Đức Thánh Cha dâng lễ Chúa Hiển Linh: Ánh Sáng Dịu Dàng của Thiên Chúa toả sáng trong tình yêu khiêm nhường

Đức Thánh Cha dâng lễ Chúa Hiển Linh: Ánh Sáng Dịu Dàng của Thiên Chúa toả sáng trong tình yêu khiêm nhường

Sáng Chúa Nhật Lễ Chúa Hiển Linh, lúc 10h, Đức Thánh Cha dâng Thánh Lễ trọng thể tại đền thờ thánh Phêrô cùng với nhiều hồng ý, giám mục và các tín hữu tham dự.

Trong bài giảng lễ, bắt đầu từ việc giải nghĩa từ “hiển linh” – Chúa tỏ mình ra, Đức Thánh Cha nhắc đến Chúa tỏ mình ra cho tất cả mọi dân tộc, ba nhà Đạo sĩ là những người đại diện. Ngài tỏ thực tại tuyệt đẹp của Thiên Chúa, đến với tất cả mọi nước, mọi dân tộc và ngôn ngữ đều được Ngài đón nhận và yêu mến. Biểu tượng cho điều này là ánh sáng, vươn đến và chiếu soi tất cả.

Hôm nay, nếu Thiên Chúa chúng ta tỏ mình ra cho tất cả mọi người, thì ngài cũng sẽ tiếp tục làm ngạc nhiên về cách Ngài tỏ mình ra. Tin Mừng kể về những xôn xao trong cung điện vua Hêrôđê, trong khi Chúa Giê-su lại tỏ mình ra như một vị vua: “Đức Vua dân Dothái mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt 2,2), Ba vị Đạo sĩ hỏi. Họ sẽ tìm thấy Ngài, nhưng không phải là nơi họ đã nghĩ: không phải trong điện ngà Giêrusalem, nhưng trong ngôi nhà đơn sơ ở Bêlem. Có một sự nghịch lý trong lễ Giáng Sinh khi Tin Mừng nói về kiểm tra dân số trên khắp cả thiên hạ thời hoàng đế Augustô và tổng trấn Quirinio (x. Lc 2,2). Nhưng không một nhà cầm quyền nào để ý rằng Đức Vua của lịch sử đã sinh ra trong thời của họ. Và rồi, khi Chúa Giêsu được 30 tuổi, Ngài lại tỏ mình công khai, Gioan Tẩy Giả đã đi trước, Tin Mừng đã giới thiệu Ngài một lần nữa trọng thể, và liệt kê tất cả mọi “cấp bậc” quyền lực cả đời lẫn đạo: Tiberio Cesare, Phongxio Pilato, Hêrôđê, Philippo, Lisania, thượng tế Anna và Caipha. Và ngài kết luận: “Lời Thiên Chúa phán với Gioan trong hoang địa” (Lc 3,2). Như thế, Lời Chúa không đến với bất cứ cấp bậc nào, nhưng đến với một người ẩn mình trong sa mạc. Quả là ngạc nhiên: Thiên Chúa không lên sân khấu của thế giới này để tỏ mình ra.

Khi nghe danh sách những người nổi tiếng, người ta có thể dễ dàng có khuynh hướng “quay ánh đèn” về phía họ. Chúng ta có thể nghĩ rằng: Có lẽ sẽ hay hơn nếu ngôi sao của Đức Giê-su hiện ra ở Roma trên ngọn đồi Palatino, nơi hoàng đế Augusto đã ngự triều cai quản thế giới; khi ấy toàn đế quốc lập tức trở thành Kitô giáo. Hay nếu ngôi sao chiếu trên cung điện vua Hêrôđê, thì ông ấy có thể làm điều tốt chứ không làm điều xấu. Nhưng ánh sáng của Thiên Chúa lại không đến với ai toả sáng bằng ánh sáng của riêng họ. Thiên Chúa đề nghị nhưng không áp đặt; chiếu sáng nhưng không làm chói mắt. Chúng ta luôn có một cám dỗ lớn là đem so sánh ánh sáng của Thiên Chúa với ánh sáng của thế gian. Đã bao lần chúng ta chạy theo quyến rũ lấp lánh của quyền lực và của sân khấu, lại thấy rằng mình phục vụ tốt cho Tin Mừng. Nhưng như thế chúng ta đã hướng ánh sáng vào nhầm chỗ, vì Thiên Chúa không ở đó. Ánh sáng của Ngài nhẹ nhàng chiếu giải tình yêu khiêm nhường. Rồi bao nhiêu lần chúng ta, như là Giáo Hội, đã toả sáng bằng chính ánh sáng của mình! Nhưng chúng ta không phải là mặt trời của nhân loại. Chúng ta là mặt trăng phản chiếu ánh sáng thật là Thiên Chúa. Giáo Hội là ánh trăng mầu nhiệm và Thiên Chúa là ánh sáng của trần gian (x. Ga 9,5). Chính Ngài chứ không phải chúng ta.

Ánh sáng của Thiên Chúa đến với ai biết đón nhận. Tiên tri Isaia trong bài đọc một (x. Is 60,2) đã nhắc nhở chúng ta rằng ánh sáng của Thiên Chúa không ngăn chặn bóng tối và mây mù phủ lấp mặt đất, nhưng chiếu toả trên ai sẵn sàng đón nhận. Do đó, tiên tri lặp lại lời mời dành cho mỗi người: “Đứng lên, bừng sáng lên” (60,1). Hãy đứng dậy, nghĩa là thoát ra khỏi chỗ hiện tại của mình và sẵn sàng bước đi. Nếu không, sẽ vẫn giậm chân tại chỗ như các kinh sư tư vấn cho vua Hêrôđê, về điều họ đã biết, là Đấng Mêsia sinh ra ở đâu, nhưng không một bước di chuyển. Và rồi mỗi ngày, chúng ta cần mặc lấy Thiên Chúa là ánh sáng, cho đến khi Đức Giêsu trở thành trang phục hằng ngày của chúng ta. Nhưng để mặc lấy trang phục của Thiên Chúa, vốn đơn giản như ánh sáng, thì trước tiên cần cởi bỏ những trang phục hào hoa. Nếu không thì cũng giống vua Hêrôđê, dù thấy ánh sáng của Thiên Chúa nhưng vẫn thích ánh sáng trần thế của thành công và danh vọng. Ngược lại, như Ba vị Đạo sĩ, nhận ra lời tiên tri, họ đứng dậy để mặc lấy ánh sáng. Chỉ có họ nhìn thấy ngôi sao trên bầu trời: các kinh sư không nhìn thấy, Vua Hêrôđê không nhìn thấy và cũng chẳng có ai ở Giêrusalem nhìn thấy. Để tìm kiếm Đức Giêsu, phải đi theo một hành trình khác, con đường của Ngài, con đường yêu thương khiêm nhường. Và phải kiên trì theo con đường đó. Thật vậy, Tin Mừng hôm nay kết luận rằng Ba nhà Đạo sĩ, sau khi gặp Đức Giêsu, đã “đi con đường khác mà về xứ mình” (Mt 2,12). Một con đường khác với con đường của Hêrôđê. Một con đường khác để vào thế giới, giống như con đường của bao nhiêu người trong cảnh Giáng Sinh đã ở với Đức Giêsu: Đức Maria, thánh Giuse, các mục đồng. Cũng giống như các vị Đạo sĩ, họ rời bỏ nơi cư ngụ của mình, để trở thành những kẻ hành hương trên con đường của Thiên Chúa. Bởi vì chỉ có ai dám bỏ đi sự dính bén với thế gian này để bước đi thì mới có thể tìm thấy mầu nhiệm của Thiên Chúa.

Điều này đúng cả với chúng ta. Nếu chỉ biết nơi Chúa Giêsu sinh ra mà không đến nơi thì chưa đủ, giống các kinh sư thôi. Nếu chỉ biết Đức Giêsu mới sinh là ai mà không gặp Ngài thì không đủ. Khi nào nơi của ngài trở thành nơi của chúng ta, thời của ngài trở thành thời của chúng ta, con người của Ngài trở thành sự sống của chúng ta, thì khi ấy lời tiên tri ứng nghiệm nơi chúng ta. Và như thế, Giêsu sinh ra trong chúng ta và trở thành “Thiên Chúa hằng sống vì tôi”. Hôm nay, chúng ta được mời gọi theo gương các vị Đạo sĩ. Họ không bàn cãi, nhưng bước đi; họ không đứng lại nhìn, nhưng bước vào nhà của Giêsu; không đặt mình làm trung tâm, nhưng bái lạy Giêsu, vì Ngài mới là trung tâm; họ không cứng nhắc với kế hoạch của họ, nhưng sẵn sàng chọn đường khác để về. Bằng cử chỉ, họ diễn tả mối tương quan mật thiết với Chúa, một sự mở ra trọn vẹn với Ngài, một liên hệ toàn bộ với Ngài. Họ dùng ngôn ngữ tình yêu để liên hệ với Ngài, cùng một ngôn ngữ mà Giêsu con trẻ đã nói. Thật vậy, các vị Đạo sĩ đến với Chúa không phải để nhận, nhưng để cho. Chúng ta tự hỏi: Chúng ta đã mang đến cho Chúa Giêsu món quà nào trong ngày lễ Giáng Sinh của Ngài, hay chúng ta chỉ trao đổi quà cho nhau giữa chúng ta?

Nếu chúng ta đã đến với Chúa bằng tay không, thì hôm nay chúng ta có thể bù lại được. Có thể thấy Tin Mừng kể một danh sách ngắn những món quà: vàng, nhũ hương mộc dược. Vàng nói lên điều giá trị nhất, để nhắc nhớ rằng vị Đạo sĩ đã đặt Thiên Chúa ở vị trí trên hết, để tôn thờ. Nhưng để làm được điều đó thì phải rút mình khỏi vị trí cao nhất đó và thấy mình cần được giúp đỡ, mình không tự đủ được. Rồi đến nhũ hương, biểu tượng của sự tương quan với Thiên Chúa, việc cầu nguyện, như hương trầm bay toả trước Thánh Nhan (x. Tv 141,2). Nhưng, giống như hương trầm, để toả hương thì phải chịu đốt cháy; vì thế, việc cầu nguyện cũng “đốt cháy” chút thời gian, dành giờ cho Thiên Chúa. Cầu nguyện thật sự thì không phải chỉ bằng lời. Và rồi, mộc dược, được dùng cùng với tình yêu để liệm xác Đức Giêsu tháo xuống từ Thánh Giá (x. Ga 19,39). Chúa vui khi chúng ta chăm sóc những thân thể chịu nhiều đau khổ, những thân xác yếu đuối, những ai bị lùi lại đàng sau, những ai chỉ có thể nhận mà không thể đổi lại gì về vật chất. Thật quý trong mắt Thiên Chúa khi tỏ lòng thương xót đối với những người không có gì để đền đáp – một sự miễn phí, nhưng không! Sự miễn phí, nhưng không thật quý trong mắt Thiên Chúa. Trong thời gian gần kết thúc Mùa Giáng Sinh, chúng ta đừng để mất cơ hội làm một món quà đẹp cho Vị Vua của chúng ta, Ngài đến không trên sân khấu xa hoa của thế giới, nhưng trong sự nghèo mà sáng của Bêlem. Nếu chúng ta làm điều đó, thì ánh sáng của Ngài sẽ chiếu toả trên chúng ta.

Văn Yên, SJ

Các tân hiển thánh và chân phước trong năm 2018

Các tân hiển thánh và chân phước trong năm 2018

Năm 2018 đang khép lại là dịp để nhìn lại quà tặng tình yêu Người ban cho Giáo hội qua các vị thánh và chân phước được tuyên phong trong năm này.

Sự thánh thiện ở trong tầm tay

Trong số các tân hiển thánh và chân phước được tuyên phong trong năm 2018, có một Giáo hoàng, nhiều linh mục và tu sĩ, và cũng rất nhiều giáo dân, qua đó cho thấy rằng sự thánh thiện ở trong tầm tay, khả năng của mọi người, như ĐTC Phanxicô đã nói trong tông huấn “Hãy vui mừng hân hoan”:

Tôi thích thấy sự thánh thiện của dân Chúa kiên trì: nơi các phụ huynh nuôi dưỡng con cái với thật nhiều tình yêu thương , nơi những người nam nữ lao động để mang về lương thực cho gia đình, nơi các bệnh nhân, những nữ tu cao niên vẫn tiếp tục mỉm cười. Trong tình cảnh này, để tiến bước từng ngày tôi nhìn thấy sự thánh thiện của Giáo hội quân nhân. Rất nhiều lần, nó là sự thánh thiện “ở ngay bên cạnh”, của những người sống gần chúng ta và nó là sự phản chiếu sự hiện diện của Thiên Chúa, hay, dùng một thành ngữ khác, “giai cấp trung lưu của sự thánh thiện”.

Các thánh và chân phước thể hiện nhiều nét khác nhau của sự thánh thiện và nên thánh bằng những con đường cũng như trong những hoàn cảnh khác nhau.

Các vị tử đạo của chiến tranh, khi tình yêu nảy sinh từ sự thù ghét

Năm 2018 bắt đầu với lễ phong chân phước vào ngày 03/02 cho Teresio Olivelli, một người Ý yêu nước, bị quân Đức quốc xã giết trong trại tù Herbruck vì “thù ghét đức tin”. Trong thời gian chiến tranh thế giới thứ hai, Olivelli đã giúp đỡ các bạn lính cả về thể lý cũng như tinh thần với những lời “hãy giải phóng chúng ta.” Tiếp đến, ngày 15/04, Luciano Botovasoa, dòng Ba Phanxicô, được tuyên phong hiển thánh. Trong cuộc cách mạng ở Madagascar, khi Giáo hội bị bách hại. Botovasoa đã muốn ở lại bên cạnh các thừa sai người Pháp và đã bị giết. Ngày 01/05, cha Janos Brenner, người Hungari, đã bị chế độ cộng sản giết hại trong một cuộc phục kích khi cha đang mang Mình Thánh Chúa cho một bệnh nhân, được tuyên phong chân phước.

Có hai cuộc tuyên thánh tập thể: thứ nhất là vào ngày 10/11m tại Barcelona, Teodoro Del Olmo và 15 bạn tử đạo, trong đó có các linh mục dòng Vinh sơn Phaolô, các giáo dân, nạn nhân của cuộc nội chiến Tây ban nha; thứ hai là lễ tuyên thánh vào ngày 08/12 cho Đức cha Pierre Claveri và 18 bạn tử đạo, được biết với tên “các vị tử đạo Algeri.” Trong những năm tăm tối dưới chế độ Hồi giáo cực đoan tại Algeri, các ngài đã chọn ở lại chứ không bỏ rơi người dân đau khổ.

 Những nhà truyền giáo: như các tông đồ được gửi đến những vùng ngoại biên của thế giới

Ngày 26/05, nữ tu Leonella Sgorbati, người nhỏ bé nhưng có trái tim vĩ đại, truyền giáo tại Mogadiscio (Somalia) nhiều năm trời, được tuyên phong chân phước. Nhà Tạm trong nhà các nữ tu là sự hiện diện sống động duy nhất của Chúa Giêsu ở đất nước này. Sơ đã bị sát hại nhưng đã chọn tha thứ cho người sát hại mình. Tiếp đến, ngày 27/10, thánh Nazaria Ignazia March Mesa, sáng lập dòng các Nữ Truyền giáo thập tự chinh của Giáo hội, được phong thánh. Sơ truyền giáo ở Bolivia nhiều năm, dành cuộc đời cầu nguyện cho sự trung thành kiên vững của các tu sĩ và tinh thần tông đồ của các linh mục.

Ngày 27/10, cha Tullio Maruzzo, nhà truyền giáo dòng Phanxicô và giáo lý viên Luis Obdulio đã bị sát hại trong làn sóng bạo lực tại Guatemala trong cuộc chiến giành độc lập từ tay người Tây ban nha.

Chăm sóc bệnh nhân – các thánh là gương mặt thật về sự dịu dàng của Thiên Chúa

Chân phước Anna Chrzanowska, một nữ y tá, là người đầu tiên có sáng kiến trợ giúp các bệnh nhân tại gia. Trong khi đó, hai vị thánh và chân phước Carmen Rendíles Martínez, sáng lập dòng các Nữ tỳ Chúa Giêsu, sinh ra không có cánh tay trái, nhưng không vì thế mà thiếu đi sức mạnh và nghị lực, đã chia sẻ kinh nghiệm bệnh tật, vác thánh giá để dâng hy sinh cho Chúa. Thánh Francesco Spinelli, sau khi được Chúa chữa lành cách kỳ diệu đã hoàn toàn dành cuộc đời chăm lo cho các bệnh nhân đau khổ nhất bằng cách mang Lời Chúa và sự dịu dàng đến cho họ. Cuối cùng là thánh Nunzio Sulprizio, qua đời khi mới 19 tuổi vì ung thư xương, hầu như phải nằm bệnh viện suốt, nhưng đã tận dụng thời gian dạy giáo lý cho các em bé nằm cùng bệnh viện và cầu nguyện, dâng những đau khổ cầu cho người tội lỗi hoán cải.

Các vị tử đạo tinh tuyền, những nhánh huệ trắng đẫm máu

Hai thánh Maria Goretti mới là Anna Kolesárová, người Slovak, được phong chân phước ngày 01/09, bị một người lính giết vì chị đã kháng cự lại ý xấu của ông ta, và người thứ hai là chân phước Veronica Antal, được phong chân phước ngày 22/09, bị giết bởi một kẻ cuồng tín.

Các chân phước là hình ảnh của Chúa Kitô cho thế giới

Có hai tân á thánh kết hiệp đặc biệt với Chúa Giêsu ngay từ khi còn tại thế. Ngày 02/06 là lễ phong chân phước cho nữ tu Maria Chịu đóng đinh, người được Chúa nói chuyện và yêu cầu thành lập dòng các Nữ tu Thánh Tâm, chuyên lo dạy dỗ giới trẻ. Ngày 09/09, Alfonsa Maria Eppinger được phong chân phước. Chị đã có những cuộc xuất thần và nhìn thấy trước tình hình chính trị và tương lai của Giáo hội.

Các linh mục, những người gặp gỡ Chúa

Thánh giáo hoàng Phaolô VI được tuyên thánh cùng với Đức cha Oscar Romero và cha Vincenzo Romano vào ngày 04/10. Các ngài là những người bảo vệ sự sống, bạn của người nghèo và hòa bình, xuất phát từ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô.

Các nữ tu, những nhân vật chính của lịch sử duy nhất mà Thiên Chúa đã viết

Clara Fey, trong giấc mơ, được Chúa Hài đồng mời gọi chăm sóc người nghèo và chị đã dành cả cuộc đời thành lập dòng các Nữ tu nghèo Chúa Hài đồng Giêsu. Chị được phong chân phước ngày 05/05.

Ngược lại, chân phước Maria, được tuyên phong chân phước ngày 10/06, xuất thần từ gia đình giàu sang quyền quý, nhưng từ bỏ tất cả ngay từ thời niên thiếu, mang Lời Chúa đến cho các bạn trong xã hội thấp bé.

Thánh Maria Caterina Kasper, thành lập dòng các Nữ tỳ nghèo của Chúa Giêsu, có ơn gọi chăm sóc người nghèo bởi vì chính ngài cũng là một người nghèo. Cuối cùng là chân phước Maria Chúa Giêsu Thánh Thể, được tuyên phong hiển thánh ngày 23/06, sau một cuộc đời dành để chăm sóc các trẻ em và người cao niên: đây là con đường trở nên trọn lành của chị, con đường nên thánh.

Hồng Thủy

Phỏng vấn cha Giulio Michelini về việc giảng tĩnh tâm cho giáo triều Roma

Phỏng vấn cha Giulio Michelini về việc giảng tĩnh tâm cho giáo triều Roma

Trong các ngày từ mùng 5 tới mùng 10 tháng 3 tới này cha Giulio Michelini, dòng Anh em hèn mọn Phanxicô, sẽ giảng tĩnh tâm mùa Chay cho ĐTC và các nhân viên Trung Ương Toà Thánh tại nhà tĩnh tâm Divino Maestro tỉnh Ariccia cách Roma 37 cây số. Đề tài cho cuộc tĩnh tâm là “Cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu theo Phúc Âm thánh Mátthêu”.

Cha Michelini sinh năm 1963 tại Milano bắc Italia, gia nhập Dòng Anh em hèn mọn Phanxicô năm 1986. Năm 1987 thầy Michelini mặc áo dòng và làm nhà tập tại đan viện  San Damiano ở Assisi, khấn trọng năm 1992, và thụ phong linh mục năm 1994. Trong thời gian học tại Học viện thần học Assisi cha đã có linh mục Giuseppe Betori như giáo sư kinh thánh. Năm 1997 cha lấy bằng tiến sĩ ngữ học và văn chương ngoại quốc tại đại học Perugia. Tiếp đến năm 2008 cha lấy bằng tiến sĩ thần học kinh thánh tại đại học giáo hoàng Gregoriana ở Roma. Cha cũng đã sống 3 năm tại Giêrusalem cho tới năm 2007.

Từ năm 1993 tới năm 1996 cha Michelini đã là giám đốc cư xá sinh viên Monteripido ở Perugia và cộng tác tích cực với các TGM Ennio Antonelli và Giuseppe Chiaretti. Cha cũng đã là giáo sư các môn dẫn nhập và chú giải Thánh Kinh Tân Ước tại Học viện thần học Assisi, và là giám đốc nguyệt san Convivium Assisiense. Năm 2014 cha được chỉ định là giáo sư kinh thánh thực thụ của học viện thần học Assisi. Trong các năm 1997-2001 cha cũng trợ giúp văn phòng tổng thư ký của HĐGM Italia. Từ năm 2011 tới 2017 cha là bề trên tu viện Farneto. Cha cũng là giám đốc văn phòng tông đồ kinh thánh của giáo phận Perugia – Città della Pieve.

