh nhân biết chương trình của Thiên Chúa và sứ mệnh là cha nuôi. Và thánh Giuse, người công chính, “đã đón vợ về nhà mình” (Mt 1,24) và trở thành cha của gia đình Nagiarét. ĐTC nói:

Mỗi gia đình cần có người cha. Hôm nay chúng ta dừng lại trên giá trị vai trò của người cha, và tôi muốn khởi hành từ vài kiểu diễn tả trong sách Châm Ngôn, các lời mà một người cha nói với con mình: “Hỡi con, tâm trí con khôn ngoan, thì lòng dạ cha cũng vui sướng. Môi miệng con nói những lời chân thật, thì tâm hồn cha sẽ mừng rỡ hân hoan” (Cn 23,15-16). Không thể diễn tả tốt hơn sự hãnh diện và cảm động của một người cha thừa nhận đã thông truyền cho con trai điều thực sự quan trọng trong cuộc sống, hay một trái tim can đảm. Người cha này không nói: “Cha hãnh diện vì con, bởi con hoàn toàn giống cha, bởi vì con lập lại những điều cha nói và cha làm”. Không, ông không chỉ nói với con một điều gì thôi. Ông còn nói với con một cái gì quan trọng hơn nhiều, mà chúng ta có thể giải thích như sau: “Cha sẽ hạnh phúc, mỗi lần thấy con hành động khôn ngoan, và cha sẽ cảm động, mỗi khi nghe con nói với sự thẳng thắn. Đó là điều cha đã muốn để lại cho con , để nó trở thành của con: đó là thái độ cảm nhận và hành động, ăn nói và phán xử khôn ngoan và ngay thẳng. Và để cho con được như vậy cha đã dạy con những điều con không biết, Cha đã sửa chữa các lầm lỗi mà con không thấy. Cha đã làm cho con cảm nhận được lòng trìu mến sâu thẳm và kín đáo, mà có lẽ con đã không hoàn toàn thừa nhận khi con còn trẻ và không chắc chắn. Cha đã cho con một chứng tá của sự nghiêm ngặt và cứng rắn mà có lẽ con đã không hiểu, khi con đã chỉ muốn sự đồng loã và che chở. Chính cha đã là người đầu tiên phải thử thách sự khôn ngoan của mình và canh chừng trên các thái qủa của tình cảm và oán hờn, để mang gánh nặng của các hiểu lầm không thể tránh được và tìm ra các lời nói đúng đắn để làm cho mình được hiểu. Giờ đây cha cảm động, khi Cha thấy con tìm sống như vậy với các con của con và với tất cả mọi người. Cha hạnh phúc và thỏa mãn”. Đó là điều mà một người cha khôn ngoan và trưởng thành nói với con mình.

** ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: Một người cha biết rõ việc thông truyền gia tài này cho con mắc mỏ chừng nào: biết bao nhiêu sự gần gũi, biết bao nhiêu dịu hiền và biết bao nhiêu cứng rắn! Tuy nhiên ông nhận được biết bao an ủi và phần thưởng, khi các con vinh danh gia tài đó. Thật là một niềm vui chuộc lại mọi mệt nhọc, cao vượt hơn mọi hiểu lầm và chữa lành mọi vết thương. Tiếp đến ĐTC nhấn mạnh sự hiện diện của người cha trong gia đình như sau:

Như thế, sự cần thiết đầu tiên là điều này: đó là người cha hãy luôn luôn hiện diện trong gia đình. Ước chi ông gần gũi vợ để chia sẻ mọi sự vui buồn, mệt nhọc và hy vọng. Ước chi ông gần con cái trong sự lớn lên của chúng: khi chúng chơi đùa và khi chúng dấn thân, khi chúng vô tư và khi chúng lo lắng, khi chúng tự diễn tả và khi chúng nín lặng, khi chúng dám liều lĩnh và khi chúng sợ hãi, khi chúng đi sai một bước và khi chúng tìm lại đường đi. Người cha hiện diện, luôn luôn hiện diện.
Nói hiện diện không giống như nói kiểm soát. Bởi vì các người cha kiểm soát quá thì huỷ diệt con cái, không để cho chúng lớn lên.

