ĐHY Parolin: ĐGH chưa thể viếng thăm Iraq lúc này vì chưa có an ninh

ĐHY Parolin: ĐGH chưa thể viếng thăm Iraq lúc này vì chưa có an ninh

Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài truyền hình TV 2000 của Hội đồng Giám mục Ý, được phát sóng trong chương trình đặc biệt “Nhật ký của ĐGH Phanxicô, ĐHY Parolin đã trả lời về một số vấn đề, trong đó có các đề tài: sự quan tâm của ĐGH với thế giới A rập, chủ nghĩa khủng bố, ĐGH viếng thăm Iraq và vấn nạn ấu dâm.

ĐGH chưa thể thăm Iraq

Trước hết là về việc ĐGH viếng thăm Iraq, ĐHY Parolin cho biết tất cả đều rất chờ đợi cuộc viếng thăm của ĐGH: chính quyền, một số người Hồi giáo mà ngài có cơ hội gặp gỡ và nhất là cộng đoàn Ki-tô, họ cảm thấy cần có ĐGH để được củng cố trong đức tin và được khuyến khích trong hoàn cảnh của họ. Nhưng ĐHY nhận định: “Để ĐGH viếng thăm Iraq thì cần có những điều kiện tối thiểu để thực hiện chuyến viếng thăm nhưng hiện tại thì chưa có những điều kiện này. Cho phép tôi diễn tả hy vọng rằng những điều kiện này có thể được thực hiện và ĐGH có thể sớm đến Iraq.”

ĐGH và thế giới A-rập

Tiếp đến, ĐHY nhận định rằng quan tâm của ĐGH với thế giới A-rập là do khó khăn hiện nay trong các tương quan giữa Ki-tô giáo và Hồi giáo, với những thảm kịch của khủng bố và của cực đoan tôn giáo. ĐGH đã tìm cách cổ võ sự gặp gỡ, chống lại mọi sự dửng dưng. Như ĐGH đã nói, những khó khăn của chúng ta không bao giờ được trở thành cơ hội căng thẳng, xung đột hay đối kháng nhưng ngược lại, chúng trở thành khả năng cộng tác cùng nhau và làm cho nhau nên phong phú.”

Nạn ấu dâm

Nói về nạn ấu dâm trong Giáo hội, ĐHY Parolin khẳng định: “Chúng ta phải làm tất cả điều có thể và cả không thể để loại trừ hiện tượng này.” Ngài nhìn nhận rằng Giáo hội đã thực hiện một hành trình tuyệt vời theo hướng này. Giáo hội đã nhận thức tốt hơn về vấn đề này, về sự tàn phá mà những sự kiện này đã gây ra nơi các nạn nhân và Giáo hội đã cố gắng phản ứng. Tuy kết quả chưa hoàn hảo nhưng Giáo hội đã có sự dấn thân và quyết tâm. Cuộc gặp gỡ mà ĐGH vô cùng mong muốn (“Bảo vệ trẻ vị thành niên trong Giáo hội, từ ngày 21-24/02/2019 tại Vatican) là một dấu chỉ mới nhất trong hành trình này.

ĐHY nhận xét rằng tất cả điều này ảnh hưởng nặng nề trên hành động và chứng tá của Giáo hội trên thế giới, nó cũng góp phần làm suy yếu uy tín của Giáo hội. Ngài nói: “Tôi không đau buồn nhiều vì tổ chức Giáo hội mà tôi coi như một người mẹ mà mình luôn yêu thương nhưng vì tất cả những điều này gây thiệt hại cho việc loan báo Tin Mừng. Chúng ta phải phục hồi uy tín và thẩm quyền. Giáo hội đã thực hiện các bước đáng kể để phục hồi uy tín và thẩm quyền, nhưng chúng ta phải làm việc nhiều hơn theo cách này để các tín hữu và những người đã chịu phép rửa có thể tìm lại trong Giáo hội môi trường có sức sống và môi trường của chứng tá".

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha Phanxicô chia buồn với hai nước Iran và Iraq

Đức Thánh Cha Phanxicô chia buồn với hai nước Iran và Iraq

Vatican – Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia buồn với nhân dân hai nước Iran và Iraq về những thiệt hại do trận động đất xảy ra hôm Chúa nhật 12/11.

Trong điện thư do Đức hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh ký, Đức Thánh Cha bày tỏ nỗi đau buồn sâu sắc khi nghe tin về trận động đất kinh hoàng gây nên thiệt hại cho hai quốc gia Iran và Iraq và ngài bảo đảm với họ về sự cầu nguyện liên đới của ngài.

Đức Thánh Cha chia sẻ nỗi đau với những người đang thương khóc các người thân bị thiệt mạng, ngài cầu nguyện cho những người đã qua đời và phó dâng họ cho lòng từ bi của Đấng Toàn năng.

Đức Thánh Cha cũng cầu xin ơn an ủi và sức mạnh cho những người bị thương tích, các đội cứu trợ và chính quyền địa phương tham gia vào công tác cứu trợ khẩn cấp và nố lực phục hồi.

Vùng bị thiệt hại nặng nhấy là tỉnh Kermanshah ở miền tây Iran, thuộc dãy núi Zagros phân cách Iran và Iraq. Dân cư tại vùng này sống chủ yếu nhờ vào trồng trọt.

Cơ quan Bác ái MONA, một chi nhánh của cơ quan cứu trợ bác ái của Giáo hội ở Trung đông và Bắc Phi đã kêu gọi người dân hợp ý cầu nguyện với Caritas Iran và Iraq cho những người bị thương tổn vì trận động đất. Trên Twitter của MONA hôm 13/11 có viết: “Những suy nghĩ và lời cầu nguyện của chúng tôi hướng về các anh chị em của chúng ta ở Iran và Iraq sau trận động đất tàn phá kinh hoàng xảy ra ở vùng biên giới.”

Theo báo cáo của các đội cứu hộ, hiện đã có hơn 450 người chết và hàng ngàn người bị thương. Dân chúng ở vùng này đang ở trong các lều tạm, nhiều người ngủ ngoài trời, giữa tiết trời giá lạnh, vì sợ một trận động đất khác. (CNS 13/11/2017)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha cổ võ hòa hợp và hòa giải tại Iraq

Đức Thánh Cha cổ võ hòa hợp và hòa giải tại Iraq

VATICAN. ĐTC khích lệ hành trình hòa giải và hòa hợp giữa các thành phần chủng tộc, tôn giáo khác nhau tại Iraq.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến chung sáng 29-3 tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC nói:

”Tôi vui mừng chào phái đoàn lãnh đạo Irak gồm đại diện của các nhóm tôn giáo khác nhau, được ĐHY Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, tháp tùng.

”Sự phong phú của quốc gia Iraq yêu quí hệ tại nhiều thành phần khác nhau tượng trưng hiệp nhất trong sự khác biệt, sức mạnh trong sự đoàn kết, và thịnh vượng trong sự hòa hợp. Anh em thân mến, tôi khích lệ anh em tiến bước trên con đường này và tôi mời gọi cầu nguyện để Irak tìm lại được hòa bình, thống nhất và thịnh vượng trong sự hòa giải và hòa hợp giữa các thành phần chủng tộc và tôn giáo.

”Tôi cũng nghĩ đến các thường dân đang bị kẹt trong các khu vực phía tây thành phố Mossul và những người di tản vì chiến tranh, và tôi hiệp với sau khổ của họ, qua kinh nguyện và sự gần gũi tinh thần. Trong khi tôi bày đau buồn sâu đậm vì những nạn nhân của cuộc xung đột đẫm máu, tôi tái kêu gọi tất cả mọi người hãy hết sức dấn thân trong việc bảo vệ cac thường dân, như một nghĩa vụ cấp thiết và khẩn cấp”.

Sau khi giải phóng khu vực phía đông Mossul, thành phố lớn thứ hai của quân đội nước này cùng với đồng minh đang tấn công để giải phóng khu vực phía tây khọi sự chiếm đóng của lực lượng IS. Theo LHQ, hôm 28-3-2017 đã có ít nhất 307 thường dân bị giết tại tây Mossul. Ông Zeid Raad al Hussein, cao ủy LHQ về nhân quyền, kêu gọi quân đội Irak và đồng minh tránh những cạm bẫy do lực lượng Nhà Nước Hồi giáo IS, và đừng dội bom bừa bãi gây tử vong các thường dân. Bộ quốc phòng Mỹ cũng nhìn nhận và đang điều tra về vụ máy bay Mỹ dội bom hôm 17-3-2017 ở tây Mossul làm cho 200 thường dân thiệt mạng (SD 29-3-2017, AGI 28-3-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Kitô hữu Iraq quyết định trở về quê nhà

Kitô hữu Iraq quyết định trở về quê nhà

duc-tong-bashar-warda

Đức Tổng giám mục Bashar Warda của Erbil cho biết là 100 ngàn người Iraq tản cư đã bắt đầu chuẩn bị trở về các tình thành cổ kính ở bình nguyên Ninivê. Tuy thế Đức cha Warda nhấn mạnh đến tình trạng khó khăn của các Kitô hữu khi trở về các vùng gần Mosul, nơi lực lượng nhà nước Hồi giáo vẫn chiếm giữ và ngài cho biết các tín hữu quê quán tại đây vẫn hy vọng một ngày nào đó họ sẽ có thể trở về.

Trả lời phỏng vấn của Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ, Đức cha cho biết dân chúng vẫn chưa trở về Ninivê bởi vì các hoạt động an ninh ở Mosul và kế hoạch tái thiết. Nhưng chắc chắn họ sẽ trở về khi tình hình an ninh. Dân chúng đang chuẩn bị. Họ đã cử hành các nghi lễ và cầu nguyện Một số Linh mục đi đến các vùng được giải phóng. Dân làng và các Linh mục hát các bài thánh ca vinh danh Thánh giá.

Đức cha cũng nhìn nhận có nhiều khó khăn cản trở cần vượt qua trước khi dân di tản ở Erbilvà các nơi có thể thực sự trở về quê quán ở Ninivê.

Đức cha lo ngại cho tình hình khó khăn của Mosul nơi cần có sự an ninh, gỡ bỏ các dụng cụ gây nổ và tái thiết lại khu vực.

Đức cha cám ơn Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ đã cung cấp thực phẩm, thuốc men, nơi cư trú và trường học từ khi dân chúng rời bỏ Ninivê và Mosul vào hè năm 2014. Ngài cũng kêu gọi trợ giúp việc xây dựng lại trường học, nhà cửa cho các gia đình Công giáo và các nhà thờ ở bình nguyên Ninivê đã bị các cuộc không kích phá hủy. (Catholic Herald 02/11/2011)

Hồng Thủy

ĐTC kêu gọị cầu nguyện cho hoà bình hoà giải tại Iraq

ĐTC kêu gọị cầu nguyện cho hoà bình hoà giải tại Iraq

tin-huu-tham-du-buoi-doc-kinh-truyen-tin-voi-dtc-phanxico-trua-chua-nhat-23-10-2016-tai-quang-truong-thanh-phero

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với khoảng 60,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trưa Chúa Nhật hôm qua ĐTC đã mời mọi người hợp ý cầu nguyện cho dân nước Iraq. Ngài nói:

Trong các giờ thê thảm này, tôi gần gũi toàn dân Iraq, đặc biệt dân thành Mossul. Tâm hồn chúng ta bị rúng động bởi các hành động bạo lực người ta đang vi phạm từ quá lâu chống lại dân chúng vô tội, hồi giáo cũng như kitô, thuộc các chủng tộc và các tôn giáo khác nhau. Tôi đau đớn nghe tin việc sát hại lạnh lùng nhiều người con của vùng đất thân yêu này, trong đó có biết bao nhiêu là trẻ em. Sự tàn ác này khiến cho chúng ta khóc và không nói lên lời. Cùng với tình liên đới là việc bảo đảm của tôi nhớ tới  họ trong lời cầu nguyện, để Iraq, tuy bị đánh phá khốc liệt, nhưng mạnh mẽ và vững vàng trong niềm hy vọng có thể tiến tới một tương lai an ninh, hoà giải và hoà bình. Vì thế xin tất cả mọi người hiệp ý cầu nguyện trong thinh lặng.

Sau một chút thinh lặng ĐTC đã cùng tín hữu đọc một kinh Kính Mừng cầu nguyện theo ý chỉ này. Ngài cũng chào các tín hữu Ba Lan về hành hương Roma trong ngày lễ nhớ thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II 22 tháng 10, và dịp mừng 1.050 năm ngày Ba Lan lãnh nhận Tin Mừng. ĐTC cũng chào các ca viên tham dự Năm Thánh các ca đoàn Italia, các bạn trẻ thành viên các huynh đoàn các giáo phận Italia, cũng như cộng đoàn Perù sống tại Roma với hình Đức Bà de los Milagros.

Trước đó ĐTC đã giải thích  thư thứ 2 thánh Phaolô gửi Timôthê, cộng sự viên thân tín và là con của ngài, trong đó thánh nhân suy tư về cuộc sống tông đồ của ngài đã hoàn toàn thánh hiến cho việc truyền giáo (2 Tm 4,6-8.16-18). ĐTC nói: khi thấy việc kết thúc cuộc sống dương thể của ngài đã tới gần, thánh Phaolô miêu tả nó bằng cách quy chiếu về  ba thời điểm: hiện tại, quá khứ và tương lai.

Ngài giải thích hiện tại với ảm tỷ hy lễ: “Tôi sắp đổ máu ra làm lễ tế” (c.6). Với quá khứ thánh nhân chỉ cho thấy cuộc đời đã sống với các hình ảnh của “trận chiến đấu tốt” và “cuộc chạy đua” của một người trung thực với các dấn thân và trách nhiệm của mình (c.7), và đối với tương lai ngài tín thác cho sự thừa nhận của Thiên Chúa, là thẩm phán “công bằng” (c.8). ĐTC giải thích như sau:

Nhưng sứ mệnh của thánh Phaolô được hữu hiệu, đúng đắn và trung thành chỉ nhờ sự gần gũi và sức mạnh của Chúa, là Đấng đã làm cho ngài trở thành một người loan báo Tin Mừng cho tất cả các dân tộc. Thánh nhân nói: “Nhưng có Chúa đứng bên cạnh và đã ban sức mạnh cho tôi, để tôi có thể hoàn thành việc loan báo Tin Mừng và để tất cả mọi người được lắng nghe Tin Mừng” (c. 17).

ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: Trong trình thuật này của thánh Phaolô phản ánh Giáo Hội, đặc biệt hôm nay là Ngày Quốc Tế Truyền Giáo có đề tài là “Giáo Hội truyền giáo, chứng nhân của lòng thương xót”. Nơi thánh Phaolô cộng đoàn kitô tìm thấy mẫu gương của mình trong xác tín rằng chính sự hiện diện của Chúa khiến cho công tác tông đồ và công việc rao giảng Tin Mừng được hữu hiệu. Kinh nghiệm của Tông Đồ dân ngoại nhắc cho chúng ta nhớ rằng  chúng ta phải dấn thân trong các hoạt động mục vụ và truyền giáo, một đàng như kết quả tùy thuộc nơi các cố gắng của chúng ta với tinh thần hy sinh của lực sĩ  không dừng lại cả trước các thất bại; nhưng đàng khác biết rằng sự thành công đích thực trong sứ mệnh của chúng ta là món quà của Ơn Thánh: chính Chúa Thánh Thần khiến cho việc truyền giáo của Giáo Hội trong thế giới được hữu hiệu.

Ngày nay là thời của việc truyền giáo và thời của lòng can đảm! Can đảm củng cố các bước chân chao đảo, can đảm lấy lại khẩu vị của việc tiêu hao cho Tin Mừng, tái chiếm lại sự tin tưởng nơi sức mạnh, mà việc truyền giáo có trong chính nó. Đây là thời can đảm, cả khi can đảm không có nghĩa là có bảo đảm và thành công. ĐTC nói thêm:

Chúng ta được đỏi  hỏi có can đảm để chiến đấu, không nhất thiết để chiến thắng; để loan báo, không nhất thiết để hoán cải. Chúng ta được đòi hỏi có can đảm để là các giải pháp khác cho thế giới, nhưng không trở thành tranh cãi hay hiếu chiến. Chúng ta được đòi  hỏi có can đảm rộng mở cho tất cả mọi người, mà không bao giờ giảm thiểu sự tuyệt đối và tính cách duy nhất của Chúa Kitô, là Đấng cứu độ duy nhất của tất cả mọi người. Chúng ta được đòi hỏi có can đảm để kháng cự lại sư nghi ngờ, mà không trở thành ngạo mạn. Chúng ta cũng được đỏi hỏi có lòng can đảm của người thu thuế trong Tin Mừng hôm nay, khiêm tốn không dám hướng mắt lên trời, nhưng đấm ngực nói: “Lạy Chúa xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Hôm nay là thời điểm của lòng can đảm! Ngày nay cần lòng can đảm!

Xin Đức Trinh Nữ Maria, mẫu gương của Giáo Hội “đi ra” và ngoan ngoãn với Chúa Thánh Thần, giúp chúng ta tất cả là môn đệ truyền giáo, nhờ sức mạnh Bí tích Rửa Tội của chúng ta, để đem sứ điệp cứu rỗi tới cho toàn gia đình nhân loại.

Tiếp đến ĐTC đã cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải

 

Đài phun nước Trevi ở Roma được “nhuộm đỏ”, nhìn nhận các vị tử đạo

Đài phun nước Trevi ở Roma được “nhuộm đỏ”, nhìn nhận các vị tử đạo

Đài phun nước Trevi

Roma – Ngày 29 tháng 4 tới đây, đài phun nước Trevi, một trong những địa điểm tiêu biểu và thu hút đông đảo khách du lịch nhất của Roma sẽ được “nhuộm” đỏ để nhìn nhận việc các tín hữu Kitô dâng hiến mạng sống vì đức tin.

Sự kiện được tổ chức bởi tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ” nhằm kêu gọi sự chú ý đến thảm kịch bách hại chống lại các Kitô hữu.

Trên trang web của mình, tổ chức nói rằng họ hy vọng sáng kiến này sẽ là “khởi đầu của một hành động cụ thể và kéo dài ở mọi nơi để những người bị bách hại của thế kỷ 21 sớm có thể được hưởng quyền tự do tôn giáo.” Tổ chức cũng nói thêm rằng: “việc vi phạm có hệ thống quyền tự do tôn giáo, đặc biệt là của các Kitô hữu phải là những vấn đề chính trong các cuộc tranh luận công cộng.”

Iraq và Syria là 2 nước mà các Kitô hữu bị bắt bớ mạnh mẽ bởi sự giết hại, bắt làm nô lệ và đuổi ra khỏi nơi cư trú do  nhà nước Hồi giáo thực hiện, các tín hữu ở Nigieria cũng bị nhóm Hồi giáo Boko Haram tấn công, trong khi ở một vài nước như Bắc Hàn, Kitô giáo là bất hợp pháp.

Nhiều tổ chức đã tham dự sáng kiến này như: Hiệp thông và Tự do, Caritas Ý, phong trào công nhân Công giáo, phong trào Focolare và các tổ chức bảo vệ sự sống.

Vào ngày 7/4 Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nói về các vị tử đạo thời nay. Ngài nói: “Chính chứng nhân của các vị tử đạo ngày nay – rất nhiều – bị đuổi ra khỏi quê hương đất nước, bị cắt cổ, bắt bớ: họ đã can đảm tuyên xưng Đức Giê ngay cả sẽ bị chết.” (Catholic News Agency 20/4/2016)

Hồng Thủy OP

Đức Thánh Cha tái liên đới với người tị nạn Iraq

Đức Thánh Cha tái liên đới với người tị nạn Iraq

VATICAN. ĐTC Phanxicô tái bày tỏ tình liên đới với các tín hữu Công Giáo Iraq tị nạn vì bị những kẻ khủng bố cực đoan đánh đuổi đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế góp phần giải quyết các cuộc xung đột đẫm máu tại Trung Đông.

Trên đây là nội dung sứ điệp Video của ĐTC được ĐHY Philippe Barbarin, TGM Lyon bên Pháp phổ biến chiều ngày 6-12-2014 nhân dịp hướng dẫn một phái đoàn giáo phận thuộc quyền đến thăm các tín hữu tị nạn tại thành phố Erbil thủ phủ miền Kurdistan bắc Iraq, trong vòng 48 tiếng đồng hồ từ ngày 5-12-2014.

Trong sứ điệp ĐTC cho biết ngài rất muốn đến thăm các tín hữu Irak tị nạn đang chịu đau khổ khôn tả. Ngài nói: ”Tôi nghĩ đến những vết thương, những đau đớn của các bà mẹ với các con nhỏ, những người già và người phải di tản, các vết thương của các nạn nhân đủ loại bạo lực.. Các tín hữu Kitô và những người Yézidi bị trục xuất khỏi gia cư của họ, phải bỏ lại mọi sự để thoát thân, và để khỏi phải chối bỏ tín ngưỡng của mình. Bạo lực cũng vùi dập các nhà thờ, đền đài, biểu tượng tôn giáo và gia sản văn hóa, hầu như muốn xóa bỏ mọi vết tích, mọi ký ức của người khác…

”Trong tư cách là các vị lãnh đạo tôn giáo, chúng tôi có nghĩa vụ phải tố giác mọi sự vi phạm phẩm giá và các quyền con người!”

ĐTC cũng nói rằng: ”Ngày hôm nay tôi muốn đến gần anh chị em là những người đang chịu đựng đau khổ ấy, gần gũi anh chị em.. Và tôi nghĩ đến Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Người đã nói rằng mình và Giáo Hội cảm thấy như một cây sậy: khi gió bão thổi tới, cây sậy gập mình nhưng không gẫy! Trong lúc này anh chị em là cây sậy ấy, anh chị em bị gập mình vì đau khổi, nhưng anh chị em có sức mạnh để tiếp tục niềm tin, là chứng tá cho chúng tôi. Anh chị em là cây sậy của Thiên Chúa ngày nay!..”

Trong thông cáo công bố trước khi lên đường ĐHY Philippe Barbarin cho biết cuộc viếng thăm này là một giai đoạn mới trong việc kết nghĩa giữa Tổng giáo phận Lyon và giáo phận Mossul ở miền bắc Iraq từ tháng 7 năm nay. Sự trợ giúp tài chánh của giáo phận Lyon giúp tái định cư hàng ngàn gia đình, không phân biệt là tín hữu Kitô hay không.

Phái đoàn gồm khoảng 100 người thiện nguyện, tự bỏ tiền túi, để tham gia cuộc viếng thăm ủy lạo này. Họ được Đức Thượng Phụ Louis Sako, Giáo chủ Công Giáo Canđê, tiếp đón tại thành phố Erbil.

ĐHY Barbarin cũng nói rằng: ”Chúng tôi đi cầu nguyện, không những cho các anh chị em Irak như chúng tôi đã làm từ nhiều tháng nay, nhưng còn cầu nguyện với họ. Đây là một cuộc hành hương trong đó chúng tôi đồng hành với nhau. Tôi biết chúng tôi sẽ được phong phú nhiều nhờ tham dự phụng vụ, truyền thống, linh đạo của các tín hữu Công Giáo Canđê và đón nhận chứng tá đức tin của họ”.

Trong chương trình, phái đoàn cũng viếng thăm khu nhà được xây cất nhờ tài trợ của Quỹ Thánh Irénée và Mérieux ở Lyon, cũng như của thành phố này và vùng Lyon. (SD, Apic 6-12-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio