Một học sinh Kitô người Pakistan bị bạn học giết tại vì không theo Hồi giáo

Một học sinh Kitô người Pakistan bị bạn học giết tại vì không theo Hồi giáo

Multan – Cộng đồng Kitô giáo ở Punjab đau buồn vì vụ bạo lực xảy ra với một học sinh tại trường trung học công lập ở Burewala, miền nam Punjab.

Theo tin từ hãng tin Fides, Sharon Masih, 15 tuổi, đã bị các bạn học Hồi giáo bạo hành cho đến chết hôm 30/08 vừa qua. Mushtaq Gill, một luật sư Kitô gíao cho hãng tin Fides biết rằng Sharon Masih đã bị các ban học chặn đường, bắt cóc, bắt nạt; họ đã gia tăng bạo hành Sharon Masih, đấm đá chàng thiếu niên. Sharon Masih bị ngã xuống đất bất tỉnh, sau đó được đưa đến bệnh viện Burewala và tại đây em được xác nhận đã qua đời.

Cảnh sát đã ghi nhận vụ giết người của các học sinh Hồi giáo và trao trả thi hài Sharon Masih cho gia đình. Theo những điều tra đầu tiên của cảnh sát, Sharon Masih có lẽ là nạn nhân bị bắt nạt, đối xử tàn tệ vì niềm tin Kitô giáo và vì các bạn học muốn dụ cậu thiếu niên cải đạo sang Hồi giáo. Sharon Masih đã chống cự cho đến giây phút cuối của cuộc bạo hành và đã tử vong. Sharon Masih đã muốn đổi trường học vì những lời đe dọa cũng như bạo hành mà em đã phải chịu.

Sự kiện này cho thấy rõ sự đối xử phân biệt và bạo hành đối với các tôn giáo thiểu số không phải Hồi giáo đang phổ biến trong xã hội Pakistan. Anjum James Paul, một giáo viên Kitô giáo và chủ tịch của hội các giáo viên Pakistan thiểu số đã nói với hãng tin Fides: “Bạo lực bắt nguồn từ băng ghế nhà trường bởi vì các sách giáo khoa được sử dụng từ các trường tiểu học gieo vào trong các học sinh sự hận thù và bất bao dung đối với người không Hồi giáo.” Ông cũng nói thêm: “một đàng các sách giáo khoa được sử dụng trong trường học cổ võ cho Hồi giáo, tín hữu Hồi giáo, nền văn hóa và văn minh hồi giáo, đàng khác nó không ngừng cổ võ sự khinh khi hận thù chống lại các tôn giáo ngoài Hồi giáo, những người không phải Hồi giáo, các nền văn hóa và văn minh khác Hồi giáo. Điều này gây nên hậu quả tai hại nơi não trạng của các trẻ em và thiếu niên, khơi dậy bạo lực và tác hại đối với sự sống chung hòa bình.”

Anjum James Paul cũng cho biết là đã có một số thay đổi trong sách giáo khoa sau khi có các báo động được các tổ chức gửi đến chính quyền, nhưng cần mở nhiều con đường hơn nữa để đưa Pakistan thành một quốc gia trung hòa, nơi tôn trọng nhân quyền, nhân phẩm, sự đa dạng, sự sống chung hòa bình và các tôn giáo thiểu số. Nhà nước cần phải hành động để các trường công lạp là nơi có thể xây dựng sự sống chung hòa bình về xã hội và tôn giáo. Tại Pakistan, các tín hữu các tôn giáo thiểu số như Kitô hữu vẫn còn là nạn nhân của sự cực đoan và vi phạm nhân quyền. ((Agenzia Fides 2/9/2017)

Hồng Thủy

Giáo hội Pakistan cử hành Năm Thánh thể vào năm 2018

Giáo hội Pakistan cử hành Năm Thánh thể vào năm 2018

Multan – Đức cha Benny Travas của giáo phận Multan và cũng là chủ tịch ủy ban phụng vụ của Hội đồng Giám mục Pakistan đã thông báo rằng Giáo hội Pakistan sẽ cử hành năm 2018 như Năm Thánh Thể đặc biệt.

Đức cha Travas nói vỡi hãng tin Fides: “Chúng tôi muốn đặt Thánh Thể là trung tâm của đời sống Kitô hữu, của các gia đình, các nhà của chúng tôi.” Đức cha cũng giải thích về ý tưởng nảy sinh từ việc phái đoàn Pakistan tham dự đại hội Thánh thể quốc tế được tổ chức ở Cebu, Philippines. Ngài cho biết đó là một kinh nghiệm cảm động và các ngài ao ước làm sống lại tinh thần này ở Pakistan. Tất cả Giám mục Pakistan đã đồng ý việc cử hành năm Thánh thể vào năm 2018.

Chủ đề được lấy từ Tin mừng thánh Gioan: “Ta là bánh hằng sống”. Lễ khai mạc trọng thể được tổ chức từ 24-26/11 năm nay, ở Karachi, với Thánh lễ được cử hành tại nhà thờ chánh tòa thánh Patrick. Cũng sẽ có các chương trình và sáng kiến được tổ chức ở cấp giáo phận. Lễ bế mạc được cử hành lại Lahore từ 21-24/11/2018.

Ban tổ chức, bao gồm một thành viên của mỗi giáo phận, sẽ phụ trách chuẩn bị các chương trình và các hoạt động mục vụ, ví dụ như việc chầu Thánh thể tại các giáo xứ, các buổi hội họp và giáo lý cho giới trẻ, các gia đình, trường học, trẻ em.

Đức cha Travas kết luận rằng cuộc sống của các tín hữu Pakistan “là một cuộc sống Thánh Thể khi đứng trước những đau khổ, bạo lực hay phân biệt đối xử bất công, họ cảm tạ và ngợi khen Chúa. Nhưng sức mạnh này và tinh thần này chỉ có thể đến từ việc đặt Thánh Thể như nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống cá nhân, của mỗi tín hữu sống taị quê hương yêu dấu của chúng tôi.”

Đức cha Travas khẳng định với Fides, trong tháng 8, có 3 Kitô hữu ở Pakistan bị giết hại do những tranh chấp tài sản và tôn giáo. Ngài nói: “Trước các bạo lực, thái độ của chúng tôi là thái độ Thánh Thể: không đáp trả bằng điều ác nhưng trao phó cho Thiên Chúa đau khổ của chúng tôi, đón nhận ý Chúa với lòng biết ơn và chúc tụng và cầu nguyện cho hòa bình.” (Agenzia Fides 4/9/2017)

Hồng Thủy

 

Nữ tu Ruth Pfau, ”Mẹ Têrêsa của Pakistan” qua đời

Nữ tu Ruth Pfau, ”Mẹ Têrêsa của Pakistan” qua đời

KARACHI. Nữ tu bác sĩ ”Mẹ người cùi” ở Pakistan, Ruth Pfau, đã từ trần tại nhà thương ở Karachi, hưởng thọ 87 tuổi, sau một cuộc đời cứu giúp hằng trăm ngàn người cùi.