Cha Michelini là tác giả của vài cuốn sách và bài khảo luận như : « Máu của giao ước và sự cứu rỗi người tội lỗi. Một đọc hiểu mới hai chương 26-27 Phúc Âm thánh Mátthêu »  (2010);  « Nicola da Lira và việc chú giải do thái (2013); Mátthêu ». « Chú giải. Dẫn nhập, bản dịch và chú giải” 2013); “Một ngày với Chúa Giêsu. Một ngày tại Capharnaum theo thánh sử Marcô” (2015); « Bài thánh thi của mọi thánh thi. Niềm vui của tương quan nam nữ” (2016).

Cha Giulio Michelini là giáo sư chú giải kinh thánh tân ước tại Học viện thần học Assisi và là tuyên uý Phong trào Giáo Hội dấn thân thăng tiến văn hóa. Cha cũng hoạt động mục vụ trong lãnh vực kinh thánh, hướng dẫn các cặp vợ chồng kitô, và đặc trách việc huấn luyện các ứng viên Phó tế  vĩnh viễn trong giáo phận Perugia-Città della Pieva. Cha là chuyên viên nghiên cứu Phúc Âm thánh Mátthêu và đặc biệt nghiên cứu về cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn cha về đề tài cuộc thuyết giảng tĩnh tâm mùa Chay này cho giáo triều Roma.

Hỏi: Thưa cha, cha đã tiếp nhận lời ĐTC Phanxicô mời giảng tĩnh tâm cho giáo triều Roma như thế nào?

Đáp: Tôi đã tiếp nhận lời mời của ĐTC với ý thức trách nhiệm, niềm vui và một chút lo lắng. Tôi nhận ra ngay đây là một việc quan trọng, và tôi xin thú thật là trước khi nhận lời mời của ĐTC tôi đã hỏi ý kiến cha linh hướng của tôi.

Hỏi: Tại sao cha lại đã chọn đề tài “Cuộc Khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu theo Phúc Âm thánh Mátthêu” cho cuộc giảng tĩnh tâm này cho ĐTC và các nhân viên làm việc trong giáo triều Roma?

Đáp: Việc bắt đầu Mùa Chay đã hướng chúng ta tới Tuần Thánh, trong đó chúng ta cử hành trung tâm điểm của mầu nhiệm kitô, là cuộc Khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Đó là một lý do. Đàng khác, tôi đã được đào tạo, tôi đã làm việc và đào sâu các nghiên cứu về cuộc Khổ nan của Chúa Giêsu theo Phúc Âm thánh Mátthêu. Vì thế tôi cho rằng mình có thể đo lường với văn bản trong đó tôi đã rất tập trung sự chú ý của mình vào đề tài này, và tôi tin rằng mình có thể nói điều gì đó có ích lợi liên quan tới đề tài ấy.

Hỏi: Sự kiện cha yêu thích Phúc Âm thánh Mátthêu phát xuất từ đâu?

Đáp: Lý do  thứ nhất là vì luận án tiến sĩ của tôi dành cho Phúc Âm của thánh sử. Thế rồi phụng vụ năm nay đề nghị các bài đọc trích từ Phúc Âm của thánh Mátthêu, cũng là Phúc Âm của thánh Phêrô và của Giáo Hội. Phúc Âm thánh Mátthêu cũng là Phúc Âm duy nhất biết tới từ “Ecclesia” Giáo Hội. Ngoài ra khi tôi nói, tôi sẽ có trước mặt các mục tử của Giáo Hội, vì vậy tôi đã nghĩ chọn một bối cảnh cho phép lắng nghe chính thánh Phêrô. Ngoài ra việc dẫn nhập vào cuộc tĩnh tâm sẽ bắt đầu ngày Chúa Nhật và sẽ chú ý tới hai điểm: ở với Chúa Giêsu và ở với thánh Phêrô.

Hỏi: Sẽ có gì thời sự trong các bài suy niệm của cha hay không?

Đáp: Có chứ, rất là thời  sự. Tôi nghĩ tới bài suy niệm sẽ nói về bà vợ của quan Philatô. Tôi đã được một cặp vợ chồng giúp đỡ. Đây là cặp vợ chồng mà tôi đã cộng tác từ nhiều năm nay: đó là anh chị Gillini-Zattoni. Điều này để nói rằng trong các suy tư cũng có đề tài gia đình. Rồi cũng bước vào trong các suy tư người nghèo, bởi vì khởi đầu cuộc Khổ Nạn, trong trang kể lại việc bà Maria Madalena xức dầu thơm trên chân Chúa ở Betania, Chúa Giêsu nói: “Người nghèo chúng con sẽ luôn luôn có họ với chúng con”. Rồi cũng bước vào suy tư các người khổ đau, như Chúa Giêsu đau khổ trong vườn Giệtsêmani: chúng ta có thể nói rằng tại nơi này có tất cả những người giờ đây đang phải sống trong thử thách, và như Chúa Giêsu, đôi khi họ phải vất vả đi theo ý muốn của Thiên Chúa. Cả các văn bản được chọn cho các suy niệm cũng đại diện cho nhiều tác phẩm khác nhau, chứ không phải chỉ hạn hẹp trong các văn bản phúc âm: tôi sẽ quy chiếu các tác phẩm như: “Vương quốc” của Emmanuel Carrière, “Giuđa” của Amos Oz và “Biến đổi hình dạng” của Franz Kafka, mà tôi sẽ sử dụng cho bài suy niệm cuối cùng về sự phục sinh, trong đó tôi sẽ nói về sự thức dậy của Chúa Giêsu, “Sự lựa chọn của Sophie” của William Styron, từ đó đạo diễn Alan Pakula đã đóng cuốn phim với Meryl Streep. Nó là một cuốn sách rất quan trọng sẽ giúp tôi nói về Chúa Giêsu và Barabba.

Hỏi: Sự kiện là tu sĩ Phanxicô ảnh hưởng trên các bài suy niệm của cha tới mức nào?

Đáp: Tôi tin là nó ảnh hưởng nhiều lắm, bởi vì tôi đã được chuẩn bị ở Capharnaum. Các anh em Phanxicô đã tiếp đón tôi trong thành phố của Chúa Giêsu, như chúng ta đọc trong Phúc Âm thánh Mátthêu. Trong các suy niệm này tôi sẽ liên tục quy chiếu cuộc sống của Chúa Giêsu tại Galilea, các biến cố mà cho tới nay chúng ta vẫn còn trông thấy các ký ức lịch sử và khảo cổ của Thánh Địa, mà các tu sĩ Phanxicô chúng tôi là những người giữ gìn quản thủ. Vì thế tôi hy vọng là sẽ đem lại một chút gì đơn sơ. Tôi sống trong tỉnh dòng Perugia, trong một tu viện mà ĐTC Phanxicô sẽ gọi là ở vùng ngoại biên. Cách tu sĩ Phanxicô chúng tôi cũng có chiều kích này của việc tiếp xúc với dân chúng và dân Thiên Chúa. Tôi muốn tạo dễ dàng cho việc tiếp xúc này qua các suy niệm của tôi.

Hỏi: Sự kiện một Giáo Hoàng lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội chọn tên là Phanxicô đã tạo ra nơi cha hiệu qủa nào?

Đáp: Tôi đã lập tức trực giác rằng đây là một dấu chỉ để bước theo thánh Phêrô, ngài đã không chỉ chọn loan báo Chúa Kitô với sứ vụ giáo huấn, mà cũng chọn loan báo Chúa qua các cử chỉ và cả với một kiểu sống gần gũi  với kiểu sống của thánh Phanxicô thành Assisi. Các tu sĩ Phanxicô chúng tôi tất cả rất vinh dự vì sự lựa chọn này, và chúng tôi đã hiểu rằng đây là một cơ may  cho Giáo Hội ngày nay. Nghĩa là đây là việc loan báo Tin Mừng như Chúa Giêsu đã làm và như thánh Phanxicô đã làm giữa dân chúng.

(Oss. Rom. 24-2-2017)

Linh Tiến Khải

Đại hội Giới trẻ: nơi của tình huynh đệ

Đại hội Giới trẻ: nơi của tình huynh đệ

Đại hội Giới trẻ Krakow

Trong khi châu Âu đang co quắp lại bởi những tin tức đáng kinh sợ hàng ngày về các vụ khủng bố bắn giết, nổ bom, đâm chém của những kẻ cực đoan, thì Cracovia đang trở thành bản sao của tình huynh đệ. Từ Đại hội Giới trẻ, hàng chục ngàn bạn trẻ chọn gửi đi cùng một sứ điệp hòa bình, ngay cả khi ngôn ngữ họ dùng khác nhau.

Paola, một bạn trẻ người Colombia chia sẻ: “Mặc dù có sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ nhưng có một tinh thần chung: ước mơ, khao khát tham gia vào Ngày này. Cracovia là một thành phố rất Công giáo và của niềm tin. Ví dụ như trong Thánh lễ ngày Chúa nhật có rất nhiều nhiều bạn trẻ và tôi tin đây là một điều mà Ba Lan muốn dạy cho tất cả chúng ta: cách thức các người trẻ đến gần Thiên Chúa. Tôi tin là nơi đây có một ngọn lửa biến đổi trái tim, như lời kinh chính thức của Đại hội Giới trẻ. Tất cả các bạn trẻ này sẽ đến để thắp sáng tâm hồn và con tim của họ”.

Một bạn trẻ khác đến từ vùng Cuneo nước Italia, tình nguyện viên của ban tổ chức ngày họp mặt ở Cracovia, nhấn mạnh đến sức mạnh của việc tham gia vào ngày Giới trẻ, điều thường thúc đẩy thực hiện những chọn lựa mạnh mẽ của cuộc sống và dấn thân. Cô chia sẻ: “Tôi đã tham gia như một khách hành hương vào ngày Giới trẻ Quốc tế ở Madrid. Đối với tôi đó là một khoảnh khắc đẹp nhất! Đức tin của tôi đã tăng trưởng rất nhiều và tôi đã có cơ hội gặp gỡ những người đến từ khắp nơi trên thế giới… Tôi đã học, nhiều hơn những điều khác, cầu nguyện. Tôi đã bắt đầu dấn thân hơn vào giáo xứ và quyết định phục vụ trong kỳ đại hội Giới trẻ để các bạn trẻ khác có thể sống, nếu không cùng kinh nghiệm của tôi, ít nhất một kinh nghiệm đẹp như tôi đã có. Có một sự thuyết phục ở đây là không có ai thực sự lẻ loi. Nơi đây tất cả chúng tôi ở cùng với nhau, không biết nhau, nhưng chúng tôi đã lớn lên, chúng tôi trở thành một gia đình.”

Một bạn trẻ người Palestin chia sẻ: “Thực tế là tôi đã đến đây để nhìn thấy Đức Giáo hoàng Phanxicô và để tham dự vào Năm Thánh Lòng thương xót và để chia sẻ những giây phút đáng nhớ của đức tin với các bạn trẻ khác”. Được hỏi về sứ điệp mà bạn muốn chuyển đến Đức Thánh Cha, cô nói: “Chủ đề được chọn cho Năm Thánh Lòng Thương xót thực sự rất đẹp: chúng ta thực sự cần lòng thương xót, năm nay, đặc biệt nếu tôi nhìn về quê hương tôi, Palestin, đang chịu đau khổ rất nhiều vì chiến tranh”…. (RV 26/7/2016)

Hồng Thủy Op

 

Khám phá ra Thiên Chúa tại ba nơi của sự kinh ngạc là tha nhân, lịch sử va Giáo Hội

Khám phá ra Thiên Chúa tại ba nơi của sự kinh ngạc là tha nhân, lịch sử va Giáo Hội

ĐTC Phanxicô ban huấn từ trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 20-12-2015

Cần khám phá ra Thiên Chúa  nơi tha nhân, trong lịch sử và trong Giáo Hội

Để cử hành lễ Giáng Sinh một cách hữu ích, chúng ta cần dừng lại tại “những nơi” của sự kinh ngạc là tha nhân, lịch sử, và Giáo Hội, bằng cách nhìn các thực tại này với đôi mắt đức tin, và khám phá ra trong đó sự hiện diện của Thiên Chúa.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 60.000 ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hôm qua. Mở đầu bài huấn dụ ngài nói: Tin Mừng Chúa Nhật Mùa Vọng hôm nay minh nhiên gương mặt của Đức Maria. Chúng ta trông thấy Người đương đầu với cuộc hành trình từ Nagiarét vùng Galilea đến các núi non vùng Giuđêa để đi thăm và trợ giúp bà Eldabét, ngay sau khi đã thụ thai Con Thiên Chúa trong lòng tin.  Thiên thần Gabriel đã vén mở cho Mẹ biết rằng người bà con cao niên không có con nhưng giờ đây đã có thai được sáu tháng (x. Lc 1,26.36). Chính vì thế Đức Mẹ mang trong mình một món quà và một mầu nhiệm còn cao cả hơn, đi tìm bà Elidabét và ở lại với bà ba tháng.

Trong cuộc gặp gỡ giữa hai người đàn bà, anh chị em hãy tưởng tượng xem: một người già, người kia trẻ, người phụ nữ trẻ là Maria lên tiếng chào trước: “Vào nhà ông Dakharia bà chào bà Elidabét” (Lc 1.40). Và sau lời chào ấy, bà Elidabét cảm thấy mình được bao bọc bởi sự kinh ngạc lớn lao, anh chị em đừng quên từ này “kinh ngạc”. Kinh ngạc. Ba Elisabét cảm thấy mình được bao bọc bởi sự kinh ngạc lớn lao, vang vọng lên trong các lời nói của bà: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi  thế này?” (c. 43). Họ ôm nhau, hôn nhau, vui mừng, hai phụ nữ: người già ngưởi trẻ, cả hai đều mang thai.

Dựa trên sự kinh ngạc trong cuộc sống ĐTC quảng diễn việc cử hành lễ Giáng Sinh một cách hữu ích như sau.

Để cử hành lễ Giáng Sinh một cách hữu ích chúng ta được mời gọi dừng lại trên “các nơi” của sự kinh ngạc. Vậy đâu là các nơi của sự kinh ngạc trong cuộc sống thường ngày của chúng ta? Có ba nơi. Nơi thứ nhất là tha nhân, trong đó nhận ra một người anh em, bởi vì từ khi đã xảy ra biến cố Giáng Sinh của Chúa Giêsu, thì mỗi một gương mặt đều mang các dấu ấn giống Con Thiên Chúa. Nhất là khi đó là gương mặt của người nghèo, bởi vì Thiên Chúa đã bước vào trần gian như người nghèo, và trước hết Ngài để cho người nghèo đến gần Ngài.

Một nơi khác nữa của sự kinh ngạc, nơi thứ hai, trong đó, nếu chúng ta nhìn với đức tin, chúng ta cảm nhận được chính sự kinh ngạc là lịch sử. Biết bao lần chúng ta tưởng mình nhìn nó trong khía cạnh đúng đắn, nhưng trái lại chúng ta có nguy cơ đọc nó lộn ngược. Chẳng hạn điều này xảy ra, khi đối với chúng ta xem ra nó được xác định bởi kinh tế thị trường, được quy định bởi tài chánh, các vụ làm ăn và bị thống trị bởi các người quyền lực thay nhau chỉ huy. Thiên Chúa của lễ Giáng Sinh, trái lại, là một vì Thiên Chúa “trộn lẫn lộn các lá bài” – Ngài thích làm điều đó: như Mẹ Maria hát trong bài thánh thi Magnificat, chính Chúa lật nhào các người quyền thế khỏi ngai cao và nâng kẻ hèn mọn lên, ban tràn đầy của cải cho kẻ đói nghèo và đuổi người giầu có ra về tay không” (x. Lc 1,52-53). Đó là sự kinh ngạc thứ hai, sự kinh ngạc của lịch sử.

Đề cập đến nơi kinh ngạc thứ ba là Giáo Hội ĐTC nói:

Một nơi thứ ba của sự kinh ngạc là Giáo Hội: nhìn nó với sự kinh  ngạc của đức tin có nghĩa là không hạn hẹp chỉ coi Giáo Hội là một cơ cấu tôn giáo, nó là cơ cấu tôn giáo, nhưng cảm nhận Giáo Hội như là một  Bà Mẹ, dù có các vết nhơ và nếp nhăn – chúng ta có biết bao nhiêu nếp nhăn – cũng vẫn để tỏa thoát ra các đường nét của Hiền Thê được Chúa Kitô yêu thương và thanh tẩy. Một Giáo Hội biết nhận ra nhiều dấu chỉ của tình yêu trung thành, mà Thiên Chúa liên tục gửi tới cho mình. Một Giáo Hội mà Chúa Giêsu sẽ không bao giờ là một chiếm hữu cần bảo vệ một cách ghen tương cho chính nó; ai làm như thế là sái lầm;  nhưng luôn luôn là Đấng đến gặp gỡ nó, và Giáo Hội biết chờ đợi với lòng tin tưỏng và tươi vui, bằng cách trao ban tiếng nói cho niềm hy vọng của thế giới: Giáo Hội gọi Chúa “Lậy Chúa Giêsu, xin hãy đến!”. Giáo Hội mẹ luôn luôn có các cánh cửa mở toang để tiếp đón tất cả mọi người. Còn hơn thế nữa, Giáo Hội mẹ ra khỏi các cửa của mình để tìm kiếm với nụ cười của bà mẹ tất cả những người ở xa, và đem họ đến với lòng thương xót của Thiên Chúa. Đó là sự kinh ngạc của lễ Giáng Sinh!

Trong lễ Giáng Sinh Thiên Chúa ban cho chúng ta tất cả chính Người bằng cách ban cho chúng ta Con Duy Nhất của Người, là tất cả niềm vui của Người. Và chỉ với con tim của Mẹ Maria, con gái Sion khiêm hạ và nghèo khó, đã trở thành Mẹ của Con Đấng Tối Cao, mới có thể nhảy mừng và vui sướng vì ơn trọng đại của Thiên Chúa và vì sự kinh ngạc không thể thấy trước được của Ngài. Xin Mẹ giúp chúng ta nhận thức được sụ kinh ngạc – ba sự kinh ngạc tha nhân, lịch sử và Giáo Hội – đối với biến cố Chúa Giêsu sinh ra, là ơn của các ơn, là món quà nhưng không đem lại cho chúng ta ơn cứu độ. Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu cũng sẽ làm cho chúng ta cảm thấy nơi mình sự kinh ngạc vĩ đại này. Nhưng chúng ta không thể có sự kinh ngạc này, chúng ta không thể gặp gỡ Chúa Giêsu, nếu không gặp gỡ Ngài nơi các người khác, trong lịch sử và trong Giáo Hội.

Tiếp đến ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã đưa ra lời kêu gọi cho Siria, Libia, Costa Rica và Nicaragua, cũng như cho các nạn nhân bão lụt bên Ấn Độ. Ngài nói: Cả hôm nay nữa tôi cũng hướng một tư tưởng tới nước Siria yêu quý, bằng cách bầy tỏ sự đánh giá sinh động đối với thỏa thuận mà cộng đồng quốc tế vừa đạt được. Tôi xin khích lệ tất cả mọi người quảng đại hăng say theo đuổi con đường dẫn tới việc ngưng các bạo lực và dẫn tới một giải pháp thương thảo đem lại hoà bình. Cũng thế tôi nghĩ tới nước Lybia láng giềng, nơi việc dấn thân mới đây giữa các Phe cho một chính quyền hiệp nhất quốc gia, mời gọi hy vọng vào tương lai.

Tôi cũng ước ao ủng hộ dấn thân cộng tác của hai nước Costa Rica và Nicaragua. Tôi cầu mong một tinh thần huynh đệ canh tân củng cố việc đối thoại và cộng tác với nhau giữa hai bên, cũng như giữa tất cả các quốc gia trong vùng.

Tôi cũng nghĩ tới các dân tộc bên Ấn Độ bị bão lụt trầm trọng mới đây. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các anh chị em này đang đau khổ vì tai ương ấy, và chúng ta hãy phó thác linh hồn những người đã qua đời cho lòng thương xót của Thiên Chúa. ĐTC mời mọi người cùng ngài đọc một kinh Kính Mừng cầu nguyện cho các anh chị em bên Ấn Độ.

Ngài đã đặc biệt chào các trẻ em Roma đem tượng Chúa Hài Đồng đến cho ngài làm phép trong buổi đọc kinh Truyền Tin để sau đó đặt vào hang đá, theo truyền thống được các trung tâm giáo xứ Roma tổ chức. Ngài nói: Các trẻ em thân mến, hãy chú ý nghe rõ này: khi các con cầu nguyện trước hang đá của các con, xin cũng nhớ cầu nguyện cho cha nữa, và cha cũng nhớ cầu nguyện cho các con. Cha cám ơn các con và chúc các con lễ Giáng Sinh tốt lành!

ĐTC cũng chào các gia đình của cộng đoàn “Con cái trên Trời” và các gia đình gắn liền với Nhà thương Chúa Hài Đồng trong hy vọng và khổ đau. ĐTC bảo đảm với họ sự gần gũi tinh thần của ngài  và khích lệ họ tiếp tục con đường đức tin và tình huynh đệ.

Ngài cũng chào ca đoàn Racconigi và nhóm cầu nguyện “Thanh thiếu niên của Đức Giáo Hoàng” và cám ơn họ vì sự ủng hộ ngài. Sau cùng ĐTC đã chúc mọi người một lễ Giáng Sinh hy vọng, yêu thương, an bình và tràn đầy kinh ngạc, sự kinh ngạc mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta đầy tình yêu và bình an.

Linh Tiến Khải  – Vatican Radio

 

Lời khuyên thiết thực

Lời khuyên thiết thực

Tin Mừng Chúa nhật hôm nay tiếp nối trang Tin Mừng tuần trước.

Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi truyền giáo. Nay các học trò trở về. Anh em vui mừng kể cho Thầy nghe kết quả những việc đã làm. Chúa chia sẻ niềm vui với các môn sinh và Chúa khuyên nhủ: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Một lời khuyên rất thiết thực.

Chúa Giêsu rất thương các môn đệ. Làm việc nhiều nên cần phải nghỉ ngơi lấy lại sức lực để tiếp tục làm việc. Đó chính là thời giờ tĩnh tâm của các Tông đồ. Trong thinh lặng, mỗi người cầu nguyện, trau dồi nội tâm.

1. Thinh lặng là một cõi riêng tư

Một bầu khí yên tĩnh, một thời gian trầm lắng là một cõi riêng tư thật cần thiết cho con người. Thân xác nghỉ ngơi, tinh thần thư giãn, trí óc sáng suốt, tâm hồn bình an.

Giữa những ồn ào của đám đông

giữa những sôi nổi của thành công

và ê chề của thất bại

xin dành một cõi rất riêng cho Giêsu.

Giữa những đam mê quay cuồng

giữa những khát khao thèm muốn

và những trói buộc của sợ hãi, âu lo,

xin giữ một cõi rất riêng cho Giêsu

Giữa lúc bị cuộc đời từ khước

giữa lúc bơ vơ đi trong đêm mênh mông,

chẳng có ai để cậy dựa,

xin trở về với cõi riêng bên Giêsu,

để một mình ở đó

trầm lắng và bình an.

Lm Nhạc sĩ Thái Nguyên suy tư những lời thơ sâu lắng ấy và đã dệt ca khúc: “Một cõi riêng tư”.

Một cõi riêng tư, trong lòng con xin dành cho Chúa.

Một cõi riêng tư, trong lòng con Chúa thương ngự trị.

Chúa là điểm hẹn nơi con phát xuất ra đi dấn thân, cho cuộc đời nhân trần.

Chúa là đỉnh cao nơi con trở lại,để sống trong ân tình, niềm vui phút an bình.

Một cõi riêng tư với Chúa, chan chứa một niềm vui sâu lắng trong nội tâm, niềm vui gặp gỡ Chúa.

2. Chúa Giêsu mẫu gương thinh lặng

Chúa Giêsu khuyên các môn sinh hãy sống theo gương của Người. Nhịp sống mỗi ngày của Chúa Giêsu với khởi đầu là cầu nguyện và kết thúc trong tĩnh lặng riêng tư với Cha.Sáng sớm tinh mơ, Người dành thời gian đẹp nhất một ngày mới để cầu nguyện cùng Chúa Cha. Sau đó bận rộn với biết bao công việc: rao giảng và chữa lành thể xác tâm hồn cho con người. Chúa Giêsu thích sự cô tịch và tránh xa đám đông. Người chọn những nơi hiện diện: "Một ngọn núi cao riêng biệt" (Mc 9,2); những bờ dốc thẳng bao quanh hồ phía đồi Gôlăng (Mc 5,1); những bãi biển Phênixi xứ Xyria hay xứ Libăng (Mc 7,24-31); đôi bờ của con thác miền núi gần nguồn sông Giođan dưới chân núi Hécmon (Mc 8,27)…

Nhịp sống mỗi ngày của Chúa Giêsu tạo nên khuôn mẫu cho tất cả các môn sinh trong cuộc sống thường ngày.

Các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, hoạt động cứu độ con người. Các môn đệ trở về, Chúa khuyên nên nghỉ ngơi trong cầu nguyện. Làm việc và cầu nguyện, sống "nội tâm" và hoạt động "bên ngoài", đó là nhịp sống mỗi ngày của người môn đệ Chúa Giêsu.

3. Thinh lặng để sống nội tâm

Đời sống tâm linh phải được nuôi dưỡng bồi bổ để phát triển. Chúa chính là nguồn mạch đời sống thiêng liêng. Những giờ phút riêng tư thân mật bên Chúa sẽ giúp cho đời sống tâm linh phát triển. Nhờ cầu nguyện, con người mới phát triển quân bình.

Làm việc và cầu nguyện đó là hai nhu cầu của con người. Làm việc để nuôi thân, nuôi gia đình và góp phần xây dựng xã hội.Đời sống cầu nguyện hỗ trợ cho hoạt động bên ngoài. Nếu chỉ hoạt động bên ngoài, con người sẽ không khác gì máy móc. Nếu chỉ biết phát triển đời sống thân xác, con người sẽ trở thành nô lệ cho vật chất. Nếu chỉ quan tâm tới những nhu cầu vật chất, con người sẽ dễ bị tha hoá, đuổi theo tiền bạc, chạy theo chức quyền. Cầu nguyện giúp nâng tâm hồn lên khỏi nô lệ vật chất. Những giây phút yên lặng bên Chúa giúp ta định hướng cuộc đời. Ánh sáng Lời Chúa giúp ta nhìn rõ tâm hồn mình, biết rõ những sai sót của mình mà sửa đổi. Những lời chỉ dạy của Chúa là những chuẩn mực đạo đức giúp ta sống ngay thẳng, thật thà, lương thiện. Ơn Chúa ban sẽ cho ta sức mạnh để hoạt động tích cực hữu hiệu hơn, để hăng hái dấn thân hơn nữa trên đường phục vụ anh em.

Các xã hội văn minh, các đô thị luôn chạy theo nhịp sống hối hả của kỹ thuật hiện đại. Con người thời nay dễ bị căng thẳng. Do đó, người ta thường tìm đến với Yoga, Thiền, với các phương pháp dưỡng sinh để tìm sự quân bình, tìm yên tĩnh, muốn trầm lắng nội tâm.

Vào mùa hè, người ta thường tạm nghĩ công việc, rời nếp sống đô thị náo nhiệt tìm đến nghĩ ngơi nơi vùng quê, miền biển, miền núi.Nô đùa cùng sóng biển cát vàng, hít thở khí trời dịu mát của cao nguyên lộng gió hay hoà vào khung cảnh thanh bình êm ả của đồng quê bát ngát lúa chín vàng… Bầu khí yên tĩnh, thời gian trầm lắng là điều rất cần thiết cho con người. Thân xác nghĩ ngơi, tinh thần thư giãn, trí óc sáng suốt. Từ đó, nhìn lại cuộc sống mình, kiểm điểm, rút ưu khuyết, định hướng cho cuộc sống sắp tới.

Trong lãnh vực tông đồ, thinh lặng cầu nguyện thật cần thiết. Làm việc tông đồ là làm việc của Chúa. Cầu nguyện để biết rõ ý Chúa, biết việc phải làm. Cầu nguyện để múc lấy sức mạnh của Chúa giúp chu toàn công việc. Cầu nguyện để biết khiêm nhường luôn coi mình là dụng cụ trong bàn tay  Chúa. Chỉ khi làm việc trong Chúa, với Chúa và vì Chúa, việc tông đồ mới có kết quả tốt đẹp theo ý Chúa muốn.

Làm việc phải là kết quả của những giờ suy nghĩ và cầu nguyện. Điều kiện tiên quyết để thành công chính là sự thinh lặng. Từ thinh lặng ta mới có thể nuôi dưỡng những suy tư của mình một cách lâu dài được. Bầu khí thinh lặng giúp ta hồi tâm xét mình thực thi sám hối cách đúng mức. Bầu khí thinh lặng còn giúp cho người khác sống tinh thần cầu nguyện.

Người Kitô hữu yêu quý những giây phút thinh lặng trong tâm hồn, yên tĩnh ngọt ngào bên Chúa. Người Kitô hữu tìm thấy sự thinh lặng thánh ấy trong nhà thờ, trong những giây phút cầu nguyện và ngay trong tâm hồn mình. “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 61,2). Thinh lặng, cầu nguyện chiêm niệm, hồi tâm luôn mang lại sức sống thiêng liêng cho mỗi người.

Mẹ Têrêxa Calcutta thích thinh thặng và đã dâng lời cầu nguyện tha thiết.

Lạy Thiên Chúa, Đấng ưa thích sự thinh lặng,xin dạy chúng con thinh lặng để ở một mình với Ngài,trò chuyện,lắng nghe và thấm nhuần Lời Hằng Sống.

Xin dạy chúng con thinh lặng nơi con mắt, biết nhắm lại trước những vấp váp của tha nhân, biết quay đi trước những dịp tội gây xao xuyến.

Xin dạy chúng con thinh lặng nơi đôi tai,để nghe được tiếng kêu của người nghèo đói,để khép lại trước những mời mọc của ma quỷ.

Xin dạy chúng con thinh lặng nơi miệng lưỡi,để biết ca tụng Chúa và đem lại an vui cho muôn người,tránh cho mọi lời nói gây đau đớn đổ vỡ.

Xin dạy chúng con thinh lặng nơi trí khôn,để mở ra trước sự thật và khép lại trước dối trá.

Cuối cùng xin dạy chúng con thinh lặng nơi quả tim,để tránh xa mọi ích kỷ,thù hằn,ghen ghét,để yêu mến và ước ao Thiên Chúa trên hết mọi sự. Amen.

LM Giuse Nguyễn Hữu An

HÃY YÊU THƯƠNG NHAU

HÃY YÊU THƯƠNG NHAU

Các bài đọc phụng vụ hôm nay hướng về chủ đề: “Hãy yêu thương nhau”. Thánh Phêrô nhìn nhận Cornêliô và cả gia đình ông đều là những người rất đạo đức và thực hành yêu thương. Cornêliô rất kính sợ Thiên Chúa và quảng đại cứu trợ. Vì thế, ông đã được Chúa nhìn tới (Cv 10,4) và được Thánh Thần ngự đến, sau đó Phêrô đã làm phép rửa cho họ nhân danh Đức Giêsu Kitô (Cv 10, 44.48). Trong bài đọc hai, Thánh Gioan mời gọi: “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,7-9). Bài Tin Mừng tiếp nối Tin Mừng Chúa nhật tuần trước. Chúa Giêsu tiếp tục giải thích về dụ ngôn cây nho và cành. Nhựa sống luân chuyển nuôi dưỡng cây nho và cành sinh ra hoa trái. Tình yêu từ cội nguồn Thiên Chúa chính là nguồn sống phong phú nuôi dưỡng và làm phát triển người tín hữu. Có ở lại trong tình yêu của Chúa mới sinh hoa kết trái : “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người”. Điều răn của Chúa là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.

Huyền thoại tình yêu “Họa mi và bông hồng đỏ” kể rằng.

Một sớm mùa hè, con họa mi làm tổ trên cành dương đã nghe trọn lời than thở của một chàng trai bên cửa sổ :”Nếu anh không kiếm nổi bông hồng đỏ để em cài ngực áo trong buổi dạ hội đêm nay, em sẽ xa anh mãi mãi“. Hoạ mi dư hiểu chàng trai đã lang thang khắp các nương đồng. Nhưng tìm đâu một bông hồng màu đỏ dưới nắng cháy mùa hạ này ? Trời ơi, người tình sẽ chắp cánh bay xa mất thôi. Hoạ mi không chịu nổi dằn vặt bi thương của chàng. Hoạ mi phải ra tay giúp đỡ.Hoạ mi khép cánh trước cây hoa hồng bên giếng nước nài xin:

– Chị hồng ơi, chị có vui lòng tặng em một bông hồng đỏ thắm không?

– Hoạ mi ơi ! em vô tâm như những chiếc gai trên thân chị. Mùa hạ nắng cháy sao em lại xin hoa hồng đỏ?

Chị hồng rung rung cành lá giận dỗi. Hoạ mi tiếp tục tìm kiếm. Nàng nép mình đậu trên một cành hồng ngoài xa hàng dậu.

– Chị hồng ơi, có phép mầu nào làm nở cho em một bông hồng đỏ chăng?

– Hoạ mi ơi, đời cần hoa chi cho thương đau?

– Sao cũng được, miễn em kết chặt một mối tình

– Được, những phép mầu cần phải có máu đỏ.

– Bằng mọi giá chị ạ.

– Bằng giá sinh mạng?

– Kể cả sinh mạng em.

– Hoạ mi ơi ! Hãy đặt cổ em trên gai nhọn của chị, hãy hót cho chị, cho cây cỏ, cho đất trời khúc tình ca thắm thiết nhất đời em. Hãy đổ máu đỏ cho bông hồng nở. Hãy nhuộm máu cho bông hồng đỏ. Mình sẽ có một bông hồng đỏ như máu đẹp nhất trần gian.

Hoạ mi đã hót say mê đến giây phút cuối cuộc đời, đã đổ đến giọt máu cuối cùng, đã chết rũ trên cành hồng bên cạnh đoá hồng bí nhiệm đỏ thắm nở tươi.

Chàng trai mừng vui tiếng cười mở hội. Bông hồng được hái về trau chuốt trước khi có mặt trong dạ hội. Điều lạ lùng nhất và cũng phi lý nhất, phi lý như chính cuộc đời phi lý, là người tình đã khước từ đoá hồng bí nhiệm, vì trên ngực áo cô gái một bông hồng giả đang ngự trị … Sáng hôm sau, dân làng bắt gặp một đoá hồng bị nghiền nát, nằm tả tơi dưới vết bánh xe bò. (Wiliam Oscar Wilde).

Họa mi yêu người,đã lấy máu và sinh mạng đổi lấy bông hồng. Người thiếu nữ nhận bông hồng giả để chối từ một tình yêu chân thật.

Câu chuyện là một huyền thoại, chuyên chở một nội dung rất thực: Đó là nét thực của tình yêu, của tự do, của hy sinh. Tình yêu phải được nuôi dưỡng bằng hy sinh, bằng máu, bằng cả sinh mạng. Tình yêu chân thật phải được trả bằng một giá rất đắt. Chúa Giêsu đã trả giá cho tình yêu chân thật bằng cái chết trên thập giá.

Hoạ mi đã cất tiếng hót bi thương trước khi chết vì muốn hiến tặng đoá hồng. Chúa Giêsu trước khi chịu khổ nạn,chịu chết đã để lại cho các môn đệ những lời tâm huyết rất chân thật và cũng là những chỉ thị cuối cùng của Ngài.”Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Chỉ thị này bao hàm mọi chỉ thị khác.

Chữ “như” ở đây thật quan trọng. Chúa Giêsu đã so sánh : như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến anh em, anh em hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến anh em.

Như Cha đã yêu mến Thầy. Chúa Giêsu đã nhiều lần nói về tình yêu của Chúa Cha dành cho Ngài (x.Ga 3,35;5,20;17,24). Chúa Cha cũng nhiều lần xác nhận điều này (x.Mt 3,17;17,5). Tình yêu của Chúa Cha đối với Chúa Con là tình yêu chia sẽ và trao ban.Tình yêu của Chúa Con đối với Chúa Cha là tình yêu tôn kính và vâng phục. Chúa Con yêu các môn đệ như tình yêu Chúa Cha đối với Ngài. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viết trong thông điệp “Sự Rạng Ngời Chân Lý”: Chữ như này đòi hỏi phải bắt chước Chúa Giêsu, nơi tình yêu của Người mà việc rửa chân cho các môn đệ là một dấu chỉ cụ thể. Chữ như cũng chỉ mức độ mà Chúa Giêsu đã yêu thương các môn đệ và các môn đệ cũng phải yêu thương nhau bằng mức độ ấy. (số 20).

Yêu “như Thầy đã yêu” là yêu như thế nào?

Thầy chấp nhận cái chết thập hình để chuộc tội nhân loại: “Không có tình thương nào cao hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình”.

“Thầy không coi anh em là tôi tớ, nhưng Thầy coi anh em là bạn hữu của Thầy”. Ngài là Thầy, là Chúa.Các môn đệ là người, là đệ tử. Nếu Chúa muốn coi các ông là tôi tớ cũng được, nhưng không,Chúa đã coi họ là bạn hữu ngang hàng với Ngài. Bạn hữu tri âm tri kỷ nên “tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy,Thầy đã cho anh em biết”.

Cả cuộc đời của Chúa đã sống tình yêu nhập thể và hiến dâng cho tất cả mọi người.Chúa không để ai về tay không khi đến với Người. Kẻ mù được sáng, người què đi được, kẻ điếc nghe được, người câm nói được, những kẻ tội lỗi, những cô gái điếm tìm được ơn thứ tha…

Tình yêu của Chúa Giêsu cao đẹp quá, quý giá vô ngần. “Anh em hãy yêu như Thầy đã yêu”. Lời này quả thật là quá khó đối với con người ! Vẫn biết rằng con người chẳng bao giờ yêu nhau tới mức ”như Thầy đã yêu”, nhưng lời mời gọi của Chúa vẫn luôn giục giã chúng ta hướng theo đường Chúa đã đi, lấy tình yêu của Chúa làm tiêu chuẩn cho mọi hành động, làm khuôn vàng thước ngọc cho mọi suy nghĩ, lời nói việc làm của chúng ta.

Cội nguồn của dòng sông tình yêu phát xuất từ Chúa Cha qua Chúa Giêsu tuôn chảy đến nhân loại.Tình yêu là nguồn sự sống, là động lực chính yếu của cuộc đời và sau hết tình yêu cũng là cứu cánh của cuộc đời:”Vạn sự đã do tình yêu sáng tạo, vạn sự được Tình yêu nâng đỡ, vạn sự đi về tình yêu và đi vào trong tình yêu” (R.Tagore)

Chính tình yêu Thiên Chúa đã gọi chúng ta vào trường đời để dạy chúng ta sống yêu thương. Chính tình yêu Thiên Chúa đã cứu sống chúng ta. Và chính nhờ tình yêu ấy mà chúng ta được sống, cũng như cành nho chỉ sống nhờ kết hợp với cây nho chúng ta được “ở lại trong tình yêu của Chúa”.

Lần kia, có một thanh niên nghi ngờ về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Vì thế, anh ta đến thăm viếng một tu sĩ nổi tiếng là thánh thiện. Anh hỏi vị tu sĩ: Thầy có tin tưởng vào Thiên Chúa không?

Vị tu sĩ đáp : có chứ.

Người thanh niên hỏi : Dựa vào chứng cứ nào mà thầy tin được?

Vị tu sĩ đáp : Ta tin tưởng vào Thiên Chúa, bởi vì ta biết Người. Mỗi ngày, ta đều cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn ta.

Người thanh niên hỏi : nhưng làm thế nào điều đó có thể xảy ra được?

Vị tu sĩ đáp : Khi biết sống yêu thương, thì chúng ta cảm nghiệm được Thiên Chúa, và nỗi nghi ngờ tan biến, giống như làn sương buổi sáng bị tan biến trước ánh nắng mặt trời vậy.

Người thanh niên suy nghĩ về câu nói này trong giây lát, rồi hỏi: Làm thế nào để con có thể đạt được niềm tin chắc chắn này?

Vị tu sĩ đáp: Bằng cách hành động theo tình yêu. Con hãy cố gắng yêu thương những người đồng loại; yêu thương họ một cách tích cực và không ngừng. Trong khi con học hỏi được cách càng ngày càng yêu thương hơn, thì con sẽ càng ngày càng trở nên tin tưởng vào sự hiện hữu của Thiên Chúa, và sự bất tử của linh hồn. Ðiều này đã được thử nghiệm. Ðây là đường lối đúng đắn.

Anh em hãy yêu thương nhau”, đây là dấu hiệu rõ ràng nhất, thiết thực nhất để nhận ra ai là người thuộc về Chúa: ”Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ của Thầy, là chúng con yêu thương nhau”.

Nguyện xin Chúa giúp chúng con tập sống yêu thương ”như Thầy đã yêu” khi thực thi lời Chúa dạy “Điều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất là làm cho cho chính Ta”.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Tình thương

Tình thương

Chúa Giêsu khởi đầu công cuộc cứu chuộc bằng việc giảng dạy và làm phép lạ, Ngài mới bắt đầu nói và làm nhưng chưa mạc khải rõ ràng Ngài là ai, cho nên, trước con người của Ngài, nhiều người ngỡ ngàng, không biết xếp Ngài vào hạng người nào: Ngài có phải là một nhà chuyên môn làm phép lạ không? Là một ngôn sứ, là Elia hay là một Mêsia, cứu tinh của dân tộc Do Thái? Trong khi đó Chúa Giêsu giữ thái độ im lặng, vì Ngài biết người Do Thái đang quan niệm sai lầm về Ngài, cho nên Ngài tế nhị dùng việc làm để minh chứng dần dần sứ mệnh của Ngài, một trong những việc làm đó được kể lại trong bài Tin Mừng: Ngài làm phép lạ chữa bệnh sốt rét cho bà nhạc mẫu của ông Phêrô và tất cả những bệnh nhân đến với Ngài đều được Ngài cứu chữa cho khỏi hết. Với những việc Chúa làm đó cho chúng ta hiểu thêm về uy quyền Thiên Chúa của Chúa Giêsu trên các bệnh nhân.

Thiên Chúa tạo dựng con người và Ngài có quyền trên thân xác và linh hồn con người, có quyền trên thân xác tức là có quyền trên bệnh tật, Ngài có thể chữa lành mọi thứ bệnh tật dễ dàng, giống như một kỹ sư chế tạo ra một cái máy, chắc chắn ông là người hiểu biết và sửa chữa chiếc máy ấy rành hơn bất cứ ai. Chúa Giêsu cũng biết chúng ta như vậy, Ngài là Thiên Chúa, nên Ngài dễ dàng sửa chữa những trục trặc nơi con người, tức là chữa lành mọi bệnh tật nơi con người.

Riêng phép lạ chữa cho bà nhạc mẫu của Phêrô khỏi bệnh sốt rét có ý nghĩa gì? Chúng ta khó hiểu được ý Chúa muốn gì khi làm phép lạ này. Nếu hiểu rằng mỗi phép lạ Chúa làm thường là để tăng cường lòng tin, thì ở đây cũng thế, Chúa muốn tăng cường lòng tin của gia tộc Phêrô và nhất là đối với Phêrô. Đàng khác, nếu xét về quan niệm của người Do Thái, họ vẫn coi bệnh sốt rét là hình phạt của Thiên Chúa, và bệnh sốt rét là do ma quỷ làm, thì Chúa Giêsu làm phép lạ này để minh chứng cho mọi người biết Ngài chính là Đấng mà ngôn sứ Isaia đã loan báo, là Đấng đến để cứu gỡ con người khỏi sa lầy đau khổ bởi tội lụy, bởi điều dữ. Như vậy, cơn sốt rét tượng trưng cho nhân loại đã bị thần dữ làm kiệt quệ đến sống dở chết dở mà chỉ có Chúa mới có thể chữa lành được. Hơn nữa, phép lạ này cũng diễn tả tình yêu Thiên Chúa. Dĩ nhiên hành động nào của Chúa cũng là tình yêu, nhưng ở đây thể hiện rõ hơn: nơi đâu Chúa Giêsu đến rao giảng thì ở đó những con người khổ đau đều ngỡ ngàng, tìm thấy tin yêu và được cứu chữa. Đây cũng là bài học nhắc nhở chúng ta.

Phần đông chúng ta không thể mang lại sức khoẻ thể xác cũng như sự thuyên giảm đau đớn cho những anh em bệnh tật, điều đó đã có các bác sĩ, y tá, nhưng chúng ta có một cái gì sâu xa hơn, quý giá hơn để mến tặng những anh em ấy, đó là khi tiếp xúc, thăm viếng, chúng ta đem lại cho họ một niềm hy vọng, cống hiến cho họ một chân lý khả dĩ trả lời cho mầu nhiệm đau khổ, và mang lại cho họ sự an ủi chân thật.

Chẳng hạn như lời tự thuật của một người kia đã kể cho linh mục Samsông và linh mục này đã kể lại trong một bài giảng ở nhà thờ Đức Bà Paris như sau: “Tôi đau rất nặng, người ta đem tôi vào bệnh viện, không ai săn sóc tôi cả, ngoại trừ một chị y tá, chị tỏ ra rất tốt và hết tình giúp đỡ tôi. Một đêm kia, trời đã rất khuya, tôi thấy chị quỳ gối im lặng trong phòng, tôi hỏi: “Chị quỳ làm gì thế?”, chị trả lời: “Tôi cầu nguyện cho ông”. Chỉ mấy tiếng đồng hồ thôi đủ làm cho tôi bấy lâu nay không biết Chúa, bây giờ tôi biết Chúa, tôi thấy Chúa nơi con người chị y tá ấy, giữa những đau khổ thể xác và tinh thần, nhờ sự săn sóc đầy tình người và những lời cầu nguyện đầy yêu thương của chị y tá ấy, tôi đã gặp Chúa”.

Một thí dụ khác, bác sĩ Longghê là một người Pháp đã từng phục vụ ở Việt nam cách đây mấy mươi năm và cũng nổi tiếng như bác sĩ Tôm Đulây, người Mỹ, đã phục vụ ở Đông Nam Á. Ông tận tụy săn sóc, yêu thương các bệnh nhân, bất kể giai cấp, tôn giáo, chủng tộc, ngày cũng như đêm. Khi có người hỏi vì sao ông yêu thương bệnh nhân như vậy? Vì sao ông có thể bỏ ăn bỏ ngủ vì bệnh nhân, xem bệnh nhân là trên hết? Ông trả lời: “Vì thấy Chúa Giêsu trong mỗi người bệnh”. Mỗi sáng khi đi dưlễ, bệnh nhân lương giáo, ai muốn đi đều được ông cho đi xe của ông, mỗi chiều Chúa nhật, ông lại đưa các bệnh nhân đi chơi, tham quan nơi này nơi nọ, và mỗi tối, ông lần hạt chung với các bệnh nhân, vì là người Pháp, về tiếng Việt ông chỉ thuộc kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh đủ để lần hạt. Ít lâu sau, Longghê trở về Pháp, vào chủng viện, làm linh mục và tình nguyện sang phục vụ những người nghèo khổ ở giáo phận Cần Thơ. Nhưng tiếc thay, sau khi chịu chức, ông bị bệnh và qua đời trước khi tới nơi mong ước.

Nếu chúng ta không bắt chước được bác sĩ Longghê, thì chúng ta có thể bắt chước được chị y tá trên đây, cầu nguyện cho các bệnh nhân. Tuy nhiên, cụ thể hơn, nếu chúng ta có điều kiện, chúng ta hãy đi thăm hỏi, an ủi những bệnh nhân. Trong lúc đau bệnh, nhất là bệnh lâu ngày lâu tháng, người bệnh thường lo lắng, buồn phiền, chán nản và giảm sút lòng tin… chúng ta hãy cảm thông, đối xử tử tế và giúp đỡ họ. Chúng ta hãy noi gương Chúa Giêsu, Đấng không hề bệnh tật gì, đã mang lấy bệnh tật của mọi người, bao nhiêu bệnh nhân đến với Chúa, Chúa không bao giờ xua đuổi hay làm cho họ phải thất vọng, đau khổ, nhưng Chúa đã an ủi, thương yêu cứu chữa họ, vì thế, chúng ta hãy đến với các bệnh nhân, họ rất cần đến tình thương, chúng ta hãy đem tình thương đến cho họ.

Sưu tầm

Tường thuật ngày thứ ba chuyến ĐTC Phanxicô viếng thăm Sri Lanka (1/3)

Tường thuật ngày thứ ba chuyến ĐTC Phanxicô viếng thăm Sri Lanka (1/3)

** Hôm qua thứ năm 15 tháng giêng là ngày chót trong chuyến viếng thăm Sri Lanka ĐTC Phanxicô đã chỉ có một sinh Hoạt chính là thăm Học viện văn hóa Biển Đức XVI tại Bolawalana, cách Colombo 35 cây số, trước khi từ giã Sri Lanka để lên đường sang Philippines. Tuy nhiên ngài cũng đã có một sinh hoạt ngoài chương trình, đó là thăm một ngôi chùa Phật giáo và gặp nguyên tổng thống Mahinda Rajapaksa.

Lúc 6 giờ rưỡi sáng ĐTC đã dâng thánh lễ riêng trong nhà nguyện Tòa Sứ Thần. Sau đó lúc 7 giờ 45 ĐTC đi xe đến Bolawalana. ĐTC đã được Linh Mục Mahamalage Quintus Fernando viện trưởng Học Viện Biển Đức XVI tiếp đón và tháp tùng vào nhà nguyện Học viện. ĐTC đã qùy cầu nguyện trong thinh lặng. Bên trong nhà nguyện cũng có 10 linh mục dòng Tên thuộc cộng đoàn gần Học viện, một ca đoàn và vài dân chài của vùng này. Bên ngoài nhà nguyện có 250 công nhân đã cộng tác trong việc xây cất Học viện. Nhà nguyện được dâng kính “Đức Bà Lanka”. Đền thánh Đức Bà Lanka tại Colombo có từ năm 1911 ban đầu dược dâng kính Đức Mẹ Lộ Đức, năm 1917 có thêm một hang đá và là nơi thu hút tín hữu hành hương. Sau đó đền thánh được nới rộng và hồi Đệ nhị thế chiến bùng nổ ĐHY Jean Marie Masson thuộc dòng Hiến sinh vô nhiễm, TGM Colombo, khấn hứa dâng một đền thánh với tên “Đức Bà Lanka”, nếu Sri Lanka không bị chiến tranh tàn phá. Đền thánh được hoàn thành năm 1974 và được Đức Phaolô VI nâng lên hàng Tiểu vương cung thánh đường trong ngày thánh hiến cùng năm.

Học viện Biển Đức XVI thành hình năm 2011 do sáng kiến của ĐHY Malcom Ranjith, TGM Colombo. Học viện có mục đích cộng tác với các giới chức chính quyền và các tổ chức khác trong việc tái thiết quốc gia sau ba mươi năm nội chiến. Học viện bao gồm một ban đối thoại liên tôn và cộng tác, một ban ngữ học chuyên dậy các thứ tiếng ngoại quốc bắt đầu bằng tiếng Anh đang trở thành ngôn ngữ chung của Sri Lanka, và một ban nghiên cứu các môn học cao đẳng gồm các khoa nhân văn, triết học, thần học, kinh tế, thương mại, tin học vv…

Sau khi thăm Học viện Biển Đức XVI lúc 8 giờ rưỡi ĐTC đã đi ra phi trường cách đó 8 cấy số để từ biệt Sri Lanka lấy máy bay sang Philippines.

ĐTC đã được tổng thống tân cử Sirisena tiếp đón trong phòng khách. Cùng hiện diện có một số giới chức lãnh đạo đạo đời, tất cả các Giám Mục Sri Lanka và một nhóm tín hữu. ĐTC và tổng thống đã duyệt hàng chào danh dự. ĐTC đã bắt tay từ biệt các vị lãnh đạo đạo đời. Tổng thống đã tiễn ĐTC tới tận chân thang máy bay.

** Chiếc máy bay Airbus 340 của hãng hàng không Sri Lanka đã cất cánh rời phi trường Colombo lúc 9 giờ sáng và trực chỉ Manila. Máy bay chở ĐTC và đoàn tùy tùng bay ngang qua không phận các nước Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan. Campuchia và Việt Nam, trước khi tới Philippines.

ĐTC đã gửi điện tín chào tổng thống Maithripala Sirisena và quốc dân Sri Lanka. Ngài bầy tỏ lòng biết ơn sự tiếp đón nồng hậu của tổng thống, chính quyền và toàn dân Sri Lanka và bảo đảm lời cầu nguyện của ngài cho hòa bình, hiệp nhất và thịnh vượng của Sri Lanka.

Khi máy bay bay trên không phận của Ấn Độ ĐTC gửi điện tín chào thăm và khẩn cầu phước lành tràn đầy của Thiên Chúa trên trên tổng thống Pranab Mukherjee và nhân dân Ấn.

Qua không phận Thái Lan ĐTC gửi lời chào thăm quốc vương Bhumibol Adulayadej và bảo đảm cầu nguyện cho nhà vua và toàn dân Thái được tràn đầy ơn hòa bình và thịnh vượng của Thiên Chúa.

Khi bay trên không phận Campuchia ĐTC gửi điện tín chào thăm và khẩn cầu phước lành tràn đầy của Thiên Chúa trên vua Norodom Sihamoni và quốc dân.

Khi máy bay ở trên bầu trời Việt Nam ĐTC đã gửi điện tín cho ông Trương Tấn Sang Chủ tịch nưóc Cộng hòa xã hội Việt Nam. Ngài bảo đảm các lời cầu nguyện cho ông và toàn dân Việt Nam và khẩn nài Thiên Chúa ban ơn hòa bình và thịnh vượng trên mọi người.

** Sau 6 giờ 15 phút bay vượt chặng đường dài 4.567 cây số, chiếc Airbus 340 đã tới phi trường Villamor Manila lúc 17 giờ 45 giờ địa phương.

Bầu khí chờ đợi ĐTC tại Philippines rất là hân hoan. HĐGM đã ra thông cáo mời gọi đánh chuông 60.000 nhà thờ và hằng trăm ngàn nhà nguyện trên toàn nước để chào mừng ĐTC, khi ngài đến phi trường Manila. Đây là lần thứ tư một vị Giáo Hoàng đến viếng thăm Philippines. Lần đầu tiên là Đức Phaolô VI hồi năm 1970 tức cách đây 45 năm, tiếp theo đó là Đức Gioan Phaolô II trong hai năm 1981 và 1995.

Đón tiếp ĐTC tại phi trường có ĐHY Luis Antonio Tagle TGM Manila, ĐC Socrates Villegas, TGM Lingayen-Dagupan, Chủ tịch HĐGM Philippines, ĐTGM Giuseppe Pinto, Sứ Thần Tòa Thánh tại Philippines, các Giám Mục thuộc ban Thường Vụ. Về phiá chính quyền có Tổng thống Benigno Simeon Aquino III, một số vị lãnh đạo dân sự. Cũng có mấy ngàn bạn trẻ vùa hát vừa múa chào mừng ĐTC. Bên canh đó là một ban vũ thiếu nhi mặc áo có cánh thiên thần và hàng chục ngàn tín hữu cầm cờ Toà Thánh và cờ Philippines vẫy chào ĐTC.

Đức Sứ Thần Tòa Thánh tại Philippines và bà đại sứ Philippines cạnh Tòa Thánh đã lên máy bay chào ĐTC.

Tổng thống Aquino đã đón ĐTC tại chân thang máy bay. Sau khi ĐTC và tổng thống bước lên bục, ban quân nhạc đã trổi quốc thiều Vaticăng và quốc thiều Phihlippines. Tiếp đến ĐTC và tổng thống duyệt hàng chào danh dự. Hai em bé một trai một gái đến tặng hoa cho ĐTC. Tổng thống giới thiệu với ĐTC một vài giới chức chính quyền. ĐTC đã chào các Giám Mục và ĐHY Tagle. Tiếp đó ĐTC đã lên xe díp trắng để vể Tòa Sứ Thần Tòa Thánh cách đó 9 cây số. Lễ nghi tiếp đón chính thức sẽ chỉ diễn ra sáng thứ sáu 16 tháng giêng, khi ĐTC đến viếng thăm xã giao tổng thống.

Hai bên đường từ phi trường về Toà Sứ Thần cách đó 9 cây số cũng đầy tín hữu đúng hai bên đường chào đón ĐTC. Xe đã tới Tòa Sứ Thần 45 phút sau đó. ĐTC đã dùng bữa tối và nghỉ ngơi lấy sức cho các sinh hoạt tiếp theo.

** Manila là thủ đô của Philippines từ năm 1591, nằm trên bờ biển phía đông đảo Luzon, là đảo lớn nhất của quần đảo Philippines gồm hơn 7,100 đảo. Cấu trúc thành phố có từ thời Tây Ban Nha đô hộ với các bức tường của thành cổ có pháo đài gọi là Intramuros. Manila hiện có 1,5 triệu dân cư và là trung tâm của một vùng thành phố khác là Metro Manila bao gồm 17 thành phố chung quanh có tổng cộng 12 triệu dân. Ở mạn nam Intramuros là công viên Rizal, nơi ĐTC sẽ cử hành thánh lễ cho tín hữu ngày 18 tháng hai. Manila có nhiều nơi phụng tự công giáo trong đó có nhà thờ chính toà nơi ĐTC sẽ cử hành thánh lễ cho hàng giáo sĩ và tiểu vương cung thánh đường Thánh Sebastian kiểu gô tích hoàn toàn bằng thép. Manila cũng có khoảng 30 đại học, học viện và viện cao học bách khoa, kỹ thuật, nổi tiếng nhất là Đại học giáo hoàng thánh Toma, nơi ĐTC sẽ gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo và giới trẻ Philippines.

Tổng giáo phận Manila có từ năm 1595, có 3 triệu 484 ngàn dân trong đó có 3 triệu 49 ngàn người công giáo, tức chiếm 88%. Giáo phận có 88 giáo xứ, 260 nhà thờ hay cứ điểm truyền giáo, 271 linh mục giáo phận, 369 linh mục dòng, 529 tu huynh, 899 nữ tu khấn trọn, 89 đại chủng sinh và 1 thầy sáu vĩnh viễn. Giáo Hội điều khiển 204 cơ sở giáo dục và 38 trung tâm bác ái.

Sáng thứ sáu hôm nay ĐTC được chính thức tiếp đón tại Dinh Tổng thống Malacanhăng, gặp gỡ chính quyền và ngoại giao đoàn, rồi lúc 11 giờ cử hành thánh lễ cho hàng giáo sĩ, tu sĩ nam nữ và chủng sinh trong nhà thờ chính tòa Manila. Vào ban chiều ngài gặp gỡ các gia đình tại tòa nhà thể thao “Mall of Asia Arena”.

Để kết thúc bài theo gót ĐTC sau đây là bài phỏng vấn ĐHY Luis Antonio Gokim Tagle, TGM Manila dành cho phái viên Sean Lovett của chương trình tiếng Anh đài Vaticăng, về bầu khí chờ đợi ĐTC, kỷ niệm chuyến viếng thăm của Đức Phaolô VI và bầu khí chờ đợi ĐTC Phanxicô.

Hỏi: Thưa ĐHY, tình hình Philippines hiện nay ra sao?

Đáp: Philippines vừa mới lấy lại sức sau trận bão vừa qua. Trong lúc này đây tôi vẫn còn nhớ như in các hình ảnh tàn phá: cây cối trụi hết không còn một lá nào, tuy nhiên các đường xá được quét dọn sạch sẽ và lề đường được lót lại để chuẩn bị tiếp đón ĐTC…

Hồi Đức Phaolô VI viếng thăm Philippines dân chúng đã rất hăng say tiếp đón ngài như là một ơn từ trời, Đức Phaolô VI đã muốn đến thăm các gia đình nghèo của quận Tondo ỏ Manila, nổi tiếng là một trong những vùng nghèo nhất của thành phố. Người dân tại đây vẫn còn nhớ chuyến viếng thăm ấy của Đức Phaolô VI. Khi tôi tới thăm giáo xứ nhân một dịp lễ cha sở và tín hữu tại đây đã chỉ cho tôi thấy căn nhà nơi Đức Phaolô VI đã thăm. Còn có các kỷ niệm các hình ảnh và các hiệu quả của chuyến viếng thăm cách đây 45 năm đó.

Hỏi: Có tương quan giữa hai chuyến viếng thăm của hai vị Giáo Hoàng không, vì có đề tài về lòng thương xót và đối thoại…

Đáp: Vâng, có tương quan giữa hai cuộc viếng thăm. Chúng ta phải nhớ tới các người mà Đức Phaolô VI đến gặp gỡ hồi năm 1970, là các Giám Mục Á châu tụ tập về để gặp ĐGH. Và chính trong dịp này tại Manila với sự khích lệ của Đức Phaolô VI Liên Hội Đồng Gám Mục Á châu đã chào đời. Đức Phaolô VI cũng đã khánh thành đài phát thanh Chân Lý Á châu để có thể loan báo Tin Mừng cho các dân tộc Á châu qua Radio. Trong một nghĩa nào đó, chuyến viếng thăm của Đức Phaolô VI đã như là tiếp nhận Công Đồng Chung Vaticăng II tại Á châu, với hình ảnh của ĐTC mời gọi chúng tôi đối thoại và tài liệu Giáo Hội Người. Thế rồi bốn năm sau tại Đài Loan năm 1974 đã có đại hội đầu tiên của Liên Hội Đồng Giám Mục Á châu về đề tài rao giảng Tin Mừng tại Á châu. Theo Đức Phaolô VI việc rao truyền Tin Mừng phải xảy ra qua đối thoại. Như thế các biến cố có liên hệ với nhau.

Hỏi: Không có nhiều người nối liền Đức Phaolô VI với Đức Phanxicô. ĐHY có làm điều này không?

Đáp: Ồ, có chứ. Tôi có làm điều đó. Khi có người nói một cách tích cực cũng như một cách tiêu cực rằng “ĐTC Phanxicô đang làm một cuộc cách mạng, đang đối thoại, đang ôm hôn người nghèo”, thì tôi nói là đã thấy nơi Đức Phaolô VI rồi trong lộ trình của ngài và trong con người của ngài. Trực giác này, quan niệm này mà ĐTC Phanxicô xem ra đang lấy lại và tái đề nghị, tôi đã sống như là chứng nhân trong các nghiên cứu và cuộc gặp gỡ của tôi với Đức Phaolô VI tại Philippines. Các cử chỉ biểu tượng của Đức Phaolô VI xem ra đã mở đường cho Đức Phanxicô.

Hỏi: ĐTC Phanxicô đã nói là ngài mang theo một sứ điệp cảm thương đến cho người nghèo, cho các nạn nhân của bão lụt và động đất, và xin đừng chi phí nhiều cho các việc chuẩn bị đón tiếp, có đúng thế không thưa ĐHY?

Dáp: Vâng, đây là dấu vết các chuyến viếng thăm của ngài. Bên Nam Hàn cũng thế ĐTC sẽ không hài lòng thấy các chuẩn bị lộ liễu. Cả bàn thờ dâng thánh lễ cũng phải đơn sơ, là dấu chỉ của vị Giáo Hoàng này, của sự đơn sơ của ngài.

Hỏi: Người dân Philippines rất quảng đại trong việc diễn tả lòng trìu mến của họ Có khó kìm hãm họ không thưa ĐHY?

Đáp: Trong một kiểu nào đó thì khó kìm hãm họ. Nhưng chúng tôi đã không chỉ làm cho dân chúng hiểu các ước muốn của ĐTC, mà cũng hiểu các dấu chỉ thời đại nữa. Chúng tôi không muốn dấy lên gương mù gương xấu. Tất cả mọi người đều có thể tìm một cớ để dành cho ngài một sự tiếp đón sang trọng, vì có gì đi nữa thì ngài cũng là Giáo Hoàng, Nhưng chúng tôi phải ý thức đối với biết bao nhiêu người mà chúng tôi phải tiếp đón hằng ngày giữa chúng tôi: những người nghèo và đói. Vì thế tất cả tiền tiết kiệm được cho chuyến viếng thăm của ĐTC sẽ được dùng để trợ giúp người nghèo. Và ĐTC đã rất rõ ràng trong việc này.

Hỏi: Thế giới đã chú ý rất nhiều đến Philippines sau trận bão Haiyan và Hagupit, nhưng ĐHY đã thường nói đến các trân bão thường ngày ập đổ trên Philipines…

Đáp: Vâng chúng tôi thường có các trận bão, trung bình khoảng 20 tới 22 trận bão mỗi năm. Chúng tôi cũng thường có động đất ở các mức độ khác nhau. Chúng khiến cho thế giới chú ý vì sức tàn phá rộng rãi của chúng. Nhưng, như tôi đã nói trong nhiều dịp, chúng ta không được quên các trận bão hằng ngày, các trận động đất hằng ngày do nghèo đói, gian tham hối lộ, các thoả hiệp thương mại sỗ sàng và các thực hành không liêm chính gây ra cho người dân. Cả khi mặt trời rạng rỡ, bóng tối lan tràn trong cuộc đời của biết bao nhiêu người. Cả trong Thượng Hội Đồng Giám Mục tôi đã nhắc tới những người trong các nhóm bé nhỏ, đối với chúng tôi bên Á châu, sự nghèo túng không phải là một cái gì ngoại tại đối với gia đình. Nó ghi đậm dấu trên cuộc sống, trên tế bào gia đình. Khi tôi thăm một nhà tiếp đón các trẻ em và người trẻ lang thang ngoài đường ban đêm, tôi mới nhận ra rằng cha mẹ các em khoan nhượng với tất cả những điều đó, bởi vì họ hy vọng rằng các nhân viên của chính quyền có thể tiếp đón con cái họ và nuôi dạy chúng trong các nhà tiếp đón. Họ không phải là các cha mẹ lơ là với con cái của họ, nhưng họ là các cha mẹ qúa nghèo không có gì cho con ăn cả, và họ nói với con cái họ: “Sao con không đi ra ngoài và khi cảnh sát đem con vào nhà tiếp đón, tại sao con không đi với họ? Con sẽ có được an ninh ban đêm. Cho đêm nay con có một mái nhà và thức ăn”.

Hỏi: ĐTC Phanxicô đã nói rằng ngài muốn chuyến viếng thăm không tập trung nơi ngài, nhưng tập trung nơi Chúa Giêsu và nơi gương mặt của những người nghèo. ĐTC có đưa ra các chỉ dẫn nào khác không thưa ĐHY?

Đáp: Ngài không muốn mất thởi giờ trong những chuyện có thể làm cho ngài chia trí đối với trọng tâm sứ mệnh của ngài là gặp gỡ người nghèo và lắng nghe họ. Trong chuyến viếng thăm của ĐTC có nhiều người hỏi: “Chúng con có thể gặp ĐGH một phút không? Có thể dâng tặng cho ngài cái này cái kia không?” Tất cả đều rất đẹp. Nhưng nếu chỉ có ba ngày thăm viếng, thì cần phải lựa chọn. Và cũng cần tiết kiệm sức lực cho ĐTC nữa. Các chuyến bay dài, việc thay đổi khí hậu, thay đổi múi giờ, thay đổi thực phẩm vv… có thể khiến cho một người 78 tuổi kiệt lực. Cần phải sử dụng các sức lực ấy cho sứ mệnh của ngài. Vì thế chúng tôi đang giúp ĐTC tập trung vào các cuộc gặp gỡ của ngài với các gia đình và với giới trẻ tại Manila. Trong các cuộc gặp gỡ này ngài cũng sẽ lắng nghe các chuyện của các gia đình gặp khó khăn, các gia đình đã là nạn nhân của nhiều trận bão lụt, cũng như lắng nghe các khó khăn của giới trẻ. Như tôi đã nói, có một loại bão xảy ra không phải chỉ tại một nơi, nhưng tại khắp nơi. ĐTC sẽ lắng nghe họ, và không phải chỉ có ngài sẽ ban lời an ủi cho họ, mà ngài cũng được củng cố bởi chính đức tin của các người đáng thương này nữa.

Hỏi: Như là TGM Manila, đâu là thách đố lớn nhất của ĐHY trong việc tổ chức một biến c phức tạp như chuyến viếng thăm này của ĐTC?

Đáp: Chúng tôi đã thành lập một nhóm hỗn hợp gồm các người của chính quyền, của lãnh vực kinh tế và của Giáo Hội. Và ủy ban này đã là một kết qủa chuyến viếng thăm của ĐGH rồi: vị chủ chăn hoàn vũ tạo ra ý thức về gia đình. Và tôi rất hạnh phúc. Tôi chắc chắn rằng cả sau chuyến viếng thăm này nữa ý thức của sự hiệp thông, của sự cộng tác tất cả cùng nhau sẽ tiếp tục. Tôi muốn duy trì sự hợp tác này.

Hỏi: ĐHY nghĩ chuyến viếng thăm này của ĐTC có đặc tính nào?

Đáp: Một cuộc gặp gỡ với nhiều đau khổ. Nhưng sứ điệp Kitô không kết thúc với khổ đau, vì luôn luôn có một sự Phục Sinh. Và tôi hy vọng rằng ĐTC sẽ trông thấy điều này giữa những người đã đau khổ và tiếp tục đau khổ.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

CHỨNG NHÂN CỦA ÁNH SÁNG

CHỨNG NHÂN CỦA ÁNH SÁNG

Trên đời có nhiều thứ ánh sáng: ánh sáng vật lý, ánh sáng văn hoá, ánh sáng khoa học, ánh sáng tâm linh. Để nhìn ra ánh sáng, cần có một khả năng nào đó. Để thấy ánh sáng vật lý, chỉ cần có đôi mắt bình thường. Nhưng để nhìn thấy ánh sáng khoa học, phải có một số vốn kiến thức cần thiết. Để thấy ánh sáng văn hoá, cần được khai tâm mở trí. Và để thấy được ánh sáng tâm linh, cần có các chứng nhân chiếu dọi. Thánh Gioan Baotixita là chứng nhân của Đức Kitô ánh sáng. Ngài làm chứng cho Đức Kitô bằng chính cuộc đời trong sáng của ngài. Nhìn vào cuộc đời ngài, ta thấy toả ra các làn ánh sáng sau đây:

Làn ánh sáng thứ nhất mà ta thấy nơi cuộc đời thánh nhân là làn ánh sáng của sự khiêm nhường. Ngài khước từ mọi vinh quang người ta phủ quanh ngài. Ngài thành thực nhận mình không phải là Đấng Cứu Thế toàn dân mong chờ, không phải là Êlia vĩ đại, cũng không phải là một tiên tri cao cả. Ngài tự nhận mình chỉ là một "tiếng kêu trong sa mạc". Ngài khiêm nhường nói rằng ngài không xứng đáng xách giày cho Đẫng Cứu Thế. Thật là khiêm nhường tự hạ. Đức khiêm nhường ấy chiếu lên dung mạo ngài một làn ánh sáng. ánh sáng ấy khiến cho lời chứng của ngài càng có sức thuyết phục. ánh sáng ấy phản chiếu dung mạo đích thực của Đấng Cứu Thế, Đấng tuyệt đối khiêm nhường.

Làn ánh sáng thứ hai ta thấy nơi cuộc đời của thánh nhân là làn ánh sáng của sự khổ hạnh. Phần lớn đời ngài ẩn dật trong sa mạc. Sống trong sa mạc đồng nghĩa với sống khổ hạnh. Ngoài sự khắc nghiệt của thời tiết, sự hoang vu cô tịch, sự đe doạ của thú dữ, thánh Gioan Baotixita còn tự nguyện sống khó nghèo, đơn sơ, đạm bạc. Y phục của ngài chỉ là mảnh da thú quấn quanh thân thể. Thức ăn của ngài là châu chấu và mật ong rừng. Sự khổ hạnh không chỉ loé sáng lên một ý chí mạnh mẽ biết vượt thắng chính bản thân mình, mà còn chiếu ánh sáng hy vọng vào tương lai. Người lệ thuộc vào vật chất là người bị trói buộc trong hiện tại. Người khổ hạnh là người đặt niểm hy vọng ở tương lai. Niềm hy vọng ấy chiếu sáng vào cuộc đời hiện tại vì làm cho cuộc sống có một ý nghĩa cao đẹp và sâu xa. Tương lai tươi sáng mà thánh Gioan Baotixita chờ đón chính là Đức Giêsu Kitô mà ngài loan báo.

Làn ánh sáng thứ ba nơi cuộc đời thánh nhân là làn ánh sáng của sự trung thực. Trung thực trong những lời nói về chính mình, nên ngài không dám nhận những vinh quang người đời tưởng lầm Ngài có. Ngài chỉ nhận những sự thực rất khiêm nhường, rất bé nhỏ của mình. Trung thực với lòng mình, nên ngài sống một cuộc sống khổ hạnh, không phô trương, không giả dối. Trung thực trong những phán đoán về người khác, nên ngài đã thẳng thắn khuyên vua Hê-rô-đê không đựơc phép lấy chị dâu. Chính sự trung thực này đã phải trả giá bằng cái chết chẳng toàn thây. Nhưng sự trung thực ấy đã làm sáng lên cuộc đời chứng nhân. Làn ánh sáng ấy cho ta thoáng thấy ánh sáng đích thực của Đấng là Sự Thật, là chính Đức Giêsu Kitô.

Làn ánh sáng thứ tư nơi cuộc đời thánh nhân là làn ánh sáng của sự quên mình. Biết mình chỉ là người đưa tin, thánh nhân luôn xoá mình đi, để cho Đấng là chính Tin Mừng được nổi bật. Biết mình chỉ là người mở đường, thánh nhân luôn tự hạ để cho Đấng là Đường được mọi người nhận biết. Làm chứng cho sự thật, thánh nhân đã tự nguyện hy sinh để cho Đấng là Sự Thật được trân trọng. Khi mọi người tuốn đến với Ngài, Ngài đã không giữ lại cho mình, nhưng đã giới thiệu họ đến với Đức Giêsu, nên ngài nói: "Người đến sau tôi, nhưng tôi không đáng cởi dây giầy cho Người" (Ga 1,27). Nhiều môn đệ đã theo Ngài, nhưng Ngài giới thiệu để họ theo làm môn đệ Đức Giêsu. Khi thấy đám đông đã bỏ ngài để đi theo Đức Giêsu, ngài hài lòng vì thấy nhiệm vụ đã hoàn tất, nên ngài nói: "Chúa phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi" (Ga 3, 30).

Thánh Gioan Baotixita thật là một chứng nhân tuyệt hảo. Ngài đã biết tự hạ mình xuống để Chúa được nổi bật lên. Ngài đã biết ẩn mình trong bóng tối để Chúa được xuất hiện trong ánh sáng. Ngài đã biết tự huỷ mình đi để Chúa được nhận biết. Ngài đúng là người đi mở đường cho Chúa. Ngài thực là chứng nhân của ánh sáng.

Mùa Vọng này, mọi người đang chờ đón Chúa đến. Chúa muốn tôi hãy đi mở đường cho Chúa. Chúa muốn tôi làm chứng cho Chúa. Chúa muốn tôi giới thiệu Chúa cho anh em. Nhưng rất nhiều khi, thay vì mở đường cho Chúa, tôi chỉ lo mở đường cho tôi. Rất nhiều khi thay vì làm chứng cho Chúa, tôi chỉ lo làm chứng cho tôi. Rất nhiều khi thay vì giới thiệu Chúa, tôi chỉ giới thiệu bản thân mình.

Hôm nay, Chúa mời gọi tôi hãy soi mình vào tấm gương của thánh Gioan Baotixita để biết cách dọn đường cho Chúa ngự đến.

Xin thánh Gioan Baotixita giúp chúng con sống trong sáng để trở nên chứng nhân của ánh sáng.

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Thư Đức Thánh Cha nhân dịp Năm về Đời Sống Thánh Hiến

Thư Đức Thánh Cha nhân dịp Năm về Đời Sống Thánh Hiến

VATICAN. ĐTC Phanxicô gửi thư cho những người thánh hiến trong toàn thể Giáo Hội, kêu gọi kiểm điểm ơn gọi, dấn thân canh tân đoàn sủng, tăng cường tình hiệp thông, đi tới các khu ngoại ô của cuộc sống, quan tâm giúp đỡ những người nghèo.

Trên đây là một vài điểm trong lá thư thật dài ĐTC công bố hôm 28-11-2014 và gửi đến những người nam nữ thánh hiến, nhân dịp năm về đời sống thánh hiến, bắt đầu từ chúa nhật 30-11-2014, và kéo dài đến ngày 2-2 năm 2016, lễ Dâng Chúa vào Đền Thánh.

Thư của ĐTC gồm 3 phần: trước tiên về những mục tiêu của năm về đời sống thánh hiến, tiếp đến là những mong đợi của ĐTC nơi những người thánh hiến trong năm này, sau cùng là những chân trời của năm về đời sống thánh hiến.

Trong phần đầu, ĐTC nói đến 3 mục tiêu của năm này, đó là nhìn lại quá khứ trong niềm biết ơn: mỗi gia đình đoàn sủng hãy nhớ lại sự khởi đầu và phát triển của mình, để cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội bao nhiêu hồng ân. Năm này cũng là cơ hội để khiêm tốn xưng thú những dòn mỏng yếu đuối của mình và tín thác nơi Thiên Chúa là Tình Thương.

Mục tiêu thứ hai: năm về đời sống thánh hiến mời gọi sống hiện tại trong niềm hăng say, để cho mình được Tin Mừng của Chúa gọi hỏi, để Tin Mừng thực sự là cẩm nang cho đời sống thường nhật và những chọn lựa chúng ta được kêu gọi thực hiện, kiểm điểm sự trung thành đối với sứ mạng đã được ủy thác. ĐTC khẳng định rằng: ”Sống hiện tại trong niềm hăng say đó nghĩa là trở thành những chuyên gia về hiệp thông, thành chứng nhân và là người kiến tạo dự án hiệp thông ấy.”

Mục tiêu thứ ba là đón nhận tương lai với niềm hy vọng, mặc dù có đủ loại khó khăn. ĐTC khẳng định rằng niềm hy vọng ở đây không dựa trên những con số và những công việc, nhưng trên Đấng mà chúng ta tín thác (2 Tm 1,12) và đối với Chúa, không gì là không có thể. ”Anh chị em đừng chiều theo cám dỗ của những con số và hiệu năng, và càng không nên cậy dựa vào sức riêng của mình”.

– Trong số những mong đợi ĐTC đề ra trong năm về đời sống thánh hiến, ngài mong muốn rằng nơi nào có các tu sĩ thì nơi đó có niềm vui: ”Chúng ta được kêu gọi cảm nghiệm và chứng tỏ rằng Thiên Chúa có thể làm cho tâm hồn chúng ta được sung mãn và làm cho chúng ta được hạnh phúc, chúng ta không cần tìm hạnh phúc ở nơi khác; ước gì tình huynh đệ chân thành trong cộng đoàn chúng ta nuôi dưỡng niềm vui của chúng ta”.

Mong đợi thứ hai của ĐTC là ngài muốn các tu sĩ thức tỉnh thế giới, trở thành những ngôn sứ làm chứng về cách thức Chúa Giêsu đã sống trên trái đất này. Không bao giờ tu sĩ được từ bỏ sứ vụ ngôn sứ của mình.

Mong đợi thứ ba là linh đạo hiệp thông trở thành thực tại trong các cộng đoàn và những người thánh hiến đi hàng đầu trong việc đương đầu với thách đố biến Giáo Hội thành nhà và là trường hiệp thông. ĐTC viết:

”Tình hiệp thông được thực thi trước tiên giữa lòng các cộng đoàn dòng tu liên hệ. Về điểm này tôi mời gọi anh chị em hãy đọc lại những lời mà tôi thường lập lại, đó là: những lời phê bình, nói hành nói xấu, ghen tị ghen tương, đố kỵ, là những thái độ không có quyền được ở trong các nhà của chúng ta. Sau khi đặt tiền đề đó, con đường bác ái mở ra trước mắt chúng ta hầu như là vô biên, vì đây là vấn đề theo đuổi sự đón tiếp và quan tâm đối với nhau, thực thi sự hiệp thông của cải vật chất và tinh thần, sửa lỗi cho nhau, tôn trọng những người yếu hơn.. 'Sống chung với nhau thật là một khoa thần bí'.

Sau cùng, ĐTC kêu gọi mọi thành phần Giáo Hội, nhất là những người thánh hiến hãy ra khỏi mình để tới các vùng ngoại ô của cuộc sống, đáp ứng những mong đợi của thế giới. Ngài viết: ”Có cả một nhân loại đang chờ đợi, những người đã mất hết mọi hy vọng, các gia đình gặp khó khăn, các trẻ em bị bỏ rơi, người trẻ bị chặn mất mọi tương lai, bệnh nhân, người già bị bỏ rơi, người giàu đầy dư của cải nhưng tâm hồn trống rỗng…”

Trong phần III của lá thư, ĐTC ngỏ lời với các giáo dân liên kết với các tu sĩ trong đoàn sủng. Ngài cũng nhắc nhở rằng Năm về đời sống thánh hiến cũng có liên hệ tới toàn thể Giáo Hội, vì thế ngài mời gọi các tín hữu hãy ý thức về hồng ân là sự hiện diện của bao nhiêu ngừơi thánh hiến, những người thừa kế của các vị đại thánh.
ĐTC không quên nhắc nhở các GM hãy nồng nhiệt và vui mừng đón nhận đời sống thánh hiến trong giáo phận liên hệ như ”một gia sản tinh thần góp phần vào thiện ích của toàn thể thân mình Chúa Kitô” (LG 43) (SD 28-11-2014)

Ân xá trong Năm v đời sống thánh hiến

Đồng thời với thư của ĐTC, Tòa Ân Giải tối cao đã công bố Sắc lệnh ký ngày 23-11-2014 ấn định những công việc cần thực thi để được hưởng ơn toàn xá ĐTC rộng ban trong Năm về đời sống thánh hiến.

A. Tại Roma, mỗi khi các tu sĩ và tín hữu tham dự các cuộc gặp gỡ quốc tế và các buổi cử hành được ấn định trong lịch trình do Bộ các dòng tu thiết lập, và dành một thời gian thích hợp để suy niệm, và kết thúc bằng kinh Lạy Cha, kinh Tin Kính, và kêu cầu khẩn Đức Mẹ.

B. Tại tất cả các giáo phận, trong những ngày của giáo phận dành cho Đời sống thánh hiến và trong các buổi cử hành của giáo phận được đề ra cho Năm về đời sống thánh hiến, mỗi khi các tu sĩ và tín hữu kính viếng Nhà thờ chính tòa hoặc một nơi thánh khác được chỉ định với sự đồng thuận của vị Bản quyền địa phương, hay trong một thánh đường tu viện hay nguyện đường của một Đan viện chiêm niệm, đọc Phụng vụ các giờ kinh công khai hoặc dành một khoảng thời gian thích hợp để suy niệm, và kết thúc với Kinh Lạy Cha, kinh Tin Kính và sốt sắng cầu khẩn Đức Mẹ.

Các thành viên các Hội dòng đời sống thánh hiến vì bệnh tật hoặc vì lý do hệ trong không thể viếng thăm các nơi thánh, cũng có thể được hưởng ơn toàn xá, nếu có lòng xa tránh tội lỗi và có ý hướng sớm thực thi các điều kiện thường lệ, kính viếng trong tinh thần với ước muốn sâu xa và dâng bệnh tật và những cơ cực của cuộc sống mình cho Thiên Chúa, nhờ Mẹ Maria, và thêm những kinh nguyện như nói trên.

Ân xá trên đây được ban với điều kiện thường lệ là xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý ĐTC.

G. Trần Đức Anh OP– Vatican Radio

 

Học yêu Thánh Giá

Học yêu Thánh Giá

Tình cờ tôi nghe bài hát “học yêu Thánh Giá”, từ web: mp3.zing.vn/bai-hat/Hoc-yeu-Thanh-Gia.

Lời ca ngắn gọn mà sâu sắc, giai điệu nhẹ nhàng cho tôi cảm nhận sâu lắng về tình yêu Thánh Giá Chúa Giêsu.

Thánh Giá là chữ T.

Người nằm giang tay chữ Y.

Là tình yêu, yêu đến tận cùng.

Yêu nhân gian chiều ngang.

Yêu đời mình chiều sâu.

Yêu Chúa là chiều cao.

Để tình yêu luôn mãi nhiệm mầu.

Thập giá là chữ T được tạo nên do hai thanh gỗ. Thanh nằm tượng trưng cho sự chết và sự yếu đuối trải rộng. Thanh đứng tượng trưng cho sự sống vươn cao. Ý mụốn của con người là thanh nằm. Ý muốn của Thiên Chúa là thanh đứng. Trên thập giá, Chúa Kitô chịu đóng đinh dang tay thành chữ Y. Tình yêu là điểm giao thoa giữa thanh nằm của sự chết và thanh đứng của sự sống. Cả ba chiều kích ngang, sâu, cao của thập giá đều quy tụ nơi tình yêu của Đấng chịu đóng đinh. Chúa Kitô đã đón nhận cái chết trên thập giá vì yêu thương nhân loại.

Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu coi cái chết của mình như là một sự tôn vinh. Tôn vinh Tình Yêu của Chúa Cha, một Tình Yêu vô bờ bến, một Tình Yêu mãnh liệt đến nỗi Chúa Cha “đã ban Con Một cho thế gian, để những ai tin vào Người Con thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16). Đồng thời cũng là tôn vinh Tình Yêu của Chúa Giêsu, một Tình Yêu đã hy sinh mạng sống vì những người mình yêu, là một hy lễ dâng lên Chúa Cha, cũng là sự tự hiến cho loài người trở nên lương thực nuôi sống chúng ta.

Thánh Phaolô nhấn mạnh sự tương phản chưa từng thấy trong mầu nhiệm Thập giá. Sự hạ mình sâu thẳm của Đức Giêsu Kitô “Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa, đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người, tặng ban Danh hiệu vượt trên mọi Danh hiệu. Và khi nghe Danh Thánh Chúa Giêsu, mọi gối phải bái quỳ để tôn vinh Chúa Cha và tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa” ( Pl 2,6-11).

Theo cái nhìn của Phaolô cũng như của Gioan, Chúa Giêsu chịu đóng đinh cũng chính là Chúa Giêsu được tôn vinh. Đó là sự tôn vinh Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, và Tình Yêu ấy đã biểu lộ rõ ràng nhất nơi Thập giá Chúa Kitô. Không nơi nào Tình Yêu của Thiên Chúa được biểu lộ trọn vẹn như nơi “con người Chúa Giêsu chịu đóng đinh”.

Ca nhập lễ ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá đã mượn lời của Thánh Phaolô trong thư Galat 6,14 để hân hoan hát lên: “Niềm vinh dự của chúng ta chính là Thập Giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhờ Người, chúng ta được cứu độ, được sống và được phục sinh; chính Người cứu độ và giải thoát chúng ta”.

Kinh Tiền Tụng đã chú giải: “Thật vậy, xưa vì cây trái cấm, loài người chúng con phải tử vong, nay nhờ cây thập giá lại được sống muôn đời; và ma quỷ xưa chiến thắng nhờ cây trái cấm nay thảm bại vì cây thập giá của Đức Kitô, Chúa chúng con”.

Thánh Bonaventura viết: “Thánh Giá là cây tòan hảo, được thánh hóa bởi Máu Chúa Kitô, mang đầy trái thơm ngon“. Cây Thánh giá còn được phong phú hóa như là một loài cây quý hiếm và tươi thắm diễm lệ, hoa trái tràn đầy trong lời trong kinh ‘A Rất Thánh Giá’: “Khen cây thánh giá ở giữa rừng phàm, nên giống báu lành, nên cây sang trọng, nên đơn linh nghiệm, nên tàu vượt qua biển hiểm thế nầy….Cây thánh giá tốt lành rất mực dìm dà êm mát, bóng che thiên hạ khỏi chốn hỏa hình. Cội rễ, nhành lá, búp bông, hoa quả. Từ xưa đến nay, cây nào dám ví bằng cây thánh giá, từ cây thánh giá chở mình Chúa Cả đóng đinh trên cây thánh giá”.

Tại bãi biển Copacabana tối thứ sáu 26-7-2013 đi Đàng Thánh Giá, Đức Thánh Cha Phanxicô diễn giảng Thập giá là: “Một tình yêu tuyệt vời khi đi vào tội lỗi của chúng ta và tha thứ cho nó, đi vào đau khổ của chúng ta và cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng. Đó là một tình yêu đi vào cái chết để chiến thắng nó và cứu vớt chúng ta. Thập giá của Chúa Kitô chất chứa tất cả tình yêu của Thiên Chúa, lòng thương xót vô biên của Ngài. Đây là một tình yêu mà chúng ta có thể đặt vào đó tất cả niềm tin của chúng ta, nơi chúng ta có thể tin tưởng. Các bạn trẻ thân mến, chúng ta hãy phó thác cho Chúa Giêsu, chúng ta hãy phó thác vào Người một cách trọn vẹn! (x. Ánh Sáng Đức Tin, 16). Chỉ trong Chúa Kitô chịu đóng đinh và phục sinh, chúng ta mới có thể tìm thấy phần rỗi và ơn cứu độ. Với Ngài, sự dữ sự đau khổ và cái chết không còn quyền thế, bởi vì Ngài cho chúng ta hy vọng và sự sống: Ngài đã biến Thập giá từ một công cụ của sự thù ghét, sự thất bại và sự chết thành một dấu chứng của tình yêu, sự khải hoàn và sự sống”.

Đức Thánh Cha nhắc lại sự kiện vào cuối Năm Thánh Cứu Độ 1984, Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã muốn tín thác Thập Giá Chúa cho người trẻ và ngài nói: “Các con hãy đem Thánh Giá vào trong thế giới như dấu chỉ tình yêu thương của Chúa Giêsu đối với nhân loại, và loan báo cho tất cả mọi người rằng chỉ nơi Chúa Kitô chết và phục sinh, mới có sự cứu rỗi và ơn cứu độ” (Diễn văn với giới trẻ, 22 tháng 4 năm 1984). Kể từ đó, Thập Giá đã rong ruổi qua mọi đại lục, và đi qua các thế giới khác nhau nhất của cuộc sống con người, hầu như được thấm nhập bởi các tình trạng sống của biết bao nhiêu người trẻ đã trông thấy và đã mang Thập Giá đó. Không có ai đụng tới Thập Giá Chúa Giêsu mà không để lại một cái gì đó của chính mình, và không đem một cái gì đó của Thập Giá Chúa Giêsu vào trong cuộc sống của mình.

Thánh Giá là sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa. Bởi vì “Sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh sức hơn loài người” (1Cr 1, 24 -25).Thánh Giá đã trở thành dấu chỉ của tình yêu hy vọng và sự sống. Thánh Giá là biểu tượng của Tình Yêu cứu độ. Thánh giá là niềm tự hào và vinh quang của người tín hữu.Thánh Phaolô có một ước muốn: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6,14).

Chúa Giêsu chết trên thập giá, muốn minh chứng rằng Người yêu thế gian hơn yêu chính mình. Nơi thập giá,Chúa Giêsu chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là một tình yêu ở dạng thức cao nhất:Tình Yêu đến mức tận cùng, một Tình Yêu tự hiến trọn vẹn của Thiên Chúa. Yêu là hiến tế, là hy sinh chính mình. Hiến dâng chính mình vì thiện ích của kẻ khác. Chúa Giêsu hiến dâng chính mình trên thập giá như là sự đền bù vì ơn cứu độ nhân loại.

Thánh Giá đã in sâu và gắn chặt với Chúa Giêsu Kitô. Ngay cả sau khi Chúa sống lại vinh quang, các vết thương khổ nạn thập giá vẫn hiển hiện, vẫn không bị xóa nhòa. Thánh Giá Chúa Kitô xuyên qua thời gian và hiện diện trong mỗi giây phút cuộc đời chúng ta. Sự hiện diện ấy làm thay đổi tất cả.

Chúng ta yêu mến, tôn thờ Chúa Giêsu trên Thánh Giá.Trong xã hội tiêu thụ và hưởng thụ ngày nay, bóng tối của quyền lực, tiền của, danh vọng, lạc thú đang che mờ bóng thánh giá. Con người đang lao mình vào bóng tối bằng mọi giá. Xã hội hôm nay cần phải được ánh sáng của Thánh Giá soi dẫn. Từ Thánh Giá Đức Kitô, tình thương chúc phúc thế gian, sự sống chan chứa cho lòng người. Suy tôn Thánh Giá chính là suy tôn tình yêu, sự sống của Chúa Kitô.

LM Giuse Nguyễn Hữu An

Tình hình Giáo Hội tại Á châu, đặc biệt tại Nam Hàn

Tình hình Giáo Hội tại Á châu, đặc biệt tại Nam Hàn

Một số nhận định của Đức Hồng Y Stanislav Rylko, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Gia đình, của Linh Mục Bernardo Cervellera, Giám đốc hãng thông tấn Asianews, và của ông Thomas Hong Son Han, Đại sứ Nam Hàn cạnh Tòa Thánh

Sáng 13-8-2014 Đức Thánh Cha Phanxicô lên đường công du Nam Hàn để tham dự Đại hội giới trẻ Á châu, và chủ sự thánh lễ phong Chân Phước cho 124 vị tử đạo Đại Hàn.

Cách đây 4 năm Giáo Hội Nam Hàn đã nhóm Hội nghị giáo dân Á châu tại Seoul, với sự tham dự của hàng trăm đại biểu phái đoàn của 19 nước trong vùng, thành viên của Liên Hội Đồng Giám Mục Á châu, và phái đoàn của 37 hiệp hội, phong trào và cộng đoàn giáo dân được Tòa Thánh chấp nhận. Hội nghị đã diễn ra trong các ngày 31 tháng 8 đến mùng 5 tháng 9 năm 2010 về đề tái: ”Loan báo Chúa Giêsu Kitô tai Á châu ngày nay”.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Hồng Y Stanislav Rylko, Chủ tich Hội Đồng Toà Thánh về giáo dân, của cha Bernardo Cervellera, thuộc Hội truyền giáo nước ngoài Milano, gọi tắt là PIME, và của ông Thomas Hong Son Han, Đại sứ Nam Hàn cạnh Tòa Thánh, về tình hình Giáo Hội tại Nam Hàn.

Tuy bài phỏng vấn đã được thực hiện trong bối cảnh hội nghị cách đây 4 năm, nhưng nó vẫn còn rất thời sự. Vì thế chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận xét của Đức Hồng Y Rylko, của cha Cervellera và ông đại sứ Nam Hàn, nhân chuyến viếng Đức Thánh Cha viếng thăm Nam Hàn bắt đầu từ ngày 13-8-2014.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, giữa hội nghị giáo dân Á châu năm 1994 và hội nghị năm 2010 có khoảng cách là 16 năm. Trong khoảng thời gian này thế giới giáo dân Á châu đã có các thay đổi nào?

Đáp: Nếu chúng ta chú ý quan sát cuộc sống của Giáo Hội tại Á châu trong khoảng thời gian này, chúng ta có thể trông thấy Giáo Hội tại Á châu đầy nhiệt huyết truyền giáo như thế nào, mặc dù gặp nhiều khó khăn và thử thách. Đây là một Giáo Hội hằng năm có sức tăng trưởng 4-5% và có thể tự hào về hàng ngũ các Thánh, nhất là các vị tử đạo, trong đó có không ít giáo dân nam nữ. Dĩ nhiên, tại Á châu Giáo Hội là một thiểu số, nhưng không phải là một thiểu số nhút nhát. Thật thế, chúng ta đang đứng trước một Giáo Hội đầy tràn sức sinh động và được linh hoạt bởi niềm hy vọng lớn nảy sinh từ đức tin.

Hỏi: Đâu là các điểm khó khăn của công tác rao truyền Tin Mừng tại Á châu ngày nay, thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay, như nhiều phái đoàn tham dự Hội nghị đã nêu lên, đó là hiện tượng phong trào tôn giáo cuồng tín ngày càng lan tràn và áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt đối với sự tự do tôn giáo tại nhiều nước á châu. Thế rồi cũng không thiếu các trường hợp kỳ thị, và có cả các cuộc bách hại tôn giáo đích thật nữa. Vì thế Á châu lại có các vị tử đạo. Rất nhiều kitô hữu Á châu sống trong lo sợ, bởi vì họ bị đe dọa, sách nhiễu và bách hại.

Các Giám Mục của một vài nước Á châu đã tố cáo hiện tương đau buồn của một sự ”mất máu sự hiện diện kitô”. Hội nghị lần này là một đip quan phòng để bầy tỏ tình liên đới và sự hiệp thông đức tin của chúng tôi đối với các anh chị em đó. Ngoài ra, đối với nhiều tham dự viên, hội nghị này là một cung cấp dưỡng khí tốt lành, một ơn của niềm hy vọng, cho thấy Giáo Hội hoàn vũ đồng hành với các Giáo Hội tại Á châu.

Có một thách đố khác nữa đó là sự gặp gỡ với các truyền thống tôn giáo lớn của Á châu. Sự gặp gỡ này tạo ra nguy cơ phổ biến của một tâm thức tương đối hóa và trộn lẫn tôn giáo, làm sai lạc ý nghĩa của việc rao truyền Tin Mừng. Chẳng hạn như người ta hướng tới chỗ san bằng sứ mệnh truyền giáo, coi nó như là một cuộc đối thoại mơ hồ, bên trong đó mọi lập trường đều như nhau. Người ta hướng tới chỗ giản lược việc rao truyền Tin Mừng thành một công tác thăng tiến nhân bản đơn thuần. Sau cùng, sự toàn cầu hóa cũng đem tới Á châu não trạng hậu tân tiến, khước từ Thiên Chúa và các trào lưu này ảnh hướng trên hàng ngũ giáo dân công giáo tại Á châu. Tất cả các thách đố này chứng minh cho thấy sự cấp thiết của một việc đào tạo nghiêm chỉnh, của một chương trình khai tâm kitô sâu xa hơn cho các anh chị em muốn gia nhập Giáo Hội, trong các giáo xứ cũng như trong các hiệp hội giáo dân.

Tuy nhiên, cuộc sống của Giáo Hội tại Á chậu không chỉ có các vấn đề và các thách đố. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, Giáo Hội tại Á châu sinh động, lớn lên và ngày càng truyền giáo hơn. Đây là lý do khiến cho mọi tham dự viên đều vui sướng.

Hỏi: Liên quan tới cuộc đối thoại liên tôn, anh chị em giáo dân nắm giữ vai trò nào trong một môi trường như môi trường Á châu, trong đó có hiện tượng tôn giáo cuồng tín gia tăng, thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Trong lãnh vực này phần đóng góp của anh chị em giáo dân không thể thiếu được. Họ ở hàng tiền đạo, dấn thân trong môi trường sống của họ, trong một ”cuộc đối thoại của cuộc sống thường ngày”. Chứng tá của tình bác ái tin mừng, có khả năng nghiêng mình trên mọi nỗi khổ đau của con người một cách vô vị lợi – một cách độc lập với sự tùy thuộc tôn giáo – và thái độ rộng mở cho sự cộng tác xây dựng công ích của các cộng đoàn địa phương có thể là các phép lạ đích thật. Trong hội nghị chúng tôi đã nghe rất nhiều chứng từ về điều này. Thật đáng nêu bật điều này: đó là không có sự chống đối giữa việc loan báo Chúa Kitô và việc đối thoại với các tôn giáo khác. Cần phải duy trì sự liên lạc giữa hai yếu tố này, nhưng đồng thời cũng phải phân biệt, không lẫn lộn và không lèo lái chúng, cũng như coi chúng như nhau, có thể thay thế nhau được.

Hỏi: Như vậy có thế nói là Hội nghị đã đạt các thành qủa tốt?

Đáp: Vâng. Nó đã là một ơn lớn lao cho toàn thể Giáo Hội sống và rao truyền Tin Mừng tại Á châu. Tôi tin rằng mọi tham dự viên đã mạnh mẽ trong hy vọng, được phong phú tình yêu hơn đối với Giáo Hội địa phương, và dấn thân hơn trong việc truyền giáo. Nhiều người đã khám phá ra vẻ đẹp là tín hữu kitô. Và hội nghị cần được tiếp tục trong cuộc sống của mọi tham dự viên.

** Sau đây là vài nhận định của cha Bernardo Cervellera, Giám đốc hãng thông tấn Asianews.

Hỏi: Thưa cha, cha có nhận xét gì về lịch sử của Giáo Hội tại Á châu?

Đáp: Tôi tin rằng trong lịch sử của nó Giáo Hội tại Á châu đã là một trong các Giáo Hội bị bách hại gắt gao nhất. Có lẽ Giáo Hội tại Á châu đã có nhiều vị tử đạo hơn tất cả các Giáo Hội khác cộng lại với nhau. Ngay cả ngày nay tại nhiều nước khác nhau vẫn không có tự do tôn giáo. Trong số 10 quốc gia bóp nghẹt tự do tôn giáo, ít nhất có 8 nước Á châu. Điều này có nghĩa là có rất nhiều đau khổ và hạn chế. Vẫn còn có các vị tử đạo tại Á châu, nếu chúng ta nghĩ tới các vụ tàn sát trong bang Orissa bên Ấn Độ, tới các tín hữu kitô bị bỏ tù bên Trung quốc, tại Bắc Hàn, và nhiều nước khác. Như thế còn có nhiều tử đạo và rất nhiều khó khăn.

Hỏi: Tại nhiều nước Á châu như Philippines, Nam Hàn và Ấn Độ, sự hiện diện của Giáo Hội trong lãnh vực truyền thông rất ý nghĩa. Các Giáo Hội địa phương di chuyển như thế nào để lôi cuốn giáo dân vào việc sử dụng các phương tiện truyền thông, thưa cha?

Đáp: Chính trong các nước mà qúy vị vừa kể tên, có các kinh nghiệm rất lớn như các nhật báo và các đài phát thanh. Đó đây cũng có kinh nghiệm về truyền hình nữa, nhưng truyền hình rất mắc mỏ, và như thế như là một thiểu số Giáo Hội tại Á châu không có khả năng chịu nổi các chi phí to lớn như vậy. Tuy nhiên, trong mọi môi trường đều có các giáo dân làm việc. Vị linh mục đưa ra các chỉ dẫn và trao ban giá trị tinh thần cho chương trình. Nhưng chính các giáo dân điều hành các phương tiện truyền thông cho việc rao truyền Tin Mừng.

Hỏi: Thưa cha, phụ nữ và người trẻ nắm giữ vai trò nào cho tương lai của Giáo Hội tại Á châu?

Đáp: Đôi khi đối với tôi Giáo Hội tại Á châu xem ra hơi ”giáo sĩ”, bởi vì có sự kính trọng đối với quyền bính, vì thế người ta tôn trọng linh mục, giám mục như ”quyền bính thánh thiêng”. Điều này tùy thuộc các quan niệm tôn giáo hiện diện tại Á châu. Hội nghị muốn thúc đẩy một sự cộng tác giữa hàng giáo sĩ và giáo dân, và như thế theo tôi, phụ nữ và người trẻ có một cơ may lớn. Thật ra, hiện nay việc rao truyền Tin Mừng được giao cho giới trẻ làm giữa các bạn trẻ cùng trang lứa với họ, trong các trường học hay đại học, với hàng xóm, và cả trong các chức vụ giữa lòng xã hội nữa.

Hỏi: Trong bối cảnh này, các Ngày quốc tế giới trẻ có giá trị nền tảng trên bình diện quốc gia và quốc tế, có đúng thế không thưa cha?

Đáp: Đúng vậy. Bởi vì các Ngày quốc tế giới trẻ là dịp giúp khám phá ra tính cách đại đồng của Giáo Hội. Nghĩa là Giáo Hội không chỉ là một gia đình gắn liền với một quốc gia, một chủng tộc hay một nền văn hóa mà thôi, nhưng còn là cái gì vượt quá mọi nền văn hóa và ôm trọn toàn thế giới nữa. Các Ngày quốc tế giới trẻ hấp dẫn đối với giới trẻ Á châu. Và thường khi trong các ngày này nhiều người trẻ quyết định theo Chúa trong ơn gọi đời thánh hiến.

** Sau cùng là nhận định của ông Thomas Hong Soon Han, Đại sứ Nam Hàn cạnh Tòa Thánh.

Hỏi: Thưa ông đại sứ, có khoảng trống nào được dành cho giáo dân Nam Hàn ngày nay hay không?

Đáp: Giáo dân Đại Hàn rất hãnh diện về lịch sử Giáo Hội của họ, bởi vì chính họ đã là những người thành lập nó. Nhưng chính ơn thánh Chúa đã hướng dẫn chúng tôi tới con đường cứu độ này. Vì thế giáo dân Đại Hàn tìm cách làm chứng tá cho Chúa một cách tốt đẹp nhất trong cuộc sống thường ngày, luôn luôn trong sự hiệp thông với các linh mục và các tu sĩ nam nữ để phục vụ công cuộc rao giảng Tin Mừng một cách tốt đẹp hơn.

Hỏi: Đề tài đối thoại, là một khía cạnh quan trọng tại Á châu, chiếm chỗ nào trong hội nghị, trong các thời điểm khó khăn này đối với Giáo Hội tại nhiều nước, nơi các bạo lực chống Kitô giáo gia tăng một cách thê thảm: tôi nghĩ tới Pakistan hay Ấn Độ?

Đáp: Ngày nay tại Á châu đối thoại quan trọng và cần thiết, nhất là để thăng tiến sự hiểu biết lẫn nhau giữa tín hữu của các tôn giáo khác nhau. Nó vô cùng quan trọng đối với việc thăng tiến hòa bình. Vì thế đối với chúng tôi đối thoại không gì khác hơn là một hình thức rao truyền Tin Mừng.

(SD 4-8-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Một thoáng Hàn Quốc và Giáo hội Công giáo Hàn Quốc

Một thoáng Hàn Quốc và Giáo hội Công giáo Hàn Quốc

Korea Logo

Đức giáo hoàng Phanxicô sẽ đến thăm Hàn Quốc từ ngày 14 đến ngày 18 tháng 8 nhân dịp Đại hội Giới trẻ Á châu lần thứ sáu. Theo tường thuật của thông tín viên Simone Orendain của đài VOA, đây là chuyến viếng thăm đầu tiên trong vòng gần 20 năm của một nhà lãnh đạo Tòa Thánh Vatican tới một nước Châu Á. Các giới chức Nam Triều Tiên mô tả chuyến viếng thăm của Ðức giáo hoàng đến nước họ lần đầu tiên trong vòng 25 năm là “có ý nghĩa rất lớn”. Hàn Quốc rộng 99,268 km vuông với dân số 50,220,000 người,trong đó có 5,393,000 người Công Giáo, chiếm 10,7% dân số. Trong suốt 50 năm qua, có lẽ đã không có quốc gia nào trên thế giới có được sự phát triển liên tục trên mọi bình diện chính trị, kinh tế, xã hội và tôn giáo như Hàn Quốc. Chúng tôi có dịp hành hương đến đất nước này, nay nhân sự kiện Đại hội Giới trẻ Á châu, xin được điểm lại vài nét về xứ sở nhân sâm và kim chi.

1. Đôi nét lịch sử cận đại

Năm 1945, chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc. Đại Hàn kết thúc ách đô hộ của Nhật kéo dài 35 năm (1910- 1945).

Click xem hình

Lúc ấy, các lực lượng Đồng Minh quyết định chia cắt Đại Hàn ra làm hai: miền Nam với sự giúp đỡ của Mỹ và miền Bắc với sự giúp đỡ của Liên Xô. Năm 1948, quân đội Liên Xô rút khỏi miền Bắc và năm sau, 1949, quân đội Mỹ cũng rút khỏi miền Nam.

Năm 1950, được sự ủng hộ của cả Liên Xô lẫn Trung Quốc, Bắc Hàn, dưới sự lãnh đạo của Kim Nhật Thành, phát động chiến tranh, tung quân qua biên giới Nam Hàn, gọi là để thống nhất đất nước. Sau khi Liên Hiệp Quốc thất bại trong nỗ lực hòa giải và ngăn chận chiến tranh, Tổng thống Truman quyết định đưa quân Mỹ và một số nước đồng minh sang giúp Nam Hàn trong cuộc chiến đối đầu với miền Bắc. Lúc ấy, Trung Quốc cũng quyết định can thiệp (với sự trợ giúp khí giới của Liên Xô).

Cuộc nội chiến Nam Bắc Hàn trở thành cuộc đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc, trong đó có lúc (ví dụ riêng đợt phản công mùa xuân năm 1951), quân Trung Quốc nhảy vọt lên đến khoảng 700,000 người.

Đến giữa năm 1953, hai bên tuyên bố đình chiến. Cuộc chiến tranh kéo dài ba năm để lại thảm kịch nặng nhất là có ít nhất trên hai triệu thường dân, từ cả hai miền, bị giết chết, kể cả bị giết tập thể.

Sau chiến tranh, Đại Hàn lại bị chia làm hai, lấy vĩ tuyến 38 làm biên giới. Phía Nam được biết dưới tên chính thức là Đại Hàn Dân Quốc (thường được gọi tắt là Hàn Quốc); phía Bắc, Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên (thường được gọi tắt là Triều Tiên).

Ban đầu, cả Bắc và Nam Hàn đều gánh chịu một di sản giống nhau. Đó là ách đô hộ kéo dài 35 năm của đế quốc Nhật Bản, cuộc nội chiến kéo dài 3 năm và số thương vong được xếp vào loại lớn nhất trong tất cả các cuộc chiến tranh trong nội bộ một quốc gia ở thế kỷ 20, sự nghi kỵ và thù hận không phải giữa hai miền Nam Bắc. Những di sản ấy thể hiện rõ trong tình hình chính trị, kinh tế và xã hội của cả hai miền ngay sau chiến tranh như nghèo khổ, lạc hậu và độc tài.

Nhưng 50 năm sau, khoảng cách giữa hai miền, Hàn Quốc và Triều Tiên, khác nhau vời vợi. Vào giữa thập niên 1950, cũng giống như Triều Tiên, Hàn Quốc nằm trong danh sách những quốc gia nghèo, tương tự vô số các quốc gia nghèo khác ở châu Á và châu Phi. Nhưng từ giữa thập niên 1960 thì họ nhảy vọt. Suốt cả mấy thập niên sau đó, họ được xem là một trong vài quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Giới nghiên cứu thường nêu lên một ví dụ về sự phát triển thần kỳ của Hàn Quốc: năm 1957, thu nhập trên đầu người của Hàn Quốc thấp hơn hẳn Ghana, một quốc gia thuộc Tây Phi; bốn mươi năm sau, vào năm 2008, thu nhập của họ cao gấp 17 lần Ghana! Hiện nay, Hàn Quốc nằm trong nhóm 20 quốc gia giàu mạnh nhất thế giới (G-20). Một số thương hiệu của Hàn Quốc trở nên quen thuộc trên phạm vi toàn cầu, hầu như đi đâu cũng gặp: Hyundai, Samsung, Daewoo và LG.(x. Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc).

2. Giáo Hội Hàn Quốc

Triều Tiên có lịch sử lâu dài với hơn 5 ngàn năm, chịu ảnh hưởng truyền thống Phật Giáo và Khổng Giáo. Kitô Giáo được du nhập vào Ðại Hàn khi Nhật xâm lăng quốc gia này vào năm 1592. Lúc ấy có một số người Ðại Hàn được rửa tội, có lẽ bởi các binh sĩ Công Giáo người Nhật. Việc truyền giáo rất khó khăn vì Ðại Hàn chủ trương bế quan tỏa cảng, ngoại trừ những hành trình đến Bắc Kinh để trả thuế.

Mãi đến đầu thế kỷ 18, Triều Tiên mới đón nhận ánh sáng Đức tin Công Giáo và phát triển mạnh vào cuối thế kỷ 19. Các triều đại phong kiến đã có những cuộc bách hại Kitô Giáo trong nhiều năm và đã có trên 10 ngàn Kitô hữu hy sinh mạng sống để minh chứng Đức tin.

Năm 1925, Đức giáo hoàng Piô XI đã tuyên chân phước cho 79 vị tử đạo. Năm 1968, Đức giáo hoàng Phaolô VI đã tuyên chân phước cho 24 vị tử đạo. Ngày 14 tháng 10 năm 1984, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên hiển thánh cho 103 vị tử đạo Hàn Quốc.

Từ năm 1960 đến năm 2010, dân số Hàn Quốc từ 23 triệu đã tăng lên 48 triệu người. Lợi tức bình quân tính trên đầu người gia tăng từ 1,300 USD lên 19,500 USD hằng năm. Số Kitô hữu từ 2% tăng lên 30%, trong đó có khoảng 11% là tín hữu Công Giáo, tức khoảng 5,4 triệu. Số linh mục từ 250 lên đến 5,000. Số tân linh mục hằng năm vào khoảng 130 đến 150 vị. Với 5,000 linh mục hiện nay, tính bình quân, mỗi vị coi sóc 1.100 tín hữu. Số tín hữu Công Giáo gia tăng 3% mỗi năm (linh mục Piero Gheddo). Văn phòng Trung ương Thống kê Giáo Hội cho biết: Giáo Hội Công Giáo tại Hàn Quốc, tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2013, có 16 giáo phận, 1,673 giáo xứ và 843 trung tâm mục vụ, với 35 giám mục, 4,261 linh mục,10 phó tế, 1,489 đại chủng sinh và 395 tiểu chủng sinh, 516 nam tu sĩ và 9,016 nữ tu, 123 thừa sai giáo dân và 14.195 giáo lý viên.

Giáo Hội Công Giáo Hàn Quốc điều hành 328 trung tâm giáo dục thuộc mọi cấp lớp với 221,020 học sinh theo học, 49trung tâm đặc biệt và 200 cơ sở khác, 40 bệnh viện, 4 phòng khám, 9 trại phong, 513 nhà an dưỡng cho người già và người khuyết tật, 277 trại mồ côi và nhà trẻ, và 83 trung tâm tư vấn gia đình và bảo vệ sự sống. (VIS).

Đức hồng y Nicholas Cheong Jin Suk, Tổng giám mục thủ đô Seoul, cho biết trong 10 năm qua, số tín hữu Công Giáo Hàn Quốc đã gia tăng từ 3 lên đến hơn 5 triệu. Như thế, Giáo Hội Hàn Quốc là Giáo Hội tiến triển mạnh nhất châu Á. Tại Hàn Quốc, quyền tự do tôn giáo được hoàn toàn tôn trọng.

Ðức giáo hoàng Gioan Phaolô II đến Nam Hàn năm 1984 để tuyên hiển thánh cho 103 vị Tử Đạo. Trong đó có thánh Anrê Kim Taegon, linh mục, thánh Phaolô Chong Hasang, chủng sinh, và 98 người Hàn Quốc cùng ba vị thừa sai người Pháp. Tất cả đều tử đạo trong khoảng từ năm 1839 và 1867. Trong số đó có các giám mục và linh mục, nhưng hầu hết là giáo dân với 47 phụ nữ, 45 đàn ông.

Trong bài giảng lễ phong thánh, Ðức Gioan Phaolô II đã nói: "Giáo Hội Hàn Quốc thì độc đáo vì được thành lập hoàn toàn bởi giáo dân. Giáo Hội còn non yếu, thật trẻ trung nhưng thật vững mạnh trong đức tin, và đã đứng vững sau những đợt sóng bách hại mãnh liệt. Do đó, chỉ trong vòng một thế kỷ, Giáo Hội đã kiêu hãnh với 10,000 vị tử đạo. Cái chết của các vị tử đạo này trở thành men cho Giáo Hội và đưa đến sự triển nở huy hoàng của Giáo Hội Hàn Quốc ngày nay. Ngay cả bây giờ, tinh thần bất khuất ấy vẫn còn trợ giúp cho người tín hữu của Giáo Hội thầm lặng ở miền bắc bên kia vĩ tuyến".

Nét độc đáo của Giáo Hội Hàn Quốc đó là sự cộng tác tuyệt vời của giáo dân vào công cuộc rao giảng Tin Mừng. Khác với lịch sử của các Giáo Hội khác trên thế giới, Giáo Hội Nam Hàn là do chính các giáo dân thành lập. Vào thế kỷ XVIII, một vài triết gia người Hàn đã sang Bắc Kinh gặp được nhà truyền giáo nổi tiếng linh mục Mátthêu Ricci. Sau khi thụ huấn và chịu phép Rửa tội, họ về nước đem theo cuốn Thánh Kinh và họ dịch sang tiếng Hàn rồi rao giảng Tin Mừng và thành lập Giáo Hội Công Giáo. Trong các năm 1779-1836, khi các thừa sai đầu tiên người Pháp tới Đại Hàn, thì Kitô giáo đã được phổ biến trong nước, nhưng sau đó bị bách hại khốc liệt. Nhưng sự cộng tác của giáo dân thì vẫn tồn tại mạnh mẽ. Ngày nay tại Hàn Quốc, những ai muốn gia nhập Kitô giáo đều biết rằng mình phải có bổn phận dấn thân trong một hiệp hội hay phong trào nào đó hiện hữu trong các giáo xứ.

Từ thập niên 1980, trong 10 năm chuẩn bị lễ tuyên thánh cho các vị tử đạo, Giáo Hội Công Giáo Hàn Quốc đã phát động phong trào mỗi một tín hữu phải làm sao giúp cho một người khác theo đạo. Nhờ đó, số tín hữu đã gia tăng gấp đôi.

Hiện nay, Giáo Hội Hàn Quốc đang sống chương trình gọi là "Rao giảng Tin Mừng hai mươi hai mươi", nghĩa là vào năm 2020, số tín hữu Công Giáo đạt tỷ lệ 20% tổng số dân Hàn Quốc, lý tưởng là gia tăng gấp đôi số tín hữu hiện nay để đạt con số 10 triệu người Công Giáo.

3. Những Đền thánh Công Giáo, nơi thu hút khách hành hương

Đoàn hành hương chúng tôi có 4 ngày ở đất Hàn nên dành trọn mỗi ngày đến một Đền thánh để tìm hiểu học hỏi và dâng lễ.

a. Đền thánh Yongsu ở Khu tưởng niệm Linh mục Kim Dae-gun, Thánh Tử Đạo đầu tiên tại đảo Cheju.

Buổi sáng sớm, sau khi thưởng thức món mì chay Uđông, đoàn chúng tôi đi qua cây cầu dài 21km bắc qua biển. Người Hàn gọi là “vĩ đại cầu”. Hành trình hơn 80km đến làng AnSung linh thiêng. Đang là mùa xuân nên khí hậu mát mẻ, núi rừng ngát xanh, khung cảnh tuyệt đẹp. Núi xanh bao bọc trung tâm hành hương. Nơi đây có Nhà thờ và nhiều nhà nguyện nhỏ và nhiều dãy nhà khác ẩn khuất trong vườn cây xanh mát. Đây là nơi lý tưởng để tĩnh tâm, linh thao.

Một nữ giáo dân phụ trách khu vực đền thánh giới thiệu cho chúng tôi về miền đất thánh thiêng và Thánh Anrê Kim. Chị chào mừng đoàn hành hương tín hữu Công Giáo Việt Nam. Vào năm1801, chính quyền phong kiến cấm đạo tuyệt đối. Sau 200 năm lịch sử, du khách đến xứ sở thanh bình này cảm nhận miền đất thiêng được khởi đi từ dòng máu tử đạo. Năm 1846 vị Lm đầu tiên của Hàn quốc là Thánh Anrê Kim bị chặt đầu nên người dân gọi ngọn núi thiêng này là núi chặt đầu.

Trước khi chết, thánh nhân có 3 câu nói nổi tiếng: tôi đem đức tin vào Hàn quốc và tôi luôn cầu nguyện cho đất nước bình an, tôi không bao giờ từ bỏ đức tin và tôi sẽ sống lại.

Anrê Kim Taegon là linh mục Ðại Hàn đầu tiên và là con của một người trở lại đạo. Cha của ngài, ông Ignatius Kim, được tử đạo trong thời cấm đạo năm 1839 và được phong thánh năm 1925. Sau khi được rửa tội vào lúc 15 tuổi, Anrê phải trải qua một hành trình dài 1,300 dặm để gia nhập chủng viện ở Macao. Sáu năm sau khi học hỏi những tinh hoa của Tin Mừng, ngài trở về quê hương qua ngã Mãn Châu. Cùng năm ấy ngài vượt qua eo biển Hoàng Sa đến Thượng Hải và được thụ phong linh mục. Trở về trên con thuyền nhỏ nên ngài lạc đường và sau nhiều ngày lênh đênh trên biển ngài lên bờ lần đầu tại đảo Cheju. Đảo Cheju là nơi du lịch chính của Hàn Quốc, và đã thu hút 7,578,000 du khách Hàn Quốc và nước ngoài trong năm 2010. Giáo phận Cheju, nơi có đảo Cheju, có 67,496 tín hữu Công Giáo theo thống kê năm 2009. (UCA News 6-5-2011).

Đền thánh Yongsu, nơi tôn kính thánh tử đạo Anrê Kim Taegon bình yên giữa núi rừng hùng vĩ. Thánh nhân đã cử hành thánh lễ đầu tiên của mình ở Hàn Quốc tại đây. Chúng tôi hôn kính xương thánh và viếng mộ và của ngài. Mộ của thân mẫu thánh nhân cũng nằm trên ngọn đồi nhỏ phía sau.Chúng tôi dâng thánh lễ trong nhà nguyện nhỏ ấm cúng.Tạ ơn Chúa đã đưa chúng tôi đến nơi đây hành hương và cầu nguyện bên mộ phần thánh tử đạo.

Sau khi ăn trưa chúng tôi đi một hành trình dài 4 giờ xe đi về thành phố thủ phủ Kwangju, một trong 6 thánh phố lớn nhất của xứ sở Kim Chi.

Hệ thống giao thông xứ Hàn quá hiện đại như các nước Âu châu và Mỹ. Không thấy một xe honda nào trên quốc lộ. Không thấy một bóng dáng cảnh sát nào đứng đường.

Alex thuyết minh cho biết về lịch sử và văn hóa kinh tế xứ Hàn. Tổng thống Pắc Chung Hy trong 18 năm lãnh đạo (1961-1979) đã đưa đất nước phát triển. Từ một đất nước không có tài nguyên khoáng sản. Với ¾ diện tích đất đai là núi đồi. Đất đai chỉ sản xuất được 1 mùa, không có lương thực. Phía Bắc giáp Triều Tiên và ba phía kia giáp biển đầm lầy. Pac Chung Hy cùng nội các đã tìm ra đường lối phát triển đất nước. Công trình đầu tiên là mở tuyến đường Bắc Nam phát triển cơ sở hạ tầng. Xây dựng sân bay quốc tế Incheon và thành phố Seoul. Đưa học sinh sinh viên sang Mỹ du học nhièu nghành nghề, đặc biệt là nghành y học để các bác sĩ trở về chăm sóc sức khỏe tốt cho dân. Phát triển đất nước phải bắt đầu từ gia đình rồi đến xã hội. Mọi du học sinh khi thành đạt đều trở về giúp xây dựng quê hương.

Ngày nay ở Hàn quốc có 4 nghành kinh tế chủ lực. Đó là xây dựng, công nghệ điện tử, sản xuất xe hơi và đóng tàu biển. Người dân làm việc chăm chỉ cần cù và được trả lương xứng đáng với khả năng. Lương kỹ sư là 60,000usd/năm và tăng theo thời gian, sau 10 năm làm việc mức lương đạt 100,000 usd/năm. Mức lương thấp nhất dành cho người lao động thủ công cũng rất cao 1500 usd/tháng. Chế độ bảo hiểm và an sinh xã hội rất tốt nên không có người ăn xin, người bán vé số dạo.

b. Linh Địa Đức Mẹ Naju.

Từ sáng sớm chúng tôi đến thăm vùng đất thánh Naju. Một chị giáo dân từng du học Mỹ làm việc ở văn phòng truyền giáo của giáo phận hướng dẫn và giới thiệu rất tận tình.

Naju là một thị trấn nhỏ với khoảng 90 ngàn dân thuộc miền Tây Nam bán đảo Triều Tiên, cách Thủ đô Seoul chừng 320 Kilô mét về phía nam. Naju thuộc Giáo phận Kwangju. Bộ phim truyền thuyết Jumong được quay tại Naju.

Chúng tôi vào viếng thánh đường Hoa Hồng. Nơi đây có thánh tượng Đức Mẹ ban ơn lành chảy huyết lệ liên tiếp từ ngày 30 tháng 6 năm 1985, đã gây chấn động cho cả nước.

Thánh tượng này là sở hữu của gia đình ông bà Julia Kim (Tên bà là Hong Sun Yoon và tên ông là Man Box Julio Kim), một gia đình Công Giáo công chức trong thành phố. Bà Julia chính là người được Đức Mẹ hiện ra để mời gọi mọi người cầu nguyện cho có sự an bình trên thế giới. Chúng tôi được xem phim tư liệu về thánh địa Naju. Sau đó đoàn chúng tôi tiếp tục hành trình lên núi thánh Đức Mẹ Naju. Giữa núi rừng bao la, ngước nhìn lên tượng Đức Mẹ ban ơn tâm hồn lữ khách được nâng lên trong cuộc gặp gỡ thân tình với Mẹ. Chúng tôi chọn một cây thánh giá gỗ và lần lượt chia nhau vác bắt đầu đi 14 chặng đàng thánh giá. Những giáo dân Bắc 54 thuộc lòng kinh nguyện, sốt sắng trong mỗi chặng thương khó của Chúa. Kết thúc đàng thánh giá nơi thánh tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng tôi đọc kinh và hát ca sốt mến dâng tất cả cho trái tim Cực Thánh Chúa Giêsu.

Ban chiều trở lại thánh đường Hoa Hồng, chúng tôi dâng lễ. Cha linh hướng và cộng đoàn Nữ tu cùng tham dự thánh lễ. Dù không hiểu tiếng Việt nhưng họ cùng hiệp thông trong lời cầu nguyện.

Sau thánh lễ, thật may mắn, bà Julia Kim từ bệnh viện đến thăm và nói chuyện với chúng tôi. Người phụ nữ đã bước vào tuổi 65, hơn 20 năm bị ung thư vẫn trẻ trung và thật phúc hậu. Trước khi nói chuyện bà tặng cho các linh mục chuỗi Mân Côi xin các linh mục đặt tay chúc lành, một cử chỉ thật khiêm tốn. Bà chào mừng đoàn Việt Nam từ một nơi rất xa đã đến hành hương nên dù đang điều trị tại bệnh viện bà vẫn cố gượng dậy để đến gặp gỡ. Bà cầu chúc mọi người sức khỏe và bình an trong ơn lành của Đức Mẹ. Bà nói về đức tin. Khi tin vào Chúa và Đức Mẹ chúng ta luôn có bình an. Nghe bà nói chuyện tôi nhận thấy bà có đức tin mạnh mẽ và đời sống cầu nguyện thân mật với Chúa với Đức Mẹ nên bà rất khiêm tốn và trọn niềm tín thác.

Julia sinh năm 1947 là con gái của một vị học giả cổ điển Trung hoa. Cụ thân sinh của Julia đã bị mất tích trong thời Nam Bắc phân tranh và cô em út cũng qua đời khi mới lên 2 tuổi. Julia sống với mẹ, một người mẹ can đảm và chuyên cần lam lũ nuôi con ăn học qua hết bậc trung học. Đến năm 25 tuổi (1972) cô kết hôn với Juliô, người con cả trong gia đình. Ông bà sinh được 4 cháu (Tên là Rosa, Tomas, Térèsa và Philip). Ông bà đã lãnh nhận được ơn đức tin và đã trở thành con Giáo Hội vào lễ Phục sinh 1981.

Sau lần trở lại, bà dành hết thì giờ vào việc phục vụ khách hàng (nơi cửa tiệm hớt tóc của bà), lo cơm nước cho chồng con và săn sóc gia đình.

Ông Lubino Park là khách hàng quen thuộc của bà. Ông bị chứng bệnh sưng phổi từ khi ông phục vụ các bệnh nhân trong bệnh viện Lao trị. Ông xin bà Julia cầu nguyện cho trước khi khám nghiệm giải phẫu. Vốn có tinh thần tông đồ, nên bà đã dâng một tuần bảy ngày với các việc hy sinh và kinh nguyện để cầu cho ông. Kết quả sau ba lần tái khám, bác sỹ cho hay ông đã khỏi bệnh cách lạ lùng. Để trả ơn bà Julia, ông xin tặng bà một món quà tôn giáo bày bán trong tiệm ảnh tượng của nhà thờ. Bà Julia chọn bức tượng Đức Mẹ ban ơn lành làm kỷ vật và cũng là để nhớ ơn Mẹ đã nhậm lời bà cầu nguyện.

Sau khi sinh cháu thứ tư, bà mắc một chứng bệnh ung thư. Trước cảnh tượng đau đớn năm chờ chết, bà đã nhiều lần ý "chấp nhận cái chết" với chồng con. Bà cũng cố gượng viết một chúc thư dành cho người sẽ làm vợ kế của chồng bà. Bà cũng được cha Sở xứ đạo Naju thường xuyên đến cho bà lãnh nhận Mình Thánh Chúa và khuyên nhủ ủi an trong khi chờ chết. Hôm ấy trong giấc ngủ mơ, bà thấy mình được Chúa chỉ dẫn đọc Thánh Kinh. Bà mở nhằm đoạn sách nói về người đàn bà loạn huyết lâu năm được Chúa chữa lành nhờ lòng tin. Sau giấc chiêm bao ấy, cũng nhờ lòng tin, bà được Chúa cho hoàn toàn bình phục, lại ban cho hết những gì bà khẩn cầu. Vì thế, nghĩ đến ơn Chúa ban, bà quyết định biến nhà mình thành nơi cư trú cho mọi kẻ nghèo hèn. Từ tháng 5, 1985 cơn bệnh của bà lại tái phát, nhưng Chúa vẫn cho bà đủ sức để làm việc phục vụ. Đức Mẹ đã tỏ cho Julia Kim biết về con đường thiêng liêng theo thánh Têrêsa thành Lisieur là cầu nguyện, sinh hoạt chung, chịu đựng hy sinh, làm việc đền tội dâng lên Thiên Chúa vì yêu mến và sống khiêm nhường hiệp ý với Mẹ thì rất có giá trị trong việc cứu rỗi các linh hồn.

Bà Julia kể: Sau khi đi thăm Kwangju, tôi đến Naju lúc 11g20 khuya ngày 30 tháng 6 năm 1985. Tôi đọc kinh Mân Côi xin cho kẻ có tội được ơn trở lại và cho những người đang đau khổ tại Kwangju. Đang khi đọc kinh, tôi ngạc nhiên thấy nước mắt chảy dài trên đôi mắt tượng Mẹ. Tôi hồ nghi không phải là nước mắt Mẹ nên tôi đánh thức chồng tôi đang ngủ gục, để nhìn cho rõ. Hai chúng tôi nhìn sát mắt Mẹ và chúng tôi xác định là nước mắt thật sự đã chảy ra từ khoé mắt Mẹ.

Sáng hôm sau tôi thức dậy từ 6 giờ và đi thẳng đến chân tượng Mẹ để quan sát lại. Tôi thấy những giọt nước Phép tôi vẩy lên tượng khi đêm đã khô sạch, nhưng vệt nước chảy từ khoé mắt Mẹ hôm qua, giờ vẫn còn chảy đều. Trước khi rời nhà đi làm, Juliô bảo tôi "đừng tiết lộ cho ai biết về hiện tượng lạ này" Anh lại bảo tôi "phải cầu nguyện sốt sáng hơn" nữa.

Vì thế, chẳng bao lâu sự kiện Đức Mẹ khóc tại Naju được loan đi khắp nơi và thiên hạ kéo đến đông nghẹt cả đường phố. Gia đình ông bà Juliô đã trở thành nơi cầu nguyện suốt đêm ngày.

Đức tổng giám mục Gong Hee Victorius Yoon đã để tâm nghiên cứu và nghiệm xét những sự lạ xảy ra tại đây và đã công bố với các cha trong ngày tĩnh tâm của các linh mục giáo phận rằng: "Sự kiện Đức Mẹ khóc chảy nước mắt không thể chối được. Chúng tôi thường xuyên quan sát các sự kiện và diễn tiến của biến cố…. Và tôi cũng đang tiếp tục nghiên cứu các hệ quả…." (tháng 7 năm 1989).

Ngài cũng nói với cha Raymond Spies Chánh sở Xứ đạo Naju rằng: "Tôi hết sức tin tưởng vào hiện tượng Đức Mẹ chảy nước mắt tại Naju này. Tôi chấp nhận như là một sự có thật. Tôi chưa thấy nơi bà Julia nói điều gì trái với Tín lý của Giáo Hội. Xin cha cho tôi biết rõ tình hình bằng cách cung cấp cho tôi cả những thông điệp, nhật ký của bà Julia, các hình ảnh và băng hình nữa".

Đức Tổng giám mục Ivan Dias, Khâm Sứ Toà Thánh tại Nam Triều Tiên cũng công khai bày tỏ: "Tôi xin phó dâng sứ mạng Khâm Sai của tôi qua lời cầu nguyện của cha Raymond Spies, bà Julia và cũng cậy nhờ vào những sự đau khổ bí nhiệm của bà chịu nữa" (Ngày 22 tháng 12, 1991).

Chia tay cha Linh hướng, các Nữ tu, các thiện nguyện viên và bà Julia Kim trong lưu luyến, chúng tôi về thánh phố Kwanju nghĩ ngơi.

c. Thánh địa Chonjinam

Từ Kwanju chúng tôi đi hơn 3 giờ xe là đến vùng thánh địa Chonjinam trên núi cao.

Đức Ông Byon Ki – Young tiếp đón chúng tôi rất niềm nở và tặng sách “History of the Foundation of the Korean Catholic Church” do ngài biên soạn.

Chon-jin-am, một nơi gặp gỡ giữa Nho giáo, Phật giáo và Công Giáo, đã trở thành nơi khai sinh của Giáo Hội Công Giáo Hàn Quốc.

Vị linh mục cai quản thánh địa chuyên đón đoàn hành hương đã đưa chúng tôi lên núi trước phần mộ của 5 linh mục đầu tiên và ngài giới thiệu đôi nét lịch sử hình thành Giáo Hội Hàn quốc.

Chon-jin-am có 5 ngôi mộ của 5 linh mục tử đạo khai sinh Giáo Hội Công Giáo Hàn Quốc. Các ngài đi tìm chân lý và gặp gỡ nơi Tin Mừng Chúa Giêsu rồi về nước các ngài truyền bá Tin Mừng. Họ đã xây dựng Giáo Hội Hàn Quốc mà không có sự giúp đỡ của các nhà truyền giáo nước ngoài.

Hiện nay, tại Chon-jin-am, đã đặt nền móng xây dựng vương cung thánh đường. Dự kiến sẽ kéo dài trong thời gian dài. Vương cung được mô phỏng theo phong cách lấy cảm hứng từ các tôn giáo khác nhau của người dân Hàn Quốc: Nho giáo, Phật giáo và Kitô giáo (xin đọc thêm tư liệu lịch sử tại web: chonjinam.org).

Đoàn chúng tôi đọc kinh cầu nguyện và xuống núi dâng lễ kính thánh Antôn Pađôva trong nhà nguyện nhỏ dưới chân núi.

Ban chiều chúng tôi về thành phố Seoul ghé vào cửa hàng sâm nổi tiếng Ginseng Outlet, tham quan và mua quà lưu niệm.

d. Bảo tàng lịch sử Giáo Hội Hàn quốc và Thánh đường Juldusan

Seoul là thủ đô của Hàn Quốc, nằm bên Sông Hàn ở phía Tây Bắc Hàn Quốc. Thành phố cách biên giới với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên 50 km về phía Nam (Khu phi quân sự Triều Tiên). Với dân số hơn 10 triệu, Seoul là thành phố lớn nhất Hàn Quốc. Diện tích chỉ 605 km², đây là một trong những thành phố lớn có mật độ dân số cao nhất thế giới. Hệ thống giao thông quá hiện đại.

Seoul có một hệ thống tàu điện ngầm nối mỗi quận của thành phố và các khu vực xung quanh. Với lượng khánh hơn 8 triệu mỗi ngày, hệ thống tàu điện ngầm của Seoul được xếp vào một trong những hệ thống tàu điện ngầm bận rộn nhất trên thế giới. Tàu điện ngầm vùng đô thị Seoul có 12 tuyến phục vụ Seoul, Incheon, Gyeonggi, tây Gangwon, và bắc Chungnam.

Chúng tôi đến miền đất thánh thiêng giữa lòng thủ đô Seoul. Đó là bảo tàng lịch sử của Giáo Hội Hàn quốc. Một vị trí rất đẹp từ trên đồi cao nhìn xuống sông Hàn thơ mộng. Hàn Quốc tự hào với hàng loạt bảo tàng quốc gia và rất nhiều những bảo tàng chuyên đề dành cho những đối tượng riêng biệt. Các bảo tàng quốc gia trưng bày những hiện vật vô giá xuyên suốt chiều dài lịch sử 5000 năm của Hàn Quốc.

Chúng tôi dâng thánh lễ khởi đầu ngày mới trên miền đất có nhiều vị tử đạo vào năm 1866.

Một thiện nguyện viên nói tiếng Anh lưu loát hướng dẫn và thuyết minh cho chúng tôi về lịch sử Giáo Hội Hàn quốc, tham quan bảo tàng với nhiều chứng tích lịch sử Giáo Hội bị bách hại và đặc biệt là tư liệu hình ảnh Đức Gioan Phaolô II đến thăm Hàn quốc 2 lần (dịp phong thánh năm 1984 và dịp Đại hội Thánh Thể năm 1993). Nơi đây có dãy nhà trưng bày cách sống động những nhà tù và các dụng cụ tra tấn các vị tử đạo. Sau đó chúng tôi vào Thánh đường Juldusan viếng Chúa. Nhiều giáo dân Hàn đang lần chuỗi và cầu nguyện.

Sau khi chụp hình lưu niệm, chúng tôi chia tay các thiện nguyện viên với lời cảm ơn chân thành.

Chỉ còn một buổi chiều tại Seoul, chúng tôi thăm lâu đài Kinh Bắc Cung – Gyeongbok Place, nơi ở và làm việc của các triều đại phong kiến Triều Tiên. Cung điện Kyongbuk – Cung điện ánh sáng và hạnh phúc. Cung điện được xây dựng vào năm 1394 dưới đời vua Chosun (1392 – 1910), đời vua cuối cùng của Hàn Quốc. Đây được xem là một công trình nghệ thuật nổi tiếng có phong cách và kiến trúc độc đáo và đẹp nhất Seoul. Cung điện là một tổng thể kiến trúc đồ sộ với những hồ sen thơm ngát, những ngôi chùa đá cổ kính và đặc biệt là những cung điện nguy nga, tráng lệ.

Chúng tôi tham quan Bảo tàng Dân tộc Quốc gia là bảo tàng quốc gia duy nhất về văn hóa dân gian, trưng bày khoảng 4,000 hiện vật về đời sống văn hóa. Tham quan Bảo tàng Cung điện Quốc gia trưng bày 40.000 hiện vật tái hiện lại lịch sử và văn hóa của triều đại Joseon. Sau đó đi chợ Dongdaemun mua sắm đặc sản xứ Hàn. Ban tối được nhâm nhi rượu Soju với gà hâm sâm, thưởng thức nhiều món kim chi quốc hồn quốc túy đất nước này.

Hôm sau kết thúc chuyến hành hương, chúng tôi lên đường sớm kịp chuyến bay từ Incheon về Sài gòn.

4. Thay lời kết

Hàn Quốc có diện tích là 99,720 cây số vuông, dân số 48,754,657 (tháng 7, 2011), Thu nhập bình quân đầu người là 30,000 Mỹ kim (năm 2010), tổng sản lượng quốc nội (GDP) là $1.459 trillion (2010) (trillion là một ngàn tỉ); xếp hàng thứ 13 trên thế giới. (theo tài liệu của CIA World Factbook).

Hiện nay Giáo Hội Hàn Quốc đang đẩy mạnh chương trình học hỏi Lời Chúa để truyền giáo cho xã hội đang thay đổi nhanh chóng ngày nay. Hy vọng chương trình "Rao giảng Tin Mừng hai mươi hai mươi", sẽ gia tăng tín hữu lên 10 triệu vào năm 2020.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự ngày Giới Trẻ Á châu và lễ tuyên hiển thánh cho 124 vị tử đạo Đại Hàn.

Linh Mục Rossi De Gasperis, SJ viết: Trong lịch sử hiện đại mặc dù chiến tranh lạnh đã chấm dứt trên thế giới, nhưng Đại Hàn vẫn còn là vùng ghi đậm dấu vết hậu qủa của nó với chiến tranh Triều tiên và sự kiện đất nước chia đôi lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới. Ngày 15 tháng 8 năm 1948 Cộng Hòa Nam Hàn khai sinh, trong khi ngày mùng 9 tháng 9 cùng năm, Bắc Hàn được tuyên bố là Cộng hòa dân chủ nhân dân Bắc Hàn. Ngày 25 tháng 5 năm 1950 Bắc Hàn xâm lăng Nam Hàn. Chiến tranh mau chóng trở thành toàn diện và bị quốc tế hóa với sự tham dự của Hoa Kỳ trợ giúp Nam Hàn, và Trung Quốc yểm trợ Bắc Hàn. Ba năm nội chiến đã khiến cho khoảng 400 ngàn người dân Nam Hàn bị giết, 55,000 lính Mỹ thiệt mạng và khoảng 1 triệu người dân Bắc Hàn và Trung quốc chết và bị thương. Ngày 27 tháng 7 năm 1953 Liên Hiệp Quốc chấp nhận nghị quyết chia đôi Triều Tiên lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới và là vùng phi quân sự. Nó là “bức tường Berlin của Á châu” ngăn cách và phân rẽ hàng trăm ngàn gia đình “người bắc kẻ nam”.

Trong hơn nửa thế kỷ qua chế độ cộng sản vô thần Bắc Hàn đã tiêu diệt tôn giáo. Giáo Hội Công Giáo không còn linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân nữa. Tuy nhiên, Giáo Hội Nam Hàn đã không bao giờ coi bức tường ngăn cách hiện hữu, và đã liên tục dấn thân hoạt động cho việc thống nhất đất nước, qua các công tác bác ái cứu trợ nhân dân Bắc Hàn, đặc biệt là cứu đói.

Hội Đồng Giám Mục Nam Hàn đã thành lập một Ủy ban hòa giải nhắm nhiều mục đích khác nhau. Cha Timoteo Lee Eun-Hyung thành phần Ủy ban cho biết ngoài việc rao truyền Tin Mừng cho Bắc Hàn là nơi không có tự do tôn giáo, Ủy ban tìm mọi cách để trao đổi tin tức giữa hai miền, cũng như chia sẻ tình yêu thương liên đới, trong đó có việc trợ giúp các anh chị em Bắc Hàn định cư tại Nam Hàn. Ngoài ra còn có việc cầu nguyện chung. Gần biên giới có vài giáo xứ, trong đó vào mỗi ngày thứ tư tín hữu tụ tập nhau cầu nguyện cho người dân Bắc Hàn.

Hồi tháng 5 vừa qua ĐHY Andrew Yeom Soo-Jung, TGM Seoul đã sang thăm vùng kỹ nghệ Kaesong nằm trên đất Bắc Hàn. Đây là vùng có các hãng xưởng kỹ nghệ tạo công ăn việc làm cho 55,000 dân Bắc Hàn và là vùng đầu tư rất có triển vọng trong tương ái, đặc biệt khi hai miền Nam Bắc Hàn thống nhất với nhau. Hiện nay Nam Hàn là quốc gia phát triển kỹ nghệ đứng hàng thứ 11 trên thế giới. Nếu từ đây cho tới năm 2015 hai miền Bắc và Nam Hàn có thể thống nhất, thì với 70 triệu dân Đại Hàn vào năm 2050 Đại Hàn sẽ cỏ thể trở thành cường quốc kỹ nghệ thứ 8, vượt cả Đức và Anh quốc và với lợi tức đầu người lớn hơn của cả Nhật Bản. Vì thế chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô vào trung tuần tháng 8 này sẽ có thể góp phần mở ra các viễn tượng mới đầy hy vọng cho cả hai miền Bắc và Nam Hàn. (SD 4-8-2014. R.Vatican).

Đây là bài phỏng vấn linh mục Hur Young-Up phát ngôn viên tổng giáo phận Seoul.

Hỏi: Thưa cha, cha có cảm nghĩ gì về chuyến công du sắp tới của ĐTC tại Nam Hàn?

Đáp: Giáo Hội Đại Hàn là Giáo Hội đầu tiện tại Á châu được Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm. Qua biến cố ý nghĩa này Giáo Hội Đại Hàn trở thành cánh cửa rao giảng Tin Mừng tại Á chậu. Đức Thánh Cha đến Nam Hàn như là một chủ chăn để gặp gỡ dân chúng và gặp gỡ giới trẻ Á châu. Chúng ta có thể nói rằng Đại Hàn là quốc gia biểu tượng cho các nhu cầu của hòa bình và hòa giải. Vì thế, chuyên viếng thăm của Đức Thánh Cha có thể mang lại một sứ điệp quan trọng của niềm hy vọng và hoa bình cho đất nước chúng tôi.

Hỏi: Người dân Đại Hàn nghĩ gì về Đức Thánh Cha Phanxicô, thưa cha?

Đáp: Không phải chỉ có các tín hữu công giao mà tất cả mọi người dân Đại Hàn đều thích Đức Thánh Cha Phanxicô. Chúng tôi qúy trọng các kiểu cách thân thiện và sự đơn sơ của ngài, chúng tôi đanh giá cao kiểu ngài lo lắng cho cho người mghèo và những người bị gạt bỏ bên lề xã hội. Toàn dân Đại Hàn nóng lòng chờ được gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxicô.

Hỏi: Việc chuẩn bị đón tiếp Đức Thánh Cha tiến hành như thế nào thưa cha?

Đáp: Cùng với Giáo Hội chính quyền của chúng tội cũng ủng hộ việc chuẩn bị cho chuyên công du mục vụ này của Đức Thánh Cha Phanxicô. Vì thế tôi tin rằng các chuẩn bị bên ngoài cũng như bên trong đều quan trọng. Chuyến viếng thăm của Đức Thnah Cha không chỉ là một dịp đặc biệt cho Giáo Hội, mà cũng là một cơ may quan trọng cho các cuộc cải cách nội bộ và công tác rao truyền Tin Mừng nữa.

Hỏi: Thưa cha, cách đây 25 năm, hồi năm 1989, Đức Gioan Phaolô II đã viếng thăm Nam Hàn lần thứ hai. Đâu là các hoa trái của chuyến viếng thăm đó?

Đáp: Chuyến viếng thăm của Đức Gioan Phaolô II đã đem lại các kết qủa tích cực cho Giáo Hội Đại Hàn. Giáo Hội đã được biết tới nhiều hơn trong xã hội và đã gây được ấn tượng tốt nơi người dân.

Hỏi: Tiến trình tục hóa liện quan tới Nam Hàn cũng giống như tại tất cả mọi quốc gia kỹ nghệ. Giáo Hội Nam Hàn đã trả lời ra sao?

Đáp: Ngày nay đất nước chúng tôi bị ảnh hưởng nặng nề của ý thức hệ chủ thuyết duy vật, cá nhân chủ nghĩa, tục hóa, và vô cảm tôn giáo. Bên trong Giáo Hội cũng có cùng vấn đề đó. Vì thế thật là điều quan trọng, khi Giáo Hội tìm ra các con đường mới và các phương thức mới để đương đầu với các vấn đề như thế. Tôi tin rằng đó là một nhiệm vụ quan trọng và là một mục tiêu đói với việc rao giảng Tin Mừng.

Hỏi: Các tín hữu Nam Hàn có sẵn sàng đương đầu với thách đố của công tác rao truyền Tin Mừng mới hay không?

Đáp: Tái truyền giảng Tin Mừng là một phương pháp mới giúp chúng ta canh tân đức tin của mình trong thế giới thay đổi nhanh chóng này. Thật là quan trọng việc chính Giáo Hội thay đổi trước để đi ra hướng về thế giới, và phổ biến Tin Mừng qua các phương tiện mới và với các kết qủa mới. Con đường Giáo Hội Đại Hàn phải đi còn dài, nhưng chúng tôi đang làm tốt chừng nào có thể để biến đổi việc rao giảng Tin Mừng thành hành động.

Hỏi: Chúng ta nhớ là Tin Mừng đã được phổ biến tại Đại Hàn năm 1700, có phải thế không thưa cha?

Đáp: Vâng, đạo Công Giáo đã được đem vào trong đất nước chúng tôi sau khi các sách Công Giáo được dịch ra tiếng Đại Hàn, và các học sinh đại hàn bắt đầu học. Tiếp theo đó các tín hữu thành lập các cộng đoàn Công Giáo và rao giảng đức tin của họ cho các người khác. Như thế điều đặc biệt nhất của Giáo Hội Đại Hàn là nó đã bắt đầu qua các giáo dân, chứ không qua các thừa sai. Giáo Hội Đại Hàn đã chịu nhiều bách hại ngay lập tức. Nhưng cha ông chúng tôi đã duy trì được đức tin của họ, và tiếp tục phổ biến tin vui của Chúa Giêsu Kitô.

Hỏi: Thưa cha, đâu là dấn thân của Giáo Hội cho việc thống nhất đất nước?

Đáp: Đây là sứ mệnh của Giáo Hội Đại Hàn: làm việc cho hòa giải và thống nhất đất nước chúng tôi. Tôi tin rằng việc yểm trợ nhân đạo và các cuộc đối thoại chân thành là điều cần thiết nhất. Giáo Hội đã tiếp tục yểm trợ nhân đạo cả khi tương quan giữa Bắc và Nam Hàn căng thẳng.

Hỏi: Liên quan tới việc tái thống nhất đất nước việc đối thoại liên tôn có tầm quan trọng nào giúp đạt mục đích này không?

Đáp: Đối thoại liên tôn là một vấn đề quan trọng, nhưng không liên quan gì tới các mục tiêu chính trị. Tôi nghĩ rằng thật là một điều hay đẹp, khi con người thuộc nhiều tôn giáo khác nhau hiểu biết nhau và trân trọng vẻ đẹp mà mội tôn giáo đã đem đến cho con người.(RG 16-7-2014; vietvatican.net).

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An