Phúc Âm nói với chúng ta mẫu gương của Người Cha ở trên Trời, Chúa Giêsu nói là Cha duy nhất, có thể gọi được là “Người Cha nhân hậu” (x. Mc 10,18). Tất cả đều biết dụ ngôn ngoại thường gọi là dụ ngôn “người con hoang đàng” hay đúng hơn “người cha thương xót” trong chương 15 Phúc Âm thánh Luca (x. 15,12-32). Biết bao nhiêu phẩm giá và hiền dịu trong việc chờ đợi của người cha đứng ở cửa nhà để chờ đứa con trở về! Các người cha phải kiên nhẫn. Biết bao lần có việc khác phải làm đang chờ; cầu nguyện, và chờ đợi với lòng kiên nhẫn, sự dịu hiền, độ lượng và thương xót.

**ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: Một người cha tốt biết chờ đợi và tha thứ, từ tận cùng thẳm con tim. Chắc chắn rồi, ông cũng biết sửa dậy con với sự cứng rắn: ông không phải là người mềm yếu, hay đầu hàng và tình cảm, Người cha biết sửa dậy không làm mất phẩm giá cũng là người cha biết che chở không tiết kiệm sức lực của mình.

Có một lần trong một cuộc họp hôn nhân tôi đã nghe một người cha nói: “Đôi khi con cũng phải đánh các con con một chút, nhưng không bao giờ đánh trên mặt để không làm mất phẩm giá của chúng. Thật đẹp biết bao. Ông ta có ý thức về phẩm giá. Ông phải phạt con, nhưng làm một cách đúng đắn và tiếp tục tiến bước.

Như vậy, nếu có người nào đó có thể giải thích tường tận kinh “Lạy Cha chúng con”, Chúa Giêsu đã dậy, thì đó chính là người đã sống chức làm cha. Nếu không có ơn thánh đến từ Cha trên trời, thì các người cha sẽ mất can đảm và bỏ cuộc. Nhưng con cái cần tìm thấy một người cha chờ đợi chúng, khi chúng trở về từ các thất bại của chúng. Chúng sẽ làm tất cả để không thừa nhận Cha và để đừng thấy ông, nhưng chúng cần ông, và sự kiện không tìm thấy cha mở ra trong chúng các vết thương khó mà chữa lành.

Giáo Hội là mẹ chúng ta dấn thân nâng đỡ với tất cả sức lực của mình sự hiện diện nhân hậu quảng đại của các người cha trong các gia đình, bởi vì đối với các thế hệ mới họ là những người giữ gìn và trung gian không thể thay thế được của niềm tin nơi lòng tốt, công lý và sự chở che của Thiên Chúa, như thánh Giuse vậy.

** ĐTC đã chào các đoàn hành hương hiện diện đặc biệt DHY André Vingt-Trois TGM Paris, ba GM Phụ tá và các đại chủng sinh Paris đang dọn mình chịu chức Linh Mục. Ngài phó thác các gia đình cho sư bầu cử của Thánh Giuse, nhất là các người cha gia đình để họ là những người gìn giữ và là trung gian cho các thế hệ trẻ trong lòng tốt, sự công bằng và dưới sự chở che của Thiên Chúa.

Ngài cũng chào các tín hữu Mỹ, Phần Lan Anh quốc và Sri Lanka. Chào các tín hữu nói tiếng Đức ĐTC tái khẳng định vai trò không thể thay thế được của các người cha trong gia đình, và xin mọi người đồng hành với họ trong lời cầu nguyện để họ luôn gìn giữ các thế hệ tương lai.

Ngài cũng chào các tín hữu Tây Ban Nha, Argentina, và Mexico và khích lệ họ cầu nguyện để trong gia đình không bao giờ vắng bóng một người cha tốt.

Chào các tín hữu Ba Lan ĐTC nhắc nhở rằng ngày mùng 2-2 vừa qua là Ngày Đời Thánh Hiến, Ngài tín thác cho lời cầu nguyện của họ cuộc sống của tất cả những người sống đời thánh hiến, được Chúa Kitô hướng dẫn trung thành phục vụ Thiên Chúa và tha nhân qua lời cầu nguyện, qua việc ăn chay hãm mình để kéo đổ ơn hoán cải, hòa bình và thịnh vượng xuống trên thế giới.

Ngài cũng đặc biệt chào các GM tham dự đại hội do cộng đồng thánh Egidio tổ chức tại Trung tâm quốc tế linh hoạt truyền giáo. ĐTC cầu chúc đại hội giúp làm sống dậy niềm tin nơi Chúa và hăng say làm chứng cho công tác rao truyền Tin Mừng trong các vùng ngoại biên.

ĐTC chúc mọi đoàn hành hương canh tân sự gắn bó với Tin Mừng, liên đới với các anh chị em khác, và tái khám phá ra niềm hy vọng Kitô.

Nhắc đến lễ kính thánh nữ Agatha tử đạo Giáo Hội mừng ngày 5-2, ĐTC cầu mong thánh nữ giúp người trẻ hiểu giá trị cuộc sống tận hiến cho Thiên Chúa. Ngài xin gương đức tin không lay chuyển của thánh nữ giúp các anh chị em đau yếu tín thác các khổ đau cho Chúa; và sự mạnh mẽ của thánh nữ chỉ cho các đôi tân hôn các giá trị đích thật của cuộc sống gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

 

Công bằng hay bác ái?

Công bằng hay bác ái?

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Trong cuốn sách mang tựa đề: “Người đó, chính là bạn”, cha Louis Evely đã kể một câu truyện sau đây:

Trong một vở kịch, nhà đạo diễn Jean Anouilb đã dàn dựng cảnh ngày phán xét chung theo như ông tưởng: Những kẻ lành đang đứng trước cửa vào thiên đàng, chật ních, chen lấn để vào, chắc chắn thế nào cũng có chỗ sẵn. Hồi hộp, sốt ruột… Nhưng, bỗng nhiên, người ta bắt đầu xì xầm với nhau: “Hình như Thiên Chúa cũng tha thứ cho mấy người đứng bên kia nữa”. Thế là họ lại phải một mẻ ngẩn người ra. Họ nhìn nhau, không thể hiểu được. Họ la ó, phản đối. Họ bất mãn… “Vậy thì cần gì phải hy sinh khó nhọc cả đời…”. “Tôi mà biết vậy thì tôi đã ăn chơi cho đã đời…”. Gan mật họ sôi lên. Họ bắt đầu kêu la trách móc Thiên Chúa và cũng chính lúc đó, họ bị đày xuống hỏa ngục.

Cha Louis Evely giải thích: ‘Giờ phán xét đã điểm: họ đã tự xét xử lấy họ, đã tự tách mình ra khỏi hạnh phúc của Chúa. Tình yêu đã biểu hiện cho họ, nhưng họ đã từ chối không nhận tình yêu: “Tôi từ chối không chấp nhận cái thứ thiên đàng mà người ta vào như chợ. Tôi phản đối Thiên Chúa đã tha cho hết mọi người. Tôi không thích Thiên Chúa yêu thương cách mù quáng như thế”. Vì họ không thích Tình Yêu nên họ không nhận ra được Tình Yêu. Chỉ có Tình Yêu mới làm những chuyện như thế. Với Chúa, chúng ta phải luôn sẵn sàng để đón nhận những chuyện bất ngờ như vậy”.

Cũng thế, thưa anh chị em, có lẽ ai trong chúng ta cũng bị chưng hửng trước cách ứng xử của ông chủ vườn nho mà Chúa Giêsu diễn tả trong dụ ngôn của Tin Mừng hôm nay. Ông chủ vườn nho này không ai khác hơn là hình ảnh của chính Thiên Chúa mà Đức Giêsu diễn tả trong dụ ngôn của Tin Mừng hôm nay. Ông chủ vườn nho này không ai khác hơn là hình ảnh của chính Thiên Chúa mà Đức Giêsu muốn giới thiệu với chúng ta. “Tại sao ông chủ lại trả công cho mọi người bằng nhau, người chỉ làm có một giờ cuối ngày cũng được lãnh tiền bằng người đã làm trọn ngày nắng nôi nặng nhọc? Có phải ông chủ bất công hay không?”. Câu trả lời của ông chủ làm cho những công nhân và chúng ta phải ngạc nhiên thán phục: “Này anh, tôi đâu có xử bất công với anh. Anh đã chẳng thỏa thuận với tôi công nhật là một đồng sao? Cầm lấy phần của anh mà đi đi! Tôi không muốn cho người làm sau chót cũng được bằng anh. Tôi không có quyền làm thế sao? Hay anh ganh tị vì thấy tôi đối xử rộng rãi tốt lành với những người khác?”. Quả thật, Thiên Chúa hành xử không theo sự công bằng của con người, nhưng theo lòng thương xót và tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Qua đó, chúng ta khám phá được một điều quan trọng là suy nghĩ và hành động của Thiên Chúa khác xa với suy nghĩ và hành động của chúng ta. Ngôn sứ Isaia đã nói rõ: “Chúa phán: tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta: Trời cao hơn đất bao nhiêu thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi và tư tưởng Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi bấy nhiêu”.

Thưa anh chị em,

Nếu cứ theo lẽ công bằng thường tình của loài người chúng ta: người làm nhiều sẽ lãnh lương nhiều, người làm ít sẽ lãnh lương tí, thì hỏi rằng, người làm một tiếng đồng hồ sẽ được bao nhiêu tiền để đủ nuôi sống gia đình, con cái, đang túng thiếu, nghèo đói? Chính vì thương xót, thông cảm cảnh nghèo đói, thất nghiệp của các công nhân và vì muốn cho mọi người có công ăn việc làm, mà ông chủ đã mời gọi mọi người thất nghiệp vào làm việc bất cứ giờ nào, và đã trả lương cho mọi người bằng nhau, người đến sau cũng như người đến trước. Câu trả lời của ông chủ vườn: “Hay anh ganh tị vì thấy tôi đối xử rộng rãi, tốt lành với người khác?”đã vạch ra tâm địa ích kỷ, hẹp hòi của nhóm công nhân làm từ đầu ngày. Lời đó cho thấy chính họ mới là kẻ bất công, vì không chấp nhận cho người khác có quyền sống hạnh phúc như họ. Tâm địa xấu xa của họ càng làm nổi bật lòng nhân nghĩa cao vời của ông chủ. Ông không đối xử với người ta theo tương quan buôn bán, tính toán, nhưng theo tương quan tình nghĩa và mời gọi người ta bắt chước cách đối xử tình nghĩa của ông.

Anh chị em thân mến,

Cách ứng xử của ông chủ trong câu chuyện dụ ngôn chính là cách ứng xử của Thiên Chúa đối với chúng ta. Thiên Chúa của chúng ta hành động như thế đó. Thật là rộng lượng, nhân từ! Ngài mời gọi những người thu thuế, những người bị xã hội loài người khinh chê, loại trừ, những người tội lỗi, vào Nước Trời một cách rộng rãi, cho không, chẳng phải vì công trạng gì xứng đáng của họ. Người công chính, đạo đức, đừng vì thế mà ganh tị kêu trách Chúa bất công, giống như những người Biệt Phái Pharisêu đã kêu ca trách móc Chúa. Lòng thương xót của Thiên Chúa đón nhận tất cả mọi người không trừ mộ ai, vì bản chất của Ngài là Tình Yêu. Chúng ta thường làm ngạc nhiên và bị “sốc”trước cách hành xử Thiên Chúa. Đôi khi chúng ta cũng có những phản ứng như những công nhân làm việc giờ đầu tiên hoặc như những kẻ lành trước cửa Thiên Đàng trong vở kịch Ngày phán xét chung của nhà đạo diễn Jean Anouilh: “Sao! Những tên đã sống một cuộc đời bừa bãi, bê bối, lung tung kia cũng được Chúa tha sao? Thậm chí những kẻ đã bách hại đạo Chúa, nếu sau này ăn năn hối cải, cũng xứng đáng được hưởng Nước Trời như người Kitô hữu nhiệt thành cả đời sao? Tên gian phi bị treo trên thập giá bên cạnh Chúa Giêsu cũng được vào Thiên Đàng sao?” (x.Lc 23,43).

Thiên Chúa chúng ta như thế đó! Thật rộng lượng, nhân từ. Quả thật đường lối của Ngài khác hẳn đường lối ti tiện, hẹp hòi của chúng ta. Chúng ta hay so đo, tính toán, đánh giá từ sự so sánh của chúng ta. Chúng ta nhìn người khác với những cái-họ-có-hơn-mình hay cái-mình-không-có, để bực tức, ghen ghét. Nhiều khi chúng ta nhân danh công bằng để đối xử hẹp hòi, khắt khe, độc ác với kẻ khác. Công bằng là mức độ thấp nhất của bác ái. Công bằng mà không có bác ái là tàn nhẫn, là vô nhân đạo. Phải vượt hơn mức tối thiểu của công bằng, chúng ta mới có thể đối xử bác ái, tình nghĩa với nhau được, cuộc sống mới chan hòa tình người, đầy niềm vui và hạnh phúc.

Với những ai hay so đo, tính toán với anh em, Thiên Chúa sẽ cứ theo luật công bằng mà xét xử; còn những ai rộng rãi, biết thương xót người, thì sẽ được Ngài xét xử theo lòng nhân từ xót thương. Thiên Chúa luôn luôn tuyệt vời hơn những gì con tim nghèo nàn của chúng ta có thể tưởng tượng. Ước gì trái tim chúng ta trở nên giống như trái tim của Thiên Chúa Tình Thương. Chính trong tình thương, chúng ta sẽ gặp được Thiên Chúa.

 

Nghệ thuật sửa lỗi

Nghệ thuật sửa lỗi

Tuân Tử, một hiền triết Trung hoa đã nói rằng: Kẻ khen ta mà khen thật mới chỉ là bạn ta, kẻ chê ta mà chê thật là thầy ta, còn kẻ nịnh hót tâng bốc ta là những kẻ chỉ làm hại ta mà thôi.

Chê mà chê thật là sửa lỗi cho nhau trong tình huynh đệ. Là con người ai mà chẳng lầm lỗi. Không ai trên trần thế có thể tự hào mình vô tội. Chính Thánh Gioan đã quả quyết: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình và sự thật không ở trong chúng ta” (1Ga 1,8). Thú nhận mình tội lỗi không có nghĩa là chấp nhận thất vọng. Ngược lại ý thức được sự yếu đuối của mình sẽ giúp con người mạnh tin hơn. Thánh Gioan cũng viết: “Nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính” (1Ga 2,1b). Sửa lỗi huynh đệ là cần thiết để giúp nhau thăng tiến và trưởng thành. Vì thế sửa lỗi cho nhau là một nghệ thuật đòi hỏi người ta phải tuân theo một số kỹ thuật.

Trang Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy nghệ thuật từng bước sửa lỗi cho anh em và mời gọi hãy cùng nhau cầu nguyện.

1. Sửa lỗi cho nhau:

– Bước 1: “Nếu anh em ngươi phạm tội hãy đi sửa lỗi một mình ngươi với nó”. Một mình với anh em là rất kín đáo. Sửa lỗi cá nhân, tôn trọng và giữ thể diện, biểu lộ sự tin tưởng giữa hai người không để người thứ ba đựoc biết. Đây là cuộc nói chuyện riêng tư, không phải hạ nhục người có lỗi nhưng là giúp người ấy nhận ra lỗi lầm của mình. Phải nói sự thật, nhưng có những sự thật không nên nói hết.

Sự góp ý huynh đệ này đòi hỏi phải tế nhị, xây dựng:

+ Người góp ý: Nhẹ nhàng, nói đúng lúc, đúng chỗ, khôn khéo, thiện chí, nếu không sẽ phản tác dụng, khi đó góp ý chỉ là chỉ trích, phê phán.

+ Người được góp ý: Khiêm nhường nhận lời khuyên, không nóng nảy tự ái, sẵn sàng đón nhận, nhận ra sai lầm, không cố chấp cứng đầu, can đảm sửa đổi. Có như thế việc sửa đổi cho nhau mới có kết quả.

– Bước 2: “Nếu nó không chịu nghe thì hãy đem theo một hay hai người nữa để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba nhân chứng”. Như thế, nếu bước một không đem lại kết quả mong đợi, sẽ đến bước hai là gặp gỡ có hai hoặc ba nhân chứng. Đây không phải là gây áp lực. Sự hiện diện của các chứng nhân bảo đảm cho tính khách quan và cộng đoàn. Luật Môsê dạy: “Một nhân chứng duy nhất không thể đứng lên buộc tội một người về bất cứ tội lỗi nào, phải căn cứ vào lời của hai hay ba nhân chứng, sự việc mới được cứu xét” (Đnl 19,15). Tuy nhiên chỉ thị của Chúa Giêsu nói đây không phải là nhân chứng buộc tội nhưng là những người trợ lực có uy tín để giúp tội nhân dễ dàng sữa lỗi. Cần kiên nhẫn đối vơi người cố chấp.

+ Người sửa lỗi chú ý hình thức xây dựng và bác ái. Có nhiều khuyết điểm có thể tự nhiên được sửa chữa qua tính trung gian, nhất là những khuyết điểm nhỏ.

+ Người được sửa lỗi chú ý nội dung được góp ý.

– Bước 3: “Nếu nó không chịu nghe họ thì hãy đi thưa Hội Thánh”. Hai bước không đạt kết quả, đưa ra trước cộng đoàn Hội Thánh địa phương vì Hội Thánh được Chúa ban cho quyền cầm buộc tháo cởi (x. Mt 18,18). Đưa ra Hội Thánh không phải để bị xét xử nhưng để tỏ lòng sám hối và sẽ được ân xá. Nhưng nếu kẻ đó vẫn cố chấp không chịu sữa lỗi thì tự loại mình ra khỏi Hội Thánh không còn thuộc về cộng đoàn.

– Bước 4: “Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe thì hãy kể nó như một người ngoại”. Cộng đoàn mà không chịu nghe thì phải chấp nhận thái độ tự cô lập của họ. Họ cố chấp không muốn ở trong Hội Thánh thì họ sống trong lầm lạc về đức tin và luân lý. Hội Thánh không còn trách nhiệm trực tiếp phải lo cho họ nữa, chỉ còn phó thác họ cho lòng nhân từ của Chúa mà thôi.

2. Hiệp lời cầu nguyện:

Nếu nhìn cách sửa lỗi anh em của Chúa Giêsu là một cách diễn tả tình yêu thì hiệp thông trong lời cầu nguyện lại là một diễn tả khác của tình yêu “Khi hai hoặc ba người họp lại nhân danh Thầy thì có Thầy ở giữa họ”.

Khi yêu ai, chúng ta không dửng dưng để mặc người ấy lún sâu vào sự dữ. Ta sẽ tìm dịp cảnh tỉnh, nhắc nhở, khuyên bảo, không “makeno”, không “đèn nhà ai nấy sáng”. Tương quan bác ái huynh đệ này rất cần trong cộng đoàn, trong Giáo xứ. Chúa Giêsu nhấn mạnh đến mục đích của việc sửa lỗi. Đó là chinh phục, cứu lấy anh em để nó đừng hư mất, liên đới trách nhiệm sữa lỗi cho nhau để nhờ đó cộng đoàn “lợi thêm một người anh em”. Thánh Giacôbê nhấn mạnh tới tình bác ái đáng khen của việc sửa sai huynh đệ “Ai đưa một người tội lỗi ra khỏi sai lầm của họ là đã cứu được linh hồn người ấy khỏi chết và đã bù đắp được vô số tội lỗi”.

Chúa Giêsu còn xác định rằng: “Thầy bảo thật các con: nếu ở dưới đất hai người trong anh em hiệp ý cầu xin bất cứ sự gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời sẽ ban cho họ”. Đây không đơn thuần là một giải quyết giữa anh em loài người, nhưng là cùng nhau đến trước tình yêu Thiên Chúa. Sự hiện diện của Chúa sẽ xóa giải mọi bất hòa giữa anh em. Chúng ta tin và can đảm sống điều đó “Vì ở đâu có có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ”.

Trong Đạo Phật người ta thường nói “Phật tại tâm”. Trong Đạo Thiền, người ta sống cuộc sống con người cách đơn sơ thanh thản, không chấp mê, sống tự nhiên như bông hoa nở, như dòng suối chảy, như áng mây bay, như làn gió thổi. Sống an bình với chính mình an hoà với tha nhân, là “phá chấp ngã” nghĩa là không chấp, không chấp cả cái không chấp.

Đạo lý Chúa Kitô tự bản chất sâu xa là Đạo nhân, Đạo của lòng nhân ái, Đạo của tình thương. Tình thương không phải là một tư tưởng, cũng chẳng phải là một học thuyết. Tình thương là con đường ta phải đi, một tình yêu để ta sống, để chia sẻ với người khác.

Đức Kitô đã làm người để chia sẻ tình yêu của Chúa Cha cho chúng ta. Người mời gọi chúng ta chia sẻ lại tình yêu ấy cho anh em. Tất cả đạo lý Chúa Kitô nằm gọn trong chân lý đó. Trong điều mà Người gọi là điều răn mới: “Anh em hãy yêu thương như Thầy đã yêu thương anh em”.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban ơn can đảm để con nhận sự sửa lỗi của anh em, và ban cho con ơn khôn ngoan để con biết chân thành sửa lỗi cho nhau, nhờ đó con xứng đáng nhận được lòng nhân từ Chúa xót thương.

Lạy Chúa Giêsu, trước khi sửa lỗi ai, xin Chúa nhắc con nhớ rằng con cũng là tội nhân, cũng yếu đuối và hay lầm lỗi, có khi còn nặng nề hơn họ. Nếu vì bổn phận, con phải sưả lỗi cho người khác, xin cho con biết lấy tinh thần bác ái và tôn trọng nhân vị mà cư xử, nâng đỡ hơn là chỉ trích thoá mạ anh em. Xin cho cúng con luôn biết rộng lượng, bao dung với người khác vì con biết chắc rằng Chúa vẫn tha thứ cho con từng ngày. Amen.

LM Giuse Nguyễn Hữu An