Nữ tu Ruth Pfau sinh ngày 9-9 năm 1929 ở thành phố Leipzig ở miền Đông Đức. Sau thế chiến thứ hai, chị sang Tây Đức học y khoa. Chị được rửa tội trong Giáo Hội Tin Lành năm 22 tuổi, nhưng sau đó đã trở lại Công Giáo và trở thành nữ tu dòng ”Nữ tử Thánh Tâm Đức Mẹ Maria” năm 1957 trong khi học chuyên môn về y khoa ở thành phố Bonn. 3 năm sau, 1960, Nữ tu Ruth Pfau được Bề trên gửi đi hoạt động tại Ấn độ, nhưng không xin được thị thực nhập cảnh, nên chị sang Pakistan và hoạt động như bác sĩ chuyên về bệnh cùi tại những khu phố tồi tàn ở thành phố Karachi bên Pakistan.

Năm 1963, chị thành lập nhà thương Marie Adelaide chuyên săn sóc các bệnh nhân cùi và đào tạo các nhân viên y tế săn sóc chữa trị những người bị bệnh này. Tổ chức của chị hiện có khoảng 600 cộng tác viên.

Năm 1980 Chị Ruth Pfau sang Afganistan và trong vòng 10 năm tại đây, chị góp phần thành lập một hệ thống y tế. Tổ chức của chị là một trong vài cơ quan tiếp tục được ở lại Afganistan trong thời kỳ Liên Xô chiếm đóng nước này cũng như thời kỳ Taleban.

Năm 65 tuổi, chị Pfau từ bỏ việc điều khiển các công trình bác ái và y tế để trở về nhà dòng. Nhưng sau đó 2 năm, theo lời xin của người kế nghiệp chị là Mervyn Lobo, chị trở lại Pakistan, sống trong căn hộ nhỏ bé ở nhà thương Karachi và tiếp tục săn sóc các bệnh nhân. Tháng 6 năm nay, khi đã 87 tuổi, chị Ruth Pfau đã khấn trọn đời.

Nhiều chính phủ và các tổ chức quốc tế đã tặng huân chương cho nữ tu, trong đó có chính phủ Đức và Pakistan. Chị được cấp quốc tịch Pakistan năm 1988. Chị Pfau được coi là ”Mẹ Têrêsa của Pakistan”.

Hội Marie Adelaide của bác sĩ Ruth Pfau đã săn sóc hơn 50 ngàn bệnh nhân cùi tại 157 trung tâm trên toàn nước Pakistan. Tại các trung tâm đó mỗi năm cũng có 12 ngàn bệnh nhân lao phổi được chữa trị và 7 ngàn bệnh nhân được mổ cườm mắt.

Lễ an táng nữ tu Ruth Pfau sẽ được cử hành tại Nhà thờ chính tòa thánh Patrick ở Karachi vào thứ bẩy 19-8 tới đây.

Thủ tướng Shahid Abbasi thông báo chính phủ Pakistan sẽ cử hành lễ quốc táng cho nữ tu Pfau vì “sự phục vụ quên mình và khôn sánh” dành cho Pakistan.

Đức Cha Joseph Coutts, TGM Karachi, Chủ tịch HĐGM Pakistan, nói với hãng tin Công Giáo Hoa kỳ hôm 11-8-2017 rằng: ”Nữ tu Ruth là gương mẫu về sự tận tụy trọn vẹn. Chỉ đã gợi hứng và động viên mọi lãnh vực xã hội tham gia cuộc chiến chống bệnh phong cùi, không phân biệt tín ngưỡng hoặc chủng tộc. Chúng tôi vui mừng vì chính phủ quyết định cử hành lễ quốc táng cho chị” (KNA 10-8, CNS 11-8-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Một Kitô hữu Pakistan bị án tù chung thân vì bị vu cáo báng bổ Hồi giáo

Một Kitô hữu Pakistan bị án tù chung thân vì bị vu cáo báng bổ Hồi giáo

Lahore – Zafar Bhatti, một Kitô hữu, đã bị vu cáo xúc phạm Hồi giáo vào năm 2012, đã bị tòa án Rawalpindi kết án tù chung thân hôm 03/05.

Bhatti bị kết án đã gửi các tin nhắn bằng điện thoại di động, có nội dung xúc phạm đến Hồi giáo. Anh đã phủ nhận các lời cáo buộc và giải thích với quan tòa rằng số điện thoại đó không phải do anh đứng tên.

Năm 2012, Bhatti bị bắt và bị giam ở nhà tù Rawalpindi. Vì những đe dọa nguy hiểm cho mạng sống của Bhatti nên phiên tòa được xử tại nhà tù. Buổi xét xử cuối cùng diễn ra hôm 24/04 và ngày 03/05 vừa qua, quan tòa đã kết án anh bị tù chung thân.

Theo các luật sư Kitô giáo, các tòa án Pakistan thường kết án tử những người bị tố cáo vi phạm luật 295 c (một trong những điều tạo nên cái gọi là Luật phạm thượng), nhưng vì họ không có chứng cứ phạm tội rõ ràng của Bhatti nên anh chỉ bị xử tù chung thân. Các luật sư bào chữa cho Bhatti cũng bị đe dọa, do đó buổi hầu tòa đã được chuyển đến Lahore, cũng là nơi gia đình của Bhatti đang sinh sống. Theo các luật sư, Bhatti lẽ ra phải được trắng án vì thiếu bằng chứng, nhưng anh bị xử chung thân do áp lực của các tín đồ Hồi giáo.

Luật chống phạm thượng ở Pakistan tiếp tục được dùng như công cụ để trả thù những đối thủ.

Mới đây, Quốc hội Pakistan đã phê chuẩn một giải pháp yêu cầu những chuẩn mực để ngăn chặn các lam dụng và đưa ra một số điều luật hướng dẫn. Tuy nhiên các yêu cầu đó đã gặp phải sự chống đối mạnh mẽ bởi các phong trào và các đảng phái Hồi giáo. (Agenzia Fides 5/5/2017)

Hồng Thủy

Asia Bibi xin Đức Giáo hoàng cầu nguyện cho cô

Asia Bibi xin Đức Giáo hoàng cầu nguyện cho cô

Asia Bibi là một Kitô hữu người Pakistan. Cách đây 8 năm, cô đã bị kết án tử hình và ở tù vì bị vu cáo nói phạm thượng đến tiên tri Mohamed của người Hồi giáo. Phục sinh năm nay, Asia cũng mừng lễ tại nhà tù Multan.Hôm thứ 5 tuần trước, Asia đã mừng lễ Phục sinh cùng với Ashiq – chồng cô và ông Joseph Nadeem – luật sư của gia đình, với bữa cơm tối thanh đạm, trao đổi lời chúc mừng và Asia đã viết lời cầu nguyện trên một mảnh giấy nhỏ.

Asia khấn cầu sự phục sinh và xin Chúa Cha dẹp bỏ những chướng ngại, xoa dịu muôn vàn đau khổ. Giống như vào dịp Giáng sinh, Asia cầu nguyện cho các kẻ thù và tha thứ cho những người mang lại điều không may cho cô. Cuối cùng Asia xin Đức Giáo hoàng đừng quên cầu nguyện cho cô.

Paul Bhatti, cựu thủ tướng liên bang của Pakistan về Hòa hợp Quốc gia và là anh của Shahbaz Bhatti, một thừa tác viên Công giáo, bị một người Hồi giáo cực đoan giết năm 2011 chia sẻ: “Đức Giáo hoàng luôn làm điều này, không chỉ cho Asia Bibi nhưng cho tất cả Kitô hữu, cho cả tín hữu Hồi giáo, những người là nạn nhân của bất công. Bởi vì Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhiều lần nói rằng đức tin của chúng ta tôn vinh phẩm giá của con người. Khi một người đau khổ, chúng ta không xét xem người đó là Kitô hữu hay Hồi giáo; điều chúng ta quan tâm là công bình hay bất công đối với người đó và sự tự do của họ. Vì điều này, tôi tin là Vatican và Đức Thánh Cha đã làm điều có thể: luôn cởi mở đối thoại, đã khuyến khích và ủng hộ cả chúng tôi, trong mọi ý nghĩa; và Đức Giáo hoàng đặc biệt nâng đỡ các Kitô hữu bị vách hại vì đức tin.”

Asia Bibi đã bị giam tù hơn 2860 ngày và có những ngày bị biệt giam, trong khi chờ đợi phán quyết cuối cùng của tòa án tối cao Pakistan trong khi nguồn tài chính trợ giúp cho trường hợp của cô đang cạn dần.

Trong khi đó tại Pakistan, các cuộc xử tử phi pháp do bị cáo buộc phạm thượng gia tăng: 66 vụ trong 27 năm. Vụ cuối cùng xảy ra tại trường đại học Mardan những ngày vừa qua, Mashal Khan, một sinh viên Hồi giáo khoa báo chí đã bị các bạn tra tấn và bắn chết vì bị cáo buộc đã xúc phạm đến Mohamed.

Bhatti cho biết tại Pakistan vẫn tồn tại lối suy nghĩ cực đoan, đóng kín và vi phạm nhân quyền. Sự cấm cách trên các phương tiện truyền thông, trên Youtube, internet, không gì khác hơn là một cách thức làm cho Pakistan thụt lùi, hàng nhiều năm…

Bhatti cũng gửi lời chúc mừng đến Asia Bibi và tất cả những ai đang bị bách hại bởi cùng tình cảnh. Ông cũng bày tỏ là niềm tin Công giáo, Kitô giáo kiến tạo chúng ta nên một, dù chúng ta ở Pakistan hay Phi châu hay nơi nào khác… (RV 17/04/2017)

Hồng Thủy 

Một Linh mục Đaminh người Pakistan được trao “Giải thưởng Hòa hợp tôn giáo”

Một Linh mục Đaminh người Pakistan được trao “Giải thưởng Hòa hợp tôn giáo”

Lahore – Phân bộ châu Âu của tổ chức quốc tế “United Religions Initiative” đã trao giải "Premio per Armonia Interreligiosa" năm 2017 cho cha James Channan, một Linh mục dòng Đaminh và Abdul Khabir Azad, một đại Imam ở Lahore.

Đây là giải thưởng cho việc họ đã xây dựng sự hòa hợp tôn giáo trong các công việc hàng ngày, một hoạt động đáng là gương mẫu cho toàn lục địa châu Phi.

Cha James nói với hãnh tin Fides: “Đây là sự nhìn nhận hoạt động cổ võ đối thoại liên tôn ở Pakistan và trên toàn thế giới, và vổ võ một nền văn hóa hòa bình, công bằng, hòa giải và đối thoại. Sự nhìn nhận này sẽ nuôi dưỡng lòng can đảm và các hoạt động thường ngày để phá bỏ bức tường thù ghét giữa Kitô hữu và Hồi giáo và xây dựng các cây cầu tin tưởng và tôn trọng.”

Cha James là giám đốc trung tâm hòa bình ở Lahore và điều phối viên khu vực Đông Á của tổ chức “United Religions Initiative”, đã cùng làm việc chung với Imam Abdul Khabir Azad từ hơn 20 năm nay. Cả hai người đã thăm nhiều quốc gia trên thế giới để cổ võ đối thoại Hồi giáo và Kitô giáo.

Cha James cám ơn Chúa về ơn gọi Linh mục và tu sĩ Đaminh của mình, nhờ đó cha có cơ hội hoạt động cho sứ vụ quan trọng này ở Pakistan và trên thế giới. Cha cũng cám ơn dòng Đaminh đã trợ giúp cha trên mỗi bước đường của sứ vụ.

Trong tình cảnh hiện tại của Pakistan bị ảnh hưởng bởi khủng bố, cha James khẳng định sự dấn thân để cùng với những người thiện chí, cổ võ hòa bình, công bằng, hòa hợp để làm cho Pakistan trở thành một đất nước tốt hơn, nơi các công dân của mọi tông íao có thể sống hòa bình và an bình. (Agenzia Fides 17/3/2017)

Hồng Thủy

 

Đức Thánh Cha lên án vụ khủng bố tại nhà thương ở Pakistan

Đức Thánh Cha lên án vụ khủng bố tại nhà thương ở Pakistan

Đức Thánh Cha lên án vụ khủng bố tại nhà thương ở Pakistan

LAHORE. ĐTC mạnh mẽ lên án vụ khủng bố tự sát dã man tại nhà thương Quetta làm cho ít nhất 70 người chết và hơn 120 người bị thương.

Hôm 8-8-2016, vụ khủng bố tự sát xảy ra tại cổng vào khu cấp cứu của nhà thương khi thi hài ông Bilal Anwar Kasi, Chủ tịch luật sư đoàn tỉnh Balochistan được đưa tới đây sau khi ông bị 2 người lạ mặt võ trang bắn trên đường tới tòa án. Trong số các nạn nhân vụ khủng bố có nhiều luật gia và ký giả.

Trong sứ điệp công bố hôm 9-8-2016, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cho biết ĐTC rất đau buồn khi hay tin bao nhiêu người bị thiệt mạng sau vụ tấn công tại một nhà thương ở Quetta. Ngài chân thành gửi lời chia buồn với thân nhân những người quá cố, với chính quyền và toàn thể quốc gia, đồng thời ngài cầu nguyện cho nhiều bị thương nạn nhân của hành vi bạo lực vô nghĩa và tàn ác này. ĐTC cầu xin Chúa ban ơn an ủi và can đảm cho những người đang khóc thương và những người bị tổn thương vì thảm trạng này”.

Mặt khác Giáo Hội Công Giáo tại Pakistan lên án vụ khủng bố đẫm máu này. Ủy ban Công lý và hòa bình thuộc HĐGM Pakistan ra thông cáo nói rằng: ”Giết người vô tội là một hành vi vô nhân đạo và hoàn toàn không thể chấp nhận được.. Ủy ban và Giáo Hội Công Giáo cương quyết đứng cạnh nhân dân tỉnh Balochistan trong giờ này, đồng thời kêu gọi chính phủ đưa những kẻ phạm tội ác đáng kinh tởm này ra trước công lý”.

Thông cáo trên đây mang chữ ký của Đức Cha Joseph Arshad, GM giáo phận Faisalabad, Chủ tịch Ủy ban Công lý và hòa bình Pakistan. Ủy ban hiệp ý cầu nguyẠen cho hòa bình và chia buồn với các gia đình nạn nhân.

Tỉnh Balochistan đã phải chịu hơn 1,400 hành vi bạo lực và giết người trong hơn 15 năm qua, và kêu gọi chính quyền cải tiến các biện pháp an ninh.

Trong khi thủ tướng Nawaz Sharif bày tỏ đau buồn và lo âu về vụ khủng bố này, các luật sư và ký giả đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối tại nhiều thành phố ở Pakistan. (CNS 8, SD 9-8-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

Các thiếu nữ Ki-tô tiếp tục bị bắt cóc và kết hôn với người Hồi

Các thiếu nữ Ki-tô tiếp tục bị bắt cóc và kết hôn với người Hồi

pakistani-christians-protesting

Kasur – Tình trạng bắt cóc các thiếu nữ Ki-tô giáo, cưỡng bách cải sang đạo Hồi và buộc kết hôn với người Hồi giáo tiếp tục xảy ra tại Kasur, Pakistan.

Ông Sarwar Masih đã cầu cứu luật sư Sardar Mushtaq Gill, người đứng đầu tổ chức phi chính phủ “Lead” – Hiệp hội Tin Lành Phát triển Luật pháp – một tổ chức giúp đỡ các Ki-tô hữu, nạn nhân của các hình thức lạm dụng, giúp con gái ông là Laveeza Bibi.

Laveeza Bibi, 23 tuổi, bị hai người Hồi giáo bắt cóc tại nhà của cha mẹ mình ở vùng Kasur, Punjab vào ngày 14/4 vừa qua. Hai kẻ bắt cóc có trang bị súng, đe dọa cha mẹ cô gái và mang cô đi. Một trong hai người bắt cóc là Muhammad Talib đã cưỡng bức cô phải kết hôn với hắn.

Sau khi sự việc xảy ra, ông Masih ngay lập tức đến đồn cảnh sát địa phương, nhưng cảnh sát tỏ ra lưỡng lự ghi nhận đây là một khiếu nại chính thức. Chỉ sau khi phỏng vấn thêm hai nhân chứng, cảnh sát mới có lệnh triệu tập Talib.

Luật sư Gill cho hãng tin Fides biết, chỉ trong tháng 4 này, riêng vùng Kasur đã có 5 thiếu nữ bị bắt cóc, bị cải sang đạo Hồi và bị bắt buộc kết hôn với các kẻ bắt cóc hành hạ mình. Những cô gái bị từ chối hoàn toàn sự bảo vệ của luật pháp về quyền cá nhân”.

Hiện tượng này tiếp diễn ở một mức độ không thể chấp nhận được với khoảng 1000 trường hợp được ghi nhận hàng năm và rất nhiều trường hợp không được ghi nhận.  Tổ chức phi chính phủ “Lead” – Hiệp hội Tin Lành Phát triển Luật pháp – sẽ tiếp tục hành động và gây ý thức về sự phân biệt đối xử và bạo lực xảy ra ở Pakistan, đặc biệt là đối với các phụ nữ của các tôn giáo thiểu số Ki-tô và Ấn giáo, những người dễ bị tổn thương và không tự vệ, đối tượng của bạo lực thường không  bị trừng phạt. (Agenzia Fides 25/4/2016)

Hồng Thủy OP

Đức Thánh Cha lên án vụ khủng bố tại Lahore, Pakistan

Đức Thánh Cha lên án vụ khủng bố tại Lahore, Pakistan

Đức Thánh Cha lên án vụ khủng bố tại Lahore

VATICAN. Trưa thứ hai, 28-3-2016, ĐTC đã chủ sự kinh Lạy Nữ Vương thiên đàng với hàng ngàn tín hữu tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Ngài tái lên án vụ khủng bố tại Pakistan.

Thứ hai sau phục sinh là ngày lễ nghỉ tại Italia. Trong bài huấn dụ ngắn, ĐTC mời gọi các tín hữu tái xác tín và tín thác nơi sự sống lại của Chúa Kitô, niềm hy vọng của chúng ta. Ngài nói:

”Hôm nay, chúng ta dừng lại trước ngôi mộ trống của Chúa Giêsu và trong niềm kinh ngạc và biết ơn, chúng ta suy niệm mầu nhiệm cao cả Chúa sống lại. Sự sống đã chiến thắng sự chết. Lòng thương xót và tình thương đã chiến thắng tội lỗi! Cần có niềm tin và hy vọng để cởi mở đối với chân trời mới mẻ và tuyệt vời này. Chúng ta hãy để cho mình được cảm xúc tràn ngập, cảm xúc được biểu lộ qua bài ca tiếp liên trong lễ phục sinh: ”Đúng vậy, chúng tôi chắc chắn Chúa Kitô đã sống lại thực”.

ĐTC nhận xét rằng chân lý này đã ghi đậm một cách không thể xóa nhòa đời sống của các Tông Đồ: sau khi Chúa sống lại, các vị tái cảm thấy cần phải theo Thầy, và sau khi lãnh nhận Thánh Linh, các vị ra đi không chút sợ hãi, loan báo cho mọi người những gì các vị đã thấy tận mắt và đích thân cảm nghiệm”.

ĐTC nói thêm rằng: ”Trong Năm Thánh này, chúng ta được kêu gọi tái khám phá và đón nhận nồng nhiệt lời loan báo đầy an vui về sự phục sinh: ”Chúa Kitô, niềm hy vọng của tôi, đã sống lại!”. Nếu Chúa Kitô đã sống lại, chúng ta có thể nhìn với đôi mắt và tâm hồn mới mẻ mỗi biến cố trong đời sống chúng ta, kể cả những biến cố tiêu cực. Những lúc tăm tối, thất vọng và tội lỗi có thể biến đổi và loan báo một con đường mới. Khi chúng ta đã động chạm đến tận cùng sự lầm than và yếu đuối của chúng ta, Chúa Kitô phục sinh mang lại cho chúng ta sức mạnh để trỗi dậy. Nếu chúng ta tín thác nơi Chúa, thì ơn thánh của Ngài cứu vớt chúng ta!

Lên án vụ khủng bố

Sau khi đọc kinh và ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC nhắc đến vụ khủng bố xảy ra tại công viên giải trí Gulshan-e-Iqbal ở thành phố Lahore, thủ phủ bang Punjab, Pakistan, do nhóm Jamatul Ahrar nguyên là đồng minh với nhóm Taleban: khoảng 7 giờ tối chúa nhật phục sinh 27-3 vừa qua: tên khủng bố tự sát đã cho nổ tung bom mang quanh mình, làm cho ít nhất 72 người chết và 340 người bị thương, đa số là tín hữu Kitô. Trong số những người thiệt mạng có 30 trẻ em theo tin tức sơ khởi. Chính quyền bang Punjab đã bắt giữ 50 người có liên hệ tới vụ khủng bố này.

ĐTC nói: ”Hôm qua, tại miền trung Pakistan, Lễ Phục Sinh đã bị đẫm máu vì một vụ khủng bố kinh tởm, sát hại bao nhiêu người vô tội, trong đó phần lớn là các gia đình thuộc cộng đoàn Kitô thiểu số, nhất là các phụ nữ và trẻ em, họ họp nhau tại một công viên để mừng lễ phục sinh. Tôi muốn bày tỏ sự gần gũi với những ngừơi bị thương tổn vì tội ác hèn nhát và điên rồ này, và tôi mời gọi cầu nguyện cho đông đảo các nạn nhân và những người thân yêu của họ. Tôi kêu gọi chính quyền dân sự và mọi thành phần xã hội ở Pakistan, hãy thi hành mọi nỗ lực để trả lại an ninh và sự thanh thản cho dân chúng, và đặc biệt là cho các nhóm tôn giáo thiểu số, dễ bị tổn thương nhất. Một lần nữa tôi lập lại rằng bạo lực và oán ghét sát nhân chỉ dẫn đến đau khổ và tàn phá; sự tôn trọng và tình huynh đệ là con đường duy nhất dẫn đến hòa bình. Ước gì Lễ Chúa Sống lại khơi dậy nơi chúng ta, một cách mạnh mẽ hơn nữa, lời khẩn nguyện dâng lên Thiên Chúa để chặn đứng những bàn tay của các kẻ bạo lực, đang gieo rắc kinh hoàng và chết chóc, và ước gì trên thế giới, tình thương, công lý và hòa giải được hiển trị”.

Cha Lombardi

Trước đó, tối chúa nhật phục sinh 27-3-2016, sau vụ khủng bố, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, đã ra thông cáo nói rằng:

”Vụ tàn sát kinh khủng hàng chục người vô tội ở công viên tại thành Lahore tạo nên một bóng đen buồn thảm và lo âu trên ngày lễ Phục Sinh. Một lần nữa oán ghét sát nhân lại làm thương tổn một cách hèn nhát cho những người vô phương thế tự vệ nhất. ĐTC đã được thông báo về vụ này. Cùng với ngài, chúng ta cầu nguyện cho các nạn nhân, gần gũi những người bị thương và các gia đình bị thương tổn, với nỗi đau khổ vô biên của họ, với các thành phần của các tín hữu Kitô thiểu số, một lần nữa lại là nạn nhân của bạo lực cuồng tín, và với toàn dân Pakistan bị tổn thương. Như ĐTC đã khẳng định sáng chúa nhật phục sinh hôm nay, mặc dù những biểu hiện đáng kinh tởm của oán ghét, Chúa chịu đóng đanh vì chúng ta và đã phục sinh tiếp tục ban cho chúng ta ơn can đảm và hy vọng cần thiết để xây dựng những con đường cảm thông, liên đới với những người đau khổ, đối thoại và công lý, hòa giải và an bình”. (SD 28-3-2016)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Phanxicô chính thức nhận lời mời thăm Pakistan

Đức Phanxicô chính thức nhận lời mời thăm Pakistan

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp các quan chức cấp cao Pakistan tại thành phố Vatican hôm 2 tháng Ba

Đức Giáo hoàng Phanxicô vừa nhận lời mời thăm Pakistan vào cuối năm nay của Thủ tướng Nawaz Sharif, theo tin chính thức cho biết.

Bộ trưởng Liên bang về Cảng và Hàng hải nghị sĩ Kamran Michael, một người Công giáo, và Bộ trưởng Liên bang Tôn giáo Sardar Muhammad Yousaf viếng thăm Đức Giáo hoàng Phanxicô tại thành phố Vatican hôm 2 tháng Ba, thông tấn xã AP của Pakistan (APP) đưa tin.

Đức Phanxicô còn tổ chức một buổi cầu nguyện đặc biệt cho các nạn nhân bị khủng bố và gia đình họ tại cuộc gặp gỡ, theo APP.

Đức cha Rufin Anthony của giáo phận Islamabad-Rawalpindi cho biết khả năng Đức Phanxicô đến thăm Pakistan là tin rất tốt lành.

“Cộng đồng Kitô hữu thiểu số này sẽ được khích lệ cách rõ ràng – ngài nói với phóng viên – Tuy nhiên, an ninh cho Đức Thánh cha sẽ là trách nhiệm của chính phủ”.

Cha Saleh Diego, giám đốc Ủy ban Quốc gia về Công lý và Hòa bình của các giám mục ở tổng giáo phận Karachi, sung sướng trước viễn cảnh cuộc viếng thăm của giáo hoàng.

“Đây là hoàn toàn bất ngờ. Niềm vui của chúng tôi chưa bao giờ dâng cao như thế từ khi nghe biết tin này” – cha Diego nói.

“Đức Thánh cha có thể kết hợp chuyến thăm này với chuyến đi tới Ấn Độ dự tính vào năm 2017. Tuy nhiên đây là một rủi ro lớn cho chính phủ khi mọi thứ rất khác với hồi Đức Gioan Phaolô II tới thăm Karachi năm 1981” ngài nói.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cử hành Thánh lễ tại Sân vận động Quốc gia ở Karachi trong chặng dừng chân kéo dài ba giờ đồng hồ. Ngài là vị giáo hoàng duy nhất tới thăm Pakistan. Một quả bom nhỏ đã phát nổ bên ngoài sân vận động vài phút trước khi ngài đến.

Cha Diego cho biết từ đó đến nay quan ngại về an ninh ở quốc gia Nam Á này là kinh khủng với hàng ngàn người bị giết bởi các cuộc tấn công khủng bố.

“Phe Taliban vẫn còn nhắm đến các hội sở và lòng thù ghét vẫn nhan nhản trong xã hội” ngài nói.

Cha Morris Jalal, sáng lập viên và giám đốc Truyền hình Công giáo ở Lahore, cho biết việc Đức Giáo hoàng nhận lời mời của thủ tướng là một cử chỉ ngoại giao mà thôi.

“Chúng ta vẫn chưa biết được chắc chắn là ngài sẽ thăm Pakistan vào lúc nào và nơi nào – cha Jalal nói – Một sự kiện lớn quan trọng như vậy sẽ đòi hỏi có các cuộc họp nghiêm túc với các giám mục và đánh giá tình hình đầy đủ từ dân chúng”.

UCANEWS-VN

NẠN CƯỚP ĐẤT CỦA KITÔ HỮU VÀ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO BÊN PAKISTAN

NẠN CƯỚP ĐẤT CỦA KITÔ HỮU VÀ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO BÊN PAKISTAN

KASUR: Trong những ngày vừa qua luật sư công giáo Sardar Mushtaq Gill đã mạnh mẽ tố cáo nạn cướp đất đai của Kitô hữu và của Giáo Hội công giáo tại Pakistan.

Là người chuyên tranh đấu cho nhân quyền, luật sư cho biết hiện tượng này do các đại điền chủ và người quyền thế hồi chủ mưu, bằng cách lạm dụng quyền bính của họ để ăn cướp đất đai, nhà cửa và ruộng vườn của các gia đình kitô và của Giáo Hội một cách có hệ thống. Hiện tượng ăn cướp này nấp sau bình phong che đậy của các vụ đặt điều vu khống kitô hữu nói phạm thượng, khiến kitô hữu sợ hãi bỏ trốn hay bị loại trừ. Điển hình như trường hợp của một người thợ kitô vùng Pattoki phải bỏ nhà đi làm tại một lò gạch xa. Một người hồi đã chiếm nhà ông. Khi biết tin chiếm nhà bất hợp pháp gia đình này đã về đòi lại, nhưng bị đe dọa và đánh đập. Hiện nay họ được Giáo Hội Anh giáo Pakistan che chở và giúp đưa nội vụ ra tòa. Luật sư Gill cũng cho biết có nhiều ruộng đất thuộc các gia đình kitô tại Punjab cũng đã bị cướp đoạt như thế với sự đồng lõa của cánh sát địa phương. Các đại điền chủ và người quyền thế hồi công khai vi phạm các quyền của các nhóm thiểu số, ức hiếp các gia đình kitô yếu thế, vì họ không bị luật pháp trừng phạt. Nhưng chính vì vậy ông cương quyết bênh vực quyền của các Kitô hữu và đưa các vụ này ra trưóc công lý (FIDES 16-12-2014).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Vũ khí nguyên tử, bệnh ghẻ ngứa khó chữa

Vũ khí nguyên tử, bệnh ghẻ ngứa khó chữa

Cách đây 69 năm, ngày mùng 6 tháng 8 năm 1945 chính quyền Hoa Kỳ đã ra lệnh ném trái bom nguyên tử đầu tiên trên thành phố Hiroshima. Và ngày mùng 9 tháng 8 quả bom nguyên tử thứ hai rơi trên thành phố Nagasaki. Hai trái bom nguyên tử đầu tiên ấy đã khiến cho 400.000 người chết ngay lập tức, hàng trăm ngàn người khác chết vì bị nhiễm phóng xạ và bị bệnh ung thư trong các tháng năm sau đó, kéo dài cho tới ngày nay. Hai thành phố lớn của Nhật Bản bị tàn phá bình địa.

Thế là kỷ nguyên vũ khí hạt nhân bắt đầu, khiến cho các cường quốc bị cuốn hút vào vòng xoáy thi đua nhau chế tạo và tàng trữ vũ khí nguyên tử như Hoa Kỳ, Liên Xô, Anh, Pháp và Trung Quốc, tức 5 nước thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Ngoài ra còn có bốn nước khác không gia nhập Thỏa Hiệp cấm vũ khí hạt nhân làn tràn là Ấn Độ, Pakistan. Bắc Hàn và Israel. Cảnh thi đua vũ trang đã kéo dài từ 70 năm qua và vẫn còn tiếp tục, khi mạnh khi yếu. Không ai biết được mỗi cường quốc có bao nhiệu bom, hỏa tiễn và đầu đạn nguyên tử, vì đây là bí mật quốc phòng.

Tuy nhiện, theo các phân tích và ước đoán của các chuyên viên nguyên tử, dựa trên các lời tuyên bố và các thông tin rỏ rỉ ra ngoài người ta được biết vào năm 1949 Liên xô có 8.500 đầu đạn nguyên tử; Hoa Kỳ có 7.700 vào năm 1945; Anh quốc có 225 vào năm 1952; Pháp có khoảng 300 vào năm 1960; Trung Quốc có 240 vào năm 1964. Trong khi Ấn Độ có từ 80-100 đầu đạn hạt nhân trong năm 1974. Pakistan có từ 90-110 văo năm 1998; Bắc Hàn khoảng 10 trong năm 2006. Israel có khoảng 80 và đã không thực hiện cuộc thử nghiệm chính thức nào như các nước khác.

Các cuộc thương thuyết nhằm giải trừ vũ khí hạt nhân đã khiến cho số 65.000 đầu đạn nguyên tử hoạt động giảm xuống còn 17.300 trong năm 2012, trong đó có 4.300 vũ khí ”hoạt động”, số còn lại là vũ khí ”dự trữ”. Nhưng thật khó mà xác định sự khác biệt giữa vũ khí hoạt động và vũ khí dự trữ. Vì số đầu đạn nguyên tử dự trữ đó có thể được khởi động trong vòng vài ngày hay vài tuần. Trong suốt thời gian chiến tranh lạnh giữa khai khối Minh Ước Bắc Đại Tây Dương hay NATO và khối Varsava tức Liên Xô và các nước Đông Âu, đã có hàng ngàn hỏa tiễn có đầu đạn hạt nhân được Liên Xô đặt bên Ucraina hướng về mọi thủ đô và thành phố lớn của các nước Tây Âu. Sau khi chế độ cộng sản Liên Xô sụp đổ, Ucraina đã trả các vũ khí này lại cho Nga.

Dầu sao đi nữa nguy cơ của một cuộc chiến nguyên tử vẫn luôn đe dọa nhân loại. Xem ra tình hình cũng không tiến triển nhiều lắm, mặc dù trong các thập niên qua Tòa Thánh, các Hội Đồng Giám Mục và nhiều tổ chức kitô trên toàn thế giới đã không ngừng yêu cầu các cường quốc nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân, đặc biệt là trong các lễ nghi tưởng niệm các nạn nhân của bom nguyên tử vào đầu tháng 8 hằng năm.

Điển hình như thông cáo của tổ chức Pax Christi Hòa Bình Chúa Kitô Bỉ phổ biến ngày mùng 6-8-2014 tại Bruxelles, nhân tưởng niệm biến cố bom nguyên tử nổ tại Hiroshima ngày mùng 6 tháng 8 năm 1945. Qua đó tổ chức Pax Christi kêu gọi bài trừ vũ khí hạt nhân và khẳng định rằng ”việc sử dụng và sở hữu vũ khí nguyên tử là vô luân và không thể biện minh được.” Tổ chức Hòa Bình Chúa Kitô kêu gọi ”các giới chức chính trị, ngoại giao và thành viên các xã hội dân sự hoạt động làm sao để mọi quốc gia tôn trọng thỏa hiệp không để vũ khí nguyên tử lan tràn, và dấn thân giải trừ vũ khí hạt nhân. Thông cáo viết: ”Các vũ khí hóa học và sinh học đã bị lên án và bài trừ. Cả các vũ khí nguyên tử cũng phải được loại bỏ như vậy. Chúng tôi kêu gọi tạo dựng một thế giới không có tai nạn nguyên tử, không phải do sợ hãi, mặc dù các hậu qủa kinh khủng của của các vũ khí này, nhưng dựa trên niềm hy vọng được linh hoạt bởi sự thật ghi sâu trong trái tim con người: đó là chúng ta tất cả là một gia đình nhân loai duy nhất, một dân tộc được mời gọi là một cộng đoàn. Đồng ý với các giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô tổ chức Hòa Bình Chúa Kitô minh nhiên rằng ”việc giải trừ vũ khí nguyên tử là bước đầu tiên để loại trừ các chướng ngại ngăn cản nhân loại tiến tới công bằng và tình liên đới toàn cầu.

Tổ chức Hòa Bình Chúa Kitô cũng tố cáo vài cường quốc tiếp tục duy trì và liên tục canh tân kho vũ khí hạt nhân của mình, theo đuổi một đường lối chính trị lỗi thời, khiến cho tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân bị trì trệ, và không có đủ can đảm thực thi Thỏa hiệp không để cho vũ khí hạt nhân lan tràn.

Thật ra, cám dỗ chế tạo, thử nghiệm và sử dụng vũ khí hạt nhân giống như bệnh ghẻ ngứa khó chữa, càng gãi càng thích cho tới khi bật máu mới thôi. Nhưng với ”bệnh ghẻ nguyên tử”, khi hàng ngàn vũ khí nguyên tử nổ trên thế giới này, thì nhân loại cũng sẽ không kịp có giờ để mà ”thưởng thức cái khoái tàn hại của chúng”.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

Hãy cầu nguyện cho ơn gọi và giúp các chủ chăn thành mục tử nhân lành

Hãy cầu nguyện cho ơn gọi và giúp các chủ chăn thành mục tử nhân lành

Anh chị em hãy cầu nguyện cho ơn gọi linh mục, cho tất cả các chủ chăn và giúp các vị trở thành mục tử nhân lành biết trao ban sữa ơn thánh, giáo lý và sự hướng dẫn cho anh chị em.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 11-5-2014.

Hôm qua là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành cũng là Ngày quốc tế cầu nguyện cho ơn gọi. Mở đầu bài huấn du ngài nói: Anh chi em thân mến, trong Chúa Nhật thứ IV mùa phục sinh thánh Gioan giới thiệu với chúng ta hình ảnh của Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành. Khi chiêm ngưỡng trang này của Phúc Âm, chúng ta có thể hiểu kiểu tương quan mà Chúa Giêsu có đối với các môn đệ Người: một tương quan dựa trên lòng hiền dịu, tình yêu thương, hiểu biết nhau và dựa trên lời hứa của một ơn không thể đo lường được: lời hứa ban cuộc sống dồi dào. Chúa Giêsu nói: ”Ta đến để chúng có sự sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Tương quan đó là mô thức của các liên hệ giữa các kitô hữu và liên hệ giữa con người với nhau.

Ngày nay cũng như vào thời của Chúa Giêsu, có nhiều người tự đề nghị mình là chủ chăn của cuộc sống chúng ta, nhưng chỉ có Chúa Phục Sinh là Mục Tử đích thật duy nhất, là Đấng ban cho chúng ta sự sống tràn đầy. Tôi mời gọi tất cả mọi người tin tưởng nơi Chúa là Đấng hướng dẫn chúng ta. Người không chỉ hướng dẫn mà còn đồng hành và tiến bước với chúng ta nữa. Chúng ta hãy lắng nghe Lời Người với tâm trí rộng mở, để dưỡng nuôi đức tin của chúng ta, để soi sáng lương tâm chúng ta và đi theo các giáo huấn của Tin Mừng. Rồi Đức Thánh Cha xin tín hữu cầu nguyện cho hàng giáo sĩ như sau:

Trong ngày Chúa Nhật này chúng ta hãy cầu nguyện cho các Chủ Chăn, cho tất cả các Giám Mục, gồm cả Giám Mục Roma nữa, và cho tất cả các linh mục. Cho tất cả. Cách đặc biệt chúng ta hãy cầu nguyện cho các tân linh mục của giáo phận Roma, mà tôi vừa mới truyền chức cho trong Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Xin gửi một lời chào tới 13 linh mục. Xin Chúa giúp chúng ta luôn trung thành với Thầy Giêsu và là những người hướng đạo khôn ngoan, được soi sáng của dân Chúa được ủy thác cho chúng ta. Tôi cũng xin anh chị em giúp chúng tôi trở thành các mục tử tốt. Có một lần tôi đã đọc được một điều rất hay đẹp cho biết dân Chúa trợ giúp các Giám Mục và các Linh Mục thành các chủ chăn tốt như thế nào. Đó là bút tích của thánh Cesario thành Arles, một trong các Giáo Phụ thuộc các thế kỷ đầu của Giáo Hội. Thánh nhân giải thích dân Chúa phải giúp chủ chăn như thế nào và đưa ra thí dụ này: ”Khi con bê đói, thì nó sà vào vú mẹ nó để bú. Nhưng con bò cái xem ra không cho con bú ngay, mà giữ sữa lại cho chính mình. Vậy con bê làm sao? Nó cứ dí mõm vào vú mẹ nó để nún sữa. Đây là hình ảnh thật đẹp! Thánh nhân nói: Anh chị em cũng phải làm như vậy với các chủ chăn, luôn luôn gõ vào cửa của các ngài, gõ vào con tim của các ngài, để các ngài cho anh chị em sữa giáo lý, sữa ơn thánh và sữa của sự hướng dẫn”. Tôi xin anh chị em hãy quấy rầy các chủ chăn, quầy rầy tất cả chúng tôi là các chủ chăn, để chúng tôi có thể cho anh chị em sữa của ơn thánh, của giáo lý và sự hướng dẫn. Hãy quấy rầy! Hãy nhớ tới hình ảnh đẹp này của con bê con quấy rầy mẹ nó thế nào để mẹ nó cho nó bú sữa.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Noi gương Chúa Giêsu mỗi chủ chăn ”đôi khi đi trước để chỉ đường và nâng đỡ niềm hy vọng của dân chúng – đôi lần mục tử phải đi trước – những lần khác phải ở giữa tất cả với sự gần gữi đơn sơ và lòng thương xót, và trong vài hoàn cảnh phải bước đi đàng sau dân chúng, để trợ giúp những ai ở lại đàng sau” (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, 31) Ước chi tất cả mọi chủ chăn được như thế! Nhưng anh chị em phải quầy rầy các chủ chăn, để các vị trao ban sự hướng dẫn, giáo lý và ơn thánh cho anh chị em.

Trong Chúa Nhật Ngày quốc tế cầu nguyện cho ơn gọi này, trong sứ điệp năm nay tôi đã nhác rằng: ”Mỗi một ơn gọi đòi hỏi phải ra khỏi chính mình để tập trung cuộc sống vào Chúa Kitô và Tin Mừng của Người” (s. 2). Vì thế lời mời gọi theo Chúa Giêsu cũng đồng thời hứng khởi và dấn thân. Để thực hiện nó, cần phải bước sâu vào tình bạn với Chúa để có thể sống nhờ Người và cho Người. Rồi Đức Thánh Cha mời gọi mọi người như sau:

Chúng ta hãy cầu nguyện để cả ngày nay nữa, có nhìều người trẻ nghe tiếng Chúa luôn có nguy cơ bị bóp nghẹt bởi biết bao nhiêu tiếng nói khác. Chúng ta hãy cầu nguyện cho giới trẻ: biết đâu trong quảng trường này có ai đó nghe tiếng Chúa gọi làm linh mục. Chúng ta hãy cầu nguyện cho bạn trẻ đó, nếu họ ở đây, và cho tất cả mọi người trẻ được mời gọi.
Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng và ban phép lành tòa thánh cho mọi người

Sau Kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm khác nhau, đặc biệt là Phong trào Tân dự tòng trong ngày Chúa Nhật này loan báo Chúa Giêsu phục sinh tại 100 quảng trường ở Roma, và trong biết bao nhiêu thành phố khác trên thế giới. Xin Chúa ban cho anh chị em niềm vui của Tin Mừng. Anh chi em giỏi lắm, cứ tiến bước!

Ngài cũng đã chào các trẻ em mới rước lễ lần đầu và mới chịu phép Thêm Sức. Đặc biệt Đức Thánh Cha đã chào và chúc mừng các bà mẹ trong ngày Chúa Nhật hiền mẫu. Ngài nói: Hôm nay tôi mời anh chị em hãy nhớ tới các bà mẹ và cầu nguyện cho tất cả mọi bà mẹ. Chúng ta hãy chào các bà mẹ. Chúng ta hãy phó thác các bà mẹ của chúng ta và tất cả mọi bà mẹ cho Mẹ Chúa Giêsu. Chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ, và Đức Thánh Cha đã cùng mọi người đọc một Kinh Kính Mừng cầu cho các bà mẹ. Xong ngài nói thêm: Xin chào các bà mẹ nhé, một lời chào nồng nhiệt!

Trước đó vào lúc 9.30 sáng Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ truyền chức Linh Mục cho 13 phó tế, gồm 5 thầy người Ý, 1 thầy người Đức, 1 thầy người Venezuela, 1 thầy Chile, 1 thầy Ecuador, 1 thầy Brasil, 1 thầy Nam Hàn, 1 thầy Pakistan và 1 thầy Việt Nam là thầy Phaolô Nguyễn Thiên Tạo thuộc giáo phận Vinh. Cùng tham dự thánh lễ với 10.000 giáo dân có thân nhân của các tiến chức, nhân viên tòa đại sứ; từ Việt Nam có mấy linh mục thuộc giáo phận Vinh.

Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha đã xin các tiến chức đừng bao giờ mệt mỏi thương xót, nhưng luôn có khả năng tha thứ. Các Linh Mục không phải là ”chủ nhân của giáo lý”, nhưng là những người trung thành với giáo lý.

Ngài năn nỉ các tân linh mục: ”Ở đây cha muốn dừng lại, và xin các con, vì tình yêu Chúa Giêsu Kitô: đừng bao giờ mệt mỏi thương xót! Các con hãy có khả nẳng tha thứ như Chúa, là Đấng không đến để lên án, nhưng để tha thứ! Các con hãy thương xót thật nhiều! Và nếu có áy náy vì là những linh mục qúa tha thứ, thỉ hãy nhớ đến vi linh mục thánh kia đến trước Nhà Tạm và thưa với Chúa rằng: Lạy Chúa, xin tha thứ cho con, nếu con đã tha thứ nhiều qúa. Nhưng mà chính Chúa đã làm gương xấu cho con đấy chứ!” Cha nói thật với các con, cha đau lòng lắm, khi thấy giáo dân không đến xưng tội vì họ bị quất bằng gậy, bị la mắng trong tòa giải tội. Thật là xấu. Ho đã cảm thấy cửa nhà thờ đóng sầm trước mặt họ. Cha xin các con, chớ làm như vậy! Thương xót! Thương xót! Mục Tử Nhận Lành vào qua cửa, và cửa của lòng xót thương là các vết thương của Chúa: nếu các con không bước vào chức thừa tác của các con qua các vết thướng của Chúa, thì các con sẽ không phải là các mục tử tốt lành”. Các linh mục phải là những người rao giảng Tin Mừng, chủ chăn của dân Thiên Chúa, chủ sự các sinh hoạt phụng tự, đặc biệt là cử hành hiến tế của Chúa, dậy dỗ giáo lý. Đức Thánh Cha nhắn nhủ các tiến chức: Vậy giáo lý của các con hãy là lương thực cho dân Chúa. Giáo lý của Chúa chứ không phải của các con, và các con phải trung thành vớ giào lý ấy. Đối với tìn hữu các con hãy là niềm vui và sự đỡ nâng của Chúa Kitô, hương thơm cuộc sống của các con, bởi vì với lời nói và gương sống các con xây ngôi nhà của Thiên chúa là Giáo Hội. Hãy kiên trì đọc và suy niệm Thánh Kinh, hãy dậy điều đã học trong đức tin và sống điều mình đậy. Hãy hiệp thông con thảo với Giám Mục và hiệp nhất các tìn hữu trong một gia đình duy nhất và dẫn đưa họ tời với Thiên Chúa Cha, qua Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Hãy luôm có trước mắt gương của vị Mục Tử Nhân Lành, tới không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và cứu vớt những gì đã hư mất.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio